Phụ chú thời Đinh-Lê: Vệ Vương Toàn

ledaihnahtranhve

Lê Đại Hành

Đặng Thanh Bình

1 . Trong bài Bàn về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh tôi có trình bày các ý sau: Thứ nhất là vụ án năm 979 có nhiều tình tiết đáng ngờ, cũng bởi thế mà nhiều học giả đặt giả thuyết rằng Lê Hoàn là người đứng sau âm mưu sát hại cha con họ Đinh. Thứ hai là qua các cột kinh do Đinh Liễn sai dựng năm 973 tại Hoa Lư chúng ta có thể khẳng định, có vài chi tiết do Toàn thư và Việt sử lược chép bị nhầm. Thứ ba là các tài liệu sử phương bắc chép về cái chết của cha con họ Đinh có thể hiểu theo 2 cách gồm, đã chết nhưng không đồng thời hoặc cùng chết đồng thời. Thứ tư là trong các sử liệu phương bắc, có nhóm chép rằng Đinh Liễn được phong Giao Chỉ quận vương và có nhóm không chép việc đó, trước đây dựa vào nhóm tài liệu ghi chép tôi cho rằng Bộ Lĩnh phải chết rồi thì con là Liễn mới được nối tước vương, cũng có nghĩa tôi cho rằng nhóm tài liệu không chép việc đó là do sử gia bỏ sót, mới đây tôi có trao đổi với 2 người bạn và nhận ra việc hiểu như vậy là rất cứng nhắc và chủ quan, bởi hoàn toàn có thể cho rằng nhóm các tài liệu chép việc Liễn được phong Giao Chỉ quận vương là chép nhầm.

— Về việc Đinh Liễn có được phong vương không, xin trở lại với bài viết khác, trong bài này để gia cố cho giả thuyết: Bộ Lĩnh chết trước khi vụ án năm 979 xảy ra, tôi xin bổ sung thêm các tài liệu, nhóm tài liệu liên quan trực tiếp tới cái chết của Bộ Lĩnh.

— Nhóm tài liệu sử phương bắc. Gồm 2 tiểu nhóm, cụ thể. Tiểu nhóm gồm Tục tư trị thông giám trường biên, Tống sử – là các tài liệu sử dụng từ ngữ có thể hiểu theo 2 cách khác nhau. Tiểu nhóm gồm Mộng Khê bút đàm, Lĩnh Nam đại đáp – là các tài liệu ghi rõ rằng Đinh Liễn bị chết nhưng không đề cập đến việc Bộ Lĩnh cùng bị chết. Sách Mộng Khê bút đàm là sách sớm nhất chép về cha con họ Đinh, còn sách Lĩnh Nam đại đáp là sách mà tác giả là người sống gần với địa lý Giao Chỉ.

— Ngoài 2 tiểu nhóm trên, sách Tục tư trị thông giám trường biên có chép lại đoạn sớ tấu lên triều đình của Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo rằng “giao châu chủ suý bị hại, kỳ quốc loạn” mà theo cách hiểu thông thường thì vị trí chủ soái chỉ một người nắm giữ. Lại thêm, sách Thông giám tục biên chép rằng “giao chỉ đinh bộ lĩnh cập kỳ tử liễn tương kế tử”. Như vậy, các tài liệu sử của người phương bắc chép cho chúng ta cách hiểu rằng Đại Thắng Minh hoàng đế và Nam Việt vương Liễn không chết cùng thời điểm, cụ thể là Bộ Lĩnh chết trước, Đinh Liễn chết sau.

— Nhưng đó là những tài liệu của người phương bắc, chúng ta cần xem các tài liệu của người phương nam. Toàn thư chép rất rõ về vụ án năm 979 thế nhưng sách này được viết vào thời Hậu Lê, cách khá xa so với sự kiện. Sách chép gần nhất với sự kiện có lẽ là Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, nhưng hiện sách này đã bị thất truyền, tuy nhiên sách Việt sử lược được dịch giả Trần Quốc Vương cho rằng là cuốn tóm tắt sách của sử gia Lê Văn Hưu, nhưng Việt sử lược phải được soạn hoàn thành vào niên hiệu Xương Phù năm đầu 1377.  

— Sách Việt sử lược chép giống với Toàn thư về vụ án mùa đông năm 979, thế nhưng sách Việt sử lược chép cách Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu khoảng hơn 100 năm, nên không thể đoán định được chắc chắn rằng Đại Việt sử ký có chép giống Toàn thư ?

— Cuốn sách có niên đại sớm hơn được biết đến là An Nam chí lược của Lê Tắc, tuy rằng năm hoàn thành chưa có sự thống nhất, điểm đáng lưu ý trong cuốn An Nam chí lược là tác giả của nó sống cùng thời với sử gia Lê Văn Hưu và có biết tới cuốn Đại Việt sử ký, thậm chí Lê Tắc còn biết việc Lê Văn Hưu sửa sách Việt Chí của Trần Tấn. Lê Tắc sống cả ở phương nam lẫn phương bắc nên ông có cơ hội tham khảo nhiều tài liệu sử ở cả 2 phương.

An Nam chí lược chép: “Gia-Thế họ Đinh. Đinh-Bộ-Lĩnh. Người động Hoa-Lư, Giao-Châu. Cha là Công-Trứ, làm nha-tướng của Đình-Nghệ. Cuối thời Ngũ Đại, Đình-Nghệ đi trấn Giao-Châu, lấy Công-Trứ quyền Thứ-Sử Hoan-Châu. Trước đây, Ngô-Quyền giết Kiều-Công-Tiện, cha con Bộ-Lĩnh về với Ngô-Quyền, Quyền nhân khiến Công-Trứ về nhiệm chức cũ. Khi Công-Trứ mất, Bộ-Lĩnh kế tập chức cha. Kịp đến lúc Ngô-Xương-Văn mất, bọn bộ-hạ nổi loạn, Bộ-Lĩnh cùng con là Liễn đánh dẹp yên hết, lĩnh việc cai-trị Giao-Chỉ, xưng hiệu Vạn-Thắng-Vương, riêng phong chức cho Liễn làm Tiết-Độ-Sứ, được mười năm thì Bộ-Lĩnh mất.

Đinh-Liễn. Kế lập được bảy năm, năm Tân-Vị Khai-Bửu thứ 4 (971) Thái-Tổ nhà Tống khiến đại-tướng Phan-Mỹ qua đánh Lĩnh-Nam. Liễn sợ, dâng biểu-văn, khiến sứ vào cống, xin nội-phụ, Thái-Tổ xuống chiếu phong Liễn làm Tiết-Độ-Sứ An-Nam đô-hộ. Tháng 5 năm thứ 8 (975) Liễn tiến cống vàng lụa, sừng tê, ngà voi, trà thơm. Ngày mồng 7 tháng 8, Thái-Tổ xuống sắc-chế, phong cha Liễn là Bộ-Lĩnh làm Giao-Chỉ Quận-Vương; thực ấp 1.000 hộ. Tháng 12, khiến Cao-Bảo-Chư làm Quan-Cáo-Sứ. Năm TháiBình Hưng-Quốc thứ 2 (977) Liễn sai sứ qua cống mừng vua Thái-Tông lên ngôi. Năm thứ 5 (980) Liễn mất, em là Truyền lên ngôi.

Đinh-Truyền. Truyền còn nhỏ, xưng Tiết-Độ Hành-Quân Tư-Mã, quyền lãnh việc quân phủ. Tháng 4 năm Canh-Thìn, Thái-Bình-Hưng-Quốc thứ 5 (980) khiến Lư-Tập đi sứ Giao-Chỉ. Đại-hiệu Lê-Hoàn chuyênquyền, hiếp dời Truyền ở một nhà riêng, bắt giam cả họ và thay thế quản lãnh binh-quyền. Thái-Tông giận, khởi binh tiến đánh. Hoàn giả làm biểu-văn của Triều dâng lên. Qua tháng 11, khiến sứ tiến cống những đồ báu, như khí-mãnh bằng vàng, bằng bạc, sừng tê, ngà voi và dâng một tờ trạng-văn, nói rằng tất cả tướng hiệu, quân lính, kỳ-lão trong nước, đồng xin cho Truyền làm chức Tiết-Độ-Sứ, nối ngôi của cha, anh. Lúc ấy nhà Tống đã dấy binh, biểu văn tâu vào không được trả lời. Mùa đông tháng 11, quan binh đánh bại quân Giao-Chỉ ở Bạch-Đằng. Năm sau, binh nhà Tống thất lợi rút về. Năm thứ 7 (982) Hoàn lại trá xưng Truyền khiến sứ tiến cống, vì sợ quân Tống tiến đánh vậy. Truyền bị Hoàn sát hại. Họ Đinh nối nghiệp ba đời, cộng được 17 năm” [Bản dịch của Viện Đại Học Huế 1961]

— Xem đoạn chép của An Nam chí lược, chúng ta nhận ra có nhiều điểm sai khác với tài liệu sử phương nam và có nhiều điểm tương đồng với tài liệu sử phương bắc, thế nhưng hiện chưa có tài liệu sử phương bắc nào chép rõ năm mất của Đinh Bộ Lĩnh, vậy thì Lê Tắc tham khảo tài liệu nào để khẳng định “được 10 năm thì Bộ Lĩnh mất” ?

— An Nam chí lược chép “họ đinh nối nghiệp 3 đời, cộng được 17 năm”. Ba đời ở đây là Bộ Lĩnh, Liễn và Truyền, tuy không nêu trực tiếp năm Truyền bị sát hại, nhưng sự kiện Truyền bị sát hại được chép liền sau năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7 (982). Thêm nữa, nếu Truyền chết vào một năm khác thì thường tác giả sẽ chép cụ thể, lại thêm An Nam chí lược chép năm 983 Lê Hoàn sai sứ sang cống. Do vậy rất có thể Lê Tắc muốn thể hiện năm Truyền bị Hoàn giết là năm 982.

— An Nam chí lược chép “Liễn kế lập được 7 năm, năm thứ 5 thì chết”. Theo đó Liễn mất vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 (980) và nối nghiệp vào năm Khai Bảo thứ 7 (974). Cụ thể các năm: Canh Thìn, Kỉ Mão, Mậu Dần, Đinh Sửu, Bính Tí, Ất Hợi, Giáp Tuất]

— Liễn lập 7 năm, cùng 2 năm Tân Tị và Nhâm Ngọ của Truyền, tổng là 9 năm, như thế Bộ Lĩnh lập 8 năm. Nên được 10 năm không phải là mô tả thời gian cai trị, mà là thời gian hưởng dương từ khi lên ngôi. Tám năm của Bộ Lĩnh gồm: Quí Dậu, Nhâm Thân, Tân Mùi, Canh Ngọ, Kỉ Tị, Mậu Thìn, Đinh Mão, Bính Dần.

— Năm Bính Dần (965) Ngô Xương Văn chết, Giao Châu xảy ra loạn. Theo Tân Ngũ đại sử cũng trong năm 965 Lưu Sưởng trao cho Đinh Liễn làm Giao Châu tiết độ. Cứ theo tài liệu của Lê Tắc thì Bộ Lĩnh nhường ngôi được 2 năm rồi mất. Theo đó Đại Thắng Minh hoàng đế chết vào năm Ất Hợi (975). Thế nhưng An Nam chí lược lại chép tháng 8/975 phong cha của Liễn là Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương, tháng 12/975 sai Cao Bảo Chư sang Giao Châu tuyên phong. Như thế Bộ Lĩnh phải mất trong khoảng cuối tháng 12/975 hoặc đầu tháng 1/976.

— Tống Thái Tông lên ngôi vào tháng 12/976, Giao Châu có cử sứ sang mừng, nhưng các tài liệu phương bắc không thấy chép cụ thể thời điểm Đinh Bộ Lĩnh mất, do đó có 3 khả năng gồm: hoặc là các sử gia phương bắc bỏ sót hoặc là chép gộp hoặc là phương nam giấu không báo.

Tiểu kết: Trên là những tài liệu giúp củng cố cho giả thuyết Đinh Bộ Lĩnh chết trước khi vụ án mùa đông năm kỉ mão diễn ra.

2 . Toàn thư chép: “Giáp Tuất [974] Hoàn thứ tử là Toàn sinh (…) Mậu Dần [978] Mùa xuân tháng giêng động đất. Lập con nhỏ là Hạng Lang làm hoàng thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ Vương (…) Kỷ Mão [979] Mùa xuân, Nam Việt Vương Liệt giết hoàng thái tử Hạng Lang (…) Mùa đông tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết (…) Khi ấy Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn gọi vua là Tiên Hoàng Đế, tôn mẹ đẻ là Dương Thị làm Hoàng thái hậu (…) Canh Thìn [980] Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu, giáng phòng vua làm Vệ Vương (…) Tân Sửu [1001] Vua thân đi đánh giặc Cử Long. Quân giặc thấy vua, giương cung nhắm bắn thì tên rơi, lại giương cung thì dây đứt, tự lấy làm sợ mà rút lui. Vua bèn đi thuyền vào Cùng Giang để đuổi. Giặc bày trận hai bên bờ chống lại, quan quân bị hãm ở [giữa] sông, vua cũ [nhà Đinh] là Vệ Vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ”.

Sách Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt của tác giả Tạ Chí Đại Trường viết: “Hạng Lang con ai ? Không hề có xác nhận chính thức, nhưng có chứng cớ gián tiếp. Sử quan không cần đi sâu vào tiểu sử kẻ chưa từng làm vua nhưng không thể bỏ lơ gia thế của người lên ngôi chúa tể: Đinh Toàn được ghi là con một bà họ Dương. Năm 974 là năm sinh của Hoàng thứ tử Toàn, sự việc có vẻ như tiếp nối chuyện của một Hoàng trưởng tử. Năm 978 Toàn được phong cùng lúc với Hạng Lang, một người được chỉ định kế nghiệp, một người là chức vương phù trợ (Vệ Vương) tình hình tiến triển như thế chứng tỏ thứ bực liên tiếp của hai người trong cùng một hệ phái, đồng thời cũng gián tiếp xác nhận Hạng Lang là anh của Vệ Vương Đinh Toàn. Toàn được xác nhận là con của Dương Hậu thì Hạng Lang cũng vậy”.

— Việt sử lược chép sai khác vài sự kiện. Thứ nhất Đinh Toàn được phong Vệ Vương vào năm 972. Thứ hai Vệ Vương là con thứ, Hạng Lang là con út.

— Theo các cột đá do Đinh Liễn khắc dựng tại Ninh Bình thì năm 973 Hạng Lang đã tranh ngôi với Nam Việt Vương, vậy Đinh Đính phải trưởng thành rồi. Lại theo Tống sử thì Toàn còn nhỏ tuổi, như thế Toàn phải là con bà trưởng, còn Hạng Lang là con bà thứ, nên Vệ vương là chức vương phù trợ cho Đinh Liễn chứ không phải cho Hạng Lang. Toàn thư cho biết năm 972 Bộ Lĩnh sai Liễn đi sứ phương bắc, phải chăng đề phòng biến loạn khi Liễn vắng mặt tại Giao Châu nên Tiên Hoàng phong cho em trai của Liễn làm Vệ Vương ?

— Toàn là em trai của Liễn mà năm 968 Liễn đã cùng cha đánh trận rồi, vậy Liễn lúc đó cùng phải 20 tuổi, lúc sinh Liễn bà Dương thị cũng phải khoảng 15 tuổi, nên đến khi Bộ Lĩnh chết Đại Thắng Minh hoàng hậu khoảng 45 tuổi, có lẽ sử gia nhầm giữa 2 bà họ Dương là Đại Thắng Minh hoàng hậu (vợ của Bộ Lĩnh) với Đại Thánh Minh hoàng hậu (vợ của Lê Hoàn). Mà không chỉ có Bộ Lĩnh và Lê Hoàn lấy vợ họ Dương, trước sau có Ngô Quyền và Lý Công Uẩn cũng lấy người họ Dương.

— Năm 993 Lê Hoàn được phong Giao Chỉ quận vương, cùng năm ngài lên ngôi hoàng đế, lúc này Đinh Toàn khoảng hơn 20 tuổi. Xem Toàn thư và Việt sử lược sẽ nhận ra 3 khoảng thời gian liên quan tới việc xưng đế của Lê Hoàn và cái chết của Đinh Toàn.

— Khoảng 980-995 Đại Việt yên ổn. Khoảng 995-1001 các thủ lĩnh ở khắp nơi nổi lên chống Hoa Lư. Khoảng 1001-1005 Đại Việt lại yên. Cụ thể: Năm 996 đánh bốn động Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoàng. Năm 997 đánh giặc ở Đỗ Động Giang. Năm 999 đánh Hà Động. Năm 1000 đánh giặc ở châu Phong là bọn Trịnh Hàng, Trường Lệ, Đan Trường Ôn. Năm 1001 đánh giặc Cử Long.

Tống sử chép:  “Chí Đạo nguyên niên [995] Trương Quán lại tâu nghe phong thanh rằng Lê Hoàn đã bị họ Đinh đuổi đi (…) Hoàng đế chiếu cho thái thường thừa Trần Sĩ Long, cao phẩm Võ Nguyên Cát phụng sự đến Lĩnh Nam, nhân dò xét việc ấy.  Bọn Sĩ Long phục mệnh, cũng nói như lời Quán”.

An Nam chí lược chép: “Đinh-Truyền. Truyền còn nhỏ, xưng Tiết-Độ Hành-Quân Tư-Mã, quyền lãnh việc quân phủ. Tháng 4 năm Canh-Thìn, Thái-Bình-Hưng-Quốc thứ 5 (980) khiến Lư-Tập đi sứ Giao-Chỉ. Đại-hiệu Lê-Hoàn chuyênquyền, hiếp dời Truyền ở một nhà riêng, bắt giam cả họ và thay thế quản lãnh binh-quyền”.

Toàn thư chép: “Kỷ Mão [979] Vua nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu Công, tự xưng là Phó Vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Hoàn, nhưng không đánh nổi, bị giết”.

Giả thuyết: Sau khi Đinh Bộ Lĩnh mất, Đinh Liễn nối, Nam Việt vương mất, Đinh Toàn nối. Lê Hoàn tiếm quyền, đám Đinh Điền, Nguyễn Bặc khởi binh nhưng bại. Về danh nghĩa Đinh Toàn là chủ soái, nhưng thực quyền do Lê Hoàn nắm. Năm 993 Lê Hoàn được Tống triều phong Giao Chỉ quân vương nhân đó mà soán ngôi nhà Đinh, xưng là Đại Thánh Minh hoàng đế. Đinh Toàn giữ Cự Long [Thanh Hóa] chống lại, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của cá thủ lĩnh địa phương, chiến sự kéo dài từ năm 995 đến 1001, năm Toàn chết.

— Sách sử chép Vệ Vương trúng tên chết, vua kêu trời ba tiếng, rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ. Nếu Đinh Toàn cùng Lê Hoàn đánh giặc Cự Long thì ba tiếng kêu của thập đạo tướng quân là thể hiện sự thương xót, từ đó mà có quyết tâm đánh giặc. Nhưng nếu Vệ Vương là đối thủ của Lê Hoàn, thì sau khi Đinh Toàn trúng tên lạc mà chết, Lê Hoàn kêu ba tiếng là để thể hiện sự phấn khích khi vừa giết được kẻ cầm đầu chống đối. Xem ghi chép của Việt sử lược sẽ dễ liên hệ tới cách hiểu thứ hai, thật vậy sách đó viết “Vệ Vương Toàn bị trúng tên chết. Vua kêu trời ba tiếng, giặc tự thua”. Kẻ cầm đầu bị chết rồi thì đám lính còn lại phải rất hoang mang, giảm ý chí chiến đấu, nên tự thua là dễ hiểu. Chứ nếu Vệ Vương Toàn chết, vua thương khóc ba tiếng, thì chẳng có lý do gì để giặc tự thua cả, thậm chí càng làm giặc hăng hái hơn.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s