Lịch sử quan hệ và các cuộc đối đầu Anh – Nga

anh vs nga (2)

Ảnh: tranh biếm họa Afghanistan thế kỷ 19: tiểu vương Afghanistan Emir Sher Ali Khan đang đứng giữa con gấu (đế quốc Nga) và sư tử (Đế quốc Anh) với lời cầu cứu: ”Cứu tôi khỏi những người bạn”. Ám chỉ việc Anh và Nga đều nhận là bạn của Afghanistan chống lại nước kia nhưng thực tế đều muốn nuốt chửng đất nước này.

Long Vũ / ncls group

 

Trong nhiều thế kỷ, các đế chế Nga và Anh là những đối thủ và kẻ thù không đội trời chung. Đáng ngạc nhiên, họ hiếm khi gặp nhau trên chiến trường, và đặc biệt thích chỉ huy các cuộc chiến ủy nhiệm.

*Cuộc thám hiểm Bắc Cực năm 1553

Quan hệ giữa Nga với Anh theo nhiều người được đặt nền móng bởi nhà thám hiểm người Anh Richard Chancellor. Năm 1553 Richard cùng với một người khác là Hugh Willoughby thực hiện một cuộc hải trình với ý đồ mà bây giờ chúng ta mới dám nói là điên rồ: tìm đường đến phương Đông (châu Á) qua Bắc Cực.

Tất nhiên là gió bão Bắc Băng Dương không cho phép ông làm điều này. Sau khi vượt qua mũi North Cape thuộc Nauy (thường được coi là cửa ngõ phía Tây của Bắc Băng Dương), quá nửa hạm đội của đoàn thám hiểm đã chết. Hai đoàn thủy thủ của Richard và Hugh Willoughby quyết định tách nhau để đi, và sẽ gặp lại nhau tại Pháo đài Vardøhus của Nauy trên biển Barent.

Hugh Willoughby đi về hướng Đông và tìm ra quần đảo Novaya Zemlya, nơi sau này Liên Xô thử bom Tsar mạnh nhất thế giới. Ở đây, tác động từ trường làm kim la bàn sai lệch, gió bão mù mịt che khuất mặt trời làm thủy thủ đoàn không xác định được phương hướng. Họ bị đi ngược lại phía Tây và đến được bờ Bán đảo Kola (thuộc vùng Murmansk của Nga). Không tìm được người ở, toàn bộ thủy thủ đoàn của Hugh Willoughby chết cóng trong mùa đông. Có ý kiến cho rằng họ chết vì chặn ống khỏi của tàu nhằm lấy hơi ấm, dẫn đến ngộ độc khí CO.

Đoàn thám hiểm còn lại của Richard Chancellor đến được pháo đài Vardøhus nhưng không thấy đoàn của Hugh Willoughby trở về. Họ quyết định đi tiếp về phía Đông và may mắn đến được thành phố Arkhangelsk quan trọng của Nga (lúc này là cảng duy nhất của nước Nga). Tin này đến tai Ivan Hung đế, và Ngài rất vui mừng đưa các vị khách lạ về Moscow. Rất nhanh chóng một thỏa thuận thông thương giữa Anh và Nga qua các cửa biển phía Bắc được ký kết kéo dài trong 300 năm. Hoàng đế Nga cũng dành cho đoàn thám hiểm những bữa tiệc xa hoa và cho họ xe ngựa để về London. Trong miêu tả của mình, Richard Chancellor mô tả nước Nga là một đất nước còn nghèo và lạc hậu, dân cư đa phần sống trong nhà gỗ nhưng Hoàng đế sống rất xa hoa và Moscow ”to gấp nhiều lần London”.

Năm 1554, ngư dân Nga phát hiện thi thể Hugh Willoughby vào mùa xuân . Sa hoàng Nga đã ra lệnh bảo quản thi thế cẩn thận để chờ người Anh đến lấy về. Mãi đến năm 1556, mới có đoàn thủy thủ từ Anh đến đưa thi hài Hugh Willoughby về nước.

Cũng trong năm này, Richard Chancellor một lần nữa trở lại Nga và không may mất mạng, dù chuyến đi vẫn thành công.

Các cuộc thám hiểm của Richard Chancellor và Hugh Willoughby có vai trò lớn, được đánh gia cao trong lịch sử của cả Anh lẫn Nga. Ngoài việc đặt nền móng cho quan hệ 2 nước, các phát hiện về các đảo xa hơn ở phía Bắc đã khiến người Nga thay đổi quyết tâm tìm đường ra biển qua Bắc Cực thay vì nỗ lực tìm đường ra biển Đen ở phía Nam. Sau này, Peter Đại đế đã làm được cả 2 việc đó.

*Quan hệ đến năm 1792

Năm 1649, một biến cố lớn xảy ra ở Anh. Cách mạng tư sản đã bùng nổ và vua Charles I bị chặt đầu. Sa hoàng Alexei của Nga tức giận đuổi hết các thương nhân Anh về nước, khiến quan hệ 2 nước bị đóng băng 1 thời gian dài. Trong thời gian này, khi nước Anh đã phát triển mạnh mẽ trên con đường tư bản chủ nghĩa, Nga vẫn chìm sâu trong lạc hậu, thậm chí chưa xây dựng được Hải quân.

Phải đến năm 1697, Peter đại đế của Nga mới có quyết định thay đổi vận mệnh đất nước. Dưới cái tên “binh nhất Pyotr Mikhailovich” , nhà vua dẫn một đoàn sứ thần hơn 650 người đến các nước Tây Âu như Anh, Hà Lan, Pháp,…Ở Hà Lan, Peter chứng kiến một quốc gia nhỏ bé trở nên rất giàu có nhờ sự phát triển của hàng hải, trong đó có công ty Đông Ấn Hà Lan. Vì vậy, Nhà vua cải trang trở thành một công nhân học việc đóng tàu, quyết tâm xây dựng Hải quân Nga.

Sau đó Peter đến Anh và học hỏi rất nhiều kỹ thuật mới của người Anh. Nhưng giữa chừng họ phải trở về vì ở Moscow có cuộc nổi loạn của quân Cấm vệ. Tuy vậy, trước khi về nhà vua cũng kịp mang theo hàng chục kỹ sư người Anh, những người đã giúp nhà vua trong việc hiện đại hóa nước Nga. Peter sau khi trở về trở thành một nhà cải cách vĩ đại, thay đổi hoàn toàn nước Nga. Ông biến nước Nga thành một nước hiện đại, kinh tế phát triển, và chiến thắng hai kẻ thù lớn là Thụy Điển và Ottoman, đưa nước Nga trở thành một thế lực mới ở châu Âu.

Chuyến đi của Peter đến Tây Âu được coi là một bước ngoặt quan trọng bậc nhất trong lịch sử châu Âu. Nó đánh đấu đưa nước Nga hoàn toàn trở thành một quốc gia châu Âu, không những thế còn là một quốc gia lớn có ảnh hưởng. Về mặt nào đó, có thể coi như một tác động vòng tròn. Tây Âu tác động lên Peter Đại đế, cá nhân Peter tác động lên cả nước Nga, rồi nước Nga trở nên hùng mạnh tác động lên cả châu Âu.

Trong chiến tranh kế vị Áo (1740-1748), Nga và Anh cùng đứng về phía Áo chống lại Pháp và Phổ. Tuy nhiên đến chiến tranh 7 năm (1756-1763), cuộc ”đại chiến đầu tiên của thế giới”, tình hình thay đổi. Anh liên minh với Phổ, trong khi đứng về phía Pháp. Mặc dù vậy, Anh và Nga không bao giờ đối mặt nhau trên chiến trường. Kết thúc cuộc chiến là sự thắng lợi của liên minh Anh-Phổ. Anh trở thành đế quốc hùng mạnh nhất địa cầu.

Với Nga, dù Nữ hoàng Elizaveta chinh phục được Đông Phổ, nhưng người kế vị bà là Peter III đã trả lại vùng đất này. Điều này khiến Peter III trở thành hoàng đế bị người dân tộc chủ nghĩa Nga muôn đời nguyền rủa. Cuộc chiến kết thúc làm nước Nga không thu được gì, ngoại trừ sự dè chừng của các nước châu Âu về quân sự.

*Từ năm 1792 đến năm 1812: thời kỳ cách mạng Pháp

Năm 1789, cả châu Âu và thế giới rung chuyển vì một sự kiện: Đại cách mạng tư sản Pháp.

Về mối quan hệ Anh-Nga, cuộc cách mạng Pháp đã tạm thời thống nhất 2 nền quân chủ đang thù địch (lập hiến ở Anh và chuyên chế ở Nga) hướng đến cùng chống lại nền cộng hòa Pháp. Tuy vậy, tinh thần ”quyết tử cho nền cộng hòa”, người Pháp đã chiến đấu kiên cường. Năm 1799, trong cuộc xâm lược Hà Lan, liên quân Anh-Nga đã thảm bại. Do liên quân không giữ bí mật tốt, người Pháp đoán trước ý đồ nên đã phục kích quân đổ bộ. Hai nước đổ lỗi cho nhau về thất bại.

Đến năm 1800, liên minh đứng trước rạn nứt nghiêm trọng. Sau khi giải phóng đảo Malta khỏi Pháp, người Anh đã chiếm giữ hòn đảo thay vì trao trả nó. Hoàng đế Nga Paul I tức giận vì hành động này. Paul I đã thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại của mình: ông kết bạn với kẻ thù cũ, Napoleon của Pháp để lên kế hoạch cho một chiến dịch chung vào Ấn Độ, nhằm vào các tài sản của đế quốc Anh.

22.000 quân Cossacks đã được gửi đến Ấn Độ, trong khi 70.000 quân Nga cũng sẵn sàng cho chiến dịch lớn hơn. Tuy nhiên, kế hoạch không bao giờ được thực hiện. Ngày 23/3/1801, vua Paul I của Nga bị ám sát, nghi do người Anh đứng sau. Người kế vị ông, Alexander I, đã gọi trở về người Cossacks và ngay lập tức khôi phục quan hệ đồng minh với người Anh.

Tuy nhiên đến năm 1807, quân Nga đã bị Pháp đánh bại trong trận Friedland. Trước nguy cơ bị hủy diệt, Nga phải ký hiệp ước Tilsit với Pháp, bất đắc dĩ phải tham gia bao vây nước Anh. Từ năm 1907 đến 1812, Anh đã phải cho quân phá hủy các hạm đội Nga do sợ quân Pháp dùng nó để tấn công Anh. Dù vậy, Nga không bao giờ để các cuộc đối đầu hải quân này đi quá xa. Đối với lịch sử Nga, các sử gia cho rằng các cuộc chiến với Anh 1807-1812 là ”bất đắc dĩ và không cần thiết”. Theo các nhà sử học, Sa hoàng Alexander I đã cố hết sức để duy trì thế trung lập giữa Anh với Pháp, chờ Pháp suy yếu để có thể liên minh lại với Anh.

Trong thời gian đó, Thụy Điển có gây chiến với Nga nhằm tranh giành Phần Lan. Người Anh đứng bên cạnh Thụy Điển nhưng hạn chế đối đầu với Nga. Cuối cùng Thụy Điển thua trận và mất hoàn toàn Phần Lan.

Khi Napoleon xâm lược Nga năm 1812, các hiệp ước Nga – Pháp bị xóa bỏ hoàn toàn và Nga lại trở thành đồng minh của Anh cho đến khi Napoleon bị đánh bại

*Các cuộc đối đầu Anh-Nga: chiến tranh Crimea và Trò chơi Lớn ở Trung Á

Chiến tranh Crimea

Sau khi đánh bại Napoleon, Anh và Nga bước vào giai đoạn tranh giành ảnh hưởng giữa 2 cường quốc, kéo dài đến tận khi đế quốc Nga sụp đổ

Ở nước Anh, người ta xuất hiện thuật ngữ: Russophobia. Đó là nỗi sợ nước Nga đe dọa đến các vùng ảnh hưởng của Anh ở cả châu Âu lẫn châu Á. Tiêu biểu cho thời kỳ này là chiến tranh Crimea và ”Trò chơi Lớn” ở Trung Á.

Từ năm 1820, đế quốc Ottoman trở nên suy yếu. Dù cả Anh và Nga đã cùng chiến đấu để giúp Hy Lạp giành độc lập năm 1829, sự lo ngại của người Anh về ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga đến vùng Balkan đã xuất hiện. Vì sự lo ngại này, Anh và Pháp đã đứng bên Ottoman tiến hành một cuộc chiến chống Nga vào năm 1853, lịch sử gọi là Chiến tranh Crimea, mặc dù phạm vi của nó to lớn hơn rất nhiều.

Ban đầu Nga gây chiến với Thổ với lý do giải phóng các tín đồ Chính thống giáo bị Ottoman đàn áp. Năm 1854 quân Nga vượt sông Danube tấn công Ottoman. Anh và Pháp coi đây là hành vi ”vượt rào” của Nga, phá vỡ các vùng ảnh hưởng nên đã gửi quân giúp Ottoman chống Nga. Sau khi Nga đánh chìm hạm đội Thổ, Anh và Pháp càng giúp đỡ Ottoman thêm mạnh mẽ. Mục tiêu của liên minh Anh-Pháp-Thổ là không cho nước Nga tiến ra Địa Trung Hải.

Quân Anh và Pháp đổ bộ, bao vây bán đảo Crimea (Việt Nam hay gọi là Krym hay Crưm), trong đó có Sevastopol là nơi đóng hạm đội Biển Đen của Nga. Đây là 1 trong 2 Cuộc bao vây Sevastopol nổi tiếng trong lịch sử, sau đó là Cuộc bao vây Sevastopol trong Thế chiến 2.

Cuộc vao vây Sevastopol trên bán đảo Crimea diễn ra vô cùng ác liệt và đẫm máu, thu hút mọi nỗ lực của các phe nên cuộc chiến gọi là ”Chiến tranh Crimea”. Các chiến dịch công đồn của Anh-Pháp cùng với các chiến dịch phá vây của Nga thường hết sức đẫm máu. Phải đến khi Hải quân Nga thất bại với sự hy sinh anh dũng của Đô Đốc Pavel Nakhimov, cuộc chiến mới có lợi cho quân Anh-Pháp. Đến ngày 11 tháng 9 năm 1855, Sevastopol thất thủ sau 11 tháng bị bao vậy, kết thúc bằng một trận giáp lá cà giữa Nga và Pháp làm gần 100.000 lính chết trận. Dù thất bại những cuộc phòng thủ Sevastopol vẫn được coi là cuộc chiến anh hùng bảo vệ đất nước trong lịch sử Nga.

Bên cạnh Crimea, các trận chiến còn diễn ra ở vùng Baltic. Hải quân Anh lần đầu tiên sử dụng thủy lôi trong hải chiến. Dù lực lượng yếu hơn, quân Nga dựa vào các pháo đài vững chắc được xây từ thời Peter Đại Đế để chống lại các cuộc tấn công của Anh. Mặt trận Baltic cầm chừng đến khi chiến tranh kết thúc.

Ở mặt trận Thái Bình Dương, quân Anh Pháp cũng tấn công bán đảo Kamchatka, bao vây Petropavlovsk. Đô đốc Yevfimiy Putyatin của Nga chỉ huy phòng thủ kiên cường làm các cuộc tấn công thất bại.

Nhưng các nỗ lực phòng thủ ở Baltic và Kamchatka không bù đắp nổi thảm bại ở Crimea. Cuộc bao vây Crimea khiến cho Sa hoàng Nikolai I buồn phiền đến nỗi bị viêm phổi và qua đời. Sau khi Sevastopol thất thủ, Nga phải ngồi vào đàm phán với các điều kiện bất lợi. Theo đó, Nga mất chủ quyền với Biển Đen, phải bồi thường chiến phí cho Anh-Pháp-Thổ, rút quân khỏi sông Danube,…

Trong lịch sử Nga, chiến tranh Crimea 1853-1856 là một thất bại cay đắng. Hạm đội Biển Đen bị tàn phá, chủ quyền với biển Đen – một thành quả từ thời Ekaterina II bị mất vào tay Thổ (mặc dù sau này đã giành lại được). Cuộc chiến cũng làm suy yếu nghiêm trọng vị thế quốc tế của Nga, vốn từng được coi là bất khả chiến bại thời đó.

Xét về cuộc chiến này, các nhà sử học coi đây là cuộc chiến mà kỹ thuật đóng vai trò quyết định. Chiến tranh vùng Crimea được xem là chiến tranh hiện đại đầu tiên trong lịch sử, trong đó kỹ thuật quân sự có phần tân tiến hơn những cuộc chiến tranh trước và thay đổi hình thức của các cuộc chiến tranh sau đó. Cụ thể, dù tinh thần chiến đấu của 2 bên đều rất cao, đặc biệt là quân Nga, nhưng các kỹ thuật tiên tiến về pháo, ngư lôi và tàu thủy của Anh đã tạo lợi thế vượt trội cho họ. Ngược lại với Nga, các cuộc phòng thủ trong chiến tranh Crimea vẫn được coi là mẫu mực về tinh thần chiến đấu để bảo vệ đất mẹ, được lấy để giảng dạy tinh thần chiến đấu cho quân đội Nga.

Cuộc chiến này cũng đánh dấu người Nga coi Anh là kẻ thù , thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở Nga. Sau này, dù có đứng chung chiến tuyến với Anh nhiều lần, Nga không bao giờ coi Anh là đồng minh thân thiết như xưa nữa. Mặt khác, thất bại đã mở mắt của giới lãnh đạo Nga, những người đã đưa ra một loạt các cải cách quân sự và kinh tế ở nước này. Từ đó về sau, vũ khí luôn là một ưu tiên hàng đầu của quân đội Nga.

-Cuộc đối đầu ở Trung Á

Một điều ai cũng biết, thậm chí còn nói đến trong sách giáo khoa lịch sử 11: Ấn Độ là tài sản lớn nhất của đế quốc Anh trong các thuộc địa,

Quả thật, với diện tích, dân số lớn cùng sự giàu có về tài nguyên, vị trí chiến lược,…Ấn Độ là một mỏ vàng khổng lồ của Đế Quốc Anh.

Nhưng cùng thời gian đó, Đế quốc Nga, sau khi bị đánh bại ở phía Tây, đã mở rộng nhanh chóng về phương Đông. Đến thế kỷ 19, họ đã đánh bại người Ba Tư và các bộ tộc du mục, giành lấy ảnh hưởng ở Trung Á.

Sự hiện diện của Nga ở Trung Á không khác gì mũi tên nhằm thẳng vào Ấn Độ của Anh. Để bảo vệ túi tiền, người Anh tìm cách mở rộng ảnh hưởng xa hơn về phía Bắc, tạo một vùng đệm cho Ấn Độ. Ngược lại, dù không cần phải tạo vùng đệm cho Trung Á (do bản thân Nga đã coi Trung Á là vùng đệm cho Siberia), người Nga cũng muốn làm suy yếu ảnh hưởng của Anh ở Ấn Độ. Tất cả toan tính của 2 đế quốc đã chĩa mũi súng vào một quốc gia tội nghiệp: AFGHANISTAN.

Cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á giữa Anh và Nga trong thế kỷ 19 được lịch sử gọi là Ván Cờ Lớn hay Trò chơi Lớn (The Great Game). Trong cuộc chơi này, do mục đích lớn hơn (tạo vùng đệm cho Ấn Độ), Anh là phe chủ động hơn. Trong khi Nga đề xuất Afghanistan làm vùng trung lập, Anh lại muốn sáp nhập Afghanistan để bảo vệ triệt để Ấn Độ.

Dù không bao giờ đối đầu trực tiếp, Anh và Nga đã đối đầu nhau trên ngoại giao và các cuộc chiến ủy nhiệm nhỏ giữa các bộ tộc vùng Trung Á. Bên cạnh đó, cả 2 đều đối đầu với đế quốc Ba Tư, những người có ảnh hưởng truyền thống ở Trung Á.

Năm 1839, Anh xâm lược Afghanistan lần thứ nhất. Dù đã chiếm được Kabul, quân Anh sau đó đã hứng chịu một vụ thảm sát kinh hoàng khi quân Afghan phản công. 4500 quân Anh, cùng 12.000 người Ấn Độ đã bị giết hại. Số còn lại bị bán làm nô lệ. Thất bại ở Kabul năm 1842 là thất bại nhục nhã bậc nhất của người Anh, được coi là “thảm họa quân sự tồi tệ nhất của Anh cho đến khi Singapore sụp đổ đúng một thế kỷ sau đó” (năm 1942, Singapore thất thủ vào tay người Nhật dù có đến 10 vạn quân Anh bảo vệ).

Năm 1845, Anh tấn công người Sikh ở Bắc Ấn Độ. Họ chiếm được Jammu và Kashmir của người Sikh. Nếu ai có nghe cái tên này hơi quen, thì nó chính là vùng đất mà Ấn Độ và Pakistan đang tranh giành, mặc dù nguyên gốc nó là của người Đạo Sikh.

Đến năm 1848, chiến tranh Anh-Sikh lần 2, đế chế Sikh sụp đổ hoàn toàn, bị sáp nhập vào Ấn Độ gọi là vùng Punjab.

Năm 1856, quân Ba Tư tấn công vùng Herat, đế quốc Anh đã phản công đánh bại.

Năm 1878, Anh xâm lược Afghanistan lần 2. Lần này họ buộc Afghanistan thần phục nhưng phải rút khỏi nước này.

Trước đó, năm 1876, Nga đã đánh bại Hãn quốc Kokand. Từ đây quân đội Nga chinh phạt mạnh gọi là ”Cuộc chinh phục Trung Á”. Cuộc chinh phạt chiến thắng vào năm 1885, khi người Nga chinh phục Turkestan, gọi là Turkestan thuộc Nga. Nhưng cũng trong cuộc chinh phạt này, quân Nga đã tiến sát tới biên giới Afghanistan, chiếm được một pháo đài biên giới. Lo sợ người Nga chiếm Afghanistan, quân Anh vội vã huy động toàn lực lượng chuẩn bị chiến tranh với Nga. Lịch sử gọi là ”Sự cố Panjdeh”.

Tuy nhiên, lo sợ của người Anh là thái quá. Nga đã không có hành động nào đi quá xa. Năm sau, 1886, Nga đề xuất với Anh xác định biên giới của Afghanistan, biến nước này thành trung lập, người Anh đồng ý. Năm 1895, các hiệp ước được ký kết đầy đủ, coi như kết thúc Ván cờ lớn giữa Anh và Nga.

Ván cờ Lớn là một chủ đề rất thú vị, và cũng rất tranh cãi trong lịch sử cận đại của châu Á. Nhiều người, trong đó có Lenin coi bản chất của nó là sự phân chia của các Đế quốc. Từ đó về sau, thuật ngữ Ván cờ Lớn rất thường xuyên được sử dụng cho các cuộc chiến ủy nhiệm, giành ảnh hưởng giữa các nước lớn.

Với Afghanistan, ván cờ lớn đã định hình biên giới quốc gia của nước này, dẫn đến một sự phức tạp về dân tộc, tôn giáo trong đất nước. Theo đó, người Tajik bị chia cắt giữa Afghanistan và nước Tajikistan, người Uzbek bị chia cắt với nước Uzbekistan, người Ba Tư ở vùng Herat bị chia cắt với Ba Tư. Còn ở phía Nam, người Pashtun bị chia cắt giữa Afghanistan và Pakistan. Không dân tộc nào chiếm quá nửa ở Afghanistan.

Năm 1919, quân Anh nỗ lực cuối cùng xâm lược Afghanistan, và họ thất bại. Lúc này, đế quốc Nga đã sụp đổ, liên bang Xô Viết thành lập. Từ đó, Afghanistan trở thành một nước hoàn toàn độc lập, tự do, không bị phụ thuộc bất cứ đế quốc nào.

 

Phần  2 : Quan hệ từ đầu thế kỷ 20 đến Chiến tranh thế giới thứ nhất

anh vs nga (1).jpg

-Hình thành Liên minh Đế quốc:

Sau khi kết thúc ”Ván cờ Lớn” ở Trung Á, các đế quốc Anh và Nga coi như đã hoàn thành xong công việc mà được các nhà lý luận chủ nghĩa Marx gọi là ”phân chia xong thế giới”. Tình hình các thuộc địa trên thế giới lúc này coi như đã định hình, với đại đa số lãnh thổ được phân chia giữa 3 đế quốc Anh-Nga-Pháp, trong đó Anh và Nga lần lượt là 2 đế quốc lớn nhất và nhì. Đế quốc Anh rộng 35,5 triệu km2, trải khắp địa cầu và được gọi là ”đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”. Đế quốc Nga rộng 22 triệu km2, nhưng liền một dải từ Đông Âu sang tới châu Á.

Tuy nhiên, trật tự này nhanh chóng bị lung lay trước sự nổi lên của các đế quốc mới nổi. Đó là Đức, Mỹ, Italia, Nhật Bản,… Trong đó hung hãn nhất tất nhiên là đế quốc Đức. Được ví như ”con hổ đói đến bàn tiệc muộn”, giới cầm quyền Đức điên cuồng đòi sử dụng vũ lực nhằm chia lại thế giới, đe dọa các thuộc địa của Anh, Nga, Pháp. Cùng với đó, tham vọng từ các cựu đế quốc trước đó đã bị suy yếu như Áo-Hung, Ottoman, Ba Tư,…cũng đặt trật tự thế giới của Anh-Nga vào thế nguy hiểm.

Đối với Nga, tình hình còn nghiêm trọng hơn. Ở bờ Đông của mình Nga còn phải đối đầu với một thế lực mà trước đó còn chưa ngờ tới: Nhật Bản. Nga bị kéo vào cuộc đua giành ảnh hưởng ở Viễn Đông với Nhật, với kết quả là bị hụt hơi và thua một trận chiến thảm họa vào năm 1905, với cuộc chiến tranh Nga-Nhật gây chấn động thế giới. Ngay trong năm đó cách mạng bùng nổ ở Nga khiến chế độ Nga hoàng lung lay dữ dội.

Trước những nguy cơ đó, 3 đế quốc Anh-Nga-Pháp đã ngồi lại, liên minh với nhau để hình thành lên Liên minh tay ba, lịch sử gọi là ”Triple Entente” (Entente nghĩa là Đồng minh trong tiếng Pháp). Đây chính là cơ sở hình thành phe Hiệp ước trong Đại chiến thế giới thứ nhất.

Lịch sử hình thành Entente đã có từ năm 1891, khi Nga và Pháp ký hiệp ước liên minh. Nguyên do của các hiệp ước này là do lo sợ trước sự nổi lên của Đế quốc Đức.

Tiếp đó, năm 1904, sau rất nhiều năm căng thẳng, Anh và Pháp đã đạt được thỏa thuận phân chia thuộc địa. Hiệp ước giữa Anh và Pháp gọi là ”Entente Cordiale”. Các hiệp ước này gồm khá nhiều điều khoản phức tạp, nhưng tựu chung là Pháp nhượng cho Anh quyền kiểm soát Ai Cập (nhưng kiểm soát chung kênh đào Suez), còn Pháp giữ lại Morrocco. Trước đó, Pháp đòi quyền kiểm soát Ai Cập để hình thành trục thuộc địa Đông-Tây từ Ai Cập sang đến Tây Phi. Ngược lại, Anh đòi hỏi trục Bắc-Nam, từ Ai Cập đến Nam Phi. Với sự nhượng bộ của Pháp, lợi ích của Anh ở châu Phi được đảm bảo tuyệt đối. Đổi lại, các thuộc địa của Pháp ở châu Á như Đông Dương và các đảo Thái Bình Dương thôi bị nhòm ngó. Vùng đệm giữa 2 nước được chọn là Xiêm (Thái Lan ngày nay).

Đến năm 1907, hiệp ước Anh- Nga được ký kết, phân chia xong các ảnh hưởng ở Viễn Đông, Tây Tạng, Trung Á,…Đến đây, coi như liên minh tay ba Anh-Nga-Pháp đã được hình thành, sẵn sàng bước vào Thế chiến thứ nhất.

Trong giai đoạn này, 3 nước đã cùng tham gia Liên quân 8 nước đàn áp Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn ở Trung Hoa.

-Thế chiến thứ Nhất

Năm 1914, sau thời gian dài âm ỉ, đại chiến thế giới thứ Nhất bùng nổ sau sự kiện Thái tử Áo-Hung bị ám sát. Các đế quốc bước vào cuộc chiến tranh tàn khốc.

Đối đầu với Liên minh ”Triple Entente” Anh-Pháp-Nga là ”Triple Alliance” Đức-Áo-Italy. Trong đầu cuộc chiến này, dù không thường xuyên cùng một chiến hào, nhưng các chiến dịch của Anh-Pháp bên bờ tây và Nga ở bờ đông đã bổ trợ cho nhau khá nhiều, làm phe Liên minh bị chia sức giữa 2 mặt trận. Sau này, họ cũng cùng nhau chống lại đế quốc Ottoman và Bulgaria ở Balkan.

Cuộc chiến đang bế tắc đến năm 1917 thì biến cố xảy ra ở Nga. Cách mạng bùng nổ lật đổ Sa hoàng, sau đó đến Cách mạng tháng 10 do Lenin lãnh đạo lập nên chính quyền Xô Viết. Chính quyền mới lên cầm quyền đã ký hòa ước Brest-Litovsk với Đức. Theo đó Nga rút khỏi chiến tranh, nhưng cùng với đó Nga cũng chấm dứt mọi quan hệ ngoại giao và thương mại với Anh-Pháp, chối bỏ các khoản nợ của Nga hoàng với Anh và Pháp (nói đơn giản là ”quỵt nợ”).

-Nội chiến Nga và thời kỳ đầu Xô Viết

Hiệp ước Brest-Litovsk bị Anh coi là phản bội. Không lâu sau khi ký hiệp ước, nước Nga rơi vào nội chiến giữa phe Hồng quân của Lenin và lực lượng Bạch vệ. Người Anh đã quyết định hỗ trợ quân Bạch Vệ chống Lenin.

Dù trên danh nghĩa có đến 14 nước can thiệp vào nước Nga trong nội chiến, nhưng con số binh sĩ thực tế rất nhỏ, không thể so sánh với lực lượng của Bạch vệ và Hồng quân. Vì vậy, vai trò của lực lượng nước ngoài trong nội chiến Nga là không lớn. Trên thực tế người ta đều thừa nhận quân nước ngoài rất hiếm khi đụng độ với Hồng quân. Nhưng sự xuất hiện đó lại gây ra tác dụng ngược, khi đã bị Hồng quân tận dụng vào mục đích tuyên truyền, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Nga.

Với bản thân nước Anh, nước này can thiệp vào Nga ở một số mặt trận:

-7000 quân Anh-Canada cùng 5000 quân Mỹ, 1000 quân Pháp đổ bộ lên cảng Arkhangelsk ở miền mặt trận phía Bắc. Họ đã đạt được nhiều chiến thắng, tiêu diệt lượng khá lớn Hồng quân. Tuy nhiên, vị trí không quan trọng của Arkhangelsk khiến họ rút lui vào năm 1919. Hồng quân phản công đánh bại Bạch vệ vào cuối năm 1919. Tại mặt trận Arkhangelsk, 526 lính Anh, 84 lính Mỹ chết trận.

-Tại Vladivostok ở Viễn Đông một lực lượng nhỏ quân Anh đổ bộ. Vai trò lớn ở đây thuộc về quân đội Mỹ và Nhật Bản, những người đã thành công trong việc tạo nên một ”quốc gia đệm” mang tên ”Cộng hòa Viễn Đông”. Quốc gia do người Nhật chống lưng đã đứng vững tới tận năm 1922 mới sụp đổ.

-Trận Baku 1918: đây là một trận chiến không có nhiều vai trò trong thế chiến 1 hay nội chiến Nga, nhưng lại là một sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử nước Cộng hòa Azerbaijan và cả vùng Kavkaz.

Baku là thành phố (sau này là thủ đô nhiều dầu mỏ của Azerbaijan), một thành phố quan trọng nhất vùng Kavkaz. Trong thế chiến 1 thành phố là mục tiêu của người Nga nhắm đến trong chiến dịch tại Kavkaz chống quân Thổ. Vào năm 1918 khi Cách mạng ở Nga bùng nổ, nhiều đơn vị quân đội Sa hoàng đã bị kẹt lại xung quanh Baku. Họ quyết định bám trụ lại thành phố với sự giúp đỡ của người Anh nhằm chống lại quân của Lenin.

Tuy nhiên, bên trong thành phố Baku, những người Cộng sản Bolshevik đã chiếm chính quyền, thành lập nên Công xã của họ. Trong thời gian này, những người Cộng sản Bolshevik cùng những người gốc Armenia đã có nhiều hành vi tàn sát dân thường, khiến người dân chống lại họ.

Quân Bạch vệ cùng Quân Anh đã đánh nhau với lực lượng Cộng sản Bolshevik. Nhưng họ đã không giành được thắng lợi nào.

Tuy nhiên, cuối cùng lực lượng dân tộc chủ nghĩa Azerbaijan được hỗ trợ bởi quân Ottoman đã nổi lên đánh nhau với cả quân Anh lẫn quân Cộng sản, biến trận chiến này thành trận chiến 3 bên. Nhờ vào sức mạnh của quân Thổ và chủ nghĩa dân tộc dâng cao trong dân chúng, lực lượng Azerbaijan đã gạt bỏ được người Anh, đồng thời đánh bại quân Bolshevik trong thành phố Baku vào ngày 15/9/1918.

Ngày 15/9 trở thành ngày trọng đại trong lịch sử Azerbaijan, ngày giải phóng thủ đô Baku, một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Azerbaijan Sự kiện được coi là biểu tượng cho cuộc chiến đấu giành độc lập của người Azerbaijan sau Thế chiến 1. Ngoài ra, nó còn là biểu tượng của sự đoàn kết giữa người Thổ và người Azerbaijan, được coi là chiến thắng chung của 2 nước.

Tuy nhiên nền độc lập vinh quang này lại không kéo dài. Sau khi đế quốc Ottoman đầu hàng, thành phố lại đưcọ giao cho quân Anh cai quản. Rồi quân Anh rút đi, đến năm 1920 Liên Xô đã tràn vào xâm chiếm vùng Kavkaz, sáp nhập các nước vùng này vào Liên bang Xô Viết. Azerbaijan bị mất độc lập và đến năm 1991 mới được phục hồi.

Dưới thời Xô Viết, ngày lễ này không được tổ chức. Năm 1920, Liên Xô xâm chiếm vùng Kavkaz và Azerbaijan bị sáp nhập vào Xô Viết. Mọi liên quan về cuộc chiến ở Baku bị cấm đoán, ngoại trừ việc tôn thờ các các đảng viên cộng sản bị sát hại trong trận chiến. Tuy nhiên sau khi Azerbaijan độc lập, tượng đài tưởng niệm đảng viên Cộng sản bị phá hủy, thay vào đó là tượng đài tưởng niệm lính Ottoman và lính Anh, những người được coi là đã giải phóng thành phố khỏi tay quân Bolshevik.

Với riêng người Anh, có 200 quân Anh tử trận tại Baku. Sau thất bại người Anh đã từ bỏ mọi tham vọng với vùng Kavkaz nhiều dầu mỏ này.

Đến năm 1921, lực lượng Bạch vệ cơ bản đã bị đánh bại. Trong năm này, Anh và Liên Xô đã đàm phán khôi phục quan hệ thương mại. Có thể ngạc nhiên nhưng trên thực tế lãnh tụ Lenin đã rất sốt sắng khôi phục quan hệ với Anh. Lenin đề ra ”Chính sách kinh tế mới”, có phần đã hạ thấp chủ nghĩa xã hội và nhấn mạnh các thỏa thuận kinh doanh với các nước tư bản, trong nỗ lực khởi động lại nền kinh tế Nga trì trệ. Anh là quốc gia đầu tiên chấp nhận đề nghị thỏa thuận thương mại của Lenin. Nó đã chấm dứt sự phong tỏa của Anh và các cảng của Nga đã được mở cho các tàu của Anh. Hai bên đồng ý kiềm chế tuyên truyền thù địch. Đến năm 1924, Anh đã công nhận Liên Bang Xô Viết.

*Quan hệ Anh- Liên Xô

-Đầu Chiến tranh thế giới thứ 2

Đến những năm 30 thế kỷ 20, tình hình thế giới bắt đầu có dấu hiệu lặp lại những năm đầu thế kỷ.

Đa phần thế giới lúc này vẫn thuộc sự kiểm soát của các đế quốc tư bản như trước đó, nhưng có một số khác biệt. Nước Mỹ đã vươn lên thay Anh đứng đầu thế giới. Ngoài ra, ngay bên cạnh chủ nghĩa tư bản lúc này là nhà nước Xô Viết đang không ngừng lớn mạnh.Vì vậy thay vì liên minh tay ba đế quốc Anh-Pháp-Nga như thế chiến 1, hiện tại có thể coi là liên minh tay ba tư bản Anh-Pháp-Mỹ, bên cạnh Liên Xô. 2 bên tuy thù địch nhau, nhưng lúc này đối diện chung một kẻ thù: chủ nghĩa phát xít. Ít nhất vào lúc này, Anh và Liên Xô đã cùng hỗ trợ cho phe kháng chiến ở Tây Ban Nha chống lực lượng phát xít do Franco đứng đầu.

Năm 1938, ngay trước thềm chiến tranh thế giới, mối quan hệ giữa Anh và Nga bỗng gặp nhiều trục trặc. Anh và Pháp nhịn nhục ký hiệp ước Munich nhường Tiệp Khắc cho Đức bất chấp sự phản đối của Liên Xô. Đến năm 1939, Liên Xô đã bất ngờ ký hiệp ước không xâm phạm với Đức, rồi cùng nhau xâm lược Ba Lan, điều khiến Anh vô cùng tức giận. Khi Liên Xô xâm lược Phần Lan, quân đồng minh từng có ý định đưa quân đến giúp nước này chống Liên Xô. Điều này không xảy ra do Hitler đe dọa Đức sẽ can thiệp nếu quân đồng minh đặt chân vào Phần Lan. Cho đến năm 1940, người Anh thậm chí còn nghi ngờ Liên Xô cung cấp dầu cho máy bay Đức ném bom nước này.

-Trong chiến tranh thế giới 2

Thế giới bị choáng váng khi Đức tấn công Liên Xô năm 1941. Ngay trong năm này, Anh và Liên Xô đã ký hiệp ước hợp tác với nhau. Rất nhanh chóng và xuyên suốt chiến tranh, hàng dài các đoàn tàu chở hàng viện trợ của Anh, bao gồm cả xe tăng, máy bay đã đi qua Bắc Cực trở hành viện trợ cho Liên Xô, bên cạnh những viện trợ lớn không kém của Mỹ. Các ống dẫn dầu của Anh đã nối từ Iraq đến Liên Xô để cung dầu cho nước này. Và điển hình nhất cho mối hợp tác giữa 2 nước trong thế chiến, là cuộc tấn công vào Iran.

-Cuộc xâm lược Iran năm 1941:

Quân đội Liên Xô và Anh gặp nhau lần đầu tiên không phải ở Wismar vào tháng 5/1945 như nhiều người vẫn nghĩ. Thực tế vào năm 1941 họ cùng nhau đưa quân đánh chiếm Iran và chiếm đóng đất nước này.

Năm 1941, tình hình trở nên nguy ngập với Liên Xô ở mặt trận phía Tây. Cuộc tấn công bất ngờ của Đức làm Liên Xô thiệt hại nặng. Lúc này, một sự viện trợ khẩn cấp của đồng minh rõ ràng là cần thiết. Nhưng đường viện trợ qua Bắc Cực của Anh có nguy cơ bị tàu ngầm Đức đánh phá. Còn đường viện trợ của Mỹ qua Viễn Đông lại quá xa và khó khăn. Lúc này, người ta đã tính đến một con đường mới từ phía Nam: Ba Tư (hay Iran).

Tuy nhiên tình hình Ba Tư không có lợi. Dù Iran tuyên bố trung lập, vua Shah rõ ràng là thân Đức. Đức quốc xã có ảnh hưởng lớn lên nền chính trị và kinh tế của Iran, nhất là giúp Iran khai thác dầu. Thời đó một chiến dịch tình báo quy mô lớn của Đức được triển khai ở Iran. Nhà lãnh đạo Iran Reza Shah Pahlavi đã khước từ mọi lời cầu khẩn của Anh và Liên Xô về việc trục xuất công dân Đức. Nhằm loại bỏ khả năng Iran có thể hỗ trợ hoặc thậm chí trực tiếp tham gia các nỗ lực chiến tranh của phe Trục (phe phát xít), phe Đồng minh nhất trí sẽ cố gắng đặt Iran dưới sự kiểm soát của mình cho đến cuối Thế chiến 2.

Vào ngày 25/8/1941, quân đội Anh và Liên Xô cùng mở cuộc tiến công vào Iran, gọi là Chiến dịch Countenance.

Cuộc tiến công diễn ra chóng vánh. Liên Xô chỉ mất 40 người , Anh chỉ mất 22. Họ tiêu diệt 800 quân Iran, giết hơn 200 dân thường. Vua Shah của Iran bị phế truất, thay bằng con trai Mohammad, người thân đồng minh hơn.

Sau chiến dịch này, Iran trở thành nước trung lập nhưng bị kiểm soát bởi Đồng Minh. Nước này cũng trở thành đường tiếp tế và là nguồn dầu cung cấp cho Liên Xô. Cho đến cuối cuộc chiến, Liên Xô chiếm đóng miền Bắc Iran, trong khi Anh chiếm miền Nam. Cả 2 nước đều nắm những mỏ dầu quan trọng. Miền trung Iran, có thủ đô Teheran được tự do. Trong thời gian Liên Xô chiếm đóng, phong trào cộng sản ở miền Bắc Iran có bước phát triển nhanh.

Từ đó về sau, thế chiến 2 từng bước chuyển sang có lợi cho phe Đồng minh. Đến năm 1945, thế chiến 2 kết thúc thắng lợi. Quân Anh và Liên Xô gặp nhau một lần nữa ở Wismar. Còn trước đó, quân Mỹ và Liên Xô đã cùng nhau tiến hành không kích từ đất Ukraine.

*Quan hệ Anh-Xô trong chiến tranh Lạnh

-Toan tính sau chiến tranh và các hậu quả:

Ngay khi chiến tranh chưa kết thúc, lãnh đạo Stalin và Churchill đã âm thầm có những đàm phán bí mật, gọi là ”Percentages agreement” (thỏa thuận phân chia). Đại diện của Mỹ bị gạt khỏi các tính toán này.

Theo đó, Anh nhường hoàn toàn cho Liên Xô quyền ảnh hưởng lên Romania, mặc dù quốc gia này không phải nước của người Slav. Đổi lại, đồng minh truyền thống của Anh là Hy Lạp sẽ hoàn toàn dưới ảnh hưởng của Anh., trở thành quốc gia duy nhất ở Đông Âu không trở thành nước XHCN. 2 nước Hungary và Bulgaria chịu 80% ảnh hưởng của Liên Xô. Nam Tư được chia ảnh hưởng 50-50. Còn nước Ý không chịu ảnh hưởng nào từ Liên Xô.

Nhìn vào bảng phân chia trên, có thế đoán ngay ra mối liên hệ với các sự kiện nổ ra sau này. Đó là Nam Tư trở thành nước Cộng sản lãnh đạo Tito nhưng không phục tùng thậm chí chống đối Liên Xô. Romania cũng chống lại Liên Xô, mặc dù không thân thiện với phương Tây như Nam Tư. Người dân Hungary thì thậm chí còn nổi dậy vũ trang chống Liên Xô năm 1956. Trong khi nước Ý, được biết là có một trong những Đảng cộng sản lớn nhất châu Âu thời đó, lại trở thành một nước tư bản hoàn toàn nghiêng về phương Tây. Tuy vậy, không sự kiện nào thể hiện hậu quả các phân chia đó hơn Nội chiến Hy Lạp.

-Nội chiến Hy Lạp:

Nội chiến Hy Lạp được coi là cuộc đối đầu vũ trang sớm nhất của chiến tranh Lạnh, thậm chí có thể coi là bắt đầu trước khi Thế chiến 2 kết thúc. Nhưng nó lại không phải là cuộc đối đầu đầu tiên giữa Liên Xô và phương Tây. Nó là bằng chứng đầu tiên của mật ước phân chia ảnh hưởng giữa Stalin và Churchill.

Từ lúc bị phát xít chiếm đóng, chính phủ lưu vong Hy lạp không kiểm soát được tình hình chính trị trong nước và các thế lực kháng chiến tự động thành lập với nhiều đường hướng chính trị khác nhau, có sự phân tách thành 2 phong trào. Những người Cộng sản thành lập Quân đội Dân chủ Hy Lạp, chiến đấu với sự hỗ trợ từ Liên Xô trong cuộc chiến. Trong khi đó, những người thân phương Tây có quân đội Quốc gia Hy Lạp của riêng mình, chiến đấu bên cạnh người Anh. Biệt kích Anh thậm chí đã chiến đấu trong lòng Hy Lạp nhiều năm trước đó.

Đến năm 1944, thep thỏa thuận ngầm, Anh đưa quân vào giải phóng Hy Lạp. Những người Cộng sản Hy Lạp không biết đến thỏa thuận ngầm Stalin-Churchill đã phản đối người Anh. Đến năm 1846, khi thế chiến kết thúc, những người Cộng sản Hy Lạp đã xây dựng lại lực lượng, tiến hành chiến tranh chống lại Quân đội Quốc gia Hy Lạp. Họ được sự hỗ trợ rất lớn từ Nam Tư, Bulgaria, Albania nơi các lãnh tụ cộng sản không thể chấp nhận một nước tư bản ngay sát biên giới của mình. Tuy nhiên, hoàn toàn không có một sự hỗ trợ nào từ Liên Xô.

Bên kia, người Anh và Mỹ hỗ trợ cho Quân đội Quốc Gia Hy Lạp bằng tài chính và vũ khí dồi dào. Quân Anh trực tiếp chiến đấu với du kích Cộng sản, bảo vệ thủ đô Athens đến năm 1946. Cuối cùng, bị thất bại sau chiến dịch đánh chiếm thủ đô, quân đội Dân chủ Hy Lạp suy yếu và cuối cùng bị đánh bại vào năm 1949. Nội chiến Hy Lạp kết thúc với chiến thắng của chính phủ thân phương Tây. Hy Lạp sau đó trở thành thành viên của NATO, trở thành cầu nối giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc nội chiến Hy Lạp làm 150.000 người chết, hơn 1 triệu người phải rời bỏ đất nước. Quân Anh cũng có hơn 200 lính chết trong cuộc chiến này.

-Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh đến năm 1991:

Như tên gọi chiến tranh Lạnh, dù không trực tiếp chiến đấu với nhau, nhưng sự đối đầu giữa 2 phe là rất nhiều trên mọi lĩnh vực: từ kinh tế, ngoại giao, văn hóa,…và đặc biệt là các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Nhưng khác với Mỹ, Anh không có quá nhiều cuộc chiến ủy nhiệm với Liên Xô, và quan hệ giữa Anh với Liên Xô không phải lúc nào cũng căng thẳng. Liên Xô được coi là ảnh hưởng rất nhiều các cuộc cách mạng ở các thuộc địa hoặc thuộc ảnh hưởng của Anh.

Có thể kể đến một số sự kiện như sau:

+Không vận Berlin: từ năm 1948, Liên Xô và Đông Đức tiến hành một chiến dịch phong tỏa thành phố Tây Berlin, nhằm gây áp lực nhằm buộc quân Đồng Minh rút khỏi thành phố. Nhưng thay vì rút đi, quân đồng minh chủ yếu là Mỹ-Anh đã tiến hành một chiến dịch không vận kỷ lục, tiếp tế cho thành phố suốt thời gian bị bao vây. Cuối cùng, Liên Xô từ bỏ phong tỏa, thay bằng một kế hoạch khác: xây bức tường Berlin ngăn các Đông và Tây Berlin.

+Chiến tranh Triều Tiên: trong cuộc chiến này, Liên Xô dù tuyên bố không tham chiến nhưng trên thực tế đã gửi các phi công lái Mig chiến đấu trong quân phục Trung Quốc để chiến đấu với quân Đồng Minh. Trong sách Ailen Wars, tác giả Oleg Sarin và Đại tá Lev Dvoretsky đã nói 110 máy bay Liên Xô bị rơi và 319 phi công thiệt mạng. Còn với quân Anh, họ trực tiếp chiến đấu bằng cả bộ binhm hải quân và không quân ở Triều Tiên. Anh có 1078 lính chết, 2674 lính bị thương ở Triều Tiên.

+Trong cuộc cách mạng ở Ai Cập (một nước ảnh hưởng bởi Anh) năm 1952, Liên Xô và Mỹ được cho là hỗ trợ sĩ quan Nasser đảo chính lật đổ nhà vua thân Anh của Ai Cập. Anh và Pháp kịch liệt phản đối cuộc cách mạng này, nhất là khi họ lo sợ kênh đào Suez có thể bị Ai Cập quốc hữu hóa. Để đối phó, năm 1956 Anh-Pháp-Israel đã tấn công chiếm lấy kênh đào. Nhưng cuộc chiếm đóng bị phản đối bởi Liên Xô và Mỹ, làm nó thất bại. Quan hệ giữa Anh và Mỹ sau sự kiện này xấu đi khá nhiều.

+Tình báo Anh bị Liên Xô cáo buộc có vai trò lớn trong sự kiện bạo động năm 1956 tại Hungary. Hungary là nước được đặt dưới 80% ảnh hưởng của Liên Xô theo thỏa thuận ngầm sau Thế chiến 2, nhưng nhiều lãnh đạo vẫn muốn một chính sách nghiêng về phương Tây hơn, điều này làm Liên Xô khó chịu.

+Năm 1958, cách mạng ở Iraq (thuộc địa cũ của Anh) bùng nổ lật đổ chính quyền thân Anh. Chính phủ mới của Iraq do sĩ quan Cộng sản Abd al-Karim Qasim đã nhanh chóng xóa bỏ các quyền lợi của Anh, bao gồm chia lại các công ty dầu mỏ của Anh. Liên Xô nhanh chóng ủng hộ chính phủ mới của Iraq, nhưng cũng đồng thời đưa một số lãnh tụ cộng sản của người Kurd đang lưu vong ở Liên Xô về. Cách mạng 1958 ở Iraq được coi là thắng lợi lớn nhất của Liên Xô ở vùng Trung Đông trong chiến tranh Lạnh, hơn cả cuộc cách mạng ở Ai Cập 6 năm trước đó. Nhưng 5 năm sau, một cách mạng khác do CIA nhúng tay đã lật đổ chính quyền Cộng sản Iraq, đưa đảng Baath của Saddam Hussein lên nắm quyền, gọi là Cách mạng Ramadan 1963. Cuộc cách mạng bị Liên Xô kịch liệt phản đối, trong khi không có bằng chứng rõ ràng về sự can dự của Anh.

+Từ năm 1963 đến năm 1967: giữa Somali và Kenya (một thuộc địa Đông Phi của Anh) xảy ra chiến tranh do chính quyền Somali muốn chiếm lại các vùng đất bị Anh cắt cho Kenya. Cuộc chiến nổi tiếng tên là Chiến tranh Shifta. Anh đã giữ quân đội của mình ở lại Kenya đối đầu với quân Somali, và lớn hơn là để ngăn ngừa một cuộc nổi dậy Mau Mau của người bản địa Kenya trước đó vào năm 1960. Liên Xô hỗ trợ quân Somali nhưng chưa bao giờ gửi quân đến. Họ viện trợ 32 triệu USD cùng vũ khí cho Somali. Cuộc chiến kết thúc với việc Anh-Kenya thắng lợi.

+Tại Zanzibar, một đảo quốc giàu có ngoài khơi châu Phi là thuộc địa cũ của Anh, năm 1963 người Anh trao trả độc lập để giao quyền lực lại cho các lãnh đạo người Arab của hòn đảo. Thế nhưng chỉ 1 năm sau kế hoạch này phá sản khi những người gốc Phi đã làm đảo chính, thậm chí tàn sát cư dân Arab của hòn đảo trong một cuộc thảm sát đẫm máu. Cách mạng Zanzibar năm 1964 diễn ra rất bất ngờ. Ngay sau cuộc cách mạng cố vấn Liên Xô, Cuba, Đông Đức đã có mặt ở Zanzibar. Công dân Anh được di tản khẩn cấp, còn quân đội Anh ở Kenya đã sẵn sàng xâm lược để đàn áp cuộc cách mạng. Nhưng cuối cùng, cuộc xâm lược đã không xảy ra.

+Năm 1971, Anh và Israel cùng hỗ trợ nhà độc tài Idi Amin lật đổ tổng thống XHCN Milton Obote ở Uganda (cũng là thuộc địa của Anh) để lên nắm quyền. Nhưng việc này đã trở thành một trong những ”trò hố” lớn nhất của Anh. Ngay sau khi nắm quyền Idi Amin (vốn là sỹ quan quân đội thuộc địa Anh) đã quay sang thù địch với Israel, thân thiết với Libya và Liên Xô. Nước Anh bị một cú lừa cay đắng.

+Trong chiến tranh Falkland năm 1982 giữa Anh và Argentina, Liên Xô dù không phải đồng minh của Argentina những đã cung cấp dữ liệu vệ tinh giúp Argentina đánh chìm nhiều tàu chiến hiện đại của Anh, làm người Anh vô cùng sửng sốt. Nhưng bù lại tất cả, Chile đã tiết lộ cho Anh nhiều thông tin mật về hoạt động của Hải quân Argentina. Kết quả cuối cùng người Anh đã chiến thắng trong chiến tranh Falkland.

+Từ những năm 80, chính sách của Anh với Liên Xô chuyển từ hòa hoãn (Détente) sang chống Cộng quyết liệt dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher, khiến quan hệ 2 nước gia tăng căng thẳng. Nhưng đến khi Gorbachev lên nắm quyền ở Liên Xô, ông đã khôi phục lại chính sách hòa dịu với phương Tây. Nhưng những chính sách của Gorbachev cũng khiến cho Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

*Quan hệ Anh-Nga sau năm 1991

Quan hệ Anh-Nga vẫn ấm áp sau khi Liên Xô sụp đổ, dưới thời Tổng thống Yeltsin. Năm 1994, sau hơn 400 năm quan hệ, Nữ hoàng Elizabeth II mới trở thành Quốc vương Anh đầu tiên đến thăm nước Nga.

Tuy nhiên, quan hệ này nhanh chóng xấu đi và rạn nứt nghiêm trọng bởi các xung đột hậu Xô Viết. Như sau năm 1991, liên bang Nam Tư bị chia rẽ nghiêm trọng. Phương Tây đã ủng hộ Slovenia và Croatia ly khai độc lập, trong khi Nga phản đối. Đến khi chiến tranh Bosnia bùng nổ năm 1992, thì NATO đã ném bom quân Serb, đồng minh của Nga (lưu ý không phải cuộc không kích năm 1999). Nhiều tình nguyện viên Nga đã đến chiến đấu bên cạnh người Serb. Đặc biệt khi chiến tranh Kosovo bùng nổ, hơn 70.000 người Nga đã đến Kosovo chiến đấu cùng người Serb. Đây là cuộc chiến khiến người Nga vỡ mộng về việc làm bạn với phương Tây. Hoặc khi Nga tấn công Chesnia năm 1994 và 1999, họ đã bị Mỹ và Anh phản đối. Sau đó người ta phát hiện phiến quân Chesnia có nhiều vũ khí được viện trợ từ Mỹ.

Một trong những yếu tố đặc biệt làm xấu đi mối quan hệ Anh-Nga là các vụ lùm xùm liên quan đến điệp viên và đầu độc. Quan hệ này đã xấu đi nhiều từ năm 2000, khi Putin nắm quyền ở Nga, Anh đã từ chối dẫn độ nhiều nhân vật bị Nga đòi hỏi. Anh được cho là điểm đến của nhiều công dân Nga muốn tị nạn chính trị. Nhưng nổi lên trong số này là việc Anh cho Akhmed Zakayev, một thủ lĩnh ly khai Chesnia phạm nhiều tội ác khủng bố tị nạn, khiến Anh bị nhiều nước khác phản đối.

Năm 2006, sự việc nổi tiếng xảy ra khi cựu điệp viên FSB Aleksandr Valterovich Litvinenko bị đầu độc ở London, Anh. Litvinenko từng thừa nhận bị ra lệnh ám sát nhiều nhà tài phiệt Nga theo lệnh cấp trên, khiến ông bị chính quyền Nga truy nã. Sau vụ án Litvinenko, quan hệ Anh-Nga đã rơi xuống mức rất thấp và bị đóng băng. Vụ Litvinenko đến nay vẫn là một vấn đề gây khó chịu lớn trong quan hệ Anh-Nga. Mới đây, bóng mà vụ Litvinenko được gợi lại khi điệp viên Nga Sergei Skripal lại bị đầu độc ở Anh. Thủ phạm dĩ nhiên được nghi ngờ là do Nga.

Tạm kết:

Anh và Nga có quan hệ 50 năm, có thể là không dài trong lịch sử thế giới, nhưng đã có đủ thăng trầm. Dù ngày nay bị coi là thù địch, nhưng nhìn lại lịch sử có thế thấy 2 nước có thời gian là đồng minh dài hơn, và điều quan trọng, họ trở thành đồng minh những khi thế giới cần. Trên hết, họ là vẫn là 2 cường quốc, vẫn duy trì được vị thế của mình qua thời gian. Việc xử lý mối quan hệ thế nào, là việc của những nhà lãnh đạo. Chọn làm đồng minh, hay kẻ thù, chắc chắn những nhà lãnh đạo biết làm thế nào để có lợi nhất.


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s