Max Hastings
Trần Quang Nghĩa dịch
CHƯƠNG 18 : TẾT
1 Khúc Dạo Đầu
Tết này trở thành một tân niên mà bất kì người Việt nào kể cả người Mỹ đã có mặt ở đó không bao giờ quên: câu hỏi ‘Bạn đã ở đâu lúc Tết?’ chỉ có thể chỉ đến ngày 30 tháng giêng 1968 và các tuần lễ sau đó. Bản thân Lê Duẩn phải chịu trách nhiệm cho việc phát động cuộc công kích ở Miền Nam kết thúc trong thảm bại, với những tổn thất và đau thương chất ngất. Nhà lãnh tụ Miền Bắc dự kiến một cuộc tổng nổi dậy để hậu thuẫn cho chính nghĩa cộng sản, nhưng chỉ có vài trăm dân Miền Nam nghe theo lời kêu gọi. Trong một xã hội mở cửa, một kết quả thảm bại to lớn như thế ắt đã làm cho kiến trúc sư của nó rơi đài, uy tin và tiếng tăm của y sẽ bị tan vỡ. Thay vào đó, trong trường hợp Việt Nam, nó chỉ đẩy nhanh sự sụp đổ của địa vị tổng thống Lyndon Johnson, và ý chí quyết thắng của nhân dân Mỹ. Tết trở thành một minh chứng choáng váng cho chân lý hệ trọng về chiến tranh hiện đại: thành công hay thất bại không thể được xét đoán chỉ, hoặc thậm chí chủ yếu, bằng chuẩn mực quân sự. Nhận thức có tính then chốt, và sự kiện tháng 2 1968 trở thành một thảm họa về nhận thức cho lực lượng vũ trang Mỹ.
Phe cộng được xem như đã gặt hái một cuộc khải hoàn, chỉ bằng cách phô trương sức mạnh nhấn chìm Miền Nam vào sự hủy diệt và chết chóc, cho dù sự chết chóc phần lớn rơi xuống các chiến binh của chính họ và dân chúng bất hạnh ở bên lề.
Câu chuyện Tết Mậu Thân khởi sự vào đầu mùa hè 1967, với sự giằng co quyết liệt trong nội bộ các thành viên của uỷ ban quân sự trung ương ở Hà Nội. Vì năm trước đã có sự nhất trí rằng ‘một cuộc tổng tấn công-nổi dậy’ chỉ được phát động ở Miền Nam khi điều kiện chín muồi. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh – chỉ huy Trung ương Cục Miền Nam – tin tưởng rằng thời cơ này giờ đã đến: họ xuất hiện như những người chủ trương to mồm cho một trận đánh quyết định. Trong khi đó Giáp, cùng với một tướng lĩnh cao cấp khác và Hồ Chí Minh đã suy yếu, chủ trương duy trì nhịp độ chiến đấu, đồng thời mở ra các cuộc đàm phán với người Mỹ. Sự thận trọng của Hồ bắt rễ trong nỗi sợ hãi bị tổn thất nghiêm trọng, làm yếu đi vị thế chiến lược của người cộng sản trong một cuộc chiến lâu dài mà ông tin còn nằm ở phía trước. Hiện giờ đã có 492,000 binh sĩ Mỹ ở Miền Nam, cùng với 61,000 binh lính đồng minh khác, 342,000 binh sĩ VNCH và 284,000 Nghĩa quân và Địa phương quân – số sau này chiếm hơn phân nửa thương vong của cuộc chiến. Tất cả lực lượng này được yểm trợ bởi 2,600 máy bay cánh cố định, 3,000 trực thăng và 3, 500 xe bọc thép.
Nhưng những người chủ trương ‘đánh lớn’ của Miền Bắc được cổ vũ bởi một báo cáo của ngoại trưởng nhấn mạnh đến làn sóng rầm rộ của phong trào phản chiến đang quét qua nước Mỹ: những truyền đơn cộng sản in lại các tranh biếm họa phản chiến lấy ra từ báo chí Mỹ. Ông cũng hậu thuẫn chiến lược hai mặt giáp công ‘vừa đánh vừa đàm’. Lê Duẩn không bác bỏ thương thuyết; ông ta chỉ lập luận rằng tiến trình như thế chỉ nên bắt đầu sau một thi triển ngoạn mục của phương tiện và ý chí cộng sản. Một thành viên của đoàn công tác MTDTGP tại Hà Nội bảo với một nhà ngoại giao Nga: ‘Đàm sẽ bắt đầu khi người Mỹ đã giáng cho chúng ta một trận thảm bại hoặc khi chúng ta đã giáng cho chúng một trận thảm bại. Mọi chuyện sẽ được giải quyết trên chiến trường. Tướng Văn Tiến Dũng, 15 năm làm phó cho Giáp, là một quân nhân ít học gốc nông dân, đã trải qua thời trẻ làm việc trong một hãng dệt. Bực bội vì phải phục tùng thượng cấp độc đoán, giờ đây ông thách thức Giáp bằng cách hậu thuẫn kế hoạch công kích Tết của Lê Duẩn, và sau đó bày binh bố trận – vốn khá lộn xộn.
Vào tháng 6 ‘nhân tố tiến lên’ thắng thế, với sự nhất trí vào ‘Kế hoạch 67-68’. Nghị quyết 13 của uỷ ban quân sự chỉ thị ‘một nỗ lực toàn bộ… để đạt được một thắng lợi quyết định’. Cả người Nga lẫn người Trung Quốc cảnh báo chống lại một hành động như thế, nhưng một sĩ quan Miền Bắc sau này nói: ‘Nếu bạn muốn chiến thắng, cuộc chiến du kích phải tiến hóa thành chiến tranh quy ước quy mô lớn.’ Lê Duẩn dự đoán rằng ‘nửa triệu dân chúng sẽ cầm vũ khí cho chúng ta’. Vào ngày 6 tháng 7, chỉ huy Trung ương Cục Miền Nam Thanh ngã bệnh và chết tại Quân Y viện Hà Nội, gần như chắc chắn vì suy tim sau một bữa tiệc chia tay hồ hởi trước ngày lên đường trở lại Miền Nam.
Giáp khởi hành đi Hung không lâu sau đó để chữa bệnh sạn thận, và vào ngày 5 tháng 9 Hồ Chí Minh bay đến Bắc Kinh để ‘nghỉ dưỡng ‘. Không có lý do để cho rằng những vắng mặt này là một phần của kế hoạch đánh lừa; chúng chỉ nhấn mạnh sự khống chế của Lê Duẩn. Lúc Hồ trở về nước vào ngày 21 tháng 12, kế hoạch chi tiết cho cuộc tổng công kich ‘Qusng Trung’ gần như đã hoàn tất.
Trong mùa đông 1967 Việt Cộng phát động các cuộc tấn công có ý nghĩa, nhằm mài nhọn mũi tiến công và kiểm tra kẻ địch trước ‘trận đánh thúc lớn’. Vào ngày 29 tháng 10 mở cuộc tấn công kéo dài vào Lộc Ninh, và một trận khác chẳng bao lâu sau đó đánh vào Dak To. Vào đêm 4 tháng 11, hai tiểu đoàn VC được yểm trợ bởi súng cối đột kích vào trung tâm tỉnh lỵ Cai Lậy, một hành động phải trả giá bằng 36 sinh mạng của mình và lấy đi 56 mạng sống lính phòng thủ và dân thường.
Những VC đào ngũ khai với các thẩm vấn viên chính quyền là người cộng sản đang tuyển tân binh rất gắt, chuẩn bị cho một cuộc công kích trong đó ‘vinh quang sẽ mỉm cười với MTDTGP’. Ba Me, một chiến binh dốt nát khoảng tứ tuần, bảo với một nông dân đồng bằng là năm 1968 sẽ là năm quyết định. Me là người tai tiếng, luôn gặp rắc rối với các chỉ huy của mình vì tội biển thủ quỹ công và ve vãn phụ nữ trong làng, nhưng thường được bỏ qua không bị trừng phạt vì y chiến đấu giỏi. Các sĩ quan tình báo nghe được lời khoác lác của y có thể nhún vai cho rằng bọn VC thường quen vênh váo những lời hứa cuội như thế mỗi năm.
Các tay chân của Giáp mang xuống mồ niềm tin rằng vị tướng của họ nấn ná ở lại Hung vì sợ mất tự do nếu trở về nước: những tháng sau đó trong năm 1967 chứng kiến những biến động ở Hà Nội trong đó một số phụ tá của ông bị mất đi ảnh hưởng. Một đại tá lớn tuổi, Tham mưu trưởng riêng của Giáp, bị giam giữ; giám đốc quân vụ và giám đốc tình báo bị cách chức cùng với 30 nhân vật quan trọng khác, kể cả thư ký riêng trước đây của Hồ Chí Minh và thứ trưởng quốc phòng, bị kết tội là ‘theo chủ nghĩa xét lại ‘ và ‘âm mưu chống bộ chính trị’. Ba làn sóng thanh trừng 1967, liên tiếp trong tháng 7, 10 và 12, có vẻ liên quan đến rạn nứt ý thức hệ Trung-Xô hơn là do tranh cãi về Tết, nhưng kết quả là hầu hết các tay chân của Giáp đều bị thuyên chuyển. Chính vị tướng tuy vẫn giữ được ghế trong bộ chính trị, nhưng tầm ảnh hưởng giảm đi nhiều.
Điều tương tự cũng đúng với Hồ Chí Minh, giờ đã 77 tuổi. Vào ngày 28 tháng 12 tại tòa nhà kế bên nhà sàn của Hồ xảy ra buổi họp đặc biệt về cuộc Nổi Dậy. Một nhân chứng nhìn thấy ông cụ chập chững bước về nhà sàn sau này nói rằng ông trông gầy yếu và khổ sở. Ba ngày sau ông trở lại Bắc Kinh để chữa bệnh tiếp, vắng mặt trong buổi họp thượng đỉnh trước cuộc tổng công kích, được tổ chức vào tháng giêng 30 dặm ngoài Hà Nội, tại đó Lê Duẩn trình bày kế hoạch. Chỉ đến ngày 15 quyết định cuối cùng được chốt là tấn công vào dịp Tết, ngang nhiên bẻ gãy lời cam kết của MTDTGP hưu chiến vào ngày lễ truyền thống. Với sự bất cẩn đáng kể, Sân Rồng không lưu ý rằng dưới sự sắp xếp cách mạng vào giờ chót có sư khác biệt 24 giờ giữa trận công kích bắt đầu vào Năm Mới ở phía Bắc – 29 tháng giêng – và ở phía Nam – ngày 30. Tình trạng hoang mang xảy ra khiến cho các cuộc tấn công Tết mất đi tính đồng bộ: một số bắt đầu sớm, một số nổ ra muộn.
Vào ngày 25 tháng giêng 1968 Giáp đáp máy bay từ Budapest đến Bắc Kinh để tham vấn với Hồ, nhưng nội dung cuộc trao đổi không được tiết lộ. Vị tướng cuối cùng bay về Hà Nội năm ngày sau đó, và được giám đốc quân vụ mới tường trình. Ông chấp thuận kế hoạch, nhưng vẫn tỏ ra cay cú vì vai trò lu mờ của mình. Giấy bạc MTDTGP mới được in và chở về nam. Lê Đức Thọ được phái đến Trung ương Cục Miền Nam giữ chức phó Bí thư Đảng, một chức vụ ông giữ cho đến tháng 5. Hai tướng lĩnh được cử vào nam để chỉ đạo các đơn vị VC.
Mục tiêu chính của ‘Tổng Công kich và Nổi dậy’ là tiêu diệt 3 đến 4 sư đoàn QĐVNCH, và cùng với họ là uy tín của chế độ Sài Gòn. Kế hoạch của họ, còn tham vọng hơn bất kì kế hoạch nào mà Ngũ Giác Đài hoặc MACV ấp ủ, kêu gọi ‘hủy diệt’ 300,000 ‘lính tay sai’ và 150,000 lính Mỹ , cùng với việc ‘giải phóng’ từ 5 đến 8 triệu người trong các vùng đô thị Miền Nam. Phải tiến hành các vụ tấn công kịch liệt trước Tết ở vùng quê, nhằm dẫn dụ QĐVNCH và lực lượng Mỹ ra khỏi các thành phố. Bốn sư đoàn bộ đội Miền Bắc được điều động đến khu vực phía bắc, từ Khe Sanh ở phía tây để tiếp cận bờ biển, có nhiệm vụ ‘hủy diệt’ 20 đến 30 ngàn quân địch, bao gồm 7 tiểu đoàn bộ binh Mỹ. Một số sĩ quan khăng khăng nhấn mạnh sự khó khăn khi phải đương đầu với hỏa lực số lượng lớn. Tướng Trần Văn Trà sau này nói: ‘Các mục tiêu chiến lược chúng ta đặt ra … là không hiện thực: họ đánh giá thấp phản ứng và năng lực của Hoa Kỳ.’ Nhưng Lê Duẩn không lay chuyển, và biểu lộ sự coi thường nguy cơ các cuộc tấn công sẽ thất bại trong việc thúc đẩy cuộc nổi dậy của dân chúng. Thực tế sẽ tự minh chứng điều đó, ông nói: ‘Lực lượng Đồng chí Fidel Castro tấn công các thành phố (Cuba) ba lần trước khi họ cuối cùng chiến thắng.’ Cho dù nếu lực lượng nổi dậy không chiếm được các thành phố Miền Nam, thì ‘toàn bộ vùng quê và vùng rừng núi sẽ thuộc về chúng ta’.
William Westmoreland bước vào năm 1968 hoàn toàn biết rằng phe cộng sản dự tính điều gì đó lớn lao, nhưng không chắc chắn về bản chất của nó. Một tin điện MACV cảnh báo về việc địch phô bày ‘một chiều hướng bất thường về hoạt động tích cực’ và rõ ràng đang lên kế hoạch ‘một cuộc công kích phối hợp’. Nhưng vấn đề luôn giống nhau: phân biệt giữa cơn thác lũ quen thuộc của tu từ học cách mạng và ý định thực của Hà Nội: người Mỹ dường như mù tịt về việc Giáp bị gạt ra bên lề. Nhưng trở lại thời gian tháng 11 Joseph Hovey của CIA, một nhân viên kỳ cựu với gần ba năm làm phân tích viên ở Sài Gòn, đưa ra một bản đánh giá có tính dự báo một cách xuất sắc. Ông nghiên cứu chứng cứ từ các tài liệu thẩm vấn tù binh, sự di chuyển gia tăng đồ tiếp tế của địch, việc Miền Bắc gọi nghĩa vụ thiếu niên từ 14 tuổi. Có những dấu hiệu cho thấy cộng sản quan tâm nhiều hơn đến tình báo trong QĐVNCH, nổi bật là việc phá vỡ ổ gián điệp 7 người đã xâm nhập một đơn vị Địa phương quân. Người Mỹ biết rằng đã có các vụ chuyển giao vũ khí lớn của Trung Quốc – lần này là quà tặng, thay vì mua – và một hiệp ước viện trợ mới với Moscow, được ký vào ngày 23 tháng 9.
Hovey sắp xếp các sợi chỉ này và kết luận rằng người cộng sản sẽ duy trì sức ép tại những khu vực biên giới để cầm chân các lực lượng đồng minh và để ‘giải trừ sức ép lên các hoạt động của VC và bộ đội tại những vùng đông dân cư’. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự, nhân viên CIA này viết, là phát động “cuộc tổng nổi dậy” đã hứa hẹn từ lâu. Để hoàn thành điều này VC/Quân Miền Bắc đã đặt ra nhiệm vụ đánh chiếm một số trung tâm đô thị ở Miền Nam và cô lập nhiều trung tâm khác … việc này sẽ bẻ gãy ‘ý chí gây hấn ‘ của người Mỹ và buộc họ chấp nhận rút quân khỏi Miền Nam.’ Hovey nói mình nhìn nhận các mục tiêu của phe cộng sản là phi thực tế, nhưng điều đó không có nghĩa họ sẽ không thử sức. Ông cho rằng cho dù nếu nó thất bại về mặt quân sự, một cuộc công kích như thế trong năm bầu cử tổng thống Mỹ có thể gây ra một thiệt hại chính trị choáng váng cho nỗ lực chiến tranh đồng minh.
Vào ngày 17 tháng 11 MTDTGP đề nghị hưu chiến Tết 7 ngày, mà Saigon lý giải là họ muốn có thời gian để tổ chức hậu cần trước một trận lớn khác. Trong tháng 12 máy bay trinh sát phát hiện số quân xa đi lại trên Đường Mòn Hồ Chí Minh phía bắc tăng gấp đôi so với tháng trước. Một cán bộ sau này tuyên bố rằng trong tháng 12 và tháng giêng VC mở ‘chiến dịch sát hại các tên ác ôn và gián điệp hạ được 300 tên ‘ – viên chức hoặc người ủng hộ chính quyền Miền Nam. Vào ngày 19, phân tích viên MACV James Meacham viết: ‘Có tiết lộ là VC chuẩn bị một nỗ lực khủng bố toàn diện chống lại người Mỹ ở Sài Gòn từ bây giờ đến sau Tết. Đối tác QĐVNCH của chúng ta thực sự quan tâm – lần đầu tiên như tôi còn nhớ. Đây là một dấu hiệu xấu, vì họ hiểu VC nhiều hơn chúng ta vô kể.’ Miền Nam càng tăng cường cảnh giác hơn khi bắt được một tài liệu tiết lộ VC biết rõ không chỉ phòng tình báo Sài Gòn, mà còn sơ đồ bên trong bộ chỉ huy của nó – từ tháng 8 trước các đặc vụ cộng sản, phần nhiều là phụ nữ, đã dày công thu thập tin tức về các cơ sở lớn của chính quyền.
Ngày 1 tháng giêng 1968 Đài Hà Nội phát đi bài thơ của Hồ Chí Minh: ‘Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Vào ngày 5, MACV đưa ra một tài liệu bắt được hồi tháng 11 cho biết: ‘Thời cơ đã đến cho một cuộc tổng công kích và cơ hội cho một cuộc tổng nổi dậy ở trong tầm tay … Tiến hành các trận tấn công quân sự rất mạnh mẽ phối hợp với nổi dậy của nhân dân địa phương để làm chủ quận lỵ và thành phố.’ Cùng ngày đó người Mỹ bắt được các mệnh lệnh cho cuộc công kích Tết vào tỉnh Pleiku. Ngày 22 tháng giêng
Westmoreland cảnh báo Nhà Trắng rằng phe cộng sản có thể biểu dương sức mạnh trước Tết. Ngày hôm sau tàu Bắc Triều Tiên bắt giữ thủy thủ đoàn của tàu giám sát điện tử Pueblo của Hải quân Mỹ hoạt động ngoài khơi bờ biển của họ. Sự cố tiến nhanh thành một khủng hoảng đánh lạc hướng sự chú ý của chính quyền Mỹ. Người ta vẫn tiếp tục suy đoán rằng phe cộng sản đã cố tình dàn dựng việc đánh lạc hướng này, một điều cũng có thể tin được: Bắc Kinh ắt hẳn đã xúi giục Bình Nhưỡng khiêu khích Washington.
Một tù binh Mỹ bị giải đi phía bắc trên Đường Mòn Hồ Chí Minh bắt gặp các đơn vị bộ đội Miền Bắc đi ngược chiều vô nam để tham gia trận công kích mặc quân phục xanh rêu mới tinh và mang giày bố chứ không dép râu như thường thấy: ‘Họ có vẻ tươi tắn, khỏe mạnh, đĩnh đạc và tự tin.’ Một người trong số đó, mang các bánh xe của lựu pháo 75mm, tuyên bố mình là cựu binh Điện Biên Phủ – ông ta nhìn nhận các ngọn đồi ở đây hơi dốc hơn hồi năm 1954. Ông tự hào một số người trẻ mang vác hơn 100 cân, cho rằng hơn hẳn các người khuân vác Việt Minh trong chiến dịch đánh Pháp. Người tù binh Mỹ hỏi gặng người bộ đội nghĩ gì về các đồng đội Mỹ của anh trong vai trò kẻ địch. Người linh trả lời rằng binh sĩ Mỹ dường như năng nổ khi khởi phát trận đánh, nhưng thiếu sức mạnh duy trì. Ông cho rằng TQLC Mỹ ấn tượng, nhưng tin rằng không người Mỹ nào sánh được với động lực và kinh nghiệm của quân đội Miền Bắc. Khi người tù binh bị đẩy đi tiếp, anh ấn tượng khi ông ta không tỏ ra thù địch gì với mình. Anh suy nghĩ có thể một trận bom B-52 sẽ thay đổi điều đó.
Khi một lực lượng TQLC Mỹ đến để yểm trợ cho lực lượng đồn trú của một căn cứ hỏa lực Mỹ lớn sát biên giới Lào, hạt cà phê trĩu nặng trên cành trong đồn điền cặp theo một bên căn cứ. Những người mới đến chào một tay súng bước bên cạnh đường băng lót ván đục lỗ. ‘Này bồ, chỗ này tên gì vậy?’ Người TQLC trả lời, ‘Đây là Khe Sanh, rồi bồ sẽ không bao giờ quên nó đâu.’ Sự kiện có ý nghĩa đầu tiên trong năm 1968 là một cuộc tập trung lực lượng của cộng quân chung quanh nơi trống trải đất đỏ đó ‘đau buốt như một vết thương giữa rừng’, được đồn trú theo lệnh cá nhân của Westmoreland, chống lại lời khuyến cáo mạnh mẽ của các chỉ huy TQLC, người phụ trách lãnh thổ đó.
Mặc dù cuộc chiến đã kéo dài khá lâu, khi Sư đoàn 304 Miền Bắc di chuyển vào nam vào tháng 11 1967, trói buộc cùng một số phận được chia sẻ với những binh lính Mỹ đó, ít sĩ quan và binh sĩ có nhiều kinh nghiệm tác chiến. Vào đêm 2 tháng giêng, nhóm chỉ huy Trung đoàn 9 thử một một chuyến trinh sát táo bạo phi thường: ngụy trang quân phục Mỹ, họ tiến về phía tiền đồn Khe Sanh tọa lạc trên Đường 9 bên cạnh của thời Pháp xưa từ Lào đến bờ biển. Họ nói chuyện ồn ào, và một đồng chí hát lên. Họ quàng súng lên vai. Gần sông Tchepone, người Mỹ hô họ đứng lại bằng tiếng Anh. Không nhận được trả lời, họ khai hỏa, giết chết một tham mưu trưởng trung đoàn và tiểu đoàn phó tiểu đoàn đặc công. Trung đoàn trưởng biến mất không dấu vết, và sau đó được tìm thấy bị thương nặng nằm trong một bụi cây, vì giẫm phải mìn.
Xa hơn về phía đông, Đường 9 chứng kiến những đụng độ thường xuyên khi cộng quân phục kích các đoàn xe hộ tống của Mỹ và QĐVNCH hoặc quấy nhiễu chuỗi căn cứ hỏa lực dọc theo Đường 9: Khe Sanh buộc phải lệ thuộc vào không vận. Hai sư đoàn Miền Bắc được điều động đến nơi có mục đích kéo các lực lượng Mỹ ra xa khỏi phía đông, và nhất là giảm sức mạnh của họ quanh Huế, một mục tiêu chủ chốt của cuộc công kích đang lù lù tiến tới, vì Huế là một biểu tượng của quốc gia Việt Nam. Thêm hai sư đoàn được triển khai tại khu Cửa Việt gần bờ biển. Lần đầu tiên trong cuộc chiến, Sân Rồng phái một số xe tăng yểm trợ cho đội hình này. Kế hoạch lúc đầu ấn định tấn công vào cuối tháng 2. Nhưng các chỉ huy cộng sản bối rối khi nhận được lệnh dời sớm hơn một tháng: họ chưa tích trữ đủ lương thực và quân nhu.
Hai sư đoàn Miền Bắc quanh Khe Sanh pháo kích không ngừng vào lực lượng đồn trú TQLC Mỹ, giờ đã lên quân số 6,000, làm đường băng hạ cánh quá hiểm nghèo. Trong suốt tháng giêng và tháng 2, việc quấy nhiễu căn cứ trở thành một nguồn tin lớn trên toàn thế giới. Westmoreland cho rằng Giáp dự tính biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ mới, một sự so sánh nắm bắt trí tưởng tượng của giới truyền thông, mặc dù vị tướng nói thêm là cộng sản chắc chắn không thể sánh được với thắng lợi của Việt Minh. Ngày qua ngày, căn cứ bị dội hỏa lực. Phim tin chiếu trên TV cho thấy các phóng viên nói vào máy quay khi đang núp trong hầm, mình mặc áo chống đạn trong khi các TQLC nhảy ra khỏi máy bay giữa cơn mưa pháo. Trước, trong và sau Tết, các B-52 được đài ra đa Combat Skyspot hướng dẫn bay 2,548 lượt xuất kích và ném 60 ngàn tấn bom, một số cách các vị trí TQLC trong khoảng 1,000 ya. Căn cứ trở thành khung cảnh của những bi kịch lặp đi lặp lại, chẳng hạn bi kịch xảy ra khi Chuẩn úy Henry Wildfang đáp một chiếc C-130 đã tê liệt do hỏa lực cộng sản, cánh nó bốc cháy, nhưng anh vẫn quẹo thành công tránh đụng các phi cơ đang đậu trên đường băng. Kỳ công của Wildfang giúp anh được thưởng Huy chương chương Distinguished Flying Cross lần thứ 5 và cũng có nhiều phô diễn gan lì tương tự.
MACV tạo nên nỗi ám ảnh ảnh với Khe Sanh, và Lyndon Johnson khiến nó càng nổi tiếng với một bức tranh tường treo ở Nhà Trắng. Nhưng mặc dù có những trận đánh tàn khốc quanh các vị trí của Mỹ trên các ngọn đồi bao quanh – được đặt tên theo độ cao của chúng 950, 881, 861 and 558 – vành đai chính chưa hề bị tấn công nghiêm trọng. Điều này khiến một số nhà bình luận kết luận rằng Westmoreland tự cho phép mình trở thành nạn nhân của một đòn hư binh xuất sắc của địch. Mặc dù như thường lệ cộng quân trả giá sinh mạng cao hơn người Mỹ, James Wirtz cho rằng tại Khe Sanh họ có thể ‘gây ra đủ tiếng động để khỏa lấp những dấu hiệu rò rỉ cho việc chuẩn bị cuộc tổng công kích đô thị đang đến gần’. Một đại tá Miền Nam viết: ‘Khả năng việc Khe Sanh trở thành một mục tiêu tranh chấp quyết định như Điện Biên Phủ trước hết ở trong tâm trí các phân tích viên tình báo chúng tôi. Rất ít chú ý, nếu không muốn nói là không, được dành cho các thành phố như các mục tiêu khả dĩ. … Các chuyên gia chúng tôi tất cả đều tin, vì thành kiến hay tự tôn, rằng kẻ địch không sở hữu khả năng.’
Westmoreland ban bố cho Khe Sanh một tầm quan trọng mà nó không xứng đáng: như Điện Biên Phủ, nơi này đáng ra không bao giờ nên đóng quân đồn trú. Tệ hơn, ông cho phép cả thế giới nhìn vào nơi ông đang chăm chăm theo dõi, khiến ông trông như kẻ điên rồ – đúng ra, khiến ông tiêu tan tiếng tăm – khi mà kẻ địch đánh vào nơi khác. Tuy vậy, dường như là sai lầm khi nghĩ rằng quân Miền Bắc triển khai hai sư đoàn chỉ để đánh lừa. Hoàn toàn chắc chắn là họ cũng muốn thử đánh chiếm nếu pháo binh và trên hết không kích Mỹ đã khiến điều này là không thể. Sau này các sĩ quan cộng sản đã than vãn rằng đáng lẽ hai đội hình được chuyển xa hơn về phía đông, tốt nhất là đến Huế.
Những nhân viên MACV không phải là những người duy nhất so sánh Khe Sanh với Điện Biên Phủ. Các cựu binh Miền Bắc thảo luận về trận đánh 1954, và buồn rầu nhận xét là người Mỹ đã không lặp lại sai lầm của người Pháp là không chiếm được thế đất cao bao quanh. Phòng thủ của Mỹ cũng ấn tượng hơn nhiều, còn tài nguyên thì gần như vô tận. Việc quân Miền Bắc tập trung quân trên biên giới Lào gây thiệt hại cho chiến lược của họ thậm chí nhiều hơn đáp ứng của Westmoreland gây tổn thương cho chính nghĩa Mỹ, nhưng phán xét sai lầm của Hà Nội không xuất hiện trên trang nhất của báo chí, trong khi của MACV thì có. Westmoreland và ban tham mưu của mình tưởng rằng đây là cuộc chiến của người Mỹ, nên loại bỏ đi ý niệm là phe cộng có thể chọn các lực lượng Miền Nam làm mục tiêu chính của mình.
Trong khi đó Washington chia sẻ phần trách nhiệm của mình cho quyết định tệ hại – vốn đã có nhiều tin tình báo về hoạt động của kẻ thù – không hủy bỏ đề nghị hưu chiến Tết. Bộ máy hành pháp tơi tả của Johnson nuốt các chỉ dấu là Hà Nội sắp sửa mở cửa đàm phán. Do đó họ khăng khăng đề nghị hưu chiến nên được tôn trọng, cho phép nhiều binh sĩ QĐVNCH về nhà ăn Tết. Hơn nữa, cho dù Westmoreland có nhận ra phe cộng chuẩn bị xả láng, ông khước từ hủy bỏ kế hoạch công kích riêng của mình và bực tức vì Washington không cho phép ông thúc quân vào đất Lào và Cao Miên. Tham mưu của ông phớt lờ việc phát hiện những hầm cất giấu vũ khí mới tính của địch, kể cả một hầm lớn gần Sài Gòn, cùng với chứng cứ cho thấy các đặc công VC đã có các hoạt động trinh sát Tân Sơn Nhất.
Trung tướng Fred Weyand, một người California nói năng chậm rãi chỉ huy Lực lượng Tác chiến II, thường được ca tụng như sĩ quan cao cấp duy nhất có chuẩn bị ứng phó cho sự bất trắc, di chuyển các đơn vị vào Sài Gòn và hủy bỏ các cuộc hành quân đã lên kế hoạch. Chắc chắn là nhờ ở Weyand, nguyên một sĩ quan tình báo quân đội, mà 27 tiểu đoàn cơ động Mỹ được triển khai trong tầm với Saigon khi VC tấn công. Nỗi lo sợ của ông tập trung vào khu vực đó: ông không dự kiến các cuộc tấn công ở nông thôn. Sau Tết Westmoreland và các phụ tá cao cấp biện hộ cho mình khi xác nhận là họ đã tiên liệu biến động; nhưng họ cho thấy không nắm vững được quy mô của nó. Hơn nữa, từ mùa hè trước nhiều đơn vị đã cảnh giác cao độ ít nhất bán thời gian, nên bây giờ họ thấy không có gì đặc biệt phải cho rằng một trận đại hồng thủy lù lù đến. Các tư lệnh Mỹ phạm sai lầm xưa cũ nhất trong cẩm nang quân sự: họ bất chấp cách lý giải các dự tính của Lê Duẩn mà Joseph Hovey và người của mình đã làm, bởi vì nó không phù hợp với lôgic của MACV
2 KHÚC HỢP TẤU
Kẻ đánh bom tự sát thường được coi là hiện tượng của thế kỷ 21. Nhưng cuộc công kích của Lê Duẩn hoàn thành xuất sắc các mục đích của ông ta bởi vì các du kích quân VC được bộ đội chính quy Miền Bắc yểm trợ cho thấy sẵn sàng đối mặt với cái chết gần như không tránh khỏi để hoàn thành nhiệm vụ Tết. Phe cộng tung khoảng 67 ngàn chiến binh tấn công vào 36 trong số 44 thủ phủ tỉnh lỵ và 64 trong số 245 trung tâm huyện lỵ, trong khi vẫn tiếp tục các trận đánh ở Khe Sanh và nơi khác. Bằng cách biểu dương sức mạnh phối hợp các chiến dịch trên một quy mô như thế, để vận động quá nhiều người nam cũng như nữ nhằm theo đuổi các mục tiêu mà ngay cả phần đông các tư lệnh Miền Bắc đều cho là bất khả thi, họ bịt mắt thế giới không cho thấy tính tàn nhẫn của một dàn lãnh đạo có thể gây ra những nỗi kinh hoàng mà người dân Miền Nam vô tội phải trả giá nhiều nhất.
Vào sáng 27 tháng giêng binh sĩ Miền Nam bắt được những băng thu âm được MTDTGP chuẩn bị phát trên các đài phát sóng họ dự định đánh chiếm, loan báo cho dân chúng là đã chiếm được Sài Gòn, Đà Nẵng và Huế. Phe cộng do đó đánh mất yếu tố bất ngờ, trong khi các cuộc tấn công của họ cho thấy là thiếu hẳn sự chuẩn bị và phối hợp nhịp nhàng, bởi vì ưu tiên cho việc giữ bí mật nên mệnh lệnh bị đình hoãn càng lâu càng tốt. Vào ngày 28 một số cán bộ chóp bu của Miền Nam tập hợp tại ‘Văn phòng Đỏ’, một nơi ẩn náu giữa một đầm lầy mênh mông giáp với Đồng Tháp Mười, mà họ gọi là ‘Đại Tây Dương’. Họ sống tương đối tiện nghi, thưởng thức thuốc lá và rượu được đưa xuống từ Sài Gòn, ăn cá tươi mới bắt. Các chỉ huy Liên quân VC Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng đang ngồi xếp bằng trên chiếu, tay cầm đũa, thì một người đưa tin chạy xe máy tới. Anh trao cho họ một bao thư ngoài bìa ghi TỐI KHẨN CẤP VÀ TỐI MẬT’, đọc thấy: ‘A7 đến A404: Ngày D. Bắt đầu trận giữa mùng 1 và mùng 2 Tết Âm lịch. Giờ H: 12 giờ đêm. Đây là quyết định của Bác Hương’ – mật danh của bộ chính trị.
Họ sửng sốt và thảng thốt, vì họ kỳ vọng giờ H là 5 ngày sau. Giờ thì chỉ còn 3 ngày đêm để đến tiền tuyến bên ngoài Sài Gòn. Đằng, một cựu binh 42 tuổi sinh tại đồng bằng, nhớ lại một cách dứt khoát: ‘Không ai thiết ăn uống gì nữa.’ Ngay lập tức họ nhổ trại và khởi hành, mặc quân phục nhưng mang theo thường phục, tiền bạc, và thẻ căn cước được làm giả tại Sài Gòn bởi các cảm tình viên cảnh sát. Một số chiến binh đốt rụi lều tranh của mình như một thái độ biểu tượng cho quyết tâm chiến thắng hay là chết. Chẳng mấy chốc 1,000 người theo chân đạo quân của Kiệt và Đằng trong số hàng chục đạo quân tương tự hội tụ về mục tiêu đô thị của mình: ‘Toàn bộ phần phía bắc của Đồng Tháp Mười đông đảo những nhóm người di chuyển.’ Vì bây giờ là mùa khô, đạo quân đồng bằng thường chuyên chở bằng xuồng chứa đầy vũ khí và quân nhu.
Tổng Công Kích Tết
Nhóm chỉ huy hẹn gặp nhau với du kích quân địa phương bên ngoài Sài Gòn. Trong cái nắng thiêu đốt họ di chuyển chậm chạp, ngạc nhiên vì gặp may mắn không bị phi cơ nào phát hiện. Ban đêm hàng quân di chuyển càng chậm hơn, trong khi Đằng và Kiệt thỉnh thoảng lẩm bẩm trao đổi ý kiến qua một bản đồ rọi sáng bằng đèn pin. Tâm trạng phấn chấn lan tỏa khắp mọi người, từ cấp lãnh đạo đến chiến binh có tuổi đến các tân binh mới nhập ngũ: hầu hết các thanh niên nam nữ này đều là những tín đồ đích thực. Trước bình minh ngày 29 họ dừng lại và giấu mình trong các lều tranh của bộ chỉ huy quận ủy, tại đó họ được ăn bánh tét. Rồi gặp trục trặc: trực thăng và phi cơ bắn rốc kết và đánh phá khu vực. Kiệt và Đằng, nhìn thấy các chiếc Huey vần vũ quá thấp đến nỗi có thể trông rõ mặt các xạ thủ án ngữ cửa, dặn kỹ không ai được bắn trả. Đến trưa, tình hình trở lại yên tĩnh: người Mỹ đã phát hiện động tĩnh, nhận diện chính xác kẻ địch, nhưng không thể biết có bao nhiêu tên. Với tất cả âm thanh và cuồng nộ, cuộc không kích chỉ làm thủng vài chiếc tam bản.
Đêm 29-30, những trận công kích đầu tiên được phát động, trước thời hạn vì có lầm lẫn ngày giờ. Đà Nẵng, thành phố duyên hải của Nha Trang và các trung tâm phía bắc khác , trở thành sân khấu của những trận đánh ác liệt. Các đơn vị VC phía nam còn lầm lũi đi về hướng Sài Gòn hoang mang khi nghe đài phát thanh chính quyền loan báo lúc 9:45 sáng thứ ba ngày 30, hủy bỏ hưu chiến Tết tiếp sau những trận tấn công của địch vào đêm trước. Một cán bộ cao cấp ở tỉnh Long An mô tả sự hoang mang: ‘Không ai có thể hiểu được sao có chuyện này xảy ra. Liệu có phải mọi sự chuẩn bị của chúng tôi chỉ là một sự đánh lừa tinh vi? Liệu có thể nào chiếm được ưu thế quân sự trong việc bắt đầu cuộc công kích theo kiểu này hay không?’ Họ mong đợi thông điệp trên máy trả lời được câu hỏi này, nhưng không thấy tới. Sáng sớm hôm đó Kiệt và Đằng đến không thông báo trước tại điểm hẹn gần Sài Gòn, ở đầu hàng quân. Họ đột ngột thông báo với các đồng chí tụ họp: ‘Tình hình cực kì khẩn cấp. Phải tấn công Sài Gòn ngay hôm nay!’
Một cán bộ than vãn gần như tuyệt vọng, ‘Ôi trời! Ôi trời!’ Tham mưu của ông chỉ có vỏn vẹn 24 giờ để triển khai 10 tiểu đoàn phân tán khắp vùng nông thôn, với hệ thống liên lạc mỏng và một số sĩ quan vắng mặt vì nghỉ phép Tết. Lương thực và quân nhu phải được phân phát, các giao liên phải được bố trí. Đằng hiệu triệu binh sĩ bằng một bài diễn văn khích động nhuệ khí trước trận đánh, kết thúc bằng nắm tay giơ lên và hô to khẩu hiệu, ‘Quyết tiến! Tấn công! Tấn công!’ Chính ông sau đó nhìn nhận rằng 3,000 tiếng hô đồng thanh đáp lại một cách hồ hởi. Đây là khoảnh khắc phấn khích nhất trong cuộc chiến, ông nói, khi hy vọng dâng cao ngất trời. Nhưng một sĩ quan khác bực tức vì cơn hồ hởi của Đằng, mà ông xem là một thay thế nghèo nàn cho một kế hoạch hiện thực.
Cuộc hành quân ngày cuối cùng là nỗi thống khổ của những chậm trễ và nôn nóng nung nấu. Họ lội qua kênh, vội vã băng ruộng, lắng nghe các tin tức của Sài Gòn về trận đánh diễn ra ở phía bắc, ngạc nhiên tại sao phi cơ bay qua mà vẫn dường như không biết đến họ. Khi bóng đêm rơi xuống, dân chúng địa phương đứng trước nhà , nhìn đoàn quân vũ trang bước qua. Một số người nói, ‘Tại sao không ăn Tết ở đây?’ Họ được dân cho bánh tét, cải chua, thịt kho để nhâm nhi trên đường ra mặt trận.
Lúc 21:00 họ đến nơi đóng quân của một tiểu đoàn VC. Trước sự phẫn nộ của ông, Đằng bắt gặp một cán bộ cao cấp của tiểu đoàn đang nằm dài trên ván, say xỉn. Thấy Đằng, y lật đật đứng lên, vào thế nghiêm và chào, nói, ‘Thưa đồng chí! Tôi là chỉ huy phó!’ Đằng nổi giận hỏi: tiểu đoàn trưởng và chính ủy đâu?’ ‘Thưa đồng chí! Tiểu đoàn trưởng đã đi cưới vợ và chính ủy là khách dự đám cưới.’ ‘Bộ các đồng chí chưa nhận được lệnh sao?’ ‘Chưa, thưa đồng chí.’ Tiểu đoàn nhanh chóng được giao nhiệm vụ đánh tổng nha cảnh sát quốc gia tại Saigon. Nhưng cũng đêm đó, một số trận tấn công phía bắc đã bị đập tan: tại Nha Trang, 377 VC thiệt mạng và 77 người bị bắt làm tù binh. 88 binh sĩ chính quyền đã ngã xuống bảo vệ thành phố, cùng với 32 dân thường. 600 ngôi nhà bì phá hủy, một hương vị nếm trước của một cuộc tàn phá sẽ sớm quét qua đất nước.
Tướng Trần Độ, người nắm quyền chỉ đạo chính trị trong các chiến dịch Tết của VC, sau này nói rằng tai họa của nỗ lực chiến tranh của họ là do thừa thãi lý thuyết ý thức hệ, và việc hoạch định kế hoạch không đủ tỉnh táo. Một cán bộ cao cấp trong chiến dịch chính phía bắc nhớ lại nhiều năm sau nỗi thất vọng trong giới lãnh đạo khi nghe lệnh cộc lốc từ Hà Nội: ‘Phát động tổng công kích và Nổi dậy để giải phóng Huế.’ Ông nói rằng điều này nhắc ông nhớ lại câu nói của Lenin, ‘Không nên đùa với cách mạng.’ Để có cơ may thành công, cán bộ này nói, VC địa phương cần hậu thuẫn của hai trung đoàn Miền Bắc, hai tiểu đoàn pháo, 400 tấn quân nhu. Mặc dù du kích quân thực ra được yểm trợ bởi một lực lượng bộ đội Miền Bắc, nhưng họ tập kết không đủ điều kiện tác chiến khi họ hành quân đến Huế.
Thành phố lớn thứ ba của Miền Nam, với dân số 140,000 người, là một mục tiêu mang lợi thế nổi bật: du kích quân chỉ đi mất một đêm từ nơi trú ẩn địa phương để đến trình sát. Họ đã đào các boongke quan sát và tích trữ một ngàn tấn gạo trong tầm tay. Vào chiều ngày 30 tháng giêng, đạo quân bắt đầu tiến về thành phố. Bài tường thuật của người cộng sản xác nhận có một binh sĩ bị nước cuốn
đi khi vượt sông mà không kêu cứu, nhằm tránh cho đồng đội xao nhãng nhiệm vụ của mình; nhóm người mỉa mai thì muốn tin rằng vì miệng y đầy nước. Nhưng rồi một đạo quân khác bị QĐVNCH phát hiện tại sông Dương Hòa. Họ gọi pháo bình, kết quả gây 32 thương vong cho địch. Một số đơn vị VC bị lạc đường, khiến họ đến tiền tuyến muộn.
Đường đây liên lạc của Mỹ bị bão hoà, vì vậy các thông điệp ưu tiên đến nơi nhận muộn màng. Ngày đó, 30 tháng giêng, nhân viên chặn tin ở Phú Bài bắt được các tín hiệu Miền Bắc về cuộc công kích vào Huế đang đến gần, nhưng vào lúc các tin này đi tới chuỗi lệnh, các cơ sở Mỹ trong thành phố đã hứng hỏa lực, và 400 người trong đó đang chiến đấu cho sự sống còn của mình. Mặc dù sau này MACV tuyên bố rằng các chỉ huy Mỹ không bất ngờ – họ kể việc tướng Fred Weyand cảnh giác đã vào vị trí vào lúc 20:37 ngày 29 – thái độ của nhiều người Mỹ không cho thấy là họ biết khủng hoảng đang đến gần. Vào đêm 30 trưởng tình báo của Westmoreland, Chuẩn tướng Phil Davidson, lui về phòng mình nghỉ ngơi. Một người lính bình thường tên Louis Pumphrey gốc Panesville, Ohio, đang nằm trên giường tầng tại Dĩ An, gần Tây Ninh. Là một người mê thu băng, trước khi ngủ anh làm một cuốn băng cho gia đình, thu cả tiếng khèn khẹt do Charlie, con khỉ nhện của anh, phát ra. ‘Tôi chuẩn bị lên giường ngay sau khi nộp báo cáo đêm. Họ đang mong đợi một cuộc tấn công Tết. Không có gì xảy ra. Chắc chắn không có gì xảy ra.’ Rồi tên lửa bắt đầu đánh vào căn cứ.
Vào những giờ đầu ngày 31 tháng giêng, người dân Huế bàng hoàng trước cảnh tượng và âm thanh của các đạo quân VC, đồng hành cùng hai tiểu đoàn bộ đội trong quân phục tươm tất do Trung Quốc sản xuất, đi theo hướng bắc qua các đường phố trong màn sương mù ẩm ướt, về hướng cổng kinh thành, được xây dựng năm 1802. Sư đoàn I QĐVNCH, đặt bộ chỉ huy ở góc đông-bắc, đã được báo động hai giờ trước, sau khi một đội tuần tra báo cáo có địch tiến đến: chẳng bao lâu pháo sáng thả từ máy bay bay dạt qua thành phố, lằn đạn chỉ đường xanh đỏ vạch ngang bầu trời. Dù sao phe tấn công không gặp sức kháng cự dữ dội nào. Bob Kelly của Cục Thông tin Hoa Kỳ ghi lại ngắn gọn: ‘Charlie đến thành phố … Không gặp kháng cự! Quân Miền Bắc được VC địa phương hộ tống vào thành. Địa phương mang băng tay trắng, lực lượng chính mang băng tay đỏ và bộ đội mang băng tay vàng.’
Ngô Thị Bông và gia đình bà đang ngủ tại nhà 103 đường Trần Hưng Đạo, khi cộng quân tấn công. Họ đã quá quen với tiếng súng thành ra không thấy ngạc nhiên nhiều cho đến khi bà và các con trai xuống lầu và nhìn qua cửa sổ chớp thấy khoảng 20 tên VC rất trẻ. Một người đàn bà trung niên đã mất chồng trong thời chống Pháp, rồi một con trai trong QĐVNCH bị giết vào năm 1966, bà nói: ‘Tôi biết chúng tôi sắp phải chịu khổ rồi.’ Trong một trận đánh khởi đầu một cách miễn cưỡng trong những giờ đầu thứ tư, 31 tháng giêng, phe cộng sản chiếm hầu hết thành phố Huế, kinh thành đồ sộ và các cung điện bên trong tường thành. Tuy nhiên, họ không chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn I đóng tại Mang Cá, hay phức hợp của cố vấn Mỹ, một dặm về phía nam bên kia sông Hương. Nhiều lính Miền Nam tháo chạy hoặc tìm chỗ ẩn nấp, khiến phe tấn công tịch thu được một số lượng lớn vũ khí và quân nhu, một số được phân phát cho hàng trăm VC vừa được giải thoát khỏi nhà tù thành phố. Đặc công làm nổ tung một bãi xe tăng ở gần Tam Thai, và bộ đội thiết lập một vị trí phòng tỏa vững chắc phía bắc thành phố.
Trung uý Trần Ngọc Huê 26 tuổi nghe tiếng súng nổ trong thành phố Huế khi anh đang ăn tết với gia đình trong Thành nội. Anh dẫn cha mẹ, vợ và con gái xuống hầm trú ẩn trong nhà, như nhiều gia đình Miền Nam thận trọng đều xây cất, rồi lấy xe đạp chạy qua đường phố tối tăm trong thường phục dân sự để đến với đồng đội. Huê chỉ huy đội Hắc Báo, lực lượng phản ứng nhanh của Sư đoàn I mà các phần tử đang ở rải rác quanh thành phố. Anh thình lình thấy mình đang đạp xe giữa đạo quân Miền Bắc, họ quá chú tâm đến sứ mạng của mình nên không chú ý đến anh.
Đến đại đội teo tóp người trên đường băng nhỏ bên trong Thành nội, anh lập tức được điện báo phải về gấp sở chỉ huy Sư đoàn I. Đại đội đến được sở chỉ huy ngay trước khi bộ đội Miền Bắc tấn công – và bị đẩy lùi. Một trung đội trưởng của Huê, dàn quân tại nhà tù tỉnh phía nam con sông, gửi thông điệp cuối cùng trước khi bị địch tràn ngập và anh tử trận, nhờ Huê chăm sóc vợ và 7 đứa con của mình. Suốt ngày đó, ngày 31 tháng giêng, trận chiến khi lên khi xuống quanh sở chỉ huy QĐVNCH và phức hợp Mỹ, với pháo súng cối và tên lửa 122mm của địch nã vào, súng chống tăng nhẹ của Mỹ bắn ra. Tại một thời điểm binh lính cộng sản đột nhập vào được bên trong phòng tuyến của quân Miền Nam; nhưng rồi bị đẩy lui sau khi quân phòng thủ gọi pháo bắn ngay xuống boongke của mình. Lực lượng Miền Nam tiếp tục giữ vững qua những ngày sau đó, mặc dù phe cộng sản thành lập một trạm chỉ huy trong Điện Thái Hòa gần đó, và cán bộ đi khắp thành phố trên các xe jeep chiếm được, bắt giữ nhân viên thuộc mọi lứa tuổi và giới tính được xem là ác ôn vì có liên hệ với chế độ hay người Mỹ.
Chỉ một trong 5 người thuộc Bộ binh 2/3rd của Thiếu tá Phạm Văn Định bên ngoài Huế đang nghĩ phép Tết khi cuộc công kích xảy ra. Đại uý Cố vấn Mỹ thấy mình không thể gọi được yểm trợ pháo và không kích. Lúc trưa ngày 31 Định được lệnh tiến vào Thành nội. Anh và 260 lính đến Sông Hương lúc giữa trưa, rồi bị kẹt trong một trận đụng độ tại góc chợ, tổn thất 10 người và nhiều người bị thương. Phần đông binh lính của Định nôn nóng một cách tuyệt vọng vì gia đình họ đều sống trong khu vực giờ nằm dưới sự kiểm soát của phe cộng – riêng anh mãi sau này mới biết tin vợ và con mình đã trốn đi sơ tán. Sáng sớm hôm sau, một số binh sĩ Định trèo lên bức tường đồ sộ của kinh thành, chỉ để rơi xuống vì đạn của quân địch. Trong trận đánh nhau ngoài đường phố diễn tiến sau đó, Joe Bolt len lỏi đến được phức hợp Mỹ, từ đó ông trở lại với một xe jeep đầy đạn và khẩu phần. Ông cũng kiếm được hai khẩu pháo không giật 106mm, cho thấy là vô giá để thổi bay các vị trí bắn tỉa.
Mọi nỗ lực của QĐVNCH nhằm tiến vào thành nội đều thất bại. Phe cộng sản và Miền Nam thóa mạ nhau qua tần số phát sóng chung. Người Mỹ quả quyết rằng binh lính chế độ Sài Gòn không tác chiến hiệu quả, nhưng số thương vong nói lên là không phải tất cả họ đều hèn nhát.
Nằm ngoài đường trên vũng máu trước nhà bà Ngô Thị Bông là một thương binh Miền Nam, nhưng không ai dám ra giúp đỡ. Cuối cùng một binh sĩ cộng sản bước nhanh đến bên thân người sóng soài và bắn một viên đạn kết liễu vào y. Ngay sau đó, kẻ địch bước vào nhà bà. Y không đưa ra lời đe dọa nào – chỉ đơn giản phát biểu rằng vì họ đang là người chiến thắng, nếu khôn ngoan thì hãy giúp đỡ họ. Suốt những giờ phút và những ngày sau đó, du kích quân ăn và ngủ tại đó, phát truyền đơn tuyên truyền và hát những bài ca cách mạng. Một số dân đen địa phương – phu xích lô chẳng hạn – khuân vác vũ khí và đạn dược cho họ, nhưng những gia đình trung lưu như bà Ngô chỉ làm ít như có thể.
Phe chiếm đóng lầm lì dường như bối rối tại sao các Phật tử này, mà họ biết là không thích chế độ Sài Gòn, lại tỏ ra cũng thờ ơ với chính nghĩa của phe đối thủ. Sau này những người cộng sản nhìn nhận rằng ‘nếu chúng ta muốn quần chúng nổi dậy, điều thiết yếu là triển khai lực lượng quân sự đủ mạnh để hứa hẹn chiến thắng’. Nói cách khác, nhiệt tình cách mạng thôi chưa đủ: nhân dân cũng cần tin tưởng binh sĩ Hà Nội có dáng dấp của một kẻ chiến thắng – còn bây giờ thì chưa, trong mắt của phần đông dân Huế.
Dân lánh nạn khiếp đảm trốn vào nhà thờ, trường đại học, và chẳng bao lâu phức hợp MACV bị quá tải hết mức chịu đựng, khi nước thiếu khiến người tị nạn phải uống soda thay nước. Chủ đề chính của trận chiến kéo dài suốt tháng hai, tàn phá phân nửa thành phố và giết chết hàng ngàn dân thường, là phe cộng sản chiến đấu kiên trì để bám đất họ đã chiếm được trong ngày đầu tiên, còn các lực lượng Mỹ và QĐVNCH thì muốn chiếm lại với sự chậm chạp đến nhức nhối. Đạo quân tiếp viện đầu tiên của Mỹ, được điều về bắc hướng phức hợp MACV từ ‘Lực lượng Tác chiến X-ray’ ở Phú Bài, mắc sai lầm khi đụng với các lực lượng hùng hậu Miền Bắc, và bị đánh tơi bời. Sau đó một dòng tiếp viện nhỏ giọt tiếp tục len lỏi đến với người Mỹ đang bị vây hãm, phần đông là chở tới bằng đường sông. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác các sĩ quan cao cấp đưa ra những lệnh ngớ ngẩn không thực tế, chẳng hạn, lệnh cho Trung tá TQLC 1 Ernie Cheatham từ trung đoàn trưởng của ông vào thứ bảy, 3 tháng 2: ‘Tôi muốn anh tấn công qua thành phố và quét sạch bọn Miền Bắc ra ngoài!’
Một nỗ lực tự sát đầu tiên tiến quân về hướng bắc băng qua cầu Trường Tiền vào thành nội tổn thất 10 người chết, 56 bị thương trong số 100 TQLC. Họ không được huấn luyện chiến thuật tác chiến trên đường phố, một nghệ thuật đặc biệt. Trước khi lãnh hội được phương thức tác chiến cam go suốt các tuần sau đó, họ đã chịu nhiều thương vong liên tục từ các tay bắn tỉa và vũ khí tự động của địch bởi vì họ không giấu mình cẩn thận, cứ xông tới trên các con đường lớn nơi các tòa cao ốc và các đống gạch vụn biến thành nơi che chắn lý tưởng cho kẻ thù. Không có lúc nào các sĩ quan cấp tá trở lên nắm được tình hình trận đánh: các tướng lĩnh phát đi những chỉ thị không thực tế theo thứ tự từ Trại Evans ra phía bắc, từ Phú Bài ra phía nam.
Trong 10 ngày đầu tiên, sợ ảnh hưởng đến công trình văn hoá các cuộc không kích và pháo kích không dám đánh vào thành nội nơi quân Miền Bắc đang tập trung. Trong các khu phố cư trú, ngược lại, hỏa lực súng không giật 106mm được triển khai, tiếp theo là pháo hơi cay và lựu đạn. Trong vùng địch chiếm đóng, người cộng sản ‘tàn sát bọn ác ôn và loại trừ những tên tội đồ’, sử dụng cách nói của họ nhằm che đậy hàng ngàn tội thảm sát. Điện nước bị cúp, và đài phát thanh thành phố im bặt. Ngày và đêm, dân Huế chịu đựng các cảnh tượng và âm thanh của cuộc chiến không thương tiếc.
Trong gần trọn tháng 2 Westmoreland đánh giá thấp một cách nghiêm trọng quy mô của địch trong và chung quanh Huế, một phần bởi vì ông còn bị ám ảnh bởi Khe Sanh, và một phần vị bộ máy chỉ huy và kiểm soát bị đổ vỡ, nhất là tình báo. TQLC và các chỉ huy quân đội tin rằng phe cộng dàn quân ở đó không hơn 2,000, trong khi quân số thực sự của họ gấp 5 lần hơn. Người Mỹ vì vậy chỉ châm liên tục những đạo quân tương đối yếu vào trận, tạo điều kiện cho địch giao tranh và đánh cho tan tác. Trong nhiều ngày bộ tư lệnh cao cấp tự lừa dối mình cho rằng Huế chỉ biểu thị một trong nhiều thảm bại Tết của phe cộng sản. Thực tế, nó trở thành thành tựu lớn nhất của họ. Bộ đội Miền Bắc và VC có thể tạo dựng từ đó một huyền thoại có thể sánh được với trận phòng thủ của Mỹ tại Corregidor 1942, thất bại nhưng hào hùng.
Đại uý Charles Krohn, sĩ quan tình báo của Kỵ binh 2/12th, so sánh số phận của đơn vị anh, được phái đi một cách vô tâm theo hướng nam về phía Huế vào ngày thứ 4, với số phận của Lữ đoàn Ánh Sáng trong Chiến tranh Crimea: ‘Không có lý do thỏa mãn và thuyết phục nào cho một tiểu đoàn Mỹ tấn công một lực lượng Miền Bắc được củng cố qua một bãi đất trống trải.’ Krohn viết về cuộc chạm trán của họ vào ngày 4 tháng 2 tại một thôn ấp cách Huế 4 dặm về phía bắc: ‘Khoảng 400 người chúng tôi tiến lên tấn công. Một số không đi được bước thứ hai. Lúc chúng tôi đến được phía bên kia của bãi đất trống, 9 người bị giết và 48 bị thương … Chúng tôi chỉ giết được 8 bộ đội (nhiều nhất) và bắt được 4 tù binh . . . Chúng tôi báo cáo con số lớn hơn cho lữ đoàn, dựa trên suy nghĩ như thế sẽ khiến bản thân mình cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng giữa chúng tôi với nhau đều hiểu rằng kẻ địch chỉ như bị trầy xước.’
Krohn đưa mắt nhìn thi thể của một quân y có tên Johnny Lau được đưa lên trực thăng: ‘Chúng tôi đã nói chuyện với nhau trước khi cuộc tấn công xảy ra, và anh ấy bảo tôi mình ở Sacramento, California. Anh nói gia đình mình làm nghề buôn bán thực phẩm. Chúng tôi đang trao đổi về cách thức tốt nhất để nấu thịt bò với gừng thì cuộc tấn công nổ ra và hứa với sẽ trở lại vấn đề này’ – nhưng họ không bao giờ làm được. Số hố cá nhân của tiểu đoàn rơi từ 500 xuống còn ít hơn 200 trong vòng 6 tuần. Krohn viết một cách cay đắng: ‘Quân đội Miền Bắc có giới lãnh đạo cao cấp tốt hơn chúng ta.’ Tiểu đoàn tơi tả của anh may mắn rút lui được để về liếm láp vết thương của mình.
Các trận đánh Tết lan xuống đất nước, cho đến khi gần như mọi tiểu đoàn của Westmoreland đều giao tranh. Khi trận công kích vừa bắt đầu, trung đội trưởng Dù John Harrison đang cầm đầu một đội tuần tra gần Nha Trang, ngụy trang sơ sài như người đi săn vì tôn trọng lệnh hưu chiến Tết. Bất ngờ máy truyền tin cảnh báo: ‘Anh về ngay. Tôi nói lần nữa, anh về ngay. Nghe rõ không?’ Trung đội quày quả trở về căn cứ hành quân tiền tiêu Betty, từ đó họ lập tức được phái đi lần nữa càn quét VC trong khu vực. Họ không phải tìm lâu, gây bất ngờ cho một nhóm du kích đang tập hợp để chuẩn bị tấn công. Một du kích chạy thẳng về phía binh lính Mỹ, nâng khẩu súng lục lên bắn. Binh sĩ đi đầu quá đỗi sửng sốt trước cuộc tấn công vô vọng và đáng thương này nên không kịp phản ứng. Viên trung uý xả hết 16 viên đạn vào người du kích cho đến khi y ngã xuống, bụi pha lẫn máu phun vọt ra khỏi các vết thương của y.
Lúc 21;00 ngày 30 tháng giêng một VC có vũ trang bị bắt ở Sài Gòn, khai rằng 6 giờ nữa nhiều mục tiêu sẽ bị tấn công bên trong và chung quanh thành phố. Nửa giờ sau đó một du kích khác bị bắt, đang mang hai khẩu AK-47. Quá muộn cho lực lượng phòng thủ triển khai đội hình, nhưng hầu hết đơn vị đều được báo động trước khí cuộc tổng công kích bắt đầu. Nhiều du kích, chưa bao giờ đặt chân vào thành phố, bị lạc trong mê lộ đường phố Sài Gòn: dân chúng giao nộp cảnh sát một chiến binh nông dân mới lớn mà họ bắt gặp đang ngồi khóc trên lề đường, vì đã để mất liên lạc với đồng đội mình.
Trần Bạch Đằng, giận dữ vì sự chậm trễ của tiểu đoàn mình, thấy mình và binh sĩ gần như chạy những dặm cuối cùng xuyên qua bóng đêm hướng về Sài Gòn. Ông trải bản đồ ra trong một ngôi đình làng ở ngoại ô, khi âm thanh những loạt đạn đầu tiên vọng đến từ trung tâm thành phố. Một tiểu đoàn trưởng báo cáo rằng mình được lệnh tấn công kho xăng Nhà Bè, nhưng không biết nó ở đâu, mà binh lính thì đã kiệt sức. Khi Đằng vặn đài phát thanh Sài Gòn và Quân đội, ông thấy chúng đều im tiếng, ông hớn hở hẳn ra, tưởng rằng đài phát sóng đã lọt vào tay phe mình. Một dòng người dân địa phương viếng đình mang dưa hấu, pháo, trà, thuốc men, bánh tét. Cho đến giờ, mọi chuyện đều tốt.
3 Sự bẽ mặt mang tính biểu tượng
Lúc 01:30 ngày 31 tháng giêng, các phần tử dẫn đầu của toàn bộ lực lượng gồm 4,000 VC – bộ đội đứng bên ngoài thủ đô – đánh vào nhiều mục tiêu Sài Gòn, trong đó mục tiêu đầu tiên là dinh tổng thống: nhưng dinh không người ở, vì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang nghỉ Tết ở Mỹ Tho. Phe tấn công, 13 người nam và 1 phụ nữ, nhanh chóng bị đẩy lùi, và rút lui đến một tòa nhà gần đó, rồi tuần tự bị giết chết trong cuộc chạm súng kéo dài 15 giờ.
Các du kích khác đánh chiếm đài phát thanh quốc gia với sự giúp đỡ của một cảm tình viên là nhân viên đài ra mở cửa. Họ chiếm giữ đài trong 6 giờ, nhưng kế hoạch phát sóng lời hiệu triệu tuyên truyền bị thất bại vì dây cáp nối với máy phát bị cắt đứt.
Cộng sản cũng tấn công cầu Tân cảng, khu Chợ Lớn, và các căn cứ nằm bên ngoài ở Long Bình, Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ ban bố thiết quân luật, để bất kỳ ai xuất hiện trên đường phố có thể xem là kẻ thù.
Người Việt đã trở nên quá yếm thế đến nỗi một số người nghe đài Hà Nội loan tin chế độ Sài Gòn đang bị lật đổ nghĩ rằng Kỳ ắt đang dàn dựng một cú đảo chính chống Thiệu. David và Mai Elliott, qua đêm tại cơ sở RAND ở đường Pasteur, tỉnh giấc khi nghe tiếng nổ rất lớn. Họ bật đèn, nhưng bị một đại tá TQLC hét lớn, ‘Tắt đèn! Chúng ta bị tấn công rồi!’ Vợ chồng Elliot cũng nghĩ đây là cú đảo chính – chuyện độc quyền của người Việt – nên quay ra ngủ tiếp. Thực ra, tiếng nổ là do các đặc công VC gây ra nhằm phá một lỗ ở vòng tường ngoài của sứ quán Mỹ gần đó, đẩy tới một chương kịch tính nhất của cuộc chiến.
19 biệt kích của tiểu đoàn C-10 cộng sản tiến đến sứ quán trong một xe tải Peugeot nhỏ và một taxi. Họ đã trải qua đêm trước giấu mình trong một hãng sửa ô tô. Họ xông ra khỏi xe và khai hỏa vào hai cảnh sát Mỹ. Hai người này liền phản ứng rất tỉnh táo, khóa cổng sứ quán và bắn hạ người dẫn đầu toán VC và phụ tá của y. Lúc 02:47 họ đánh điện mật mã dành cho tình huống bị đột kích, ‘Tín hiệu 300!’ Một người Mỹ nói thêm, ‘Tụi nó đến rồi, tụi nó đến rồi! Cứu! Cứu!’ trước khi bị giết. Khi lực lượng QĐVNCH bảo vệ sứ quán bỏ chạy, phe tấn công bò qua lỗ hổng tạo bởi 15 cân bộc phá đựng trong túi ghết. Tuy nhiên, khi đã vào được bên trong, nhóm biệt kích ngập ngừng. Họ bắn hai rốc két vào tòa nhà văn phòng sứ quán, thổi bay huy hiệu quốc gia Hoa Kỳ khỏi tường, làm bị thương một TQLC và khiến một nhúm cư dân khác sợ khiếp vía, trong khi không giết người nào. Sau đó họ núp sau các vách bê tông bao quanh một số bồn hoa lớn, và trong một ít giờ sau chỉ trao đổi hoả lực rời rạc với một nhúm TQLC và Quân cảnh trong các tòa nhà bao quanh.
Allan Wendt, một chuyên gia kinh tế 33 tuổi, một viên chức ngoại giao, tỉnh giấc vì tiếng nổ rầm trời. Phản ứng đầu tiên của anh là chui xuống gầm giường, phản ứng thứ hai là điện thoại cho một TQLC ở tầng trệt, người này báo với anh là sứ quán đã bị đột nhập. Khôi hài đen tiếp diễn. Sứ quán không có vũ khí trừ vũ khí trong tay ba bảo vệ, một người đã nhanh chóng bị thương. Wendt thấy không có lý do tại sao bọn tấn công không tràn vào bên trong: ‘Tôi nghĩ mình đang sống những giây phút cuối cùng.’ Anh gọi cú điện thoại thứ nhất trong số vài cú đến MACV từ phòng mật mã có bọc thép, được anh khóa chốt cửa. Nhân viên của Westmoreland trấn an anh lực lượng giải cứu sẽ đến ngay, nhưng chỉ ra rằng họ cũng đang giải quyết nhiều vụ tấn công khác quanh khu vực Sài Gòn. Wendt phản đối, một cách bực bội nhưng đúng đắn: ‘Nhưng nơi này chính là biểu tượng quyền lực Mỹ ở Việt Nam.’ Một sĩ quan MACV hứa sẽ gửi một đoàn xe bọc sắt đến ngay – nhưng không thấy. Nhà ngoại giao cũng nhận các cuộc điện thoại từ Trung tâm Hoạt động của Bộ Ngoại giao và Phòng Tình Huống Nhà Trắng, anh giơ cao ống nghe điện thoại để họ nghe được tiếng tạch tạch của cuộc đấu súng.
Đáp ứng thoạt đầu của Sài Gòn thậm chí còn lộn xộn hơn phần đông các cuộc tấn công của VC. Tiểu đoàn Quân cảnh 716, đơn vị Mỹ duy nhất ở trung tâm thành phố, được lệnh tăng viện cho sứ quán. Sĩ quan của tiểu đoàn thoái thác không chịu đi cho đến khi xe bọc sắt và trực thăng tháp tùng. Phần đông người Mỹ – TQLC và Quân cảnh – dần dần bắn hạ các biệt kích VC trong những giờ sau đó. Họ như làm công việc riêng của mình hơn là hoàn thành các mệnh lệnh. Họ cũng giết 4 tài xế người Việt của sứ quán, mặc dù một trong số họ chắc chắn hỗ trợ phe tấn công.
Người hùng của lực lượng phòng thủ là Trung sĩ TQLC Ron Harper, người bảo vệ đã nhanh chóng đóng và khóa cánh cửa gỗ tếch nặng nề của văn phòng sứ quán ngay trước khi VC ép sát vào. Trong cuộc đấu súng kéo dài xảy ra sau đó, hàng tá phóng viên TV và báo chí tụ tập gần đó để mô tả một bi kịch khó cưỡng diễn ra chỉ ít trăm mét từ khách sạn của họ. Chuẩn tướng John Chaisson, giám đốc Trung tâm Hành quân Tác chiến của Westmoreland, thấy mình đứng cạnh một lính gác bên ngoài phòng ngủ của mình cách sứ quán một dãy nhà, đang theo dõi cảnh tượng và lắng nghe âm thanh: ‘Có điều gì đó kỳ lạ về việc tác chiến trên đường phố. Mọi thứ đều như diễn ra tứ phía và tiếng đạn pháo được khuếch đại vì dội qua lại giữa các bức tường.’
Mặt trời vừa ló dạng, các trực thăng Huey không vận một trung đội của tiểu đoàn Dù 502 đến giải cứu sứ quán một cách muộn màng. Đại uý Jack Speedy viết: ‘Buổi sáng đẹp một cách ngoạn mục khi mặt trời lên cao trên bầu trời. Sương mù bốc lên từ Sông Sài Gòn. Đường phố vắng tanh khi họ nhìn xuống sứ quán; rồi họ bắt đầu hứng hỏa lực từ kẻ thù vô hình – các biệt kích VC – làm bị thương một xạ thủ ở cửa trực thăng, máu ra lênh láng. Với tính nhát gan đáng kinh ngạc viên phi công, thay vì đáp trên mái sứ quán, lại quay đi về phía Long Binh, tại đó khi họ tiến đến gần lúc 06:30 một phần kho quân nhu phát nổ – một thành tích khác của các đặc công cộng sản liều chết. Steve Howard, một nhân chứng, nói, ‘Như thể có ai đưa vũ khí hạt nhân vào Việt Nam.’ Lính dù nhảy xuống giữa cơn hoảng loạn: ‘Tết này rõ ràng đang có một hiệu quả lan truyền.’
Trong khi xạ thủ bị thương được mang đi lính dù chạy tới một trực thăng Huey khác, bay trở lại sứ quán, và đáp trên mái hơn 6 giờ sau khi người tấn công đầu tiên đã đột nhập sứ quán. Khi họ nhảy xuống, một lính bảo vệ TQLC và một liên lạc viên quân đội nắm lấy cơ hội leo lên và biến mất. Những lính dù mới đến chạy xuống tầng trệt, gặp một nhân viên sứ quán – ắt là Wendt – ‘với ánh mắt nói rằng chúng tôi là những người vĩ đại nhất trên mặt đất’. Các trực thăng tiếp theo chở thêm các lính dù đến. Hai VC bị thương bị bắt làm tù binh được trao cho chính quyền Miền Nam.
Đại tá George Jacobson là một sĩ quan hồi hưu chiếm một biệt thự trong phức hợp, và giữ chức vị phối hợp sứ mạng – cố vấn dân sự của đại sứ. Jacobson đã tổ chức một buổi tiệc pháo Tết trong vườn mình vào tối hôm trước, rồi trải qua những giờ tiếp theo nằm sát đất và bấu chặt một quả lựu đạn, vũ khí duy nhất của ông: sống bên trong phức hợp của sứ quán được củng cố, dường như là điều khôi hài để giấu một khẩu súng dưới gối. Ánh sáng đầu tiên mang đến cho vị đại tá một bi kịch không kém phim viễn tây Hollywood: ông nghe tiếng một VC – người biệt kích cuối cùng còn tự do – ở dưới tầng trệt, liền gọi nhỏ ra bên ngoài cửa sổ cho một TQLC mà ông chợt thấy, xin một khẩu súng. Người lính ném lên cho ông khẩu súng lục, và một khoảnh khắc sau đó, lúc 06:45, Jacobson nã hết băng đạn vào chiến binh địch khi y xông vào phòng ngủ bắn khẩu AK-47.
Lúc 09:15 sứ quán tuyên bố an toàn. Tom Speedy nói: ‘Xác các VC tử thương vẫn chưa lạnh hẳn khi đoàn nhà báo Mông Cổ ùa vào phức hợp … Vấn đề cấp bách nhất của tôi là nhà báo.’ Một lính dù bảo người mới đến là kẻ tấn công đã xâm nhập tòa nhà văn phòng. Tin tức giật gân này, dù sai, được phát đi khắp thế giới, khiến chuyện đã tồi tệ, càng tồi tệ hơn.
Tướng William Westmoreland đã được báo động ngay khi sứ quán bị tấn công lúc 03:00, nhưng không rời khu cư ngụ của ông cho đến khi được chở trực tiếp đến sứ quán ngay sau khi nó đã an ninh. Những gì ông nói sau đó gây tổn hại lâu dài cho tiếng tăm của ông. Trước tiên ông gây khó chịu cho binh sĩ của mình, quát tháo Speedy và người của anh râu ria không cạo, bảo họ về chỉnh đốn lại tác phong, ‘rồi ông quay đi quở trách các con người đáng thương khác … Có đủ những Westmoreland và loại người như ông khiến nhiều người trong chúng tôi đâm ra thù ghét một số người thuộc phe ta.’ Allan Wendt, nhân viên ngoại giao người đã chịu đựng đủ một đêm khủng khiếp, thậm chí còn kém ấn tượng hơn. Không có lời giải thích cho việc chậm trễ 6 giờ trước khi Ngài Hiệp sĩ đến, nói một cách bóng gió. Thay vào đó, sau khi nhìn khắp những đổ nát và các xác chết bên ngoài, vị tướng biểu lộ sự ghê tởm vẻ bừa bãi khó coi. ‘Tôi đề nghị các anh dọn sạch nơi này hoàn toàn,’ ông bảo với sĩ quan trực, ‘và bảo mọi người quay lại làm việc vào trưa nay.’
Westmoreland bảo với các nhà báo địch đã chịu một thảm bại lớn lao. Nói như một giáo sĩ bị sốc vì đĩa tiền lạc quyên đã bị cướp mất, ông nói: ‘Kẻ địch, rất tráo trở, đã lợi dụng hưu chiến Tết để gây sự bất ngờ tối đa.’ Sau đó ông cho rằng cuộc công kích của VC vào thủ đô là đòn nghi binh cho nỗ lực chính là ở tỉnh Quảng Trị. Peter Braestrup của tờ Washington Post hỏi một cách đầy khinh miệt, ‘Làm sao có nỗ lực nào tấn công vào … thủ đô Sài Gòn lại có thể là một đòn nghi binh?’