Iraq cổ đại (Phần 16)

CHƯƠNG 16 :DÂN KASSITE, ASSYRIA VA CÁC QUYỀN LỰC ĐÔNG PHƯƠNG

2

Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Ba trong bốn thế kỷ của thời kỳ Kassite xảy ra các xung đột dữ dội giữa các quốc gia lớn trong vùng Cận Đông. Nguyên do chính của những xung đột này là do người Ai Cập đi chinh phục Syria, người Hittite đòi lại chủ quyền xứ sở đó và việc thành lập một Vương quốc rộng lớn của người Hurri-Mitanni trải dài từ Địa Trung Hải đến dãy Zagros và làm vật cản đối với người Ai Cập, Hittite và, sau đó, với những tham vọng của người Assyria. Nhưng trong khi các lãnh thổ tranh chấp – Syria và Jazirah – đều nằm cách Babylon một quãng ngắn, các quân vương Kassite hoặc quá yếu hoặc quá khôn ngoan để tự cho phép mình can thiệp  vào trận khói lửa ngùn ngụt, và mãi đến giữa thế kỷ 14 người Assyria mới gây sức ép buộc họ vào trận chiến.

Từ 1600 đến 1350 TCN (làm tròn số) người Babylonia tận hưởng nền hòa bình toàn vẹn, ngoại trừ cuộc chiến thắng lợi của họ trước Biển-Đất và những trận đột kích dọc biên giới phía bắc; và khi toàn bộ phương Đông sau năm 1480 đứng lên lao vào khói lửa họ một mình ngồi lại, ngắm nhìn sự kiện được mô tả một cách thích đáng như ‘một cuộc hỗn chiến giữa các đế quốc’. Bởi vì  vai trò tương đối nhỏ của Babylonia và, trong một thời gian dài, của Assyria trong cơn náo động chinh trị lớn vào thiên niên kỷ thứ hai, chúng ta chỉ cần ghi lại ở đây một tóm tắt các sự kiện phức tạp, mà các chi tiết của chúng có thể được tìm thấy trong bất kỳ bộ sử nào giải quyết những lĩnh vực rộng lớn hơn của Cận Đông cổ đại. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh vào những sự kiện nào xảy ra ở ngay Mesopotamia hoặc có ảnh hưởng đến vận mệnh của xứ sở đó.

Ai Cập đấu với Mitanni

Hiệu quả của chính tình mới này xuất phát từ việc người Hyksos xâm lăng Ai Cập (k. 1700 TCN) và từ việc Triều đại Babylon Thứ Nhất sụp đổ (1595 TCN) không được cảm nhận ngay lập tức. Dưới ánh sáng một ít dữ liệu có được, thế kỳ 16 xuất hiện như một thời kỳ tương đối ổn định trong đó các quốc gia mà quân đội của họ sau này sẽ đối đầu nhau trên chiến trường Syria hiện đang băng bó thương tích hoặc trang bị vũ khí của mình. Trong thời trị vì của Amosis I (1576 – 1546 B.C.) người Hyksos bị đuổi ra khỏi châu thổ sông Nile, nhưng các vị Pha-ra-ông đầu tiên của Triều đại 18 quá bận bịu thi triển quyền lực ngay bên trong xứ sở mình nên không buồn tham gia các cuộc chinh phạt nước ngoài, và thậm chí chiến dịch lừng danh của Tuthmosis I băng qua Syria đến tận Euphrates (k. 1520 TCN) chỉ là một vụ đột kích không để lại hậu quả lâu dài.

Ở Anatolia Vương quốc Hittite Cũ dần dần rệu rã, bị phá vỡ bởi các nổi dậy cung đình không kém bởi tấn công của ngoại bang. Nhà vua đã đánh chiếm Aleppo và Babylon, Mursilis I, bị ám sât vào năm 1590 TCN, và những người kế vị ông từ bỏ mọi quyền lãnh thổ phía nam dãy Taurus. Ở Assur các hậu duệ của Adasi, ông hoàng đã cởi bỏ ách đô hộ của Babylonia, lên ngôi; nhưng với một ít bảng chữ khắc và với một tham chiếu về Puzur-Ashur III trong Sử Ký Đồng Bộ 2 các ông hoàng này đối với chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là những cái tên trên một danh sách.

Về phần Babylonia, đất nước đang được người Kassite tái thống nhất và tái tổ chức, hiển nhiên không muốn hoặc không thể dính líu vào những giấc mơ bành trướng. Có lẽ dân tộc năng nổ nhất trong số các dân tộc Đông phương vào thời kỳ đó là dân Hurri và các thủ lĩnh chiến binh Mitanni của họ. Cho dù thiếu vắng hoàn toàn chứng cứ văn bản để có thể phát biểu một cách chắc nịch, nhưng chúng ta có thể ít ra giả định, dựa vào các sự kiện xảy ra tiếp sau đó, rằng người Hurri-Mitanni đang lợi dụng khoảng trống sinh ra ở bắc Syria và bắc Iraq bởi sự sụp đổ của đế chế Hammurabi và sự rút đi của người Hittite để xây dựng một vương quốc hùng mạnh trong các vùng đó.

Rồi, thình lình, tại bình minh của thế kỷ 15, rắc rối bùng phát trong vùng Cận Đông, xuất phát từ hướng không ngờ đến. Được che chở bởi các sa mạc bao quanh thung lũng sông Nile, Ai Cập đã sống trong 2000 năm biệt lập về chính trị, dù không biệt lập về thương mại, với phần còn lại của phương Đông. Đúng ra biên giới đông bắc của nó cũng dễ bị tổn thương, và trong một vài trường hợp ‘bọn Amu hèn hạ’, ‘bọn Đi Trên Cát’, bọn Á châu đáng ghét’ đã vượt Eo Suez, xâm nhập vũ trang vào châu thổ sông Nile và gây ra quan ngại nghiêm trọng; tuy nhiên chúng không hề nắm được quyền kiểm soát toàn bộ xứ sở.

Nhưng chương hồi Hyksos kéo dài và nhục nhã đã dạy cho Ai Cập một bài học: để tránh được một cuộc xâm lăng tương tự, họ phải chiến đấu với bọn Á châu ngay trong xứ sở của chúng và buộc chúng làm nô lệ. Với ý tưởng này trong đầu óc mà Tuthmosis III vào năm 1480 TCN tiến hành cuộc chinh phục Syria, mở ra các phạm vi mới cho tham vọng Ai Cập và định ra một mô thức chính trị Ai Cập có thể theo đuổi trong suốt lịch sử đến tận ngày nay.

Sự kiện là ông phải mất 17 năm mới trở thành bá chủ Palestine và dãy đất duyên hải Lebanon và Syria cho thấy ông đối đầu với các lực lượng vượt xa lực lượng các ông hoàng vặt vãnh Syria-Palestine, tức là các đối thủ của ông đã nhận được mọi  sự yểm trợ về binh lính, ngựa chiến và vũ khí mà chỉ có một nhà nước hùng mạnh mới kham nỗi. Các kẻ thù thực sự của Ai Cập ở Syria không phải người Canaan lẫn Amorite (sống ở Palestine và Syria) mà là người Hurri-Mitanni, đã từ lâu đào hào đắp lũy trong các vùng đó và giờ đây được tổ chức hùng mạnh. Vương quốc Mitanni chiếm vùng đất người Assyria gọi là  Hanigalbat, một vùng thảo nguyên giữa hai sông Tigris và Euphrates, về phía nam dãy Taurus, và đâu đó trong lãnh thổ này – có lẽ gần đầu nguồn sông Khabur – họ đặt kinh đô Washukkanni của mình, địa điểm chính xác của nó vẫn chưa xác định được. Biên giới phía bắc và nam ắt hẳn cũng kém phân định đối với người  Hurri-Mitanni như đối với chúng ta, mặc dù từ các nguồn tài liệu Hittite chúng ta được biết người Hurri lập cư ở Armenia, đe đọa vương quốc Hittite.

Vào thế kỷ 15 bắc Syria về phía tây và Assyria về phía đông trung thành với Mitanni. Vị vua đầu tiên của Mitanni tên còn được lưu lại, Paratarna (k. 1480 TCN), được nhắc đến trong chữ khắc trên tượng Idrimi, Vua xứ Alalah, tôn vinh ông là chúa tể, cũng như trong một bảng đất sét tìm được tại Nuzi, gần Kirkuk. Cũng được tìm thấy trong thành phố này là dấu niêm của người kế vị  Paratarna, Shaushatar. Thêm nữa, có đầy đủ chứng cứ về ảnh hưởng chính trị của người Hurri-Mitannia lên Ugarit, lên Qatna và, một cách gián tiếp, lên Palestine. Một ảnh hưởng còn lớn hơn có thể được phát hiện ở bắc Iraq, và có mọi lý do để tin rằng mọi vị vua xứ Assur trị vì trong khoảng 1500 và 1360 TCN đều là chư hầu của Vua xứ Mitanni: khi một trong số họ dám nổi dậy, Shaushatar, chúng ta được cho biết, cướp phá Assur và mang về Washukkann “một cửa bằng bạc và vàng’.

Các thắng lợi của Tuthmosis III chỉ đặt một phần vương quốc rộng lớn này dưới sự đô hộ của Ai Cập. Ở Syria người Mitanni giữ Alalah và Karkemish, từ đó họ có thể xúi giục trong các quận lỵ họ đánh mất các cuộc nổi dậy đủ nghiêm trọng để biện minh cho ba chiến dịch Ai Cập dưới triều đại Amenophis II. Dưới triều  Tuthmosis IV (1425 – 1417 TCN), tình trạng thù địch thường xuyên dù gián tiếp này đến lúc kết thúc, và các quan hệ thân thiết nhất được thiết lập giữa triều đình Thebes và  Washukkanni: ‘bảy lần’ vị pha-ra-ông hỏi Artatama I xứ Mitanni xin được cưới con gái ngài, và Amenophis III (1417 – 1379 TCN) kết hôn với con gái của Shutarna là Kilu-Hepa. Việc lo sợ người Hittite thường được cho là nguyên nhân chính cho việc thay đổi bất ngờ và hoàn toàn về chính sách này, nhưng điều này không cách nào biết tường tận.

Vào khoảng năm 1450 TCN Tudkhaliyas II ở Anatolia đã thành lập một triều đại mới và lập tức xác lập lại quyền của người Hittite trên các quận lỵ phía nam Taurus bằng cách đánh chiếm Aleppo – có thể hành động thông đồng với  Tuthmosis III. Tuy nhiên, các người kế vị ngay sau ông, vướng vào các cuộc chiến Aleppo, khó có thể coi là quá nguy hiểm cho cả Ai Cập lẫn Mitanni để phải thúc đẩy việc tái lập bang giao hữu nghị giữa hai xứ sở. Sự thật, trong tất cả xác suất, là vì người Ai Cập nhận thức được mình không đủ khả năng để đánh chiếm toàn bộ Syria và người Mitanni nhận thức được mình không có khả năng lấy lại đất ở Palestine và trên duyên hải Syria; cả hai chấp nhận hiện trạng và biến mối hiềm khich cũ thành đồng minh thân thiết.

Thời Đại của Suppiluliumas

Sau thời đại của Shamshi Adad và Hammurabi thế kỷ 14 TCN là thời kỳ có nhiều tư liệu được sao chép nhiều nhất trong thiên niên kỷ thứ 2. Các niên giám và hiệp ước Hittite, các chữ khắc của Assyria, biên niên sử của Assyria và Babylonia và, trên hết, 400 lẻ các bức thư được các vị vua Tây Á viết ra, dài hoặc ngắn, gửi đến Amenophis III and IV được tìm thấy tại el-Amarna ở Ai Cập ném lên các năm tháng xung đột vũ trang và động thái chính trị tinh tế thứ ánh sáng được chào đón nhất. Hơn nữa, các tài liệu này làm nổi bật rõ rệt các nhân vật hùng mạnh và mê hoặc của phương Đông: Amenophis IV (Akhenaten), vị pha-ra-ông thần bí say mê tôn giáo hơn chính trị; Kurigalzu II, vị vua Kassite duy nhất có thể tự cho mình là nhà chinh phục; Ashur-uballit, ông hoàng thiện xảo đã giải phóng Assyria và biến nó thành một quốc gia vĩ đại một lần nữa; và vượt qua tất cả họ về tiếng tăm, là quân vương năng động Hỉtite đặt dấu ấn của mình lên suốt thời kỳ: Suppiluliumas.

Trong phần tư đầu tiên của thế kỷ những rằng buộc ngoại giao và hôn nhân đã tồn tại giữa Ai Cập và Mitanni được củng cố và mở rộng đến các quốc gia khác, khiến toàn thế vững Cận Đông trông như một gia đình hạnh phúc trong đó Ai Cập đóng vai một người bà con giàu có. Tushratta, đã kế vị vua cha Shutarna lên ngôi ở Mitannion (k. 1385 TCN), gả con gái mình Tadu-Hepa cho  Amenophis III, và khi vị Pha-ra-ông già lâm bệnh Tushratta gửi cho ông hình của nữ thần Ishtar xứ Nineveh, có tiếng là chữa được những bệnh khó chữa nhất.

Tương tự,  Kadashman-Enlil I của Kassite  dâng em gái và con gái mình nộp vào hậu cung đông đúc của Amenophis và nhận được vô số vàng bạc. Ngay cả người Assyria, ắt hẳn được sự đồng ý của chúa tể Mitanni của mình, gửi đại sứ đến triều đình Thebes. Nhưng vào năm 1380 TCN Suppiluliumas trở thành vua ở Boghazkoy và một ít năm sau dẫn binh lính Hittite vào Syria. Một cuộc tấn công trực diện chống Aleppo – giờ thêm một lần nữa nằm trong tay Mitanni – đã thất bại, trong chiến dịch thứ hai ông vượt Sông Euphrates gần Malatiya, tiến vào đất Mitanni từ phía bắc, trên đường đi cướp bóc, quay sang hướng tây, một lần nữa vượt Sông Euphrates gần Karkemish, khuất phục vùng gọi là Nuhashshe về phía nam thành phố đó, cướp bóc Qatna và đánh chiếm căn cứ  Qadesh (Mô gò Nebi Mend, phía nam Homs), đánh dấu giới hạn phía bắc của  thuộc địa Ai Cập ở Syria.

Cùng lúc ông khéo léo lợi dụng sự tranh chấp giữa các ông hoàng Syria và xoay sở đặt ách thống trị của Hittite lên các vương quốc không nằm trực tiếp ở phía bên kia lộ trình ông, trong đó có Ugarit và Alalah. Cuối cùng, để lại sau ông một số người hậu thuẫn trung thành, ông quay về quê hương Anatolia, nơi các trách vụ khó khăn và quan trọng cuốn hút ông trong khoảng 20 năm.

 Kỳ công quân sự và ngoại giao xuất sắc này là một cú đấm choáng váng đối với Ai Cập và một tai họa gần kề đối với người Mitanni, bỗng thấy mình bị tước đoạt hết quyền sở hữu của mình ở phía tây Euphrates. Ở Syria một số nhà cai trị địa phương tháo vát nhất được người Hittite hậu thuẫn tràn vào các xứ láng giềng khiến họ phải kêu cứu với Ai Cập, và tiếng kêu thất thanh của họ – trộn lẫn với tiếng thất thanh của các thủ lĩnh Palestine liên tiếp bị các băng nhóm habirû tấn công – chứa đầy văn khố el-Amarna. Nhưng hầu hết các thư kêu cứu này không được trả lời.

Amenophis III, quá già và bệnh hoàn để có thể can thiệp, chẳng bao lâu mất sau chiến dịch Hittite, để lại ngại vàng cho Amenophis IV (1379 – 1362 TCN) yếu đuối, ẻo lả và đầu óc thần bí, chính mình một thời gian dài nằm dưới ảnh hưởng của thái hậu Teye. Vì những lý do khác nhau Amenophis IV từ chối dính dạng với tình trạng rối rắm ở Syria, nhưng mặt khác vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, cưới người vợ Mitanni trẻ nhất của vua cha, Tadu-Hepa – có lẽ với ‘Nefertiti duyên dáng’ là cũng một người – và giữ giao hảo với người đương thời của mình, Burnaburiash II (1375 – 1347 TCN) người Kassite. Các chi tiết về mối quan hệ tốt đẹp giữa vị pha-ra-ông và nhà vua ‘Kar-Duniash’ có thể đọc được trong thư từ ở el-Amarna. Hai quốc vương gọi nhau là huynh đệ, trao đối quà cáp, vua Kassite dâng tặng ngựa, ngọc đá và các loại đá quí khác, còn pha-ra-ông thì đáp lễ ngà voi, gỗ mun và trên hết là vàng. Thường thường số lượng vàng nhận được không hoàn toàn khớp với số lượng được loan báo, khiến cho vua Babylon phải than phiền chua chát:

‘Vàng lần trước mà người anh em tôi gửi – chắc vì người anh em tôi không đích thân giám sát, mà do một viên chức của người anh em tôi niêm phong và gửi đi – 40 minas vàng mà họ mang den, khi tôi cho vào lò không ra được đủ trọng lượng.’

Nhưng đây chỉ là các đám mây bay qua. Cho dù khoảng cách – ‘đường đi rất dài, việc cung cấp nước bị cắt đứt và thời tiết quá nóng’ – các người đưa tin đi tới lui giữa hai xứ dễ gặp nguy cơ bị băng đảng Canaan hoặc bọn du cư tấn công. Chúng ta cũng biết rằng Amenophis IV cưới một trong các con gái của   Burnaburiash và rằng nhân dịp này vốn pha-ra-ông gửi đến Babylon một số lớn quà cuối cho cô dâu, danh sách chiếm hơn 307 hàng văn bản trong bốn cột. 

Nếu người Ai Cập bịt tai trước lời kêu cứu của chư hầu Syria, thế thì tại sao, ta có thể hỏi, người Mitanni vẫn giữ thái độ thụ động trước sự gây hấn của Hittite và thậm chí không tìm cách phục hồi lãnh địa trước đây của mình? Câu trả lời là chính họ cũng đang vật vã vì nội chiến. Tushratta giành được vương miện nhờ ám sát anh trai mình, và uy quyền của y bị thách thức bởi vài thành viên trong hoàng tộc. Khi y lên ngôi vua Mitanni, một anh em khác của y, Artatama, tự xưng là ‘Vua Hurri’ và thành lập một triều đại riêng biệt, nhưng không có cách nào biết chắc vương quốc được chia giữa hai đối thủ như một số sử gia tin tưởng. Các Vua Hurri – Artatama và con trai mình Shutarna II – tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài xứ và giao kết thân thiện với các ông hoàng Assyria còn chịu thần phục Mitanni.

Chẳng bao lâu có một đảng mạnh thân-Hurri và thân-Assyria trong chính  Washukkanni. Các mưu mô cung đình, không nghi ngờ gì được hai đồng minh xúi giục, lên đến đỉnh cao, vào khoảng 1350 TCN, là cái chết của Tushratta, bị ám hại dưới tay một con trai của mình. Không thể gìn giữ ngôi vua, người thừa kế hợp pháp, Mattiwaza, thoát đến Babylon, tại đó  Burnaburiash, trung thành với chính sách trung lập của mình, không đồng ý cho ông trú thân, và cuối cùng ông phải lánh nạn tại triều đình Hittite, trong khi Assyria và một nhà nước nhỏ khác ở thung lũng Thượng lưu Tigris, Alshe, ‘chia nhau lãnh thổ Mitanni’. Như vậy là không cần bắn một mũi tên Ashur-uballit I của Assyria (1365 – 1330 B.C.) không chỉ giải phóng đất nước mình khỏi ách đô hộ của Mitanni mà còn góp phần làm sụp đổ vương quốc mà các ông cha ông đã triều cống. Phấn khích trước thành tựu này, ông xưng các danh hiệu ‘Vị Vua Vĩ Đại’ và ‘Vị Vua của Vũ Trụ’, thư từ trực tiếp với ‘người anh em’ của mình Amenophis IV, và cho con gái mình kết hôn với  Burnaburiash với hy vọng một ngày nào đó cháu ngoại ông sẽ trị vì Babylonia.

Tất cả điều này xảy ra ngay sau khi Suppiluliumas rời khỏi Syria. Khi ông trở lại, 20 năm sau, tình hình chính trị ở Cận Đông đã thay đổi theo hướng thuận lợi cho ông. Ở Ai Cập, Amenophis IV đã chết vào năm 1362 TCN và những người ké vị ông – kể cả vị vua Tut-ankh-Amôn tiếng tăm – cũng quá bận bịu chỉnh đốn những hậu quả tệ hại của chính sách tôn giáo của ông để có thể chú tâm nhiều hơn vào các vấn đề Syria. Ở bắc Mesopotamia vương quốc Mitanni đã tan rã, và Ashur-uballit đang gầy dựng lực lượng Assyria của mình. Ở Babylonia, sau một cuộc nội chiến ngắn do việc sát hại cháu nội của  Ashur-uballit gây ra, Kurigalzu II đã lên ngôi vào năm 1345 TCN; nhưng cặp mắt của người xây dựng và chiến binh vĩ đại đang hướng không phải về phía tây mà về phía đông: ông tấn công và đánh bại Hurpatila, Vua của Elam, và cai trị xứ sở đó ít nhất một khoảng thời gian trong thời trị vì của mình.

Mục tiêu chính của Suppiluliumas do đó là tiêu diệt bất kỳ ổ kháng cự nào còn sót lại và tổ chức các lãnh thổ bị chinh phục. Ông ký các hiệp ước với các ông hoàng Syria phục tùng, giao Aleppo cho một trong các con trai của mình và Karkemish cho con trai khác, với sứ mạng giúp Mattiwaza phục hồi lại ngôi vua. Trong cuộc chiến tiếp sau  Mattiwaza thắng lợi một thời gian nhưng cuối cùng thảm bại, và người Assyria tiến lên xa đến tận Sông Euphrates, xoá sạch mọi dấu vết của vương quốc Mitanni. Khi Suppiluliumas mất (1336 TCN) toàn bộ Syria đến tận vùng Damascus đều nằm vững chắc trong tay của Hittite, nhưng Assyria là quyền lực lớn thứ hai ở vùng Cận Đông.

Assur và Susa đấu với Babylon

Đối với người Hittite, bị người Achaea và các dân tộc hiếu chiến khác lập cư dọc theo bờ biển Tiểu Á cản đường họ tiến ra Địa Trung Hải, việc sở hữu các cảng nhộn nhịp và phồn thịnh, như Ugarit và Sumur, tất nhiên là một tài sản. Hơn nữa, chính Syria cũng màu mỡ và có thể được sử dụng như một điểm bắt đầu cho các hoạt động quân sự tương lai ở Mesopotamia hoặc ở Ai Cập. Nhưng các lợi thế này đến một mức độ nào đó bị xáo trộn bởi tính hai mặt và thái độ ngang ngạnh của các thủ lĩnh địa phương: chẳng bao lâu các cuộc nổi dậy nổi lên sau cái chết của Suppiluliumas, buộc con trai và người kế vị mình, Mursilis II (1335 – 1310 TCN), phải đích thân can thiệp, và có thể ông thấy chút an ủi khi biết rằng cùng lúc đó Vua Ai Cập, Seri I, phải mang một gánh nặng tương tự trong lãnh địa Palestine của mình.

Ắt hẳn bị xúi giục bởi người Hittite ở Palestine và bởi người Ai Cập ở Syria, các cuộc nổi dậy này chỉ là những triệu chứng của một mối xung đột sau xa hơn giữa hai cường quốc, một mối xung đột sẽ lên đến đỉnh điểm khi vị pha-ra-ông trẻ tuổi và đầy tham vọng Ramesses II (1304 – 1237 TCN) quyết tâm lặp lại kỳ tích của  Tuthmosis và mở rộng biên giới của vương quốc mình đến tận Sông Euphrates. Cuộc chiến ông phát động chống lại Muwatallis của Hittite kết thúc bằng một trong trận đánh lừng danh nhất thời cổ đại, trận  Qadesh (1300 TCN), nhưng không đạt được thành quả có tính quyết định. Cả hai bên đối địch đều cho mình chiến thắng và vẫn giữ lại vị thế tương xứng của mình.

Tuy nhiên, 16 năm sau, Rameses ký với Hattusilis III xứ Hatti một hiệp ước hòa bình mà may mắn chúng ta sở hữu cả hai phiên bản của hiệp ước của Ai Cập và Hittite – phiên bản sau, thật tình cờ, bằng tiếng Akkad – và thậm chí Rameses cưới một công chúa Hittite. Có phải cả hai nhà vô địch đều mệt mỏi vì đánh nhau, hay có phải sức mạnh đang lên của Assyria đã hòa giải họ như có lần mối đe doạ của Hittite đã hoà giải Ai Cập và Mitanni? Hiệp ước nhấn mạnh đến điều khoản hỗ trợ nhau trong trường hợp có chiến tranh với một nước thứ ba, đồng thời cùng lúc với việc Hattusilis mở lời giao hảo với người Kassite, dường như thêm trọng lượng cho lý thuyết thứ hai.

Kể từ khi Assyria trở thành một quốc gia vận mệnh của nó đã được viết trên bản đồ. Về phía bắc và đông dãy đất hẹp của thung lũng Tigris thuộc về thần Ashur được bao bọc bởi những ngọn núi cao, gần như bất khả xâm phạm mà các dân tộc kẻ cướp, như Guti and Lullubi, thường lui tới, và chỉ có thể bị chận đứng bởi hoạt động cảnh sát thường xuyên và gian nan. Về phía tây thảo nguyên  Jazirah trải rộng hàng trăm dặm, mở rộng cửa cho kẻ thù  hoặc bọn cướp bóc du cư; việc sở hữu thảo nguyên đó có nghĩa là an ninh cho người Assyria, nhưng nó cũng có nghĩa là sự kiểm soát các tuyến đường mậu dịch quan trọng và, cuối cùng, và kiểm soát bắc Syria, với một cửa sổ mở ra Địa Trung Hải.

Cuối cùng, về phía nam và trong một quãng ngắn là đồng bằng màu mỡ và các thành phố trù phú của châu thổ Lưỡng Hà, một nguồn cám dỗ triền miên nhưng cũng là nguồn gốc của lo lắng, vì người Akkad, Sumer và Babylonia vẫn luôn đòi lấy chủ quyền trên nửa phần phía bắc của Mesopotamia. Trong thiên niên kỷ thứ 2 biên giới trong vùng đất này được củng cố vững chắc, và khi Babylon mạnh thì tất cả người Assyria có thể.kỳ vọng chỉ là một ít ngôi làng; nhưng khi nó yếu, thì mọi hy vọng đều có thể hiện thực được, kể cả hy vọng có đường đến Vịnh.

Những nhận định địa lý này là nguyên nhân những chuỗi cấp ba các cuộc chiến lấp đầy các niên giám Assyria từ thế kỷ 13 trở đi: các cuộc chiến du kích trong vùng núi, cuộc chiến của di cư (phòng trào) ở Jazirah và cuộc chiến vị trí ở đoạn giữa Sông Tigris. Đây là những giá mà Assyria phải trả không chỉ cho sự bành trướng của mình mà còn cho sự tự do của nó.

Ngày khi Ashur-uballit đã giải phóng đất nước mình khỏi ách đô hộ của Mitanni hận thù mở ra trên ba mặt trận này. Con trai ông, Enlil-nirâri, bị Kurigalzu tấn công nhưng họ sớm hòa giải và, chúng ta được cho biết, ‘họ chia nhau đồng ruộng, họ chia nhau quận lỵ, họ ấn định biên giới mới’. Những niên giám manh mún của Arik-dên-ilu nói về các chiến dịch ở Zagros, trong khi chúng ta biết từ các niên giám của người kế vị ông, Adad-narâri I, rằng ông xua đoàn quân của mình băng quả Jazirah và chinh phục – ít ra là tạm thời – cái vùng ‘xa như Karkemish nằm trên bờ sông Euphrates’; một văn bản khác cho thấy ông ép buộc người Kassite ký một hiệp ước biên giới mới.

Nhưng chiến binh vĩ đại nhất của triều đại không nghi ngờ gì nữa là Shalmaneser I (1274-1245 TCN), người mà, đã khuất phục ‘thành lũy núi non sừng sững’ của Uruadri (Urartu, Armenia) và ‘vùng đất của người Guti giới nghệ cướp bóc’, quay ra chống lại các đồng minh trước đây của Assyria, người Hurri, tấn công Shattuara, ‘Vua xứ Hanigalbat’ và các lính đánh thuê người Hittite và Ahlamû của ông và đánh bại họ:

‘Ta đánh một trận và đánh bại họ hoàn toàn. Ta giết vô số đám tay sai của y … Chín căn cứ và thủ phủ của y tá chiếm đoạt. 180 thành phố của y ta biến thành mô gò và đống đổ nát … Lãnh thổ của y nằm dưới chân ta, và phần thanh phố còn lại của y ta phóng hỏa thiêu rụi.’

Đây có lẽ là kỳ công, được tiến hành một ít năm sau trận Qadesh, đã đoàn kết Ai Cập và Hittite, bởi vì người Hurri giờ đã đánh mất căn cứ cuối cùng của họ, và quân Asyria ở Karkemish đang đứng trước cổng Syria.

Vào giữa thế kỷ 13 tình hình nguy kịch của Babylon, đã bị xứ láng giềng hùng mạnh đe doạ, càng nghiêm trọng hơn đó sự tái xuất hiện của Elam trên vũ đài chính trị sau khoảng 400 năm vắng mặt. Triều đại mới chiếm ngài vàng ở Susa do các ông hoàng năng nổ lập ra, quyết định, ngoài những điều khác, củng có quyền hành của họ lên người Kassite ở Iraq cũng như lên những người Kassite ở Iran. Không lâu sau 1250 TCN Kashtiliash IV xui xẻo thấy mình bị mắc kẹt giữa hai kẻ thù: Untash-napirisha – nhà cai trị xứ Elam, người đã xây nên tháp tầng hoành tráng và các đền thờ ở Chogha-Zambil, gần Susa – và Tukulti-Ninurta I (1244 – 1208 TCN) xứ Asyria. Quân Elam thắng một trận, nhưng Tukulti-Ninurta chiếm được kính đô. Kỳ công này khiến người Assyria rất đỗi tự hào và tạo nên chủ đề của thiên anh hùng ca duy nhất của Assyria còn truyền lại cho chúng ta: một câu chuyện kể đầy tính thi cả và, tất nhiên, rất thiên vị được biết dưới tên ‘Thiên Hùng Ca Tukulti-Ninurta’.

Trong tác phẩm này mọi lời buộc tội đều đổ cho Kashtiliash, bị kết tội là đã bẻ gãy lời thề và âm mưu chống lại Assyria, nên xứng đáng bị thần linh của đất nước y bỏ rơi nên bị bại trận. Vậy mà truyện kể ngắn hơn về cuộc chiến trong một bảng chữ khác trên tường được tìm thấy ở Assur cho ta cảm tưởng là Tukulti- Ninurta hành động mà không bị khiêu khích:

‘Ta buộc Kashtiliash, Vua xứ Kar-Duniash, phải giao chiến; ta giáng cho đạo quân y phải thảm bại, các chiến binh của y ta lật nhào. Ngay giữa trận tiền, tay ta tóm lấy Kashtiliash, vua người Kassite. Chiếc cổ đế vương của y ta giẫm lên trên như giẫm lên bậc thềm. Bị lột hết quần áo và bị trói gô ta dẫn y trước mặt Ashur chúa tể của ta. Sumer và Akkad đến tận biên cương xa tít nhất của nó ta đặt dưới chân ta. Trên bờ biển thấp hương mặt trời mọc ta thiết lập biên cương của lãnh thổ ta.’

Ba ông hoàng, các bù nhìn tay sai của Assyria, liên tiếp ngồi chóng vánh trên ngai vàng của Babylon và lần lượt bị quân Elam tấn công và tiến xa tận Nippur. Nhưng sau 7 năm bị nô dịch chính người Babylon phục hồi triều đại dân tộc của mình. Một biên niên sử Babylon viết:

Các quý tộc Akkad và Kar-Duniash khởi nghĩa, và họ đặt Adad-shum-usur lên ngai vàng của vua cha ngài.

 

Về phần quốc vương Assyria, là người đầu tiên đến được Vịnh Ba Tư, ông qua đời một cách nhục nhã vài năm sau đó, ắt hẳn bị trừng phạt vi các tội ác của mình:

Về phần Tukulti-Ninurta người đã gây tội ác cho Babylon, Ashur-nadin-apli, con trai ông, và các quý tộc Assyria nổi dậy, và họ kéo ông xuống ngai vàng. Ở  Kâr-Ninurta họ vây hãm ông trong cung điện và tàn sát ông bằng gươm.

Bị yếu đi vì bất hòa gia tộc và các cuộc chiến huynh đệ tương tàn, các người kế vị ông chỉ phát động các cuộc công kích quy mô nhỏ chống Babylonia, và chính người Elam chứ không phải người Assyria mà, vào năm 1160 TCN, đã giáng một đòn sấm sét khiến triều đại Kassite phải khuỵu xuống. Năm đó Shutruk-nahhunte rời Susa dẫn đầu một đạo quân rầm rộ, xâm lược nam Iraq và cướp bóc nó như chưa bao giờ bị cướp bóc trước đây.

Các đài kỷ niệm nổi tiếng, các tuyệt tác điêu khắc của Mesopotamia như thạch bia Narâm-Sin, Bộ Luật Hammurabi và Bia Cột  Manishtusu bị lấy mang về Susa mãi mãi. Con trai của Shutruk-nahhunte, Kutir-nahhunte, được bổ nhiệm làm thống đốc Babylonia. Một ông hoàng Kassite có tên ngộ nghĩnh Enlil-nadin-ahhê (‘Enlil cho anh em’) xoay sở ngồi trên ngai ba năm nhưng rồi cuối cùng bị Kutir-nahhunte đánh bại và bị bắt sau một trận đánh dữ dội (1157 TCN). Babylon bị chiếm đóng. Ô nhục tột cùng: thần Marduk bị người Elam bắt làm tù binh như đã từng bị người Hittite bắt 438 năm trước. Thế là chấm dứt triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Babylon.

Sự sụp đổ của triều đại Kassite có thể được sử dụng làm một dấu ấn thuận tiện trong lịch sử Iraq cổ đại, nhưng nó dường như vô nghĩa khi so sánh với các sự kiện xảy ra trong Cận Đông trong thế kỷ 12 TCN. Khi người Elam tấn công Babylonia vương quốc Hittite của Boghazkoy đã tiêu vong; Ai Cập, vốn vừa thoát được một cuộc xâm lược khác từ phía đông, yếu thế đi nhiều vì các chia rẽ nội bộ; người Philistine đang lập cư tại Canaan, Moses đang dẫn dân tộc ông vào Miền Đất Hứa, người Aramaea du cư đang đe dọa cả các ông hoàng Syria lẫn các quân vương Assyria, và xa tận phía tây người Hy Lạp Doria đang xâm chiếm bán đảo Hellenic.

Thêm một lần nữa người Ấn-Âu đã di chuyển vào Tây Á, truyền bá thuật sử dụng sắt như tổ tiên họ đã truyền bá việc sử dụng ngựa, và mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, nhưng cũng bắt đầu một phản ứng dây chuyền các cuộc di chuyển sắc tộc song hành với các biến động chính trị thay đổi nhanh chóng cục diện của phương Đông.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s