Cù Tuấn dịch từ New York Times.
Sau khi đoạt giải Nobel Hòa bình vào tháng 10 năm ngoái, nhà báo Nga Dmitri A. Muratov cho biết ông nghĩ rằng vinh dự này đáng lẽ phải thuộc về một người Nga khác: nhà lãnh đạo đối lập đang bị bỏ tù Aleksei A. Navalny.
Ông Muratov, biên tập viên của tờ báo độc lập Novaya Gazeta (người đã chia sẻ giải thưởng với nhà báo Maria Ressa của Rappler, một hãng tin ở Philippines), sau đó đã thông báo rằng ông sẽ quyên góp số tiền thưởng trị giá khoảng 500.000 đô la của mình để hỗ trợ các hoạt động từ thiện khác nhau. .
Và bây giờ, ông Muratov – với tờ báo đã bị đình chỉ xuất bản vào cuối tháng 3, nói rằng luật báo chí ngày càng hà khắc của Nga khiến việc đưa tin một cách trung thực về cuộc chiến ở Ukraine là không thể – đang cho đi huy chương giải Nobel bằng vàng 23 karat của mình.
Vào ngày 20 tháng 6, huy chương giải Nobel này sẽ được Heritage Auctions bán đấu giá tại New York, với tất cả số tiền thu được sẽ được chuyển đến UNICEF để giúp đỡ trẻ em tị nạn từ Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước tại trụ sở của công ty đấu giá này ở Manhattan, ông Muratov, nói bằng tiếng Nga, cho biết việc bán đấu giá này là “một hành động thể hiện sự đoàn kết” với 14 triệu người Ukraine phải di tản vì cuộc xâm lược của Nga, mà ông gọi là “một thảm kịch.”
Ông nói: “Nếu chúng ta nhìn vào số lượng người tị nạn, về cơ bản chúng ta đang có Thế chiến III, không phải là một cuộc xung đột quy mô cục bộ. Đây là một sai lầm, và chúng ta cần phải chấm dứt nó.”
Công ty đấu giá này đã bán một số huy chương Nobel, bao gồm cả huy chương của Francis Crick, người đồng phát hiện ra DNA, đạt mức kỷ lục 2,3 triệu đô la vào năm 2013. Lần đấu giá này họ sẽ không tính tiền hoa hồng trên số tiền đấu giá thành công. Josh Benesh, giám đốc chiến lược của Heritage, dự đoán Mr. Muratov sẽ khiến cho giá cuối cùng “cao ngang với kỷ lục lần trước.”
Lần bán đấu giá huy chương Nobel này là một cử chỉ vĩ đại của một người từ lâu được coi là lãnh đạo lĩnh vực báo chí độc lập bị nhà nước Nga bao vây. Novaya Gazeta, được thành lập vào năm 1993 với sự tài trợ của Mikhail S. Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô (và chính ông cũng là người đoạt giải Nobel Hòa bình), đã giúp định hình nền báo chí không biết sợ hãi trong thời kỳ hậu Xô viết.
Tờ báo này từ lâu đã được biết đến với các phóng sự từ các khu vực xung đột, các cuộc điều tra và các chiến dịch của nó thay mặt cho trẻ em mắc bệnh hiếm gặp hoặc gia đình khó khăn. Polina Sadovskaya, giám đốc khu vực Á-Âu của nhóm tự do ngôn luận PEN America cho biết: “Novaya Gazeta đứng giữa báo chí thông thường và các phong trào hoạt động xã hội.”