CHƯƠNG 4: SỰ RẠN NỨT 22-41 SH [642-661 CN]
Tamim Ansary
Trần Quang Nghĩa dịch
Vị Kha-lip Thứ Ba (22-34 SH, 642-656 CN)
Othman là em họ thứ 5 của Mohammed có lần bị từ bỏ, và ông nhậm chức kha-lip ở tuổi 68. Để hiểu nhiệm kỳ 12 năm bão táp, ta cần nhìn vào con người ông và bằng cách nào ông lên được chức lãnh đạo cộng đồng cai trị toàn bộ Trung Thế Giới.
Cha Othman đã từng là một trong những người giàu có nhất ở Mecca, và Othman thừa kế gia tài của mình khi ông chỉ vừa 20. Với năng khiếu kinh doanh, ông xoay sở làm tài sản tăng gấp nhiều lần khi vừa qua tuổi 30, tạo được biệt danh Othman Ghani, “Othman Giàu Sụ.”
Trong sạch và khiêm tốn ngay trước khi cải đạo, Othman không uống rượu, hút thuốc, hoặc săn đuổi phụ nữ. Chung quanh Mecca, ông nổi tiếng vì nét ưa nhìn – người ta thậm chí đi quá xa cho là anh “đẹp như con gái” – vậy mà một vẻ buồn lo lúc nào cũng lãng đãng quanh con người khắc khổ, nói năng dịu dàng này.
Anh cải sang đạo Hồi khoảng một năm sau khi Mohammed bất đầu thuyết giáo và 9 năm trước sự kiện Hijra. Câu chuyện cải đạo của anh bắt đầu vào một buổi chiều khi anh đang trên đường về nhà từ một chuyến làm ăn thành công. Othman dừng chân đâu đó để qua đêm và đang nằm dưới một bầu trời đầy sao, nhìn lên vòm trời đen ngòm, bỗng anh cảm thấy mình như bị vũ trụ mênh mông bao trùm. Cùng với một cảm nhận đè nặng thấy mình thật vô nghĩa là một xác tín rằng có ai đó đang nắm quyền kiểm soát, rằng vũ trụ này có một chủ nhân, và một chủ nhân cao tột biết bao! Ngay lúc đó, cho dù đang ở một mình, Othman nghe một giọng nói thâm nhập lớn tiếng báo tin rằng Sứ giả của Thượng Đế đang tại thế. Ngay khi về đến nhà, câu chuyện kể rằng Othman vội đi đến nhà bạn mình Abu Bakr, người đã kể với anh về câu chuyện lạ lùng của Mohammed và thông điệp của ông ta về một vị Thượng Đế duy nhất, toàn năng. Othman ngay lập tức loan báo mình là tín đồ.
Việc anh cải đạo làm gia đình điên tiết. Suy cho cùng, dòng họ ông, dòng Umayyad quý tộc, là phe chống Hồi giáo điên cuồng nhất trong bộ tộc Quraysh. Chú của Othman Abu Sufyan chẳng bao lâu nổi lên như một thủ lĩnh của lực lượng chống đạo Hồi. Cha dượng của Othman có lần đã tấn công Mohammed trong một con hẻm và có lẽ đã xiết cổ ông đến chết nếu Abu Bakr không can thiệp kịp. Hai cô vợ của Othman đã hạ nhục anh vì theo đạo của Mohammed. Họ nhất quyết không cải đạo, vì thế Othman ly dị họ và lấy cô con gái xinh đẹp có tiếng của Nhà Tiên Tri, Ruqayya. Khi cô mất, Othman cưới cô con gái khác của Mohammed, Um Kulthum.
Người Hồi chắc chắn là vui mừng khi được một người giàu có gia nhập trong hàng ngũ họ, và Othman vui mừng vì được trợ giúp các người anh em Hồi bất cứ cách nào có thể, nhưng cách chủ yếu anh có thể nghĩ đến là cung ứng tiền bạc. Có lần, khi tình trạng sỉ nhục người Hồi lên cao ở Mecca, Mohammed quyết định cho một nhóm người theo ông di cư đến Abyssinia, và Othman liền giúp đỡ chi phi cho việc đó. Chính anh cũng đi với nhóm và ở Abyssinia lại móc nối kinh doanh phát đạt khiến anh còn giàu hơn trước. Một ít năm sau anh trở về Mecca, tại đó các mối làm ăn ở Abyssinian – vâng – lại giúp anh giàu có hơn nữa.
Đối với phần đông người Hồi, Hijra có nghĩa là mất hết tất cả tài sản. Họ không biết gì về canh tác, ngành nghề chính ở Medina, vì thế việc di dân làm họ nghèo túng. Nhưng Othman thì không. Mặc dù anh di dân với những người khác, anh không bao giờ cắt đứt hoàn toàn với các mối làm ăn ở quê nhà, giúp anh coi sóc sản nghiệp và lợi tức doanh thu, Othman tiếp tục phát tài hơn nữa, thậm chí ở Medina. Không có bất kỳ tai tiếng nào cho thấy anh làm ăn bất chính, mà hoàn toàn ngược lại. Một số người đơn giản là có số rờ đến đâu ra vàng đến đó, và Othman là người như vậy. Anh cũng không phải là loại người giàu có mà bần tiện. Anh tài trợ rộng rãi cho lợi ích công cộng; chẳng hạn, anh mở rộng thánh đường ở Medina cho Mohammed, và khi người Hồi cần nước, anh mua lại giếng nước tốt từ một bộ tộc Do Thái và hiến tặng nó cho công ích.
Giàu nứt đố đổ vách, đẹp rạng ngời, lấy cả hai con gái của Nhà Tiên Tri làm vợ – con người này còn thiếu gì nữa?
Vậy mà Othman đường như bị ám ảnh bởi nỗi sợ là mình chưa đủ tốt. Anh dành nhiều thời gian nhịn ăn, cầu nguyện, và đọc Kinh Qur’an. Có lẽ việc anh hiến tặng hậu hĩ cho công ích là đền đáp những vận may phi thường mà anh đã nhận được.
Hoặc có thể anh lo lắng là phẩm cách mình chưa bằng được các đồng hành thân cận khác của Nhà Tiên Tri. Anh lỡ trận đánh Badr vì vợ bị bệnh. Tại trận đánh Uhud, khi nghe tin đồn Mohammed đã tử trận, Othman thuộc số những người Hồi tuyệt vọng và rời bỏ chiến trường. Othman sửa sai tại Trận Chiến Hào, nhưng trận vừa khởi tranh thì con trai ông chết, và Othman cảm thấy dường như Thượng Đế vẫn còn trừng phạt ông. Để được tha thứ, ông phải mua nô lệ và trả tự do cho một người vào mỗi thứ 6.
Sau khi Mohammed qua đời, Othman lo lắng cộng đồng có thể tan rã, và hơn nửa ông dường như đặc biệt lo sợ cho linh hồn của mình. “Làm sao chúng ta có thể an toàn với những cạm bẫy của ác quỷ?” ông than thở. Lo sợ tương lai gặm nhấm người đàn ông tội nghiệp. “Mỗi ngày là một ngày tận thế, ” có lần ông nói, ý ông là không hề có khoảnh khắc nào an toàn khi ngừng là người tốt, vì thế ông lại gia tăng nhịn ăn và cầu nguyện, và đóng góp rộng rãi hơn nữa, nỗ lực một cách tuyệt vọng để xứng đáng một chỗ trên thiên đường mà Tiên Tri Mohammed đã bảo đảm với ông.
Nhà mạnh thường quân bị ám ảnh này trở thành vị kha-lip thứ ba của Hồi giáo.
Khi Omar bắt đầu làm kha-lip, đạo Hồi đã là một tổ chức xã hội thuộc loại mới còn đang tiếp tục phát triển bản sắc của mình. Triều đại kha-lip của Omar chứa đầy một nhận thức phiêu lưu tinh thần, phát minh, và khám phá. Lúc mà Othman lên kế vị, cộng đồng Hồi giáo là một chính quyền kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn. Không còn chỉ thuyết giáo, phòng thủ, tấn công, và truyền tải hân hoan thần thánh. Các nhà lãnh đạo Hồi giờ đây còn phải thu thuế, xử án, tu bổ cầu cống và đường xá, ấn định lương bổng, quy định các nhiệm vụ cho các chức vụ khác nhau – tất cả công việc hành chính buồn tẻ của cuộc sống thường nhật. Quản lý việc chuyển tiếp này rơi vào tay Othman.
Một dự án vĩ đại mà Othman thấy đâm hoa kết trái trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên của ông là việc chuẩn bị cho ấn phẩm chính thức của Kinh Qur’an. Ông đã chọn các học giả để lược bỏ các phần dư thừa trong các bản sao chép hiện hành, giải quyết các chi tiết khập khiễng, và đánh giá lại các đoạn mà tính xác thực có vấn đề. Sản phẩm cuối cùng được biên soạn thành một bộ sách trong đó các tiết mục được sắp xếp ít nhiều theo thứ tự độ dài (hơn là theo chủ đề hoặc thứ tự thời gian.) Tất cả các bản chép khác, các phiên bản đối chọi, và các tiết mục đã bị loại bỏ đều bị tiêu hủy. Từ đó trở đi, mọi kinh Qur’an đều phải như nhau, từng chữ một, và đó là bộ kinh Qur’an mọi người Hồi giáo đang có ngày nay. Bạn có thể biết tại sao việc này phải được thực hiện nếu việc ưu tiên là gìn giữ tính thống nhất của cộng đồng, nhưng các bạn cũng thấy được tại sao dự án này có thể đã gây bất mãn cho một số người Hồi, nhất là nếu họ đã ngờ vực về ý định của Othman.
Tiếp theo là sắp xếp lại hoạt động tài chính của cộng đồng. Trong thời Nhà Tiên Tri, cơ bản là không có chi tiêu công. Tắt cả tiền bạc chảy về Medina ít nhiều đều được phân phối ngay. Abu Bakr và Omar cũng hoạt động theo cùng một cách, mặc dù Abu Bakr đúng là có lập một quốc khố, và Omar có lập quỹ dự trữ dùng để trả lương cho binh lính, khi Hồi giáo bắt đầu lập ra một quân đội thường trực. Tuy nhiên dưới thời Othman, ngân khố phồng ra thành một cơ quan nhà nước, tài trợ cho một loạt các chi tiêu nhà nước càng ngày càng sinh sôi.
Vị kha-lip thứ ba này làm gia tăng một cách ấn tượng nguồn thuế lợi tức từ các tỉnh lỵ xa xôi. Khi Amr ibn al-A’as, thống đốc Ai Cập, không nộp đủ tiền, Othman sa thải y và bổ nhiệm em nuôi mình Abdullah thế chỗ. Abdullah thành công khi thu được nhiều tiền hơn từ tỉnh Ai Cập – đúng ra, tăng gấp đôi số tiền nộp từ Ai Cập – chứng tỏ Othman đã có một quyết định đúng đắn, nhưng Amr ibn al-A’as gầm gừ cho rằng gã kế vị mình đang vắt quá nhiều sữa từ lạc đà mẹ đến nỗi lạc đà con phải chết đói. Nền cai trị của Hồi giáo đang bắt đâu có dấu hiệu áp bức và tham nhũng.
Othman hậu thuẫn lệnh ngăn cấm của Oma về việc tịch thu đất trong các lãnh thổ bị chinh phục, nhưng ông dỡ bỏ hạn chế của Omar về việc mua bán đất ở đó, vì Othman tin vào sự tự do kinh tế. Đúng ra, ông cho các người Hồi tiếng tăm vay tiền nhà nước để mua đất. Chẳng bao lâu, giới ưu tú Hồi, kể cả các bạn đồng hành của Tiên Tri Mohammed, đang tích cóp của cải và tậu được các điền trang mênh mông trên khắp đế chế mới của Hồi giáo. “Cải cách kinh tế” của Othman thiên về làm giàu cho dòng họ mình, Umayyad, trước hết vì họ ở trong vị thế tốt nhất để vay tiền từ quốc khố. Vị kha-lip này cũng cắt cử bà con và bọn sủng ái mình vào những chức vụ chính trị béo bở trên khắp đế chế, đơn giản bởi vì họ là những người ông biết rõ nhất và tin cậy nhất. Kết quả là dòng Umayyad cuối cùng tranh thủ được phần quyền lực bất tương xứng, cả về kinh tế lẫn chính trị.
Vị kha-lip thứ ba tiếp tục thực hành lối sống khắc khổ nhưng không yêu cầu quan chức làm theo mình. Là một người giàu có, ông không nhận lương bổng, và chia lợi lạc của mình cho người thân và chi tiêu hào phóng vào công trình công cộng. Bộ máy hành chính của ông đã xây dựng hơn 5000 thánh đường mới trên khắp đế chế. Othman xúc tiến cơn bùng nổ xây dựng biến Medina thành một thành phố có đường phố rộng lớn và dinh thự bề thế lát gạch đẹp, trong đó có lâu đài nguy nga cho mình, một tổng hành dinh xứng tầm chức vị cự phách của mình (trong cung điện này Othman sống bằng bánh mì, nước lã, và cầu nguyện).
Trên khắp đế chế, Othman thể hiện thiên tài kinh doanh bằng cách ra lệnh cải tiến những biện pháp thuận lợi cho thương mại. Đào kênh, xây dựng xa lộ, cải tạo hệ thống thủy lợi. Cấp thêm tiện ích mới cho các cảng. Các thành phố sinh sôi nhận được giếng mới và hệ thống dẫn nước mới, và các cửa hàng tạp hoá mới được các viên chức nhà nước điều hành. Công việc kinh doanh của người Hồi không hoàn toàn có cùng mùi vị như thời Omar, nhưng ai có thể tranh cãi với sự phồn vinh đây?
Về các vấn đề đạo đức cá nhân như nhậu nhẹt và tình dục, chủ nghĩa khắc kỷ của Othman vượt quá mọi lời chỉ trích. Nếu sự sùng đạo gồm có sự sám hối và cầu nguyện, ông ắt hẳn được xếp vào danh sách 10 người sùng đạo nhất vào thời mình, nhưng Othman không thấy sự nhập nhằng của những kẻ làm ra tiền, miễn là việc kiếm tiền của họ xiển dương sự thịnh vượng cho đất nước.
Một trong những người Othman sủng ái nhất là em họ Mu’awiya của mình. Omar đã bổ nhiệm Mu’awiya làm thống đốc Damascus và vùng lân cận. Othman cứ liên tiếp cắt thêm đất cho em họ mình, cho đến khi Mu’awiya cai trị mọi lãnh thổ từ đầu nguồn Euphrates xuống đến bờ biển Địa Trung Hải đến Ai Cập.
Mu’awiya là con trai của Abu Sufyan, nhà quý tộc bộ tộc ở Mecca, vốn đã cầm đầu cuộc tấn công vào người Hồi tại hai trong ba trận đánh biểu tượng giữa Mecca và Medina. Mẹ của Mu’awiya, Hind, theo chồng ra chiến trường, và tại Uhud, sau khi quân Hồi bỏ chạy, người ta cho là bà đã ăn gan chú Hamzah của Mohammed vừa ngã xuống trong một cơn hả hê vì chiến thắng. Tuy nhiên, Nhà Tiên Tri không hề ôm mối hận đó: ngay sau khi ai đó ngã theo đạo Hồi, y liền trở thành một thành viên của gia đình, và Umayyad cũng vậy. Nhà Tiên Tri cho rằng Mu’awiya đặc biệt có năng lực nên luôn giữ y sát bên mình sau khi y đã cải đạo.
Ắt hẳn Omar bổ nhiệm Mu’awiya làm thống đốc Damascus vì y làm được việc, nhưng lẽ ra Omar nên dừng lại để xem xét tại sao Mohammed đã luôn giữ gã đàn ông ấy sát bên mình: một khi y náu mình ở Damascus, Mu’awiya trổ hết tài năng thành lập một đạo quân chính quy trung thành với mình. Điều này đưa đến những hậu quả tai hại sau cái chết bất ngờ của Othman.
Vào cuối thời trị vì 12 năm của Othman, lời ta thán bắt đầu râm ran trên khắp đế chế. Ở Ai Cập, em nuôi của ông vắt kiệt tiền bạc dân chúng khiến nổi dậy bùng phát. Các nhân sĩ Ai Cập gửi thư cho vị kha-lip xin ông triệu hồi vị thống đốc. Không nhận được hồi đáp, họ cử một phái đoàn đến thỉnh nguyện đích thân ông. Tình cờ, ngay tại thời điểm ấy, nhiều nhóm công dân bất mãn cũng đang hội tụ về thành phố từ phía bắc. Rõ ràng là Othman cũng gây bất bình cho nhiều người khác.
Đám đông thỉnh nguyện này khiến Othm chột dạ. Ông nhờ Ali ra ngoài nói chuyện với đám bất mãn dùm mình, vỗ về họ và thuyết phục họ trở về nhà, nhưng Ali cự tuyệt, có lẽ vì chính ông cũng không tán thành các chính sách của vị kha-lip thứ ba. Ông khuyên Othman yên tâm ra giải quyết những khiếu nại hợp pháp của dân chúng. Cuối cùng, Othman xiêu lòng và tiếp phái đoàn Ai Cập. Ông hứa sẽ thay thế em trai nuôi và bảo người Ai Cập hãy trở về và báo tin cho vị thống đốc biết là y sẽ sớm được thay thế bởi một người mới.
Phái đoàn Ai Cập trở về, cảm thấy rất phấn khởi, nhưng trên đường về nước họ bắt kịp một nô lệ của Othman. Vẻ lúng túng của hắn khiến họ ngờ vực. Họ lục soát hắn và tìm được một bức thư giấu trong người, dường như có chữ ký của vị kha-lip và gửi cho thống đốc Ai Cập, bảo với thống đốc Abdullah hãy bắt giữ phái đoàn bất mãn ngay khi họ đến diện kiến y và hành hình ngay khi thích hợp về mặt chính trị.
Phái đoàn quày quã về Medina trong cơn tức tối. Othman vội vã bước ra khỏi cung điện để đón họ trên bậc thềm. Sao trở lại sớm vậy? Có gì không ổn à? Họ chìa cho ông bức thư và Othman rất đỗi bức xúc. Ông thề ông không hề viết những điều như thế, chưa hề nghe hay biết về bức thư cho đến phút này. Đúng ra, em họ gây rối Marwan của ông, một họ hàng và đồng phe với vị thống đốc Damascus, có thể đã chấp bút bức thư đó và giả chữ ký của vị kha-lip. Tội nghiệp Othman, lúc ấy đã gần 80, có thể dễ dàng bị qua mặt.
Trong bất kỳ tình huống nào, nhóm người thỉnh nguyện hoà bình biến thành một đám đông thịnh nộ. Trước tiên, họ đòi vị kha-lip giao nộp em trai của Mu’awiya cho họ. Vị kha-lip từ chối. Rồi họ yêu cầu Othman từ chức để một người khác tốt hơn lên thay thế. Othman cũng phẫn nộ từ chối. Nhiệm vụ của ông là vì Thượng Đế, ông nói, và rời bỏ chức vụ theo yêu cầu của một đám đông sẽ là điều xúc phạm đối với Thượng Đế, ông nói. Đoạn ông lui về phòng riêng, tại đó ông đốt một cây đèn nhỏ và ngồi thu lu trong góc để làm một việc mà ông luôn làm trong những thời khắc hỗn loạn và hoang mang: hạ mình đọc Kinh Qur’an.
Bên ngoài cung điện, nhóm người điên cuồng phá sập cửa cung, và gào thét xông vào. Họ bắt gặp vị kha-lip trong phòng đọc, và tại đó dưới ánh sáng chập chờn của chiếc đèn dầu cũ, vào năm 34 kỷ nguyên Hồi giáo, họ đánh đập vị lãnh đạo của mình đến chết. Bất ngờ, vấn đề hóc búa chọn người kế vị đã biến thành cuộc khủng hoảng kinh khiếp đe dọa đến ngay chính linh hồn đạo Hồi. Trong bốn ngày đám đông phá phách khắp thành phố. Dân chúng Medina núp trong nhà, đợi cho cơn bạo loạn lắng xuống. Thậm chí khi cơn cuồng nộ đã qua đi, thủ lĩnh các đám đông cho biết họ sẽ không rời đi nếu vị kha-lip mới đáng tin cậy chưa được bổ nhiệm. Giờ đây cuối cùng mọi suy tính đều đổ dồn về ứng cử viên đã bị bỏ qua hết lần này đến lần khác, con người mà một số luôn coi là người kế vị hợp pháp duy nhất của Nhà Tiên Tri: chàng rể Ali của Mohammed.
Thoạt đầu, Ali từ khước vinh dự này, và mọi thành viên vai vế khác của cộng đồng cũng đều muốn tẩy chay chế độ kha-lip. Các vụ nổi loạn đe dọa biến thành một tình trạng khủng bố trừ khi Medina chọn ra ai đó họ có thể sống cùng và hãy chọn cho nhanh, vì vậy những người Hồi cầm đầu chen chúc vào thánh đường và khẩn khoản xin Ali lên nắm quyền.
Thật là giây phút kỳ lạ biết bao với Ali. Ròng rã 25 năm khắc khoải ông ắt hẳn cảm thấy mình như đang nhìn con thuyền trôi giạt ra khơi đi khỏi lộ trình. Ba lần, Umma đã bác bỏ quyền lãnh đạo của ông khi ông còn có sức lực để làm điều đúng đắn. Mỗi lần như vậy ông đều xử đẹp, vì ông biết làm gì khác bây giờ? Cố chiếm quyền lãnh đạo sẽ làm cộng đồng rạn nứt. Ông phải lựa chọn giữa việc gây rối với việc nhìn tiền đồ lung lay, giết nó hoặc để nó chết. Chỉ đến bây giờ, khi sự việc đã đi quá xa đến nỗi người Hồi đã hạ thủ vị kha-lip của mình, giờ đây khi người kế nhiệm của ông ta phải đổi đầu với một thách thức bất khả thi, giờ đây Umma đang kêu gọi, “Hãy cầm cương đi, Ali.”
Vị Kha-lip Thứ Tư (35-41 SH, 656-661 CN)
Cuối cùng Ali nhận chức kha-lip, nhưng trong lời phát biểu đầu tiên trước dân chúng, ông bảo họ rằng mình đã chấp nhận chức vụ này vì bị ép buộc. Ông than thở về sự tan rã của Umma chỉ trong một thời đại kể từ khi Nhà Tiên Tri qua đời. Phải cần mạnh tay để đưa mọi việc vào nền nếp, Ali nói, và ông đưa ra lời cảnh cáo đối với Umma: từ ông, điều họ chỉ có thế mong đợi là sự nghiêm khắc.
Một phân khúc chủ chốt của cộng đồng không nghe lời ông. Các thành viên của Umayyad, họ hàng gần của Othman, đã chạy đến Damascus, nơi người thân Mu’awiya của họ đang âm thầm củng cố sức mạnh quân sự. Mu’awiya bắt đầu đi kinh lý tỉnh của mình với một tên kể chuyện nhà nghề. Tại mỗi điểm dừng chân, y kích động đám đông bằng câu chuyện xúc động về vụ sát hại ở Medina. Ngay lúc cao trào, chính Mu’awiya sẽ bước lên sân khấu, tay vẫy chiếc áo đẫm máu, chính chiếc áo, ông tuyên bố, mà vị kha-lip đã mặc khi bị sát hại. Thật là một chiêu trò chính trị bậc thầy. Rồi Mu’awiya kêu gọi vị kha-lip mới phải bắt giữ và trừng phị bọn sát hại Othman hoặc từ chức.
Nhưng làm sao có thể bắt giữ được bọn sát nhân? Không ai biết chính xác người nào trong đám đồng đã ra đòn chí mạng. Đúng ra là toàn thể đám đông là thủ phạm. Để thỏa mãn yêu cầu của Mu’awiya, Ali sẽ phải bắt và trừng trị toàn thể đám đông. Điều này không hề thực tế và hoàn toàn không thể: đám đông vẫn còn khống chế đường phố Medina. Ali đơn giản không có khả năng làm theo yêu cầu của Mu’awiya, và vị thống đốc biết điều đó.
Ngoài ra, bọn phản loạn đã sát hại Othman vốn là nạn nhân của sự bất công và áp bức. Họ đã đến Medina với quyền khiếu nại hợp pháp, nhưng trong hành động sát hại vị kha-lip, họ đã đưa ra một nền tảng đạo lý cao hơn cho những kẻ áp bức họ. Giờ đây, Ali buộc phải chọn giữa phe áp bức hoặc phe sát nhân – một sự lựa chọn đau lòng!
Ông quyết định sẽ bắt đầu tấn công nạn tham nhũng làm ung thối đế chế. Thắng hay thua, đó là hy vọng duy nhất của ông: bằng cách đảo ngược các chính sách của Othman và phục hồi kỷ cương, ông có thể kéo cộng đồng trở lại Chính đạo, nhờ đó lấy được sự tín nhiệm và vị thế ông cần để làm những việc khác cần làm.
Nhưng một giai cấp nhà giàu mới vọt ra từ đống phân trộn của các cuộc chinh phục Hồi giáo, và giới ưu tú này không tha thiết với ý tưởng thuần khiết hay cải cách của ông. Đối với họ, Ali trông như một mối đe dọa cách mạng, và Mu’awiya trông như người bảo vệ của cải và an toàn của mình, một hiện trạng mới.
Ali cách chức mọi vị thống đốc mà Othman đã bổ nhiệm và phái người mới đến thay thế, nhưng không thống đốc bị cách chức nào chịu bước xuống, trừ vị thống đốc ở Yemen, và y tẩu thoát với tất cả tài sản trong ngân khố, để lại một tỉnh lỵ phá sản cho người mới đến nhậm chửc.
Trong lúc đó, rắc rối bùng phát tại một khu vực khác. Bà vợ trẻ nhất của Nhà Tiên Tri Ayesha tình cờ có mặt ở Mecca khi Othman bị sát hại. Khi Mu’awiya bắt đầu gây náo loạn, Ayesha theo về phe y, một phần bởi vì luôn luôn có hiềm khích giữa bà và Ali. Bà thông báo việc mình về phe Mu’awiya bằng một bài diễn văn bốc lửa ở Mecca. “Ôi, hỡi dân chúng! Bọn phản loạn . . . đã hạ sát Othman vô tội . . . Họ xâm phạm tính thiêng liêng của thành phố Nhà Tiên Tri thiêng liêng trong tháng thiêng hajj (nghi thức hành hương đến Mecca như một việc làm bắt buộc it nhất một lần trong đời của tín đồ Hồi giáo.) Họ cướp phá và cướp bóc dân chúng Medina. Hởi Thượng Đế, chỉ một ngón tay của Othman có giá trị hơn cuộc sống của tất cả bọn sát nhân. Điều ác đã không được đàn áp, và ngày nào bọn sát nhân vẫn chưa bị mang ra xét xử là ngày chúng ta không sao vui được . Chỉ có trả thù cho máu của Othman mới có thể lấy lại danh dự cho đạo Hồi.”
Tận dụng cơn thịnh nộ mình khuấy lên, bà huy động một đạo quân, triệu tập hội đồng chiến tranh, và vạch ra một chiến dịch. Vị thống đốc bị truất phế của Yemen cam kết góp hết của cải lấy trộm cho chính nghĩa của bà. Với tài trợ dồi đào, Ayesha dẫn quân về phía bắc và ồ ạt đánh Basra, một thành phố chính ở nam Iraq. Bà nhanh chóng đánh tan nhóm trung thành với Ali và chiếm thành phố.
Tại thời điểm này, ai đó bắt đầu một chiến dịch rỉ tai kết tội Ali đồng lõa trong vụ ám sát Othman. Ali tội nghiệp thật thà nhìn nhận mình cũng có một phần trách nhiệm cho tội ác này bởi vì khi Othman khẩn khoản xin được báo vệ, Ali đã rút lại tay kiếm của mình. Ý nghĩ mình có thể đã cứu được Othman dày vò vị kha-lip thứ tư của đạo Hồi, và tính thật thà của ông chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho tin đồn hủy hoại ông.
Ali ra sức huy động một đạo quân nghênh chiến với Ayesha, thuyết giảng rằng đây là một jihad và dân chúng nên tập kết bảo vệ đạo Hồi như họ đã từng làm thuở xưa. Nhưng người Hồi hoang mang, bởi vì Ayesha cũng kêu gọi jihad chống Ali. Cả hai bên đều tuyên bố mình chiến đấu cho chân lý, công lý, và phong cách Hồi giáo, vậy mà mỗi bên đều kêu gọi người Hồi đánh nhau với người Hồi khác. Đây không phải là điều họ gọi là jihad trong thời xa xưa cũ!
Kỳ lạ thay, trong đám tay sai của Ayesha có Talha và Zubayd, những bạn đồng hành của Nhà Tiên Tri, họ có thể là người lãnh đạo đám đông tấn công cung điện của Othman ngày đó. Nếu không tự mình xuống tay sát hại, họ chắc chắn phải có liên hệ với bọn sát nhân – vậy mà ở đây họ lại là các thành viên của một lực lượng thề sẽ trả thù cho vụ sát hại Othman bằng cách lật đổ Ali!
Ali hành quân ra khỏi Medina với một it binh sĩ mà ông có thể huy động được, nhưng trên đường đi lên bắc có thêm một số bộ tộc gia nhập, nên quân đoàn ông trở nên đông đúc, bề thế. Khi ông đến Basra, ông gửi một phụ tá tin cẩn vào thành phố để đàm phán với Ayesha. Khen thay, lời lập luận của sứ giả làm xiêu lòng người phụ nữ sắt đá. Trước tiên, bà nhìn nhận mình thực lòng không nghĩ Ali có dính líu tới vụ sát hại Othman. Bà chỉ trách ông không bắt được bọn tội phạm. Rồi bà đồng ý rằng bọn tội phạm là thuộc đám người gây rối, và rằng đám đông đó vẫn còn hoạt động, thế lực giờ còn mạnh hơn nhờ tình hình hỗn loạn. Tiếp theo, bà nhìn nhận đánh nhau với Ali , bà chỉ làm gia tăng hỗn loạn và như thế, theo một nghĩa nào đó bà đang tiếp tay cho bọn sát nhân thoát được sự trừng trị của công lý. Vào cuối ngày, bà đồng ý bỏ vũ khí, giải tán quân lính, và gia nhập lực lượng với Ali. Bà sẽ gặp ông sáng mai để bàn luận thêm về điều khoản chi tiết.
Việc hóa giải hận thù phản ảnh tiếng tăm của hai nhà lãnh đạo: đối với Ali vì biết tìm sự thương thảo trước trận đánh, đối với Ayesha vì tính trung thực trí tuệ khiến bà có thể, thậm chí giữa cơn nóng giận, trong khi bao quanh nồng nặc mùi sát khí của chiến tranh và mối đe dọa của tử thần, vẫn chịu lắng nghe Ali trình bày và công nhận giá trị những luận điểm làm xói mòn vị thế của mình – chỉ bởi vì chúng là sự thật. Trong việc này, dù chẳng đánh nhau, bà chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng đích thực, vì đã chiến thắng chính mình.
Sứ đoàn trở về doanh trại Ali để báo tin tốt lành, và đêm đó hai bên đều ăn mừng. Sẽ có hoa bình! Chỉ có một vấn đề mà không ai xem xét là cả hai bên đều bị các phần tử của chính đám người đã sát hại Othman chui vào và chúng sợ sẽ bị đem ra xét xử nếu Ali và Ayesha có chung chính nghĩa. Bọn này chắc chắn không muốn cho hòa bình một cơ hội.
Sáng sớm hôm sau, một nhóm người của chúng lẻn ra khỏi doanh trại của Ali và tiến hành một cuộc tấn công vào lực lượng của Ayesha đang còn say ngủ. Lúc Ali tỉnh dậy, người của Ayesha đang chống trả. Cả Ali và Ayesha đều cho rằng đối phương đã phản thùng mình, và thế là bắt đầu Trận đánh Lạc đà, được gọi tên như thế vì Ayesha cưỡi lạc đà xông vào trận địa và chỉ đạo binh sĩ từ phía sau. Trận chiến chỉ kết thúc khi lạc đà của bà bị chém gục và bà bị bắt. Ali thắng trận, nhưng thắng lợi mới cay đắng làm sao! Khó mà tưởng tượng hai người họ cảm thấy thế nào, khi đối mặt nhau sau trận tàn sát, người vợ yêu quý của Nhà Tiên Tri và con rể tin cẩn của Nhà Tiên Tri, mặt đối mặt trên trận địa ngập máu vương vãi 10,000 thi thể người Hồi, nhiều người trong số đó là bạn đồng hành với Sứ Giá của Thượng Đế.
Khi họ đã chắp vá các sự kiện và tìm ra người đã phản bội họ, hai người còn sống sót này hòa giải nhau. Thậm chí có lẽ họ tìm cách đến với nhau qua tình bạn. Có lẽ, theo một cách kỳ lạ nào đó, thảm kịch vốn đã nhận chìm cả hai, và nỗi hãi hùng không người nào muốn có, lại cuối cùng kéo họ gần lại với nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, họ không hề giao chiến nhau lần nữa. Sau Trận Lạc Đà, Ayesha rút về Medina, và dành phần còn lại của đời mình ghi chép lại những lời nói của Nhà Tiên Tri và viết bình luận về chúng. Bà kết thúc cuộc đời như một trong những học giả buổi đầu đáng kính nhất của Hồi giáo.
Ali không bao giờ trở lại Medina. Ông chọn thành phố Kufa, ở Iraq ngày nay, làm trung tâm hành chính để tưởng thưởng nhân dân thành phố đó đã hậu thuẫn mình, và ông ra sức vá víu lại phần còn lại của vương quốc kha-lip của ông, nhưng cuộc chiến đau lòng với Ayesha chỉ là đoạn đầu những nỗi khổ của ông. Tên gây rối bậc thầy vẫn còn lù lù ngoài kia, đang mài giũa gươm giáo và luyện tập binh mã. Mu’awiya đã sẵn sàng cho cuộc công kích cuối cùng.
Trong thời gian đó, Mu’awiya đã chính thức rút lại lòng trung thành với Ali và tuyên bố vương quốc kha-lip thuộc về mình. Hai bên quyết định giải quyết trên trận địa. Vào năm 36 SH (657 CN), Ali đối đầu với Mu’awiya tại Trận Siffin. Trận đánh nổ ra khi quân Mu’awiya ra sức chặn đứng Ali không cho tiến vào nguồn nước. Một trận đánh ngắn ngủi nổ ra, nhưng quân Ali đến được bờ sông, và cuộc chiến hạ nhiệt đến chỗ bế tắc kéo dài đến nhiều tháng, chỉ gián đoạn bởi các trận đột kích lẻ tẻ. Cả hai bên đều kiềm chế, tìm cách thắng trận mà ít tốn xương máu, bởi vị mỗi bên có nguy cơ đánh mất uy quyền tôn giáo nếu làm đổ máu người Hồi.
Sự bế tắc kết thúc bằng một cuộc bùng phát bạo lực kéo dài 4 ngày trong đó một số nguồn tin cho rằng có 65 ngàn người chết. Cuộc tàn sát đưa đến lời kêu gọi quân đội hai bên hãy lùi lại để hai thủ lĩnh giải quyết tranh chấp bằng cuộc đấu tay đôi. Ali, giờ đã 58 tuổi nhưng thể chất còn cường tráng đáng sợ, hăng hái nhận thách thức. Mu’awiya, cũng khoảng đồng tuổi với Ali, nhưng đã suy yếu và béo phì, nói không.
Binh sĩ Ali mở lại cuộc tấn công, lần này đốn ngã binh lính địch như phạt cỏ đại, nhưng Mu’awiya nghĩ ra một mưu mẹo: y cho binh sĩ đính những trang Kinh Qur’an lên mũi giáo rồi tiến lên, đi trước là đội chuyên gia ngâm nga các vần thơ Qur’an đồng thời hô hào Ali hãy đàm phán nhân danh hòa bình giữa người Hồi. Binh linh của Ali nao núng trước viễn cảnh làm ô uế Qur’an buộc Ali phải đồng ý thương thảo.
Ắt hẳn ông không nghĩ mình sẽ đồng ý nhượng bộ vì ông được kêu gọi thỏa thuận ngay từ đầu, nhưng chắc chắn ông đang nghĩ về cuộc đối thoại mà cuối cùng là Mu’awiya phải nhìn nhận quyền cai trị của ông đổi lại một nhượng bộ nhỏ nào đó như bảo đảm cho y tiếp tục làm thống đốc Syria. Thay vào đó, khi đại điện của hai thủ lĩnh gặp nhau, họ nhất trí hai người là ngang hàng, và mỗi bên tiếp tục trị vì phần lãnh thổ của mình, Mu’awiya cai trị Syria và Ai Cập, Ali cai trị phần còn lại.
Đây không phải điều Ali tìm kiếm, và chắc chắn điều đó làm nổi giận phe ủng hộ ông, những shi’i của ông (dùng tiếng Ả Rập) – và từ này đã trở thành tên của một giáo phái phát sinh từ rạn nứt này. Nhưng giờ đây Ali không thể bác bỏ kết quả đàm phán mà không khỏi mang tiếng là thiếu trung thực. Mu’awiya đã đánh lừa được ông!
Ngoài ra, Ali đang gặp phải trở ngại khi hành động. Trong 26 năm các shi’i của Ali đã luôn tuyên bố là ông sở hữu các quyền năng lãnh đạo được Thượng Đế trao tặng, các quyền năng có thể cứu vớt cộng đồng khỏi các tai ách. Tuyên bố này xuất phát từ mối quan hệ huyết thống với Nhà Tiên Tri, nhưng trải qua bao thập niên, khi ba kha-lip đầu tiên đang tạo hình cho một trật tự xã hội mới, thì Ali chỉ biết liên tục thuyết giáo một cách say sưa về bản chất thần bí của tính toàn năng, tính bao trùm, tính độc nhất , và tính vượt trội của Allah. Tóm lại, trong khi các kha-lip khác đang tự xưng là người bảo vệ tầm nhìn cộng đồng của Mohammed, thì Ali đã tự xác định mình là người gìn giữ ngọn lửa bên trong. Vì thế các đồng đạo của ông đi đến kết luận rằng, không giống mọi người khác đều muốn nhắm đến chức kha-lip, Ali có hướng đi cá nhân thần bí đến sự khải đạo của Allah.
Giờ đây ông lại… thương thuyết? Với Mu’awiya, một hiện thân hoàn hảo của chủ nghĩa duy vật chống Hồi giáo? Thế thì ông là hóa thân được Thượng Đế chọn lựa và khải đạo chân lý thuộc loại nào?
Thỏa hiệp với kẻ thù gây bất mãn một nhóm người tận tụy nhất của Ali, và những đồng chí trẻ hơn, cực đoan hơn tách ra. Họ được biết dưới tên Kharijites, “những người ra đi”. Nhóm tách ra này đúc kết lại những lý tưởng của họ thành một học thuyết mới mang tính cách mạng: huyết thống và gia phả không có ý nghĩa gì, họ nói. Thậm chí một nô lệ cũng có quyền lãnh đạo cộng đồng. Tiêu chuẩn duy nhất là phẩm cách. Không ai sinh ra đã là người lãnh đạo, và chỉ bầu chọn cũng không thể biến ai đó thành vị kha-lip. Bất kỳ ai thể hiện sự hiến dâng chân thật sâu xa nhất đối với các giá trị Hồi giáo đơn giản là vị kha-lip, không cần bầu chọn. Tuy nhiên, ông ta chịu trách nhiệm trước nhân dân. Chỉ cần phạm một lỗi nhỏ bằng cọng tóc ông sẽ bị tước quyền nắm chức vụ cao và người khác sẽ trở thành kha-lip. Qua cơ chế thực sự nào mà mọi việc thăng chức và cách chức xảy ra, các Kharijite không nói rõ. Không phải là vấn đề của họ. Họ chỉ biết rằng Ali đã lãng phí quyền hạn của mình và cần phải bước xuống; và vì ông không chịu bước xuống, một Kharijite trẻ tuổi tự tay giải quyết vấn đề. Vào năm 40 SH, tên nóng đầu này ám sát Ali
Các phe phái của Ali lập tức hướng đến con trai của ông Hassan làm người kế vị, nhưng Mu’awiya gạt thách thức này qua một bên bằng cách trao cho Hassan một số tiền để anh từ bỏ quyền làm kha-lip. Người cháu ngoại của Mohammed, đau lòng và mệt mỏi vì chiến tranh tại thời điểm này, chịu bước sang một bên. Anh không có lòng dạ nào tiếp tục cuộc chiến đấu, và theo tình hình hiện giờ, giành chức vụ kha-lip là nắm lấy quyền lực, thế thì có gì là tốt? Và thế là triều đại Umayyad bắt đầu.
Cái chết của Ali kết thúc kỷ nguyên đầu tiên của lịch sử Hồi giáo. Các sử gia Hồi gọi bốn nhà lãnh đạo hậu Mohammed đầu tiên là Các Kha-lip Được Khải Đạo Đúng Đắn. Cuộc sống trong thời đại họ chắc chắn không hẳn là sự ngọt ngào và kỳ diệu đậm đà, nhưng trong việc gọi họ là những người Được Khải Đạo Đúng Đắn, tôi không nghĩ các sử gia có trách nhiệm có ý gán cho họ tính hoàn hảo. Đúng ra họ nói rằng sự tiến hóa của Umma từ thời điểm Hijra đến sự kiện ám sát Ali là một bi kịch tôn giáo. Vâng có đổ máu và đau lòng, nhưng sự hỗn loạn không bắt nguồn từ những kẻ nhỏ nhen khao khát quyền lực, tiền tài, hoặc lòng tự phụ. Bốn kha-lip và các bạn đồng hành Mohammed tạo thành hạt nhân của Umma trong thời kỳ này đang nỗ lực một cách lương thiện để biến các mặc khải thành sự thật. Mỗi người họ nắm chắc một lĩnh vực thiết yếu nào đó trong dự án, nhưng không ai đủ tầm để nắm toàn bộ dự án, như Mohammed đã làm. Những người kế vị Nhà Tiên Tri như bốn người mù sờ voi cố mô tả con voi giống sợi dây thừng, cột nhà, chiếc quạt hay gì gì đó. Mọi cuộc đấu tranh giành quyền kha-lip trong thời kỳ những người Được Khải Đạo Đúng Đắn có ý nghĩa thần học vì các vấn đề họ tranh chấp về cơ bản có tính thần học. Sau khi Ali qua đời, triều đại kha-lip chỉ là một đế chế.