QUAN HỆ “BỘ BA” QUỐC – SƠN – LƯƠNG

Từ trái qua phải: Bị cáo Trần Văn Sơn, Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc. Ảnh: Dân Trí
Nguyễn Ngọc Lanh
I . BA ÔNG CANH CỔNG?
– Hình dung 3 bước. Tại phiên tòa tòa sơ thẩm lần 1 (tháng 5 năm 2018) có 3 bị cáo hầu tòa, theo thứ tự mà VKS xếp đặt là Bùi Mạnh Quốc (sinh 1986), Trần Văn Sơn (sinh 1990) và Hoàng Công Lương (sinh 1986). Tội chung của họ – do VKS xác định – là đã… nối nhau vô ý, khiến chất độc có cơ hội lọt vào cơ thể bệnh nhân, làm chết 9 người trong vụ “chạy thận” ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Các bước nối tiếp nhau, bắt đầu từ việc ông Bùi Mạnh Quốc sửa chữa hệ thống lọc nước (RO), do vô ý đã để axit (độc) lọt vào thành phẩm dùng để điều trị. Tiếp theo là bước giám sát do ông Trần Văn Sơn phụ trách đã sơ ý không phát hiện sai sót của ông Quốc, thế là sản phẩm tới tay BS Hoàng Công Lương. Lẽ ra, ông này “buộc phải biết” những gì gì đó, lại không thèm biết – mà cứ cẩu thả quyết định đưa sản phẩm (đã nhiễm độc) vào cơ thể bệnh nhân.
– Hình dung 3 chặng. Một cách hình dung khác sự xếp đặt do VKS đưa ra, khi đồng chí công tố viên phát biểu rằng: BS Lương là cánh cửa cuối cùng để ngăn chặn chất độc đi vào người bệnh… Lẽ ra, cánh cửa cuối cùng phải được canh giữ nghiêm mật nhất. Đồng chí công tố viên cứ đai đi, đai lại cái chuyện BS Lương đã được đào tạo cao ra sao, “buộc phải biết” những gì… Cách hình dung này khiến 3 bị cáo thành 3 ông canh cửa (từ ngoài vào trong). Chất độc đã lọt qua từng chặng (có người kiểm soát, nhưng tắc trách) để vào cơ thể bệnh nhân.
– Thứ tự vẫn thế. Dù hình dung kiểu gì, thì thứ tự được đưa ra vẫn như nhau. Đó là Quốc – Sơn – Lương.
Hai bị cáo đầu đã nhận tội ngay, chỉ mong được tòa “xem xét” và “lượng thứ”. Họ gián tiếp thừa logic xếp đặt của VKS. Còn bị cáo thứ ba là BS Hoàng Công Lương nhất định không nhận tội, mà còn luôn luôn khẳng định mình vô tội – dù mức án đề nghị là “nhẹ hều” so với hai bị cáo trên.
Thái độ và hành vi của BS Lương (bị Tòa coi là thiếu thành khẩn, thiếu lương tâm: qua lời của chánh án) có thể vô tình được coi là cái ngáng khiến logic buộc tội do VKS thành phố Hòa Bình đưa ra không được dư luận chung thừa nhận. Đây cũng là nguyên nhân khiến dư luận và báo chí gọi vụ án này là “vụ án Hoàng Công Lương”; hơn nữa, công luận còn nghi rằng có sự dằn mặt “tên ương bướng”.
II . QUAN HỆ THỰC TẾ CỦA “BỘ BA” BỊ CÁO
- Cái nhìn đưa đến kết tội hoặc gỡ tội
– Không phải khi ra tòa “bộ ba” này mới đứng cạnh nhau và liên đới chịu tội, mà ngay khi làm việc họ cũng có mối quan hệ với nhau mỗi khi hệ thống lọc RO ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình cần sửa chữa, bảo dưỡng. Nay, nhân có vụ án, nếu rà soát lại mối quan hệ này, chúng ta sẽ thấy đây là mối quan hệ rất đơn giản nhưng lại bị phức tạp hóa. Mối quan hệ rất ổn thỏa, suốt quá trình cả chục năm trời vẫn ổn thỏa, với ít nhất vài chục lần sửa hệ thống nói trên. Tóm lại, đây là quan hệ “đương nhiên phải thế”, do thực tế đòi hỏi và chọn lựa – để công việc chạy trơn tru, không mâu thuẫn. Sau vụ án, nếu có 3 người mới thay thế vị trí của họ, thì mối liên hệ vẫn phải như vậy.
– Do vậy, để phân xử khách quan và công bằng tai biến vừa qua, rất cần hiểu rõ mối quan hệ này. Bởi vì, tùy theo cách nhìn khách quan hay chủ quan (thậm chí Thiện hay Ác) mà người ta có thể dùng nó để gỡ tội ra hoặc buộc tội vào cho “bộ ba” bị cáo này.
– Cáo trạng của VKS do đồng chí công tố viên đọc trước tòa thì thứ tự được xếp là Quốc – Sơn – Lương, nhưng trên thực tế công việc, quan hệ giữa ba người này lại theo thứ tự đảo ngược, là Lương – Sơn – Quốc. Cách nhìn trái ngược nhau đã ít nhiều liên quan chuyện gỡ tội hoặc buộc tội.
2- Khởi đầu từ BS Hoàng Công Lương:
Ông buộc phải liên hệ với ông Sơn mỗi khi không đủ nước tinh khiết để “chạy thận”. Thiếu nước chạy thận là nội dung chủ yếu trong cái thông báo, đi từ ông Lương sang ông Sơn.
Hai chục thiết bị “thận nhân tạo” phục vụ cho 120 – 130 bệnh nhân suy thận nặng, mỗi người phải “chạy” với tần suất 3 lần/tuần (mới sống được); vị chi mỗi tuần có trên 360 cuộc chạy thận. Nếu hai ngày cuối tuần phải dành để bảo dưỡng máy (và người lao động) thì ai cũng tính ngay ra mỗi ngày phải “chạy thận” cho bao nhiêu người. Thật, chẳng khó gì để hình dung sự vất vả ở Đơn Nguyên thận nhân tạo với biên chế 3 BS và 2 chục điều dưỡng viên. Làm việc tất bật, không dám phàn nàn, không dám cáu gắt, lại còn được bệnh nhân và người nhà khen ngợi, quý mến… Ấy thế mà trước tòa, người ta dám hỏi BS Lương: chết tới 9 người, anh có tự vấn lương tâm không?
Với cường độ làm việc như vậy, tập thể ở Đơn Nguyên thận nhân tạo đòi hỏi gì (nếu cho họ cái quyền đòi hỏi)? Thật bất ngờ, họ đòi hỏi phòng Vật Tư (nơi quản ly hệ thống RO) phải cấp cho họ đầy đủ lượng nước tinh khiết đủ để họ “chạy thận” cho mọi bệnh nhân cần “chạy”. Hễ thiếu nước, lập tức điều dưỡng viên nhận ra ngay. Người này báo (bằng miệng) cho các BS để báo tiếp cho ông Trần Văn Sơn – người được phòng Vật Tư cử ra lo việc này.
Xin nhớ rằng, Đơn Nguyên không quản lý hệ thống lọc nước, nhưng cứ tạm “giả sử” thế này. Giả sử, Đơn Nguyên có kỹ sư, được giao quản lý hệ thống RO, thì… các BS và điều dưỡng cũng không “buộc phải biết” hệ thống RO hoạt động ra sao, bảo dưỡng và sửa chữa thế nào… Họ chỉ đòi: cấp đủ nước tinh khiết cho họ. Tuy vậy, ở bài khác sẽ còn phải nói tiếp về hệ thống RO để gỡ tội cho BS Lương và ông Trần Văn Sơn. Vì sao? Vì đồng chí công tố viên và đồng chí chủ tọa phiên tòa tỏ ra rất lơ ngơ về hệ thống lọc nước và về xét nghiệm AAMI (để đảm bảo chất lượng cho nó). Các vị này lại có cái đức là không thèm nghe chỉ bảo (mời chuyên gia tới Tòa). Đó là phía buộc tội. Ngược lại, các luật sư (phía gỡ tội) lại tự tìm hiểu rất kỹ về RO và về cái xét nghiệm AAMI này.
– Thế còn về mặt chất, các BS và điều dưỡng viên đòi hỏi gì ở nước tinh khiết? Về chất lượng, đã gọi là nước tinh khiết, thì phải tinh khiết ở mức rất cao. Cụ thể là nồng độ các chất hòa tan trong đó phải cực thấp – nghĩa là độ dẫn điện phải xấp xỉ số không. Họ có phương tiện để kiểm tra chất lượng nước. Đó là cái dụng cụ đo độ dẫn điện (nom giống cái đồng hồ) gắn ngay trên đường nước đi vào thiết bị thận nhân tạo. Việc của họ là nhìn đồng hồ trước khi “chạy thận”. Xong. Điều đòi hỏi của họ là đồng hồ phải chính xác. Hễ trục trặc, BS Lương lại “kêu” ông Sơn. Dùng đồng hồ đã đủ tin cậy chưa? Cả thế giới cho rằng “nhìn đồng hồ là đủ” – đã và đang áp dụng phổ biến, nhưng VKS thì… không, cứ khăng khăng đòi phải làm xét nghiệm nước (tốn 10 ngày). Chuyện này còn phải đề cập tiếp (bài khác).
Do vậy, cần nhắc lại: Một khi không đủ (lượng) nước tinh khiết, thì bất cứ ai (trước tiên là các điều dưỡng) ở Đơn Nguyên thận nhân tạo cũng nhận ra và “kêu thiếu”. Họ báo ngay cho ông Trần Văn Sơn biết và yêu cầu khắc phục sớm.
3- Ông Trần Văn Sơn với vai trò cái cầu nối
Ông được phòng Vật Tư cử ra theo dõi sự hoạt động của hệ thống RO mà phòng này quản lý. Do vậy, tất nhiên – và như một lẽ tư nhiên – việc của ông Sơn là tiếp nhận thông tin từ Đơn Nguyên – cũng là tiếp nhận luôn trách nhiệm giải quyết vấn đề. Hàng chục năm nay, thông tin mà ông Sơn nhận được chủ yếu là “thiếu nước”. Thiếu do gì, đơn nguyên “bất cần biết”. Ông Sơn phải tìm nguyên nhân để giải quyết yêu cầu “đòi đủ nước”. Đó là nói về lý. Thực tế, dễ ợt chuyện tìm ra nguyên nhân. Dễ ợt chuyện phục hồi lượng nước. Đó là ông Sơn liên hệ với ông Quốc, để mời. Điều kiện: hứa trả công cho ông Quốc. Mối liên hệ Lương – Sơn – Quốc này đã thành thường quy được vận hành hàng chục năm nay rồi.
Câu hỏi: Liệu BS Lương (hoặc một nhân viên của Đơn Nguyên) có thể liên hệ “thẳng” với ông Quốc (người sửa chữa hệ thống RO) cho đỡ mất thời gian? Không được! Đòi ông Quốc sửa hệ thống RO phải có ngân quỹ để trả công cho ông ấy, cơ mà quản lý ngân quỹ chưa bao giờ là việc của BS điều trị.
4- Xem lại một biên bản có 4 chữ ký
Bệnh viện có nhiều thiết bị cần sửa. Những thiết bị đắt tiền (ví dụ: hệ thống RO) khi sửa chữa và thay thế rất tốn kém, cần có những giấy tờ với các chữ ký, sao cho đủ chặt chẽ về tài chính. Đương nhiên. Vậy thì in sẵn những biên bản cũng là đương nhiên cần thiết. Rất đúng.
Một (trong những) tờ biên bản sửa chữa hệ thống RO đang được lưu trong hồ sơ vụ án có 4 chữ ký (hình ở dưới). Vậy hãy nhìn vào nó mà lý giải sự việc.
Thoạt tiên (ký trước tiên) là chữ ký của một điều dưỡng: bà Nguyễn Thu Hẳng (ký để cam đoan với BS trưởng khoa rằng “thật sự” đang thiếu nước tinh khiết cho thận nhân tạo). Trong biên bản, ghi bà là “người sử dụng” là sai. Bà chỉ sử dụng thiết bị lọc thận (gọi là “quả lọc thận” – do hình dáng của nó). Bà không sử dụng hệ thống lọc nước RO (cung cấp nước tinh khiết để bà Hằng rửa quả lọc thận).
Chú thích: Trên thực tế, có thể điều dưỡng ký vào lúc thuận tiện; miễn là trước đó người này “đúng là người phát hiện “thiếu nước” và dám đảm thông tin này.
Được sự cam đoan của cấp dưới, vị BS trưởng khoa mới ký tiếp; để chứng nhận sự việc (hoặc chứng nhận chữ ký của điều dưỡng). Trên thực tế, BS Hoàng Công Lương ký và ghi rõ: “thừa lệnh” trưởng khoa (xin nhớ, thừa lệnh khác với ký thay: sẽ nói sau – khi phân tích vai trò của BS Hoàng Đình Khiếu là trưởng khoa). Hai người này ký để đề nghị gì? Họ không đề nghị sửa hệ thống RO (họ không cần biết hệ thống RO trục trặc chỗ nào và ra sao) mà họ chỉ phàn nàn một điều: không đủ lượng nước để họ “chạy thận”.
Tiếp nữa, là chữ ký thứ ba là của ông Trần Văn Sơn, với ý nghĩa cam đoan với trưởng phòng Vật Tư rằng “tôi đã kiểm tra”: 1) Tình trạng hư hỏng thiết bị (vì sao gây ra tình trạng thiếu nước tinh khiết); 2) Nguyên nhân hư hỏng (phải sửa những gì). Tại tờ biên bản này, ta thấy ông Sơn diễn tả tình trạng thiếu nước bằng câu: Hệ thống khi sử dụng nước ra yếu không đủ sử dụng cho việc rửa quả lọc thận… và 3) Trong phần cách khắc phục ông Sơn còn đề nghị thay van, thay bóng đèn cực tím, thay bộ phận khởi động tự… BS Lương và mọi nhân sự ở Đơn Nguyên không “buộc phải biết” cần thay cái gì, sửa cái gì… mà chỉ cần biết: Bao giờ chúng tôi được báo: “đã có đủ nước lọc thận”.
Cuối cùng, khi có đủ 3 chữ ký, vị trưởng phòng Vật Tư mới ký tiếp để giám đốc bệnh viện có đủ cơ sở duyệt chi. Ông Sơn được ủy nhiệm mời ông Quốc.
Nhiệm vụ còn lại của ông Sơn (tất nhiên) là: a- giám sát ông Quốc trong quá trình sửa chữa (do phòng Vật Tư phân công); b- nghiệm thu việc sửa chữa, nếu chấp nhận, mới báo cho Đơn Nguyên biết: “đã sửa xong”. Lúc này, mọi người ở Đơn Nguyên hiểu rằng: “đã có đủ nước tinh khiết” mà bất cần biết cái hệ thống RO kia đã được sửa chữa những gì và sửa chữa ra sao… Chỉ xin nhắc lại lần nữa: Mối quan hệ Lương – Sơn – Quốc như mô tả ở trên đã diễn ra cả chục năm rồi. Chẳng có tai biến gì hết. Ngược lại, nó giúp đề phòng tai biến..
Thế mà nay, bỗng xảy ra tai biến! Vậy thì, phải tìm nguyên nhân ở chỗ khác. Can gì cứ suy luận chủ quan, thiếu tính Thiện (theo quy định suy đoán vô tội) khiến việc thêm rắc rối? Có gì phức tạp mà phiên sơ thẩm phải ngắt quãng, kéo dài cả tháng mà vẫn không hết oan sai? Đó, một phần là do di sản quá khứ chưa được thanh lọc hết. Một cách để chúng lọt qua bộ lọc là len lỏi vào hệ thống đào tạo.
III. VÀI DẤU VẾT TỪ LỊCH SỬ
Quan hệ bộ ba (Lương – Sơn – Quốc) là phù hợp nguyên tắc, khoa học, không có dấu vết gì của quá khứ lạc hậu do tư pháp của thời đấu tranh giai cấp để lại. Nhưng cách người ta nhìn mối quan hệ này thì có vấn đề. Người ta đã đảo ngược.
Trường Luật Đông Dương (École de Droit et d’Administration de l’Indochine) được thành lập theo Nghị định ngày 15/10/1917 bị xóa bỏ năm 1946, tồn tại được 29 năm. Tới tận cuối năm 1979 một trường mới, có tên Đại học Luật, mới được thành lập. Đứt đoạn tới 33 năm, do vậy không liên quan gì về truyền thống và kế thừa. Điều này rất khác với Trường Y-Dược Hà Nội. Trong khoảng cách 33 năm nói trên, ở miền Bắc nước ta chỉ mở một số lớp Pháp Lý, đào tạo ngắn hạn và không liên tục. Gọi các lớp này là trường thì hơi khiên cưỡng.
Về khối kiến thức dùng cho đào tạo, trường Luật mới (1979) cao hơn hẳn trường dưới thời thuộc Pháp – mặc dù tới năm 2016 trường mới chỉ có 13 GS và PGS – nhưng sự khác nhau về tinh thần pháp luật là rất lớn. Một bên dạy về pháp luật độc lập, không mang tính giai cấp và ngày càng tiếp cận công lý. Còn năm 1979 nước ta đã thống nhất, quốc hiệu từ dân chủ cộng hòa đã được đổi thành XHCN, tên đảng Lao Động đã thành ĐCSVN, tên đoàn là TNCS thay cho TN Lao Động… Tất cả, nói lên VN quyết tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH, mọi mặt đều nhất nhất theo mô hình Liên Xô; gồm cả đào tạo pháp luật – trong đó đương nhiên thấm nhuần “tính đảng” và tinh thần chuyên chính vô sản.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, trong xu thế hòa nhập thế giới và cải cách tư pháp, sản phẩm đào tạo về pháp luật của VN có những thay đổi rất căn bản.
Dẫu vậy, nhiều vết tích cũ vẫn thể hiện ngay trong phiên xử 3 bị cáo nói trên. Ví dụ, đồng chí chánh án không trung lập (vai trò trọng tài) giữa bên kết tội và bên gỡ tội; chỉ hỏi những câu nhằm buộc tội. Còn đồng chí công tố viên không lần nào vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, lại rất quen dùng những thành ngữ nói lên tư duy cũ (nói với kẻ thù giai cấp). Riêng bản cáo trạng vẫn toát lên ý miệt thị bị cáo, mặc dù lúc đó (chưa tuyên án) bị cáo vẫn phải được tôn trọng như một công dân.
Phải có một bài rất dài. Thậm chí một luận án. Còn ở đây, chỉ nêu một đoạn (tóm tắt của báo chí) trong cáo trạng để thấy sự xúc phạm. Ví dụ, gọi trống không tên bị cáo.
Cáo trạng lần 2 (tóm tắt)
– Bùi Mạnh Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong quá trình thực hiện, Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Florhydric (HF) và Axit Clohydric (HCl) để sục rửa các vỏ màng lọc. Trong lúc thực hiện đã vô ý để tồn dư một lượng hóa chất lớn trong nước lọc thành phẩm. Các axit này lọt vào máu chính là nguyên nhân làm chết bệnh nhân. – Trần Văn Sơn nhân viên phòng Vật tư BVĐK tỉnh Hòa Bình được trưởng phòng Trần Văn Thắng giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa thiết bị y tế của Đơn Nguyên lọc máu. Trong quá trình Bùi Mạnh Quốc thực hiện việc sửa chữa hệ thống RO số 2, Sơn đã không có mặt, không theo dõi, giám sát việc sửa chữa. Sau đó, Sơn biết rõ Quốc chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm AAMI, nhưng sáng 29.5.2017, khi có mặt tại đơn nguyên lọc máu, Sơn vẫn để mặc cho đơn nguyên lọc máu đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. |