Max Hastings
Trần Quang Nghĩa dịch
CHƯƠNG 23 : THIỆT HẠI NGOÀI DỰ KIẾN
1 Mary Ann
Trong năm 1971, nhiều đơn vị Bộ binh và TQLC Mỹ bị teo tóp, giữa những căng thẳng sinh ra bởi sự bất bình, kỳ thị chủng tộc, chơi ma túy và việc cạnh tranh để không trở thành người Mỹ cuối cùng chết cho một chính nghĩa mà đông đảo người cho là đầy tai tiếng. Một ảo tưởng lan truyền cho rằng binh sĩ được phép từ khước chiến đấu nếu như họ muốn thế. Vào tháng 3, 53 TQLC gần Khe Sanh không chịu ra trận, nhưng không lãnh hình thức kỷ luật nào; binh lính ở căn cứ yểm trợ hỏa lực Pace chống lại lệnh đi tuần tra. Tin tức về các hành vi đó lan đi, gây tiêm nhiễm cho các đơn vị khác. Một biểu hiện cực đoan là tai họa diễn ra tại Căn cứ Hỏa lực Mary Ann vào đêm 27-28 tháng 3 1971, trong đó có 30 lính đồn trú – ít người có thể được coi là làm tròn nhiệm vụ phòng thủ – bị giết chết và thêm 82 người bị thương. Mary Ann, được đặt tên theo em gái của vị chỉ huy đầu tiên, là căn cứ lụp xụp thường lệ đầy những côngtenơ thép và bao cát, bao vây bởi hàng rào kẽm gai và trang trí với một rừng cây ăng ten, trên một dãy đồi cằn cỗi ở giữa tỉnh Quảng Trị, cách biên giới Lào 30 dặm. Nó được Đại đội C thuộc 1/46th Bộ binh đồn trú, một bộ phận của Sư đoàn 23, mà tiếng tăm đã xuống thấp trong vụ thảm sát Mỹ Lai, trong đó Trung uý William Calley gần đây đã bị kết án. Binh sĩ Đại đội C không nghiêm túc thi hành nhiệm vụ của mình, vì còn vài tuần nữa là căn cứ được chuyển giao cho QĐVNCH, họ đã cử người quản lý các vị trí pháo.
Bình nhất Ed Voros nói: ‘Cuộc chiến không còn ý nghĩa gì nữa. Tất cả bọn chúng tôi đều cho nó là thứ chết tiệt … Chúng tôi chỉ ở đó, và căn bản là phải ráng đừng cho chết và giúp đồng đội còn sống.’ Binh nhất James Creaven nhất trí: ‘Chúng tôi không ngu ngốc. Chúng tôi biết mình đang rút quân, và chúng tôi cũng biết cả lính Saigon cũng không muốn chiến đấu cuộc chiến của mình. Tại sao phải liều mình cho những người thậm chí không trân trọng việc bạn có mặt ở đây? Những người duy nhất muốn ở lại đây là các sĩ quan chuyên nghiệp. Bất kì ai sốt sắng và muốn giết bọn gook đều khả nghi đến khó tin.’ Ra ngoài phục kích, Creaven và đồng đội thỏa thuận cho kẻ địch đến rồi đi không xây xát. ‘Bọn này không hề làm gì xằng bậy với tụi tôi.’
Kỷ luật trong 1/46th phần nào đó, dù không đến nỗi quá đáng, tồi tệ hơn nhiều đơn vị khác. Liên tiếp lặp đi lặp lại việc thoái thác tác chiến, có lần toàn thể đại đội đều không nghe lệnh. Trung uý Brian Magrath, cố vấn cho một đơn vị Miền Nam gần đó, nghe trao đổi trên máy truyền tin liên quan đến quân đồn trú Mary Ann ‘trong đó lính tuần tra từ chối đi vào một số vùng có tiếng đặc biệt nguy hiểm’. Một người lính của tiểu đoàn đã chết, và ba người khác gần như đi theo, sau khi cậy nắp lưng của một quả mìn Claymore để lấy thuốc nổ dẻo C-4 ăn, vì nghe tin đồn nói ăn vào sẽ phê. Đại uý Paul Spilberg viết thư về nhà kể về 1/46th: ‘Đại đội này quả là một mớ tạp nham … Binh lính ngồi túm tụm đọc báo, đánh bài … hầu hết thời gian họ không mang súng.’ Người viết được nhìn nhận là một quân nhân chuyên nghiệp cừ khôi, mạnh mẽ, nhưng một trung đội trưởng của anh nói: ‘Spilberg cứ nhắc nhở bọn trung uý chúng tôi hãy chỉ huy cho tốt binh sĩ, nhưng nếu chúng tôi có thái độ ta đây là trung uý và các anh phải làm theo những gì tôi bảo, thế nào rồi cũng ăn lựu đạn.’
Các sĩ quan cao cấp thường nói những gì xảy ra tại Mary Ann biểu thị một sự thất bại trong việc lãnh đạo. Trung tá Bill Doyle, người gốc Ái Nhĩ Lan, lùn thấp, chắc nịch, 39 tuổi, Chỉ huy tiểu đoàn, gan dạ đến mức bất cẩn. Các sĩ quan và hạ sĩ quan chuyên nghiệp của Doyle là một nhóm bung xung, một số có năng lực, một số chả ra gì. Trong một cuộc đấu pháo tháng 2, một trung uý Đại đội C điều chỉnh pháo trúng ngay trung đội mình, giết chết một người. Một vấn nạn nền tảng đối đầu với tất cả chỉ huy: họ dám yêu cầu binh sĩ mình tới đâu mà không sợ bị ăn lựu đạn, và tệ nhất là khước từ tác chiến tập thể – tức là nổi loạn, mặc dù quân đội ngại sử dụng danh từ đó? Mỗi ngày đều có thỏa thuận, gây bẽ mặt cho các chỉ huy tài giỏi, về chiến dịch nào binh sĩ muốn hoặc không muốn đảm nhiệm. Đại đội D của 1/46h có lần không chịu càn quét trừ khi có quân khuyển, trực thăng tác chiến Cobra và một chiếc Huey tản thương vần vũ trên đầu. Chỉ sau khi được Trung tá Doyle giải thích cặn kẽ binh sĩ mới bất đắc dĩ chịu ra khỏi trại.
Một tháng sau sự kiện đó, vào đêm không trăng 27 tháng 3 tiểu đoàn trưởng đang say ngủ tại trung tâm hành quân của Mary Ann, Đại uý Spilberg cũng thiu thiu trong một khu ở khác. Nhiệm vụ phòng thủ nằm trong tay Đại đội trưởng C Đại uý Richard Knight, một người đeo kính cận 24 tuổi đã bỏ đại học để gia nhập quân đội. Là con trai một chủ nhà hàng Florida, Knight là một sĩ quan năng nổ đang trải qua thời hạn thứ hai, sau khi bị thương nặng vào năm 1968. Nhưng anh không đủ cứng rắn và uy quyền để thuyết phục binh sĩ mình, bảo vệ vành đai chiều dài 500 ya và rộng 200 ya, và cắt người canh giữ tất cả 22 boongke. Hoặc để đặt lại thiết bị nhả pháo sáng và mìn Claymore. Hoặc làm mới lại hàng rào kẽm gai. Hoặc tỉnh thức canh gác. Hoặc nhịn rượu và ma túy. Tập thể sĩ quan, nhân viên điện đài, đội súng cối, pháo binh, bộ binh, đầu bếp và các bộ phận linh tinh trên căn cứ hỏa lực gồm tất cả 231 người Mỹ và 21 lính QĐVNCH.
Một phần tư quân số được cho là đang canh gác. Tuy nhiên, một sự tự mãn gần như điên rồ khiến cho hầu hết những người được giao nhiệm vụ theo dõi vành đai Mary Ann, vốn chưa hề nếm đòn bị tấn công, điềm nhiên ngái ngủ, đánh bài, nhậu rượu hoặc phê cần sa – việc tiêu thụ rượu thả giàn thì không thể tranh cãi, còn vụ phê ma túy thì vẫn còn được bàn luận. Knight giao việc giám sát cho các trung đội trưởng và hạ sĩ quan chuyên nghiệp lè phè. Lúc 02:00 một đèn pha 23-inxơ gắn trên xe jeep quét qua khu vực vượt quá hàng rào kẽm gai của căn cứ, như binh lính thường làm mỗi đêm. Không thấy gì, sau 20 phút họ tắt đèn, tắt máy phát điện, trở về phòng ngủ.
Một hôm cũng vào giờ này, tại một căn cứ hỏa lực khác một cựu đặc công Miền Bắc đã chiêu hồi thị phạm cho các sĩ quan Mỹ cách vượt qua hàng rào kẽm gai bảo vệ vành đai căn cứ hỏa lực. Creighton Abrams nói: ‘Đây quả là một trải nghiệm gây sốc. Họ nhìn thấy một nhân vật nhỏ thó bước ra và vượt qua thứ quái quỷ đó như thể nó không có ở đó, và không gây ra một tiếng động.’ Và đó là những gì họ làm trên quy mô lớn tại Mary Ann lúc 02:40 ngày 28 tháng 3: khoảng 50 đặc công chỉ mặc quần đùi xanh rêu, thân thể trần trụi bôi đen bằng dầu và than, tiến hành một cuộc đột kích được lên kế hoạch tỉ mỉ. Họ đến từ phía tây-nam, trườn người tiến tới cắt bốn lỗ hổng lớn trước tiên, tại vòng rào kẽm gai ngoài cùng, rồi tiếp theo là hai hàng rào bên trong, không được bảo trì tốt. Họ nằm chờ một thời gian ngay trước các boongke, đợi loạt đạn súng cối làm hiệu lệnh xung phong. Việc đầu tiên người Mỹ nhận ra được sự xuất hiện khủng khiếp này là một cơn địa chấn các túi ghết thuốc nổ, lựu đạn, các hộp khí hơi cay CS và hỏa lực AK-47 trong bóng đêm, gây kinh hoàng và tê liệt. Đại uý Knight bị giết một cách ô nhục trong boongke mình cùng với trung sĩ truyền tin. Bộ đội xung phong vào căn cứ, bắn và đánh bom với sự hiệu quả lạnh lùng, lần lượt ném thuốc nổ vào trong mỗi khu vực nghỉ ngơi, trong khi hai đội phá hoại chạy đến các ụ pháo trên đỉnh đồi.
Đặc công đột kích tuyển ra từ tiểu đoàn Đặc công 409, và trận tấn công tiến hành sau hai tháng thám sát Mary Ann. Họ tiến hành thăm dò vành đai vào ban đêm, để vạch ra lộ trình đột phá qua hàng rào. Những chỉ dẫn được thể hiện trên mô hình trận địa, và mỗi tiểu đội trưởng nghiên cứu các mục tiêu của mình từ một trạm quan sát. Vào buổi chiều trước đêm hành động, sự xuất hiện bất ngờ của các trực thăng và máy bay chỉ điểm L-19, cùng với các báo cáo về các cuộc tuần tra của lực lượng đặc nhiệm Mỹ gần đó, khiến các đặc công sợ rằng chiến dịch của mình bị phá hỏng. Cho dù khi báo động này cho thấy không có căn cứ, sau khi đêm xuống ánh đèn pha của Mary Ann chợt lóe sáng thình lình khiến cả bọn đứng tim trong phút chốc, trong lúc 8 mũi tiến công nằm bất động trong đám kẽm gai rối rắm. Một số, không nghi ngờ gì nữa, suy nghĩ trên chiếc bụng rỗng của mình: các đặc công đã ăn khẩu phần thiếu thốn nhiều ngày liền, và tiến hành cuộc công kích sau một bữa súp khoai mì.
Quân đồn trú đáp ứng trước cơn mưa chất nổ bằng cách nằm co rúm im thin thít trong boongke, hoặc do hoảng sợ hoặc tưởng chỉ là loạt súng cối. Trái với mệnh lệnh hiện hành của lữ đoàn, Trung tá Doyle không cắt người bảo vệ bên ngoài trung tâm hành quân. Vì vậy ông hết hồn khi một túi thuốc nổ ném vào phát nổ, thổi bắn ông xuống sàn và làm bị thương nhẹ ở chân. Đại uý Spilberg xuất hiện tay nắm chặt khẩu súng lục, vừa ho sặc sụa vừa nói, ‘Thưa ngài, họ xài hơi cay CS!’ Vị trung tá há hốc, ‘Không phải chứ, mẹ kiếp!’ Hoảng loạn tăng lên khi họ sờ soạng tìm mặt nạ.
Các đặc công chạy tới chạy lui, biết chính xác điều mình đang làm, trong khi quân đồn trú thì không. Người Mỹ chạy tán loạn ra khỏi phòng liên lạc khi phòng đầy khói vàng. Gần như mọi đường kết nối vô tuyến đều bị sập, mặc dù một điện đài viên trên một tần số pháo còn lại yêu cầu bắn pháo sáng. Tuy nhiên, anh không báo cáo Mary Ann đang bị tấn công trên bộ, thành ra sở chỉ huy cấp trên vẫn còn hoang mang. Một bộc phá làm nổ tung thùng lựu đạn lân tinh trắng, làm bắt lửa boongke hành quân. Doyle vẫn còn tỉnh nhưng tâm thần chấn động, hoặc có lẽ chỉ bị sốc. Trong 30 phút tiếp theo hầu hết nhân sự Mary Ann đều nằm im thin thít, cầu nguyện kẻ thù không tìm ra. Ít người lấy được súng, vì thế hoặc họ tay không hoặc, tốt nhất là bấu được súng lục. Đặc công ria hàng loạt đạn AK-47 bất cứ chỗ nào thấp thoáng bóng lính Mỹ. Một số binh sĩ Mỹ nghe được tiếng kẻ địch kháo chuyện với nhau, nhìn họ ném các lon Coca-Cola lựu đạn trước khi đóng sầm cửa boongke để nén lực công phá.
Một số đặc công giựt phắt đồng hồ đeo tay khỏi cổ tay các binh lính Mỹ nằm sấp, hoặc chết hoặc giả chết. Một tên cúi xuống nói với một lính Mỹ bị thương bằng tiếng Anh – ‘Mầy ổn chứ, GI? Mầy chết rồi sao, GI?’ – trước khi đá vào người y với vẻ khinh bỉ. Người lính nín thở và nằm bất động trong khi ví tiền và đồng hồ của y bị nẫng mất. Trung uý Jerry Sams đã chỉ huy trung đội mình cả tháng trời mà không nghe thấy một tiếng súng bắn ra. Giờ, khi anh đang ra sức xỏ đôi giày bốt thì một quả lựu đạn phát nổ làm một mắt anh mù vĩnh viễn và thân thể bị nhiều vết thương do mảnh pháo ghim. Anh nằm ôm lấy nỗi thống khổ trong một côngtenơ: ‘Tôi có thể nghe họ đang tàn sát đồng đội của tôi!’ Tại một đầu mút căn cứ là dàn lựu pháo của QĐVNCH chưa hề bắn một phát nào. Bị nhấn chìm giữa luồng khí cay CS trong khu bếp ăn tập thể, các đầu bếp la thét kinh hoàng, và nỗi sợ hãi càng tăng thêm khi một trận mưa lựu đạn tiếp nối.
Chỉ có một số ít người chống trả. Người ta cho rằng Trung uý Barry McGee, một sĩ quan West Point, vốn là một võ sĩ quyền anh Găng Tay Vàng, không được binh lính mình ưa thích, giết một đặc công bằng tay trần trước khi bị bắn hạ. Tony Jorgensen dùng súng lục bắn một kẻ tấn công đá vào anh, nhưng rồi bị thương bởi quả lựu đạn của y, và nằm bê bết trên vũng máu lẫn lộn của Mỹ và Việt. Hai người tiếp tế, Louis Meads và William Meek, choáng vì tiếng lựu đạn nổ, nhưng cũng ráng ngóc đầu qua đống đổ nát để nhìn thấy hai tên tấn công thì thầm với nhau, sẽ bắn ai. Meek nói, ‘Tôi khấp khởi mừng thầm vì tôi biết thằng chó đẻ sẽ không truy lùng tôi.’ Lời tường thuật của Miền Bắc mô tả cuộc đấu vật tay đôi giữa Binh nhì Trung nhỏ con của họ với một tên Mỹ to còn cố hết sức xiết họng anh, kết thúc với việc anh cho nổ một quả lựu đạn kết liễu y. Một đặc công khác được cho là đánh vỡ sọ một lính phòng thủ bằng một đoạn ống tuýp thép của một bộc phá gậy.
Đại uý Spilberg mô tả Trung tá Doyle và hai người khác đấu vật với chiếc máy truyền tin vô dụng giữa đám cháy trong boongke chỉ huy. Một sĩ quan bị thương Ed McKay điên cuồng hét lên, ‘Chúng ta sẽ bị chết hết!’ Vị tá tát vào mặt y và quát to, ‘Câm cái mồm chết tiệt anh lại, trung uý!’ Hơi nóng trong boongke không thể chịu đựng được: những người bên trong lẻn chạy ra ngoài qua bóng đêm về phía một trạm sơ cứu gần đó, hoang vắng.
Các sở chỉ huy cao hơn vẫn còn chưa biết số phận của Mary Ann. Đèn chiếu sáng không soi rõ nhiều, vì căn cứ hỏa lực chìm trong khói từ các láng trại và quân nhu bốc cháy. Khi Spilberg đề nghị Doyle họ nên đi chuyển, viên trung tá còn sốc nên không đồng ý, bảo với vị đại uý, ‘Paul, muốn chúng ta chết hay sao.’ Nhưng quanh chỗ họ đang ẩn nấp ở phía nam căn cứ giờ đã im lặng. Các sĩ quan có thể nghe tiếng súng tiếp tục chỉ ở khu vực phía bắc, nơi địch đang bận phá hủy dàn pháo 155mm và bắn hạ các xạ thủ đang loạng choạng chạy ra khỏi doanh trại. Một pháo binh sau này ra làm chứng trước đội điều tra quân sự về các đồng đội mình: ‘Họ quá hoảng sợ và bấn loạn nên chạy tứ phía.’ Hai quân y gần như vấp ngã qua một trung sĩ nằm dưới đất với cả hai chân bị thổi bay mất.
Quân Miền Bắc ngừng cuộc đột kích lúc 03:25, 45 phút sau khi bắt đầu, lúc trực thăng tác chiến đầu tiên, một chiếc Huey Night Hawk có trang bị đèn hồng ngoại, xuất hiện trên căn cứ Mary Ann – đèn pha và đạn đánh dấu còn chiếu sáng được một số đặc công cuối cùng rút lui qua hàng rào kẽm gai. Liền đó một trực thăng tản thương đáp xuống. Trung sĩ John Calhoun, một trong những thương binh đầu tiên được di tản, đã bị bắn trúng 5 chỗ. Anh nói: ‘Tôi từ một nơi đã quen mổ heo. Bạn có thể nghe mùi đó khi moi ruột heo – và tôi có thể ngửi thấy mùi đó trên trực thăng bốc ra từ những vết thương ở ruột. Thật là một mùi buồn nôn, và còn những tiếng rên rỉ và rên siết và van nài không dứt.’
Trở lại căn cứ hỏa lực, trật tự dần dần được vãn hồi. Trung tá Doyle bước khập khiễng giữa các thương binh với một chân băng bó, nói đùa nhạt phếch với các ‘vết thương một triệu đô ‘ của các thương binh. Lửa vẫn còn cháy, và bóng tối thỉnh thoảng bị đâm toạc bởi các lóe sáng từ đạn dược phát nổ. Cánh quạt thổi thốc lên ngọn lửa khi lữ đoàn trưởng từ một trực thăng bước xuống, choáng váng trước cảnh tượng. Một phi công tản thương hỏi có cần túi đựng xác không. Một người lính trả lời: ‘Nhiều chừng nào tốt chừng nấy.’ Một số lính bị cháy thành than. Năm xác địch không toàn vẹn bị thiêu cháy nơi bãi rác, sau này được nhắc nhở là có thể khiến các sĩ quan liên đới vi phạm tội ác chiến tranh.
Phe tấn công rút đi trong thắng lợi vẻ vang, nhưng đối mặt với tình cảnh thiếu ăn hơn nữa: không có gạo, suốt bốn ngày sau đó họ phải sống bằng cây rừng. Họ nhìn nhận đã hy sinh 14 người và mang đi 21 người bị thương – cho thấy ít ra cũng có một thiểu số binh sĩ Mỹ chống trả hiệu quả. Tiếp theo sự ra đi của Doyle, một chỉ huy mới được bổ nhiệm đến Mary Ann. Ông lập tức áp đặt kỷ luật muộn màng. Vào ngày thứ hai khi Trung tá Clyde Tate đến, ông tìm thấy một chai rượu mạnh trong phòng hành quân, ông liền đập vỡ nát nó. Những người sống sót, ôm lấy nỗi tổn thương và dư vị cay đắng, tin rằng họ là nạn nhân của một ‘hoạt động gián’ – rằng binh sĩ Sài Gòn trong căn cứ hỏa lực, mà lán trại của họ không bị tấn công, đã cung cấp thông tin và có thể dẫn đường cho nhóm đặc công. Đây là điều tưởng tượng, nhưng phản ánh tình trạng thiếu tin cậy đang lan tràn giữa quân đội Mỹ và Miền Nam.
Báo cáo của tổng thanh tra Sư đoàn 23 kể một câu chuyện ảm đạm: những binh sĩ được giao nhiệm vụ canh phòng lại ngủ trong giờ trực; hầu hết đều tìm chỗ lẩn trốn thay vì giao chiến với địch. Ông đau lòng xác nhận rằng nhiều thương vong là ‘nạn nhân của việc chểnh mảng nhiệm vụ đáng ra họ phải làm’. Ông cũng nhìn nhận lòng quả cảm và tính chuyên nghiệp của bên tấn công. Đối với binh sĩ Mỹ, ông nói, ‘Dù miễn cưỡng cũng phải nhìn nhận là trong bất cứ tình huống cho trước nào VC/bộ đội đều có thể làm tốt hơn chúng ta … phần đông VC/bộ đội đều dường như tin tưởng vào tính đúng đắn của chính nghĩa mình … Điều ấy không thể nói với binh sĩ Mỹ và Miền Nam nói chung vào thời điểm mùa xuân 1971.’ Tư lệnh sư đoàn Thiếu tướng James Baldwin không muốn cách chức Doyle khỏi vị trí chỉ huy 1/46th, nhưng Abrams không đồng ý. Chính Baldwin cũng bị cách chức, cùng với chỉ huy lữ đoàn. Báo cáo của MACV, đưa ra vào tháng 7, cho rằng Đại uý Knight đã chết có tội ‘xao nhãng nhiệm vụ’, và chỉ mặt một số cá nhân chủ chốt là ‘thiếu năng lực ‘; Doyle may mắn thoát khỏi bị ra tòa án binh. Khi sự kiện về Mary Ann được tuồn ra ngoài, báo chí được một ngày rộn rã tưng bừng. Sau vụ Calley bị phanh phui và ra tòa, Quân đội Mỹ không còn ham muốn vạch áo cho người xem lưng. Westmoreland viết từ Washington: ‘Thư ký Quân đội và tôi muốn làm hết sức mình để giảm thiểu số thương tích tự mình gây ra mà Quân đội đang gánh chịu.’ Doyle được phép giữ lại bộ quân phục và cấp bậc, cho dù không còn ở các vị trí hành quân. Cả ông và Baldwin, cuộc sống của họ tàn tạ, chết tương đối trẻ. Những kẻ biện hộ cho hai người sau này tuyên bố rằng họ là dê tế thần. Điều này đúng tới một chừng mực khi thảm kịch phản ánh một tình trạng bất cập về định chế: tình thế đã trở nên khó khăn cho các chỉ huy ở bất cứ cấp bậc nào muốn áp đặt quyền hành của mình, muốn đòi hỏi từ các binh sĩ thậm chí các tiêu chuẩn tối thiểu về kỷ luật quân đội.
Không có sự cố đơn lẻ nào khác minh chứng quá sinh động tính điên rồ của việc đơn phương từ bỏ đánh nhau trong khi ở trong tầm với của quân địch. Người ta gần như không thể không tin rằng các sĩ quan cũng chấp nhận tính ù lỳ và thậm chí suy đồi đang khống chế căn cứ Mary Ann. Nhiều người sau đó tỏ ra thương hại lực lượng đồn trú bởi tổn thất của họ quá đau lòng. Nhưng gần như mọi người từ Trung tá Doyle trở xuống đều có phần đóng góp vào sự báo ứng của mình. Trung uý Brian Walrath, một cố vấn Mỹ làm việc gần Mary Ann, sau này viết: ‘Tôi ngờ rằng binh sĩ đồn trú tại Mary Ann không khác nhiều với phần đông binh sĩ… tại thời điểm đó.’ Có một vụ khác tương tự xảy ra vào ngày 21 tháng 5, khi một căn cứ hỏa lực bị pháo kích bởi 11 rốc két 122mm giết chết 33 binh sĩ Mỹ và làm bị thương 21 người khác, chủ yếu bởi vì tất cả họ đều ở trong phòng ăn khi cuộc pháo kích bắt đầu, rồi cùng chạy đến cùng một boongke bị đánh trúng trực tiếp.
Abrams nổi cơn thịnh nộ, vì đơn vị đã nhận được cảnh báo về một cuộc tấn công đến gần. Ông nói: ‘Bạn không nên đùa với thứ này (báo động tình báo]. Đùa với nó là đùa với sinh mạng con người.’ Lại cùng một sự cố xảy ra lần nữa tại LZ English, nơi các binh sĩ đang mải chơi bóng chuyền và tụ tập để xem phim khi kẻ địch tấn công. Abrams quát tháo bực tức, ‘Hỏng hết – hỏng hết bộ phận chỉ huy. Họ có tình báo … Tôi không biết họ suy nghĩ cái quái quỷ nào.’ Họ đang nghĩ đến việc hồi hương: một tháng sau vụ tấn công vào Mary Ann, người Mỹ rút khỏi ngọn đồi đó mãi mãi. Vào dịp lễ Giáng Sinh 1971, danh hài Bop Hope bị la ó khi đến trình diễn mua vui hàng năm như thường lệ cho binh sĩ còn ở lại Việt Nam.
2 ‘Dê Tế Thần’
Các sĩ quan cao cấp Mỹ nhận ra rằng cho dù có trận giao tranh tiến bộ nào xảy ra đi nữa, thì đội hình tác chiến của họ sẽ không còn đóng một vai trò có ý nghĩa. Fred Weyand nói vào tháng 5 1971: ‘Không lực của chúng ta là chất kéo gắn kết mọi thứ này lại với nhau … Nếu không có không lực đó, vốn có sức mạnh đánh đuổi quân địch đến chân tường, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng tất tồi tệ, và vậy mà bọn người ở Washington vẫn muốn đập đầu nó.’ Ý ông muốn nói trước sức ép chính trị liên tục, Quốc Hội đang tìm cách cắt giảm ngân sách quốc phòng, trong đó có Không lực Mỹ cũng như sự hiện diện của lục quân tại Việt Nam. Khi binh sĩ Mỹ hồi hương, không lực trở nên vũ khí chủ yếu trong tay Nixon và Kissinger. Giữa tháng 3 1969 và tháng 5 1970, tổng thống đích thân uỷ nhiệm 4,308 lượt xuất kích B-52 đánh các mục tiêu ở Miên, thậm chí không tiết lộ cho trưởng Không lực Hoa Kỳ Tướng John Ryan biết. Trước khi bay các sứ mạng qua Miên và Lào, các phí hành đoàn được yêu cầu ký tên vào một thỏa thuận giữ bí mật: vì Hà Nội phủ nhận việc có mặt của bộ đội trong các xứ sở đó, nên giới lãnh đạo của họ ít khi lên tiếng tố cáo các chiến dịch bất hợp pháp của Mỹ tại đó. Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược giữ hai xấp báo cáo hậu hành động, một được lưu hành rất hạn chế, xác định các mục tiêu thực sự; xấp kia ghi chép các vụ tấn công hư cấu bên trong lãnh thổ Miền Nam.
Tuy nhiên, một vụ lừa dối tương tự khác ít được biết đến, nhưng soi rọi một cách lạ thường vào cung cách người Mỹ điều hành chiến tranh trong những ngày tháng đó. Từ 1969 trở đi, Nixon ép buộc các chỉ huy không lực của mình đánh phá Miền Bắc dữ dội như có thể, bất cứ nơi đâu có thể. Ông đã hình thành một quan điểm coi thường giới quân sự, hay phàn nàn là họ dè dặt. Tuy nhiên, vì lý do quốc nội, hành pháp không muốn tìm cách điều chỉnh Quy tắc Giao Tranh theo hướng leo thang – vốn sẽ lôi kéo sự chú ý không được chào đón của Quốc Hội và giới truyền thông.
Vào những tháng cuối năm 1971 đích thân tổng thống ủy quyền tiếp tục đánh phá các căn cứ xe bọc thép và xe cơ giới ở phía bắc vùng Phi Quân Sự. Đây là những biện pháp hoàn toàn hợp lý chống lại quân địch đang tập trung lực lượng cho cuộc công kích mùa xuân, nhưng lại vi phạm Quy tắc Giao tranh đã được thiết lập. Vào tháng 11 Đô đốc Thomas Moorer, chủ tịch Tham mưu Liên quân, bảo với Trung tướng Jack Lavelle, chỉ huy Lực lượng Không lực 7 tại Sài Gòn, hãy phái các chuyến bay trinh sát trên căn cứ không quân Đồng Hới ở Miền Bắc, bởi vì cộng sản chắc chắn sẽ bắn vào chúng, do đó Mỹ có cớ để dội bom. Đây là một vấn đề sẽ trở thành trung tâm trong cái gọi là Tai tiếng Lavelle. Quy tắc Giao tranh phổ biến từ 1968 cho phép máy bay Mỹ tấn công dàn pháo và vị trí tên lửa ở Miền Bắc chỉ khi chúng khai hỏa trước tiên, và được phép tấn công vào các trạm ra đa chỉ khi chúng điều khiển vô tuyến cho các chiến đấu cơ MiG-21 bắn vào các phi cơ Mỹ. Cho dù các hạn chế này vô lý một cách hợp lý, chúng là văn bản thiêng liêng tại thời điểm khi mà nhiều thành viên Quốc Hội muốn sử dụng mọi nguồn lực để khép lại cuộc chiến.
Quy tắc Giao Tranh cho phép một mức độ lý giải nào đó – chẳng hạn, ủy quyền tấn công các trạm ra đa được biết đã theo dõi tự động các máy bay Mỹ, trước khi các dàn phòng tên lửa kết nối có thể khai hỏa. Nhưng trong tháng 12 1971 người cộng sản bắt đầu khai hỏa tên lửa SAM ngay lập tức với việc theo dõi tự động ra đa, không cho phép phi công nhận được cảnh báo phát ra.
Tình trạng bối rối gia tăng trong đầu óc các nhân viên phi hành và chỉ huy về mức độ đến đâu họ có thể phát động các cuộc tấn công không bị khiêu khích vào các dàn phóng của địch có khả năng bắn hạ phi cơ ta. Nhạc nền phát ra từ Nhà Trắng không chút nghi ngờ: Nixon muốn gây tổn thương cho phe cộng. Ông hay than phiền không lực chưa làm đủ đô, một phần vì đánh bom bằng ra đa trong thời tiết u ám thường không hiệu quả. Vào tháng 12 1971, Tướng Ryan đến thăm căn cứ Udorn ở Thái Lan và bảo với phi hành đoàn là mình bất mãn cay cú với ‘thành tích khốn khổ’ của họ’. Nhưng khi bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird đến thăm Sài Gòn và Trung tướng Lavelle yêu cầu nới lỏng Quy tắc Giao Tranh, Laird khước từ. Thay vào đó, vị bộ trưởng nói, vị sếp Không lực 7 nên ‘sử dụng tối đa quyền hành chúng ta có và ông ta sẽ hậu thuẫn chúng tôi tại Washington ‘. Nhưng một tháng sau đó Laird, vốn không thuộc nhóm thân cận Nhà Trắng, nói ngược lại là chỉ nên tấn công các ra đa nếu chúng đang điều khiển các MiG ‘đang bay không phận và có thái độ thù địch’.
Vào ngày 2 tháng 2 1972, Đô đốc Moorer bảo với Nixon rằng mình đã chỉ đạo cho Creighton Abrams – trong tư cách là cấp trên của Lavelle – hãy tăng cường việc trinh sát sân bay và bảo đảm là các máy bay thám thính được yểm trợ mạnh mẽ bằng phi cơ ném bom, và nếu các phi cơ này bị bắn, điều luôn xảy ra, thì ông ta phải oanh kích sân bay, và chúng ta cứ làm một loạt hoạt động theo kiểu này, thưa ngài.’ Tổng thống nói: ‘Tôi chỉ muốn biết chắc là QTGT được lý giải rất, rất là thoáng.’ Ngày hôm sau ông chỉ thị cho Đại sứ Ellsworth Bunker, người đang viếng thăm Washington, là ông ta phải về bảo lại với Abrams, ‘Ông ta có thể đánh các dàn SAM, chấm hết? Nhưng không được khuấy động công luận … Và, nếu việc đó vỡ lở… ông nói đó là “một đánh trả trong phản ứng phòng vệ”.’
Nhưng các hoạt động như thế giờ dẫn đến rắc rối to. Vào tháng giêng, Lavelle, một phi công chiến đấu xuất sắc thời Thế chiến II, thực sự đã ra lệnh một ‘số đánh trả trong phản ứng phòng vệ’. Khi sau đó các phi hành đoàn tấn công cho biết quân địch không có đáp ứng gì, họ được cảnh báo không được ghi nhận điều này trong các báo cáo hậu hành động có tên OPREP-4 được vi tính hóa. Tháng sau, một chuyên viên tình báo tại căn cứ không quân Udorn tên Trung sĩ Lonnie Franks viết thư cho Thượng nghị sĩ phản chiến Harold Hughes, nói rằng phi hành đoàn đã làm báo cáo hậu hành động không trung thực để biện minh cho việc ném bom. Sau đó, câu chuyện được tung ra công luận. Tướng Ryan, vốn từ lâu có mối bất hoà với Lavelle, cử một tổng thanh tra không lực Louis Wilson đến Sài Gòn để điều tra các cáo buộc này. Ông ta báo cáo trở lại chứng cứ đáng nghi vấn nhất, là tư lệnh Không lực 7 đã ra lệnh thi hành các sứ mạng rõ ràng vi phạm QTGT. Lavelle lập tức bị triệu hồi về Washington và bị cho về hưu khỏi Không lực vì ‘lý do sức khỏe’ với cấp bậc Thiếu tướng, mất đến hai sao.
Tại thời điểm này, Tổng thống Nixon chưa biết gì hết. Nhưng ông họp riêng với Trung tướng John Vogt, tư lệnh Không lực 7 mới lên thay thế, với sự tham dự của Kissinger, tại đó ông bảo Vogt mình muốn không lực phải hung hăng hơn nữa. Vogt sau đó mô tả Nixon trong cuộc gặp gỡ này ‘tròn xoe hai mắt’. Rồi truyền thông đưa tin rò rỉ về vụ cách chức Lavelle lên trang nhất. Các cây bút chính luận chỉ trích gay gắt vị tướng đã thi hành một ‘cuộc không chiến riêng tư’, thách thức với các cấp trên của mình, trong đó ông đã lôi kéo các phi công và các chỉ huy phụ tá vào ‘một âm mưu sâu rộng’. Tại một buổi họp với Kissinger và ngoại trưởng Rogers vào ngày 14 tháng 6, lần đầu tiên Nixon tập trung vào vị tướng bị bôi nhọ: ‘Cái quái quỷ nào xảy ra vậy?’ Ông hỏi gặng. ‘Lavalle là ai? Ông ta có phải bị làm dê tế thần không? Nếu phải … như vậy là không tốt.’
Kissinger và Rogers giải thích bức thư của Trung sĩ Frank và những gì xảy ra tiếp theo. Tại một buổi họp khác cuối ngày đó, Kissinger nói: ‘Điều xảy ra với Lavelle là ông ta có lý do để tin rằng chúng ta muốn ông tiến hành các bước đi gây hấn hơn.’ Nixon đáp: ‘Vậy là đúng, vậy là đúng.’ Kissenger: ‘Và bỗng thình lình Laird dội xuống đầu ông ta một tấn gạch.’ Nixon: ‘Tôi không muốn người của tôi bị hành hạ vì làm những gì mình cho là đúng.’ Kissenger càu nhàu giới quân sự: ‘Tất cả họ gấu ó nhau như chó với mèo,’ điều này Nixon đồng ý. Rồi ông nói: ‘Chúng ta có thể làm gì để ngăn chuyện chết tiệt này không?’ Giờ thì đến trò chính trị vô tâm. Kissinger nói: ‘Tôi nghĩ rồi việc này sẽ đi vào quên lãng. Theo tôi chúng ta chỉ cần nói ôi chao … Chúng ta đã ra các bước sửa sai.’ Nixon thở dài theo đúng nghi thức trên nấm mồ sự nghiệp của Lavelle. ‘Đúng là một điều xấu hổ chết tiệt. Và một hình phạt tồi tệ cho ông ta, Henry.’ Đó là cái kết của một vị tướng không quân.
Kissinger không sai về việc chó mèo ‘gấu ó nhau’: Moorer ra làm chứng cho uỷ ban Thượng nghị viện vào tháng 9 1972 rằng ông đã không hề xúi giục các vụ không kích phản ứng tự vệ chống Miền Bắc – vốn là điều dối trá. Abrams cũng khai tương tự với uỷ ban điều trần: ‘[Lavelle] hành động trái với QTGT, và tôi nghĩ QTGT khác một chút với chính sách.’ Sự mơ hồ của Abrams cho thấy rõ cuộc chiến đã trở thành một mớ bòng bong các trò lừa dối. Việc Lavelle bị sa thải, vì thực thi các mong ước thường được vị tổng tư lệnh bày tỏ, gây ảnh hưởng tệ hại với các cấp trên của ông. Moorer và Ryan, và đúng là đã biến ông thành một ‘con dê tế thần’, dùng lời của Nixon. QTGT mà Không lực Hoa Kỳ được yêu cầu phải tuân thủ là điều khôi hài và giả đạo đức. Chỉ có một lựa chọn hợp lý duy nhất: đối với người Mỹ hoặc là tiến hành không chiến chống Miền Bắc hoặc không làm thế. Nhưng trong cái thế giới không ngừng loạn trí của giới hoạch định chính sách ở Washington, không hề tồn tại lý lẽ và lương thiện.
3 ‘Hãy đi về nhà thôi’
Creighton Abrams đã trở thành cái bóng của con người trước đây của mình, một bệnh nhân bị ung loét, lao phổi, huyết áp cao và nốc quá nhiều rượu mạnh: Nội các lý do này thôi, không kể việc đã đánh mất lòng tin cậy của Nhà Trắng, tưởng ông đã ra rìa, vậy mà ông vẫn ở lại với chức vụ, thật là đặc biệt. Một trong những trao đổi sống động giữa Nixon và Kissinger xảy ra vào sáng ngày 29 tháng 5 1971 ngay trước khi vị cố vấn an ninh quốc gia lao vào một vòng đàm phán bí mật mới. Ông phác họa các kế hoạch của mình nhằm giải quyết đúng lúc cho kỳ bầu cử tổng thống sắp tới: ‘Vậy chúng ta phải qua hết năm ’72. Tôi hoàn toàn yếm thế về điều này, thưa Tổng thống. ‘
Nixon: Vâng.’
Kissinger: ‘Nếu có thể, trong tháng 10 năm ’72, chúng ta sẽ đi khắp xứ rao rằng chúng ta đã kết thúc cuộc chiến và người Dân chủ muốn giao nó lại cho người Cộng sản…’
Nixon: ‘Đúng là vậy.’
Kissinger: ‘Thế thì chúng ta ổn rồi.’
Ông nói thoải mái về số phận khó tránh của Sài Gòn: ‘Nếu nó phải rơi vào tay người Cộng sản, tốt nhất là nó xảy ra trong 6 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ mới hơn là nó cứ tiếp tục và tiếp tục. ‘
Nixon: ‘Đúng vậy.’
Kissinger: ‘Tôi rất máu lạnh về điều đó. ‘
Nixon: ‘Tôi biết chính xác chúng ta đi đến đâu.’
Vào ngày 13 tháng 6 tờ New York Times bắt đầu cho in tài liệu được biết dưới tên Tài liệu Ngũ Giác Đài, báo cáo xếp loại tối mật được Robert McNamara ủy thác năm năm trước nhằm ghi lại với sự thẳng thắn lạnh lùng những gian đối và đánh giá sai khiến quốc gia phải dính líu vào Việt Nam. Mặc dù cơn phẫn nộ thoạt đầu của hành pháp trút vào đầu Daniel Ellsberg, viên chức đã làm rò rỉ nó, việc phát tán nó càng làm nhân dân Mỹ xác tín thêm nữa rằng lẽ ra họ không nên đến Việt Nam, và giờ đây cần sớm rời khỏi nơi bất hạnh đó càng nhanh càng tốt.
Alexander Haig nói rằng giờ ra ràng là Hoa Kỳ phải chấp nhận một chính phủ liên hiệp tại Sài Gòn, trong đó có đại diện của cộng sản. Tuy nhiên, đối với Hà Nội, điều này còn lâu mới đủ: họ khăng khăng đòi loại bỏ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với tính ngoan cố khiến tiến trình đàm phán bị sa lầy. Bộ Ngoại giao, trong sự đảo ngược tuyệt đối chính sách kéo dài hàng thập niên, thúc giục tổng thống Miền Nam vươn tay ra với người cộng sản. Nixon bảo với Kissinger vào tháng 7: ‘Họ biết họ đã nắm được thóp chúng ta.’ Vào cuối năm 1971, cả tổng thống và cố vấn của ông đều chấp nhận ngừng bắn-tại chỗ, hơn là tiếp tục khăng khăng đòi quân Miền Bắc rút khỏi Miền Nam.
Ắt hắn thành tựu quan trọng nhất và chắc chắn đầy sáng tạo nhất của tổng thống Richard Nixon – và đôi khi bị quên lãng – là tiến hành hoà hoãn với Trung Cộng. Trong thế kỷ 21 thật khó để hình dung cái khoảng cách vời vợi về phương diện chính trị, đạo đức, chiến lược mà chính quyền Mỹ phải vượt qua nhằm tìm kiếm một sự hoà giải thực tiễn với một chế độ mà trong gần một phần tư thế kỷ những người bảo thủ coi là cái nôi của điều ác; coi Mao Trạch Đông như kiến trúc sư tạo ra nỗi nhục lịch sử cho nước Mỹ, việc ‘đánh mất Trung Quốc’. Khi thai nghén bước tiếp cận mở đầu với Bắc Kinh, thực hiện qua trung gian các nước Đông Âu, Nixon và Kissinger có hai mục tiêu. Thứ nhất là khởi đầu một đối thoại sẽ làm sâu đậm thêm sự chia rẽ trong phe cộng sản, cô lập Liên Xô. Thứ hai, và thậm chí quan trọng hơn, là đẩy nhanh giải quyết hoà bình Việt Nam. Chính quyền Mỹ còn tin tưởng rằng việc Trung Quốc và Xô viết ngưng hậu thuẫn sẽ khiến nỗ lực chiến tranh của Hà Nội không còn khả năng thực thi được nữa.
Tất nhiên theo một nghĩa hẹp, họ nghĩ đúng. Nhưng họ tiếp tục đánh giá thấp sức ép ý thức hệ lấn át buộc Moscow phải duy trì hậu thuẫn Miền Bắc. Uy tin của Xô viết sẽ bị hủy hoại trong mắt phe xã hội chủ nghĩa nếu những nhà cách mạng anh hùng phe Lê Duẩn bị bỏ rơi trong những giờ phút thử thách của họ, và do đó việc này xảy ra là không hợp lý. Nhất là bây giờ Kissinger đưa ra một chỉ tiêu rất thấp chấp nhận được cho một thỏa thuận hoà bình. Ông viết trong sổ tay trên chuyến bay đến Bắc Kinh trong lần gặp gỡ bí mật đầu tiên với thủ tướng Chu Ân Lai vào tháng 7 1971: ‘Chúng tôi muốn một khoảng cách hợp lý.’ Ông có ý nói người Mỹ cần được rút đi trong danh dự trước khi Việt Nam rơi vào tay cộng sản.
Thông điệp này được lặp lại tại buổi gặp mặt thứ hai công khai tại Bắc Kinh vào tháng 10, làm toàn thể thế giới kinh ngạc và gây lo âu sâu sắc cho Hà Nội. Sau đó mọi dân Việt, Bắc cũng như Nam, đều chia sẻ một vấn nạn mới, tạo ra bởi sự kiện các nhà cai trị của hai cường quốc khổng lồ Trung Quốc và Hoa Kỳ bỗng trở nên quan tâm sâu rộng đến việc phát triển mối quan hệ song phương của mình hơn là đến số phận của Hà Nội hoặc Sài Gòn. Điều này không mang hoà bình sớm sủa cho Việt Nam, nhưng trở thành một nhân tố quyết định trong tiến trình ngoại giao bao quanh nó.
Khi Miền Nam tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sẽ cho thấy là lần cuối cùng của chế độ vào tháng 10 1971, trước sự bối rối của Washington và sự dè bỉu của thế giới, Nguyễn Văn Thiệu ra ứng cử độc diễn. Cả hai đối thủ của ông, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và Minh ‘Cồ’, đều rút đơn tranh cử, làm gia tăng tính bất hợp lí của việc dán nhãn hiệu cho chiến tranh Việt Nam là cuộc thập tự chinh vì dân chủ. Nhưng các nhà ra quyết định vẫn còn chưa đồng ý cho rằng việc di tản Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam là một cuộc thảm bại tuyệt đối,. Neil Sheehan buồn rầu nói: ‘Người Mỹ không hề có thể nuốt trôi ý nghĩ là mình phải ra đi.’ Khi Tom Polgar sắp sửa bay đến Sài Gòn với tư cách trưởng trạm CIA, ông bảo với Melvin Laird rằng mình không an tâm cho sự an toàn của gia đình mình ở đó. ‘Ồ, đừng lo lắng,’ vị bộ trưởng quốc phòng nói. ‘Chúng ta sẽ có một lực lượng ở lại Việt Nam trong 30 năm, giống như ở Đức.’ Nhưng các đợt rút đi của binh sĩ Mỹ diễn ra từng bước, cũng như các hậu quả khốc hại của chúng. Khi Lữ đoàn Dù 173 rời tỉnh Bình Định, việc bình định hóa sụp đổ và người cộng sản chiếm lấy quyền thống trị chính trị. Vào tháng 7 Bill Colby, bộ não của CORDS và Phượng Hoàng rời Việt Nam. Khi năm cũ khép lại, mặc dù vẫn còn 175,000 người Mỹ trên trận địa, hầu hết chỉ làm tròn chức năng yểm trợ: chỉ có hai sư đoàn tác chiến Mỹ ở lại, một trong đó bị vô hiệu hóa. Thậm chí trong số các đạo quân Úc tương đối vững vàng, trong các tháng cuối cùng thời hạn phục vụ 1971 của Trung uý
Rob Franklin anh nghĩ, ‘Tôi sắp sửa kết thúc việc này.’ Anh đã nuôi dưỡng một lòng tôn trọng sâu sắc đối với cộng quân – ‘những chiến binh thực sự đẳng cấp’ – cộng với lòng khao khát mãnh liệt của bản thân là không muốn chết tại thời điểm này của cuộc chiến. ‘Họ có thể gọi các cuộc hành quân là “tìm và diệt”, nhưng đến lúc đó tôi cảm thấy nên gọi “tìm và tránh’. Bạn có thể thấy chuyện này xong hết rồi.’ Một hôm Franklin đang dẫn đầu một trung đội đụng đầu với hai tên VC mà họ đi theo vào tận một đồn điền cao su. Chiều đã xuống, và ánh nắng đang nhạt nhoà. Franklin ra hiệu dừng lại. Trung sĩ của anh, Arthur Francis, hỏi: ‘Sao dừng lại vậy sếp?’ Trung uý trả lời: ‘Franger’ – biệt danh của Francis – ‘các gã này đã đi xa rồi. Hãy để họ đi đi. Còn chúng ta hãy về nhà thôi.’