Trần Hoàng – Đàm Minh Khôi
Vào thế kỷ XVII, nhóm người Hoa Trần Thượng Xuyên đã sang thần phục chúa Nguyễn trong bối cảnh phong trào “Bài Mãn phục Minh” đang trên đường thất bại. Họ đã tới định cư xứ Bàn Lân, Cù lao Phố sau đó lan tỏa khắp nơi. Với tài năng kinh tế của mình, họ đã cùng với những cư dân người Khmer, người Việt, các nhóm người thuộc ngữ hệ Môn-Khmer xây dựng và phát triển Cù lao Phố thành một trong số những thương cảng bậc nhất Nam Bộ buổi đầu khẩn hoang. Gần một thế kỷ tồn tại, thương cảng Cù lao Phố đã phát huy được vai trò trong quan hệ kinh tế trong nước và quốc tế.
2.3.1. Với trong nước
Thương cảng Cù lao Phố được xem là cảng thị đầu tiên và thịnh đạt ở Nam Bộ. Với vị trí thuận lợi và thời gian xuất hiện sớm, Cù lao Phố thể hiện vai trò quan trọng là trung tâm trao đổi hàng hóa giữa các thương cảng trong nước.
Các cảng thị khác trong thời điểm cuối thế kỉ XVII- đầu thế kỉ XVIII như Sài Gòn (Chợ Lớn), Phú Xuân, Hà Tiên vẫn chưa thể phát triển cực thịnh được như Cù lao Phố. Một phần là do thời gian xuất hiện, một phần do vị trí tự nhiên, phần là do tình hình an ninh và nhiều lý do khác nữa.
Cảng thị Mỹ Tho được người Hoa xây dựng cùng thời với vùng đất Cù lao Phố. Trịnh Hoài Đức đã mô tả sự phát triển của thương cảng này “Phía nam là chợ phố lớn Mỹ Tho, mái ngói chạm cột phủ, đinh cao, nhà thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền rộng như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo”[1]. So với vùng đất Cù Lao Phố, Mỹ Tho đại phố (cảng thị Mỹ Tho) năm 1688 đã xảy ra biến loạn khi phó tướng Hoàng Tiến giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch. Chúa Nguyễn đã cử binh đến dẹp loạn ở xứ này, đưa vùng đất trở nên yên bình. Song do vị trí tiếp giáp vùng biên giới, luôn xảy ra chiến tranh, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Rồi sau đó quân Tây Sơn cũng tràn vào chiếm đánh vùng đất này và tới năm 1785, quân Xiêm lại sang và tàn phá. Từ đó, cảng thị Mỹ Tho trở nên một vùng đất tiêu điều, không còn phát triển như trước, dân cư phiêu tán khắp nơi.
Còn thương cảng Hà Tiên là nơi người Hoa của nhóm Mạc Cửu tới đây khẩn hoang và đã thần phục chúa Nguyễn (năm 1708). Cảnh hưng thịnh của cảng thị Hà Tiên được Trịnh Hoài Đức mô tả: “đường xá giao nhau, phố xá nối liền, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Chà Và đều hợp nhau sinh sống, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây như mắc cửi, thật là nơi đại đô hội nơi dọi biển vậy”[2]. Song Hà Tiên trong nhiều năm tình hình an ninh bất ổn. Thường xuyên diễn ra nạn giặc cướp biển, rồi Chân Lạp xâm lấn năm 1739, Xiêm La uy hiếp năm 1766, Trần Thái làm loạn, năm 1771 bị Xiêm La nhiều lần chiếm đóng phá sạch nhà cửa đồn bào. Có thể thấy đây là giai đoạn người dân phiêu tán.
Phú Xuân là thủ phủ của chúa Nguyễn từ năm 1687, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của Đàng Trong thời kì mới. Về mặt kinh tế, sự phát triển của các cảng thị thì Phú Xuân giai đoạn cuối thế kỉ XVII- cuối thế kỉ XVIII nổi bật với các phố chợ, bến cảng như: Thanh Hà, Bao Vinh, chợ Dinh, chợ Được, chợ Đông Ba, Gia Hội,… mà nổi bật nhất là cảng thị Thanh Hà. Lượng hàng hóa đa dạng ở khắp các ngành nghề kinh tế công thương nghiệp cho đến thủ công nghiệp. Chúng ta vẫn bắt gặp ở đây lực lượng buôn bán chủ chốt với sự góp mặt của các thương nhân người Hoa. Có thể nói, cảng thị Phú Xuân giai đoạn này cũng đạt được sự phát triển nhất định khi góp phần trao đổi hàng hóa trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, do sức vóc của cảng thị bé nhỏ và phụ thuộc nhiều vào triều đình Huế nên không thể có được sự thịnh đạt như các trung tâm Cù lao Phố hay Mỹ Tho đại phố. Lúa gạo từ Nam Bộ thông qua thương cảng Cù Lao Phố thuở khai phá chuyển ra Phú Xuân.
Thương cảng Sài Gòn (Chợ Lớn) được hình thành muộn hơn các thương cảng trên và nó đạt sự thịnh vượng sau năm 1778. “Từ khi quân Tây Sơn nổi lên, quan quân hội cả ở trấn Phiên An, thuyền buôn cũng dời đậu ở sông Tân Bình (sông Sài Gòn)”[3]. Song đến năm 1882 Nguyễn Nhạc tàn sát người Hoa nơi đây khi bị đánh tập kích. Từ năm 1888, khi Nguyễn Ánh lấy lại được đất Gia Định, thương cảng Chợ Lớn dần dần phát triển và trở thành trung tâm mới của vùng đất Nam Bộ sau này.
Còn về Cù lao Phố, như chúng tôi đã trình bày, nó thuận lợi về mọi mặt, là thương cảng bậc nhất buổi đầu khẩn hoang. Bên cạnh đó, từ khi người Hoa nhóm Trần Thượng Xuyên định cư ở đây với tài năng buôn bán của mình. Họ đã thu hút các nguồn hàng từ mọi nơi về đây. Việc nhóm người Hoa định cư ở đây đã được Ngô Văn Lệ nhận xét: “không phải ngẫu nhiên mà là sự đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn trong việc tương tác với môi trường tự nhiên. Cư trú ở vùng sông nước sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển bằng đường thủy, khi mà đường bộ chưa thể phát triển; phù sa sông rạch bồi đắp quanh năm sẽ thuận lợi cho việc mở mang đồng ruộng, canh tác ao vườn; nguồn thủy triều lên xuống liên tục trong ngày sẽ là điều kiện thuận lợi dẫn thủy nhập điền, tưới tiêu ruộng đồng, hoa màu. Đặc biệt là phục vụ cho đời sống như đánh bắt thủy hải sản, giao lưu, trao đổi hàng hóa, bán buôn…”[4].
Không chỉ thế, cảng thị Cù lao Phố còn có một ưu điểm là tình hình an ninh ổn định. Theo Sơn Nam “Trấn Biên và Phiên Trấn khi mới khẩn hoang tuy đất không bằng phía Cửu Long nhưng vẫn là phì nhiêu so với vùng Bình Thuận. Vì ở gần lỵ sở, gần thương cảng nên lúa gạo bán có giá. Về mặt an ninh, vì xa sông Tiền, sông Hậu nên không sợ nạn chinh chiến khi chúa Nguyễn và Xiêm La gây hắn”[5].
Chính vì vậy, vùng Cù lao Phố được xem là nồng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn. Qua đó, có thể thấy rằng, do nằm ở một vị trí thuận lợi cho nên việc buôn bán trao đổi hàng hóa mà vùng đất này đã thu hút được một số lượng rất đông thương lái từ các tỉnh trong nước cũng như quốc tế đến đây.
Một ưu điểm khiến cho thương nghiệp ở đây phát triển là nằm ở tài tổ chức và khả năng kinh doanh của các thương nhân người Hoa. Đánh giá về biệt tài của họ, học giả Đào Trinh Nhất nhận xét: “Ta nên biết rằng cái nghề buôn bán của người Hoa kiều thật là đủ điều, không những là giỏi giang, khôn ngoan, sành sỏi, riết róng, mà lại có nhiều cách quỷ quái nữa”[6]. Với những địa bàn sẵn có, họ đã tới và tổ chức buôn bán có hiệu quả nhờ việc phát triển thêm các ngành nghề thủ công.
“Trước đó thời Trấn Biên, ở Cù lao Phố đã có gốm Cù lao Phố và đường Cù lao Phố. Riêng đá lúc này khai thác đá ong, thì người thợ Cù Lao Phố sang bên kia Rạch Cát đến thôn Bình Đa khai thác- nghề làm đá thu hút một số lao động ở đây. Trên Bến Đá, phía Bình Đa, là nơi ghe thuyền đến mua đá chở đi khắp xứ Nam Kì.”[7]. Ngoài ra, một số ngành nghề thủ công khác có thể kể đến như: nghề dệt chiếu, nghề trồng dâu dệt lụa, nghề làm bột,… Những ngành nghề đa dạng được phát triển tại nơi đây đã giúp cho bộ mặt thủ công nghiệp của vùng đất Cù Lao Phố thay đổi đáng kể. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu sinh sống của những cư dân cả cũ và mới nơi đây. Những ngành nghề thủ công ở đây vừa được họ sáng tạo thêm mà cũng vừa là tận dụng từ những ngành nghề thủ công bản địa.
Nghề gốm ở Đồng Nai phát triển mạnh khi thương cảng Cù lao Phố còn hoạt động. Ngoài những sản phẩm như lu, vò, đôn cung cấp cho người dân trong vùng, nó còn đáp ứng cho các nơi khác. Sản phẩm gốm là hàng hóa được bán cho các vùng khác ở Nam kỳ lục tỉnh – nhất là mặt hàng lu mà khu vực miền Tây hay sử dụng để đựng nước. Và tất nhiên, khi thương cảng cù lao Phố nhiều tàu thuyền nước ngoài đến mua bán, sản phẩm của gốm Biên Hòa đã vượt ra khỏi phạm vi ranh giới lãnh thổ, trở thành mặt hàng xuất khẩu bên cạnh các loại thổ, nông sản khác.[8]
Việc mở mang Nông Nại đại phố của nhóm Trần Thượng Xuyên đã tạo điều kiện cho nghề đá phát triển, trong đó việc kiến tạo, xây dựng cơ sở vật chất của một thương cảng sầm uất, bến đò, công lộ cần đến nguyên liệu đá với số lượng khá lớn. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết kiến trúc của Nông Nại đại phố như sau: “Mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, liền lạc tới năm dặm, chia vạch làm ba đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, phố giữa lát đá ong, phố nhỏ lát đá xanh…”. Chính nguồn đá ở Bửu Long kéo dài đến các vùng phụ cận như Hóa An, Bình Hòa, Tân Lại được người Hẹ khai thác để cung cấp cho nhu cầu xây dựng tại đây.[9]
Bên cạnh các mặt hàng kể trên, Cù Lao Phố còn bán các loại nông sản như hạt tiêu, hạt sen, chuối, xoài, trà, các loại hải sản như tôm càng, cá, sò huyết, hải sâm, đồi mồi, vây cá, bóng cá, da rái cá …hàng lâm sản khai thác được như: ngà voi, sừng tê giác, gạc nai, gân nai, da tê, da ngựa núi, huyền phách, các loại dược thảo, sáp ong, mật ong là những mặt hàng xuất khẩu rất được các chủ thuyền buôn ưa chuộng đặt hàng, các loại khoáng sản như sắt, đá ong, cát…, các hàng mĩ nghệ thủ công như: nữ trang bằng vàng bạc, vật dụng bằng đồi mồi, đóng thuyền, làm cột buồm bằng gỗ quý, đồ gốm, chiếu cũng là những mặt hàng xuất khẩu ở Cù Lao Phố[10].
Qua đó, họ đã tạo được một thị trường tiêu thụ và sản xuất rộng lớn cho cả vùng đất này. Vừa tận dụng được nhân công sẵn có (người địa phương), vừa khai thác được sản vật địa phương và đem ra trao đổi hàng hóa. Điều đó chính là chỗ thu hút thuyền buôn trong nước cũng như nước ngoài kéo đến.
Các thuyền nhân từ các tỉnh trong nước đến với Cù lao Phố chủ yếu là những người đến từ các cảng thị Sài Gòn/Chợ Lớn, Hà Tiên và Phú Xuân. Đây đều là những vùng buôn bán phát triển nhộn nhịp và có thương nghiệp phát triển mạnh. Xét thấy thương cảng Cù Lao Phố đã thực sự tạo nên một thị trường buôn bán nhộn nhịp trên cả nước vào thời điểm đó. Nó góp phần tích cực cho việc lưu thông hàng hóa giữa các cảng thị trong nước. Đồng thời, chính là trung tâm mua bán, tụ tập thuyền buôn và sản phẩm.
Cù lao Phố sau những năm phát triển đã xuất hiện tính bất ổn về mặt an ninh. Cuộc nổi dậy của Lý Văn Quang vào năm 1747, báo động một thời kì suy tàn của vùng đất này và kết thúc bởi cuộc đổ bộ của quân Tây Sơn chiếm đánh vào năm 1776. Song, nếu xét với các cảng thị trên, thương cảng Cù Lao Phố đã có thời gian phát triển lâu dài, là trung tâm giao dịch giữa các vùng, các thương cảng khác.
Nhìn chung, gần một thế kỷ (1679 – 1776), Cù lao Phố vẫn vươn lên tầm cao so với các cảng thị khác ở Đàng Trong bởi tính năng động trong thương mại, khả năng buôn bán của thương nhân người Hoa nơi đây cũng như lượng sản vật và hàng hóa dồi dào mà vùng đất này cung cấp. Và cũng không thể bỏ qua tài thao lược, khả năng tổ chức của Trần Thượng Xuyên- người đặt nền móng phát triển cho vùng đất Cù Lao Phố. Có thể kết luận rằng cảng thị Cù Lao Phố chính là cảng thị phát triển thịnh đạt bậc nhất ở Nam Bộ thời điểm cuối thế kỉ XVII- đầu thế kỉ XVIII và là trung tâm quan trọng hàng đầu của các hoạt động mua bán trong nước.
2.3.2. Với quốc tế
Vai trò quốc tế của thương cảng Cù lao Phố chịu tác động mạnh mẽ từ chính sách phát triển của chúa Nguyễn và tình hình quốc tế. Nhờ hội tụ được điều này, thương cảng Cù lao Phố mới có thể là nơi “Tàu thuyền người Hoa, người phương Tây, người Nhật, người Đồ Ba (Chà Và) tụ tập tấp nập, phong hóa Trung Quốc lần lần lan ra thấm đượm cả vùng Đông Phố”[11].
Chính sách phát triển của chúa Nguyễn ngay từ đầu đã quan tâm đến phát triển ngoại thương, tức là quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới. Khác với Đàng Ngoài, vấn đề ngoại thương đối với chúa Nguyễn là rất quan trọng và bắt buộc họ Nguyễn phải quan tâm đến vấn đề này.
Ngoại thương đã trở thành yếu tố quyết định trong tốc độ phát triển của Đàng Trong. Ngoài thương nghiệp, không gì khác có thể giúp họ Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực này để có thể đương đầu nổi với một vùng đất có tiềm lực nhiều gấp đôi, gấp ba Đàng Trong về mọi mặt. Đối với các nước khác ở Đông Nam Á, vấn đề ngoại thương có thể chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong vào buổi đầu, đây là một vấn đề sống còn.[12]
Bởi vì từ sau năm 1600, “Nguyễn Hoàng đã phải có những toan tính ứng xử khác với chính quyền Lê – Trịnh ở Trung đô. Trên cơ sở tham khảo, suy tính đến nhiều mặt khác nhau, nhất là về tài lực và vật lực (các nguồn tài nguyên) để có thể nâng cao sức mạnh của Đàng Trong Nguyễn Hoàng đã đi đến quyết định là dồn sức vào phát triển giao thương, nhất là ngoại thương”[13].
Từ việc chú trọng phát triển ngoại thương mà năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng đã khẳng định vị thế độc lập của mình so với triều đình Lê – Trịnh. Thông qua nội dung trpmg bức thư của chúa Nguyễn Hoàng gửi cho quốc vương Nhật Bản năm 1604 có thể nhận thấy điều đó. Nội dung thư có đoạn “Từ năm nay trở đi các thuyền thông thương chỉ nên đến nước tôi, tiện việc mua bán, còn các xứ Thanh Hóa, Nghệ An với nước tôi là thù địch, mong rằng Quốc vương đã có lòng yêu nhau thì nên cấm hẳn các thuyền buôn qua lại xứ ấy”[14].
Sử liệu của Borri viết năm 1621 cho biết “Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc”. Từ lợi thế vô cùng to lớn của một vùng đất mới, ở khia cạnh điều kiện hải thương, Borri cho biết “các hải cảng thì thật lạ lùng, chỉ trong khoảng 100 dặm một chút mà người ta đếm được sáu mươi hải cảng, tất cả đều rất thuận để cập bến và lên đất liền. Là vì ven bờ có rất nhiều nhánh biển lớn” [7; 91]. Thông qua sử liệu này, chúng ta thấy chúa Nguyễn ngày càng khẳng định con đường phát triển thương nghiệp, nhất là ngoại thương.
Trong lúc này, đầu thế kỷ XVII, trên bình diện thế giới, các cường quốc hải thương mới trỗi dậy, đặc biệt là sự thành lập của Công ty Đông Ấn Anh (EIC) năm 1600, sau đó (1602) là Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), rồi Công ty Đông Ấn Pháp (CIO). Mối giao thương truyền thống Đông Á từ giữa thế kỷ XI đã bị phá vỡ với sự thâm nhập của người Bồ Đào Nha, phải dần nhường chân cho các nền hải thương hùng mạnh, và với sức mạnh của mình, VOC và EIC đã làm thay đổi diện mạo gấp nhiều lần so với các nước châu Âu “già nua”.[15]
Và chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong đã bắt kịp “kỷ nguyên Đại thương”. Kỷ nguyên Đại thương được các nhà nghiên cứu định khung niên đại là khoảng giữa thế kỷ XV đến khoảng cuối thế kỷ XVII. Và theo các nhà nghiên cứu Đông Nam Á, thời đại hoàng kim của thương mại khu vực là vào thế kỷ XVI – XVII. Như thế, tác động của nó đến Đại Việt có phần muộn màng (thế kỷ XVII – XVIII), cho nên để cũng cố quyền lực chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều quan tâm đến ngoại thương với các nước phương tây và các nước phương Đông. Song, ngoại thương là điều bắt buộc của cơ đồ họ Nguyễn.
Chính mối quan tâm của chúa Nguyễn phát triển ngoại thương, cho nên các cảng thị Hội An, Cù lao Phố, Mỹ Tho, Hà Tiên, Chợ Lớn đều hướng tới quốc tế. Tức là các thương cảng đều quan tâm trao đổi với các nước trên thế giới, thể hiện tính quốc tế của mình. Thương cảng Cù Lao Phố được người Hoa xây dựng thành một thương cảng bậc nhất từ buổi đầu khẩn hoang. Với những yếu tố thuận lợi về tự nhiên và các mặt, thương cảng đã “thu hút” lượng khách rất lớn.
Về mặt đối tượng, thương nhân quốc tế tìm đến đây chủ yếu là người Hoa, người phương Tây, người Nhật và người Đồ Bà (Chà Và). Trong đó, chủ chốt vẫn là thương nhân người Hoa. Một phần vì đó là nếp cũ từ lâu đời, một phần vì họ có vai trò, vị trí khó thay thế trong lĩnh vực kinh tế ở các tụ điểm mua bán. Những thương nhân ngoại quốc khác, họ tìm đến đây, vì Cù lao Phố có đa dạng các mặt hàng và là nơi tập trung của các thuyền buôn quốc tế cũng như trong nước. Mặt khác, Cù lao Phố cũng có vị trí thuận lợi hơn so với các cảng thị khác, thuận tiện di chuyển. Đồng thời, bản thân những thương nhân Hoa kiều tại Cù Lao Phố cũng chú trọng vào việc tạo nơi ăn chốn ở, giữ chữ tín nên cảnh “thuận mua vừa bán” diễn ra khá phổ biến.
Những mặt hàng thương nhân ngoại quốc thường đến đây trao đổi khá đa dạng. Nguồn xuất khẩu chính ở đây là lúa gạo. Kế đến là nguồn gỗ quý dùng để đóng tàu thuyền (vì giao thông đường thủy là chủ yếu) và xây dựng nhà ở, đình chùa. Và không những những người trong nước mà người nước ngoài cũng mua loại hàng hóa này.
Về nguồn hàng nhập khẩu trong cuộc giao thương với nước ngoài, phổ biến có thể kể đến là đồ sứ Trung Quốc (đặc biệt là sứ của Thanh triều). Ngoài ra nơi đây còn nhập khẩu tơ lụa, vải bố, thuốc bắc, các loại dược phẩm, gạch ngói dùng để trang trí, các loại vật dụng dùng để xây chùa, miếu,…
Để thu hút thuyền buôn nước ngoài, nhóm người Hoa ở vùng đất Cù Lao Phố chú trọng vào việc tạo mối quan hệ tốt đẹp với các thương buôn nước ngoài. Vừa để lợi cho đường buôn bán, vừa là cách để phát triển cơ sở của người Hoa trên thị trường quốc tế. Một trong những nguyên tắc trong quan hệ mua bán của người Hoa nói chung là “giữ chữ Tín”. Họ luôn coi trọng sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau với đối tác là cách thức để thành công trong buôn bán.
Sau khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kết thúc vào cuối thế kỷ XVII, nhất là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn hạn chế đối tượng thương nhân nước ngoài tới đây giao thương. Chủ yếu là người Hoa, chứ không còn là người Phương Tây như trước. Bên cạnh đó, các công ty buôn bán nước ngoài thường chú trọng nhiều đến đặt quan hệ chặt chẽ hơn, xoay xở để có ký kết buôn bán rành rọi, dứt khoát hơn. Lợi ích thương mại giữa hai bên không còn theo chiều tỉ lệ thuận.
Và cũng vào thế kỷ XVIII, chủ nghĩa tư bản phát triển, việc tranh giành thị trường quyết liệt hơn. Giao lưu buôn bán với các nước phương Đông không chỉ là công việc của các thương nhân phương Tây mà còn là công việc của chính quyền các nước ấy thường muốn xâm nhập vào lãnh thổ Đại Việt (trong đó có Đàng Trong)/ Việc buôn bán của các công ty Đông Ấn thường kèm theo việc điều tra tình hình nơi đây, chuẩn bị cho sự thôn tính đất đai về sau. Điều đó làm cho chúa Nguyễn dè dặt hơn trong việc tiếp xúc và buôn bán với Phương Tây [24; 270, 271]. Song, chúa Nguyễn vẫn cho phép tàu các nước tới các thương cảng (trong đó có Cù Lao Phố) nhưng có phần hạn chế.
Vào cuối những thập niên cuối thế kỷ XVIII, nhiều biến cố xảy ra ở Châu Âu lẫn Châu Á. Chiến tranh chống thực dân Anh của nhân dân Bắc Mỹ và sự can thiệp vũ trang của Pháp, cuộc cách mạng tư sản Pháp bùng nổ… Tại Châu Á, hoạt động thâm nhập thị trường Trung Quốc của các nước phương Tây làm cho Trung tâm thương mại chuyển dần sang Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc khổng lồ đang cuốn hút mạnh mẽ thương gia nhiều nước. Cũng với quá trình đó, các mối quan tâm thương mại hầu như không còn quan trọng bằng vấn đề chính trị. Chính vì vậy, quan hệ thương mại với các nước phương Tây giảm dần và mối quan hệ với Nhật, Hoa cũng tương tự mà giảm theo. Khi trung tâm thương mại đã chuyển dời.[16]
Điều quan trọng không kém dẫn đến sự lụi tàn tính quốc tế của các thương cảng đó chính là nguồn hàng hóa chính. Có thể thấy, từ giữa thế kỷ XVIII, Cù lao Phố lúc này thiếu hàng hóa đưa ra ngoài vì những mặt hàng xuất khẩu quan trọng như lâm sản, ngà voi, sừng tê, lộc nhung… ngày mỗi cạn kiệt, nên sức thu hút giảm dần và cũng không còn là sản phẩm chính cần ở thị trường. Cùng với lý do phát triển mạnh mẽ của công cuộc khẩn hoang Nam Bộ mà vai trò “trung gian” của thương cảng Cù lao Phố dần mất hẳn.
Cũng trong thời điểm này, yếu tố tự nhiên đã trở thành lực cản ngoại thương của Đàng Trong sau nhiều năm thuận lợi. Quá trình bồi cạn của các cửa sông, nhất là cửa sông vào Hội An, làm cho nên trở thành một thị trấn cách biệt với bên ngoài, vai trò là trung tâm thương mại quốc tế giảm dần và biến mất. Riêng vùng đất Cù lao Phố cũng phần nào thay đổi về mặt tự nhiên.
Bên cạnh đó, chính những chính sách kinh tế – xã hội của chúa Nguyễn vào những năm cuối thế kỷ XVIII đã làm nên những mâu thuẫn trong xã hội, phong trào Tây Sơn bùng nổ và phát triển mạnh mẽ. Những cảng thị, trung tâm thương mại hình thành từ lâu đến nay bị tàn phá nặng nề, Hội An không còn nguyên vẹn sau khi quân Trịnh tấn công năm 1774, các thương cảng phía nam, đặc biệt là Cù Lao Phố bị tàn phá khi quân Tây Sơn tấn công năm 1776. Chính vì vậy mà những thương cảng này mất đi vai trò quan hệ kinh tế trong nước và quốc tế.
Một điều nhận thấy rõ ràng, sự hủy hoại của tự nhiên cũng như cuộc chiến tranh cuối thế kỷ XVIII đã làm cho các thương cảng cũ mất đi vai trò trong nước lẫn quốc tế nhường chỗ cho các thương cảng mới ra đời. Sau khi nhà Nguyễn ra đời, các thương cảng Đà Nẵng, Bến Nghé trở thành những trung tâm thương mại mới.
Như vậy, tính quốc tế của thương cảng Cù lao Phố không nằm ngoài những tác động của bối cảnh quốc tế và trong nước nói trên. Thương nhân người Hoa là người đóng vai trò chủ yếu trong quan hệ kinh tế quốc tế của thương cảng Cù lao Phố. Những thương nhân người Hoa ở Cù lao Phố thông qua quan hệ đồng tộc, đồng hương và tiềm lực cung cấp nguồn hàng dồi dào, đa dạng, đã thu hút các thương nhân Hoa từ phía nam Trung Quốc, từ các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, từ các vùng Đàng trong đến buôn bán tại Cù lao Phố.
Tóm lại, từ khi cộng đồng người Hoa xuất hiện trên vùng đất Cù lao Phố đã cùng với cộng đồng người Việt đẩy mạnh khẩn hoang, hình thành hệ thống làng mạc và phát triển vùng đất này thành một thương cảng mang tính quốc tế. Từ sau năm 1698, kinh tế hàng hóa ở Cù lao Phố và những vùng lân cận phát triển mạnh mẽ cùng với đó là tiến trình của công cuộc khẩn hoang vùng đất mới được thúc đẩy bởi chính sách của chúa Nguyễn. Trong vòng một thế kỷ (1679 – 1776), Cù lao Phố cùng với Mỹ Tho đại phố và Hà Tiên đã trở thành những trung tâm thương mại bậc nhất Nam Bộ. Điểm chung củả những thương cảng này là đều gắn với vai trò dẫn dắt, kết dính của thương nhân người Hoa và đều sớm trở thành những thương cảng có tính quốc tế. Đóng góp của nhóm người Hoa Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn đưa đến Bàn Lân năm 1679 vào quá trình hình thành và phát triển thương cảng Cù Lao Phố là rất quan trọng. Một thế kỷ hoạt động của thương cảng Cù lao Phố đã góp phần đẩy nhanh quá trình khẩn hoang, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên vùng đất mới. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy nhãn quan chính trị nhạy bén, sắc sảo và tư duy kinh tế thức thời của các chúa Nguyễn trong công cuộc mở cõi về phương Nam.
[1] Trịnh Hoài Đức (2005), Gia Định Thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, NXB. Tổng hợp Đồng Nai, tr.241.
[2] Trịnh Hoài Đức (2005), sđd, tr.246.
[3] Sơn Nam (2014), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, NXB. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.49-50.
[4] Ngô Văn Lệ (2015), “Hoạt động “thương hồ” của người Việt Nam Bộ”, Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 3(22), tr.20.
[5] Sơn Nam (2014), sđd, tr.37-38.
[6] Đào Trinh Nhất (2016), Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ, NXB.Hội Nhà văn, Hà Nội.
[7] Nhà bảo tàng Đồng Nai (1997), Cù Lao phố – lịch sử và văn hóa, NXB. Đồng Nai, tr.107.
[8] Ban chỉ đạo lễ kỉ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai (1998), Biên Hòa – Đồng Nai 300 hình thành và phát triển, NXB. Đồng Nai, tr.103.
[9] [9] Ban chỉ đạo lễ kỉ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai (1998), sđd, tr.104.
[10] [10] Ban chỉ đạo lễ kỉ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai (1998), sđd, tr.85.
[11] Trịnh Hoài Đức (2006), sđd, tr.110.
[12] Li Tana (2014), Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18, Nguyễn Nghị dịch, NXB. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.96.
[13] Nguyễn Mạnh Dũng (2013), Việt Nam trong quá khứ – tư liệu và suy ngẫm, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.255.
[14] Nguyễn Xuân Hoa, “Ba lần lập dinh trấn ở Quảng Trị – Ba sách lược của Nguyễn Hoàng”, GS. Phan Huy Lê – PGS. TS. Đỗ Bang (đồng chủ biên) (2014), Nguyễn Hoàng – người mở cõi, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.132 – 133.
[15] Nguyễn Mạnh Dũng (2013), sđd, tr.256.
[16] ThS. Nguyễn Thị Huê (2009), “Sự thịnh – suy của hoạt động ngoại thương ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII”, Hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Nam Bộ đất và người, NXB. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, t.VII, tr.270.