MẶT TRỜI MỌC- Sự Suy Thoái và Sụp Đổ của Đế Chế Nhật Bản 1936-1945 (Phần 5)

PHẦN V

Tập Kết Lực Lượng

aa-2.png

Tác giả John Toland

Trần Quang Nghĩa dịch

18 . “Của Chuột và Người”

1.

                Nếu năm 1943 là Năm Con Cừu ở Nhật Bản, thì đối với Đồng minh đó là năm hội thảo, với các địa điểm chạy dài từ Casablanca đến Cairo và từ Quebec đến Teheran. Trước khi  trận chiến Guadalcanal kết thúc, Roosevelt và Churchill đã có kế hoạch gặp gỡ người đồng minh với mình, Stalin, ở Casablanca. Đó hình như là một địa điểm hoàn hảo cho một hôi nghị trọng đại, chính ngay cái tên cũng đồng nghĩa với tính bí ẩn và âm mưu [Casablanca là tên một bộ phim gián điệp khởi chiếu năm 1942, lấy khung cảnh là Casablanca, một thành phố ở Ma-Rốc, thuộc địa Pháp:ND], nhưng cái đáng ra là một hội nghị đáng nhớ đầu tiên của Ba Ông Lớn trong cuộc chiến lại khởi đầu bằng sự bất đồng. Ngài Stalin đa nghi lịch sự từ chối tham dự, thoái thác là mình quá bận chống đỡ các binh đòan của Hitler.

                Thậm chí có sức ép của các đặc vụ Tình báo Mỹ không muốn Roosevel dự hội thảo. Họ chống đối sự có mặt của ông tại một nơi đầy những tên gián điệp Đức và bọn phá hoại. Nhưng chính tính nguy hiểm càng hấp dẫn Tổng thống; ông đã thường bày tỏ ao ước được thoát khỏi, dù cho chỉ một vài ngày, cái không khí ô nhiễm chính trị  ở Washington.

                Cả Rooswvelt và Churchill đều trú tại Khách sạn Anfa, một tòa nhà hiện đại bên ngoài thành phố 4 dặm, tọa lạc trên một ngọn đồi, bao quanh là những ngôi vườn nhiệt đới và các biệt thự tư nhân sang trọng, một thiên đường thị giác với hoa giấy và thu hải đường đang nở rộ trên hậu cảnh là biển Địa Trung Hải xanh thẩm. Các phân đội an ninh tuần tra quanh khu vực, và hầu hết các nhân viên phục vụ người Ma Rốc đã được thay thế bởi các GI và các binh sĩ Anh.

                Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ – các Tham mưu trưởng Liên quân – tiến hành các buổi họp sơ khởi tại khách sạn vào ngày 13/1. Những thắng lợi quá sự mong đợi đã đến trong hai tháng vừa qua ở cả hai phía của thế giới, và đây là lúc để có một cái nhìn khác về chiến lược toàn cầu và soạn ra những kế hoạch dài hạn cho chiến thắng ở châu Âu và Viễn Đông. Người Anh muốn một cuộc chiến giới hạn ở Thái Bình Dương; chỉ sau khi Hitler bị đánh bại thì toàn bộ sự chú tâm sẽ hướng về Viễn Đông. Các tư lệnh Mỹ, bị thúc giục bởi Đô đốc King gai góc, cảm thấy rằng người Anh đánh giá thấp người Nhật và quyết tâm đề xuất cả hoạt động tấn công lẫn phòng thủ ở Thái Bình Dương và Miến Điện.

                Ngày hôm sau họ gặp người đồng cấp Anh. Ngay từ đầu, King đã tấn công; chỉ 15 phần trăm tài lực đi vào Thái Bình Dương và như thế là quá ít không thể ngăn chận người Nhật củng cố các thắng lợi đầu tiên của họ.

                Tham mưu trưởng Anh, Sir Alan Brooke, với thói quen là ít khi che giấu cơn nóng nảy của mình, trả lời rằng người Nhật rõ ràng là đang ở thế phòng thủ. Hơn nữa, tình hình phía Tây lúc này đang thuận lợi đến nỗi có thể đạt được chiến thắng trước cuối năm – nhưng sẽ không thể nếu các lực lượng và khí tài phải chuyển về những nơi như Miến Điện.

                King vặn lại rằng Nhật Bản cũng còn hùng mạnh, và nếu chiến dịch Miến Điện không được đẩy mạnh Tưởng Giới Thạch có thể rút ra khỏi cuộc chiến. Việc đánh chiếm Phi Luật Tân chắc chắn phải đợi sau khi Hitlet thảm bại, nhưng việc đánh chiếm nhanh chóng Truk và quần đảo Marianna là mệnh lệnh.

                Sự hùng biện gay gắt của King không ảnh hưởng gì với người Anh. Họ đã quyết định đến Casablanca với chủ định riêng, và hơn nữa, đã chuẩn bị kỹ lưỡng để có được nó. Bỏ neo một ít dặm cách đó là một con tàu khách 6,000 tấn, là bộ tham mưu và trung tâm liên lạc. Nó cũng chứa “cơ cấu kỹ thuật cho việc trình bày mọi tính toán về lượng có thể cần đến.”

                Khi họp riêng King thúc ép các đồng sự của mình hãy cứng rắn, và tại buổi họp các Tư lệnh Liên quân vào ngày 17/1 Marshall hăm dọa người Anh: nếu Thái Bình Dương không nhận được 30 phần trăm các nguồn lực của Đồng minh “người Mỹ nhất thiết phải rút lui một cách đáng tiếc khỏi các nghĩa vụ trên chiến trường Âu châu.” Người Anh, phần nào bị dao động, phản ứng lại bằng cách đề nghị các hoạt động trong năm 1943 ở Viễn Đông phải được giới hạn trong phạm vi đánh chiếm Rabaul và Miến Điện.

                King sẽ không nhượng bộ về quần đảo Mariana. Đã có đủ lực lượng trong khu vực cho một chiến dịch và sẽ là việc phí phạm nhân lực nếu để họ ngồi không. Ngoài ra, các chiến dịch sẽ không rút rỉa nguồn lực nào được dự tính cho châu Âu.

                Phản ứng của người Anh là lãnh đạm. Không có việc gì nên cáng đáng thêm ở Thái Bình Dương có thể làm yếu đi cuộc tấn công quân Đức. Trả lời của King lạnh như băng; chỉ mình người Mỹ có quyền quyết định ở đâu và khi nào cần tấn công ở Thái Bình Dương.

                Lời lẽ của ông chắc chắn thể hiện quan điểm rằng Thái Bình Dương là vấn đề thân thiết nhất trong trái tim người Mỹ. Các địa danh Trân Châu Cảng, Bataan và Guadalcanal lay động họ hơn Rome, Paris và Berlin. Một thỏa hiệp hợp lý, có xét đến lòng tự hào (và niềm hổ thẹn) quốc gia sẽ phải được thi hành.

                Brooke thất vọng. Ông sợ không có gì mà người Anh đưa ra sẽ “có thể làm King dứt bỏ được Thái Bình Dương.” Cuộc chiến ở châu Âu chỉ là “điều phiền toái khiến ông ta không thể tiến hành Cuộc chiến Thái Bình Dương mà không vướng bận.” Vào buổi cơm trưa ông bảo Sir John Dill một cách thất vọng, “Không ích lợi gì, chúng ta không thể nào đạt được thỏa thuận với ông ta.”

                Kể từ Giáng sinh 1941, khi trở thành đại diện của Anh ở Washington trong ban Tham mưu trưởng Liên quân, Dill đã luôn hành động như một trái độn giữa Brooke và người Mỹ. “Ngài đã đạt được thỏa thuận trong hầu hết các vấn đề,” ông vỗ về vị tướng.” Chỉ còn phải giải quyết phần còn lại.”

                “Tôi sẽ không lùi một phân,” Brooke nói.

                “Tất nhiên, ngài sẽ không lùi,” Dill dỗ ngọt ông với một nụ cười. “Ngài biết mình sẽ phải đạt được thỏa hiệp nếu không ngài sẽ quăng việc ấy cho Thủ tướng và Tổng thống. Và ngài cũng như tôi đều biết là họ sẽ làm rối tung cả lên.”

                Vào buổi tối các nhà bàn kế hoạch của cả hai bên đã soạn thảo một thỏa hiệp phác họa những mục tiêu tổng quát của Đồng minh trong năm 1943 mà cả Brooke và Kinh đều hài lòng. Nó nói rằng “các hoạt động trong vùng Thái Bình Dương tiếp tục với mục đích là duy trì sức ép đối với Nhật Bản” (điều làm King thỏa mãn) nhưng những hoạt động ấy sẽ không rút đi quá nhiều nguồn tài lực dành cho châu Âu (điều làm Brooke thỏa mãn). Tuy nhiên, chính các Tham mưu trưởng Hoa Kỳ là người xác định họ có rút rỉa hay không. Khi Harry Hopkins đọc thỏa thuận ông viết cho Dill: “Tôi cho rằng đây là văn kiện rất tuyệt và một kế hoạch tuyệt vời – vì thế tôi đang cảm thấy rất khoan khoái hơn nhiều.”

                Cả Churchill và Roosevelt chấp nhận nó gần như không cần hỏi. Churchill ca tụng không tiếc lời các Tham mưu trưởng Liên quân và nói, “Chưa từng bao giờ có, trong tất cả những hội thảo giữa các đồng minh, điều gì sánh với việc khảo sát chuyên nghiệp kéo dài mà chúng ta đang làm đối với toàn cảnh cuộc chiến thế giới trong những lãnh vực quân sự, sản xuất vũ khí và kinh tế của nó.”

                Nhưng sự khác biệt chỉ được giấu mặt bằng thỏa hiệp; đó là động thái băng bó một vết thương sâu hoắm.                 

                Vào ngày cuối cùng của hội nghị Thủ tướng và Tổng thống, phơi mình trong ánh nắng mặt trời Phi châu, tán gẫu  về những chuyện chung chung với các phóng viên về lộ trình của chiến tranh. Rồi, bất ngờ, Roosevelt tuyên bố, “Việc loại bỏ các cường quốc chiến tranh Đức, Nhật và Ý,” ông nói một cách thận trọng và suy tính, “có nghĩa là sự đầu hàng vô điều kiện của Đức, Ý và Nhật.”

                Đó là một quả bom đối với mọi người trừ Churchill, người đã từng nghe thốt ra lời đó trước đây tại một bữa ăn trưa riêng tư có sự tham dự của Hopkins và Elliott Roosevelt. Churchill thoạt nhíu mày, sau đó nở một nụ cười rồi nói, “Hoàn hảo! Và tôi có thể tưởng tượng ra cảnh bè lũ Goebbel và bọn còn lại kêu ré lên như thế nào!”

                Nhưng ngay lập tức rõ ràng là Hitler và Tojo đã được trao cho một vũ khí đáng giá để

tuyên truyền nhằm kích động nhân dân mình kháng cự đến cùng. Hơn nữa, nhiều người trong nhóm Đồng minh, đặc biệt giới quân sự, bối rối trước lời tuyên bố. Đô đốc William O. Leary, chẳng hạn, lập luận rằng giờ kẻ địch phải bị tiêu diệt; ngoại giao đã bị bỏ rơi và Đồng minh đang trên lộ trình cứng nhắc của cuộc chiến vô giới hạn.

                Ở Thái Bình Dương, Trung tướng Hitoshi Imamura quyết định lợi dụng khoảng yên ắng sau Guadalcanal để tăng viện lực lượng đồn trú ở Lae, giờ là thủ đô của New Guinea, thêm 6,400 quân. Thị trấn chiến lược này, cách Buna 150 dặm về phía tây trên bờ biển bắc. rất quan yếu cho việc phòng thủ Rabaul. Lúc nửa đêm, vào ngày cuối cùng của tháng 2, một đoàn tàu gồm 8 chở quân và 8 khu trục dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Masatomi Kimura rời Rabaul trên một lộ trình ngược chiều kin đồng hồ quanh New Britain và vùng biển sẽ sớm được gọi là Biển Bismark. Khi các con tàu lướt qua vùng biển bảo tố vào chiều hôm sau, một chiếc B-24 trông thấy họ. Ngày hôm sau họ bị phát hiện lần nữa và bị 29 oanh tạc cơ hạng nặng đánh bom. 1 tàu vận tải bị đánh chìm và 2 tàu khác bốc cháy, nhưng đoàn tàu tiếp tục lên đường.

                Không lực Thứ 5 Hoa Kỳ (trước đây là Không lực Đồng minh) ở New Guinea, tuy nhiên, mạnh hơn là người Nhật nghĩ. Tại thời điểm đó có 207 oanh tạc cơ và 127 chiến đấu cơ trong vùng và Tướng George Kenney đã điều chỉnh kỹ thuật không kích căn cơ có tính cách mạng cho các máy bay ném bom của ông. Vỏ mũi các chiếc B-25 đã được lột ra và lắp bên ngoài 8 súng máy cỡ 0.50 để bắn phá ở độ cao 200 bộ. Các phi công cũng có thể chúc xuống gần sát mực nước biển và bỏ bom ngay trước khi bay đến mục tiêu. Các quả bom, hoặc rơi trúng boong  tàu hoặc lướt vào mạn tàu, được trang bị những ngòi nổ chậm lại 5 giây, cho phép các người tấn công ở một khoảng cách an toàn trước khi bom nổ. Kenney đang đợi cơ hội thích hợp để thử nghiệm cách đánh bom lướt này và đoàn tàu của Kimura là một cơ hội bằng vàng.

                Lúc 10 giờ sáng ngày 3/3, 18 chiếc B-17 Pháo đài Bay và 20 oanh tạc cơ tầm trung tấn công đoàn tàu vận tải theo lối truyền thống từ khoảng cách 7,000 bộ, theo sau là 18 chiếc Beaufighter của Úc bắn phá đoàn tàu. Kimura không nao núng. Rồi 12 chiếc oanh tạc B-25 mới này chúc xuống chỉ cách đầu ngọn sóng vài mét. Các thuyền trưởng Nhật ngỡ rằng đó là những máy bay phóng ngư lôi và đã bắt đầu quay tàu tránh thì các khẩu súng máy ở mũi máy bay B-25 ria vào đám binh lính chen chúc trên boong. Đúng là một lò sát sinh. Vào phút cuối cùng các quả bom rơi xuống từ độ cao các cột tàu. Gần như phân nửa số bom, 17 quả tất cả, tìm đúng mục tiêu.

                Thêm 12 máy bay nữa đến bay ở tầm thấp. Đó là những oanh tạc cơ hạng nhẹ, nhưng thay vì ném ngư lôi như thông thường, chúng cũng “ném thia lia” các quả bom và cào quét các boong tàu bằng súng máy lắp trước mũi khi chúng lao tới các tàu vận tải. Tỉ số ném  trúng khá cao, 11 trên 20. Mỗi tàu đều bị đánh trúng trong vài phút đầu tiên, và hoặc bị chìm hoặc bị hư hỏng nặng. Một tàu khu trục chìm và ba tàu khác bị tê liệt.

                Cuộc tấn công tiếp tục suốt buổi chiều. Các tàu hư hại bị loại khỏi vòng chiến, và các binh sĩ sống sót trên bè hoặc phao cứu sinh liền bị bắn tới tấp không thương tiếc. Các kẻ tấn công không ở trong tâm trạng chiến đấu một cách hào hiệp. Họ đã nghe quá nhiều chuyện từ những binh lính Úc kể về đồng đội của mình bị đâm lưỡi lê sau khi bị bắt và để cho chết trên ngực đeo bảng yết thị: “Chúng phải chết từ từ.” *

  • Đô đốc Morison viết: “Đó là một công việc ghê tởm, nhưng cần thiết về mặt quân sự vì binh lính Nhật không đầu hàng và, trong khoảng cách bơi được đến bờ biển, họ không được cho phép đổ bộ và gia nhập đạo quân đồn trú trên Lae. . . Vài trăm tên bơi được đến bờ, và trong một tháng các dân bản xứ ở Papua như trong các lễ hội săn đầu người của ngày xưa, đua nhau đi săn lùng bọn lính Nhật.” Những người Nhật sống sót qua vụ tàn sát này vẫn còn phẫn uất khi biết những câu chuyện về người Mỹ trừng trị các phi công của họ vì tội bắn các phi công địch nhảy dù trong khi coi việc bắn giết các binh lính Nhật bất lực là “một nhu cầu quân sự.” Cả hai trường hợp, trong mắt của họ, đều là những nhu cầu quân sự.

 

                Sự thảm bại, cùng với 4 tàu vận tải và 1 tàu dầu bị đánh chìm bởi các tàu ngầm Mỹ, khiến Imamura nản lòng không muốn chở thêm tăng viện đến New Guinea bằng tàu vận tải. Ông không thể đành lòng khi để hòn đảo đó trở thành một Guadalcanal khác.

                Các lực lượng Đồng minh đang di chuyển lực lượng về hướng Lae; từ đó họ có thể nhảy qua eo biển giữa New Guinea và New Britain và phát động một cuộc công kích trên bộ vào ngay Rabaul. Kế hoạch đầy tham vọng của MacArthur cần bổ sung thêm 1,800 máy bay và 5 sư đoàn mới.

                Ông yêu cầu đánh giá lại những ưu tiên chính yếu và các đại diện của mỗi tư lệnh Thái Bình Dương được triệu tập đến Washington để tham dự Hội nghị Quân sự Thái Bình Dương. Việc này không tránh khỏi làm sống lại những tranh luận tiếp diễn về các ưu tiên chiến trường. Đại diện của Không lực Lục quân không ủng hộ MacArthur; ông ta tuyên bố là hiệp ước Casablanca giao cho việc oanh tạc Đức là ưu tiên số một. Hải quân cũng quyết liệt không kém kêu gọi sự đánh chiếm Rabaul và quân số đầy đủ để giữ cho Nhật ở thế cầm cự.

                Sự nhất trí không thể đạt được và vấn đề đưa đến Tham mưu trưởng Liên quân. Ở đây việc tranh cãi tiếp tục, với Đô đốc King hiển nhiên đứng về phía Thái Bình Dương còn tùy viên của Tướng Arnold không chịu gia giảm các trận không kích vào nước Đức. Mỗi bên sử dụng những nghị quyết Casablanca mơ hồ để củng cố lập luận mình. Nhưng việc giải quyết phải đạt được và cuối cùng họ đồng ý giới hạn sự tiến đánh Rabaul nhưng sẵn sàng cho sự “đánh chiếm tối hậu Quần đảo Bismark.”

                MacArthur chấp nhận thỏa thuận với sự bình tĩnh khác lạ và cắt người soạn kế hoạch cho Chiến dịch Bánh xe bò. Đó là một cuộc công kích phức tạp, tấn công từng tấc đất một gồm tất cả 13 giai đoạn riêng biệt. Chiến dịch sẽ bắt đầu vào giữa tháng 6 và kết thúc vào tháng 12 với cuộc tấn công phối hợp Lục-Hải quân vào Rabaul.

                New Guinea là một chủ đề tranh cãi tại Bộ Tư lệnh Hoàng gia. Lục quân muốn bảo vệ nó bằng vũ lực; nó sẽ là một địa điểm tuyệt vời cho các chiến dịch trên bộ qui mô. Đối với Hải quân, Solomon thì quan yếu hơn. Các đảo ở đó có nhiều căn cứ không quân hơn ở New Guinea, và nếu Bougianville thất thủ, Rabaul – và ngay cả Truk, nơi đặt bộ tư lệnh của Hạm đội Hổn hợp – sẽ bị lâm nguy. Lục quân nhấn mạnh là New Guinea có ý nghĩa nhiều hơn, nếu nó bị mất, Phi Luật Tân và Java sẽ bị cô lập. Lô-gíc chiến lược nằm về phía Hải quân, và nó đã được minh chứng sẽ đắt giá thế nào khi đem đoàn tàu vận tải đến New Guinea. Nhưng các miệng lưỡi bên Lục quân sắc bén hơn nên thắng. Vào ngày 25/3 Đô đốc Yamamoto và Tướng Imamura mỗi người nhận được chỉ thị lấy New Guinea làm mục tiêu ưu tiên.

                Đối với cả Nhật và Mỹ đó là thời gian để lên kế hoạch và chuẩn bị hơn là đánh nhau; trong thời gian yên ắng này mỗi bên ra sức củng cố căn cứ và gởi tăng viện. Hải quân Hoàng gia đã thua trong việc tranh cãi, nhưng chính Đô đốc Yamamoto là người nhận lệnh tiến hành các công kích đầu tiên giáng xuống quân địch. Nhiệm vụ của ông là tiêu diệt lực lượng trên không và trên biển của phe Đồng minh trong toàn khu vực, và ông thiết kế I-GO (Chiến dịch I), trước tiên tập kích vào Solomon, rồi sau đó New Guinea.

                Vào đầu tháng 4 ông chuyển đến Rabaul với Ugaki, Kuroshima, Watanabe, và những nhân vật chủ chốt khác của ban tham mưu của ông, để đích thân chỉ huy trận xung phong. Vào ngày 7/4 Guadalcanal bị không kích với một lực lượng lớn nhất kể từ Trân Châu Cảng – 224 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ. Các phi công trở về, như thường lệ, với những báo cáo quá nhiệt tình, và như thường lệ, thiệt hại gây ra không nhiều. Một tàu khu trục và hai tàu nhỏ hơn đã bị đánh chìm, và 7 chiến đấu cơ Thủy quân bị bắn hạ.

                Sau đó Yamamoto quay sự chú ý đến New Guinea và tiến hành 3 đợt công kích lớn trong vòng 4 ngày tại Vịnh Oro, Cảng Moresby và Vịnh Milne. Các phi công báo cáo là 175 máy bay đã bị tiêu hủy và 1 tàu tuần dương, 2 khu trục và 25 tàu vận tải bị đánh chìm. Thực ra không có hơn 5 máy bay Đồng minh đã bị loại, 1 tàu vận tải và 1 tàu buôn bị chìm xuống đáy biển và một tàu khác mắc cạn, nhưng báo cáo của phi công khiến Yamamoto ngỡ rằng các mục tiêu của I-GO đã hoàn thành.

                Trước khi trở về Truk, ông lên thời khóa cho một chuyến thanh sát 1 ngày các lực lượng phòng thủ ở Solomon. Nơi dừng chân đầu tiên của ông sẽ là Ballale, một đảo nhỏ ngoài khơi Bougainville về phía nam, để viếng thăm các binh sĩ của sư đoàn Tướng Marayama đang tịnh dưỡng sau cơn thử thách của họ ở Guadalcanal. Ông muốn đích thân cám ơn họ.

                Tướng Imamura lo lắng về chuyến đi và kể với Yamamoto về sự cố thoát hiểm trong gang tấc của mình khi gặp một chiến đấu cơ Mỹ gần Bougainville. Nhưng Yamamoto vẫn cương quyết; thậm chí chỉ huy Không đội 11 cũng không thể thuyết phục ông. Tư lệnh Watanabe viết tay soạn ra thời khóa và đích thân mang đến bộ chỉ huy của Hạm đội thứ 8.

Ông muốn tin được chuyển bằng thư tay, nhưng một sĩ quan liên lạc nói tin phải gởi qua sóng ra-điô. Watanabe phản đối; người Mỹ sẽ chận được và có thể bẻ khóa nó. Không thể nào, viên sĩ quan liên lạc nói. “Mật mã này chỉ có tác dụng từ ngày 1 tháng 4 và không thể bị bẻ khóa.”

                Sự lo sợ của Watanabe đã được xác minh. Vài phút sau khi thông điệp được truyền đi nó bị bắt được và giao về cho bộ chỉ huy Tình báo Tác chiến ở Trân Châu Cảng. Các nhân viên dưới hầm, đã từng góp phần đánh thắng Trận Midway, mày mò suốt đêm và đến rạng sáng ngày 14/4 đã có được một văn bản được giải mã bằng tiếng Nhật. Trung tá Alva Lasswell, một sĩ quan ngôn ngữ thuộc Thủy quân Lục chiến, và nhóm của ông điền vào các khoảng trống và nhận diện các ký tự mã khóa là tên các địa danh. RR, chẳng hạn, có nghĩa là Rabaul, và RXZ là Ballale.

                Lúc 8:02 A.M. Trung tá Edward Layton, sĩ quan tình báo hạm đội, bước vào văn phòng Đô đốc Nimitz. “Ông bạn già của chúng ta Yamamoto,” Layton nói và trao cho vị đô đốc bức thông điệp. Đô đốc đọc thấy Yamamoto sẽ rời Rabaul lúc 6 A.M., ngày 18/4, trên một máy bay bỏ bom hạng trung được 6 chiến đấu cơ hộ tống, và sẽ đến Đảo Ballale lúc 8 A.M. Ông nhìn lên với một nụ cười. “Chúng ta thử tóm hắn không?”

                “Hắn là một nhân vật có một trong hai,” Layton đáp. Yamamoto được giới sĩ quan trẻ thần tượng hóa, và bởi những binh sĩ nghĩa vụ nữa. “Ngài biết tâm lý người Nhật mà; việc này sẽ làm cả nước Nhật chết điếng.”

                “Việc duy nhất liên quan đến tôi là biết đâu rồi họ sẽ có một tư lệnh hạm đội hiệu quả hơn.” Câu trả lời là Yamamoto cao hơn tất cả đô đốc Nhật khác chẳng những một cái đầu mà còn cả vai. “Việc này thuộc phạm vi hoạt động của Halsey,” Nimitz nói cuối cùng. “Nếu có cách thì ông ta sẽ tìm ra được. Được rồi, chúng ta sẽ thử xem sao.”

                Nimitz viết một bức thư cho Halsey ủy quyền ông ta “Thảo ra kế hoạch sơ khởi.” Sứ mạng này được cả Bộ trưởng Hải quân Frank Knox và Tổng thống tán thành, và vào ngày 15/4 Nimitz điện cho Halsey chấp thuận kế hoạch và “chúc may mắn và chúc cuộc săn thành công.”

                Chủ nhật, ngày 18/4, bình minh quang đãng và ẫm ướt. Đúng hai năm trước, Doolitle đã đánh bom Tokyo. Yamamoto, vẫn nghiêm túc như bao giờ, đã sẵn sàng. Các tùy viên của ông khuyên ông mặc quân phục xanh lá cây hơn là lễ phục trắng quá bắt mắt của ông. Khi ông tiến gần máy bay, một chiếc máy bay ném bom Mitsubishi, ông quay sang tư lệnh hải quân ở Rabaul, Phó Đô đốc Jinichi Kusaka (anh em họ của tham mưu trưởng Nagumo), và trao cho ông hai cuộn vải để tặng cho vị tư lệnh mới của hạm đội thứ 8. Đó là những bài thơ của Thiên hoàng Minh Trị, do Yamamoto viết lại bằng thư pháp.

                Máy bay của vị đô đốc rời Rabaul đúng 6 A.M., giờ Tokyo. Cùng đi với ông là thư ký của ông, bác sĩ quân y hạm đội và sĩ quan tham mưu hàng không. Một chiếc Mitsubishi thứ hai cất cánh chở theo Tham mưu Trưởng Ugaki và vài sĩ quan tham mưu khác. Trung tá

 Watanabe nhìn cả hai máy bay cho đến khi chúng mất hút, bất mãn vì không được đồng hành.      

                Hai oanh tạc cơ hướng về phía nam ở độ cao 5,000 bộ, quá gần nhau đến nỗi Ugaki sợ hai cánh chúng sẽ va chạm vào nhau. Sáu chiếc Zero bay phía trên hộ tống. Đó là một chuyến đi thú vị, không có chuyện gì xảy ra, và chẳng bao lâu Bougainville xuất hiện bên trái và phi cơ bắt đầu hạ thấp để chuẩn bị đáp xuống sân bay Kahili trước mặt.

                Từ hướng nam, một nhóm 16 chiếc P-38 bay sát vào nhau. Các chiến đấu cơ Lighting từ Sân bay Henderson đang tiến gần Bougainville ở độ cao 2,000 bộ. Chỉ huy của họ, Thiếu tá John W. Mitchell, nhìn đồng hồ tay. Lúc đó là 9:34 (một giờ trễ hơn so với giờ Tokyo). Họ đã bay hơn 600 dặm qua vùng biển mênh mông, các bình xăng phụ gắn dưới cánh, trên một lộ trình quanh co với chỉ một la bàn và một tốc độ kế hướng dẫn – và, không thể tin được, đến ngay điểm chận đánh vừa đúng lúc. Hi vọng máy bay của Yamamoto sẽ xuất hiện trong phút chốc. Chắc khoảng 3 dặm về hướng tây. Không thấy chiếc máy bay nào.  

                “Quỷ sứ ở vị trí 11 giờ.” Đó là giọng nói trầm của một phi công đội Mitchell phá vỡ sự im lặng của máy truyền tin. “Trên cao.”

                Mitchell đếm có cả thảy 8 máy bay địch. Hai chiếc là oanh tạc cơ. Phải chi chỉ có một. Không biết bốn chiếc Lighting trong nhóm “sát thủ” có thể bắn hạ cả hai oanh tạc cơ hay không đây? Chỉ huy nhóm này, Đại úy Thomas G. Lanphier, Jr., cũng đang đếm số máy bay Nhật. Chúng trông giống như những đốm lửa của pháo phòng không. Anh vặn nút nhiên liệu nội bộ, sử dụng các bình xăng phụ. Bọn Nhật vẫn tiến tới, không nghi ngờ gì. Hai dặm cách bờ biển Lanphier chú ý thấy các thùng xăng phụ màu bạc ở bụng máy bay của những chiếc Zero rơi xuống. Các tên đột kích đã bị phát hiện. Hai chiếc oanh tạc cơ Nhật bắt đầu bổ xuống về phía rừng.

                Các chiếc Zero lao tới Lanphiet và anh khai hỏa.

                “Bỏ Zero đi, Tom,” Mitchell la lên từ tận trên cao. “Xông tới các oanh tạc cơ. Bắn các oanh tạc cơ. Bắn hạ các oanh tạc cơ khốn kiếp!”

                Máy bay chở Ugaki đang lướt trên cánh rừng. “Cái gì xảy ra vậy?” ông hỏi chỉ huy máy bay, đang kìm vững người trên lối đi.

                “Tôi nghĩ có lỗi lầm kỹ thuật gì đó,” y nói.

                Ugaki nhìn lên và trông thấy các Zero và Lighting quần nhau. Yamamoto đâu? Chiếc oanh tạc cơ kia bổng quành gắt và biến mất.

                Hai chiếc Lighting không hoạt động được; một phi công không thể bỏ rơi thùng xăng phụ ở bụng và người cộng sự của y phải ở lại bên y. Chỉ còn có Lanphier và cộng sự của anh, Trung úy Rex T. Barber, có nhiệm vụ bắn rơi hai chiếc oanh tạc cơ. Lanphier xoay sở qua được 3 chiếc Zero, bay ngược đầu xuống. Anh trông thấy một chiếc oanh tạc cơ bên dưới. Anh bổ nhào xuống và xổ một tràng đạn dài và chính xác. Động cơ và cánh bên phải của chiếc Mitsubishi bốc cháy.

                Barber lao tới chiếc oanh tạc cơ còn lại. Anh khai hỏa và có thể nhận thấy chiếc phi cơ rùng mình. Anh tiếp tục bắn và phần chóp của cánh văng ra. Barber bay vút qua. Anh quay nhìn lại và tin chắc mình đã nhìn thấy “những mảnh vụn bắn lên từ cánh rừng.” Cả anh và Lanphier chắc chắn là mình đã bắn hạ chiếc oanh tạc cơ đầu tiên, chiếc oanh tạc cơ chở Yamamoto.

                Ugaki đã chứng kiến chiếc máy bay của vị chỉ huy ông rơi xuống khu rừng. “Xem máy bay của Yamamoto kìa!” Choáng váng, ông chỉ tay về phía một cột khói đen bốc lên. “Tiêu rồi!” Máy bay của ông rung lắc liên hồi vì cánh phải bị trúng đạn và lao xuống về phía biển. Viên phi công cố điều khiển cần lái nhưng không thể ngăn phi cơ nhào xuống. Chiếc Mitsubichi đâm xuống biển.

                “Đây là đoạn kết của Ugaki!” Ông tự bảo khi nước bao bọc lấy ông. Ông không cố sức vùng vẫy trong bóng tối. Như trong một giấc mơ ông thấy ánh sáng le lói phía trên và thấy mình dâng lên khỏi mặt nước. Ông hít một hơi. Một chiếc cánh đang cháy; mọi thứ khác đã biến mất. Ông chỉ cách bờ biển 200 ya và bắt đầu bơi kiểu ếch. Mệt lữ, ông vớ một chiếc thùng đang nổi nhưng không thể bám vào và chỉ đến lúc đó ông mới nhận ra cánh tay phải của mình đã gãy. Ông bám vào thùng bằng bàn tay trái và đá chân đến bờ.

                Những chiếc Lighting đầu tiên trở về Sân bay Henderson báo tin vui bằng những cú quay vòng máy bay và những người trên mặt đất biết rằng Yamamoto đã bị bắn hạ. Một thông điệp được gởi tới Halsey báo tin thắng lợi. Tuy nhiên ông ra lệnh giữ kín câu chuyện không cho báo chí biết vì có thể tiết lộ cho người Nhật là mật mã của họ đã bị bẻ khóa. Các sĩ quan liên lạc Nhật không hề ngờ là mật mã của họ đã bị bẻ khóa. Đến khi chiến tranh kết thúc họ vẫn tin rằng nó không thể bẻ khóa được.

                Trung tá Watanabe, lòng tràn ngập đau buồn, giám sát việc hỏa táng thi thể của Yamamoto. Ông đặt tro của vị đô đốc trong một hộp gỗ nhỏ lót lá đu đủ. Tại Truk ông lên tàu Musashi trong chuyến đi buồn bã về Nhật. Vào ngày 21/5 chiếc siêu chiến hạm đến Vịnh Tokyo và một phát thanh viên của đài thông báo cho cả nước với giọng nói nghẹn ngào là Yamamoto đã “đón nhận cái chết anh dũng trong một chiếc phi cơ quân sự.”

                Tro cốt ông được chia làm hai và đặt trong hai hủ để tiến hành tang lễ, một ở Nagaoka, nơi sinh quán của Yamamoto, và cái còn lại dành cho quốc tang. Quốc tang được tổ chức vào ngày 5/6 – lễ kỷ niệm ngày mất cũng của một anh hùng hải quân vĩ đại khác của Nhật, Đô đốc Togo. Một triệu dân đứng xếp hàng dọc theo đường phố Tokyo để đưa tiễn ông. Trung tá Watanabe, mang thanh gươm của người bạn cờ trước đây của mình, bước đi ngay sau xe chở pháo trên đó là hủ tro cốt. Tro cốt ông được chôn cất trong Công viên Hibiya.

                Người kế vị Yamamoto, Đô đốc Mineichi Koga, nói, “Chỉ có một Yamamoto và không ai có thể thay thế ông.” 

Cái chết bi thảm của vị anh hùng thời chiến vĩ đại của họ là “một cú đấm không thể chịu đựng nỗi” đối với nhân dân Nhật Bản. Hơn nữa, nó theo sau ngay thông báo u ám là Hoa

Kỳ đã tái chiếm đảo Aleutian của Attu. Các nhân viên tuyên truyền ra sức trình bày cái chết của 2,351 người Nhật trên hòn đảo thê lương đó như một thiên anh hùng ca đầy cảm hứng sẽ trở thành “nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần chiến đấu của quốc gia chúng ta.”

                Chính Thiên hoàng cũng đau buồn sâu sắc. “Trong tương lai, làm ơn xét xem các ông có cơ may hợp lý nào thành công hay không trước khi phát động chiến dịch,” ngài bảo với Tham mưu trưởng Lục quân Sugiyama – và rồi cuối cùng cất được gánh nặng của mình nhờ sự hiện diện của trưởng sĩ quan phụ tá của ngài, Tướng Shigeru Hasunuma. “Họ [Các tham mưu trưởng Hải và Lục quân] lẽ ra nên dự đoán được tình hình phát triển theo chiều hướng nào. Thay vào đó họ mất một tuần lễ để chuẩn bị phản công sau quân địch đã đổ bộ vào ngày 12/5. Họ đề cập đến cái gì đó về “sương mù dày đặc,” nhưng đáng ra họ phải biết trước về sương mù.  .  . Liệu Hải quân và Lục quân có thực sự thẳng thắn với nhau không? Hình như có vẻ bên này đưa ra một yêu sách bất khả thi và bên kia hứa một cách vô trách nhiệm là sẽ hoàn thành. Bất cứ điều gì hai bên đã thỏa thuận phải được thi hành. Nếu họ không thể thực hiện những gì đã hứa với nhau, điều đó còn tệ hơn đã hứa trước. Nếu giữa Lục quân và Hải quân có mối hiềm khích, cuộc chiến này không thể kết thúc thắng lợi. Họ phải hoàn toàn công khai với nhau trong khi lên kế hoạch tác chiến. . . Nếu chúng ta tiếp tục mắc kẹt trong những chiến dịch như thế việc đó chỉ sẽ nâng cao tinh thần của kẻ địch, như trong trường hợp Guadalcanal. Các quốc gia trung lập sẽ dao động. Trung Quốc sẽ được cổ vũ, và nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho những quốc gia của Khối Đại Đông Á. Bộ không có cách nào chúng ta có thể đương đầu với các lực lượng Mỹ ở đâu đó và đánh bại chúng? . . . Sugiyama có nói điều gì đó về một Trận đánh Quyết định của Hải quân sẽ kết thúc cuộc chiến này, nhưng đó là một ý tưởng bất khả thi.”

                Việc Attu thất thủ cũng khiến các sĩ quan Hải quân cao cấp quay ra công khai chỉ trích  bộ Tư lệnh Hoàng gia. “Đáng ra chúng ta chỉ nên nã pháo vào Attu rồi rút ra khỏi đó,” Phó Đô đốc Takijiro Onishi bảo với một người bạn thường dân, Yoshio Kodama – chính gã Kodama đã cùng với Tsuji âm mưu ám sát Konoye. “Nhưng chúng ta lại mê thích điên rồ cái nơi ấy và đổ vào đó quá nhiều binh lính và khí tài không cần thiết, khiến tiếc rẽ khó lòng bỏ đi. Cũng có rất nhiều đảo như thế ở phía nam.”

                Kodama cho rằng chiến lược của Nhật Bản “quá chú tâm đến tính cách phô trương ra ngoài.”

                Onishi đồng ý. “Và Lục quân với Hải quân cứ gấu ó nhau vì những việc rất vặt vãnh. Còn các bộ chỉ huy Không lực và bộ chỉ huy Điều hành Hạm đội, như anh biết đấy, cứ cãi nhau suốt. Dù chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra nhu cầu tuyệt đối phải củng cố không lực, cơ quan Điều hành Hạm đội lúc nào cũng bám víu vào những ý tưởng cũ rích “Hạm đội là Trên hết” và chỉ nhìn toàn cảnh theo nhãn quan này. Nói cho cùng, chỉ trừ khi Hải quân đụng đầu vào tường, họ mới chịu nghĩ đến việc cải tổ những việc lẽ ra nên được cải tổ. Nhưng đến lúc đó thì mọi thứ đã muộn rồi.

                Mối hiềm khích của Onishi vượt qua diễn tiến tổng quát của cuộc chiến. Ông cảm thấy rằng các bộ chỉ huy Điều hành Hạm đội và các ý tưởng lỗi thời của họ về “Hạm Đội là Trên Hết” đang gạt ra những nhu cầu cấp thiết hơn của không lực. Tất nhiên, quan điểm của ông có tính cục bộ nhưng nó phản ảnh sự tranh chấp đang lớn dần giữa các phòng ban riêng lẻ, thuộc dân sự cũng  như quân sự.

                Sự sút giảm dần dần nhưng có ý nghĩa trong việc sản xuất làm trầm trọng thêm tình hình. Những tổn thất khí tài trong trận đánh không còn có thể được bù đắp và thậm chí những yêu cầu của Hải quân và Lục quân không thể được thỏa mãn. Không chỉ các tư lệnh của những vùng chiếm đóng thất bại trong việc khai thác nguyên liệu địa phương mà chỉ có một phần nhỏ những gì sản xuất đi đến được đất mẹ vì tàu hàng của Nhật có giới hạn và việc đánh phá hủy diệt của lực lượng tàu ngầm Mỹ vào các tàu vận tải trên chuyến đi dài lên phía bắc.

                Sự thiếu thốn nguyên vật liệu càng thêm trầm trọng bởi những điều chỉnh thường trùng lắp và mẫu thuẩn nhau. Sự động viên kinh tế ở Hoa Kỳ, trái lại, càng ngày càng được tăng cường. Trong khi mức sản xuất của Nhật dưới sự thúc đẩy của chiến tranh chỉ tăng một phần tư, thì Mỹ tăng đến khoảng hai phần ba, và hiệu suất chế tạo của Nhật chỉ bằng 35 phần trăm của Mỹ. Đặc biệt có ý nghĩa hơn nữa, tổng sản lượng quốc gia (sử dụng năm 1940 làm cơ sở chỉ số 100) chỉ tăng lên 2 điểm nghèo nàn vào đầu năm 1943, trong khi đó Mỹ đã leo lên đến mức 136. Hơn nữa, đó là một sự bành trướng về mọi mặt. Người Nhật không thể đa dạng hóa sản phẩm. Số đạn dược của họ bùng nổ nhưng các vật dụng phi quân sự phải bị hi sinh. Mười năm trước trận Trân Châu Cảng đã chứng kiến một sự lớn mạnh về sản xuất đến nỗi các giới lãnh đạo tưởng rằng họ có thể đảm đương một cuộc chiến lớn mà không cần phải mở rộng gì đáng kể.

                Đối mặt với thực tại, họ tung ra mọi nỗ lực để nâng cao mức độ tổng quát. Trong vòng vài tháng, tổng sản lượng quốc gia tăng vọt. Sản lượng toàn phần cho thấy một sự tăng vọt đáng kể và mức sản xuất các tiết mục quân sự lêo cao chưa từng thấy. Viễn cảnh tỏ ra hứa hẹn, nhưng liệu có quá muộn không?

                Việc chuyên chở vẫn còn là bài toán nan giải nhất. Ngân sách được phân phối kỹ càng bị xáo trộn bởi việc thất thủ Attu và việc di tản bí mật khỏi đảo Kiska gần đó. Với hai đầu cầu này trong quần đảo Aleutian đã mất, quần đảo Kurile sẽ phải được củng cố và đổ thêm người. Tất cả những việc này sẽ làm phân tán một số lượng lớn việc chuyên chở từ các vùng bị bao vây ở phía nam.

                Cuộc hội thảo liên đới vào tháng 6 tập trung vào tình trạng khẩn cấp này, kết luận rằng các đảo Kurile phải được biến thành pháo đài cho dù điều đó có nghĩa sinh lực quốc gia chịu tổn thất; sản lượng sắt sẽ phải hạ thấp xuống 250,000 tấn, nhôm 6,000 tấn và than 650,000 tấn.

                “Chúng ta đang đối đầu với một cơn khủng hoảng nghiêm trọng,” Đại tá Tanemura viết trong “Nhật ký” của mình đêm đó. Đó là một cuộc khủng hoảng càng chua cay hơn bởi sự tranh chấp làm suy yếu giữa Lục quân và Hải quân về những vấn đề chiến lược. Đô đốc

Soemu Toyoda bắt đầu ví Lục quân như là “bãi phân ngựa.” Nơi công cộng ông tuyên bố rằng ông thích con gái ông lấy một tên ăn mày hơn là một người thuộc Lục quân.

                Cuộc bàn luận về việc chuyên chở bị che phủ đột ngột một vài ngày sau đó, ngày 30/6, bởi thông báo rằng sự đứt quãng trên Solomon đã hết. Đô đốc Halsey đã nhảy cóc lực lượng đổ bộ của ông nửa đường phía trên The Slot đến đảo New Georgia, chìa khóa đến các đảo Solomon trung tâm. Quân đồn trú Nhật đang trong tình trạng báo động, và quân tiếp viện nhanh chóng đến đưa lực lượng phòng thủ lên đến 5,000 người, nhưng binh sĩ không thể đẩy lùi các sư đoàn Lục quân và lính Thủy bì bõm lên bờ biển. Chỉ còn là vấn đề vài tuần trước khi hòn đảo bị tràn ngập. Rồi sau đó không còn gì xa xôi giữa quân Mỹ và đảo Bougainville chiến lược.

                Thiên hoàng triệu tập Thủ tướng. Tojo rời buổi tiếp kiến chấn động vì ‘mối quan tâm nghiêm trọng” của Hoàng thượng và cho gọi đến người mà ông thường vấn kế, Tướng Kenryo Sato. Gương mặt như mang mặt nạ, Tojo nói, “Hỏi các Tổng tham mưu họ tính ngăn cản quân địch ở đâu.”

                “Chúng ta sẽ không hề nhận được câu trả lời,” Sato đáp. “Cả Lục quân và Hải quân không ai có thể soạn ra một kế hoạch để ngăn được họ.” Tojo im lặng nhưng gương mặt không che dấu được sự buồn rầu.

                “Việc gì xảy ra ở Hoàng cung?” Sato hỏi.

                “Hoàng thượng rất lo lắng về tất cả chuyện này,” Tojo lẩm bẩm và rơi vào im lặng lần nữa.

                “Chính xác thì Thiên hoàng nói gì?” Sato khích ông.

                Thủ tướng thình lình ngồi thẳng như người vừa tỉnh ngủ và nói, “Nói thật, Thiên hoàng nói, ‘Các ông cứ luôn miệng nói Lục quân Hoàng gia là bất khả xâm phạm, vậy mà mỗi lần quân địch đổ bộ thì các ông lại thua trận. Các ông chưa hề đẩy lui được cuộc đổ bộ nào của địch. Bộ các ông không thể làm việc đó ở đâu đó sao? Cuộc chiến này rồi sẽ ra sao?’” * Ông nhún vai như thể muốn làm nhẹ đi những gì mình vừa tiết lộ. “Vâng, ngài nói đại khái như thế đó.”

  • Trong ít tuần sau Thiên hoàng lại vài lần bày tỏ những bất mãn. Vào ngày 5/8 ông khiển trách Tham mưu trưởng Lục quân Sugiyama về một chuỗi những thất bại ở New Guinea và Solomon. “Chúng ta không thể tiếp tục bị đẩy lùi từng tấc đấc như thế. Việc thất bại liên tiếp sẽ tạo ra một hiệu quả lớn lao không chỉ cho địch mà còn cho các quốc gia thứ ba. Khi nào các ông mới tiến hành Trận Đánh Quyết Định?” “Khắp nơi mọi việc đều tồi tệ đối với chúng ta,” Sugiyama đáp. “Thần rất tiếc.”

Ba ngày sau Hải quân là mục tiêu của mối bất mãn của Hoàng thượng. “Hải quân đang làm cái quái gì thế?” ngài hỏi Hasunuma. “Bộ không có cách nào khiến binh lính ta có thể tấn công kẻ địch hay sao? Họ cứ tiếp tục bị đẩy lùi và đánh mất lòng tin. Bộ họ không thể giáng cho địch một đòn trí mạng ở đâu đó hay sao?”     

                Nhưng Sato nhấn mạnh là bằng cách thốt ra những lời như thế với Thủ tướng của mình, Thiên hoàng hẳn đã kết luận rằng mình sẽ không nhận được  câu trả lời trực tiếp từ các Tham mưu trưởng Lục quân hoặc Hải quân. “Chắc chắn đó là lý do tại sao cuối cùng Hoàng thượng đặt câu hỏi với ngài. Và nếu đúng, tôi nhắc lại, đó là vấn đề nghiêm trọng. Hẳn Hoàng thượng đã mất niềm tin nơi quân đội.”

                Tojo phản đối là Sato đã đi quá xa. “Những gì tôi vừa nói không chính xác lời lẽ của Thiên hoàng. Ngài không bày tỏ sự thiếu tin tưởng nơi quân đội. Ngược lại, tôi dám khẳng định là ngài vô cùng lo lắng. Tôi sẽ đi nói chuyện với Sugiyama. Còn anh nói với các chỉ huy chiến dịch, và rồi chúng ta sẽ tìm ra biện pháp nào đó. Đây là tình thế vô cùng khẩn cấp. Đừng nói đó là lệnh của thiên hoàng, chúng ta phải nhấn mạnh vào một kế hoạch chiến lược rõ ràng nêu rõ chính xác nơi chúng ta có thể chận đứng sức phản công của địch và chỗ nào là phòng tuyến cuối cùng của mình.”             

                Sato nhất trí và, hơn nữa, bổ sung một cảnh báo khẩn cấp: “Chúng ta cũng phải tiến hành chiến lược chính trị với tất cả điều này trong đầu.”

                Công cụ trung tâm của những mục tiêu chính trị của Nhật vẫn còn là Khối Thịnh vượng chung Đông Á, và nếu Nhật đang thua trên mặt trận sản xuất, nó đang thắng trên trận chiến tuyên truyền trên khắp đại bộ phận của lục địa. Đó là chính sách hình dung một châu Á đoàn kết “trong tình huynh đệ rộng khắp” dưới sự lãnh đạo của Nhật Bản, và với mỗi quốc gia nhận được “vị trí thích đáng” do Thiên hoàng cắt đặt; điều này sẽ dẫn đến hòa bình và thịnh vượng. Được chính quyền Konoye thiết lập vào tháng 11, 1938, nó đã lôi kéo hàng triệu người Á châu  hợp tác trong trận chiến chống phương Tây.

                Nó đã được sáng tạo bởi các nhà duy tâm mong muốn giải phóng châu Á thoát khỏi sự bóc lột của người da trắng. Như với nhiều ước mơ, nó được các nhà duy thực nắm lấy và khai thác. Trước tiên là những người xem Đông Nam Á với tài nguyên phong phú là một giải pháp chữa lành căn bệnh kinh tế; Nhật Bản không thể tiếp tục là một nhà nước hiện đại dưới sự thống trị mậu dịch nhục nhã của người phương Tây. Các nhà quân phiệt cũng nhìn thấy trong chính sách của nó đáp án cho nhu cầu cấp bách nhất – nguyên vật liệu cho chiến tranh – và trở thành những chiến sĩ hăng say nhất của nó. Những gì đã đi từ chủ nghĩa lý tưởng sang chủ nghĩa cơ hội giờ đã phát triển thành một hỗn hợp cả hai thứ.        

                Dù Khối Thịnh vượng Chung bị các nhà quân phiệt và những người ủng hộ theo chủ nghĩa quốc gia làm cho biến chất, lời kêu gọi của nó cho chủ nghĩa Xuyên Á vẫn tương đối không hề sút giảm tính hấp dẫn đối với quần chúng.

                Chủ nghĩa thực dân đi kèm với sự bóc lột đã giúp nâng châu Á ra khỏi vũng lầy quá khứ của nó. Nhưng vào đầu thế kỷ mới vai trò lịch sử của nó đã được hoàn thành và chính chủ nghĩa thực dân đã bị thách thức bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia. Yêu cầu duy tâm của Woodrow Wilson cho sự tự quyết của các quốc gia sau Thế Chiến I hình như áp dụng cho người châu Á cũng như cho người châu Âu. Nhưng nền dân chủ được hứa hẹn không bao giờ

đến phương Đông, tại đó thuộc địa vẫn là thuộc địa; phương Tây có hai chuẩn mực tự do, một cho chính mình và một cho những ai ở phía đông kênh Suez. Qua từng năm khoảng cách giữa Đông và Tây càng nới rộng khi các chủ nhân phương Tây, đặc biệt người Anh, chỉ đưa ra những cải cách vá víu.

                Trừ Trung Quốc, một lục địa đáng ra chín mùi cho cách mạng vẫn còn mê ngủ; những cuộc nổi dậy ở mỗi xứ ngóng đợi người khác nổi dậy trước. Họ không còn ngước nhìn các nhà lãnh đạo dân chủ; thay vào đó, thần tượng của họ là những kẻ độc tài như Hitler, người đã đạt được những thắng lợi ngoại giao và quân sự ngoạn mục đối với Anh và Pháp. Trên khắp châu Á lối chào của bọn Phát xít và bàn tay nắm chặt của công nhân giành giựt sự ủng hộ của quần chúng.

                Những nỗ lực của Anh nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người châu Á trong cuộc chiến của họ chống lại phe Trục được đón nhận bằng sự chế giễu. Năm 1940 Tiến sĩ Ba Maw, đã theo học tại Cambridge và trở thành thủ tướng đầu tiên của Miến Điện, cảnh báo nghị viện của ông nhớ lại những mục tiêu chiến tranh “duy tâm” của Anh trong Thế Chiến I. “Với cùng nhiệt tình về luân lý họ tuyên bố rằng trong việc chiến đấu chống người Đức họ đang bảo vệ những quốc gia nhỏ bé hơn; họ đang tạo ra sự an toàn thế giới cho nền dân chủ; . . . và tuyệt đối họ không có tham vọng về lãnh thổ. . . . Nhưng kết quả thế nào? Việc gì xảy ra khi trận chiến và tiếng hò hét đã qua và người chiến thắng đã đạt được thắng lợi của họ? Đế chế Anh có thêm xấp xỉ một triệu rưỡi dặm vuông lãnh thổ mới như một chiến lợi phẩm của chiến tranh. Điều gì xảy ra đối với học thuyết tự quyết? Khi tôi, với thói khinh suất cố hữu, đề cập tính tự quyết trước Ủy ban Tuyển chọn Phối hợp vào lúc Ủy ban đang chỉ trích kịch liệt hiến pháp Miến Điện, các đại biểu Anh vui mừng.” Nhưng bài diễn văn nổi loạn này không vui đối với người Anh và Ba Maw bị bắt vào tù.

                Năm sau việc ký Hiến chương Đại Tây Dương giữa Churchill và Roosevelt một lần nữa đem đến tia hi vọng cho một số nhà lãnh đạo chính trị Á châu rằng phương Tây cuối cùng đã bỏ đi chuẩn mực kép của tự do. Bộ hiến chương không tuyên bố “quyền của mọi dân tộc được chọn lựa hình thức chính quyền mà họ sống? Churchill sớm làm rõ, tuy nhiên, rằng Hiến chương không áp dụng cho các thuộc địa Anh – nói cách khác, chỉ cho các quốc gia da trắng.

                Do đó, thời điểm còn hơn là chín mùi cho sự chấp nhận rộng rãi lời kêu gọi tập họp của người Nhật đối với chính sách Xuyên Á. Kể từ giữa thế kỷ trước, sự độc lập của Nhật Bản  đã nhắc nhở không ngừng là người Á châu cũng có thể tự do. Sự kiện Đô đốc Togo đánh tan hạm đội Nga năm 1905 đã đánh dấu sự thoát khỏi ách thống trị phương Tây của người Á châu và đem đến cho mọi người Đông phương một niềm tự hào. Sự thất thủ của Singapore vào năm 1942 càng cung cấp thêm bằng chứng ấn tượng rằng người da trắng không phải là vô địch. Cảnh tượng binh lính Anh rút lui trên mọi mặt trận làm người Á châu say sưa, và nhiều nơi trên lục địa sẵn sàng làm đồng minh một cách tích cực với kẻ chiến thắng.

                Trường hợp ngoại lệ nổi bật, tất nhiên, là Trung Hoa, tại đó hàng trăm ngàn binh lính Nhật vẫn còn vướng víu trong một cuộc chiến vô tận, đầy thất vọng. Phần đông người Nhật không thể hiểu tại sao Tưởng Giới Thạch tiếp tục chiến đấu. Không phải rõ ràng là ông đang

 bị Churchill và Roosevelt lợi dụng như một công cụ hay sao?  Có một số người Nhật cấp tiến, tuy nhiên, đã luôn chống đối sự chiếm đóng Trung Quốc của người Nhật. Một người là Mamoru Shigemitsu, đại sứ trong chính phủ bù nhìn hợp tác ở Nam Kinh. Giờ ông ta lập luận rằng sự thành công của Khối Thịnh vượng Chung phụ thuộc vào cách giải quyết đúng đắn vấn đề Trung Hoa. Làm sao Nhật bản có thể kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa thuộc địa trong khi đối xử với một đại bộ phận Trung Hoa như một thuộc địa? Những hiệp ước bất bình đẳng đang tồn tại với Nam Kinh nên hủy bỏ và sự viện trợ kinh tế phải được xúc tiến không giới hạn.

                Tojo, người đã hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến ở Trung Hoa như một nhà quân phiệt, giờ nhìn biện pháp theo một nhãn quan khác của một thủ tướng, và chào đón đề nghị của Shigemitsu. Cũng có chống đối từ các lãnh đạo Lục quân, nhưng vào đầu năm 1943 Tojo đã thuyết phục họ cách tốt nhất để có được nguyên vật liệu từ Trung Hoa là chấp nhận kế hoạch của Shigemitsu. Nhiều vụ sắp xếp được tiến hành nhằm trả lại những khu định cư Nhật ở Tô Châu, Hán Khẩu, Thiên Tân cho chính quyền Nam Kinh, và những hiệp ước mới được đàm phán. Shigemitsu được vời đến Tokyo để trở thành bộ trưởng ngoại giao mới và trong Nghị viện ông thúc giục lần này đến lần khác là tất cả khối Đông Á phải được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của quân đội và được ban cho quyền tự do chính trị. “Đối với Nhật Bản điều đó có nghĩa thiết lập chính sách ‘láng giềng tốt’ và cải thiện mối bang giao quốc tế của chúng ta.’

                Chính Shigemitsu là người khởi đầu giai đoạn thập tự chinh mới mẻ này, còn Tojo là người cầm đầu nó. Ông thông báo với Nghị viện rằng Miến Điện sẽ được công nhận là một nhà nước độc lập trước cuối năm. Vào tháng 3 một phái đoàn Miến Điện được mời đến Tokyo. Phái đoàn do Ba Maw dẫn đầu. Ông vừa thoát khỏi trại giam ngay trước khi người Anh di tản khỏi Miến Điện. Những vị khách Miến Điện được tiếp đón nồng ấm. Ba Maw tràn ngập những cảm xúc ái quốc mà ông bắt gặp từ mọi phía. Nhật Bản đúng là “cơn lốc xoáy của mối xung đột toàn Á châu.” Tojo, Tướng Sugiyama, Đô đốc Shimada và Shigemitsu tất cả hiện ra trước mặt ông như là những sản phẩm mới của “thời đại Á châu bùng nổ, năng động, táo bạo, ý thức đầy đủ về một châu Á mới mẻ làm nền tảng cho Khối Thịnh vượng Chung Đông Á.” Tojo, hơn nữa, đang cho thấy “tầm nhìn xa đáng kinh ngạc” đưa đến nhãn quan chính trị tích cực  trong quyết tâm đem độc lập cho các xứ sở bị chiếm đóng.

                Ở Mỹ Khối Thinh vượng Chung gần như bị chế giễu là trò tuyên truyền rẻ tiền, nhưng nhà văn, Pearl Buck, cố gắng cảnh báo đồng bào Mỹ của mình là tinh thần của chủ nghĩa Xuyên Á thật ra ăn rất sâu. Bà viết cho bà Roosevelt, một ít ngày sau trận Trân Châu Cảng, là tồn tại “trong mọi dân tộc Đông phương một ý thức rất sâu sắc là người da trắng thường là, hoặc có thể là, kẻ thù chung của họ, và rằng xét cho cùng luôn tồn tại một khả năng là thời điểm sẽ đến khi những dân tộc này, thậm chí giữa những kẻ thù hiện nay như Nhật và Trung Hoa, có thể đoàn kết lại như một người da màu chống lại người da trắng. Họ lúc này chưa đến thời điểm đó, nhưng khả năng luôn hiện ra trong đầu óc họ. Điều này có thể được diễn tả tốt nhất bởi nhận xét của một giáo sư Trung Hoa . ‘Mặc dù ngay lúc này người Nhật là kẻ thù của chúng tôi, nhưng nếu phải lựa chọn tối hậu, chúng tôi thà phụ thuộc vào Nhật hơn là vào Hoa Kỳ, bởi vì người Nhật ít nhất không coi chúng tôi là chủng tộc hèn kém.’ Sự thật là những dân tộc phương Đông này, cho dù những người bây giờ đang là đồng minh của chúng ta, vẫn đang lén lút theo dõi thái độ của chúng ta đối với họ có phải như đối với chủng tộc khác, và nếu họ sợ cuối cùng họ không được đối xử bình đẳng với chúng ta, họ sẽ chỉ đi theo chúng ta chừng nào mà những mục đích tạm thời của họ được thực hiện, và sau đó quay ra chống lại chúng ta vì theo quan điểm họ chúng ta chỉ là những người bóc lột. “

                Bà cảnh báo rằng một tình huynh đệ ngấm ngầm giữa các dân da màu “đang lớn mạnh trên thế giới khi những dân tộc Á châu thức tỉnh về mặt chính trị này nhận biết được sức mạnh của chính mình, và trừ khi chúng ta thận trọng và khôn ngoan cực kỳ, kết quả của sự thức tỉnh này sẽ trở thành tai họa cho chúng ta . . . Chúng ta người da trắng phần đông đều không biết hoặc quên đứt sự kiện là từ tất cả cuộc chiến đấu này có thể phát triển ra một liên minh các dân tộc theo màu da và chủng tộc, nhưng các dân tộc Á châu không bao giờ quên tiềm năng này, và tất cả những gì họ làm sẽ được làm với những dự phòng cần thiết cho sự liên minh đó. Tôi đã phát hiện với sự khiếp đảm là thậm chí tồn tại một dự phòng như thế trong tâm trí nhiều người Mỹ da màu của chúng ta, dù tự nhiên và mong muốn trung thành với đất nước này, vậy mà vì thành kiến chủng tộc cố chấp đã khiến họ tin, từ những trải nghiệm riêng của mình cùng sự tuyên truyền của Nhật Bản, rằng đừng nên hi vọng điều gì tốt đẹp từ người da trắng, và rằng các dân tộc da màu phải đoàn kết và chinh phục người da trắng trước khi có thể có bất kỳ cách thức nào để thoát khỏi ách thống trị của thành kiến chủng tộc.”

                Bà Buck cất lên tiếng nói quan tâm trên công luận trong một bài viết cho tờ New York Times Magazine, phát hành một tuần trước Trân Châu Cảng.

                . . . Thế Chiến II này khoác lên một dáng dấp mới nguy hiểm hầu hết vì có sự tham chiến của Nhật Bản. Mặc dù chúng ta có thể không muốn biết điều ấy, có thể chúng ta đã bước vào một cuộc chiến cay đắng nhất và lâu dài nhất của loài người, cuộc chiến giữa Đông và Tây, và điều này có nghĩa là cuộc chiến giữa người da trắng và thế giới của họ với người da màu và thế giới của họ. . .

                Ở Ấn Độ vấn đề chủng tộc là những câu hỏi bùng cháy, mà ngọn lửa của nó bốc lên cao hơn mỗi giờ; ở Miến Điện đó là ngọn lửa gầm thét; ở Java, vâng, và ở Phi Luật Tân và ở Trung Hoa.

                Rào cản chủ yếu giữa Đông và Tây ngày nay là người da trắng không chịu từ bỏ tính thượng đẳng của mình còn người da màu không còn muốn chịu đựng tính hạ đẳng của họ.  .  . Người da trắng đi sau người da màu một thế kỷ. Người da trắng còn suy nghĩ theo phạm trù thuộc địa và chính quyền thuộc địa. Người da màu biết rằng thuộc địa và mặc cảm thuộc địa đã lỗi thời. Hình thức thuộc địa hóa cuộc sống đã qua rồi, dù người da trắng có biết điều ấy hay không, và tất cả việc còn lại là đá văng các vỏ nhộng. Người Á châu ngày nay không phải là dân thuộc địa và y đã quyết tâm sẽ không bao giờ là dân thuộc địa thêm một lần nữa.

                . . . Nói tóm lại ngày nay nếu người da trắng không tự cứu mình bằng cách nhận ra rằng mọi người thực sự sinh ra đều tự do và bình đẳng, y sẽ không thể tự cứu được mình chút nào hết. Bởi vì người da màu đang sẵn sàng đứng lên đòi quyền tự do và bình đẳng đó. . .

                Khổ thay, bài viết có tính tiên tri của bà Buck không có mấy ảnh hưởng đến Washington. Không có mấy nỗ lực được thực hiện nhằm phản kháng lời kết án của người châu Á về thành kiến màu da của người Mỹ. Ngược lại, chính quyền còn làm trầm trọng thêm lời tố cáo này bằng cách đối xử tệ bạc những công dân Mỹ gốc Nhật. Ngay sau trận Trân Châu Cảng, nỗi sợ hãi lan tràn khắp Bờ Tây và những yêu sách tiếp sau đòi lùa vào trại tập trung  tất cả người Nhật, công dân cũng như nước ngoài.

                “Tôi không nghĩ đó một việc làm đúng đắn,” Tướng John L. DeWitt, chỉ huy của tư lệnh Phòng thủ phía Tây, nói. “Một công dân Mỹ, suy cho cùng, là một công dân Mỹ. Và trong khi có thể không phải tất cả họ đều trung thành, tôi cho rằng chúng ta có thể loại ra những người phản bội khỏi những người trung thành, và bắt nhốt họ nếu cần.”

                Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson nhất trí, nhưng sự khích động suốt Bờ Tây tăng lên sau mỗi chiến thắng của Nhật Bản. Ở California, Chưởng lý Tiểu bang Earl Warren cảnh báo rằng, trừ khi di tản các người Mỹ gốc Nhật nhanh chóng sẽ có thể xảy ra một Trân Châu Cảng thứ hai. Thống đốc Charles Sprague của bang Oregon điện cho Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ yêu cầu “hành động rộng khắp nhằm bảo vệ chống lại các hoạt động ngoại bang khả dĩ, đặc biệt bởi những người Nhật cư trú ở bờ biển Tây.” Thị trưởng Seattle, Earl Millikin, tuyên bố rằng trong số 8,000 người Nhật của thành phố, “7,900 chắc chắn không có vấn đề gì nhưng 100 người còn lại có thể đốt rụi thành phố và để máy bay Nhật tiến vào và mang đến một tai họa lớn hơn cả Trân Châu Cảng.”

                Thái độ chống Nhật tăng lên không chỉ giới hạn ở khu vực ven biển Thái Bình Dương. Trong cuộc thăm dò quốc gia 41 phần trăm tin rằng “người Nhật sẽ luôn muốn gây chiến để trở thành cường quốc”; 21 phần trăm xem dân Đức mang bản chất quân phiệt. Do đó, có thể hiểu được là một chính trị gia lão luyện như Roosevelt phải lắng nghe những tiếng nói này – đó là năm bầu cử – và chống lại lời khuyên của J. Edgar Hoover, ông ra lệnh Bộ Chiến tranh thi hành việc di tản tập thể người Nhật. Tối Cao Pháp Viện ủng hộ tính hợp hiến của hành động này. Lúc đầu dự định là định cư người Mỹ gốc Nhật bên trong nội địa, nhưng cư dân trong những vùng được dự định phản đối quá dữ dội đến nỗi người ta xem là thích đáng nếu bắt “những tù nhân” vô ở trong trại của nhà nước.

                Một kế hoạch tương tự định cư người gốc Đức và Ý cũng gặp những chống đối khiến chính quyền phải hủy bỏ, lý giải rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc kinh tế của quốc gia và hạ thấp tinh thần của những công dân có quốc tịch này. Nhưng không có ai bênh vực người Nhật, cũng là công dân nhưng thường được coi là ngoại lai – họ có màu da khác. Gần 110,000 người Mỹ trung thành, mà tội duy nhất của họ là huyết thống họ, được bứt đi khỏi nhà cửa của mình, bắt buộc phải bán đi với giá rẻ mạt. Họ bị nhốt phía sau hàng rào kẽm gai trong “những trung tâm tái định cư” dọc theo bờ biển khá hơn một chút so với trại tập trung; nhiều người thậm chí bị tịch thu hết tiền để dành cả đời của mình.*

  • Những hành động này có thể hiểu được dưới sức ép của tính điên cuồng tập thể trong thời chiến, nhưng thái độ thời hậu chiến của chính quyền thì không theo kịp tính dân chủ. Chỉ một số tiền đền bù nhỏ được trả cho những người đã mất đất đai và hầu hết sở hữu cá nhân của họ dù họ không có tội lỗi gì. Thiệt hại ước tính $400,000,000 nhưng chỉ có $40,000,000 được trả bồi thường – tức chỉ 10 phần trăm.

Trường hợp khoảng 4,000 tài khoản gởi trong chi nhánh California của Ngân hàng Yokohama đặc biệt đáng xấu hỗ. Chính quyền tich thu tất cả tài khoản này coi là “tài sản của kẻ địch,” do đó đóng băng các tiền tiết kiệm cả đời này. Phải đến 1957 Phòng Tài sản Ngoại Nhân (OAP) mới quyết định trả lại số tiền này – với tỉ lệ hai xu cho một đô la. Số tiền nhận nhỏ nhoi đáng thương đến nỗi chỉ có 1,600 người nộp đơn xin nhận lãnh. Những người này sau đó chống án và một phiên tòa cuối cùng ra lệnh cho OAP phải trả hết phần tiền tiết kiệm còn lại. Khi nghe tin này 2,400 người gởi tiết kiệm khác cũng nộp đơn xin lãnh nhưng bị OPA từ chối với lý do là họ đã mất tư cách do không nộp đơn lần trước. Chỉ đến ngày 24/10/1966, tức gần 25 năm sau ngày Trân Châu Cảng, Tối Cao Pháp Viện mới đồng ý cứu xét lời thỉnh cầu của họ. Vào ngày 10/4/1967, Tối Cao Pháp Viện đảo ngược phán quyết và gửi trả vụ kiện về Tòa Thượng Thẩm xử lại. Cuối cùng, vào ngày 1/8/1969, vụ án được giải quyết thuận lợi cho người gởi tiền với “số tiền xấp xỉ trước

chiến tranh nhưng không tính lãi.”

                Elmer Davis, Giám đốc Phòng Tin tức Chiến tranh, kháng nghị chính thức đến Tổng thống:

                . . . Sự tuyên truyền của người Nhật đến với người Phi Luật Tân, Miến Điện, và những nơi khác hô hào rằng đây là một cuộc chiến chủng tộc. Chúng ta có thể tiến hành cuộc chiến này một cách hiệu quả bằng sự tuyên truyền phản bác chỉ khi nào những chiến tích của chúng ta cho phép chúng ta nói lên sự thật. Hơn nữa, là những công dân tin tưởng sâu sắc vào những điều vì chúng mà chúng ta chiến đấu, chúng ta không thể không băn khoăn trước những ngộ nhận không dứt của quần chúng về người Nhật; các giới thẩm quyền thông thạo, kể cả các nhân viên Tình báo Hải quân, đều cho rằng hơn 85 phần trăm người Mỹ gốc Nhật đều trung thành với xứ sở này và ta có thể dễ dàng phân biệt đám cừu với lũ dê.

                               Nhưng lời cảnh báo của Davis cũng không được đón nhận hơn gì lời cảnh báo của Pearl Buck. Washington vẫn mù quáng trước hiệu quả mà cuộc di tản người Nhật có thể gây ra đối với các dân tộc Á châu. Họ cũng không suy nghĩ nhiều đến các vấn đề hậu chiến của mình. Châu Á chỉ là một mặt trận, tầm quan trọng của nó tiếp tục lớn mạnh trong đầu óc các Tham mưu trưởng Liên quân cho dù có sự chống đối dai dẳng của người Anh. Vào ngày 8/5/1943, Churchill điện cho Stalin:

                TÔI ĐANG Ở GIỮA ĐẠI TÂY DƯƠNG TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN WASHINGTON ĐỂ

                KHAI THÁC XA HƠN TÌNH HÌNH ÂU CHÂU SAU SICILY, VÀ GIẢI QUYẾT XA HƠN

                BÀI TOÁN ẤN ĐỘ DƯƠNG VÀ VIỆC CÔNG KÍCH NHẬT BẢN Ở ĐÓ.

                Ông đi đến một hội nghị khác, lần này chỉ với người Mỹ, mà ông đích thân đặt tên thánh là “Trident.” Ba ngày sau con tàu ông đến ngoài khơi Đảo Staten. Chiều hôm sau lúc 2:30 tại Nhà Trắng ông hội kiến với Roosevelt và các nhà lãnh đạo quân sự của cả hai nước. Ông nói người Anh đã đến Trident “theo các nghị quyết Casablanca.” Chiến dịch Phi châu sắp sửa kết thúc và việc xâm chiếm Sicily đang đến gần. Sau đó sẽ đến việc gì? Theo ý kiến ông, mục tiêu đầu tiên sẽ là đánh bại Ý. Việc này “sẽ gây ra một tình trạng cô lập lạnh lẽo cho nhân dân Đức, và có thể là sự khởi đầu cho sự sụp đổ của họ.” Hơn nữa, nó sẽ biến đổi sâu sắc tình hình ở vùng Balkan và cho phép sự dịch chuyển của nhiều tàu chiến và tàu sân bay Anh đến Vịnh Bengal hoặc Thái Bình Dương.

                Thời điểm cũng đã đến, ông nói, “để nghiên cứu kế hoạch dài hạn cho việc đánh bại Nhật Bản.” Giả sử Đức bị đánh bại vào năm 1944, người Anh cam kết sẽ “tập trung vào chiến dịch lớn chống Nhật vào năm 1945.” Trong bất kỳ trường hợp nào, cách giải quyết tốt nhất cho cuộc chiến ở Viễn Đông là đem Nga vào cuộc.

                Roosevelt trả lời rằng một triệu tấn hàng hóa Nhật đã bị nhận chìm xuống đáy biển, và nếu việc này tiếp tục, vùng hoạt động của địch sẽ bị giới hạn trầm trọng. Nhưng để người Mỹ có thể duy trì thế tiến công hủy diệt về hải quân này, thì cần phải xây dựng các căn cứ không quân ở Trung Hoa; và xứ sở đó, ông cảnh báo, có thể sụp đổ trừ khi nhận được viện trợ nhiều hơn ngay lập tức.

                Suốt 9 ngày hội thảo làm việc cật lực để đi đến một thỏa thuận hiệu quả. Hai ban tham mưu quân sự họp có khi đến 4 phiên một ngày; chỉ riêng về những biện pháp chiến tranh chính yếu 6 phiên họp toàn thể, có sự tham dự của Churchill và Roosevelt, được tiến hành.

                Nhưng Brooke, vốn ngưỡng kiên nhẫn rất thấp, càng ngày càng khó chịu trước Đô đốc King tính toán và “mong muốn không ngừng nghỉ của ông ta luôn tìm cách quay về vấn đề san sẻ lực lượng cho mặt trận Thái Bình Dương.” Họ tranh cãi nhau công khai vào ngày 21/5 tại cuộc họp Tham mưu trưởng Liên quân trong đó King nhấn mạnh là “sức ép không sút giảm” lên người Nhật không chỉ cần phải duy trì mà còn nên tăng cường. Ông muốn những không kích từ các căn cứ của Trung Quốc trong năm nay, cũng như một chiến dịch ở Miến Điện, đánh chiếm các đảo Marshall và Gilbert, New Guinea và quần đảo Solomon-Bismarck.

                Người Anh nổi nóng. Họ cũng từ chối việc ấn định một thời điểm chắc chắn cho cuộc tấn công lên châu Âu băng qua Kênh English [kênh ngăn chia Pháp và Anh: ND]. Lập luận của người Mỹ thắng thế, tuy nhiên, vào phiên họp cuối cùng cả Roosevelt lẫn Churchill đều tán thành ngày xâm chiếm kênh là 1/5/1944, và đối với “sức ép không sút giảm” chống quân Nhật, với một điều khoản tránh bẽ mặt là các Tham mưu trưởng Liên quân sẽ duyệt xét lại các chiến dịch “trước khi hành động.”

                Nhưng những bất đồng về ưu tiên mặt trận là một vấn đề khó êm đẹp. Trong không tới 3 tháng Roosevelt và Churchill gặp nhau lần nữa ở Quebec tại Khách sạn Frontenac. Một lần nữa người Mỹ thúc giục một cuộc công kích chủ lực ở Miến Điện và một lần nữa Churchill cố tránh né vấn đề bằng cách đề nghị, thay vào đó, một trận tấn công bổ sung vào Sumatra. Roosevelt không dễ bị xao nhãng. Việc tấn công kiểu đó chỉ tổ đi xa Nhật Bản. Họ nên tập trung mọi nguồn lực vào Con đường Miến Điện, vốn là lộ trình ngắn nhất đến Tokyo.

                Cuộc tranh luận không giải quyết được, Tham mưu trưởng Liên quân trở về phòng tạm nghỉ, mà còn mếch lòng nhau. Những người đợi bên ngoài hành lang bổng giật mình vì có vài tiếng súng lục nổ từ bên trong.

                “Trời đất, giờ chắc họ đang bắt đầu bắn nhau!” ai đó la lên.

                Đó chỉ là một thực nghiệm ấn tượng. Lord Mountbatten, một người ủng hộ nhiệt tình việc sử dụng một loại băng mới, Pykrete, để tạo ra sân bay nổi, đã bắn súng lục của mình vào một khối băng bình thường, làm vỡ nát nó, và rồi bắn vào khối Pykrete. Viên đạn dội lại, khía một nấc vào ống quần của King.

                Mountbatten không thành công trong việc lăng xê Pykrete, nhưng năng lực quân sự của ông được nhìn nhận và ông được giao chức Tư lệnh Đông Á – bao gồm cả Miến Điện.

4.

                Xứ sở đó, giờ đang thuộc trách nhiệm của Mountbatten , chuẩn bị nhận được độc lập từ Nhật Bản. Một hiến pháp nhanh chóng được soạn thảo, kết hợp chặt chẽ các học thuyết

chuyên chế và dân chủ. Nó tuyên bố rằng Miến Điện sẽ là một quốc gia hoàn toàn độc lập và có chủ quyền, mọi quyền lực xuất phát từ nhân dân, trong khi khẳng định rằng nó sẽ được “cai trị bởi Naingandaw Adipadi, tức Nguyên thủ Quốc gia, người có quyền và vị thế tối cao.” Khẩu hiệu chính thức của quốc gia mới cũng lấy cảm hứng từ Hitler: “Một Huyết Thống, Một Tiếng Nói, Một lãnh Tụ.”

                Ngày đầu tháng 7 Tiến sĩ Ba Maw, người hiển nhiên được lựa chọn giữ chức Adipadi, gặp Tojo ở Singapore. Thủ tướng có tin tức mà ông nghĩ hẳn sẽ làm vui lòng Ba Maw; người Nhật trả lại tân quốc gia đại bộ phận Bang Shan – tọa lạc trên biên giới phía đông của Miến Điện. Tuy nhiên, có hai bộ phận trong đó sẽ thuộc về Thái Lan.

                Cảm xúc của Ba Maw lẫn lộn. “Không người Miến Điện hoặc người Shan nào sẽ hoàn toàn sung sướng khi lãnh thổ và dân tộc Shan bị cắt rời.” Tojo lấy làm tiếc nhưng Nhật Bản đã hứa trả hai bộ phận đó cho Thái Lan như cái giá trở thành một đồng minh.

                “Nhưng chúng tôi cũng đến với các ông mà,” Ba Maw nói, “và chúng tôi cũng muốn có phần của mình.”

                Tojo nhún vai cho qua và vui vẻ hứa sẽ “đền bù cho Miến Điện bằng cách nào đó.” Ba Maw trở nên hùng hổ, kết án thái độ xấc xược và thường tùy tiện của các binh lính Nhật ở Miến Điện.

                Tojo đến Singapore vì một lý do khác: hội ý với Subhas Chandra Bose, lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Ấn Độ, người không như Gandhi và Nehru, cho rằng chỉ có bạo lực mới có thể đem lại tự do cho Ấn Độ. Một người cao to – ông cao sừng sững hơn Tojo và Ba Maw – Bose là một nhà cách mạng nhiệt huyết với một cá tính lôi cuốn và tài hùng biện. Ông đến Singapore để chiêu dụ hàng ngàn binh sĩ Ấn đã đầu hàng trong chiến dịch Malay. Họ đã tán thành cuộc thập tự chinh của ông – cuộc chiến đấu giành tự do từ tay Vương quốc Anh – và đã nhìn nhận ông làm lãnh tụ Liên minh Độc lập Ấn Độ ở Đông Á.

                Tai một cuộc mít tinh ông hùng hồn nói với những người mới tuyển mộ: “Khi Pháp tuyên chuyến với Đức vào năm 1939 và chiến dịch mở màn, trên môi các binh sĩ Đức chỉ hô vang một tiếng duy nhất – ‘Đến Paris, đến Paris!’ Khi các chiến sĩ can trường của Nhật Bản lên đường ra mặt trận vào tháng 12, 1941, trên môi của họ chỉ hô vang một tiếng duy nhất – ‘Đến Singapore, đến Singapore!’ Các đồng chí, hãy hô vang tiếng hét xung phong ‘Đến Delhi, đến Delhi!’”

                Lời hứa hẹn trả độc lập cho Miến Điện của Tojo thành hiện thực ngày 1 tháng 8. Lúc 10 giờ Tướng Masakazu Kawabe ra lệnh rút lui ủy ban quân quản Nhật. Đó là một buổi sáng rực rỡ, thỉnh thoảng có những đợt mưa, và thủ đô Rangoon đang có không khí của một ngày hội. Một giờ hai mươi phút sau, tại Nhà khách Chính phủ, Miến Điện tuyên bố là một nhà nước độc lập và có chủ quyền với Ba Maw là Nguyên thủ Nhà nước, và vào chiều đó ông đọc lời tuyên cáo bằng tiếng Miến Điện tuyên chiến với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, ông nhắc nhở nhân dân mình là tự do không chì có những lời hoan hô và lễ mừng. “Nhiều người đã khóc vì được chứng kiến ngày giải phóng này mà họ mơ ước được thấy trong đời mình,” ông nói. “Nhưng chúng ta biết rằng không chỉ có mơ ước, mà còn có thực tế . . . Giờ đây khi nền độc lập đã đến với chúng ta từ cuộc chiến này, chúng ta phải bảo vệ nó trong cuộc chiến này . . . Miến Điện nhất định đứng trong tuyến đầu của cuộc chiến hôm nay . . . Rõ ràng là chúng ta phải chấp nhận và thực hiện chính sách tuyến đầu.”

                Vào ngày 14/10 Phi Luật Tân tuyên bố nền độc lập của mình và một tuần sau Chính quyền Lâm thời của Ấn Độ Tự Do được thành lập, với Chandra Bose làm Nguyên thủ. Phương Tây không nhận ra ý nghĩa của các sự kiện này. Các chính phủ mới chỉ là bù nhìn của Nhật, nhưng qua chúng hàng triệu người Á châu thoáng thấy bóng dáng của tự do vuột  khỏi tay người da trắng lần đầu tiên. Nhiệt huyết của họ lên đến cao độ khi Trung Hoa, Thái Lan, Mãn Châu Quốc, Phi Luật Tân và Miến Điện phái đại diện đến Tokyo dự Hội nghị Đại Đông Á vào đầu tháng 11. * Chandra tham dự với tứ cách quan sát viên.

  • Lãnh tụ chính trị Indonesia, Sukarno, không được mời. Theo Kenryo Sato, Tojo chống đối trao độc lập cho Indonesia vào lúc này vì nỗ lực chiến tranh của Nhật lệ thuộc vào tài nguyên của nó, và Indonesia chưa “sẵn sàng để quản lý kho báu đó.”

 

                “Chúng ta tụ họp bên nhau,” Ba Maw viết, “không như những dân tộc riêng lẻ mà là thành viên của một gia đình lịch sử duy nhất gồm tất cả những dân tộc này.” Jose Laurel, Tổng thống Phi Luật Tân, vốn được Quezon bí mật giao nhiệm vụ giả đò hợp tác với người Nhật, giờ lại cảm thấy chủ nghĩa Xuyên Á đặc biệt hấp dẫn. “Một tỉ người phương Đông, một tỉ người của Khối Đại Đông Á,” ông tuyên bố với ánh mắt rực sáng, vào buổi tiếp tân chính thức vào chiều tối trước buổi mít tinh, “làm thế nào mà họ đã bị thống trị, một bộ phận đông đảo của họ đặc biệt bởi Anh và Mỹ?”

                Cách bài trí khô cứng và sơ sài của phòng hội nghị trong Tòa nhà nghị viện không tương xứng với nhiệt huyết của những người tham dự vào ngày 5/11. Các bàn, được phủ bởi khăn trải len xanh, được bố trí theo hình dáng của một hình móng ngựa hơi vuông vức, ba bên có trang trí những chậu bon sai. Là chủ tịch, Tojo ngồi ở phần đầu của hình móng ngựa cùng với phái đoàn của ông ta. Bên phải ông là đại biểu Miến Điện, Mãn Châu Quốc và Trung Quốc, và bên trái là Thái Lan, Phi Luật Tân và Ấn Độ.

                “Đó là một sự kiện không thể tranh cãi được,” Tojo nói một cách súc tích, “rằng các quốc gia của Khối Đại Đông Á được ràng buộc trong mọi lãnh vực bằng một sợi dây liên hệ không thể chia cắt được. Tôi tin tưởng mạnh mẽ là trong trường hợp như thế, sứ mạng chung của họ là đảm bảo tính vững chắc của Đại Đông Á và để xây dựng một trật tự mới của sự thịnh vượng và phúc lợi chung.

                Uông Tinh Vệ, đứng đầu chính phủ Nam Kinh – chính phủ bù nhìn đầu tiên – tuyên bố: “Trong cuộc chiến của Đại Đông Á chúng ta muốn đạt thắng lợi, trong công cuộc kiến thiết Đại Đông Á chúng ta muốn thịnh vượng chung. Tất cả các quốc gia của Đông Á phải yêu thương đất nước của mình, yêu thương láng giềng của mình và yêu thương Đông Á. Phương châm của Trung Hoa là sự hồi sinh của Trung Hoa và phòng thủ Đông Á.”

                Hoàng thân Wan Waithayyakon của Thái Lan lên diễn đàn, theo sau là Chang Chung-hui, Thủ tướng của Mãn Châu Quốc, rồi tới Laurel. Cảm xúc của người Phi Luật Tân thể hiện  trong giọng nói cũng như qua lời lẽ của ông. “Đoàn kết với nhau một và tất cả cùng trong một tổ chức vững chắc và mạnh mẽ thì không có quyền lực nào có thể ngăn cản hoặc tước đoạt công cuộc giành lại quyền tự do và cơ hội định đoạt số phận của một tỉ người Đông phương. Thượng đế trong sự minh triết vô biên của Người sẽ không bỏ rơi Nhật Bản và sẽ không bỏ rơi những dân tộc Đại Đông Á. Thượng đế sẽ đến và giáng trần, than khóc cùng chúng ta, và vinh danh lòng can trường và dũng khí của nhân dân ta và giúp chúng ta tự giải phóng mình và ban cho con cháu ta và con cháu của con cháu ta được tự do, hạnh phúc và hưng thịnh.”

                Ba Maw được dành phát biểu cuối cùng một cách thích đáng. “Không thể nào nói cho hết những cảm xúc phát sinh ra trong một cơ hội như thế này,” ông nói nồng nhiệt. “Nhiều năm liền ở Miến Điện tôi mơ những giấc mơ Á châu của mình. Dòng máu Á châu của tôi luôn kêu gọi đến những người Á châu khác. Trong mơ, khi đang ngủ cũng như đang tỉnh thức, tôi đã nghe tiếng nói của châu Á đang kêu gọi con cái mình.

                “Ngày nay . . . tôi nghe tiếng gọi của châu Á một lần nữa, nhưng lần này không phải là trong giấc mơ.  .  . Tôi đã lắng nghe với tình cảm sâu sắc nhất tất cả bài diễn văn đọc lên quanh bàn hội nghị này. Tất cả bài diễn văn đều đáng ghi nhớ, đều gây xúc động, và – tôi có thể đang phóng đại, và nếu thế xin hãy thông cảm cho tôi – tôi hình như nghe trong những lời lẽ đó tiếng nói ấy của châu Á đang tập họp con cái mình lại. Đó là tiếng nói của huyết thống Á châu. Đây không phải là lúc suy nghĩ bằng trí óc chúng ta; đây là lúc để suy nghĩ bằng máu huyết chúng ta, và chính sự suy nghĩ bằng máu huyết này đã mang tôi suốt đường dài từ Miến Điện đến Nhật Bản.  .  .

                “Chỉ rất ít năm trở lại đây người dân Á châu hình như đã sống trong một thế giới khác, thậm chí trong những thế giới khác, bị phân chia, bị tha hóa, và không hiểu rõ nhau hoặc thậm chí không buồn biết đến. Châu Á như một tổ quốc không tồn tại cách đây một vài năm. Khi đó châu Á  không là một, mà là nhiều, nhiều như kẻ địch muốn chia rẽ nó, những bộ phận rộng lớn của nó đi theo như bóng một quyền lực này hay quyền lực khác của kẻ địch.

                “Trong quá khứ, mà giờ hình như cách nay rất xa xưa, không ai có thể nghĩ đến việc các dân tộc Á châu ngồi lại bên nhau như chúng ta đang ở đây. Vâng, điều bất khả thi đã xảy ra. Nó đã xảy ra theo cách vượt xa sự tưởng tượng hoặc mơ ước táo bạo nhất của những người mơ mộng táo bạo nhất giữa chúng ta . . .

                “Tôi cho rằng buổi họp hôm nay là một hành động biểu tượng lớn lao. Như ngài chủ tịch đã nói, chúng ta thực sự đang sáng tạo ra một thế giới mới dựa trên công lý, bình đẳng và hỗ trợ, trên nguyên tắc lớn lao sống và để kẻ khác sống. Từ mọi quan điểm Đông Á tự nó là một thế giới . . . Chúng tôi những người Á châu quên bẳng sự kiện này trong nhiều thế kỷ dài và đã trả giá nặng nề cho điều ấy, bởi vì hậu quả là người Á châu đã để mất châu Á. Giờ đây chúng ta thêm một lần nữa, nhờ đến Nhật Bản, đã nắm bắt lại chân lý này và hành động vì nó, người Á châu chắc chắn sẽ phục hồi châu Á. Trong chân lý đơn giản này toàn bộ định mệnh của châu Á nằm trên đó.

                “Thêm một lần nữa chúng ta đã phát hiện rằng chúng ta là người châu Á, khám phá ra dòng máu Á châu của chúng ta, và chính dòng máu Á châu sẽ cứu chuộc chúng ta và trả lại châu Á cho chúng ta. Do đó chúng ta hãy tiến lên phía trước đến cuối con đường, một ngàn triệu người Đông Á bước đi vào một thế giới mới nơi người Đông Á mãi mãi tự do, phồn vinh, và sẽ cuối cùng tìm thấy ngôi nhà vĩnh cửu của mình.”

                Đây là tiếng nói của châu Á đang thức tỉnh, và đối với Tojo những giờ phút này là giờ phút mãn nguyện nhất trong sự nghiệp của ông. Ông quán xuyến các tiến trình ngoại giao một cách tinh tế, miệng luôn mỉm cười như người gia trưởng với những người thân. Ông nhìn thấy đây không chỉ là một đồng minh quân sự; chính ông cũng bị thu hút trong tinh thần Xuyên Á – và các đồng chí quân nhân của ông thắc mắc.

                Chiều hôm sau Chandra Bose khiến cảm xúc trong phiên họp cuối cùng lên cực điểm bằng một bài diễn văn có thể cạnh tranh với bài diễn văn của Ba Maw về mức độ tình cảm. “. . . tôi không nghĩ đó là việc tình cờ khi cuộc họp hôm nay được tổ chức trong Xứ sở Mặt trời Mọc. Đây không phải là lần đầu tiên mà thế giới hướng về phương Đông để lấy ánh sáng và lời khuyên răn. Những nỗ lực tạo ra trật tự mới trong thế giới này đã được tiến hành trước

đây và đang được tiến hành ở nơi khác, nhưng chúng đã thất bại. . .

                “Đối với Ấn Độ không có con đường nào khác hơn là con đường tranh đấu không thỏa hiệp chống lại chủ nghĩa đế quốc Anh. Thậm chí nếu có những quốc gia khác cho rằng có thể thỏa hiệp được với Anh, đối với nhân dân Ấn ít nhất đó là vấn đề không cần bàn cãi. Thỏa hiệp với Anh có nghĩa là thỏa hiệp với tình trạng nô lệ, và chúng ta cương quyết không thỏa hiệp với chế độ nô lệ hơn được nữa.”

                Xúc động vì chính những lời lẽ hùng hồn của mình, Bose không thể nói tiếp. Cử tọa chờ đợi, im phăng phắc, cho đến khi nhà lãnh tụ Ấn lấy lại bình tĩnh. “Nhưng chúng ta phải trả giá cho tự do của mình.  .  . Tôi không biết có bao nhiêu thành viên trong quân đội quốc gia chúng ta có thể sống sót trong cuộc chiến sắp tới, nhưng điều đó đối với chúng ta không quan trọng. Cá nhân chúng ta sống hay chết, chúng ta sống sót qua cuộc chiến và sống để nhìn thấy Ấn Độ tự do hoặc không, điều quan trọng là việc Ấn Độ sẽ được tự do.”

                Toshi Gop của tờ Nippon Times (Nhật Bản Thời Báo, mới gần đây là Japan Times $ Advertiser) gọi hội nghị là “một cuộc đoàn tụ lay động tâm can của anh em ruột thịt” và là một trong những qui tập trọng đại nhất trong lịch sử thế giới.

                Ở đây, tôi cảm thấy, không chỉ theo một ý nghĩa tượng trưng, mà thực sự là đứa con của cùng một bà mẹ Á châu. Nhật Bản, Trung Hoa, Thái lan, Mãn Châu Quốc, Phi Luật Tân, Miến Điện, Ấn Độ – tất cả là người Á châu, và do đó, là anh em.

                Ông tin tưởng, như Ba Maw, cho dù cá nhân những người Tây phương có lịch sự thế nào đối với ông, họ cũng không bao giờ thực sự hiểu được người Á châu là thế nào.

                Tôi cũng đã cảm thấy rằng chỉ có người Á châu mới có thể thực sư hiểu nhau và làm việc hiệu quả vì lợi ích của châu Á, và tôi mong ước đến ngày khi tất cả người Á châu có thể dẹp bỏ qua một bên những rào cản giả tạo mà bọn xâm chiếm Tây phương đã dựng lên giữa chúng ta và làm việc bên nhau tay trong tay cho lợi ích chung của châu Á. Khi tôi nhìn vào Ngày Thứ Bảy Đại Hội, tôi cảm thấy là ngày đó cuối cùng đã đến, rằng mối dây huyết thống cuối cùng đã thắng thế, rằng như những anh em từ lâu lạc nhau cuối cùng đã gặp lại lần nữa để phục dựng sự nghiệp của một gia đình Á châu duy nhất.

                Khi tôi nhận thấy bằng sự chân thành và nhiệt huyết hiện rõ tất cả các diễn giả đều nhấn mạnh đến ý thức về sự hợp nhất, cái ý thức mà tất cả họ đều nhận ra một cách hiển nhiên với sức mạnh bao trùm, tôi càng tin chắc tận trong tâm khảm là sự thống nhất này sẽ không bao giờ tan vỡ lần nữa. Bất cứ gian khổ nào của cuộc chiến, bất cứ thử thách nào bài toán tương lai có thể tạo ra, bất cứ hình thức nào các tổ chức thế giới tương lai cuối cùng có thể có, nhận thức về tình huynh đệ ruột thịt mà Đại hội này đã kết tinh không bao giờ có thể tan rã. Sự hợp nhất của châu Á là một sự kiện quá nền tảng, quá cơ bản, và từ đó một khi đã được nhận thức, nó không bao giờ bị đánh mất lần nữa.

                Tuyên bố Chung, được tất cả thành viên nhất trí, kêu gọi một trật tự của thịnh vượng và phúc lợi chung dựa trên công lý, tôn trọng độc lập của nhau, chủ quyền và truyền thống, những nỗ lực tăng tốc phát triển kinh tế trên cơ bản của hỗ trợ lẫn nhau, và thủ tiêu mọi phân biệt chủng tộc.

                Đó là một phiên bản của Hiến chương Đại Tây Dương, một lời hứa hẹn về một ước mơ từ lâu người Á châu ấp ủ. Những người đến Tokyo có thể từng là bù nhìn nhưng, sinh ra trong tình trạng nô lệ, giờ họ cảm thấy được tự do và đã nắm tay cùng nhau tuyên bố lần đầu tiên về một Thế giới Mới Dũng Khí cho châu Á.

5.

                Hai tuần sau lãnh tụ của một quốc gia lớn nhất châu Á, Tưởng Giới Thạch, gặp Roosevelt và Churchill tại Cairo để xác định, ông hi vọng, một loại lục địa hoàn toàn mới. Churchill không chào đón sự hiện diện của Tưởng, có lẽ vì việc này sẽ làm gia tăng mối quan tâm của Roosevelt về Viễn Đông.

                Thật ra, vấn đề Trung Quốc là đề mục đầu tiên trong chương trình nghị sự – không, như Churchill và Brooke đã hi vọng, phải là mục cuối cùng. Nhưng Churchill, vốn chưa từng gặp Tưởng trước đây, có ấn tượng dễ chịu với bản tính “điềm đạm, thận trọng và có năng lực của vị Thống chế. Tuy nhiên, ngài Thủ tướng không nghiêm túc coi Trung Hoa như một siêu cường và không hài lòng về mối quan tâm mà Roosevelt dành cho Tưởng. “Đối với Tổng thống, Trung Quốc có nghĩa là 400 triệu con người sẽ phải kể đến trong thế giới ngày mai,” bác sĩ của  Churchill, Lord Moran, viết trong nhật ký của mình, “nhưng Churchill chỉ nghĩ về màu da của họ, chính lúc ông ta nói về Trung Hoa và Ấn độ mà bạn mới chợt nhớ ông ta là người thuộc thời Victoria [thời quân chủ chuyên chế của Anh thế kỷ 19, khi nó trở thành một đế quốc rộng lớn đến nỗi mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh: ND].”

                Phái đoàn Trung Quốc rời Cairo trong một tâm trạng phấn khởi, vì Roosevelt, cho dù có sự chống đối của Churchill, đã hứa sẽ đổ bộ tấn công Nhật băng qua Vịnh Bengal trong vòng vài tháng tới và, hơn nữa, tạo ra cảm tưởng là ông ta sắp sửa yểm trợ vị Thống chế toàn tâm toàn lực.

                Ba Đồng minh không những không nhất trí về tính ưu tiên quân sự cho Trung Hoa mà còn tương lai chính trị của châu Á. Mỗi bên đều tham dự một cuộc chiến riêng biệt vì những lý do khác nhau. Churchill không hề nghĩ đến việc chia cắt Đế chế Anh; Tưởng chủ yếu quan tâm đến việc loại trừ bọn Cộng sản và củng cố địa vị thống soái duy nhất trong xứ sở mình; còn Roosevelt đặc biệt chú tâm đến việc Nhật đầu hàng sớm như có thể.

                Roosevelt chắc chắn nhận thức rằng châu Á không thể không thay đổi do chiến tranh nhưng ông không thể đánh giá đầy đủ như lời cảnh báo của những người Mỹ như Pearl Buck và Wendell Wilkie rằng châu Á quyết tâm giải thoát khỏi sự thống trị của phương Tây.

                Vào ngày 27/11 Churchill và Roosevelt rời Cairo riêng lẻ, cuộc tranh cãi về Viễn Đông vẫn còn để ngõ, để bay đến Teheran diện kiến với Josef Stalin. Thủ tướng e ngại khi đi xe chầm chậm qua các đường phố của thủ đô nước Iran và dân chúng bắt đầu xô đẩy quanh ô tô ông. Bọn sát thủ với súng lục hoặc bom trên tay sẽ có thời cơ thuận lợi, ông nghĩ, và thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng vào được bên trong tòa công sứ Anh, một kiến trúc luộm thuộm rất gần với đại sứ quán Xô viết chỉn chu.

                Sau cái nóng bức của Cairo, Teheran, nằm ngay dưới Biển Caspian, cho cảm giác lạnh hơn thật tế. Vùng quê hoang vu và đầy bụi, rải rác những túp lều bằng đất vẫn không thay đổi qua hàng ngàn năm, chính Teheran, mặc dù là một ốc đảo giữa một vùng thê lương, đập vào mắt những thành viên tham dự hội nghị như một thành phố nhân tạo, hiện đại và không mấy thú vị.

                Sáng hôm sau, ngày chủ nhật, người Xô viết cảnh báo với Roosevelt là các đặc vụ phe Trục có mặt trong thành phố âm mưu ám sát ông, và đề nghị ông chuyển bộ tham mưu của mình đến một tòa nhà trong sân sứ quán của họ. Ở đây các buổi hội thảo có thể tiến hành mà không phải đi tới lui rất nguy hiểm trong đường phố. Harry Hopkins và Averell Harriman bàn bạc vấn đề với tham mưu trưởng của Churchill, Tướng Hastings Ismay, và mặc dù họ nhất trí đây là cái mẹo của người Nga, tất cả bọn họ đều khuyên Roosevelt dời chỗ.* Một đoàn xe được bảo vệ cẩn mật rời công sứ Mỹ, vài phút sau một ô tô duy nhất chở Tổng thống, Hopkins và Đô đốc Leahy rời khỏi tòa công sứ. Tài xế, một nhân viên Mật Vụ, đi theo một lộ trình quanh co nhưng y lái quá nhanh nên đến Sứ quán Nga trước đoàn xe tổng thống làm mồi nhử. Đó là một trò tiêu khiển được Roosevelt chào đón, và ông đang trong tâm trạng cởi mở khi, 15 phút sau, được Stalin đến thăm. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ. “Tôi rất hân hạnh được gặp ngài,” Roosevelt nói qua một thông dịch viên, Charles Bohlen. “Tôi đã cố gắng trong một thời gian dài để sắp xếp cuộc gặp gỡ này.”

  • Đúng là có một âm mưu ám sát Ba Ông Lớn ở Teheran. Nó được lên kế hoạch bởi một thiếu tá SS Otto Skorzeny, thuộc đội biệt kích được Hitler sủng ái – gần đây đã giải cứu Mussolini bị giam cầm – với sự trợ giúp của Fuhrer và Himmler. Nhưng Skorzeny chỉ thu thập được ít ỏi thông tin đặc biệt từ tay đặc vụ cô độc do tình báo quân đội Đức cắm tại Teheran, và báo cáo với cấp trên là một vụ ám sát hoặc bắt cóc thành công là không thể. Theo cuốn Âm Mưu Ám Sát Ba Ông Lớn của Hitler, của Laslo Havas (xuất bản 1969), khoảng nửa tá lính Đức lần lượt nhảy dù xuống Iran nhưng bị giết trước khi hoàn thành sứ mạng, phần lớn do công lao của một gián điệp nhị trùng, Erst Merser, và một người Mỹ thích mạo hiểm, Peter Ferguson. Năm 1970 Skorzeny viết rằng mình không hề nghe nói về hoạt động này. “Tôi thành thực ngờ rằng,” y nói thêm, “liệu hành động đó có xảy ra hay không.”

 

                Qua thông dịch viên của mình, M. Parlov, Stalin xin lỗi vì không gặp ngài Tổng thống sớm hơn; do mãi bận bịu với những vấn đề quân sự. Ông hơi mảnh khảnh, và thấp hơn vẫn tưởng, nom có vẻ vạm vỡ nhờ bộ áo chẽn rộng, vuông vức; hàm răng vàng vì nhựa thuốc, mặt rỗ và tròng mắt vàng, ông khiến George Kennan liên tưởng đến “một con hổ già, dạn dày vì thường đánh nhau.”

                Họ nói về Tưởng Giới Thạch và cuộc phản kích của Miến Điện. Stalin không đánh giá cao quân đội Trung Hoa hoặc lãnh tụ của họ; Roosevelt thì cho rằng cần phải dạy dỗ nhiều cho nhân dân Đông Dương, Miến Điện, Mã Lai và Đông Ấn về việc tự trị. Ông huênh hoang về công lao của người Mỹ trong việc giúp đỡ người Phi Luật Tân chuẩn bị cho tự do, và thân mật nói thêm rằng Ấn Độ là cái gai đối với Churchill – và nhắc Stalin đừng gợi vấn đề đó ra.

                Một vài phút sau ba Ông Lớn gặp nhau trong phiên họp toàn thể đầu tiên của hội nghị. Roosevelt đề nghị Stalin “đọc lời mở đầu.”

                “Không,” Pavlov thông dịch, “ông ấy thích lắng nghe hơn.”

                Roosevelt hoan nghênh người Nga như “những thành viên mới của gia đình”; các buổi họp giữa Ba Ông Lớn sẽ rất thân tình và thẳng thắn và sự hợp tác giữa ba quốc gia sẽ kéo dài nhiều thế hệ sau khi chiến tranh kết thúc. “Ông ta tươi cười đi quanh bàn và trông như một ông chú tốt bụng, giàu có đang thăm viếng những họ hàng nghèo khó hơn của mình,” thông dịch viên của Churchill, A. H. Birse, nhớ lại.

                Thủ tướng đang bị cảm sốt và cổ họng đau rát đến độ ông nói rất khó khăn, nhưng tài hùng biện của ông thì không sút giảm chút nào. Những thành viên quanh bàn, ông nói, “chắc chắn đại diện cho quyền lực tập trung lớn nhất của thế giới chưa từng biết đến  trong lịch sử nhân loại” và rằng trong bàn tay họ “nắm vững việc rút ngắn chiến tranh, chắc chắn là chiến thắng, và, vượt qua bất kỳ bóng dáng ngờ vực nào, mang đến hạnh phúc và điều may mắn cho nhân loại.”

                Một lần nữa Roosevelt quay sang Stalin, đề nghị rằng, là một chủ nhà, ông ta chắc chắn có điều muốn nói. Stalin hội ý ngắn ngủi với Pavlov. Y đứng dậy, nhìn vào tờ giấy và nói, “Tôi vui mừng được đón tiếp quan khách có mặt. Tôi nghĩ rằng lịch sử sẽ cho thấy rằng cơ hội chúng ta đang có đây, và quyền lực mà nhân dân chúng ta đã giao phó cho chúng ta, có thể được sử dụng lợi ích nhất trong khuôn khổ của sự hợp tác đầy tiềm năng của chúng ta.” Pavlov do dự rồi sau đó nói thêm với chút bối rối, “Thống chế Stalin nói, ‘Giờ hãy bắt tay vào việc!’”

                Roosevelt duyệt xét tính hình chiến sự ở Thái Bình Dương, chừa lại lời tuyên bố ấn tượng nhất mà Stalin trông đợi nhất: cuộc xâm chiếm toàn diện Normandy, Chiến dịch Overlord [Chúa Tể] được ấn định vào ngày 1/5/1944.

                “Chúng tôi những người Xô viết chào đón thắng lợi của ngài ở Thái Bình Dương,” Stalin đáp từ. “Không may là chúng tôi không thể hỗ trợ được vì chúng tôi cần đến quá nhiều binh lính ở mặt trận phía đông nên không thể tiến hành bất kỳ chiến dịch nào chống quân Nhật vào lúc này.” Nhưng một khi Đức đã bị đánh bại, lực lượng tăng việc sẽ được gởi đến đông Siberia. “Khi đó,” ông nói, “cùng chung chiến tuyến, chúng ta sẽ thắng.” Đó là lời hứa hẹn đầu tiên người Xô viết sẽ tham gia vào trận chiến chống Nhật.

                Phiên họp kết thúc lúc 7:20 – họ đã ngồi tại chiếc bàn tròn rộng trong ba giờ hai mươi phút – và người Nga phục vụ trà và bánh. Người Mỹ an tâm trước thái độ trầm tĩnh và khiêm tốn của Stalin, nhưng người Anh không thế. Đô đốc Leahy, người luôn coi ông ta là chỉ là trùm băng đảng, nhìn nhận là mình sai; Stalin rõ là một con người thông minh với cách tiếp đãi chân tình, dễ chịu và ân cần, dù đôi khi cũng quá mức thẳng thắn. Tướng Ismay, trái lại, còn cảm thấy ông ta “hoàn toàn thô lỗ và thiếu vắng chất người,” và biết ơn vì mình “không  phải là kẻ thù của y cũng không nhờ cậy vào tình bạn của y.”

                “Hội nghị này đã qua khi nó chỉ vừa mới bắt đầu,” Brooke bảo với Lord Moran. “Stalin đã cho Roosevelt vào túi của mình.” Churchill, cũng vậy, mặt mày nhăn nhó, và khi Moran hỏi có gì không ổn, ông đáp lại cụt ngủn, “Nhiều thứ không ổn lắm.”

                Đêm đó tại bữa tiệc Ba Ông Lớn nói nhiều chuyện – chuyện Pháp, Ba Lan, Đức, Hitler – và vụ đầu hàng vô điều kiện. Stalin cật vấn liệu tuyên bố chung ở Casablanca có nên không; tính mơ hồ của tuyên bố sẽ đoàn kết nhân dân Đức. “Trong khi vạch ra những điều khoản rõ ràng, dù chúng có nghiệt ngã cỡ nào, và nói rõ cho nhân dân Đức rằng đây là những gì họ phải chấp nhận, theo ý kiến tôi, sẽ khiến Đức đầu hàng nhanh chóng hơn.”

                Hôm sau sau bữa ăn trưa Stalin một lần nữa đến gặp Roosevelt và được giao vài bản ghi nhớ. Một trong đó là yêu cầu cho xây dựng những căn cứ ở Siberia cho 1,000 oanh tạc cơ hạng nặng của Mỹ, và một đề nghị khác yêu cầu một sự hợp tác sơ khởi trong cuộc chiến chống Nhật. Stalin hứa sẽ nghiên cứu những yêu cầu này rồi nhanh chóng khép lại vấn đề.

                Phiên họp toàn thể chiều đó tập trung vào Chiến dịch Chúa Tể. Churchill lại chống đối Stalin, còn Roosevelt làm trung gian hòa giải, với cán thuốc ngậm chặt giữa hai hàm răng, và cố chen vào những lời nói cuối cùng, thậm chí có khi chẳng ăn nhầm gì. Không khí thật là tệ, Brooke nghĩ, từ đầu đến cuối. Sau khi lắng nghe những tranh cãi trong hai ngày qua, ông cảm thấy “như đang bước vào một viện tâm thần hoặc một nhà dưỡng lão.”

                Stalin nhìn Churchill chăm chú phía bên kia bàn lớn và nói ông muốn đặt một câu hỏi trực tiếp với ngài Thủ tướng. “Ngài có tin tưởng vào Chúa Tể không, hay là ngài đang trì hoãn để làm chúng tôi thoải mái hơn?”

                Câu trả lời thuần túy tính cách Churchill. “Miễn là những điều kiện đã ấn định trước đây cho Chúa Tể được hoàn tất khi thời điểm đến, nghĩa vụ sắt đá của chúng tôi sẽ là tung toàn bộ sức lực của mình để vượt qua Kênh chống lại bọn Đức.”

                Tối đó, Stalin, với tư cách chủ tiệc tối, lại chọc ghẹo Churchill không thương tiếc. Lúc đầu Churchill không biết mình bị đá giò lái. “50,000 người Đức phải bị tàn sát,” Stalin nói với vẻ mặt tỉnh queo. Churchill đẩy ghế ra sau và đứng dậy. “Tôi sẽ không là người tham gia vào bất kỳ trò đồ tễ máu lạnh nào. Còn với máu nóng thì lại là chuyện khác.”

                “50,000 người phải bị bắn chết!” Stalin nhắc lại.

                Churchill đỏ mặt. “Tôi thích bị lôi ra sân ngay bây giờ và ở đây và bị bắn hơn là bị bôi bẩn danh dự của tôi và xứ sở tôi bằng lời sỉ nhục như thế.”

                Roosevelt cố hạ nhiệt Churchill. “Tôi có một thỏa hiệp cần đề nghị,” ông nói khôi hài. “Không phải 50,000, mà chỉ 49,000 người phải bị bắn thôi.”

                Churchill dậm chân bỏ ra khỏi phòng, Stalin đi theo sau nói chỉ là đùa thôi mà. Churchill n guôi giận trở lại bàn hội nghị nhưng vẫn còn ngờ vực. Stalin, nhăn răng cười, một lần nữa trêu chọc. “Ngài chống Đức,” ông nói. “Tôi là tên Quỷ Cộng sản, và ông bạn Thượng đế của tôi là người bảo thủ.” Lần này Churchill nghe lọt lỗ tai và trước khi buổi tối kết thúc Stalin choàng tay qua vai của ngài Thủ tướng như thể hai người là đồng chí cách mạng.

                Vào nửa đêm Lord Moran đến phòng Churchill để xem liệu ông ta có cần phục vụ gì không thì thấy ngài Thủ tướng đang nói chuyện với Anthony Eden về thế giới hậu chiến. “Sẽ có một cuộc chiến đổ máu nhiều hơn,” ông nói với giọng mệt mỏi, mắt nhắm nghiền. “Tôi không có ở đó. Tôi sẽ ngủ vùi. Tôi muốn ngủ một giấc 1 tỉ năm.” Ông đốt một điếu xì gà và nói mình đã bảo với Stalin là nước Anh không muốn có thêm lãnh thổ mới. “Ông ta có vẻ nài ép về việc đó. Anh biết đấy, như thế sẽ dễ hơn cho Nga nếu chúng ta muốn chiếm lấy gì đó. Khi tôi hỏi nước Nga muốn gì, Stalin nói, ‘Khi thời điểm đến chúng tôi sẽ nói cho ngài biết.”

                Mạch của Churchill lên đến 100, và Moran bảo là do mọi thứ ông nốc vào. “Rồi nó sẽ sớm hạ xuống thôi,” Churchill nói một cách vui vẻ nhưng một lúc sau lại ủ rủ hơn bao giờ và chằm chằm nhìn Moran, đôi mắt mở to. “Tôi tin rằng con người có thể hủy diệt con người và xóa bỏ nền văn minh. Châu Âu sẽ hoang vu và tôi nhận lãnh phần trách nhiệm.” Ông tiếp tục với đề mục này trong vài phút, rồi thình lình hỏi, “Anh có cho rằng tôi còn đủ sức sống qua chiến tranh chứ? Tôi đôi khi nghĩ là mình gần như là kiệt quệ.”

                Một giấc ngủ đêm mang Ba Ông Lớn trở lại quan hệ bình thường của ngày đầu tiên. Tại buổi ăn trưa Stalin rõ ràng vui thích khi Roosevelt đề nghị không cần yêu cầu Nga cho sử dụng cảng nước ấm Dairen ở Mãn Châu. Và ở buổi ăn tối Churchill xử sự như thể không có gì xảy ra đêm hôm trước. Tuy nhiên, Stalin thì hơi bẵng tính. Trước tiên ông hít ngửi ly rượu cốc tai một cách ngờ vực và hỏi thông dịch viên Birse, người được xếp chỗ ngồi bên trái ông, nó được làm bằng những thứ gì. Giải thích của Birse “không làm ông bớt nghi ngờ” và ông uống uýt ki nguyên chất thay thế. Ngon, ông nói, nhưng vốt ka bình thường lại ngon hơn. Ông ngồi bứt rứt trên mép ghế, và bối rối trước một dãy dao nĩa trước mặt mình. “Dùng thứ gì đây là một vấn đề nan giải,” ông tâm sự với Birse. “Ông nhớ nói cho tôi biết và cũng nhắc khi nào tôi có thể bắt đầu ăn. Tôi không quen với kiểu cách này của các ông.”

                Churchill, trong một tâm trạng thân tình, loan báo rằng đó là tiệc sinh nhật thứ 69 của mình và rằng, theo cung cách người Nga, mọi người đều có thể mời rượu vào bất cứ lúc nào. Đích thân ông bắt đầu nâng ly với King, và rồi ca tụng hai đồng chí của mình bằng những ngôn từ cường điệu. Ông thán phục Roosevelt đã tận tụy hết mình cho người yếu đuối và cô thế và vì đã ngăn được một cuộc cách mạng năm 1933 và tuyên bố rằng ngài Thống chế xứng đáng với tước hiệu Stalin Vĩ đại.

                Câu đáp lại của Stalin khiến người bồi mất tập trung. Anh đang phục vụ món “Đèn Lồng Ba Tư,” một bánh kem lạnh to lớn nằm trên một khối nước đá với một ngọn nến bên trong. Anh vô ý làm chiếc dĩa nghiêng đi và thế là chiếc bánh kem trượt khỏi khối nước đá rơi xuống đầu Pavlov. Kem lạnh nhểu xuống tóc ông, mặt ông và xuống giày ông, nhưng người thông dịch viên vẫn điềm nhiên dịch không nhảy một lời nào: “Ngài Stalin nói là Hồng Quân xứng đáng với nhân dân Xô Viết. . .”

                Stalin đột ngột quay sang chế giễu Tham mưu trưởng Anh. “Tướng quân Brooke,” ông nói, nhìn trân trân Brooke, “đã không mấy thân thiện với Hồng Quân và đã phê phán chúng tôi. Xin mời ngài đến Moscow, và tôi sẽ chỉ cho ngài thấy người Nga không hẳn là tệ đâu. Ngài sẽ thấy làm bạn với chúng tôi là chẳng bỏ công.”

                Brooke đứng dậy, ánh mắt ông khóa chặt với ánh mắt của Stalin. “Tôi ngạc nhiên là ngài thấy cần phải kết án tôi thiếu căn cứ. Chắc ngài nhớ sáng nay trong khi chúng ta đang bàn bạc về những kế hoạch ngụy trang ngài Churchill nói rằng “trong chiến tranh Chân lý phải được những lời dối trá hộ tống.’ Ngài chắc cũng nhớ chính ngài đã bảo với chúng tôi rằng trong mọi trận đánh lớn của ngài, chủ tâm thực sự của ngài luôn được che giấu với thế giới bên ngoài. Ngài bảo chúng tôi rằng tất cả xe tăng giả và máy bay giả luôn được chất đống trên những mặt trận có mối quan tâm tức thì, trong khi những chủ đích thực sự của ngài được che đậy bằng tấm áo choàng hoàn toàn bí mật. Vâng, thưa Thống chế, ngài đã bị các xe tăng giả và máy bay giả làm ngài lạc lối, khiến ngài đã không thể nhận ra được những cảm xúc của tình bạn chân thực mà tôi dành cho Hồng Quân.”

                Gương mặt Stalin vẫn giữ vẻ khó nhìn thấu. Ông quay sang Churchill và nói, “Tôi thích anh chàng này. Nghe rất chân thành. Tôi phải tìm dịp bắt chuyện với ông ấy mới được.”

                Đó là một giây phút căng thẳng, nhưng trôi qua nhanh chóng sau vài chầu cụng ly tiếp theo. Leahy thấy chán, nhưng King thì vui thích khi thấy Stalin bật dậy khỏi ghế và lon ton đi quanh bàn cụng ly. Sau bữa ăn tối Stalin nấn ná ở lại như thể miễn cưỡng kết thúc bữa tiệc tối. Churchill tiến đến gần ông và, cũng cởi mở, nói, “Anh Quốc bắt đầu đỏ mặt rồi đó.”

                “Đó là dấu hiệu của một sức khỏe tốt,” Stalin trả lời. “Tôi muốn gọi Ông Churchill là bạn tôi.”

                “Cứ gọi tôi là Winston. Tôi gọi ngài là Joe sau lưng ngài.”

                “Không, tôi muốn gọi ngài là bạn tôi. Tôi muốn được cho phép gọi ngài là bạn tôi.”

                Churchill cũng không kém: “Tôi xin uống mừng giai cấp vô sản!”

                “Tôi uống mừng đảng Bảo thủ,” Stalin nói.

                Đối với người Nga, hội nghị Teheran là thành công lớn, vì ho đã đạt được điều họ muốn, một kỳ hạn xác định cho mặt trận thứ hai. Buổi họp đầu tiên giữa Roosevelt và Stalin cũng hình như đã chỉ đường đến cuộc hợp tác gắn bó hơn trong tương lai. Mặc dù Roosevelt nhận thấy ngài Thống chế cứng cỏi hơn ông đã tưởng, ông ta cũng là người có thể chơi được. Khi hai người chia tay, Roosevelt nói, “Chúng ta đến đây với hi vọng và quyết tâm. Chúng ta chia tay như những người bạn trong thực tế, trong tinh thần, và trong mục đích.” *

  • Sáu tháng sau Roosevelt bảo với nhà văn Edgar Snow là mình đã nỗ lực hết sức để thuyết phục Stalin về tình thân thiết của người Mỹ và những ý định tốt đẹp của mình. “Thật ra điều lớn lao nhất tôi hoàn thành được ở Teharan là cho Joe Stalin thấy được một vài vấn đề của của riêng tôi ở đây. Tôi bảo ông ta, ‘Ngài biết đó, tôi có những mối lo mà ngài không có chút nào. Ngài không phải lo âu về việc tái đắc cử, chẳng hạn.’ . . . Tôi cũng bảo ông ta một vài điều về báo chí của chúng ta và cách thức lý giải nó. ‘Không được nóng mặt,’ tôi bảo, ‘mỗi lần Đại tá McCormick hoặc Hearst moi tin ông. Họ không đại diện cho tôi hoặc chính phủ của tôi và họ cũng không đại diện cho đa số dân chúng.’Ông ta hình như nhẹ nhõm khi nghe điều đó.”

 

                Churchill cũng rất hài lòng. “Một điều hoàn toàn rõ ràng,” ông viết trong nhật ký của mình, “bạn tập họp càng nhiều chính trị gia để tiến hành cuộc chiến, bạn càng làm đình đốn việc kết thúc nó!”

                Vòng hội thảo vẫn chưa xong. Người Mỹ và Anh quay lại Cairo để san bằng những vấn đề bất đồng chủ yếu của họ – tập trung gần như mọi nguồn lực cho Chiến dịch Chúa tể hoặc tiến hành cuộc phản kích dữ dội mà Roosevelt đã hứa với Tưởng Giới Thạch.

                King và Leahy dẫn đầu những người lập luận rằng lời hứa với nhân dân Trung Hoa không nên bẻ gãy. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc ra khỏi cuộc chiến? Điều này sẽ giải phóng hàng trăm ngàn binh lính Nhật quay sang đánh nhau với MacArthur và Nimitz. Người Anh phản bác rằng Teheran đã thay đổi mọi thứ. Lời hứa của Stalin tham gia cuộc chiến chống Nhật sau khi Đức bị đập tan khiến Trung Hoa ít quan trọng hơn nhiều cho thắng lợi cuối cùng đó.

                Vào chiều ngày 5/12, sau hơn hai ngày tranh cãi vô ích, sự bế tắc bị phá vỡ một cách ấn tượng. Roosevelt gởi một tin riêng ngắn gọn đến Churchill: CƯỚP BIỂN ĐI RỒI. Đây là chiến dịch Vịnh Bengal, luận điểm gây tranh cãi. Churchill quá đỗi vui mừng đến nỗi ông điện cho Ismay và nói bí ẩn, “Người làm chủ được tinh thần mình thì vĩ đại hơn người hạ được thành.”

                Một thông điệp, do Roosevelt và Hopkins soạn thảo, và được Churchill tán thành, được gởi đến Tưởng Giới Thạch:

                HỘI NGHỊ VỚI STALIN KHIẾN CHÚNG TÔI CAN DỰ VÀO MỘT ĐẠI CHIẾN DỊCH PHỐI                 HỢP TIẾN VÀO LỤC ĐỊA ÂU CHÂU VÀO CUỐI MÙA XUÂN TẠO RA TRIỂN VỌNG ĐẸP ĐẼ   NHẰM KẾT THÚC CHIẾN TRANH VỚI ĐỨC VÀO CUỐI MÙA HÈ 1944. NHỮNG CHIẾN            DỊCH NÀY YÊU CẦU MỘT SỐ LƯỢNG LỚN CÁC XUỒNG ĐỔ BỘ NẶNG THÀNH RA VIỆC           ĐỔ MỘT SỐ LƯỢNG ĐẦY ĐỦ CHO CHIẾN DỊCH ĐỔ BỘ BENGAL LÀ KHÔNG THỰC HIÊN                 ĐƯỢC ĐỒNG THỜI VỚI VIỆC PHÁT ĐỘNG TARZAN [chiến dịch Miến Điện] ĐỂ BẢO             ĐẢM THÀNH CÔNG CỦA CHIẾN DỊCH.  .  .  .

   Khi năm 1943 đi đến ngày cuối, công việc bàn bạc cũng đã kết thúc. Những con người trên mặt trận, chứ không phải trên bàn hội nghị, sẽ đưa ra những quyết định tiếp theo.

123456

 

19 .Tiến về Quần đảo Marianna

                Sau Guadalcanal, thế giới tập trung sự chú ý vào châu Âu, tại đó những hành động quân sự đang leo thang. Với sự thất thủ của Sicily, việc xua quân lên đôi ủng của Ý [Nước Ý có hình dáng một chiếc ủng:ND] và việc Field Marchal Pietro Badoglio đầu hàng, quân Đồng minh đã thống trị vùng Địa Trung Hải. Chính nước Đức cũng đang bị nghiền nát từ trên không, ban đêm bởi Tư lệnh Oanh tạc cơ Anh và ban ngày bởi Không lực Thứ tám Hoa Kỳ. Vùng Ruhr thực sự bị phá hủy và Hamburg đã bị san bằng bởi một trận bão lửa.

                Ở Nga, Quân đoàn thứ Sáu của Hitler đã bị quét tan ở Stalingrad tại một trong những thảm bại quân sự vĩ đại nhất của lịch sử, và với sự hỗ trợ của Anh và đạo luật Mượn-Thuê của Mỹ, Hồng Quân đã tiến như vũ bão về phía tây. Vào tháng 10, 1943 nó đã chiếm lại gần 300,000 dặm vuông, bao gồm Kharkov, Smolensk và Orel để tiến gần đến cổng thành lịch sử Kiev.

                Tại phía bân kia của thế giới, chiến dịch Bánh Xe Bò – hai gọng kềm của MacArthur và Halsey tiến vào Rabaul – đang tiến hành vững chắc nhưng chậm chạp. Đây là những trận đánh tiêu hao và mặc dù người Nhật giành giật từng tấc đấc một, tiếp tế của họ có giới hạn cùng với chuyên chở và yểm trợ không lực ít ỏi nên không thể chận đứng làn sóng tiến tới của Đồng minh.

                Lực lượng đổ bộ của Halsey đã quét sạch New Georgia vào giữa tháng 8. Giá phải trả cho việc phòng thủ tiêu tốn nhiều máy bay, tàu và binh lính đến nỗi bộ tư lệnh Hoàng gia cuối cùng phải làm những gì mà Kenryo Sato đã thúc giục hàng tháng nay – ra lệnh ngừng tất cả tiếp tế cho Solomon, và lực lượng đồn trú trên mỗi đảo phải chặn đứng quân Mỹ với hết sức mình có thể càng lâu càng tốt, rồi sau đó rút lui bằng xuồng và tàu khu trục. Để chống lại những chiến thuật phát sinh từ những tình huống vô vọng như thế, Halsey tiến lên không ngừng qua The Slot – đến Vella Lavella, đến Choiseul và cuối cùng là Bougainville, tại đó 10,000 lính Thủy đổ bộ vào ngày đầu tiên của tháng 11. Đó là trạm cuối cùng đến Rabaul.

                MacArthur thậm chí còn tiến chậm hơn trên New Guinea. Bị chận lại trên đường tiến lên bờ biển đông đánh hai đội quân đồn trú ở Salamaqua và Lae, vốn chỉ được tiếp viện 750 binh sĩ và được lệnh “cố thủ,” ông phát động cuộc tấn công ba mặt – một trên đất liền, một trên biển và một trên không. Trong khi bộ binh Úc và Mỹ lặn lội về phía Salamaua, một lực lượng đổ bộ lên bờ biển phía trên Lae, và 1700 lính dù, đích thân do MacArthur thị sát, nhảy dù xuống phía tây. Lính dù và lính đổ bộ hội tụ; họ chiếm được Lae sau 11 ngày và vô hiệu hóa Salamaua. Cuối cùng MacArthur đến được vị trí để phát động cuộc tấn công băng qua Eo Dampier đến New Britain – và Rabaul.

                Chiến dịch Bánh Xe Bò đang chuyển động, nhưng giá về thời gian phải trả cao hơn dự tính tạo thêm sức nặng mới cho một quyết định được đề ra vào cuối tháng 11 ở Cairo mà mối bất hòa về quyền ưu tiên giữa Anh và Mỹ đã che mờ nó: đó là mũi tiến công chủ lực vào Nhật phải xuyên qua những đảo nhỏ ở trung tâm Thái Bình Dương. Nó sẽ dẫn qua các đảo Gilbert và Marshall đến các đảo Caroline, rồi sau đó đi ngược lên về phía Nhật Bản. – và nó được Nimitz chỉ huy.

                MacArthur được thông báo là Rabaul sẽ bị vô hiệu hóa, chứ không cần đánh chiếm, và mũi tiến công của ông đến Tokyo – theo đường New Guinea và Phi Luật Tân – sẽ được tiến hành như kế hoạch nhưng với mức ưu tiên giảm xuống. Nhưng ông không chịu chấp nhận mình xuống vai phụ. Lộ trình Trung tâm, MacArthur phản kháng, “rất tốn thời gian và tốn kém về sức mạnh hải quân và vận tải” còn lộ trình của ông có thể được “yểm trợ bởi không lực đặt căn cứ trên mặt đất vô cùng cần thiết và sẽ ngay lập tức cắt đứt các tuyến đường của kẻ địch từ Nhật đi đến lãnh thổ mà họ chính phục ở phía nam.”

                Các tham mưu trưởng Liên quân vẫn có thái độ cứng rắn. Con đường qua trung tâm Thái Bình Dương thì ngắn hơn và sẽ dễ cô lập Nhật Bản khỏi các khu vực của họ ở phía nam hơn. Những trận đánh trên đất liền quá rộng lớn liên quan đến những lực lượng to lớn ở New Guinea và Phi Luật Tân có thể tránh được. Các trận đánh chủ chốt sẽ diễn ra trên các đảo san hô và đảo nhỏ mà người Nhật phải chống trả với không lực và bộ binh giới hạn. Hải quân Mỹ, trái lại, có ưu thế vượt trội về không lực đặt căn cứ trên tàu sân bay nên có thể dễ dàng yểm trợ các cuộc đổ bộ.

                Cuộc tấn công của Nimitz đã bắt đầu với hai cuộc đổ bộ đồng thời lên Quần đảo Gilbert, cách Trân Châu Cảng khoảng 2,000 về phía tây nam. Vào sáng ngày 20/11, hai ngày trước khi Roosevelt và Churchill gặp Tưởng Giới Thạch ở Cairo, các GI (bộ binh Mỹ) của Sư đoàn 27 bì bõm lên bãi biển của đảo san hô Makin sau một trận pháo kích nặng nề của hải quân. Không đến 800 lính phòng thủ, hầu hết là công binh, nhưng những binh sĩ xâm chiếm, được huấn luyện theo kỹ thuật tác chiến của Thế Chiến I bởi các sĩ quan quá tuổi, phải mất 4  ngày mới quét sạch đảo, với giá của 66 người chết.

                Cùng lúc đó, 105 dặm về phía nam, những binh lính của Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến thứ 2 bắt đầu leo lên xuồng đổ bộ và xe lội nước ngoài khơi Tarawa. Lính Thủy nói đùa và huênh hoang để giữ vững tinh thần. “Đáng ra tôi đã vô Đoàn Hướng Đạo,” một anh nói. “Tôi chỉ muốn phun nước miếng vào mặt một thằng lính Nhật chết toi,” một chàng trai non choẹt chỉ mới ra khỏi trường trung học nói. “Vậy thì cạy miệng gã và phun vào.”

                Họ đối mặt với một nhiệm vụ khó hơn nhiều so với bộ binh ở Makin. Đảo Tarawa được phòng thủ kiên cố với gần 5,000 quân, mà hơn phân nửa số đó là binh sĩ tác chiến tinh nhuệ: Lực lượng Đổ bộ đặc biệt thứ 7 Sasebo gồm 1,497 người do Trung tá Takeo Sugai chỉ huy, và Lực lượng Căn cứ đặc biệt thứ 3, một đơn vị đổ bộ của hải quân gồm 1,122 người. tư lệnh đảo, Chuẩn Đô đốc Keijo Shibasaki, tuyên bố rằng Tarawa không thể bị đánh chiếm dù có đến một triệu người tấn công trong vòng 100 năm và phát lệnh “phòng thủ đến người cuối cùng tất cả khu vực sung yếu và hủy diệt kẻ đich ngay bờ nước.”

                Cuộc phòng thủ tập trung tại Betio ở góc tây nam của đảo san hô, một đảo nhỏ chỉ vài mẫu nhỏ. Có hình dáng một con chim, chân của nó là đê chắn sóng dài, nó được được che chở bởi một bãi cạn san hô rộng. Việc đổ bộ sẽ xảy ra trên hai bên đê chắn sóng, và lính Thủy phải ồ ạt vượt qua bức tường biển cao 4 bộ làm bằng thân cây dừa xanh và đá san hô; sau nó là những ụ pháo kiên cố và giao thông hào.

                Vào hừng sáng các dàn pháo trên Betio khai hỏa vào hạm đội đang tiến đến. Người Mỹ đáp trả bằng ba ngàn tấn đạn pháo. Sau hai giờ rưỡi toàn bộ hòn đảo bao phủ trong một màn lửa và hình như không thể có một con người nào có thể sống sót dưới trận pháo kích. Từ tàu vận tải Time thông tín viên Robert Sherrod nhìn một quả pháo bắn tung tóe nước gần một chiếc LST (tàu đổ bộ). Một quả báo khác bắn lên một cột nước ngay bên đuôi tàu của anh.

                Ngay lúc ba đợt tấn công đầu tiên bắt đầu bì bõm lên bờ người Nhật đã ra ngoài nơi ẩn núp chiếm vị trí nơi bức tường biển. Hỏa lực không ngớt của súng trường và súng máy hạ gục các lính Thủy, bãi biển phủ đầy người chết và hấp hối không thể chuyển thương vì hỏa lực quá rát. Chỉ huy một trung đội xe tăng hạng trung không đành cán qua các thi thể và ra lệnh cho binh lính lùi xuống bờ biển và quay sang đường khác. Bốn xe tăng chìm mất dạng xuống những hốc đất, binh sĩ mắc kẹt trong đó; hai chiếc khác trở thành mồi ngon cho các khẩu pháo 40-mm.

                Sau trưa một chút 5,000 lính Thủy đã lên bờ, nhưng số thương vong nặng nề khiến họ rối loạn hàng ngũ và dễ tổn thương nếu bị công kích ban đêm. Vào hoàng hôn phân nửa số binh lính của Shibasaki đã tử trận và hệ thống liên lạc của ông đã bị hải pháo bắn hư hại. Kết quả, có ít binh lính Nhật xâm nhập được vào phòng tuyến Mỹ trong đêm đó. Vào chiều hôm sau, có thêm tiểu đoàn nửa đổ bộ, lính Thủy kiểm soát hầu hết hòn đảo. Đô đốc Shibasaki bị giết trong hầm chỉ huy kiên cố của ông, và người kế nhiệm của ông điện về Tokyo vào ngày 22/11: VŨ KHÍ CHÚNG TÔI ĐÃ BỊ PHÁ HỦY VÀ TỪ GIỜ TRỞ ĐI MỖI NGƯỜI GẮNG SỨC CHO TRẬN XUNG PHONG CUỐI CÙNG . . . CẦU NGUYỆN CHO NHẬT BẢN TỒN TẠI MƯỜI NGÀN NĂM NỮA!          

                Phải mất 4 ngày nữa hòn đảo san hô mới bị chiếm đóng hoàn toàn. Hầu như tất cả 5,000 lính phòng thủ tử trận hết; chỉ có 17 người Nhật và 129 lao động Hàn Quốc bị bắt. Hơn 1,000 lính Mỹ đã chết chỉ vì vài mẫu đảo san hô, nhưng việc đánh chiếm nó và Makin đánh dấu sảy bước dài đầu tiên của Nimitz về phía Tokyo.

                Phía trước là Quần đảo Marshall, một nhóm gồm 32 hòn đảo và 867 bãi đá ngầm bao phủ hơn 400,000 dặm vuông. Kế hoạch ban đầu là đánh chiếm ba đảo san hô có tính chiến lược nhất cùng một lúc nhưng Tướng Thủy quân Lục chiến Holland Smith, sau trận kháng cự ở Tarawa, cho rằng điều đó sẽ quá nguy hiểm. Đô đốc Spruance, chỉ huy tấn công toàn diện, đồng ý. Nhưng Nimitz phản đối bằng một ý tưởng cực đoan khiến Spruance lẫn Smith rất đỗi nao núng: nhảy cóc hai hòn đảo san hô đầu tiên rồi tấn công đảo thứ ba, trái tim của Marshall, đảo Kwajalein. Đây là đảo san hô lớn nhất trên thế giới, gồm khoảng 100 đảo nhỏ tạo thành một đầm phá lớn dài 66 dặm và rộng 20 dặm.

                Spruance và Smith sợ rằng một cuộc tấn công vào Kwajalein sẽ khiến họ trống trải trước sự không kích của người Nhật từ những căn cứ địch gần đó, nhưng Nimitz vẫn khăng khăng. Vào ngày 1/2/1944, đảo chính Kwajalein hứng chịu một trận oanh tạc dữ dội nhất trong cuộc chiến Thái Bình Dương. 36,000 đạn pháo từ tàu hải quân và các dàn phát đặt trên những đảo nhỏ bên ngoài nã xuống Kwajalein. Bên trên đạn đạo của pháo ù ù từng đội hình máy bay Liberator trút bom xuống vùng hỏa ngục. Hiệu quả quá tàn khốc đến nỗi một quan sát viên phải thốt lên: “Toàn thể hòn đảo như thể bị nâng lên 20,000 bộ rồi bị bỏ rơi xuống.”

                Cú nhảy vào ngay trung tâm của quần đảo Marshall quả là đòn quá bất ngời đối với người Nhật. Có 8,500 người trên đảo, nhưng hầu hết họ thuộc thành phần hậu quân. Chỉ có 2,200 là được huấn luyện tác chiến bài bản; và họ không có phương tiện phòng thủ chống lại xe tăng của Mỹ. Các sĩ quan lúng túng lấy gươm đập vào các nắp đậy phiá trên xe tăng trong khi binh lính của họ cầm lựu đạn đến bên cạnh xe tăng cho đến khi chúng phát nổ. Họ tin rằng người Mỹ sở hữi vũ khí bí mật, một thiết bị có thể phát hiện kim loại trong bóng tối; mỗi lần ai đó rời vị trí ẩn núp liền bị bắn chết. Tin đồn lan truyền dạy họ lấy mũ và lưỡi lê ra khi đêm xuống. Họ vẫn bị giết chết; “vũ khí bí mật” được tập trung và có sức mạnh hỏa lực duy trì. Đó là một cuộc chiến vô vọng đối với người Nhật nhưng họ chiến đấu gần như cho đến người cuối cùng, như ở Tara. Tuần lễ sau toàn bộ hòn đảo bị đánh chiếm và nó lấy đi sinh mạng của 373 binh lính Mỹ.

                Không nghe lời khuyên các tư lệnh của mình, thành công của Nimitz ở Kwajalein tạo cảm hứng cho ông đề nghị một chiến dịch táo bạo khác sau khi Marshall bị chiếm đóng; một bước nhảy vọt hơn 1,200 dặm vượt qua các đảo Caroline thẳng đường đến quần đảo Mariana. Ông nhắm đến việc sử dụng những hòn đảo này như một bàn đạp từ đó các Pháo đài Bay mới B-29 có thể bay đến đánh bom Nhật Bản.

                Đề nghị của ông bị tấn công từ nhiều phía tại một buổi họp Lục-Hải quân phối hợp ở Trân Châu Cảng vào tháng giêng. MacArthur coi đó như một dịp làm giảm đi mũi tấn công của ông xuống Nhật Bản, và đại diện của ông, Thiếu tướng Richard Sutherland, thúc giục mạnh mẽ mọi tài lực nên dồn cho vùng tây nam Thái Bình Dương thay thế. Ông được Trung tướng George Kenney ủng hộ. Ông này xem việc đánh bom Nhật Bản do các B-29 cất cánh từ Mariana “chỉ là trò phô trương.” Thậm chí một đại diện Hải quân cũng phản đối. Chuẩn Đô đốc Thomas Kinkaid tuyên bố rằng “bất cứ cuộc bàn thảo nào về việc lấy Mariana làm căn cứ đều khiến tôi ớn lạnh.”

                Nimitz bị áp đảo, và một lần nữa sức nặng chuyển về Lộ trình của MacArthur đến Tokyo. Nhưng ở Washington, những kết luận về hội thảo Trân Châu Cảng đã gây cho Đô đốc Ernest King một “sự thối chí đầy phẫn nộ.” Ông viết cho Nimitz: “Ý tưởng cuốn chiếu người Nhật dọc theo bờ biển New Guinea, qua Halmahera và Mindanao, và qua Phi Luật Tân đến Luzon, là quan niệm chiến lược chủ yếu của chúng ta, đến việc loại bỏ sự khai thông tuyến đường liên lạc Trung tâm Thái Bình Dương của chúng ta dẫn đến Phi Luật Tân là điều vô lý. Hơn nữa nó không khớp với các quyết định của các Tham mưu trưởng Liên quân.”

                Vào đầu tháng 2, Sutherland đến Washington để biện hộ cho đề nghị của MacArthur. Không đưa ra cơ sở nào thực tế, ông bảo với các Tham mưu trưởng Liên quân rằng các kế hoạch của Nimitz là “tương đối yếu ớt và chậm tiến độ.” MacArthur có thể đến Mindanao vào tháng 12 nếu được tăng cường khí tài.

                King không có ý định giao thêm các lực lượng hải quân cho mặt trận tây nam Thái Bình Dương. Với giọng mỉa mai ông nói là MacArthur “rõ ràng đã không nhìn nhận” nghị quyết Cairo và chỉ muốn làm theo ý mình. “Tôi không nghĩ đây là lúc thuận lợi để thay đổi  chiến lược đã được nhất trí.”

                Để tránh biến một tranh cãi chiến lược thành một tranh cãi cá nhân, tướng Marshall đề nghị là Ủy ban Khảo sát Chiến lược Liên quân nghiên cứu vấn đề một lần nữa và báo cáo lộ trình nào đến Nhật Bản là tốt hơn. Ủy ban gần như cho ngay đề xuất: Lộ trình Trung tâm nên được coi là ưu tiên “với các chiến dịch ở Tây nam Thái Bình Dương hợp tác và yểm trợ nỗ lực đó.”

                Vai trò của MacArthur hẳn đã vĩnh viễn bị xem nhẹ nếu không có sự kiện là kẻ đối địch trước đây của ông, Marshall, cũng không hài lòng với kết luận của ủy ban, và sau một tháng bàn bạc, các Tham mưu trưởng Liên quân cho ra một thỏa hiệp giữa các quan niệm chiến lược trung tâm Thái Bình Dương và tây nam Thái Bình Dương. Vào ngày 12/3 họ phát ra chỉ thị cho Nimitz và MacArthur lệnh cho người trước tiến chiếm quần đảo Mariana vào ngày 15/6 và người sau xâm chiếm Mindanao với yểm trợ của Hạm đội Thái Bình Dương đúng 5 tháng sau đó.

 

                Các mũi tiến công mới của Mỹ bắt buộc Bộ Tư lệnh Hoàng gia điều chỉnh lại cách phòng thủ của họ. Các tranh giành dữ dội của Lục và Hải quân nhằm chiếm hữu các vật liệu chiến lược và các xưởng máy tập trung vào việc sản xuất máy bay, vì cả hai binh chủng đều nhất trí rằng con đường đi đến thắng lợi nằm ở không lực. Họ thỏa thuận chia sẻ bằng nhau 45,000 máy bay sẽ được sản xuất năm sau. Nhưng một tháng sau, vào đầu tháng giêng 1944, Hải quân yêu cầu nhiều hơn số được phân chia – 26,000  máy bay.

                Trường hợp của Hải quân khá thuyết phục và Tojo ưng thuận. “Đây là vấn đề quá lớn để có thể giải quyết nhanh chóng,” bạn và cố vấn của ông, Kenryo Sato phản đối. Cho đến lúc này Tư lệnh Tối cao đã trông cậy vào Hải quân sẽ đánh thắng trong Trận Đánh Quyết định chống người Mỹ trên biển, nhưng bây giờ giấc mơ ấy đã qua rồi. Từ đây về sao chính Lục quân mới phải giữ vai trò chủ yếu, và các đảo nhỏ nằm giữa quân Mỹ đang tiến tới và Nhật sẽ phải là “những tàu sân bay không thể đánh chìm,” những căn cứ cho các trận đánh trên bộ tương lai. Đa số máy bay, do đó, phải thuộc về binh chủng đánh những trận đó, Lục quân.

                Tojo nhận thấy rằng quyết định trước đây của ông đã được thúc đẩy bởi mong muốn làm hòa với Hải quân. Tất nhiên là Sato nói đúng và Tojo bảo ông ta báo lại với Hải quân là ưu tiên đã phải thay đổi. Hải quân, ngược lại, không chịu chấp nhận quyết định đảo ngược đó. Vào ngày 10/2 trận quyết đấu được nổ ra công khai tại một cuộc họp giữa các Tham mưu trưởng và các cố vấn của họ tại Hoàng cung. Đô đốc Nagano vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng các trận đánh trọng yếu với địch vẫn còn xảy ra trên biển. Ông bị Tham mưu trưởng Lục quân Sugiyama thách thức, người vừa được thăng đến chức thống chế. “Nếu chúng tôi giao cho ngài tất cả máy bay ngài muốn, liệu ngài có thể xoay chuyển cục diện không?”

                Nagano nổi quạu. “Tất nhiên tôi không thể bảo đảm một điều như thế! Còn ngài có bảo đảm nếu chúng tôi giao cho ngài toàn bộ máy bay, liệu ngài có xoay chuyển cục diện không?

                Ngay sau đó Đô đốc Oka đề nghị uống trà giảo lao khiến hai bên tạm lắng, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết cho đến khi Sato đưa ra một giải pháp khéo léo nếu không muốn nói là đáng ngờ: tập trung sản xuất chiến đấu cơ đến mức loại bỏ máy bay ném bom. Rồi bổ sung 5,000 máy bay, để được tổng số 50,000 máy bay, chia đều hai bên. Chỉ còn thiếu 1,000 máy bay so với yêu cầu 26,000 máy bay của Hải quân. Để bù vào khoản thiếu hụt này, Sato sẽ giao cho hải quân 3,500 tấn nhôm. Hải quân chấp nhận.

                Bão tố đã qua nhưng không phải những vấn đề quân sự đã làm nó thêm trầm trọng. Cuộc tiến quân của Mỹ qua trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục không gặp cản trở. Vào ngày 17/2 lực lượng đổ bộ của Nimitz nhảy cóc từ Kwajalein đến các đảo Eniwetok tại giới hạn phía tây của đảo Marshall, vượt qua bốn đảo san hô nơi đặt căn cứ không quân của địch. Ngày hôm đó và hôm sau, các máy bay trên tàu sân bay Mỹ cũng tấn công Truk ở quần đảo Caroline, ngôi nhà của Hạm đội Hổn hợp, phá hủy 70 máy bay trên mặt đất và đánh chìm 2 tàu sân bay phụ, 1 tàu khu trục, 1 xà lan chở máy bay, 2 xuồng tiếp liệu cho tàu ngầm và 23

tàu buôn – tổng cộng 200,000 tấn hàng hóa bị đánh chìm.

                Ba thảm họa liên tiếp thúc giục Sato đưa thêm lời khuyên cho Tojo dù không được  yêu cầu: “Chúng ta nên rút lui về Phi Luật Tân, và phó mặc cho một trận đánh quyết định cuối cùng ở đó.”

                “Đó có phải là ý kiến của Tổng Tham mưu không?” Tojo nghiêm sắc  mặt hỏi.

                “Không, đây là ý kiến cá nhân của tôi.”

                “Anh có tham vấn với Tổng Tham mưu chưa?”

                “Đó chính là điểm chính yếu: Tổng Tham mưu chắc chắn sẽ chống đối một kế hoạch như thế. Theo quyết đoán của tôi chúng ta đơn giản không thèm đếm xỉa giới quân sự.” Và việc đầu tiên phải làm là bỏ qua Caroline và Mariana và trở lại Phi Luật Tân.

                Tojo đỏ mặt. “Năm ngoái tại một cuộc họp hoàng triều chúng ta đã quyết định Mariana và Caroline là phòng tuyến cuối cùng của chúng ta rồi mà! Ý anh cho rằng sáu tháng sau chúng ta sẽ đầu hàng mà không đánh thêm trận nào à?

                Sato vẫn giữ lập trường. Chỉ có 7 sân bay trong khu vực đó và chúng có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi quân Mỹ trước bất kỳ cuộc tấn công nào. Nhưng ở Phi Luật Tân có hàng trăm đảo nhỏ có thể sử dụng làm căn cứ. “Đây sẽ là mặt trận cuối cùng của cuộc chiến, vì nếu trận đó thất thủ, chúng ta không còn sức đánh thêm trận nào hết. Đó là lý do tại sao chúng ta nên tập trung tất cả nỗ lực vào một trận cuối cùng – và rồi bắt đầu một cuộc tấn công hòa bình.” Chữ “hòa bình” ông có nghĩa là thỏa thuận cho bất kỳ điều kiện nào có thể để Nhật giữ được danh dự.

                Tojo cắt lời ông. “ Đừng bao giờ nhắc lần nữa cụm từ ‘tấn công hòa bình.’ Nếu anh và tôi còn thở ra các từ ‘wa’ hay ‘wahei’ [hòa bình] tinh thần của binh sĩ chúng ta sẽ bị suy sụp ngay.”

                Sato bỏ đi, được cổ vũ bởi phản ứng đầy tình cảm của Thủ tướng, nhưng lời cố vấn của ông giúp đưa tới một kết quả không ngờ đến. Chiều tối hôm đó Tojo đề nghị với Tham mưu trưởng Sugiyama là mình sẽ từ chức. Trong “tình thế cấp bách này,” Tojo giải thích, tốt nhất là ông ta nên kiêm nhiệm chức bộ trưởng chiến tranh và tham mưu trưởng.

                “Việc đó sẽ vi phạm truyền thống lâu đời của chúng ta,” Sugiyama phản đối. Một người không nên chịu trách nhiệm đồng thời về những quyết định chính trị và quân sự. Thảm họa ở Stalingrad, ông ta chỉ ra, là kết quả của sự tập trung quyền lực của Hitler.

                “Fuhrer Hitler là một lính nghĩa vụ,” Tojo nói. “Còn tôi là một vị tướng.” Ông bảo đảm với vị thống chế là mình đã suy nghĩ nhiều về những vấn đề quân sự cũng như chính trị. “Ngài không phải lo lắng về mặt đó.”

                “Nói thì dễ, nhưng khi một người phải nắm giữ hai công việc và bị xâu xé giữa mối xung đột lợi ích giữa chúng, cái nào y sẽ cho là quan trọng hơn?” Hơn nửa, nó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai.”

                “Trong một cuộc chiến chưa từng có và qui mô như thế này, chúng ta phải sử dụng mọi biện pháp cho dù phải phá bỏ tiền lệ.”

                Sugiyama mất kiên nhẩn. “Nếu ngài làm như vậy, sẽ không thể duy trì kỷ cương trong  quân đội!”

                “Điều đó sẽ không xảy ra” là câu trả lời chắc nịch. “Nếu có ai phàn nàn, chúng ta sẽ thay thế người ấy. Không có chống đối nào được cho phép.”

                Ngày hôm sau, ngày 21/2, Tojo cách chức Sugiyama và đảm nhiệm chức vụ Tham mưu Trưởng Lục quân thế ông; ông cũng thay thế Tham mưu trưởng Hải quân Nagano bằng Bộ trưởng Hải quân Shigetaro Shimada. Bốn chức vụ quân sự quan trọng nhất của quốc gia giờ tập trung trong tay hai người.

                Sato xông vào văn phòng của Tojo la lớn,” Ngài Thủ tướng, việc ngày làm thật hoành tráng!” Tojo đã vận dải viền của tham mưu trưởng. Kể từ khi làm thủ tướng ông đã phát

hiện ra rằng tính độc lập của Tư lệnh Tối cao là một “yếu tố lớn” trong những vụ lật ngược về quân sự của Nhật Bản. Tất nhiên ông hài lòng trước phản ứng của Sato và tự cho phép mình nở một nụ cười thoáng qua. “Nếu có một số sĩ quan trẻ gây ra điều gì phiền toái về việc này,” ông nói nghiêm nghị, “tôi sẽ không để chúng qua khỏi đâu.” Gekokujo sẽ không được tha thứ nữa. “Hãy để mắt đến chúng.”

                Trong một ít giờ sau đó Sato đắm mình trong những kế hoạch cho trận đánh quyết định cuối cùng ở Phi Luật Tân. Ông bị cắt ngang bởi một cú điện từ Tojo, nói trong vai trò mới của một tham mưu trưởng. “Tôi chuẩn bị phòng thủ Mariana và Caroline,” ông tuyên bố ngắn gọn.

                Việc củng cố quyền lực tùy tiện của Tojo, mà ông và Sato coi như là cái phanh chống lại sự kiểm soát độc đoán của phe quân sự, được người khác coi là một bước nguy hiểm dẫn đến độc tài quân sự. Hoàng thân Chichibu, người lớn tuổi nhất trong ba anh em của thiên hoàng, không tin tưởng một người có thể vừa làm thủ tướng vừa làm bộ trưởng chiến tranh và tham mưu trưởng. Như Sugiyama, ông đặt câu hỏi này cho Tojo: “Ngài sẽ làm gì khi Tổng tham mưu và Bộ Chiến tranh không đồng ý cách thức tiến hành chiến tranh?” Tojo viết câu trả lời một cách giận dữ: “Điều quan trọng nhất đối mặt chúng ta tại giai đoạn này là giành được chiến thắng với mọi tài lực quốc gia. Vì thế tôi cảm ơn nếu ngài gác lại việc bàn bạc cá nhân này sau chiến tranh. . . Về phần biện pháp hiện thời, tất nhiên là sẽ sinh ra chỉ trích và chống đối, vì biện pháp này chưa hề có tiền lệ. Chúng ta hãy để cho các sử gia tương lai phán xét xem hành động này đúng hay sai. Hiện nay, sự hợp tác giữa tư lệnh cao cấp và chính quyền đang rất hòa thuận và không có rắc rối nào nảy sinh. Lương tâm tôi không bao giờ cho phép tôi vi phạm những nguyên tắc cơ bản của phẩm chất nền tảng Nhật Bản. Nếu ngài có bất kỳ câu hỏi nào về điểm này, tôi rất hân hạnh được phúc đáp. Nếu có khi nào tôi cảm thấy mình không còn trung thành với Thiên hoàng, tôi sẽ tạ tội và sẽ hành xử hara-kiri trước mặt người.”*

  • Tại Nghị viện năm trước, Tojo đã chối là chế độ của mình không phải là chế độ độc tài: “Dân chúng thường cho đây là một chính quyền độc tài, nhưng tôi muốn làm rõ điều này . . . người đàn ông có tên Tojo không gì hơn một thần dân khiêm cung côi cút. Tôi cũng giống như các bạn. Điều khác biệt duy nhất là tôi được giao cho trọng trách làm thủ tướng. Do vai trò này nên tôi khác biệt. Đó là nhờ nhận được ánh sáng từ Thiên hoàng mà tôi mới chiếu sáng. Nếu không nhờ có ánh sáng này, tôi không gì hơn là một viên sỏi bên vệ đường. Chỉ vì tôi muốn tận hưởng sự tin cậy của Hoàng thượng và giữ vị trí hiện thời nên tôi mới chiếu sáng. Điều này đặt tôi vào một phạm trù hoàn toàn khác với các các nhà cai trị Tây phương vốn được coi là những nhà độc tài.

                 

                Những jushin (các thủ tướng tiền nhiệm) chia sẻ quan ngại của Hoàng thân Chichibu. Hơn nữa, đối với họ, việc lãnh đạo của Tojo chịu trách nhiệm về nỗi thống khổ của Nhật Bản. Tất cả họ đều muốn Tojo bị cách chức thủ tướng, và hai người trong số họ, Hoàng thân Konoye và Đô đốc Okada, còn đi xa hơn – và người thay thế ông ta phải lập tức nối lại đàm phán hòa bình với Đồng minh. Konoye cố gắng chiêu dụ Hầu tước Kido vào chính nghĩa cho hòa bình. Cơ Mật Viện trưởng bày tỏ cảm kích nhưng từ chối giúp đỡ; ông thầm nghĩ sử dụng ảnh hưởng của mình lên Thiên hoàng là điều không thể vượt qua được.

                Thậm chí có những người trong giới quân sự hoạt động cho hòa bình, nhưng vì những lý lẽ khác nhau. Quan trọng nhất là Chuẩn Đô đốc Sokichi Takagi, một nhà chuyên gia nghiên cứu xuất sắc đã được lệnh của Đô đốc Shimada tiến hành một nghiên cứu toàn diện về những lỗi lầm phạm phải trong cuộc chiến được phản ảnh qua các văn kiện tối mật. Cuộc phân tích của ông về những tổn thất trên không và biển dẫn ông đến một kết luận không thể tránh khỏi là Nhật Bản không thể thắng trong cuộc chiến. Khiếp đảm trước qui mô sụp đổ ở Thái Bình Dương, ông nhìn thấy cách giải quyết duy nhất là bãi chức Tojo và một cuộc truy cầu hòa bình tức thời dù kết quả là gì.

                Takagi sợ rằng nếu ông nộp tài liệu này cho Shimada, mạng sống của mình có thể lâm nguy – và bản báo cáo cũng sẽ bị xếp xó. Ông bí mật gặp Cựu Bộ trưởng Hải quân Đô đốc Mitsumasa Yonai và Phó Đô đốc Shigeyoshi Inoue, cả hai đều ủng hộ hòa bình, và bảo với họ những điều ông đã phát hiện. Họ khuyến khích chia sẻ việc tìm tòi của ông với Đô đốc Okada và những người khác có tư thế tốt hơn để hành động. Nhưng nhiều tuần trôi qua mà Tojo vẫn còn tại vị. Hết kiên nhẫn, Takagi tập họp nửa tá sĩ quan Hải quân mà ông tin cậy – các trung tá và đại tá – và thuyết phục họ là quốc gia không thể sống còn trừ khi họ ám sát Tojo. Nhưng làm cách mào? Những cuộc điều tra lén lút được thực hiện ở những tổ chức cánh hữu (các chuyên gia ám sát). Căn cứ vào các đề nghị của họ và điều tra riêng của mình về những thói quen thường nhật của Tojo, Takagi kết luận rằng một “tai nạn” ô tô sẽ bảo đảm thành công với một mục tiêu quá lộ liễu như thế. Các tên ám sát, đi trong ba xe, sẽ cắt chận đoàn xe hộ tống của Tojo. Một ô tô sẽ đâm vào xe của Tojo, làm nó ngừng lại; hai chiếc kia sẽ xông lên ép nó vào giữa và bắn hạ Thủ tướng bằng súng tự động. Những người mưu sát tất cả đều mặc quân phục. Những người khác sẽ tẩu thoát về Đài Loan bằng một phi cơ Hải quân, nhưng Takagi sẽ vẫn ở lại phía sau và nhận mọi trách nhiệm. *

  • Một vụ ám sát được một nhóm ưu tú gồm 50 kỹ thuật gia hàng không đã thất bại. Những thanh niên trẻ này thuộc bộ phận nghiên cứu và sản xuất máy bay cho Lục quân. Ngay trước Trân Châu Cảng họ đã gởi một thỉnh nguyện thư đến Tojo xin hoãn chiến tranh lại 20 năm, khi đó Nhật Bản mới đủ mạnh để sẵn sàng đánh nhau với một cường quốc chủ chốt. Tojo lắng nghe họ trình bày các lập luận trong một buổi họp riêng tư và hứa sẽ cho họ hai thập niên để xây dựng không lực.

Do đó, khi chiến tranh xảy ra họ đổ trách nhiệm cho Tojo Trong 6 tháng nỗi lo sợ của họ về biện pháp chiến tranh đã được minh chứng bằng những thảm bại kỹ thuật: chẳng hạn, máy công cụ mất tính chính xác, và các hư hỏng trong khâu thiết kế máy bay phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Trong trận đánh Guadalcanal, Tojo bảo các chuyên gia kỹ thuật này nghĩ ra cách chế những phi cơ bay không dùng xăng, đề nghị họ sử dụng “thứ gì đó như không khí.” Họ cười lớn cho đến khi nhận ra là ông ta nghiêm túc, sau đó nhất trí tham gia vào một kế hoạch cho hòa bình. Họ đi đến Hoàng thân Konoye trình bày yêu cầu của mình rồi sau đó đến chính Tojo. Bị mắng nhiếc 15 người cứng đầu nhất trong nhóm thề sẽ ám sát Tojo. Một buổi tối lãnh đạo nhóm, Trung úy Hiroshi Sato, sau khi uống sake quá chén, cãi nhau với sĩ quan chỉ huy của họ và buột miệng nói, “Một người như Tojo phải bị giết.” Hiến binh điều tra nhóm, nhưng chỉ có một người bị trừng phạt là Sato; anh bị giam một tuần vì tội say rượu. Các thành viên trong nhóm đều bị gởi ra mặt trận.

                Mỉa mai thay, chính Tojo đã bắt đầu tìm kiếm hòa bình. Trước khi Singapore thất thủ ông đã liên can đến một nỗ lực thương thảo với phe Đồng minh. Vào 12/2/1942, ông được triệu tập đến Hoàng cung và được Thiên hoàng chỉ dụ (do Kido nhắc nhở) là “không được bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để chấm dứt chiến tranh.” Tojo cho mời đại sứ Đức, Tướng Eugen Ott, và bắt ông ta hứa sẽ không tiết lộ những gì ông nghe được cho bất kỳ ai trừ Ribbentrop và Hitler. Tojo đề nghị là Đức và Nhật bí mật tiếp cận Đồng minh với lời đề nghị hòa bình; ông sẽ bay đến Berlin đại diện cho đế chế, nếu Hitler vui lòng phái một oanh tạc cơ đường dài đến chở mình. Phúc đáp từ Berlin lịch sự nhưng lạnh nhạt. Hitler không thể nhận rủi ro của việc Tojo bị tai nạn trong một máy bay Đức.

                Tojo thất vọng trước sự thiếu nhiệt tình của người Đức nhưng không hề thôi nỗ lực chấm dứt chiến tranh, mặc dù ông khá ngây thơ về cách thức tìm kiếm hòa bình. Trong dịp Đại sứ Kurusu từ Mỹ trở về cuối mùa hè đó (các nhà ngoại giao Nhật ở Washington được trao đổi với Grew và các phụ tá), Tojo kéo ông sang một bên tại một buổi chiêu đãi dành cho bộ ngoại giao, và dưới sự hiện diện của Sugiyama nói, “Làm ơn sắp xếp để kết thúc chiến tranh vào một thời điểm sớm sủa.” Giật mình trước “đầu óc đơn giản”của Thủ tướng, Kurusu đưa ra nhận xét, “Bắt đầu chiến tranh thì dễ hơn là kết thúc nó.”

                               Các tổn thất của hạm đội và tàu buôn Nhật là một thảm họa như báo cáo của Takagi đã chỉ rõ. Phần lớn trọng tải này bị đánh chìm xuống đáy biển là do những tàu ngầm săn lùng của Mỹ và để chống trả lại điều này, vốn là mối đe dọa trầm trọng nhất cho tuyến đường tiếp tế của Nhật, Hải quan Hoàng gia không làm gì nhiều.

                Việc chưa sẵn sàng về phần của Hải quân là kết quả giữa truyền thống và sự miễn cưỡng tham gia trận chiến phòng vệ. Các sĩ quan Anh đã giúp Nhật xây dựng Hải quân Hoàng gia, và họ chấp nhận mọi thứ của Anh quốc một cách quá sẵn sàng đến nỗi Học viện Hải quân  ở Etajima trở thành nguyên mẫu của của Dartmouth. Gạch xây cũng mang từ Anh qua và một lọn tóc của Lord Nelson cũng được thờ trong Sảnh Tưởng Niệm. Bắt chước lan đến nhà bếp, và mỗi ngày một lần suất ăn theo phương Tây, với đầy đủ dao nỉa và muỗng, được phục vụ khắp binh chủng Hải quân. Trong chiến đấu, các thuyền trưởng Nhật noi gương truyền thống Anh luôn chết theo con tàu chìm của mình. Quan trọng hơn, người Nhật kế thừa tính căm ghét của người Anh là không gây chiến với tàu hàng, và các tàu ngầm của họ được thiết kế để yểm trợ tàu sân bay và đánh nhau với các tàu chiến địch hơn là đi rình rập các tàu buôn. Nhưng chính sách như thế chỉ thành công khi địch cũng chia sẻ điều ấy. Người Đức thì không, và khi tàu ngầm của họ tiến hành các vụ đột kích các tàu buôn Anh trong Thế Chiến I, người Anh bắt buộc phải đáp trả tương xứng cũng như tạo ra một hoạt động chống tàu ngầm hữu hiệu.

                Người Nhật thì không thế. Họ vẫn sử dụng các tàu ngầm quá khổ, lỗi thời của mình gần như chỉ để chống tàu chiến địch và trong thực tế phớt lờ công việc chống tàu ngầm; vì việc này ít hấp dẫn đối với các sĩ quan trẻ vừa mới bắt đầu quân nghiệp chỉ muốn những nhiệm vụ sôi nổi hơn. Vào mùa thu 1941 chỉ có hai sĩ quan toàn thời gian trong Tổng tham mưu Hải quân được giao nhiệm vụ “phòng vệ tuyến sau” – bao gồm công tác gỡ mìn, phòng không và chống tàu ngầm. Về mặt hoạt động nhiệm vụ như thế được coi là không quan trọng cũng như không được ưa thích.

                Một sĩ quan duy nhất, với danh hiệu xúc phạm “Sĩ quan Tham mưu Huấn luyện,” có trách nhiệm bảo vệ tất cả tàu lưu thông dọc theo 600 dặm của bờ biển Honshu, thêm vào vùng rộng lớn giữa Vịnh Tokyo và Iwo Jima. Hơn nữa, khi cuộc chiến xảy ra không có dự phòng cho cho việc tổ chức những tàu buôn đi thành đoàn để dễ hộ tống. Phần đông các thuyền trưởng đều muốn đi một mình, nhưng trong vòng 6 tháng các tàu ngầm Mỹ đã phóng ngư lôi đánh chìm quá nhiều tàu buôn đơn độc đến nỗi Đội tàu Hộ tống Thứ nhất được thành lập, có trụ sở ở Đài Loan. Đơn vị cứu cấp này, gồm hầu hết những sĩ quan dự bị hải quân luống tuổi, có 8 tàu khu trục để bảo vệ một khu vực rộng lớn. Hạm đội Hổn hợp miễn cưỡng giao thêm bất kỳ tàu nào, vì sợ mất lòng những chỉ huy tàu khu trục, vốn rất ghét công việc buồn tẻ chăn đát những tàu vận tải.

              Vào cuối năm đầu tiên kể từ trận Trân Châu Cảng, các tàu ngầm Mỹ đã đánh chìm 139 tàu chở hàng, 560,000 tấn tổng cộng, và cuối cùng Bộ Tư lệnh Hoàng gia nhận ra rằng cuộc chiến bị đánh bại là do sơ suất. Ở nhà yêu cầu cấp nhiều dầu, bauxit và những tư liệu sản xuất thiết yếu khác. Ở mặt trận các chỉ huy van xin lương thực, đạn dược và tiếp viện. Nhưng không có đủ tàu hàng để thỏa mãn những nhu cầu của mọi người, và mỗi tuần trôi qua lại có thêm hàng hóa bị đánh chìm. Chỉ cho đến tháng 3, 1943, tuy nhiên, Đội tàu Hộ tống Thứ hai được tổ chức, với bộ chỉ huy ở Saipan. Toàn bộ lực lượng của hai đoàn tàu hộ tống vẫn còn khiêm nhượng – 16 tàu khu trục, 5 tàu khu trục nhỏ phòng vệ bờ biển, và 5 xuồng phóng ngư lôi.

                Những biện pháp vá víu này đã tỏ ra vô hiệu quả trong mọi tình huống, nhưng trong lúc đó người Mỹ đã tăng cường đáng kể chất lượng của hoạt động dưới nước của mình. Số các tàu ngầm cải tiến được chế tạo và được bố trí thủy thủ đoàn lành nghề; những ngư lôi được tái thiết kế ấn tượng thay thế những cái cũ dễ hỏng hóc, thường chạy vòng vòng và lép. Theo đó, vào tháng 9 người Nhật tổn thất kỷ lục 172,082 tấn hàng hóa. Thời gian cho những biện pháp căn cơ đã qua từ lâu, nhưng không có việc nào được làm cho mãi đến giữa tháng 11 khi Bộ Chỉ huy Lực lượng Đại Hộ tống được thành lập. Tư lệnh của nó, Đô đốc Koshiro Oikawa (đã từng là bộ trưởng hải quân vào thời điểm Tojo lấy lại chức vụ hai năm trước), được giao bốn tàu sân bay hộ tống và Nhóm Không lực Hải quân 901. Khổ thay, tất cả bốn tàu lớn này cẩn được đại tu và các phi công không được huấn luyện về chiến thuật chống tàu ngầm. Đoàn tàu tiếp tục hoạt động ngẫu hứng, mỗi chỉ huy đoàn tàu hộ tống-vận tải đều hành động theo ý mình. Tổn thất vọt lên 265,068 tấn trong tháng 11, nhưng chính quyền vẫn còn chưa tổ chức một hệ thống hộ tống chính thức. Các chỉ huy ngoài chiến trường cần hàng tiếp tế rất cấp bách, và những nhóm nhỏ từ 2 đến 5 tàu sẽ đến đó nhanh hơn. Tuy nhiên, những nhóm nhỏ này vẫn còn là những con mồi dễ xơi, và thiệt hại nặng nề tiếp tục trong hai tháng đầu năm 1944.

                Không có giải pháp căn cơ. Các hệ thống đoàn hộ tống “lớn” (20 tàu hàng, so sánh với các đoàn 70 tàu của Đồng minh ở Đại Tây Dương) đi vào hoạt động đầu tháng 3. Lúc đầu có vẻ đã mang lại phép mầu. Trong tháng đầu tiên, tổn thất hạ xuống một cách ấn tượng. Nhưng nỗi vui mừng tại các Bộ Tư lệnh Hoàng gia vẫn còn quá sớm. Thời gian đó Hoa Kỳ đang thử nghiệm một hệ thống mới và đã cho gọi nhiều tàu ngầm về bến để huấn luyện. Chúng sẽ sớm trở lại lần nữa để săn mồi như “một bầy sói.”

 

3.

                Thắng lợi hiển hách của Đô đốc Togo tại Eo Tsushima đã để lại cho các đô đốc Nhật tương lai một di sản không đáng thèm muốn: quan niệm về Trận Đánh Quyết Định, trong đó mọi vấn đề sẽ được giải quyết trong một trận đánh. Không giống như người tiền nhiệm, vị chỉ huy mới của Hạm đội Hổn hợp, Đô đốc Mineichi Koga, điềm đạm và bảo thủ  – một sĩ quan chăm chỉ, hiệu quả chỉ hành động theo lô-gíc. Vậy mà ông cũng ám ảnh bởi một mơ ước có một trận đánh sẽ làm thay đổi cục diện của cuộc chiến. Là một người thực tiễn, ông cũng biết cơ may thành công là không nhiều, nhưng đó là hi vọng cuối cùng của Nhật Bản. Vào ngày 8/3 ông đưa ra kế hoạch tác chiến, cho nó cái tên Chiến dịch Z. Một khi hạm đội Mỹ đột nhập vào Biển Phi Luật Tân qua ngõ Mariana hoặc Palau hoặc New Guinea, Hạm đội Hổn hợp sẽ xông ra với toàn bộ sức mạnh. Theo đường lối có phương pháp và hiệu quả của mình, ông tính đến việc tập trung toàn bộ lực lượng trên mặt biển của Nhật, và gần cuối tháng ra lệnh chuyển bộ chỉ huy từ tàu chiến Musashi, bỏ neo ở Palau, đến Phi Luật Tân.

                “Chúng ta hãy ra khơi và cùng chết với nhau,” ông bảo với tham mưu trưởng của mình, Đô đốc Shigeru Fukudome, trước khi họ bay về nam. Yamamoto, ông nói thêm, đã chết “chính xác đúng thời điểm” và ông cũng “ganh tỵ với ông ta về sự kiện đó.” Lúc 9 giờ vào ngày cuối cùng của tháng 3 họ đi riêng trong hai xuồng bay (thủy phi cơ) bốn động cơ Kawanishi trong chuyến bay ba giờ về tây đến Mindanao. Nhưng trước khi đến Phi Luật Tân, họ gặp một cơn bão và máy bay của Koga biệt tích. Số phận của Đô đốc Koga (cũng như của Amelia Earhart) mãi mãi là một bí ẩn. * Trong vòng một năm Hạm đội Hổn hợp đã mất đi hai tư lệnh, đều đang bay gần mặt trận.

  • Có một vài giả thuyết về cái chết của Koga. Một là ông bị phục kích, như Yamamoto; các máy bay của Hải quân Mỹ đã bắn hạ máy bay của ông và xác của ông được một tàu ngầm Mỹ vớt lên. Không có tài liệu của Mỹ nào ghi lại về một vụ phục kích như thế hoặc thu hồi được xác máy bay. Có thể nó đã rơi xuống một hòn đảo nào đó, nhưng chắc chắn hơn là máy bay mất tích ngoài biển, nạn nhân của một trận bão.

 

                Máy bay của Fukudome quay sang phải ra ngoài rìa vùng bão và đổi sang hướng bắc đi về Manila, nhưng gió mạnh tiếp tục ngăn trở chiếc xuồng bay tiến lên và lúc 2 giờ sáng nó gần như cạn hết nhiên liệu. Phi công chuyển lời đến Fukudome  trước khi chuẩn bị đáp khẩn cấp. Về bên trái dưới ánh trăng vị đô đốc có thể trông thấy một hòn đảo dài hẹp; trông giống đảo Cebu. Trong khi họ hạ cánh vầng trăng đột ngột mất dạng; bên dưới, mặt biển đen như mực. Phi công trở nên mất định hướng và mất kiểm soát. Fukudome, cũng là một phi công lão luyện, lần mò về phía buồng lái, tay vẫn ghì chặt chiếc cặp đựng bản sao chi tiết của Chiến dịch Z và hệ thống mật mã của mình. Ông vói qua vai của viên phi công và kéo lui các cần điều khiển để cố đem con tàu bay nặng nề cất lên khỏi bổ nhào. Nhưng ông kéo quá đà. Chiếc Kawanishi tròng trành rồi nghiêng trên một cánh và lộn vòng xuống biển.

                Fukudome cảm thấy nước đang nhấn chìm mình. Ông chấp nhận cái chết – dù gì thì cuộc chiến đã thảm bại – nhưng rồi theo bản năng ông cố trồi lên mặt nước, tay bám vào chiếc cặp. Nước sáng chói vì lửa. Ông và mười người khác thoát khỏi đống đổ nát, nhưng vị đô đốc, bị kéo chìm vì chiếc cặp của mình, nên không thể làm nổi lên được. Ông bấu vào chiếc đệm lót ghế ngồi và bắt đầu đạp chân đi về phía bờ biển Cebu. Hết giờ này đến giờ khác ông chống lại dòng nước chảy xiết. Đến hừng đông ông thấy chỉ có mỗi mình ông trên mặt biển. Những người khác chắc hẳn đã đi xa rồi. Fukudome có thể nhận ra bóng đen của một ống khói ở đằng xa. Đó là Nhà máy Xi măng Asano, chỉ cách thành phố Cebu 6 dặm về phía nam, tổng hành dinh Nhật Bản ở vùng trung tâm Phi Luật Tân. Đây là khu vực tương đối an ninh, cho dù trên đảo đầy dẫy bọn du kích.

                Ông vùng vẫy trong làn nước thêm một giờ nữa, đến mức gần như kiệt sức, trước khi trông thấy vài banca (thuyền câu) đang đến gần. Ông do dự. Có phải họ là du kích không đây? Ông phải chịu bị bắt nhưng phải bỏ chiếc cặp. Khi ông được kéo lên chiếc banca đầu tiên, một trong những ngư dân – họ đã trông thấy đám cháy – thoáng thấy chiếc cặp đang chìm chầm chậm, liền nhanh chóng vớt lên.

                Vị đô đốc được dẫn đến Balud cùng với 8 đồng đội của ông; hai người khác đã chạy thoát đến bộ chỉ huy Nhật Bản ở thành phố Cebu. Những tù binh được giao cho đơn vị du kích gần nhất, tại đó họ bảo với Đại úy Marcelino Erediano, người đã từng theo học ở Đại học Hoàng gia Tokyo một năm, rằng họ là những sĩ quan tham mưu không quan trọng từ Nhật đến trong một chuyến thanh tra khu vực thường lệ. Tuy nhiên, Erediano chú ý là một người trong bọn (Fukudome) được họ đặc biệt kính trọng. Có lẽ ông ta là sĩ quan cấp tướng chăng? Hơn nữa, các tài liệu trong cặp đều có đánh ký hiệu TỐI MẬT bằng mực đỏ cho thấy tầm quan trọng của nó. Một người đưa tin liền chạy đem thông tin này cho chỉ huy lực lượng du kích Cebu, Trung tá James Cushing, một kỹ sư đào mỏ của Mỹ, nửa Ái Nhĩ Lan, nửa Mễ. Cushing là một cựu võ sĩ quyền anh – một con người tinh quái, uống rượu như hũ chìm. Bản thân y thích sống nhàn nhã trong vùng núi cho đến hết chiến tranh với một bà vợ Phi và một đứa con, tận hưởng cuộc sống, nhưng nhân dân Cebu đã thuyết phục ông là chỉ có mình ông mới đoàn kết được các nhóm du kích luôn cãi cọ trên hòn đảo.

                Cushing ngay lập tức điện cho MacArthur bằng máy ATR4A nhỏ của mình là có 10 người Nhật, bao gồm một sĩ quan cao cấp, đã bị bắt cùng với một đống các tài liệu quan trọng, một số trong đó trông như hệ thống mật mã. Thông điệp bị Đại tá Wendell Fertig, một sĩ quan công binh đã trở thành chỉ huy toàn bộ lực lượng du kích ở Mindanao, chận được. Y chuyển về cho Úc. Tai đó nó tạo ra một “cơn khuấy động dữ dội” đến nỗi Hải quân phải điều một tàu ngầm đang hoạt động phải ngừng nhiệm vụ ngay lập tức để đến Negros, một hòn đảo sát bên phía tây của Cebu, để tóm lấy các tù binh và tài liệu mật.

                Fukudome, chân bị thương do tai nạn máy bay, được khiêng trên cáng. Phải mất hơn một tuần mới đến được nơi ẩn náu trong vùng núi của Cushing ở Tupas, cách thành phố Cebu 10 dặm về hướng tây, và trong thời gian đó vị đô đốc, dưới sự tra hỏi không ngừng của Erediano, “nhận” mình là Đô đốc Koga và có thể nói chút tiếng Anh.

                Ngay sau khi Fukudome được giao nộp cho Cushing, binh lính Nhật từ thành phố Cebu, được hai người trốn thoát báo động, mở một cuộc tấn công lên Tupas. Chỉ huy của họ, Trung tá Seito Onishi, đe dọa đốt rụi làng mạc và hành hình dân làng trả thù nếu các tù binh không được thả ra nhanh chóng. Cushing rút lui sâu hơn trong vùng núi và điện cho MacArthur là mình có thể đưa tài liệu đến Negro nhưng không chắc giao nộp các tù binh và Đô đốc Koga.

                MacArthur trả lời: TÙ BINH ĐỊCH PHẢI ĐƯỢC GIỮ LẠI VỚI BẤT CỨ GIÁ NÀO.

                Đó là một mệnh lệnh bất khả tuân. Cushing chỉ có 25 người, còn binh lính của Onishi đang khép vòng vây. Y gởi tài liệu đến Negro do hai người chạy tin mang đi nhưng báo với MacArthur là mình bắt buộc phải phóng thích “Koga” để tránh bị trả thù tiếp tục. MacArthur nổi giận cách chức chỉ huy của Cushing và giáng chức y xuống làm binh nhì.

                Nhưng “Binh nhì” Cushing vẫn còn chỉ huy, và phải thương thảo với Onishi không được đình hoãn. Y nhờ “Koga” soạn ra một bức thư yêu cầu Onishi ngưng hành động trừng phạt để trao đổi mình và những người khác. Fukudome ký tên vào bức thư sử dụng tên Koga. Một người dân giao thư ấy cho Onishi, rồi trở lại với bức thư của Onishi hứa sẽ tuân thủ đề nghị. Fukudome lần nữa được mang lên cáng. Cushing thân tình bắt tay ông; giờ họ đã trở thành bạn và thậm chí, chú chó lớn tai cụp dữ tợn của Cushing, luôn gầm gừ với những người Nhật khác, cũng để cho vị đô đốc vuốt ve nó. Một trung đội không vũ trang, do Trung úy Pedro Villareal cầm đầu, hộ tống các tù binh xuống núi đến vùng tự do.

                Chiếc cặp của Fukudome tìm đường đến tay MacArthur qua tàu ngầm. Tài liệu trong đó là một trong những tài liệu địch có ý nghĩa nhất bắt được trong chiến tranh, nhưng Jim Cushing thì bị thất sủng và chịu, y tưởng tượng một cách có căn cứ, những hình phạt còn tệ hơn khi Mac Arthur trở lại Phi Luật Tân. *

  • Nhờ những nỗ lực của Tướng Courtney Whitney, trưởng Phòng Tình báo Đồng minh, Cushing được phục chức. Sau chiến tranh y được thưởng một số tiền khấm khá vì nhữngđóng góp cho thắng lợi. Với số tiền đó có đủ cho Cushing sống đến hết đời trên đảo, nhưng y tiêu sạch sau một vài tháng trong những tiệc nhậu ăn mừng trải dài từ Thái Bình Dương đến California. Y mất ở Phi Luật Tân 20 năm sau, được bạn chiến đấu yêu mến.

        Trên Cebu nhiều người vẫn tin Koga chính là người mà Cushing đã bắt được, và rồi sau đó tự sát bằng hara-kiri ở Manila. Chỉ huy người Nhật ở Cebu, Đại tá Onishi, cũng tin là mình đã giải cứu Koga và ông này sau đó đã hara-kiri.

        Đô đốc Fukudome vẫn còn sống và đã phát biểu về việc mình bị bắt nhưng không đi vào chi tiết. Phần lớn thông tin về sự kiện này đều xuất phát từ Cushing và đồng đội của y.      

                Koga được thay thế bằng Đô đốc Soemu Toyoda, trước đây là chỉ huy tại Căn cứ Hải quân Yokosuka. Một con người xuất sắc, nổi tiếng vì tính tỉ mỉ và hay châm biếm đến nỗi hơn một phụ tá phải bị suy sụp thần kinh. Hơn nữa, ông lên bờ ngay từ bắt đầu cuộc chiến, do đó phải cần một tham mưu trưởng dạn dày kinh nghiệm trên biển ở mức cao nhất. người được chọn tất nhiên là Đô đốc Ryunosuke Kusaka, cựu tham mưu trưởng của Nagumo, và hiện giờ đang phục vụ dưới trướng của ông anh họ Đô đốc Junichi Kusaka ở Rabaul. Trước khi rời Rabaul, ông được khoản đãi một buổi tiệc chia tay – gồm hai can lươn biển, hai quả cà nướng trộn với đậu nghiền, súp rong biển, và cơm trộn lúa mạch. Tướng Imamura góp thêm nửa tá chai sake.

                Chỉ có một cách đi ra khỏi Rabaul là bằng đường hàng không – và chịu rủi ro như Yamamoto và Koga. Cách chiến đấu cơ Mỹ tuần tra trên đầu gần như liên tục. Để được an toàn, máy bay Kusaka sẽ cất cánh vào ban đêm, các hành khách của nó lại có dịp uống mừng lần cuối – lần này là uýt ki chính hiệu Johny Walker Nhãn Đen. Lúc 4 giờ chiếc oanh tạc cơ bay thấp qua hải cảng, ống phun khói được nối dài để che dấu ngọn lửa phun ra. Đến hừng đông thì nỗi lo sợ bị phát hiện đã thành hình. Một đội chiến đấu cơ địch bay lướt qua gần sát đến độ Kusaka có thể trông rõ các phi công địch. Nhưng không hiểu sao, người Mỹ tiếp tục bay đi – không bắn một phát nào vào tham mưu trưởng mới của Đô đốc Toyoda.

                Máy bay Kusaka tiếp nhiên liệu ở Truk rời tiếp tục bay đến Saipan. Ở đây vị đô đốc hội ngộ với Nagumo, người mà sau vụ Midway và Guadalcanal đã bị giáng chức chỉ còn chỉ huy một hạm đội nhỏ ở đây. Sau Rabaul với chu kỳ thiên nhiên hà khắc của nó [Núi lửa Rabaul là một trong những núi lửa còn hoạt động và nguy hiểm nhất ở Papua New Guinea: ND], Kusaka thất kinh trước cách phòng thủ sơ sài của hòn đảo chiến lược này, nên ông dặn dò nhiều việc cần làm gấp. Sáng hôm sau Kusaka bay đi Iwo Jima, tại đó ông thanh sát hòn đảo núi lửa nhỏ trong khi chờ tiếp nhiên liệu. Nó được phòng thủ kiên cố nhưng còn thiếu nhiều súng máy và ụ pháo. Ông hứa với chỉ huy đảo – Đại tá Tsunezo Wachi, nguyên đặc vụ và tùy viên hải quân phụ tá ở Mexico City trước Trân Châu Cảng – là ông sẽ gởi đến nhiều vũ khí hơn, và chúc ông ta thắng lợi.

                Khi đến bộ chỉ huy bờ biển của Hạm đội Hổn hợp bên ngoài Tokyo, vấn đề tức thì của Kusaka là xác định một lần nữa ở đâu và cách nào để trận đánh chủ yếu tiếp theo sẽ xảy ra. Như những người tiền nhiệm, Kusaka bận tâm với ý nghĩ về một Trận Đánh Quyết Định và kế hoạch tác chiên của ông không tránh khỏi cũng tương tự như của Koga. Vào tháng 3 Hải quân đã được tái tổ chức triệt để, và hiện giờ lực lượng chủ lực của nó, Hạm đội Cơ động Thứ 1 của Phó Đô đốc Jisaburo Ozawa, đang neo đậu tại Linga Roads, ngoài khơi Singapore, sát bộ phận tiếp tế nhiên liệu nhưng xa vùng Phi Luật Tân nguy cấp. Kusaka nhớ lại một tục ngữ Trung Hoa: “Dù cung mạnh cỡ nào, mũi tên đi xa sẽ không xuyên thủng được vải thưa.” Cần phải đưa Hạm đội Cơ động về phía trước “trong một cú lò cò, nhảy qua và nhảy tới.” Bước lò cò là đến Tawi Tawi, một trong những đảo của Phi Luật Tân xa nhất về phía nam; bước nhảy qua là qua trung tâm Phi Luật Tân; và bước nhảy tới là đến Palau hoặc Saipan. Kế hoạch của Kusaka được cầm tay đến Toyoda, đang còn ở tại Yokosuka. Nó được tán thành, và ra đời với tên A-Go (Chiến dịch A).

                Kusaka nhớ lại hệ thống phòng thủ chểnh mảng ở Saipan, và vì sức mạnh của các đảo là điều thiết yết đối với chiến dịch, nên ông truy cứu những sĩ quan Lục quân chịu trách nhiệm. Tojo, bực mình vì việc chỉa mũi dai dẳng của Kusaka, viết cho ông: “Tôi đích thân bảo đảm với “một dấu ấn lớn” sự phòng thủ của Saipan!” Người mang thông điệp, một vị đại tá, nói thêm là Lục quân hi vọng quân Mỹ sẽ đổ bộ lên Saipan; chúng sẽ bị quét tan.

                Vào cuối tháng 4 các chi tiết kỹ thuật của A-Go được chốt lại và một ít ngày sau đó Đô đốc Toyada phát lệnh toàn diện. Vùng đánh “quyết định” sẽ là quần đảo Palau, và nếu quân Mỹ thẳng tiến về quần đảo Mariana, họ sẽ bị “dụ” về nam (để tiết kiệm nhiên liệu cho Hạm đội Cơ động và gần hơn các căn cứ không quân trên đất liền), tại đó một “trận đánh quyết định với toàn bộ sức mạnh sẽ được bung ra vào một thời cơ thuận lợi.” Quân địch sẽ bị “tấn công và hủy diệt gần như toàn bộ trong vòng một ngày xung trận.” Nhưng trước tiên 540 máy bay đặt căn cứ trên mặt đất của Đội Không lực Thứ nhất phải tiêu diệt “ít nhất một phần ba đơn vị tàu sân bay tác chiến của địch.”

                Vào ngày 10/5 kế hoạch “nhảy lò cò, nhảy vượt và nhảy tới” của Kusaka bắt đầu; Hạm đội Cơ động của Ozawa rút ta khỏi Linga Roads và thẳng đến Tawi Tawi.

 

4.

                Mục tiêu tiếp theo của người Mỹ là Saipan, đảo chiến lược nhất của quần đảo Mariana; Nimitz sẽ là người chỉ huy. Trong khi đó MacArthur đã nhảy một bước lớn khác về phía mục tiêu của ông, Phi Luật Tân, bằng cách nhảy một mạch từ đông New Guinea đến Hollandia, một khu vực cảng quan trọng gần chóp tây bắc của hòn đảo, trong một chiến dịch đổ bộ đầy tham vọng làm bất ngờ hoàn toàn 11,000 binh sĩ phòng thủ. Tiếng gầm thét của pháo hạm Đồng minh thổi bay gần hết binh lính Nhật – 90 phần trăm là lính phục vụ – và 52,000 kẻ xâm chiếm không gặp rắc rối nào khi quét sạch khu vực. Với một giá tối thiểu MacArthur đã chiếm được một căn cứ không quân, một căn cứ hải quân và vận chuyển tuyệt

hảo. Một tuần sau khi Hạm đội Cơ động rời Linga Roads ông sảy bước tiếp về hướng Tokyo – lần này xông qua 120 dặm về phía tây đến vùng Sarmi, chiếm được hai sân bay tuyệt hảo, và một cái khác đang xây dựng. Có 14,000 binh lính Nhật tại đó nhưng không đến phân nửa là lính tác chiến và họ bị chụp bất ngờ như đồng đội ở Hollanda. Họ kháng cự yếu ớt – chỉ có hai lính Mỹ chết trong ngày đầu tiên – và MacArthur có thêm một căn cứ giá trị khác.

                Mục tiêu tiếp theo của ông là Biak, một đảo nhỏ nằm về phía tây, tọa lạc một cách chiến lược trong miệng vịnh lớn nhất của New Guinea. Biak dài 45 dặm và rộng 20 dặm, và có ba đường băng hoạt động được mà người Nhật xem là khá quan trọng khi cắm đến 10,000 quân phòng thủ. Vào ngày 20/5 người Mỹ bắt đầu pháo kích suốt một tuần lễ, nhưng việc này cũng không đánh động vị chỉ huy Nhật về cuộc tấn công đến gần. Sư đoàn 41 đổ bộ lên đảo gần như không gặp sức kháng cự nào. Các đợt GI đầu tiên lên bờ nhầm chỗ nhưng đến trưa họ đã thiết lập được đầu cầu vững vàng.

                Trên tàu chỉ huy mới của Hạm đội Hổn hợp, tầu tuần dương Oyodo, tham mưu của Toyoda chấn động vì tin đổ bộ bất ngờ lên Biak; vào đúng ngày kỷ niệm trận thư hùng Tsushima lần thứ 39. Kusaka, tuy nhiên, cho đây là cơ hội. “Nếu ta chiếm lại nó,” ông nói, “điều đó sẽ lôi kéo Hạm đội Thái Bình Dương đủ gần để chúng ta có thể có Trận Đánh Quyết Định  gần Palau.” Lập luận của ông chi phối mọi người trừ sĩ quan tình báo, Đại tá Chikataka Nakajima, người có ý kiến rằng cuộc đổ bộ của MacArthur lên Biak chỉ là phụ và mũi tấn công chủ yếu, được yểm trợ hoàn toàn bởi Hạm đội Thái Bình Dương, sẽ hướng đến Saipan. Nhưng Kusaka thắng thế, và gần như trong đêm một kế hoạch gấp rút được đưa ra nhằm yểm trợ Biak, Chiến dịch KON, được hình thành.

                Tất nhiên Nakajima nói đúng. Ba sư đoàn sẽ đổ bộ lên Saipan trong 19 ngày nữa – vào 15/6 – đã kết thúc khóa huấn luyện căng thẳng và tập dượt những cuộc đổ bộ phối hợp ở Hawaii; và một đoàn gồm 110 tàu vận tải hải quân, cùng với nguyên một sư đoàn tàu Liberty, được tập kết để chuyên chở họ, cùng với quân đoàn và lính đồn trú 7,000 người,  qua chặn đường 3,200 dặm đến khu vực đổ bộ.

                Quần đảo Mariana, một chuỗi những đảo núi lửa nhiệt đới, được Magellan khám phá năm 1521. Ông quá ấn tượng trước những chiếc xuồng của thổ dân và cách trang bị xuồng nên ông đặt tên chúng là Đảo của Cánh buồm Tam giác, nhưng đối với những thủy thủ ít lãng mạn hơn chúng được biết dưới tên Đảo của Bọn Thảo khấu. Vào thể kỷ 17, chúng chính thức đổi tên để vinh danh Mariana của Áo, góa phụ vua Philip IV của Tây Ban Nha, nhưng theo thời gian ảnh hưởng của Tây Ban Nha suy yếu dần. Trong cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha, Mỹ đánh chiếm đảo Guam, hòn đảo lớn nhất. Một ít tháng sau, vào năm 1899, người Tây Ban Nha bị phiền nhiễu bán phần tài sản của họ là các đảo Caroline, Marshall và Mariana cho Đức với giá $40,000,000. Người Mỹ lẽ ra đã mua các đảo ấy, nhưng Chính quyền của Tổng thống McKinley nghĩ chúng không đáng với giá đó.

                Trong Thế Chiến I người Nhật chiếm đóng tất cả đảo này, và vì đứng bên phe thắng, nên được Hội Quốc Liên cấp quyền ủy thác các đảo này cho Nhật. Năm 1935 họ xây dựng Sân bay Aslito tại đầu phía nam của Saipan, và một thời gian sau xây dựng một căn cứ thủy phi cơ trên bờ biển phía tây và một đường băng cho chiến đấu cơ ở đầu phía bắc. Một số người Mỹ kết án Nhật sử dụng hòn đảo này như các căn cứ hải quân và quân sự trái với hiệp ước của Hội Quốc Liên, nhưng không có nhiều hơn một nhúm binh sĩ trên đảo. *

  • Những mối ngờ vực của người Mỹ này giúp nổi lên các câu chuyện xúc động liên quan đến chuyến bay cuối cùng của Amelia Earhart. Cô Earhart và phi công của mình, Fred Noonan, cất cánh từ Lae, New Guinea, vào một buổi sáng tháng 7, 1937, trong chiếc Lockheed hai động cơ, và mất tích. Sau chiến tranh, nhiều tin đồn lan truyền là hai người đã cố ý đi khỏi lộ trình để do thám các căn cứ quân sự trên Saipan và rơi máy bay gần căn cứ thủy phi cơ. Họ được cho là bị bắt và sau đó chết vì thương tích hoặc bị hành hình. Tony Benavente, một viên chức cảnh sát ở Saipan, giúp đỡ hai viên chức Mỹ điều tra vụ án. Họ phỏng vấn khoảng 15 đàn ông và phụ nữ (sau này được ông Benavente cho là “các nhân chứng đáng tin cậy”) đã nhận diện người trong hình chụp Earhart và Noonan là “hai tù nhân Mỹ” mà họ đã nhìn thấy trong mùa hè 1937, và một người nói rằng y đã chú ý hai người da trắng bị bịt mắt đúng như mô tả Earhart và Noonan trong thùng của xe mô tô thùng của Nhật gần căn cứ thủy phi cơ. Một người Nhật bảo anh họ là những gián điệp Mỹ đã bị bắt ngoài bờ biển.

        Dù sao thì không có chứng cứ kết luận về số phận của Amelia Earhart, cũng như không có khẳng định gì về phía các nguồn tin chính thức của người Nhật.

                Tất cả trẻ em bản xứ – chúng thuộc chủng tộc Chamorros – được yêu cầu học tại các trường của Nhật trong ít nhất 6 năm, và những bé trai xuất sắc nhất được khuyến khích theo học tại một trường nông nghiệp chuyên môn. Mía đường là thời vụ và sản lượng chính tăng vọt nhờ Công ty Phát triển Nam Hải. Vào thời điểm Trân Châu Cảng, Saipan đã trở thành một Tokyo nhỏ; trong số hơn 30,000 người, không đến 4,000 người là dân Chamorro. Đảo có chiều dài bằng Manhattan nhưng chiều rộng gấp hai lần. Giữa Núi Tapotchau cao 1,554 bộ ở trung tâm và Núi Marpi ở cuối phía bắc là một sống đá lỡm chỡm trải dài, lỗ chỗ hàng ngàn hang động và điểm nhiều đỉnh nhỏ và dốc đứng. Khu vực hiểm trở này, cũng như những ruộng mía bao phủ 70 phần trăm diện tích 85 dặm vuông của đảo, là một cứ điểm lý tưởng để phòng thủ.

                Trong hai năm đầu của cuộc chiến Saipan chỉ là một khu vực tiếp tế và sắp xếp hàng hóa. Thậm chí sau khi Tarawa và Kwajalein thất thủ lực lượng đồn trú tiếp tục vẫn không hơn một lực lượng tượng trưng, và trừ việc xây dựng những công sự bê tông ngầm, hầu như không có gì làm để củng cố hòn đảo, không ngờ đây sẽ là mục tiêu kế tiếp của Nimitz.

                Vào sáng ngày 2/2/1944, các oanh tạc cơ từ tàu sân bay tấn công các sân bay của đảo. Dân chúng nghe tiếng hỏa lực của các khẩu pháo phòng không của phe mình, nhưng các máy bay Nhật đâu rồi? Hàng ngày họ đều bay rất thấp và đông đến nỗi gần như không thể dạy học được. 74 máy bay Nhật từ Saipan, Tinian và Guam có cất cánh lên, nhưng họ không thể ngăn cản kẻ địch phá hủy 101 máy bay trên mặt đất. Họ xoay sở bắn hạ 6 máy bay Mỹ, nhưng chỉ 7 trong số 74 trở về căn cứ an toàn.

                Trên Saipan, cuộc sống trầm lắng đã kết thúc mãi mãi. Trường học và các xưởng đều đóng cửa để dân chúng có thể đào hầm trú ẩn và giúp xây dựng các đường băng mới. Công việc này làm tinh thần họ lên cao và giúp họ lấy lại niềm tin. Nhưng có lệnh xuống bắt người già, phụ nữ và trẻ em hồi hương về Nhật. Vào ngày 3/3 Amerika-maru lên đường với 1,700 hành khách, hầu hết là gia đình các nhân viên của Công ty Phát triển Nam Hải hoặc những công dân có ảnh hưởng. Tàu không bao giờ về được tổ quốc. Ba ngày sau các ngư lôi đã đánh chìm nó xuống đáy biển. Các tàu chở quân tiến về Mariana cũng bị trúng ngư lôi, và những binh lính sống sót, đến Saipan chán chường, không có vũ khí, và mang theo họ cảm giác tiêu đời.

                Trong một nỗ lực nhằm chặn đứng đà thắng lợi của quân Mỹ ở trung tâm Thái Bình Dương, các Bộ Tư lệnh Hoàng gia tái tổ chức toàn bộ cấu trúc chỉ huy của khu vực và phái Đô đốc Nagumo đến Saipan để chỉ huy một hạm đội mới thành lập, Hạm đội Trung tâm Thái Bình Dương. Về lý thuyết Nagumo là tư lệnh tối cao của tất cả các lực lượng trong vùng, Lục quân cũng như Hải quân, nhưng đường lối chỉ đạo từ Tokyo quá mơ hồ thành ra ông giống như hình nộm.

                Vào cuối tháng 5 Sư đoàn 43, hạt nhân của lực lượng phòng thủ Saipan, đi tàu đến Saipan trong hai chuyến. Chuyến đầu đến an toàn, nhưng chuyến thứ hai – một đoàn vận tải chở theo 7,000 lính – làm mồi cho một loạt tấn công của tàu ngầm, và 5 trong số 7 tàu vận tải bị đánh chìm. Hai tàu kia ken cứng người sống sót trên boong và tiếp tục đi. Khoảng 5,500 người cuối cùng đến được Saipan với nhiều binh sĩ bị thương và phỏng nặng. Ít người có đầy đủ trang bị và vũ khí. Sư đoàn rối loạn đến nỗi một sĩ quan tham mưu, Thiếu tá Takashi Hirakushi, báo cáo rằng phải mất đến 6 tháng trước khi có thể tiến hành hoạt động phòng thủ.

                Các vị trí phòng thủ cũng chưa được sẵn sàng. Trung tướng Hideyoshi Obata của Quân đoàn 31, tư lệnh toàn bộ lục quân ở Mariana từ các bộ chỉ huy ở Saipan, chính thức cảnh báo Nagumo. “Đặc biệt,” ông viết, “trừ khi những đơn vị được cung cấp những vật liệu tiếp tế như xi măng, thép, kẽm gai, gỗ . . . vốn không thể tìm được trên những đảo này, dù có bao nhiêu lính thì về phương diện phòng thủ họ không thể làm gì ngoài ngồi khoanh tay rế, và tình hình thật không thể chịu được.” Đến giờ tình hình vẫn không cải thiện. Hàng ngàn tấn vật liệu xây dựng đã bị đánh chìm khi chuyên chở và không còn thêm hàng nào chở đến thay thế.

                Thời gian cũng gần hết đối với 31,629 lính phòng thủ (25,469 lục quân, 6,160 hải quân). Hạm đội khổng lồ của các tàu Mỹ – 535 – đang hội tụ về Saipan. Họ chở theo 127,571 binh sĩ, hai phần ba là Thủy quân Lục chiến. Trên biển vào ngày 7/6, họ nhận được một tin về một cuộc tấn công hùng hậu khác. Trên một con tàu đầy nghẹt các lính Thủy loa phóng thanh cất tiếng loan báo, “Trận tấn công Pháp đã bắt đầu. Hết báo cáo.” Một sự im lặng bao trùm. “Ơn Trời!” ai đó cuối cùng nói.

                Ngày D đi qua mà không được Nhật chú ý đến. Hạm đội Hổn hợp bận với chiến dịch KON. Nỗ lực đầu tiên để củng cố Biak đã thất bại; các tàu khu trục và tàu vận tải phải quay lại vì các trận không kích dai dẳng. Một nỗ lực thứ hai với 6 tàu khu trục đã lên đường. Gần trưa ngày 8/6 một trong số những tàu này bị các oanh tạc cơ đánh chìm, và 5 tàu còn lại quay trở lại về bắc khi gặp một tàu khu trục đơn độc của Mỹ vào lúc nửa đêm.

                Đô đốc Ozawa, tư lệnh Hạm đội Cơ động, không dễ dàng bị hù dọa như thế. Ông điện cho Hạm đội Hổn hợp rằng các sân bay ở Biak quá giá trị để đánh mất và nhắc nhở các cấp trên của ông là một nỗ lực khác để chiếm lại hòn đảo “có thể kéo Hạm đội Hổn hợp vào vùng tính toán trước dành cho trận đánh quyết định và nhờ đó chúng ta có thể phát động chiến dịch A-Go.” Kusaka không cần bị hối thúc – suy cho cùng đó là kế hoạch của ông – và ông thuyết phục Toyoda để Ozawa nỗ lực lần cuối cùng với một lực lượng lớn hơn. KON được tăng cường với 1 tàu tuần dương, 6 tàu khu trục và 2 tàu chiến lớn, Musashi Yamato. Vào chiều ngày 10/6 lực lượng đáng sợ này rời Tawi Tawi đi về nam.

                Trong khi Nhật Bản tập trung chú ý lên Biak, người Mỹ đang tiến gần đến mục tiêu chính của họ, Saipan, cách hơn 1,300 dặm về phía đông bắc. Vào giữa ngày, 11/6, họ phát động một trận tấn kích với 208 chiến đấu cơ và 8 máy bay phóng ngư lôi lên Tinian và Saipan. Không đếm xỉa đến hỏa lực phòng không kém chính xác, họ bay thấp xuống hai hòn đảo, được ngăn cách bởi con kênh hẹp, bắn phá và ném bom. Trên Saipan, họ để lại hơn 100 máy bay ngun ngút khói và lửa quét qua các bãi cỏ xavan cao bốn bộ trên các sườn núi phía trên Garapan, thị trấn lớn nhất trên đảo.

                Toàn bộ mục đích của Chiến dịch KON thình lình bị phủ định hóa. Quần đảo Mariana mới là mục tiêu chủ yếu. Hạm đội Hổn hợp ngưng lại Chiến dịch KON và ra lệnh chỉ huy của nó hẹn gặp với Ozawa trong vùng nước phía tây Saipan.

                Trước khi hai lực lượng gặp nhau, 7 tàu chiến Mỹ và 11 tàu khu trục bắt đầu oanh tạc Saipan và Tinian. Đó là ngày 13/6, hai ngày trước cuộc đổ bộ. Trong ngày họ bắn cả thảy 15,000 pháo 16- và 5-inxơ, nhưng pháo binh có ít kinh nghiệm về việc oanh tạc bờ biển, vốn yêu cầu điều chỉnh chậm chạp và kiên nhẫn vào những mục tiêu cụ thể, nên thiệt hại có tầm quan trọng quân sự gây ra không nhiều. Trước hừng đông họ được tiếp thêm một đội pháo yểm trợ thành thục – 8 tàu chiến, 6 tàu tuần dương nặng và 5 tuần dương nhẹ. Lần này độ nhắm được tính toán và canh chính xác.

                Ở Garapan một y tá tình nguyện trẻ có tên Shizuko Miura – một cô gái có tính tình con trai với gương mặt bầu bĩnh vui vẻ – co rúm người khi những đạn pháo đầu tiên rơi xuống. Cô ló mắt nhìn qua cửa sổ của trạm sơ cứu trong ánh sáng lờ mờ. Người Mỹ đang pháo kích thị trấn một lần nữa. Khi tiếng nổ tiến gần hơn cô giúp di chuyển các người bị thương trong trận pháo kích trước đến một hầm trú ẩn. Khi trời sáng các phi cơ địch tiến đến và pháo từ tàu càng dữ dội hơn. Đó là ngày 14/6, Shizuko thầm nghĩ. Mình đã sống 18 năm và mình đã đến ngày chết. Một đạn pháo rung lắc hầm trú ẩn như trong một trận động đất và xô cô ngã xuống đất. Cô loạng choạng bước ra ngoài. Trạm sơ cứu đã bị xóa sổ. Cô trong thấy một mảnh kim loại màu đỏ – đó là mảnh đạn – và, tò mò, cô dí ngón tay vào nó. Cô rút tay lại vì phỏng. Các phi cơ bay vù vù trên đầu nhưng không ai bắn vào chúng. Garapan bốc cháy. Hơi nóng quá khủng khiếp đến nỗi cô gần như ngạt thở. Cô bắt đầu lần mò qua các đường phố đổ nát rải rác các thi thể.

                Ở ngoài bờ biển các đội phá hủy ngầm 96 người đang thám sát các dãy đá ngầm phía nam Garapan. Họ không tìm thấy các chướng ngại vật nhưng sự hiện diện của họ khiến Trung tướng Yoshisugu Saito, tư lệnh Sư đoàn 43, tin chắc trận xâm chiếm sắp sửa xảy ra trên bờ biển phía tây. Ông tập trung binh lính để đương đầu với trận tấn công, di chuyển pháo và thiết lập bộ chỉ huy mới trên bờ biển tây. Sato rõ ràng là người không thích hợp để chỉ huy binh lính tác chiến vì tính tình và quá trình huấn luyện. Ông gốc là một kỵ binh nhạt nhẽo, to béo mà vị trí chỉ huy trước đây là một đơn vị thu mua ngựa. Việc sư đoàn của ông được chọn làm hạt nhân của lực lượng phòng thủ Saipan cho thấy Tokyo xem hòn đảo không có gì quan trọng.

                Nhiều nhóm binh sĩ khác ở Saipan là những đơn vị ngẫu nhiên được cứu vớt từ các con tàu chìm. Họ thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo và không có vũ khí. Đô đốc Nagumo là người đứng đầu trên danh nghĩa của lực lượng phòng thủ bát nháo này, nhưng ông luôn giao phó cho Tướng Obata của Quân đoàn 31 – và ông đang đi thị sát quần đảo Palau, và tham mưu trưởng của ông, Thiếu tướng Keiji Igeta, thì dưới cấp của Sato.

                Điều này đặt quyền chỉ huy chiến thuật của hoàn đảo vào tay của ngài Sato không may. Ông mang nặng học thuyết đã ngự trị và làm suy yếu sức mạnh phòng thủ chống lại mọi cuộc xâm chiếm từ đó đến giờ. Tokyo đã chỉ thị là như thường lệ, Saipan phải được phòng thủ chủ yếu từ bãi biển chứ không vào sâu trong đất liền.

                Các tàu vận tải và tàu LST chở các sư đoàn 2 và 4 của Thủy quân Lục chiến đang tiến sát bờ biển phía tây của Saipan và sẽ đến vị trí đổ quân vào sáng hôm sau, ngày 15/6. Trên đảo họ sẽ chạm trán nhiều hơn một loại kẻ địch. Theo lời cảnh báo của một sĩ quan quân y một đơn vị; sau khi đối mặt với cá mập, cá nhồng, rắn biển, san hô bén như dao cạo, cá độc và loài trai khủng trong nước biển, họ sẽ tìm thấy những rủi ro khác tệ hơn trên bờ biển – bệnh hủi, bệnh viêm phổi, bệnh giun chỉ, bệnh thương hàn và tiêu chảy cũng như rắn rít và thằn lằn chúa.

                “Thưa ngài,” một binh nhì đánh bạo hỏi, “sao chúng ta không để cho bọn Nhật giữ lấy cái đảo chết tiệt này?”

                Một lời cảnh cáo u ám hơn đến từ một sinh viên tốt nghiệp trường UCLA (Đại học California ở Los Angeles), một cô gái Mỹ gốc Nhật đã về Nhật thăm bà cô bệnh năng khi chiến tranh nổ ra. Được binh lính Mỹ đặt cho biệt hiệu “Bông hồng Tokyo”, cô đầu tiên lên sóng với biệt danh “Ann,” viết tắt của “announcer” (phát thanh viên), và hiện nay xưng mình là “Annie Mồ côi, kẻ thù được yêu chuộng.”

                “Em có một bản nhạc dành tặng các anh,” cô loan báo trên đài, “vừa thu về từ Hoa Kỳ. Các anh nên thưởng thức ngay khi có thể, bởi vì ngày mai lúc 6 giờ các anh sẽ bước lên Saipan . . . và chúng em đang sẵn sàng chờ đợi các anh. Vì thế, trong khi còn sống, hãy lắng nghe . . . .”

                Các con tàu đen ngòm chầm chậm tiến gần đến Saipan, bầu trời trên đầu rực đỏ từ các tòa nhà, đồng cỏ và rừng cây đang bốc cháy. Lính Thủy trên boong nhận ra hình dáng lờ mờ của ngọn núi Tapotchau qua làn sương mù buổi sáng. Khi trời rựng sáng, hòn đảo – một dải đất hồng tím – trông như “một con quái vật khổng lồ vươn mình ra khỏi biển.” Charan Kanoa hiện ra dần từng chi tiết; hai sư đoàn sẽ đổ bộ trên một tuyến đầu bốn dặm hướng về thị trấn nhỏ. Năm dặm về phía bắc Garapan cũng hiện ra. Ở đó lực lượng nghi binh sẽ giả vờ

đổ bộ.

                Các tàu chiến, tuần dương và khu trục bắt đầu pháo kích đợt cuối cùng vào lúc 5:30. Các binh lính phòng thủ trong hào dọc bãi biển và trên sườn núi nằm co ro đón nhận cơn thử thách, sẵn sàng chiến đấu đến phút cuối cùng. Một người ghi những dòng cuối cùng trong nhật ký của mình: “Chúng tôi đang đợi với các ‘chai Molotov’ và lựu đạn, chuẩn bị nghe lệnh là liều mạng nhào tới hàng ngũ kẻ địch với kiếm vung cao trong tay. Tất cả điều chúng tôi lo âu là không biết việc gì xảy ra với Nhật Bản sau khi chúng tôi chết.”

                12 phút sau Phó Đô đốc Richmond Kelly Turner, tư lệnh Lực lượng Viễn chinh Liên quân, phát lệnh: “Đổ bộ Lực lượng Đổ bộ.” Qua loa phóng thanh vang lên lời cầu nguyện và ban phước cuối cùng của các tuyên giáo. Trên tàu của thông tín viên Time Robert Sherrod, sĩ quan tuyên giáo Cunningham đang nói, “ . . . phần đông các con sẽ trở về, nhưng một số sẽ diện kiến Chúa Trời, người đã tạo ra các con.” Một trung tá có tên Tompkins quay sang Sherrod và nhận xét, “Quên nó đi!”

                Tời kéo thả bxuồng xuống; cửa sập được dẹp đi. Lúc 7 giờ pháo kích im tiếng và 34 chiếc LST lắc lư đi tới điểm xuất phát, cách bờ biển khoảng 2 dặm. Các cánh cửa to sầm trước đầu tàu đổ bộ đồ sộ mở rộng và các xe đổ bộ, chở đầy lính thủy, bò ra ngoài lượn vòng trong nước như những con bọ hung khổng lồ. Các máy bay – những chiếc đầu tiên trong số 155 chiếc – đã sẵn sàng oanh tạc khu vực Charan Kanoa để dọn sạch lực lượng phòng thủ bãi biển; và khi chúng bỏ đi  nửa giờ sau đó toàn bộ bãi biển bị những làn khói và bụi hoàn toàn che phủ. Vụ oanh tạc là một cảnh tượng “ly kỳ” đối với Sherrod nhưng anh viết trong sổ tay của mình: “Tôi sợ tất cả khói và bụi này không có nghĩa là tụi Nhật đã bị giết sạch.”

                Ngay sau 8 giờ 719 xe đổ bộ, chất đầy 8 tiểu đoàn lính Thủy, hướng về bờ biển đi đằng trước là các xuồng pháo và xe tăng lội nước. Các sĩ quan phân phát kẹo cao su và cảnh báo mọi người sẵn sàng bỏ dây nịt đạn nặng nề của họ trong trường hợp họ phải bơi.

                Đoàn tàu trải dài bốn dặm tiến đến cách bờ biển 800 ya trước khi một cơn mưa đạn súng cối và đạn pháo rơi như mưa lên đầu kẻ xâm chiếm. 18 xe tăng lội nước trèo như lũ cua qua các chướng ngại vật san hô. Phía sau vài xe đổ bộ bị đánh chìm nhưng phần còn lại tiến theo qua rặng san hô và tiến vào đầm phá nông màu xanh dương. Hàng tá máy bay rà thấp bắn phá bãi biển trong khi các tàu chiến dội xuống lực lượng phòng thủ bờ biển lần cuối cùng với các khẩu pháo 5-inxơ. Thật là một cảnh tượng ngoạn mục, một cảnh hỗn loạn có tổ chức.

                Kế hoạch đổ bộ thật độc đáo. Các xe tăng bò lên bãi biển và che chở cho các xe đổ bộ, sẽ chở quân lên tận chỗ cao. Đợt đầu tiên chạm bờ lúc 8:44, và trong vòng 20 phút, hơn 8,000 lính Thủy đã đổ bộ. Sớm sẽ biết rằng tất cả việc pháo kích trước khi đổ bộ vẫn không làm im tiếng quân Nhật. Vô số ổ súng máy và dàn phóng súng cối giữa các bãi biển và sống núi bắt đầu lên tiếng với hỏa lực ác liệt và chỉ chịu ngừng bặt khi họ bị thổi tung tan xác. Hỏa lực khi chưa im tiếng rất chuẩn xác đến nỗi hầu hết các xe đổ bộ phải đổ quân xuống ngay bờ biển. Những chiếc vượt qua lại gặp một loại chướng ngại vật khác: họ bị sa lầy trong cát hoặc bị kẹt trong hố bom và không có sức để trèo lên.

                Các lính Thủy tiến lên chậm chạp vào Charan Kanoa. Nó không dựng bằng tre và giấy như họ đã tưởng tượng, nhưng là một phức hợp những tòa nhà một hay hai tầng bằng bê tông bao phủ bởi các giàn bông giấy nở rộ. Mỗi tòa nhà là một đồn lũy nhỏ. Tại trung tâm thị trấn họ xâm nhập qua một sân bóng chày và khán đài hai bên là một ngôi chùa Phật.

                Từ một đài quan sát mỏng manh cao 30 bộ vắt trên sườn núi phía sau Garapan, Đô đốc Nagamo theo dõi trận tấn công. Ông đứng như trời trồng trước cảnh tượng choáng ngợp của nhiều tàu chiến nhưng quay sang Yeoman Noda, trước đây là thư ký dưới thời Yamamoto cho đến khi ông chết, lưu ý là ít nhất bốn tàu chiến mà ông đánh chìm tại Trân Châu Cảng đã hoạt động trở lại. Giọng nói của ông pha lẫn lòng ngưỡng mộ và nỗi lo âu.

                Không xa nơi đó, một viên đạn Mỹ lạc rơi xuống ban tham mưu của Tướng Saito khi đang họp ngoài trời gần hang động được sử dụng làm bộ chỉ huy của ông. Khi khói tan dần, Sato vẫn còn ngồi như phỗng và không bị thương tích gì, thanh gươm vẫn còn cắm xuống mặt đất giữa hai chân giang rộng. Ở hai bên ông thây người nằm sống soài. Phân nửa sĩ quan tham mưu đã chết.

                Nhưng ông vẫn lạc quan về trận đánh (mặc dù lính Thủy tiếp tục đổ bộ – 20,000 người trong một ngày – họ đã tổn thất 2,000 thương vong, và chỉ chiếm được phân nửa số đầu cầu) và điện về Tokyo:

                SAU KHI TRỜI TỐI SƯ ĐOÀN SẼ PHÁT ĐỘNG MỘT TRẬN TẤN CÔNG ĐÊM TỔNG LỰC        VÀ HI VỌNG SẼ TIÊU DIỆT QUÂN ĐỊCH CHỈ TRONG MỘT ĐỢT ĐỘT KÍCH.                       

                Những người lên kế hoạch tấn công ban đêm không mấy tin tưởng như vậy. Với sư đoàn phân tán và số thương vong gia tăng, chỉ có 36 xe tăng và 1,000 bộ binh cơ hữu để “tiêu diệt quân địch chỉ trong một đợt đột kích.”

                Chiến dịch đã đi sai từ ban đầu. Saito phải gặp lực lượng tấn công trên một ngọn đồi phía trên Charan Kanoo để đích thân phái họ đi, nhưng người Mỹ, bị thu hút khi thấy địch quân di chuyển về điểm tập kết, liền khai hỏa chính xác nhằm phân tán ban tham mưu của vị tướng. Các xe tăng đợi Saito hết giờ này đến giờ khác, nhưng ông đã bị cách ly với ban tham mưu của mình trong hỗn loạn và bóng đêm. Sau nửa đêm có tin ông đã bị thiêu cháy trong đám ruộng mía đang bốc lửa. Thiếu tá Hirakushi, chuyển từ vị trí sĩ quan liên lạc quần chúng thành chỉ huy bộ binh, được phái đi tìm xác của vị tướng trong khi một sĩ quan khác tạm nắm quyền chỉ huy cuộc xung phong. Ông leo lên chiếc xe tăng đầu tiên, nhưng trước khi đi được nửa dặm, chiếc xe bị trúng đạn bắt buộc phải dừng lại. Các xe tăng khác chạy xuống sườn đồi mà không màng đến việc chờ đợi bộ binh. Dưới chân đồi họ lao vào một đầm lầy phía đông thị trấn và hầu hết bị sa lầy. Chiếc tăng nào cuối cùng thoát ra được đều được các bộ binh hồng hộc chạy theo. Các sĩ quan, vung kiếm, dẫn đầu trận xung phong thẳng tiến. Người Nhật xông vào các vị trí của lính Thủy với một khí thế dữ dội đến nỗi phải cần có trận pháo 5 – inxơ từ tàu và hỏa lực súng trường và súng máy mới ngăn chận được họ. Họ nhóm lại rồi xung phong tiếp theo rồi tiếp theo. Gần 700 người chết và phòng tuyến của Mỹ vẫn còn nguyên vẹn.

                Thiếu tá Hirakushi gần như mất mạng trong nỗ lực tìm kiếm thi thể của Sato. Các quả đạn cháy rót xuống biến các ruộng mía mà ông băng qua thành hỏa ngục và chỉ có thanh kiếm mới cứu được ông. Sử dụng nó như một chiếc liềm, ông phát một con đường xuyên qua đến chỗ bình yên. Kiệt sức, ông đến bộ chỉ huy sư đoàn một giờ trước hừng đông. Một bóng người đang ngồi trước cửa hang, đầu gục xuống ngực. Đó là Tướng Saito. “Ngài không sao chứ, Tư lệnh sư đoàn? Hirakushi hỏi. Saito nhìn lên nhưng không đáp lại.

                Trong một hang động nhìn qua Garapan cô y tá Shizuko Miura, đã trốn thoát qua thị trấn đang bốc cháy ngày hôm trước, túm tụm với các thường dân khác. Một người lính thò đầu nhìn vào cho hay có thêm nhiều lính Mỹ đổ bộ ngay bên dưới Garapan, và lữ đoàn xe tăng đóng tại thị trấn đang chạy ra ngăn chận họ. Shizuko chạy ra ngoài. Anh trai của cô đang ở trong một chiếc xe tăng đó. Bên dưới, Garapan vẫn còn bốc cháy và qua bình minh khói tỏa cô nhìn thấy một con tàu (đó là chiếc LST) tiến gần rặng san hô phía nam thị trấn.

                “Bắt đầu rồi!” một binh sĩ la lên. Các xe đổ bộ đang đi ra từ tàu mẹ. Cô nhìn mà như bị thôi miên, khi con tàu kỳ lạ chạy băng qua rặng san hô. Những tia hỏa lực phẫn nộ nhấp nháy từ những vạt rừng dọc theo bờ biển. Các xe tăng chạy ra khỏi Garapan và bắt đầu tiến về hướng bãi biển.

                “Anh ơi!” Shizuko kêu lên.

                “Cô kia, chui vào hang đi cho an toàn,” một anh lính răn đe.

                Cô phớt lờ anh ta và chen qua đám đông để nhìn cho rõ hơn. Các xe tăng đang ở bến tàu. Pháo của chúng đang phun lửa, cùng với tiếng tạch tạch của súng trường và súng máy từ vạt rừng. Một số tàu đổ bộ Mỹ quay lai. Hai tàu y tế màu trắng tiến gần rặng san hô. Lửa thình lình bốc ra từ một chiếc

7.png

Có lửa từ các con tàu chiến lớn xa tít quá rặng san hô. Rồi tiếp theo một chuỗi tiếng vù vù từ xa bị nhấn chìm bởi những tiếng nổ long trời từ Garapan. Không khí rung lên từ những chấn động. Máy bay địch ào ào bay thấp xuống bắn phá bờ biển. Hỏa lực từ các vạt rừng bổng im bặt. Thêm nhiều xe đổ bộ tràn qua rặng san hô. Ở đây họ dừng lại; những bóng người tí hon nhảy ra, tay nâng súng khỏi đầu, lội bì bõm qua đầm phá rộng về hướng bến tàu. 15 phút sau họ chạy lên cầu tàu; gương mặt hình như bị bôi đen nhẻm. Các xe tăng lặng im. Anh của cô và tất cả những binh sĩ trên xe tăng ắt hẳn đã bị giết hết.

                Về phía nam, băng qua mặt nước, cô có thể nhận ra bóng dáng của Tinian, nơi cô đã trông thấy mẹ, cha và các em gái mình lần cuối. Đảo đó có bị xâm chiếm chưa? Có phải chỉ có mình và chị gái mình, đã tản cư khỏi Garapan vừa rồi, là những duy nhất trong gia đình còn sống hay không? Không thể đưa chân về chốn hang động để tìm sự an toàn, cô nhìn trân trân trống rỗng vào cái chết và cảnh tàn phá bên dưới. Bổng cô tỉnh táo với một quyết tâm bất ngờ: cô sẽ trở thành một y tá tại bệnh viện dã chiến chính gần Núi Donnay ở phía bên kia đảo.

                Cô nhìn lần cuối cùng Garapan đang ngun ngút khói. Những con thuyền nhỏ chen chúc trên bến tàu và người Mỹ đã sẵn sàng tiến vào nội địa. “Anh ơi, vĩnh biệt,” cô nói và bắt đầu lên sống núi một cách cương quyết.

                “Ê, cô kia, cô nghĩ mình đi đâu vậy?” một tên lính gọi cô từ miệng hang. “Máy bay địch!” Anh lấy mũi súng chỉ lên trời nhưng cô vẫn lầm lũi bước tới, mặc kệ các chiến đấu cơ đang chúc mũi xuống.

                Khi vượt qua sống núi chiến tranh hình như đã lùi xa. Cô vượt qua một hàng dài dân chúng đang đợi nhận bánh lạt. Một phụ nữ trẻ chạy ra khỏi hàng và ôm choàng lấy cô – đó là chị gái của cô. Shizuko bảo chị về cái chết của em trai và rằng mình sẽ đi đến Núi Donnay.

                “Bakayaro!” Ông anh rễ nổi giận. “Em không thể đi một mình đến nơi chỉ có đàn ông! Cha mẹ giao cho anh chị săn sóc em. Nếu có gì xảy ra, làm sao anh có thể nói với ba má đây?”

                “Gia đình còn lại chết hết rồi!” cô òa lên. “Bộ anh muốn chỉ mình còn sống hay sao chớ?” Bọn điên này không chứng kiến cảnh Garapan bị tàn phá, các thi thể vương vãi khắp đường phố’ họ còn ngỡ binh sĩ sẽ bảo vệ được họ.

                Cô đến bệnh viện trên sườn núi Donnay khi mặt trời đang lặn. Đó là một cánh đồng trơ trọi tại đó những thương binh nằm la liệt trên mặt đất thành từng hàng sát vào nhau đến nỗi cô khó có thể đi len qua được. Mùi hôi thúi xông lên khiến cô không chú ý thấy một đại úy trung niên, một bác sĩ quân y, quan sát cô qua cặp kính cận dày. “Phụ nữ không có việc gì ở đây,” ông quở mắng. “Ngoài ra, đây là quân đội và chúng tôi không thể cho phép dân thường ở lại. Đi trở lại xuống núi mau trước khi trời quá tối.”

                Cô bảo ông là cha mẹ và các em gái đã chết và đã trông thấy em trai mình bị giết trong trận đánh ở Garapan. Viên đại úy bỏ đi nhưng cô vẫn lẽo đẽo theo, khẩn nài. Ông dừng lại trao đổi với một bác sĩ khác, một trung úy trẻ, vẫn phớt lờ cô. Cuối cùng ông ra hiệu cho cô. “Được rồi,” ông nói nghiêm nghị, “từ giờ trở đi cô là y tá.” Ông trao cho cô băng tay Chữ Thập Đỏ,” và viên trung úy ấn mũ sắt lên đầu cô. “Đây là Quân đội và cô không được hành xử ích kỷ ,” viên đại úy nói. Có 11 người trong bọn họ để chăm sóc cho tất cả thương binh – ba bác sĩ, 7 lính cứu thương và cô. “Tuân theo lệnh chỉ huy của cô mọi lúc. Nhiều chuyện đau đớn và buồn thảm sẽ xảy đến. Đừng bỏ cuộc và cố hết sức.” Cô nhìn xuống băng tay với vẻ tự hào không giấu giếm khiến viên trung úy bật cười. “Cô ta quá trẻ và tôi sợ cô dễ bị xúc động.”

                Nhiệm vụ đầu tiên của cô là giữ đèn pin cho đội cứu thương nhỏ khám nhanh chóng xuống hàng dài thương binh. Một lính cứu thương giật một mảnh đạn ló ra trên vai một binh sĩ. Bệnh nhân rên rỉ, ngất xỉu. “Bất tỉnh thì dễ làm hơn,” anh cứu thương bảo cô và giật ra lần nữa, nhưng không thành công. Viên đại úy, bác sĩ trưởng, tiến đến và cắt thịt bằng dao mổ. Viên phụ tá thử lần thứ ba. Tay Shizuko run rẩy, và ánh đèn pin lay động. “Giữ cho chắc!” bác sĩ nói khi ông gấp ra một mảnh đạn đỏ-đen lớn bằng nắm tay. Shizuko nghe ớn lạnh mồ hôi khi bác sĩ tiêm một mũi thuốc. Lính cứu thương uống một ngụm nước rồi phun vào mặt người bệnh.

                Bệnh nhân tiếp theo bị thương ở bàn chân trái. Bác sĩ đưa cho cô cây kéo. “Hãy cắt quần anh ta,” ông nói. Cô thấy một băng đẫm máu bên dưới, dính chặt vào vết thương như được dán keo. Cô giật băng, sợ thương binh sẽ hét lên nếu cô kéo quá mạnh.

                “Đừng rụt rè, y tá,” bác sĩ nói gắt gỏng. “Nếu cô sợ một vết thương và thấy thương xót không dám làm đau một bệnh nhân, cô sẽ thành người vô dụng. Đây.” Bệnh nhân cắn răng. Băng xổ ra khi viên bác sĩ giật mạnh băng và cô có thể thấy những mảnh xương gãy nát. Máu phọt ra.

                Bác sĩ xem xét vết thương. “Chân anh đã vô dụng rồi. Chúng tôi sẽ cưa bỏ nó.” Ông lấy mũi kéo chích vào chân. “Anh có thấy đau không?”

                “Không.”

                “Như thế là phải rồi.” Ông quay sang Shizuko. “Y tá, hãy cắt bỏ lớp thịt – đừng rụt rè.”

                Buồn nôn, Shizuko bắt đầu cắt những phần thịt lủng lẳng. Người thương binh run rẩy với mỗi nhát sột soạt của lưỡi dao, và mồ hôi dầu rịn ra trên trán anh. Cuối cùng cô làm xong. Viên bác sĩ, nảy giờ quan sát một cách nóng ruột, quay sang đồng nghiệp. “Chúng ta sẽ hợp tác chứ?” ông thắc mắc và hỏi lính cứu thương còn bao nhiêu mũi tiêm thuốc tê. Chỉ còn lại ba ống. “Chúng ta sẽ trị ca này sau,” viên bác sĩ quyết định. “Băng lại vết thương, y tá. Lấy băng cũ.” Cô sử dụng lại dây băng đẫm máu và bệnh nhân được mang ra một bên.

                “Lần này, y tá, hãy tự làm hết việc một mình,” bác sĩ nói. Bao nhiêu tự tin nhỏ nhoi cô có được tự nảy giờ đều tan biến. Cô hi vọng sẽ gặp một thương binh có thương tích nhẹ. Một bệnh nhân mới được mang vào trong và các lính khiêng cáng nhìn cô mỉm cười. Cô nghiến răng và phần nào lột được băng ra dưới sự quan sát của bác sĩ. Mỗi lúc công việc lại dễ dàng hơn. Lo lắng cho người thương binh trẻ bị thương ở bàn chân, cuối cùng cô lấy hết can đảm nhắc cho bác sĩ là đã hứa mổ anh ta.

                “Tôi quên khuấy đi mất,” ông nói và ra lệnh mang bệnh nhân vào “bàn giải phẫu” –ngay cụm từ đó đã làm tim Shizuko đập thình thịch. Một chiếc cáng được đặt trên hai thùng gỗ trong khi một cứu thương mang ra một khay đựng dụng cụ giải phẫu. Trước tiên bệnh nhân được tiêm một mũi thuốc tê ngay lưng. Ngay sau khi thuốc tê tác dụng bác sĩ nhanh nhẹn cắt bỏ lớp thịt khỏi ống xương bằng một con dao mổ lấp lánh ánh sáng. Anh cứu thương bắt đầu đẽo chặt bằng một chiếc cưa nhỏ, rồi rắc vào xương một chất màu trắng như bột. Bệnh nhân rên rỉ vì đau.

                “Vui lên đi! Chỉ một phút là xong ngay,” người cứu thương đang cầm chiếc đèn pin động viên anh.

                Một lúc sau – mà Shizuko nghe như một giờ – xương bị cắt đứt và bác sĩ bắt đầu cắt xén, tỉa gọt, bỏ đi những da thịt nhầy nhụa, mềm nhão. Một dòng máu đỏ phun ra từ ống chân cụt. Bác sĩ kẹp mạch máu bằng chiếc kẹp, nhưng mạch máu trượt đi và ông không thể tìm được nó trong ánh sáng lờ mờ. Shizuko có thể nhìn thấy mạch máu xanh rõ ràng và ấn về phía trước một cách nóng vội. “Bác sĩ, em có thể kẹp được nó.”

                Không nói một lời ông giao kẹp cho cô. Nhanh nhẹn cô kẹp mạch máu đang phun máu lên. Bác sĩ giữ chiếc kẹp trong khi cô cột chặt nó bằng sợi dây gai.

                “Được rồi,” bác sĩ nói. Ông khâu vài mũi, như một thợ thêu chuyên nghiệp, băng bó ống chân cụt và tiêm thêm một mũi cho bệnh nhân.

                “Cám ơn bác sĩ,” người thương binh nói một cách yếu ớt.

                Hôm đó lính Thủy không làm gì nhiều trừ việc yễm trợ phòng tuyến để chuẩn bị cho việc tiến quân băng qua hòn đảo. Hầu hết pháo đang ở trên bờ, và các GI của Sư đoàn 27 đang đổ bộ. Tướng Saito còn ôm hi vọng đẩy lùi quân Mỹ trở lại biển với sự yểm trợ của xe tăng và binh lính thuộc Lực lượng Đổ bộ Đặc biệt. Mục tiêu đầu tiên của ông là nơi tập trung quân địch gần trạm phát sóng Saipan ở ngoại ô Garapan. Cuộc tấn công được ấn định vào lúc hoàng hôn nhưng mệnh lệnh quá rối loạn, đường liên lạc quá nghèo nàn, và các vấn đề về địa hình quá khó khăn thành ra chỉ đến 10 giờ sau 25 xe tăng và 500 binh lính mới bắt đầu tiến xuống khe núi dẫn đến trạm phát sóng.

                Lính Thủy, báo động vì tiếng xích kêu của xe tăng, kêu gọi thắp sáng. Tàu lập tức bắn pháo sáng lên đầu, lộ nguyên hình kẻ tấn công đang ở ngoài trời. Pháo lập tức dập xuống đầu họ, nào pháo từ tàu, súng cối, súng chống tăng, súng máy và súng trường. Một số xe tăng bốc cháy, những chiếc khác ầm ầm hiện ra từ bóng đêm. Trong vòng một giờ hầu hết xe tăng đều bị tận diệt hoặc bỏ lại, nhưng bộ binh vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến sau bình minh. Không kết quả gì. Binh lính Mỹ vẫn còn giữ vững vị trí. Họ không hề bị đánh đuổi ra biển.

                Việc phản công thất bại Tokyo không hề hay biết. Tổng tham mưu Lục quân, nhân danh Thiên hoàng, điện cho Quân đoàn 31:

                VÌ SỐ PHẬN CỦA ĐẾ QUỐC NHẬT BẢN PHỤ THUỘC VÀO KẾT QUẢ CỦA CHIẾN DỊCH          CỦA NGÀI, HÃY ĐỘNG VIÊN SĨ KHÍ SĨ QUAN VÀ BINH SĨ VÀ ĐẾN PHÚT CUỐI CÙNG    TIẾP TỤC TIÊU DIỆT ĐỊCH MỘT CÁCH OANH LIỆT VÀ CAN TRƯỜNG, NHỜ ĐÓ LÀM                 DỊU BỚT NỖI PHIỀN MUỘN CỦA THIÊN HOÀNG.

                Tướng Igeta phúc đáp:

                ĐÃ NHẬN ĐƯỢC NHỮNG LỜI ĐẦY TÔN KÍNH CỦA HOÀNG ĐẾ VÀ CHÚNG TÔI TRI ÂN       TẤM LÒNG BAO DUNG VÔ HẠN CỦA HOÀNG THƯỢNG. BẰNG CÁCH TRỞ THÀNH    THÀNH TRÌ VỮNG CHẮC CỦA THÁI BÌNH DƯƠNG VỚI 10,000 SINH MẠNG, CHÚNG                TÔI HI VỌNG SẼ ĐỀN ĐÁP ĐƯỢC ÂN SỦNG CỦA THIÊN HOÀNG.

                Người Nhât một lần nữa hi sinh cho một trận đánh vô vọng cho đến chết.

                Hừng đông Shizuka có thể nhận ra khu vực bệnh viện bao quanh bởi những chỏm đá nhỏ. Nó như một vận động trường không được che chở từ những trận đột kích trên không. Có ít nhất 1,000 thương binh nằm trên mặt đất, và thung lũng nhỏ vang dội bản đồng ca nghẹn ngào, bi thương không dứt. Nếu địa ngục có thật, cô nghĩ, thì địa ngục chính là đây.

                Với hai phụ tá xách mộT can lớn đi theo cô đi xuống hàng người phân phát nước cho thương binh. Cô đặt cốc nước lên môi một thượng sĩ nằm bất động. Ông ta hình như đã chết rồi. Một thương binh khác lay ông dậy. “Yoshida, uống nước! Anh khát nước lắm mà. Xem này, Yoshida, có y tá từ Nhật đến cơ đấy!” Viên thượng sĩ từ từ mở mắt và sờ soạng. Cô nắm lấy bàn tay yếu ớt của ông thật chặt và nói, “Ông lính, tôi đã mang nước đến cho ông đây. Uống đi.” Ông lầm bầm gì đó. “Ông ta đang mơ về nhà,” người bạn giải thích. Cái từ “nhà” làm cổ họng cô nghẹn lại; rồi cô nhớ đến lời quở trách không được xúc động.

                Cô cúi xuống một thương binh khác. Anh ta không mặc gì trừ khố, và cứ lấy ta che mặt. Mắt trái anh là một lỗ đen ngòm, “lớn như một quả bóng bàn,” nhung nhúc giòi. Con mắt kia đã bị sâu đục khoét. Bàn tay cô run rẩy. “Để tôi chữa cho anh, anh lính.” Anh ta vẫn lặng im khi cô lấy kẹp gắp giòi ra từng con một và bỏ vào can. “Em tôi ở trong Lục quân,” cô nói. “Em ấy là lính tăng. Vào ngày 4 tháng 6 em đến Saipan từ Mãn Châu, và ngày 16, gần Garapan, em ấy đã chết khi đánh nhau với địch. Vì thế lúc nào gặp một người lính là tôi nghĩ đến em tôi.”

                “Đó có phải là lý do cô đến đây?” anh ta nói với giọng yếu ớt. Cô giải thích tại sao mình trở thành một y tá. Nước mắt chảy ra con mắt trái khủng khiếp của anh. “Cám ơn cô.”

                Cô bắt đầu nói về gia đình mình và anh sờ soạng để lấy ra vật gì đó lận trong khố. Đó là một bức ảnh dính máu của một phụ nữ mặc kimono.

                “Vợ anh đây hả?” Anh lính – tên anh là Trung úy Shinoda – gật đầu. “Chị ấy trẻ quá.”

                Anh bảo mình gia nhập Lục quân chỉ ba ngày sau lễ cưới. “Khi tôi bị thương tôi chỉ nghĩ đến vợ tôi. Tôi ráng sống vì cô ấy. Nhưng tôi sẽ chết . . . “

                Shizuko không biết nói gì. Cô lại tiếp tục gắp giòi, lấy ra hết trừ những con bám quá chặt ở giữa trung tâm mắt. Để giết những con này cô nhún hai miếng bông vào thuốc đỏ và ấn lên mắt. Cô băng bó và bảo mình sẽ trở lại. “Tiếp tế đang đến nơi. Hãy ráng chờ vì vợ anh đang đợi anh ở nhà.”

                Ngày hôm sau – đó là ngày 18/6 và lính Thủy đã cắt đứt Saipan làm hai ngay phía dưới Núi Donnay – Shizuko xoay sở để tìm cho anh ta một bộ quân phục. Cô thay băng mắt nhưng phát hiện là thuốc đỏ không có hiệu quả. Băng cũng đầy giòi. Anh muốn tấm ảnh được gởi trả về cho vợ anh sau khi anh mất.

                “Anh sẽ không chết đâu. Chắc chắn tôi sẽ chữa lành cho anh. Chúng tôi nghe tin tiếp viện đang đến. Lúc đó anh có thể trở về quê hương. Hãy giữ vững tinh thần lên!” Để thay đổi chủ đề cô kể về em trai và bốn chị em mình. Chỉ có mình cô là nghịch ngợm như con trai và mẹ cô luôn la rầy, “Shizuko, hãy xử sự như thiếu nữ nào.” Cô bảo với Shinoda anh thật may mắn khi có người chờ đợi ở nhà và các bác sĩ lẫn cứu thương đã khó nhọc biết bao để cứu sống những người như anh.

                “Y tá, cô thực sự phi thường,” một giọng nói linh hoạt cất lên. Cô nhìn lên một thiếu úy có gương mặt bầu bĩnh. Cánh tay phải của anh đang đeo nạng và có nhiều vết thương khác nữa, nhưng tinh thần anh vẫn lạc quan. “Vui lên đi!” anh nói với những đồng đội thối

chí. “Làm sao anh em có thể tự nhận mình là chiến sĩ mà lại chán nản như vậy? Tiếp viện sẽ đến ngay thôi!” Ngay lập tức ánh mắt anh lấp lánh và anh nói như trong mơ, “Tôi có một cô em gái ở Hokkaido cũng sắp sữa bằng tuổi cô. Trong hai ngày qua tôi đã rất khâm phục cô và tôi tự hỏi không biết em gái tôi đang làm gì.”

 

20 . “Sống Bảy Kiếp Để Báo Đền Đất Nước Chúng ta!”

 

1.

                Tin tức về việc Mỹ đổ bộ lên Saipan đưa tới một phản ứng tức thì từ Đô đốc Soemu Toyoda. Ông điện cho Đô đốc Ozawa phải “tấn công địch ở khu vực Mariana và tiêu diệt hạm đội của chúng.” Năm phút sau Toyodo gởi một thông điệp thứ hai, lặp lại câu nói lừng danh của Togo ở Vịnh Tsushima:

                                SỰ HƯNG VONG CỦA ĐẾ CHẾ NHẬT BẢN PHỤ THUỘC VÀO

                                TRẬN ĐÁNH NÀY. MỖI NGƯỜI PHẢI LÀM HẾT SỨC MÌNH.

                Khi Hạm đội Cơ động di chuyển gần đến Mariana, Ozawa và bộ tham mưu hoàn tất kế hoạch tác chiến. Vị đô đốc người cao ráo và vạm vỡ. Một con người lạnh lùng, dè dặt, ông di chuyển và suy nghĩ rất cân nhắc. Được huấn luyện trong chuyên môn ngư lôi, ông đã nghiên cứu cần cù các chiến thuật tàu sân bay và tin rằng mình có thể đánh bại người Mỹ, cho dù bị vượt trội 2 so với 1 về số lượng tàu sân bay. Phi cơ ông có tầm bay xa hơn và có thể tấn công xa tàu ngoài 300 dặm, gần như vượt hơn 100 dặm so với Mỹ. Ông cũng có thể sử dụng Guam để tiếp nhiên liệu và tái vũ trang trong những hoạt động con thoi. Kết quả, ông có thể ở ngoài tầm của kẻ địch trong khi tấn công; hơn nữa, ông được sự yểm trợ của 500 máy bay đặt căn cứ ở Mariana. Cùng với 473 máy bay của chính mình, ông có số phi cơ nhiều bằng Spruance.

                Nhưng Ozawa không biết rằng phần lớn các máy bay có căn cứ ở đất liền đã bị các phi công đột kích từ tàu sân bay Mỹ lái chiếc chiến đấu cơ Hellcat loại mới triệt hạ. * Nó có thể bay cao hơn và bổ nhào nhanh hơn chiếc Zero và vũ trang hùng hậu hơn. Phi công được bảo vệ bằng một tấm thép dày phía sau, và một lá chắn gió chống đạn phía trước. “Tôi yêu chiếc phi cơ này đến nỗi,” một phi công Hải quân nói, “nếu nó biết nấu ăn tôi sẽ cưới nó ngay.”

  • Vào ngày 4/6/1942, một chiến đấu cơ Zero, do Trung sĩ Tadayoshi Koga lái, tiến tới và đáp khẩn cấp trên Đảo Akutan cô độc trong quần đảo Aleutian. Một viên đạn súng máy địch cắt đứt dây của máy áp lực kế. Bánh xe của nó vướng vào lãnh nguyên và máy bay bị lộn nhào, làm Koga gãy cổ. Một tháng sau chiếc Zero trên thực tế còn nguyên vẹn được tìm thấy, và các kỹ sư Mỹ thiết kế một chiến đấu cơ được sử dụng đặc biệt để chống lại nó – chiếc F6F Hellcat.

Điều thú vị nhưng hơi buồn cần chú ý là hai năm đã trôi qua kể từ khi Đại tá Claire Chennault gởi cho Bộ Chiến Tranh những chi tiết đầy đủ về chiếc Zero, cùng với những đề nghị cách vận dụng linh hoạt hơn chiếc P-40 để chống lại phi cơ nhanh nhẹn này của Nhật – tất cả tài liệu đều bị xếp xó và quên lãng. Nhiều mạng sống của các phi công Mỹ có thể đã được cứu trong khoảng thời gian đó như sau này tính ưu việt của Hellcat đối với Zero sẽ chứng tỏ điều đó.   

                Các phi công thì được chuẩn bị chu đáo hơn các người tiền nhiệm. Mỗi phi công có ít nhất hai năm huấn luyện và qua 300 giờ bay, trong khi đối thủ của họ chỉ là những bản sao mờ nhạt của những phi công đã tham gia chiến đấu ở Trân Châu Cảng và Midway. Họ chỉ được huấn luyện 6 tháng là nhiều nhất và nhiều người chỉ bay được vài giờ trên không. Và họ được gọi lên cầm lái một phiên bản được cải tiến hơn so với máy bay Zero của Trân Châu Cảng giờ đã lỗi thời.

                Vào chiều ngày 18/6 một máy bay tìm kiếm của Ozawa phát hiện “một lực lượng địch, bao gồm một số không rõ các tàu sân bay” nằm ở phía tây Saipan. Cách đó 40 dặm nơi nhìn thấy đầu tiên này một máy bay tìm kiếm khác báo cáo “một số không rõ các tàu sân bay, và thêm 10 tàu khác.”

                Đây là lực lượng tấn kích, Lực lượng Tác chiến 58, do Phó Đô đốc Marc Mitscher chỉ huy, vốn là hoa tiêu trưởng chiếc Hornet trong trận đột kích của Doolittle và Trận Midway. Người nhỏ thó, trầm ngâm, ngoan cường, ông hay ngồi cuối đài chỉ huy trong chiếc ghế thép đối diện với đuôi tàu, cái đầu hói của ông che khuất dưới chiếc nón mỏ vịt của người bắt tôm hùm. Hạm đội của ông gần như gấp đôi kích cỡ của Hạm đội Cơ động: 7 tàu sân bay lớn, 8 tàu sân bay nhẹ, 7 tàu chiến, 8 tàu tuần dương nặng, 13 tuần dương nhẹ,  và 69 tàu khu trục.

                Chuẩn Đô đốc Sueo Obayashi, chỉ huy ba tàu sân bay gần Mitscher nhất, muốn ra đòn trước. Nguyên tắc căn bản của không chiến là tiên hạ thủ vi cường. Sau khi báo cáo cho Ozawa, ông ra lệnh tấn công ngay tức thì.

                Một số phi cơ của ông đã cất cánh trước khi một thông điệp đến từ Ozawa yêu cầu mọi tàu rút lui và chuẩn bị cho một trận không chiến toàn bộ vào sáng hôm sau. Obayashi thu hồi các máy bay của mình. “Ngày mai sẽ đánh đấm đàng hoàng hơn,” ông bảo với tham mưu của mình, nhưng tự thâm tâm ông sợ “một cơ hội bằng vàng” như thế sẽ không trở lại lần nữa.

                Mitscher vẫn chưa nhận cảnh báo là Hạm đội Cơ động đang đến gần. Ông đã được Spruance nhắc nhở đừng xuất kích để săn tìm địch – nhiệm vụ chính của Lực lượng Tác chiến 58 là che chắn Saipan – nhưng khi công cụ tìm kiếm đã phát hiện ra Ozawa trong khu vực, ông bảo tham mưu trưởng của mình, Đại tá Arleigh Burke, “có thể quần nhau ra trò một trận, nhưng tôi nghĩ mình có thể thắng,” và xin phép bằng điện đài ngay trước giữa đêm để “theo một lộ trình hướng tây lúc 1:30 và bắt đầu xử lý kẻ địch lúc 5 giờ.”

                Như Mitscher, Spruance muốn tiêu diệt các tàu sân bay của Ozawa, nhưng vẫn còn kẹt với mệnh lệnh xác định là “bắt, chiếm và phòng vệ Saipan, Tinian và Guam.” Cho phép Mitscher bị dụ đi khỏi Mariana, do đó, sẽ giống như một “canh bạc”; hơn nữa, ông nhớ cách thức mà Đô đốc Togo đã phục ở Eo biển Tsujima đợi Hạm đội Hoàng gia Nga đến với ông (Chúng ta phần nào cũng ở trong hoàn cảnh đó”), và ông trả lời: “Ý kiến đề nghị không có vẻ thích hợp . . . Tàu sân bay địch khác có thể đánh bọc hậu và không được coi thường.”

                Lúc 4:45 vào ngày 19/6 Ozawa một lần nữa phái các máy bay tìm kiếm, nhưng đó là một buổi sáng đầy mây, gió lộng và chỉ đến 7:30 Lực lượng Tác chiến 58 cuối cùng bị phát hiện về phía tây nam Saipan. Trên đài chỉ huy của tàu chỉ huy Taiho – tàu sân bay vừa mới được ủy nhiệm nặng 33,000 tấn, dài 800 bộ – tất cả đều tin tưởng đây sẽ là một ngày lịch sử cho Hải quân Hoàng gia, có lẽ một trận Tsujima khác. Trước khi đợt đầu tiên gồm 71 máy bay cất cánh, các sĩ quan chỉ huy chuyến bay tuyên thệ với đài chỉ huy sẽ trả thù cho trận thảm bại nhục nhã Midway.

                26 phút sau đợt thứ hai – 128 phi cơ – bay lên từ boong tàu. Một phi công máy bay bỏ bom bổ nhào, Chuẩn úy Akio Komatsu, nhận thấy một ngư lôi (nó phóng ra từ tàu ngầm Hoa Kỳ Albacore) rẽ sóng tiến thẳng đến Taiho. Không do dự anh nhấn cần lái sang bên và đẩy tới trước và máy bay ném bom của anh lượn vòng trong một cú bổ nhào tự sát vào quả ngư lôi đang chạy. Chiếc máy bay của anh ngăn chận được nó khi cách tàu sân bay 100 ya. Từ đài chỉ huy Ozawa và ban tham mưu chứng kiến cảnh phi cơ và quả ngư lôi nổ tung bắn lên một cột nước sấm sét. Rồi họ trông thấy đường đi của một “con cá” khác. Tàu sân bay nặng nề bắt đầu quay tránh nhưng quả ngư lôi thứ hai va đụng vào mạn phải. Sự thiệt hại hình như không đáng kể. Một cú bắn trúng duy nhất có thể làm gì đối với một con tàu “không thể chìm”?

                Trên boong tàu Oyodo, tàu chỉ huy của Hạm đội Hỗn hợp, vừa bỏ neo tại cảng Yokosuka, Phó Đô đốc Kusaka không tin tưởng như Ozawa. Ông có những mối dè dặt về cuộc tấn công tầm xa của Hạm đội Cơ động; nó giống như một tay quyền anh vươn ra quá xa. Nhưng ông cũng bị lây nhiễm không khí lạc quan chung quanh ông – ban tham mưu tính cơ hội thắng lợi của Ozawa là 4 trên 5. Ông bắt đầu gọi đầu bếp chuẩn bị những cốc sake để chúc mừng, nhưng quyết định không mời gọi số mệnh; ông có thể đợi cho đến khi đợt đầu tiên chạm trán với địch. Hai giờ đã trôi qua mà không nhận được báo cáo gì. Không khí tin tưởng trên đài chỉ huy được thay thế bằng sự lo lắng và rồi ngờ vực. Cuối cùng một thông điệp: Taiho đã “thiệt hại phần nào.” Toyoda im lặng nhưng ban tham mưu trao đổi những tia mắt bối rối; Kusaka có một dự cảm khó chịu là những tin không lành đang đến.

                Lúc 10 giờ đài ra-đa Mỹ bắt được đợt tấn công đầu tiên của Ozawa. Mitscher đích thân báo động qua ra-điô với mật hiệu “Ê, Rube!” – có nghĩa là mọi Hellcat phải trở về tàu và sẵn sàng chiến đấu. Lúc mà các kẻ đột kích đến trong vòng 72 dặm cách đài chỉ huy của ông, chiếc tàu mới Lexington, các chiến đấu cơ bắt đầu cất cánh từ sàn bay. Người đầu tiên trông thấy địch là Trung tá C. W. Brewer. Ông quay máy bay, và 11 đồng đội bay theo thành hàng về phía địch. Ông bắn nổ tan một máy bay Nhật, bắn văng cánh một máy bay khác, rồi hạ gục một chiếc Zero, làm nó bốc cháy – và ít phút sau đó bắn hạ một máy bay khác.

                Giờ thì các chiếc Hellcat từ ba tàu sân bay khác tham gia trận đánh. Họ phá nát đội hình Nhật đang tiến đến, đem ít nhất 25 máy bay Nhật quay vòng đâm xuống biển. Nhóm còn lại dấn tới về hướng các tàu sân bay – nhưng chạm trán với đợt thứ hai của Hellcat. 16 chiếc nữa rơi xuống. Một chiếc máy bay Nhật duy nhất xuyên thủng phòng tuyến để đánh vào tàu chiến South Dakota.

                Đợt thứ hai cách mục tiêu 60 dặm khi một tá chiếc Hellcat từ tàu Essex ào về phía họ. Các chiến đấu cơ từ các tàu sân bay khác nhanh chóng khép vòng vây và trong vòng một vài phút đã bắn hạ gần 70 máy bay. Đợt thứ ba của Ozawa , 47 máy bay, bị cho nhầm tọa độ và chỉ có 12 đổi hướng đến vùng giao tranh đúng lúc. 7 trong số chúng bị bắn rơi. 84 máy bay của đợt thứ tư cũng đi lạc đường. Sáu chiếc cuối cùng cũng đến được tàu sân bay nhưng không gây thiệt hại gì. Nhóm chính, sau khi tìm kiếm vô vọng tàu sân bay Mỹ, ném bom xuống biển và hướng về đảo Guam. Khi họ đến gần Sân bay Orote, 27 chiếc Hellcat đang đi rình rập bay liệng xuống và tiêu hủy 30 máy bay – những chiếc đã đáp xuống được bị bắn tơi tả đến nỗi không sửa chữa được. Trong một vài giờ Ozawa đã mất 346 máy bay trong khi chỉ bắn rơi 15 chiếc. Không lực của hải quân Nhật đã hoàn toàn bị tê liệt vĩnh viễn.

                Mặc dù không có bom hoặc ngư lôi Mỹ nào đã được phóng ra bắn vào Hạm đội Cơ động, nó cũng bị một cú tàn phá. Ngay trước buổi trưa hoa tiêu tàu ngầm Cavalla, Đại tá Herman J. Kessler, nâng kính tiềm vọng của mình để ngắm nhìn một khung cảnh “quá ngon lành để có thể là sự thật”: Shokaku – một cựu chiến binh của Trân Châu Cảng, Biển San hô và Santa Cruz – đang thu hồi máy bay. Nhưng Kessler không thể nhận ra loại cờ gì đang bay phấp phới; nó có thể là một tàu Mỹ. Ông lại quan sát lần nữa: Chết tiệt! đó là cờ Mặt Trời Mọc, to tổ bố. Ông tiến đến gần và ở cự ly 1,000 ya phóng ra một loạt 6 ngư lôi. Ba quả trúng đích, kích một loạt tiếng nổ long trời. Lửa bao trùm tàu sân bay. Khi mũi tàu chìm xuống, nước tràn qua thang máy số 1 vào nhà chứa máy bay. Nó nặng nề lật qua rồi chìm ngay sau 3 giờ.

                Taiho, bị trúng một quả ngư lôi duy nhất từ Albacore ngay khi vào trận, đã vô tình trở thành một trái bom nổi; một sĩ quan kiểm soát thiệt hại đã ra lệnh mọi ống thông gió mở ra theo lý thuyết việc này sẽ làm thông thoáng khí hơi xăng. Ngược lai, hành động của anh khiến hơi thấm qua tàu. Nửa giờ sau khi Shokaku chìm xuống, một tiếng nổ chấn động phá tan Taiho. Từ đài chỉ huy sĩ quan tham mưu cao cấp, Đại tá Toshikazu Ohmae, nhìn thấy sàn bay bọc thép thình lình “bung ra như Núi Phú sĩ.” Vỏ tàu bung ra và tàu sân bay bắt đầu chìm nhanh chóng.

                Ozawa muốn ở lại với con tàu. Ông không nghe lời ai cho đến khi Ohmae, từng là

người phụ tá thân cận ông suốt bao năm qua, nói, “Trận đánh này vẫn còn tiếp tục và ngài phải ở lại để chỉ huy cho đến thắng lợi cuối cùng.” Ozawa lặng lẽ đi theo Ohmae xuống chiếc ca nô. Mười lăm phút sau khi họ chuyển sang một tàu tuần dương một tiếng nổ long trời thứ hai. Taiho nghiêng gắt sang mạn trái và trượt xuống lòng nước, đuôi tàu xuống trước.

                Tại bộ chỉ huy của Hạm đội Hổn hợp, trên tàu Oyodo, không còn ngờ gì A-Go đã phá sản. Ban tham mưu bàn bạc liệu có nên ra lệnh cho Hạm đội Cơ động rút lui về ngay. Kusaka không cho rằng quyết định nên giao cho Ozawa. Từ kinh nghiệm cá nhân ở Midway ông biết khó khăn thế nào cho một tư lệnh tự mình ra lệnh rút lui sau một trận thảm bại. Ông được sự tán thành của Toyoda gởi đi lệnh rút lui.

                Oazawa đã kéo quân về hướng tây bắc được sự che chở của bóng đêm để tiếp nhiên liệu dự tính tiếp tục trận đánh vào sáng hôm sau. Đối thủ của ông, Mitscher, đã thu hồi máy bay của mình, và với sự đồng ý của Spruance, bắt đầu rượt theo Hạm đội Cơ động với ba trong bốn nhóm tàu sân bay của ông. Nhưng ông lại đi về hướng tây nam, hướng đi sai, và chỉ đến lúc 3:40 chiều hôm sau một máy bay tìm kiếm mới cuối cùng định vị được Ozawa cách khoảng 275 dặm. Mặc dù hoàng hôn sẽ sớm buông xuống trong ít giờ tới, Mitscher quyết định đánh cược: mục tiêu cũng khoảng trong tầm bay của máy bay ông; ông sẽ phải cho công kích trong ánh sáng đang nhạt dần của một ngày; và cuối cùng, cố gắng tìm đường về tàu trong bóng đêm. Ông quay Lực lượng Tác chiến 58 theo chiều gió và phóng lên 216 máy bay. Mặt trời đã xuống thấp khi các máy bay tấn công trông thấy nửa tá tàu dầu của địch. Một số máy bay lượn tách ra và bắn chìm hai trong số các tàu này trong khi các tàu còn lại, với các lệnh tập trung vào các tàu sân bay, tản ra về hướng tây bắc.

                Mây phía trên Hạm đội Cơ động sáng rực rỡ trong buổi chiều tà. Ozawa xoay sở để phóng 75 máy bay lên không, và những máy bay này, với sự yểm trợ của các hỏa lực phòng không, bắn hạ 20 máy bay Mỹ nhưng những máy bay khác xuyên thủng tường chắn. Các oanh tạc cơ bắn trúng tàu chỉ huy mới của Ozawa, Zuikaku (tàu chị em với Shokaku), tàu sân bay nhẹ Chiyoda, một tàu chiến và một tàu tuần dương, nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng.

                Rồi bốn máy bay phóng ngư lôi từ Belleau Wood từ vầng mây hạ xuống và chúc về phía một tàu sân bay khác, Hiyo. Chỉ huy là Đại úy George Brown, người đã thề khi cất cánh là đánh cho được tàn sân bay bất kể thế nào. Máy bay của anh đã bốc cháy nhưng anh vẫn không ngừng tiến đến và bỏ ngư lôi.

                Tại ụ súng máy ở đuôi tàu Hiyo, Thượng sĩ Mitsukuni Oshita nghe tiếng hét “Ngư lôi đang tới!” Anh bắt đầu đếm. Đến 12 anh biết là quả ngư lôi đã bắn hụt, và thở ra khoan khoái. Nhưng liền đó một tiếng nổ làm Hiyo chấn động. Oshita đã đếm quá nhanh.

                Một ngư lôi thứ hai rung lắc tàu sân bay. Lửa lan từ boong này đến boong khác và tất cả đạn được đều phát nổ. Nằm chết trong nước, nó bắt đầu nghiêng về mạn trái và lệnh bỏ tàu phát ra. Tại mút đuôi tàu, Oshita và một tá người khác không nghe gì và không chịu rời tàu mà không có mệnh lệnh rõ ràng. Tàu chìm nhanh chóng. Nước ùng ục lên đến ụ súng máy của Oshita và anh, cùng với các đồng đội, bắt đầu leo qua hàng rào chắn.

                “Khoan đã!” Chỉ huy của họ, một thiếu úy trẻ, rút kiếm ra hăm dọa. “Hãy hát ‘Umi-Yukaba’ lên nào!” Họ hát thật nhanh bài hát truyền thống, nhưng viên thiếu úy tiếp tục chặn ho bằng thanh kiếm. “Giờ hát ‘Hải quân hành khúc,’” anh ra lệnh. Các binh lính sợ sệt hát cho đến khi nước lên đến đầu gối của họ, rồi vượt qua viên sĩ quan và leo qua hàng rào chắn.

                Oshita quay nhìn lại. Lửa ợ ra khỏi tàu sân bay. In rõ trên màn lửa đỏ rực hình ảnh viên thiếu úy bám vào hàng rào ở đuôi tàu, kiếm trong tay, vẫn còn đứng hát. Anh mất dạng khi mũi tàu to sầm dựng lên cao, và Oshita phải bơi thật nhanh một cách tuyệt vọng để tránh sức hút. “Tàu đang chìm!” ai đó hét lên. Oshita quay lại. Hiyo đang dựng đứng như một ngón tay của một người khổng lồ. Nó lao xuống mất hút trong “một cảnh tượng khủng khiếp” như thể, Oshita nghĩ, nó đang nói, “Kết thúc rồi.”

                               Chuyến đi dài về nhà đối với những phi công của Mitscher đã hóa thành một cơn ác mộng. Hết phi công này đến phi công khác báo cáo họ đã hết nhiên liệu. “Tôi sẽ bay về chừng nào vẫn còn dầu. Tạm biệt,” một người gọi về. “Không thấy ai hết. Tôi bị lạc rồi,” một người thứ hai điện về. Phái những phi công đi là một quyết định táo bạo và Mitscher bây giờ lại ra một quyết định táo bạo khác. Ông ra lệnh bật sáng các đèn tàu sân bay cho dù sẽ khiến nó trở thành một mục tiêu chói sáng cho những tàu ngầm đang rình rập. “Hiệu quả đối với các phi công thật là ấn tượng như nam châm,” Thiếu tá Robert Winston nhớ lại. “Họ nhìn há hốc trước hành động quá sức táo bạo mời gọi kẻ địch đến xơi tái. Rồi một tiếng hoan hô vang lên. Kệ xác bọn Nhật quanh quẩn đây. Phi công của chúng ta không thể bị phí phạm.” May cho người Mỹ, không có tàu ngầm địch nào ở gần đó, và tất cả chỉ trừ 38 chiếc trở về tàu an toàn.

                Trận đánh đã qua. Chính thức nó được gọi là Trận Đánh Biển Phi Luật Tân, nhưng đối với người Mỹ có mặt ở đó nó sẽ luôn được nhớ đến như là “Trận Săn Gà Tây Vĩ Đại ở Mariana,” một cái tên được Trung tá Paul Bluie của tàu Lexington đặt ra. Họ đã đánh chìm 3 tàu sân bay hạng nặng và phá hủy 92 phần trăm máy bay trên tàu sân bay của Ozawa và 72 phần trăm thủy phi cơ của ông, cũng như 50 máy bay có căn cứ trên Guam, tổng số là khoảng 475 phi cơ – với giá của 2 tàu dầu và 130 máy bay, kể cả 80 chiếc đã rớt gần hoặc trên boong tàu sân bay của họ. Nhưng thắng lợi bị sứt mẻ vì bị chỉ trích gay gắt bởi người đã thiết kế nó, vì lỗi đã không rượt đuổi Ozawa hăng say hơn. Đô đốc J. J. Clark, chỉ huy bốn tàu sân bay trong trận đánh, buộc tội Raymond Spruance đã bỏ lỡ “cơ hội của thế kỷ,” và Đô đốc A. E. Montgomerry, người đã dẫn dắt 4 tàu sân bay khác, chính thức báo cáo rằng “kết quả thật vô cùng thất vọng với mọi bên.” Tại các bộ chỉ huy không quân của Hải quân ở Trân Châu Cảng lời phàn nàn thường nghe là: “Đây là việc phải xảy ra khi đặt một người không lái máy bay lên nắm quyền chỉ huy tàu sân bay.”

                Spruance không đưa ra lời bào chữa. Có thể là “tốt hơn và hài lòng hơn” nếu đuổi theo các tàu sân bay của Ozawa, nhưng ông đã làm theo những gì Nimitz muốn – bảo vệ Saipan – và làm như thế sẽ mãi mãi về sau làm thay đổi lộtrình của chiến tranh Thái Bình Dương. *

  • Khi Đô đốc King đáp xuống Phi trường Aslito ngay sau khi Saipan đánh chiếm được, hành động đầu tiên của ông là đoan chắc với Spruance là ông ta “đã thực hiện chính xác công việc đúng đắn với Hạm đội Thứ Năm trong Trận Đánh Biển Phi Luật Tân, cho dù ai có thể nói gì, nhất là vì ông phải nhớ rằng người Nhật có một hạm đội khác sẵn sàng trong Biển Inland để vồ lấy” – những tàu chở quân và tàu tiếp tế chưa được bốc xuống.

                Đêm sau trận đánh Ozawa soạn một lá đơn xin từ chức gởi đến Đô đốc Toyoda nhưng tham mưu trưởng Hạm đội Hổn hợp từ khước ngay cả việc đọc bức thư. “Tôi có trách nhiệm nhiều hơn Đô đốc Ozawa đối với thảm bại này,” ông nói, “và tôi không chấp nhận sự từ nhiệm của ông ấy.”

                Đô đốc Ugaki đánh dấu sự kiện này bằng một bài haiku khác:

                                Trận  đánh đã kết thúc

                                Nhưng bầu trời u ám của mùa mưa

                                Vẫn đè nặng trên đầu chúng ta.

  

2.

                Thảm bại hủy diệt ở biển kết án tử lực lượng phòng thủ ở Saipan. Vào ngày Shokaku Taiho chìm xuống, các chỉ huy của binh lính Mỹ trên Saipan, Tướng Thủy quân Lục chiến Holland Smith, chuẩn bị xua quân vào đất liền. Binh sĩ của ông đã hứng chịu thương vong nặng nề, đặc biệt từ hỏa lực súng cối ban đêm. Đại tá Thủy quân Lục chiến John A. Magruder nhìn các lính cứu thương nhẹ nhàng chất các thi thể vào xe tải. Ông tiến đến để xem có ai người quen không. Ông nhận ra một binh sĩ thay thế trẻ măng, tóc vàng hoe và ông chợt nhớ anh đã từng hớn hở thế nào khi đến mặt trận. Một cuốn sách bỏ túi vàng ố ló ra từ túi sau của anh – Our Hearts Were Young anh Gay [Trái Tim Ta Tươi Trẻ và Hân Hoan].

                Vào ngày 22/6 hai sư đoàn lính Thủy bắt đầu tiến lên bắc trong khi sư đoàn Lục quân thứ 27 quét sạch các lính Nhật bị cắt đứt còn ở lại ở tận cùng hướng nam. Nhận thấy các tuyến lính Thủy quá kéo dài, nên Smith ra lệnh Sư đoàn 27 chiếm lấy trung tâm, và sáng hôm sau các bộ binh bắt đầu tiến vào thung lũng đầy cây cối chạy đến ngay phía đông của Núi Tapotchau. Đó là một khe hẹp rộng không tới 1,000 ya , và đám tàn binh của Trung đoàn 136 của sư đoàn Saito nhìn xuống họ từ các triền núi cao và các đồi dốc đứng lỗ chỗ hang động. Các bộ binh do Thiếu tướng Ralph Smith chỉ huy tiến lên thận trọng suốt ngày trời trước sự bất mãn của Holland Smith, biệt danh ‘Howling Mad’ (‘Thằng Điên Hò Hét’) vì tiến độ chậm chạp đến bực mình.

                Ralph Smith nhận biết sư đoàn của ông không hoàn thành đầy đủ phần việc được giao và không cách gì hài lòng với những gì các chỉ huy trung đoàn của mình đã làm được trong ngày. Ông hứa với Jarman sẽ đích thân theo dõi tiến độ của sư đoàn. Cho dù Smith có mặt ở tuyến đầu vào sáng hôm sau binh lính Lục quân cũng không di chuyển được nhiều hơn bao nhiêu lên hẽm núi, giờ đây được biết dưới tên “Thung lũng Tử thần.”

                “Thằng Điên Hò Hét” hội ý với Đô đốc Richmond Turner, và cả hai đi ra khơi đến gặp Spruance trên tàu Indianapolis. “Ralph Smith đã cho thấy là mình thiếu tinh thần tiến công,” Smith nói, “và sư đoàn của ông làm chậm bước tiến của chúng ta. Phải thay thế ông ấy.” Ông đề nghị Jarman đảm nhiệm sư đoàn 27 cho đến khi một chỉ huy khác được chỉ định, và Spruance đồng ý.

                Nhưng thay đổi chỉ huy cũng không tạo ra sự khác biệt nổi bật, và tiến độ lên Thung Lũng Tử Thần cũng còn chậm chạp một cách khốn khổ. Lính Thủy bên cánh phải cũng bị ngăn trở, nhưng Sư đàn Thủy quân Lục chiến số 2 trên cánh trái tiến đánh đến đỉnh Núi Tapotchau nơi khu vực còn lại của Saipan đầy đồi vươn dài ra về phía bắc như một con quái vật im ắng nào đó.

                Địa hình gồ ghề này là tất cả những gì đứng giữa quân Mỹ và thắng lợi. Khi đêm xuống vào ngày 25/6 có không đến 1,200 binh sĩ đủ sức chiến đấu và ba xe tăng còn sót lại của các đơn vị tiền tuyến thuộc Lục quân Nhật, và Tướng Igeta của Quân đoàn 31 buộc lòng phải điện cho chỉ huy ở đảo Guam là Saipan không thể giữ được.

                TRẬN CHIẾN Ở SAIPAN NHƯ TÌNH HÌNH HIỆN GIỜ ĐANG DIỄN TIẾN MỘT BÊN, VÌ              CÙNG VỚI LỰC LƯỢNG ÁP ĐẢO CỦA ĐẠN PHÁO, KẺ ĐICH NẮM QUYỀN KIỂM SOÁT                TRÊN BIỂN VÀ TRÊN KHÔNG, VÀ VÀO BAN NGÀY NGAY CẢ VIỆC DÀN QUÂN CŨNG                 RẤT KHÓ KHĂN, VÀ BAN ĐÊM KẺ ĐỊCH CÓ THỂ PHÁT HIỆN SỰ DI CHUYỂN CỦA    CHÚNG TÔI MỘT CÁCH DỄ DÀNG BẰNG CÁCH SỬ DỤNG PHÁO SÁNG. HƠN NỮA VIỆC            TRUYỀN TIN CỦA CHÚNG TÔI BỊ CẮT ĐỨT, VÀ SỰ LIÊN LẠC  CÀNG LÚC CÀNG KHÓ KHĂN. DO THIẾU VŨ KHÍ VÀ TRANG BỊ NGHIÊM TRỌNG, HOẠT ĐỘNG VÀ KIỂM SOÁT     CỦA CHÚNG TÔI BỊ CẢN TRỞ ĐÁNG KỂ. HƠN NỮA, CHÚNG TÔI BỊ CÁC MÁY BAY TẦM     THẤP TÁO TỢN ĐE DỌA, VÀ ĐỊCH BẮN PHÁ CHÚNG TÔI KHẮP CÁC MẶT VỚI PHÁO    BINH MẶT ĐẤT VÀ TỪ TÀU CHIẾN ĐAN CHÉO NHAU. KẾT QUẢ LÀ, DÙ CHÚNG TÔI CÓ          CHUYỂN CÁC ĐƠN VỊ TỪ TUYẾN ĐẦU XUỐNG TUYẾN SAU, SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA HỌ        CŨNG BỊ CẮT GIẢM MỖI NGÀY. CŨNG VẬY, CÁC TRẬN ĐỘT KÍCH CỦA ĐỊCH VỚI MỨC       TẬP TRUNG BOM VÀ PHÁO, TỪNG BƯỚC MỘT HỌ TIẾN VỀ PHÍA CHÚNG TÔI VÀ TẬP          TRUNG HỎA LỰC VÀO CHÚNG TÔI KHI CHÚNG TÔI RÚT LUI, THÀNH RA DÙ CHÚNG                TÔI ĐI ĐÂU CHÚNG TÔI CŨNG NHANH CHÓNG BỊ HỎA LỰC BAO VÂY.              

                Nhưng sẽ không có chuyện đầu hàng.

                . . . CÁC VỊ TRÍ ĐƯỢC PHÒNG THỦ TỚI KẾT THÚC CAY ĐẮNG, VÀ TRỪ KHI NHẬN ĐƯỢC LỆNH KHÁC, MỖI CHIẾN SĨ PHẢI GIỮ VỮNG VỊ TRÍ CỦA MÌNH.

                Báo cáo của Tướng Saito gởi về Tokyo còn xúc động hơn:

                . . . XIN TẠ TỘI SÂU SẮC VỚI THIÊN HOÀNG LÀ CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ LÀM TỐT              HƠN NHỮNG GÌ ĐANG LÀM . . . KHÔNG CÓ HI VONG CHO CHIẾN THẮNG TẠI NHỮNG              NƠI MÀ CHÚNG TÔI KHÔNG CÓ QUYỀN KIỂM SOÁT TRÊN KHÔNG PHẬN VÀ CHÚNG            TÔI VẪN CÒN HI VỌNG ĐƯỢC TIẾP VIỆN TỪ TRÊN KHÔNG . . . CẦU NGUYỆN THIÊN                 HOÀNG AN KHANG, TẤT CẢ CHÚNG TÔI HÔ TO “BANZAI! [VẠN TUẾ!]             

3.

                Đối với Tojo sự sụp đổ của Saipan là một đảo ngược chính trị cũng như quân sự – một mối đe dọa cho chức vụ thủ tướng của mình. Tiếng tăm của ông đã sút giảm khi tình hình cuộc chiến ngày một tồi tệ. Những lời chỉ trích, phần đông được che đậy, đến từ mọi phía. Hoàng thân Chichibu ví ông là “Thiên hoàng Tojo.” Một số biểu ngữ trong vài văn phòng Hải quân đọc: GIẾT CHẾT TOJO VÀ SHIMADA! HẠM ĐỘI HỔN HỢP HOÀNG GIA GIỜ ĐÂY VÔ TÍCH SỰ. CHUẨN BỊ THAY NỘI CÁC NGAY ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ TÌM KIẾM HÒA BÌNH. Trong số những trí thức Lục quân ông ta được xem là “Jotohei” (“binh nhì cao cấp,” cấp bậc ở trên binh nhất.) và chính phủ của ông bị dán nhãn “chính phủ bởi các binh nhì.”

                Chất liệu dẫn đến sự chửi rủa này là kết quả của một cuộc điều tra vừa được tiến hành bởi Bộ phận Chỉ đạo Chiến tranh của Tổng tham mưu Lục quân. Chỉ huy của nó, Đại tá Sei Matsutani, báo cáo rằng, sau một cuộc nghiên cứu sâu rộng của  ông, Đại tá Sako Tanemura và thiếu tá Hashimoto, không còn có “hi vọng cho Nhật đảo ngược tình hình chiến sự bất lợi. Nước Đức bây giờ cũng giống như nước Nhật và đang dần dần trở nên tồi tệ hơn. Đây là lúc để kết thúc chiến tranh.”

                Matsutani mang báo cáo của mình đến hai thành viên có ảnh hưởng đối với Tổng tham mưu. Người đầu tiên công nhận giá trị của kết luận nhưng cấm Matsutani công bố nó. Người thứ hai, cũng ấn tượng không kém, không cho phép vị đại tá trình bày báo cáo của mình với Thủ tướng. Nhưng Matsutani không dễ bị hù dọa nên mang tài liệu của mình đến Tojo. Vị đại tá ngỡ Toji sẽ phản ứng dữ dội, nhưng ông ta chỉ lẳng lặng lắng nghe, một cách thụ động. Gương mặt “cáu bẳn” của ông, tuy nhiên, phản bội lại thái độ lịch sự của mình, và trong vòng một tuần ngài Matsutani bộc trực bị chuyển đến Trung Hoa.*

  • Ở Trung Hoa, Matsutani thay thế một đại tá còn bộc trực hơn, Tsuji, người vừa được tàu đưa đến Miến Điện. Matsutani không hề tin có mối liên hệ giữ việc diện kiến Tojo và việc chuyển đi thình lình của mình. Ông đã làm việc ở Trung Hoa hai năm trước đây và rất thích hợp cho công việc.

        Ngược lại, Đại tá Tanemura, người giúp soạn ra báo cáo gây tranh cãi, thay thế Matsutani làm trưởng bộ phận, viết trong “Nhật ký [Lục quân] Bộ chỉ huy Hoàng gia] vào ngày 3/7/1944: “Lý do của việc ông ta được chuyển công tác không rõ ràng. Tuy nhiên, người ta tin rằng những hoạt động bên ngoài gần đây của ông nhằm mang đến hòa bình phần nào đó đã đến tai các cấp trên, khiến họ nỗi giận.”

                Ở Saipan Tướng Saito, nghe theo lệnh của Quân đoàn 31, một lần nữa dời bộ chỉ huy, lần này đến một hang nhỏ cách Núi Tapotchau một dặm về hướng bắc. Vào ngày 28/6 tất cả lãnh đạo quân sự – Nagumo, Saito và Igeta – mở một cuộc họp tham mưu liên quân. Igeta chủ tọa. Trừ vị sĩ quan quan hệ công cộng trước đây, Thiếu tá Hirakushi, ban tham mưu của Saito có ít đề nghị được đưa ra. Họ ngồi chồm hổm lơ đãng, một hai người cố dỗ giấc ngủ. Saito và Nagumo ngồi im lặng khi Igeta vạch ra một tuyến kháng cự cuối cùng hai phần ba đường lên hòn đảo. Họ sẽ đào công sự, từ Tanapag ở phía tây đến bờ biển đối diện.

                Không có ai phản ứng nhiều. Saito mệt mỏi nói rằng đề nghị nghe “ổn thỏa” đối với mình, và một tư lệnh Hải quân, nói thế cho Nagumo, bảo, “Chúng tôi giao quyền cho Lục quân.” Vấn đề còn lại là thực hiện cách nào. Binh sĩ đang phân tán khắp phân nửa phía bắc của Saipan; có ít đường dây liên lạc. Những binh lính còn khả năng tác chiến được chọn ra để liên lạc với mọi đơn vị. Thiếu tá Hirakushi lên đường đi Núi Donnay để tập họp các tàn binh của Trung đoàn 136. Các binh lính duy nhất họ có thể tìm thấy trong khu vực đang nằm trong bệnh viện dã chiến. Ông cho gọi các binh sĩ của trung đoàn; không ai tiến ra. Ông báo cáo lại với Sato là mình không thể tìm được binh sĩ để thiết lập bộ phận phía đông của tuyến cuối cùng.

                Igeta không nói gì.

                Shizuko đã mất tất cả khái niệm về thời gian. Trong một lượt thăm bệnh hàng ngày cho Trung úy Shinoda, một đồng đội nằm gần đó bắt đầu trách móc cô: “Tại sao cô không đến thăm anh ta đêm qua? Trung úy Shinoda tội nghiệp gọi cô suốt đêm rồi chết cách đây một tiếng.”

                Cô quì cạnh thi thể của Shinoda. Trên mặt anh không còn một con giòi nào. Anh trông “xanh xao và xinh đẹp.” Cô nhặt lên tấm ảnh người vợ bầu bĩnh của anh.

                “Bộ cô không nghe tiếng anh ấy gọi cô sao?” một thương binh khác nói với giọng trách cứ. Cô không thể trả lời. Suốt đêm cô nghe tiếng kêu “Y tá!” gọi liên tục  nhưng “nghe giống như tiếng ve sầu đang hát.” Không thể đáp ứng với mỗi tiếng gọi được.

                Lẽ ra cô phải nhận ra tiếng gọi khẩn cấp của Shinoda. Cô báo cáo tử vong cho một người lính cứu thương. Y chép miệng, “Tội nghiệp anh bạn, anh ta có quá nhiều giòi đến độ những bệnh nhân bên cạnh đá văng anh cho đến khi anh tìm được cái góc xó xỉnh này một mình.”

                Công việc hàng ngày của cô là tổ họp những cảnh tượng khủng khiếp: hầm xí ngồn ngộn giòi; các thi thể phân hủy và phát sáng một cách ma quái vào ban đêm; tiếng rên rỉ và kêu khóc thống thiết của bệnh nhân; các vụ không kích; đạn gào thét trên đầu. Cô phải quên mình là phụ nữ trước mặt các đàn ông lột trần truồng; cô phải quên mình là con người khi cắt lìa tay chân bằng cưa giải phẫu và rồi khâu lại những mép thịt bầy nhầy. Không còn thuốc tê cho giải phẫu, và bệnh nhân cứ việc hét lên cho đến khi bất tỉnh. Những người may mắn bất tĩnh luôn đến khi cuộc giải phẫu đã kết thúc.

                Trong vài tháng vừa qua Hoàng thân Konoye đã trở thành thành viên của nhóm liên minh gồm những nhà lãnh đạo dân sự cũng như quân sự – trong số đó có Tướng Koji Sakai của bộ Tổng tham mưu và Đô đốc Okada – những người lo lắng trước diễn biến của cuộc chiến và sự lèo lái của Tojo. Tướng Sakai bí mật đến gặp Konoye tại nhà riêng ở ngoại ô. “Để cho an toàn” vị tướng mặc đồ thường phục. “Nếu Tojo hay biết những gì tôi sắp nói ra với ngài, tôi chắc chắn ông ta sẽ trả đũa,” ông cảnh báo. Ông muốn nhấn mạnh với Konoye rằng cuộc chiến cần phải chấm dứt nhanh chóng. “Đức vẫn còn sức phòng thủ, và trong khi kẻ địch phải chiến đấu trên cả hai mặt trận đông và tây chúng ta nên lợi dụng tình thế này để bước vào thương thuyết hòa bình. Nếu đợi cho Đức thua trận thì sẽ không có lợi cho chúng ta.” Tojo không thể thỏa thuận một nền hòa bình như thế. Một nội các mới phải được thành lập.

                Tướng Sakai là một trong ít nhân vật cấp tiến trong Lục quân và Konoye tự hỏi không biết giới lãnh đạo Lục quân “có thể được thuyết phục để đi theo chính sách này không.”

                “Ngay lúc này họ không dám nói công khai nhưng trong bụng đều suy nghĩ như tôi thôi,” vị tướng trả lời. Báo cáo của Matsutani được bí mật truyền tay nhau và một số nhà lãnh đạo Lục quân muốn thông báo cho Hoàng thượng về tài liệu này.

                Và sau đó, sẽ làm gì? Konoye muốn biết. Thiên hoàng sẽ đương đầu với Tojo về vấn đề đó như thế nào đây?

                “Hoàng thượng sẽ nói, ‘Mặc dù mọi nỗ lực bởi Lục quân và Hải quân, kẻ địch đã đổ bộ thành công ở Saipan. Thần tính thế nào đây cho những chiến dịch tương lai, Tojo?” Sau đó ngài sẽ hỏi làm thế nào họ có thể thỏa mãn những yêu sách của Lục quân và Hải quân liên quan đến quân nhu, máy bay, tàu chiến và dầu; về việc bảo vệ dân chúng khỏi các cuộc không kích; và những gì nên làm để đẩy lui trận tấn công của kẻ địch.” Tướng Sakai nhận thức được rằng Tojo có thể trả lời các câu hỏi này theo vài cách – nhưng hi vọng họ sẽ cưỡng bách được ông ta “phải từ chức ngay lập tức.”

4.

            Vào ngày 30/6 các GI (bộ binh Mỹ) cuối cùng cũng chọc thủng qua Thung lũng Tử thần (“Chưa từng có ai làm được kỳ tích gay go hơn thế,” Thiếu tướng Harry Schmidt, chỉ huy Sư đoàn  Thủy quân Lục chiến, nhận xét), và toàn bộ tuyến đầu gồm ba sư đoàn cuối cùng được kết nối.

                Tại bệnh viện dã chiến Donnay, lệnh “trò chơi tự sát” được tuân thủ. Các lính cứu thương phân phát những quả lựu đạn, mỗi tám người một quả. Bác sĩ trưởng – đại úy – trèo lên một mô đất ngay lúc hoàng hôn và la lớn rằng “theo lệnh trên,” bệnh viện dã chiến sẽ được chuyển đến một ngôi làng trên bờ biển phía tây phía trên Tanapag một dặm rưỡi và cách mũi phía bắc Saipan bốn dặm. Toàn thể đều im lặng. “Tất cả bệnh nhân đi lại được sẽ tháp tùng tôi. Nhưng tôi rất lấy làm tiếc phải bỏ lại các bạn thương binh không thể đi lại được. Các binh sĩ, hãy chết một cách danh dự như các chiến sĩ Nhật Bản.”

                Shizuko bảo vị chỉ huy. “Tôi sẽ ở lại và tự sát với các bệnh nhân của mình!”

                “Cô phải đi với chúng tôi,” ông nói. “Đó là mệnh lệnh.”

                Tất cả thương binh đều muốn nói lời chia tay nên chen chúc quanh cô. Thậm chí những người không đi được cũng lết lại gần. Không cần khuyến khích họ nói ra. Chỉ có một chủ đề – nhà. Người nào cũng tranh nhau nói về gia đình mình. Cô hứa với hết người này đến người khác sẽ kể lại những gì xảy ra nếu cô trở lại Nhật.

                Mộ bệnh nhân có quai hàm bị bắn mất khiến cô chú ý. Nhỏ nước dãi, anh ta viết nguệch ngoạc “Chiba-ken” lên cát, và rồi “Takeda.” “Em hiểu rồi,” cô nói. “Anh đến từ quận Chiba và tên anh là Takeda.”

                Một sĩ quan trẻ, quân phục thấm đầy máu, bật ra một vào lời khó nhọc. “Em biết . . . bài hát . . .  về Kudanzaka không?”

                “Vâng, em thích bài hát đó lắm.” Đó là một bài hát đầy xúc động về một bà mẹ già từ làng quê mang theo tấm quân chương của con trai đã tử trận của mình đến Đền Yasukuni [Đền Chiêu Hồn để thờ các tử sĩ hi sinh cho Thiên hoàng, mọi tử sĩ đều được ghi tên tại đây:ND] ở Kudanzaka. Cô bắt đầu cất tiếng hát:

                                “Từ Ga Ueno đến Kudanzaka

                                Mẹ không còn kiên nhẫn, vì đường đi quên mất.

                                Mẹ lang thang suốt ngày, dựa người trên gậy chống,

                                Để đến thăm con ta, tại Kudanzaka.

                                Trên nền trời vòm cổng cao ngất lờ mờ hiện ra trong mắt

                                Dẫn đến một ngôi đền uy nghi

                                Đã ghi tên con mẹ đứng bên các thần linh.

                                Người mẹ hèn mọn của con khóc òa vì vui mừng.

                                Mẹ là con gà mái đã hạ sinh một loài chim ưng.

                                Và niềm vinh dự đó mẹ không đáng được có.

                                Mẹ muốn con nhìn thấy Quân chương Diều Vàng của con,

                                Nên mẹ đến thăm con, con yêu, tại Kudanzaka

                 Cô ngừng hát. Trong im lặng dâng lên những tiếng nức nở nghẹn ngào. “Chúng mình cũng sẽ đến Đền Yasukuni!” người sĩ quan trẻ kêu lên.                    

                Những người khác hòa điệu: “Chúng ta hãy cùng đến Đền Yasukuni với nhau!”

                Bác sĩ trưởng bắt đầu dắt Shizuko đi, cùng với 300 bệnh nhân. Những tiếng kêu vói theo họ: “Cám ơn cô, y tá”, “Tạm biệt cô, y tá”; “Chỉ huy . . . trung sĩ . . . y tá . . . cám ơn vì tất cả.”

                Họ đến cuối cánh đồng. Shizuko nghe một tiếng kêu to, “Vĩnh biệt, mẹ!” Rồi một tiếng nổ chát chúa – một quả lựu đạn. Cô ngồi xổm trên mặt đất và co rúm người khi hết quả lựu đạn này đến quả lựu đạn khác thi nhau nổ liên hồi.

                Cuộc tiến quân của người Mỹ lên đảo, khởi đầu quá gian nan giờ đây gần như không gặp kháng cự nào. Nó đã trở thành, như lời một lính Thủy, một “cuộc săn thỏ.” Sức ép liên tục đã ngăn cản quân Nhật thiết lập một phòng tuyến cuối cùng ngang qua đảo, và vào ngày 5/7 họ đã bị bao vây trong một khu vực phía bắc Saipan.

                Bộ chỉ huy Nhật giờ đây đang nằm trên một sống núi đối diện bờ biển phía tây, cách bệnh viện dã chiến mới vài trăm ya. Hang nhìn qua một khe sâu, đã được đặt tên “Thung lũng Địa ngục.” Chiều đó Thiếu tá Hirakushi rời hang để thanh sát những tuyến đầu. Chúng không tồn tại. Binh lính đã tự mình rút lui khi quân Mỹ tiến tới. Báo cáo của Hirakushi được đón nhận bằng sự im lặng khó tin. Cuối cùng tướng Igeta nói, “Sáng mai chúng ta sẽ tập họp tất cả binh sĩ còn lại trong khu vực để xung phong lần cuối. Chúng ta hãy kết thúc cho xong trận đánh này.”

                Tối đó nhóm chỉ huy ăn bữa ăn cuối cùng của mình – một hộp thịt cua duy nhất và một vắt cơm nhỏ. Hirakushi đã để dành hai điếu thuốc mà Hoàng thân Kaya tặng ông ở Nhật như một món quà kỷ niệm. Chúng được chuyền từ người này đến người kia, hút cho đến khi điếu thuốc ngắn ngủn không còn cầm được nữa. Hirakushi hỏi Igeta và Saito có muốn tham gia trận xung phong cuối cùng hay không. Đô đốc Nagumo, người hình như không nói gì kể từ khi rút quân, trả lời thay cho họ: “Ba chúng tôi sẽ tự sát.”

                Hirakushi muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra cho hàng ngàn dân chúng đang ở trong hang cùng với bộ binh và thủy thủ. “Không còn phân biệt dân thường với binh lính nữa,” Sato đáp lại. “Tốt hơn họ cũng nên tham gia tấn công với giáo tre hơn là bị bắt.* Hãy soạn chỉ thị theo tinh thần đó.”

  • Tuyên truyền của chính quyền ở Nhật, mô tả binh lính Mỹ và Anh là những “hung thần,” được loan truyền rộng rãi và rất hiệu quả. Một quan sát viên nhận xét trong nhật ký của mình: “Tôi đi xe hỏa chung với một nhóm tình nguyện. Người cầm đầu nhóm của họ thuyết giảng, ‘Churchill và Roosevelt thành lập cái họ gọi là Hiến chương Đại Tây Dương và nhất trí tàn sát mọi người Nhật. Họ đã đưa ra lời tuyên bố sẽ giết hại đàn ông và phụ nữ. Chúng ta sẽ không để họ toại nguyện!” Hình như công luận đều tin rằng kẻ thù sẽ hoạn tất cả đàn ông Nhật để họ sẽ không sinh con được nữa, hoặc họ sẽ được mang ra nhốt ở các hoang đảo xa xăm.”

                300 bản sao mệnh lệnh của Saito được in rô-nê-ô, nhưng trước khi chúng được phân phát một lính đưa tin từ một hang liên lạc hải quân ở cách vài dặm về hướng bắc vừa chạy đến nơi. Tokyo vừa ra lệnh lực lượng phòng thủ tiếp tục cầm cự để “câu giờ”; với lời hứa hẹn sẽ tiếp viện.

                Các sĩ quan tham mưu Hải quân tuân thủ mệnh lệnh, nhưng Lục quân quyết không chịu bỏ trận xung phong cuối cùng. “Mũi tên đã được bắn đi,” một sĩ quan Lục quân nói. Một người khác kết án Hải quân hèn nhát. Hải quân nói không có thời gian để chửi rủa nhau; Lục quan đang bất tuân một mệnh lệnh trực tiếp từ bộ Tư lệnh Hoàng gia.   

                Nagumo, Igeta và Saito không tham gia cuộc bàn luận, kéo dài đến suốt đêm. Lúc hừng sáng, ngày 6/7, cuộc pháo kích và oanh tạc tiếp tục, và một lính gác ở miệng hang báo cáo là xe tăng địch đang “ghé mắt xuống” từ bờ triền đá phía trên.

                Saito, người đã lẳng lặng hội ý với Nagumo và Igeta, ra dấu cho Hirakushi. Ông nói ba người họ đã quyết định ra đi lúc 10 giờ. “Xin phép cho chúng tôi đi trước.”

                “Ngài tính làm ở đây sao?”

                “Phải, ngay đây.”

                Hirakushi nói sẽ tốt hơn nếu tự sát ở chỗ khuất trong một hang nhỏ hơn gần đó. Viên thiếu tá bỏ đi để chuẩn bị cái hang mới trong khi Saito đọc thư vĩnh biệt mà ông muốn gởi đến tất cả binh lính Lục quân.

                “ . . . Các đồng đội chúng tôi đã ngã xuống hết người này đến người khác. Mặc dù thảm bại cay đắng, chúng tôi nguyện thề, ‘Sống bảy kiếp để báo đền đất nước.’    

                 . . . Dù chúng tôi xung phong hoặc dừng lại tại chỗ, chỉ có cái chết. Tuy nhiên, trong cái chết có sự sống. Chúng tôi phải sử dụng cơ hội này để thăng hoa sĩ khí thực sự của nam nhi Nhật Bản. Tôi sẽ tiến lên với binh lính còn lại để giáng trả một cú vào bọn quỷ dữ Mỹ, và gởi nắm xương tàn trong lòng đất Saipan làm thành trì của Thái Bình Dương.

                Như trong Senjinkun [Đạo lý Tác chiến]: ‘Tôi không bao giờ để bị bắt sống trong ô nhục,’ và ‘tôi sẽ lấy hết can đảm của tinh thần tôi và bình thản vui sống theo nguyên tắc vĩnh cữu.’

                Tôi cầu nguyện với các bạn nơi đây cho Thiên hoàng được trường tồn và cho hạnh phúc của đất nước và tôi tiến lên tìm kiếm kẻ thù.

                Hãy theo chân tôi.”

                Hirakushi dẫn ba vị chỉ huy đến hang mới. “Các ngài muốn sử dụng phương tiện nào?” ông hỏi.

                “Chúng tôi muốn đi qua bước đầu tiên seppuku [mổ bụng],” Sato nói. “Nhưng seppuku mất thì giờ quá, vì thế cứ cho một sĩ quan đứng phía sau mỗi chúng tôi và bắn chúng tôi sau ót.” Sato chọn Hirakushi. Nagumo yêu cầu một sĩ quan hải quân; Igeta không bày tỏ nguyện vọng gì.

                Hirakushi trở lại hang chính và yêu cầu ai đó từ Hải quân “phụ giúp Đô đốc Nagumo tự sát.” Không ai trả lời. Cuối cùng một phụ tá Lục quân trẻ nói, “Để tôi giúp cho.” Một phụ tá Lục quân khác tình nguyện bắn Igeta, và ba người bước trở lại hang tự sát.

                Các chỉ huy, tất cả đang vận quần áo lao động bằng kaki, đang ngồi xếp bằng gần miệng hang, ngài Nagumo nhỏ thó ngồi ở giữa. Hirakushi quay đi tìm nước để rửa mặt họ khi ông nghe một sĩ quan Hải quân gọi to lên bảo nhóm của mình đi về hướng bắc một mình. Kirakushi lao về phía trước để ngăn họ lại. Phía sau nghe có ba tiếng súng nổ. Ông quay phắt

lại. Ba vị chỉ huy nằm sóng soài trên mặt đất. Đằng sau thi thể là hai phụ tá trẻ, khẩu súng lục bốc khói trong tay. Các vị chỉ huy, nôn nóng, đã vội đi không chờ ông.

                Tất cả điều Hirakushi có thể làm là thiêu đốt thi thể và các lá cờ trung đoàn. Ông kêu gọi người đến giúp, nhưng các sĩ quan khác ngăn ông lại – khói sẽ kéo kẻ địch tới đây. Hirakushi đồng ý đợi cho đến sau nửa đêm, ngay trước khi phát động cuộc xung phong cuối cùng. Những thử thách của một ít ngày vừa qua cuối cùng lên tiếng. Ông té sỉu trên nền của hang chỉ huy đi vào một giấc ngủ sâu.

                Khi ông tỉnh dậy thì trời đã tối. Bộ binh và hải quân trong những bộ quân phục    bát nháo, trang bị súng trường, kiếm và giáo tre, đang tụ tập bên ngoài. Họ được chia ngẫu nhiên thành những nhóm và trong ánh trăng các sĩ quan bắt đầu lùa họ về phía bãi biển. Suốt dọc theo sống núi binh lính xâm nhập xuống bình nguyên hẹp ven biển. Lúc không giờ họ sẽ độc lập xung phong về phía các vị trí Mỹ quanh Tanapag. Đối với Hirakushi binh lính trông như “những con cừu yếu đuối bị dẫn đến lò sát sinh,” và các sĩ quan là “những người dẫn đường đến Cổng Địa Ngục.” Trước khi đi, vị thiếu tá ra lệnh hai người đốt cờ trung đoàn và thi thể của ba vị chỉ huy, rồi lặng lẽ dẫn nhóm mình, một tá binh sĩ, xuống dốc núi.

                Hơn 3,000 người Nhật – kể cả dân chúng như anh rễ của Shizuko – xuất hiện trên bình nguyên ven biển. Họ bỏ lại con dốc phía sau vương vải hàng ngàn đến hàng ngàn các chai sake rỗng và chai bia.*

  • Hai mươi lăm năm sau những chai lọ này còn bao phủ sườn núi.

              Hirakushi và binh lính của mình đến bờ biển lúc 4 giờ sáng ngày 7/7. Ông lột quần áo và ngâm mình trong nước ấm tắm rửa. Ông mê mẩn nhìn hàng san hô chướng ngại vật, lấp lánh một cách ma quái dưới ánh trăng. Trên đầu một vầng mây nặng nề khiến ông nhớ lại một bà mẹ Nhật mặc áo bông Kimono đang đìu con trên lưng. Khi mây tan đi, trên nền trời sáng ra ông như trông thấy hình ảnh của mẹ ông, vợ ông, các bạn bè ông. Ông rùng người để trút bỏ các ảo giác và trở lại bờ biển mặc quần áo. Sạch sẽ thật dễ chịu. Ông đang sẵn sàng để chết.

                Có tiếng gọi từ đằng xa “Wah! Wah! – một tiếng hô xung phong của Nhật. Từ sống núi nghe có tiếng súng trường nổ. Đó là dấu hiệu tấn công. Không đợi ông, binh sĩ của ông lao đi thẳng tiến xuống bãi  biển về hướng Tanapag. Một tay cầm súng lục Taisho ổ sáu viên đạn, một tay cầm kiếm, ông lao theo họ. Ông bị một cú nổ tung đổ ập xuống và cảm thấy mình đang trôi nổi vào một cột lửa bùng phát khổng lồ. Mình chết rồi, ông nghĩ ngay trước khi trời đất tối sầm lại.

                Ở Tanapag Sư đoàn 27 đã được Holland Smith cảnh báo sẽ đương đầu với “một trận xung phong banzai toàn diện” dọc theo bờ biển trước hừng sáng. Người Nhật tràn lên Tanapag. Trong nhóm dẫn đầu nửa tá người vung cao một lá cờ đỏ to lớn, như đội tiên phong trong một đám rước đầy ấn tượng. Phía sau xông tới là binh lính chiến đấu và rồi – một cảnh tượng khó tin hết thảy – hàng trăm thương binh băng còn quấn trên đầu, chống nạng, gần như không có vũ khí, cà nhắc và lò cò tiến tới.

                Họ lướt xuống đường ray nhỏ hẹp của toa xe chở mía chạy dọc theo bãi biển và xông thẳng vào các tiểu đoàn thứ 1 và 2 của Trung đoàn Bộ binh 105 như một làn sóng người. Nó khiến chỉ huy của Tiểu đoàn số 2, Thiếu tá Edward McCarthy, nhớ đến một “trận xua quân thường thấy của các chiến binh Da Đỏ trong các phim cao bồi Viễn Tây.” Quân Nhật “cứ tiếp tục tiến tới không dừng lại. Nếu anh bắn hạ một, 5 người nữa sẽ đến thế chỗ.” Họ “cứ thế chạy ùa lên” người Mỹ.

                Chỉ huy của Tiểu đoàn 1, một người Ái Nhĩ Lan khác, Trung tá William J. O’Brien, đứng thẳng, làm gương cho binh sĩ mình, mỗi tay cầm một súng lục. Dù bị thương trầm trọng, ông vẫn bóp cò cho đến khi hết đạn, rồi ông đứng vào vị trí súng máy nòng 50 cho đến khi ngã bật ra. Người Nhật tràn qua hai tiểu đoàn bộ binh cố thủ (đã bị quở trách là tiến lên quá chậm chạp ở Thung lũng Tử thần), giết và làm bị thương hơn 650 người.

                Ở bên phải họ, một nhóm đột kích khác len lỏi qua một khe núi quanh co – sẽ được biết dưới tên “Hẽm Hara-kiri” – và đánh vào Tiểu đoàn 3 nhưng binh lính này án ngữ quá vững chắc trên hẽm sâu nên  không thể bị đánh bật.

                Yeoman Noda, người đã phục vụ Yamamoto lẫn Nagumo đến phút cuối, đang có mặt trong nhóm đông tràn qua quân Mỹ trên bãi biển. La hét và điên cuồng, đây không có vẻ gì là một đội hình quân sự. Thình lình Noda cảm thấy hông mình như bị một gậy bóng chày đập mạnh – nhưng không thấy đau đớn. Anh loạng choạng, cố gượng di chuyển nhưng rồi ngã xuống – anh đã bị một viên đạn súng máy bắn trúng. Các thi thể quân Mỹ nằm khắp phía. Noda lượm lên một bi đông GI và uống say sưa. Anh gắng sức đứng lên nhưng đôi giày bên phải nặng như chì.

                Không thể cúi người để mở dây giày, anh tìm thấy một lưỡi lê Mỹ và giật mạnh một cây gậy mà một người lính Nhật đã chết nắm chặt trong tay. Anh buộc lưỡi lê vào cây gậy rồi cứa dây giày một cách khó nhọc cho đến khi anh có thể tháo bỏ nó ra khỏi chiếc giày. Anh vẫn còn không thể đứng lên và cho rằng ống quần đã kéo anh lại. Anh cắt phăng ống quần nhưng vẫn bất lực như thường.

                Anh ngồi bệt trên cát, bỏ cuộc. Giờ là lúc phải chết, anh thầm nghĩ. Trong ánh sáng lờ mờ của hừng đông anh bắt gặp một vũng máu trong cát. Trong nỗi sửng sốt – chính là máu của mình. Cách một ít ya bốn thương binh Nhật nằm ngữa ra, đang bình thản hút thuốc, như thể họ đang ở trên bãi biển Nhật.

                “Chúng tôi sắp chết rồi,” một người đưa ra nhận xét một cách hồn nhiên và ném cho Noda một gói Hikaris. Noda vươn dài người trên cát, hút thuốc, đầu óc anh trống rỗng. Anh lính đã ném anh bao thuốc lên tiếng, đưa anh về thực tại. “Này, anh lính thủy,” y nói, “chúng tôi sẵn sàng chết đây. Anh có theo chúng tôi không?”

                Noda giơ cao quả lựu đạn. “Tôi có một quả đây.”

                “Xin lỗi chúng tôi đi trước nhe.”

                Noda khom mình để tránh miểng lựu đạn và nhắm nghiền mắt. Một tiếng nổ vang lên. Anh nhìn lên và trông thấy bốn thi thể sóng xoài. Chết bằng lựu đạn ghê rợn quá, anh nghĩ và một lần nữa chú ý đến giòng máu chảy ra từ thân thể anh. Anh tính buộc ga rô cầm máu nhưng rồi lại thôi. Tốt hơn để chảy máu đến chết.

                Anh yếu dần. Tôi chỉ 27 tuổi và tại sao tôi phải chết ở đây? Tôi chết hay sống cũng không mang lại chiến thắng cho Nhật Bản. Anh bắt đầu nhớ lại những chuyện trong quá khứ – thời đi học, bắt cá dojo. Anh bất tỉnh. Điều tiếp theo anh nghe là tiếng chim ríu rít. Cảnh tượng hoang tàn, không một bóng dừa hay bụi cây. Chỉ có thi thể và những hố bom xấu xí trong cát. Nếu không thấy cây, sao nghe thấy tiếng chim? Chuyện gì đã xảy ra?

                Có tiếng nói thì thầm bằng một ngôn ngữ lạ lẫm. Anh cảm thấy có ai đá vào sườn. Anh rên rỉ và hai lính cứu thương Thủy quân Lục chiến khiêng anh lên cáng. Anh trông thấy lính cứu thương đá vào những thi thể khác, người Mỹ cũng như người Nhật, và ngay trước khi bất tỉnh lần nữa anh tự tâng bốc mình: Nếu không bị tiếng chim đó đánh thức mình đã chết rồi.

                Phía trước trong Tanapag, Thiếu tá McCarthy và các sĩ quan và hạ sĩ quan còn sống sót cuối cùng đã xoay sở thiết lập được một vòng cung phòng thủ bên trong làng. Suốt buổi sáng họ đã bị đẩy lùi trở lại từ từ trong trận đánh gớm ghiếc từ nhà này đến nhà khác cho đến khi một trung đội xe tăng rùng rùng tiến vào. Quân tiếp viện khác cũng vừa đến và vào chiều tối chỉ còn những nhóm nhỏ cô lập quân Nhật còn sống. Trận tấn công cuối cùng đã kết thúc.

                Ngay ngoài khơi trên một con tàu bệnh viện màu trắng, Thiếu tá Hirokushu đang mở con mắt trái. Tất cả điều ông trông thấy là bức tường trắng tinh tươm. Mình còn sống! Tôi sống kiếp thứ hai! Ông trần truồng, một tấm chăn phủ lên người. Phải mất một lúc ông mới nhận ra tay trái mình bị còng vào giường và mình bị thương ở đầu và vai. Ông quá kiệt sức đến nỗi mãi về sau ông mới nhận ra mình, một sĩ quan, đã chịu nhục nhã khi còn sống trong trận tấn công cuối cùng. Tất cả điều ông có thể nghĩ đến lúc đó là: Mình còn sống! Mình còn sống!

                 Tại bệnh viện dã chiến mới trong Thung lũng Địa ngục, Shizuko đã nằm co rúm trong hố cá nhân qua suốt đêm. Trong ánh sáng rõ dần cô chú ý các bóng người di chuyển trên dốc cao phía trên. Những gương mặt đen nhẻm ló mặt qua những bụi cây thấp. Đó là bộ binh người Mỹ da đen. Trong cơn hoảng loạn cô tưởng họ là những chú khỉ đột từ đường dốc đi xuống. Như vậy tin đồn quái đản hóa ra là đúng! Người Mỹ đang sử dụng chúng trong trận đánh.

                Bao quanh cô, những thương binh cũng đã bước ra từ các hầm trú ẩn, cúi đầu thật thấp về hướng Hoàng cung. Thình lình tiếng âm nhạc điếc tai, nghe kỳ cục phát ra từ loa phóng thanh – cô chưa hề nghe loại âm thanh như thế. Giai điệu hoang dã, náo loạn của nó vang vọng qua suốt thung lũng (đó là loại nhạc jazz của Mỹ). Tính không hiện thực của khung cảnh đã lấy đi của cô quyết tâm tự sát.

                Bác sĩ trưởng khu ra lệnh cho cô vẫy khăn tay trắng ra đầu hàng. Cô do dự; người Mỹ sẽ hiếp dâm cô. “Hãy tự cứu mình!” phụ tá của ông, viên trung úy, thúc giục cô. Khi cô đứng tê liệt tại miệng hố cá nhân, những người Mỹ da màu tấn công về phía trước, ném lựu đạn và la hét. Tất cả điều Shizuko có thể nhìn thấy là răng và mắt trắng toát của họ. Bác sĩ trưởng khu dí súng lục vào cổ và bóp cò. Viên trung úy dùng dao rạch cổ mình ba lần và ngã xuống lên người Shizuko. Máu ấm chảy tràn lên chân cô. Cô nhặt lên quả lựu đạn tay. Cô thấy lạnh người. Giờ mình sắp chết đây. Cô gắng sức kêu lên “Mẹ ơi” nhưng không có gì xảy ra. Cô kéo chốt an toàn, đập quả lựu đạn vào vách đá để kích hoạt nó và ném người đè lên nó.

                Shizuko nghe tiếng nói nhưng không thể hiểu gì. Từ từ mở mắt cô thấy mình đang ở trong một ngôi nhà. Cô ráng đứng lên nhưng một sĩ quan Mỹ trẻ tuổi nói bằng tiếng Nhật, “Cô bị thương – đừng cử động.”

                Shizuko không thể tin được tiếng Nhật thốt ra từ miệng một kẻ thù. Tại sao mình không chết? Cô xin nước nhưng vị đại úy trẻ tuổi bảo cô không thể uống được. Anh ta rót thứ nước gì đó từ một can. Cô cố uống nhưng liền nhổ ra. Đó là nước cà chua và cô không thể chịu được cái mùi ấy. Anh ta ra lệnh cô uống hết và cô nghe theo. Không phải cái chết làm cô khiếp sợ mà là người Mỹ. Cô hỏi chuyện gì xảy ra cho những người khác trong Thung lũng Địa ngục.

                “Tất cả đều chết hết trừ cô,” viên sĩ quan cũng là một thông dịch viên, nói. Anh bảo cô mình đã theo học tại một đại học Nhật và muốn giúp đỡ đồng bào cô. “Chúng tôi tin tưởng vào tình nhân loại, ngay cả trong chiến tranh.” Anh bảo đảm cô là nhiều dân chúng đã sống sót và đang ở trại giam giữ gần Charan Kanoa. Cô không tin anh ta. Ai cũng biết những tên quỷ dữ Mỹ xé xác các tù nhân Nhật bằng xe tăng. Cô buột miệng nói mình sợ người Mỹ, đặc biệt những Mỹ đen.

                Anh ta cười to. “Chính người Mỹ đen đã cứu sống cô.”

                Cô van xin viên đại úy cho cô chết với đồng bào của mình, và anh được phép mang cô bằng xe tải đến Charan Kanoa. Khi họ chạy xe trên con đường dọc bờ biển trong ánh sao sáng anh bảo cô có rất nhiều thi thể dân chúng trên biển. Anh hỏi cô có muốn xem không. Anh bảo xe ngừng lại. Với sự giúp đỡ của hai người Mỹ da màu anh mang cô đến triền đá. Bên dưới, những thi thể nổi lên chen chúc trên bờ nước. Một người mẹ buộc hai đứa con vào người bà.

                Người sĩ quan trẻ hỏi như với chính mình, “Tại sao người Nhật lại tự sát như thế?” Nước mắt chảy dài xuống má anh.

                Ngay sau nửa đêm họ vào Charan Kanoa. Trước sự ngạc nhiên của cô, nó sáng rực dưới ánh đèn điện. Các lều mọc lên thẳng tắp. Đúng là một thế giới khác. Anh đại úy nói đây là trại dành cho người Nhật, nhưng cô biết đây là mưu mẹo. Cô sắp sửa bị bắn tại đây. Rồi cô nhìn thấy những em bé Nhật bấu víu vào hàng rào kẽm gai bao quanh khu trại. Cô khăng khăng đòi đi ra xe, mặc dù viên đại úy khuyên cô nên tiếp tục đến bệnh viện. “Cô có quen ai ngoài hả? Có phải vậy không?”

                “Có mẹ tôi!” Cô nói dối.

                Cô được mang ra khỏi xe trên cáng. Cô khăng khăng đòi đi bộ và loạng choạng qua cổng trại trước khi ngã xuống. Nhiền bàn tay thân hữu nâng cô dậy. Cô đã trở lại với người của mình.

                Vào ngày 9/7 lúc 4:15 P.M., Đô đốc Turner tuyên bố Saipan đã chính thức được chiếm đóng, và chú ý được quay sang Tinian và Guam bên cạnh. Các lính Thủy đã từng dự đoán u ám “Cổng Vàng vào năm “48” [Tức Golden Gate, một cây cầu treo nổi tiếng ở San Francisco, nơi đón tiếp những người châu Á đến Mỹ: ND]  giờ đổi thành “Còn Sống Về Nhà vào ‘45’.” Trận đánh trên Saipan đã chấm dứt nhưng vẫn còn công việc nặng nề và hiểm nguy là thu dọn vài ngàn người lạc loài còn ẩn náu trong các hang động. “Việc này có nghĩa,” một lính Thủy bình luận khôi hài, “là giờ đây nếu bạn bị bắn, bạn bị bắn ở phía sau.”

                Một công việc khác nhưng khó khăn không kém đối diện với người Mỹ ở mũi phía bắc của đảo. Ở đó hàng ngàn dân chúng đã tụ tập và đang tự sát tập thể chứ không chịu đầu hàng. Các thông dịch viên và những người Nhật bị bắt, sử dụng các hệ thống phát thanh công cộng, nài xin với các đám đông ở Điểm Marpi, trên một bờ vực nhìn xuống một cách ngoạn mục một bãi đá cạn bên dưới sâu hơn 100 bộ. Trận chiến đã qua; an toàn và thực phẩm đang đợi chờ đợi; tên những người đầu hàng được xướng lên. Vậy mà những người đàn ông còn ném con cái mình từ bờ vực rồi nhảy theo chúng; và những người mẹ đìu bé sơ sinh trên lưng buông mình vào vùng nước xoáy đang sôi.

                Có quá nhiều thi thể nổi lên đến nỗi “những tàu hải quân nhỏ không thể đi tới mà không phải trườn qua họ.” Trung úy Emery Cleaves của tàu quét mình Chief trông thấy một phụ nữ trần truồng, chết đuối trong khi sinh nở. “Đầu đứa bé đã bước ra thế giới này, và rồi chỉ có thế.” Gần đó “một thằng bé 4, 5 tuổi chết đuối, hai cánh tay còn xiết chặt quanh cổ một người lính Nhật; hai thi thể lắc lư điên cuồng theo sóng.”

                Ở nơi khác trên đảo các gia đình vẫn còn lẫn trốn đội quân chinh phục hết ngày này qua ngày khác. Nhà Okuyama – gồm cha, mẹ và bốn con – tìm được một hang động. Vào sáng ngày 17/7 họ đang tắm nắng trên một gờ đá nhìn qua bờ biển đông bắc lỡm chỡm, khi một người lính từ cái hang gần đó hét lên “Quân địch!” và chỉ tay ở phía trên họ ngay chóp của vách đá. Ryoko Okuyama 14 tuổi, đứa con lớn nhất, ngước nhìn lên thấy 4, 5 binh lính Mỹ lớn con, mặt đỏ gay trong bộ quân phục ngụy trang. Họ nhìn khác xa với binh sĩ Nhật nhỏ con.

                Quân Nhật khai hỏa súng trường còn lính Mỹ thì ném lựu đạn. Nhà Okuyama ôm chầm lấy nhau chống sức kéo xuống, đẩy họ văng ra khỏi gờ đá, nhưng khi cát đá vẫn tiếp tục rơi xuống, người cha – một thợ may – dìu gia đình xuống tận đáy vách đá đến một hang động khác. Bên trong họ bắt gặp một trung sĩ, một thông tín viên đã kiệt sức của tờ Asahi Shimbun, và một hài nhi mới sinh bị bỏ rơi khóc oe oe cho đến khi bà Okuyama bế nó lên. Khi những tiếng nói của binh lính Mỹ đến gần hơn và âm thanh của hỏa lực gay gắt hơn, đứa bé bắt đầu khóc thét lên. “Bắt nó nín đi,” anh trung sĩ lầm bầm. “Bất cứ cách nào!”

                Bà Okuyama, một phụ nữ ưa nhìn độ 34 tuổi, cố gắng ru bé nhưng nó vẫn khóc thét. Tuyệt vọng bà ấn vạt áo lên miệng bé, và cuối cùng làm tiếng khóc ngừng bặt. Bé đã chết. Âm thanh của hỏa lực súng máy vang vọng dữ dội trong hang. Tiếng nói vẫn vọng vào từ bên ngoài. Viên trung sĩ giao cho Okuyama một quả lựu đạn, và giữ cho mình một quả khác.

                Ryoko nhìn cha mình như muốn nói lời vĩnh biệt. Mặt tái xanh và cẳng thẳng, ông khe khẻ gật đầu. Viên trung sĩ kéo chốt an toàn, và Okiyama làm theo. “Chúng ta sẽ cùng đi đến một nơi khác êm đẹp hơn,” người mẹ bảo với đứa con Yoshitada bốn tuổi, đứa nhỏ nhất. Em mỉm cười như thể đang dự một trò chơi. Hai người đàn ông đập quả lựu đạn đồng thời vào vách đá ngay dưới chân họ. Khi ngòi nổ kêu xèo xèo, đầu óc Ryoko quay cuồng. Mình sẽ thành Phật chăng? Có phải con người có linh hồn? Thực sự có thế giới khác không? Cô cảm thấy hang chấn động – cơn chấn động hất cô và vào vách đá. Choáng váng, cô nghe đứa em trai nhỏ rên rỉ một cách yếu ớt, rồi cô ngất xỉu.

                Cô không biết mình đã bất tỉnh bao lâu. Trước tiên cô trông thấy một thứ ánh sáng đỏ mơ hồ, rồi khi nó hiện rõ dần cô nhận ra đó là cái bụng dưới mở toát của anh trung sĩ đang ngồi trước mặt cô, cẳng bắt chéo như đang ngủ. Vết thương toang toác trông tươm tất làm cô nhớ lại hình sáp cơ thể người trưng bày trong giờ sinh học. Các bộ phận, tất cả đều y chỗ cũ, trộng thật “đẹp.”

                Người cô phủ đầy máu và thịt sống vụn. Khiếp đảm, cô cử đông tay chân – không thấy đau. Cô vặn người. Vẫn không thấy đau. Chiếc áo của đứa em trai chín tuổi của cô bị thổi bay. Những mảnh đạn đâm vào ngực trần của em, để lại những vết bỏng cháy đen. Em đã chết. Ba em, em trai Yoshitada và em gái 6 tuỗi cũng đã chết. Da thịt này văng ra từ đầu của đứa em gái, phơi bày một sọ đầu có màu và kết cấu của một bóng đèn trong suốt. Ryoko cảm nhận một nỗi cô đơn đáng sợ. Cô là người duy nhất còn sống. Bổng cô cảm thấy có gì đó chạm nhẹ vào vai trái mình.

                “Mẹ, mẹ còn sống!”

                “Mẹ sắp chết” mẹ cô đáp bình thản. Chân của mẹ đã vỡ nát và Ryuko xé những miếng vải từ quần áo gần đó để băng bó.

                “Không ích gì đâu con,” Bà Okuyama phều phào. “Mẹ sắp đi đây. Con không thể cầm máu với những thứ như thế.”

                “Nhưng máu hết chảy ra rồi mẹ!”

                “Máu đã chảy ra hết rồi,” Bà Okuyama nói. Bà nhìn vào thi thể các người thân. “Mẹ mừng vì họ ra đi nhanh gọn.” Bà quay sang Ryoko. “Chỉ có con còn sống.”

                “Bà ơi, bà ơi!” Đó là thông tín viên Asahi. Giọng nói của anh thống thiết tưởng chừng như không nghe được. Mẹ và con gái kinh ngạc khi thấy còn có người khác sống sót. “Giết dùm tôi đi, bà ơi.”

                “Tôi cũng sắp chết đây nè,” Bà Okuyama bảo anh. “Chân cẳng tôi tiêu rồi. Thậm chí tôi không cử động được. Tôi không thể giúp cậu được.”

                Anh chậm chạp nhìn lên; và rồi, oằn oại vì đau đớn, anh đập đầu vào vách đá lỡm chỡm. Anh rên rỉ rồi cố đập thêm lần nữa rồi lần nữa cho đến khi lìa đời.

                “Sau khi mẹ chết con không được ở lại đây,” Bà Okuyama trăng trối với con gái. Khi đêm xuống cô phải rời đi. “Con phải sống thọ và đi theo con đường chân chính với một tinh thần mạnh mẽ.” Bà đã viết cũng dòng chữ này khi Ryoko vào trung học.

                Với vẻ đau đớn bà Okuyama tháo cái furoshiki quấn quanh hông bà – nó chứa đầy tiền – và buộc chặt nó quanh hông con gái. “Mẹ sắp đi rồi. Mắt mẹ giờ đã lu mờ. Mẹ muốn nằm xuống. Con giúp mẹ với.” Mẹ nở một nụ cười dịu dàng trên gương mặt. Lần đầu tiên trong đời Ryuko mới nhận ra mẹ dịu dàng xiết bao. Sao mình trước đây lúc nào cũng sợ mẹ?”

                “Mẹ không còn nghe thấy gì. Đưa tay con cho mẹ.” Bà xiết chặt bàn tay Ryoko. “Mẹ không nói được nữa,” bà thì thào.

                “Mẹ ơi, đừng chết!”

                Bà Okuyama mỉm cười, gật đầu. Môi bà mấp máy nhưng không thốt được lời nào. Bà đã chết.

                Gần 22,000 dân chúng Nhật – hai phần ba dân số – chết một cách vô ích. Và hầu hết binh sĩ đồn trú – ít nhất 30,000 người – đã chết.

                Đối với những kẻ chiến thắng giá phải trả là lớn nhất cho đến nay trong Thái Bình Dương. Trong số 71,000 quân Mỹ đã đổ bộ lên Saipan, 14,111 người bị giết, bị thương hoặc mất tích trong chiến đấu – gấp hai lần tổn thất ở Guadalcanal – nhưng thành trì chủ yếu phòng thủ tổ quốc Nhật Bản đã bị chiếm đóng và lực lượng giáng trả của địch có căn cứ trên tàu sân bay đã bị tê liệt. Thậm chí quan trọng hơn, khu vực bằng phẳng của nam Saipan cho người Mỹ căn cứ đầu tiên để từ đó các oanh tạc cơ B-29 đồ sộ có thể tiến hành các trận tập kích tàn khốc xuống ngay trái tim của Đế chế Nhật, Tokyo.        

8.png

91011

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s