
Ảnh chụp cùng một người bạn không rõ danh tính, năm 1955, Rufus C. Phillips III, phải, từng là cố vấn lâu năm của Hoa Kỳ tại Việt Nam. (Được phép của Max Boot)
Max Boot, 11 tháng Một 2022
Biên dịch: GaD
2021 là một năm khủng khiếp. Điều đó thật đúng khi nó kết thúc bằng cái chết vào ngày 29 tháng 12 của người bạn lớn tuổi nhất của tôi, Rufus C. Phillips III. Tôi gọi ông là “người bạn lâu nhất (oldest)” của mình không phải vì tôi biết ông lâu hơn bất kỳ ai khác mà vì ông đã 92 tuổi khi qua đời vì biến chứng bệnh viêm phổi tại một bệnh viện ở bắc Virginia.
Nếu gặp ông, bạn sẽ không bao giờ nhận ra tuổi tác đã cao của ông. Ông hoạt động tích cực đến cùng, viết một cuốn sách sẽ ra mắt trong năm nay do University Press Kansas xuất bản: “Stabilizing Fragile States: Why It Matters and What to Do About It (Sự ổn định của các quốc gia mong manh: Tại sao nó lại quan trọng và phải làm gì về nó)”. Tôi đã đọc và thấy nó là một nền tảng có ý nghĩa tốt dựa trên kiến thức trực tiếp của tác giả không chỉ về cuộc chiến Việt Nam, mà còn về cuộc xung đột gần đây hơn ở Afghanistan.
Chính vì vai trò của Rufus ở Việt Nam mà tôi đã gặp ông – và tôi nhanh chóng nhận ra rằng ông không chỉ là nguồn hiểu biết lịch sử vô giá mà còn là một người tuyệt vời, một trong những quý ông chân thật nhất mà tôi từng biết. Gặp Rufus lần đầu tiên vào khoảng năm 2010 đã giúp tôi cảm hứng viết một cuốn sách về người cố vấn của ông [The Road Not Taken – Edward Lansdale and the American Tragedy in Vietnam / Con đường không được thực hiện: Edward Lansdale và Bi kịch của Mỹ ở Việt Nam], cố vấn huyền thoại của lực lượng chống nổi dậy Edward Lansdale, người đã giúp đánh bại một cuộc nổi dậy của cộng sản ở Philippines vào đầu những năm 1950 và tiếp tục giúp tạo ra nhà nước Nam Việt Nam năm 1954-1956. Tôi đã nảy nở một tình bạn thân thiết với Rufus trong suốt nhiều giờ ông đã kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của tôi.
Như Rufus đã kể lại trong cuốn hồi ký của mình, “Tại sao Việt Nam lại quan trọng: Một tường trình nhân chứng về những bài học chưa học được (Why Vietnam Matters: An Eyewitness Account of Lessons Not Learn)”, ông đến Sài Gòn lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1954, khi là một thanh niên tốt nghiệp Yale vừa gia nhập CIA. Được đưa vào dưới trướng Lansdale, Rufus đã tham gia một khóa học về chiến tranh chính trị – điều mà sau này được biết đến, hơi bị hiểu nhầm, là cuộc chiến giành “trái tim và khối óc”. Những hướng dẫn của ông chỉ đơn giản là “kết bạn, xem họ đang làm gì và tìm cách giúp đỡ”.
Đối mặt với mọi khó khăn, Lansdale và nhóm nhỏ của ông ta đã giúp thủ tướng mới, Ngô Đình Diệm, củng cố quyền lực trước những thách thức do các chiến binh cộng sản và dân quân lãnh chúa đặt ra. Giữ vai trò cố vấn cho quân đội mới được thành lập của Nam Việt Nam, Rufus đã giúp quân đội vào năm 1955 bình định một khu vực do Việt Minh cộng sản thống trị – mới bị bỏ trống. Lời khuyên chính của ông chỉ đơn giản là để binhi lính đối xử tử tế và tôn trọng với dân địa phương – phản ánh cách mà Rufus đối xử với mọi người ông đã gặp.
Sau đó, năm 1962, Rufus trở lại miền Nam Việt Nam làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, với tư cách là người đứng đầu “các vấn đề nông thôn” – trên thực tế, ông trở thành giám đốc chống nổi dậy của Hoa Kỳ vào thời điểm mà những người cộng sản, ngày nay được gọi là Việt Cộng, đang khởi sự. Vì biết rất nhiều người Việt nên ông nhận ra rằng những đánh giá màu hồng đang được Lầu Năm Góc nâng cao không liên quan nhiều đến thực tế – và ông không ngại nói như vậy.
Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 10 tháng Chín 1963, Rufus nói với John F. Kennedy, “Tôi rất tiếc phải nói với ngài, thưa Tổng thống, nhưng chúng ta không chiến thắng trong cuộc chiến.” Rufus cho rằng Hoa Kỳ nên gây áp lực buộc Diệm phải gạt người anh em chuyên quyền, Ngô Đình Nhu, bằng cách đưa Lansdale trở lại Sài Gòn. Thay vì điều đó, chính quyền Kennedy ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự chống lại Diệm làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn – và trực tiếp dẫn đến một cuộc can thiệp quân sự lớn mà Lansdale và Rufus đã cảnh báo.
Sau khi xuất bản cuốn hồi ký của mình năm 2008, Rufus được làm cố vấn cho các quan chức Hoa Kỳ chỉ đạo Chiến tranh Afghanistan. Ông đã dành sinh nhật lần thứ 80 ở Kabul để quan sát cuộc bầu cử gian lận của nước đó năm 2009. Thấy nỗ lực của Hoa Kỳ ở Afghanistan thiếu sót sâu sắc như thế nào, khi ông viết trong Sự ổn định các quốc gia mong manh, ông tin rằng “cần phải có một số cải cách nghiêm túc về cách thức bộ máy chính sách đối ngoại của chúng ta hoạt động để giúp ổn định các quốc gia mong manh, đã và đang thất bại.” Cuốn sách mới của ông là một tài liệu đầu tay quan trọng về chủ đề này.
Nhưng thực sự tất cả những gì mà các nhà ngoại giao, quân sự và tình báo Hoa Kỳ trong tương lai cần biết, là họ nên hành động theo cách mà Rufus đã làm. Ông có một nền tảng lịch sự và đồng cảm không ngừng đối với tất cả những người mà ông tiếp xúc. Ông đã kết bạn suốt đời ở Việt Nam và mọi nơi khác mà ông đã đến.
Trong khi một cố vấn huyền thoại khác của Việt Nam, John Paul Vann, có đời tư nổi tiếng, Rufus là hình mẫu về tình yêu và sự tận tụy với người vợ tuyệt vời 59 năm của mình, Barbara, một phiên dịch viên cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao đã qua đời vào năm 2020. Họ có bốn người con và sáu đứa cháu – cuối cùng tất cả đều ở với Rufus.
Người ta đã viết nhiều về “Người Mỹ xấu xí”. Rufus Phillips thì ngược lại. Giống như nhân viên cứu trợ Bob Gersony, người đã được Robert D. Kaplan mô tả trong một cuốn sách [The Good American], ông là một “người Mỹ tốt” chính hiệu – một người đàn ông hiền lành, tử tế, phục vụ đất nước mình với sự khiêm tốn, tận tâm và không sợ nói thật. Chúng ta hãy hy vọng tấm gương của ông sẽ truyền cảm hứng cho những người khác.
Tên bản gốc: I lost my oldest friend in 2021. Rufus Phillips was the ‘good American.’