
Sự phân bố địa lý của các nhóm đơn bội nhiễm sắc thể Y: C,D, N và O ở Đông Á. Chuan-Chao Wang)
Hà Văn Thuỳ
Khám phá lịch sử hình thành dân cư Đông Á là thách thức lớn nhất của sử học hiện đại. Do thiếu phương tiện, thế kỷ XX đã thất bại, dẫn tới lịch sử các quốc gia phương Đông bị viết sai. Sang thế kỷ XXI, di truyền phân tử vào cuộc, khám phá con đường đưa người tiền sử từ châu Phi di cư về phương Đông, mở ra kỷ nguyên mới trong khảo cứu lịch sử nhân loại. Đến nay đã xuất hiện nhiều nghiên cứu di truyền, tạo ra hiểu biết ngày càng phong phú, sâu sắc về bộ gen con người. Điều này khiến cho không ít người hy vọng rằng di truyền học như chiếc gậy thần sẽ khám phá quá trình hình thành dân cư Đông Á, trả lời câu hỏi lớn nhất của lịch sử nhân loại, giúp viết cuốn sử chân thực của các dân tộc phương Đông. Tuy nhiên sự thực không như vậy. Chúng ta thử điểm qua một số nghiên cứu.
I .Thực trạng một số nghiên cứu tiêu biểu.
- Nghiên cứu thứ nhất: Suy luận về lịch sử loài người ở Đông Á từ nhiễm sắc thể Y của Chuan-Chao Wang, Hui Li, Đại học Phúc Đán Trung Quốc. (1)
Sau khi những khảo cứu nhiễm sắc thể dòng mẹ mtDNA bộc lộ nhiều nhược điểm, trong công trình của mình, các tác giả tập trung vào lịch sử dân cư Đông Á bằng cách nghiên cứu nhiễm sắc thể Y thuộc dòng cha. Thành tựu nổi bật của nghiên cứu là khám phá: “Có bốn nhóm đơn bội nhiễm sắc thể Y chiếm ưu thế ở Đông Á – O-M175, C-M130, D-M174 và N-M231 – chiếm khoảng 93% số nhiễm sắc thể Y Đông Á.” “Trong đó, nhóm O-M175 đã tạo ra ba nhóm đơn bội cùng dòng – O1a-M119, O2-M268 và O3-M122 – tổng cộng 60% nhiễm sắc thể Y trong dân số Đông Á.” “Thời gian di cư sớm về phía bắc của dòng dõi O3-M122 ở Đông Á được ước tính khoảng 25 đến 30 nghìn năm trước.” “Do đó, tuyến đường phía nam của sự di cư đầu tiên của con người ở Đông Á, lấy Y haplogroups O lớn nhất, được hỗ trợ bởi hầu hết các bằng chứng.”
“Haplogroup C-M130 có thể là một trong những khu định cư sớm nhất ở Đông Á. Haplogroup C có tần suất cao đến trung bình ở Viễn Đông và Châu Đại Dương, và tần số thấp hơn ở Châu Âu và Châu Mỹ, nhưng không có ở Châu Phi”. “Kiểu phân phối rộng rãi của C-M130 cho thấy C-M130 có thể đã phát sinh ở đâu đó ở lục địa châu Á trước khi con người hiện đại đến Đông Nam Á.”
“Nhóm haplogroup D-M174 được lấy từ haplogroup DE-M1 (chèn YAP) của châu Phi và được kết hợp với một phong cách vật lý châu Á đen lùn. Haplogroups E và D là anh em haplogroup. Trong khi haplogroup E được những người da đen cao lớn mang về phía tây tới châu Phi, haplogroup D có thể đã được những người da đen lùn mang theo về phía đông đến Đông Á (Hình 3).” “Nếu haplogroup D có nguồn gốc từ Châu Phi, thì điều bí ẩn nhất là nó đã đi qua các quần thể có haplogroups CF đến Đông Á như thế nào. Một bí ẩn khác là làm thế nào haplogroup D đã di cư từ Tây Nam Á đến tận Nhật Bản.” “Tuy nhiên, do thiếu dữ liệu, lịch sử của haplogroup D, như một di sản của Thời đại Cổ sinh ở Đông Á, vẫn còn là một bí ẩn.”
“Nhóm N-M231Haplogroup là anh em của nhóm haplogroup O, đạt tần suất cao nhất ở miền bắc Âu Á. Những người đầu tiên của nhóm haplogroup N có cuộc tuần hành dài để đi qua lục địa từ Đông Nam Á đến Bắc Âu. Sự di cư của haplogroup N là một bằng chứng khác cho nguồn gốc phía nam của người Đông Á.”
Nhận xét.
Nhóm nghiên cứu thành công về kỹ thuật khi xác định vị trí của bốn nhóm nhiễm sắc thể trên địa bàn Đông Á, đặc biệt lần đầu cho thấy “hành tung” của nhóm nhiễm sắc thể D. Nghiên cứu cũng bỏ thêm phiếu cho “tuyến đường phía nam” của cuộc di cư tới châu Á. Tuy nhiên, các tác giả cũng đưa ra nhiều “suy luận”không thể kiểm chứng như: “haplogroup D có thể đã được những người da đen lùn mang theo về phía đông đến Đông Á…” ám chỉ cho một cuộc di cư riêng rẽ của nhóm D từ châu Phi tới. Đặc biệt là nhận định: “Kiểu phân phối rộng rãi của C-M130 cho thấy C-M130 có thể đã phát sinh ở đâu đó ở lục địa châu Á trước khi con người hiện đại đến Đông Nam Á.”Những nhận định như vậy không chỉ thiếu cơ sở mà còn có thể nói liều lĩnh vì phủ định những khám phá quan trọng hàng đầu về con đường và thời điểm con người ra khỏi châu Phi. Đúng như tên gọi của nó, nghiên cứu này mang giá trị của một Suy luận về lịch sử loài người ở Đông Á, đẩy cuộc săn tìm lịch sử dân cư Đông Á trở nên mù mịt rối rắm!
- Nghiên cứu thứ hai: “Các cuộc điều tra địa lý và bộ gen của người Việt Nam cho thấy sự biến động nhân khẩu học lịch sử phức tạp.” (2)
Thực hiện Dự án 1000 bộ gen người Việt Nam, các tác giả công bố:
“Hai giả thuyết chính đã được đề xuất để giải thích các nguồn địa lý / dân số ban đầu đóng góp cho quần thể Đông Nam Á ngày nay. Giả thuyết đầu tiên đề xuất rằng các quần thể ở Đông Á có thể xuất phát từ các quần thể ở Đông Nam Á di cư từ châu Phi, có thể thông qua châu Á sau một tuyến đường ven biển. Giả thuyết khác đề xuất ít nhất hai cuộc di cư độc lập: cùng một phong trào ban đầu đến từ châu Phi sau một tuyến đường ven biển phía nam đầu tiên, tiếp theo là một loạt các di cư dọc theo một tuyến đường phía bắc phục vụ để nối các quần thể châu Âu và Đông Á. Theo giả thuyết sau, hầu hết các dân tộc Việt Nam ngày nay sẽ là hậu duệ của các quần thể cổ đại trải dài từ phía Nam sông Dương Tử về phía Biển Đông và các đảo Đông Nam Á.”
“Theo quan điểm nhân chủng học, kịch bản tổng thể là người Việt Nam ngày nay có nguồn gốc dân tộc kép: một thành phần chính đến từ miền Nam Trung Quốc, chồng lên một thành phần nhỏ có nguồn gốc từ một hỗn hợp Thái-Indonesian. Quá trình Nam tiến có thể là chìa khóa cho việc cấu hình kiến trúc bộ gen của người Việt Nam ngày nay.”
Nhận xét:
Chính việc lồng ghép hai tuyến đường di cư tạo thành dân cư Đông Á đã dẫn các tác giả đến chủ trương sai lầm: “Số lớn người từ Nam Trung Quốc trùm lên số lượng nhỏ dân bản địa.” Nếu điều này thực sự xảy ra thì đương nhiên, người Việt Nam phải có chỉ số đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc. Nhưng sự thực, chỉ số đa dạng sinh học ở người Việt Nam cao nhất trong dân cư châu Á đã bác bỏ nhận định này. Mặt khác, tài liệu di truyền và khảo cổ xác nhận rằng, từ 4000 năm trước, mã di truyền người Việt Nam đã thuộc chủng Mongoloid phương Nam cũng phủ định việc chuyển hóa di truyền xảy ra vào thời Nam tiến 800 năm trước.
- Nghiên cứu thứ ba: Người tiền sử ở Đông Nam Á. (3)
Tiếp cận đề tài một cách thông minh, nhóm nghiên cứu đã chọn và giải trình tự DNA 26 bộ gen người Đông Nam Á sống từ 2000 đến 8000 năm trước, tránh được việc trộn lẫn gen sau này khiến cho khảo cứu chính xác hơn. Các tác giả đưa ra kết luận:
“Phù hợp với giả thuyết hai lớp trong lục địa Đông Nam Á, chúng tôi quan sát thấy sự thay đổi của tổ tiên khoảng ~ 4000 năm trước đây, hỗ trợ việc mở rộng nhân khẩu học từ Đông Á sang Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi thời kỳ đồ đá mới. Tuy nhiên, mặc dù những thay đổi trong cấu trúc di truyền trùng với quá trình chuyển đổi này, bằng chứng về sự pha trộn chỉ ra rằng việc di chuyển từ Đông Á không chỉ đơn giản là thay thế những người cư ngụ trước đó…”Và “Khoảng 2000 năm trước đây, các cá nhân Đông Nam Á đã mang thêm các thành phần tổ tiên Đông Á vắng mặt trong các mẫu thời đồ đá mới, giống như các quần thể ngày nay.”
Cũng như nhiều nghiên cứu trước đó, nghiên cứu này phát hiện sự chuyển hóa di truyền từ nông dân Đông Á sang Đông Nam Á nhưng không trả lời được những vấn đề bức thiết: (i). Người nông dân Đông Á là ai, từ đâu ra? Và (ii). Không khẳng định có diễn ra cuộc thay thế người bản địa bằng dân nhập cư Trung Quốc hay không? Chính vì vậy, nghiên cứu chỉ có thể kết thúc bằng sự nghi vấn: “Các nghiên cứu về dân số ngày nay chưa giải quyết được mức độ di cư từ Đông Á ảnh hưởng đến cấu trúc di truyền của Đông Nam Á.” Đó cũng có nghĩa là, lịch sử hình thành dân cư Đông Á chưa có lời giải cuối cùng!
Nhận định chung:
Trong ba nghiên cứu đã dẫn thì nghiên cứu thứ nhất không đưa ra nhận định có ý nghĩa nào về lịch sử hình thành dân cư Đông Á. Nghiên cứu thứ hai đưa ra nhận định sai lầm vì chủ trương kết hợp hai con đường di cư làm nên dân cư Việt Nam. Nghiên cứu thứ ba không khẳng định mô hình di cư làm nên dân cư Đông Nam Á.
Từ những nghiên cứu trên cho thấy, sau hơn 30 năm nỗ lực tìm kiếm, các nhà di truyền học đã bất lực trong việc khám phá lịch sử dân cư Đông Á.
Từ tìm hiểu của mình, chúng tôi nhận ra rằng, cho đến cuối thế kỷ XX, tri thức nhân loại trong các lĩnh vực khảo cổ học, cổ nhân chủng học, văn hóa học, sử học đã đủ dữ liệu để viết nên lịch sử dân cư phương Đông. Cái thiếu duy nhất là một phép mầu giúp kết nối những tri thức rời rạc đó thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Rồi phép màu đã hiện.
Tháng Tám năm 2004, tình cờ chúng tôi bắt gặp bản tin viết rằng, các nhà khoa học nước Mỹ công bố khám phá gây chấn động: Người Hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi khoảng 160 đến 180.000 năm trước. 60.000 năm trước, người từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ Dương di cư tới Việt Nam. Nghỉ lại ở đây 10.000 năm, 50.000 năm trước, người từ Việt Nam lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á và chiếm lĩnh đất Ấn Độ. 40.000 năm trước, khi khí hậu phía Bắc tốt hơn, người từ Việt Nam đi lên chinh phục Hoa lục …(4) Trong đầu chúng tôi một luồng sáng bừng lên như ánh chớp cùng với ý nghĩ: “Nếu tin này xác thực thì không chỉ đưa tới viết lại lịch sử Việt Nam mà còn thay đổi số phận dân tộc Việt Nam.” Khi nguồn tin được xác nhận, chúng tôi dừng cuốn tiểu thuyết đang viết, chia tay những bài bình luận văn chương, tạm biệt nàng thơ để Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt.
Sau 15 năm làm việc, chúng tôi đã viết và xuất bản sáu cuốn sách: Tìm lại côi nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học,2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, 2011), Khám phá lịch sử Trung Hoa (NXB Hội Nhà văn, 2016) Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt (NXB Hội Nhà văn, 2016), Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại tới hiện thực (NXB Hội Nhà văn, 2017) và cuốn Tiền sử người Việt (đang in). Cùng với sách là hơn trăm bài khảo cứu công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trình bày những khám phá mới nhất về cội nguồn lịch sử văn hóa phương Đông và Việt Nam.
II Hành trình tìm lại cội nguồn.
Công việc của chúng tôi là đặt ra và trả lời những câu hỏi mấu chốt sau đây:
- Câu hỏi thứ nhất: Người di cư châu Phi đến Đông Á theo con đường nào?
Trước khi chúng tôi bắt tay vào công việc, các nhà di truyền đã công bố hai con đường di cư của người châu Phi tới Đông Á. J.Y. Chu và cộng sự cho rằng: “Người từ châu Phi theo ven Ấn Độ Dương tới Việt Nam 60-70.000 năm trước. 50.000 năm trước người từ Việt Nam lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á và đất Ấn Độ. Khoảng 40.000 năm trước lên chiếm lĩnh Hoa lục và 30.000 năm trước qua eo Bering chinh phục châu Mỹ.” (4) Stephen Oppenheimer nói: “85.000 năm trước, người hiện đại từ Đông Phi qua cửa Hồng Hải sang bán đảo A Rập. Do gặp bức thành băng giá phía bắc, một bộ phận dừng lại trên đất Yemen, những người khác theo ven biển Ấn Độ tới Đông Nam Á. Dòng người này chiếm lĩnh Đông Á và làm nên phần chủ thể của nhân loại ngoài châu Phi.” (5) Trong khi đó, Spencer Wells của National Geographic tuyên bố: “Có hai cuộc di cư khỏi châu Phi. Có cuộc ra đi 60.000 năm trước theo con đường phía Nam nhưng cuộc ra đi 45000 năm trước, từ châu Phi, người tiền sử qua Trung Đông vào Trung Á rồi đi sang phương Đông mới quan trọng, làm nên đại đa số nhân loại ngoài châu Phi.” (6)Các tác giả của Max Planck cũng cùng quan điểm này.
Trước ngã ba đường buộc phải lựa chọn. Thế kỷ trước phần đông giới khoa học thừa nhận: Người Hán từ phía Tây xâm nhập Nam Hoàng Hà, sáng tạo văn minh Hoa Hạ sau đó mang văn minh Hoa Hạ xuống khai hóa các sắc dân man rợ phương Nam. Khi khảo cổ phát hiện văn hóa Ngưỡng Thiều, nhiều người cho rằng “Văn minh châu Á từ Ngưỡng Thiều đưa xuống…” Nhưng vào thập kỷ 1970, W.G. Solheim II, từ những khai quật khảo cổ ở Thái Lan, nhận định: “Văn hóa Ngưỡng Thiều là do Hòa Bình sớm đưa lên.” (7) Khảo cổ học cũng cho thấy, nhiều di chỉ phía Nam không chỉ có tuổi sớm hơn mà còn tiến bộ hơn phía Bắc. Năm 1992, từ nghiên cứu di truyền dân cư châu Á, S.W. Ballinger của Hiệp Hội Di truyền học Hoa Kỳ tuyên bố: “Dân cư châu Á cùng một nguồn gốc Mongoloid phương Nam. Trong đó người Việt Nam có độ đa dạng sinh học cao nhất, chứng tỏ người Việt Nam có tuổi sinh học già nhất trong dân cư châu Á.” (8) Một phát hiện gây sửng sốt vì phủ nhận những điều từ lâu vốn được coi như là chân lý. Những chứng cứ này giúp chúng tôi khẳng định: con đường phía Nam phù hợp với sự thật. Cũng từ đây chúng tôi nhận ra sai lầm của con đường phương Bắc. Hành trình di cư của con người là con đường quanh co, nhiều khi vòng vo lặp lại vết chân của người đi trước. Tất cả những bước đi đó ít nhiều để lại marks trong bộ gen, dễ gây lầm lẫn cho người khảo cứu sau này. Như Stephen Oppenheimer phát hiện, 40.000 năm trước, có một dòng người từ Đông Á, qua Trung Á, vào châu Âu. Tại đây, họ gặp những người từ Trung Đông qua eo Bosphorus tới. Hai dòng người hòa huyết, sinh ra người Europian là tổ tiên người châu Âu. Khoảng 15.000 năm trước, có một dòng người từ châu Âu qua Trung Á rồi tiến về Đông Á. Chính dòng di cư này khiến cho Spencer Wells lầm tưởng khi cho rằng đó là“cuộc ra đi khỏi châu Phi 45000 năm trước.” Sự thật không như vậy. Không hề có con đường phương Bắc làm nên dân cư Đông Á. Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng của người đi trước, nhiều nhà di truyền học đến nay vẫn tin rằng có hai con đường di cư làm nên dân cư Đông Á.
- Câu hỏi thứ hai: Con người rời châu Phi khi nào?
Thời điểm con người rời châu Phi cũng gây chia rẽ giữa các nhà di truyền học. Stephen Oppenheimer cho rằng chỉ có cuộc di cư duy nhất thành công vào 85.000 năm trước. Trong khi đó, Spenser Wells nói có hai cuộc di cư, vào 60.000 năm và 45.000 năm trước. Khám phá khảo cổ học tìm ra người Mongoloid ở Lưu Giang Quảng Tây và người Australoid tại hồ Mongo châu Úc cùng thời điểm 68.000 năm trước, sọ người 63.000 năm ở hang Tampaling Bắc Lào đã phủ nhận đề xuất của S. Wells. Sau này phát hiện những chiếc răng hóa thạch tại Động Phúc Nham Hồ Nam (9) và những công cụ của người hiện đại 80.000 năm trước ở Vườn Quốc gia Kakadu nước Úc (10) cho thấy ý kiến của Stephen Oppeheimer gần sự thật hơn.
Có thể đã diễn ra kịch bản: 85.000 năm trước, sau khi rời châu Phi, một nhóm người “đi chuyến tàu nhanh,”đã đến Đông Á 80.000 năm cách nay. Nhưng do trời lạnh dữ dội, họ bi tiêu diệt, chỉ để lại 47 chiếc răng hóa thạch tại Động Phúc Nham. Cũng trong nhóm này, có những người đi tới Úc, làm nên dân cư đầu tiên của Úc và để lại công cụ đá tại Kakadu. Trong khi đó, nhóm đông hơn, đi “ tàu chậm,”tới Việt Nam 70.000 năm trước, làm nên phần lớn nhân loại ngoài châu Phi.
Từ phân tích trên, có cơ sở khẳng định, chỉ có chuyến rời châu Phi thành công duy nhất vào khoảng 85.000 năm trước. Tuy vào năm 2012 S. Oppenheimer thay đổi nhận định của mình, cho rằng con người ra khỏi châu Phi 72.000 năm trước (11) nhưng khi đối chiếu với nhiều tư liệu khảo cổ, chúng tôi vẫn thấy ý kiến trước đó của ông gần với sự thực hơn.
- Người di cư đến nơi nào ở Đông Nam Á?
Đồng ý là người di cư châu Phi đã theo con đường phía nam tới Đông Nam Á. Nhưng xác định “điểm đến” là điều quan trọng để từ đó theo dõi cuộc hành trình của họ sau này. Ban đầu, do ảnh hưởng của cuốn Eden in the East của S. Oppenheimer, chúng tôi cho rằng, người di cư đã tập trung trên địa bàn Sundaland, tạo ra nền văn minh rực rỡ trước khi “lục địa Đông Nam Á bị chìm.”Nhưng sau đó những tư liệu mới của khảo cổ và di truyền khiến cho ý tưởng này bị nghi ngờ. Nếu có mặt tại sundaland trước thì khi lục địa Đông Nam Á bị chìm, người từ đó sẽ chiếm lĩnh Malaysia, Indonesia… Đương nhiên dân cư của các đảo trên phải có tuổi sinh học cao nhất. Tuy nhiên, cả tư liệu khảo cổ và di truyền đều cho thấy, người cổ nhất trên các đảo này chỉ từ 50.000 đến 45.000 tuổi.(3) Nhiều dấu hiệu chứng tỏ họ từ Việt Nam tới. Do đó chúng tôi từ bỏ ý tưởng “rời khỏi Sundaland” và củng cố quan điểm người tiền sử tới Việt Nam trước. Di cốt người Lưu Giang 68000 năm tuổi, hộp sọ hang Tampalin Bắc Lào 63000 năm cho thấy người di cư đã tu tập trên đất liền châu Á trước. Cùng với những tài liệu di truyền phát hiện người Việt Nam có độ đa dạng sinh học cao nhất châu Á đã khẳng định Việt Nam là nơi đến của người di cư châu Phi. Tại đây, người tiền sử gặp gỡ, hòa huyết sinh ra người Việt cổ. Từ đó chúng tôi chủ trương Ra khỏi Việt Nam chiếm lĩnh thế giới. (12)
- Câu hỏi thứ tư: Người di cư tới Việt Nam là ai? Người ra khỏi Việt Nam là ai?
Điều bí mật có tính mấu chốt mà không biết vì sao các nhà di truyền học không chịu khám phá là: người di cư tới Đông Nam Á lài ai, thuộc chủng tộc nào? Với việc hình thành dân cư Đông Á thì đó là “đầu vào.”Lẽ đương nhiên, chỉ khi nắm vững đầu vào mới biết được “đầu ra” để từ đó theo dõi hành trình tiếp theo của con người. Do không có tài liệu di truyền nói về vấn đề này, chúng tôi buộc phải theo sát những khám phá khảo cổ và cổ nhân chủng học. Trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á, từ khảo sát 70 sọ cổ tìm được ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa phát hiện: “Vào thời đồ đá, trên đất Việt Nam xuất hiện hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Họ hòa huyết với nhau và con cháu họ hòa huyết tiếp, sinh ra bốn chủng người Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Australoid, do người đa số Indonesian lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Nhưng sang Thời Kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể dân cư, người Australoid dần biến khỏi nơi này, không hiểu do di cư hay đồng hóa. ” (13) Mấy dòng ngắn ngủi cung cấp thông tin quá quan trọng. Sọ cổ nhất tìm được ở Sơn Vi Việt Nam chỉ có 32.000 năm tuổi. Trong khi đó di truyền học xác nhận, người châu Phi tới 70.000 năm trước. Sự kỳ diệu của di truyền học giúp ta biết về quá khứ thêm 40.000 năm. Tại thời điểm chìm vào hư vô ấy, hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết cho ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melaneesian, Vedoid và Negritoid. Không chỉ vậy, những dòng chữ quý giá trên cũng cho thấy: do số lượng người Australoid quá đông mà người Mongoloid quá ít nên kết quả là gen Australoid áp đảo, khiến cho dân cư Việt Nam suốt Thời Đồ đá chỉ duy nhất loại hình Australoid. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, vẫn có một số người Mongoloid sống cô lập tại vùng lạnh lẽo ở phía Tây Đông Dương suốt 30.000 năm. Do hoàn toàn rời khỏi Việt Nam từ 40.000 năm trước, nhóm người này không để lại di cốt, khiến cho khảo cổ học không biết đến họ. Trên thực tế, 70.000 năm trước, trên đất Việt Nam có năm chủng người sinh sống: Indonesian, Melanesian, Vedoid, Negritoid và Mongoloid. 40.000 năm trước, khi khí hậu phía Bắc ấm hơn, cả năm chủng người từ đất Việt đi lên Hoa lục. Do thiếu tài liệu nên thời gian dài, chúng tôi không thể biết được những dòng người này chiếm lĩnh Hoa lục như thế nào. Chỉ biết rằng, người Mongoloid theo hành lang phía Tây đi lên Tây Bắc Hoa lục và đất Mông Cổ. Chúng tôi cũng đoán là, do được sinh ra cùng một thời gian và địa điểm nên bốn chủng người Việt cổ “ăn chung ở lộn”sống chan hòa. Nhưng khi lên phía bắc mênh mông, rất có thể, theo màu da và tiếng nói, họ sẽ tụ tập thành những cộng đồng gần gũi?
Rất may là nhờ có tài liệu Suy luận về lịch sử loài người ở Đông Á từ nhiễm sắc thể Y của Chuan-Chao Wang, Hui Li, (1) chúng tôi biết được rằng, người từ Việt Nam đi lên tạo thành bốn nhóm nhiễm sắc thể: C,D,N và O. Dựa theo bản đồ phân bố của các dòng gen, chúng tôi đoán là nhóm O thuộc chủng Indonesian, nhóm C thuộc chủng Melanesian, nhóm N là chủng Mông Cổ, còn nhóm D có lẽ do hai chủng da đen Vedoid và Negritoid hòa nhập? Nhân đây cũng cần đính chính sai lầm của các tác giả công trình này khi cho rằng nhóm D do một đợt di cư riêng từ châu Phi tới. Không phải vậy. Họ được sinh ra trong cuộc hòa huyết của người tiền sử đến Việt Nam 70.000 năm trước, cùng thời với các chủng khác.
- Câu hỏi thứ năm: Dân cư Trung Quốc được hình thành như thế nào?
Tài liệu di truyền học cho biết: 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục. Nhưng trên lĩnh vực khảo cổ, ta chỉ biết cốt sọ sớm nhất của người hiên đại có tuổi 27.000 năm ở Hang Thượng Chu Khẩu Điếm và di cốt 25.000 năm tại Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây. May mắn là năm 2013, nhờ giải trình tự ADN xương chân người đàn ông hang Điền Nguyên thành phố Chu Khẩu Điếm (14), ta biết người này có mặt ở đây 40.000 năm trước, là tổ tiên của các dân tộc Đông Á và là thủy tổ của người thổ dân châu Mỹ. Như vậy là khảo cổ đã ủng hộ kết quả của di truyền học, xác nhận người từ Việt Nam lên tới Nam Hoàng Hà 40.000 năm trước. Từ đây dân cư Trung Quốc được sinh ra. Khảo sát các di chỉ khảo cổ trên lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà như Tiên Nhân Động, Ngọc Thiềm Nham, Giả Hồ, Bùi Lý Cương… cho thấy, dân cư Hoa lục ban đầu là những biến thể khác nhau của mã di truyền Australoid. Nhưng tại di chỉ Bán Pha thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều 7000 năm trước (15), lần đầu tiên phát hiện di cốt người Mongoloid phương Nam. Một khám phá quan trọng: người Ngưỡng Thiều rất gần người Hán hiện đại, có thể là tổ tiên người Hán hiện nay. Một câu hỏi được đặt ra: Người Mongolod phương Nam từ đâu ra?
Chúng tôi cho rằng, 40.000 năm trước, khi khí hậu thuận lợi, người Mongoloid lên Tây Bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ. Do giữ được nguồn gen thuần, sau này họ được gọi là chủng Mông cổ phương Bắc (North Mongoloid ). Nhiều di cốt người Mongoloid 40.000 năm tuổi trên đất Mông Cổ xác minh nhận định này. Trải thời gian dài săn bắt hái lượm trong băng giá, khoảng 7.000 năm trước, sau khi Kỷ Băng hà chấm dứt, họ chuyển sang du mục và trồng kê ở bờ Bắc Hoàng Hà, tạo dựng văn hóa Hồng Sơn. Cũng thời gian này, người Việt chủng Australoid xây dựng văn hóa Ngưỡng Thiều ở bờ Nam. Dân cư hai bờ sông liên hệ trao đổi sản phẩm. Quan hệ luyến ái và hôn phối diễn ra. Tại bờ Nam, những đứa con lai Mông Việt ra đời, mang mã di truyền Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Cũng phải chú ý tới đặc điểm sinh học của chủng đa số Indonesian trong dòng Việt cổ đang sống ở đây. Tuy mang mã di truyền Australoid nhưng trong máu người Indonedian, tỷ lệ gen Mongoloid rất cao. Bây giờ, do hòa huyết với người Mongoloid, chỉ cần được bổ sung lượng nhỏ máu Mongoloid, như giọt nước tràn ly, lứa con cháu này sẽ chuyển sang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Do vậy, dân cư văn hóa Ngưỡng Thiều và lưu vực Hoàng Hà nhanh chóng chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam. Rồi từ đây, người Mongoloid phương Nam di cư xuống Nam Dương Tử, chuyển hóa di truyền người Việt ở Nam Dương Tử sang Mongoloid phương Nam. Nhiều công bố di truyền học cho thấy, lớp dân cư sau này được gọi là người Hán được sinh ra khoảng 7000 năm trước, là thành phần đa số của Trung Quốc, có chỉ số đa dạng sinh học thấp.
- Câu hỏi thứ sáu: Dân cư Việt Nam và Đông Nam Á được hình thành ra sao?
Ở trên ta biết, người từ châu Phi tới Việt Nam, sinh ra bốn chủng người Việt cổ, đều thuộc loại hình Australoid, tồn tại suốt trong Thời Đồ đá. Thời kỳ này Việt Nam và Đông Nam Á hoàn toàn vắng bóng người Mongoloid. Nhưng sang Thời Kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và người Australoid biến mất. Những câu hỏi buộc phải trả lời: Người Mongoloid từ đâu ra? Họ chiếm chỗ người Australoid bằng cách nào?
Việc trình bày quá trình hình thành dân cư Trung Quốc phần nào giúp trả lời câu hỏi thứ nhất. Dựa vào lịch sử Hoa lục, ta biết, khoảng giữa thiên niên kỷ thứ III TCN, những cuộc xâm lăng của người Mông Cổ vào Nam Hoàng Hà liên tiếp diễn ra, mà đỉnh điểm là trận quyết chiến Trác Lộc. Tộc Hiên Viên của Mông Cổ chiến thắng, lập nhà nước Hoàng Đế. Cuộc xâm lăng rồi sau đó sự lấn chiếm dữ dội của kẻ địch mạnh khiến người Việt vùng Núi Thái-Trong Nguồn phải di cư về phía Nam. Người di cư mang máu Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư Nam Dương Tử và Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Cả di truyền và Khảo cổ học cùng xác nhận, khoảng 2000 năm TCN, đại bộ phận người Việt Nam chuyển sang mã di truyền Mongoloid phương Nam, mặc nhiên, người Australoid biến mất. Như vậy câu hỏi người Mongoloid phương Nam từ đâu đến được trả lời.
Câu hỏi thứ hai: việc người Mongoloid thay thế người Australoid trên đất Việt Nam và Đông Nam Á là sự thay thế cơ học hay chuyển hóa di truyền? Bằng chứng khảo cổ học cho thấy, tại di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình, phát hiện nghĩa địa với 30 thi hài người Australoid và Mongoloid được chôn chung. Điều này có nghĩa là, có sự chung sống hòa bình lâu dài giữa hai chủng người mà không phải cuộc xâm chiếm lãnh thổ, thay thế dân cư. Mặt khác, dựa theo việc phát hiện người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á, đã khẳng định, không có chuyện số lượng lớn người từ Trung Quốc tràn xuống, xua đuổi người Việt, chiếm đất, tạo thành lớp dân cư mới. Vì lẽ, nếu điều này xảy ra, người Việt Nam hôm nay sẽ có chỉ số đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc. Lịch sử cũng không ghi nhận có cuộc xâm lăng nào tiêu diệt người Việt Nam để thay bằng người Trung Quốc.
Đó là những điều chúng tôi đề xuất từ hơn chục năm trước nhưng thật bi hài là cho tới nay, các nhà di truyền học hàng đầu thế giới vẫn lúng túng đẩy cánh cửa đã mở!
- Thay lời kết
Phẩm chất cao nhất của một nghiên cứu khoa học là hợp lý và nhất quán. Đọc những cuốn sách và bài viết của chúng tôi, bạn đọc hẳn thấy một ý tưởng xuyên suốt: “70.000 năm trước, người hiện đại từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Tại đây họ hòa huyết sinh ra người Việt cổ. 50.000 năm trước, người Việt cổ lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á, chiếm lĩnh Ấn Độ. 40.000 năm cách nay, người Việt đi lên khai phá Hoa lục, xây dựng nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Khoảng 7000 năm trước, tại miềm Trung Hoàng Hà, người Việt hiện đại chủng Mongolod phương Nam ra đời, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Khoảng giữa thiên niên kỷ III TCN, người Mongoloid phương Nam di cư về, chuyển hóa di truyền dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông. Tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa…”Những ý tưởng đó được chứng minh bằng những cứ liệu xác thực không thể phản bác. Tìm ra chân lý thì phức tạp nhưng chân lý vốn đơn giản. Tin một ngày không xa, chân lý giản đơn này đến được với mọi người Việt. Từ sự thật được khám phá, những nhà sử học chân chính người Việt sẽ viết lại lịch sử dân tộc và nhân dân Việt Nam sẽ ngửng đầu thay đổi vận mệnh của mình.
Sài Gòn, Thu 2019
Tài liệu tham khảo
1.Chuan-Chao Wang, Hui Li. Inferring human history in East Asia from Y chromosomes, https://investigativegenetics.biomedcentral.com/articles/10.1186/2041-2223-4-11
2. Pischedda et al. Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements https://www.nature.com/articles/s41598-017-12813-6 Hugh McColl et al.
- Hugh McColl et al. The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science 6 July 2018. http://www.himalayanlanguages.org/files/driem/pdfs/2018e.pdf
- J.Y. Chu et al. Genetic relationship of populations in China
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC21714/
- Stephen Oppenheimer. Out of Eden: The Peopling of the World.
https://www.amazon.co.uk/Out…Stephen-Oppenheimer/dp/184119894
- Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey.
https://www.amazon.com/Journey-Man-Genetic…/dp/069111532X
- W.G. Solheim II. New Light on a Forgotten Past
National Geographic, Vol. 139, No. 3, 3. 1971.
- S.W. Ballinger et al: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 N. 130 ps.139-45
- Ewen Callaway. Teeth from China reveal early human trek out of Africa http://www.nature.com/news/teeth-from-china-reveal-early-human-trek-out-of-africa-1.18566
- 10. Helen Davidson. Australian dig finds evidence of Aboriginal habitation up to 80,000 …
https://www.theguardian.com/…/dig-finds-evidence-of-aboriginal-habit…
- Stephen Oppenheimer. Out-of-Africa, the peopling of continents and islands: tracing …
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22312044 12. Hà Văn Thùy. Ra khỏi Việt Nam chiếm lĩnh thế giới.https://nghiencuulichsu.com/2019/01/30/ra-khoi-viet-nam-chiem-linh-the-gioi/
- Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN, H. 1983
- Sergio Prostak. DNA Analysis Reveals Common Origin of Tianyuan Humans and Native Americans, Asians. Jan 24, 2013
http://www.sci-news.com/othersciences/anthropology/article00842.html
- YANGSHAO CULTURE (5000 B.C. to 3000 B.C.) | Facts and Details
factsanddetails.com/china/cat2/sub1/item32.html
Cảm ơn website, thông tin rất hay và thú vị!
ThíchThích
Bác nghĩ sao nếu có wan điểm cho rằng, nền văn hoá Hoa Hạ hay Hiên Viên khởi thuỷ không fải ở Hoa lục, mà là ở Fong Châu – Fú Thọ? Nhưng do fân hoá vùng miền mà ở ta gọi Hiên Viên là Hùng Hiển (Hiền) vương, Đại Vũ – Hoa Hạ, ở ta là Tản Viên Sơn Thánh.
Với lý luận, khi Hán tộc xâm chiếm trung nguyên, với nền tảng du mục – không chữ viết & để hợp lý việc cai trị Hoa tộc, họ nhận vơ họ là nguồn cội Hiên Viên, dời nền tảng địa lý Hiên Viên – Hoa Hạ lên fương Bắc = việc thay đổi tên địa danh, lẫn fương hướng Bắc, Nam? Từ bắc = bức (chỉ fương nóng), từ nam = nồm (lạnh, mát chỉ fương lạnh), tráo đổi tên 2 fương để hợp lý địa điểm xuất thân nhân vật, vùng miền lịch sử.
Cháu đã đọc wa luận điểm đấy, cũng như những người này cũng cập nhật thông tin về nghiên cứu gien di truyền, thì càng bổ chứng thêm cho wan điểm của nhóm nghiên cứu này.
ThíchThích
cần nghiên cứu thêm. Vấn đề là thời điểm đó cách nay quá xa, cần làm rõ sự đồng nhất về gen của người thờì đó với người hiện đại trước khi đưa ra bất kỳ kết luận cái gì là nguồn gốc của cái gì.
ThíchThích