Đi tìm thành Bình Lỗ của nhà nước Đại Cồ Việt

dai co viet.png

 

Lê Đắc Chỉnh & Bùi Thiết

(Bài viết nhân dịp kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt)

 1. GIỚI THIỆU CHUNG

Bình Lỗ là tên một thành cổ thời nhà nước Đại Cồ Việt, thành này do vua Lê Đại Hành cho xây dựng để chống quân xâm lược nhà Tống vào năm 980/981. Vai trò của tòa thành này đã được  Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển VI, Kỷ Nhà Trần, thời Anh Tông Hoàng Đế ghi lại như sau:

“Ngày 24 tháng 6 năm Canh Tý (năm 1300), Hưng đạọ vương (Trần Quốc Tuấn) ốm nặng . Vua (Trần Anh Tông) ngự giá đến nhà thăm, hỏi rằng: Chẳng may chết, giặc phương Bắc lại xâm lấn, thì kế sách làm sao? Hưng Đạo trả lời: Ngày xưa Triệu Vũ đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh, thì nhân dân làm kế thanh dã, rồi đem đại quân từ Khâm Châu đánh vào Trường Sa, dùng đoản binh úp đằng sau, đó là một thì. Đến thời Đinh – (Tiền) Lê, dùng được người hiền lương, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới cùng lòng, lòng dân không chia, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống, đó là một thì” (ĐVSKTT. KHXH; H; 1972; tập II; tr.88).

Sau này các nhà nghiên cứu dựa vào sử liệu cũ và nhất là qua câu truyện trên đã đi đến khảng định chiến thắng Bình Lỗ là có thật và trận Bình Lỗ đã xảy ra ở nơi có thành Bình Lỗ (Bình Lỗ. Wikipedia). Tuy nhiên đến nay đã trải qua 1037 năm (981 – 2018) mà tòa thành lịch sử này vẫn chưa được công nhận. Vì sao vậy ? Để tìm lại vị trí của tòa thành và chiến công lừng lẫy ở Bình Lỗ, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhiều năm, qua các thư tịch, trên thực địa và nhận thấy phải làm rõ hai con đường thời bấy giờ, đó là:

  • Đường tiến của quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy và
  • Đường hành quân ngăn chặn của vua Lê Đại Hành.

2 .VỀ CON ĐƯỜNG TIẾN CỦA QUÂN TỐNG, DO HẦU NHÂN BẢO CHỈ HUY

Sách: Việt sử lược (VSL), thế kỷ XIII, chép rằng: “Năm Thiên phúc thứ Nhất (981), mùa xuân, tháng ba. Hầu Nhân Bảo đem quân đến Lãng Sơn, Trần Khâm Tộ đem quân đến Tây Kết, Lưu Trừng đem quân đến sông Bạch Đằng.  Vua tự làm tướng, đem quân chống lại, đóng cọc ngăn sông. Quân Tống lui về giữ sông Ninh. Vua sai quân đánh giả hàng, để dụ Nhân Bảo. Quân Tống bị thua, ta bắt chém được Nhân Bảo. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân (Tống), bèn rút lui” (Bản dịch 2005. Tr 61).

Cùng sự kiện trên, sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), cũng chép: ”Năm Thiên phúc thứ hai (981), mùa xuân, tháng ba, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem quân đến Lạng Sơn,  Trần Khâm Tộ đến Tây Kết,  Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng.  Vua tự làm tướng đem quân chống lại, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông. Quân Tống rút lui, lại đến sông Chi Lăng.  Vua sai quân sĩ giả hàng để dụ Nhân Bảo, nhân thế bắt được Nhân Bảo, chém đi. Bọn Khâm Tộ…nghe tin quân thủy thua, đem quân về. Vua đem các tướng đánh đuổi, Khâm Tộ thua to, (quân) chết hơn phân nửa, thây chất đầy đồng, bắt tướng chúng là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư”  (Bản dịch 1972; Tập I; tr.167).

Sách Thiền Uyển tập anh (TUTA), thế kỷ XIV, khi nói về Đại sư Khuông Việt, chép rằng: ”Năm Thiên phúc thứ nhất (981)  binh Tống đến quấy nước ta, Vua biết rõ việc đó, liền sai sư đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”  ( Bản dịch và nghiên cứu về TUTA của Lê Mạnh Thát, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1999).

Ba tài liệu trên, có sự không thống nhất, giữa Lãng Sơn  với Lạng sơn  và giữa: Sông Ninh,  sông Hữu Ninh sông Chi Lăng. Xét ba con sông trên, có thể phủ nhận: khi xưa không có con sông nào (hay con đường bộ nào) có tên như vậy xuyên qua từ Lãng Sơn (nếu được hiểu là từ Lạng Sơn và Chi Lăng ngày nay) đi về phía Nam. Có thể sách ĐVSKTT và VSL, do người đời sau sao lại, nhằm kiêng húy vua Lê Duy Ninh, nên đã đổi Ninh thành Lăng và chép lộn ngược chữ Hữu thành chữ Chi, vì thế Hữu Ninh nhầm ra thành Chi Lăng ? (có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này!).  Riêng sông Bạch Đằng là có thật, đã tồn tại hơn ngàn năm nay, với tên nôm là sông Rừng.  Với truyền thống lịch sử hùng tráng của nó, và đi vào dân ca muôn thuở: Con ơi nhớ lấy lời cha. Gió to sông cả, chớ qua sông Rừng.

Bạch Đằng  là con sông lớn thuộc lưu vực sông Thái Bình (trên bản đồ Hình 1 là phần màu vàng), có nhiều chi lưu và hợp lưu từ phía đồng bằng và trung du  mạn đông bắc Bắc Bộ đổ vào sông Đại Than (hay sông Lục Đầu), rồi chảy theo sông Bạch Đằng để ra vịnh Hạ Long, ở cửa Ba Lạt giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng ngày nay. Vì những hạn chế về ghi chép của Địa lý học – Lịch sử, nên có thể con sông nào là phụ lưu của sông Bạch Đằng, nhận dòng chảy của mình, đều là sông Bạch Đằng chăng?  Rõ ràng đạo quân Tống chỉ có thể tiến vào cửa sông Bạch Đằng   mà thôi! 

dai co viet 2

Hình 1: Đường tiến của quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy và đường hành quân đánh chặn của quân Đại Cồ Việt theo hệ thống sông ở Bắc Bộ.

Ở đây có sự nhầm lẫn sự kiện xẩy ra trên: sông Chi Lăng, sông Ninh hay sông Hữu Ninh  với sông  Bạch Đằng, ở chỗ chưa làm rõ: vì sao quân Tống bị thua và thua ở đâu? Có phải trên sông Bạch Đằng? Vì sao phải rút về sông Hữu Ninh?  Rõ ràng sử liệu cho biết quân của Hầu Nhân Bảo không phải cả hai lần đều bị thua ở trên sông Bạch Đằng. Hai tình tiết trên chỉ có thể xẩy ra chính ngay trên sông Bạch Đằng nếu quan niệm về cách gọi tên của sông Bạch Đằng là toàn bộ hệ thống chi lưu của nó. 

3 .VỀ CON ĐƯỜNG HÀNH QUÂN NGĂN CHẶN CỦA LÊ ĐẠI HÀNH

Sau khi biết rõ quân Tống sẽ tiến vào xâm lăng nước ta, nhà Vua đã hoạch định một chiến lược ngăn chặn và nhất quyết đánh bại chúng. Chiến lược này thể hiện ngay ở giai đoạn lựa chọn con đường hành quân tiếp cận mục tiêu địch. Với kinh nghiệm từ khi giúp nhà Đinh thống nhất đất nước, rồi làm đến chức Thập đạo tướng quân, và  là người của vùng sông nước, nên ông  biết quân Tống sẽ theo con đường nào vào xâm lăng? Tất nhiên phải là đường sông nước, phải từ sông Bạch Đằng vào sâu trong đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Vì vậy để ngăn chặn “Lê Đại Hành đã thân chinh dẫn đại quân từ kinh thành Hoa Lư theo đường thủy, ngược sông Đáy, sông Nhuệ mà vào sông Hồng, rồi từ đó tiến lên miền địa đầu Đông Bắc đất nước” (Chiến tranh Tống- Việt 981.Wikipedia).  Từ sông Bạch Đằng quân Tống muốn vào sâu hơn nữa phải qua sông Đại Than (hay còn gọi là sông Lục Đầu, gần Phả Lại ngày nay). Về các hướng tiến quân này Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt đã ghi rất rõ như sau: Vào năm Tân Tỵ (981), … hai tướng binh là bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem quân sang xâm lược phương Nam, đến sông Đại Than”. Và để ngăn chặn quân Tống tiến theo đường sông “Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch” rồi “hai bên đối đầu cầm cự”.  Quân Tống tiến đến sông Đại Than và quân Đại Cồ Việt làm chủ được khu vực Đồ Lỗ (nếu hiểu là sông Cà Lồ), thì rõ ràng quân Tống sẽ phải tiến lên theo đường sông Cầu.

Từ sông Cầu muốn vào Cổ Loa, Đại La, chỉ có thể là con sông có tên là Lo hay Lỗ và đây cũng là con đường mà quân Đại Cồ Việt đã hành quân lên miền Đông Bắc ngay từ tháng 10 năm 980. Kết cục, quân Tống thất bại thảm hại trên dòng chảy sông Bạch Đằng, tức sông Lo hay Lỗ.

Vậy  sông Lo (Lỗ) là con sông nào?

Xét về địa lý cổ, thì  cách ngày nay hơn ngàn năm, với bình độ cho phép để hình thành chi lưu dòng chảy về phía nam của sông Cầu, vùng đất thích hợp nhất khi đó thường có độ cao hơn 3 m so với mực nước biển. Còn ngày nay trên và dưới sông Cầu đều cao hơn 4m (đây là số liệu cuối thế kỷ XX, tất nhiên hơn ngàn năm trước độ chênh cao này phải nhỏ hơn nhiều). Đó là vùng đất có sông Lo (hay Lỗ).

Nếu xét về địa danh học, thì vùng đất được gọi là: lo, Lỗ, là vùng đất có sông Lo, Lỗ, Lù, Lũ…  chảy qua. Vùng đất đó bắt đầu từ đoạn sông Cầu (nay thuộc đất từ xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, rồi qua xã Xuân Giang theo hướng chếch  Tây Nam, ngoằn ngoèo về xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội). Trên địa bàn, chúng tôi thống kê được một hệ thống địa danh Việt cổ mang trên mình tên gọi là Lo, Lỗ (thậm chí cả Lũ…), như : Lũ Hạ, Lũ Thượng, Lũ Trung (nay là xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn , Hà Nội). Với địa danh Lo, có tên bến Đò Lo trên sông Cà Lồ, là đoạn chảy qua làng Lũ Thượng và thôn Yên Tân (xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong). Với địa danh  Lỗ, có rất nhiều.

Vì sao từ  Lo, Lũ…để có Lỗ ?  Đây là quy luật hán việt hóa các âm Việt cổ, với Lo Lồ…khi hán hóa thì ký tự hán ghi âm Việt là Lỗ.  Theo đó các địa danh có Lo, Lũ…đều được ghi ký tự và đọc âm Hán là Lỗ   để có được: Đồ Lỗ (Đò Lo ngày nay), Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội), hương Bình Lỗ,  làng Ba Lỗ ( thôn Châu Lỗ thuộc Mai Đình, Hiệp Hòa, Bắc Giang), …

dai co viet 3

Hình 2: Bản đồ khu vực cửa sông Cà Lồ (trích từ bản đồ Việt Nam năm 1927) có chú thích một số địa danh và dấu tích từ thời chống Tống năm 981 và 1077.

 

Như vậy, có thể đi đến nhận định rằng: Sông Cà Lồ, đoạn hạ lưu tiếp giáp với sông Như Nguyệt (một khúc sông Cầu), chính là nơi đã xẩy ra trận đại thắng của Lê Đại Hành, năm 981 trên sông Bạch Đằng.

 4 .THÀNH BÌNH LỖ Ở ĐÂU ?

Các học giả Việt Nam thời Trung đại cố công tìm kiếm vị trí tòa thành theo hướng từ Hà Nội ngược lên đất Thái Nguyên, như sách Địa dư chí (ĐDC) của Nguyễn Trãi –thế kỷ XV. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM của Quốc sử quán triều Nguyễn, đưa ra hướng tìm kiếm vị trí tòa thành từ Hà Nội đi Thái Nguyên; song họ chỉ có phán đoán nhưng thiếu căn cứ khoa học. Học giả Đào Duy Anh, người chú thích sách ĐVSKTT, có sự chỉ định hướng tìm kiếm tòa thành dọc theo đôi bờ sông Như Nguyệt, rằng “Lê Đại Hành chặn quân Tống ở sông Như Nguyệt, nên có thể đoán định rằng thành Bình Lỗ là ở khoảng sông Như Nguyệt” (Sđd. tr. 304). Nhưng Đào Duy Anh cũng chưa đưa ra được vị trí chính xác của tòa thành ?

Theo xác định ban đầu của chúng tôi, thì thành Bình Lỗ, được xây dựng trên một gò đất cao nằm ở bờ nam sông Cà Lồ, có đường kính khoảng 700m, có tọa độ địa lý là 21o23’ vĩ độ Bắc và 105o 91’ kinh tuyến Đông. Nơi đây xưa kia có độ cao đến 8 m so với mặt nước biển, hai bên bờ con sông này từ Đò Lo đến cửa sông không có nơi nào cao như thế, và cao hơn xung quanh khoảng 3 m (so với mốc cao đạc trên bản đồ 1927 ở gần cửa sông Cà Lồ chỉ cao 5 m).

dai co viet 4

Hình 3: Mặt bằng thành Bình Lỗ, hình ảnh qua vệ tinh (thôn Ngọc Hà, Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội)

    

Thành Bình Lỗ mở hướng chính Nam, hơn 2/3 chu vi nằm gọn trong vòng ôm hình móng ngựa của dòng chảy sông Cà Lồ và chính con người khi xưa xây đắp tòa thành đã tôn thêm và khơi đào khúc sông chảy vòng qua thành tạo thành như một con hào bảo vệ.  Lòng sông Cà Lồ rộng bình quân 50m, nước không sâu lắm, về mùa xuân chỉ giao động từ 1,00-2,50m, đoạn hạ lưu đến cửa sông Cà Lồ chỉ dài khoảng 2 km.

Với điều kiện đó nên xưa kia quân  dân Đại Cồ Việt dễ dàng “đóng cọc ngăn sông”  để thuyền bè quân Tống không qua được.

Nếu từ gò thành nhìn về phía Đông ta thấy có một vạt đất rộng khoảng 5 km2 được bao bọc bởi ba đoạn sông: Một là hạ lưu sông Cà Lồ dài 2 km;  Hai là đoạn sông Cầu cũng dài khoảng 2 km; Ba là một nhánh sông nhỏ dài khoảng 3 km, nối tắt từ sông Cà Lồ (điểm bắt đầu từ chân thành Bình Lỗ) kéo dài đến cuối bến đò Như Nguyệt rồi chảy vào sông Cầu. Nhánh thứ 3 này xưa là một con sông nhỏ, đã bị lấp kín bởi hai con đê xây dựng từ thời Trần và Hậu Lê.

Xét trên bình diện Địa- quân sự, hai bên bờ của đoạn hạ lưu sông Cà Lồ và kể cả con sông nhỏ bị vùi lấp là những vị trí đắc địa nhất. Ngày nay dọc theo con sông nhỏ ta thấy vẫn còn lưu lại những  địa danh với cái tên ngòi Ác, cầu Cửa Ma, đầm Lâu, bờ Xác…, như phản ánh lại chiến công xưa. Và TUTA đã kịp ghi lại trận đánh trên sông Hữu Ninh năm ấy với những từ ngữ rất khốc liệt “Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”, hẳn nơi đây là những nơi chôn vùi quân xâm lược. 

 “Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt” cũng mô tả trận đánh quân Tống năm ấy diễn ra khá phù hợp với khu vực này: “Đêm sau, (nhà Vua) lại mộng thấy một người dẫn đoàn quỉ áo trắng, từ phía nam sông Bình Giang mà tới, một người dẫn đoàn quỉ áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt mà lại, cùng xông vào đánh trại giặc”. Sau này các nhà nghiên cứu cho rằng Bình Giang chính là sông Cà Lồ hay còn gọi là sông Bình Lỗ. Phía nam sông Bình Giang tức là phía nam sông Cà Lồ, đó cũng chính là vị trí của thành Bình Lỗ và năm đó thành Bình Lỗ được chọn là đại bản doanh của quân Đại Cồ Việt do Lê Đại Hành trực tiếp chỉ huy. Còn phía bắc sông Như Nguyệt (sông Như Nguyệt kéo dài từ cửa sông Cà Lồ đến Phả Lại ngày nay) là đoạn sông Cầu bắt đầu từ cửa sông Cà Lồ ngược lên phía bắc của con sông này.

dai co viet 5

Hình 4: Một góc thành Bình Lỗ xưa. Nơi đây đang bị đào bới sâu xuống lòng đất để lấy nguyên liệu, phi tang một cách vĩnh viễn mọi dấu tích xưa

Với những dẫn chứng như trên có thể đi đến nhận định khó bác bỏ rằng gò đất cao bên bờ sông Cà Lồ có tọa độ địa lý là 21o23’ vĩ độ Bắc và 105o 91’ kinh tuyến Đông chính là vị trí thành Bình Lỗ, như Trần Quóc Tuấn nhắc nhở vua Trần trước lúc lâm chung.

Trải qua hơn 10 thế kỷ, trên gò thành này đã có những giai đoạn phát triển rực rỡ. Từ cuối thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 20, tại đây có hẳn một ngôi làng sấm uất có tên là Đại Phùng, theo một thống kê năm 1937 dân số ở đây đã lên đến 1125 người với một giáo xứ đông vui có tên là Trung Nghĩa.

Nay làng mạc trên gò thành và vết tích của tòa thành cổ không còn, đã bị hủy hoại hoàn toàn, thay vào đó là hơn 10 lò gạch thủ công vẫn đang ngày đêm đào bới sâu xuống lòng đất để lấy nguyên liệu, phi tang một cách vĩnh viễn mọi dấu tích xưa.

5 . NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

Nhà nước Đại Cồ Việt kéo dài 86 năm, trải qua 3 triều đại và đã hoàn thành 3 nhiệm vụ lịch

sử  trọng đại khác nhau: nhà Đinh lập nước, nhà Tiền Lê giữ nước, nhà Lý dời đô.

Trận Bình Lỗ là chiến thắng chống ngoại xâm lớn nhất của nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta. Chiến thắng Bình Lỗ để lại kinh nghiệm vô cùng quý báu về chiến tranh nhân dân, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Đó còn là bài học của một nước nhỏ nếu biết đoàn kết toàn dân và có chỉ đạo sáng suốt thì nhất định sẽ đánh thắng được đế quốc to, dù chúng lớn hơn gấp nhiều lần.

Bài thơ Nam quốc sơn hà (NQSH), bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, phát ra lần đầu ở đây, chính bên thành Bình Lỗ. Trong khu vực còn nhiều dấu tích như Thành Phủ của hai vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát ở làng Ngọc Hà (Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội), đền Xà (hay còn gọi là đền Trương tướng quân hoặc đền Thánh Tam giang) nơi phát ra bài thơ NQSH lần thứ hai, Đình Mừng (Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh) nơi ăn mừng sau chiến thắng Bình Lỗ của quân dân Đại Cồ Việt và nhiều dấu tích , cổ vật… cho thấy thành Bình Lỗ là có thật.

Hy vọng rằng, những nghiên cứu và đánh giá ban đầu nêu ở trên được mọi người chia sẽ và  giúp sức, để trả trận chiến và thành Bình Lỗ oanh liệt về sống mãi với lịch sử đất nước./.

    


                                                                                   

 

 Hà Nội, 2/4/2018 

 

 

9 thoughts on “Đi tìm thành Bình Lỗ của nhà nước Đại Cồ Việt

  1. Bài viết có giá trị nhất định. Địa danh này cần có thám sát khảo cổ nếu không vĩnh viễn sẽ mất đi một di tích quan trọng của thời giữ Nước Việt. Tại khu vực này đến kháng chiến chống Pháp đưa quân càn quét đánh gọng kìm lên Thái Nguyên, rồi chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ cũng đã diễn ra nhiều trận đánh dữ dội khi Phòng không Không quân sơ tán máy bay từ sân bay Đa phúc bằng trực thăng Mi6, đặt trận địa tên lửa, ra đa dẫn đường,… Như là một vị trí chiến thuật khống chế cả mấy tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Bắc (Nay là Bắc Giang, Bắc Ninh). Xin cảm ơn tác giả đã có bài viết nghiên cứu đầu tiên có phân tích khoa học. Vũ Ngọc Phương

    Thích

  2. Tục tư trị thông giám trường biên

    (Nam Tống – Lí Đảo soạn)

    太平興國五年
    Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm (năm 980)

    夏六月己亥,太常博士、知邕州侯仁寶,因其父益居洛陽,有大第良田,優游自適,不欲親吏事。其妻,趙普之妹也,普為宰相,仁寶得分司西京。盧多遜與普有隙,因白上以仁寶知邕州。凡九年不得代。仁寶恐因循死嶺外,乃上疏言:「交州主帥被害,其國亂,可以偏師取之,願乘傳詣闕面奏其狀,庶得詳悉。」疏至,上大喜,令馳驛召,未發,多遜遽奏曰:「交阯內擾,此天亡之秋也,朝廷出其不意,用兵襲擊,所謂疾雷不及掩耳。今若先召仁寶,必泄其謀,蠻寇知之,阻山海預為備,則未易取也。不如授仁寶以飛輓之任,因令經度其事,選將發荊湖士卒一二萬人,長驅而往,勢必萬全,易於摧枯拉朽也。」上以為然。
    Mùa hạ tháng sáu ngày kỉ hợi, Thái thường bác sĩ Tri châu Ung là Hầu Nhân Bảo vì cha mình là (Hầu) Ích trú ở Lạc Dương có nhà to ruộng tốt, thích tự ý rong chơi, không muốn làm việc quan. Lại nữa vợ mình là em gái của Triệu Phổ, bấy giờ Phổ làm Tể tướng, Nhân Bảo được cho làm quan ở Tây Kinh. Lư Đa Tốn có hiềm khích với Phổ, nhân đó bẩm với nhà vua lấy Nhân Bảo đi làm Tri châu Ung, qua chín năm không được đổi. Nhân Bảo sợ vì thế sẽ chết ở miền Lĩnh Ngoại, bèn dâng sớ rằng: “Chủ soái Giao Châu bị hại, nước ấy loạn, có thể dùng quân nơi biên giới này để đánh lấy, xin thừa lệnh đi đến cửa khuyết gặp mặt tấu việc này, sẽ được rõ cả.” Sớ đến thì nhà vua cả mừng, sai người vội vàng đi gọi, chưa kịp đi thì Đa Tốn tấu rằng: “Giao Chỉ có loạn ở trong, đây là lúc trời diệt nước ấy. Triều đinh nên phát binh ra chỗ hộ không ngờ đến, đem binh đánh úp, đấy gọi là sét đánh không kịp bịt tai vậy. Nay nếu gọi Nhân Bảo về trước thì tất làm lộ mưu ấy, giặc Man biết được sẽ ngăn núi biển để phòng bị thì không dễ đánh lấy được. Không bằng trao cho Nhân Bảo làm chức chuyển chở lương thảo, nhân đó mà liệu việc mà làm, rồi chọn tướng phát một vài vạn quân lính miền Kinh Hồ ruổi dài mà đến, đấy là thế vẹn toàn, đánh dễ hơn cả bẻ cành khô củi mục vậy.” Nhà vua cho là phải.

    秋七月丁未,以仁寶為交州路水陸轉運使,蘭州團練使孫全興、八作使郝守濬、鞍轡庫使陳欽祚、左監門衛將軍崔亮為邕州路兵馬都部署,寧州刺史劉澄、軍器庫副使賈湜、供奉官閤門祗候王僎為廉州路兵馬都部署,水陸並進討。庚戌,全興等入辭,命引進使梁迥餞行營將士於玉津園。Mùa thu tháng bảy ngày đinh mùi, lấy Nhân Bảo làm Giao Châu lộ thủy lục Chuyển vận sứ, lấy Lan Châu Đoàn luyện sứ là Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ là Hách Thủ Tuấn, lấy Yên bí khố sứ là Trần Khâm Tộ, lấy Tả giám môn vệ tướng quân là Thôi Lượng làm Ung Châu lộ binh mã bộ thự, lấy Thứ sử Ninh Châu là Lưu Trừng, lấy Quân khí khố sứ là Giả Thực, lấy Cung phụng quan cáp môn chi hậu là Vương Soạn làm Liêm Châu lộ binh mã bộ thự, cùng theo đường thủy-bộ đến đánh. Ngày mậu tuất, bọn Toàn Hưng vào từ biệt, sai Dẫn tiến sứ là Lương Huýnh làm tiệc tiễn tướng sĩ Hành doanh ở vườn Ngọc Tân.

    冬十一月庚子朔,黎桓遣牙校江巨瀮、王紹祚齎方物來貢,仍為丁璿上表,自言徇將吏軍民之請,已攝節度行軍司馬,權領軍府事,乞朝廷賜以真命。時,孫全興等出師既踰時,上察其意止欲緩兵,寢而不報。十二月辛卯,交州行營言破賊萬餘觽,斬首二千三百四十五級。
    Mùa đông tháng mười một ngày đầu canh tí, Lê Hoàn sai Nha hiệu là Giang Cự Phu-Vương Thiệu Tộ đem phương vật đến cống, vẫn lấy danh Đinh Tuyền dâng biểu, tự nói là theo lời xin của tướng lại quân dân đã nắm chức Tiết độ Hành quân tư mã, quyền lĩnh việc quân phủ, xin triều đình ban cho lệnh làm chức ấy thật. Bấy giờ bọn Tôn Toàn Hưng đã phát binh đi rồi, nhà vua xét ý ấy là muốn hoãn binh, bèn ỉm đi mà không đáp lại. Tháng mười hai ngày tân mão, Giao Châu Hành doanh nói là phá hơn một vạn quân giặc, chém hơn hai nghìn ba trăm bốn mươi lăm thủ cấp.

    太平興國六年
    Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ sáu (năm 981)

    春三月己未,交州行營言破賊軍萬五千觽於白藤江口,斬首千餘級,獲戰艦二百艘,甲鎧以萬計。於是,侯仁寶率前軍先進,孫全興等頓兵花步七十日以俟劉澄,仁寶屢促之不行。及澄至,并軍由水路抵多羅村,不遇賊,復擅還花步。賊詐降以誘仁寶,仁寶信之,遂為所害。有二敗卒先至邑市,奪民錢,轉運使周渭捕斬之,後至者悉令解甲以入,民乃安。時諸軍冒炎瘴,又多死者,轉運使許仲宣馳奏仁寶戰沒,且乞班師,不待報,即分屯諸州,開庫賞賜,給其醫藥,謂人曰:「若竣報,則此數萬人皆積屍於廣野矣。」乃上章自劾,詔書嘉納之,遣使就劾澄等。會王僎病死,澄與賈湜並戮於邕州市。徵全興等下獄,全興伏誅;陳欽祚、郝守濬,崔亮皆責授團練副使,欽祚慶州,守濬磁州,亮嵐州。贈仁寶工部侍郎,官其二子。
    Mùa xuân tháng ba ngày kỉ mùi, Giao Châu Hành doanh nói phá một vạn năm nghìn quân giặc ở cửa sông Bạch Đằng, chém hơn một nghìn thủ cấp, thu được hai trăm chiếc chiến hạm, lấy được đến hàng vạn đồ khôi giáp. Do đó Hầu Nhân Bảo dẫn tiền quân đi trước, bọn Tôn Toàn Hưng đóng quân bảy chục ngày ở bến Hoa Bộ để đợi Lưu Trừng. Nhân Bảo nhiều lần thúc dục nhưng không đi. Kịp lúc Trừng đến (Tôn Toàn Hưng) liền đem hết quân đi theo đường thủy đến thôn Đa La nhưng không gặp giặc, lại tự ý về đóng quân ở bến Hoa Bộ. Giặc trá hàng để dụ Nhân Bảo, Nhân Bảo tin theo, rút cục bị hại. Có hai tên lính thua trận chạy trước về đến chợ thành cướp lấy tiền của dân, Chuyển vận sứ là Chu Vị bắt chém đi, kẻ về đến sau đều sai phải cởi giáp để vào, người dân mới yên lòng. Bấy giờ các quân xông vào nơi viêm chướng, lại phần nhiều bị chết, Chuyển vận sứ là Hứa Trọng Tuyên vội vàng tấu việc Nhân Bảo chết trận và xin rút quân, không đợi lệnh mà chia quân về đóng đồn ở các châu, mở kho tàng ban phát, cấp thuốc chữa bệnh, bảo mọi người rằng: “Nếu đợi lệnh thì mấy vạn người này đều phơi thây ở ngoài đồng lớn vậy.” Rồi bèn dâng sớ tự kể tội, nhà vua ban chiếu khen việc ấy, lại sai sứ đến trách tội bọn Trừng. Kíp lúc Vương Soạn bệnh chết, Trừng cùng Giả Thực đều bị tội chém chết ở chợ Ung Châu. Đòi bắt bọn Toàn Hưng về giam ngục, Toàn Hưng chịu tội; bọn Trần Khâm Tộ-Hách Thủ Tuấn-Thôi Lượng đều bị biếm xuống làm Đoàn luyện sứ, Khâm Tộ đến Khánh châu, Thủ Tuấn đến Từ châu, Lượng đến Phong châu. Tặng chức Công bộ thị lang cho Nhân Bảo, cho hai con làm quan.

    _____________________

    Tống sử – Hầu Nhân Bảo liệt truyện

    (Nguyên – Thoát Thoát soạn)

    仁寶以蔭遷太子中允,即趙普妹婿。盧多遜與普有隙,普罷相,即以仁寶知邕州。州之右江生毒藥樹,宣化縣人常采貨之。仁寶以聞,詔盡伐去。九年不代。太平興國中,上言陳取交州之策,太宗大喜,令馳驛召歸。多遜遽奏曰:「若召仁寶,其謀必泄,蠻夷增備,未易取也。不如授仁寶飛輓之任,且經度之,別遣偏將發荊湖士卒一二萬人,長驅而往,勢必萬全。」帝以為然。遂以仁寶為交州水陸計度轉運使。前軍發,遇賊鋒甚盛,援兵不繼,遇害死江中。太宗聞之,甚悼惜,特贈工部侍郎,錄其子延齡、延世並為齋郎。
    Nhân Bảo được tập ấm chuyển làm Thái tử trung doãn, là em rể của Triệu Phổ. Lư Đa Tốn có hiềm khích với Phổ, kịp lúc Phổ bị bãi chức Tể tướng liền lấy Nhân Bảo làm Tri châu Ung. Miền Hữu Giang của Ung Châu có mọc cây thuốc độc, người huyện Tuyên Hóa thường hái để bán nó. Nhân Bảo tấu việc này, hạ lệnh chặt hết đi. Suốt chín năm không được đổi chức. Giữa những năm Thái Bình Hưng Quốc, dâng sớ bày kế đánh lấy Giao Châu, vua Thái Tông cả mừng, sai người vội vàng gọi về. Đa Tốn bèn tấu rằng: “Nếu gọi Nhân Bảo về thì mưu ấy sẽ lộ, người Man Di càng thêm phòng bị, không dễ đánh lấy được. Không bằng trao chức vận chuyện lương thảo cho Nhân Bảo, liệu việc mà làm, sai riêng tướng ở biên giới phát một vài vạn quân lính miền Kinh Hồ ruổi dài mà đến là thế vẹn toàn vậy.” Nhà vua cho là phải, bèn lấy Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục kế độ Chuyển vận sứ. Tiền quân đi, gặp mạnh rất đông, viện binh lại không đến, bị hại chết giữa sông. Thái Tông nghe tin rất thương tiếc, tặng chức Công bộ thị lang, cho con là Diên Linh-Diên Thế đều làm Trai lang.

    _________________________

    Đoạn sử này chép quân Tống chiến thắng ở cửa sông Bạch Đằng chiếm lấy hai trăm chiến hạm, có lẽ quân Tống từ đường bộ Ung châu rồi vượt biển đã vào được sông Bạch Đằng rồi vào gần thành Bình Lỗ ở nội địa rồi chứ không bị chặn lại. Hầu Nhân Bảo đi trước và Tôn Toàn Hưng đi sau đợi bọn Lưu Trừng ở Liêm châu. Hầu Nhân Bảo bị dụ rơi vào phục kích mà chết trận. Cho nên bọn Tôn Toàn Hưng-Lưu Trừng nghe tin mà rút quân.

    Thích

  3. Tống sử – Giao Chỉ liệt truyện

    (Nguyên – Thoát Thoát soạn)

    太宗即位,璉又遣使以方物來賀。部領及璉既死,璉弟璿尚幼,嗣立,稱節度行軍司馬權領軍府事。大將黎桓擅權樹黨,漸不可制,劫遷璿於別第,舉族禁錮之,代總其衆。太宗聞之,怒,乃議舉兵。太平興國五年秋,詔以蘭州團練使孫全興、八作使張璿、左監門衛將軍崔亮爲陸路兵馬部署,自邕州路入;寧州刺史劉澄、軍器庫副使賈湜、供奉官閣門祗候王僎爲水路兵馬部署,自廣州路入。是冬,黎桓遣牙校江巨湟齎方物來貢,仍爲丁璿上表曰:「臣族本蠻酋,辟處海裔,修職貢於宰旅,假節制于方隅。臣之父兄,代承閫寄,謹保封略,罔敢怠遑。爰暨淪亡,將墜堂構,將吏耆耋,乃屬於臣,俾權軍旅之事,用安夷落之衆。土俗獷悍,懇請愈堅,拒而弗從,慮其生變。臣已攝節度行軍司馬權領軍府事,願賜真秩,令備列藩,幹冒宸扆,伏增震越。」上察其欲緩王師,寢而不報。王師進討,破賊萬餘衆,斬首二千餘級。六年春,又破賊于白藤江口,斬首千餘級,獲戰艦二百艘,甲胄萬計。轉運使侯仁寶率前軍先進,全興等頓兵花步七十日以候澄,仁寶累促之,不進。及澄至,並軍由水路至多羅村,不遇賊,復擅回花步。桓詐降以誘仁寶,遂爲所害。轉運使許仲宣馳奏其事,遂班師。上遣使就劾澄、湜、僎,澄尋病死,戮湜等邕州市。全興至闕,亦下吏誅,餘抵罪有差。仁寶贈工部侍郎。
    Thái Tông lên ngôi, (Đinh) Liễn lại sai sứ đem phương vật đến mừng. Kịp lúc (Đinh) Bộ Lĩnh và Liễn đã chết, em Liễn là Tuyền còn nhỏ được nối ngôi, xưng là Tiết độ hành quân tư mã quyền lĩnh quân phủ sự. Đại tướng là Lê Hoàn tự ý nắm quyền kết phe đảng, dần dần không ngăn chặn được nữa, cướp chuyển Tuyền đến ở phủ riêng, giam cầm cả tông tộc đi, thay nắm giữ quân chúng. Thái Tông nghe tin, giận, bèn bàn việc phát binh đi đánh. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm (năm 980) mùa thu, hạ chiếu lấy Lan Châu đoàn luyện sứ là Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ là Trương Tuyền, Tả giám môn vệ tướng quân là Thôi Lượng làm Lục lộ binh mã bộ thự từ đường Ung châu đi vào; lấy Thứ sử Ninh châu là Lưu Trừng, Quân khí khố phó sứ là Giả Thực, Cung phụng quan cáp môn chi hậu là Vương Soạn làm Thủy lộ binh mã bộ thự, từ đường Quảng châu đi vào. Mùa đông năm đó, Lê Hoàn sai Nha hiệu là Giang Cự Hoàng đem phương vật đến cống, vẫn mượn danh Đinh Tuyền dâng biểu rằng: “Họ thần vốn là tù trưởng người Man, lánh ở góc bể, vâng chức cống làm làm chúa tể, mượn quyền tiết chế ở một phương. Cha anh của thần nối thay nắm quyền ở ngoài, cẩn thận giữ bờ cõi, chẳng dám trễ nải. Đến nay đã mất, theo phép truyền nối, do đó quan tướng phụ lão bèn trao quyền cho thần, nắm giữ việc quân lữ, vỗ yên quân chúng di lạc. Phong tục dân này hung hăng, cầu xin thiết tha nhưng chống lại không nghe lệnh, thần lo sẽ sinh biến nên đã nắm quyền Tiết độ hành quân tư mã quyền lĩnh quân phủ sự, xin ban cho chiếu lệnh thật, được xếp vào hàng phiên thần. Dám liều mình bày tỏ, cúi mình run rẩy đợi lệnh.” Nhà vua xét bên ấy muốn hoãn quân ta (quân Tống), ỉm đi không đáp lại. Quân ta đến đánh, phá hơn một vạn quân giặc, chém hơn hai nghìn thủ cấp. Năm (Thái Bình Hưng Quốc) thứ sáu mùa xuân, lại phá giặc ở cửa sông Bạch Đằng, chém hơn một nghìn thủ cấp, thu được hai trăm chiếc chiến hạm, hàng vạn đồ giáp trụ. Chuyển vận sứ là Hầu Nhân Bảo đem tiền quân đi trước, bọn Tôn Toàn Hưng đóng binh ở bến Hoa Bộ bảy chục ngày để đợi Lưu Trừng, Nhân Bảo nhiều lần thúc dục tiến quân nhưng không đi. Kịp lúc Trừng đến thì (Tôn Toàn Hưng) đem hết quân theo đường thủy đến thôn Đa La, không gặp giặc, lại tự ý dẫn quân về bến Hoa Bộ. (Lê) Hoàn trá hàng để dụ Nhân Bảo, rút cục bị hại. Chuyển vận sứ là Hứa Trọng Tuyên vội vàng tấu việc ấy, rồi rút quân. Nhà vua sau sứ đến hỏi tội Trừng-Thực-Soạn, sau đó Trừng bệnh chết, chém bọn Thực ở chợ Ung châu. Toàn Hưng đến cửa khuyết cũng bị bắt kể tội, còn lại đều chịu phạt theo thứ bậc. Nhân Bảo được tặng chức Công booj thị lang.

    __________________

    So với Tục tư trị thông giám trường biên thì Tống sử có chép khác Bát tác sứ là Trương Tuyền chứ không phải là Hách Thủ Tuấn. Có lẽ Tống sử đúng vì Bát tác sứ là Hách Thủ Tuấn bấy giờ đang điều hành việc vét kênh sông Hoàng Hà ở phía bắc gần với nước Liêu.

    Tổng thể quân Tống đi vào sông Bạch Đằng, có lẽ không còn yếu tố bất ngờ cắm cọc ngầm như thời Ngô Quyền chống Nam Hán nữa nên đã không bị phục kích, khi đi sâu vào bến Hoa Bộ thì Tôn Toàn Hưng không tiến nữa mà đợi cánh quân từ Quảng châu của bọn Lưu Trừng. Hầu Nhân Bảo có lẽ ham lập công nên đem tiền quân đi trước, rút cuộc bị Lê Hoàn trá hàng dụ vào phục kích mà chết trận, quân Tống đến đây phải rút về.

    Thích

    • Cái chết của 2 cha con vua Đinh đến nay còn nhiều bí ẩn. Tuy bắt được thủ phạm như sử liệu nhưng nhiều người không tin mà cho thủ phạm là Lê Hoàn. Tuy nhiên theo tôi, Lê Hoàn làm tướng mấy chục năm cho nhà Đinh không có lỗi lầm gì, thậm chí rất trung thành. Nay chỉ theo sách Tàu lại tin ngay là cớ làm sao? Chỉ biết nhà Tống thống nhất lục địa Trung Hoa vào năm 979 thì ngay năm sau 2 cha con vua Đinh lăn ra chết. Biết rằng sau khi nhà Đường sụp đổ (năm 907), ngay lúc đó tướng nhà Đường là Nguyễn Nê đã đem 3 vạn quân đến Bắc Ninh, rồi xưng vương, sau 3 con trai Nguyễn Nê thành 3 xứ quân thời loạn 12 xứ quân. Trong số 12 xứ quân thì có ít nhất 5 xứ quân người gốc Trung Hoa, chủ yếu từ vùng Phúc Kiến (nước Mân). Biết rằng người TQ có rất ít họ Nguyễn mà rất nhiều họ Lý (nhà Đường của Lý Thế Dân). Khi sang VN, đến thời nhà Trần phần lớn họ đổi thành họ Nguyễn. Nguyễn Nê có thể cũng là người họ Lý đã đổi sang Họ Nguyễn. Trang sử xưa này gần giồng thời TQ giải phóng xong lục địa Trung Hoa, ông Mao muốn dồn hết quân vào giải phóng miền Nam để miền Bắc cho họ quản Lý. Nghĩa là Đại Tống không bao giờ muốn có một Đại Cồ Việt hùng mạnh ở phía Nam họ. Từ xa xưa người Việt ta luôn là đối tượng để họ chia rẽ gây ra cảnh nồi da nấu thịt. Nếu không được cách đó thì họ thực hiện chiến thuật “tằm ăn dâu” như làm rể nước Nam, làm say lòng Mỵ Châu, hay kết duyên với Lê Thị Phất Ngân (con gái cả vua Lê Đại Hành). Cuối đời vua Lê tin sư gốc Trung Hoa hơn Đại sư Khuông Việt, để sư về hưu sớm, tin con rể hơn con trai mình. Sử gia nước Việt thì 80 % tư liệu lấy từ Sử Trung Hoa. Theo tôi nhiều thông tin trong ĐVSKTT rất quý, nhưng có một vài chỗ cần có thêm bằng chứng. Chẳng hạn chiến thắng Bình Lỗ lớn là vậy, nhưng sử liệu nhà Lý không chép. Quân Tống đem sang 3 vạn mới chết 1000 người, đã thua chạy về nước. Chiến công phá Tống của nhà Tiền Lê, theo cách viết của các sử gia là nhờ một câu nói của sư Vạn Hạnh mà thành, còn công lao của cháu nội Ngô Quyền (Ngô Chân Lưu) thì bị lãng quên. Ngay bài thơ Nam quốc sơn hà cũng thuộc về nhà Lý. Năm 979 vua Tống lên ngôi, năm sau vua Đinh chết và 3 vạn quân kéo sang, có cái gì đó liên quan với nhau ở đây? Phải chăng Đế chế Trung Hoa vẫn còn ngự trị nơi đây ?

      Thích

  4. Pingback: Vì sao không tìm thấy thành Bình Lỗ? | Nghiên Cứu Lịch Sử

  5. Pingback: Trận Bình Lỗ đã diễn ra như thế nào? | Nghiên Cứu Lịch Sử

  6. Theo tôi thành Bình Lỗ không thể ở sông Cà Lồ vì quân Tống khó có thể tiến sâu vào nội địa nước ta như vậy. Hơn nữa nếu đi theo đường thủy thì thủy quân Tống sẽ đi qua sông Đuống để đến Đại La chứ không đi qua sông Cầu để vào sông Cà Lồ

    Thích

    • Sông Cà Lồ cách ngày nay hơn 1000 năm rất khác, khi đó nước nhiều hơn, sông rộng hơn, chưa có đê chắn, nối thông với sông Hồng. Về mùa mưa nước hệ thống sông Hồng rất lớn thường tràn sang hệ thống sông Thái Binh (do cao độ mực nước chênh lệch lớn), nên đã tạo ra 3 con sông: đầu tiên phải kể đến là sông Cà Lồ, sau mới đến sông Đuống và sông Luộc. Tuy thành Bình Lỗ nằm bên bờ sông Cà Lồ nhưng chỉ cách cửa sông khoảng 2 km, nơi này chỉ cách bến đò Như Nguyệt khoảng 3 km và cách đền Trương tướng quân (nơi phát ra bài thơ Nam quốc sơn hà lần thứ 2 vào năm 1077) cũng chỉ khoảng 2 km. Bến đò Như Nguyệt xưa nằm chính trên đường thiên lý của các sứ thần Trung Hoa thời 1000 năm Bắc thuộc để đến thành Cổ Loa của An Dương Vương, thành Luy Lâu thời Sĩ Nhiếp và thành Tống Bình sau này. Trong hơn 2000 năm qua có biết bao người Hoa đã đi qua đây, họ thông thạo địa lý vùng này còn hơn cả người Việt. Người đứng đầu một khoa thi tiến sĩ xưa ở làng Như Nguyệt cũng là một người gốc Tàu tên là Hứa Tam Tỉnh. Tống sử cũng hé lộ có một toán do thám của quân Tống đã đến và phát hiện ra công trường đắp thành Bình Lỗ của Hoàng đế Lê Đại Hành. Không những thế, theo truyện dã sử tin cậy nhất thì có thể Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam (Bài thơ NQSH năm 981) cũng phát ra từ toà thành này.

      Thích

  7. Pingback: Chiến dịch Bình Lỗ & Trận đại phá quân Tống trên sông Hữu Ninh | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s