Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 1

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

GIỚI THIỆU

Cuộc đấu tranh cho Việt Nam, một xứ nghèo ở Đông Nam Á có kích cỡ bằng California, có núi non, rừng rậm và ruộng lúa mê hoặc các du khách thế kỷ 21 nhưng không thân thiện đối với các chiến binh Tây phương thế kỷ 20, kéo dài ba thập niên và hi sinh khoảng 2 đến 3 triệu sinh mạng. Trong con mắt thế giới,  và ngay cả con mắt của những nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc và Liên Xô của phe cộng sản, trong 20 năm đầu đó là một vấn đề bên lề. Tuy nhiên,  trong giai đoạn cuối cùng,  cuộc chiến đã chiếm lĩnh óc tưởng tượng, khơi dậy cơn kinh hoàng và đúng ra nỗi ghê tởm của hàng trăm triệu người Tây phương, trong khi hủy hoại một tổng thống Hoa Kỳ và góp phần vào sự rơi đài của một tổng thống thứ hai. Trong làn sóng phản đối chính quyền của giới trẻ quét qua nhiều quốc gia trong những năm 1960, hành động chối bỏ đạo đức tình dục xưa cũ và tận hưởng lạc thú cần xa và chất gây nghiện LSD bỗng hóa ra trộn lẫn với những cuộc lao tới chống chủ nghĩa tư bản và đế quốc,  mà Việt Nam là một thể hiện tồi tệ bất thường của nó. Hơn nữa,  nhiều người Mỹ lớn tuổi hơn vốn không có cảm tình với chính nghĩa đó nổi lên chống đối cuộc chiến bởi vì nó được tiết lộ là một nguồn cội các dối trá có hệ thống của chính quyền họ, và cũng dường như chắc chắn nó sẽ thảm bại. Thất thủ 1975 của Saigon biểu thị một nỗi ô nhục cho cường quốc hùng mạnh nhất hành tinh: những người nông dân cách mạng khống chế ý chí, của cải  và  sắt thép của Mỹ. Bức ảnh chụp chiếc thang in bóng đen lên bầu trời vào chiều ngày 29/4 mà người tị nạn bước lên để leo vào lòng chiếc trực thăng, như đi về phía Calvary (ngọn đồi bên ngoài Jerusalem nơi Giêsu bị đóng đinh), đã giành được một chỗ đứng trong số các bức ảnh biểu tượng của kỷ nguyên đó. Việt Nam tác động một ảnh hưởng văn hoá vào thời đại mình lớn hơn bất kì cuộc xung đột nào khác kể từ 1945.

Phẩm chất của các chính nghĩa đối kháng không bao giờ tuyệt đối.  Thậm chí trong Thế Chiến II, cuộc đấu tranh của đồng minh Tây phương chống chủ nghĩa phát xít cũng bị tổn hại vì phải dựa dẫm vào sự chuyên chế của Stalin để đóng góp phần lớn xương máu cho công cuộc tiêu diệt nền chuyên chính của Hitler. Chỉ có kẻ khờ khạo về chính trị khuynh hữu và khuynh tả mới dám cho rằng ở Việt Nam bên này hay bên kia sở hữu một độc quyền về đạo lý. Các tác giả của mọi tác phẩm có thẩm quyền về cuộc xung đột đều là người Mỹ hay Pháp. Không ít tác giả Mỹ viết như thế đó là câu chuyện của đất nước mình. Vậy mà đây chủ yếu chính là một bi kịch Á châu, phủ trên đó một ác mộng Hoa Kỳ: khoảng mỗi 40 người Việt cho 1 người Mỹ. Mặc dù quyển tường thuật của tôi theo thứ tự biên niên, tôi không cố gắng biên niên ký hoặc thậm chí đề cập mỗi sự kiện, nhưng thay vào đó nắm bắt bản chất của trải nghiệm về Việt Nam qua ba thập niên. Như trong mọi cuốn sách tôi viết, trong khi kể câu chuyện chính trị và chiến lược tôi cũng cố trả lời câu hỏi: ‘Cuộc chiến là như thế nào? – cho các công binh miền Bắc,  nông dân đồng bằng Cửu Long,  các phi công trực thăng từ Peoria, lính bộ binh từ Sioux Falls, cố vấn phòng không từ  Leningrad, công nhân đường sắt Trung Quốc,  gái bán ba tại Sài Gòn. 

Tôi sinh năm 1945. Là một phóng viên trẻ, tôi sống gần hai năm ở Mỹ, và sau đó thăm Đông Dương nhiều lần. Vốn hiểu biết của tôi quá sơ sài, nhận thức của tôi quá non nớt, đến nỗi trong văn bản tiếp theo tôi sẽ không viện dẫn đến trải nghiệm cá nhân của mình, mà chỉ tóm lược chúng ở đây. Trong năm 1967-68, tôi đi nhiều ở Hoa Kỳ,  đầu tiên trong khóa học bổng về báo chí, sau đó làm phóng viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống.  Tôi dự các cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với nhiều vai chính, trong đó có Robert Kennedy, Richard Nixon, Eugene McCarthy, Barry Goldwater, Hubert Humphrey, Ronald Reagan … và Harrison Salisbury, Norman Mailer, Allen Ginsberg, Joan Baez. Vào tháng giêng 1968, tôi có mặt trong nhóm các nhà báo nước ngoài đến thăm Nhà Trắng. Ngồi trong phòng báo chí, chúng tôi phải nghe Tổng thống hô hào khoảng 40 phút lời cam kết của mình về Việt Nam,  nhiều tuần trước khi ông làm choáng váng dân Mỹ khi tuyên bố mình không ra tái tranh cử. Sáng hôm đó tính cách của ông khủng khiếp không kém tranh biếm họa. “Một số bạn thích các cô tóc vàng, một số thích tóc đỏ, và một số các anh có thể không thích phụ nữ nào cả,’ ông phát biểu trong cái giọng nhừa nhựa đó, múa may liên hồi để nhấn mạnh ý mình và khoát các đường nét vẽ chì trên cuốn sổ tay trước mặt. ‘Tôi ở đây để báo cho các bạn biết tôi thích loại nào. Tôi chuẩn bị đi gặp Hồ Chí Minh bất cứ lúc nào tại một khách sạn sang trọng với thức ăn sang trọng và chúng tôi có thể ngồi lại và trao đổi để giải quyết cho xong việc này.’

Sau khi cao giọng gã to con này đột ngột rời phòng, không đợi câu hỏi các phóng viên có thể đưa ra.

Vào năm 1970, tôi trình bày một loạt phóng sự cho chương trình 24 Giờ của BBC TV từ Cao Miên và Việt Nam, rồi năm sau trở lại để thực hiện tiếp chương trình, phỏng vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cũng viếng thăm Lào.

Trong số các chủ đề khác của những phim này, tôi tháp tùng binh lính Sư đoàn 23 Hoa Kỳ trong một chuyến càn quét tại thung lũng Hiệp Đức, bay trên một chiếc Skyraider Việt Nam trong một sứ mạng oanh kích,  và báo cáo về trận đánh cho Căn cứ Hoả lực 6 ở Cao nguyên Trung phần. Cuối năm đó, trọng Đại Sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh tôi được bắt tay với Chu Ân Lai. 

Vào năm 1973 và 1974 tôi lần nữa đến Việt Nam,  và năm 1975 làm phóng sự các chiến dịch cuối cùng, trong đó có vụ hỗn loạn ở Đà Nẵng trước khi thất thủ, sau đó các chiến dịch quanh Sài Gòn. Tôi dự định ở lại cùng với một số thông tín viên viết bài về việc quân miền Bắc tiếp quản. Tuy nhiên,  vào buổi chiều ngày cuối cùng, tôi mất hết tinh thần, xô vẹt một lối đi qua đám đông người Việt hoảng loạn vây quanh sứ quán Mỹ, và trèo qua tường sứ quán nhờ sự trợ giúp của lực lượng phòng vệ Thủy quân Lục chiến. Một vài giờ sau tôi  ngồi trên chiếc trực thăng Jolly Green Giant được di tản đến tàu USS Midway. Những năm sau đó tôi gặp Robert McNamara, Henry Kissinger và các ông lớn khác của kỷ nguyên Việt Nam. Arthur Schlesinger trở thành một người bạn. Mọi cuộc chiến đều khác nhau, mà cũng giống nhau.  Một huyền thoại đã nổi lên, it nhất là ở Mỹ, rằng Việt Nam đã giáng những nỗi khủng khiếp có một không hai lên những người tham chiến, được minh chứng bằng những dò dẫm thống thiết vào thi ca của vô số cựu binh. Vậy mà ai từng sống qua các trận chiến Carthage của La Mã, Trận Chiến 30 Năm ở châu Âu, chiến dịch của Napoleon ở Nga hoặc các trận Somme năm 1916 ắt sẽ chế giễu ý kiến cho rằng Đông Dương mang đến các trải nghiệm tồi tệ hơn. Bạo lực mà con người gây ra bằng gươm giáo, hoặc trút lên đầu người vô tội vô tình có mặt trên đường hành quân, cũng kinh hoàng trong thế kỷ 2 TCN như trong thế kỷ 20. Một lính công thành bốc cháy khi hứng đầu sôi từ mặt thành đổ xuống tại thời trung cổ cũng đau đớn khủng khiếp như bị trúng bom lửa napan. Cướp bóc, hãm hiếp, chợ đen, bạo lực tuỳ tiện đối với dân chúng và tù binh, là điều không thể tránh khỏi trong mọi cuộc xung đột. Các thành phố 1939-45 ở châu Âu chứa nhiều gái gọi cũng như Sài Gòn sau này. Tuy nhiên,  khi thời gian trôi qua, ít điều được nói cho những người ở hậu phương biết về những biểu lộ bẩn thỉu như thế. Những thước phim được duyệt cho công chúng xem thường bị cắt bỏ các hình ảnh được xem là phản cảm, vì quá lộ liễu. Trong tâm thế bóc trần mới của thập niên 1960, tuy nhiên,  thế giới bất ngờ chứng kiến hàng đêm trong giờ vàng trên TV những cảnh tượng thái quá và xấu xa mà các lực lượng Mỹ và Miền Nam vi phạm. Trong số các hình ảnh gây tổn thương đặc biệt cho các mục tiêu của Hoa Kỳ là hình ảnh một cảnh sát trưởng Sài Gòn xử tử một tù binh Việt Cộng ngay trên đường phố trong cuộc công kích Tết 1968; và ảnh một bé gái trần truồng vừa chạy vừa la hét trong cơn kinh hoàng sau một trận ném bom napan 1972. Hà Nội không trưng ra các tấm ảnh chân thực tương tự  như thế về việc các cán bộ hành huyết các đối thủ ở địa phương bằng cách chôn sống họ, hoặc hình ảnh các Việt Cộng bị làm cỏ trong các đợt tấn công thất bại. Thay vào đó, họ chỉ phát sóng các bài tường thuật anh hùng, cùng với các thước phim nhói lòng về cảnh tàn phá do không lực tư bản giáng xuống. Sự tương phản hình ảnh giữa việc tham chiến của một siêu cường, triển khai công nghiệp cực kì độc ác biểu tượng bởi máy bay ném bom B52, và việc tham chiến của những nông dân đội nón lá hoặc mũ cối, di chuyển trên đôi chân mang  dép hoặc đi xe đạp, đã vô tình trao một lợi thế tuyên truyền ngất ngưởng cho người cộng sản. Trong con mắt nhiều người trẻ phương Tây, ‘các chiến sĩ tự do’ của Hồ Chí Minh bỗng dưng lấp lánh một ánh hào quang lãng mạn.  Dường như là sai lầm khi, như một số diều hâu cách đây 50 năm, cho rằng chính truyền thông đã làm Hoa Kỳ thua trận.  Nhưng TV và báo chí khiến người Tây phương không thể phớt lờ chi phí sinh mạng hoặc phủ nhận lỗi lầm quân sự.

Vài giờ trước khi tôi, 24 tuổi, bay đến Sài Gòn lần đầu tiên,  tôi được Nicholas Tomalin, một phóng viên tờ British Sunday Times cố vấn. Anh cho tôi địa chỉ một hiệu sách người Ấn trên đường Tự Do có đổi đô la ra tiền Việt với  giá tốt nhất trên thị trường chợ đen. Rồi anh nói, ‘Hãy nhớ – tụi nó đều nói dối,  nói dối, nói dối.’ Ý anh chỉ Hoa Kỳ, tất nhiên,  và anh nói đúng. Tuy nhiên,  như nhiều các tác giả Tây phương khác lúc đó và từ đó, Nick không biết điều quan trọng là Hà Nội cũng làm như vậy. Điều này khiến không sao chấp nhận được những lừa dối mà MACV (Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự tại Việt Nam) và JUSPAO  (Văn phòng Truyền thông Hỗn hợp Hoa Kỳ) vi phạm, nhưng nó cung cấp một bối cảnh thường vắng mặt khi xem xét cái gọi là ‘khoảng cách tín nhiệm’. Hơn nữa,  mặc dù các phát ngôn viên Mỹ và Miền Nam bán rong những điều tưởng tượng, MACV ít khi ngăn cản giới phóng viên ra ngoài đó và tự tìm kiếm cho mình. Trong một phong cách chưa từng gặp trong bất kì cuộc xung đột nào trước đây hoặc từ đó, các nhà báo và phóng viên ảnh được cho phép lên các phi cơ có cánh cố định và trực thăng, nhiều người trong số họ cực kỳ thù địch với chính nghĩa của những phi công chở họ đi. Sự cởi mở tương đối về phía Mỹ tương phản với chính sách kín như bưng của người cộng sản, theo quan điểm của tôi hình thành một xác nhận về một phân khúc của nền tảng đạo lý cao. Sự sai lầm quá trớn mà các chính khách Mỹ  và các chỉ huy quân sự phạm phải không phải là việc nói dối với thế giới,  mà đúng hơn là tự dối mình.

Tại Việt Nam hiện nay các chính sách kinh tế tập thể hóa phần lớn đã bị loại bỏ, tuy vậy tính hợp pháp của chính quyền chuyên chế của nó chỉ xuất phát từ thắng lợi năm 1975. Do đó, không được có vết nhơ nào được phép bôi bẩn câu chuyện đó: ít người còn sống cảm thấy yên tâm khi nói tự do về những gì xảy ra. Trong khi không chắc các kho lưu trữ Mỹ còn giấu giếm các bí mật quan trọng gì hay không, thì nhiều bí mật phải bị khóa kín trong hồ sơ Hà Nội. Nước Mỹ tự do đã chấp nhận một thái độ gần như làm khó cho mình, đã bóp méo việc viết sử cũng chắc chắn như các tác phẩm sô vanh cực đoan mà bọn xét lại bảo thủ đã làm. Gần đây tôi có hỏi một thông tín viên nổi tiếng của kỷ nguyên cuộc chiến, ‘Nếu những người biểu tình đòi hoà bình được Hà Nội cho phép, liệu có bao nhiêu người tham gia?’ Ông trả lời không do dự, ‘Không ai hết. Miền Bắc 100 phần trăm ủng hộ cuộc chiến.’

Điều này nghe dường như ngây thơ một cách đởm lược: hầu hết con người bình thường đều khao khát thoát khỏi một trải nghiệm gâ  đau khổ và nhọc nhằn cho chính mình và người thân yêu.  Nhiều người ở phương Tây chống đối cuộc chiến xác quyết một cách có cơ sở rằng Hoa Kỳ đang tiến hành một việc mà không chắc sẽ thành công, sử dụng bạo lực bừa bãi gieo đau thương. Một số còn đi xa hơn, nhìn nhận một quan điểm rằng nếu quốc gia họ đã theo đuổi một ngụy nghĩa, thì phía bên kia ắt hắn là chính nghĩa. Vậy mà bộ chính trị ở Hà Nội và Mặt trận Dân tộc Giải phóng chỉ đổi cho nhân dân Miền Nam sự áp bức của tướng lĩnh và địa chủ lấy sự tuân phục còn khắc nghiệt hơn từ các đệ tử của Stalin. Dân chủ chủ trương người đi bầu có quyền lật đổ chính quyền mà họ bất mãn. Tuy nhiên,  một khi chế độ cộng sản đã hình thành, không có cuộc bầu cử công khai tiếp theo nào được chiếu cố, cũng không được Hà Nội tán thành từ 1954. Trong công cuộc tiến hành chiến tranh, bộ chính trị Miền Bắc hưởng được các lợi thế đáng kể. Các lãnh đạo của họ mặc tình trả một giá đáng sợ cho sinh mạng con người, mà không sợ giới truyền thông hoặc các cuộc bầu cử gây rắc rối. Họ có thể chịu đựng các thảm bại liên tiếp trên chiến trường mà không sợ thảm bại hoàn toàn, vì Hoa Kỳ đã phản đối một cách mạnh mẽ chủ trương xâm lược Miền Bắc.  Ngược lại, một khi Miền Nam thua trận, số phận của họ không thể đảo ngược được. Có sự giống nhau đầy ý nghĩa giữa cuộc đấu tranh của người cộng sản Việt Nam và nỗ lực chiến tranh 1941-45 của Liên bang Xô viết: Stalin áp đặt chủ nghĩa yêu nước, ý thức hệ, và cưỡng bách theo cách mà một thế hệ sau Hồ Chí Minh và Lê Duẩn bắt chước. Không còn hoài nghi gì nữa,  người cộng sản chứng tỏ mình là những chiến binh thiện chiến hơn hẳn các binh sĩ Sài Gòn,  nhưng đừng vội phong thánh cho họ trong thiên sử thi này. Nhiều phần trong tường thuật dưới đây mô tả những cảnh tàn bạo và điên cuồng, vậy mà trong khung cảnh rộng lớn nhiều cá nhân, Việt Nam lẫn Mỹ, thuộc mọi lứa tuổi và giới tính,  quân sự lẫn dân sự,  xử sự rất tử tế. Tôi cố gắng kể lại câu chuyện của những người như thế, bởi vì sẽ là điều lỗi lầm nếu cho phép nỗ lực  phẩm hạnh tan biến trong lò luyện lửa bom, sự bạo tàn và trò phản trắc mà phần đông những ghi chép của cuộc chiến thường đề cập đến.  Tôi quyết định không tiến hành các nghiên cứu chính trị chủ yếu: các kho lưu trữ Mỹ đã được các học giả  vét sạch hàng thập niên; những ghi chép cặn kẽ về các quyết sách của các bên tham gia phương Tây, nổi bật trong số đó là của Fredrik Logevall. Việc giới thiệu và phân tích các băng từ Nhà Trắng của Ken Hughes vào năm 2015 đã hình thành một nguồn tư liệu  gần như không thể chối cãi được …  về suy nghĩ và ra quyết định của Nixon và Kissinger kết thúc là Hiệp định Paris tháng giêng 1973, và thay thế nhiều lời tự thuật được trình bày trong các hồi ký của các người tham gia. Tuy nhiên, tôi đã bỏ nhiều giờ nghiên cứu chứng cứ tại Trung Tâm Giáo dục và Di sản Quân sự của Quân đội Hoa Kỳ ở Carlisle, Pa., và Lưu trữ của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Quantico, Va. Tôi đã truy cập trên mạng tư liệu từ Trung Tâm Nghiên cứu Chiến tranh Việt Nam của Đại học Texas Tech tại Lubbock,  và tiến hành gần 100 cuộc phỏng vấn với những người còn sống đủ mọi lứa tuổi và giới tính, người Mỹ và Việt. Nhờ sự giúp đỡ vô giá của Merle Pribbenow, tôi đã đọc hàng ngàn trang hồi ký, tài liệu và lịch sử tiếng Việt được dịch ra.  Bất kì sử gia nào như chính bản thân tôi, xuất bản một nghiên cứu về Việt Nam vào năm 2018, nên nhìn nhận mình nợ rất nhiều đến loạt phim tài liệu truyền hình gần đây của Burns-Novick, đã đánh thức lại nhận thức trên khắp thế giới  về cuộc đấu tranh trọng đại này. Tôi hy vọng tác phẩm của tôi chuyển tải điều gì đó về mức độ khủng khiếp của trải nghiệm  mà nhân dân Việt Nam đã chịu đựng hơn ba thập niên, mà những hậu quả của nó họ vẫn chưa thoát khỏi cho đến tận ngày này.

MAX  HASTINGS

Chilton Foliat, Berkshire, và Datai, Langkawi, Malaysia

Tháng 5, 2018

CHƯƠNG 1

NGƯỜI ĐẸP VÀ NHIỀU QUÁI VẬT

1 Bám lấy một đế chế

Ta hay bắt đầu câu chuyện dài bi thảm này trong vô số thảm kịch của chiến tranh, không bằng một người Pháp hay một người Mỹ, mà bằng một người Việt.  Đoàn Phượng Hải sinh năm 1944 tại một ngôi làng trên Quốc lộ 6 chỉ cách Hà Nội 18 dặm, nhưng hoàn toàn là vùng quê. Trong các ký ức xa xưa nhất của Hải là hình ảnh dây thép gai rỉ sét bao quanh đồn lính Pháp trên một mô gò gần chợ làng, và phong cách họ hát trong làn gió thổi qua. Phía sau vòng rào kẽm gai và bên dưới lá cờ tam sắc phấp phới có một người Việt thổi kèn tên Viên đóng quân, mà cậu bé rất quý. Viên cho cậu các lon bơ rỗng và các nắp hộp kim loại, mà cậu dùng để làm ra món đồ chơi ô tô cậu yêu thích. Hải thường ngồi giữa nhóm các bạn nhỏ ngưỡng mộ lắng nghe Viên kể về các trận đánh mình đã tham gia, trố mắt nhìn vào vết sẹo ở chân từ một vết thương mà anh đã dính trong một trận đánh ở Núi Vôi, tại đó anh thổi kèn xung phong cho đoàn quân Lê Dương Pháp, tuyên bố đã hạ sát 100 tên cộng sản. Các đứa trẻ mân mê sọc huy chương của viên trung sĩ và cất giữ các vỏ đạn mà anh thỉnh thoảng cho các đứa trẻ. Thỉnh thoảng Viên cất tiếng hát bằng giọng trầm buồn sâu lắng, có lẽ về người mẹ đã mất năm trước. Rồi, như để chiêu đãi đặc biệt,  anh dẫn đám trẻ con ra bờ sông và thổi cho chúng nghe liên tiếp các hồi kèn quân sự, ‘một số khiến các trái tim chúng tôi xúc động theo từng nốt nhạc, một số quá buồn khiến chúng tôi muốn bật khóc’. Rồi đến một ngày gia đình Hải phải chuyển ra Hà Nội, đem theo mọi tài sản lên chiếc xe khách xập xệ.  Viên đang chỉ huy một hàng rào cọc ven đường, và trao cho em quà chia tay là hai miếng kẹo cao su và một cái véo tai âu yếm. Khi chếc xe khách lăn bánh, thằng bé còn trông thấy anh vẫy tay qua đám bụi đỏ phía sau, khi nhà cửa, ruộng đồng, rặng tre và cây đa đầu làng biến mất khỏi cuộc đời em mãi mãi. Hải dấn thân liên tiếp vào các cuộc hành trình, các chuyến lưu đày, một it niềm vui và nhiều hiểm họa, như một trải nghiệm được nhân dân Việt Nam chia sẻ trong nửa thế kỷ. Mặc dù chính anh đã trở thành một người lính, trong con mắt anh  các chiến binh không bao giờ toát lên ánh hào quang lãng mạn mà Trung sĩ Viên và tiếng kèn anh đã khơi gợi.

Việt Nam đã cam chịu một ngàn năm bị người Trung Quốc đô hộ trước khi đẩy lùi họ ra khỏi đất nước vào năm 938; họ trở lại vài lần, và cuối cùng chỉ bị đánh đuổi vào năm 1426. Sau đó, đất nước được hưởng nền độc lập, mặc dù không lúc nào bền vững hoặc thịnh trị. Các triều đại nam và bắc đối kháng nhau cho đến năm 1802, Hoàng đế Gia Long thống nhất đất nước, cai trị từ kinh thành Huế. Trong cuộc chạy đua tranh giành đế chế vào cuối thế kỷ 19, Pháp để mắt đến Đông Dương, bằng sức mạnh của vũ khí đã triển khai  nền thống trị, lúc đầu ở phía nam, Nam Kỳ. Vào tháng 5 1883 khi Quốc Hội Pháp ở Paris đồng ý cấp 5 triệu quan cho cuộc viễn chinh để củng cố vùng đó như ‘vùng bảo hộ’, chính trị gia bảo thủ Jules Delafosse tuyên bố, ‘Thưa quý vị, chúng ta hãy gọi đúng tên sự vật. Vùng bảo hộ không phải là điều mà chúng ta muốn,  mà là vùng sở hữu.’ Tất nhiên, điều đó là như thế. Người Pháp điều động 20,000 quân để đánh chiếm Bắc Kỳ – miền Bắc Việt Nam.  Đạt được điều này sau một năm chiến đấu cam go,  họ áp đặt một nền cai trị cứng rắn. Trong khi họ bãi bỏ tập quán trừng trị tội thông dâm của các bà bằng hình phạt voi giày, thì hình phạt trảm thủ, trước kia chỉ dành cho bọn thảo khấu, nay mở rộng cho bất cứ ai thách thức tính bá quyền của người Pháp. Nạn hút á phiện tăng vọt sau khi chính quyền thuộc địa mở nhà máy tinh luyện ở Sài Gòn. 

Việt Nam rộng 126,000 dặm vuông, rộng hơn nước Ý hoặc nước Pháp một chút, đa phần là núi non và phủ một hệ thực vật nhiệt đới, còn lại là đồng bằng với ẩm độ theo mùa và độ màu mỡ phi thường. Hầu hết mọi du

 khách thoát khỏi hình phạt phải làm việc trong cái nóng ơi bức sẽ bị vẻ đẹp của nó hớp hồn và dệt nên các miêu tả nên thơ, ca ngợi phong cảnh ‘các cánh đồng lúa với đàn trâu gặm cỏ, trên lưng mỗi con trâu là con cò trắng đang bắt sâu cho nó; cây cỏ xanh tươi rực rỡ làm choáng ngợp cả mắt; những lần đợi phà bên bờ các con sông lớn  màu cà phê sữa; các ngôi chùa hoa mỹ và những căn nhà sàn, bao quanh là chó và vịt; bầu không khí hừng hực, mùi lúa chín và sông nước ở mọi nơi, tạo một cảm nhận của sự phì nhiêu,  của thiên nhiên sinh sôi, chín mùi trên cái nóng’.

Người Tây phương vui mắt trước  các tay nghề siêu tuyệt của thợ đan lát, thể hiện trong các ngôi nhà lợp bằng rạ, giỏ rổ và nón lá. Họ nhìn trố mắt các sinh vật kỳ lạ bày trên quày thức ăn bên đường, nhan nhản người coi bói, bọn chơi sóc đĩa, các món gia vị. Các bướm rừng to bằng con dơi. Tồn tại một nền văn hoá nước đầy màu sắc: thuyền tam bản lướt trên sông và kênh đào nơi xe ngưa không thể kêu lóc cóc; đánh cá vừa  thú vị, vừa cung cấp một nguồn thực phẩm dồi dào. Du khách miêu tả các vụ chọi gà và ổ cờ bạc; các nghi lễ lấp lánh trong kinh thành Huế nơi bọn Pháp đang o bế một hoàng đế bù nhìn, tổ chức các yến tiệc có cả chim công quay, được cho là có mùi vị của trừu dai. Vùng ven biển quanh cố đô bị cư dân đồng bằng Cửu Long nhìn với vẻ ngờ vực thành kiến, cho rằng đó là nơi ‘Núi không cao, sông không sâu, trai đa trá, gái đa dâm.’ Một người Tây phương yêu quý người Việt cho rằng tiếng Việt nói có thanh cao thấp, có âm điệu bổng trầm, ‘tôi nghe líu lo như tiếng chim’.

Trong số 50 sắc tộc, các bộ tộc hoang dã nhất chia sẽ những vùng hoang dã  nhất của An Nam với cọp, báo, voi, gấu, heo rừng và một ít tê giác Á châu. Hai đồng bằng lớn, đồng bằng sông Hồng phía bắc và đồng bằng Cửu Long phía nam, đem đến lượng nông sản phi thường. Xuất khẩu gạo cao ngất nhắc nhở mức thiệt hại mà việc chiếm đất của người Pháp gây cho người bản xứ, có thể so sánh với việc người Mỹ chiếm đoạt miền Tây của dân Da Đỏ hoặc thực dân Anh ở  các vùng đất Phi châu. Người dân Đông Dương bị đánh thuế để tài trợ cho sự phục tùng của mình, và vào những năm 1930 70 phần trăm nông dân chỉ còn là tá điền hoặc chủ nông nhỏ. Các chủ đồn điền Pháp – khoảng vài trăm gia đình thu gom tài sản đồ sộ của Đông Dương thuộc địa – vào thế kỷ 20 khoác một thái độ hống hách đối với người Việt, theo lời một du khách Anh, ‘không khác thái độ của giới quý tộc ngày xưa sở hữu nô lệ. Đó là một thái độ khinh bỉ tồi tệ nhất; nếu không có nó ắt hẳn khó mà bóc lột hiệu quả được.’

Giới chủ đồn điền Pháp, các đại gia cao su, các chủ mỏ than thi hành các trò bạo ngược mà nhà nước thuộc địa cho phép đối với lực lượng lao động. Nhà nước cũng áp đặt một tỉ lệ hối đoái cao một cách giả tạo cho đồng quan Pháp so với đồng bạc Đông Dương làm giàu thêm cho quốc khố Paris.

Bọn xâm lược thành công trong việc đồng hóa nhiều người Việt bằng ngôn ngữ, giáo dục và văn hoá của họ. Một học sinh còn nhớ mình được dạy tổ tiên mình là người Gaul (người Pháp cổ). Anh học tốt hơn chỉ khi cha anh, một hạ sĩ quan trong quân đội Pháp,  nghiêm nghị và kiêu hãnh bảo với anh ‘Tổ tiên con là người Việt.’ Một bác sĩ giải phẫu Úc nói về ý thức của người dân ‘về lịch sử và nền văn hiến lâu đời không gián đoạn của họ’, thậm chí trong tầng lớp tương đối thấp kém,

Tình cảnh của họ hơi tốt hơn dân Congo bị Bỉ cai trị, phần nào tệ hơn dân Ấn dưới ách đô hộ của Anh. Có sự mâu thuẫn trong cuộc sống của người Việt thuộc tầng lớp trung và thượng lưu. Bị ép buộc sống trong văn hoá và ngôn ngữ Âu châu, nhưng họ vẫn ít khi trông thấy người Pháp ngoài giờ làm việc. Nguyễn Dương, sinh năm 1943, lớn lên với niềm say mê truyện tranh Tintin và tiểu thuyết gián điệp Pháp. Như mọi người Á châu, một cú tát vào mặt là điều sỉ nhục tồi tệ nhất, ở trường anh co rúm người trước những cái tát mà các ông thầy Pháp thường giáng vào mặt các trò tối dạ. Norman Lewis mô tả Sài Gòn như ‘Một thị trấn Pháp trong một xứ nóng, có thể gọi nó là Paris vùng Viễn đông. . . Hai mươi ngàn người Âu sống biệt lập trên các đường phố rợp bóng cây me. Cuộc sống thực dân dường như vô cùng tiện nghi và dễ chịu  – trong một thời gian.  Tuy nhiên,  những ai nán lại quá lâu có nguy cơ mắc các bệnh tồi tệ hơn cả sốt rét và tiêu chảy: bênh uể oải mụ mẫm của phương Đông, kết hợp giữa nha phiến và lệ thuộc quá nhiều vào phục dịch của tôi tớ. Các lão già Pháp của Đông Dương nói về họa da vàng. Làm chủ không tránh cho họ bị cư dân bản địa tầng lớp trên khinh thị. Người Việt có truyền thống nhuộm đen răng bằng men, nên họ tỏ ra coi thường người có nanh trắng: một hoàng đế hỏi, khi tiếp kiến một đại sứ Âu châu, ‘Người này là ai mà có hàm răng như chó thế?’ Norman Lewis viết: ‘Họ quá lịch sự nên không nhổ vào mặt một tên da trắng, nhưng họ hoàn toàn lãnh đạm. . . . Thậm chí người kéo xe – để được an toàn – chỉ tăng gấp đôi tiền lộ phí, lấy tiền trong câm lặng nặng nề rồi quay phắt đi. Thật không thoải mái chút nào khi cảm thấy mình là một đối tượng bị mọi người chán ghét, một thứ bạch quỷ.’

Ít người Việt xem sự cai trị của người Pháp một cách bình thản, và các cuộc quật khởi xảy ra thường xuyên. Vào năm 1927 ngôi làng Vĩnh Kim ở đồng bằng Cửu Long sản sinh một ban hát nổi tiếng gồm các diễn viên của đội văn nghệ có tên Đoàn Phụ Nữ Đoàn Kết, chuyên trình diễn các vở kịch chống thực dân. Những năm 1930 chứng kiến các cuộc biểu tình ở nông thôn, đốt kho thóc, nổi dậy. Những vụ xiết nợ nghiệt ngã khiến một số nông dân lâm vào cảnh tù tội vì không tiền đóng thuế, những người khác bị bọn cho vay nặng lãi quấy nhiễu đến nỗi vào năm 1943 gần phân nửa diện tích đất Việt Nam  nằm trong tay không đến 3 phần trăm điền chủ. Uy quyền thực dân đáng tin cậy đến nỗi việc áp bức là phương thuốc hiệu nghiệm nhất. Một sĩ quan an ninh Việt chế nhạo một chiến sĩ cách mạng: ‘Châu chấu mà đòi đá xe!’

Các nhóm du kích và băng đảng dù sao cũng chết mòn trong chốn rừng rậm. Trên đảo tù Côn Sơn, xà lim ít khi bỏ trống. Có it chứng cứ cho thấy việc xét xử được diễn ra đúng luật ở đây đối với các tù nhân Việt bị giam giữ, và đảo ngục tù sớm được biết dưới tên ‘Trường đại học cách mạng’. Nhiều người  sau này đóng vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh giành độc lập đã từng ngồi tù ở đó. Nhưng người sau này trở thành lãnh tụ của họ, một trong những nhà cách mạng lừng lẫy của thế kỷ 20,  thuộc số it người không bị giam giữ ở đó. Hồ Chí Minh  ra đời với tên Nguyễn Sinh Cung trong một ngôi làng ở miền Trung nước Việt vào năm 1890. Thân phụ ông là con bà vợ thứ và trở thành một quan triều, nhưng sau đó từ quan lui về dạy học. Hồ, như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng  và Ngô Đình Diệm sau này, theo học tại trường Quốc Học Huế rất tiếng tăm, được thành lập vào năm 1896. Vào năm 1908 ông bị đuổi vì hoạt động cách mạng. Ông cắt đứt liên hệ gia đình, và sau một thời gian dạy học ngắn ngủi tại một trường làng, năm 1911 trở thành thợ đốt lò và phụ bếp trên một tàu hàng Pháp. Trong ba năm ông đi khắp thế giới, rồi trải qua một năm sống ở Mỹ, trước khi nhận công việc phụ tá bếp trưởng bánh ngọt tại Nhà hàng Cartton ở London. Ông tích cực tham gia hoạt động chính trị và gặp gỡ các nhà dân tộc chủ nghĩa đủ quốc tịch – Ái Nhĩ Lan,  Trung Quốc,  Ấn Độ. Ông nói trôi chảy tiếng Anh và tiếng Pháp,  cùng với vài phương ngữ Trung Hoa và sau này tiếng Nga. Năm 1919 ông soạn lời kêu gọi gửi đến Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson tại hội nghị hoà bình Versailles, khẩn khoản xin được giúp đỡ cho nền độc lập của Việt Nam: ‘Mọi dân tộc thuộc địa đều tràn trề hy vọng trước viễn ảnh một kỷ nguyên công lý và công chính sẽ mở ra cho họ . . . trong cuộc đấu tranh của văn minh chống lại sự man rợ.’ Ông dự hội nghị đảng xã hội Pháp 1920, tại đó ông đọc một bài tham luận sau này trở nên nổi tiếng: ‘Trong một vài phút tôi không thể nào kể hết với các ông tất cả thói tàn bạo mà các băng đảng tư bản chủ nghĩa vì phạm tại Đông Dương.  Nhà tù nhiều hơn trường học.  .  . Chúng tôi không có tự do báo chí và ý kiến . . . Chúng tôi không có quyền di dân hoặc đi ra nước ngoài . . . Họ làm hết sức để khiến chúng tôi mê muội bằng thuốc phiện và biến chúng tôi thành kẻ hung dữ bằng rượu. Họ … tàn sát hàng ngàn người… để bảo vệ lợi ích không phải của người Việt. ‘ Hồ trở thành một người viết tiểu luận sung sức, đóng góp nhiều bài báo cho các tờ báo cánh tả, thường trích dẫn Lenin. Năm 1924 ông đến Moscow, gặp gỡ các lãnh đạo mới của Nga và trải qua vài tháng tại Đại học Đông Phương cho người Lao Động trước khi di chuyển đến Quảng Đông, tại đó ông trở thành thông dịch viên cho cố vấn Xô viết của Tưởng Giới Thạch. Ba năm sau, sau khi Tưởng quay lưng lại với người cộng sản, Hồ bay về châu Âu. Một người Pháp quen biết kể lại lần chuyện trò trên cây cầu bắc qua sông Seine, trong đó chàng thanh niên Việt đăm chiêu tâm sự, ‘Tôi luôn nghĩ mình sẽ trở thành một học giả hoặc tác giả,  nhưng tôi đã trở thành một người cách mạng chuyên nghiệp. Tôi qua lại nhiều xứ sở, nhưng tôi không tìm thấy gì. Tôi nghiêm ngặt tuân thủ lệnh,  và lộ trình của tôi được vạch ra kỹ lưỡng, và bạn không thể đi lệch lộ trình, có phải không?

‘Lệnh’ của ai? Có nhiều điều bí ẩn trong cuộc đời Hồ.  Ông không hề lập gia đình, và nhu cầu tình cảm của ông có vẻ đã được lấp đầy bởi việc hiến dâng cho cuộc đấu tranh chính trị.  Ai tài trợ cho những chuyến đi nước ngoài của ông? Ông có phải là cán bộ ăn lương của Moscow, hay ông chỉ nhận sự trợ giúp tài chính đặc biệt từ các bạn đồng hành chính trị? Không có gì ngạc nhiên khi ông trở thành một người cộng sản,  bởi vì các nhà tư bản thế giới kiên quyết thù địch với các mục tiêu của ông. Ông ít nổi bật về tác phẩm và tư tưởng, vốn không mấy độc đáo, cho bằng một năng lực phi thường biết khêu gợi nơi người khác niềm tin, lòng trung thành và tình yêu. Một sinh viên Việt Nam viết về lần gặp gỡ đầu tiên với Hồ một vài năm sau ở Paris: ‘Ông toát ra một dáng vẻ mảnh khảnh,  xanh xao như người bệnh.  Nhưng điều này chỉ làm nổi bật phong thái điềm tĩnh bao trùm ông như thể một loại y phục. Ông chuyển tải một sức mạnh nội tâm và một lòng độ lượng về tinh thần tác động lên tôi với sức mạnh của một quả đấm.’

Năm 1928, Hồ xuất hiện ở Bangkok,  điểm hẹn của những người quốc gia Đông Dương lưu vong. Năm sau ông đến Hồng Kông, tại đó ông chủ tọa một buổi họp các nhà lãnh đạo các phe phái Việt Nam cạnh tranh, được tổ chức trong một sân bóng đá đang thi đấu để tránh dòm ngó của cảnh sát. Ông thuyết phục các đồng bào yêu nước của mình đoàn kết dưới lá cờ Đảng Cộng sản Đông Dương, mà đến năm 1931 được Quốc tế Cộng sản Moscow chính thức công nhận. Trong những năm tiếp sau, một loạt các cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Việt Nam. Quân Pháp đáp trả bằng cách ném bom các làng bị nghi là nổi dậy và cho lên máy chém những người cầm đầu lộ diện bị bắt. Mặc dù Hồ không trực tiếp liên can đến các cuộc nổi dậy, nhưng ông giờ đang bị truy nã, bị săn lùng khắp các thuộc địa của các cường quốc Âu châu.  Sau một loạt các cuộc mạo hiểm,  ông trốn sang Trung Quốc bằng cách thuyết phục một nhân viên bệnh viện Hồng Kông xác nhận là mình đã tử vong. Sau đó ông qua lại giữa Trung Quốc và Nga, trải qua vô vàn kham khổ và bệnh tật tái đi tái lại. Một đặc vụ cộng sản Pháp từng gặp ông trong cuộc phiêu lưu mô tả ông ‘căng thẳng và run lẩy bẩy, trong đầu óc ông chỉ có một ý nghĩa: xứ sở mình’.

Đầu năm 1941, sau khi vắng mặt ba thập niên,  ông bí mật trở về Việt Nam,  đi bộ hoặc thuyền tam bản,  và lấy tên giả sau này được lịch sử biết đến – Hồ Chí Minh, tức ‘Người Mang Ánh sáng’. Ông lập căn cứ trong một hang động trong vùng đồi phía bắc, tại đây ông gặp gỡ các thanh niên đi theo ông và gọi người đàn ông 50 tuổi này là ‘Bác Hồ’, một số sau này là các người hùng của cách mạng như Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp.  Giáp lần đầu tiên giới thiệu Hồ với đoàn quân du kích nhỏ, ‘Các đồng chí, đây là một lão nông thuộc địa phương vùng này, một nông dân yêu quí cách mạng.’ Nhưng họ nhanh chóng nhận ra ông lão không phải người địa phương,  và chắc chắn cũng không là nông dân. Hồ vẽ bản đồ Hà Nội cho những ai chưa bao giờ biết đến nó, và cố vấn họ đào hố xí. Một cựu quân nhân nhớ lại: ‘Chúng tôi tự nghĩ, “Ông già này là ai thế? Trong mọi thứ ông có thể dạy bảo chúng tôi, ông ta lại khuyên phải đi cầu thế nào!”‘ Dù vậy Hồ được sẵn sàng nhìn nhận là lãnh đạo của nhóm, và đúng ra là của một phong trào mới, mà họ gọi là Việt Nam Độc lập Đồng mình Hội, gọi tắt là Việt Minh. Các nhà lãnh đạo Việt Minh không ngụy trang ý thức hệ của mình, nhưng chỉ rất lâu về sau họ mới công khai thừa nhận chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa duy nhất được mình cho phép 

Việc Quốc Xã thống trị phương Tây làm xói mòn trầm trọng quyền hành của Pháp ở các thuộc địa, và làm gia tăng nỗi khổ nhọc của giới nông dân . Ở Đông Dương người Pháp trưng thu để thỏa mãn các nhu cầu riêng của họ về nhu yếu phẩm như diêm quẹt, vải vóc, dầu lửa. Trong vùng đồng bằng Cửu Long năm 1940 một cuộc nổi dậy ngắn ngủi do người cộng sản cầm đầu nổ ra trong đó một vài viên chức Pháp bị giết chết, đồn bót bị đánh chiếm. Dân chúng phá kho thóc, đem gạo phân phát cho dân nghèo, cầu bị phá vỡ bởi lực lượng nổi dậy  tay vẫy cờ búa liềm. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chỉ kéo dài đúng 10 ngày, và chỉ có một thiểu số dân địa phương tham gia, nhưng nó nói lên lòng căm hờn tiềm tàng trong vùng thôn quê.

Từ mùa hè 1940 trở đi, Tokyo khai thác sự thống trị trong khu vực để triển khai binh sĩ tại Đông Dương,  trước tiên để cắt đứt đường tiếp tế của Tây phương cho Trung Hoa, sau đó dần dần chiếm đóng, buộc Tổng thống Franklin Roosevelt phải áp đặt lệnh cấm vận nghiêm ngặt dầu khí vào tháng 7 1941. Người Pháp duy trì quyền hành trên danh nghĩa,  người Nhật tiếp sau đó tác động quyền lực thực sự. Họ khao khát hàng hóa để cung ứng cho các ngành kỹ nghệ nội địa, nên ra lệnh  người Việt hạn chế trồng lúa thay thế trồng bông vải và đay. Việc này cùng với cưỡng bách xuất khẩu lương thực, tạo ra nạn đói không ngừng tăng lên trong một đất nước sản xuất lúa gạo nhiều nhất Đông Nam Á.

Vào năm 1944, một cơn hạn hán tiếp theo là một trận lũ lụt mở ra một thảm kịch nhân loại vô cùng thê thảm. Có ít nhất một triệu người Việt, một phần mười dân số Bắc Kỳ, chết trong một nạn đói cũng  thảm khốc như tai họa xảy ra đồng thời tại Đông Bengal ở Ấn Độ thuộc Anh. Có các báo cáo đáng tin cậy về hiện tượng ăn thịt người, nhưng không có người Pháp nào phải chết đói. Nạn đói in sâu trong ký ức của nhiều người bắc như trải nghiệm khủng khiếp nhất của đời mình, kể cả những cuộc chiến sau đó. Một nông dân từng sống trong một ngôi làng gần Hà Nội vẫn còn nhớ khi còn nhỏ thường nghe mẹ la rầy con cái mỗi khi chúng phí phạm thức ăn: ‘Các con sẽ không làm vậy nếu nhớ lại năm 1945.’ Một nông dân khác mô tả những ngôi làng vắng tanh và những con người tuyệt vọng: ‘Những thân hình chỉ còn da bọc xương mặc y phục rách rưới lang thang khắp đường quê và đường phố. Rồi những thi thể bắt đầu xuất hiện dọc lề đường và sân chùa, sân nhà thờ, chợ búa, công viên thành phố, ga xe đò và tàu hỏa. Từng nhóm đàn ông, đàn bà đói khát bồng bế con nhỏ trong tay với các đứa con khác lẽo đẽo bên cạnh xâm nhập mọi cánh đồng và vườn tược xục xạo mọi thứ có thể ăn được: chuối còn xanh, vỏ chuối, củ chuối, măng tre. Dân chúng làng tôi phải bảo vệ đất đai của mình bằng vũ lực.’ Xe bò mang đi thi hài về chôn trong các ngôi mộ tập thể. Một hôm đứa em ba tuổi của anh đứng trước nhà  đang ăn bánh gạo thì một thanh niên gầy đét ‘trông như một thây ma trong bộ đồ rách bươm’ xông tới, giật phắt miếng bánh từ tay em tôi và vọt đi. Trong một số vùng các bếp ăn tập thể từ thiện được  lập ra để phân phát cháo cho dân chúng, đứng xếp nhiều hàng dài trước quầy. Văn Ký, một thiếu niên miền Bắc sẽ trở thành một nhạc sĩ ban-lat Việt Minh nổi tiếng, sau này nói, “Khi sáng ra bạn mở cửa trước, bạn có thể thấy một xác chết nắm trước nhà. Nếu bạn thấy một đàn quạ lớn, có nghĩa là có một xác chết nằm bên dưới.’

Không có gì ngạc nhiên khi các trải nghiệm như thế đã sinh ra những con người cách mạng, trong đó có Ký. Ông sinh năm 1928 trong một gia đình nông dân,  nhưng trưởng thành trong gia đình học rộng của người cậu. Ở đó ông đọc chuyện ngụ ngôn La Fontaine và diễn các vở kịch nhỏ dựa trên chúng.   Ông đọc nhiều tiểu thuyết Pháp như Les Misérables của Victor Hugo. Vào tuổi 15  Ký đã bắt đầu phát truyền đơn cho những người cộng sản. Ông trở thành chỉ huy lực lượng dân quân bí mật tại địa phương, công tác cho đến khi cấp trên nhận định ông có năng khiếu văn nghệ cần cho Cách Mạng hơn là công tác quân sự.

Bộ máy tuyên truyền Cộng sản khai thác âm nhạc rất có hiệu quả, cải biên những bài hát dân ca truyền thống cho phù hợp với thông điệp của mình, được các đoàn dân công đi lưu diễn. Ký sau đó có viết một bài ban-lát tựa đề ‘Bài Ca Hy Vọng’ – trở thành một trong những giai điệu được ưa chuộng nhất của Kháng Chiến. Trải nghiệm của ông minh chứng một khía cạnh đáng chú ý của công cuộc đấu tranh giành độc lập: rằng việc yêu quý văn hoá Pháp không phải là rào cản cho một quyết tâm tiễn người Pháp về nước.

2 Chặn Đường Hành Quân của Việt Minh

Giai đoạn cuối cùng của Thế Chiến đem lại các hậu quả trọng đại cho khu vực. Vào tháng 3 1945 người Nhật tiến hành đảo chính, hạ bệ chính quyền bù nhìn của Pháp và nắm quyền bá chủ toàn cõi Đông Dương. Chủ nghĩa thực dân chỉ bền vững chừng nào đối với các thần dân nó có vẻ như là một trật tự không thể tránh khỏi, một nhận thức thay đổi mãi mãi ở Đông Nam Á. Người Việt run sợ trước các hành động tàn bạo của kẻ cai trị mới, nhưng đồng thời ấn tượng trước cảnh người bạn châu Á da vàng chiếm lĩnh quyền lực: một số cho rằng người Nhật trông thật oai. Vào tháng 7 Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ (OSS) – cơ quan tài trợ cho cuộc chiến tranh du kích – phái đến Đông Dương một đội đặc vụ bán quân sự do Thiếu tá Archimedes Patti chỉ huy, tìm cách hỗ trợ Hồ Chí Minh. Các chàng trai trẻ mới lớn, như quá nhiều người Mỹ Anh cùng lứa trong các xứ sở bị chiếm đóng trên thế giới,  cảm thấy phấn khích muốn kết bạn trong một môi trường thù địch: họ đâm yêu hương vị lãng mạn của hoàn cảnh mình, và các chủ nhà của mình.  Một anh du kích 22 tuổi nói đùa với một đặc vụ OSS rằng anh ta không nên chường mặt ra ngoài láng trại của họ ở Tân Trào, ‘bởi vì nếu bọn Nhật bắt được anh, bọn chúng sẽ làm thịt anh ăn như thịt heo quay!’ Khi anh du kích vừa cười giòn giã vừa kể lại câu nói đùa cợt của mình với Giáp, tuy nhiên, anh liền bị quở trách: ‘Chúng ta là người làm cách mạng,  còn các thành viên trong đội này là bạn đồng minh của chúng ta, vì thế chúng ta phải nói chuyện với họ một cách có văn hoá và văn minh.’

Quyết sách về Đông Dương của Washington có tính dò dẫm và thất thường.  Các tướng lĩnh đồng minh bận bịu hoàn tất việc đánh bại Đức và Nhật. Tuy nhiên, từ Nam Tư cho đến Miến Điện, và từ Hy Lạp đến Việt Nam,  các người quốc gia bản xứ tập trung tham vọng của mình gần như độc nhất vào công cuộc chiếm được quyền kiểm soát chính trị, một khi lực lượng phe Trục mất đi. Các thần dân xứ thuộc địa không thấy đáng bỏ công sức giải phóng khỏi quyền bá chủ phát xít, chỉ để khom mình lần nữa dưới ách của các ông chủ trước đây, hoặc là Pháp, Anh, hoặc Hà Lan. Đội OSS theo Hồ trở nên bị thu hút trước cá tính của ông, và tự cho phép mình nghĩ rằng vũ khí mà họ cung cấp cho ông đang được sử dụng để quấy nhiễu bọn Nhật. Đúng ra, Việt Minh cũng dàn dựng một ít hoạt động nhỏ  trình diễn chống bọn Nhật chiếm đóng, nhưng tập trung xây dựng tổ chức của mình và dành dụm vũ khí để chống lại Pháp. Chỉ huy quân sự được Hồ bổ nhiệm là Giáp.  Người cựu giáo viên và sinh viên say mê môn sử này không được đào tạo về quân sự ở đâu cả, vào ngày 22/12/1944, ông thành lập cái gọi là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân, chỉ đúng 34 người, trong đó có 3 phụ nữ. Vào ngày 15/5/1945 bộ phận này được sáp nhập thành ‘Quân đội Giải phóng’ phôi thai.

Lịch sử Hà Nội hiện đại hân hoan ghi lại cách mà các cán bộ cộng sản lợi dụng vũ khí và sự huấn luyện Tây phương để theo đuổi mục đích của riêng mình. Vào năm 1943, theo chân Đồng minh chiếm lại Madagascar thuộc Pháp, Cục Điều hành Chiến dịch Đặc biệt (SOE), một tổ chức chiến tranh bí mật của Anh, tuyển mộ 7 tù bình Việt mà họ tìm thấy đang nằm mòn mỏi trong một nhà tù của chính quyền Vichy. Các người này bảo đảm với những người đến giải phóng họ là họ sẽ hồ hởi hồi hương chiến đấu chống phát xít, mà không đề cập đến việc họ cũng kể người Pháp là kẻ thù phát xít. Một tường thuật sau đó của Việt Minh cũng xác nhận: ‘Bảy tình báo viên bề ngoài là các đặc vụ Đồng minh, nhưng trái tim và khối óc họ thuộc về chủ nghĩa cộng sản.’ Sau khi được đào tạo thường lệ trong ngành tình báo họ được thả dù trở lại Việt Nam. Họ sợ mình sẽ bị đảng khai trừ vì đã nhận công tác với SOE. Thay vào đó họ được chào đón nồng ấm, và nhanh chóng nhận lệnh đánh điện về Calcutta xin thêm vũ khí, máy vô tuyến và vật dụng y tế.

Chiến tranh kết thúc bất ngờ vào tháng 8 1945 tạo thời cơ cho Hồ chiếm được thế tiến công, lấp đầy chỗ trống quyền lực mở toang hoác ở phía bắc. Ông phái đặc sứ đến thuyết phục Bảo Đại, vị hoàng đế trẻ bù nhìn,  lười nhác và thất thường, viết cho chính quyền Paris  khẳng định rằng cách duy nhất để giữ gìn vị thế của Pháp là ‘phải thẳng thắn và công khai nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam’. Tướng Charles de Gaulle, ông chủ lâm thời ở Paris, từ chối trả lời công văn này, nhưng buộc phải bực mình lưu ý là trước khi thoái vị vào ngày 25/8 Bảo Đại đã mời Hồ đứng ra thành lập chính phủ. Lãnh tụ Việt Minh cùng với các đồng chí của mình tuần hành về Hà Nội, thủ phủ của Bắc Kỳ, và vào ngày 2/9/1945, trước đám đông dân chúng ngây ngất tụ tập tại vườn hoa Ba Đình, ông tuyên bố thành lập một nhà nước Việt Nam.  Ông tuyên bố: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gầy dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam đã là một quốc gia độc lập.’

Tin tức lan truyền khắp đất nước, và một học sinh sống ở phía nam thành phố Huế sau đó nhớ lại: ‘Các thầy chúng tôi quá đỗi vui mừng. Họ bảo chúng tôi ra khỏi lớp và ăn mừng độc lập. Họ nói khi chúng tôi lớn lên … chúng tôi phải nhớ về ngày này như một ngày lễ kỷ niệm.’ Hồ trong bài diễn văn của mình trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, và thắng được một cú tuyên truyền khi nhóm OSS tự cho phép mình đứng chụp ảnh dự lễ chào cờ Việt Minh. Tình cờ, ngay lúc đó một số chiến đấu cơ P-38 của Không lực Hoa Kỳ gầm thét trên đầu: trong con mắt của hàng ngàn người đứng nhìn, dường như nước Mỹ đang chúc phúc cho chính quyền mới. Tất nhiên, đúng ra, một nhóm người trẻ chuộng lý tưởng thuộc Bộ Ngoại giao và OSS chỉ lợi dụng Washington thiếu đối sách để tự tiện bày tỏ tâm trạng của mình.

 Patti, mà tính tự phụ của ông bị Hồ sử dụng như cây đàn, mô tả nhà lãnh tụ Việt Minh là ‘một tâm hồn thanh cao’, và một người Mỹ khác nói, ‘Chúng tôi cảm thấy trước nhất ông là một người quốc gia, sau đó mới là người cộng sản.’ Rất lâu sau đó viên thiếu tá nhìn nhận, ‘Có lẽ tôi phần nào ngây thơ đối với ý đồ và mục đích khi sử dụng những lời lẽ (của Tuyên ngôn 1776) . . . Nhưng tôi cảm nhận rất mạnh mẽ là người Việt Nam có quyền hợp pháp để nắm quyền tự trị thực sự. Suy cho cùng (Thế Chiến II) là để làm gì?’

Tài thu hút của lãnh tụ là yếu tố quyết định trong hầu hết cuộc đấu tranh cách mạng  – hãy xét Gandhi và Nehru của Ấn Độ, Kenyatta của Kenya, Castro của Cuba. Hồ Chí Minh xác lập một tính hợp pháp cho thấy là bất khả xâm phạm cho dù chế độ ông chứng tỏ còn đầy thiếu sót và sắt máu, bởi vì vào năm 1945 ông chiếm lĩnh quyền sở hữu độc nhất phong trào độc lập Việt Nam.  Nguyễn Cao Kỳ khi đó 16 tuổi sau này nhớ lại vào những ngày đó ở Hà Nội ‘cái tên duy nhất trên đầu môi tôi, cũng như trên đầu môi hầu hết những người của thế hệ tôi, là Hồ Chí Minh.  Nhiều hộ gia đình bắt đầu treo chân dung của ông: theo lời một người Việt trẻ khác, ‘ Chúng tôi khao khát một anh hùng để tôn thờ.’ Người Pháp đã không ra sức nuôi dưỡng một tầng lớp chính trị bản xứ có cảm tình với những khát vọng của nhân dân mình: những người Việt giàu có và học thức tồn tại trong một thế giới hoàn toàn xa lạ với thế giới của giới nông dân. Dù Hồ và các đồng chí thân cận của mình biết rằng không có nhiều người hậu thuẫn mình nếu công khai thừa nhận chiêu bài cộng sản, ông vẫn có thể đoàn kết nhiều tầng lớp dân chúng đằng sau công cuộc đánh đuổi người Pháp.  Trong những năm tiếp theo, ông đạt được một vị thế thần kỳ mà không đồng bào nào có được. Trong những năm đầu đấu tranh giành độc lập, ở  ‘những vùng giải phóng’ đất đai cưỡng bách chuyển từ địa chủ sang quyền sở hữu của nông dân. Hồ và phe đảng mình không tiết lộ rằng họ xem sự tái phân phối ruộng đất chỉ là sự dừng lại chuyển tiếp, chính sách tập thể hóa được treo lại. Các cán bộ chính trị vẽ ra hình ảnh nước Nga như thiên đường trên mặt đất, mà Việt Nam phải khát khao vươn tới. Hồ chính ông cũng toát ra một phẩm cách và một trí sáng suốt gây ấn tượng tất cả ai gặp gỡ ông, và cho thấy mình là một người thao túng chính trị xuất sắc.  Bên dưới lớp vecni của lòng độ lượng, ông sở hữu một phẩm chất cốt yếu đối với mọi người cách mạng: tính nhẫn tâm tuyệt đối đối với giá sinh mạng con người  trong các lộ trình ông thấy là thích hợp với nhân dân mình. Dường như là một trắc nghiệm công bình để truy vấn đối với bất kì phong trào chính trị nào dù của tư bản, cộng sản hay phát xít, là xem nó nhân đạo cơ bản cỡ nào. Một phát biểu được cho là của Giáp trả lời câu hỏi này cho phong trào Việt Minh: ‘Mỗi phút, trên trái đất có hàng trăm ngàn người chết. Sống hay chết của hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn sinh mạng, cho dù của đồng bào ta, không có nghĩa lý gì.’

Tư cách của Hồ Chí Minh cũng phản ánh cùng xác quyết,  dù ông là một nhà chính trị quá sắc sảo để biểu lộ cho người Tây phương nhận biết. Đã từng có nhiều tranh luận về việc liệu ông là người cộng sản ‘thực thụ’, hay chỉ là một người dân tộc chủ nghĩa vì nhu cầu chính trị mà phải đi theo tín điều của Lenin. Chứng cứ hình như lấn át ngã theo nhận định trước. Ông chưa hề là người theo chủ nghĩa Tito (Tổng thống Cộng hòa Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư 1953-80, độc lập với khối Liên bang Xô viết) như một số nhà biện hộ đề nghị: ông nhiều lần lên án Nam Tư khi vào năm 1948 cắt đứt quan hệ với khối Xô viết. Ông thừa nhận niềm ngưỡng mộ không lay chuyển đối với Stalin, mặc dù nhà lãnh đạo Nga chưa hề đáp lại hoặc bằng sự tin cậy nhà lãnh tụ Việt Minh hoặc bằng viện trợ đáng kể cho ông.

Dường như có khả năng không nhiều là việc Việt Nam đi theo chủ nghĩa cộng sản đã có thể tránh được nếu Pháp vào năm 1945 đã tuyên bố ý định rời bỏ Việt Nam,  và bước  vào tiến trình  chuyển tiếp cấp tốc để nhận diện các nhà lãnh đạo bản xứ có thể tin cậy được và chuẩn bị cho họ quản trị xứ sở, giống như người Anh đã làm trước khi rút khỏi Mã Lai. Tuy nhiên,  thay vào đó, người Pháp chọn cách soạn một bức thư tuyệt mạng dài, tuyên bố sẽ chống đối sắt đá với độc lập đến cùng. Tính ngoan cố của bọn thực dân tạo cho Hồ Chí Minh lợi thế tinh thần trong cuộc chiến đấu giờ bắt đầu mở ra.

De Gaulle chịu trách nhiệm chính cho lỗi lầm này. Vào tháng 3 1945 ông gạt phắt quan điểm của Pierre Messmer, tùy viên liên lạc của ông ở Viễn đông, người cho rằng cần phải đàm phán với Việt Minh.  Thay vào đó, vị tướng hống hách giao việc phục hồi quyền hành nước Pháp cho Đô đốc Thierry d’Argenlieu vốn có đầu óc thực dân khó chữa. Ông này lên nắm quyền tổng cao ủy ở Sài Gòn. Trong một số nơi trên thế giới,  đáng kể là Phi châu,  sự khan hiếm phong trào quốc gia đáng tin cậy khiến các đế quốc Âu châu có thể bám riết vào quyền lực và đặc quyền của mình thêm một thế hệ nữa. Tuy nhiên,  ở Việt Nam  cũng như ở nơi khác ở châu Á, tính bá quyền ngoại bang trở nên không thể bền vững một khi các lãnh đạo bản xứ tìm thấy tiếng nói không thể bắt câm lặng, cùng với số thính giả chịu lắng nghe. Đây là thực tế mà nước Pháp mất cả thập niên tiếp theo tìm cách phủ nhận.

Vào ngày 12/9/1945, không đến một tháng sau khi Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, quân Anh và Ấn đổ bộ vào Sài Gòn.  Họ giải thoát cho các tên thực dân Pháp tức tối ra khỏi nhà tù, và đuổi cổ các cán bộ Việt Minh nắm quyền sau các xung đột lộn xộn và đẫm máu, trong đó một số lính Nhật được triển khai cùng với quân đồng minh. Chỉ huy Anh, Thiếu tướng Douglas Gracey, xác nhận: ‘Vấn đề chính quyền Đông Dương là độc quyền của người Pháp.’ Một sĩ quan của ông mô tả lần gặp gỡ đầu tiên với Việt Minh: ‘Họ đến thăm tôi và nói, “xin chào” và đại loại như thế. Đó là một tình cảnh khó chịu và tôi nhanh chóng tống cổ họ ra. Họ rõ ràng là những tên cộng sản.’ Gracey đôi khi bị chỉ trích vì sử dụng binh sĩ để đàn áp lực lượng của Hồ. Tuy vậy ông chỉ là một chức quan tương đối nhỏ, không phải Caesar cũng thậm chí không phải Mountbatten (Đô đốc Anh, Phó vương Ấn Độ năm 1947), được lệnh làm y như các người ngang chức với mình khắp nơi trên thế giới vào thời kỳ đó: sử dụng lưỡi lê để phục hồi trật tự như trước chiến tranh. Theo mệnh lệnh của Washington 150,000 binh lính Trung Quốc  của Tưởng Giới Thạch,  tiến xuống miền bắc Việt Nam góp phần vào vai trò lực lượng chiếm đóng của đồng minh. Người Việt gọi họ là tàu phù bởi vì hình như tên nào cũng có bàn chân xưng phù, có thể bị beriberi (rối loạn dinh dưỡng  do thiếu vitamin B1.) Bọn tàu mới đến xử sự như châu chấu hơn là chiến binh, bóc lột vùng quê mọi thứ ăn được hoặc mang đi được. Họ ít can thiệp đến nỗ lực mở rộng quyền lực chính trị của ông, và sốt sắng bán vũ khí cho Việt Minh.  Đầu tháng 10 1945 những binh lính Pháp đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn, nhưng sau đó hơn một năm trôi qua  – thời gian đình hoãn vô giá cho người cộng sản và chết người cho phe đế quốc – trước khi họ tái xác lập quyền kiểm soát ở miền bắc. 

Ở tuổi 16, học sinh Phạm Phú Bằng là một người cách mạng nhiệt huyết  xem Việt Minh là một phong trào độc quyền giành độc lập: ‘Tôi không biết gì về chủ nghĩa cộng sản.’ Khi người Nhật càn quét đất nước, lúc đầu anh thấy phấn khích khi thấy người bạn Á châu lăng nhục quyền lực của thực dân Pháp  – ‘như hai con trâu khóa sừng nhau’. Sau khi Nhật đầu hàng, Bằng khởi đầu sự nghiệp cách mạng của mình,  lấy cắp vũ khí từ bọn lính Tàu bất cẩn, viết bích chương  và biểu ngữ ‘Hoan hô Hồ Chí Minh’, ‘Việt Nam Tự Do Vạn Tuế’. Một hôm anh đáp tàu hỏa chở gạo ra miền bắc đến những vùng cứu đói. Tàu bị kẹt tại đầu cầu bị đánh sập bởi máy bay đồng minh. Đoàn Việt Minh hộ tống tàu vận động dân làng đắp bao cát bắc qua sông, nhưng sớm tìm thấy tàu hỏa bị đám đông dân đói bao vây. Anh chàng Bằng bị một người da bọc xương níu kéo. Anh vừa phát một lon gạo cho y, nhưng y van nài xin thêm một lon nữa cho con mình. ‘Chúng tôi tranh luận xem phải đổ lỗi cho ai gây ra thảm họa khủng khiếp này – người Nhật đang cai trị; người Pháp lấy đi thực phẩm nhiều tùy thích để nuôi sống dân mình; hay người Mỹ đã đánh bom đường sắt. Chúng tôi kết luận lỗi cả ba. Chúng tôi hỏi nhau: tại sao một đất nước nhỏ bé, gầy còm như đất nước chúng tôi lại có quá nhiều kẻ thù?’

Trong quá trình 1945-46 Việt Minh chiếm quyền kiểm soát tổ chức Thanh niên Tiền phong phi-cộng sản và đàn áp các nhóm đối lập khác. Nhiều lãnh tụ đối thủ bị bỏ tù, và ở vùng quê hàng ngàn người bị chụp mũ là ‘kẻ thù nhân dân’ bị thủ tiêu. Việt Minh hối hả tuyên bố chiến thắng của họ trong cuộc bầu cứ quốc gia ngày 4/1/1946, chắc chắn là gian lận như bất kì cuộc đầu phiếu nào khác  ở Đông Dương suốt nhiều thập niên tiếp sau. Trong một mùa ngắn ngủi khi quân đội Trung Quốc và các đại diện đồng minh nhan nhản ở miền bắc,  một điều gì đó giống như là tự do ngôn luận được chấp nhận. Tuy nhiên,  vào giữa tháng 6, phần đông lính Tàu đã về nước, cuộc thanh trừng tiếp tục. Người của Hồ hành động  nhanh chóng và hiệu quả để nắm lấy quyền kiểm soát vùng nông thôn, nhất là trong khu vực heo hút sát biên giới Trung Hoa.  Trái lại, trong vùng đồng bằng Cửu Long,  đầu năm 1946 người Pháp đã xác lập sự hiện diện vững chắc của mình, buộc các cơ cấu khởi nghĩa phải rút vào vòng bí mật, bên cạnh chính quyền thuộc địa. Trong số cán bộ Việt Minh trở về từ lao tù có Lê Duẩn, người mà hai thập niên tới sẽ trở thành người cai trị đất nước mình. Khi người Pháp đánh đuổi Việt Minh ra khỏi vùng đô thị , ông thuộc số người cắm chốt trong vùng nông thôn châu thổ, nơi du kích bắt đầu hoạt động và lực lượng thực dân bắt đầu phản đòn.

Việc Pháp chấp nhận lộ trình địa ngục này thoát thai từ một nguyên nhân dễ hiểu là họ bị mất mặt trong Thế Chiến II.  Một tai họa tương tự đã tránh được ở Ấn Độ, chắc chắn chỉ vì các cử tri Anh trong cuộc bầu cử 1945 của họ đã biểu lộ sự sáng suốt khi bầu cho một chính quyền xã hội, đưa ra một quyết định lịch sử là từ bỏ tiểu lục địa (tức Ấn Độ) và Miến Điện (tức Myanmar bây giờ). Ngược lại, ở Paris vào mùa hè 1945 một đại biểu cho phe hắc ám từ Guyana, Gaston Monnerville, xác nhận: ‘không có Đế quốc,  Pháp ngày nay không hơn một xứ sở được giải phóng. . . Nhờ có Đế quốc,  Pháp là một đất nước chiến thắng.’ Những chính phủ đến rồi đi liên tiếp của Đệ Tứ Cộng hòa cho thấy mình yếu đuối trong mọi việc trừ đồng lòng triển khai lực lượng tại các vùng đất sở hữu hải ngoại của Pháp, với tính sắc máu hiếm hoi xứng tầm với người Xô viết. Tiếp theo cuộc khởi nghĩa Hồi giáo 1945 ở Algeria  trong đó một trăm người Âu bị giết chết, ước tính có khoảng 25,000 người dân bị binh lính Pháp tàn sát. Sau cuộc vùng dậy tháng ba 1947 ở Madagascar, nơi 37 ngàn tên thực dân ngồi trên đầu hơn 4.2 triệu thần dân da đen, quân đội sát hại 90,000 người dân. Chỉ trong thời buổi suy đồi của một thế giới đã cạn kiệt sức phẫn nộ đạo lý thì việc tạo ra những núi xác chết như thế bởi một cường quốc Âu châu mới không đánh động mọi người. Algeria và  Madagascar cung cấp một bối cảnh cho trận đổ máu ngang tầm cỡ trút xuống Đông Dương. Khó hiểu hơn cả tính nóng nảy và bất nhân của người Pháp là sự đồng lòng của Mỹ hậu thuẫn họ. Không có viện trợ quân sự,  chính sách thuộc địa của Pháp sẽ sụp đổ qua đêm.

Fredrik Logevall nhận xét rằng sẽ không có gì nghịch lý nếu Mỹ quyết định hỗ trợ công cuộc phục hồi quốc nội Pháp, trong khi rút lại sự hậu thuẫn cho những hành động đế quốc điên rồ. Washington hành động trái ngược một phần bởi vì, thậm chí trước khi Chiến tranh Lạnh trở nên lạnh giá,  những người làm chính sách hoảng sợ khi thấy cộng sản đã đạt được chiến lợi phẩm lãnh thổ mới. 

Trong khi các trí thức cấp tiến Mỹ ghét cay ghét đắng chế độ thực dân, trong một kỷ nguyên mà một bộ phận lớn đất nước họ còn kỳ thị chủng tộc, thì cảnh tượng người da trắng làm chủ nhân ông “các chủng tộc thấp kém hơn” dường như không ghê tởm như sau này được cảm nhận. Vào những năm cuối thập niên 1940, chính sách Pháp it liên kết chặt chẽ với chủ nghĩa chống cộng của Mỹ như về sau này, nhưng lợi ích của nhân dân Việt Nam  – hay của các dân tộc anh em Malagasy, Algeria v…v… xếp thứ yếu trong danh sách ưu tiên của Tổng thống Harry Truman. 

Một số người Việt Nam lúc đầu xem việc trở lại của người Pháp là tiện lợi tạm thời chấp nhận được, để loại bỏ dùm họ bọn lính Tàu cướp bóc miền bắc.  Hồ Chí Minh được công nhận một cách biểu tượng như là người chủ của Bắc Kỳ, trong khi việc Bảo Đại cai trị trên danh nghĩa đất nước được thừa nhận. Vào tháng 7 1946, khi Hồ đến viếng thăm Paris để đàm phán về tương lai hợp hiến, ông được đón tiếp trọng thể với nghi lễ dành cho người đứng đầu nhà nước. Tuy nhiên, việc này chỉ là bày vẻ bề ngoài. Trong các cuộc thương lượng tại Fontainebleau diễn ra sau đó, chính quyền Paris làm rõ là ông đã được mời tới chỉ để nhận những chỉ thị của các ông chủ của mình, chứ không phải để thương thảo giao lại quyền lực. De Gaulle nói: ‘Thống nhất với các lãnh thổ hải ngoại mà nước Pháp giúp mở cửa đến văn minh, nước Pháp là một quốc gia vĩ đại.  Không có các lãnh thổ này nước Pháp có nguy cơ không còn là một quốc gia vĩ đại.’

Người đứng đầu phái đoàn Pháp khinh thị bảo một đại diện Việt Minh: ‘Chúng tôi chỉ cần một cuộc hành quân cảnh sát bình thường trong tám ngày là tống cổ được tất cả các ông.’ Trong vài tuần,  Hồ bực bội nán lại. Trương Như Tảng, người mà gần ba thập niên sau sẽ trở thành bộ trưởng cách mạng miền Nam, có mặt trong nhóm sinh viên đang du học tại Pháp được dịp gặp gỡ người hùng của mình ở Paris.  Họ vô cùng xúc động khi vị lãnh tụ quốc gia đầy khát vọng bảo họ hãy gọi mình là ‘Bác Hồ’ thay vì ‘Ngài Chủ tịch’ . Ông hỏi ý kiến họ về tương lai Việt Nam, dành trọn một buổi chiều để chuyện trò với họ: ‘Thật khó tìm một nhà lãnh đạo thế giới nào khác mà trong hoàn cảnh tương tự có thể hành động giống như vậy.’ Khi Hồ nhận thấy trong nhóm sinh viên đều có đại diện đủ ba miền nam, trung và bắc, ông nói, ‘Voilà! Tuổi trẻ của đại gia đình chúng ta.  . . Các anh phải nhớ, nước Việt Nam là một,  dân Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi.’ Lời nhận xét của ông gây ấn tượng sâu sắc cho các đồng bào của mình, bởi vì những lời ấy khơi gợi thứ ngôn ngữ của khẩu hiệu và có tính thi ca mà các lãnh tụ Việt Nam luôn sử dụng để hiệu triệu nhân dân. . . ‘Từ buổi chiều đó tôi đã là đảng viên nhiệt thành của Hồ Chí Minh.  Tôi đã bị chinh phục bởi tính giản dị, nét duyên dáng,  thân thiện của ông. Lòng yêu nước cháy bỏng của ông ấy là tấm gương tôi sẽ noi theo suốt cuộc đời.’

Hồ trở lại Bắc Kỳ biết rằng không cách nào dàn xếp   được  hoà bình. Người Pháp ương ngạnh xử sự hai mặt: đợi khi máy bay, tàu chiến và thêm nhiều binh sĩ đã được điều động đến,  họ bèn siết chặt miền nam, rồi vươn ra bắc.  Mùa hè 1946 đó vị quân nhân tối cao của họ, Tướng Philippe Leclerc, chỉ đạo các chiến dịch quân sự: ông dán cho Hồ nhãn hiệu kẻ thù của nước Pháp,  và không mấy khôn khéo khi tuyên bố cuộc xung đột gần như đã chiến thắng.  Vị tướng xử sự khinh thị với Giáp, trưởng phòng tình báo trước đây của Hồ,  nay đoán chừng là ‘bộ trưởng quốc phòng’ Việt Minh. Cái cười toét miệng, lây lan sự vui tính của Giáp khiến một số người Tây phương lầm tưởng ông thân thiện và mềm dẻo hơn vị lãnh tụ của mình. Thật ra, tính tự phụ của Giáp không kém tính sắt đá của ông: những lời sỉ nhục thiếu suy nghĩ của người Pháp càng làm ông thêm ghê tởm bọn thực dân.

Leclerc đổi ý khá muộn màng về Đông Dương,  giờ tin rằng không thể giữ được Đông Dương khi đương đầu với mối thù địch được người cộng sản và phi cộng sản chia sẻ. Tuy vậy không lâu sau khi ông tử nạn trong vụ rơi máy bay ở châu Phi,

Thierry d’Argenlieu sau đó khống chế quyền ra quyết định của xứ sở mình. Vị tổng cao ủy Đông Dương là một nhân vật ngoan cố và xảo quyệt, thuyết phục chính quyền Paris rằng có thể nghiền nát Việt Minh: ‘Từ giờ trở đi chúng ta không thể thỏa hiệp với Hồ Chí Minh.  .  . Chúng ta phải tìm người khác mà chúng ta có thể thương thảo.’ Người Pháp tính đến việc ve vản cựu hoàng Bảo Đại trẻ tuổi. Nhưng tại Việt Nam,  cũng như trong nhiều quốc gia bị áp bức, một làn sóng đang dâng lên mạnh mẽ nghiêng về phe Tả. Không người Việt nào khác chiếm lĩnh được trí tưởng tượng của quần chúng mà Hồ đã giành được.

Vào tháng giêng 1946, tiếp theo sự sụp đổ của hội nghị, người Pháp tiến hành một vụ oanh kích tàn nhẫn từ tàu chiến và phi cơ vào các căn cứ của Việt Minh trong và quanh cảng Hải Phòng.  Vài ngàn dân thường tử vong, chỉ có khu Âu châu trong thành phố là thoát khỏi trận tàn phá. Vào ngày 19 tháng 12

 d’Argenlieu phát đi tối hậu thư kêu gọi Việt Minh từ bỏ, và họ đáp trả bằng một cuộc nổi dậy vũ trang tại Hà Nội,  giữ vững trong 60 ngày. Khi cuối cùng họ bị đẩy lui giữa cảnh hoang tàn ngổn ngang, người Pháp tự lừa dối mình khi cho rằng đã chiếm lại quyền kiểm soát Bắc Kỳ. 

Tuy nhiên, các  quan sát viên nước ngoài hoài nghi.  Một thông tín viên tờ The Times of London viết vào tháng 12: ‘Bất kỳ chính quyền thực dân nào tự đặt mình trong một tình thế phải đương đầu với khủng bố này đến khủng bố khác đều có thể đã phủi tay khỏi chuyện này. Chúng ta sắp sửa chứng kiến quân đội Pháp tái chinh phục phần lớn hơn của Đông Dương nhưng không thể để thương gia hoặc chủ đồn điền nào có thế sống ngoài chu vi của vòng rào kẽm gai.’ Hồ và Giáp, chuẩn bị cho một chiến dịch lâu dài, cần đến các căn cứ địa nằm ngoài vùng hoạt động các sân bay và trọng pháo của Pháp.

Vì vậy, đạo quân chủ lực của họ, khoảng 30,000 người, phải rời bỏ thị trấn và thành phố và hành quân đến Việt Bắc, vùng tây-bắc xa xôi. Các lãnh đạo Việt Minh, giờ cư trú trong lều tranh hoặc hang động, không hề tự lừa dối mình là có thể đạt được thắng lợi quân sự tuyệt đối. Thay vào đó, họ chỉ nhắm làm cho địch phải cai trị với một giá đắt đỏ.  Với mục tiêu này, các nhóm địa phương giấu mặt phát động cuộc chiến tranh du kích, trong khi lực lượng chính quy tiến hành các trận đánh trình diễn khi điều kiện có vẻ thuận lợi. Họ trông cậy phần lớn vào vũ khí tịch thu được, nhưng cũng bắt đầu chế tạo vũ khí cho riêng mình, dưới sự trợ giúp của khoảng 3,000 lính đào ngũ Nhật Bản. Với sự khéo léo vô hạn, họ sục tìm các vỏ đạn của Pháp để nạp lại thuốc súng, chế tạo mìn từ vỏ pháo và đạn súng cối. Ngay từ đầu, họ đã vận dụng quyền kiểm soát bí mật hoặc công khai khoảng 10 triệu người, phần đông đều nộp thuế cho họ, và thi hành nghĩa vụ lao động hoặc quân dịch. Mặc dù Việt Minh tố cáo nạn buôn lậu nha phiến như một biểu hiện bóc lột của thực dân, Hồ đẩy mạnh doanh thu của phong trào theo cùng một phương tiện.

Gia đình gần như là trung tâm thiêng liêng của xã hội Việt Nam, vậy mà trong những ngày đó nhiều gia đình bị xé nát. Ông thân của em Trần Hội 10 tuổi là một doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội vẫn tiếp tục thừa nhận quyền cai trị của Pháp.  Ông nói, ‘Nếu chúng ta phải chọn giữa chế độ thuộc địa của Pháp và chủ nghĩa cộng sản,  tôi sẽ chọn chế độ thuộc địa, vì nó dẫn đến văn minh Tây phương.’ Trận cãi vã chua chát nổ ra khi chú của Hội, một bác sĩ, tuyên bố quyết tâm đi theo Hồ Chí Minh của mình. Những chia rẽ trong gia đình Hội,  cũng như của bao nhiêu gia đình khác,  vẫn không thể hàn gắn qua nhiều thập niên xung đột giờ đang bắt đầu diễn ra.

Năm 1896: Cổng chùa Đại Phật

‘Sứ Mạng Khai Sáng’  – Bắc Kỳ 1908:  Sĩ quan Pháp với thủ cấp những nghi can Việt trong vụ đầu độc lính Pháp

1945: Nạn nhân trong nạn đói thảm khốc quét qua Bắc Kỳ

Các sĩ quan OSS ngồi với các nhà lãnh đạo Việt Minh Hồ và Giáp

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s