MẶT TRỜI MỌC- Sự Suy Thoái và Sụp Đổ của Đế Chế Nhật Bản 1936-1945 (Phần 3)

PHẦN III

Banzai! (Vạn Tuế!)

aa.png

Tác giả John Toland

Trần Quang Nghĩa dịch

8 .    “Tôi Sẽ Không Bao Giờ Nhìn Lại”

1.

                Những chiến đấu cơ Zero đầu tiên tiến gần đến mũi phía bắc Kahuku Point của đảo Oahu lúc 7:48 A.M. Qua các đám mây bên dưới Đại úy Yoshio Shiga, chỉ huy nhóm chiến đấu cơ của tàu Kaga, có thể lờ mờ nhận ra mũi đất nhô và đường viền trắng xóa của con sóng. Một lúc sau anh trông thấy máy bay ném bom bay ngang của chỉ huy Fuchida và đợi một lóe sáng màu xanh, tín hiệu tấn công cho chiến đấu cơ, vốn không có trang bị máy thu phát sóng. Những máy đó trên các máy bay ném bom bắt được sóng của một đài địa phương ở Honolulu. Họ nghe những giai điệu đầy ám ảnh của một bài hát Nhật.

                Những đống mây tích bám vào đỉnh dãy núi đông và tây của Trân Châu Cảng, nhưng phía trên căn cứ hải quân rộng lớn, nằm giữa thung lũng, các đám mây thưa thớt hơn. Mặt trời chiếu ánh sáng rực rỡ, những tia nắng nghiêng tắm ruộng mía bên dưới một màu xanh thẫm. Mặt nước Trân Châu Cảng – tên gốc là Wai Momi, “nước của trân châu” – lấp lánh một màu xanh rực rỡ. Vài phi cơ tư nhân lượn lờ uể oải bên trên khu vực, nhưng trong số tất cả những máy bay Quân đội có căn cứ ở Oahu, không có chiếc nào đang bay. Chúng đậu sát bên nhau, cánh liền cánh, để bảo đảm an ninh ngăn ngừa bọn phá hoại ở các sân bay Hickam, Bellows và Wheeler. Các máy bay của Thủy quân Lục chiến ở sân bay Ewa cũng vậy. Những phi cơ quân sự duy nhất của Mỹ đang ở trên không là các máy bay PBY của Hải quân đang tuần tra cách đó nhiều dặm về hướng tây nam.

                Việc phòng thủ bằng pháo phòng không cũng không được chuẩn bị. Ba khu vực pháo phòng không gồm 780 khẩu trên các con tàu trong Trân Châu Cảng cũng không có người ứng trực, và chỉ 4 trong số 31 dàn pháo phòng không được lắp đặt vào vị trí – số còn lại đã được cất trong kho quân nhu sau khi thực tập, vì “chúng dễ bị hứng bụi và hỏng hóc.”

                Vừa đến Kahuku Point, máy bay của Fuchida – anh là quan sát viên – bắt đầu lượn vòng quanh bờ biển phía tây của Oahu để tiến đến gần Trân Châu Cảng. Đúng 7:49 A.M. Fuchida truyền tin về cho Kido Butai bằng mã Morse: TO . . . TO . . . TO . . . Tín hiệu này biểu thị vần đầu tiên của từ Totsugeki! (Tấn công!) và có nghĩa: Đợt công kích thứ nhất.” Khi Fuchida đến gần mục tiêu, anh đối mặt với một quyết định chiến thuật. Trong phán đoán của anh, nếu người Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ, máy bay phóng ngư lôi sẽ bay nhanh trực tiếp đến Dãy Tàu Chiến; nếu không, chiến đấu cơ trước hết phải khử tất cả bất cứ máy bay can thiệp nào của địch. Bầu trời phía trước trống trải và yên bình. Đã từ lâu, Trân Châu Cảng – nơi cư ngụ theo truyền thuyết của nữ thần cá mập Kaahupahau – vươn dài bên dưới như một bản đồ nổi khổng lồ. Nó trông chính xác như anh mường tượng. Vẫn không thấy một chiến đấu cơ nào bay lên nghênh chiến, cũng không có một nấm khói trắng của súng phòng không. Thật không tưởng tượng được.

                Đúng 7:53 A.M. anh đánh điện cho Nagumo TORA, TORA, TORA! Từ mã khóa lặp đi lặp lại, có nghĩa “cọp,” biểu thị câu “Chúng ta đã thành công trong cuộc tấn kích bất ngờ.” Anh bấm tín hiệu lóe sáng màu xanh cho biết đã đạt được yếu tố bất ngờ. Chỉ huy phi đội chiến đấu cơ gần nhất quên vẫy cánh đuôi cho biết đã nhận tin, khiến Fuchida phải phát tín hiệu xanh thứ hai. Shiga, người phi công đang ở một khoảng cách phía sau, cho rằng đây là tín hiệu hai lóe sáng cho biết yếu tố bất ngờ không đạt được và anh phải xông thẳng đến sân bay Hickam để quét sạch các máy bay chận đánh của địch khỏi vùng trời ở đó. Anh vút qua Kola Kola Pass, ra dấu bằng tay phải cho các đồng đội vào đội hình tấn công. Người chỉ huy 51 máy bay ném bom bổ nhào, Thiếu tá Kakuichi Takahashi, cũng hiểu lầm tín hiệu lóe xanh thứ hai và bay lượn đi để oanh tạc dàn pháo phòng không bảo vệ Trân Châu Cảng.

                Nhưng máy bay phóng ngư lôi thì vẫn bay thẳng đến mục tiêu của mình. Thiếu tá Shigeharu Murata, không bị chớp lóe xanh đánh lừa, báo cho 40 máy bay ném bom của mình tiến lên như dự tính. Lúc mà anh thấy có sự lộn xộn, có quá nhiều máy bay phóng ngư lôi đang trong đội hình tấn công đến nỗi anh quyết định tiến lên tập kích vào Dãy Tàu Chiến.

                Các máy bay phóng ngư lôi từ tàu Soryu bay cắt ngang hòn đảo qua Kola Kola Pass phía sau chiến đấu cơ của Shiga, và Đại úy Mori có thể nhận ra các giao thông hào chằn chịt trên vách núi. Họ đang chờ chúng ta! Anh giật mình nghĩ thầm. Khi anh ló ra từ hẽm núi anh chúc xuống với tốc độ 130 dặm một giờ, vừa lướt qua doanh trại và nhà chứa máy bay của Sân bay Wheeler. Đưa mắt quét qua đường băng, anh đoán chứng có đến 200 chiến đấu cơ đậu chật ních thành hàng ngăn nắp. Anh giật mình. Anh vội vàng ước tính với ít nhất 5 phi trường ở Oahu, sẽ có ít nhất 1,000 máy bay địch. * Pháo thủ súng máy của anh bắt đầu bắn thật rát các phi cơ đang đậu – đây chắc hẳn là những phát súng đầu tiên trong buổi sáng hôm đó – và rồi Mori quay hướng về Trân Châu Cảng.

               

  • Đối với Đại úy Mori, “mọi máy bay đều giống máy bay chiến đấu.” Có 231 máy bay Quân đội đủ mọi loại trên đảo Oahu, và 88 trong số này đang được sửa chữa.

             

                Royal Vitousek, một luật sư ở Honolulu, và cậu con trai 17 tuổi Martin đang lượn vòng quanh đảo trong chiếc máy bay Aeronca gia đình thì họ bổng trông thấy hai chiến đấu cơ Nhật – chắc chắn là của Shiga – đang tiến gần. Vitiusek bổ nhào xuống bên dưới các kẻ đột kích và hướng thẳng về sân bay nhà để báo cáo. Ông cầu nguyện người Nhật sẽ phớt lờ chiếc phi cơ bé nhỏ của mình. Shiga bay zíc zắc về hướng Trân Châu Cảng. Nó khiến anh liên tưởng đến một ngôi vườn hộp kiểu Nhật. Các tàu Mỹ có màu trắng xanh tái, không giống màu xám âm u của tàu chiến Nhật. Đẹp biết mấy, anh nghĩ, cảnh tượng thật yên bình. Anh lướt qua Trân Châu Cảng trong tíc tắc và bay đến mục tiêu của mình, Sân bay Hickam. Không có thậm chí một chiếc chiến đấu cơ địch trên không hoặc đang cất cánh. Cuộc tấn kích này quả là bất ngờ! Anh nhìn quanh. Các máy bay phóng ngư lôi đâu rồi? Giờ đã là thời điểm xuất kích.

                Liền lúc đó một máy bay ném bom loại bổ nhào gầm thét bay xuống đảo Ford, thả một quả bom rồi vọt lên. Một đám khói đen nặng nề cuồn cuộn bốc lên từ một nhà kho chứa máy bay. Nó sẽ che khuất Dãy Tàu Chiến gần đó ngay lúc mà các máy bay phóng ngư lôi đến nơi, và Shiga nghĩ mà tức tối. Cái thằng điên đó làm cái quái gì thế này? Về hướng tây anh trông thấy một hàng dài các máy bay phóng ngư lôi. Sao họ bay chậm chạp thế kia? Như lũ trẻ con tung tăng đến trường. Họ tiến đến gần các tàu chiến lớn đang đậu dọc theo bờ đông nam của Đảo Ford. Đây chính là Dãy Tàu Chiến, gồm 7 tàu chiến đang neo đậu cùng nhau thành hai hàng – năm ở hàng trong và hai ở hàng ngoài. Hàng máy bay dội xuống các phóng ngư lôi của chúng như “chuồn chuồn đẻ trứng” rồi lượn đi. Có một khoảng dừng. Rồi những tiếng nổ bổng gầm lên như sấm dậy. Tàu chiến Oklahoma rùng mình. Trong vài giây thêm hai ngư lôi đâm toạc vào sườn nó, khiến nó nghiêng khoảng 30 độ.

                Nhóm máy bay phóng ngư lôi tiếp theo là của Đại úy Matsumura, từ tàu sân bay Hiryu. Cảnh đầu tiên anh nhìn thấy ở Trân Châu Cảng là một rừng cột tàu in trên nền trời bình minh sặc sỡ. Họ đã làm được! “Hãy tìm tàu sân bay!” anh gọi qua ống nói đến quan sát viên của mình. Anh hạ thấp xuống độ cao 150 bộ trên cánh đồng mía đang ve vẫy. Các máy bay phóng ngư lôi đang chúc xuống Đảo Ford qua những đám mây khói đen. “Bakayaro!” anh lẩm bẩm. Làm sao họ có thể phạm một sai lầm như thế khiến mục tiêu chính đã bị che phủ! Nửa tá máy bay nhắm vào một con tàu lớn trông như một tàu sân bay trên bờ tây bắc của Đảo Ford. “Một lũ điên khốn kiếp,” anh lặp lại. “Không biết tên nào đây?” Trước khi cất cánh anh đã dặn các người của mình là hãy để yên con tàu này. Nó chỉ là tàu mục tiêu Utah [tàu làm mục tiêu cho tàu khác thực tập nã pháo] đã 33 năm tuổi, boong rách nát của nó được phủ bằng các tấm gỗ.

                Anh lượn vòng về phía biển và quay về qua Sân bay Hickam ở độ cao 500 bộ để có thể lao về Dãy Tàu Chiến. Đường bay của anh cắt ngang một hàng dài các máy bay phóng ngư lôi từ tàu Kaga Akagi – vài chiếc đã bốc cháy dưới hỏa lực của địch nhưng vẫn tiếp tục đâm vào mục tiêu của mình. Mình cũng sẽ làm tương tự, anh thầm nghĩ, khi anh lướt qua những cột nước bắn lên cao sừng sững. Anh hạ xuống thấp hơn 100 bộ và bắt đầu đâm về phía một con tàu ờ dãy ngoài – đó là tàu West Virginia. Thường thường chỉ mình phi công thả ngư lôi, nhưng hôm nay, để chắc chắn đánh trúng hơn, hầu hết các hoa tiêu-người cắt bom cũng ấn nút thả. “Yoi! [Sẵn sàng!],” anh gọi to qua ống nói. Rồi “Te! [Bắn!] Khi ngư lôi được phóng đi, anh kéo cần trở lại thật gắt. “Ngư lôi có đi thẳng không?” anh nói to đến hoa tiêu. Anh sợ ngư lôi cắm xuống bùn.

                Matsumura tăng tốc độ, nhưng thay vì quẹo sang trái như tiêu chuẩn, anh lại vọt lên cao sang phải. Anh muốn quay nhìn xem ngư lôi của mình. Trong vùng nước đầy dầu anh nhìn thấy những thủy thủ Mỹ; họ như đang bì bõm trong chất keo. Anh nghiêng cánh hơn nữa và trông thấy một cột nước bắn lên từ West Virginia.

                Giây phút này đáng giá những tháng ngày luyện tập gian khổ. “Chụp ảnh đi!” anh la lên với hoa tiêu, và người này ngở là anh bảo “Bắn!” nên ra lệnh cho pháo thủ khai hỏa. “Có chụp được ảnh không?” Matsumura hỏi. Không trả lời người hoa tiêu liền chụp một bức ảnh – nhưng là bức ảnh một cột nước của người phi công nào đó.

                Đại úy Mori, người đã trực tiếp lướt ngang qua Oahu, vẫn còn đang tìm kiếm mục tiêu. Anh rà soát Đảo Ford, nhưng chỉ tìm thấy một tàu tuần dương ở phía bên kia, và phải quay nửa vòng tròn và trở lại ngay lướt trên những con sóng về hướng tàu California ở đầu phía nam của Dãy Tàu Chiến. Vào lúc cuối cùng một con đê chắn sóng lù lù chen giữa anh và mục tiêu. Anh bay lên, vòng lại qua chiếc Utah, trông như thể đã bị gãy làm đôi, và một lần nữa hạ thấp đến 15 bộ và tiến đến California từ một góc khác. Người pháo thủ kiêm truyền tin của anh chụp một bức ảnh quả ngư lôi nổ tung khi Mori chuẩn bị làm một vòng bên trái đến điểm tập kết. Nhưng đường bay của anh bị án ngữ bởi một cột khói khổng lồ ở cuối Đảo Ford và anh bắt buộc phải nghiêng cánh ngay trên các máy bay phóng ngư lôi đang tiến đến từ con tàu Akagi Kaga; anh thoát khỏi sự va chạm trong gang tấc và máy bay anh rung lắc do lốc xoáy không khí nhiễu động. Các viên đạn xuyên qua máy bay Mori “như đàn ong.” Một viên đạn làm bốc cháy gối của hoa tiêu, một viên khác xượt qua bàn tay của pháo thủ súng máy, nhưng không có viên đạn nào trúng bình xăng.

                Các máy bay ném bom bay ngang đang tiến đến dãy tàu chiến bên trong hoặc bất cứ con mồi nào khác trông hấp dẫn. Các tàu chiến lúc đầu bị khói che khuất, nhưng ở lần lướt qua thứ hai 5 máy bay của Soryu có thể thả những quả bom 1,760 cân lên con tàu Oklahoma đã nghiêng đổ trầm trọng. Chỉ huy phi đội Heijiro Abe chụp một bức ảnh khi quả bom của anh đâm mạnh vào giữa hai tháp pháo, xuyên qua một phòng đạn dược và nổ tung. Những cái lưỡi to lớn của ngọn lửa phun ra từ hơn chục lỗ thủng trong vỏ tàu. Nước mắt giàn giụa che khuất tầm nhìn của Abe. Anh sẵn sàng hi sinh.

 

2.

                Vitousek đáp chiếc máy bay Aeronca 15 phút sau khi giáp mặt với hai chiến đấu cơ Zero và gọi điện thoại cho các sĩ quan trực của Quân đoàn Không quân cho biết mình đã nhìn thấy bọn Nhật trên vùng trời Oahu. Không ai tin ông hoặc thậm chí gởi một cảnh báo.

                Quả bom đầu tiên đã ném trúng Sân bay Wheeler trước đây một ít phút, sau 7:50 một chút. Thiếu úy Robert Overstreet của Đại đội Hậu cần Không quân 696, đang nằm ngủ trong khu sĩ quan độc thân hai tầng bằng gỗ, thức tỉnh vì một tiếng rầm rầm vang dội. Anh nghĩ đó là một trận động đất cho đến khi anh nghe ai đó la lên, “Hình như máy bay Nhật!” và một tiếng khác nói, “Trời, không phải, chỉ là cuộc diễn tập của hải quân.”

                Rồi cửa Overstreet bật mở và một thằng bạn ló đầu nhìn vào, gương mặt tái xanh và môi thều thào: “Tao nghĩ bọn Nhật đang tấn công!” Overstreet nhìn ra ngoài cửa sổ và trông thấy các máy bay sơn màu ô liu bay trên đầu. Một chiếc gầm thét quá gần đến nỗi anh có thể nhìn thấy viên phi công và pháo thủ ngồi phía sau. Trên thân máy bay và đuôi cánh sáng lóe ánh sáng mặt trời. Anh vừa chạy vừa mặc quần áo và bên ngoài doanh trại một nhóm phi công chiến đấu chạy đến.

                “Chúng ta phải chạy xuống đường băng và đuổi theo bọn khốn nạn đó,” Đại úy Harry Brown quát lên. Nhưng các máy bay đậu sát vào nhau đang bốc cháy. “Hãy đến Haleiwa,” anh nói. Đó là phi trường phụ mặt phủ cỏ trên bờ biển phía bắc, tại đó giữ một số ít P-40 và P-36. Brown và vài phi công chiến đấu chui vào chiếc ô tô Ford mới của anh và lao đi. Đại úy George Welch và Kenneth Taylor chạy sát phía sau trên một ô tô khác.

                Khi bom tiếp tục rơi, Overstreet chen qua một đám đông túa chạy hỗn loạn về hướng khu vực tập trung. Thiếu tướng Howard C. Davidson, sĩ quan chỉ huy chiến đấu cơ, và Đại tá William Flood, chỉ huy căn cứ, đang đứng ở cửa trước với quần áo ngủ trên người, nhìn trân trân lên bầu trời, gương mặt thất thần.

                “Hải quân của ta đâu rồi?” Flood lẩm bẩm. “Chiến sĩ của ta đâu rồi?”

                “Thưa Thiếu tướng, chúng ta tốt hơn ra khỏi đây đi!” Overstreet la lên. “Các phi cơ đó có pháo thủ phía sau đuôi.” Ngay lúc đó Davidson nhận thấy với vẻ khiếp đảm hai cô gái sinh đôi 10 tuổi đang chơi đuổi bắt trong sân, nhặt lên các vỏ đạn của máy bay Nhật như thể chúng đang săn tìm trứng Phục sinh. Davidson và vợ chạy gom con cái lại; rồi ông chạy ra đường băng để thúc giục một số máy bay cất cánh. Nhưng các máy bay thoát khỏi đám cháy thì không có đạn dược còn kho quân nhu, chứa hàng triệu băng đạn súng máy, thì đang bốc cháy. Rồi sau đó thình lình nhà kho lớn chứa máy bay rúng động vì những loạt nổ không dứt như của một tràng pháo bông khổng lồ.

                15 dặm về phía nam, tại Sân bay Hickam, hai thợ cơ khí phi cơ đang đi về hướng đường băng. Jesse Gaines và Ted Conway đã thức dậy sớm cốt để ngắm nhìn các máy bay B-17 sẽ đến đây từ đất liền. Họ chưa hề nhìn thấy một Pháo đàng Bay. Lúc 7:55 một đội máy bay hình chữ V xuất hiện ở phía tây. Khi họ bắt đầu tách ra để chuẩn bị xuất kích, Conway nói, “Chúng ta sắp được xem một xô diễn hàng không rồi.” Nhưng rồi Gaines chú ý một vật gì đó rơi ra khỏi máy bay đầu tiên và tưởng đó là một bánh xe. “Bánh xe, trời – bọn Nhật!”

Conway hét lên.

                Khi Gaines nói, “Mầy điên à,” một quả bom phát nổ giữa đám máy bay đậu sát vào nhau. Hai người lao đến doanh trại ba tầng, “Khách sạn Hickam.” Graines bắt gặp một vài bồn xăng và núp phía sau để được an toàn. Anh thấy có gì đó đá vào mông mình. “Mầy không biết làm gì khá hơn là ngồi đây sao?” viên trung sĩ tóc hoa râm sủa lớn. “Các thùng xăng chết tiệt này đầy nhóc đó!” Graines vọt đến đoạn dốc. Nhìn lên, anh trông thấy những quả bom lắc lư rơi xuống, mỗi quả hình như nhắm thẳng về phía mình. Anh bò trườn hết bên này sang bên kia.

                Đại tá James Mollison, tham mưu trưởng Không lực Hawaii, đang cạo râu khi ông nghe quả bom đầu tiên rơi xuống. Ông chạy như bay đến văn phòng mình và điện thoại cho Đại tá Walter C. Phillips, tham mưu trưởng của Tướng Short, báo tin bọn Nhật đang tấn công.

                “Jimmy, anh có mất trí không,” Phillips nói. “Hay anh xỉn rồi? Tình táo đi!” Mollison dơ ống nghe hướng ra ngoài để Phillips có thể nghe tiếng bom nổ. Phillips nhận ra, điếng cả hồn vía. “Tôi nói với anh gì nào,” ông quát lên. “Tôi sẽ gởi qua anh một sĩ quan liên lạc ngay lập tức.” Rồi trần nhà bổng đổ sầm xuống quanh người Mollison.

                Hai dặm về phía bắc, ngay trung tâm Trân Châu Cảng, quả bom đầu tiên rơi xuống ngay căn cứ không quân của hải quân trên Đảo Ford. Từ chỗ ngồi trên một chiếc PBY đang đậu, sĩ quan hậu cần Donald Briggs tưởng đây là một phi cơ từ tàu sân bay Enterprise vừa đâm xuống. Rồi mặt đất rung chuyển chung quanh anh khi một chục vụ nổ liên tiếp nhanh chóng thi nhau bùng lên.

                Trong một vài phút đầu các căn cứ Hải quân ở Kaneohe và Đảo Ford, và các căn cứ Quân đội ở Wheeler, Bellows và Hickam, cũng như căn cứ Thủy quân Lục chiến đơn độc Ewa, đều bị tê liệt. Không một chiến đấu cơ nào của Hải quân và chỉ khoảng 30 chiến đấu cơ của Quân đoàn Không quân xoay sở bay lên được.

                Một lúc sau khi quả bom đầu tiên rơi, tháp tín hiệu Trân Châu Cảng báo động cho bộ tư lệnh của Kimmel bằng điện thoại. Ba phút sau Chuẩn Đô đốc Patric Bellinger phát đi từ

Đảo Ford:

                KHÔNG KÍCH, TRÂN CHÂU CẢNG – ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ DIỄN TẬP.

                Lúc 8 A.M. Kimmel báo tin cho Washington, Đô đốc Hart và các lực lượng ở biển: KHÔNG KÍCH VÀO TRÂN CHÂU CẢNG. ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ DIỄN TẬP. Thậm chí khi các thông điệp này được phát đi, lửa và cuộn khói đen còn cuồn cuộn bốc lên từ Trân Châu Cảng.

                Không xa Dãy Tàu Chiến, nhân viên quản lý neo phóng xuống thang vào khu thủy thủ đoàn, hét tướng lên, “Bọn Nhật đang ném bom Trân Châu Cảng!” Các thủy thủ bạn nhìn y tưởng y đang nói đùa như thường lệ và khi y nói, “Không đùa đâu,” một ai đó huýt sáo chế giễu. “Không nói chơi đâu. Cất cái mông tụi bây lên boong đi!” Hạ sĩ quan C. O. Lines trèo lên cao sát bên đuôi hình quạt vừa đúng lúc nghe một tiếng nổ trầm và nhìn thấy một máy bay lao xuống về phía tàu California, tàu đầu tiên trong bảy tàu lớn của Dãy Tàu Chiến.

                Phía trên nó là Maryland Oklahoma. Một quả ngư lôi không thể đánh trúng Maryland vì nó bỏ neo phía trong, sát Đảo Ford. Nhưng tàu Oklahoma bên ngoài đã trúng đến 4 ngư lôi trong vòng một phút. Khi nó lật sang mạn trái, Trung tá Jesse Kenworthy, sĩ quan cao cấp nhất trên tàu, ra lệnh nhảy tàu qua mạn phải. Con tàu không xê dịch được, chân vịt mạn phải ló ra khỏi mặt nước. Bên dưới hơn 400 sĩ quan và thủy thủ bị chôn sống trong các khoang tàu nhanh chóng ngập nước. Kế tiếp trong Dãy Tàu Chiến là Tennessee West Virginia. Như Maryland, Tennessee neo phía trong nên tránh được ngư lôi. Trên tháp pháo của West Virginia, Đại tá Mervyn Bennion cúi gập người đau đớn. Một mảnh bom, chắc hẳn từ bom xuyên vỏ thép tàu vừa đánh trúng tàu Tennessee gần đó, đã làm rách toạt dạ dày ông. Thiếu tá T. T. Beattie, hoa tiêu của tàu, mở cổ áo cho viên thuyền trưởng và gọi y sĩ cấp cứu. Bennion biết rằng mình đang hấp hối. Giờ này mối quan tâm lớn nhất là phải chiến đấu sao đây cho con tàu. Lửa đã quét về hướng đài chỉ huy.

                Tiếp sau là tàu Arizona và tàu sửa chữa Vestal. Các máy bay phóng ngư lôi đã bắn hụt Arizona, nhưng một vái phút sau đó các máy bay ném bom bay ngang đã ném 5 quả bom lên nó. Một quả xuyên thủng phần trước tàu và đâm vào chỗ chứa nhiên liệu, làm bùng lên đám cháy. Khoảng 1,600 cân bột nổ màu đen, loại thuốc nổ nguy hiểm nhất, được cất giữ ở đó, trái với qui định. Thình lình chất dễ bay hơi phát nổ, bắt lửa vào hàng trăm tấn bột nổ không khói trong các kho lưu trữ phía trước.

                Ariozona phun lửa lên như một ngọn núi lửa. Những người ở trên các con tàu gần đấy có thể thấy nó trồi lên mặt nước phân nửa thân tàu và gãy sụm làm đôi. Trong chín phút hai phân đoạn của con tàu lớn 32,600 tấn nằm yên trong bùn khi những làn lửa và khói đen sôi sục trên tàn tích đổ nát của nó. Hình như không ai trong số 1,500 con người đang ở trên tàu có thể sống sót được. Đàng trước là con tàu cuối cùng trong Dãy Tàu Chiến, Nevada. Đầu nó chúc xuống vài bộ vì trúng một quả ngư lôi ở đầu tàu bên trái và một quả bom tại boong phía đuôi tàu.

                Suốt Dãy Tàu Chiến, thủy thủ phóng nhảy khỏi các con tàu và cố bơi một đoạn ngắn đến Đảo Ford. Nhưng mặt nước đã bao phủ một lớp dầu, có chỗ dày đến 6 in-xơ, và những chỗ này bốc lửa, giết gần hết những người đang bơi trong nước.

                Ở phía bên kia của Đảo Ford, các máy bay phóng ngư lôi còn đang oanh kích một trong các con tàu ít quan trọng hơn trong càng – tàu mục tiêu cỗ lỗ Utah. Lúc 8:12 A.M. nó lật qua, sống tàu lộ ra trên mặt nước. Những người trên Đảo Ford có thể nghe được tiếng vỗ yếu ớt bên trong vỏ tàu.

                Chỉ có một con tàu trong toàn cảng chạy thoát ra được. Đây là tàu khu trục Helm, chạy gấp rút với tốc độ 27 hải lý qua con kênh về hướng miệng cảng, mong tìm đến chốn an toàn của đại dương. Lưới chống ngư lôi, đã mở hàng giờ trước cho tàu Condor, vẫn còn mở rộng không sao hiểu được, và tàu ngầm tí hon của Nhật có bộ phận con quay hồi chuyển bị hư đang ra sức lái mò mẫm qua chỗ mở này và đi theo sau một con tàu chiến. Chỉ huy của nó, Thiếu úy Kazuo Sakamaki, trồi lên để nhắm cho rõ. Phía trước là những cột khói đen. “Không kích rồi!” anh gọi cho phụ tá mình. “Tuyệt vời! Hãy nhìn đám khói kia kìa. Tàu quân thù đang bốc cháy. Chúng ta phải nỗ lực hết sức.”

                Lúc 8:15 A.M. anh trông thấy Helm lướt ra khỏi cảng, nhưng anh không khai hỏa. Hai ngư lôi của anh được dành cho những con mồi lớn hơn. Anh lặn xuống và lần nữa lái mò mẫm ở miệng cảng. Anh đụng một khối san hô, bèn lùi lại, và cố sức một lần nữa. Lần này anh chạy quá xa trên rặng san hô đến nỗi tháp đậy của tàu nhô ra khỏi mặt nước. Một cú nổ làm con tàu nhỏ bé rung lắc dữ dội. Một vật gì đó đập vào đầu anh và anh bất tỉnh. Khi anh tỉnh dậy, khoang bé tí bên trong mù mịt khói trắng cay xè. Anh thấy chóng mặt, buồn nôn. Anh cho máy chạy lùi nhưng con tàu không nhúc nhích. Anh nằm xấp trườn mình qua lối trống hẹp như một con sâu về phía trước để bắt đầu công việc khó nhọc là chuyển khối bì dằn nặng 11 cân về phía đuôi tàu. Cuối cùng anh cảm thấy con tàu động đậy.

                Helm tiếp tục khai hỏa vào chiếc tàu ngầm tí hon khi nó trượt khỏi rặng san hô và biến mất dưới mặt nước. TÀU NGẦM NHỎ CỦA NHẬT CỐ XÂM NHẬP KÊNH, tàu khu trục truyền tin.

                Bên trong cảng, một tàu ngầm tí hon khác chầm chậm trồi lên mặt nước ngay phía tây Đảo Ford. Nó đã bị phát hiện lúc 8:30 và vài tàu khai hỏa vào nó. Tàu tí hon phóng hai quả ngư lôi, một quả đâm vào bến cảng phát nổ, quả kia đâm vào bờ biển. Rồi tàu khu trục Monaghan đâm chẹt chiếc tàu ngầm và ném các quả mìn chìm tại nơi nó lặn xuống.

                Phi công máy bay chiến đấu Shiga và phi đoàn Zero của anh bay là là ở độ cao 8,000 bộ phía trên Hickam, chờ đợi chiến đấu cơ địch nghênh chiến, nhưng chiếc máy bay Mỹ duy nhất trông thấy là chiếc tàu bay nhỏ màu vàng bay qua biển ngay phía đông của sân bay. Shiga phớt lờ nó. Một lúc sau anh trông thấy 6 máy bay khổng lồ bốn động cơ chuẩn bị đáp xuống Hickam.

                Đó là những chiếc đầu tiên trong số 12 chiếc Pháo đài Bay từ California đến. Khi thấy các chiến đấu cơ Zero trên cao, Thiếu tá Truman Landon, chỉ huy phi đoàn, nghĩ, Chà, Quân đoàn Không quân cho máy bay ra đón chào mình. Liền đó chớp lóe từ xa của những súng máy, rồi một tiếng la vang lên trong máy bộ đàm, “Chết tiệt, đó là bọn Nhật!” Các máy bay của Landau liền bay tản ra. Một chiếc bay về bắc nhắm hướng Bellows trong khi những chiếc khác vội vàng bay đến Hickam. Bốn chiếc đáp xuống an toàn, nhưng một chiếc bị bắn làm đôi bởi binh lính dưới đất khi nó đáp xuống.

                Shiga và đồng đội bay theo hàng một bắn xé hàng dài các máy bay đang đậu, rồi bay là là sát đất ra biển để tránh pháo phòng không. Họ quay lại và bắn phá tiếp. Trước sự kinh ngạc của Shiga, không có máy bay nào vừa bị bắn bốc cháy cả. Nếu là máy bay Nhật thì tất cả đã bốc cháy hết rồi. Sau ba lượt đánh phá Hickam, Shiga quyết định đánh Đảo Ford, nhưng vì nó bị khói che phủ, anh dẫn đồng đội đến sân bay Thủy quân Lục chiến gần Barbers Point ở phía tây nam. Họ để lại đám lửa bao trùm hầu hết chiến đấu cơ đang đậu.

                Các máy bay phóng ngư lôi đã bay vù vù khỏi Trân Châu Cảng. Đại úy Mori đã bị đánh đuổi khỏi lộ trình bởi hỏa lực phòng không sau khi bắn trúng California và thấy mình ở phía

trên Honolulu. Anh nghiêng cánh bay khỏi khu dân cư cấm đoán này và hướng trở về điểm tập kết. Ngay ngoài miệng Trân Châu Cảng, hoa tiêu anh nói, “Mori tiên sinh, có máy bay trông lạ lắm đang bám sau đuôi chúng ta.” Anh quay lại và nhìn thấy một chiếc máy bay hai tầng cánh nhỏ màu vàng đang chạy sau đuôi. “Hù dọa cho nó bay đi,” anh bảo pháo thủ kiêm truyền tin. Y liền bắn một loạt đạn cảnh cáo.

                Sau khi Đại úy Matsumura bắn trúng West Virginia anh cũng bay theo hướng nam vừa đúng lúc thấy tàu Helm khai hỏa vào tàu ngầm tí hon của Sakamaki. Anh liền hướng đến tàu khu trục, nhưng rồi nhớ mình không có ngư lôi. Anh nhìn thấy một chiêc máy bay dân dụng lớn (thật ra đó là một chiếc Pháo đài Bay) và tính xấn tới để pháo thủ có thể bắn rớt nó. Nhưng nó bay quá mau và Matsumura đành bỏ cuộc. Anh bảo pháo thủ kiêm truyền tin báo cáo kết quả cuộc tấn công về trung tâm và nhận được câu trả lời yếu xìu, “Em không thể. Em bắn rớt cột anten của mình rồi.”

                Một máy bay duy nhất bay vòng vòng phía trên Trân Châu Cảng. Đó là máy bay của Fuchida có nhiệm vụ đánh giá sự thiệt hại. Dãy Tàu Chiến là một lò lửa địa ngục; mọi tàu chiến chưa chìm đều bốc cháy.

                Bây giờ từ hướng đông một đợt xuất kích thứ hai – 80 máy bay ném bom bổ nhào, 54 máy bay ném bom bay ngang và 36 chiến đấu cơ – tiến gần đến Oahu. Lúc 8:55 A.M. Thiếu tá Shigekazu Shimazaki ra hiệu lệnh tấn công và 170 phi cơ lướt qua các ngọn núi phía đông Honolulu và hướng về Dãy Tàu Chiến và Ụ khô số 1, nơi chiếc tàu chiến thứ 8. Pensylvania, đang neo đậu.

                Mục tiêu chính là Nevada, đang di chuyển chầm chập qua Arizona, vẫn còn đang ợ ra những cái lưỡi lửa khổng lồ. Các pháo thủ che chắn đạn dược khỏi sức nóng khủng khiếp bằng thân xác của chính mình. Đã bị trúng một ngư lôi, Nevada lướt tới bên chiếc Oklahoma đã ngã đổ. Một vài binh lính còn đứng trên mép con tàu đó hoan hô khi Nevada hướng ra khơi. Nhưng kẻ tấn kích đã tìm được tầm bắn, và 6 quả bom bắn trúng trong vòng ít phút. Đài chỉ huy và phần trước con tàu chiến bốc lửa. Nevada nghiêng qua mạn trái, và với sự hỗ trợ của hai tàu kéo, nó được lôi lên cạn không xa ụ khô của Pensylvania.

                Về hướng đông nam nhóm thứ hai gồm 6 Pháo đài Bay tiến gần đến Bãi biễn Waikiki, và Đại úy Richard Carmichael, chỉ huy phi đoàn, chỉ cho phi công phụ của mình cảnh tượng phía trước. Ông tưởng các máy bay đằng trước là thành viên của một buổi diễn tập Hải quân nào đó cho đến khi ông thấy biển lửa và khói ở Hickam. Lo lắng ông gọi tháp không lưu xin lệnh đáp xuống.

                “Đáp từ tây đến đông,” Thiếu tá Gordon Blake nói. “Thận trọng. Phi trường đang bị tấn công.”

                Khi Carmichael hạ bánh xe xuống anh trở thành mục tiêu của hỏa lực phòng không dữ dội ở dưới đất. Anh đột ngột bay lên và quay về hướng bắc đến sân bay Wheeler. Sân bay này cũng đang bị oanh kích ác liệt, và anh phải chạy đến Haleiwa. Sân bay chỉ dài 1,200 bộ, và lúc mà chiếc B-17 khủng xiết thắng để ngừng lại thì cũng vừa hết đường băng. Tất cả 6 máy bay của anh đáp an toàn: 2 ở Haleiwa, 1 ở Kahuku Golf Course và 3 ở Hickam. Khi chiếc Pháo đài Bay đầu tiên của anh chạm đất ở Hickam, hai đại úy quân phục bảnh bao bước ra. “Lấy đạn được, đổ nhiên liệu và chuẩn bị cất cánh!” một ai đó kêu to. Các đại úy lắp bắp mình chưa sẵn sàng để chiến đấu. Tất cả pháo của họ đều cất trong khoang và sẽ phải mất hàng giờ chùi rửa.

                Tại sân bay Wheeler binh lính còn chưa hoàn hồn trước cuộc đột kích thứ nhất thì đợt thứ hai đã tới. Trung úy Overstreet còn đang tranh luận với một trung sĩ của văn phòng Hậu cần Căn cứ về súng trường và súng lục.

                “Tôi không biết mình có quyền giao cho anh thứ gì mà không có giấy biên nhận hay không,” viên trung sĩ dùng dằng nói át tiếng nổ của bom đạn.

                “Trời, thôi đi cha, đây là chiến tranh mà!” Overstreet hét lên. Anh giật lấy súng.

                Trên Đảo Ford tất cả máy bay của Hải quân đã bị phá hủy hoặc hư hỏng không bay lên được. Không biết làm gì hơn, sáu phi công nấp sau các cây dừa dùng súng lục bắn các máy bay địch.

                Các phi công của chiến đấu cơ Quân đội có chút thành tựu; họ bắn rơi 11 máy bay Nhật. Hai trung úy từ sân bay Wheeler – Kenneth Taylor và George Welch – đạt thành tích bắn được 7 trong số này.

                Các công dân Honolulu còn phân vân hơn phía quân sự không muốn tin chiến tranh đã đến Hawaii. Họ phớt lờ tiếng ồn ào; có thể đang thao diễn thực tập tác xạ của các đội phòng thủ bờ biển ở Fort DeRussy gần Bãi biển Waikiki. Edgar Rice Burroughs, tác giả của các câu truyện về người hùng Tarzan không gián đoạn buổi điểm tâm với con trai mình ở Khách sạn NiuMalu. Sau đó họ chơi quần vợt với hai bà vợ Hải quân, còn không biết chiến tranh đã bắt đầu cách đó vài dặm.

                Tại căn hộ của mình ở Waikiki Robert Trumbull, biên tập của tờ Advertiser ở Honolulu, bị đánh thức khi chuông điện thoại reo. Vợ ông, Jean, trả lời và trở lại nửa tin nửa ngờ. Một người bạn đã gọi đến cho biết từ chỗ đứng trên một ngọn đồi có vẻ như là Trân Châu Cảng đang bị tấn công “thực sự,” và Trumbull là một nhà báo chắc phải biết điều gì đó.

                “Lại một cuộc diễn tập khác,” Trumbull nói. Ông chỉ vừa gác máy thì Ray Coll, tổng biên tập của ông, gọi để báo rằng có báo cáo về một cuộc oanh kích tại Trân Châu Cảng và hãy xuống tòa soạn ngay lập tức. Chưa dám tin, Trumbull cúp máy và gọi cho một trong các phóng viên thạo tin nhất của tờ báo. Y nói, “Xếp đã uống loại rượu gì thế?”

                Trumbull vẫn không tin cho đến khi ông nghe Webley Edwards của đài KGMB nói,      “Đảo đang bị tấn công! Tôi lặp lại, đảo đang bị tấn công! Đây là tin tức thực sự!” Tại tòa soạn, Trumbull kiểm tra một cơn lũ các báo cáo (tất cả đều giả) về các vụ phá hoại của Nhật kiều: một vùng hình mũi tên được cắt ra trên một ruộng mía để chỉ dẫn cho phi công địch đường bay đến Trân Châu Cảng; một máy phát sóng cực mạnh được tìm thấy trong phòng tập thể dục của một Nhật kiều.

                Trumbull quay số gọi đến nhà riêng của thống đốc Hawaii. Trong nỗi kinh ngạc của mình, Joseph Poindexter, vị thống đốc 72 tuổi, tự mình trả lời điện thoại. Ông không biết tí gì về trận tấn kích nào cả, và với một giọng hoài nghi nhưng lịch sự hỏi thêm chi tiết.

                Lúc 9:45 A.M. vùng trời phía trên hải cảng cuồn cuộn khói bổng trống trơn. Mùi dầu cháy nồng nặc tỏa khắp. Arizona, Oklahoma California chìm ngay chỗ neo đậu. West Virginia, sôi sục với ngọn lửa đang chìm xuống. Nevada mắc cạn. Ba tàu chiến khác – Maryland, Tennessee Pensylvania ở ụ khô – tất cả đều bị hư hại nặng.

                Ở Honolulu đặc vụ tình báo Takeo Yoshikawa đang ăn sáng thì cửa sổ bắt đầu rung lắc và vài bức tranh treo tường rớt xuống đất. Anh đi ra sân sau và nhìn lên bầu trời. Có một chiếc máy bay mang dấu hiệu Nhật. Họ đã làm được rồi! anh tự bảo mình. Đây là thời điểm gần như hoàn hảo khi có quá nhiều tàu trong cảng.

                Anh vỗ tay và chaỵ vội đến cửa sau nơi cư ngụ chính thức của Tổng Lãnh sự Kita. “Ông Kita!” anh gọi to. “Họ đã làm được rồi!” Kita bước ra và nói, “Tôi vừa nghe tin ‘Gió đông, mưa’ trên làn sóng ngắn!” Điều này có nghĩa, tất nhiên, là mối quan hệ ngoại giao Nhật-Mỹ đang gặp nguy cơ đổ vỡ. “Không có lầm lẫn gì cả.”

                Cả hai đứng nhìn lên phía những đám mây đen kịt vần vũ bên trên Trân Châu Cảng. Nước mắt chảy dài, họ xiết chặt tay nhau. Cuối cùng Kita nói, “Cuối cùng họ đã làm được. Làm tốt lắm, Morimura.”

                Yoshikawa khóa trái phòng mật mã và cùng với một thư ký tiến hành đốt các sổ mật mã trong một chậu giặt. Mười phút sau bổng nghe có tiếng gõ cửa rất lớn. Ai đó quát lên, “Mở cửa!” Đó là FBI, đánh động vì thấy khói.

                Cửa mở tung và nửa tá đặc vụ có vũ trang xông vào và bắt đầu dậm chân dập tắt các sổ mật mã đang cháy. “Vĩnh biệt những ngày thanh xuân của tôi – mãi mãi,” Yoshikawa thì thầm.  Anh bước ra ngoài sân để nhìn các máy bay nhỏ xíu phía trên Trân Châu Cảng. Những nhân viên khác của Lãnh sự quán đã bị dồn lại và giữ trong văn phòng, nhưng không ai chú ý đến chàng nhân viên mật vụ. Anh trở lại văn phòng thì thấy cửa đã khóa, và đề nghị với một nhân viên FBI cho mình được nhốt chung với những người khác.

                “Anh là ai?”

                “Morimura, một viên chức.”

                “Thế thì vào đi,” nhân viên FBI nói.

                Ở Honolulu, giờ thì không mấy ai còn nghi ngờ chiến tranh đã đến. 68 dân thường bị giết chết. Một quả bom Nhật duy nhất đã rơi xuống thành phố. 49 vụ nổ khác do các đạn pháo của lực lượng phòng không đặt sai kíp nổ hết đà rơi xuống. Nhưng vẫn không có hoảng loạn xảy ra. Ở đỉnh cao của cuộc tấn công các thiếu nữ Hawaii trong bộ váy hula bản xứ, cổ đeo vòng hoa, vẫn xuất hiện như thường lệ tại các cầu thang máy bay hảng Pan America để vẫy chào chia tay với du khách. Chẳng bao lâu họ sẽ được cho biết là phong tục truyền thống này sẽ phải chấm dứt trong một thời gian dài.

 

3.

                Yamamoto và ban tham mưu của ông trên kỳ hạm Nagato, neo đậu ngoài khơi Hashirajima, đã thức dậy từ lúc 2 giờ sáng, một giờ trước cuộc tấn kính đã lên kế hoạch. Họ ngồi quanh trong im lặng, thỉnh thoảng lại đứng dậy xem xét một biểu đồ lớn. Bếp trưởng Omi đi vòng quanh châm trà và phục vụ bánh ngọt để giảm bớt căng thẳng. Bổng tức thì một giọng nói phấn khích vang lên qua ống nói, “Chúng ta đã tấn công bất ngờ thành công!” Đó là sĩ quan trưởng phòng mật mã trong phòng truyền tin nói qua và sau một quảng lặng do điều kiện thời tiết, anh đã vừa nghe tín hiệu của Fuchida, “TORA, TORA, TORA!”

                Các sĩ quan tham mưu bắt tay nhau và nhẹ nhõm cả người sau một thời gian lo âu kéo dài. Yamamoto cố kềm nén cảm xúc, nhưng Watanabe có thể nhìn thấy ông ta cũng không kém phần kích động. Omi mang ra sake surume (khô mực) để chúc mừng, và rất nhiều chầu cụng ly không dứt. Mỗi vài phút ống nói lại lặp lại những báo cáo thắng lợi từ các máy bay oanh kích và các thông điệp điên cuồng từ phía Mỹ: “Tất cả tàu rời khỏi Trân Châu Cảng ngay”; “Đây không phải là diễn tập”; “Đây là tin thực sự.”

                Yamamoto phát lệnh tiến về Hawaii sau bình minh để Hạm đội Hổn hợp có thể yểm trợ Kido Butai trong trường hợp Hoa Kỳ phản công.

                Ở Tokyo hiệu lệnh đầu tiên của Fuchida, lệnh tấn công chiến thuật, được tiếp âm và được phòng thông điệp của bộ Tổng Tham mưu Hải quân bắt được. Sĩ quan mật mã điện thoại  cho phòng hành quân và nói, “Chỉ huy tàu Akagi lặp lại ‘TO’ lần này đến lần khác. Mật mã này không có trong sổ mật mã nên anh không hiểu nghĩa là gì. Trung tá Miyo đánh tiếng, cho biết mình đã truy xuất mật mã đó là từ chỉ huy phi đoàn trên tàu Kaga. “Họ đang làm tốt lắm,” ông nói. “Nó có nghĩa ‘tấn công’” Đó quả là một tin tốt lành đầu tiên mà Miyo đã nghe được kể từ tin báo cáo cuộc tấn công Mã Lai đã đi sớm hơn kế hoạch. Một vài phút sau thông điệp thứ hai đến – lần này có trong sổ mật mã: TORA, TORA, TORA.

 

                Những máy bay đầu tiên tìm đường về các tàu sân bay lúc 10 A.M. Thời tiết trở nên xấu hơn và một số máy bay rớt trên các boong chồm lên hụp xuống. Khi chiếc móc đuôi của máy bay Matsumura bắt dính lưới đáp trên Hiryu anh vỡ òa niềm vui. Anh không hề hi vọng sẽ trở về và đây anh còn sống!

                Fuchida trở về khoảng một giờ sau và được Genda đón mừng hớn hở; rồi anh đi lên đài chỉ huy và báo cáo với Nagumo và Kusaka là ít nhất 2 tàu chiến đã bị đánh chìm và 4 tàu bị hư hỏng nặng. Anh xin các đô đốc cho phép một đợt tấn công khác ngay lập tức và lần này tập trung vào các kho xăng dầu. Quyền lực trên không của Mỹ đã bị đập tan, anh đảm bảo với họ, và trận tấn công thứ hai phải tính đến yếu tố lực lượng phòng không.

                Kusaka xem xét đề nghị của Fuchida. Ông bạn Đô đốc Yamaguchi háo thắng của ông đã ra hiệu cho biết Soryu Hiryu đang sẵn sàng phát động cuộc tấn công khác, và thuyền trưởng của Kaga, trước sự thúc giục của Trung tá Sata, cũng đề xuất một trận đột kích vào các công trình và kho xăng dầu. Dầu là một mục tiêu quyến rũ, nhưng Kusaka cho rằng một

trung tá không nên bị ám ảnh bởi những cám dỗ như thế. Cuộc tấn công thứ hai chắc chắn không có yếu tố bất ngờ, và dù Fuchida nghĩ thế nào, chắc chắn một số lớn phi cơ của anh sẽ bị bắn rơi bởi hỏa lực phòng không. Quan trọng hơn, chính lực lượng tác chiến sẽ bị đặt trong tình thế nguy hiểm. Kido Butai là đầu não của Hải quân Nhật Bản và không nên phó mặc cho may rủi. Ngay từ đầu anh đã muốn đâm nhanh một nhát rồi rút kiếm về như cơn gió mà.

                “Chúng ta sẽ rút lui như dự tính,” Kusaka cố vấn cho Nagumo, và ông này gật đầu.

                Một sĩ quan tham mưu đề nghị là họ nên cố tìm tìm xem tàu sân bay Mỹ ở đâu và đánh chìm chúng. Ý kiến trên đài chỉ huy không thống nhất. “Sẽ không có tấn công dưới bất kỳ hình thức nào,” Kusaka nói. “Chúng ta sẽ rút về.”

                Bộ trưởng Hải quân Frank Knox ngồi ở văn phòng mình trong Bộ Hải quân trên Đại lộ Constitution. Lúc đó đã quá trưa khá lâu và ông đã đói bụng. Ông sắp sửa gọi buổi ăn trưa khi Đô đốc Stark xông vào với thông điệp “Đây không phải là cuộc diễn tập” của Kimmel.

                “Trời ơi, thật vậy sao!” Knox kêu lên. “Đây phải là Phi Luật Tân chứ.”

                Stark bảo đảm ông rằng đúng là Trân Châu Cảng, và Knox nhấc ống nghe nối trực tiếp với Nhà Trắng. Lúc đó là 1:47 P.M. Roosevelt đang ăn trưa tại bàn làm việc trong Phòng Bầu Dục với Harry Hopkins. Knox đọc thông điệp gởi tới.

                “Chắc có lầm lẫn gì đó,” Hopkins nói. Ông ta tin chắc “Nhật sẽ không tấn công Honolulu” nhưng Roosevelt cho rằng báo cáo chắc là đúng và nói, “Đó là một việc thuộc loại bất ngờ mà người Nhật hay làm.” Ông nói dông dài về những nỗ lực hoàn thành nhiệm kỳ của mình mà không dính đến chiến tranh, cuối cùng nhận xét u ám, “Nếu báo cáo này là đúng, nó khiến vấn đề hoàn toàn vuột khỏi tầm tay tôi.”

                Lúc 2:05 P.M. Roosevelt gọi điện cho Hull và đưa tin cho Hull ngắn gọn và điềm tĩnh. Hull bảo ông là Đại sứ Nomura và Kurusu đã vừa đến và đang ở trong Phòng Tiếp khách Ngoại giao. Roosevelt khuyên ông nên tiếp họ, nhưng không đề cập đến việc Trân Châu Cảng. Ông cũng nên hình thức, lạnh lùng và “tiễn họ ra về.” Rồi Tổng thống gọi Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson hiện đang ăn trưa tại nhà, và với giọng khích động hỏi ông ta có biết chuyện gì đã xảy ra chưa.

                “Vâng,” Stimson trả lời, “tôi đã nghe các tin điện vừa đến báo cáo các cuộc tiến quân của Nhật ở Vịnh Thái Lan.”

                “Ồ, không. Tôi không nói chuyện đó,” Roosevelt nói. “Ho đã tấn công Hawaii rồi!”  

Họ đang đánh bom Trân Châu Cảng.”

                Stimson dập máy. Trời, tin đó thật sự hấp dẫn, ông tự bảo mình. Cảm xúc đầu tiên của ông là một “loại nhẹ nhõm khi mọi phân vân đã qua và một khủng hoảng đã bước vào theo một cách thức sẽ đoàn kết tất cả nhân dân chúng ta.”

                Tại Bộ Ngoại giao, Hull quay sang Joseph Ballantine và nói, “Tổng thống có một báo cáo đã được xác minh là người Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng. Các đại sứ Nhật đang đợi

gặp tôi. Tôi biết họ muốn gì. Họ sắp sửa bác bỏ chúng ta vì bức công hàm ngày 26/11 của chúng ta. Có lẽ họ muốn nói lời tuyên chiến với chúng ta. Tôi không muốn gặp họ chút nào.” Cuối cùng ông quyết định nghe theo lời khuyên của Roosevelt và tiếp phái đoàn. Ngoài ra, có “một phần trăm cơ may” là báo cáo kia không đúng sự thật.

                Trong phòng đợi Nomura lo lắng, vẫn còn thở gấp vì phải chạy vội từ sứ quán đến đây. Ông đã trễ hơn một giờ và biết rằng phần thứ 14 của thông điệp chứa một vài lỗi đánh máy nhỏ. Okumura nằng nặc đòi đánh lại toàn bộ thông điệp nhưng Nomura đã giật phắt tờ giấy khỏi tay anh. Anh còn không có thời gian dò lại cẩn thận.

                Lúc 2:20 P.M. Kurusu và Nomura cuối cùng cũng được đưa vào văn phòng của Hull. Ngoại trưởng tiếp họ lạnh nhạt, không thèm bắt tay. Ông thậm chí không mời ngồi.

                “Tôi được chỉ thị giao thư phúc đáp này cho ngài lúc 1 P.M.,” vị đô đốc nói với giọng biết lỗi, đưa công hàm ra.

                Gương mặt Hull nghiêm trọng. “Tại sao phải giao cho tôi lúc 1 giờ?”

                “Tôi không biết lý do,” Nomura trả lời thật tình, bối rối tại sao người bạn của mình quá bực bội chỉ vì mình và Kurusu đến trễ.

                Hull cầm bức công hàm và giả vờ liếc qua nó. Bình thường ông nói từ tốn và chậm rãi, nhưng bây giờ những lời lẽ tuôn ra xối xả khi ông mạt sát họ thậm tệ, “Tôi phải nói rằng trong tất cả những lần đối thoại với các ông trong tháng qua tôi chưa hề thốt ra một lời nào gian dối. Điều này có hồ sơ minh chứng. Trong tất cả 50 năm phục vụ trong chính quyền tôi chưa hề bắt gặp một văn kiện nào chứa đầy những lời giả trá và xuyên tạc bỉ ổi trên một qui mô lớn đến nỗi tôi không thể tưởng tượng có một chính quyền nào trên hành tinh này dám thốt ra những điều như thế.”     

                Nomura định nói một điều gì đó thì Hull đưa tay lên và hất đầu về phía cửa ra dấu bảo họ ra về. Vẫn còn bối rối, vị đô đốc tiến đến gần Hull, nói lời tạm biệt và chìa tay ra. Lần này thì ngài Ngoại trưởng bắt tay, nhưng khi hai người Nhật quay bước lui ra, đầu cúi gầm, Hull, quay trở lại với ngôn ngữ Tennessee của ông ta, lẩm bẩm những lời nghe được, “Đồ vô lại và bọn sâu bọ!”

                Tại sứ quán Okumura bảo họ, “Máy bay chúng ta đã dội bom Trân Châu Cảng!” Tùy viên quân sự Isoda, mắt đẫm lệ, tiến đến gần Nomura và buồn bã nói thật đáng tiếc khi sự việc “đã ra nông nỗi này” cho dù những nỗ lực của đô đốc. “Nhưng, than ôi, đây là số mệnh.” Nomura cũng xúc động sâu sắc và, đặc biệt, được một quân nhân an ủi.

                Ở Bộ Hải quân, Đô đốc Stark đã gởi một thông điệp đến tất cả tư lệnh trong vùng Thái Bình Dương và Panama: THI HÀNH CHIẾN TRANH TÀU NGẦM VÀ TRÊN KHÔNG VÔ GIỚI HẠN CHỐNG NHẬT BẢN. Cách đó một vài phòng, Knox đang điện thoại với Trân Châu Cảng, nói với sĩ quan chỉ huy Khu vực Hải quân số 14, Đô đốc Claude C. Bloch, người đang mô tả những tổn thất mà ông nhìn thấy qua khung cửa sổ. “Oklahoma hư hỏng nặng. Arizona cũng vậy. Nhưng Pensylvania Tennessee chỉ thiệt hại sơ sài, và chúng ta có thể sửa Califonia không quá khó khăn. May thay, không có thiệt hại cho Hải quân Công xưởng và kho xăng

dầu.”

                Các fan theo dõi trận cầu Giants-Dodgers trên đài phát thanh là những dân thường

Mỹ đầu tiên nghe tin về vụ tấn công. Lúc 2:26 P.M. đài WOR dừng phát thanh trực tiếp trận đấu với tin tức đầu tiên. Một thông báo khác phát ra ngay trước buổi hòa nhạc phát thanh lúc 3 giờ của Dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic. Ở Washington, Chuẩn Đô đốc Chester W. Nimitz, trưởng Văn phòng Hải hành, đang ngồi xuống chuẩn bị thưởng thức bản hòa tấu Artur Rodzinski qua đài CBS. Khi buổi phát thanh bổng đứt ngang để loan tin, ông phóng ra khỏi ghế ngồi và chạy đến Trụ sở Hải quân.

                Cách đó một ít dãy phố Matsuo Kato của Cục Báo chí Domei nghe tin qua đài trên xe taxi. “Bọn Nhật khốn kiếp,” tên tài xế chưởi. “Chúng ta phải cho lũ chó chết đó thấy địa ngục mới hả dạ!” Trên bờ sông Potomac có ai đó đốn ngã một cây anh đào mà Nhật Bản tặng cho nhân dân Mỹ mấy năm về trước. Nổi phẫn nộ này được các phần đông Nhật kiều sống ở khu Manhattan chia sẻ. Không chậm trễ Hội Ái Hữu Tozai (Đông-Tây) của New York gởi một bức điện tín cho Roosevelt

                CHÚNG TÔI NHỮNG CÔNG DÂN MỸ GỐC NHẬT CỦA THÀNH PHỐ NEW YORK VÀ VÙNG LÂN CẬN ĐOÀN KẾT VỚI NHÂN DÂN MỸ LÊN ÁN HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA NHẬT CHỐNG XỨ SỞ CHÚNG TA VÀ ỦNG HỘ MỌI BIỆN PHÁP ĐỀ RA ĐỂ BẢO VỆ QUỐC GIA.

                Một đám đông thù địch tụ tập bên ngoài sứ quán Nhật trên Đại lộ Massachusetts. Kurusu được mời đến máy điện thoại. Đó là Ferdinand Mayer, trước đây là một chính khách, cả hai đã trở thành bạn thân ở Berlin. Mayer nói rằng mình hân hạnh muốn gặp Kurusu – mà không cho biết là ông gọi tới qua đề nghị của Đại tá Donovan, người mà tổ chức tình báo của ông sẽ sớm trở thành OSS [Phòng Công tác Chiến lược], hệ thống điệp báo thực sự đầu tiên của Mỹ.

                Giọng nói đứt quãng, Kurusa cám ơn “Ferdinand” đã điện thoại nhưng bảo rằng mình “không muốn gây bất tiện cho” ông ta, vì bên ngoài sứ quán có một đám đông khó chịu đang tụ họp. Từ giọng nói của ông, Mayer có thể đoán ra Kurusu “hoàn toàn bất lực và trong một trạng thái tuyệt vọng cùng cực.”

                Dù vậy Kurusu vẫn không tỏ ra cay đắng với Hull, người đã công khai tỏ ra khinh bỉ ông ngay mặt. Ông già đó, ông nghĩ, đã làm hết sức mình để gìn giữ hòa bình. Điều rắc rối là cả Mỹ và Nhật đều như bọn trẻ con. Về phương diện ngoại giao, không bên nào chín chắn cả. Giờ thì hai đứa trẻ đang chơi trò chiến tranh điên rồ.

                Vào chiều tối phái đoàn ngoại giao bị quản thúc có canh gác trong một khách sạn sang trọng bởi Phụ tá Ngoại trưởng Adolf A. Berle, Jr. Vị đô đốc yêu cầu được lấy kiếm samourai nhưng Berle bác bỏ lời yêu cầu; việc Nomura tự tử có thể gây nguy hiểm cho Đại sứ Grew.

                Cũng tối đó các thành viên Nội các họp tại Phòng Đỏ trên tầng hai của Nhà Trắng lúc 8:30. Các thành viên ngồi thành nửa vòng tròn đối diện với Tổng thống đang ngồi trên bàn viết. Đây là buổi họp nghiêm trọng nhất của một nội các từ khi Nội Chiến xảy ra, Tổng thống trịnh trọng thông báo. Ông liệt kê những tổn thất tại Trân Châu Cảng, rồi chầm chậm đọc một thông điệp mà ông dự định sẽ đọc trước Quốc hội trưa ngày mai.     

                Thông điệp rất hiệu quả, Stimson nghĩ, nhưng không nói về “những hành vị vô pháp của Nhật trong quá khứ. Thông điệp cũng không liên kết Nhật với Đức.” Hull cũng muốn đề cập đến Đức, nhưng Roosevelt nói rằng thông điệp sẽ “chắc chắn có hiệu quả hơn và chắc chắn được nhiều người đọc hơn nếu ngắn gọn.” Ông không đổi ý, cho dù Hull khăng khăng là Quốc hội và quốc gia sẽ lắng nghe bất cứ điều gì Tổng thống muốn nói.

                Stimson muốn đi xa hơn Hull, và ở cuối phiên họp ông đi đến Roosevelt và thúc giục ông tuyên chiến chống bọn Đức trước khi cơn phẫn nộ của nhân dân nguội lạnh đi. Tổng thống từ chối nhưng hứa sẽ trình bày toàn bộ vấn đề với nhân dân trong vòng hai ngày.

                Ngay trước 9:30 các lãnh đạo Quốc hội được đưa vào phòng: Phó Tổng thống Henry Wallace và 6 thượng nghị sĩ, bao gồm Alben Barkley, Phát ngôn nhân của Hạ viện Sam Rayburn và hai nghị sĩ. Roosevelt thẳng thắn bảo họ những gì xảy ra ở Hawaii. Cử tọa ngồi chết cứng. Khi Roosevelt kết thúc, Thượng nghị sĩ Tom Connally thắc mắc tại sao hạm đội “bị bất ngờ,” nhưng những thành viên khác vẫn còn đớ lưỡi.

                Một lúc sau trong buổi tối Đại úy Thủy quân Lục chiến James Roosevelt, con trai cả của Tổng thống, bắt gặp cha mình đang lật xem bộ sưu tập tem yêu thích của ông “gương mặt không biểu lộ điều gì, rất điềm tĩnh và an tâm.” Ông không nhìn lên, chỉ nói, “Tệ quá, khá tệ.”

                Bà Roosevelt thấy chồng mình tỉnh táo hơn những ngày trước đây và tự nghĩ như thế này thì “thật dễ tính toán vì hột xúc sắc đã được gieo” và tương lai “sẽ phơi bày một thử thách rõ ràng hơn là tình trạng tranh tối tranh sáng kéo dài của quá khứ.”

 

4.

                Nhật Bản đã bắt đầu chiến tranh nhưng chưa tuyên chiến. Tại buổi họp vội vã của  nội các trước rạng đông, Bộ trưởng Hải quân Shigetaro Shimada điềm tĩnh mô tả kết quả của trận đánh Trân Châu Cảng, nhắc nhở các thính giả là các phi công ném bom có khuynh hướng phóng đại thành tích của mình. Vội vàng một chiếu chỉ tuyên chiến được soạn thảo, ký tên và gởi đến Cơ Mật Viện.

                Mặt trời đang mọc lên khi Quan Chưỡng Ấn Kido, người chống đối chiến tranh, tiến đến Hoàng cung bằng ô tô. Vẫn còn choáng váng vì tin Trân Châu Cảng, ông nhắm mắt và cúi đầu trước mặt trời, cầu khẩn Thái dương Thần nữ. Ông biết ơn sâu sắc đến sự phù hộ của thần linh đánh dấu lộ trình liều lĩnh của Nhật Bản. Là một người Nhật ái quốc ông thiết tha hi vọng sự thắng lợi.

                Cách đấy vài dãy phố tại đài NHK (Đài Phát Thanh Nhật Bản), thông tín viên Morio Tateno xem lại nội dung của bản tin đầu tiên trong ngày. Kềm chế cơn xúc động, anh bắt đầu đọc tin vào lúc 7 A.M.: “Bây giờ chúng tôi xin thông báo một tin khẩn cấp. Tin như sau. Các bộ phận của Lục quân và Hải quân của Bộ Tư lệnh Hoàng gia xin đồng thông báo lúc sáu giờ

sáng nay, ngày 8 tháng 12, các lực lượng Lục và Hải quân Hoàng gia đã bắt đầu những hành động chiến tranh chống lại các lực lượng Mỹ và Anh ở Thái Bình Dương vào hừng đông hôm nay.”

                Tin tức phát vang qua hàng trăm loa phát thanh trên đường phố. Dân chúng đang đi dừng chân lại, giật mình; rồi, khi một khúc quân hành vang lên, nhiều người bắt đầu vỗ tay như thể đang nghe một trận đấu bóng. Nhiệt tình lan tỏa khắp nơi, nhưng một số công dân lớn tuổi bắt đầu đi về phía cổng Hoàng cung để cầu nguyện cho chiến thắng, không phải bằng vẻ hoan hỉ mà với sự trang nghiêm. Trong quảng trường, những người bán báo với phụ trang chiến sự đi ngang dọc, các quả chuông dắt bên hông kêu leng keng lớn đến nỗi tận phòng tiếp tân hướng Đông số 3 khu vực Hoàng cung còn có thể nghe được.

                Trong phòng họp mênh mông này Hội đồng Cơ Mật đang họp. Tiết mục thảo luận dài dòng nhất là về vấn đề không mấy quan trọng: tại sao người Hà Lan không có trong chiếu chỉ tuyên chiến. Cũng bàn bạc dài dòng về cách dùng từ “America [Mỹ]” và “England [Anh].” Một thành viên cho rằng việc này có thể gây hiểu lầm và, hơn nữa, không lịch sự. Togo nhất quyết không thay đổi; trên thế giới ai cũng biết Mỹ chính là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ [United States of America].

                Trước giờ trưa Thiên hoàng đóng ấn vào văn kiện và chiến tranh chính thức được tuyên bố. Ngài thêm một hàng để bày tỏ sự hối tiếc của cá nhân mình rằng đế chế đã gặp phải chiến tranh với Anh và Mỹ và kết thúc một cách hòa dịu, “nâng cao và thăng hoa Vương đạo bên trong và bên ngoài tổ quốc chúng ta,” để “qua đó duy trì sự vẻ vang của đế chế chúng ta.”

                Kido nhận thấy Thiên hoàng bề ngoài không lộ vẻ lo âu. Rồi Hoàng thượng thổ lộ rằng đó là một quyết định đau lòng khi phải tuyên chiến với Hoa Kỳ và Anh, và đặc biệt không thể chịu được cái cảm giác bổng nhiên làm kẻ thù của những bạn hữu thân thiết như hoàng gia Anh. Kido không trả lời. Ông có thể nói gì bây giờ?

                Thủ tướng Tojo đã phát biểu với quốc gia qua đài, một cách điềm tĩnh, không dùng ngôn từ hoa mỹ. Phương Tây, ông nói, đang toan tính thống trị thế giới. “Để tiêu diệt kẻ thù này và để thiết lập một trật tự mới vững chắc ở Đông Á, quốc gia cần thiết phải dự trù một cuộc chiến dài . . . “Vận mệnh của Nhật Bản và Đông Á đang lâm nguy và hàng trăm triệu con người của đế chế giờ đây phải cống hiến mọi năng lực – mạng sống của mình – cho đất nước.

                Tiếp theo sau là khúc quân hành được thu âm, có tên “Umi Yukaba”:

                                      Băng qua biển cả, bỏ thân trong sóng nước;

                                      Băng qua núi non, bỏ thân trên đồng cỏ.

                                      Tôi thề hi sinh cho Thiên hoàng,

                                      Tôi sẽ không bao giờ nhìn lại.

                Chiều đó khi Thủ tướng Tojo rời nơi cư ngụ chính thức trong y phục kỵ mã, thư ký của ông, Đại tá Susumu Nishiura, chặn ông lại. “Làm sao ngài có thể cưỡi ngựa hôm nay? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngài bị thương?” Tojo trở vào trong không nói một lời.

                Người Nhật sợ rằng vụ tấn công sớm vào Mã Lai có thể làm hỏng kế hoạch Trân Châu Cảng là không có cơ sở. Ngạc nhiên thay, London không bị đánh động. Ngạc nhiên hơn, những tin về Trân Châu Cảng chỉ đến tai Churchill hai giờ rưỡi sau khi những quả bom đầu tiên rơi xuống. Và đó là một bản tin phát ra của đài. Ông đang tận hưởng ngày cuối tuần tại nhà mát ở đồng quê, Chequers, với hai vị khách thân người Mỹ – W. Averell Harriman, điều phối viên của chương trình Lend-Lease [cho vay không tính lãi và trả chậm] của chính phủ, và Đại sứ John Winant. Lúc 9 P.M. tất cả đều nghe đài BBC thông tin về các trận đánh đâu đâu trừ Viễn Đông, rồi sau đó mới đến tin Nhật đã công kích Hawaii.

                Hai người Mỹ cứng người trên ghế. Churchill sau một lúc im lặng bỏ đi đến văn phòng, gọi điện cho Đại sứ Mỹ.

                Khi Đại sứ kết nối ông với Roosevelt, ông nói ngay, “Ngài Tổng thống, vụ Nhật Bản ra sao?”

                “Đúng như vậy đó. Họ đã tấn công chúng tôi ở Trân Châu Cảng. Thế là chúng ta chung một xuồng rồi.”

                “Điều này thực sự làm sự việc hóa ra đơn giản đi. Cầu Trời phù hộ ngài.” Churchill không thể không thấy hớn hở trong lòng, giờ Hoa Kỳ đã chính thức đứng bên cạnh mình. Ông nhớ lại lời Sir Edward Grey từng nói với ông cách đây hơn 30 năm là nước Mỹ giống như một lò hơi khổng lồ: “Một khi có lửa đốt bên dưới, nó sẽ phát ra một mãnh lực vô giới hạn.”

                Ông lên giường và đánh một giấc ngon lành.

 

 

5.

                Trong khi vạch ra chiến dịch Mã Lai những kẻ chủ mưu tính đến những cơ hội bằng nhau là có thể tiến hành một cuộc đổ bộ bí mật hoàn toàn lẫn đưa ra kế hoạch cho các binh lính thực hiện những cuộc đổ bộ ban đầu có thể sống được trên đất địch trong trường hợp họ bị hạm đội Anh cô lập. Có lúc những người lập kế hoạch còn xem xét đến việc giao cả hạt giống cho họ trồng trọt để sống còn khi bị vây hãm lâu dài, nhưng kế hoạch này bị gạt bỏ vì sẽ làm mất sĩ khí binh lính.

                Vụ xâm chiếm Bán đảo Mã Lai tiến hành trước vụ Trân Châu Cảng diễn tiến trơn tru dù có những cơn sóng cao 6 bộ, và vào cuối ngày sân bay Kota Bharu đã lọt vào tay quân Nhật. Nhưng hai cuộc đổ bộ khác ở phía bắc, vượt qua biên giới Thái Lan, bị cản trở vì thi hành sai mệnh lệnh. Thiếu tá Shigeharu Asaeda được giao nhiệm vụ dẫn dắt đạo quân ở Pattani. Trong một chuyến đi tiền trạm bí mật, ông đã đích thân lựa chọn bãi biển đó vì nó thích hợp để đổ bộ do bãi cát trắng lúc thủy triều lên là dấu hiệu cho thấy mặt đất chắc dễ bước đi. Các lực lượng Pattani ồ ạt đổ vào bờ biển một giờ trước hừng đông. Khi mực nước cao ngang ngực các binh lính, với ba lô quân dụng nặng chịch, bắt đầu nhảy xuống nước. Trước sự khủng khiếp của ông, Asaeda thấy mình mắc kẹt trong đáy bùn nhão; bãi cát trắng đẹp không kéo dài tận chỗ thủy triều xuống thấp. Một số binh lính mang súng máy bị kéo xuống bùn và đuối nước. Những người khác phải mất ba giờ nhọc nhằn ì ạch qua 300 ya mới đến được lớp đất cứng, tại đó họ bị hỏa lực Thái bắn rất rát.

                Tại Singora mặt cát thì vững chắc và có vẻ như là Đại tá Tsuji sẽ hiện thực hóa được kế hoạch đầy sáng tạo của mình là đánh sập biên giới Mã Lai bằng xe buýt. Tsuji tưởng rằng một thiếu tá, người đóng vai thư ký tại lãnh sự quán Singora, đã thuyết phục được Quân đội và cảnh sát Thái không can thiệp. Nhưng Thiếu tá Osone không ở bãi biển để chờ đợi những người xâm chiếm. Tsuji đi vào thị trấn và đập cánh cổng để đánh thức lãnh sự quán Nhật. Chính ông lãnh sự béo tốt còn ngái ngủ ra mở cửa cho họ với một vẻ sửng sốt: “À, Quân đội Nhật đây rồi!” Phía sau ông là Thiếu tá Osone cũng ngái ngủ không kém. Ông ta đã đốt sổ mật mã quá sớm nên không thể giải mã bức mật điện vào phút cuối cho biết giờ đổ bộ chính xác.

                Ngài Tsuji nổi dóa ra lệnh cho lãnh sự lái xe đưa ông đến đồn cảnh sát. Trong trường hợp thuyết phục không thành công, ông đã mang theo sẵn túi đựng các tờ giấy bạc 100,000 tical của Thái. Khi xe đến gần đồn một viên đạn bắn nát đèn xe. “Đừng bắn!” Thông dịch viên của Tsuji la lên, “Đây là Quân đội Nhật. Tham gia với chúng tôi đánh đuổi bọn Anh!” Câu trả lời là một tràng đạn hình như nhắm vào viên lãnh sự béo tốt, vì bộ đồ trắng toát của y là một mục tiêu quá ngon. Người Nhật phản pháo. Đó là hồi kết của kế hoạch kỳ lạ của Tsuji.

                Ở ngoài chóp mũi của Bán đảo Mã Lai các công dân trên đảo Singapore đầu tiên hay biết về chiến tranh khi những quả bom phát nổ vào lúc bốn giờ sáng. Nửa giờ trước đó phòng vận hành kiểm soát chiến đấu cơ đã nhận được một báo cáo về một máy bay không nhận diện được cách Singapore 140 dặm, nhưng không ai ở Bộ Chỉ huy Không kích Dân sự trả lời điện thoại. Kết quả, ánh đèn của thành phố đã hướng dẫn những kẻ xâm lăng tìm đến mục tiêu của mình; nói đúng ra là đèn đường chiếu sáng suốt trận không kích. Không thể tìm ra được nhân viên giữ chìa khóa của cầu dao điện trung tâm.

                63 người bị giết chết và 133 người khác bị thương, nhưng vẫn chưa nghe thấy báo động ở Singapore. Đại đa số được trấn an nhờ nhật lệnh của Đại tướng Sir Robert

BrookePopham, tổng tư lệnh Viễn Đông ban hành.

                Chúng ta đã sẵn sàng. Chúng ta đã ra lời cảnh báo và những chuẩn bị của chúng ta đã được hoàn tất và thử nghiệm . . . Chúng ta tự tin. Các lực lượng phòng vệ của chúng ta đủ mạnh và vũ khí chúng ta hiệu quả . . . Còn kẻ thù có gì? Trước mắt chúng ta một Nhật Bản đã sức mòn lực kiệt nhiều năm qua vì những trận công kích bừa bãi vào Trung Hoa. . . Niềm tin, quyết tâm, xông xáo và hiến dâng cho chính nghĩa phải và sẽ tạo ra cảm hứng cho mọi người chúng ta trong công cuộc chiến đấu, trong khi đó từ nhân dân, Mã Lai, Trung Hoa, Ấn Độ hoặc Miến Điện, chúng ta mong đợi lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng và sự thanh thản vốn là phẩm chất của phương Đông sẽ tiến xa để hỗ trợ những chiến sĩ đạt đến thắng lợi cuối cùng và toàn diện.

                Không phải ai cũng thỏa mãn với những ngôn từ như thế. Yates McDaniel, đại diện Mỹ của cơ quan AP [Associates Press], hiểu rằng các máy bay chiến đấu Brewster Buffalo đang bảo vệ Singapore chậm chạp và cồng kềnh. Ông cũng biết rằng ở Mã Lai không có chiếc xe tăng nào, và gần như mỗi một ụ đại pháo cố định của Singapore đều hướng ra biển, và do đó sẽ vô dụng trong trường hợp có cuộc tấn công trên đất liền từ dưới bán đảo; rằng những binh sĩ ở Mã Lai chưa qua huấn luyện tác chiến trong rừng; rằng các nhóm bản xứ đã bị loại ra trong việc tham gia phòng thủ nhà cửa của họ và rằng phần đông họ căm ghét người Anh hơn là người Nhật.

                Gần trưa hôm đó bạn thân của McDaniel, Phó Đô đốc Sir Georffrey Layton, bảo ông qua điện thoại, “Chúng tôi phái hai tàu chiến chủ lực ra biển dưới quyền của Philips ‘Tom Thumb.’” Dựa vào giọng điệu của ông ta McDaniel đoán là Layton không tán thành việc này. “Anh có muốn đi theo không?”

                “Họ sẽ đi ra trong bao lâu?” McDaniel khâm phục Phillips và đã từng ấn tượng trước dáng điệu oai hùng kỳ lạ của vị đô đốc thấp bé phải đứng trên thùng gỗ để có thể quan sát từ  đài chỉ huy.

                “Năm hoặc sáu ngày.” Layton giải thích là Philipps quyết định đi tàu về hướng bắc, lên bờ biển phía đông của Mã Lai, và tấn công đoàn tàu xâm lăng sẽ đổ bộ quân Nhật tại hai địa điểm.

                McDaniel nghe hấp dẫn. Có vẻ như một xô hoành tráng, nhưng vì ông là đại diện AP duy nhất trong thị trấn, nên ông phải khước từ. Ông quan tâm đến việc Layton chống đối ra mặt với kế hoạch. Và ông nhớ đến con mèo đen trên tàu Prince of Wales ngồi trong lòng của Tổng thống Roosevelt trong dịp ký Hiến chương Đại Tây Dương. Nó cho ông cảm giác như đó là một điềm gỡ.

                Ngay trước khi tàu chạy chiều hôm đó, Philipps hỏi Thiếu tướng Không quân C. W. Pulford lực lượng không quân nào sẽ yễm trợ hạm đội khi ra khơi. Pulford, một cựu Hải quân, rất sẵn lòng hợp tác, nhưng các sân bay của ông ở phía bắc Mã Lai theo baó cáo đã bị đánh sâp. Ông hứa sẽ cung cấp cho Phillips các trinh sát trên không vào ngày hôm sau, 9 tháng 12, nhưng không nghĩ là mình có thể dư chiếc máy bay nào vào ngày 10 tháng 12.

                Khi Philipps leo lên chiếc Prince of Wales 35,000 tấn, Đại tá L. H. Bell nhận thấy ông không mấy an tâm. “Tôi không chắc,” Phillips nói, “là Pulford biết được tầm quan trọng tôi giao cho lực lượng chiến đấu cơ yễm trợ trên không phận Singora vào ngày 10/12.” Ông nói mình sẽ yêu cầu ông ta bằng một bức thư cho chắc chắn.

                Mặt trời đang lặn xuống khi hạm đội, dưới mật danh Lực lượng Z, chạy ra ngoài căn cứ Singapore vươn dài. Prince of Wales đi đầu, theo sau là Repulse và các tàu khu trục. Khi họ vượt qua Trạm Tín Hiệu Changi ở mũi phía đông của đảo, Phillips nhận được một tin điện từ Pulford: RẤT TIẾC KHÔNG THỂ CHO CHIẾN ĐẤU CƠ YỄM TRỢ ĐƯỢC.

                “Vâng,” Phillips nói. “vậy thì chúng tôi phải tiếp tục việc của mình thôi.” Kể từ khi đến Singapore công luận biết nhiều đến hai tàu chiến, nên việc xếp xó chúng là không thể nghĩ đến được. Lực lượng Z tiếp tục lên đường như dự kiến về hướng bắc.

                Ở Manila, Thiếu tướng Lewis Brereton, tư lệnh  Không lực Viễn Đông của MacArthur, yêu cầu được phép đánh bom Đài Loan, cách 600 dặm về phía bắc, với các Pháo đài Bay của ông. Lúc đó là 7:30 A.M., năm giờ rưỡi sau vụ tấn công Hawaii.

                “Tôi sẽ hỏi Đại tướng,” Thiếu tướng Richard K. Sutherland, tham mưu trưởng của MacArthur, trả lời, và một lúc sau báo cáo, “Đại tướng nói không. Không được có hành động công khai đầu tiên.” Bộ việc tấn công Trân Châu Cảng không phải là hành động công khai đầu tiên hay sao? Brereton muốn biết. Ông được cho biết việc trinh sát Đài Loan chưa kỹ lưỡng và như vậy việc không kích là không có tác dụng.

                Về phía tây Đài Loan, các sĩ quan Nhật của Phi đội 11 cũng nản lòng không kém. Sương mù đã ngăn trở họ cất cánh trước bình minh để đánh phá Sân bay Clark và các căn cứ chiến đấu cơ liền kề. Giờ họ sợ rằng các B-17 đặt căn cứ ở Clark sẽ thình lình xuất hiện trên đầu và đánh tan các máy bay của họ đang xếp hàng trên đường băng.

                Chiếc phi cơ duy nhất rời Đài Loan là từ một sân bay Quân đội và tất cả điều họ làm được là ném bom xa về phía bắc Manila xuống những mục tiêu không quan trọng. Các báo cáo về các cuộc oanh kích phá quấy này đến bộ tư lệnh của Brereton ở Sân bay Nielson, ngoại vi Manila, lúc 9:25 A.M. Brereton một lần nữa điện thoại cho Sutherlan xin phép ném bom Đài Loan. Một lần nữa ông bị khước từ, và khi MacArthur đổi ý bốn mươi phút sau thì đã trễ nên Brereton phải điều chỉnh lại một cách vội vàng.

                Các máy bay oanh tạc của ông bay lượn vô mục đích phía trên Núi Arayat để không bị kẹt trên mặt đất, và sau nửa giờ vẫn chưa nhận được tin cho biết đó là một báo động giả. Họ quay về Sân bay Clark để tiếp nhiên liệu, phía sau là các chiến đấu cơ bay yễm trợ.

                Trở lại Sân bay Nielson, những báo động mới đổ về Trung tâm Đánh chặn bằng điện thoại và điện tín từ các thị trấn dọc theo bờ biển tây bắc của Luzon. Một số báo cáo có 27 máy bay trông như chiến đấu cơ, một số khác nói có 54 oanh tạc cơ hạng nặng. Sương mù đã tan ở Đài Loan, và 196 máy bay của Hải quân Nhật chia làm vài nhóm đang tiến gần đến các muc tiêu của chúng ở Luzon. Phần lớn hướng về Sân bay Clark. Đại tá Alexander  H. Campbell, sĩ quan cảnh giới chiến đấu cơ của Brereton, cố gắng phân tích các báo cáo xung đột nhau và kết luận rằng một nhóm đang tiến vế Manila và vài nhóm về Sân bay Clark. Lúc 11:45 A.M. ông gởi một điện báo cho Clark nhưng không đến được. Không có ai trực bên máy; rõ ràng nhân viên vận hành đang đi ăn trưa. Cuối cùng Campbell cũng gọi kết nối điện thoại yếu ớt với Clark và được một sĩ quan trẻ tuổi bảo đảm sẽ ngay lập tức chuyển thông tin cho chỉ huy căn cứ hoặc sĩ quan tác chiến.

                Lúc 12:10 P.M., tất cả phi công chiến đấu cơ ở Luzon hoặc là đang ở trên không hoặc trong tình trạng báo động – trừ những phi công ở Sân bay Clark. Viên sĩ quan trẻ tuổi đã chưa chuyển cảnh báo của Campbell. Không một chiến đấu cơ nào bay lên yểm trợ các Pháo đài Bay đang đậu.

                Lúc 12:25, 27 oanh tạc cơ bay ngang kiểu Mitsubishi mới gầm thét trên Tarlac, chỉ

cách 20 dặm về phía bắc. Mục tiêu của chúng là Clark, tại đó nhiều kỹ thuật viên mặt đất đang đi thơ thẩn từ các phòng ăn ra đến đường băng. Các nhân viên hậu cần đang chất bom lên các Pháo đài Bay khổng lồ chưa được sơn. Các phi công của 18 chiếc chiến đấu cơ P-40B, dưới quyền chỉ huy của Trung úy Joseph H. Moore, đang ngồi uể oải trong máy bay của họ đậu gần rìa sân bay gần các tường ngăn làm bằng các thùng dầu rỗng.

                Tại phòng ăn của Phi đội 30, các thợ cơ khí và phi hành đoàn oanh tạc cơ đang lắng nghe một bản tin Don Bell qua đài KMZH. “Có một báo cáo được xác minh,” Bell nói, “cho biết chúng sắp sửa ném bom Sân bay Clark.” Cả bọn cười rú lên và huýt sáo chế giễu. Tệ hơn nữa, còn có những người đến giờ chưa chịu tin là Trân Châu Cảng đã bị tấn công, đó chắc chắn là trò hù dọa để khiến mọi người lên ruột chơi.

                Những phi công Nhật trên 27 chiếc Mitsubishi đã có thể thấy một số lượng lớn oanh tạc cơ khổng lồ của Mỹ đang lấp lánh trong ánh mặt trời rực rỡ. Mục tiêu của họ lồ lộ một cách tức cười, đậu chường mặt ra đồng bằng rộng lớn trống trải với Ngọn Arayat vọt cao như một bảng hiệu chỉ đường cách sân bay 15 dặm về hướng đông. Ngay phía sau bay đến là 27 oanh tạc cơ nữa, và tít trên cao là 35 chiến đấu cơ Zero bảo vệ. Lúc đó là 12:35 P.M. Mười giờ sau Trân Châu Cảng, mọi nơi ở Sân bay Clark đều là vịt trời đang ngồi.

                Tại rìa sân bay, những vệ binh quốc gia New Mexico của Pháo đội Bờ Biển thứ 200 đang ăn trưa quanh các khẩu phòng không 37 ly, và 3 in-xơ của họ. Nghe tiếng la “Hải quân đến kìa!” Trung sĩ Dwaine Davis ở Carlsbad bèn chộp một máy quay phim và bắt đầu quay hình.

                “Tại sao họ lại ném thùng kẽm ra chi vậy!” ai đó thắc mắc.

                “Không phải thùng kẽm đâu, trời bọn Nhật khốn kiếp!” Rồi là tiếng gầm thét như âm thanh của một đoàn xe hỏa chở hàng ào ạt lao đến.

                Ở đầu kia của sân bay một trưởng phi hành đoàn của Phi đội Săn Đuổi thứ 20 la lên, “Trời đất quỷ thần ơi, chúng đến kìa!” Trung úy Joe Moore chạy như bay đến chiếc P-40B của anh. Theo sau là 6 đồng đội, anh nhảy vào buồng lái. Anh vọt lên không, quay cánh và xả hết tốc lực bay lên. Hai người khác  cũng bay thoát được, nhưng bốn người còn lại bị bom ném trúng.

                Còi báo động không kích kêu ré lên, nhưng các kỹ thuật viên mặt đất hình như bị trời trồng trước đội hình chữ V phía trên cao – cho đến khi những chuỗi bom bay đến họ trong hình rẽ quạt.

                Lần đầu tiên vệ binh quốc gia ở ụ pháo phòng không bắt đầu khai hỏa thực sự chứ không phải những lần tập dượt với cán chổi và những thùng gỗ. Đạn của họ nổ phía dưới các mục tiêu rất xa nhưng như thế cũng đã thỏa thuê và hớn hở vì được bắn đạn thật vào mục tiêu nghiêm túc.

                Rồi thình lình không có gì để nhắm bắn. Cái im lặng quá bất ngờ đến như một cú xốc. Hạ sĩ Durwood Brooks bước về phía đường băng với nỗi bàng hoàng. Ý tưởng về chiến tranh quá mới mẻ và khủng khiếp. Các thi thể và tứ chi rải rác khắp nơi. Anh thấy một người bạn,

một thanh niên 19 tuổi người Ba Lan, nằm trong một con mương hẹp. Do một tình cờ kỳ bí một viên đạn đã thổi tung anh như một quả bóng; anh trông gần như là trong suốt.

                Người ta bắt đầu túa ra từ các giao thông hào như những người mộng du, tạm thời tê liệt trước những tiếng kêu rên của những người bị thương. Những tòa nhà bị san bằng và những cuộn khói đen xoáy ra từ những đụn dầu trên khắp sân bay. Nhưng nhờ một phép lạ chỉ có một ít Pháo đài Bay bị hư hại.

                Trung úy Moore và hai người bạn đồng hành đang ra sức săn đuổi máy bay địch. Họ sửng sờ khi nhận ra là các chiếc Zero bay nhanh hơn và linh hoạt hơn, vọt lên cao với tốc độ gây kinh ngạc. Họ đã được đảm bảo là không có chuyện máy bay chiến đấu của Nhật ngon lành mặc dù các dữ liệu chính xác của những chiếc Zero này đã được gởi đến Bộ Chiến tranh bởi Đại tá Claire Chennault tài tình và “không giống ai” vào mùa thu 1941. Trưởng phi đoàn Phi Hổ [Nhóm phi công tình nguyện Mỹ đầu tiên trong không lực Trung Hoa vừa được thành lập: ND] này cũng đã nghiên cứu chi tiết cách thức làm thế nào các P-40B nặng nề hơn có thể bắn hạ các Zero nhanh hơn, nhưng thông tin này, nếu không bị xếp xó, có thể đã cứu mạng các phi công Mỹ bối rối đã hi sinh ngay lúc đó. Chennault không phải là loại người dễ bắt vào khuôn phép nên không được các cấp trên của ông coi trọng.

                Gần như không bị phản kích, các chiếc Zero bắt đầu bắn phá những Pháo đài Bay và những chiếc P-40B đang đậu. Họ được tiếp tay bởi 44 chiếc Zero đã vừa cày nát một căn cứ chiến đấu cơ gần đó và đang săn đuổi một trận tàn sát mới. Lần lượt từng chiếc Pháo đài Bay phát nổ khi đạn bắn bốc cháy thùng nhiên liệu. Một lần nữa trận tấn công lại ngừng đột ngột. Những đám khói đen kịt bay giạt khắp sân bay. Tất cả các chiến đấu cơ và 30 máy bay ném bom tầm trung và máy bay quan sát đều bốc lửa. Tất cả trừ 3 chiếc Pháo đài Bay đều bị phá hủy. Trong một trận không kích các phi công Hải quân Nhật đã làm tê liệt Không lực Viễn Đông của MacArthur. Mỗi một chiếc máy bay ném bom Nhật đều trở về bình yên, cũng như tất cả trừ 7 chiến đấu cơ.

                Đó quả là một trận Trân Châu Cảng thứ hai. Trong một ngày hai trong ba chướng ngại hùng mạnh nhất nhằm ngăn cản thắng lợi nhanh chóng của Nhật trong vùng Đông Nam Á đã bị hủy diệt: Hạm đội Thái Bình Dương và Không lực của MacArthur. Chướng ngại vật thứ ba là Lực lượng Z của Đô đốc Anh Phillips “Tí Hon”. Theo báo cáo trinh sát mới nhất của Nhật, Prince of Wales Repulse vẫn còn ở cảng Singapore – quá nông cho các ngư lôi qui ước phóng ra từ máy bay và được pháo phòng không bảo vệ.

                Phải chi có thể dụ hai con tàu lớn ra khơi.

                Ngay lúc đó chúng đang chạy theo hướng bắc về phía đoàn tàu Nhật.

                Ở Trân Châu Cảng đã kiểm kê có 18 tàu bị đánh chìm hoặc hư hại nặng; 188 máy bay bị phá hủy và 159 bị hư hại; 2,403 người Mỹ bị giết chết. Đó là một thảm họa, nhưng nó có thể đã là một đại họa. May mắn thay, các tàu sân bay đang ở biển và kẻ thù đã quên ném bom kho chứa xăng dầu ở Hải quân Công xưởng và khu tàu ngầm. Hơn nữa, gần như hầu hết các con tàu bị chìm hoặc hư hỏng sẽ mau chóng trở ra biển chiến đấu. Quân Nhật mất 26 máy bay và 5 tàu ngầm tí hon; 45 người trong phi hành đoàn đã chết, và 9 người trong tàu ngầm. Một, Thiếu úy Sakamaki, bị bắt làm tù binh khi tàu ngầm anh mắc cạn trên bờ bên kia của Oahu.

                Lúc hoàng hôn, khói vẫn còn bốc ra từ hạm đội tan tác. Qua một cơn mưa râm ran mùi hăng hắc của dầu, lửa và chết chóc dầy đặc và buồn nôn. Tin đồn nuôi dưỡng tin đồn: 8 đoàn vận tải của Nhật được trông thấy chạy vòng qua Barbers Point . . . máy lượn và lính dù Nhật đã đổ xuống Kaneohe . . . những lính dù khác đang tiến xuống các cánh đồng mía hướng tây nam của Đảo Ford, còn những người khác ở Thung lũng Manoa.

                Báo cáo chính thức của Hải quân thậm chí còn tuyên bố rằng các lính dù trong quân phục xanh có biểu tượng Mặt Trời Mọc đang đổ xuống bờ biển phía bắc. Các thành phần của đạo quân thứ năm, bọn phá hoại và gián điệp được báo cáo ở mọi nơi – lái taxi, bồi bàn, công nhân làm vườn, bán tạp hóa. Bọn họ đã dùng xuồng tam bản lái vòng quanh Oahu để dẫn dắt người Nhật tìm đến mục tiêu của mình; họ đã lái những xe giao sửa xuống đường băng sân bay, đụng gãy các đuôi máy bay Mỹ; họ đã đầu độc các hồ chứa nước – tóm lại, không có điểm dừng của những trò quái ác của họ. Thực ra là họ không làm gì hết, nhưng người chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn các kẻ không kích đến đúng mục tiêu, Takeo Yoshikawa, vẫn còn ẩn nấp phía sau vỏ bọc là một nhân viên bé nhỏ của lãnh sự quán. *

  • Lý lịch thực sự và sứ mạng của anh chỉ được khám phá sau chiến tranh.

                Không thể bình yên khi đi ra ngoài trong đêm tối. Mỗi vật thể di động là một mục tiêu cho một tay súng nhát gan. Ở Wheeler ai đó nghe một phi công đề cập đến hơi độc, và báo động được vang lên. Ở Hickam một cảnh vệ trông thấy một bóng người lờ mờ – đó là người bạn vừa đi vệ sinh ra – liền khai hỏa vài phát điên cuồng, và thế là một loạt hỏa lực phòng không khai hỏa thêm, khiến thêm nhiều người bị thương tích.

                Ở Đồn Ford sáu máy bay từ tàu sân bay Enterprise đang quay về sau cuộc truy tìm vô vọng các tàu sân bay của Nagumo. Mặc dù có báo cáo ra-đa, họ lại tìm kiếm ngược lại ở hướng tây nam. Lần này Trân Châu Cảng không bị bất ngờ và máy bay lập tức bị quét bởi hỏa lực phòng không. “Thành tích” gần như là hoàn hảo: trong 6 chiếc, 4 bị phá hủy và một bị hư hại.

                Thành phố Pearl bị tắt hết điện, nhưng cảng vẫn còn sáng rực nhờ lửa từ các con tàu bốc cháy. Những lóe sáng lấm tấm trên con tàu Oklahoma bị lật ngang. Người ta dùng lửa hàn để cắt vỏ tàu hòng giải cứu những đồng đội đang chết ngạt bên trong.

                Có những người bị kẹt bên trong tàu West Virginia, nằm dài trên thanh dằn nằm ở đáy cảng. Một túi lớn không khí giúp khoảng 60 người sống sót được. Họ gõ vào thành tàu một cách vô vọng mong kêu gọi được sự chú ý người đến tiếp cứu.

                Lý do của thảm họa sẽ được tranh cãi một cách chua chát nhiều năm sau đó. Lột khỏi cái vỏ chính trị và tính cách cá nhân, những lý do thì đơn giản. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã đảm bảo là người Nhật không thể tiến hành một lực lượng tấn kích bằng tàu sân bay (sau biến cố này họ còn tưởng Nagumo đến từ quần đảo Marshall), và không thể tưởng tượng rằng người Nhật “điên khùng đến mức” đi tấn công Trân Châu Cảng. Họ không là người duy nhất tin vào điều này. Chính Tham mưu trưởng Hải quân Nhật đã gán nhãn cho Chiến dịch Z là khinh suất.

                Theo một ý nghĩa sâu xa hơn, mỗi người Mỹ đều có trách nhiệm cho sự kiện này. Thảm họa sinh ra do một quốc gia không muốn đối diện với những sự kiện của một thế giới bị lôi kéo khỏi lộ trình vững chắc sau Thế Chiến I bởi cuộc cách mạng xã hội và kinh tế, được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa quốc gia và kỳ thị chủng tộc, và sự sắp xếp lại quyền lực ở cả hai bán cầu.    

1234

 

9 . “Những Năm Tháng Khốn Khổ Nằm Trước Mặt Chúng Ta ”

1

                Vào sáng thứ hai người Mỹ vẫn còn choáng váng bởi thảm họa quân sự tồi tệ nhất trong lịch sử của họ. Không có cảnh tượng hoảng loạn hoặc thậm chí kích động, nhưng những người lạ mặt trên đường phố nhìn nhau với một một nhận thức mới. Những vấn đề cá nhân bị che khuất bởi tai họa quốc gia. Những hiềm khích giữa phe chủ trương can thiệp và cô lập thình lình không còn ý nghĩa nữa.

                Bộ Chiến tranh sợ người Nhật sẽ tấn công bằng tàu sân bay vào kênh đào Panama hoặc các xưởng chế tạo máy bay trên bờ biển California. Nhiều nhân vật chính quyền nổi tiếng bổng trở nên hoảng loạn và một người đã điện thoại đến Nhà Trắng cho rằng bờ biển phía tây không còn có thể phòng thủ được và đòi phải lập một phòng tuyến chiến đấu trong Dãy núi Rocky.

                Trân Châu Cảng tạm thời đã làm tê liệt sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, nhưng nó còn có một tác động khác lâu dài hơn. Điện tín và thư từ từ dân chúng tràn ngập Nhà Trắng cam kết hỗ trợ và hợp tác toàn diện. Người Mỹ không bao giờ quên Trân Châu Cảng.

                Sau trưa thứ hai một chút, các thượng nghị sĩ, nghị sĩ và thẩm phán thuộc Tối cao Pháp viện bước vào phòng House.  Bà Toosevelt đang ở trong hành lang chen chúc người. Bà trông “khổ sở một cách sâu sắc,” nhớ lại thời gian lo lắng cho chồng và em trai khi Thế Chiến I xảy ra. Giờ bà có đến 4 đứa con trai đến tuổi nghĩa vụ. Bên cạnh bà, theo lời yêu cầu của Tổng thống, là Bà Woodrow Wilson, một bà góa của một vị Tổng thống thời chiến khác.

                Ngay trước một giờ Nội các bước vào. Phát ngôn nhân Sam Rayburn gõ búa xin im lặng và thông báo, “Tổng thống của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ!” Roosevelt chầm chậm bước vào tựa trên cánh tay con trai James của mình. Tổng thống mở cuốn sổ giấy rời bìa màu đen và bắt đầu đọc: “Hôm qua, ngày 7 tháng 12 năm 1941 – một ngày sẽ sống mãi trong nỗi ô nhục – Hoa Kỳ bị các lực lượng không quân và hải quân của Đế chế Nhật Bản tấn công bất ngờ và có toan tính. . .”

                Diễn văn này, thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi những tràng vỗ tay, kéo dài trong vài phút. Kết luận, Tổng thống nói, “Tôi yêu cầu Quốc hội tuyên bố rằng kể từ khi có cuộc tấn công hèn hạ và không bị khiêu khích của Nhật Bản vào chủ nhật ngày 7 tháng 12 năm 1941, một tình trạng chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Đế chế Nhật đã tồn tại.”

                Roosevelt khép cuốn sổ tay trước tiếng vỗ tay như sấm dậy, tiếng hoan hô và la hét chống đối. Ông đưa cánh tay đón nhận, bám vào cánh tay con trai và rời bục gỗ. Lần đầu tiên kể từ khi trở thành Tổng thống, Roosevelt đã lên tiếng thay cho mọi người dân Mỹ. Nhân dân thuộc mọi khuynh hướng chính trị được gắn kết trong một tiếng nói phẫn nộ duy nhất. Các đảng phái chính trị, ít nhất trong lúc này, được quên đi. Mỹ đã tuyên bố chiến tranh toàn diện.

 

2.

                Lịm trong mưa và mây, Prince of Wales Repulse đang đi sâu vào Vịnh Thái Lan khi họ bị tàu ngầm Nhật I-56 phát hiện vào lúc 1:45 P.M. ngày 9 tháng 12. Lính truyên tin trên I-56 gởi ngay báo cáo, nhưng tĩnh điện quá xấu đến nỗi mặc dù anh cố gắng hết lần này đến lần khác anh không thể truyền đạt được ý mình. Phía bên kia vịnh, ở Saigon, Chuẩn Đô đốc Sadaichi Matsunaga của Không đội 22 của Hải quân tin chắc rằng hai tàu chiến này đang ở trong căn cứ nhà của chúng. Hai máy bay trinh sát vừa quay về từ Singapore với các tấm ảnh chụp cho thấy một vật gì đó trông như một trong hai tàu chiến lớn (thực sự đó là một bến tàu nổi khổng lồ).

                Lúc 3 P.M. thông điệp từ I-56 cuối cùng cũng nghe được ở Saigon: hai tàu chiến và 4 tàu khu trục của địch đang tiến về phía bắc với tốc độ 14 hải lý gần Đảo Procondor. Điều này nghe hình như hợp lý hơn báo cáo của máy bay trinh sát và vị đô đốc ra lệnh cho máy bay chuẩn bị tấn công trên biển. Trong khi các ngư lôi được lắp đặt, một nhóm đông các sĩ quan Quân đội tò mò đến. Phần nào họ đã biết được Hải quân đã lần được dấu vết của hai tàu chiến Anh. Mỗi máy bay cất cánh đều được hoan hô nhiệt tình.

                Ba mươi phút sau Chuẩn Đô đốc Phillips trên tàu Prince of Wales gởi hiệu lệnh cho tàu Repulse và đoàn khu trục hộ tống;

                CHÚNG TA ĐÃ ĐI MỘT VÒNG LỚN ĐỂ TRÁNH MÁY BAY TRINH SÁT VÀ HI VỌNG GÂY       BẤT NGỜ CHO KẺ THÙ NGAY SAU BÌNH MINH NGÀY MAI, THỨ TƯ. CHÚNG TA CÓ          THỂ GẶP MAY MẮN KHI THỬ SỨC SẮT THÉP CỦA CHÚNG TA VỚI CÁC TÀU KHU TRỤC               HOẶC TUẦN DƯƠNG NHẬT TRONG VỊNH THÁI LAN. CHÚNG TA CHẮC CHẮN SẼ THU                 ĐƯỢC THỰC TẬP HỮU ÍCH NÀO ĐÓ VỚI HỎA LỰC Ở GÓC CAO, NHƯNG DÙ ĐỤNG ĐỘ    BẤT CỨ THỨ GÌ TÔI MUỐN KẾT THÚC NHANH CHÓNG VÀ RÚT LUI AN TOÀN VỀ        HƯỚNG ĐÔNG TRƯỚC KHI QUÂN NHẬT CÓ THỂ TẬP KẾT QUI MÔ KHÔNG KÍCH      KHỦNG KHIẾP CHỐNG LẠI CHÚNG TA. VÌ THẾ, HÃY BẮN CHO CHÌM.

                Trong một ít giờ sau mỗi tàu trong Lực lượng Z đều nức lòng với sự mong đợi háo hức lặng thầm cho đến khi khoảng 9 P.M. họ được báo cáo là mình đã bị ba máy bay địch phát hiện và phải trở về Singapore. Mọi người đều công khai tỏ vẻ bất mãn và mỉa mai.

                Ba máy bay đã khiến Phillips “Tí hon” phải quay về là máy bay đồng minh và hoặc họ không nhìn thấy hạm đội Anh hoặc không thèm báo cáo việc đó. Vị đô đốc đang đọc một thông điệp từ tham mưu trưởng của mình ở Singapore: BÁO CÁO ĐỊCH ĐÃ ĐỔ BỘ VÀO KUANTAN – một điểm ở bờ biển phía đông của Mã Lai, nửa đường giữa Singapore và Kota Bharu. Gần như một giờ sau nửa đêm Lực lượng Z thay đổi lộ trình để tiến về Kuantan, tai đó không có một tên xâm lược nào đổ bộ. Một tàu ngầm khác của Nhật, I-58, thấy được hạm đội Anh lúc 2:10 A.M., ngày 10/12, và sau khi chỉnh hướng, bắn 6 ngư lôi vào Repulse. Tất cả đều trật. Không có ai trên tàu tuần dương này biết được mình vừa thoát chết trong gang tấc.

                Ngay sau bình minh Phillips bắt gặp một con tàu kéo và bốn xà lan trông rất khả nghi khoảng 100 dặm ngoài khơi Kuantan. Prince of Wales – hộ tống bởi 3 tàu khu trục, vì một tàu, Tenedos, đã trên đường về căn cứ để tiếp nhiên liệu – hướng về tàu kéo lúc 9 A.M.

                Ngay lúc này ba nhóm máy bay Nhật, tổng cộng là 96 máy bay phóng ngư lôi và ném bom bay ngang, và 10 máy bay thám thính cất cánh từ Saigon trước bình minh đã gần như mất hết hi vọng định vị được quân Anh. Các máy bay thám thính thực sự đang quay về nhà khi, qua đám mây, một trong số họ trông thấy hai chiến hạm lớn và ba tàu khu trục cách Kuantan 70 dặm về hướng đông nam. 15 phút sau, lúc 10:30 A.M., liên lạc điện đài cuối cùng được kết nối với 27 máy bay phóng ngư lôi của Không đội Kanoya. Ba phi đội của nó thay đổi lộ trình. Đại úy Haruki Iki, chỉ huy Phi đội thứ 3, quên cả mệt nhọc và đói khát. Phi đội gồm 9 máy bay của anh đang giữ danh hiệu “Hải quân Vô địch” và anh năng nổ muốn tự chứng tỏ bằng hành động. Vài phút sau, anh nhìn thấy, từ độ cao 10,000 bộ, thứ gì trông giống một máy bay quan sát của Anh đang lẫn trốn trong mây. Như vậy là kẻ thù đang ở gần.

                Không đội Genza cũng nhận được cùng một thông điệp. Đại úy Sadao Takai, chỉ huy Phi đội thứ 2, điện cho đồng đội và tất cả họ đều quay về hướng bắc-đông bắc, theo sau là Phi đội thứ 1. Mây bắt đầu dồn đống nhưng thỉnh thoảng Takai có thể trông rõ những vạt biển. Tay anh run lên. Anh có cảm giác muốn đi tiểu. Anh bèn nhớ lời vị chỉ huy của mình đã dặn dò trước khi cất cánh: “Hãy bình tĩnh và tập trung sức mạnh vào huyệt đan điền.”

                Trên tàu Repulse 26,500 tấn, thông tín viên CBS Cecil Brown mải mê chụp ảnh các pháo thủ đang chơi bài. Khi con tàu zíc zắc, anh chụp được ảnh chiếc Prince of Wales cách đó 1 dặm. Lúc 11:07 A.M. anh nghe loa phóng thanh vang lên: “Phi cơ địch đang tiến tới. Vào vị trí tác chiến!” Thình lình một hàng 9 máy bay lù lù xuất hiện ở phía nam. Chôn chân như phỗng trên kỳ đài, anh trông thấy một đám mây bom lúc lắc càng lúc càng lớn dần. Có tiếng thịch nặng chịt rồi con tàu rùng mình. “Lửa trên boong thuyền cứu sinh!” loa phóng thanh hét lên. “Lửa phía bên dưới!”

                Hai phi đội của Không đội Genzan tiến đến gần và Đại úy Takai nghe chỉ huy mình ra lệnh “Đội hình tấn công,” rồi “Xông vào!” Phi đội đầu tiên lướt qua Takai lao xuống từ từ. Takai bay theo sau. Chiến đấu cơ của địch sao không thấy? Pháo phòng không nuốt lấy Phi đội 1 nhưng không có hỏa lực nào đến gần Takai. Qua ống nhòm anh xem xét một tàu chiến lớn đang thả một vệt khói trắng. Nó trông chính xác như tàu chiến Kongo và máu anh sôi lên. Anh gọi quan sát viên qua ống nói, và người này run run đáp lại, “Em cũng thấy nó trông giống Kongo của chúng ta.”

                Takai hạ xuống 1,500 bộ trước khi biết chắc nó không phải là chiếc Kongo. Anh lẫn vào trong mây đế đánh lạc hướng kẻ thù và khi anh lao xuống qua lỗ hỗng giữa các đám mây một lần nữa anh cách mục tiêu mình chưa tới 2 dặm.

                Một hồi kèn vang lên trên tàu Repulse. “Hàng rào phòng ngự sẵn sàng!” loa phóng thanh thét lên. Mọi khẩu pháo đều thi nhau nổ khi 9 máy bay phóng ngư lôi của Takai chúc xuống. “Xem bọn vàng khốn kiếp đến kìa,” Brown nghe thấy ai đó lẩm bẩm. Các ngư lôi vỗ đập lên mặt biển từng cái một và lướt về tàu khu trục như thể có mắt thấy, nhưng Repulse, dù đã 25 tuổi, vẫn tránh được từng ngư lôi một với nét duyên dáng hiếm có của một khối kích thước đồ sộ. “Mấy thằng Nhật nhà quê táo tợn này,” một ai khác nói. “Đúng là một vụ tấn công đẹp mắt tôi mơ được thấy.”

                Trên đài chỉ huy Đại tá William Tennant đã vừa nhận thấy quả bóng “Không kiểm soát được” đã được kéo lên phía trên tàu Prince of Wales. Ông hỏi kỳ hạm đã bị hư hại ra sao nhưng không được trả lời. Tàu nghiêng 13 độ bên mạn trái và đi lắc lư với tốc độ 15 hải lý. Cả hai trục cửa lên tàu đã bị gãy văng ra trong đợt tấn công đầu tiên và bộ phận lái tàu không đáp ứng.

                Tennant điện cho Đô đốc Phillips, “Ơn trời , chúng tôi đến giờ đã tránh né được 19 ngư lôi,” và nói thêm là tất cả thiệt hại do một quả bom đang được khắc phục. Không trả lời. Tennant buộc lòng phải tự tiện đánh điện về Singapore: MÁY BAY ĐỊCH NÉM BOM. Thông điệp được nhận lúc 12:04 P.M. và 11 phút sau 6 chiến đấu cơ Brewster Buffalo vụng về nặng nhọc bay đi tiếp cứu.

                Tennant một lần nữa điện cho Phillips. Một lần nữa vẫn không có tiếng trả lời. Ông giảm tốc độ tàu Repulse xuống còn 20 hải lý và tiến về chiếc kỳ hạm để tiếp ứng. Ngay lúc đó một hàng hiểm ác các máy bay phóng ngư lôi xuất hiện ở chân trời.

                Đó là một phi đội từ khu vực thứ ba, Không đội Mihoro, do đại úy Katsusaku Takahashi chỉ huy. Như Takai, anh cũng tưởng con tàu trước mặt là của Nhật – cho đến khi hỏa lực nhắm về phía anh. Anh lao về lá cờ đô đốc trên Prince of Wales, nhưng vì con tàu quay đi, anh quay về hướng Repulse, cách đó 1 dặm về hướng bắc. Khi anh hạ thấp đến cao độ thấp hơn 200 bộ, phía sau là phi đội của mình, anh ước tính tốc độ tàu Repulse căn cứ vào sóng rẽ ở đuôi tàu. Anh điều chỉnh bộ phận nhắm đơn giản trước mặt. làm sao mình có thể bắn hụt một mục tiêu dài ngoằn như thế?

                Máy bay anh phía trên Repulse 2,500 bộ. “Sẵn sàng,” anh ra lệnh. Hoa tiêu kiêm cắt bom nắm chặt cần bắn. “Bắn!” Hoa tiêu kéo cần bắn lên. Máy bay lướt quá thấp trên con tàu khu trục đến nỗi Takahashi có thể trông thấy các thủy thủ mặc quân phục trắng bò lê tán loạn trước loạt đạn súng máy của anh. Khi Takahashi quay cánh bay lên anh hỏi, “Nó có rơi không?”

                “Không, thưa xếp.”

                “Tôi sẽ thử lần nữa.” Takahashi quành qua phải và bay đến từ một phía khác của tàu Repulse, nhưng thêm một lần nữa ngư lôi không chịu rơi. Gan lì, Takahashi quay vòng lại để thử lần thứ ba. Lần nay anh bắt đầu giật lên cái cần bắn của mình khi cách mục tiêu 1 dặm. Khi máy bay lướt qua Repulse anh và hoa tiêu vẫn còn cố loay hoay với cần bắn của mình mà không có kết quả. Nỗi bất mãn của họ thật cay đắng. Tuy nhiên, phi đội đã ghi được ít nhất một cú trúng đích. Repulse đang nghiêng về bên trái.

                9 máy bay của Đại úy Iki tiến đến gần. Iki hạ thấp bên dưới đám mây đến 1,300 bộ. Những lọn khói của pháo tự động nở rộ hai bên anh. Bản năng bắt anh bay lên nhưng anh phải tiến đến mục tiêu sát hơn. Anh lướt qua mặt nước ở độ cao 125 bộ vào bên trong bức tường lửa bắn ra từ Repulse. Khi cách tàu 1,800 bộ anh kéo cần bắn. Anh có nó trong tầm bắn bên sườn rộng rãi.

                Hỏa lực phòng không nổ lốp bốp trên cánh máy bay anh khi anh lượn cánh thật gắt  về bên trái. Tạm thời song song với con tàu, anh có thể phân biệt các thủy thủ trong bộ áo mưa nằm sát boong tàu. Máy bay phía sau anh, do Thượng sĩ Toshimitsu Momoi cầm lái, đã trở thành một quả cầu lửa. Phía sau, máy bay của Thượng sĩ Nhất Yoshikazu Taue, nổ tung và xác máy bay quay như chong chóng đâm xuống biển. Tại đuôi của của tàu tuần dương, có hai vụ nổ liên tiếp. Khi Iki bay lên để đợi sáu máy bay còn lại của anh, anh nhìn thấy một ngư lôi khác đánh trúng đích.

                Repulse xoay chiều như điên. Một ngư lôi đã đánh vào mạn phải, hai vào mạn trái. Ngư lôi thứ 4, của Iki, gây ra thiệt hại nhanh chóng nhất; nó đánh trúng gần phòng pháo, làm kẹt cứng bánh lái. Chiếc tuần dương đã tận số và Đại tá Tennant điềm tĩnh báo cáo qua loa phóng thanh, “Sẵn sàng bỏ tàu.” Ông khen ngợi các chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường cho con tàu và nói thêm, “Xin Chúa phù hộ các bạn.” Tàu nghiêng đến 70 độ. “Nào, quí vị, chúng ta tốt hơn ra khỏi đây ngay bây giờ,” ông bảo tham mưu của mình, nhưng chính ông thì vẫn chôn chân trên đài chỉ huy. Một vài sĩ quan đặt tay lên vai ông. Ông vùng vằng nhưng rồi họ cũng kéo ông đi.

                Các binh lính xếp hàng trong trật tự để bỏ tàu. Một thủy thủ trẻ cố lấn về phía trước thì một thiếu úy từ tốn nhắc nhở, “Nào, nào, tất cả chúng ta đi cùng hướng mà.” Khi con tàu vô nước càng nhiều, mũi nó dựng đứng lên và những ai còn ở phía trên bắt đầu thấy chóng mặt vì tàu lắc lư. Một người đâm bổ từ tháp kiểm soát phòng thủ xuống biển 170 bộ bên dưới, nhưng người tiếp theo té dập nát xuống boong tàu và người thứ ba văng vào ống khói tàu. Tại đuôi tàu một nhóm thủy quân lục chiến nhảy ra khỏi tàu – và bị hút vào chân vịt đang quay.

                Lúc 12:33 P.M. chiếc tuần dương lật qua, rồi với vẻ đường bệ nặng nề trượt xuống, mũi đi trước, đuôi đâm cao như “tháp nhà thờ,” bàn móng của nó một màu đỏ rùng rợn. Từ độ cao 5,000 bộ, Iki nhìn xuống đuôi tàu chỉa thẳng về phía anh mà không tin vào mắt mình. Repulse mất hút dưới biển. Điều này là không thể. Máy bay không thể đánh chìm một tàu chiến quá dễ dàng như thế. “Banzai, banzai!” anh hét lên và đưa cao hai cánh tay. Chiếc phi cơ, không được cầm lái, chúc xuống.

                Phi hành đoàn cũng hét lên một cách điên cuồng. Họ uống mừng bằng sake. Bên dưới, Iki có thể nhận ra hàng trăm chấm nhỏ trên mặt nước. Hai tàu khu trục đang cứu vớt những kẻ sống sót. Anh không hề nghĩ đến việc bắn giết họ. Người Anh đã chiến đấu quá dũng cảm, theo đúng truyền thống bushido [võ sĩ đạo]. Anh chưa học một điều rằng một kẻ thù được tha chết hôm nay có thể giết anh ngày mai.

                Bị trúng 5 ngư lôi, Prince of Wales đang lê lết khi 9 oanh tạc cơ bay ngang tiến đến. Lúc 12:44 P.M. bom rơi nghiêng nghiêng xuống. Chỉ một quả trúng đích nhưng nó làm con tàu chiến 35,000 tấn lảo đảo và nó bắt đầu chìm. Các thanh rầm của nó đã gần như bị cuốn trôi. Đại tá Leach ra lệnh mọi người bỏ tàu, trong khi ông cùng Đô đốc Phillips đứng bên nhau trên đài chỉ huy và vẫy tay chào binh lính của mình rời tàu. “Tạm biệt,” Leach nói với theo họ. “Cám ơn các bạn. Chúc may mắn. Chúa phù hộ các bạn.” Lúc 1:19 con tàu chiến – có biệt danh “H.M.S Không thể chìm” – sống tàu nặng nề lật qua bên trái như một con hà mã bị quật ngã và trong vòng một phút chìm mất hút, mang theo với nó vị đô đốc nhỏ con và Đại tá Leach.

                Sáu chiếc Buffalo ì ạch từ Singapore  đến nơi chỉ bắt gặp một bầu trời trống vắng máy bay Nhật. Trung úy phi hành T. A. Vigors tâm can chấn động nhìn xuống đám người đang vùng vẫy giữa biển. Họ vẫy tay và dơ ngón tay cái lên.

                Takahashi, người đã không thể phóng quả ngư lôi của mình, đang nửa đường về nhà. Khi nghe tin chiếc Prince of Wales Repulse bị tiêu vong lòng anh dâng lên một thứ tình cảm kỳ lạ – Hải quân Anh như là người anh cả. Anh cố chống lại cảm xúc, nhưng nước mắt cứ trào ra làm mờ cặp mắt kính. Đại úy Iki buồn thương cái chết của Momoi và Taue. Anh biết rằng ngư lôi của mình đã đánh trúng Repulse trước tiên nhưng báo cáo hai phát trúng đầu tiên là của hai đồng đội đã hi sinh. Đó là việc nhỏ nhất, việc cuối cùng anh có thể làm cho họ. Khi phi đội của Iki đáp xuống, các kỹ thuật viên hớn hở bu quanh mỗi phi cơ. Họ kéo phi hành đoàn ra và túm quăng họ lên không. Sau khi đã thoát khỏi trận đám thùm thụp của bạn bè, một phi công của Iki bảo anh, “Khi chúng tôi nhào xuống tấn công, tôi thật sự không đành lòng phóng ngư lôi của mình. Con tàu đẹp quá, đẹp quá.’

                Tại bộ tư lệnh  hải quân ở Tokyo, các sĩ quan cao cấp thấy khó khăn khi chấp nhận việc các tàu chiến giữa biển khơi có thể bị máy bay đánh chìm. Việc này có nghĩa là kết thúc cái quan niệm của họ về hải chiến. Các người làm việc trong ngành hàng không hoan hỉ. Những gì họ thuyết phục suốt một thập niên qua giờ được minh chứng. Chướng ngại thứ ba và cuối cùng đến thắng lợi ở Đông nam Á đã bị loại bỏ với giá của bốn máy bay.

                Rạng đông hôm sau Iki bay qua các ngôi mộ của Repulse Prince of Wales. Khi anh lướt qua xác những con tàu chìm anh ném xuống những bó hoa.

 

3.

                Khoảng thời gian Lực lượng Z trở về hướng Singapore, Adolf Hitler cuối cùng đến Berlin từ mặt trận phía đông. Ông ta lo lắng gấp đôi – bởi cuộc phản công khủng khiếp của Xô viết trước cửa vào Moscow và các tin tức từ Thái Bình Dương. Trong chớp nhoáng Trân Châu Cảng đã giải phóng cho kẻ thù chủ yếu của y nỗi lo lắng bị tấn công ở mặt đông; Stalin giờ có thể chuyển hầu hết sức mạnh của mình ở Á châu chống lại Đức. Nhiều tháng nay Quốc trưởng đã hối thúc Nhật đánh Nga và tránh cuộc chiến với Mỹ; đồng thời Tokyo ép buộc Đại sứ Hiroshi Oshima kiếm cho được những bảo đảm bằng văn bản là Hitler sẽ tấn công Mỹ nếu chiến tranh phát khởi, trong khi vẫn giữ lời hứa tấn công Nga để đáp lại.   

                Ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop bảo Hitler rằng Tướng Oshima đang yêu cầu tuyên chiến ngay lập tức với Mỹ nhưng nhắc nhở ông rằng theo các điều khoản của Hiệp ước Ba Bên, Đức chỉ bắt buộc hỗ trợ Nhật trong trường hợp Nhật bị tấn công trực tiếp.

                “Nếu chúng ta không đứng về phe Nhật, hiệp ước coi như chết về mặt chính trị,” Hitler nói. “Nhưng đó không phải là lý do chính. Lý do chính là Hoa Kỳ đã bắn vào tàu chúng ta. Họ đã là một nhân tố mạnh mẽ trong cuộc chiến này và qua hành động của mình họ đã tạo ra tình huống chiến tranh.”

                Ribbentrop chắc hẳn đã bối rối. Đây quả là một sự đảo ngược gây kinh ngạc với   quan điểm trước đây của ông ta là luôn giữ cho Mỹ bên ngoài cuộc chiến Âu châu với bất cứ giá nào, và hàng tháng trời Quốc trưởng đã chứng tỏ sự kềm chế đáng nễ trước các hành động khiêu khích của Hải quân Mỹ chống lại các tàu ngầm U của Đức ở Đại Tây Dương. Giờ bổng nhiên Hitler hình như chào đón một sự đoạn tuyệt ngang xương với quan điểm trước đây của mình. Có lẽ đó là kết quả của sự vỡ mộng vì tình hình đảo ngược ở Nga và ước muốn hòa nhịp với niềm vui chiến thắng của Nhật, hoặc có thể là mối hiềm khích gần như bệnh hoạn của ông đối với Roosevelt đã chế ngự ông. Dù lý do là gì, đó là một việc điên rồ, một lầm lẫn tâm lý chủ chốt, và chỉ giúp giải quyết một vấn đề nội bộ khác của Roosevelt. Như vậy Tổng thống không phải tuyên chiến với Đức, khỏi sợ mất sự ủng hộ từ một phân khúc có trọng lượng của người Mỹ. Sự đoàn kết quốc gia, đã tạo dựng được không ngờ ở Trân Châu Cảng, sẽ còn nguyên.

                Hitler bắt đầu lao vào những suy tưởng điên cuồng. Làm sao một xứ sở như Mỹ – “nửa Do Thái hóa, nửa Da Đen hóa” và “được xây dựng trên đồng đô la” – lại có thể mong đợi sự gắn kết? Ngoài ra, Trân Châu Cảng không thể đến vào một lúc thuận lợi hơn. Nga đang phản công và mọi người ở Đức bị đè nặng dưới sự tin chắc là sớm hay muộn Hoa Kỳ cũng nhảy vào trận xung đột.”

                Vào cuối ngày, sau khi ra lệnh Hans Thomsen, tùy viên ở Washington, đốt mật mã và các văn kiện mật, Ribbentrop nhận được một đánh giá của Thomsen rằng “trong vòng 24 giờ Hoa Kỳ sẽ tuyên chiến với Đức hoặc ít nhất cắt đứt quan hệ ngoại giao.”

                Ribbentrop chắc mẫm Hitler sẽ tự mình ra lời tuyên chiến trước để giữ thể diện, và cảnh báo Thomsen không được thỏa thuận gì với Bộ Ngoại giao Mỹ.

                Vào ngày 11 tháng 12 Hitler triệu tập Reichstag [Quốc hội Đức]. “Chúng ta sẽ luôn luôn ra đòn trước!” ông ta nói như sấm. “Chúng ta sẽ luôn luôn phóng cú đấm đầu tiên!” Roosevelt cũng “điên cuồng” như Woodrow Wilson. “Đầu tiên ông ta sẽ kích động chiến tranh, rồi bóp méo nguyên nhân, sau đó lố bịch khoác bộ áo choàng giả đạo đức của Cơ đốc giáo và từ từ nhưng chắc chắn dẫn dụ nhân loại đến chiến tranh, mà không quên kêu gọi Chúa làm chứng cho cuộc tấn công lương thiện của mình. . .

                “Tôi cho rằng các ngài giờ đây đã thấy nhẹ nhõm, khi cuối cùng một quốc gia lần đầu tiên đã tiến một bước phản kháng chống lại cách hành xử bệnh hoạn, vô sỉ, độc nhất trong lịch sử của sự thật và công chính.  .  . Sự kiện chính phủ Nhật, đã đàm phán hàng năm trời với người đàn ông này, cuối cùng đã trở nên mệt mõi vì bị y chế giễu theo một cách thức không xứng đáng như thế, giờ đây rót đầy tâm khảm tất cả chúng ta, nhân dân Đức, và tôi nghĩ, tất cả các nhân dân tử tế khác trên thế giới, sự thỏa mãn sâu sắc. . .

                “Do đó tôi đã chuẩn bị các sổ thông hành để trao cho các tùy viên Mỹ hôm nay, và sau đó . . .” Lời nói của ông ta bị nhận chìm trong tiếng hoan hô vang dậy.

                “Chính quyền Quốc xã vì vậy cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và tuyên bố rằng trong những tình huống này, do Tổng thống Roosevelt gây ra, Đức cũng coi mình đang lâm chiến với Hoa Kỳ, kể từ hôm nay.” Sau đó cùng ngày Đức, Ý, và Nhật ký một hiệp ước ba bên mới xác nhận “quyết tâm không hề lay chuyển của họ là không buông bỏ vũ khí cho đến khi cuộc chiến liên kết chống lại Hoa Kỳ  và Anh đạt đến thắng lợi cuối cùng,” và cam kết không chấp nhận một nền hòa bình riêng lẻ dưới bất kỳ tình huống nào.

                Oshima trải tấm bản đồ để tóm tắt với Hitler về chiến tình trên Thái Bình Dương. “Sau khi chiếm Singapore, Nhật sẽ quay hướng sang Ấn,” ông nói và đề nghị Đức nên đồng thời mở những chiến dịch cùng với Nhật. “Khi Nhật tấn công Ấn từ hướng đông, sẽ thuận lợi nhất nếu binh lính Đức đe dọa Ấn từ hướng tây.” Hitler từ chối cam kết nhưng hứa sẽ xua quân qua vùng Caucasus đến tận Iraq và Iran. Ông ta muốn lấy dầu của họ.

                Ngày mà Hitler tuyên chiến với Mỹ, các báo cáo đến được Manila nói về một chiến thắng vang dội của Đồng minh trong Vịnh Lingayen đêm hôm trước. Sư đoàn 21 của Quân đội Phi Luật Tân đã đẩy lùi cuộc đổ bộ chủ lực của Nhật. Hầu hết tàu xâm lược đã bị đánh chìm và bãi biển vương vải thi thể lính Nhật.

                Nhiếp ảnh viên báo Life Carl Mydans không thể tìm thấy một thương vong nào dọc theo Vịnh Lingayen. Trừ các binh lính Phi Luật Tân thơ thẩn bên các vũ khí của họ, bãi biển vắng tanh. Một thiếu tá Mỹ vui nhộn giải thích rằng chỉ cần một con thuyền không nhận diện được xuất hiện ở cửa Sông Agno đã kéo theo một loạt đạn dữ dội từ mỗi khẩu súng trong khu vực, từ súng 155-mm đến súng lục. (Mục tiêu của họ, một thuyền máy của Nhật đi thám thính, đã thoát được an toàn và khuyến nghị rằng cuộc đổ bộ chủ lực, sẽ tiến hành 11 ngày tới, nên được triển khai ở mũi phía bắc của vịnh, cách đó 30 dặm, nơi gần như không có lực lượng phòng vệ bãi biển.)

                Thiếu tá LeGrande A. Diller, trưởng bộ phận báo chí của MacArthur, phát đi một thông cáo bằng cách nào cuộc đổ bộ của kẻ thù đã bị ngăn chận. Trong khi những phóng viên khác đang đánh điện các bài báo của mình, Mydans níu áo Diller. “Này,” anh nói, “Tôi vừa đến Lingayen và ở đó không có đánh đấm gì cả.”

                Diller dí một ngón tay vào thông cáo của ông. “Ở đây thì nói như thế đấy.”

                Câu chuyện về “Trận đánh Vịnh Lingayen” kéo theo một làn sóng tự hào và khoan khoái cho người Mỹ. Tờ New York Times đăng tít lớn số chủ nhật đó: LỰC LƯỢNG NHẬT BẢN BỊ QUÉT SẠCH Ở TÂY LUZON. Vịnh Lingayen đã lấy lại khỏi tay người Nhật theo một cách thức đầy xúc động. Tờ United Press còn đi xa hơn: đã nổ ra một trận đánh kéo dài ba ngày ở Vịnh Lingayen; 154 thuyền đổ bộ của địch bị đánh chìm mà, phép lạ của những phép lạ, không có tới một kẻ thù đến được bờ mà còn sống.

                Buổi sáng sau khi thông cáo về Vịnh Lingayen, một thông cáo khác báo về một thắng lợi thứ hai ở Phi Luật Tân: Đại úy Colin P. Kelly, Jr, đã “tấn công thắng lợi tàu chiến Haruna, đặt con tàu đó ngoài vòng chiến đấu.” Phi hành đoàn Pháo đài Bay của Kelly đã trông thấy một tàu chiến lớn ngay ngoài khơi bờ biển bắc của Luzon và người cắt bom, Hạ sĩ Mayer Levin, bỏ 3 quả bom nặng 600 cân. Hai quả trượt mục tiêu nhưng một quả rơi xuống ống khói và khi những đám khói đen bùng lên, phi hành đoàn B-17 tin chắc là con tàu đã bị thương tích chết người.

                Trên đường trở về Sân bay Clark, máy bay Kelly bị một chiếc zero vồ lấy – phi công của nó là Saburo Sakai, đã là một phi công xuất sắc, hạ trên 10 máy bay địch. Chiếc Pháo đài Bay bốc cháy và Kelly ra lệnh người mình nhảy dù khỏi máy bay. Pháo đài Bay nổ tung với Kelly bên trong và lao thẳng xuống một con đường đất ở chân Núi Arayat. Kelly đã hi sinh mạng sống mình để phi hành đoàn của mình được sống, và người Mỹ có được một siêu anh hùng đầu tiên trong Thế Chiến II. Sự dũng cảm của Kelly xứng đáng được truy tặng huy chương D.S.C [Huân chương Chữ Thập dành cho chiến công xuất sắc], nhưng anh không đánh chìm tàu Haruna, cách đó 1,500 dặm trong Vịnh Thái Lan. Không hề có một tàu chiến nào gần Phi Luật Tân lúc đó. Không có thứ gì trong khu vực bị đánh chìm hoặc bị hư hại nặng nề, nhưng các sự kiện thậm chí càng lúc bị bóp méo sau mỗi lần kể lại. Phiên bản phổ biến,nhất, phiên bản mà nhiều người Mỹ còn giữ lại, là việc Kelly nhận được Huy chương Danh dự (mà thực sự là không) khi đâm máy bay mình vào ống khói của tàu Haruna để trở thành phi công tự sát đầu tiên của cuộc chiến.

                Cùng lúc đó công luận bị ru ngủ khi quá tin vào những bản tin từ Clark Lee, thông tín viên của Associated Press ở Manila, chuyên chế giễu khả năng của các chiến binh Nhật và chất lượng của trang thiết bị của họ. Một nhà báo có năng lực, Lee chỉ lặp lại những gì ông được các quân nhân Mỹ kể lại: “Quân đội Nhật là một đám hỗ lốn bọn trẻ ranh không được huấn luyện, quân phục bừa bãi, chừng 15 đến 18 tuổi, trang bị súng nhỏ nòng và được xua về phía trước bằng một quyết tâm vô vọng tấn công hoặc chết.” Đạn súng trường nòng .25 và súng máy của họ thậm chí không thể giết chết người. “Đánh trên đất chúng cũng không ra cái thá gì,” ông dẫn lời một đại tá kỵ binh. “Chúng ta đánh chúng tan tác ba lần và chỉ bị đánh bại bởi xe tăng và máy bay của chúng. Khi xe tăng và máy bay chúng ta đến tham chiến chúng ta sẽ săn đuổi chúng ra lại biển. Bọn Charlie này – chúng tôi gọi chúng là Charlie – không biết bắn. Bắn cả 5,000 phát mới trúng một người.”

                MacArthur cũng tự biết đó là những điều khôi hài. Vào năm 1905 ông đã nghiên cứu cả khối báo cáo về Cuộc chiến Nga-Nhật do những quan sát viên quân sự Mỹ, bao gồm Tướng John J. Pershing viết: “Sự thông minh, lòng ái quốc, sự tiết độ, sự phục tùng, và sự tôn kính bẩm sinh với cấp trên được qui định hợp pháp sẽ đi xa đến thành tựu thắng lợi. Khi bổ sung vào phẩm chất này sức mạnh thể chất, tình yêu thiên nhiên và các môn thể thao, tổ chức hiện đại, vũ khí, trang bị, và rèn luyện quân sự tinh thông chúng ta sẽ có một quân đội đáng tự hào. Tất cả những điều này được tìm thấy ở quân đội Nhật Bản.”

                Một quan sát viên nhận xét rằng những người Nhật bị thương tích “lạc quan một cách kỳ lạ cho dù vết thương nặng đến đâu, các binh sĩ bị bắn qua đầu, cổ, thân, chân và tay được nhận xét là vẫn đi đứng tới lui hoặc nhảy lò cò tùy trường hợp, nhưng vẫn vui tính và sống động và dửng dưng với thương tích của mình. Họ cho thấy một sức sống phi thường, ít bị chấn thương tâm lý do thương tích gây ra hơn các binh lính Mỹ có cùng loại thương tích như tôi có dịp quan sát trong cuộc chiến Tây Ban Nha hay cuộc khởi nghĩa của người Phi Luật Tân.”

                Giai đoạn đầu của kế hoạch bậc thầy của người Nhật đang tiến hành chỉn chu trên chiến trường cũng như trên bàn mô hình. Sự hỗn loạn ở Mã Lai chỉ ngắn ngủi và Tướng Yamashita đang xua quân dấn xuống bán đảo về hướng Singapore. Xa hơn về phía bắc, ở Hong Kong, các binh lính Ấn, Tô Cách Lan và Canada trên lục địa Trung Hoa di tản qua con vịnh hẹp đến hòn đảo. Các binh sĩ bại trận lũ lượt đến gây tình trạng gần như hoảng loạn, vì nó cho thấy rõ ràng vị thế quân sự của người Anh trong thực tế vô vọng như thế nào.

                Bên ngoài Thái Bình Dương, đảo Guam của Mỹ đã thất thủ sau một trận đánh ngắn ngủi trong đó 17 người Mỹ và Guam và 1 người Nhật bị giết chết. Nhưng ở Đảo Wake, cách Honolulu 2,000 dặm, sự kháng cự của người Mỹ thật điên cuồng. Lực lượng Xâm chiếm Đảo Wake của Chuẩn Đô đốc Sadamichi Kajioka – một tàu tuần dương nhẹ, 6 tàu khu trục, 2 tàu vận tải và bộ phận đổ bộ gồm 560 thủy thủ được huấn luyện thành bộ binh – bị đánh bật vào buổi sáng ngày 11/12 bởi một lực lượng đồn trú nhỏ dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Thủy quân Lục chiến James Devereux. Kajioka tập họp lại, được chi viện từ Kido Butai đang trên đường trở về Nhật, và tiến hành một cuộc tấn công thứ hai sáng sớm ngày 23/12 với 830 người.

                Trên bãi biển Devereux có 250 Thủy quân Lục chiến, 100 dân tình nguyện và không hơn một ít đạn dược. Quân phòng thủ chiến đấu một cách tuyệt vọng đến viên đạn cuối cùng, và vào lúc 8:30 Devereux bắt buộc phải bước ra khỏi vị trí chỉ huy tơi tả với miếng giẻ trắng gắn trên gậy lau sàn nhà và đầu hàng một sĩ quan Nhật. người này mời Devereux một điếu thuốc và nói y đã tham dự Hội chợ San Francisco năm 1939. Chiều đó Đô đốc Kajioka, vận quân phục trắng tinh tươm, đeo huy chương và kiếm, đến bờ biển để chính thức làm chủ hai rưỡi dặm vuông bãi đá san hô. Nó được đặt tên lại là Đảo Chim.

                Nhật Bản chào đón những người hùng Trân Châu Cảng về đất mẹ bằng những lễ mừng và những bài diễn văn hoa mỹ nhưng Yamamoto nhắc nhở binh sĩ mình đừng ngủ quên trên chiến thắng: “Trước mặt còn nhiều trận đánh hơn nữa.”

                Phó Đô đốc Nagumo được lệnh về Tokyo cùng với các chỉ huy của hai đợt tấn công, Mitsuo Fuchida và Shigekazu Shimaqzaki, để báo cáo lên Thiên hoàng. Hoàng cung Nội thị đã đặt ra một loạt các câu hỏi mà Thiên hoàng sẽ hỏi, và Kusaka đã soạn ra câu trả lời từng chữ một để Nagumo không lỡ nói ra những từ thế tục của vùng Aizu quê mùa. Tất cả đều suông sẽ đối với cử tọa cho đến khi Thiên hoàng bắt đầu cắt ngang bằng những câu hỏi. Trong khi hai sĩ quan cấp dưới của ông bối rối toát cả mồ hôi, ngài Nagumo chân chất quay ra sử dụng những từ thông tục, gọi người Mỹ là koisu (thằng này) và aitsu (thằng nọ). Các câu trả lời làm Thiên hoàng thích thú đến nỗi buổi tiếp kiến dự định 15 phút kéo dài ra đến thêm nửa giờ. Ngài hỏi Fuchida có tàu y tế nào bị đánh bom hay các máy bay huấn luyện hay dân sự bị bắn rơi. Thay vì trả lời qua sự hỗ trợ của viên chức triều đình, Fuchida hóa ra bối rối đến nỗi anh trả lời trực tiếp là không có bộ phận phi quân sự nào bị tấn công. Đó là thời khắc khốn khổ đối với Fuchida – một thử thách tệ hơn, anh nghĩ, cả cuộc không kích.

                               Roosevelt, Churchill và Stalin đoàn kết chống lại Hitler, nhưng lúc này hai người trước đang rất cần sự hỗ trợ từ phía bên kia của thế giới. Tại Moscow, Ngoại trưởng Anthony Eden lịch sự đặt câu hỏi với Stalin vào giữa tháng 12: liệu ngài có tham gia với Đồng minh và tuyên chiến với Nhật Bản không? Stalin giải thích rằng ông phải bắt buộc rút quân từ vùng Viễn Đông để chống đỡ Hitler và không nghĩ là mình có thể thay thế họ trong ít hơn 4 tháng. Ông không thể tuyên chiến với Nhật Bản hay khiêu khích họ cho đến khi những lực lượng này mạnh lên trở lại. Có thể trước lúc đó Nhật Bản sẽ giải quyết bài toán bằng cách tấn công Nga: ông thiên về ý kiến điều này sẽ xảy ra, vì sẽ rất khó để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân cho một trận chiến khác hàng ngàn dặm về phía đông.

                Lạ thay, ông tin rằng sự thành tựu hàng không của Nhật sẽ không có được nếu thiếu người Đức, đã – theo một báo cáo mật – đóng góp đến 1,500 phi cơ và hàng trăm phi công.

                “Chắc chắn người Nhật đã cho thấy có nhiều kỹ năng hàng không hơn là chúng ta tưởng,” Eden nhận xét một cách lịch sự.

                “Chúng tôi đã có kinh nghiệm không chiến với người Nhật và chúng tôi cũng đã nghiên cứu họ kỹ lưỡng ở Trung Hoa trong một thời gian rất dài, và tôi đã đi đến kết luận là đây thực sự không phải là cuộc chiến của Nhật. Tôi nghĩ một số phi công Nhật được đào luyện ở Đức, và còn lại là những phi công Đức.”

                “Ngài nghĩ họ đến đó bằng cách nào?”

                “Chắc hẳn qua ngõ Nam Mỹ.”

                Eden xin lỗi vì đã không gởi 10 phi đội đến mặt trận Nga; họ phải đi đến Singapore.

                “Tôi hiểu mà và không phản đối gì,” Stalin nói.

                “Tôi rất lấy làm đáng tiếc.”

                “Tôi hiểu rõ vị thế và biết tình hình đã chuyển biến. Chúng tôi cũng có những thời kỳ khó khăn của mình.”

                “Tôi rất trân trọng tinh thần câu trả lời của ngài,” Eden nói, “và nếu bánh xe quay trở lại một lần nữa chúng tôi sẽ rất vui sướng hỗ trợ.”

                Về phần mình, Stalin lấy làm tiếc vì không thể giúp đỡ ở Viễn Đông. “Giờ thì chúng tôi không thể làm gì, nhưng đến mùa xuân chúng tôi sẽ sẵn sàng, và sẽ hỗ trợ.”

                Eden thử kỳ kèo một lần nữa sự cam kết xác định hơn và sử dụng tình hình tồi tệ ở Mã Lai như một cái cớ.

                “Nếu Liên bang Xô viết tuyên chiến với Nhật,” Stalin trả lời, “chúng tôi phải tiến hành một trận chiến trên bộ, trên biển và trên không. Nó không giống Bỉ và Ba Lan tuyên chiến với Nhật. Kết quả là chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng các lực lượng liên quan. Hiện thời chúng tôi chưa sẵn sàng. . .  Chúng tôi sẽ thích hơn nếu người Nhật tấn công chúng tôi trước, và tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ làm việc ấy – chưa ngay bây giờ mà sau này. Nếu Đức chịu nhiều sức ép chắc chắn họ sẽ thúc giục Nhật tấn công chúng tôi, trong trường hợp đó trận tấn công có thể tiên liệu xảy ra khoảng giữa năm sau.”

                Điều này không làm Eden thỏa mãn. “Tôi sợ rằng trong lúc này người Nhật thực hiện một chính sách thanh toán các đối thủ của họ từng người một, và có thể ra sức kết liễu chúng tôi trước khi tấn công Liên baqng Xô viết.”

                “Vương quốc Anh không đánh Nhật một mình. Anh có đồng minh ở Trung Hoa, Đông Ấn thuộc Hà Lan và Hoa Kỳ.”

                “Cuộc tấn công chủ lực lúc này là vào Mã Lai, tại đó các đồng minh của chúng tôi không thể hỗ trợ nhiều,” Eden nói. Sáu tháng sau đây sẽ là thời khắc khó khăn nhất. “Chúng tôi phải chống đỡ đến cùng, và chúng tôi sẽ làm như vậy. Nhưng quả thật đó là một tình thế rất bấp bênh.” Dù vậy, chiến dịch Libya cũng không thể hủy bỏ chỉ để tăng viện cho Mã Lai. “Viển Đông phải giữ vững cho đến khi chúng tôi tìm ra cách gởi tăng viện đến.”

                “Tôi cho rằng như thế là ổn. Mắc xích yếu nhất của phe Trục là Ý, và nếu mắc xích này bị đập tan toàn bộ phe Trục sẽ sụp đổ.” Stalin không thể không nói thêm là nếu Anh đã tấn công Ý vào năm 1939, “thì họ sẽ không thể làm chủ tình hình ở vùng Địa Trung Hải như bây giờ.”

                Buổi chiêu đãi tối hôm đó kéo dài đến hừng đông và một vài sĩ quan – đáng kể nhất là Ủy viên Quốc phòng đầy màu sắc, Thống tướng Semen Timoshenko – đã say xĩn. Stalin bối rối quay sang Eden. “Các đại tướng của ngài có thường say rượu không?”

                “Họ ít có dịp để say” là câu trả lời có tính ngoại giao.

                Churchill đang ở trên tàu Duke of York, cách Vịnh Chesapeake một ngày đường, khi ông nhận được điện của Eden báo cáo là cuộc đối thoại với Stalin đã “kết thúc bằng một công hàm thân hữu.” Ông đang đi đến dự “Arcadia,” mật danh của cuộc hội nghị chiến sự đầu tiên giữa Anh và Mỹ và được đặt tên theo một địa danh ở Hi Lạp nổi tiếng về vẻ đẹp hồn nhiên thôn dã, đã trở thành một biểu tượng phổ quát. [Arcadia trong thi ca có nghĩa là nơi đồng quê thanh bình, hạnh phúc: ND]. Hội nghị, được thiết kế nhằm đề xuất những phương thức tốt nhất chống lại phe Trục, đã đi ngược với cái tên mà nó mang.

                Churchill và các tham mưu trưởng của ông toan tính sẽ làm chủ “Arcadia,” và lúc họ đến Washington vào tối ngày 22/12, họ đã soạn thảo một chương trình chi tiết: Đức là kẻ thù chủ yếu và đánh bại nó là chìa khóa đưa đến chiến thắng. Ý và Nhật sau đó sẽ nhannh chóng sụp đổ. “Theo ý kiến đã được xem xét của chúng tôi, do đó, chiến lược A-B [American-British] chủ lực là chỉ đưa tối thiểu lực lượng ra khỏi các chiến dịch chống lại Đức, điều đến các mặt trận khác để bảo vệ các quyền lợi sống còn. “

                Nhưng ngay từ buổi họp đầu tiên vào chiều hôm sau họ lập tức thấy ngay là người Mỹ không chỉ đến để nghe và tán thành. Họ nói rõ là chỉ có cuộc tấn công trực diện vào Đức mới mang lại thắng lợi và rằng khái niệm vận hành chiến tranh của người Anh không gì khác hơn là nhấm nháp bên rìa. Đó là một xung đột có thể hiểu được giữa một quốc gia đã bị vắt kiệt sau hơn hai năm chiến tranh và một quốc gia mới vào trận với nguồn tài nguyên và nhân lực gần như là vô tận. Đối với người Mỹ, chiến tranh giống như một cuộc thi đấu điền kinh và không suy nghĩ nhiều về những gì sẽ xảy ra khi hòa bình đến. Người Anh tinh tế hơn xem  chiến tranh như một sự tiếp nối mềm dẽo của chính sách, có thể có những bước ngoặt bất ngờ. Thậm chí người bạn tốt nhất mà người Mỹ có trong số các lãnh đạo quân sự của Anh, Sir John Dill, cũng tâm sự rằng Mỹ không có – “nhắc lại không có- khái niệm nhỏ nhất về ý nghĩa của chiến tranh, và các lực lượng vũ trang của họ chưa sẵn sàng cho chiến tranh hơn ta có thể tưởng tượng.”

               

4.

                Vào ngày Churchill đến Washington một lực lượng xâm lăng lớn gồm 85 tàu vận tải tiến đến Phi Luật Tân. Tàu ngầm Stingray đã trông thấy đoàn hộ tống kịp lúc để báo động cho Đại tướng MacArthur. Ông này tiên liệu người Nhật đổ bộ tại mũi phía nam của Vịnh Lingayen tại đó có bố trí lực lượng pháo. Người Nhật biết rõ về điểm tập trung này từ sau “Trận đánh Vịnh Lingayen” và chuẩn bị đổ bộ Quân đoàn 14 nhiều dặm phía trên bờ biển.

                Tư lệnh  Quân đoàn, Tướng Masaharu Homma, kịch tác gia nghiệp dư, đã từ lâu chống đối giải pháp chiến tranh. Ông đã trải qua 8 năm sống với người Anh, bao gồm phục vụ ở Pháp vào năm 1918 với Lực lượng Viễn chinh Anh và một lòng tôn trọng sâu xa đối với và hiểu biết ít nhiều về phương Tây. Tiếp sau sự thất thủ của Nam Kinh, ông đã công khai tuyên bố rằng “trừ khi hòa bình đạt được ngay tức thì điều này sẽ là thảm họa,” và rồi tâm sự với Tướng Muto rằng Tojo sẽ là một bộ trưởng chiến tranh tệ hại.

                Ít người trong số sĩ quan của ông biết họ đang ở đâu. Họ đã được bí mật chở đến Đài Loan và Pescadores  trước đó 5 ngày, và cho dầu các sĩ quan đó có biết được nơi đến họ cũng nhận được những chỉ thị ít ỏi nhất. Bộ phận đầu tiên trong số 43,110 binh lính của Homma bắt đầu lên tàu lúc hai giờ sáng ngày 22/12. Sóng cao gần như nhấn chìm những tàu đầu tiên, và phải mất 2 giờ rưỡi mới chất được hai tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn sơn pháo. 47 phút sau đó con tàu đầu tiên lên cạn trên một bãi biển gần thị trấn Agoo, nhưng nhiều tàu đổ bộ theo sau bị những đợt sóng gầm thét lật đổ nhào. Trên bãi biển họ không gặp sự kháng cự nào.

                Vào giữa sáng toàn bộ đợt đầu tiên đã đổ bộ và vị trí đầu cầu trên bãi biển đã được củng cố trước sự chống chọi dũng cảm của một tiểu đoàn Phi lẻ loi. Cuối chiều đó tất cả bộ binh và nửa số lượng xe tăng đã lên bờ và di chuyển về phía nam xuống Đường 3, một xa lộ tráng nhựa chạy dọc theo bờ biển đến Manila.

                Tại thủ đô MacArthur lo lắng đợi tin tức từ Vịnh Lingayen. Ông điện cho Marshall đề nghị các tàu sân bay mang máy bay xâm kích vào tầm ngắm của Phi Luật Tân: TÔI CÓ HI VỌNG GÌ DỌC THEO CHIẾN TUYẾN ĐÓ KHÔNG? Marshall trả lời rằng theo Hải quân, điều này là không thể và MacArthur phải trông cậy vào những máy bay đã được điều đến xa tận Brisbane ở Úc.

                Vào hừng đông các oanh tạc cơ còn lại của Tướng Brereton – 4 Pháo đài Bay – tấn công đoàn tàu của Nhật ở Vịnh Lingayen. Họ bỏ những quả bom 100 cân và sau đó quay về nam đến Úc. Homma tiếp tục xua quân về Manila và vào đầu giờ chiều tấn công một đơn vị án ngữ trên quốc lộ. Với 10 tuần huấn luyện ít ỏi, một ít binh lính Phi này biết cách thao tác các cây súng trường Enfield cổ lổ của họ. Họ vỡ tan và tháo chạy, bỏ lại pháo binh yễm trợ không được bảo vệ. Thiếu tướng Jonathan M. Wainwright (biệt danh “Da Bọc Xương”), chỉ huy mọi lực lượng ở bắc Luzon, điện thoại cho MacArthur xin phép rút lui phía sau Sông Agno.

                Không có không lực và hải quân yễm trợ, MacArthur phải từ bỏ giấc mơ cầm chân kẻ thù tại những bãi biển và bắt buộc phải quay về với kế hoạch đã được các người tiền nhiệm vách ra. Đó là Kế hoạch Chiến tranh Cam-3 (WPO-3] được sử dụng để rút lui các lực lượng Phi-Mỹ đến Bán đảo Batann nếu các cuộc đổ bộ của kẻ thù không thể chận đứng được. Ở đây, trong tầm nhìn của Manila, các binh lính phòng thủ có thể cố thủ lâu đến 6 tháng cho đến khi Hải quân đến yễm trợ. MacArthur đã từ lâu xếp xó chiến dịch này xem như chủ bại. Giờ đây tất cả điều ông có thể làm là gọi vào tham mưu của mình và nói, “Thực hiện WPO-3.”

                Tình hình tồi tệ hơn MacArthur đã lo sợ. Sáng hôm sau ông phát hiện ra rằng các lực lượng của mình đã bị mắc kẹt giữa hai gọng kềm khổng lồ. 24 tàu vận tải Nhật đã đổ bộ trong đêm tại Vịnh Lamon, 60 dặm chim bay phía đông nam Manila, và gần 10,000 lính của Sư đoàn 16 đang tiến đến Manila trong ba đạo quân. Lúc 10 giờ MacArthur ra lệnh cho Lực lượng Nam Luzon, hai sư đoàn, rút lui về Bataan. Trận đánh ở phía nam đã qua trước khi nó bắt đầu và MacArthur bắt buộc phải ra những chỉ thị chuyển bộ tư lệnh  của mình đến Đảo Corregidor giữa đêm khuya.

                Gần đó trong Tòa nhà Marsman, Đô đốc Hart bảo với Chuẩn Đô đốc Francis W. Rockwell, tư lệnh  Hải khu 16, rằng ông chuẩn bị chuyển bộ chỉ huy của mình về nam đến Borneo để có thể hoạt động cùng với hạm đội đang tác chiến. Rockwell sẽ nắm quyền chỉ huy tất cả lực lượng hải quân còn lại. Cuộc đối thoại của họ bị nhấn chìm trước tiếng gầm rú của máy bay và tiếng bom nổ long trời trong thành phố Walled. Họ có thể nhìn thấy những đám cháy trên khắp khu vực cảng. Bụi từ xi măng và đá bị nghiền nát trộn lẫn với những luồn khói đen cuồn cuộn bao trùm tòan bộ khu vực Sông Pasig.

                Tại Lâu đài Malacanan, Tổng thống Phi Luật Tân Manuel Quezon đang ca tụng thủ tướng của ông, Jorge Vargas, và José Laurel hi sinh không ai bằng cho lợi ích của nhân dân: “Hai ông sẽ ở lại đây và đối phó với người Nhật.” Ông ta và Phó Tổng thống Sergio Osmena sẽ tham gia với MacArthur tại Corregidor.

                Tất cả bốn người họ phải cam kết không được tiết lộ lệnh mà Quezon giao cho Vargas và Laurel. Nhưng dân chúng sẽ gọi tôi là tên hợp tác, Laurel phản đối. Ông suy sụp và cầu xin được tháp tùng Quezon đến Corregidor. Đó là trách vụ của Laurel, Quezon khẩn khoản, vốn đang hấp hối vì bệnh lao. “Phải có ai đó đứng ra bảo vệ nhân dân khỏi tay người Nhật.”

                Bên ngoài, đường phố tràn ngập các quân xa và các xe buýt đông ứ binh lính và đồ trang bị. Mọi xe đều hướng về bắc – đi đến Bataan, ở phía bên kia vịnh. Khi đem tối buông xuống, con tàu hơi nước  Don Esteban, chở theo MacArthur và hầu hết bộ tham mưu của ông, rẽ sóng qua con lạch nhỏ về hướng Corregidor, cách đó không đến 30 dặm. Đêm êm ả và trăng rất sáng. Ở khoảng xa, những đám lửa bốc lên từ các đụn dầu của Hải quân Công xưởng Cavite. Phần đông tất cả người trong bộ tư lệnh USAFFE đều mặc áo ngắn tay. Thật là một đêm Noel kỳ lạ dành cho người Mỹ.

                Bảy trăm dặm về phía bắc một pháo đài trên đảo khác sắp sửa thất thủ. Người Nhật chiếm giữ gần hết 32 dặm vuông vùng đồi núi của Hong Kong. Lực lượng Anh tách ra làm hai và những phòng tuyến cuối cùng của họ đang rệu rạo. Chỉ còn ít đạn dược và đủ nước cho một ngày nữa. Mặc dù sức kháng cự trên nội địa gây bất mãn, thì trên đảo sức chống đỡ rất kiên cường, chủ yếu nhờ quyết tâm của 1,759 chiến sĩ của Lực lượng Phòng thủ Tình nguyện Hong Kong. Bị binh lính chính qui gọi đùa là “công tử binh”, hỗn hợp gồm những thường dân bản địa người Anh, Eurasia, Trung Hoa và Bồ Đào Nha đã chiến đấu dũng cảm như bất kỳ binh lính nào khác.

                Vào sáng ngày Giáng sinh những chiến sĩ phòng thủ này bị tràn ngập và bị cắt đứt tại Bán đảo Stanley hẹp trên mũi phía nam của đảo, và những nhóm binh lính Nhật không kềm chế bắt đầu tàn sát kẻ bị thương và hiếp dâm những y tá Anh và Trung Hoa. Lực lượng chủ lực ở Victoria cũng sắp sữa bị giày xéo. Lúc chín giờ hai tù binh của Nhật – một thiếu tá Anh hồi hưu và một dân thường – được thả ra với thông điệp gởi cho Thiếu tướng C. M. Maltby, chỉ huy quân sự của đảo: tiếp tục chiến đấu là vô ích và người Nhật hứa sẽ ngừng bắn trong ba giờ cho người Anh quyết định.

                Maltby hưu chiến cho đến 3:15 trước khi bắt buộc ra lệnh cho các chỉ huy của mình chấp nhận đầu hàng. Đó là một kết thúc nhục nhã cho sự cai trị của Anh ở Trung Hoa – và cho dù chịu đầu hàng, những hành động dã man của binh lính Nhật vẫn tiếp tục tiếp diễn đến trọn đêm Giáng sinh.

                Đó cũng là một ngày Giáng sinh tối tăm ở Phi Luật Tân. Sáng đó MacArthur duyệt xét tình hình u ám tại bộ tư lệnh mới của ông ở Corregidor, một đảo nhỏ hình con nòng nọc cách Bán đảo Bataan ba dặm về phía nam trong cửa Vịnh Manila. Ai giữ được nó sẽ kiểm soát được vịnh, bởi vì nó dính vào cuống họng của vịnh như một mảnh xương. Pháo bờ biển, súng cối và dàn pháo phòng không thật khủng khiếp, và hệ thống đường hầm ma trận trong lòng đá cứng dưới Đồi Malinta cung cấp một chỗ trú ẩn tránh không kích được sử dụng làm bệnh viện, tổng hành dinh, cửa hàng và nhà kho.

                Đoàn xe cộ Mỹ chạy về hướng Bataan từ mọi ngã. Đường 3 bên ngoài Manila kẹt cứng xe tải, súng 155 chất lên xe ngựa, hải pháo trên xe tải, xe buýt, xe ô tô, xe bò. Một cặp pháo đặt trên hai đầu cầu ở Calumpit, 30 dặm bắc Manila, bắc qua Sông Pampanga rộng, không lội qua được, sẽ cắt đứt mọi lực lượng khỏi phía nam.

                Mười dặm bên kia cầu hàng xe cộ quay sang trái ở San Fernando về hướng bán đảo. Ở đây họ gặp xe của chủ lực quân của Wainwright chạy vào từ phía bắc. Kết quả là một vụ kẹt xe khủng khiếp và con đường từ San Fernando dẫn vào Bataan quá chật hẹp đến nỗi xe cộ phải lùi lại vào thị trấn trước trưa.

                Chính bán đảo cũng là một cảnh hỗn loạn bát nháo. Khi hàng ngàn dân chúng tị nạn hoảng loạn tháo chạy trước đoàn quân của Homma tràn về Bataan, người đi bộ, kẻ đi xe bò và ô tô đổ nát, các phân đội đơn vị đến để tìm kiếm một ít bảng và dấu hiệu chỉ đường và lang thang quanh quẩn trong hỗn loạn. Các chiến hào và đồn lũy ghi chú trong WPO-3 chỉ tồn tại trên giấy. Đáng ra dân làng phải được di tản trước nhưng ai đó chắc đã quên ra lệnh; họ trố mắt nhìn kinh ngạc một đoàn vô tận các xe tải, ô tô và súng ống ầm ầm chạy qua, phủ lên nhà tranh của họ từng lớp bụi dày.

                WPO-3 đề ra việc cung ứng lương thực trong 6 tháng, nhưng thực tế không đến một tháng. Nhiều tiếp tế đang trên đường đến bằng đường thủy, xe hỏa và xa lộ, nhưng còn được  bao nhiêu giờ nữa những con đường đến Bataan được giữ vững? Hi vọng duy nhất là binh lính của Wainwright có thể cản lại mũi tiến công của địch từ phía bắc thêm hai tuần nữa. Điều này sẽ cho các binh sĩ ở Bataan thời gian đào công sự phòng thủ trong khi Lực lượng Nam Luzon rút kui qua Manila và vào Bataan. Tốt nhất đó cũng chỉ là một hi vọng mỏng manh. Thế rồi một báo cáo chính thức gởi tới cho biết người Nhật đã xâm nhập phòng tuyến Sông Abno, thành lũy tự nhiên kiên cố cuối cùng giữa họ và Bataan. Có vẻ không chắc các binh lính phòng thủ kiệt lực và kém rèn luyện  có thể chận lại quân Nhật đủ lâu. Thậm chí không biết họ có thể giữ vững đến ngày đầu năm hay không?

                               Vào ngày Giáng sinh một thuyền bay chở một đô đốc đến Hawaii từ nội địa. Đó là Chester Nimitz, nhân vật được chọn để thay thế cho Kimmel và chỉ huy tất cả lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương. Tóc ông đã điểm bạc nhưng ông trông vẫn còn chải chuốt với đôi mắt xanh xuyên thấu.

                Trong một vài giờ Nimitz nhận ra điều mình đã lo sợ – quá nhiều tư tưởng bi quan. Tinh thần đã xuống tận đáy và ông nhận thấy cú sốc Trân Châu Cảng đã khiến các sĩ quan cao cấp bạc cả mái đầu. Ông triệu tập bộ tham mưu mà mình thừa kế, một số họ đang uống thuốc an thần theo lệnh bác sĩ quân y. “Sẽ không có thay đổi gì,” ông nói. “Tôi hoàn toàn đặt tin tưởng vào các bạn. Chúng ta đã bị quật một đòn đau điếng nhưng tôi không nghi ngờ gì về kết quả tối hậu.”

                Trong quyển lưu bút Học viện ông được mô tả như một con người vui tính và đáng tin cậy, và vẻ ngoài của ông toát ra sự thanh thản điềm tĩnh lan ra đến người khác. Nhưng ông hiểu sự phục hồi tinh thần hoàn toàn sẽ mất thời gian. Hạm đội Thái Bình Dương chưa sẵn sàng để giáng trả sức mạnh trong vài tháng tới.

                Những người sống sót cuối cùng trong nhóm người bị mắc kẹt bên trong con tàu chiến West Virginia bị chìm cuối cùng nằm bất động trên kệ thấp của phòng kho A-111. Trên vách ngăn là một tấm lịch có đánh dấu chữ X từ ngày 7/12 đến 23/12.

 

5.

                “Đây là một đêm Noel kỳ lạ,” Winston Churchill nói một cách xúc động. Ông đang đứng sát bên Roosevelt trên cổng phía nam của Nhà Trắng nói chuyện với một đám đông khoảng 30,000 người tụ tập trên sân cỏ phía nam trong buổi thắp sáng cây Giáng sinh truyền thống. “Hầu như toàn thế giới đang bị nhốt trong một cuộc chiến chết người, và với những vũ khí khủng khiếp nhất mà khoa học có thể chế tạo ra, các quốc gia dẫm đạp lên nhau . . . Ở đây, giữa cuộc chiến này, đang hoành hành và gầm thét trên mọi vùng đất đai và biển cả, đang bò lan gần hơn đến lò sưởi và mái nhà của chúng ta, ở đây, giữa tất cả những náo loạn,

đêm nay chúng ta hưởng được chút bình an tâm hồn trong mỗi nếp nhà tranh và trong mỗi trái tim quảng đại . . . Hãy cho các trẻ em được một đêm vui đùa đầy tiếng cười, hãy để những món quà của ông già Noel khiến trò chơi của chúng thêm vui vẻ. Người lớn chúng ta hãy chia sẻ hết lòng những niềm hoan lạc đầy ắp của chúng trước khi quay trở lại với nhiệm vụ nặng nề và những tháng năm khốn khổ nằm trước mặt chúng ta, quyết tâm, bằng lòng hi sinh và gan góc, để những đứa trẻ này sẽ không bị tước đoạt quyền thừa kế của chúng và bị khước từ quyền được sống trong một thế giới tự do và tốt đẹp.”

                Ông bảo với y sĩ riêng của mình, Lord Moran, rằng tim ông đập nhanh trong buổi lễ và muốn được bắt mạch. “Nó khiến tôi vô cùng xúc động,” ông ngọng ngịu nói một cách phấn chấn. “Đây là một cuộc chiến mới, người Nga thì chiến thắng, Nhật thì bước vào, còn Mỹ thì lên đến tận cổ.”

                Vào sáng ngày Giáng sinh Roosevelt dẫn vị khách của mình đến nhà thờ, nhận xét, “Thật là một điều tốt cho Winston có dịp hát thánh ca với tín đồ Giám lý hội.” Ông hát một bài mà ông chưa hề nghe nói trước đây – “Ôi Thị Trấn Nhỏ Bé Bethlehem.” Sau buổi lễ ông bỏ ra hàng giờ chuẩn bị một diễn văn đọc trước Quốc hội. Các thính giả của ông có tâm trạng như thế nào vào sáng ngày mai? Một số người không hữu nghị với người Anh chút nào.

                Họ nghe say sưa ngay từ lúc ông nói, “Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được mời bước vào Phòng Thượng viện Hoa Kỳ và nói chuyện với các đại diện thuộc hai ngành của Quốc hội. Tôi không khỏi phải suy nghĩ rằng nếu cha tôi là một người Mỹ và mẹ tôi một người Anh, thay vì điều ngược lại, tôi có thể tự mình có mặt tại đây.” Một tiếng la lớn rộ lên khi, nói về người Nhật, ông kêu lên, “Họ nghĩ chúng ta là loại dân tộc nào?” Ông tiếp tục, giọng ông lớn lên át cả tiếng ồn ào, khi lên tiếng một cách xúc động và đầy hiệu quả về nhiệm vụ còn nằm phía trước. “Ta không được ban khả năng ghé mắt nhìn vào những bí ẩn của tương lai. Nhưng, tôi thề với hi vọng và niềm tin của mình, chắc chắn và không thể xâm phạm, rằng trong tháng ngày sắp tới nhân dân Anh và Mỹ vì an ninh của riêng mình và tốt đẹp cho tất cả sẽ bước đi sát cánh bên nhau trong vẻ hùng tráng, trong công chính, và trong hòa bình.”

                Có tiếng vổ tay bùng lên tức khắc và nức lòng.

                Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ, tuy nhiên, không ở trong tâm trạng như thế. Họ vừa nghe tin là vị Tổng thống bốc đồng của họ đẩy xe lăn đến phòng Churchill vào đêm hôm trước cho một buổi họp đột xuất – và đồng ý xem xét việc cho người Anh sự tiếp viện đã được hứa với MacArthur nếu đường dây tiếp tế đến Phi Luật Tân bị cắt đứt. Các tham mưu trưởng của Mỹ nổi dóa kêu gọi đến Stimson, và ông này cũng “quá tức tối” đến nỗi ông lập tức gọi điện ngay cho Hopkins để nói Tổng thống sẽ phải kiếm một Bộ trưởng Chiến tranh mới nếu ông ta cứ tiếp tục có những quyết định cá nhân hào hiệp như thế. Roosevelt vội vàng chối là chưa có đề xuất nào như thế được thực hiện, và thề rằng mình chưa hề xem xét việc rút rỉa đồ tiếp viện nào cho MacArthur.

                Phiên họp toàn thể đầu tiên của “Arcadia” tiến hành chiều hôm đó trong một bầu không khí nặng nề, bức bối, và chính Roosevelt là người làm phía Anh choáng váng khi nói là mình không hài lòng là các tài nguyên có sẵn được sử dụng theo cách tốt nhất của họ. Các Tham mưu Trưởng có nghĩ đến khả năng về một quyền tư lệnh  thống nhất ở vùng Viễn Đông hay không? Ông lặp lai đề nghị của Tướng Marshall, người mà hôm qua đã bảo với các Tham mưu Trưởng Anh và Mỹ là “phải có một người chỉ huy toàn bộ mặt trận – trên không, trên mặt đất, và tàu chiến.”

                Churchill phản đối dữ dội. Sự thống nhất quyền chỉ huy chỉ tốt nếu có một mặt trận liên tục, như trong Thế Chiến I, nhưng trong vùng Viễn Đông một số đơn vị Đồng Minh cách xa nhau hàng ngàn dặm. “Tình hình ngoài đó là có một vài điểm chiến lược đặc biệt cần phải giữ nguyên, và chỉ huy trong mỗi địa phương hoàn toàn biết rõ mình phải làm gì,” ông lập luận. “Vấn đề  khó khăn là việc ứng dụng tài nguyên đến trong khu vực. Đây là vấn đề chỉ có thể được giải quyết bởi các Chính quyền có liên quan.”

                Lord Beaverbrook, Bộ trưởng Cung ứng, đưa cho Hopkins một tin nhắn:

                Anh nên làm việc về Churchill. Ông ta đang được hỏi ý kiến. Ông ta phóng khoáng và cần thảo luận.

                               Được cổ vũ như thế, Hopkins nói riêng với Churchill, “Đừng vội vàng bác bỏ đề nghị mà Tổng thống sắp sửa đưa ra cho ngài trước khi ngài biết ai là người chúng tôi đang nghĩ tới.” Đó là Tướng Archibald Wavell.

                Sáng hôm sau các Tham mưu Trưởng Anh gọi Churchill để nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận một quyền chỉ huy thống nhất trên nguyên tắc. Họ đề nghị chọn một sĩ quan Mỹ cầm đầu quyền tư lệnh ABDA (American, British, Dutch, Australia: Mỹ, Anh, Hà Lan, Úc). Churchill ngỡ là các Tham mưu Trưởng của mình sẽ vui mừng như ông khi nghe người Mỹ muốn chấp nhận Wavell. Nhưng họ giải thích đề nghị này chính là mẹo lừa của Roosevelt – Viễn Đông đang tan rã và Wavell sẽ bị đổ lỗi gây ra sự thất trận. Hãy để một người Mỹ nào đó nhận lấy chức vụ.

                Thái độ của họ không phù hợp với Churchill. Ông không thể tin Roosevelt “đang muốn di chuyển thảm họa lên vai chúng ta,” ông cũng không muốn chối bỏ trách nhiệm về Singapore cho người Mỹ. Hãy nghĩ những gì người Úc sẽ làm về chuyện đó! Thủ tướng John Curtin mới đây đã phát biểu trong một bài viết: “Nước Úc ngước nhìn nước Mỹ, mà không bị dằn vặt bởi những kết nối truyền thống hoặc tình thân với Vương quốc Anh.”

                Càng lập luận, ông càng nổi giận. Những ngờ vực của các Tham mưu Trưởng là điều sỉ nhục đối với Tổng thống – khi đề nghị của ông là một cử chỉ thân hữu, cao thượng – và ông sẽ không ủng hộ nó. Cuộc tranh luận kết thúc, nhưng nỗi bất mãn thì còn. Các Tham mưu Trưởng Anh cảm thấy họ đang trở thành những thành viên yếu thế dưới sự thống trị áp chế nhưng lịch sự của những người trẻ hơn họ.

                Mỉa mai thay, từ sự lộn xộn này phát sinh ra một trong những diễn tiến có ý nghĩa nhất của cuộc chiến – sự tái khẳng định một quyết định có trước, sự sáng lập một hệ thống

tư lệnh  thống nhất, một Tham mưu Trưởng Phối hợp với tổng hành dinh đặt ở Washington, thủ đô mới của nền dân chủ phương Tây. Sự thành tựu đáng kể này, do Marshall là cha đẻ và được Roosevelt nuôi dưỡng, đã biến thành hiện thực bởi đầu óc cởi mở của Winston Churchill. Ông nhìn vượt qua những chống đối và nghi ngờ của các Tham mưu Trưởng của mình, để củng cố sự đoàn kết khối Anglo-Saxon và đạt được những gì ông hướng đến: khẳng định rằng Hitler là kẻ thù chủ yếu và nhận thức rằng chiến tranh ở Thái Bình Dương, trong thời điểm này, chỉ là một hành động cầm cự.

                Vào sáng Năm Mới Roosevelt chuyển tâm trí mình từ quân sự sang chính trị toàn cầu. Ông được đẩy xe lăn vào phòng của Churchill với một phác thảo lời tuyên bố chung bởi 26 quốc gia chiến đấu chống phe Trục “để bảo vệ cuộc sống, tự do, độc lập và tự do tôn giáo, và để gìn giữ nhân quyền và công lý trong xứ sở của họ cũng như những nơi khác” bằng cách tham gia trận chiến chung chống lại “các lực lượng dã man và tàn bạo muốn tìm cách thống trị thế giới.” Theo Hopkins, Churchill chạy ù ra khỏi phòng tắm, mình trần như nhộng. (“Tôi chưa hề tiếp Tổng thống mà không có ít nhất một khăn tắm quấn quanh người,” Churchill nói.) Roosevelt xin lỗi và định quay ra nhưng Churchill nói, “Thủ tướng Vương quốc Anh không có gì giấu giếm với Tổng thống Hoa Kỳ.”

                Hai người đồng ý về phác thảo, sau này khai sinh ra Liên hiệp Quốc, và sau đó trong ngày cả hai cùng ký tên trong phòng làm việc của Tổng thống, cùng với Đại sứ Xô viết Maxim Litvinov và Ngoại trưởng Trung Hoa T. V. Soong.

                “Arcadia” kéo dài thêm hai tuần nữa. Nhiều việc đã hoàn thành, nhưng một số người  Anh vẫn còn bất mãn. “Người Mỹ đã được điều họ muốn và cuộc chiến sẽ được điều hành từ Washington,” Lord Moran viết trong nhật ký của mình, “nhưng họ sẽ không khôn ngoan nếu trong tương lai ép buộc chúng ta quá xấc xược. Chúng tôi rất khốn khổ về quyết định này, và  mức tối đa chúng tôi nhất trí là cố thử trong một tháng.”

                Còn Churchill thì về nhà trong tâm trạng vui vẻ, hồ hỡi về những số liệu về sản lượng liên kết gút lại: 45,000 xe tăng và 43,000 máy bay trong năm 1942, và 75,000 xe tăng và 100,000 máy bay trong năm tiếp theo. “Ông ta say sưa với những con số,” Moran bình luận.

                Các quyết định ở “Arcadia” được một mật vụ Nhật lấy được gần như ngay sau khi chúng được thực hiện. “Sutton,” viên thiếu tá Mỹ bị bãi chức, rút tin tức này từ những người bạn ở Câu Lạc Bộ Lục-Hải Quân ở Quảng trường Farragut và chuyển nó cho Đại tá Wachi, bậc thầy gián điệp ở Mexico City. Sutton tiết lộ rằng toan tính ban đầu của người Mỹ là tiến hành chiến tranh toàn diện chống Nhật sau đó đã thay đổi một cách mạnh mẽ và rằng Đồng minh sẽ tập trung vào việc đánh bại Hitler trong khi cầm chân Nhật càng lâu càng tốt. Y thậm chí còn có những chi tiết về kế hoạch cuối cùng để đánh bại người Nhật bằng những cuộc tấn công phối hợp của tập đoàn tàu ngầm và hạm đội chở những máy bay ném bom khổng lồ; các oanh tạc cơ này sẽ đánh phá Kyushu từ các căn cứ ở Trung Hoa trong khi tàu ngầm sẽ cắt tất cả đường biển đi đến đất nhà của Nhật.

                Đó là một tin đột phá, có tầm vóc như bất kỳ tin nào của Sorge. Wachi gởi nó về Nhật qua hai kênh: một đặc vụ Đức địa phương chuyên gởi những báo cáo về Berlin hầu như mỗi đêm bằng mật mã; và bằng thư máy bay thông thường (thông điệp được viết bằng thứ mực vô hình mua từ một đặc vụ Đức khác với giá 2,000 đô la) đến tùy viên hải quân Nhật ở thủ đô Buenos Aires của nước Achentina trung lập.

                Tin tức nhặt nhạnh được một cách cần mẫn bởi Thiếu tá Sutton đến Tokyo từ cả hai nguồn, nhưng bộ tư lệnh hải quân quá say sưa với các thắng lợi gần đây đến nỗi báo cáo chỉ được liếc qua sơ sài, và bị lãng quên.

5.png

Trong thành phố các cửa hàng đều được đóng kín bằng ván. Gần khu vực bến tàu Carl Mydans của tạp chí Life trông thấy các tên trộm cướp vơ vét các kho hàng, chúng cuỗm đi mọi thứ từ ô tô đến những cuộn phim chụp hình. Khi anh quay về Khách sạn Bayview vợ anh, Shelley trao cho anh một điện tín từ Life. Tòa soạn yêu cầu: MỘT CÂU CHUYỆN KHÁC MẮT THẤY TAI NGHE NHƯNG TUẦN NÀY CHÚNG TÔI MUỐN CÓ NGƯỜI MỸ Ở THẾ TẤN CÔNG.

                Cô đưa cho anh tin trả lời của cô: RẤT TIẾC YÊU CẦU CỦA ÔNG KHÔNG KIẾM ĐƯỢC Ở ĐÂY.

                Khói lửa hình như thâm nhập khắp Manila. Những kho dầu Pandacan cũng như các trụ sở Quân đội và Hải quân đều bốc cháy. Lúc 5:45 Thiếu tướng Koichi Abe dẫn ba tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 48 tiến vào Manila từ hướng bắc. Những hàng dài người Phi ủ rũ đón tiếp họ trong im lặng. Chỉ vài nhúm người Nhật vừa được thoát ngục mới hoan hô.

                Từ căn phòng khách sạn của mình nhà Mydans trông thấy ba đại đội binh lính và thủy thủ Nhật xếp hàng luộm thuộm trên sân cỏ trước khu cư ngụ của Cao Ủy Francis B. Sayre bên kia đại lộ. Cờ Mỹ ở cột cờ bị kéo xuống và ba khẩu pháo nhỏ khai hỏa khi nó tụt xuống đất. Một thủy thủ giẫm đạp lên nó và thay bằng một lá cờ có huy hiệu Mặt Trời Mọc. Khi lá cờ mới được kéo lên, ban nhạc phấn khởi chơi bài quốc thiều Nhật “Kimigayo.”

                                                               Thời trị vì của Thiên hoàng sẽ kéo dài

                                                Đến một ngàn và rồi đến tám ngàn thế hệ

                                                Cho đến khi sỏi biến thành đá tảng khổng lồ

                                                Bao phủ với rêu xanh

                 Bên kia Vịnh Manila, binh lính của Tướng MacArthur vẫn còn lũ lượt vào Bataan cho một trận quyết đấu cuối cùng, nhưng Homma và phần đông bộ tham mưu ông cho rằng cuộc di tản khổng lồ vào bán đảo này chỉ là một cuộc tháo chạy vô tổ chức. Ông ta tin tưởng, cũng như các cấp trên của ông ở Saigon và Tokyo, rằng Manila là chìa khóa đến thắng lợi. Chiến dịch Manila đã kết thúc cho dù MacArthur có cố thủ được ở Corregidor và chóp mũi Bataan trong vài tuần nữa.

                Từ Saigon, Tướng Hisaichi Terauchi ra lệnh chuyển Sư đoàn 48 sang lực lượng tiến đánh Java. Những thắng lợi ở Phi Luật Tân và Mã Lai đã vượt xa mọi dự đoán và Terauchi có thể xâm chiếm Java một tháng sớm hơn kế hoạch.

                Mặc dù thắng lợi sớm sủa, Homma cũng bối rối. Các chiến dịch quét sạch cũng sẽ gặp khó khăn và không có Sư đoàn 48, sư đoàn thiện chiến nhất của ông, gánh nặng sẽ đè lên vai các binh lính còn lại không được bảo đảm. Ông xin giữ lại sư đoàn thêm một tháng nữa nhưng yêu cầu bị bác bỏ.

                Sư đoàn 48 đang ở tại mặt trận Bataan. Thay thế nó là Lữ đoàn “Mùa hè” 65 từ Đài Loan đến, một lực lượng chiếm đóng gồm 7,500, gồm hầu hết binh sĩ lớn tuổi hầu như hoàn toàn chưa sẵn sàng và thiếu trang bị cho nhiệm vụ tuyến đầu. Nhiệm vụ không ngờ gây chới với cho tư lệnh của nó, Trung tướng Akira Nara, người đã trải qua nhiều năm ở Hoa Kỳ, ở đó ông theo học Cao đẳng Amherst và là bạn cùng lớp với con trai của Tổng thống Coolidge và tốt nghiệp Trường Bộ binh Fort Benning.

                Vào đêm 5/1 Nara – một người đàn ông trung niên vạm vỡ – dẫn binh lính của mình đi bộ tiến về tiền tuyến. Đàng sau ông, đi được nửa đường từ Vịnh Lingayen, một hàng dài những con người mệt mõi, đã bị cầm chân nhiều ngày trời bởi các kỹ sư Mỹ đã để lại sau lưng họ 184 cây cầu bị phá hủy.

                Họ đến gần một Bataan chật ních với khoảng 15,000 binh lính Mỹ và 65,000 binh lính Phi. 10,000 trong số binh lính Phi là những quân nhân chính qui, Sư đoàn Phi Luật Tân thiện chiến; số còn lại một nhóm hỗn tạp, thiếu trang bị gần như hoàn toàn không được huấn luyện. Với lực lượng này và những khẩu phần chiến trường không cân bằng vừa đủ cho 100,000 người trong 30 ngày, MacArthur được giao phải cố thủ trong 6 tháng. Lợi thế lớn nhất của ông là địa thế. Bán đảo, rộng 15 dặm và dài gấp hai, gần như hoàn toàn bị chiếm đóng bởi các tàn tích của hai ngọn núi lửa lớn đã tắt, một ở phía bắc, một ở phía nam. Ở giữa là rừng rậm chằng chịt. Chỉ có hai con đường. Một là xa lộ  chạy xuống bờ biển đông sình lầy bằng phẳng, đi vòng quanh mũi và hai phần ba con đường đi trở lại qua phía kia của bán đảo. Con đường kia bằng đá sỏi cắt qua cơ hoành của Bataan xuyên qua thung lũng nằm giữa hai ngọn núi lửa.

                MacArthur dự định lập một phòng tuyến đầu tiên của ông khoảng 10 dặm dưới thung lũng, chạy từ Vịnh Manila băng qua ngọn núi phía bắc, mà miệng của nó, sau hàng ngàn năm đã bị bào mòn thành bốn đỉnh lởm chởm. Đỉnh phía đông cao nhất là Núi Natib dốc đứng.

                Vào sáng ngày 9 tháng 1 binh lính của MacArthur đã ở vào vị trí, và tinh thần vẫn lên cao dù khẩu phần đã giảm xuống phân nửa. Họ đã chán cảnh phải rút lui và muốn đứng lai chiến đấu. MacArthur chia chiến tuyến ra làm hai, cắt tuyến trái phía tây cho Wainwright, mà binh lính của ông chưa sẵn sàng để đánh nhau ngay sau khi đã tháo chạy hỗn loạn từ Vịnh Lingayen. Rõ ràng là quân Nhật sẽ tấn công tuyến phải trước, bên dưới xa lộ bờ biển đông. Khu vực này được giao cho Thiếu tướng George Parker, chỉ huy 25,000 người đã thoát chạy từ phía nam tương đối dễ dàng.

                Sườn bên phải của ông, bờ biển phía đông, thì bằng phẳng và sình lầy, với ao cá và ruộng lúa mở rộng đến nội địa khoảng hai dặm. Rồi đến từ từ là các ruộng míá mọc cao và những rặng tre nhỏ thêm 5 dặm nữa. Tại điểm này Núi Natib bắt đầu dâng cao đầy ấn tượng. Vì không có lực lượng quân sự nào có thể hành quân qua một phức hợp các dốc đá cheo leo, khe vực và triền núi, tất cả bện chằng chịt với cây cỏ rừng rậm, sườn trái của Parker kết thúc đột ngột tại chân núi gồ ghề.

                Đây là phòng tuyến Abucay, đặt tên theo một cụm lều cho những công nhân mía đường. Binh lính Phi đang nóng lòng muốn chứng tỏ với MacArthur là mình xứng đáng lòng tin cậy của ông ta và để minh chứng rằng sự rút chạy nhục nhã vừa qua không phải là bài kiểm tra công bằng. Các chỉ huy người Mỹ của họ thì không máu như họ. Nhưng phòng tuyến Abucay có một lợi thế – rút lui rất khó khăn. Phải chiến đấu hoặc chết.

6.png

Một ít dặm về phía bắc, các binh lính vũ trang kém nhưng số lượng thì thừa đã vừa tiến vào vị trí, thay thế các cựu binh tự mãn của Sư đoàn 48. Tại Cao đẳng Chiến tranh, Nara đã cảnh báo với các học trò là đừng bao giờ tấn công mà không có bản đồ chính xác. Ở đây ông có bản đồ chỉ đường và vài bản đồ có tỉ lệ xích lớn. Nhưng ông không có kế hoạch tác chiến; chỉ thị cho ông từ Quân đoàn 14 chỉ là “săn đuổi đạo quân của địch xuống xa lộ,” với sự yễm trợ của hai trung đoàn pháo binh và Trung đoàn Bộ binh thứ 9 của Sư đoàn thứ 16.

                Ông được đảm bảo là không có nhiều hơn 25,000 quân địch vô tổ chức ở Bataan và rằng họ sẽ rút chạy hỗn loạn về thị trấn nhỏ Mariveles trên mũi tận cùng của bán đảo ngay từ loạt pháo đầu tiên. Ở đây họ sẽ cầm cự ngắn ngủi trước khi cố thoát chạy về đảo Corregidor. Tuy vậy, Nara cũng xin thời gian để thám sát. Ông nhận lệnh phải tấn công ngay lập tức. Ông vội vàng vạch ra kế hoạch. Đó là việc đơn giản tối thiết, với chỉ một ngày tổ chức. Ông chỉ thị cho Bộ binh thứ 141 của mình, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Takeo Imai, tấn công thẳng xuống xa lộ chạy dọc bờ biển trong khi Bộ binh thứ 9 , do một bạn cũ, tin cậy, Đại tá Susumu Takechi chỉ huy, đi thẳng xuống bán đảo về hướng những dốc đá của Núi Natib. Ông ta sẽ vượt qua ngọn núi được cho là không thể đi qua và cắt xa lộ ở phía sau lưng, và do đó bao vây kẻ thù.

                Chiều đó, sau một giờ bắn pháo, Imai bắt đầu tiến xuống xa lộ trong khi Takechi xông vào rừng rậm dày đặc. Imai đi không đến 100 ya thì con đường phía trước đã nổ tung lên vì những loạt pháo sấm sét. Đó là pháo binh của Parker. Người Mỹ không có bỏ chạy ngay loạt đạn đầu tiên đâu.

                Quân Phi cũng không. Họ vồ lấy quân Nhật đang phân tán vì đại pháo và 48 giờ sau trung đoàn của Imai chỉ còn lại một phần ba. Sau đó, Nara bắt buộc phải thay thế đạo quân tan nát bằng một đơn vị trừ bị. Rắc rối của ông ta chỉ mới bắt đầu. Không có tin gì gởi đến từ Takechi; chắc hẳn ông ta đã vượt qua Núi Natib và bao vây kẻ địch từ sau lưng. Bóng đêm buông xuống và ông ta vẫn chưa xuất hiện. Cánh rừng đã nuốt chửng ông. Nara không báo cáo việc này với Homma, cũng không ghi chép lại trong nhật ký chiến tranh hoặc báo cáo lữ đoàn; đó là điều ít nhất ông ta có thể làm cho một bạn học ở Học viện. Nó có nghĩa là kế hoạch táo bạo của Nara đã cáo chung. Giờ ông quay ra nỗ lực xây dựng lại chiến tuyến của mình. Ông kéo binh lính rã rời của Imai về phiá tây để lấp đầy lỗ trống mà Takechi để hở và ra lệnh bắt đầu thăm dò một điểm yếu trong phòng tuyến Abucay.

                Cùng ngày đó, 13/1, Quezon gởi một tin điện đến Roosevelt qua MacArthur phàn nàn rằng Tổng thống đã thất hứa gởi quân tiếp viện cho Phi Luật Tân. Ông ta thúc giục Tổng thống ra lệnh cho toàn bộ sức mạnh của Mỹ đánh lại Nhật ngay lập tức. Sự phẫn nộ của ông ta lan ra đến bức thư song hành gởi cho MacArthur:

. . . Có phải Washington đã quyết định mặt trận Phi Luật Tân không quan trọng đối với  kết quả chung cuộc của chiến tranh, do đó, không thể mong đợi nhận được hỗ trợ ở đây trong tương lai cận kề, hoặc ít nhất trước khi lực lượng kháng cự đã rệu rã hay không? Nếu thế, tôi muốn biết, vì tôi có trách nhiệm đối với đồng bào tôi. . .

                Tôi muốn tự mình xác định xem có phải có minh chứng nào về việc cho phép tất cả những con người này bị giết khi đối với kết quả tối hậu của chiến tranh việc đổ máu của họ có thể hoàn toàn không cần thiết. Có vẻ như là Washington không hoàn toàn biết rõ về tình thế của chúng tôi cũng như về những cảm xúc mà việc lơ là hiển nhiên đối với sự an toàn và lợi ích của chúng tôi đã gây ra trong tâm khảm nhân dân nơi đây. . .

                MacArthur không cần được thuyết phục. Ông hi vọng thông điệp sẽ khuấy động Marshall. Đối với những binh lính của ông ở Bataan, tuy nhiên, ông gởi những lời cổ vũ mà có thể mình không hoàn toàn tin tưởng:

                Tiếp viện đang trên đường đến đây từ Hoa Kỳ. Hàng ngàn binh sĩ và hàng trăm máy bay đang được gởi đến . . . Không thể rút lui thêm được nữa. Chúng ta có nhiều binh lính ở Bataan hơn quân số Nhật tiến đánh chúng ta; lương thực ta đầy đủ; một cuộc phòng thủ quyết tâm sẽ đánh bại cuộc tấn công của kẻ thù. . .

                Tôi kêu gọi mỗi binh sĩ ở Bataan hãy giữ vững vị trí của mình, kháng cự mỗi cuộc tấn công. Đây là con đường duy nhất để cứu rỗi. Nếu chúng ta chiến đấu, chúng ta sẽ thắng; nếu chúng ta rút lui, chúng ta sẽ bị hủy diệt.

                Phần đông người Mỹ ở Bataan cũng không tin tưởng. Chỉ có người Phi thấy háo hức trước những lời của MacArthur, khiến họ quyết tâm hơn bao giờ để chứng tỏ mình xứng đáng chiến đấu dưới lá cờ Sao và Sọc.  Vào sáng ngày 16/1 Sư đoàn Lục quân Phi Luật Tân thứ 51 đẩy mạnh một cuộc phản công kiên cường. Đúng ra, họ quá hăng hái đến nỗi một trung đoàn vượt quá xa những đơn vị khác trên cánh quân của nó.

                Đó là một cơ hội mà Đại tá Imai đang tìm kiếm. Người Phi đã tạo ra một đầu nhô gây nguy hiễm cho chính họ hơn là cho ông ta và ông ta nhanh chóng đánh vào mút phía đông của chỗ phồng nhô ra này. Chính ngay lúc đó, trung đoàn lạc mất của Đại tá Takechi bổng bất ngờ xông ra từ triền dốc rậm rạp đánh thẳng vào phía kia của chỗ phình. Bị tấn công từ hai phía, đầu nhô của binh lính Phi gãy vụn và đến trưa thì sụp đổ. Nó để lại một lỗ hổng dài 2 dặm trên phòng tuyến Abucay.

                Vào chiều tối lúc mà Takechi – gương mặt hằn lên nỗi mệt lã và đói khát, quân phục tả tơi – báo cáo với Nara ông ta đã lạc vô hi vọng trên Núi Natib. Vị tướng an ủi và ra lệnh cho ông lui về bộ phận dự bị. Takechi chào lui quả quyết, rồi không cần tiếp tế hoặc nghỉ ngơi, dắt binh sĩ của mình không phải về hướng bắc vào bộ phận dự bị mà quay trở lại hướng nam. Ông nghĩ rằng Nara đang trừng phạt mình vì bị lạc trong rừng; ông dẫn dắt binh sĩ lần này trở lại vượt qua Núi Natib cho được hay là chết trên đường.

                Ở phía khác của Bataan, từ Núi Natib đến Biển Nam Trung Hoa, khó xâm nhập đến nỗi Hooma vẫn chưa có thể phát động cuộc công kích đáng kể nào. Nhưng vào chiều tối ngày hôm sau 5,000 binh lính Nhật di chuyển về hướng đối diện với vị trí của Wainwright. Chỉ huy của họ, Thiếu tướng Naoki Kumura, phát hiện ra rằng phòng tuyến của Mỹ chỉ vươn dài nửa đường phía trên sườn phía tây của Núi Silanganan, một đỉnh núi cách ngọn Natib hai dặm về phía tây. Ông quyết định làm điều mà Takechi đã thất bại ở phía bên kia. Chỉ huy bởi Trung tá Hiroshi Nakanishi, 700 bộ binh bí mật bao vây sườn phải của Wrainwright và quay gắt về phía tây. Vào hừng đông ngày 21/1 họ đến được biển Nam Trung Hoa, cắt đứt mọi lực lượng tuyến đầu của Wainwright.

                Về phía đông, phòng tuyến Abucay cũng trên bờ sụp đổ. Binh lính gởi tới để chống đỡ tiền tuyến bị chọc thủng đã bị sa lầy trong trong cây cối rậm rạp và khe nứt lởm chởm và không hề đến được vị trí của mình. Dọc theo chiến tuyến binh lính đã kiệt sức vì chiến đấu liên tục suốt ngày và ban đêm bị quấy nhiễu bởi những kẻ xâm nhập khủng bố tinh thần bằng hỏa pháo và lời mắng nhiếc qua loa phóng thanh.

                Sau một chuyến thanh sát nhanh Bataan, Tướng Sutherland khuyên chỉ huy của mình nên rút ngay lập tức về một phòng tuyến phía sau con đường sỏi đá chia hai Battan. MacArthur ra lệnh rút lui toàn diện bắt đầu chiều tối hôm sau. Vào 7 giờ ngày 24/1, các xe tải và binh lính bắt đầu quay trở lại từ phòng tuyến Abucay. Vào nửa đêm hàng quân đi phía sau kẹt cứng với các xe buýt tơi tả chứa đầy những binh lính Phi gương mặt hốc hác trong y phục vải bông xanh và nón lá, các xe chỉ huy thì đầy ứ các sĩ quan mệt lã trong những bô quân phục bẩn thỉu, và binh lính lội bộ. Không có quân cảnh điều khiển giao thông, nên các đơn vị bổng đứt đoạn và lạc nhau trong cơn hỗn loạn như ác mộng. Sĩ quan không thể làm gì ngoài việc giữ gìn binh lính và xe cộ của mình di chuyển về nam và cầu nguyện không bị pháo dập.

                Ngay trước rạng đông các nhóm binh lính ở lại cầm chân cũng bắt đầu rút chạy về phía hậu quân. Họ trông như những thây ma sống. Không tắm rửa và cạo râu chín ngày rồi, gương mặt phờ phạc của họ trông vô hồn. Cuộc rút quân tiếp tục suốt ngày hôm sau, bị máy bay Nhật quấy nhiễu, bắn giết và oanh kích trên đường rút chạy theo bờ biển. Cuộc rút quân biến thành tháo chạy khi Đại tá Takechi bất khuất và binh lính đói lã của ông từ đâu không biết ào đến. Họ đã làm điều bất khả, vượt qua Núi Natib.

                Vào ngày 26/1 phòng tuyến Phi-Mỹ mới, kết nối nhau bằng một mạng lưới tinh xảo các đường mòn liên lạc và tiếp tế phát ra từ rừng rậm, gần như hoàn toàn được bố trí đủ quân số. . Nó nằm trong thung lũng giữa hai ngọn núi lửa đã tắt và vươn dài không đứt đoạn từ Vịnh Manila đến Biển Nam Trung Hoa. Nó được chia thành hai khu vực với Wainwright một lần nữa chỉ huy nửa phần phía tây và Parker phía đông. Binh lính nấp trong những hố cá nhân và hầm trú ẩn, nhờ trời họ đã sống sót qua cuộc rút lui gian khổ khỏi Abucay. Trong vị trí của mình Trung úy Henry G. Lee của Sư đoàn Phi Luật Tân, đã sáng tác một bài thơ về cuộc rút quân. Battan, anh viết, đã

                                                . . . được cứu sống thêm một ngày nữa

                                                Được cứu sống để đói khát và thương tích và chịu hun nóng

                                                Để kiệt sức từ từ và rút lui khổ ải

                                                Để hi vọng bị lãng phí và thảm bại là chắc chắn                   

                Như người Mỹ, người Nhật cũng không ở trong điều kiện có thể tiếp tục chiến đấu. Lữ đoàn “Mùa Hè” của Nara chịu hơn 2,000 thương vong. Những người sống sót thì rã rời và vẫn còn đờ đẫn trước mùi vị đầu tiên của trận đánh.

                Trận chiến tiếp tục còn mang đến những hỗn loạn nhiều hơn ở Abucay. Ở đây rừng rậm quá dầy đặc đến nỗi một lực lượng Nhật 1,000 người lẻn qua phòng tuyến của Wainwright trong ba ngày mà vẫn không bị phát hiện. Phải mất gần ba tuần đánh tử chiến giáp lá cà, tuyệt vọng mới quét sạch hết kẻ đột nhập. Người Nhật cũng nỗ lực đánh vào sườn Wainwright từ biển, đổ bộ bằng xuồng lớn trên bờ biển phía tây lởm chởm xa phía sau phòng tuyến. Họ lên kế hoạch tiến về nam đến Mariveles rồi cắt đứt đồ tiếp tế từ Corregidor. Năm cuộc đổ bộ riêng biệt được tiến hành trong hai tuần sau đó, và chỉ đến ngày 8/2 ổ xâm nhập cuối cùng mới bị loại ra. Cùng ngày đó Homma chủ trì một cuộc họp quan trọng tại địa điểm chỉ huy của mình trong nhà máy đường San Fernando. Trời oi bức, trên 95 độ F (35 độ C). Vị tướng rất khổ sở . Ông đã mất 7,000 quân trong trận đánh Bataan, và 10,000 quân khác bị mắc bệnh sốt rét, tê phù, tiêu chảy. Ông đã hai lần xin cứu viện nhưng cả hai lần đều bị từ chối.

                Chỉ vỏn vẹn có ba tiểu đoàn bộ binh Nhật đóng dài băng ngang Bataan và Trung tướng Masami Maeda, tham mưu trưởng của Homma, cảnh báo nếu MacArthur biết được việc này ông ta có thể xuyên thủng. Sĩ quan hành quân lão thành, Đại tá Motto Nakayama, vẫn khăng khăng nên tiến hành tấn công quyết liệt. “Tuy nhiên, mũi tấn công nên đánh dọc  phía đông, không nên đánh phía tây.”

                Maeda muốn chỉ có Bataan bị phong tỏa trong khi phần còn lại của quần đảo bị chiếm đóng. “Đến lúc đó binh lính của Tướng Matsukuasa [MacArthur] bị chết đói và đầu hàng.”

                Maeda đúng, nhưng đối với Homma không đánh thúc để đạt thắng lợi chóng vánh là điều không thể. Tokyo sẽ không bao giờ cho phép kiểu chiến lược mất mặt như thế. Ông nói một cuộc tấn kích mới mạnh mẽ hơn phải được phát động. Để làm điều này ông phải chịu đựng điều không thể chịu đựng được – nuốt ực lòng kiêu hãnh và hỏi xin tiếp viện thêm một lần nữa. Những giọt nước mắt lăn dài trên má ông. Khi bộ tham mưu lần lượt ra ngoài người tà trao cho ông một điện tín từ Tokyo. Tojo không bằng lòng; mọi nơi đều có thắng lợi trừ ở Phi Luật Tân. Một vẻ mặt thống khổ hiện lên gương mặt Homma rồi ông thình lình ngã sụp xuống mặt bàn. Vị tư lệnh bất tĩnh được mang đến phòng kế bên.

                Ở Corregidor, Quezon ngồi trong xe lăn đang lắng nghe trong cơn giận phừng phừng khi Roosevelt nói chuyện trên đài bằng cách nào hàng ngàn máy bay sẽ sớm lên đường đến mặt trận – châu Âu. Quezon chỉ vào một cột khói đang bốc lên từ đất liền. “Trong 30 năm tôi đã làm việc và hi vọng cho dân tộc tôi. Giờ họ cháy bỏng và chết cho một ngọn cờ không thể bảo vệ chúng tôi. Tôi không thể chịu đựng được khi cứ mãi viện dẫn đến Anh, đến châu Âu. Những máy bay mà tên khốn kiếp này khoe khoang ở đâu? Làm sao người Mỹ có thể oằn oại trong đau khổ cho số phận của một anh em họ xa trong khi đứa con gái của mình đang bị hiếp dâm ở phòng sau!”

                Ông triêu tập MacArthur và nói, “Có lẽ sự hiện diện của tôi ở Corregidor không còn giá trị. Tại sao tôi không đi đến Manila và trở thành một tù binh?” MacArthur cho rằng một sự đầu hàng như thế sẽ được nước ngoài hiểu lầm. “Tôi không để ý người ngoài nghĩ gì,” Quezon đốp chát, nhưng đồng ý sẽ nghĩ lại.

                Đêm đó một thiếu úy Phi trẻ tuổi bò lên một bãi biển đầy đá trên Corregidor với một túi đựng bóng bàn cột quanh người làm phao cứu sinh. Anh đã bơi từ Bataan để báo cho Quezon biết về mối hiềm khích ngày càng tăng giữa người Phi và người Mỹ ở tiền tuyến. “Chúng tôi cảm thấy mình xứng đáng nhận khẩu phần bằng với lính Mỹ,” Antonio Aquino bảo với Tổng thống. Anh là con trai của Benigno Aquino, ông vua mía đường và phát ngôn nhân của Hội đồng Phi Luật Tân. “Chúng tôi chỉ được  ăn cá mòi. Một hộp mỗi ngày cho 30 người, hai lần một ngày.”

                Quezon nổi giận. Ông triệu tập nội các của mình và nói mình sẽ hỏi Roosevelt đồng ý cho ông công bố một tuyên ngôn yêu cầu Hoa Kỳ công nhận quyền độc lập tuyệt đối cho Phi Luật Tân ngay lập tức. Rồi ông sẽ động viên Quân đội Phi Luật Tân và tuyên bố Phi Luật Tân trung lập. Kết quả là cả Mỹ và Nhật phải rút quân của họ về nước.

                Phó Tổng thống Sergio Osmena cố gắng chỉ ra những hâu quả của một hành động như thế ở Washington, nhưng Quezon tiếp tục phẫn nộ. Ông bị cứng người vì một cơn ho khan ập tới. Để xoa dịu ông, Osmena miễn cưỡng tán thành viêc gởi một thông điệp cho Roosevelt. Như thường lệ, thư phải đi qua MacArthur. Ông không chỉ để nó qua mà còn – vì ấm ức bởi nghi ngờ là Washington, và đặc biệt Marshall, đã bỏ rơi mình – ủng hộ nó qua sự đánh giá không lay chuyển được của mình về tình hình.* Không thể chối cãi là chúng tôi gần như là tiêu tùng,” ông viết; kế hoạch của Quezon “có thể tạo ra một giải pháp khả dĩ nhất cho điều sắp sửa là một thảm bại tai ương.” MacArthur đang đánh liều với sự nghiệp quân sự của mình nhưng cảm thấy đáng phải thử thời vận. Có thể đề nghị tuyệt vọng của Quezon sẽ xốc Washington trở lại hành động.   

 

  • Ban tham mưu của MacArthur trung thành với chỉ huy và thậm chí còn chỉ trích công khai những người có trách nhiệm ở quê nhà. Như chỉ huy của mình, họ tin rằng người trách nhiệm chủ yếu cho việc bỏ rơi họ là George Marshall, được cho là không hề tha thứ cho MacArthur vì đã không thăng chức cho mình lên đại tướng khi MacArthur là Tham mưu Trưởng. Những người thân cận với Marshall khắng khăng là ông là người rất khách quan không thể để những khác biệt cá nhân ảnh hưởng đến phán đoán quân sự. Ông tin rằng một lực lượng đồ sộ của Mỹ dồn về Thái Bình Dương chỉ có lợi cho Hitler.

                               Việc đó khiến Marshall mất tinh thần, cũng như việc MacArthur “đi hơn nữa đường về hướng ủng hộ vị thế của Quezon.” Phản ứng của Roosevelt là rõ ràng. “Chúng ta không thể làm việc này gì hết,” ông bảo ngắn gọn với Marshall và Stimson.

                Roosevelt có đủ tầm nhìn để không mong đợi Quezon và MacArthur hài lòng với chính sách qui định bởi “Arcadia” là Hitler phải bị đánh bại trước. Phần nào ông phải thuyết phục họ là thứ gì có thể gởi được đang được đưa đến tây nam Thái Bình Dương. Khoảng giữa tháng ba 79,000 ngàn binh sĩ sẽ được đưa đến mặt trận Thái Bình Dương, gần gấp bốn lần đến châu Âu. Phần đông máy bay có được cũng đi về phương Đông.*

 

  • Có vẻ rõ ràng là Roosevelt muốn làm mọi điều có thể cho Mac Arthur. Vào ngày 30/12, 1941, ông viết ghi nhớ này cho Bộ trưởng Hải quân Knox: “Tôi ước gì các Kế hoạch Chiến tranh sẽ khảo sát mọi phương tiện có thể để giải vây Phi Luật Tân. Tôi biết rằng có nguy cơ lớn sinh ra nhưng mục tiêu lớn là quan trọng.”

                Điều cực kỳ quan trọng là Quezon phải biết rằng có hai mặt trận – 200,000 tấn hàng vận tải của Mỹ đã bị đánh chìm ngoài khơi bờ biển Bắc Đại Tây Dương và Rommel đe dọa đưa người Anh trở lại Alexandria. Roosevelt phải tìm những lời lẽ đúng đắn với tất cả những dữ kiện gởi đến Quezon mà không gợi ý đe dọa hoặc kết án.

                Ông thành công theo một phương thức tuyệt vời: trong khi bác bỏ đề nghị của Quezon là không thể chấp nhận được với Mỹ, ông cam kết dù Quezon có làm gì, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ bỏ rơi Phi Luật Tân.

                CHỪNG NÀO MÀ NGỌN CỜ HOA KỲ CÒN BAY TRÊN ĐẤT PHI LUẬT TÂN . . . XỨ SỞ NÀY SẼ ĐƯỢC PHÒNG VỆ BỞI BINH LÍNH CỦA CHÚNG TÔI CHO ĐẾN CHẾT. DÙ CHO ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA CHO LỰC LƯỢNG ĐỒN TRÚ HOA KỲ CHÚNG TÔI SẼ KHÔNG LƠI LỎNG NHỮNG NỖ LỰC CỦA CHÚNG TÔI CHO ĐẾN KHI CÁC LỰC LƯỢNG MÀ HIỆN GIỜ ĐANG ĐƯỢC ĐƯA RA KHỎI PHI LUẬT TÂN SẼ TRỞ LẠI PHI LUẬT TÂN VÀ ĐÁNH ĐUỔI TÊN XÂM LĂNG CUỐI CÙNG RA KHỎI ĐẤT NƯỚC CÁC BẠN.

                Những lời lẽ này khiến Quezon vô vàn xúc động. Ông thề với lòng mình và với Chúa là chừng nào mình còn sống ông sẽ sát cánh với người Mỹ bất chấp những hậu quả xảy đến cho dân tộc ông hoặc cho chính ông.

                Thư trả lời của Roosevelt đến MacArthur thì thẳng thắn hơn:   

                . . . BỔN PHẬN VÀ NHU CẦU CHỐNG LẠI BỌN GÂY HẤN NHẬT ĐẾN CÙNG CÓ TẦM QUAN TRỌNG VƯỢT QUA BẤT KỲ NGHĨA VỤ NÀO GIỜ ĐANG ĐỐI MẶT VỚI CHÚNG TA Ở PHI LUẬT TÂN. . . TÔI ĐẶC BIỆT YÊU CẦU NGÀI TIẾN HÀNH NHANH CHÓNG VIỆC TỔ CHỨC CÁC LỰC LƯỢNG PHÒNG THỦ CỦA MÌNH ĐỂ TĂNG HIỆU QUẢ SỨC KHÁNG CỰ ĐÚNG NHƯ TÌNH HÌNH CHO PHÉP VÀ KÉO DÀI ĐẾN MỨC CON NGƯỜI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC.

                Điều này có nghĩa Phi Luật Tân đã bị gạt bỏ không thể thay đổi được, và giá trị cá nhân của MacArthur giờ rút lại chỉ còn là một biểu tượng của việc chống trả. Ông trả lời là mình sẽ chiến đấu cho đến khi Bataan bị hủy diệt và rồi Corregidor, khiến địa danh của chúng sẽ được người Mỹ đời đời nhớ đến.

                TÔI KHÔNG HỀ CÓ Ý ĐỊNH NHỎ NHỨT NÀO SẼ ĐẦU HÀNG HOẶC BỎ QUA YẾU TỐ PHI LUẬT TÂN TRONG CÔNG TÁC CHỈ HUY CỦA TÔI. . . CHƯA HỀ CÓ MỘT DAO ĐỘNG NHỎ NHẤT NÀO TRONG HÀNG NGŨ BINH SĨ.

                Trong khi đây là những lời quá đáng, nó vẫn thật hơn một vài tuần trước đây. Dù bị quấy nhiễu bởi tiêu chảy và sốt rét, quân phục rách bươm, những binh lính đói khát này ở Bataan vẫn đầy tinh thần chiến đấu và tự tin. Người Nhật đã bị cầm chân, và các tân binh đã tháo chạy hoảng loạn khỏi Vịnh Lingayen giờ đã trở nên dạn dày và có thể tin cậy được.

 

2.

                Trên Bán đảo Mã Lai quân Nhật tiến tới không ngừng về phía nền móng của Đế chế Anh ở châu Á, Đảo Singapore. Vào ngày 7/1 Tướng Wavell, được “Arcadia” chọn làm chỉ huy toàn bộ khu vực, bay từ bộ tư lệnh của mình tại Bandung ở Java đến Singapore trong một chuyến thanh sát ngắn ngủi. Đêm hôm trước 15 xe tăng Nhật đã chọc thủng phòng tuyến đầu tiên của Sư đoàn Ấn thứ 11 để vượt qua cây cầu Slim chiến lược cách Singapore không tới 250 dặm đường chim bay. Không có đến một xe tăng Đồng minh nào ở Mã Lai ra ngăn chận chúng; các chuyên gia Anh đã xác định là thiết giáp xa không thích hợp cho chiến tranh trong rừng.

                Wavell đi về bắc để thấy Quân đoàn III thiếu tổ chức và Sư đoàn Ấn 11 hoàn toàn bị đánh tan tác. Ông ra lệnh một cuộc rút lui toàn diện gần như 150 dặm đến Tỉnh Johore, nơi Thiếu tướng Gordon Bennet và binh lính Úc của mình đang cố hết sức mình lần cuối cùng chặn lại bọn xâm lăng.

                Wavell trở lại Singapore để thanh sát tuyến phòng thủ ở phía bắc của đảo pháo đài lớn. Ông không tìm thấy gì, thậm chí đến kế hoạch phòng thủ chống đổ bộ cũng không. Trong nỗi kinh ngạc của mình, ông cũng biết rằng gần như tất cả đại pháo của đảo đều hướng ra biển không thể xoay lại để bắn vào bọn Nhật đang tiến tới.

                Churchill há hốc trước báo cáo của Wavell là Singapore, chẳng những còn lâu mới bất khả xâm nhập được, mà gần như là trần trụi. Thủ tướng tự nhận lỗi đã đặt lòng tin vào pháo đài Singapore và vội vàng viết thông điệp này cho các Tham mưu Trưởng của mình:

                . . . Tôi phải nhìn nhận là mình đã choáng váng trước điện báo của Wavell . . . Tôi chưa có một lúc nào nghĩ rằng cổ họng của pháo đài Singapore, với chiến hào bề thế dài 1 dặm rộng nửa dặm, lại hoàn toàn không được củng cố chống lại một cuộc tấn công từ hướng bắc. Có ích gì khi có một hòn đảo làm pháo đài nếu nó không được biến thành một thành trì?  . . . Làm sao mà không có ai trong số các anh chưa hề chỉ ra điều này với tôi ngay lúc vấn đề đang được bàn thảo? Đặc biệt hơn việc này đáng ra phải được làm bởi vì . . . tôi đã nhắc đi nhắc lại là mình trông cậy vào việc phòng thủ Đảo Singapore chống lại một cuộc vây hãm hình thức, và không hề trông cậy vào kế hoạch Kra Isthmus. . .

                Không chỉ việc phòng thủ Singapore phải được duy trì với bất kỳ phương tiện nào mà toàn thể đảo phải được chiến đấu cho đến khi mỗi đơn vị và mỗi vị trí then chốt đã bị hủy diệt.

                Cuối cùng, thành phố Singapore phải được biến thành một thành trì và được bảo vệ cho đến chết. Không bao giờ nói đến việc đầu hàng.

                Ngay từ đầu kẻ thù đã làm người Anh lảo đảo ở Mã Lai. Quân số vượt quá tỉ số 2 đến 1, quân Nhật không bao giờ ngừng lại để củng cố thắng lợi, hoặc tái cơ cấu hay đợi chờ tiếp tế; họ cứ ào ạt xông xuống những xa lộ chính trên hàng ngàn xe đạp và hàng trăm xe tải và ô tô Anh bỏ lại. Bất cứ khi nào họ gặp một cây cầu bị phá hủy, các người đi xe đạp lặn hụp qua sông, nâng cao xe đạp hoặc băng những cây cầu gỗ đặt trên vai các kỹ sư. * 

  • Lúc đầu sức nóng làm vỡ ruột xe đạp khiến bước tiến chậm lại, nhưng người Nhật học đạp xe trên đường nhựa chỉ với niền xe. Tiếng kêu lọc cọc của nhiều xe nghe như âm thanh của xích xe tăng, và ban đêm, những chiến sĩ phòng thủ, đặc biệt là binh lính Ấn vốn khiếp sợ bất cứ thứ gì liên quan đến thiết giáp, sẽ la lên “Xe tăng!” và bỏ chạy ra tuyến sau.

                              

                Thành công của quân Nhật tăng tốc vượt qua sự dự đoán của cả hai bên. Một sĩ quan công binh Anh bị bắt nói với Đại tá Tsuji là anh hi vọng tuyến phòng ngự ở bắc Mã Lai sẽ giữ vững ít nhất ba tháng. “Vì Quân đội Nhật sau bốn năm chiến đấu vẫn không đánh bại được Quân đội Trung Hoa yếu ớt nên chúng tôi ngỡ họ cũng là một kẻ đich tầm thường.”

                Chính Tsuji cũng thường ra tận mặt trận để đưa ra những lời cố vấn và thúc giục binh lính tiến tới. Có lần tại một hàng rào chắn ngang ở nửa đường xuống bán đảo ông nôn nóng nghĩ ra một cuộc tấn công trực diện tại chỗ và điện thoại về bộ chỉ huy xin yễm trợ và pháo. Câu trả lời là không- hãy tấn công vào sườn. Chiến thuật này thành công, nhưng vào nửa đêm Tsuji xồng xộc xông vào bộ chỉ huy và đánh thức mọi người bằng một trận mưa sỉ nhục. “Các người dám say ngủ khi một trận đánh đang diễn ra sao!” ông gầm thét và xô vào phòng ngủ của Trung tướng Sosaku Suzuki, tham mưu trưởng của Yamashita. Ngài Suzuki đón tiếp Tsuji với sự lịch sự thường lệ. Điều này càng làm Tsuji nỗi quạu. “Anh có ý gì khi mặc đồ ngủ trong khi tôi báo cáo tin tức mặt trận!”

                Ngán ngại trước những cơn phẫn nộ chính đáng như thế, như những người tiền nhiệm của mình, Suzuki uể oải thay quân phục và giắt kiếm lệnh. “Tôi là sĩ quan tham mưu trưởng hành quân có trách nhiệm cho chiến dịch của toàn thể quân đội,” Tsuji gào lên. “Tôi đưa ra ý tưởng của mình dựa trên điều kiện thực tế ngoài mặt trận và ngài bác bỏ yêu cầu của tôi coi như ngài không còn tin cậy ở tôi nữa!” Ông quát lên và chưởi thề và lặp đi lặp lại lời kết án của mình cho đến tận hừng đông. Cuối cùng ông dậm chân bước ra, viết thư từ chức và trao tận tay Yamashita.

                Ông quá nóng nảy đến nỗi không chịu ăn uống và giam mình trong phòng ngủ. Một tuần sau ông ló mặt ra. Yamashita và Suzuki phớt lờ những hành động nông nổi của ông, và ông trở lại với nhiệm vụ như thể không có gì xảy ra – cũng xấc xược, khó chịu và xuất sắc như bao giờ.

                Chính Yamashita cũng đang chịu áp lực tình cảm. Là con trai của một y sĩ miền quê, ông đã không chọn quân đội như là sư nghiệp của mình. “Chính cha tôi đưa ra ý kiến,” ông nói, “vì tôi lớn con và khỏe mạnh, còn mẹ tôi thì không chống đối nghiêm túc vì bà tin tưởng, có hương hồn bà làm chứng, là tôi sẽ không bao giờ vượt qua kỳ thi tuyển nhập học khó khăn.” Ông to con, cổ bạnh và đầu lớn. Mặt ông có vẻ vô cảm và bề ngoài hình như khô cứng, nhưng bên trong ông sôi sục bất mãn. Ông cảm thấy việc thăng cấp trung tướng của mình đã bị đình hoãn nhiều năm vì vào những năm 1929 ông đã ủng hộ chương trình của Tướng Ugaki nhằm cắt giảm Quân đội vài sư đoàn, và sự ngờ vực vào các cấp trên của mình ở cả Saigon lẫn Tokyo đang bắt đầu biến thành hoang tưởng. Tướng Terauchi cố tình không cho không lực yễm trợ, và Tojo âm mưu ám sát ông một khi Singapore thất thủ. Yamashita viết trong nhật ký: “Thật là một tội ác khi không có ai trong cấp cao của Nhật Bản có thể tin cậy được,” và “Gã Terauchi khốn kiếp đó đang sống xa hoa ở Saigon, ngủ trên giường sang trọng, ăn cao lương mỹ vị và chơi cờ shogi.”

                Nỗi ám ảnh có người ám hại mình lên đến đỉnh điểm vào 23/1 khi tham mưu trưởng của Terauchi từ Saigon đến với một xấp tài liệu chỉ cách tiến chiếm đảo Singapore. Yamashita xé phăng tài liệu và viết trong nhật ký: “Nếu có hai cách thức để làm việc gì đó, hãy tin là Quân đoàn phương Nam sẽ chọn cách thức sai.”

                Trong lúc này binh sĩ của ông tiếp tục xuyên qua phòng tuyến của quân Anh. Rõ ràng thậm chí binh sĩ Úc của Bennett cũng không thể cầm chân họ lại và một cuộc rút lui toàn diện khỏi Mã Lai bắt đầu. Vào nửa đêm 31/1 hầu hết binh lính Anh đã băng qua con đường đắp nối liền bán đảo Mã Lai với đảo Singapore. Ngay sau bình minh có thể nghe tiếng kèn túi và theo điệu nhạc của bài “Một Trăm Người Thổi Kèn Túi” tàn tích tả tơi của Tiểu đoàn Argyll, chỉ còn 90 người, bước nhanh qua cây cầu. Dồn bước phía sau là chỉ huy của họ, người cuối cùng rời bỏ Mã Lai.

                Các biệt đội phá hoại đã đặt mìn trên con đường đắp và vào lúc 8 giờ một tiếng rầm nặng chịch vang lên. Khi khói tan đi, những người chứng kiến có thể thấy nước ào ạt chảy vào qua kẽ hở rộng. Họ tưởng pháo đài của mình sẽ được  an toàn tách khỏi người Nhật; nhưng nước trong kẽ hở chỉ sâu bốn bộ khi thủy triều rút.

                Singapore, lớn hơn Manhattan 10 lần, vườn dài 26 dặm từ đông sang tây, 14 dặm từ bắc đến nam. Phần đông dân cư chen chúc trong thành phố ở phía nam. Trừ những thị trấn  và khu đinh cư nằm rải rác, phần còn lại của đảo bao phủ với những đồn điền cao su và rừng rậm. Chỉ huy là Trung tướng A. E. Percival, một người cao, mảnh khảnh, với hai răng thỏ nhô ra. Ông là một con người có nét duyên dáng điềm tĩnh và có năng lực, nhưng một số cho rằng ông thiếu cứng rắn để đốc thúc những đơn vị hỗn hợp dưới quyền mình.

                Có hai cách phòng thủ hòn đảo: cầm chân ở các bãi biển hoặc chiến đấu với địch ở nội địa với lực lượng dự trữ đông đảo. Thậm chí với một bờ biển hơn 70 dặm, Percivai vẫn quyết định chận từ bãi biển. Tình hình có vẻ thuận lợi đối với ông. Các đơn vị tình báo ước lượng ông sẽ phải đương đầu với 60,000 binh lính Nhật, còn ông có đến 85,000 người. Tất nhiên 15,000 trong số này không phải là lính tác chiến và nhiều người còn lại ít được huấn luyện và trang bị thô sơ, nhưng địch sẽ chịu thương vong nặng nề nếu thử tràn vào qua Eo Johore.

                Thật ra, ông chỉ chạm trán với 30,000 quân Nhật. Tình báo của ông cũng tồi như của Percival. Tsuji, người được giao cho trách nhiệm lên kế hoạch tấn công, được báo cáo chỉ có 30,000 người phòng thủ. Suốt đêm đó ông thức trắng để vạch ra một kế hoạch sẽ khiến người Anh chới với. Mũi tấn công chính sẽ ở phía bên phải của con đường đắp cao và vào ban đêm với các sư đoàn 5 và 18. Tuy nhiên, Sư đoàn Konoye sẽ tiến hành một cuộc tấn công hư binh vào ngày hôm trước vào phía bên kia của con đường đắp cao để đánh lừa người Anh. Để bảo đảm bí mật, mỗi cư dân trong vòng 12 dặm của eo biển đều được di tản trong khi hai sư đoàn di chuyển lén lút vào vị trí, được lệnh không được nhóm bếp nấu nướng.

                Sáng hôm sau Yamashita tập họp 40 tư lệnh sư đoàn và các sĩ quan cao cấp trong một đồn điền cao su và với gương mặt đỏ bừng đọc các lệnh tấn công. Kikumasamune (rượu nghi thức) được đổ vào nắp bi đông và rượu mừng được nốc cạn: “Đây là nơi tốt đẹp để chết; chắc chắn chúng ta sẽ chinh phục.”

                Yamashita lập bộ chỉ huy trong Lâu đài Xanh, do vị sultan của Johore xây dựng trên một ngọn đồi nhìn qua con đường đắp cao. Đó là một công trình kiến trúc nổi bật bằng gạch đỏ và mái ngói xanh lá phía trên là tháp quan sát 5 tầng. Bộ chỉ huy đặt trong tầng chót của tháp trong một gian phòng có cửa sổ rộng, từ đó Yamashita có thể nhìn được toàn cảnh bờ biển phía bắc của Singapore. Đó là nơi dễ tổn thương nhất mà ông có thể chọn, nhưng ông lập luận rằng người Anh không bao giờ tưởng tượng là ông cả gan sử dụng nó. Hơn nữa, ông chắc chắn oanh tạc một công trình tuyệt vời như thế là đi ngược với văn hóa của người Anh.

                Trong những ngày sau đó, tàu hỏa và 3,000 xe tải chở đại pháo, đạn dược và đồ tiếp tế đến. Hàng trăm thuyền xếp và xe đổ bộ được vận chuyển dưới sự che chở của bóng đêm và giấu kín trong bụi rậm cách bờ biển khoảng 1 dặm.

                Vào tối ngày 7/2 nghi binh của Sư đoàn Konoye bắt đầu vào trận. Với sự náo động đáng kể 20 xuồng máy đổ 400 người và 2 sơn pháo lên một hòn đảo nhỏ trong eo biển nhìn qua Căn cứ Hải quân Seletar và Pháo đài Changi. Sáng hôm sau ngay từ tia nắng đầu tiên, pháo bắt đầu nã vào pháo đài. Như được dự kiến, quân Anh vội vàng đến tiếp ứng phía trên con đường đắp cao. Sau khi tối đến các sư đoàn thứ 5 và 18 vác thuyền lên vai và mang chúng đi hơn một dặm đến eo biển. Khi đến gần bờ biển một trận bắn phá tập trung gồm 440 khẩu bắt đầu khai hỏa. Các mục tiêu đầu tiên là là các bồn nhiên liệu lớn tại căn cứ hải quân để ngăn cản quân Anh đổ dầu vào eo biển và châm lửa đốt. Sau đó, pháo nhắm đến các công sự bê tông ngầm, chiến hào và bãi kẽm gai bên dưới con đường đắp cao nơi cuộc đổ bộ xảy ra.

                Lúc 10:30 đợt đầu tiên, gần 4,000 người, lên 300 thuyền có thể gấp lại được, xe đổ bộ và cầu phao. Trận pháo kích đã nhận chìm tiếng ồn của các động cơ khi đội thuyền nhỏ tiến gần bờ biển tây bắc của Singapore. Nó được phòng vệ bởi 2,500 binh lính Úc.

                Từ tháp quan sát Yamashita và bộ tham mưu có thể nhìn thấy một ít diễn tiến xảy ra. Có vẻ như là toàn bộ Đảo Singapore bị nhấn chìm trong biển lửa và hỏa pháo. Mười phút sau những chớp lóe xanh được bắn lên từ đảo. Sư đoàn thứ 5 đã đổ bộ lên đảo đúng thời khóa.

                Những kẻ xâm lược đầu tiên đã lên bờ từ điểm cuối của Đường Lim Chu Kang đã bị cày xới bởi hỏa lực ác liệt của binh sĩ Úc của Tiểu đoàn Súng Máy 24. Các xe đổ bộ khác lên bãi biển tại một vùng đầm đầy cây đước gần đó ít được phòng ngự hơn. Quân Anh ít ỏi chiến đấu gan lì suốt đêm nhưng không thể đẩy lùi người Nhật, và vào sáng sớm nhiều xe tăng đổ bộ vào và các đơn vị tăng-bộ binh ồ ạt tiến vào nội địa. Lúc bình minh đã có 15,000 bộ binh và vài đơn vị pháo trên đảo.

                Từ tháp quan sát của Lâu đài Xanh Yamashita trông thấy binh lính mình lũ lượt vượt qua rừng cây cao su về hướng Sân bay Tengah. Đội tiền phong đã có mặt trong vòng 10 dặm cách thành phố Singapore. Vào cuối ngày Yamashita rời tháp cùng bộ tham mưu để băng qua Eo biển Johore trên một chiếc bè làm bằng ba con thuyền.

                Trên Java, Tướng Wavell quyết định làm một chuyến thanh sát cá nhân hòn đảo đang đánh nhau. Người Nhật kiểm soát không phận, nhưng ngày hôm sau tư lệnh ABDA xoay sở vượt qua. Từ hành lang ở bộ chỉ huy của Percival, các sĩ quan tham mưu có thể nghe được giọng nói giận dữ. Wavell đang chỉ trích Perval đã cho phép người Nhật thiết lập được đầu cầu quá dễ dàng, và ông nổi nóng với Bennett đến nỗi ông bảo tư lệnh Úc hãy “ra chỗ khác chơi” và đem theo “bọn Úc chết tiệt” của mình.

                Wavell ra lệnh một cuộc phản công tức thì. Sự thất bại hoàn toàn của nó không ngăn ông ban hành nhật lệnh có thể đến từ chính Churchill;

                Chắc chắn là binh lính của chúng ta trên Singapore vượt xa số quân Nhật đã vượt qua Eo biển. Chúng ta phải đánh bại chúng. Tiếng tăm chiến đấu của chúng ta đang lâm nguy cũng như danh dự của Đế chế Anh. Người Mỹ đã giữ vững Bán đảo Bataan với khó khăn lớn hơn nhiều, người Nga đang đẩy lùi sức mạnh tinh nhuệ của quân Đức, người Trung Hoa thiếu thốn gần như hoàn toàn các trang bị hiện đại vẫn cầm chân được bọn Nhật hơn 4 năm rưỡi. Thật là nhục nhã nếu chúng ta dâng pháo đài Singapore mà chúng ta khoa trương cho những lực lượng thù địch thấp kém.

                Không được nghĩ đến việc miễn trừ trách nhiệm cho bất kỳ binh lính nào hoặc công dân nào và không được tha thứ cho bất kỳ yếu đuối dưới bất cứ hình thức nào. Các tư lệnh và sĩ quan cao cấp phải dẫn đầu binh lính mình và nếu cần cùng chết với họ.

                Không có vấn đề hoặc ý nghĩ đầu hàng. Mỗi người phải chiến đấu hết sức cho đến phút cuối cùng để chứng tỏ rằng tinh thần chiến đấu từng tạo dựng nên Đế chế chúng ta vẫn còn tồn tại để cổ vũ chúng ta bảo vệ nó.

                Xong xuôi, ông bay về Java. Trong bóng tối ông trợt ngã trên một bến tàu và hai xương sống ở lưng bị gãy. Từ bệnh viện ông báo về Churchill:

                TRẬN ĐÁNH Ở SINGAPORE KHÔNG TIẾN TRIỂN TỐT. . . TINH THẦN MỘT SỐ BINH SĨ KHÔNG TỐT, VÀ KHÔNG AI CÓ TINH THẦN CAO NHƯ TÔI MONG ĐỢI. . . . MỌI ĐIỀU CÓ THỂ ĐÃ ĐƯỢC THỰC HIỆN ĐỂ NÂNG CAO TINH THẦN CHIẾN ĐẤU VÀ LẠC QUAN, NHƯNG TÔI

KHÔNG THỂ CHO RẰNG NHỮNG NỖ LỰC NÀY HOÀN TOÀN THÀNH CÔNG CHO ĐẾN HIỆN NAY. TÔI ĐÃ ĐƯA RA NHỮNG MỆNH LỆNH TUYỆT ĐỐI LÀ KHÔNG ĐƯỢC NGHĨ ĐẾN VIỆC ĐẦU HÀNG VÀ RẰNG MỌI BINH SĨ PHẢI TIẾP TỤC CHIẾN ĐẤU ĐẾN PHÚT CUỐI CÙNG.

                Vào bình minh quân Nhật đã chiếm gần như nửa hòn đảo, bao gồm Bukit Timah (Núi Thiếc) chiến lược, điểm cao nhất trên đảo. Những đơn vị tiền tiêu đang tiến gần đường đua ngựa ở ven thành phố Singapore. Dù vậy, Tsuji vẫn mất tinh thần trước sự kháng cự càng lúc càng kiên cường, đặc biệt của hỏa lực pháo Anh vô cùng hiệu quả. Kẻ thù hình như có một nguồn quả pháo vô hạn, trong khi quân nhu của Nhật đã sắp cạn kiệt. Hơn nữa, giờ thì rõ ràng là tình báo đã đánh giá thấp một cách thô thiển sức mạnh của Anh với 30,000 binh lính; trong khi phải có ít nhất 2 lần hơn thế.

                Và như thế với sự liều lĩnh được ngụy trang mà Yamashita gởi Percival yêu cầu ông đầu hàng. Cuối buổi sáng hôm đó một máy bay trinh sát bỏ rơi một ống màu đỏ có sọc trắng trên vùng ven thành phố. Nó chứa một thông điệp do Yamashita ký tên nhưng do Trung tá Ichiji Sugita soạn thảo. Lời lẽ trong thư lấy cảm hứng từ thư đầu hàng của 47 ronin [lãng khách].

                Trong tinh thần hiệp sĩ chúng tôi có vinh dự khuyên ngài đầu hàng. Quân đội của ngài, được thành lập trên tinh thần truyền thống của Vương quốc Anh, đang phòng thủ Singapore, vốn hoàn toàn bị cô lập, và nâng cao tiếng tăm của Vương quốc Anh bằng những nỗ lực cực kỳ và tinh thần anh hùng . . . Từ giờ trở đi sự kháng cự là vô ích và chỉ làm tăng thêm hiểm nghèo cho hàng triệu  dân cư vô tội, khiến họ gánh chịu nổi đau của lửa đạn và kiếm đao. Nhưng sự tiến triển của tình hình chiến sự toàn diện đã định đoạt số phận của Singapore, và tiếp tục kháng cự vô ích chỉ đem lại thiệt hại và thương vong cho hàng ngàn dân thường sống trong thành phố, đẩy họ thêm nữa vào nổi thống khổ và khủng khiếp của chiến tranh. Hơn nữa chúng tôi không thấy bạn sẽ làm tiếng tăm của Quân đội Anh tăng thêm bằng cách kháng cự thêm nữa.

                               Percival không gởi thư phúc đáp cho Yamashita. Ông đã được dặn là “chiến đấu đến cùng.” Vậy mà không có tình trạng hoảng loạn ở Singapore dù bị bom và pháo. Người dân vẫn đứng xếp hàng bên ngoài rạp hát trong nhà chọc trời Cathay để xem phim The Philadelohia Story, còn Khách sạn Raffles thì chen chúc các sĩ quan tham mưu không có gì để làm trừ uống rượu và phê phán. Ai đó vẽ nguệch ngoạc trên một bức tường: NƯỚC ANH CHO NGƯỜI ANH, NƯỚC ÚC CHO NGƯỜI ÚC, NHƯNG NƯỚC MÃ LAI CHO BẤT KỲ BỌN CHÓ CHẾT NÀO MUỐN NÓ.

                Những kẻ lạc loài lũ lượt xuống những con đường chính về hướng thành phố. Một sĩ quan tình báo, David James, chận một đội hình binh sĩ Ấn và hỏi chỉ huy của họ tại sao họ đi ngược chiều. Y nói một sĩ quan Úc đã khuyên họ “chạy cho nhanh vì bọn Nhật đang vượt qua ngọn đồi.” Bạn được giao việc tìm kiếm người Nhật, không phải để chạy đua với họ, James nói. “Đúng là vậy, nhưng bạn không nên ở lại nơi không cần đến bạn, phải không?” viên chỉ huy trả lời và tiếp tục dẫn binh lính mình chạy lúp xúp.

                Thậm chí một số đơn vị Úc đã chiến đấu giỏi ở Mã Lai đẩy Quân cảnh sang một bên khi họ cố ngăn cản họ về thành phố. “Ê anh bạn, mặc kệ Mã Lai và Singapore,” một người nói. “Hải quân bỏ rơi tụi tao, không quân bỏ rơi tụi tao. Nếu bọn “nút thùng” [dân bản xứ] không chịu chiến đấu cho xứ sở chó chết của chúng, tại sao chọn tao?”

                Cảm nhận một sự sụp đổ hoàn toàn, Percival lập một cung phòng thủ vững chắc trước thành phố, nhưng đến thứ sáu ngày 13 đối với mỗi chỉ huy của ông rõ ràng Singapore đã tiêu đời. Wavell được yêu cầu tán thành việc rút quân tức thì, nhưng từ Bangdun ông trả lời chắc nịch là binh lính phải “tiếp tục gây tổn thất tối đa cho địch càng lâu càng tốt bằng cách giành giật từng ngôi nhà một nếu cần.” Percival trả lời rằng người Nhật kiểm soát hầu hết trạm cấp nước và chỉ còn lại ít nước. Wavell trả lời:

                SỰ KHÁNG CỰ DŨNG CẢM CỦA NGÀI ĐANG PHỤC VỤ CHO MỘT MỤC ĐÍCH VÀ PHẢI ĐƯỢC TIẾP TỤC ĐẾN GIỚI HẠN CỦA SỨC CHỊU ĐỰNG

                Mỉa mai thay, mối quan tâm của người Nhật đối với Singapore đang tăng lên về mọi mặt. “Tôi hi vọng nó không trở thành một Bataan khác,” Đô đốc Matome Ugaki, tham mưu trưởng của Yamamoto, viết trong nhật ký của mình. Trên chính hòn đảo Đại úy Asaeda tiên đoán là nếu người Anh cố thủ được thêm một tuần nữa, “họ sẽ đánh bại chúng ta.” Mỗi khẩu súng chỉ còn 100 viên là nhiều nhất, còn đại pháo còn ít hơn nhiều. Yamashita chịu sức ép phãi hoãn lại cuộc tấn công và thậm chí rút lui về bán đảo. Ông ra lệnh tiếp tục tấn công.

                Vào buổi sáng ngày 15/2 Percival mở cuộc họp các tư lệnh vùng và bảo họ gần như không còn xăng dầu hoặc pháo dã chiến và quân nhu Bofors. Trong 24 giờ không có một giọt nước. Ông nói mình sẽ yêu cầu Nhật ngưng bắn lúc bốn giờ. Trước khi ngày hết, ông nhận được phép làm được những gì ông đã dự tính. Wavell bảo ông được tự quyền đầu hàng một khi không còn làm gì thêm được nữa.

                . . . DÙ ĐIỀU GÌ XẢY RA TÔI CÁM ƠN ANH VÀ BINH SĨ ĐÃ KIÊN CƯỜNG CHIẾN ĐẤU TRONG NHỮNG NGÀY VỪA QUA.

                Từ đỉnh cao của Bukit Timah, Yamashita nhìn lá cờ nước Anh bay phấp phới trên cao trong Đồn Canning ở thành phố Singapore. Chỉ chiếm nội đồn đó cũng mất một tuần chiến đấu ác liệt và thêm nhiều ngày nữa để chọc thủng các phòng tuyến cuối cùng. Điện thoại mặt trận reo lên. Một chỉ huy mặt trận báo cáo là quân Anh đang dơ cao lá cờ hưu chiến.

                Đại tá Ichiji Sugita, cổ của ông đang bó chặt trong một khung nhựa sau một vụ té xe mô tô, lái xe tới để gặp phái đoàn đàm phán. “Chúng tôi sẽ hưu chiến nếu Quân đội Anh chịu đầu hàng,” ông nói bằng tiếng Nhật. “Các ông có muốn đầu hàng không?”

                Phiên dịch viên Anh, Đại úy Cyril H. D. Wild, nói, “Chúng tôi muốn.” Anh ta cao ráo, mắt xanh, con trai của Giám mục Newcastle. Sugita bảo anh trở lại với Percival và bộ tham mưu. Họ gặp nhau một lần nữa lúc 4:45 và đi bằng hai ô tô về hướng hảng Ford gần làng Bukit Timah. Ngồi kế bên Percival là Sugita. Sugita khổ sở quay sang vị tướng và nói bằng tiếng Anh với giọng ngập ngừng. “Chúng ta đã chiến đấu hơn 2 tháng. Giờ chúng ta đã đến cuối đường. Tôi khen tặng ngài trong cuộc phòng thủ của người Anh.” Percival lịch sự lẩm bẩm một vài lời hòa nhã. Gương mặt hốc hác của ông đỏ rừ, đôi mắt đỏ ngầu.

                Phe đầu hàng bước xuống xe trước hảng xưởng. Đối với người Nhật họ có vẻ kiêu ngạo, mặc dù chính Percival là người cầm cờ trắng. Bên trong tòa nhà bề bộn họ bị bao vây bởi những phóng viên, nhiếp ảnh gia và thông tín viên uyên náo. Năm phút sau, lúc 7 giờ, Yamashita xuất hiện, và sự ồn ào gia tăng khi hơn 40 người chen lấn trong gian phòng nhỏ. Người đầu hàng đã đến quá bất ngờ đến nỗi Yamashita chưa kịp liếc qua các điều khoản đầu hàng mà Sugita đã đánh máy ra bằng tiếng Anh mấy ngày trước. “Người Nhật không xem xét việc gì khác ngoài sự đầu hàng,” Yamashita nói. Ông biết rằng quân số Anh áp đảo quân Nhật rất nhiều và ông lo nhất là để cho Percival phát hiện ra điều đó.

                “Tôi e rằng mình không thể đưa ra câu trả lời cuối cùng trước 10:30 P.M.” Percival trả lời. Ông không dự tính sẽ tiếp tục kháng cự. Ông chỉ muốn soạn ra những chi tiết đặc biệt trước khi đặt bút ký tên.

                Nhưng Yamashita tin rằng người Anh đang câu giờ. Những điều khoản phải được giải quyết trước khi địch nhận ra rằng người Nhật kém quân số hơn mình. Đánh nhau trên đường phố sẽ là thảm họa. * “Chỉ cần trả lời là có nhất trí với các điều khoản của chúng tôi được hay không,” ông nói cụt ngũn. “Công việc phải nhanh chóng giải quyết. Chúng tôi còn phải tiếp tục khai hỏa.” Qua một cửa sổ một đám lửa lóe lên ở Singapore.

 

  • Sau chiến tranh Yamashita nói, “Tôi cảm thấy rằng nếu chúng tôi phải chiến đấu trong thành phố chúng tôi sẽ bại trận.” Ông mô tả chiến lược mình sử dụng ở Singapore là “một cú tháu cáy, một cú tháu cáy có hiệu quả.”

                Sugita thấy rằng sự hiểu lầm đang đe dọa việc đầu hàng và tiếp sức với phiên dịch viên yếu kém của Yamashita. Anh làm tốt hơn một chút. Cuộc bàn cãi gián đoan được tiếp tục, nhưng vẫn còn trầm trọng thêm vì khả năng tiếng Nhật còn nghèo nàn của Wild và việc Percival chần chừ chưa quyết định ngay liền.

                Yamashita mất hết kiên nhẫn. “Trừ khi ngài đầu hàng,” ông la lên, “chúng tôi sẽ phải tiếp tục mở cuộc tấn công đêm nay như dự kiến.”

                “Quân đội Nhật không thể duy trì tình trạng hiện thời hay sao?” Percival ngạc nhiên hỏi. “Chúng ta có thể đàm phán lần nữa vào ngày mai lúc 5:30 mà.”

                “Nani!” Yamashita giả vờ phẫn nộ để che giấu mối quan ngại của mình. “Tôi muốn hành động thù địch sẽ kết thúc đêm nay và tôi muốn nhắc nhở ngài là sẽ không thể có thương lượng.”

                Đó không phải là một sự đầu hàng hào hiệp mà Percival muốn. “Chúng tôi sẽ ngừng bắn vào 8:30 P.M.,” ông lầm bầm. “Có phải chúng ta nên giữ nguyên tình hình hiện tại đêm nay không?”

                Yamashita bảo ông hãy làm thế. Hưu chiến sẽ bắt đầu lúc 8:30 và 1,000 người được phép mang vũ khí để giữ gìn trật tự trong thành phố. Thái độ mơ hồ của Percival khiến Yamashita ngờ vực. “Ngài đã nhất trí với các điều khoản nhưng ngài chưa phát biểu rõ ràng hoặc ngài có đồng ý đầu hàng hay không.” Percival không nói được. Đó là một thảm họa quân sự tồi tệ nhất trong lịch sử Anh, thời điểm cay đắng nhất trong cuộc đời ông. Ông tằng hắng nhưng ông không thể làm gì ngoài gật đầu.

                Trong cơn tức tối Yamashita bảo Sugita mình muốn người Anh đưa ra một hồi đáp đơn giản. Thông dịch viên, tuy nhiên, đang bận trao đổi dài dòng với Wild. Yamashita cứ mãi nhìn đồng hồ tay không ngớt và cuối cùng chỉ ngón tay vào Sugita. “Không cần phải nói nhiều. Đây là một câu hỏi đơn giản và tôi muốn một câu trả lời đơn giản.” Ông quay sang Percival và quát: “Chúng tôi muốn nghe ngài nói “Có” hay “Không”! Đầu hàng hay đánh nhau!”

                “Vâng, tôi đồng ý,” Percival yếu ớt nói. Ông ngừng lại. “Tôi có một yêu cầu. Liệu Quân đội Hoàng gia có bảo vệ phụ nữ và trẻ em và dân thường Anh hay không?”

                “Chúng tôi sẽ xem xét việc đó. Làm ơn ký thỏa thuận hưu chiến đi.”

                Lúc 7:30 Percival ký. Bốn mươi phút sau, tiếng gầm rú của trận chiến đột ngột ngừng hẳn. Singapore, Thành phố của Sư tử, pháo đài nổi tiếng nhất trên thế giới, đã thuộc về Nhật Bản. Trong 70 ngày, Yamashita, với giá của 9,824 thương vong, đã tiến qua 650 dặm xuống Bán đảo Mã Lai và băng qua Singapore. Quân Anh tương đối chịu ít thương vong hơn, nhưng đầu hàng hơn 130,000 binh sĩ.

                Đó là thắng lợi trên bộ lớn nhất trong lịch sử Nhật. Một lần nữa họ đã chứng tỏ một cách ấn tượng cho tất cả huynh đệ Á châu của họ thấy rằng người da trắng có thể bị đánh bại. Ở Nhật một chính quyền hoan hỉ thông báo sẽ phân phát hai chai bia và một túi đậu đỏ cho mỗi gia đình, cũng như ba go rượu sake. Mỗi trẻ em dưới 13 tuổi được một hộp  caramen, bánh và kẹo.

                Tờ Asahi Shimbun chạy tít kể về câu chuyện của trận đánh: TÌNH HÌNH TOÀN DIỆN CỦA CUỘC CHIẾN Ở THÁI BÌNH DƯƠNG ĐÃ ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH. “Việc đánh chiếm Đảo Singapore trong thời gian 3 ngày ít ỏi chỉ có Quân đội Hoàng gia của chúng ta mới làm được,” Đại tá Hideo Ohira, trưởng Ban Báo chí, tuyên bố. “Nhật Bản là vầng thái dương tỏa sáng cho hòa bình thế giới. Những ai tắm trong ánh mặt trời sẽ lớn mạnh và ai chống lại nó sẽ không có con đường nào khác hơn là tàn rụi. Cả Hoa Kỳ và Anh hãy ngắm nhìn lịch sử 3,000 năm cháy bỏng của lịch sử Nhật. Tôi trân trọng tuyên bố rằng với sự thất thủ của Singapore tình hình toàn diện của chiến tranh đã được quyết định. Thắng lợi tối hậu sẽ thuộc về chúng ta.”

                Thủ tướng Tojo bảo với Quốc hội là Miến Điện và Phi Luật Tân sẽ được độc lập nhưng cần thiết phải giữ lại Hong Kong và Mã Lai làm căn cứ sống sòn để bảo vệ Đại Đông Á.

“Mục tiêu của cuộc chiến Đại Đông Á,” ông nói, “được xây dựng trên những lý tưởng thăng hoa của công cuộc củng cố đế chế và nó giúp cho mọi quốc gia và dân tộc của Đại Đông Á được sống hạnh phúc và thiết lập một trật tự sống chung và thịnh vượng chung mới dựa trên cơ sở công chính với Nhật Bản là hạt nhân.”

 

3.

                Java gần như bị cô lập trong một tháng trời. Về phía tây, Sumatra đang chịu sự tấn công của lính dù và binh lính đổ bộ gần đây. Về phía đông, một đoàn tàu đổ bộ khác đã vừa buông neo ngoài khơi hòn đảo xinh đẹp Bali.

                Tại bộ tư lệnh của ông ở Bandung, phía cao trên núi ở trung tâm Java, Tư lệnh ABDA Archibald Wavell chắc chắn là Java là mục tiêu tiếp theo. Ông rất đúng. Hai lực lượng xâm lăng hùng hậu, mỗi lực lượng đều được bảo vệ bởi các đơn vị tàu khu trục và tuần dương hùng mạnh, đã lên đường tiến đến ngọn đảo chiến lược đó. Tư lệnh của Lực lượng Hải quân Hà Lan – một phó đô đốc đầu hói, béo tròn, thấp lùn có tên Helfrich – vẫn còn mang ý niệm là người Nhật sẽ bị đánh bại trên biển. Ông bác bỏ ý kiến của của Đô đốc Hoa Kỳ Hart, tư lệnh của Hải quân ABDA, rằng việc phòng thủ của Đông Ấn thuộc Hà Lan là một thất bại chắc chắn. Hạm đội Hà Lan đã đánh chìm một lượng trọng tải Nhật lớn hơn các lực lượng Mỹ trên không, mặt đất và dưới nước gộp lại.

                Thật ra, chính sự châm chích của Đô đốc Helfrich đã tạo cảm hứng cho người Mỹ tiến hành một trận tấn công trên mặt biển lần đầu tiên kể từ Trân Châu Cảng. Vào ngày 24/1 một bộ tứ gồm 4 tàu khu trục có từ thời Thế Chiến I lẻn vào Eo biển Makassar, giữa Borneo và Celebes, bắn 3 tàu vận tải của địch xuống đáy biển. Đó là một cuộc đột kích táo bạo, được thi triển xuất sắc, và nó chứng tỏ mạnh mẽ luận điểm của Helfrich. Giờ ông thúc ép mọi người tin như mình rằng nơi để kết liễu quân Nhật là ở biển cả chứ không phải trên các bãi biển của Java.

                Việc người Mỹ miễn cưỡng giao tranh trên biển là điều khó hiểu đối với người Nhật cũng cho Helfrich. Phía dưới Phi Luật Tân họ không gặp gần như sự chống cự nào và giờ nắm giữ tất cả Borneo và đảo Celebes, và đã cắm những bàn đạp vững chắc trên New Guinea. Một khi Java bị chính phục, kho báu dầu, thiếc và tungsten sẽ lọt vào tay họ.

                Việc Wavell đánh giá mối đe dọa đối với Java, nơi ông cắm quân, khác biệt đáng kể với các đánh giá của ông về những vấn đề mà người phòng thủ Singapore phài đối mặt. Vào ngày 22/2, ông viết cho Churchill:

                TÔI SỢ LÀ SỰ PHÒNG THỦ NHỮNG VÙNG THUỘC A.B.D.A ĐÃ BỊ BẼ GÃY VÀ VIỆC              PHÒNG THỦ JAVA KHÔNG THỂ KÉO DÀI . . . GIỜ ĐÂY BẤT CỨ THỨ GÌ BỎ VÀO JAVA                CŨNG CHỈ KHÔNG GIÚP ÍCH GÌ NHIỀU CHO VIỆC KÉO DÀI CUỘC CHIẾN ĐẤU: ĐÓ   ĐÚNG RA LÀ VẤN ĐỀ NGÀI CHỌN ĐIỀU GÌ ĐỂ GIẢI CỨU. . . TÔI THẤY BỘ TƯ LỆNH             NÀY KHÔNG CÒN HỮU ÍCH NHIỀU NỮA . . . CUỐI CÙNG VỀ CHÍNH TÔI. TÔI BAO GIỜ                 CŨNG SẴN LÒNG LÀM HẾT SỨC MÌNH Ở NƠI ĐÂU NGÀI NGHĨ SẼ LÀ TỐT NHẤT CHO          TÔI. TÔI ĐÃ PHỤ LÒNG NGÀI VÀ TỔNG THỐNG Ở VỊ TRÍ NÀY, NƠI MỘT NGƯỜI GIỎI       HƠN CÓ THỂ ĐÃ THÀNH CÔNG . . .  TÔI GHÉT PHẢI RỜI BỎ NHỮNG NGƯỜI HÀ LAN          GAN GÓC NÀY, VÀ SẼ Ở LẠI ĐÂY CHIẾN ĐẤU ĐẾN CÙNG VỚI HỌ ĐẾN CHỪNG NÀO MÀ NGÀI THẤY VIỆC NÀY CÓ ÍCH LỢI GÌ ĐÓ.

                CHÚC NGÀI SỨC KHỎE, TÔI LO LÀ NGÀI ĐANG GẶP MỘT THỜI KỲ RẤT KHÓ KHĂN,            NHƯNG TÔI BIẾT LÒNG CAN TRƯỜNG CỦA NGÀI SẼ CHIẾU SÁNG QUA NÓ.

           Lực lượng phòng không của Đồng minh không còn giúp ích cho việc kháng cự hiệu quả nữa. Sau thảm họa ở Mã Lai không có mấy máy bay Anh còn lại; lực lượng Hà Lan thì teo tóp chỉ còn dăm ba chiếc xập xệ; và trong số 111 máy bay mà Mỹ vội vã đem đến Java, chỉ còn lại 23 máy bay ném bom hạng nặng và một ít chiến đấu cơ.

                Ba ngày sau Wavell giao việc phòng thủ cuối cùng của vùng Đông Ấn cho thống đốc Hà Lan và rời Java. Hạm đội của Helfrich là lực lượng duy nhất án ngữ giữa Java và các đoàn tàu xâm lăng của Nhật đang đến gần. Ông không còn hi vọng nào ngăn chận được họ nhưng quyết tâm giết được càng nhiều kẻ thù ở biển càng tốt.

                Vào rạng sáng – đó là ngày 26/2 – Đoàn Tàu Tấn Công phía Tây gồm 56 tàu vận tải cách mút phía tây của Java 250 dặm. Nó được hộ tống bởi 1 tàu sân bay và 7 tàu tuần dương, hai đội tàu khu trục và được che chở bởi 4 tàu tuần dương hạng nặng. Đoàn Tàu Tấn Công phía Đông gồm 40 tàu vận tải còn cách mục tiêu đông Java chưa tới 200 dặm. Nó được hộ tống bởi một tàu tuần dương hạng nhẹ và 7 tàu khu trục. Gần bên còn có 2 tàu tuần dương hạng nặng, 1 tàu tuần dương hạng nhẹ và 7 tàu khu trục. Tổng chỉ huy của 18 tàu này là Chuẩn Đô đốc Takeo Takagi, có năng lực nhưng thận trọng.

                Ngay trước ngọ đoàn phía đông bị hai máy bay Đồng minh phát hiện. Helfrich, người đã tiếp nhận tư lệnh mới của Hải quân ABDA từ tay Hart, điện báo cho Chuẩn Đô đốc Karel W. F. M. Doorman, một người đồng hương, rời cảng khi đêm xuống với lực lượng chủ lực gồm 15 tàu và tấn công. Một ít giờ sau Helfrich biết tin về đoàn tàu đến từ hướng tây. Ông ra lệnh một lực lượng nhỏ hơn – tàu tuần dương nhẹ Hobart, 2 tàu tuần dương cũ và 2 tàu khu trục cũng cũ không kém – để đương đầu với mối đe dọa mới này tốt như có thể.

                Lúc 6:30 Doorman cho đoàn tàu ra khỏi Surabaya. Đoàn tàu tối đen hướng mũi về phía bắc vào Biển Java trong ánh sáng tim tím của buổi hoàng hôn. Mặc dù bề ngoài ấn tượng, đó chỉ là một đoàn tàu vá víu không có chung một học thuyết hoặc kỹ thuật chiến đấu, có bốn quốc tịch với bốn lực lượng tác chiến riêng biệt và khác nhau. Nó khiến cho một trung úy trẻ trên tàu tuần dương hạng nặng Houston của Mỹ liên tưởng đến 11 ngôi sao chơi trong đội  Notre Dame mà không qua một buổi tập luyện chung nào hết.

                Suốt qua đêm lực lượng của Doorman quét dọc theo bờ biển nhưng không tìm thấy gì và quay trở về vào lúc trời sáng. Đoàn tàu vừa hướng mũi vào cảng Surabaya vào khoảng 2:30 chiều thì Dooman nhận được một lệnh mới phải giao chiến với lực lượng của địch cách 90 dặm về phía bắc.

                Vì hạm đội không có chung mật mã về các ký hiệu tác chiến, nên lệnh đầu tiên của Doorman được truyền đi bằng sóng vô tuyến, cờ hiệu và đèn hiệu bằng tiếng Anh: THEO TÔI, ĐỊCH CÁCH ĐÂY 90 DẶM.

                Mọi người trong hạm đội đều vôn cùng phấn chấn khi được quay lại hướng ra biển. Ba tàu khu trục Anh, lướt ra trước, dẫn đường theo sau là tàu tuần dương nhẹ De Ruyter. Phía sau theo hàng dài là tàu tuần dương Anh hạng nặng nổi tiếng Exeter; Houston, đã từng 4 lần tiếp đón Tổng thống Roosevelt; tàu tuần dương nhẹ Perth của Úc; sau cùng là tàu tuần dương nhẹ Java của Hà Lan. Bên trái là đoàn tàu thứ hai – hai tàu khu trục của Hà Lan theo sau là 4 tàu khu trục cỗ lỗ của Mỹ. Nhưng hạm đội như thằng mù. Doorman không có máy bay săn tìm để phóng đi từ tàu khu truc; chúng đã bị bỏ lại trên bờ đêm hôm trước.

                Đô đốc Takagi, tuy nhiên, lại biết vị trí của Doorman. Ba máy bay có phao (thủy phi cơ) đã phát hiện ra đoàn tàu ABDA. Ông ra lệnh cho 38 tàu của đoàn tàu phía đông quay lại và xếp thành đội hình chiến đấu. Doorman có hơn một tàu tuần dương nhẹ nhưng Takagi gần như có số tàu khu trục gấp đôi và điều này khiến ông có lợi thế hơn về số lượng – 18 tàu chiến so với 15.

                Đó là một buổi sáng quang đãng và rực rỡ và người Nhật có cảm tưởng mình có thể ngửi được mùi hương của đảo Java gần đó. Các thủy thủ, mặc quần áo lao động trắng, đội mũ bảo hộ bằng thép, chen lấn vào điện thờ và buộc hachimaki quanh trán mình thật chặt. Các sĩ quan trong đồng phục trắng tươm tất và mũ bóng chày căng cặp mắt tìm kiếm kẻ thù. Kể từ trận Đối Mã (Tsushima) Nhật chưa từng tham gia một trận hải chiến lớn nào.

                Lúc 4 giờ tàu tuần dương Jintsu trông thấy những cột tàu 17 dặm về phía đông nam. Rồi các thủy thủ gác tàu trên hai tàu tuần dương lớn Nachi Haguro nhận ra cột tàu cao ngất của De Ruyter. Khi nó đến gần hơn, phần trên sừng sững của nó có hình dáng kỳ lạ khoác một vẻ đe dọa như một quái vật tiền sử nào đó.

                Trên tàu Nachi, Takagi và tham mưu trưởng của ông, Đại tá Ko Nagasawa, không chắc là có nên tham chiến trong một trận hải chiến chiếu lệ hay không. Sứ mạng chủ yếu của hô là bảo vệ đoàn tàu vận tải, nhưng Takagi ra lệnh tiến vào. Ở khoảng cách 28,000 ya Nagasawa xin phép khai hỏa. Takagi gật đầu, và vào lúc 4:15 các khẩu pháo tám-inxơ của Nachi Haguro gầm lên. Một phút sau đó hai tàu tuần dương của Đồng minh khai hỏa nhưng đó không phải là cuộc quyết đấu xứng tầm với 12 đại pháo chống lại 20 đại pháo của Takagi.      

                Người Nhật tiến đến quá nhanh đến nỗi chẳng bao lâu rõ ràng họ sẽ cắt ngang tàu đi đầu của Đồng minh, “cắt chữ T.” Theo kiểu điều trận cổ điển này Takagi sẽ đem toàn bộ hỏa lực pháo bên mạn tàu nã vào các tuần dương của Dooman, lúc này chỉ có thể bắn trả bằng các khẩu pháo phía trước. Nhưng vị đô đốc Hà Lan đã nhận ra cái bẫy này nên quành tàu 20 độ sang trái, tránh khỏi tàu Nhật.

                Takagi cũng quay tàu, đặt hai hạm đội gần như song song, hướng về tây, với Doorman bị ép giữa người Nhật và Java. Mười phút sau Nagasawa báo cáo với Takagi đã đến lúc tiếp cận và tấn công. “Tiến hành,” đô đốc ra lệnh, ông vốn là một chuyên gia về tàu ngầm. Ở khoảng cách 16,000 ya các khu trục Nhật phóng các ngư lôi của mình. Là thiết kế kiểu mới, chúng có tầm bắn đáng kinh ngạc xa đến 30,000 ya và hệ thống đẩy oxygen của chúng không để lại đường xủi bọt khiến không phát hiện được hướng bắn.

                Doorman không biết chúng đến cho đến khi ông trông thấy các cột nước bắn lên trên không. Các ngư lôi mới đã được lắp ráp sai và phát nổ sớm khi chạy giữa chừng. Sự xuất hiện thình lình của chúng gây ra cơn hoảng loạn; chúng chắc xuất phát từ một đàn sói tàu ngầm.

                Cột nước cũng báo động cho Nagasawa. Ông tưởng đó là mìn của địch phát nổ gần Đảo Bawean. Ông cảnh báo Takagi nếu tiến xa hơn nữa sẽ là tự sát, và lệnh di chuyển trong vòng 6,000 ya được hủy bỏ. Doorman được một cơ hội nghỉ ngơi. Nhưng chỉ là ngắn ngủi. Lúc 5 giờ, đạn pháo từ Haguro rơi ầm xuống qua một dàn pháo phòng không trên Exeter và nổ tung trong nồi hơi. Con tàu tuần dương lớn, giảm tốc độ phân nửa, lảo đảo và quay sang trái để tàu Houston ở ngay sau nó không va vào đuôi tàu của nó.

                De Ruyer nhìn thấy sự hỗn loạn phía sau và cũng quay sang trái đúng lúc một nhóm ngư lôi khác cắt nước đi về phía Đồng minh. Lúc 5:15 tàu khu trục Hà Lan Kortenaer nổ tung và gãy làm hai như một con dao xếp. Doorman ra ký hiệu TẤT CẢ TÀU THEO TÔI và quay về hướng đông nam. Ông mất thêm một tàu khu trục, Electra, nhưng tàu Exeter dù bị thương vẫn chạy thoát được trong biển khói và hỗn loạn.

                Giờ thì Doorman chỉ còn sáu khẩu pháo 8-inxơ của tàu Houston đấu với 20 khẩu của Takagi. Đàng sau đám mây khói đen Doorman lập một chiến tuyến mới, nhưng chỉ vài phút sau hai quả pháo lớn đâm vào tàu Houston. Lần này may mắn nằm về phía Đồng minh; cả hai quả pháo đều thúi (lép). Doorman ngoặc tuyến chiến đấu của mình theo một đường tròn ngược chiều kim đồng hồ lẫn tránh, nhưng Nachi Haguro  vẫn tiến sát gần hơn. Một nhóm tàu khu trực cũng vậy.

                Doorman gọi pháo từ bốn tàu khu trục Mỹ. Tư lệnh của chúng, T. H. Binford, tuân lệnh và từ chính tàu mình phóng ngư lôi vào Nachi Haguro từ khoảng cách 10,000 ya. Các tàu tuần dương xoay sở để lẫn tránh các ngư lôi, nhưng tính táo bạo của trận tấn công bắt buộc Takagi phải rút lui về hướng bắc. Ông quyết định đợi đến đêm, thời khắc mà người Nhật theo truyền thống rất thích tấn công.

                Mặc dù bị thương nghiêm trọng, Doorman không có dự định rút lui. Thay vào đó ông bắt đầu dò dẫm tìm các tàu vận tải Nhật. Lúc 9 giờ kỳ hạm của ông đến được chỗ nước nông, bèn ngoặc tàu nằm song song với bờ biển Java. Những tàu tuần dương khác làm theo, cũng như 2 tàu khu trục Anh, Encounter Jupiter. 25 phút sau đó một vụ nổ lớn xảy ra ở cuối hàng tàu và Jupiter chìm trong biển lửa. Chắc chắn nó đụng phải mìn Hà Lan trôi giạt.

                Những con tàu khác lao vào bóng đêm một cách không yên tâm. Không có gì xảy ra cho đến 9:50. Bổng một hỏa châu lóe sáng rồi rơi xuống, chiếu sáng rõ hàng tàu. Kẻ đi săn trở thành thú bị săn bởi một trong các máy bay săn tìm của Takagi. Liên tiếp sau đó nửa chục hỏa châu lóe sáng một cách ma quái hai bên hàng tàu Đồng minh.

                Takagi tiến vào, và ngay trước 11 giờ lính canh trên tàu Nachi trông thấy hàng tàu địch qua cặp kính đặc biệt nhìn đêm gắn trên đài chỉ huy. Ai đó trên De Ruyter cuối cùng nhìn thấy hai tàu tuần dương Nhật trên xà rầm ở mạn trái và báo cáo sai lầm là họ đang tiến về hướng ngược lại. Tàu tuần dương Hà Lan khai hỏa. Sau đó là tàu Perth, Houston Java tiếp theo. Bầu trời sáng lòa dưới ánh sáng của đạn pháo sáng nổ bùng.

                Rồi thình lình hỏa lực im bặt. Trong bóng đêm đột ngột phe Đồng minh không biết là tàu Hagura Nachi đang lặng lẽ tiến sát từ phía sau. Nagasawa đợi cho đến khi cách tàu địch khoảng 10,000 ya, ông quay sang Takagi và nói đã đến lúc phóng ngư lôi. Vị đô đốc tán thành và vào khoảng 11:20. Nachi phóng 8 ngư lôi và Haguro phóng 4. Trong vài phút các ngư lôi lướt qua hàng tàu Đồng minh đãng trí, đang đi theo hướng của mình. Rồi De Ruyer phát nổ khủng khiếp một cách đột ngột mà những người trên tàu không giải thích được. Khi lửa lan tràn qua boong tàu, các pháo sáng vọt lên từ con tàu trúng thương. Lửa đã liếm kho chứa chất pháo sáng.

                Bốn phút sau là một tiếng nổ long trời khác, lần này ngay phía sau tàu Houston. Đó là Java. Bốc cháy dữ dội, đuôi tàu ngốc lên cao trên không. Hàng trăm thủy thủ rớt xuống biển như kiến khi con tàu trượt xuống biển tối đen. Rồi chiếc De Ruyer cũng biến mất, rít lên thảm thiết khi nước bao phủ ngọn lửa đang hoành hành. Đi cùng nó là Doorman và 366 thuyền viên.  Một trong những lệnh cuối cùng của ông là giao mọi người sống sót “vào lòng thương xót của kẻ thù,” và sĩ quan cao cấp mới của hạm đội, thuyền trưởng của Perth, ra lệnh cho Houston đi theo khi ông tăng tốc về hướng đông nam.

                Trận hải chiến Java, trận giao tranh trên biển lớn nhất kể từ trận Jutland năm 1916, đã kết thúc. Thậm chí ngay lúc trời sáng Takagi đã có thể gây thiệt hại cho hạm đội Đồng minh, và trong bóng đêm Doorman không có cơ may nào chống lại sự rèn luyện đặc biệt của người Nhật. Họ không hề hấn gì, trong khi Doorman mất 3 khu trục, 2 tuần dương nhẹ và mạng sống của mình.

                                          

                Mười con tàu Đồng minh sống sót sau trận đánh, và khi hừng sáng họ đã xoay sở về đến Batavia (sẽ sớm được đặt tên lại là Djakarta) hoặc Surabaya. Bốn khu trục Mỹ được phép thoát chạy đến Úc, và lúc 5 giờ lủi ra khỏi cảng Surabaya băng qua con tàu Exeter đang bỏ neo. Trong ánh sáng lù mù họ lao an toàn ra khỏi Eo Bali.

                Cũng đêm đó Perth Houston rời Bavaria để cố tẩu thoát qua Eo Sunda, chỉ rộng 14 dặm. Họ xông hết tốc độ qua đoàn tàu Nhật; gồm 4 tuần dương nặng, 3 tuần dương nhẹ, khoảng 10 khu trục và tàu sân bay Ryujo đang bảo vệ 56 tàu vận tải của Đoàn Tấn công phía Tây, đang bỏ neo ở mũi phía tây của Java trong Vịnh Bantam.

                Perth kháng cự lại kiên cường khắp bốn phía, nhưng vừa trước nửa đêm một quả pháo rơi sầm vào trong phòng ăn của thủy thủ quèn ở mạn phải gần đường ống nước. Rồi một ngư lôi đâm vào cùng một bên gần phòng lò hơi phía trước. Khi con tàu bắt đầu nhanh chóng hấp hối, các ngư lôi và pháo lại liên tiếp bắn tới tấp trúng đích khiến nó cuối cùng lật qua và chìm xuống.

                Giờ thì đến lượt Houston. Nó đã bị thương vì một quả ngư lôi và các đại pháo của tuần dương Mikuma  đang tìm mục tiêu của mình. 15 phút sau nửa đêm một loạt pháo xé toạc phòng máy phía sau của chiếc tuần dương Mỹ, làm bỏng mọi người đến chết. Hơi nóng phun ra qua các lỗ lởm chởm trên boong và con tàu mất tốc độ. Khi hồi kèn Bỏ tàu vang lên một quả pháo 5 in-xơ nổ trên đài chỉ huy, giết chết thuyền trưởng.

                Houston nằm chết trong nước, pháo của nó chỉa ra theo những hướng kỳ cục . Chầm chậm nó lật qua một bên và dừng lại. Lá cờ Sao-Sọc phấp phới hiên ngang từ cột tàu. Cuối cùng, vào lúc 12:45, con tàu rùng mình và lao xuống mất dạng.

                Trong quân số 1,000 người của Houston và 680 của Perth, không tới phân nửa còn sống, nhưng rồi nhiều người trong số này sẽ chết trong nước biển ngập dầu. Người Nhật cũng bị thiệt hại, nhưng không phải bởi Houston hay Perth. Tám ngư lôi mà tàu Mikuma nhắm vào Houston bắn hụt và tiếp tục đi tới về phía các tàu vận tải đang tập kết tại Vịnh Bantam. Bốn tàu chìm xuống đáy, bao gồm Ryujomaru, tàu chỉ huy của Tướng Hitoshi Imamura, tư lệnh  Quân đoàn 16. Imamura và hàng trăm binh sĩ phải nhảy vào vùng nước ấm. Vị tướng và phụ tá của ông ta chụp được một thanh gỗ, vì không người nào mặc áo phao. Lên đến bờ, người phụ tá thấy xếp của mình mặt mũi đen nhớp vì dầu, đang ngồi trên một đống tre. “Thành thật khen ngợi,” ông nói, “vì đã đổ bộ thành công.”*

  • Tư lệnh Shukichi Toshikawa của đoàn tàu khu trục thứ 5 được phái đến để xin lỗi Imamura vì bắn ngư lôi vào bốn tàu vận tải và ném vị tướng xuống vịnh. Nhưng tham mưu trưởng của Imamura khuyên Toshikawa hãy giữ kín chuyện đó. Imamuro vẫn nghĩ  ngư lôi của Houston bắn chìm tàu ông. “Hãy cho nó chiến công đó đi,” tham mưu trưởng bảo Toshikawa. Đến nay các tư liệu chính thức trên cả hai phía đều ghi nhận Houston làm chuyện đó.

 

                Cuộc đổ bộ ở Vịnh Bantam và lên bờ biển phía bắc khiến quyền kiểm soát của Đồng minh trên Java cuối cùng tan rã. Ở Bangdun một đô đốc Anh bảo với Helfrich, “Tôi đã được chỉ thị từ Bộ Hải quân phải rút các tàu chiến Hoàng gia ra khỏi Java khi sự kháng cự không đưa đến mục đích thiết thực nào. Thời điểm này, tôi nghĩ, đã đến rồi.”

                “Ngài có biết là ngài còn ở dưới quyền tôi không?” Helfrich vặn lại.

                “Tôi biết, tất nhiên. Nhưng trong vấn đề sống còn này, tôi không thể làm gì khác hơn là thi hành bổn phận mình theo suy xét của tôi.”

                Chuẩn Đô đốc Mỹ W. A. Glassford, thông cảm với người đồng nghiệp Anh nhưng trấn an Helfrich là mình còn ở dưới lệnh ông ta. “Ngài ra bất cứ lệnh gì tôi sẽ thi hành ngay.”

                Nhưng không thể đưa ra lệnh thiết thực nào. Helfrich thở dài nặng nhọc. “Anh cứ ra lệnh cho tàu anh về Úc,” ông nói và cám ơn người Mỹ đã hỗ trợ nhiệt tình. Về phần vị đô đốc Anh, ông ta muốn ra lệnh gì cho tàu mình thì cứ việc.

                Các tàu Anh cuối cùng – Exeter và hai tàu hộ tống khu trục – đã lên đường về hướng tây bắc với hi vọng thoát qua Eo Sunda vào ban đêm. Nhưng Takagi đã phát hiện họ lúc 9:35 sáng, và với sự yễm trợ của các máy bay ném bom bổ nhào từ Ryujo , đánh chìm tất cả ba.

                Một lúc sau nửa đêm chiếc máy bay Mỹ cuối cùng cất cánh từ hòn đảo đang hấp hối Java với 35 hành khách, nhưng vào lúc hừng đông một thuyền bay cất cánh nặng nhọc từ một hồ nước gần Bangdun để đến Ceylon. Trong khoang là Đô đốc Helfrich. Ông cảm thấy mình như là một viên thiếu úy mới ra trường.

                Hoàn toàn không có kháng cự, các lực lượng đổ bộ Nhật hội tụ vào Batavia và Bangdun từ hai phía. Quyền tư lệnh Hà Lan chỉ huy các lực lượng Đồng minh phân tán và vô tổ chức biết rằng chiến tranh du kích là điều không thể vì người bản xứ quá căm ghét các ông chủ Hà Lan. Vào ngày 8/3 ông ra lệnh mọi người buông khí giới. Thông điệp cuối cùng gởi đến thế giới bên ngoài được phát từ một đài phát thanh thương mại ở Bandung. “Chúng tôi đóng cửa,” ông nói. “Tạm biệt hẹn gặp lại khi tình hình tốt hơn. Nữ Hoàng vạn tuế!”

                Như Singapore, Java đã tiêu đời. Mặc dù thảm bại tơi tả và tranh cãi gay gắt và cáo buộc lẫn nhau, người Mỹ, Anh, Hà Lan và Úc đã tìm được sự đoàn kết tạm thời trong một trận đánh can trường nhưng vô vọng ở biển. Giờ chỉ còn một ổ kháng cự bên trong Đế chế Nhật – Bataan và Corregidor.         

78

 

     

10 . “Để Hi Vọng Bị Lãng Phí và Thảm Bại là Chắc Chắn”

 

1.

                Tết Dương Lịch, ngày lễ ưa thích của người Nhật, được chào đón như thường lệ ở Tokyo. Những món nợ trong năm được trả hết; một đám rước vô tận chen chúc đến Đền Minh Trị để ném những đồng xu vào những thùng cúng dường ngay lúc giao thừa và để có may mắn, mua những búp bê daruma màu đỏ với cái mông chất nặng. Sự náo nức không hề giảm sút vì chiến tranh; mà trái lại, nó nuôi dưỡng một tâm trạng mong đợi. Khi nào sẽ có cuộc khải hoàn tiếp theo?

                Tướng Muto, trưởng Văn phòng Quân vụ, đến thăm Shigenori Togo tại Bộ Ngoại giao và sau vài cốc toso (rượu Tân Niên) nói, “Nhân dân đang tận hưởng những thắng lợi quá tưng bừng. Thế là không phải.” Sắp tới là một cuộc chiến cam go. “Chính sách của anh, do đó, là nên kết thúc nó sớm như có thể.” Bước đầu tiên là thay thế Tojo ở chức thủ tướng, Muto nói, và ra về để nói cùng những ý đó với một cựu thủ tướng từ lâu đã chống đối sự gây hấn quân sự, Đô đốc Okada.

                Người Nhật ở Phi Luật Tân chào mừng năm mới bằng cách tụ về Manila từ hai hướng. Tướng Homma chỉ cách thủ đô đúng 17 dặm và trước mặt ông có ít người ngăn cản. Binh lính phía nam đã bị chậm chân cách đó khoảng 40 dặm vì bọn gài mìn đã phá hủy rất nhiều đoạn xa lộ và cầu đường sắt, nhưng họ cũng không đối mặt với sự kháng cự nào.

                Homma dừng đạo quân của ông, ra lệnh binh lính tắm rửa và xiết chặt đội hình. Những binh lính xốc xếch, ông biết, sẽ không diễu hành trong niềm tự hào và dễ phạm tội cướp bóc và hiếp dâm.

5

Trong thành phố các cửa hàng đều được đóng kín bằng ván. Gần khu vực bến tàu Carl Mydans của tạp chí Life trông thấy các tên trộm cướp vơ vét các kho hàng, chúng cuỗm đi mọi thứ từ ô tô đến những cuộn phim chụp hình. Khi anh quay về Khách sạn Bayview vợ anh, Shelley trao cho anh một điện tín từ Life. Tòa soạn yêu cầu: MỘT CÂU CHUYỆN KHÁC MẮT THẤY TAI NGHE NHƯNG TUẦN NÀY CHÚNG TÔI MUỐN CÓ NGƯỜI MỸ Ở THẾ TẤN CÔNG.

                Cô đưa cho anh tin trả lời của cô: RẤT TIẾC YÊU CẦU CỦA ÔNG KHÔNG KIẾM ĐƯỢC Ở ĐÂY.

                Khói lửa hình như thâm nhập khắp Manila. Những kho dầu Pandacan cũng như các trụ sở Quân đội và Hải quân đều bốc cháy. Lúc 5:45 Thiếu tướng Koichi Abe dẫn ba tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 48 tiến vào Manila từ hướng bắc. Những hàng dài người Phi ủ rũ đón tiếp họ trong im lặng. Chỉ vài nhúm người Nhật vừa được thoát ngục mới hoan hô.

                Từ căn phòng khách sạn của mình nhà Mydans trông thấy ba đại đội binh lính và thủy thủ Nhật xếp hàng luộm thuộm trên sân cỏ trước khu cư ngụ của Cao Ủy Francis B. Sayre bên kia đại lộ. Cờ Mỹ ở cột cờ bị kéo xuống và ba khẩu pháo nhỏ khai hỏa khi nó tụt xuống đất. Một thủy thủ giẫm đạp lên nó và thay bằng một lá cờ có huy hiệu Mặt Trời Mọc. Khi lá cờ mới được kéo lên, ban nhạc phấn khởi chơi bài quốc thiều Nhật “Kimigayo.”               

                                                Thời trị vì của Thiên hoàng sẽ kéo dài

                                                Đến một ngàn và rồi đến tám ngàn thế hệ

                                                Cho đến khi sỏi biến thành đá tảng khổng lồ

                                                Bao phủ với rêu xanh

                 Bên kia Vịnh Manila, binh lính của Tướng MacArthur vẫn còn lũ lượt vào Bataan cho một trận quyết đấu cuối cùng, nhưng Homma và phần đông bộ tham mưu ông cho rằng cuộc di tản khổng lồ vào bán đảo này chỉ là một cuộc tháo chạy vô tổ chức. Ông ta tin tưởng, cũng như các cấp trên của ông ở Saigon và Tokyo, rằng Manila là chìa khóa đến thắng lợi. Chiến dịch Manila đã kết thúc cho dù MacArthur có cố thủ được ở Corregidor và chóp mũi Bataan trong vài tuần nữa.

                Từ Saigon, Tướng Hisaichi Terauchi ra lệnh chuyển Sư đoàn 48 sang lực lượng tiến đánh Java. Những thắng lợi ở Phi Luật Tân và Mã Lai đã vượt xa mọi dự đoán và Terauchi có thể xâm chiếm Java một tháng sớm hơn kế hoạch.

                Mặc dù thắng lợi sớm sủa, Homma cũng bối rối. Các chiến dịch quét sạch cũng sẽ gặp khó khăn và không có Sư đoàn 48, sư đoàn thiện chiến nhất của ông, gánh nặng sẽ đè lên vai các binh lính còn lại không được bảo đảm. Ông xin giữ lại sư đoàn thêm một tháng nữa nhưng yêu cầu bị bác bỏ.

                Sư đoàn 48 đang ở tại mặt trận Bataan. Thay thế nó là Lữ đoàn “Mùa hè” 65 từ Đài Loan đến, một lực lượng chiếm đóng gồm 7,500, gồm hầu hết binh sĩ lớn tuổi hầu như hoàn toàn chưa sẵn sàng và thiếu trang bị cho nhiệm vụ tuyến đầu. Nhiệm vụ không ngờ gây chới với cho tư lệnh của nó, Trung tướng Akira Nara, người đã trải qua nhiều năm ở Hoa Kỳ, ở đó ông theo học Cao đẳng Amherst và là bạn cùng lớp với con trai của Tổng thống Coolidge và tốt nghiệp Trường Bộ binh Fort Benning.

                Vào đêm 5/1 Nara – một người đàn ông trung niên vạm vỡ – dẫn binh lính của mình đi bộ tiến về tiền tuyến. Đàng sau ông, đi được nửa đường từ Vịnh Lingayen, một hàng dài những con người mệt mõi, đã bị cầm chân nhiều ngày trời bởi các kỹ sư Mỹ đã để lại sau lưng họ 184 cây cầu bị phá hủy.

                Họ đến gần một Bataan chật ních với khoảng 15,000 binh lính Mỹ và 65,000 binh lính Phi. 10,000 trong số binh lính Phi là những quân nhân chính qui, Sư đoàn Phi Luật Tân thiện chiến; số còn lại một nhóm hỗn tạp, thiếu trang bị gần như hoàn toàn không được huấn luyện. Với lực lượng này và những khẩu phần chiến trường không cân bằng vừa đủ cho 100,000 người trong 30 ngày, MacArthur được giao phải cố thủ trong 6 tháng. Lợi thế lớn nhất của ông là địa thế. Bán đảo, rộng 15 dặm và dài gấp hai, gần như hoàn toàn bị chiếm đóng bởi các tàn tích của hai ngọn núi lửa lớn đã tắt, một ở phía bắc, một ở phía nam. Ở giữa là rừng rậm chằng chịt. Chỉ có hai con đường. Một là xa lộ  chạy xuống bờ biển đông sình lầy bằng phẳng, đi vòng quanh mũi và hai phần ba con đường đi trở lại qua phía kia của bán đảo. Con đường kia bằng đá sỏi cắt qua cơ hoành của Bataan xuyên qua thung lũng nằm giữa hai ngọn núi lửa.

                MacArthur dự định lập một phòng tuyến đầu tiên của ông khoảng 10 dặm dưới thung lũng, chạy từ Vịnh Manila băng qua ngọn núi phía bắc, mà miệng của nó, sau hàng ngàn năm đã bị bào mòn thành bốn đỉnh lởm chởm. Đỉnh phía đông cao nhất là Núi Natib dốc đứng.

                Vào sáng ngày 9 tháng 1 binh lính của MacArthur đã ở vào vị trí, và tinh thần vẫn lên cao dù khẩu phần đã giảm xuống phân nửa. Họ đã chán cảnh phải rút lui và muốn đứng lai chiến đấu. MacArthur chia chiến tuyến ra làm hai, cắt tuyến trái phía tây cho Wainwright, mà binh lính của ông chưa sẵn sàng để đánh nhau ngay sau khi đã tháo chạy hỗn loạn từ Vịnh Lingayen. Rõ ràng là quân Nhật sẽ tấn công tuyến phải trước, bên dưới xa lộ bờ biển đông. Khu vực này được giao cho Thiếu tướng George Parker, chỉ huy 25,000 người đã thoát chạy từ phía nam tương đối dễ dàng.

                Sườn bên phải của ông, bờ biển phía đông, thì bằng phẳng và sình lầy, với ao cá và ruộng lúa mở rộng đến nội địa khoảng hai dặm. Rồi đến từ từ là các ruộng míá mọc cao và những rặng tre nhỏ thêm 5 dặm nữa. Tại điểm này Núi Natib bắt đầu dâng cao đầy ấn tượng. Vì không có lực lượng quân sự nào có thể hành quân qua một phức hợp các dốc đá cheo leo, khe vực và triền núi, tất cả bện chằng chịt với cây cỏ rừng rậm, sườn trái của Parker kết thúc đột ngột tại chân núi gồ ghề.

                Đây là phòng tuyến Abucay, đặt tên theo một cụm lều cho những công nhân mía đường. Binh lính Phi đang nóng lòng muốn chứng tỏ với MacArthur là mình xứng đáng lòng tin cậy của ông ta và để minh chứng rằng sự rút chạy nhục nhã vừa qua không phải là bài kiểm tra công bằng. Các chỉ huy người Mỹ của họ thì không máu như họ. Nhưng phòng tuyến Abucay có một lợi thế – rút lui rất khó khăn. Phải chiến đấu hoặc chết.

6

Một ít dặm về phía bắc, các binh lính vũ trang kém nhưng số lượng thì thừa đã vừa tiến vào vị trí, thay thế các cựu binh tự mãn của Sư đoàn 48. Tại Cao đẳng Chiến tranh, Nara đã cảnh báo với các học trò là đừng bao giờ tấn công mà không có bản đồ chính xác. Ở đây ông có bản đồ chỉ đường và vài bản đồ có tỉ lệ xích lớn. Nhưng ông không có kế hoạch tác chiến; chỉ thị cho ông từ Quân đoàn 14 chỉ là “săn đuổi đạo quân của địch xuống xa lộ,” với sự yễm trợ của hai trung đoàn pháo binh và Trung đoàn Bộ binh thứ 9 của Sư đoàn thứ 16.

                Ông được đảm bảo là không có nhiều hơn 25,000 quân địch vô tổ chức ở Bataan và rằng họ sẽ rút chạy hỗn loạn về thị trấn nhỏ Mariveles trên mũi tận cùng của bán đảo ngay từ loạt pháo đầu tiên. Ở đây họ sẽ cầm cự ngắn ngủi trước khi cố thoát chạy về đảo Corregidor. Tuy vậy, Nara cũng xin thời gian để thám sát. Ông nhận lệnh phải tấn công ngay lập tức. Ông vội vàng vạch ra kế hoạch. Đó là việc đơn giản tối thiết, với chỉ một ngày tổ chức. Ông chỉ thị cho Bộ binh thứ 141 của mình, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Takeo Imai, tấn công thẳng xuống xa lộ chạy dọc bờ biển trong khi Bộ binh thứ 9 , do một bạn cũ, tin cậy, Đại tá Susumu Takechi chỉ huy, đi thẳng xuống bán đảo về hướng những dốc đá của Núi Natib. Ông ta sẽ vượt qua ngọn núi được cho là không thể đi qua và cắt xa lộ ở phía sau lưng, và do đó bao vây kẻ thù.

                Chiều đó, sau một giờ bắn pháo, Imai bắt đầu tiến xuống xa lộ trong khi Takechi xông vào rừng rậm dày đặc. Imai đi không đến 100 ya thì con đường phía trước đã nổ tung lên vì những loạt pháo sấm sét. Đó là pháo binh của Parker. Người Mỹ không có bỏ chạy ngay loạt đạn đầu tiên đâu.

                Quân Phi cũng không. Họ vồ lấy quân Nhật đang phân tán vì đại pháo và 48 giờ sau trung đoàn của Imai chỉ còn lại một phần ba. Sau đó, Nara bắt buộc phải thay thế đạo quân tan nát bằng một đơn vị trừ bị. Rắc rối của ông ta chỉ mới bắt đầu. Không có tin gì gởi đến từ Takechi; chắc hẳn ông ta đã vượt qua Núi Natib và bao vây kẻ địch từ sau lưng. Bóng đêm buông xuống và ông ta vẫn chưa xuất hiện. Cánh rừng đã nuốt chửng ông. Nara không báo cáo việc này với Homma, cũng không ghi chép lại trong nhật ký chiến tranh hoặc báo cáo lữ đoàn; đó là điều ít nhất ông ta có thể làm cho một bạn học ở Học viện. Nó có nghĩa là kế hoạch táo bạo của Nara đã cáo chung. Giờ ông quay ra nỗ lực xây dựng lại chiến tuyến của mình. Ông kéo binh lính rã rời của Imai về phiá tây để lấp đầy lỗ trống mà Takechi để hở và ra lệnh bắt đầu thăm dò một điểm yếu trong phòng tuyến Abucay.

                Cùng ngày đó, 13/1, Quezon gởi một tin điện đến Roosevelt qua MacArthur phàn nàn rằng Tổng thống đã thất hứa gởi quân tiếp viện cho Phi Luật Tân. Ông ta thúc giục Tổng thống ra lệnh cho toàn bộ sức mạnh của Mỹ đánh lại Nhật ngay lập tức. Sự phẫn nộ của ông ta lan ra đến bức thư song hành gởi cho MacArthur:

. . . Có phải Washington đã quyết định mặt trận Phi Luật Tân không quan trọng đối với  kết quả chung cuộc của chiến tranh, do đó, không thể mong đợi nhận được hỗ trợ ở đây trong tương lai cận kề, hoặc ít nhất trước khi lực lượng kháng cự đã rệu rã hay không? Nếu thế, tôi muốn biết, vì tôi có trách nhiệm

đối với đồng bào tôi. . .

                Tôi muốn tự mình xác định xem có phải có minh chứng nào về việc cho phép tất cả những con

người này bị giết khi đối với kết quả tối hậu của chiến tranh việc đổ máu của họ có thể hoàn toàn không cần thiết. Có vẻ như là Washington không hoàn toàn biết rõ về tình thế của chúng tôi cũng như về những cảm xúc mà việc lơ là hiển nhiên đối với sự an toàn và lợi ích của chúng tôi đã gây ra trong tâm khảm nhân dân nơi đây. . .

                MacArthur không cần được thuyết phục. Ông hi vọng thông điệp sẽ khuấy động Marshall. Đối với những binh lính của ông ở Bataan, tuy nhiên, ông gởi những lời cổ vũ mà có thể mình không hoàn toàn tin tưởng:

                Tiếp viện đang trên đường đến đây từ Hoa Kỳ. Hàng ngàn binh sĩ và hàng trăm máy bay đang được gởi đến . . . Không thể rút lui thêm được nữa. Chúng ta có nhiều binh lính ở Bataan hơn quân số Nhật tiến đánh chúng ta; lương thực ta đầy đủ; một cuộc phòng thủ quyết tâm sẽ đánh bại cuộc tấn công của kẻ thù. . .

                Tôi kêu gọi mỗi binh sĩ ở Bataan hãy giữ vững vị trí của mình, kháng cự mỗi cuộc tấn công. Đây là con đường duy nhất để cứu rỗi. Nếu chúng ta chiến đấu, chúng ta sẽ thắng; nếu chúng ta rút lui, chúng ta sẽ bị hủy diệt.

                Phần đông người Mỹ ở Bataan cũng không tin tưởng. Chỉ có người Phi thấy háo hức trước những lời của MacArthur, khiến họ quyết tâm hơn bao giờ để chứng tỏ mình xứng đáng chiến đấu dưới lá cờ Sao và Sọc.  Vào sáng ngày 16/1 Sư đoàn Lục quân Phi Luật Tân thứ 51 đẩy mạnh một cuộc phản công kiên cường. Đúng ra, họ quá hăng hái đến nỗi một trung đoàn vượt quá xa những đơn vị khác trên cánh quân của nó.

                Đó là một cơ hội mà Đại tá Imai đang tìm kiếm. Người Phi đã tạo ra một đầu nhô gây nguy hiễm cho chính họ hơn là cho ông ta và ông ta nhanh chóng đánh vào mút phía đông của chỗ phồng nhô ra này. Chính ngay lúc đó, trung đoàn lạc mất của Đại tá Takechi bổng bất ngờ xông ra từ triền dốc rậm rạp đánh thẳng vào phía kia của chỗ phình. Bị tấn công từ hai phía, đầu nhô của binh lính Phi gãy vụn và đến trưa thì sụp đổ. Nó để lại một lỗ hổng dài 2 dặm trên phòng tuyến Abucay.

                Vào chiều tối lúc mà Takechi – gương mặt hằn lên nỗi mệt lã và đói khát, quân phục tả tơi – báo cáo với Nara ông ta đã lạc vô hi vọng trên Núi Natib. Vị tướng an ủi và ra lệnh cho ông lui về bộ phận dự bị. Takechi chào lui quả quyết, rồi không cần tiếp tế hoặc nghỉ ngơi, dắt binh sĩ của mình không phải về hướng bắc vào bộ phận dự bị mà quay trở lại hướng nam. Ông nghĩ rằng Nara đang trừng phạt mình vì bị lạc trong rừng; ông dẫn dắt binh sĩ lần này trở lại vượt qua Núi Natib cho được hay là chết trên đường.

                Ở phía khác của Bataan, từ Núi Natib đến Biển Nam Trung Hoa, khó xâm nhập đến nỗi Hooma vẫn chưa có thể phát động cuộc công kích đáng kể nào. Nhưng vào chiều tối ngày hôm sau 5,000 binh lính Nhật di chuyển về hướng đối diện với vị trí của Wainwright. Chỉ huy của họ, Thiếu tướng Naoki Kumura, phát hiện ra rằng phòng tuyến của Mỹ chỉ vươn dài nửa đường phía trên sườn phía tây của Núi Silanganan, một đỉnh núi cách ngọn Natib hai dặm về phía tây. Ông quyết định làm điều mà Takechi đã thất bại ở phía bên kia. Chỉ huy bởi Trung tá Hiroshi Nakanishi, 700 bộ binh bí mật bao vây sườn phải của Wrainwright và quay gắt về phía tây. Vào hừng đông ngày 21/1 họ đến được biển Nam Trung Hoa, cắt đứt mọi lực lượng tuyến đầu của Wainwright.

                Về phía đông, phòng tuyến Abucay cũng trên bờ sụp đổ. Binh lính gởi tới để chống đỡ tiền tuyến bị chọc thủng đã bị sa lầy trong trong cây cối rậm rạp và khe nứt lởm chởm và không hề đến được vị trí của mình. Dọc theo chiến tuyến binh lính đã kiệt sức vì chiến đấu liên tục suốt ngày và ban đêm bị quấy nhiễu bởi những kẻ xâm nhập khủng bố tinh thần bằng hỏa pháo và lời mắng nhiếc qua loa phóng thanh.

                Sau một chuyến thanh sát nhanh Bataan, Tướng Sutherland khuyên chỉ huy của mình nên rút ngay lập tức về một phòng tuyến phía sau con đường sỏi đá chia hai Battan. MacArthur ra lệnh rút lui toàn diện bắt đầu chiều tối hôm sau. Vào 7 giờ ngày 24/1, các xe tải và binh lính bắt đầu quay trở lại từ phòng tuyến Abucay. Vào nửa đêm hàng quân đi phía sau kẹt cứng với các xe buýt tơi tả chứa đầy những binh lính Phi gương mặt hốc hác trong y phục vải bông xanh và nón lá, các xe chỉ huy thì đầy ứ các sĩ quan mệt lã trong những bô quân phục bẩn thỉu, và binh lính lội bộ. Không có quân cảnh điều khiển giao thông, nên các đơn vị bổng đứt đoạn và lạc nhau trong cơn hỗn loạn như ác mộng. Sĩ quan không thể làm gì ngoài việc giữ gìn binh lính và xe cộ của mình di chuyển về nam và cầu nguyện không bị pháo dập.

                Ngay trước rạng đông các nhóm binh lính ở lại cầm chân cũng bắt đầu rút chạy về phía hậu quân. Họ trông như những thây ma sống. Không tắm rửa và cạo râu chín ngày rồi, gương mặt phờ phạc của họ trông vô hồn. Cuộc rút quân tiếp tục suốt ngày hôm sau, bị máy bay Nhật quấy nhiễu, bắn giết và oanh kích trên đường rút chạy theo bờ biển. Cuộc rút quân biến thành tháo chạy khi Đại tá Takechi bất khuất và binh lính đói lã của ông từ đâu không biết ào đến. Họ đã làm điều bất khả, vượt qua Núi Natib.

                Vào ngày 26/1 phòng tuyến Phi-Mỹ mới, kết nối nhau bằng một mạng lưới tinh xảo các đường mòn liên lạc và tiếp tế phát ra từ rừng rậm, gần như hoàn toàn được bố trí đủ quân số. . Nó nằm trong thung lũng giữa hai ngọn núi lửa đã tắt và vươn dài không đứt đoạn từ Vịnh Manila đến Biển Nam Trung Hoa. Nó được chia thành hai khu vực với Wainwright một lần nữa chỉ huy nửa phần phía tây và Parker phía đông. Binh lính nấp trong những hố cá nhân và hầm trú ẩn, nhờ trời họ đã sống sót qua cuộc rút lui gian khổ khỏi Abucay. Trong vị trí của mình Trung úy Henry G. Lee của Sư đoàn Phi Luật Tân, đã sáng tác một bài thơ về cuộc rút quân. Battan, anh viết, đã

                                                . . . được cứu sống thêm một ngày nữa

                                                Được cứu sống để đói khát và thương tích và chịu hun nóng

                                                Để kiệt sức từ từ và rút lui khổ ải

                                                Để hi vọng bị lãng phí và thảm bại là chắc chắn                            

                Như người Mỹ, người Nhật cũng không ở trong điều kiện có thể tiếp tục chiến đấu. Lữ đoàn “Mùa Hè” của Nara chịu hơn 2,000 thương vong. Những người sống sót thì rã rời và vẫn còn đờ đẫn trước mùi vị đầu tiên của trận đánh.

                Trận chiến tiếp tục còn mang đến những hỗn loạn nhiều hơn ở Abucay. Ở đây rừng rậm quá dầy đặc đến nỗi một lực lượng Nhật 1,000 người lẻn qua phòng tuyến của Wainwright trong ba ngày mà vẫn không bị phát hiện. Phải mất gần ba tuần đánh tử chiến giáp lá cà, tuyệt vọng mới quét sạch hết kẻ đột nhập. Người Nhật cũng nỗ lực đánh vào sườn Wainwright từ biển, đổ bộ bằng xuồng lớn trên bờ biển phía tây lởm chởm xa phía sau phòng tuyến. Họ lên kế hoạch tiến về nam đến Mariveles rồi cắt đứt đồ tiếp tế từ Corregidor. Năm cuộc đổ bộ riêng biệt được tiến hành trong hai tuần sau đó, và chỉ đến ngày 8/2 ổ xâm nhập cuối cùng mới bị loại ra. Cùng ngày đó Homma chủ trì một cuộc họp quan trọng tại địa điểm chỉ huy của mình trong nhà máy đường San Fernando. Trời oi bức, trên 95 độ F (35 độ C). Vị tướng rất khổ sở . Ông đã mất 7,000 quân trong trận đánh Bataan, và 10,000 quân khác bị mắc bệnh sốt rét, tê phù, tiêu chảy. Ông đã hai lần xin cứu viện nhưng cả hai lần đều bị từ chối.

                Chỉ vỏn vẹn có ba tiểu đoàn bộ binh Nhật đóng dài băng ngang Bataan và Trung tướng Masami Maeda, tham mưu trưởng của Homma, cảnh báo nếu MacArthur biết được việc này ông ta có thể xuyên thủng. Sĩ quan hành quân lão thành, Đại tá Motto Nakayama, vẫn khăng khăng nên tiến hành tấn công quyết liệt. “Tuy nhiên, mũi tấn công nên đánh dọc  phía đông, không nên đánh phía tây.”

                Maeda muốn chỉ có Bataan bị phong tỏa trong khi phần còn lại của quần đảo bị chiếm đóng. “Đến lúc đó binh lính của Tướng Matsukuasa [MacArthur] bị chết đói và đầu hàng.”

                Maeda đúng, nhưng đối với Homma không đánh thúc để đạt thắng lợi chóng vánh là điều không thể. Tokyo sẽ không bao giờ cho phép kiểu chiến lược mất mặt như thế. Ông nói một cuộc tấn kích mới mạnh mẽ hơn phải được phát động. Để làm điều này ông phải chịu đựng điều không thể chịu đựng được – nuốt ực lòng kiêu hãnh và hỏi xin tiếp viện thêm một lần nữa. Những giọt nước mắt lăn dài trên má ông. Khi bộ tham mưu lần lượt ra ngoài người tà trao cho ông một điện tín từ Tokyo. Tojo không bằng lòng; mọi nơi đều có thắng lợi trừ ở Phi Luật Tân. Một vẻ mặt thống khổ hiện lên gương mặt Homma rồi ông thình lình ngã sụp xuống mặt bàn. Vị tư lệnh bất tĩnh được mang đến phòng kế bên.

                Ở Corregidor, Quezon ngồi trong xe lăn đang lắng nghe trong cơn giận phừng phừng khi Roosevelt nói chuyện trên đài bằng cách nào hàng ngàn máy bay sẽ sớm lên đường đến mặt trận – châu Âu. Quezon chỉ vào một cột khói đang bốc lên từ đất liền. “Trong 30 năm tôi đã làm việc và hi vọng cho dân tộc tôi. Giờ họ cháy bỏng và chết cho một ngọn cờ không thể bảo vệ chúng tôi. Tôi không thể chịu đựng được khi cứ mãi viện dẫn đến Anh, đến châu Âu. Những máy bay mà tên khốn kiếp này khoe khoang ở đâu? Làm sao người Mỹ có thể oằn oại trong đau khổ cho số phận của một anh em họ xa trong khi đứa con gái của mình đang bị hiếp dâm ở phòng sau!”

                Ông triêu tập MacArthur và nói, “Có lẽ sự hiện diện của tôi ở Corregidor không còn giá trị. Tại sao tôi không đi đến Manila và trở thành một tù binh?” MacArthur cho rằng một sự đầu hàng như thế sẽ được nước ngoài hiểu lầm. “Tôi không để ý người ngoài nghĩ gì,” Quezon đốp chát, nhưng đồng ý sẽ nghĩ lại.

                Đêm đó một thiếu úy Phi trẻ tuổi bò lên một bãi biển đầy đá trên Corregidor với một túi đựng bóng bàn cột quanh người làm phao cứu sinh. Anh đã bơi từ Bataan để báo cho Quezon biết về mối hiềm khích ngày càng tăng giữa người Phi và người Mỹ ở tiền tuyến. “Chúng tôi cảm thấy mình xứng đáng nhận khẩu phần bằng với lính Mỹ,” Antonio Aquino bảo với Tổng thống. Anh là con trai của Benigno Aquino, ông vua mía đường và phát ngôn nhân của Hội đồng Phi Luật Tân. “Chúng tôi chỉ được  ăn cá mòi. Một hộp mỗi ngày cho 30 người, hai lần một ngày.”

                Quezon nổi giận. Ông triệu tập nội các của mình và nói mình sẽ hỏi Roosevelt đồng ý cho ông công bố một tuyên ngôn yêu cầu Hoa Kỳ công nhận quyền độc lập tuyệt đối cho Phi Luật Tân ngay lập tức. Rồi ông sẽ động viên Quân đội Phi Luật Tân và tuyên bố Phi Luật Tân trung lập. Kết quả là cả Mỹ và Nhật phải rút quân của họ về nước.

                Phó Tổng thống Sergio Osmena cố gắng chỉ ra những hâu quả của một hành động như thế ở Washington, nhưng Quezon tiếp tục phẫn nộ. Ông bị cứng người vì một cơn ho khan ập tới. Để xoa dịu ông, Osmena miễn cưỡng tán thành viêc gởi một thông điệp cho Roosevelt. Như thường lệ, thư phải đi qua MacArthur. Ông không chỉ để nó qua mà còn – vì ấm ức bởi nghi ngờ là Washington, và đặc biệt Marshall, đã bỏ rơi mình – ủng hộ nó qua sự đánh giá không lay chuyển được của mình về tình hình.* Không thể chối cãi là chúng tôi gần như là tiêu tùng,” ông viết; kế hoạch của Quezon “có thể tạo ra một giải pháp khả dĩ nhất cho điều sắp sửa là một thảm bại tai ương.” MacArthur đang đánh liều với sự nghiệp quân sự của mình nhưng cảm thấy đáng phải thử thời vận. Có thể đề nghị tuyệt vọng của Quezon sẽ xốc Washington trở lại hành động.   

  • Ban tham mưu của MacArthur trung thành với chỉ huy và thậm chí còn chỉ trích công khai những người có trách nhiệm ở quê nhà. Như chỉ huy của mình, họ tin rằng người trách nhiệm chủ yếu cho việc bỏ rơi họ là George Marshall, được cho là không hề tha thứ cho MacArthur vì đã không thăng chức cho mình lên đại tướng khi MacArthur là Tham mưu Trưởng. Những người thân cận với Marshall khắng khăng là ông là người rất khách quan không thể để những khác biệt cá nhân ảnh hưởng đến phán đoán quân sự. Ông tin rằng một lực lượng đồ sộ của Mỹ dồn về Thái Bình Dương chỉ có lợi cho Hitler.

               

                Việc đó khiến Marshall mất tinh thần, cũng như việc MacArthur “đi hơn nữa đường về hướng ủng hộ vị thế của Quezon.” Phản ứng của Roosevelt là rõ ràng. “Chúng ta không thể làm việc này gì hết,” ông bảo ngắn gọn với Marshall và Stimson.

                Roosevelt có đủ tầm nhìn để không mong đợi Quezon và MacArthur hài lòng với chính sách qui định bởi “Arcadia” là Hitler phải bị đánh bại trước. Phần nào ông phải thuyết phục họ là thứ gì có thể gởi được đang được đưa đến tây nam Thái Bình Dương. Khoảng giữa tháng ba 79,000 ngàn binh sĩ sẽ được đưa đến mặt trận Thái Bình Dương, gần gấp bốn lần đến châu Âu. Phần đông máy bay có được cũng đi về phương Đông.*

  • Có vẻ rõ ràng là Roosevelt muốn làm mọi điều có thể cho Mac Arthur. Vào ngày 30/12, 1941, ông viết ghi nhớ này cho Bộ trưởng Hải quân Knox: “Tôi ước gì các Kế hoạch Chiến tranh sẽ khảo sát mọi phương tiện có thể để giải vây Phi Luật Tân. Tôi biết rằng có nguy cơ lớn sinh ra nhưng mục tiêu lớn là quan trọng.”

 

                Điều cực kỳ quan trọng là Quezon phải biết rằng có hai mặt trận – 200,000 tấn hàng vận tải của Mỹ đã bị đánh chìm ngoài khơi bờ biển Bắc Đại Tây Dương và Rommel đe dọa đưa người Anh trở lại Alexandria. Roosevelt phải tìm những lời lẽ đúng đắn với tất cả những dữ kiện gởi đến Quezon mà không gợi ý đe dọa hoặc kết án.

                Ông thành công theo một phương thức tuyệt vời: trong khi bác bỏ đề nghị của Quezon là không thể chấp nhận được với Mỹ, ông cam kết dù Quezon có làm gì, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ bỏ rơi Phi Luật Tân.

                CHỪNG NÀO MÀ NGỌN CỜ HOA KỲ CÒN BAY TRÊN ĐẤT PHI LUẬT TÂN . . . XỨ SỞ NÀY SẼ ĐƯỢC PHÒNG VỆ BỞI BINH LÍNH CỦA CHÚNG TÔI CHO ĐẾN CHẾT. DÙ CHO ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA CHO LỰC LƯỢNG ĐỒN TRÚ HOA KỲ CHÚNG TÔI SẼ KHÔNG LƠI LỎNG NHỮNG NỖ LỰC CỦA CHÚNG TÔI CHO ĐẾN KHI CÁC LỰC LƯỢNG MÀ HIỆN GIỜ ĐANG ĐƯỢC ĐƯA RA KHỎI PHI LUẬT TÂN SẼ TRỞ LẠI PHI LUẬT TÂN VÀ ĐÁNH ĐUỔI TÊN XÂM LĂNG CUỐI CÙNG RA KHỎI ĐẤT NƯỚC CÁC BẠN.

                Những lời lẽ này khiến Quezon vô vàn xúc động. Ông thề với lòng mình và với Chúa là chừng nào mình còn sống ông sẽ sát cánh với người Mỹ bất chấp những hậu quả xảy đến cho dân tộc ông hoặc cho chính ông.

                Thư trả lời của Roosevelt đến MacArthur thì thẳng thắn hơn:   

                . . . BỔN PHẬN VÀ NHU CẦU CHỐNG LẠI BỌN GÂY HẤN NHẬT ĐẾN CÙNG CÓ TẦM QUAN TRỌNG VƯỢT QUA BẤT KỲ NGHĨA VỤ NÀO GIỜ ĐANG ĐỐI MẶT VỚI CHÚNG TA Ở PHI LUẬT TÂN. . . TÔI ĐẶC BIỆT YÊU CẦU NGÀI TIẾN HÀNH NHANH CHÓNG VIỆC TỔ CHỨC CÁC LỰC LƯỢNG PHÒNG THỦ CỦA MÌNH ĐỂ TĂNG HIỆU QUẢ SỨC KHÁNG CỰ ĐÚNG NHƯ TÌNH HÌNH CHO PHÉP VÀ KÉO DÀI ĐẾN MỨC CON NGƯỜI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC.

                Điều này có nghĩa Phi Luật Tân đã bị gạt bỏ không thể thay đổi được, và giá trị cá nhân của MacArthur giờ rút lại chỉ còn là một biểu tượng của việc chống trả. Ông trả lời là mình sẽ chiến đấu cho đến khi Bataan bị hủy diệt và rồi Corregidor, khiến địa danh của chúng sẽ được người Mỹ đời đời nhớ đến.

                TÔI KHÔNG HỀ CÓ Ý ĐỊNH NHỎ NHỨT NÀO SẼ ĐẦU HÀNG HOẶC BỎ QUA YẾU TỐ PHI LUẬT TÂN TRONG CÔNG TÁC CHỈ HUY CỦA TÔI. . . CHƯA HỀ CÓ MỘT DAO ĐỘNG NHỎ NHẤT NÀO TRONG HÀNG NGŨ BINH SĨ.

                Trong khi đây là những lời quá đáng, nó vẫn thật hơn một vài tuần trước đây. Dù bị quấy nhiễu bởi tiêu chảy và sốt rét, quân phục rách bươm, những binh lính đói khát này ở Bataan vẫn đầy tinh thần chiến đấu và tự tin. Người Nhật đã bị cầm chân, và các tân binh đã tháo chạy hoảng loạn khỏi Vịnh Lingayen giờ đã trở nên dạn dày và có thể tin cậy được.

 

2.

                Trên Bán đảo Mã Lai quân Nhật tiến tới không ngừng về phía nền móng của Đế chế Anh ở châu Á, Đảo Singapore. Vào ngày 7/1 Tướng Wavell, được “Arcadia” chọn làm chỉ huy toàn bộ khu vực, bay từ bộ tư lệnh của mình tại Bandung ở Java đến Singapore trong một chuyến thanh sát ngắn ngủi. Đêm hôm trước 15 xe tăng Nhật đã chọc thủng phòng tuyến đầu tiên của Sư đoàn Ấn thứ 11 để vượt qua cây cầu Slim chiến lược cách Singapore không tới 250 dặm đường chim bay. Không có đến một xe tăng Đồng minh nào ở Mã Lai ra ngăn chận chúng; các chuyên gia Anh đã xác định là thiết giáp xa không thích hợp cho chiến tranh trong rừng.

                Wavell đi về bắc để thấy Quân đoàn III thiếu tổ chức và Sư đoàn Ấn 11 hoàn toàn bị đánh tan tác. Ông ra lệnh một cuộc rút lui toàn diện gần như 150 dặm đến Tỉnh Johore, nơi Thiếu tướng Gordon Bennet và binh lính Úc của mình đang cố hết sức mình lần cuối cùng chặn lại bọn xâm lăng.

                Wavell trở lại Singapore để thanh sát tuyến phòng thủ ở phía bắc của đảo pháo đài lớn. Ông không tìm thấy gì, thậm chí đến kế hoạch phòng thủ chống đổ bộ cũng không. Trong nỗi kinh ngạc của mình, ông cũng biết rằng gần như tất cả đại pháo của đảo đều hướng ra biển không thể xoay lại để bắn vào bọn Nhật đang tiến tới.

                Churchill há hốc trước báo cáo của Wavell là Singapore, chẳng những còn lâu mới bất khả xâm nhập được, mà gần như là trần trụi. Thủ tướng tự nhận lỗi đã đặt lòng tin vào pháo

đài Singapore và vội vàng viết thông điệp này cho các Tham mưu Trưởng của mình:

                . . . Tôi phải nhìn nhận là mình đã choáng váng trước điện báo của Wavell . . . Tôi chưa có một lúc nào nghĩ rằng cổ họng của pháo đài Singapore, với chiến hào bề thế dài 1 dặm rộng nửa dặm, lại hoàn toàn không được củng cố chống lại một cuộc tấn công từ hướng bắc. Có ích gì khi có một hòn đảo làm pháo đài nếu nó không được biến thành một thành trì?  . . . Làm sao mà không có ai trong số các anh chưa hề chỉ ra điều này với tôi ngay lúc vấn đề đang được bàn thảo? Đặc biệt hơn việc này đáng ra phải được làm bởi vì . . . tôi đã nhắc đi nhắc lại là mình trông cậy vào việc phòng thủ Đảo Singapore chống lại một cuộc vây hãm hình thức, và không hề trông cậy vào kế hoạch Kra Isthmus. . .

                Không chỉ việc phòng thủ Singapore phải được duy trì với bất kỳ phương tiện nào mà toàn thể đảo phải được chiến đấu cho đến khi mỗi đơn vị và mỗi vị trí then chốt đã bị hủy diệt.

                Cuối cùng, thành phố Singapore phải được biến thành một thành trì và được bảo vệ cho đến chết. Không bao giờ nói đến việc đầu hàng.

                Ngay từ đầu kẻ thù đã làm người Anh lảo đảo ở Mã Lai. Quân số vượt quá tỉ số 2 đến 1, quân Nhật không bao giờ ngừng lại để củng cố thắng lợi, hoặc tái cơ cấu hay đợi chờ tiếp tế; họ cứ ào ạt xông xuống những xa lộ chính trên hàng ngàn xe đạp và hàng trăm xe tải và ô tô Anh bỏ lại. Bất cứ khi nào họ gặp một cây cầu bị phá hủy, các người đi xe đạp lặn hụp qua sông, nâng cao xe đạp hoặc băng những cây cầu gỗ đặt trên vai các kỹ sư. * 

  • Lúc đầu sức nóng làm vỡ ruột xe đạp khiến bước tiến chậm lại, nhưng người Nhật học đạp xe trên đường nhựa chỉ với niền xe. Tiếng kêu lọc cọc của nhiều xe nghe như âm thanh của xích xe tăng, và ban đêm, những chiến sĩ phòng thủ, đặc biệt là binh lính Ấn vốn khiếp sợ bất cứ thứ gì liên quan đến thiết giáp, sẽ la lên “Xe tăng!” và bỏ chạy ra tuyến sau.

                                                          

                Thành công của quân Nhật tăng tốc vượt qua sự dự đoán của cả hai bên. Một sĩ quan công binh Anh bị bắt nói với Đại tá Tsuji là anh hi vọng tuyến phòng ngự ở bắc Mã Lai sẽ giữ vững ít nhất ba tháng. “Vì Quân đội Nhật sau bốn năm chiến đấu vẫn không đánh bại được Quân đội Trung Hoa yếu ớt nên chúng tôi ngỡ họ cũng là một kẻ đich tầm thường.”

                Chính Tsuji cũng thường ra tận mặt trận để đưa ra những lời cố vấn và thúc giục binh lính tiến tới. Có lần tại một hàng rào chắn ngang ở nửa đường xuống bán đảo ông nôn nóng nghĩ ra một cuộc tấn công trực diện tại chỗ và điện thoại về bộ chỉ huy xin yễm trợ và pháo. Câu trả lời là không- hãy tấn công vào sườn. Chiến thuật này thành công, nhưng vào nửa đêm Tsuji xồng xộc xông vào bộ chỉ huy và đánh thức mọi người bằng một trận mưa sỉ nhục. “Các người dám say ngủ khi một trận đánh đang diễn ra sao!” ông gầm thét và xô vào phòng ngủ của Trung tướng Sosaku Suzuki, tham mưu trưởng của Yamashita. Ngài Suzuki đón tiếp Tsuji với sự lịch sự thường lệ. Điều này càng làm Tsuji nỗi quạu. “Anh có ý gì khi mặc đồ ngủ trong khi tôi báo cáo tin tức mặt trận!”

                Ngán ngại trước những cơn phẫn nộ chính đáng như thế, như những người tiền nhiệm của mình, Suzuki uể oải thay quân phục và giắt kiếm lệnh. “Tôi là sĩ quan tham mưu trưởng hành quân có trách nhiệm cho chiến dịch của toàn thể quân đội,” Tsuji gào lên. “Tôi đưa ra ý tưởng của mình dựa trên điều kiện thực tế ngoài mặt trận và ngài bác bỏ yêu cầu của tôi coi như ngài không còn tin cậy ở tôi nữa!” Ông quát lên và chưởi thề và lặp đi lặp lại lời kết án của mình cho đến tận hừng đông. Cuối cùng ông dậm chân bước ra, viết thư từ chức và trao tận tay Yamashita.

                Ông quá nóng nảy đến nỗi không chịu ăn uống và giam mình trong phòng ngủ. Một tuần sau ông ló mặt ra. Yamashita và Suzuki phớt lờ những hành động nông nổi của ông, và ông trở lại với nhiệm vụ như thể không có gì xảy ra – cũng xấc xược, khó chịu và xuất sắc như bao giờ.

                Chính Yamashita cũng đang chịu áp lực tình cảm. Là con trai của một y sĩ miền quê, ông đã không chọn quân đội như là sư nghiệp của mình. “Chính cha tôi đưa ra ý kiến,” ông nói, “vì tôi lớn con và khỏe mạnh, còn mẹ tôi thì không chống đối nghiêm túc vì bà tin tưởng, có hương hồn bà làm chứng, là tôi sẽ không bao giờ vượt qua kỳ thi tuyển nhập học khó khăn.” Ông to con, cổ bạnh và đầu lớn. Mặt ông có vẻ vô cảm và bề ngoài hình như khô cứng, nhưng bên trong ông sôi sục bất mãn. Ông cảm thấy việc thăng cấp trung tướng của mình đã bị đình hoãn nhiều năm vì vào những năm 1929 ông đã ủng hộ chương trình của Tướng Ugaki nhằm cắt giảm Quân đội vài sư đoàn, và sự ngờ vực vào các cấp trên của mình ở cả Saigon lẫn Tokyo đang bắt đầu biến thành hoang tưởng. Tướng Terauchi cố tình không cho không lực yễm trợ, và Tojo âm mưu ám sát ông một khi Singapore thất thủ. Yamashita viết trong nhật ký: “Thật là một tội ác khi không có ai trong cấp cao của Nhật Bản có thể tin cậy được,” và “Gã Terauchi khốn kiếp đó đang sống xa hoa ở Saigon, ngủ trên giường sang trọng, ăn cao lương mỹ vị và chơi cờ shogi.”

                Nỗi ám ảnh có người ám hại mình lên đến đỉnh điểm vào 23/1 khi tham mưu trưởng của Terauchi từ Saigon đến với một xấp tài liệu chỉ cách tiến chiếm đảo Singapore. Yamashita xé phăng tài liệu và viết trong nhật ký: “Nếu có hai cách thức để làm việc gì đó, hãy tin là Quân đoàn phương Nam sẽ chọn cách thức sai.”

                Trong lúc này binh sĩ của ông tiếp tục xuyên qua phòng tuyến của quân Anh. Rõ ràng thậm chí binh sĩ Úc của Bennett cũng không thể cầm chân họ lại và một cuộc rút lui toàn diện khỏi Mã Lai bắt đầu. Vào nửa đêm 31/1 hầu hết binh lính Anh đã băng qua con đường đắp nối liền bán đảo Mã Lai với đảo Singapore. Ngay sau bình minh có thể nghe tiếng kèn túi và theo điệu nhạc của bài “Một Trăm Người Thổi Kèn Túi” tàn tích tả tơi của Tiểu đoàn Argyll, chỉ còn 90 người, bước nhanh qua cây cầu. Dồn bước phía sau là chỉ huy của họ, người cuối cùng rời bỏ Mã Lai.

                Các biệt đội phá hoại đã đặt mìn trên con đường đắp và vào lúc 8 giờ một tiếng rầm nặng chịch vang lên. Khi khói tan đi, những người chứng kiến có thể thấy nước ào ạt chảy vào qua kẽ hở rộng. Họ tưởng pháo đài của mình sẽ được  an toàn tách khỏi người Nhật; nhưng nước trong kẽ hở chỉ sâu bốn bộ khi thủy triều rút.

                Singapore, lớn hơn Manhattan 10 lần, vườn dài 26 dặm từ đông sang tây, 14 dặm từ bắc đến nam. Phần đông dân cư chen chúc trong thành phố ở phía nam. Trừ những thị trấn  và khu đinh cư nằm rải rác, phần còn lại của đảo bao phủ với những đồn điền cao su và rừng rậm. Chỉ huy là Trung tướng A. E. Percival, một người cao, mảnh khảnh, với hai răng thỏ nhô ra. Ông là một con người có nét duyên dáng điềm tĩnh và có năng lực, nhưng một số cho rằng ông thiếu cứng rắn để đốc thúc những đơn vị hỗn hợp dưới quyền mình.

                Có hai cách phòng thủ hòn đảo: cầm chân ở các bãi biển hoặc chiến đấu với địch ở nội địa với lực lượng dự trữ đông đảo. Thậm chí với một bờ biển hơn 70 dặm, Percivai vẫn quyết định chận từ bãi biển. Tình hình có vẻ thuận lợi đối với ông. Các đơn vị tình báo ước lượng ông sẽ phải đương đầu với 60,000 binh lính Nhật, còn ông có đến 85,000 người. Tất nhiên 15,000 trong số này không phải là lính tác chiến và nhiều người còn lại ít được huấn luyện và trang bị thô sơ, nhưng địch sẽ chịu thương vong nặng nề nếu thử tràn vào qua Eo Johore.

                Thật ra, ông chỉ chạm trán với 30,000 quân Nhật. Tình báo của ông cũng tồi như của Percival. Tsuji, người được giao cho trách nhiệm lên kế hoạch tấn công, được báo cáo chỉ có 30,000 người phòng thủ. Suốt đêm đó ông thức trắng để vạch ra một kế hoạch sẽ khiến người Anh chới với. Mũi tấn công chính sẽ ở phía bên phải của con đường đắp cao và vào ban đêm với các sư đoàn 5 và 18. Tuy nhiên, Sư đoàn Konoye sẽ tiến hành một cuộc tấn công hư binh vào ngày hôm trước vào phía bên kia của con đường đắp cao để đánh lừa người Anh. Để bảo đảm bí mật, mỗi cư dân trong vòng 12 dặm của eo biển đều được di tản trong khi hai sư đoàn di chuyển lén lút vào vị trí, được lệnh không được nhóm bếp nấu nướng.

                Sáng hôm sau Yamashita tập họp 40 tư lệnh sư đoàn và các sĩ quan cao cấp trong một đồn điền cao su và với gương mặt đỏ bừng đọc các lệnh tấn công. Kikumasamune (rượu nghi thức) được đổ vào nắp bi đông và rượu mừng được nốc cạn: “Đây là nơi tốt đẹp để chết; chắc chắn chúng ta sẽ chinh phục.”

                Yamashita lập bộ chỉ huy trong Lâu đài Xanh, do vị sultan của Johore xây dựng trên một ngọn đồi nhìn qua con đường đắp cao. Đó là một công trình kiến trúc nổi bật bằng gạch đỏ và mái ngói xanh lá phía trên là tháp quan sát 5 tầng. Bộ chỉ huy đặt trong tầng chót của tháp trong một gian phòng có cửa sổ rộng, từ đó Yamashita có thể nhìn được toàn cảnh bờ biển phía bắc của Singapore. Đó là nơi dễ tổn thương nhất mà ông có thể chọn, nhưng ông lập luận rằng người Anh không bao giờ tưởng tượng là ông cả gan sử dụng nó. Hơn nữa, ông chắc chắn oanh tạc một công trình tuyệt vời như thế là đi ngược với văn hóa của người Anh.

                Trong những ngày sau đó, tàu hỏa và 3,000 xe tải chở đại pháo, đạn dược và đồ tiếp tế đến. Hàng trăm thuyền xếp và xe đổ bộ được vận chuyển dưới sự che chở của bóng đêm và giấu kín trong bụi rậm cách bờ biển khoảng 1 dặm.

                Vào tối ngày 7/2 nghi binh của Sư đoàn Konoye bắt đầu vào trận. Với sự náo động đáng kể 20 xuồng máy đổ 400 người và 2 sơn pháo lên một hòn đảo nhỏ trong eo biển nhìn qua Căn cứ Hải quân Seletar và Pháo đài Changi. Sáng hôm sau ngay từ tia nắng đầu tiên, pháo bắt đầu nã vào pháo đài. Như được dự kiến, quân Anh vội vàng đến tiếp ứng phía trên con đường đắp cao. Sau khi tối đến các sư đoàn thứ 5 và 18 vác thuyền lên vai và mang chúng đi hơn một dặm đến eo biển. Khi đến gần bờ biển một trận bắn phá tập trung gồm 440 khẩu bắt đầu khai hỏa. Các mục tiêu đầu tiên là là các bồn nhiên liệu lớn tại căn cứ hải quân để ngăn cản quân Anh đổ dầu vào eo biển và châm lửa đốt. Sau đó, pháo nhắm đến các công sự bê tông ngầm, chiến hào và bãi kẽm gai bên dưới con đường đắp cao nơi cuộc đổ bộ xảy ra.

                Lúc 10:30 đợt đầu tiên, gần 4,000 người, lên 300 thuyền có thể gấp lại được, xe đổ bộ và cầu phao. Trận pháo kích đã nhận chìm tiếng ồn của các động cơ khi đội thuyền nhỏ tiến gần bờ biển tây bắc của Singapore. Nó được phòng vệ bởi 2,500 binh lính Úc.

                Từ tháp quan sát Yamashita và bộ tham mưu có thể nhìn thấy một ít diễn tiến xảy ra. Có vẻ như là toàn bộ Đảo Singapore bị nhấn chìm trong biển lửa và hỏa pháo. Mười phút sau những chớp lóe xanh được bắn lên từ đảo. Sư đoàn thứ 5 đã đổ bộ lên đảo đúng thời khóa.

                Những kẻ xâm lược đầu tiên đã lên bờ từ điểm cuối của Đường Lim Chu Kang đã bị cày xới bởi hỏa lực ác liệt của binh sĩ Úc của Tiểu đoàn Súng Máy 24. Các xe đổ bộ khác lên bãi biển tại một vùng đầm đầy cây đước gần đó ít được phòng ngự hơn. Quân Anh ít ỏi chiến đấu gan lì suốt đêm nhưng không thể đẩy lùi người Nhật, và vào sáng sớm nhiều xe tăng đổ bộ vào và các đơn vị tăng-bộ binh ồ ạt tiến vào nội địa. Lúc bình minh đã có 15,000 bộ binh và vài đơn vị pháo trên đảo.

                Từ tháp quan sát của Lâu đài Xanh Yamashita trông thấy binh lính mình lũ lượt vượt qua rừng cây cao su về hướng Sân bay Tengah. Đội tiền phong đã có mặt trong vòng 10 dặm cách thành phố Singapore. Vào cuối ngày Yamashita rời tháp cùng bộ tham mưu để băng qua

Eo biển Johore trên một chiếc bè làm bằng ba con thuyền.

                Trên Java, Tướng Wavell quyết định làm một chuyến thanh sát cá nhân hòn đảo đang đánh nhau. Người Nhật kiểm soát không phận, nhưng ngày hôm sau tư lệnh ABDA xoay sở vượt qua. Từ hành lang ở bộ chỉ huy của Percival, các sĩ quan tham mưu có thể nghe được giọng nói giận dữ. Wavell đang chỉ trích Perval đã cho phép người Nhật thiết lập được đầu cầu quá dễ dàng, và ông nổi nóng với Bennett đến nỗi ông bảo tư lệnh Úc hãy “ra chỗ khác chơi” và đem theo “bọn Úc chết tiệt” của mình.

                Wavell ra lệnh một cuộc phản công tức thì. Sự thất bại hoàn toàn của nó không ngăn ông ban hành nhật lệnh có thể đến từ chính Churchill;

                Chắc chắn là binh lính của chúng ta trên Singapore vượt xa số quân Nhật đã vượt qua Eo biển. Chúng ta phải đánh bại chúng. Tiếng tăm chiến đấu của chúng ta đang lâm nguy cũng như danh dự của Đế chế Anh. Người Mỹ đã giữ vững Bán đảo Bataan với khó khăn lớn hơn nhiều, người Nga đang đẩy lùi sức mạnh tinh nhuệ của quân Đức, người Trung Hoa thiếu thốn gần như hoàn toàn các trang bị hiện đại vẫn cầm chân được bọn Nhật hơn 4 năm rưỡi. Thật là nhục nhã nếu chúng ta dâng pháo đài Singapore mà chúng ta khoa trương cho những lực lượng thù địch thấp kém.

                Không được nghĩ đến việc miễn trừ trách nhiệm cho bất kỳ binh lính nào hoặc công dân nào và không được tha thứ cho bất kỳ yếu đuối dưới bất cứ hình thức nào. Các tư lệnh và sĩ quan cao cấp phải dẫn đầu binh lính mình và nếu cần cùng chết với họ.

                Không có vấn đề hoặc ý nghĩ đầu hàng. Mỗi người phải chiến đấu hết sức cho đến phút cuối cùng để chứng tỏ rằng tinh thần chiến đấu từng tạo dựng nên Đế chế chúng ta vẫn còn tồn tại để cổ vũ chúng ta bảo vệ nó.

                Xong xuôi, ông bay về Java. Trong bóng tối ông trợt ngã trên một bến tàu và hai xương sống ở lưng bị gãy. Từ bệnh viện ông báo về Churchill:

                TRẬN ĐÁNH Ở SINGAPORE KHÔNG TIẾN TRIỂN TỐT. . . TINH THẦN MỘT SỐ BINH SĨ KHÔNG TỐT, VÀ KHÔNG AI CÓ TINH THẦN CAO NHƯ TÔI MONG ĐỢI. . . . MỌI ĐIỀU CÓ THỂ ĐÃ ĐƯỢC THỰC HIỆN ĐỂ NÂNG CAO TINH THẦN CHIẾN ĐẤU VÀ LẠC QUAN, NHƯNG TÔI

KHÔNG THỂ CHO RẰNG NHỮNG NỖ LỰC NÀY HOÀN TOÀN THÀNH CÔNG CHO ĐẾN HIỆN NAY. TÔI ĐÃ ĐƯA RA NHỮNG MỆNH LỆNH TUYỆT ĐỐI LÀ KHÔNG ĐƯỢC NGHĨ ĐẾN VIỆC ĐẦU HÀNG VÀ RẰNG MỌI BINH SĨ PHẢI TIẾP TỤC CHIẾN ĐẤU ĐẾN PHÚT CUỐI CÙNG.

                Vào bình minh quân Nhật đã chiếm gần như nửa hòn đảo, bao gồm Bukit Timah (Núi Thiếc) chiến lược, điểm cao nhất trên đảo. Những đơn vị tiền tiêu đang tiến gần đường đua ngựa ở ven thành phố Singapore. Dù vậy, Tsuji vẫn mất tinh thần trước sự kháng cự càng lúc càng kiên cường, đặc biệt của hỏa lực pháo Anh vô cùng hiệu quả. Kẻ thù hình như có một nguồn quả pháo vô hạn, trong khi quân nhu của Nhật đã sắp cạn kiệt. Hơn nữa, giờ thì rõ ràng là tình báo đã đánh giá thấp một cách thô thiển sức mạnh của Anh với 30,000 binh lính; trong khi phải có ít nhất 2 lần hơn thế.

                Và như thế với sự liều lĩnh được ngụy trang mà Yamashita gởi Percival yêu cầu ông đầu hàng. Cuối buổi sáng hôm đó một máy bay trinh sát bỏ rơi một ống màu đỏ có sọc trắng trên vùng ven thành phố. Nó chứa một thông điệp do Yamashita ký tên nhưng do Trung tá Ichiji Sugita soạn thảo. Lời lẽ trong thư lấy cảm hứng từ thư đầu hàng của 47 ronin [lãng khách].

                Trong tinh thần hiệp sĩ chúng tôi có vinh dự khuyên ngài đầu hàng. Quân đội của ngài, được thành lập trên tinh thần truyền thống của Vương quốc Anh, đang phòng thủ Singapore, vốn hoàn toàn bị cô lập, và nâng cao tiếng tăm của Vương quốc Anh bằng những nỗ lực cực kỳ và tinh thần anh hùng . . . Từ giờ trở đi sự kháng cự là vô ích và chỉ làm tăng thêm hiểm nghèo cho hàng triệu  dân cư vô tội, khiến họ gánh chịu nổi đau của lửa đạn và kiếm đao. Nhưng sự tiến triển của tình hình chiến sự toàn diện đã định đoạt số phận của Singapore, và tiếp tục kháng cự vô ích chỉ đem lại thiệt hại và thương vong cho hàng ngàn dân thường sống trong thành phố, đẩy họ thêm nữa vào nổi thống khổ và khủng khiếp của chiến tranh. Hơn nữa chúng tôi không thấy bạn sẽ làm tiếng tăm của Quân đội Anh tăng thêm bằng cách kháng cự thêm nữa.

                             Percival không gởi thư phúc đáp cho Yamashita. Ông đã được dặn là “chiến đấu đến cùng.” Vậy mà không có tình trạng hoảng loạn ở Singapore dù bị bom và pháo. Người dân vẫn đứng xếp hàng bên ngoài rạp hát trong nhà chọc trời Cathay để xem phim The Philadelohia Story, còn Khách sạn Raffles thì chen chúc các sĩ quan tham mưu không có gì để làm trừ uống rượu và phê phán. Ai đó vẽ nguệch ngoạc trên một bức tường: NƯỚC ANH CHO NGƯỜI ANH, NƯỚC ÚC CHO NGƯỜI ÚC, NHƯNG NƯỚC MÃ LAI CHO BẤT KỲ BỌN CHÓ CHẾT NÀO MUỐN NÓ.

                Những kẻ lạc loài lũ lượt xuống những con đường chính về hướng thành phố. Một sĩ quan tình báo, David James, chận một đội hình binh sĩ Ấn và hỏi chỉ huy của họ tại sao họ đi ngược chiều. Y nói một sĩ quan Úc đã khuyên họ “chạy cho nhanh vì bọn Nhật đang vượt qua ngọn đồi.” Bạn được giao việc tìm kiếm người Nhật, không phải để chạy đua với họ, James nói. “Đúng là vậy, nhưng bạn không nên ở lại nơi không cần đến bạn, phải không?” viên chỉ huy trả lời và tiếp tục dẫn binh lính mình chạy lúp xúp.

                Thậm chí một số đơn vị Úc đã chiến đấu giỏi ở Mã Lai đẩy Quân cảnh sang một bên khi họ cố ngăn cản họ về thành phố. “Ê anh bạn, mặc kệ Mã Lai và Singapore,” một người nói. “Hải quân bỏ rơi tụi tao, không quân bỏ rơi tụi tao. Nếu bọn “nút thùng” [dân bản xứ] không chịu chiến đấu cho xứ sở chó chết của chúng, tại sao chọn tao?”

                Cảm nhận một sự sụp đổ hoàn toàn, Percival lập một cung phòng thủ vững chắc trước thành phố, nhưng đến thứ sáu ngày 13 đối với mỗi chỉ huy của ông rõ ràng Singapore đã tiêu đời. Wavell được yêu cầu tán thành việc rút quân tức thì, nhưng từ Bangdun ông trả lời chắc nịch là binh lính phải “tiếp tục gây tổn thất tối đa cho địch càng lâu càng tốt bằng cách giành giật từng ngôi nhà một nếu cần.” Percival trả lời rằng người Nhật kiểm soát hầu hết trạm cấp nước và chỉ còn lại ít nước. Wavell trả lời:

                SỰ KHÁNG CỰ DŨNG CẢM CỦA NGÀI ĐANG PHỤC VỤ CHO MỘT MỤC ĐÍCH VÀ PHẢI ĐƯỢC TIẾP TỤC ĐẾN GIỚI HẠN CỦA SỨC CHỊU ĐỰNG

                Mỉa mai thay, mối quan tâm của người Nhật đối với Singapore đang tăng lên về mọi mặt. “Tôi hi vọng nó không trở thành một Bataan khác,” Đô đốc Matome Ugaki, tham mưu trưởng của Yamamoto, viết trong nhật ký của mình. Trên chính hòn đảo Đại úy Asaeda tiên đoán là nếu người Anh cố thủ được thêm một tuần nữa, “họ sẽ đánh bại chúng ta.” Mỗi khẩu súng chỉ còn 100 viên là nhiều nhất, còn đại pháo còn ít hơn nhiều. Yamashita chịu sức ép phãi hoãn lại cuộc tấn công và thậm chí rút lui về bán đảo. Ông ra lệnh tiếp tục tấn công.

                Vào buổi sáng ngày 15/2 Percival mở cuộc họp các tư lệnh vùng và bảo họ gần như không còn xăng dầu hoặc pháo dã chiến và quân nhu Bofors. Trong 24 giờ không có một giọt nước. Ông nói mình sẽ yêu cầu Nhật ngưng bắn lúc bốn giờ. Trước khi ngày hết, ông nhận được phép làm được những gì ông đã dự tính. Wavell bảo ông được tự quyền đầu hàng một khi không còn làm gì thêm được nữa.

                . . . DÙ ĐIỀU GÌ XẢY RA TÔI CÁM ƠN ANH VÀ BINH SĨ ĐÃ KIÊN CƯỜNG CHIẾN ĐẤU TRONG NHỮNG NGÀY VỪA QUA.

                Từ đỉnh cao của Bukit Timah, Yamashita nhìn lá cờ nước Anh bay phấp phới trên cao trong Đồn Canning ở thành phố Singapore. Chỉ chiếm nội đồn đó cũng mất một tuần chiến đấu ác liệt và thêm nhiều ngày nữa để chọc thủng các phòng tuyến cuối cùng. Điện thoại mặt trận reo lên. Một chỉ huy mặt trận báo cáo là quân Anh đang dơ cao lá cờ hưu chiến.

                Đại tá Ichiji Sugita, cổ của ông đang bó chặt trong một khung nhựa sau một vụ té xe mô tô, lái xe tới để gặp phái đoàn đàm phán. “Chúng tôi sẽ hưu chiến nếu Quân đội Anh chịu đầu hàng,” ông nói bằng tiếng Nhật. “Các ông có muốn đầu hàng không?”

                Phiên dịch viên Anh, Đại úy Cyril H. D. Wild, nói, “Chúng tôi muốn.” Anh ta cao ráo, mắt xanh, con trai của Giám mục Newcastle. Sugita bảo anh trở lại với Percival và bộ tham mưu. Họ gặp nhau một lần nữa lúc 4:45 và đi bằng hai ô tô về hướng hảng Ford gần làng Bukit Timah. Ngồi kế bên Percival là Sugita. Sugita khổ sở quay sang vị tướng và nói bằng tiếng Anh với giọng ngập ngừng. “Chúng ta đã chiến đấu hơn 2 tháng. Giờ chúng ta đã đến cuối đường. Tôi khen tặng ngài trong cuộc phòng thủ của người Anh.” Percival lịch sự lẩm bẩm một vài lời hòa nhã. Gương mặt hốc hác của ông đỏ rừ, đôi mắt đỏ ngầu.

                Phe đầu hàng bước xuống xe trước hảng xưởng. Đối với người Nhật họ có vẻ kiêu ngạo, mặc dù chính Percival là người cầm cờ trắng. Bên trong tòa nhà bề bộn họ bị bao vây bởi những phóng viên, nhiếp ảnh gia và thông tín viên uyên náo. Năm phút sau, lúc 7 giờ, Yamashita xuất hiện, và sự ồn ào gia tăng khi hơn 40 người chen lấn trong gian phòng nhỏ. Người đầu hàng đã đến quá bất ngờ đến nỗi Yamashita chưa kịp liếc qua các điều khoản đầu hàng mà Sugita đã đánh máy ra bằng tiếng Anh mấy ngày trước. “Người Nhật không xem xét việc gì khác ngoài sự đầu hàng,” Yamashita nói. Ông biết rằng quân số Anh áp đảo quân Nhật rất nhiều và ông lo nhất là để cho Percival phát hiện ra điều đó.

                “Tôi e rằng mình không thể đưa ra câu trả lời cuối cùng trước 10:30 P.M.” Percival trả lời. Ông không dự tính sẽ tiếp tục kháng cự. Ông chỉ muốn soạn ra những chi tiết đặc biệt trước khi đặt bút ký tên.

                Nhưng Yamashita tin rằng người Anh đang câu giờ. Những điều khoản phải được giải quyết trước khi địch nhận ra rằng người Nhật kém quân số hơn mình. Đánh nhau trên đường phố sẽ là thảm họa. * “Chỉ cần trả lời là có nhất trí với các điều khoản của chúng tôi được hay không,” ông nói cụt ngũn. “Công việc phải nhanh chóng giải quyết. Chúng tôi còn phải tiếp tục khai hỏa.” Qua một cửa sổ một đám lửa lóe lên ở Singapore.

  • Sau chiến tranh Yamashita nói, “Tôi cảm thấy rằng nếu chúng tôi phải chiến đấu trong thành phố chúng tôi sẽ bại trận.” Ông mô tả chiến lược mình sử dụng ở Singapore là “một cú tháu cáy, một cú tháu cáy có hiệu quả.”

 

                Sugita thấy rằng sự hiểu lầm đang đe dọa việc đầu hàng và tiếp sức với phiên dịch viên yếu kém của Yamashita. Anh làm tốt hơn một chút. Cuộc bàn cãi gián đoan được tiếp tục, nhưng vẫn còn trầm trọng thêm vì khả năng tiếng Nhật còn nghèo nàn của Wild và việc Percival chần chừ chưa quyết định ngay liền.

                Yamashita mất hết kiên nhẫn. “Trừ khi ngài đầu hàng,” ông la lên, “chúng tôi sẽ phải tiếp tục mở cuộc tấn công đêm nay như dự kiến.”

                “Quân đội Nhật không thể duy trì tình trạng hiện thời hay sao?” Percival ngạc nhiên hỏi. “Chúng ta có thể đàm phán lần nữa vào ngày mai lúc 5:30 mà.”

                “Nani!” Yamashita giả vờ phẫn nộ để che giấu mối quan ngại của mình. “Tôi muốn hành động thù địch sẽ kết thúc đêm nay và tôi muốn nhắc nhở ngài là sẽ không thể có thương lượng.”

                Đó không phải là một sự đầu hàng hào hiệp mà Percival muốn. “Chúng tôi sẽ ngừng bắn vào 8:30 P.M.,” ông lầm bầm. “Có phải chúng ta nên giữ nguyên tình hình hiện tại đêm nay không?”

                Yamashita bảo ông hãy làm thế. Hưu chiến sẽ bắt đầu lúc 8:30 và 1,000 người được phép mang vũ khí để giữ gìn trật tự trong thành phố. Thái độ mơ hồ của Percival khiến Yamashita ngờ vực. “Ngài đã nhất trí với các điều khoản nhưng ngài chưa phát biểu rõ ràng hoặc ngài có đồng ý đầu hàng hay không.” Percival không nói được. Đó là một thảm họa quân sự tồi tệ nhất trong lịch sử Anh, thời điểm cay đắng nhất trong cuộc đời ông. Ông tằng hắng nhưng ông không thể làm gì ngoài gật đầu.

                Trong cơn tức tối Yamashita bảo Sugita mình muốn người Anh đưa ra một hồi đáp đơn giản. Thông dịch viên, tuy nhiên, đang bận trao đổi dài dòng với Wild. Yamashita cứ mãi nhìn đồng hồ tay không ngớt và cuối cùng chỉ ngón tay vào Sugita. “Không cần phải nói nhiều. Đây là một câu hỏi đơn giản và tôi muốn một câu trả lời đơn giản.” Ông quay sang Percival và quát: “Chúng tôi muốn nghe ngài nói “Có” hay “Không”! Đầu hàng hay đánh nhau!”

                “Vâng, tôi đồng ý,” Percival yếu ớt nói. Ông ngừng lại. “Tôi có một yêu cầu. Liệu Quân đội Hoàng gia có bảo vệ phụ nữ và trẻ em và dân thường Anh hay không?”

                “Chúng tôi sẽ xem xét việc đó. Làm ơn ký thỏa thuận hưu chiến đi.”

                Lúc 7:30 Percival ký. Bốn mươi phút sau, tiếng gầm rú của trận chiến đột ngột ngừng hẳn. Singapore, Thành phố của Sư tử, pháo đài nổi tiếng nhất trên thế giới, đã thuộc về Nhật Bản. Trong 70 ngày, Yamashita, với giá của 9,824 thương vong, đã tiến qua 650 dặm xuống Bán đảo Mã Lai và băng qua Singapore. Quân Anh tương đối chịu ít thương vong hơn, nhưng đầu hàng hơn 130,000 binh sĩ.

                Đó là thắng lợi trên bộ lớn nhất trong lịch sử Nhật. Một lần nữa họ đã chứng tỏ một cách ấn tượng cho tất cả huynh đệ Á châu của họ thấy rằng người da trắng có thể bị đánh bại. Ở Nhật một chính quyền hoan hỉ thông báo sẽ phân phát hai chai bia và một túi đậu đỏ cho mỗi gia đình, cũng như ba go rượu sake. Mỗi trẻ em dưới 13 tuổi được một hộp  caramen, bánh và kẹo.

                Tờ Asahi Shimbun chạy tít kể về câu chuyện của trận đánh: TÌNH HÌNH TOÀN DIỆN CỦA CUỘC CHIẾN Ở THÁI BÌNH DƯƠNG ĐÃ ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH. “Việc đánh chiếm Đảo Singapore trong thời gian 3 ngày ít ỏi chỉ có Quân đội Hoàng gia của chúng ta mới làm được,” Đại tá Hideo Ohira, trưởng Ban Báo chí, tuyên bố. “Nhật Bản là vầng thái dương tỏa sáng cho hòa bình thế giới. Những ai tắm trong ánh mặt trời sẽ lớn mạnh và ai chống lại nó sẽ không có con đường nào khác hơn là tàn rụi. Cả Hoa Kỳ và Anh hãy ngắm nhìn lịch sử 3,000 năm cháy bỏng của lịch sử Nhật. Tôi trân trọng tuyên bố rằng với sự thất thủ của Singapore tình hình toàn diện của chiến tranh đã được quyết định. Thắng lợi tối hậu sẽ thuộc về chúng ta.”

                Thủ tướng Tojo bảo với Quốc hội là Miến Điện và Phi Luật Tân sẽ được độc lập nhưng cần thiết phải giữ lại Hong Kong và Mã Lai làm căn cứ sống sòn để bảo vệ Đại Đông Á.

“Mục tiêu của cuộc chiến Đại Đông Á,” ông nói, “được xây dựng trên những lý tưởng thăng hoa của công cuộc củng cố đế chế và nó giúp cho mọi quốc gia và dân tộc của Đại Đông Á được sống hạnh phúc và thiết lập một trật tự sống chung và thịnh vượng chung mới dựa trên cơ sở công chính với Nhật Bản là hạt nhân.”

 

3.

                Java gần như bị cô lập trong một tháng trời. Về phía tây, Sumatra đang chịu sự tấn công của lính dù và binh lính đổ bộ gần đây. Về phía đông, một đoàn tàu đổ bộ khác đã vừa buông neo ngoài khơi hòn đảo xinh đẹp Bali.

                Tại bộ tư lệnh của ông ở Bandung, phía cao trên núi ở trung tâm Java, Tư lệnh ABDA Archibald Wavell chắc chắn là Java là mục tiêu tiếp theo. Ông rất đúng. Hai lực lượng xâm lăng hùng hậu, mỗi lực lượng đều được bảo vệ bởi các đơn vị tàu khu trục và tuần dương hùng mạnh, đã lên đường tiến đến ngọn đảo chiến lược đó. Tư lệnh của Lực lượng Hải quân Hà Lan – một phó đô đốc đầu hói, béo tròn, thấp lùn có tên Helfrich – vẫn còn mang ý niệm là người Nhật sẽ bị đánh bại trên biển. Ông bác bỏ ý kiến của của Đô đốc Hoa Kỳ Hart, tư lệnh của Hải quân ABDA, rằng việc phòng thủ của Đông Ấn thuộc Hà Lan là một thất bại chắc chắn. Hạm đội Hà Lan đã đánh chìm một lượng trọng tải Nhật lớn hơn các lực lượng Mỹ trên không, mặt đất và dưới nước gộp lại.

                Thật ra, chính sự châm chích của Đô đốc Helfrich đã tạo cảm hứng cho người Mỹ tiến hành một trận tấn công trên mặt biển lần đầu tiên kể từ Trân Châu Cảng. Vào ngày 24/1 một bộ tứ gồm 4 tàu khu trục có từ thời Thế Chiến I lẻn vào Eo biển Makassar, giữa Borneo và Celebes, bắn 3 tàu vận tải của địch xuống đáy biển. Đó là một cuộc đột kích táo bạo, được thi triển xuất sắc, và nó chứng tỏ mạnh mẽ luận điểm của Helfrich. Giờ ông thúc ép mọi người tin như mình rằng nơi để kết liễu quân Nhật là ở biển cả chứ không phải trên các bãi biển của Java.

                Việc người Mỹ miễn cưỡng giao tranh trên biển là điều khó hiểu đối với người Nhật cũng cho Helfrich. Phía dưới Phi Luật Tân họ không gặp gần như sự chống cự nào và giờ nắm giữ tất cả Borneo và đảo Celebes, và đã cắm những bàn đạp vững chắc trên New Guinea. Một khi Java bị chính phục, kho báu dầu, thiếc và tungsten sẽ lọt vào tay họ.

                Việc Wavell đánh giá mối đe dọa đối với Java, nơi ông cắm quân, khác biệt đáng kể với các đánh giá của ông về những vấn đề mà người phòng thủ Singapore phài đối mặt. Vào ngày 22/2, ông viết cho Churchill:

                TÔI SỢ LÀ SỰ PHÒNG THỦ NHỮNG VÙNG THUỘC A.B.D.A ĐÃ BỊ BẼ GÃY VÀ VIỆC              PHÒNG THỦ JAVA KHÔNG THỂ KÉO DÀI . . . GIỜ ĐÂY BẤT CỨ THỨ GÌ BỎ VÀO JAVA                CŨNG CHỈ KHÔNG GIÚP ÍCH GÌ NHIỀU CHO VIỆC KÉO DÀI CUỘC CHIẾN ĐẤU: ĐÓ   ĐÚNG RA LÀ VẤN ĐỀ NGÀI CHỌN ĐIỀU GÌ ĐỂ GIẢI CỨU. . . TÔI THẤY BỘ TƯ LỆNH             NÀY KHÔNG CÒN HỮU ÍCH NHIỀU NỮA . . . CUỐI CÙNG VỀ CHÍNH TÔI. TÔI BAO GIỜ                 CŨNG SẴN LÒNG LÀM HẾT SỨC MÌNH Ở NƠI ĐÂU NGÀI NGHĨ SẼ LÀ TỐT NHẤT CHO          TÔI. TÔI ĐÃ PHỤ LÒNG NGÀI VÀ TỔNG THỐNG Ở VỊ TRÍ NÀY, NƠI MỘT NGƯỜI GIỎI       HƠN CÓ THỂ ĐÃ THÀNH CÔNG . . .  TÔI GHÉT PHẢI RỜI BỎ NHỮNG NGƯỜI HÀ LAN          GAN GÓC NÀY, VÀ SẼ Ở LẠI ĐÂY CHIẾN ĐẤU ĐẾN CÙNG VỚI HỌ ĐẾN CHỪNG NÀO MÀ NGÀI THẤY VIỆC NÀY CÓ ÍCH LỢI GÌ ĐÓ.

                CHÚC NGÀI SỨC KHỎE, TÔI LO LÀ NGÀI ĐANG GẶP MỘT THỜI KỲ RẤT KHÓ KHĂN,            NHƯNG TÔI BIẾT LÒNG CAN TRƯỜNG CỦA NGÀI SẼ CHIẾU SÁNG QUA NÓ.

           Lực lượng phòng không của Đồng minh không còn giúp ích cho việc kháng cự hiệu quả nữa. Sau thảm họa ở Mã Lai không có mấy máy bay Anh còn lại; lực lượng Hà Lan thì teo tóp chỉ còn dăm ba chiếc xập xệ; và trong số 111 máy bay mà Mỹ vội vã đem đến Java, chỉ còn lại 23 máy bay ném bom hạng nặng và một ít chiến đấu cơ.

                Ba ngày sau Wavell giao việc phòng thủ cuối cùng của vùng Đông Ấn cho thống đốc Hà Lan và rời Java. Hạm đội của Helfrich là lực lượng duy nhất án ngữ giữa Java và các đoàn tàu xâm lăng của Nhật đang đến gần. Ông không còn hi vọng nào ngăn chận được họ nhưng quyết tâm giết được càng nhiều kẻ thù ở biển càng tốt.

                Vào rạng sáng – đó là ngày 26/2 – Đoàn Tàu Tấn Công phía Tây gồm 56 tàu vận tải cách mút phía tây của Java 250 dặm. Nó được hộ tống bởi 1 tàu sân bay và 7 tàu tuần dương, hai đội tàu khu trục và được che chở bởi 4 tàu tuần dương hạng nặng. Đoàn Tàu Tấn Công phía Đông gồm 40 tàu vận tải còn cách mục tiêu đông Java chưa tới 200 dặm. Nó được hộ tống bởi một tàu tuần dương hạng nhẹ và 7 tàu khu trục. Gần bên còn có 2 tàu tuần dương hạng nặng, 1 tàu tuần dương hạng nhẹ và 7 tàu khu trục. Tổng chỉ huy của 18 tàu này là Chuẩn Đô đốc Takeo Takagi, có năng lực nhưng thận trọng.

                Ngay trước ngọ đoàn phía đông bị hai máy bay Đồng minh phát hiện. Helfrich, người đã tiếp nhận tư lệnh mới của Hải quân ABDA từ tay Hart, điện báo cho Chuẩn Đô đốc Karel W. F. M. Doorman, một người đồng hương, rời cảng khi đêm xuống với lực lượng chủ lực gồm 15 tàu và tấn công. Một ít giờ sau Helfrich biết tin về đoàn tàu đến từ hướng tây. Ông ra lệnh một lực lượng nhỏ hơn – tàu tuần dương nhẹ Hobart, 2 tàu tuần dương cũ và 2 tàu khu trục cũng cũ không kém – để đương đầu với mối đe dọa mới này tốt như có thể.

                Lúc 6:30 Doorman cho đoàn tàu ra khỏi Surabaya. Đoàn tàu tối đen hướng mũi về phía bắc vào Biển Java trong ánh sáng tim tím của buổi hoàng hôn. Mặc dù bề ngoài ấn tượng, đó chỉ là một đoàn tàu vá víu không có chung một học thuyết hoặc kỹ thuật chiến đấu, có bốn quốc tịch với bốn lực lượng tác chiến riêng biệt và khác nhau. Nó khiến cho một trung úy trẻ trên tàu tuần dương hạng nặng Houston của Mỹ liên tưởng đến 11 ngôi sao chơi trong đội  Notre Dame mà không qua một buổi tập luyện chung nào hết.

                Suốt qua đêm lực lượng của Doorman quét dọc theo bờ biển nhưng không tìm thấy gì và quay trở về vào lúc trời sáng. Đoàn tàu vừa hướng mũi vào cảng Surabaya vào khoảng 2:30 chiều thì Dooman nhận được một lệnh mới phải giao chiến với lực lượng của địch cách 90 dặm về phía bắc.

                Vì hạm đội không có chung mật mã về các ký hiệu tác chiến, nên lệnh đầu tiên của Doorman được truyền đi bằng sóng vô tuyến, cờ hiệu và đèn hiệu bằng tiếng Anh: THEO TÔI, ĐỊCH CÁCH ĐÂY 90 DẶM.

                Mọi người trong hạm đội đều vôn cùng phấn chấn khi được quay lại hướng ra biển. Ba tàu khu trục Anh, lướt ra trước, dẫn đường theo sau là tàu tuần dương nhẹ De Ruyter. Phía sau theo hàng dài là tàu tuần dương Anh hạng nặng nổi tiếng Exeter; Houston, đã từng 4 lần tiếp đón Tổng thống Roosevelt; tàu tuần dương nhẹ Perth của Úc; sau cùng là tàu tuần dương nhẹ Java của Hà Lan. Bên trái là đoàn tàu thứ hai – hai tàu khu trục của Hà Lan theo sau là 4 tàu khu trục cỗ lỗ của Mỹ. Nhưng hạm đội như thằng mù. Doorman không có máy bay săn tìm để phóng đi từ tàu khu truc; chúng đã bị bỏ lại trên bờ đêm hôm trước.

                Đô đốc Takagi, tuy nhiên, lại biết vị trí của Doorman. Ba máy bay có phao (thủy phi cơ) đã phát hiện ra đoàn tàu ABDA. Ông ra lệnh cho 38 tàu của đoàn tàu phía đông quay lại và xếp thành đội hình chiến đấu. Doorman có hơn một tàu tuần dương nhẹ nhưng Takagi gần như có số tàu khu trục gấp đôi và điều này khiến ông có lợi thế hơn về số lượng – 18 tàu chiến so với 15.

                Đó là một buổi sáng quang đãng và rực rỡ và người Nhật có cảm tưởng mình có thể ngửi được mùi hương của đảo Java gần đó. Các thủy thủ, mặc quần áo lao động trắng, đội mũ bảo hộ bằng thép, chen lấn vào điện thờ và buộc hachimaki quanh trán mình thật chặt. Các sĩ quan trong đồng phục trắng tươm tất và mũ bóng chày căng cặp mắt tìm kiếm kẻ thù. Kể từ trận Đối Mã (Tsushima) Nhật chưa từng tham gia một trận hải chiến lớn nào.

                Lúc 4 giờ tàu tuần dương Jintsu trông thấy những cột tàu 17 dặm về phía đông nam. Rồi các thủy thủ gác tàu trên hai tàu tuần dương lớn Nachi Haguro nhận ra cột tàu cao ngất của De Ruyter. Khi nó đến gần hơn, phần trên sừng sững của nó có hình dáng kỳ lạ khoác một vẻ đe dọa như một quái vật tiền sử nào đó.

                Trên tàu Nachi, Takagi và tham mưu trưởng của ông, Đại tá Ko Nagasawa, không chắc là có nên tham chiến trong một trận hải chiến chiếu lệ hay không. Sứ mạng chủ yếu của hô là bảo vệ đoàn tàu vận tải, nhưng Takagi ra lệnh tiến vào. Ở khoảng cách 28,000 ya Nagasawa xin phép khai hỏa. Takagi gật đầu, và vào lúc 4:15 các khẩu pháo tám-inxơ của Nachi Haguro gầm lên. Một phút sau đó hai tàu tuần dương của Đồng minh khai hỏa nhưng đó không phải là cuộc quyết đấu xứng tầm với 12 đại pháo chống lại 20 đại pháo của Takagi.      

                Người Nhật tiến đến quá nhanh đến nỗi chẳng bao lâu rõ ràng họ sẽ cắt ngang tàu đi đầu của Đồng minh, “cắt chữ T.” Theo kiểu điều trận cổ điển này Takagi sẽ đem toàn bộ hỏa lực pháo bên mạn tàu nã vào các tuần dương của Dooman, lúc này chỉ có thể bắn trả bằng các khẩu pháo phía trước. Nhưng vị đô đốc Hà Lan đã nhận ra cái bẫy này nên quành tàu 20 độ sang trái, tránh khỏi tàu Nhật.

                Takagi cũng quay tàu, đặt hai hạm đội gần như song song, hướng về tây, với Doorman bị ép giữa người Nhật và Java. Mười phút sau Nagasawa báo cáo với Takagi đã đến lúc tiếp cận và tấn công. “Tiến hành,” đô đốc ra lệnh, ông vốn là một chuyên gia về tàu ngầm. Ở khoảng cách 16,000 ya các khu trục Nhật phóng các ngư lôi của mình. Là thiết kế kiểu mới, chúng có tầm bắn đáng kinh ngạc xa đến 30,000 ya và hệ thống đẩy oxygen của chúng không để lại đường xủi bọt khiến không phát hiện được hướng bắn.

                Doorman không biết chúng đến cho đến khi ông trông thấy các cột nước bắn lên trên không. Các ngư lôi mới đã được lắp ráp sai và phát nổ sớm khi chạy giữa chừng. Sự xuất hiện thình lình của chúng gây ra cơn hoảng loạn; chúng chắc xuất phát từ một đàn sói tàu ngầm.

                Cột nước cũng báo động cho Nagasawa. Ông tưởng đó là mìn của địch phát nổ gần Đảo Bawean. Ông cảnh báo Takagi nếu tiến xa hơn nữa sẽ là tự sát, và lệnh di chuyển trong vòng 6,000 ya được hủy bỏ. Doorman được một cơ hội nghỉ ngơi. Nhưng chỉ là ngắn ngủi. Lúc 5 giờ, đạn pháo từ Haguro rơi ầm xuống qua một dàn pháo phòng không trên Exeter và nổ tung trong nồi hơi. Con tàu tuần dương lớn, giảm tốc độ phân nửa, lảo đảo và quay sang trái để tàu Houston ở ngay sau nó không va vào đuôi tàu của nó.

                De Ruyer nhìn thấy sự hỗn loạn phía sau và cũng quay sang trái đúng lúc một nhóm ngư lôi khác cắt nước đi về phía Đồng minh. Lúc 5:15 tàu khu trục Hà Lan Kortenaer nổ tung và gãy làm hai như một con dao xếp. Doorman ra ký hiệu TẤT CẢ TÀU THEO TÔI và quay về hướng đông nam. Ông mất thêm một tàu khu trục, Electra, nhưng tàu Exeter dù bị thương vẫn chạy thoát được trong biển khói và hỗn loạn.

                Giờ thì Doorman chỉ còn sáu khẩu pháo 8-inxơ của tàu Houston đấu với 20 khẩu của Takagi. Đàng sau đám mây khói đen Doorman lập một chiến tuyến mới, nhưng chỉ vài phút sau hai quả pháo lớn đâm vào tàu Houston. Lần này may mắn nằm về phía Đồng minh; cả hai quả pháo đều thúi (lép). Doorman ngoặc tuyến chiến đấu của mình theo một đường tròn ngược chiều kim đồng hồ lẫn tránh, nhưng Nachi Haguro  vẫn tiến sát gần hơn. Một nhóm tàu khu trực cũng vậy.

                Doorman gọi pháo từ bốn tàu khu trục Mỹ. Tư lệnh của chúng, T. H. Binford, tuân lệnh và từ chính tàu mình phóng ngư lôi vào Nachi Haguro từ khoảng cách 10,000 ya. Các tàu tuần dương xoay sở để lẫn tránh các ngư lôi, nhưng tính táo bạo của trận tấn công bắt buộc Takagi phải rút lui về hướng bắc. Ông quyết định đợi đến đêm, thời khắc mà người Nhật theo truyền thống rất thích tấn công.

                Mặc dù bị thương nghiêm trọng, Doorman không có dự định rút lui. Thay vào đó ông bắt đầu dò dẫm tìm các tàu vận tải Nhật. Lúc 9 giờ kỳ hạm của ông đến được chỗ nước nông, bèn ngoặc tàu nằm song song với bờ biển Java. Những tàu tuần dương khác làm theo, cũng như 2 tàu khu trục Anh, Encounter Jupiter. 25 phút sau đó một vụ nổ lớn xảy ra ở cuối hàng tàu và Jupiter chìm trong biển lửa. Chắc chắn nó đụng phải mìn Hà Lan trôi giạt.

                Những con tàu khác lao vào bóng đêm một cách không yên tâm. Không có gì xảy ra cho đến 9:50. Bổng một hỏa châu lóe sáng rồi rơi xuống, chiếu sáng rõ hàng tàu. Kẻ đi săn trở thành thú bị săn bởi một trong các máy bay săn tìm của Takagi. Liên tiếp sau đó nửa chục hỏa châu lóe sáng một cách ma quái hai bên hàng tàu Đồng minh.

                Takagi tiến vào, và ngay trước 11 giờ lính canh trên tàu Nachi trông thấy hàng tàu địch qua cặp kính đặc biệt nhìn đêm gắn trên đài chỉ huy. Ai đó trên De Ruyter cuối cùng nhìn thấy hai tàu tuần dương Nhật trên xà rầm ở mạn trái và báo cáo sai lầm là họ đang tiến về hướng ngược lại. Tàu tuần dương Hà Lan khai hỏa. Sau đó là tàu Perth, Houston Java tiếp theo. Bầu trời sáng lòa dưới ánh sáng của đạn pháo sáng nổ bùng.

                Rồi thình lình hỏa lực im bặt. Trong bóng đêm đột ngột phe Đồng minh không biết là tàu Hagura Nachi đang lặng lẽ tiến sát từ phía sau. Nagasawa đợi cho đến khi cách tàu địch khoảng 10,000 ya, ông quay sang Takagi và nói đã đến lúc phóng ngư lôi. Vị đô đốc tán thành và vào khoảng 11:20. Nachi phóng 8 ngư lôi và Haguro phóng 4. Trong vài phút các ngư lôi lướt qua hàng tàu Đồng minh đãng trí, đang đi theo hướng của mình. Rồi De Ruyer phát nổ khủng khiếp một cách đột ngột mà những người trên tàu không giải thích được. Khi lửa lan tràn qua boong tàu, các pháo sáng vọt lên từ con tàu trúng thương. Lửa đã liếm kho chứa chất pháo sáng.

                Bốn phút sau là một tiếng nổ long trời khác, lần này ngay phía sau tàu Houston. Đó là Java. Bốc cháy dữ dội, đuôi tàu ngốc lên cao trên không. Hàng trăm thủy thủ rớt xuống biển như kiến khi con tàu trượt xuống biển tối đen. Rồi chiếc De Ruyer cũng biến mất, rít lên thảm thiết khi nước bao phủ ngọn lửa đang hoành hành. Đi cùng nó là Doorman và 366 thuyền viên.  Một trong những lệnh cuối cùng của ông là giao mọi người sống sót “vào lòng thương xót của kẻ thù,” và sĩ quan cao cấp mới của hạm đội, thuyền trưởng của Perth, ra lệnh cho Houston đi theo khi ông tăng tốc về hướng đông nam.

                Trận hải chiến Java, trận giao tranh trên biển lớn nhất kể từ trận Jutland năm 1916, đã kết thúc. Thậm chí ngay lúc trời sáng Takagi đã có thể gây thiệt hại cho hạm đội Đồng minh, và trong bóng đêm Doorman không có cơ may nào chống lại sự rèn luyện đặc biệt của người Nhật. Họ không hề hấn gì, trong khi Doorman mất 3 khu trục, 2 tuần dương nhẹ và mạng sống của mình.                                        

                Mười con tàu Đồng minh sống sót sau trận đánh, và khi hừng sáng họ đã xoay sở về đến Batavia (sẽ sớm được đặt tên lại là Djakarta) hoặc Surabaya. Bốn khu trục Mỹ được phép thoát chạy đến Úc, và lúc 5 giờ lủi ra khỏi cảng Surabaya băng qua con tàu Exeter đang bỏ neo. Trong ánh sáng lù mù họ lao an toàn ra khỏi Eo Bali.

                Cũng đêm đó Perth Houston rời Bavaria để cố tẩu thoát qua Eo Sunda, chỉ rộng 14 dặm. Họ xông hết tốc độ qua đoàn tàu Nhật; gồm 4 tuần dương nặng, 3 tuần dương nhẹ, khoảng 10 khu trục và tàu sân bay Ryujo đang bảo vệ 56 tàu vận tải của Đoàn Tấn công phía Tây, đang bỏ neo ở mũi phía tây của Java trong Vịnh Bantam.

                Perth kháng cự lại kiên cường khắp bốn phía, nhưng vừa trước nửa đêm một quả pháo rơi sầm vào trong phòng ăn của thủy thủ quèn ở mạn phải gần đường ống nước. Rồi một ngư lôi đâm vào cùng một bên gần phòng lò hơi phía trước. Khi con tàu bắt đầu nhanh chóng hấp hối, các ngư lôi và pháo lại liên tiếp bắn tới tấp trúng đích khiến nó cuối cùng lật qua và chìm xuống.

                Giờ thì đến lượt Houston. Nó đã bị thương vì một quả ngư lôi và các đại pháo của tuần dương Mikuma  đang tìm mục tiêu của mình. 15 phút sau nửa đêm một loạt pháo xé toạc phòng máy phía sau của chiếc tuần dương Mỹ, làm bỏng mọi người đến chết. Hơi nóng phun ra qua các lỗ lởm chởm trên boong và con tàu mất tốc độ. Khi hồi kèn Bỏ tàu vang lên một quả pháo 5 in-xơ nổ trên đài chỉ huy, giết chết thuyền trưởng.

                Houston nằm chết trong nước, pháo của nó chỉa ra theo những hướng kỳ cục . Chầm chậm nó lật qua một bên và dừng lại. Lá cờ Sao-Sọc phấp phới hiên ngang từ cột tàu. Cuối cùng, vào lúc 12:45, con tàu rùng mình và lao xuống mất dạng.

                Trong quân số 1,000 người của Houston và 680 của Perth, không tới phân nửa còn sống, nhưng rồi nhiều người trong số này sẽ chết trong nước biển ngập dầu. Người Nhật cũng bị thiệt hại, nhưng không phải bởi Houston hay Perth. Tám ngư lôi mà tàu Mikuma nhắm vào Houston bắn hụt và tiếp tục đi tới về phía các tàu vận tải đang tập kết tại Vịnh Bantam. Bốn tàu chìm xuống đáy, bao gồm Ryujomaru, tàu chỉ huy của Tướng Hitoshi Imamura, tư lệnh  Quân đoàn 16. Imamura và hàng trăm binh sĩ phải nhảy vào vùng nước ấm. Vị tướng và phụ tá của ông ta chụp được một thanh gỗ, vì không người nào mặc áo phao. Lên đến bờ, người phụ tá thấy xếp của mình mặt mũi đen nhớp vì dầu, đang ngồi trên một đống tre. “Thành thật khen ngợi,” ông nói, “vì đã đổ bộ thành công.”*

  • Tư lệnh Shukichi Toshikawa của đoàn tàu khu trục thứ 5 được phái đến để xin lỗi Imamura vì bắn ngư lôi vào bốn tàu vận tải và ném vị tướng xuống vịnh. Nhưng tham mưu trưởng của Imamura khuyên Toshikawa hãy giữ kín chuyện đó. Imamuro vẫn nghĩ  ngư lôi của Houston bắn chìm tàu ông. “Hãy cho nó chiến công đó đi,” tham mưu trưởng bảo Toshikawa. Đến nay các tư liệu chính thức trên cả hai phía đều ghi nhận Houston làm chuyện đó.

 

                Cuộc đổ bộ ở Vịnh Bantam và lên bờ biển phía bắc khiến quyền kiểm soát của Đồng minh trên Java cuối cùng tan rã. Ở Bangdun một đô đốc Anh bảo với Helfrich, “Tôi đã được chỉ thị từ Bộ Hải quân phải rút các tàu chiến Hoàng gia ra khỏi Java khi sự kháng cự không đưa đến mục đích thiết thực nào. Thời điểm này, tôi nghĩ, đã đến rồi.”

                “Ngài có biết là ngài còn ở dưới quyền tôi không?” Helfrich vặn lại.

                “Tôi biết, tất nhiên. Nhưng trong vấn đề sống còn này, tôi không thể làm gì khác hơn là thi hành bổn phận mình theo suy xét của tôi.”

                Chuẩn Đô đốc Mỹ W. A. Glassford, thông cảm với người đồng nghiệp Anh nhưng trấn an Helfrich là mình còn ở dưới lệnh ông ta. “Ngài ra bất cứ lệnh gì tôi sẽ thi hành ngay.”

                Nhưng không thể đưa ra lệnh thiết thực nào. Helfrich thở dài nặng nhọc. “Anh cứ ra lệnh cho tàu anh về Úc,” ông nói và cám ơn người Mỹ đã hỗ trợ nhiệt tình. Về phần vị đô đốc Anh, ông ta muốn ra lệnh gì cho tàu mình thì cứ việc.

                Các tàu Anh cuối cùng – Exeter và hai tàu hộ tống khu trục – đã lên đường về hướng tây bắc với hi vọng thoát qua Eo Sunda vào ban đêm. Nhưng Takagi đã phát hiện họ lúc 9:35 sáng, và với sự yễm trợ của các máy bay ném bom bổ nhào từ Ryujo , đánh chìm tất cả ba.

                Một lúc sau nửa đêm chiếc máy bay Mỹ cuối cùng cất cánh từ hòn đảo đang hấp hối Java với 35 hành khách, nhưng vào lúc hừng đông một thuyền bay cất cánh nặng nhọc từ một hồ nước gần Bangdun để đến Ceylon. Trong khoang là Đô đốc Helfrich. Ông cảm thấy mình như là một viên thiếu úy mới ra trường.

                Hoàn toàn không có kháng cự, các lực lượng đổ bộ Nhật hội tụ vào Batavia và Bangdun từ hai phía. Quyền tư lệnh Hà Lan chỉ huy các lực lượng Đồng minh phân tán và vô tổ chức biết rằng chiến tranh du kích là điều không thể vì người bản xứ quá căm ghét các ông chủ Hà Lan. Vào ngày 8/3 ông ra lệnh mọi người buông khí giới. Thông điệp cuối cùng gởi đến thế giới bên ngoài được phát từ một đài phát thanh thương mại ở Bandung. “Chúng tôi đóng cửa,” ông nói. “Tạm biệt hẹn gặp lại khi tình hình tốt hơn. Nữ Hoàng vạn tuế!”

                Như Singapore, Java đã tiêu đời. Mặc dù thảm bại tơi tả và tranh cãi gay gắt và cáo buộc lẫn nhau, người Mỹ, Anh, Hà Lan và Úc đã tìm được sự đoàn kết tạm thời trong một trận đánh can trường nhưng vô vọng ở biển. Giờ chỉ còn một ổ kháng cự bên trong Đế chế Nhật – Bataan và Corregidor.         

78

11 . “Ban Cho Họ Lòng Thương Xót Là kéo Dài Cuộc Chiến ”

 

1.

                Bataan rất yên tĩnh. Những binh sĩ phòng vệ đi tuần tra, và ra sức củng cố phòng tuyến ngang qua bán đảo. Thức ăn đã trở thành một nỗi ám ảnh. Các binh lính ở tuyến đầu nhận một phần ba khẩu phần mỗi ngày. Những nỗ lực đưa đồ tiếp tế cho Corregidor và Bataan xuyên qua sự phong tỏa trên biển của Nhật đã thất bại. Có quá ít cỏ khô cho ngựa của kỵ binh và lừa đến nỗi Tướng Wainwright, với đôi mắt đẫm lệ, ra lệnh giết hết chúng, kể cả con ngựa chiến của ông, Joseph Conrad.

                Vào giữa tháng 2, tỉ lệ bệnh tật tăng một cách đáng báo động. Bataan là một trong những vùng bị sốt rét hoành hành nhất trên thế giới và việc cung ứng thuốc ký ninh coi như không có. Mất sức vì đói và tiêu chảy, hơn 500 người phải nhập viện vì sốt rét trong tuần đầu của tháng 3 và các bác sĩ sợ dịch bệnh sẽ bùng phát. Vẫn còn râm ran bàn tán về đoàn vận tải “dài 1 dặm” chở đồ tiếp tế và quân nhu, nhưng người Phi cũng như người Mỹ lặp lại một cách khoái trá những vần thơ vừa được thông tín viên Frank Hewlett, một vị khách tiền tuyến thường xuyên, viết ra:

                                                Chúng tôi là những chiến binh khốn nạn ở Bataan:

                                                Không má, không ba, không chú Sam,

                                                Không dì, không chú, không anh cháu,

                                                Không đạn, máy bay, không khấu pháo,

                                                Nhưng chẳng ai chưởi thầm.

                 Vào ngày 10 tháng 3 Wainwright được triệu tập đến Corregidor, tại đó Sutherland thông báo cho ông là MacArthur tối mai sẽ đi tàu ngư lôi đến Mindanao, đảo xa nhất phía nam ở Phi Luật Tân. Một Pháo đài Bay sẽ chở ông từ đó đến Úc. Sutherland bảo Wainwright sẽ chỉ huy tất cả binh lính ở Luzon với chức vụ tư lệnh lực lượng Luzon vừa mới thành lập. “Nếu anh vừa ý, Tướng Jones sẽ được thêm một sao và tiếp quản Quân đoàn I của anh.”

                MacArthur bước ra từ một ngôi nhà nhỏ màu xám ở đầu mút Hầm Malina và nói với Wainwright, “Tôi muốn anh nói cho mỗi người dưới quyền mình hiểu là tôi bỏ đi vì những phản đối lặp đi lặp lại của mình.” Ông đã nghĩ đến việc bất tuân lệnh trực tiếp từ Washington để ông có thể dẫn dắt binh sĩ mình đến cùng, nhưng các cố vấn của ông thuyết phục ông có thể làm nhiều hơn tại Úc cho đạo quân bị vây hãm của mình.

                “Tất nhiên, tôi sẽ, Douglas,” Wainwright nói.

                “Nếu tôi đến được Úc, anh biết là tôi sẽ trở về ngay khi có thể với nhiều thứ như có thể.”

                “Ngài sẽ đi qua được.”

                “Và trở lại.” MacArthur trao cho Wainwright một hộp xì gà và hai lọ kem cạo râu lớn. “Tạm biệt, Jonathan.” Họ bắt tay nhau. “Nếu anh còn ở trên Bataan khi tôi trở lại, tôi sẽ thăng chức anh lên trung tướng.”

                Tối hôm sau, 11/3, khoảng 8 giờ, chiếc PT-41, do một trung úy râu ria đủ màu, John Bulkeley chỉ huy, chạy ra khỏi “The Rock” với Tướng MacArthur, vợ ông, và đứa con trai 4 tuổi, Arthur, Tướng Sutherland và vài sĩ quan khác. MacArthur cởi chiếc nón thống chế quen thuộc, vẫy chào tạm biệt một nhóm nhỏ người đưa tiễn trên bến tàu.

                Trong 35 giờ căng thẳng Bulkeley lái chiếc PT-41 xuyên qua vùng nước do địch kiểm soát, và vừa sau hừng đông ngày 13/3, hạ cánh trên bờ biển phía bắc của Mindanao gần xưởng dứa hộp Del Monte. Gương mặt MacArthur tái xanh, cặp mắt thâm quầng khi ông bước ra khỏi chiếc thủy phi cơ. Ông bảo Bulkeley mình sẽ đề nghị anh và đồng đội huy chương Sao Bạc. “Cậu đã dắt tôi ra khỏi hàm của tử thần và tôi sẽ không quên điều đó.”

                Đợi MacArthur trên một đường băng vạt ra từ một khoảng ruộng dứa là chiếc B-17 mõi mòn bay từ Úc đến. Vị tướng nổi giận vì chỉ có một máy bay độc nhất và xập xệ được gởi đến, nên ngăn không cho ai bước lên. Cho đến tối ngày 16 tháng 3 mới có ba chiếc Pháo đài Bay còn mới đáp xuống. MacArthur và đoàn tùy tùng cất cánh ngay sau 10 giờ, mỗi hành khách, bất kể chức tước, được cho phép mang theo 35 cân hành lý.

                Sáng hôm sau Mac Arthur đáp xuống Sân bay Batchelor, cách Darwin 35 dặm về hướng nam. “Vừa xít xao,” ông bảo với những người đang lo lắng đợi ông trên đường băng. “Nhưng chiến tranh là vậy. Bạn thắng hay thua, sống hay chết – và sự khác biệt chỉ là đường tơ kẻ tóc.”

                Sau đó xảy ra một sự thoát hiểm trong đường tơ kẻ tóc. Hai chiến đấu cơ xuất hiện từ vùng trời xanh ngay khi máy bay của MacArthur cất cánh. Nhưng gia đình MacArthur vẫn may mắn và ba giờ sau ông đáp xuống êm ái tại Alice Springs ở trung tâm Úc. Các phóng viên bao vây ông mời phát biểu và ông viết hí hoái một vài hàng trên bìa sau một bao thư đã xài:

                               Tổng thống Hoa Kỳ ra lệnh cho tôi vượt qua chiến tuyến Nhật và đi từ Corregidor đến Úc với mục đích, theo tôi hiểu, tổ chức thế tấn công chống lại Nhật Bản, mục tiêu chủ yếu của nó là giải vây cho Phi Luật Tân.

                Tôi đã vượt qua và tôi sẽ trở về.

                Sự ưu phiền của Tojo về sự đình đốn ở Bataan càng trầm trọng thêm khi biết tin MacArthur thoát ra được. Ông không còn tin Homma có khả năng đạt được thắng lợi mà không cần yễm trợ. Thủ tướng ngại phải nói trực tiếp với Tham mưu trưởng Quân đội Sugiyama; nên phái thư ký của mình, Đại tá Susumu Nishiura, chuyển tải mối quan ngại của ông về Bataan.

                Nishiura đem vấn đề đến Trưởng Phòng Chiến dịch, Đại tá Takushiro Hattori, một người bạn lâu năm – hồi còn trai trẻ họ từng học chung trường quân sự. Sau khi nghiên cứu, Hattori cho rằng điều có vẻ là điểm mạnh nhất trong hệ thống phòng thủ Bataan lại là điểm yếu nhất. Đó là Núi Samat, một ngọn đồi cheo leo dâng cao 1,920 bộ ngay phía sau trung tâm phòng tuyến Mỹ. Một khi chiếm được nó, toàn bộ phòng tuyến của Wainwright sẽ sụp đổ. Đầu tiên là một trận oanh tạc tập trung và pháo kích trên một khu vực hai dặm rưỡi trước mặt Núi Samat, tiếp theo là bộ binh toàn diện ồ ạt xông qua lỗ hỏng.

                Hattori không mất thời gian để thuyết phục Tướng Sugiyama tán thành kế hoạch. Giờ, ông nghĩ, kế hoạch này phải được đệ trình lên Quân đoàn 14 một cách tế nhị sao cho họ nghĩ đây là sáng kiến của chính họ và sẽ không bị bẽ mặt. Ông không cần phải lo lắng. Chỉ cần liếc mắt qua đề nghị là Homma đã hài lòng vì đây chính là giải pháp của bài toán bấy lâu đã dày vò ông.

                Wainwright được xếp đặt ở trong một bộ chỉ huy mới trên Corregidor. Bộ Chiến tranh đã thăng chức ông lên trung tướng và phong ông làm tư lệnh trưởng tất cả các lực lượng ở Phi Luật Tân. MacArthur đã không được hỏi ý kiến, có lẽ bởi vì Washington biết rằng ông sẽ không bao giờ tán thành; ông muốn kiểm soát các đảo từ Úc. Về cá nhân MacArthur không cảm thấy Wainwright có đủ năng lực nắm giữ quyền tư lệnh  toàn diện, và ông phản ứng gay gắt khi vị tư lệnh  mới điện cho Washington là binh lính của mình sẽ “khuất phục vì chết đói,” trừ khi ông nhận được lương thực khoảng 15/4. MacArthur điện cho Marshall cộc lốc:

                TẤT NHIÊN CÓ THỂ VÌ SỰ RA ĐI CỦA TÔI MÀ  SỨC MẠNH CỦA CÔNG CUỘC GIỮ GÌN ĐÃ BỊ BUÔNG LÕNG.

                               Người Phi trên Bataan còn coi MacArthur là một con người vĩ đại nhất còn sống, và sự cam kết trở lại của ông là một đảm bảo cá nhân rằng xứ sở của họ sẽ được giải phóng. Nhưng càng lúc càng có nhiều người Mỹ trên Bataan cảm thấy rằng ông đã bỏ rơi họ và chuyền tay nhau một bài vè có tựa “Chiến Đấu Ca của nền Cộng Hòa.”

                                Doug Đào Hầm không nhút nhát, mà chỉ thận trọng, không sợ chết,

                                Y chỉ cẩn thận bảo vệ những ngôi sao mà Franklin đã kết.

                                Tướng bốn sao hiếm hoi như thức ăn ngon ở Bataan.

                                Và binh lính của y thì đang chết đói từng đàn.

                Ngày 2 tháng 4 là đêm hôm trước ngày Thứ Sáu Tốt Lành [ngày lễ Cơ đốc kỷ niệm ngày Jesus bị đóng đinh trên thập giá: ND]. Càng ý nghĩa hơn khi nó cũng là sinh nhật vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản, Jinmu huyền thoại. Khi đêm xuống 50,000 binh lính Nhật, trong đó có 15,000 tân binh từ tổ quốc đến, được tập kết cho một cuộc tấn công toàn diện. Phía sau họ là 150 khẩu pháo, súng cối và lựu pháo – nhiều vũ khí được chở từ Hong Kong – đã sẵn sàng tham gia một trận pháo kích dữ dội nhất trong chiến dịch.

                “Bốn nhóm chúng tôi đã được xếp vào hàng, và trên một phòng tuyến dài 25 km mười lá cờ được dựng đứng,” Homma viết trong nhật ký hành quân của mình tối hôm đó. “Pháo thì dồi dào . . . Không có lý do tại sao trận tấn công này sẽ không thành công.” Sẽ mất, ông ước tính, một tháng.

                Bên kia chiến tuyến là 78,000 binh sĩ Mỹ và Phi đói lã, nhưng chỉ có 27,000 được liệt kê là “có khả năng chiến đấu” và ba phần tư số người này đã đuối sức vì bệnh sốt rét. Bình minh rạng dần. Lúc 10 giờ hỏa lực bắt đầu. người Phi chưa hề trải nghiệm thứ gì ác liệt hơn thế. Đạn pháo hình như nổ lên đầu nhau. Nó nhắc các cựu binh Mỹ nhớ về trận pháo kích của Đức trong Thế Chiến I.

                Các máy bay ném bom của Lữ đoàn Không quân 22 tiến đến gần theo một đội hình hoàn hảo mà không bị quấy nhiễu và bỏ hàng tấn bom nổ lên khu vực hai dặm rưỡi trước Núi Samat. Các rặng tre bật tung và bốc cháy. Thoạt đầu binh sĩ coi thường, họ châm điếu thuốc bằng ngọn lửa cháy trên ngọn tre. Nhưng rồi tre khô như bùi nhùi bắt cháy dữ dội và hơi nóng lan tỏa khắp nơi không sao chịu được. Lính Mỹ và Phi phải nhảy ra khỏi hố cá nhân và chạy tứ tán về tuyến phòng thủ thứ hai. Ở đây lá cây đã bị cháy sạch, để lại mặt đất trơ trụi, và lực lượng phòng thủ tưởng như vậy sẽ an toàn. Nhưng một cơn gió bùng lên và lửa nhãy qua khu vực trống trải cho đến khu rừng rậm rạp ở phía sau. Binh lình bị kẹt trong một đường tròn lửa; hàng trăm người bị cháy thiêu. Những ai thoát được chạy về phía sau như những con thú điên cuồng, gieo rắc cơn hoảng loạn.

                Được khói lửa che chắn, lúc 3 giờ chiều bộ binh Nhật và xe tăng bắt đầu ồ ạt tấn công về hướng nam gần như không bị ngăn trở. Trong vòng một giờ họ đã xé toạc một kẽ hở dài ba dặm. Tướng George Parker, chỉ huy Quân đoàn Phi Luật Tân thứ II phòng ngự phân nửa phía đông của Bataan, không hay biết gì về cuộc tấn công này cho đến khi chiều tối. Ông ra lệnh cho quân dự bị, 600 người, đến bịt lỗ hổng. Nhưng đã quá trễ. Vào cuối ngày hôm sau Tướng Akira Nara quét khu vực Núi Samat trong khi binh lính từ Thượng Hải mới đến bao vây mặt kia của ngọn đồi hiểm trở.

                Ngày 5/4 ngay hừng đông trời đã nóng. Đó là ngày chủ nhật Phục sinh. Trong lúc các binh lính Mỹ và Phi, cố thủ vòng quanh Núi Samat, dự buổi lễ lúc bình minh, đạn pháo bắt đầu rít qua đầu. Ngay khi pháo im bặt, binh lính Nhật bắt đầu tấn công lên ngọn núi nhỏ, và sau bữa cơm trưa đã cắm được lá cờ Mặt Trời Mọc trên đỉnh. Như Hattori đã dự kiến, chiếm được ngọn núi sẽ đe dọa sự sụp đổ của toàn hệ thống phòng thủ ngang qua Bataan. Trong cơn tuyệt vọng  Parker ra lệnh phản công, nhưng thất bại, và đến buổi trưa hôm sau toàn bộ phân nửa phòng tuyến bên trái của quân đoàn ông đã tan rã. Không còn có gì có thể ngăn cản Nara quét xuống đến cuối đảo.

                Phòng tuyến còn giữ vững bên phải. Phía Đông Núi Samat, Chuẩn tướng Clifford Bluemel, một con người nóng tính đã từng khủng bố các sĩ quan cấp dưới của mình trước trận Trân Châu Cảng, cố gắng phản công với Sư đoàn 31, nhưng sự sụp đổ trên cánh trái bắt buộc ông phải lùi lại. Không có lệnh ông bắt đầu lập phòng tuyến mới dọc theo con sông nhỏ San Vicente. Ông đối đầu với những kẻ bỏ ngũ mất tinh thần bằng khẩu Ga-răng. Bằng lời hăm dọa và sỉ nhục ông lùa họ vào những vị trí mới.

                Từ độ cao trên Núi Samat, Đại tá Hattori theo dõi kế hoạch mà ông đã thai nghén ở Tokyo đã triển khai vượt quá mong đợi của mình. Gần đó, về phía tây, ông có thể nhìn thấy binh sĩ của Nara dấn tới không ngừng vượt qua các đơn vị Mỹ phân tán. Về phía đông các binh lính Thượng Hải đang bắt đầu tấn công vào phòng tuyến mới được lập vội vàng. Khi đêm xuống chỉ còn đạo quân này án ngữ giữa Homma và một cuộc tháo chạy hoàn toàn – nhưng nó không thể chịu đựng được lâu. Trong cuộc thanh sát của ông khi trời sáng Bluemel chạm trán với đoàn xe tải chạy ầm ầm về phía sau. “Phòng tuyến San Vicente đã vỡ rồi!” một lính Mỹ từ chiếc xe đầu tiên la lên.

                Lần này thậm chí Bluemel không thể chặn lại sự trốn chạy. Thật kinh hãi khi nhìn thấy các binh lính Mỹ chạy thoát khỏi trận chiến. Một đám lính Phi lao về phía ông. Vung khẩu súng trường, ông ra lệnh họ xếp hàng hai bên con đường đất. Một đạn pháo nổ dọc con đường, rồi một quả pháo khác. Đám lính xô lấn ông qua một bên, chạy tứ toán về hướng nam trong nỗi kinh hoàng. Vị tướng nổi giận cố chụp và giữ lại vài người, nhưng họ giật mạnh thoát ra.

 

2.

                Thiếu tướng Edward P. King, Jr, người đã tiếp nhận quyền tư lệnh  Lực lượng Luzon sau khi Wainwright được thăng chức, là một người khiêm nhượng, lịch sự với mọi cấp dưới, một con người trí thức với dáng dấp của một giáo sư. Một sĩ quan pháo binh có nhiều kinh nghiệm, ông là một quân nhân có nhiều năng lực, biết lý lẽ và thực tế, luôn ra lệnh một cách trầm tĩnh và từ tốn. Vào ngày 7/4, một vài giờ sau khi phòng tuyến của Bluemel tan vỡ, ông nhận được một cú điện thoại từ Corregidor. Wainwright nói rằng vì đạo quân nửa bán đảo phía tây còn nguyên, tại sao họ không quay sang phải và tấn công về hướng Vịnh Manila, cắt quân của Homma ra làm hai?

                Đúng là toàn bộ phân nửa bên trái của phòng tuyến còn giữ vững vị trí, nhưng King chắc chắn rằng họ không có sức chiến đấu vì thể xác kiệt quệ. Dù sao đi nữa, ông cũng miễn cưỡng thử một lần nữa. Thiếu tướng gần đây mới lên lon Albert M. Jones, tư lệnh  Quân đoàn Phi Luật Tân I, không quá dễ dàng chịu thuyết phục. Vị tướng bộc trực này cho rằng bất kỳ cuộc tấn công nào cũng đều vô nghĩa và bảo trực tiếp như thế với Wainwright trong đường điện thoại ba chiều với King. Với chút bực tức Wainwright nói ông nhường quyết định này cho King rồi cúp máy. King ra lệnh Jones lui binh lại theo bốn giai đoạn, rồi phái tham mưu trưởng của ông, Chuẩn tướng Arnold J. Funk, đến Corregidor để gây ấn tượng với Wainwright bằng sự thật rằng đầu hàng có thể đến vào bất cứ phút nào.

                Ngài Wainwright hốc hác hiểu những gì binh lính ở Bataan đang trải qua nhưng ông chịu áp lực thường xuyên từ MacArthur, dưới tận Úc, phải cầm chân địch. Gần đây MacArthur đã điện báo là ông “hoàn toàn chống đối hành động đầu hàng tối hậu dưới bất kỳ tình huống nào hoặc điều kiện nào,” và rằng Wainwright nên “chuẩn bị và thi triển một cuộc tấn công vào quân địch” ngay khi lương thực đã cạn kiệt.

                Wrainwright không thế chấp nhận việc Funk bàn việc đầu hàng. “Chuẩn Tướng này,” ông nói với giọng lè nhè, “anh hãy trở về và nói với Tướng King là sẽ không đầu hàng. Bảo ông ta hãy tấn công. Đó là mệnh lệnh của tôi.”

                “Thưa Tướng quân, tất nhiên, ngài biết tình hình bên đó thế nào rồi.” Funk giải bày mà đôi mắt như muốn khóc. “Ngài biết hậu quả sẽ như thế nào mà.”

                “Tôi biết.”

                Chiều hôm sau Đại tá Takeo Imai dựng một lá cờ lớn trên đỉnh Núi Limay, một trong những đỉnh của ngọn núi lửa phía nam. Ông có thể nhìn thấy binh lính Nhật đang không ngớt ồ ạt xuống phân nửa phía đông của Bataan. Sau khi trời tối ông trở lại đỉnh núi. Những chớp lóe sáng xuất hiện ở mũi phía nam Bataan nơi địch đang cho nổ tung các thiết bị và quân nhu. Xa hơn nữa ông còn có thể nhận ra đường bao hình con nòng nọc của Corregidor. Những ngọn lửa phun vọt thịnh nộ bắn ra từ các chỗ cao; những đại pháo đang ra sức ngăn cản đợt tiến quân bằng cách bắn phá con đường phía đông.

                Chạy trước đạo quân Nhật, lính Mỹ và Phi đổ ra khỏi rừng rậm vào trong các vùng trũng của bán đảo. Họ đến bằng đường mòn, băng qua các ngọn núi cheo leo, bằng con đường dọc bờ biển. Không có lênh lạc gì hết. Chỉ có nỗi sợ mới khiến những con người rã rời này di chuyển.

                Ở tận cuối Bataan trong thị trấn Mariveles một vài chiếc thuyền đang di tản những người tị nạn cuối cùng đến Corregidor trong khi những con tàu còn lại được kéo vào trong vịnh và đánh chìm. Đám đông binh lính vô tổ chức cay đắng nhìn một số ít người có đăc quyền chạy ra khỏi các bến tàu: họ sắp sửa nhập bọn với lũ tại đào đó ở trên Corregidor nơi cuộc sống ấm êm – với đầy đủ nước uống, thực phẩm đóng hộp và các nữ y tá lãng mạn; họ sẽ ngồi một cách ung dung trong Đường Hầm Malinta cho đến khi đoàn hộ tống dài-một-dặm đến giải cứu họ; họ sẽ là những người hùng trong khi những kẻ bị bỏ lại thối rữa trên Bataan sẽ bị sỉ nhục vì giơ tay đầu hàng.

                Thình lình mặt đất bắt đầu rung lắc dữ dội. Đó là một trận động đất, nhưng một số người mụ mị tưởng đó là phút tận thế.

                Tại văn phòng của mình ở Malinta ngài Wainwright quẫn trí điện thoại cho King lúc  11:30 tối vào ngaỳ 8/4 và bảo ông phát động một đợt tấn công về hướng bắc với Quân đoàn của Jones. King truyền lại lệnh cho Jones, và nhận được câu hồi đáp đặc trưng, “Tấn công kiểu gì cũng là chuyện khôi hài, không cần bàn cãi.”

                Hãy quên việc tấn công đi, King nói. Ông biết Jones nói đúng và rằng đánh đấm nửa chỉ tổn thất thêm thương vong. Vào nửa đêm King triệu tập tham mưu trưởng và sĩ quan hành quân của ông. Không có gì phải tranh luận; tình thế là vô vọng. Wainwright đã được MacArthur lên dây cót bằng mệnh lệnh rõ ràng là phải tấn công cho đến phút cuối cùng, và King cương quyết nhận lãnh gánh nặng lên vai mình. Ông hiểu rõ rằng mình phải bất tuân thượng lệnh và nếu có khi nào trở lại Mỹ, ông sẽ phải ra toà án binh. Nhưng sinh mạng của 78,000 binh sĩ quan trọng hơn danh dự của mình. “Tôi đã quyết định đầu hàng Bataan,” ông nói. “Tôi không liên lạc với tướng Wainwright vì tôi không muốn ông liên can chút nào với trách nhiệm này.”

                Ngay trước hai giờ sáng điện thoại ông đổ chuông. Đó là Jones. Trước khi hai bên có thể kịp nói một lời thì một tiếng gầm rét vang lên. Mái ngói của bộ chỉ huy của King bị thổi bay và đổ sụp xuống. Bầu trời sáng lên một cách kỳ lạ. Rồi thêm một tiếng nổ nữa, và ngọn lửa gầm thét đốt sáng bầu trời.

                “Ned, cái gì vậy?” Jones hỏi lớn qua điện thoại.

                “Kho đạn nổ,” King điềm tĩnh đáp át tiếng ồn.

                “Trời, ở tận đây tôi còn thấy đất rung động. Tưởng là động đất.”

                “Tôi ghét nói cho anh biết việc này, Honus, nhưng tôi sẽ đầu hàng lúc 6 giờ sáng.” Ông bảo Jones hãy dựng cờ trắng dọc theo phòng tuyến và phá hủy các khẩu pháo và súng máy.

                “Tôi không thấy anh làm gì khác hơn được,” Jones nói.

                Chỉ đến bốn giờ sau sĩ quan trực đêm ở Đường Hầm Malinta mới báo tin cho Wainwright về việc King đầu hàng. “Bảo anh ta không được làm thế!” vị tướng quát lên. Đã quá trễ rồi. “Họ không thể làm thế được! Họ không thể làm thế được!” Ông lẩm bẩm. cuối cùng ông lấy lại bình tĩnh. Ông điện cho MacArthur:

                VÀO LÚC 6 GIỜ SÁNG NAY TƯỚNG KING . . . TRONG KHI TÔI KHÔNG HAY BIẾT HOẶC      TÁN THÀNH ĐÃ ĐƯA CỜ HƯU CHIẾN CHO TƯ LỆNH  NHẬT BẢN. LÚC MÀ TÔI HAY                ĐƯỢC TIN TÔI RẤT BẤT MÃN VỀ HÀNH ĐỘNG NÀY VÀ CHỈ THỊ LÀ KHÔNG ĐƯỢC ĐẦU           HÀNG. TÔI ĐƯỢC BÁO CÁO LÀ ĐÃ QUÁ TRỄ ĐỂ THAY ĐỔI TÌNH HÌNH, RẰNG HÀNH                 ĐỘNG ẤY ĐÃ ĐƯỢC GHI NHẬN.

                       Lúc 9 giờ ngài King vạm vỡ, mắc một bộ quân phục tươm tất cuối cùng của mình, tiến trên chiếc xe jeep với hai người phụ tá, Thiếu tá Achille Tisdelle và Wade Cothran. Khi các hướng dẫn viên Nhật hộ tống đến Trạm Nông Trại Thực Nghiệm ở Lamao, King tình cờ phát hiện đây cũng là ngày Tướng Lee đã đầu hàng Tướng Grant ở Appomatox trong cuộc Nội Chiến, ngày 9 tháng 4. Ông nhớ lại những gì Lee đã nói ngay trước buổi nghi thức: “Giờ không có gì còn lại để làm trừ việc đi đến gặp Tướng Grant, và tôi muốn chết đi 1,000 lần.”

                Một chiếc xe Cadillac đen bóng loáng tiến đến với Đại tá Motoo Nakayama. Qua một thông dịch viên, sĩ quan hành quân cao cấp của Homma hỏi King ông có phải là Wainwright.

                “Không, tôi là Tướng King, chỉ huy toàn bộ lực lượng ở Bataan.”

                Bối rối, Nakayama bảo ông phải kiếm Wrainwright; người Nhật không thể chấp nhân đầu hàng nếu thiếu ông ấy. King nói mình không thể liên lạc với Wainwright. “Các lực lượng của tôi không còn là những đơn vị chiến đấu. Tôi không muốn đổ máu thêm nữa.”

                “Đầu hàng phải là vô điều kiện.”

               “Binh lính của tôi có được đối xử tử tế hay không?”

                “Chúng tôi không phải quân man rợ. Ngài có chịu đầu hàng vô điều kiện hay là không?”

                King gật đầu. Ông nói mình đã để thanh kiếm ở Manila, và thay vào đó ông đặt khẩu súng lục của mình lên bàn.

                Các lính Mỹ và Phi ngồi chùm nhum trong những nhóm khác nhau. Có những giọt nước mắt tủi hỗ, nhưng cũng nhiều người khóc nhẹ nhõm khi cuộc thử thách nghiệt ngã đã qua. Họ băn khoăn đợi kẻ chinh phục đến.

                Những người đầu tiên mà Đại úy Không đoàn Mark Wohlfield nhìn thấy đang thu dọn một khẩu sơn pháo. Họ cười rang rỡ và nói năng nhỏ nhẹ. Bọn người này không đến nỗi xấu xa, anh nghĩ một cách nhẹ nhõm. Wohlfield thuộc một nhóm máy bay ném bom bổ nhào nhưng đã đánh nhau như một lính bộ binh từ tháng 1. Sau đó là bộ binh Nhật. gương mặt trông dữ tợn, họ ngay lập tức bắt đầu lột hết chăn, đồng hồ, trang sức, dao cạo, đồ dùng cá nhân, thức ăn và thậm chí bàn chải đánh răng của tù binh. Người ta cũng tìm thấy 20 viên đạn của súng lục-45 trên người Wohlfeld và, với những tiếng quát bắt đầu đánh lên đầu ông bàng báng súng. Ai đó phía sau Woglfeld lẩm bẩm, “Ơn Chúa, đừng té quỵ!” Rồi một tên lính Nhật nhác thấy nhẫn vàng trên ngón tay của Trung tá Jack Sewell, liền giằng lấy nó. “Đó là nhẫn cưới của tôi mà,” Sewell kháng cự và rút tay về. Tên Nhật gỡ lưỡi lê khỏi khẩu súng trường và chuẩn bị bắn ông thì Wohlfeld đã chặn ngang. Anh cố nhổ nước miếng lên chiếc nhẫn để tháo nó ra nhưng cổ họng đã khô. Cổ họng của vị đại tá cũng khô. Wohlfeld bèn lấy máu trên trán mình bôi lên ngón tay đeo nhẫn. Chiếc nhẫn tuột ra.

                Một lính Nhật khác ăn cắp một chiếc nhẫn ngay sau khi chỉ huy của y bước qua. Viên sĩ quan chú ý thấy chiếc nhẫn mang huy hiệu của Đại học Notre Dame. Y tán vào mặt tên lính và trả chiếc nhẫn lại cho chủ nhân của nó. “Ông tốt nghiệp năm nào?”

                “1935.”

                Một ánh mắt xa xăm thoáng qua gương mặt người sĩ quan Nhật khi ông nói, “Tôi tốt nghiệp Đại học Southern California năm 35.”      

                Gánh nặng không thể chịu nỗi của Wainwright phần nào nhẹ bớt với thông điệp của Roosevelt:

                TÔI BIẾT SÂU SẮC VỀ NHỮNG KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT MÀ NGÀI ĐANG GÁNH CHỊU      TRONG TRẬN ĐÁNH VĨ ĐẠI CỦA NGÀI. SỰ HAO MÒN THỂ LỰC CỦA BINH SĨ NGÀI RÕ             RÀNG ĐÃ NGĂN TRỞ KHẢ NĂNG PHẢN CÔNG CHỦ LỰC TRỪ KHI NHỮNG NỖ LỰC             TIẾP TẾ NHANH CHÓNG LƯƠNG THỰC CỦA CHÚNG TÔI CHỨNG TỎ THÀNH CÔNG. VÌ                 TÌNH TRẠNG QUA ĐÓ CÁC LỰC LƯỢNG CỦA NGÀI KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC TÔI    XIN ĐIỀU CHỈNH CÁC LỆNH CỦA MÌNH CHO NGÀI. . . MỤC ĐÍCH CỦA TÔI LÀ GIAO    QUYỀN PHÁN XÉT TỐT NHẤT CHO NGÀI ĐỂ ĐƯA RA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH NÀO CÓ    HIỆU QUẢ ĐẾN TƯƠNG LAI CỦA LỰC LƯỢNG ĐỒN TRÚ. . . TÔI CẢM THẤY THÍCH               ĐÁNG VÀ CẦN THIẾT LÀ NGÀI NÊN ĐƯỢC PHÉP TOÀN QUYỀN HÀNH ĐỘNG VÀ TÔI        TIN TƯỞNG HOÀN TOÀN VÀO SỰ SÁNG SUỐT CỦA NGÀI VỀ BẤT KỲ QUYẾT ĐỊNH     NÀO NGÀI BẮT BUỘC PHẢI ĐƯA RA.

                Và ở Úc, MacArthur đang đọc một bài phát biểu đã được chuẩn bị cho các phóng viên: “Lực lượng Bataan đã tắt lịm theo cách nó muốn, chiến đấu đến cùng trong hi vọng khốn khổ và leo lét. Không đội quân nào đã làm được quá nhiều với quá ít, và không gì xứng đáng với nó hơn là những giờ phút cuối cùng của thử thách và thống khổ. Đối với những người mẹ đang khóc than cho những đứa con đã mất của mình, tôi chỉ có thể nói sự hi sinh và vầng hào quang của Jesus thành Nazareth đã buông xuống con trai họ, và rằng Chúa Trời sẽ mang họ đến với Người.”

 

3.

                Ước tính mình sẽ bắt được 25,000 tù binh, Homma đã giao kế hoạch hậu cần cho sĩ quan vận tải, Thiếu tướng Yoshikata Kawane. Kawane chia chiến dịch thành hai giai đoạn, và 10 ngày trước trận tấn công cuối cùng, trình bày kế hoạch với Hooma để xin được chấp nhận. Đại tá Toshimitsu Takatsu nhận trách nhiệm của giai đoạn đầu – chở tất cả tù binh đến Balanga, nửa đường lên bán đảo. Khoảng cách cho những người ở Mariveles, tại mũi phía nam, sẽ là 19 dặm – dễ dàng đi bộ trong một ngày đối với bất kỳ binh sĩ Nhật nào – vì thế không cần vận tải; cũng không cần phân phát lương thực trong ngày đó, vì tù binh có thể sử dụng khẩu phần của mình. Kawane sẽ đích thân thanh sát giai đoạn 2: chuyến đi từ Balanga đến trại tù binh. Không hơn 200 xe tải dành cho chiến dịch, nhưng số xe này chắc chắn đủ dùng để qua lại đưa tù nhân đi 33 dặm từ Balanga đến trung tâm đường sắt của San Fernando. Các xe lửa chở hàng sẽ chở họ tiếp 30 dặm về hướng bắc đến Capa, một ngôi làng ngay trên Sân bay Clark. Từ đó họ sẽ đi bộ 8 dặm đến nơi ở mới, Trại O’Donnel.

                Kawane giải thích với Homma là các tù nhân sẽ ăn cùng một khẩu phần như binh lính Nhật, và các bệnh viện dã chiến sẽ được thiết lập ở Balanga và San Fernando; cũng sẽ có những trạm y tế, trạm cứu thương và “nơi tịnh dưỡng” được dựng lên mổi vài dặm dọc trên lộ trình.

                Homma tán thành kế hoạch. Bi đát thay, nó được căn cứ trên số liệu sai. Số binh lính của Wrainwright đã đói khát nhiều ngày và yếu ớt vì sốt rét. Và quân số là 76,000, chứ không phải 25, 000.

                Tai Mariveles, một nhóm 300 người bắt đầu lên đường. Một số không có lính canh, số khác có đến bốn. Những con mương dọc theo con đường zíc zắc đi về phía bắc vương vải những trang thiết bị bỏ lại: những xe tải cháy rụi, dàn phóng lựu, súng trường. Các tù binh lê bước cạnh bộ chỉ huy trước đây của King, tại đó một con đường rẽ dẫn đến Bệnh viện số 2. Tại đó có tin đồn vừa lan truyền khắp các phòng bệnh là người Nhật trả tự do cho tất cả lính Phi. Quân y trưởng đi từ phòng này đến phòng khác ra sức thuyết phục những người Phi bị thương đó là tin thất thiệt. Nhưng những bảo vệ bệnh viện, rõ ràng là muốn rủ bỏ trách nhiệm, khuyến khích bệnh nhân gia nhập vào hàng ngũ tù binh. Bị lây nhiễm sự điên cuồng tập thể, 5,000 người chen nhau lê lết trên con đường đất đầy bụi bặm; những người cụt tay chân, sử dụng thân cây làm nạng chống, đi cà nhắc, vải băng tuột dài trên đường. Trong vòng một dặm cơn điên cuồng tan biến nhưng lúc đó thì những con mương vương vải những xác người và những kẻ xấu số đang hấp hối.

                Tù binh từ Mariveles tiếp tục đi bộ thẳng lên bờ biển Bataan. Bên trái là Núi Bataan sừng sững, đỉnh che khuất trong mây như thường lệ. Bên phải là vùng nước xanh dương của Vịnh Manila. Bình thường đây là một thắng cảnh nhiệt đới đắm say – bãi chuối, rặng dừa cành lá uốn éo duyên dáng. Hôm nay không có gì là đẹp. Cành lá phủ một lớp vôi bụi dầy vì hàng tháng trời xe cộ Mỹ qua lại, và bản thân con đường cũng khó trông rõ qua lớp khói bụi nghẹt thở bị khuấy lên bởi các súng cối, xe tăng, đạn pháo và xe tải tiếp tế và các dãy xe moóc chất đầy những chiếc thuyền hình thù kỳ dị. Chúng đang lũ lượt đổ về nam để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Corregidor. Bộ binh ngồi trên xe tải cười nhạo kẻ đi bộ, và một số lấy gậy tre dài gạt văng nón của họ. Thỉnh thoảng một người Nhật ngăn lại trò đùa và xin lỗi những tù binh. Có lần một sĩ quan Nhật chạy vội đến một chỉ huy xe tăng Mỹ và ôm chầm lấy ông. Họ từng là bạn học ở UCLA [Đại học California, Los Angeles].

                Các hành động của người Nhật rất thất thường. Một xe tải chở binh sĩ sẽ ném xuống những bi đông nước xuống cho các tù binh, trong khi xe tiếp theo chiếc gậy đánh gôn “được giải phóng” xuống đầu họ. Một điều, tuy nhiên, đang rõ ràng đối với người đi bộ: tình hình trở nên xấu đi khi họ tiến lên bán đảo.

                Sự tàn nhẫn của ngày đầu tiên là tự phát nhưng chúng không duy trì mãi như thế. Đại tá Tsuji đã đến Manila vài ngày trước từ Singapore, tại đó 5,000 người Trung Quốc đã bị tàn sát chủ yếu do ông chủ mưu vì “tội ủng hộ” chủ nghĩa thuộc địa Anh. Ông cũng đã – Homma không biết – thuyết phục vài sĩ quan ngưỡng mộ mình trong bộ tham mưu của vị tướng là đây là một cuộc chiến tranh chủng tộc và tất cả tù binh ở Phi Luật Tân nên bị hành hình: người Mỹ vì họ là những tên thực dân da trắng còn người Phi vì họ phản lại người bạn Á châu của mình.

                Một sĩ quan tham mưu sư đoàn điện thoại cho Đại tá Imai, người chinh phục núi Limay, bảo ông, “Giết tất cả các tù nhân và những người ra đầu hàng.”

                “Làm sao tôi có thể thi hành một lệnh như thế được?” Imai hỏi. Ông viết thư yêu cầu một bản sao của quân lệnh.

                Viên sĩ quan tham mưu thông báo với ông rằng đó là lệnh “từ Bộ Tư lệnh  Hoàng gia” và phải được tuần thủ.* Imai nói mình sẽ không tuân thủ trừ khi nhận được một lệnh viết tay, và cúp máy. Ông từ chối thực thi chỉ thị và, nổi giận vì việc này đi ngược với tinh thần võ sĩ đạo, ra lệnh cho sĩ quan của mình phóng thích tất cả tù binh cùng với những chỉ dẫn cách tẩu thoát an toàn nhất khỏi Bataan.

  • Homma vẫn không biết về lệnh này cho đến lúc chết. Tham mưu trưởng của ông chỉ biết về điều này sau chiến tranh.

 

                Sĩ quan tham mưu của ông trố mắt nhìn ông. Imai quát lên hãy thi hành lệnh và không đứng xớ rớ như tượng gỗ. Hơn 1,000 tù binh được phóng thích. Khi Imai nhìn họ đi vào rừng ông nghĩ rằng không có vị tướng Nhật nào có thể ban ra một lệnh bất nhân như thế. Nhưng nếu điều này là có thực thì ông sẽ phải giả vờ là bọn tù binh đã tìm cách bỏ trốn.

                Một lệnh giết chết tù binh tương tự được chuyển miệng đến cho Thiếu tướng Torao Ikuta, chỉ huy một đơn vị đồn trú mới đến gần đây, bởi một sĩ quan tham mưu của sư đoàn lân cận. Như Imai, Ikuta và tham mưu trưởng của ông, Trung tá Nobuhiko Jimbo, không tìn là lệnh đến từ Bộ Tư lệnh  Hoàng gia. Viên sĩ quan tham mưu nói rằng sư đoàn của mình đã hành hình tù binh và khuyên Ikuta làm tương tự. Vị tướng từ chối hành động nếu không có lệnh viết tay.

                Thậm chí trong giấc ngủ những tù binh đi bộ từ Mariveles cũng bị hành hạ suốt đêm dài ngột ngạt. Họ nằm với nhau trong phòng kín chen chúc đến nỗi khó bề xoay trở. Đại úy Mark Wohlfelt cuối cùng cũng ngủ được cho dù tiếng vo ve của muỗi bên tai. Anh choàng tỉnh vì một cú đá co giật của một quân nhân phía sau và lẩm bẩm bảo y nằm yên. Mùi hôi thối quen thuộc bốc lên nặng nề và Wohlfelt mở mắt tìm hiểu. Hóa ra mặt anh đang nằm trên một mớ giẻ rách bẩn thỉu. Anh bật dậy và trong ánh trăng nhiệt đới dịu êm xem xét mớ giẻ rách. Đó là chiếc quần của người đàn ông nằm phía sau đẫm ướt phân lỏng và máu. “Thằng chết tiệt thối tha đó!” Wohlfelt quát lên và giúi chiếc quần vào mặt y. “Đứng dậy mau!” Thấy người đàn ông không cử động, anh kéo y đến một lối đi hẹp bên ngoài. Y đã chết.

                Thình lình Wohlfelt thấy mình bị ném chổng ngổng qua lại nhiều lần bởi các tên  lính canh. Mỗi lần anh té về phía các tù binh, họ lại chưởi thề và ném trả anh lại cho bọn lính gác. Cuối cùng Wohlfelt gượng đứng dậy và sá chúng như tế sao ra dấu chịu thua. Anh chỉ vào anh tù binh đã chết và làm dấu cho phép mang y đi đến nhà xác. Anh không đủ sức để nâng thi thể còm cõi ấy lên. Khi không thấy lính gác hoặc tù binh nào đến phụ giúp, anh xốc nách người lính đã chết và lôi y đi.

                Anh được cho phép rửa ráy dưới một con lạch. Anh bò vào chỗ ngủ của mình và kể cho các người nằm cạnh chính xác những gì đã xảy ra và cảm giác ân hận đã đối xử với một người đồng đội quá tệ khi y đang hấp hối.

 

4.

                Theo tính toán của Tướng Kawane, tù binh sẽ mất một ngày duy nhất để đi bộ đến Balanga, nhưng một số phải đi ba ngày mới đến nơi. Qua mỗi dặm các lính canh lại bực bội hơn và tàn nhẫn hơn. Mặt trời như thiêu đốt và con đường nối liền hai thị trấn ít có bóng râm cho khách bộ hành. Bụi đường bám dày thân thể ướt đẫm mồ hôi của họ, bắn vào mắt họ và nhuốm bộ râu ướt nhem của họ thành một màu trắng bẩn thỉu. Gần Balanga cánh rừng còn âm ỉ từ trận oanh tạc dữ dội ngày Thứ Sáu Tốt Lành. Dãy đồi chạy dài, trơ trụi không một bóng cây, vòm lá, là một sa mạc hoang vu những gốc cây cháy đen. Khi những hàng dài tù binh lần lượt đi vào vùng ngoại ô của thị trấn theo bản năng họ chạy tới bờ sông mát mẻ của con sông Talisay. Có lẽ phân nửa số đến được, phần còn lại bị đuổi nhẩn tâm trở lại con đường.

                Vào sáng ngày 11/4, Balanga nhộn nhịp với những tù binh thơ thẩn và các lính canh quát tháo, hai cánh tù binh được phát lương thực không ngớt, một từ Mariveles, một – những binh lính của Jones – từ phía tây. Giờ đã rõ là ước tính tổng số tù binh đã hụt dưới mức một cách thê thảm. Một nỗ lực được tiến hành để cung cấp bữa ăn đầu tiên cho tù binh nhưng số lượng người không quản lí nỗi dẫn đến những bất công trầm trọng. Một số được nhận gạo, muối và nước, nhiều người không lãnh được gì.

                Từ Balanga trở đi, Kawane đã lên kế hoạch chở tất cả tù binh bằng xe tải đến San Fernando, nhưng rõ ràng là hơn phân nửa phải tiếp tục lội bộ; và lần đầu tiên trong lịch sử, một số tướng Mỹ phải đi bộ về trại tù binh.

                Tướng Jones dẫn đầu đạo quân của mình băng qua một ngôi làng đã cháy tiêu, những hoang tàn của chúng còn bốc mùi cháy khét hăng hắc. Bên trái là phòng tuyến tan tác Abucay, và đằng kia sững sững Núi Natib. Khi đoàn của Jones đến được Orani thì đã quá nửa đêm, ở phía trên Balanga 8 dặm. Họ bị xô đẩy vào một ruộng lúa có bao bọc bằng dây thép gai. Mùi hôi thúi nồng nặc; phân người nhun nhúc vòi phủ đầy khu vực. Lại là, Jones nghĩ, một Andersonville khác [một trại tù binh tai tiếng vì tính hà khắc và nhẫn tâm mà miền Nam điều hành để nhốt các tù binh miền Bắc trong Nội Chiến Hoa Kỳ 1864-1868: ND].

                Khi tối đến lại thêm một cơn ác mộng nữa. Không khí ngột ngạt, đàn muỗi đói ác ùn ùn kéo tới. Phải mất một giờ mới được đi cầu xí sau khi đã xin phép. Cầu xí chỉ là một bãi lầy chứa phân lộ thiên. Ai lỡ trượt chân xuống đó phải được bạn thân chịu liều mình kéo lên, và còn ai mà ngất đi sau khi rơi xuống hầm phân thì tiêu đời chịu chết đuối trong biển phân. Vào buổi sáng Mark Wohkfelt nhận thấy một vài thân người nổi trong một hầm phân. Anh ra dấu cho một lính gác là anh muốn giúp kéo họ ra, và một số người Mỹ khác tình nguyện đến trợ giúp. Tên lính gác liền gọi lớn hai đồng đội, túm lấy Wohlfelt như thể tính ném anh vào hầm phân. Nhưng họ chỉ quăng anh xuống đất. Họ đá và đánh đập anh bằng dùi cui. Wohlfelt gắng gượng ráng đứng dậy nhanh như có thể, thân hình phủ đầy chất dơ dáy khi anh lăn lộn gần hầm xí, lảo đảo về nơi ở của mình.

                Trong một cánh đồng kế bên một sĩ quan Nhật quát tháo ra lệnh; binh lính của y vỗ tay ba lần – bắt chước tiếng vỗ cánh của các chú gà trống lúc bình mình – và cầu nguyện lớn tiếng với Thái dương Thần Nữ. Tù binh được cho ăn lugao, một thứ bột gạo nấu sệt. Mọi người đều vét sạch. Còn 16 dặm mới đến trạm tiếp theo, Lubao, nhưng dưới cái nóng nhiệt đới, đường như dài gấp đôi. Một lần nữa việc đối xử tử tế là một vấn đề may rủi. Toán lính gác này sẽ cho phép tù binh của họ được thỉnh thoảng nghỉ ngơi dưới bóng mát của cây cối và uống nước trên những giếng phun bên vệ đường. Toán tiếp theo thì tung cẳng đá hất các can nước mà người dân đặt trên vệ đường cho tù binh, và cho họ nghĩ ngơi kiểu bắt họ quì gối một giờ trong ánh nắng chói chang.

                Các thi thể, sình trương to phồng một cách quái đản dưới sức nóng, nằm dài trên các con mương. Quạ thi nhau mổ xé toạt các thây ma; từng đàn ruồi xanh mập béo bu kín các vết thương hở. Nhiều thi thể bị mất đầu.

                Trung úy Tony Aquino, người thanh niên Phi đã bơi đến Corregidor để gặp Tổng thống Phi Quezon, lội bộ không nghỉ cũng không nước. Anh đã mất hơn 50 cân kể từ khi đến Bataan, và hai chân thì sưng húp. Trước anh một người Mỹ loạng choạng và sụp ngã trên đường. Môt tên lính đá anh tới tấp vào sườn. Người Mỹ cố hết sức đứng dậy và đưa cánh tay van nài ra với tên lính. Tên lính đặt mũi lưỡi lê vào cổ người tù binh và ấn vào. Y lại rút ra và đâm một nhát nữa vào bụng người tù binh Mỹ trong khi Aquino và những người khác chỉ biết đứng nhìn một cách bất lực.

                Xa phía dưới Tướng Bluemey hay gây gổ đi sát bên Chuẩn tướng Luther Stevens. Một binh sĩ Nhật ngồi trong xe chạy vút qua quất vào đầu Stevens bằng một cây gậy tre. Bluemel chụp lấy người đồng đội đang lảo đảo và cả hai ngã xuống một con mương. Một tên lính gác chỉa súng vào người Bluemel, ra dấu cho ông tránh ra, nhưng ông phớt lờ lệnh. Ông giúp Stevens đang choáng váng đứng lên, nhưng chân ông ta khuỵu xuống khiến Bluemel phải dìu bạn đến giữa ruộng lúa. Một tên lính gác khác nghĩ là họ đang cố trốn thoát và định tấn công họ bằng lưỡi lê. Nhưng y thấy cái đầu đầy máu của Stevens nên dừng tay kịp lúc; y chọc lưỡi lê bắt Bluemel trở lại xa lộ. Stevens bò nấp sau những bụi cây và nhìn theo đoàn của mình đi mất dạng, Nhưng ông nghỉ không được lâu. Một đơn vị khác phát hiện ra ông và ông lại tiếp tục lội bộ.

                Tại một nơi tạm nghỉ một ít dặm về phía bắc, Hạ sĩ Roy Catlecherry nhìn hai người dân đang đào lỗ và đặt một đại úy Mỹ hôn mê vào đó. Viên đại úy thình lình vùng dẫy cố thoát ra khỏi hố huyệt. Tên lính ra lệnh cho người Phi quật xẻng vào đầu anh. Họ không chịu làm theo khiến tên lính nâng súng lên hăm dọa. Gương mặt méo mó vì khổ sở, họ đập người sĩ quan Mỹ té xuống hố huyệt trở lại và chôn sống anh ta. Castle khiếp đảm khi thấy một bàn tay yếu ớt và vô vọng quơ quào trong không khí bên trên ngôi mộ.

                Khi những tù binh cuối cùng rời Bataan và quay hướng đông  đi về hướng Lubao, họ đối diện một con đường đất hoàn toàn không một bóng cây kéo dài như vô tận. Đối với một số người cơn khát gần như không thể chịu đựng nỗi và họ liều mạng lẻn ra những cánh đồng mía sát bên để nhấm chút nước ngọt hiếm hoi trong thân mía. Những người nhát gan hơn chỉ dám chạy vụt lấy những thân mía mà những đồng đội gan lì hơn đã vứt bỏ. Phần đông tù binh mất nước đến nỗi không thể tiểu được, và ai tiểu được thì nhăn mặt đau đớn khi nước tiểu chảy xuống như thanh sắt nóng chảy nhét vào dương vật mình.  Cho dù như thế, nó cũng mang lại nỗi nhẹ nhõm không sao nói nên lời.

                Ở Lubao, một thành phố vươn dài với dân số 30,000 người. Họ đứng xếp hàng dài dọc theo đường phố và kêu khóc. Họ cố ném cho tù binh những quả trứng luộc, miếng gà chiên bọc trong lá chuối hoặc những miếng panocha (đường mía nấu thành cục), nhưng bọn lính gác cáu kỉnh dùng mũi súng đẩy đám đông giạt ra. Thỉnh thoảng một bà lão ăn vận quần áo thùng thình sẽ lén kéo một tù binh lảo đảo khỏi hàng và đứng chắn qua y với cái váy dài của mình.

                Ở phía xa thị trấn người Nhật bắt đầu lùa những tù binh đến trước vào một ngôi nhà lợp thiếc rộng, một nhà máy xay lúa, cho đến khi vài ngàn ngườiđược nhốt chung một nơi. Chỉ có một vòi nước. Những tù binh còn lại được nhóm lại bên ngoài nhà máy. Họ cũng chỉ có một vòi nước chung. Tại nhà máy xay lúa sự tàn nhẫn xảy ra thường xuyên. Tù binh bị chém bằng kiếm cong vì những tội bất tuân lặt vặt và đập đến chết mà không cần có nguyên cớ gì.

                Chặng cuối cùng đến San Fernando, trung tâm đường sắt, là đoạn đường ngắn thứ hai, chỉ 9 dặm, nhưng độc địa nhất. Con đường trải nhựa, bị xe tăng và xe tải cày nát, nóng chảy dưới ánh nắng thiêu đốt, và đối với những tù binh đi chân trần mà gót chân đã đau buốt chẳng khác là đi trên than hồng. Dặm cuối cùng hình như dài vô tận đối với người mất nước, đói lã. Tại ngoại vi thị trấn họ lê lết qua giữa những hàng xe tải đang đậu như đi qua một hàng người lần lượt tra tấn họ; các binh lính Nhật ngồi trên xe tải sẽ quật báng súng vào tù binh Phi và Mỹ lầm lũi đi qua. Trong thị trấn hàng đoàn người dân từ khắp Luzon đi tìm kiếm người thân của mình. Đám đông kêu gào và khóc òa khi chứng kiến đoàn quân da bọc xương lểu thêu lê chân bước qua.

                Tại đây cuối cùng một phần kế hoạch của Kawane được thi triển với một mức độ hiệu quả nào đó: tù binh được nhận cơm vắt, nước và điều trị thuốc men. Họ được nhốt trong những chỗ tạm bợ – lò gạch, phòng khiêu vũ Trăng Xanh, những ngôi nhà bỏ trống, nhà xưởng cũ, trường học,sân bóng, và sân đấu bò hình tròn rộng rãi gần nhà ga xe hỏa.

                Nhóm của Trung úy Aquino bị nhốt trong một nhà máy làm giấm xập xệ. Anh kiệt sức buông mình xuống một tấm đệm rơm. 14 giờ sau đó anh được đánh thức và được đưa đến một doanh trại Nhật nơi đó anh gặp được cha mình với một đại tá Nhật. Cha và con ôm choàng lấy nhau.

                “Ngài Aquino là một người bạn tốt của Nhật,” vị đại tá chỉ huy hiến binh nói, với

giọng Anh, và bảo Aquino anh có thể về nhà. Nhưng người trung úy không thể bỏ rơi binh lính của mình. Anh xin thêm thức ăn và thuốc men cho tất cả tù binh.

                “Cha anh nói đúng,” vị đại tá lưu ý. “Ông nói anh sẽ từ chối. Hãy chấp nhận lời xin lỗi của tôi vì sự đối xử mà tất cả các anh đã nhận được.”

                Khi còn lại một mình với con trai, Benigno Aquino tiết lộ rằng Tổng thống Quezon đã ra lệnh Laurel và chính ông phải giả vờ hợp tác với người Nhật; bước đầu tiên là thúc ép họ nhanh chóng phóng thích tất cả quân nhân Phi Luật Tân ra khỏi trại tù binh.

                “Nhanh lên đi ba, tụi con đang chết như ruồi.”

                Những tù binh bị nhốt trong những toa xe chở súc vật, tương tự như kiểu Pháp 40 và 8 trong thời Thế Chiến I [Toa xe chở các binh sĩ Pháp, Anh, Mỹ ra trận với tiêu chuẩn một toa 40 lính hay 8 con ngựa: ND]. Hơn 100 người nhét cứng vào trong mỗi toa nhỏ. Ai bị tiêu chảy không thể nín được; những người khác nôn ọe lên đồng đội đứng sát bên mình. Mùi hôi thúi gần như không thể chịu nỗi khi xe hỏa chầm chậm tiến về phía bắc trên lộ trình ba giờ đến Capas. Một số người chết vì bị ép đến ngạt thở nhưng cũng không được nằm xuống mà cứ đứng thẳng đến nơi. Thỉnh thoảng tàu dừng lại tại ít trạm và mọi người được thoải mái đôi chút khi được các lính canh tốt bụng mở cửa sổ cho không khí mới ùa vào như uống thuốc tiên. Dân chúng Phi luôn chực sẵn để chuyền những chai nước, trái cà chua, trái chuối, cơm, trứng, cà phê, khúc mía. Người Mỹ vốn khinh rẻ người Phi bắt đầu trân trọng lòng can đảm và nhân đạo của họ.

                Tại Capas xe hỏa cho tù binh xuống. Nhưng vẫn còn phải đi 8 dặm trên con đường bụi bặm, không bóng cây đến Trại O’Donnell, nhưng bất kỳ điều gì cũng tốt hơn toa xe chật cứng. Cuối cùng tù binh đến một mê lộ của những ngôi nhà xiêu vẹo trải dài trên một đồng bằng bát ngát. Lính canh lùa họ qua một cánh cổng hai bên là tháp canh gắn súng máy và đi lên một ngọn đồi tới một  tòa nhà có treo quốc kỳ Nhật. Họ ngồi giữa trời nắng trong một giờ trước khi một sĩ quan, chỉ huy trại tù binh, sảy bước ra cửa. Ông ta đứng đối diện với đám tù binh và cất tiếng với một giọng hung hăng, qua một thông dịch viên, là Hoa Kỳ là kẻ thù lớn nhất và rằng người Nhật sẽ quất sụm người Mỹ cho dù phải mất 100 năm.

                “Đại úy, ông ấy nói các anh không phải là tù binh,” người thông dịch bảo với nhóm của Đại úy Ed Dyess. “Các anh sẽ được đối xử như tù nhân. Ông ta nói các anh không đáng là binh sĩ. Các anh không có kỷ luật. Các anh không đứng nghiêm khi ông ta nói. Đại úy, ông ấy nói các anh sẽ gặp rắc rối với ông ta.”

                Hai ngày sau khi nhóm thứ nhất bước vào Trại O’Donnell, tờ Tribune ở Manila số chủ nhật in hình chuyến đi của tù binh, cùng với câu chuyện do người Nhật thêu dệt:

                Nhiệm vụ quan sát về khía cạnh bi thảm của các tù binh lội bộ  từ mặt trận Bataan, nơi họ đầu hàng vào ngày 9/4, đến San Fernando, Pamoanga, trước khi lên tàu hỏa đến trại tập trung cuối cùng là một câu chuyện buồn; do đó chúng tôi cố gắng tránh viết các chi tiết về toàn bộ câu chuyện.

                Vì thế công luận không nên có ấn tượng sai lầm từ một nhận xét có vẻ muốn giấu giếm  như thế. Tuy nhiên, chúng tôi muốn làm rõ việc các Lực lượng Hoàng gia Nhật Bản, mà nhiệm vụ cốt lõi là theo đuổi cuộc chiến hiện tại cho đến kết thúc thắng lợi, phải nuôi ăn và giúp đỡ 50,000 người đã từng là kẻ thù của mình vượt quá sự mong đợi của những con người biết lý lẽ nhất, là đang đi lệch lộ trình của mình.

                Nếu, cho dù được người Nhật đối xử nhân đạo, các tù binh này quá yếu ớt để có thể đi đến nơi, thì lỗi là của các tư lệnh lực lượng Mỹ vì họ đầu hàng muộn màng khi đã có quá nhiều binh lính kiệt sức  do thiếu ăn và  bệnh tật.

                Homma quá thu hút trước việc lên kế hoạch tấn công Corregidor đến nỗi phải hai tháng sau ông mới hay tin là số người Phi-Mỹ chết trong chuyến đi bộ nhiều hơn cả số tử vong trên các mặt trận ở Bataan. Chỉ có 54,000 người đến được Trại O’Donnell, nhưng cũng có nhiều người trốn thoát được và không ai biết rõ số người chết thực sự. Giữa 7,000 và 10,000 chết trong chuyến đi vì sốt rét, đói lã, đánh đập hoặc hành hình. Trong số này, khoảng 2,300 là người Mỹ.

                Phần đông người sống sót tin rằng chuyến đi là một kế hoạch tàn nhẫn của giới cao cấp Nhật. Nhưng đặc điểm tàn bạo là có tính hệ thống. Các tù binh có may mắn được đi xe tải từ Balanga đến San Fernando chỉ chịu đựng ít, và một số tù binh lội bộ có đủ lương thực và không bị hành hạ chút xíu nào. Nhưng các đồng đội của họ ở phía sau 1 dặm thì bị bỏ đói, đánh đập và bắn giết.

                Sự tàn bạo đối với binh lính Nhật chỉ là một đường lối sống. Họ coi những cái bốp tay và đánh đập các sĩ quan cấp dưới của mình chỉ là một hình thức khiển trách bình thường, và đến lượt những sĩ quan này bộp tay và đánh đập cấp dưới của họ. Khi các tù binh không hiểu rõ mệnh lệnh của họ hoặc quá đuối sức để tuân thủ, họ thường, do bốc đồng hoặc bực tức, dùng đến bạo lực và thậm chí sát nhân. Đối với quân nhân Nhật, hơn nữa, không có chuyện  đầu hàng. Họ chiến đấu đến chết. Nếu bị bắt làm tù binh khi bị thương hoặc bất tĩnh, họ sẽ thấy nhục nhã. Họ coi như đã chết đối với gia đình mình và tên của họ sẽ bị xóa khỏi hộ tịch làng và gia phả. Cẩm nang chiến sĩ ghi: “Hãy nhớ rằng để bị bắt làm tù binh nghĩa là không chỉ làm ô nhục Quân đội mà cha mẹ và gia đình của bạn không bao giờ có thể ngẩng đầu lên được nữa. Luôn nhớ để dành viên đạn cuối cùng cho chính bạn.”

                Được rèn luyện và dạy dỗ như thế là nguyên nhân của nhiều hành vi tàn bạo nhưng nhiều vụ tàn sát là kết quả trực tiếp từ lệnh miệng, không được ủy quyền phát xuất từ Đại tá Tsuji. Tướng Ikuta và Đại tá Imai chắc chắn không phải là những người duy nhất từ chối nghe theo lệnh này; nhưng những người khác thì tuân thủ đầy đủ hoặc một phần, vì họ đã được dạy từ thời còn nhỏ là phải thực thi mệnh lệnh một cách răm rắp, không thắc mắc. Người Nhật trung bình cảm thấy nghe theo lệnh thì dễ dàng hơn là đưa ra ý kiến và, đặc biệt trong Quân đội, họ là nô lệ cho chuẩn mực trong mỗi khía cạnh của cuộc sống.

                Đại tá Tsuji cũng không phải là người duy nhất kêu gọi trả thù chống lại người da trắng và những tên hợp tác da sậm. Vào ngày 24/4 tờ Japan Times & Advertiser cho in một bài viết công khai nhắc lại các yêu sách của Tsuji là không tỏ lòng thương xót với tù binh.

                Họ [Đồng minh] đầu hàng sau khi đã hi sinh tất cả sinh mạng họ có thể sử dụng, trừ sinh mạng của chính mình, vì một mục tiêu mà họ biết rõ là vô ích; họ đầu hàng chỉ vì muốn cứu lấy sinh mạng mình . . .

                Họ cho thấy mình hoàn toàn ích kỷ trong suốt mọi chiến dịch, và họ không thể được đối xử như những tù binh bình thường. Họ đã phá vỡ luật điều của Thượng đế, và việc họ thảm bại là sự trừng phạt mà họ phải chịu.

                Ban phát lòng thương xót cho họ là kéo dài cuộc chiến. Khẩu hiệu của họ là: ”Tuyệt đối vô đạo đức.” Họ không quan tâm đến phương tiện nào sử dụng trong các chiến dịch của mình. Một mắt đền một mắt, một răng đền một răng. Các Lực lượng Nhật là các thập tự chinh trong một cuộc thánh chiến. Do dự không được khuyến khích, và những người sai phạm phải bị quét sạch.

                Những hành vi tàn bạo được tự tung tự tác với sự cuồng tín như thế không tránh khỏi khiến trở thành một tiêu điểm căm ghét và thù hận đối với Đồng minh.

9101112

 

12 . “Nhưng Không Hỗ Thẹn”

 

1.

                Những thắng lợi dễ dàng bất ngờ và dòn dã trong vùng Thái Bình Dương đã mang lại sự bất đồng hơn là đoàn kết trong Tư lệnh Tối cao Nhật Bản. Kế hoạch chiến tranh ban đầu chủ trương chiếm lấy nguồn nguyên liệu thô ở Đông Nam Á; những vùng lãnh thổ chiếm được sẽ được gắn kết vào trong mạng lưới các căn cứ cho những chiến dịch hải quân tầm xa. Lục quân còn cảm thấy rằng lộ trình hợp lý duy nhất là củng cố mạng lưới mạnh mẽ sao cho cuối cùng  người Mỹ bắt buộc phải nói chuyện hòa bình. Nhưng Hải quân đã trải nghiệm những khúc khải hoàn say sưa đến nỗi họ không còn muốn chấp nhận một vai trò phòng vệ, hạn chế như thế. Tại sao không mở chiến dịch chống Úc, Hawaii và Ấn? Điều này sẽ phát sinh ra những cuộc hải chiến lớn, và như trong Trận đánh Biển Java, kẻ thù sẽ bị hủy diệt. Cho đến giờ này không đến 25,000 tấn trọng tải đã bị mất trong cuộc chinh phục Đông Nam Á, và con tàu chiến lớn nhất bị đánh chìm là một tàu khu trục.

                Hải quân bắt đầu thúc giục Lục quân thực hiện một chuỗi kế hoạch vượt xa những mục tiêu đề ra ban đầu. Một là phá hủy hạm đội Anh ở Ấn Độ Dương và bắt tay với người Đức. Có một kế hoạch tham vọng hơn, nhắm vào nước Mỹ – cắt đường tiếp tế giữa Hoa Kỳ và Úc. Nếu hạm đội Mỹ dám ra biển để phá vỡ thế phong tỏa này, kết quả sẽ là Trận Chiến Quyết Định mơ ước từ lâu để giành quyền bá chủ Thái Bình Dương.

                Hải quân dự kiến xâm lăng Úc với 5 sư đoàn Lục quân. Chiến dịch táo bạo này do Đái tá Sadatoshi Tomioka của Tham mưu trưởng Hải quân lên kế hoạch. Tại một buổi họp hành quân liên hợp người đồng cấp với ông trong Lục quân, Đại tá Takushiro Hattori, chế giễu ý tưởng này. Nước Úc có diện tích gấp hai lần phần lãnh thổ Trung Hoa mà họ chiếm đóng và cuộc chinh phục nó sẽ đòi hỏi không chỉ bộ phận chủ lực của Hạm đội Hổn hợp mà còn một tá sư đoàn bộ binh nữa. Sự vận chuyển cho riêng bộ phận Lục quân này sẽ tốn 1,500,00 tấn

dầu. Tomioka đề nghị rằng họ sử dụng Quân đoàn Quảng Đông ở Mãn Châu, đang có phận sự đồn trú dọc biên giới Xô viết. Hattori chống lại việc sử dụng quá nhiều binh lính trên một mặt trận bản chất chỉ có mục đích nghi binh; mỗi quân nhân phải được sử dụng cho cuộc chiến đấu cần thiết kéo dài với phương Tây. Thấy Tomioka vẫn không dao động, Hattory cầm lên tách trà. “Trà trong tách này tượng trưng cho toàn bộ lực lượng của chúng ta,” ông nói và đổ trà xuống sàn nhà. “Anh thấy không nó chỉ lan xa đến đó. Nếu không được tán thành tôi sẽ từ chức.”

                Vào ngày 7/3 một hội thảo liên đới đem quan điểm khác biệt của họ ra công khai. Lặp lại lời của Hattory, Tướng Moritake Tanabe lập luận rằng mục tiêu chính của Lục quân là xây dựng “một cấu trúc quân sự và chính trị có khả năng theo đuổi một cuộc chiến lâu dài.” Đánh phá các nước trung lập trong một vài vùng là thực tiễn, nhưng chỉ ở một qui mô khiêm nhượng. Từ giờ trở đi kẻ địch phải bị bắt buộc đánh xa căn cứ của họ theo điều kiện của Nhật. Trước trận Trân Châu Cảng tất cả họ đều nhất trí với quan niệm chiến lược này. Tại sao bây giờ lại ứng biến? Điều này sẽ dẫn đến thảm họa.

                Hải quân nhấn mạnh rằng điều sống còn là ép kẻ thù vào thế phòng vệ – bất cứ điều gì khác sẽ mời gọi tai họa. Đô đốc Takasumi của Oka muốn hủy diệt hải lực của kẻ thù và quét sách bất kỳ căn cứ chủ chốt nào có thể được dùng cho một cuộc phản công “bằng cách sử dụng tích cực các lực lượng trong các khu vực Úc và Hawaii.”

                Cuộc tranh luận không kết quả tiếp diễn trong những cuộc họp nẩy lửa ở các Hội quán Lục quân và Hải quân và đôi lúc suýt đưa đến ẩu đã. Đó là hai tuần trước khi một thỏa hiệp có thể đạt được: Việc xâm chiếm Úc bị loại bỏ nhưng Lục quân phải đồng ý với những dự án ít táo bạo hơn như cuộc tấn công đổ bộ vào Cảng Moresby, một thị trấn cách Úc 400 dặm về hướng bắc, trên bờ biển phía đông của New Guinea, hòn đảo lớn thứ hai trên thế giới.

                Hattory và Tomioka gặp nhau không chính thức và đi đến những thỏa thuận xa hơn. Tomioka đồng ý bỏ kế hoạch gặp gỡ Hitler trong Đại Tây Dương, trong khi Hattori tán thành việc chinh phục ba nhóm đảo nhỏ ở ngoài khơi bờ biển đông bắc của Úc – Samos, Fiji và New Caledonia. Việc này sẽ cắt đứt đường tiếp tế giữa Úc và Mỹ với giá tối thiểu.

                Vào ngày 13/3 Tojo và hai Tham mưu trưởng đi đến Hoàng cung để nộp một báo cáo hỗn hợp về chính sách chiến tranh mới cho Thiên hoàng: “Nó không chỉ là điều khó khăn nhất khi phải đánh bại Hoa Kỳ và Anh trong một thời gian ngắn, mà chiến tranh còn không thể đi đến kết thúc qua việc đầu hàng. Điều quan trọng là mở rộng hơn nữa những thuận lợi quân sự và chính trị đạt được qua những thắng lợi hiển hách từ khi mở ra cuộc chiến, bằng cách dùng tình hình chiến sự hiện tại để thiết lập một cấu trúc chiến lược và chính trị  có khả năng kéo dài cuộc chiến. Chúng ta phải tiến hành mỗi bước khả dĩ trong giới hạn các năng lực quốc gia của chúng ta, để ép buộc Hoa Kỳ và Anh tiếp tục ở thế phòng thủ. Bất kỳ biện pháp xác định nào có ý nghĩa sống còn được thực hiện trong mối liên hệ này sẽ được đưa ra qua sự nghiên cứu toàn diện và sẽ được trình lên Hoàng thượng để được tán thành mỗi lần.”

                Thỏa hiệp đạt được một cách chật vật được mọi người chấp nhận trừ người có ảnh hưởng nhất trong Hải quân. Thúc đẩy bởi bản năng của một tay cờ bạc, Đô đốc Yamamoto quyết định phát động một cuộc tấn công táo bạo khác lên lãnh thổ Mỹ – một cuộc xâm chiếm Midway, một đảo san hô gồm hai đảo nhỏ, cách Trân Châu Cảng không đến 1,300 dặm về hướng tây bắc. Chỉ nội việc này sẽ bảo vệ tổ quốc tránh được một cuộc tấn công bất ngờ trực tiếp bởi Hạm đội Thái Bình Dương.

                Kế hoạch của Yamamoto không tìm được nhiều người cổ vũ trong Tổng tham mưu Hải quân, nên ông phái người bạn cờ thân tiết của mình, Đại tá Yasuji Watanabe, đến Tokyo để tranh thủ sự ủng hộ. Nhưng Đại tá Tomioka và Trung tá Kazunari Miyo, sĩ quan hành quân hàng không, không mấy ấn tượng với sự thuyết phục của ông. Làm sao Midway có thể giữ được, nói chi đến việc tiếp tế, một khi đã chiếm được nó? Hơn nữa, việc đó có ít lợi lộc. Trái lại, việc chiếm lấy nhóm ba đảo gần nước Úc sẽ chắc chắn mời mọc Hạm đội Mỹ đánh Một Trận Quyết Định trên một khu vực mà Nhật có thể được sự yễm trợ từ các Đảo Solomon kế bên.

                Lập luận được giải quyết không phải bằng lý lẽ mà bằng hăm dọa. Watanabe đem đề nghị của Yamamoto đến cấp trên của họ, Đô đốc Shigeru Fukudome. Miyo vẫn khăng khăng lập luận của mình, và Watanabe tường trình cho Yamamoto qua điện thoại, và ông trở lại với một tối hậu thư: hoặc là chiến dịch Midway hoặc là sự từ chức của Yamamoto. Tham mưu Trưởng Hải quân Nagano phán quyết: “Trong trường hợp đó, thôi thì chúng ta cứ cho ông ta một cơ hội.”

                Đó là ngày 5/4. Mười một ngày sau một chỉ thị được ban ra sẽ xâm chiếm Midway và Đảo Aleutian. Tomioka và Miyo “bị bẽ mặt,” nhưng không có lựa chọn nào khác trừ ra ngừng mọi sự chống đối. Tuy nhiên, Tokyo chưa ấn định ngày giờ cụ thể, mặc dù Yamamoto yêu cầu khẩn thiết. Bộ Tổng Tham mưu Hải quân thấy không cần phải vội vã. Phải cần đến một người Mỹ có tên Doolittle để thúc đẩy họ bắt tay hành động.

 

                Không lâu sau vụ Trân Châu Cảng, Tổng thống Roosevelt đã lưu ý rằng mình muốn dội bom trên nội địa kẻ thù sớm như có thể để trả thù phần nào vụ tấn công “lén lút.” Vấn đề cự ly liên quan khiến mơ ước này hình như là hảo huyền cho đến khi sĩ quan hành quân trong ban tham mưu của Đô đốc King chợt nảy ra ý tưởng là máy bay ném bom tầm xa có thể phóng đi từ boong tàu sân bay. Ý tưởng này khiến King và Quân đoàn Không quân phải thắc mắc, và vào đầu tháng ba, 24 phi hành đoàn tập họp tại Sân bay Eglin, Florida, học tập cách thức cho cất cánh máy bay ném bom B-25 hai-đông cơ được chỉnh sửa từ một đường băng dài 500 bộ (khoảng 150 mét). Chỉ huy của họ là sự kết hợp nhuần nhuyễn – một nhà khoa học hàng không và một phi công táo bạo với vài kỷ lục bay tốc độ tiếng tăm. Trung tá James H. Doolittle là người đầu tiên bay qua nước Mỹ trong vòng 12 giờ; người đầu tiên làm được điều không thể: bay lượn vòng phía trong [là lối bay bắt đầu bằng một đoạn bay nằm ngang rồi bổ nhào xuống, xong bay ngược với phần đáy máy bay ngữa lên trời, rồi vọt thẳng lên và quay máy bay về vị trí ban đầu nằm ngang: ND]; và người đầu tiên đáp được một máy bay mà không cần chỉ dẫn của đài không lưu.

                Vào ngày 1 tháng 4, 16 phi hành đoàn cuối cùng được tuyển chọn cho sứ mạng lên boong chiếc tàu sân bay Hornet ở Trạm Hàng Không Alameda tại California trong khi 8 phi hành đoàn khác nhìn theo ganh tỵ. Ngày hôm sau sau bữa điểm tâm Doolittle tập họp mọi người trong phòng ăn trống trơn và bắt đầu, “Vì lợi ích của những người đã không được cho biết hoặc đang thắc mắc, chúng ta chuẩn bị ném bom Nhật Bản.” Mười ba máy bay sẽ ném mỗi chiếc 4  quả xuống Tokyo; ba chiếc còn lại mỗi chiếc lần lượt ném Nagoya, Osaka và Kobe. “Hải quân sẽ đem ta tiến sát gần như có thể và phóng chúng ta khỏi boong tàu.” Họ sẽ không trở lại tàu mà sẽ bay qua Nhật và đáp xuống các sân bay nhỏ ở Trung Hoa. Có ai muốn rút lui không? Không ai cả.

                Ngay trước buổi trưa, được hộ tống bởi một tàu tuần dương nặng và một nhẹ, bốn tàu khu trục và một tàu dầu, Hornet chở theo 16 chiếc B-25 buộc trên boong, đi qua bên dưới cầu Golden Gate. Cuộc khởi hành của các oanh tạc cơ trong một sứ mạng bí mật được hàng ngàn người chứng kiến.

                Vào ngày 8/4 Đô đốc William Halsey – các phóng viên đặt biệt hiệu là “Bull” (Bò tót) còn bạn bè gọi là Bill – ra khỏi Trân Châu Cảng trên tàu sân bay Emterprise với hai tàu tuần dương nặng, bốn tàu khu trục và một tàu dầu. Ông phải nói lời chia tay với Hornet  và đoàn hộ tống của nó và đồng hành cùng họ đến điểm máy bay xuất phát.

                Người Nhật không hay biết gì về việc hai tàu sân bay ra biển cho đến hai ngày sau khi các tình báo viên truyền tin bắt được các thông điệp giữa hai lực lượng và Trân Châu Cảng. Họ suy luận rằng nếu người Mỹ tiếp tục tiến về phía tây, Tokyo sẽ bị đánh bom. Vì tầm bay hạn chế của máy bay trên tàu sân bay, các tàu Mỹ sẽ phải tiến đến gần trong vòng 400 dặm trước khi đến điểm tấn công. Do mạng lưới giám sát mở rộng đến 700 dặm ngoài bờ biển, nên Nhật có đủ thời gian để tấn công kẻ thù trước khi máy bay cất cánh. Việc đánh giá này là chính xác trừ một điều – không phải máy bay ném bom bình thường trên tàu sân bay và chúng được ấn định cất cánh cách mục tiêu 500 dặm.

                Vào ngày 13/4 hai đơn vị Mỹ hợp nhất thành một hạm đội khổng lồ, Lực lượng Tác chiến 16, và tiến thẳng đến Tokyo. Niềm tin của phi hành đoàn vào sự bí mật của sứ mạng bị lung lay ba ngày sau khi họ nghe một buổi phát thanh tuyên truyền từ Đài Phát Thanh Tokyo: “Reuters, cục báo chí Anh, đã loan tin là ba máy bay oanh tạc Mỹ đã ném bom xuống Tokyo. Đây quả là chuyện nực cười nhất. Họ biết tuyệt đối là máy bay ném bom địch không thể bay vào phạm vi cách Tokyo 500 dặm. Thay vì lo lắng vì những chuyện điên rồ như thế, nhân dân Tokyo đang thưởng thức ánh mặt trời mùa xuân ấm áp và hương thơm của hoa anh đào đang nở rộ.”

                Ngày hôm sau các phi công có mặt trên boang cất cánh dự buổi lễ đặc biệt. Đại tá Marc A. Mitscher trao cho Doolittle năm huy chương Nhật Bản tưởng thưởng cho người Mỹ. Tất cả người nhận đều yêu cầu được gắn chúng lên một quả bom và trả lại Nhật Bản. Trong khi các huy chương được gắn vào một quả bom, các phi công viết lên đó một khẩu hiệu nhạo báng như “Tao không muốn phóng hỏa cả thế giới, chỉ Tokyo thôi,” “Tụi mầy sẽ nhận một tiếng BÙM từ thứ này!”

                Doolittle kết thúc trò đùa khi thông báo ngày hôm sau sẽ cất cánh. Lực lượng Tác chiến 16 sẽ đến điểm tấn công sớm hơn một ngày so với dự kiến. Đây là buổi tập huấn cuối cùng của họ. Doolitte sẽ bay trước, canh sẽ đến Tokyo lúc hoàng hôn. “Nhóm còn lại sẽ cất cánh hai hay ba giờ sau đó và có thể nhìn đám bom lửa của tôi như một đèn hiệu đến nơi.”

                Có một câu hỏi vào phút cuối mà trước đây chưa ai đặt ra: phải làm gì trong trường hợp rơi xuống đất Nhật. Doolitte không nghĩ đến việc bị bắt làm tù binh. “Tôi sẽ cho phi hành đoàn của mình nhảy dù ra còn tôi thì đâm bổ xuống, hết tốc độ, vào bất kỳ mục tiêu nào tôi thấy là đáng giá nhất. Tôi đã 46 tuổi rồi và đã sống một cuộc đời rất phong phú.”

                Sáng hôm sau lúc ba giờ, trong khi họ còn cách Tokyo hơn 700 dặm, tính bí mật của sứ mạng – và do đó sự thành công của nó – bị trực tiếp đe dọa. Ra-đa của Enterprise phát hiện hai tàu địch ở cách 12 dặm hướng mạn trái đằng mũi. Vài phút sau một ánh sáng nhấp nháy ở chân trời. Lực lượng Tác chiến 16 thay đổi lộ trình và lệnh Tập hợp Toàn diện vang lên trên mỗi con tàu. Trong vòng nửa giờ binh sĩ chờ đợi căng thẳng. Rồi lệnh Giải tán Toàn bộ vang lên và hạm đội trở lại lộ trình trực chỉ hướng tây như không có việc gì xảy ra.

                Thời tiết xấu và tàu lắc lư, tròng trành, nhô lên hụp xuống. Ngay trước bình minh ba máy bay ném bom tìm kiếm rời Enterprise để thăm dò 200 dặm phía trước. Một phi công nhìn thấy một con tàu tuần tra nhỏ qua bầu trời u ám mù mịt; anh quay về và bỏ một túi đậu lên boong tàu sân bay. Trong đó là một thông điệp nguyệch ngoạc:

                Tàu mặt nước của địch – vĩ độ 36-04N, kinh độ 153-10E, hướng tàu 276o – 42 dặm. Tin là bị     địch phát hiện.

                Để đề phòng Halsey quay tất cả tàu sang trái. Trong vòng một giờ, các lính canh trên Hornet trông thấy một tàu tuần tra nhỏ – đó là tàu Nitto-maru Số 23. Tàu này đang bắt đầu gởi một thông điệp không mã hóa cho biết ba tàu sân bay địch đã được phát hiện cách Tokyo 700 dặm. Rồi một tàu tuần tra khác được phát hiện cách đó hơn 6 dặm một chút. Halsey ra lệnh đánh chìm cả hai và phát một thông điệp cho Hornet:

                                PHÓNG MÁY BAY X GỞI TRUNG TÁ DOOLITTLE VÀ PHI HÀNH ĐOÀN CAN TRƯỜNG LỜI CHÚC MAY MẮN VÀ CẦU CHÚA PHÙ HỘ                  

                               Trên đài chỉ huy của Hornet, Doolittle lắc tay Mitscher và thoắt chạy xuống thang đến cabin của mình, hét lên, “Nào, mấy bồ ơi, tới rồi! Lên đường thôi!” Tiếng còi rít lên. Tiếng loa phóng thanh oang oang: “Các phi công, hãy lên máy bay!”

                Không ai biết rõ sâu sắc như các phi công sự thay đổi đột ngột này sẽ gây rủi ro cho cơ may thành công của họ ra sao. Mọi thứ đã được lên kế hoạch chính xác đến ga-lông dầu cuối cùng, và giờ đây 150 dặm phải thêm vào lộ trình bay. Hơn nữa, yếu tố bất ngờ đã không còn và họ phải đánh bom giữa ban ngày. Tuy thế, họ vẫn hăng hái lên đường và có người từ chối số tiền $150 để một nhân viên phi hành chịu thế chỗ cho người dự khuyết.

                Khi Trung tá John Ford, nhà đạo diễn phim nổi tiếng, và đội của ông chụp ảnh, một con lừa cơ học bắt đầu kéo máy bay ném bom hai động cơ vào vị trí. Chiếc máy bay đầu tiên, chiếc của Doolittle, có 467 bộ chạy trên đường băng. Thêm 10 bình 5-galông dầu được chất thêm trên mỗi máy bay; bình xăng chính được bơm đầy tràn.

                Doolittle đưa động cơ lên hết mức và chúng gầm thét lớn đến nỗi một vài phi công sợ anh sẽ làm cháy máy. Khối chèn bánh xe được kéo ra và máy bay lao tới, bánh trái đi theo một đường vẽ trắng chạy xuống mạn trái của boong tàu. Cánh trái của chiếc B-25 lướt phía trên lườn của tàu sân bay khi máy bay ném bom chạy lắc lư về phía trước, cánh tà hạ xuống, xông thẳng vào cơn gió mạnh quét xuống boong tào.

                Các phi công khác nhìn theo căng thẳng, tự hỏi không biết ngọn gió khắc nghiệt có đủ sức giúp nâng Doolittle lên đúng lúc hay không. Nếu anh không làm được, họ chắc chắn cũng không. Chiếc B-25 tăng tốc. Đối với một vài phi công, mức tăng tốc của Doolittle hình như chậm một cách khốn khổ, nhưng ngay khi mũi tàu sân bay nhô lên cao do biển động, anh cất cánh lên khi đường băng chỉ còn lại vài ya. Lúc đó 7:20 sáng.

                Tiếng hoan hô dậy lên khi chiếc máy bay của Doolittle quay vòng, bay thấp qua chiếc Hornet và tiến thẳng đến Tokyo. Các máy bay còn lại bắt đầu lăn nặng nề xuống boong tàu từng lượt một, làm mọi người theo dõi toát cả mồ hôi. Tất cả đều tốt đẹp cho đến chiếc máy bay cuối cùng chầm chậm tiến đến vạch xuất phát. Thình lình một nhân viên boong – Robert W. Wall – trợt chân và bị thổi bay như một cọng cỏ vào cánh quạt bên trái đang quay bởi luồng gió của chiếc máy bay đi tới. Nó xé toạc cánh tay trái của anh nhưng đẩy anh văng ra.

                Cảm nhận được sự và chạm, người phi công quay ra sau chứng kiến Wall nằm dài trên mặt đất. Anh kéo cần điều khiển cánh tà trở lại vào vị trí lùi thay vì trung tính. Máy bay ra khỏi mút đường băng và đột ngột biến khỏi tầm mắt bên dưới mũi tàu. Các nhân viên trên boong chắc chắn là máy bay sẽ lao xuống biển; nhưng rồi, trước nỗi khoan khoái của họ, họ nhìn thấy nó lướt sát trên đầu những ngọn sóng. Rồi nó bay lên, quay đi và hướng theo những máy bay khác. Lúc đó là 8:20 sáng.

                Các bộ tư lệnh Hải quân ở Tokyo đều biết rằng một cuộc không kích đang đến gần, nhưng vị trí mà tàu Hải quân Nitto-maru báo cáo khiến họ cũng tin chắc là nó sẽ không bao giờ đến được. Mọi máy bay có sẵn – 90 chiến đấu cơ và 116 máy bay ném bom  – được báo động và Phó Đô đốc Nobutake  Kondo được lệnh rời Căn cứ Hải quân Yokosuka ngay lập tức và chận đánh người Mỹ bằng 6 tàu tuần dương và 10 khu trục.  

                Lúc 9:45 A.M. một máy bay tuần tra đã gặp một máy bay hai động cơ bay về hướng tây khoảng 600 dặm từ đất liền. Nhưng không ai tin vào báo cáo; tàu sân bay Mỹ không chở theo máy bay hai động cơ, Vụ tấn công oanh tạc không có khả năng xảy ra cho đến sáng hôm sau là sớm nhất, khi tàu sân bay địch cách bờ biển trong vòng 300 dặm.

                Do trùng hợp, ngay khi chiếc máy bay cuối cùng rời Hornet một cuộc diễn tập không kích bắt đầu ở Tokyo. Đó là một cuộc diễn tập buồn tẻ,  ngay một hồi còi báo động cũng không có, và dân chúng phớt lờ lệnh của các dân phòng lăng xăng kêu gọi mọi người tìm chổ trú ẩn. Thay vào đó, họ nhìn những đội cứu hỏa phô trương các thiết bị chữa cháy. Đến trưa thì một chuyện cũng qua. Hầu hết các bong bóng chướng ngại được kéo xuống và ba phi cơ chiến đấu lượn vòng một cách uể oải trên thành phố. Đó là một ngày thứ bảy dễ chịu và ấm áp và đường phố một lần nữa tấp nập những người mua bán và tìm kiếm lạc thú.

                Một ít phút sau Doolittle đến bờ biển Nhật lệch lộ trình 80 dặm về phía bắc. Anh quay sang trái. Ở phần sau máy bay, hoa tiêu Carl Wildner bắt đầu căng mắt tìm các chiến đấu cơ địch chận đánh nhưng tất cả thứ anh nhìn thấy chỉ là những máy bay huấn luyện lượn lờ qua lại. Khi chiếc B-25 lướt qua vùng đồng quê anh nhận thấy dân chúng vẫn đi lại dửng dưng. Anh bay qua một trại quân sự đủ thấp để nhận ra một nhóm sĩ quan, gươm họ lóe sáng trong ánh nắng mặt trời.

                Viên sĩ quan quan trọng nhất ở Nhật Bản đang ở trên chiếc phi cơ cố đáp xuống qua đường bay của các máy bay Mỹ đang tiến đến. Sáng đó Thủ tướng Tojo đã hay tin về một lực lượng tác chiến địch đang đâu đó ngoài khơi nhưng đã được trấn an là sẽ an toàn khi đi bằng máy bay trong chuyến thanh tra đến Trường Hàng không Mito. Khi chiếc phi cơ hành khách do Mỹ sản xuất tiến gần bãi đáp, một máy bay hai động cơ xuất hiện ở bên phải. Thư ký của Tojo, Đại tá Nishiura, nghĩ rằng đó là một “chiếc máy bay trông có vẻ kỳ dị.” Nó bay quá sát đến nỗi gương mặt viên phi công có thể trông rõ, và Nishiura không tin vào mắt mình khi đó là một người Mỹ! Nó vút qua mà không bắn một phát nào.

                Đúng 12:30 P.M. Doolittle ở phía trên mục tiêu của mình. Dùng thiết bị ném bom “Mark Twain” 20-xu, khi tấn công ở độ cao thấp thì chính xác hơn thiết bị nhắm bom Norden thường được đánh giá cao, Fred Braemer thả quả bom đầu tiên. Không có sự đánh phá hiệu quả nào từ máy bay chiến đấu Nhật hay hệ thống phòng không khi hết máy bay ném bom này đến máy bay ném bom khác lướt qua thành phố và bỏ những quả bom lửa. Một phi công, Đại úy Edward York, không đủ dầu để tiến sâu vào Trung Hoa, nên phải quay sang hướng tây bắc đến Vladivostok, mặc dù việc này có nghĩa là anh sẽ bị người Nga tống giam. “Tôi cá là chúng ta là những phi hành đoàn B-25 đầu tiên đánh bom Tokyo và bay qua Tokyo ngay buổi trưa thứ bảy,” người phụ lái nói đùa để giảm bớt căng thẳng.

                Trừ những ai ở gần vùng va chạm, các công dân Tokyo ngỡ rằng cuộc tấn công của người Mỹ chính là đỉnh cao thực tế của cuộc diễn tập không kích. Sự thật cũng không đến được từ đài phát thanh JOAK, khi nó đột ngột tắt sóng ngay những tiếng nổ đầu tiên. Các trẻ em trong các trường học vẫy tay chào các máy bay bay qua, tưởng lầm các dấu hiệu tròn đỏ, trắng và xanh – giống những dấu hiệu được dùng bởi các Đồng minh trong Thế Chiến I – là Mặt Trời Mọc. Không có máy bay nào bị bắn rơi.

                Các phi cơ bay qua Hòang cung nhưng không quả bom nào được bỏ xuống. Phi hành đoàn đã bắt thăm xem ai sẽ bỏ bom xuống Hoàng cung, nhưng Doolittle đã phát lệnh rõ ràng là tránh khu vực Hoàng cung cũng như bệnh viện và trường học.

                Tại Hội quán Lục quân và Hải quân, Đại tá Tomioka đang ăn trưa với Đại tá Hattori. Việc bàn bạc của họ về trận xâm chiếm Midway, mà cả hai vẫn tiếp tục chống đối, bị cắt ngang bởi tiếng bom nổ. “Tuyệt vời!” Tomioka giải thích, đoán rằng chúng đến từ các máy bay trên tàu sân bay địch. Nếu hạm đội Mỹ tiến sát hơn, Hải quân có thể mở Trận đánh Quyết định trong vùng lãnh hải của mình.

                Khả năng này không hề xuất hiện với người tha thiết nhất với Midway. Thay vào đó Đô đốc Yamamoto cảm thấy quá sỉ nhục với vụ tấn công vào thủ đô đến nỗi ông giao cuộc săn đuổi người Mỹ cho Matome Ugaki, tham mưu trưởng của ông. Ông rút về phòng và không chịu bước ra. Quản gia Heijiro Omi chưa hề thấy ông quá xanh xao và ủ rủ như vậy.

                Đô đốc Ugaki không thể định vị được hạm đội địch và tối đó viết trong nhật ký của mình: “Chúng ta phải cải tiến những biện pháp chống lại các cuộc tấn công của địch trong tương lai bằng cách kiểm tra các loại và số máy bay. Dù với bất cứ lý do gì, thắng lợi hôm nay thuộc về kẻ thù.” Ông thắc mắc không biết liệu lực lượng tác chiến Mỹ có quay ngược lộ trình và chuẩn bị một cuộc không kích khác vào Tokyo hay không.  

                Halsey đã quay về Trân Châu Cảng từ lâu; không còn máy bay ném bom nào để phóng đi nữa. Máy bay của Đại úy York đến Vladivostok an toàn, tại đó phi hành đoàn năm người bị người Nga bắt giam. 15 máy bay ném bom khác đáp xuống lãnh thổ Trung Hoa do người Nhật chiếm đóng. Ba người bị giết trong tai nạn đáp máy bay hoặc nhảy dù ra; 8 bị bắt và mang về Tokyo xét xử. Thành viên còn lại, kể cả Doolittle, còn sống và đi theo những con đường khác nhau đến phòng tuyến Tưởng Giới Thạch.

                Chiến công này đã nâng cao tinh thần người Mỹ vẫn còn chấn động sau vụ thất thủ Bataan. Hình như đó là một lời cam kết là Mỹ sẽ sớm nguôi ngoai với vụ tấn công, và các Đồng minh trên mỗi mặt trận và trong mỗi nhà tù tìm thấy niềm hi vọng mới. Các nhật báo ở Hoa Kỳ đăng tít lớn về câu chuyện ở trang đầu một cách hớn hở. DOOLITTLE ĐÃ LÀM ĐƯỢC xuất hiện ở trên cùng tờ Los Angeles Times. Roosevelt góp thêm niềm vui của công chúng về vụ oanh kích bất ngờ bằng cách thông báo, với năng khiếu gây ra kịch tính, rằng các máy bay ném bom đã cất cánh từ Shangri-La [Shangri-La là một địa danh tưởng tượng, được coi là một thiên đường trên trái đất, một vùng đất hạnh phúc vĩnh cữu tách biệt hẳn với thế gian: ND].                                            

                Sự đánh phá không gây ra kinh hoảng bên ngoài nào cho Nhật Bản, nhưng là một cú sốc tâm lý đối với một quốc gia được nuôi dưỡng để tin tưởng hằng bao thế kỷ nay là tổ quốc luôn luôn an toàn khỏi các cuộc tấn công. Các báo chí hạ giá nó khi cho đó là “một sự thất bại hoàn toàn,” vậy mà mô tả đồng đội của Doolittle là những ác quỷ “thực hiện việc oanh kích bừa bãi, vô độ, bất nhân không kèn không trống,” và phô bày “hành vi hung ác của chúng” bằng cách bắn giết dã man thường dân và những người không vũ khí trong tay. Để minh chứng cho sự phòng không hiệu quả của Nhật ở Tokyo, một cánh máy bay và một bộ phận hạ cánh của một chiếc B-25 (bí mật được đem về từ Trung Quốc) được trưng bày tại lễ hội Đền Yasukuni; một chiếc dù của phi công được phủ một cách nghệ thuật lên một cây bạch quả đang nở rộ.

                Nếu xét về mặt thiệt hại vật chất cuộc không kích là một thất bại, nhưng sự kiện nó đã xảy ra bắt Tư lệnh Tối cao phản ứng mạnh. Bốn nhóm chiến đấu cơ được giao nhiệm vụ bảo vệ Nhật Bản khỏi những cuộc tấn công thậm chí chưa được quân địch lên kế hoạch. Quân đoàn Viễn chinh Trung Hoa được lệnh ngừng mọi chiến dịch khác và đánh đuổi các căn cứ không quân của địch ở vùng Triết Giang.

                Quan trọng hơn, nó cuối cùng kết thúc mọi sự chống đối bên trong nội bộ Hải quân đối với chiến dịch Midway. Yamamoto bước ra ngoài sau khi giam mình một ngày để tiếp tục yêu cầu cuộc xâm chiếm được tiến hành ngay lập tức. Trừ khi Midway – mà chắc chắn đã được sử dụng làm căn cứ cho cuộc không kích – bị đánh chiếm nhanh chóng, các đội tuần tra trên không và trên biển nằm ngay trước mặt tổ quốc sẽ phải được củng cố vì đã trở thành  vùng đánh nhau. Những người trước đây trông mong phá hoại dự án bằng một chuỗi những hành động trì hoãn giờ đã đầu hàng, và vào ngày 20/4 tại cuộc họp Lục-Hải quân phối hợp, Tổng Tham mưu Hải quân đề nghị kế hoạch cắt đứt đường tiếp tế của Úc bằng cách chiếm Samoa, Fiji và New Caledonia được hoãn lại để cuộc xâm chiếm Midway có thể tiến hành sớm như có thể. Lục quân còn cho rằng đó là một chiến dịch liều lĩnh, nhưng với Nagano công khai ủng hộ Yamamoto, họ miễn cưỡng tán thành. Không có thời gian để gây ra những mối hiềm khích giữa hai binh chủng. Ngoài ra, Hải quân sẽ đi đầu trong cuộc xâm chiếm dù cho Lục quân có nói gì.

 

3.

                Pháo của tướng Homma bắt đầu khuấy động Corregidor thành một chốn không người. Mặc dù tinh thần chiến đấu còn khá cao trong hàng ngũ phòng thủ, nhưng không mấy hi vọng hòn đẩo có thể giữ được lâu. Một bài hát ưa chuộng là “Tôi Đang Đợi Con Tàu Không Bao Giờ Đến,” và một số người mỉa mai tự hỏi liệu các chữ V viết bằng vôi trên các mũ sắt là viết tắt của Victory (Thắng lợi) hay của Victim (Nạn nhân).

                Vào ngày 29/4 pháo binh Nhật khai hỏa và việc ném bom gia tăng nhịp độ. Đó là sinh nhật của Thiên hoàng. Hai kho đạn dược phát nổ, triền đá vững chắc bị bắn tan và những đám cỏ bắt lữa không thể kiểm soát được quét qua hòn đảo nhỏ, bao phủ nó với những đám mây dày những bụi và khói. Ngày hôm sau, và hôm sau nữa, vẫn không có yên tĩnh. Cuộc oanh tạc tập trung vào những ổ pháo súng cối lớn Batteries Geary và Way án ngữ lối vào từ Bataan. Vào sáng ngày 2/5 Dàn pháo Geary vẫn còn nguyên vẹn, nhưng không được lâu. Tới trưa một tiếng nổ rung chuyển Corregidor như một trận động đất. Dàn Pháo Geary sụp đổ. Tám nòng pháo súng cối nặng 10 tấn bị hất tung lên không như thể diêm quẹt, một khẩu rơi xuống cách sân gôn lỗ chỗ khoảng 150 ya.

                Corregidor giờ có ít lính phòng thủ trừ ở bãi biển để ngăn lực lượng đổ bộ. Trong số 4,000 người sau vụ thất thủ Bataan, chỉ còn lại hơn 3,000 một chút binh lính tác chiến được sau trận pháo kích dữ dội tổn thất nhiều thương vong. Trong số này, khoảng 1,300 là những chiến sĩ thiện chiến từ Trung đoàn Thủy quân Lục chiến thứ 4. Phần còn lại là mớ hỗ lốn lực lượng phi công và pháo binh Phi và những dân tị nạn Mỹ từ Bataan.

                Cuộc sống bên ngoài Đường Hầm Malinta rất nguy hiểm, nhưng ít nhất có không khí trong lành và ánh sáng. Một vạn người sống an toàn nhưng chui rúc trong hệ thống ngầm chịu đựng một tình trạng căng thẳng đặc trưng không chịu nỗi. Bụi bặm gây khó thở, và mùi chết chóc từ bệnh viện tràn thấm mọi nơi. Khi quạt thông gió tắt trong thời gian bị oanh kích, không khí trở nên hôi hám, hơi nóng thì ngột ngạt, oi bức rất khó chịu. Ruồi đen khổng lồ, gián và các côn trùng khác có mặt khắp nơi. Con người trở nên gắt gỏng, gặp chuyện vặt vãnh cũng cãi lộn nhau.

                Vào ngày 3/5 Tướng Wainwright được cho hay hệ thống cấp nước xuống cấp nghiêm trọng và ông ta điện báo cho MacArthur:

                TÌNH HÌNH Ở ĐÂY NHANH CHÓNG TRỞ NÊN TUYỆT VỌNG

                Ngày hôm sau 16,000 quả pháo nổ trên hòn đảo. Những binh lính phòng thủ bãi biển khiếp đảm nằm co rút trong hố cá nhân chật hẹp của mình, lòng đầy ganh ghét không kể xiết “những con chuột sống trong đường hầm.” Nhưng những người bên trong cũng không thoải mái với sự an toàn mà Malinta cho họ. Những tiếng bom nổ liên tục khiến họ muốn phát điên. Trong văn phòng nhỏ quét  vôi màu trắng của mình, Wainwright viết cho Marshall một đánh giá về tình hình:

                               THEO Ý KIẾN TÔI KẺ ĐỊCH CÓ KHẢ NĂNG TẤN CÔNG VÀO CORREGIDOR BẤT CỨ LÚC        NÀO. THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI CỦA CUỘC TẤN CÔNG NHƯ THẾ SẼ PHỤ THUỘC            HOÀN TOÀN VÀO LÒNG KIÊN CƯỜNG CỦA BINH SĨ PHÒNG THỦ TRÊN BÃI BIỂN. XÉT               MỨC ĐỘ TINH THẦN HIỆN THỜI, TÔI ƯỚC TÍNH RẰNG CHÚNG TÔI KHÔNG CÓ CƠ                 MAY CHẶN ĐỨNG ĐƯỢC CUỘC TẤN CÔNG. TÔI ĐÃ GỞI ĐẾN NGÀI, THEO YÊU CẦU          CỦA NGÀI, MỘT Ý KIẾN THẲNG THẮN VÀ TRUNG THỰC VỀ TÌNH HÌNH NHƯ TÔI THẤY     ĐƯỢC.

                Homma lại một lần nữa chậm so với thời khóa. Corregidor đáng ra phải sụp đổ hai tuần trước nhưng cuộc xâm chiến đã bị đình hoãn vì một cơn dịch sốt rét bùng phát trong thung lũng sông ở nam Bataan vốn đã bị hoành hành. Nhưng cuối cùng trận dịch đã kiểm soát được nhờ số thuốc ký ninh chở từ Nhật qua.

                Vào chiều tối ngày 4/5 Homma đứng phía trên cảng Lamao và lo âu nhìn tàu đổ bộ chở 2,000 lính và một số xe tăng mất hút trong hoàng hôn về hướng Corregidor. Sự chênh lệch thật là ớn lạnh; binh lính tấn công đối đầu với ít nhất một quân số gấp 7 lần trên hòn

đảo pháo đài. Họ đổ bộ trong hai đợt trên bãi biển phía bắc của đuôi nòng nọc Corregidor và tiến về hướng Đồi Malinta ở phía tây, tại đó họ sẽ đợi tiếp viện đến vào đêm sau. Nhưng trong bóng đêm thủy triều và luồng nước bất chợt đã đẩy đội thuyền tấn công đi khỏi lộ trình một dặm, và khi những con thuyền đầu tiên tiến gần bờ biển họ gặp hỏa lực ác liệt từ hai khẩu 75-mm đang chờ đợi. Hết thuyền này đến thuyền khác nổ tung khỏi mặt nước. Dàn pháo quá dữ dội đến nỗi nhiều binh lính xâm lăng phải nhảy ra khỏi thuyền quá sớm và bị nước cuốn xuống dưới vì sức nặng gần 100 cân trang bị. Chỉ còn không đến một phần ba toàn bộ lực lượng tấn công còn sống sót. Họ được Đại tá Gempachi Sato cầm đầu, tiến về miệng phía đông của Đường Hầm Malinta.

                Lúc nửa đêm một lính đưa tin Thủy quân Lục chiến chạy ù vào đường hầm. 600 lính Nhật đã đổ bộ! Suốt ba giờ Wainwright vẫn còn căng thẳng. Rồi lại có tin một ổ pháo phòng không của Thủy quân Lục chiến, cách đường hầm một dặm, đã bị chiếm. Tin tiếp theo, chỉ sau vài phút, là tin điện từ Roosevelt. Ông ca ngợi những chiến sĩ phòng thủ như “những biểu tượng sống cho mục tiêu chiến đấu của chúng ta và là bảo đảm của thắng lợi.”

                Ngay trước hừng đông, 500 thủy thủ chưa được huấn luyện – binh lính dự trữ cuối cùng  – rời miệng đường hầm và bò lên hướng đang giao tranh. Cùng với Thủy quân Lục chiến của Bộ Tư lệnh và Đại đội Quân vụ, họ tiến hành một cuộc tấn công hoàn toàn làm binh lính Nhật, đang đợi máy bay và xe tăng yễm trợ, bất ngờ và đẩy lùi hai cánh quân Nhật lùi lại. Nhưng lúc 10 giờ người Mỹ có thể nghe thấy tiếng ầm ầm gớm ghiếc của xe tăng đang đến.

                Khi Wainwright hay tin thiết giáp đang di chuyển đến mà binh lính mình không có vũ khí chống tăng, một cơn ác mộng đè nặng xuống tâm trí ông – một xe tăng chỉa mũi vào đường hầm và bắn rải đạn chì vào thương binh và y tá.

                “Chúng ta không thể giữ vững được nữa,” ông bảo tham mưu của mình. Lúc 10:15 ông ra lệnh cho Chuẩn tướng Lewis C. Beebe phát đi một thông báo đầu hàng đã chuẩn bị trước. Với giọng nghẹn ngào Wainwright nói, “Bảo với bọn Nhật chúng ta sẽ ngừng bắn vào trưa nay.”

                Để giới hạn phạm vi đầu hàng vào 4 đảo nhỏ trong Vịnh Manila, ông điện cho Thiếu tướng William F. Sharp, chỉ huy lực lượng các đảo phía nam, giao cho ông phần còn lại của Phi Luật Tân.

                Súng bị bịt miệng, mật mã đốt bỏ và các thiết bị truyền tin bị đập nát. Wainwright viết thông điệp cuối cùng cho Roosevelt.

                VỚI TRÁI TIM TAN VỠ VÀ ĐẦU CÚI GỤC TRONG NỖI BUỒN BÃ NHƯNG KHÔNG HỖ         THẸN TÔI BÁO CÁO VỚI NGÀI LÀ HÔM NAY TÔI SẼ SẮP XẾP NHỮNG ĐIỀU KHOẢN             ĐẦU HÀNG CÁC ĐẢO PHÒNG THỦ CỦA VỊNH MANILA. . . SỨC CHỊU ĐỰNG CỦA CON         NGƯỜI CÓ GIỚI HẠN VÀ GIỚI HẠN ĐÓ ĐÃ BỊ VƯỢT QUA KHÁ LÂU RỒI. KHÔNG CÓ                 VIỄN ẢNH ĐƯỢC GIẢI CỨU TÔI CẢM THẤY NGHĨA VỤ CỦA TÔI ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC          VÀ CÁC BINH SĨ DŨNG CẢM CỦA TÔI LÀ PHẢI KẾT THÚC SỰ ĐỔ MÁU VÀ HI SINH SINH                 MẠNG VÔ ÍCH.

                NẾU NGÀI ĐỒNG Ý, THƯA NGÀI TỔNG THỐNG, LÀM ƠN NÓI LẠI VỚI QUỐC GIA LÀ         BINH SĨ CỦA TÔI VÀ TÔI ĐÃ LÀM LÀM HẾT SỨC NHỮNG GÌ MÀ SỨC CON NGƯỜI CÓ               THỂ LÀM ĐƯỢC VÀ TÔI ĐÃ GÌN GIỮ TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP NHẤT CỦA HOA KỲ                 VÀ QUÂN ĐỘI.

                CẦU XIN ƠN TRÊN PHÙ HỘ VÀ HƯỚNG DẪN NGÀI VÀ QUỐC GIA TRONG NỖ LỰC ĐẾN   THẮNG LỢI CUỐI CÙNG.

                VỚI NIỀM HỐI TIẾC SÂU XA VÀ NIỀM TỰ HÀO ĐỐI VỚI CHIẾN SĨ ANH DŨNG TÔI SẼ ĐI      ĐẾN GẶP TƯ LỆNH NHẬT BẢN. TẠM BIỆT NGÀI TỔNG THỐNG.                                   

                Tất cả khẩu súng của Mỹ đều im bặt. Wainwright đợi 2 tiếng, rồi đi về hướng đông trong chiếc xe Chevrolet với 5 tùy tùng đến Đồi Denver. Họ tiếp tục đi bộ qua những xác người và thương binh và được một nhóm người Nhật đón gần đỉnh đồi. Một trung úy xấc xược nói rằng đầu hàng phải bao gồm tất cả binh lính Mỹ và Phi trong quần đảo.

                “Tôi không muốn bàn bạc điều khoản đầu hàng với ông,” Wainwright nói. “Dẫn tôi tới gặp chỉ huy của ông.”

                Đại tá Motoo Nakayama, người đã chấp nhận King đầu hàng, bước tới trước. Wainwright nói với ông ta mình sẽ đầu hàng bốn đảo trong Vịnh Manila. Nakayama tức tối trả lời là mình đã nhận lệnh rõ ràng từ Homma là sẽ mang Wainwright đến Bataan thực hiện nghi thức đầu hàng chỉ khi nào ông đồng ý giao nộp tất cả binh lính.

                Vậy mà Tướng Homma đến lúc đó vẫn chưa nghĩ là Corregidor muốn đầu hàng. Một báo cáo vừa đến cho biết đêm qua có đến 31 thuyền đổ bộ bị đánh chìm, và đợt tiếp viện sẽ phải bị hoãn lại, vì chỉ còn lại 21 tàu đổ bộ. Ông biết mình đối mặt với việc bị cách chức. Thình lình một sĩ quan tham mưu xông vào với tin một cờ trắng đã bay phấp phới trên Corregidor. Homma quá nhẹ nhõm đến nỗi ông điện cho Nakayama hãy bỏ qua những mệnh lệnh trước đây và mang Wainwright đến Bataan ngay lập tức.

                Lúc bốn giờ chiều Wainwright, dựa người trên cây gậy, thân thể gầy nhom gập người xuống, thêm một lần nữa bước lên đất Bataan ở Cabcaben. Hai ô tô mang phái đoàn đến một ngôi nhà nhỏ, sơn màu xanh lam, dưới bóng mát của những cây đước xum xuê. Người Mỹ đợi trên hiên nhà; về phía nam bên ngoài Vịnh Manila họ có thể thấy Corregidor còn nổ tung lên vì đạn pháo – trận đánh rõ ràng là chưa kết thúc đối với người Nhật. Vị tướng và đoàn tùy tùng được mời nước lạnh và xếp hàng để nhà báo Nhật chụp ảnh.

                Cuối cùng, lúc 5 giờ, một chiếc Cadillac tiến đến và Tướng Homma ngực to như cái trống, trông tuơi rói và năng động trong bộ quân phục màu xanh ô liu, bước ra. Ông chào đón người Mỹ. “Các ông chắc đã mệt mõi và lo lắng lắm rồi.”

                Wainwright cám ơn ông ta và tất cả họ ngồi trên hiên nhà quanh một chiếc bàn dài.

Wainwright trao cho ông một văn kiện đã được ký tên đầu hàng Corregidor và các Pháo đài Hughes, Drum và Frank, bốn đảo trong Vịnh Manila. Homma thông thạo tiếng Anh nhưng muốn cho tham mưu của ông nắm vững tiến trình nên yêu cầu thông dịch viên đọc to lên. Mặt ông như đá; ông nói ông chỉ có thể chấp nhận đầu hàng tất cả binh lính ở Phi Luật Tân.

                “Các binh sĩ ở các đảo Visayan và Mindanao không còn dưới lệnh tôi,” Wainwright giải thích. “Chúng nằm dưới quyền chỉ huy của Tướng Sharp, và ông này lại dưới quyền tư lệnh MacArthur.”

                Homma đỏ mặt. Bộ Wainwright cho mình là thằng ngốc hay sao? Ông ra lệnh cho thông dịch viên bảo với Wainwright là người Nhật đã chặn được các thông điệp từ Washington xác nhận chức vụ của Wainwright là tổng tư lệnh tất cả lực lượng Phi Luật Tân.

                Nhưng Wainwright khăng khăng cho rằng mình không có quyền đối với Sharp. Mất hết kiên nhẫn, Homma đập bàn bằng cả hai nắm tay. Ông nhìn thẳng vào mặt tham mưu trưởng mới của mình. “Chúng ta phải làm gì bây giờ, Wachi?” Thiếu tướng Takaji Wachi nói mình tin chắc là Wainwright đang nói dối. “Trong trường hợp đó, chúng ta không thể thỏa thuận,” Homma nói cộc lốc. “Chúng ta tiếp tục đánh.” Ông ta quay lại Wainwright và bằng giọng nói kềm chế báo cho ông biết là mình chỉ có thể thỏa thuận với cấp ngang hàng với mình, tức tổng tư lệnh các lực lượng Phi Luật Tân. “Vì ông không phải là tư lệnh tối cao, tôi thấy không cần thiết phải có sự hiện diện của tôi ở đây.” Ông bật đứng lên.

                Một phụ tá của Wainwright gọi vói theo, “Xin đợi!” Các người Mỹ có mặt thảo luận nhanh chóng. Gương mặt xanh xao, Wainwright quay sang Homma và gắng gượng nói, “Đối mặt với sự kiện là việc đổ máu thêm nữa ở Phi Luật Tân là điều không cần thiết và vô ích, tôi sẽ nắm quyền tư lệnh của toàn bộ lực lượng Mỹ ở Phi Luật Tân dù có thể bị khiển trách nặng nề bởi chính quyền của tôi sau chiến tranh.”

                Nhưng Homma đang quá bực mình để có thể chấp nhận một sự đổi ý đột ngột. Ông tỏ ra ngờ vực sự chân thành của Wainwright. Ông lạnh lùng bảo Wainwright trở lại Corregidor để suy nghĩ lại. “Nếu ngài thấy đầu hàng là thích đáng, thế thì cứ làm thế đối với sĩ quan chỉ huy trung đoàn Corregidor. Sau đó ông ta sẽ phái ngài đến với tôi ở Manila. Buổi họp hôm nay đến đây là chấm dứt. Chào tạm biệt.” Ông gật đầu và bước ra xe Cadillac.

                Wainwright quẫn trí đã nhai điếu thuốc của mình nát ngướu trong miệng. “Ông muốn tôi phải làm gì bây giờ?” ông hỏi Nakayama.

                “Chúng tôi sẽ chở ngài và phái đoàn về lại Corregidor, và ngài có thể làm gì minh muốn.”

                Toàn bộ cuộc trao đổi đầy xúc động đã xảy ra qua thông dịch viên mà sự dịch thuật của họ rất mơ hồ. Không ai hiểu chính xác những gì đã được trao đổi trừ một nhà báo biết rành rẽ hai ngôn ngữ có tên Kazumaro Uno đã lớn lên ở Utah. Anh thông cảm với nổi thống khổ của người Mỹ và giải thích với Nakayama rằng Wainwright rất sẵn lòng để đầu hàng toàn bộ Phi Luật Tân.

                Phần nào hòa dịu, Nakayama nói mình sẽ tháp tùng Wainwright đến Corregidor và thêm, “Việc đầu tiên là sáng sớm ngày mai ngài hãy đến Tướng Homma với một nội dung đầu hàng mới và hứa liên lạc với toàn bộ lực lượng Mỹ ở Phi Luật Tân.”

                Wainwright trông thấy nhiều lửa trại khắp Corregidor và đoán rằng người Nhật đã đổ bộ quân tăng viện. Ông được đưa đi quanh Đồi Malinta và giới thiệu với chỉ huy đảo, Đại tá Sato. Đường hầm đã được dọn sạch trừ những người trong bệnh viện. Giờ Sato đang chuẩn bị tấn công bộ phận chính của đảo, Topside. Việc đầu hàng vô điều kiện và ngay lập tức với Sato là cách duy nhất Wainwright có thể cứu vớt binh lính của mình khỏi bị tàn sát, và trong ánh sáng nhạt nhòa ông ký một văn kiện chấp nhận tất cả yêu sách ban đầu của Homma. Ông thấy mình cạn kiệt cả sức lực.

                Lúc đó là giửa đêm, Wainwright được dẫn đến cửa phía tây của Đường Hầm Malinta, đi qua những nhóm binh lính Mỹ và Phi mặt mày nghiêm trọng. Một vài người đưa tay ra chạm lấy bàn tay ông hoặc vỗ vai ông. “Tướng quân, tốt rồi,” một người nói. “Ngài đã làm hết sức mình.”

                Đôi mắt ông đẫm lệ.

                Sự bẽ mặt của Wainwright chỉ mới bắt đầu. Sáng hôm sau ông cho gọi sĩ quan hành quân của ông, Đại tá Jesse T. Traywick, Jr. Người Nhật sẽ chở máy bay Traywick đến Mindanao để ông có thể đích thân giao một bức thư cho Tướng Sharp giải thích tình hình.

                . . . Vì vậy anh sẽ được hướng dẫn theo đó, và sẽ nhắc lại sẽ đầu hàng tất cả binh sĩ dưới quyền mình cả trên Đảo Visayan và Mindanao với sĩ quan Nhật liên quan. Quyết định này là thuộc về tôi, anh cần biết, tôi bắt buộc phải đưa ra do những tình huống vượt quá tầm kiểm soát của mình. . .                                

                Traywick được trao quyền bắt giữ Sharp nếu ông ta không chịu tuân theo chỉ thị được nêu ra. Wainwright suy sụp. “Jesse,” ông nói, “Tôi nhờ cậy anh thực thi những lệnh này.”

                Wainwright và 5 sĩ quan của mình được tàu đổ bộ chở đến Bataan chiều tối hôm đó. Tại Lamao họ phải chờ hai tiếng nhưng được nhận khẩu phần ăn  đầu tiên trong hai ngày, cơm và cá xương xẩu. Vào hoàng hôn họ bắt đầu chuyến đi buồn tẻ đến Manila bằng ô tô. Khoảng 11 giờ đoàn đến trạm phát sóng KZRH  và gặp Trung úy Hisamichi Kano của Bộ phận Tuyên truyền,  đã từng theo học ở New York và New Jersey. Anh chào đón Wainwright nhã nhặn và mời các người Mỹ dùng trái cây.

                Wainwright thấy khó khăn khi phải đọc bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn, kết hợp thư của ông gởi đến Sharp với phẩn bổ sung của người Nhật, cho đến khi Kano chỉnh sửa nó cho có vẻ thông tục hơn. Trước nửa đêm một chút Wainwright, hốc hác như một bộ xương khô, ngồi xuống chiếc bàn tre tròn nhỏ và bắt đầu nói vào micrô với giọng khàn khàn của cảm xúc bị đè nén. Ông nói trực tiếp với Sharp, ra lệnh cho ông ta đầu hàng toàn bộ lực lượng. “Anh nên làm theo toàn bộ văn bản trong thư này cũng như những chỉ thị khác mà Đại tá Traywick sẽ đưa cho anh gởi đến MacArthur bằng điện đài. Tuy nhiên, cho phép tôi nhấn mạnh là về phần mình anh không nên có ý nghĩa phớt lờ những chỉ thị này. Không thực thi chúng một cách đầy đủ và trung thực chỉ đưa đến những hậu quả tệ hại.” Ông gần như nghẹt thở khi cảnh báo người Nhật sẽ tiếp tục các chiến dịch trừ khi các mệnh lệnh được tiến hành một cách thận trọng và chính xác. “Nếu và chỉ khi việc thi hành được công nhận là đúng đắn và trung thực, tổng tư lệnh các lực lượng Nhật Bản ở Phi Luật Tân mới ra lệnh binh sĩ ngưng bắn.” Ông ho và tạm ngừng nói. “Xem xét tất cả tình huống, và –“

                Ngừng lâu hơn một chút, Wainwright hình như không thể tiếp tục. Phát thanh viên người Phi chen vào và tắt sóng. Lúc đó là 12:20 A.M., ngày 8 tháng 5.

                Bài phát biểu được các người Mỹ và Phi trên khắp các đảo đều nghe được. Có phải thực sự là Wainwright nói không? Nếu phải, ông có bị dí súng vào đầu hay không? Tướng Sharp không biết phải làm gì. Sáng đó ông đã nhận được một thông điệp từ Wainwright từ bỏ quyền chỉ huy của mình và bây giờ thì ông lấy lại nó. Ông yêu cầu được MacArthur ra chỉ thị. Đến lượt mình MacArthur điện cho Washington nói là mình không đặt “tin tưởng vào bài phát biểu truyền thanh của Wainwright.” Hồi đáp của ông cho Sharp phát đi lúc 4:45 A.M.:

                CÁC MỆNH LỆNH PHÁT XUẤT TỪ WAINWRIGHT KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ. NẾU CÓ THỂ HÃY     TÁCH LỰC LƯỢNG CỦA ANH THÀNH NHỮNG ĐƠN VỊ NHỎ VÀ TIẾN HÀNH NHỮNG     CHIẾN DỊCH DU KÍCH. TẤT NHIÊN, ANH CÓ ĐẦY ĐỦ THẨM QUYỀN ĐỂ ĐƯA RA BẤT KỲ                 QUYẾT ĐỊNH NÀO MÀ TÌNH HÌNH KHẨN CẤP ĐÒI HỎI. HÃY GIỮ LIÊN LẠC VỚI TÔI              NHIỀU NHƯ CÓ THỂ. ANH QUẢ LÀ MỘT NGƯỜI CHỈ HUY DŨNG CẢM VÀ THÁO VÁT VÀ TÔI TỰ HÀO VỀ NHỮNG GÌ ANH ĐÃ LÀM.

                        Thông điệp này không trấn an được Sharp cũng như không làm tình hình rõ ràng hơn. Nhưng nó giao cho ông quyền quyết định, và ông quyết định đợi sứ giả của Wainwright. Hai ngày sau, khi Traywick đến sau chuyến đi vất vả, Sharp đọc bức thư của Wainwright và kết luận rằng mình không có lựa chọn nào khác. Ông ngay lập tức hạ lệnh cho các chỉ huy của những đảo khác nhau phải “ngay lập tức ngừng mọi hành động chống Quân đội Nhật” để tránh đổ máu thêm nữa, rồi đánh điện cho MacArthur . . .  CHỈ DO NHU CẦU KHẨN THIẾT THÚC ĐẨY HÀNH ĐỘNG NÀY.

                Ở Washington, Tướng Marshall đọc một thông điệp từ MacArthur:

                TÔI VỪA NHẬN ĐƯỢC THƯ TỪ THIẾU TƯỚNG SHARP NÓI RẰNG TƯỚNG              WAINWRIGHT TRONG HAI BUỔI PHÁT THANH VÀO ĐÊM NGÀY 7/8 THÔNG BÁO                 RẰNG ÔNG NẮM QUYỀN TƯ LỆNH CỦA TẤT CẢ LỰC LƯỢNG Ở PHI LUẬT TÂN VÀ RA              LỆNH HỌ ĐẦU HÀNG THEO CHI TIẾT VÀ PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐƯA RA.         TÔI TIN LÀ TRONG TẠM THỜI WAINWRIGHT ĐÃ MẤT QUÂN BÌNH VÀ NHỮNG ĐIỀU                KIỆN CỦA ÔNG TA DỄ KHIẾN BỊ ĐỊCH LỢI DỤNG.

                Nhưng đã quá trễ để ngăn lại việc đầu hàng của toàn bộ lực lượng ở Phi Luật Tân.               

                Kẻ chinh phục không ở trong tâm trạng chiến thắng. Ông ta không được Tổng Tham mưu Quân đội sủng ái; ông đã mất quá nhiều thời gian để giành thắng lợi. Hơn nữa, Tướng Hisaichi Terauchi, tư lệnh của Quân đoàn phương Nam, không bằng lòng với cách đối xử khoan dung của ông đối với dân chúng Phi. Homma đã ngăn cấm nạn cướp bóc và hiếp dâm và ra lệnh binh lính mình không được coi người Phi là thù địch mà phải tôn trọng tập quán, truyền thống và tôn giáo của họ. Ông bào chữa rằng mình đã tuân theo nghiêm nhặt lời huấn thị của Thiên hoàng mang công cuộc khai sáng đến cho Đông Nam Á.

                Nhưng điều làm Terauchi bực mình nhất là việc Hooma dẹp bỏ những tài liện tuyên truyền mô tả sự bóc lột quần đảo Phi Luật Tân bởi thực dân Mỹ. Homma bảo với Terauchi là người Mỹ chưa hề bóc lột người Phi Luật Tân và tuyên truyền những điều như thế là bóp méo sự thật. “Họ điều hành một công cuộc giám sát nhân từ đối với người dân Phi. Nhật Bản nên thiết lập một công cuộc giám sát tốt hơn thế và khai sáng hơn thế.”

                Sự rộng lượng không thay đổi của Homma khiến Terauchi càng quyết tâm hơn bao giờ để gởi một tường trình bất lợi về Tokyo từ bộ tư lệnh ở Saigon. Nó cũng khiêu khích một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng gồm những cấp dưới của ông, những người chịu ảnh hưởng của Đại tá Tsuji, tổ chức những đánh trả bí mật. Lấy danh nghĩa của Homma, họ đưa ra những lệnh đối nghịch với chính sách phóng khoáng của ông.

                Homma không hề hay biết về điều này cho đến hai ngày sau khi Wainwright đầu hàng. Thiếu tướng Kiyotake Kawahuchi, chỉ huy lực lượng Nhật ở Visayan, xông vào văn phòng Homma, hàm râu mép của ông ta rung động. Ông ta tố cáo Homma đã ban lệnh hành hình Chánh án Jose Abad Santos và muốn biết lý do tại sao. Santos đã bị bắt trên Đảo Negros với con trai và được đưa về bộ chỉ huy của Kawaguchi ở Cebu vào tháng 4, ngay tối ngày Bataan thất thủ. Santos muốn hợp tác với người Nhật, và Kawaguchi đã điện cho Manila thư giới thiệu nên giao cho ông một vị trí trong chính phủ “hợp tác” Laurel. Câu hồi đáp thật bất ngờ: TỘI LỖI CỦA Y QUÁ RÕ RÀNG. TRỪ KHỬ Y NHANH CHÓNG.

                Đây là hành động phản trắc ghê gớm của tinh thần bushido và của Thiên hoàng, Kawaguchi đã tống cổ viên sĩ quan tham mưu từ Manila đến có tên Inuzuka ta khỏi văn phòng ông vì cứ mải khăn khăn đòi hành hình cả con trai của Santos. Sau đó ông viết một lá thư gởi một người bạn cũ, Thiếu tướng Yoshihide Hayashi, Quân quản của Quân đoàn 14, nhắc lại lý do tại sao hai cha con Santos phải được tha miễn. Hai tuần sau Kawaguchi nhận một tin điện khác từ Manila. Nó ra lệnh ông giao hai cha con Santos đến chỉ huy quân đồn trú Davao ở Mindanao để bị hành hình ngay lập tức. Ngài Kawaguchi phẫn nộ phản ứng bằng cách vò nát bức điện.

                Nhưng rồi tiếp theo lại là tên Inuzuka ương ngạnh đến để bảo đảm là việc hành hình được thực thi. Kawaguchi cho đòi hai tù nhân và bảo họ là mình đã làm hết sức để cứu sống họ nhưng giờ bắt buộc phải hành hình người cha nhân danh Quân đoàn 14. “Tôi hứa sẽ bảo vệ con trai ông, vì thế đừng lo phiền,” ông bảo với người cha.

                Santos nói ông không hề chống Nhật. “Tôi trân trọng lòng tốt của ngài dành cho tôi và con trai tôi và chúc vinh quang cho xứ sở ngài.” Ông bảo con trai thôi đừng xin xỏ gì thêm chỉ khiến vị tướng thêm khó xử. “Khi gặp mẹ, hãy nhắn gởi tình yêu của ba. Ba sẽ sớm ra đi.

 Hãy sống làm một con người có danh dự và phục vụ nhân dân Phi Luật Tân.” Santos được đưa đến một đồn điền dừa gần đó. Ông không chịu bịt mắt và làm dấu thánh giá ngay trước khi những loạt đạn của đội hành quyết vang lên.

                Homma sững sờ khi nghe Kawaguchi cho hay về vụ hành quyết Santos. Ông cũng như Kawaguchi rất tôn trọng Chánh án Santos và trân trọng tình thân hữu của ông dành cho Nhật Bản. Ông nhớ mình đã tán thành yêu cầu khoan hồng trước đây của Kawaguchi và đã ra lệnh Hayashi theo dõi vấn đề. Xấu hỗ, ông bảo Kawaguchi, “Tôi rất tiếc những gì đã xảy ra.”

                Ngày hôm sau Kawaguchi đối đầu với Hayashi. “Thật là nhục nhả việc mà mầy đã làm!” ông bùng nổ. “Uỗng công tao tin mày như một người bạn cùng lớp.”   

                Hayashi chống chế. Homma đã khiển trách y. “Nhưng,” y thoái thác, “tư lệnh Hoàng gia quá kiên quyết về vụ hành hình Santos.”

                “Mầy nói ai là Tư lệnh Hoàng gia hử?”

                “Là Tsuji.”               

                Sự khiển trách của Homma có ít hiệu quả đối với những người trong bộ tham mưu quyết tâm thực thi chính sách báo thù của Tsuji. Vài tuần sau khi Tướng Manuel Roxas, nguyên Phát ngôn nhân của Hạ viện Phi Luật Tân, bị bắt ở Mindanao, một tin điện đến từ Manila ra lệnh cho chỉ huy địa phương, Tướng Torao Ikuta, hành hình Roxas “một cách bí mật và ngay lập tức.” Nó được ủy quyền nhân danh Homma và đóng dấu bởi Hayashi và ba sĩ quan tham mưu.

                Ở Bataan, Ikuta đã từ khước bắn các tù nhân mà không có lệnh viết tay, nhưng cho dù lần này có lệnh đó, ông cũng thấy mình không thể hành động, và đưa đẩy trách nhiệm cho tham mưu trưởng của mình, Đại tá Nobuhiko Jimbo, một người hói đầu cận thị và có râu mép giống Tojo. Là một người Cơ đốc, Jimbo dày vò khi lái xe đưa Roxas và một tù nhân cáo cấp khác, một thống đốc, đến khu vực hành hình. Trong suốt chuyến đi dài cả giờ băng qua những cánh đồng gai dầu và nhiều rặng dừa, vị thống đốc cứ van xin cứu mạng ỉ ôi. Ông chỉ là một nhà điều hành, không phải quân nhân; ông luôn luôn hợp tác với người Nhật và phải được đối xử khác với Tướng Roxas. Tiếng van nài của ông quá thống thiết đến nỗi Roxas phải vỗ vai ông ta và nói, “Nhìn bụi sampaguita kia kìa.” Ông chỉ tay về các bụi hoa trắng tinh khôi, quốc hoa của Phi Luật Tân. “Bộ chúng không xinh đẹp sao?”

                Không một samurai nào có thể hành động một cách cao quí hơn trong hoàn cảnh như thế và Jimbo quyết định cố gắng giải cứu Roxas dù hậu quả ra sao thì ra. Ông để hai nạn nhân dưới sự canh gác trong một thị trấn nhỏ rồi trở lại Davao; phần nào ông cũng phải thuyết phục Tướng Ikuta hãy bỏ qua lệnh hành hình.

                Các lập luận của Jimbo là tất cả những gì Ikuta cần. Hai người quyết định sử dụng Roxas để giúp phục hồi luật lệ và trật tự, nhưng tạm thời ông ta phải được giữ bí mật. Những gì họ làm không thể giữ kín được lâu. Một sĩ quan đến từ Manila; Jimbo phải ra toàn án binh vì những hành động “ngang ngược” của mình.

                Jimbo bay đến Manila để đối mặt với Homma, nhưng vì vị tướng đang ra ngoài, ông phải nói chuyện với tham mưu trưởng của ông. Tướng Wachi không thể tin là có một lệnh như thế được ban ra, đặc biệt là sau khi Homma đã phản ứng gay gắt trước vụ xử bắn Santos.

                Jimbo ấn vào tay ông những văn kiện gốc. Mặc dù Wachi không thể hủy bỏ những lệnh mà Homma đã đóng dấu, ông viết ra một lệnh khác, tạm thời đình chỉ việc hành hình. Ông bảo Jimbo đợi và xông vào văn phòng của Hayashi, nơi vị tướng và bốn sĩ quan tham mưu đang họp. Jimbo có thể nghe tiếng nói giận dữ của Wachi: “Có phải người của anh đã ra lệnh hành hình Roxas phải không?” Hayashi và đồng bọn không nhận; như thế là vi phạm một lệnh đặc biệt của Tướng Homma. Sao Wachi có thể hỏi một câu hỏi như thế được?

                “Đại tá Jimbo, vào đây!” Wachi la lớn lên.

                Các sĩ quan tham mưu trố mát nhìn Jimbo khi ông rút ra lệnh hành hình. Họ bắt buộc phải thú nhận mình đã đóng dấu mà không suy nghĩ gì nhiều. Một thoáng im lặng bối rối. Hayashi quay lại Jimbo và quát lên. “Anh đã gây cho chúng tôi một chuyện khủng khiếp!”

                Đêm đó Wachi đến phòng Jimbo ở Khách sạn Manila. Homma hài lòng với khởi đầu của Jimbo và đã ban hành lệnh ngưng vụ hành hình Roxas. Hơn nữa, ông sẽ báo cáo việc này, kể cả vai trò của Jimbo trong đó, cho Thiên hoàng. *

  • Roxas sống sót sau chiến tranh để trở thành Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Phi Luật Tân. Khi ông biết vào tháng 8, 1946, người đàn ông đã cứu sống ông vẫn còn bị giam tại Bắc Trung Hoa đang đợi ra tòa như một tội phạm chiến tranh, ông viết một bức thư cá nhân cho Tưởng Giới Thạch xin khoan hồng cho Jimbo. Ông ta được phóng thích và trở lại Nhật vào năm sau và bây giờ đang sinh sống tại Tokyo.

 

                Thế là Roxas được cứu sống, nhưng câu chuyện đã làm sói mòn trầm trọng thêm vị thế tư lệnh của Homma và binh nghiệp của ông gặp nguy cơ. Là một tư lệnh chiến trường Homma tỏ ra không xông xáo như Tokyo mong nuốn, và trong hòa bình thì quá dễ dãi đối với nhân dân Phi Luật Tân. Thậm chí sau khi bị Terauchi khiển trách ông tiếp tục đối xử với người Phi như những người bạn tiềm năng hơn là kẻ địch bị chinh phục. Không nghe lời khuyên của ban tham mưu ông ra lệnh phóng thích tất cả binh sĩ Phi trong trại tù binh.

                Ông bị tước khỏi quyền tư lệnh, và được lệnh về Nhật và bắt buộc phải từ chức trong ô nhục khi không được phép nộp báo cáo theo truyền thống của một vị đô đốc trở về cho Thiên hoàng. *                    

  • Sau chiến tranh Homma bị đưa ra xét xử, kết án và hành hình như một tội phạm chiến tranh bởi một người mà ông đánh bại, MacArthur. Trưởng ban biện hộ cho Homme, John H. Skeen, Jr, gọi đây là “một phiên tòa rất bất thường, được tiến hành theo chiều hướng mà kết quả tối hậu đã được ấn định trước.” Những người khác trong ban biện hộ ký một bức thư gởi đến Homma lên tiếng rằng ông đã bị kết án một cách bất công. Thẩm phán Frank Murphy của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ phản đối bản án. “Ngay chính danh dự của quốc gia này, cũng như hi vọng về tương lai của nó, đang lâm nguy,” ông viết. “Hoặc là chúng ta tiến hành một vụ xét xử trong tinh thần cao quý và theo đúng Hiến pháp của chúng ta hoặc chúng ta bỏ đi tất cả mọi chứng cứ thuộc công lý, để coi như vứt đi những di sản của các thời đại đã qua và bước xuống những bậc thang thấp hèn của sự thanh trừng đổ máu chứa đầy tính thù hận . . . Một quốc gia sẽ bị tiêu hoại, nếu trong cơn điên cuồng tự nhiên thời hậu chiến, nó phá bỏ hết cốt lõi trung tâm của phẩm cách  con người và thủ tục pháp luật chính trực.”

Trong khi Homma đang đợi kêu án ông viết thư cho vợ mình, Fujiko: “Trong 20 năm cuộc sống vợ chồng chúng ta có nhiều khác biêt về ý kiến và thậm chí cãi vã gay gắt. Những cãi vã này giờ đây trở thành những kỷ niệm ngọt ngào. . . Giờ đây khi anh sắp sửa rời xa em, anh chỉ thấy những điểm tuyệt vời của em, và quên hết mọi khuyết điểm. Anh không lo lắng khi để lại các con cho em chăm sóc vì anh biết em sẽ nuôi dưỡng chúng đúng đắn và mạnh mẽ . . . Hai mươi năm có cảm tưởng như ngắn ngủi nhưng thật ra là rất dài. Anh hài lòng vì chúng ta đã trải một cuộc sống hạnh phúc bên nhau. Nếu có gì gọi là thế giới bên kia, chúng ta sẽ cưới nhau lần nữa. Anh sẽ đi trước và đợi em ở đó nhưng em không được vội vã. Hãy sống lâu như có thể cho con cái và làm những việc mà anh không thể làm được. Em sẽ gặp được cháu chúng ta và biết đâu chắc của chúng ta và kể cho anh nghe về chúng khi chúng ta tái ngộ lần nữa trong thế giới khác. Cám ơn em rất nhiều vì tất cả.”

        Những lời cuối cùng của Homma được viết trong bức thư gởi cho con cái ông trước lúc hành hình. “Có 6 người ở đây bị kết tội chết. Chết bị bắn thì tốt vì giống như chết một cách vinh dự trên chiến trường, hơn là trải qua một cuộc sống ô nhục trong tù đến suốt đời. Đừng đánh mất can đảm, các con! Đừng dễ dàng bị cám dỗ! Hãy đứng thẳng trên con đường công lý. Linh hồn của ba sẽ phù hộ cho các con. Cha các con sẽ rất vui sướng nếu các con bước đi trên con đường chân chính hơn là mang hoa đến mộ phần của ba. Đừng đi lạc hướng. Đây chính là bức thư cuối cùng của ba.”

131415

16

17

 

13. “Thủy Triều Đổi Hướng”

 

1.

                Vào cuối tháng 4 Đại tá Kameto Kuroshima, “sĩ quan tham mưu mù mịt,” đã biến đổi ý tưởng cơ bản của Yamamoto thành một kế hoạch chiến tranh tinh vi liên quan đến gần 200 tàu chiến thao dượt trong một sự hợp tác chặt chẽ qua một mặt trận trải dài hai ngàn dặm từ Aleutian đến Midway, cách Nhật Bản 2,300 dặm về hướng đông. Trên bề mặt của nó, mục tiêu là đánh chiếm Midway và Aleutian phiá nam. Những đảo này sau đó sẽ trở thành những điểm then chốt trong một chu vi mới mở rộng ra bên ngoài vươn suốt từ Kiska ở phía bắc, qua Midway và Wake đến Cảng Moresby ở phía nam, chỉ cách Úc 300 dặm. Các máy bay tuần tra từ ba đảo này có thể phát hiện bất cứ lực lượng tác chiến nào của địch muốn xuyên thủng hàng phòng thủ của đế chế. Thật ra, sự tiến chiếm Midway chỉ là quan trọng thứ hai đối với Yamamoto; nó chỉ là cái mồi giăng ra để dụ tàn dư của hạm đội Nimitz ra khỏi Trân Châu Cảng để có thể bị hủy diệt. Điều đó có nghĩa là sự cáo chung, hoặc ít nhất sự đình trệ mọi nỗ lực của người Mỹ nhằm đánh bật người Nhật ra khỏi những chinh phục gần đây của họ ở Đông Nam Á.

                Các chỉ huy tham gia trận đánh – trong đó có tham mưu trưởng của Đô đốc Nagumo, Ryunosuke Kusaka – được triệu tập lên con tàu chiến Yamato 63,000 tấn vừa mới hoàn thành, kỳ hạm mới của Hạm đội Hỗn Hợp mang cái tên cổ của “Nhật Bản,” để được đích thân Yamamoto chỉ thị. Trong năm tháng qua Lực lượng Tấn Kích của Nagumo đã đánh tan tác Trân Châu Cảng, dập vùi cảng Darwin, đánh chìm 2 tàu tuần dương nặng của Anh ngoài khơi Colombo, và tàu sân bay Hermes và những tàu chiến khác ngoài khơi Trincomalee, trên Ceylon, mà không bị tổn thất gì hết. Dù sao đi nữa, Kusaka cũng có những dè dặt nghiêm trọng. Một chiến dịch chủ lực thêm nữa, ông nói, sẽ là liều mạng một cách điên rồ. Kido Butai đã đi 50,000 dặm từ trận Trân Châu Cảng và các tàu chiến cần tu bổ. Các thủy thủ đoàn cũng cần được nghỉ ngơi; tình trạng kiệt sức xảy ra thường xuyên đến độ một số thủy thủ thực sự gặp ma. Yamamoto phản bác sự chống đối. Ông ra lệnh gấp rút chuẩn bị.

                Cùng lúc một kế hoạch quan trọng khác được đưa vào thực hiện. Đó là Chiến dịch Mo, cuộc xâm lăng Cảng Moresby trên Biển San Hô. Sự thất thủ của nó sẽ khiến việc chinh phục phần còn lại của New Guinea dễ dàng hơn và đặt Úc dưới tình thế hiểm nghèo. Là một đòn sơ khởi, một lực lượng sẽ chiếm Tulagi, một đảo nhỏ cách Guadalcanal khoảng 20 dặm về phía bắc trong quần đảo Solomon, và bắt đầu xây dựng sân bay cho thủy phi cơ. Ngày hôm sau, 4 tháng 5, Lực lượng Xâm chiếm Cảng Moresby rời Rabaud, kể từ tháng giêng là vùng biển thao dượt cho các chiến dịch ở Nam Thái Bình Dương tại mũi phía trên của New Britain trong Quần đảo Bismarck. Có 14 tàu vận tải được hộ tống bởi một tuần dương nhẹ và 6 tàu khu trục, và che chở bởi một tàu sân bay nhẹ Shoho, 4 tuần dương nặng  và 1 khu trục.

                Hầu hết việc này đều được Đô đốc Nimitz biết đến; chuyên viên phân tích mật mã của ông đã bẻ khóa được mật mã của hạm đội Nhật. Ông đã phái Lực lượng Tác chiến 17 – 2 tàu sân bay, 6 tuần dương nặng, 2 tuần dương nhẹ và 11 khu trục – dưới quyền của Chuẩn Đô đốc Frank Jack Fletcher chận đánh hạm đội Nhật.

                Fletcher đã đến Biển San Hô ngoài khơi đông bắc Úc lúc ông biết được vụ đổ bộ Tulagi. Ông lập tức phóng một cuộc không kích gồm 99 máy bay vào Tulagi từ chiếc kỳ hạm của mình, tàu sân bay Yorktown. Để phản công mối đe dọa bất ngờ này Chuẩn Đô đốc Takeo Takagi, người chiến thắng trong Trận Đánh Biển Java, được điều về phía nam từ Bougainville với 2 tàu sân bay nặng, Zuikaku Shokaku, 2 tuần dương nặng và 6 khu trục.

                Hai lực lượng đối đầu tiến gần nhau hơn, và chính Takagi là người tiếp xúc đầu tiên. Vào buổi sáng ngày 7/5 một phi công trên máy bay tìm kiếm của ông đã phát hiện ra tàu dầu Neosho và một tàu khu trục và y quá phấn khích báo cáo chúng là các tàu sân bay và khu trục của địch. Hai đợt máy bay ném bom bay ngang và 36 máy bay ném bom bổ nhào đã đánh chìm tàu khu trục và khiến tàu dầu trôi giạt một cách bất lực. Trong lúc Takagi tập trung lực lượng vào những mục tiêu nhỏ nhoi này, 93 máy bay từ Yorktown Lexington tìm thấy chiếc tàu sân bay nhẹ Shoho và bắt đầu oanh kích và phóng ngư lôi. Cách đó khoảng 160 dặm các đồng đội trên các con tàu mẹ căng tai để nghe những hành động này trên máy phát sóng, nhưng tĩnh điện làm sóng nhiễu loạn khó nghe. Thình lình tiếng nói của Thiếu tá Robert Dixon, chỉ huy của phi đoàn oanh tạc, bổng vang lên rõ ràng và mạnh mẽ: “Một gạch cho tàu sân bay! Dixon hạ tàu sân bay. Một gạch cho tàu sân bay!” cuối cùng, sau 5 tháng, một con tàu Nhật  lớn hơn một khu trục đã bị đánh đắm.

                Ở Rabaud chỉ huy toàn bộ Chiến dịch Mo, Chuẩn Đô đốc Shigeyoshi Inoue, điện cho tàu vận tải quay về và đợi cho đến khi vùng biển sạch bóng tàu Mỹ. Chiều hôm đó độ quan sát giảm xuống và những luồng gió mạnh ngăn cản việc quan sát trên không. Vào nửa đêm hai hạm đội thù địch mất liên lạc với nhau.

                Takagi, lên một tàu tuần dương nặng, ra hiệu cho Chuẩn Đô đốc Tadaichi Hara, chỉ huy hai tàu sân bay: ANH CÓ THỂ TIẾN HÀNH MỘT CUỘC KHÔNG KÍCH ĐÊM  ĐƯỢC KHÔNG? Hara ra hiệu từ Zuikaku là mình sẵn sàng phái 27 máy bay. Họ cất cánh ngay trước hoàng hôn nhưng không phát hiện được gì. Trên đường quay về, họ bị một nhóm chiến đấu cơ của Fletcher đón đánh ác liệt. 9 máy bay Nhật bị bắn rơi; những máy bay khác phân tán và cố tìm đường về tàu trong bóng đêm. Một nhóm 6 chiếc cuối cùng tìm được một tàu sân bay và hạ thấp để nhập bọn với những máy bay khác trong đội hình đáp. Khi máy bay Nhật đầu tiên trượt trên boong tàu, móc đáp vươn ra, anh bị giật tung qua khỏi bờ tàu kèm theo một tràng đạn. Tàu sân bay này là Yorktown.

                Sau vụ thảm bại này, Takagi quyết định lui tạm thời về hướng bắc. Vaì giờ sau ông quay phắt lại về phía các tàu sân bay Mỹ ở tốc độ 26 hải lý, và ngay trước bình minh ngày 8/5, ông phái 27 máy bay tìm kiếm. Trận đánh tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử đang đến gần. Fletcher có hệ thống ra-đa nhưng các tàu sân bay của ông chỉ hoạt động với nhau không đến một tuần. Takagi không có ra-đa nhưng hai tàu sân bay của ông đã làm việc như một phân khu trong hơn 6 tháng. Fletcher có 122 máy bay, Takagi có ít hơn 1. Họ rất cân sức, với Takagi có lợi thế nhỉn hơn một chút là được bầu trời đầy mây che chở.

                Nhưng đột phá đầu tiên đến với Fletcher. Lúc 8:15 một phi công tìm kiếm của ông phát hiện Lực lượng Tấn kích Nhật. Anh quay vòng, đếm số tàu chiến, và điện về:

                2 TÀU SÂN BAY, 4 TUẦN DƯƠNG NẶNG, NHIỀU KHU TRỤC, HƯỚNG 120 ĐỘ, 20 HẢI                LÝ. VỊ TRÍ CỦA ĐỊCH 175 DẶM, KHOẢNG ĐÔNG BẮC.

                Fletcher ra lệnh cả hai tàu sân bay phát động cuộc không kích, và vào khoảng 11 giờ 39 máy bay từ Yorktown tấn công tàu Shokaku, được che chắn bởi các tuần dương và khu trục nặng. Zuikaku, chỉ cách đó 10 dặm, được che dấu bởi một cơn gió mạnh vần vũ. Shokaku tránh được ngư lôi, nhưng máy bay ném bom bổ nhào bắn trúng hai quả khiến lửa bốc cháy. Một đợt tấn công khác, 24 máy bay từ Lexington, tìm thấy các tàu sân bay. Shokaku chạy trốn với thêm một quả bom bắn trúng. Những đám lửa đã được khống chế và nó chạy về nhà.

                Đồng thời người Nhật cũng tìm thấy tàu Mỹ. 70 máy bay hội tụ vào hai tàu sân bay của Fletcher. Một quả bom xuyên thủng sàn bay của Yorktown, nhưng lửa nhanh chóng được kiểm soát một cách khéo léo. Lexington không được may mắn như thế; hai ngư lôi xé rách mạn trái của nó, trong khi những quả bom nhỏ đánh trúng boong chính phía trước và bộ phận ống khói.

                Cuộc không kích đều đắt giá với cả hai bên và đến trưa trận đánh kết thúc. Đó là trận hải chiến đầu tiên trong đó các tàu đối địch không hề nhìn thấy nhau hoặc trao đổi hỏa lực pháo. Có vẻ như thể Fletcher xuất hiện là người chiến thắng. Ông đã đánh chìm một tuần dương nhẹ, một khu trục và ba con tàu nhỏ trong khi chỉ mất một khu trục và một tàu dầu. Rồi hai tiếng nổ làm rung lắc con tàu Lexington đang bị thương và những đám cháy bùng phát không kềm chế được. Vừa sau 5 giờ Chuẩn Đô đốc Aubrey Fitch, chỉ huy Nhóm Tàu Sân Bay, dựa người qua kỳ đài và gọi xuống cho hoa tiêu Lexington, Đại tá Frederic C. Sherman, “Thôi nào, Ted, chuẩn bị cho người xuống đi.”

                Họ đứng xếp hàng trên sàn bay và điềm nhiên đi qua bờ tàu, ung dung như đang diễn tập. Một nhóm thủy thủ còn đi xuống dưới phòng ăn và múc kem vào đầy mũ sắt và vừa ăn vừa xếp hàng đợi đến lượt mình xuống tàu. Là người cuối cùng, Đại tá Sherman, bắt đầu leo xuống dây cứu sinh, thầm nghĩ, Mình chắc trông như thằng ngốc nếu bỏ tàu xong thì lửa tắt ngấm? Nhưng rồi ông cũng vội vã tụt xuống, và ngay khi toàn bộ người đã xuống hết, bốn ngư lôi từ khu trục Phelps phóng đến mạn phải của tàu sân bay. Nó rùng mình và hơi nước bắn lên cuồn cuộn.

                “Kìa nó chìm,” một sĩ quan đang nhìn từ một tàu khu trục gần đó. “Nó không lật qua. Nó đi xuống ngẫng cao đầu. Một phu nhân đến phút cuối cùng.”

                Với con tàu Lexington bị chìm, trận đánh trở thành một thắng lợi về mặt chiến thuật cho Takagi, nhưng thắng lợi về mặt chiến lược quan trọng hơn thuộc về Fletcher. Đô đốc Inoue bắt buộc phải đình hoãn chiến dịch Moresby. Fletcher đã hoàn thành sứ mạng của mình, và lần đầu tiên kể từ Trân Châu Cảng cuộc xâm chiếm của người Nhật đã bị ngăn chận.

                Tuy nhiên Takagi không chịu miễn cưỡng bỏ cuộc. Ông chuẩn bị giao tranh với người Mỹ trong một trận dạ chiến trước khi biết rằng các tàu khu trục của mình đã cạn dầu. Bực mình ông quay về Rabaud. Xa về phía bắc, ở cảng neo đậu tại đất mẹ Yamamoto vẫn còn cương quyết theo đuổi người Mỹ. Qua Rabaud ông ra lệnh Takagi tấn công mặc dù thiếu hụt nhiên liệu. Takagi tuân lời, thay đổi lộ trình, nhưng đã quá trễ, Fletcher đã biến mất.

                Cả hai bên ai cũng tuyên bố mình chiến thắng. New York Times số 9/5 đưa tin:

                NGƯỜI NHẬT BỊ ĐẨY LÙI TRONG TRẬN ĐÁNH LỚN Ở THÁI BÌNH DƯƠNG,

                 VỚI 17 ĐẾN 22 TÀU CHIẾN CỦA CHÚNG BỊ ĐÁNH CHÌM HOẶC TÊ LIỆT:

                ĐỊCH THÁO CHẠY, TÀU CHIẾN ĐỒNG MINH TRUY ĐUỔI

                Tờ Japan Times & Advertiser tuyên bố kẻ địch kinh hoàng. Nguồn tin từ một thông tín viên ở Buenos Aires viết rằng: “Hiệu quả của sự thất bại khủng khiếp trong Biển San Hô thật sự là quá sức tưởng tượng. Một tình trạng hoảng loạn đang lan rộng trong lãnh vực quân nhu của Mỹ.”

                Hitler thì hớn hở. “Sau thảm bại mới mẻ này các tàu chiến Mỹ khó có thể dám đương đầu với hạm đội Nhật một lần nữa, vì bất tàu chiến Hoa Kỳ nào chấp nhận đương đầu với các lực lượng Nhật đều kể như thảm bại.”

               

2.

                Các bài viết trong báo chí Nhật phản ảnh chính xác nổi hả hê của Bộ tư lệnh Hoàng gia- cả hai tàu Yorktown Lexington đã bị đánh chìm, một cú nốc ao vào sức mạnh Mỹ ở Thái Bình Dương. “Sự khải hoàn” bóp nghẹt sự chống đối của những người coi chiến dịch  Midway là quá rủi ro. Biển San Hô là do Phi đội thứ 5, phi đội ít kinh nghiệm nhất của hạm

đội, đánh thắng. Thế thì người Mỹ có cơ hội gì khi chạm trán với những phi công kỳ cựu của

 Phi đội thứ 1 và 2? Zuikakau Shokaku về đến nhà một ít ngày sau đó. Các phi công Mỹ “thấp kém” đã gây thiệt hại nhiều hơn được báo cáo ban đầu. Cả hai sẽ bị loại khỏi lực lượng tham gia tấn công Midway. Zuikaku đã mất quá nhiều máy bay và phi công, còn Shokaku cần mất một tháng sửa chữa.

                Nhưng không có gì làm sút giảm niềm lạc quan cao độ lan tràn trong Hạm đội Hỗn Hợp, và thậm chí Kusaka, gần đây quá bi quan như thế, giờ tin chắc Kido Butai có thể “đập tan bọn Yankee.” Kết quả là các biện pháp an toàn được nới lõng. Trái với những chuẩn bị cho Trân Châu Cảng, không có mấy nỗ lực bỏ ra nhằm ngụy trang dòng thông điệp đánh dấu giai đoạn cuối cùng, và các sĩ quan tham mưu công khai bàn bạc Chiến dịch Midway trong nhà hàng và tiệm trà.

                Vào tối ngày 25/5 Yamamoto mời vài trăm sĩ quan , trong đó có Nagumo và Kusaka, đến một một buổi tiệc trên Yamato, bỏ neo tại Hashirajima ở Biển Inland. Người quản lý bếp ăn của Yamamoto, Heijiro Omi, phát hiện quá trễ người đầu bếp đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng. Tai, một loại cá được nấu nguyên con, đã được nướng trong miso (sốt đậu nêm muối) thay vì muối. Omi quở mắng đầu bếp, còn Omi thì bị thư ký của vị đô đốc quở mắng, nhưng chính Yamamoto phớt lờ lỗi lầm và các chầu sake hâm nóng uống mừng thi  nhau chúc tụng Thiên hoàng và thắng lợi.

                Ngày hôm sau tại buổi tập huấn cuối cùng Kusaka hỏi một câu hỏi, mà ngạc nhiên thay chưa từng được đặt ra: “Nếu chúng ta phát hiện hạm đội Mỹ, chúng ta tấn công nó ngay hay đánh Midway trước?” Đô đốc Matome Ugaki, người đã cắt tóc và làm một hàm răng giả chuẩn bị cho trận đánh, quay sang Nagamo và nói rằng quyết định là ở ông ta. “Các ông đang ở mặt trận và có thể đánh giá tình hình tốt hơn chúng tôi.”

                Kusaka từ chối nhận lãnh trách nhiệm; chỉ có Hạm đội Hỗn Hợp có thể đưa ra quyết định thích đáng, vì chiến dịch quá phức tạp và liên quan đến nhiều đơn vị. Ngoài ra, Akagi có một cột tàu ngắn và không trang bị để có thể bắt được các thông điệp địch, trong khi kỳ hạm của Yamamoto có cột tàu tàu rất cao và các thiết bị tối tân nhất. Ugaki nói rằng điều này là không quan trọng và viêc ngừng phát sóng phải được duy trì, vì toàn bộ kế hoạch phụ thuộc vào yếu tố bất ngờ.

                Trên Akagi có một cảm giác tin tưởng đến nổi nhiều phi công đem lên tàu những vật dụng cá nhân và nhiều bia cùng sake. Một  người, Đại úy Heijiro Abe, không chia sẻ niềm tin ấy với họ. Ngay phút cuối cùng anh khuyên Trung tá Minoru Genda đình hoãn chiến dịch. Abe, người đã bỏ một quả bom trên tàu Oklahoma, đã vừa nhận được một bức thư từ một người bạn ở Trung Hoa chúc anh may mắn trong trận  tấn công “M.” Mọi người hình như đều biết về Midway, Abe nói, và anh dự đoán là họ sẽ “bị một trận nhừ tử.” Nhưng Genda nói là đã quá trễ để hủy bỏ chiến dịch; những đơn vị khác đã lên đường.

                Lúc 6 giờ sáng ngày 27/5, Lực lượng Tấn kích Tàu Sân Bay của Nagumo – 1 tàu sân bay nhẹ, 11 khu trục, 2 tàu chiến (kể cả Haruna, tưởng đã bị Colin Kelly đánh chìm) và 4 tàu sân bay – lướt chầm chậm qua Biển Inland về hướng Eo Bungo khi các thủy thủ trên những

 con tàu khác của Hạm đội Hỗn Hợp hoan hô họ lên đường. Ngày hôm sau lực lượng theo kế hoạch sẽ tấn công đảo Aleutian rời cảng của mình ở mũi phía bắc đảo Kyushu; vào ngày 3/6, một ngày trước khi đột kích vào Midway, các máy bay từ hai tàu sân bay nhẹ sẽ dội bom Dutch Harbor để đánh lạc hướng sự chú ý của Nimitz về hướng bắc. Xa hơn về phía nam, trên Saipan ở Marianna, một chục tàu vận tải chứa đầy 5,000 người sẽ tấn công Midway lên đường, đồng hành với một tuần dương nhẹ, một tàu dầu và một lực lượng che chở của 4 tàu tuần dương nặng.

                Sáng sớm ngày 29/5, phần còn lại của Hạm đội Hỗn Hợp di chuyển ra khỏi Biển Inland – đầu tiên là Lực lượng Xâm chiếm Midway của Phó Đô đốc Nobutake Kondo, rồi Lực lượng Chủ lực gồm 34 tàu do kỳ hạm của Yamamoto, chiếc Yamato, dẫn đầu. tất cả, 11 tàu chiến, 8 tàu sân bay, 23 tuần dương, 65 khu trục và gần 90 tàu phụ tiến về phía đông trong một chiến dịch hải quân hùng hậu nhất từng do con người tổ chức. Lượng dầu sử dụng nội trong chiến dịch này nhiều hơn cả lượng dầu mà Hải quân tiêu thụ trong một năm của thời bình.

                Như trước đây, thắng lợi của Nhật phụ thuộc vào sự bí mật, nhưng như ở Biển San Hô, Nimitz hay biết cuộc tấn công ồ ạt đang được tiến hành nhờ Đơn vị Tình báo Tác chiến của ông, gồm khoảng 120 người, bao gồm toàn bộ ban nhạc của tàu California bị chìm (nhạc sĩ được xem là rất thích hợp cho loại công việc này), dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Joseph John Rochefort. Họ làm việc thực sự 24 giờ một ngày trong một căn hầm không cửa sổ trong Hải quân Công xưởng, che chở bởi các vòm cửa, cổng chận bằng thép và lính gác thường xuyên – và họ đọc 90 phần trăm các thông điệp mã khóa do Hạm đội Hỗn Hợp đánh đi. Thông tin phân tán về Midway, theo một nghĩa nào đó, là một món quà của Hải quân Nhật. Vào ngày 1/5 theo thời biểu là đến chu kỳ duyệt lại mật mã chủ đạo trong thời gian đó thông tin đều tắt ngấm cho đến khi nhân viên của Rochefort bẻ được khóa. Nhưng mật mã cũ còn được sử dụng vì công việc quá dồn vập. Ngoài ra, các chuyên gia tình báo hải quân Nhật chắc mẩm là các mật mã của họ không thể nào bẻ khóa được.

                Vào ngày 20/5 những mảnh và miếng về cuộc xâm chiếm ráp nối lại khi chặn bắt được một mệnh lệnh dài do Yamamoto ban hành. 15 phần trăm thông điệp bị thiếu, nhưng qui mô của chiến dịch đã rõ ràng. Tất cả điều còn ngờ vực là mục tiêu, chỉ được nói đến bằng tên “AF.” Rochefort cảm thấy hợp lý khi cho nó là Midway, nhưng các chuyên gia Washington khẳng định nó là Oahu.

                Nimitz đồng ý với Rochefort, và bay đến Midway để xác định cần thêm trang bị gì và cần thêm bao nhiêu binh lính để chận đứng cuộc đổ bộ qui mô lớn. Mọi máy bay ông có thể trưng dụng được đều được phái đến Midway. Nimitz cũng mở rộng đội quân đồn trú của hòn đảo nhỏ lên đến 2,000, thiết lập ba cung đường tuần tra tàu ngầm và ra lệnh thiết lập các dàn phòng không. Để xác minh vị trí của “AF,” Nimitz bảo Midway phát đi một thông điệp giả lên sóng phàn nàn về việc nhà máy lọc nước bị hư. Người Nhật liền đớp mồi khi hai ngày sau đánh điện về Tokyo cho biết “AF” đang thiếu hụt nước sinh hoạt.

                Với thông tin kiểm nghiệm này Nimitz quyết định đương đầu trực diện với người Nhật. Họ sẽ nằm phục kích địch, cho dù Nimitz biết rằng mình đang gặp thách thức của hạm đội Yamamoto, cho dù ông chỉ có 8 tuần dương, 17 khu trục và 2 tàu sân bay. Tàu thứ ba, Yorktown, chưa đến Trân Châu Cảng sau khi bị hư hại trong trận Biển San Hô. Việc tu sửa phải mất 90 ngày.

                Nimitz cho gọi gặp hai tư lệnh của ông, Fletcher và Chuẩn  Đô đốc Raymond A. Spruance – thay thế cho Halsey vào phút cuối vì đang mắc bệnh da liễu. Ông ra lệnh họ “hãy giáng cho kẻ thù những tổn thất tối đa bằng cách sử dụng đòn tấn công tiêu hao mạnh mẽ.” Họ phải oanh kích hết lần này đến lần khác từ trên không và “tuân theo nguyên tắc liều lĩnh có tính toán, mà các ông lý giải theo nghĩa là tránh lộ ra lực lượng tấn công của mình trước lực lượng trội hơn của địch mà không có triển vọng chắc chắn sẽ giáng trả, như một chủ đích  của việc lộ ra, những tổn thất lớn hơn cho kẻ thù.”

                Một ngày sau khi bốn tàu sân bay của Nagumo đã rời Biển Inland, Spruance khởi hành ra khỏi Trân Châu Cảng trên tàu sân bay Enterprise, với Hornet, 6 tàu tuần dương và 11 khu trục lập nên hai phần còn lại của Lực lượng Tác chiến 16. Hai ngày sau Fletcher đi sau, với 2 tàu tuần dương và 6 khu trục, trên chiếc Yorktown. Nhờ những nỗ lực gần như siêu phàm của 1,400 công nhân, việc tu sửa tàu sân bai hư hỏng ước tính kéo dài ba tháng đã được hoàn thành trong hai ngày.

                Cùng ngày Yamamoto, theo sau Nagumo 600 dặm, nhận ba thông điệp gây lo lắng. Trước tiên, ông biết rằng việc trinh sát trên không Trân Châu Cảng sẽ bất khả thi; do tình cờ một tàu liên lạc thủy phi cơ của Mỹ đã neo đậu ngay đúng nơi các máy bay trinh sát từ Đảo San hô Kwajalein trong Quần đảo Marshall dự định được tiếp nhiên liệu từ các tàu ngầm. Thứ hai, 7 tàu ngầm được lên kế hoạch thiết lập một tuyến cảnh giới giữa Oahu và Midway và chận đánh các tàu sân bay Mỹ hướng về phía Kido Butai không thể, vì một lý do nào đó, vào vị trí đúng thời gian. * Cuối cùng và bức bối nhất, một tàu ngầm đang tuần tra vùng nước quanh Midway báo cáo là hòn đảo hình như đang trong tình trạng báo động nghiêm nhặt với tuần tra trên không rộn rịp; nhiều cần cẩu xây dựng quan sát được, cho thấy một mức độ phòng thủ tăng cường. Yamamoto chuẩn bị chuyển thông tin này cho người cần thiết đến nó nhất – Nagumo-nhưng sĩ quan hành quân của ông, Đại tá Kuroshima, khăng khăng tiếp tục giữ im sóng truyền tin.   

  • Chuẩn Đô đốc (lúc đó là Đại tá) Keizo Komura, hoa tiêu của tàu sân bay Chikuma ở Midway, tiết lộ vào năm 1967 là những sai sót về in ấn trong các lệnh đã phái những tàu ngầm đến những vị trí sai. Hạm đội Hỗn Hợp cố che dấu sai sót, nhưng Komura biết về việc này ngay sau trận đánh từ một sĩ quan trong ban tham mưu của Yamamoto.

              

 

3.

                Lúc 2:45 A.M. ngày 4 tháng 6, loa phóng thanh của tàu Akagi hét lên và các phi hành đoàn túa ra khỏi các giường ngủ. Trên khắp boong tàu một tinh thần chúc mừng, gần như vui nhộn, như thể trận đánh đã thắng lợi rồi. Mitsuo Fuchida, người đã dẫn đầu cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, tưởng mình sẽ làm giống như vậy tại Midway. Anh đang nằm trên giường bệnh, do bị viêm ruột thừa ngay đêm đầu tiên ra biển. Trong giường bệnh kế bên là bạn anh Minoru Genda. Anh bị cảm sốt và mắt đỏ rừ. Mặc trên người bộ pajama, Genda xông lên đài chỉ huy và xin lỗi Nagumo vì đến quá trễ. Anh bảo đảm với chỉ huy là mình đủ sức chỉ huy và đích thân tấn kích. Vị đô đốc choàng tay qua vai anh một cách tình cảm, và mọi người trên đài chỉ huy phấn chấn khi thấy anh. Ở boong bên dưới phi hành đoàn đang dùng bữa điểm tâm truyền thống phục vụ hàng thập kỷ nay dành cho các chiến sĩ Nhật lên đường ra mặt trận: cơm, súp đậu nành, hạt dẻ khô và sake.

                Bốn tàu sân bay giờ cách Midway 240 dặm về hướng tây bắc, chạy hết tốc độ vào cơn gió mạnh. Genda ra lệnh sẵn sàng cho đợt đầu tiên chống hòn đảo nhỏ. Lúc 4:30 A.M. Kusaka ra lệnh bắt đầu tấn công. Thình lình Fuchida xuất hiện. Anh không thể nằm bên dưới và đã loạng choạng ra khỏi giường bệnh để tiễn người thay thế mình, Trung úy Joichi Tomonaga trên tàu Hiryu, dẫn đầu phi đoàn đột kích. Sĩ quan hàng không vẫy chiếc đèn xách màu xanh lá và phi công chiếc Zero đầu tiên lướt xuống sàn bay chiếu sáng và cất cánh bay vào bầu trời đen nghịt. Cơn gió đưa bản đồng ca những lời hoan hô bay lên boong tàu. 8 chiếc Zero tiếp theo, rồi 18 máy bay ném bom kiểu bổ nhào.

                Trong vòng 15 phút tất cả 4 tàu sân bay đã phóng hết máy bay của mình; 108 chiếc đang bay trên không, nhưng những người bên dưới chỉ có thể nhận ra một chuỗi dài những chấm sáng xanh và đỏ xâu chuỗi về hướng Midway. Cùng lúc đó Genda ra lệnh 7 máy bay thám thính bay rẽ quạt về hướng đông và đông nam để tìm kiếm các tàu sân bay Mỹ. 5 chiếc bay khỏi nhưng một chiếc từ tàu sân bay nặng Tone bị hoãn lại vì trục trặc. Kusaka nghĩ nên phái nhiều máy bay hơn nhưng không nói gì. Đây là xô của Genda (thực tế là về bất kỳ vấn đề gì Nagumo cũng chấp nhận đề nghị của Genda mà không thắc mắc. Thật tế, có người mỉa mai Lực lượng Tấn kích là “Lực lượng Genda”) và không có gì bảo đảm là các tàu sân bay địch ở bất cứ đâu trong khu vực. Họ sẽ chỉ đến được đây từ Trân Châu Cảng 48 giờ nữa, nhưng để phòng họ xuất hiện bất ngờ, Kusaka ra lệnh 36 máy bay trang bị ngư lôi đưa lên sàn bay của tàu Akagi Kaga.

                Không chỉ hạm đội Mỹ ở gần hơn người Nhật nghĩ mà các tàu sân bay của họ sắp sửa bị phát hiện. Lúc 5:25 A.M., một máy bay tìm kiếm Catalina từ Midway, do Trung úy Howard Ady lái, xông ra khỏi đám mây gần Kido Butai và anh trố mắt kinh sợ nhìn hạm đội khủng khiếp bên dưới. Như thể “nhìn một tấm màn kéo lên mở ra xô Trình Diễn Hoành Tráng Nhất

trên Mặt Đất. TÀU SÂN BAY ĐỊCH. Ady đánh điện về. Anh lướt chiếc PBY vụng về phía sau đám mây, và lượn vòng. Anh bay đến tàu của Nagumo từ phía sau và nhận diện được 2 tàu sân bay và 7 tàu chiến.

                Báo cáo của Ady chỉ rõ rằng anh đã tìm được Lực lượng Tấn kích của Nhật nhưng Đô đốc Fletcher quyết định đợi thêm thông tin rõ ràng hơn. Ông đánh điện cho Spruance:

                TIẾN VỀ HƯỚNG TÂY NAM VÀ TẤN CÔNG TÀU SÂN BAY ĐỊCH KHI ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH VI                 CHÍNH XÁC. TÔI SẼ THEO NGAY SAU KHI CÁC MÁY BAY TRỞ LẠI.

                Trên Midway, ra-đa thu được đợt đầu tiên các máy bay Nhật đang đến  khoảng 5:50. Còi báo động không kích rú lên và các phi cơ cất cánh trong hỗn loạn. Trong khi 6 máy bay phóng ngư lôi Avenger của Hải quân và 4 chiếc Marauder của Lục quân, cũng trang bị ngư lôi, bay theo hướng bắc về phía các tàu sân bay địch, 25 phi công chiến đấu cơ thuộc Thủy quân Lục chiến lái những chiếc Brewster Buffalo và Grumman Wildcats cỗ lỗ bay về hướng tây bắc. Trong vòng vài phút họ đã chạm trán với kẻ đột kích. Họ giàn đội hình chiến đấu, nhưng họ có quân số ít hơn và kém tối tân hơn các chiếc Zero. 15 máy bay của Thủy quân Lục chiến bị bắn rơi và các máy bay Nhật thẳng tiến về mục tiêu mà không bị cản trở. Các máy bay ném bom bổ nhào lao thẳng xuống qua màn hỏa lực phòng không dày đặc và bắn nổ tung các tòa nhà, bồn xăng và nhà máy chứa máy bay. John Ford, người đã quay cảnh cất cánh của phi đội Doolittle, đứng trên một nhà máy điện với máy quay phim trên tay. Rồi một tiếng nổ và một mảnh pháo xé toạc vai ông. Ông gượng đứng dậy, nâng máy quay lên mắt và tiếp tục cảnh quay.

                Trong 20 phút người Nhật đã làm chủ tình hình và khi chiếc máy bay cuối cùng trở ra biển, hai hòn đảo của Midway chỉ là một rừng khói lửa. Nhưng Trung úy Tomonaga dừng lại khá lâu để thấy rằng anh đã không thể phá hủy các tiềm năng của Mỹ. Các máy bay địch (đó là những máy bay ném bom bổ nhào) vẫn còn đang cất cánh khỏi các đường băng và hướng về phía Kido Butai. Anh truyền tin lúc 7 A.M.: CẦN PHẢI TẤN CÔNG ĐỢT THỨ HAI.

                Trong hơn một giờ trên kỳ hạm Akagi của Nagumo một không khí kinh hoảng bao trùm. Chiếc Catalina của Ady đã được nhìn thấy và người Nhật đang trông đợi một trận không kích từ Midway. Những tảng mây nặng nề bắt đầu tan dần, làm lộ ra Kido Buitai. Lúc 7:10 một tàu khu trục ở tuyến trước kéo cờ báo hiệu: “Đã nhìn thấy máy bay địch.”

                4 chiếc Marauder và 6 chiếc Avenger từ Midway bay đến mang theo ngư lôi. Các chiến đấu cơ Zero che chắn các tàu sân bay liền bổ nhào và bắn hạ ba chiếc rơi xuống biển. Hỏa lực phòng không từ các tàu khu trục, tuần dương và tàu chiến Kirishima bắn rớt thêm hai chiếc nữa. Nhưng ba tàu tấn công xuyên thủng đủ xa để phóng ngư lôi vào Akagi. Chiếc kỳ hạm xoay người và các ngư lôi lướt qua vô hại. Cuộc đột kích nhắc cho Nagumo nhớ lại lời yêu cầu phát động đợt tấn công thứ hai vào Midway, mà máy bay tại đó đang là mối đe dọa  cho các tàu sân bay của ông lớn hơn là khả năng đụng độ với hạm đội Mỹ.

                Thật ra quyết định đã được tham mưu trưởng của Nagumo thực hiện. Như ở Trân Châu Cảng, Kusaka là chỉ huy thực sự; ông không bao giờ quên hỏi ý Nagumo trước khi hành động, nhưng đến giờ chưa có lệnh nào của ông bị phản bác. Lệnh mới nhất là các máy bay phóng ngư lôi trên Akagi và chiếc tàu em gái, Kaga, phải nạp lại bom, và một cảnh hỗn loạn xảy ra khi các máy bay này được hạ xuống từ sàn bay đến nhà chứa máy bay của chúng. Ngay giữa lúc náo nhiệt này một thông điệp truyền đến vào lúc 7:28 từ một máy bay tìm kiếm của Tone cho biết “10 tàu, rõ ràng là của phe địch” cách Midway 240 dặm về phía bắc. Đài chỉ huy của Akagi sôi động hẳn lên – điều này có nghĩa hạm đội Mỹ đang 200 dặm về hướng đông!

                Lần đầu tiên kể từ vụ Trân Châu Cảng, may mắn đã bỏ rơi người Nhật trong trận chiến. Nếu chiếc máy bay tìm kiếm đã bị hoãn lại 30 phút trên dàn phóng đã cất cánh đúng giờ, nó chắc hẳn đã phát hiện người Mỹ trước khi các máy bay phóng ngư lôi được hạ xuống để nạp bom, và giờ này họ có thể cất cánh về phía Enterprise, Hornet Yorktown. Và sự thể là thời gian sinh tử đã mất trong lúc các phi hành đoàn một lần nữa trải qua công việc gay go là gắn ngư lôi vào máy bay.

                Lúc 7:47 A.M. Kusaka yêu cầu viên phi công chiếc máy bay Tone xác nhận các loại tàu, nhưng trước khi câu trả lời đến, 16 máy bay địch xuất hiện từ xa. Đó là những máy bay ném bom bổ nhào Thủy quân Lục chiến mà, vượt qua các máy bay của Tomonaga, đã rời Midway vài phút sau tiếng còi báo động không kích và hướng về phía các tàu sân bay. Giờ người chỉ huy của họ, Thiếu tá Lofton Henderson, ra lệnh tấn công bằng cách đánh bom kiểu bay lướt, vì các phi công còn non nớt của họ không rành về kỹ thuật đánh bom kiểu bổ nhào. Họ sà xuống Hiryu. Kusaka nhìn thấy tàu sân bay nhẹ bao phủ trong một màn khói và các cột nước bắn lên cao ngất. Các chiếc Zero xoay sở bắn hạ phân nửa số máy bay của Thủy quân nhưng những chiếc còn lại vẫn kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ, bỏ rơi bom và trở về Midway. Hiryu vẫn được vô sự.

                Rồi, vào lúc 8:09, tin tốt đến. Máy bay tìm kiếm của Tone báo cáo là các tàu địch gồm “5 tàu tuần dương và 5 tàu khu trục.” Tuy nhiên, không có thì giờ để ngợi khen; từ trên cao 20,000 bộ 15 Pháo dài Bay đang bỏ bom. Đã rời Midway trước hừng đông để tấn công đoàn tàu vận tải, họ lại tìm thấy tàu sân bay. Các phi hành đoàn B-17 ngắm nhìn các quả bom của mình rơi xuống nhóm tàu sân bay bên dưới đang quay chệch choạc và đánh điện báo tin là đã ném trúng 4 quả; nhưng thật ra họ ném trật cả.

                Kusaka ấn tượng trước sự đa dạng của hình thức tấn công: bằng máy bay phóng ngư lôi, bằng máy bay bổ nhào, ném bom kiểu bay lướt và máy bay ném bom nằm ngang. Người Mỹ chẳng khác Hiru-Daikokuten, quái vật ba đầu sáu tay trong thần thoại. Trong 10 phút ông biết mối đe dọa khác còn nguy hiểm hơn. Máy bay Tone đã điện về cho biết:

                      LỰC LƯỢNG ĐỊCH THÁP TÙNG VỚI TÀU CÓ VẺ NHƯ LÀ MỘT TÀU SÂN BAY DỪNG LẠI     PHÍA SAU

                Kusaka tin vào báo cáo; ban tham mưu của ông thì không. Nếu có tàu sân bay trong khu vực, tại sao nó đã không phát động một cuộc tấn công? Ngoài ra, ba đợt không kích vô hiệu từ Midway đã chứng tỏ địch không đáng sợ.

                Lúc 8:30 A.M., ngay khi chiếc máy bay đầu tiên của Tomonaga bắt đầu trở về từ Midway, chiếc máy bay Tone còn gởi thêm một báo cáo khác: 2 tàu địch, chắc hẳn là tuần dương. Rõ ràng là lực lượng Mỹ quá lớn nên ắt hẳn phải có ít nhất một tàu sân bay. Kusaka muốn tấn công nhưng kẹt trong một tình thế khó xử. Các chiến đấu cơ đang vần vũ bên trên tàu sân bay dùng để đánh chận các kẻ tấn công đang cạn nhiên liệu. Còn các máy bay của Tomonaga thì sao? Nếu họ không thu hồi lại được, như vậy là có nhiều phi công xuất sắc của Hải quân đã mất và các chiến dịch tương lai sẽ gặp nguy cơ.

                Ông quay sang Nagumo và đề nghị họ hoãn lại trận tấn kích, rồi hỏi ý kiến của Genda. Genda lo lắng nhìn các toán máy bay Tomonaga đang bay lượn trên các tàu sân bay của họ, nhiều chiếc chỉ còn vài lít nhiên liệu trong bình. “Tôi tính rằng tất cả máy bay của chúng ta trước tiên nên đáp xuống và tiếp nhiên liệu,” ông nói.

                Các máy bay trên boong tàu Akagi Kaga một lần nữa lại được hạ xuống, lần này để chừa chỗ trống cho các chiến đấu cơ và các máy bay đi không kích Midway đã đuối sức. Lúc đó là 9:18 A.M.  là giờ chiếc máy bay cuối cùng được thu hồi. Rồi Kido Butai tăng tốc lên 30 hải lý và quay gắt từ đông nam sang bắc-đông bắc để hướng đến vị trí của hạm đội Mỹ.

                Các phi hành đoàn làm việc cật lực trên cả 4 tàu sân bay để chuẩn bị cho 36 máy bay ném bom bổ nhào, 54 máy bay phóng ngư lôi và các chiến đấu cơ hộ tống cuộc tấn công. Trận Đánh Quyết Định ở Thái Bình Dương mà họ từng mơ ước đang cận kề.

 

4.

                Fletcher đã ra lệnh Lực lượng Tác chiến 16 tấn công các tàu sân bay địch ngay khi định vị được chúng rõ rằng. Spruance đã lên kế hoạch hoãn lại cuộc tấn kích cho đến khi Enterprise Hornet cách mục tiêu 100 dặm, nhưng báo cáo về trận không kích vào Midway đã gây cảm hứng cho tham mưu trưởng của ông, Đại tá Miles Browning, thúc giục một trận tấn công sớm-nó có thể chụp người Nhật ngay khi họ đang tiếp nhiên liệu cho máy bay của họ.

                Spruance là một tư lệnh có đầu óc, thận trọng chỉ gây hấn khi ông ta nghĩ là đáng để liều. Ông là phản đề của người mà ông đã thay thế – ngài Halsey bốc đồng và hùng hỗ- và tránh né bất kỳ sự khoa trương nào. Thậm chí trên Enterprise ông là một con người bí ẩn, trầm lặng, cô độc bước tới lui boong tàu không ngừng để tập thể dục và bỏ ra hàng giờ nhốt mình trong cabin để nghiên cứu các họa đồ.

                Khoảng cách gánh thêm làm tăng độ rủi ro thường sẽ không được chấp nhận, nhưng khả năng đánh bất ngờ vào người Nhật khi họ chưa kịp phòng vệ đã thắng nguy cơ. Quyết định quan trọng đầu tiên của ông là nghe theo lời của Browning. Quyết định thứ hai, cũng quan trọng không kém, là ra lệnh cho mọi máy bay hoạt động được, trừ các máy bay tuần tra, phải tham gia tấn công. 67 máy bay ném bom bổ nhào, 20 chiến đấu cơ và 29 máy bay phóng ngư lôi bắt đầu rời 2 tàu sân bay của ông lúc 7:02 A.M. Họ chỉ có vừa đủ nhiên liệu để trở về nhà. Không có thời gian cho sự thận trọng.

                Fletcher, phía sau Spruance khoảng 15 dặm, không bắt đầu tiến hành tấn công từ tàu sân bay độc nhất của mình trong một giờ rưỡi, và vào lúc 9:06 A.M. 17 máy bay ném bom bổ nhào, 6 chiến đấu cơ và 12 máy bay phóng ngư lôi đã rời sàn bay của Yotktown.

                12 phút sau Nagumo quay đột ngột về hướng bắc-đông bắc. Trong khi cố ý tránh một cuộc không kích khác từ Midway, ông đã tình cờ  quay đi khỏi 151 máy bay từ tàu sân bay Mỹ đang cố tìm kiếm mình.

                Vài phút sau khi quay đi, các máy bay ném bom bổ nhào và chiến đấu cơ từ Hornet đến được điểm dự trù nơi họ phải chận đánh các tàu sân bay Nhật. Người chỉ huy, Trung tá Stanhope Ring, trong thấy những đám mây ở bên phải mình (Nagumo ở phía sau các đám mây) và quẹo theo hướng đông nam về phía Midway – đi xa khỏi Kido Butai.

                Nhưng ba nhóm các máy bay phóng ngư lôi nặng nề – mỗi nhóm từ một tàu sân bay – hầu như trực tiếp ngay phía trên mục tiêu. Nhóm thứ nhất là 15 chiếc Douglas Devastator không được hộ tống từ Hornet. Chỉ huy của nhóm, Thiếu tá John Waldron, đã không bay theo các máy bay ném bom bổ nhào đến Midway; ông có linh tính người Nhật sẽ quay về hướng đông. Waldron người cằm vuông, mặt chằn chịt nếp nhăn, có mang dòng máu người Da đỏ Sioux. Đêm hôm trước ông đã viết cho vợ mình: “Nếu anh không trở về – vâng, em và các con nên biết là phi đội này đã đánh sập mục tiêu cao nhất trong trận hải chiến – ‘Đánh Chìm Kẻ Thù.’” Ở cuối thông điệp ông viết: “Nếu chỉ có một máy bay còn lại để xông vào lần cuối cùng, anh muốn người đó hãy xông vào và bị bắn.”

                Ông quay về hướng đông và trong một vài phút không thấy gì. Rồi ở đàng xa, cách đó 8 dặm, ông nhận ra 4 tàu sân bay trong một đội hình như chiếc hộp. 25 hay 30 chiếc zero bắt đầu bổ nhào vào các Devastator, pháo của chúng khai hỏa. Waldron phớt lờ. Ông lắc lư cánh và nghiêng xuống một tàu sân bay với tốc độ tối đa, đồng đội bay sát phía sau. Một chiếc lộn nhào như một con chim bị thợ săn bắn hạ.

                “Đó có phải là chiếc Zero không?” Waldron hỏi to át tiếng tách tạch của hỏa lực súng máy ở ghế sau. Xạ thủ kiêm truyền tin của ông, Horace Dobbs, không nghe ông hỏi. Đó là chiếc Devastator. Một chiếc khác rơi bổ xuống. Nhưng Waldron vẫn lao xuống. Khi các kẻ tấn công tiến gần đến tàu sân bay họ đương đầu với một bức tường các chùm khói đen và đường đạn lửa chỉ đường bắn trông như vô hại. Một chiếc Devastator khác lao tòm xuống biển. Bình xăng bên trái của Waldron bốc lửa. Thiếu úy George “Tex” Gay, đang bay ở cuối đội hình, nhìn thấy ông đứng lên và cố leo ra khỏi buồng lái khi chiếc máy bay bốc lửa đang lướt trên mặt nước. Ngay lập tức một con sóng chụp lấy càng đáp. Đó là hồi kết của Waldron và Dobbs.

                Thêm một máy bay phóng ngư lôi khác xoay như pháo hoa xuống biển – rồi một chiếc khác – Giờ chỉ còn lại Gay và hai chiếc khác. Hai cú nổ nữa. Chỉ còn lại Gay. Anh nhớ lời chỉ thị của Waldron về chiếc máy bay cuối cùng “hãy xông vào và bị bắn.” 

                “Tôi dính rồi.” Đó là người truyền tin của anh, Bob Huntington. Gay quay lại và thấy Huntington ngoẹo đầu. Một viên đạn đã ghim vào cánh tay phải của Gay. Chiếc tàu sân bay đang ở trước mắt anh. Nó quay sang phải và anh cũng quành sang phải. Anh bỏ một ngư lôi mỏm trắng và thi triển một cú lật, lướt qua cách mũi tàu sân bay chỉ 10 bộ. Khi anh bắt đầu bay vút lên, các chiếc Zero bắn anh lỗ chỗ. Chiếc Devastator của anh rơi thẳng xuống biển. Anh kéo nắp buồng lái. Nắp kẹt cứng. Anh giật mạnh. Không tác dụng. Máy bay nhanh chóng ngập nước. Anh lại giật mạnh. Nắp buồng lái mở ra và anh lăn ra khỏi buồng lái. Khi anh trồi lên mặt nước anh nghĩ mình nghe một tiếng nổ – chắc ngư lôi của mình đã trúng đích. Nhưng như tất cả những ngư lôi khác, ngư lôi này cũng bắn trật và đi tuốt qua tàu sân bay một cách vô hại.

                Trong vài phút, các máy bay phóng ngư lôi từ Enterprise Yorktown cũng tìm thấy Nagumo. 14 chiếc Douglas Devastator từ tàu sân bay thứ nhất tấn công mà không có máy bay hộ tống. 10 chiếc bị bắn rơi; 4 chiếc xoay sở phóng được ngư lôi. Rồi 12 máy bay phóng ngư lôi từ Yorktown xuất hiện. Sáu chiến đấu cơ hộ tống của chúng bị các máy bay đánh chặn            Nhật bu lấy, nhưng 5 ngư lôi được phóng đi.

                Một máy bay Mỹ hướng thẳng đến đài chỉ huy của tàu Akagi. Kusaka gập đầu xuống khi chiếc máy bay Devastator gầm thét bay vụt qua cách đầu ông chỉ vài bộ và lao vút xuống biển. Kusaka chấn động khi nhận ra rằng các chiến binh Mỹ cũng quyết tâm như bất kỳ một samourai nào. Ông thầm cầu nguyện cho người phi công.

                Tổng kết, 9 ngư lôi được phóng đi nhưng không có cái nào ghi điểm. Tất cả lực lượng tấn kích còn lại của Mỹ chỉ là những máy bay ném bom bổ nhào và có vẻ như là họ thậm chí không tìm thấy người Nhật; những chiếc từ Hornet đã đi tiếp về hướng Midway, và 17 chiếc từ Yorktown, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Maxwell Leslie, cách mục tiêu nhiều dặm về phía đông nam.

                37 máy bay ném bom bổ nhào khác – được dẫn dắt bởi Trung tá Clarence W. McClusky, cất cánh từ Enterprise hơn một giờ trước Leslie. Mc Clusky, như những người khác trước ông, đã mất dấu Lực lượng Tấn kích của Nagumo và đi tiếp về hướng Midway, nhưng không tìm thấy gì hết, nên quay trở về hướng bắc.

                Lúc 9:55 A.M. ông trông thấy làn nước rẻ trắng xóa phía sau chiếc khu trục Nhật đang chạy thẳng về hướng đông bắc. Ông hi vọng nó đang tập họp với tàu sân bay nên chạy theo. Ông nghe tiếng Đại tá Browning hét lên một cách phấn khích trong máy bộ đàm, “Tấn công! Tấn công!”

                “Vâng lệnh,” McClusky trả lời, “ngay khi tôi tìm thấy bọn khốn kiếp đó.” Ông tiếp tục  giữ lộ trình trong 20 phút nữa, vẫn không tìm thấy gì. Nhiên liệu đang cạn dần đến mức nguy hiểm nhưng ông vẫn quyết định tiếp tục bay thêm vài phút nữa. Lúc đó là 10:20 A.M.

                Cuối cùng tất cả máy bay phóng ngư lôi Nhật đã trở lại trên sàn bay, cùng với các máy bay hộ tống đã tiếp nhiên liệu. Bốn tàu sân bay quay theo chiều gió chuẩn bị cho máy bay lên. Trong vòng 15 phút nữa toàn bộ máy bay sẽ ở trên không.

                Ngay lúc đó 37 máy bay ném bom bổ nhào Douglas Dauntless của McClusk xuất hiện từ hướng tây nam. Ngoài phi đội của mình, Mc clusky chỉ huy các phi đội của Đại úy Wilmer Earl Gallaher và Richard H. Best. Hai tàu sân bay đang quay theo hướng gió để phóng máy bay và ông ra lệnh Best tấn công con tàu nhỏ hơn – đó là Akagi.

                “Earl,” ông bảo Gallaher, “anh theo tôi đi xuống.” Họ chúc mũi về hướng tàu Kaga.

                Gallaher nhắm hình Mặt Trời Mọc khổng lồ, khoảng 50 bộ bề rộng, sơn màu đỏ như máu trên sàn bay. Từ cái ngày ông nhìn thấy Arizona nằm bẹp dúm và ngún khói trong Trân Châu Cảng ông đã thề là sẽ bắn hạ một tàu sân bay địch. Khoảng 1800 bộ ông bỏ bom, rồi bay vút lên thẳng đứng và quay ngoắt chiếc Dauntless. Ông quan sát quả bom mình – một điều mà ông thường dặn các phi công của ông không được làm – đang lao xuống càng lúc càng gần mục tiêu. Nó phát nổ trên phần sau của sàn bay, và anh hoan hỉ reo lên, Arizona, anh nhớ em!

                Các thủy thủ đoàn tàu Kaga ngước nhìn lên và giật mình khi những chiếc Dauntless bắt đầu phóng xuống từ mặt trời. Bom rơi xuống biển ở cả hai bên tàu. Kaga  không thể bị trúng bom; nó đã được bùa hộ mệnh. Thế rồi liên tiếp nhanh chóng bốn quả bom va đập vào phần sau, phần trước và phần giữa của sàn bay. Kaga bốc lửa dữ dội.

                Trên chiếc kỳ hạm, Kusaka đứng chết trân nhìn số phận của Kaga đến nỗi quên không chú ý đến những máy bay ném bom bổ nhào đang tiến về phía tàu mình. Ông nghe tiếng rít kỳ quái và nhìn lên. Ba quả bom, rơi quá gần và thẳng đến nỗi chúng hình như nối với nhau bằng một sợi dây, đang tiến về phía ông. Tất cả ba đều đánh trúng hàng máy bay đang chờ cất cánh, và bùng lên ba tiếng nổ long trời hòa làm một. Con tàu rúng động như trong một cơn động đất. Cầu thang ở giữa tàu cong queo một cách kỳ cục. Các máy bay bị hất tung và bốc cháy. Các bom và ngư lôi trên máy bay bắt đầu phát nổ từng hồi một, quét tan các đội cứu hỏa. Đám cháy lan đến kho nhiên liệu và đạn dược được chất đống bất cẩn trên boong. Đài chỉ huy rung lắc như một cái nhà cây trong cơn bão.

                Akagi vô phương cứu chữa. Lửa liếm kính cửa sổ của đài chỉ huy. Át cả tiếng ồn Kusaka la lên với Nagumo, “Chúng ta phải chuyển sang tàu khác!” Nagamo từ chối. Kusaka nói tàu không thể điều khiển được nữa và không thể liên lạc.

                Nagumo vẫn khăng khăng, “Chúng ta không sao mà,” hết lần này đến lần khác.

                Hàng ngàn ga lông xăng đang bốc háy đổ như thác xuống các boong bên dưới và các ngư lôi cất trong các nhà kho bắt đầu phát nổ. Từng luồng lửa thổi qua sườn tàu như những ngọn đuốc khổng lồ. Nagumo vẫn từ chối rời vị trí chỉ huy của mình. Đại tá Taijiro Aoki, hoa tiêu của tàu sân bay, la lên tự cho mình là người chịu trách nhiệm duy nhất cho con tàu. “Ngài và ban tham mưu không làm gì được, xin làm ơn chuyển sang tàu khác!”

                Nagumo phớt lờ ông ta. Kusaka bắt đầu quở trách vị chỉ huy của mình; ông là người chỉ huy toàn bộ Lực lượng Tấn kích, chứ không chỉ là thuyền trưởng của một con tàu duy nhất. Cuối cùng Nagumo gật đầu nhưng hình như đã quá trễ. Đài chỉ huy gần như bao bọc trong ngọn lửa. “Đập vỡ cửa sổ!” Kuasaka quát lên cho viên thư ký trẻ tuổi. Cửa kính vỡ tung. Hai dây thừng dài 45 bộ được hạ xuống boong tàu. Kusaka đẩy Nagumo ra ngoài trước tiên và vị đô đốc thấp bé nhanh nhẹn trèo xuống. Kusaka to xác đi tiếp theo, nhưng ông không thể kiểm soát việc leo xuống của mình. Sợi dây thừng cháy vào tay ông khiến ông rơi xuống boong, ngã lổng chổng. Giày trái rơi đâu mất, bàn tay phỏng rộp và cả hai hông bầm dập nhưng ông không thấy đau. Ông tìm kiếm một con đường xuyên qua đám lửa. Đạn súng máy, phát nổ do hơi nóng, bắn thia lia khắp tàu sân bay. Ở đằng xa ông nghe những tiếng giục của ban tham mưu và ông nhảy lò cò qua sàn boong nóng bỏng qua đám lửa để đến nơi phát ra tiếng nói.

                Một lúc sau McClusky phát hiện ra Kido Butai, và Leslie cũng vậy. Ông đã nhận thấy khói bốc lên từ chân trời nên quay về hướng tây bắc. Qua đám mây ông trông thấy tàu Hiryu Soryu. Ông vỗ vào đầu mình ra hiệu và đẩy tốc độ bổ nhào xuống con tàu Soryu.

                Trong vòng nửa giờ Soryu chìm trong biển lửa. Lúc 10:45 A.M. người hoa tiêu, Đại tá Ryusaku Yanagimoto, ra lệnh bỏ tàu nhưng tự mình không chịu rời tàu. Một nhà vô địch đô vật của Hải quân, Thượng sĩ Abe, leo lên đài chỉ huy. “Tôi đến vì lợi ích của tất cả các anh để đưa các anh đến nơi an toàn,” anh nói. Đại tá quay đi. Thanh kiếm trong tay, ông bắt đầu hát “Kimigayo,” bài quốc ca.

                Trong một vài phút, 54 máy bay Mỹ đã phá hủy ba tàu sân bay. Chỉ có Hiryu còn lại. Cơ hội cuối cùng cho thắng lợi phụ thuộc vào Chuẩn Đô đốc Tamon Yamaguchi, người của Princeton mà không lâu trước đây đã vật lộn với Nagumo. Lúc 10:40 A.M. 6 chiến đấu cơ và 18 máy bay ném bom bổ nhào đã rời tàu Hiryu để tìm kiếm tàu sân bay địch. Họ có thể đã không tìm ra nếu không có sự dẫn dắt bất cẩn của các máy bay ném bom của Leslie khi chúng bay đến kỳ hạm của Fletcher. Các chiến đấu cơ của Yorktown xé toạc đội hình tấn công của Nhật, nhưng nửa chục xoay sở thoát được và bỏ bom. Ba quả bom lao vào tàu sân bay, trên mình còn vết tích những thương tổn từ Trận Biển San hô. Hai lò hơi bị đánh sập, khiến con tàu đang cháy phải đứng sững lúc 12:30 P.M. Trong vòng 1 giờ, tuy nhiên, các đội cứu hỏa đã khống chế được ngọn lửa và vực dậy con tàu lên đường. Nhưng ngay lúc ấy một đợt tấn công khác từ Hiryu đang cách đó 40 dặm. 10 máy bay phóng ngư lôi Nakajima xông đến Yorktown. Trong khi 6 chiến đấu cơ hộ tống của chúng giao chiến với các máy bay đánh chặn của tàu sân bay, các chiếc Nakajima lẻn qua được hàng phòng thủ của chiến đấu cơ, và mặc dù hỏa lực phòng không dày đặc vẫn phóng được 2 ngư lôi vào Yorktown. Tổn thất thật nghiêm trọng và con tàu nghiêng sâu lúc 3 P.M. đến nỗi Đại tá Elliott Buckmaster ra lệnh Bỏ Tàu.

                Như vậy chỉ còn 2 tàu sân bay Mỹ, cả hai dưới quyền chỉ huy của Spruance. Lúc 3:30 P.M. ông ra lệnh các máy bay ném bom bổ nhào tiến hành đợt tấn kích thứ hai. Dưới quyền chỉ huy của Đại úy Gallaher – McClusky đã bị trúng thương – 24 máy bay ném bom bổ nhào không được hộ tống hướng đến Hiryu. Spruance điện cho Fletcher, đã chuyển sang tàu tuần dương Astoria, để xin chỉ thị mới. Câu trả lời là: “Không có.” Từ giờ trở đi trận đánh ở trong tay của Spruance.

 

5.

                Trên tàu Yamato, Yamamoto vẫn còn cách đó 400 dặm về phía tây khi ông nhận được tin lúc 10:30 A.M. rằng Akagi đã bốc cháy. Ông không có vẻ gì băn khoăn trước tin xấu ấy. 20 phút sau phòng truyền tin gởi đến ông một báo cáo đầy đủ của Nagamo:

                LỬA LAN TRÀN TRÊN TÀU KAGA, SORYU VÀ AKAGI DO CÁC TÀU SÂN BAY ĐỊCH VÀ           MÁY BAY CÓ CĂN CỨ TRÊN ĐẤT LIỀN TẤN CÔNG, CHÚNG TÔI DỰ TÍNH SẼ CHO HIRYU            GIAO CHIẾN VỚI CÁC TÀU SÂN BAY ĐỊCH. CHÚNG TÔI TẠM THỜI RÚT LUI VỀ HƯỚNG             BẮC ĐỂ TẬP HỌP LẠI LỰC LƯỢNG.

                Yamamoto hình như vẫn không bấn loạn. Như thể không có gì xảy ra, ông bắt đầu một ván cờ với Watanabe. Tin tức mới gợi ra một lời thốt lập lờ “Thế à.” Cuối cùng, 90 phút sau khi nhận được báo cáo đầu tiên, ông ra lệnh các tàu vận tải sử dụng cho việc xâm chiếm rút về, và hai tàu sân bay nhẹ đã từng tiến hành việc đánh bom nghi binh trên Cảng Hà Lan ngày hôm trước hướng về Midway yễm trợ Nagumo. Còn Chủ lực hùng hậu của ông tiếp tục chạy hết tốc lực về hướng đông trong khi Phó Đô đốc Kondo, người đang bảo vệ đoàn vận tải, mang hạm đội hùng hậu của ông, kể cả tàu sân bay Zuiho, tiến lên về phía nam. Từ ba hướng các lực lượng kinh khủng mới đang hội tụ về Midway. Trận Đánh Quyết Định còn phải giao chiến.

                Các thủy thủ đoàn sống sót trở về tàu Hiryu từ cuộc tấn công lần hai vào tàu Yorktown báo cáo là họ đã phá hủy hai tàu sân bay, và Yamaguchi ra lệnh giáng trả lần thứ ba. Nhưng trước khi máy bay đầu tiên có thể lăn bánh vào vị trí, một quan sát viên hô lớn, “Máy bay ném bom địch!” Về hướng tây nam một hàng các máy bay trườn ra từ vầng thái dương đang lặn như một con rắn. Thật là khủng khiếp. Thủy thủ đoàn ngước nhìn vô vọng khi 24 máy bay ném bom bổ nhào của Gallaher sà xuống. Bốn quả bom phá sập quanh đài chỉ huy. Lửa bốc lan nhanh chóng từ máy bay này đến máy bay khác cho đến khi sàn bay chẳng mấy chốc trở thành hỏa ngục lửa.

                “Xem tên khốn kiếp đó bốc cháy kìa!” Gallaher lẩm bẩm trong máy truyền tin.

                Nagumo và Kusaka leo lên một kỳ hạm mới, tàu tuần dương nhẹ Nagara. Với tất cả 4 tàu tuần dương bốc cháy và không hoạt động được, Kusaka vẫn còn muốn tấn công. Ông không thể đi được vì cổ chân bị thương nên ra lệnh cho một thủ thủy cõng ông lên đài chỉ huy. Ông thúc giục Nagumo tiến hành một cuộc tấn công ban đêm với tàu khu trục, tuần dương và tàu chiến.

                Đây là sở trường của Nagumo – đánh ban ngày. “Và bây giờ là lối đánh của tôi,” ông nói. Tàn tích còn lại của Kido Butai từng có lần hùng mạnh bắt đầu rình đánh người Mỹ.

                Spruance đã đoán được ý định của người Nhật, và mặc dù là người thận trọng, ông cũng bị cám dỗ chấp nhận thách đố, nhưng rồi nhớ lời dặn dò về “việc liều lĩnh có tính toán” của Nimitz. Lần này mức độ liều lĩnh quá lớn. Các chỉ huy Nhật chắc hẳn đang ngữa hết tay bài, và các thủy thủ đoàn của họ được huấn luyện cách đánh đêm rất kỹ. Spruance quay trở lại về hướng đông.

                Vùng biển tây bắc của Midway là một nghĩa địa bốc cháy. Soryu lật nghiêng. Trên các tàu khu trục gần đó các thủy thủ sống sót đau lòng nhìn con tàu sân bay mất hút lúc 7:13 P.M. sau một tiếng rít phẫn nộ khi nước bao bọc ngọn lửa. Cùng với nó là 718 người bị mắc kẹt hoặc chết và người đã cột dây trói mình với đài chỉ huy, Đại tá Yanagimoto. Một tiếng nổ ngầm dưới nước câm lặng chấn động các con tàu chung quanh. 40 dặm về phía nam tàu Kaga, một biển lửa, bị tra tấn bởi hai vụ nổ. Trong vài phút con tàu sân bay bầm dập cùng 800 thủy thủ bị biển cả nuốt chững.

                Nagumo săn tìm biển đen trong vài giờ nhưng không định vị được kẻ thù. Rõ ràng là họ không muốn đánh đêm. Ông triệu tập ban tham mưu và ra lệnh rút lui toàn bộ về hướng tây bắc. Đại tá Oishi, người giúp lên kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng, đang trong tâm trạng sắp sửa điên cuồng. Ông tìm kiếm Kusaka trong phòng y tế của sĩ quan. “Chúng ta khơi mào chiến tranh và chúng ta chịu trách nhiệm cho thảm họa này,” ông nói. “tất cả chúng ta phải hành xử hara-kiri!” Ông nói thêm là toàn bộ ban tham mưu đã đồng ý với ông và ông muốn Kusaka bảo cho Nagumo việc đó.

                “Bakayaro! [Đồ ngốc!]Kusaka nói. Hãy tập họp tất cả những thằng ngốc khác trong phòng tham mưu.” Ông được mang xuống hành lang trong y phục bệnh viện trắng toát để đối mặt với ban tham mưu. “Các cậu hoan hô khi trận đánh thành công. Khi nó thất bại, các cậu đe dọa hara-kiri. Các cậu xử sự như những mụ điên.” Họ đang đối mặt với một cuộc chiến lâu dài và ông ngăn cấm “những hành động phi lý như vậy.”

                Kusaka được chuyển đến cabin của Nagumo. “Ngài cũng dự tính tự sát đấy phải không?” ông hỏi và bắt đầu giảng cho vị đô đốc nghe về nghĩa vụ của ông ta đối với Thiên hoàng và quốc gia. Nagumo nhận rằng mình có thể nhìn rõ vấn đề nhưng cật vấn cách thức vận dụng nó vào “cương vị người chỉ huy của một hạm đội.” Kusaka phản ứng quá sôi nổi đến nỗi Nagumo dịu lại và cam đoan là mình sẽ không làm gì nông nổi.

                Trên tàu Yamato, ban tham mưu của Yamamoto đang tìm kiếm một cách vô vọng cách thức gán cho kẻ địch những tổn thất nghiêm trọng để bù lại việc để mất 4 tàu sân bay. Spruance đã không mắc bẫy và những mưu tính thiếu thực tế nhất được xem xét. Đại tá Kuroshima, chẳng hạn, đề nghị họ pháo kích Midway với tất cả tàu chiến.

                Tham mưu trưởng Ugaki lạnh lùng nhận xét rằng việc này là “hành động ngu xuẩn.” Các tàu chiến sẽ bị đánh chìm bởi các cuộc đột kích từ trên không và từ tàu ngầm trước khi có thể tiến sát mục tiêu để sử dụng hỏa lực. Hơn nữa, một cuộc không kích khác nên hoãn lại cho đến khi lực lượng Aleutian hợp sức với họ. “Nhưng cho dù nếu việc đó cho thấy là không thể và chúng ta phải chấp nhận thảm bại, chúng ta vẫn chưa thua trận. Vẫn còn đến 8 tàu sân bay trong Hạm đội Hỗn Hợp. Chúng ta không được mất tinh thần. Trong chiến đấu cũng như trong cờ tướng, chỉ có thằng điên mới tự đưa mình vào thế đi quân bừa bãi chỉ vì vô vọng.”

                “Làm thế nào để tạ tội với Thiên hoàng về thảm bại này?” một sĩ quan tham mưu hỏi.

                Yamamoto tự nảy giờ lắng nghe trong im lặng. “Tôi là người duy nhất phải tạ tội với Thiên hoàng,” ông nói và chỉ thị cho Watanabe gởi những lệnh cho Kondo và Nagumo rút quân. Nghẹn ngào vì xúc động, Watanabe ngồi xuống viết ra những mệnh lệnh không như ý và xoay sở để soạn thảo lệnh mà không sử dụng từ “rút lui.”

                Những tàn tích của Kido Butai bắt đầu quay về, nhưng những đám lửa trên cả hai tàu Hiryu Akagi vẫn gào thét không kiểm soát nổi. Thuyền trưởng chiếc Akagi xin phép được đánh đắm nó. Ý tưởng này gần như không ai trong ban tham mưu có thể nghĩ đến. Ugaki gọi họ là những “mụ già,” nhưng Kuroshima lập luận rằng người Mỹ sẽ chiếm tàu và “đem triển lảm nó ở San Francisco như một bảo tàng.” Đôi mắt của Yamamoto long lanh ngấn lệ. Những năm trước đây, ông đã là hoa tiêu của tàu sân bay đó. Ông nói đều đều, “Cho tàu khu trục bắn chìm Akagi.

                Ngài Ukagi thực tiễn bỏ đi và viết trong nhật ký: “Tình cảm không được lẫn lộn với lý trí.” Ông quan ngại hơn với sự kiện là kẻ địch phần nào đã được cảnh báo trước về chiến dịch Midway. Có lẽ có một tàu ngầm Mỹ đã phát hiện Nagumo đang trên đường hoặc một tàu Nga đã trông thấy lực lượng Aleutian. Hoặc việc đó hoặc mật mã hạm đội đã bị bẻ khóa.

                Hoa tiêu tàu Hiryu, Đại tá Tomeo Kaku, không phải đánh điện cho Hạm đội Hỗn Hợp để xin phép đánh đắm tàu. Đô đốc Yamaguchi, người đã chỉ huy 2 tàu sân bay nhẹ từ Hiryu, nhận lãnh trách nhiệm và ra lệnh cho tàu khu trục Kazagumo đánh chìm con tàu đang bốc cháy. Lúc 2:30 A.M., ngày 5/6, Yamaguchi triệu tập thủy thủ đoàn trên boong và bảo với 800 người sống sót là ông một mình chịu trách nhiệm cho sự mất mát của cả hai tàu Hiryu Soryu. “Tôi sẽ ở lại trên boong đến phút cuối cùng. Tôi ra lệnh cho tất cả các bạn rời khỏi tàu và tiếp tục nghĩa vụ trung thành với Hoàng thượng.” Tất cả quay mặt về hướng Hoàng cung. Vị đô đốc cùng họ hô lên ba lần chúc tụng Thiên hoàng.

                Yamaguchi trao cho sĩ quan tham mưu lớn tuổi nhất, Trung tá Seiroku Ito, thông điệp cuối cùng của mình. Thông điệp gởi đến Nagumo, đối thủ vật lộn với mình, lời kêu gọi điển hình cho “một Hải quân Nhật hùng mạnh hơn – và hãy trả thù.” Ban tham mưu uống mừng bằng nước lạnh trong im lặng. Yamaguchi trao cho Ito chiếc nón kết đen của mình và nhờ ông gởi lại cho bà Yamaguchi. Rồi ông quay sang Đại tá Kaku, người sẽ chia sẻ số mệnh của mình, và nói, “Đêm nay có trăng sáng. Chúng ta hãy đi ngắm nó khi chìm xuống.”

                Thậm chí hạm đội của Đô đốc Kondo cũng không thoát khỏi được lành lặn. Hai tàu tuần dương nặng, Mogami Mikuma, nạn nhân của vụ và chạm ban đêm, lẹt đẹt chạy phía sau rất xa các lực lượng đang rút lui đến nỗi máy bay của Spruance có thể bắt kịp được chúng vào sớm ngày 6/6. Mikuma bị đánh chìm, còn Mogami, mặc dù bị trúng đạn 6 lần, vẫn lết trốn được bình yên.

                Thắng lợi thực sự duy nhất mà người Nhật gặt hái được đến quá trễ hên không ảnh hưởng gì đến trận đánh. Cùng ngày đó Thiếu tá Yahachi Tanabe phát hiện tàu Yorktown hư hỏng từ đài chỉ huy của I-168. Chiếc tàu ngầm lướt bên dưới vành đai bảo vệ của các tàu khu trục và phóng 2 quả ngư lôi vào tàu sân bay và một quả vào tàu khu trục Hammann. Tàu khu trục chìm xuống sau bốn phút, còn Yorktown, cựu binh của hai trận đánh tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử, vẫn chưa chịu chết. Ngày hôm sau vào lúc bình minh nó mới chìm xuống với tất cả cờ trận còn bay phấp phới.

                Đó là một đền bù nhỏ cho 4 tàu sân bay bị tổn thất và đóa hoa của lực lượng hải quân Nhật. Một trong những trận hải chiến vĩ đại nhất của mọi thời đã cuối cùng khép lại và Mỹ đã giành lại quyền kiểm soát Thái Bình Dương. Kết quả đã được ấn định bởi tính quá tự tin của người Nhật, mật mã hạm đội Nhật bị bẻ khóa, và quyết tâm của những người như Waldron, McClusky và Gallaher. Trong trận đánh nào cũng có yếu tố may mắn. Ở Midway yếu tố này chống lại người Nhật; sự đình hoãn nửa giờ của máy bay tìm kiếm Tone đưa đến thảm họa. Trong chiến tranh có thời điểm dành cho sự thận trọng, có thời điểm dành cho sự táo bạo. Yamamoto thai nghén chiến dịch Midway quá bất cẩn và các tư lệnh của ông ta lại thi triển nó quá thận trọng. Ngược lại, Spruance táo bạo đúng lúc – bằng cách tấn công sớm và với tất cả máy bay có được – và thận trọng khi cần phải – bằng cách từ chối thách thức giao chiến về đêm của Nagumo. Tuy nhiên Spruance sẽ không có được cơ hội của mình nếu không có sự khôn ngoan của một người cách chiến trường ngoài ngàn dặm; Chester Nimitz đã làm mọi quyết định đúng đắn trước khi phát súng đầu tiên được bắn ra.

                “Hải quân đã phạm một sai lầm nghiêm trọng,” Tướng Moritake Tanabe thì thầm với Tojo tại một buổi chiêu đãi các nhân viên sứ quán Đức và Ý.

                “Ở Midway phải không?” Tojo gạn hỏi, môi mím chặt.

                “Vâng, họ đã đánh mất 4 tàu sân bay.”

                Tojo không thể không nhận xét là Hải quân đã tiến hành chiến dịch không nghe lời khuyên của Lục quân, rồi nói, “Tin tức không nên để lọt ra ngoài. Hãy giữ kín nó trong vòng bí mật hoàn toàn.”

                Ngày hôm sau Tojo báo cáo đến Thiên hoàng nhưng không nói một lời nào về Midway. Sau đó tại một phiên họp hạn chế của Bộ Tư lệnh Hoàng gia Thủ tướng chỉ đạo nên chú ý đánh lạc hướng dư luận về sự thảm bại của Hải quân bằng cách phát biểu công khai về chiến dịch Aleutian. Lực lượng đã được điều đến Midway nhằm yễm trợ Đô đốc Nagumo đã nhận được lệnh quay về bắc; vào ngày 7/6 những hòn đảo nhỏ nhưng có tính chiến lược Attu và Kiska bị đánh chiếm mà không bị tổn thất gì.

                Ở Mỹ, từ Midway ở trên cửa miệng mọi người và trận đánh được chào mừng như là bước ngoặt trong mặt trận Thái Bình Dương. Chính Nimitz, mặc dù một số người phê phán những lời nhận xét của ông còn quá sớm, nói trong thông cáo phát đi của ông về ngày 6 tháng 6:

                Giờ đây Trân Châu Cảng đã được báo thù một phần. Công cuộc trả thù sẽ không vẹn toàn cho đến khi lực lượng trên biển của Nhật bị đánh gục đến không thể vực dậy được nữa. Chúng ta đã tạo ra những tiến bộ thực sự theo chiều hướng đó. Có lẽ chúng ta sẽ được tha thứ nếu tuyên bố rằng chúng ta đang ở giữa đường đến mục tiêu đó. [Chú ý Midway cũng có nghĩa là “giữa đường”: ND]

                Vào ngày 7 tháng 6 tờ  Tribune ở Chicago có nguy cơ làm lộ bí mật giúp tạo nên thắng lợi – việc mật mã hạm đội Nhật đã bị bẻ khóa. Các lực lượng Nhật ở Midway, nó tiết lộ, được các giới hải quân Mỹ biết rõ vài ngày trước khi trận chiến bắt đầu. Hải quân, sau khi biết tin “có sự tập kết của các đơn vị Nhật hùng mạnh ngay sau khi chúng rời khỏi căn cứ,” đã dự đoán rằng “Cảng Hà Lan và Midway có thể là mục tiêu.”

                Bản tin này không mang tên tác giả, nhưng nó được gởi đến từ Thái Bình Dương bởi thông tín viên chiến trường Stanley Johnson. Nó mô tả chi tiết thành phần của các lực lượng Nhật và tên của bốn tàu sân bay trong Lực lượng Tấn kích và bốn tàu tuần dương nhẹ yễm trợ Lực lượng Xâm chiếm. Hải quân sợ rằng việc loan truyền những tin tức chính xác như thế sẽ báo động cho người Nhật sự kiện là mật mã của họ đã bị bẻ khóa.

                Nhưng sự e sợ không có căn cứ; Hải quân Nhật, vốn tin tưởng là mật mã hạm đội của mình là không thể bẻ gãy, đã quá tự tin nên góp phần đưa đến sự thảm bại ở Midway. Kusaka nhận mọi trách nhiệm của sự thất bại về mình. Đáng lẽ ông không nên cho phép Genda phái đi quá ít máy bay tìm kiếm như vậy. Vào ngày 9/6, vẫn còn trong bộ quân phục mùa đông, ông cuộn tròn trong tấm đệm tre, và được hạ thấp xuống xuồng ca nô chạy dọc theo tàu Yamato. Ông được kéo lên như một món hàng đến boong tàu Yamato. Ông đích thân báo cáo với Yamamoto và ban tham mưu về trận đánh, thêm một yêu cầu là Hải quân, vốn thỉnh thoảng phát hành những thông cáo sai lệch, hãy kể cho nhân dân biết toàn bộ sự thật, vì đây là một trận chiến liên quan đến mọi công dân.

                Khi họ ở riêng, Kusaka bảo Yamamoto là Kido Butai nên nhận mọi lỗi về mình vì đã để xảy ra thảm bại. “Nếu ngài muốn có ai đó hành xử hara-kiri như một biểu hiệu của trách nhiệm, hãy cho tôi làm việc đó.” Nhưng ông cũng thành khẩn nói rằng mình muốn là tham mưu trưởng của Nagumo trong một lực lượng tàu sân bay mới để có thể rửa hận cho Midway. “Tôi mong ngài xem xét về việc đó.”

                “Tôi hiểu,” Yamamoto trả lời ậm ừ. Kusaka cáo lui và Yamamoto ráng lết đến giường vì cơn đau nhói dạ dày. Bác sĩ quân y trưởng chẩn đoán ông bị “giun đũa” nhưng quản gia Omi của ông tin chắc là bệnh do các sự cố thảm hại ngày 4/6 gây ra.

                Ở Nhật, các lệnh do Tojo đưa ra nhằm che giấu thảm bại đã được thi hành. Các binh lính sống sót sau trận đánh bị cô lập, và sự thật về Midway bị giữ kín không cho các sĩ quan chỉ huy biết cũng như công luận. Bộ Tư lệnh Hoàng gia thông báo vào ngày 10/6 rằng Nhật Bản cuối cùng đã “nắm giữ được quyền lực tối cao ở Thái Bình Dương” và rằng cuộc chiến đã “thật ra được quyết định trong một trận đánh.” Để ăn mừng chiến thắng dân chúng nhiệt huyết của Tokyo đã tổ chức một đám rước cờ và đèn lồng.

                Ở Tennessee, Thiếu úy Sakamaki, kẻ sống sót duy nhất trong cuộc tấn công bằng tàu ngầm tí hon vào Trân Châu Cảng và trong một khoảng thời gian đã là tù binh Nhật duy nhất, thấy không có lý do gì để ăn mừng. Anh tin vào những gì mình đọc được về Midway trong các tờ báo Mỹ. Trong chuyến đi dài của anh đến Tennessee anh đã tận mắt trông thấy biết bao nhiêu nhà máy và vô số sân bay và anh ngộ ra rằng nước Nhật bé tí của anh chưa nếm được hết mãnh lực khủng khiếp của Hoa Kỳ. Midway chỉ là khúc dạo đầu cho sự cáo chung giấc mơ chinh phục của Nhật Bản.               

181920212223

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s