Nguyễn Văn Nghệ
Vào năm 1996 trên một chuyến xe khách đi từ Nam ra Bắc, khi xe đang vượt Đèo Cả, thì một người phụ nữ lớn tuổi nói giọng Phú Yên, ngồi kế cận bên tôi, nhìn xuống Vũng Rô và nói với tôi: Vũng Rô là đất thuộc địa phận của tỉnh Phú Yên rành rành, mà dân Khánh Hòa lại giành bảo là của Khánh Hòa. Nghe xong tôi mới trưng dẫn sách Đại Nam nhất thống chí để cho bà ấy biết, trong quá khứ Vũng Rô là của tỉnh nào!
Tác phẩm “ Phú Yên dọc đường… ca dao” của tác giả Trần Huiền Ân viết: “ Trước kia ranh giới Phú yên- Khánh Hòa tại đèo Cổ Mã. Bản đồ Duy Tân cũng vẽ ranh giới tại đây… Về sau ranh giới hai tỉnh lui ra Đèo Cả”[1]
Mới đây, tôi đọc tác phẩm “ Phú Yên đất và người” của tác giả Trần Huiền Ân, đoạn viết về Đèo Cả: “Trước kia ranh giới Phú Yên – Khánh Hòa tại đèo Cổ Mã. Bản đồ đời Duy Tân cũng vẽ ranh giới tại đây”[2]. Nhưng rất tiếc là ở cuối tác phẩm, phần “Bản đồ và hình ảnh minh họa” lại không có “Bản đồ đời Duy Tân”.
Cũng trong tác phẩm “Phú yên đất và người” tác giả ghi: “ Nguyên trước đây một nửa Vũng Rô thuộc Phú Yên, trên vùng đất này chưa có làng xóm. Sau khi hợp nhất tỉnh Phú Khánh một số ngư dân người Phú Yên, Bình Trị Thiên, Quảng Nam, Bình Định vào đây sinh sống, thôn Vũng Rô được thành lập đặt thuộc xã Đại Lãnh huyện Vạn Ninh. Khi chia tỉnh, thôn Vũng Rô thuộc huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Phú Yên yêu cầu đưa Vũng Rô trở lại như trước. Một năm sau, công văn số 536 ngày 18-9-1990 với chữ ký của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Bộ Chính trị giao Vũng Rô cho Phú Yên. Nhưng phải mất một thời gian khá lâu nữa Chính phủ và Quốc hội mới quyết định giao Vũng Rô cho Phú Yên. Ranh giới 2 tỉnh hiện nay trên quốc lộ 1A ở cây số 1366,546 thẳng ra Hòn Nưa”[3]
Tác giả khẳng định “Nguyên trước đây một nửa Vũng Rô thuộc Phú Yên”. Không biết tác giả dựa vào chứng cứ nào mà khẳng định như vậy?
Ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa theo sự phân định của triều Nguyễn
Dãy núi phân chia Phú Yên và Khánh Hòa gọi theo âm Hán Việt là Đại Lãnh; gọi theo âm Nôm là Đèo Cả. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định soạn xong năm 1806 ghi: “Trạm Phú Hòa, đóng ngay giữa đỉnh đèo Cả, nơi địa giới của hai dinh Phú Yên và Bình Hòa, vậy nên đặt tên trạm là Phú Hòa” (Phú Hòa dịch, kiến tại đèo Cả đính trung, thử vi Phú Yên, Bình Hòa nhị dinh giáp giới chi sở, cố danh Phú Hòa)[4].
Đại Nam nhất thống chí (bản Duy Tân) ghi: “Trạm Phú Hòa: ở trên núi Đại Lãnh, là chỗ giao giới tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, nên gọi tên ấy”[5].
Trước khoảng năm 1917, đường Thiên lý từ bắc vào nam vượt qua đèo Cả khởi đầu tại địa điểm miếu Thiên Y A Na thuộc thôn Hảo Sơn, vượt dốc lên đến eo núi thấp nhất của dãy Đại Lãnh (khoảng bên trên hầm đèo Cả hiện nay). Đây chính là nơi có trạm Phú Hòa. Từ trạm Phú Hòa xuôi xuống phía nam là đến bờ biển Đại Lãnh. Con đường này xe cộ không thể qua lại được, chỉ có đi bộ mà thôi. Ông Đoàn Đình Duyệt viết: “Thế núi rất cao, ngày xưa đường cái quan đi băng ngang qua rặng núi. Đi từ Bắc vào Nam hoặc từ Nam ra Bắc hành trình đều ngót một ngày. Đường đi lên xuống, thế rất hiểm trở. Xe ngựa, kiệu võng đều không qua được. Nay quý quan dựa theo thế núi mở một con đường quanh co men theo bờ biển”[6].
Khoảng năm 1917, Pháp bắt đầu mở con đường theo sườn núi chạy dọc ven biển để xe cộ qua lại. Khi ấy trạm Phú Hòa được dời đến địa điểm mới nơi đường phân thủy giữa Phú Yên và Khánh Hòa trên Quốc lộ I nơi đỉnh đèo Cả ở Km 1360,815 (Ngã ba đường rẽ xuống cảng Vũng Rô). Tại đây Pháp đặt một trạm bưu điện gọi là trạm Phú Hòa, người Pháp gọi là Petit poste, dân địa phương gọi là “Bót Bơ tí”. Do đó có câu ca: “ Trạm Phú Hòa, Pháp Lang Sa/ Đổi ra Bót Bơ tí/ Anh gặp em rày/ Cho anh xin chút xí tình thương/ Để nữa rồi/ Lỡ Nam Bắc đôi phương/ Nghĩa non tình biển/ Còn vấn vương tơ lòng”
Đại Nam nhất thống chí viết về Vũng Rô
Đại Nam nhất thống chí soạn dưới thời vua Tự Đức, phần “Núi sông” của đạo Phú Yên (vào thời điểm soạn bộ Đại Nam nhất thống chí, Phú Yên không gọi là “tỉnh” mà gọi là “đạo”) chỉ chép Đèo Cả: “Đại Lãnh ở phía đông nam huyện Tuy Hòa là chỗ phân giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Mạch núi từ núi Chủ Sơn ở phía tây kéo đến phía đông sát biển”[7]. Các sách do triều đình nhà Nguyễn soạn khi viết về địa giới phía nam của tỉnh Phú Yên đều lấy núi Đại Lãnh (Đèo Cả)và núi Thạch Bi (Đá Bia)làm giới hạn.
Phần “Núi sông” tỉnh Khánh Hòa sách chép núi Bàn Sơn (bán đảo che chắn Vũng Rô): “tục gọi Mũi Lớn, ở cách huyện 60 dặm về phía bắc, phía bắc liền núi Thạch Bi, phía tây liền Đại Lãnh, phía đông nam sát biển, thuyền buôn, tránh gió thường ẩn ở đấy”[8]. Đầm Ô Rô (thời điểm ấy gọi là Ô Rô không gọi là Vũng Rô): “Ở phía đông bắc huyện, trong có hòn Cột”[9]. Tác giả Trần Huiền Ân ghi: “Phía nam Vũng Rô có đảo Hòn Nưa (105m) tạo thêm nét hùng vỹ cho cảnh trí. Sách xưa viết là Trụ Tự. Các dịch giả người thì ghi: Hòn Cột, người thì ghi: Đảo Trụ. Các tên ấy người địa phương đều không biết”[10].
Đại Nam nhất thống chí (bản Duy Tân) phần “Núi sông” tỉnh Phú Yên chỉ ghi núi Đại Lãnh và Thạch Bi. Phần “Núi sông” tỉnh Khánh Hòa chép Núi Bàn: “Ở phía bắc huyện Quảng Phước 60 dặm. Thế núi cao lớn, phía tây từ Đại lãnh đến, kéo dài vài mươi dặm; phía bắc tiếp núi Thạch Bi; phía đông gối bờ biển”[11]. Phần “Đầm khe” chép: Đầm Ô Sô: “Ở phía đông bắc huyện Quảng Phước 30 dặm, rộng 10 dặm, trong có đảo Trụ[12].
Phú Yên đạo đồ (vẽ sau năm 1832) vẽ ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa từ dãy núi Thạch Bi hướng ra Mũi Nạy và tại Mũi Nạy có ghi ba chữ Hán “ Khánh Hòa giới” (ranh giới Khánh Hòa). Trước đây khi phân ranh giới giữa hai địa phương với nhau, nếu giữa hai địa phương có dãy núi thì lấy đường phân thủy là sườn núi để định ranh giới. Ranh giới xưa giữa Phú Yên và Khánh Hòa cũng lấy sườn dãy núi Đại Lãnh băng qua sườn núi Thạch Bi kéo dài ra tận giáp biển là Mũi Nạy.
Phú Yên đạo đồ cũng được Trần Huiền Ân dùng để minh họa trong tác phẩm Phú Yên đất và người, và có lẽ ông không nhìn thấy ba chữ Hán “Khánh Hòa giới” được ghi ngay Mũi Nạy, phía đông núi Thạch Bi, nên ông mới kết luận: “Nguyên trước đây một nửa Vũng Rô thuộc Phú Yên”!!!
Tác phẩm Non nước Phú Yên nói rõ ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa trên bộ lẫn bờ biển: “Trên đỉnh đèo, xưa kia là trạm Phú Hòa, nơi phân giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày nay địa phận tỉnh Phú Yên chấm dứt ở cây số 1360,815” và “ từ cửa Đà Nông vào đến Vũng Rô giáp Khánh Hòa, vì có dãy núi Đá Bia nằm sát biển, nên bờ biển cao và dốc, ghềnh đá ngổn ngang rất nguy hiểm cho việc thủy vận, nên ở Mũi Nạy có thắp hải đăng. Bờ biển Phú Yên chấm dứt tại đây”[13]
Các tài liệu Địa phương chí tỉnh Khánh Hòa trước năm 1975 dưới thời Việt nam Cộng Hòa ghi rõ cầu cống thuộc quyền quản lý của tỉnh Khánh Hòa: Cầu Đá Đen tọa độ BP 259208; cầu Đá Trải BP 264213; cầu Trạm BP 264227. Nay ba cây cầu ấy thuộc quyền quản lý của tỉnh Phú Yên
Người Pháp viết về Vũng Rô và mũi Varella

” Province de Khanh Hoa” (tỉnh Khánh Hòa). Tấm bản đồ này được chụp lại từ một bài báo tiếng Pháp lưu tại Thư viện Khánh Hòa. Thư viện chú thích: Bài báo có sau năm 1930. Theo nhận xét: bản đồ này có trước ngày 2/9/1936, do đoạn đường sắt Nha Trang- Hảo Sơn (Phú Yên) còn đang thi công.
Năm 1885 viên công sứ Bình Thuận là Étienne Aymonier (1844-1929) đã cùng Trần Bá Lộc đem quân ra dẹp phong trào Cần vương ở Bình Thuận và Khánh Hòa. Trên đường đi ông đã ghi chép hai tác phẩm. Đó là tác phẩm Notes sur l’Annam I Le Bình Thuận (Ghi chép về xứ An Nam, Quyển I Tỉnh Bình Thuận) và Notes sur l’Annam II Le Khánh Hòa (Ghi chép về xứ An Nam , Quyển II Tỉnh Khánh Hòa). Quyển viết về tỉnh Khánh Hòa đã ghi về Vũng Rô: “Ce port (de Vũng Ro), découpé dans la côte sud du cap Varella, est sur en toutes saisons. C’est un des plus beaux et des meilleurs mouillages de cette côte, si riche en bons abris.L’entrée a 1 mille de largeur, et le basin s’avance à 3 milles dans l’intérieur, dans la direction du N-E, avec des profondeurs de 16, 13 et 11 mètres. Partout on y trouve de la vase, à l’exception pourtant des endroits situés à une centaine de mètres des rives, où l’on rencontre fréquemment des fonds de sable et de corail. La petite ile Hòn Ro est au sud-ouest de l’entrée et forme avec la côte un chenal assez étroit, mais dans lequel on trouve 14 mètres d’eau près de l’ile.”[14] (Cảng này[Vũng Rô] nằm ở phía nam, cạnh mũi Varella, là một cảng đẹp nhất và có những bến đỗ an toàn nhất của bờ biển vùng này. Cửa vào cảng rộng 1 hải lý và ở phía trong vũng cảng rộng 3 hải lý, theo hướng Đông- Bắc, sâu 16, 13 và 11 mét. Cảng đầy bùn, ngoại trừ một vài nơi cách bờ chừng trăm mét thì ta có thể thấy cát hoặc san hô. Đảo nhỏ Hòn Ro nằm phía tây nam của cảng, đảo và bờ biển tách rời nhau bằng 1 con lạch khá hẹp, nhưng ở gần đảo nước sâu tới 14 mét).
Ông Aymonier đã nhận xét về Vũng Rô: “ A ces renseignements précis et nous ajouterons que ce beau port emprunte une grande importance stratégique à sa proximité du débouché méridional du Đèo Cả, dont nous nous occuperons ultérieurement; qu’un village annamite est bâti au fond de Vũng Ro don’t l’aiguade est très, et que ce beau port n’est actuellement que l’un des principaux refuges des pirates annamites ou chinois qui désolent cette côte”[15]. (Ngoài những chỉ dẫn chính xác và có thẩm quyền này, chúng tôi muốn nói thêm rằng cảng Vũng Rô có vị trí chiến lược quan trọng vì ở gần cửa phía nam của Đèo Cả mà chúng ta sẽ có dịp nói rõ hơn. Cũng có một làng người An Nam ở cuối cảng Vũng Rô, nơi ấy có nước ngọt rất tốt. Hiện nay cảng Vũng Rô là một trong những ổ chính của bọn cướp biển người An nam hay Trung Quốc ở bờ biển này).
Ông Aymonier cũng cho biết mũi Varella (còn gọi là Mũi Chùa, Mũi Nại) là giới hạn bờ biển của tỉnh Khánh Hòa về phía bắc: “ Enfin, la province est borne au nord par la grande chaine qui va plonger son dernier contrefort au cap dit de Varella”[16] (Và cuối cùng tỉnh Khánh Hòa được giới hạn về phía bắc bởi dãy núi lớn đâm ra bờ biển như pháo đài ở mũi gọi là Varella). Ngoài ra Aymonier cho biết thêm: “ A ce cap Varella ou cap de la Pagode, le Mũi Nại des Annamites finit la côte de la province du Khánh Hòa qui”[17] (Từ cái mũi Varella này hay là Mũi Chùa, Mũi Nại của người An nam là chấm dứt đường bờ biển của tỉnh Khánh Hòa)
Mũi Varella người Việt gọi là Mũi Nạy (không gọi Mũi Nại), ngoài ra còn gọi là Mũi Chùa, Mũi Diều, Mũi Kê Gà, Mũi Đại Lãnh và sau khi xây dựng hoàn tất ngọn hải đăng khoảng sau năm 1903 có thêm tên là Mũi Điện
Tác giả J. Brien- Phó Thanh tra Trạm và Bưu điện (Sous-Inspecteur des Postes et des Télégraphes) trong tác phẩm “ De Qui Nhon en Cochinchine Explorations dans le Binh Thuan (Sud-Annam)” xuất bản năm 1893, ông đã ghi chép đường trạm từ Qui Nhơn vào đến hết tỉnh Bình Thuận. Trong phần đường trạm từ trạm Phú Thạnh cho đến trạm Phú Hòa trên đỉnh Đại Lãnh, không thấy ông nhắc đến Vũng Rô. Nhưng khi từ Trạm Phú Hòa đến trạm Hòa Mã thuộc phần đất Khánh Hòa thì ông ghi chép về Vũng Rô: “Il reste encore trois kilomètres à franchir pour ariver au sommet du col, d’où l’on découvre tout à coup la mer et la gracieuse petite baie de Vũng Rô, sous le Varella”[18] (Còn 3 km phải vượt qua để lên đến đỉnh đèo, nơi đó chợt thình lình hiện ra biển và nét kiều diễm của vịnh Vũng Rô nhỏ nằm dưới Varella).
Ông mô tả có ba ngôi nhà ở bờ biển Vũng Rô: “ Trois cases de pêcheurs sur le bord de la mer forment tout le village de Vũng Rô. Les bâtiments viennent fréquemment chercher un abri dans cette baie lorsqu’ils ne peuvent doubler le cap Varella”[19] ( Ba nhà lều của ngư phủ nằm trên bờ biển, đó là tất cả làng Vũng Rô. Các con tàu thường tới tìm chỗ trú ẩn trong vịnh khi chúng chưa thể vượt qua mũi Varella).
Ông cho biết là muốn vượt qua dãy Đại Lãnh không thể đi men theo bờ biển: “ Au loin, vers le Sud, un contrefort puissant s’échappe de la grande chaine jusqu’à la mer pour former le cap Varella, qui barre formidablement la route, et que l’on franchit par le Đèo Cả”[20] ( Xa xa về phía Nam, một rặng hùng vĩ thoát ra từ rặng núi lớn chạy thẳng đến biển để hình thành nên mũi Varella ghê gớm chận đứng con đường, buộc người ta phải đi qua Đèo Cả).
Vào cuối thế kỷ XIX, muốn từ Phú Yên vào Khánh Hòa bằng đường bộ không có con đường nào khác ngoài con đường mà triều đình nhà Nguyễn đã sử dụng lâu nay: “ Le col du Đèo Cả mesure 8 kilomètres de parcours, et sa direction est exactement Nord-Sud. La traversée en est très dure, et la construction d’une route maniable demanderait une étude approfondie de la montagne et un travail considerable. D’après les renseignements que j’ai recueillis, il n’existe pas de seuil plus practicable que le tracé suivi, et l’on ne peut tourner le Varella par sa pointe”[21] (Đèo Cả đo được 8 km đường dài, hướng của nó là hướng chính Bắc- Nam. Qua đèo rất gay go và sự xây dựng một con đường cho dễ đi đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc về vùng núi và là một lao động đáng kể. Theo những thông tin mà tôi thu lượm, không có con đường nào thực hiện khác hơn là con đường đã đi và người ta không có thể xuống mũi Varella để tránh nó).
Con đường Đèo Cả mà chúng ta sử dụng hiện nay, được khai mở trước năm 1917. Năm 1917 khi ông Đoàn Đình Duyệt đi qua, thì khi ấy mới san nền đường và đường đèo mới hoàn thiện được 5 km.
Annuaire Général de l’Indochine 1910 ghi chép về tỉnh Phú Yên từ trang 518- 521 và tỉnh Khánh Hòa từ trang 530- 534. Trong phần tỉnh Phú Yên không hề có chữ nào dính dấp đến Vũng Rô. Phần tỉnh Khánh Hòa, mục Orographie (Sơn hình học) ghi chép khá tường tận về Vũng Rô và mũi Varella: “ Au pied du Varella, se trouve également la baie de Vung Ro, merveilleusement abritée contre les deux moussons. Elle a 3 milles de longueur sur deux milles de largeur, avec des profondeurs de 11 à 16 mètres. Elle est entourée et dominée de toutes parts par de hautes montagnes, qui forment le massif du Cap Varella (Mui Nai). C’est au Varella que se termine la province du Phu Yen et que commence celle du Khanh Hoa”[22](Dưới chân Varella có vụng Vũng Rô, được tuyệt mỹ che chắn bởi gió mùa 2 vụ. Vịnh có 3 dặm chiều dài với 2 dặm chiều rộng, sâu từ 11-16 mét. Nó được bao bọc và khống chế mọi phía bởi những rặng núi cao làm thành hệ thống núi mũi Varella (Mũi Nại). Chính ở Varella mà kết thúc tỉnh Phú Yên rồi bắt đầu tỉnh Khánh Hòa).
Đầu thế kỷ XX, Pháp xây ngọn hải đăng ở mũi Đại Lãnh, chính quyền tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ viện cớ Vũng Rô thuộc Khánh Hòa, nên không huy động nhân công cung ứng cho việc xây dựng. Nhưng đến năm 1936, do tranh quyền lợi thuế khóa, quan của Chính phủ Nam triều tỉnh Phú Yên lại xúi Tòa Công sứ Sông Cầu tranh quyền sở hữu Vũng Rô với Tòa Công sứ Nha Trang. Tòa Công sứ Nha Trang có đủ bằng cớ chứng minh của mình nên đã thắng kiện.
Từ năm 1940-1943 hai tỉnh lại tranh quyền quản lý các cơ sở đánh bắt ở Vũng Rô. Chính quyền Phú Yên đòi hưởng quyền lợi đối với các cơ sở do người Phú Yên khai thác tại đây. Cuộc tranh chấp kéo dài nhưng cuối cùng phần thắng cũng thuộc về Khánh Hòa[23].
Vũng Rô sau năm 1975
Sau năm 1975, nhiều người dân trôi dạt đến Vũng Rô và chọn nơi đây sinh cơ lập nghiệp. Vùng đất Vũng Rô thuộc huyện Vạn Ninh. Ngày 13.9.1985, Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết Định số 230 thành lập xã Đại Lãnh thuộc huyện Vạn Ninh. Xã Đại Lãnh gồm có ba thôn: thôn Đông, thôn Tây và thôn Vũng Rô. Trong Quyết Định ghi rõ: “Địa giới xã Đại Lãnh: phía đông giáp biển Đông, phía tây và phía bắc giáp huyện Tuy Hòa, phía nam giáp xã Vạn Thọ”[24].Thôn Vũng Rô lúc ấy có 98 hộ dân với 1200 nhân khẩu chuyên sống nghề đánh bắt hải sản. Đất canh tác hầu như không có, chỉ có một số ít đất tập trung ở Bãi Chùa và Bãi Chín.
Bất chấp văn bản có tính chất pháp lý của Hội đồng Bộ trưởng là Quyết Định số 230 ngày 13.9.1985 quy định Vũng Rô thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, nhiều người lên tiếng đòi tách Vũng Rô cho huyện Tuy Hòa. Vấn đề Vũng Rô trở thành tranh chấp giữa hai huyện Vạn Ninh và Tuy Hòa nhưng thực chất là mâu thuẫn nội bộ của tỉnh giữa Khánh Hòa và Phú Yên cũ. Trong Tỉnh ủy, UBND và các ngành cấp tỉnh không ai nói ra lời nhưng thực tế là phân hóa thành hai phe rõ rệt.
Từ năm 1979 trong thường trực UBND tỉnh đã nảy sinh vấn đề Vũng Rô. Có người nêu chủ trương cắt Vũng Rô cho huyện Tuy Hòa (thuộc Phú Yên cũ), lập luận rằng Vũng Rô trong chiến tranh chống Mỹ là nơi tiếp nhận vũ khí của Trung ương chi viện quân dân Tuy Hòa đã đảm trách việc tiếp nhận và cất giấu, vận chuyển số vũ khí này đến các chiến trường và đã đổ máu xương tại đây nên tình cảm gắn bó với Vũng Rô. Lập luận này về sau được nhiều người lặp đi lặp lại, và đó là luận điểm chính trong các cuộc tranh cãi.
Trong tỉnh xuất hiện nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật có lối viết coi như Vũng Rô đã thuộc huyện Tuy Hòa từ lâu rồi. Ví dụ tập sách ảnh “Phú Khánh 40 năm chiến đấu và xây dựng” do Nhà xuất bản Tổng hợp Phú Khánh ấn hành năm 1985, trang 42 in toàn cảnh Vũng Rô với chú thích “Vũng Rô (Phú Yên) nơi tiếp nhận vũ khí…”. Hoặc cuốn sơ thảo “lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ tỉnh Phú Khánh” ngay trang đầu của chương 1 viết: Phú Khánh “có nhiều cửa biển tàu thuyền buôn bán ra vào thuận tiện như Cửa Lớn, Cửa Bé ở Nha Trang, Vũng Rô ở huyện Tuy Hòa”.
Viết như vậy tức người viết xem Vũng Rô thuộc Tuy Hòa là một sự thật hiển nhiên cũng như Cửa Bé thuộc Nha Trang vậy. Rõ ràng người viết có ý đồ thâm sâu. Ở đây óc địa phương đã lên đến mức cực đoan.
Sau nhiều kỳ họp, Hội Đồng Nhân Dân huyện Tuy Hòa ra văn bản kiến nghị tách Vũng Rô ra khỏi huyện Vạn Ninh và giao cho huyện Tuy Hòa quản lý. Năm 1986 Tập đoàn sản xuất Quyết Thắng của huyện Tuy Hòa đưa lao động và gia súc vào thôn Vũng Rô của xã Đại Lãnh cắm bảng hiệu, chiếm đất tổ chức canh tác và chăn nuôi. Toàn bộ đất đai có thể canh tác của thôn Vũng Rô tập trung ở Bãi Chùa và Bãi Chín bị Tập đoàn sản xuất Quyết Thắng chiếm đoạt.
Trước tình hình như vậy, Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều buổi họp bàn về Vũng Rô. Trong một phiên họp, Bí thư huyện ủy Vạn Ninh Nguyễn Văn Kiệt đã trình bày nhiều văn kiện về mặt lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của huyện Vạn Ninh đối với vùng đất Vũng Rô. Kết luận của phiên họp cũng cho rằng phải dựa theo văn bản có tính pháp quy không thể xóa bỏ được là Quyết Định số 230 của Hội đồng Bộ trưởng, thế nhưng vì không kèm theo đó một biện pháp giải quyết cụ thể nào cả nên mặc nhiên vấn đề cứ được thả nổi.
Mọi hậu quả của thả nổi vấn đề bao năm nay rơi xuống đôi vai gầy guộc của ngươi dân, mà trực tiếp là người dân Vũng Rô. Tranh chấp nếu không có đường lối giải quyết thấu tình đạt lý sẽ đễ dẫn tới xung đột. Tranh chấp vấn đề Vũng Rô cũng đã xảy ra xung đột. Do cuộc ẩu đả giữa một thanh niên Vũng Rô và một thanh niên Tuy Hòa nên vào lúc 15 giờ ngày 21.12.1988 Bùi Xuân Diệu đã cầm đầu một nhóm khoảng 50 người dân Tuy Hòa đi trên 14 chiếc ghe mang theo nhiều loại hung khí từ biển tràn vào thôn Vũng Rô đánh đập, cướp phá, đốt nhà. Thanh niên trai tráng thôn Vũng Rô tháo chạy trốn hết vào trong núi. Hơn một tháng sau vào lúc 24 giờ ngày 28.1.1989 Bùi Xuân Diệu cùng 4 người quay lại Vũng Rô đập phá, nhưng Bùi Xuân Diệu đã bị Công an vây bắt được[25].
Nhìn thấy nguy cơ xung đột ngày càng mạnh dần nên “ Quốc hội khóa IX họp từ ngày 6-30/12/1993 có Nghị quyết địa giới hành chính giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tại khu vực Vũng Rô – Đèo Cả
“ Tuyến ranh giới được cắt từ đỉnh cao nhất 580-600m xuống mỏm phía nam núi Đá Đen theo kinh độ 109 độ 23’24” đông, vĩ độ 12 độ 50’28” bắc tới chân mép nước cực phía nam của đảo Hòn Nưa (lúc thủy triều thấp nhất) phía bắc thuộc huyên Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên quản lý…chuyển thôn Vũng Rô thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa sáp nhập vào xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
“Thi hành Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, ngày 20/1/1994 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghi định 26/TTg về việc điều chỉnh địa giới hành chính hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày 15/4/1994, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 194/CP gửi lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa về việc tiến hành bàn giao địa giới hành chính khu vực Đèo Cả- Vũng Rô vào ngày 18/4/1994 và công việc bàn giao đã hoàn tất”[26].
Ngày 30/6/1989 phân chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa. Tỉnh Phú Yên vẫn tiếp tục tranh chấp phần đất Vũng Rô và phải mất gần 5 năm sau việc tranh chập mới thực sự ngã ngũ. Bộ Chính trị quyết định giao Vũng Rô cho tỉnh Phú Yên quản lý trong sự “ bằng mặt” của người dân tỉnh Khánh Hòa.
Tôn trọng sự thật lịch sử
Trong một quốc gia, việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa các địa phương là chuyện thường xảy ra. Bên Trung Quốc, trước đây tỉnh Quảng Tây không có lối thông ra biển, tỉnh Quảng Đông đã cắt một phần đất có bờ biển nhượng cho tỉnh Quảng Tây trong tình đoàn kết không xảy ra tranh chấp.
Việc chuyển nhượng khu vực Vũng Rô cho tỉnh Phú Yên hoàn toàn hợp lý, bởi tỉnh Phú Yên không có cảng nước sâu. Người dân tỉnh Phú Yên chớ nên bóp méo mà hãy tôn trọng sự thật lịch sử vùng đất Vũng Rô trước thời điểm 18/4/1994.
Chú thích:
[1]Trần Huiền Ân, Phú Yên dọc đường…ca dao, Nxb Sở VHTT Phú Yên, tr.84
[2]Trần Huiền Ân, Phú Yên đất và người, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, tr. 92
[3]Trần Huiền Ân, Phú Yên đất và người, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, tr. 73
[4]Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, trang 41 (chữ Hán tr.1698)
[5]Văn hóa tùng thư, Đại Nam nhất thống chí Quyển 10&11 Tỉnh Phú Yên& Khánh Hòa, Nha Văn hóa Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa xuất bản năm 1964, tr.103
[6] maxreading.com/sach-hay/da-lat-nam-xua/lam-vien-hanh-trinh-nhat-ky-6654.html
[7]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, tr. 67
[8][9]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa ,tr.95; 105
[10]Trần Huiền Ân, Phú Yên đất và người, Nxb Văn hóa- văn nghệ, tr. 118
[11][12]Văn hóa tùng thư, Sđd, tr. 74; 88
[13]Nguyễn Đình Tư, Non nước Phú Yên, Nxb Thanh Niên, 2004, tr. 30; 56
[14][15][16][17]Étienne Aymonier, Notes sur l’Annam II Le Khanh Hòa, Saigon Imprimerie Coloniale, 1886, p.13; 13-14; 6; 14
[18][19][20][21] J.Brien, De Qui Nhon en Cochinchine Explorations dans le Binh Thuan (Sud-Annam) , Hanoi Imprimerie Typo Lithographique F.H. Schneider, 1893, p. 13; 14; 12
[22]Annuaire de l’Indochine 1910, IDEO, Hanoi-Haiphong Imprimerie d’Extrême- Orient 1910, p.530-534
[23]Trúc Chi& Nguyễn Công Thắng, Tiếng kêu của con chim gõ kiến, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh, tr.154
[24]Nguyễn Quang Ân, Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945- 1997, Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội 1997, tr.393
[25]Trúc chi & Nguyễn Công Thắng , Sđd, tr. 154-155
[26] baophuyen.com.vn/413/212861/thay-doi-dia-danh-hanh-chinh-thoi-nhap-tinh-va-tai-lap-tinh.html
– thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-dieu-chinh-dia-gioi-hanh-chinh-giua-tinh-Phu-Yen-va-tinh-Khanh-hoa-tai-khu-vuc-Deo-Ca-Vung-Ro-42828.aspx
Pingback: Đáp lại đôi lời cùng ông Trần Huiền Ân: Về vấn đề ranh giới trước đây giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà | Nghiên Cứu Lịch Sử
Bài viết rất hay. Tôi là dân Phú Yên, tôi đọc khá nhiều tài liệu xưa và cũng công nhận Vũng Rô thời phong kiến và Pháp thuộc là thuộc Khánh Hòa. Nhưng tới thời Mỹ, cả hai bên là cách mạng và VNCH đều gắn Vũng Rô với Phú Yên. Người Mỹ xây cảng dầu Vũng Rô là để cung cấp cho phía bắc đèo Cả là Phú Yên, cách mạng của PY dùng Vũng Rô làm nơi vận chuyển khí tài tiếp viện từ Bắc vào Nam nên “thân dần” với PY hơn. Thôi thì anh em nhau cả, địa giới hành chính cũng thay đổi theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội thôi.
ThíchThích