Phạm Trọng Chánh
Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris Sorbonne
Có bao nhiêu văn bản Tuồng Hát Bội đã được sáng tác ? Tình trạng các văn bản ra sao ? Bao nhiêu vở tuồng được in ra ? Những vở tuồng nào được sáng tác bằng Hán Nôm ? Văn bản nào đã được dịch ra chữ quốc ngữ, xuất bản ? Văn bản nào được sáng tác từ đầu thế kỷ 20 ? Tác giả các vở tuồng ấy là ai ? Các văn bản ấy lưu trử nơi đâu ?
Tài liệu cổ nhất về Kịch nghệ Việt Nam là sách Hý Phường Phả Lục của Trạng Nguyên Lương Thế Vinh đời Lê Thánh Tông, sách tìm ra được khoảng năm 1960. Khoảng năm 1983-1987 Gs Hà Văn Tấn và Gs Phan Huy Lê sang giảng dạy Việt Học tại Paris, tôi có hỏi hai giáo sư về tài liệu này, hai giáo sư cho biết là đã mất, không còn tại Thư Viện Khoa Học Xã Hội Hà Nội, không biết ai mượn đã mất ở đâu ? Trong sách Nguyễn Nho Túy. 55 năm trên sân khấu Tuồng. Nxb Văn Hoá Hà Nội 1974 tr 26, ghi lời trích dẫn từ Hý Phường Phả Lục :
« Thanh duy liêu lượng thị tinh thần,
Hòa, quảng, cao. Đê giả định phân.
Mãn dạ trường canh vô bất tiếu,
Lăng không ngọc hưởng át hành vân. »
tôi dịch thơ :
« Véo von diễn xướng ấy tinh thần,
Cao, thấp, bổng, trầm phải định phân.
Khiến suốt đêm trường xem không chán,
Lời ca âm hưởng át mây vần .»
Tài liệu của Hoàng Châu Ký còn viết về lịch sử sân khấu tuồng chèo về Liêu Thủ Tâm thời Lê Ngọa Triều, bà Phan Thị Trân, Tổ nghề hát Tuồng Chèo đời Lê Sơ, Lý Nguyên Cát thời Trần..
Theo tôi các vị trong Ban nghiên cứu Tuồng : Hoàng Châu Ký, Mịch Quang, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Nho Túy.. là những người cuối cùng đọc văn bản này. Phải chăng tài liệu không mất mà còn nằm lẫn lộn trong Tủ sách Ban nghiên cứu Tuồng, các văn bản Hán Nôm ? Có tài liệu là những sưu tập các bài hát chèo tuồng, phải chăng đó là một phần của Hý Phường Phả Lục do Lương Thế Vinh sưu tập, biên soạn từ thời vua Lê Thánh Tôn.
Vấn đề phức tạp trong nghiên cứu văn bản, là mỗi lần một tác giả nhuận sắc theo ý mình lại lấy một tên mới vì thế một vở tuồng mang nhiều tên khác nhau. Nhiều cái tựa chỉ là tên một hồi, hay một màn cảnh vở tuồng lưu trử ở nhiều thư viện khác nhau tại Việt Nam và các nước Anh, Pháp, Mỹ, nhiều văn bản còn trong tủ sách gia đình, hay các nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước, cần phải so sánh để xác định. Nhiều vở tuồng sáng tác từ một hồi các pho tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc : Phong Thần, Đông Châu, Tam Quốc, Thuyết Đường.. Trung bình các vở tuồng ba hồi khoảng 150 trang, diễn trong ba ngày đêm, do đó các vở tuồng chỉ có 50 trang chỉ là một hồi. Và các tuồng còn dưới hai mươi trang chỉ là một màn cảnh. Trong những thời kỳ việc in bản sao còn khó khăn, muốn sao lại phải chép tay, chữ Hán chữ Nôm thành tam sao thất bản, nhiều người tách văn bản ra nhiều phần, tùy theo nhu cầu nghiên cứu mình, khiến cho văn bản gốc không còn nguyên vẹn, bản mất, bản còn lưu lạc qua nhiều nơi khác nhau.
Nhiều vở tuồng được biết cốt truyện, nhưng có nhiều văn bản tuồng chỉ được nhắc đến tên. Những vở tuồng chưa biết cốt truyện tôi tạm để trống, khi biết sẽ thêm vào.
Trong bài này tôi tạm thiết lập một thư mục theo thứ tự A, B, C.. các văn bản, với tên tác giả và tóm tắc kịch bản. Sau đây là các tên viết tắt các thư viện.
TUỒNG THẦY : Các vở tuồng gọi là Tuồng Thầy có nội dung tương tự như Sơn Hậu diễn truyện, cuộc đấu tranh giữa trung thần và nịnh thần nhằm phục hồi triều đại chính thống, có từ thời các Chúa Nguyễn, tôi sắp xếp tác giả là Đào Duy Từ. Thầy là quân sư của Chúa, như Lũy Thầy là lũy do Đào Duy Từ chỉ huy xây đắp.
HỌC LÂM : nguyên là một sưu tập dưới triều vua Tự Đức lấy những hồi hay nhất các vở tuồng, đổi tên, tạo thành một bộ tuồng lớn. Sau biến cố năm 1884, bộ sưu tập này nguyên chữ Hán Nôm bị mất, về sau được Thư Viện Hoàng Gia Anh Quốc mua lại. Bộ tuồng này đã được làm bản sao trao tặng cho thư viện Việt Nam hơn 5000 trang Hán Nôm.
VẠN BỬU TRÌNH TƯỜNG : nguyên là một bộ tuồng gồm 100 hồi, diễn trong 100 ngày đêm. lấy tên 100 toa thuốc đông y. Vị độc làm nhân vật phản diện, vị thuốc chữa bệnh làm nhân vật chính diện, vị vô hại như Cam Thảo làm dĩ hoà vi quý. Bộ tuồng này ngày nay chỉ còn lại ba hồi.
QUẦN PHƯƠNG HIẾN THỤY : Bộ tuồng gồm 40 hồi, có sách nói trăm hồi. Lấy hoa thơm làm chính diện hoa độc làm phản diện. Bộ tuồng này ngày nay chỉ còn lại hai hồi.
Sau đây là tên viết tắt trong Thư Mục :
TVHGVQA Thư Viện Hoàng Gia Vương Quốc Anh (British Museum) .
EFEO : Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris. Ecole Francais d ́ Extrême-Orient.
NHNTCĐ Huế : Nhà Hát Nghệ Thuật Cung Đình Huế,
TVĐH Leiden: Thư Viện Đại Học Leiden Hà Lan.
TVHGVQA: Thư Viện Hoàng Gia Vương Quốc Anh (British Museum)
- Guimet Paris : Viện Bảo Tàng Guimet Paris.
BNP: Thư Viện Quốc Gia Paris. Bibliothèque National Paris.
TVQGVN : Thư Viện Quốc Gia Hà Nội.
NHTƯ : Nhà Hát Trung Ương (Phòng Tư Liệu)
NHT Đào Tấn: Nhà Hát Tuồng Đào Tấn Bình Định.
CLTTƯ: Cục Lưu Trử Trung Ương
VM Hà Nội : Văn Miếu Hà Nội.
TSBNCT : Tủ Sách Ban Nghiên Cứu Tuồng.
VSK ĐHSKĐA : Thư Viện Sân Khấu Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh.
NHNTCĐ. Nhà Hát Nghệ Thuật Cung Đình Huế. Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế.
Các vở tuồng lưu trử Tủ sách Ban Nghiên cứu Tuồng (TSBNCT), các tác phẩm đã được dịch, hiệu đính, chú thích, do Ông Mai Thọ Truyền Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Văn Hóa Việt Nam Cộng Hoà và cựu Thủ Tướng Trần Văn Hương xuất bản. Các vở tuồng được xuất bản, được dịch ra tiếng Pháp, và các vở tuồng chỉ còn biết tên qua các trích dẫn của các nhà nghiên cứu. Có nhiều vở tuồng được gia đình Quách Tấn ở Nha Trang, Bửu Thủ ở Bình Định gìn giữ.
A
AN TRÀO KIẾM. Đào Duy Từ. Ba hồi, 166 tr. Hán Nôm. Học Lâm. TSBNCT. TVHGVQA. Tuồng Thầy, có từ thời Chúa Nguyễn. Chuyện Lưu Đình Kiên phò hoàng tử khôi phục triều đại.
AN HỘI. Trong sưu tập Học Lâm
AN TƯ CÔNG CHÚA . Tác giả Tống Phước Phổ. Năm 1285 Quân Nguyên Mông, đánh tới Gia Lâm bao vây Thăng Long. Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông suýt bị bắt, chiến sự bất lợi, Trần Bình Trọng hy sinh, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Lộng, Trần Kiện, Trần Ích Tắc đầu hàng. Thượng hoàng Trần Thánh Tông dùng mỹ nhân kế, dâng công chúa An Tư cho Thoát Hoan để cầu hòa, có thời cơ củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu, cuối cùng đánh thắng quân Nguyên. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn chạy về nước.
AI GIẾT NGƯỜI. Tô Giang soạn theo truyện Nguyễn Mạnh Bổng đăng trên Nam Phong Tạp Chí, diễn tháng 5-1920 rạp Quảng Lạc Hà Nội. Lần đầu tiên vỡ tuồng cổ diễn tả cuộc sống đương thời với các nhân vật quan Kinh Lược, quan Tri phủ, nhà nho thời suy tàn, người hầu bồi, bếp, gái tân thời, cố đạo..
AI LÊN PHỐ CÁT. Tuồng Xuân nữ soạn theo tiểu thuyết Ai lên phố Cát của Lan Khai.
ANH LAN CHỊ LAN. Tác giả Tống Phước Phổ, diễn tại Quảng Nam
B.
BÁ ẤP KHẢO DẠY ĐÀN. Tích tuồng từ truyện Phong Thần, tại Tây Kỳ, Bá Ấp Khảo con Văn Vương thay cha trị nước, trong lúc Văn Vương bị giam lỏng nơi Dữu Lý, vì nóng lòng muốn cứu cha nên giao quyền lại cho em là Võ Vương đi sứ vào gặp vua Trụ, Đắc Kỷ mê vì chàng đẹp trai nên nhờ đạy đàn, chàng cự tuyệt tình yêu nên bị Đắc Kỷ xui vua Trụ sai người giết, thịt làm bánh bao cho cha Văn Vương ăn. Sách Hát Bội của Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng có in nguyên vở tuồng này. PHONG THẦN BÁ ẤP KHẢO còn 18 tr Hán Nôm tại Thư Viện ĐH Leiden Hà Lan còn gọi Bá Biến diễn âm. Học Lâm
BẠCH KỲ CHÂU. TVHN Hà Nội. 1 hồi 40 tr
BẠCH PHÙ DUNG LOẠN TRÀO soạn năm 1952 ở Liên Khu VII thời Kháng chiến, cải biên tuồng cổ Đào Tam Xuân loạn trào, nàng Bạch Phù Dung tuyên bố vì “phục vụ nhân dân mà loạn trào”.
BẮC TỐNG DIỄN TRUYỆN. NHNTCĐ Huế.
BÍCH HÀ GIÁN TUYẾT. TSBNCT. Tuồng trữ tình. Gia đình Bửu Thủ Bình Định giữ 1 hồi chữ quốc ngữ.
BÌNH ĐỊCH. Đào Tấn sáng tác nhân lễ mừng thọ ngũ tuần vua Tự Đức năm 1878. Chuyện dẹp loạn Lê Văn Khôi.
BÔI MẶT. Do Tân Thành Ban diễn tại Hội An năm 1939.
C
CAO DOÃN của Hoàng Châu Ký.
CHÂU LÝ NGỌC TRUYỆN ba hồi 154 tr Hán Nôm. TVHGVQA . Thư Viện Sân Khấu HN.
Châu Lý Ngọc ở kinh đô về quê thăm cha là Châu Lý Sanh. Vợ vốn là con Thái sư nịnh đã đi thế mạng cho bà thứ phi, không biết sống chết hay lưu lạc phương nào. Châu Lý Ngọc ghé thăm nhà chốc lát lại lên đường lo việc nước, sum họp trong giây phút lại lìa tan.
CHÂU NHƠN TRẦN NGHĨA. Tuồng đồ. TSBNCT. Mụ Triệu Ác giàu có nuôi đến hàng chục tôi tớ, nhưng keo kiết với cậu em ruột. Châu Nhơn đi thi nhưng thiếu tiền lộ phí, ghé đến nhà chị để xin ít nhiều, mụ làm ra vẻ mừng rỡ hối thúc đầy tớ.. Đừng, Chớ, Thôi. Đầy tớ dạ râm ran, nhưng sau đó chạy thưa rằng, gà không bắt được, gạo hết sạch, chìa khóa kho và tủ ông chủ đã mang đi, mụ làm ra vẻ đau xót và bực mình và bảo Châu Nhơn tạm xơi cơm tấm với cà. Đừng, Thôi, Chớ chỉ là tín hiệu riêng đối với lời sai khiến phải làm ngược lại. Ấy thế nhưng sau khi được tin Châu Nhơn đỗ Trạng nguyên thì vợ chồng Triệu Ác lại tổ chức đình đám thật to để tiếp đón cậu em Tân Trạng, hai vợ chồng tính toán với nhau tiền thu được do người ta đến mừng lễ, sau đó để dễ buôn bán cho vay nợ lãi.
CHÀNG TẠC . Soạn từ phim Tarzan. Tân Thành Ban diễn tại Đình Cầu Muối, đường Cô Giang Sài Gòn khoảng năm 1920-1930. Một chiếc phi cơ rơi trong rừng Phi Châu, chỉ một hài nhi sống sót được bầy khỉ nuôi dưỡng ; chàng Tạc trở thành chúa tể rừng xanh, các loài súc vật như voi, khỉ đều phục tùng. Chàng Tạc gặp gỡ Jan, con gái một nhà thám hiểm, Jan là người duy nhất tiếp xúc được Tạc và hai người yêu nhau. Jan đưa Tạc trở lại xã hội loài người, và trở về Luân Đôn, nhưng tiếng gọi rừng xanh vẫn còn mạnh mẽ nơi chàng.
CHIÊU QUÂN CỐNG HỒ của Phạm Xuân Chỉ. Quảng Nam. Chiêu Quân được xem là một trong Tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc. Vì không hối lộ cho họa sĩ cung đình Mao Diên Thọ, nên người đẹp bị vẽ thành xấu, hay bị điểm một nút ruồi khóc chồng dưới mắt. Chiêu Quân vào cung vua Hán Nguyên Đế nhưng chẳng bao giờ được vua chiếu cố. Thiền Vu Hồ Hàn Tố đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục, không có con gái để gả cho vua Hồ, Hoàng đế ban cho 5 cung phi trong hậu cung. Khi ra triều bái. Chiêu Quân đi « diện mạo sáng ngời, trong cung không ai bì kịp, am hiểu đối đáp, cử chỉ trần tình trang nhã. » Vua Hán lấy làm hối tiếc, nhưng đã hứa nên đành ngậm ngùi luyến tiếc. Chiêu Quân về Hồ sinh hai hoàng tử, vua Hồ mất lại lấy thái tử kế vị sinh ra hai gái, mộ Chiêu Quân bên kia Vạn Lý Trường Thành.
CHỊ NGỘ ra đời ở Liên Khu V, năm 1952 trong Kháng chiến dựa trên một câu chuyện có thật tại Quảng Nam. Anh Tài cán bộ xã, đang ốm nằm nghỉ ở nhà. Địch đi lùng. Anh không lánh được xa nên núp dưới hầm bí mật trong vườn. Nhưng hầm bị Lê Lý thành phần địa chủ, trước có chui vào Ủy ban xã sau chạy theo giặc phát hiện. Giặc lôi anh lên tra khảo hỏi nơi trú của Ủy ban. Anh không khai, chị Ngộ vợ anh, chạy về, giặc định lợi dụng chị Ngô bắt anh phải khai, nhưng vô ích. Cuối cùng giặc chặt đầu anh Tài, buộc chị Ngộ phải mang vứt xuống khe. Sau đó chúng lại bắt chị Ngộ bỏ con mình về giữ con cho đồn trưởng người Pháp. Căm thù dồn dập đã làm cho chị Ngộ trước kia yếu đuối trở nêm giác ngộ. Nhờ sự liên lạc của Cụ Bảng, cha chồng, chị đã làm công tác địch vận, giác ngộ được mấy lính địch. Tình hình chín muồi. Ủy Ban phối hợp với bộ đội địa phương tấn công tiêu diệt đồn địch. Tuồng Chị Ngộ được tặng giải Phạm Văn Đồng ở Liên Khu V.
CHIẾN SĨ GIẾT GIẶC của Trịnh Quang , Trưởng Ty Công An Quảng Nam năm 1952, ca tụng cái chết 8 cán bộ cách mạng, Lê Văn Hiến ghi lại trong quyển Ngục Kontum.
CỔ THÀNH. Đào Tấn. Duyệt Thị Đường. TSBNCT. Quách Tấn phiên âm quốc ngữ 1 hồi.
Sau khi thất bại Hạ Bì, ba anh em Lưu, Quang, Trương mỗi người lưu lạc một nơi. Lưu Bị bị lạc sang Nhữ Nam. Quan Vũ phải tạm đầu hàng Tào Tháo. Trương Phi chiếm cứ Cổ thành ở một mình. Trong hoàn cảnh lưu lạc nhớ các anh, lo cho sự nghiệp, Trương Phi buồn bã tính khí bất thường, mượn rượu giải sầu, nghi ngờ Quan Vũ, cho đến khi Quan Vũ phò nhị tẩu đến cổ thành.
CÔ GÁI BẾN PHÀ của Mai Bình tuồng hài sau 1972.
CÔNG LÝ THẮNG CƯỜNG QUYỀN. Rạp Quảng Lạc Hà Nội tháng 7-1920. Nhân ngày Quốc Khánh Pháp và Đồng Minh thắng trận. Họa sĩ Trần Phềng thiết kế, Cô Tư Huệ, nghệ sĩ nổi tiếng đương thời trang phục như Jean d ́Arc. Các nhân vật khác tượng trưng cho 5 xứ Đông Dương trang phục, Bắc Trung Nam, Lào, Khmer. Cuối cùng hát bài Quốc ca Marseillaise
CÔNG RÙA CUA RỒNG Tuồng đồ của Nguyễn Dương Hương tục gọi là Ấm Hổ.
DĐ
ĐẢNG KHẤU CHÍ. . Đào Tấn sáng tác nhân lễ mừng thọ ngũ tuần vua Tự Đức 1878. Dựa theo Đảng Khấu Chí, tác phẩm Trung Quốc nhằm kích bác các anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử.
DƯƠNG CHẤN TỬ . Tuồng Thầy Đào Duy Từ. I,II,III TSBNCT
DƯƠNG LIỄU TƯỚNG DIỄN TRUYỆN, Viện Sân Khấu. Đại Học SKĐA Hà Nội.
DƯƠNG LỤC SỨ. VSK.ĐHSKĐA Hà Nội.
DƯƠNG TIẾT DIỄN NGHĨA. TVQG Hà Nội,
DIỄN VÕ ĐÌNH. TSBNCT. NHTTƯ Hà Nội. Quách Tấn phiên âm 1 hồi.
Triệu Khánh Sanh một thanh niên tài hoa tuấn tú, đang bị triều đình truy nã chỉ vì cái tội là cháu nội Triệu Hàn Vương. một huân thần nhà Tống, đã bị vua nghe lời nịnh thần mà lên án giết cả ba họ. Để lẫn tránh chàng phải giả làm gái, giả vờ xin trọ nhờ để học thêu con gái Vương Quý là Kiều Quang. Vừa canh cánh thù nhà vừa xúc động bởi nhan sắc và nết na Kiều Quang, Khánh Sanh đem lòng yêu. Trong cơn xúc động chàng không ghìm được nữa nắm tay Kiều Quang khiến nàng hoảng hốt. Kiều Quang ra về chàng hối hận.. mâu thuẩn giữa con người và hoàn cảnh được tác giả diễn tả những câu văn thật hay. « Dứt dây cửi buộc chân chí khí, Xách khuôn thêu đè mật hùng anh. »
DỰ NHƯỢNG ĐẢ LONG BÀO. Đông Châu Liệt Quốc, của Phạm Xuân Chỉ , Quảng Nam.
Dự Nhượng trả thù cho chủ tướng, ba lần bị bắt, lần cuối cùng nấp dưới cầu giả làm người hủi, nuốt than không còn tiếng nói, vợ cũng không nhận ra. Bị bắt lần cuối cùng, được cho ân huệ Dự Nhượng xin được mượn chiếc long bào và đánh vào ba lần trước khi chết.
Đ
ĐẢ HẮC BÁO TRUYỆN. 1 hồi 208 tr Hán Nôm. Học Lâm. TVHGVQA.
ĐÀO PHI PHỤNG TRUYỆN của Nguyễn Lai biên soạn. Học Lâm. 4 hồi, 54 tr Hán Nôm. TVHGVQA. VSKĐHSKĐA Hà Nội. NHNTCĐ Huế. Gia đình Bửu Thủ Bình Định giữ bản dịch 3 hồi. Đào Phi Phụng bị vua nghe lời nịnh thần nghi oan là phản loạn, triệu chàng về triều để định tội. Thái tử đã viết thư khuyên Đào Phi Phụng phải trốn đi, nhưng chàng quyết bảo vệ cái danh giá ‘năm đời làm tướng’ trung kiên, nên tự bó tay về triều chịu tội. Liễu Nguyệt Tâm vợ Đào Phi Phụng đã đến kịp phá pháp trường cứu chồng thoát chết, đánh lui cả binh triều giết tên tướng nịnh Thượng Dõng. Nhưng sự bất hoà giữa Đào Phi Phụng và Liễu Nguyệt Tâm khi chàng hay tin nàng đã giết chết khâm sai của triều đình, làm chàng hết cách minh oan trước nhà vua, đòi chém, đòi đuổi đi. Nguyệt Tâm đã vuốt gan im lặng, chờ chồng nói chán rồi nàng mới trả lời đanh thép, thẳng tay phê phán chồng. Không đợi cho chồng đáp lại nàng cùng thể nữ về nước mình. Nhưng về đến nước lại nhớ chồng, nàng lại một mình một ngựa bụng mang dạ chửa, trở lại theo dõi tình hình chồng và đã phá pháp trường cứu chồng thoát chết.
ĐÀO TƯ HUỆ TRUYỆN. 4 hồi, còn 54 tr Hán Nôm. TVHGVQA.
ĐƯƠNG DƯƠNG TRƯỜNG BẢN, 1 hồi, 58 tr Hán Nôm. trích đoạn Tam Quốc Chí. TVHGVQA. TVHN 1 hồi 13 tr HN. VSKĐHSKĐA Hà Nội. Quan Vũ cầm thanh long đao trận thủ cầu Đương Dương, quân Tào không qua được.
ĐƯỜNG THẾ DÂN SA LẦY. VSK. ĐHSKĐA. Một hồi trong Thuyết Đường diễn nghĩa.
ĐÀO ÂN HỘI. Học Lâm.
ĐÀO TAM XUÂN LOẠN TRÀO : một hồi trong tuồng Trảm Trịnh Ân.
ĐẤU TRANH GIẢM TÔ. Tuồng thời kỳ Cải cách ruộng đất năm 1956, chuyện nông dân chống âm mưu chia rẽ của địa chủ, buộc phải giảm tô đúng mức.
ĐÃI YẾN ĐOÀN HỒNG NGỌC
ĐỀ THÁM của Bửu Tiến, Mai Hạnh.
ĐÊM GIAO THỪA của Nguyễn Tường Nhân, tuồng hài sau 1972.
ĐINH LƯU TÚ diễn ca. Đỗ Nhật Tân phiên âm và chú giải. Tủ sách Cổ Văn, Ủy Ban Dịch Thuật. Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa Xuất bản. Sài Gòn 1971. EFEO PARIS 3 hồi, 134 tr. VBT GUIMET PARIS. 3 hồi 134 tr HN.TVHN Hà Nội. 3 hồi 120 tr HN.
ĐIỀU HUÊ NỮ HẠ SAN.
ĐƠN ĐAO PHÓ HỘI. Chuyện Tam Quốc Chí. Quan Công đơn đao phò Lưu Bị phó hội, gặp Lỗ Túc, Tôn Quyền.
ĐÔNG A SONG PHỤNG của Nguyễn Hữu Tiến, chuyện Phạm Ngũ Lão và vợ là con nuôi Hưng Đạo Vương.
ĐƯỜNG VỀ VỤ QUANG, Tống Phước Phổ và đoàn Hát Bộ Liên khu V soạn và trình diễn trong thời kháng chiến chống Pháp năm 1952, nói về cuộc kháng chiến chống Pháp của Phan Đình Phùng.
ĐƯỜNG VỀ LAM SƠN. soạn năm 1952 thời kháng chiến chống Pháp nói về cuộc khởi nghĩa Lê Lợi.
G
GAN BẤT KHUẤT. Tuồng hài của Dũng Hiệp 1972.
GIÁC OAN I, I, III. Tuồng Thầy Đào Duy Từ. 3 hồi, VSK, ĐHSKĐA. Lưu Đình Kiên bậc trung thần từ giả quê hương đất Khánh Giang vào nơi Kinh địa, nơi cõi chết đang rình đợi.
GIÁC SINH DUYÊN I, II, III. VSK ĐHSKĐA. Bạch Trọng Minh nhà nghèo nhưng chăm học và học giỏi. Nghe vua mở hội khoa thi, chàng lên đường ứng thí, từ giả mẹ, vợ con. Trọng Minh vừa đi ít lâu thì quê nhà có nạn bão lụt. Nhà cửa sụp đổ, mùa màng hư hỏng, đã mấy hôm liền nhà Trọng Minh không gạo nấu, mẹ già đói quá sắp lả. Quá thương mẹ chồng. Xuân Đào bèn cắt thịt mình nấu cho mẹ ăn. Cắt xong nàng chết ngất đi, nhưng được thổ thần trong nhà cứu sống. Mẹ Trọng Minh nhờ ăn được sống lại. Thổ thần cho bà biết là Xuân Đào đã lóc thịt mình cho bà ănm bà càng thương con dâu bội phần. Vụ đói kém đã qua. Một hôm Xuân Đào nằm mơ thấy mặt trời rơi xuống bụng và từ đó mang thai. Nàng rất khổ sở vì sợ chồng nghi mình lang chạ. Nhưng mẹ Trọng Minh hết lời an ủi nàng, bảo việc gì thì đã có bà, không lo. Trọng Minh thi đỗ vinh quy. Thấy chồng về Xuân Đào lo nhiều hơn mừng. Trọng Minh biết chuyện chửi mắng nàng thậm tệ, nàng đành gục đầu chịu tủi nhục. Mẹ Trọng Minh bảo đảm sự trong trắng của con dâu, nhưng Trọng Minh không nghe một hai đuổi Xuân Đào ra khỏi nhà. nàng đành gạt lệ ra đi. Biết chuyện bà mẹ giận quá vác gậy đánh đuổi Trọng Minh đi và chạy đi tìm con dâu. Xuân Đào uất ức chạy ra bờ sông tự vẫn. Nhưng vừa đến bờ sông thì nàng sinh con trai. Nàng gói con để trên bờ và nhảy xuống nước. Mẹ Trọng Minh đành bế cháu về nuôi. Về sau Xuân Đào được một người thuyền chài cứu sống, đứa bé lớn lên có tài làm tướng đánh giặc cứu nước và Trọng Minh cũng hồi tâm nhìn lại vợ con.
GIÁN THẬP ĐIỀU. còn có tên Thập Điều, 3 hồi 104 tr. VSK NHTƯHN. Nguyễn Hiển Dĩnh nhuận sắc. Trích đoạn truyện Phong Thần. Mười điều can gián vua Trụ, chuyện Hoàng Phi Hổ bỏ vua Trụ tàn ác dâm dật ra đi. Quách Tấn phiên âm chữ quốc ngữ.
GIANG TẢ CẦU HÔN. Tam Quốc Chí. Học Lâm. 1 hồi 52 tr Hán Nôm. TVHGVQA. TVHN Hà Nội. Giang Tả cầu hôn 17 tr HN. 28 tr HN. Quận Chúa quy Ngô 12 tr HN. Giang lục đầu sứ TVHN Hà Nội 1 hồi 32 tr. Quận Chúa quy Kinh Châu. 1 hồi 39 tr. HN. NHTTƯ Hà Nội.
Chuyện Lưu Bị theo kế hoạch Khổng Minh cầu hôn em gái Tôn Quyền. Mẹ Tôn Quyền ưng thuận, nên âm mưu Lỗ Túc bắt Lưu Bị không thành.
GIÀ KÉN KẸN HOM của Phạm Ngọc Khôi, diễn tại rạp Quảng Lạc, Hà Nội tháng12- 1920. Kể chuyện một cô học sinh yêu anh này, chê anh kia rồi bị éo gả cho người hư đốn, bị lừa lọc thế lực đồng tiền phải bỏ phí xuân xanh, cuối cùng bị tự tử.
GƯƠM TÌNH ĐẨM MÁU. Tuồng Xuân nữ của Tống Phước Phổ.
GIA TRƯỜNG của Lương Khắc Ninh (chủ bút Nông Cổ Mín đàm) và Lương Khắc Huề. Đoàn Hát bội lưu diễn tại Pháp năm 1922, theo phái đoàn Vua Khải Định sang Pháp.
GIA NGẪU DIỄN TRUYỆN. 6 hồi, VSK ĐHSKĐA.
GIÁP KÉN XÃ NHỘNG của Trần Hàn ở Quế Sơn , Quảng Nam. Tuồng đồ.
H
HÁN SỞ TRANH HÙNG, 1 hồi, 68 tr. TVHGVQA. Chuyện Lưu Bang và Hàn Tín.
HẬU SƠN HẬU. VSK ĐHSKĐA Hà Nội.
HỘ SANH ĐÀN của Đào Tấn, NHNTCĐ Huế. 36 tr. chuyện Tiết Cương, Lan Anh. Tống Sử. Quách Tấn phiên âm QN 1 hồi. Tiết Cương và Lan Anh đôi vợ chồng rất yêu thương nhau cùng chiến đấu chống kẻ thù trong điều kiện vô cùng gian khổ, tên phản bội bị đền tội nhưng kẻ thù chính vẫn còn, vợ chồng Tiết Cương và Lan Anh cùng người bạn chiến đấu kéo quân vào thâm sơn.
Mịch Quang cải biên năm 1972.
HOÀNG CỔN. Phong Thần. của Đào Tấn. Hoàng Cổn là cha Hoàng Phi Hổ là tướng giữ cửa aỉ không cho các con qua, cuối cùng bị thuyết phục phản Trụ đầu Châu. Một hồi trong tuồng Hoàng Phi Hổ quá quan.
HOÀNG PHI HỔ QUÁ QUAN, ̣hay HOÀNG PHI HỔ PHẢN TRỤ ĐẦU CHÂU. TSBNCT. Truyện Phong Thần.
Vua Trụ, triều cuối cùng của nhà Thương, hoang dâm vô độ. Thái sư Văn Trọng là huân thần của triều cha Trụ Vương (có quyền đánh cả vua nếu can không nghe) đã nêu mười điều can gián vua Trụ. Vua Trụ hứa hẹn nghe theo, nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Một hôm nhân tiệc mừng thọ trong cung, vua Trụ toan hiếp Giả Thị khiến nàng tự tử, Giả Thị là vợ Hoàng Phi Hổ, nguyên soái triều đình hay tin vừa giận vua, vừa thương vợ, lại băn khoăn cho cơ nghiệp nhà Thương mà mình có công bồi đắp nên tiến thoái lưỡng nan. Bốn tướng em của Phi Hổ được tin vào thăm, thấy tình hình ấy, bàn với Phi Hổ bỏ Trụ sang đầu dưới cờ nghĩa Chu Võ Vương. Nhưng Phi Hổ lưng chừng không quyết định được. Nhân lúc Phi Hổ bất tỉnh hôn mê vì quá đau xót, bốn tướng em bế liền Phi Hổ lên ngựa sang Chu Võ Vương. Vừa ra khỏi ải Văn Trọng hay tin đuổi theo. Văn Trọng trước kia mắng vua vì sằng bậy, nhưng thấy Phi Hổ phản Trụ đầu Chu thì cho rằng sai lầm, cố thuyết cho Phi Hổ trở về, nhưng Phi Hổ đã quyết định rồi. Và Phi Hổ đánh suốt cả mấy cửa ải, và thuyết phục được cha là Hoàng Cổn đang giữ một cửa ải, sang được dưới cờ nghĩa Chu Võ Vương. Sau đó trở về diệt Trụ xây dựng nhà Chu cho hợp với lòng dân.
HOA TRÌ MỘNG trong bộ Vạn Bửu Trình Tường, phương thuốc trị đau mắt. TSBNCT. Một người học trò tên Thạch Xương Dương đi hái thuốc trên nước chợt ngủ quên. Anh ta mơ thấy mình đi đến một hồ đầy hoa sen gặp Chiên Châu người con gái đang chèo thuyền đi hái sen. Người con gái mời anh xuống thuyền cùng đi hái hoa. Tỉnh giấc còn mùi hoa thoang thoảng quanh mình. Trên đường về anh gặp một cô gái, cũng học trò tiên đang xách một lẵng hoa sen. Anh đón hỏi người con gái cũng mơ mình như thế. Hai người yêu nhau và cùng xin thầy xuống núi phò vua giúp nước.
HẢI ĐƯỜNG THẠCH TRÚC trong bộ Quần Phương Hiến Thụy. TSBNCT. Hải Đường thanh niên con ngư phủ. Thạch Trúc con bà tiều phu. Một buổi hai chàng mang cá và củi ra chợ bán. Thiết Ma (hoa mơ hôi) con quan đại thần cùng gia đinh đi chợ chơi, chợt thấy Ngọc Lan cô gái mồ côi xinh đẹp, hắn trêu ghẹo, Ngọc Lan không bằng lòng, hắn dùng bạo lực bắt Ngọc Lan đem về. Vừa lúc Hải Đường, Thạch Trúc thấy việc trái, dùng lời can gián tên Thiết Ma. Tên này không nghe còn hăm dọa hai chàng, hai chàng tính bồng bột thanh niên đánh Thiết Ma rơi xuống hố xí chết, cứu được Ngọc Lan. Gia đinh Thiết Ma chạy về báo, bố hắn cho quân lính ra bắt Thạch Trúc, Hải Đường. Kim Bộ Diêu vâng lệnh cha là Kim Tòng đi gửi rể, giữa đường gặp lính áp giải hai chàng, hỏi nguyên do, và xin lính thả nhưng không được. Kim Bộ Diêu đánh bọn lính chạy cứu thoát Hải Đường, Thạch Trúc và tặng tiền cho hai chàng bảo đi thật xa để lánh nạn.
HOA TIÊN của Hoàng Tăng Bí ,1920 soạn theo truyện Hoa Tiên do Nguyễn Huy Tự diễn Nôm. HOA THIÊN BẢO DIỄN TRUYỆN . EFEO PARIS 4 hồi 136 tr Hà Nội. VSK PHSKĐA.
HOA CHÚC TRUYỆN. I hồi 46 tr Hán Nôm. Học Lâm. TVHGVQA.
HOẢ HẦU TINH. ̃74 tr .VSK ĐHSKĐA. NHNTCĐ Huế. NHTTƯ Hà Nội 3 hồi 160 tr.
HOÀN LONG GIẢI HỔ. 3 hồi 138 tr, Truyện Nhạc Phi. Một tên khác của tuồng Phong Ba Đình.
HỒ THẠCH HỔ hay HỒ THẠCH PHỦ của Đào Duy Từ. 3 hồi 195 tr Hán Nôm. Học Lâm. TVHGVQA. TVHN Hà Nội. 134 tr Hà Nội. NHTTƯ Hà Nội 3 hồi 140 tr
HỔ THÀNH NHÂN. TVHN Hà Nội. 3 hồi., 150 tr Hà Nội. VSK ĐHSKĐA.
HỒ NGUYỆT CÔ HÓA CÁO. Còn có tên TIẾT GIAO ĐOẠT NGỌC. Hồ Nguyệt Cô là con chồn tu lâu năm thành người. Vì dâm dật lấy Võ Tam Tư, tướng phản diện làm chồng. Khi ra trận lại mê Tiết Giao, dùng tà thuật đưa Tiết Giao vào cuộc truy hoan. Bị Tiết Giao dùng mưu lấy được ngọc, làm cho Hồ Nguyệt Cô phải trở về kiếp chồn cáo. VSK, ĐHSKĐA.
HỒNG MÔN HỘI YẾN
HỌP TRUYỀN ĐƠN của Mịch Quang tuồng hài 1972.
HUÊ DUNG ĐẠO, HOA DUNG TRUYỆN. Tam Quốc, 1 hồi 44 tr Học Lâm. TVHGVQA. TVHN Hà Nội. 1 hồi 50 tr Hà Nội. VSK ĐHSKĐA. NHTTƯ Hà Nội 36 tr. Quách Tấn phiên âm QN. Tào Tháo thua trận chạy qua Huê Dung đạo do Quan Công trấn giữ, nhớ ân nghĩa xưa, Quan Công tha chết.
HÙNG VĂN HÙNG VÕ. VSK ĐHSKĐA.
K
KHO THÓC, KHO VŨ KHÍ. Đội tuồng Bình Định soạn năm 1953 với các diễn viên Phạm Chương, Dư Lược, Minh Đức..không thành công vì gán ghép quá nhiều chính sách, chế độ, kém nghệ thuật.
KIM VÂN KIỀU. 3 hồi, 232 tr Hán Nôm TVHGVQA. TSBNCT. Tuồng KIM VÂN KIỀU ở Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nguyễn Văn Sâm phiên âm giới thiệu. Viện Việt Học Hoa Kỳ. California. 2021
KIM THẠCH KỲ DUYÊN của Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa. Trần Văn Hương chú thích. Lê Ngọc Trụ hiệu đính. Sài Gòn 1969. Học Lâm. 3 hồi .286 tr. TVHGVQA. TVHN Hà Nội : 3 hồi 94 tr Hà Nội.
Tố cáo sự phụ duyên phi nghĩa, đề cao tấm lòng tín nghĩa nhân từ.
KIM LONG XÍCH PHỤNG TOÀN TẬP. 4 hồi, 52 tr. Thư Viện Đại Học Leiden, Hà Lan, TVHN Hà Nội: 3 hồi 104 tr Hà Nội. NHTTƯ Hà Nội 3 hồi 138 tr.
KINH CHÂU PHÓ HỘI. Tam Quốc Chí. Học Lâm. 1 hồi 40 tr. TVHGVQA. Quách Tấn phiên âm quốc ngữ. Quan Công phò Lưu Bị đi phó hội tại Kinh Châu.
KỲ THU VÂN THỌ NẠN. Quách Tấn phiên âm quốc ngữ.
L
LÃ HY CHÂU TRUYỆN. LỮ HY CHÂU TRUYỆN. Học Lâm 1 hồi 46 tr. TVHGVQA.
LA THÔNG TẢO BẮC. Thuyết Đường. VSK ĐHSKĐA.
LẠC PHỤNG BA. 1 hồi 46 tr. Học Lâm. Truyện Tam Quốc. TVHGVQA.còn có tên khác LẠC PHỤNG PHÁ SƠN BÀNG THỐNG QUY VI. 1 hồi 21 tr. Bàng Thống hiệu là Lạc Phụng là một quân sư đồng thời với Ngoạ Long Khổng Minh, bị tử trận.
LAM SƠN KHỞI NGHĨA. còn gọi tuồng Lê Lợi, của Tống Phước Phổ ở Quảng Nam. Chuyện Lê Lợi chống quân Minh.
LÃO BÔNG RA HANG. Chuyện Tiêu Tán ăn thịt Kim Ngô.
LÃO BẠNG SINH CHÂU DIỄN TRUYỆN 2 hồi 78 tr Hà Nội. EFEO PARIS. BN PARIS, 2 hồi 50 tr Hà Nội.
LỖI TRĂNG THỀ. Tuồng Xuân nữ.
LÒNG GIÀ YÊU NƯỚC. soạn thời kháng chiến chống Pháp, do đội tuồng Bình Định phỏng theo Tam Nữ Đồ Vương hồi III.
LÊ NGỤY KHÔI. Học Lâm. 3 hồi 210 tr. TVHGVQA. VSK ĐHSKĐA. Một tên khác tuồng Bình Địch của Đào Tấn, soạn theo lệnh vua Tự Đức.
LIỄU ĐỐ . LIỄU NHỮ TRUYỆN của Nguyễn Diêu 230 tr. Hán Nôm TVHGVQA. Quách Tấn phiên âm quốc ngữ 1 hồi.
LONG PHỤNG 4 hồi. VSK ĐHSKĐA. Chuyện Khổng Minh và Bàng Thống trong Tam Quốc Chí.
LỤC VÂN TIÊN. VSK ĐHSAKĐA. Soạn theo Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Chuyện Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
LƯỠNG QUỐC TRÁ HÔN. VSK ĐHSKĐA. Tam Quốc Chí. Một tên khác chuyện Tôn Phu Nhân quy Thục.
LÝ ÂN LANG CHÂU, TSBNCT. Lang Châu lấy vợ là Loan Dung đã lâu, hai vợ chồng yêu nhau nhưng mãi vẫn chưa có con. Theo lễ giáo ngày xưa không có con nối hậu là đắc tội với ông bà, nên Lang Châu đành phải ly dị vợ để lấy vợ khác, Nhưng chưa kịp lấy vợ thì Lang Châu bị mắc bệnh hủi, vì lo thuốc thang nên gia tài khánh kiệt nghèo xơ nghèo xác. Trong lúc Loan Dung đã lấy chồng khác là Lý Ân, nhưng mãi cũng không con, hai vợ chồng mở cuộc bố thí cho dân nghèo để cầu tự. Trong cuộc phát chẩn Loan Dung nhìn thấy Lang Châu trong đám người nghèo bệnh tật, rách rưới. Nàng quá thương chồng nên bàn với Lý Ân, xin đón chồng cũ về nuôi. Lý Ân bằng lòng, ở nhà Lý Ân được trọng đãi nhưng áy náy không yên, một hôm nhân vợ chồng Lý Ân Loan Dung đi vắng, Lang Châu bỏ đi gia nhập theo đám ăn mày. Có một người ăn mày chết, Lang Châu thương tình cởi chiếc áo mình đắp cho. Vợ chồng Lý Ân về liền cho người đi tìm Lang Châu, bọn người nhà thấy chiếc áo đắp trên xác chết, không xem kỹ, cứ thế mà mang về lẩn liệm Loan Dung tưởng chồng cũ chết thật liền phát tang và đưa ma. Nàng quấn khăn tang nhưng lại mặc quần hồng. Có người lấy làm lạ hỏi, nàng trả lời : vì chồng cũ mà quấn khăn sô, vì chồng mới mà mặc quần hồng. Lý Ân cũng sẵn sàng cho vợ mình trọn nghĩa với chồng cũ.
LÝ PHỤNG ĐÌNH. TSBNCT. VSK ĐHSKĐA. Con yêu cá tu sắp thành người lại mê Loan Dung, làm những việc gian dối để thoả mãn lòng dâm bị Lý Phụng Đình bắn chết. Quách Tấn phiên âm quốc ngữ 1 hồi.
LÝ THANH PHONG. 2 hồi, VSK ĐHSKĐA. Truyện Lý Thanh Phong và Mai Bạch Tuyết.
LÝ THIÊN LONG. Học Lâm . 4 hồi 244 tr. TVHGVQA. NHTTƯ Hà Nội 3 hồi 179 tr.
LỘ ĐỊCH (LE CID) Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Soạn theo truyện Le Cid của Corneille.
LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ. 1 hồi 42 tr Hán Nôm. TVHGVQA. VBT GUIMET PARIS 30tr Hán Nôm. VSKĐHSKĐA. TVQG Hà Nội. Lưu Bình và Dương Lễ hai người bạn thân, Lưu Bình thi đỗ làm quan, Dương Lễ ham ăn chơi nên thi hỏng, Dương Lễ đến nhờ cậy bạn bị bạn ngược đãi lấy làm tức giận, trên đường về có người phụ nữ xinh đẹp tình nguyện nuôi chàng ăn học, với điều kiện thi đỗ mới cho động phòng. Dương Lễ gắng học, nhưng khi thi đỗ thì người phụ nữ ấy đi mất, Dương Lễ tìm đến nhà bạn trả thù, thì mới biết người phụ nữ ấy là vợ ba của bạn.
LƯU NGUYỄN NHẬP THIÊN THAI. 1 hồi, 23 tr Hán Nôm. TVHGVQA. Chuyện hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu lên núi hái thuốc, lạc vào cõi thiên thai gặp tiên nữ Ngọc Chân.
LƯU THIÊN TÍCH. VSK ĐHSKĐA. Một tên khác truyện Lưu Nguyễn nhâp thiên thai.
M
MÃ ĐĂNG LÂM. 3 hồi 136 tr. Học Lâm, TVHGVQA. VSK ĐHSKĐA.
MÃ SĨ. 3 hồi, 206 tr. Học Lâm. TVHGVQA. VSK ĐHSKĐA.
MÃ LONG MÃ PHỤNG. TSBNCT, VSK ĐHSKĐA. TVQGHN. Xuân Hương người phụ nữ ăn mày có tài giúp chồng lập công cứu nước.
MÁ TÁM tuồng hài của Mịch Quang. 1972.
MẠNH LỆ QUÂN. Phạm Xuân Chỉ. Còn gọi Mạnh Lệ Quân thoát hài. Cô Năm Sadec (bà Vương Hồng Sển) từng nổi tiếng trong vai Mạnh Phu Nhân.
MẠNH LƯƠNG BẮT NGỰA Đoàn tuồng liên khu V tập kết ra Bắc, phục hồi tuồng cổ năm 1972
MAO Y THẦN CUNG
MẸ CON NGUYễn Thứ, Hưng Quang, tuồng hài.
MỔ TIM TỬ CAN. Một màn trong truyện Phong Thần. Tỷ Can là chú vua Trụ, thường khuyên can vua, Đắc Kỷ trái ý muốn giết giả bị đau bụng phải cần đến quả tim Tỷ Can để trị bệnh.
MỘC QUẾ ANH DÂNG CÂY
MỤ LO NÁO BẠCH CUNG tuồng hài của Dũng Hiệp sau 1972.
MỤC LIÊN THANH ĐỀ. Tích Mục Kiền Liên đệ tử Phât Thích Ca xuống địa ngục cứu mẹ bà Thanh Đề, nhưng khi dâng cơm cho mẹ ăn, thì cơm hóa thành than hồng, vì bà quá nặng những nghiệp chướng lúc sống trên trần gian. Mục Kiền Liên trở về tâu với Phật, Phật bảo lập đà tràng, toàn thể chư tăng cùng cầu nguyện độ trì, để Mục Kiền Liên báo hiếu cho mẹ vào ngày lễ Vu Lan.
N
NA TRA LÓC THỊT. Một hồi trong Phong Thần. Na Tra lóc thịt trả lại cha là Lý Tịnh. Na Tra trở thành tướng của Vũ Vương đánh Trụ.
NẮNG SOI DÒNG SUỐI POM PƠI. Nguyễn Thứ chuyển thể, tuồng hài.
NGA MAO OÁN. Phạm Xuân Chỉ
NGHIÊU SÒ ỐC HẾN. Tuồng đồ. TSBNCT. Chế diễu sâu cay bọn quan lại địa phương từ lý trưởng đến quan huyện. Huyện Trìa tham lam dâm dật, nhưng lại sợ vợ, vợ hắn thì cả gan nhưng lại sợ ma, thầy bói Nghiêu chuyên nghề nói dựa và liều mạng.
NGŨ HỔ BÌNH TÂY. (BÌNH LIÊU) Nguyễn Diêu, 1 hồi 117 tr Hán Nôm. Học Lâm, TSBNCT. VSK ĐHSKĐA. TVHGVQA. NHNTCĐ Huế. Mối tình giữa Trại Ba Công Chúa và Địch Thanh. Còn có tên Đ̣ich Thanh Ly Thợn.
NGŨ VÂN THIỆU BỊ VÂY.
NGŨ BIẾN BÁO PHU CỪU
NGỰ VĂN QUÂN. 4. 54 tr Hà Nội. Học Lâm. TVHGVQA. VSK ĐHSKĐA. NHTTƯ Hà Nội 2 hồi 132 tr.
NGUYỄN TRÃI nhà văn Từ Diễn Đồng sáng tác ca tụng tinh thần yêu nước chống ngoại xâm.
NGHĨA HỔ. Tuồng đồ.
NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU. Hoàng Tăng Bí. Truyện An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thủy.
NGHĨA THÍCH NGHIÊM NHAN. 1 hồi, 22 tr Hán Nôm. Học Lâm. TVHGVQA. NHTTƯ Hà Nội 1 hồi 21 tr.
NHẠC HOA LINH. Học Lâm
NHỊ ĐỘ MAI. 7 hồi Quách Tấn phiên âm chữ QN. Chuyện Hạnh Nguyên đi cống Hồ.
NHỊ KHÍ CHU DU. NHTTƯHN 1 hồi 20 tr. Trong Tam Quốc Chí. Chu Du uất ức vì thua mưu kế Khổng Minh mà chết.
NGUYỄN TRÃI. của Từ Diễn Đồng. VSK ĐHSKĐA. Nguyễn Phi Khanh bị nhà Minh bắt đi Trung Quốc, khuyên con Nguyễn Trãi chớ đi theo hầu cha mà trở về phục hận. Nguyễn Trãi trở về gia nhập nghĩa quân, và trở thành quân sư cho Lê Lợi, đem tài năng cống hiến mười năm kháng chiến, đánh đuổi giặc Minh khôi phục đất nước và lập nên nhà Lê.
NGỌC DIỆM HẦU. VSK ĐHSKĐA.
NGỌC KÍNH ĐĂNG. Gia đình Bửu Thủ Bình Định. 2 hồi.
NGỌN LỬA HỒNG SƠN. Hoàng Châu Ký, Tống Phước Phổ.
NGÔ QUYỀN của Kính Dân.
Ô
Ô THƯỚC. VSK ĐHSKĐA. 3 hồi 98 tr. NHTTƯ Hà Nội.. Chuyện Ngưu Lang gặp Chức Nữ trên cầu Ô Thước. Người xưa cho rằng Sao Hôm và Sao Mai gặp nhau nên vào tháng bảy mưa ngâu.
P
PHẤN TRANG LẦU. Nguyễn Đình Chiêm
PHẠM CÔNG CÚC HOA. Mối tình chung thủy Phạm Công và Cúc Hoa.
PHẠM LÃI TÂY THI. còn có tên Tây Thi gái nước Việt.
PHỤNG NGHI ĐÌNH. Trong Tam Quốc Chí, còn gọi là LÃ BỐ HÍ ĐIÊU THUYỀN. Điêu Thuyền thực hiện mỹ nhân kế của Vương Tư Đồ, kích Lã Bố giết cha nuôi là Đổng Trác.
PHONG BA ĐÌNH. (TỐNG NHẠC PHI) của Nguyễn Đình Chiêm. Truyện Nhạc Phi diễn nghĩa. Nhạc Phi trên đà thắng trận quân Kim, vua Tống Cao Tông sợ vua cha và vua anh bị nhà Kim giam trở về sẽ mất ngôi, Thừa tướng Tần Cối chủ hoà với địch, một ngày gửi 12 lệnh bài triệu về tống giam và giết chết hai cha con Nhạc Phi tại Phong Ba Đình nơi Tây Hồ, Hàng Châu. Tuồng đề cao khí tiết anh hùng Nhạc Phi chống gian thần Tần Cối, đã kích cả hôn quân, đề cao nhân vật Ngưu Cao chiến đấu tới cùng sau khi Nhạc Phi bị giết.
PHONG LƯU CA TRUYÊN. 1 hồi, 90 tr Hà Nội. Học Lâm. TVHGVQA.
QUẦN PHƯƠNG HIẾN THỤY. Đào Tấn, Nguyễn Bá Nghi. Vở tuồng gồm 100 hồi, có sách nói 40 hồi. Mượn tên các loài hoa, hoa thơm làm chánh diện các trung thần; hoa xấu độc làm phản diện, các gian thần, nịnh thần. Ngày nay chỉ còn lưu lại vở Hải Đường Thạch Trúc.
QUẦN TIÊN HIẾN THỌ hay QUẦN PHƯƠNG TẬP KHÁNH. 5 hồi 276 tr VSK ĐHSKĐA. Hà Nội. NHNTCĐ Huế. 58 tr Hà Nội. Do Nguyễn Bá Nghi soạn, nhân dịp mừng thọ ngũ tuần vua Minh Mạng năm 1870. Nguyễn Bá Nghi soạn, vua Minh Mạng tham gia sáng tác nhân vật Táo Chúa.
QUAY SÚNG TRỞ VỀ của Hoàng Châu Ký tuồng hài.
S
SƠN HẬU Đào Duy Từ. Đào Tấn nhuận sắc hồi III. Học Lâm. bản dịch tiếng Pháp Lelièvre Revue Extrême-Asie Sept 1931 p 127-152,Oct 1931 p183-212. Déc 1931, Janv1932. Bản dịch Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng, Hát Bội Théâtre traditionnel du Viet Nam. Nam Chi Tùng Thư. Sài Gòn 1970.
Tống Phước Phổ, có bản cải biên. TVHGVQA 3 hồi 200 tr Hà Nội. TVHN Hà Nội: 148 tr Hà Nội. VSK ĐHSKĐA. NHTTƯ Hà Nội 3 hồi 190 tr. Sơn Hậu là sau núi, Đào Duy Từ sáng tác nhiều tuồng phò vua diệt nịnh thần, với những nhân vật Phàn Định Công, Phàn Diệm, Khương Linh Tá Đồng Kim Lân.. để nói lên việc Nguyễn Hoàng vào bên kia Đèo Ngang lập căn cứ chống Trịnh Kiểm.
Thái sư nịnh thần Tạ Thiên Lăng được vua tin dùng, có ba em là võ tướng nắm cả binh quyền, nhân lúc vua chết nhảy lên cướp ngôi. Trung thần Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá, Lê Tử Trình chưa hiểu lòng nhau phải tạm đầu hàng. Phàn Định Công ở biên ải hay tin, cử binh về đánh bọn họ Tạm giữa đường bị gió độc chết. Đồng, Khương, Lê hợp sức nhau nhờ Nguyệt Hạo, chị của bọn Tạ nhưng có lòng trung, giúp sức cứu thái tử sơ sinh và vợ vua cũ bị bọn nịnh bắt giam. Việc bị lộ, Khương Linh Tá phải hy sinh cho Kim Lân cứu chúa trốn đi. Bọn Tạ đuổi theo, vợ vua cũ bị lạc. Kim Lân phò thái tử vào thành Sơn Hậu cùng Phàn Diệm con Phàn Định Công chiêu binh mãi mã về phục nghiệp cho triều vua cũ.
SƠN HỒ NGẠC. NHTTƯHN 3 hồi 106 tr.
SƯ THẦN QUẦN TIÊN CA VSK ĐHSKĐA.
SINH TÀI TÁ QUỐC. I, II, III TSBNCT. Quách Tấn phiên âm chữ QN 1 hồi.
SONG TIÊN HOÀNG TỬ. TSBNCT, soạn theo truyện thơ Song Tiên. Quỳnh Châu phụ nữ lao động thông minh đối phó với mưu lược triều đình.
SI TÌNH MỘNG TỈNH. Hoàng Hữu Đôn, diễn tại rạp Quảng Lạc 1923. Chống lại thuyết tự do luyến ái, nêu lên sự lệch lạc thanh niên nam nữ thời bấy giờ, với những nhân vật anh chàng nghiện thuốc phiện, thiếu nữ tân thời, người thanh niên diễn thuyết.
SƯ GIÀ VÀ EM BÉ, Nguyễn Nho Túy, Kính Dân soạn. 1972.
T
TÁI SINH KỲ NGỘ. TSBNCT. VSK ĐHSKĐA. Gia đình Bửu Thủ, Bình Định giữ 4 hồi.
TAM CHIẾN LỮ BỐ. Tam Quốc. Một tên khác của tuồng Phụng Nghi Đình.
TAM CỐ THẢO LƯ. 1 hồi 99 tr. Tam Quốc. Học Lâm. TVHGVQA. TVHN Hà Nội : 4 hồi 112 tr Hà Nội. Lưu Bị ba lần đến thảo lư Ngoạ Long Cương cầu Khổng Minh.
TAM KHÍ CHU DU. Một hồi trong Tam Quốc Chí, Chu Du thua trí Khổng Minh uất ức chết.
TAM NỮ ĐỒ VƯƠNG. I, II, III. TSBNCT của Đào Duy Từ. Đào Tấn chỉnh lý hồi II.
Thái sư Triệu Văn Hoán âm mưu tiếm ngôi. Triệu Tư Cung không tán thành âm mưu của cha bỏ đi tu, giữa đường gặp Tạ Ngọc Lân đang cày ruộng, được Lão Tạ chỉ trích hành động tiêu cực ấy, Triệu Tư Cung hứa sẽ giúp nước nếu cần. Tạ vốn biết Văn Hoán vốn là tên gian thần nguy hiểm, sợ hắn cướp ngôi gieo khổ cho dân, muốn dò thăm tin tức kinh đô, nhưng vì hình dung cổ quái sợ lộ. Phương Cơ con gái ông xin đi thay cho cha. Phương Cơ giả dại vào kinh đô dò la tin tức biết Văn Hoán đã cướp ngôi và Hoàng hậu có mang đã bị giam, sắp bị đem giết, còn anh nàng là Tạ Kim Hùng, một tên du đãng, đã theo giúp Văn Hoán trong việc cướp ngôi. Lão Tạ được tin lên chùa gọi Triệu Tư Cung giúp sức. Tư cung đánh pháp trường cứu nhầm Bích Hà, người đã đi chết thay cho vợ vua. Nguyên khi bắt vợ vua, Văn Hoán đã giao cho Lý Khắc Minh giam giữ, Khắc Minh vốn trung với triều cũ, muốn cứu vợ vua đang có thai nhưng không tìm được cách giải quyết. Xuân Hương con gái ông, xin chết thay cho vợ vua. Bích Hà, người hầu Xuân Hương lại dành phần ấy, và Xuân Hương đưa vợ vua đi trốn. Giữa đường Hoàng hậu sinh con trai, trao cho Xuân Hương rồi tự tử để khỏi vướng chân nàng, vì lúc ấy Bích Long, con Văn Hoán đuổi theo. Bích Hà và Tư Cung đón giết Bích Long cứu Xuân Hương và Thái tử. Phương Cơ tìm cách vào ở với anh lả Kim Hùng, tay sai đắc lực của Văn Hoán, cứu Khắc Minh. Tất cả cùng về Hồng Sơn lập căn cứ. Kim Hùng biết tin đem quân đến vây Hồng Sơn. Không ai địch nổi hắn. Lão Tạ lúc ạy võ cho hắn, kịp biết hắn tính tình gian ác, đã giữ lại một miếng nghề cuối cùng, nhưng sức già cũng khó thắng được hắn. Ông đến dinh Kim Hùng, nói dối là già yếu đến nương nhờ hắn (Kim Hùng chưa biết lão Tạ đã theo nghĩa quân) rồi đang đêm ông đốt dinh, dùng sức tàn không cho hắn thoát và hai cha con ôm nhau chết trong lửa. Trừ được Kim Hùng, Tử Cung cử binh về bắt Văn Hoán đuổi về dân giả và khôi phục cơ nghiệp. Lão Tạ được phong thần và Phương Cơ được phong làm quốc tỷ (chị vua mới)
TAM ÚY TÂN TRUYỆN. 2 hồi, 212 tr Hà Nội. TVHGVQA.
TAM LƯƠNG TRUYỆN. TSBNCT
TAM TƯ CHÉM NGUYỆT CÔ. VSK ĐHSKĐA. Một hồi trong Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
TÂN DÃ ĐỒN. Đào Tấn. Quách Tấn có phiên âm QN hồi Tân Dã phân binh.
TẦN SINH. VSK ĐHSKĐA.
TÀO THÁO SÁT ĐỒNG PHI. của Phạm Xuân Chỉ. Tam Quốc Chí.
TÂY DU ĐƯỜNG TĂNG CẦU KINH CA TRUYỆN. 1. 52 tr. TVHGVQA. TVQG Hà Nội
TÂY NAM ĐẮC BẰNG. Hoàng Cao Khải soạn hô hào Pháp Việt đoàn kết.
TÌNH CÁ NƯỚC Trương Kính và Dũng Hiệp tuồng hài. 1972
THẰNG NGÁO ĐÚC CHUÔNG. Tuồng đồ. Ngáo vốn nhà nghèo đần độn, sợ vợ thường bị vợ bắt nhịn đói, lên chùa thấy xôi oản thèm rõ dãi, nghe người ta nói : “đúc Phật một vốn bốn lời” nên vào cúng tiền đúc chuông nhưng tiếc cho tiền đã mất, về nhà bị vợ đánh mắng nên lên chùa tìm Phật đòi nợ, níu áo Phật la làng..
THẠCH SANH. Dũng Hiệp soạn. Chuyện Thạch Sanh, Lý Thông hai người bạn. Thạch Sanh chém con trăn tinh, giết đại bàng cứu công chúa, Lý Thông nhận làm công lao mình được vua ân thưởng toan gả công chúa, Thạch Sanh bị cầm tù gảy đàn, công chúa nhận ra người ân nhân.
THẠCH KIM ANH TRUYỆN. 3 hồi 130 tr Hà Nội. TVHGVQA.
THANH XÀ BẠCH XÀ. Viết từ cuối thế kỷ 19. VSK Đ̣HSKĐA. Bạch Xà là con rắn tu thành người xuống trần gặp Hứa Văn, một nho sinh trẻ tuổi và yêu nhau lấy nhau. Pháp Hải thiền sư không thừa nhận sự vươn lên của con vật hạ cấp, buộc Hứa Vân phải bỏ Bạch Xà. Hứa Văn yêu vợ chí tình vừa thấy vợ rõ ràng là con người hoàn thiện đạo đứcm chung thủy với chồngm hòa thuận với anh chị, ân đức với dân làng không nỡ dứt. Pháp Bảo lập mưu dùng pháp bảo bắt Bạch Xả nhốt dưới tháp Lôi Phong. Thanh Xà và con Bạch Xà lớn lên hợp sức phá tháp, cứu Bạch Xà trở lại kiếp người.
THẦN NỮ DÂNG NGŨ LINH KỲ.
THUYẾT ĐƯỜNG TRUYỆN 1, 25 tr Hà Nội. TVHGVQA.
THÙ CHỒNG NỢ NƯỚC. Hoàng Tăng Bí xb 1925. tái bản 1927. Chuyện Hai Bà Trưng.
THẤT THỦ UYỂN THÀNH. Phạm Xuân Chỉ.
THIÊN TỐNG KỲ DUYÊN. NHNTCĐ Huế. 2 hồi 41 tr.
THÙ THẾ TÂN THANH TRUYỆN. 6 hồi, 226 tr Hà Nội. TVHGVQA.
TIÊN BỬU VÀ ÔNG TRƯỢNG. La jeune fille et le vieillard. Revue Indochinois. XXXV.1921số 56 p245-370. THỌ LÃO ÔNG 3 hồi, Gia đình Bửu Thủ Bình Định giữ bản dịch 3 hồi.
TIẾT NHƠN QUÝ CHINH ĐÔNG. Thuyết Đường. VSKĐHSKĐA. Tiết Nhơn Quý chém Nguyệt Anh.
TIẾT ĐINH SAN CHINH TÂY. Thuyết Đường.
TIẾT ĐINH SAN BÁI THƯỢNG HÀN GIANG NHTTƯ Hà Nội, 1 hồi 46 tr.
TIẾT CƯƠNG TẾ TẢO TIẾT KHƯU PHẦN. Đào Tấn. Quách Tấn phiên âm 1 hồi.
TIỆT GIANG TRUYỆN. 1, 37 tr, TVHGVQA.
TÚY KIỀU (LÃM THÚY HIÊN) Khai Trí Sài Gòn xuất bản 1969.
TRẢM TRỊNH ÂN. Phan Xuân Thận soạn NHNTCĐ Huế 78 tr. Đào Tam Xuân loạn trào hồi III.
Triệu Khuôn Dẫn, Cao Hoài Đức, Trịnh Ân kết bạn từ thuở hàn vi, xây dựng nên cơ nghiệp nhà Tống. Nhưng lên ngôi vua đắm mê tửu sắc, Triệu Khuôn Dẫn (Tống Thái Tổ) đã bị vợ là Hàn Tố Mai phục rượu, mạo chiếu chỉ giết Trịnh Ân để trả thù cho chú hắn, do làm bậy bị Trịnh Ân đánh gãy răng. Được tin nhà vua giết chồng mình. Đào Tam Xuân cử binh về triều hỏi tội vua, quyết đạp bằng thành quách để trả thù cho chồng. Nhưng Cao Hoài Đức khuyên Đào Tam Xuân nên nghĩ cho chín, trả thù cho đúng chỗ, không nên vì thù nhà làm nguy việc nước. Nàng nghe lời, Tống Thái Tổ sau khi tỉnh rượu, biết lỗi mình, ra tận ngoài thành quỳ đón Đào Tam Xuân xin lỗi, nhưng vua lại che dấu cho vợ tuy gian hùng nhưng lại đẹp, Cao Hoài Đức hợp sức với nàng bắt giết Hàn Tố Mai.
Thời kháng chiến hồi Lưu Kim Đính giải phù Cao Hoài Đức được cải biên thành “tuyên truyền giáo dục cho ngụy quân cải tà qui chánh,”
TRẦM HƯƠNG CÁC. Đào Tấn sáng tác theo truyện Phong Thần. TSBNCT. VSK ĐHSKĐA. Quách Tấn phiên âm 1 hồi.
TRẦN BÌNH TRỌNG Kim Hùng soạn.
TRẦN QUỐC TOẢN Kim Hùng soạn.
TRẦN NHẠC VÕ. Học Lâm. 3 hồi, 164 tr. TVHGVQA.
TRIỆU TRINH NƯƠNG Dũng Hiệp soạn
TRÙNG SỰ. VSK ĐHSKĐA.
TRƯƠNG ĐỒ NHỤC. Tuồng đồ. TVHGVQA. 1 hồi 50 tr HN
TỘI CỦA AI. Tuồng Xuân nữ.
TỐNG TỬU ĐƠN HÙNG TÍN. Thuyết Đường.
TỐNG TỪ MINH. 3hồi 243 tr Hà Nội. Học Lâm. TVHGVQA.
TỐNG TỪ VÂN ĐẠI YẾN ô2 tr Hà Nội. NHNTCĐ Huế.
TỐNG LỤC VĂN LONG DIỄN CA, 2 hồi 56 tr Hà Nội.
TỨ QUỐC LAI VƯƠNG. Đào Tấn.
TƯỢNG KỲ KHÍ XA. Hoàng Cao Khải soạn. Chuyện vua Gia Long bỏ rơi Võ Tánh và Ngô Tùng Chu bị vây Tây Sơn vây hảm thành Bình Định để chiếm lấy Phú Xuân.
TỨ HẢI ĐỒNG XUÂN DIỄN TRUYỆN 58 tr Hà Nội EFEO PARIS.
TỪ THẮNG DIỄN TRUYỆN 3 hồi 68 tr Hà Nội. EFEO PARIS.
TRƯNG NỮ VƯƠNG. Phan Bội Châu, người đầu tiên đưa đề tài lịch sử vào Tuồng. Đi vào cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đề cao tinh thần yêu nước quật khởi chống ngoại xâm.
Cùng đề tài Hoàng Tăng Bí sáng tác THÙ CHỒNG NỢ NƯỚC xuất bản năm 1925, tái bản 1927.
TRƯNG NỮ VƯƠNG được Tống Phước Phổ, Lưu Trọng Lư biên soạn lại năm 1952.
TRƯƠNG VIÊN KẾT NGHĨA CA TRUYỆN, 1 hồi, 32 tr TVHGVQA.
TRƯƠNG NGÁO. Tuồng đồ, Thư Viện Khoa Học. VSK ĐHSKĐ
TRẦN BỒ. Tuồng đồ. Thư Viện Khoa Học. bản dịch Cordier Comédie anamite TVHGVQA 2 hồi 52 tr Hà Nội. Phú nông Bồ thích lấy vợ lẽ, nhưng u mê, phải chịu làm ngựa cho đầy tớ hắn cưỡi để xin mưu kế.
TRẦN BÌNH TRỌNG. Kim Hùng.
TRẦN QUỐC TOẢN. Kim Hùng
TRẦN TRÁ HÔN diễn ca . TVHN Hà Nội 82 tr
TRIỆT GIANG. TIỆT GIANG. Tam Quốc Chí. Học Lâm. VSK ĐHSKĐA.
TRIỆU TRINH NƯƠNG. Dũng Hiệp. Tuồng Bà Triệu khởi nghĩa.
TRIỆU TỬ ĐOẠT ẤU CHÚA. Tam Quốc. Truyện Triệu Tử Long, bảo vệ ấu chúa con Lưu Bị thoát vòng vây.
TRIỆU KHÁNH SANH. Đào Tấn sáng tác. Triệu Khánh Sanh một thanh niên tuấn tú anh hùng chống Bàng Hồng kẻ bạo ngược. Cuộc chiến đấu được một số người yêu thương giúp đỡ chí tình, nhưng không có thực lực. Cuối cùng kết hôn với một phụ nữ hiền hòa trong hoàn cảnh gian khổ. Triệu Khánh Sanh lại thanh gươm yên ngựa ra đi.
TRIỆU ĐÌNH LONG, Tuồng Thầy Đào Duy Từ. Triệu Đình Long phò vua diệt ngụy.
TỨ TINH GIÁNG THẾ. Học Lâm. 3 hồi, 186 tr. TVHGVQA.
TỬU HỘI TRUYỆN 1 hồi , 32 tr. Học Lâm. TVHGVQA.
TỪ THỨ TẠI LƯU SỨ QUÁN. Tam Quốc. NHNTCĐ Huế.
TRƯƠNG PHI THỦ CỔ THÀNH. TRƯƠNG CỔ THÀNH. Đào Tấn. Tam Quốc Chí. Trương Phi thủ cổ thành ngồi buồn nhớ Lưu Bị, Quan Công. Tuồng đề cao khí tiết anh hùng, lòng khẳng khái, tình bạn chiến đấu. Thời kháng chiến năm 1952 Trương Phi thủ Cổ thành được cải biên để “ giáo dục tư tưởng sống với giặc nà không theo giặc”.
TÔ VÕ CHĂN DÊ. Kính Chỉ.
U
ÚM BA LA tuồng hài của Song Bân, Hoàng Châu Ký 1972.
V
VẠN BỬU TRÌNH TƯỜNG. 100 vở tuồng theo 100 toa thuốc. Tương truyền Diên Khánh Vương con vua Gia Long soạn hai phần ba. Đào Tấn 10 tuồng cuối. VSK ĐHSKĐA 1 tuồng. Nhà Hát Tuồng Đào Tấn Bình Định có 3 hồi. Nguyễn Văn Sâm Hoa Kỳ có 126 tr.. Gia đình Quách Tấn có 3 hồi 39, 41, 42. đã phiên âm ra Quốc ngữ. Vạn Bửu lấy tên những vị thuốc, dược tính được chuyển thành cá tính nhân vật: Cam Thảo vị ngọt, không bổ gì lắm, không hại gì là nhân vật dĩ hòa vi quý, Cam Toại đắng và rất độc trở thành viên tướng tàn bạo vô cùng. Bạch Tật Lê (gai yết hầu) còn có tên Quỷ Kiến Sầu. Là tướng nịnh phản chủ. Bạch Đầu Ông trở thành ông lão trung chính giết con cứu nước. Mỗi thang thuốc chủ trị một chứng bệnh, nằm chung trong chủ đề toàn pho. Đông y lý dựa theo thuyết ngũ hành, các vị thuốc chính yếu, phương thang thứ tự được sắp xếp thành quân, thần, tá, sứ.
VÕ HÙNG VƯƠNG. TSBNCT
VÕ THÀNH LÂN. Học Lâm 2 hồi 132 tr TVHGVQA. NHTTƯ Hà Nội 3 hồi 102 tr. Võ Thành Long bị giặc đuổi, bí đường có con cá thần nổi lên đưa sang qua bên bờ kia tỵ nạn. Nhân vật Võ Thành Lân tượng trưng cho Nguyễn Ánh, vua Gia Long, có tướng tinh đế vương nên được cá thần hiện lên bảo vệ thoát khỏi các cuộc truy đuổi của Tây Sơn.
VÕ NGUYÊN LONG CA TRUYỆN. 3 hồi. 162 tr. Học Lâm. TVHGVQA. VSK ĐHSKĐA Hà Nội. Nguyễn Gia Ngoạn sáng tác nhân lễ mừng thọ ngũ tuần vua Tự Đức 1878. nhân vật: Lỗ Hoành
VÕ TÒNG ĐÃ ĐIẾM. Thủy Hử. Chuyện Võ Tòng giết chị dâu gian dâm với Tây Môn Báo giết anh Vữ Đại Lang.
VÌ NƯỚC QUÊN NHÀ. Đốc Phủ Bảy soạn chung với Hồ Văn Chung tức Hồ Biểu Chánh. Xb 1918, diễn tại Long Xuyên. Sài Gòn lạc quyên giúp Hội Hồng Thập Tự. Diễn viên toàn tài tử các thầy cô công chức đương thời. Nội dung chuyện một thầy thông làm việc cho công sở, tình nguyện sang Pháp chiến đấu trong Đệ I Thế Chiến vì nước quên nhà. Mẹ già giao lại cho vợ chăm sóc, khi anh công thành danh toại, nhưng mẹ già chằng may chết rồi.
X
XỬ TỘI BÀNG QUÝ PHI.
Y
Ý CHÂU NGỌC. Học Lâm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
HOÀNG CHÂU KÝ . Sơ khảo lịch sử nghệ thuật Tuồng. Nxb Văn Hoá. Hà Nội 1973.
MỊCH QUANG TÌM HIỂU NGHỆ THUẬT TUỒNG. Nxb Văn Hoá Nghệ Thuật. Hà Nội 1963
NGUYỄN NHO TÚY. 55 năm trên sân khấu Tuồng. Nxb Văn Hoá. Hà Nội.1974.
NGUYỄN TỐ LAN. Sơ Khảo văn bản tuồng hiện còn. Tạp chí Hán Nôm . Số 1 (92) 2009. tr 18-28
TUẦN LÝ HUỲNH KHẮC DỤNG. Hát Bội. Nam Chi Tùng Thư. Sài Gòn 1970.
LÊ THANH KHÔI. Histoire du Viet Nam đes origines à 1858. Sudestasie. Paris 1982.
TRẦN TRỌNG KIM. Viet Nam sử lược. Sống Mới. TTHLBGD xb 1971