Thực chất quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Ảnh chụp tại Hội nghị Thành Đô (Nhật ký Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng)

*Vũ Ngọc Phương

 Quan hệ Việt – Trung là một trong những mối quan hệ Quốc gia – Dân tộc phức tạp nhất trong lịch sử Nhân loại. Đây là mối quan hệ đã xuất hiện, phát sinh và phát triển trong lịch sử hai nước hơn 2,200 năm qua. Vì vậy không thể nhận định tương đối rõ nếu không xét về lịch sử. Từ thời cổ trước đây hơn 5,000 năm, Dân tộc Lạc Việt là một chủng tộc lớn trong Bách Việt có lãnh thổ từ nam sông Trường Giang xuống đến Bắc và Trung bộ Việt Nam ngày nay. Chính các thư tịch cổ Trung Quốc viết, ghi chép rất nhiều về Lạc Việt – Giao chỉ – Đại Việt – Việt Nam. Hội nghị khoa học tại Trung Quốc đầu năm 2012 đã xác nhận “ Văn minh Lạc Việt là gốc của Văn minh Trung Hoa”. Vị trí địa chính trị Lạc Việt cổ đại, Việt Nam ngày nay nằm trung tâm Châu Á, án ngữ đường bộ, đường thủy và hiện nay là cả đường hàng không quốc tế giữa Đông và Tây, Nam và Bắc châu lục Á – Âu – Mỹ. Chính vì thế Việt Nam từ thời cổ đại đến hiện đại là nạn nhân của tất cả các cuộc xâm lăng của các Nước Lớn trên thế giới, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Dân tộc Việt có truyền thống Anh hùng – Bất khuất, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Trong cuộc gặp ngày 9/7/1971 ở Bắc Kinh, Trung Quốc với Tiến sĩ Henry A. Kissinger – Cố vấn cho Chủ tịch Các vấn đề An ninh Quốc gia Mỹ, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã nói nhiều điều về Việt Nam, lúc đó đang có chiến tranh.  Cuộc họp này kéo dài từ sáng sớm đến đêm muộn. Toàn văn biên bản cuộc nói chuyện Chu Ân Lai – Kissinger này là tài liệu số 139 (bằng tiếng Anh) nằm trong Tập 17 của Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, giai đoạn 1969-1976, phần về Trung Quốc (1969-1972). Tài liệu được đăng tải trên trang web chính thức của Văn phòng Sử gia thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ – history.state.gov.

“…Tiến sĩ Kissinger:

 Họ là dân tộc anh hùng, dân tộc vĩ đại.

Thủ tướng Chu Ân Lai:

Họ là một dân tộc vĩ đại, anh hùng, và đáng ngưỡng mộ. Hai ngàn năm trước, Trung Quốc đã xâm lược họ (Việt Nam ) và rồi Trung Quốc bị đánh bại. Trung Quốc đã bị đánh bại bởi 2 nữ tướng. Và khi tôi tới Việt Nam với tư cách là một đại diện của nước Trung Hoa mới đi thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cá nhân tôi đã đi viếng mộ của 2 nữ tướng đó và đặt vòng hoa lên mộ để tỏ lòng kính trọng 2 nữ anh hùng này – những người đã đánh bại tổ tiên chúng tôi, những người đã đi bóc lột dân tộc Việt.” – Trích nguyên văn, tài liệu đã dẫn.

 

Lịch sử quan hệ Việt – Trung có thể chia ra 4 thời kỳ lớn:

Thời kỳ thứ nhất là “thời kỳ Bắc thuộc” kéo dài khoảng 1.000 năm được tính từ lúc nước Âu Lạc của An Dương Vương bị Triệu Đà xâm chiếm năm 179 Tr. CN đến năm 938 sau CN Ngô Quyền thắng quân Nam Hán.

Thời kỳ thứ hai gọi chung là “thời kỳ Đại Việt” từ khi Ngô Quyền xưng vương 939 sau CN đến khi Pháp đặt chế độ bảo hộ ở Việt Nam đến 1883 khi nhà Thanh công nhận chủ quyền của Pháp ở Việt Nam.

Thời kỳ thứ ba quen gọi là “thời kỳ Pháp thuộc” từ 18831945 Cách mạng tháng 8/1945 Việt Nam tuyên bố độc lập.

Thời kỳ thứ từ 1945 đến nay.

Nhìn quá trình lịch sử để thấy tất cả các thời kỳ Trung Quốc từ các triều đại phong kiến đến thời kỳ được gọi là Chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc đều không ngừng xâm lược đánh chiếm Việt Nam – Về bản chất là chủ nghĩa Dân tộc Đại Hán bành trướng. Trong thời kỳ hiện đại từ năm 1945 đến nay thời kỳ 19451954 tại Việt Nam xảy ra cuộc chiến giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp, đồng thời ở Trung Quốc nội chiến giữa một bên do Tưởng Giới Thạch với một bên Mao Trạch Đông cầm đầu. Sau khi đánh bại Tưởng Giới Thạch, ngày 18/1/1950, Trung Quốc công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời kỳ Việt Minh chống Pháp, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Minh với khối lượng lớn vũ khí của Nhật do Liên Xô thu được giao cho Trung Quốc chuyển cho Việt Nam. Quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Trung Quốc được nâng lên cấp đại sứ vào tháng 4/1951.

Ngày 13/4/1966 lãnh đạo Việt – Trung trao đổi về phong trào Cộng sản Quốc tế và Việt Nam phát động chiến tranh toàn diện chống Mỹ ở Nam Việt Nam. Trung Quốc ngăn cản vì muốn Việt Nam bị chia cắt như Triều Tiên để che chắn cho Trung Quốc ở phía nam Ngay lập tức, Mao trả lời: “Việt Nam không thể phát động chiến tranh du kích ở miền Nam. Việt Nam phải nằm chờ trong một thời gian dài!” Chúng ta rất nghèo. Làm sao chúng ta có thể đánh Mỹ nếu không có Trung Quốc làm căn cứ hậu tập? Trong thời gian đó, Trung Quốc đã thông báo với Mỹ: “Nếu các ông không tấn công tôi, tôi sẽ không tấn công các ông. Nhưng rất nhiều quân lính mà các ông muốn đưa vào Việt Nam, tùy các ông“. Trung Quốc nhất trí điều này và đã gây áp lực với chúng tôi bằng cách đó.” – Lê Duẩn phát biểu tại Quân ủy Trung ương 1979.

Trung Quốc cũng cho Mỹ biết họ sẽ không trực tiếp tham chiến tại Việt Nam nếu Mỹ không đưa quân vượt biên giới Việt-Trung vào lãnh thổ Trung Quốc. Do mâu thuẫn Trung-Xô nên Trung Quốc không muốn Liên Xô ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Bằng chiến lược quân sự, ngoại giao rất khéo léo, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của cả Liên Xô, Trung Quốc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bước ngoặt của chiến tranh là cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 buộc Mỹ phải thương lượng với Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sự tự chủ, vượt qua cả Liên Xô, Trung quốc không được tham gia vào vận mệnh Việt nam đã làm Trung quốc rất tức giận. Từ 1969, Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho Việt Nam và rút gần hết cố vấn, chuyên gia khỏi Việt nam. Một mặt để chống Liên Xô, cô lập Việt Nam để tìm kiếm nguồn tài chính, công nghệ Mỹ, Trung Quốc đã mật đàm tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Năm 1972Tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Trung Quốc. Hai nước ký Tuyên bố chung Thượng Hải hình thành liên minh chiến lược chống Liên Xô.Trung Quốc đàm phán với Mỹ để bình thường hóa  Việt Nam trở thành chủ đề thương lượng của cả Mỹ và Trung Quốc. Khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã nhân thời cơ đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 1974.

Ngay sau chiến thắng 30/4/1975 giải phóng Sài gòn thống nhất Việt Nam, Trung Quốc đã xúi giục Khmer Đỏ tấn công gây hấn các tỉnh sát biên giới Campuchia. Các cuộc tiến công của Khmer Đỏ ngày một nghiêm trọng lên đến đỉnh điểm  cuối năm 1978 Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng ngàn thường dân Việt Nam. Phía Việt Nam chỉ tổ chức phòng ngự và cố đàm phán tìm giải pháp hòa bình, nhưng Khmer Đỏ bác bỏ. Từ tháng 12 /1978 đến tháng 5/1979 Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với 19 sư đoàn nhưng bị phía Việt Nam bẻ gãy. Sau cuộc tấn công, Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan. Từ giữa năm 1979 đến cuối năm 1985 Khmer Đỏ với sự trợ giúp về lương thực, vũ khí của Thái LanTrung Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức đánh du kích và đe dọa sự tồn tại của chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Năm 1982, Việt Nam rút bớt quân khỏi Campuchia, ngay sau đó Khmer Đỏ hoạt động mạnh trở lại và chiếm một số khu vực. Nhận thấy quân đội Cộng hòa Nhân dân Campuchia còn rất yếu ớt nên không thể tự chống cự được, Việt Nam buộc phải tiếp tục đóng quân tại Campuchia để bảo vệ chế độ Hun Sen và truy quét Khmer Đỏ. Mùa khô 1984 – 1985, cuộc tấn công quyết định của Việt Nam đã phá hủy các căn cứ chính của Khmer Đỏ làm Khmer Đỏ suy yếu gần như tan rã không còn đủ sức đe dọa chế độ mới của Campuchia.Từ 1986 – 1989 sau chiến dịch mùa khô năm 1985, nhận thấy chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia do Hun sen đã tự đứng vững được, nên năm 1986 Việt Nam rút dần quân khỏi Campuchia, đến năm 1989 thì rút hết. Khi Việt Nam rút quân, tàn quân của Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn định tái hoạt động, nhưng bị quân đội Hun Sen đánh bại. Khmer Đỏ dần tan rã, các lãnh đạo bị bắt và bị đưa ra xét xử ở tòa án quốc tế về tội ác diệt chủng mặc dù Trung Quốc và Mỹ hết sức ngăn cản.

Để cứu vãn Khmer Đỏ, đầu năm 1979, Trung Quốc dùng 600,000 quân tấn công toàn diện biên giới phía Bắc Việt Nam nhưng bị quân địa phương, dân quân du kích Việt Nam và sau đó một bộ phận quân chủ lực điều từ Campuchia về đánh tan đẩy lùi quân Trung Quốc bị tổn thất nặng phải rút khỏi các tỉnh biên giới Bắc Việt Nam. Tuy nhiên năm 1984, Trung Quốc tập trung một khối lượng lớn vũ khí, quân đội đối diện Huyện Vị Xuyên, Hà Giang Việt Nam gây ra “ Cuộc chiến Vị Xuyên” kéo dài 1984 – 1989 tiêu hao gây thiệt hại nghiêm trọng cho Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Trung Quốc đánh Việt Nam “Cũng một cách nữa là họ trả thù cho bọn Pol Pot (Thủ lính Khmer Đỏ). Đồng thời lúc bấy giờ ông Đặng Tiểu Bình cũng muốn quan hệ với Mỹ cho nên đánh chúng tôi để cho Mỹ thấy rằng là giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải là đồng minh, không phải là cùng nhau Cộng sản nữa. Trung Quốc muốn cho Mỹ tin để phát triển quan hệ với Trung Quốc. Vì Trung Quốc lúc bấy giờ muốn phát triển quan hệ với Mỹ. Đánh Việt Nam là một món quà tặng cho Mỹ.

Tổng Bí thư Lê Duẩn nói tại Hội nghi Quân ủy Trung ương 1979 :Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta là những kẻ phản động Trung Quốc. Nhưng người dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn thế. Tôi không biết những kẻ phản động Trung Quốc này sẽ tiếp tục tồn tại thêm bao lâu nữa. Tuy nhiên, miễn là họ tồn tại, thì họ sẽ tấn công chúng ta như họ vừa thực hiện đầu năm 1979”.

Ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Colin, Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại ba bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ, đánh trả. Việt Nam mất 3 tàu vận tải, hy sinh 64 chiến sỹ. Trung Quốc bị thương tàu chiến, chết 24 người.

“Trong thời gian dài hơn 10 năm, mặc dù Ban lãnh đạo Bắc Kinh đã dùng mọi thủ đoạn xấu xa, tàn bạo nhất hòng làm cho Việt Nam suy sụp, phải khuất phục Trung Quốc, nhưng Việt Nam vẫn đứng vững, đặc biệt là những thành quả rõ rệt thu được sau mấy năm chúng ta tiến hành chính sách đổi mới, mở cửa đã khiến họ phải thay đổi cách nhìn và đối sách cũ đối với Việt Nam. Ngoài ra những chuyển biến trong thái độ của Mỹ đối với Việt Nam và chuyển biến bước đầu trong quan hệ Việt Mỹ đã khiến ban lãnh đạo Bắc Kinh thấy nếu tiếp tục kéo dài căng thẳng với Việt Nam sẽ làm cho Mỹ được hưởng lợi. Trung Quốc đang bị cấm vận sau sự kiện Thiên An Môn, bình thường hoá quan hệ với Việt Nam sẽ tạo thêm thế. Thấy rõ những điểm yếu của ban lãnh đạo Việt Nam, chủ động chấp nhận bình thường hoá với Việt Nam lúc này sẽ thu lợi nhiều hơn trong chính sách đối với Việt Nam và trên quốc tế.”- Hội nghị Thành Đô, Nguyên nhân và Hậu quả của Dương Danh Dy (1).

Để hiểu rõ hơn quan hệ Việt – Trung, chúng ta cần dẫn chứng các sự kiện thương lượng bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ 1990 – 1991, đây là một bước ngoặt lịch sử Việt – Trung từ sau thời kỳ 1970 – 1989 bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp, nhiều bất đồng về đường lối đối ngoại của cả hai nước Việt – Trung, đồng thời thấy rõ các biện pháp “ Tiền Hậu bất nhất” của Trung Quốc trong chính trị. 

 Trước thực trạng các nước XHCN Đông và Trung Âu không còn nữa, Liên Xô mất quyền lãnh đạo, sắp tan rã. Trung Quốc thông qua Liên Xô gây sức ép với Việt Nam, phải nhân nhượng, chấp nhận các yêu cầu của Trung Quốc.Việt Nam đang bị cô lập trong cộng đồng quốc tế vì Mỹ cùng với đồng minh và Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc sự thật cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam – Campochia. Lúc này Trung Quốc là đối tượng thích hợp nhất để Việt Nam phá vây cô lập, do đó phía Việt Nam cần phải đáp ứng một số yêu cầu của phía Trung Quốc nhằm nhanh chóng bình thưòng hoá quan hệ với họ. Một trong những biến cố phức tạp gây nhiều nghi ngờ, tranh luận đến nay được cho là chưa giải mật đầy đủ là Hội nghị Thành Đô.

Theo một số các văn bản và tài liệu của ông Hồng Hà, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, thành viên của đoàn đàm phán Hội nghị Thành Đô, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đinh Nho Liêm, Nhật ký của Lý Bằng ngày 5/1/2008, bài viết của Lý Gia Trung nguyên Tham tán chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, bài viết của Trương Thanh nguyên Vụ phó Vụ Á châu 1 Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người tham dự hội nghị Thành Đô. Đặc biệt là cuốn “Hồi ký Trần Quang Cơ” xuất bản năm 2001, tái bản năm 2003.

Năm 1989, sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, quan hệ Việt – Trung tạo tiền đề cho thương lượng bình thường hóa quan hệ Việt – Trung. Hội nghị Thành Đô thương lượng Việt – Trung để bình thường hóa diễn ra từ ngày 3/9/1990 đến ngày 4/9/1990 phía Việt Nam có Nguyễn Văn LinhTổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt NamĐỗ MườiChủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Phạm Văn ĐồngCố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Phía Trung Quốc có Tổng Bí thư Giang Trạch DânThủ tướng Lý Bằng. Hai Bên đồng ý bình thường hóa quan hệ hai nước. Người có vai trò liên lạc bí mật nghị Lê Đức Anh (2), Bộ trưởng Bộ quốc Phòng Việt Nam và ông Trương Đức DuyĐại sứ Trung Quốc tại Việt Nam hiện không được giải mật.

Theo Hồi ký Trần Quan Cơ (2): “Sáng 6/6/1990, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh lại gặp riêng và mời cơm đại sứ Trương Đức Duy. Cuộc gặp riêng chỉ giữa hai người, Trương Đức Duy vốn là thông dịch, rất thạo tiếng Việt nên không cần có người làm phiên dịch. Nội dung cuộc gặp này mãi đến ngày 19/6/1990 trong cuộc họp Bộ Chính Trị (Việt Nam) để đánh giá cuộc đàm phán từ ngày 11/6/1990 đến 13/6/1990 giữa tôi và Từ Đôn Tín, Lê Đức Anh mới nói là đã gặp Trương Đức Duy. Nhưng trước đó, từ ngày 6/6/1990 phía Trung Quốc (tham tán Lý Gia Trung và Bí thư thứ nhất Hồ Càn Văn) đã cho ta biết nội dung câu chuyện giữa Lê Đức Anh và Trương Đức Duy”.

 

Ngày 23/5/1990 Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam Vũ Xuân Vinh đã mời Tuỳ viên quân sự Trung Quốc Triệu Nhuệ đến để thông báo là Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh (3) sẽ tiếp Từ Đôn Tín khi Từ đến Hà Nội. Chính những động thái bất thường và vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao này của ta đã làm cho Trung Quốc hiểu rằng nội bộ Việt Nam đã có sự phân hoá và vai trò của Bộ Ngoại Giao không còn như trước.

Ngày 5/6/1990, vài ngày trước khi Từ Đôn Tín (Trợ lý Bộ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc) đến Hà Nội, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã mời đại sứ Trương Đức Duy (vừa từ Bắc Kinh trở lại Hà Nội) đến Nhà khách Trung ương Đảng nói chuyện thân mật để tỏ lòng trọng thị đối với Bắc Kinh. Trần Quang Cơ viết: “Trong cuộc gặp, như để chấp nhận lời phê bình của Đặng Tiểu Bình (nói qua Kayson), Nguyễn Văn Linh nói: “Trong quan hệ hai nước, 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp, có cái sai đang sửa”. Anh sốt sắng ngỏ ý muốn sang gặp lãnh đạo Trung Quốc để “bàn vấn đề bảo vệ Chủ nghĩa xã hội” vì “đế quốc đang âm mưu thủ tiêu chủ nghĩa xã hội… chúng âm mưu diễn biến hoà bình, mỗi đảng phải tự lực chống lại. Liên Xô là thành trì XHCN , nhưng lại đang có nhiều vấn đề. Chúng tôi muốn cùng các người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội… Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay…”

Trần Quang Cơ nói: “Chỉ với việc anh Linh và anh Lê Đức Anh gặp Trương Đức Duy trước khi Từ Đôn Tín tới Hà Nội đã làm cho phía Trung Quốc lên giọng trong đàm phán, nay nếu anh Linh hoặc anh Mười lại tiếp hắn nữa thì rất không nên. Nghe tôi trình bày xong, Đỗ Mười bảo sở dĩ anh nghĩ đến chuyện gặp Từ là vì sáng 10/6/1990, Lê Đức Anh đến yêu cầu Đỗ Mười gặp Từ, nay như vậy thì không cần gặp nữa. Đỗ Mười bảo tôi cùng đi ngay sang báo cáo sự tình với Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh vì anh Linh cũng dự định tiếp Từ. Sau khi nghe tôi trình bày, có một phút lặng đi, tôi nghĩ bụng Tổng Bí Thư chắc bị bất ngờ về những câu trả lời quá ư lạnh nhạt của lãnh đạo Trung Quốc đối với những điều tâm huyết mà anh và Lê Đức Anh đã thổ lộ với đại sứ Trương Đức Duy. Rồi anh Linh cho ý kiến là trong tình hình này anh Mười hoặc một cấp cao khác của ta không cần tiếp Từ Đôn Tín nữa”. Từ Đôn Tín nói ta có “hai tiếng nói trái ngược”, “không biết cái nào giả, cái nào thật” và khuyên “Bộ Ngoại Giao nên nhất trí với ý kiến của lãnh đạo cấp cao”, như thế có nghĩa là Trung Quốc đã biết nội bộ ta đã có kẽ hở mà họ không dại gì bỏ qua không lợi dụng để giành lợi cho họ.

Trần Quang Cơ viết: Về vụ to tiếng giữa anh Thạch (Nguyễn Cơ Thạch – Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam) và Từ Đôn Tín chiều 13/6/1990, anh Đào Duy Tùng nói “Cần phải nói lại mạnh mới được”. Còn anh Đồng Sĩ Nguyên nói “Nếu anh không phản ứng mạnh thì chúng tôi không thể hiểu nổi”. Về việc anh Linh và Lê Đức Anh gặp Trương Đức Duy trước khi ta và Trung Quốc đàm phán, anh Tô (Phạm văn Đồng) phát biểu: “Trong cuộc họp BCT bàn về đàm phán với Trung Quốc, tôi đã nói 3 lần là không được hớ, phải rất thận trọng với Trung Quốc. Đằng này anh lại ngửa bài trước để họ biết hết và kết quả là cái gì đã xảy ra. Trung Quốc họ nghĩ theo kiểu Đại Hán của họ và kết quả là họ ép mình. Ngoại giao là một vũ đài, phải giữ thế, không phải lúc nào cũng lật hết lá bài ra. Không thể đưa ngực ra cho nó đấm”.

Trần Quang Cơ lúc đó đương nhiệm Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao được phân công đàm phán với Trung Quốc nhận xét : “ Chúng tôi thấy khác với Liên Xô và Mỹ, chiến lược của Trung Quốc luôn luôn thay đổi. … Trung Quốc sử dụng vấn đề Campuchia và việc đánh Việt Nam làm công cụ chính trong việc thay đổi chiến lược toàn cầu của họ, thay đổi bạn và thù nhằm phục vụ mục tiêu “4 hiện đại”. Ngay từ Ngày 14.5.1987, Đặng Tiểu Bình tiếp Tổng thư ký LHQ De Cuellar và nhờ ông ta chuyển cho ta một “thông điệp miệng”: “Chỉ khi nào vấn đề Campuchia được giải quyết theo cách này (Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, lập chính phủ liên hiệp 4 bên gồm Sihanouk, Son San, Khieu Samphon, Heng Xamrin; do Sihanouk đứng đầu) thì Trung Quốc mới đàm phán trực tiếp với Việt Nam. Đàm phán như vậy sẽ bao gồm cả vấn đề bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Còn trước đó thì mọi cuộc đàm phán trực tiếp đều không thể có được”. Nhưng khi Việt Nam thông báo rút quân thì Trung Quốc lại trả lời không đàm phán.

Trần Quang Cơ nhận xét: Ngược lại, nếu ta chỉ thấy có Trung Quốc thôi và nếu Trung Quốc thấy ta yếu và đơn độc thì họ sẽ rất cứng rắn với ta. Chính vì vậy mà Trung Quốc đã buộc ta phải có hết nhượng bộ nọ đến nhượng bộ kia. Trong hoà hoãn giữa ba nước lớn, vai trò Trung Quốc lúc này vẫn lép nhất, hoà hoãn Xô – Mỹ phát triển mạnh nhất. Xô – Mỹ đã thoả thuận giải quyết vấn đề Afghanistan là một vấn đề châu Á mà không có vai trò của Trung Quốc. …Trung Quốc lo ngại với cái đà đó, Xô – Mỹ rồi sẽ giải quyết các vấn đề châu Á khác như vấn đề Campuchia mà cũng không có vai trò Trung Quốc. Trung Quốc muốn giữ vai trò một trong ba nước lớn giải quyết vấn đề Campuchia. Như thế sẽ lợi cho Trung Quốc hơn”. Vì vậy Trung Quốc chống lại thoả thuận Việt Nam – Inđônêxia 29/7/1987 ở thành phố Hồ Chí Minh, ra sức phá diễn đàn Hunxen – Sihanouk,…Tháng 1/1989, ta nối lại đàm phán với Trung Quốc để cố gắng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc đồng thời khẳng định thái độ (Việt Nam) ủng hộ Nhà nước Campuchia giữ vững thành quả cách mạng,… Anh Võ Chí Công nói: “Trung Quốc lấy lợi ích dân tộc của họ là chính, không phải theo lợi ích chung của CNXH. Họ khác ta. Dù ta có muốn hợp tác họ cũng không chịu đâu. Không nên ảo tưởng”. Anh Lê Đức Thọ, ngày 12.6, khi nghe báo cáo nội dung trả lời của Trung Quốc về các đề nghị của anh Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh, đã có ý kiến: “Việc anh Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh gặp đại sứ Trung Quốc đã làm cho Trung Quốc cứng lên. Đáng lẽ không nên gặp” – Anh Lê Đức Thọ lúc này đang ốm nặng, nằm ở nhà.”

Trần Quang Cơ nói: “Hiểm độc nhất là Trung Quốc đã thông báo khá rộng rãi với các nước những điều Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh nói riêng với Trương Đức Duy về “giải pháp Đỏ” và đoàn kết XHCN, nhằm gây ấn tượng xấu về ta đối với các nước quan tâm đến vấn đề Campuchia, kể cả Liên Xô và các nước bạn khác của ta. Sáng 26/6/1990, đại sứ CHLB Đức khi gặp Vụ Châu Âu II Bộ Ngoại giao ta, cũng cho biết là ngày 22/6 Trung Quốc đã thông báo cho đại sứ các nước Thị trường chung châu Âu ở Bắc Kinh nội dung cuộc hội đàm giữa Từ Đôn Tín và tôi ( Trần Quang Cơ) đưa ra kết luận: “Việt Nam là những người rất xảo trá, rất xấu xa và rất cứng rắn. Họ chỉ muốn Hun Xen độc quyền. Họ không chịu nhân nhượng bất cứ điều gì… Ông Nguyễn Cơ Thạch là người xảo quyệt, rất cứng rắn và căm thù Trung Quốc cao độ”.

Trần Quang Cơ viết tiếp: “Ngày 19/6/1990, Bộ Chính Trị đã họp để đánh giá cuộc đàm phán. Là người trực tiếp đàm phán với Trung Quốc, tôi đã trình bày trước BCT bản báo cáo của Bộ Ngoại Giao trong đó có nhận định về ý đồ của Trung Quốc qua cuộc đàm phán này:

Ý đồ Trung Quốc về vấn đề quan hệ với Việt Nam và về vấn đề Campuchia, qua cuộc gặp này đã bộc lộ rõ. Chiến lược của Trung Quốc là đặt ưu tiên cao nhất vào việc tranh thủ Mỹ, phương Tây, ASEAN để phục vụ mục tiêu “4 hiện đại hoá”. Chính sách đối với Việt Nam, cũng như với Liên Xô và các nước khác đều phải phục tùng lợi ích tối cao này, không được gây nên bất kỳ ảnh hưởng xấu nào cho quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, phương Tây, ASEAN.”

Ngày 29/8/1990, đại sứ Trương Đức Duy xin gặp gấp Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười chuyển thông điệp của TBT Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời TBT Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 3/9/90 để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước. Trương nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp anh Tô.

nh chụp tại Hội nghị Thành Đô

(Nhật ký Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng)

Ngày 2/9/1990, ba đồng chí lãnh đạo cao cấp của ta là Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười, Cố vấn Phạm văn Đống đến Thành Đô đúng hẹn. Tháp tùng có Hồng Hà – Chánh Văn phòng Trung ương, Hoàng Bích Sơn – Trưởng ban Đối ngoại, và Đinh Nho Liêm – Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao. Đáng chú ý là trong đoàn không có bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân nói: “Các nước phương Tây rất chú ý tới quan hệ của chúng ta. Các đồng chí đến đây, cho đến nay các nước không ai biết, cũng không cho các bên Campuchia biết. Chúng tôi cảnh giác vấn đề này. Họ cho rằng Việt nam XHCN, Trung Quốc XHCN đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, họp với nhau bàn cái gì đây? Vì vậy chúng tôi giữ kín chuyến đi này. Tình hình quốc tế hiện nay nếu để hai đảng cộng sản bắt tay nhau là sách lược không lợi cho chúng ta”.Anh Nguyễn Cơ Thạch nói: “Về chuyện Thành Đô, Trung Quốc đã đưa cả băng ghi âm cuộc nói chuyện với lãnh đạo ta ở Thành Đô cho Phnom Penh”

“Ngay tại lễ ký, đồng chí Giang Trạch Dân tặng các đồng chí Việt Nam câu thơ “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, tương phùng nhất tiếu mãn ân cừu Tạm dịch : Qua hoạn nạn, anh em còn đó. Gặp nhau cười lên một cái, hết oán thù ”. Đây là câu thơ của Lỗ Tấn” – Hồi ký của Lý Bằng lúc đó là Thủ Tướng Quốc Vụ Viện Trung Quốc.

Trung Quốc một mặt khẳng định là vấn đề Campuchia chưa giải quyết thì quan hệ Trung – Việt “chỉ có bước đi nhỏ”, mặt khác thăm dò và tích cực tác động đến vấn đề nhân sự và phương án chuẩn bị Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ họp vào giữa năm 1991.

Hồi ký Trần Quang Cơ viết tiếp: “Từ ngày17/6/1991 đến 27/6/91 Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội lần thứ VII đưa lại nhiều thay đổi quan trọng về nhân sự: Đỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm TBT, Lê Đức Anh nay nghiễm nhiên giữ vị trí thứ 2 trong Đảng, Uỷ viên thường trực Bộ Chính Trị kiêm Bí thư trung ương phụ trách cả 3 khối quốc phòng – an ninh – ngoại giao và lên chức Chủ tịch Nước. Võ Văn Kiệt được giới thiệu với Nhà nước cử làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đào Duy Tùng thường trực Ban bí thư. Bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng nắm bộ phận thường trực của Bộ Chính trị và của Ban Bí thư. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị gạt ra khỏi chức uỷ viên Trung ương. Còn Nguyễn Cơ Thạch bị bật ra khỏi Bộ Chính trị và chuẩn bị thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao… (thực ra những thay đổi về nhân sự trong Bộ Chính Trị đã được quyết định từ tháng 5 và Trung Quốc đã biết).

Dư luận quốc tế xôn xao cho rằng Nguyễn Cơ Thạch là “vật tế thần” trong việc Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng đó mới chỉ là một cách nói đơn giản vì vấn đề không chỉ là bình thường hoá quan hệ mà là phụ thuộc hoá quan hệ.

“Ban lãnh đạo Bắc Kinh các thế hệ, lo sợ ảnh hưởng của Nguyễn Cơ Thạch tới mức, mặc dù ông buộc phải nghỉ hưu và mất đã khá lâu mà hơn hai mươi năm sau ngày bình thường hoá quan hệ Việt Trung, tại Đại hội lần thứ XI ĐCSVN tháng 1 năm 2011 họ còn không muốn để con trai ông là Phạm Bình Minh làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam ( Lời người lãnh đạo Đảng ta lúc đó nói, tôi được nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh trực tiếp cho biết)Sách đã dẫn.

Như đã nêu trên, tháng 10/1991 hội nghị quốc tế về Campuchia họp tại Paris giải quyết về cơ bản vấn đề Campuchia, chỉ sau khi hai sự kiện lớn đó đã diễn ra theo đúng yêu cầu của phía Trung Quốc, ngày 5/11//1991 (tức là hơn một năm sau Hội Nghị Thành Đô) phái đoàn Việt Nam do Tổng Bí Thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Võ Văn Kiệt mới được mời tới Bắc Kinh chính thức bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Ngày 7/11/1991Hiệp định Mậu dịch Trung – Việt và hiệp định tạm thời về việc xử lý công việc biên giới 2 nước đã được ký tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư ĐàiBắc Kinh.

Trần Quang Cơ nhận định: Nhìn lại, trong cuộc gặp Thành Đô, ta đã mắc lỡm với Trung Quốc ít nhất trên 3 điểm:

1/ Trung Quốc nói cuộc gặp Thành Đô sẽ đàm phán cả vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ, nhưng thực tế chỉ bàn vấn đề Campuchia, còn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường cũ là có giải quyết vấn đề Campuchia mới nói đến chuyện bình thường hoá quan hệ hai nước;

2/ Trung Quốc nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp cố vấn Phạm Văn Đồng, nhưng đó chỉ là cái “mồi” để kéo anh Đồng tham gia gặp gỡ cấp cao.

3/ Trung Quốc nói giữ bí mật việc gặp cấp cao hai nước, nhưng ngay sau cuộc gặp hầu như tất cả các nước đã được phía Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp thông báo nội dung chi tiết bản thoả thuận Thành Đô theo hướng bất lợi cho ta.

Nhớ lại quá trình đảm nhiệm thương lượng với Trung Quốc, Thứ Trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ ghi: “Trước Đại hội VII, khi Bộ Chính Trị họp ( Từ ngày 15 đến ngày 17/5/1991) thảo luận bản dự thảo “Báo cáo về tình hình thế giới và việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội VI và phương hướng tới”, cuộc gặp cấp cao Việt Nam – Trung Quốc ở Thành Đô mới lại được đề cập tới khi bản dự thảo báo cáo của Bộ Ngoại Giao có câu “Có một số việc làm không đúng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề Campuchia”. Cuộc họp này có đầy đủ Tổng Bí Thư Nguyễn văn Linh, các Cố vấn Phạm văn Đồng, Võ Chí Công; các Ủy viên Bộ Chính Trị Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Anh, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Tâm, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đoàn Khuê, Nguyễn Thanh Bình.

Anh Tô (Phạm văn Đồng) nói: “Có thời giờ và có cơ hội đem ra kiểm điểm những việc vừa qua để nhận định sâu sắc thì tốt thôi. Sau chuyến đi Thành Đô, tôi vẫn ân hận về thái độ của mình. Nói là tự kiểm điểm thì tự kiểm điểm. Tôi ân hận là ở hai chỗ. Lúc ở Thành Đô, khi bàn đến vấn đề Campuchia, người nói là anh Linh. Anh Linh nói đến phương án hoà giải dân tộc Campuchia. Sau đó Lý Bằng trình bày phương án “6+2+2+2+1” mà Từ Đôn Tín khi đàm phán với anh Cơ ở Hà Nội đã ép ta nhận song ta bác. Anh Linh đã đồng ý (nói ‘không có vấn đề’). Lúc đó có lẽ do thấy thái độ của tôi, Giang mời tôi nói. Tôi nói: tôi không nghĩ phương án 13 này là hay, ý tôi nói là không công bằng… Tôi ân hận là lẽ ra sau đó đoàn ta nên hội ý lại sau bữa tiệc buổi tối,…Nghĩ lại, khi họ mời TBT, Chủ tịch HĐBT ta sang gặp TBT, Chủ tịch Quốc vụ viện, lại mời thêm tôi. Tôi khá bất ngờ, …. Nhưng đi để rồi ký một văn bản mà ta không lường trước hậu quả về phản ứng của Bạn Campuchia, rất gay gắt. Tôi hiểu là Bạn ( Chính quyền Hun Xen) khá bất bình, thậm chí là uất nhau. Cho ta là làm sau lưng, có hại cho người ta,…Cố vấn Phạm Văn Đồng: “Nói khôi hài lúc này thật không phải lẽ. Chúng ta cần cố gắng làm việc đúng lương tâm, nghiêm chỉnh, đúng trách nhiệm của mình. Bộ Chính Trị đã giao cho 3 đồng chí phụ trách 3 ngành làm nhưng lại chưa làm”,…Anh Võ Chí Công: “Về Trung Quốc rất phức tạp… BCT đã đánh giá Trung Quốc có hai mặt XHCN và bá quyền. Về Xã Hội Chủ Nghĩa cũng cần thấy là trong “nháy nháy”… Khó khăn là chưa bình thường hoá quan hệ… Họ đưa ra 5 trở ngại, có cái hàng trăm năm không giải quyết nổi. Ví dụ như chuyện “Liên bang Đông Dương”, họ biết ta không có ý đồ đó song cứ nêu lên cốt để chia rẽ và giành lấy Lào và Campuchia, gạt ta ra…  trong lúc chủ trương của họ là tranh thủ khoa học – kỹ thuật của phương Tây để hiện đại hoá, còn gì là Trung Quốc nữa ?”.

 

Nhìn lại chặng đường quan hệ Việt – Trung từ sau Hội nghị Thành Đô và bình thường hóa quan hệ Việt – Trung tất cả chúng ta đều nhận thấy những trở ngại về đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, những dự án của Trung Quốc tại Thượng Lào, tại Campuchia, việc xây dựng hoàn thiện quân sự hóa 03 đảo trong 07 đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Rồi trong các chính sách đội nội của Trung Quốc về Hongkong, Tân Cương,… xây dựng các đập thủy điện chặn dòng sông Mekong, sông Hồng,… hẳn không còn ai ấu trĩ, ảo tưởng về “ Lãnh đạo Trung Quốc có thực sự coi trọng quan hệ với Việt Nam hay không, mức độ thế nào? Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đối với việc triển khai nhận thức chung cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước có được các cơ quan, ban, ngành Trung Quốc thực thi triệt để hay không?,…” Sự ấu trĩ chính trị như vậy hãy nhìn lại sự thật lịch sử 2,200 năm qua và sự kiện Hội nghị Thành Đô tháng 09/1990.

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2022

________________________________________________________________________

GHI CHÚ

1/  Dương Danh Dy / Wikipediachữ Hán: 楊名易, 1934 – 2018, là nhà ngoại giao, nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng ChâuTrung Quốc, một trong những Học giả hàng đầu Việt Nam về Trung Quốc. Thời hiện đại, Ông được coi là một trong những người Việt Nam hiểu Trung Quốc nhất cũng như những dã tâm đối với Việt Nam của Chính quyền Trung Nam Hải.Dương Danh Dy xuất thân dòng dõi nhà nho, có cụ là Dương Đình Lập từng giữ chức Tuần phủ Thái nguyên và Đốc học Hà Nội, và ông ngoại là Nguyễn Hữu Cầu ô Cử nhân Đông tác, một trong những sáng lập viên của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm đại diện thương mại Việt Nam ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Những hiểu biết về Trung Quốc của ông khiến Lưu Đoàn Huynh, một cán sự ở sứ quán chú ý, hai người sau đó trở thành bạn thân. Khi về nước, Lưu Đoàn Huynh giới thiệu Dương Danh Dy với Hoàng Bảo Sơn, Vụ trưởng Vụ Trung Quốc và ông đã theo về Bộ Ngoại giao sau khi nói chuyện với Hoàng Bảo Sơn. Khi về Bộ Ngoại giao, ông làm cán sự, rồi chuyên viên Bộ Ngoại giao, tư vấn cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao về tình hình Trung Quốc. Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đánh giá cao Dương Danh Dy và ông cũng là người trực tiếp ảnh hưởng đến con đường tiến thân của Dương Danh Dy, với tư cách là một chuyên gia về Trung Quốc.

Phong cách nghiên cứu về Trung Quốc của ông (khác với những người đi trước) là nghiên cứu tổng thể, từ lịch sửchính trịkinh tế đến quan hệ song phương. Ông nắm rõ mục tiêu các Đại hội Đảng của Trung Quốc. Dương Danh Dy và Lưu Đoàn Huynh là hai cán sự rồi chuyên viên duy nhất được tham dự giao ban cấp vụ của Bộ Ngoại giao. Ông nhận vai trò Bí thứ thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh vào tháng 9-1977, thời điểm mà xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc đang bị đẩy dần tới đỉnh điểm, chỉ hơn một năm trước cuộc Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979; và, rời Trung Quốc năm 1996, thời kỳ hữu nghị sau Hội nghị Thành Đô, khi đang làm Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu.

Dương Danh Dy là người được Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ trao tận tay hai tập đánh máy cuốn Hồi ức của ông. Sau khi giúp ông Trần Quang Cơ hoàn chỉnh cuốn Hồi ức, chính ông Dương Danh Dy là người đã công bố cuốn Hồi ức nói chi tiết nhất về các chuyển động trước Hội nghị Thành Đô này (khi Thứ trưởng Trần Quang Cơ còn sống). Năm 2006, sau khi đọc xong cuốn Hồi ức của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, nguyên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tìm gặp Dương Danh Dy hỏi chi tiết để hiểu rõ về những việc ngành ngoại giao và Nguyễn Cơ Thạch làm trong thời kỳ bị cấm vận và bình thường hóa với Trung Quốc.

Dương Danh Dy qua đời tại Hà Nội vào ngày 18 tháng 9 năm 2018, thọ 84 tuổi

 

 

2/ Trần Quang Cơ. Ông sinh ngày 22 tháng 5 năm 1927 từ trần ngày 25 tháng 6 năm 2015, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, phục vụ trong ngành ngoại giao 44 năm cho tới khi ông về hưu năm 1997. Trần Quang Cơ là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, từng giảng dạy tại trường Cao đẳng Ngoại giao. Từ năm 1954 ông làm việc cho Bộ Ngoại giao. Ông là cán bộ ngoại giao suốt 44 năm (năm 1954– năm 1997).

Năm 1964, ông làm Bí thư thứ nhất ở Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộnghòa tại Indonesia. Năm 1966, ông trở lại Hà Nội, là thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris (1968–1973) về Việt Nam. Năm 1976, ông phụ trách đàm phán quan hệ Bắc Mỹ rồi chuyển sang châu Âu trước khi đi làm Đại sứ tại Thái Lan vào năm 1982 cho tới năm 1986.[3] Nhà báo Thái Lan Kavi Chongkittavorn nhận xét, ông là một người lịch lãm, hiểu biết, và sâu sắc. Ông được đưa vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1986. Trong suốt 12 năm kể từ 1979, Trần Quang Cơ tham gia các cuộc thương lượng nhằm giải quyết chiến tranh tại Campuchia. Sau chiến tranh Việt Nam, ông tham gia cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với ba nước Hoa KỳLiên Xô và Trung Quốc.

Tháng 2 năm 1991, ông xin rút ra khỏi danh sách đề cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII nhưng không được chấp thuận. Tháng 7 cùng năm ông gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười xin không nhận chức Bộ trưởng ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch. Cuối năm 1993, ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ, ông tự xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 2001, ông cho ra hồi ký ‘Hồi ức và Suy nghĩ’ nói về các sự kiện ngoại giao thời hậu chiến.Ông mất ngày 25 tháng 6 năm 2015 tại Hà Nội.

Ông nhận xét: Trước năm 1986, Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. “Mình càng ít bạn thì họ càng bắt nạt, thế thôi. Cũng giống như trẻ con ngoài phố ấy.” Khi được hỏi về quan hệ Việt-Trung vào đầu năm 2009: “Tôi thấy quan hệ hiện giờ… tạm được.”

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, viết về Trần Quang Cơ khi ông mới qua đời: “Trần Quang Cơ đã bảo vệ đến tận cuối cuộc đời mình tất cả những kế sách mà ông cho là hiệu quả trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc.”

 

3/ Lê Đức Anh (1 tháng 12 năm 1920 – 22 tháng 4 năm 2019), tên khai sinh là Lê Văn Giác, bí danh là Nguyễn Phú Hòa, Sáu Nam, là nguyên Chủ tịch nước thứ tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 19921997. Trước đó ông từng là một tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, quân hàm Đại tướng, từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (19871991), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (19861987). Ông là một trong số ít những cán bộ quân đội đã trải qua cả bốn chiến trường trong suốt 40 năm: Tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, tham gia chỉ huy tại chiến trường miền Nam chống Mỹ trong 11 năm (1964 – 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia trong 7 năm (1979 – 1986), tham gia chỉ huy chiến trường biên giới phía Bắc trong 3 năm (1986 – 1989). Ông là một Nhà quân sự tài ba của Quân đội Nhân Dân Việt Nam, có nhiều cống hiến cho Cách mạng Việt Nam.

 

Tuy nhiên sau khi Ông qua đời, thư ký của Ông là Đại tá Khuất Biên Hòa có trả lời phỏng vấn báo chí: “Nhớ lại sự kiện bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Đại tá Khuất Biên Hòa kể lại: Đại tướng Lê Đức Anh đã chọn con đường tiếp cận từ hoạt động khoa học. Sau khi cân nhắc, tính toán, ông đã chọn Thiếu tướng, Bác sỹ Nguyễn Huy Phan (Viện Quân y 108, Giáo sư đầu ngành Y học phẫu thuật chỉnh hình) làm “khâu đột phá,” “người mở đầu.”Trước đó, khi đi dự Hội nghị khoa học quốc tế ở Paris, Giáo sư Nguyễn Huy Phan đã trình bày công trình “Phẫu thuật chỉnh hình” của mình, được các nhà khoa học đánh giá rất cao.Tại hội nghị, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã có lời mời Giáo sư Nguyễn Huy Phan sang thăm Hoa Kỳ… Trước khi Giáo sư Nguyễn Huy Phan đi, Chủ tịch nước Lê Đức Anh dặn: “Sang đó, đừng nói gì về chính trị cả, anh cứ làm tốt việc trao đổi về khoa học với các nhà khoa học Hoa Kỳ là đã phục vụ nhân dân, phục vụ chính trị rồi.”

“Tôi sẽ thực hiện lời Chủ tịch căn dặn và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ,” giáo sư Nguyễn Huy Phan xúc động nói.

Về kết quả của chuyến công tác đặc biệt này, Đại tá Khuất Biên Hòa cho biết: “Đoàn của anh Phan sang Hoa Kỳ. Khi trao đổi về nghiệp vụ, các nhà khoa học phẫu thuật của Hoa Kỳ hỏi ta về việc họ muốn làm một điều gì đó cho nhân dân Việt Nam, ta mời họ sang làm phẫu thuật nhân đạo, chữa cho trẻ em bị khuyết môi hở hàm ếch. Họ đồng ý và cử đoàn bác sỹ ‘Phẫu thuật nụ cười’ sang ta. Sau đó, Chính phủ quyết định đưa anh Phan lên làm Chủ tịch Hội Việt-Mỹ để làm ‘cầu nối’ liên lạc.”

 

Theo những tài liệu đã giải Mật thì sự thật không như Đại tá Khuất Biên Hòa kể. Việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ do đích thân Chủ Tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (sau Đại hội Đảng VII/1991 ông là Tổng Bí thư)  trực tiếp chỉ đạo Ban Công tác đặc biệt thuộc Bộ Chính trị tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Giáo sư – Tiến sỹ Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan tham gia thông qua một tổ chức bình phong tại Hà Nội lúc đó có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thanh Bình (sau lên Thường trực Ban bí thư) và Ủy viên Trung ương Trần Tấn làm Chủ Tịch Ủy Ban Nhân dân TP Hà Nội thực hiện. Xin giới thiệu một số trang đã giải mật trong Hồ sơ nhiều trang chưa được giải mật để chúng ta cùng tham khảo. Những từ liệu quan trọng này là chứng cứ về một thời kỳ rất cam go của lịch sử Việt Nam.


 

* Hiện là Chủ Tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân Lực – Nhân Tài Việt Nam.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s