Phan Xích Long

Lý Nhân

phan_xich_long

 

Phan Xích Long (1893-1916), tên thật là Phan Phát Sanh tự Lạc, là người tự xưng là Đông cung (con vua Hàm Nghi), tự phong là Hoàng đế và được tôn làm thủ lĩnh các hội kín Nam Kỳ, một phong trào kháng Pháp mang màu sắc tôn giáo tại miền Nam Việt Nam ở cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20

Khởi thủy Thiên Địa Hội

Căn cứ theo sử Trung Hoa, sau khi nhà Mãn Thanh từ phương Bắc tràn xuống làm chủ Trung Nguyên, có một số di thần của Minh triều quyết chí mưu đồ khôi phục ngai vàng cho Hán tộc. Họ đã lập một tổ chức bí mật gọi là “Nghĩa Hòa Đoàn” với ý đồ “phản Thanh phục Minh”. Địa bàn hoạt động lúc khởi đầu của họ là tỉnh Sơn Đông bên Trung Hoa. Sau này Nghĩa Hòa Đoàn hoạt động sang tới xứ Nam Dương, Tinh Đảo, Mã Lai và Việt Nam, nơi có những di dân Trung Hoa đang sinh sống nhưng tấm lòng lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ của họ

Mục đích chính Nghĩa Hòa Đoàn là “phản Thanh phục Minh” nhưng họ giữ bí mật và khoác cái vỏ bề ngoài là một hội đoàn có tính cách tôn giáo và từ thiện để che mắt nhà cầm quyền bản xứ. Hội của họ đã thờ phụng những trung thần liệt sĩ của Trung Hoa xưa như Quan Vân Trường, Văn Thiên Tường.

 Điều lệ của hội rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Nếu ai gia nhập hội thì phải giữ đúng điều lệ như: tận tình tương trợ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn, sẵn sàng xả thân giúp nhau khi gặp chuyện bất công. Vì vậy, hội đã được nhiều người Trung Hoa gia nhập và đóng góp tiền của.

Sau cuộc nổi dậy chống lại các thế lực của đế quốc thực dân xâm lược (Bát Quốc Liên Quân – tám nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và  đế quốc Áo Hung) năm 1900, vì khởi đầu hội còn yếu nên đã bị quân của Bát Quốc đàn áp một cách đẫm máu và dẹp tan. Nghĩa Hòa Đoàn cứ nhằm vào sứ quán của tám nước trên để khủng bố. Bị quân Bát Quốc đàn áp mạnh, một số nghĩa sĩ Nghĩa Hòa Đoàn sống sót phải ẩn trốn, rút vào hoạt động lẻ tẻ.  Họ cũng cải tổ lại tổ chức để khỏi bị đàn áp và lấy một cái tên mới cho hội. Tại Việt Nam, một số Hoa kiều trong Nghĩa Hòa Đoàn trước kia nay đổi lại là Thiên Địa Hội.

phan_xich_long_1

Phan Xích Long

Hoa kiều lúc đó đang sinh sống, làm ăn ở đất Nam kỳ chủ yếu bằng buôn bán. Họ tương trợ nhau rất chặt chẽ và phần lớn gia nhập vào Thiên Địa Hội vì tính chất xã hội và tôn giáo của nó. Việc gia nhập Thiên Địa Hội dần phát triển sang cả người Việt. Song, đến một lúc nào đó, người Việt thấy cần có một hội riêng của mình, nên thành lập một chi hội Thiên Địa Hội riêng, với những tôn chỉ hoạt động không giống như của người Hoa, nghĩa là không có tinh thần “phản Thanh phục Minh”. 

Tuy nhiên, mục đích chính trị của chi hội Thiên Địa Hội người Việt lại nhắm vào một đối tượng khác: người Pháp. Thực chất, đây là một hội kín chống Pháp giành độc lập cho dân Việt. Thiên Địa Hội của người Việt hoạt động hạn chế, bí mật và có kỷ luật chặt chẽ.

Để giữ bí mật, những người tham gia Thiên Địa Hội chỉ biết nhau qua từng tổ, nhóm và có dấu hiệu riêng để nhận ra nhau. Khi gặp nhau, họ trao đổi mật khẩu để người ngoài không biết được. Thiên Địa Hội của người Việt  cũng mang màu sắc tôn giáo, dụng mê tín để thu hút người tham gia, những ai đã tham gia Thiên Địa Hội đều phải thề tuyệt đối thề trung thành với hội dù có phải hy sinh. Họ tạo ra một đức tin là có thần thánh phù hộ cho nên không sợ chết nếu người lãnh đạo ra lệnh phải chết.

Tin vào thần thánh và được tương trợ, giúp đỡ đời sống nên càng ngày càng có nhiều người tham gia vào Thiên Địa Hội, khí thế càng lúc càng gia tăng, nhất là tại các vùng như Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bến Tre và Châu Đốc. Những đối tượng mà Thiên Địa Hội nhắm triệt tiêu lúc đó là bọn cường hào ác bá làm tay sai cho thực dân Pháp.Vì vậy Thiên Địa Hội đã được dân chúng các nơi ủng hộ, nhất là nông dân, những người trực tiếp bị bóc lột, đàn áp bởi thực dân và tay sai. 

Như vụ đốc phủ Trần Tử Ca về trị nhậm quận, tỏ ra một tay sai quỷ quyệt và đắc lực cho thực dân Pháp, nên đã bị nhóm Phan Văn Hớn (Quản Hớn), Nguyễn Văn Hóa (Chánh lãnh binh) cầm đầu gần 1.000 nghĩa quân tiến về đốt dinh quận, bắt cắt đầu Tử Ca rồi bêu giữa chợ vào ngày 8-2-1885, đúng vào ngày Tết năm Ất Dậu. Vì sự kiện lịch sử này, nhân dân Hóc Môn đã truyền nhau câu vè:

“Mừng xuân có pháo có nêu,
Có đầu Đốc phủ đang bêu cột đèn”.

Trong số những người Trung Hoa mang danh nghĩa Thiên Địa Hội chống người da trắng “phản Thanh phục Minh” cũng có một số người lợi dụng danh nghĩa Thiên Địa Hội để mưu lợi riêng. Tuy nhiên, số người này không nhiều. Nổi nhất là ở Gò Công, có một chi đảng Thiên Địa Hội do tên Lò Cheng làm thủ lĩnh đã tác oai tác quái, ép buộc người Hoa và người Việt phải gia nhập chi nhằm tạo thêm vây cánh để hắn dễ bề hoạt động.

Tác giả Việt Cúc trong quyển “Gò Công – Cảnh cũ người xưa” (quyển I, xuất bản tại Sài Gòn, 1968) đã nói về Thiên Địa Hội tại mấy tỉnh miền Tây như sau:

“Nói riêng vùng chợ Tổng Châu (Tân Niên Tây) có người khách trú (Hoa kiều) tên là Lò Cheng làm thủ lãnh. Nhà ở phía sông ngang chợ, thường ngày đồ đảng tới lui rầm rộ, nhưng làng tổng thuở ấy điềm nhiên, không dám tố cáo, vì sợ hăm dọa, oán thù chém giết.

Đảng này, mấy người làm đầu, toàn là những tay du côn, anh chị, lấy sự chém giết làm danh dự. Họ rêu rao rằng: Hễ ai đi báo cáo với Tây thì sẽ bị điều tra và xử tử liền. Bởi thế, dân chúng phải vào đảng và nạp tiền cho yên thân.

Những nhà giầu có và hàng thức giả cũng phải làm thinh và đối xử phải chăng với họ mới mong được sống yên thân. Nếu chống đối và trái nghịch, họ giết một vài người làm gương cho thiên hạ ngán.

Mấy tay sai đắc lực như: Hai Liếp danh hiệu là Đái Mã làm chức phó tướng của Lò Cheng, Ba Phát danh hiệu Hồng Đằng là cánh hữu, Bảy Bảng danh hiệu là Bạch Đằng là cánh tả.

Người trong đảng gọi các anh này là: anh Ba, anh Tư. Khi vào đảng phải cúng tổ và ăn thề, gọi là “nấu” hay là “hấp”. 

Ý nghĩa là: chịu sự huấn luyện của đảng. Người ấy phải học những kỷ luật và dấu hiệu bí mật nằm lòng. Khi giao thiệp, lúc đến nhà đồng chí có việc cần, chỉ xem cái nón, cây dù, móc lên hoặc để cách nào, ấy là ám hiệu để nhận biết người của đảng báo hiệu gì. Lời nói, cách chào hỏi và cử chỉ của họ hoàn toàn bí mật, người ngoài khó hiểu.

Nơi nhà Lò Cheng là Tổng Hành Dinh có thị vệ canh gác trong và ngoài, đủ các bộ như thơ ký, tài chánh và huấn viên. Có kho bạc, kho giữ lúa, phòng khách trang hoàng nào kỷ trà, mâm hút thuốc phiện, bầu rượu, quạt hầu theo bực công khanh đài các.

Lò Cheng ăn hút, xài phí rất sung sướng. Ngày nay phái bộ họ đi “nấu” xóm này thì ngày mai đi “hấp” xóm khác. Khi “nấu”, “hấp” nhà nào thì nơi đó lo tổ chức các cuộc châu đáo. Những người đi dự “nấu” thì ở trần, qùy trước bàn tổ, sau hai vị huấn viên và thị vệ đứng hầu hai bên.

Một vị chức sắc như Đái Mã hoặc Bạch Đằng đứng đầu và truyền kỷ luật. Trên đầu đều bịt khăn đầu rìu trắng (khăn buộc vỏ vòng phía trước).

Vị chức sắc khấn vái và buộc lời thề rằng: “Trung tín sống chết với đảng, không thay lòng đổi dạ”. Có khi thích huyết hòa rượu uống chung với nhau, thật là khăng khít đồng tâm đồng chí.

toan an

Bên phải là tòa án, bên trái là Khám lớn

Dân chúng thưở ấy chịu áp lực và bè đảng đế quốc của Lò Cheng, cái độc tài mộng bá vương đồ vương của lão, lợi dụng bọn tay sai chém, giết, đàn áp đè nặng trên đầu dân đen. Gây ác cảm quá nhiều, đến lúc tức nước vỡ bờ, dân chúng không thể chịu nổi, bèn đi tố giác với chính quyền và chỉ dẫn đường lối bắt hết những tay cầm đầu.

Lò Cheng bị bắt giam rất lâu, sau rồi trục xuất về Tàu, còn dư đảng thì bị kết án và đầy đi Côn đảo.

Và không chỉ có ở Gò Công, Bến Tre mà ở những nơi khác có người Hoa sinh sống, họ cũng lập Thiên Địa Hội nhưng mỗi chi hội có một nề nếp sinh hoạt khác nhau. Có nơi hoạt động thuần túy tôn giáo, có nơi có tính chất xã hội tương trợ giúp đỡ nhau. Và các chi hội này thường được nhiều người Hoa lẫn người Việt tham gia mà không sợ bị Pháp bắt bớ… Song, bên cạnh đó cũng có những chi hội hoạt động chính trị, như người Hoa thì “phản Thanh phục Minh”, còn người Việt thì “diệt Tây giành độc lập”, như chi hội do Phan Xích Long lãnh đạo mà chúng tôi sẽ đề cập.

Những chi hội này mang màu sắc chính trị nên kỷ luật rất sắt máu đôi khi tàn bạo như hay chém, giết, ám sát những người đối nghịch, những người giàu có nhưng không ủng hộ Thiên Địa Hội .Vì thế mà mấy chi hội này ít ai dám tham gia. Như tại Bạc Liêu, người Minh Hương nhiều nên họ lập ra hai phe Thiên Địa Hội và gây xáo trộn ở vùng này, thường xuyên đánh nhau vì tranh giành ảnh hưởng. Một nhóm gọi là Nghĩa Hưng kèo (cờ) xanh, một nhóm kèo vàng gọi là Nghĩa Hòa. Hai nhóm này thường đánh nhau khiến cho dân chúng rất sợ hãi. Tác giả Nguyễn Liên Phong đã viết trong tập thơ Nam Kỳ Phong Tục Nhân Vật Diễn Ca (quyển 2, NXB Phát Toán, Sài Gòn 1909) về Thiên Địa Hội tại Bạc Liêu như sau:

“Đạo thánh hiền xưa ham hố ít,
Dân Thiên Địa Hội lén theo nhiều.
Thói quen háo thắng mà gan ruột,
Nghịch ý ngàn muôn cũng đánh liều.”
Hoặc Thiên Địa Hội ở Sóc Trăng được Nguyễn Liên Phong mô tả:
“Thói quen huyệt khí đua tranh,
Lập Thiên Địa Hội sát sanh thề nguyền.
Sa keo, Phố thảo các miền,
Rủ nhiều phe đảng lén riêng lằng xằng.”

Còn ở tỉnh Châu Đốc, Thiên Địa Hội được tác giả Nguyễn Văn Kiểm đề cập đến trong cuốn Tân Châu: 1870-1964 (Sài Gòn, 1966) như sau:

“Long Sơn cũng là một xã duy nhất trong quận Tân Châu xuất hiện lần đầu tiên làn sóng “Thiên Địa Hội”, một phong trào cách mạng chống người da trắng của Trung Hoa, bí mật phổ biến vào đất Việt, cách nay có trên 60 năm”.

Khám Lớn Sài Gòn

Khám Lớn Sài Gòn

Những người Tàu ở xã này lãnh hội được phong trào cách mạng đó là: Chệt Phong, Chệt Thượng, Cư Sùng, Kèn Sư, Ông Sái… Lúc bấy giờ, người Tàu hay người Việt không vào hàng ngũ, đứng ngoài dòm ngó hành vi bí mật của họ là khó khăn. Sự kiện này tràn lan khắp quận: kèo xanh, kèo đỏ, kèo vàng mọc lên như nấm. Mỗi xã đều lập một hội kín. Họ thường mượn đình, chùa, miếu vắng vẻ để làm trụ sở. Đồng thời, họ tập luyện võ nghệ và sắm vũ khí thô sơ để chống Pháp.

Chẳng bao lâu, không riêng gì ở quận Tân Châu, mà làn sóng “Thiên Địa Hội”  toàn Nam Kỳ đều bị phát giác. Người Lang Sa thẳng tay đàn áp nên cuộc cách mạng chớm nở này sớm cáo chung.

Nói chung, khắp mấy tỉnh miền Tây nơi nào cũng có Thiên Địa Hội hoặc có màu sắc Thiên Địa Hội. Tại núi Cấm Thất Sơn tỉnh Châu Đốc có ông Cao Văn Long quê quán ở Bến Tre tới cất chùa vào năm 1912, thờ Thổ Thần. Người gia nhập đạo phải cạo đầu có thể lấy vợ. Bề ngoài tuy mang danh lập đạo, cất miếu thờ Thổ Thần nhưng bên trong ông Cao Văn Long tức Bảy Do lập hội kín có màu sắc Thiên Địa Hội để mưu đồ chống Pháp. Ba Tri và Mỏ Cày tỉnh Bến Tre cũng có Lê Văn Khanh tức Tư Khanh lập hội kín mang màu săc Thiên Địa Hội cùng mục đích kháng Pháp. Vì những người trên hoạt động riêng rẽ nên đều bị thất bại.

Phan Xích Long xưng vương phá Khám Lớn

Thiên địa Hội mọc lên ở khắp nơi nhưng  đều chưa kịp làm được việc gì to lớn thì đã bị đàn áp, dập tắt. Cho tới năm 1912-1913, có một người ở Chợ Lớn tuổi mới 20, học hành ít nhưng có chí lớn, tự xưng con cháu Hoàng tộc, rồi xưng Hoàng đế để lãnh đạo phong trào Thiên Địa Hội nổi lên đánh Pháp. Người đó là Phan Xích Long.

Phan Xích long tên thật là Phan Phát Sanh, tự Lạc, sinh năm Quý Tị (1893), con trai của Phan Núi làm nghề cảnh sát cho Pháp ở Chợ Lớn. Khi nhỏ, Phan Phát Sanh không ham học, lớn lên đi làm bếp cho Tây. Nhưng năm 1913, khi mới 20 tuổi, bỗng Phan Phát Sanh xưng tên là Phan Xích Long, tự cho mình là một Đông Cung Thái Tử con của vua Hàm Nghi. 

Rồi tự sắm áo mão, dây đai vàng và xưng là Hoàng Đế, lập đảng kín, cho tuyển mộ người chế tạo súng rồi kêu gọi nhân dân cùng nổi dậy chống Pháp. Việc làm của Phan Xích Long lúc đó ai khiến cũng ngạc nhiên và cho là giả ngộ. Phan Xích Long cho mình là có số mệnh Thiên Tử, có bùa phép không sợ súng đạn, có thể thắng được Pháp để cứu nước thoát khỏi ách nô lệ đô hộ của thực dân Pháp.

Phan Xích Long cũng đưa ra tuyên cáo mục đích “Phản Pháp phục Nam” như Nghĩa Hòa Đoàn của người Trung Hoa “Phản Thanh phục Minh”. Vì vậy người Việt rất ủng hộ Phan Xích Long.

Phan Xích Long cũng đưa ra tuyên cáo đêm 28 tháng 3 năm 1913, toàn dân Việt sẽ nổi lên chống Pháp. Vì vậy, đêm 28 tháng 3 hàng trăm người từ thôn quê kéo nhau lên Sài Gòn. Họ đều chít khăn trắng, mặc áo trắng không cổ, tay cầm những vũ khí thô sơ như gậy tầm vông, đao, búa… đi từ Chợ Lớn tiến vào trung tâm Sài Gòn. Nhưng vì bọn mật thám biết trước nên cuộc xuất phát mới bắt đầu từ Chợ Lớn đã bị lính Pháp tới bao vây bắt trọn và dẹp tan.

Còn Phan Xích Long thì cũng bị Pháp bắt ngay tại Phan Thiết trước đó hai ngày. Tuy Phan Xích Long bị bắt nhưng nhiều hội viên của Thiên Địa Hội còn lẩn trốn được và vẫn hoạt động lẻ tẻ ở nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Kỳ.

Phan Xích Long bị bắt và bị giải về Sài Gòn cùng với 111 người đồng đảng bị chính quyền Pháp đem ra xử tại tòa áo đỏ. Có 6 người trong Đảng bị xử án chung thân bao gồm: ba người có mặt tại toà là Phan Xích Long, Nguyễn Trí, Nguyễn Hiệp còn ba người nữa bị xử khiếm diện là Nguyễn Màng, Trương Phước, Nguyễn Ngọ. 111 người đồng đảng thì 57 người được tha còn 54 người bị xử tử hình.

Theo như báo chí thời đó tường thuật thì trong phiên xét xử ngày 5 tháng 11 năm 1913, phiên tòa kéo dài một tuần. Vụ Phan Xích Long có nhiều chi tiết rất quan trọng:

“Trong 57 người bị kêu án,chỉ có một người Hoa kiều mà thôi, còn lại đều là người Việt Nam và đa số là dân ở Chợ Lớn, Long An.

Phan Xích Long, Nguyễn Trí, Nguyễn Hiệp đều là nhân vật hành động có ý thức. Trước tòa, Phan Xích Long dám nói: ông chống đối chính sách thuế khóa nặng nề của người Pháp và đặt những trái bom trong thành phố là để hăm dọa người Pháp, để mong người Pháp giảm thuế cho dân. Và cách chế tạo mấy quả bom là học được ở bên Xiêm La (Thái Lan).

Cuối cùng,Nguyễn Trí, Nguyễn Hiệp và Phan Xích Long đặt cơ sở đầu tiên trên đất Cao Miên tại Cần Vọt, cất ngôi chùa do tiền lạc quyên để làm nơi tụ họp. Trước đây, vùng Cần Vọt (Kampot) được xem là nơi trú ngụ lý tưởng của những chiến sĩ Cần Vương sau khi phong trào ở làng An Định (núi Tượng) thất bại, dân làng bị tống xuất về quê cũ. Phan Xích Long vẫn giữ được tinh thần vững chắc, trả lời với tòa rằng ông xem thường cái chết “sẵn sàng chết vì nước và muốn được xử tử”.

Nguyễn Hiệp cung khai rằng: “chống nhà nước Tây là có ý dụng nhắc nhở nhà nước phải thương tâm, làm mấy quả bom chỉ là để dọa người Tây chớ không có ý giết người Việt Nam ấy. Nguyễn Hiệp lúc đó 27 tuổi” (theo tài liệu của Sơn Nam, Saigon 1974).

Máy chém trong Khám

Máy chém trong Khám

Sau khi xử Phan Xích Long ở phiên tòa Đại hình, người Pháp coi như Thiên Địa Hội đã là rắn mất đầu, vì một số tay chân của Phan Xích Long đã bị xử tử, còn Phan Xích Long thì bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Song, một số dư đảng của Thiên Địa Hội vẫn còn lẩn trốn, Pháp chưa bắt hết được.

Bốn năm sau, nhân  bên Châu Âu có trận đại chiến (1916) Pháp bị thua nặng nên dư đảng của Thiên Địa Hội thừa dịp trên đã tụ tập những đảng viên còn lại làm cuộc nổi loạn tại Sài Gòn để mưu đồ giải thoát cho “Hoàng đế” Phan Xích Long đang bị giam trong Khám Lớn. Cuộc giải thoát này được ấn định vào đêm, rạng  sáng 12 tháng Giêng Âm lịch.

Ngay chiều ngày 11 tháng Giêng, ở dưới chân cầu Móng Khánh Hội đã có nhiều ghe thuyền từ lục tỉnh kéo lên đậu sẵn ở đó. Đúng 3 giờ đêm thì họ khởi sự. Các đồng đảng Thiên Địa Hội từ các ghe thuyền lên bờ, người nào cổ cũng đeo bùa, tay cầm dao, mã tấu, rựa, tầm vông… lũ lượt kéo vào trung tâm Sài Gòn, hướng về Khám Lớn. Nhưng dao, gậy tầm vôn làm sao địch nổi với súng đạn của Pháp. 

Cho nên khi đoàn người vừa đến gần Khám Lớn đã bị lính Pháp bắn chết 2 người. Đám người dân quê nghe thấy tiếng súng thì hoảng sợ bỏ chạy tán loạn về phía Xóm Dầu trong Chợ Lớn. Lính Pháp cứ nhìn thấy người nào mặc quần áo trắng thì bất luận đàn ông hay đàn bà đều bắt và đem giam vào Khám Lớn.

Sau đó, Pháp đem số người trên ra tòa Đại hình xét xử. Có 38 người bị xử tử hình tại Đồng Tập Trận vào sáng ngày 22 tháng 2 năm 1916, 13 người khác bị xử bắn vào ngày 16 tháng 3 năm 1916. Như vậy có tất cả 57 người của Thiên Địa Hội bị Pháp giết trong vụ nổi dậy cứu Phan Xích Long.

Những người chết đều được chon tại nghĩa địa “Đất Thánh Chà” ở đường Maye (nay là đường Võ Thị Sáu) Sài Gòn. Khu đất nghĩa địa trên nay là Công ty Vệ sinh thành phố Hồ Chí Minh.

Còn Phan Xích Long thì nay được đặt tên cho một con đường ở quận Phú Nhuận thành phố Hồ Chí Minh để tưởng nhớ một người yêu nước đã hy sinh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s