Những yếu tố Lịch Sử trong vụ án Hoàng Công Lương – Bài 4

Bài 4. BUỘC TỘI VỚI CHỨNG CỨ NGỤY TẠO

tải xuống

Nguyễn Ngọc Lanh

I. TRƯỚC ĐÂY KHÔNG THIẾU

Buộc tội với các chứng cứ làm giả (ngụy tạo) gặp nhan nhản dưới các chế độ độc tài từ thượng cổ đến nay. Chỉ cần coi Wikipedia cũng đủ thấy các cuộc đại thanh trừng tại Liên Xô thảm khốc tới mức nào. Thời cải cách ruộng đất ở nước ta, hàng trăm ngàn (6 con số) địa chủ bị tử hình bằng chứng cứ ngụy tạo rất vô lý – do bần cố nông được “bồi dưỡng” để sáng tạo ra. Trong Vụ án chống đảng,  nhiều nhân vật trọng yếu trong đảng cũng bị đối xử tàn bạo do dựa vào những chứng cứ “thật có, giả có”… Sau khi đất nước thống nhất, đối tượng trong cuộc đấu tranh giai cấp là các nhà tư sản. Các vụ Minh Phụng, Liên Khui Thìn hoặc Trịnh Vĩnh Bình… là điển hình của cách xét xử dựa trên bằng chứng “không thật”.

Sau nửa thế kỷ, nhờ sự sụp đổ của Liên Xô và quá trình hội nhập, pháp luật nước ta có những bước tiến rất lớn theo hướng dân chủ hóa, công bằng, tôn trọng nhân quyền và tiếp cận công lý. Nhất là, tới năm 2019 khi chiến lược cải cách tư pháp (2005-2020) sắp kết thúc.

Tuy vậy, khi đặt vụ án Hoàng Công Lương vào tiến trình lịch sử tư pháp nước nhà, ta vẫn nhận ra: Những di sản tiêu cực từ quá khứ – mà chúng ta muốn từ bỏ – vẫn chưa đành lòng từ bỏ chúng ta.

 

II . HÀI HƯỚC: DƯ LUẬN GHÉP “BỘ BA” MỚI

– Thảm họa xảy ra tháng 5-2017, có tới 9/18 nạn nhân “chạy thận” tử vong, tức 50% số người được cấp cứu. Xứng là vụ trọng án. Sau cả năm trời điều tra, thu thập chứng cứ, đến tận tháng 5-2018 phiên tòa sơ thẩm mới mở được, ban đầu chỉ có 3 bị cáo. Dư luận gọi là “bộ ba” vì VKS coi đây là 3 người gác cửa lẽ ra phải hợp tác để ngăn chất độc lọt vào cơ thể bệnh nhân. Ấy thế mà cả ba lại “bất hợp tác” khiến tai nạn xảy ra. “Bộ ba” này thuộc loại “tép riu” về vị trí công tác, lại chủ yếu ngoài đảng – càng thêm “lép vế” về tư thế chính trị. Trong quá trình tranh cãi, các luật sư một mặt bênh vực rất hiệu quả 3 thân chủ của mình; mặt khác đưa ra những khiếm khuyết trong lãnh đạo và quản lý ở bệnh viện, do vậy làm xuất hiện thêm những bị cáo mới. Trong số này, có một “bộ ba” đứng ở vị trí rất cao về thang bậc hành chính, cũng như về lãnh đạo. Nói toạc: họ là cấp trên của “bộ ba” bị cáo đầu tiên.

– Nguyên nhân chết người đã được xác định: Do sai sót khi sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt hệ thống lọc nước, một lượng lớn acid đã lọt vào nước lọc thành phẩm, rồi vào cơ thể bệnh nhân, gây nhiễm độc (y học gọi là acidosis). Người sửa chữa và người giám sát bị đưa ra tòa. Còn người thứ ba (nhận thành phẩm và sử dụng nó) cũng bị ra tòa khiến dư luận chưa đồng tình, dẫu rằng người này chỉ bị đề nghị án treo. Đó là BS Lương.

Dần dần, qua diễn biến vụ án, dư luận hiểu được logic của VKS rằng: Chất độc vào được cơ thể bệnh nhân là nhờ vượt qua được 3 cái cửa chốt chặn. Vậy: Phải có “đủ bộ” 3 bị cáo. Nhất thiết phải có một bị cáo là BS. Tội của 3 ba vị thần canh cửa là vô trách nhiệm, hoặc vô ý, sơ suất – nói chung là… cẩu thả. Tuy nhiên, sau đây sẽ chứng minh (bài 5) cái Logic này rất phi logic.

Chuyện hài hước là dư luận ghép ra một “bộ ba” mới, vô tình liên kết nhau để gán tội cho 3 bị cáo đầu tiên. Đó là a) Cấp trên ngụy tạo bằng chứng để đổ tội cho cấp dưới; b) Các điều tra viên: sử dụng những chứng cứ ngụy tạo này; kể cả những chứng cứ bị sửa chữa lèm nhèm, thậm chí viết thêm nhiều chữ mới…, c) VKS đễ dãi đưa vào hồ sơ những chứng cứ đó. Câu hỏi là, việc gán ghép này có khiên cưỡng hay không (?).

 

III. ĐỊNH XỬ GỌN, NHƯNG VỤ ÁN KÉO DÀI

– Để an dân (mỵ dân), lẽ ra cần xử sớm, xử nặng, xử gọn… tiếc rằng Tòa lại xử muộn, xử nhẹ, xử dây dưa. Đúng vậy, số năm tù giam – do cáo trạng đề nghị – cả thảy chỉ là 9. Thời gian xét xử dự kiến “gọn trong 4-5 ngày”; vì rất đủ chứng cứ, các lời khai rất thống nhất; thêm nữa, mức án lại khá nhẹ (có thể dự đoán: các bị cáo dễ chấp nhận). Rất có thể không cần phiên tòa phúc thẩm. Được vậy, thành tích sẽ rất lớn về xét xử – có thể đánh giá bằng câu “phạm nhân tâm phục, khẩu phục”. Nhưng, thực tế số ngày xử đã “dây dưa” gấp 3 lần… mà vẫn chưa ra được bản án. Phiên tòa phải tạm hoãn (tới 7 tháng sau mới nối tiếp); và vụ xử sơ thẩm lần 2 cũng tốn rất nhiều thời gian. Tất cả, cần được giải thích, nhưng không phải trong bài này.

 

IV. MỌI CHỨNG CỨ BỊ BÁC BỎ VẪN KHÔNG THA BS LƯƠNG

– Đúng như nhiều tờ báo đã mô tả, cuộc tranh cãi là “nảy lửa kéo dài tới 9 ngày chỉ để bác bỏ các chứng cứ bịa đặt. Vô tình, điều này thành ví dụ để dạy các cháu học môn Văn ở cấp 2 phân biệt nghĩa của hai từ: (bên này) ngoan cường và (bên kia) ngoan cố.

Một khi các chứng cứ kết tội bị bác, sẽ chẳng còn cơ sở nào để kết tội bị cáo Lương nữa. Đó là Luật. Ấy thế mà quan tòa có lần lại trách BS Lương “không chịu nhận tội”, “thiếu thành khẩn”… Nhưng ngay tại tòa, ở giai đoạn luận tội, nhiều luật sư đã yêu cầu chánh án và hội thẩm phải thực hiện luật. Đó là, nếu các chứng cứ buộc tội bị bác bỏ, thì phải tuyên vô tội. Nếu phát hiện thêm các bị cáo mới, thì cứ lập phiên tòa khác. Đó là về luật và về lý. Về mặt lương tâm cũng vậy, lẽ ra nên làm như vậy để BS Lương sớm thoát khỏi cái “thân phận hầu tòa”.

Nhưng mà không! Tòa đã quyết định “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” (theo đề nghị của đồng chí nữ công tố viên) – khiến mọi người “bất ngờ“. Lý do nào được nại ra? Vì có bị cáo mới. Nhưng lập tức, luật sư Hoàng Ngọc Biên phản ứng lại cũng gay gắt đến bất ngờ (!). Nếu đọc lại, ta sẽ thấy ông rất có lý.

 

V. VẪN CÓ MỘT THIỂU SỐ SÁNG SUỐT

– Đa số trong dư luận tự an ủi: Thôi! BS Lương cứ ráng chịu đau khổ ít lâu. Đợi phiên tòa sau sẽ đàng hoàng thoát vòng lao lý. Nhưng vẫn có một thiểu số cho rằng, “lúc này” VKS Hòa Bình chưa chịu tuyên vô tội cho BS Lương (như nói trên) là để “lúc khác” sẽ bị tuyên có tội. Rất ít ai ngờ rằng thiểu số này lại rất sáng suốt.

Dẫu sao, dù chưa tuyên vô tội, nhưng tòa đã phải thay đổi tội danh. Từ “thiếu trách nhiệm” đổi thành “vô ý” (gây hậu quả nghiêm trọng). Hiếm có vụ án nào phải thay đổi tội danh của một bị cáo tới 3 lần – như vụ này. Điều này nói lên sự cẩu thả và vi phạm luật khi điều tra cũng như khi dùng các bằng chứng giả mạo để xác định tội danh

 

VI . BÀI CỦA LUẬT SƯ TRẦN HỒNG PHÚC

– Sự thật rành rành là 18 người đang “chạy thận” dưới sự điều hành trực tiếp của 3 BS và 20 điều dưỡng. Đúng lúc này, tai biến xảy ra. Do vậy, đang làm công việc điều trị, họ phải chuyển sang công việc cấp cứu, rồi thất bại với số tử vong chưa từng gặp. Chả lẽ, về mặt chuyên môn, họ không có lỗi gì? Đây chính là cách suy nghĩ khiến người ta đưa 1 BS (bị gán cương vị “phụ trách”) vào danh sách bị cáo. Nói dư luận không đồng tình là căn cứ vào đa số. Nói khác, vẫn có một thiểu số phân vân – BS Lương không nhiều thì ít, có lỗi hoặc có tội – được thể hiện ở một số comments trên mạng. Ngoài ra, còn có những bài viết hẳn hoi đã coi coi BS Lương đã phạm tội. Đọc kỹ, té ra tác giả bài này chưa có đủ thông tin về cả loạt chứng cứ vu cáo đã bị bác bỏ.

Do vậy, nếu ai muốn tìm hiểu, xin dành ra 5-10 phút quý báu để đọc bài của luật sư Trần Hồng Phúc (đăng trên facebook của bà).   

 

VII. “BỘ BA” MỚI TẠO RA TỘI MỚI

Đó là sự kết hợp vô tình của cấp trên, điều tra và VKS?

 

  1. Cấp trên gán cho BS Lương một cương vị “phụ trách”: để đổ tội

– BS Lương có chức năng điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân. Ông không có một chức vị (trách nhiệm) nào cao hơn thế. Dưới ông, chỉ là các điều dưỡng. Nói khác, ông không thuộc diện “cán bộ quản lý” (được bổ nhiệm bằng một tờ Quyết Định có đóng dấu đỏ). Do vậy, khó mà đổ cái tội “thiếu trách nhiệm làm chết 9 người” cho riêng ông – vì còn hai bác sĩ khác cũng có chức năng y hệt như của ông. Nếu cả ba bác sĩ đều mắc tội, thì vị trưởng khoa – cấp trên trực tiếp của 3 BS này – sẽ là bị cáo chính. May cho cấp trên (muốn đổ tội), BS Lương có thâm niên cao, được hai BS kia kính nể, tôn trọng. Đó là thuận lợi khi muốn đổ lên đầu ông một trách nhiệm cao hơn hai BS đồng nghiệp của ông. Chỉ cần gán cho ông một cương vị “phụ trách” nào đó… là ông đủ tầm cỡ chịu tội thay cho cấp trên. Nếu ông là người ngoài đảng, càng thuận lợi.

– Éo le là BS Lương còn một cấp trên nữa, là phó khoa, đồng thời lại là chú ruột của BS Lương, sẽ bênh vực BS Lương. Hơn nữa, ông chú này tuy là phó khoa nhưng không dính dáng về chuyên môn – kỹ thuật tới Đơn nguyên thận nhân tạo, vì ông đặc trách bộ phận khác của khoa. Ông sẽ không bị pháp luật rờ tới khi bênh vực cháu mình. Về sau mới biết, đây là điều ông chú này hy vọng hão.

– Rốt cuộc là vị trưởng khoa ra lệnh cho một bác điều dưỡng “chuyên ghi biên bản các cuộc họp” viết thêm vào Sổ Giao Ban của khoa cái câu (hàm ý) BS Lương được khoa giao cho “phụ trách” Đơn Nguyên thận nhân tạo”. Tất nhiên, phải tìm cái biên bản từ hai hoặc ba năm trước để viết thêm vào. Thế là, chứng cứ ngụy tạo được viết cùng một thứ chữ, khó ai phát hiện ra. Nhưng lỗ hổng chết người là… nếu người này (nhờ lương tâm và lòng dũng cảm) sẽ tự nhận mình đã tham gia vào cái việc ngụy tạo bằng chứng này. Xin nói ngay: Ông này đã tự nhận chuyện “viết thêm” trước tòa, được báo chí coi là “dũng cảm”, người hùng… Báo chí lập tức đưa ngay cái tin “nóng rực” này. Từ thời điểm này, các chứng cử giả dối thi nhau đổ vỡ.

 

  1. Cơ quan điều tra

Cái sổ giao ban – từ hai, ba năm trước lận – khó trở thành đối tượng thu giữ hoặc chú ý xem xét của công an hình sự. Hẳn là, phải có sự gợi ý nào đó để điều tra viên chú mục vào mấy dòng chữ được ghi thêm. Thế là, đồng chí điều tra viên thu giữ, lại còn dùng điện thoại riêng để chụp lại các trang biên bản này (sai luật). Hành vi thông cung, mớm cung… từ đây mà ra. Sau đó, mỗi khi các nhân viên của Đơn Nguyên phải viết bản khai, đều được đồng chí điều tra viên cho xem (hình chụp) các trang này. Các bản khai cá nhân (vô tình đều thể hiện cái ý “BS Lương được trưởng khoa giao phụ trách Đơn Nguyên thận nhân tạo“.

Riêng Bản Khai của đồng chí trưởng khoa (câu chữ hàm ý phân công “phụ trách” cho BS Lương) còn được điều tra viên đưa cho BS Lương “tham khảo” (sai luật). Do vậy Bản Khai của BS Lương giống hệt của BS trưởng khoa. Luật sư và báo chí gọi (mỉa mai) là hai bản khai “sinh đôi”.

Còn hai vị BS cùng đơn vị với BS Lương (ngang cấp) cũng mắc bẫy như vậy. Khi nhận ra ý đồ đen tối, họ có ngay văn bản cải chính. Khỏi cần nói tiếp, cả loạt chứng cứ có vẻ “khách quan”, “liên hoàn” này – dù ngụy tạo khá bài bản… vẫn sụp đổ dây chuyền.

Trong bản hỏi cung, điều tra đã viết thêm 10 chữ (ý: BS Lương nhận quản lý thiết bị phòng vật tư), tuy nhiên BS Lương không đồng ý, xoá đi; và cẩn thận ghi vào lề 3 chữ “xóa 10 chữ”. Nếu nhận thêm vai trò này thì quá nguy hiểm.

 

– Thật ra, cách làm đúng nghiệp vụ (và đường đường chính chính) để điều tra BS Lương có thật sự được giao “phụ trách” (chức danh chính thức là “quản lý”) hay không, chỉ việc truy tìm bản Quyết Định bổ nhiệm là đủ. Nhưng bới đâu ra nó? Do vậy, người ta đành ngụy tạo vài dòng (viết tay) trong cuốn sổ Biên Bản họp khoa từ vài năm trước. Thường, trưởng khoa không (thèm) ký vào những cái biên bản loại này; nhưng lần này ông ký (sau khi có những dòng viết thêm).

 

  1. Vai trò Viện Kiểm Sát

– Các chứng cứ thu thập được phải qua tay VKS thẩm định, đánh giá (phải hợp lệ, xác thực) mới được phép đưa vào hồ sơ. Án tại hồ sơ là một nguyên tắc trong xét xử. Với điều kiện: Hồ sơ phải đầy đủ và tin cậy. Nhưng ở vụ án này, VKS đã chấp nhận những chứng cứ bậy bạ nói trên. Đã vậy, VKS lại không đưa vào hồ sơ cái bản khai phản bác của 2 vị BS đồng nghiệp của BS Lương (đã nhắc ở trên). Điều này cũng bị vạch trần ngay tại phiên tòa.

Hài nhất là màn đối thoại “tay ba”: Luật sư – Điều tra viên – Công tố viên.

Khi đồng chí điều tra viên bị gọi ra trước tòa (theo yêu cầu của các luật sư). Bị luật sư hỏi: Vì sao có chuyện hai bản khai do hai người viết (tay) ở hai nơi, ở hai thời điểm… mà lại giống nhau từng câu, từng chữ? Đồng chí điều tra viên hồn nhiên trả lời: Đó là ngẫu nhiên (khán giả cười ồ). Đại diện VKS đỡ lời: Hai bản đó không thể giống nhau đến tận các dấu chấm, phảy (ý: vậy thì chúng vẫn cứ là hai bản… khác nhau). Dư luận nói, vở diễn hài này có tới hai vai hài.

 

Bằng chứng mới (hình dưới)

Đây là chứng cứ còn lại duy nhất của cơ quan điều tra và VKS (sau khi cả loạt chứng cứ ngụy tạo bị phơi bày trước tòa). Luật Sư Thúy Kiều phát hiện ra sự ngụy tạo (bôi xóa, điền thêm và sửa chữa) đã đề nghị Tòa mổ xẻ nó…

Nhưng bị chánh án gạt đi.

Và sau đó tuyên án Hoàng Công Lương 42 tháng tù.

Như vậy, đây là chứng cứ duy nhất, mới nhất dùng để kết tội BS Lương

a.png Đây là bằng chứng quan trọng nhất để VKS kết án BS Lương ở phiên tòa sơ thẩm 2 (có thể phóng to để xem rõ hơn)

Dựa vào bằng chứng (bị sửa rất lộ liễu) này, tòa đã chính thức tuyên cho BS Hoàng Công Lương cái án 42 tháng tù giam (phiên tòa tháng 1-2019 vừa qua).

Cả nước đang chờ phiên tòa phúc thẩm, dự kiến tháng 4-2019.

 

 

 

 

2 thoughts on “Những yếu tố Lịch Sử trong vụ án Hoàng Công Lương – Bài 4

    • GS Lanh dùng từ “bồi dưỡng” như thể “bồi dưỡng” chính trị để giác ngộ và tin tưởng vào ĐCS mà ngày nay ta thường thấy. Đây là một cách nói giảm nhẹ của thủ đoạn dùng tay người để thực hiện ý đồ gian ác hoặc lưu manh, trí trá. GS Lanh dù nói lên sự thật mà trong lòng không khỏi lo lắn, sợ sệt.

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s