Ném đá nghìn năm

tượng vợ chồng Tần Cối ở Tây Hồ

Tượng Tần Cối và Vương Thị quỳ trước Nhạc Miếu ở Hàng Châu

Lê Vinh Huy

Người Tàu có món bánh làm bằng bột mì chiên dầu, có hình dạng như hai cây xúc xích dính liền nhau, ăn bùi và giòn tan. Món này ngoài Bắc gọi là “quẩy”, trong Nam kêu bằng “dầu chá quẩy”. “Dầu chá quẩy” là phiên âm tiếng Quảng Đông của chữ “Du tạc quỷ” (油炸鬼 – Yau ja gwai), nghĩa là con quỷ bị chiên dầu. Món bánh này không biết xuất hiện tự khi nào, nhưng nó được gắn liền với một sự tích bi thảm: nó là tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối bị hình phạt bỏ vạc dầu, ăn “dầu chá quẩy” là nhai vợ chồng kẻ gian phi, là yêu nước!

images

Trong dân gian lại loan truyền đơm đặt thêm đủ thứ giai thoại truyền kỳ, thậm chí sang đến đời Thanh, còn có cả tên thầy chùa dựng chuyện, cho rằng có con heo nọ là kiếp đầu thai chịu tội thứ 7 của gian thần Tần Cối, xem ra lũ vô lương hợp tác cường quyền điên đảo thị phi đời nào cũng có!

tc4

Không chỉ dùng bột chiên, heo nọc làm biểu tượng suông, người ta còn tạo dựng cả hình tượng cụ thể. Năm thứ 9 niên hiệu Chính Đức đời Minh Vũ tôn (1513), viên Đô chỉ huy của phủ Hàng Châu là Lý Long cho đúc đồng năm hình nhân bán loã quỳ trước mộ Nhạc Phi ở Tây Hồ. Năm tượng đó là Vương Tuấn, Vạn Sĩ, Tần Cối cùng vợ là Dương thị, và Trương Tuấn. Năm người này bị sử qui cho tội danh ám hại toàn gia Nhạc Phi – vị danh tướng được xem như chiến thần của Trung Hoa. Họ Lý kia quả đã làm một việc hay: từ đó, ở các nơi có đền thờ Nhạc Phi rải từ Hàng Châu tới Giang Tây, Hà Nam, Giang Tô, Hồ Bắc… các nơi đều noi theo. Toàn đại lục tính ra có 208 tượng Tần Cối trong tư thế mình trần quỳ gối, hai tay bị xích ra sau. Đặc biệt ở lăng Thái Hạo thuộc huyện Hoài Dương tỉnh Hà Nam, mỗi năm vào mùng 5 Tết, người ta lại tổ chức ngày hội lớn gọi là hội “đả Tần Cối”.

Các tượng đồng trải hơn 500 năm nay bị đánh bị vỗ không ngừng, đến nỗi đều bóng lưỡng. Dương thị, vợ Tần Cối, dù là phụ nữ nhưng cũng bị phanh trần thân trên hệt như “đồng đảng”, pho tượng của bà ở lăng Thái Hạo có điểm độc đáo là đôi bầu ngực bị sờ sáng choang.

 tc2

* * *

Tội trạng Hán gian bán nước, cũng như tội danh giết hại Nhạc Phi của Tần Cối, đến nay vẫn chưa hề có một bằng chứng cụ thể; trong khi cái chết của Nhạc Phi là hệ quả tất yếu, do họ Nhạc tự rước lấy.

Nhà Bắc Tống hủ bại, đang khi bộ tộc Nữ Chân quật khởi ở phương Bắc, giành lại lãnh thổ từ Cao Ly, tiêu diệt nước Liêu, lập nên Kim quốc, thì vua tôi Tống vẫn an nhàn hưởng lạc, xây dựng văn minh đạo đức lễ nghĩa, Tống Huy tôn say mê chìm trong sáng tác, trở thành họa sĩ tài danh lừng lẫy cổ kim, chừng Kim quốc hưng binh chinh phạt thì ông vua tài tử sợ hãi đến mức phải nhường ngôi cho con là Khâm tôn. Niên hiệu Tĩnh Khang 1127, hùng binh Đại Kim thâm nhập kinh thành Biện Kinh, bắt cả vua cha vua con cùng số đông tôn thất mang đi, “sự biến Tĩnh Khang” trở thành nỗi nhục lớn nhất của Trung Hoa suốt hơn 5.000 năm lập quốc.

Nam Tống chỉ còn lại nửa mảnh giang sơn, để đối phó với tình thế đó, triều đình của Tống Anh tôn chia làm hai chủ trương: chủ chiến và chủ hòa. Phe chủ chiến do đại nguyên soái Nhạc Phi cầm đầu, phe chủ hòa do tể tướng Tần Cối làm thủ lĩnh. Nhạc Phi tự cho mình hùng tài thao lược, được thiên hạ suy tôn là bậc trung quân ái quốc, ông chết chính bởi bốn chữ “trung quân ái quốc” đó. “Trung quân” của ông là trung với hai vua trước, quyết đánh ra Bắc để rước hai vua về, thật không hiểu tại sao Nhạc Phi không hề chịu hiểu, nếu cha và anh của Anh tôn trở về thì đương kim hoàng đế sẽ phải mất ngôi. Đã thế, dẫn quân vào sâu đất địch trong khi quân của Đại Kim vốn là quân du mục thiện chiến, khác nào dắt dê vào miệng sói, thu phục giang san đâu chưa biết, nhưng chắc chắn là sinh linh đồ thán, đại quân mai một, mất nửa nước còn lại như chơi.

Những kẻ viết sử cứ hay khoa trương tinh thần yêu nước, nên hết lời ca ngợi hào khí vạn trượng kia, và quay lại đả kích phái chủ hòa, ít người nhìn nhận công lao của Tần Cối: đó là nhờ có ông ra sức chèo chống mà nửa mảnh giang san còn lại của Đại Tống kéo dài thêm được trăm năm, mãi đến khi đội quân hùng mạnh nhất thế giới, đại quân Mông Cổ, tiêu diệt cả Kim cả Tống.

* * *

Nhưng không phải trong thiên hạ ai cũng nhắm mắt tin theo sử sách do bọn cầm quyền tự ý phao vu giải láo lịch sử tùy thích. Năm 2011, tại Viện bảo tàng khu Giang Ninh thành phố Nam Kinh (quê hương Tần Cối), khánh thành bức tượng Tần Cối ngồi lên trên ghế, với đầy đủ phẩm phục áo mão triều đình, tay trái cầm cuộn giấy – chắc hẳn là thư trần tình. Trước đó, năm 2005, tại một điểm trưng bày ở Thượng Hải, nhà điêu khắc Kim Phong cho ra mắt tượng hai vợ chồng Tần Cối đứng thẳng lên. Nhưng những cố gắng giúp đỡ cho hình tượng Tần Cối chịu tội này khiến quần chúng nhân dân phẫn nộ. Người ta cần có tội đồ để nguyền rủa ngàn năm cho sướng miệng!

tc3

Ném đá Tần Cối” là một nhu cầu thiết thực của số đông bầy đàn man rợ, nó chính là cái van do nhà cầm quyền Trung Nam Hải dành để nhân dân trút xả bất mãn. Lạy Tần tể tướng! Lạy Dương phu nhân! Bao giờ tượng đồng hai người giũ bỏ xích xiềng, đứng thẳng lưng lên, quảy đít đi khỏi Nhạc vương miếu thì trung hồn Nhạc Phi mới yên dạ, và dân tộc Trung Hoa mới mong sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

tc1

Nguồn bài đăng

24 thoughts on “Ném đá nghìn năm

  1. Hết ý kiến với những bài viết thế này. Theo tác giả thì có lẽ dân Việt cũng nên nhập vào Trung Quốc thành 1 tỉnh cho xong, tội chi mà đấu tranh mà quật cường tới nỗi sinh linh đồ thán, người chết thành gò

    Thích

  2. Việc Tần Cối giết Nhạc Phi chính sử Tàu có ghi, tác giả vặn ngược lại bảo là không có bằng chứng cụ thể là như thế nào?

    Những đánh giá về công trạng hay việc Nhạc Phi chắc chắn thất trận toàn là chuyện tào lao không có chứng cứ, ai phán thế nào chả xong.

    Thích

    • Tôi đã đọc từ chính sử Tàu, không hề có một bằng chứng cụ thể, bởi quần thần đều biết đó là do Anh tôn sát hại trung thần; ngay cả Hàn Thế Trung, người cùng phe Nhạc Phi, cũng chẳng thể kết tội Tần Cối hại Nhạc Phi. Bạn bảo chính sử Tàu ghi, xin cho chứng cứ ạ!

      Thích

      • Vậy Levinhhuy là tác giả, sao trong bài viết lại không thấy ghi nhỉ? Tôi xin gom mấy ý vào trả lời như sau:

        1. Nếu bạn cho rằng vua Tàu giết Nhạc Phi mà không phải Tần Cối giết Nhạc Phi thì tôi không có ý kiến gì. Có điều, từ bài viết của bạn, chứ không phải comment, người đọc cỡ ngu si như tôi hiểu rằng: bạn cho rằng sự kiện giết Nhạc Phi là không có thật, người sau bịa ra.

        2. Quay trở lại comment trước, theo bạn thì Nhạc Phi nên an phận thủ thường, vui chơi ở Giang Nam, còn chuyện mất nước thì nói theo ngôn ngữ bây giờ là makeno? Hay là nên làm cách mệnh tư sản dựng nhà nước cộng hòa ở miền nam? Hay là nên làm thế nào, mời bạn cho biết ý kiến?

        Thằng khác nó vào nhà cướp vợ bạn (xin lỗi dùng ví dụ này), bạn nên đánh lại nó hay là nên bật nhạc cho nó nghe, cho nó vui vẻ. Việc chưa làm (chưa đánh lên miền Bắc), sao bạn biết là thất bại? Tàu khựa giờ hùng mạnh như vậy, giả sử đánh Việt Nam thì theo bạn hẳn là nên đầu hàng luôn cho “sinh linh đỡ đồ thán”, chứ giờ đánh với Tàu thì chỉ có chết chắc? Tôi chỉ suy luận từ ý của bạn thôi.

        Thích

      • Suy luận từ ý của tôi? Là bạn nhét chữ vào miệng người ta thì có, kiểu này tôi hổng chơi, ngục văn tự, Nhân Văn Giai Phẩm là từ kiểu suy luận ác ý thế mà ra đấy! 🙂
        Chỉ xin nói thêm một điều về phía Tần Cối: nếu Nhạc Phi còn sống, thì Tần sẽ có thế mạnh hơn để thương lượng với Kim. Cái chết của Nhạc đối với Tần, là mang lại hại nhiều hơn là lợi. Tôi hết, chẳng còn gì để trao đổi thêm ở thớt này.

        Thích

      • Bạn không muốn tranh luận nữa cũng không sao, tôi chỉ vẫn băn khoăn và đáng tiếc rằng không hiểu nếu bạn là Nhạc Phi thì bạn sẽ làm gì, vẫn rất mong được bạn khai sáng đầu óc.

        Hỏi thế thì chắc không phải nhét chữ vào miệng bạn đâu nhỉ?

        Thích

      • Tất nhiên là đánh nhưng phải xem đánh thế nào chứ =)))) cứ đánh bừa à, mà Nhạc Phi là đánh bừa đấy, cũng như “trung quân” là quân nào, vua ngu tối thì trung làm gì, gọi là “ngu trung”, vua tôi cùng một đường, dân mạnh gốc bền thì sao mà chẳng thắng, quan trọng là hướng đi đến được cái chỗ cùng đường với mạnh bền kia thôi

        Thích

  3. Tác giả đưa một nhận định: nhờ tài năng Tần Cối mà Nam Tống chủ trì được cả trăm năm, song chưa thấy tác giả chứng minh luận điểm này. Mong được chỉ bảo.

    Thích

    • Trong thời đại phong kiến xưa cũ với tôn chỉ “trung quân” thi cũng không khó hiểu gì,nhằm bảo vệ ngai vàng vua chúa cho được “vạn tuế” hay “trường trị” muôn năm nhưng thời đại ngày nay thi lạc điệu vì không còn thích hợp nữa !

      Thích

  4. “Mạc tu hữu.”

    Có thể người đời sau ca ngợi Nhạc Phi là có dụng ý, vừa kích động lòng yêu nước, vừa cho thấy người Hoa không phải tầm thường, thà chết chứ không chịu nhục.

    Sự thật lịch sử thế nào khó mà biết được.

    Thích

  5. Tôi xin hỏi tác giả đã tìm hiểu cuộc chiến Tống-Kim ở mức độ nào rồi ? Tác giả có biết năm 1140 trong khi 2 bên đang nghị hòa, quân Kim chủ động tấn công miền Nam , chiếm Khai Phong . Sau khi bị Lưu Kỳ ở Thuận Xương, Nhạc Phi ở Nang Dương đánh lui, Tông Bật mới lui về Khai Phong . Cao Tông cử Lý Nhược Hư đi ngăn Nhạc Phi tấn công nhưng Lý Nhược Hư sau khi xem xét tình hình cũng phải nhận xét “tình thế này không thể rút quân; tội trái lệnh vua , bổn quan xin chịu ” .Sau đó trong tháng 6,7 quân Nhạc Phi liên tục lấy lại các thành ở Hà Nam , đặc biệt đánh bại kị binh tinh nhuệ của quân Kim ở Yển Thành , Dĩnh Xương , trấn Chu Tiên , áp sát Biện Kinh ( Khai Phong -Hà Nam ) thì bị triệu về . Tôi nhắc lại là khu vực chiến sự là tỉnh Hà Nam thuộc là đất đô cũ của nhà Tống mà quân Kim mới chiếm được từ đầu năm – ai mới là người đem quân sâu vào đất địch . Khu vực Hà Nam nằm giữa 2 con sông Hoàng Hà và Hoài Hà là đất đồng bằng , thuận tiện cho kị binh nhưng quân Kim vẫn bị đánh bại . Như vậy Nhạc Phi đang đánh ngay trên đất mình , vẫn đang phản kích quân xâm lược thì bị triệu về . Khu vực Giang Hoài giàu có đông dân , có kinh đô cũ Biện Kinh , tình thế quân sự có lợi cho quân Tống ít nhất cũng đẩy được quân Kim về biên giới trước 1140. Vậy nhưng sau hòa ước 1142 của Tần Cối thì Tống mất sạch các đất ở bắc Hoài Hà cũng mất luôn cơ hội khôi phục=> Tội bán nước , sát hại trung thần của Tần Cối có sai không ? Bạn tự nhận đã đọc sử Tàu thế bạn có để ý vị vua ở trong bài đáng lẽ phải là Tống Cao Tông Triệu Cấu chứ không phải Tống Anh Tông Triệu Thự không ??? Tôi xin hỏi sử Tàu của bạn đọc là sách nào , nguồn trích dẫn của bài ở đâu ???

    Thích

  6. Bài này đọc không hẳn là không có cái hay. Đứng ở khía cạnh chủ chiến thì quả khó chấp nhận những ý kiến của người viết nhưng ngược lại thì khác.

    Cũng có thể hiểu xa hơn về câu chuyện trên mà chẳng quá nhất thiết phải nặng nhẹ với nhau làm gì, môi trường tự do nhưng cũng nên giữ lời lẽ thoáng một chút trong thảo luận.

    Nếu các vị cho là sai xin vui lòng viết bài phản biện để những đọc giả như tôi được mở mang thêm.

    Tôi luôn cho rằng đối với bên chủ hoả đến lúc đã phải dự tính rằng Nhạc Phi sống là điều bất lợi, ai chủ chương khử ông khi đó là để giữ cái lợi ích thôi. Mà lợi ích to lớn nhất đâu phải của Tần Cối.

    Thích

  7. Cần phân biệt “chủ hòa” với “chủ hàng”. Nhiều khi rành rành là “hàng” thì lại nói là “hòa” cho đỡ nhục nhã.
    Ví dụ cái “hòa ước” 1883 thực chất là triều Nguyễn hàng giặc Pháp, chứ không phải là không ai thắng ai, đành nghị “hòa” với nhau bằng một hiệp ước.

    Tần Cối yên phận còn giữ được nửa nước, để mình làm tể tướng, còn hơn là đánh nhau. Nếu thua, mất cả vua lẫn tể tướng. Nếu mà thắng, công lao về cả Nhạc Phi.

    Điều tôi quan tâm không phải là sử Tàu trước hết. Phải quan tâm trước hết là sử ta.
    Dân Tàu tôn vinh ai, ném đá ai… và sau này họ thay đổi quan niệm thế nào… xin cứ để nội bộ họ tự lo trước ta, lo nhiều hơn ta. Chớ nên lo giúp hoặc dạy bảo họ.

    Hãy coi trong sử ta, ai bị oan (Việt Gian), ai được tôn vinh quá mức xứng đáng, nên bàn cho ra nhẽ thì hơn.

    Thích

  8. Bài viết hay,chính xác
    Mà nói chuyện xa xôi chi cho mệt,chuyện ngay xứ ta cũng thế.Có vẻ bác LVH là dân chuyên nghiệp,em muốn hỏi không hiểu có sử liệu chính xác nào về công lao của cha con Nguyễn Phi Khanh -Nguyễn Trãi không mà người ta tôn lên làm anh hùng dân tộc! Chính Đại Việt Sử Ký Toàn thư (q9) chép việc Nguyễn Phi Khanh là kẻ hàng giặc đâu tiên. Còn Nguyễn Trãi đang làm quan to trong triều(Hồ) thì vẫn sống khỏe ở Đông quan cả 10 năm trời(em suy luận là cũng giống cha thôi,nhưng k có tài liệu)

    Thích

  9. nhạc phi phải chết là đúng
    chủ trương chiến tranh chống quân kim thu phục miền bắc không sai.
    nhưng mục tiêu đón 2 vua về của ông ta thì trong mắt nhạc phi.đương kim hoang đế là cái gì
    nhất vua nhất triều thần.làm bề tôi của một người mà lại ăn cây táo rào cây sung .không bị đương kim hoàng đế làm thịt mới là lạ

    Thích

  10. Công nhận lịch sử là phải có cái nhìn đa chiều nhưng thế này là quá rồi tác giả ạ. Cái lí trời ở đâu mà để kẻ khom lưng quỳ gối, cắt đất xưng thần lại là người có công, hại kẻ trung liệt lại mang danh ái quốc. Nói như ông thì, ông cha ta ngày xưa kháng chiến làm gì, cứ thủ hòa thôi, cắt dần Bắc Hà mà dâng cho Tàu, không đủ thì cắt thêm Nghệ An, Hà Tĩnh. Nghĩ mà chán…

    Thích

  11. Vãi cả nhờ tài năng Tần Cối. Công đức Nhạc Phi ngàn năm ghi nhận. Nếu không có Tần Cối và vua ngu, Nhac Phi có thể thu hồi được lãnh thổ rông lớn phía Bắc sông Hoàng hà rồi thậm chí có thể đánh tới tận kinh đô nhà Kim ở trung nguyên. Bạn bẻ ngoặt lịch sử, viết theo thiển ý của bạn mà không có dẫn chứng cụ thể xin bái phục đó

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s