Cù Tuấn dịch từ The New York Times.
Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ khẩn cấp trị giá 40 tỷ USD cho Ukraina vào ngày 19/5, nhưng với việc một nhóm nhỏ các đảng viên Cộng hòa theo chủ nghĩa biệt lập lớn tiếng chỉ trích việc chi tiêu này và cuộc chiến bước vào một giai đoạn mới và phức tạp, khiến lưỡng đảng tại Mỹ không đảm bảo sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến.
Avril Haines, giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, cảnh báo Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Mỹ gần đây rằng vài tháng tới có thể có nhiều biến động. Bà nói, xung đột giữa Ukraina và Nga có thể diễn ra theo “một quỹ đạo khó lường hơn và có khả năng leo thang”, với khả năng Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ngày càng tăng.
40 tỷ là những chi phí bất thường và những nguy hiểm nghiêm trọng, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều câu hỏi mà Tổng thống Biden vẫn chưa trả lời được cho công chúng Mỹ liên quan đến việc Mỹ tiếp tục tham gia vào cuộc xung đột này.
Vào tháng 3, hội đồng này lập luận rằng thông điệp từ Mỹ và các đồng minh của họ đối với người Ukraina cũng như người Nga phải là: Cho dù mất bao nhiêu thời gian đi nữa, Ukraina sẽ được tự do. Ukraina xứng đáng được ủng hộ chống lại sự xâm lược vô cớ của Nga và Mỹ phải dẫn đầu các đồng minh NATO của mình trong việc chứng minh với Vladimir Putin rằng liên minh Đại Tây Dương sẵn sàng và có thể chống lại tham vọng theo chủ nghĩa xét lại của ông ta.
Mục tiêu đó không thể thay đổi, nhưng cuối cùng, việc tiến vào cuộc chiến tranh toàn diện với Nga vẫn không phải là lợi ích của Mỹ, ngay cả khi một cuộc đàm phán hòa bình có thể đòi hỏi Ukraina phải đưa ra một số quyết định khó khăn. Và mục tiêu và chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến này ngày càng khó phân biệt hơn, khi các thông số của sứ mệnh dường như đã thay đổi.
Chẳng hạn, có phải Mỹ đang cố gắng giúp chấm dứt cuộc xung đột này, thông qua một dàn xếp cho phép quốc gia Ukraina có chủ quyền và giữ mối quan hệ với cả Mỹ và Nga? Hay bây giờ Mỹ đang cố gắng làm suy yếu Nga vĩnh viễn? Mục tiêu của chính quyền Mỹ có chuyển sang gây bất ổn cho Vladimir Putin hay khiến ông ta bị loại bỏ? Mỹ có ý định bắt ông Putin phải chịu trách nhiệm như một tội phạm chiến tranh không? Hay mục tiêu là cố gắng tránh một cuộc chiến tranh rộng hơn – và nếu vậy thì việc cung cấp thông tin tình báo của Mỹ để giết quân Nga và đánh chìm một trong những con tàu của họ sẽ đạt được điều này không?
Nếu không làm rõ những câu hỏi này, Nhà Trắng không chỉ có nguy cơ đánh mất sự quan tâm của người Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraina – những người tiếp tục phải chịu thiệt hại về người và sinh kế – mà còn gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh lâu dài trên lục địa châu Âu.
Người Mỹ đã bị sự đau khổ của Ukraina làm họ kích động, nhưng sự ủng hộ của mọi người đối với một cuộc chiến cách xa bờ biển của Mỹ sẽ không tiếp tục vô thời hạn được. Lạm phát là một vấn đề lớn hơn nhiều đối với cử tri Mỹ so với Ukraina, và sự gián đoạn đối với thị trường thực phẩm và năng lượng toàn cầu có thể sẽ còn gia tăng.
Thời điểm hiện tại là một giai đoạn hỗn độn trong cuộc xung đột này, và điều này có thể giải thích cho Tổng thống Biden và nội các của ông ấy sự lưỡng lự trong việc đặt ra các mục tiêu rõ ràng. Vì vậy, càng có nhiều lý do để ông Biden đưa ra khẳng định với cử tri Mỹ trước tháng 11, rằng ủng hộ Ukraina có nghĩa là ủng hộ các giá trị dân chủ và quyền của các quốc gia được tự vệ chống lại sự xâm lược – trong khi hòa bình và an ninh vẫn là kết quả lý tưởng trong cuộc chiến này.
Thật hấp dẫn khi quan sát những thành công đáng kinh ngạc của Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga, và việc coi chúng như là một dấu hiệu cho thấy với sự giúp đỡ đầy đủ của Mỹ và châu Âu, Ukraina gần như đã đẩy quân Nga trở lại vị trí đóng quân trước cuộc xâm lược. Nhưng đó là một giả định nguy hiểm.
Một chiến thắng quân sự quyết định của Ukraina trước Nga, và việc Ukraina giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ từ năm 2014 không phải là một mục tiêu thực tế. Mặc dù kế hoạch và khả năng chiến đấu của Nga là cẩu thả một cách đáng ngạc nhiên, nhưng Nga vẫn tỏ ra quá mạnh và ông Putin sẽ không lùi bước sau khi đã đầu tư quá nhiều uy tín cá nhân vào cuộc xâm lược này.
Mỹ và NATO đã tham gia rất sâu vào cả quân sự và kinh tế. Những kỳ vọng không thực tế có thể khiến họ ngày càng lún sâu vào một cuộc chiến tốn kém và kéo dài. Tuy vậy nước Nga, dù bị vùi dập và kém cỏi, vẫn có khả năng gây ra sự hủy diệt không thể kể xiết đối với Ukraina, và vẫn là một siêu cường hạt nhân với một lãnh đạo chuyên quyền bất ổn, tính cách bất thường, người không thích các thỏa thuận thương lượng. Ukraina và Nga hiện “dường như xa nhau hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc chiến đã kéo dài gần ba tháng,” như The Times đưa tin.
Những tuyên bố gây chấn động gần đây từ Washington – Tổng thống Biden khẳng định rằng ông Putin “không thể tiếp tục nắm quyền”, bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin rằng Nga phải “suy yếu bớt” và người phát ngôn Hạ viện, Nancy Pelosi, cam kết rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraina “cho đến khi giành được chiến thắng” – có thể là những tuyên bố ủng hộ nhiệt thành, nhưng chúng không giúp gì cho các cuộc đàm phán cả.
Cuối cùng, chính người Ukraina phải đưa ra các quyết định khó khăn: Họ là những người đang chiến đấu, đang hy sinh và đang mất nhà cửa trước sự xâm lược của Nga, và chính họ là người phải quyết định xem chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào. Nếu cuộc xung đột dẫn đến các cuộc đàm phán thực sự, thì các nhà lãnh đạo Ukraina sẽ phải đưa ra các quyết định từ bỏ lãnh thổ đau đớn mà bất kỳ thỏa hiệp nào cũng sẽ đòi hỏi.
Mỹ và NATO đã chứng minh rằng họ sẽ hỗ trợ cuộc chiến Ukraina bằng hỏa lực dồi dào và các phương tiện khác. Và dù cuộc giao tranh kết thúc ra sao thì Mỹ và các đồng minh đều phải chuẩn bị để giúp Ukraina tái thiết.
Nhưng khi cuộc chiến đang còn tiếp diễn, ông Biden cũng nên nói rõ với Tổng thống Volodymyr Zelensky và những người của ông ấy rằng sẽ có giới hạn về mức độ mà Mỹ và NATO sẽ đối đầu với Nga, và giới hạn đối với vũ khí, tiền bạc và sự hỗ trợ chính trị của họ mà họ có thể đưa ra. Các quyết định của chính phủ Ukraina bắt buộc phải dựa trên đánh giá thực tế về các phương tiện khí tài của Ukraina và mức độ tàn phá mà Ukraina có thể chịu đựng.
Đối mặt với thực tế này có thể là đau đớn, nhưng nó không phải là thuốc giảm đau. Đây là việc mà các chính phủ có nghĩa vụ phải làm, chứ không phải chạy theo một “chiến thắng” hão huyền. Nga sẽ phải trải qua nỗi đau bị cô lập và các lệnh trừng phạt làm trì trệ nền kinh tế trong nhiều năm tới, và ông Putin sẽ đi vào lịch sử như một tên đồ tể. Thách thức bây giờ là rũ bỏ sự hưng phấn, ngừng việc khiêu khích và chế nhạo đối thủ để tập trung vào việc xác định và hoàn thành nhiệm vụ. Sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraina là một phép thử cho vị thế của quốc gia này trên thế giới trong thế kỷ 21 và ông Biden có cơ hội và nghĩa vụ giúp xác định điều đó sẽ là như thế nào.