Câu chuyện bên trong Chernobyl trong thời gian Nga chiếm đóng

Cù Tuấn dịch từ The Economist

Các nhân viên bị mắc kẹt giữa hai nguồn biến động: binh lính đối phương và chất thải phóng xạ.

1: Cuộc đột nhập trái phép của các bạn trẻ và sự xuất hiện của người Nga tại nhà máy điện nguyên tử.

Vào ngày 22 tháng 2, bốn người bạn ở độ tuổi 20 đã lén đột nhập vào khu vực cấm Chernobyl một cách bất hợp pháp. Họ đã lên kế hoạch để đi trên dây cao: buộc dây cáp qua những điểm cao đến mức chóng mặt, rồi đi qua sợi cáp đó để tìm kiếm niềm vui và sự nổi tiếng trên Instagram. Họ đã từng lẻn vào Chernobyl trước đó và vào tối ngày 23 tháng 2, họ cắm trại trên tầng 15 của một tòa nhà ở Pripyat, thị trấn đã bị bỏ hoang sau khi lò phản ứng này phát nổ vào năm 1986. Các thanh niên này thức dậy sớm vào ngày hôm sau, lên kế hoạch cố định cáp của họ giữa hai trong số các khối chung cư cao nhất ở đó.

Họ nghe thấy những tiếng bom đầu tiên ngay trước 5 giờ sáng. Tên lửa bay rào rào trên đầu và vệt khói của các máy bay chiến đấu vạch rõ trên bầu trời còn tối đen. Họ biết họ phải thoát ra ngoài ngay. Nhóm thanh niên đến trạm kiểm soát đầu tiên bên ngoài Pripyat, và nhìn thấy đèn ở đuôi của một chiếc ô tô đang lái đi. Không có cảnh sát đặc biệt nào của Chernobyl ở trạm kiểm soát thứ hai, chỉ có các nhân viên an ninh dân sự, và những người này tỏ ra không chắc chắn về bất kỳ cái gì. Khi trời bắt đầu hửng sáng, một tiếng còi báo động không kích vang lên. Các lính canh nói với họ rằng tốt hơn hết họ nên đến tòa nhà quản lý chính để hỏi cho rõ.

Lúc 8 giờ sáng, Valentin Geiko, người phụ trách ca trực tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, đã phát báo động khẩn cấp. Anh gọi điện cho các trưởng bộ phận tại chỗ, để nói với họ về các báo cáo về các vụ nổ do pháo kích trên khắp Ukraina và việc nhìn thấy máy bay Nga ở trên vùng trời Chernobyl. Anton Kutenko, nhân viên làm việc trong lĩnh vực quản lý chất thải hạt nhân, đã gọi cho vợ, hiện đang chăm sóc hai con trai nhỏ của họ. “Khi nào anh về đến nhà?” Cô vợ đã hỏi Kutenko. “Anh không biết,” anh ta trả lời.

Ca đêm thường kết thúc lúc 9 giờ sáng khi một chuyến tàu sẽ đưa công nhân trở lại Slavutych, thị trấn đóng vai trò ký túc xá phục vụ nhà máy điện này. Do một sự tình cờ của lịch sử và địa lý, tuyến đường sắt đó chạy qua một phần của Belarus, quốc gia mà từ đó Nga tiến hành cuộc xâm lược (chuyến tàu không dừng lại ở đó và không có việc kiểm tra hộ chiếu). Tin tức nhanh chóng được lan ra thông qua việc một phần của đường ray đã bị dỡ bỏ và cây cầu đường bộ bắc qua sông Dniepr đã bị đặt mìn nổ tung. Việc luân phiên thay ca đã bị hủy bỏ. Khi đó có 103 nhân viên túc trực tại nhà máy điện nguyên tử này. Không ai được về nhà.

Một lúc sau, bốn thanh niên xuất hiện ở lối vào phía trước của tòa nhà chính, mang theo máy ảnh GoPro, dao tiện ích và một thiết bị bay không người lái. Họ nói rằng họ đến đây để cắm trại và yêu cầu được sơ tán. Valeriy Semenov, người đứng đầu bộ phận an ninh, có vẻ tin vào câu chuyện của họ, mặc dù anh nói với họ với giọng nửa đùa nửa thật rằng họ trông giống như một bọn phá hoại. Nhưng anh biết họ không có hy vọng thoát ra ngoài. Đã có báo cáo về sự xuất hiện của xe tăng Nga ở phía nam. Anh quyết định nhốt họ ở dưới tầng hầm.

Còi báo động có không kích kêu lên trong suốt thời gian còn lại của ngày. Hầu hết nhân viên được lệnh đến boongke bên dưới tòa nhà chính. Kutenko ở lại với một đồng nghiệp trước hàng loạt màn hình hiển thị nhiệt độ, độ ẩm và áp suất không khí của các kho chứa phóng xạ khác nhau.

Vào lúc 16 giờ 15 phút chiều, Semenov nhận thấy một vệt mờ di chuyển nhanh qua một trong 25 màn hình trước mặt anh. Nó đang đến từ biên giới Ukraina – Belarus. Semenov nói với tôi: “Tôi có thể biết qua hình dạng và lượng bụi rằng đó là một phương tiện quân sự hạng nặng. Tiếp theo là một hình dạng vô định hình khác, sau đó là các hình ảnh rõ ràng của ba chiếc xe thiết giáp chở quân và một đoàn xe tải. Trên một màn hình khác, Semenov nhìn thấy những người đàn ông mặc đồng phục đen xuống xe tại một trạm kiểm soát.

Trong vòng ba phút, quân Nga đã có mặt tại cổng vào. Họ xếp một hàng xe bên ngoài tòa nhà, trong đó có một chiếc xe tăng. Nhìn vào đoạn video CCTV, Semenov gọi cho Geiko để báo rằng có 9 kẻ đột nhập đang xông vào cửa quay chính. “Đúng vậy, tôi có thể nhìn thấy họ qua cửa sổ,” Geiko nói. “Họ đang chĩa súng vào tôi.”

***
Chernobyl là biểu tượng của một thất bại lớn. Đó cũng là biểu tượng của lòng dũng cảm, sự hy sinh và không ngừng nỗ lực. Những người làm việc ở đây cảm thấy tự hào và yêu mến nơi xa lạ và nguy hiểm này. Họ bảo vệ ký ức về vụ tai nạn và những người đã chết trong đó cũng như nguyên tắc đổi mới mà khu di tích này hiện đang đại diện. Nhiều người đã bị nhiễm độc ở đây và buộc phải rời xa nơi này. Khi thiếu vắng con người, vùng đất này đã trở thành một loại vườn địa đàng, nơi thiên nhiên đã tự chữa lành vết thương cho chính nó. Rừng ở đây đầy gấu, nai sừng tấm và sói, và dần dà khu rừng đã lấn chiếm thị trấn hoang vắng này.

Lò phản ứng số 4 phát nổ vào ngày 26 tháng 4 năm 1986. Đây là vụ tai họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, đứng đầu về số người chết và chi phí cho việc dọn dẹp. Vụ nổ đã làm tan chảy nhiên liệu hạt nhân, đốt cháy chúng xuyên thủng vỏ lò phản ứng và hợp nhất thành một khối dung nham hạt nhân lóng lánh. Hơn 130 lính cứu hỏa và kỹ sư đã phải nhập viện với hội chứng bức xạ cấp tính, và 30 người trong số họ đã chết. Sau đó, lò phản ứng số 4 được bao phủ trong một hộp bê tông nặng khoảng 30.000 tấn để chặn tia phóng xạ. Một vùng cấm được tạo ra với bán kính 30 km – một nửa ở Ukraina, một nửa ở Belarus – và nó là một trong những nơi bị ô nhiễm phóng xạ nhiều nhất trên Trái Đất. Bụi phóng xạ gây ra ung thư và dị tật bẩm sinh. Bức xạ nền bình thường ở Ukraina có thể lên tới 300 nanosieverts mỗi giờ; trong khu vực cấm con số đo được dao động khoảng 10.000 nanosieverts mỗi giờ.

Trong những tháng sau vụ nổ hạt nhân, hàng nghìn kỹ sư và công nhân đến từ khắp Liên bang Xô viết để giúp đỡ cho việc dọn dẹp. Những người này, được gọi là “người thanh lý”, được ca ngợi như những anh hùng. Vì Pripyat đã không thể ở được, một thị trấn mới, Slavutych, được xây dựng để làm nơi ở cho những người mới đến và nhân viên của nhà máy. (Các lò phản ứng khác không bị hư hại và Chernobyl tiếp tục hoạt động như một nhà máy điện nguyên tử cho đến khi nó ngừng hoạt động vào năm 2000.)

***
Slavutych là một thị trấn dễ chịu, nằm trong một khu rừng thông giữa biên giới Belarus và sông Dniepr. Nó được xây dựng từ nỗ lực hợp tác giữa các nước cộng hòa khác nhau của Liên Xô: các kiến ​​trúc sư từ Armenia, Azerbaijan, Estonia, Georgia, Lithuania và Uzbekistan, cũng như Nga và Ukraina, đã thiết kế các quận khác nhau.

Nhưng việc dọn dẹp vẫn đang diễn ra. Nhà máy điện hiện đang sử dụng 2.600 người – đầu bếp, kỹ sư, y tế, nhân viên bảo vệ – và khoảng 6.000 người nữa làm việc trong các văn phòng và phòng thí nghiệm, cũng như các ký túc xá và cửa hàng phục vụ họ. Ngoài ra còn có hai trạm cứu hỏa đặt tại khu vực cấm này, dành cho các trường hợp khẩn cấp trong nhà máy điện nguyên tử và để giải quyết các vụ cháy rừng vào mùa hè. Trước đại dịch, hơn 100.000 khách du lịch đã đến thăm mỗi năm – theo một hướng dẫn viên du lịch, bạn có thể an toàn dành từ một đến năm ngày ở Pripyat, tùy thuộc vào mức độ bức xạ xung quanh.

Kateryna Shavanova, một nhà sinh vật học đã tiến hành nghiên cứu ở Chernobyl trong mười năm qua cho biết: “Đó là quá khứ, hiện tại và tương lai. “Có một bức tượng của Lenin, các ký túc xá thời Xô Viết mà chúng tôi ở… Và sau đó là vòm che mới này trên lò phản ứng đã bị phá hủy, đây thực sự là công nghệ tiên tiến.”

***
Một tuần trước khi Ukraina bị xâm lược, số lượng binh sĩ được triển khai tại Chernobyl đã tăng gấp đôi, lên hơn 170. Sau khi người Nga đến, người Ukraina đều xếp hàng để giao lại vũ khí của họ. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về quyền kiểm soát nhà máy đã bắt đầu. Geiko, Semenov và hai chỉ huy quân đội đại diện cho phía Ukraina; Phía Nga bao gồm một tướng lĩnh và một đại tá. Semenov quan sát thấy má của vị tướng này co giật có vẻ do căng thẳng.

Geiko giải thích rằng Chernobyl là một công trình nguy hiểm đặc biệt vì có nhiều nguồn bức xạ xung quanh khu vực này. Ông khăng khăng đòi ông và các nhân viên Ukraina của mình phải được quyền kiểm soát hoạt động. Cuộc thương lượng kéo dài trong gần ba giờ. Xuyên suốt thời gian này, Semenov có thể nghe thấy tiếng máy xe của một đoàn xe quân sự đang tiến về phía nam tới gần Kyiv.

Các nhân viên người Ukraina biết rằng một vụ xả súng bên trong nhà máy có thể có hậu quả rất thảm khốc: thiết bị có thể bị hư hỏng và các kỹ thuật viên thiết yếu có thể bị thương. Họ cũng hiểu rằng giờ đây họ đã nằm sâu phía sau chiến tuyến. Không có cơ hội nào để quân đội Ukraina đến giải phóng họ.

Semenov đề xuất rằng các binh sĩ Nga chỉ được phép vào tòa nhà hành chính và một số khu vực khác. “Chúng tôi muốn ngăn họ đi lại trong nhà máy nhiều nhất có thể.” Đặc biệt, Semenov cần phải ngăn họ lại gần các khu vực xử lý năng lượng, vốn là một loạt các tòa nhà được sử dụng để xử lý các lò phản ứng không còn hoạt động. “Đó là buồng lái,” ông giải thích, “là khu vực bạn không muốn những kẻ khủng bố đi vào”.

Geiko và Semenov vẽ ra với những mô tả về các giao thức, tình huống dự phòng và cảnh báo thảm khốc, khiến những sĩ quan Nga mệt mỏi. Hai người ra sức thuyết phục, rằng sự an toàn của nhà máy này sẽ không thể được đảm bảo nếu súng được phép sử dụng trong các khu vực làm việc. “Chúng tôi đã đạt được mục tiêu đàm phán của mình. Họ đã sống tại đây với chúng tôi theo quy tắc của chúng tôi, ”Semenov nói. Lãnh đạo nhà máy đã cấp 170 thẻ ra vào cho người Nga nhưng chỉ 15 người trong số họ được cấp quyền tiếp cận khu vực chứa chất thải hạt nhân. Có rất nhiều binh sĩ Nga nằm la liệt trên hành lang đến nỗi Semenov phải bước qua họ để vào nhà vệ sinh.

Tại thời điểm đó, Semenov nhớ đến các thanh niên lẻn vào đây để chơi trò đi trên dây cáp cao, đang bị nhốt ở tầng hầm. Ông đi xuống hầm và mở khóa cửa. “Đã có một sự thay đổi về chế độ,” Semenov tuyên bố: “Quân Nga đã chiếm được cơ sở này”.

***
Valeriy Semenov là một người đàn ông mập mạp, năng động và to lớn ở độ tuổi cuối 40 với khuôn mặt thô kệch và nụ cười tươi, rộng. Ông sinh ra gần thành phố Saratov: “Tôi không muốn nói nó thuộc Nga, vì hồi đó nó thuộc Liên Xô.” Thị trấn nơi ông lớn lên thật nghèo; ông nhớ lại một cửa hàng địa phương có “tủ lạnh gần như trống rỗng với ba quả lựu và bộ xương của một con bò không còn thịt.” Khi Semenov 13 tuổi, cha mẹ ông chuyển đến Slavutych để làm công việc dọn dẹp Chernobyl. Theo chân họ, năm 18 tuổi, chính ông đã tham gia vào một đoàn làm sạch chất thải phóng xạ. Lãnh đạo trực tiếp của ông khi đó là Valentin Geiko, và hai người hiện nay đang điều hành nhà máy dưới sự chiếm đóng của Nga, gần 30 năm sau đó. Đến giờ ông đã dành toàn bộ cuộc đời làm việc của mình tại Chernobyl: ông có bằng kỹ sư và vật lý, và đã phục vụ trong hầu hết các bộ phận của nhà máy điện nguyên tử này – lưu trữ nhiên liệu, quản lý chất thải hạt nhân, giám sát bức xạ và cuối cùng là an ninh.

Tôi gặp Semenov ở Slavutych bốn ngày sau khi ông trở về từ Chernobyl. Ông nói, cả cuộc đời ông từ khi còn nhỏ đã chuẩn bị cho ông sẵn sàng với vai trò của mình trong nghề nghiệp. Dù đã kiệt sức, nhưng ông vẫn thao thao bất tuyệt về câu chuyện của mình. Ông lấy giấy bút để vẽ sơ đồ địa điểm: “Bạn thấy đấy, tòa nhà của tôi ở đây, tòa nhà của tôi – không, tôi không thể cho bạn biết tên tòa nhà của tôi. Đó là bí mật! – nó ở đây.” Đôi khi Semenov rảo bước trong phòng, vui vẻ giải thích các thông tin kỹ thuật và thể hiện khoảng cách bằng tay.

Tôi đã nói chuyện với Semenov trong vài ngày của tháng Tư. Trong thời gian đó, cơ quan mật vụ Ukraina cũng đang thẩm vấn ông. “Nhưng với bạn thì tôi phải lọc thông tin một chút,” ông nháy mắt. “Một số thứ thuộc về vấn đề an ninh quốc gia.”

2: Sống chung trong căng thẳng với các binh sĩ Nga trong môi trường phóng xạ cận kề và nguồn điện bị cắt.

Trong những ngày đầu tiên chiếm đóng, người Nga đã cố gắng sử dụng thẻ thông hành của họ để mở tất cả các loại cửa và cổng. Semenov cho biết ông đã nói với họ, “Hãy nhìn những bức ảnh trên tường nếu bạn muốn thấy điều gì đó. Nếu bạn muốn một ít chất thải hạt nhân, tôi có thể bỏ nó vào túi bạn!”

Có 400-500 binh sĩ Nga đóng quân tại nhà máy điện hạt nhân này và khu vực xung quanh nó. Quân Nga là một sự kết hợp của quân chính quy, phần lớn đến từ Buryatia ở biên giới Mông Cổ, cảnh sát chống bạo động và Vệ binh Quốc gia Nga, mà thường chỉ được triển khai trong nước Nga. Không ai trong số họ có phù hiệu hoặc cấp bậc trên đồng phục.

Những người lính đóng tại nhà máy điện này đã cư xử một cách kiềm chế; còn những người lính đóng quân tại các phòng thí nghiệm và các tòa nhà quản trị gần đó đã dành thời gian chiếm đóng để cướp bóc và phá hoại. Họ đánh cắp máy xúc, thiết bị lâm nghiệp, xe chuyên dụng dùng để chuyển chất thải hạt nhân và bất kỳ chiếc xe nào mà họ tìm được. Họ lục soát các phòng thí nghiệm và văn phòng, mở tung các máy chủ và lấy đi máy tính xách tay, máy ảnh và thiết bị trình chiếu. Họ lấy ấm điện và đồng hồ báo thức từ các phòng tại ký túc xá công nhân và dao kéo từ căng tin. Quân Nga cũng đào các chiến hào xung quanh Rừng Đỏ, một khu vực bị ô nhiễm nặng, nơi phần lớn các mảnh vỡ phóng xạ từng rơi xuống.

Một số quan chức đến từ RosAtom, một công ty năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga. Semenov có cảm giác rằng địa vị của họ thậm chí còn cao hơn cả các vị tướng. Ông đã thấy họ lấy một số hộp khỏi khu vực này một vài lần. “Tôi không biết họ đang làm cái gì,” ông nói và mỉm cười. “Nhưng tôi nghĩ rằng họ đang tìm kiếm bằng chứng về các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Mỹ đấy!” (một nội dung chủ yếu của tuyên truyền của Nga).

Kutenko, khoảng 30 tuổi, với khuôn mặt to và đẹp trai, đầu và râu cạo nhẵn, nói với tôi rằng: mặc dù các nhân viên đã được huấn luyện về hỏa hoạn và lũ lụt, động đất và rò rỉ phóng xạ, nhưng không có huấn luyện nào trong trường hợp bị xâm lăng.

Rõ ràng là người Nga được lệnh không được quấy rối nhân viên của nhà máy này, anh nói. Các nhân viên người Ukraina thường lảng tránh binh sĩ người Nga nhưng đôi khi các nhân viên này hỏi họ, “Các anh đang làm gì ở đây? Các anh muốn gì ở đây? Tại sao các anh không quay về nhà?” Những người lính thường lầm bầm gì đó rồi bỏ đi. Đôi khi họ nói rằng họ muốn giải phóng Ukraina khỏi những kẻ phát xít cực đoan hoặc đơn giản nói rằng họ đang tuân theo mệnh lệnh.

Semenov cảnh báo nhân viên của mình không nên mạo hiểm đối đầu với lính Nga hoặc thậm chí chụp ảnh bằng điện thoại. “Tôi đã phải giữ mọi thứ bình tĩnh và ổn định. Tôi không muốn chọc tức họ. Điều rất quan trọng là phải giữ được lòng tin của họ”. Ông coi nhiệm vụ chính của mình là “cân bằng sự an toàn của nhà máy và ổn định về nhân sự”. Ông hiểu rằng các nhân viên đang căm giận những kẻ chiếm đóng. “Có những khoảnh khắc thật khó khăn… Người dân thường – những người Ukraina – đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì”.

Quân đội Nga đã dự kiến ​​”chiến dịch đặc biệt” của họ sẽ rất ngắn. Những người lính đã mang theo rất ít vật tư: một người thừa nhận rằng anh ta chỉ mang một bộ đồng phục duy nhất, vì anh ta nghĩ rằng mình đang tham gia một bài tập huấn luyện. Một số hỏi Semenov họ có thể mua thuốc lá ở đâu. “Họ nói,” Tại sao không có cửa hàng tạp hóa nào gần đây? “Tôi nói,” Đây là khu vực cấm!” Họ không hiểu được rằng họ đang ở đâu nữa.”

Người Ukraina đã phóng đại mối đe dọa phóng xạ nhằm cản trở những nỗ lực của quân Nga nhằm áp đặt quyền kiểm soát lớn hơn. Họ thường cảnh báo quân Nga tránh xa một số “khu vực có vấn đề”. “Đó là một kế hoạch táo bạo,” Kutenko nói, “nhưng nó đã thành công.” Đồng thời, họ không làm gì để ngăn cản người Nga tự gây nguy hiểm cho mình. Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, một đoàn xe dài đi về phía Kyiv đã làm bốc lên một lượng lớn bụi và nhóm của Kutenko đã ghi nhận mức độ phóng xạ tăng cao. “Nó cao hơn mức bình thường, nhưng không đến mức thảm khốc. Nó nằm trong biên độ an toàn,” anh nói. “Vậy anh có nói với người Nga biết điều đó không?” tôi hỏi Kutenko. Anh mỉm cười. “Không.”

Tại Slavutych, gia đình của các công nhân Chernobyl đã rất khó khăn để có thể gọi điện thoại cho người thân của họ tại nhà máy. Sóng điện thoại di động ở Chernobyl đã bị chặn (không rõ do cái gì gây ra), mặc dù bạn có thể bắt được sóng dù khá phập phù nếu bạn leo lên trên mái nhà của nhà máy điện. Liên lạc với thế giới bên ngoài phần lớn bị giới hạn bằng việc kết nối thông qua điện thoại cố định với văn phòng quản lý nhà máy điện ở Slavutych. Semenov nói với tôi rằng ông đã cố gắng chuyển càng nhiều thông tin về các đơn vị của Nga và nghe lén các cuộc trò chuyện càng nhiều càng tốt. Ông yêu cầu một người trong nhóm của mình đếm số xe quân sự. Bất thường là Kutenko có một điện thoại cố định trong văn phòng của anh, mà có thể gọi đến các số di động. Một số thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraina đã yêu cầu anh điện thoại cho người thân của họ. “Các thành viên trong gia đình họ có những phản ứng khác nhau,” Kutenko nói. “Một số người không tin tôi và vì vậy sẽ hỏi tôi những câu hỏi mẹo hoặc yêu cầu tôi phát âm một từ chỉ tiếng Ukraina có. Một số người đã khóc. Một số người cảm ơn tôi ”.

Ở Slavutych, các nhân viên quản lý của nhà máy đã cung cấp điện thoại cố định của họ cho người thân trong gia đình. Vợ của Semenov, Olga, giữ cho các cuộc gọi hàng ngày của bà thật ngắn gọn. Bà không muốn làm phiền Semenov với những chuyện kể về tình trạng thiếu lương thực hay những lo lắng của bản thân. Cặp đôi này sắp kỷ niệm 30 năm ngày cưới. Semenov nói với tôi: “Chúng tôi chưa bao giờ sống xa nhau trong một thời gian dài như vậy.”

***

Mỗi ngày đều mang đến những vấn đề mới. Semenov trở thành người chủ chốt cho việc đàm phán với quân Nga. Phong thái cởi mở và sự hài hước luôn sẵn sàng của ông đã giải quyết được những tình huống khó xử. “Geiko là cái đầu”, ông nói, “còn tôi là đôi tay.”

Ranh giới giữa hợp tác và cộng tác là rất mỏng manh. Semenov cảm thấy khó có thể đồng thời hòa mình vào cảm xúc của người Ukraina và người Nga. Đã hơn một lần, các binh sĩ Nga cố gắng tiến vào các khu vực mà chỉ huy của họ đã đồng ý rằng họ sẽ tránh xa. “Tôi đã phải đoán trước bất kỳ sự thay đổi nào của tâm trạng. Tôi đã phải suy nghĩ trước một hoặc hai nước cờ. Nhưng tôi có một quan điểm rất triết học. Tôi nói chuyện với tất cả mọi người. Tôi không biết điều này là tốt hay xấu.”

Semenov đã phải làm dịu một số lần đối đầu giữa hai bên. Một buổi chiều, binh lính Nga bắt đầu bắn lên không trung, dường như đang cố gắng bắn hạ một thiết bị bay không người lái. Trong một dịp khác, người Nga đã tổ chức một buổi tuyên truyền báo chí, họ đến với những thùng hàng viện trợ nhân đạo để trao cho người Ukraina trước máy quay TV. Các nhân viên người Ukraina của nhà máy đã từ chối nhận chúng. Semenov không thể nhẫn nhịn mãi và đã đề nghị với các nhà báo Nga rằng họ “hãy hỏi dân thường xem chúng tôi có chờ các bạn đến với ý định để giải phóng chúng tôi khỏi chủ nghĩa phát xít cực đoan hay không?”.

Nhân viên nhà máy phải ngủ trong văn phòng của họ. Semenov đã chia sẻ một chiếc giường cắm trại và hai chiếc túi ngủ với năm đồng nghiệp. “Chắc chắn là bạn sẽ không ngủ ngon như khi ở nhà,” Kutenko nói. “Tôi không biết đó là do căng thẳng hay vì chúng tôi phải ngủ trên ghế dài. Hoặc có thể do tiếng ồn – quạt thông gió thì kêu khá to, màn hình thì nhấp nháy và phát ra tiếng bíp”.

Hàng ngày, công nhân đều đến khám bệnh. Hầu hết các chứng bệnh của họ đều liên quan đến căng thẳng từ công việc: chuột rút, táo bón, eczema và trĩ. Kutenko được bác sĩ cho biết rằng anh có huyết áp cao, và anh đã cố gắng đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám để giải tỏa tâm trí (dù không hiệu quả). Giống như Semenov, anh luôn ý thức về việc có trách nhiệm đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên. “Đây là một tình huống nghiêm trọng,” anh nói. “Không thể có một sai lầm nào. Chúng tôi không phải là một nhà máy sản xuất sữa.”

Nhà máy có đủ thức ăn để mọi người có thể tồn tại trong vài tuần. Nhân viên đến phòng ăn hai lần một ngày để thưởng thức xúp borscht, thịt, salad bắp cải, kiều mạch và bánh pho mát. Họ có tất cả mọi thứ ngoại trừ bánh mì tươi. Vài ngày sau, một trong ba đầu bếp đã đổ gục vì kiệt sức. Bốn thanh niên trẻ bị nhốt trong tầng hầm đã được đưa ra ngoài để giúp đỡ công việc trong bếp. “Tôi không nói rằng chúng tôi đang nấu ăn,” Kostya Karnoza, thanh niên 20 tuổi dễ tính, người làm việc trong lĩnh vực công nghệ và rảnh rỗi thì chơi trò đu dây trên cao, nói. “Chúng tôi chỉ thái rau và rửa bát thôi.”

Thỉnh thoảng họ trò chuyện với những người lính Nga trong những giờ giải lao, những người này dùng bữa riêng. “Câu hỏi đầu tiên của họ đối với chúng tôi là “Các căn cứ của NATO ở đâu? Tại sao những kẻ theo phái Bandera (phe quốc gia cực hữu) lại gây chuyện nhiều thế?” Kostya nói. Quân Nga khoe khoang rằng Kyiv sẽ bị chiếm trong vòng ba ngày. Khi bước tiến quân của Nga bị đình trệ, họ lập luận rằng họ đang phải chiến đấu với một đội quân đáng sợ gồm lính Mỹ, lính đánh thuê nước ngoài của Pháp và những tên tội phạm mà Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraina, đã giải thoát khỏi nhà tù. “Họ hỏi chúng tôi,”Tại sao chính phủ Ukraina không đầu hàng? Họ không muốn hòa bình sao?” Một số binh sĩ Nga thừa nhận rằng họ không biết tại sao họ lại đến đây. Những người Nga đã rất ngạc nhiên khi biết từ hồ sơ nhân sự rằng nhiều nhân viên nhà máy vốn là con cái của các nhân viên thanh lý thực hiện việc dọn dẹp nhà máy điện nguyên tử này, đã được sinh ra ở Nga.

Các thanh niên thích chơi trò đi trên dây cao là các doanh nhân và nhà phát triển phần mềm, thành viên của thế hệ người Ukraina tháo vát mới nổi. Họ nhận thấy sự thiếu hiểu biết và đạo đức giả của người Nga thật sự lố bịch (người Nga đã đánh cắp máy ảnh GoPro, pin sạc dự phòng và một số quần lót của họ). Một cậu thanh niên này nói với tôi rằng anh đã gặp một cảnh sát Nga tại Chernobyl, người muốn tìm hiểu về sở thích của họ. Viên cảnh sát Nga này đã nói: “Tôi thực sự tôn trọng kiểu người có tư duy tự do như các bạn!” Trong một lần khác, anh nhìn thấy một người lính trẻ đang đọc bản sao cuốn “1984” của George Orwell.

***

Thậm chí đã qua nhiều thập kỷ sau vụ nổ, Chernobyl vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Dung nham hạt nhân hợp nhất bên trong lò phản ứng bị phá hủy vẫn tỏ ra không ổn định. Hộp bê tông bảo vệ nó được thiết kế để tồn tại tối đa 30 năm – hiện nó đã 35 năm tuổi và bắt đầu rạn nứt và vỡ vụn. Tình trạng của khối dung nham này được theo dõi liên tục. Theo Olena Pareniuk, một nhà nghiên cứu tại Chernobyl, khó có thể xảy ra nhưng không phải là không thể tưởng tượng được rằng, khi dung nham phóng xạ này tiếp tục phân hủy, sự thay đổi thành phần các nguyên tố của nó có thể gây ra phản ứng dây chuyền.

Còn có những rủi ro khác nữa. Khoảng 22.000 thanh nhiên liệu đã qua sử dụng còn lại từ khi các lò phản ứng tại nhà máy được sử dụng, hiện tại vẫn còn nóng. Nếu chúng không được làm mát đúng cách, chúng có thể bốc cháy xuyên thủng qua các thùng chứa và làm rò rỉ phóng xạ. Các thanh này đã được giữ dưới một lớp nước và hiện đang trong quá trình chuyển đi nơi khác để cất giữ, an toàn hơn, dưới một lớp khí heli. Cho đến nay chỉ có 12% các thanh nhiên liệu này đã được loại bỏ hoàn toàn.

Một mối nguy hiểm khác đến từ chất thải hạt nhân phóng xạ mà nhà máy Chernobyl tái chế (một thuật ngữ hơi dân dã) từ các lò phản ứng ngưng hoạt động của nó và bốn nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động của Ukraina. Phần lớn chất thải này được chứa trong các thùng phuy kim loại được chôn trong bê tông. Nếu các thùng phuy bị di chuyển, chúng có thể bị hỏng và rò rỉ. Các chất thải này thậm chí có thể được sử dụng để làm bom bẩn.

Ba đường dây điện cao áp được dành riêng cho Chernobyl. Các kỹ thuật viên cần điện để theo dõi và làm nguội các mảnh vụn hạt nhân. Nếu nguồn điện bị mất, nguy cơ rò rỉ sẽ tăng lên. Tôi hỏi Pareniuk rằng mối đe dọa nào là lớn nhất. Cô lắc đầu: “Việc này giống như bạn đang hỏi: cơ quan nào trong cơ thể bạn có nguy cơ cao nhất khi bạn ngừng thở”.

Ngày 9 tháng 3, nguồn điện của nhà máy bị mất. Không ai biết tại sao. Có lẽ nó đã bị hư hại trong cuộc giao tranh hoặc do phá hoại. Nhà máy có máy phát điện dự phòng nhưng nhiên liệu sẽ chỉ đủ để nó chạy trong 24 giờ. Người Ukraina lại nói với quân Nga rằng nhiên liệu chỉ có đủ cho 12 giờ. “Nếu có chuyện xảy ra,” Semenov nói với một sĩ quan, “bạn sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Vitaliy Tymofeev, một cựu thanh lý viên nổi tiếng ở độ tuổi 60, đang làm nhiệm vụ cùng 4 đồng nghiệp tại bộ phận tái chế chất thải hạt nhân dạng lỏng. Họ làm việc trong một tòa nhà không cửa sổ, trộn nước phóng xạ với xi măng và làm cứng nó trong các thùng phuy thép. Phần nguy hiểm nhất, ông nói với tôi, là làm sạch máy trộn bê tông.

Vào ngày người Nga chiếm đóng nhà máy, một lô 16 thùng phuy chất thải đã sẵn sàng để mang đi. Hệ thống thông gió làm mát chất thải hạt nhân ngừng hoạt động khi điện bị cúp. Các nhân viên phải mất ba ngày để tìm ra cách kết nối nó với máy phát điện. Trong thời gian này, mức độ phóng xạ có lẽ đã tăng lên – tuy nhiên, không thể nói trước được, vì sau bốn tuần, người Ukraina đã không thể thay thế các phóng xạ kế được sử dụng để đo.

Các thợ điện đã được cử đến để sửa chữa đường dây. Người dân ở bên ngoài khu vực cấm này đi lại rất khó: các trạm kiểm soát của Nga và Ukraina nằm xen kẽ nhau; giao tranh lẻ tẻ diễn ra. Đã có những hiểu lầm giữa binh lính Nga và những người thợ điện Ukraina. Ban đầu những người thợ điện đã một mực từ chối sự hộ tống của quân Nga, sau này thì họ lại yêu cầu phải có hộ tống của quân Nga thì mới chịu đi. Một số nỗ lực đã được thực hiện để khắc phục sự cố mất điện, nhưng thiệt hại là rất khó xác định và khó tiếp cận; không rõ là có một chỗ dây điện bị đứt hay nhiều hơn thế. Vào khoảng giờ ăn trưa ngày thứ ba tính từ khi mất điện, điện đã có trở lại, nhưng chỉ kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ. Chỉ 15 phút sau khi truyền hình Ukraina thông báo rằng nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã hoạt động trở lại, điện lại bị cắt.

3: Suýt xanh cỏ với trò roulette Nga và cuối cùng là đỏ ngực.

Các nhân viên phải ưu tiên thiết bị được cung cấp điện: các máy sưởi điện và các thiết bị ngoại vi đã được tắt đi. Nhóm của Kutenko đã phải ngủ với chiếc áo parka của họ. “Thật không may cho chúng tôi vì lúc đó trời rất lạnh, nhiệt độ xuống đến âm 8 độ C,” anh nói. Những chiếc áo khoác này “rất nặng mùi, bởi vì chúng tôi đã làm việc chăm chỉ và đổ mồ hôi nhiều”, nhưng việc tắm nước nóng được coi là một thứ xa xỉ lãng phí.

Các máy phát điện bị đói xăng đòi hỏi phải được bổ sung gần như liên tục – cứ ba giờ một lần vào ban ngày, năm giờ một lần vào ban đêm. Quân đội Nga đã đưa các xe chở dầu diesel vào, nhưng vòi phun xăng của họ quá rộng, không thể lắp thẳng vào máy phát điện của nhà máy, nên nhiên liệu phải được chuyển sang các thùng phuy 200 lít trước khi đổ vào máy phát điện. Kutenko nói: “Chúng tôi đã bơm dầu bằng tay, vì vậy điều đó đã giúp chúng tôi ấm lên chút ít.”

Điện cũng bị cắt ở Slavutych, nơi các gia đình công nhân làm cho nhà máy Chernobyl sinh sống. Nhưng đây là một thị trấn của các kỹ sư và họ đã nhanh chóng cải tạo lại một trạm xăng cũ để sưởi ấm cho cả thị trấn. Cáp được gắn vào các tấm pin mặt trời trên mái nhà của bảo tàng trong thị trấn để mọi người có thể sạc điện thoại của họ và kết nối một cách chậm chạp với internet. Người dân địa phương chặt củi và tổ chức các bữa tiệc đồ nướng trong vườn của họ. Cha Ioan, linh mục Chính thống giáo của thị trấn này nói với tôi: “Trong cuộc chiến này, tất cả người dân trong thị trấn chúng tôi đã đoàn kết, chúng tôi trở thành một gia đình.”

Các xe chở dầu giúp nhà máy Chernobyl tiếp tục hoạt động do quân đội Nga vận chuyển tới đã bị chặn lại gần Kyiv. Cuối cùng, sự kiên nhẫn của Nga cũng đạt tới giới hạn. Một vị tướng tuyên bố rằng Chernobyl đã lấy đi quá nhiều xăng từ tiền tuyến và nói với Geiko rằng họ phải kết nối với lưới điện ở Belarus. Geiko nhận ra đây là một thất bại mang tính biểu tượng nhưng không còn lựa chọn nào khác – nếu không làm như vậy thì nguy cơ rò rỉ phóng xạ là quá lớn. Ông cương quyết đưa ra một điều kiện: nếu Chernobyl có điện từ Belarus, thì thị trấn Slavutych cũng phải được như vậy.

***

Các báo cáo về cuộc tấn công vào Kyiv bị chặn lại đã đến tai những binh sĩ Nga đóng tại Chernobyl. Một vài người lính muốn xem tin tức trên TV. Họ không thể hiểu tiếng Ukraina nhưng họ có thể xem đoạn phim về những chiếc xe tăng bị cháy và xác của những người lính Nga. Gần như thì thầm, một số người tâm sự rằng họ không biết mình đang làm gì ở Chernobyl.

Ngay cả các sĩ quan Nga cũng bày tỏ sự nghi ngờ. Trong một lần, Semenov nhìn thấy một máy bay ném bom của Nga bay trên đầu khi ông đang hút một điếu thuốc. Anh ta vẫy tay với nó, hét lên, “Pederasti!” (“Lũ pê đê!”). Những người lính gần đó hỏi Semenov tại sao ông lại hét lên như vậy. “Họ sẽ không ném bom kẹo và bánh quy đâu!” Semenov trả lời. Sau đó, một sĩ quan Nga tâm sự: “Tôi cũng không thích đám pederasti này.”

Sau hai tuần, quân đội tại Chernobyl được điều về phía nam hướng tới Kyiv. Họ đã say khướt vào đêm trước khi rời đi. Một số binh sĩ phàn nàn rằng họ đang bị đưa đến một “cái chết chắc chắn”. Khi một đơn vị đồn trú mới chuyển đến, Semenov nhận ra họ là phần còn lại của một tiểu đoàn thủy quân lục chiến đã chiến đấu gần Kyiv, vì lốp xe của họ bị nát vụn đến nỗi Semenov ngạc nhiên khi họ còn có thể lái được chiếc xe. Khi đến được nhà máy, họ gục ngã trên bãi cỏ vì kiệt sức. Một chỉ huy người Nga đã nói với Semenov rằng đừng để nhân viên của nhà máy đối kháng với các binh sĩ Nga này; họ đã mất quá nhiều đồng đội rồi.

Ba tuần sau khi bị chiếm đóng, Semenov đi tìm bánh quy và kẹo trong kho và tình cờ gặp một sĩ quan tên là Tikhomirov, anh ta đang say rượu. Tikhomirov xoay mạnh ổ quay của khẩu súng lục, chĩa súng về phía Semenov và bóp cò. Có một tiếng kêu của quy lát nhưng không có tiếng nổ. Semenov đã tránh mặt sĩ quan này sau sự cố trên, nhưng cười khi ông kể lại câu chuyện cho tôi nghe: thứ nhất vì người Nga này thực sự chơi trò roulette Nga; thứ hai vì tên của anh ta, Tikhomirov có nghĩa là “hòa bình yên tĩnh”.

Vào ngày 20 tháng 3, sau 25 ngày chiếm đóng, người Nga cho phép luân chuyển hầu hết nhân viên Ukraina tại Chernobyl (Semenov vẫn ở lại vì những người lãnh đạo đồng cấp của ông bị bao vây ở Chernihiv, có con nhỏ hoặc đã tham gia Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ). Kutenko nói với tôi: “Tôi rất vui khi được ra ngoài. Vì cây cầu bắc qua Dnepr đã bị phá hủy nên các công nhân của nhà máy phải đi phà qua đó. Một số thủy thủ Ukraina làm việc trên các con thuyền coi việc này là sự hợp tác với kẻ thù và từ chối chở người.”

Những thanh niên thích đi trên dây cáp cao là một trong những người đầu tiên rời nhà máy đến thị trấn Slavutych. Khi họ chờ đợi trên bờ sông, một sĩ quan Nga bắt đầu đọc diễn văn về việc không có Nga hay Ukraina, mà chỉ có Liên Xô, và người Mỹ là bọn luôn gây chiến còn người Nga luôn mang đến hòa bình. Kostya nói: “Ông sĩ quan này đang lái chiếc xe bán tải Ford mà ông ta đã cướp được từ Vệ binh Quốc gia Ukraina. Và vào đúng thời điểm ông nói đến chữ ‘hòa bình’, một loạt tên lửa lớn được bắn đi, bay theo hướng đến Chernihiv.”

Khi Kutenko về đến thị trấn Slavutych thì đã gần nửa đêm. Đèn đường đã tắt và cửa sổ tối đen. Kutenko đã không cạo râu trong những tuần trước đó. Con trai út của anh, một đứa trẻ mới biết đi, không nhận ra anh. “Thằng bé trốn sau lưng mẹ nó. Trông tôi giống như một anh chàng kỳ lạ nào đó đột ngột xuất hiện”.

***

Người Nga ngày càng tiến gần đến Slavutych. Vào ngày 22 tháng 3, các lực lượng Nga đưa ra tối hậu thư yêu cầu thị trấn này phải đầu hàng vào 3 giờ chiều ngày hôm sau. Trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, Yuri Fomichev, thị trưởng 46 tuổi của thị trấn, đã thành lập một đơn vị bảo vệ lãnh thổ, hỗ trợ 50 cảnh sát địa phương với 150 tình nguyện viên – “về cơ bản đúng bằng số súng trường chúng tôi có”. Nhưng không có vũ khí hạng nặng ở Slavutych cũng như không có hy vọng được quân Ukraina hỗ trợ.

Vào ngày 23 tháng 3, quân Nga từ từ tiến lên, bắn nhiều phát đạn vào trạm kiểm soát ngoài cùng trên đường vào Slavutych. Fomichev nói: “Ngày hôm sau, cuộc đấu súng thực sự bắt đầu”. Cả hai trạm kiểm soát đều bị phá hủy, khiến ít nhất ba người thiệt mạng. Bản thân Fomichev đã bị những người lính Nga, mà anh ta cho là kỳ quặc, giam giữ. Một người yêu cầu anh chụp ảnh tự sướng cho họ. “Hai tay tôi bị trói và anh ta thì chĩa súng vào tôi,” Formichev nhớ lại, “nhưng cứ như thể là anh ta vẫn tôn trọng quyền hạn của tôi vì tôi là trưởng thị trấn.”

Khi Fomichev còn đang bị thẩm vấn, người Nga đã xem cảnh quay được bằng thiết bị bay không người lái về một cuộc biểu tình đang nổ ra ở Slavutych. Fomichev gợi ý rằng ông có thể giúp làm dịu bớt tình hình. Một đám đông 5.000 người đã tụ tập, trong số đó có bốn thanh niên thích đi trên dây cao mà không thể rời thị trấn này. Đám đông giương cao một lá cờ Ukraina khổng lồ và hô vang, “Không có chỗ cho quân chiếm đóng!” Khoảng 50 binh sĩ Nga đứng trước đám đông với xe bọc thép và xe tăng. Họ bắn đạn hơi cay và đạn thường lên không trung để giải tán đám đông.

Cha Ioan vác theo cây thánh giá của mình và tham gia vào cuộc biểu tình. Ông kể với tôi là khi đó ông vừa nhận bí tích và “không sợ chết”. Cha Ioan đã chạy về phía những người lính Nga và hét vào mặt họ “hãy cởi bỏ những cây thánh giá của các anh, bởi vì không một người giáo dân đạo Ki tô nào lại tiến lên và chĩa súng vào những thường dân!”

Cuối cùng, Fomichev đã thuyết phục thành công và đám đông rút lui về quảng trường chính. Sự tuân thủ của họ dường như đã dập tắt cơn giận dữ của người Nga. Sau khi quân Nga khám xét thị trấn để tìm kiếm các binh sĩ Ukraina, họ đồng ý rút lui đến một trạm xăng dầu gần đó, tại đó họ hút hết nhiên liệu và cướp sạch đồ đạc. Họ rời đi vào ngày hôm sau.

Khi tin tức về cuộc giao tranh ở Slavutych đến được nhà máy điện Chernobyl, Semenov và Geiko đe dọa sẽ ngừng hợp tác với người Nga trừ khi các cuộc tấn công chấm dứt. Một vị tướng Nga phủ nhận một cách hung hăng rằng không hề có binh lính nào của họ đang ở gần thị trấn trên. Mối quan hệ của Semenov với vị tướng Nga trước đây là thân tình; bây giờ nó xấu đi nhiều. Nhưng ông không hề hối tiếc. “Đó là cách duy nhất của chúng tôi để cố gắng giúp đỡ thị trấn Slavutych.”

***

Đối mặt với các đợt phản công của Ukraina xung quanh Kyiv, quân đội Nga bắt đầu rút về biên giới Belarus vào ngày 31/3. Họ mang theo những người lính Vệ binh Quốc gia tại Chernobyl làm tù binh. Những chiếc lốp xe của họ cuốn theo bụi phóng xạ trong không khí khi họ rút lui (sự ra đi của họ cho phép những thanh niên thích đi trên dây cáp trên cao được trở về nhà ở Dnipro). Sau khi những người Nga cuối cùng rời Chernobyl vào ngày 2 tháng 4, các nhân viên người Ukraina đã đưa lá cờ Ukraina trở lại cột cờ chính. Semenov tìm thấy một lá cờ khác, cũ hơn và rách nát trong một căn phòng phía sau: ông đã giặt nó, vá lại và treo nó lên lên bên ngoài tòa nhà của mình.

Những người quản lý nhà máy điện Chernobyl vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn. Họ cần phải xây dựng lại từ đầu hệ thống giám sát bức xạ trong toàn bộ vùng cấm này. Hiện vẫn chưa xác định được phạm vi của các bãi mìn của quân Nga cài lại. Xác các động vật bị pháo Nga thổi bay nằm rải rác bên đường. Lính cứu hỏa sẽ không thể xử lý các vụ cháy rừng vào mùa hè này, vì sợ dẫm phải mìn.

Semenov ở lại Chernobyl thêm một tuần nữa để giám sát một lượng nhân viên mới. Trong một bức ảnh được chụp vào thời điểm đó, ông có khuôn mặt gầy gò và xám xịt với bộ râu xồm xoàm. Khi tôi gặp Semenov 4 ngày sau, ông nói với tôi rằng ông không thể tập trung và bị đau đầu dữ dội. “Nó giống như việc tỉnh dậy từ một cơn ác mộng dài. Về mặt cảm xúc, tôi vẫn cảm thấy mình đang ở trong mơ. Giống như tôi phải đi đâu đó và làm điều gì đó vậy”.

Tôi hỏi Semenov đâu là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong thử thách vừa qua. Ông nói với tôi rằng nó đến sau khi người Nga rút lui. Trong suốt thời gian làm việc tại nhà máy, Semenov đã đeo huy chương kỷ niệm 30 năm vụ thảm họa Chernobyl. Ai đó ở Slavutych đã giật nó ra khỏi ngực ông, nói rằng Semenov không xứng đáng với nó. Semenov nói: “Việc này theo ý tôi là không công bằng, anh ta không có quyền đó.”

Vào ngày 26 tháng 4, ngày kỷ niệm thảm họa Chernobyl, Semenov đã gửi cho tôi một bức ảnh khác chụp Semenov đang tự hào khoe trên tay một huân chương khác với dải băng màu xanh và vàng: Huân chương Dũng cảm, được trao vì sự phục vụ tận tụy của ông trong thời gian Nga chiếm đóng nhà máy điện này. Chữ ký trên huân chương là của Tổng thống Zelensky.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s