Học sinh hỏi về cuộc chiến ở Ukraina trên khắp các lớp học ở châu Âu

Cù Tuấn dịch từ The New York Times

HORSHAM, Anh – Khi đám học sinh trở về sau trò chơi đánh bài vào giờ ra chơi vào một buổi sáng nắng đẹp gần đây, những đứa trẻ, trên má còn đỏ bừng, đã hỏi các giáo viên rất nhiều câu hỏi.

“Nước Nga đã đủ lớn rồi, tại sao ông ấy còn muốn có nhiều đất hơn nữa?” Max, 11 tuổi, dán mắt vào tập bản đồ, hỏi giáo viên của mình về Tổng thống Nga Putin. Jessica, 11 tuổi, đứng bó chân trên ghế. “Tại sao hầu hết những người điên là đàn ông?” cô bé băn khoăn. Issy, 11 tuổi, quay sang hỏi giáo viên: “Nếu có chiến tranh, cô sẽ ở lại và chiến đấu cho đất nước của mình chứ?”

Tara Harmer, một giáo viên đã có 36 năm tuổi nghề, dừng lại để suy nghĩ. “Đó là một câu hỏi khó khăn, đúng không?” cô nói trong lớp học tiểu học của mình ở Horsham, một thị trấn ở miền nam nước Anh. “Bản năng của cô là bảo vệ các em,” Harmer giải thích. “Cô nghĩ rằng cô sẽ chiến đấu cho đất nước của mình.”

Khi người châu Âu phải vật lộn với cú sốc khi đối mặt với một cuộc chiến ngay trước cửa nhà của họ và một giai đoạn báo chí đưa tin điên cuồng, nhiều giáo viên đã có rất ít thời gian để xử lý những gì đang xảy ra – họ phải đưa ra câu trả lời nhanh chóng.

Sandro Pellicciotta, người dạy môn địa lý tại một trường trung học ở thành phố Bologna, miền bắc nước Ý, cho biết: “Tôi đã phải nghe cả trăm câu hỏi. Và thành thật mà nói, tôi khá sợ phải nói những điều vô nghĩa.”

Học sinh ngày nay được sinh ra rất lâu sau các cuộc xung đột Balkan vào những năm 1990, và một số trẻ mới chập chững biết đi khi cuộc chiến ở Syria đang ở đỉnh cao. Không có cuộc xung đột nào mà in dấu vào trí nhớ của bọn trẻ được đưa tin rộng rãi trên chương trình dữ liệu TikTok của chúng như cuộc chiến ở Ukraina, và gần nơi chúng ở đến vậy.

Khoảng cách giữa thế giới của chúng và thế giới của địa chính trị đã trở nên xa lạ, và các giáo viên đã phải vật lộn để xoa dịu nỗi lo của chúng rằng cuộc chiến này có thể ảnh hưởng đến mọi người. Sau hai năm xảy ra đại dịch, các giáo viên cũng nói rằng chiến tranh đã làm suy yếu nỗ lực của họ trong việc thuyết phục trẻ em rằng thế giới không phải là nơi mọi người thù địch lẫn nhau.

Các giáo viên trên khắp châu Âu, nhiều người trong số họ đã liên lạc với tôi qua điện thoại, mô tả những thách thức mà họ phải đối mặt trong lớp học và những câu hỏi đặt ra cho họ.

Ở Marseille, một học sinh 10 tuổi đã giơ tay nói rằng em cảm thấy muốn đi trú ẩn. Một cậu bé 18 tuổi ở Warsaw lo lắng mình có thể bị gọi nhập ngũ, và một cô gái 16 tuổi ở Milan cho biết cô không thể tưởng tượng được tương lai sẽ ra sao đối với mình. Ở Tuscany, một cậu bé tự hỏi liệu ai đó đã đánh bom tháp Eiffel sau khi xem một đoạn video giả về một cuộc tấn công Paris.

Các chính phủ châu Âu đã thừa nhận những thách thức mà cuộc chiến ở Ukraina đặt ra cho giáo viên và đã soạn thảo hướng dẫn cho họ.

Bộ Giáo dục Anh cho biết tình huống này “đặt ra những vấn đề mà một số trường học và giáo viên có thể chưa từng gặp phải trước đây”. Nó khuyên các giáo viên nên “thiết lập các sự kiện” và thúc đẩy học sinh thảo luận, và cung cấp các nguồn thông tin để chống lại các thông tin sai lệch.

Tại Pháp, chính phủ cho biết các giáo viên nên giải thích về lịch sử chung của Nga và Ukraina, nhưng phải nói rõ rằng nó “không chứng minh cho luận điểm rằng Ukraina, một quốc gia có chủ quyền, không có quyền độc lập”. Theo hướng dẫn, giáo viên cũng không nên cố gắng tiếp tục thảo luận về cuộc chiến nếu học sinh tỏ ra ngần ngừ.

Stanislaw Dutka, một giáo viên ở Warsaw, đồng ý với cách làm này, nhưng vào ngày đầu tiên sau cuộc xâm lược, các học sinh lớp 7 của anh đã yêu cầu dừng bài học và nói về Ukraina.

Đầu tiên, anh đưa cho các em những tờ giấy để vẽ và lấy lại bình tĩnh, sau đó anh hỏi các em có điều gì muốn nói không.

“Tất cả các cánh tay đều giơ lên,” anh nói. “Giống như một loại trị liệu tự động vậy.”

Vào tháng Hai, các học sinh của Pellicciotta đã có ý định hỏi anh về việc liệu có xảy ra chiến tranh hay không. Khi chiến tranh bắt đầu, các em này muốn tìm hiểu chi tiết hơn. “Nếu thấy ở vị thế của Putin, thầy có tấn công Ukraina không?” một học sinh đã hỏi anh.

Trong một cuộc xung đột được gọi là “cuộc chiến TikTok đầu tiên” của thế giới, trẻ em và thanh thiếu niên đã có quyền truy cập vào một lượng lớn thông tin thường chưa được xác minh và khá rắc rối, đồng thời có thể gây ra lo lắng. Pellicciotta cho biết anh rất vui khi các học trò đến hỏi anh để chờ anh giải thích điều gì sai và điều gì không.

Anh nói rằng sự hiểu biết về địa lý là rất quan trọng. “Vẻ đẹp của địa lý là nó cung cấp cho bạn các công cụ để giải thích thực tế. “Nó không cung cấp cho bạn câu trả lời.” Anh đưa ra một bản đồ của Ukraina, cho thấy nước này tiếp cận với biển ra sao và các đồng bằng của nó. Chúng là các nguồn tài nguyên rất có giá trị cho một nhà lãnh đạo nước ngoài đầy tham vọng như Putin.

Anh nói, điều khó khăn là phải đưa ra một góc nhìn không thiên vị trong các lớp học được phân chia thành 2 phe với những em coi ông Putin là “ngầu và cứng rắn”, và những em khác gọi ông Putin là “quái vật”.

Đối với các giáo viên khác, sự thiên vị không phải là một vấn đề.

Thor Alexander Almelid, giáo viên tại một trường tiểu học Na Uy ở khu vực Oslo, cho biết: “Đó là một cuộc chiến tranh mang tính đế quốc bá quyền trắng trợn. “Nó chỉ đơn giản là một câu hỏi về đúng và sai.”

Trong lớp học lớp bảy của mình, Almelid kéo bản đồ thế giới xuống – mà anh nói vẫn còn được dùng rất tiện lợi từ những năm 1980, mô tả Liên bang Xô Viết – và giải thích rằng trước đó thế giới đã ở gần bờ vực bị tiêu diệt, nhưng các chính sách ngoại giao đã kìm hãm thành công một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, cuối cùng, anh nói rằng lần này các em chỉ có thể hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.

“Tôi đã cố gắng hết sức để trấn an các em.” anh nói. “Nhưng tôi không muốn nói dối học sinh của mình.”

Với trẻ nhỏ tuổi hơn, sự cân bằng giữa sự thật và sự yên tâm đã nghiêng về sự yên tâm.

“Putin là như vậy, ông ấy đánh nhau với hàng xóm của mình – thế còn cha mẹ các em không đánh nhau với hàng xóm bao giờ hay sao?” Jessica Scambiato Licciardi, một giáo viên tiểu học ở Sicily, nói với đám học sinh lớp ba của mình.

Khi một đứa trẻ nói với cô rằng ông Putin đã giết trẻ em trong bệnh viện, cô trả lời rằng điều đó xảy ra do nhầm lẫn. “Tôi không thể nói với các em rằng binh sĩ Nga có giết trẻ em,” cô nói. “Nó quá tàn nhẫn.”

Tuy nhiên, khi máy bay chiến đấu bay qua trường – như chúng thường làm, vì có một căn cứ gần đó – một cơn rùng mình truyền qua tất cả lớp. “Chiến tranh có đến đây không?” một em hỏi. “Chúng ta có người Nga nào ở đây không?”

Cô Licciardi giải thích rằng có người Nga ở Ý, nhưng họ không xấu và sẽ không gây chiến.

Nicky Cox, biên tập viên của First News, một tờ báo của Anh dành cho trẻ em được phân phối trong các lớp học, cho biết ấn phẩm của cô cũng đã cố gắng truyền tải thông điệp đó.

Bà nói: “Chúng tôi không muốn trẻ em người Nga bị bắt nạt và bị tấn công vì Putin. Chúng tôi biết rằng điều đó đang xảy ra.”

Khi Emeline Boutaud, một giáo viên trung học ở Paris, nhìn thấy những hình ảnh về cuộc xâm lược trên TV khi đang đi nghỉ mát, cô đã nghĩ ngay đến học sinh của mình.

“Làm thế nào tôi có thể tìm thấy các từ ngữ để diễn giải chuyện này?” Bà Boutaud nói. “Bản thân tôi cũng không hiểu điều đó.”

Khi quay trở lại lớp học, cô cảm thấy nhẹ nhõm khi một tình nguyện viên từ một tổ chức phổ cập tin tức đã cùng cô tham gia một hội thảo về chiến tranh ở Ukraina.

Các thành viên của tổ chức, Entre les Lignes, hay Between the Lines, trong những tuần gần đây đã đi tham quan các trường học ở Pháp và giải thích rằng không, ông Putin không muốn “xây dựng lại nước Mỹ”, như một học sinh bối rối đã nói, và việc ông Putin đe dọa sử dụng bom hạt nhân không nhất thiết có nghĩa là ông ta “sẽ làm điều đó”.

Sandra Laffont, người sáng lập tổ chức này, cho biết cô đã bị sốc bởi sự sợ hãi chiến tranh của những đứa trẻ 10 tuổi mà cô đến thăm gần đây ở Marseille. Cô cho chúng thấy khoảng cách giữa Pháp và Ukraina trên bản đồ, và giải thích rằng Pháp không ở bên bờ vực chiến tranh. Nhưng cô nói rằng các giáo viên phải cảm thấy thoải mái với thực tế rằng họ sẽ không có tất cả các câu trả lời.

“Giống như tại sao Putin lại làm điều này điều kia,” cô nói. “Tôi không có câu trả lời cho điều đó.”

Tuy nhiên, nhiều học sinh đã đưa ra các giải thích của riêng chúng.

Jessica, học sinh của cô Harmer ở ​​Anh, gợi ý rằng người Ukraina có thể làm khô các con sông bằng “hàng nghìn miếng bọt biển” để xe tăng Nga sẽ mắc cạn vào các con mương khô. Đối với Ajay, 11 tuổi, câu trả lời cho cuộc xung đột được thể hiện rõ ràng ngay trong tập bản đồ của cậu.

“Họ chỉ là hai nước khác nhau,” cậu nói. “Một nước thì to và xanh, nước kia thì nhỏ và hồng.”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s