Cù Tuấn dịch từ New York Times.
Nga dường như rơi vào tình trạng không trả được nợ quốc tế vào ngày 26/6 khi thời gian ân hạn để thanh toán hết hạn. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Nga đã trở nên bị cô lập như thế nào khỏi thị trường tài chính toàn cầu do sự trừng phạt đối với cuộc xâm lược Ukraine.
Khoảng thời gian bổ sung để thanh toán khoảng 100 triệu đô la bằng euro và đô la đã kết thúc vào Chủ nhật, 30 ngày sau thời hạn ban đầu ngày 27 tháng 5, do các lệnh trừng phạt đã chặn các cách thanh toán của Nga.
Tuyên bố vỡ nợ sẽ cần đến từ các nhà đầu tư vì các cơ quan xếp hạng, do bị cấm bởi các lệnh trừng phạt nên không được báo cáo về tài chính nước Nga, đã không tuyên bố rằng Nga vỡ nợ. Cũng không có Ủy ban Quyết định Phái sinh Tín dụng, một hội đồng gồm các nhà đầu tư đưa ra phán quyết về việc có nên thanh toán chứng khoán có liên quan đến các khoản vỡ nợ hay không. Nhưng có vẻ như các khoản thanh toán đã không đến được tài khoản của trái chủ vào tối Chủ nhật.
Bộ tài chính Nga vào trước thời hạn này, đã nói rằng Nga đã hoàn thành nghĩa vụ của mình với các nhà đầu tư và thanh toán bằng đồng rúp, mặc dù hầu hết các khoản nợ bằng ngoại tệ của Nga không cho phép thanh toán bằng đồng rúp. Bloomberg và Reuters đưa tin hôm 26/6 rằng Nga đã vỡ nợ vì thời hạn thanh toán bị trễ, nhưng Tass, hãng thông tấn nhà nước của Nga, đưa tin hôm thứ Hai rằng chính phủ Nga không coi Nga là vỡ nợ.
Nguy cơ vỡ nợ xuất hiện vào cuối tháng 2 sau khi Nga xâm lược Ukraine và các lệnh trừng phạt được áp đặt nhằm tách rời nước này khỏi thị trường tài chính quốc tế. Vào cuối tháng 5, Nga đã cố gắng điều chỉnh các biện pháp trừng phạt thắt chặt khiến nước này không thể tiếp cận các ngân hàng và trái chủ của Mỹ bằng cách gửi các khoản thanh toán đến một tổ chức có trụ sở tại Matxcơva. Cuối cùng, số tiền này không được chuyển vào tài khoản của trái chủ.
Matxcơva có khả năng sẽ tiếp tục khẳng định rằng họ không vỡ nợ, nhờ những nỗ lực của họ để thanh toán. Bản chất gây tranh cãi của việc vỡ nợ sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc yêu cầu thanh toán sớm khoản nợ tồn đọng, điều thường xảy ra sau khi vỡ nợ, trong khi các biện pháp trừng phạt có thể khiến việc giải quyết bất đồng gần như không thể.
Vụ vỡ nợ này là bất thường bởi vì nó là kết quả của các lệnh trừng phạt kinh tế ngăn chặn các giao dịch, chứ không phải vì chính phủ Nga đã hết tiền. Tài chính của Nga vẫn vững mạnh sau nhiều tháng chiến tranh, với gần 600 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, mặc dù khoảng một nửa trong số đó bị đóng băng ở nước ngoài. Và Nga tiếp tục nhận được một dòng tiền ổn định từ việc bán dầu và khí đốt. Tuy nhiên, một vụ vỡ nợ sẽ là vết nhơ đối với danh tiếng của quốc gia này và có thể sẽ khiến việc Nga vay tiền trên thị trường quốc tế trở nên đắt đỏ hơn nếu Nga có quyền tham gia vào tài chính thế giới trở lại.
Không giống như các vụ vỡ nợ lớn khác trong lịch sử gần đây, vụ vỡ nợ này không có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến thị trường quốc tế hoặc người dân địa phương.
Lãnh đạo ngân hàng trung ương của Nga, Elvira Nabiullina, nói rằng sẽ không có hậu quả tức thì của việc vỡ nợ vì đã có sự thoái vốn ra khỏi Nga của các nhà đầu tư quốc tế và sự sụt giảm giá trị tài sản của Nga. Ngoài ra, chính phủ Nga vẫn có thể thanh toán cho những người Nga sở hữu trái phiếu mệnh giá bằng đồng rúp. Ngân hàng trung ương Nga lo ngại hơn về lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế Nga khi hàng loạt các công ty nước ngoài và đầu tư nước ngoài rút chạy.
Chỉ riêng các biện pháp trừng phạt thì đã khiến Nga bị tách ra ra khỏi phần lớn thị trường vốn quốc tế trong một thời gian dài. Bất chấp điều đó, Nga vẫn không muốn từ bỏ danh tiếng là một quốc gia đi vay đáng tin cậy, vốn khó giành được sau cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây hai thập kỷ, khi chính phủ Nga bị vỡ nợ các trái phiếu trả bằng đồng rúp.
Ảnh: Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga tại Matxcơva.