Đáp lại đôi lời cùng ông Trần Huiền Ân: Về vấn đề ranh giới trước đây giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà

khanh hoa

Phú Yên đạo đồ với ranh giới phía nam của Phú Yên là Đại Lãnh và Thạch Bi Sơn

Nguyễn Văn Nghệ

     Sau khi đọc bài viết “Trước ngày 18-4-1994 Vũng Rô thuộc về địa phận Phú Yên hay Khánh Hòa” của tôi được đăng trên Tạp chí Xưa& Nay số 521 tháng 7 năm 2020, ông Trần Huiền Ân đã có bài phản biện “Đôi điều cùng ông Nguyễn Văn Nghệ” được đăng trên Tạp chí Xưa& Nay trang 56 số 522 tháng 8 năm 2020.

   Tôi xin gởi lời cám ơn đến ông Trần Huiền Ân đã có bài viết phản biện. Có phản biện thì học thuật ngày càng được sáng tỏ hơn. Nhưng trong bài phản biện của ông Trần Huiền Ân có đôi chỗ tôi chưa hài lòng nên tôi phải đáp lại đôi điều cùng ông để cho vấn đề được sáng tỏ hơn.

   Quan điểm riêng của ông Trần Huiền Ân về ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa thời vua Duy Tân

   Trong bài phản biện ông Trần Huiền Ân viết: “…Tôi bèn lấy sách ra lật trang 118 (theo chú thích của ông Nghệ trong bài), đọc đi đọc lại, không thấy điều ông Nghệ chỉ cho, cuối cùng thì tìm được ở trang 73. Một lần nữa tôi được học thêm bài học kiên nhẫn”

   Xin thưa với ông Trần Huiền Ân là tôi trích dẫn một đoạn ở trang 118 trong tác phẩm “Phú Yên đất và người” của ông chỉ là để làm sáng tỏ vấn đề tôi nêu ra là Hòn Cột (đảo Trụ) nằm trong Vũng Rô mà thôi. Rất tiếc là bài viết của tôi khi gởi đến Tòa soạn Tạp chí Xưa&Nay khi được chọn đăng thì Ban Biên Tập đã cắt bỏ phần mở đầu của bài viết, khiến ông phải khổ nhọc tìm kiếm như vậy. Đó là ngoài ý muốn của tôi, mong ông thông cảm. Trong phần mở đầu tôi có viết:

   “Tác phẩm Phú Yên dọc đường…ca dao của tác giả Trần Huiền Ân viết: “Trước kia ranh giới Phú Yên-Khánh Hòa tại đèo Cổ Mã. Bản đồ Duy Tân cũng vẽ ranh giới tại đây…Về sau ranh giới hai tỉnh lui ra Đèo Cả”

   “Mới đây tôi đọc tác phẩm “Phú Yên đất và người” cũng của tác giả Trần Huiền Ân, đoạn viết về Đèo Cả: “Trước kia ranh giới Phú Yên- Khánh Hòa tại đèo Cổ Mã. Bản đồ đời Duy Tân cũng vẽ ranh giới tại đây…”

   Cũng trong tác phẩm “Phú Yên đất và người” tác giả ghi: “Nguyên trước đây một nửa Vũng Rô thuộc Phú Yên…Ranh giới 2 tỉnh hiện nay trên quốc lộ 1A ở cây số 1366,546 thẳng ra Hòn Nưa”

   Cuối bài viết tôi có dẫn xuất xứ của ba trích dẫn trên[1]

   Xem lại chồng Tạp chí Xưa&Nay cũ trước đây, Tạp chí Xưa&Nay số 90 trang 16, 17, 18, 19 tháng 1 năm 2001 có bài viết “Địa danh Núi Đá Bia- Đèo Cả- Vũng Rô” của tác giả Trần Huyền Ân (do hiện nay vấn đề trùng tên, trùng họ rất nhiều, cho nên không biết tác giả Trần Huyền Ân của bài viết này có phải là tác giả Trần Huiền Ân đã viết bài phản biện không?) cũng có một lập luận giống như lập luận của ông Trần Huiền Ân: “Trước kia, ranh giới Phú Yên- Khánh Hòa tại đèo Cổ Mã. Bản đồ đời Duy Tân cũng vẽ ranh giới tại đây” [2]

    Khảo cứu bản đồ tỉnh Khánh Hòa mà ông Trần Huiền Ân đã trưng dẫn.

   Cuối bài phản hồi ông Trần Huiền Ân có viết: “Nhân tiện, ngoài Phú yên đạo đồ có ghi chú, tôi kèm theo bản sao chụp bản đồ tỉnh Khánh Hòa in trong Đại Nam nhất thống chí quyển 11 tỉnh Khánh Hòa của các soạn giả Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán, do Nguyễn Tạo dịch, Văn Hóa tùng thư số 23, Nha Văn Hóa Bộ Quốc gia Giáo Dục xuất bản. Nơi giáp giới Phú Yên-Khánh Hòa không ghi địa danh nhưng nhìn vào nhận biết ngay”.

    Với lập luận “Nơi giáp giới Phú Yên- Khánh Hòa không ghi địa danh nhưng nhìn vào nhận biết ngay” xem ra có vẻ úp úp mở mở, chỉ có những người có con mắt tinh đời như ông Trần Huiền Ân mới có thể “nhìn vào nhận biết ngay” mà thôi!

     Riêng tôi nhìn vào tấm bản đồ ấy chẳng dám đoán định nơi ranh giới ấy là địa điểm nào trên thực địa, may nhờ có các câu mà tôi trích dẫn trong các tác phẩm của ông Trần Huiền Ân, tôi mới dám đoán được ý của ông Trần Huiền Ân là ngay Mã Cảnh sơn (đèo Cổ Mã/Cổ Ngựa).

    Nếu nói ranh giới Phú Yên- Khánh Hòa vào thời vua Duy Tân ngay tại đèo Cổ Mã, sau mới xê dịch “lui ra Đèo Cả”, thì theo ẩn ý của ông Trần Huiền Ân là từ thời Duy Tân trở về trước ranh giới Phú Yên- Khánh Hòa ngay tại đèo Cổ Mã, vậy trạm Phú Hòa,  trạm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nằm ở vị trí nào?

    Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định soạn xong năm 1806 khẳng định: “Trạm Phú Hòa đóng ngay giữa đỉnh Đèo Cả, nơi địa giới của hai dinh Phú Yên và Bình Hòa. Vậy nên đặt tên trạm là Phú Hòa” (Phú Hòa dịch kiến tại Đèo Cả đỉnh trung, thử vi Phú Yên, Bình Hòa nhị dinh giáp giới chi sở. Cố danh Phú Hòa dịch)[3]. Sau khi rời khỏi trạm Phú Hòa xuống đèo đến Bãi Du (bãi Đại Lãnh/Bãi Giỏ. Đại Nam nhất thống chí tập 3[bản Tự Đức] ghi phía nam đèo Đại Lãnh có “quán Chử Châu, lạch Chử Châu”. Chử Châu= Bãi Nhỏ).Phía nam đèo Đại Lãnh qua khỏi bãi Du là “đến đèo Cổ Ngựa, đèo dài 330 tầm, đá to lởm chởm, đường đi gập ghềnh, hình thế ngọn núi trông giống cổ con ngựa nên gọi là đèo Cổ Ngựa. Một nửa đỉnh núi quay về hướng tây, trên đó có miếu thờ hai vị chúa Hoành và chúa Thiết” (chí Cổ Ngựa đèo, đèo trường tam bách tam thập tầm, lộ lưỡng bàng lâm mộc, đại thạch thôi ngôi, hành trình khi khu, sơn hình tự mã cảnh, tục danh đèo Cổ Mã, bán đỉnh quy tây, hữu miếu tự Chúa Hoành, Chúa Thiết chi vị)[4]

     Đại Nam nhất thống chí bản Tự Đức ghi: “Trạm Phú Hòa ở trên đèo Đại lãnh thuộc địa phận hai huyện Tuy Viễn (sic)[huyện Tuy Hòa- N.V.N.] và Quảng Phước, nguyên là chỗ giáp giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nên gọi là trạm Phú Hòa”[5]

     Năm 1885 khi theo đoàn quân Pháp tiến ra Khánh Hòa dẹp phong trào Cần vương, ông Aymonier đã ghi chép cẩn thận những nơi ông đã đi qua bắt đầu từ phía nam ra phía bắc tỉnh Khánh Hòa. Đèo Cổ Mã, đường từ bãi Giỏ (bãi biển Đại Lãnh) lên trạm Phú Hòa được ông ghi chép tỉ mỉ. Ông ghi chép vị trí trạm Hòa Mã: “Enfin, à 3 kilomètres environ au delà de Tu Bông, la route atteint le trạm de Hòa Mã, le neuvième relai de poste du Khánh Hòa. A un kilomètre plus loin se dresse le đèo Cổ Ngựa qui est donc à une lieue à l’est de Tu Bông”[6](Sau hết, khoảng 3 cây số bên ngoài Tu Bông, bên đường cái có trạm Hòa Mã, là dịch trạm thứ 9 của Khánh Hòa. Như vậy thì cách đó 1 cây số là đèo Cổ Ngựa, nằm về phía đông của Tu Bông). Aymonier cho biết thêm: “Au pied même du Cổ Ngựa un ruisseau donne de l’eau douce en toute saison”[7] (Ngay tại chân đèo Cổ Ngựa cũng có một con suối cung cấp nước ngọt bốn mùa).

      Tính từ nam ra bắc thì trạm Hòa Mã nằm gần chân đèo Cổ Mã là dịch trạm thứ 9 của tỉnh Khánh Hòa. Nếu tính từ bắc vào nam, sau khi vượt qua trạm Phú Hòa là trạm giới tuyến của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thì trạm Hòa Mã là trạm đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa.

      Aymonier cho biết ngay đèo Cổ Ngựa là khởi đầu của bán đảo Đầm Môn: “Le đèo Cổ Mã ou Cổ Ngựa “défilé cou de cheval”, est l’unique passage pour franchir un petit contrefort que la grande chaine lance sur la mer, à l’amorce de la presqu’il qui abrite vers l’est la baie de Vân Phong ou Đầm Môn. L’ascension et la descente, également raides, presqu’à pic, lui ont valu son nom; la coupe du mont, selon les Annamites, serait celle du cou d’un cheval. L’altitude de ce double escalier, pénible à franchir, encombré de pierres grosses et petites, est de 150 mètres environ. Au sommet sont deux petits temples: miễu cô et miễu cậu; au pied de la descente, vers l;est, est un puits d’eau douce, à cote coule un petit torrent”[8] (Đèo Cổ Mã hay Cổ Ngựa “défilé cou de cheval”(đèo cổ con ngựa)” là lối đi duy nhất để vượt qua một nhánh núi ngang nhỏ từ dãy núi lớn vươn ra phía biển, nơi khởi đầu cho một bán đảo che chắn cho vịnh Vân Phong hay Đầm Môn về phía đông. Đường leo lên và leo xuống đều dốc đứng, gần như dốc thẳng đứng đã mang lại cho nó tên gọi như thế; mặt cắt trái núi, theo người An Nam, là như cổ của một con ngựa. Chiều cao của bậc cấp gấp đôi khó vượt qua và lởm chởm những đá to đá nhỏ, dài khoảng 150 mét. Trên đỉnh có hai ngôi miếu nhỏ: miễu cô và miễu cậu[miếu Chúa Hoành và Chúa Thiết- ND][9]; phía dưới chân khi đi xuống về phía đông là một giếng nước ngọt bên cạnh dòng chảy của con suối nhỏ)

     Sau khi vượt qua đèo Cổ Ngựa là đi qua Bãi Giỏ (bãi biển Đại Lãnh) bắt đầu hành trình vượt dốc để lên trạm Phú Hòa: “Après trois heures d’ascension et de marche pénible dans le défilé, on atteint le dixième et dernier trạm de la province, le trạm de Phú Hòa, vulgairement appelé trạm Đảnh “relai du sommet” ou trạm Địa Đầu “le relai de la frontière”, parce qu’il est stitué à la limite des deux provinces du Phú Yên et du Khánh Hòa, ou peut-etre parce que ce fut longtemps la frontière entre Annamites et Tjames”[10] (Sau 3 giờ leo dốc và bước đi nặng nhọc trong dãy núi, người ta đến được trạm thứ 10, cũng là trạm cuối cùng của tỉnh, trạm Phú Hòa, dân chúng thường gọi là trạm Đảnh “relai du sommet(trạm trên chót)” hay trạm Địa Đầu “le relai de la frontière(trạm của ranh giới)”, bởi trạm nằm ở ranh giới giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, hay có thể bởi vì trước kia thời gian lâu, đó là ranh giới giữa người An Nam và người Chăm)

   Bản đồ huyện Quảng Phước, tỉnh Khánh Hòa trong Đồng Khánh dư địa chí cho thấy trạm Phú Hòa ở trên sườn dãy Đại Lãnh  và trong bản đồ ấy cho thấy Bàn Sơn (núi Bàn-tục gọi Mũi Lớn, bán đảo che chắn Vũng Rô) thuộc tỉnh Khánh Hòa. Bàn Sơn (núi Bàn) được tác giả Trần Huyền Ân nhắc đến: “Nhìn trên bản đồ Phú Yên, ở góc Đông Nam, một bán đảo như đầu con chim với chiếc mỏ nhọn. Bán đảo ấy được hình thành bởi núi Vũng Rô, làm cho bờ biển cao và dốc, gành đá ngổn ngang, tạo ra nhiều mũi, phía đông có mũi Mao, mũi Ba, phía nam có mũi La. Bán đảo này ôm lấy Vũng Rô” [11]

      Năm 1892 ông J. Brien, Phó Thanh tra Trạm và Bưu điện (Sous-Inspecteur des Postes et des Télégraphes) đã được phép của Toàn quyền Đông Dương De Lanessan làm một chuyến khảo sát đường trạm từ Qui Nhơn vào cho đến ranh giới tỉnh Bình Thuận và Biên Hòa. Ông cho biết là từ trạm Phú Thạnh (Phú Yên) lên đến trạm Phú Hòa đo được 15,630km và từ trạm Phú Hòa vào đến trạm Hòa Mã (Khánh Hòa) đo được 12,420km và riêng đoạn đường qua Đèo Cả là 8 km quanh co mà hướng của nó là Bắc- Nam: “Le col du Đèo Cả mesure 8 kilomètres de parcours, et sa direction est exactement Nord-Sud”[12].

     Từ chân Đèo Cả phía Phú Yên, ngay miếu Thiên Y, thôn Hảo Sơn hiện nay, được J.Brien tính làm mốc Km 1, ông cho biết: “Entre troisième et le quatrième kilomètre on arrive au trạm de Phú Hòa qui marque à peu près la limite des provinces du Phú Yên et du Khánh Hòa. Deux misérables cases en paillottes à peine fermées, forment le seul abri des voyageurs et de coolies trams”[13] (Giữa cây số thứ 3 và thứ 4 người ta đến trạm Phú Hòa, trạm này gần như là đánh dấu giới hạn các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Hai cái nhà lá tồi tàn, cửa khép hờ làm nên chỗ trú ngụ khách đi đường và của phu trạm).

       J.Brien cho biết: sau khi xuống hết Đèo Cả đi khoảng 2 cây số là đến đèo Cổ Ngựa và đèo chỉ dài khoảng một cây số: “…au pied du col du Cổ Ngựa, il n’y a pas de vestige de route, et l’on suit la plage sur une longueur de deux kilomètres. Le nouveau col est assez difficultueux, mais il ne mesure qu’un kilomètre de traversée, avec une ceintaine de mètres d’altitude”[14](…đến chân đèo Cổ Ngựa không có dạng đường sá và người ta đi trên bãi trên một chiều dài 2 cây số. Đèo mới[đèo Cổ Ngựa-ND] này cũng rất khó, nhưng chỉ có 1 cây số để đi qua, với cao độ 100 mét).

   Đại Nam nhất thống chí bản Duy Tân viết về tỉnh Phú Yên là Quyển 10 và tỉnh Khánh Hòa là Quyển thứ 11, sau khi cụ Cử nhân Nguyễn Tạo phiên dịch, Nha Văn Hóa- Bộ Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa cho in gộp lại thành một cuốn lấy tên: Đại Nam nhất thống chí Quyển 10&11 Tỉnh Phú Yên Khánh Hòa. Cả hai tỉnh đều có ghi chép trạm Phú Hòa: “Ở trên núi Đại Lãnh, là chỗ giao giới tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, nên gọi tên ấy”[15]

   Nếu bảo thời Duy Tân ranh giới tại đèo Cổ Mã thì tại sao Quốc sử quán triều Nguyễn không chép Bàn Sơn (Núi Bàn- bán đảo che chắn Vũng Rô, tục gọi là Mũi Lớn), đầm Ô Sô (Vũng Rô)[16] vào Quyển 10 của Phú Yên mà lại chép vào Quyển 11 của Khánh Hòa? Núi Mã Cảnh(núi Cổ Ngựa) được Đại Nam nhất thống chí bản Duy Tân ghi: “Ở phía đông bắc huyện Quảng Phước 130 dặm. Phía đông gối theo bờ biển, phía tây bắc liên tiếp núi Đại lãnh, hình giống cổ ngựa nên gọi tên ấy. Có đường trạm đi qua dưới chân núi” [17], và không thấy đoạn nào nói đến ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa ngay tại đèo Cổ Mã cả!

    Đại Nam dư  địa chí ước biên viết về tỉnh Phú Yên: “Tỉnh Phú Yên phía đông đến biển, phía tây đến động Man, phía nam đến Đại Lãnh…”“Núi Đại Lãnh là ranh giới giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Vạc Tuyên khắc hình, điển thờ ghi tên, là ngọn núi nổi tiếng” [18]

     Tác phẩm “L’Annam en 1906” khi viết về “Province de Phu Yen” (tỉnh Phú Yên): “le Deo Ca celui-ci très difficile et bien connu des indigènes à la limite de cette dernière province et de celle du Khanh Hoa” (Đèo Cả, đèo này quá khó, dân bản xứ ai cũng biết, nằm ở giới hạn cuối cùng của tỉnh này [Phú Yên] với tỉnh Khánh Hòa) [19]

  Claude Bourrin trong chuyến du hành xuyên Việt, sau khi nghỉ đêm tại Tuy Hòa, để hôm sau vượt Đèo Cả vào Khánh Hòa. Vào sáng sớm, viên phụ trách thu thuế tại Tuy Hòa căn dặn: “Các anh phải đi ngay sau bửa ăn để tránh gặp đêm trên đèo. Trên núi đầy hổ và rất tối. Nếu chùng chình, các anh không thể vượt qua đèo trước khi đêm xuống. Đừng có ương bướng. Các anh cũng có thể ngủ lại ở nhà trạm trên đỉnh đèo”. Và sự thật là đúng như vậy: “Lúc chúng tôi tới trạm đã hơn bốn giờ chiều (ngày nay người ta gọi là mười sáu giờ). Vây quanh trạm là một hàng rào lớn để ngăn thú dữ. Mọi người dừng ở trạm để nghỉ”[20]. Ghi chép của Aymonier cho biết hành trình vượt dốc từ phía nam lên đến trạm Phú Hòa mất ba giờ đồng hồ. Nhưng cũng đoạn đường ấy, từ trạm Phú Hòa đi xuống điểm xuất phát chân phía nam Đèo Cả rất nhanh. Claude Bourrin cho biết sau khi ngủ qua đêm ở trạm Phú Hòa, đoàn tiếp tục hành trình: “Trời rất đẹp, lại thêm phía bên này đèo dễ đi hơn nên chúng tôi đi rất nhanh, chưa tới một giờ đã xuống tới đồng bằng” [21]

  Năm 1917 trong hành trình từ Huế vào Lâm Viên- Đà Lạt và ngược lại, Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt đã viết tác phẩm Lâm Viên hành trình nhật ký, trong đó có viết về Đèo Cả: “Đây là chỗ giáp giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Thế núi rất cao, ngày xưa đường cái quan đi băng ngang qua rặng núi. Đi từ Bắc vào Nam hoặc từ Nam ra Bắc, hành trình đều ngót một ngày. Đường đi lên xuống thế rất hiểm trở. Xe ngựa, kiệu võng không qua được”[22].

    Như vậy, theo Étienne Aymonier, J. Brien, Claude Bourrin,khẳng định trạm Phú Hòa nằm trên đỉnh Đèo Cả, nơi giáp ranh của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, chứ không hề thấy nói đến ranh giới của hai tỉnh ở đèo Cổ Mã (Mã Cảnh/ Cổ Ngựa)!

     Đối chiếu ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa qua bản đồ tỉnh Phú Yên và bản đồ tỉnh Khánh Hòa thời vua Duy Tân

     Muốn minh định ranh giới giữa hai tỉnh thì cần phải có cái nhìn khách quan, khi minh định cần phải trưng dẫn cả hai bản đồ của cả hai tỉnh. Nhưng trong bài phản biện ông Trần Huiền Ân chỉ trưng dẫn bản đồ tỉnh Khánh Hòa mà thôi.

     Trong bản đồ tỉnh Khánh Hòa thời Duy Tân mà ông Trần Huiền Ân trưng dẫn, ngay ranh giới phía bắc của Khánh Hòa, quan sát kỹ chỉ thấy hai chữ Hán “Đại Lãnh” chứ không tìm thấy chữ Hán nào ghi “Mã Cảnh” (Cổ Mã) cả!

     Quan sát kỹ bản đồ Phú Yên thời Duy Tân, ranh giới phía nam tỉnh Phú Yên rất giống như Phú Yên đạo đồ vẽ sau năm 1832. Tại ranh giới giữa hai tỉnh cũng có các chữ Hán “Đại Lãnh”, “Thạch Bi sơn” chứ không tìm thấy chữ Hán nào ghi Mã Cảnh (Cổ Mã) cả! Trong các tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết về tỉnh Phú Yên đều lấy núi Thạch Bi và Đại Lãnh làm giới hạn về phía nam.

            Một điều đáng khen đến ông Trần Huyền Ân là ông đã khuyến dụ chớ quá tin tưởng vào các loại bản đồ như ông đã trưng dẫn: “Loại bản đồ này, với tỉ lệ ấy, mỗi mm đem ra so thực địa rất rộng lớn, nên chỉ dùng tham khảo định hướng, còn muốn chính xác phải dùng loại bản đồ quân sự với đầy đủ chi tiết”

            Năm 1962 ông Nguyễn Đình Tư làm việc cho Ty Điền Địa tỉnh Phú Yên thời Việt Nam Cộng Hòa đã viết tác phẩm Non nước Phú Yên xuất bản lần lần đầu năm 1965 và in lần thứ 2 năm 2004 cho biết tỉnh Phú Yên: “phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa ở cây số 1360,815” và hành trình từ Bắc vào Nam: “Đi hết Hảo Sơn, du khách đã đến đèo Cả, cao trên 500 thước, đường đi quanh co, gấp khúc rất nguy hiểm, dài trên 10 cây số. Trên đỉnh đèo, xưa kia là trạm Phú Hòa, nơi phân giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày nay địa phận Phú Yên chấm dứt ở cây số 1360,815”.Đó là trên bộ, còn ở bờ biển: “Từ cửa Đà Nông vào đến Vũng Rô giáp Khánh Hòa, vì có dãy núi Đá Bia nằm sát biển, nên bờ biển cao và dốc, ghềnh đá ngổn ngang rất nguy hiểm cho việc thủy vận, nên ở mũi Nạy có thắp hải đăng.Bờ biển Phú Yên chấm dứt tại đây [23]                                                                                                                 

    Trạm Phú Hòa được ông Nguyễn Đình Tư nhắc đến là trạm Phú Hòa “mới”, nằm ngay ngã ba Quốc lộ I và đường xuống cảng Vũng Rô( Google Map ghi là Quốc lộ 29). Người Việt gọi là trạm Phú Hòa, người Pháp gọi là Poste Petite và người Việt đọc là Bót Bơ tí. Đường đèo đi qua trạm Phú Hòa mà triều đình thiết lập trước đây nằm phía tây của Poste Petite rất khó đi lại, chỉ có thể đi bộ cho nên khoảng năm 1915, thực dân Pháp bắt đầu khởi công làm con đường vượt qua Đèo Cả vòng theo phía biển mà hiện nay chúng ta đang sử dụng. Năm 1917 Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt trên đường từ Lâm Viên về lại Huế đi ngang qua Đèo Cả đang thi công: “Nay quý quan dựa theo thế núi mở con đường quanh co men theo bờ biển. Hễ gặp đá lớn đều phải dùng thuốc nổ bộc phá mới khai thông được. Đã khai thông được phỏng chừng 5 ki-lô-mét, nay mới đang thi công một đoạn đường lớn. Tiếng bắn đá như tiếng súng nổ liên hồi. Lúc bấy giờ, phái đoàn đi dọc theo con đường ấy. Trước khi đi qua phải báo người đốc công cho tạm ngưng công tác ở tuyến tiếp giáp mới có thể đi qua được”[24]

      Lập luận cho rằng: Đèo Cổ Mã là ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa thời Duy Tân chỉ là ức đoán cá nhân mà thôi!

   Qua các chứng cứ trên không hề có chuyện “Trước kia ranh giới Phú Yên- Khánh Hòa tại đèo Cổ Mã. Bản đồ đời Duy Tân cũng vẽ ranh giới tại đây…Về sau ranh giới hai tỉnh lui ra Đèo Cả”. Nếu có thì chẳng qua là ức đoán cá nhân của ông Trần Huiền Ân mà thôi, chứ các nhà nghiên cứu lịch sử không ai khẳng định như vậy!

img060b

Bài phản biện của ông Trần Huiền Ân với tựa đề : “Đôi điều với ông Nguyễn Văn Nghệ

KhanhHoaTinh1chu

Bản đồ tỉnh Khánh Hòa thời vua Duy Tân với ranh giới phía bắc giáp với Phú Yên là Đại Lãnh

PhuYenTinh1chu555

Bản đồ tỉnh Phú Yên thời vua Duy Tân. Ranh giới phía nam của tỉnh Phú Yên giáp với Khánh Hòa là Đại Lãnh và Thạch Bi sơn. Giống như Phú Yên đạo đồ.

img059chuX

Bản đồ huyện Quảng Phước, tỉnh Khánh Hòa  trong Đồng Khánh dư địa chí. Ranh giới phía bắc giáp với Phú Yên ngay trạm Phú Hòa trên dãy Đại Lãnh. Bán đảo Mũi Lớn che chắn Vũng Rô, trên có Bàn Sơn (Núi Bàn) thuộc huyện Quảng Phước, tỉnh Khánh Hòa 


  Chú thích:

 [1] Xem nguyên văn bài viết “Trong quá khứ, trước ngày 18/4/1994 Vũng Rô thuộc về địa phận Phú Yên hay Khánh Hòa” trên trang web Nghiên cứu lịch sử

https://nghiencuulichsu.com/2020/06/24/trong-qua-khu-truoc-ngay-18-4-1994-vung-ro-thuoc-ve-dia-phan-phu-yen-hay-khanh-hoa/

 [2][11]- Trần Huyền Ân, Địa danh núi Đá Bia- Đèo Cả- Vũng Rô, Tạp chí Xưa&Nay số 90 tháng 4 năm 2001, tr.18; 17-18

 [3][4] – Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, trang 41, 1698; 42, 1695

 [5]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa,tr. 78, 111

 [6][7][8][10] – Étienne Aymonier, Notes sur l’Annam II Le Khánh Hòa, Saigon Imprimerie Coloniale 1886, p.32; 32; 32-33; 33-34

 [9]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, tr.118

      – Văn hóa tùng thư, Đại Nam nhất thống chí Quyển 10&11 Tỉnh Phú Yên Khánh Hòa, Nxb Nha Văn hóa- Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa 1964, tr. 96

 [12][13][14] – J. Brien, De Qui Nhon en Cochinchine Explorations dans le Binh Thuan (Sud Annam), Hanoi Imprimerie Typo- Lithographique F.-H. Schneider, 1893, p. 14, 13, 14.

 [15][16][17]- Văn hóa tùng thư, Đại Nam nhất thống chí Quyển 10&11 Tỉnh Phú Yên Khánh Hòa, Nxb Nha Văn hóa- Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa 1964,tr. 37, 103; 74, 88; 74

 [18]- Tuyển tập Cao Xuân Dục tập 4, Đại Nam dư địa chí ước biên (TS. Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích), Nxb Văn Học, tr. 135&138

 [19]- L’Annam en 1906 Géographie- Histoire- Administration- Commerce- Agriculture- Industrie, Ouvrage préparé parle Chambre Consultative Mixte de Commerce et d’Agriculture de l’Annam, Marseille, Imprimerie SAMAT et Cte. 15 Quai du Canal, 1906, p.93

 [20][21]- Claude Bourrin, Đông Dương ngày ấy (1898-1908) [Lưu Đình Tuân dịch và chú], Nxb Thanh niên, tr.213, 214

 [22][24]  – Đoàn Đình Duyệt, Lâm Viên hành trình nhật ký (Phạm Phú Thành dịch). In chung trong Đà Lạt xưa, Tạp chí Xưa&Nay, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr. 110, 111

 [23]- Nguyễn Đình Tư, Non nước Phú Yên (in lần thứ hai), Nxb Thanh Niên, tr.12,  30, 56

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s