Iraq cổ đại (Phần 15)

 Chương 15 : NGƯỜI KASSITE

1

Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Sau khi khảo sát rộng lớn, tuy sơ lược, về vùng Cận Đông, giờ đây chúng ta phải quay về Mesopotamia, nơi chúng ta đã bỏ đi, chắc bạn còn nhớ, vào cuối thời trị vì của Hammurabi, vào giữa thế kỷ 18 TCN.

Những chuyến dịch chuyển sắc tộc vừa được mô tả sắp sửa đầm hoa kết trái: người Hittite đang áp đặt ách cai trị lên dân chúng bản địa của Anatolia; người Hurri đang xâm lược một cách hòa bình miền bắc Syria và miền bắc Iraq; và phía sau dãy Zagros một tầng lớp quý tộc Aryan đang tổ chức người Kassite thành một quốc gia của những chiến binh. Nếu triều đình Babylon ý thức về những đổi thay này, họ ắt hẳn không thấy ở đó nhiều lý do phải cảnh giác, vì không có dân tộc nào trong số đó có vẻ gây ra mối hiểm họa gần kề nào với Iraq, và thật ra, những rạn nứt đầu tiên trong tòa lâu đài được Hammurabi xây dựng nên không do công kích của ngoại bang, mà từ yếu kém tự thân của mình. Đế chế Babylon là công trình của một người và nằm gần như hoàn toàn nhờ vào cá tính mạnh mẽ của ông. Được dựng lên trong vòng vài năm qua sự tập họp năm nhà nước có chủ quyền, mỗi nước có một truyền thống độc lập lâu đời, nó đã bị buộc  chịu trung ương tập quyền khá sớm.

Những nỗ lực của nhà vua nhằm tập trung tại Babylon đời sống chính trị, kinh tế và tâm linh của xứ sở có thể cuối cùng cũng tạo phức lợi cho Mesopotamia một cách toàn diện, nhưng hiệu quả thấy ngay của chúng là phá vỡ các tỉnh lỵ và tạo ra nhiều bất mãn đặc biệt trong những thành phố đã từng phồn thịnh ở Sumer và ở Assyria, nơi ký ức về những kỳ tích vĩ đại của Shamshi-Adad vẫn còn sống động. Do đó, không có nhiều ngạc nhiên khi cái chết của Hammurabi (1750 TCN) kéo theo một sự bùng nổ các cuộc nổi dậy dẫn đến sự tan rã nhanh chóng của vương quốc mình. Những cuộc nổi dậy này tương đối dễ dàng, ba trong bốn nhà nước được Hammurabi xáp nhập làm các vương quốc chư hầu, và chúng cũng được dân chúng yêu mến vì nhà vua Babylon đã tậu hoặc đơn giản tịch thu những điền sản rộng lớn, thị trường nằm trong tay các thương nhân tham lam, và các tỉnh lỵ, nhất là ở miền nam Mesopotamia càng ngày càng nghèo hơn so với phúc lợi của kinh đô và vùng lân cận.

Các vị vua kế vị Hammurabi cố gắng một cách vô ích để dập tắt nổi dậy khắp nơi, rồi phó mặc cho đế chế Babylon tan rã, nhưng họ cho thấy mình không thể đương đầu với tình hình mới bằng những biện pháp thích đáng. Để bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập từ tiền thuê đất và thuế của các tá điền, họ cố gắng gia tăng lượng nông sản trên phần lãnh thổ giờ đã nhỏ hơn còn sở hữu. Để thay thế lợi tức đang teo tóp của cán cân mậu dịch suy thoái với các nước vùng Vịnh, nhiều nhà buôn xử sự như các chủ ngân hàng: cấu kết với Hoàng cung, họ cho các chủ nông nhỏ và các chủ tiệm những món vay để mua trang bị. Hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh nợ nần không trả được, trong khi nhiều nhà cho vay tư nhân giàu có lên đến độ đe đọa quyền lực của Nhà nước.

Hơn nữa, dường như để sản xuất càng ngày càng nhiều hơn nữa ngũ cốc, các địa chủ vi phạm quy luật bỏ hoá đất, vì vậy làm giảm độ màu mỡ của đất và đẩy nhanh sự muối hóa. Do đó, trong vòng một thế kỷ (1700 – 1600 TCN làm tròn số) Babylonia đi từ sự phân rã chính trị đến rối loạn kinh tế và thảm họa sinh thái. Vương quốc trở nên suy nhược và một cú đánh nhẹ, một cuộc đột kích ngắn hạn của người Hittie, cũng khiến nó sụp đổ và sụp đổ Triều đại Thứ Nhất.

Mỉa mai thay, chính các ông hoàng Kassites, một dân tộc bị xem là thấp kém và bán khai, đã leo ngồi lên ngai vàng bỏ trống, hiển nhiên sử dụng các biện pháp cần thiết và dần dần biến đổi Babylonia thành một vương quốc phồn thịnh được các láng giềng hùng mạnh tôn kính và trọng vọng. Người Kassites cai trị hơn 4 thế kỷ, và chúng ta chỉ lấy làm tiếc là nguồn tư liệu nghèo nàn khiến cho thời kỳ dài và lý thú này là một trong những thời kỳ ít được biết đến nhất trong lịch sử Iraq cổ đại.

NHỮNG NGƯỜI KẾ NGHIỆP HAMMURABI

Con trai và người thừa kế Hammurabi, Samsu-iluna (1749 – 1712 B.C.), rõ ràng thừa hưởng được một phần phẩm chất của vua cha, vì ông chiến đấu một cách bền bĩ chống lại các kẻ thù khác nhau của Babylon. Nhưng giống như một chiếc áo rách bươm, vá chỗ này rách thêm chỗ khác, và kết quả cuối cùng là mất mát lãnh thổ nặng nề. Do đó vào năm thứ 9 thời trị vì một tên phiêu lưu tự xưng là Rim-Sin, vị Vua cuối cùng xứ Larsa, cầm đầu cuộc khởi nghĩa trong những quận giáp biên với Elam và quần thảo ít nhất 5 năm trước khi bị bắt và giết chết.

Vua xứ Eshmunna, người về phe với ông, bị bắt sống và bị thắt cổ tại Babylon. Trong cuộc chiến dài đẫm máu tiếp theo, Samsu-iluna giật sập tường thành của Ur, cướp phá và phóng hỏa mọi đền thờ và phá hủy một phần thành phố đó. Uruk chia sẻ cùng một số phận, khiến người Elam có cớ để can thiệp: Kuturnahhunte I tiến vào thành phố đó và lấy đi, ngoài những báu vật khác, một bức tường nữ thần Inanna mà Ashurbanipa tìm lại được một ngàn năm sau. Sau một ít năm nghỉ ngơi, một Iluma-ilu nào đó – tự xưng là hậu duệ của  Damiq-ilishu, vị vua cuối cùng của Isin – phất cờ độc lập ở Sumer, trở thành chủ nhân của toàn xứ phía nam Nippur và lập ra cái gọi là ‘Triều đại Thứ Hai của Babylon’ hay Triều đại Biển-Đất kéo dài cho đến 1460 TCN.

Vào khoảng thời gian đó các quận đông-bắc, vốn đang chịu thần phục Babylon từ kết quả của chiến dịch cuối cùng của Hammu-rabi, cũng giành lại được tự do ắt hẳn qua vụ nổi dậy của một trong những người kế nghiệp không tiếng tăm, Adasi, luôn giữ được danh tiếng trong niên giám của Assyria vì đã ‘kết thúc ách đô hộ của Assur’. Ngoài việc đương đầu với chuỗi thảm họa nội bộ, Samsu-iluna phải bảo vệ vương quốc của ông chống lại mối đe đọa xâm lăng của nước ngoài: chúng ta biết từ những tên năm rằng ông đánh bại một đạo quân Kassite vào năm thứ 9 của ông và một đạo quân Amorite trong năm thứ 35 – không kể các cuộc xâm nhập thường xuyên của bọn cướp bóc Sutaea chuyên bắt cóc đàn ông, đàn bà và trẻ con rồi bán làm nô lệ cho chính người Mesopotamia. Vào cuối thời kỳ trị vì đầy sóng gió Babylon được bình yên, nhưng vương quốc, bị cắt lìa các tỉnh ở phía bắc và nam, đã thu nhỏ trở về với biên giới gốc của mình: biên giới của đất nước Akkad.

Tuy nhiên, bốn người kế vị của Samsu-iluna xoay sở để duy trì di sản thu nhỏ của mình trong khoảng một thế kỷ. Abi-eshuh (1711-1684 TCN) đẩy lùi một cuộc tấn công Kassite lần 2, khoan thứ hoặc có thể khuyến khích việc định cư người Kassite ở Babylonia làm công nhân nông nghiệp, nhưng không thể ngăn cản thủ lĩnh Kassite Kashtiliash I trở thành vua xứ Hana khoảng 1700 TCN. Trong một nỗ lực phi thường nhằm đánh bật Iluma-ilu khỏi vùng đầm lầy nơi y ẩn trú ông cho xây đập Sông Tỉgris, nhưng không bắt được đối thủ của mình, y vẫn tiếp tục cai trị không bị thách thức trên xứ Sumer.

Có một số chứng cứ cho thấy Ammi-ditana (1683-1647 TCN) tái chinh phục, ít ra là tạm thời, một số lãnh thổ bị người tiền nhiệm đánh mất. Ammi-saduqa (1646 – 1626 TCN) nổi tiếng không vì những thành tích quân sự, nếu có, nhưng vì ‘chỉ dụ công lý’ (Meshârum). Tài liệu này có tầm thú vị đáng kể nhớ ánh sáng nó chiếu rọi một cách gián tiếp vào tình hình kinh tế của thời đại và những nỗ lực mà nhà vua xúc tiến để giảm nhẹ gánh nặng cho thần dân của mình. Chỉ dụ công bố, cho toàn thể dân chúng, miễn mọi khoản nợ và ân xá nợ còn khất lại, tiền cho thuê đến hạn và tiền vay ‘cho các nhu cầu’, và cho một số hạng người bãi bỏ hoặc giảm bớt các giấy phép và vài sắc thuế, cũng như bãi bỏ việc bỏ tù vì thiếu nợ, đi xa tới mức răn đe tội chết cho quan tòa nào dám đưa con nợ ra tòa. Tất cả điều mà vị vua cuối cùng của triều đại, Samsu-ditana (1625 – 1595 TCN), đã để lại cho chúng ta là một danh sách những tên năm của thời trị vì của mình. Như mọi vì vua Mesopotamia nhân từ đã làm, tất cả những vì vua kế nghiệp Hammu-rabi phục hồi các đền thờ, đào kênh và xây dựng các thị trấn được củng cố trong nhiều khu vực của vương quốc đã thu nhỏ và nghèo đi. Người ta không biết liệu các quân vương sắc sảo, tài năng và mộ đạo này, những người mà hết năm này sang năm khác dâng cúng các thần linh các bức tượng của ngài, có bao giờ ngờ rằng cơn bão sắp sửa quét bay ngai vàng của họ đang tích tụ ở trời tây-bắc xa xôi, vượt xa cả vùng núi Taurus phủ tuyết.

Trước đây chúng ta đã nói rằng một ông hoàng Hittite rất ít người biết, Labarnas I, đã thành lập ở Anatolia và lập tức mở rộng một vương quốc mà ông cai trị từ thành phố Kussara chưa được nhận diện. Labarnas II, con trai ông (k.1650 – 1620 TCN), góp thêm vào vương quốc lãnh địa ông hoàng Hatti, tại khúc quanh lớn của Sông Kizil-Irmak, chọn nơi cư ngụ là thành phố Hattusas (nay là Boghazkoy) lúc đó còn vắng vẻ và từ đó trở đi ông tự xưng mình là Hattusilis, ‘người từ Hattusas’. Quân vương hiếu chiến này chẳng bao lâu thấy biên giới của vương quốc mình quá hẹp và tìm kiếm các vùng đất khác để chinh phục, nhưng các bộ tộc Gasgas hung dữ cư trú tại dãy Pontic về phía bắc, người Luwia phía tây và người Hurri phía đông là một rào chắn cấp ba cản trở  tham vọng của ông. Chỉ về phía nam là con đường tương đối tự do – dường như nó đã được Labarnas I mở ra xa đến tận Cilicia – và nó dẫn đi vượt quá Taurus đến Syria, và vượt qua Syria đến Ai Cập hoặc Lưỡng Hà, những vùng đất màu mỡ nơi một ngàn năm văn minh đã tích lũy một tài sản đồ sộ đầy mê hoặc. Do đó, người Hittite tiền về phía nam. Những niên giám manh mún của Hattusilis, đề cập ít nhất hai chiến dịch theo hướng đó, trong quá trình đó Alalah bị hủy diệt, Urshu (một thị trấn trên bờ sông Euphrates, về phía bắc Karkemish), bị vây hãm và đánh chiếm, và binh sĩ Aleppo bị đánh bại ở Commagene. Chính Aleppo (Halpa), lúc đó là kinh đô của vương quốc Amorite của Iamhad, không thể bị chinh phục, và Hattusilis dường như đã mất mạng trong cuộc chiến. Nhưng con trai nuôi và người kế thừa của ông Mursilis I (k. 1620 – 1590 TCN), thành công tại nơi vua cha đã thất bại. 

‘Ngài hủy diệt thành phố Halpa,’ một văn bản Hittite cho biết, ‘và mang về Hattusas tù binh và của cải của Halpa.’

Sau Aleppo, Karkemish bị khuất phục. Từ Karkemish quân đoàn Hittite đi theo sông Euphrates về phía hạ lưu và bất ngờ xuất hiện ngay cổng thành Babylon. Những gì xảy ra sau đó chúng ta không biết. Các tác giả Babylon tất nhiên ái ngại về biến cố đau thương này, và chỉ trong một biên niên sử vào một niên đại muộn hơn nhiều ta bắt gặp một ghi chép ngắn gọn:

Chống lại Samsu-ditana người Hatti tiến lên, chống lại xứ Akkad.

Nhưng văn bản Hittite đã ghi chép rõ ràng hơn:

Sau đó ông (Mursilis) đi đến Babylon và đánh chiếm Babylon; ông cũng tấn công người Hurri và bắt giữ tù binh và của cải của Babylon tại Hattusas.

Như vậy Babylon bị đánh chiếm và cướp bóc. Chúng ta biết từ các nguồn tư liệu khác rằng các bức tượng Marduk và  phối ngẫu của thần, nữ thần Sarpanitum, cũng bị lấy đi như chiến lợi phẩm và, vì một nguyên do không rõ, bỏ lại ở Hana khi người Hittite rút đi. Về phần Samsu-ditana, ông cũng mất cả vương miện, và ắt hẳn cả mạng sống của mình. Như vậy chỉ trong một ngày và chắc không có nhiều kháng cự đã tiêu vong triều đại mà thủ lĩnh Amorite không rõ đã gầy dựng và Hammurabi đã làm nên tiếng tăm. Triều đại kéo dài 300 năm (1894 – 1595 TCN).

IRAQ DƯỚI THỜI CAI TRỊ CỦA NGƯỜI KASSITE

Chiến dịch Kassite, nếu được tiếp nối bằng sự chiếm đóng thường trực Babylon, có lé đã thay đổi tiến trình của lịch sử Đông phương. Tuy nhiên, nó cho thấy đó chỉ là một trận cướp phá liều lĩnh. Không lâu sau thắng lợi Mursilis quay về Hattusas, nơi những mưu mô cung đình tàn độc phải cần ông có mặt, và không bao giờ trở lại. Sau khi đoàn quân Hittite rút đi số phận của Babylon không còn được biết một cách chắc chắn. Có vẻ như là nhà cai trị Kassite trong những ngày đó – chắc chắn nhất là vị vua thứ 8 của triều đại, Agum II (Kakrime) – ngồi yên trên ngai vàng còn để trống sau cái chết của Samsu-ditana, và từ đó trở đi một hàng dài các quân vương Kassite sẽ cai trị Mesopotamia hoặc, như họ gọi, Kar-Duniash không ít hơn 438 năm (1595 – 1157 TCN).

Lập nghiệp tại Iran không biết từ đời nào, người Kassite (tiếng Akkad là kashshû) thuở ban đầu chiếm dụng phần trung tâm dãy Zagros ngày nay là Luristan, sát ngay phía nam  của Hamadan. Không giống người láng giềng phương bắc của mình, người Guti và Lullubi, họ không đóng vai trò nào trong nền chính trị Cận Đông trong thiên niên kỷ thứ 3. Vào giữa thế kỷ 18, tính hung hăng bất ngờ của họ dường như bị khích động bởi các chiến binh Ấn-Âu đến từ phương đông một hoặc hai thế kỷ trước, dạy họ nghệ thuật nuôi ngựa và chiếm quyền kiểm soát các bộ tộc của họ. Vì chúng ta không sở hữu văn bản nào bằng tiếng Kassite, chỉ trừ các văn bản bằng tiếng Akkad chứa những từ và thành ngữ Kassite, một danh sách song ngữ ngắn các thần linh và một danh sách các tên người, tất cả gì ta có thể nói về ngôn ngữ Kassite là tiếng đó có tính chấp dính và có lẽ quan hệ xa với tiếng Elam. Yếu tố Ấn-Âu được minh chứng bởi sự hiện diện trong hệ thần Kassite gồm các thần linh Aryan như Shuriash (tiếng Ấn là Surya), Maruttash (tiếng Ấn Marut) và Buriash (có lẽ đồng nhất với  Boreas, vị thần gió bấc của Hy Lạp), song hành với các thần Sumer-Akkad và với các thần riêng của Kassite   (Kashshu, Shipak, Harbe, Shumalia, Shuqamuna). Dựa vào các chứng cứ ít ỏi như thế  ta có được kiến thức về bối cảnh sắc tộc và văn hóa của người cao nguyên này.

Khổ thay, chúng ta không được  thơ thẩn nhiều hơn như đối với thời kỳ người Kassite thống trị ở Iraq. Khi các cuộc khai quật khảo cổ tiếp diễn nhiều tài liệu hơn chắc chắn sẽ được đem ra ánh sáng, nhưng mọi thứ chúng ta có hiện giờ chỉ là khoảng 200 bảng khắc – hầu hết đều ngắn gọn và ít giá trị lịch sử – 60 kudurru (xem bên dưới) và xấp xỉ 12,000 bảng khắc (thư từ và văn bản kinh tế), không tới 10 phần trăm được phổ biến. Điều này thực sự rất ít so với 400 năm – bằng khoảng thời gian chia cách chúng ta với triều Elizabeth I. Thật ra khối lượng thông tin của chúng ta rút ra từ nguồn thông tin nước ngoài gửi đến vương quốc Babylon, như thư từ el-Amarna được tìm thấy ở Ai Cập (xem Chương 16) hoặc ‘Sử Ký Đồng Bộ’, một biên niên sử viết bởi thư lại Assyria vào thế kỷ 7 TCN.

Tình trạng im ắng này khiến thời kỳ Kassite là một trong những thời kỳ mờ mịt nhất trong lịch sử Lưỡng Hà, và cụm từ ‘thời kỳ tăm tối’ và ‘suy đồi’ sẽ dễ dàng hiện ra trong đầu óc. Dù sao, nếu chúng ta sử dụng hết nguồn tư liệu của mình và nếu chúng ta kể đến các đài tưởng niệm do các vị vua Kassite dựng lên, những năm tháng dài tù đọng về chính trị xuất hiện, so sánh với những năm cuối cùng của Triều đại Thứ Nhất của Babylon, như một thời kỳ phục sinh và thậm chí tiến bộ, ít ra trong một vài lĩnh vực. Không nghi ngờ gì nữa, chẳng hạn, người Kassite vãn hồi trật tự, hòa bình và thống nhất trong một đất nước bị tàn phá trong hơn nửa thiên niên kỷ, tiếp tục đi theo truyền thống Lưỡng Hà và xử sự trong mọi cách như những quân vương Lưỡng Hà tốt bụng và có lương tri.

Chẳng hạn một trong các hành động đầu tiên của Agum Kakrime (k. 1570 TCN) sau khi trở thành vua Babylon là mang trở về từ Hana các pho tượng Marduk và Sarpanitum và phục hồi lại địa vị các thần trong các đền thờ lộng lẫy được xây dựng nhân dịp này. Cử chỉ này được tính toán nhằm thu phục trái tim của thần dân ngài, nhưng cũng có một ý nghĩa sâu xa hơn: Nó có nghĩa là vị vua ngoại bang nhìn nhận Marduk là chúa tể của vương quốc mới của mình và dự kiến yên vị như người kế thừa hợp pháp của triều đại diệt vong. Khoảng 80 năm sau đó Ulamburiash đánh bại Ea-gâmil, Vua của Biển-Đất, nhờ đó lấy lại cho Babylon toàn bộ xứ sở Sumer (sau 1500 TCN). Liệu có những cuộc chiến khác, không được ghi chép và ít hiển hách hơn giữa Babylonia và Assyria, hoặc liệu người Kassite có bỏ đi mọi hy vọng áp đặt uy quyền của mình lên các tỉnh lỵ trước đây ở phía bắc thuộc đế chế Hammurabi , thì chúng ta không được biết; nhưng một trong những người kế vị Agum, Burnaburiash I, ký một hiệp ước với ông hoàng Assyria  Puzur-Ashur III liên quan đến đường biên giới, đâu đó quanh Samarra, chia cắt hai vương quốc. Khoảng một thế kỷ sau đó, một thoả ước tương tự được ký kết giữa Kara-Indash và Ashur-bêl-nisheshu (1419 – 1411 TCN).

Thế là vùng Mesopotamia được chia thành hai phần: Assyria và Babylonia, một sự phân đôi mà hiệu quả của nó ắt sẽ được cảm nhận cho gần một ngàn năm. Trong lãnh địa của riêng mình các vị vua Kassite đảm đương công việc tái thiết và làm đẹp các điện thờ cổ và tiếng tăm ở Nippur, Larsa, Ur và Uruk. Một trong số họ, Kara-Indash, đã để lại trong khuôn viên E-Anna ở Uruk một tạo tác thú vị: một đền thờ, có mặt tiền làm bằng gạch đúc theo kiểu mà khi ráp với nhau, chúng tạo nên các hình lớn bằng người thật các vị thần được chạm chìm. Kỹ thuật điêu luyện này – có lẽ thay thế cho việc điêu khắc đá – khi đó còn mới mẻ ở Lưỡng Hà; sau này kỹ thuật được sử dụng trong triều đại Chaldea ở Babylon và bởi người Achaemenia ở Susa và Persepolis. Người xây dựng nhiệt thành nhất  ở Kassite, tuy nhiên, là Kurigalzu I (k. 1400 TCN), người không những phục hồi thành phố thiêng Ur bị tàn phá dưới thời Samsu-iluna mà còn lập ra một thị trấn mới và trọng yếu, giờ được biểu thị bởi tàn tích của ‘Aqar Quf.

Tháp ‘Aqar Quf cao 57 mét, đổ bóng xuống binh nguyên và sừng sững một dấu ấn cách Baghdad 33 km về hướng tây, là hạt nhân của một ziqqurat (tháp tầng)  khổng lồ đã từng một thời vươn cao giữa trung tâm Dûr-Kurigalzu, thành phố thành lũy(dûru) và hoàng cung của Vua  Kurigalzu. Các cuộc khai quật được tiến hành tại ‘Aqar Quf đã lộ ra nền móng của tháp ziqqurat với bậc thang toành tráng, ba đền thờ và một phần cung điện. Cung điện được trang trí bởi tranh tường và  gồm một lối đi dạo có cột vuông, một cách tân kiến trúc khác. Các đền thờ được dâng cúng gia đình thần thánh Enlil, Ninlil và con trai họ Ninurta. Sự hiện diện của các vị thần Sumer này trong một thành phố do một vị vua Kassite sáng lập chứng tỏ người ngoại bang đã bị đồng hóa đến một mức độ nào đó. Những vật thể thú vị khác nhau được tìm thấy trong các đền thờ và cung điện, bao gồm một pho tượng kích thước lớn hơn người thật Kurigalzu được khắc một hàng chữ Sumer dài, những tượng đất sét nung có tô màu với kỹ năng chế tác khá cao, và những đồ trang sức bằng vàng lộng lẫy. 

2

 Đầu người và đầu sư tử cái  bằng đất sét nung từ  Dûr-Kurigalzu (‘Aqar Quf), thời kỳ Kassite.

Người Kassite đôi khi được vinh danh là người đem ngựa vào đất Mesopotamiaopotamia. Điều này không thật đúng. ‘Con lừa nước ngoài’ (anshe-kur-ra), theo cách người Sumer gọi ngựa, xuất hiện lác đác trong văn bản thời kỳ Ur III, và ngựa được đề cập đến dưới tên Akkad là sîsû trong thư từ hoàng gia gửi từ Mari. Nhưng sử dụng ngựa làm vật kéo chắc chắn được người Hurri khởi xướng và chính người Kassite phổ biến rộng rãi hơn trong thời kỳ Kassite. Sự xuất hiện trên chiến trường Cận Đông những chiến mã xa chạy nhanh tạo ra, như được kỳ vọng, một cuộc cách mạng trong nghệ thuật chiến tranh, trong khi việc thay thế những chú lừa thồ bằng xe ngựa kéo khiến vận chuyển  thương mại dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn. Vài thay đổi lớn và nhỏ khác được người Kassite tạo ra hay, ít nhất, xuất hiện trong thời trị vì của họ. Chúng đi từ cách thức đo đạc đất đai đến phong cách ăn vận và không thể mô tả chi tiết ở đây. Tuy nhiên, hai trong số này có tầm hứng thú đặc biệt đối với sử gia. Một là việc thay thế hệ thống tính niên đại cũ bằng tên năm bằng một hệ thống đơn giản hon, theo đó các năm của mỗi thời trị vì, đếm từ Năm Mới đầu tiên theo sau lễ đăng quang, được biểu thị bằng con số, chẳng hạn ‘năm thứ nhất, thứ hai, …của Vua N’. Một cách tân khác là kudurru. Từ Akkad kudurru có nghĩa ‘biên giới, đường ranh’, và nhứng tấm thạch bia nhỏ này thường được gọi là ‘bia biên giới’, mặc dù chúng thực tế là những bản đồ cấp phát, các ghi chép về việc phong đất của vua, được viết trên đá và được cất giữ trong đền thờ, trong khi các bản sao trên đất sét được trao cho chủ đất. Một kudurru thường được chia thành hai phần: phần trên của bia được điêu khắc chìm hình ảnh các vị thần – thường được thay thế bởi biểu tượng của ngài: đĩa mặt trời cho Shamash, trăng lưỡi liềm cho Sinh, cái cuốc cho Marduk,…là người bảo đảm cho hành vi ban tặng của nhà vua, bên dưới là hàng chữ khắc dài ghi tên người được ban tặng, vị trí chính xác và kich thước của miếng đất phong, những miễn giảm và đặc quyền gắn liền với nó, một danh sách các nhân chứng và cuối cùng, nhiều lời nguyền rủa đầy màu sắc chống lại ‘bất cử kẻ nào trong tương lai bôi xoá, thay đổi hoặc phá hủy’ kudurru.

Những bia ký niệm nhỏ này, cùng với dấu niêm hình ống và tượng hình người bằng đất sét nung, là thuộc những tạo tác nghệ thuật duy nhất của thời kỳ Kasite còn sống sót. Trong khi hình điều khắc trên kudurru phần nhiều có tính biểu tượng và tĩnh, những kiểu dáng trên dấu niêm bao gồm các dạng hình học mới (hình thoi, thập tự, trăng lưỡi liềm) và đa dạng hình thú trước đây chưa hề được biểu thị, như ruồi, ong, cào cào, cho hoặc khỉ, thường ‘đang chuyển động’. Nhiều dấu niêm chứa chữ khâc tương đối dài cho tên chủ sở hữu, tên cha y và nghề nghiệp của y và đôi khi theo sau là một lời cầu nguyện hoặc bùa chú.

Về văn chương thời kỳ Kassite được đánh dấu bằng những nỗ lực đáng kể nhằm cứu vớt di sản văn hóa được lưu truyền từ những thời đại sáng tạo hơn và theo một cách tiếp cận mới có tính răn dạy điển hình đối với các đề mục  đạo lý. Những trước tác khoa học như các quan sát y học  và thiên văn biên soạn trong thời kỳ Isin-Larsa và Babylon Cổ được sao chép và nhóm lại thành tuyển; những từ điển và danh sách các ký hiệu hình nêm được biên soạn. Dưới Triều đại Babylon Thứ Nhất, hầu hết những huyền thoại và truyền thuyết Sumer-Akkad vĩ đại đã được suy nghĩ lại, phân vai lại thành ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng, tao nhã và làm trẻ hóa; dưới thời trị vì Kassite chúng được biên tập bởi các thế hệ các thư lại trong đền thờ và được diễn đạt bằng một phương ngữ khá tinh tế, ‘Chuẩn Babylon’, khác biệt rõ rệt với tiếng mẹ đẻ ‘Trung Babylon’. Những khái niệm về tôn giáo và triết lý truyền thống ở Lưỡng Hà được gìn giữ, nhưng trong mối liên hệ giữa người phàm và thần thánh tính nhẫn nhục được đặt nặng hơn là sự tin tưởng, mê tín được đặt nặng hơn là tín ngưỡng. Những tác phẩm văn chương về túi khôn huấn tập , như Ludlul bêl nêmeqi (xem Chương…) là đại diện cao cấp của tinh thần mới, trong khi những tục mê tín đương thời được phản ánh trong ‘lịch hoàng đạo’ coi ngày tốt xấu và trong tuyển tập bùa chú trừ tà ma. Tất cả những điều này có lẽ không độc đáo cho lắm, nhưng ít ra các thầy tu uyên bác ở Babylon của nền văn hóa Lưỡng Hà khỏi bị quên lãng, cũng như các thầy tu Âu châu vào thời Trung Cổ đã cứu vớt văn hoá Hy-La.

Uy tín của văn chương Lưỡng Hã trong vùng Cận Đông cổ đại đến độ nó được công nhận trong nhiều xứ sở từ Anatolia đến Ai Cập: Trường thi Gilgamesh, chẳng hạn, được dịch ra tiếng Hittite và Hurri, và những bản sao các truyền thuyết về Babylon được tìm thấy trên bờ sông Nile. Hơn nữa, ngôn ngữ Babylon là ngôn ngữ chung được dùng trong mọi toà án và giới ngoại giao Đông phương trong suốt nửa thiên niên kỷ sau của thiên niên ký thứ hai, tại một thời điểm khi Babylonia gần như ngưng hoạt động về phương diện chính trị. Do đó nếu trong dàn giao hưởng quốc tế mới Lưỡng Hà chỉ chơi vị trí rất phụ thuộc, nó vẫn còn được xếp hạng rất cao trong lĩnh vực văn minh.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s