Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 15

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 15 : DỒN HẾT TÂM TRÍ

1 HỒI THÁI LAI, CƠN BĨ CỰC

Vào tháng giêng 1966 thứ trưởng ngoại giao Ba Lan đến Hà Nội mang một thông điệp về thiện chí đàm phán của Mỹ, nhưng bị Hà Nội miệt thị bác bỏ; vào tháng 6, một sứ giả Canada cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Một tháng sau Jean Sainteny, đại biểu Pháp trong đàm phán tháng 3 1946 với Hồ Chí Minh, đưa ra các đề xuất mới.  Ông thúc giục Miền Bắc biến thế thượng phong thành hiệp ước hoà bình,  cho rằng khát vọng duy nhất của người Mỹ là không muốn bẽ mặt. Thậm chí khi ông đang trao đổi với Phạm Văn Đồng,  chính Hồ bước vào phòng. Ông bảo vị khách đi về và báo lại với Washington rằng nhân dân ông hoàn toàn không sợ và sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng ‘cho dù chúng tôi phải hy sinh tất cả’. Người cộng sản đã cương quyết chống lại bất cứ giải pháp nào kéo đài sự tồn tại của chế độ Sài Gòn: họ chỉ muốn thắng lợi, và không có gì khác.

Cũng như cuộc không chiến chớp nhoáng của Luftwaffe Đức vào nước Anh năm 1940 đã khiến cho Winston Churchill động viên tinh thần của nhân dân Anh đương đầu với Đức, thì việc Mỹ dội bom chứng tỏ là một món quà trời ban cho các nhà lãnh đạo Miền Bắc,  khiến họ tăng thêm sức mạnh tập hợp nhân dân mình chống lại mối đe dọa thấy được từ các tầng trời,  hơn là chỉ cho mục tiêu chính trị duy nhất là thống nhất đất nước.  Các khẩu súng cũ được phân phát,  giúp cho dân làng có thể bắn vào máy bay kẻ thù,  dù đóng góp ít ỏi cho việc phòng không, nhưng rất nhiều cho tinh thần chiến đấu của lực lượng phòng không.

Nghệ sĩ Văn Ký nói, ‘Đối với nhân dân chúng tôi, việc đánh bom không phải là điều bất ngờ hoặc kỳ lạ  – chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý cho việc đó. Bác Hồ đã dặn dò chúng tôi ngay từ đầu, ‘Chiến tranh có thể kéo dài rất lâu, và thủ đô Hà Nội của chúng ta có thể bị hủy diệt,  nhưng chúng ta không sợ.”‘ Một thiếu niên nói rằng em được mẹ khuyến khích bỏ trường trung học mà gia nhập quân đội, trái với ngăn cấm bình thường của đấng sinh thành,  sau khi một quả bom đi lạc rơi xuống một sân trường làng, giết chết vài học sinh trong đó có hai em họ của em.

Một cán bộ trung kiên cho đến ngày cuối cùng của đời mình vẫn hoài niệm về những ngày tháng hồ hởi đó khi bà là đảng viên trẻ dưới bom đạn của đế quốc Mỹ: ‘Chúng tôi có một lý tưởng, một khát vọng, một điều gì đó để cống hiến.  Chúng tôi thi đua hăng hái hoàn thành nhiệm vụ, và tôi còn nhớ mình đôi khi bật khóc khi bạn bè làm tốt hơn mình. Không ai đợi gọi nghĩa vụ – họ chỉ hăng hái đăng ký phục vụ. Và lúc đó không có tham nhũng.’

Điều này chưa phải là toàn bộ sự thật.  Cho dù nhân dân Miền Bắc đúng là phơi bày tính khắc kỷ vượt bậc,  nhưng dường như vô lý khi làm ra vẻ họ ôm lấy một cách nồng nhiệt thử thách của máu lửa. Một cựu binh người sau này trở thành một giáo sư văn chương  nói vào năm 2016: ‘Nhiều năm liền người Việt đã được kể về chiến tranh như là điều gì đó rất lãng mạn. Một số chúng tôi mệt mỏi về cách tiếp cận này.’ Một giáo viên trung học đồng ý: ‘Đó là một thời gian khủng khiếp. Không có gì gọi là sung sướng  – chúng tôi tuyệt đối có rất ít về mọi thứ.  Các nam thanh niên biết mọi người đều phải gia nhập quân đội, nhưng không ai muốn đi. Tôi nhớ một học trò của mình, bị gọi đi trước khi hoàn tất trung học, trở lại trường trước khi đi vào Nam,  và xin phép được ngồi thêm một lần nữa tại bàn học cũ của mình.

Pham Hưng, sống tại một thị trấn duyên hải phía đông,  có một người bạn tên Hưởng, đẹp trai và đá bóng hay. Hưởng sống rất âm thầm vì cha và phần đông gia đình đều trốn vào Miền Nam năm 1954. Nhiều năm sau khi Hưởng đến tuổi nghĩa vụ,  anh bị bác không cho nhập ngũ vì cha mẹ trước đây có liên hệ với người Pháp. Cuối cùng chính quyền rất ấn tượng trước nhiệt tình cho chính nghĩa cách mạng của anh nên họ gửi anh xuống Đường Mòn. Thật ra nhiệt tình chiến đấu của anh là giả đò: anh chỉ muốn tìm cách đoàn tụ với cha mình. Anh bị bỏ tù sau một vụ đào ngũ bất thành. ‘Câu chuyện của anh là bi kịch đời thực,’ Hưng nói. Một loạt các sự kiện tương tự mở ra khi quân đội đến tận làng mạc xa xăm để bắt thanh niên đi nghĩa vụ cho đúng chỉ tiêu: một gia đình bảo con trai cả của mình trốn vào rừng. Các viên chức cảnh cáo rằng trong ba ngày nếu chàng thanh niên không ra trình diện,  cha mẹ.anh phải bị thu hồi sổ lương thực.

Thế là anh phải vào quân ngũ,  nhưng đào ngũ ngay cơ hội đầu tiên vào Nam, với sự cổ vũ của gia đình. Khi còn nhỏ, Hưng thường thắc mắc tại sao cha mình quá lo lắng đến mức ám ảnh cho việc học hành của hai cậu con trai: ông đánh roi và thúc ép họ phải kiếm cho được một chỗ trên đại học. Một hôm Hưng trốn học để tham gia đi tìm xác máy bay Mỹ rơi, vì đó mà anh bị một trận đòn nhớ đời. Chỉ sau này anh mới vỡ lẽ nguyên nhân: sinh viên đại học,  như ở Miền Nam và Mỹ, đều khỏi đi nghĩa vụ.  Cha Hưng cố bắt con vào đại học để khỏi phải ra trận. Mỗi người Việt Nam đều nhớ mãi lần đầu tiên mình gặp phi cơ Mỹ: Hưng, khi là đứa bé 10 tuổi,  quá hoảng sợ khi nhìn thấy một cây cầu gần đó nổ tung đến nỗi em phải chạy đi giấu ba lô đi học và sách vở thân thương sợ rằng chúng sẽ bị phá hủy.  Sau đó, em tự cười với mình vì quan tâm đến vật sở hữu trẻ thơ hơn là để ý đến mạng sống của mình. Tuy nhiên,  em không còn cười nhiều nữa một ít năm sau đó khi vợ và con gái một vị đại tá quân đội, tản cư khỏi Hà Nội,  đến cư ngụ tại ngôi nhà nhỏ của cha mẹ em. Em đâm ra yêu cô con gái, cũng vào tuổi thiếu niên như mình. Một hôm khi mẹ em đang trên đường từ một thị trấn gần đó về nhà thì bà bị một quả bom đánh phá cầu giết chết.

Gia đình Hưng sống trong một cộng đồng Phật giáo nhỏ, không xa một cộng đồng Thiên chúa giáo. Các đứa trẻ của hai thị trấn hay đánh nhau kiểu trẻ con vì lý do tôn giáo, chúng ném các quả lựu đạn bằng đất sét vào nhau,  bắn những khẩu súng bằng cành cây, đào hố hầm. Người lớn đôi khi rất bực mình nhưng đây là thói quen của mọi đứa trẻ trong một đất nước có chiến tranh. 

Các tranh biếm họa lớn treo dọc các con đường làng, vẽ  Lyndon Johnson rồi sau đó  Richard Nixon là những quái vật,  thè lưỡi dài ngoằn làm đường bay cho các oanh tạc cơ. Tại trường mỗi buổi sáng,  các học sinh tập thể dục tập thể trong khi hô các khẩu hiệu quen thuộc. Phần đông dân Miền Bắc chỉ biết được tin tức qua mạng lưới loa phóng thanh nhà nước đặt ở ngoài đường. 

 

Tuyên truyền xác nhận rằng nhân dân Miền Nam đang sống đói khổ,  bị bọn Mỹ bóc lột như các nô lệ. Thậm chí ở nông thôn, dân chúng bỏ nhiều thời gian trong hầm trú ẩn – và học cách phải nán lại vài phút sau khi tiếng còi hụ báo an toàn, để cho phép những đạn pháo cuối cùng đã nổ và các mảnh vụn từ trên trời rơi xuống hết. Chó thường được đặt tên là Johnson,  và sau đó người kế vị ông.  ‘Tên Nixon được dùng để hù dọa bọn trẻ con, như thể ông là một quái vật trong cổ tích. ‘

Vì phần nhiều các vụ tập kích xảy ra vào ban ngày, người Việt thích ứng với cuộc sống,  làm việc, đi chợ vào ban đêm. Tàu hỏa có thể đến Hà Nội từ biên giới Trung Hoa vào ban đêm.  Tài xế xe tải học cách làm quen với việc lái xe trên những đoạn đường mà không cần bật đèn pha ôtô. 

Các kỹ sư thể hiện năng lực và kỹ năng vô hạn trong việc  sửa chữa cầu và đường tàu bị đánh phá hư hại. 600,000 lao động,  hầu hết là phụ nữ, cuối cùng được sử dụng để tu bổ các thiệt hại do oanh kích: sau khi các phi công tấn công kho bãi tàu hỏa Kép trên tuyến đường Trung Quốc huyết mạch,  nó hoạt động trở lại trong vòng 24 tiếng. Thêm 145,000 người phục vụ các phương tiện phòng không. Khi hầu hết đàn ông đều ra trận, phụ nữ gánh chịu phần lao lớn lao dịch nặng nhọc. Ký ức đầu đời của một thằng bé nông dân là nghe thấy mẹ thức dậy từ 3 giờ sáng trong mùa trồng lúa và thu hoạch , để hoàn thành công việc căng thẳng nhất trước khi mặt trời đứng bóng. Có những ngày người phụ nữ bất hạnh kiệt sức đến nỗi bà chìm vào giấc ngủ ngay giữa ruộng lúa. 

Quen thuộc với oanh kích không nuôi dưỡng sự khinh thị,  mà chỉ làm giảm đi nỗi sợ. Nhiều người thành phố lợi dụng thời gian nghỉ dội bom mà chính quyền Mỹ nhượng bộ trong các ngày lễ quốc gia,  nhanh chóng đổ về miền quê. Một nhà ngoại giao Nga mô tả không khí mọi người vội vã trở về nhà trong các giờ phút cuối cùng trước khi thời hạn ngưng đánh phá kết thúc: ‘Từng hàng vô tận xe tải và xe nhiên liệu nêm kín các con đường chật hẹp, bị tàn phá, trên đó các hố bom đã được vội vàng vá víu. Đến nửa đêm, tình hình sát Hà Nội trở nên căng thẳng,  với từng hàng xe cộ nối đuôi,  kẹt cứng. Tôi phải ra khỏi xe để đánh thức một tài xế Việt rất trẻ đã ngủ quên tại vô lăng.’

Vì khẩu phần lương thực thiếu thốn, dân chúng lúc nào cũng tranh thủ kiếm thêm thức ăn bổ sung. Ở vùng quê thức ăn này bao gồm thịt chuột cà ri, thịt chuột nướng lá chanh, châu chấu, dế, bọ hung, ếch nhái,  nhộng … Không thú cưng nào được an toàn. Khi bé trai 11 tuổi được cho biết cả nhà sẽ rời đi, em ôm con chó cưng thân yéu mà em phải bỏ lại. ‘Một số người lạ bắt nó đi vào sáng sớm và tôi biết thế nào họ cũng làm thịt nó.’ Thịt chó được cho là ngon nhất nếu người ta đánh vào nó và làm thịt mềm trước khí con vật bị giết thịt.

.

Đổ thị Thu và bạn học tại Đại học Hà Nội cũng đói ăn như các bộ đội dọc Đường Mòn HCM.  ‘Các bạn trai chịu đựng nhiều nhất,’ cô nói. Thịt và rau củ không nhiều; khoai và sắn đôi khi độn với gạo.  Thậm chí nước tắm giặt cũng thiếu thốn.  Buổi chiều tối thay vì vui chơi hoặc xem hát thì lại phải hội họp Đoàn Thanh Niên để thảo luận làm cách nào trở thành một đoàn viên tiên tiến. Thời đó không có hút thuốc, không rượu chè và gần như không hề quan hệ tình dục. ‘Chúng tôi là những chàng trai tốt. Dân chúng không phàn nàn nhiều  – chúng tôi chỉ chấp nhận hoàn cảnh thực tế.’

Là một thiếu niên Hà Nội, Phạm Phương không hận thù gì người Mỹ. Rồi chiến dịch không kích bắt đầu.  Với cơn lũ bom đạn là nỗi kinh hoàng: vụ nổ đầu tiên khiến cô chạy núp dưới một gốc cây. Sau đó,  các biện pháp đối kháng làm thay đổi cuộc sống được chấp nhận. Phương và gia đình cô là trong số hàng trăm ngàn người phải di tản khỏi thành phố về vùng quê,  nơi dân quê đón tiếp họ, nhưng lương thực luôn thiếu thốn. Gia đình tản cư bị sống chia tách, mỗi người cư trú tại những hộ khác nhau,  thành ra đám trẻ ngơ ngác chạy tới lui, khóc lóc, đi tìm mẹ mình. Nhà tranh chỉ đốt đèn dầu, lũ trẻ quây quần dưới ánh sáng vàng vọt học hành. 

.

Phương, một nữ học sinh trẻ đẹp và rồi một nhân viên thủ thư, trải nghiệm những nỗi gian khổ vượt quá tưởng tượng của phần đông người Tây phương . Cô đi bộ mỗi ngày đến trường tiểu học 2 dặm, và sau đó đến trường trung học 5 dặm mỗi ngày  – tất nhiên,  trên đôi chân trần. Là một thiếu niên,  thay vì lãng mạn trong mơ tưởng trai-gái, cô thêu dệt những ước mơ bí mật về quần là áo lụa  – và trên hết về thức ăn ngon hơn và nhiều hơn. Cha cô ngăn cấm cô xem chiếu bóng ngoài trời các phim Trung Quốc hoặc Nga,  hầu hết có đề tài chiến tranh: vé xem phim đắt kinh khủng. Cô thỉnh thoảng vào quán giải khát sau giờ học , đến thăm bác để nghe các chương trình phát thanh trên chiếc đài nhỏ xuất xứ Trung Quốc; cô chỉ được tận mắt nhìn thấy tivi sau khi chiến tranh kết thúc. Vậy mà Phương là con gái của một gia đình tương đối có đặc quyền,  tự hào về truyền thống hàn lâm của mình  – cha cô đọc thông thạo tiếng Anh,  Pháp và Nga. Kỹ năng giao tiếp chuyên môn khiến ông lúc nào cũng có việc làm, nhưng khi đến lúc cô nộp đơn vào đại học thì bị bác vì có lý lịch ‘không rõ ràng,  vì là con của một ‘trí thức’. 

Một vết nhơ duy nhất trên lý lịch một người có thể hủy hoại một sự nghiệp. Khi Nguyễn Đình Kiên nhận giấy gọi nghĩa vụ, cha mẹ anh xoay sở cho anh được tạm hoãn vì anh là đứa con trai duy nhất còn sống,  sau khi anh trai của anh bị tử trận ở mặt trận Lào. Hồ sơ lý lịch của anh có ghi chép sự kiện cha anh từng là bảo vệ an ninh cho người Pháp, và xác nhận rằng ‘anh làm chưa đủ tốt trong cuộc đấu tranh ý thức hệ của bản thân’. Kiên viết sau đó: ‘Những lời cay đắng, phũ phàng này gây ra không biết bao nhiêu vấn đề không sao nói được trong suốt cuộc đời tôi.’ Việc anh xin vào Đảng bị bác bỏ.  Cho dù có thành tích học tập tốt anh bị ngăn trở cơ hội anh ao ước nhất – đi du học nước ngoài.  Khi anh tình nguyện vào lớp huấn luyện phi công,  cho dù anh qua được các bài kiểm tra  anh vẫn bị từ chối vì ‘không đáng tin cậy’. Nhiều năm liền anh bị từ chối vào phục vụ trong quân ngũ. 

Sau khi các chàng trai trẻ vận lên bộ quân phục, mọi người thân yêu đều có chung cảm nghĩ là họ đã bị một con rồng nuốt chửng, nói một cách bóng gió. Gia đình chịu đựng khủng khiếp,  nghe ngóng tin tức về số phận của chồng  và con cái từ mặt trận: suốt năm tháng sau khi bộ đội Nguyễn Hiến Định tử trận vào năm 1965, người thân của anh không hay biết gì. Mẹ Hiến chạy ra ngoài ngõ để đón ông phát thư mỗi khi ông đến ngôi làng heo hút của họ – và chỉ nhận một cái lắc đầu. 

Họ biết tin lần đầu về thảm kịch là nhân một dịp họp mặt mừng Xuân của  trung đoàn, thư được gửi cho người thân trực tiếp của những người đã hy sinh, nhưng tên Hiến bị viết sai. Họ chỉ nhận được thông báo chính thức về cái chết của anh chỉ sau ba tuần sau đó.

Lê Duẩn và các đồng chí mình đạt được thành tựu phi thường trong việc động viên Miền Bắc và duy trì ý chí chiến đấu của nhân dân mình. Nhưng công lý, sự mãn nguyện, hạnh phúc cá nhân không có chỗ trong lịch trình của họ, dù có hay không có vụ dội bom của người Mỹ.

2 Những Người Bạn

Ngay từ khi bắt đầu Sấm Rền,  sứ quán Mỹ ở Moscow có ý kiến rằng sự can thiệp trực tiếp của Nga vẫn không là điều chắc chắn chừng nào mà sự tồn tại của Miền Bắc như một nhà nước xã hội chủ nghĩa chưa bị đe dọa. Trong khi điều này chứng tỏ  là xác thực,  việc dội bom thúc giục cả người Xô viết lẫn người Trung Quốc tăng cường viện trợ trên một quy mô chưa từng thấy. Dàn Sam-2 được thiết lập tại đông-nam Hà Nội vào tháng 4 1965. Một dàn điển hình gồm từ 4 đến 6 bệ phóng triển khai ở khoảng cách khoảng 50 mét quanh một ra đa và van liên lạc.  Mỗi tên lửa dài 35 bộ (10. 6 mét) giống một cột điện thoại đang bay với cánh nhỏ bầu bĩnh  – một tên lửa hai tầng bay  cao vút đến kích trần gần 60,000 bộ (hơn 18 km), để lại phía sau một vệt khói trắng do dầu hôi và nhiên liệu axit nitric. Một bộ khuếch đại đốt cháy trong 5 giây sau khi phóng, rồi một bộ phận duy trì đảm nhiệm lực đẩy trong 20 giây tiếp theo.  Tên lửa thường được bắn cặp hay từng nhóm bốn chiếc,  và một đầu đạn 350 cân thuốc nổ gần như lúc nào cũng gây ra chết người ở khoảng cách trong vòng 100 mét đối với phi cơ. Vào năm 1965 một máy bay rơi cho mỗi 17 tên lửa SAM được phóng đi, nhưng khi các biện pháp đối phó điện tử được tăng cường,  tỷ lệ này giảm có lợi cho phía Mỹ chỉ còn 35 so với một. Đến năm 1972 trung bình 60 tên lửa mới hạ thủ được một phi cơ. 

.

Một vài kỹ thuật viên và phi hành đoàn Nga phục vụ tại Miền Bắc như hướng dẫn viên và cố vấn,  và hầu hết đều hưởng thụ trải nghiệm. Đại tá Yury Kislitsyn, sinh tại  Kazakhstan năm 1934, là một chỉ huy nhiều kinh nghiệm về SAM-2 khi công tác ở phương đông: ‘Tôi rất hăng hái  – nó pha chút lãng mạn,  bạn biết đấy.’ Petr Zalipsky từ Vintnitsa, một hạ sĩ 21 tuổi,  là người trẻ nhất trong số 100 người lên chuyến tàu hỏa đường như vô tận ngang qua Nga và Trung Quốc. Mỗi người Nga mới đến đều được phát một chứng minh thư bằng tiếng Việt ghi rõ đương sự là một công dân Xô viết,  ‘đến hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống người Mỹ gây hấn, cần được hết sức giúp đỡ’.

Trung uý Valery Miroshnichenko 21 tuổi khi anh đến Việt Nam,  một chuyến bay 24 giờ ngừng năm trạm tiếp nhiên liệu. Các cấp trên của anh làm rõ là công tác này là một đặc quyền: để che giấu vị thế quân sự của mình anh và các đồng đội mặc quần áo dân sự, được chọn lựa từ một kho y phục lớn ở Moscow những bộ vét cắt theo mốt Đông Đức, ‘rất điệu đà vào thời đó’.

Họ bước vào một khách sạn Miền Bắc đăng ký với chức danh ‘kỹ sư tham quan ‘. Chúng tôi nhìn quanh quất,  cười nói, trao đổi nhận xét về những điều đáng yêu  và thú vị ở khắp nơi,  rồi thình lình Bang!Bang! Đó là tiếng nói và hoả lực đại pháo  – hai chiếc Phantom đánh phá kho dầu dự trữ.  Họ qua lại ba lượt,  súng phòng không bắn lên ác liệt.  Chúng tôi nhào xuống đất, quần áo mới tinh lấm lem bùn đất. Khi cuộc oanh kích đã qua, chúng tôi bước lên xe buýt, và không ai cười đùa nữa. ‘ Chuyến đi đến dàn tên lửa phải qua một con phà, và qua 45 phút ngồi trên phà họ nơm nớp lo máy bay Mỹ sẽ quay lại, tấn công họ khi ở giữa dòng sông.

Năm 1966 Trung uý Valery Panov trở thành sĩ quan cao cấp tại một bộ phận liên lạc Hải Phòng, có nhiệm vụ truyền các cảnh báo phi cơ cất cánh từ các tàu sân bay Mỹ mà các tàu đánh cá Nga gửi về. Phân đội Nga mặc quân phục Việt không có dấu hiệu phân biệt,  sống khép kín và thiếu tiện nghi trong doanh trại đổ nát của Pháp. Họ bị nổi sảy kinh niên vì khí hậu nóng bức, và thiếu thốn nước nôi, khiến họ phải tắm rửa phần nhiều trên biển. Trong quá trình cuộc chiến chỉ có 18 người Nga chết vì máy bay Mỹ, nhưng Panov có lần ở gần một quả bom nổ phải mất hai ngày bị chấn động vì một khối gạch vỡ bắn trúng mũ sắt của mình.  ‘Đó là một thời khắc đặc biệt, ‘ ông nói một cách trầm ngâm,  ‘khi bạn chỉ có thể trông cậy vào chính mình và người kế bên.’

Một sĩ quan của Thiếu tá Viktor Malevanyi nằm trú ẩn dưới một hố bom mới tinh, tin rằng cùng một hố bom không thể bị pháo hai lần . Hóa ra ông sai lầm, và bị thổi tan xác.

Phần đông người Việt trong trung đoàn 1,000 người được đơn vị Petr Zalipsky huấn luyện nói được một chút tiếng Nga, và một số kỹ thuật viên từng đi học ở Nga. Từ tháng 7 1965 dàn SAM của ông phóng tên lửa it nhất hai ngày một lần, thỉnh thoảng thường hơn: ‘ Lúc nào cũng sống trong căng thẳng.’ Do nhu cầu khẩn cấp,  thời gian huấn luyện rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, ba người Nga chia sẻ với người Việt lòng căm thù sâu đậm đối với người Mỹ. Tiểu đoàn trưởng Thiếu tá Ilinykh, một con người tình cảm,  được nhiều người yêu mến, cổ vũ ba kiểm soát viên của mình trước khi họ phóng lần đầu tiên: ‘Các bạn thân mến,  làm ơn đánh trúng bọn chó đó và tiêu diệt chúng, chứng tỏ chúng ta là người Xô viết ái quốc!’ Dân chúng địa phương,  vốn xem sĩ quan nước ngoài như những người giải cứu họ, đón chào mỗi khi thấy xe ‘dê’ KAZ-59 của ông xuất hiện với tiếng reo hò  ‘Ilinykh! Ilinykh!’

Khi người Nga đổi địa điểm,  dân làng tặng họ nào thơm nào chuối, và giúp họ đào công sự – một công việc nặng nhọc vì đất nhiều sỏi đá. Truyện kể rằng các phi công Mỹ bị bắn rơi sẽ được an toàn nếu rơi vào tay bộ đội,  nhưng chắc chắn bị phân thây nếu dân chúng và dân quân bắt được trước tiên, như thường là cảnh ngộ của phi hành đoàn đồng minh trong nước Đức thời chiến. Valery Panov xác nhận với vẻ khoan khoái: ‘Nông dân sẽ giết hại họ bằng xẻng và chôn họ dưới hố bom gần nhất.’

 Valery Miroshnichenko nói, ‘Tất cả chúng tôi đều giận sôi lên muốn bắn bọn Mỹ, để cho chúng biết ai là chủ nhân đất này.’ Viktor Malevanyi, người đã sống qua Thế Chiến II lúc còn là một thằng bé ở Ukraine bị chiếm đóng, nói: ‘Người Việt căm ghét người Mỹ còn cay đắng hơn cả chúng tôi căm ghét người Đức.’

Một kiểm soát viên ra đa nhìn chăm chăm vào đội hình Mỹ đang tiến đến gần và suy tính một điểm nhắm thích hợp  cho SAM-2 của mình. Do người Mỹ làm nghẽn tín hiệu,  Petr Zalipsky nói,  ‘tất cả gì chúng tôi nhìn thấy là một vệt nằm ngang,  trong khi vệt thẳng đứng nhấp nháy ánh sáng. Phi cơ dẫn đầu đang ném các mảnh kim loại nhiễu xạ chùm tia của chúng tôi.  Chúng tôi phải cố hình dung ra phi cơ nào làm nhiễu xạ. Có hai nhóm gồm 15 phi cơ  – F-4D và F-105. Bản năng tôi mách bảo phải bắn ngay trung tâm đội hình. Tôi cho Thiếu tá Ilinykh toạ độ.  Ông nói, ‘Được rồi, cứ thử xem sao. Có thể chúng ta sẽ bắn trúng cái gì đó ngay giữa khối ánh sáng đó.”‘ Họ khai hỏa,  và như thường lệ tuyên bố đánh trúng, mặc dù thông thường điều này không chắc đúng như việc  MACV đếm xác địch. 

Mười trung đoàn tên lửa Việt Nam  chấp nhận khẩu hiệu ‘Di chuyển hay là chết,’ bởi vì kinh nghiệm phũ phàng cho thấy rằng ở yên một địa điểm trên 24 giờ là mời mọc phi cơ Mỹ đến phá hủy. Họ có thể tháo dàn phóng trong vòng một giờ, chuyển đến địa điểm mới thường cách chỗ cũ 5 dặm.  Họ tập kích hoạt dò tìm ra đa chỉ từ 5 đến 7 giây trước khí bắn đi. ‘Hai điểm sáng hiện ra rất sát nhau trên màn hình,’ theo lời của Nguyễn Kiên Định,  người vã cả mồ hôi trong cái nóng oi bức của toa điều khiển.  ‘Ba vận hành viên đọc tốc độ phi cơ,  la lên đồng thời “Mục tiêu!” … Rồi tiểu đoàn trưởng ra lệnh,  ‘Phóng hai tên lửa,  tầm …”‘ Một luồng ánh sáng lóe lên, một đám mây trắng , và một tiếng nổ như Sấm. Vệt sáng của tên lửa có thể được nhìn thấy bay về phía phi cơ địch, và toa điều khiển hơi run lẻn. Sáu giây sau một SAM-2 thứ hai bay vọt lên trời, và sau đó cả đội chỉ còn nghe tiếng nói của sĩ quan vận hành đang đọc tầm truyền đạt.  Khi hai tín hiệu gặp nhau trên màn hình một đốm sáng bừng nở bao phủ tín hiệu trả về của mục tiêu. Cả ba vận hành viên đồng la lên ‘Đầu đạn nổ rồi!’

Nhưng thành công thường hiếm gặp: tiểu đoàn tên lửa của Kiên hoạt động hai năm nay trước khi đạt được kỹ năng thành thạo.  Lợi thế trong chiến tranh điện tử hết  nghiêng bên này lại sang bên kia trong suốt quá trình chiến dịch Sấm Rền. Khó mà nói quá tác động mà tên lửa Shrike tự điều khiển gây ra cho lòng quả cảm và tinh thần của đội phòng thủ tên lửa. Khi quân Miền Bắc nhận ra rằng kích hoạt ra đa dò tìm của họ sẽ mời gọi tên lửa đến xoá sổ, đôi khi chỉ trong vài giây, một số rõ ràng trở nên miễn cưỡng khai hỏa. Họ viện cớ là không thể nhận diện mục tiêu,  khiến các chỉ huy nổi sùng. Một ngày gần Hải Phòng  vào năm 1966, đối diện với cái cớ để xao nhãng này, một sĩ quan cao cấp đến thăm đột xuất một toa điều khiển của dàn phóng nổi giận phừng phừng: ‘Thậm chí cặp mắt lão của tôi còn có thể nhìn thấy mục tiêu trên màn hình của các anh! Đi phóng tên lửa đi, mẹ kiếp! Chúng nó đang tấn công nhà máy điện Uông Bí kìa!’ Vào tháng 12 1967 phe phòng thủ đối mặt với một khủng hoảng: người Mỹ bắt đầu làm nghẽn thành công kết nối sóng của kênh điều khiển giữa toa điều khiển tên lửa và dàn phóng SAM kết hợp với chúng.  Tuy nhiên, cán cân nghiêng trở lại khi một tù binh bị thẩm vấn khai hết chi tiết về loại bom Walleye mới điều khiển bằng tivi này, cùng với các mục tiêu được ấn định trước.  Hai tháng sau, vào ngày lễ Tình Nhân 1968, một phi cơ F-105 gần như còn nguyên vẹn lọt vào tay cộng sản, phơi bày trần trụi mọi bí mật của bộ phận làm tắc nghẽn sóng.

Người Nga không thể chịu nỗi cái nóng bức mùa hè ở Việt Nam, thậm chí họ mặc quần đùi và cứ vài giờ là phải xối nước cho mát. Đường phải chảy ra. Thuốc lá được phân phát theo khẩu phần.  Họ ít khi nhận thư, và các đài của họ không bắt được trạm ở quê nhà.  Báo chí xuất hiện từng bó, trễ hàng tuần.  Binh lính gần sát ngày mãn hạn nhận được các gói bưu phẩm – chứa có lẽ trứng cá, salami, bánh mì đen, vodka và xâm banh Nga  – là một sự kiện lớn. Sĩ quan cũng nhận được rượu mạnh.

Người Nga đến từ một xã hội không giàu có gì, vậy mà họ vẫn sốc trước cảnh nghèo khó chân lấm tay bùn của Miền Bắc, và tính cần cù,  lam lũ của giới phụ nữ.  Người Nga cũng bị mê hoặc nhự Người Mỹ trước vẻ đẹp của họ, nhưng quy tắc bất tương thân được cưỡng chế chặt chẽ.  Các cô gái làng bên tạt qua trò chuyện với đơn vị của Petr Zalipsky ‘và có thể ôm thắm thiết một chút, nhưng nếu bạn đặt bằng tay không đúng chỗ, hoặc ra sức ép cô vào một góc vắng,  cô ta sẽ đấm bạn  – nhẹ nhàng thôi, nhưng như thế là quá đủ. Họ rất khỏe.’ Bạn của Zalipsky Ivan yêu một cô gái lai Pháp rạng ngời làm việc trong một căng tin, và họ xin phép cưới. Thế là cô gái biến mất, còn Ivan lập tức được cho về nước. 

Khi Valery Miroshnichenko nhìn thấy các phụ nữ đang khuân vác đá dưới sự canh gác của bảo vệ,  anh hỏi họ là ai, người thông dịch của anh lạnh nhạt cho biết,  ‘Họ là tội phạm bị trừng phạt vì giao du với người nước ngoài.’

Phần đông người Nga đều thấy mình được chào đón. Một người Nga làm bọn trẻ làng thích thú với trò tráo bài. Trong một xã hội không có máy ảnh cá nhân, người nước ngoài tranh thủ được cảm tình dễ dàng bằng cách chụp ảnh gia đình và phân phát các tấm hình. Nhưng chính quyền giám sát mọi động tỉnh của các vị khách, thậm chí khi họ đi vệ sinh,  và rõ ràng miễn cưỡng mới cho các đồng minh này học ngôn ngữ của họ.

Người Nga ghét muổi, ‘to như B-52’ theo cách nói ngộ nghĩnh của một người lính. Họ mê những biến hoá trong thực đơn. Chủ nhân của họ khoản đãi họ các khẩu phần phong phú hơn nhiều so với khẩu phần dân chúng nhận được, cùng với số lượng bia thừa thãi,  nhưng thịt thì luôn thiếu. Đơn vị của Petr Zalipsky dùng châu chấu làm mồi câu được các con ếch tổ chảng – ‘ngon, có thịt trắng ngọt như thịt gà … đến bây giờ tôi còn thích thịt ếch hơn hải sản.’ Nhiều người tập thưởng thức thịt rắn, theo họ ngon hơn thịt heo bản địa, lông cứng còn bám vào da. Kiến thì lúc nào cũng xâm lăng các chén bát,  và sữa ít khi có sẵn. Valery Panov cảm thấy may mắn khi ở Hải Phòng, anh còn được câu cá ngoài biển, thỉnh thoảng dùng lưới cá bắt vịt trời. Yury Kislitsyn nói: ‘Đây là đất nước  rất nghèo đói: chúng tôi có một câu nói ví là người Việt ăn bất cứ thứ gì bò được trừ xe tăng, bất cứ thứ gì lội được trừ tàu sân bay,  mọi thứ bay được trừ B-52.’ Một hôm anh nựng nịu chú chó cưng của mình, Kao-Kee – và ngày hôm sau ăn thịt nó, với vẻ khoái trá thông cảm được.

Thiếu tá Petr Isaev dẫn đầu nhóm cố vấn hàng không Xô viết vào những năm cuối thập niên 1960, khi lực lượng phòng thủ của Miền Bắc được MiG-21 làm mũi nhọn tấn công. Isaev bất mãn vì kiểu cách mà ý thức hệ xâm lấn vào việc huấn luyện: một uỷ ban ra chỉ thị người Việt phải hoàn thành một sứ mạng đề ra, mặc dù phân nửa không hội đủ điều kiện bay.  Khi ông muốn thay đổi cách thi hành như thế và đưa vào lối phân tích sau tác động, ông liền bị chính ủy trung đoàn phê phán nghiêm khắc, qua một người thông dịch, ‘Đồng chí, đồng chí đã đến đây giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh chống bọn Mỹ gây hấn. Còn vấn đề khác tuyệt đối không phải chuyện của đồng chí.’

Khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô trở nên gay gắt hơn, Nga tạm ngưng chở hàng tiếp tế theo đường sắt qua lãnh thổ của Mao.

Một cuộc cạnh tranh dữ dội nổi lên giữa các kỹ thuật viên và nhà ngoại giao Trung Quốc và Nga,  để giành giật công nghệ từ phi cơ Mỹ bị bắn rơi, mà người Việt thường nói dối với cả hai về địa điểm các mảnh vỡ. Nhà ngoại giao Xô viết Anatoly Zaitsev nhớ một bài hát mà một đồng nghiệp của ông sáng tác, nói về các cuộc chạy đua nhốn nháo qua rừng rậm và ruộng lúa để tìm đến pháo bom chưa nổ hoặc xác phi cơ rơi trước khi người Trung Quốc đến phỏng tay trên:

Hãy đến với tôi như đã hẹn trước

Lúc 6 giờ chiều sau chiến tranh

Tôi sẽ đợi bạn ở Quảng trường Arbat

Cặp dưới cánh tay tôi là một mảnh F-105

Dân làng chiếm đoạt nhôm, một kim loại quý cho các sản phẩm trong nước.  ‘Vào buổi sáng sau một vụ rơi máy bay,’ một người Nga chuyên việc thu gom xác máy bay ngạc nhiên nói,  ‘không còn lại gì từ đống đổ nát. Dân chúng đã lấy nhôm để làm lược và nhẫn.’ Sứ quán Xô viết ở Hà Nội báo cáo chua chát về Moscow vào năm 1967: ‘Các chuyên gia quân sự của chúng ta làm việc trong một không khí cực kì khó khăn  … thường bị các đồng chí Việt Nam làm tệ hơn một cách không cần thiết… đưa ra các cớ khác nhau để che giấu địa điểm rớt máy bay và trì hoãn chuyến đi. Trong nhiều trường hợp phi cơ bị bắn rơi đã được xem xét trước khi các chuyên gia Xô viết đến bởi không ai khác hơn là người Trung Quốc  . . . và lấy đi.mọi chi tiết có giá trị.’

Vào tháng 7 1966 người Nga giận dữ gửi thư cho chính quyền Miền Bắc, ám chỉ rằng tình trạng đình hoãn bốc dỡ hàng hoá ở cảng Hải Phòng Phòng phản ánh mong muốn neo tàu Xô viết ở Hải Phòng, để cản trở Mỹ tấn công. Sứ quán Xô viết báo cáo với Moscow rằng người Việt không tỏ lòng biết ơn những sản phẩm công nghệ mà họ tiếp tế, nhiều hàng hoá chỉ đơn giản giữ lại trong kho. Người nhận cũng than phiền về chất lượng kém cỏi của vật liệu  Nga. Trong tháng 3 1968 họ đưa ra một sắc luật ‘trừng phạt các hoạt động phản cách mạng ‘, trong đó bao gồm lệnh cấm việc đi lại của các nhà ngoại giao Xô viết,  và cấm tất cả các trao đổi không được cho phép với dân chúng địa phương.  Một thành viên đoàn ngoại giao Nga đã bị trục xuất vì liên lạc với phe của Giáp đang yếu thế. Bộ Chính trị Hà Nội nói vói sứ quán một cách tức giận,  xem Liên bang Xô viết chỉ là ‘sân sau’ cung cấp trang bị cho nỗ lực chiến tranh của mình, và coi thường nỗi lo lắng của Nga nhằm tìm kiếm hoà bình với Mỹ. Một tướng lĩnh Miền Bắc bảo với tùy viên Xô viết,  ‘Nếu chúng tôi bị đánh bại, chúng tôi sẽ không có chọn lựa nào khác trừ ra đồng ý đàm phán.  Nhưng thực tế là chúng tôi đang tiếp tục giành thắng lợi có tính quyết định.  Thế thì thương thảo có nghĩa lý gì với chúng tôi? Mất tất cả,  trên hết là tình hữu nghị với Trung Quốc, vốn cũng hoàn toàn chống đối với việc đàm phán.’

Tuy nhiên,  tại những địa điểm dàn SAM,  có mối quan hệ công tác dễ chịu giữa cố vấn Nga và các học trò Việt Nam của mình. Trung uý Valery Miroshnichenko nói: ‘Bạn bảo họ học tập điều gì đó  và họ làm thế, cho dù họ không thấu hiểu điều mình đã học. Việc họ luôn sống trong nỗi sợ hãi, không đáng ngại như việc họ bị khép vào kỷ luật, yêu cầu phải chu toàn, phải phấn đấu cho thắng lợi.  Họ đang xây dựng một xã hội cộng sản.’ Ông và đồng đội của mình phục sát đất với khẩu phần èo uột – chỉ một vài thìa gạo tầm thường – mà người Việt thành tựu được nhiều kỳ tích biết bao . . . Họ lấy sức mạnh từ đâu? Họ như lũ kiến, chỉ biết toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.’ Các chỉ huy Miền Bắc bất đắc dĩ cho phép tăng thêm một ít khẩu phần cho các chiến sĩ tên lửa,  trong hy vọng cải thiện được kỹ năng quan sát của họ.

Vào tháng 6 1965, để đáp ứng một yêu cầu của Lê Duẩn,  Trung Quốc cử một lực lượng các kỹ sư và hậu cần quân sự.  Hơn 170,000 binh sĩ – hầu hết là lính lục quân hoặc kỹ sư – đi tiếp theo vào năm sau , và giữa những năm 1965 và 1968 tổng cộng có đến 310,011 người Trung Quốc phục vụ ở đây, cùng với 346 cố vấn. 

Đại tá Guilin Long 57 tuổi là một chuyên viên đường sắt đã từng phục vụ qua hai thời kỳ nội chiến và chiến tranh Triều Tiên.  Ông được triệu tập đến bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kính vào một ngày tháng 4 1965, và được ra lệnh tham gia một ban chỉ huy 10 người bay lập tức đến Việt Nam.  Vai trò của họ là chỉ đạo công trình sửa chữa mạng lưới đường tàu hỏa bị máy bay Mỹ đánh phá, nhờ đó đẩy nhanh tiến độ vận chuyển vũ khí và hàng tiếp tế từ Trung Quốc.  Trách nhiệm đặc biệt của Long là phần đi ngang qua biên giới tại Hữu Nghị Quan và khu vực Hà Nội-Lào dài 150 dặm. Dẫn đầu nhóm là một tướng lĩnh cao cấp,  vừa đến Việt Nam họ được Phạm Văn Đồng và các thành viên khác trong bộ chính trị đón tiếp.  ‘Tình hình cực kì nghiêm trọng,’ Long viết trong hồi ký của mình.  ‘Nếu mạng lưới đường sắt Việt Nam hư hỏng nhiều hơn nữa, toàn bộ nỗ lực chiến tranh sẽ bị lâm nguy.’

Ông có thể lợi dụng kinh nghiệm 1950-53 của mình trong việc duy trì  hệ thống đường tàu ở Bắc Triều dưới trận mưa không kích. Tuy nhiên, đi không ngừng nghỉ suốt thời tiết tệ hại nhất của giai đoạn gió mùa,  ông cảm thấy tác hại của tuổi già. Trong cái nóng ban ngày khi nhiệt độ thỉnh thoảng lên đến  38 độ C, ‘chúng tôi thấy choáng váng và quần áo ướt đẫm mồ hôi.  Khi trời mưa,  chúng tôi lấm lem bùn đất từ đầu đến chân … Chúng tôi sống không tốt.’ Vào tháng 6 lực lượng lao động đầu tiên đến – 5 trung đoàn của  Quân đoàn Đường Sắt Quân Giải phóng,  thêm một trung đoàn pháo phòng không.  Long giữ chức giám đốc điều hành cho Phân đoàn 1 Quân đoàn Kỹ sư Chí nguyện Nhân dân Trung Quốc’. Long thiết lập bộ chỉ huy ở tỉnh Lạng Sơn, các công nhân cắm trại quanh đường tàu. Người Trung Quốc thất kính khi biết rằng đài phát thanh Sài Gòn đã loan tin về việc họ đến Miền Bắc.  Khi máy bay thám thính Mỹ vần vũ trên khu vực, vào ngày 3 tháng 7 Miền Bắc thuyết phục họ dời vị trí. Tuy nhiên,  điều này không tránh cho họ khỏi bị đánh phá với nhiều thương vong. Long viết: ‘Chúng tôi thấy mình lâm vào tình cảnh khó khăn như hồi ở Triều Tiên 12 năm về trước…

Tất cả địa điểm của chúng tôi đều bị kẻ thù biết rõ.’ Các cán bộ Việt gợi ý là bộ đồ cotton màu xanh lam của công nhân Trung Quốc đã tiết lộ quốc tịch của họ.

Khi mùa hè đến, vượt hơn nỗi khổ gây ra do Mỹ đội bom, là nhiệt độ đôi khi lên đến 49 độ, với độ ẩm 85 phần trăm.  Thợ làm lụng trên đường sắt tiêu thụ đến 15 lít nước mỗi ngày,  vậy mà một số công nhân bị sốc nhiệt.  Bệnh tật bùng phát và lây lan qua vi trùng hiện diện trong mỗi dòng nước và ao đầm. Công nhân-binh lính Trung Quốc làm mồi cho các bệnh ngoài da đặc hữu và bệnh mất ngủ. Thực phẩm thiếu thốn: người Việt chỉ cung cấp bí rợ và rau muống, cùng với một ít chuối. Trung đoàn của Long phải nhập thực phẩm đóng hộp và rau củ khô từ Trung Quốc.  Binh lính ghét bọn rết rít, đỉa và muỗi không khác đối tác Mỹ cách đó vài trăm dặm về phía nam. Họ phát hiện rắn bò vào nhà bếp ăn trứng, và trườn vào khu phòng ngủ – đã có một người chết vì bị rắn độc cắn. Hàng ngàn người bị sốt rét hành hạ. ‘Mặc dù chúng tôi người của Quân đoàn Đường Sắt đã chịu đựng mọi loại gian khó trong cuộc nội chiến và ở Triều Tiên,  trước đây chúng tôi chưa hề làm việc trong một môi trường thù địch như thế,’ Long viết.

Rồi các oanh tạc cơ lại đến, làm tăng thêm nỗi cơ cực của họ. Cuộc không kích ngày 9 tháng 7 1965 trên tuyến đường phía tây phá hủy nhà ga và cầu cống. Vào ngày 23 tháng 8, phi cơ Mỹ đánh phá tuyến phía bắc và người Trung Quốc đang làm việc tại đó. Cuộc tấn công rầm rộ ngày 20 tháng 9 xuống cầu bắc qua sông Thanh Hoa giáng 20 trận công kích và gây thiệt hại nghiêm trọng; tiếp theo là 5 vụ đánh phá thêm nữa.  Người Trung Quốc tự hào trong việc người mình thi công sửa chữa nhanh chóng: tuyến giao thông đến Trung Quốc không bao giờ bị cắt đứt quá lâu. Tuy nhiên,  xa hơn về phía nam, các cây cầu quan trọng trong tỉnh Bắc Giang, gần Hà Nội,  bị đánh phá lần nữa  – một binh sĩ Trung Quốc lái một xe tải bốc cháy ra khỏi một nhịp cầu dưới đạn lửa,  e nó nổ tung gây thêm thiệt hại. Pháo phòng không được gửi thêm từ Bắc Kinh; hào hố và boongke được đào; trại lính phân tán và giảm nhỏ kích thước.  Các đội phòng không tuyên bố các kỳ tích ngoạn mục, như các pháo thủ luôn làm thế, cho rằng mình đã bắn hạ 11 máy bay Mỹ trong bốn cuộc oanh kịch tháng 10, và gây hư hỏng cho 17 chiếc khác.

Khi người Trung Quốc thoạt đầu đến họ chỉ có hai nhân viên tình báo giám sát các hoạt động của người Mỹ. Hai năm sau  mạng lưới phòng không mở rộng đến 31 bàn theo dõi oanh kích và một hệ thống cảnh báo điện thoại tinh vi.  Để cải thiện các điều kiện vật chất khó khăn cho binh sĩ,  Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho phép các hỗ trợ chưa từng có: thêm một bộ quần áo lao động dự trữ cho mỗi người,  sandal nhựa thay vì giày bố, thuộc chống muỗi, thuốc trị nọc rắn độc, cố vấn y tế. Người Việt miễn cưỡng cho phép các vị khách của mình được trồng rau củ cải thiện bữa ăn.

Tuy nhiên, các hiểm họa vẫn không giảm. Vào chiều ngày 21 tháng ba 1966, Guilin Long đang lái xe đến thanh tra một địa điểm xây dựng trên Quốc lộ 1 gần núi Ngọc Long thì phi cơ Mỹ đánh phá. Vì tiếng xe quá ồn, ông không hay biết mối hiểm họa cho đến khi thấy binh sĩ chạy tứ tán tìm chỗ ẩn nấp trong cánh rừng gần đó.  Ông và phụ tá ngừng xe và nhảy xuống giữa một quả báo phát nổ. Sức thổi từ vụ nổ ném Long bay xuống một con mương gần đó. Chỉ huy của ông bị giết chết  cùng với người tài xế của họ; người thông dịch Việt Nam bị thương. Người cận vệ của ông, bị đứt động mạch cánh tay do mảnh pháo cắt, ngã ra ngất lịm khi cố kéo người xếp bất tỉnh của mình ra khỏi con mương. Khi Long tỉnh dậy,  ông thấy người ướt đẫm máu của cận vệ.  Vị đại tá sau đó được đưa về nước, bị chấn động và hư cột sống. Ông trở thành một trong số 1,675 người Trung Quốc bị thương, cùng với 771 người chết, trong chiến dịch Sấm Rền. 

Theo như được biết,  không có phi công nào của Nga hay Trung Quốc bay tác chiến chống người Mỹ. Tuy nhiên, theo một hiệp ước tháng ba 1967 giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên thoạt đầu cam kết gửi 10 phi công MiG-17, sau đó tăng đến 20, đặt căn cứ tại sân bay Kép phía đông-bắc Hà Nội,  và được biết dưới tên ‘Nhóm Z’. Tổng số 87 người Bắc Triều bay cho Miền Bắc vào lúc này hay lúc khác giữa đầu năm1967 và cuối năm 1968 khi họ rút về nước.  Họ mất 14 phi công,  và tuyên bố đã bắn rơi 26 phi cơ Mỹ.

Vào ngày 23 tháng 12 1966, phó quản lý biên tập báo New York Times Harrison Salisbury đến Hà Nội trong một chuyến viếng thăm với kết quả tuyên truyền rầm rộ.  Ông được chọn trong số đông người thuộc giới truyền thông xin được cấp giấy nhập cảnh, vì ông là một đối thủ chống ném bom được công nhận. Salisbury được dẫn đi tham quan các địa điểm tại Hà Nội được cho là có 300 nhà cửa bị phá hủy và 10 dân thường bị giết – năm dặm cách các mục tiêu gần nhất được cho phép của Không lực Hoa Kỳ. Trường trung học Hữu Nghị Việt Nam-Ba Lan được cho là bị phá hủy.  Ông cũng được chở 60 dặm đến Nam Định, và được cho biết là bị đánh phá 52 lần, giết chết 89 người và phá hủy hơn một phần mười nhà cửa của thành phố.  Ông báo cáo rằng phi cơ Mỹ ‘bỏ xuống một khối lượng thuốc nổ khổng lồ lên các mục tiêu thuần tuý dân sự ‘.

Salisbury gặp các khó khăn quen thuộc với mọi vị khách được ban đặc quyền tiếp cận một nhà nước chuyên chế. Ông xúc động mạnh trước trải nghiệm,  và đồng cảm với một dân tộc Á châu nghèo khó hứng chịu oanh kích vì một lý do đáng ngờ bởi một quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong các bài viết  và quyển sách sau đó của mình, ông đưa ra những dữ kiện không đủ sức nặng do không có khả năng kiểm tra bất cứ điều gì mà chủ nhà nói với ông,  tin tưởng một số xác nhận của chính quyền Miền Bắc thật ra là không đúng – chẳng hạn,  rằng người Mỹ đã có chủ tâm muốn phá hủy đê sông Hồng  và nhà máy dệt Nam Định. Chính quyền Mỹ bác bỏ một số phát hiện của Salisbury bằng cách làm nổi bật viêc ông ta sử dụng các thống kê thương vong hiện diện trong các sổ tay tuyên truyền của cộng sản. Salisbury cho in một bức ảnh chụp một nhà thờ Thiên Chúa bị tàn phá mà việc điều tra sau đó phát hiện nó không bị hư hại. Các bài viết sống động và giàu cảm xúc của  nhà báo, cũng như các báo cáo tương tự sau đó của các vị khách Tây phương cánh tả đến Miền Bắc, thể hiện sự dễ tin quá đáng. Dù sao, chính quyền Mỹ không thể phủ nhận một cách thuyết phục những sự thật không được chào đón, mà trước tiên trong số đó là một tỷ lệ không nhỏ các vụ ném bom sai địa chỉ. Chẳng hạn,  trong các cuộc tập kích vào nhà máy điện Nam Định, bom rơi xuống các nhà máy dệt kế cận.

Các chiến đấu cơ hải quân đánh phá các ổ pháo trên đê. Có lần, phi cơ có nhiệm vụ tấn công một kho bãi tàu hỏa lại đi bỏ bom một kho bãi khác,  sát Hà Nội.  Một trong các nhà biên niên Không lực Hoa Kỳ tiên phong nhất của cuộc chiến, Wayne Thompson, nhìn nhận trong lời tường thuật của mình: ‘Cho dù một phi công nhận diện đúng một mục tiêu, phần đồng bom của anh ta có thể đánh sai.’ Theo ước tính của không lực, chỉ phân nửa bom do F-105,  thường mang 6 bom 750 cân,  ném xuống đánh trúng trong vòng 500 bộ cách điểm nhắm. Điều này cấu thành sự chính xác  hợp lý, nhưng để lại một bờ lề rộng cho điều thường được gọi là ‘tổn thất ngoài dự kiến’. Hơn nữa,  các bom bị vứt bỏ, các thùng xăng, các tên lửa không-đối- đất và một số lượng lớn các mảnh đạn pháo và tên lửa của Miền Bắc phải rơi xuống đâu đó.  Không thể tranh cãi là các tổn thất to lớn đã giáng xuống các phương tiện và nhà cửa phi quân sự, một số không nhỏ dân thường bị thiệt mạng. 

Salisbury chuyển tải đến thế giới – vì các báo cáo của ông đạt được số lượng độc giả đông đảo, tạo một tác động vượt quá mức mong đợi của bộ chính trị Hà Nội  – hai thông điệp quan trọng. Thứ nhất, việc đánh bom của Mỹ đã giết hại người dân vô tội; thứ hai, dân chúng đang đáp ứng với quyết tâm và lòng quả cảm.

Các nỗ lực vụng về của Lyndon Johnson nhằm hạn chế vì lý do nhân đạo chẳng đem lại ích lợi gì, bởi vì  Salisbury gặng hỏi tại sao quá nhiều mục tiêu tầm thường ở nông thôn bị tấn công, trong khi nhà máy năng lượng Hà Nội và cây cầu lớn Paul Doumer vẫn còn nguyên không bị đánh  – tại thời điểm đó. Nhưng không ai được điều mình muốn từ chuyến di của nhà báo New York Times. Một cuộc thăm dò tháng 2 1967 cho thấy trong khi có 85 phần trăm người Mỹ được hỏi nhìn nhận dân thường đang bị sát hại, thì có 67 phần trăm tiếp tục hậu thuẫn đánh bom.

Các tháng tiếp theo chứng kiến cuộc không chiến leo thang ác liệt.  Trong sáu tháng cuối cùng của Thế Chiến II,  dưới sự điều hành của Curtis LeMay Không lực Hoa Kỳ đã bỏ 147,000 tấn bom xuống Nhật Bản,  giết chết 330,000 người Nhật. Chiến dịch Sấm Rền sử dụng một số lượng bom pháo gấp 4 lần, mà chỉ giết chết 52,000 trong số 18 triệu dân Miền Bắc.  Phân nửa người dân Hải Phòng bỏ đi; dân số Hà Nội chỉ còn một phần ba. Vào năm 1966 chiến dịch không kích tốn phí Hoa Kỳ 6.6 đô la cho mỗi đô la tổn thất nó gây ra, và tăng gần 10 đô la một năm sau đó. Mùa xuân trước,  khi Tư lệnh James Stockdale được các phi công hỏi, ‘Tại sao chúng ta lâm chiến?’ Ông trả lời: ‘Làm thế là vì lợi ích của Hoa Kỳ.’ Việc đánh bom càng kéo dài,  tuy nhiên,  tổn thất càng tăng cao,  và người tiến hành công việc càng hoài nghi. Trung uý Eliot Tozer, một phi công A4, viết trong nhật ký của mình: ‘Nỗi thất vọng xảy ra dưới mọi mức độ. Chúng tôi bay một phi cơ có giới hạn,  ném bom hạn chế,  trên các mục tiêu hiếm hoi  trong một số lượng thời gian hạn chế.  Tệ hơn hết, chúng tôi làm tất cả điều này trong một cuộc chiến không được nhiều người ủng hộ và bị hạn chế gắt gao.’

Cảm nghĩ của Tozer được chia sẻ tại giới chóp bu tư lệnh.  Vào cuối buổi trao đổi 1967 một tướng lĩnh tuyệt vọng John McConnell của Không Lực lấy hai tay ôm đầu,  than vãn, ‘Tôi không thể nói với các ông tôi cảm thấy thế nào  . . . Tôi quá chán chường việc này. Tôi chưa bao giờ từng thất vọng khốn kiếp như thế.’ Sấm Rền đã hủy diệt 65 phần trăm khó dầu của Hà Nội,  59 phần trăm nhà máy năng lượng,  55 phần trăm các cây cầu chính, 9821 xe cộ và 1,966 toa tàu. Vậy mà Hà Nội vẫn có thể lợi dụng sự dội bom để tạo một hiệu quả ghê gớm,  dẫn dụ được Moscow và Bắc Kinh tăng cường viện trợ hơn nữa.  Vào năm 1968 Trung Quốc mỗi ngày chở đến 1,000 tấn hàng xuống đường sắt bắc-nam.  Miền Bắc đã nhận tổng cộng gần 600 triệu đô la viện trợ kinh tế và 1 tỷ đô la viện trợ quân sự, một số tiền khổng lồ cho một nước Ấ châu tương đối nhỏ và nguyên sơ.

Nghiên cứu mật JASON 1966 của Ngũ Giác Đài cho thấy sự minh bạch đáng chú ý về các hậu quả không dự liệu của  Sấm Rền: ‘đánh bom rõ ràng làm tăng sức mạnh hậu thuẫn nhân dân cho chế độ bằng cách tạo ra nhiệt tình ái quốc và dân tộc ‘. Nghiên cứu cũng nhìn nhận rằng ‘những người dính líu trực tiếp nhiều hơn trong cuộc oanh tạc  trải qua gian khổ và lo âu cá nhân . . . Tinh thần chắc chắn bị tổn thương bởi việc bị đánh bom trực tiếp ít hơn bởi các hiệu quả gián tiếp,  như việc tản cư dân đô thị và gia đình ly tán. ‘

Tuy nhiên,  ‘một cuộc tấn công trực tiếp và trực diện vào một xã hội có khuynh hướng củng cố mối ràng buộc xã hội của quốc gia,  làm gia tăng hậu thuẫn của nhân dân đối với chính quyền hiện hành, tăng cường quyết tâm phản kháng của cả giới lãnh đạo lẫn quần chúng nhân dân.’

Vậy mà các Tham mưu trưởng Liên quân vẫn không dao động trong nhiệt tình đánh bom mạnh hơn nữa.  Trong một bản ghi nhớ gần như có tính cách răn đe hạt nhân ngày 16 tháng 6 1967, Tướng Earle Wheeler thúc giục tăng cường tấn công Hà Nội-Hải Phòng, nói rằng ‘có một khả năng nào đó mang tính quyết định  … mặc dù không phải là chuyên gia về công luận thế giới và quốc nội, tôi tin rằng một hành động nhiều mãnh liệt hơn thay vì ít mãnh liệt hơn sẽ mang lại sự hậu thuẫn tăng cường, trừ ra từ người cộng sản mà chúng ta chỉ sẽ nhận được thêm sự tôn trọng. Cuối cùng tôi không tin việc này sẽ dẫn đến sự rủi ro nghiêm trọng’.

Tuy nhiên, ngay trước khi Sấm Rền khép lại vào tháng 3 1968, các kết quả xoàng xĩnh của nó đã đẩy nhanh sự rút lui, sự bội giáo, sự lật ngược chính trị: của Robert McNamara. Trước khi ra đi cuối cùng khỏi nhiệm sở vào ngày 29 tháng 2, tại một bữa ăn trưa cá nhân ông xúc động xác nhận bằng lời lẽ đầy tình cảm nỗi phiền muộn của mình về ‘tính vô vọng nghiền nát’ của hành động dội bom. Ông, như một số chỉ huy quân sự ‘giác ngộ’ hơn Earle Wheeler, đã đến nước hiểu ra rằng thắng lợi  bằng cách thức này chỉ có thể đạt được bằng cách áp đặt một sự tàn phá trên một quy mô hoàn toàn không thích hợp với các giá trị của Hoa Kỳ.

Mong muốn thể hiện sức mạnh  và quyết tâm của Lyndon Johnson trong vấn đề Việt Nam bị trói buộc bởi những nghi ngại không dứt khoát: sợ chương trình Xã hội Vĩ đại bị ảnh hưởng; lo ngại khiêu khích Nga và Trung Quốc sẽ nhảy vào; lo lắng duy trì được hậu thuẫn của đồng minh trong lập trường leo thang của mình; hy vọng bảo vệ nền tảng chính trị trong nước và hình ảnh Hoa Kỳ trước mắt thế giới.  Tổng thống không chịu nhìn nhận rằng không thể đánh bom một kẻ thù theo kiểu tử tế, với nhiều triển vọng đập gãy ý chí của họ. Hơn nữa,  các yêu cầu tiếp tế của người cộng sản quá nhỏ bé đến nỗi không chắc chiến dịch không kích tăng cường mà các Tham mưu trưởng chủ trương sẽ sinh ra một kết quá khác.  Giữa sự đối đầu Trung-Xô của cuối thập niên 1960, khó mà tưởng tượng một kịch bản trong đó có cường quốc cộng sản chủ chốt nào trong hai sẽ bỏ rơi đồng minh của minh,  cho dù nếu các phi công Mỹ đã biến Miền Bắc thành rác rến – hoặc, lịch sự hơn, thành vỏ bào và rơm rạ.

Dân chúng xẻ thịt một phi cơ Mỹ bị bắn rơi

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s