Cù Tuấn dịch từ New York Times.
Với các bài phát biểu hoành tráng, một cuộc duyệt binh khổng lồ và một màn thể hiện sức mạnh quân sự trên Quảng trường Đỏ, Ngày Chiến thắng của Nga vào ngày 9 tháng 5 (tiếng Nga: День Побе́ды) – một ngày lễ kỷ niệm Liên Xô đánh bại Đức Quốc xã – sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong năm nay với việc Nga sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraina.
Ngày lễ này sẽ diễn ra khi đài truyền hình nhà nước Nga phát đi những thông điệp rõ ràng về những kẻ được cho là phát xít ở Ukraina, và trong bối cảnh Điện Kremlin đã gây ra một cuộc tấn công kéo dài đã khiến hàng nghìn người Nga và Ukraina thiệt mạng.
Bởi vì cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã không mang lại nhiều chiến thắng, một số nhà phân tích lo ngại rằng Tổng thống Vladimir V. Putin sẽ sử dụng cơ hội này để biến cái mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” thành một cuộc chiến tổng lực và huy động thêm lính Nga cho một cuộc xung đột trên phạm vi rộng hơn. Về phần mình, Điện Kremlin hôm 4/5 bác bỏ thông tin rằng họ sẽ tuyên bố chiến tranh.
Dưới đây là tầm quan trọng của ngày lễ này trong suốt hai thập kỷ cầm quyền của ông Putin.
1. Tại sao Ngày Chiến thắng lại quan trọng như vậy trong năm nay?
Trong nhiều năm qua, ông Putin đã sử dụng ngày 9/5 – một ngày lễ gần như thiêng liêng đối với người Nga để tưởng nhớ 27 triệu người Liên Xô đã chết trong Thế chiến thứ hai – để vận động cả nước về khả năng cho một trận chiến mới phía trước. Khi phát biểu trước quốc dân tại Quảng trường Đỏ vào ngày 9 tháng 5 năm ngoái, ông cảnh báo rằng kẻ thù của Nga đang áp dụng “phần lớn ý thức hệ phát xít” một lần nữa.
Giờ đây, truyền thông nhà nước Nga đang gọi những người Ukraina đang chống lại sự xâm lược của Nga với cái tên “phát xít” và miêu tả cuộc chiến này là công việc còn sót lại của Thế chiến thứ hai. Có vẻ như gần như chắc chắn rằng ông Putin sẽ sử dụng bài phát biểu ngày 9 tháng 5 vào tuần tới để kêu gọi chủ nghĩa anh hùng của những người lính Liên Xô trong Thế chiến thứ hai để cố gắng truyền cảm hứng cho những người Nga tiếp tục hy sinh. Những câu chuyện mà ông Putin đã xoay quanh để biện minh cho cuộc chiến của mình ở Ukraina rất phù hợp với những câu chuyện vĩ đại, hoài cổ về Ngày Chiến thắng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nước Nga cho rằng ông Putin sẽ còn lâu mới tuyên bố chính thức tình trạng chiến tranh và tuyên bố tổng động viên toàn quốc, điều này có thể kéo theo một lệnh bắt quân dịch và lệnh cấm những người đàn ông Nga trong độ tuổi nhập ngũ được phép rời nước này.
Mặc dù sự tôn trọng chung đối với những hy sinh trong Thế chiến II vẫn là một cảm xúc thống nhất ở Nga, nhưng một dự thảo mới hoặc những hạn chế đi lại có thể gây ra một tác động ngược. Quân Nga đã bị tổn thất nặng nề ở Ukraina – các quan chức phương Tây ước tính rằng hơn 7.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng – và một số gia đình của các quân nhân đã đặt câu hỏi về sự im lặng chính thức của nhà nước Nga về số lượng thương vong.
2. Điều gì sẽ xảy ra vào Ngày Chiến thắng?
Các cuộc diễu hành quân sự nhân Ngày Chiến thắng ở các thành phố lớn của Nga được tiếp nối bằng cuộc diễu hành của những công dân bình thường mang theo di ảnh của những người thân đã chiến đấu trong chiến tranh. Hàng trăm nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu người, tham gia các cuộc tuần hành của “Trung đoàn bất tử” vinh danh những người lính và dân thường đã chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh. Trên Quảng trường Đỏ, sự kiện này cũng trưng bày các loại vũ khí quân sự lịch sử, các hệ thống xe tăng và tên lửa hiện đại cùng các biểu hiện khác về sự hùng tráng của quân đội Nga.
Trong hơn hai thập kỷ, ông Putin đã giúp biến Ngày Chiến thắng thành ngày lễ quan trọng nhất trong năm của Nga, một nghi lễ vui vẻ, hoài cổ, củng cố lòng tự hào dân tộc và thống nhất một xã hội Nga vốn đôi khi bị chia rẽ.
Hai năm trước, sự kiện này bị đại dịch coronavirus làm lu mờ. Một bữa tiệc hoành tráng dự kiến ở Matxcơva đã bị hủy bỏ. Các biển quảng bá các buổi hòa nhạc, vở kịch và ca khúc yêu nước nhưng cuối cùng đã bị loại bỏ. Một loạt máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng quân sự đã bay qua thành phố, nhưng thị trưởng Matxcơva yêu cầu người dân không nên ra ngoài xem.
Tuy nhiên, truyền hình nhà nước Nga vẫn chiếu tên của những người Nga thiệt mạng trong khi những chiếc xe tải màu cam đi phun thuốc khử trùng và xịt nước trên đường phố được dán nhãn “Chiến thắng”. Các bản sao của các băng rôn đỏ được kéo lên tại Reichstag ở Berlin năm 1945 cũng tung bay trên các đường phố của Matxcơva.
Trong những năm gần đây, cuộc diễu binh vào Ngày Chiến thắng – từng có sự tham dự của các quan chức Trung Quốc, Đức và Mỹ cùng nhiều nước khác – cũng phản ánh sự cô lập ngày càng tăng của Nga, với nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài không tham dự. Người phát ngôn của ông Putin tuần trước cho biết không có nhà lãnh đạo nước ngoài nào được mời tham dự sự kiện năm nay, lễ kỷ niệm 77 năm chiến thắng.
Và bản thân sự kiện này đã trở thành một điểm căng thẳng giữa Ukraina và Nga vào năm 2015, khi tổng thống Ukraina chỉ định ngày 8 tháng 5 (ngày trước đó) là ngày lễ quốc gia, phù hợp với phần lớn châu Âu.
[Ghi chú: Do phát xít Đức đầu hàng vào tối muộn ngày 8/5/1945, nên phần lớn châu Âu kỷ niệm ngày này vào ngày 8/5, trong khi theo giờ Matxcơva thì Đức đầu hàng vào sáng sớm ngày 9/5, nên Liên Xô – và sau này là Nga – kỷ niệm ngày chiến thắng chậm 1 ngày so với toàn thể châu Âu – Cù Tuấn].
3. Làm thế nào và tại sao ông Putin đã gắn chiến thắng của Nga trước Đức Quốc xã với cuộc tấn công Ukraina của ông?
Ông Putin đã gọi chính phủ Ukraina là chính phủ “tân phát xít công khai”, “thân phát xít” và do những bọn “phát xít nhỏ bé” kiểm soát. Thông báo về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraina, ông cho biết các mục tiêu của Nga bao gồm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” đất nước này.
Khi kể về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraina, từ “phát xít” chiếm đa số – một nội dung tranh luận kỳ lạ về một quốc gia có tổng thống Volodymyr Zelensky là người Do Thái và mùa thu năm ngoái đã ký một đạo luật chống chủ nghĩa bài Do Thái. Ông Putin đã thường xuyên áp dụng từ này cho chính phủ Ukraina hiện tại trong những tháng gần đây, mặc dù ông từ lâu đã gọi cuộc cách mạng thân phương Tây của Ukraina năm 2014 là một cuộc đảo chính phát xít.
Sự xuất hiện đột ngột của từ “phát xít” cho thấy ông Putin đang cố gắng sử dụng những định kiến, thực tế bị bóp méo và chấn thương kéo dài của nước Nga trong Thế chiến II để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraina. Điện Kremlin đang coi cuộc chiến này như là một sự tiếp nối của cuộc chiến chống lại cái ác của nước Nga, kế tục Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Ông Putin dường như đang dựa vào niềm tự hào kéo dài của người Nga về chiến thắng trước Đức Quốc xã để chuyển sang ủng hộ cuộc chiến ở Ukraina.