MẶT TRỜI MỌC- Sự Suy Thoái và Sụp Đổ của Đế Chế Nhật Bản 1936-1945 (Phần 4)

PHẦN IV: Đảo Tử Thần

aa.png

Tác giả John Toland

Trần Quang Nghĩa dịch

14. “Chiến Dịch Dây Giày”

 

1.

                Gen Nishimo là một người mảnh khảnh 37 tuổi, cao khoảng 5 bộ. Anh trông yếu đuối và đa cảm nhưng đã sống những năm tháng gay go ở Trung Hoa làm phóng viên về cuộc chiến kéo dài đó cho tờ báo của mình, Mainichi. Vài tháng sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng ông được lệnh tác nghiệp về chiến dịch miền nam Thái Bình Dương. Mối quan tâm lớn nhất của anh không phải là sự an toàn tính mạng mà là số tiền $25,000 bằng đồng yen ông được cho mang đi để chi tiêu. Tổng biên tập của ông chúc ông thượng lộ bình an, tặng ông bùa hộ mệnh và nói, “Ráng đừng để bị giết chết.”

                Nishimo dẫn đầu một đội gồm 8 nhà báo, lên đường đi Davao, cảng chính của Mindanao phía nam, nhưng chỉ đến 7/6, tức một tuần sau khi khởi hành, anh mới biết rằng đội mình chuẩn bị lên tàu ra khơi với Quân đoàn 17 hướng về New Caledonia (đây là một phần của chiến dịch cắt đứt nước Úc). Tuy nhiên, đội Nishimo không bao giờ đến được đó. Ba ngày sau họ bị tóm chặt trong một nỗi phấn khích đang quét khắp Đế chế Nhật khi chiến thắng Midway được loan báo. Họ nhập bọn với các sĩ quan trong các phòng ăn của khách sạn để tiệc tùng ăn mừng thâu đêm. Thậm chí một trận động đất nghiêm trọng cũng không làm giảm đi lòng phấn chấn của họ. Một sĩ quan trẻ nói đùa là San Francisco là tâm chấn của vụ động đất và toàn bộ nước Mỹ đã sụp đổ.

                Nhưng Nishino không thể gỡ bỏ mối ngờ vực cứ đeo bám anh sau khi đọc những bài báo về trận đánh; chúng rất mơ hồ đến độ gây ra nghi ngờ. Anh rời buổi tiệc và đi lên phòng mình, tại đó có một đài sóng ngắn. Anh vặn núm dò đài chầm chậm cho đến khi anh nghe được một điệu luân vũ của Strauss; rồi tiếng một phụ nữ thông báo đây là Đài Phát Thanh San Francisco và đọc bản tin cho biết Mỹ đã đánh thắng trong một trận hải chiến dữ dội. Nghe có vẻ như là một bản tin tuyên truyền thông thường cho đến khi phát thanh viên liệt kê một cách trung thực những chi tiết về các đơn vị khác nhau tham chiến ở Midway và đưa tên 4 tàu sân bay đã bị đánh chìm.

                Nishino không thể thoát khỏi cái cảm giác là đây mới chính là sự thật. Yamamoto đã bị đè bẹp. Trong phòng mà anh có thể nghe tiếng các chai bia cụng nhau lách cách từ tận dưới lầu vọng lên và trong lòng dâng lên một nỗi ái ngại cho những sĩ quan trẻ quá ngây thơ khi ăn mừng một thắng lợi giả mạo. Anh tính kể cho họ những gì mình đã nghe qua đài nhưng biết như thế là sai. Họ sẽ không tin tưởng anh còn anh thì có thể bị kempeitai [đội hiến binh] bắt nhốt.

                Những ngờ vực của anh cuối cùng cũng được minh chứng hai tháng sau khi Quân đoàn 17 và đội nhà báo Mainichi lên đường – không phải đi New Caledonia mà đến một hòn đảo trong Quần đảo Solomon không có mặt trên bản đồ của họ. Tên nó là Gadarukanaru.

                Trong tiếng Anh nó được gọi là Guadalcanal và mối quan tâm của người Mỹ đối với hòn đảo xa xôi này phát sinh từ một sự tranh chấp quyết liệt giữa Lục quân và Hải quân qua đó bên nào sẽ đóng vai trò thống trị ở Thái Bình Dương. Vào tháng ba hai tư lệnh  riêng lẻ đã được thiết lập bởi Các Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Từ Melbourne, Douglas MacArthur, tư lệnh Vùng Tây Nam Thái Bình Dương, bao gồm Phi Luật Tân, Biển Nam Trung Hoa, Vịnh Thái Lan, hầu hết Đông Ấn thuộc Hà Lan, Úc và Quần đảo Solomon. Vùng Biển Thái Bình Dương – phần còn lại của Thái Bình Dương, bao gồm Quần đảo Marshall, Caroline và Marianna- đặt được quyền chỉ huy của Đô đốc Nimitz ở Trân Châu Cảng. Từ sự phân chia quyền hành này, ngay từ đầu đã nảy sinh hầu hết những nỗ lực phân tán và những mối xung đột tương tự như những tồn tại ở Tokyo.

                MacArthur cảnh báo hết lần này đến lần khác là người Nhật đang chỉa mũi dùi với  gần như toàn bộ sức mạnh của họ vào vùng của ông và sẽ là thảm họa trừ khi ông nhận được nhiều người hơn và nhiều khí tài hơn Nimitz. Rồi xảy ra trận Midway và MacArthur coi đó như một cơ hội để đạt được những thắng lợi nhanh chóng. Ông điện cho Washington một kế hoạch lạc quan: ông sẽ xâm chiếm New Ireland và New Britain trong một ít tuần, “đẩy địch trở lại căn cứ của họ ở Truk.” Ngoài 3 sư đoàn bộ binh của mình Mac Arthur sẽ cần thêm “một sư đoàn được huấn luyện và trang bị đầy đủ cho những hoạt động đổ bộ và một lực lượng tác chiến bao gồm hai tàu sân bay.”  

     Tướng Marshall, Tham mưu Trưởng Lục quân, khá ấn tượng nên đã gởi cho Thủy sư Đô đốc Ernest J. King, người cùng cấp với ông bên Hải quân, một yêu cầu khẩn cấp cho MacArthur mượn vài đơn vị Thủy quân Lục chiến và 2 hay 3 tàu sân bay. Nhưng trước khi thư này có thể được giao, Marshall nhận được thư của King bác bỏ kế hoạch MacArthur một cách cộc lốc. Hải quân đã xem xét những chiến dịch hướng đến cùng mục tiêu và thấy rằng chúng “chủ yếu mang đặc tính đổ bộ được yễm trợ và tiếp sức bằng những lực lượng hoạt động từ Úc.” Nói cách khác, Hải quân sẽ đóng vai chính còn MacArthur chỉ là hỗ trợ.

                Tất nhiên, điều này là không thể chịu đựng được đối với MacArthur. Ông và chỉ mình ông sẽ chỉ huy cuộc tấn công, vì nó nằm trong vùng chỉ huy của ông. Hải quân đồng ý rằng cần có một người chỉ huy, nhưng không phải là một vị tướng; một người sống trên đất liền có thể đặt những tàu sân bay quí giá của họ vào tình trạng hiểm nghèo trên những vùng nước đầy nguy cơ chung quanh Solomon.

                Marshall ủng hộ MacArthur và cuộc tranh cãi kéo dài cho đến khi King đã đi đến tận cùng của lòng kiên nhẫn. Ông cảnh báo Marchall rằng mình sẽ chuẩn bị tiến công “cho dù không có yễm trợ của các lực lượng Lục quân ở Tây nam Thái Bình Dương.”  Phản ứng đầu tiên của vị Tham mưu Trưởng Lục quân là đốp chát lại tương xứng, nhưng ông quyết định hoãn lại phúc đáp cho đến khi bình tâm trở lại.

                Nhưng MacArthur thì không thể. Ông mất bình tĩnh và điện về Washington:

HOÀN TOÀN RÕ RÀNG SAU KHI DUYỆT XÉT TOÀN BỘ TÌNH HÌNH LÀ HẢI QUÂN MUỐN NẮM HẾT QUYỀN CHỈ HUY MỌI CHIẾN DỊCH Ở MẶT TRẬN THÁI BÌNH DƯƠNG. VAI TRÒ CỦA LỤC QUÂN CHỈ LÀ PHỤ THUỘC VÀ CHỦ YẾU LÀ ĐẶT LỰC LƯỢNG CỦA MÌNH DƯỚI SỰ SỬ DỤNG VÀ QUYỀN CHỈ HUY CỦA HẢI QUÂN HOẶC CÁC SĨ QUAN THỦY QUÂN. . .

                Đó là, ông lên án, phần chủ chốt của một kế hoạch bậc thầy nhằm “thu tóm hoàn toàn chức năng vệ quốc cho Hải quân” mà ông đã “tình cờ” phát hiện khi là Tham mưu Trưởng.

                . . . BẰNG CÁCH SỬ DỤNG LỤC QUÂN ĐỂ ĐÓNG TRÊN CÁC ĐẢO THÁI BÌNH DƯƠNG         DƯỚI QUYỀN CHỈ HUY CỦA HẢI QUÂN, HẢI QUÂN GIỮ LẠI CÁC LỰC LƯỢNG THỦY   QUÂN LUÔN LUÔN CÓ SẴN, CHO HỌ LÀ QUÂN ĐỘI CƠ HỮU CỦA RIÊNG MÌNH VÀ               PHỤC VỤ NHƯ LÀ NHỮNG CĂN CỨ THỰC SỰ CHO NHỮNG KẾ HOẠCH CỦA MÌNH VỚI    TƯ CÁCH SỞ HỮU CÁC ĐƠN VỊ TRONG TÌNH TRẠNG SẴN SÀNG NHẤT CHO HÀNH                ĐỘNG CÔNG KÍCH.

                Trong khi Marshall đồng ý về tinh thần với MacArthur, ông cho rằng biện pháp tốt nhất là hòa giải. Ông yêu cầu King gặp mình để thảo luận và giải quyết vấn đề một cách thân hữu. Họ ngồi xuống mặt đối mặt, và chính nhờ mức độ chính chắn của King mà vị đô đốc khó tính và lạnh lùng này cũng mong muốn nhượng bộ. Trong nhiều phương diện Marshall thấy dễ bàn cãi với King hơn với MacArthur, người “siêu nhạy cảm về mọi thứ.”

                Vài ngày sau đó họ đúc kết được một kế hoạch toàn diện cho mục tiêu tối cao – đánh chiếm vùng New Britain-New Guinea- bằng cách phân chia cuộc tấn công thành ba phần riêng biệt. Tác chiến 1, do Nimitz chỉ huy, sẽ tấn công vào khoảng 1 tháng 8 tại căn cứ thủy phi cơ Nhật ở Tulagi, đảo Solomon bé tí cách Guadalcanal 20 dặm về hướng bắc, trong khi MacArthur cầm đầu Tác chiến 2 và 3, có nhiệm vụ đánh chiếm phần còn lại của Quần đảo Solomon, bờ biển phía tây bắc New Guinea, và căn cứ chủ chốt Rabaud ở New Britain.

                Vụ Tobruk thất thủ vào tay Rommel đã khiến Wasshington ý thức về một thảm họa đang đến gần. Thế rồi vào ngày 2/6 – cùng với ngày mà chiến dịch Thái Bình Dương được các Tham mưu Trưởng Liên Quân tán thành – hai tin tức báo động đến: Sevastopol, ở miền Crimea, đã sụp đổ, và ở Bắc Phi Quân đoàn 8 của Anh đã bị đẩy lùi đến tận cổng thành Alexandria. Điều gì sẽ xảy ra nếu các lực lượng Quốc xã Đức chọc thủng phòng tuyến Nga đến tận miền Caucasus và liên kết với Rommel? Lúc đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi có cuộc liên kết gớm ghiếc hơn với quân Nhật. Góp thêm các điều này còn có tin về những tổn thất càng ngày càng tăng lên của các tàu vận chuyển Đồng minh trong Đại Tây Dương. Chỉ nội trong tháng 6, hơn 627,000 tấn hàng đã bị đánh chìm và con số này còn tăng lên.

                Đó là, Marshall nghĩ, “những giờ phút rất đen tối.”               

                Chỉ có mặt trận Thái Bình Dương mới mang đến những tin vui cho phe Đồng minh. Các hi vọng đang tập trung vào kế hoạch đánh chiếm Tulagi, mà người Nhật đã chiếm trong tháng 5. Cho đến bây giờ đảo Guadalcanal chỉ là mối quan tâm phụ của các người lên kế hoạch, và viên sĩ quan mà Nimitz giao nhiệm vụ chỉ huy Tác chiến 1, Phó Đô đốc Robert L. Ghormley, lần đầu tiên nghe về khả năng tấn công nó vào 7/7 khi ông đang ở Melbourne hội kiến với MacArthur. Tin điện báo từ Nimitz tiết lộ rằng người Nhật đang xây dựng một sân bay nhỏ trên Guadalcanal và đề nghị đánh chiếm nó cùng lúc với Tulagi.

                Cả MacArthur và Ghormley đồng ý trên nguyên tắc, nhưng cả hai đều chống đối tiến hành Tác chiến 1 ngay lập tức; chỉ có vỏn vẹn một sư đoàn đổ bộ, không đủ tàu vận chuyển và số phi cơ quá ít đến mức nguy hiểm. Hơn nữa, các tàu sân bay của Lực lượng Đổ bộ sẽ ở lại quá lâu trong vùng Guadalcanal-Tulagi ngoài tầm bảo vệ trên không từ các căn cứ mặt đất của Đồng minh và trong tầm đánh phá của các máy bay Nhật có căn cứ ở mặt đất. Các Tham mưu Trưởng Liên Quân phớt lờ những thoái thác và ra lệnh tiến hành tấn công như thời khóa; chỉ bằng hành động nhanh chóng như thế người Mỹ mới có thể lợi dụng được thắng lợi ở Midway và chiếm lĩnh thế thượng phong ở Thái Bình Dương. Chiến dịch được mang tên, Tháp Canh.

                Guadalcanal là đồn tiền tiêu của Nhật Bản về phía nam, chỉ có ý nghĩa là một căn cứ cho hoạt động hải quân trong vùng Solomon. Đó là một hòn đảo yên bình 10 độ dưới xích đạo, dài 92 dặm và rộng 33 dặm, lớn khoảng hai lần Long Island. Từ trên không nó trông như một thiên đường nhiệt đới với những ngọn núi xanh xum xuê, những bờ biển có rừng che phủ và những dãy đá ngầm san hô đầy màu sắc. Thực tế nó là một thiên đường đã mất, một đối tượng của những tương phản mạnh mẽ – những đỉnh núi, những ngọn đồi trơ trụi và cánh rừng xanh thẩm rậm rạp, những con vẹt trắng và đàn kiến hung dữ, loài chim myna và muỗi nhiệt đới; những cơn mưa như thác lạnh thấu xương và những bình nguyên đầy bụi và nóng bức không chịu được. Đó là hòn đảo của chuối, chanh, đu đủ – và cá sấu, thằn lằn khổng lồ, nấm độc, nhện độc, đĩa và bọ cạp. “Nếu tôi là vua,” tác giả Jack London có lần nói, “hình thức trừng phạt tệ nhất tôi có thể gán cho kẻ thù của mình là đày chúng đến Solomon.”

                Một chuỗi những ngọn núi lửa đã tắt, lỡm chỡm, màu xanh dương, sừng sững cao đến 8,000 bộ chạy xuống đảo như một cột xương sống, và nơi duy nhất có thể tiến hành những hoạt động quân sự là một dãy hẹp những ngọn đồi cuồn cuộn và đồng bằng chạy dọc theo bờ biển phía bắc. Và thậm chí khu vực này cũng còn trông gồ ghề, bị cắt xén bởi nhiều nhánh sông và những sống núi với những vạt cỏ bén như dao cạo.

                Vào cuối năm 1567 một thanh niên Tây Ban Nha, Don Alvaro de Mendana, giong buồm từ Peru để ra đi tìm các mỏ vàng của vua Solomon và sau 11 tuần anh bắt gặp một nhóm đảo xanh tươi. Anh đặt tên cho chúng là Quần đảo Solomon nhưng chúng chứa quá ít vàng và khó xâm nhập thành ra không có nhiều vị khách đến đây qua nhiều thế kỷ sau đó.

                Dân bản xứ – người Melanesia tóc xoăn tít, đen như than hầm – không mấy chú ý đến những người khách mới đến. Họ thích tiến hành những cuộc chiến đẫm máu và săn đầu người giữa các bộ tộc với nhau hơn là đánh đuổi những kẻ xâm nhập da mét. Họ lễ phép lắng nghe các cha sứ, và chỉ đến năm 1896 sự đối đầu quan trọng đầu tiên giữa Đông và Tây mới xảy ra. Trong năm đó Đoàn Viễn Thám Albatros, do Hội Địa Lý Vienna tài trợ, đổ bộ lên Guadalcanal và đi bộ băng qua vùng đồng bằng  và chân đồi đi đến Núi Tatuve cao 1 dặm. 18 người Áo dự tính leo núi bất chấp lời cảnh báo của dân bản xứ là mọi người trên đảo đều sẽ chết nếu có ai “chinh phục” ngọn núi nơi Thần linh của họ cư ngụ. Người cầm đầu nhóm người Áo, nhà địa chất tiếng tăm Heinrich Foullon von Norbeeck, trả lời rằng họ đã vượt qua một đoạn đường dài để đến đây leo núi Tatuve và sẽ tiến hành việc đó. Sáng hôm sau trong khi người Áo ăn điểm tâm, một đám đông dân bản xứ lặng lẽ bao vây họ nhưng, đối xử khá tử tế với người sắp chết, chờ cho họ ăn xong mới tấn công. Tuy nhiên người Áo chiến đấu quá gan góc đến nỗi họ đẩy lui được thổ dân, với cái giá 6 sinh mạng, trong đó có người cầm đầu gan lì của mình. Trận đánh đầu tiên tại Guadalcanal đã kết thúc như thế.

                Tại thời điểm Trân Châu Cảng các đảo Solomon thuộc vùng ủy thác của nước Úc. Thủ đô của nó trên Tulagi gồm một khách sạn nhỏ, một trạm phát sóng, một con đường với nhiều cửa hàng và một ít biệt thự tươm tất dành cho các viên chức. Guadalcanal kế bên không được văn minh như thế – tất cả hòn đảo có chỉ là vài xứ đạo Cơ đốc, một ít đồn điền dừa và một trạm buôn bán Burns Philip. Một con đường duy nhất đi dọc theo bờ biển phía bắc xuyên qua các đồn điền, nhưng trong nội địa chỉ có đường mòn in dấu chân của thổ dân và hiếm có người da trắng nào cả gan đi vào.

                Một trong những người này là Sỉ quan Quân khu Martim Clemens, trước đây là một vận động viên có tiếng ở Cambridge, hết lòng với công việc gìn giữ hòa bình cho các thổ dân, vốn thỉnh thoảng quay về với những tập tục dã man cũ. Ngay sau khi người Nhật chiếm đóng ông và bốn người khác cắm chốt tại những vị trí khác nhau trên Guadalcanal làm nhiệm vụ canh gác bờ biển cho Hải quân Hoàng gia Úc. Họ phải báo cáo qua sóng đài về những con tàu đổ bộ và những hoạt động của máy bay đến Cục Tình báo Hải quân Úc. Như hầu hết những nhân viên canh phòng khác trên Solomon và Bismarck, họ là những chủ đồn điền hoặc viên chức nhà nước đã sống nhiều năm trong khu vực, và chính những người dũng cảm này đã báo động cho Washington việc kẻ địch xây dựng trên hòn đảo. Họ tiếp tục canh chừng mọi động tĩnh của kẻ địch: có 2,230 lính Nhật trên đảo, phần lớn là công bình và kỹ sư, và họ gần như đã hoàn tất một sân bay sơ sài cho Hải quân trên bờ biển bắc.

                Chính sự quá tự tin của người Nhật đã dẫn họ đến thảm trạng Midway và sự thất trận không làm sút giảm tính tự tôn của họ chút nào; tư lệnh cao cấp Hải quân không trông đợi một cuộc phản công ở Thái Bình Dương trong hàng tháng trời. Ý thức sai lầm về sự an toàn này không được Thiếu tá Hải quân Haruki Itoh của Trung tâm Tình báo Hải quân chia sẻ. Cuối tháng 7 đơn vị của ông bắt được hai cuộc gọi mới của Đồng minh trong vùng tây nam Thái Bình Dương. Vì cả hai trạm đều vận hành trên mạch tổng tư lệnh (chuỗi 4205 kc) và cả hai đường liên lạc đều kết nối trực tiếp với Trân Châu Cảng, Itoh kết luận rằng cả hai có thể là bộ chỉ huy cho một lực lượng tác chiến mới của địch. Vào ngày 1 tháng 8 những chuyên viên định hướng sóng điện định vị được một trạm tại Noumea ở New Caledonia, và trạm kia gần Melbourne. Trạm đầu tiên, Ioh dự đoán, là tổng hành dinh của Đô đốc Ghormley và trạm thứ hai là căn cứ của một lực lượng Anh hay Úc. Từ đó, ông và ban tham mưu kết luận rằng phe Đồng minh chuẩn bị tiến hành một trận tấn công trên đảo Solomon hoặc New Guinea. Lời cảnh báo khẩn cấp được truyền đến Truk và Rabaud, nhưng cả hai nơi đều phớt lờ.

 

2.

                Mặc dù Ghormey là chỉ huy trên danh nghĩa của Chiến dịch Tháp Canh, ông không thể thực hiện sự kiểm soát chiến thuật từ Noumea, vì thế ông giao việc này cho Phó Đô đốc Frank Jack Fletcher, cựu binh của trận Biển San Hô và Midway. Fletcher, cũng như những người mang trọng trách tấn công, không nhiệt tâm với Tháp Canh vì các lực lượng quá hẻo sử dụng được và việc chuẩn bị cần phải nhanh chóng. Nên nó được gọi đùa là “Chiến dịch Dây giày.”

                Vào ngày 26/7 Fletcher triệu tập tất cả chỉ huy đơn vị của Lực lượng Viễn chinh đến một nơi gặp gỡ ở Nam Thái Bình Dương cách Fiji 400 dặm về phía nam. Buổi họp trên tàu chỉ huy của Fletcher, Saratoga. Một máng rác vô tình đổ sữa lên người một vị đô đốc khi ông bước lên tàu. Tại cuộc hội thảo, Thiếu tướng Alexander A. Vandegrift, vị tư lệnh  má hồng của 17,000 Thủy quân Lục chiến  sẽ đánh chiếm Tulagi và Guadalcanal, nhận thấy Fletcher thiếu “hiểu biết hoặc thiếu quan tâm đối với chiến dịch sắp đến.” Fletcher, “trông lo âu và mệt mõi,”  bày tỏ công khai mối nghi ngờ của mình về triển vọng thành công của Tháp Canh. Ông thậm chí thêm thối chí khi biết rằng phải mất 5 ngày mới đổ bộ hết binh lính của Vandegrift lên Guadalcanal. Fletcher là vị tướng duy nhất có mặt đã trải nghiệm sức hủy diệt của các trận không kích của Nhật Bản (ông đã để mất Lexington tại Biển San Hô và Yorktown tại  Midway) và ông tái mặt khi nghĩ đến việc phải để lộ ra ba tàu sân bay của mình (chỉ có một tàu sân bay hạng nặng khác ở Thái Bình Dương) cho mối hiểm nguy ấy. “Thưa quí vị,” ông nói, “căn cứ vào mối nguy cơ làm mồi cho không lực của địch đặt căn cứ trên mặt đất, tôi không thể giữ tàu sân bay trong vùng biển hơn 48 giờ sau cuộc đổ bộ đầu tiên.”

                Vandergrift ráng kềm chế cơn giận; năm ngày không phận được bảo vệ đã bị cắt giảm một cách nguy hiểm. Chuẩn Đô đốc Richmond Kelly Turner, chỉ huy Lực lượng Đổ bộ, mà miệng lưỡi của ông cũng sắc bén và tính khí của ông cũng cộc cằn như King, nhất trí. Nhưng quan ngại duy nhất của Fletcher là sự cáo chung có thể xảy ra của tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương. Chúng sẽ rời đi vào ngày D cộng 3 (tức 3 ngày sau khi đổ bộ) và đó là tối hậu.

                Vandergrift nổi nóng khi rời tàu và cuộc diễn tập đổ bộ vụng về ở Figi cũng không cải thiện được tâm trạng của ông. Đó là, ông nghĩ một cách chán nản, một đổ vỡ hoàn toàn, và ông chỉ có thể tự an ủi là “một cuộc diễn tập tồi theo thông lệ dự báo một xô diễn tốt.”

                Vào chạng vạng ngày 6/8 Lực lượng Đổ bộ của Đô đốc Turner tiến gần đến đảo Solomon từ phía nam. Bốn tàu chở quân và bốn tàu khu trục chở quân đi Tulagi trong khi 15 tàu chở quân và tàu hàng hướng đến Guadalcanal. Chúng được hộ tống bởi 8 tàu tuần dương (ba tàu là của Úc) và một tàu khu trục che chắn. Một trăm dặm về phía nam lù lù Lực lượng Yễm trợ Trên Không : 3 tàu sân bay, 1 tàu chiến, 5 tàu tuần dương nặng, 16 tàu khu trục và 3 tàu dầu. Lúc hừng đông các tàu sân bay sẽ phóng lên các chiến đấu cơ và oanh tạc cơ của chúng.

                Hạm đội xâm chiếm – tổng cộng 82 tàu – mò mẫm về hướng bắc với tốc độ 12 hải lý qua làn sương mờ sáng. Trên tàu chở quân, các kỹ sư kiểm tra động cơ trên xuồng đổ bộ. Không khí nhờn nhợt và chỉ vận động một chút là chảy mồ hôi từng dòng. Lệnh “Làm Tối Tàu” được giở bỏ. Trong khu vực ngủ các binh sĩ nằm uể oải trên giường sắt mặc nguyên quân phục, chơi bài, đọc sách, hoặc viết thư về nhà. Phòng ăn chật ních Thủy quân lắng nghe nhạc ồn ào phát ra từ máy nghe nhạc hoặc nhìn bạn bè nhảy nhót một mình hoặc với đồng đội. Trên tàu American Legion sĩ quan sẽ dẫn dắt đơn vị đầu tiên bước lên bờ biển tại Guadalcanal, Đại tá Le Roy P. Hunt, đang chiêu đãi các sĩ quan của ông một xô độc diễn. Là một cựu binh có nhiều huy chương của Thế Chiến I – từng bị thương và xông hơi ngạt – ông với giọng khản đặc hát bài “Tôi Muốn một Cô Gái Giống Như Cô Gái Đã Lấy Bố Già Tôi.”

                Vào lúc nửa đêm những binh lính đổ bộ đầu tiên của Mỹ đang nằm trên giường sắt- ngủ hoặc cố ngủ. Hai giờ sau lính canh phát hiện một khối tháp đen ở đằng xa. Đó là Savo, một đảo núi lửa nhỏ nằm ngoài khơi mút phía tây của Guadalcanal. Sương mù đã tan và những con tàu trong Lực lượng Đổ bộ, vẫn chưa được phát hiện, đang lẻn vào vùng nước yên tĩnh. Lúc 2:40 một thông điệp được chuyển đến tàu chỉ huy cho biết Mũi Esperance, tại chóp Guadalcanal, còn cách 13 dặm. Nhóm tàu chở quân tách ra, những tàu đi đến Tulagi tiếp tục hướng về phía bắc vượt qua Savo và số còn lại quay gắt về phải đi vào hành lang giữa Savo và Mũi Esperance. Vùng nước yên tĩnh khiến các lính canh nổi da gà. Những làn gió mát thổi qua mặt đất, thông thường được chào đón sau nhiều tuần đi biển, giờ đây bốc mùi đầm lầy và rừng rậm.

                Đúng ba giờ kèn đánh thức vang lên trên tàu McCawley. Vadegrift ăn điểm tâm và khi chân trời phương đông rựng sáng, ông trở lại boong tàu. Không có dấu hiệu của kẻ địch. Có phải là bẫy không? Tàu chở quân lướt về đích đến: Bãi Lam trên Tulagi, và Bãi Đỏ, nằm tại trung tâm của bờ bắc Guadalcanal, chỉ cách sân bay mới đắp chừng 3 dặm.

                Khoảng 6:15 ba chiếc tuần dương và 4 khu trục khai hỏa đồng loạt. Đứng trên đài chỉ huy của American Legion, thông tín viên Richard Tregaskis nhìn “những đường chỉ đỏ của pháo vạch qua bầu trời” về phía Guadalcanal. Hai phút sau, át tiếng pháo ồn, ông có thể phân biệt được được một tiếng gầm thét khác, xa xôi hơn. Một tàu tuần dương và 2 khu trục đang pháo kích Tulagi.

                Vẫn không thấy động tĩnh dọc theo Bãi Đỏ hay Lam. Rõ ràng là quân Nhật đã bị hoàn toàn mất cảnh giới. Trong 30 phút tất cả tàu chở quân đều ở vào vị trí. Những máy bay ném bom bổ nhào và chiến đấu cơ từ ba tàu sân bay xuất hiện trên cao và bắt đầu băm vằm các bãi biển và các mục tiêu oanh tạc. Họ chỉ gặp những hỏa lực pháo rời rạc.

                “Đổ bộ lực lượng đổ bộ!” loa phóng thanh vang lên.

                Trên tàu chở quân các lính Thủy xếp hàng tại trạm xuống tàu. Ai đã từng ồn ào thì giờ câm lặng. Một số ít nói đùa và một vài người thốt ra những lời thường lệ “À, đến rồi sao.” Xuồng đổ bộ được 36 bộ được hạ xuống bằng tay. Các cần cẩu hạ nhẹ nhàng các xuồng hành lý  45 và 56 bộ trong khi các lính Thủy trong quân phục xanh lá cây với súng trường vắt vai, bi đông lận cồm cộm ở hông, những túi nặng nhét đầy mọi thứ từ lưới trùm đầu đến thuốc chống muỗi đến vật dụng cá nhân – bước xuống thang lưới đập mạnh vào sườn tàu sau mỗi lần lắc lư.

                Tại Tulagi, lính Thủy tràn lên bờ biển nhưng không thấy ai. Như thể đảo này không có người ở. Lúc 8:15 chỉ huy của họ báo tín hiệu: ĐỔ BỘ THÀNH CÔNG. KHÔNG CÓ KHÁNG CỰ. Một giờ sau chiếc xuồng đầu tiên chạm đất ngoài bờ Bãi Đỏ ở Guadalcanal và binh lính nhảy vào vùng nước nông ấp áp. Mọi người trông chờ một luồng hỏa lực chết chóc, nhưng khi họ băng qua bãi biển trần trụi và xông vào rừng, không một tiếng súng bắn vào họ.

                Từ McCawley, Vandegrift đang quét ống nhắm qua ngọn núi Austen cao 1,500 bộ, sững sững phía sau sân bay. Một quản lí đồn điền đã bảo đó là “một ngọn đồi chỉ cách bờ biển một hai dặm” nhưng có vẻ nó nằm sâu hơn trong nội địa. Có phải mọi thông tin đều không chính xác như thế? Binh lính của ông chỉ bị ngăn trở bởi cái nóng ẩm thấp và rừng mưa nhiệt đới. Người mướt mồ hôi, thường không có lính trinh sát đi trước hoặc các cánh quân ở hai bên, họ lầm lũi tiến về phía trước. May mà họ không gặp kẻ thù nào. Cuộc oanh tạc đã gần như đuổi tất cả người Nhật trở vào vùng đồi.

                Các cấp trên của họ ở Rabaud đã hay tin về cuộc xâm lăng trước khi quả pháo đầu tiên rơi xuống. Nhân viên truyền tin ở Tulagi gởi tín hiệu: LỰC LƯỢNG TO LỚN CÁC TÀU, KHÔNG BIẾT RÕ LOẠI VÀ SỐ LƯỢNG, ĐI VÀO EO BIỂN. HỌ CÓ THỂ LÀ AI? Đó hiển nhiên là một cuộc đột kích đánh rồi đi, nhưng Chuẩn Đô đốc Sadayoshi Yamada, tư lệnh  Đội Tàu 25, phái những máy bay tìm kiếm tầm xa đi điều tra. Trước khi họ có thể báo cáo, một tin điện đến từ Tulagi – tin cuối cùng:         LỰC LƯỢNG ĐỊCH TRÀN NGẬP. CHÚNG TÔI SẼ PHÒNG THỦ CỨ ĐIỂM ĐẾN PHÚT CUỐI CÙNG, CẦU NGUYỆN CHO THẮNG LỢI VĨNH CỮU.

                Yamada triệu tập các chỉ huy phi đội của ông và thông báo rằng cuộc tấn công đã lên kế hoạch vào New Guinea bị hủy bỏ; thay vào đó họ sẽ đánh vùng Guadalcanal ngay lập tức với mọi máy bay ném bom trung bình, máy bay ném bom bổ nhào và chiến đấu cơ có thể cất cánh lên được. Tadashi Nakajima, chỉ huy các chiến đấu cơ, phản kháng. Guadalcanal gần như cách đó 600 dặm về hướng đông nam và anh sẽ mất ít nhất phân nửa số máy bay. Chỉ những phi công lão luyện nhất mới có thể sống sót qua sứ mạng với cự ly lớn như thế. Hai người tranh luận quyết liệt cho đến khi Nakajima chấp nhận gởi đi 18 máy bay.

                Anh bảo người của mình họ sẽ chuẩn bị chiến đấu cơ trong một chiến dịch bay xa nhất trong lịch sử. “Hãy tuân thủ nghiêm nhặt mệnh lệnh, và trên hết, đừng bay bừa bãi hoặc phí phạm nhiên liệu.” Các phi công ngồi đợi trong các chiếc Zero của mình cho đến khi các máy bay ném bom hai động cơ-27 chiếc tất cả – gầm thét lao xuống đường băng. Nakajima ra dấu cho đồng đội và lái chiếc chiến đấu cơ nhỏ bé của mình xuống đường băng hẹp phủ đầy bụi và tro từ ngọn núi lửa đang hoạt động nhô cao ở hậu cảnh. Trong vài ngày qua những đợt phun trào dữ dội bắn ra những tảng đá vút cao trong không trung đe dọa các máy bay trên sân bay, nhưng hôm nay núi chỉ phun ra những luồng khói.

1.png

Các máy bay ném bom bay thấp về hướng đảo Bougainville trên đường đến Guadalcanal. Một chủ đồn điền có tên Mason đếm số máy bay và đánh điện khẩn cấp cho Úc trên tần số “X”: 27 OANH TẠC CƠ HƯỚNG VỀ PHIA ĐÔNG NAM. Tin được bắt bởi một số trạm, kể cả Cảng Moresby, rồi chuyển về Townsville, Úc, và từ đó đến trạm xuyên đại dương rất mạnh ở Trân Châu Cảng. Trong vài phút mọi tàu Mỹ ngoài khơi Guadalcanal và Tulagi đều sẵn sàng.

                Khi các oanh tạc cơ bay gần đến mục tiêu của mình, các chiến đấu cơ đuổi kịp họ. Saburo Sakai, người đã bắn hạ 56 máy bay, trong đó có chếc Pháo đài Bay của Colin Kelly, chứng kiến một cảnh tượng đáng sợ phơi bày trước mặt mình – ít nhất 70 tàu địch tụ tập ngoài bãi biển. Các oanh tạc cơ quay ngoắc trước khi bay thẳng để ném bom. Ngay lập tức nửa tá chiến đấu cơ địch xuất hiện tận trên cao trong ánh mặt trời. Chúng trông có vẻ kiểu mới đối với Sakai, tròn trịa hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào trước đây của Mỹ mà anh từng biết: chắc chúng là các Grumman Wildcat, một loại được báo cáo có mặt trong khu vực.

                Các Wildcat có căn cứ trên tàu sân bay phóng xuống các oanh tạc cơ đang bỏ bom xuống các con tàu gần Đảo Savo. Sakai nhìn bực dọc khi các quả bom rơi quanh các con tàu vọt lên các cột nước vô hại. Ngu ngốc làm sao khi hi vọng đánh trúng các tàu đang di chuyển từ bốn dặm trở lên! Tại sao chúng không trang bị các ngư lôi?

                Các chiếc Grumman đi xuyên đội hình các oanh tạc cơ trước khi bị các chiếc Zero đánh đuổi. Sakai ngạc nhiên trước tính thiếu xông xáo của các phi công Mỹ – rồi anh chú ý đến một chiếc Wildcat đơn độc đã thành công khi tránh được ba chiếc Zero. Anh há hốc. Mỗi lần chiếc Zero bắt được chiếc Wildcat trong tầm bắn, phi công Mỹ lại quẩy mạnh chiếc phi cơ mập mạp của mình đi khỏi một cách liều mạng và vọt ra phía sau chiếc Zero – Sakai chưa hề trông thấy chiêu thức bay như thế. Anh bắn một tràng đạn vào chiếc Grumman; nó lộn vòng, quay gắt trở lại và bay vút cao xông vào Sakai. Anh lộn vòng nhưng phi công Mỹ vẫn bám theo. Phải thực hiện một chuỗi lượn vòng rất gắt trước khi Sakai có thể đem chiếc Wildcat vào tầm bắn một lần nữa. Anh lia chừng 500 đến 600 viên đạn vào phi cơ.

                Chiếc Wildcat không tan tành hay bốc cháy. Làm sao mà nó vẫn ở trên không được? Ở đâu người Mỹ tạo được những phi cơ và phi công tài ba như thế nhỉ? Anh mở cửa buồng lái và nhìn trân trân đối thủ, một người to con với nước da sáng. Anh thách thức địch thủ của mình bằng một cử chỉ “Có ngon thì xông vào!” nhưng có lẽ viên phi công đã bị trúng đạn, bởi vì y không tấn công dù đang ở vị trí thuận lợi. Sakai cảm thấy khâm phục địch thủ táo tợn và miễn cưỡng chỉa súng 20-mm vào chiếc Grumman. Máy bay nổ tung, và tận bên dưới Sakai có thể trông thấy viên phi công cùng chiếc dù trôi giạt về hướng đất liền.

                Các máy bay ném bom không gây ra tổn thất nào, và các tàu chở quân quay trở lại bãi biển để đổ người. Nhưng trong vòng một giờ một đợt máy bay ném bom thứ hai bắt buộc các tàu chở quân Mỹ phân tán trở lại. Trong hai trận công kích người Nhật chỉ làm đình hoãn cuộc đổ bộ trong vài giờ. Cùng số lượng bom có thể đã phá hủy hầu hết những thiết bị chất đống trên các bãi biển và khiến các binh lính trên bờ biển lâm nguy.

                Ở Rabaud tầm quan trọng của cuộc đổ bộ không được Thiếu tướng Harukichi Hyakutake, tư lệnh Quân đoàn 17, nhận ra. New Guinea vẫn còn là mục tiêu chính và sự chú tâm của ông đang tập trung vào kế hoạch băng qua Dãy Owen Stanley và đánh chiếm Moresby. Không được dành một tên lính nào cho một hoạt động chỉ là nghi binh của địch. Phó Đô đốc Gunichi Mikawa hoàn toàn không đồng ý với ông. Ông chỉ huy Hạm đội Thứ 8 vừa mới thành lập và đã vừa đến Rabaud với một sứ mang kép: chỉa một mũi tấn công mới về phía nam và bảo vệ đảo Solomon khỏi cuộc phản công của Đồng minh. Các báo cáo đầu tiên của các cuộc đổ bộ đã chứng tỏ không thể nghi ngờ đây chính là đòn tấn công chủ lực, nhưng ông biết tranh luận với Lục quân là vô ích. Nếu có gì phải làm tức thì, thì là do Hải quân tự quyết. Ông xoay sở tập họp được 410 thủy thủ, một số súng trường và một ít súng máy và phái họ lập tức đến Guadalcanal trong tàu chở quân Meiyomaru. Rồi ông đánh điện cho Bộ Tổng tham mưu Hải quân ở Tokyo xin phép được phát động một cuộc tấn công trên mặt biển vào đêm sau chống các tàu vận tải của Mỹ.

                Đối với Tham mưu trưởng Hải quân Nagano, kế hoạch nghe có vẻ quá liều lĩnh – Mikawa sẽ phải xuyên qua một đoàn khủng khiếp các tàu chiến có hỏa lực hơn hẳn ông-nên ông chuyển quyền quyết định cho Hạm đội Hỗn Hợp . Yamamoto hiểu rằng Mikawa không phải là người khinh suất chút nào nên điện trực tiếp cho ông: CHÚC HẠM ĐỘI MAY MẮN.

                Mikawa được khuyên chỉ cần chỉ huy trận đánh từ căn cứ Ranaud, nhưng là một samourai chính hiệu, vị đô đốc mềm mõng và nhã nhặn leo lên chiếc tuần dương nặng Chokai vào chiều hôm đó. Ra lệnh cho 7 tàu khác – 4 tuần dương nặng, 2 tuần dương nhẹ và 1 khu trục – đi theo thành hàng, hướng về nam qua Kênh St. George.

                Khu vực chỉ được lên bản đồ sơ sài và một ít bản đồ có sẵn không đáng tin cậy. Thật là bẽ mặt khi cứ chạy lòng vòng, và nhiều giờ liên vị đô đốc dán mắt vào bản đồ với hoa tiêu trưởng của mình. Cuối cùng ông quyết định lủi tàu về phía trên Bougainville ngoài tầm bay của của bất kỳ máy bay nào cất cánh từ tàu sân bay Mỹ cho đến cuối chiều hôm sau. Rồi ông sẽ dẫn hạm đội nhỏ của mình vào trong hành lang nguy hiểm qua quần đảo Solomon (người Mỹ đặt tên cho nó là “The Slot” [tức cái Khe]), trông cậy vào may mắn là không có máy bay tìm kiếm nào của Đồng minh phát hiện được ông trong ánh sáng nhạt nhòa. Việc này thật liều lĩnh, nhưng nếu ông không chọn dịp này ông sẽ không bao giờ đến được Guadalcanal đúng lúc. Tất cả đều tùy thuộc vào tính bất ngờ.

                Nhưng ông đã bị phát hiện. Một tàu ngầm Mỹ, S-38, nằm phục kích tại cửa Kênh St. George, gần như bị hạm đội của Mikawa chèn qua. Lắc lư trong sóng, S-38 quá sát nên không thể bắn ngư lôi. Chỉ huy tàu ngầm, Thiếu tá H. G. Munson, một cựu binh của chiến dịch Java nản lòng, đánh điện:

                HAI KHU TRỤC VÀ BA TÀU LỚN HƠN KHÔNG RÕ CHỦNG LOẠI ĐANG TIẾN VỀ MỘT           BỐN KHÔNG THỰC VỚI TỐC ĐỘ CAO CÁCH MŨI ST. GEORGE TÁM DẶM VỀ HƯỚNG TÂY.

 

3.

                Vào hoàng hôn ngày D, 11,000 lính Thủy đã đổ bộ lên Guadalcanal không có thương vong nào. Bãi biển chất cao các thiết bị và đạn dược. Chiều hôm sau một tiểu đoàn tiến chiếm sân bay mà không gặp bất kỳ kháng cự nào. Lính Thủy tìm thấy một đường băng 3,600 bộ gần như đã hoàn chỉnh bị bỏ rơi. Toàn bộ quân đồn trú – để lại bữa ăn dang dở trên bàn – đã chuồn vào nội địa mà không phá hủy bất kỳ thiết bị hay đồ tiếp tế nào hay phá nổ tung đường băng. Họ để lại phía sau hàng đống súng trường, súng máy, xe tải, máy trộn xi măng, máy lăn chạy bằng hơi nước, đạn dược, xăng, dầu và hai máy ra-đa cũng như một số lượng lớn gạo, trà, bia và sake. Gần đó là hai máy phát điện lớn, xưởng máy, và nhà máy khí áp cho ngư lôi, và một nhà máy làm nước đá, giờ có bảng hiệu mới: HẢNG NƯỚC ĐÁ TOJO, DƯỚI QUYỀN QUẢN LÍ MỚI.

                Các tàu của Mikawa đến Bougainville vào rạng sáng. Vị đô đốc gởi đi 4 máy bay trinh sát và phân tán hạm đội của mình để đánh lừa máy bay thám thính của Đồng minh. Lúc 10:20 một oanh tạc cơ Úc, chiếc Hudson, bắt đầu lượn vòng trên đầu chiếc tàu chỉ huy của ông. Chokai đảo lộ trình như thể hướng trở lại về Rabaud, nhưng khi một chiếc Hudson khác xuất hiện, Mikawa quyết định lộ mặt ra hết. Hạm đội tập kết lại và hướng xuống thẳng qua lối đi hẹp băng qua Solomon. Chẳng bao lâu một máy bay tìm kiếm của ông báo cáo đã trông thấy 18 tàu chở quân, 6 tuần dương, 19 khu trục và 1 tàu chiến gần Đảo Savo. Kẻ địch hình như tách làm hai lực lượng – lực lượng chính bảo vệ các tàu chở quân Guadalcanal, lực lượng kia Tulagi. Người Mỹ có 26 tàu chiến so với ông chỉ có 8, nhưng ông có thể phá hủy một lực lượng trước rồi sẽ thanh toán lực lượng kia sau. Việc làm Mikawa lo ngại nhất là lực lượng tàu sân bay. Nó ở đâu?

                Đô đốc Turner còn không biết là một hạm đội địch đang tiến về phía Lực lượng Đổ bộ của mình. Báo cáo từ tàu ngầm không xác định được và phi công tìm kiếm của Úc quyết định rằng thông tin của y không đủ quan trọng để phá vỡ sự im lặng của việc truyền tin. Turner bận bịu suốt ngày với hai cuộc oanh kích gây ra nhiều rối loạn hơn là thiệt hại; khu trục Jarvis bị trúng một quả ngư lôi, và tàu chở quân George F. Elliott thì bốc lửa.

                Vào chiều tối – ngay khi các lính Thủy chiếm được sân bay trên Guadalcanal – đội tàu của Mikawa cuối cùng cũng tiến vào được vùng nước xanh ngắt của đường qua Solomon và bắt đầu hướng về phía đông nam thẳng tiến đến Guadalcanal. Hạm đội sẽ chạm trán với địch vào lúc giữa đêm và kế hoạch trận đánh phải thật đơn giản, vì 8 con tàu trước đây chưa hề hợp đồng tác chiến. Lúc 4:30, các lệnh được gởi bằng đèn tín hiệu từ Chokai đến các con tàu khác: “Chúng ta phải tiến tới từ nam đảo Savo và phóng ngư lôi vào lực lượng chủ lực địch trước mặt vùng neo đậu của Guadalcanal, sau đó chúng ta sẽ quay về vùng phía trước của Tulagi để bắn phá và đánh ngư lôi địch. Sau đó chúng ta rút lui về hướng bắc của Savo.” Tín hiệu nhận dạng sẽ là những ống vải trắng buông xuống hai bên đài chỉ huy.

                Khi Mikawa đến gần Guadalcanal mối nguy hiểm bị phát hiện tăng dần và có ít khoảng trống trong vùng nước hẹp để xoay trở tránh oanh tạc cơ. Mỗi phút trong ánh sáng ngày gần như là vô tận. Ngay trước hoàng hôn một lính canh trên Chokai la lên, “Cột tàu phía trước ở mạn phải!” Còi thét lên và chuông leng keng khi binh lính chạy túa ra vào vị trí chiến đấu và hướng pháo về mạn phải. Đó là một con tàu bạn, tàu liên lạc thủy phi cơ Akitsushima đang hướng về hòn đảo đồ sộ nhô ra khỏi mặt nước về bên phải, Đảo New Georgia.

                Đô đốc Turner không phải không biết ý nghĩa của The Slot. Bất kỳ thủy thủ nào cũng nhìn thấy đó chính là đại lộ giữa Rabaud và Guadalcanal. Ông đã ra lệnh cho một chiếc Catalina đi tuần tra vùng phía trên nơi Mikawa đã đi qua từ bình minh, nhưng Turner không biết là chiếc PBY không hề cất cánh. Khi đêm buông xuống Lực lượng Đổ bộ, một lính truyền tin từ phòng mật mã trên tàu chỉ huy trao cho vị đô đốc một bản sao của tin điện mà Fletcher gởi cho Đô đốc Ghormley ở Noumea:

                LỰC LƯỢNG CHIẾN ĐẤU CƠ GIẢM TỪ 99 XUỐNG CÒN 78 X XÉT VÌ SỐ     LƯỢNG LỚN       CÁC MÁY BAY PHÓNG NGƯ LÔI VÀ OANH TẠC CƠ CỦA ĐỊCH TRONG KHU VỰC TÔI ĐỀ             NGHỊ LẬP TỨC RÚT LUI CÁC TÀU SÂN BAY CỦA MÌNH X YÊU CẦU CÁC TÀU CHỞ DẦU                ĐƯỢC GỞI TỚI NGAY LẬP TỨC VÌ NHIÊN LIỆU ĐANG CẠN.     

                Turner nổi dóa. Ông chỉ nhận được “cái mông trần” không có tàu sân bay yễm trợ và phải rút lui lúc bình minh; ông không thể liều lĩnh chờ một cuộc không kích khác mà không có sự che chở của tàu sân bay-máy bay. Ông ra lệnh cho Tướng Vandegrift và Chuẩn Đô đốc V. A. C. Crutchley, chỉ huy lực lượng che chắn tuần dương-khu truc, có mặt ngay lập tức tại tàu chỉ huy McCawley của mình, đang neo đậu ngoài khơi Guadalcanal. Crutchley là một sĩ quan Anh, đã được huy chương Thập giá Victoria tại Jutland, một con người nhiệt tâm với chòm râu đỏ rậm rạp. Ông đã dàn các con tàu của mình thành ba nhóm bảo vệ quanh các tàu chở quân và tàu hàng. Lực lượng Phía Nam – 3 tuần dương và 2 khu trục – án ngữ giữa Savo và Mũi Esperance. Lực lượng Phía Bắc, với cùng số tàu, phong tỏa đường giữa Savo và Tulagi trong khi Lực lượng Phía Đông – 2 tuần dương nhẹ và 2 khu trục – đứng tách ra ở phía đông.

                Không có kế hoạch tác chiến, và ngài Crutchley dễ tánh chỉ đơn giản ra lệnh lực lượng Phía Bắc hoạt động độc lập và thích ứng nói chung với sự điều động của Lực lượng Phía Nam, do chính Crutchley sẽ chỉ huy. Khi Crutchley nhận được lệnh triệu tập khẩn cấp của Turner, ông ra tín hiệu cho thuyền trưởng tàu tuần dương Chicago tạm thời nhận quyền chỉ huy Lực lượng Phía Nam và đi dọc theo bờ biển tối đen của Guadalcanal trong chiếc tàu chỉ huy của mình, Autralia, để tìm McCawley; như vậy sẽ nhanh hơn nếu đi bằng tàu nhỏ.

                Không ai trong lực lượng che chắn ngỡ sẽ có một cuộc tấn công trên mặt biển đang đến gần và các con tàu vẫn chỉ trong điều kiện ứng chiến số hai. Không ai nghĩ đến việc thông báo cho chỉ huy Lực lượng Phía Bắc, Đại tá Frederich L. Riefkohl trên tàu tuần dương nặng Vincennes, rằng bây giờ ông là sĩ quan cao cấp của cả hai lực lượng bảo vệ The Slot. Đại tá Howard D. Bode của tàu Chicago cũng không phiền chạy đến vị trí thích đáng của tàu chỉ huy tạm thời của Lực lượng Phía Nam là ở phía trước tàu chị em của Australia, tàu Canberra.

                Australia mò mẫm trong bóng đêm trong hai giờ trước khi tìm được McCowley. Turner và Crutchley bàn bạc về tin điện từ một phi công tìm kiếm Úc đã phát hiện ra Mikawa sáng hôm đó. Nó vừa mới đến đến sau tám giờ bị đình hoãn – và nó lại chỉ dẫn sai: nó nói rằng lực lượng Nhật gồm có 3 tuần dương, 3 khu trục và 2 tàu liên lạc thủy phi cơ  hoặc pháo thuyền. Từ khóa đối với hai đô đốc là “tàu liên lạc thủy phi cơ” và họ kết luận rằng điều này có nghĩa sẽ có trận không kích vào buổi sáng. Chắc chắn không ai sẽ phát động bất cứ kiểu tấn công trên mặt biển vào ban đêm với 3 tàu tuần dương. Ngoài ra, không có báo cáo nào từ máy bay PBY mà Turner đã ra lệnh phái đi sáng đó.

                Trên chiếc tàu nhỏ Tướng Vandegrift vẫn còn đang săn tìm McCawley qua một rừng tàu thù lù trong bóng đêm và chỉ sau 11 giờ cuối cùng ông mới tham gia buổi hội thảo. Đêm nóng, oi bức và u ám. Vandergrift nghĩ là hai vị đô đốc “sắp sửa bất tỉnh đến nơi,” và chính ông cũng kiệt sức từ những nỗ lực trên Guadalcanal.

                Trong khi họ uống cà phê Turner đưa cho các phụ tá của mình tin điện của Fletcher. Vandegrift cũng nổi nóng với Fletcher như Turner; ông “chỉ còn 12 giờ trước kỳ hạn ông ta đã hăm dọa.” Turner cho rằng mình nên rút lui tàu chở quân ngay sau bình minh và hỏi ý của Vandegrift.

                “Chúng ta đang ổn ở Guadalcanal,” vị tướng trả lời, nhưng ông không chắc ở Tulagi đồ tiếp liệu có dỡ xuống nhiều chưa. Ông phải đích thân đi kiểm tra.

                “Tôi nghĩ anh làm thế là đúng,” Turner nhận xét, đưa mắt nhìn qua ống nhắm. “Tôi có một tàu dò mìn đang chờ để đưa anh đến đó.”

                Crutchley xin được chở Vandegrift đến tàu dò mìn trên đường ông trở lại tàu chỉ huy của mình. Vị tướng từ chối nhưng Crutchley cứ khăng khăng. “Sứ mạng của anh khẩn cấp hơn của tôi.”

                Chưa đến nửa đêm khi hai người leo xuống chiếc xuồng lớn của Crutchley. Về bên trái một cơn mưa nặng hạt đã trút xuống gần Savo, tạo thành một bức màn chắn giữa các Lực lượng Phía Bắc và Nam. Về bên phải họ có thể nhận ra một vệt lóe đỏ – tàu vận tải George F. Elliott vẫn còn bốc cháy. Khi Vandegrift xuống xuồng, Crutchley bắt tay ông. Ông biết việc rút lui các tàu chở quân có ý nghĩa gì đối với lính Thủy, nhưng nói, “Vandegrift, tôi không biết liệu mình có đổ lỗi cho Turner về những gì ông ta đang làm không.”

                Đội tàu của Mikawa đang đến sát Savo với tốc độ 26 Hải lí. Tàu chỉ huy Chokai dẫn đầu, theo sau ở cự ly 1,300 ya là 4 tàu tuần dương nặng và 2 tuần dương nhẹ, với tàu khu trục đơn độc bọc hậu. Boong tàu được dọn sạch để chuẩn bị hành động; những vật dụng dễ cháy trên boong bị vất xuống biển, mìn chìm và những máy móc không cần thiết được đưa xuống dưới. Mỗi thuyền trưởng chuyền cho binh lính thông điệp cuối cùng của Mikawa, giống như thông điệp mà thần tượng của ông, Lord Nelson [Một đô đốc Anh tiếng tăm từng đánh bại Napoleon trên biển: ND] : “Chúng ta hãy tiến về phía trước đến thắng lợi chắc chắn trong trận đánh đêm truyền thống của Hải quân Hoàng gia. Mỗi người chúng ta hãy bình tĩnh làm hết sức mình.”

                Trên hết, Mikawa e sợ lực lượng tàu sân bay địch. Ông biết nó đang ở gần đây vì có nhiều tin điện bằng rađiô đánh đi ở tần số cao như RED 6 TO RED BASE và GREEN 2 TO GREEN BASE. Nhưng vẫn còn cơ may chạy thoát qua ngõ Solomon vào ban ngày.

                Ngay phía trước trong bóng đêm, nhóm tàu tuần dương của Crutchley di chuyển nặng nề ngoài khơi Savo trong các lượt tuần tra đơn điệu của chúng, những lính canh kiệt sức sau 48 giờ liền quan sát trong báo động liên tục. Mọi thuyền trưởng đều đang say ngủ.

                Mikawa trông thấy ngọn núi lửa trên Savo nhô cao khỏi mặt biển. Không ai trên đài chỉ huy nói gì. Một, hai, rồi ba phút chầm chậm trôi qua. Không như người Mỹ, người Nhật không có ra đa, chỉ có cặp mặt được huấn luyện nhìn xuyên bóng đêm. Người lính canh bên mạn phải trên tàu Chokai nhìn thấy một hình thể lờ mờ. “Có tàu đang tiến đến, 30 độ bên mạn phải!” y la lên. Đó là chiếc khu trục Blue của Mỹ. Nó và chiếc khu trục Ralph Talbot, cách 6 dặm về phía đông bắc, là những tàu cảnh giới, hệ thống báo động sớm của Mỹ. Nhưng các máy ra đa và máy dò sóng của họ lạ thay không phát hiện được đội tàu đang tiến đến gần chúng.

                “Chuẩn bị hành động,” Mikawa nói, và để tránh lộ mặt, ra lệnh, “Lái sang trái. Hạ tốc độ còn 22 hải lí.”

                Đoàn tàu đen ngòm im lặng quay hướng, các khẩu pháo mạn phải sẵn sàng khai hỏa vào tàu Blue, nhưng tàu này bổng quay ngược lộ trình và đi với tốc độ ung dung 12 hải lí về phía tàu Ralph Talbot, cũng đang quay ngược hướng đi. Hai tàu canh gác qua mặt nhau và tách ra, để lại một cổng mở cho các tên đột kích đang tiến đến.

                Mikawa đâm về phía trước và ở ngay trung tâm của Lực lượng Đổ bộ, nhờ một loạt liên tục các xui xẻo của phe Đồng minh: ông đã bị phát hiện 3 lần, nhưng không hề hấn gì. Chiếc B-17 tuần tra The Slot đã hoàn toàn bỏ qua ông, và lệnh săn tìm bổ sung của Turner đã không được thi hành. Cuối cùng, hai tàu tuần dương gần như bị đoàn tàu của ông va chạm, vậy mà không có lính canh nào hoặc ra đa hoặc nhân viên dò sóng báo động; hoặc là những vệt sáng trên màn ra đa không ai ngó nhìn hoặc lầm tưởng là tàu bạn. Như tại Trân Châu Cảng, không ai có thể tin vào một cuộc tấn công đang đến gần.

                Chokai quành bên dưới Savo, không ai thấy. Một lính canh nhìn thấy một tàu tuần dương phía bên trái mũi tàu. Một phút trôi qua. Không có gì xảy ra. Đó là một báo động giả. Những lính canh bên trái chỉ hơi nhận ra thứ gì trông như một khu trục hạm đang di chuyển rất thong thả về hướng tây. Đó là khu trục Jarvis, đã bị trúng ngư lôi trong cuộc tấn công ban ngày, đang chạy về Úc để sửa chữa. Sự may mắn không thể tin được của Mikawa vẫn tiếp tục. Jarvis, cũng vậy, không nhận ra được đoàn tàu Nhật, cuối cùng bị nuốt chững trong màn mưa dầy đặc.

                Chokai ra hiệu bằng đèn báo được che chắn chỉ cho phép những tàu trong đội thấy được: “Chuẩn bị phóng ngư lôi.” Người lính canh mạn trái nhận ra một con tàu gần 10 dặm trong ánh sáng lóe ra từ tàu Elliott. “Tàu tuần dương, bảy độ bên trái!” Lúc 1:36 A.M. một người lính canh mạn phải gọi to, “Ba tàu tuần dương, chín độ mạn phải, di chuyển về bên phải!” Đó là trung tâm của Lực lượng Phía Nam của Crutchley, những tuần dương hạng nặng Canberra Chicago và tàu khu trục Patterson.

                “Bắt đầu khai hỏa,Mikawa điềm tĩnh nói và lệnh được truyền đến đội phóng ngư lôi. “Toàn đội tấn công” là mệnh lệnh tiếp theo. Một đàn ngư lôi tầm xa có thể mang 1,000 cân thuốc nổ đi 11 dặm với tốc độ 49 hải lí lướt sóng về Canberra Chicago.

                Hai tàu tuần dương lớn đang chầm chậm theo hướng tây bắc, được hai khu trục bảo vệ, Bagley ở mạn phải và Patterson ở mạn trái. Cuối cùng, lúc 1:43 A.M., ai đó trên tàu Patterson nhận ra vài con tàu ở đằng xa và tin báo động vang lên qua sóng điện: CẢNH BÁO- CẢNH BÁO- TÀU LẠ ĐI VÀO CẢNG!

                Cảnh báo thật không cần thiết. Những pháo sáng thả dù bùng nổ trong bóng đêm phía sau các tàu Đồng minh, khiến chúng trở nên rõ nét như những bóng đen trong phòng trưng bày nhiếp ảnh. Các pháo sáng đã được thả từ ba thuỷ phi cơ “thân hữu” của Mikawa.

                Trên đài chỉ huy của Canberra một người lính canh chỉ cho một sĩ quan chú ý đến một hình thể lờ mờ phía trước trong cơn mưa như trút nước. Một con tàu, một con tàu lạ. Nó bắt đầu phun lửa. Khi hai người Úc theo bản năng lùi lại, một cặp ngư lôi đâm vào mũi tàu Canberra. Từ trên cao, đạn pháo lao xuống tàu tuần dương, giết chết thuyền trưởng và sĩ quan pháo binh. Các pháo hạm chủ lực trở nên vô dụng, con tàu lớn nghiêng đi, chết trong nước. Lửa chảy qua những lối đi, được tiếp sức bằng vải sơn lót trên boong. Lớp sơn trên vách ngăn bốc cháy; đồ đạc bọc da trong các phòng ăn và ngủ bốc cháy như bùi nhùi. Binh lính điên cuồng cố quăng ném dầu và đạn dược xuống biển, nhưng đã quá trễ. Những phát nổ rung lắc con tàu dữ dội.

                Các tàu khu trục ở hai bên Canberra chống trả một cách mù quáng, nhưng Patterson nhanh chóng bị các đèn pha định vị và bị loại ra khỏi vòng chiến. Bagley lao vào kẻ địch, vào vị trí phóng ngư lôi – nhưng không có kíp nổ.

                Với Canberra thành địa ngục lửa, hạm đội Mikawa quay về phía Chicago. Chỉ huy tạm thời của Lực lượng Phía Nam, Đại tá Bode, tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngon, đi đến đài chỉ huy ngay trước khi một quả ngư lôi nghiền nát mũi tàu. Mặc dù bị rách một lỗ rộng 16 bộ và trúng một quả pháo, Chicago vẫn đi tìm mục tiêu. Trông thấy một vật gì đó ở phía tây – đó là tàu khu trục đơn độc của Nhật – nó chạy theo săn đuổi. Bode tình cờ chạy ra khỏi mặt trận chính. Tệ hơn, ông vẫn chưa báo động cho Lực lượng Phía Bắc về những gì đang xảy ra.

                Trên tàu McCawley, Đô đốc Turner chỉ hay tin về trận đánh qua những lóe sáng của hỏa lực pháo theo sau là những tiếng nổ ầm ầm của đạn. Điều làm ông lo lắng là số phận của lính Thủy trên Guadalcanal và Tulagi và các thủy thủ trong các tàu chở quân bất lực đang lâm nguy. Những chiếc tàu mỏng manh này đã rút neo và đang lang thang trong bóng đêm.

                Đô đốc Crutchley trên tàu Australia còn cách xa vùng chiến trận. Ông ra lệnh 7 khu trục tham gia với tàu chỉ huy của mình tại một điểm hẹn ấn định – nếu họ không giao tranh với tàu Nhật. Trong cơn hỗn loạn mệnh lệnh bị hiểu lầm và 4 tàu khu trục rút ra khỏi trận đánh.

                Mikawa đã loại Lực lượng Phía Nam trong vòng sáu phút mà không bị trúng một phát nào. Ông tiếp tục quay tàu ngược chiều kim đồng hồ quanh Savo để tìm các mục tiêu mới. Ba tàu tuần dương nặng đi theo tàu chỉ huy Chokai, nhưng tàu tiếp sau trong hàng, Furutaka, ở quá xa phía sau thành ra nó lầm lẫn quành sang phải nên hai tàu tiếp sau đó cũng nối gót, thành ra Lực lượng của Mikawa bị tách ra làm hai. Lỗi lầm này lại tạo cho Mikawa một tình thế chiến thuật đáng mơ ước: ông có 4 tàu tuần dương về phía tây của Lực lượng Phía Bắc và 3 tàu ở bên phía bên kia. Năm tàu Mỹ, 3 tuần dương nặng và 2 khu trục, sắp sửa bị tấn công bên sườn về cả hai phía – đồng thời mà không được Đại tá Bode cảnh báo.

                Lúc 1:48 A.M., các lính canh trên tàu tuần dương nặng Astoria nhìn thấy các ngư lôi đang tiến gần – chúng đến từ Chokai và tất cả chúng đều vọt qua. Đánh thức bởi còi báo động toàn diện, Đại tá William Greenman vội chạy đến đài chỉ huy và muốn biết thẳng quỷ nào đã bật còi báo động và tại sao dàn pháo chính của tàu đang khai hỏa. Ông chắc chắn họ đang bắn lầm tàu bạn. “Đừng kích động quá mà hành động bừa bãi,” ông nói. “Ngưng bắn.” Rồi ông mau chóng đổi ý khi khi trông thấy cột nước bắn tung tóe quanh chiếc tuần dương Vincennes. “Bắt đầu khai hỏa!” ông quát lên và ra lệnh cho tàu quay nhẹ sang trái. “Tàu mình hay tàu địch, chúng ta đều phải ngăn chúng lại!”

                Từng loạt pháo này đến loạt pháo kia bắn ra từ Cholai đâm sầm vào Astoria, đánh sập toàn bộ pháo và binh lính ở tháp pháo 2. Chiếc tuần dương lướt chậm rồi dừng lại, cả boong tàu bốc lửa – và mỗi hệ thống đường ống chữa lửa đều đứt đoạn.

                Gần đó tàu tuần dương nặng Quincy cũng đang cháy vì một máy bay thám thính bị trúng đạn ngay bình xăng. Chiếc tuần dương là một mục tiêu hoàn hảo và bị kẹt giữa hai lằn đạn tàn phá chéo nhau. “Chúng ta đang vào gọng kềm của chúng,” Đại tá S. N. Moore điện thoại cho các pháo thủ của ông. “Cho chúng xuống đia ngục đi!” Pháo xé nát Quincy, và cuối cùng Moore ra lệnh cho người đánh tín hiệu cho con tàu tiêu đời lên cạn tại Savo, bốn dặm về bên trái. Một quả pháo phát nổ trên đài chỉ huy, vứt các thân người như các búp bê, giết gần như mọi người. Moore nằm gần bánh lái, bị trọng thương. Ông cố gắng đứng dậy nhưng ngã xuống miệng rên rỉ. Con tàu nghiêng sang trái và bắt đầu chìm xuống từ mũi tàu.

                Chỉ huy của Lực lượng Phía Bắc, Đại tá Riefkohl của tàu Vincennes, vẫn chưa biết trận đánh đang diễn tiến. Ông đã nghe Ralph Talbot báo cáo về một máy bay trên đầu ngay trước nửa đêm, nhưng tưởng như nhiều người khác đó là máy bay bạn và đi ngủ. Súng gầm rú, ông phỏng đoán, được khai hỏa là do một con tàu Nhật nào đó cố lẻn qua Lực lượng Phía nam. Từ đài chỉ huy Riefkohl cảm nhận hai vụ nổ dưới nước và trông thấy những chớp sáng của pháo, khiến ông có thêm một dự đoán khác: Lực lượng Phía Nam đang bắn máy bay địch.

                Ông bực mình-nhưng không lo sợ-khi các ngọn đèn pha chiếu sáng ba tàu tuần dương của Lực lượng Phía Bắc vào lúc 1:50 A.M. Ông điện cho Lực lượng Phía Nam tắt chúng. Như thể đáp lại, những cột nước bắn lên cách đó 500 dặm. Đại tá Riefkohl cuối cùng nhận ra rằng mình đang ở giữa trận đánh. Các khẩu pháo 8-in của Vincennes phun lửa và một loạt đạn đánh trúng Kinugasa, nhưng những máy bay thám thính trên đuôi tàu Vincennes bốc lửa và trở thành, như Quincy, một mục tiêu dễ dàng. Riefkohl ra lệnh một lộ trình zíc-zắc để tránh cuộc tấn công chết người, nhưng hai, có thể ba quả ngư lôi nổ tung trong phòng lò hơi. Áp lực hơi nước liên tục giảm. Một quả ngư lôi khác đánh trúng phòng lò hơi số 1. Vincennes dằm mình trong nước. Hết quả pháo này đến quả pháo khác xé toạc boong tàu. Những đám lửa bốc lên trong phòng chiếu phim và dàn đèn pha. Riefkohl tự hỏi không biết có nên bỏ tàu không. Rồi đèn pha của tàu Nhật tắt ngấm. Hỏa lực ngừng đột ngột như nó bắt đầu. Lúc đó là 2:15 A.M.

                Mikawa phát tín hiệu: “Mọi tàu rút lui.” Khắp mọi phía ông có thể nhìn thấy những đống đổ nát đang bốc cháy. Nó nhắc ông nhớ đến lễ hội các đèn lồng thả trên mặt nước ở Hồ Hakone. Ông bị cám dỗ muốn quay lại tấn công các tàu chở quân, nhưng con tàu của mình đã bị trúng đạn ba lần và hạm đội ông đang phân tán. Phải mất hơn một giờ để dàn lại đội hình chiến đấu; lúc mà ông đánh chìm tàu chở quân sẽ là hừng đông và ông sẽ phải quay về Rabaud xa xôi giữa ban ngày giao phó số phận vào tay các máy bay Mỹ cất cánh từ tàu sân bay. Ông nhớ lại lời mà Đô đốc Nagano đã bảo ông trước khi rời Nhật: “Hải quân Nhật khác với Hải quân Mỹ. Nếu anh mất một tàu phải mất nhiều năm để thay thế.” Ông cũng nhớ Quân đoàn 17 ở Rabaud có giọng điệu khinh mạn ra sao khi nói về Quân đội Mỹ; đánh bại chúng thật dễ dàng làm sao. Thế thì tại sao ông phải liều hạm đội quí giá của mình để đánh chìm các tàu chở quân của Mỹ? Ông ra lệnh trở về Rabaud.

                Mối quan ngại của Mikawa về máy bay của tàu sân bay là hợp lý, nhưng ông không cần phải lo lắng. Fletcher đã quay lưng với Solomon và trong vòng một giờ sẽ được phép của Ghormley rút toàn bộ khỏi khu vực.

                Mikawa đã giáng cho Hải quân Mỹ một trận thảm bại nhục nhã nhất tại biển cả. Không lâu sau khi đến The Slot, con tàu Quincy tơi tả chìm xuống, và mười lăm phút sau Vincenne cũng cùng chung số phận. Rồi Astoria Canberra-cháy dữ dội trong cơn mưa xối xả, lạnh lẽo-chìm xuống nơi vùng nước được biết dưới tên Eo Đáy Biển Sắt.

                Vào hừng đông vùng nước quanh Savo tràn ngập dầu, đống đổ nát và binh lính hấp hối đang bám vào những mảnh trôi giạt. Nó tệ hại hơn trận thảm bại ở Biển Java. Người Nhật, không mất con tàu nào, đã phá hủy 4 tàu tuần dương nặng hiện đại, giết chết 1,023 sinh mạng và làm bị thương 709 người khác. Và mặc dù Mikawa không tấn công tàu chở quân, ông để lại sau lằn tàu nỗi khiếp đảm đến nỗi mọi tàu Đồng minh – tàu chiến cũng như tàu chở quân, tàu hàng và tàu quét mìn-đều thoát chạy về hướng Noumea; những lính Thủy ở Guadalcanal và Tulagi bị cạn kiệt quân nhu và chỉ đủ lương thực cho hơn một tháng một chút.

                Những gì xảy ra ở Savo được tranh cãi một cách gay gắt và nhớ lại với ác ý và tủi hỗ bởi các nhân vật của Hải quân Mỹ. Không có ai bị trừng phạt sau kết quả một cuộc điều tra chính thức, nhưng Đại tá Riefkohl bổng hóa thành một người suy sụp, đi lang thang như một Thủy thủ thời Cổ đại kể lại chuyện của mình lần này đến lần khác về cách thức Vincenne đã ngăn Mikawa phá hủy các tàu chở quân bằng cách bắn một quả pháo vào phòng bản đồ của Chokai. Đại tá Bode thì tự tử.

 

15. Địa Ngục Xanh

 

                Ở Tokyo thắng lợi ở Savo che mờ ý nghĩa của việc Mỹ đánh chiếm Guadalcanal. Dù vậy, nó là một điều bực dọc đối với Hải quân và với sự miễn cưỡng họ yêu cầu không chính thức các sĩ quan hành quân của Bộ Tổng Tham mưu Lục quân liệu họ có thể dẹp sạch hòn đảo được không. Lục quân hỏi chiến dịch cần bao nhiêu binh lính. Không nhiều lắm, Hải quân nói. Vụ xâm chiếm của người Mỹ chỉ là một rắc rối nhỏ vì chỉ có 2,000 lính Thủy tham chiến; quân địch chắc chắn không thể tiến hành một trận phản công chủ lực qua Solomon trong một năm.

                Các sĩ quan hành quân của Lục quân đồng ý đề xuất kế hoạch lên Tojo, và trước khi hết tuần Bộ Tổng Tham mưu Lục quân điện cho Tướng Hyakutake ở Rabaud quét sạch Guadalcanal với 6,000 lính – một Lực lượng Đổ bộ Hải quân Đặc biệt gồm 500 người; Phân đoàn Kawaguchi gồm 3,500 lính, và Phân đoàn Ichiki gồm 2,000 người đã được lên thời khóa để đánh chiếm Midway và bây giờ trở lại ở Guam.

                Kiyotake Kawaguchi-vị tướng có râu mép, người đã nỗ lực vô vọng để cứu Chánh Án Santos – giờ đang ở Koror, một hòn đảo trong nhóm đảo Palau khoảng 600 dặm phía nam Mindanao, và từ lúc đọc lệnh mới phái ông xuống Solomon, ông đoán ngay tầm quan trọng của việc Mỹ xâm chiếm Guadalcanal. Ông chỉ cho Nishimo, phóng viên Maichini, một bản đồ quần đảo Solomon và chỉ vào một vệt nhỏ. “Đây là đích đến mới của chúng ta – Gadarukanaru. Tôi biết anh đang nghĩ đây chỉ là một cuộc chiến có tầm vóc nhỏ. Đúng là không có gì có anh hùng tính trong đó, nhưng tôi phải nói đó sẽ là một công việc cực kỳ nghiêm túc.” Kawaguchi dự đoán u ám rằng hòn đảo sẽ là tiêu điểm trong xung đột Thái Bình Dương. “Nếu anh tiếp tục đi theo chúng tôi, anh phải đặt sinh mạng anh trong tay tôi. Cả hai chúng ta chắc chắn sẽ bị giết.” Nishino nói mình sẽ đi và họ bắt tay nhau.

                Hai đêm sau, ngày 15 tháng 8, Kawaguchi ra lệnh các chỉ huy phân đội phát lương ba tháng trước cho binh sĩ. Họ sẽ xuống tàu cho “một sứ mạng rất quan trọng” và nhiều người sẽ chết. “Bảo binh lính gởi hầu hết tiền về nhà và tiêu số tiền còn lại để ăn uống no say trong đêm cuối cùng của họ ở đây.”

                Ngay sau hừng đông 3,500 binh sĩ của Phân đoàn Kawaguchi, vẫn còn uể oải với cuộc ăn uống thâu đêm, bắt đầu leo lên các tàu chở quân 10,000 tấn. Các boong tàu Sado-maru nóng hừng hực dưới mặt trời nhiệt đới và làm phỏng chân Nishino dù đã mang vớ. Anh nhìn binh lính lũ lượt đi vào các cabin bên dưới và bị nêm chật ních trong các giường sắt. Quạt điện thổi ra những luồng không khí nóng ấm, vì thế Nishina phải trở lên boong.

                Khi con tàu rút neo, một con chó mực lớn chạy chập choạng từ bờ biển và phóng lên dàn lên tàu cuối cùng. Nó chạy quanh quẩn rối rít cho đến khi tìm được chủ của mình, một trung úy trẻ có tên Ueno. “Được rồi, tao đã sai,” viên trung úy nói như xin lỗi với chú chó; anh đã bỏ nó ở lại đêm hôm trước.

                Trong ba ngày các tàu chở quân rẽ sóng hướng đông nam về phía Rabaud với tốc độ 16 hải lí. Binh lính quanh quẩn boong tàu hát các hành khúc, ngồi uể oải, tập thể dục. Tinh thần họ lên cao cho dù cái nóng hành hạ. Ở buổi cơm tối họ được phát bia ấm, khiến tâm trạng họ phấn chấn: Họ không sợ quân Mỹ, họ khoác lác, tất cả điều họ phải làm là tấn công chúng vào ban đêm. Cẩm nang huấn luyện của họ dạy, “Bọn Tây phương – vốn rất hống hách, mềm yếu và hèn nhát – ghét thậm tệ khi phải chiến đấu trong mưa hoặc sương mù hoặc bóng đêm. Họ không xem đêm khuya là thời gian thích hợp để đánh nhau mà là thời khắc tuyệt hảo để khiêu vũ. Trong sự yếu đuối này chực sẵn cơ hội lớn lao cho chúng ta.” Họ nhớ lại cuộc chinh phục dễ dàng Borneo. “Sau khi chúng ta đột phá bằng hỏa lực sẽ không còn cọng cỏ nào mọc được,” một chiến sĩ trẻ nói. “Chúng ta sẽ không để một cọng cỏ nào mọc lại được trên Dakarunaru.”

                “Nó không phải Dakarunaru, nó là Gadarukanaru,” một trung sĩ chỉnh lại. “Hãy nhớ cái tên, nghe chưa?”

                               Sáu khu trục – họ chở theo Phân đoàn Ichiki – cập bến tại Điểm Taivu trên bờ biển bắc, chỉ cách đường băng Guadalcanal 25 dặm về phía đông. Xuồng được hạ xuống và ngay trước nửa đêm – đó là 18 tháng 8 – Đại tá Kiyono Ichiki và 915 binh sĩ lên bờ. Như các lính Thủy, họ không gặp thậm chí một loạt đạn.

                CHÚNG TA ĐỔ BỘ THÀNH CÔNG, Ichiki đánh điện cho Rabaud. Ông được lệnh đợi cho đến khi nửa phân đội còn lại đến sau đó một tuần và sau đó đánh chiếm lại đường băng mà người Nhật gần như đã hoàn tất vào Tháng 7. Nhưng ông quá tin tưởng đến nỗi chỉ để lại 125 lính để canh gác bãi biển và tiến binh đi lên dọc bờ biển.

                Sự hiện diện của ông trên Guadalcanal được chỉ huy lính Thủy biết được nhưng chỉ qua chứng cứ không xác định – lằn nước phía sau các tàu khu trục. Tuy nhiên, phối hợp với các báo cáo về những vụ đổ bộ của quân địch phía tây đường băng (đây là Lực lượng Đổ bộ Hải quân Đặc biệt 500 người, chưa hề dính líu vào việc đánh nhau nào thực sự có ý nghĩa), vậy là đủ để thuyết phục Tướng Vandegrift là một trận phản công gay go đang đến gần. Ông phái những đội tuần tra đi về phía tây, đông và đông nam. Ông cũng yêu cầu một thượng sĩ nhất cao cấp ở địa phương tên Vouza (ông là lính trinh sát của Martin Clemens thuộc Bộ phận Canh gác Bờ biển của Úc) đi tuần tra về hướng nam, rồi vòng lại đi về hướng bắc đến bờ biển.

                Thượng sĩ Vouza chân vòng kiền và binh lính của mình phải mất hơn một ngày trời mới đến được biển. Vào ngày 20 tháng 8 họ phát hiện Phân đoàn Ichiki. (Nó ở trong vòng 10 dặm cách đường băng và tin điện mới nhất mà Ichiki gởi cho Rabaud cho thấy tính lạc quan của ông: KHÔNG THẤY QUÂN ĐỊCH NÀO CẢ. NHƯ BƯỚC QUA CHỐN KHÔNG NGƯỜI.) Vouza cố gắng trườn sát hơn để lấy thêm thông tin nhưng rồi bị bắt và mang đến Ichiki. Khi anh bị lột quần áo một lá cờ Mỹ nhỏ xíu, một món đồ kỷ niệm, rơi ra từ chiếc khố. Vouza không chịu trả lời các câu thẩm vấn. Anh bị trói vào gốc cây; gương mặt bầm dập như bột nhão vì bị bá súng giáng xuống. Anh vẫn ngoan cố lắc đầu. Anh bị đâm lưỡi lê hai lần vào ngực. Nhưng anh vẫn câm miệng. cuối cùng, một tên lính đâm lưỡi lê qua cổ họng anh.

                Nhưng Vouza không chết, và vào hoàng hôn khi Ichiki và 790 binh lính di chuyển dọc theo bãi biển, anh bắt đầu nhai đứt sợi thừng. Cuối cùng anh tự cỡi trói và với quyết tâm anh xoay sở bò về phòng tuyến Thủy quân Lục chiến. Anh hổn hển báo rằng “có khoảng 250, hoặc 500” lính Nhật đang tiến đến khu vực của họ. Anh bất tĩnh trước khi còn sức nói, “Tôi đã không khai ra gì hết.”

                Ichiki tập họp binh lính trong một rặng dừa trên bờ đông của một con sông chảy lờ đờ giữa ông và đường băng, cách không đến 1 dặm. Đó là Sông Ilu (mà lính Thủy tưởng lầm là sông Tenaru), tạo thành một phòng tuyến thiên nhiên, và Ichiki tin chắc là lính Thủy có mặt ở bên kia sông. Tại cửa sông Ilu ông tìm thấy một cồn cát hẹp rộng 45 ya bao quanh một vùng nước tù hãm, xanh lá và tạo thành một cây cầu gần như bắt đến bờ sông bên kia.

                Ông tin là mình đã đạt được yếu tố bất ngờ nhưng quân Mỹ đã đào hố cá nhân bên kia sông chờ đợi ông. Nhờ Vouza và đội tuần tra lính Thủy đã tịch thu được bản đồ quân địch đã được đánh động. Lúc 1:30 sáng Ichiki ra lệnh tấn công. Đạn súng cối bay vòng về phía quân Mỹ và súng máy cào nát cánh rừng phía bên kia sông. Rồi vài trăm binh lính Nhật phóng ra từ rặng dừa và ồ ạt tiến lên cồn cát với lưỡi lê cắm sẵn và đồng loạt hô to “Banzai!” Họ vừa xung phong vừa bắn ngang hông và ném lựu đạn.

                Một tràng đạn súng trường bắn thẳng vào mặt họ, tiếp theo là hỏa lực súng máy quất rát. Những lính Nhật đầu tiên, các sĩ quan vung kiếm, ngã sầm xuống. Các đạn pháo từ súng 37-mm bắn hạ rất nhiều người. Một số chạy được qua sông Ilu nhưng các loạt đạn bắt buộc họ phải quay lại rặng dừa.

                Vandegrift đã tiến hành một cuộc phản công từ hướng nam với tiểu đoàn dự trữ của mình, do Trung tá Leonard Cresswell chỉ huy. Lúc hừng đông Creswell từ bên kia sông dẫn dắt binh lính mình xuống bờ đông. Lúc hai giờ chiều ông tiến đến gần rặng dừa. Ichiki bị cắt đứt.

23

Nhưng người Nhật không đầu hàng. Binh sĩ bị thương kêu la và người Mỹ tiến ra trước để cứu giúp bị nổ tan xác vì các quả lựu đạn hoặc bị hạ từng tên bởi các tay bắn tỉa. Các  lính Thủy đương đầu với một loại chiến tranh mới, loại chiến tranh không có khu vực. Do đó Vandegrift quyết định phái đến một trung đội xe tăng nhẹ.

                Cuối chiều đó 5 xe tăng lăn bánh qua các đống thi thể lính Nhật trên cồn cát và hướng về rặng dừa, nã đạn pháo từ các khẩu súng 37-mm. Họ húc vào các thân dừa, đụng ngã các tay bắn tỉa và cán qua những binh lính Nhật bị dồn kẹt cho đến khi bánh xích xe tăng trông như “máy nghiền thịt.” Trung úy Sakakibara và một người lính quân dịch thoát chết dưới bánh xe tăng trong kẻ tóc nhờ chạy nhanh ra biển và ngâm mình dưới nước chỉ để lộ lỗ mũi lên trên.

                Vào chạng vạng chỉ còn lại một nhúm lính Nhật ở rặng dừa. Họ quây quần quanh ngài Ichiki đã trúng đạn, đang bấu chặt lá cờ trung đoàn. “Hãy đốt cờ,” ông ra lệnh. Người cầm cờ đổ xăng lên lá cờ đã ướt đẫm máu của Ichiki, và bật lửa đốt vừa khi một xe tăng phát hiện nhóm lính Nhật cuối cùng. Trước khi Ichiki bị bắn gục cùng những người khác ông rút dao và hành xử hara-kiri.

                Những bộ phận thi thể, bị bắn ra từng miếng bởi các súng trái phá hoặc xé nát bởi đạn pháo, vung vải khắp rặng dừa. Đường đi của xe tăng có thể lần mò theo các dấu răng của bánh xích hằn sâu trên các thi thể xé nát. Không còn dấu hiệu của sự sống trong rặng dừa. Gần 800 lính Nhật đã thiệt mạng, so với 35 người chết và 75 bị thương của lính Mỹ. Khi trời tối những người Nhật sống sót duy nhất, Trung úy Sakakibara và người đồng hành, bò ra khỏi biển và đi dọc theo bờ biển đến nhập bọn với 125 đồng đội được bỏ lại để canh gác hàng tiếp tế.

                Lần đầu tiên cả lãnh đạo Lục và Hải quân ở Tokyo bắt đầu xem sự hiện diện của người Mỹ ở Guadalcanal là nghiêm trọng. Lục quân bàn cách chiếm lại đảo lúc này nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Đô đốc Yamamoto. Ông thấy Guadalcanal là một cơ hội khác cho Hạm đội Hổn hợp dẫn dụ người Mỹ vào trận hải chiến quyết định.

                Bốn tàu chở quân đã hướng về Guadalcanal với phần còn lại của Phân đoàn Ichiki và 500 thủy thủ đã được đào luyện thành bộ binh, được chỉ thị quay lại và hẹn gặp với Lực lượng Yễm Trợ Guadalcanal, đã được Yamamoto kết tập vội vàng và đang hướng về nam đến  Solomon. Dẫn đầu là 6 tàu ngầm, theo sát là chỉ huy toàn diện, Phó Đô đốc Kondo, và một nhóm 6 tàu tuần dương và một tàu sân bay chở thủy phi cơ. Theo sau là Kido Butai, vẫn còn do Nagumo cầm đầu, nhưng chỉ với hai tàu sân bay lớn, Zuikaku Shokaku, và đoàn hộ tống gồm 2 tàu chiến và ba tàu tuần dương nặng. Đồng hành với họ là Nhóm Nghi binh – tàu sân bay nhẹ Ryujo, một tàu tuần dương nặng, và 2 khu trực – sẽ được gởi đến vào thời điểm tâm lý như một con mồi cho các tàu sân bay Mỹ.

                Không lâu sau đó người Mỹ hay tin về lực lượng hùng hậu trên mặt biển đang tiến về phía họ từ phía bắc và họ bắt buộc phải đối đầu trực diện với mối đe dọa mới này. Đô đốc Ghormley phái Đô đốc Fletcher lâm chiến với Lực lượng Tác chiến 61 – 3 tàu sân bay lớn (Enterprise, Saratoga Wasp), 7 tàu tuần dương và 18 tàu khu trục. Vào rạng sáng ngày 23/8 Fletcher cách Guadalcanal không tới 150 dặm về hướng đông, trong một vị trí hoàn hảo để phong tỏa đường tấn công của Nhật. Vài giờ sau một tàu tuần tra Mỹ trông thấy 4 tàu chở quân của Nhật và đoàn hộ tống sát phía bên – 1 tuần dương nhẹ và 5 khu trục dưới quyền chỉ huy của một chuẩn đô đốc bướng bỉnh, Raizo Tanaka – và điện báo về cho biết các tàu chở quân đang tiến về Guadalcanal. Tanaka có tính quỷ quyệt không kém tính hung hăng, Ông tiếp tục đi về phía nam cho đến 1 P.M., rồi đặt các tàu chở quân ra ngoài tầm không kích bằng cách quay ngược lộ trình. Năm giờ sau lực lượng lớn mạnh của Kondo, đang cách 40 dặm về hướng đông và vẫn chưa bị phát hiện, cũng làm tương tự.

                Sự di chuyển của Tanaka đã đánh lừa được Fletcher khi cho rằng sẽ không có vụ giao tranh lớn nào trong vài ngày tới và ông phái nhóm Wasp về nam để tiếp nhiên liệu. Đó là một quyết định xui xẻo đã rút đi một phần ba sức mạnh khỏi tay ông vào đêm trước trận đánh.

                Ngay trước rạng đông ngày 24/8, Nhóm Nghi binh quay trở lại về nam để dụ Lực lượng Tác chiến 61. Sau đó phần còn lại của hạm đội Nhật Bản cũng quay ngược lộ trình, lẻn ra khỏi tầm nhìn và đợi Fletcher đớp mồi. Lúc 9:05 A.M. một máy bay tuần tra Mỹ phát hiện tàu sân bay nhỏ và ba tàu hộ tống cách Lực lượng Tác chiến 61 khoảng 280 dặm về hướng tây bắc. Fletcher do dự thậm chí sau khi hai giờ rưỡi trước ông đã được báo cáo là Nhóm Nghi binh chỉ cách không tới 250 dặm. Nhưng lúc 1:30 P.M. sự ngờ vực của ông biến mất khi các vệt sáng trên màn hình ra-đa cho thấy các máy bay đang hướng về Guadalcanal.

                Đó là 15 chiến đấu cơ và 6 oanh tạc cơ từ tàu Ryujo hướng về sân bay trên Guadalcanal. Vừa mới hoàn thành (được đặt tên Sân bay Henderson theo tên của Thiếu tá Lofton Henderson, tử trận tại Midway), đó là căn cứ cho hai đội Thủy quân Lục chiến – 19 chiến đấu cơ Wildcat và một tá oanh tạc cơ bổ nhào Dauntless – và 14 chiếc P-400 từ phi đội chiến đấu cơ Lục quân.

                Fletcher hành động nhanh, và trong vòng 15 phút 30 máy bay ném bom bổ nhào và 8 máy bay phóng ngư lôi được phóng đi từ tàu Saratoga. Trong hai giờ những chiếc Dauntless tìm thấy Ryujo và bắt đầu bổ nhào xuống từ độ cao 14,000 bộ. Ngay giữa cuộc tấn công, 6 chiếc Douglas Devastator lướt tới và phóng ngư lôi từ độ cao 200 bộ. Ít nhất có 4 quả bom và một ngư lôi đánh trúng tàu sân bay nhỏ. Tàu nghiêng 20 độ về mạn phải rồi ngừng chạy hẳn.

                Ryujo đã tiêu đời nhưng nó đã hoàn thành sứ mạng chính yếu của mình; nó đã đánh lạc hướng cuộc tấn công của Fletcher và cho phép Kido Butai định vị được Saratoga Enterprise. 51 chiếc Wildcat ra sức che chắn hai tàu sân bay, nhưng 25 chiếc máy bay ném bay bổ nhào Aichi chọc thủng. Đúng 5:14 P.M. một quả bom đâm thấu qua năm boong tàu Enterprise và nổ tung trong khu ở của hạ sĩ quan. Thêm 2 quả bom xé nát sàn bay. Lúc mà ngọn lửa dữ dội đã bị khống chế, 76 thủy thủ đã chết và Enterprise bắt buộc phải rút lui về Trân Châu Cảng để đại tu. 

                Chỉ còn lại một tàu sân bay duy nhất, Fletcher không thấy hứng thú với trận đánh đêm và khôn ngoan lủi về nam. Nagumo săn đuổi cho đến 8:30 P.M., rồi bỏ cuộc. Trận Đánh Solomon phía Đông đã qua. Như Biển San hô, nó có vẻ như bất phân thắng bại. Một tàu sân bay Nhật nhỏ đã bị đánh chìm, trong khi Fletcher đã bị lấy đi sự hỗ trợ của Enterprise trong ít nhất hai tháng. Quan trọng hơn, tuy nhiên, Fletcher chỉ mất 17 máy bay so với 70 của Nagumo, và người Nhật không thể bù đắp cho tổn thất quá nhiều phi công đầy kinh nghiệm. Như ở Biển San hô, người Nhật ngỡ mình đã giáng những tổn thất nghiêm trọng cho quân Mỹ. Các phi công trở về báo cáo họ đã đánh chìm hoặc làm hư hỏng nặng 3 tàu sân bay, 1 tàu chiến, 5 tàu tuần dương nặng và 4 tàu khu trục. Và một trong những tàu sân bay được viện dẫn là Hornet (tàu này không có mặt trong trận đánh); cuộc tấn công lén lút của Doolittle vào Tokyo đã được báo thù.

                Lực lượng Yễm trợ Guadalcanal rút lui nhưng Tanaka tiếp tục một cách kiên trì đi xuống ngõ Solomon, cho dù các tàu chở quân của ông có thể không đến được Guadalcanal cho đến rạng sáng. Tính liều lĩnh thật quá lớn nhưng ông cố giảm thiểu bằng cách gởi đi 5 tàu khu trục đi trước để pháo kích các máy bay ở Sân bay Henderson. Suốt đêm họ chạy dọc theo bờ biển phía bắc pháo kích sân bay, rồi bỏ đi và trở lại đoàn tàu chở quân đến từ phương bắc.

                Sáng hôm sau lúc 9:35 tám máy bay ném bom bổ nhào của lính Thủy từ Henderson do Trung tá R. C. Mangrum dẫn đầu ra biển để truy tìm tàu sân bay địch, tình cờ phát hiện các tàu chở quân và đoàn hộ tống của chúng. Họ lao thẳng xuống tàu tuần dương nhẹ Jintsu, tàu chỉ huy của Tanaka, và Kinryu-maru. Jitsu còn sức lết đi, nhưng chiếc tàu chở quân bốc cháy phải bị bỏ lại. Khi tàu khu trục Mutsuki bắt đầu vớt lên các binh sĩ sống sót nó bị 8 Pháo đào Bay cất cánh từ căn cứ trên Đảo Santo Espiritu, ở New Hebrides tấn công. Thuyền trưởng, Trung tá Kiyono Hatano, coi thường oanh tạc cơ bay ngang Mỹ, nên vẫn tiếp tục hoạt động cứu vớt. Lần này các chiếc B-17 có được một mục tiêu đứng yên, và 3 quả bom rơi thẳng xuống Mutsuki. “Thậm chí các B-17 cũng lâu lâu ném trúng đích,” Hatano hổn hển khi ông bơi đến nơi an toàn.

                Tanaka ngoan cường tiến về hướng Guadalcanal và tính sẽ đổ 1,500 quân tiếp viện vào ban ngày. Nhưng ông phải dừng lại khi một tin điện từ Rabaud ra lệnh cho ông trở lại ngay lập tức đến Shortland, hòn đảo nhỏ ngoài khơi Bougainville đã trở thành bàn đạp cho những gì người Mỹ gọi là “Tàu tốc hành Tokyo” – đoàn tàu đến Guadalcanal.

                Ký ức về những tổn thất này còn sống động trong tâm trí của Tanaka khi, vào sáng ngày 29/8, ông gặp vị sĩ quan sẽ chỉ huy cuộc tấn công thứ hai lên Sân bay Henderson. Tướng Kawaguchi và phân đoàn 3,500 người của ông đã vừa đến Shortland theo đường Rabaud và ông ta muốn đến Guadalcanal ngay khi có thể – bằng xuồng máy. Tanaka vui lòng cung cấp phương tiện vận tải nhưng khăng khăng sử dụng tàu tuần dương. Một nguyên nhân mà Ichiki bị quét tan, Kawaguchi phản bác, là vì ông ta không thể mang theo đủ trang bị và lương thực trên các tàu khu trục. Sáng hôm sau họ tiếp tục tranh cãi, nhưng lập luận của Tanaka, dựa trên kinh nghiệm bản thân, cuối cùng đã thắng được Kawaguchi. Chiều tối hôm đó vị tướng triệu tập các chỉ huy của mình đến phòng ăn của tàu chở quân và bảo họ rằng họ sẽ được chuyển đến tàu khu trục để đến Guadalcanal. Đại tá Akinosuke Oka, một tư lệnh trung đoàn, cho đây sẽ là một hành động quá mạo hiểm. “Tôi nghĩ tốt hơn nên đi bằng xuồng máy, len lỏi bí mật từ đảo này đến đảo khác.”

                Trong cái nóng ngột ngạt hai người tranh luận đến cùng giữa “Tốc Hành Chuột” (các khu trục) và “Chở Hàng Kiến” (xuồng máy). Cuối cùng Kawaguchi kết thúc cuộc tranh cãi bằng sự thỏa hiệp. “Tôi sẽ dẫn đơn vị chủ lực trực tiếp đến Điểm Taivu bằng tàu khu trục. Đại tá Oka sẽ dẫn Bộ Chỉ huy và Tiểu đoàn Thứ 1 bằng xuồng máy đến mút tây bắc của Guadalcanal.” Kawaguchi vạch hai dấu đỏ trên bản đồ lớn, một ở điểm Taivu (cùng nơi mà Ichiki đã chọn), tại đó ông sẽ đổ 2,400 quân, và hai tại Kokumbona, cách sân bay khoảng 10 dặm về phía tây, tại đó Oka và 1,100 quân còn lại sẽ đổ bộ. Từ hai điểm này ông và Oka sẽ cùng lúc tiến vào nội địa để đến phía sau Henderson trong vị trí phối hợp tấn công.

                Vị tướng bước lên một thùng đựng rượu táo rỗng. “Quý vị,” ông nói, “tôi cho rằng niềm tin của chúng ta là sức mạnh của chúng ta. Những ai chiến đấu can trường, không tin vào chiến bại, và sẽ là người chiến thắng trong tương lai. Trước khi đến được mặt trận chúng ta phải vượt qua 300 dặm và có nguy cơ đụng độ với địch trên đường.” Các đơn vị tiền tiêu đã bị tấn công nhưng đổ bộ an toàn nhờ các tàu khu trục đến Điểm Taivu trong hai đêm trước. “Nhưng chúng ta đã tự tôi luyện, có phải thế không? Tôi xin thề với tất cả các bạn là chúng ta sẽ đập tan kẻ thù. Tiến tới Guadalcanal!”

                “Tới Guadalcanal!”

                “Chúng tôi xin thành tâm thề sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng,” một sĩ quan hô to và nâng cao ly rượu chúc tụng.

                Phóng viên Nishino bước theo Kawaguchi lên boong tàu. Những người lính quân dịch và các sĩ quan trẻ đang lặn hụp trong vùng nước xanh dương và bơi về tàu.

                “Họ cần tập thể lực thường xuyên, Nishino,” Kamaguchi nhận xét. Một trung úy trẻ, ăn mặc đàng hoàng dựa người trên lan can tàu, một điếu thuốc lủng lẳng trong khóe môi. “Ê, trung úy,” Kawaguchi gọi anh. “Sao anh không ở đó với họ?”

                Viên trung úy vội vàng ném điếu thuốc và đứng nghiêm chào. Trong khi anh lúng búng một lời xin lỗi, Kawaguchi bất ngờ đẩy anh văng khỏi hàng rào xuống biển. “Có một số kẻ chây lười,” ông nhận xét. “Trong chiến tranh khi anh bị ném xuống biển thậm chí một cây búa cũng phải bơi.”

                Nửa đêm đó phân đoàn chuyển sang tàu khu trục  và xuồng máy. Kawaguchi, với Nishino, trèo lên tàu khu trục Umikaze. Khi họ một mình trong cabin của vị tướng, Kawaguchi phát hiện rằng người Mỹ đã đào hào kỹ lưỡng và có đồ tiếp tế gần như vô tận. “Khi nghĩ đến những việc như thế hình như vô vàn khó khăn cho một đơn vị nhỏ như của chúng ta để chiếm lại sân bay. Bộ anh không nghĩ việc Phân đoàn Ichiki bị tiêu diệt sẽ là bài học cho chúng ta hay sao? Nhưng Bộ Tư lệnh Hoàng gia coi thường quân địch trên Guadalcanal và tuyên bố rằng một khi chúng ta đổ bộ thành công vào Guadalcanal, lính Thủy sẽ đầu hàng.” Ông ngừng lại như thể được đánh động bởi chính những lời mình nói. “Đó không phải là một vấn đề chúng ta bàn bạc ở đây.”

                Một cơn gió lạnh thổi qua làm Nishino tỉnh dậy. Lúc 8:25 một tiếng kèn vang lên, báo hiệu giờ xuất phát, và 8 tàu khu trục mỏng manh, đi theo hàng hai, bắt đầu lướt đi về hướng đông nam với tốc độ 26 hải lí. Đó là ngày cuối cùng của tháng 8. Nằm sâu trong gian cabin tù túng trong tiếng gầm thét của các bánh răng đang quay, cộng với cái nóng ngột ngạt, khiến Nishino phải bò lên boong thoáng đãng. Một luồng gió mạnh gần như kéo đi bàn chân anh. Trời đầy mây, một thời điểm thuận lợi để bắt đầu một chuyến đi rủi ro xuống hành lang. Những làn nước bắn rát bắt anh trở lại cabin bên dưới vừa đúng lúc nghe một sĩ quan bảo với một nhóm binh sĩ là họ sẽ đến Guadalcanal vài giờ trước nửa đêm. Một hạ sĩ quan bắt đầu kiểm tra dây nịt cứu sinh của các binh sĩ. “Đừng lo lắng về không kích,” anh nói một cách vui vẻ.

                Suốt ngày trời căng thẳng các thủy thủ thúc giục các binh lính hãy trả thù cho các đồng đội đã bị giăng bẫy khi đổ bộ lên Guadalcanal. Các binh sĩ hứa sẽ “quét sạch đến tên Yankee cuối cùng.” Sau buổi ăn chiều các thủy thủ trở lại với bia, thuốc lá, rượu táo và bánh. “Chúng tôi trách nhiệm với biển cả!” một thủy thủ say túy lúy rống lên. “Các bạn có trách nhiệm với hòn đảo. Đồng ý không? Chúc may mắn!” Y bắt đầu lắc tay với mọi người lính gần đó.

                Một người lính trao cho một thủy thủ nửa bao thuốc lá Kinshi nhăn nheo và nói, “Hãy ăn mừng với khói thuốc nếu có khi nào chúng ta còn sống gặp nhau lần nữa.” Một cặp khác trao đổi các móng tay vừa cắt ra. “Hãy gởi chúng về cho con trai tôi nếu tôi chết,” người lính nói. “Thằng bé chỉ mới hai tuổi.” “Đây là tên mẹ tôi và địa chỉ nhà,” người thủy thủ nói.

                Tám tàu, tròng trành dữ dội, tiến thẳng hết tốc độ qua màn đêm. Lằn nước chẻ sau đuôi tàu của chúng như một dãy pháo bông vô tận; nước đầy ắp hàng triệu vi sinh vật biển phát sáng. Một bóng đen thẩm của đất liền hiện rõ dần nửa dặm đằng trước. Đó là Điểm Taivu. Xuồng lớn, ca nô, thuyền chèo được hạ xuống và binh lính ngồi ken chật trong im lìm. Các khẩu pháo của tàu nhắm vào các rặng dừa mọc ven bãi biển. Tất cả điều mà Nishino có thể nghe khi anh nhảy vào thuyền là tiếng huyên náo câm lặng của việc đổ người. Thuyền ông chạm vào cát và anh vụng về nhảy qua mạn thuyền. Cơn sóng, sáng rực rỡ với các vi sinh vật biển phát quang, đẩy anh vào bờ biển. Anh đợi một phát súng từ rặng dừa và cây cọ câm lặng. Chỉ có âm thanh của đồng đội và tiếng sóng vỗ.

                Anh loạng choạng bước lên mặt cát khô và nhìn đồng hồ. Đúng 9 giờ 1 phút, giờ Tokyo; ở đây trễ hơn 1 giờ. Thân hình anh lấp lánh từ hông trở lên với các phiêu vi sinh vật phát quang, và toàn bộ bãi biển như một vành đai sáng chiếu, sống động với bao đám đông người phát sáng. Anh đứng ngây người trước một cảnh tượng như trong thế giới thần tiên.

                “Đẹp quá,” một giọng nói phía sau anh.

                Nishino tiến về phía cánh rừng cho đến khi một tiếng nói ngăn anh lại: “Anh bạn thuộc đơn vị nào?” Anh nhìn thấy một bóng đen. Đó là một người lính Nhật trong quân phục tả tơi. Vài bóng người khác từ cánh rừng xuất hiện như những bóng ma. Họ là những binh lính sống sót của lực lượng Ichiki.

                “Gặp các anh mừng quá,” người lính hốc hác reo lên. “Nhưng hãy giũ mấy con vật khốn kiếp đó ra hết đi. Địch có thể thấy rõ chúng từ trên không.” Giọng nói của anh trở nên run rẩy khi lo lắng chỉ xuống mặt đất. “Để lại dấu chân trên cát là tự sát,” anh nói. “Chúng ta lúc nào cũng bị phi cơ Mỹ truy kích.” Các binh lính của Ichiki khéo léo quét tan dấu chân bằng lá dừa khi họ lùi trở lại vào bìa rừng. Họ cúi chào rồi đi mất.

                Kawaguchi chào các tàu khu trục, rồi dẫn lối vào rừng. Trời tối như bưng đến nỗi người này phải vịn vai người phía trước. Họ đến một con sông hẹp bắc qua là một thân cây gãy. Nishino không thể trông rõ con sông nhưng có thể biết nó sâu vì tiếng nước chảy mạnh. Khi anh bò qua thân cây trơn trợt anh gần như kinh hoàng. Rủi anh rơi tỏm thi sao? Hành lí 70 cân của anh sẽ lôi anh xuống đáy sông. Bất giác anh nhẩm kiểm lại những vật dụng trong ba lô đang nằm trên vai mình: một máy quay phim, hai máy chụp ảnh, phim ảnh, quần áo, lương thực và 5 quyển sách – một tuyển tập thi ca Trung Quốc, một sách địa lý vùng Solomon, 2 quyển thơ Pháp, và cuốn truyện The Good Earth [Đất Lành] bằng tiếng Anh.

                Lúc mà anh đã duyệt xong danh sách anh đã qua được bờ bên kia. Anh bước vào một thứ gì đó có cảm giác như một cái gối mềm xốp. Những giọt mưa to bắt đầu xuyên qua chiếc dù của những vòm lá, rồi các giọt nước họp thành một trận mưa. Con đường mòn bổng bị phong tỏa bởi những mớ chằng chịt dây nho bện cùng với các bụi gai nhọn và những rễ cây nổi cục bò lan trên mặt đất. Kawaguchi dừng lại, và binh lính cuộn người nằm trên mặt đất và cố ngủ dưới trận mưa lộp bộp. Nishino bắt đầu run rẩy. Đàn muỗi bu lại khắp mặt mũi anh; chúng châm chích đau như kim châm.

                Trong bóng đêm họ được đánh thức, và họ tiếp tục mò mẫm qua cánh rừng, quay vòng lại về hướng bờ biển. Đến hừng sáng họ đến Tasimboko, một ngôi làng hoang vắng gần bãi biển, cách Điểm Taivu ba dặm về hướng tây. Tại đây họ ăn bữa đầu tiên của mình trên Guadalcanal. Hải quân đã chuẩn bị sẵn phần ăn đựng trong các cà mèn nhôm hình ô van dẹp. Bên trong là khẩu phần không ngờ đến: cơm trắng, cá khô, bột cá và bò bít tết. Để tỏ lòng tri ân các binh sĩ dâng cà mèn lên trán và cúi đầu.

                Bữa điểm tâm của họ bị cắt đứt bởi tiếng sủa như điên của chú chó mực đi theo Ueno. “Máy bay địch!” trung úy la lên và nằm dài xuống đất. Tiếng ầm ầm của đông cơ nghe văng vẳng từ khoảng xa. Một lúc sau một tá máy bay lướt qua sát mặt đất đến nỗi lá cây kêu xào xạc, và bay tiếp về hướng Điểm Taivu.

                Suốt buổi sáng các P-400, Wildcat và oanh tạc cơ bổ nhào từ Henderson tìm kiếm dọc bờ biển nhưng mỗi lần đều có tiếng chó sủa báo động. Sau đó người Mỹ bắt đầu bắn phá khu vực một cách bừa bãi. Nishino bò đến núp sau một thân cây, một lằn đạn chỉ đường rượt đuổi anh khiến anh nhớ đến đường kim của máy khâu. Anh nghe tiếng bom rơi kêu rít lên. Những tiếng nổ làm rung chuyển mặt đất và cành cây đất cát rơi như mưa xuống đầu anh. Cả tá người tử thương.

                Đêm đó Nishino đến ngủ trong túp lều của ngôi làng bỏ hoang nhưng bị đánh thức bởi tiếng ai la lớn, “Đại đội Cảnh Vệ, tập họp!” Một người ló đầu nhìn vào lều. “Nhà báo, trình diện phòng chỉ huy.” Nishino cùng 5 đồng nghiệp chạy về hướng bãi biển qua cánh rừng tối đen. Trong nỗi hăng hái Nishino đâm sầm vào cây này đến cây khác trước khi đến được phòng chỉ huy của Kawaguchi nằm sau đụn cát nhìn qua biển. Át tiếng ầm ầm của sóng là tiếng động cơ.

                “Chuẩn bị bắn!”

                Chăm chăm nhìn về phía đụn cát, anh nhìn thấy bóng dáng của xuồng đổ bộ cách không tới 100 bộ. Nishino không đội mũ sắt nên anh sợ sẽ rồi đời trước khi viết được bài báo đầu tiên.

                “Bắn!”

                Những loạt đạn bắn thia lia hai bên xuồng đổ bộ. Không có loạt đạn bắn trả. Một giọng nói la lên bằng tiếng Nhật, “Tay tôi! Tôi trúng đạn rồi!”

                “Ngừng bắn!” một sĩ quan sau đụn cát la lên. “Họ phe ta.”

                “Oi!” một tiếng nói gọi lên từ bãi biển. Đó là một trong những binh lính từ phân khúc thứ hai của Phân đoàn Ichiki; họ phải tham gia cùng với Kawaguchi trong cuộc tấn kích vào Henderson. Hai binh sĩ bị giết và tám bị thương. Tệ hơn, tiếng súng đã đánh động người Mỹ và trong vòng vài phút cánh rừng sáng lên dưới pháo sáng. Các máy bay bắt đầu oanh kích và bỏ bom ngôi làng và bãi biển. Một người lính trẻ gần Nishino hét lên vì đau đớn. “Tôi trúng đạn rồi! Vai của tôi.” Anh oằn oại và nhăn nhó. Nishino lấy một khăn tay lau vết thương. “Xin đừng chế nhạo tôi,” người lính trẻ nói. “Chúng ta đang chịu đau khổ thực sự trong chiến tranh, phải không?”

                Mặc dù người Mỹ đã phát hiện vị trí của Kawaguchi, ông không chịu di chuyển; ông đang đợi một báo cáo cho biết Oka đã đổ bộ ở phía bên kia của Sân bay Henderson. Tại sao ông tự cho phép mình đồng ý để Oka đi bằng Tàu Hàng Kiến? Ngày này qua ngày khác trong khi các máy bay của Vandegraft đánh phá và bỏ bom ngôi làng Kawaguchi đợi chờ trong vô vọng. Có một ngày Nishino đếm đủ 71 trận không kích. Toàn bộ khu vực trở nên một vùng hoang vu lỗ chỗ hố bom và những thân cây bốc khói. Binh lính sợ không dám đốt lửa và phải sống nhờ trái cây và gạo chưa nấu.

                Lúc 3 giờ ngày 4/9 cuối cùng một báo cáo đến từ Đại tá Oka: ông ta “tiến gần” Guadalcanal bằng xuồng máy. Kawaguchi ra lệnh Trung úy Nakayama dẫn theo 3 người bọc phía sau sân bay; họ phải tìm được Oka và bảo ông những chi tiết về trận tấn công phối hợp, vì quá nguy hiểm nếu liên lạc bằng sóng điện. Đây là một sứ mạng nhiều rủi ro, vị tướng nói, và thắng lợi của trận đánh phụ thuộc vào sự phối hợp thời gian hoàn hảo. Ông tặng cho Nakayama xuất thực phẩm cá nhân duy nhất ông đã mang theo từ Palau: một hộp cá mòi.

                Hai ngày sau khi nhóm thám thính lên đường, ngày 6/9 ngay trước khi mặt trời lặn, Kawaguchi dẫn đường đi dọc theo bãi biển. Ông để lại 300 người và một ít pháo để bảo vệ đồ tiếp tế và mang theo 3,100 binh lính; 1,000 người từ nhóm thứ hai của Ichiki. Tại Điểm Koli, cách Henderson 10 dặm về phía đông, họ sẽ quay về hướng nam  và lẻn vào rừng để vòng qua phía sau sân bay.

                Các con tàu đi dọc theo bờ biển quá gần đến nỗi Kawaguchi có thể nghe được tiếng máy kéo. Lướt qua mặt nước vẳng lại tiếng nói yếu ớt – bằng tiếng Anh. Lệnh được truyền xuống hãy ẩn mình tại chỗ. Nishino trố mắt nhìn ra và trong ánh trăng vàng vọt anh thấy vật gì như thể một con tàu tuần dương, 5 tàu khu trục và 5 tàu chở quân. Khi tàu tuần dương bắt đầu di chuyển dọc theo bờ biển về hướng Henderson, theo sau là tàu chở quân và khu trục, Nishini nhận ra hình dáng các thủy thủ trên boong. Đó là lần đầu tiên anh nhìn thấy quân địch.

                Kawaguchi dự đoán là tàu vừa chở lính Thủy đến bãi biển để đột kích bất ngờ ngôi làng ông vừa di tản. Ông hi vọng nhóm cảnh vệ có thể cầm chân quân địch nhưng ông không thể đủ quân để tăng viện một người nào để yễm trợ họ.

                Đó không phải là một lực lượng đổ bộ, mà là tàu vận tải từ Noumea đến – hai tàu vận tải và hộ tống – mang đồ tiếp tế thêm cho Vandegrift. Đêm hôm sau lính Thủy đổ bộ gần Tasimboko, lên bãi biển ngay phía trên ngôi làng. Đội cảnh vệ tập hậu của Kawaguchi dựng tuyến phòng thủ tạm bợ, giết được 2 người Mỹ, trước khi mất dạng vào rừng. Lính Thủy đi tàu trở về với các tài liệu tịch thu được và bộ lễ phục của Kawaguchi. “Thằng khốn kiếp chắc hẳn dự định sẽ nổi đình đám tại xã hội Sydney,” một lính Thủy nhận xét.

                Chính Oka vừa đổ bộ cách đó 30 dặm trên phía bên kia của Henderson, sau khi bị hoãn lại vì bị không kích và bão tố. Trong chuyến đi gian khổ, kéo dài một tuần xuống ngõ Solomon, ông đã hi sinh 650 binh sĩ, và 450 người sống sót, không lương thực và ít ỏi đạn được, ở trong tình trạng không sao chiến đấu được.

                Kawaguchi thì tưởng rằng nhóm Oka đến với lực lượng lành lặn và vào ngày 8/9 tập họp các sĩ quan của mình gần Điểm Koli để nghe chỉ thị cuối cùng về trận đánh. Nishini đứng cạnh vị tướng trong cơn mưa lâm râm, loay hoay ghi chép. Họ sẽ tiếp tục đi dọc bãi biển đến sông Tenaru và theo nó ngược dòng lên 2 dặm. Tại đây pháo và hầu hết binh lính của Ichiki sẽ qua sông và tiến thẳng theo hướng tây cho đến khi cách sân bay 1.5 dặm về phía đông. Bộ phận chủ lực sẽ tiếp tục đi về phía nam thêm vài dặm, rồi quay vòng cho đến khi tiến đến sau Henderson. Trong lúc đó 1,100 binh lính sẽ vào vị trí phía tây sân bay. Một ít phút trước 9 giờ tối ngày 13/9 nhóm pháo binh ở phía đông sẽ bắt đầu khai hỏa để địch nghĩ rằng mũi tấn công đến từ hướng này, trong lúc đó Hải quân sẽ pháo kích từ biển. Đúng 9 giờ Kawaguchi và Oka đồng loạt tấn công từ hướng nam và tây.

                “Chúng ta sẽ tiến chiếm sân bay địch bất ngờ,” Kawaguchi nói. Chòm râu mép hình ghi đông xe đạp đẫm nước, ông ngẫng lên từ cuốn sổ tay nhìn các sĩ quan đang đứng nghiêm chờ đợi trong im lặng. “Như các quí vị biết đó, người Mỹ đã được tiếp viện mạnh mẽ với quân số và đồ tiếp tế. Có thể họ manh hơn chúng ta. Trên hết, không nên đánh giá thấp không lực của họ. Binh lính chúng ta cũng phải vượt qua những vấn đề về địa hình khó khăn trước khi đến được phòng tuyến của kẻ thù. Rõ ràng là chúng ta đang đối mặt với một trận đánh chưa từng có. Và như thế, thưa quí vị, quí vị và tôi không thể hi vọng nhìn mặt nhau lần nữa sau trận đánh này. Đây là thời điểm chúng ta phải dâng hiến mạng sống của mình cho Thiên hoàng.”

                “Hai!” các sĩ quan đồng loạt hô lớn “Xin vâng!”

                Trận mưa giảm dần. Bổng có tiếng kêu “Hikoki!” (Máy bay!). Mọi người chuẩn bị phân tán khi họ nghe tiếng khúc khích chế nhạo và nhìn thấy một con vẹt vỗ cánh bay đi một cách vụng về. Trong vài ngày qua, bọn chim vẹt trên tàu đã học được một số từ Nhật chúng nghe quen.

                Kawaguchi bật cười với các sĩ quan và mang ra một chai uýt ki. “Giờ, thưa quí vị, trước khi chúng ta tiếp tục hành trình, chúng ta hãy uống mừng thắng lợi.” Ông đổ một vài giọt trong mỗi nắp bi đông của sĩ quan. Ông quay sang Nishino. “Anh cũng vậy, nhé.”

                Trong khoảng xa vẳng lại tiếng nổ trầm nặng chịch. Nishino nghĩ đó là hỏa lực địch. Anh đã nghe nó ngày và đêm. Nhưng thực ra nó đến từ các máy bay ném bom Nhật đang nhắm vào Sân bay Henderson; và các tiếng nổ ban đêm là do các tàu chiến Nhật bắn pháo.

                “Chúc may mắn cho phân đoàn trong trận chiến,” Kawaguchi nói. “Kampai!” (Nâng ly!)

                Khi các sĩ quan đã trở về đơn vị của mình và một chi đội được phân công đốt những tài liệu quan trọng, vị tướng chỉ Nishino vị trí của quân địch trên một bản đồ in bằng rô-nê-ô. “Dù trường Cao đẳng Chiến tranh có nói gì, chiếm một vị trí địch bằng trận tấn công ban đêm là điều cực kỳ khó khăn.” Ông hạ giọng. “Trong Cuộc Chiến Nga-Nhật có một ít trường hợp nhưng chúng chỉ là những hoạt động qui mô nhỏ. Nếu chúng thắng lợi ở Guadalcanal, đó sẽ là một kỳ tích trong quân sử thế giới.”

                Họ quay vào nội địa về cánh rừng hình như bất khả xâm phạm, phát quang những dây leo chằng chịt, vượt qua những khu rừng mưa tối đen, trèo lên xuống các khe dốc và gờ núi lỡm chỡm. Họ đi ban đêm, vấp các rễ cây và rơi tòm xuống các hố. Ai đó phát hiện rêu phát quang bèn lấy trét vào lưng người đi trước để khỏi đi lạc. Họ bì bõm qua các đầm lầy nồng nặc mùi cây cỏ thối rữa và khó lường đến nỗi phải mất hàng giờ mới đi được vài trăm ya. Ngoài những nhọc nhằn về thể xác này còn có nỗi sợ người Mỹ sẽ bất ngờ phục kích.

                Các phụ tá của Nishina đã ném máy ảnh của mình và hành lý từ lâu, nhưng anh thì nhất định không vứt bỏ và đi theo bén gót vị tướng Kawaguchi chân dài, chăm chỉ ghi chép mọi điều vị tướng nói hoặc làm.

                Bịnh tiêu chảy vì uống nước sông quét qua mọi cấp bậc và hơn phân nửa quân số mắc bệnh sốt rét. Họ sống sót nhờ các khẩu phần bé xíu cá khô, bánh qui và kẹo cứng; họ vẫn còn nhiều gạo nhưng không dám nấu cơm vì sợ đốt lửa lâu hơn một vài phút. Vào ngày 10/9 họ đến Sông Tenaru và pháo được lột bao che, cùng với hầu hết binh sĩ của Ichiki, họ tiến thẳng về  hướng Henderson trong khi Kawaguchi và nhóm chính tiếp tục lặn lội về phía nam để tiến đến phía sau sân bay.

                Trong một tuần lễ Trung úy Nakayama và ba đồng đội – Hạ sĩ Abe, Hạ sĩ Inenaga và Binh Nhất Morita – đã đi trước Kawaguchi để cố gắng bắt liên lạc với Đại tá Oka. Họ nửa sống nửa chết vì đói và kiệt sức. Quân phục của họ rách bươm, thân thể bị cắn xé những vết thương sâu. Họ đã đánh đuổi một cuộc tấn công của một thổ dân và đàn chó dữ của y bằng kiếm và lưỡi lê, và lặn lội nhiều dặm xuống một con suối trên núi nhưng nhận ra nước quá sâu nên đành phải cố gắng quay về.

                Vào ngày lực lượng của Kawaguchi  tách làm đôi, họ nghe tiếng ầm ầm của động cơ xa xa. Họ đang tiến gần đến sân bay. Họ quay về hướng tây và tại mọi khoảng trống trải đều hi vọng gặp được Oka. Nhưng họ không gặp ai và đến tối đã sức cùng lực tận. Nakayama mở phần lương thực cuối cùng của họ, hộp cá mòi của Kawaguchi. Cá hình như tan chảy trong miệng họ. Họ hút nước ngọt từ dây nho và nằm xuống ngủ. Sáng hôm sau họ bị một con sông lớn nước xanh thẩm chận lại. (Đó là con sông Lungga uốn khúc, mà một dặm phía hạ lưu, đi qua Sân bay Henderson.) Họ bì bỏm về hướng biển theo sát  bờ sông và đến chiều gặp một ngọn đồi nhỏ trơ trọi. Nakayama trèo lên. Ở bờ bên kia, những người Mỹ đang ngồi xổm quanh một đống lửa. Đó là trung tâm của vành đai phòng thủ phía tây của lính Thủy. Tiếng chiên xào và mùi thịt bốc ra gần như không thể chịu được.

                Bốn trinh sát đi vòng qua nhóm người Mỹ và đến một bãi đất trống khác ở rừng đã bị bom thổi sạch. Có một chục hố cá nhân – tất cả đều trống rỗng trừ hộp đạn được và hộp khẩu phần bị vứt bừa bãi. Tụi lính Mỹ thuộc loại gì vậy? Các trinh sát ăn ngấu nghiến. Họ như thể có một “cuộc sống mới.” Một trong bọn họ xì hơi một phát.

                “Hình như cuối cùng mầy cũng giống con người,” Nakayama nói.

                “Bọn Yankee, ngửi mùi hơi tao  nè” tên làm xấu trả lời.

                Họ băng qua sông và tiếp tục đi về phía tây đến một vạt rừng, cuối cùng bước ra khỏi cây cối dày đặc đến một bãi đất trống. Mặt trời sáng lóe chói chang một cách nhức nhối.

                “Oi!”

                Giật mình, họ quay lại. Một thủy thủ Nhật, mình trần trụi, tay cầm súng trường, trố mắt nhìn họ. Họ ôm chầm người thủy thủ và giục giặc bắt tay. Người thủy thủ cám ơn vì họ đã đến. Đôi mắt anh ta sáng và to một cách bất thường. “Gặp các anh như nắng hạn gặp mưa rào,” y nói. Đơn vị của y được cắt đặt bảo vệ sân bay , và từ khi bị đánh chiếm không ăn gì trừ dâu rừng, ăn vô thì ngon nhưng một lát sau bổng khó chịu trong miệng. Mỗi ngày ít nhất một người chết mà không thở than, “chỉ liếm bàn tay” để có dư vị cuối cùng của muối. Người thủy thủ bắt đầu khóc rưng rức và quì xuống. “Xin hảy trả thù dùm chúng tôi, các anh lính ơi.”

                Thêm hai ngày các trinh sát lặn lội đi về tây băng qua rừng và cuối cùng đến được Sông Mataniko, cách Henderson 7 dặm. Đó là buổi sáng ngày 13/9, ngày của cuộc tấn công toàn diện. Họ có tìm ra Oka hay không? Họ quay sang hướng bắc và đi theo dòng sông xuống hạ nguồn. Lúc 2:50 Nakayama nhìn thấy binh lính bên kia đằng trước đang băng qua sông. Họ đều nhỏ con. Người Nhật rồi. Đó là nhóm binh lính của Oka.

                Nakayama rút hết hơi tàn để nhắc lại kế hoạch tác chiến cho Oka trước khi ngã quị xuống chân vị đại tá. Thều thào anh nói mình sẵn sàng chết cho trận đánh.

                “Chúng ta sẽ chết với nhau,” Oka nói. Ông nhìn đồng hồ tay của mình. Cuộc tấn công sẽ khởi sự sáu giờ nữa theo kế hoạch. Lần đầu tiên kể từ khi đổ bộ ông nối lại điện đàm và thông báo với Kawaguchi mình đang chuyển quân về đông.

                Kawaguchi đã đến điểm xuất phát cuộc tấn công vào đêm hôm trước, một ngọn đồi cách Henderson 3 dặm về hướng nam. Dưới sự che chở của rừng rậm dày đặc binh lính kiểm tra những trang thiết bị lần cuối cùng. Vị tướng đã triệu tập các chỉ huy đại đội và trung đội. Ông bảo họ rằng điều sinh tử là chọc thủng phòng tuyến Mỹ đêm đó và chiếm lại sân bay. “Các anh phải đánh cho địch tháo chạy và nghiền nát vào ban ngày. Thời cơ đã đến để các bạn dâng hiến mạnh sống mình cho Thiên hoàng.” Ở Rabaud ông đã được thông báo là có đến 5,000 binh lính Mỹ trấn giữ Henderson, nhưng nếu mọi việc êm xuôi thì 2,100 người của ông, 1,100 người của Oka và nhóm pháo binh Ichiki gồm hơn 1,000 người có thể đánh thắng.                  

 

2.

                Sáng sớm hôm đó Tướng Vandegrift đã thanh sát đống đổ nát của Sân bay Henderson do cuộc pháo kích Hải quân Nhật gây ra đêm hôm trước, và bảo với sĩ quan hành quân của mình, “Chúng ta sẵn sàng bảo vệ sân bay này cho đến khi không còn có thể. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ đem tất cả những gì còn lại lên đồi và tiến hành chiến tranh du kích.” Giờ ông có hơn 19,000 quân nhưng vẫn cảm thấy quân số mình bị áp đảo. Theo báo cáo, những phân đoàn Nhật đông đảo đã đổ bộ ở cả hai bên Henderson và đang chuẩn bị xiết chặt vòng vây. Trong hai tuần các tàu chiến địch đã nã pháo vào các vị trí của lính Thủy vào ban đêm bất cứ khi nào họ muốn,  và các binh sĩ càng ngày càng bị hăm dọa tinh thần bởi những trận pháo kích đáng sợ này – Tàu Tốc hành Tokyo. Không lực yếu ớt của ông vẫn đánh đuổi các máy bay ném bom địch gần như mỗi ngày, nhưng các tổn thất thì rất nặng nề và ông không biết khi nào binh sĩ và máy bay tiếp viện sẽ đến.

                Vandegrift chắc chắn một điều: sẽ không nhận được sự hỗ trợ nào từ Hải quân trong một thời gian. Gần đây Chuẩn Đô đốc Turner đã bay vào mang theo một thông điệp từ Ghormley: sự thiếu hụt của tàu, máy bay và đồ tiếp liệu khiến Hải quân không thể yễm trợ chiến dịch Guadalcanal được nữa.

                Lính Thủy đang đồn trú phải đào hố cá nhân chung quanh khu vực, giăng kẽm gai dày, và cố ngủ nghỉ lấy sức. Một trận tấn công có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

                Vào chiều tối Kawaguchi cùng 2.100 người lén lút xuống đồi về phía sân bay. Họ đến một bãi cỏ bằng phẳng và băng qua nó trong ánh trăng ma quái. Ông dừng lại và chuẩn bị tấn công. Nishimo thấy có ai nắm lấy tay mình. Đó là một binh nhì có tên Hayashi đã trở thành bạn thân thiết của anh từ khi ra đi từ Palau. Y đã vào nghĩa vụ ba tháng sau khi tốt nghiệp cao đẳng và đã hứa hôn, nhưng phải rời Nhật bất ngờ đến nỗi không kịp nói lời chia tay với người vợ chưa cưới. “Có thể đêm nay em bị giết,” y nói. “trước đây em thường mơ sẽ trở về nhà và cưới cô gái ấy nhưng giờ em không còn mơ như thế nữa. Đây là địa chỉ của em. Nếu em chết, nhờ anh viết thư dùm cho . . . mẹ em.”

                Nishino bóp chặt tay y trấn an, hi vọng là Hayashi, ngược lai, cũng sẽ viết thư cho vợ mình nếu mình bị giết. Lặng lẽ họ sắp xếp lại ba lô. Những ai có quần lót sạch đều thay ra hết; họ muốn được sạch sẽ khi yên nghĩ. Các sĩ quan khâu trên lưng cho nhau các chữ X bằng vải trắng để binh lính của họ có thể nhắm đi theo họ trong bóng đêm. Trung úy Kurakake còn chơi sang hơn. Ở Borneo anh đã mua một chai dầu thơm lớn hiệu Guerlain cho vợ mình. Anh xịt dầu thơm đầy người mình rồi bảo binh lính, “Hảy ngửi rồi đi theo tao.”

                Kawaguchi vừa biết rằng có một sống đất uốn khúc, chạy từ bắc đến nam, nằm giữa ông và Henderson. Đó là một chướng ngại vật thiên nhiên, nhưng vì không có đủ thời gian để đi vòng qua nó, ông ra lệnh xông vào đầu mút cuối trực diện và hai sườn.

                Kawaguchi  tiến lên với Nishina sát phía sau, cuốn sổ trong tay. Anh mang theo một máy quay phim 8-mm hiệu Eastman của Mỹ và hai máy ảnh, đeo trước ngực như tên cướp Mễ vắt súng. Ai đó trượt chân. Một tiếng clic kim loại. Một phát súng nổ giòn.

                Một lần nữa im lặng. Một cành cây gãy rắc, tiếp theo là hai tiếng súng nổ nữa. Làm sao mà địch phát hiện chúng ta sớm như thế được? Một sĩ quan vướng một sợi dây vấp ngã. Anh thì thào bảo im rồi sờ soạng trên mặt đất cho đến khi tìm thấy một vật gì đó – một vật nhỏ màu đen trông như một mi-crô. Nó chắc là một thiết bị lắng nghe. Bình nhì Hayashi tìm thêm 3 cái khác tương tự và mang đến cho Hawaguchi.

                Cẩn thận họ rón rén tiến về phía trước qua các tầng cây thấp rậm rạp cho đến khi đến được mút phía nam của sóng đất. Tại đây họ bắt buộc phải tách làm hai bộ phận. Một sợi dây giày của Nishina, thối rữa vì ngâm trong sình lầy, bựt đứt và khi anh cúi xuống buộc lại, một người nào đó va vào anh.

                “Yama [Núi],” anh thì thào.

                “Kawa [Sông], là mật khẩu đáp lại.

                Từ bụi cây ngay phía trước một tiếng kêu vọng lên. Một quả lựu đạn phát nổ và trong ánh sáng chớp lóe Nishino thấy một tên Mỹ. Một bóng người nhỏ thó lủi tới với lưỡi lê trên tay và tên lính Thủy ngã xuống. Một lần nữa lại im lặng rùng rợn, rồi một quả lựu đạn khác phát nổ, một tiếng thét đau đớn. Nishino ngửi thấy mùi dầu thơm hiệu Guerlain và bước về phía đó.

                “Bọn Nhật!” một người Mỹ kêu lên. Im lặng. “Bọn Nhật! Từ hướng năm giờ!”

                Một vài phút trước 9 giờ sự im ắng bị đánh thức bằng loạt tiếng nổ trầm đục. Đó là pháo binh mà Kawaguchi đã để lại để tấn công nghi binh. Gần như ngay lập tức những khẩu súng này được tiếng ầm ầm từ xa tham gia và rồi tiếng đổ sầm dữ dội của pháo lớn. Các tàu chiến Nhật đang dội bom Henderson một lần nữa.

                Đúng 9 giờ những tiếng hét “Totsugeki!” (Xung phong!” vang dội qua chiến tuyến.

Dẫn đầu bởi những bóng người sau lưng có chữ thập trắng, 2,100 binh sĩ của Kawaguchi khép  chặt mũi sống đất.

                Các lính Thủy núp trong hố dọc theo sống đất ngoằn ngoèo dưới sự chỉ huy của Đại tá Merritt Edson. Họ có quân số áp đảo tỉ lệ 3 đến 2. Tiểu đoàn Raider giữ trung tâm và sườn phải trong khi sườn trái nêm chặt lính Dù dưới quyền chỉ huy của Harry Torgerson, một đại úy lực lưỡng, hung hăng mà trong trận tấn công bằng mìn vào hang động Tulagi quần anh đã bị thổi bay hết. Những pháo sáng đỏ được bắn lên, tiếp theo là hỏa lực súng cối của Nhật. Bầu trời hình như tràn ngập pháo hoa. Pháo sáng dù bùng nổ trên đầu, làm lóa mắt tạm thời lính Thủy. Lính dù phía bên trái nghe tiếng báng súng vỗ theo nhịp phát xuất từ chân sống đất theo một khẩu hiệu được hô rầm rập: “Thủy quân Lục chiến Mỹ, mai xuống địa ngục đi!” Các bóng người lẫn lút qua bóng tối bên dưới, tràn lên sống đất.

                Một đại đội  tiên phong, do Đại úy Justin Duryea chỉ huy, gần như bị cắt đứt. Anh ra lệnh bom khói. Một lóe sáng bùng nổ phản chiếu trên nền khói cuồn cuộn và ai đó hét lên “Khí độc!” Trong sự hỗn loạn các đại đội trên các sườn phía trước bắt đầu rút ra khỏi những vị trí đã bại lộ của họ. Việc rút lui khiến một cánh quân của đại đội của Thiếu tá William J. McKennon gặp nguy hiểm, nhưng ông biết rằng sống đất phải được giữ với mọi giá hoặc Henderson sẽ thất thủ. Ông rút lui binh sĩ chậm chạp, phân tán họ rộng ra bên phải và trái.

                Torgerson đi khắp bên cánh trái tập họp binh sĩ bằng cách động viên và sỉ nhục. Ông quát tháo binh lính gọi cả tên và giục họ tấn công. Một số chùn bước, liền bị đá ra trước, và toàn bộ tuyến tiến ra phía trước.

                Người Nhật xông lên đón họ, được yễm trợ bởi hỏa lực rời rạc của súng máy nhẹ. Nhưng ba súng máy của McKennon bắt đầu lên tiếng, đốn người Nhật ngã như rạ. Một đợt thứ hai lao tới nhưng bị đẩy trở lại.

                Trên chỏm sống đất Đại tá Edson đang nói chuyện với một đại úy của mình qua điện thoại. Một tiếng nói chen vào: “Tình hình chúng tôi ở đây, thưa Đại tá, là tuyệt hảo. Xin cám ơn ngài.” Hiển nhiên đó không phải là lính Thủy. Địch đã nối dây đâu đó để nghe trộm và việc này có nghĩa Đại đội Raider bên cánh phải đã bị cắt đứt và phải gọi lui về. Tuyến đầu phía trước đã chết, vì thế Torgerson phái một hạ sĩ quan ra trước; tiếng nói như bò rống của anh át cả âm thanh điếc tai của trận đánh:”Đại tá nói rút lui cũng ok!”

                Toàn bộ đầu mút sống đất hình như tràn ngập bởi binh lính Nhật, và Edson nằm sấp xuống mặt đất, điện thoại cầm tay, cho đến khi ông trông thấy các lính Thủy bò trườn lùi ra phía sau. Ông chộp hai người khi họ đi qua và hét lên, “Thứ duy nhất bọn Nhật có mà tụi bây không có là gan góc!” Ông nhặt ống nói lên và gọi cho pháo binh. “Gần hơn, gần hơn,” ông la lên khi nhìn thấy những cột đất bắn lên dần dần tiến đến phía ông.

                Cuộc tấn công bị bẻ gãy, nhưng nửa giờ sau lại thêm một cuộc tấn công khác. Nó bắt đầu bằng bom khói và những tiếng hét bằng tiếng Anh “Hơi độc! Lính Thủy, cho tụi bây chết hết!” Trong làn khói dày đặc và hỗn loạn Edson không còn có thể giữ liên lạc với các chỉ huy của mình. Ông ra lệnh cho số binh lính ít ỏi của mình trở lại đầu mút phía bắc của sống đất, cách Sân bay Henderson nửa dặm.

                Người Nhật vấp ngã trên những thi thể của đồng đội khi ào ào lao nhanh về phía trước – hỏa lực súng máy và hàng rào đạn súng cối và lựu đạn gần như không dứt làm chậm lại nhưng không chặn được mũi tiến công của lính Nhật. Trong đội tiền phong trên một phía của sống đất là số binh lính còn lại của một tiểu đoàn do một đại úy có tên Kokusho chỉ huy. Cuộc xung phong liều mạng của họ bổng đứt đoạn khi họ phát hiện ra một đống khẩu phần chiến trường của lính Thủy. Họ liền ngốn ngấu nào thịt heo hầm, xúc xích và thịt bò. Kokusho đốt một điếu thuốc Mỹ, rít vội vã vài hơi thật sâu, rồi ra lệnh “Tao không để cho đứa nào chạy trước mặt tao được đâu, hiểu chưa?” Anh đẩy nón sắt ra sau, vung thanh gươm lên và hét lên “Totsugeki!” (Xung phong!).

                Họ bị tóm giữa hai làn đạn đan chéo nhau, nhưng Kokusho vẫn đến được một ụ pháo theo sau là một nhúm binh lính của anh và một nhóm các pháo binh trang bị các giáo tre. Kokusho bị trúng thương ngay mặt và quân phục anh lấm lem máu. Anh hét lên “Vạn tuế!” và lao về phía một ụ pháo khác. Anh loạng choạng vì trúng một viên đạn nhưng anh ráng phóng lên bệ pháo. Khi anh vung lưỡi gươm một cách đắc thắng, một quả lựu đạn nổ tung vào mắt anh. Từ mặt đất anh còn lẩm bẩm “Totsugeki! Totsugeki!” và trút hơi thở cuối cùng trên tay còn nắm chặt thanh gươm.

                Suốt chiều dài sống đất hỏa lực hủy diệt của Mỹ đã chặn được những cuộc xung phong điên cuồng nhất. Hết loạt pháo này đến loạt pháo khác của súng 105-mm, súng cối, một số bắn ở cự li gần đến 1,600 ya, xé toạc đội hình tấn công. Lúc 2:30 sáng Edson nhấc máy điện thoại. “Chúng tôi giữ được rồi,” ông báo cáo với Vandegrift.

                Bình minh bày ra một cảnh tượng như trong lò sát sinh trên sống đất. Từ giờ trở đi nó được biết dưới tên Sống Đất Đẫm Máu. 600 thi thể Nhật nằm sóng soài trong những tư thế chết kỳ cục. Có 40 lính Thủy hi sinh. Những người phòng thủ choáng váng vội chúc mừng lẫn nhau vì còn sống và trao đổi những câu chuyện của kẻ thù: những người bị thương kêu cứu – và khi một lính Mỹ tiến đến một quả lựu đạn giấu bên dưới được kích nổ; các tù binh luôn miệng nài nĩ “Dao!” và tự đâm vào bụng.

                Những người sống sót vẫn còn tung ra những vụ đột kích tự sát. Vandegrift đứng trước cột chỉ huy đọc một thông điệp. Ông nhìn lên khi nghe tiếng kêu “Vạn tuế!” và trông thấy ba người Nhật xung phong thẳng về phía ông, một trong số họ, một sĩ quan đang vung cao một thanh gươm. Một loạt đạn bắn hạ họ ngã sầm dưới chân Vandegrift.

                               Người Nhật chầm chậm rút lui về phía Núi Austen để tái tố chức, mang theo hàng trăm thương binh. Kiểm binh được tiến hành sơ sài – chỉ còn 800 người có thể chiến đấu. Không có gì thực thi đúng kế hoạch. Họ đã đụng phải một chướng ngại vật thiên nhiên, và sức phòng thủ của lính Thủy vượt xa mọi dự đoán. Hơn nữa, một yếu tố sống còn đã mất: Đại tá Oka không hể tham gia trận đánh.

                Vị trí của Đại tá vẫn còn là một bí ẩn cho đến khi chiều đó, một hỏa lực được nghe thấy từ phía tây bắc. Cuối cùng Oka cũng tiến công. Nhưng tiếng đạn nổ gần như là tắt lịm ngay lập tức. Rõ ràng là ông đã chạm trán với một lực lượng quá sức ông và sự công kích của ông không ích lợi gì. Một cuộc tấn công thứ hai tàn rụi trước khi nó được phát khởi. Dù vậy Kawaguchi cũng quyết tâm tiến hành một nỗ lực tự sát để cứu vãn thảm bại của mình – ít nhất ông được chết trong trận đánh. Vào hoàng hôn một lần nữa ông dẫn dắt binh lính về phía Sân bay Henderson. Sau khi đi bộ hai giờ sống đất lù lù hiện ra một lần nữa trước mặt họ. Lần này họ đi bọc quanh nó.

                Kawaguchi ra lệnh xung phong, và 800 người nhảy lên, nhào tới trong bóng đêm. Pháo binh lính Thủy đã canh nhắm vào khu vực và thế là quân Nhật bị nhận chìm trong một địa ngục pháo. Tình hình càng tệ hơn đêm hôm trước. Đạn súng máy xé nát những bụi cây. Mặt đất rúng động liên hồi như một cơn động đất bất tận. Cây cố đổ nhào; và những mảnh đạn nóng đỏ rít qua không trung. Kawaguchi không thể lùi lại. Ông vẫn dấn mình về phía sân bay, nhưng không có nơi nào để trốn thoát. Hỏa lực theo sát cuộc tiến quân và cuối cùng ghim họ ngã xuống. Suốt đêm họ nằm sát mặt đất. Đến hừng đông chỉ còn một ít loạt súng lẻ tẻ từ những súng máy cuối cùng của quân Nhật, rồi tiếng nổ của đạn súng cối, và tất cả đều im lặng.

                “Okasan!” một người lính kêu gào, gọi mẹ mình. Một binh sĩ trẻ khác xin uống nước và ghì chặt chân Nishino bằng một cánh tay; cánh tay kia đứt cụt đang phun máu. Nishino lắc bi đông của mình. Trống không. Anh ấn miệng bi đông ẫm ướt vào đôi môi khô khốc của người lính. Anh nuốt ực, mỉm cười yếu ớt rồi tắt thở.

                Mặt trời chói lòa và Nishino thấy khó lòng mở mắt ra. Anh thấy đôi mắt nóng rát và mọi vật trông mờ mịt. Nơi trước đây là vạt rừng bây giờ chỉ là vùng đất trơ trụi khô cằn. Một ít thân cây trông như những cột trụ tàn tích của Hi Lạp. Nishino trông thấy Yoshino, người liên lạc của mình, lảo đảo toan đứng dậy liền nói với y bằng một giọng khản đặc, “Nằm xuống, đồ điên!” Yishino vội vã thụp xuống bên cạnh anh khi một quả đạn súng cối phát nổ cách đó vài ya. Nishino bịt tai và che mắt. Anh run bần bật vì sốt rét. Pháo tiếp tục cày xới chung quanh tìm kiếm họ. Anh cảm thấy thân thể mình chầm chậm nhấc lên trên không trung rồi rơi xuống – hết lần này đến lần khác – như trong một đoạn phim quay chậm.Một cơn buồn ngủ xâm chiếm không sao cưỡng lại được, anh gối đầu lên đám lá. Thân thể anh hình như chìm xuống một chốn nào đó không biết và anh tự hỏi không biết mình sắp ngủ hay đang lìa đời. những gương mặt hiện ra trong trí anh: đầu tiên là gương mặt ông tổng biên tập Honda, rồi người vợ, trông rất buồn. Sau đó là một loạt gương mặt các bạn bè và lạ thay, có cả Verlaine và Francois Villon [Verlaine nhà thơ Pháp cuối thế kỷ 19, Francois Villon: nhà thơ Pháp, thế kỷ 15: ND]. Anh nghe tiếng sấm xa xa như tiếng sóng vỗ, và thân thể anh lại chầm chậm nâng lên khỏi mặt đất. Anh lần vào túi ngực; một tràng hạt bằng ốc biển vẫn còn đó, và cả lá bùa may mắn Honda đã tặng anh ngay lúc ông ta dặn dò anh ráng đừng để bị giết chết. Giờ anh có thể trông rõ ràng hơn một chút. Không tới nửa dặm cách đó là đoạn cuối của đường băng; họ gần như đã đến được mục tiêu sân bay. Như trong một cơn mơ, anh bắt đầu bò lùi lại.

 

3.

                Trận Sống Đất Đẫm Máu đã kết thúc nhưng binh lính Vandegraft, bị hành hạ vì tiêu chảy, nhiễm trùng nấm và sốt rét, không có vẻ gì là người chiến thắng. Khủng hoảng thực sự ở Thái Bình Dương, tuy nhiên, là mối khủng hoảng mà người lính Thủy trên Guadalcanal thậm chí không biết đến. Chiến dịch Dây Giày đã mở màn với ba tàu sân bay hạng nặng. Rồi chiếc Enterprise bị hư hại trầm trọng trong Trận Đông Solomon đến nỗi phải quay về Trân Châu Cảng để đại tu. Một tuần sau tàu ngầm I-26 phóng một quả ngư lôi vào tàu Saratoga. Chỉ có 12 người bị thương – trong đó có Đô đốc Fletcher – nhưng phải mất hàng tháng trước khi con tàu lớn có thể trở lại làm nhiệm vụ.

                Chỉ còn lại Wasp – Hornet, đến quá trễ cho Trận Đông Solomon. Và vào ngày sau Trận Sống Đất Đẫm Máu 2 tàu ngầm I-15 và I-16, đi xuyên qua đám tàu khu trục quanh 2 tàu sân bay này và di chuyển vào vị trí phóng ngư lôi. Đó là một ngày thú vị, trong sáng với gió mậu dịch 20 hải lí mát mẻ. Wasp đã vừa giảm tốc độ để phóng 26 máy bay và nhận 11 máy bay hạ cánh khác vừa đi tuần tra về. Các lính canh giật mình khi trông thấy ngư lôi  phóng ra từ tàu I-19 tiến đến gần “nóng bỏng, thẳng tiến và bình thường,” liền báo động. Hoa tiêu, Đại tá Forrest Sherman, ra lệnh quay sang phải, nhưng hai quả ngư lôi đã cắm vào mạn tàu bên phải của tàu sân bay. Vụ nổ làm Wasp rung chuyển, và nó bắt đầu nghiêng sâu một bên.

                Cách đó 5 dặm, các ngư lôi từ tàu I-15 lao về phía tàu Hornet. Tất cả đều trật nhưng ngay trước ba giờ một quả trúng con tàu chiến North Carolina, phá một lỗ rộng 18 x 32 bộ bên dưới mực nước. Hai phút sau một ngư lôi khác xé toạc tàu khu trục O’Brien. Các đám lửa trên tàu Wasp đã mất kiểm soát. Một tiếng nổ long trời rúng động tàu sân bay. Lúc 3:20 Sherman bắt buộc phải bỏ tàu. Hải quân chỉ còn một tàu chiến và một tàu sân bay để yễm trợ lính Thủy trên Guadalcanal.

                Trên sườn đồi nhìn qua Sống Đất Đẫm Máu, Kawaguchi, trong quân phục tả tơi, đối diện với trận địa, cúi đầu và chấp hai tay cầu nguyện cho tử sĩ. Giờ nhiệm vụ của ông là đem binh lính mình về bờ biển an toàn. Ông tin rằng đường đi sẽ ngắn hơn nếu đi theo hướng tây và theo con đường mà ông đã phái các trinh sát viên của mình ra đi tìm Oka. Vào ngày thứ hai hàng trăm thương binh đi bộ đã ngã quỵ, và những người khiêng cáng kiệt sức phải bỏ lại hàng chục thương binh nặng ở lại đường mòn. Không có trật tự gì hết. Họ đi từng nhóm 15 hoặc 20 người, mỗi người với nhịp bước khác nhau. Tay trái của Nishino thì vô dụng và anh yếu hẳn đi vì bệnh sốt rét. Thân hình nặng nề vì số bạc 50,000 yen buộc quanh bụng, anh bước theo hàng người rách rưới thất thểu dọc theo sườn núi Austen, qua những cánh rừng tưởng như vô tận. không có gì để ăn trừ cỏ, rêu và đôi khi hạt cây trầu. Anh bước qua hàng chục thi thể trong quân phục đẫm máu. Phần đông thi thể vươn dài cánh tay như thể muốn vói tới cái gì đó.

                Vào ngày thứ 6 các hạ sĩ quan phải quất các binh lính trẻ bằng cành cây để giục họ tiến lên. Nishino dường như không nhấc chân này ra trước chân kia nỗi nữa. Ngay trước trưa anh ló ra từ cánh rừng tối để bước đến một rặng dừa. Phía trước là biển cả mênh mông xanh thẳm. Họ đã đến Điểm Cruz, cách sân bay 7 dặm về phía tây.

                “Oi! Biển!” một người lính kêu to và lao vào sóng nước, để nguyên cả quần áo trên người. Họ nuốt ực nước mặn. Nishino lên tiếng ngăn lại nhưng một binh nhì quát trả, “Tôi không sợ chết!” Nishino cố uống một ngụm nhưng rồi vội phun ra. Anh nhặt vài hòn đá và liếm muối bám trên đó; nghe có vị ngọt. Anh nhặt một vài nắm sỏi rồi đi trở lại rặng dừa.

                Suốt buổi chiều đó họ nghỉ ngơi, uống nước dừa, ăm cơm dừa và bàn bạc về trận đánh. “Chúng ta phải công nhận mình có seishin [thanh tâm, tức tâm trong sáng] của người Nhật, nhưng bọn Yankee đó cũng có seishin của chúng, đúng không! Vào đêm thứ 13 khi chúng tôi tấn công một ụ pháo, một tên Mỹ nhảy chồm lên tôi nhưng tôi đâm hắn bằng lưỡi lê. Hắn hét tướng lên, nhưng trước khi chết còn kịp phóng pháo hiệu đỏ. Trong chớp mắt đạn súng cối phóng đến chỗ chúng tôi. Các đồng đội tôi chết hết.  Chỉ trừ tôi thoát được.”

                Một phút im lặng. “Đó là tinh thần Yankee,” một người khác lẩm bẩm.

                “Đúng là vậy.”

                “Họ cũng yêu xứ sở mình. Chúng ta không phải là người duy nhất.”

                Guadalcanal đã có một cái tên mới – Đảo Chết Đói. Ga, vần đầu tiên của Gadarukanaru, có nghĩa là “đói.” Thậm chí trong chuyến lội bộ ra biển đầy thử thách không thể mô tả hết, một câu nói luôn mang lại tiếng cười đầy mai mỉa: “Bầu trời có thể sụp đổ nhưng Gadarukanaru thì không bao giờ” – câu nói được cho là thốt ra đầu tiên bởi chỉ huy Hải quân của hòn đảo ngay trước khi người Mỹ đổ bộ.

                Vào ngày 18/9, bốn ngày sau trận Sống Đất Đẫm Máu, lính Thủy được tiếp ứng 4,200 quân của Trung đoàn Thủy quân Lục chiến thứ 7. Họ đổ xuống xe tăng, trang thiết bị công binh, đạn được và đồ tiếp tế, và lần đầu tiên kể từ khi bị Hải quân bỏ lại trên đảo, Vandegrift cảm thấy mình hoàn toàn kiểm soát được tình thế. Ông có tổng cộng 23,000 quân và một không lực dầu nhỏ nhưng năng nổ, dư sức đương đầu.

                Nhưng sự tin tưởng này không được thượng cấp của ông chia sẻ. Ngày hôm sau Hanson Baldwin, thông tín viên quân sự của tờ New York Times, thông báo cho ông biết là Washington tuyệt đối bị đánh động về tình hình trên Guadalcanal, và bộ tư lệnh của Ghormley ở Noumea thậm chí còn hơn thế nữa.

                Ngài Vandegraft bị chọc tức nói mình “không thể hiểu được cũng như tha thứ được một thái độ như thế.” Rõ ràng là việc đánh chiếm Guadalcanal “đã khiến người Nhật bất ngờ,” và những tin điện bị chặn “trong vài trường hợp cho thấy có sự rối loạn tập thể trong giới chỉ huy cấp cao.”

                “Ngài tính trấn giữ đầu cầu này chứ?” Baldwin hỏi. “Ngài vẫn ở lại đây chứ?”

                “Phải, tại sao không?”

                Kawaguchi quyết định phái các phóng viên trở lại Rabaud. Nishino muốn ở lại, nhưng vị tướng bảo nhóm công tác Maichini họ phải ra đi. “Sau khi các chú đi chúng tôi sẽ chiến đấu kiên quyết và tôi hi vọng đón tiếp các chú lần nữa trên hòn đảo này.”

                Nishino bắt tay ông. Bàn tay xương xẩu và nóng hổi vì sốt.

                Tại Đảo Shortland, Nishino chuyển từ một tàu khu trục đến tàu chở quân Daifuku, tại đó anh đụng phải người quen cũ, Thiếu tướng Yumio Nasu, chỉ huy của một “nhóm bộ binh” của Sư đoàn thứ 2. * Vị tướng không nhận ra anh cho đến khi anh phải tự giới thiệu.

  • Trước Trân Châu Cảng, một sư đoàn lục quân Nhật có 2 lữ đoàn bộ binh, mỗi lữ đoàn có 2 trung đoàn bộ binh. Sau Trân Châu Cảng, một sư đoàn có một nhóm bộ binh gồm 3 trung đoàn bộ binh.

 

                “À, thì ra Nishino, chú có vẻ bịnh nặng,” ông nói. “Gadarukanaru?” Ông dịch ghế gần hơn. Sư đoàn của ông chuẩn bị đi Guadalcanal và ông muốn nắm thêm thông tin trực tiếp. Nishino do dự, nhưng Nasu nói, “Tôi thích nghe ý kiến của người nghiệp dư.”

                Nishino nói về số phận của Phân đoàn Kawaguchi, về các trận không kích không ngừng, về việc sử dụng các thiết bị cảnh báo bằng điện của Thủy quân Lục chiến, lượng tiếp tế lương thực gần như vô tận của họ, số đạn dược không bao giờ cạn và cái seishin không ngờ đến của họ.

                “Rất nghiêm túc,” vị tướng lẩm bẩm. “Phải làm gì bây giờ?”

                “Trong tình hình như thế, tôi phải nói rằng nếu chúng ta tiếp tục đổ quân từng chút, họ sẽ bị nuốt chững từng miếng một. Đó là việc tồi tệ nhất để làm, ông có đồng ý với tôi không?” Mối quan tâm của ông khuyến khích anh thẳng thắn. “Nếu tôi nói chuyện này với người khác, chắc chắn tôi sẽ bị tống vào tù.” Binh lính Nhật được yêu cầu hi sinh mang sống mà không được trang bị và tiếp tế thỏa đáng. “Hi vọng cuối cùng của chiến sĩ chúng ta là nhìn thấy máy bay có in biểu hiệu Mặt Trời Mọc. Họ bảo tôi là họ có đủ tinh thần để chiến đấu dù không có lương thực, nhưng nếu chỉ có tinh thần không thôi thì họ không thể làm được gì nhiều.”

                “Tôi đồng ý,” Nasu nói. “Khổ thay chúng tôi không có đủ máy bay và tàu để làm theo lời chú muốn.”

                Nasu là đội tiên phong của của một mũi tiến công mới nhằm chiếm lại Sân bay Henderson. Tại Rabaud, Tướng Hyakatake đã quyết định đi đến Guadalcanal và đích thân chỉ huy chiến dịch. Ông chuẩn bị mang theo Quân đoàn pháo thứ 17 – pháo dã chiến, khẩu pháo 100-mm và bích kích pháo 150-mm.

                Một chuỗi các buổi họp Lục-Không liên hợp diễn ra tại bộ tư lệnh Quân đoàn 17 để phối hợp hành động. Một trong những quan sát viên là Trung tá Tsuji, “Vị Thần Hành Quân.” Ông đã thuyết phục cấp trên của mình ở Tokyo phái ông về nam để tìm hiểu những gì thực sự xảy ra ở Guadalcanal.

                Tsuji lắng nghe mà không bình luận gì khi Tướng Hyakutake và Hải quân tranh luận không ngừng về phương thức vận chuyển Sư đoàn thứ 2 đến Guadalcanal. Hải quân khăng khăng họ sẽ được vận chuyển bằng “Tàu Tốc Hành Chuột” thông thường hoặc “Tàu Hàng Kiến.” Vị tướng cho rằng như vậy là quá liều lĩnh; Sư đoàn thứ 2 phải coi như một bộ phận trong một đoàn vận tải lớn dưới sự hộ tống hải quân hùng hậu. Không thể nào, Hải quân nói. Họ không thể đủ sức cung ứng cái gì khác hơn là lối chuyên chở “chuột và kiến”; “Làm sao chúng tôi có thể gột nên hồ khi không có bột?”

                Việc Hải quân khước từ tham gia những đơn vị quan trọng trên biển cho các cuộc hành quân khiến Hyakutake nổi dóa và ông đưa ra một lời đe dọa bất cẩn. “Nếu Hải quân thiếu lực lượng  hộ tống Sư đoàng thứ 2 một cách thỏa đáng đến Guadalcanal, chúng tôi sẽ đến đó bằng những tàu chở quân không cần hộ tống. Và Bộ tư lệnh Quân đoàn 17 sẽ dẫn đường!”

                Tsuji hiểu rằng nếu Hyakutake bị bắt buộc làm theo kế hoạch hấp tấp của mình, việc đó có nghĩa là gần như chắc chắn toàn bộ tàu chở quân sẽ bị tiêu diệt. Bỏ đi vai trò quan sát viên của mình, ông đến gặp riêng Hyakutake và đề nghị bay đến Truk để trình bày khó khăn của vị tướng trực tiếp cho Đô đốc Yamamoto.

                Tsuji tìm được Yamamoto trên tàu chiến Yamato trong cảng lớn Truk. Đô đốc đang ngồi trên sàn cabin của ông chăm chú viết thư pháp.  – có lẽ đó là một bài thơ cho một người ngưỡng mộ hoặc một khẩu hiệu cho một học sinh. Thân hình ngắn gọn, rắn chắc của ông hình như căng phồng dưới lớp quân phục.

                Yamamoto im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu, khi Tsuji kể lại những thảm kịch xảy đến cho phân đoàn được phái đi trước đây đến Guadalcanal. “Tiếp tế của chúng tôi đã bị cắt đứt trong hơn một tháng. Các sĩ quan và binh sĩ phải đào rễ cỏ, cạo rong rêu và bẻ chồi cây mà ăn và uống nước biển để sống.” Tất cả bọn họ đều gầy rạc hơn Gandhi [nhà cách mạng Ấn theo đường lối bất bạo động chống chính quyền thực dân Anh để đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ; đôi khi ông sử dụng biện pháp tuyệt thực: ND] . Lực lượng tiến chiếm mới phải được vận chuyển an toàn, và với đồ tiếp tế đầy đủ đến đảo, nếu không nó cũng sẽ gặp thảm bại. “Tôi xin ngài cung ứng cho chúng tôi một lực lượng hộ tống hùng hậu. Nếu Hải quân thấy việc đó là không thể, thế thì Tư lệnh Lục quân Hyakutake quyết định đích thân dẫn dắt đoàn vận tải và sẵn sàng chịu quét tan trong nỗ lực đánh chiếm lại hòn đảo.”

                Yamamoto bắt đầu nói chậm rãi. Ông nhìn nhận rằng những lỗi lầm của Hải quân đã làm trầm trọng thêm nỗi gian truân của binh sĩ trên Guadalcanal. “Được rồi,” ông nói cân nhắc, “Tôi, Yamamoto, sẽ đích thân chịu trách nhiệm. Nếu cần, tôi sẽ mang chiếc Yamato đi dọc theo đảo, tôi hứa sẽ hộ tống đoàn tàu theo cách Lục quân muốn. Chỉ có một điều-để tôi khỏi mất mặt, đừng để Hyakutake tiên sinh đi trên một tàu chở quân. Làm ơn bảo ông ta đi trên một tàu khu trục để ông ta có thể đổ bộ an toàn. Năng lực chỉ huy của ông ta rất cần thiết cho hòn đảo.”

                Nước mắt chảy dài trên gương mặt bất động của Yamamoto. Tsuji, cũng rơi lệ, xúc động ước gì mình có thể hi sinh dưới sự chỉ huy của Yamamoto như một sĩ quan tham mưu Hải quân.               

                Có nhiều sĩ quan trong Quân đội nhật không chịu chấp nhận – như Yamamoto sẵn sàng làm – thực trạng của Guadalcanal. Nishino đã vừa đến Rabaud từ Shortland, dự định soan một báo cáo cá nhân gởi đến bộ tư lệnh Quân đoàn 17. Anh được đưa đến văn phòng sĩ quan phụ tá, một trung tá có tên Fukunaga. Y hỏi thăm anh về Guadalcanal.

                Ngay từ cái nhìn anh đã không thích y. Y hống hách và thân hình phì nộn như chảy mở – không giống chút nào các bộ xương trên Guadalcanal. “Bạn bè tôi hiện giờ trên Gadarukanaru đang chết đói vì phải chiến đấu chỉ bằng tinh thần. Nhưng chắc không được lâu. Tôi xin ông hãy tiếp tế cho họ nhiều lương thực như có thể-“

                “Anh phê phán Quân đội phải không?” y lên án.

                “Đó không phải là phê phán.” Nichino phân trần là mình chỉ nói ra sự thật về Guadalcanal. Anh bắt đầu cảm thấy chóng mặt và phải tỳ tay lên bàn của viên sĩ quan phụ tá để khỏi té.

                “Đây là miền nhiệt đới,” viên đại tá nói. “Nhưng sao anh xanh xao thế?” Giọng y cũng mang tính lên án.

                “Tôi đã ở trong rừng suốt. Rừng thì không có ánh sáng mặt trời.”

                “Anh chỉ thiếu seishin!”

                Seichin của tôi đã cứu vớt tôi khỏi địa ngục Guadalcanal. Nếu ngài đến đó, ngài ắt sẽ biết.” Giải bày với thằng điên là việc vô ích. Anh quay bước lui ra.

                “Ăn cà chua đi, anh sẽ hồng hào hơn!”Nishino nghe y nói vói sau lưng mình khi ra đến cửa, “ “Ê, anh kia!” Giọng của Fukunaga có vẻ hăm dọa. “Hãy nhớ, chúng tôi sẽ không bao giờ để anh trở lại Nhật đâu. Chẳng khác nào thả một tên gián điệp về nhà.”

                        

16. “Tôi Đáng Phải Chết Mười Ngàn Lần ”

 

1.

                Trước khi Đại tá Tsuji rời Yamato, Đô đốc Yamamoto hiện thực lời hứa miệng của ông trên giấy: Hạm đội Hỗn Hợp sẽ hộ tống các tàu chở quân của Sư đoàn thứ 2 đến Điểm Tassafaronga, và Sân bay Henderson sẽ bị các tàu chiến pháo kích vào buổi chiều trước ngày  đổ bộ. Yamamoto còn đi xa hơn. Ông tìm thấy trong Guadalcanal một cơ hội khác bắt buộc Trận Đánh Quyết Định đã từng ám ảnh giới lãnh đạo quân sự Nhật Bản. Ngay khi Hyakatake phát động trận tấn công toàn diện của ông vào sân bay và bắt đầu có triển vọng, Hạm đội Hỗn Hợp sẽ cưỡng bách Hải quân Hoa Kỳ ra mặt giao chiến. Đó sẽ là đoạn kết của sức mạnh hải quân Mỹ trong Quần đảo Solomon và khởi đầu cho sự cáo chung quyền lực của họ ở Thái Bình Dương.

                Tsuji trở lại Rabaud để soan ra những kế hoạch cuối cùng cho cuộc tấn công vào Henderson với sĩ quan tham mưu cao cấp của Tướng Hyakatake. Đại tá Haruo Konuma – cha ông là chủ một xưởng dệt len nhỏ – đã đi theo con đường binh nghiệp cổ điển: trường thiếu sinh quân, Học viện Quân sự và Cao đẳng Chiến tranh. Trưởng Bộ phận Chiến thuật và Chiến lược của Tổng tham mưu tại thời điểm Mỹ chiếm đóng Guadalcanal (thậm chí ông chưa nghe nói về hòn đảo), ông không dính líu với chiến dịch cho đến tháng 9. Để đánh bật quân địch, ông kết luận, phải cần đến một sư đoàn đầy đủ quân số, pháo hạng nặng, xe tăng và số lượng đạn dược và đồ tiếp tế dồi dào. Nhưng những thứ này không thể vận chuyển đến Guadalcanal mà không có sự hậu thuẫn toàn diện của Không lực Lục quân. Các phi công thước Không lực Hải quân được huấn luyện để che chắn các tàu chiến hơn là tàu vận tải.

                Trưởng bộ phận hành quân Takushiro Hattori đánh giá cao lập luận của ông nhưng phủ quyết nó; ông ta sợ rằng Liên bang Xô viết có thể tấn công Quân đoàn Quảng Đông nếu quá nhiều máy bay rút đi từ Mãn Châu. Mặc dù kế hoạch của ông bị bác bỏ, nhưng ông vẫn tham gia chiến dịch. Ông được chọn lựa để đến Rabaud trong vai trò sĩ quan hành quân của Hyakatake. Lúc đầu Konuma từ chối. Không những ông nghi ngờ tính hiện thực của việc tái chiếm Guadalcanal – Ichiki và Kawaguchi đã thất bại chua cay – mà còn không tin là Hải quân sẽ cung ứng đủ lực lượng hộ tống.

                Phải cần đến không chỉ trưởng bộ phận của ông để thuyết phục ông đổi ý. Đại tá Tsuji, bạn thân và bạn học của ông tại Cao đẳng Chiến tranh, cố vấn ông và lấy uy tín của mình bảo đảm mọi trở ngại sẽ vượt qua, nên, dù miễn cưỡng, Konuma đành phải nhận lời.

                Vấn đề đầu tiên ông đối mặt ở Rabaud không xuất phát từ Hải quân mà từ Lục quân. Tham mưu trưởng của Hyakutake, Tướng Akisaburo Futami, là một người yếu đuối, và đó có thể là một phần nguyên nhân khiến ông khăng khăng Guadalcanal là một sứ mạng thất bại. Tại mỗi buổi họp – cho dù buổi hội thảo về Guadalcanal với Hải quân – ông đều lặp đi lặp lại. “Chúng ta đừng mất công chiếm lại Guadalcanal; chúng ta không có cơ hội đánh thắng ở đó đâu!”

                Vượt qua Hyakutake, Konuma điện trực tiếp cho Bộ Tổng Tham mưu Lục quân, yêu cầu thay thế Futami. Trước khi hết ngày, Futami được thay thế nhưng vẫn còn tồn tại những vấn đề về chỉ huy. Vì Kawaguchi đã thất bại, các sĩ quan tham mưu trẻ tuổi hơn muốn loại ông ra khỏi chiến dịch Guadalcanal và buộc trở về Tokyo vì sợ rằng thái độ phê phán của ông đối với Bộ Tư lệnh Hoàng gia sẽ ảnh hưởng không tốt đến những người mới đến. Nhưng Konuma nhớ ông là một sĩ quan hiển hách, có nhiều năng lực nên sắp xếp gọi ông về Rabaud để chất vấn. Kawaguchi đến trong quân phục rách rưới, bẩn thỉu. Báo cáo của ông về nỗi khổ não của phân đoàn mình thì không thể bác bỏ được và Konuma khuyên Hyakutake cho ông ta chỉ huy một trong các đơn vị trong chiến dịch sắp tới. Ai có thể hiểu rõ những điều kiện và địa hình sát sao hơn ông?

                               Những tăng viện và đồ tiếp tế đến gần đây cho phép Vandegrift dựng lên một hệ thống vành đai phòng thủ toàn bộ quanh sân bay, gồm những hố cá nhân và các ụ súng máy đều khắp, qua những ngọn đồi và các sống đất bất cứ nơi đâu có thể. Có đầy đủ dây kẽm gai bao quanh toàn bộ mặt trước với hai dãy hàng rào che chắn.

                Với quân số hơn 19,000 Vandegrift cuối cùng cũng đã sẵn sàng để thử sức sự phòng thủ của riêng mình chống lại mũi dùi của Quân Nhật từ phía tây. Vào ngày 23/9 ông phái đi một tiểu đoàn về hướng tây nam; khi đến những con dốc của Núi Austen, nó bắt đầu vòng trở lại về hướng biển dọc theo bờ đông của Sông Mataniko, theo sát phía sau là một tiểu đoàn khác. Ngạc nhiên thay, họ không gặp sự kháng cự nào. Khi hai lực lượng này tiến gần cửa sông, họ được nhập bọn bởi một tiểu đoàn thứ ba đã đi theo đường thuận tiện, dọc theo bờ biển.

                Ngày hôm sau, 27/9, lính Thủy cố vượt qua sông nhưng bị ghìm chân không ngờ đến bởi hỏa lực của địch. Tin truyền đến Đại tá Edson, chỉ huy các lực lượng phối hợp, đã bị xáo trộn trong cái ác liệt của trận đánh, khiến ông ta tưởng rằng binh lính ông đã qua được sông Mataniko. Do đó, ông ra lệnh cho một tiểu đoàn khác đổ bộ tại Điểm Cruz và giăng bẫy quân địch đang rút lui. Tiểu đoàn này đổ bộ mà không gặp sự kháng cự nào và tiến vào nội địa 350 ya trước khi quân địch tấn công từ cả hai sườn. Bị đánh tơi bời, lính Thủy phải lùi trở ra bãi biển và được di tản dưới hỏa lực dữ dội ra một tàu khu trục. 60 lính Thủy chết.

                Không có hơn 5,000 người Nhật phân tán ở hai bên Henderson và hầu hết đều đang chết đói. Chắc chắn không hơn phân nửa số đó có đủ sức mang súng, nhưng họ sẵn sàng chiến đấu đến chết. Phản ứng hung hăng đầu tiên của họ ở Mataniko đã khiến cho Vandegrift tin rằng mình đang đối mặt với một lực lượng hùng hậu hơn nhiều. Hải quân, vốn đã bỏ rơi lính Thủy sau thảm bại Savo, không nhất trí. Đô đốc Turner viết cho Vandegrift rằng đây là lúc để trấn áp quân địch. “Tôi tin là anh đang ở trong một vị trí có nhiều cơ hội và hãy tận dụng chúng,” ông nói.

                Bị châm chích, Vandegrift đánh điện trở lại nói rằng trinh sát “cho biết chúng ta sẽ đón nhận một cuộc tấn công rất mạnh của những lực lượng bổ sung sẽ đổ bộ khoảng đầu tháng 10 này khi con trăng thuận lợi cho việc tiến hành đổ bộ và tác chiến.” Theo đó, ông nói thêm, một mũi tiến công của lính Thủy sẽ gặp nhiều rủi ro. Ông bực mình khi Turner không nhận ra rằng quân địch chỉ đang dưỡng sức trong khi chuẩn bị phát động một trận công kích mới.

                Hai ngày sau Đô đốc Nimitz bay đến và kiên nhẫn lắng nghe lập luận của Vandegrift là sứ mạng chính yếu của lính Thủy là trấn giữ Sân bay Henderson. Vị đô đốc tỏ ra thông cảm nhưng không hứa hẹn gì. Tối đó qua ly rượu ông nói, “Anh biết đấy, Vandegrift, khi cuộc chiến này kết thúc chúng ta sẽ sẽ soạn một bộ Qui tắc Hải quân mới. Vì thế hãy giữ nó trong đầu anh vì tôi sẽ cần biết đến một số điều cần phải nên thay đổi.”

                “Tôi biết một điều ngay lúc này. Hãy loại ra mọi tham chiếu cho rằng ai điều khiển con tàu của mình đến mắc cạn sẽ đối mặt với số phận tệ hơn cái chết. Ở ngoài kia có lắm chỉ huy quá dè dặt không dám làm liều với con tàu của họ.” 

                Nimitz mỉm cười nhưng có điều gì đó về cung cách của ông khiến Vandegrift cảm nhận rằng ông ta hiểu được những vấn đề về Guadalcanal và sẽ không tiếp viện thêm không lực, hải quân và bộ binh. Cổ vũ vì chuyến viếng thăm của Nimitz, Vandegrift quyết định tiến hành một trận công kích có giới hạn khác để làm quân địch mất chới với. Lần này ông ra lệnh một trung đoàn đầy đủ di chuyển xuống bờ biển từ phía đông đến cửa sông Mataniko, và phái ba tiểu đoàn xuyên qua rừng khoảng 1 dặm sâu trong nội địa để băng qua sông một cách bí mật về phía thượng nguồn và bắt quân Nhật giữa một gọng kềm.

                Trung đoàn đến bờ sông phía đông và bắt đầu chuẩn bị qua sông. Binh lính di chuyển ồn ào, và những xuồng đổ bộ chạy ầm ầm phía sau chiến tuyến. Mũi nghi binh này cho phép ba tiểu đoàn băng qua sông Mataniko vào buổi sáng ngày 9/10 mà không bị phát hiện. Sau đó họ quay gắt sang phải về hướng biển, lừa quân Nhật dọc theo bờ tây. Hàng tấn đạn pháo và đạn cối được rót xuống các vị trí của quân địch. Ai cố chạy thoát qua các mô đất liền phơi mình ra khoảng trống và bị đốn ngã bằng hỏa lực súng tự động. Lính Thủy báo cáo rằng hơn 700 quân Nhật (gần một phần ba toàn bộ lực lượng tác chiến của họ trên đảo) nằm chết dọc  theo bờ sông Mataniko. Lính Thủy mất 65 người.

                               Yamamoto giữ lời, và giữa đêm đó các tàu chở quân mang theo Sư đoàn số 2, cũng như bộ Chỉ huy Quân đoàn 17, đến Điểm Tassafaronga bình yên. Tướng Hyakutake – đồng hành cùng Kawaguchi, Konuma và Tsuji – bì bõm lên bờ. Đi với họ là Thiếu tướng Tadashi Sumiyoshi, chỉ huy các đơn vị pháo của Quân đoàn 17.

                Khi các bao gạo và các đồ tiếp tế khác được mang lên bờ biển, những hình hài rách rưới ló ra từ các bụi cây và rụt rè tiến tới. Họ trông như các bộ xương biết đi; mái tóc họ dài và lấm bẩn và bộ đồ rách nát và nhọ nhem không còn giống bộ quân phục. Một người bảo với Tsuji là họ là binh lính sống sót của phân đoàn Ichiki và Kawaguchi và họ đến để hỗ trợ chất dỡ đồ tiếp tế.

                Kawaguchi dẫn Hyakutake và nhóm của ông xuống bãi biển về hướng bộ chỉ huy mới của Quân đoàn 17. Lúc đó là hừng đông, ngày 10/10, khi họ đến nơi hẹn gần một con sông nhỏ cách Mataniko 5 dặm về phía tây. Tại buổi điểm tâm Hyakutake nhận một báo cáo là hầu hết số gạo dỡ xuống đêm qua đã bị bọn cu li tình nguyện lấy trộm. “Đó là lỗi của tôi đã đem những binh lính trung thành đến một nơi khốn khổ như thế này,” Hyakutake nói. “Hi vọng họ ăn lương thực ta cho no để trở lại làm người lính tốt.”

                Suốt dọc bờ biển gần bộ chỉ huy của Hyakutake những binh sĩ sống sót cuối cùng của Trận Sống Đất Đẫm Máu lảo đảo bước ra khu rừng. Xương sườn của họ nhô ra. Mái tóc đen đã hóa một màu xám bẩn và có thể kéo ra từng mảng khỏi da đầu. Lông mày và lông mi cụp xuống và răng cửa đều lung lay. Suốt ba tuần họ không có gì vào bụng, đói rã ruột và thân thể thèm khát muối đến nỗi nước biển nếm cũng ngọt. Nước đem lại nỗi thôi thúc đau đớn muốn bài tiết nhưng họ quá yếu. Họ phải giúp đỡ nhau bằng những ngón tay. Nỗi nhẹ nhõm không thể nào mô tả được.

                Sự nản lòng mà Hyakutake cảm thấy khi nhìn cảnh tượng đau lòng như thể càng tăng thêm khi nghe tin chi tiết về về vụ thảm bại hủy diệt tại Mataniko. Ông điện cho Rabaud: TÌNH HÌNH TRÊN GUADALCANAL NGHIÊM TRỌNG HƠN ĐÃ ĐÁNH GIÁ, và yêu cầu gởi thêm quân tăng viện và đồ tiếp tế ngay lập tức.

                Hơn nữa, thắng lợi của lính Thủy khiến Konuma và Tsuji thấy cần phải thảo ra một kế hoạch tác chiến khác, sẽ xuất phát khoảng 10 ngày tới. Thay vì tấn công thẳng xuống bờ biển băng qua Mataniko, họ sẽ tiến hành một cuộc tấn công đêm bất ngờ vào Henderson từ phía sau. Trong khi Sư đoàn số 2 đánh thúc qua cánh rừng đằng sau Núi Austen, tướng Sumiyoshi sẽ giữ cho quân Mỹ bận bịu chống đỡ bằng cách pháo kích các vị trí của chúng từ bờ tây của Sông Mataniko và rồi, một vài giờ sau trước giờ H, phát động một trận tấn công bằng bộ binh có kích cỡ trung đoàn làm nghi binh – và kéo quân địch đến Mataniko. Vào giờ H Trung tướng Masao Maruyama, chỉ huy Sư đoàn 2, sẽ phát động một cuộc công kích hai mũi đồng thời từ phía nam. Bộ phận chủ lực – do Yumio Nasu chỉ huy, người đã đầu tiên tìm hiểu về Guadalcanal trên Shorland từ miệng Nishino – sẽ quay sang trái và tiến lên hành lang giữa Sống Đất Đẫm Máu và sông Lunga trong khi cánh phải, dưới quyền chỉ huy của Kawaguchi, tiến về hướng đông của sống đất đi qua gần như cùng một nơi mà trước đây ông đã chiến đấu. Kawaguchi cảm thấy lo lắng về kế hoạch nhưng ông ở trong một hoàn cảnh quá bấp bênh để có thể tranh cãi là địa thế đặc biệt này quá gồ ghề cho một cuộc tấn công, đặc biệt vì nó hợp lý nếu tấn công bên sườn nơi quân địch ít ngờ đến nhất.

                Thành công phụ thuộc vào đạn pháo chở đến nhanh chóng, cũng như hoàn tất xong con đường mòn hình bán nguyệt chạy sau Núi Austen và rồi đi về hướng bắc dọc theo Sông Lungga đến một điểm ngay dưới sân bay. May thay con đường đã khởi công một tháng trước và gần như hoàn tất. Nó dài 15 dặm qua cánh rừng dày đặc đến nỗi người ta phải gần như khom lưng mà đi. Các công binh chỉ có các dụng cụ cầm tay để đốn ngã những thân cây to và chặt quang những dây nho dai cứng to cỡ cánh tay người lớn. Cấy đốn ngã được xếp dọc theo hai bờ đường; các bụi cây nhỏ và rễ cây được phát quang. Đoạn có đầm lầy được lót bằng thân gỗ bắc qua, và những đoạn chạy qua những khu vực đồng trống được giăng lưới ngụy trang. Các khe vực rộng cỡ 100 bộ (khoảng 30 mét) được bắc cầu qua bằng những bện dây nho chằng chịt.

                Nó được đặt tên là “Đường mòn Maruyama” theo tên của vị chỉ huy kiên quyết của Sư đoàn thứ 2. Maruyama là một người trông điềm đạm, không náo núng dưới đạn lửa. Ông không có ảo tưởng về những khó khăn của sứ mạng mình nhưng nhận thức rõ ý nghĩa của nó. Trước khi lên đường đi Guadalcanal ông bảo binh sĩ mình: “Đây là Trận Đánh Quyết Định giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, một trận chiến trong đó sự hưng vong của Đế chế Nhật Bản sẽ được quyết định. Nếu chúng ta thất bại trong việc đánh chiếm các hòn đảo này, không ai trong chúng ta có hi vọng còn sống trở về Nhật.”

                Phúc đáp đầu tiên cho lời kêu gọi khẩn cấp của Hyakutake xin tăng viện là một lực lượng khiêm nhượng gồm 2 tàu sân bay thủy phi cơ nhỏ và 6 khu trục. Họ đi xuống ngõ Solomon với tốc độ tối đa vào ngày 11/10, mang theo bốn khẩu pháo trái phá lớn, 2 pháo dã chiến, một khẩu pháo phòng không, đạn dược, đồ tiếp tế đủ loại và 728 lính.

                Họ bị một chiếc B-17 trông thấy, và vào lúc hoàng hôn một nhóm tác chiến Mỹ gồm 2 tàu tuần dương nặng và 2 tuần dương nhẹ và 5 khu trục, do một cựu binh thời Thế Chiến I, Chuẩn Đô đốc Norman Scott, chỉ huy, đi với tốc độ 29 hải lí từ nơi ẩn nấp của nó không tới 100 dặm phía dưới Guadalcanal, để chận đánh đoàn tàu vận tải của địch, trước khi nó đến đảo. Không giống các đơn vị trước đây của Mỹ, đoàn tàu của Scott sẵn sàng và hăng hái để đánh đêm; hàng tuần qua các thủy thủ đoàn đã bị giữ lại tại chỗ từ chiều tối đến sáng sớm. Điều Scott không biết là lù lù phía sau đoàn tàu vận tải là một lực lượng oanh tạc đặc biệt– gồm 3 tàu tuần dương nặng và 2 khu trục của Chuẩn Đô đốc Aritomo Goto.

                Bầu trời tương đối u ám và ánh sáng bạc của mảnh trăng non tỏa ánh sáng yếu ớt. Một làn gió thoảng nhẹ qua khi Scott tiến gần đến Mũi Esperance từ phía tây nam ngay trước 10:30, những tàu tuần dương xếp thành hàng, một tàu khu trục ở mỗi bên. Scott dự tính sẽ quay phải tại mũi để tiếp xúc với quân địch và trong một tư thế pháo kích tàu vận tải khi chúng cố dỡ hàng xuống bờ biển bắc của Guadalcanal. Ông ra hiệu các tàu mình tạo thành một hàng duy nhất  và chuẩn bị vào trận đánh.

                Khoảng 40 dặm về phía tây bắc Goto đang tiến gần Savo với một hàng 3 tàu tuần dương – tàu đầu tiên là tàu chỉ huy Aoba của ông – hai khu trục giữ hai bên sườn. Nhóm tàu vận tải đang chạy phía trước, ngay ngoài khơi Mũi Esperance, và bắt đầu đi xuống bờ biển về hướng Điểm Tassafaronga để dỡ lô hàng quan trọng.

                Khoảng 11 giờ 8 tàu bị một máy bay của Đô đốc Scott phát hiện nhưng phi công chỉ báo cáo có “một tàu lớn, hai tàu nhỏ.” Bạn hay thù? Scott thắc mắc. Và, nếu là địch, phần còn lại của đoàn vận tải ở đâu? Ông lên đường để tìm hiểu và quay sang trái để vượt 6 dặm phái tây Savo. Chiếc khu trục nhỏ Helena đã bắt được tín hiệu của đoàn tàu Nhật bằng thiết bị ra-đa tìm kiếm SG loại mới, nhưng chỉ huy của nó, Đại tá Gilbert C. Hoover, muốn chắc chắn trước khi truyền tin cho Scott. Chiếc tàu chỉ huy San Francisco chưa trang bị máy SG, và Scott không biết là Goto đang hướng về phía mình. Khi đến mút phía bắc của đảo núi lửa nhỏ vào lúc 11:30, ông ra lệnh toàn hạm đội đảo ngược lộ trình. Hai phút sau 9 tàu bắt đầu quay trở lại hướng tây nam với tốc độ 20 hải lí, tuần tra con đường giữa Savo và Mũi Esperance. Sau 10 phút hơn Đại tá Hoover cuối cùng phát tín hiệu cho Scott là đã xác định đúng địch 6 dặm về hướng tây bắc và tiến đến nhanh.

                Rồi tàu tuần dương nhẹ Boise báo cáo có “5 yêu quái.” Scott lúng túng; “yêu quái” thường có nghĩa là một máy bay không nhận dạng được. Cuối cùng máy ra-đa kém hiệu quả hơn của tàu San Francisco cũng bắt được tàu chỉ huy của Goto cách đó 5,000 ya. Trước khi Scott có thể xác định được đó là bạn hay thù, Đại tá Hoover nhận được báo động từ một lính canh: “Có tàu thấy được bằng mắt trần.” Hoover gởi sóng điện xin phép khai hỏa. Scott chỉ đáp lại vắn tắt “Roger,” có nghĩa “Thông điệp đã nhận,” nhưng may mắn thay Hoover xem đó như là mật mã có nghĩa, “Bắt đầu khai hỏa.” Và vì thế, ngay trước nửa đêm, Helena nổ pháo vào Goto.

                Không có ra-đa gì hết, Goto bị hoàn toàn bất ngờ. Như các con tàu khác tham gia trong đội oanh kích, ông lại tưởng là tàu vận tải của mình đang bắn lầm vì tưởng là tàu Mỹ trong bóng đêm. Ông ra lệnh hàng tàu quay sang phải và gần như ngay lập tức đụng vào boong tàu Aoba, bị thương nghiêm trọng, bởi một trong những đạn pháo nổ dọc theo chiều dài của con tàu tuần dương.

                Như Goto, Scott tưởng bạn đang công kích bạn và ra lệnh Ngừng Bắn một phút sau loạt pháo đầu tiên. Phải mất thêm 4 phút nữa ông mới biết ra sự thật, nhưng một khi Scott biết chắc chắn kẻ thù đang ở phía trước, ông quyết tâm kiên trì dành cho quân Nhật thách thức thực sự đầu tiên của họ về trận đánh đêm. Diễn tiến hành động rất dữ dội và táo bạo, với cả hai bên phóng ra hết loạt pháo này đến loạt pháo khác về phía đối phương và không bên nào chịu rút lui. Khi hỏa lực đã ngừng tiếng, khoảng 20 phút sau nửa đêm, vùng nước giữa Mũi Esperance và Savo rực sáng với những con tàu bốc cháy. Aoba, mặc dù trúng đạn 40 lần, vẫn chạy thoát được lên The Slot với Goto đang hấp hối, nhưng chiếc tuần dương Furutaka và tàu khu trục Fubuki thì đang chìm.

                Nhóm tác chiến Mỹ cũng bị tổn thất. Boise là một hỏa ngục và các kho vũ khí đe dọa nổ tung bất cứ lúc nào. Rồi nước biển tràn như thác qua một lỗ pháo, nhận chìm kho vũ khí. Chỉ có một tàu của Scott là trong tình trạng tuyệt vọng, chiếc khu trục Duncan; lửa trên tàu không thể chế ngự được. Lần đầu tiên người Nhật bị đánh bại trên trò chơi sở trường của mình – đánh đêm – và người Mỹ vô cùng hớn hở. Trận Savo bẽ mặt đã được báo thù. Thắng lợi là vậy, nhưng như tại Savo, ở đó Đô đốc Mikawa cho phép các tàu vận tải Mỹ đổ bộ, Trận Mũi Esperance đã đánh lạc hướng kẻ thắng trận khỏi đoàn tàu chuyên chở của Nhật. Trong cơn hỗn loạn ác liệt, các tàu vận tải đã đổ pháo, đạn dược và quân tiếp viện lên bờ mà Hyakutake đang cần đến một cách tuyệt vọng.

                Cán cân bập bênh về đồ tiếp tế, tuy nhiên, nghiêng về phía người Mỹ vào ngày hôm sau, ngày 13/10: 2,852 GI [bộ binh Mỹ] của Sư đoàn Mỹ, cùng với 16 dàn pháo Bren-gun của Anh, 12 khẩu 37-mm, đạn dược, xe tải và một núi đồ tiếp tế được đổ xuống Điểm Lungga mặc dù có 2 trận không kích. Giờ thì Vandegrift có trong tay 23,088 quân để bảo vệ vành đai, và xét theo các tiêu chuẩn Nhật, ông ta có kho tiếp tế dồi dào không thể tin được đủ mọi loại.

                Nhưng không có thời gian để tự mãn. Vào buổi trưa hai tá máy bay Nhật đánh bom Henderson từ một độ cao 30,000 bộ với mức độ chính xác hủy diệt; và trước khi các Ong biển [các công binh Mỹ] có thể dọn sạch đống đổ nát, 15 máy bay ném bom vù vù bay đến xé nát đường băng. Các Kỹ sư Tác chiến lại ào tới để tu sửa và vá víu các lỗ pháo. Một tiếng thét khủng khiếp vang lên tiếp theo là cú nổ trên đường băng chính. Tướng Sumiyoshi đã chuyển khẩu sơn pháo 150-mm lên Sông Mataniko và tiếp tục dội vào sân bay chính xác đến nỗi lính Thủy đặt tên khẩu pháo tầm xa là “Súng lục Pete.”

                Đây không phải là đoạn kết của việc quân Nhật quấy rầy trong ngày. Vào chiều tối hai tàu chiến, Kongo Haruna, rẽ sóng về hướng Guadalcanal, cùng với 6 tàu khu trục. Các tàu chiến lớn hi vọng làm nổ tung Henderson hết phương cứu chữa với các đại pháo 36-cm. Cùng với chúng là hơn 900 viên đạn pháo. Một số là bom cháy Loại 3, nhưng hầu hết là Loại Zero mới có tính xuyên phá sắt thép.

                Ngay trước nửa đêm kẻ công kích, vẫn còn chưa bị người Mỹ phát hiện, tiến gần đến Guadalcanal với tốc độ 18 hải lý, được hướng dẫn bởi các thùng xăng bốc cháy do bộ binh Nhật đốt. Kongo dẫn đầu, với Haruna phía sau 1 dặm, tất cả 16 khẩu pháo lớn đều chỉa về hướng nam. Ngay sau 1 giờ, ngày 14.10, chúng bắt đầu phun ra bom cháy. Trong phút chốc Đại tá Tomiji Koyanagi, hoa tiêu của Kongo, có thể trông thấy một biển lửa đỏ tía về hướng  mạn phải. Đó là Henderson! Ông ra lệnh chất lên loại pháo xuyên thép mới. Tiếng pháo kích càng trở nên điếc tai hơn, và trên Guadalcanal những cột lửa bắn lên từ các thùng nhiên liệu và đạn dược bị cháy. Lính Thủy chạy núp dưới những hố cá nhân hoặc khom mình bất lực dưới những chổ nấp khi mặt đất rung chuyển. Đó là trải nghiệm kinh khủng nhất trong đời họ và chính Vandegrift cũng chấn động. Cuối cùng, sau nửa giờ, pháo kích ngừng hẳn. Rồi một lúc sau khi mọi người nhẹ nhõm vì cơn cuồng nộ đã qua và trao đổi vài lời bình phẩm vô thưởng vô phạt thì một tiếng nổ long trời cắt đứt lời qua lại của họ. Kongo Haruna đã pháo kích tiếp tục trên chuyến trở lại của chúng qua bờ biển.

                Đến giờ phút này, không có máy bay hoặc tàu chiến nào ra ngoài để thách thức quân Nhật, nhưng rồi 4 thuyền phóng ngư lôi từ Tulagi xông đến họ, phóng ra những quả ngư lôi và quét toàn bộ khu vực bằng súng máy. Đó là một hành động dũng cảm, nhưng họ bị đẩy lùi bởi các tàu khu trục và các quả ngư lôi của họ đều lướt trượt qua các tàu chiến.

                Cuộc oanh kích tiếp tục thêm một giờ rưỡi. Với đạn dược gần như cạn kiệt – 814 quả pháo xuyên thép và 104 bom cháy đã được phóng tới Guadalcanal – người Nhật phải ngừng bắn. Kongo Haruna quay về bắc, lẻn đi giữa Savo và Tulagi với tốc độ 29 hải lí.

                Sân bay Henderson bị tàn phá gần như không còn nhận ra được. Từng mảnh vải và trang thiết bị lủng lẳng trên dây điện thoại. 41 người mất mạng, và nhiều người bị thương. Không lực Cactus bé tí của Vandegrift (“Cactus” [cây xương rồng] là mật danh của Guadalcanal) là một đống hoang tàn. Gần như không còn dầu máy bay; chỉ có 35 chiến đấu cơ và 7 máy bay ném bom bổ nhào là còn hoạt động được. Phi công nhìn sân bay bị hủy diệt và tự hỏi không biết có thể cất cánh các chiếc P-400 và Airacobra của mình không. ‘Chúng tôi không biết liệu mình có thể giữ được sân bay hay không,” một đại tá lính Thủy bảo họ. “Có một lực lượng tác chiến Nhật gồm tàu khu trục, tuần dương và chở quân đang hướng về phía chúng ta. Chúng ta có đủ nhiên liệu cho một sứ mạng chống lại họ.” Ông bảo họ chất bom và tìm kiếm tàu địch. Sau khi hết nhiên liệu chúng ta sẽ để bên bộ binh cáng đáng. Sau đó sĩ quan các anh và binh sẽ tham gia vào một đơn vị bộ binh nào đó. Chúc may mắn và tạm biệt.

                Những niềm hi vọng của ngày hôm qua đã không còn; một cảm nhận của sự tận số ngự trị trên hòn đảo. Trận oanh tạc ban đêm gây tổn thất không chỉ về phương diện vật chất; lính Thủy không bao giờ quên được nỗi kinh hoàng thuở hồng hoang đã sụp đến khi chính trái đất cũng oằn oại và nổ tung trong bóng đêm.

                Báo cáo về một đoàn tàu Nhật khác đang hướng về hòn đảo là có thực. Sáu tàu lớn chở quân tốc độ cao mới mang theo 4,000 quân, 14 xe tăng và một tá sơn pháo 15-cm và các đồ tiếp tế đủ loại đang tiến xuống The Slot được các tàu khu trục và phi cơ chiến đấu bảo vệ.

                Không lực Xương Rồng xoay sở cất cánh được 11 máy bay, nhưng tất cả điều họ làm được chỉ là gây tổn thất nhỏ cho một khu trục. Vào giửa đêm các tàu chở quân dỡ hàng xuống Điểm Tassafaronga khi hai tàu khu trục nặng, Chokai Kinugasa, di chuyển lên xuống bờ biển và phóng những quả pháo 8-in-xơ. Các thuyền trưởng của chúng đã quá chắc chắn là chúng sẽ bị đánh chìm đến nỗi tất cả binh lính đã được dặn hãy chuẩn bị bơi đến bờ biển và gia nhập với binh lính như các bộ binh. Nhưng như các tàu chiến, Kongo Haruna, chúng chạy thoát được mà không bị thiệt hại và đến The Slot sau khi đã nã 752 quả pháo.

                Ba tàu chở quân trống trơn cũng xoay sở rút lui, tuy nhiên, ba tàu khác vẫn còn đổ hàng lúc bình minh khi số máy bay còn lại của Vandegrift, sau khi tranh giành nhiên liệu một cách cuống cuồng , đã cất cánh. Tất cả ba tàu đều bị bốc cháy và phải mắc cạn. Hầu hết nhiên liệu cho xe tăng đều bốc lửa, gây nổ cho vô số loạt đạn, nhưng binh lính trên tàu cũng ráng lên bờ được cùng với xe tăng và các sơn pháo. Giờ Hyakutake đã có trong tay hơn 15,000 binh sĩ khỏe mạnh và đạn pháo đầy đủ. Ông đã sẵn sàng hơn bao giờ cho cuộc phản kích của mình.

                Vandegrift ngờ rằng phần đông đồ tiếp tế của địch đã lên bờ và điện cho Nimitz, Ghormley và Turner là ít nhất 15,000 binh lính Nhật và một số lượng đáng kể đồ trang bị và tiếp tế giờ đã có mặt trên đảo.

                . . . LỰC LƯỢNG CHÚNG TA VƯỢT QUA SỐ ĐÓ NHƯNG HƠN PHÂN NỬA SỐ ĐÓ KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐẢM NHẬN MỘT CHIẾN DỊCH TRÊN MẶT ĐẤT KÉO DÀI DO NHỮNG CHIẾN DỊCH THÙ ĐỊCH KHÔNG DỪNG . . . TÌNH THỂ YÊU CẦU HAI BƯỚC KHẨN CẤP: CHIẾM VÀ GIỮ QUYỀN KIỂM SOÁT CÁC VÙNG BIỂN LIỀN KỀ VỚI XƯƠNG RỒNG ĐỂ NGĂN CẢN KHÔNG CHO ĐICH ĐỔ BỘ VÀ PHÁO KÍCH NHƯ CÁC LỰC LƯỢNG NÀY ĐÃ TIẾN HÀNH BA ĐÊM NAY; TĂNG VIỆN BỘ BINH ÍT NHẤT MỘT SƯ ĐOÀN ĐỂ NHỮNG CHIẾN DỊCH QUI MÔ HƠN CÓ THỂ PHÁT KHỞI NHẰM TIÊU DIỆT LỰC LƯỢNG THÙ ĐỊCH HIỆN GIỜ CÓ MẶT TRÊN XƯƠNG RỒNG.

                Việc thanh tra Guadalcanal và Noumea của Nimitz đã thuyết phục ông rằng Ghormley phải được thay thế bằng một chỉ huy năng nổ hơn, một người có thể nhìn ra những cơ hội hơn là những khó khăn. Vào ngày 18/10 ông điện cho Halsey:

                ÔNG SẼ NẮM QUYỀN CHỈ HUY KHU VỰC NAM THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ CÁC LỰC LƯỢNG THÁI BÌNH DƯƠNG NGAY LẬP TỨC.

                Halsey nhận được thông điệp này không lâu sau khi chiếc thủy phi cơ của ông đáp xuống vùng nước của cảng Noumea. Ông đọc hai lần trong thắc mắc rồi kêu lên, “Chúa ơi! Đây là củ khoai tây nóng nhất mà họ trao cho tôi!” Ông đi từ kinh ngạc đến lĩnh hội. Ông chỉ biết đủ về tình hình ở Nam Thái Bình Dương để nhận ra rằng tình hình đó là tuyệt vọng; và ông lấy làm tiếc đã phải thay thế ông bạn cũ Bob Ghormley, đã cùng ông chơi trong đội bóng bầu dục Học viện.

                Halsey ra lệnh cho Vandegrift bay xuống Nouvea. Vị tướng Thủy quân Lục chiến báo cáo là binh sĩ mình đều đã kiệt sức sau hơn  hai tháng ăn uống kham khổ, bệnh tật hành hạ, bị pháo kích và đánh bom và các trận xung phong banzai, và cần được tăng viện không lực và bộ binh.

                Ngài Halsey to bè, mày xám rậm, gõ ngón tay lên mặt bàn ra chiều suy tư. “Anh tính di tản hay bám trụ?” Ông hỏi.

                “Vâng, tôi có thể bám trụ. Nhưng tôi phải có thêm sự yễm trợ mạnh mẽ hơn trước đây.”

                Đô đốc Turner phản đối. Hải quân đang làm tất cả điều có thể làm để gởi thêm đồ tiếp tế, nhưng không có tàu chiến để bảo vệ tàu chở quân, cũng không có căn cứ ở Guadalcanal để họ có thể tìm nơi trú ẩn. Hơn nữa, các tàu ngầm địch càng ngày càng nhiều và không ngừng hung hăng hơn.

                Halsey biết Turner nói đúng, nhưng Guadalcanal phải được giữ vững. “Được rồi,” ông bảo Vandegrift, “anh cứ đi về. Tôi hứa với anh mọi thứ tôi có thể kiếm được.”

               

2.

                Trên Guadalcanal 5,600 người của Sư đoàn thứ 2 của Maruyama – không kể pháo, công binh và quân y – đã bắt đầu lên đường đi bộ về hướng Núi Austen. Họ dự tính đến được vị trí tấn công vào đêm ngày 21/10. Ngay trước khi đi, sĩ quan tham mưu cao cấp của Hyakutake, Đại tá Konuma, kéo Tsuji sang một bên và nói mình đã hi vọng đích thân chỉ huy các chiến dịch nhưng phải ở lại bộ chỉ huy của Quân đoàn 17 để nhận nhiệm vụ tham mưu  trưởng. “Anh muốn thế chỗ tôi không?” ông hỏi. Không có gì Tsuji muốn nhiều hơn. Ngòai ra, ông cũng sẽ “nhảy vào lửa” cho một người bạn như Konuma.

                Xuất phát với một compa và độc nhất một bản đồ thiếu chính xác, tướng Maruyama dẫn lực lượng của mình xuống con đường mòn. Ngày đầu tiên chuyến đi thoải mái qua các rặng dừa và qua những mõm đất trơ trụi, và đêm đó binh lính dừng chân nghỉ ngơi như thể trong một chuyến dã ngoại. Nhưng đến nửa đêm một trận mưa như thác trút xuống các binh sĩ đang say ngủ. Họ cố che chở mình dưới tán lá cây rừng làm dù. Lạnh run, quần áo ướt như chuột lột, khổ sở, họ rúc vào nhau cho ấm.

                Ngày hôm sao con đường dài bị nuốt chững trong cánh rừng dày đặc, tối tăm, gập ghềnh. Ngài Marayama tóc trắng dẫn đường, dấn bước với chiếc gậy trắng. Bên cạnh là Tướng Nasu, một hachimaki quấn quanh trán, tuy đang bị cơn sốt rét hành hạ, ông vẫn tiếp tục tiến bước vững chãi không chút phàn nàn. Tại một điểm giải lao ông bảo Tsuji, “Tôi có một thứ ngon lành nhưng chỉ còn một muỗng.” Vị tướng lấy ra một hộp tròn đựng thuốc lá treo ở hông bằng một sợi dây. Tsuji thấy dưới đáy hộp là một nhúm đường cỡ một muỗng. Ông trút ra phân nửa vào lòng bàn tay. Ông đưa phần còn lại cho viên sĩ quan phụ tá. Ông chưa nếm thứ gì ngọt ngào hơn thế.

                Đường mòn Maruyama hẹp dần, khiến mọi người phải đi theo hàng một. Hàng người uốn éo lặn lội trèo hết đèo này đến đèo khác, sông, suối, tiến tới từng bước một một cách khó nhọc, như một con giun đất. Mỗi người mang theo, ngoài ba lô của mình, những bộ phận của pháo dã chiến, một quả pháo hoặc thứ trang bị khác. Vì nấu nướng là việc nguy hiểm nên tất cả quân nhân từ Maruyama xuống tới binh nhì đều nhận nửa khẩu phần ăn. Họ trèo lên các triền đá dốc bằng dây thừng, kéo các bộ phận pháo và súng máy chỉ bằng cơ bắp. Nhưng đến ngày thứ ba nhiệm vụ quá nặng nề chỉ trừ đối với những binh sĩ gân guốc nhất, hết khẩu pháo này đến khẩu pháo khác phải vứt bỏ bên đường.

                Khi rõ ràng là không thể đến điểm hẹn đúng tiến độ Maruyama điện cho bộ chỉ huy Quân đoàn 17 là cuộc tấn công phải hoãn lại một ngày. Vào ngày 22/10 Maruyama vẫn chưa đến được tuyến xuất phát và ông phải ra lệnh đình hoãn 24 tiếng nữa. Vào chiều tối binh sĩ của ông đã đi vòng quanh Núi Austen. Tại đó  Sư đoàn số 2 tách làm đôi, với Nasu và bộ chỉ huy Sư đoàn tiếp tục đi thẳng đường mòn đến Sân bay Henderson. Kawaguchi, người chỉ huy cánh phải, sẽ quay đi theo hướng đông nam với ba tiểu đoàn bộ binh và ba khẩu súng máy và các tiểu đoàn súng cối.

                Khi Kawaguchi rời khỏi quân chủ lực, ông gặp Tsuji. Đại tá không cần đến Kawaguchi. Trước tiên, ông ta là một người thất bại và hay phàn nàn; thứ hai, ông ta là một trong nhóm sĩ quan gọi là “cấp tiến” người mà, như Homma, đã cố cứu sống các nhà lãnh đạo Phi Luật Tân bị bắt khỏi chịu tội chết. Nhưng vị tướng không biết được kẻ thù hằn mình. “Tôi vui mừng khi thấy anh ở đây,” ông bắt đầu và tiếp tục tranh cãi về mối nghi ngại của mình đối với kế hoạch tấn công của Tsuji-Konuma. Có thể nó không hiệu quả; mặc dù Nasu tấn công qua một địa hình tương đối tốt bên cánh trái, nhưng cánh phải phải tiến lên trên một địa hình rất giống với địa hình mà phân đoàn của ông đã gặp phải thảm bại vào tháng 9. Khu vục chung quang sống đất quá gồ ghề cho hình thức tấn công vỗ mặt.”

                “Anh có xem tấm không ảnh của Hải quân chưa?” ông hỏi. Theo ý kiến của ông, những tấm không ảnh gần đây cho thấy bọn Mỹ đã củng cố vững mạnh và mở rộng vòng phòng thủ bên ngoài. “Họ cho thấy rõ ràng là tôi không có cơ may thành công với cuộc tấn công vỗ mặt. Tôi muốn dẫn đạo quân bên phải theo một vòng tròn phía sau sườn phía đông của địch.” Đây là một điểm đông nam Henderson, không có gì trừ đồi trống trải chập chùng, cánh đồng và rừng thưa dễ đi qua. Ông biết rõ khu vực đó do tự mình quan sát thấy. Nasu có thể tiến quân theo như dự tính, và hai lực lượng sẽ vây chặt người Mỹ như một gọng kềm thực sự.

                “Tôi không cần xem ảnh,” Tsuji đáp. “Tôi biết rõ thực địa và sẽ hoàn toàn đồng ý với đề nghị của anh.” Kawaguchi muốn đưa đề nghị của mình cho Maruyama, nhưng Tsuji cho rằng việc đó không cần thiết. “Tôi sẽ đích thân giải thích với Ngài Maruyama. Tôi chúc anh thắng lợi.” Ông chìa tay ra. “Vâng, trận đánh coi bộ hấp dẫn đây, phải không nào?” ông ta nói và cười to. Như Kawaguchi sẽ sớm tìm ra, vị đại tá đầy mưu mẹo này không hề nói cho Maruyama về cuộc trao đổi.

                Vào buổi sáng ngày 23/10, Maruyama vẫn chưa đến được điểm dự tính và phải hoãn lại trận công kích lần thứ ba, ra mệnh lệnh cuối cùng sẽ tiến hành trận công kích toàn diện vào ngày hôm sau lúc nửa đêm. Cuối cùng ông hô hào mỗi sĩ quan và binh sĩ “hãy chiến đấu hết mình, và hoàn thành nghĩa vụ để đền đáp ân sủng của Thiên hoàng.”

                Kawaguchi không nhận được tin điện cho đến giữa trưa, khi ông còn ít nhất một ngày rưỡi mới đi đến được tuyến xuất phát. Ông khẩn cấp điện báo cho Maruyama là mình không thể đến được điểm hẹn đúng lúc. Maruyama đáp lại cụt ngũn là không thể đình hoãn thêm nữa, và thình lình ông ngộ ra rằng viên chỉ huy sư đoàn không biết gì về việc thỏa thuận miệng giữa ông và Tsuji vào ngày hôm trước. Tự kềm chế, Kawaguchi nói, “Trong trường hợp đó, tôi sẽ tiến hành trận công kích đêm với đơn vị tiền tiêu của tôi, Tiểu đoàn Isshiki Thứ ba.”

                Maruyama bắt đầu quát tháo là Kawaguchi phải tuân theo mệnh lệnh từng chữ một. . Nói xong, ông đập mạnh ống nghe xuống giá, nổi giận đến nỗi tóc ông như dựng đứng lên – những chuyện đồn về Kawaguchi quả là đúng. Ông lại goi điện cho Kawaguchi lần nữa. “Thiếu tướng Kawaguchi,” ông nghiêm giọng, “hãy trình diện bộ chỉ huy Sư đoàn ngay lập tức.” Ông chuyển giao quyền chỉ huy cánh phải cho Đại tá Toshinari Shoji.

                Chính Tsuji là người đã điện cho bộ chỉ huy Quân đoàn 17 thông tin này. “Kawaguchi không chịu tiến quân,” ông bảo Konuma, “và vị chỉ huy sư đoàn tước quyền chỉ huy của ông ta.” Ông không cho biết thêm chi tiết.

                Trên bờ biển Tướng Sumiyoshi đã chuẩn bị mũi tấn công nghi binh. Tất cả pháo hạng nặng và đạn dược đã được khiêng bằng tay vào vị trí cách Sông Mataniko vài dặm về phía tây. Đầu tối hôm đó, ngày 23, ông mở đầu trận công kích, sớm hơn kế hoạch một ngày. Ông đã không nhận được thông báo về vụ đình hoãn thứ ba. *

  • Sau chiến tranh Maruyama và Hyakutake đổ lỗi cho nhau vì không thông báo cho Sumoyoshi đúng lúc. Hyakatake nói việc báo tin đình hoãn lần cuối là thuộc trách nhiệm của Maruyama. Còn Maruyama thì tuyên bố là Hyakutake đã đánh giá quá cao tiến độ hành trình và đã đích thân ra lệnh cho Sumiyoshi tấn công vào ngày 23.

 

                Sau trận pháo kích dữ dội ông phái 9 xe tăng băng qua cồn cát ở cửa sông đi cùng với đội tiên phong. Họ nhận được một trận phản pháo kích quá hiệu quả đến nỗi chỉ có một xe tăng xoay sở đến được bờ sông bên kia. Tuy nhiên nó chạy xuống biển, lặn hụp trong sóng nước cho đến khi sững lại và bị bắn tan tành bởi pháo chống tăng 75-mm. 600 bộ binh Nhật đã mất mạng.

                Đó là một hoạt động vô ích. Trận nghi binh đã thất bại và giờ đây quân Mỹ đã bị đánh động. Chiều hôm sau họ phát hiện địch đang ở phía sau Henderson tập trung lực lượng: trước tiên một đạo quân bị phát hiện đi băng qua những ngọn đồi thấp ở chân Núi Austen, rồi ai đó nhận ra một sĩ quan Nhật đang quan sát Sống Đất Đẫm Máu qua ống nhòm, và cuối cùng một lính Thủy từ Phân đoàn Trinh sát-Bắn tỉa báo cáo nhìn thấy “nhiều khói bếp ăn” bốc lên giữa rừng cách sống đất hai dặm về phía nam.

                Tsuji và Konuma đã tiên đoán chính xác là Vandegrift không hề nghĩ là mũi công kích chủ yếu đến từ hướng này. Nhưng không như Phân đoàn Kawaguchi, đã đến phía sau Henderson mà không bị phát hiện, sự hiện diện của Maruyama giờ đã được hay biết. Đại tá Thủy quân Lục chến Lewis Puller, một người thấp lùn, ngực ưỡn, đã sống qua một trăm trận đánh trong “cuộc chiến chuối” ở Haiti và Nicaragua, đích thân đi dọc theo chiến tuyến phía nam sân bay kiểm tra vị trí. Ông ra lệnh binh sĩ đào hố sâu hơn và chất nhiều bao cát hơn. Những mảnh pháo và miếng kim loại được treo lủng lẳng trên kẽm gai để cảnh báo bằng âm thanh các cuộc đột kích bất ngờ ban đêm, trong khi binh lính dùng lưỡi lê như lưỡi liềm để phát quang các khu vực hỏa lực trong đám cỏ cao hai mét phía trước. Các lính canh được đặt trên chỏm những ngọn đồi cao trơ trụi. Lính Thủy của Puller đã sẵn sàng.

                Maruyama thì không – như ông đã tưởng. Nasu đang trong vị trí ở bên trái, nhưng người thay thế Kawaguchi, Đại tá Shoji, đã chạm trán với những khe núi dốc đứng và rừng rậm dày đặc sau khi rời đường mòn Maruyama khiến ông không thể đưa được bộ phận chủ lực đến được tuyến xuất phát như dự trù.

                Một giờ sau nửa đêm một cơn mưa nặng hạt chầm chậm và nặng nề rơi xuống. Rồi mưa rơi thẳng xuống nhanh hơn – và nhanh hơn, tạo thành những màn mưa dày đặc. Maruyama, bộ tham mưu của ông và Tsuji leo lên một ngọn đồi đang phân rã đến một bờ phẳng nhỏ. Ban tham mưu ngồi co ro quây quần sát bên nhau quanh Maruyama để giữ ấm cho ông. Một vài phút sau nửa đêm họ nghe một hỏa lực súng nhỏ ở bên phải. Rồi hỏa lực lớn dần. Không biết Shoji đã xuyên thủng hoặc bị đánh bật?

                Cuối cùng một báo cáo đến bằng điện thoại từ Matsuomoto, sĩ quan tác chiến sư đoàn có nhiệm vụ liên lạc với Shoji. “Cánh phải công kích sân bay,” ông la lên. “Trận công kích đêm đã thắng lợi!”

                “Banzai!” Maruyama bất giác kêu lên.

                Giờ thì họ có thể nghe được hỏa lực trên cánh trái – Tiếng đạn súng trường bay vèo và tiếng khục khục của súng máy. Đó là Nasu. Rồi tiếng gầm thét của súng cối và hỏa lực pháo hạng nặng. Quân Mỹ! Đáp ứng của họ tức thì và quá dữ dội đến nỗi Tsuji sợ điều gì đó đã hỏng. Những người khác – kể cả Maruyama – bị nỗi lo âu của ông ta lây lan, đều ngồi đơ người.

                Điện thoại lại reo. “Tôi đã đưa tin sai về thắng lơi của cánh phải,” Matsuomoto báo cáo. “Họ chưa đến được sân bay. Họ băng qua một khu vực rộng lớn trống trải và ngỡ đó là sân bay. Đó là một lầm lẫn.” Đội tiên phong ít ỏi của Shoji, bị bắt buộc phải tấn công sớm vào lúc nửa đêm đã bị ghim chặt.

                Pháo kích bên cánh trái tiếp tục, nổ lớn hơn bao giờ. Một giờ trôi qua mà không có báo cáo gì từ Nasu. Tsuji bàng hoàng vì linh cảm “một điềm báo về sự hủy diệt” và xương tủy ông “thấy ớn lạnh.”

                Cuộc xung phong đầu tiên của Nasu đã bị đẩy lùi bởi cơn thịnh nộ của hổn hợp súng tay, súng máy và hỏa lực pháo. Bị bệnh sốt rét hành hạ, Nasu vẫn chường mặt ở tuyến đầu, sợ chết vì bệnh hơn là chết vì đạn pháo nổ chung quanh mình. Binh sĩ ông – Trung đoàn 29 – tập họp lại, nhưng cuộc xung phong thứ hai theo một hướng mới cũng bị chận đứng bởi binh lính của Puller. Hết lần này đến lần khác binh lính của Nasu cố chọc thủng tuyến phòng thủ của Mỹ, nhanh chóng được chống đỡ bởi các GI của Sư đoàn Mỹ, nhưng đợt xung phong càng lúc càng yếu đi.

                Ở phía sau Kawaguchi lặn lội một cách buồn phiền qua rừng tìm kiếm bộ chỉ huy của Maruyama. Về phía phải ông nghe tiếng rầm rầm của trận đánh. Ông vấp phải một gốc cây khi cơn mưa dội xuống đầu ông. Sự nghiệp của ông đã qua rồi. Cuộc sống còn hứa hẹn điều gì cho ông đây? Cuộn tròn người trong khoảng trống giữa các gốc cây, ông trôi vào giấc ngủ, không thèm quan tâm đến việc cơn mưa có cuốn trôi mình đi không.

                Vào bình minh Nasu đã hi sinh đến nửa quân số của mình. Đúng ra là toàn bộ Trung đoàn 29, thành phần tinh nhuệ nhất của Sư đoàn số 2, đã bị quét tan. Chỉ huy và cờ trung đoàn đã mất tích.

                “Soka [Ra thế],” Maruyama lẩm bẩm khi ông nghe báo cáo. Ban tham mưu của ông khuyên ông rút lui, nhưng ông không thèm nghe. Ông điện thoại cho Nasu và bảo rằng Sư đoàn đang cho ông lực lượng dự bị cuối cùng cho một trận tấn công xả láng vào đêm sau.

                Điều bình thường đối với một chỉ huy được yêu cầu phát động một cuộc tấn công chủ lực sau một trận thảm bại là xin thêm thời gian để chuẩn bị. “Hãy để tôi tiến hành trận công kích ngay đêm nay,” Nasu đáp lại với giọng sốt sắng. Ông không đưa ra lý lẽ và khẩn khoản đến nỗi Maruyama phải chịu thua; Nasu chắc biết điều gì tốt nhất cho mình.

                Nasu yêu cầu chích thêm một mũi tiêm khác để kiểm soát thân nhiệt, giờ đã lên đến 40 độ, và cầu nguyện mình còn sống để chỉ huy trận đánh.

                Thông điệp đầu tiên đến Đô đốc Yamamoto từ sĩ quan liên lạc của mình ở Guadalcanal là “Banzai.” Đó là mật khẩu của câu “Chúng ta đã chiếm sân bay.” Yamamoto điện cho Phó Đô đốc Kondo di chuyển hạm đội mình về hướng nam, trong đó có Kido Butai, và buộc người Mỹ giao tranh. Một nhóm tàu khác nhỏ hơn nhiều – gồm 8 tàu khu trục và tuần dương nhẹ Yura – đã đang trên đường đến yễm trợ cho cuộc tấn công của Maruyama vào sân bay bằng việc pháo kích vào ban ngày.

                Một thông điệp thứ hai từ Guadalcanal về trận đánh đang tiếp diễn tại sân bay không ngăn được Yamamoto và ban tham mưu của ông, nhưng thông điệp thứ ba, đến vào lúc 6:23 A.M., báo cáo người Mỹ còn giữ vững Henderson, khiến Yamamoto chần chừ. Với tàu sân bay còn là mối đe dọa ông ra lệnh cho Konda ở yên tại chỗ, để tập họp khủng khiếp các tàu chiến của ông đi quanh quẩn 300 dặm hướng đông bắc của Guadalcanal.

                Nhưng lực lượng Yura, không hay biết những gì xảy ra, tiếp tục đi xuống hành lang. Lúc mà chỉ huy của nó biết rằng sân bay vẫn chưa thất thủ, các máy bay từ Henderson đã bay xà xuống các con tàu của ông. Một quả bom đâm vào phòng hơi trung tâm của Yura, giết hết một người trong đó. Chiếc tuần dương lờ đờ chạy trở lại về hướng bắc, nhưng những quả bom khác biến nó thành một đống sắt vô dụng. Hoa tiêu tàu, Đại tá Shiro sato, ra lệnh bỏ tàu, rồi tự trói mình vào đài chỉ huy.

                Yamamoto rất đúng khi cho rằng người Mỹ sẽ ra mặt để thách thức bất kỳ lực lượng tàu sân bay nào di chuyển về nam. Ở Noumea, Halsey đã ra lệnh chỉ huy Lực lượng Tác chiến 16, Chuẩn Đô đốc Thomas Kinkaid, mang các tàu của ông – gồm 2 tàu sân bay, Enterprise Hornet, 9 tàu tuần dương và 24 tàu khu trục – đến một điểm ngoài khơi Đảo Santa Cruz, cách Guadalcanal khoảng 400 dặm về phía đông. Kinkaid phải chặn đứng bất kỳ lực lượng tàu sân bay nào hướng đến đảo.

                Vào chiều ngày 25/10, các máy bay tuần tra Mỹ phát hiện 2 nhóm tàu địch lớn cách Lực lượng Tác chiến 16 khoảng 360 dặm. Từ tàu chỉ huy của mình, tàu Enterprise (đã trở lại hoạt động sau khi được tu sửa cật lực ở Trân Châu Cảng), Kinkaid phái người tìm kiếm và đánh phá, nhưng Kido Butai đã trông thấy một máy bay tuần tra của địch, một chiếc PBY. Về chức danh thì Nagumo dưới quyền của Kondo, nhưng trong thực tế ông hành động độc lập, và không xin phép Kondo, ông ra lệnh quay về bắc, tránh khỏi cuộc chạm trán.

                Yamamoto, tuy nhiên, đã quyết rằng phải có một trận đánh cho dù kết quả trận đánh Sân bay Henderson thế nào, và cuộc rút lui nhanh chóng của Nagumo đã đưa mối bất đồng về việc sử dụng Kido Butai đến điểm khủng hoảng. Hàng tuần liền Yamamoto đã thúc ép Nagumo, nhưng không ra lệnh trực tiếp, hãy đem các tàu sân bay của ông về nam và giao tranh với các tàu sân bay Mỹ. Nhưng tham mưu trưởng của ông, Kusaka, mỗi lần đều thuyết phục Nagumo đây sẽ là một hành động liều lĩnh điên khùng; nó sẽ dẫn đến một Midway khác.

                Chiều tối hôm đó Yamamoto quyết định thúc ép Nagumo vào hành động. Ông gởi đi một thông điệp, với giọng điệu cố tình lăng mạ, “thúc ép” Nagumo tấn công “một cách quyết liệt.” Nagumo cho gọi Kusaka đến phòng tác chiến nhỏ bé của mình nằm bên dưới đài chỉ huy. Kusaka có thể nhận ra xếp mình đang bực bội. Nagumo nói mình không thể phớt lờ thông điệp mới nhất của Yamamoto, và ông muốn Kusaka ủng hộ lần này.

                “Tôi nhận là mình đã chống đối với đề nghị của ngài, nhưng ngài là chỉ huy  và người ra quyết định cuối cùng,” Kusaka trả lời. “Đây là trận đánh của ngài. Nếu ngài thực sự muốn đi về nam, tôi sẽ thuận theo phán quyết của ngài.” Tuy nhiên, ông nhắc Nagumo, họ chưa định vị được hạm đội địch và cảnh báo ông chính họ chắc chắn sẽ bị các chiếc B-17 từ Espiritu Santo phát hiện. “Nhưng giờ ngài đã quyết định như thế rồi, tôi muốn ngài hiểu rằng chúng ta sẽ bị tiêu diệt nếu không tiêu diệt địch trước tiên.”

                Kusaka quay về đài chỉ huy trong bóng đêm đang dày đặc và ra lệnh cho lực lượng tấn kích của các tàu sân bay – 3 tàu sân bay, 1 tuần dương nặng và 8 khu trục – cũng như Nhóm Tiên Phong gồm 2 tàu chiến, 4 tuần dương và 7 khu trục, quay về nam hướng đến quân địch với tốc độ 20 hải lí.

                Hai lực lượng tàu sân bay đối địch ở gần nhau hơn họ tưởng. Đô đốc Kinkaid đang tiến đến Kido Butai theo một lộ trình zíc-zắc hung hãn.

                Trên Guadalcanal, Tướng Nasu vội vàng di chuyển vào vị trí tấn kích. Bên cánh trái là trung đoàn dự bị của mình, trung đoàn 16, và phần còn lại của trung đoàn 29; trên cánh phải là lực lượng dự bị do Maruyama gởi đến. Sau khi đêm xuống ngài Nasu đau yếu dẫn đầu mũi xung phong, sử dụng thanh gươm của mình làm gậy chống. Ông xoay sở tập tễnh băng qua tuyến rào kẽm gai trước khi một tràng đạn súng trường xé tan bóng đêm. Một viên đan ghim vào ngực Nasu. Suốt dọc theo chiến tuyến hỏa lực súng máy cày nát lực lượng tấn công. Trong một vài phút hầu hết các chỉ huy từ trên xuống đến cấp đại đội đều bị tử thương hay trúng thương. Nhưng binh sĩ của họ vẫn tiếp tục ùa tới. Sau mỗi lần họ chận lại, họ lại tái phối hợp và tiếp tục xung phong. Các GI và lính Thủy không chịu nhượng bộ. Trong những phút tạm lắng, hai bên la ó nhau. “Trả nợ máu cho Thiên hoàng!” một lính Nhật hét lên bằng tiếng Anh. “Trả nợ máu cho Elea-nor!” [Eleanor là Đệ nhất Phu nhân của Mỹ] một lính Thủy đáp trả. Tiếng hò hét quay sang lăng mạ. “Tojo ăn cứt!” một GI chửi bới. Một phút im lặng, rồi từ phía bên kia: “Babe Ruth ăn cứt!” [Ngôi sao bóng chày Mỹ đương thời].

                Trận chiến tiếp tục cho đến nửa đêm. Trận tấn công bị đè bẹp và những binh sĩ sống sót len lén rút lui, bước qua các thi thể đồng đội. Trong hai ngày cuộc tấn công của Nasu đã để lại hơn 3,000 binh lính Nhật chết hoặc đang hấp hối trong cánh rừng tan tác. Như thể một cơn bão lửa đã quét qua khu vực. Nasu bị trúng thương được mang trên cáng trở lại bộ chỉ huy Sư đoàn. Khi ông giơ bàn tay yếu ớt về phía Maruyama và mở miệng nói, ông tắt thở.

 

3.

                Sáng sớm ngày 26/10, Nagumo và Kusaka đứng trên đài chỉ huy của tàu sân bay Shokaku tâm trạng lo âu. Lời tiên liệu họ bị phát biện của Kusaka đã thành hiện thực lúc 2:30; một sĩ quan liên lạc báo cáo rằng một máy bay, có lẽ chiếc B-17, đang ở gần đó. Trong vòng 20 phút Nagumo đứng im, gương mặt như “hóa đá,” ngước nhìn bầu trời đen trân trân. Sự trông ngóng của ông kết thúc đột ngột với một tiếng nổ lớn, và rồi một tiếng nổ khác. Hai cột nước vọt lên cao cạnh chiếc tàu chỉ huy. Vụ tấn công này không phải do chiếc B-17 mà do hai chiếc PBY mang bom và ngư lôi.

                Nagumo quay sang tham mưu trưởng của mình. “Những gì chú nói đều đúng. Hãy quay ngược lộ trình, hết tốc độ.”

                Che giấu nỗi bực tức của mình, Kusaka ra lệnh cho người lái tàu quay tàu về bắc với tốc độ 24 hải lí. Ông cũng ra lệnh máy bay tìm kiếm hành động ngày đêm rà khắp phía nam; ông nhất định không để địch đánh úp như ở Midway.               

                Hạm đội Nhật đã bị tìm thấy và Halsey ở Nouvea là người quyết định phải làm gì. Rõ ràng một lực lượng địch hùng hậu đang đi xuống về phía Guadalcanal và cũng rõ ràng là nó mạnh hơn, ít nhất đối với tàu sân bay, lực lượng tác chiến của Kinkaid. Ngay trước hừng đông Halsey ra một quyết định mà hầu hết người Mỹ trong vùng Thái Bình Dương đang hi vọng. Ông điện tất cả chỉ huy tác chiến: TẤN CÔNG LẶP LẠI TẤN CÔNG. Hải quân Hoa Kỳ cuối cùng tham gia xuất kích.

                Kinkaid hướng về Kido Butai và ngay khi ông phái phi cơ tìm kiếm thì chính ông đã bị một máy bay mà Kusaka phái đi từ lâu phát hiện được: MỘT TÀU SÂN BAY VÀ 15 TÀU KHÁC ĐI THEO HƯỚNG TÂY BẮC. Hàng tuần liền Kusaka đã tránh đụng độ, nhưng với kẻ địch đang cách mình 250 dặm ông ra lệnh không chần chừ một đợt công kích tức thì cất cánh.

                Lúc 7 giờ 18 máy bay phóng ngư lôi, 22 máy bay ném bom bổ nhào và 27 chiến đấu cơ bắt đầu bay lên khỏi 3 tàu sân bay của Kido Butai Shokaku, Zuikaku Zuiho – và trước khi chiếc máy bay cuối cùng rời boong, Kusaka ra lệnh một đợt xuất kích thứ hai lên đường sớm như có thể. Trước đây ông chưa hề luống cuống trong một trận đánh, nhưng hôm nay ông quá ám ảnh về các lỗi lầm mình phạm phải ở Midway đến nỗi luôn miệng quát tháo một cách nóng nảy từ đài chỉ huy hối thúc các sĩ quan trên boong khẩn trương hơn nữa. Qua ống nhòm ông có thể thấy các hoạt động trên Zuikaku còn lề mề hơn nữa. Ông dậm chân nóng nảy và bảo lính hiệu kỳ gởi tín hiệu: “Tại sao trì hoãn?”

                Ông đi đi lại lại quanh đài chỉ huy cho đến khi chiếc cuối cùng trong số 12 chiếc máy bay phóng ngư lôi, 20 chiếc máy bay ném bom bổ nhào và 16 chiến đấu cơ của đợt kích thứ hai đã cất cánh. Từ cửa sổ ông quát ra lệnh dọn sạch boong và chuẩn bị trận công kích của địch. Không chiến đấu cơ nào còn lại để bảo vệ 3 tàu sân bay, nhưng Kusaka, hiểu rằng giờ đây mình đang lâm chiến, quá phấn khích đến nỗi ông mặc kệ. “Mang gươm giáo đến đây, địch quân,” ông lẩm bẩm với chính mình. “Mang bất cứ thứ gì!”

                Nhóm tấn kích đầu tiên của Mỹ rời gần nửa giờ sau đợt xuất kích đầu tiên của Nhật, và vào lúc 8:15 có 73 máy bay ném bom bổ nhào, máy bay phóng ngư lôi và chiến đấu cơ thẳng cánh về hướng Kido Butai. Các lực lượng tấn kích Nhật và Mỹ bay ngang qua nhau đều trong tầm nhìn. Trong một lúc không bên nào phá vỡ đội hình và vẫn duy trì lộ trình đến nơi đã định, nhưng một chục chiến đấu cơ Nhật không còn nhịn được nữa bèn quành trở lại. Họ bắt kịp nhóm 19 máy bay cất cánh từ Enterprise và bắn rơi 3 chiếc Wildcat và 3 máy bay phóng ngư lôi còn mình mất 3 chiếc.

                Các máy bay ném bom bổ nhào đầu tiên của Nhật cách không đến 50 dặm khi Kinkaid nhận được xác minh qua ra-đa. Ông kiểm soát tất cả chiến đấu cơ từ đài chỉ huy của mình, Enterprise, nhưng cho đến lúc này kinh nghiệm của ông chỉ bó hẹp trong phạm vi tàu chiến và tàu tuần dương, và ông do dự giây lát trước khi phái các Wildcat lên đánh ngăn chận. Trước khi chúng đạt được độ cao, người Nhật đã bắt đầu tấn công tàu Hornet-tàu Enterprise cách đó 10 dặm, ẩn mình sau một màn mưa. Lúc 9:10 các chiếc Aichi chúc mũi xuống, phóng vào chiếc tàu sân bay. Một quả bom đánh trúng sàn bay, 2 quả khác chỉ trật chút xíu, nhưng đập vỡ vỏ tàu. Vị chỉ huy phi đội bổ nhào xuống ụ pháo một cách có mục đích. Máy bay của anh dội lại và đâm vào sàn boong, tại đó hai quả bom phát nổ.

                Những chiếc Nakajima đã rà xuống thấp. Hai quả ngư lôi xé nát phòng máy và rung lắc con tàu. Hornet loạng choạng, rồi dừng hẳn. Khi nó nằm bất lực trong nước, một nhóm Aichi khác bắt đầu xông tới, cày nát vô tội vạ con tàu đang bốc khói với hơn nửa tá bom nữa. Trong vòng 10 phút người Nhật đang hướng về nhà, và Hornet, nghiêng 8 độ, bị lửa bao phủ.

                Những máy bay ném bom bổ nhào Dauntless của Hornet đang trút cơn trả thù xuống tàu Chikuma, một tàu tuần dương đang chạy ngăn chận cho các tàu sân bay của Nagumo. Một quả bom đâm vào đài chỉ huy. Đại tá Keizo Komura đang đứng gần đó bị luồng hơi nóng hất văng trở lại. Hầu như mọi người trên đài chỉ huy đều thiệt mạng. Komura lảo đảo đứng dậy, đầu óc choáng váng, màn nhĩ bị vỡ. Qua ống nói ông ra lệnh tàu đổi lộ trình. Một quả bom khác đánh trúng đài chỉ huy. “Bỏ ngư lôi xuống biển!” ông la lên và ai đó ra dấu tay. Vài giây sau khi quả ngư lôi cuối cùng được ném xuống biển, một quả bom phát nổ trong phòng chứa ngư lôi đã trống trơn.

                Một nhóm Dauntless khác trông thấy tàu Shokaku. Phớt lờ dàn hỏa lực dày đặc, họ bổ nhào xuống tàu chỉ huy Nagumo theo một hàng duy nhất. Kusaka cảm thấy con tàu rùng mình khi quả bom 1,000 cân đầu tiên đánh trúng. Có nhiều tiếng nổ nữa – ông quên đếm bao nhiêu rồi. Sàn bay bốc lửa. Có phải một trận Midway khác nữa không? Ông gọi phòng máy qua ống nói và được cho biết ở đó không có thiệt hại. “Chúng ta có thể đi 32 hải lí, thưa ngài.” Nhưng liên lạc đã tắt và Kusaka quyết định chuyển ban chỉ huy đến một tàu khu trục. Ông ra lệnh cho lái tàu quay ngược lộ trình và chạy ra khỏi vùng nguy hiểm. Nó được theo sau bởi chiếc Zuikaku, một lỗ 50 bộ trên sàn bay; nó đã bị loại khỏi vòng chiến bởi những cuộc tấn công táo bạo  từ các phi công của máy bay tìm kiếm Mỹ đi ngang qua – Đại úy Stockton Strong và Thiếu úy Charles Irvine.

                Cách đó vài trăm dặm, 43 máy bay ném bom bổ nhào và phóng ngư lôi của Nhật đang hướng đến Kinkaid. Máy bay ném bom bổ nhào đến trước và bị ra-đa phát hiện ở khoảng cách 55 dặm. Nhưng một lần nữa Kinkaid do dự phái chiến đấu cơ từ tàu Enterprise lên đánh chận. Hoàn toàn không gặp kháng cự, các chiếc Aichi bắt đầu bổ nhào, và hình như chiếc tàu sân bay cuối cùng của Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ đi theo Hornet. Bổng các khẩu pháo phòng không từ Enterprise và tàu che chắn của nó bắt đầu lên tiếng. Hỏa lực tập trung và chính xác – đặc biệt từ tàu chiến South Dakota và tuần dương San Juan – nên chỉ có hai quả bom đánh trúng tàu sân bay, quả thứ ba nổ quá sát vỏ tàu đến nỗi một trục quay tua bin bị hư hỏng. Trong vài phút, tuy nhiên, lửa bị khống chế, máy móc được điều chỉnh và lỗ thủng được vá lại, và vào lúc các máy bay phóng ngư lôi Nhật xuất hiện, con tàu sân bay lớn có thể tránh né mọi ngư lôi phóng vào nó.

                Còn nhiều máy bay đột kích của Nhật cách đó chưa tới 100 dặm và đang tiến nhanh đến đích – một lực lượng tấn kích từ Junyo, tàu sân bay duy nhất trong Lực lượng Tiên phong của Kondo. Nó gồm 17 máy bay ném bom bổ nhào và được hộ tống bởi một tá chiến đấu cơ do Đại úy Yoshio Shiga chỉ huy, vốn là một nghệ sĩ nghiệp dư đã có thành tích nổi bật ở trận Trân Châu Cảng. Mặt trời gần như ở ngay đỉnh đầu, và bên dưới anh có thể nhìn thấy sóng bạc đầu trên mặt biển xanh. Lúc 11:20 anh phát hiện một tàu sân bay lớn, đang chạy dồn về phía trước “như bị hóc xương.” Nó còn sống nhưng các boong hình như đều trống trơn. Rồi 2 chiến đấu cơ bay lên. (Còn có những chiếc Widcat khác núp sau các đám mây phía trên cao.)

                Mới ít phút trước đây Shiva luôn miệng lẩm bẩm với chính mình, “Hãy chừa lại ít nhiều cho tụi này,” nhưng giờ đây sự mong đợi khiến anh đâm ra lo lắng. Có phải đợt thứ nhất đã bị quét tan mà không ghi được điểm nào hay không? Các máy bay ném bom đã dàn đội hình tấn công. Các chiến đấu cơ được lệnh hộ tống chúng khi chúng bổ nhào, từng chiếc một. Tuy nhiên, có nhiều chiếc Aichi hơn là chiến đấu cơ, vì thế Shiga ra tín hiệu là mình sẽ bảo vệ hai chiếc đi đầu – một công việc không phi công chiến đấu cơ nào ham thích. Ngay trước khi rời Junyo. Shiga đã nhắc nhở các phi công trẻ non nớt của mình hãy bám sát các oanh tạc cơ chứ đừng bị cuốn hút theo việc đấu tay đôi với các chiến đấu cơ địch. “Đừng tách ra. Đó là mệnh lệnh.” Nhưng khi ông bay vào vị trí phía sau Đại úy Masao Yamaguchi, chỉ huy các oanh tạc cơ, anh nhận thấy một vài chiếc Zero của anh bị dụ ra khỏi đội hình bởi những chiếc Wildcat đang ở trong mây. Quá trễ để gọi họ trở lại và Shiga bay theo Yamaguchi đang bổ nhào thẳng xuống Enterprise qua những loạt đạn phòng không ạch-ạch. Ở độ cao 9,000 bộ Yamaguchi hạ thấp cánh tà để kiểm soát tốc độ. Chiếc Zero của Shiga không có cánh tà, và để khỏi bay qua mặt Yamaguchi, anh phải kéo cần gạt sát bụng và bay lộn nhào thật gắt. Anh bị đè ép vào ghế dựa lưng và gần như bất tỉnh trước khi lộn vòng trở lại. Anh liếc quanh để xem có máy bay địch nào gần đó không và bảo đảm mình không cản đường chiếc máy bay bổ nhào phía sau.

                Hỏa lực phòng không nở rộ mọi phía và anh lại thực hiện một cú nhào lộn thật gắt lần thứ hai, rồi thứ ba để giảm cao độ. Anh nhìn quanh quất nhưng không thấy Yamaguchi. Nhiệm vụ hộ tống của anh đã hết và anh đi tìm kiếm những máy bay chận đánh của địch. Hai chiến đấu cơ mập mạp đang ở ngay trước mặt. Chắc loại Grumman Wildcat! Anh đã nghe những câu chuyện đáng sợ về sức mạnh hỏa lực và tính bất khả hủy diệt của chúng. Khi anh tiến đến họ tách ra và anh theo sát chiếc dẫn đầu. Kỳ lạ thay, nó không có hành động lẫn tránh nào, và trước khi anh khai hỏa, chiếc Wildcat khác bay vù đến sau đuôi anh. Đó là lý do tại sao có quá nhiều chiến hữu của anh đã bị bắn hạ gần đây! Anh cố cô lập một chiếc hết lần này đến lần khác, nhưng chiếc kia cứ nhào tới tấn công.

                Enterprise tránh né thành công tất cả quả bom của Yamaguchi, nhưng South Dakota San Juan, đã yễm trợ cứu được tàu sân bay trước đây, đến quá sát để phóng hỏa lực phòng không thành ra cả hai đều bị trúng bom. Một quả bom nổ ngay trên tháp pháo số 1 của tàu chiến và một quả khác đâm vào tàu tuần dương, nổ gần đáy tàu.

                Một đợt thứ hai gồm 15 máy bay từ Junyo bắt gặp Hornet được kéo phía sau tàu tuần dương Northampton, và 6 chiếc Nakajima lướt nhanh trên mặt biển tiến đến con tàu què quặt. Thuyền trưởng tàu tuần dương ra lệnh cắt dây kéo để tàu của ông có thể né tránh ngư lôi. Điều này khiến tàu Hornet gần như chết cứng trong nước và không được chiến đấu cơ bảo vệ. Hiệu quả sút giảm của lớp phi công thay thế mới của Nhật rõ ràng đến nỗi cả 5 ngư lôi đều đánh hụt mục tiêu gần như bất động. Nhưng quả ngư lôi thứ 6 đâm thẳng vào mạn phía phải; một ánh lóe xanh lá tiếp theo là một tiếng rít, rồi cuối cùng là một tiếng rầm

trầm thấp. Boong tàu bên trái “gần như rách toang” và dầu phun vọt lên, hất các thủy thủ xuống boong tàu nghiêng ngã. Phòng máy phía sau bắt đầu ngập nước khi mạn phải nghiêng đến 14 độ. Lệnh chuẩn bị bỏ tàu được ban ra. 6 máy bay ném bom nằm ngang, cũng loại Nakajima, bay đến trong đội hình chữ V. Một quả bom đánh trúng sàn bay ngay lúc các thủy thủ Mỹ bắt đầu leo theo lưới dây xuống biển.

                Giờ thì Shiga và các phi công chiến đấu cơ của mình đã về đến Junyo với báo cáo là chiếc tàu sân bay hình như “vẫn còn sống” khi họ rời đi. Anh đề nghị một xuất kích khác. Một sĩ quan tác chiến hỏi liệu anh có thể trở về lúc trới tối hay không.

                “Không có vấn đề trở về,” Shiga nói. Anh đã chờ đợi được chết ở Trân Châu Cảng và cảm thấy mình đang sống như đang vay mượn thời gian. “Việc này phải tiến hành. Nếu có thể, hãy phát tín hiệu trở về.” Một số thuyền trưởng tàu sân bay không thích tiết lộ vị trí của họ theo cách này. “Nếu anh không phát tín hiệu đó, cách nào tôi cũng sẽ trở lại. Thế thì hãy coi chừng đấy!” Câu nói nửa đùa nửa dọa.

                Chỉ có một sĩ quan trong số các máy bay bổ nhào vừa sống sót qua trận tấn công đầu tiên, một thanh niên mập tròn, gương mặt bầu bĩnh như mặt trẻ con, Shunko Kato. Đây là sứ mạng đầu tiên của anh và khi Shiga đánh thức anh và bảo họ chuẩn bị tấn công lần nữa. Mặt Kato biến sắc. “Đây là trận đánh để trả thù cho chỉ huy phi đội của anh,” Shiga nói. “Chiến tranh là thế mà.”

                Kato ngồi bật lên trên giường. “Đi nào.”

                Shiga triệu tập 5 phi công chiến đấu cơ mà anh nhận thấy họ có thể tìm đường về trong bóng đêm và 5 phi công máy bay ném bom bổ nhào. “Đây là đợt xuất kích cuối cùng,” anh nói. “Các bạn hãy làm mọi thứ mà Yamaguchi đã dạy bạn. Tiến sát như có thể đến mục tiêu trước khi bỏ bom.” Anh quay sang các phi công của mình. “Các phi công chiến đấu cơ các cậu đừng bao giờ tách ra khỏi tôi một lần nữa. Nếu không, tôi sẽ bắn hạ các cậu đó.”

                Với Shiga dẫn đầu, 11 máy bay cất cánh. Trong ánh mặt trời đang lặn anh nghĩ mình trông thấy cái gì đó bên dưới. Vài phút sau, anh phân biệt được những con tàu qua những tảng mây trôi, một chiếc là tàu sân bay. Đó là một mục tiêu sai, Hornet, đã nằm chết giữa biển. Kato và các máy bay ném bom bổ nhào đâm xuống. Lần này Shiga xoay sở để bám theo Kato cho đến khi anh thấy bom của anh ta rơi vào boong nhà chứa máy bay. Shiga lượn qua và bay chếch trở lại phía trên tàu sân bay. Anh ngạc nhiên khi chỉ thấy vài bóng người trên sàn bay. Đó là một con tàu chết.

                Vấn đề của anh bây giờ là trở về Junyo. Anh gom tất cả máy bay của mình như con gà mẹ và bay về dưới bầu trời đang tối dần. Liệu có tín hiệu về nhà hay không đây? Anh định vị tần số sóng trên máy thu phát sóng của mình. Mới đầu anh không nghe thấy gì, rồi sau đó là một chuỗi những tiếng bíp chào đón. Junyo đang phát tín hiệu!

                Không khí bữa ăn tối đó của Shiga và các chiến hữu của mình rất ảm đạm. Chung quanh các bàn ăn đều là những ghế trống trơn, với những dĩa thức ăn không có người ăn. Không có tiếng ồn ào bốc phét hoặc hồ hỡi về những chiến công của một ngày.

                Các báo cáo của phi công quá ấn tượng đến nỗi toàn Lực lượng Tiến công của Kondo, cũng như nhóm Tiên phong, được phái đi để giao tranh với địch trong một trận đánh đêm. Hai tàu sân bay còn nguyên vẹn, Zuikaku Junyo, phải theo sau phòng trường hợp tiến hành một vụ tấn kích khác. Nhóm Tiên phong trông thấy Hornet, toàn bộ thân tàu đều bốc cháy. Nó còn nổi trên mặt nước mặc dù 9 ngư lôi bắn ra từ các tàu khu truc che chắn của nó, đang tháo chạy khi thấy địch. Đến lượt người Nhật, phóng ra 4 quả ngư lôi vào võ con tàu bị bỏ lại, và cuối cùng, vào lúc 1:35, ngày 27/10, con tàu đã phóng những máy bay đầu tiên đánh phá Tokyo, đâm xuống đáy biển. Phần còn lại của hạm đội Mỹ không thể tìm ra. Trận đánh Santa Cruz đã kết thúc.

                Một giờ trước bình minh Nagamo cùng ban tham mưu chuyển từ tàu khu trục đến Zuikaku. Từ các báo cáo của phi công và phi hành đoàn Nagumo và Kusaka ước tính rằng ít nhất 2 tàu tuần dương, 1 tàu khu trục, 1 tàu chiến và 3 tàu sân sân bay đã bị đánh chìm. Midway đã được rửa hận và Hải quân Nhật cuối cùng làm chủ vùng biển quanh Guadalcanal.

                Đánh giá của Yamamoto thậm chí còn thuận lợi hơn. Tham mưu trưởng của ông, Đô đốc Ugaki, điện về Tokyo báo rằng 4 tàu sân bay và 3 tàu chiến đã bị đánh chìm. Ông không ngủ được và dưới ánh trăng đi thơ thẩn dọc theo boong tàu Yamato, tận hưởng niềm hoan lạc vì thắng lợi lớn lao này lại xảy ra đúng vào ngày Hải quân của Mỹ. Ông rút lui vào cabin và viết ba bài thơ haiku:

                Sau trận đánh tôi quên cả nóng bức

                Khi ngắm nhìn

                Vầng trăng mười sáu. 

                Ngắm vầng trăng,

                Tôi than khóc

                Cho kẻ địch đã hi sinh. 

                Bên dưới vầng trăng cao

                Là mênh mông biển cả mà dưới đáy

                Bao nhiêu là xác tàu. 

                Người Nhật đã giành một thắng lợi chiến thuật có tính quyết định mà không mất một tàu nào, nhưng người Mỹ có được thời gian quí báu và ngăn cản các chiến dịch phối hợp đầy tham vọng của địch nhằm tái chiếm Sân bay Henderson. Thêm vào đó, 69 máy bay Nhật đã không thể quay về tàu sân bay của chúng, và 23 chiếc khác đã mất khi đáp khẩn cấp. Phải mất hàng tháng trời để thay thế số phi cơ và phi hành đoàn này.

                Nhưng ở Tokyo thắng lợi được coi là vô cùng trọng đại đến nỗi Thiên hoàng viết một chiếu chỉ ca ngợi Yamamoto và “cuộc chiến đấu quả cảm” của Hạm đội Hỗn Hợp. Trong đó Hoàng thượng dự đoán tình thế tại Solomon sẽ “càng ngày càng khó khăn.” Khi ngài đọc chiếu chỉ cho Tham mưu Trưởng Hải quân Nagano, ngài nói, “Trẫm bổ sung mong mỏi cá nhân của trẫm vào phần sau của chiếu chỉ, liên quan đến trận quyết đấu cho Guadalcanal. Đó là nơi mà một trận chiến nghiệt ngã đang xảy ra giữa các lực lượng Nhật Bản và Hoa Kỳ và, hơn nữa, là một căn cứ quan trọng cho Hải quân Hoàng gia. Trẫm hi vọng rằng hòn đảo sẽ được lực lượng chúng ta thu hồi sớm như có thể.’

                Tuy nhiên, hiện giờ Yamamoto và Ugaki đã tự mình rút ra kết luận là lấy lại Guada- -canal gần như là vô phương. Quân đội đã ba lần thất bại. Trong khi người Mỹ cũng cố lực lượng đồn trú gần như mỗi ngày, làm sao nỗ lực thứ tư có thể thành công?

                Trên Guadalcanal, tham mưu trưởng của Hyakatake, Đại tá Konuma, bắt buộc phải chấp nhận kết luận tương tự. Ông hi vọng rằng người Mỹ không biết được sư đoàn của Maruyama trên thực tế đã bị hủy diệt; nếu họ biết, họ có thể phát động một trận tấn công chắc chắn sẽ quét sạch toàn bộ lực lượng Nhật Bản trên hòn đảo.

                Đại tá Tsuji đang trên đường trở lại đường mòn Maruyama với một báo cáo trực tiếp về điều kiện của Sư đoàn thứ 2. Trên đường ông tìm thấy chỉ huy tiểu đoàn Minamoto nằm bên lề đường mòn, phần thân dưới của ông đầm đìa máu. “Cứ nằm yên đó,” Tsuji bảo ông. “Chúng tôi sẽ cho người trở lại giúp anh.”

                “Tôi đã không được ăn từ hôm kia,” Minamoto giải bày bằng một giọng yếu ớt.

                Từ hango của mình, Tsuji dùng đũa gắp cơm bỏ vào miệng của viên sĩ quan bị thương. Minamoto yếu ớt chỉ vào một nhóm binh sĩ của ông đang nằm gần đó. Họ mở miệng như các chú chim non được mẹ mớm mồi khi Tsuji đến tiếp cơm cho từng người.

                Tsuji phải mất 5 ngày mới đến được bờ biển và bộ chỉ huy Quân đoàn. Ông ra lệnh gởi lương thực đến tiền tuyến và phái đi một tin điện đến Tham mưu Trưởng Quân đội Sugiyama ở Tokyo:

                TÔI XIN CHỊU HOÀN TOÀN TRÁCH NHIỆM VỀ SỰ THẤT BẠI CỦA SƯ ĐOÀN SỐ 2 ĐÃ            CHIẾN ĐẤU ANH DŨNG NHIỀU NGÀY LIỀN VÀ HI SINH HƠN PHÂN NỬA QUÂN SỐ             TRONG NHỮNG CUỘC XUNG PHONG VÔ VỌNG. HỌ THẤT BẠI VÌ TÔI ĐÁNH GIÁ THẤP          SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA KẺ ĐỊCH VÀ KHĂNG KHĂNG THEO KẾ HOẠCH TÁC CHIẾN CỦA                RIÊNG MÌNH MÀ RÕ RÀNG LÀ SAI SÓT.

                Ông nói mình đáng bị “kết tội chết 10 ngàn lần” và xin phép được ở lại Guadalcanal với Quân đoàn 17. Điện hồi đáp đến vào ngày 3/11:

                YÊU CẦU ĐƯỢC CHUYỂN ĐẾN QUÂN ĐOÀN 17 KHÔNG ĐƯỢC TÁN THÀNH. TRỞ VỀ                ĐÂY ĐỂ BÁO CÁO TÌNH HÌNH TRẬN ĐÁNH.

                Chiều tối đó Đại tá Ichiji Sugita (người đã làm thông dịch viên cho Tướng Yamashita tại lễ đầu hàng Singapore) xuất hiện tại bộ chỉ huy Quân đoàn 17, kiệt sức, bộ quân phục của ông gần như không nhận ra được. Ông đã đi kiểm tra hoạt động nghi binh của binh sĩ Tướng Sumiyoshi trên Sông Mataniko. Mặt ông xanh mét, mắt rực sáng kỳ lạ khi ông báo cáo rằng quân Mỹ đã chọc thủng Trung đoàn thứ 4, đơn vị bộ binh trấn giữ phần lớn hơn của chiến tuyến trên bờ đông con sông. “Chỉ huy trung đoàn chuẩn bị đợt tấn công cuối cùng với 150 binh sĩ còn lại và lá cờ trung đoàn. Tôi sẽ tháp tùng họ!”

                “Đừng quá vội vàng, Sugita,” Tsuji nói. “Sẽ không có việc tấn công. Đặt cờ trung đoàn ở trung tâm và cho người đào hố cá nhân quanh nó. Kẻ địch không hề dám xung phong; ngoài ra, trong rừng rậm ngoài đó, pháo và bom không quá hiệu quả. Chỉ là vấn đề cố thủ một hay hai ngày.” Lực lượng tiếp viện đã đổ bộ. Sugita, dựa người trên một thân tre, tập tễnh về phía Sông Mataniko.

                Tiếp viện gồm lực lượng phòng vệ tiến công của Sư đoàn 38. Với họ là một người bạn tốt khác của Tsuji, Đại tá Takushiro Hattori. Người mới đến từ Tokyo, trông tươm tất trong bộ quân phục mới toanh, tỏa ra sự tự tin quen thuộc của mình. Chừng nào mà người này còn sống, Tsuji nghĩ, chúng ta không có gì phải lo lắng. Hai người bắt tay nhau nồng nhiệt.

                Ngày hôm sau Tướng Kawaguchi rời hòn đảo trong tâm trạng bị ruồng bỏ, “cảm thấy như bị hoạn.” Ông ôm ấp mối hận đối với đồng bào của mình Tsuji nhiều hơn là đối với quân thù.

4567891011

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

     

                           

 

     

                                                                                            

                                                                         

                 

 

 

 

 

 

 

17

Đoạn Kết

 

 

 

 

 

1.

                Vào tối ngày 9 tháng 11, chỉ huy Sư đoàn 38, Trung tướng Tadayoshi Sano và phân đoàn Chỉ huy của ông đến Điểm Tassafaronga để nhập bọn với các đơn vị phòng vệ tiến công. Họ đi xuống bình yên qua ngõ Solomon trên 5 tàu khu trục, nhưng bộ phận chủ lực của sư đoàn và quân tiếp viện khác cho Tướng Hyakutake – khoảng 12,000 và 10,000 tấn tiếp tế – vẫn còn ở Đảo Shortland. Người ta quyết định chuyên chở tất cả trong một đoàn tàu vận tải – 11 tàu chở quân và tàu chở hàng được một tá tàu khu trục hộ tống. Đi trước là Nhóm Đột Kích – một lực lượng gồm 2 tàu chiến, 1 tàu tuần dương nhẹ và 14 tàu khu trục – mà nhiệm vụ của họ là vô hiệu hóa Sân bay Henderson bằng pháo kích, sau đó đoàn tàu vận tải mới có thể chạy đến Guadalcanal bình yên.

                Nhóm Đột Kích, dưới sự chỉ huy của Phó Đô đốc Hiroaki Abe, khởi hành đi về Guadalcanal vào buổi sáng ngày 12/11, và chiều tối cách đảo Savo 100 dặm về phía bắc. Người Mỹ đã biết về sự hiện diện của nó nhiều giờ rồi và tiên liệu là nó đến để pháo kích Henderson hoặc tấn công một đoàn tàu vận tải Mỹ đang bỏ neo ngoài khơi Guadalcanal với 6,000 quân, đạn dược, sơn pháo 105-mm và 115-mm, và lương thực. Vào chạng vạng binh sĩ cuối cùng đã lên bờ, và các tàu vận tải và tàu hàng, với hai phần ba đồ tiếp tế vẫn còn trên tàu, bắt đầu vội vã rút lui về hướng nam.

                Họ được hộ tống ra biển khơi bởi Nhóm Tác Chiến 67.4, do Chuẩn Đô đốc Daniel J. Callaghan chỉ huy, một người có đức tin vững chắc, kín miệng. Ngay sau khi đoàn vận tải đã an toàn trên đường đến Nouvea, Callaghan quay về và đi dọc theo bờ biển bắc của Guadalcanal về phía Savo. Sứ mạng của ông là chặn đứng Abe và ông phải làm việc ấy với 2 tàu tuần dương nặng, 3 tuần dương nhẹ và 8 khu trục. Ông sẽ phải đương đầu với số pháo vượt trội của quân Nhật đang tiến đến nhưng ông là lực lượng hải quân Mỹ duy nhất có mặt trong vùng này.

                Gần đây ông đã thay thế quyền chỉ huy của Norman Scott, một bạn đồng học ở Học viện, và ông đã làm những gì Scott đã làm ở Trận Mũi Esperance – đặt tàu mình theo một hàng duy nhất với 4 tàu khu trục dẫn đầu và bốn tàu bọc hậu. Như thế sẽ dễ hơn cho đội tàu đang lưu thông trên vùng biển nguy hiểm này. Ông leo lên tàu tuần dương nặng San Francisco, dù máy dò ra-đa của nó không hiệu quả-nhưng có lẽ vì lý do tình cảm, bởi ông từng cầm lái tàu này và đã có mối qun hệ thân thiết với thủy thủ đoàn đến mức họ gọi ông là “Chú Dan” – dù không xưng hô ngay mặt.

                Việc cuối cùng Đô đốc Abe chờ đợi là đụng độ ban đêm. Không có tàu chiến Mỹ nào trong khu vực, và tàu tuần dương không dám liều chọi với ông. Hai tàu chiến của ông, với chiếc Hiei dẫn đầu, lướt qua chóp Đảo Santa Isabel và tiếp tục đi về nam theo hướng Savo với 6 tàu khu trục và một tàu tuần dương nhẹ che chắn, và với các tàu khu trục chạy hai bên sườn để đẩy lui các thuyền phòng ngư lôi.

                Lộ trình của họ đưa họ vào cơn bão phía tây bắc Savo, nhưng Abe vẫn không giảm tốc độ; màn mưa sẽ che giấu ông khỏi bị tấn công từ trên không, mặt biển và tàu ngầm. Cơn bão vẫn chưa thuyên giảm, tuy nhiên, khi Abe biết rằng thời tiết trên Guadalcanal cũng tồi như vậy, ông ra lệnh tất cả tàu đồng thời quay 180 độ và giảm tốc độ còn 12 hải lí. Nửa giờ sau cơn mưa ngừng, và dù Abe mới vừa nhận được một báo cáo về sự hiện diện của Callaghan đâu đó ở Eo Đáy Biển Sắt, ông ra lệnh quay trở lại lần nữa về phía Savo.

                Đã qua nửa đêm khi chóp nón của hòn đảo nhỏ sững sững phía sau. Những ngọn núi của Guadalcanal đằng xa hiện lên một khối mờ nhạt. Các lính quan sát trên đảo báo cáo họ không thấy bóng dáng các tàu địch ngoài khơi Điểm Lunnga và Abe quyết định tiến hành pháo kích. Ông ra lệnh lắp những loại pháo Loại 3 mỏng vỏ vào tất cả những dàn pháo chính của hai tàu chiến.

                Chỉ đến  1:24 A.M., ngày 13/11 người Mỹ mới phát hiện được Abe. Đó là tàu Helena. Nó đã bắt được trên màn hình ra-đa màn chắn hình móng ngựa của Abe và hai tàu chiến. Callaghan quay đội tàu của mình về hướng bắc để cắt ngang hình chữ T.

                Khoảng cách giữa hai đội tàu khép lại nhanh. Năm phút trôi qua, rồi 10 phút, khi Callaghan lo lắng luôn gọi qua máy TBS để lấy thông tin thêm. Máy ra-đa của ông không hoạt động tốt, vì lúc 1:41 các lính canh trên tàu chỉ huy của ông trông thấy hai tàu khu trục Nhật bất ngờ hiện hình từ bóng đêm. Chiếc khu trục Cushing quành rất gắt sang trái để tránh và chạm, và gây ra một chuỗi phản ứng dữ dội đến cả đội tàu.

                Tàu tuần dương Atlanta lái chệch rất gắt và Callaghan, trên con tàu phía sau, hạch hỏi, “Các chú làm gì thế?”

                “Tránh đụng tàu khu trục của chúng ta,” thuyền trưởng tàu tuần dương trả lời.

                Cũng xảy ra bối rối nhiều như thế trên đài chỉ huy của Abe. Khi thấy địch ông đã ra lệnh các pháo thủ tàu Hiei và Kirishima thay đạn cháy bằng đạn xuyên thép. Trong cơn hỗn loạn, mỗi thủy thủ có mặt trên tàu Hiei đều vội vã chất đống các đạn loại 3 trên boong. Trong bóng đêm sự hỗn loạn càng lên cao và mỗi phút dài như vô tận. Một viên đạn rớt vào hàng pháo cháy chất đống sẽ biến con tàu lớn thành một ngọn đuốc.

                Thêm bốn phút nữa trôi qua. Lúc 1:49 đèn pha của Hiei xuyên qua bóng đêm và bắt

gặp đài chỉ huy của tàu Atlanta, khoảng 5,000 ya phía trước. Những con tàu Mỹ phản ứng nhanh chóng và một chục cột nước vọt lên phía trước tàu Hiei. Các khẩu pháo 14-inxơ của nó phun lửa. Một loạt pháo một-tấn đâm sầm xuống Atlanta. Đài chỉ huy tan tành. Đô đốc Scott và toàn ban tham mưu của ông trừ một người đều hi sinh.

                Chỉ đến lúc đó Callaghan mới ra lệnh, “Các tàu lẻ bắt đầu khai hỏa về mạn phải, tàu chẵn bắn bên phải.” Nhưng đội tàu của ông đã bắt đầu lẫn lộn với tàu địch và mỗi tàu thi nhau bắn vào tàu nào mình thấy được. Một dàn ngư lôi phóng ra từ một trong các tàu khu trục của Abe đâm vào tàu Atlanta, gần như nâng nó lên khỏi mặt nước. Nó còn nổi nhưng bất lực, bị loại khỏi vòng chiến.

                Vướng víu vào nhau một cách vô vọng, hai lực lượng lao vào nhau trong một khu vực chật hẹp, tù túng, trong một trận chiến xáp lá cà hỗn loạn nhất trong lịch sử hải chiến.

                “Ngừng bắn tàu chúng ta!” Callaghan ra lệnh, và khi việc pháo kích tạm ngưng, Kirishima bắt đầu đụng võ tàu khổng lồ của mình vào tàu San Francisco. Ít nhất bốn tàu Nhật khác tiến vào tàu chỉ huy của Mỹ.

                “Chúng tôi muốn những con tàu lớn!” Callaghan kêu gọi các tàu của mình. “Bắn các tàu lớn trước!”

                Một quả pháo phát nổ trên đài chỉ huy tàu San Francisco giết tất cả mọi người trừ viên thuyền trưởng, bị thương trầm trọng, và Thiếu tá Bruce McCandless. Ông kinh hoàng trước cảnh tượng trước mắt-các thi thể, tứ chi, thiết bị vương vải khắp boong tàu. Một âm thanh rên rỉ vang lên khi nước đổ xuống từ boong tàu bên trên. McCandless lái con tàu bị thương đi qua các con tàu đang lưu thông rối loạn về hướng Guadalcanal.

                Lúc 2 A.M. tàu chỉ huy của Abe, tơi tả vì trúng 50 phát đạn vào võ tàu, quay sang trái, và tiến về bắc, theo sau là Kirishima. Trận đánh kéo dài không đến nửa giờ, nhưng Eo Đáy Biển Sắt bốc lửa trên những đống đổ nát. Chỉ có một tàu Mỹ thoát được thiệt hại, còn Atlanta cùng 2 tàu khu trục bị đánh chìm. Một tàu khu trục Nhật bị chìm và một tàu khác đang trôi giạt, còn Hiei chạy quá chậm đến nỗi nó hình như sẽ không qua được tầm truy sát của các máy bay Mỹ trước hừng đông.

                Hành động xông thẳng vào kẻ địch của Callaghan đã cứu Sân bay Henderson khỏi bị đánh phá hủy diệt-với giá của hàng trăm mạng người, trong đó có Đô đốc Scott.

                Mặt trời mọc phơi bày 7 con tàu què quặt ngoài khơi Guadalcanal – 5 của Mỹ và 2 của Nhật. Một số còn đang cháy một cách vô vọng, một số khác đã bị bỏ lại, và một –Portland- bị bẻ ngoặt thành ra nó cứ đi vòng vòng. Trận thử thách cũng chưa kết thúc. Khi 5 con tàu sống sót của Mỹ rời chiến trường và đi về New Hebrides, ngay trước 11 A.M., thuyền trưởng I-26 phát hiện một trong số chúng, San Francisco. Và phóng ra một nhóm ngư lôi. Chúng lướt qua con tàu tuần dương thương tích vô hại, nhưng một quả đâm vào mạn trái của tàu Juneau. Từ San Francisco, McCandless trông thấy con tàu nổ tung “với tất cả sự cuồng nộ của một ngọn núi lửa đang phun.” Một đám mây xám khổng lồ sôi sục phun lên,

tiếp theo là một cơn sấm động. Khi đám mây bốc lên con tàu tuần dương biến mất. Thật là

hải hùng.

                Thuyền trưởng Gilbert Hoover trên Helena, là một sĩ quan cao cấp nên trở thành chỉ huy của hạm đội nhỏ của Mỹ, sợ rằng những con tàu khác sẽ chịu chung số phận nếu ông dừng tàu để vớt những binh lính sống sót. Và thế là bốn con tàu còn nguyên bỏ chạy mà không để lại xuồng hoặc bè cứu sinh nào, và khoảng 700 người – hầu hết là thủy thủ đoàn của tàu Juneau, trong đó có 5 anh em nhà Sullivan – tử nạn. *

 

  • Từ ngày đó Hải quân Hoa Kỳ không bao giờ cắt đặt nhiều hơn một thành viên trong gia

đình trên cùng một con tàu.

                Tàu Hiei rề rà cũng không thoát khỏi số phận. Ngay từ hừng đông nó đã đánh đuổi thành công các máy bay oanh kích cho đến khi một quả bom phá hỏng phần cơ của bộ phận lái và nó bắt đầu quay vòng vòng một cách bất lực. Trong một ít giờ sau con tàu lớn bị đánh bầm vập bởi các Pháo đài Bay và máy bay phóng ngư lôi từ Sân bay Henderson. Hai quả ngư lôi cuối cùng để lại tàu Hiei nằm chết trong vùng biển. Thủy thủ đoàn của nó được chuyển đến các tàu khu trục và một lúc sau nó đâm đuôi tàu xuống mất hút.

                Sự mất mát của một tàu chiến là một cú đánh nghiêm trọng cho Yamamoto, nhưng ông không dao động trong quyết tâm đưa đoàn vận tải 11 chiếc đến Guadalcanal bình yên. Và điều đó có nghĩa Sân bay Henderson phải tạm thời đình chỉ hoạt động. Đêm đó xảy ra một hoạt động đáng sợ của “Tàu Tốc hành Tokyo”; các tàu tuần dương và khu trục chạy thẳng xuống The Slot hết tốc lực và pháo kích sân bay trong 37 phút. Đó là một trải nghiệm khủng khiếp cho các lính Thủy, nhưnh chỉ có 18 máy bay bị hủy diệt và các đường băng vẫn hoạt động được vào sáng hôm sau.

                11 tàu vận tải, do một tá tàu khu trục hộ tống, dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Raizo Tanaka đáng gờm, đã đi nửa đường đến Guadalcanal, và chúng vẫn tiếp tục đi xuống vùng biển nhỏ hẹp cho dù bị hai máy bay ném bom từ Enterprise phát hiện vào 8:30 A.M. ba giờ sau, 37 máy bay của Thủy quân Lục chiến và Hải quân từ Henderson xà xuống và gây tổn thất nghiêm trọng hai tàu vận tải. Nhưng Tanaka vẫn chưa chịu rút lui; Hyakutake phải được tăng viện và tiếp tế. Với các khu trục ợ ra một màn chắn bằng khói đen, đoàn vận tải và hộ tống tiếp tục tiến về nam trên một lộ trình zíc-zắc. Suốt ngày cuộc oanh kích tiếp tục và các máy bay Henderson được tiếp sức bằng các Pháo đài Bay từ Esperitu Santo và các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ từ Enterprise. Tanaka chuyển binh lính từ những tàu chở quân bị chìm đến các tàu khu trục rồi sau đó quay về Shortland, nhưng vẫn giữ các tàu khác thẳng tiến. Trước khi mặt trời lặn, 6 tàu vận tải đã bị đánh chìm và 1 bị hư hỏng nặng. Bốn tàu vận tải cuối cùng, đồng hành cùng với 4 tàu khu trục, tiến sát Guadalcanal hơn trong bóng tối buông xuống.

                Yamamoto ra lệnh Đô đốc Kondo đích thân cầm đầu một trận tấn công xuống ngõ Solomon với con tàu chiến Kirishima, 2 tàu tuần dương nặng, 2 tàu tuần dương nhẹ và 1 đội tàu khu trục. Một lực lượng như thế dưới một tư lệnh như thế chắc chắn có khả năng đánh

tan Sân bay Henderson vào quên lãng.        

                Tuy nhiên lần này người Nhật đụng độ với những tàu chiến. Lực lượng Tác chiến 64 – gồm 2 tàu chiến và 4 khu trục – đã được tách ra từ tàu sân bay của Kinkaid và vội vã lên đường giải cứu Henderson. Lẽ ra Halsey nên làm việc này sớm hơn nếu ông không sợ để tàu Enterprise (tàu sân bay còn hoạt động duy nhất ở Thái Bình Dương) không được bảo vệ vào ban ngày.

                Lực lượng tác chiến 64 đã ẩn nấp suốt ngay ngoài khơi Guadalcanal khoảng 100 dặm về phía tây nam. Đầu tối hôm đó chỉ huy của nó, Chuẩn Đô đốc Willis A. Lee, đưa nó đến bờ biển phía tây của đảo. 4 tàu khu trục, theo sau là các tàu chiến Washington South Dakota, tiếp tục đi về phía bắc, vượt qua Mũi Esperance và Savo. Lúc 10:52 P.M. tất cả 4 tàu khu trục Mỹ – 2 bị chìm-bị loại khỏi vòng chiến, và tàu South Dakota, tê liệt vì hỏng hóc máy, đã trở thành mục tiêu cho Kirishima và 2 tàu tuần dương nặng. Người Nhật quá thu hút vào trận đánh thành ra không chú ý đến tàu Washington cách đó 8,000 ya. Nó nhanh chóng bắn 75 quả pháo 16-inxơ vào tàu Kirishima. 9 quả trúng đích, cũng như nhiều quả 5-inxơ. Cấu trúc bên trên của con tàu chiến khổng lồ bốc cháy và nó cứ quay vòng vòng, mất kiểm soát. Thuyền trưởng cho tàu chậm lại trong một nỗ lực lái tàu bằng động cơ, nhưng vô ích.

                Lúc 12:25 A.M. Kondo, đứng trên tàu tuần dương nặng Atago, ra lệnh rút lui. Lee đã ngăn cản nó không tấn công được Sân bay Henderson và cũng giáng cho ông ta một đòn chiến thuật. Kondo rút về bắc dưới sự che chở của màn khói, để lại tàu Kirishima và một tàu khu trục hư hỏng phía sau. Thuyền trưởng tàu  Kirishima cuối cùng bắt buộc phải đánh đắm tàu mình. Ông chuyển thủy thủ đoàn đến một tàu khu trục vừa trở lại vì mục đích đó và ra lệnh mở rộng các van Kingston [Van này được mở ra cho nước tràn vào thân tàu: ND]. Con tàu chiến chìm tại điểm tây bắc Savo.

                Đứng cách đó vài dặm về hướng bắc, Tanaka chứng kiến cảnh tượng với tâm trạng nặng nề. Ông đã phái ba tàu khu trục để yễm trợ Kondo, và giờ đây quyết định xông đến Điểm Tassafaronga với con tàu khu trục cuối cùng và bốn tàu vận tải. Không có đủ thì giờ để đổ quân bằng xuồng đổ bộ trước hừng đông và ông điện cho Rabaud xin phép cho tàu xông lên cạn. Rabaud bác bỏ yêu cầu nhưng Kondo bảo ông cứ tiến hành. Quá nhiều thời gian đã mất và ánh sáng nhạt nhòa bắt đầu rựng sáng ở phương đông khi bốn tàu vận tải lớn cày vào bãi biển gần Điểm Tassafaronga.

                Gần như ngay lập tức 8 máy bay ném bom bổ nhào của lính Thủy từ Henderson, do Thiếu tá Joe Sailer cầm đầu, xà xuống, tránh né 8 chiếc Zero và thả 3 quả bom lên các tàu vận tải. Tiếp theo sau là các Dauntless Thủy quân và các máy bay phóng ngư lôi của Hải quân. Vào đầu giờ trưa cảnh tàn sát quá thê thảm đến nỗi một vài phi công Mỹ phải buồn nôn trước cảnh tượng vùng nước nhuộm màu đỏ của máu vương vải những mảnh thi thể của binh lính Nhật.

                Trong số 12,000 binh sĩ và 10,000 tấn tiếp tế khởi hành từ Shortland, chỉ còn 4,000

người choáng voáng và 5 tấn đồ tiếp tế đến bờ an toàn. Trận chiến ba ngày trên biển vì

Guadalcanal đã cuối cùng kết thúc, và là một thảm bại về phần Hải quân Nhật, với 77,609 tấn hàng bị đánh chìm – 2 tàu chiến, 1 tàu tuần dương nặng và 3 khu trục, thêm 11 tàu vận tải của Tanaka. Hi vọng của Kyakutake cho một cuộc tổng công kích cuối cùng đã tắt lịm.

                Tướng Vandegrift, người đã từng là nạn nhân của các hành động dè dặt của Hải quân kể từ khi lâm chiến, lần đầu tiên bày tỏ sự tán thành hoàn toàn binh chủng đó trong một

thông điệp gởi đến Halsey:

                CHÚNG TÔI TIN TƯỞNG LÀ QUÂN ĐỊCH ĐÃ CHỊU MỘT THẢM BẠI HỦY DIỆT-CHÚNG        TÔI CẢM ƠN LEE CHO NỖ LỰC KIÊN CƯỜNG CỦA MÌNH VÀO ĐÊM QUA – CHÚNG TÔI         CẢM ƠN KINKAID ĐÃ CAN THIỆP HÔM QUA-KHÔNG LỰC CỦA CHÚNG TA QUÁ OANH        LIỆT ĐÁNH PHÁ ĐỊCH KHÔNG NGỪNG NGHĨ-CHÚNG TÔI ĐÁNH GIÁ NHỮNG NỖ LỰC     NÀY NHƯNG LÒNG NGƯỠNG MỘ NHẤT CHÚNG TÔI DÂNG LÊN SCOTT, CALLAGHAN               VÀ BINH LÍNH CỦA HỌ VỚI SỰ DŨNG CẢM PHI THƯỜNG VƯỢT QUA NHỮNG TRỞ         NGẠI GẦN NHƯ LÀ VÔ VỌNG ĐÃ ĐẨY LÙI CUỘC CÔNG KÍCH THÙ ĐỊCH ĐẦU TIÊN VÀ          KHIẾN MANG ĐẾN THẮNG LỢI – BINH SĨ CỦA XƯƠNG RỒNG NÂNG CAO MŨ SẮT             MÉO MÓ DÂNG LÊN HỌ VỚI LÒNG THÁN PHỤC VÔ BỜ.

               

                Roosevelt cũng hớn hở không kém. Trong võn vẹn vài ngày mà Đồng minh đã ghi được bốn kỳ công: việc đổ bộ thành công vào Bắc Phi, Montgomerry đánh thắng Rommel ở El Alamein, quân Nga đứng vững kiên cường trước cửa Stalingrad – và bây giờ là Guadalcanal. “Trong hai tuần vừa qua chúng ta đã có rất nhiều tin tốt,” ông nói với tờ New York Herald Tribune Forum, “và hình như một bước ngoặt của cuộc chiến này đã đến.”

 

                Ở Tokyo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội còn quyết tâm chiếm lại Guadalcanal và sắp xếp lại mạnh mẽ các lực lượng. Sau đây toàn bộ Quân đoàn 17 của Hyakatake sẽ tập kết ở Solomon trong lúc Quân đoàn 18 sẽ thay thế nhiệm vụ của nó ở đông New Guinea, và cả hai chiến dịch sẽ đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Hitoshi Imamura. Là một trong những quân nhân được kính trọng nhất, Imamura đã thành công trong việc đánh chiếm Java một cách nhanh gọn cũng như thiết lập trật tự trên toàn vùng Đông Ấn thuộc Hà Lan với lực lượng tối thiểu. Các biện pháp cấp tiến của ông, tuy nhiên, đã đổ lên đầu ông bao nhiêu là chỉ trích từ những quyền lực hùng mạnh trong chính Bộ Tổng Tham mưu đến nỗi có lúc quân nghiệp của ông bị đe dọa.

                Imamura bắt tay vào công cuộc chiếm đóng bằng cách phóng thích Achmed Sukarno từ nhà lao. Sukarno, nhà lãnh đạo cách mạng ảnh hưởng nhất ở Đông Ấn, được điệu đến khu cư ngụ chính thức của Imamura, một ngôi nhà duyên dáng trước đây là tư dinh của thống đốc Hà Lan. “Tôi biết rằng ông không phải là loại người sẽ chịu tuân lệnh tôi,” Imamura nói. “Do đó tôi sẽ không ra lệnh gì. Thậm chí tôi không bảo ông phải làm gì. Tất cả điều tôi có thể hứa là sẽ làm cho dân chúng Indonesia sung sướng hơn dưới sự chiếm đóng của tôi nếu họ

học ngôn ngử chúng tôi. Bất cứ thứ gì khác sẽ do chính phủ Nhật quyết định. Tôi không thể

hứa hẹn sự độc lập.”

                Ngoài việc khuyến khích học tiếng Nhật, Sukarno giúp thành lập một ủy ban gồm 15 người Indonesia và 5 người Nhật để lắng nghe những lời ta thán của dân bản xứ. Những lời chỉ trích về các hành động phóng khoáng của Imamura đến tai cấp trên của ông tại Saigon, Tướng terauchi. Ông này chuyển chúng về Tokyo, và Tướng Akira Muto và Kyoji Tominaga của Bộ Chiến tranh được gởi đến Bavaria để điều tra. Imamura hung hăng bảo vệ chính sách của mình. “Tôi chỉ thực thi huấn thị của Thiên hoàng,” ông nói. “Nếu các ông thấy việc điều hành của tôi không thỏa đáng, cứ cách chức tôi. Nhưng trước tiên hãy xem xét kết quả.” Họ rất ấn tượng trước những gì tai nghe mắt thấy. Trong báo cáo họ cố vấn với Thủ tướng Tojo và Tham mưu Trưởng Sugiyama nên cho Imamura toàn quyền hành động.

                Giờ Imamura chỉ huy Nhóm Quân đoàn, gồm Quân đoàn 17 và 18, nhưng trách vụ của ông là trách vụ khó khăn nhất mà một sĩ quan Nhật phải đương đầu. Ở Tokyo ông đến Hoàng cung để nhận lệnh từ Thiên hoàng. Khi ông cúi đầu chào ra về, Hoàng thượng nói, “Này Imamura! Trẫm hiểu rõ binh sĩ của trẫm đang chịu khổ sở cùng cực ở Guadalcanal. Hãy đi đến sớm như có thể và giải cứu họ. Cho dù sớm một ngày cũng là quan trọng.” Imamura trông thấy những giọt nước mắt long lanh trên gương mặt bình thản của ngài.

                Tại bộ Tổng Tham mưu, ông được cho biết mình và Yamamoto sẽ làm việc với nhau để tăng cường những trận không kích ở Solomon và tăng viện cho đạo quân ở Guadalcanal. Sau đó hai bên sẽ phát động một trận công kích phối hợp để chiếm lại Sân bay Henderson và Tulagi.

                Imamura đến Rabaud, New Britain, vào ngày 22/11. Ông điện cho Hyakutake, vẫn còn ở Guadalcanal, là mình sẽ phái 2 sư đoàn trong vòng một tháng; ông yêu cầu một báo cáo thực tế đầy đủ “không dấu giếm điều gì.”

                Hyakutake đã vừa mất thêm 1,000 lính trên tuyến đầu Mataniko. Ông điện cho

Imamura là binh sĩ của mình đang sống bằng rễ cỏ và nước lạnh cả tháng nay.

                . . . TRUNG BÌNH MỖI NGÀY CÓ 100 NGƯỜI CHẾT ĐÓI. VÀ SỐ TRUNG BÌNH NÀY CỨ         TĂNG LÊN. ĐẾN LÚC MÀ CHÚNG TÔI ĐƯỢC TĂNG VIỆN 2 SƯ ĐOÀN, KHÔNG BIẾT

                CÒN BAO NHIÊU BINH SĨ SỐNG SÓT Ở ĐÂY.

                Bộ Tổng Tham mưu không chuẩn bị cho Imamura biết điều này nhưng ông đã gánh vác các kế hoạch đầy tham vọng của họ bởi lời thề tự bản thân với Thiên hoàng là sẽ chiếm lại Guadalcanal. Trong lúc này tất cả điều có thể làm là gởi một tin điện bày tỏ sự thông cảm với những quân nhân ở Guadalcanal kêu gọi dũng khí của họ “khiến cho thần linh cũng phải rơi lệ,” và yêu cầu họ “giúp tâm trạng Hoàng thượng thanh thản trở lại” bằng cách giúp ông chiếm lại hòn đảo.

 

                Chính một mình Tổng tham mưu Lục quân giữ nguyên  quyết tâm không dời đổi là tiếp tục chiến dịch Guadalcanal. Yêu cầu của họ là xin thêm quân, đồ tiếp tế và đặc biệt

370,000 tấn hàng khác cuối cùng đã bắt buộc Bộ Chiến tranh phải đánh giá lại tình hình. Mục đích chủ yếu, ngay lúc này, Bộ trưởng Chiến tranh nói, là tăng cường sức mạnh quốc gia và tiềm lực chiến tranh, và việc điều thêm tàu sẽ làm giảm số tàu dân sự, như thế sẽ làm giảm sức mạnh quốc gia. Việc này còn tệ hại hơn là để mất Guadalcanal.

                Tổng Tham mưu nói thật là khôi hài khi đặt Imamura vào vị trí chỉ huy mới mà không cấp cho ông tàu để chở quân-ông ta sẽ như “người không đầu.”   

                “Ngày nay có cảm tưởng như thể Nhật Bản đang trên bờ vực trỗi dậy hay sụp đổ, “ Đại tá Sako Tanemura, người đã chứng kiến hầu hết những cuộc tranh cãi, viết trong “Nhật Ký Bộ Tư Lệnh Hoàng Gia” không chính thức của ông vào ngày 18/11. Nó giống như một ngày yên ắng trước một cơn bão lớn. “Bộ Tổng Tham mưu có tin là sẽ thành công không? Nếu không, phải làm gì để ra khỏi tình trạng đó? Tư lệnh Tối cao phải suy nghĩ thận trọng để đối phó với tình thế nhạy cảm này. Tiến tới hay rút lui! Việc này rất tế nhị. Không ai tin tưởng vào thắng lợi . . . nhưng lòng kiêu hãnh giả tạo của Bộ Tư lệnh Hoàng gia đang ép buộc chúng ta tiến hành Trận Đánh Quyết Định ở Guadalcanal. Nếu chúng ta bị đánh bại ở Guadalcanal, chắc chắn chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến Thái Bình Dương.”

                Trong khi tranh luận về tàu bè tiếp diễn, Hải quân vạch ra một chiến dịch tạm thời tái tiếp tế cho Guadalcanal. Những thùng sắt lớn bằng kim loại chứa thuốc men và lương thực cơ bản, chừa khoảng trống đủ để thùng sẽ nổi trên mặt nước, sẽ được buộc chặt vào nhau bằng dây thừng và treo trên mạn tàu khu trục. Khi đến Guadalcanal sẽ cắt dây treo và tàu khu trục quay ngay về. Một xuồng máy sẽ chạy tới hoặc một binh sĩ sẽ bơi ra cầm đầu dây thừng kéo một hàng thùng lên bờ.

                Thử nghiệm đầu tiên tiến hành vào đêm 29/11. Đô đốc Tanaka, trên tàu chỉ huy Naganami, dẫn theo một đoàn 8 tàu khu trục xuống ngõ Solomon với tốc độ 24 hải lí. 6 tàu mỗi tàu mang theo từ 200 đến 240 thùng hàng. Tàu đầu tiên và cuối cùng có nhiệm vụ hộ tống. Ngay trước 11 giờ đoàn tàu băng qua phía tây Savo và quành sang trái về hướng Tassafaronga. Khi nó đến gần điểm tập kết, sáu tàu tiếp tế tản ra và sẵn sàng thả thùng hàng. Tịnh không một cơn gió, biển như một tấm gương tối đen.

                Một tàu khu trục trông thấy các tàu địch, hướng 100 độ, và đánh tín hiệu cho Tanaka: “Phát hiện 7 tàu khu trục.”  Đô đốc ra lệnh ngừng thả hàng và vào tư thế chiến đấu.

                Tiến về phía họ là đội hình 11 tàu – 5 tuần dương thành một hàng với 3 khu trục mỗi bên sườn – do Chuẩn Đô đốc Carleton H. Wright chỉ huy. Tàu chỉ huy của ông, Mineapolis, đã liên lạc ra-đa nhưng vị đô đốc chần chừ không đưa các khu trục tiên phong của mình vào cuộc. Mười phút sau ra-đa của tàu khu trục Fletcher cho thấy các tàu Nhật phía mũi tàu bên trái cách đó 7,000 ya. Hoa tiêu, Thiếu tá William M. Cole, xin phép Wright phóng ngư lôi; vị đô đốc lần nữa lại chần chừ – ông nghĩ khoảng cách còn quá xa – và Cole phải mất 4 phút để thuyết phục ông ta là không xa. Lúc 11:20 Cole cuối cùng phóng 10 quả ngư lôi. Một lúc sau Wright ra lệnh các tàu tuần dương của mình bắt đầu khai hỏa. “Roger! Tôi nói là Roger!” Wright nói qua điện đàm. Các tuần dương của ông nhả đạn với các khẩu pháo 5-, 6- và 8-mm. Các quả pháo rơi xuống con tàu chỉ huy Takanami của Tanaka như mưa. Nó gần như bị xé nát ra thành từng mảnh, nhưng binh sĩ vẫn tiếp tục bắn trả cho đến khi nó nổ tung.

                Tiếng hoan hô vang dậy trên tàu Mineapolis bị cắt ngang khi hai quả ngư lôi Nhật húc vào nó. Quả thứ ba cày sâu vào mũi tàu bên trái của con tàu New Orleans; hai thùng đạn nổ tung, làm rách toạt phần thân trước của con tàu. Gần như đồng thời Pensacola bị trúng ngư lôi ở bên dưới cột tàu chính bên mạn trái làm cho loạng choạng, và nước tràn vào phòng máy sau.

                Trong khi Northampton đang lái tránh ba tàu tuần dương bị hư hại, Oyashio bắn hai quả ngư lôi vào nó. Vụ nổ long trời khiến thủy thủ trên đài chỉ huy của con tàu Honolulu gần đó òa lên khóc không sao kềm chế. Northampton nghiêng gắt bên mạn trái, phần phía sau tàu bốc cháy, và phải dừng lại để kiểm tra nước tràn vào. Nhưng không thể cứu vãn, nó chìm, đuôi tàu xuống trước.

                Tanaka đã rút lui. Trong trận đánh nửa giờ ông đã quật một lực lượng Mỹ lớn hơn nhiều. Với giá của một tàu khu trục duy nhất và không có ra-đa, ông đã đánh chìm một tàu tuần dương và làm hư hỏng nặng ba tàu khác. Nhưng sứ mạng của ông đã thất bại; không một thùng tiếp tế nào được giao đến những đồng đội đang đói lã trên Guadalcanal.

                Hai đêm sau Tanaka thử một lần nữa. Lần này 7 tàu khu trục treo những thùng hàng nặng chịch qua được cuộc không kích kém hiệu quả của Đồng minh, và đến được Điểm Tassafaronga nguyên vẹn. Các thùng hàng, 1,500 chiếc tất cả, được cắt thả xuông biển, nhưng không đến 300 thùng được kéo vào bãi biển. Vài ngày sau đó Tanaka cố thử một lần nữa; tuy nhiên, các trận không kích và tấn công bằng thuyền phóng ngư lôi quá hiệu quả đến nỗi toàn bộ đoàn tàu phải rút lui.

                Trên Guadalcanal, nạn đói và dịch số rét đã trở thành kẻ thù chính của binh sĩ. Trận đánh chính thức hẳn sẽ tiêu diệt sức kháng cự của Nhật trong vòng vài ngày và Đại tá Konuma phải nghĩ ra các chiến thuật mới để đương đầu với cuộc tấn công của lính Thủy-GI. Các binh lính Nhật đào hố cá nhân và được lệnh nằm yên trong đó cho dù quân địch có tràn qua vị trí của họ. Mỗi hố cá nhân sẽ trở thành một pháo đài nhỏ và Konuma cá rằng người Mỹ sẽ không dám chịu tổn thất để  chọc thủng tuyến phòng ngự kiểu du kích như thế.

                Những ai quá yếu vì bệnh hoặc đói không thể chiến đấu tụ tập ở bãi biển. Ở đó không khí trong lành, không ô nhiễm mùi xú uế của thây người đang thối rữa. Những đàn ruồi xanh bày tiệc tùng trên các vết thương lở lói và thương binh không còn sức đuổi chúng đi. Binh sĩ nghĩ ra một biểu đồ tử xuất:

                Ai đứng dậy được . . . . . . . . . . . . . . . . còn sống 30 ngày

                Ai ngồi dậy được . . . . . . . . . . . . . . . . . còn sống 20 ngày

                Ai đi tiểu khi nằm  . . . . . . . . . . . . . . . . còn sống 3 ngày

                Ai không nói được . . . . . . . . . . . . . . . . còn sống 2 ngày

                Ai không chớp mắt được . . .  . . . . . . . còn sống đến hừng đông

 

 

2.

                Đai tá Tsuji, người đã tự nhận là mình đáng phải “chết 10,000 lần” cho những lỗi lầm của mình ở Guadalcanal, đã trở lại Tokyo với một đề nghị mới nhằm giải cứu hòn đảo. Ông thuyết phục Bộ Tổng Tham mưu là nên phái Trung tá Kumao Imoto của Bộ phận Hành quân, như đã phái Tsuji, đến giám sát cuộc tấn công mới trên Guadalcanal.

                Ảnh hưởng của Tsuji vẫn mạnh mẽ như bao giờ, và ngay đầu tháng 12 Imoto rời Tokyo. Imoto đã chấp nhận công tác này, nhưng cá nhân ông không đồng ý với cấp trên của ông: theo ý kiến của ông thì nên rút khỏi Guadalcanal. Ông dừng chân ở Truk để báo cáo với Hạm đội Hỗn Hợp, tại đó Đô đốc Ugaki, một trong những người thầy của ông ở Cao đẳng Chiến tranh, bảo ông, “Đây là tình thế khó khăn nhất. Đừng lo âu về việc ai là người khởi xướng giải quyết vấn đề. Mối quan tâm duy nhất của chúng ta là quyết định xem sẽ phải làm gì ngay lúc này.”

                Đây là một cách thức thâm thúy để khuyên Imoto rằng việc rút quân khỏi Guadalcanal là một giải pháp duy nhất. “Tôi hiểu ý anh muốn nói gì,” Imoto nói. Ông tiếp tục bay đến Rabaud, tin chắc là Đô đốc Yamamoto chia sẻ đúc kết của vị tham mưu trưởng của ông-và ông đã đúng.

                Tại bộ chỉ huy của Imamura ngài Imoto nghe những chỉ trích gay gắt về chính sách của Bộ Tổng tham mưu. “Mấy gã ở Tokyo điên hết rồi!” một sĩ quan của Imamura buột miệng nói  trong lúc trò chơi bản đồ đang bày ra những chi tiết về trận tấn công Guadalcanal. “Ngài có thật lòng tin rằng có chút cơ may thành công trong một trận tấn công khác hay không?”

                Dù sao thì Imoto cũng bắt buộc trò chơi đi đến mức cuối cùng. Ông phải chứng tỏ sự vô ích của những cuộc tấn công sắp tới trước khi bày tỏ những dè dặt của chính mình. Trò chơi bản đồ cho thấy những gì tất cả đều e sợ: khó có một tàu vận tải nào đến được đảo.

                Trong hành lang của bộ tư lệnh Lục quân ở Tokyo, nơi Bộ Chiến tranh và Tổng tham mưu Lục quân chia sẻ cùng một trụ sở trên tòa nhà Ichigaya Heights, đã râm ran bàn tán về việc rút quân khỏi Guadalcanal. Vị tướng đầu tiên đưa ra lộ trình ấy một cách công khai là Thiếu tướng Kenryo Sato, cố vấn của Tojo và là trưởng Văn phòng Quân vụ của Bộ Chiến tranh. Bối rối trước việc Tổng tham mưu khăng khăng đòi thêm 620,000 tấn hàng hóa, ông bảo Tojo rằng họ nên “bỏ cái ý tưởng chiếm lại Guadalcanal.”

                “Anh có ý nói là rút lui sao?” Tojo gắt gỏng hỏi.

                “Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Thậm chí bây giờ cũng là quá trễ. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này chúng ta không có cơ may thắng cuộc chiến.” Vị trí trên Guadalcanal, hơn nữa, không thể giữ được. Kẻ địch hoàn toàn khống chế trên không và mặt biển. “Nếu chúng ta cứ mãi bám víu, kết cục sẽ là một trận đánh hao mòn cho các tàu vận tải của ta.”

                Tojo nghe Sato nói cũng hợp lý nhưng vẫn băn khoăn vì lệnh của Thiên hoàng là chiếm lại Guadalcanal; còn nữa, ông ngại phải can thiệp vào quyền lực quân sự. Ông còn tin

tưởng, cho dù mối ngờ vực còn đeo bám, là bộTổng tham mưu cần nên độc lập với chính

quyền. “Ngoài ra, cho dù chúng ta có muốn,” ông nói cuối cùng, “chúng ta không thể giao cho Tổng tham mưu tất cả tàu họ yêu cầu. Nếu chúng ta làm thế, quota sản xuất thép của chúng ta hơn bốn triệu tấn sẽ bị cắt xuống hơn phân nửa và chúng ta không thể tiếp tục chiến tranh.” Ông bị dằn vặt bởi lòng trung quân truyền thống. Gương mặt ông trở nên nhăn nhúm. Ông hỏi Sato liệu một sự cắt giảm số tàu sẽ ép buộc bộ Tổng tham mưu nghĩ đến việc rút quân.

                “Không ngay liền đâu,” Sato đáp. Nhưng mắt ông sáng lên trước một ý tưởng có tính âm mưu. Ông đề nghị họ đừng đề cập gì đến việc rút quân ngay lúc này, nhưng chỉ giao cho Lục quân một lượng hàng nhỏ. Tojo gật đầu nham hiểm.

                Tại cuộc họp Nội các sau đó Tojo đề xuất một kế hoạch giao cho Lục quân và Hải quân tổng cộng 290,000 tấn với lời hứa là sẽ gởi thêm, nếu có thể. Quyết định này đẩy việc tranh luận giữa Bộ Chiến tranh và Tổng tham mưu Lục quân gay gắt đến mức khủng hoảng. Sato nói thế cho Tojo và lập luận của ông rất vững vàng; điều làm Tổng tham mưu nổi dóa nhất là cách ông ám chỉ rằng chiến dịch trên Guadalcanal phải bị “treo lại”.

                Dưới sức ép từ Tổng tham mưu, Tojo triệu tập một buổi họp nội các đặc biệt vào tối ngày 5/12 để xem xét lại yêu sách thêm hàng. Nội các đồng ý cung cấp thêm cho hai bên 95,000 tấn hàng tiếp tế. Lượng gia tăng này quá nhỏ đến nỗi các phụ tá của Sato khuyên ông nên đích thân giải thích vấn đề này với Tổng tham mưu. Nhưng giờ đã quá 10 giờ và Sato nói mình sẽ đợi cho đến sáng mai. Khi ông bước vào văn phòng mình điện thoại reo lên. Trung tướng Moritake Tanabe, Phó Tham mưu trưởng, mời Sato hãy đến nơi cư trú chính thức của ông ta ngay lập tức để giải thích quyết định của Nội các.

                Tại cửa nhà Tanabe Sato nghe những tiếng la hét nóng nảy vọng ra từ bên trong. Ông nhận ra tiếng nói của Trưởng Phòng Hành quân của Lục quân, Trung tướng Shinichi Tanaka nóng tính, dễ kích động. Bên trong, Sato đối mặt với 7 hay 8 thành viên của bộ Tổng tham mưu.

                “Bakayaro!” Tanaka quát lên. Ông ta đang say.

                Khi Sato quay ra định bỏ đi, Tanaka nắm lấy chuôi gươm. Môt vài đồng nghiệp giữ ông lại nhưng ông giật thoát ra, chạy đến Sato và đánh vào mặt ông. Sato thoi lại. Hai vị tướng quần lấy nhau trong khi một vài sĩ quan Tổng tham mưu reo hò cổ vũ cho Tanaka, mà “sức mạnh của sake” đã làm ông hóa điên. Sato giẳng thoát ra và phóng người chạy khỏi căn phòng đầy thù địch. Đó là trận đánh đầu tiên mà ông trốn chạy.

                Sato đi rồi, Tanaka bốc đồng vẫn còn không thể kềm chế được. Đã quá nửa đêm khi, hung hăng muốn xung phong và yêu sách, ông xông vào nhà tùy viên của Tojo. Heitaro Kimura, một người trầm tĩnh, xin lỗi Tanaka vì “đã không nỗ lực hết sức mình” và cuối cùng thuyết phục ông về nhà. Thậm chí khi ông đã tỉnh rượu vào sáng hôm sau, Tanaka tiếp tục quậy. Lần này nạn nhân của ông là tướng Teichi Suzuki của Ban Kế hoạch Nội các. Thái độ vô phép vô tắc này khiến Tojo trở nên ương ngạnh. Ông bảo Sato thông báo bộ Tổng tham mưu

là “dù có thế nào” thì Lục quân chỉ được những gì mà Nội các đã quyết.

                Đối với Tổng tham mưu rõ ràng là phán quyết tối hậu của Tojo cuối cùng có nghĩa là trận đánh  Guadalcanal phải bị đình chỉ. Các tư lệnh  sư đoàn tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và rồi, không được mời, cùng nhau đi xe đến văn phòng Thủ tướng. Trong phòng trước Sugiyama kéo Đại tá Tanemura, người ghi nhật kí, ra một bên và thì thầm, “Nếu xảy ra một trận tranh cãi khác, hãy lôi ông ta [Tanaka] ra ngoài ngay.”

                Tanaka được đưa vào một gian phòng bài trí kiểu Nhật tại đó Sato và hai nhân viên khác đang ngồi trên sàn. Sato và Tanaka trừng mắt nhìn nhau như thể sẵn sàng tái đấu. Không khí trở nên căng thẳng đến khó chịu. Cuối cùng, ngay trước nửa đêm, Tojo bước vào trong trang phục kimono và ngồi xuống chiếu đệm. Tanaka xin ông xét lại lời yêu cầu của Tổng tham mưu. Bình tĩnh, gương mặt không lộ chút cảm xúc, Tojo từ chối. Trong nửa tiếng đồng hồ hai người lớn tiếng tranh luận. Tanaka không kềm chế được. “Ngài định làm gì về cuộc chiến?” y quát lên. “Như vậy là chúng ta sẽ thua trận. Konobakayaro [ngài điên nặng rồi]!”

                Tojo cứng người. “Đúng là lời lẽ phỉ báng vô lễ!” ông nói. Căn phòng im bặt. Tanemura bước vào từ phòng trước và nắm cánh tay Tanaka. “Lệnh của chỉ huy,” anh nói.

                Tanaka, sau khi bị khiển trách chính thức vì tội xúc phạm một quan chức cao cấp, bị sa thải khỏi vị trí của ông, nhưng như việc thường lệ ở Nhật Bản, việc bào chữa dữ dội và thô lỗ của ông đã đem lại thắng lợi tạm thời cho Lục quân. Tối hôm sau Tojo chấp thuận lời yêu cầu xin thêm hàng của Tổng tham mưu.

 

 

3.

                600 dặm phía tây Sân bay Henderson là mũi phía đông của hòn đảo lớn thứ hai trên thế giới. Đảo New Guinea vô duyên này, có hình dạng rất giống một con gà tây bị vặt lông, nằm dài trên 1,500 dặm. Đảo lỡm chỡm, hoang dã, không đáng đánh nhau để giành giật chỉ trừ vì nó có vị trí chiến lược đặc biệt như một bàn đạp – trước tiên bởi người Nhật để tiến chiếm Úc và bây giờ bởi các Đồng minh để tiến đến New Britain và hải cảng sinh tử của nó , Rabaud.

                30,000 binh lính Mỹ và Úc dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Robert Eichelberger đã tiến đánh từ Cảng Moresby – trên bờ biển phía nam của bán đảo Papua, chỉa thẳng như một ngón tay mập ú vào Guadalcanal – để đánh chiếm Làng Buna trên bờ đối diện của mũi đất.

                “Bob, tôi muốn anh chiếm Buna hoặc đừng trở về đây mà còn sống,” MacArthur đã bảo Eichelberger. “Và cả tham mưu trưởng của anh cũng thế.”

                Đó là một thắng lợi phải trả một giá cao sinh mạng và khổ đau. Binh sĩ phải bắt buộc băng qua dãy núi Owen Stanley kinh khủng trong khi phải đánh nhau ác liệt không kém tại Guadalcanal và cũng trong những điều kiện khốn nạn như thế. Mặc dù Buna đã thất thủ, trận

thử thách còn lâu mới kết thúc. Như ở Guadalcanal, người Nhật không chịu thừa nhận là

mình bại trận và đang khiến cho Mỹ và Úc phải trả giá cho mỗi tấc đất mà họ chiếm được.        

                Tuy nhiên, mối quan tâm của Bộ Tư lệnh  Hoàng gia vẫn tập trung vào Guadalcanal, nơi thảm họa thậm chí đến gần hơn. Càng ngày càng khó khăn chở đến đồ tiếp tế. Cách thức sử dụng thùng tỏ ra không mấy hiệu quả. Chỉ một số lượng giới hạn thuốc men và lương thực đến được tay binh lính từ các tàu ngầm loại bỏ hết ngư lôi, súng ống và đạn pháo hoặc thả dù xuống bằng máy bay.

                Hải quân đã sẵn sàng bỏ rơi Guadalcanal; và Yamamoto đã biểu lộ trong giới cấp cao sự đồng tình nhanh chóng của mình. Nhưng Tổng tham mưu Lục quân vẫn còn cương quyết – ngoài công luận. Bên trong, tuy nhiên, những cuộc trao đổi không chính thức trong nội bộ đang bàn đến việc rút quân mà không bị bẽ mặt. Sau hết, họ đã hứa với Thiên hoàng thắng lợi trên Guadalcanal.

                Tình thế càng nên cấp bách khi một tin điện đến từ tướng Hyakatake ngày 23/12:

                KHÔNG CÒN THỨC ĂN VÀ CHÚNG TÔI KHÔNG CÒN GỞI TRINH SÁT RA NGOÀI NỮA.      CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ LÀM GÌ ĐỂ CHẬN ĐỨNG CUỘC CÔNG KÍCH CỦA ĐỊCH. QUÂN      ĐOÀN 17 GIỜ XIN PHÉP ĐỘT KÍCH VÀO NHỮNG VỊ TRÍ CỦA ĐỊCH VÀ CHẾT MỘT CÁI                 CHẾT DANH DỰ HƠN LÀ CHẾT VÌ ĐÓI TRONG CÁC CHIẾN HÀO CỦA MÌNH.                        

               

                Vào ngày Giáng sinh các nhà lãnh đạo Lục và Hải quân họp khẩn cấp tại Hoàng cung để giải quyết vấn đề. Nó không còn là câu hỏi có cần thiết phải rút quân hay không, mà là làm cách nào có được can đảm để đề nghị việc đó một cách chính thức và qua đó gan lì chịu nhận tội đã để thảm bại. Tham mưu trưởng Nagano, phụ tá Ito của ông, Đô đốc Fukudome và Đại tá Tomioka đại diện cho Hải quân; Tham mưu trưởng Sugiyama và Đại tá Tsuji đại diện Lục quân.

                Đô đốc Fukudome, Trưởng Phòng Hành quân của Nagano, thức giục rút quân nhưng chính ông do dự. “Các anh nghĩ thế nào về các ván chơi bản đồ chiến thuật liên hợp trước khi chúng ta quyết định?” ông đề nghị.

                Tsuji nổi sùng. Hơn ai hết trong phòng ông biết mỗi ngày đình hoãn nghĩa là có thêm nhiều người chết đói ở Guadalcanal. Xua tay, ông kêu lên rằng bổn phận của Hải quân là nghiên cứu những chiều hướng tổng quát trước khi một sự kiện khẩn cấp xuất hiện. “Tất cả các ông đều được thông tin đầy đủ về tình hình trận đánh vậy mà đến giờ cũng chưa đưa ra quyết định. Tốt hơn các ông nên từ chức! Tôi từng ở trên các tàu khu trục và trải qua những trận không kích dữ dội. Các chỉ huy hải quân ở đó đều bảo với tôi là, ‘Các ông lớn ở Khách sạn Tokyo [Bộ Tổng tham mưu] và Khách sạn Yamato [Hạm đội Hỗn Hợp] nên bước ra ngoài này và nhìn tận mắt những gì chúng tôi hứng chịu và sau đó họa may họ có thể hiểu được!’”

                Tomioka đồng ý với Tsuji về việc rút quân nhưng quá khích động vì Hải quân bị sỉ nhục nên đứng bật dậy. “Anh muốn ám chỉ gì đây? Các chỉ huy tàu khu trục đó là một lũ yếu bóng vía? Hãy rút lại lời đó!”

                “Anh có khi nào ở tuyến đầu hay chưa?” Tsuji kết án. “Anh có biết những gì đang xảy ra ngoài đó hôm nay không?”

                Tomioka, người đã từng nhiều lần van xin để được ra chiến đấu trên biển, lao về phía Tsuji. Fukudome chận ông lại và nói, “Tôi rất tiếc, Tsuji-kun. Điều anh nói rất đúng.”

                Nó có thể là đúng, nhưng Nagano vẫn khăng khăng muốn một ván chơi bản đồ. Họ chứng minh một lần nữa điều mà ai cũng biết – là có ít hơn một phần tư quân số tăng viện và đồ tiếp tế đến được nguyên vẹn. Cuộc tranh luận tiếp tục, trong đó mỗi bên thay phiên nhau công kích bên kia về tình hình ở hòn đảo. Lục quân muốn biết làm sao thắng được nếu thiếu đạn dược và lương thực. “Các anh đổ bộ Lục quân mà không có vũ khí và thức ăn và rồi cắt đi đồ tiếp tế. Chẳng khác nào gởi ai đó lên mái nhà rồi cất thang đi.”

                Hải quân chua chát muốn biết công tác tăng viện phải kéo dài bao lâu. Lục quân đốp chát là mình có thể thắng nếu được cấp phân nửa những gì kẻ địch có. “Cho đến lúc này chúng tôi chỉ nhận được một phần trăm.”

                Không có lối thoát cho một cuộc đấu khẩu cay cú như thế – cho đến khi Đại tá Joichiro Sanada đến vào ngày 29/12 từ Rabaud với một báo cáo mà hầu hết các sĩ quan Lục và Hải quân mà ông hỏi ý ở Solomon đều ủng hộ, kể cả Imoto và sĩ quan hành quân của Imamura: tất cả binh sĩ phải được rút đi khỏi Guadalcanal sớm như có thể. Hòn đảo chỉ có thể chiếm lại được “nếu có một phép mầu,” và các cuộc hành quân trong tương lai “không được, vì quá nóng lòng muốn chiếm lại Guadalcanal, chịu rủi ro do đi theo vết chân các kế hoạch trước đây và tiếp tục một chiến dịch mà trong đó tư lệnh cấp cao [Quân đoàn 17] lẫn các chỉ huy ngoài mặt trận đều không tin tưởng.”

                Báo cáo của Sanada giải quyết được vấn đề cho cả Lục lẫn Hải quân. Sugiyama hình như có vẻ “nhẹ nhõm” và Nagano, không bàn luận thêm nữa, đồng ý rút binh lính của Hyakutake ra khỏi đảo bằng tàu khu trục vào cuối tháng giêng nếu có thể.

                Hai Tham mưu trưởng duyệt xét lại tình hình cho Thiên hoàng tại một cuộc hội thảo hoàng triều vào ngày cuối năm, sau đó chính thức đề nghị việc di tản khỏi Guadalcanal lẫn Buna ở New Guinea. Thiên hoàng quay sang Nagano và trong cung cách lạnh lùng nhận xét là Hoa Kỳ hình như đã thắng về không lực, rổi hỏi một câu hỏi gây bối rối: Tại sao người Mỹ chỉ mất vài ngày là xây xong một phi trường còn người Nhật thì mất hơn một tháng? “Bộ không thể nào cải tiến được sao?”

                “Thần thật lấy làm tiếc,” Nagano nhũn nhặn thừa nhận; quân địch sử dụng cơ giới trong khi người Nhật trông cậy vào nhân lực.

                Rõ ràng là Hoàng thượng không hài lòng với câu trả lời. Trong hai giờ liên tiếp ngài tiếp tục mổ xẻ việc thất trận, khiến hai Tổng tham mưu đều rất khổ tâm. Cuối cùng người cất giọng vốn đã rất cao của mình: “Thôi được, giờ Lục quân và Hải quân nên làm hết sức mình như họ vừa mới giải thích.” Ngài tán thành việc lui quân khỏi Guadalcanal và Buna. *

 

  • Trái với sự tin tưởng của nhiều người, Thiên hoàng có mối quan tâm sâu sắc đối với các hoạt động quân sự. Vào ngày 9/1/1943, Hoàng thượng bảo Sugiyama, “Để Buna thất thủ là việc đáng tiếc, nhưng các sĩ quan và binh sĩ đã chiến đấu ngoan cường. Trẫm nghe nói đich có 10 xe tăng gì đó; chúng ta không có xe tăng ở khu vực đó hay sao? Còn tình hình ở Lae thế nào? . . . Trẫm rất vui mừng trước sự cải tổ của các đơn vị phòng không trên khắp Miến Điện.” Khi Sugiyama thông báo với ngài vài tuần sau đó về sự thất bai của việc vận chuyển lực lượng tăng viện đến Lae, Thiên hoàng nói, sau khi kéo ghế mời Tổng thamuu – một cử chí sủng ái, “Tại sao thần không đổi ý vào phút cuối và đổ bộ lên Madang [một cảng ở phía đông bắc của Lae]” Chúng ta phải nhìn nhận mình chịu thất bại, nhưng nếu chúng ta giữ gìn nó trong lòng trẫm tin nó sẽ là một bài học tốt cho các hoạt động về sau. Hãy dồn hết nỗ lực để khỏi phải lo âu trong tương lai. Tăng cường hỗ trơ không lực, xây dựng đường xá để binh lính có thể qua lai an toàn, và giữ vững từng cứ điểm một. Hãy đầu tư suy nghĩ trước mọi kế hoạch để Lae và Salamaua không trở nên một Guadalcanal khác.”

    

                Trên tàu Yamato đêm đó Đô đốc Ugaki viết vào nhật ký mục cuối cùng của năm 1942.

                . . . Giai đoạn đầu của hoạt động quân sự của chúng ta đã tuyệt vời biết bao! Nhưng từ trận thảm bại ở Midway chúng ta đã chiến đấu đáng thất vọng xiết bao!

                Chiến lược của chúng ta, nhắm vào việc xâm chiếm Hawai, Fiji, Samoa, và New Caledonia cũng như sự thống trị Ấn Độ và Đội Quân Miền Đông của Anh, đã tan thành mây khói. Thêm vào đó, sự chiếm đóng Cảng Moresby và Guadalcanal đã sụp đổ. Tim tôi đè nặng những cảm xúc hỗn độn khi nhìn lại quá khứ. Trong chiến tranh những sự kiện thường không xảy ra như ý muốn. Dù sao đi nữa, tôi không thể không cảm thấy tủi hỗ. Các cuộc chiến đấu vô vọng mà sĩ quan và binh sĩ ta chịu đựng nhiều không kể xiết.

                Tôi bày tỏ lòng tri ân tận đáy lòng đối với họ và đồng thời chia buồn sâu sắc đến những chiến sĩ đã ngã xuống vinh quang tại chiến trường.

 

                Ngay cả trong thảm bại người Nhật đã để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa cho kẻ chiến thắng Guadalcanal và New Guinea. Trung tướng George C. Kenney, chỉ huy Không lực Đồng minh ở tây nam Thái Bình Dương, báo cáo với Tướng H. H. Arnold, Không lực Quân đội Hoa Kỳ, là những người ở nhà, kể cả Bộ Chiến tranh, không có khái niệm gì về những vấn đề ở tây nam Thái Bình Dương.

 

. . .  Người Nhật vẫn còn bị đánh giá thấp. Không còn có câu hỏi liệu chúng ta có thể đánh bại họ hay không, nhưng thời gian, nỗ lực, xương máu và tiền bạc cần đến cho nhiệm vụ này có thể cao đến mức vượt quá mọi khái niệm, đặc biệt, nếu tên quỷ sứ được cho phép phát triển những tài nguyên họ đang chiếm giữ.

                Chúng ta hãy nhìn vào Buno. Có hàng trăm Buna phía trước chúng ta. Người Nhật ở đó đã trong một tình thế vô vọng trong hai tháng. Trong suốt trận chiến họ luôn bị vượt xa về quân số. Quân đồn trú của họ đã bị gọt đẽo chỉ còn một nhúm vì bị oanh tạc và bắn phá. Họ không nhận được sự yễm trợ của không lực, và lực lượng Hải quân của họ không thể xuyên qua bức tường phong tỏa không lực của chúng ta để giúp đỡ họ. Họ đã chứng kiến nhiều người Nhật bị đánh chìm ngoài khơi vài dặm. Họ đã bị cắt bớt khẩu phần và phải tiết kiệm đạn dược, khi lượng bổ sung từ tàu ngầm và xuồng nhỏ đến từ Lae vào ban đêm, và, có lần, thả dù từ máy bay, đã rất bấp bênh, ít nhất là như thế. Thiên hoàng bảo họ cố thủ, và tin tôi đi, họ đã cố thủ! Về tinh thần của họ – họ còn hét lên với binh sĩ chúng ta, “Bị gì vậy, bọn Mẽo? [Nguyên tác là “Yanks” chỉ người Mỹ. Người miền Nam thường sử dụng từ này để chỉ những người miền Bắc với giọng khinh miệt: ND] Tụi bây thỏ để hả? Sao không nhào vô đây mà đánh đi?” Một ít lính bắn tỉa, được kêu gọi đầu hàng, quát lại, “Bọn khốn kiếp chúng mày có ngon thì nhào vô!”

. . . Tôi sợ rằng nhiều người cho bọn Nhật này “ngon xơi” ngay sau khi nước Đức sụp đổ, thì hãy tỉnh táo lại đi. Chúng ta phải vận dụng tất cả tình yêu nước, sức chịu đựng, lòng gan góc, và có thể bỏ vào chút tinh thần thánh chiến hoặc nhiệt tình tôn giáo, để đánh bại họ. Không đạo quân nghiệp dư nào có thể đánh đuổi anh chàng này ra. Chúng ta phải trở nên chuyên nghiệp. Một điều nữa: ở đây không có khu vực yên tĩnh trong đó binh lính thơ thẩn lúc khởi đầu, như trong cuộc chiến vừa qua. Trong lịch trình không có thời gian để thở. Trận nào cũng là trận thư hùng!

 

 

4.

                Vào chiều ngày 13/1/1943, 10 tàu khu trục mang 1,000 binh lính và đồ tiếp tế rời Shortland. Đó là Đại tá Imoto. Ông đã giúp tham mưu của Imamura và một vài sĩ quan hải quân vội vàng soạn thảo một kế hoạch di tản, Chiến dịch KE. Nhiệm vụ hiện thời của ông là chuyển giao lệnh cho Hyakutake và phụ tá ông ta như một thành viên của ban tham mưu.

                Vật đầu tiên Imoto nhìn thấy khi ông lên bờ gần Mũi Esperance là một thi thể; con đường từ bãi biển dẫn đến bộ chỉ huy Quân đoàn 17 là con đường của các xác người. Đúng nửa đêm ông cuối cùng đến được trại của Hyakutake-một phức hợp các lều và hầm trú ẩn gần Điểm Tassafaronga.

                Ông mò mẫm trong cơn mưa lạnh căm cho đến khi ông tìm thấy Đại tá Haruo Konuma và vài sĩ quan tham mưu trong một túp lều dột nát. Tất cả họ đều đang nằm trên giường trải bằng lá dừa và buông mùng, trừ Thiếu tá Mitsuo Suginoo đang cạo râu dưới ánh nến. Ông và Imoto đã phục vụ trong cùng một trung đoàn và ông chào đón bạn mình một cách nồng nhiệt. “Tôi sẵn sàng để chết ngày mai,” ông nói nửa đùa nửa thực.

                “Thật là một thái độ đáng khâm phục,” Imoto đáp cũng trong tinh thần đó.

                Konuma dẫn Imoto đến chiếc lều sát bên để gặp tham mưu trưởng mới – thay thế Futami – Thiếu tướng Shuichi Miyazaki. Imoto ngồi xuống nghiêm nghị đối diện với vị tướng và nói, “Tôi mang mệnh lệnh của Tướng Imamura đến đây cho Quân đoàn 17 là phải rút lui khỏi Guadalcanal.”

                “Làm sao chúng tôi có thể về nhà khi đã hi sinh quá nhiều người ở đây?” Konuma chen vào. Ông đã ra lệnh cho binh sĩ tử thủ trong hố cá nhân của mình.

                Miyazaki cũng thấy bị xúc phạm tương tự. “Trong tình thế như vầy, nằm mơ cũng không thể nghĩ đến một hành động như thế! Chúng tôi không có ý bất tuân lệnh nhưng chúng tôi không thể thi hành nó. Do đó chúng tôi phải xung phong rồi chết, và cho mỗi người thấy tấm gương của truyền thống quân đội Nhật Bản.

                Lý lẽ của Imoto không có tác dụng đối với các sĩ quan đầy tình cảm này. Konuma tin rằng việc rút quân là không thể thực hiện được; binh lính ngoài tiền tuyến lẫn lộn với kẻ địch, và nếu có ai xoay sở lên được tàu thế nào họ cũng bị chết đuối. “Việc đó là không thể, vì thế cứ để mặc chúng tôi!”

                Như một biện pháp cuối cùng, Imoto rút ra tờ lệnh từ Imamura. “Các người có biết rằng đây là lệnh rút quân của chỉ huy Nhóm Quân đoàn dựa theo mệnh lệnh của Thiên hoàng! “Họ không có quyền chống đối nó.

                Miyazaki cuối cùng tự kềm chế được. “Anh nói đúng,” ông nói. “Đây không phải là quyết định của chúng tôi. Chỉ huy Quân đoàn phải đưa ra quyết định.”

                Imoto được dẫn đến Tướng Hyakutake lúc hừng sáng. Lều của ông nấp bên dưới  một cây cổ thụ. Ông đang ngồi xếp bằng theo kiểu Nhật trên tấm chăn trước một chiếc bàn-một thùng bánh-gương mặt trầm ngâm. Ông mở mắt. Imoto giải thích lý do mình đến đây. Hyakutake tròn xoe đôi mắt nhìn ông không nói lời nào trong một phút rồi nhắm mắt lại lần nữa. Cuối cùng ông điềm tĩnh nói, “Đây là mệnh lệnh khó khăn nhất mà tôi nhận được. Lúc này tôi không thể quyết định được. Cho tôi chút thời gian.”

                Buổi sáng yên ắng bị phá vỡ bằng tiếng nổ ầm ầm; người Mỹ đang mở cuộc pháo kích thường nhật. Gần đến trưa thì Imoto được triệu tập đến lều của Hyakutake.

                “Tôi sẽ vâng lệnh,” vị tướng nói một cách trịnh trọng, “nhưng việc đó rất khó khăn và tôi không thể nói là chiến dịch có thành công hay không. Tôi chỉ biết làm hết sức mình.”

                Komuma biết rằng binh lính ngoài tuyến đầu sẽ cảm thấy xốc về lệnh rút quân hơn những người ở bộ chỉ huy và sẽ thấy không thể chịu đựng nỗi khi bỏ lại đồng đội đã hi sinh. Ông tình nguyện đi lên tuyến đầu. Các chỉ huy của sư đoàn thứ 2, và 38 chấp nhận lệnh nhưng phải cần giải thích cho binh sĩ rằng đây đơn giản là cuộc rút lui có tính chiến lược, chứ không phải họ bị mang ra khỏi đảo.

                Vào đêm ngày 23/1 binh lính ở tuyến đầu bắt đầu lén lút rời các hố cá nhân của mình rút qua phòng tuyến phía sau về hướng Mũi Esperance, tại đó họ sẽ được di tản theo ba bộ phận trong thời gian một tuần. Không thể tin được, người Mỹ – giờ đến 50,000 người tất cả – không đuổi theo. Đêm sau trò chơi nhảy cừu tiếp tục. Một lần nữa không có ai truy đuổi. Cuối cùng, chính hậu quân bắt đầu rút lui từng chút một mỗi lần. Quân Mỹ vẫn không dấn tới và trong vòng một tuần chỉ còn các lính trinh sát Nhật, vẫn giữ mức độ của hỏa lực để đánh lạc hướng, duy trì tiếp cận với kẻ địch. Vào ngày cuối cùng của tháng giêng số còn lại của Sư đoàn 38 đã đến Mũi Esperance. Đêm hôm sau, ngày 1 tháng 2, 19 tàu khu trục đứng cách bờ không tới 1,000 ya và phát đi tín hiệu đèn xanh cho Hyakutake và binh sĩ  ẩn nấp trong các

rặng dừa cùng với các xuồng đổ bộ của họ.

                Vào chạng vạng ngày 1 tháng 2 người Mỹ còn ngỡ họ đang đối diện với các lực lượng địch. Họ có hay biết một hạm đội tàu khu trục đang đến hết tốc độ xuống The Slot nhưng tưởng đó là một đoàn tàu vận tải chở quân khác mà họ phải chận lại. Lúc 6:20, khi người Nhật đang nửa đường đến Guadalcanal, 24 máy bay ném bom được che chở bởi 17 Wildcat xông vào tàu khu trục. Họ bị đánh đuổi bởi 30 chiến đấu cơ của Nhật sau khi gây thiệt hại chỉ cho một tàu.

                Tại Mũi Esperance xuồng đổ bộ đã được mang ra khỏi nơi che dấu và binh lính xếp hàng chờ lên tàu. Đại tá Imoto tận hưởng buổi chiều xinh đẹp và mong ước mình có thể tận hưởng nó trong thời bình. Trong túi ông là bức thư của Hyakutake gởi cho Tướng Imamura. Vài chiếc thuyền phóng ngư lôi PT chạy nhanh về phía bãi biển, nhưng các thuyền viên không thấy gì trong bóng đêm nên quành đi. Giây phút chậm chạp trôi qua. Đã quá 10 giờ. Hay là chuyến di tản đầu tiên bị hoãn lại? Từ bóng tối về hướng Đảo Savo các chớp đèn tín hiệu xanh lóe lên.

                Trong khi bốn tàu khu trục tuần hành thận trọng, 14 con tàu khác len lén im ỉm tiến vào trong vòng 750 ya cách bờ biển. Họ tắt máy nhưng không bỏ neo. Viên chỉ huy đoàn tàu nhỏ, Tomiji Koyanagi – vừa được vinh thăng chuẩn đô đốc sau khi pháo kích Henderson từ Kongo – bước tời lui trên đài chỉ huy, lo âu nhìn xuồng đổ bộ lù lù hiện ra từ bóng tối. Một trận oanh tạc, cho dù thất bại, cũng có thể gây tàn phá.

                Pháo của một tàu khu trục nổ vang dội gần đó và tiếp theo là một lóe sáng. Một chiếc thuyền PT đã bốc cháy. Họ có bị phát hiện chưa? Những chiếc PT khác bắt đầu lao vào. Hai chiếc bị bắn chìm, các chiếc khác bị đánh đuổi. Nhưng các máy bay ở Henderson sao không thấy? Lúc này các tàu khu trục đã chất đầy người; nó mất hơn nửa giờ một chút để cho 5,424 binh sĩ lên tàu. Kiệt quệ, đôi mắt lõm sâu, họ nhìn trân trân không cảm xúc, bị tê điếng vì cảm giác chua cay của kẻ thất trận và nỗi tủi nhục phải bỏ lại đồng đội phía sau không được chôn cất tử tế.

                Các khu trục rút đi trong bóng đêm, vẫn còn không bị Không lực Xương rồng đánh phá, khiến người Mỹ tưởng rằng kẻ địch của họ thêm một lần nữa được tăng viện. Thiếu tướng Lục quân Alexander M. Patch, người đã thay thế Vandegrift đầu tháng 12, lo sợ là người Nhật đang chuẩn bị tiến hành một trận công kích mới, và ba sư đoàn của ông tiếp tục hứng chịu trận pháo kích yếu ớt của hậu quân Hyakutake.

                Vào buổi chiều ngày 4 tháng 2 đoàn tàu giải cứu thứ hai, gồm 19 tàu khu trục, đi xuống ngõ Solomon để di tản 4,977 binh sĩ. Chỉ có một tàu duy nhất bị hư hại. Đô đốc Koyanagi cho rằng “nhờ trời phật phù hộ” nên cuộc di tản mới thành công, nhưng sợ là sứ mạng giải cứu thứ ba và cuối cùng sẽ gặp tổn thất. Lúc 9:30 sáng ngày 7/2, 18 khu trục rời Shortland. Koyanagi lo lắng đến độ ông dành ra 10 khu trục để bảo vệ. Thêm một lần nữa một tàu bị hư hại trên đường và phải được kéo đi bởi một con tàu khác, chỉ còn 6 tàu để chuyên chở. Bốn tàu hướng đến Guadalcanal và các tàu kia đến Đảo Russell gần đó.

                Những quân nhân cuối cùng, bao gồm Hyakutake và bộ chỉ huy, đang đợi trên bãi

biển cùng với vài trăm thương bệnh binh đã xoay sở đi đến bãi di tản. Binh nhất Tadashi Suzuki, một trong số ít người sống sót của Phân đoàn Ichiki không thể trèo lên thang dây để lên tàu, và phải được hai thủy thủ đẩy lên tàu khu trục. Trên boong anh cảm thấy bình yên, như thể đang trên đất Nhật. Nhưng anh không thể quên được hàng trăm đồng đội thương tật mà anh đã bỏ lại trên bãi biển, vì quá yếu để có thể cứu vớt và được trang bị các quả lựu đạn để tự sát ở phút cuối cùng. Những viên cơm vắt trộn với đậu xanh được phân phát hết. Cho dù Suzuki không còn có cảm giác nếm thức ăn, anh vẫn tọng chúng vào bụng, tự thề sẽ gởi con cháu mình vào Hải quân để được ăn uống đầy đủ cho tới chết.

                Không một máy bay Mỹ nào không kích đòan tàu trên chuyến đi dài trở lại Shortland; thêm 2,639 binh sĩ đã được di tản. * Tổng cộng hơn 13,000 người được cứu. 25,000 người khác, chết hoặc sẽ chết trong vài giờ tới, đã bị bỏ lại phía sau (1,592 người Mỹ chết – 1,042 lính Thủy và 550 GI). Nhiều ngàn tấn hàng đã bị đánh mất trong các nỗ lực lặp lại để tiếp tế cho đảo. Hơn nữa, mặc dù Hải quân Hoàng gia đã chiến đấu giỏi giang và gan dạ, đánh chìm nhiều tàu chiến cũng bằng số tàu bị đánh chìm, nhưng các con tàu mà Nhật Bản đánh mất không sao thay thế được.

                Trong một bệnh viện Manila một người nhỏ thó gầy trơ xương tiến gần chiếc võng của Tướng Kawaguchi, đang dần dần phục hồi từ căn bệnh sốt rét và suy dinh dưỡng. Thoạt đầu vị tướng không nhận ra Nishino, tay phóng viên chiến tranh. Họ bắt tay nhau và chằm chằm nhìn nhau. Vị tướng thổ lộ là khi ông đến Rabaud từ Guadalcanal ông bị đối xử như một tên bất tài và hèn nhát; sự ngiệp của ông đã cáo chung – tất cả chỉ vì Tsuji.

                “Tôi biết cảm nhận của ngài hơn bất cứ ai khác,” Nishino nói. “Nhưng sẽ đến một ngày khi sự thật về Guadalcanal được biết rõ và người ta sẽ nhận ra ngài đúng.”

                Vị tướng cay đắng đổ lỗi cho Tsuji đã gây ra thảm bại ở Guadalcanal. “Chúng ta mất một trận đánh. Và Nhật Bản sẽ thua cuộc chiến.” Những giọt lệ rơi xuống gối.

                Nishino xiết chặt bàn tay ốm yếu của vị tướng. “Hãy nghĩ đến sức khỏe mình và mau lành bệnh.” Anh cho ông một hộp sushi, một hỗn hợp gồm cơm, cá sống và những gia vị khác.

                Kawaguchi ăn một miếng để tỏ ra lịch sự. Một nụ cười rạng rỡ trên gương mặt ông. “Chà!” ông kêu lên. “Umai!” (Ngon quá!).         

                                                                            

                               

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s