MẶT TRỜI MỌC- Sự Suy Thoái và Sụp Đổ của Đế Chế Nhật Bản 1936-1945 (Phần 1)

PHẦN I

Cội Rễ của Chiến Tranh

Untitled.png

Tác giả John Toland

Trần Quang Nghĩa dịch

1 . Gekokujo

1.

                Bầu trời trên Tokyo vào chiều ngày 25/2/1936 u ám và dự báo một điềm gỡ. Một màn tuyết dày đã bao phủ  thành phố và còn đe dọa sẽ đổ thêm nữa. Ba đêm trước tuyết đã rơi dầy hơn một bộ (khoảng 30 cm), phá kỷ lục của 54 năm, gây ra ách tắc giao thông đến nỗi một số nhà hát phải trở thành khách sạn tạm thời cho các khán giả không thể về nhà được.

                Cho dù dưới tấm áo choàng tuyết giá, Tokyo gần như có vẻ Tây phương cũng như Đông phương. Nhật Bản đã bỏ lại sau lưng phần lớn quá khứ phong kiến để trở thành một quốc gia được tây phương hóa, tiến bộ nhất ở Á châu. Cách khu vực Hoàng cung với mái ngói kiểu truyền thống vài trăm ya là một khu nhà bê tông bốn tầng kiểu hiện đại, Bộ Nội thị Hoàng gia, tại đó mọi hoạt động triều đình được điều hành và các văn phòng của Thiên hoàng tọa lạc. Ngay bên ngoài bức tường đá và vòng hào cổ xưa bao quanh khu vực Hoàng cung mênh mông là một pha trộn giữa Đông và Tây: một hàng dài các kiến trúc hiện đại, bao gồm Nhà hát Hoàng gia và Trụ sở Dai Ichi, cũng có vẻ Tây phương như đường chân trời của Chicago, trong khi cách đó một vài dãy phố, trong những con phố hẹp trải đá cuội, là từng dãy đến từng dãy các kỹ viện, quầy sushi và các cửa hàng kimono, và những tiệm tạp hóa nhỏ xập xệ, trông vui mắt cho dù vào ngày mây mù đó với các tấm màn cửa phấp phới và các đèn lồng đầy màu sắc. 

                Kế bên Hoàng cung trên một ngọn đồi nhỏ là Trụ sở Quốc hội chưa hoàn thành, được xây dựng chủ yếu bằng đá lấy từ Okinawa và trông như một kiến trúc Ai Cập. Phía sau kiến trúc bề thế này là một cụm các ngôi nhà rộng rãi dành cho các lãnh đạo nhà nước. Ngôi nhà lớn nhất là của Thủ tướng, lớn gấp hai những ngôi nhà khác, khu làm việc theo lối Tây phương phong cách Frank Lloyd Wright thời kỳ đầu, các khu sinh hoạt theo lối Nhật với các bức tường mỏng như giấy, sàn nhà lót đệm rơm và cửa trượt truyền thống.

                Nhưng bên dưới dáng vẻ yên bình bên ngoài Tokyo âm ỉ một sự náo động có thể bùng ra dữ dội trên các đường phố phủ tuyết bất cứ lúc nào. Ở một đầu của khu vực Hoàng cung là doanh trại của Sư đoàn 1 (Ngọc thạch). Ở đây các giới chức thẩm quyền đã sẵn sàng cho những rối rắm sau khi có tin về một vụ nổi dậy của quân đội do một thiếu tá trong Bộ Chiến tranh cung cấp: ông đã biết tin từ một sĩ quan trẻ là một nhóm các quân nhân quá khích dự trù sẽ ám sát một số cố vấn của Thiên hoàng vào ngày hôm đó. Những kẻ tình nghi được giám sát chặt chẽ, và những nhân vật quan yếu được các vệ sĩ bảo vệ. Các cánh cửa của nơi cư trú chính thức của Thủ tướng được gia cố bằng thép, các thanh sắt được lắp đặt qua các khung cửa sổ, và một hệ thống cảnh báo được kết nối trực tiếp trụ sở cảnh sát. Nhưng kempeitai [hiến binh] và cảnh sát chính qui tin rằng họ có thể dễ dàng làm chủ tình thế. Nói cho cùng, một nhúm kẻ nổi loạn, dù có độc lực mạnh mẽ, có thể gây tổn thất gì được? Và giờ đây họ tự hỏi các tin tức về cuộc nổi dậy đó có thật đáng tin cậy không. Một ngày đã sắp qua rồi.

                Hơi lạ là họ quá tự mãn, vì tinh thần nổi dậy dâng cao trong số những binh sĩ ưu tú có nhiệm vụ phòng vệ khu vực Hoàng cung. Thái độ chống đối của họ quá rõ ràng đến nỗi họ được lệnh thuyên chuyển đến Mãn Châu trong vài ngày tới, và họ thách thức chính quyền quá công khai đến nỗi một đơn vị, bề ngoài là diễn tập, đã đi tiểu theo nhịp bước đi ngay tại các trụ sở cảnh sát thành phố. 1,400 sĩ quan và binh lính ngang tàng này đang chuẩn bị nổi loạn. Ngay trước rạng đông sáng hôm sau, các nhóm tấn công sẽ đột kích đồng thời tại 6 mục tiêu ở Tokyo: nơi ở của một số lãnh đạo chính quyền, cũng như các trụ sở chỉ huy cảnh sát thành phố.

                Trong khi những chuẩn bị chu đáo của các cuộc tấn công này đang được tiến hành, những kẻ mua vui lang thang khắp các đường phố tối tăm để tìm lạc thú. Nhà hát Ginza, Broadway-Đại lộ số 5 của Tokyo – tấp nập người. Đối với những chàng trai trẻ Nhật nó từ lâu đã là biểu hiệu lãng mạn của thế giới bên ngoài, vùng đất thần tiên của những ánh đèn neon, cửa hàng, quán cà phê, các rạp chiếu phim và nhà hàng Mỹ và Âu châu, các phòng khiêu vũ kiểu Tây phương. Cách đó một vài dãy phố, trong khu vực Akasaka, nơi kimono là y phục phổ biến cho nam cũng như nữ, người Nhật lớn tuổi cũng mong đợi một đêm vui thú. Các cô kỹ nữ, trông như một thứ gì đó thuộc thời cổ trong cách trang điểm như trên sân khấu với y phục sặc sỡ, ngồi trên các xe kéo chạy qua các con đường quanh co giữa các rặng liễu. Nơi đây ánh sáng mờ mịt hơn, và các ngọn đèn lồng đỏ truyền thống mà các cảnh sát cầm trên tay tỏa ra ánh sáng ấp áp, mềm mại, hoài cổ.

               

                Những người bạo loạn này không hành động vì tham vọng cá nhân. Như nửa tá nhóm trước họ – tất cả đều thất bại – họ nỗ lực một lần nữa để khôi phục sự công bằng xã hội ở Nhật Bản bằng bạo lực và ám sát. Truyền thống đã hợp thức hóa những hành động tội lỗi như thế, và người Nhật đã cho nó một cái tên đặc biệt, gekokujo (sự bất tuân thượng lệnh), thuật ngữ lần đầu tiên được sử dụng trong thế kỷ 15, khi đó các cuộc nổi dậy lan tràn trên mọi mức độ, với các chúa đất địa phương không chịu vâng lệnh các tướng quân, * còn tướng quân thì phớt lờ mệnh lệnh của hoàng đế.

  • Người cai trị thực sự trong thời phong kiến Nhật, một dạng thống chế. Trước thời Minh Trị, ông nội của người trị vì hiện thời, hoàng đế qua hàng thế kỷ chỉ có hư vị, một loại bù nhìn của tướng quân.

                Sự sup đổ của chế độ chuyên chính ở Âu châu sau Thế chiến I, theo sau là trào lưu dân chủ, chủ nghĩa xã hội và Cộng sản, đã tạo ra một tác động mạnh mẽ đến giới trẻ Nhật Bản, và họ đứng lên kêu gọi sự đổi mới. Các đảng phái chính trị xuất hiện và luật phổ thông đầu phiếu dành cho nam giới được ban hành vào năm 1924. Nhưng tất cả đã xảy ra quá nhanh. Rất nhiều người Nhật xem chính trị như một trò chơi hoặc một nguồn tài chính dễ kiếm và có cả một loạt những vụ bị vạch trần – Vụ Tai Tiếng Khu Đèn Đỏ Matsushima, Vụ Tai Tiếng Đường Sắt, Vụ Tai Tiếng Triều Tiên. Những bản án hối lộ và tham nhũng kéo theo những đám đông la ó trước thềm tòa nhà Quốc hội.

                Sự bùng nổ dân số đồng hành với tiến trình tây phương hóa của Nhật càng làm tăng thêm sự hỗn loạn. Hokkaido, Honshu, Kyushu và Shikoku (bốn đảo chính của Nhật, chiếm một diện tích vừa vặn bằng kích thước của California) đã bùng nổ với 80 triệu người. Kinh tế quốc gia không thể thu hút hết số dân gia tăng gần 1 triệu người mỗi năm; các nông dân trên bờ vực chết đói tiếp sau một sự lao dốc của giá sản xuất đã bắt đầu tổ chức những cuộc chống đối lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản; hàng trăm ngàn công nhân thành phố bị đuổi việc. Tất cả những sự kiện trên đã tạo nên làn sóng của những đảng cánh tả và các liên minh.

                Những phong trào này đối đầu với những tổ chức dân tộc chủ nghĩa, mà nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất là Ikki Kita, một người theo dân tộc chủ nghĩa cũng như một nhà cách mạng nồng nhiệt, người đã tìm cách kết hợp một chương trình có tính xã hội chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa. Đề cương cải cách của ông, “Phác thảo Đại cương các Biện pháp cho cuộc Tái thiết Nhật Bản,” được các nhà cực đoan và những kẻ tôn thờ Thiên hoàng cùng ngấu nghiến. Những lời lẽ của ông kêu gọi tất cả ai khao khát cách tân. “Người Nhật đang theo gương hủy diệt của các quốc gia Tây phương,” ông viết. “Các sở hữu chủ quyền lực tài chính, chính trị và quân sự đang nỗ lực duy trì những lợi ích bất chính của họ dưới vỏ bọc của quyền lực hoàng đế. . .

                “700 triệu anh em ở Ấn độ và Trung Hoa không thể có được độc lập của họ nếu không có sự bảo vệ và lãnh đạo của chúng ta.

                “Lịch sử của Đông và Tây là những ghi chép về sự thống nhất các bang phong kiến sau một thời kỳ nội chiến. Nền hòa bình quốc tế duy nhất chỉ có thể có, nền hòa bình sẽ tiếp sau các cuộc chiến quốc tế thời hiện tại, phải là một nền hòa bình phong kiến. Điều này sẽ đạt được qua sự xuất hiện của một quốc gia hùng mạnh nhất sẽ thống trị mọi quốc gia khác của thế giới.”

                Ông kêu gọi sự “giở bỏ các rào cản giữa quốc gia và Thiên hoàng” – nghĩa là, Quốc hội và Nội các. Việc bầu cử sẽ giới hạn cho những gia trưởng và không ai được phép tích lũy hơn 1,000,000 yen (khoảng 500,000 đô la vào thời điểm đó). Những nền công nghiệp quan trọng nên được quốc hữu hóa, một nền chuyên chính được thành lập, và các phụ nữ chỉ được theo đuổi những hoạt động trong nhà “trau dồi các môn nghệ thuật Nhật Bản truyền thống như cắm hoa và trà đạo.”

                Không có gì ngạc nhiên khi hàng triệu người trẻ lý tưởng, dễ bị lung lạc, vốn đã chán ghét sự thối nát của chính phủ và doanh nhân và cảnh khốn cùng của gia đình, đều bị mê hoặc. Họ có thể chiến đấu chống lại tất cả lực lượng xấu xa này hăng say như chống chủ nghĩa Cộng sản, giải phóng sự thống trị Đông phương của Tây phương và làm Nhật Bản trở thành một quốc gia cầm đầu trên thế giới.

                Ở phương Tây những người trẻ tuổi này có thể tìm thấy lối thoát bằng những hoạt động công đoàn hay đảng phái chính trị, nhưng ở Nhật nhiều người, đặc biệt những người xuất thân từ gia đình tiểu nông hay buôn bán nhỏ, thấy rằng họ có thể phục vụ tốt nhất nếu là những sĩ quan Lục và Hải quân. Một khi vào quân ngũ, họ càng nhận thức thấm thía hơn về cảnh nghèo khổ của binh lính dưới quyền họ qua những lá thư từ gia đình làm họ rơi nước mắt – với con trai đi xa nhà, gia đình lâm vào cảnh đói khổ. Những sĩ quan trẻ đổ tội cho các cấp trên của họ, bọn chính trị gia, và các viên chức triều đình. Họ gia nhập những hội kín, trong đó có một số hội, như Tenkento, kêu gọi hành động trực diện và ám sát, trong khi những hội khác, như Sakurakai (Hội Hoa Anh Đào), chủ trương bành trướng lãnh thổ cũng như cải cách quốc nội.

                Vào năm 1928 cơn men say đã lên tới đỉnh đầu, nhưng phải cần hai con người xuất chúng hoạt động trong lãnh vực quân sự mới biến nó thành hành động. Một người là Trung tá, Kanji Ishihara, và người kia là đại tá, Sheishiro Itagaki. Người đầu tiên thì tài giỏi, đầy cảm hứng, nồng nhiệt, một suối nguồn ý tưởng; người thứ hai thì trầm tĩnh, sâu sắc, một nhà tổ chức bậc thầy. Họ họp thành một cặp hoàn hảo. Những gì Ishihara suy tưởng thì Itagaki biến thành hành động. Cả hai đều là sĩ quan tham mưu trong Quân đoàn Quảng đông, mà từ khởi thủy, vào năm 1905, đã được phái đến Mãn Châu để bảo vệ các lợi ích của Nhật trong một lãnh thổ hoang sơ còn rộng hơn cả California, Oregon và Washington gộp lại.

                Cả hai thấy rằng Mãn Châu là câu trả lời duy nhất để giải quyết sự nghèo khổ của Nhật Bản. Nó có thể được biến từ một vùng đất hoang dã thành một khu vực phồn thịnh, văn minh, làm giảm bớt nạn thất nghiệp ở quê nhà và cung cấp một lối thoát cho đất mẹ quá đông đúc, ở đó hơn hai phần ba các nông trại có diện tích không tới 2.25 mẫu. Mãn Châu cũng có thể cung ứng cho Nhật những gì mà nó cần một cách khẩn thiết để duy trì một nhà nước kỹ nghệ – một nguồn nguyên liệu thô dồi dào và một thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra. Nhưng tất cả những điều này chỉ xảy ra, Ishihara và Itagaki lập luận, khi người Nhật kiểm soát hoàn toàn Mãn Châu, hiện giờ được cai trị lỏng lẻo bởi một tư lệnh Trung Hoa, Thống chế Chang Tso-lin (Trương Tác Lâm). Tại thời điểm đó, Nhật chỉ có quyền đóng quân dọc theo các đường xe lửa và tham gia những hoạt động khai mỏ, trồng trọt và doanh thương.

                Đã từng có những cuộc chiến trên vùng đất mênh mông ở phía bắc Trung Hoa trong vài trăm năm, trong đó người Trung Hoa chiếm Mãn Châu và Triều Tiên, và người Nga lấy Khu vực Biển, vùng bờ biển Siberia từ Eo Bering  đến Vladivostok. Trong nhiều thế kỷ người Nhật đã tách mình khỏi thế giới bên ngoài và không tham gia vào việc tranh cướp đất đai cho đến năm 1853. Trong năm đó một thiếu tướng Mỹ, Matthew C. Perry, giương buồm vào tận Vịnh Edo (Tokyo) và, với mũi đại bác, đã biến một nước Nhật từ trung cổ đến cuộc sống hiện đại. Người Nhật vồn vập nó với lòng quyết tâm. Họ cần cù sao chép những kỹ thuật mới nhất về sản xuất hàng loạt và thậm chí bổ sung những thao tác độc đáo – các nữ nhân công trong các xưởng dệt, chẳng hạn, làm việc trên giày patanh để xử lý nhiều con suốt hơn. Họ xây dựng một quân đội và hải quân hùng mạnh và bắt đầu bắt chước trò chơi của Âu châu về lối ngoại giao cưỡng bách, bằng cách tiến hành các cuộc viễn chinh trừng phạt. Chỉ trong vòng một vài thập niên Nhật Bản kiểm soát gần hết Triều Tiên và vào năm 1894 đánh nhau với Trung Hoa để giành xứ sở này. Nhật chiến thắng dễ dàng, và cũng chiếm được Đài Loan, mũi phía nam của Mãn Châu và Bán đảo Liêu Đông với cảng biển trọng yếu Cảng Arthur và Dairen.

                Báo động trước một tên xâm nhập đang cắn một miếng của “Quả Dưa Trung Quốc,” Nga, Đức và Pháp đoàn kết lực lượng và bắt ép người Nhật trả lại bán đảo mà họ vừa chiếm được sau cuộc chiến. Thế rồi Nga chiếm lấy Liêu Đông cho riêng mình nhưng chỉ giữ được không đến 10 năm. Năm 1904 người Nhật, tự ái dân tộc bị xúc phạm, giáng trả lại Sa hoàng, mà đế chế của ông ta bao phủ một phần sáu diện tích đất đai của quả đất, và gây kinh ngạc cho toàn thế giới bằng các thắng lợi giòn giã. Nhật chiếm lại Cảng Arthur và Dairen.

                Nhật cũng lấy toàn bộ đường xe lửa mà Nga xây dựng ở phía nam Mãn Châu. Nhật có thể đã lấy toàn bộ Mãn Châu nhưng muốn người Âu châu công nhận như là một thành viên được nễ trọng của cộng đồng đế quốc. Theo đó, nó đổ một tỉ đô la vào lãnh thổ thưa thớt người, đầy ổ trộm cướp, và duy trì luật pháp và trị an dọc theo các tuyến đường xe lửa hiệu quả đến nỗi hàng trăm ngàn nhà buôn và lập nghiệp Nhật, Trung Hoa và Triều Tiên ồ ạt đến đó.

                Chính dòng người đông đúc đổ về này đã gây cảm hứng cho Ishihara và Itagaki nhìn thấy trước một Mãn Châu không có tư lệnh người Trung Hoa cai trị. Ishihara mơ ước biến nó thành một nhà nước tự trị, một nơi trú ngụ cho mọi nhóm sắc tộc – người Nhật, Trung Hoa, Mãn Châu, Triều Tiên và Nga. Ở đây một chế độ dân chủ thực sự và sau đó là chủ nghĩa xã hội sẽ được thiết lập và là một cái đệm được dựng lên để chống nước Nga Xô viết.

                Tất cả những điều này được Quân đoàn Quảng đông thực hiện, với sự tán thành của Tokyo. Nhưng Thiên hoàng và Bộ Chiến tranh từ chối việc phê chuẩn một kế hoạch có thể bị dán nhãn hiệu là xâm lấn. Không nao núng, Ishihara, Itagaki và bộ hạ quyết định hành động theo ý mình – thực hiện gekokujo. Bước đầu tiên là khử Thống chế Trương, một tư lệnh Trung Hoa già nua. Vào ngày 4/1/1928, sĩ quan tham mưu của Quân đoàn Quảng đông ra lệnh cho người ở trung đoàn Công binh đặt mìn chiếc xe lửa đặc biệt của Trương và làm ông ta bị thương nặng. Từ đó trở đi, cho dù có nhiều lời cảnh báo từ Tokyo, Ishihara và Itagaki sử dụng Quân đoàn Quảng đông như thể của riêng mình. Cuối cùng, vào mùa hè 1931, họ sẵn sàng cho bước cuối cùng và bí mật điều động binh lính để chiếm Mãn Châu bằng vũ lực. Nghe tin đồn về việc này, Ngoại trưởng thuyết phục Bộ Chiến tranh phái một sĩ quan từ Tokyo để nắm quyền kiểm soát Quân đoàn Quảng đông. Người được chọn, một thiếu tướng, đến Mukden vào tối ngày 18/9. Cách đó một ít dặm một gói chất nổ được đặt trên đường sắt của Hỏa xa Nam Mãn Châu gần doanh trại của Lữ đoàn Trung Hoa thứ 7. Vụ nổ sẽ là cái cớ để phái quân đội đến “mang lại trật tự” và chiếm đóng Mukden.

                Vị tướng dễ dàng bị Đại tá Itagaki rủ rê đến Kikubumi, một khách điếm Nhật Bản, tận hưởng một đêm vui với các kỹ nữ. Khoảng 10 giờ một tiếng nổ lớn phát ra, nhưng sự thiệt hại quá nhẹ đến nỗi một ít phút sau đó một tàu hỏa xuôi về nam vẫn qua đó an toàn. Một sĩ quan ở lãnh sự quán Nhật muốn dàn xếp vấn đề với người Trung Hoa, nhưng một thiếu tá tham mưu Quân đoàn Quảng đông tuốt kiếm và đe dọa giết y. Đến 10:30 binh lính Nhật khai hỏa vào doanh trại Trung Hoa trong khi những phân đội khác tiến về cổng thành Mukden. Tại khách điếm Kikubumi, vị tướng say mèn đến nỗi không nghe loạt súng nổ. Nếu ông nghe, thì cũng chẳng có gì khác. Ông ta đã hay biết về âm mưu này ngay từ đầu và tán thành nó.

                Đến sáng Mukden rơi vào tay quân Nhật, trước sự bối rối không chỉ của thế giới mà còn của chính Tokyo. Theo yêu cầu của Nội các, Tổng Tham mưu Quân đội ra lệnh cho Quân đoàn Quảng đông giới hạn sự bành trướng những thù địch. Nhóm âm mưu này đơn giản phớt lờ lệnh và tiếp tục tràn khắp phần đất còn lại của Mãn Châu . Đó là gekokuzo trên diện rộng.

                Ở Tokyo, những thành viên của Hội Hoa Anh Đào đã bí mật mưu tính một cuộc đảo chính của riêng họ để ùng hộ hành động nổi loạn ở Mãn Châu. Mục tiêu chủ yếu của họ là áp đặt một cuộc cải cách nội bộ căn cơ. Những cải cách này, cùng với sự xâm chiếm Mãn Châu sẽ đưa đến một nước Nhật mới. Âm mưu (Cuộc Cánh Mạng Cờ Thổ Cẩm) liên can đến 120 sĩ quan và binh lính, có sự tiếp sức của những người theo kẻ xúi giục Ikki Kita. Nhóm nổi loạn lên kế hoạch ám sát các viên chức trong chính quyền và triều đình, sau đó tụ tập trước Hoàng cung, và để tạ tội với Thiên Hoàng, họ sẽ tự xử hara-kiri.

                Nhưng có quá nhiều nhóm với quá nhiều ý kiến khác biệt liên quan đến việc binh biến đến nỗi một người nào đó biến thành kẻ đưa tin, in pique or in pay (vì tức giận hoặc vì tiền bạc), và bọn âm mưu bị bắt vào ngày 17/10/1931. Lãnh đạo nhóm âm mưu bị kết án tù 20 ngày và phụ tá của y bị tù nửa số đó. Những đồng lõa chỉ bị khiển trách. Đó là câu chuyện củ: sự khoan hồng cho bất kỳ vụ bạo lực nào đã xảy ra hoặc mưu tính trước nếu hành động ấy được thực hiện vì vinh quang của đất nước.

                Tối hôm đó Bộ trưởng Chiến tranh điện cho Quân đoàn Quảng đông một lời trách móc nhẹ nhàng:

  1. QUÂN ĐOÀN QUẢNG ĐÔNG PHẢI DỪNG LẠI BẤT KỲ KẾ HOẠCH MỚI NÀO NHƯ LÀ MUỐN ĐỘC LẬP VỚI QUÂN ĐỘI HOÀNG GIA VÀ CHIẾM LẤY QUYỀN KIỂM SOÁT MÃN CHÂU VÀ MÔNG CỔ.
  2. TÌNH HÌNH CHUNG ĐANG PHÁT TRIỂN ĐÚNG THEO Ý ĐỒ CỦA QUÂN ĐỘI, VÌ THẾ CÁC ÔNG CÓ THỂ HOÀN TOÀN AN TÂM.

                Như thể điều này là không đủ, Thứ trưởng Bộ Chiến tranh bổ sung những lời lẽ hòa giải:

                CHÚNG TÔI ĐÃ ĐOÀN KẾT TRONG VIỆC NỖ LỰC TỐI ĐA NHẰM GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN ĐANG TỒN TẠI. . . HÃY    TIN CẬY VÀO QUYẾT TÂM CỦA CHÚNG TÔI, HÃY HÀNH ĐỘNG THẬN TRỌNG. . . TRÁNH NHỮNG HÀNH ĐỘNG NÔNG NỔI, NHƯ TUYÊN BỐ QUÂN ĐOÀN QUẢNG ĐÔNG LÀ ĐỘC LẬP, VÀ HÃY ĐỢI MỘT BIẾN CHUYỂN THUẬN LỢI VỀ PHÍA CHÚNG TA.

                Thay vì được dỗ yên, tư lệnh Quảng đông căm phẫn phủ nhận việc quân đoàn của ông đang tìm kiếm sự độc lập, và mặc dù nhìn nhận là quân đoàn đã “có khynh hướng hành động quá tích cực và tùy tiện” nhưng tuyên bố là họ đã làm thế “vì đất nước.”

                Cuộc Cánh Mạng Cờ Thổ Cẩm non yểu đã đạt được một trong những mục tiêu của nó: trong vài năm tới nó bảo đảm cho sự thành công của cuộc phiêu lưu Mãn Châu. Nó cũng thuyết phục nhiều người Nhật rằng chính trị và doanh thương quá thối nát đến nỗi một cải cách do quân đội lãnh đạo nên được ủng hộ. Cùng lúc đó nó phát sinh một sự cay đắng đến nỗi hai cánh của phong trào cải cách bắt đầu tách ra. Một, được báo chí đặt cho biệt danh “phe Kiểm Soát“, tin rằng chiếm lấy Mãn Châu là chưa đủ, vì việc chống lại một cuộc tấn công tiềm năng của Liên bang Xô viết chỉ bảo đảm khi có thể bị chận đứng nếu kiểm soát được chính Trung hoa. Những người theo Kita, được mệnh danh “phe Vương Đạo”, tin rằng việc bành trướng mới là điên rồ; một Mãn Châu kỹ nghệ hóa sẽ là thành trì đủ vững mạnh để chống lại chủ nghĩa Cộng sản.            

                Những sĩ quan trẻ hơn, có lý tưởng hơn thuộc về phe Vương Đạo, trong khi các sĩ quan dạn dày chinh chiến cũng như các sĩ quan chủ chốt trong Bộ Chiến tranh thì ủng hộ phe Kiểm Soát. Những người theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan ngay lập tức quay sang việc ám sát. Mỗi thành viên của nhóm Huynh Đệ Máu, chẳng hạn, thề giết ít nhất một thủ lĩnh chính trị hoặc tài chính thối nát vào ngày hoặc vào khoảng 11/2/1932, lễ kỷ niệm lần thứ 2,592 ngày lên ngôi của Jinmu, hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản, người đứng thứ năm trong dòng dõi Thái dương Thần nữ, theo truyền thuyết. Trong số những người được đánh dấu tử có Bộ trưởng Tài chính Junnosuke Inoue, một con người chính trực thường chống đối sự chiếm hữu của Quân đội. Người được chỉ định giết Inoue tập bắn trên một bãi biển hoang vắng, và sớm hơn thời khóa 4 ngày đã cho ba viên đạn vào người Inoue khi ông đang đi trên vĩa hè. Không tới một tháng sau, vụ ám sát thứ hai xảy ra trong trường hợp tương tự. Khi Hầu tước Takuma Dan, chủ tịch Mitsui, bước ra khỏi ô tô của ông, tên sát nhân trẻ tuổi ấn mũi súng vào lưng ông rồi bóp cò.

                Một lần nữa vụ xử án cống hiến cho các công dân Nhật một vỡ bi hài kịch mang tính tuyên truyền. Kẻ thích khách trong lịch sử Nhật Bản thường là một nhân vật đáng thương hơn là nạn nhân. Bộ không phải kẻ bị giết là vì y có khiếm khuyết về đạo đức hay sao, và bộ không phải kẻ thích khách ám sát là vì những mục đích cao cả nhằm bảo vệ dân đen chống lại bọn độc tài hay sao? Mặc dù đầy ắp những chứng cứ phạm tội, họ không hề bị tử hình mà chỉ bị án chung thân, từ đó hiển nhiên là họ chỉ bị án treo trong một vài năm.

                Vào chủ nhật 15/5, chỉ hai tháng sau cái chết của Dan, hai xe taxi ngừng trước lối ra vào bên hông của Đền Yasukuni ở Tokyo, một đền thờ thần đạo cho những người hi sinh trong các cuộc chiến Nhật Bản. Chín sĩ quan Lục quân và Hải quân bước xuống xe và cúi lạy Thái dương Thần nữ; rồi với các bùa chú thỉnh từ một nhà sư, họ trở lại xe và tiến về nơi cư ngụ chính thức của Thủ tướng. Tại đây họ xông qua một trung sĩ cảnh sát và bước vào phòng của Thủ tướng Tsuyoshi Inukar, một người nhỏ thó 75 tuổi có bộ râu dê. Ông già điềm tĩnh dẫn hai tên sát thủ đến một căn phòng bày trí theo phong cách Nhật, tại đó họ lịch sự cởi giày và ngồi xuống. Ngay lúc đó một đồng bọn đã đi lạc trong các hành lang bước vào, dao găm trong tay, quát lên, “Nói không ích lợi gì! Bắn đi!” Mỗi người bắt đầu khai hỏa vào ông già nhỏ bé can đảm đã chống đối việc xâm chiếm Mãn Châu và kiên quyết không công nhận chính quyền bù nhìn của vùng đất giờ được cái tên mới đặc chế là Manchukuo (Mãn Châu). Bọn sát thủ đáp taxi đến sở cảnh sát để phát động một vụ đột kích, nhưng hôm đó là chủ nhật, và ngoài vài nhân viên trực không có ai để đánh nhau. Trước khi rút đi họ ném một quả lựu đạn vào Ngân hàng Nhật Bản. Những đồng bọn khác rải truyền đơn trong đường phố, và ném ba quả bom làm một số cửa số bể tan.

                Cú đảo chính – có tên Biến cố 5/15 (tức 15 tháng 5) – đã tắt ngấm, nhưng nó đem ra tòa những vụ xử thậm chí còn xúc động hơn. Có ba vụ xử tất cả, một cho các thường dân, một cho mỗi bị can Lục quân và Hải quân. Như thường lệ một đại bộ phận dân chúng có cảm tình với bọn sát thủ, và mỗi lần một bị can tuyên bố y và các đồng chí của mình chỉ muốn đánh tiếng báo động để thức tỉnh quốc gia thì cả phòng xử đều đồng loạt vỗ tay. Dân chúng đã nghe quá nhiều về “sự thối nát” đến nỗi ít ai bày tỏ cảm tình với Inuka nhỏ nhắn dũng cảm. Cái chết của ông là lời cảnh báo cho những chính trị gia.

                Cảm xúc dâng cao đến nỗi có đến 110,000 đơn thỉnh nguyện xin khoan hồng, ký tên hoặc viết đơn hoàn toàn bằng máu, tràn ngập văn phòng tòa án. Chín thanh niên trẻ từ Niigata tình nguyện được thế chỗ của bị can trên ghế bị cáo, và để biểu lộ lòng thành khẩn của mình, họ gởi kèm theo chín ngón tay của mình được ngâm trong lọ rượu.

                Một trong những tên sát thủ Inuka bày tỏ thực lòng sự hối tiếc nhưng bảo rằng Thủ tướng phải “hi sinh trên bệ thờ của công cuộc chấn hưng quốc gia.” Một người khác tuyên bố, “Sống hay chết tôi không quan tâm. Tôi xin nói với những ai than khóc cho cái chết của tôi, ‘Đừng nhỏ nước mắt cho tôi mà hãy hi sinh trên các bệ thờ cải cách.’”

                Kết quả của vụ án có thể dự đoán được. Không ai bị kết án tử, và trong số 40 người chịu án hầu hết đều được thả ra sau vài năm. Đối với nhân dân họ là những thánh tử đạo, những người hùng. Còn ai khác sử dụng những phương thức quyết liệt như thế để chấm dứt sự sa sút? Còn ai khác sẽ dẫn dắt nông dân và công nhân ra khỏi cảnh nghèo đói? Còn ai khác dám công kích bọn chính trị gia, viên chức triều đình và các trùm tài chính đầu xỏ về tội tham nhũng? Và vì có qua nhiều người tin tưởng điều này một cách quá đơn giản, quyền lực của những tên quân phiệt và cánh hữu tiếp tục lớn mạnh.

                Trong ba năm các thanh niên trẻ, tức tối trước tình trạng thối nát xảy ra quanh họ, chờ đợi thời cơ. Chỉ vì lòng tôn kính dành cho Thiên hoàng nên mới cản được họ không ủng hộ một cuộc cách mạng Cộng sản. Nhưng một người trong số họ, thôi thúc bởi “một sức lôi kéo từ trên cao” xử lý vấn đề trong tay mình. Đó là một hành động đẫm máu và kỳ cục thậm chí trong một xứ sở mà một chân nhún sâu vào chế độ phong kiến. Vào một sáng tháng 8 năm 1935, Trung tá Saburo Aizawa, sau khi viếng Đền Minh Trị để xin lời chỉ dạy về, đi vào lối cửa sau của hành dinh Tổng Tham mưu Quân đội, một tòa nhà gỗ hai tầng xập xệ ngay bên ngoài khu Hoàng cung. Như nhiều sĩ quan lý tưởng, quá khích khác của thời kỳ đó, ông đã nổi cơn thịnh nộ khi thần tượng của họ, Tướng Jinsaburo Mazaki, bị sa thải khỏi chức vụ Tổng Thanh tra Giáo dục Quân sự.

                Ba chức vụ quan trọng nhất trong Quân đội Nhật Bản là Tổng Tham mưu Trưởng, Bộ trưởng Chiến tranh và Tổng Thanh tra Giáo dục Quân sự (được gọi chung là “Ba Ông Lớn”. Hệ thống tam giác này có từ năm 1878 đã được một thiếu tá Phổ, Jacob Meckel đề xuất, một cố vấn mà vua Phổ cho Nhật Bản mượn.`

                Aizawa sảy bước vào văn phòng của một vị tướng khác mà không thông báo trước. Đó là Tướng Tetsuzan Nagata, chỉ huy của Văn phòng Quân vụ và một trong những địch thủ to mồm nhất của Mazaki. “Tôi cảm thấy một sự thôi thúc phải ám sát Nagata,” Aizawa gần đây đã khấn với Thái dương Thần nữ tại Đền Ise. “Nếu con làm đúng, hãy giúp con thành công. Nếu con sai, xin cho con thất bại.” Nagata, đang ngồi trên bàn làm việc, thậm chí không ngẩng mặt nhìn lên khi Aizawa rút thanh gươm ra, đâm nhưng hụt. Bị thương nhẹ sau nhát thứ hai, vị tướng lảo đảo tìm lối thoát ra nhưng Aizawa đã đâm ông xuyên qua lưng, ghim ông vào cửa trong một lúc. Aizawa cắt cổ ông ta hai lần, rồi bước đến văn phòng một người bạn để báo là mình vừa thực hiện sự phán xét của Thượng đế và sau đó đi mua mũ – ông đã đánh mất nó trong vụ xô xát. Khi một cảnh sát đến bắt ông, Aizawa tưởng là mình chỉ bị thẩm vấn sơ sài và cho phép ra về. Thay vào đó ông bổng thấy mình trở thành một ngôi sao trong một vụ xử đầy xúc động làm lung lay cả nền móng của Quân đội và trở thành điểm hội tụ của tất cả những người trẻ siêu ái quốc chỉ khao khát cải cách quốc gia qua đêm.

                Tại phiên tòa Aizawa được quan tòa đối xử một cách thận trọng và được cho phép sử dụng bục nhân chứng để tấn công các chính khách, chính trị gia và các zaibatsu (các tổ hợp doanh nghiệp gia đình như Mitsui và Mitsubishi) vì nạn tham nhũng. Bị kết tội sát nhân, ông tuyên bố mình chỉ làm bổn phận như một quân nhân danh dự của Thiên hoàng. “Đất nước đang trong tình trạng quẫn bách: các nông dân bị bần cùng hóa, các viên chức dính líu tới tham nhũng, ngoại giao thì yếu ớt, và đặc quyền của Tư lệnh Tối cao đã bị vi phạm bởi các thỏa thuận “hạn chế hải quân,” ông tuyên bố theo văn phong khoa trương của cải cách.* “Tôi bổng nhận ra rằng các chính khách lão thành, những người ở sát bên Hoàng thượng, những nhà tài chính và bộ máy quan liêu có thế lực đang ra sức dần dần hủ hóa chính quyền và Quân đội vì tư lợi ích kỹ của họ.” Những điều kiện này đã thúc đẩy ông ám sát – thực hành gekokujo.

 

  • Lời buộc tội cuối cùng của ông nói về cuộc thương thảo giải giới hải quân diễn ra tại Washington (1922), công nhận tỉ lệ 5 – 5 – 3 đối với các loại tàu chủ lực của Mỹ, Anh và Nhật. người Nhật (đặc biệt là giới trẻ quá khích) vẫn còn tức tối trước sự áp bức của các cường quốc đối với lực lượng hải quân của họ. Tỉ lệ thấp dành cho người Nhật ám chỉ sự thua sút ô nhục của quốc gia.

                “Nếu tòa án không thể hiểu được cái tinh thần đã dẫn dắt Đại tá Aizawa,” luật sư biện hộ cho ông nói như báo trước một điềm gỡ, “một Aizawa thứ hai, và thậm chí thứ ba, sẽ xuất hiện.”

2.

                Những lời tiên tri này được ứng nghiệm vào ngày 25/2/1936, trong Tokyo phủ đầy tuyết, khi các kẻ cầm đầu cuộc binh biến đầy tham vọng nhất trong lịch sử của Nhật Bản hiện đại sẵn sàng ra đòn. Mục tiêu chính của họ sáng hôm sau sẽ là Thủ tướng Keisuke Okada, một đô đốc hồi hưu. Okada đang mở tiệc chiêu đãi tại nơi cư ngụ chính thức vào chiều tối ngày 25, để ăn mừng chiến thắng của đảng cầm quyền (Minseito) trong cuộc tổng tuyển cử Quốc hội năm ngày trước. Ông là một chính trị gia do yêu cầu, không phải do lựa chọn. Mùa thu trước Thiên hoàng đã yêu cầu ông thành lập một nội các mới sau một xì căng đan liên quan đến các viên chức Bộ Tài chính ép buộc người tiền nhiệm, Tử tước Makoto Saito, cũng là một đô đốc hồi hưu, phải từ chức.

                Trong khi các quan khách của Okada đang cụng ly chúc tụng kết quả tuyển cử như một chiến thắng vang dội của các chính sách của đô đốc và là một quả đấm đối với chủ nghĩa phát xít và quân phiệt, mong ước riêng tư của ông là có thể từ chức. Ông đã mệt mỏi vì tranh đấu, và theo ông dù chiến thắng trong cuộc bầu cử, phe quân phiệt và phe xô vanh [chủ trương ái quốc cực đoan] vẫn mạnh như bao giờ.

                Hai người cũng bị đánh dấu tử khác đang dự một buổi tiệc cách đó vài dãy phố tại sứ quán Mỹ, tại đó Đại sứ Joseph C. Grew đang chiêu đãi 36 người để chúc mừng vị thủ tướng bị sa thải gần đây, đã được bổ nhiệm làm Quan Chưỡng  Ấn của Cơ Mật Viện. Trong số các quan khách còn có một đô đốc hồi hưu khác, Kantaro Suzuki, Tổng Quản Nội thị của Thiên Hoàng.

                Grew là một người cao ráo, nhã nhặn với cặp chân mày rậm, râu mép và mái tóc muối tiêu. Như ông cố của mình, ông cũng sinh ra tại Back Bay, Boston; ông theo học Groton và Harvard cùng với Franklin D. Roosevelt. Một nhà quý tộc với khuynh hướng dân chủ, ông đã nổi bật như một nhà ngoại giao ở Âu châu. Ông đặc biệt thích hợp cho nhiệm vu ở Tokyo, vì ông có sự am hiểu hiếm có về và có cảm tình với nước Nhật và mọi thứ thuộc về Nhật Bản, cũng như một người vợ đã từng sống ở xứ sở này, nói được tiếng Nhật và thuộc dòng dõi của Thiếu tướng Perry, người Mỹ đầu tiên đến Nhật Bản.  

                Tối đó Grew đã gặp rắc rối khi khoản đãi một tiết mục giải trí đặc biệt cho các vị khách danh dự: trình chiếu bộ phim Marietta Hư Hỏng, do Jeanette MacDonald và Nelson Eddy đóng. Ông đã chọn phim đó vì “nó tràn ngập âm nhạc xưa và đáng yêu của  VIctor Herbert, những cảnh đẹp, câu chuyện lãng mạn, duyên dáng và không thô tục . . .” Sau bữa ăn chiều ông mời vị cựu Thủ tướng ra phòng khách ngồi nghỉ trong một ghế bành tiện nghi. Grew biết rằng vị khách lớn tuổi này chưa bao giờ xem một bộ phim có âm thanh và nếu ông buồn chán thì có thể đánh một giấc ngắn. Nhưng Sato quá phấn khích để có thể ngủ được; và mặc dù ông có thói quen rời các buổi tiệc vào lúc 10 giờ tối, không chỉ ông ở lại xem hết nửa tập đầu của bộ phim, nhưng nán lại cho đến cuối. Những vị khách khác ắt hẳn cũng xúc động trước truyện phim lãng mạn, vì khi đến bật lên, mắt các bà hầu hết đều đỏ hoe.

                Đúng 11:30 vị Cơ Mật Viện và phu nhân mới đứng dậy ra về. Vợ chồng Grew tiễn họ tận cửa, lòng vui sướng vì đô đốc đã thưởng thức bữa tiệc. Bông tuyết lác đác rơi dịu dàng khi ô tô của vợ chồng Sato lăn bánh.

                Lúc bốn giờ sáng ngày 26/2, Đại úy Kiyosada Koda và những kẻ cầm đầu nhóm nổi loạn khác xục xạo tìm kiếm những thành viên chiêu mộ của họ, đến giờ phút đó vẫn chưa biết gì về kế hoạch; họ chỉ tưởng mình đang diễn tập như bao đêm khác. Một số được cho hay là sẽ có giết chóc trong đêm đó.

                “Tôi muốn cậu cùng chết với tôi,” Trung úy Kurihara nói với binh nhất Karatomo. Hoàn toàn ngạc nhiên, nhưng Kuratomo vẫn đáp ngay, “Vâng, thưa trung úy. Tôi sẽ chết.” Lệnh mà sĩ quan cấp trên đưa ra là tuyệt đối, không bao giờ được bất tuân. “Đây,” Kuratomo sau đó nhớ lại, “là lần đầu tiên tôi nhận ra có điều gì đó nghiêm trọng sắp xảy ra.”

                Tuyết đang rơi không ngừng, bông tuyết nặng hạt, và khung cảnh làm nhớ đến một vài chiến binh nổi dậy trong biến cố “47 ronin”. Vào thế kỷ 17 một chúa vùng bị Kira, Tể tướng của Tướng quân, thất sũng đến nỗi phải tự tử. Oishi, một chiến binh samourai phục vụ dưới trướng chúa vùng thề trả thù cho chủ tướng của mình theo truyền thống tận trung của võ sĩ đạo. Trong 7 năm sau đó anh giả vờ làm một tên bợm rượu phóng đãng trong khi vẫn âm thầm lên kế hoạch trả thù. Một sáng sớm trong cơn bão tuyết, 47 ronin [lãng khách, người võ sĩ đã mất chủ tướng phải lâm vào cảnh lang bạt; có thể so sánh họ với các cao bồi dong ruổi của Mỹ] đột kích dinh cơ của Kira , không xa Hoàng cung. Họ ám sát tên Tể tướng, cắt đầu y và mang đến đền thờ nơi tro cốt của chủ tướng mình được thờ phượng. Sau đó, theo truyền thống bushido [võ sĩ đạo], tất cả 47 lãng khách đều tự xử bằng hara-kiri [nghi thức mổ bụng tự sát]. Một câu chuyện có thực, nó thể hiện cho đức hạnh lý tưởng của võ sĩ và là một chủ đề được ưa thích trong các phim ảnh Nhật và sân khấu kabuki.

                Nhóm người hướng đến những mục tiêu khác nhau: một, do chính Koda dẫn dắt, sẽ chiếm lấy nơi cư ngụ chính thức của Bộ truong Chiến tranh và cưỡng chế các sĩ quan cao cấp phải ủng hộ họ; hai là chiếm các trụ sở cảnh sát; bốn nhóm khác sẽ ám sát Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, Quan Chưỡng Ấn của Cơ Mật Viện và Tổng Quản Nội thị.  Bọn sát thủ Quan Chưỡng Ấn sau đó sẽ tiến đến ngôi nhà ngoại ô của Tổng Thanh tra Giáo dục Quân sự và ám sát ông trong khi hai đơn vị khác cũng phóng ra ngoài thành phố, tìm giết Bá tước Nobuaki Makino, cựu Cơ Mật Viện và cố vấn của Thiên Hoàng, và Hoàng thân 87 tuổi Kinmochi Saionji, cố vấn thân cận nhất của Thiên Hoàng, chính khách lớn tuối và được trọng vọng nhất của quốc gia, nhân vật genro cuối cùng. *

  • Genro là những chính khách trọng yếu đã giúp Minh Trị soạn nên Hiến pháp Đế chế vào năm 1889 và sau đó trở thành các cố vấn của Thiên Hoàng. Năm 1916 Saionji đã được bổ sung vào nhóm, và đến năm 1936 ông là vị genro cuối cùng.

                Trung úy Kurihara và một sĩ quan quân cảnh tiến gần đến cổng trước của khu cư ngụ của chính thức của Thủ tướng. Một sĩ quan cảnh sát bảo vệ đứng bên trong cổng hỏi có chuyện gì không. Anh kempei [hiến binh] nói, “Mở cổng mau.” Viên sĩ quan không do dự gì hết vì họ là đồng nghiệp và là một sĩ quan Quân đội. Khi họ tiến sát đến cổng hơn Trung úy Kurihara một tay chộp lấy tên cảnh sát bảo vệ và tay kia thọc mũi súng lục vào y, ra lệnh, “Mở cửa!”

                Kurihara và các sĩ quan khác xông vào trước tiên và giải giới các viên cảnh sát còn đang ngủ trong nhà bảo vệ cạnh cổng vào. Kurihara bước vào khu cư ngụ trong bóng tối hoàn toàn. Anh bật đèn hành lang, lấy ra khẩu súng và bóp cò. Thình lình hành lang vang dội một tiếng nổ điếc tai. Đó là dấu hiệu báo cho bọn nổi loạn bên ngoài đang đợi từ nảy giờ; họ liền khai hỏa bằng súng máy hạng nặng. Cây đèn treo trong hành lang bị bắn nát và rơi xuống nền nhà.

                Ngay trước 5 giờ chàng thanh niên Hisatsune Sakomizu, một trong những thư ký của Thủ tướng Okada, đã bị đánh thức bởi tiếng náo loạn bên ngoài nhà mình, bên kia đường đối diện với cổng sau của khu cư ngụ chính thức. Cuối cùng thì họ cũng đến rồi! anh nghĩ, vì anh đã tiên liệu vụ tấn công ông chủ của mình từ lâu. Anh nhảy ra khỏi giường. Anh có mối thân tình với ông già; anh kết hôn với con gái của Okada, và em gái của cha anh là vợ của Okada.

                Sakomizu nhẹ nhàng mở cửa sổ và trong màn tuyết xoay tít nhìn thấy các cảnh sát giữ nhiệm vụ canh gác cổng sau chạy tán loạn tứ bề. Anh liền điện thoại cho trụ sở cảnh sát.

                “Chúng tôi vừa nghe chuông báo động ở khu bộ trưởng,” một ai đó trả lời. “Một trung đội đã trên đường đến đó. Các đơn vị tiếp ứng cũng vừa xuất phát.” An tâm, Sakomizu bắt đầu đi lên lầu, bổng anh nghe có tiếng giày ống khua lộp cộp ngoài đường. Anh nhìn ra ngoài hi vọng trông thấy cảnh sát yễm trợ hoặc binh lính đến bảo vệ Thủ tướng, nhưng một phát súng trường nổ và anh trông thấy một viên cảnh sát ngã xuống đất và những người khác rút lui trước một nhóm binh lính với các lưỡi lê lấp lánh. Có tiếng bùng nổ chát chúa của hỏa lực – nghe như tiếng súng trường lẫn súng máy – và viên thư ký cuối cùng nhận ra rằng binh lính đang tấn công vào khu cư ngụ. Anh vội vàng mặc quần áo để có thể giúp vị đô đốc. Khi lao ra đường phố anh có thể nghe được tiếng súng bắn bên trong khu vực các bộ trưởng. Các binh lính tại cổng tiến tới vung vẩy súng trường. Họ đẩy Sakomizu trở lại nhà riêng và theo anh vào nhà không thèm cởi giày ống ẩm ướt. Bực bội, anh đếm bước tới lui. Việc gì đã xảy ra với cảnh sát yễm trợ và lực lượng đặc biệt? Rõ ràng là cảnh sát đã đến và bị đẩy lui; còn binh lính theo về phe bạo loạn.

                Một lần nữa Sakomizu gọi cho trụ sở cảnh sát. “Đây là đơn vị khởi nghĩa,” một giọng nói vang lên. Khoảng 500 kẻ nổi dậy đang chiếm đóng tòa nhà. Sakomizu cúp máy và gọi trụ sở hiến binh Kojimachi gần đó. “Tình hình đã ngoài vòng kiểm soát” một tiếng trả lời ngái ngủ vang lên. “Chúng tôi có thể làm gì bây giờ?”

                Cách khu cư ngụ của Thủ tướng một ít dãy phố 170 người, do anh em họ của Sakomizu chỉ huy, ùa vào khu cư ngụ của Bộ trưởng Chiến tranh Yoshiyuki Kawashima. Cùng đi với họ là Đại úy Koda. Y phát hiện ra Kawashima và bắt đầu đọc một danh sách các yêu cầu: cải cách chính trị và xã hội; bắt giữ các tên cầm đầu của phe Kiểm soát; giao cho các sĩ quan nhóm Vương Đạo những chức vụ trọng yếu (những người khởi nghĩa chống lại sự bành trướng vào Trung Hoa); giao cho Tướng Araki * làm tư lệnh Quân đoàn Quảng đông “vì mục đích khống chế nước Nga Đỏ.” Koda cũng nhấn mạnh là quân luật được ban bố và Bộ trưởng Chiến tranh yết kiến Hoàng cung ngay lập tức để giải thích cho Thiên Hoàng những mục đích của phe nổi dậy.

  • Tướng Sadao Araki từ lâu đã là thần tượng của các nhà cải cách và đã thể hiện nổi bật trong cuộc nổi dậy 1932, khi ông là bộ trưởng chiến tranh. Ông được khắp thế giới biết đến vì những phát biểu thẳng thắn và hàng râu mép dữ tợn.

                          

                Trong lúc hai bên đang tranh luận, Đại úy Teruzo Ando và 150 người xông vào khu cư ngụ chính thức của Tổng Quản Nội thị Kantaro Suzuki, người, mà như Saito, đã thưởng thức buổi chiếu phim tại gia bộ Marietta Hư Hỏng cách đó một ít giờ. Vị đô đốc già, được người hầu gái đánh thức, vội vàng chạy vào phòng kho lấy kiếm. Nhưng ông không thể tìm được. Nghe tiếng bước chân trong hành lang, ông liền bước vào phòng kế bên – sẽ là ô nhục khi phải chết trong phòng kho. Vài phút sau ông bị chận lại với cả tá lưỡi lê chĩa vào. Một người lính bước tới và lịch sự hỏi, “Ông có phải là Ngài Tổng Quản không?”

                Suzuki đáp phải và giơ tay ra dấu im lặng. “Chắc hẳn các cậu có lý do để làm điều này. Hãy cho lão biết.” không ai trả lời và ông lặp lại câu hỏi. Im lặng. Lần thứ ba ông hỏi, một người cầm súng lục bực dọc nói, “Không còn thời gian đâu. Chúng tôi phải bắn ông thôi.”

                Suzuki cho rằng họ hành động vì lệnh của một cấp trên mà không biết vì lý do gì. “Thế thì chả ích lợi gì,” ông nói một cách nhẫn nhục. “Cứ bắn đi.” Ông đứng thẳng người như thể đối mặt với một đội hành quyết. Ngay phía sau ông có treo bức chân dung của cha mẹ ông. Ba khẩu súng cùng khai hỏa. Một viên đạn đi trượt, một viên trúng ngay hạ bộ, viên thứ ba xuyên thẳng vào tim. Khi ông ngã xuống, vẫn còn tỉnh táo, các viên đạn tiếp theo bắn vào đầu và vai.

                “Todome [Phát súng ân huệ]!” Ai đó la lên nhiều lần. Suzuki cảm thấy một họng súng ấn vào cổ mình, rồi nghe tiếng bà vợ, “Xin đừng làm vậy!” Ngay lúc đó Đại úy Ando bước vào. “Todome?” gã cầm súng hỏi.

                Hai năm trước Đại úy Ando đã đến Suzuki trình cho ông một chương trình cải cách; đô đốc đã bác bỏ lập luận của anh một cách thẳng thắn đến nỗi Ando còn thầm ngưỡng mộ. Giờ đây nếu y nói todome thì sẽ quá tàn nhẫn, nên ra lệnh cho người mình cúi chào đức ông. Tất cả quì xuống bên cạnh vị đô đốc nằm đấy và nộp súng.

                “Đứng dậy! Đi!” Đại úy Ando bảo người mình. Anh quay sang bà Suzuki. “Bà có phải là okusan [phu nhân]?” Bà gật đầu. “Tôi đã nghe nói về bà. Tôi rất lấy làm tiếc về việc này.” Anh bảo rằng họ không có ác ý gì với ngài đô đốc . “Chỉ vì quan điểm của chúng tôi về cách thức đem lại cải cách cho nước Nhật khác với quan điểm của ngài, vì thế mới xảy ra cớ sự này.”

                Đại úy bỏ đi, lòng nặng chĩu vì cảm giác phạm tội và tin chắc là ông đang hấp hối. Nhưng kỳ diệu thay Suzuki sẽ sống sót để đóng một vai trò đầu đàn trong những ngày cuối cùng của Đế chế Nhật Bản.

                Một trung úy dẫn người của y đến ngôi nhà thênh thang của Bộ trưởng Tài chính Korekiyo Takabashi. Họ phá tung cửa dẫn đến lối vào nhà trong, và trong khi một nhóm khống chế nửa chục cảnh sát bảo vệ và người giúp việc, nhóm còn lại lùng xục khắp ngôi nhà, đạp cửa xông vào hết phòng này đến phòng khác để tìm nạn nhân của mình.

                Bộ trưởng Takahashi đang ở một mình trong căn phòng rộng đến 20 chiếu. Ông là một con người xuất chúng khởi nghiệp là người hầu, đổi sang đạo Cơ đốc và trở thành chủ tịch Ngân hàng Nhật Bản và một thành viên của Thượng viện. Các sĩ quan trẻ ghê tỡm ông vì đã chống lại ngân sách quân sự khổng lồ của năm trước.

                Cuối cùng trung úy bước vào phòng của bộ trưởng tay vung khẩu súng. Anh đá văng chiếc chăn khỏi người Takahashi, quát lên “Tenchu!” (Trời tru!) Takahashi nhìn lên không sợ hãi và la lên “Đồ ngu!”vào mặt viên trung úy. Y do dự trước khi nhả hết băng đạn vào ông già. Một sĩ quan khác nhảy chồm ra trước và vừa hét lên vừa vung kiếm với một lực đến nỗi cắt đứt chiếc áo đệm bông mà Takahashi đang mặc ấm và cắt đứt cánh thay phải của ông; đoạn y đâm xuyên bụng bộ trưởng và chém qua lại một cách tàn nhẫn.

                Bà Takahashi chạy ào từ phòng bà ở khu theo phong cách Tây phương liền kề, và khi trông thấy người chồng ruột gan đổ xuống, bà kêu lên thống thiết. Khi viên trung úy lách mình qua đám người giúp việc đang tụ tập với vẻ khiếp đảm trong hành lang, y nói, “Xin lỗi vì sự bề bộn đã gây ra.”

                Thủ tướng Okada bị đánh thức bởi tiếng chuông báo động ngay trước 5 giờ và ít phút sau em vợ của ông, Denzo Matsuo, một đại tá hồi hưu, xông vào phòng với hai sĩ quan cảnh sát.

                “Họ cuối cùng đã đến,” Okada nói, và thêm vào như lời nhắc của định mệnh là không ai có thể làm gì được.

                “Không phải lúc để nói những lời như thế!” Matsuo, một ông già 61 tuổi, la lên. Là một con người năng nổ, giáo điều, ông đã khăng khăng đòi phục vụ dưới trướng anh rể mình, dù Okada có thích hay không, một cách không chính thức và không nhận lương. Ông lôi Okada còn miễn cưỡng, vẫn còn mặc bộ đồ ngủ, băng qua hành lang về hướng một lối ra bí mật, nhưng khi nghe bọn nổi dậy đã phá sập cửa, một cảnh sát đẩy Okada và Matsuo vào một phòng tắm chủ yếu sử dụng làm kho, rồi đóng cửa lại. Một lúc sau họ nghe tiếng la ó từ hành lang, một vài phát súng, tiếng xô xát, rồi im lặng.

                “Ở lại đây,” Matsuo nói và bỏ đi. Thủ tướng cố bước theo ông ta trong bóng tối nhưng va vào một chiếc kệ, làm rơi một vài bình sake. Ông điếng người vì sợ hãi. Im lặng. Okada lại di chuyển, lần này sẩy chân trên các bình sake gây ra tiếng động ồn ào.

                “Chưa ra được!” một viên cảnh sát bảo nhỏ từ hành lang, khiến Okada vội vàng rút về phòng tắm. Khi ông nghe một tiếng la, “Có người trong sân!” ông nhìn qua cửa sổ và thấy em vợ mình đang đứng nép người vào tòa nhà và nửa chục tên lính đang theo dõi ông từ trong nhà.

                “Bắn nó!” tên cầm đầu quát lên, nhưng các binh lình chần chừ. “Tụi mày sẽ ra Mãn Châu sớm! Tụi mày làm gì được bây giờ nếu một hai người còn không dám giết?”

                Miễn cưỡng họ thọc mũi súng trường qua khung cửa sổ và bắn vào phía sân.

                “Tenno Heika banzai (Vạn tuế Hoàng thượng Thiên Hoàng]! Matsuo la lên và lảo đảo ngồi xuống bậc thềm cửa, máu đổ đầm đìa. Ông vươn thẳng vai một cách đau đớn, như đang diễn binh, khiến ông phải phát ra một tiếng rên rỉ.

                Trung úy Kurihara, theo sau là binh nhất Kuratomo, chen người qua bức tường lính, cứng người vì bị sốc. Họ bảo với Kurihara rằng đó là Thủ tướng Okada. Viên trung úy do dự, rồi quay sang Kuratomo và ra lệnh, “Todome!”

                Kuratomo miễn cưỡng; tất cả y có là khẩu súng lục. “Sử dụng nó đi!” Kurihara sốt ruột nói.

                Trái với ý muốn của mình Kuratomo nâng vũ khí lên và bắn một phát vào ngực Matsuo, một phát nữa giữa hai mắt. Viên đại tá ngã đổ người về phía trước, máu nhuộm đỏ mặt đất phủ tuyết.

                Kurihara, đã lấy bức hình của Thủ tướng trong phòng ngủ của ông, quì xuống cạnh thi thể và so sánh với gương mặt của Matsuo. “Okada!” anh buột miệng không do dự. “Banzai! [Vạn tuế!]” các binh lính la lên và mang thi thể đến phòng ngủ của Thủ tướng, đặt thi thể lên tấm đệm mỏng.

                Để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, Okada rón rén ra khỏi phòng tắm vào hành lang. Một cảnh sát bảo vệ đang nằm đấy bất tỉnh, cánh tay trái của y đã bị cắt đứt; cách đó vài ya một cảnh sát khác gập người qua ghế, chết. Okada cúi đầu tôn kính và tiếp tục đi đến phòng ngủ của mình. Nhìn thấy xác Matsuo nằm trên nệm, ông khóc nức nở và khỵu người xuống. Cuối cùng ông bật dậy và bắt đầu thay bộ đồ kimono. Khi đang buộc dây áo khoác ngoài ông nghe tiếng bước chân bèn đi ra ngoài hành lang.

                “Ai đó?” một tên lính quát và ông liền lẻn vào một góc tối.

                “Tao vừa nhìn thấy cái gì đó lạ lắm,” tên lính nói với đồng bọn. “Đó là một ông già. Nhưng ông ta đã biến mất như một hồn ma.”

                Tử thần như ở khắp mọi nơi vậy mà như một phép mầu Okada vẫn còn sống. Chỉ đến lúc đó ông mới thôi không chắc mình sẽ chết. Ông bắt đầu nghĩ về tương lai. Bọn phản loạn có chiếm Hoàng cung chưa? Liệu jushin * có bị ám sát không? Ông quyết định trách nhiệm của mình là phải sống, và khi cuộc nổi dậy bị dẹp tắt, phải xiết chặt kỷ luật lên Quân đội. Nhưng ông có thể ẩn nấp ở đâu trong một ngôi nhà đầy dẫy binh lính? Câu trả lời đã được giải đáp khi ông bất ngờ gặp hai người hầu trong hành lang. Họ xô ông vào phòng của họ, đẩy ông vào một phòng đồ rộng và trùm kín ông bằng một đống đồ dơ.

               

  • Các cựu thủ tướng thường được gọi là jushin (chính khách lão thành); nhiệm vụ chính của họ là giới thiệu thủ tướng mới cho Thiên Hoàng.

                Đến giờ hai trong các nhóm tấn công được giao các sứ mạng ngoài thị trấn đã đến các điểm hẹn. Trung úy Taro Takahashi và 30 người đột nhập vào ngôi nhà ngoại ô của người kế vị Mazaki, Tổng Thanh tra Jotaro Watanabe. Bà Watanabe và một người hầu cố ngăn Takahashi lại, nhưng y vùng ra và xông vào phòng ngủ nơi đó vị tướng đang nằm trên futon với đứa con gái trẻ của mình. Takahashi bắn một phát súng lục vào Watanabe, rồi rút kiếm chém đầu ông.

                              Nhóm khác đang lục soát trong một khu nghỉ dưỡng trong vùng núi để truy lùng  Bá tước Nobuaki Makino, mà Saito đã kế vị làm Cơ Mật Viện Trưởng và còn là một trong những cố vấn thân cận nhất của Thiên hoàng. Không thể tìm thấy ông, họ phóng hỏa khách sạn để buộc ông lộ mặt. Ông già được cô cháu nội 20 tuổi Kazuko dẫn ra cửa sau khách sạn. Họ cố sức leo lên một ngọn đồi dốc, nhưng binh lính đuổi theo bén gót và bắn một loạt súng. Phớt lờ đạn bay, Kazuko bước ra trước mặt ông nội và giang rộng hai tay áo kimono che chắn. Một trong bọn nổi loạn, ắt hẳn động lòng trước lòng can đảm của cô gái, hô to “Thành công rồi!” và thuyết phục đồng bọn bỏ đi.

                Nhóm thứ ba, nhóm có nhiệm vụ giết Hoàng thân Saionji, không hề rời Tokyo. Ngay phút cuối cùng viên sĩ quan phụ trách từ chối đi; y không thể đành lòng sử dụng bạo lực với vị genro cuối cùng.

                Tại nhà mình ở Okitsu, lão hoàng thân vừa tỉnh giấc vì một giấc mơ khủng khiếp – ông bị bao vây bởi những thủ cấp và một đống thi thể đầy máu. Ngay khi nhận được tin tức về vụ bạo loạn từ kinh đô, lực lượng cảnh sát địa phương đã đến nơi và chở Saionji đến một ngôi làng gần đó. Rồi một bức điện gởi tới nói rằng một ô tô lớn chở đầy các thanh niên trẻ mặc đồng phục kaki đang hướng về Okitsu. Hoàng thân liền được quấn chặt như xác ướp và được chuyển từ nơi này đến nơi khác để đánh lạc hướng bọn sát thủ – mà hóa ra họ chỉ là những thương nhân bán thuốc.

                               Tại khu cư ngụ chính thức của Bộ trưởng Chiến tranh, Đại úy Koda nhận thấy có sự dao động liên tục trong các cấp sĩ quan. Các vị tướng còn trù trừ giữa việc tham gia phe nổi dậy và đương đầu với họ. Thiếu tá Tadashi Katakura, một sĩ quan năng động, xuất sắc, là một trong số ít người biểu lộ sự quyết tâm. Bọn nổi loạn làm ông nổi giận. Ông chống đối mục tiêu của họ thì ít mà chống đối tính vô trật tự và vô kỷ luật của họ thì nhiều. Quân đội, ông tin tưởng, chỉ có thể tồn tại qua tính kỷ luật sắt và lòng trung thành vô hạn đối với Thiên hoàng.

                Katakura đang ở trong sân khu cư ngụ của Bộ trưởng Chiến tranh Kawashima chống lại một nhóm nổi dậy đã lạm dụng quyền lực của Quân đội Hoàng gia. Chỉ Thiên hoàng mới có quyền huy động binh lính, ông la to lên, và yêu cầu cho gặp ngài bộ trưởng, Tướng Kawashima.

                “Phục Hưng Chiêu Hòa * là điều mà chúng ta đang hướng đến,” ông bảo một đám người tụ tập quanh mình. “Tôi cũng như các anh đều nôn nóng muốn cải cách. Nhưng chúng ta phải tiếp tục tôn kính Thiên hoàng và coi trọng Tư lệnh Tối cao. Không sử dụng binh lính cho mục đích riêng tư.”

❖Người trị vì hiện thời, Hirohito, đã đặt vương hiệu của mình là Showa (Chiêu Hòa, nghĩa là Nền Thái Bình Được Soi Sáng). Trên lịch Nhật, năm hiện thời, 1936, là Chiêu Hòa 11, năm thứ 11 trong thời trị vì của ngài. Tuy nhiên, chỉ sau khi ngài băng hà, ngài mới được phong huy hiệu là Thiên hoàng Chiêu Hòa. Cha ngài, Yoshihito, lấy tên là Taisho (Đại Chính). Ông nội ngài, Mutsuhito, chọn tên Meiji (Minh Trị); thời đại này chứng kiến những cải cách và phát triển vượt bậc trong lịch sử Nhật Bản và được biết dưới tên Phục Hưng MinhTrị. Những nhà cải cách trẻ lúc này muốn bắt chước những thành tựu của cha ông mình bằng khẩu hiệu Phục Hưng Chiêu Hòa.

                Một người chỉ huy nhóm nổi dậy xuất hiện trước tòa nhà. “Chúng tôi không cho phép anh vào gặp bộ trưởng,” y nói.

                “Có phải bộ trưởng nói với anh như thế?”

                “Không, là lệnh của Đại úy Koda.  Bộ trưởng đang chuẩn bị đi đến Hoàng cung. Hãy đợi một lát. Tình hình sẽ sớm rõ ràng thôi.”

                Katakura đoán rằng bọn nổi dậy đang dùng vũ lực để ép buộc Bộ trưởng Chiến tranh giúp đỡ họ thành lập một chính quyền quân sự. Ông bắt đầu bước đến lối vào, tại đó Tướng Mazaki đang đứng với dáng điệu hùng hỗ, hai chân giạng ra, như tượng hộ pháp bảo vệ các chùa Phật. Katakura trong bụng muốn chạy đến Mazaki và cho y một dao – Chắc chắn Mazaki đứng đằng sau tất cả chuyện này; y ắt hẳn muốn làm thủ tướng. Karakura tự kiềm chế; trước tiên phải tìm hiểu nhiều hơn những gì đang xảy ra. Ngay lúc đó Thứ trưởng bước ra khỏi toà nhà. Katakura xấn tới và xin hỏi một vài lời. Nhưng ông ta đã gạt Katakura ra, và rồi Bộ trưởng Chiến tranh bước ra cửa, tay nắm chắc chuôi kiếm.

                Một cái gì đó đập vào đầu của Katakura và ông nhận ra có một mùi gì kỳ lạ. Ông lập tức giơ bàn tay trái rờ đầu. “Anh không phải bắn,” ông hét lên. Một đại úy có gương mặt tái mét (đó là Senichi Isobe, một chỉ huy khác của cuộc nổi dậy) tiến đến với kiếm đã được tuốt ra.

                “Chúng ta có thể nói chuyện! Tra kiếm vào vỏ!” Katakuri hét lên. Isobe ấn kiếm vào vỏ, rồi đổi ý lại rút kiếm ra.

                “Chắc anh là Đại úy Koda.” Katakura tiếp tục. “Anh không có quyền huy động binh lính trừ khi có lệnh trên.” Ông nghe mơ hồ có tiếng ai đó, có lẽ của Mazaki, nói, “Chúng ta không được vấy máu ở đây.”

                Ông lảo đảo, và vài sĩ quan giúp ông bước đến ô tô của Bộ trưởng Chiến tranh. Khi xe băng qua cổng chính, anh mơ màng nhìn thấy một vài hiến binh. “Cho hiến binh vào xe,” ông kêu lên. Họ làm theo lời ông. Ai đó đề nghị chở ông đến Bệnh viện Quân đội hoặc Cao đẳng Quân Y, và một lần nữa ông lấy hết sức để nói: “Không . . . chở vô bệnh viện tư nào ở thành phố đi.” Ông không muốn bị ám sát trên giường.

3.

                William Henry Chamberlin, trưởng thông tín viên Viễn Đông của tờ Christian Science Monitor, đầu tiên nghe tin về vụ nổi dậy qua một cục báo chí Nhật Bản. Trong thị trấn ông tiếp xúc với hàng loạt tin đồn trái chiều nhau. Bộ Ngoại giao vẫn mở cửa và không bị phe nổi loạn chiếm đóng, nhưng không ai ở đó có thể kể với các thông tín viên quốc tế về những gì đang xảy ra. Binh lính trấn giữ các giao lộ chính trong trung tâm Tokyo. Chamberlin không hiểu họ thuộc về phe nào. Chính phủ có còn tồn tại không?

                Các nhân viên văn phòng trên khắp thành phố không hay biết gì, vẫn coi như một ngày bình thường cho đến khi cảnh sát bắt các xe buýt của họ quay đầu ra khỏi hướng Hoàng cung và các văn phòng chính phủ. Giờ đây bạo động đã qua. Phe nổi dậy chiếm giữ một dặm vuông ở trung tâm Tokyo – Tòa nhà Quốc hội và toàn bộ khu vực quanh nơi cư ngụ của Thủ tướng – và đang sử dụng Khách sạn Sanno làm bộ chỉ huy tạm thời. Họ trưng dụng các khăn trải bàn trong phòng ăn của Hội Quán Peers, trả tiền sòng phẳng, và biến chúng thành biểu ngữ viết bằng mực đen, “Hãy Tôn Kính Thiên hoàng – Quân đội Phục Hưng,” và treo chúng trên khu cư ngụ của Thủ tướng.

                Khi Tướng Rokuro Iwasa, chỉ huy hiến binh, hay tin về vụ nổi dậy, ông bật dậy khỏi giường, nửa người tê đi vì chứng bệnh tê liệt, và lái xe đến khu nổi dậy. Ở đó ông bị các lính gác chận xe lại. “Đây có phải là Quân đội của Thiên hoàng không?” ông hỏi và bật khóc vì tủi nhục.

                Bọn nổi dậy đang phân phát “tuyên ngôn” của họ đến mọi tờ báo và cục báo chí. Cảnh sát tịch thu gần như mọi truyền đơn, nhưng thông tín viên Chamberlin xoay sở được một tờ. Với hầu hết người Tây phương, hình như nó  minh chứng hơn nữa về tính bí hiểm của phương Đông, nhưng đối với Chamberlin, một sinh viên về lịch sử Nhật Bản, nó tạo ra một cảm giác đáng sợ.

                Quốc túy [kokutai] của Nhật Bản, như một vùng đất của các thần linh, tồn tại trên cơ sở là Thiên hoàng trị vì với quyền lực không hạn chế từ thuở xa xưa không nhớ được đến tương lai xa xôi nhất để cái đẹp tự nhiên của xứ sở có thể lan tỏa khắp vủ trụ, sao cho mọi người dưới ánh mặt trời có thể tận hưởng cuộc sống của họ đến mức độ viên mãn nhất. . .

                Trong những năm gần đây, tuy nhiên, xuất hiện nhiều người mà mục tiêu và mục đích chủ yếu của họ là sự tích cóp của cải vật chất cá nhân không màng gì đến phúc lợi chung và sự thịnh vượng của nhân dân Nhật, kết quả là quyền tối cao của Thiên hoàng bị suy yếu trầm trọng. Nhân dân Nhật Bản đã chịu đựng sâu sắc như là hậu quả của khuynh hướng này và nhiều biện pháp nổi sóng giờ đang đối đầu với nước Nhật cũng là do sự kiện đó mà ra.

                Các genro, chính khách lão thành, các phe phái quân sự, kẻ tài phiệt, bọn quan liêu và các đảng phái chính trị tất cả đều là những kẻ phản bội đang phá hủy quốc túy . . .

                Bổn phận chúng ta là loại bỏ những cái hãm xấu xa này ra khỏi Hoàng thượng và đập tan bọn chính khách lão thành. Đó là nghĩa vụ của chúng ta những thần dân của Thiên hoàng Bệ hạ.

                Cầu xin Thượng đế ban phước lành và hộ trì chúng ta trong nổ lực cứu lấy đất nước của tổ tiên khỏi tay bọn xấu xa nhất.

                Gần ranh giới của khu vực bạo loạn ở Sứ quán Mỹ, Đại sứ Grew điện những tin tức đầu tiên của vụ nổi dậy về Bộ Ngoại giao.

                GIỚI QUÂN SỰ CHIẾM LẤY MỘT PHẦN CHÍNH QUYỀN VÀ THÀNH PHỐ NGAY SÁNG SỚM HÔM NAY VÀ CÓ TIN LÀ VÀI NHÂN VẬT TIẾNG TĂM ĐÃ BỊ ÁM SÁT. ĐẾN GIỜ NÀY CHƯA THỂ KHẲNG ĐỊNH ĐIỀU GÌ. CÁC THÔNG TÍN VIÊN              BÁO CHÍ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP GỞI ĐIỆN RA NƯỚC NGOÀI. ĐIỆN TÍN NÀY ĐƯỢC GỞI CHỦ YẾU NHƯ MỘT THÔNG         ĐIỆP THỬ NGHIỆM, ĐỂ ĐẢM BẢO XEM CÁC TIN ĐIỆN MÃ HÓA CỦA CHÚNG TA CÓ THỂ ĐƯỢC TRUYỀN ĐI KHÔNG. PHÒNG MẬT MÃ LÀM ƠN BÁO CHO BIẾT KHI NHẬN ĐƯỢC.

                Sứ quán Đức cũng ở trong tầm bắn của vụ nổi dậy. Ở đây thông tín viên không chính thức của tờ Frankfurter Zeitung đang viết báo cáo sơ bộ về vụ nổi dậy – một bản cho Bộ Ngoại giao Đức và một bản sao cho Phòng 4 của Hồng Quân, Tình báo. Đó là Tiến sĩ Richard Sorge, sinh tại Nga có cha là người Đức và mẹ người Nga và được nuôi dưỡng tại Đức. Sorge là người khoa trương và tháo vát. Y đã xoay sở chiếm được lòng tin cậy của đại sứ Đức, Tướng Eugen Ott (người vô tình cung cấp cho Sorge một số tin tình báo tai hại nhất và được y gởi về Moscow), và mối liên hệ làm ăn của họ đã biến thành một tình bạn thắm thiết. Y là người sát gái và viết những lá thư tình cho người vợ đầu tiên ở Nga trong khi đang sống với người vợ thứ hai ở Tokyo và còn vắt vai vài mối tình lăng nhăng nữa. Y không thể cưỡng lại rượu dưới bất cứ hình thức nào và thường gây sốc cho các bạn bè bằng những chầu say xỉn đôi khi là đóng kịch. Y là người Cộng sản có khuynh hướng phóng túng (cậu của y từng là bạn của Marx và Engels) đã gia nhập đảng Phát xít như một vỏ bọc cho vai trò cầm đầu ổ gián điệp Hồng Quân ở Viễn Đông. Y phải mất gần hai năm mới hoàn thiện xong tổ chức ở Nhật Bản, và cuộc binh biến này là vụ thử nghiệm thực sự đầu tiên của y.

                Vụ đảo chính, y viết sau đó, mang “một sắc thái Nhật Bản rất điển hình và từ đó các động lực của nó cần được nghiên cứu đặc biệt. Một nghiên cứu sâu sắc về nó, đặc biệt một nghiên cứu về các khuynh hướng xã hội và khủng hoảng nội bộ mà nó phơi bày, sẽ có giá trị nhiều hơn là chỉ ghi nhận lực lượng binh sĩ hoặc tài liệu mật.” Ngay khi báo cáo được gởi về Moscow, Sorge ra lệnh cho người mình tìm ta tất cả những chi tiết có thể có của vụ nổi dậy. Sau đó y dụ viên đại sứ Đức và các tùy viên quân đội và hải quân tiến hành các nghiên cứu độc lập rồi chia sẻ các kết quả tìm được với y.

                Tại Hoàng cung Bộ trưởng Chiến tranh đã vừa thông báo với Thiên hoàng về vụ nổi loạn. Bình thường, nếu Hoàng thượng có nói gì đó, thì điều đó luôn là những thuật ngữ mơ hồ, nhưng hôm nay ngài quá buồn bực đến nỗi ngài trả lời trực tiếp. “Sự kiện này thật rất đáng tiếc không kể những vấn nạn về tinh thần. Theo suy xét của trẫm hành động này làm hại đến thanh danh của quốc túy chúng ta.” Sau đó ngài tâm sự với sĩ quan phụ tá của mình là ngài cảm thấy Quân đội sắp sửa “tròng vào cổ mình vòng dải lụa” – nghĩa là, không hơn một lời khiển trách nhẹ nhàng đối với bọn phản loạn. Vai trò của Thiên hoàng thật khó, nếu không muốn nói là không thể, cho người ngoại quôc hiểu được. Quyền lực và bổn phận không giống như bất kỵ chế độ quân chủ nào trên thế giới. Ông nội ngài, Minh Trị, một con người có ý chí kiên cường và quyết đoán, đã dẫn dắt nhân dân từ chế độ bán phong kiến đến thời hiện đại dưới khẩu hiệu “Quốc Phú, Binh Cường” và “Văn Minh và Khai Sáng”; trong thời trị vì của ngài phúc lợi của quốc gia đi trước phúc lợi của cá nhân. Người kế vị của Minh Trị, Taisho, là một người lập dị đã từng cuộn tròn bài diễn văn đọc trước Quốc hội để làm ống nhắm; các trò hề và các cơn nổi nóng của ông trở nên quá lố đến nổi người kế vị của ông, thái tử, được phong nhiếp chính vào năm 1921. Năm năm sau, vào ngày Giáng sinh, TAISHO mất và con trai 25 tuổi của ông trở thành thiên hoàng.

                Từ trẻ Hirohito đã được rèn luyện cho vai trò này chủ yếu bởi Hoàng thân Saionji, người chịu ảnh hưởng của Cách mạng Pháp và chủ nghĩa tự do của Anh. Hết lần này đến lần khác vị gero cuối cùng nhắc nhở chàng thanh niên rằng Nhật Bản cần một quốc phụ chứ không cần một nhà độc tài, và do đó ngài phải nhận lấy một vị thế đầy trách nhiệm trong mọi vấn đề của quốc gia, nhưng không bao giờ đưa ra một mệnh lệnh xác thực nào dựa theo ý muốn của mình. Ngài phải khách quan và không vị kỷ.

                Về mặt lý thuyết Thiên hoàng có đầy đủ quyền hành, mọi quyết sách của quốc gia đều qua sự phê chuẩn của ngài. Theo truyền thống, một khi Nội các và các lãnh đạo quân đội đã nhất trí về một chính sách, ngài không thể khước từ sự tán thành của mình. Ngài phải đứng trên chính trị và vượt trên những nhận định đảng phái và tư thù, vì ngài đại diện cho toàn bộ đất nước.

                Mặc dù những giới hạn này, ngài có tầm ảnh hưởng phi thường vì ngài ở trong một vị thế độc nhất có thể cảnh báo hoặc đồng thuận mà không bị liên can. Quan trọng hơn, mọi người Nhật đều thề trung thành với ngài cho đến chết. Quyền lực đạo lý này mạnh mẽ đến nỗi ngài ít khi sử dụng nó, và nếu có chỉ trong những lời lẽ mơ hồ. Những người tâu lên ngài phải đoán được ý muốn của ngài, vì ngài luôn luôn nói một cách bí hiểm và không giải thích.

                Một hoàng đế quyết đoán hơn, như ông nội ông, có thể đã củng cố quyền lực của mình; theo Hiến pháp Minh Trị ngài là Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang. Nhưng Hirohito là một người ham học hỏi, thích làm một nhà khoa học hơn làm vua. Những ngày hạnh phúc của ngài là thứ hai và thứ bảy khi đó ngài có thể lui về phòng thí nghiệm khiêm tốn của mình để nghiên cứu về hải sinh học. Ngài cũng không hề có ý muốn làm nhà độc tài một chút nào. Từ khi ngài chu du đến châu Âu với tư cách một thái tử, ngài đã mang về một sở thích là uýt ki, âm nhạc Tây phương và đánh gôn, cùng với sự trân trọng bền bĩ đối với phiên bản quân chủ lập hiến của Anh. Ngài cũng có thể thách thức truyền thống và áp lực của triều đình khi vấn đề có liên can đến nguyên tắc. Khi Hoàng hậu Nagako sinh ra 4 con gái ngài từ chối nhận một hai thê thiếp để có thể sinh ra  con trai kế vị – và trong vài năm sau Nagako thưởng cho ngài hai hoàng tử.

                Ngài là một hoàng đế trông không mấy tự tin, lủi thủi quanh hoàng cung trong chiếc quần thùng thình, xập xệ và cà vạt xiên vẹo, cặp mắt mơ màng nhìn trô trố qua cặp kính dầy cộm như kính lỗ tàu, không chú ý gì bề ngoài đến nỗi nhiều khi áo ngoài gài lộn nút mà không biết. Ngài không thích mua sắm quần áo mới, vì lý do ngài không thể “cung ứng” nỗi. Ngài tằn tíên đến nỗi thậm chí hạn chế mua những cuốn sách ngài thích và ngài xài viết chì cho đến khi cùn mới thôi. Ngài hoàn toàn không phô trương, một con người bình dị, không hợm hĩnh, có dáng dấp và cách cư xử như một ông xã trưởng nhà quê. Vậy mà người đàn ông nhỏ con vai tròn này có một số phẩm chất của một con người vĩ đại: ngài thuần khiết, không hãnh tiến, tham vọng và vị kỷ. Ngài chỉ muốn điều tốt nhất cho đất nước.

                Các thần dân của ngài coi ngài như một vị thần, và các em bé được đe dọa là chúng sẽ bị mù mắt nếu cả gan nhìn vào mặt ngài. Nếu một phát ngôn viên quần chúng nêu đến từ “Thiên hoàng” toàn thể cử tọa liền ngồi thẳng lên nghiêm trang. Nếu một phóng viên chai lỳ dám hỏi một câu hỏi cá nhân liên quan đến Thiên hoàng, anh ta sẽ được trả lời một cách lạnh lùng là không nên đặt một câu hỏi như thế đối với một đấng thần linh.

                Nhưng ở Nhật “thần linh” không có nghĩa như ở Tây phương. Đối với người Nhật hoàng đế là một vị thần, cũng như mẹ ông, cha ông và thầy ông là những á thần. Tôn sùng ông không chỉ là một niềm kính sợ mà còn là vì tin yêu và nghĩa vụ, và cho dù thấp hèn đến cỡ nào mọi thần dân đều cảm thấy mối liên hệ gia đình với hoàng đế, xem ông như người cha của tất cả họ. Khi Minh Trị hấp hối trên giường bệnh toàn thể nhân dân Nhật đều cầu nguyện cho ngài bình phục; nhiều đám đông ở lại quảng trường Hoàng cung suốt ngày đêm; và toàn thể đất nước khóc than cho sự ra đi của ngài như những người thân trong cùng một gia đình. Vì Nhật Bản là một đại gia đình, một dòng dõi hiện đại hóa từ một số những bộ tộc gây chiến nhau.

                Mỗi đứa trẻ đều được dạy dỗ kodo, Vương Đạo, rằng nền tảng của đạo lý Nhật Bản là on (nghĩa vụ) đối với hoàng đế và phụ mẫu. Không có Hoàng đế con người như không có xứ sở, không có cha mẹ, không nhà cửa. Trong nhiều thế kỷ những nhà cai trị Nhật từng là những vị vua nhân từ, chưa hề thi thố uy quyền. Cũng giống như bậc cha mẹ yêu thương và dẫn dắt con cái mình, ngài yêu thương và dẫn dắt thần dân mình với lòng trắc ẩn. Dòng dõi hoàng tộc đã đi suốt 346 năm mà chưa từng xử tội chết cho bất cứ ai trên toàn xứ.

                Từ vị thế mơ hồ của Thiên hoàng hiện tại tiến hóa một quyền lực gần như là chuyên chế cho bộ tham mưu lục quân và hải quân. Về bản chất, họ đã hóa ra chỉ tự mình chịu trách nhiệm. Chỉ một lần Thiên hoàng thách thức giới quân sự, đó là vào năm 1928 khi hay tin lão Thống chế Trương Tác Lâm bị ám sát bởi nhóm Ishihara-Itahaki. Ngài nóng giận đến nỗi quên phứt lời huấn thị nghiêm khắc và chỉ trích kịch liệt Thủ tướng. Hoàng thân Saionji, có quan điểm không mấy tín nhiệm giới quân sự mà Thiên hoàng chịu ảnh hưởng, cũng nóng giận không kém- nhưng mục tiêu của ông là Thiên hoàng. Ông nói ra như một người thầy, chứ không như một thần dân, và kết án Hirohito hành động như một nhà độc tài. Sự khiển trách của ông già lay động Thiên hoàng đến nỗi trừ ba ngoại lệ, ngài không bao giờ rời xa nguyên tắc chủ yếu mà vị gero đã dạy là “Trị vì, chứ không cai trị”.

4.

                Thư ký của Okada, Sakomizu, đã trở lại nơi cư ngụ chính thức của Thủ tướng với sự cho phép của phe nổi dậy, và khi thấy cha vợ vẫn bình yên trong phòng kho anh thì thào, “Con sẽ trở lại ngay; ba hãy giữ tinh thần,” và quay về nhà để lên kế hoạch giải cứu. Trước 10 giờ một chút, một nhân viên của Bộ Hoàng cung Nội thị điện tới, chia buồn về sự quá cố của ngài Thủ tướng. Anh ta nói Thiên hoàng muốn phái một đại diện viếng gia đình, xin cho biết vị ấy sẽ đi đến bộ hay nhà riêng của Okada.

                Sợ điện thoại bị nghe trộm, Sakomizu gác máy; sự thật phải đích thân đến tâu với Thiên hoàng. Sakomitzu thay đồ, bên dưới là lớp áo chống đạn. Cầm theo cây dù, ông bước qua đường đến nơi cư ngụ chính thức, và sau một hồi tranh luận với phe nổi loạn, được phép vượt qua đường ranh của họ. Ông gọi một taxi đi đến Cổng Hirakawa của khu Hoàng cung, và lội bộ trên lớp tuyết dày để đến tòa nhà bê tông của Bộ Hoàng cung Nội thị.

                Ngài Bộ trưởng Hoàng cung Nội thị Karuhei Yuasa bắt đầu bày tỏ lời phân ưu của mình thì Sakomizu liên ngăn lại bảo Okada còn sống. Giật mình, Yuasa đánh rơi món gì đó, rồi nói mình phải chuyển tin đó tới Hoàng thượng, đoạn ông biến đi ngay. Ắt hẳn ông đã chạy bộ suốt từ đó cho đến tận ngự phòng rồi trở lại, vì ông chỉ đi có vài phút. Ông bảo Sakomizu với giọng trịnh trọng. “Khi tôi báo với Hoàng thượng là Okada còn sống, ngài hết sức vui mừng. Ngài nói, ‘Thật là tuyệt,’ và bảo tôi mang Okada đến nơi an toàn càng nhanh càng tốt.”

                Sakomizu đề nghị là họ sẽ nhờ tư lệnh Sư đoàn 1 giúp đỡ, ông ta có thể phái binh lính đến giải cứu Okada. Yuasa phản đối; như thế là quá liều lĩnh vì tư lệnh sẽ phải được phép từ cấp trên của mình và “cậu không bao giờ biết họ về phe nào.”

                Có lý và Sakomizu quyết định tìm sự hỗ trợ từ một nguồn độc lâp hơn. Anh bước vào phòng đầy ắp sĩ quan cao cấp . Tất cả đều có vẻ lo âu, như thể sắp sửa bị quở mắng. Nhiều người bày tỏ sự thương tiếc đối với sự ra đi của Okada, nhưng một số trơ trẻn nhận xét rằng việc như vậy thế nào cũng xảy ra, vì Thủ tướng phớt lờ lời đề nghị của Quân đội.

Tuyên ngôn của phe nổi dậy đươc chuyền tay nhau và được bàn luận xôn xao nhưng hình như không ai làm gì. Bộ trưởng chiến tranh Kawashima nom có vẻ hoàn toàn bối rối; chắc chắn là không thể nhờ cậy ông ta rồi. Sakomizu quan sát đám người một cách thất vọng. Đây là cơ cấu của quân đội và đó là một đám người dao động, không đáng tin cậy, và cơ hội. Không có ai mà anh cảm thấy có thể tin cậy để tiết lộ bí mật của mình, vì thế anh lách mình bước ra khỏi đám đông. Anh bước vào một phòng khác tại đây Nội các đang họp nhưng cảnh tượng cũng bát nháo không kém. Các bộ trưởng đều hay tin và hùng hỗ và không biết làm gì ngoài việc chờ thành viên lão thành của họ, Bộ trưởng Nội vụ Fumio Goto, đến. Họ vồ lấy Sakomizu và hỏi tới tấp về Thủ tướng. Ngài chết như thế nào? Thi thể đang ở đâu? Ai ra tay? Trong khi Sakomizu đáp lại bằng những câu trả lời tránh né, anh bổng nhác thấy một người mà mình có thể tin cậy – Bộ trưởng Hải quân, bạn cũ của Okada, cũng là một đô đốc đồng liêu. Lựa lời thật cẩn trọng sợ bị nghe lén, Sakomizu nói, “Ngài Bộ trưởng, chúng tôi muốn nhận thi thể của một thành viên cũ của Hải quân. Liệu ngài có thể phái một đơn vị lực lượng đến nơi cư ngụ của Thủ tướng để bảo vệ chúng tôi không?”

                Vị đô đốc không hiểu thấu ẩn ngữ này nên đáp, “Không thể. Rủi xảy ra chạm trán giữa Lục quân và Hải quân thì sao?

                Sakomizu hạ thấp gjong, “Tôi sẽ tiết lộ cho ngài một việc quan trọng. Và nếu ngài không chấp nhận lời yêu cầu của tôi, xin ngài hãy quên những gì tôi nói.” Rồi Sakomizu báo với vị bộ trưởng đang bối rối là Okada còn sống và cần được binh lính hải quân giải cứu.”

                “Tôi không nghe gì hết,” vị đô đốc bối rối nói và lãng đi chỗ khác.

                Hình như không có ai khác để nhờ cậy và Sakomizu bắt đầu mơ tưởng ra những mưu kế.  Anh nghĩ dến việc bắt chước vụ trốn thoát đầy ấn tượng bằng khinh khí cầu ra khỏi Paris của Tổng thống Pháp Gambetta trong chiến tranh Pháp- Phổ nhưng rồi anh nhận ra là ở Tokyo chỉ có bong bóng quảng cáo. Còn việc chuyển thi hài của Okada và Matsuo ra khỏi nơi cư ngụ trong cùng một chiếc hòm thì sao? Việc đó phải cần đến một quan tài lớn và như thế sẽ gây ra nghi ngờ. Trời đã quá trưa và mỗi giây phút đều quan trọng. Tuyệt vọng, anh  bức rức lang thang từ phòng này đến phòng khác, không biết phải làm gì.

                Vào giữa trưa bên ngoài khu vực một dặm vuông mà bọn nổi loạn chiếm giữ không khí đường phố hình như bình thường. Các chàng trai đạp xe trên tuyết để giao hàng. Các chủ tiệm gần rìa khu vực cấm bước ra đường, trên người đeo tạp dề, hỏi thăm các binh sĩ trẻ đang đóng tại các chướng ngại vật. Hình như không ai biết điều gì đang xảy ra.

                Các nhà lãnh đạo quân đội vẫn còn dao động. Mặc dù tất cả đều ghê tỡm trước các hành động lật đổ của bọn nổi dậy, nhưng có quá nhiều người đồng ý trên nguyên tắc với các mục tiêu của họ đến nỗi không có quyết định nào được đưa ra. Thậm chí họ không nhất trí về việc kêu gọi Đại úy Koda và đồng bọn, không cho đến khi lời kêu gọi được làm dịu đi, và mơ hồ một cách kinh khủng. Dán nhãn hiệu là “khiển trách,” nó không dám gọi chúng những gì chúng thực sự là – bọn nổi loạn.

  1. Mục đich của cuộc nổi dậy đã đến tai Thiên hoàng.
  2. Hành động của các bạn đã được chấp nhận là bị thúc đẩy bởi một tình cảm chân thật muốn tìm cách biểu lộ quốc túy của mình.
  3. Tình trạng hiện thời của việc biểu lộ kokutai đã đến mức chúng tôi cảm thấy lo sợ không sao chịu được.
  1. Các cố vấn chiến tranh nhất trí nỗ lực đạt được những mục tiêu nói trên.
  2. Bất kỳ điều gì khác sẽ tùy thuộc vào ý muốn của Thiên hoàng.

                Nội dung này được in ra vào buổi chiều, cùng lúc với một lệnh phòng vệ khẩn cấp khá khôi hài là đặt trung tâm Tokyo dưới quyền tài phán của Sư đoàn 1, đơn vị đã nổi dậy. Đó là một việc làm rất thuận lợi, với lệnh bảo vệ khu vực mà họ đã chiếm đóng, bọn nổi loạn sẽ nghiễm nhiên coi mình là binh lính trung thành với chính phủ.

                “Sự khiển trách” mang tính hòa giải lẫn mệnh lệnh khẩn cấp không việc nào đem lại kết quả mong muốn; chúng chỉ thuyết phục nhóm Koda là đại bộ phận quân đội về phe mình. Câu trả lời của Koda là: Nếu yêu sách ban đầu của chúng tôi được chấp nhận, chúng tôi sẽ tuân theo mệnh lênh của các ông. Bằng không chúng tôi không thể di tản khỏi khu vực mà chúng tôi đã chiếm đóng. Đêm đó lực lượng yễm trợ đươc chở đến từ Kofu và Sakura để chiếm các vị trí đối diện với chướng ngại vật. Tại sứ quán Mỹ, các quan sát viên trên mái nhà có thể trông thấy các băng rôn của bọn nổi loạn phe phẩy từ nơi cư ngụ của Thủ tướng và Khách sạn Sanno. Bà đại sứ quá lo âu đến nỗi khăng khăng đòi ngủ ở một phòng khác, cho dù đại sứ trấn an bà việc cuối cùng mà bọn nổi loạn muốn làm là kiếm chuyện với sứ quán.

                Cách đó vài khu phố một ô tô chạy đến trước trụ sở hiến binh và ba sĩ quan bảnh bao bước ra xe – Đại úy Koda và hai thủ lĩnh nổi dậy khác. Khi họ bước qua lối vào để tiếp tục đàm phán với Quân đội, hai lính gác giơ tay chào một cách trang trọng.

                “Bakayaro! (Đồ ngu!)” một sĩ quan trừ bị dựa người ra ngoài một cửa sổ la lên. “Chào một sĩ quan nổi loạn! Bọn chúng không phải là Quân đội Hoàng gia!

                Ba tên bỏ ra 30 phút lắng nghe các tướng Mazaki và Araki thúc giục họ kết thúc việc binh biến, nhưng một lần nữa việc hòa giải chỉ làm họ thêm ngoan cố.

                Tại Bộ Hoàng cung nội thị, Bộ trưởng Nội vụ Goto cuối cùng đã đến sau 6 giờ đình hoãn kỳ lạ để được chỉ định làm “thủ tướng lâm thời.” Một lúc sao ông lắng nghe yêu cầu thiết quân luật từ Bộ trưởng Chiến tranh Kawashima. Goto và những bộ trưởng dân sự khác trong Nội các sợ rằng việc này có thể biến thành sự độc tài quân sự và lập luận rằng vì đó thuần túy là sự nổi dậy của Quân đội nên để cho Quân đội giải quyết.

                Kawashima đáp rằng chắc hẳn phải có những kẻ xúi giục từ bên ngoài và do đó phải cần đến những biện pháp khác thường để bảo đảm sự an toàn của quốc gia. Dù sự vặn lại rất yếu ớt, nó cũng làm dao động các thành viên còn trù trừ và tại một cuộc họp vào nữa đêm có sự hiện diện của Thiên hoàng mọi người nhất trí là nên thiết quân luật ngay lập tức.

                Ngay lúc này một trung sĩ hiến binh đã được cho biết về chỗ trốn của Okada: một lính dưới quyền y, được cho phép mang thi thể một cảnh sát và một cảnh sát bị thương ra khỏi nơi cư ngụ của Thủ tướng, đã tình cờ mở cửa phòng kho nơi ngài Thủ tướng đang ngồi tọa thiền như một vị Phật. Tin tức giật gân về Okada lập tức được báo cáo với trung sĩ chỉ huy của họ. Và người này quyết định không chuyển thông tin cho các cấp trên của mình – nếu tin này sai, y sẽ bị làm trò hề, còn nếu đúng, một kempei nào đó có cảm tình với bọn nổi loạn sẽ báo cho chúng và Okada sẽ bị khử. Đối với viên trung sĩ, Keisuke Kosaka, đây là một nghĩa vụ không được xao nhãng. Bằng sáng kiến của mình anh và hai tình nguyện viên lẻn qua tuyến canh gác của phe nổi loạn vào tận khuya đêm đó và ngay trước rạng đông ngày 27/2 táo bạo bước vào khu cư ngụ của thủ tướng. Kosaka đi trực tiếp đến phòng người hầu, mở cửa phòng kho, trấn an Okada là ngài sẽ được giải thoát sớm sủa, và băng qua con phố để kêu gọi sự hỗ trợ của thư ký Thủ tướng có tên Ko Fukuda sống ngay sát Sakomizu.

                Thư ký và trung sĩ thận trọng thăm dò lẫn nhau khi họ nhâm nhi cốc trà đen cho đến khi cuối cùng Kosaka tiết lộ tin Okada còn sống. Chỉ khi đó Fukuda mới nhìn nhận rằng mình và Sakomizu cũng biết tin đó và hi vọng có thể lén lút mang Okada ra ngoài lẫn trong đám đông người viếng tang sẽ đến sớm để bày tỏ lòng thương tiếc của mình.

                Trong nửa giờ tiếp theo viên trung sĩ tháo vát và hai lính cuỗm một bộ y phục Tây phương cho Okada từ phòng ngủ và trưng dụng một ô tô trong sân. Họ vừa kịp lúc. Hai chiếc ô tô đen trờ tới và một tá người viếng tang lần lượt vào khu bộ trưởng. Fukuda dẫn họ đến phòng ngủ, tại đó một trong hai lính của Trung sĩ đang đợi để bảo đảm là các vị khách không đến gần thi thể quá để có thể nhận biết đó không phải là ngài Thủ tướng.

                Trong lúc khách viếng đốt hương và cầu khấn người quá cố, Fukuda và Kosaka mang Okada co quắp, gương mặt được che dấu dưới lớp khẩu trang khử trùng, đến nhà sau. Một nhóm lính nổi loạn đứng gác ở cửa ra vào và Kosaka la lên đầy quyền uy, “Bệnh nhân cấp cứu! Ông già lẽ ra không nên nhìn tận mặt tử thi làm chi.”

                Nhóm nổi loạn tránh qua một bên và ba người bước ra sân. Nhưng không có ô tô nào đang đợi. Tò mò muốn biết chuyện gì xảy ra, tên chỉ huy đám lính gác tiến đến họ. May thay, chiếc xe trưng dụng trờ tới vừa kịp lúc. Fukuda mở cửa, ấn ông già Okada ngất ngư vào tận trong chiếc xe Ford đời 1935 và khom người chui vào ngồi kế bên. Kosaka đứng nhìn mà trái tim đập thình thịch khi xe vọt đi qua cổng và mất hút. Nước mắt chảy dài xuống má khi anh đứng đó như bị thôi miên.

                Vậy là Okada đã trốn thoát, nhưng còn vấn đề mang đi thi hài của Matsuo trước khi có người phát hiên sự gian dối. Đó là nhiệm vụ của Sakomizu. Anh cảm thấy tốt nhất là không làm gì cho đến khi chắc chắn là Okada đã đến nơi ẳn nấp an toàn. Giờ này qua giờ khác anh ngồi canh ngay sát bên thi thể. Cuối cùng điên thoại reo lên. Vợ anh báo tin là cha cô đã an toàn trong một ngôi chùa. Giờ Sakomizu có thể hành động. Trước tiên anh điện thoại cho Bộ Hoàng gia Nội thị để báo tin về việc trốn thoát của Okada, sau đó gọi về nhà Okada để yêu cầu chở quan tài đến khu cư ngụ chính thức sớm như có thể. Câu trả lời là quan tài làm sẵn không thích hợp cho một vị thủ tướng, và phải mất vài giờ mới đóng xong quan tài mới.

                Việc hoãn lại làm Sakomizu căng thẳng: lỡ ông ấy bị phát hiện và ám sát. Khi cơn khủng hoảng của anh tăng lên anh nhớ lại trong thời của cha mình các bé trai thường chơi trò thi thố xem ai dạn dĩ hơn, trò này có tên shibedate (cắm cọng lúa liên tiếp). Trong đêm khuya một thằng bé sẽ chạy tới đặt một vật gì đó lên một ngôi mộ rồi chạy về. Đứa tiếp theo chạy đến để thu hồi vật đó rồi chạy về và một đứa thứ ba sẽ chạy đến và cắm một cây lúa lên ngôi mộ. Việc này cứ thế tiếp tục cho đến khi ai đó bỏ cuộc vì sợ. Các cậu bé tin rằng sợ hãi chỉ đến khi cặp giái mình teo lại, vì thế khi chạy về phía ngôi mộ chúng sẽ chộp giái và kéo chúng căng ra. Sakomizu phát hiện, khá chắc chắn, giái mình đã teo tóp gần như mất hẳn. Anh xoay sở kéo nó xuống và lạ thay nhận ra nổi sợ hãi của mình đã biến mất. Cổ nhân khôn ngoan thật.

                Cuối cùng đến tối thì quan tài cũng đươc chở tới. Sakomizu đuổi bọn đạo tỳ ra và tự mình quấn thi thể của Matsuo trong một tấm chăn và bỏ vào quan tài. Khi xe tang chầm chậm rời khu bộ trưởng, bọn nổi loạn canh gác giơ tay chào và nói vài lời vĩnh biệt lịch sự. Xe tang di chuyển từ từ qua cổng, và sau một chuyến đi căng thắng, an toàn đến tư gia của Thủ tướng. Một đám người đã tề tựu để dự lễ. Một mộ bia được đặt lên trên quan tài cùng với một bức chân dung lớn của Okada được  quấn dải băng đen.

                Sakomizu nghiêm nhặt ra lệnh không được mở nắp hòm, rồi chạy đến Bộ Hoàng cung Nội thị, tại đó các thành viên Nội các tập họp một lần nữa. Giờ thì anh báo tin Okada còn sống, và trong khi họ còn chưa hoàn hồn, anh đề nghị

Thủ tướng diện kiến Thiên hoàng sớm như có thể. Trước sự kinh ngạc của Sakomizu, Quyền Thủ tướng Goto phản đối. Okada chịu trách nhiệm cho cuộc bạo loạn và phải từ chức ngay. Goto không chịu lắng nghe lời giải thích – rõ ràng là ông ta thích làm thủ tướng – và Sakomizu đành phải điện thoại cho những người có ảnh hưởng để nhờ sự ủng hộ.

                Anh không tìm được người nào. Mọi người đều đồng ý là nếu binh sĩ phản loạn hay tin Okada ở khu vực Hoàng cung  họ có thể khai hỏa về hướng Hoàng cung. Và điều đó “quá sức kinh khiếp.” Nhượng bộ, Sakomizu điện cho Fukuda đừng mang Okada đến đây và mau trở lai tư gia Okada để xem tang lễ có suôn sẻ không – bằng không bọn nổi loạn có thể bắt đầu săn người.

                Bà Matsuo ngồi lặng lẽ trước linh cữu. Giờ khắc trôi qua nhưng bà không hề hỏi về chồng mình, Sakomizu cảm thấy vô cùng thương cảm khiến không thể giữ kín  sự thật lâu hơn nữa. Anh tập họp các thân nhân gần gũi của ngài Thủ tướng, bao gồm ba trong bốn đứa con của ông và ba trong bốn đứa con của Matsuo. Đè nén xúc cảm, anh kể việc Matsuo hi sinh mạng sống của mình ra sao để Okada có thể trốn thoát.

                “Tôi rất vui vì chồng tôi đã góp được chút công lao,” người góa phụ dịu dàng nói. Bà là con gái một võ sĩ đạo.

5

                Đến lúc này vụ nổi dậy được đặt tên, Biến cố 2/26 (26 tháng 2), và mặc dù thái độ của các thủ lĩnh quân đội đã bắt đầu cứng rắn, phải cần đến Thiên hoàng mới khiến họ hành động. Nổi giận vì sự trù trừ của họ, ngài bước ra khỏi vai trò của mình lần đầu tiên kể từ việc mưu sát Thống chế Trương và lên tiếng đanh thép: “Nếu Quân đội không thể dẹp yên cuộc nổi loạn, trẫm sẽ đi ra ngoài và đích thân thuyết phục họ.”

                Việc này khiến Quân đội ban hành một quân lệnh vào 5:06 phút sáng, ngày 28/2. Nhân danh Thiên hoàng, lệnh cho phe nổi loạn, “mau chóng rút khỏi” các vị trí hiên thời và trở về các đơn vị liên quan. Dân chúng trong vùng nguy hiểm phải được di tản. Nếu đến 8 giờ sáng mà phe nổi loạn không chịu rút lui, thì sáng hôm sau chúng sẽ bị tấn công. Lệnh này tách phe nổi dậy thành hai nhóm: một muốn tuân lệnh Thiên hoàng; phe kia khăng khăng cho rằng đó không phải là ý muốn của Thiên hoàng mà chỉ là áp lực từ nhóm Kiểm soát.

                Ngày hôm đó Sakomizu gặp những chuyện bất mãn hơn. Goto vẫn chống đối việc Thủ tướng yết kiến Thiên hoàng, và trong bất kỳ trường hợp nào, cảnh sát từ khước việc hộ tống Thủ tướng đến Hoàng cung- đó là một trọng trách quá lớn. Sợ rằng Okada có thể hành xử hara-kiri, Sakomizu phớt lờ Goto và cảnh sát, mang ngài Thủ tướng đến Bộ Hoàng cung Nội thị.

                Gần tới 7 giờ tối ông già được hộ tống đến Hoàng cung. Trong hành lang họ đi qua mặt các nhân viên nội thị, trân trân nhìn Okada thảm sầu với vẻ khiếp đảm, tưởng mình đang gặp ma. Một vài người bỏ chạy trong khi những người khác co rúm người sợ hãi.

                Vừa giáp mặt Thiên hoàng, ngài Thủ tướng đã khúm núm tạ lỗi vì để xảy ra bạo loạn, như thể đó là lỗi của mình, và xin từ chức. “Hãy tiếp tục nhiệm vụ của ngài chừng nào ngài còn sống,” Thiên hoàng trả lời và nói thêm là mình rất vui mừng.

                Okada sợ quá nên không nói được lời nào hoặc thôi ngưng khóc. Nhưng cuối cùng ông cũng bật nói, “Từ giờ trở đi thần sẽ cư xử tốt hơn.” Lần này Thiên hoàng không đáp lại.

                Đêm đó Okada ngủ tại Hoàng cung Nội thị còn Sakomizu thì trở lại tư gia Thủ tướng, vẫn còn đông đúc người đến phúng điếu. Một nhóm đô đốc bực tức vây lấy anh. “Là một samurai làm sao chú dám rời bỏ thành trì?” một người quát. “Cho dù Thủ tướng chết chú cũng phải ở lại bảo vệ thi hài và cố thủ khu cư ngụ chính thức đến chết. Sao chú có thể quá vô trách nhiệm đến nỗi chạy đi đến Hoàng cung Nội thị tôi không biết để làm cái quái gì? Họ bất mãn cách thức Sakomizu điều hành tang lễ và bảo rằng hôm sau sẽ mang thi hài đến Hội quán Sĩ quan Hải quân để cử hành tang lễ tử tế hơn. Sakomizu xin họ hãy nhẫn nại, nhưng lập tức một đô đốc khác nói át đi: “Cha anh là một quân nhân. Tôi sắp xếp việc hôn nhân của anh vì tôi tin rằng anh là một người đáng tin cậy. Nhưng giờ thì anh đã cho thấy mình là một tên khốn nạn, một thằng đàn ông nhát gan thậm chí không thể điều hành một đám tang. Okada chắc hẳn đang than khóc vì gả con gái mình cho một tên không ra gì. Cha anh chắc cũng đang khóc đó. Hãy mạnh dạn lên nào!”

                Dù có chỉ dụ của Thiên hoàng, tất cả chỉ trừ một vài tên nổi loạn không chịu rút binh. Khi có nhiều binh lính yễm trợ đến Tokyo từ các thành phố bên ngoài, Hạm đội Hổn hợp tiến vào Vịnh Tokyo và lực lượng đổ bộ chiếm giữ những vị trí bên ngoài Bộ Hải quân và những căn cứ hải quân khác. Các binh sĩ trẻ tuổi đang ngứa ngáy hành động để trả thù cho ba sĩ quan lão thành của họ – các đô đốc Saito, Suzuki và Okada – đã bị Lục quân ám sát hoặc làm bị thương trầm trọng. Một sĩ quan hải quân trẻ, mà các khẩu pháo chính của tàu mình đang nhắm vào Trụ sở Quốc hội, “suýt không cầm lòng được” muốn bắn bay tòa tháp nhưng rồi dằn lòng lại.

                Đến 6 giờ sáng ngày 29/2 – năm đó là năm nhuận – Quân đội thông báo: “Chúng tôi nhất quyết dẹp tan bọn nổi loạn đã gây ra những rối loạn trong khu lân cận của Kojimachi tại thủ đô vương triều.” Lần đầu tiên từ “nổi loạn” đượcchính thức sử dụng. Đó là một ngày đầy mây báo hiệu sẽ có tuyết nhiều hơn. Trừ bóng dáng binh lính, thành phố trông như một thành phố chết. Trường đóng cửa, xe điện và xe lửa ngưng chạy. Không thể gọi điên thoại hoặc đánh điện. Tokyo bị cô lập. Tất cả phương tiện lưu thông công cộng đều bị tạm ngừng trong khi Quân đội điều động lực lượng chuẩn bị tấn công, nhưng thậm chí khi các xe tăng được gởi đến để chiếm lĩnh các vị trí, những xe tăng khác lăn bánh đến các chướng ngại vật của bọn nổi loạn, trên hông của chúng treo những thông điệp kêu gọi bọn nổi loạn hãy “kính vâng lệnh Thiên hoàng” và rút về ngay lập tức. Các oanh tạc cơ nạp đủ cơ số bom bay rầm rộ trên không trong khi những phi cơ khác thả truyền đơn kêu gọi các sĩ quan trừ bị:

  1. Trở lại các đơn vị của bạn. Bây giờ vẫn chưa quá muộn.
  2. Kẻ nào kháng cự chính là về phe nổi loạn và sẽ bị bắn hạ.
  3. Cha mẹ và anh em đang kêu khóc khi thấy bạn trở thành kẻ phản bội.

                Một quả bóng quảng cáo được thả lên phía trên Trụ sở Hàng không, bỏ rơi xuống những dải băng dài in các chữ lớn đọc: VƯƠNG LỆNH BAN HÀNH. KHÔNG ĐƯỢC KHÁNG CỰ QUÂN KỲ. Các loa phóng thanh được mang đến những vị trí chiến lược, và Chokugen Wada, xướng ngôn viên nổi tiếng của đài phát thanh NHK, băt đầu đọc lời kêu gọi đến những người bị phe nổi loạn chiêu dụ với một giọng nghèn nghẹn: “Các bạn đã tuân lệnh cấp trên mình một cách trung thành và thật lòng, tin rằng mệnh lệnh của họ là đúng đắn. Nhưng bây giờ Thiên hoàng đã ra lệnh cho các bạn phải trở lại đơn vị. Nếu các bạn tiếp tục kháng cự, bạn sẽ trở thành kẻ phản bội vì bất tuân vương lệnh. Bạn đã tin mình làm việc đúng đắn nhưng bây giờ bạn biết là mình đã sai. Bạn không được tiếp tục chống đối lại Hoàng thượng để rước lấy nổi ô nhục suốt kiếp như là kẻ bất trung. Giờ vẫn không quá muộn. Tội lỗi đã qua của bạn sẽ được tha thứ. Cha mẹ bạn và cả đất nước thành tâm cầu mong bạn sẽ tuân theo điều này. Hãy lập tức rời bỏ vị trí hiện thời và trở về.”

                Các binh sĩ nổi loạn bắt đầu nhìn nhau bối rối. Nhưng ai cũng đợi người khác hành động trước. Đến giữa sáng tình huynh đệ giữa các hàng ngũ bắt đầu rạn nứt. Ba mươi sí quan và binh sĩ trừ bị bỏ đi khỏi vị trí của mình mang theo súng trường và súng máy. Đến trưa gần như tất cả quân nhân trừ bị đều trở về đơn vị trừ những phân đội nhỏ đóng ở khu cư ngụ của Thủ tướng và Khách sạn Sanno. Đúng 2 giờ băng rôn bay trên khu thủ tướng được hạ xuống và một giờ sau bộ tư lệnh Quân đội thông báo trên đài là phe nổi loạn đã đầu hàng mà không cần bắn phát súng nào.

                Các thủ lĩnh phe nổi dậy vẫn còn ở lại Bộ Chiến tranh và Khách sạn Sanno, nhưng binh lính trung thành không định bắt giữ họ: họ đang tạo cơ hội cho bọn nổi loạn hành động như những võ sĩ đạo. Tướng Araki, vốn ngưỡng mộ tinh thần và có cảm tình với động cơ của họ, yêu cầu họ hãy tự xử hara-kiri vì họ đã phạm một hành động phạm thượng, hồ đồ  khiến Thiên hoàng phiền muộn. Các sĩ quan trẻ xem xét việc tự tử tập thể, nhưng cuối cùng quyết định chịu ra tòa án binh tại đó, như Aizawa, họ có thể đánh động với quốc gia sự thối nát đang bao vây Nhật Bản.

                Một sĩ quan, tuy nhiên, từ khước đầu hàng. Đại úy Shiro Nonaka bỏ đi một mình và viết một bài trần tình hối tiếc là sư đoàn của mình đã không đánh đấm trong hơn 30 năm trong khi những đơn vị khác đang đổ máu trong vinh quang.

“Trong những năm gần đây tội lỗi của những kẻ phản bội ở nhà đã bị mua chuộc bằng máu của các đồng đội ta ở Mãn Châu và Thượng Hải. Tôi phải trả lời sao đây với linh hồn các tử sĩ này nếu tôi trải qua  phần đời còn lại của mình một cách vô ích ngay nơi đây ở Tokyo? Chỉ còn lại một con đường cho tôi bước đi.” Anh ký vào tờ trần tình, rồi chọn con đường: hara-kiri.

                Lúc 4 giờ 30 chiều đó chàng Sakomizu uể oải tập họp khách viếng tang tại nhà Okada để đọc một bài phát biểu đã soạn sẵn tiết lộ chi tiết về cái chết của Matsuo và vụ trốn thoát của Okada. Mọi người choáng váng đến lặng người. Cuối cùng ai đó la to “Banzai!” Tất cả những người khác hô theo và tin tức lan nhanh khắp vùng lân cận.

                Biến cố 2/26 đã qua. Bạo lực tiến hành thật là đẫm máu đến khó tin; vậy mà chỉ có 7 người bị giết chết và bọn nổi loạn đã đầu hàng một cách êm thắm. Kỳ công nổi bật nhất về lòng can đảm thuộc về phụ nữ, và sự dao động thuộc về các tướng lãnh. Đối với hầu hết người nước ngoài vụ phản loạn không hơn một vụ tắm máu khác có tính siêu quốc gia chủ nghĩa, và ít người nhận ra ý nghĩa của nó. Người Xô viết thì biết, chủ yếu nhờ có Richard Sorge, người đã tiên đoán chính xác sự kiện này sẽ dẫn đến viêc bành trướng sang Trung Hoa.*

                Mọi việc đã qua, nhưng như một viên đá ném xuống ao, nó sẽ để lại những gợn sóng lan ra khắp Thái bình dương.

* Báo cáo chi tiết của Sorge gởi về Moscow bao gồm một bản phân tích về sự bất ổn xã hội sâu sắc đã kích động những kẻ nổi loạn. Sorge cũng gởi những ảnh chụp về các điểm trọng yếu của biến cố do các tùy viên Đức thu được, bao gồm một cẩm nang bí mật được hai thủ lĩnh nổi loạn viết ra năm trước có tựa đề “Quan điểm về việc Thanh Trừng Nội bộ Quân đội”. Phòng 4 hài lòng với điệp viên mới này và yêu cầu gởi thêm tin. Nó có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nhật không? Nó có khiến Nhật chống Xô viết nhiều hơn hay ít hơn?

                Với sự trợ giúp của một nhà báo có quan hệ rộng rãi và một nghệ sĩ đã trở thành đảng viên Cộng sản, Sorge trả lời tất cả những câu hỏi này, cũng như nhận xét rằng Biến cố 2/26 sẽ đưa đến những cải cách xã hội hay một chính sách bành trướng không ngừng. Và hướng bành trướng là Trung Quốc. Y cẩn thận khi nói quanh co và khách quan, vì y biết rằng, không giống Berlin và Washington, “Moscow hiểu rõ Trung Hoa và Nhật Bản quá nhiều để có thể bị lừa gạt dễ dàng.”

                Đến hôm nay một số người Nhật có hiểu biết tin rằng cuộc họp có sự tiếp tay của các đặc vụ Cộng sản. Họ tuyên bố rằng Tướng Mazaki đã bí mật gặp gỡ các thủ lĩnh cánh tả trước khi vụ nổi loạn diễn ra, và chỉ ra rằng không chỉ có sĩ quan trẻ mà còn có Ikki Kita và các nhà theo chủ nghĩa dân tộc thuộc thành phần dân sự trở thành công cụ vô tình của đảng viên Cộng sản, mà kế hoạch của họ là cộng sản hóa Nhật Bản qua hoạt động của những nhà lý tưởng rao giảng Vương đạo lẫn chủ nghĩa xã hội. Biết rõ sức mạnh của lòng tôn kính đối với Thiên hoàng, người Cộng sản quyết định chủ trương giữ lại hệ thống quân chủ mà không loại bỏ nó. Lý thuyết này cũng được chính  Sorge chia sẻ phần nào, vì sau đó chính y kể với một người bạn là các người Cộng sản có thể có mối liên hệ nào đó với vụ nổi dậy và rằng có thể xây dựng một nước Nhật Cộng sản do một hoàng đế trị vì?

1.png

2.png

3

Bọn nổi loạn chiếm đóng khách sạn Sanno

4.png

5.png

2. ĐẾN CẦU MARCO POLO

1.

                Một bầu không khí nhẹ nhõm không dễ chịu bao trùm 5 triệu dân Tokyo, như thể sau cơn động đất lớn năm 1923. Họ không mấy cảm tình với bọn nổi loạn trẻ tuổi. Lần đầu tiên công luận đồng thanh kết án bọn nổi dậy và chỉ trích thói vô kỷ luật đang lan tràn khắp quân đội.

                Vào thời điểm Biến cố  5/15 dân chúng tin tưởng rằng bọn quân phiệt và người quốc gia cực đoan sẽ đập tan kiểu chính trị đảng phái thối nát và những sai lầm xã hội của nhóm cánh hữu bằng các hành động vũ lực trực tiếp. Nhưng sự thối nát và bất công xã hội vẫn dai dẳng và giờ này, sau bốn ngày hỗn loạn vừa qua, công luận đã đánh mất niềm tin mù quáng vào vũ lực và muốn trở về các biện pháp trật tự – gần như với bất cứ giá nào.

                Và mặc dù mỗi xuất diễn tại Nhà hát Kabuki của vở Bốn Mươi Lãng Khách, một vở tán tụng sự báo thù, bạo lực và tự xử đẫm máu, lúc nào cũng chật ních khán giả, một sự ủng hộ tăng lên cho phe nhóm trong Quân đội hình như là câu trả lời cho tình trạng hỗn loạn – phe Kiểm soát. Ngay cái tên của nó cũng nói lên nhu cầu của hiện tình, của kỷ luật, cho dù thông qua những gì nó xiển dương là kiểm soát Trung Hoa. Các nhà lãnh đạo dân sự, bị dao động bởi cùng nổi khao khát này về luật pháp và trật tự, bắt đầu một phong trào đè bẹp phe Vương đạo; và vô tình cạy tung cánh cửa đưa phe quân đội dần dần chiếm hết quyền lực của mình.

                Bề ngoài có vẻ như là thành phần dân sự thắng thế quyền lực mới khi một nội các mới được thành lập bởi Ngoại trưởng Koki Hirota. Đại sứ Grew báo cáo với Bộ Ngoai giao là Hirota sẽ “kềm chế chiều hướng nguy hiểm của Quân đội ở Trung Hoa và Mãn Châu,” và viết trong nhật ký của ông là mình vui mừng vì sự lựa chọn đó “vì ông tin rằng Hirota là một người an toàn, mạnh mẽ và rằng trong khi ông phải chơi bóng với Quân đội đến một mức độ nào đó, tôi nghĩ là ông ấy sẽ xử lý những vấn đề đối ngoại khôn ngoan như có thể . . .”

                Hirota tạo một bước khởi đầu hứa hẹn khi chọn một nhà ngoại giao thân Mỹ Shigeru Yoshida làm ngoại trưởng cho mình, nhưng Quân đội chống đối quá quyết liệt đến nỗi Hirota  phải loại ông ra. Đây chỉ là bước đầu trong một loạt các bước đi hòa giải, mà đỉnh cao là sự chấp nhận của Tân Thủ tướng về yêu sách là tất cả bộ trưởng chiến tranh trong tương lai phải được sự tán thành của Ba Ông Lớn của Quân đội. Rõ ràng là một bước đi ngây thơ,  sự trở về hệ thống cũ này có nghĩa là các chính sách giờ đây nằm trong tay Quân đội. Nếu Quân đội không tán thành một nội các, bộ trưởng chiến tranh có thể từ chức và Ba Ông Lớn chỉ việc không chịu tán thành bất kỳ ai khác, thì nội các sẽ đi đến sụp đổ. Sau đó Quân đội có thể từ khước đề cử một bộ trưởng cho đến khi một nội các vừa lòng họ được lựa chọn. Điều này có nghĩa là từ bỏ một trong những quyền kiểm soát dân sự cuối cùng về những vấn đề của nhà nước.

                Mặc dù các lãnh đạo quân đội nắm quyền kiểm soát chính trị, đây không phải là mục tiêu chủ yếu của họ. Trên hết họ nỗ lực chặn đứng một vụ 2/26 khác. Họ nhận ra rằng chỉ kỷ luật thì không đủ để kiểm soát được đám sĩ quan trẻ lý tưởng nhiệt tình dâng hiến cho công cuộc xóa tan nạn nghèo khó và hủ hóa. Cách giải quyết là nhổ tận gốc rễ những căn nguyên gây ra sự bất mãn, điều chỉ có thể làm được bằng cách chỉnh đốn những gì mà bọn nổi loạn xem là xấu ác của nền kinh tế tự do. Các người lập nghiệp ở Mãn Châu đang yêu cầu nền kinh tế kế hoạch của họ, vốn đã mang lại sự tiến bộ kinh tế vượt bậc, được áp dụng trên đất mẹ. Nhưng ai có thể đem lại sự cải cách kinh tế vĩ mô nhu thé? Các nhà tư bản đang bận rộn bảo vệ các lợi ích của mình, và tôi tớ của họ – các chính trị gia – không chỉ không thích hợp cho công việc  mà còn đánh mất lòng tin của quần chúng. Và vì Quân đội không thể công khai bước vào chính trị mà không bị hủ

hóa, chỉ còn một con đường duy nhất để thúc đẩy cải cách mà không liên can quá nhiều. Để ngăn chận sự thù nghịch của công luận, các lãnh đạo quân đội bổ nhiệm Araki, Mazaki và một  chục tướng tá khác có cảm tình với phe Vương đạo vào danh sách dự khuyết  và thuyên chuyển nhiều sĩ quan trẻ hơn tới những vị trí không quan trọng.

                Thiết quân luật, ban hành trong thời gian binh biến, tiếp tục duy trì tháng này qua tháng nọ, báo chí bị kiểm soát chặt chẽ và những tiếng nói bất đồng chính kiến bị bóp nghẹt. Bọn nổi loạn bị xử án nhanh chóng và kín. 13 sĩ quan và 4 dân sự bị kết án tử, trong đó có Ikki Kita. Vào 12/7 họ bị trói vào cọc, bịt mắt và trán bị đánh dấu hồng tâm. Trung úy Takahashi, người đã góp tay ám sát Tướng Watanabe, cất tiếng hát một bài ca trước khi phát biểu, “Thật ra, thật ra, tôi hi vọng tầng lớp có đặc quyền sẽ suy nghĩ về hành vi của họ và sẽ thận trọng hơn.” Một sĩ quan trẻ cay đắng thốt lên, “Ôi, nhân dân Nhật Bản đừng tin cậy Quân đội Hoàng gía!” Một người khác la lên, “Nhân dân hãy tin tưởng vào Quân đội! Đừng để người Nga đánh bại chúng ta!” Hầu hết đều la lên ba tiếng “Banzai” hướng đến Thiên hoàng ngay trước khi loạt súng nổ vang.

                Cho dù các sĩ quan Vương đạo bị thanh trừng, vẫn còn một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng ở Tokyo hiến dâng cho nguyên tắc chính của họ – chấm dứt sự bành trướng. Người cầm đầu nhóm này là người đã tổ chức việc chiếm lấy Mãn Châu, Kanji Ishihara. Giờ có chân trong Tổng Tham mưu, ông đã trở nên lo sợ trước hậu quả của kỳ tích mà mình là tác giả. Ông đã mơ ước một Mãn Châu dân chủ gồm 5 quốc tịch, tất cả sống trong hòa thuận cũng như tạo thành một thành trì vững chắc chống lại sự xâm lược của Nga. Nhưng mục tiêu lý tưởng này đã thoái hóa thành quyết tâm của giới lãnh đạo quân sự sử dụng Mãn Châu làm bàn đạp tiến chiếm Bắc Trung Hoa.

                Ngay sau khi bọn phản loạn bị hành quyết, Ishihara bí mật gặp gỡ 11 sĩ quan nồng cốt khác trong Bộ Chiến tranh và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội tại nhà hàng Takara-tei ở Tokyo. Những người này đều chia sẻ với ông nổi e sợ bành trướng vào Trung Hoa và đã họp bàn kế sách.

                Ishihara mở đầu bằng câu hỏi: Tại sao liều lĩnh đánh nhau với Trung Hoa khi kẻ thù nguy hiểm nhất là địch thủ truyền thống Nga? Hai cuộc chiến cùng một lúc sẽ là hành động tử tự cho Nhật Bản vốn yếu kém về kỹ nghệ nặng, ông tiếp. Thay vào đó quốc gia nên tập trung mọi năng lực để mở rộng sản xuất cho đến khi có thể cạnh tranh với Liên bang Xô viết. Để đạt được sự tự túc về công nghiệp nặng Nhật Bản phải khai thác tài nguyên của Mãn Châu trong một loạt các kế hoạch 5 năm, tránh mọi xung đột vói Nga và Trung Hoa. Khi công nghiệp Nhật Bản lên đến đỉnh cao vào năm 1952, một cuộc chiến tay đôi với Nga có thể được tiến hành – và đánh thắng. Chỉ riêng việc này thôi là có thể cứu lấy nước Nhật, chứ không phải là chính sách bành trướng của phe Kiểm soát chủ trương thọc vào Trung Hoa, và có thể cả Đông nam Á, chắc chắn kết quả là chiến tranh với Anh và Mỹ. Nếu điều này xảy ra, thì người duy nhất được hưởng lợi là kẻ thù thực sự, nước Nga. Ishihara nói thêm rằng mối nguy lớn nhất của quốc gia không nằm ở Tokyo, với cơ cơ cấu gồm những người biết lý lẽ và không cố chấp, mà ở tận Mãn Châu.

                Tại xứ đó, bọn quá khích có nhiều ảnh hưởng trong Quân đoàn Quảng đông đang tổ chức những vụ cướp bóc không phép vào tận Bắc Trung Hoa. Người cầm đầu của họ là Trung tướng Kenji Doihara, rất giống Ishihara, cũng xuất sắc, khoa trương, mưu trí. Ông đã được báo chí Tây phương đặt biệt danh là “Lawrence ở Mãn Châu” [Đại tá Thomas Edward Lawrence, sĩ quan Quân đội Anh nổi tiếng vì vai trò của ông trong Cuộc nổi dậy của Ả Rập chống sự thống trị của Đế quốc Ottoman – Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1916 – 1918]. Năm trước ông đơn thân đến Bắc Trung Hoa để xúi giục các lãnh chúa và quan lại của 5 tỉnh xa nhất về phía bắc hãy ly khai khỏi Trung Hoa và thành lập chính quyền tự trị dưới sự bảo hộ của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản. Ngay khi Thủ tướng Okada hay tin này, ông đã gởi lời để kềm chế Doihara ngang ngược.  Nhưng y phớt lờ Tokyo – như Ishihara đã từng – và tiếp tục bày mưu quá thành công đến nỗi một chính quyền tự trị  được thiết lập. Các nhà buôn Nhật cơ hội tràn vào Bắc Trung Hoa dưới khẩu hiệu “Tiến theo bóng cờ Nhật Bản,” khiến các nhà buôn Trung Hoa nổi giận, dấy lên phong trào chống Nhật trên khắp Trung Hoa. Doihara tuyên bố mình đã thiết lập một chính quyền bù nhìn đơn giản chỉ là vùng đệm giữa Mãn Châu và Trung Hoa, nhưng một vài tuần sau đó ông phái vào 5,000 binh lính Nhật viện cớ các thương gia Nhật cần được bảo vệ khỏi nạn cướp bóc.

                Giờ đây Ishihara lên án là làn sóng binh lính này chỉ là bước đầu của một vụ tổng công kích của Doihara vào Trung Hoa và vùng đệm là “một bông hoa độc” phải bị hủy diệt trước khi nó đẩy Nhật Bản vào cuộc chiến toàn diện với các lực lượng Quốc gia dưới quyền chỉ huy của Tưởng Giới Thạch. Cả người Nga và người Cộng sản Trung Hoa cũng đang âm mưu điều này để họ có thể bước vào một khi hai bên đều kiệt quệ và thiết lập một Trung Hoa Đỏ.                       Ishihara kết luận rằng cách tốt nhất để kềm chế Doihara là trở lại văn phòng của mình và khuyến cáo  các cấp trên của ông nên rút quân Nhật ra khỏi những điểm rắc rối ở Bắc Trung Quốc. Một trong địa điểm này là Cầu Marco Polo (Lư Cầu Kiều) cách Bắc Kinh 15 dặm về phía tây nam.

                Binh lính Nhật đã đóng tại vùng Bắc Kinh kể từ khi một lực lượng viễn chinh đa quốc gia – gồm các binh lính Âu châu, Mỹ và Nhật – đàn áp cuộc Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn đẫm máu, bài ngoại  vào năm 1900. Năm sau người Trung Hoa bị trừng phạt phải ký cái gọi là Nghị định thư Nghĩa Hòa Đoàn cho phép một vài cường quốc chiếm đóng những điểm trọng yếu gần Bắc Kinh “nhằm duy trì sự giao tiếp công khai giữa thủ đô và biển.”

                Với Nghĩa Hoàn Đoàn bị dẹp tan, Trung Hoa càng ngày càng trở thành miếng mồi ngon cho tư bản Tây phương, nhưng sự kiệt quệ nguồn tài nguyên cuối cùng khích động nhân dân vùng dậy. Trước đây khá lâu Napoleon đã vang lên lời cảnh báo rằng Trung Hoa là một tên khổng lồ đang ngủ: “Cứ để gã ngủ! Bởi vì khi gã tỉnh dậy gã sẽ làm rung chuyển thế giới.”

                Năm 1911 Đế chế Mãn Châu băng hoại sụp đổ trước sự tấn công của Bác sĩ Tôn Dật Tiên, người đầu tiên theo chủ nghĩa quốc  gia thực sự, cuối cùng đã đánh thức gã khổng lồ đang ngủ. Ngay lập tức nền cộng hòa non trẻ bị bao vây tứ phía bởi các lãnh chúa địa phương đói khát chiến lợi phẩm, và mặc dù Quốc dân Đảng của Tôn Dật Tiên tiếp tục được ủng hộ khắp nơi, Trung Hoa bị xâu xé ra từng mảnh. Cuối cùng sau hơn chục năm loạn lạc vì những xung đột đẫm máu, Bác sĩ Tôn kêu gọi sự giúp đỡ từ một xứ sở rất vui sướng nghe theo – Liên bang Xô viết. Chẳng bao lâu Quảng đông tràn ngập những người Cộng sản cố vấn về mọi vấn đề từ tuyên truyền quần chúng đến chiến thuật quân sư. Người  cầm cương đằng sau các đạo quân Quốc dân Đảng là một người xưng tên là Galen nhưng sự thật là một tướng Xô viết có tên Bluecher. Và cố vấn trưởng chính trị là một người da màu đã từng dạy tại một trường cao đẳng thương mại Chicago và là một trong những tay khuấy động chính trị hàng đầu của Điện Kremlin, Michael Borodin. Với sư giúp đỡ của họ nền  cộng hòa trở nên vững mạnh, và các quân đoàn của nó, dưới tài chỉ huy của một vị tướng trẻ, Tưởng Giới Thạch, đè bẹp bọn lãnh chúa thù địch và tiến về bắc, chiếm Thượng Hải và Nam Kinh. Nhưng thắng lợi lại phát sinh một vấn đề lớn hơn nhiều, quyền lực trỗi dậy của chủ nghĩa Cộng sản trong hàng ngủ Quốc dân Đảng. Vào năm 1927. Tưởng, giờ là người kế vị Tôn, kết luận rằng nếu tiếp tục nhận hỗ trở từ Nga sớm muộn gì Trung Hoa cũng bị nhuộm đỏ; ông đặt chủ nghĩa Cộng sản ngoài vòng pháp luật.* Từ ngày đó cho đến Biến cố 2/26 một cuộc chiến ba bên bùng nổ khắp Trung Hoa. Vào những ngày thứ hai thì binh lính Quốc dân Đảng đánh nhau với các lãnh chúa; vào những ngày thứ ba, hai bên hợp nhau đánh với Hồng quân đang lớn mạnh, và vào những thứ tư, các lãnh chúa và những người Cộng sản sẽ tấn công Tưởng Giới Thạch.

                Tình trạng hỗn loạn này, cùng với sự nổi lên không ngừng của Cộng dản quốc tế, đánh động đến các lãnh đạo quân sự Nhật. Họ bị đe dọa từ phía bắc bởi các oanh tạc cơ của Stalin ở Vladivostok, cách Tokyo không đến 700 dặm, và từ phương tây bởi những đạo quân đang lớn mạnh của Trung cộng dưới sự lãnh đạo của một nông dân đầy quyết tâm có tên Mao Trạch Đông. *

  • Về phần mình, Xô viết tố cáo Mỹ và Anh âm mưu chống lại họ ở Á châu. Trong cuốn Lược Sử Liên bang Xô viết, Phần II, do Viện Hàn Lâm Khoa học thuộc Viện Sử hoc Liên bang Xô viết soạn, phát biểu rằng: “Vào tháng 4 năm 1927, giới chính trị ở Anh và Hoa Kỳ , ra sức cổ vũ một xung đột quân sự giữa Liên bang Xô viết và Trung Quốc. Cảnh sát và binh sĩ tấn công Đại sứ Quán Xô viết ở Bắc Kinh, bắt bớ các nhân viên sứ quán và lục lọi sứ quán. Sự khiêu khích này do các đại diện của các cường quốc Tây phương giật dây, một sự kiện được khẳng định bời một đại diện ngoại giao Trung Quốc ở Liên bang Xô viết trong thư trả lời đến thư kháng nghị của của Xô viết. Ông khẳng định rõ ràng là hành động của giới quân sự và cảnh sát Trung Hoa đã được sắp xếp với các nhà ngoại giao Tây phương.” Cũng nhân vật này tuyên bố thêm: “Vào mùa hè 1929 . . . giới cầm quyền ở Hoa Kỳ, Nhật, Anh và Pháp cũng ra sức cổ vũ một vụ xung đột giữa Xô viết và Trung Hoa và lôi kéo Nga vào một cuộc chiến ở Viễn Đông. Vào ngày 27/5/1929, các tên cướp đã tấn công lãnh sự Xô viết ở Harbin, và vào ngày 10/7 các tên quân phiệt Trung Quốc ra sức chiếm lấy Hỏa xa miền Đông của Trung Hoa, do Trung Hoa và Xô viết điều hành. . . Vào tháng 9 và 10, 1929, các phân đội quân phiệt Trung Hoa và Bạch vệ Nga xâm lăng lãnh thổ Xô viết.” Không tìm thấy chứng cứ nào khẳng định những lời kết tội nói trên.

  Đối với giới quân phiệt, không có lựa chọn nào khác hơn là phải củng cố Mãn Châu, nằm giữa hai mối đe dọa, như một chiến hào chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Những người trong phe Kiểm soát lập luận xa hơn rằng Mãn Châu là không đủ và Bắc Trung Hoa cũng phải bị chiếm đóng. Một tình trạng vô chính phủ tồn tại khắp khu vực đó, và những lợi ích to lớn của Nhật Bản ở đó cần được bảo vệ.

                Phần đông thế giới sống dưới sự khủng bố của Cộng sản, và đương nhiên phe Kiểm soát coi sự lan tràn của nó ở Trung Hoa như là mối nguy chủ yếu của Nhật. Người Cộng sản Trung Hoa, không giống người Cộng sản ở Mỹ và Âu châu, không chỉ là thành viên của một đảng mà còn là địch thủ thực sự của chính quyền quốc gia, với luật lệ riêng và phạm vi hoạt động riêng. Một đại bộ phận của Trung Hoa đã bị Xô viết hóa, và chính Thượng Hải là đầu não tuyên truyền Cộng sản.

                Lúc này Mao tuyên bố chỉ có Hồng Quân mới chiến đấu chống Nhật, trong khi Tưởng chỉ đơn giản đang tiến hành “một cuộc chiến hủy diệt” chống Cộng. “Tôi xin tuyên bố ở đây, nhân danh chính quyền Xô viết Trung Hoa,” ông nói với nhà báo Tây phương, “là nếu quân đội của Tưởng Giới Thạch hay bất cứ quân đội nào khác ngừng mọi thù địch với Hồng Quân, thế thì chính quyền Xô viết Trung Hoa sẽ lập tức ra lệnh Hồng Quân dừng mọi hành động quân sự chống lại họ. . . Nếu Tưởng Giới Thạch thực sự muốn đánh người Nhật, chính quyền Xô viết Trung Hoa sẽ sẵn sàng đưa bàn tay thân hữu với ông trên trận địa chống Nhật.

                Lời kêu gọi mặt trận thống nhất này, xuất phát từ Moscow, không lay chuyển được Tưởng, nhưng một trong những tư lệnh chiến trường quan trọng nhất, Trương Học Lương không quá quyết liệt như vậy và Mao quyết định lợi dụng ông ta. Trương  được biết dưới tên “Thiếu Thống chế,” vì cha ông là “Lão Thống chế” Trương Tác Lâm, mà việc ám sát ông ta đã đưa đến việc chiếm đóng Mãn Châu của Nhật. Mặc dù Thiếu Thống chế chỉ huy Quân đoàn Đông bắc, được Quốc dân Đảng ra lệnh quét sạch mọi lực lượng Đỏ ở Bắc Trung Hoa, ông ta rất dè dặt về chủ trương của Tưởng; ông đã đến mức tin rằng những kẻ mà ông đang đánh lại cũng là những người ái quốc và có lẽ cả hai bên nên đoàn kết để đánh đuổi bọn Nhật

                Vào mùa thu 1936 Mao phái nhà thương thuyết tài ba nhất của ông, Chu Ân Lai, để bàn việc hưu chiến với Thiếu Thống chế. Chu người điềm đạm, nói năng mềm mại, gần như có vẻ nữ tính, nhưng chính ông là nhân vật  đã chỉ đạo các vụ tàn sát đẫm máu những người không cộng sản ở Thượng Hải vào năm 1927. Như mọi nhà ngoại giao tài giỏi, ông được trời phú cho một tính kiên nhẫn vô biên. “Dù tôi có nổi nóng thế nào,” một bạn học cũ tên Han nói, “anh vẫn mỉm cười và trở lại đề tài mà chúng tôi đang tranh luận, có điều theo một hình thức khác – đủ khác để bạn có cảm tưởng là anh ta trình bày một điểm mới.”

                Ông gặp Trương trong một xứ đạo Thiên chúa ở Sian, một thành phố heo hút miền Bắc. Sau khi công nhận Tưởng Giới Thạch là người lãnh đạo hợp lý trong trận chiến chống Nhật, ông hứa rằng các tướng lĩnh Hồng Quân sẽ phục vụ dưới quyền Tưởng. Bù lại, Trương phải bảo đảm với ông rằng Hồng Quân được đối xử công bằng như binh sĩ quốc gia. Hơn nữa, những người Cộng sản đang bị giam giữ trong nhà tù Quốc gia sẽ được phóng thích, và đảng Cộng sản được phép hoạt động hợp pháp một khi quân Nhật bị đánh bại.

                Họ kí một văn bản liệt kê các điều kiện này và bắt tay để kết lại lời giao ước. “Thiếu Thống chế, giờ mọi việc đã xong,” Chu nói. “Tôi sẵn sàng nghe theo lệnh ngài ngay giây phút này.”

                Trương trả lời lạnh lùng là họ phải đợi nhận lệnh từ Tưởng Giới Thạch.

                “Nếu ngài còn có chút nghi ngờ gì về quyết tâm của đảng tôi trong việc tham gia mặt trận thống nhất chống Nhật,” Chu nói, “tôi sẽ vui lòng ở lại Sian với ngài như một con tin.”

                Trương nói việc đó không cần thiết và ông ta cũng quyết tâm chống Nhật như bất kỳ ai – sau hết ông ta có món nợ cá nhân phải thanh toán với họ. Dù sao ông là một người lính và việc đầu tiên là thử thuyết phục cấp trên của mình, Generalissimo (Nguyên soái tức Tưởng) chấp nhận những điều khoản vừa ký kết.

                Nhưng trước khi một cuôc họp như thế có thể diễn ra, một tư lệnh chiến trường khác của Tưởng, Tướng Dương Hổ Thành, trước đây là tướng cướp, thuyết phục Thiếu Thống chế là Nguyên soái  chỉ có thể chịu hợp tác với Cộng sản nếu bị bắt cóc. Tưởng đang trên đường đến Sian để giải quyết với Trương về chứng cứ là Thiếu Thống chế đang bị người cánh tả lung lạc và cảnh báo với ông ta là “trừ khi có những biện pháp tức thì, tình hình có thể dẫn đến bạo loạn.”

                Mặc dù ông đã đồng ý việc bắt cóc, sự hiện diện của Tưởng ở Sian làm Trương dao động; ông tiếp tục dao động cho đến khi Tướng Dương tự mình ra tay vào sáng  ngày 12/12 . Y bắt vị nguyên soái và tất cả binh sĩ trung thành với ông đóng trong vùng đó. Tưởng bị thương nặng vì té ngã khi đang cố tẩu thoát, nhưng ông tỏ ra bình tĩnh hơn Trương lúc hai người đối mặt nhau. “Vì lợi ích của ông và đồng thời của quốc gia, việc duy nhất ông phải làm là ngay lập tức chịu lỗi và đưa tôi trở lại Nam Kinh,” Tưởng nói. “Ông không được rơi vào bẫy mà bọn Cộng sản giương ra. Hãy sám hối trước khi quá trễ.”

                Ngài Trương nhút nhát phải mất hai ngày mới lấy lại được tinh thần để trình cho cấp trên của mình một thỏa thuận 8 điểm tương tự với bản ký với Chu. Trương hứa là nếu ký nguyên soái sẽ được hộ tống về thủ đô Quốc gia.

                “Chừng nào tôi còn bị cầm tù thì sẽ không có thỏa thuận gì cả,” Tưởng nói. Ông thách Trương bắn mình rồi quay trở về với quyển Kinh thánh đang đọc.

                Ngài Trương khó xử bèn quay sang bọn Đỏ nhờ giúp đỡ. Khi Chu đến ông ta khen ngợi Trương có lòng can đảm, trách cứ ông vì làm hỏng viêc bắt cóc và bước vào để gặp tù nhân. Họ hiểu nhau nhiều. Chu đã từng phục vụ dưới trướng của Tưởng tại Học viện Quân sự Hoàng Phố, một Westpoint của Trung hoa, ở đây, với sự tán thành của Tưởng, ông đã thiết lập một hệ thông chính ủy. Điều Tưởng không biết cho đến khi quá trễ là phần đông các ủy viên được bầu là là những đảng viên Cộng sản.

                Biết được, Tưởng đã treo giải thưởng 80,000 đô cho cái đầu của Chu. Cho nên khi đối mặt, ông dè dặt và đề phòng. Còn Chu thì vẫn tỏ ra mềm mõng. Ông ta thề rằng những người Cộng sản sẽ không lạm dụng tình hình nếu Tưởng tham gia với họ. Tất cả điều họ muốn là chấm dứt nội chiến và đoàn kết chống Nhật.

                Lúc đầu có thái độ thù địch, càng lắng nghe Tưởng càng lúc càng quan tâm nhưng vẫn còn lưỡng lự. Tuy nhiên, khi một tuần trôi qua – theo tài liệu của Cộng sản – Chu thuyết phục được ông làm lãnh đạo trận chiến chống Nhật theo điều kiện của mình. Dù là gì, ông được đưa về Nam Kinh vào ngày Giáng sinh. Ngạc nhiên thay, Thiếu Thống chế tháp tùng ông và khi đến nơi hai người trải qua một trò chơi giữ thể diện điển hình Đông phương. Nó như trận song đấu đầy phong cách trong hí viện Trung Hoa. Trước tiên Trương khúm núm, thưa rằng mình thật “thô lỗ và ngạo mạn” vì đã hành động ngang ngược và bất hợp pháp: “Đỏ mặt vì hỗ thẹn, tôi đã tháp tùng ngài đến thủ đô để nhận sự trừng phạt thích đáng của ngài. Làm bất kỳ điều gì tốt nhất cho đất nước tôi sẽ không lẫn tránh, dù phải chết 10,000 lần.” Rồi đến lượt Tưởng: “Do tôi thiếu đức và lơ là trong việc rèn luyện thuộc hạ, một vụ nổi loạn chưa từng có đã xảy ra.” Trương bị xử án, và bị kết tội 10 năm tù giam, nhưng được hưởng án treo trong vòng 24 giờ.

                Cùng lúc Tưởng tuyên bố công khai rằng mặc dù có nhiều chuyện ở Sian, ông đã được trả tự do “mà không buộc phải nhận bất kỳ điều kiện nào.” Không nghi ngờ gì đó là một phiên bản nhằm xoa dịu những người kịch liệt chống đối bất kỳ vụ dàn xếp nào với Cộng sản hơn cả ông, vì chỉ trong vài tuần sau ông đã mặc cả với Mao. Những thỏa thuận tiến triển thuận lợi đến nỗi vào đầu năm 1937 Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa điện cho Quốc dân Đảng là họ sẽ từ bỏ chính sách nổi dậy vũ trang chống chính quyền Quốc gia và đặt Hồng Quân dưới quyền chỉ huy toàn bộ của Tưởng. Các điều khoản được công nhận không chính thức và một lần nữa, như trong thời kỳ trăng mật của Borodin, Quốc dân Đảng và Cộng sản đoàn kết lại.

                Sự kiện này mang đến cho Trung Hoa một tình hình có thể coi như là yên tĩnh trong hơn 10 năm. “Hòa bình đã đạt được,” Chu Ân Lai tuyên bố trong cuộc phỏng vấn. “Giờ đây giữa chúng tôi không còn đánh nhau. Chúng tôi có cơ hội hợp tác trong việc chuẩn bị cuộc chiến phòng vệ chống Nhật. Về vấn đề phát triển dân chủ, mục tiêu này chỉ bắt đầu được thực hiện . . . Ta phải xem xét sự chuẩn bị chiến tranh chống Nhật và dân chủ như hai bánh xe của một chiếc xe kéo chẳng hạn. Điều đó có nghĩa, việc chuẩn bị chiến tranh chống Nhật đi trước, và sau đó, phong trào dân chủ – có thể thúc đẩy việc chuẩn bị chiến tranh tiến lên.”

                Một vài tháng sau, vào ngày 5/7/1937, một hiệp ước Quốc dân Đảng – Cộng sản được ký kết và cả hai bên chuẩn bị đánh đuổi Nhật ra khỏi Bắc Kinh và phần còn lại của Bắc Trung Hoa.

2.

Ở Nhật, ảnh hưởng tăng lên của phe quân sự đối với chính quyền đã trở thành một biện pháp. Nhân danh luật pháp và trật tự, Thủ tướng Hirota hiện giờ rõ ràng quỵ lụy với các tướng lĩnh quá mức đến nỗi các thành viên tự do của Quốc hội tố cáo họ. Một người thậm chí kích động bảo Bộ trưởng Chiến tranh nên hara-kiri đi là vừa. Việc này được đón nhận bằng tiếng hoan hô nhiệt tình và tiếng vỗ tay đến độ vị bộ trưởng giận dữ từ chức. Và tất nhiên, với việc từ chức của

ông, vào tháng hai 1937, Nội các Hirota đã cáo chung.

                Không do dự Hoàng thân Saionji khuyên Thiên hoàng chỉ định một vị tướng khác, Kazushige Ugaki, thay thế Hirota. Sự lựa chọn này gần như làm tức tối mọi người khác trong Quân đội, vì Ugaki là một người ôn hòa từng có lần giảm quân số của họ đến 4 sư đoàn. Kết quả là Ba Ông Lớn đơn giản nói mình không thể tìm ra người có thể phục vụ Ugaki. Ông ta bắt buộc phải trình lên Thiên Hoàng là mình không thể thành lập nội các và xả ra nỗi căm phẫn của mình trong một phát biểu với báo chí: “Điều tôi nhìn thấy là việc chỉ một số ít người có quyền hành trong Quân đội lập ra một phe nhóm (phe Kiểm soát) và đang áp đặt quan điểm của họ lên giới có thẩm quyền, rêu rao như thể hành động của họ đại diện cho ý muốn của Quân đội. Quân đội thuộc về Thiên hoàng. Hành động của họ trong một ít ngày vừa qua có thực sự đại diện cho ý muốn của toàn thể Quân đội của Thiên hoàng hay không thì chưa thật rõ ràng. Việc Ba Ông Lớn chọn ra một bộ trưởng chiến tranh có tính quá hình thức và thiếu trung thực. . . Tôi tin rằng Nhật Bản đang đứng ở giao lộ của chủ nghĩa phát xít và nền chính trị nghị viện. Tôi có trách nhiệm một phần về hiện tình trong Quân đội, giờ đã trở thành một tổ chức chính trị. Tôi cảm thấy tiếc cho Thiên hoàng vì thực trạng này. Hơn nữa, tôi hối tiếc sâu xa việc Quân đội mà tôi yêu quí lâu nay đã lâm vào tình thế gay go . . .”

                Một vị tướng có tên Senjuro Hayashi có cảm tình với phe Kiểm soát được chọn làm thủ tướng, nhưng ông gặp phải sự chống đối từ Quốc hội nhiều đến nỗi chính quyên của ông, được đặt cho biệt hiệu “nội các vừa ăn vừa chạy,” chỉ kéo dài được đúng 4 tháng. Người tiếp sau Hayashi là một thường dân, Hoàng thân Fumimoro Konoye, thuộc dòng dõi Fujiwara, đã cai trị đất nước trong vài thế kỷ. Là hoc trò của Saionji, ông đã từ lâu chống lại những nỗ lực của vị genro cuối cùng muốn đưa ông vào chính trị. Trong những khó khăn theo sau Biến cố 2/26, lão hoàng thân đã đi đến kết luận là chỉ có Konoye mới có thể cầm đầu chính phủ mới và tiến cử ông một cách chính thức đến Thiên hoàng. Konoye đã từ chối – ông thích ở lại làm Chủ tịch Nghị viện hơn và ngoài ra sức khỏe kém – khiến cho Saionji vô cùng bối rối.

                Nhưng Konoye nhận định tình hình hiện thời quá nguy cấp đến nỗi ông đành phải nghe lời chấp nhận một vai trò trước đây chỉ dành cho các ông già. Ở tuổi 46, ông là sự chọn lựa đông đảo để lãnh đạo xứ sở, vì nhân dân giờ đây ít tin tưởng vào các chính trị gia và sợ tiếp tục bị giới quân sự cai trị. Về phần mình, phần đông quân nhân tin cậy ông vì ông đứng trên mọi tham vọng chính trị. Giới zaibatsu (chủ tập đoàn) dựa vào ông để mang lại sự ổn định, giới trí thức để ngăn chận làn sóng phát xít. Dân thường thì ấn tượng trước sự trẻ trung tương đối, vẻ điển trai của ông và việc ông bất đắc dĩ mới làm thủ tướng. Bất kỳ ai không có chút tham vọng ắt hẳn phải là rất trung thực.

                “Những cải cách và tiến bộ có tính tiến hóa trong khuôn khổ hiến pháp phải là những con chó giữ nhà của chúng ta,” ông hứa khi nhậm chức thủ tướng vào tháng 6, “nhưng đất nước yêu cầu cải cách quốc gia, và chính quyền, trong lúc chưa phải là phát xít lẫn xã hội chủ nghĩa, phải lắng nghe lời kêu gọi của nó. Phục hưng Minh Trị đã đẩy chúng ta tiến xa với danh dự và thắng lợi, nhưng bây giờ chính người trẻ phải gánh vác trách nhiệm và đưa đất nước tiến ra phía trước đến thời đại mới.”

                Thời đại mới đến sớm hơn ông mong đợi và không có gì giống như ông hình dung. Nó bị thúc đẩy vào đêm 7 tháng 7 tại cây cầu đá cổ mang tên Marco Polo (Lư Cầu Kiều). Một đại đội Nhật đóng gần di tích lịch sử này đang tổ chức cuộc diễn tập đêm cách đơn vị Trung Hoa khoảng 1 dặm. Ngay khi tiếng kèn báo hiệu cuộc diễn tập kết thúc, đạn từ doanh trại Trung Hoa bay rít sang. Lính Nhật bắn trả, nhưng sau vài phút cuộc chạm trán ngừng hẳn. Bên Nhật chỉ có một tổn thất – một người mất tích. Chỉ huy đại đội báo cáo biến cố với chỉ huy tiểu đoàn, và người này điện đến bộ chỉ huy trung đoàn ở gần Bắc Kinh. Một đại đội thứ hai được phái tới cầu, cùng một sĩ quan tham mưu đến để sắp xếp việc hưu chiến với Trung Hoa. Hai bên chỉ vừa đồng ý đó chẳng qua là một rủi ro thì một loạt đạn thứ hai bắn vào hai đại đội Nhật. Loạt đạn đầu tiên chắc hẳn là tình cờ. Nhưng loạt đạn thứ hai thì đáng nghi, đặc biệt vì mối quan hệ giữa binh sĩ hai bên trong vùng rẩt tốt. Điều này sở dĩ có được là do tình bạn thân thiết giữa Tướng Sung Chi-yuen, tư lệnh lực lượng Trung Hoa ở Bắc Trung Hoa, và Tướng Gun Hashimoto, tham mưu trưởng lực lượng Đồn trú Bắc Trung Hoa. Câu hỏi là ai đã bắn loạt đạn thứ hai, nếu không phải là binh lính Trung Hoa. Hay có phải binh lính của Doihara, ra sức trầm trọng hóa sự kiện tạo thành cái cớ để xâm lăng Trung Quốc bằng vũ lực. Hoặc có phải người Cộng sản châm mồi cho cuộc chiến toàn diện giữa Tưởng Giới Thạch và Nhật, hi vọng dẫn đến việc cộng sản hóa Trung Hoa. *

  • Chỉ sau chiến tranh các sĩ quan Nhật liên quan đến biến cố Lư Cầu Kiều mới đồng loạt kết luận là các đặc vụ của Mao đã

châm ngòi cho biến cố. “Chúng tôi lúc đó quá non nớt không nhận ra rằng tất cả là do âm mưu của Cộng sản,” Tướng Akio Doi, một chuyên gia về Nga, nói vào năm 1967. Tướng Hà Ứng Khâm, bộ trưởng Chiến tranh của Tưởng vào lúc đó, vẫn tin tưởng như hầu hết người Trung Hoa rằng biến cố đã được bọn quân phiệt Nhật bày mưu, dù nhìn nhận trong cuộc phỏng vấn gần đây rằng sau khi Chu Ân Lai đọc nhật ký của Tưởng ở Sian và nhận ra là Nguyên soái chủ trương chống Nhật quyết liệt, ông ta bắt đầu bày mưu gài Quốc dân Đảng dính vào cuộc chiến toàn diện với Nhật Bản.

        Không nghi ngờ gì nữa, cả Nga và Trung Cộng đang làm cách tốt nhất để nuôi dưỡng cuộc xung đột tiêu hao, lâu dài giữa Tưởng và Nhật. Mùa thu đó ở Hồ Nam Mao Trạch Đông hô hào với chiến sĩ của mình, “Trận xung đột Trung-Nhật cho chúng ta, những người Cộng sản Trung Hoa, một cơ hội bằng vàng để bành trướng. Chính sách của chúng ta là dành 70 phần trăm nỗ lực cho mục tiêu này, 20 phần trăm để đương đầu với Chính phủ, và 10 phần trăm để chống Nhật. Chính sách này được tiến hàng theo ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, chúng ta hợp tác với Quốc dân Đảng để bảo đảm sự tồn tại và lớn mạnh của chúng ta. Trong giai đoạn thứ hai, chúng ta phải xây dựng lực lượng ngang bằng với Quốc dân Đảng. Trong giai đoạn thứ ba, chúng ta sẽ xâm nhập sâu vào các vùng trung tâm Trung Quốc để thiết lập các căn cứ nhằm phản công bọn Quốc dân Đảng.”         

                Cho dù là ai, người Nhật phản công, và chỉ đến sáng hôm sau các bên thỏa thuận là hai bên sẽ rút quân trong hòa bình. Trong khi binh lính Nhật lui binh, họ lần nữa thu hút hỏa lực, bắn trả và cuộc giao tranh tiếp tục.

                Mặc dù đến giờ hình như đã rõ ràng có một phe thứ ba đang ra sức làm vụ xung đột tiếp diễn, bên này kết án bên kia vi phạm lệnh hưu chiến và sự thỏa thuận đổ vở. Khi tin tức về đến Tokyo, Tham mưu Trưởng Quân đội điện đi một lệnh thường lệ để ổn định trật tự tại địa phương. Vào cuối ngày các đại diện của các bộ Chiến tranh, Hải quân và Ngoại giao nhất trí về một chính sách “không bành trướng” và “ổn định khu vực.” Việc này được Hoàng thân Konoye và nội các của ông, nhưng tại một buổi họp đặc biệt của Tham mưu Trưởng Quân đội, những người theo chủ nghĩa bành trướng lâp luận rằng cần nên đổ thêm quân vào Trung Hoa để dạy Tưởng một bài học, bằng không ông ta có thể sử dụng biến cố này như một cái cớ để chiếm lại Mãn Châu; điều này sẽ gây nguy cơ cho Triều Tiên được Nhật kiểm soát và cuối cùng đặt Nhật Bản dưới bàn tay sinh sát của Nga và Trung Cộng. Họ hứa sẽ tiến hành hoạt động quân sự chóng vánh và nhanh chóng tiến tới thỏa ước với Tưởng. Rồi sau đó toàn bộ lực lượng sẽ rút hết về Bắc Trung Hoa, được sử dụng thuần túy làm trái độn chống lại Nga.

                Sự chống đối mạnh mẽ nhất đến từ Kanji Ishihara, giờ đã là một vị tướng và người đứng đầu Phòng Hành quân. Ông lập luận hàng giờ nhưng cuối cùng phải nhìn nhận rằng binh lính Trung Hoa thiếu kỷ luật đang rắp tâm tàn sát các nhà buôn và dân định cư Nhật ở Bắc Trung Hoa. Việc này sẽ kích động công luận Nhật và đem lại điều mà ông sợ nhất và ghê tỡm nhất, đó là cuộc chiến trừng phạt không bao giờ chấm dứt.

                Đó là tại sao con người đã từng nói, “Ai muốn tiến vào Trung Hoa trước hết hãy bước qua xác tôi,” lại tán thành yễm trợ Bắc Trung Hoa bằng hai Lữ đoàn từ Quân đoàn Quảng đông, một sư đoàn từ Triều Tiên và ba sư đoàn từ Nhật. Và vào ngày 11/7 Hoàng thân Konoye, người mới đây thôi đã cam kết sự toàn vẹn quốc tế, mở đèn xanh cho binh sĩ ào ạt tiến vào một nước khác. Nhưng không có nhiều điều gì khác ông có thể làm được, theo thư ký riêng của ông, Tomohiko Ushiba, “khi mà Bộ trưởng Chiến tranh bảo đảm đó chỉ là một cuộc chuyển quân để ngăn chận việc đụng độ ở khu vưc.”

                Tại Cầu Marco Polo, sau nhiều giờ giằng co, hai bên vừa sắp xếp được một vụ hưu chiến. Nhưng khi cả hai phe lui binh, một loạt tạch tạch vang lên nghe như tiếng súng máy (hoá ra là tiếng pháo nổ) và trận đánh lại tiếp diễn. Lần này hai vị tướng thân hữu, Sung Chi-yen và Hashimoto, đích thân bước vào và trước khi hết ngày một thỏa thuận chặt chẽ tại chỗ đã được ký kết. Trong đó Sung xin lỗi về toàn bộ biến cố. Ông hứa trừng trị những sĩ quan vô trách nhiệm, kiểm soát nghiêm nhặt bất kỳ phần tử Đỏ nào trong lực lượng của mình và rút binh khỏi khu vực cầu. Về phần mình Harimoto, thay quyền cho vị tư lệnh đang hấp hối, đồng ý không đưa thêm quân tiếp viện vào Bắc Trung Hoa.

                Tưởng Giới Thạch không biết việc hưu chiến, ra lệnh cho Sung tập trung thêm lực lượng vào khu vực rắc rối. Nhưng Sung vẫn giữ lời và bắt đầu rút quân. Có vẻ như cuộc khủng hoảng đã qua, nhưng rủi thay đường dây liên lạc quá tồi đến nỗi Tokyo không hay biết vấn đề đã được giải quyết, nên vào ngày 17/7 ra yêu sách cứng rắn đòi Trung Hoa ngừng đưa quân vào Bắc Trung Hoa và công nhận chính quyên bù nhìn mà Doihara đã dựng lên. Việc này làm Tưởng điên tiết đến nỗi từ Nam Kinh ông ra một tuyên bố đầy thách thức: “Nếu chúng ta để thêm một tấc đất mất đi hoặc chủ quyền bị vi phạm, tức là chúng ta đã phạm một tội lỗi không thể tha thứ được chống lại nòi giống Trung Hoa của chúng ta . . . Chủ quyền của Trung Hoa không thể bị hi sinh, cho dù với cái giá của chiến tranh, và một khi chiến tranh nổ ra sẽ không có đường quay lại.”

                Tùy viên quân sự Nhật ở Nam Kinh, Tướng Seiichi Kita, bảo người bạn cũ của mình, Bộ trưởng Chiến tranh Trung Hoa Tướng Ho Ying-shin, vốn tốt nghiệp Học viện Quân sự Nhật Bản, rằng nếu quân đội Trung Hoa không rút ra Bắc Trung Hoa ngay lập tức, “tình hình có thể vuột khỏi tầm tay.” Ho không chống lại việc cộng tác với người Nhật nhưng nói, “Nếu chiến tranh xảy ra, cả Nhật và Cộng hòa Trung Hoa sẽ thảm bại và chỉ có người Nga và Trung Cộng hưởng lợi.

Nếu bây giờ anh không tin lời tôi nói, mười năm sau anh sẽ tin.” Ông nhờ Kita chuyển lời cảnh báo này đến chính phủ của ông ta với lời cam đoan là người Trung Hoa sẽ “chiến đấu đến người cuối cùng.”

                Vốn quan ngại về các báo cáo thổi phồng quân số Trung Hoa đang ồ ạt tiến vào Bắc Trung Hoa, công luận Nhật căm phẫn trước tuyên bố của Tưởng; và một tờ báo, Nichi Nichi, tuyên bố trong một bài xã luận rằng câu trả lời của Trung Hoa khiến cho Nhật không có sự lựa chọn nào khác trừ “việc vượt qua Rubicon.” [thành ngữ có nghĩa “phóng lao thì phải theo lao” ND]

                Chỉ đến lúc đó thì tin tức quá chậm trễ từ Hashimoto mới đến được Tokyo cho biết tình hình Cầu Marco Polo đã yên tĩnh và không cần thiết gởi thêm quân đến Bắc Trung Hoa. Lệnh chuyển quân được hủy bỏ và thậm chí phe chủ trương bành trướng trong tư lệnh cao cấp của Quân đội cảm thấy nhẹ nhõm sau khi khủng hoảng đã tránh được. Người ta cho rằng Tưởng sẽ đồng ý với các điều khoản mà Sung đã ký kết, và hòa bình trở lại Trung Hoa.

                Sung tiếp tục thực hiện phần việc của mình bằng cách dở bỏ hàng rào bao cát khỏi đường phố Bắc Kinh và nới lỏng thiết quân luật. Các chuyến tàu khách từ nam cuối cùng bắt đầu chạy vào kinh đô cũ. Nhưng vẫn chưa có lời hòa giải nào đến từ Tưởng, và điều mà những người thương thảo ở hai phía lo sợ đã xảy ra: lính Nhật và Trung, suốt gần ba tuần lăm le, bắt đầu khai hỏa vào nhau một cách kịch liệt. Nó xảy ra vào đêm 25/7 tại ga tàu hỏa Langfang, khoảng 50

dặm bên dưới  Bắc Kinh. Trong vòng một giờ cuộc chạm trán biến thành một trận xung đột lớn. Viện binh hùng hậu của Nhật đổ vào Langfang và lúc rạng đông 17 máy bay oanh kích một doanh trại Trung Hoa. Một vài giờ sau đó thành phố bị chiếm đóng.

                Tình bạn giữa Sung và Hashimoto giờ không có ich gì nữa. Tư lệnh của Hashimoto đã chết và người lên thay là Trung tướng Kiyoshi Katsuki, đã đến nhậm chức. Ông ta là một quân nhân kỷ cương cảm nhận việc mình được điều đến đây là để “trừng phạt bọn Trung Quốc láo xược.” Ông điện về cho Tokyo là mình đã làm mọi thứ có thể để đem lại ổn định  và xin được phép “sử dụng vũ lực” bất cứ khi nào cần thiết để bảo vệ mạng sống và tài sản người Nhật.

Quân đội tán thành và ra lệnh phái thêm một sư đoàn đến Thượng Hải và một sư đoàn khác đến Thanh Đảo.

                Một lần nữa Thủ tướng Konoye, được phe quân sự bảo đảm là bài toán Trung Hoa có thể “được giải quyết trong ba tháng,” buộc lòng phải nghe theo nếu không muốn nội các của mình bị sụp đổ. Ngày hôm sau, 27/7, ông thông báo trong Quốc hội là chính quyền giờ đây phải hoàn thành một “trật tự mới” ở Đông Á. Đối với những người Nhật yêu nước việc này hình như là thích đáng và hợp lý. Mạng sống và tài sản của người Nhật phải được bảo vệ, và chủ nghĩa Cộng sản phải bị chận đứng; đây là thời khắc cho sự kiên quyết, không phải sự yếu đuối. Không ai biết rằng đó là một lời tuyên chiến toàn diện với Trung Hoa. Các nhà lãnh đạo quân sự thực sự tin rằng họ có thể cưỡng bách Tưởng thương thuyết trước mùa thu.

                Nó không giống vụ đảo chánh Mãn Châu. Năm 1931 Quân đoàn Quảng đông đã cố tình khiêu khích biến cố ở Mukden, nhưng trong năm 1937 Quân đoàn Bắc Trung Hoa không tìm kiếm cũng không tổ chức sự đương đầu ở Cầu Marco Polo. Trong năm 1931 Tổng Tham mưu Quân đội chuẩn y sự chiếm đóng Mãn Châu; năm 1937 họ làm hết sức mình để ngăn chận các chiến dịch ở Bắc Trung Hoa. Năm 1931 Thủ tướng Reijiro Wakatsuki thất bại trong việc thi hành một dàn xếp ngoai giao thỏa mãn phe Kiểm soát kết quả là chính phủ sụp đổ; năm 1937 không có sự thay đổi nội các.

                Với sự tán thành từ Tokyo trong tay, Tướng Katsuki phát lời tuyên bố là ông chuẩn bị “phát động một cuộc viễn chinh trừng phạt chống lại quân Trung Hoa, đã có những hành động xúc phạm đến uy tín của Đế chế Nhật Bản.” Các bản sao lời tuyên bố trên được máy bay rải xuống vào rạng đông ngày 28/7. Các oanh tạc cơ bỏ bom ba thành phố và pháo kích các thành phố khác trong khi bộ binh tấn công các lực lượng Trung Hoa trên khắp khu vực Bắc Kinh trừ trung tâm thành phố.

                Rubicon sự thật là đã bị vượt qua. Tu từ học về mối xung đột Trung Hoa đã tiến hóa thành hành động mà không có lợi ích gì về các tính toán chiến lược đáng tin, và Nhật Bản đã đi một bước đầu tiên dài đến cuộc chiến với Mỹ.

3.

                “Đè bẹp bọn Trung Quốc trong ba tháng và họ sẽ xin xỏ hòa bình,” Bộ trưởng Chiến tranh Sugiyama dự đoán. Khi hết thành phố này đến thành phố khác thất thủ, lòng nhiệt tình ái quốc quét qua khắp nước Nhật, nhưng phần đông thế giới Tây phương lên án tính hung hăng của Nhật, và thậm chí người Đức (bởi vì họ sợ mất quyền lợi của mình ở Trung Hoa) cũng phê phán. Trung Quốc kêu gọi Hội Quốc Liên, và trong khi thế giới chờ đợi báo cáo của nó, một trận tấn công táo bạo đến từ một khu vực khác. Vào ngày 5/10/1937, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đọc một bài diễn văn mạnh mẽ ở Chicago kết án tất cả mọi hành động xâm lấn và đánh giá Nhật Bản ngang bằng với Quốc xã và Phát xít. Khi một dịch bệnh bắt đầu phát tán, cộng đồng xác nhận và tham gia vào việc kiểm dịch các bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe của công đồng,” ông nói và giải thích rằng chiến tranh là một bệnh truyền nhiễm, hoặc có tuyên chiến hay không tuyên chiến. “Chúng ta đang công nhận những biện pháp sao cho giảm thiểu tối đa các nguy cơ dính líu của chúng ta, nhưng chúng ta không thể có sự bảo hộ hoàn toàn trong một thế giới mất trật tự trong đó sự tin cậy và an toàn đã sụp đổ.” Không có gì sai trong điều Roosevelt muốn nói khi vào ngày hôm sau, sau khi Hội Quốc Liên đã khiển trách Nhật Bản, Hoa Kỳ, mặc dù không phải là một thành viên, cũng nhanh chóng làm theo.

                Ở trong nước, hành động của Roosevelt được hoan hô rộng rãi nhưng Ngoại trưởng Cordell Hull không mấy vui sướng về cụm từ “kiểm dịch,” cảm thấy rằng nó làm chậm trễ “ít nhất 6 tháng chiến dịch giáo dục không ngừng của chúng ta được dự định để tạo ra và củng cố công luận về hướng hợp tác quốc tế.” Đại sứ Joseph Grew cũng cảm thấy rằng đó là một lỗi lầm trầm trọng. Mỹ không có quyền lợi ở Trung Quốc nên việc lâm chiến với Nhật Bản là nguy cơ và thật vô dụng khi phóng “những cơn sấm sét đạo lý”vào một đất nước tôn trọng vũ lực hơn mọi thứ, nó sẽ tạo ra sự hiềm khích giữa hai xứ sở và hủy diệt thiện chí mà ông đã xây dựng. Biết các thành viên tham mưu của mình chia sẻ sự kinh ngạc và bất mãn của mình, ông cảnh báo họ hai ngày sau đó không được bày tỏ ý kiến của mình bên ngoài sứ quán. Đêm đó ông viết trong nhật ký:

                Đây là cái ngày mà tôi cảm thấy lâu đài mình đã ra công xây dựng đổ sụp quanh tôi và chúng tôi đi lang thang trong sân sứ quán, chán nản, u sầu và không một nụ cười. Tối đó Alice, Elsie và tôi đi xem phim Captain Courageous . . .  Và rồi tôi đấm chìm trong thế giới của Gone with the Wind [Cuốn Theo Chiều Gió, một tác phẩm nổi tiếng của Margaret Mitchell, lấy khung cảnh thời Nội chiền của Mỹ] – và đó là cái cảm giác chính xác của tôi lúc đó.

                Phản ứng của Nhật, tất nhiên, nhanh chóng và khiêu khích. “Nhật Bản đang bành trướng,” Yosuke Matsuoka phản pháo. Ông là một nhà ngoại giao mà miệng lưỡi sắc sảo và trí trá được nhiều người nghe theo. “Và xứ sở nào trong khi bành trướng mà không gây phiền phức cho lân bang của nó? Hỏi thổ dân Da Đỏ hoặc dân Mễ xem Hoa Kỳ thời non trẻ đã gây phiền phức đau khổ nhường nào cho họ ngày xưa ấy.” Việc bành trướng của Nhật Bản, như của Mỹ, cũng tự nhiên như sự tăng trưởng của một đứa trẻ. “Chỉ có một việc làm đứa trẻ dừng tăng trưởng – cái chết.” Ông tuyên bố Nhật Bản đang chiến đấu vì hai mục đích: để ngăn không cho Á châu rơi hoàn toàn vào vòng thống trị của người da trắng, như ở Phi châu, và để cứu Trung Hoa khỏi nạn Cộng sản. “Không tìm kiếm kho báu – chỉ có hi sinh và hi sinh. Không ai nhận ra điều này nhiều hơn Nhật Bản. Nhưng ngay cuộc sống của nó phụ thuộc vào đó, cũng như cuộc sống của các nước lân bang của nó. Câu hỏi bao quát tất cả đặt trước mặt Nhật Bản hôm nay . . .  là: Nó có thể vác thập giá hay không?” *

       ❖Trong cuộc phỏng vấn vào năm 1966-67 một số các nhà lãnh đạo Nhật trước đây, như các tướng Teiichi Suzuki, Sadao Araki và Kenryo Sato, chỉ ra điều này và những bài diễn văn tương tự liên quan đến sự can thiệp tăng dần của Nhật vào Trung Hoa cũng giống như cuộc chiến leo thang của Mỹ ở Việt Nam. Cả hai xứ, họ cho rằng, đều đang theo đuổi một cuộc chiến hi sinh dù bị thế giới phản đối – và cả hai đều toán tính xóa bỏ chủ nghĩa Cộng sản nhưng không đúng cách.

                Một ít tuần sau, vào ngày 16/11, Koki Hirota, giờ là ngoại trưởng, chính thức lên án Mỹ mở mặt trận chống Nhật. Một cuộc tẩy chai kinh tế chống Nhật, ông bảo Grew, sẽ không ngăn được cuộc chiến ở Trung Quốc, mà chỉ khuyến khích người Trung Hoa kéo dài sự thù địch. Hirota nói rằng cho đến giờ Nhật Bản đã xem người Mỹ là một quốc gia duy nhất có công tâm và sẽ giúp mang lại hòa bình, như Theodore Roosevelt đã làm trong cuộc chiến Nga-Nhật.

                Ba ngày sau Nhật lấy Tô châu, và các con đường dẫn đến Nam Kinh và Thượng Hãi đều rộng mở. Vào ngày 12/12, buổi chiều trước ngày Nam Kinh thất thủ, liên hệ với Mỹ và Anh gần như tan rã khi các phi công hải quân đánh chìm pháo thuyền Panay trên sông Dương tử, mặc dù nó treo cờ Mỹ rất dễ thấy. Một tuần sau một trung đoàn pháo binh do Đại tá Kingoro Hashimoto (người sáng lập Hội Hoa Anh Đào) khai hỏa vào pháo thuyền Ladybird của Anh, rồi chiếm nó.

                Những biến cố này đã làm sống lại hi vọng của Tổng thống Roosevelt trong việc cấm vận kẻ hung hăng. Ông triệu tập đại sứ Anh ở Washington Sir Ronald Lindsay, và đề nghị hai quốc gia hợp lực trong cuộc phong tỏa hải quân sẽ cắt Nhật khỏi vùng nguyên vật liệu. Lindsay phản đối cho rằng sự cấm vận như thế sẽ dẫn đến chiến tranh. Ông này điện cho London là những chỉ trích của mình không làm Tổng thống nao núng. Ngày hôm sau, 17/12, Roosevelt phác họa kế hoạch cấm vận của ông trước Nội các. Sự quyết tâm được củng cố thêm bằng một báo cáo từ Ban Điều tra Chính thức của hải quân ở Thượng Hải cho rằng vụ tấn công Panay là thô bạo và bừa bãi; quan trọng hơn, một thông điệp gởi đến Hạm đội Hổn hợp đã bị tình báo hải quân Hoa Kỳ bắt được và giải mã, chỉ ra rằng cuộc tập kích đã được toan tính và lên kế hoạch trước bởi một sĩ quan trên hàng không mẫu hạm Kaga.

                Ở Tokyo chính quyền Konoye cũng rầu thúi ruột như người Mỹ và Anh vì vụ phá hủy Panay và Ladybird. Ngoại trưởng Hirota mang đến đại sứ Grew một công hàm diễn tả sự nuối tiếc và xin bồi thường đầy đủ cho vụ đánh chìm tàu Panay. Tỏ vẻ hối tiếc một cách khốn khổ, Hirota nói, “Tôi đang có một thời khắc khó khăn. Sự việc xảy ra bất ngờ quá.” Tư lệnh cấp cao của Hải quân Nhật cũng bày tỏ sự bất mãn bằng việc cách chức chỉ huy tàu Kaga, người chịu trách nhiệm cho vụ oanh tạc Panay. “Chúng tôi đã làm việc này để đề nghị Lục quân cũng làm tương tự và cách chức quyền chỉ huy của Hashimoto,” Đô đốc Isoroku Yamamoto, Thứ trưởng Hải quân, nói. Ông này không có ham thích gì việc đụng độ với Hạm đội Hoa Kỳ, vì ông đã có thời gian dài ở Mỹ và biết rõ tiềm năng của đất nước này.

                Sự xin lỗi của Nhật được Washington chính thức chấp nhận vào ngày lễ Giáng sinh (Grew nhận xét rằng việc nó đến vào chiều tối hôm trước Giáng sinh là một sự sắp xếp “bậc thầy” và biến cố tất nhiên được khép lại.  Vương quốc Anh cũng lịch sự chấp nhận lời xin lỗi vụ tấn công Ladybird mặc dù Lục quân Nhật từ khước nghe theo lời khuyên của Yamamoto. Hashimoto thậm chí không bị khiển trách. Ông được cho phép đưa quân đến Nam Kinh.

                Lúc mà người Nhật tiến vào thành phố vào tháng 12, mọi sự kháng cự đều chấm dứt, và tư lệnh của nó, Tướng Iwane Matsui – người đã để lại Nhật lời tuyên bố: “Tôi đến mặt trận không phải để chiến đấu một kẻ thù, mà trong tâm trạng của một người lên đường đi vỗ về người anh em của mình” – ra lệnh binh lính “phô trương danh dự và vinh quang của Nhật Bản và gia tăng lòng tin cậy của nhân dân Trung Hoa” và để “bảo vệ và bảo trợ các viên chức và nhân dân Trung Quốc, nhiều như có thể.”

                                Nhưng thay vào đó, họ lùng sục khắp thành phố, cướp bóc, đốt nhà, cưỡng hiếp, giết chóc. Theo một nhân chứng, đàn ông, đàn bà và trẻ con bị “săn lùng như thỏ; ai mà thoát chạy thì bị bắn bỏ.” Thậm chí người Đức thân hữu trong một báo cáo chính thức cũng kết án Quân đội Nhật là “một cỗ máy đầy thú tính.”

                Chỉ đến khi Tướng Matsui khải hoàn tiến vào thành phố, ông mới hay tin về những “vi phạm kỷ luật và đạo đức của binh sĩ này.” Ông ra lệnh xiết chặt kỷ luật và tuân thủ các lệnh nghiêm nhặt trước đây của mình nhằm “bảo đảm không bất kỳ hành động nào làm bại hoại danh dự được xảy ra.” Ông tuyên bố “Giờ đây lá cờ Mặt Trời Mọc đang bay phấp phới trên Nam Kinh, và Vương Đạo đang chiếu sáng rạng ngời trong khu vực nam sông Dương tử.  Bình minh của sự phục sinh đang sắp sửa xuất hiện. Nhân cơ hội này, hi vọng chan chứa của tôi là 400 triệu dân Trung Hoa sẽ nhận định lại.” Matsui trở lại Thượng Hải, chỉ để nghe các tin đồn một tuần sau đó là “các hành động phi pháp” vẫn còn bị vi phạm. “Bất kỳ ai vô kỷ luật phải bị trừng trị nghiêm khắc,” ông viết cho tư lệnh Nam Kinh.

                Nhưng những hành động dã man vẫn tiếp diễn trong một tháng nữa. Một phẩn ba thành phố bị thiêu rụi, hơn 20,000 công dân nam Trung Hoa thuộc độ tuổi đi lính bị áp giải ra khỏi thành phố và bị tàn sát bằng lưỡi lê hoặc  súng máy. Cũng một số lượng như thế các phụ nữ và thiếu nữ bị hiếp dâm, tàn sát rồi phân thây. Nhiều công dân lớn tuổi hơn bị cướp bóc rồi bị bắn. Vào cuối tháng ít nhất 200,000, có thể đến 300,000 công dân đã bị giết sạch.

                Tại sao một hành động dã man như thế lại giáng xuống một quốc gia mà người Nhật coi là cội nguồn của niềm cảm hứng văn hóa của mình, một La Mã và Hi Lạp của họ? Cho dù đương nhiên binh lính của bất kỳ quân đội nào cũng đều mạnh tay khi xâm lăng một vùng đất khác và có những hành động tàn bạo mà họ không hề dám phạm phải ở đất nhà, nhưng điều này khó giải thích cho mức độ và cường độ của những trò hung tàn này. Chúng chỉ có thể được một số sĩ quan quá khích xúi giục, trong sự tin tưởng rằng người Trung Hoa nên được dạy một bài học.

                Ở Nhật, Thủ tướng Konoye hay biết về những trò tàn bạo ở Nam Kinh ít hơn người Đức. Tuy nhiên, ông biết rằng với một vùng đất rộng lớn phải chinh phục, người Nhật không gần thắng lợi hơn mà là bị sa lầy sâu hơn. Konoye là một cá nhân độc đáo – một ông hoàng nhờ dòng dõi và một người theo chủ nghĩa xã hội trong tâm. Ông hình như mềm mõng, cả thẹn và nữ tính, nếu không muốn nói là yếu đuối. Đối với những ai biết rõ ông, ông là người gần như có khẩu vị phân biệt một cách vất vả, có những mối quan tâm và tính khách quan rộng rãi đến nỗi ông có thể lắng nghe một cách tình cảm với những người thuộc mọi chính kiến. Thật ra, ông lắng nghe một cách tình cảm đến nỗi người đối thoại tưởng ông đã đồng tình với mình. Luôn luôn phải mất một thời gian dài ông mới có thể quyết định, vì trước tiên ông muốn hiểu rõ mọi khía cạnh của vấn đề, nhưng một khi đã quyết định rồi, gần như không gì có thể làm ông đổi ý. “Ông đơn giản là không thế xâm nhập được,” thư ký riêng của ông, Tomohiko Ushiba, nhớ lại. Konoye có ít thần tượng và một trong số đó là Lord Balfour (Thủ tướng Anh nhiệm kỳ 1902-1905), được xem là người không hoàn toàn thích hợp cho chức vụ thủ tướng, nhưng khi nhậm chức lại là người cả quyết và hiệu quả. Chắc chắn Konoye muốn mình là Balfour của Nhật Bản.

                Hoàng thân Konoye là con trai cả của Hoàng thân Atsumaro Konoye và người thừa kế đầu tiên trong 250 năm của dòng dõi Konoye có mẹ là bà vợ hợp pháp – một sự kiện khiến ông cố của ông hào hứng làm nhiều bài thơ diễn tả nổi vui sướng của mình. Tám ngày sau khi ra đời, mẹ ông mất vì chứng sốt hậu sản, nhưng cho mãi khi ông là một thiếu niên ông mới biết người vợ thứ hai của cha mình, em gái của mẹ ông, không phải là là mẹ ruột của mình. “Khi tôi biết được bà ấy không phải là mẹ tôi,” ông nói sau đó, “Tôi bắt đầu nghĩ rằng cuộc sống thêu dệt bằng những điều dối trá.

                Khi còn trai trẻ, ông mắc phải bệnh lao và trải qua hai năm ròng không làm gì ngoài việc nhìn lên trần nhà và suy tư.  Ngay từ thời điểm này ông đã có cảm tình với lớp người thất thế. Ông không mê tiền bạc, bọn triệu phú và các chính trị gia và viết vài tiểu luận cực đoan. Một số các xác quyết mang tính xã hội của ông vẫn bám theo ông đến khi trưởng thành và thậm chí cho đến bây giờ ông còn chống lại các giai cấp có đặc quyền. Đối với người ngoài ông có dáng dấp của  một người dân chủ và đối xử lịch sự với mọi người. “Dù ăn mày cũng là khách,” ông có lần nói với Ushiba như vậy. Nhưng sâu tận bên trong ông vẫn quý phái – “nhiều hơn bạn có thể tưởng tượng,” Ushiba gần đây nhớ lại.

                Gần như mọi thứ về ông hình như nghịch lý nhưng có ý nghĩa. Ông không thấy thoải mái với người Mỹ, vậy mà ông gởi con trai cả của mình, Fumitaka, đến học tại Lawrenceville và Princeton. Ông thích kimono và mặc chúng rất phong cách nhưng cũng thoải mái không kém với y phục Tây phương. Hôn nhân của ông là do tình yêu gắn kết nhưng ông cũng đối xử với tình nhân của mình, một geisha (kỹ nữ) với tình cảm sâu đậm. Ông đã làm rối loạn truyền thống gia đình hai lần: lần đầu, khi bãi bỏ hệ thống dành phòng trong nhà chính cho “các vợ” hai, ba và bốn. (“Có thể tha thứ được nếu chỉ có nhân tình, bạn có đồng ý không?”); và lần hai, khi ngưng viết nhật ký gia đình (“Làm sao tôi có thể viết ra sự thật nếu nó không thuận lợi cho tôi?”).

                Chỉ có một lần ông trách mắng nghiêm khắc con cái, đó là một lá thư cứng rắn gởi Fumitaka ở Princeton la rầy anh uống rượu và chễnh mãng việc học hành. Fumitaka trả lời là mình chỉ đang tìm hiểu lối sống của người Mỹ và chủ đề được khép lại.                               

                Cha ruột ông, mất khi ông 13 tuổi, bảo bọc ông thái quá đến nỗi Konoye trải qua thời thơ ấu với sợi xích buộc ngang thắt lưng để giữ ông khỏi té ngã. Konoye bày tỏ tình cảm với tất cả con cái mình, kể cả cô con gái với nhân tình. Ông ăn uống với chúng, hát xướng và đùa giỡn chọc vui giống một người cha Mỹ hơn là cha Nhật.

                Là sản phẩm của một xã hội tinh tế, với một chân trong quá khứ và một chân ở tương lai, nét duyên dáng và sự trau chuốt chu đáo của Konoye được che giấu với tất cả trừ khi săm soi,  nhận thức sâu xa của ông về nghĩa vụ đối với đất nước và tính yếm thế quá sâu xa đến nỗi ông không tin tưởng ai, kế cả chính mình. Ông hình như là người không phải là mình, và thậm chí gia đình ông hiếm khi thấy con người thật ở phía sau mặt tiền. Ushiba, chắc hẳn gần gũi ông như bất cứ ai, ắt đã thấy được ở phía bên kia một người cha được yêu thích, người chồng yêu thương, tay chơi nghiệp dư duyên dáng, người chủ ân cần, đối với người lạ, lạnh lùng; ông khép kín và tao nhã và tinh tế đến nỗi “đôi khi thật khó biết ông đang nghĩ gì.”

                Có lần Ushiba hỏi ông ai là nhân vật lịch sử Nhật Bản ông kính trọng nhất. “Không ai,” là câu trả lời. “Không thậm chí Tướng Nogi hoặc Đô đốc Togo (các anh hùng của Cuộc chiến Nga- Nhật sao?” “Chắc chắn không!” Ông đối xử với Thiên hoàng như với một người thân tình, hơi quá thân mật là khác. Trong khi những người khác ngồi cứng đơ trên mép ghế khi có sự hiện diện của Thiên hoàng thì Konoye ưỡn người một cách thoải mái. Ông không làm vậy vì khi dễ, mà bởi vì cảm thấy quá gần gũi với Hirohito. Khi ông dẫn ai đến yết kiến Thiên hoàng ông thường bảo,” Ồ, hãy cho tôi gỡi lời thăm Hoàng thượng” không phải vì ông bông đùa, chỉ là tự nhiên thôi. Ông cảm thấy mình cũng xuất thân từ một gia đình có kém chi ai.

                Khi hi vọng về một cách giải quyết vấn đề Trung Quốc mỗi tháng càng lùi xa, Hoàng thân Konoye nhìn một cách liều lĩnh theo một chiều hướng khác – một nền hòa bình thương lượng. Ông thích người Anh làm trung gian nhưng Quân đội thuyết phục ông sử dụng các sĩ quan tốt của Đức, vì người Đức là bạn của cả hai bên. Hitler đã gởi cho Tưởng vũ khí và các cố vấn quân sự, và ràng buộc với Nhật, nếu không muốn nói là gắn bó, bằng Hiệp ước Chống Quốc tế Cộng sản. Các điều khoản hợp lý đến nỗi khi đại sứ Đức thân Trung Quốc tại Trung Hoa, Oskar Trautmann trình bày chúng, Tưởng gần như là sẵn sàng chấp nhận.

                Nhưng hai nguyên nhân chủ yếu làm mất sự ổn định ở Nhật – gekokujo và chủ nghĩa cơ hội – một lần nữa xuất hiện. Trước tiên những tin tức nói về những thắng lợi dòn dã ở Trung Hoa, và Bộ trưởng Chiến tranh Sugiyama nâng giá thương thuyết lên; rồi tư lệnh Quân Đồn trú Bắc Trung Hoa bất ngờ dựng lên một chế độ bù nhìn ở Bắc Kinh, chống lại lệnh đặc biệt của Konoye và Tổng Tham mưu. Dù Bộ Tổng Tham mưu, dưới sự thúc giục của Ishihara, vẫn kêu gọi thương thuyết với Tưởng Giới Thạch, Traumann vất vả nhưng vô ích. Sau khi trao đổi ở Washington giữa đại sứ của mình và Tổng thống Roosevelt, Trung Hoa khăng khăng cho rằng các điều kiện của Nhật quá bao quát. Người Nhật coi việc này là sự lẫn tránh, và là những nhà đàm phán cứng nhắc, họ mất cả kiên nhẫn. Kết luận là Tưởng thực sự không muốn thương thảo, Konoye quyết định đi một con đường tắt đến hòa bình và thỏa thuận với những người Trung Hoa nào “chia sẻ với lý tưởng của Nhật Bản.” Vào ngày 16/1/1938, ông thông báo là “Chính quyền Hoàng gia sẽ dừng mọi thỏa thuận với Trung Hoa Dân Quốc, và sẽ trông cậy vào việc thiết lập và phát triển một thể chế Trung Hoa mới chịu hợp tác.”

                Điều này làm dấy lên những đã kích kịch liệt từ giới trí thức và một số thành viên Quốc hội phóng khoáng. Ishihara cảnh báo Konoye rằng đó là một chính sách sẽ dẫn đến rắc rối không ngừng. Những phản bác đó khiến Thủ tướng xét lại vị trí của mình và ông bắt đầu nhận ra rằng hành động hấp tấp của ông có thể đặt Nhật Bản vào một chính sách cứng nhắc, làm- hoặc – chết, một cách giải quyết bằng chiến tranh toàn diện, điều cuối cùng mà ông muốn. Bị vây bủa bởi những ngờ vực vào khả năng mình, ông tự hỏi liệu mình có nên từ chức. Nhưng các viên chức triều đình thuyết phục ông ở lại, nếu không người Trung Quốc có thể cho rằng do thất bại giải quyết vấn đề Trung Hoa mà ông từ chức và như thế việc giải quyết theo cách họ muốn sẽ khó khăn hơn bao giờ hết.

                Cuối cùng thì Konoye thấy rõ là bản thân Quân đội cũng không có chính sách nhất quán về Trung Hoa mà trôi giạt theo cơn sóng biến cố, nhưng vì không thể có được những thông tin đáng tin cậy về những vấn đề Tư lệnh Tối cao, ông chỉ có thể đưa mẳt nhìn trong nỗi bực dọc khi tình hình Trung Hoa đang trở nên tồi tệ hơn.

                Nhân danh việc phòng thủ quốc gia Quân đội đề nghị luật tổng động viên, mục đích để lấy đi uy quyền kiểm soát cuối cùng của Quốc hội về các biện pháp chiến tranh và chỉ đạo mọi mặt đời sống đất nước hướng đến một nền kinh tế thời chiến hiệu quả. Người phát ngôn Quân đội lập luận một cách thuyết phục và không phải không có lý là Nhật là một xứ sở nhỏ đông dân gần như không có tài nguyên; bao vây bởi các kẻ thù- Nga, Trung Quốc, Mỹ và Anh – động viên toàn bộ sức mạnh của quốc gia là giải pháp duy nhất. Sắc luật được thông qua vào tháng 3, 1938 – Quốc hội như vậy là đã biểu quyết sự đầu hàng Quân đội của chính mình. “Các quyền tự do đã lọt vào tay Quân đội Nhật Bản,” Sir Robert Craigie, đại sứ Anh ở Tokyo, bình luận, “mất đi vĩnh viễn.”

                Nhân dân cũng đang được chuẩn bị tâm lý cho cuộc thập tự chinh ở Đông Á với hai khẩu hiệu vay mượn từ quá khứ. Một là “kokutai,” quốc túy, và cái kia là “kodo,” có liên quan  một cách mỉa mai với phe bị đè bẹp mới đây. Ý nghĩa nguyên gốc của kodo, Vương Đạo, được bóp méo thành trật tự và hòa bình thế giới phải được hoàn thành qua việc Nhật Bản kiểm soát Đông Á.

                Cả kokutai lẫn kodo đều nằm bên dưới mối quan hệ cha con của Thiên hoàng đối với nhân dân cũng như địa vị  thần thánh của ngài và đang xách động hàng triệu người nhiệt quyết lao vào một cuộc thánh chiến để giải phóng Á châu khỏi chủ nghĩa thực dân lẫn Cộng sản.

678

3 . “Rồi Cuộc Chiến sẽ là Cuộc Chiến Cam Go”

1.

                Nhật tiếp tục đánh thắng. Họ chiếm Hán Khẩu và Quảng Đông, buộc Tưởng Giởi Thạch phải dời chính phủ sâu trong nội địa đến Trùng Khánh. Họ chinh phục lãnh thổ, nhưng không chinh phục lòng người, và vào đầu năm 1939 vẫn còn xa mới đến thắng lợi hoàn toàn. Họ đã mất hàng ngàn người, hàng triệu yên và gánh chịu con thịnh nộ của thế giới Tây phương, đặc biệt là người Mỹ.

                Mối quan hệ giữa hai quốc gia đã khởi đầu bấp bênh vào cái ngày mà Đô đốc Perry cho tàu tiến vào Vịnh Tokyo với một bức thư từ Tổng thống Milliard Fillmore mời gọi Nhật Bản mở cánh cửa từ lâu đã đóng kín với thế giới bên ngoài. Người Mỹ đến đây vì ba động lực: mong muốn buôn bán, rao truyền Kinh thánh cho bọn ngoại đạo da vàng và xuất khẩu các lý tưởng 1776. Người Nhật lúc đầu miễn cưỡng, bất mãn nghe theo, nhưng những năm sau đó mối bang giao được cải thiện khi các viên chức Mỹ và các tư nhân lục tục đến giúp đỡ Nhật về mặt vật chất để chuyển mình từ thời phong kiến sang đến thời hiện đại trong lãnh vực giáo dục, khoa học, y tế và sản xuất. Sự can thiệp vào Thái bình dương của người Mỹ vào cuối thế kỷ 19 với sự chiếm lấy Hawaii, Guam, Đảo Wake và Phi Luật Tân làm người Nhật bối rối nhưng vào năm 1900 vụ Khởi Nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn mang hai đất nước lại gần nhau trong một chính nghĩa chung.

                Mối gắn bó anh em này được củng cố thêm bốn năm sau đó khi Nhật đánh nhau với nước Nga Sa hoàng. Những  cảm tình viên Mỹ ủng hộ nồng ấm đối với kẻ yếu thế. Họ coi binh sĩ Nhật như những samurai cao quí đương đầu với Gấu Nga. Mặc dù chiến thắng ngoạn mục, Nhật không thể kết thúc cuộc chiến và quay sang Tổng thống Theodore Roosevelt nhờ giúp đỡ. Ông ta hoàn thành việc này bằng Hiệp ước Portsmouth, New Hamshire, vào năm 1905, tranh thủ cho Nhật những điều khoản tốt nhất có thể. Trong một trớ trên của lịch sử, hành động thân hữu này lại làm mất đi thiện chí giữa hai quốc gia: người Nhật, vốn không biết là đất nước của họ đang trên bờ vực phá sản, tức tối vì hiệp ước không qui định cho họ nhận tiền đền bù. Các vụ nổi dậy chống Mỹ bùng nổ trên khắp đất nước, và thiết quân luật phải được thiết lập ở Tokyo. Vậy mà không có lời giải thích nào đến từ chính quyền Nhật cho biết Roosevelt đã cứu vãn đế chế khỏi tình trạng rối rắm, có thể là thảm họa.

                Năm sau tình hình còn tệ hơn. Lần này là lỗi của người Mỹ. Một cơn hoảng loạn vô lý về viễn cảnh một nước Nhật lãnh đạo một châu Á trỗi dậy lan tràn khắp nước Mỹ, đặc biệt vùng ven Thái bình dương. Tờ Chronicle ở San Francisco quả quyết rằng đây là “một vấn đề toàn cầu cấp bách để xem liệu các chủng tộc Caucase thượng đẳng hay các chủng tộc Đông phương hạ đẳng ai sẽ thống trị thế giới.” Bị mắc vào cơn điên cuồng “họa da vàng” *, ban giảng huấn các trường ở San Francisco ra lệnh mọi học sinh Nhật phải chuyển đến phố Tàu học tập.

  • Cụm từ này xuất phát từ Kaiser Wilhem vào năm 1895. Ông có một mặc khải trong đó từng đàn đông đúc người Đông phương tràn về châu Âu và cho phác họa ra hình ảnh nằm mơ của mình: một vị Phật cưỡi trên lưng rồng bay qua các thành phố điêu tàn. Tựa đề bức tranh là “Họa Da Vàng”. Vài bản sao được in ra và gởi đến người thân trong hoàng tộc trên khắp châu Âu cũng như mọi sứ quán ở Berlin.     

                Chính quyền Nhật phản ứng mạnh mẽ cho đây là “một hành động phân biệt mang theo nó một dấu vết ô nhục không thể xem thường.” Râm ran việc chuẩn bị chiến tranh, và Roosevelt bí mật cảnh báo cho tư lệnh của ông ở Phi Luật Tân sẵn sàng cho cuộc tấn công của quân Nhật.

                Cơn khủng hoảng đi qua, nhưng nỗi bất mãn còn đó, và sự hiềm khích lên đến đỉnh cao trong Thế Chiến I, cho dù hai nước lúc đó là đồng minh. Tổng thống Woodrow Wilson đang kêu gọi “sự vẹn toàn lãnh thổ và độc lập chính trị trên toàn thế giới” và trả về cho Trung Hoa đất đai và quyền lợi đã mất vào tay kẻ xâm lược. Động thái lý tưởng này là mối đe dọa trực tiếp với đế chế mà Nhật đã xây dựng được trong vài thập niên qua và hình như các nhà lãnh đạo quân sự cũng không thể tránh được cuộc chiến với Mỹ để giành quyền bá chủ ở tây Thái bình dương và châu Á. Họ được sự ủng hộ rộng khắp vào năm 1924 khi Quốc hội Mỹ thông qua Exclusion Act (Đạo luật Ngăn chận) cấm các công dân Nhật nhập cư vào Hoa Kỳ. Có vẻ đây là một thách thức có tính toán đối với người Nhật nhạy cảm và hãnh tiến, và thậm chí những cảm tình viên thân Mỹ cũng bối rối. “Nhật Bản cảm thấy như thể người bạn thân nhất của mình, thình lình và không bị khiêu khích, tát mình một bạt tay,” một học giả Nhật nổi tiếng viết như thế. “Mỗi năm trôi qua mà đạo luật vẫn không được sửa đổi hoặc bãi bỏ càng làm chúng tôi thấy mình bị xúc phạm, và cảm xúc đó được thể hiện cách này hay cách khác, trong bàn bạc riêng tư hay trao đổi công khai.”

                Với sự chiếm đóng Mãn Châu và xâm lăng Bắc Trung Hoa, hố chia rẽ giữa hai bên càng sâu rộng khi người Mỹ lên án sự gây hấn của Nhật với những lời lẽ càng lúc càng quyết liệt. Sự tố cáo mang tính dạy đời này chỉ củng cố thêm quyết tâm của người Nhật trung bình. Tại sao có Học thuyết Monroe ở Mỹ còn ở châu Á thì lại là nguyên tắc Mở Cửa? Người Nhật chiếm giữ một Mãn Châu đầy ổ trộm cướp có khác gì việc Mỹ can thiệp vũ trang ở vùng Ca-ri-bê. Tại sao hoàn toàn chấp nhận việc Anh và Hà Lan chiếm đóng Ấn, Hongkong, Singapore và Đông Ấn, nhưng  việc Nhật theo gương họ thì bị cho là tội ác? Tại sao những người Mỹ, vốn đã từng cướp giật đất đai khỏi tay người Da Đỏ bằng trò lừa đảo, rượu, và súng đạn, lại quá nổi nóng khi Nhật Bản cũng làm giống như vậy ở Trung Hoa.?

                Bọn siêu ái quốc âm mưu ám sát các lãnh đạo thân Mỹ và cho nổ tung các sứ quán Mỹ vá Anh. Những cuộc biểu tình rầm rộ tố cáo hai nước đã hỗ trợ Trung Quốc, và kêu gọi chấp nhận lời mời của Hitler gia nhập với Đức và Ý trong hiệp ước ba bên. Trong một số khách sạn các du khách Tây phương bị từ chối cho thuê phòng và có khi bị hành hung ngay trước mặt cảnh sát.

                Tất cả hỗn loạn tình cảm này càng tệ hơn vì những khác biệt nổi bật giữa Đông và Tây về đạo lý, tôn giáo, và thậm chí các kiểu suy nghĩ. Lô gíc Tây phương thì chính xác, với tiên đề, định nghĩa, và chứng minh đưa đến những kết luận hợp lý. Là những nhà biện chứng bẩm sinh, người Nhật cho rằng mọi tồn tại là một nghịch lý. Trong đời sống thường nhật họ thực hiện một cách bản năng quan niệm về mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, và các phương thức để dung hòa chúng. Đúng và sai, tinh thần và vật chất, Thượng đế và người phàm – tất cả những yếu tố đối lập này được thống nhất một cách hài hòa. Đó là tại sao một vật có thể vừa tốt và xấu cùng một lúc.

                Không giống người Tây phương, vốn có khuynh hướng suy nghĩ theo phạm trù đen và trắng, người Nhật có những phân biệt mơ hồ, mà trong quan hệ ngoại giao quốc tế đưa đến “những chính sách” chứ không phải “nguyên tắc,” và có vẻ vô liêm sỉ đối với người Tây phương. Lô gic Tây phương giống như túi hành lý, được xác định và có giới hạn. Lô gic Đông phương thì như furoshiki, loại khăn mà người Nhật mang theo để gói đồ. Nó có thể rộng hoặc nhỏ tùy trường hợp, và có thể gấp lại bỏ vào túi khi không dùng đến.

                Đối với người Tây phương, người Nhật là một mâu thuẫn không thể hiểu được: lễ phép và man rợ, lương thiện và phản trắc, dũng cảm và hèn nhát, cần cù và biếng nhác – cùng một lúc. Đối với người Nhật, không có gì bất thường mà chỉ là một toàn bộ được thống nhất, và họ thắc mắc tại sao phương Tây không hiểu điều đó. Đối với người Nhật, một người không có nghịch lí không thể được tôn trọng; y chỉ là một người tầm thường. Càng có nhiều mâu thuẫn trong một con người, y lại càng sâu sắc. Sự tồn tại của y càng phong phú hơn khi y càng đấu tranh quyết liệt với bản thân.

                Triết lý này rút ra chủ yếu từ Phật giáo, một học thuyết trong đó tất cả đều bị thu hút vào vực thẳm phi thời gian, phi không gian của chủ nghĩa nhất thể. * Tất cả đều là hư giả và không có gì phân biệt được vì không có gì có thực thể hoặc bản thế. “Cái tôi” không có thực thế và là một ảo giác xuất hiện thoáng qua và tạm thời trên những mối nhân duyên trôi nổi liên tục của những hiện tượng giả tạm đến và đi khi Bánh xe Nhân quả chuyển động. Không ai biết hoặc chịu trách nhiệm cho sự chuyển hóa, vì không có Đấng Sáng tạo hoặc Chúa Trời hoặc Định mệnh.    

❖Hầu hết mỗi gia đình Nhật có hai bàn thờ – một cho đạo Phật và một cho Thần đạo.  Thần đạo (con đường của thần linh) là quốc giáo. Nó dựa trên sự kính sợ gây ra do những hiện tượng thiên nhiên. Đúng ra là việc thờ cúng tổ tiên và mối dây liên lạc với quá khứ hơn tự thân tôn giáo, nó đã được hồi sinh trong thế kỷ 19 và chuyển biến thành ý thức hệ quốc gia. 

               Trong số những lý do khiến Nhật lún sâu vào các cuộc phiêu lưu quân sự ở Mãn Châu và Trung Hoa, Bánh xe Nhân Quả này lù lù hiện ra một cách đầy ý nghĩa. Do sự hèn nhát, hoặc trong vài trường hợp do tính vị kỷ hoặc đơn giản chỉ do thiếu kiên quyết, một số các lãnh đạo quân sự và chính trị thất bại trong việc kềm chế nhóm các sĩ quan trẻ quá khích mưu tính những hành động hung hăng này. Nhưng nhiều người trên mọi cấp bậc chỉ việc để cuốn theo làn sóng, bị bắt dính trong Bánh xe Nhân Quả. Họ nằm xuống tuân phục và lặng lẽ trên con đường của sự Chuyển Hóa Vô Cùng, noi theo niềm tin Phật giáo dạy rằng Bánh xe Nhân Quả quay bất tận và tuyệt đối một cách vô mục đích. Với tính mềm dẽo thuộc tính, một số môn phái tin rằng ai cũng có thể thành Phật hoặc “có phước báu”, sau khi chết, số khác tin rằng cá nhân khômg là gì và sự giải thoát chỉ đến trong sự phủ định cái ngã, rằng con người chỉ là bọt nước trên Đại dương của Hư vô sẽ cuối cùng biến mất trong vùng nước vô tận nơi đó không sinh, không diệt, không khởi đầu, không kết thúc. Chính Đức Phật cũng không gì hơn một ngón tay chỉ đến mặt trăng.

                Tất cả điều này được biểu thị trong từ sayonara, có nghĩa là, “Hãy tự tại”. Người Nhật nói sayonara mọi lúc với mọi thứ, vì họ cảm nhận rằng mọi sát na là một giấc mộng. Cuộc đời là sayonara. Các đế chế trỗi dậy rồi sụp đổ, những anh hào và triết gia vĩ đại nhất đều trở về cát bụi, hành tinh sinh ra rồi biến mất, nhưng sự Vô thường không hề thay đổi, kể cả chính sự Vô thường.

                Sự chấp nhận mạnh mẽ này về cái chết cho người Nhật không chỉ sức mạnh để đương đầu với thảm họa một cách can đảm mà còn sự trân trọng sâu sắc mỗi giây phút, vì đó có thể là giây phút cuối cùng. Đây không phải là sự tiêu cực mà là sự an định khiến không gì có thể làm họ chán nản hoặc bất mãn hoặc vui sướng, để chấp nhận điều không thể tránh được. Loại cá được ngưỡng mộ nhất là cá chép. Nó dũng mãnh lội ngược dòng, nhảy lên các thác ghềnh nhưng một khi bị bắt và đặt nằm trên thớt, nó nằm yên, chấp nhận một cách bình thản điều gì phải đến. Hãy tự tại. Sayonara.

Hiểu ít hoặc không hiểu gì về Bánh xe Nhân Quả hoặc quyền lực mà các kẻ nổi loạn trẻ tuổi nắm giữ được, người Mỹ có thông tin sai lầm khi cho rằng việc chiếm đóng Mãn Châu và việc cướp phá Trung Hoa là những bước đi mà các nhà lãnh đạo quân sự trù hoạch, như Hitler, muốn thôn tính thế giới cho riêng mình.

                Trong tâm khảm người Nhật, trực giác siêu hình và những thôi thúc bản năng thú vật nằm cạnh nhau. Bởi thế triết lý được bạo tàn hóa và sự tàn bạo được triết lý hoá. Những vụ mưu sát và hành động khát máu do bọn nổi loạn gây ra lấy cảm hứng từ chủ nghĩa lý tưởng; và những binh lính lên tàu đến Trung Hoa để cứu lấy Phương Đông cho người phương Đông kết thúc bằng việc tàn sát hàng ngàn đồng bào Đông phương ở Nam Kinh.

                Không có vùng đệm trong cách suy nghĩ của họ giữa sự siêu việt và thường nghiệm – giữa hoa cúc và thanh kiếm. Họ có tôn giáo nhưng không có Thượng đế theo kiểu Tây phương – đó là một Đấng Thần linh độc tôn. Họ chân thật nhưng không có quan niệm về tội lỗi; họ có tình cảm nhưng ít tình nhân loại; họ có dòng dõi nhưng không có xã hội; họ có hệ thống gia đình nghiêm nhặt tạo ra sự an toàn nhưng đánh mất cá tính. Tóm lại, họ là một dân tộc năng động và vĩ đại thường bị thúc đẩy bởi những lực đối kháng và thường ra sức đi theo những chiều hướng đối nghịch nhau cùng một lúc.

Cũng có nhiều sự khác biệt nhỏ nhặt giữa Đông và Tây mà không nhất thiết làm trầm trọng thêm vấn đề. Nếu một người Tây phương hỏi, “Đây không phải là đường đến Tokyo, phải thế không?” người Nhật sẽ đáp phải, có nghĩa, “Anh nói đúng, đường này không đến Tokyo.” Việc rắc rối cũng nảy sinh khi người Nhật đồng ý với người Tây phương chỉ để tỏ ra tử tế hoặc để tránh sự bối rối, hoặc cho thông tin sai hơn là nhận sự dốt nát của mình.

                Đối với hầu hết người phương Tây, người Nhật hoàn toàn khó dò. Cách họ sử dụng công cụ đều ngược ngạo: họ ngồi xổm ở bàn đê; họ kéo chớ không đẩy lưỡi cưa hay cái bào; họ xây nhà từ mái xuống. Để mở khóa, họ quay chìa khóa sang trái, một hướng sai. Mọi việc họ làm là thụt lùi. Họ nói thụt lùi, đọc thụt lùi, viết thụt lùi. Họ ngồi trên đệm thay vì trên ghế; ăn cá sống và tôm còn cựa quậy. Họ sẽ kể những biến cố cá nhân bi thảm nhất rồi cười ha hả; té trong bùn với bộ y phục đẹp nhất của mình rồi đứng dậy nhăn răng cười; chuyển tải ý tưởng sai hướng; bàn luận vấn đề theo kiểu vòng vo tam quốc; đối xử với bạn cực kỳ nhã nhặn tại nhà mình rồi xô lấn bạn thô bạo trong toa tàu; thậm chí ám sát bạn rồi xin lỗi các người giúp việc vì làm nhà cửa lôi thôi.

                Điều người phương Tây không biết là bên dưới lớp sơn bóng loáng của sự hiện đại và tây phương hóa, Nhật Bản vẫn còn là Đông phương và việc lao từ phong kiến sang tư bản đến quá gấp gáp đến nỗi các nhà lãnh đạo của họ, vốn chỉ quan tâm đến các phương pháp Tây phương, chứ không đến các giá trị Tây phương, không có thời gian lẫn chủ trương phát triển tính tự do và nhân văn.

2.

                Sự thù địch giữa Nga và Nhật còn tiếp diễn, nhưng do hiểu lầm về văn hóa thì ít mà do tranh giành lãnh thổ thì nhiều. Vào mùa hè 1938 hai bên đánh nhau để giành quyền sở hữu một ngọn đồi trơ trụi trên biên giới Mãn Châu – Xô viết, và Hồng Quân và không lực giáng cho người Nhật một đòn chí tử đến nỗi trong hai tuần lễ họ đồng ý một cuộc hòa giải. Khoảng 10 tháng sau một vụ tranh chấp bắt đầu gần Nomonhan trên biên giới Mãn Châu – Ngoại Mông, tương đối gần Bắc Kinh. Sau một vài tuần nó trở thành một trận chiến toàn diện, với các trận đấu tăng qui mô lớn đầu tiên trong lịch sử. Một lần nữa quân Nga đè bẹp quân Nhật, tổn thất hơn 50,000 thương vong. Màn thao dượt cho chiến tranh gây choáng váng này không chỉ thúc giục cuộc cách mạng trong ngành chế tạo vũ khí và chiến thuật quân sự của Nhật mà còn đẩy Nhật gần hơn đến việc liên minh với Đức và Ý, vì Nhật cảm thấy rằng Liên bang Xô viết, Anh, Trung Quốc và Mỹ có thể phối hợp chống mình bất cứ lúc nào. *

  • Việc này không hẳn là hoang tưởng. Trước đó không lâu, Stalin đã viết cho Tưởng Giới Thạch: “Nếu các thỏa thuận của chúng ta với các nước Âu châu mang đến những kết quả thỏa đáng – điều này không phải là không có thể – việc này có thể là một bước quan trọng tiến đến việc thành lập khối những quốc gia yêu chuộng hòa bình ở vùng Viễn Đông. Thời gian đang diễn tiến thuận lợi cho việc thành lập một khối như thế.

“Là hậu quả của cuộc chiến giờ đã hai tuổi với Trung Quốc, Nhật đã mất thế quân bình, bắt đầu bực bội, và giờ đang lao mình bừa bãi, hết chống Anh, giờ chống Liên xô và Cộng hòa Ngoại Mông. Đây là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang suy yếu và cách cư xử của nó khiến mọi người đoàn kết chống lại nó. Từ Liên bang Xô viết, Nhật Bản đã nhận được một phản đòn nó xứng đáng phải nhận. Anh và Mỹ đang chờ đợi một cơ hội thuận tiện để làm hại Nhật. Và chúng ta không nghi ngờ gì chẳng bao lâu Nhật sẽ nhận một đòn phản công khác từ Trung Quốc, một đòn chắc chắn mạnh gấp trăm lần hơn.”  

                Trước khi cuộc chiến biên giới có thể được giải quyết, Stalin khiến cả Tàu và Nhật lúng túng khi, vào ngày 23/8/1939, ký một hiệp ước với kẻ thù cay cú nhất của mình, Hitler. Thủ tướng Kiichiro Hiranuma, vừa lên thay Konoye vào tháng giêng, và nội các đã họp hơn 70 phiên trong một nỗ lực vô vọng để đi tới một Hiệp ước Ba bên, quá bối rối và sửng sốt đến nỗi tuyên bố, “Nội các xin từ chức vì tình hình phức tạp, khó lường đã xuât hiện gần đây ở châu Âu.”

                Cả Hitler và Stalin đều loan báo trước thế giới các điều khoản của cái gọi là hiệp ước lịch sử của họ – chỉ trừ cái giao thức bí mật là chia cắt Đông Âu – và 9 ngày sau đó, vào ngày 1/9, một triệu rưỡi quân Đức xâm lăng Ba Lan. Thế Chiến II đã bắt đầu. Mặc dù Ba Lan, bị đè bẹp giữa hai lực lượng hùng hậu, tan rã trong một vài tuần, mặt trận phía tây vẫn im ắng đến nỗi các phóng viên mỉa mai dán nhãn hiệu cho cuộc xung đột là “cuộc chiến ngớ ngẩn”.

                Khi cuộc chiến ở Trung Hoa kéo lê đến năm 1940, bộ Tổng Tham mưu Nhật quyết định trong vòng bí mật rằng trừ khi đạt đến thắng lợi hoàn toàn trong năm đó, các lực lượng  sẽ được rút về tuần tự, chỉ để lại binh lính ở vùng bắc Trung Quốc phòng thủ chống lại Cộng sản.Tuy nhiên, sáu tuần sau, vào ngày 5/10, Hitler một lần nữa thay đổi hướng đi của Nhật Bản bằng cách huy động một đạo quân sấm sét tràn vào mặt trận phía tây. Vào lúc hoàng hôn, bốn ngày sau, tư lệnh Hà Lan đầu hàng. Sáng hôm sau lúc 7:30 vị thủ tướng mới tinh của Anh, Winston Churchill, bị đánh thức bởi một cú điện từ Paris. “Chúng tôi đã bị đánh bại!” Thủ tướng Paul Reynaud kêu lên. “Chúng tôi bị đập tan!” Hai tuần sau Vua Leopold III đầu hàng, không nghe theo lời khuyên của chính phủ, ông từ chối đến Anh tị nạn. “Tôi quyết định ở lại,” ông nói. “Chính nghĩa của đồng minh đã mất.” Trong vòng một tháng Pháp đầu hàng và ngay nước Anh cũng bị nguy khốn.

                Các lãnh đạo quân sự Nhật, say sưa với thắng lợi như chẻ tre của Hitler, thay đổi quyết định về cuộc chiến ở Trung Hoa và tiến theo khẩu hiệu “Đừng để lỡ chuyến tàu!” Với Pháp đã thất thủ và Anh đang chiến đấu để sống còn, thời điểm đã đến để đánh vào Đông Á vì dầu và những tài nguyên mà họ đang khao khát. Vào sáng ngày 22/6 Tổng Tham mưu Quân đội và Bộ trưởng Chiến tranh họp lại, và những người mới đây còn ủng hộ việc rút quân khỏi Trung Hoa đề nghị một trận tấn công bất ngờ tức thì vào Singapore. Phe bảo thủ bóp chết kế hoạch này, nhưng tinh thần chớp cơ hội lảng vảng trong không khí và con vi rút của chủ nghĩa cơ hội lan ra từng ngày. Nhất trí sẽ đánh bại Trung Hoa một ít tháng sớm hơn, người Nhật bị cám dỗ trước của cải đến quá dễ dàng của Hitler ở châu Âu nên muốn kiếm chác tài nguyên của Đông Á.

                Trước khi hết tháng 7, Hoàng thân Konoye bị thuyết phục phải bước vào chính trị lần nữa và thành lập nội các thứ hai của mình. Hai vị trí chủ chốt do các nhân vật đang lên nắm giữ – một do nhà ngoai giao nói nhiều, xuất sắc, hào hiệp Yosuke Matsuoka, giữ chức ngọai trưởng, và người kia là một quân nhân, Trung tướng Hideki Tojo, giữ chức Bộ trưởng Chiến tranh. Siêng năng, cứng đầu và tận tụy, Tojo đã nhận được biệt danh “Dao cạo.” Konoye đơn giản bap nhiêu thì ông phức tạp bấy nhiêu, ông thỏa mãn với uy tín lớn của mình trong Quân đôi, đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có tư lệnh lực lượng hiến binh trong Quân đoàn Quảng đông. Ông là người không thể biến chất, một người có kỷ luật sắt luôn yêu sách và đạt được kỷ luật tuyệt đối và chọn những thuộc hạ chỉ dựa vào năng lực và kinh nghiệm. Không giống các vị tướng khác từng dao động trong sự kiên 2/26, ông đã hành động một cách dứt khoát, ban bố tình trạng khẩn cấp ở Mãn Châu, nhờ đè bẹp bất kỳ vụ nổi loạn ăn theo nào. Đối với đầu óc tôn sùng pháp luật của ông, gekokujo là “bất khả dung”, nói gì đến tha thứ. Điều này khiến ông được giới bảo thủ trong Quân đội kính trọng cũng như dân chúng vốn sợ một vụ nổi loạn đẩm máu khác, và không nghi ngờ gì đó chính là lý do mà Konoye đã chọn ông.

                Ngoại trưởng Matsuoka, chủ tịch Hỏa xa Nam Mãn Châu và là một người  bạn  gần gũi với gia đình Tojo khi vị tướng này ở trong Quân đoàn Quảng đông, gần như là đối nghịch với ông ta. Ông cũng dồi dào trí lực, nhưng khoa trương hơn, táo bạo hơn và trực giác bén nhạy hơn. Trong khi Tojo thì kiệm lời, Matsuoka thì thao thao hùng biện xứng với biệt danh “Ngài 50,000 lời” và “Máy Nói.” Ông từ tốn nói mình không nhiều lời. “Lắm lời có nghĩa là cố hủy bỏ hoặc cáo lỗi những gì mình vừa nói. Tôi không hề làm thế. Do đó. Tôi không là kẻ mồm mép.” “Tôi chưa hề gặp ai nói quá nhiều nhưng chuyển tải quá ít như thế.” Đại sứ Craigie nhận xét, và thêm rằng ông cũng ương ngạnh và kiên quyết với một đầu óc sắc sảo.

                Matsuoka nhỏ nhắn và vạm vỡ, và cái đầu nhọn húi cao, để râu mép, mang kính đồi mồi to gọng và có năng khiếu kịch tính đã được thế giới chú ý khi ông vội vã lẻn ra Hội Quốc Liên trong buổi tranh luận về Mãn Châu. Ở tuổi 13, ông đã ra biển, và bị vị thuyền trưởng, cũng là chú ông, bỏ lên bờ ở Mỹ và bảo ông tự xoay sở. Một gia đình Mỹ ở Porland, Oregon, cho ông trú ngụ và ông trải qua những năm học hỏi sau đó khi làm việc cật lực như một dân lao động, trong một hảng luật, và thậm chí một phụ tá mục sư trong thời gian theo học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oregon ông làm việc thêm ba năm nữa trước khi trở về Nhật, tại đó ông trở nên nổi tiếng vì sự sắc sảo và năng động.

                Hoàng thân Konoye thì lắng nghe mọi người, còn Matsuoka không hề nghe ai. Ông quá bận rộn sắp xếp các ý tưởng cứ liên tục nhảy ra từ bộ óc sắc bén của mình. Những phát biểu bí ẩn của ông làm bối rối lắm người, và một số cho rằng ông hơi mát, nhưng những thuộc hạ của ông trong bộ Ngoại giao, như tiến sĩ Yoshie Saito và Toshikazu Kase, cảm thấy rằng đó chỉ là bản chất ưa nghịch lý của ông trong hành động. Một vận động viên trí lực, ông thường nói những điều trái những gì ông tin tưởng và đề xuất những gì ông chống đối để đạt được cách riêng của mình bằng sự mặc định. Một người có tầm nhìn rộng lớn, nhưng ít khi ông giải thích tầm nhìn này, hoặc nếu có, nói với các mục tiêu trái ngược nhau khiến không có gì ngạc nhiên khi bỏ lại sau ông những cơn sóng bối rối; thậm chí những người cho ông là nhân vật xuất sắc nhất Nhật Bản cũng lo âu theo dõi khi ông linh lợi chơi những trò ngoại giao nguy hiểm. Ông trấn an những bạn đồng liêu của mình hết lần này đến lần khác là mình thân Mỹ, vậy mà nói những lời sỉ nhục về Mỹ; ông không tin Đức, vậy mà ve vãn Hitler; ông chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt, vậy mà phun ra những luận điệu cổ vũ cho chiến tranh.

                Ở nhà ông cũng chơi trò nghịch lý. Ông quở trách bảy đứa con, nhưng để chúng cởi lên lưng mình; ông độc đoán nhưng phân phát tình thương và sự ân cần không dè xẻn. Kiwamu Ogiwara, người làm cho Matsuoka với vai trò một shosei (vừa là thư ký vừa là người hầu, như thị giả) trở nên quá khiếp đẳm với tính khí thất thường của ông đến nỗi không dám nhìn thẳng vào ông. Có hôm sau khi tắm xong, Matsuoka la lớn “Này!” từ phòng ông, và khi Ogiwara thò đầu nhìn vào, ông nóng nảy ra dấu vào phần dưới của mình. Gã shosei mang vào cho ông cái obi (Một loại khăn quấn quanh bụng trong trang phục truyền thống Nhật) khiến cho ông càng ra dấu hùng hỗ. Ogiwara phải hỏi người hầu gái mới biết cử chỉ ấy có nghĩa là ông chủ muốn một cái khố. Vào những hôm ông “không ở nhà,” một vị khách có khi khẩn khoản xin gặp ônh chủ và gã shosei buộc lòng thông báo y với Matsuoka. “Làm sao một người không có mặt ở đây có thể tiếp ai được!” ông hét lên. Gần như lúc nào cũng trong tâm trạng căng thẳng, Ogiwara xin nghỉ việc một ông chủ khó ưa. Vậy mà vài năm sau, khi anh viết thư xin vào làm trong Hỏa xa Nam Mãn Châu, hay tin Matsuoka giúp anh nhận được việc làm. Bên dưới vẻ ngoài dữ dằn, xấc xược, khó chịu là một con người khác mà ít ai thấy được.

                Nội các chỉ mới 4 ngày mà đã nhất trí tán thành một chính sách thế giới mới để đương đầu với “một thử thách lớn chưa từng có” trong quá khứ của Nhật. Mục tiêu căn bản của chính sách này là hòa bình thế giới, và để mang lại điều ấy, “một trật tự mới tại Đại Đông Á” phải được thiết lập bằng cách thống nhất Nhật Bản với Mãn Châu và Trung Quốc – dưới sự lãnh đạo của Nhật, tất nhiên. Toàn bộ quốc gia phải được động viên, với mỗi công dân phải dâng hiến thân mình cho đất nước. Kinh tế kế họach sẽ được thiết lập, Quốc hội được cải cách và Biến cố Trung Hoa phải có kết luận thỏa đáng.

                Hơn nữa, hiệp ước ba bên sẽ được ký với Đức và Ý, và một hiến chương bất tương xâm được sắp xếp với Liên bang Xô viết. Mặc dù Mỹ đã đặt lệnh cấm vận đối với vật liệu chiến lược lên Nhật Bản, những nổ lực vẫn được tiến hành nhằm xoa dịu Mỹ chừng nào mà họ còn để yên cho “những tuyên bố lãnh thổ đúng đắn” của Nhật. Thêm vào đó, Nhật sẽ tiến vào Đông dương và có thể xa hơn, xây dựng một đế chế bằng vũ lực nếu cần trong khi châu Âu bận đánh nhau với Đức và Ý.

                Chính sách này là con đẻ của trí óc các nhà lãnh đạo quân sự, nhưng họ đã thuyết phục Thủ tướng Konoye và các thành viên dân sự trong Nội các rằng đó là niềm hi vọng cuối cùng của nước Nhật để sống còn trong một thế giới hiện đại hỗn loạn. Điều đó có nghĩa là cơn sốt “Đừng lỡ chuyến tàu” đã trở thành chính sách quốc gia, leo thang Biến cố Trung Quốc đến chiến tranh và đẩy Nhật vào những cuộc xâm kích xa hơn. Trong khi các nhà lãnh đạo dân sự có quyền hành hơn phe quân sự là một nét cơ bản trong nền dân chủ Mỹ, ở Nhật thì ngược lại. Hiến pháp Minh Trị đã chia quyền quyết định giữa Nội các và Tư lệnh Tối cao, nhưng các lãnh đạo quân sự, vốn ít hiểu biết về các vấn đề chính trị và ngoại giao, hầu như lúc nào cũng muốn lấn lướt thành viên dân sự trong Nội các; sự từ chức của họ sẽ làm sụp đổ chính phủ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của họ vượt quá trò đe dọa từ chức. Độc quyền quân sự đã trở thành một truyền thống và hiếm khi được thắc mắc. Kết quả; đó là những chính sách của những vị tướng và đô đốc có thiện ý nhưng thiếu kiến thức, dựa trên lối suy nghĩ quân sự hẹp hòi, đã khống chế Nhật Bản.

                Các tên quân phiệt đã thiết lập chính sách “Đừng lỡ chuyến tàu” này không muốn hay dự đoán khả năng xảy ra chiến tranh. Với Pháp đã bị đánh bại, còn Anh đang chật vật chiến đấu cho sự tồn tại của mình, Đông dương với cao su, thiếc, tungsten, than và lúa gạo đối với họ chính là “một kho báu nằm giữa đường phố chỉ đợi để nhặt lên.” Trong hai tháng Nhật gây áp lực đòi chính quyền bất lực Vichy phải ký một thỏa thuận tại Hà nội cho phép Nhật đặt căn cứ không quân ở bắc Đông dương (Bắc Việt Nam bây giờ) và sử dụng vùng đó làm bàn đạp tấn công Trung Hoa.

                Tất cả những việc này không phải là không gặp sự phản đối từ Matsuoka và những người biết suy nghĩ trong Tư lệnh Tối cao, vốn đoán trước được một tiến trình va chạm với người Anglo-Saxon. Tham mưu Trưởng Quân đội, Hoàng thân Kanin, từ chức trong nước mắt.

                Hoa Kỳ phản ứng dữ dội trước nước đi của người Nhật; việc đó có nghĩa mối đe dọa tiềm năng với Con đường Miến Điện qua đó Mỹ đang gởi đồ tiếp tế vào Trung Hoa. Thủ tướng Churchill, tuy nhiên, cảm thấy hoàn toàn lạc quan về lực lượng đồn trú Nhật ở bắc Đông dương và đề nghị rút hai lữ đoàn Ấn ra khỏi Syngapore. Ngoai trưởng Anthony Eden không đồng ý. “Đối với tôi giờ đây khó mà bảo lưu ý kiến cho rằng mối đe dọa của Nhật đối với Mã Lai là không nghiêm trọng,” ông viết ngay cho Thủ tướng. “Có đầy đủ những chỉ dấu cho thấy Đức đã thỏa thuận điều gì đó với Nhật trong vài ngày gần đây, và hình như, do đó tổt hơn là chúng ta chuẩn bị khí tài cho cuộc phòng thủ trên bộ tại Syngapore.”

                Eden đã đoán đúng. Hiệp ước Ba bên với Đức và Ý đã theo đuổi khá lâu nay gần hoàn tất cho dù bên Hải quân còn chống đối, sợ rằng một thỏa thuận như thế sẽ bắt buộc Nhật tự động dính vào cuộc chiến dưới những tình huống nào đó. Matsuoka phản bác ý kiến này với những bác bỏ thuyết phục và dông dài. Hiệp ước, ông tuyên bố, “sẽ cưỡng bách người Mỹ hành động thận trọng hơn trong việc đề ra kế sách chống Nhật” và ngăn cản chiến tranh giữa hai quốc gia. Hơn nữa, nếu Đức gây chiến với Mỹ, Nhật Bản không có nghĩa vụ bắt buộc phải hỗ trợ nó.

                Không thể chống lại những lập luận tấn công của Masuoka – và, một cách tình cờ, sự ủng hộ om sòm rộng khắp cho liên minh – những kẻ bất đồng phải chịu thua. Konoye đành phải tán thành một cách bực dọc vì ông biết chắc mình một lần nữa bị buộc phải từ chức nếu chống đối Quân đội. “Ý tôi là lèo lái phe quân sự ra khỏi cuộc chiến,” ông nói với con rễ mình. Như Hải quân, Thiên hoàng chống đối hiệp ước, và trước khi đóng ấn phê chuẩn, ông cảnh báo với Konoye là ông sợ việc này sẽ dẫn đến chiến tranh với Mỹ và Anh. “Do đó, ngài phải,” ông thêm như dự đoán một điềm gỡ, “chia sẻ với trẫm niềm vui lẫn nổi sầu sẽ đến.” Vào ngày 27/9/1940, hiệp ước được ký kết ở Berlin.* Đối với Anh và Mỹ điều này là bằng chứng mạnh hơn cho thấy Nhật chả tốt gì hơn Quôc xã Đức và Phát xít Ý và ba quốc gia “găng tơ” này đã liên minh lực lượng để chinh phục thế giới. Hoa kỳ đáp trả ngay lập tức bằng cách bổ sung phế loại kim loại đủ mọi loại vào danh sách hàng cấm vận, như là vật liệu chiến lược và nhiên liệu hàng không, đã được thông báo vào tháng 7.

  • Vào thời điểm này Hitler không muốn chiến tranh với Nhật Bản và Anh Quốc. Y cảm thấy, như Matsuoka, rằng hiệp ước này sẽ tránh cho y mối xung đột đó. Y viết cho Mussolini là “một sự hợp tác mật thiết với Nhật Bản là đường lối tốt nhất hoặc để giữ cho Hoa Kỳ hoàn toàn đứng bên ngoài chiến cuộc hoặc lao vào cuộc chiến một cách không hiệu quả.” Gần như sau khi hiệp ước được ký kết Quốc trưởng thay đổi ý kiến về hòa bình ở Viễn Đông. Y nhất quyết kêu gọi Nhật lâm chiến càng nhanh càng tốt, và Đại sứ Đức ở Tokyo được lệnh gài Nhật vào cuộc tấn công Singapore dù phải gặp nguy cơ gây hấn với Hoa Kỳ.     

                Không chỉ người Anglo – Saxon mới chới với vì hiệp ước. Pravda gọi nó là “một hành động trầm trọng hóa thêm chiến tranh và một sự bành trướng trong khu vực.” Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop trấn an Vyacheslav Molotov, người Nga đồng cấp với ông, rằng hiệp ước chỉ nhắm vào bọn hiếu chiến Mỹ. “Tất nhiên hiệp ước không theo đuổi bất kỳ mục đích gây hấn nào với Mỹ. Mục đích duy nhất của nó là mang lại những yếu tố bắt người Mỹ phải suy nghĩ khi muốn bước vào cuộc chiến, bằng cách minh chứng một cách thuyết phục là nếu họ bước vào vụ xung đột đang xảy ra, họ sẽ tự động phải đối đầu với ba cường quốc.” Tại sao không tham gia hiệp ước, ông gợi ý và viết một bức thư dài cho Stalin nói rằng đó là sứ mạng anh hùng của bốn cường quốc – Liên bang Xô viết, Ý, Nhật và Đức – để đón nhận một chính sách dài hạn và định ra chiều hướng phát triển tương lai dân tộc của họ vào một kênh đúng đắn bằng cách dỡ bỏ mọi hạn chế về quyền lợi của mình trên qui mô toàn cầu.

                Matsuoka khẳng định là mình đã tạo ra một kế hoạch cho hòa bình thế giới. Đối với người thân bối rối vì tưởng rằng ông có thiện cảm với Mỹ, ông nói đó là cách tốt nhất để ngăn cản chiến tranh với Mỹ. “Nếu con đứng vững và bắt đầu đánh lại,” ông nói với con trai cả của mình, “người Mỹ sẽ biết họ đang nói chuyện với một người đàn ông, và hai người các anh có thể nói chuyện như hai người đàn ông.” Ông cho rằng ông và chỉ mình ông là hiểu rỏ tính cách Mỹ. “Chỉ có nước Mỹ của tôi và dân Mỹ của tôi là thực sự tồn tại,” có lần ông nói. “Không có nước Mỹ khác, không có dân Mỹ khác.”

                “Tôi nhận rằng dân chúng sẽ gọi đó là một trò lừa đảo,” ông nói với Tiến sĩ Saito, nhưng ông đồng minh với Hitler để kềm chế chính sách hung hăng của Quân đội và giữ cho những tên hiếu chiến Mỹ khỏi tham chiến ở châu Âu. Và sau đó chúng ta có thể bắt tay với Mỹ. Việc này sẽ giữ được hòa bình ở Thái binh Dương đồng thời lập thành một tổ hợp các quốc gia tư bản hùng mạnh quanh thế giới chống lại chủ nghĩa Cộng sản.

                Hiệp ước Ba Bên cũng là cách thức giải quyết Biến cố Trung Hoa, ông nói. “Việc giải quyết biến cố nên đặt trên sự hỗ trợ lẫn nhau và sự thịnh vượng chung, chứ không phải trên hi vọng nhận được sự giúp đỡ bên ngoài để đe dọa Trung Quốc. Để làm được như thế chúng ta phải sử dụng thiện chí của một quốc gia thứ ba. Tôi nghĩ Hoa Kỳ sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò này. Nhưng ở đây câu hỏi là, Nhật Bản (hay đúng hơn, Quân đội) sẽ nhượng bộ những gì? Nhật Bản nên chấp nhận việc rút binh hoàn toàn khỏi Trung Quốc.”

                Ngài Matsuoka quỷ quyệt kết luận rằng các mục tiêu cửa mình có thể được hoàn thành tốt nhất bằng cách ủng hộ kế hoạch của Ribbentrop cho một liên minh bốn bên hùng mạnh thống nhất Đức, Ý, Nhật với kẻ thù chung của họ, Nga, và xin được phép đi đến Âu châu để đích thân mình thực hiện điều này. Sau cuộc tranh cãi dài hơi các lãnh đạo quân sự tán thành chuyến đi nhưng phản bác yêu cầu của ông sẽ mang tặng Hitler một món quà – lời hứa là Nhật sẽ tấn công Singapore.

                Vào ngày 12/3/1941, một đám đông lớn tụ tập tại Nhà Ga Tokyo để chào tạm biệt Matsuoka. Khi chuông rung báo hiệu tàu sắp khởi hành, ông chạy vội đến Tướng Sugiyama và quấy rầy ông một lần nữa về vấn đề Singapore. Khi nào thì ông chiếm được thành phố?

                “Bây giờ thì chưa nói được,” vị tướng đáp cứng nhắc, thầm nghĩ, Cái gã Matsuoka này thật là rắc rối làm sao!

Và đúng là như thế khi, trên chiếc hành trình dài băng qua Siberia, ông nói riêng với Đại tá Yatsuji Nagai, được Quân đội cử đi tháp tùng ông để ông không lỡ lời vọt ra những lời hứa hấp tấp về Singapore, “Ngài Nagai, ngài hãy cố khuấy động một chút lộn xộn dọc theo biên giới, còn tôi sẽ cố chốt lại một hiệp ước trung lập Nga – Nhật.”

                Tại Berlin trước tiên ông đến gặp Hitler và thậm chí trong những buổi thảo luận này, như thường lệ, chính Matsuoka là người nói át đi tất cả. Thật ra, Hitler hiếm khi nói và khi ông nói ông luôn luôn mắng nhiếc  Anh Quốc, quát lên, “Nó sẽ bị đè bẹp!”

                Cả Ribbentrop và Hitler, cũng như các viên chức cao cấp của Đức Quốc Xã, ra sức thuyết phục Matsuoka là việc chiếm lấy Singapore là thuận lợi cho Nhật. Ribbentrop lập luận rằng “việc đó ngăn Mỹ tránh xa cuộc chiến một cách chắc chắn nhất,” vì khi đó Roosevelt sẽ không dám liều lĩnh cử hạm đội của mình vào vùng biển của Nhật, trong khi Hitler bảo đảm ông rằng nếu Nhật lâm chiến, Đức sẽ hỗ trợ và “như thế Mỹ sẽ lép vế, chưa kể binh lính Đức hiển nhiên là vượt trội so với binh lính Mỹ.”

                Nhưng Matsuoka luôn tránh né mỗi khi đề cập đến Singapore. Chẳng hạn, lúc Herman Goring, sau khi nhận được bức tranh vẽ Núi Phú sĩ, hứa đùa rằng sẽ đến chiêm ngưỡng ngọn núi tại chỗ khi nào “Nhật chiếm Syngapore,” Matsuoka hất đầu về phía Nagai đang căng thẳng và nói, “ngài phải hỏi ông ta.”

                Matsuoka không chút dè dặt về hiệp ước ông hi vọng ký với Stalin và ngạc nhiên khi nghe Ribbentrop, người đã gợi ý cho ông về hiệp ước bốn bên, nói, “Làm sao ngài có thể ký kết một hiệp ước như thế vào lúc này? Hãy nhớ, Liên bang Xô viết không hề cho không thứ gì.” Nagai coi lời này là một cảnh báo, nhưng nhiệt quyết của Matsuoka không thể bị dập tắt thậm chí khi đại sứ Nhật ở Đức, Tướng Hiroshi Oshima, bảo riêng với  ông là có khả năng khá chắc chắn là Đức và Nga sẽ sớm có chiến tranh.

                Vào ngày 6/4 đoàn người rời Berlin. Tại biên giới với Xô viết họ nghe tin Đức đã xâm lăng Nam Tư. Nagai và các cố vấn khác bối rối – mới hôm qua Nga đã ký hiệp ước trung lập với Yugoslavia – nhưng chính  Matsuoka lại sôi nổi. “Giờ tôi có thỏa thuận với Stalin ở trong túi!” ông bảo thư ký riêng của mình, Toshikazu Kase.

                Ông ta đúng. Một tuần sau khi đến Moscow, ông ký một hiệp ước trung lập trong điện Kremlin. Tại buỗi chiêu đãi long trọng, Stalin qua đỗi vui mừng trước sự xoay chiều của biến cố đến nỗi đich thân ông mang dĩa thức ăn đến các vị khách Nhật Bản, ôm chầm họ, hôn họ, và nhảy quanh như một con gấu đang trình diễn. Hiệp ước là một kỳ công cho tài ngoại giao của ông, một bằng chứng thuyết phục rằng ông có thể làm ngơ trước những tin đồn về một cuộc tấn công của Đức vào Liên xô. Sau hết, nếu Hitler có những tính toán như thế, liệu ông ta có thể cho phép Nhật ký kết thỏa thuận này? “Banzai Đức Hoàng thượng Thiên hoàng!” là lời chúc mừng mở đầu của ông. Ông quả quyết rằng những cam kết ngoại giao không hề bị bẻ gãy cho dù các ý thức hệ khác nhau.

                Đến lượt Matsuoka chúc tụng và rồi ông nói thêm một điều mà không nhà ngoại giao Nhật nào khác dám nói. “Hiệp ước đã ký kết,” ông vuột miệng. “Tôi không nói dối. Nếu tôi nói dối, đầu tôi sẽ là của ngài. Còn nếu ngài nói dối, hãy tin là tôi sẽ đến lấy đầu ngài.”

                “Đầu tôi rất quan trọng đối với xứ sở tôi,” Stalin lạnh lùng bẻ lại. “Cũng như đầu ngài đối với đất nước ngài. Hãy cẩn thận giữ gìn đầu chúng ta còn trên vai chúng ta.” Một phút chốc bối rối thoáng qua càng hóa ra tệ hơn khi Matsuoka, trong một cố gắng chọc cười, kể rằng Nagai và người đồng cấp của ông ta ở Hải quân “thường bàn luận việc làm cách nào để đánh bại ngài không còn manh giáp.”

                Stalin không nói đùa khi đáp rằng trong khi Nhật rất mạnh thì Liên bang Xô viết cũng không như nước Nga thời Nga hoàng thuở 1904. Nhưng một lúc sau đó Stalin lấy lại tính khôi hài của mình. “Ngài là người Á châu” ông nói, “tôi cũng vậy.”

                “Tất cả chúng ta là người Á châu. Hãy uống mừng người  Á châu.”

                Có quá nhiều lời chúc tụng đến nỗi phải đình hoãn chuyến tàu về đông trong một tiếng đồng hồ. Tại sân ga người Nhật lại bị giữ lại để gặp Stalin và Molotov từ một cửa bên của nhà ga bước ra về phía họ để nói lời tạm biệt cuối cùng. Stalin ôm hôn Nagai. “Lý do mà người Anh gặp rắc rối hôm nay,” Stalin rống lên, “là bởi vì họ coi thường binh sĩ.” Stalin rạng rỡ ôm choàng ngài Matsuoka nhỏ thó và vỗ lưng ông vài cái đầy tình cảm. “Ở châu Âu không có gì phải sợ,” ông nói,” khi giờ đây đã có hiêp ước trung lập Nhật-Nga!”

                Matsuoka đáng lẽ phải nhớ đến nhân vật của Corneille [tác giả người Pháp của  vỡ kịch Le Cid nổi tiếng thế kỷ 17] đã nói, “tôi ôm chặt lấy đối thủ của tôi, nhưng chỉ để làm y nghẹt thở.” Thay vào đó, ông vô tình kêu lên, “Không có gì phải sợ trên toàn thế giới!” và như một kẻ chinh phục, bước lên toa tàu. (Stalin đã ôm choàng một đại sứ khác – sứ giả của Hitler, Bá tước Friedrich Werner von der Schulenburg – và bảo ông ta, “Chúng ta phải duy trì tình bạn, và chúng ta phải làm mọi việc cho mục tích đó.”) Khi tàu hỏa mang Matsuoka xuyên qua Siberia, ông bảo Kase ngay trước khi rời Moscow ông đã nói chuyện tự do với người bạn cũ Laurence Steinhardt, đại sứ Mỹ, và họ đã đồng ý nỗ lực phục hồi mối quan hệ giữa hai nước. “Giờ sân khấu đã sẵn sàng,” ông nói. “Sau đó tôi sẽ đi đến Washington.”

3.

                Trên một phía khác của thế giới đại sứ của Matsuoka ở Washington, ngài Kichisaburo Nomura tốt bụng, một mắt, vị đô đốc hồi hưu, đang nỗ lực vá víu lại sự khác biệt giữa Nhật và Mỹ với Ngoại trưởng Cordell Hull. Các buổi nói chuyện của họ đã lấy cảm hứng từ hai giáo sĩ Cơ đốc năng động, Giám mục James E. Walsh, chủ tịch Hội Maryknoll, và phụ tá của ông, Cha James M. Drought. Khoảng 6 tháng trước, mang theo một thư giới thiệu từ Lewis L. Strauss của Kuhn, Loeb & Company, hai giáo sĩ đã đến Tokyo ở đó họ thăm Tadao Ikawa, giám đốc Ngân hàng Nông Lâm Trung ương. Họ thuyết phục ông ta rằng những người thiện chí trong Nhật lẫn Mỹ có thể giúp mang lại sự dàn xếp hòa bình và đưa cho Ikawa một bản ghi nhớ kêu gọi một “Học thuyết Monroe Viễn Đông” của người Nhật và một lập trường chống lại chủ nghĩa Công sản, “vốn không phải là một hình thức chính trị của chính quyền mà là một căn bệnh xã hội tiêu hao đang trở thành một dịch bệnh.” Ikawa rất ấn tượng với bản ghi nhớ và cho thấy là bất kỳ người Nhật biết lý lẽ đều đồng ý với các điều khoản của nó. Trong thời gian phục vụ ở Mỹ như một viên chức của Bộ Tài chính, ông có nhiều bạn bè ở giới ngân hàng New York và cưới một bà vợ Mỹ. Ông cho rằng lời đề nghị có sự chống lưng của Tổng thống Roosevelt, vì Cha Drought đã đề cập là mình đang hành động với sự tán đồng với “một nhân vật chóp bu” trong chính quyền Hoa Kỳ và, nóng lòng vì quá sốt sắng, giới thiệu các giáo sĩ với Thủ tướng Konoye và Matsuoka. Thủ tướng đề nghị Ikawa đánh tiếng với Quân đội qua nhân thân của một đại tá có ảnh hưởng trong Bộ Chiến tranh có tên Hideo Iwakuro. Ông ta là một kết hợp độc đáo của chủ nghĩa lý tưởng và âm mưu và đúng là mẫu người biến các dự án của các giáo sĩ thành hành động: ông ta hồ hỡi tin rằng hòa bình với Mỹ là cứu rỗi của Nhật, và bày mưu tính kế là phong cách sống của ông ta. Đằng sau nụ cười rụt rè là một trong những bộ óc lanh lợi nhất Quân đội. Một chuyên gia về tình báo và gián điệp, ông đã thành lập trường Nakano đầy uy tín đào tạo gián điệp, và cùng lúc gởi ra ngoài những nhóm đặc vụ thuần thục ra khắp châu Á, thấm nhuần những quan điểm lý tưởng của ông về một quần tụ tự do của các quốc gia Á châu. Ông chính là người nghĩ ra cách phá hại nền kinh tế Trung Hoa bằng cách tuồn vào  đất nước này một tỉ rưỡi đô la trị giá bằng đồng yen giả. Ông cũng thàng công trong việc tìm chỗ nương náu ở Mãn Châu cho 5,000 dân Do Thái lang thang đào thoát khỏi Hitler, bằng cách thuyết phục các lãnh đạo của Quân đoàn Quảng đông trên cơ sở là không có người Nhật trung thực nào có thể từ khước: một món nợ phải trả cho người Do Thái; công ty Do thái  Kuhn, Loeb & Company đã giúp tài  trợ cuộc chiến Nga – Nhật.

                Đại tá Iwakuro sắp xếp một cuộc gặp mặt cho hai người Mỹ với Tướng Akira Muto, chỉ huy Văn phòng Sự vụ Quân sự, và ông này cũng rất ấn tượng với lời đề nghị của họ, ông chúc họ thành công. Khoảng năm mới hai giáo sĩ trở về Mỹ, ở đó họ mời Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông Frank C. Walker, một người Thiên chúa nổi tiếng, tham gia. Ông này sắp xếp một buổi yết kiến với Tổng thông Roosevelt. Tổng thống tiếp Giám mục Walsh, đọc bản ghi nhớ của ông  và chuyển cho Hull với ghi chú: “. . . Anh nghĩ chúng ta nên làm gì? FDR.”

                “Nói chung, tôi hoài nghi liệu kế hoạch đó có thực tiễn trong giờ phút này hay không,” Hull trả lời trong một văn thư chủ yếu soạn nháp bởi Tiến sĩ Stanley Hornbeck, cố vấn cao cấp của mình về các vấn đề Viễn Đông, nổi tiếng vì có cảm tình với Trung Quốc và thù ghét Nhật Bản. “Đối với tôi, hình như có ít hoặc không có chắc chắn gì việc chính quyên và nhân dân Nhật sẽ thực lòng chấp nhận một sắp xếp nào như thế vào giờ phút này.”

                Nhưng Tổng thống quá thắc mắc đến nỗi yêu cầu Bộ trưởng Walker giao nhiệm vụ của mình cho một phụ tá và hỗ trợ bất cứ gì có thể cho Giám mục Walsh. Như “một đặc vụ của tổng thống” ông được cấp quyền thành lập trụ sở bí mật trên tầng 18 của Khách sạn Bershire ở thành phố New York, và được cho mật danh, “John Doe.”

                Cuối tháng giêng, Giám mục Walsh điện cho Ikawa: VỚI KẾT QUẢ TỪ CUỘC HỌP VỚI TỔNG THỐNG, HI VỌNG ĐẠT TIẾN BỘ. HÃY ĐỢI TIẾN TRIỂN. Ikawa tự hỏi có nên đi Washington hay không để giúp đỡ các giáo sĩ và Đại sứ Nomura, người đang chuẩn bị đến Mỹ, để tìm một công thức hợp tác. Đô đốc là một con người thẳng thắn, trung thực, có nhiều bạn bè là người Mỹ, kể cả Tổng thống Roosevelt, nhưng khổ thay không có kinh nghiệm đối ngoại và ít năng lực ngoại giao.

                Ikawa đến Đại tá để xin cố vấn. Đại tá khuyến khích ông đi và, hơn nữa, xoay sở một sổ thông hành thương mại cho ông, cũng như xin trợ cấp tiền bạc cho chuyến đi từ hai nhà kỹ nghệ mong muốn đóng góp chút công lao cho hòa bình. Ikawa sẽ phụ giúp Nomura viện cớ thương thảo với các doanh nhân Mỹ. Khi tin về chuyến đi lộ ra, Matsuoka (ngay trước chuyến đi đến châu Âu của mình) kết án Quân đội  “đã đánh cược với những thương thảo với Mỹ” và “đặt tiền cược”. Bộ trưởng Chiến tranh Tojo không biết gì về cuộc sắp xếp và cho mời Iwakuro đến văn phòng mình. Iwakuro nói năng quá thuyết phục đến nỗi Tojo hoàn toàn tin tưởng, thông báo cho Ngoại trường rằng Quân đội không hay biết gì cả về sứ mạng của Ikawa.

                Đó là một trò chơi nguy hiểm nhưng Iwakura cảm thấy rằng vì mối quan hệ thân tình với Mỹ cũng đáng phải làm như vậy, và chơi trò nguy hiểm là sở thích của ông. Ông nghĩ rằng việc này sẽ kết thúc vai trò của ông trong vấn đề nhưng thật ra nó chỉ mới bắt đầu, vì Tojo quá ấn tưởng với việc nắm vững tình hình của Iwakuro đến nỗi ông được ra lệnh đi đến Mỹ để giúp Nomura trong sứ mạng của mình.

                Để chuẩn bị cho nhiệm vụ, Iwakuro tham vấn phe chủ chiến cũng như chủ hòa. Một tối trong một tiệc rượu ở Ginza, Nissho Inoue, thủ lĩnh Huyết Huynh Đệ, xúi giục ông làm gián điệp: “Chúng ta chuẩn bị đánh Anh và Mỹ, vì chúng phong tỏa chúng ta, và bổn phận của ông ở Mỹ là tìm hiểu xem chúng ta khi nào thì nên khởi chiến.” Nhưng những lời kêu gọi gươm giáo này không nhiều bằng những lời thúc giục ông cố sắp xếp một giải pháp danh dự.

                Với một không khí toát ra vẻ  âm mưu, ông đến Thành phố New York vào 30/3 và chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc của Mỹ về vấn đề chiến tranh và hòa bình. Phe can thiệp, tin rằng tương lai và an toàn tối hậu của đất nước mình phụ thuộc vào việc hỗ trợ các nước dân chủ đập tan các quốc gia gây hấn, đã vừa đẩy qua Quốc hội Dự luật Lend-Lease cho phép Mỹ hỗ trợ không giới hạn, “chỉ thiếu có chiến tranh,” cho các kẻ thù của phe Trục. Mỹ phải là kho vũ khí của nền Dân chủ. Ủng hộ biện pháp này, và ngay cả chiến tranh, là những nhóm như “Bundles for Britain,” cũng như những nhóm thiểu số có người thân ở châu Âu bị sát hại dưới bàn tay Hitler và Mussolini. Các đối thủ phản chiến của họ gồm: nhóm “American Firsters” thuộc cánh hữu của Charles Lindbergh, Thượng nghị sĩ Borah và Hội Ái hữu Đức- Mỹ; “Ban Vận động Hòa bình Mỹ” của các đảng Cộng sản và Lao động; và vùng Trung Tây theo chủ nghĩa cô lập truyền thống, mặc dù có cảm tình với Anh và Trung Hoa, không muốn dự phần vào cuộc chém giết.

                Iwakuro được chở từ phi trường đến Thánh đường Thánh Patrick để hội đàm với Giám mục Walsh và Cha Drought. “Vì Hiệp ước Ba Bên, Nhật Bản không thể làm gì để phản bội người đồng ký” ông nói. “Đệ tử thứ 13, Judas, phản bội Christ khiến mọi tín đồ Cơ đốc đều khinh bỉ y. Chúng tôi người Nhật cũng vậy. Vì thế nếu các ông cứ khăng khăng chúng tôi phải rút lại hiệp ước, thế thì không có hi vọng tiếp tục đàm phán.” Các giáo sĩ bảo họ hiểu điều ấy, và Iwakuro đi đến Washington. Ông mướn một phòng ở Khách sạn Wardman Park, tại đó Cordell Hull cũng vừa thuê một căn hộ. Sáng hôm sau ông thông báo cho Đô đốc Nomura và thấy ông này niềm nỡ và hồ hỡi sử dụng kênh không chính thức mà hai giáo sĩ và Ikawa mở ra. Tuy nhiên, phần đông các nhà ngoại giao chuyên môn ở sứ quán đều bất mãn với việc tiếp cận này và đối xử với Ikawa với vẻ miệt thị công khai. Đối với họ, người mới đến thậm chí còn hơn một “điều bí ẩn.” Iwakuro trông thẳng thắn một cách thú vị nhưng họ cảm thấy đó chỉ là lớp ngụy trang của những toan tính hiếu chiến của Quân đội và trở nên cảnh giác.

                Vào ngày 2/4 Cha Drought bắt đầu giúp đỡ hai nhà ngoại giao Nhật Bản không chính thức thảo ra Dự thảo Điều ước giữa Nhật và Hoa Kỳ. Sau ba ngày văn bản hoàn thành. Đó là một thỏa thuận mở rộng, giọng điệu hòa giải, đụng đến nhiều vấn đề từ Hiệp ước Ba Bên đến hoạt động kinh tế ở tây nam Thái bình dương. Những điểm ý nghĩa của nó liên quan đến Trung Quốc, theo đó Nhật hứa rút quân và từ bỏ mọi tuyên bố về lãnh thổ Trung Hoa, miễn là Trung Quốc chịu công nhận Mãn Châu và xáp nhập chính quyền của Tưởng với chính quyền cạnh tranh ở Nam Kinh với vị thủ tướng trước đây của Cộng hòa Trung Hoa, Uông  Tinh Vệ.*

  • Vài tháng trước, vào ngày 30/11/1940, Nhật đã ký một hiệp ước với chính quyền Uông. Con trai của một học giả, Uông đã theo học khoa chính trị học ở Tokyo và trở thành đệ tử ruột của Tôn Dật Tiên. Chính ông là người túc trực bên giường bệnh của Tôn và ghi lại lời trăn trối cuối cùng của Tôn. Ông hai lần làm thủ tướng của Cộng hòa Trung Hoa trước khi trở thành Phó Chủ tịch Quốc dân đảng. Ngay từ đầu ông là đối thủ của Tưởng Giới Thạch , và mối liên lạc giữa họ trở nên căng thẳng đến nỗi tại một bữa ăn trưa riêng tư vào cuối năm 1938 ông đã đề nghị là hai người nên từ nghiệm và “chuộc lại những lỗi lầm mà họ phạm phải chống lại Trung Hoa.” Điều này làm Tưởng nổi giận và một ít ngày sau đó Uông thấy cách tốt nhất là chuồn bằng máy bay đến Hà Nội. Vào ngày 30/3/1940, ông thiết lập chính quyền của mình ở Nam Kinh, dù ông nhận được ít ủng hộ và không có nhiều tiền.

        Ông chủ yếu chỉ ao ước hòa bình với Nhật vì lợi ích của nhân dân Trung Hoa và nếu thành công ông sẽ trở thành người hùng của đất nước. Nhưng hiệp ước, theo đó, bằng cách công nhận chính quyền của Uông, Nhật Bản có căn cứ pháp lý để chiến đấu ở Trung Quốc, hóa ra tồi tệ cho Uông lẫn người Nhật. Nó làm tiêu tan mọi hi vọng của Nhật muốn làm hòa với Tưởng Giới Thạch và biến chính quyền Nam Kinh thành bù nhìn của Nhật. Kết quả là sau đó Uông trở thành một biểu tượng của sự phản quốc ở Trung Hoa.   

                Drought gởi một bản sao đến Bộ Trưởng Bưu chính Viễn thông Walker mà ông gọi nó là một “cách mạng trong ‘ý thức hệ’ và chính sách của Nhật Bản, cũng như một bằng chứng thắng lợi hoàn toàn của nền ngoại giao Mỹ,” rồi chuyển đến Tổng thống Roosevelt, nhắc nhở ông ký ngay lập tức trước khi “các lãnh đạo Nhật (bị) ám sát. Tại sứ quán Nhật Nomura, Kaname Wakasugi, tùy viên quân sự và hải quân và một nhân viên từ Bộ phận Hiệp ước, sau khi điều chỉnh vài thay đổi trong cách hành văn, đều nhất trí tán thành nó.

                Dự thảo Điều ước được khảo sát cẩn thận tại Bộ Ngoại giao bởi các chuyên gia Viễn Đông. Họ kết luận rằng “hầu hết các điều khoản là tất cả những gì bọn đế quốc Nhật có thể mong muốn.” Hull đồng ý nhưng cảm thấy rằng “tuy một vài điểm có tính khách quan, một số điều khoản khác có thể chấp nhận được và một số khác cần được điều chỉnh.” Vào ngày 16/4 Ikawa bảo Nomura rằng mình đã sắp xếp một cuộc họp riêng với Hull tại Khách sạn Wardman Park tối hôm đó. Nomura phải đi đến căn hộ của Hull theo lối hành lang sau và gõ cửa vào lúc 8 giờ tối. Nomura nghe lời làm theo, trong bụng ngỡ là một trò trêu chọc. Ông bất ngờ khi Hull ra mở cửa. Gương mặt ông ta buồn bã, ra chìu suy tư và ông nói chậm chạp, từ tốn không phấn khích như thói quen.

                Nomura tuyên bố là mình biết tất cả về một Dự thảo Điều ước nào đó, và mặc dù chưa chuyển về Tokyo, nghĩ rằng chính phủ của mình “sẽ sẵn sàng tán đồng nó một cách thuận lợi.” Hull lên tiếng phản kháng một số điểm trong dự thảo nhưng nói rằng một khi đã được duyệt, Nomura có thể gởi về cho Tokyo để đảm bảo chính quyền đế chế xem nó như một “cơ sở để thương thuyết.” Ngài Nomura non nớt suy diễn ra là Hoa Kỳ sẽ chấp nhận Dự thảo Điều ước.

                Nhưng ngài đô đốc sai lầm một cách nghiêm trọng. Hull đã vô tình đánh lạc hướng Nomura, vì ông không coi các đề nghị là một cơ sở vững chắc để thương thảo. Có thể sự hiểu lầm là kết quả của việc Nomura yếu kém về tiếng Anh. Hoặc có thể do Nomura quá nôn nóng giải quyết nên đã ảnh hưởng đến việc giải đoán lối dùng chữ mơ hồ của Hull. Dù sao đi nữa, chủ yếu là lỗi của Hull. Lẽ ra ông phải biết rằng mình đã vô tình động viên Nomura theo một cách nào đó trong khi ông không có ý định đó. Ông đã phạm một sai lầm chiến thuật.

                Hai nhà ngoại giao gặp nhau lần nữa hai ngày sau đó tại căn hộ của Hull. “Câu hỏi sơ khởi quan yếu mà chính phủ tôi quan tâm ,” Hull nói với kiểu chậm rãi, vòng vo, “là một bảo đảm xác định trước hết là chính quyền Nhật Bản có mong muốn và có khả năng tiến tới với một kế hoạch . . . trong liên quan đến những vấn đề cần phải  giải quyết; từ bỏ học thuyết hiện nay về việc tấn công quân sự bằng vũ lực và . . . chấp nhận các nguyên tắc mà chính phủ này đã tuyên cáo và thực thi tạo thành nền tảng của mọi quan hệ giữa các quốc gia.” Ông chìa ra một tờ giấy liệt kê bốn nguyên tắc sau đây:

  1. Tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mỗi và mọi quốc gia.
  2. Ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác.
  3. Ủng hộ nguyên tắc bình đẳng, bao gồm bình đẳng về cơ hội thương mại.
  4. Không gây rối hiện trạng trong Thái bình dương trừ khi hiện trạng có thể được thay đổi bằng những biện pháp hòa bình.

                Tự hỏi không biết sự lạc quan trước đây của mình có cơ sở không, Nomura hỏi liệu Hull có tán thành ở một mức độ khá rộng các đề nghị chứa trong Dự thảo Điều ước hay không. Một số sẵn sàng được tán thành, Hull trả lời, trong khi số khác phải điều chỉnh hoặc bị loại bỏ. “. . . Nhưng nếu chúnh phủ của bạn có thực lòng muốn thay đổi chiều hướng của nó,” ông tiếp tục, “tôi không thấy có lý do gì mà không tìm ra cách thức đạt được cách giải quyết thỏa đáng cho cả đôi bên về mọi vấn đề và nghi vấn thiết yếu được trình bày.” Những lời này trấn an Nomura, khiến ông tiếp tục lạc quan cho dù Hull chỉ ra rằng “thực sự mà nói họ vẫn chưa đến tình trạng sẵn sàng thương thuyết,” và họ “chỉ đang mày mò một cách không chính thức và thuần túy sơ khởi một hành động nào có thể dọn đường cho những thỏa thuận sau này.”

                Nomura chuyển những khuyến nghị và phản kháng của Hull cho các nhà ngoại giao không chính thức và hầu hết các bình luận của ông đều được tích hợp vào Dự thảo Điều ước được duyệt lại. Văn bản được mã hóa và điện về Tokyo cùng với những lời yêu cầu của Nomura về một đáp ứng thuận lợi. Ông nói thêm là Hull “nói chung không chống đối” đối với Dự thảo Điều ước (mà Hull đã nói, với quá nhiều lời) và muốn sử dụng nó làm cơ sở đàm phán (mà ông ta không có ý định tiến hành).

                Giờ đến lượt Nomura phạm phải một sai sót ngoại giao – cũng nghiêm trọng như của Hull. Ông quên chuyển về Tokyo bốn nguyên tắc của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chắc chắn thông tin này sẽ làm nguội bớt nhiệt tình của Thủ tướng Konoye đối với Dự thảo Điều ước. Và thế là, Thủ tướng quá phấn khích vì diễn biến quá mau lẹ và thuận lợi đến nỗi ông tức khắc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp chính phủ và các lãnh đạo quân sự. Họ cũng hồ hỡi không kém, kể cả giới quân sự, và đồng ý là đề nghị của Mỹ – mà họ nghĩ là nội dung của Dự thảo – nên được chấp nhận ngay trên nguyên tắc. *

  • Tổng Tham mưu Quân đội đã nhận được một báo cáo lạc quan từ tùy viên quân sự ở Washington: MỐI QUAN HỆ NGOẠI GIAO ĐƯỢC CẢI THIỆN GIỮA MỸ VÀ NHẬT CÓ THỂ ĐƯỢC THIẾT LẬP. XIN NỖ LỰC GỞI NHỮNG CHỈ THỊ NGAY LẬP TỨC.

Một trong những cố vấn đáng tin cậy nhất của Bộ trưởng Chiến tranh Tojo, Đại tá Kenryo Sato, kinh ngạc khi thấy Mỹ chịu nhượng bộ như thế. Việc đó “quá tuyệt để có thể là sự thực ,” ông ta cảm thấy như thế, và chuyển những nghi ngờ của mình đến Tojo. Nhưng Bộ Chiến tranh muốn hoàn tất mọi thứ để giải quyết cuộc chiến ở Trung Quốc trong danh dự và hòa thuận với Nội các.      

                Tùy viên của Matsuoka phản kháng, yêu cầu họ ráng đợi thêm vài ngày cho đến khi Ngoại trưởng trở về từ Moscow. Konoye không muốn đụng chạm với ngài Matsuoka rắc rối  nên đồng ý chờ. Vào ngày 21/4 ông biết tin Matsuoka cuối cùng  đã về đến Dairen, không xa trận địa cuộc chiến Nhật-Nga, bèn điện thoại cho ông ta  giục ông về nhà ngay để bàn bạc về một đề nghị quan trọng của Washington. Masuoka tưởng rằng đây là kết quả buổi nói chuyện của mình ở Moscow với Đại sứ Mỹ Laurence Steinhardt, bèn bảo cho thư ký của mình với giọng đắc thắng là mình sẽ sớm đến Mỹ để hoàn tất kế hoạch hòa bình thế giới của mình.

                Chiều hôm sau máy bay chở Matsuoka đáp xuống sân bay Tachikawa và ông bước ra ngoài, ấm lòng trước tiếng hoan hô của đám đông đang chào đón. Thủ tướng cũng ra đón, cho dù ông đang đau kinh khủng vì bênh trỉ đến nỗi phải ngồi xuống trên một ống hơi. Ông mời Matsuoka đến nơi cư ngụ chính thức  của Thủ tướng, tại đó các bộ trưởng khác  đang đợi; dự tính trên đường đi sẽ tóm tắt cho ngoại trưởng những thỏa thuận với Mỹ. Nhưng Matsuoka tỏ ý muốn đến Hoàng cung để yết kiến Nhật hoàng trước tiên cho phải đạo. Đối với Konoye điều đó có vẻ khách sáo và tầm phào khi phải cúi đầu thật thấp cho báo chí chụp ảnh, còn ông không thể đứng thẳng bên cạnh trong khi Matsuoka hành lễ, không khéo người ta cho rằng ông vô lễ với Hoàng thượng.

                Vì Matsuoka khăng khăng theo ý của mình còn Konoye thì quá hãnh tiến để đi cùng, nên hai người rời sân bay trên hai ô tô riêng biệt. Trên đường đến Hoàng cung, Matsuoka biết tin từ Thứ trưởng của mình là các đề nghị về một giải pháp hòa bình không phải là do ông mà là sản phẩm của hai nhà ngoại giao nghiệp dư. Ông tức tối vì bị qua mặt và đêm đó đã trễ cho cuộc họp tại nơi cư ngụ của Thủ tướng như đã dự định. Ông tránh mặt không chỉ Konoye mà còn chủ đề của cuộc họp nữa, lại nói huyên thuyên về Hitler tiên sinh và Stalin tiên sinh như thể họ là nhũng người thân gần gũi nhất. Thoạt đầu giận dỗi, ông dần dần hứng chí và cởi mở khi ông ba hoa về cách thức ông đã bảo Steinhardt rằng Roosevelt “đúng là con bạc” và rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hỗ trợ Biến cố Trung Hoa và cuộc chiến đang tiếp diễn. “Tôi bảo ông ta là ngài Tổng thống Hoa Kỳ yêu chuộng hòa bình nên hợp tác với Nhật cũng yêu hòa bình và rằng ông ấy thúc giục Tưởng làm hòa với chúng ta.” Ông cũng kể rằng Ribbentrop đã bảo với ông là Đức đã ký hiệp ước với Nga chỉ vì “những tình huống không tránh được” và rằng nếu xảy ra chiến tranh, Đức chắc chắn có thể sẽ đánh bại Stalin trong ba hay bốn tháng.

                Nhưng việc họp hành không thể tránh được mãi mãi. Khi Dự thảo Điều ước cuối cùng được bàn đến, Matsuoka bùng nổ, “Tôi không thể đồng ý với chuyện này, dù các ông Lục quân và Hải quân có nói gì đi nữa! Trước hết, hiệp ước của chúng ta với người Đức và Ý sẽ tính thế nào? Trong cuộc chiến vừa qua Hoa Kỳ lợi dụng Nhật Bản qua thỏa hiệp Ishii-Lansing,* và khi chiến tranh kết thúc, Hoa Kỳ bẻ gãy nó. Đây là trò cũ rích của họ.” Thình lình ông thông báo rằng mình thấy rất mệt và cần “nghỉ ngơi một tháng” để suy nghĩ vấn đề kỹ càng hơn, rồi đi về nhà.

  • Vào năm 1917, Hoa Kỳ đồng ý với yêu cầu của Nhật là “mối quan tâm đặc biệt” của họ ở Trung Hoa phải được nhìn nhận, nhưng rồi kết lại một thỏa thuận mơ hồ sau Đình chiến.

                Kiểu xấc xược của ông không phải là thứ mang đến sự an tâm, và cuộc họp tiếp tục đến tận khuya, cả Tojo và Tướng Muto đều đề nghị là Dự thảo Điều ước nên được tán thành ngay không chậm trễ. Ngày hôm sau Konoye triệu tập Ngoại trưởng của mình. Matsuoka đã bình tĩnh trở lại, nhưng tất cả điều ông muốn nói là, “Tôi ước gì ngài cho tôi thêm thời gian để quên mọi thứ về chuyến đi châu Âu của tôi; rồi tôi sẽ xem xét tình trạng hiện thời.”

                Một tuần trôi qua mà không có hành động gì của Matsuoka, và áp lực bắt đầu gia tăng trong Lục quân và Hải quân về việc cách chức ông. Chẳng nhẽ ông ta thấy mình bị xúc phạm khi thỏa thuận đã khởi sự mà không có mặt ông thành ra ông mới cố tình phá hoại nó hoặc ông chỉ thận trọng quá mức sợ rằng một tính toán thiếu chuyên nghiệp có thể đưa đến thảm họa, việc này thật khó xác định.

                Lý do mà Matsuoka đưa ra là Dự thảo Điều ước chỉ là một mưu kế của Quân đội, và Đại tá Iwakuro đang biến ông thành một kẻ bị lợi dụng. Vì thế ông không làm gì, mặc cho Lục quân đội và Hải quân bốc hỏa và các nhà đàm phán ở Washington thắc mắc không biết có trục trặc gì xảy ra. Khó khăn nhất là về phần ngài  Iwakuro hăng máu. Cuối cùng vào ngày 29/4, sinh nhật của Thiên hoàng, ông không thể chịu đựng thêm được nữa và đề nghị gọi điện cho Masuoka. Ông quyết định mình và Ikawa sẽ gọi từ trụ sở mật của Walker ở New York. Đến tối họ vào Phòng  1812 tại Khách sạn Berkshire, và bắt đầu nâng ly chúc tụng Thiên hoàng bằng rượu vang đỏ.  Đại tá có tửu lượng kém  nên chỉ sau hai ly đầu ông đã lâng lâng. Lúc 8 giờ (tức 10 giờ sáng hôm sau ở Nhật) ông quay số nhà của Matsuoka ở Sendagaya.

                “Chúc mừng chuyến đi của ngài đến châu Âu,” Iwakuro bắt đầu. “Về con cá tôi đã gởi cho ngài hôm đó, ngài thấy thế nào? Nhớ nấu nó càng sớm càng tốt. Nếu không nó sẽ không được ngon. Nomura và tất cả người khác cũng mong hồi âm của ngài sớm.”

                “Tôi biết, tôi biết,” Matsuoka trả lại cộc lốc. “Bảo ông ta đừng quá tích cực như thế.”

                Iwakuro ước gì mình có thể tát tay Matsuoka vì câu trả lời thô lỗ như thế. “Làm ơn tìm hiểu xem người khác nghĩ gì về nó. Nếu ngài để cá quá lâu không nấu, chắc chắn nó sẽ ôi. Xin hãy cẩn thận. Bằng không người ta sẽ đổ hết trách nhiệm cho ngài.”

                “Tôi biết.” Là câu trả lời cụt ngũn. Iwakuro gác máy, lẩm bẩm gì đó không rõ, và trước sự thất kinh của Ikawa, đột ngột bất tĩnh.

                Ngày hôm sau hai người đến thăm cựu Tổng thống Herbert Hoover và được tiếp đón niềm nỡ. Nhưng ông ta nhận xét rằng vì người Cộng hòa không nắm quyền nên không thể giúp gì nhiều trong việc thương thuyết. “Nếu chiến tranh xảy ra, văn minh sẽ lùi về 500 năm trước,” ông nói và rầu rĩ thêm, “Cuộc đàm phán cần phải hoàn thành trước mùa hè nếu không sẽ thất bại.”

                Ở Tokyo Matsuoka vẫn trì hoãn trả lời cho Hull. Ông đã báo cho Hitler về bản Dự thảo Điều ước và đang đợi ông bình luận.* Đối với ai thúc ép ông hành động, ông lập lại là trước khi chấp thuận bản Dự thảo, Nhật phải yêu cầu Mỹ ký một hiệp ước trung lập vẫn có hiệu lực cho dù Nhật và Anh đánh nhau. Nomura được yêu cầu thăm dò Hull về một hiệp ước như thế . Tất nhiên Hull bác bỏ một hiệp ước như thế. Điều này khiến Matsuoka nổi giận không ngớt; ông tâu với Thiên hoàng vào ngày 8/5 là nếu Mỹ tham chiến ở châu Âu, Nhật nên ủng hộ các đồng minh phe Trục và tấn công Singapore. Ông dự đoán rằng khi đó các cuộc thảo luận ở Washington sẽ đổ vỡ, còn nếu chúng thành tựu, điều đó có nghĩa Mỹ đã được xoa dịu với giá của Đức và Ý. “Nếu việc đó xảy ra, tôi sợ là mình không thể ở lại Nội các.”

  • Matsuoka cũng đã hứa với Đại sứ Đức, Tướng Eugene Ott, người cũng thổ lộ nỗi lo sợ là các thỏa thuận ở Washington sẽ phủ định Hiệp ước Ba Bên, rằng nếu Hoa Kỳ lâm chiến, nhất định Nhật cũng sẽ nhảy vào vòng chiến. Dù vậy, Hitlet cũng tỏ ra nghi ngờ Matsuoka, và bảo với Mussolini là Masuoka là một tín đồ Thiên chúa nhưng cũng thờ cúng các thánh thần ngoại giáo và “người ta phải kết luận rằng ông ta đang kết hợp thói giả đạo đức của Kinh thánh Mỹ với tính láu cá của người Nhật Á châu.”

                Khi Hoàng thân Konoye nghe được chuyện này – từ chính miệng Thiên hoàng cho biết với “nét kinh ngạc và mối quan ngại nghiêm trọng” của ngài – ông bí mật gặp Bộ trưởng Chiến tranh Tojo và Đô đốc Koshiro Oikawa, và đồng ý cưỡng bách Ngoại trưởng cứng đầu phải hành động. Một thư phúc đáp chấp nhận những điều khoản chủ yếu của bản Dự thảo được thảo ra, và Matsuoka được chỉ thị gởi đi ngay lập tức không đình hoãn.

                Vào ngày 12/5 Nomura mang văn thư này đến căn hộ của Hull. Hull đọc nó với vẻ bất mãn. “Nó đưa ra ít cơ sở để có thể thỏa thuận, trừ khi chúng tôi muốn hi sinh một vài nguyên tắc cơ bản nhất của chúng tôi, nhưng chúng tôi không muốn. Nhưng vì đây là đề nghị chính thức của Nhật Bản nên ông quyết định “tiến tới trên cơ sở của các đề nghị của Nhật và tìm cách thảo luận với họ nhằm điều chỉnh chỗ này, loại bỏ chỗ kia, và chèn thêm vào chỗ khác, cho đến khi đạt được một sự đồng thuận mà cả hai chúng tôi đều có thể ký được với thiện chí hai bên.”

                Vấn đề – vốn đã rắc rối về khó khăn ngôn ngữ, sự cố chấp, tính cứng nhắc và sự lầm lẫn – giờ càng trầm trọng thêm bởi sự can thiệp của Mỹ vào các tin điện của Nhật. Mật mã ngoại giao được tin là không thể giải được nhưng các chuyên gia Mỹ đã bẻ khóa được chúng. Và các thông điệp do chính phủ Nhật gởi đến các nhân viên ngoai giao nước ngoài đang bị chặn lại và giải mã dưới vỏ bọc có tên Chiến dịch MAGIC [Ma Thuật]. Kết quả là Hull luôn biết trước được những gì trong đầu Nomura trước khi ông ta đến dự họp.* Nhưng vì nhiều tin tức được giải mã không được xem là đáng cho Hull bận tâm – một sĩ quan hải quân được giao nhiệm vụ chọn ra thông điệp nào cần chuyển lên trên – và vì các thông điệp được dịch bởi người không am tường loại ngôn ngữ khó chịu và phong cách viết trong giới ngọai giao Nhật Bản, Hull đôi khi hiểu sai lệch.

  • Khoảng hai tuần trước Đại sứ Hiroshi Oshima đã điện từ Berlin là ông ta đã được Tiến sĩ Heinrich Stahmer, một viên chức thuộc Bộ Ngoại giao đảm trách các vấn đề Nhật-Đức, cho biết tình báo Đức khác chắc chắn là các mật điện của của Nomura đã bị chính phủ Mỹ đọc được. “Có ít nhất hai trường hợp củng cố mối nghi ngờ này,” Oshima nói. “Một là người Đức cũng đọc được mật điện của chúng ta. Và hai là người Mỹ trước đây đã từng thành công trong việc phá hỏng các mật mã của chúng ta, vào năm 1922, trong kỳ Hội thảo Washington.” Nhưng Kazuji Kameyama, trưởng Phòng Điện Báo, bảo đảm với Matsuoka là mật mã ngoại giao là điều con người không thể bẻ khóa được, và do đó các thông tin bí mật mà Mỹ lấy được chắc chắn qua các lỗ hỏng an ninh.   

                Vị ngoại trưởng quê Tennessee này, hơn nữa, lúc nào cũng bực mình vì những nụ cười thường trực, “đóng băng” của người Nhật, và thường chế giễu lối chào cúi đầu thật sâu và “tiếng rít” của họ.* Vì lẽ đó mà cố vấn trưởng của ông, Tiến sĩ Hornbeck, không mấy khó khăn khi thuyết phục xếp của mình là người Nhật không đáng tin cậy và bất kỳ thỏa hiệp nào với Nhật sẽ đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ của Mỹ.

** Rắn và mèo rít lên bằng cách phun ra hơi thở, còn người Nhật thì làm ngược lại. Họ hít vào khi suy nghĩ căng thẳng, nghi ngờ hoặc bối rối.

                Hornbeck, một người có chuẩn mực đạo đức cao như cấp trên của mình, đã được nuôi dưỡng ở Trung Hoa, nên dĩ nhiên không ưa người Nhật và nhìn sự bành trướng của họ theo một quan điểm thuần túy luân lý. Bạn đồng liêu của Hornbeck ở Bộ Ngoại giao, J. Pierrepont Moffat, cho rằng ông coi “Nhật như mặt trời, còn các vệ tinh của nó là Đức và Ý quay chung quanh.” Một người ủng hộ chiến tranh kinh tế từ mùa thu 1938, ông đại diện cho “một kế hoạch chiến tranh ngoại giao”. Bướng bỉnh và nhạy cảm, ông tin rằng Nhật Bản là một cường quốc ăn cướp điều hành bởi các tên quân phiệt ngạo mạn được thế giới nhu nhược khuyến khích nên đi từ cuộc xâm chiếm này đến xâm chiếm khác. Ông luôn cảm thấy rằng chỉ có thể phong tỏa chúng bằng một loạt vụ trả đũa, và nếu cần, bằng những vụ cấm vận kinh tế. Chương trình này nên đưa vào thực hiện cho dù có thể gây ra chiến tranh; cúi đầu trước yêu sách của bọn quân phiệt cuối cùng cũng đưa đến chiến tranh mà thôi. Như nhiều trí thức – và ông là một trong những người xuất sắc nhất trong lãnh vực đối ngoại – ông có tính cố chấp. Ông cũng độc đoán và có thể dễ dàng đàn áp các phụ tá khách quan hơn, như ngài Joseph W. Ballantine, chuyên gia hàng đầu về Nhật Bản ở Bộ Ngoai giao.

                Trong những ngày căng thẳng này Hull và Nomura thường gặp nhau ở Khách sạn Wardman Park trong một nỗ lực dàn xếp những khác biệt, nhưng không mấy tiến triển. Một phần những rắc rối đến từ Tokyo, tại đó Matsuoka phát đi những tuyên bố khiêu khích ở chỗ riêng tư lẫn chốn công khai. Vào ngày 14/5 ông bảo với Đại sứ Grew rằng Hitler đã cho thấy “mình kiên nhẫn và quảng đại phi thường khi không tuyên chiến với Mỹ, và việc Mỹ tấn công tàu ngầm Đức không nghi ngờ gì nữa sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Nhật và Mỹ. Điều “có nam tính, tử tế và hợp ký” mà người Mỹ phải làm, ông nói, là “tuyên chiến công khai với Đức thay vì tiến hành những hoạt động chiến trang dưới lớp vỏ trung lập.” Grew với tất cả tình cảm của mình cũng không thể chịu đựng được lời sỉ nhục như thế, và ông phản bác những xác quyết của Matsuoka từng điểm một. Matsuoka nhận ra mình đã đi quá xa và sau buổi họp viết một bức thư hòa giải:

. . . .Tôi tự hỏi, thẳng thắn mà nói, tại sao ngài có vẻ bực dọc khi tôi đề cập đến thái độ và hành động của Mỹ. Sau khi Hoàng thượng ra về, tôi thình lình nhận ra là mình đã đánh vần sai một từ. . . Tất nhiên, tôi không có ý nói “indecent” (không tử tế) . . . Tôi muốn nói “indiscretion” (thiếu thận trọng.)

                Tôi viết những lời trên để loại bỏ những hiểu lầm; tôi xin lỗi nếu đã gây ra hiểu lầm.

                Ba ngày sau Matsuoka lại viết cho Grew. Trong một lá thư dài rời rạc đánh dấu “Hoàn toàn riêng tư” ông nói rằng là một ngoại trưởng ông biết thế nào là đúng đắn nhưng thường quên mình là bộ trưởng. Hơn nữa, ông ghét cái gọi là thái độ đúng đắn của nhiều nhà ngoại giao vì “khó đưa ta đi đến đâu” rồi nhìn nhận là mình suy nghĩ theo hạn mức một, hai và thậm chí ba ngàn năm, và nếu điều đó nghe có vẻ điên khùng thì ông cũng không thể làm gì được vì ông sinh ra đã như vậy.

                Thật ra, đó không chỉ là điều lầm tưởng mà có phần sự thật. Tại một buổi họp gần đây Bộ trưởng Hải quân Oikawa đã nhận xét, “Ngoại trưởng không bình thường, có phải vậy không? Và Tổng thống Roosevelt, sau khi đọc bản dịch MAGIC nhữmg chỉ thị mà Matsuoka gởi cho Nomura, nghĩ rằng chúng là “sản phẩm của một đầu óc rối loạn và không thể suy nghĩ tỉnh táo và hợp lý.”

                Tuy nhiên, Hoàng thân Konoye tin rằng những phát biểu khiêu khích, bốc hỏa và đôi khi loạn xạ của Matsuoka có mục đích gây sợ sệt cho đối thủ; có lẽ đó là lý do tại sao ông cứ hay nhắm những bình luận châm chích vào Mỹ. Nhưng nếu điều này đã khởi đầu như một chiến thuật và ông thật sự muốn hòa bình, thì nó kết thúc trong thảm họa. Vì sự trì hoãn và lời thóa mạ của ông, những cuộc nói chuyện ở Washington đã đến gần chỗ bế tắc. Matsuoka biết điều này đang xảy ra, nhưng vẫn tiếp tục thóa mạ và trì hoãn và nhìn vào Hitler để xin cố vấn. Ông đã phá hỏng một cách có toan tính tiến trình thỏa thuận chắc hẳn là do quyết đoán ngã mạn là mình và chỉ có mình là người biết rõ người Mỹ thực sự và có thể giải quyết việc đàm phán.

                Ông vẫn tỏ ra hiếu chiến trong khi Nomura và Iwakuro bàn chuyện hòa bình, và Hull, có thể hiểu được, kết luận là mình đang bị dẫn lạc hướng. Ngày 21/6 Ngoại trưởng cuối cùng trả lời về những đề nghị của Nhật Bản: Nhật phải từ bỏ Hiệp ước Ba Bên và ông ta bác bỏ kế hoạch của Nhật về việc giữ lại binh lính trong một số khu vực ở Bắc Trung Quốc để giúp Trung Quốc đánh người Cộng sản.

                Konoye và nội các của ông thối chí. Nó thậm chí là một yêu cầu không thể chấp nhận được như Dự thảo Điều ước. Tại sao người Mỹ đã quay đi khỏi đề nghị “nguyên gốc” của họ? Konoye thắc mắc, vốn không biết là chưa bao giờ Hull coi bản Dự thảo là cơ sở để thương thảo.

                Điều làm Matsuoka nổi khùng là một Phát biểu Miệng đi kèm với thư phúc  đáp của Hull cho rằng các phát biểu công khai gần đây của một vài viên chức Nhật  – và rõ ràng là ông ám chỉ Matsuoka – hình như là một trở ngại không thể vượt qua được để đến bàn thương thuyết. Ngoại trưởng coi điều này như một sỉ nhục cá nhân và gây ra sự đổ vỡ các cuộc bàn bạc ở Wasington.

                Mối quan ngại này ngày hôm sau, chủ nhật 22/6, đã bị xếp xó khi có tin Hitler tấn công Liên Xô. Nhật Bản bất ngờ, dù Đại sứ Oshima, sau những lần trao đổi với Hitler và Ribbentrop, đã điện về Tokyo 16 ngày trước là chiến tranh giữa Đức và Ý đang đến gần.

                Nó cũng làm Stalin choáng váng, mặc dù có đến 180 vụ Đức vi phạm không phận Xô viết (có những vụ đi sâu đến 400 dặm) trong hai tháng trước. Cũng có những cảnh báo không được lưu ý về một cuộc tấn công đang đến gần từ Washington và London – đặc vụ tình báo của Stalin ở Tokyo, Richard Sorge, người đã dự đoán chính xác vào mùa xuân 1939 rằng Đức sẽ tiến quân vào Ba Lan vào ngày 1/9. Sorge không chỉ gởi đi những bản sao điện tín từ Ribbentrop báo cho đại sứ của y ở Tokyo, Tướng Eugene Ott, là Đức sẽ xâm chiếm Liên bang Xô viết vào nửa cuối tháng sáu, y còn gởi một thông điệp vào phút chót vào ngày 14/6: “Chiến tranh sẽ bắt đầu vào ngày 22/6.” Trong một vài giờ đầu tiên phi cơ Luftwaffe của Đức quét sạch 66 phi trường Xô viết và phá hủy 1,200 máy bay trong khi các lực lượng trên mặt đất ồ ạt tiến về phía trước chiếm được 2,000 đại pháo, 3,000 tăng và 2,000 xe chở quân nhu.*

  • Theo cuốn Lược sử U.S.S.R. : “Sự chuẩn bị sơ sài của đất nước là do những sai lầm nghiêm trọng của Stalin trong việc đánh giá tình hình chiến lược toàn diện và trong việc ước tính của ông về thời điểm chính xác cuộc chiến sẽ bùng nổ. . . Hitler hi vọng là cuộc tấn công bất ngờ của y sẽ loại Hồng Quân khỏi cuộc chiến . . . “

                                Vào đầu năm 1969, tờ báo có uy tín nhất của đảng Cộng sản Xô viết, Kommunist, tuyên bố rằng Stalin là một “nhà lãnh tụ                 quân sự kiệt xuất,” và rằng việc hạ bệ Stalin của Nikita Kruschev tại kỳ Đại hội Đảng vào năm 1956 hoàn toàn không có căn cứ. “Không còn lại viên đá phát biểu vô trách nhiệm nào về sự bất tài quân sự của ông, về lối điều hành chiến tranh ‘trên phạm vi toàn cầu’của ông, về tính không dung nạp tuyệt đối các quan điểm khác của ông, và về những bịa đặt tương tự do các tên bóp mép lịch sử ở nước ngoài tóm lấy và loan truyền.” Việc xét lại này một vài ngày sau đó được nhật báo           Hồng Quân Krasnaya Zverda vang vọng lại trong một bài viết dài công kích “bọn xét lại” trong những nước như Tiệp Khắc, Nam Tư và Pháp.

                Tin tức về cuộc tấn công đến Tokyo trước 4 giờ một chút vào chiều chủ nhật. Ít phút sau Matsuoka điện cho Cơ Mật Viện Trưởng, Koichi Kido, và xin được yết kiến Thiên hoàng. Kido là một người nhỏ con, chắc nịch, 52 tuổi, với bộ râu mép tỉa tót, và như Konoye, đã từng được gia đình Hoàng thân Saionji bảo trợ. Triết lý chính trị tự do và lối lập luận hợp lý đặc trưng của vị genro cuối cùng này (ông đã mất vào năm ngoái ở tuổi 91) đã tạo ấn tượng sâu sắc với ông, đặc biệt lời nhắc nhở mà ông thường lập đi lập lại là chính sách của Nhật Bản phải dựa trên sự hợp tác với Anh và Mỹ. Theo đó, Kido đã phản đối quyết liệt Nhật xâm chiếm Mãn Châu, đưa quân vào Trung Hoa và Hiệp ước Ba Bên. Ông nội của ông là Koin Kido, một trong tứ trụ xuất sắc nhất trong công cuộc Cải tổ Minh Trị, nhưng chàng trai trẻ đã tiến lên nấc thang sự nghiệp bằng chính tài sức của mình. Là quan Chưởng Ấn của Cơ mật Viện, Kido là cố vấn thường trực và đáng tin cẩn của Thiên hoàng về mọi vấn đề (“Tôi đối với Thiên hoàng như Harry Hopkins đối với Tổng thống Roosevelt”) và Hirohito đã sớm biết dựa vào người cố vấn của mình. Konoye và Kido chắc chắn là hai công dân có tầm ảnh hưởng nhất ở Nhật, và mặc dù là bạn tâm giao, họ gần như đối nghịch về tính cách cũng như nhân dạng. Đã được nể trọng như một con người cứng đầu, thực tiễn, người cầm đầu Cơ mật Viện luôn trực tính và quyết đoán. Ông là nhà điều hành có năng lực và mỗi chi tiết của cuộc đời ông đều được lên kế hoạch tỉ mỉ, và thực thi chính xác. Trong việc chơi gôn, môn giải trí ông chơi đều đặn và nhiệt tình, ông là khuôn mẫu của tính chính xác với cú quật được điều biến khiến bạn bè gọi ông là “Kido Đồng hồ.”

                Sau khi sắp xếp một buổi tiếp kiến 35 phút cho Matsuoka, Kido thông báo cho Thiên hoàng là quan điểm của Ngoại trưởng chắc chắn khác hẳn với Konoye. “Thần xin Hoàng thượng hỏi ông ta liệu ông ta có tham khảo với Thủ tướng về vấn đề, và bảo với ông ta vấn đề này vô cùng hệ trọng,” Kido nói. “Do đó ông ta nên hội ý chặt chẽ với Thủ tướng và bảo ông ta về cơ bản Thiên hoàng đồng ý với Thủ tướng. Xin tha cho thần mạo muội thất lễ vì đường đột đưa ra lời khuyên này.”

                Khi Matsuoka nói chuyện với Thiên hoàng, trong vòng một giờ, rõ ràng là ông ta chưa bàn bạc với Konoye. Ông tin chắc Đức sẽ nhanh chóng đánh bại Liên Xô, * và đề xuất một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Siberia và hoãn lại mũi tiến công phía nam. Kinh ngạc, vì chính sách này có nghĩa bành trướng theo hai hướng, Thiên hoàng hỏi Matsuoka hãy tham khảo bới Konoye và ra hiệu buổi tiếp kiến đã xong.

  • Phe quân sự Mỹ cũng nhất trí điều này. Bộ trưởng Hải quân Frank Knox tiên liệu rằng “Hitler sẽ mất đâu đó từ 6 tuần đến 2 tháng để quét sạch nước Nga. Còn Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson viết trong nhật ký của mình: “Tôi không thể không nghĩ rằng việc đó đem lại cho chúng ta và  Anh một cơ hội lớn, miễn là chúng ta phải lợi dụng nó tức khắc,” và rồi ông bảo với Roosevelt rằng theo ý kiến ông , Đức chỉ mất từ một đến ba tháng để đánh tan Liên bang Xô viết. Đại sứ Grew cho rằng vụ tấn công này chỉ đem lại điều tốt đẹp và viết trong nhật ký của mình: “Hãy để cho bọn Phát xít và Cộng sản làm suy yếu lẫn nhau để các nền dân chủ sớm đạt thế thượng phong  hoặc ít nhất ra khỏi  cái hiểm họa thảm khốc mà chúng gây ra.”      

                Matsuoka có đến gặp Konoye nhưng không nghe theo lời khuyến nghị nào, và tiếp tục hô hào một cuộc tấn công vào Nga trong buổi họp kín hoặc hội thảo.  Các buổi họp này thường tiến hành tại nơi cư ngụ chính thức của Thủ tướng. Đó là những buổi họp mặt không chính thức của Bốn Ông Lớn trong Nội các – Thủ tướng, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Chiến tranh  và Bộ trưởng Hải quân  –  và với các Tư lệnh và Phó Tư lệnh Tham mưu Lục quân và Hải quân. Các bộ trưởng Nội các khác và các chuyên gia cũng thường tham dự để cố vấn và cung cấp thông tin. Thủ tướng ngồi trong chiếc ghế bành gần như ở trung tâm của phòng hội nghị qui mô trung bình bao quanh bởi các thành viên  khác. Ba thư ký – Trưởng Thư ký Nội các, trưởng Văn phòng Quân vụ của Bộ Chiến tranh và trưởng Văn phòng Quân vụ của Bộ Hải quân – ngồi gần lối vào. Hội nghị rất sôi động. Không có người chủ tọa, không nghi thức cứng nhắc, và tranh luận thường xảy ra. Các buổi hội thảo đã bắt đầu từ cuối năm 1937, nhằm kết hợp những hoạt động của chính quyền và quân sự, đứt đoạn một thời gian, rồi tiếp tục vào cuối năm 1940 khi tình hình đất nước cấp bách hơn.

                Ba ngày sau khi Masuoka yết kiến Thiên hoàng, ông gặp sự chống đối kịch liệt từ phía quân đội, vốn không hăm hở với cuộc chiến đồng thời với Mỹ và Nga. Những chiến dịch hải quân chống một lượt cả hai xứ sở này, Bộ trưởng Hải quân Oikawa nói, sẽ rất khó khăn. “Để tránh tình trạng lọai này, đừng bắt chúng tôi tấn  công Liên bang Xô viết đồng thời tiến về phía nam. Hải quân không muốn khiêu khích Nga.”

                “Khi Đức quét tan Liên bang Xô viết, chúng ta không mặt mũi nào đến chia chiến lợi phẩm mà không làm gì cả.” Matsuoka nói và bất ngờ thốt ra những lời khá lạ lùng đối với một ngoại trưởng. “Chúng ta phải hoặc đổ máu hoặc bắt tay vào công tác ngoại giao. Và tốt hơn là nên đổ máu.” Ngày hôm sau ông lại đẩy mạnh lập luận: Cái gì quan trọng hơn, bắc hay nam? ông hỏi.

                Quan trọng như nhau, Tham mưu Trưởng Quân đội nói. “Chúng tôi đang đợi xem diễn tiến của tình hình.” Ông không tiết lộ rằng nếu Moscow thất thủ trước cuối tháng 8, Quân đội sẽ tấn công Siberia.

                “Tất cả tùy thuộc vào tình hình,” Tham mưu Phó Quân đội Ko Tsukada nói, một người bẵng tính, thông minh. “Chúng ta không thể đi hàng hai cùng một lúc.”

                Sau cuộc hội thảo Đại tá Kenryo Sato tiếp tục tranh luận với Tojo, người giờ đây cảm thấy Matsuoka cũng có vài điểm đúng. “Chúng ta không lợi được gì ở phía Bắc,” Saito nói. “Ít nhất ở phương nam ta được dầu và những tài nguyên khác.” Ông xuất sắc và bốc đồng như Tướng Ishihara và Đại tá Iwakuro, và thường làm nhiệm vụ phát ngôn chính thức của chính sách quân đội. Ông đã mang tai tiếng khắp xứ vì đã quát “Câm miệng!” với một nghị viên Quốc hội cứ luôn ngắt lời ông.

                Dù cảnh giác về hành vi hào hiệp của Sato, Tojo cũng phải đến nhờ đại tá “Câm miệng” cố vấn. Lô gíc của Sato làm ông tự hỏi, “Nếu chúng ta tuyên chiến với người Nga, nước Mỹ có ủng hộ họ và tuyên chiến với chúng ta hay không?”

                “Điều đó là không thể. Mỹ và Liên bang Xô viết có hệ thống chính trị khác nhau, nhưng thật ra trong chiến tranh chúng ta cũng không lường trước được.”

                Ngày hôm sau Tojo không thèm ủng hộ Matsuoka gì hết. Nhưng Ngoại trưởng không nao núng. Ông lập luận các báo cáo từ  Đại sứ Oshima chỉ ra rẳng cuộc chiến ở Nga sẽ sớm kết thúc và nước Anh sẽ đầu hàng trước cuối năm. “Nếu sau khi Đức đánh bại người Xô viết chúng ta mới bắt đầu bàn thảo về vấn đề Xô viết, chúng ta không đi đến đâu về phương diện ngoại giao. Nếu chúng ta đánh người Xô viết ngay bây giờ, Mỹ sẽ không lâm chiến.” Ông tin rằng, ông nói, mình có thể giữ chân Hoa Kỳ trong ba hay bốn tháng bằng đường lối ngoại giao. “Nhưng nếu chúng ta cứ đợi chờ để xem tình hình diễn tiến ra sao, như Tư lệnh Tối cao đề nghị, chúng ta sẽ bị Anh, Hoa Kỳ và Nga bao vây. Trước tiên chúng ta phải đánh bắc, rồi sau đó đến nam.” Ông tiếp tục và tiếp tục gần như muốn ép buộc cho đến khi ông thấy là những lời mình nói không có tác dụng gì. Rồi, trong một toan tính ép buộc biện pháp, ông nói, “Tôi muốn có một quyết định tấn công Liên bang Xô viết.”

                “Không,” Sugiyama nói, cũng là nói cho phe quân sự.

                               Đồng minh mạnh nhất của Matsuoka là ở Berlin, nhưng chính bản thân Hitler cũng chưa phát ra lời yêu cầu tấn công Nga. Ba ngày sau ông mới lên tiếng dưới hình thức một tin điện từ Ribbentrop đến đại sứ của ông ở Tokyo. Vào buổi sáng ngày 30/6 Tướng Ott chuyển yêu cầu này đến Matsuoka, và ông này sử dụng nó như là một luận điểm chính yếu tại buổi hội thảo liên đới chiều hôm đó. Đức, ông thông báo, giờ đang chính thức kêu gọi Nhật bước vào cuộc chiến. Ông bổng trở nên quá sôi sục trong việc kêu gọi tấn công vào Nga đến nỗi một người có mặt tưởng như ông phun ra lửa. “Những dự đoán của tôi lúc nào cũng đúng,” Matsuoka ba hoa. “Giờ tôi dự đoán là nếu cuộc chiến khởi sự ở nam, Mỹ và Anh sẽ tham gia!” Ông đề nghị hoãn việc tiến về nam một cách quá thuyết phục đến nỗi Oikawa quay sang Sugiyama và nói, “Này,  hay hoãn lại sáu tháng xem thế nào?”

                Có vẻ như là tài hùng biện của Matsuoka thình lình lật ngược được tình thế. Một thành viên Hải quân chồm người thì thầm vào tai Phó Tham mưu Trưởng Quân đội Tsukada rằng có lẽ họ nên xét lại việc đình hoãn, nhưng Tsukada vẫn không dao động; và bằng một vài lời sôi nổi của riêng mình, ông đã đưa Oikawa và Sugiyama trở lại lập trường ban đầu. Đến lúc này, Hoàng thân Konoye, từ nảy giờ ngồi im lặng, nói rằng mình đồng ý với Tư lệnh Tối cao. Không còn gì để nói nữa. Cuộc tranh luận dai dẳng đã qua và quyết định là đi về nam.

                Bước cuối cùng là tìm sự chấp thuận chính thức của Thiên hoàng. Việc này chỉ có tính cách nghi thức được tổ chức tại Hoàng cung, một cuộc hội thảo vương triều. Tại những buổi họp này Thiên hoàng theo truyền thống không làm gì chỉ ngồi im lặng và lắng nghe giải thích chính sách xin phê chuẩn. Sau đó ông thể hiện sự tán thành của mình bằng cách đóng ấn. Các thành viên gồm những người đã tham dự hội thảo liên đới, một hai chuyên gia, và Cơ mật Viện Trưởng, một công dân đại diện cho Hoàng thượng với trách vụ thỉnh thoảng hỏi các câu hỏi mà Thiên hoàng không tiện hỏi.

                Cuộc hội thảo để tán thành việc nam tiến được triệu tập vào 2/7. Các thành viên ngồi cứng đơ ở hai bên hai chiếc bàn dài phủ vải thêu thổ cẩm, nhưng khi Thiên hoàng bước vào họ bật đứng dậy. Nước da ngài, như nước da của ba anh em ông, mịn màng như sứ và có một màu sắc độc đáo. Bộ quân phục không khiến ngài trông có vẻ chiến binh hơn chút nào. Ngài bước lên bục và ngồi xuống trước một bình phong bằng vàng, hướng về nam, hướng được coi là được tôn kính theo nghi thức triều đình. Ngài có vẻ tách biệt, như thể ở bên trên những vấn đề thế tục.

                Bên dưới, các thành viên ngồi xuống theo hướng thẳng góc với Hoàng thượng và nhìn chăm chăm vào nhau như tượng gỗ, bàn tay đặt trên gối. Rồi nghi lễ bắt đầu. Tất cả trừ Cơ mật Viện Trưởng, Yoshimichi Hara, đều đã tập trước những gì phải tấu lên. Trước tiên Hoàng thân Konoye đứng dậy, cúi đầu chào Thiên hoàng và đọc một văn kiện tựa đề “Phác họa Chính sách Quốc gia theo Quan điểm của những Diễn tiến Hiện thời.” Đó là kế hoạch nam tiến; bước đầu tiên là chiếm đóng Đông Dương thuộc Pháp. Hi vọng việc này sẽ thành tựu mà không đổ máu bằng cách vận dụng áp lực ngoại giao đến chính phủ Vichy; nhưng nếu thuyết phục bất thành, lực lượng quân sự phải sử dụng đến, cho dù có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Mỹ và Anh.

                Sugiyama cúi đầu và nói rằng ông đồng ý Nhật nên tiến về nam. “Tuy nhiên, nếu cuộc chiến Đức-Xô viết diễn tiến thuận lợi cho đế chế chúng ta, thần tin tưởng chúng ta cũng nên sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề này nhằm củng cố biên giới phía bắc chúng ta.”

                Đô đốc Osami Nagano, Tổng Tham mưu Trưởng Hải quân, cũng nhận thấy rằng nam tiến là cần thiết mặc dù có nguy cơ. Khi ông chấm dứt, Cơ mật Viện Trưởng bắt đầu đặt câu hỏi, một số câu gây bối rối hơn ta tưởng ở một cuộc họp hình thức hóa như thế. Đâu là cơ may chiếm được Đông Dương bằng biện pháp ngoại giao? ông thắc mắc.

                “Rủi ro xảy ra nếu biện pháp ngoại giao không thành công,” Matsuoka trả lời. Vẫn còn chống lại việc nam tiến, nhưng ông ta bắt buộc phải thuận theo quyết định của đa số.

                Hara là một người nhỏ nhắn, có vẻ nhu mì nhưng ông không dễ bị bắt nạt bởi những bộ mặt nghiêm nghị của các tướng lĩnh và đô đốc. Ông nhấn mạnh rằng hành động quân sự là “một việc nghiêm trọng.” Và việc gởi binh lính vào Đông dương trong khi tiến hành tìm kiếm một hiệp ước giữa Nhật và Pháp không phải không thích hợp với tính Vương Đạo trong đường lối ngoại giao hay sao? “Tôi không nghĩ là khôn ngoan khi Nhật dùng đến hành động quân sự trực tiếp, đơn phương và do đó có thể bị dán nhãn hiệu là kẻ gây chiến.”

                “Tôi sẽ lo về việc này để chúng ta hình như không dính líu đến một hành động phản trắc dưới mắt của thế giới,” Matsuoka trấn an ông.

                Hara vẫn còn ngờ vực. Sao không tiến lên bắc? ông đề nghị và bắt đầu sử dụng một vài lập luận của Matsuoka. Cuộc tấn công của Hitler vào nước Nga đưa ra cơ hội của một đời người. “Liên bang Xô viết đang truyền bá chủ nghĩa Cộng sản lên toàn thế giới và chúng ta sẽ chiến đấu với nó không sớm thì muộn. . . Nhân dân thực sự hồ hỡi chống lại nó.” Việc vốn là một nghi thức có nguy cơ biến thành cuộc tranh luận. “Tôi muốn tránh chiến tranh với Hoa Kỳ. Tôi không cho rằng họ sẽ đánh trả nếu chúng ta tấn công Liên bang Xô viết.” Trái lại, Hara sợ việc tiến quân vào Đông dương sẽ gây ra chiến tranh với người Anglo-Saxon.

                Matsuoka đã dùng những lập luận giống như thế ngày hôm trước. “Điều đó là có thể,” ông đồng ý.

                  Bản thân Sugiyama nghĩ rằng những câu hỏi của Hara “bén như lưỡi dao,” nhưng chỉ ra cộc lốc rằng việc chiếm đóng Đông dương là “tuyệt đối cần thiết để đè bẹp các mưu đồ của Anh và Mỹ. Hơn nữa, với tình hình quân sự quá thuận lợi của Đức, tôi không nghĩ việc Nhật tiến vào Đông dương thuộc Pháp sẽ khiêu khích Mỹ lâm chiến.” Ông cảnh báo, tuy nhiên, về việc loại ra Liên bang Xô viết quá sớm sủa. Họ nên đợi “từ 50 đến 60 ngày,” để chắc chắn là Đức đã thắng. Lời phát biểu cuối cùng của ông khép lại mọi bàn cãi, và bất kỳ hi vọng nào mà Matsuoka có thể có để nối lại cuộc tranh luận đã biến mất. Một cuộc bầu biểu quyết được tiến hành và văn kiện chính sách được nhất trí chấp thuận. Nhật Bản sẽ nam tiến.

                Trong suốt tiến trình Thiên hoàng vẫn ngồi im lặng và bất động, như tập quán chỉ định, chỉ cần sự hiện diện của ngài sẽ khiến bất kỳ quyết định nào cũng hợp pháp và mang tính trói buộc. Văn kiện được mang đến ban thư ký Nội các, tại đó một bản sao được tạo ra trên mẫu giấy chính thức. Nó được ký bởi Konoye và các Tham mưu Trưởng Quân đội và Hải quân, rồi mang đến Thiên hoàng và cuối cùng đến văn phòng Cơ mật Viện, tại đó ấn hoàng đế được đóng vào. Đó là chính sách quốc gia, và một bước tiến đi đến chiến tranh toàn diện.

4.

                Giờ phản đề nghị của Hull phải được giải quyết. Matsuoka, có thể đoán được, là vẫn còn tức tối về Phát biểu Miệng, chỉ trích các viên chức Nhật không nêu tên vì những nhận xét công khai bốc lửa. Sự khiển trách như vô thưởng vô phạt này, đối với Matsuoka, là một thóa mạ nhắm vào cá nhân cũng như lời xúc phạm không tha thứ được đối với nước Nhật, và tại hội thảo liên đới ngày 12/7 ông nói, với cơn nóng giận gần như hoang tưởng, “Tôi đã suy nghĩ về việc đó trong 10 ngày qua, và tôi tin rằng Mỹ coi Nhật Bản như một nước bị bảo hộ hoặc phụ thuộc! Trong khi tôi còn làm ngoại trưởng, tôi không thể chấp nhận điều đó. Tôi sẽ xem xét mọi thứ khác, nhưng tôi bác bỏ Phát biểu Miệng. Nó là điển hình kiểu Mỹ hiếp đáp kẻ yếu thế. Bài phát biểu xem nước Nhật là một quốc gia yếu ớt và phụ thuộc. Một số người Nhật chống lại tôi, và một số thậm chí cho rằng Thủ tướng chống lại tôi.” Lời lẽ ông tuôn ra, phơi bày sự bất mãn đối với các kẻ thù riêng cũng như cho Hull. “Không ngạc nhiên rằng Hoa Kỳ cho rằng nước Nhật đã kiệt quệ nên mới gởi đến chúng ta những phát biểu như thế. Tôi đề nghị ngay bây giờ chúng ta bác bỏ bài phát biểu ra khỏi tầm tay và chấm dứt thương thảo với Hoa Kỳ!” Ông gọi Roosevelt là một tên mị dân và kết tội ông ta đã ra sức đưa nước Mỹ đến chiến tranh. Về phần mình, niềm hi vọng chan chứa của tôi ngay từ trẻ là gìn giữ hòa bình giữa Mỹ và Nhật. “Tôi nghĩ không còn hi vọng, nhưng,” ộng kết luận một cách vô lý, “chúng ta cứ hi vọng cho đến cùng.”

                Cuối cùng ông đã nói một điều gì đó mà giới quân sự thích thú. Cho dù hình như không có hi vọng, Tojo lập lại, họ sẽ tiếp tục thương thảo với Mỹ. “Bộ chúng ta không thể ít nhất giữ cho Hoa Kỳ không đi đến chiến tranh một cách chính thức bằng cách sử dụng Hiệp ước Ba Bên hay sao? Tất nhiên, Phát biểu Miệng là một sỉ nhục đối với kokutai của chúng ta và chúng ta phải bác bỏ nó, như Ngoại trưởng khuyến nghị. Nhưng điều gì xảy ra nếu chúng ta thành thật bảo cho người Mỹ những gì người Nhật chúng ta coi là đúng? Điều này có làm họ lay động không?

                Bộ trưởng Hải quân Oikawa cũng đang hướng đến một thương thảo nào đó với người Mỹ. Theo các báo cáo, họ không có lý do nào để gây chiến ở Thái bình dương. “Vì chúng ta cũng không muốn cuộc chiến Thái bình dương, tại sao không có chỗ cho thương thảo?

                “Chỗ ư?” Matsuoka vặn lại với vẻ mỉa mai. “Chắc chắn họ chỉ chịu lắng nghe nếu chúng ta bảo với họ mình không sử dụng vũ lực ở phía nam. Họ sẽ chấp nhận điều gì khác?” Ông ta không ở trong tâm trạng chịu hòa giải. “Họ gởi thông điệp như cái này vì họ tin rằng chúng ta sẽ xuống nước dễ dàng.”

                Đối với Konoye rõ ràng là Matsuoka đang làm điều này thành một vấn đề cá nhân và cần phải qua mặt ông ta. Nhưng ảnh hưởng của Ngoại trưởng còn quá lớn đến nỗi Thủ tướng phải gặp lén lút với các thành viên Nội các chủ chốt để soạn ra bản dự thảo phúc đáp có tính hòa giải của riêng họ gởi cho Hull. Rồi bản này được gởi cho Matsuoka, nhưng phải mất vài ngày để ông đọc nó – ông cáo là mình không khỏe – và thậm chí sau khi đọc rồi ông cũng ráng lần khân kéo dài. Trước tiên, bản Phát biểu Miệng phải bị bác bỏ, rồi sau đó phải đợi vài ngày trước khi gởi đi lời phúc đáp.

                Thủ tướng Konoye đồng ý bác bỏ bài phát biểu nhưng nhấn mạnh rằng lời bác bỏ và phúc đáp này phải được gởi đi đồng thời cho Hull, để không mất thời gian. Konoye gởi những chỉ thị này cho phụ tá của Matsuoka, Tiến sĩ Yoshite Saito. Ông này hứa sẽ làm theo lệnh. Nhưng ông ta bất tuân – một hành động kiểu gekokujo khác – mà không tham khảo ai, đánh chỉ một công điện cho Washington: bác bỏ bài Phát biểu Miệng. Ông hoãn lại bản phúc đáp trong một ít ngày, như ý của Matsuoka, và Hull đầu tiên nhìn thấy nó trong một bức điện gởi đến Đức bị chận lại.  

                Đối với Tojo có đầu óc tuân thủ pháp luật hành động như thế là không thể chịu được, và ông bảo với Konoye là phải cách chức Matsuoka ngay lập tức. Nhưng ông hoàng không muốn xung đột công khai với Matsuoka, vốn vẫn còn là người hùng trong mắt quần chúng sau những phiên họp với Hitler và Stalin. Konoye quyết định loại trừ ông theo cách thức tránh né: ông sẽ yêu cầu toàn bộ Nội các từ chức rồi thành lập một nội các mới với một ngoại trưởng mới. Ông triệu tập một phiên họp Nội các bất thường lúc 6 giờ 30 vào ngày 16/7, và khi lên tiếng, không ai chống đối; Matsuoka nằm nhà vì bệnh.

                Việc này chấm dứt sứ mạng đầy bão tố của một nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất trong nền ngoại giao Nhật. Đoạn kết đã đến vì một hành động bất phục tùng mà một phụ tá trung thành của ông đã vi phạm vì lợi ích của Matsuoka, nhưng ông không hề hay biết.

                Ngày hôm sau Thiên hoàng yêu cầu Konoye thành lập chính phủ mới. Ông hoàn tất trong vòng 24 tiếng, điều khả dĩ vì không có mấy thay đổi. Matsuoka được một đô đốc thay thế. Người này thân thiện với Hoa Kỳ, Teijiro Toyoda. Một trong những hành động đầu tiên của ông là điện cho đại sứ của mình ở Vichy báo là Quân đội Nhật sẽ tiến vào Đông dương ngày 24/7 dù chính quyền Vichy có đồng ý hay không. Nhưng một ngày trước thời hạn chót, Vichy đồng ý cho binh lính Nhật tiến vào miền nam Đông dương trong hòa bình. Đại sứ ở Vichy đắc thắng đánh diện cho Tokyo:

                LÝ DO MÀ PHÁP CHẤP THUẬN QUÁ DỄ DÃI YÊU SÁCH CỦA NHẬT BẢN LÀ DO HỌ THẤY    

                QUẾT TÂM CỦA CHÚNG TA QUÁ LỚN VÀ ƯỚC MUỐN CỦA CHÚNG TA QUÁ KHẨN THIẾT.             TÓM LẠI, HỌ THẤY KHÔNG CÓ LỰA CHỌN NÀO KHÁC HƠN LÀ NHƯỢNG BỘ.

                                Khi Hull đọc thấy điều này, qua MAGIC, ông rất phẫn nộ, như thể Đông dương đã bị chiếm bằng vũ lực. Ông thúc Roosevelt đáp trả bằng cách áp đặt lệnh cấm vận mới lên Nhật, mặc dù có một cảnh báo gần đây từ Phòng Kế hoạch Chiến tranh của Hải quân cho biết hành động như thế “chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc tấn công khá sớm của Nhật vào Malaya và Đông Ấn của Hà Lan, và thậm chí có thể liên quan đến Hoa Kỳ trong cuộc chiến sớm trong vùng Thái bình dương.”

                Lần này Roosevelt lắng nghe đến những người, như Bộ trưởng Nội vụ Ickes, đã luôn nhắc ông hành động mạnh mẽ chống lại mọi kẻ gây hấn.  Vào đêm 26/7 ra lệnh đóng băng mọi tài sản của Nhật ở Mỹ, và ngay sau đó Anh và Hà Lan cũng làm theo. Kết quả là không chỉ mọi hoạt động giao thương với Hoa Kỳ phải dừng lại, mà nguồn cung cấp dầu nhập khẩu của Mỹ vào Nhật bị cắt đứt khiến Nhật lâm vào tình trạng khốn đốn. Đối với tờ New York Times đó là “một đòn quyết liệt nhất chỉ kém có chiến tranh.” Đối với các lãnh đạo Nhật nó còn nhiều hơn thế nữa. Họ đã nắm vững các cơ sở ở Đông dương bằng cách thương thảo với chính phủ Vichy của Pháp, một xứ được công nhận nhưng không được Mỹ tán thành, và luật quốc tế đứng về phía họ; việc đóng băng là bước cuối cùng trong việc bao vây đế chế bởi các cường quốc ABCD (America, Britain, China, Dutch: Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hà Lan), một sự từ khước cho Nhật quyền chính đáng lãnh đạo Á châu và một thách thức với chính sự tồn tại của nó.

                Sự thịnh nộ, phẩn uất gần như điên cuồng có thể dự đoán được nhưng không có sự hỗn loạn trong giới Tư lệnh Tối cao. Năm ngày sau Tham mưu Trưởng Hải quân Nagano, một người hiểu biết và thận trọng vẫn chưa hồi phục qua một sự kiện lẽ ra có thể dự liệu trước. Trong một buổi yết kiến Thiên hoàng, trước tiên ông nói rằng mình muốn tránh chiến tranh và rằng điều này có thể thực hiện  bằng cách thu hồi Hiệp ước Ba Bên, mà Hải quân luôn giữ lập trường nó là một chướng ngại cho hòa bình với Mỹ. Rồi ông cảnh báo là lượng dầu lưu trữ của Nhật chỉ đủ dùng trong hai năm, và một khi chiến tranh nổ ra, chỉ còn 18 tháng, và kết luận , “Trong tình hình này, chúng ta nên tiên hạ  thủ vi cường. Chúng ta sẽ thắng.”

                Đó là một thi triển kỳ cục. Trong một đoạn văn Nagano đã cổ vũ hòa bình, dọn sạch cho Hải quân mọi trách nhiệm cho bất kỳ thảm họa ngoại gia nào, tiên liệu sự đói khát dầu, đề nghị một trận tấn công liều lĩnh và dự trù chiến thắng.

                Thiên hoàng cắt ngang mớ bòng bong bằng một câu hỏi: “Ông sẽ thắng lớn chứ? Như Trận Tsushima?” [Eo biển Đối Mã mà Hải quân Nhật đánh bại Hải quân Nga năm 1905)

                “Thần rất tiếc, nhưng điều đó là không thể.”

                “Thế thì,” Thiên hoàng buồn bã nói, “cuộc chiến này sẽ là cuộc chiến cam go.” 

910


(còn tiếp)

One thought on “MẶT TRỜI MỌC- Sự Suy Thoái và Sụp Đổ của Đế Chế Nhật Bản 1936-1945 (Phần 1)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s