Ba kịch bản cho kết thúc của chiến tranh ở Ukraina

Quảng trường Mykhailivska, Kyiv, Ukraine, ngày 22 tháng 5 năm 2022

Cù Tuấn dịch từ The Economist.

Nhà khoa học chính trị người Nga coi đây là cuộc đụng độ giữa các hình thái xã hội cũng như quân đội.

Cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Ukraina không phải là một cuộc xung đột sắc tộc: người Ukraina và người Nga đang chiến đấu ở cả hai bên chiến tuyến. Và chủ nghĩa dân tộc cấp tiến không phải là động lực chính cho sự phản kháng của người Ukraina – trái ngược với nhiều tuyên bố của Matxcơva. Nó cũng không phải là một cuộc chiến về tôn giáo. Cả Nga và Ukraina về cơ bản đều là các quốc gia thế tục, và sự phục hưng tôn giáo gần đây ở hai nước là khá nhạt nhòa. Theo quan điểm của tôi, cuộc chiến cũng không phải chủ yếu là về lãnh thổ (mặc dù các tranh chấp liên quan vẫn là một trở ngại lớn để đạt được một giải pháp hòa bình).

Xung đột này liên quan đến sự đụng độ giữa những cách thức tổ chức đời sống xã hội và chính trị rất khác nhau giữa hai quốc gia từng cùng nhau tạo nên phần lớn lãnh thổ của Liên Xô. Đó cũng là cuộc đối đầu về trí tuệ và tinh thần giữa hai tư duy: hai quan điểm về hệ thống quốc tế hiện đại và về thế giới nói chung; hai nhận thức trái ngược nhau về điều gì là đúng và điều gì là sai, điều gì là công bằng và điều gì là không, điều gì là hợp pháp và điều gì là bất hợp pháp, và về những gì mà người lãnh đạo quốc gia nên có.

Thật khó để tranh luận rằng Ukraina đã nổi lên như một hình mẫu của nền dân chủ tự do kiểu phương Tây. Nhưng đất nước này vẫn đang tiếp tục đi theo hướng đó – chậm rãi, không nhất quán và có những thất bại có thể hiểu được, và những lần trì hoãn không thể tránh khỏi. Ngược lại, Nga không phải là một quốc gia chuyên chế cổ điển của châu Á hay châu Âu, nhưng nước này đã rời xa mô hình dân chủ tự do trong ít nhất 20 năm qua. Xã hội Ukraina nói chung được tổ chức từ dưới lên, trong khi xã hội Nga có một quy trình từ trên xuống trong cốt lõi của nó. Ví dụ, kể từ khi độc lập vào năm 1991, Ukraina đã bầu 6 tổng thống. Mỗi tổng thống này đều giành được quyền lực sau các cuộc bầu cử đầy tranh cãi (và đôi khi rất kịch tính). Trong cùng thời gian, Nga chỉ được ba nguyên thủ quốc gia cai trị. Mỗi nhà lãnh đạo mới đều được lựa chọn cẩn thận và được người tiền nhiệm ủng hộ.

Các nhà sử học, nhân học văn hóa và xã hội học tranh luận về lý do của sự khác biệt đáng chú ý này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự không tương thích cơ bản này của hai mô hình tổ chức xã hội đã không chỉ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự huynh đệ tương tàn ở chính trung tâm châu Âu, mà còn quyết định cách hành động của mỗi bên trong cuộc xung đột. Từ nhân sự đến tuyên truyền và từ chiến lược đến quy chế, hai mô hình thời hậu Xô Viết đang được thử nghiệm để cạnh tranh nhau. Kết quả sẽ có hậu quả vượt ra bên ngoài châu Âu.

Ở Kyiv, họ có thể lập luận rằng các điều khoản của cuộc xung đột là không công bằng. Nga rộng lớn hơn, giàu có hơn và hùng mạnh hơn về mặt quân sự so với Ukraina. Mặt khác, Ukraina được sự thông cảm của quốc tế và sự hỗ trợ gần như không giới hạn về phòng thủ, kinh tế, nhân đạo và tin tức tình báo từ phương Tây. Nga chỉ có thể dựa vào chính mình và chịu sức ép của các lệnh trừng phạt đang ngày càng nhức nhối.

Nhiều chuyên gia Nga vẫn quen nói rằng, hỗ trợ quân sự khổng lồ từ phương Tây và những hỗ trợ khác là lý do duy nhất khiến Ukraina chưa sụp đổ hay đầu hàng cho đến nay. Nhưng câu chuyện này không giải thích được các nguồn động lực của Ukraina. Hãy xem xét Afghanistan, nơi mà tất cả sự hỗ trợ quân sự quy mô lớn dài hạn từ Mỹ và các đối tác đã không ngăn cản được cuộc tấn công không thể ngăn cản của Taliban vào năm ngoái. Mặc dù không thể so sánh trực tiếp hai cuộc xung đột này, nhưng thực tế trên chiến trường có vẻ rõ ràng: trong khi người Afghanistan vào năm 2021 không còn động lực để chiến đấu vì đất nước và các giá trị của họ, thì người Ukraina vào năm 2022 rõ ràng đã dám hy sinh.

Tiền cược trong cuộc xung đột này khó có thể cao hơn. Đó là về tương lai của hệ thống quốc tế và về tương lai của trật tự thế giới. Quan trọng nhất, đó là sự hiểu biết của chúng ta về bản thân xã hội hiện đại và do đó hiểu thêm về các mô hình phát triển xã hội và chính trị ưa thích của chúng ta.

Có ba kịch bản về cách cuộc chiến này sẽ kết thúc, và mỗi kịch bản sẽ gây ra những hậu quả địa chính trị to lớn. Nếu Điện Kremlin thua một cách dứt khoát trong tình trạng bế tắc hoành tráng này, chúng ta có thể sẽ chứng kiến ​​sự tái xuất hiện của thế giới đơn cực – mặc dù chỉ là ngắn hạn, vì chắc chắn Bắc Kinh sẽ phản đối sự sắp xếp này. Mặc dù Ukraina có thể là công việc chưa hoàn thành đối với ông Putin, nhưng bản thân địa vị của Nga lại là công việc chưa hoàn thành đối với nhiều quốc gia ở phương Tây. Chiến thắng cho Ukraina có thể dẫn đến một nước Nga được thuần hóa. Một nước Nga yên bình sẽ cho phép phương Tây đối phó dễ dàng hơn với Trung Quốc, và đây sẽ là trở ngại lớn duy nhất đối với quyền bá chủ tự do và “sự kết thúc của lịch sử” đã được chờ đợi từ lâu.

Nếu cuộc xung đột này dẫn đến một sự dàn xếp không hoàn hảo nhưng được cả hai bên chấp nhận, thì kết quả cuối cùng của sự va chạm giữa các mô hình Nga và Ukraina sẽ bị trì hoãn lại. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai mô hình tổ chức xã hội sẽ tiếp tục, nhưng tôi hy vọng là dưới một phương thức ít tàn bạo hơn. Một thỏa hiệp kém hoàn hảo giữa phương Tây và Nga có thể được đưa ra sau bằng một thỏa hiệp quan trọng hơn và cơ bản hơn giữa phương Tây và Trung Quốc. Nếu một thỏa thuận với ông Putin có thể thực hiện được, thì một thỏa thuận với Tập Cận Bình sẽ là một nối tiếp hợp lý. Tuy nhiên, một mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, năng lượng và sự linh hoạt về chính trị từ phương Tây. Điều đó sẽ dẫn đến sự cải tổ trật tự toàn cầu, với những thay đổi lớn đối với hệ thống Liên Hợp quốc, các quy tắc chung của luật quốc tế và các cải tổ tại IMF, WTO và các cơ quan khác.

Nếu không có thỏa thuận về Ukraina và xung đột kéo dài qua các chu kỳ ngừng bắn mong manh, sau đó là các vòng leo thang mới, thì khả năng các tổ chức toàn cầu và khu vực sẽ suy tàn. Các thể chế quốc tế kém hiệu quả có thể sụp đổ trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trang gia tăng, sự phổ biến vũ khí hạt nhân và gia tăng các cuộc xung đột khu vực. Sự thay đổi như vậy sẽ chỉ dẫn đến hỗn loạn hơn trong những năm tới.

Việc đánh giá xác suất xảy ra của bất kỳ trường hợp nào trong ba trường hợp đã nói ở trên là cực kỳ khó – quá nhiều biến số độc lập có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc xung đột. Tôi coi kịch bản cải cách, trong đó một thỏa thuận được hai bên đồng ý để chấm dứt chiến tranh, là lựa chọn tốt nhất cho tất cả mọi người. Những kịch bản khác sẽ dẫn đến thay đổi quá nhanh hoặc ngăn chặn các thay đổi thật sự cần thiết; trong cả hai trường hợp trên thì rủi ro chính trị sẽ tăng đáng kể. Nếu xung đột Nga-Ukraina kích hoạt một quá trình chuyển đổi dần dần, có trật tự và phi bạo lực, khiến trật tự toàn cầu trở nên ổn định hơn, thì điều đó có nghĩa là nhân loại đã không để những hy sinh của Ukraina bị lãng phí.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s