Hoa Anh Đào
Thế kỷ XVII – XVIII chiếm một vị trí độc đáo trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam bởi nó chứa đựng một biến cố to lớn, sâu sắc về sự phát triển lãnh thổ và văn hóa của dân tộc ta. Đằng sau sự ly khai của một dòng họ là sự tràn chảy mãnh liệt của dân tộc về phía Nam. Chính trong hai thế kỷ đó, Đàng Trong và tiếp tục là Nam Bộ, sản phẩm ngoạn mục của quá trình Nam tiến đã đủ sức kéo trọng tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước về vùng đất mới trở thành một đối trọng với trung tâm văn minh Đại Việt ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Vì vậy việc nghiên cứu quá trình khai hoang, mở đất Đàng Trong nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung là công việc hết sức cần thiết.
Trong vài thập kỷ gần đây, lịch sử vùng đất Nam Bộ nói chung và vùng đất Đồng Nai nói riêng đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trong nước và quốc tế, với những hướng tiếp cận và nhận thức mới. Nhiều hội thảo khoa học được tổ chức, nhiều công trình nghiên cứu được công bố, đã góp phần nâng cao hiểu biết toàn diện về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ. Lịch sử Nam Bộ không còn được quan niệm chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVII khi người Việt di cư vào khai phá, mà phải ngược về quá khứ xa xưa từ khi con người xuất hiện trên vùng đất này. Nhưng trong tiến trình lịch sử đó, công cuộc khai phá của người Việt vừa kế tục kết quả khai phá của các lớp cư dân trước, trong đó có cư dân Phù Nam, người Khơme, người Chăm, người Mạ, người Stiêng, người Châu Ro…, vừa tạo nên một động lực mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội, văn hóa của cả vùng đất Nam Bộ. Quá trình khai phá đó gắn liền với quá trình xác lập chủ quyền của chính quyền chúa Nguyễn, để đến giữa thế kỷ XVIII, vùng đất này trở thành một bộ phận của lãnh thổ quốc gia Đại Việt. Tuy nhiên, nhận thức sử học cũng như nhận thức khoa học nói chung, là vô bờ bến, không bao giờ kết thúc.
Người Việt vào khai phá vùng đất này từ bao giờ, và khi nào thì Đồng Nai chính thức thuộc quyền quản lý và nằm trong bản đồ vương quốc Đại Việt? Người Việt đã khai phá và thành lập các làng xã ở đây ra sao? Cơ cấu hành chính ở Đồng Nai dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn như thế nào? Tình hình ruộng đất và sự phát triển kinh tế ở Đồng Nai qua các thời kỳ diễn ra như thế nào? Người Hoa có vai trò gì trong công cuộc khái phá đất Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung?… Đây là những câu hỏi lớn mà nhiều năm qua các nhà sử học đã cất công nghiên cứu, để đưa ra luận giải đúng nhất cho những vấn đề trên. Tuy đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về những vấn đề trên, nhưng chưa có công trình nào có thể khái quát, tái hiện đầy đủ về các nguồn tài liệu đã được công bố. Vì vậy, khi thực hiện đề tài này, chúng tôi mong muốn góp phần tổng hợp để hiểu hơn những vấn đề trên.
Hơn nữa, với một vùng đất mới như Nam Bộ nói chung, và Đồng Nai nói riêng, thì thành quả quan trọng nhất của cuộc chiến đấu chinh phục đầm lầy, rừng hoang, cỏ dại, chống lại thú dữ, muỗi, đỉa chính là mãnh đất khai phá được. Do đó tìm hiểu quá trình khai khẩn vùng đất này sẽ giúp chúng ta hiểu được bản chất, đặc điểm kinh tế và xã hội Nam Bộ không những ở các thế kỷ khẩn hoang mà còn cả ở giai đoạn về sau.
Việc nghiên cứu vùng đất Nam Bộ nói chung và vùng Đồng Nai nói riêng, hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều của các học giả trong và ngoài nước. Nghiên cứu quá trình mở đất này giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc và đúng đắn hơn về lịch sử vùng đất Nam Bộ và các cư dân sinh sống ở đây từ trước tới nay.
Là thế hệ đi sau, được thừa hưởng thành quả nghiên cứu công phu của thế hệ đi trước, chúng tôi lấy lòng cảm kích, và dưới sự gợi ý của Tiến sĩ Sử học Huỳnh Công Bá chúng tôi mạnh dạn viết bài “Qúa trình khai phá Đồng Nai- Gia Định dưới thời Nguyễn” để làm sáng tỏ thêm những nghi vấn trên.
I. Khái quát về lịch sử vùng đất Đồng Nai – Gia Định trước thế kỷ XVII
1. 1. Vùng đất Đồng Nai thời tiền sử
Đồng Nai là một vùng đất có lịch sử lâu đời. Trong lòng đất Đồng Nai bảo tồn nhiều dấu vết của cuộc sống con người nguyên thuỷ. Nhờ vào những phát hiện khảo cổ học từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đồng Nai nói riêng, lưu vực sông Đồng Nai nói chung được biết đến với tư cách một vùng đất từng chứng kiến sự hình thành, phát triển của những cộng đồng người cổ. Cư dân Đồng Nai qua nghiên cứu nhân chủng học thì chính là các tộc ít người hiện nay: Xtiêng, Châu Ro, Châu Mạ, họ chính là cư dân bản địa, hậu duệ của chủ nhân vùng đất Đồng Nai xưa. Xã hội được tổ chức theo bộ tộc, mỗi bộ tộc có một tộc trưởng đứng đầu, sống theo chế độ mẫu hệ mà ngày nay vẫn còn trong các sinh hoạt cúng tế.
Qua hàng loạt các địa điểm trên vùng đất Đồng Nai như: Dầu Giây, An Lộc, Hàng Gòn, Cam Tiêm, Bình Lộc, Núi Đất, Phú Quý… đã phát hiện những công cụ lao động của người cổ. Đó là những hiện vật thời đồ đá cũ, thời đại lịch sử đầu tiên và chiếm khoảng thời gian dài nhất trong xã hội loài người.
Khoảng cách đây 2500 năm, cư dân Đồng Nai đã bắt đầu bước vào thời đại kim khí. Nền văn hoá thời đồ sắt ở Đồng Nai kết gắn hai giai đoạn phát triển đồng – thau và sắt sớm. Từ trong văn hoá đồng đã manh nha văn hoá sắt sớm với hàng loạt di chỉ tiêu biểu được phát hiện: Dốc Chùa, Bình Đa, Cái Vạn, Suối Chồn, Hàng Gòn, Long Giao… cư dân cổ Đồng Nai phát triển cao về chất lượng, số lượng, xã hội được đẩy lên ở những bước cao, đầy đủ những yếu tố chuyển tiếp cho giai đoạn phát triển mới.
Hình thành các tộc người, cơ sở cho việc phát triển các quốc gia sơ khai trên vùng đất Đồng Nai đầu Công nguyên. Đó chính là vương quốc Phù Nam ra đời vào khoảng thế kỷ II trước Công nguyên.
1.2. Vùng đất Đồng Nai – Gia Định thời vương quốc Phù Nam
Chủ nhân văn hóa Phù Nam là người bản địa, thuộc chủng Indonésien. Trong quá trình phát triển, họ có sự tiếp xúc và cộng cư với những yếu tố nhân chủng khác [1, tr.348]. Qua tư liệu bi ký cho thấy đại bộ phận cư dân Phù Nam nói tiếng Môn – Khmer. Căn cứ trên đối sánh với dân tộc học ở Đông Nam Á, có tác giả cho rằng cư dân Phù Nam gồm 2 bộ lạc Môn cổ và Nam – Đảo. Họ cùng nhau xây dựng nên nhà nước Phù Nam, trong đó, mỗi bộ lạc phát huy thế mạnh của mình: người Môn cổ với khả năng chinh chiến và tổ chức xã hội, còn người Nam Đảo về khả năng buôn bán với nước ngoài.
Vương quốc Phù Nam ra đời vào khoảng thế kỷ I sau công nguyên và tồn tại cho đến đầu thế kỷ VII. Thời cường thịnh nhất của vương quốc Phù Nam là vào khoảng từ thế kỷ III đến thế kỷ V. Dưới thời cai trị của Phạm Sư Man (220 – 225), Phù Nam đã chinh phục các nước lân cận, mở mang bờ cõi, kiểm soát các lộ giao thông nội địa từ Khánh Hòa sang thung lũng sông Mênam, xuống tận bán đảo Malaisia, khống chế nền thương mại đường biển cả miền Đông Nam Á. Vị trí của nước Phù Nam được thư tịch cổ Trung Quốc miêu tả như sau: “nước Phù Nam ở phía Nam xứ Nhật Nam, trong cái vịnh ở phía tây biển lớn… một con sông lớn chảy từ hướng tây và đổ ra biển” (Nam Tề thư). “Nước Phù Nam rộng hơn 3000 dặm. Đất từ trên cao đổ xuống và rất bằng phẳng” (Lương Thư). “Nước Phù Nam ở cách phía tây nước Lâm Ấp hơn 3000 dặm, nằm trong một vịnh lớn ở ngoài biển, đất rộng hơn 3000 dặm” (Tấn thư)[1, tr.346].
Căn cứ vào những chi tiết có tính tương đối trên đây, so sánh với phương vị địa lý Đông Dương, các nhà nghiên cứu ngày nay đã đi đến một chấp nhận chung về vị trí của nước Phù Nam là ở phía nam bán đảo Đông Dương, phía nam quận Nhật Nam và Lâm Ấp (từ Quảng Nam trở vào). Phương vị phía nam và phía tây được định theo bóng mặt trời từ điểm quan sát. Vịnh phía tây biển lớn chỉ có thể là vịnh Thái Lan ngày nay. Con sông lớn chảy từ hướng tây và đổ ra biển; con sông chảy từ mạn tây bắc về hướng đông rồi đổ ra biển tương ứng với dòng chảy của phần hạ lưu sông Mêkông. Đất từ trên cao đổ xuống và rất bằng phẳng là thế đất châu thổ (đổ từ cao nguyên xuống và rất bằng phẳng), đó cũng là hình ảnh của châu thổ sông Mêkông, bao gồm khu vực dòng chảy của các sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn [2, tr.282].
Vương quốc Phù Nam tồn tại đến nửa cuối thế kỷ VI thì suy yếu, các tiểu quốc như Chân Lạp, Xích Thổ nổi dậy, tự xưng độc lập và mang quân đánh lại Phù Nam. Vua Phù Nam phải chạy về các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ ngày nay tìm cách gây dựng lại cơ đồ nhưng lần lượt bị thất bại. Đến năm 627 vương triều Phù Nam chấm dứt với trên 6 thế kỷ tồn tại cùng với khoảng 18 vị vua.
1.3. Vùng đất Đồng Nai từ sau ngày vương quốc Phù Nam bị sụp đổ
Vào đầu thế kỷ VII, nhân lúc Phù Nam suy yếu, Sử ký của nhà Tùy chép rằng nước Chân Lạp ở về phía tây nam Lâm ấp, nguyên là một chư hầu của Phù Nam. Vua nước ấy là Ksatriya Citrasena đã đánh chiếm và tiêu diệt Phù Nam. Lãnh thổ Phù Nam về tay Chân Lạp do kết quả của những cuộc chiến tranh. Vùng đất Nam Bộ nói riêng và Đồng Nai nói chung chuyển sang sự quản lí của chính quyền Chân Lạp.
Theo sử cũ còn để lại, trên vùng đất rộng lớn, mênh mông này, khi Chân Lạp quản lí ở đây thì có các dân tộc Stiêng, Mạ, Kơ ho, M’nông, Chơro sinh sống. Trong đó đông nhất là người Stiêng và người Mạ, đã sinh sống trên địa bàn này từ rất lâu đời. Dân số ít, sống thưa thớt, kỹ thuật sản xuất thô sơ và trình độ xã hội còn thấp. Ngoài các tộc người trên, còn có một vài sóc người Khmer nằm trên mấy giồng đất cao. Đây là dân nhập cư từ Lục Chân Lạp sang vì lý do chính trị (tránh loạn) hơn là vì lý do kinh tế. Sau khi Chân Lạp chiếm được Phù Nam, vùng đất Nam Bộ ngày nay được gọi là Thuỷ Chân Lạp. Việc cai quản vùng lãnh thổ mới đối với Chân Lạp hết sức khó khăn. Trước hết, đây là một vùng đồng bằng mới bồi lấp còn ngập nước và sình lầy, người Khmer với dân số ít ỏi chưa thể tổ chức khai thác trên quy mô lớn. Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên lãnh thổ của Lục Châu Lạp cũng còn đang đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Vào nửa sau thế kỉ thứ VIII quân đội Srivijaya của người Java đã liên tục tiến công vào các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Kết cục là Thuỷ Chân Lạp bị quân Java chiếm. Cả vương quốc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào Srivijaya. Cục diện này mãi đến đầu thế kỷ IX mới kết thúc.
Sau đó người Khmer lúc này muốn dồn sức phát triển các vùng trung tâm truyền thống của họ ở khu vực Biển Hồ, trung lưu sông Mê Kông và hướng nỗ lực bành trướng sang phía tây, vùng lưu vực sông Chao Phaya. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI, Chân Lạp trở thành một quốc gia cường thịnh, tạo dựng nên nền văn minh Angkor rực rỡ, đồng thời mở rộng lãnh thổ lên tận Nam Lào và trùm lên cả lưu vực sông Chao Phaya. Trong khi đó qua các di tích khảo cổ học, dấu tích của văn hoá Khmer và văn minh Angkor ở vùng Đồng Nai – Gia Định hết sức mờ nhạt
Do chiến tranh và phải tập trung công sức phát triển các trung tâm ở vùng lục địa, sau mấy thế kỷ thuộc Chân Lạp, đến thế kỷ XIII theo như Chu Đạt Quan viết lại: “vùng đất Nam Bộ vẫn còn là một vùng đất hoang vu với những bụi rậm của khu rừng thấp… tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi… những cánh đồng bị bỏ hoang phế, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy, hàng trăm hàng ngàn con trâu rừng tụ họp thành từng bầy trong vùng này, tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm…” [3, tr.80].
Trên vùng đất Đồng Nai vào cuối thế kỷ XVI, về cơ bản, vẫn là một vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Theo Lê Quý Đôn “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm” [4, tr.345]
Như vậy đến trước năm 1698, vùng đất miền Đông Nam Bộ trong đó có Đồng Nai, trên danh nghĩa, thuộc Chân Lạp, nhưng “thuộc” một cách lỏng lẻo, là vùng “trái độn” giữa Chân Lạp và Đàng Trong. Các dân tộc vẫn sống tự trị và một số sóc Khmer lẻ tẻ chưa hợp thành đơn vị hành chính thuộc triều đình La Bích (Chân Lạp). Dân Khmer tập trung khai thác các vùng đất màu mỡ quanh Biển Hồ, chưa có nhu cầu và nhân lực để khai hoang vùng trũng thấp Thủy Chân Lạp. Vùng đất này cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII là vùng đất hoang vu, đất tự do của các dân tộc, là đất hoang cả về kinh tế lẫn chủ quyền.
1.4. Công cuộc khai phá đất Đồng Nai của người Việt trước thời chúa Nguyễn kinh dinh
1.4.1. Bối cảnh lịch sử
Vùng đất Đồng Nai hầu như hoang vắng vào cuối thế kỷ XVI thì vào đầu thế kỷ XVII trở nên sôi động với sự xuất hiện của lớp cư dân mới mà chủ yếu là người Việt từ vùng Thuận Quảng di cư vào.
Nguyên nhân của hiện tượng xã hội này chính là cuộc chiến tranh tương tàn của hai dòng họ phong kiến Trịnh – Nguyễn. Cuộc giao tranh quyết liệt kéo dài 175 năm, trong đó có 45 năm đã diễn ra liên tiếp 7 trận đánh lớn cực kỳ ác liệt. Để phục vụ cho nhu cầu của cuộc chiến tranh giành giật quyền lợi này, đồng thời cũng để thỏa mãn như cầu xa hoa của giới quý tộc, các tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn thi nhau vơ vét cùng kiệt nhân lực, vật lực của dân chúng, gây nên cảnh đói khổ lầm than mọi nơi. Chỉ riêng xứ Đàng Trong, sự vơ vét bóc lột của phong kiến Nguyễn đã làm cho nhân dân vô cùng cơ cực lần than phải rời bỏ ruộng vườn làng mạc, phiêu tán đi khắp nơi để mưu cầu cuộc sống. Lê Quý Đôn ghi nhận “trong cõi đã xảy ra hạn và đói, dân phiêu bạt và chết đói rất nhiều.”
Khổ sở, điêu đứng vì chiến tranh, vì bóc lột cùng với thiên tai tàn phá ác liệt làm cho những người nông dân phải rời bỏ ruộng vườn, làng mạc, phiêu tán đi khắp nơi để tìm cuộc sống mới, no đủ hơn.
Chính vì vùng đất phía Nam là vùng đất của vương quốc Champa đang suy tàn, và xa hơn nữa là vùng đất sau này có tên là Đồng Nai – Gia Định, một vùng đất màu mỡ nhưng hầu như vô chủ là nơi thu hút mạnh mẽ lưu dân Việt đi tìm đất sống. Vì vậy làn sóng di dân ngày một dâng lên. Trong số lưu dân Việt đến Đồng Nai, ngoài những nông dân nghèo khổ, đói rách là thành phần chủ yếu, còn có những người trốn tránh binh dịch, sưu thuế, binh lính đào ngũ, các tù nhân bị lưu đầy, thầy lang, thầy đồ nghèo và cả những người giàu có nhưng vẫn muốn tìm đất mới để mở rộng công việc làm ăn, làm giàu thêm.
Những lưu dân Việt thuộc lớp tiên phong đi vào vùng đất mới Đồng Nai – Gia Định lập nghiệp làm thành nhiều đợt trước cả thời Trịnh – Nguyễn phân tranh nhưng dâng lên thành làn sóng mạnh mẽ hơn là vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Phần đông họ chọn phương thức tự động, đi lẻ tẻ, hoặc cả gia đình, hoặc những người khỏe mạnh đi trước tạo dựng cơ nghiệp rồi đón cả gia đình đến sau, hoặc một vài gia đình cùng cả xóm kết nhóm với nhau cùng đi. Phần lớn họ chọn thuyền buồm hay ghe bầu làm phương tiện di chuyển chính, bởi lúc bấy giờ di chuyển giữa các phủ miền Trung với Đồng Nai – Gia Định chủ yếu là đường biển, một số người phải trèo đèo lội suối đi đường bộ, đi dần từng chặng một, đến một địa phưong ở lại một thời gian, thấy bám trụ được thì ở lại lập nghiệp, bằng không đi tiếp và lần hồi cũng tới vùng đất mới Đồng Nai.
Tiến trình nhập cư của lưu dân Việt vào vùng Đồng Nai – Gia Định từ lẻ tẻ rời rạc, dần dần có quy mô lớn hơn. Những lưu dân Việt từ việc lập những làng xóm nhỏ trên vùng đất Đồng Nai đã thôi thúc các chúa Nguyễn đặt những bước tiến lớn hơn trên vùng đất này.
Sự kiện quan trọng có ý nghĩa mở đầu cho mối quan hệ chính thức giữa Chân Lạp và Đàng Trong cũng như đối với quá trình mở đất của các chúa Nguyễn đó là cuộc hôn nhân ngoại giao giữa vua Chân Lạp là Chettha II với công chúa Ngọc Vạn vào năm 1620.
Đầu thế kỷ XVII, khi mà uy thế của chúa Nguyễn đã lan vào cả đất Nam Bộ thì việc tìm đến chúa Nguyễn như một cứu cánh đã xuất hiện đối với vương triều Chey Chettha (1618 – 1625) nhằm đối trọng với Ayuthaya.
Cuộc hôn nhân mang màu sắc ngoại giao giữa Chettha II với công chúa Ngọc Vạn vào năm 1620 là sự kiện có ý nghĩa xác lập cho mối bang giao giữa Chân Lạp và Đàng Trong một cách chính thức, đồng thời đặt dấu ấn cho công cuộc mở đất tới vùng Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung của các chúa Nguyễn. Cuộc hôn nhân này đã mở ra nhiều sự thay đổi đối với vận mạng của Chân Lạp và đem đến cho Đàng Trong những bước tiến diệu kỳ trên con đường mở mang bờ cõi. Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho các chúa Nguyễn thực hiện công cuộc mở đất ở Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Những xúc tiến cho công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn vào Gia Định, Mô Xoài, Đồng Nai được đẩy mạnh thực hiện ngay sau cuộc hôn nhân này. Sau đó là những giúp đỡ thường xuyên của chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho Chân Lạp. Thậm chí, chúa Nguyễn còn gửi cả quân đội và chiến thuyền đến giúp Chân Lạp chống lại các hoạt động chiến tranh và gây sức ép của quân Xiêm khiến cho liên minh giữa Chân Lạp và Đàng Trong ngày càng chặt chẽ hơn. Mặt khác, công chúa Ngọc Vạn, bấy giờ đã trở thành hoàng hậu của Chân Lạp, thường đề nghị với chồng để tạo điều kiện cho người Việt sang sinh sống, khai phá ở vùng Prey Nokor – Kas Krobei (vùng Sài Gòn, Bến Nghé sau này), Đồng Xoài, Mô Xoài (vùng Biên Hòa, Bà Rịa) vẫn đang còn bỏ hoang. Bà chính là cầu nối của mối quan hệ giữa Chân Lạp và Đàng Trong, đồng thời là nhân tố quan trọng trong những ngày đầu mở đất về phía Nam Bình Thuận của chúa Nguyễn. Đây chính là cơ sở thuận lợi từng bước hợp pháp hóa sự kiểm soát của mình đối với vùng đất đã được khẩn hoang.
Sự kiện nữa có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xâm nhập vào đất Đồng Nai của chúa Nguyễn là việc mở trạm thu thuế ở Sài Gòn vào năm 1623.
Sự liên minh Đàng Trong – Chân Lạp ngày càng gắn bó, cùng với vai trò cầu nối của Ngọc Vạn khiến cho lưu dân người Việt vào làm ăn, sinh sống ở vùng đất này ngày càng đông. Trong điều kiện thuận lợi ấy, năm 1623, trên cơ sở có được sự thỏa thuận của vua Chettha II, chúa Nguyễn đã lập được sở thu thuế ở Krey Nokor (Sài Gòn), Kas Krobei (Bến Nghé) để đảm bảo quyền lợi và công việc làm ăn, sinh sống của người Việt; cử một đạo quân (quan, lính) đến đóng đồn, bảo vệ con đường giao thương giữa Đàng Trong với Chân Lạp và Xiêm.
Việc được lập một sở thu thuế và đóng đồn trên đất Đông Nam Bộ ngoài việc có ý nghĩa như là “sự thu hoạch” đối với những thành quả của người Việt đạt được, mà còn mang tính chất như là một sự xác lập chủ quyền nhất định của chúa Nguyễn ở một vùng đất “trái độn’ giữa Đàng Trong và Chân Lạp. Với đặc quyền này, cư dân người Việt đến Chân Lạp ngày một đông hơn do cảm giác yên tâm bởi đã có một sự bảo trợ của cả chính quyền Đàng Trong lẫn Chân Lạp với vai trò của bà hoàng hậu người Việt trên vùng đất mới. [5, tr.18]
Sau khi vua Chettha II mất vào năm 1628, thì vùng đất từ Prey Nokor (Sài Gòn) trở ra phía Bắc, bao gồm vùng thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay, đã có nhiều người Việt đến sinh sống. Với những đóng góp của mình, có thể khẳng định chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có vai trò như là người đặt những viên đá đầu tiên trên con đường Nam tiến vào đất Nam Bộ, tạo tiền đề cho sự thúc đẩy quá trình này ở các đời chúa sau.
Sự ra đi của vua Chettha II vô hình tạo nên nhiều thay đổi trong mối quan hệ giữa Chân Lạp và Đàng Trong, cũng như tiến trình khẩn hoang ở Đồng Nai của các chúa Nguyễn. Kể từ đây, cuộc khai hoang mở đất của các chúa Nguyễn vào Nam Bộ luôn gắn với sự xung đột trong chính quyền Chân Lạp.
Hai sự kiện tiếp theo có vai trò quan trọng nữa đối với quá trình mở đất này là hai cuộc can thiệp quân sự vào lãnh thổ Chân Lạp của các chúa Nguyễn đáp ứng lời thỉnh cầu của Chân Lạp nhằm giải quyết các tranh chấp nội bộ (năm 1658 và 1674) khiến thanh thế và vai trò của Đàng Trong ngày càng lên cao, Chân Lạp trở thành nước thần phục và phải cống nạp hàng năm.
Tiếp nối con đường mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã khai mở, chúa Nguyễn Phúc Tần có vai trò thúc đẩy hơn nữa công cuộc mở đất vào Nam Bộ.
Năm 1658, theo sự cầu cứu của một trong số các phe phái trong triều đình Chân Lạp, chúa Nguyễn Phúc Tần đã sai phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Phúc Yến, Cai đội Xuân Thắng, Tham mưu Minh Lộc đem 3000 quân sang can thiệp, thiết lập lại trật tự cho Chân Lạp. Vua đang tại vị của Chân Lạp là Nặc Ông Chân (1642 – 1659) bị bắt bỏ vào cũi đem về nạp cho chúa. Chúa Nguyễn phong So làm vua Chân Lạp, hiệu là Batom Reachea (1660 – 1672) và buộc Chân Lạp phải có nghĩa vụ triều cống cho Đàng Trong. Như vậy, mối quan hệ giữa Chân Lạp và Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần có sự thay đổi quan trọng – từ bang giao bình đẳng chuyển sang mối quan hệ thần phục. Điều này đã tạo điều kiện rất lớn cho quá trình di dân của người Việt vào đất Đồng Nai để tiếp tục khai khẩn đất hoang. Người dân Việt chuyển cư đến vùng Gia Định, Mô Xoài, Đồng Nai ngày càng đông và dần chiếm đa số.
Tình trạng rối ren trong triều đình Chân Lạp lại tiếp tục diễn ra sau khi Batom Reachea bị giết vào năm 1672. Hoàng tộc bị chia thành nhiều nhóm, phái, có phái muốn dựa vào Xiêm, có phái dựa vào chúa Nguyễn để giành ngai vàng. Nặc Nộn (Nặc Non) thỉnh cầu chúa Nguyễn trong khi Nặc Ông Đài cầu cứu quân Xiêm để chống lại với Đàng Trong. Vào năm 1674, chúa Nguyễn Phước Tần sai cơ đạo dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm đưa quân sang Chân Lạp để hỗ trợ cho Nặc Nộn với lí do: “Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu”. Thắng trận, chúa Nguyễn Phúc Tần phong cho Nặc Thu (em ông Nặc Đài) làm vua chính, đóng ở thành Long Úc, Nặc Nộn làm vua thứ, đóng ở thành Sài Gòn và buộc hai tiểu vương quốc hàng năm có nghĩa vụ triều cống. Chúa Nguyễn đã dần trở thành lực lượng thiết lập lại trật tự ở Chân Lạp khi có nội biến xảy ra. Chân Lạp có nghĩa vụ triều cống hàng năm cho chúa Nguyễn và tạo điều kiện cho lưu dân người Việt vào làm ăn, sinh sống.
Như vậy “quá trình xâm nhập vào vùng đất Đông Nam Bộ từ năm 1620 đến năm 1674 đã thu đạt được kết quả như ý: vùng đất từ Pray Kor trở ra cho đến biên giới Champa (bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa và Biên Hòa ngày nay) đã trở thành “lãnh địa riêng của chúa Nguyễn với rất nhiều người Việt đến sinh sống và lập nghiệp.”[5, tr.19] Có thể nói, thế lực của chúa Nguyễn ở Đồng Nai – Gia Định đã tăng lên mạnh mẽ, điều đó khuyến khích làn sóng định cư của người Việt trên vùng đất mới.
Qua quá trình khảo cứu, chúng tôi cho rằng điểm dừng chân đầu tiên của lưu dân Việt là Mô Xoài (Bà Rịa), địa đầu của vùng đất mới, nằm trên trục giao thông của đường bộ từ Bình Thuận vào Nam, lại nằm trên đường biển có vịnh biển Ô Trạm rất thuận lợi cho tàu thuyền cập bến. Đây là một vùng đất rộng lớn từ Long Hương, Phước Lễ đến Đất Đỏ ngày nay. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia định thành thông chí thì lưu dân Việt đã vào Mô Xoài từ đời chúa Nguyễn Hoàng (1558- 1613), chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635 ), chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 – 1648 ). Đến nửa sau thế kỷ XVII số di dân người Việt đến vùng này khá đông, trong đó có một số di dân Thiên Chúa giáo trốn chạy việc cấm đạo. Những người này đã lập ra một họ đạo ở Xích Lam gần Đất Đỏ.
Từ Mô Xoài, Bà Rịa, các thế hệ di dân tự do người Việt, với phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền, ghe, xuồng, theo thuỷ triều ngược, dòng sông Đồng Nai, và cả đi bộ, dọc theo sông, tiến dần vào vùng Đồng Nai. Các điểm định cư sớm nhất của họ là: Nhơn Trạch, Long Thành, An Hoà, Bến Gỗ, Bàn Lân, cù lao Phố, cù lao Tân Chánh, cù lao Ngô, cù lao Kinh, cù lao Tân Triều …
Như vậy, tiến trình nhập cư của cư dân người Việt vào đất Đồng Nai – Gia
Định đã diễn ra liên tục trong suốt gần một thế kỷ.
1.4.2. Địa điểm cư trú và khai phá đầu tiên của người Việt trên đất Đồng Nai – Gia Định.
Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết, các giồng đất bên bờ sông Phước Long (sông Đồng Nai), thuộc các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hoà ngày nay và các cù lao ven sông là những nơi có nước ngọt dùng cho sinh hoạt trồng tỉa nên người Việt đến khai thác sớm nhất. Các vùng ven núi là nơi lưu dân Việt chọn làm nơi ở khá sớm, bởi vì nơi đó có điều kiện khai thác các nguồn lợi lâm sản như: săn bắn, khai thác gỗ, khai mỏ…
Sách này còn ghi lại một số địa danh ven núi, nơi có người Việt khai thác như núi Thiết Khâu, núi Lò Thổi, núi Nữ Tăng, núi Sa Trúc…
Vùng giồng cao ven biển, nhất là những nơi có vũng hoặc cửa sông tốt cũng là một trong những nơi định cư, làm ăn đầu tiên của người Việt. Tại đây, họ chọn nghề chài lưới, nghề làm mắm, làm ruộng muối để làm kế sinh nhai. Sách Gia Định thành thông chí có ghi lại vùng biển Tắc Ký (nay là xã Phước Hải, Long Đất, Bà Rịa – Vũng Tàu ). “dân miền biển nhóm đến đây làm nghề chài lưới câu cá, là nơi sản xuất cá muối của trấn này.”[6, tr.10]
Tiến trình phân bố các địa điểm định cư để khai khẩn của lớp cư dân mới trên đất Đồng Nai có thể nhìn nhận với một lược đồ như sau :
Vùng Mô Xuy – Bà Rịa là nơi khai thác sớm nhất, từ Mô Xoài – Bà Rịa, một số cư dân chuyển dần lên vùng Đồng Nai, Biên Hòa định cư. Các điểm định cư sớm nhất của người Việt ở vùng đất này là Bàn Lân, Bến Gỗ, Bến Cá, Cù lao Rùa…Ở vùng Sài Côn (Bến Nghé), lưu dân người Việt cũng đến khai phá ngay từ đầu thế kỷ XVII. Các gò đất cao như khu vực từ Chợ Quán đến gò Cây Mai, chùa Gò; từ Tân Định, Bà Chiểu, Gò Vấp… đến Hóc Môn là những nơi mà người Việt đến khai phá, chung sống với người Khmer. Họ đã lập ra những làng mạc của người Việt đầu tiên trên đất Chân Lạp (tuy chưa phải là những đơn vị hành chính chính thức của Đàng Trong), tạo tiền đề cho việc đón những đợt di dân tiếp theo khi đã có chủ trương của chúa Nguyễn, dưới sự đồng thuận của vua Chân Lạp sau này. Lý giải tại sao Mô Xoài trở thành địa điểm đầu tiên khai phá của lưu dân Việt, Đỗ Quỳnh Nga có nhận định sau: “Điều này có thể lý giải bắt nguồn từ vị trí địa lý đặc biệt, thuận tiện của vùng đất này: là địa đầu của Nam Bộ, liền kề với Nam Trung Bộ – phía đông bắc tiếp giáp với Bình Thuận; phía đông và nam là biển. Vào đầu thế kỷ XVII, từ Khánh Hòa cho đến Bình Thuận ngày nay vẫn là đất Champa, muốn di chuyển từ Thuận Quảng vào Nam Bộ chỉ có cách dùng thuyền vượt biển và Mô Xoài chính là điểm dừng chân đầu tiên sau chặng đường dài” [7, tr.2]. Mô Xoài thuở xa xưa được Gia Định thành thông chí miêu tả: “Đất ấy lưng ở dựa núi, mặt nhìn biển, rừng rậm tre dài, ở trên có trường tuần để vời gọi những Man Mạch đến đổi chác, ở dưới có cửa bến, để xét hỏi ghe thuyền ra biển, trạm thủy, trạm bộ giao tiếp.” [6, tr.12]
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng Mô Xoài hội tụ những điều kiện lý tưởng để lưu dân Việt xâm nhập và định cư đầu tiên trên vùng đất này. Ngoài lực lượng nông dân đi khai khẩn tự do, với vùng đất Mô Xoài do bấy giờ là xứ địa đầu, biên giới với Chân Lạp nên chiến tranh hay nổ ra. Vì vậy, từ cuối thế kỷ XVII, nhất là trong thế kỷ 18, các chúa Nguyễn thường điều động binh lính các dinh từ Phú Yên đến Khánh Hòa, Bình Thuận vào vùng này do nhu cầu chiến tranh hoặc an ninh lãnh thổ. Với số lượng binh lính đông đảo hành quân, trú binh ở chốn xa xôi, việc bảo đảm lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn, do đó người ta huy động lực lượng khai phá các vùng đất trú quân canh tác sản xuất lương thực, thực phẩm tự cung tự cấp phần nào. Lịch sử ghi lại, năm 1689, khi kéo quân vào Đồng Nai dẹp loạn của Hoàng Tiến và sự quấy phá của phong kiến Chân Lạp, gặp mùa nước ngược, “các tướng đã chia binh vỡ đất cày cấy ở khu vực Mỗi Xuy”. Nhiều vùng đất, cánh đồng ở Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay còn mang tên các đồn binh hoặc có tên gọi gần gũi với sự kiện quân sự có lẽ phản ánh thực tế này. Ta có thể thấy được người Việt đã định cư ở đây khi mới vào Nam Bộ sau đó tiến đến khai phá và mở rộng ra các vùng xung quanh.
1.4.3 Công cuộc khai phá bước đầu của lưu dân Việt trên vùng đất mới
Đến giữa thế kỷ XVII, trên cả một khu vực rộng lớn thuộc lưu vực sông Phước Long và cả vùng Sài Gòn – Bến Nghé đã có người Việt đến định cư, họ cùng với người Khmer và các dân tộc bản địa khai khẩn một vùng đất đai rộng lớn. Tuy nhiên, những điểm định cư và khai phá chỉ mới rải rác đó đây, gọi nôm na là “móc lõm”, chủ yếu dọc theo sông rạch, nơi thuận lợi giao thông bằng thuyền bè. Đất hoang rừng rậm vẫn còn nhiều, vì hầu hết người Việt đến định cư là dân nghèo phiêu bạt thiếu tài lực, vật lực, phưong tiện kỹ thuật sản xuất.
Những lưu dân người Việt định cư khai khẩn ở Đồng Nai từ cuối thế kỷ XVII phần lớn là những nông dân nghèo đi tìm đất mới để sinh sống. Vì thế, khi đặt chân vào vùng đất mới này họ đã sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau như buôn bán nhỏ, đánh bắt cá, làm mắm, săn bắn, khai thác gỗ, khai thác quặng, đan lát, làm đồ gốm…, còn lại tuyệt đại bộ phận đều chọn nông nghiệp làm nghề sinh sống chính. Trịnh Hoài Đức đã nhận xét “Trấn Biên Hoà nhân dân siêng năng cày cấy, dệt cửu đều có sản nghiệp” [8, tr.3]
Vấn đề nông nghiệp, mà cơ bản nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu bởi “có thực mới vực được đạo”. Để có thể sản xuất lương thực, việc đầu tiên là phải khai khẩn đất hoang. Việc khai phá đất đai trong lúc này diễn ra hoàn toàn tự phát, tự động, dựa vào sức mình là chính, chưa có sự trợ giúp của chính quyền nhà nước. Việc khai thác này thường diễn ra dưới dạng tập thể gồm một vài gia đình có quan hệ họ hàng thân thuộc với nhau hay cùng quê hương xứ sở, bởi vì vùng đất mới đối với họ là hoàn toàn xa lạ, vừa hoang vu, vừa ẩn chứa nhiều nỗi nguy hiểm khó lường trước.
Quy mô khẩn hoang buổi đầu thường nhỏ, do dân thiếu nhân lực, nông cụ, thiếu lương thực, thực phẩm và không có vốn. Canh tác 5, 10 mẫu tuy làm sơ sài nhưng chắc ăn hơn là làm đôi ba mẫu vì chim chuột, thú rừng có phá cũng không mất hết. Hơn nữa, sở hữu về ruộng đất đã kích thích họ tận lực khai khẩn nhằm sở hữu diện tích đất đai càng rộng càng có cơ hội thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu .
Phần lớn những diện tích được khai phá ở vùng đất Đồng Nai – Gia Định được người Việt sử dụng trồng lúa nước và lập vườn. Trước khi có lưu dân Việt thì dân bản địa đã biết trồng lúa rẫy, nhưng trình độ kỹ thuật còn thấp và diện tích không đáng kể. Khi lưu dân Việt đến khai khẩn, mở rộng diện tích canh tác họ đã áp dụng những kinh nghiệm quý báu và kiến thức cổ truyền trong nghề trồng lúa nước được tích luỹ từ bao đời ở quê hương, thì ngành nông nghiệp trồng lúa nước ở xứ Đồng Nai được hình thành và từng bước phát triển cả về quy mô lẫn năng suất, sản lượng.
Hai loại ruộng phổ biến được khai thác trong thế kỷ XVII và các thế kỷ sau đó là sơn điền và thảo điền .
Cách thức canh tác loại sơn điền là đốn chặt cây cối, đợi cho khô đốt làm phân tro, khi mưa xuống trồng lúa (gieo thẳng) không cần cày bừa, trong 3, 4 năm thì đổi làm chỗ khác.
Thảo điền còn gọi là ruộng cỏ, ở nơi đất thấp. Gia Định thành thông chí giải thích loại ruộng này lùng lác bùn lầy, mùa nắng khô nứt nẻ như vẽ mu rùa, chủ yếu tập trung ở ven sông rạch vùng Nhơn Trạch, Long Thành và điển hình là vùng Phiên An và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài việc khẩn hoang trồng lúa, lưu dân Việt còn chú trọng đến việc trồng các loại hoa màu khác như: khoai, đậu, bắp, mè, mía, chuối, đu đủ, cam, chanh … Ngoài ra, người Việt còn biết làm vườn trồng cây ăn quả.
II. Công cuộc kinh dinh của chúa Nguyễn trên đất Đồng Nai – Gia Định
2.1. Tình hình đất Đồng Nai – Gia Định khi chúa Nguyễn tổ chức kinh dinh
Từ khi mới vào trấn thủ đất Thuận Hoá, Nguyễn Hoàng đã có ý đồ tách Đàng Trong ra khỏi sự thống trị của nhà nước Lê – Trịnh nên Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn sau này một mặt, lo củng cố việc phòng thủ đất Thuận – Quảng và xây dựng nơi đây thành căn cứ địa vững chắc với một nền kinh tế phát triển độc lập, mạnh mẽ để chống lại các cuộc tấn công của quân Trịnh; mặt khác tìm cách mở rộng lãnh thổ xuống phía nam. Quá trình sáp nhập những vùng lãnh thổ mới vào Đàng Trong được diễn ra một cách lâu dài suốt từ năm 1611 cho đến giữa thế kỷ XVIII và đồng thời đó cũng là quá trình di dân lập ấp của cư dân Việt ở Đàng Trong.
Thành quả của việc khai hoang và sản xuất của lưu dân người Việt cùng với các dân tộc bản địa trong thế kỷ XVII đã làm biến đổi bước đầu bộ mặt kinh tế Đồng Nai. Nơi đây từng là rừng núi hoang vu nay đã trở thành những cánh đồng lúa, vườn cây tươi tốt. Xóm làng hình thành ven sông là một đặc điểm nổi bật của cư dân Đồng Nai. Về sau khi giao thông phát triển thuận lợi thì xóm làng mới phát triển theo chiều ngang .
Thành quả việc khai khẩn của lưu dân Việt gần một thế kỷ đã từng bước làm biến đổi bộ mặt kinh tế – xã hội Đồng Nai. Từ chỗ là rừng hoang nay đã trở thành vựa lúa gạo dư thừa so với nhu cầu lương thực tại chỗ, chính vì vậy, việc vận chuyển buôn bán ra các phủ ở xứ Đàng Trong là điều tất yếu.
Công việc khẩn hoang đã làm thay đổi bộ mặt xã hội. Sự phân chia giai cấp ngày một diễn ra sâu rộng, tầng lớp địa chủ chiếm hữu ruộng đất dần dần được hình thành và số nông dân nghèo phải làm thuê, cuốc mướn hay làm tá điền ngày càng đông. Sự phân hoá xã hội ngày càng tăng, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ ngày một sâu sắc hơn.
Nhưng dẫu sao, những thành tựu đã đạt được về mặt khẩn hoang và khai thác nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn đầu đã đặt nền móng vững chắc cho công cuộc khẩn hoang và phát triển kinh tế vùng đất Đồng Nai – Gia Định trong các thời kỳ tiếp sau.
2.2. Hệ quả của công cuộc kinh dinh đất Đồng Nai – Gia Định.
Trên cơ sở của một lực lượng di dân, khai khẩn vùng đất phương Nam từ trước nên chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Nguyễn Hữu Cảnh – một tướng tài giỏi kinh lược phía Nam vào mùa xuân năm Mậu Dần (1698).
Chuyến kinh lược này, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi một việc vô cùng quan trọng; đó là thiết lập một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính ở vùng đất mới. Cụ thể là: “ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (quận sở nay gần Tân Đồn). Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Về vệ thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có tinh binh cơ đội thuyền thủy bộ và thuộc binh để hộ vệ. Ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng đinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch.”[9, tr.4]
Đất đai lúc Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược (kể toàn phủ Gia Định) mở rộng 1000 dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, trung bình một hộ 5 người thì ở toàn phủ Gia Định lúc này có đến 200.000 người. Ông chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh (Quảng Bình) đưa vào Nam cho ở đông đúc, thành lập xã, thôn, phường, ấp, chia đặt địa giới, khai khẩn ruộng đất, định lệ thuế, tô và dung, đồng thời lập sổ đinh, sổ điền. Với việc xác lập chủ quyền bằng cách thiết trí hệ thống hành chính các cấp phủ, huyện, phường, xã, thôn, ấp. Lưu dân người Việt từ chỗ là kiều dân đã cùng với các tộc người khác trở thành thần dân của chúa Nguyễn.
Chuyến kinh lược này, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi một việc vô cùng quan trọng: Ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục để quản trị, nha thuộc có hai ty xá – lại để làm việc; quân binh thì có cơ, đội, thuyền, thuỷ bộ binh và thuộc binh để hộ vệ.
Việc làm của Nguyễn Hữu Cảnh có tác động lớn đến vùng đất mới. Vùng đất rộng, người thưa, dân cư gồm những người tha phương cầu thực đã chung sống trở thành cộng đồng. Về mặt pháp lý, với bộ máy hành chính cụ thể, người dân chịu sự cai quản của nhà nước, sống theo trật tự xã hội và có điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Cảnh thực thi chính sách dân tộc độc đáo, khai thác tiềm năng kinh doanh của cộng đồng người Hoa và ổn định về xã hội cho họ yên tâm cùng với lưu dân Việt phát triển vùng đất Đồng Nai bằng cách lập đơn vị hành chánh riêng. Cụ thể là lập xã Thanh Hà ở Trấn Biên (Biên Hoà), Minh Hương (Sài Gòn) ở Phiên Trấn.
Trên cơ sở khẳng định vùng lãnh thổ, chúa Nguyễn bắt đầu thực hiện những chính sách khẩn hoang và phát triển kinh tế trên đất Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Qua cuộc kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1698 đã biến vùng đất Đồng Nai – Gia Định thực sự thuộc chủ quyền và đặt dưới sự quản lý của chúa Nguyễn. Nó đẩy nhanh quá trình khai khẩn đất hoang và phát triển kinh tế ở vùng đất này. Những việc làm này đã đặt nền tảng xã hội cơ bản. Từ đây Đồng Nai – Gia Định trở thành lãnh thổ chính thức của nước Việt Nam.
2.3. Lực lượng tham gia khai phá đất Đồng Nai – Gia Định thời chúa Nguyễn
Như trên đã từng nói, quá trình sát lập lãnh thổ Đàng Trong được diễn ra suốt từ 1611 đến giữa thế kỷ XVIII, và đó cũng chính là quá trình di dân lập ấp của cư dân Việt ở Đàng Trong. Cứ mỗi lần vùng đất nào được sát nhập vào Đàng Trong thì nhân dân Việt lại kéo tới đó khai thác, làm ăn, định cư thành những xóm làng của người Việt. Thậm chí có những vùng đất dù chưa thuộc về họ Nguyễn, nhưng ở đó cũng đã có rất nhiều cư dân Việt sinh sống. Có thể nói, song song với quá trình Nam tiến của mình thì chính sách khai hoang lập làng vẫn được các chúa Nguyễn duy trì và hết sức chú trọng.
Lực lượng khai hoang những vùng đất mới xâm lấn này cũng bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau:
Thứ nhất và cũng là lực lượng khai thác chủ yếu là những người nông dân lao động. Đó là những nông dân ở phía bắc Đàng Trong bị bần cùng, phá sản, mất hết đất đai nên đã rủ nhau vào Nam khai hoang thành lập xóm làng. Nhiều người trong số họ thậm chí còn đến tận vùng cực phía Nam trên đất Thuỷ Chân Lạp và sang cả đất Thái Lan để sinh sống. Ngoài ra, đó cũng là những nông dân bị bọn địa chủ giàu có chiêu mộ đem vào khẩn hoang ở đất Gia Định.
Cũng như chính sách khai thác ở vùng Thuận Quảng, lực lượng tù binh cũng là một lực lượng khai hoang quan trọng. Trong bảy lần giao tranh với chúa Trịnh, số tù binh bắt được không phải là ít. Nhiều tù binh đã được sử dụng cho công cuộc khai khẩn. Lịch sử đã ghi lại sự kiện vào năm 1646 trong lần giao tranh với quân Trịnh, họ Nguyễn đã thắng lớn và bắt được tới ba vạn quân. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề giải quyết số tù binh ấy và chúa Nguyễn đã nói: “Từ miền Thăng Hoa, Điện Bàn trở vào Nam là đất cũ của người Chàm, hiện nay dân cư thưa thớt, nếu đem chúng vào ở đất ấy, cấp cho trâu, cày bừa và lương thực, chia ra từng Bộ, từng xóm để chúng khai khẩn ruộng hoang thì trong khoảng mấy năm thuế má thu được có thể giúp quốc dụng và sau hai mươi năm, sảnh sản nhiều thêm, lại có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau” [1, tr.298] Vậy là “ba vạn tù binh Trịnh thì chúa chia ra an tháp từ miền Thăng, Điện trở vào đến Phú Yên, cấp cho ngựa canh, điền khí để khai khẩn ruộng hoang” [1, tr.150].
Về lực lượng khai thác còn có cả những người dân Chiêm Thành và Chân Lạp. Họ cũng đã góp sức cùng với người việt trong việc khai thác đất đai, xây dựng làng xóm.
Một số người Trung Quốc không chịu khuất phục nhà Thanh đã trốn tránh sang vùng đất Đàng Trong để tìm chốn nương thân, họ đã được chúa Nguyễn sử dụng trong những công trình khai thác này. Ví dụ như lực lượng hơn ba nghìn người của nhóm di thần nhà Minh do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cầm đầu đã góp phần khai thác, mở mang đất Mỹ Tho, Biên Hoà, tuy nhiên đóng góp của lực lương này trong công cuộc khai hoang là không nhiều.
Bên cạnh những lực lượng trên còn có những lực lượng khác như một số người thuộc dân tộc thiểu số; một số binh sĩ và gia đình của họ hoặc đóng đồn khẩn hoang hoặc đi làm đồn điền.
Để nhanh chóng khai thác vùng đất Đồng Nai – Gia Định, các chúa Nguyễn đã khuyến khích quan lại, địa chủ giàu có ở Thuận Quảng mộ những dân phiên tán vào đây khai khẩn. Từ đó thiết lập nên các xã thôn, phường và họ dần trở thành tầng lớp địa chủ hết sức giàu có, nắm trong tay rất nhiều ruộng đất. Ngoài ra,“chúa Nguyễn còn cho các địa chủ giàu có ở đây nuôi nô tì, nhân đó bọn lái buôn đem con trai, con gái người Man ở đầu nguồn bán cho dân ở đây làm nô tì” [10, tr.161] và những nô tì đó cũng được sử dụng vào việc khai hoang.
Không chỉ những địa chủ chiêu mộ dân phiêu tán vào đây khai hoang mà còn có rất nhiều nông dân lưu vong ở Thuận Quảng khi cuộc sống quá khó khăn cũng tự động di cư vào đây khai thác tìm đất sinh sống với ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiện tượng di cư ấy diễn ra ngay trước khi chúa Nguyễn vào tổ chức kinh dinh và ngày càng đông đảo hơn khi các chúa Nguyễn hoàn thành việc đặt chủ quyền trên vùng đất. Nhất là khi các chúa Nguyễn đã kinh dinh đất Đồng Nai và Sài Gòn, lập ra hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn năm 1698 thì họ Nguyễn càng đẩy mạnh quá trình di cư, chiêu mộ dân phiêu tán vào đây khai thác, sinh sống. Nhà văn Sơn Nam đã miêu tả việc khẩn hoang vào năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh đặt hai huyện đầu tiên như sau: “Đất đai mở rộng một nghìn dặm, dân số được hơn 40000 hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh Châu trở về Nam đến ở khắp nơi đặt ra phường ấp, xã thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất chuẩn định thuế đinh điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Tàu ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi ghép vào sổ hộ tịch.” [11, tr.32 – 33] Về cơ bản thì chính quyền rất dễ dãi trong việc khuyến khích việc khẩn hoang, lập ấp, mức tô thuế, binh dịch cũng nhẹ hơn nhiều so với Đàng Ngoài.
Đồng thời họ Nguyễn cũng đã sử dụng lực lượng quân đội đồn trú ở đây vào việc khai khẩn ruộng đất. Nếu như ở thời kỳ khai thác Xứ Thuận – Quảng, việc sử dụng binh lính để khai thác đất đai không phổ biến thì tại những vùng đất mới khai phá này, đây là một lực lượng khai thác khá quan trọng. Những ruộng đất do quân lính khai khẩn được trở thành đồn điền thuộc quyền sở hữu của triều đình phong kiến và các chúa Nguyễn sẽ lấy đó để ban thưởng cho các tướng lĩnh có công lao trong quá trình khai thác đất đai.
Việc khai hoang trên những vùng đất mới kinh dinh đã thu được những thành quả hết sức to lớn. Cả một vùng đất đai rộng lớn đã được khai phá. Từ những vùng đất hoang vu, lầy lội biến thành ruộng đồng, xóm làng trù phú. Cho đến giữa thế kỷ XVIII đã hình thành mười một huyện và một châu với hàng trăm xã, thôn phường, nậu và 69338 dân đinh trên vùng đất phía nam Thuận – Quảng. Đó là những thành quả đạt được với những cố gắng không ngừng của những người dân lao động.
2.4. Kinh tế của Đồng Nai – Gia Định dưới thời chúa Nguyễn
Từ thế kỉ XVII trở đi, do sự có mặt của đông đảo lưu dân người Việt ở Đàng Trong khiến vùng đất Nam Bộ nhanh chóng “thay da đổi thịt” từ hoang vu, rừng rậm chuyển thành đồng ruộng tươi tốt, làng xóm đông đúc. Đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng trở thành một trong hai vựa lúa lớn nhất của cả nước và đồng thời là trung tâm kinh tế – chính trị quan trọng của khu vực Đàng Trong. Nơi đây thu hút thương khách từ các vùng miền trong nước và ngoài nước tập trung trao đổi, buôn bán hàng hóa.
Hoạt động buôn bán trục Gia Định – Nam Vang phát triển mạnh mẽ trên nhiều tuyến giao thông như: đường bộ, đường thủy. Thương nhân người Việt chở muối, gạo, các vật gia dụng sang Nam Vang bán cho người Miên; đồng thời mua về các lâm, thổ sản, các loại cá khô từ vùng Biển Hồ.
Mặc dù chúa Nguyễn chủ trương thi hành chính sách “Ức thương” bằng cách đặt các trạm kiểm soát dày đặc, đánh thuế cao, ban hành nhiều loại thuế (thuế hàng hóa, thuế ghe thuyền, thuế sản vật…), quy định chặt chẽ các tuyến vận chuyển buôn bán giữa các khu vực, số lượng thương nhân, các mặt hàng…, nhưng việc buôn bán không vì thế mà hạn chế; trái lại nó vẫn phát triển ngày một mạnh.
Sự ra đời và phát triển của Cù lao Phố
Sau khi đến định cư khai khẩn trên vùng đất Bàn Lân (Bến Gỗ), nhóm người Hoa do Tổng binh Trần Thượng Xuyên đứng đầu đã nhận thấy Cù lao Phố có những điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán nên họ đã di chuyển về đây. Cù lao Phố có hai rạch nhỏ là rạch Ông An và rạch Lò Gốm, đưa nước sông Đồng Nai chảy vào tận những cánh đồng xa tít nằm sâu trong lòng cù lao, rất thuận lợi cho trồng trọt. Cù lao Phố có tên là Bãi Đại Phố, Giãn Phố và Cù Châu. Cù lao Phố có ba thôn: Nhất Hòa thôn, Nhị Hòa thôn, Tam Hòa thôn với 12 ấp: Hưng Phú, Tân Giám, Bình Tự, Bình Xương, Tân Mỹ, Bình Kính, Tân Hưng, Thành Đức, Bình Hòa, Bình Quang, Long Thới, Hòa Quí.
Bằng tư duy thương nghiệp, tư duy hàng hóa, tiền tệ, chứ không phải bằng tư duy nông nghiệp, chỉ biết chăm bẵm vào việc khẩn hoang, trồng tỉa, nhóm Trần Thượng Xuyên đã sớm phát hiện ra một ưu thế của Cù lao Phố, có vị trí quan trọng trong kinh doanh với đường thủy, đường bộ nối liền miền Trung, đường bộ lên Cao Miên và đường thủy xuống Gia Định. Tuy nằm không gần biển, nhưng là nơi sông sâu, nước chảy, có thể tiếp tục ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, xuống tận phía Nam, ra cửa Cần Giờ và có thể sang tận Cao Miên. Phần lớn trong số họ đã chuyển cư từ Bàn Lân về Cù lao Phố, phát hoang, dựng nhà, lập bến, mở đường, xây dựng phố chợ. Gỗ rừng sẵn và tốt không chỉ cung cấp cho việc đóng thuyền mà còn là một nguồn hàng xuất khẩu quan trọng. Sẵn vốn liếng tiền bạc, với kinh nghiệm đã được tích lũy, họ liên lạc, móc nối lại các đường dây, khách hàng buôn bán cũ, họ đã khai thác các nguồn hàng lâm thổ sản dồi dào và phong phú trong vùng lúc bấy giờ như gỗ quý, trầm hương, ngà voi, sừng tê, xương động vật, lông chim, da thú, nhựa sơn, dược liệu, tôm khô, cá khô cùng những sản phẩm nông nghiệp khác…
Chỉ trong vòng vài ba thập niên, đến đầu thế kỷ XVIII, những di dân người Hoa đã biến Cù lao Phố thành một thương cảng xuất nhập khẩu lớn thu hút thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa và các nước phương Tây đến buôn bán và trao đổi hàng hóa. Quang cảnh của Cù lao Phố hiện ra dưới ngòi bút của Trịnh Hoài Đức miêu tả trong Gia Định thành thông chí khá khang trang, sầm uất: “Ở đầu phía tây của cù lao Đại Phố, lúc mới mở mang, Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội. Các nhà phú thương buôn to bán lớn chỉ ở đây là nhiều hơn, có người mà cả nước đều biết tiếng.” [8, tr.18] Việc buôn bán ở nơi thương cảng này được tổ chức khá bài bản, khéo léo và mang tính chất kinh doanh lớn. Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc giao dịch buôn bán với thương nhân nước ngoài. Theo Gia Định thành thông chí thì “Phía Bắc ghềnh có vực sâu làm nơi trú ẩn cho tàu thuyền các nước. Tàu buôn đến đây, hạ neo xong là lên bở thuê phố ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, lấy đấy kê khai những hàng hóa trong thuyền và khuân cất lên, thương lượng giá cả, chủ mua hàng định giá và mua bao tất cả hàng hóa tốt xấu, không bỏ sót lại thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về gọi là ”hồi Đường”, chủ thuyền có yêu cầu mua giúp vật gì thì người chủ hiệu buôn ấy cũng chiều ý ước đơn mà mua giùm và chở đến trước kỳ giao hẹn, hai bên chủ và khách chiếu theo hóa đơn thanh toán rồi cùng nhau đờn ca vui chơi, đã có nước ngọt tắm rửa sạch sẽ, lại không lo hà trùng ăn lũng ván thuyền, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi”. [8, tr.24]
Hàng hóa các chủ thuyền thường mua là những sản vật được sản xuất ở Đồng Nai như gạo, cá khô, sừng tê, ngà voi, gạc nai, các loại dược thảo ở phía Nam. Còn sản vật các chủ hàng buôn bán thường nhận mua là những sản phẩm tiêu dùng gồm tơ lụa, vải bố, dược phẩm cho đến những đồ xa xỉ, trang trí như gạch ngói, sứ men, đá xây cột chùa, nhang đèn, giấy tiền, vàng bạc…, Theo Phủ biên tạp lục ghi miêu tả: “Hàng năm cứ đến tháng một, tháng chạp, người ta thường xay giã lúa thành gạo đem bán lấy tiền tiêu dùng vào những ngày lễ tết. Còn từ cuối tháng giêng trở đi, họ không còn thời giờ rảnh rỗi để xay giã lúa thóc. Những lúc bình thường người ta chuyên chở gạo thóc ra bán tại thành Phú Xuân để đổi chác hay mua sắm những hàng vóc nhiễu, trừu, đoạn của người Tàu đem về may mặc nên áo quần họ toàn những hàng hóa màu tươi tốt đẹp đẽ ít khi họ dùng những áo quần bằng vải trắng thường” [12, tr.123].
Nguồn xuất khẩu chính ở Cù lao Phố là lúa gạo. Lúa gạo ở Đồng Nai nhiều nên rất rẻ, “Còn đồng tiền xưa thì một tiền (60 đồng) đong được 16 đấu thóc. Cứ lường theo bát được gạt bằng miệng mà dân gian địa phương thường dùng thì ba bát ấy ngang với 30 bát của Nhà nước. Một quan tiền đong được 300 bát đồng của nhà nước (tức bát định chuẩn). Giá rẻ như vậy, các nơi khác chưa từng có.” [12, tr.123] Kế đến là nguồn gỗ quý dùng để làm tàu thuyền vì giao thông đường thủy là chủ yếu, phủ Gia Định sản xuất nhiều gỗ tốt, tra xét sổ sách của cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên kê biên hai xứ là nguồn Đồng Môn cùng thủ Quang Hóa thuộc huyện Phước Long có các thứ gỗ sao, trắc, dầu, giáng hương, gụ. Những người Hoa theo Trần Thượng Xuyên vào Biên Hòa, ngoài những binh lính vẫn giữ nguyên đội ngũ ”Long Môn” dưới quyền chỉ huy của ông, còn có hàng loạt các quý tộc phong kiến và thương nhân giàu có cùng gia quyến quê ở Quảng Đông, Hải Nam, Phước Kiến, Triều Châu. Ngoài một số sống tập trung ở Bàn Lân, Cù lao Phố, còn có những người sống rải rác trong phạm vi vùng Đồng Nai với tính cách là những đại lý thu mua nguyên vật liệu, hàng hóa tại chỗ cung cấp về Cù lao Phố như ở Tân Bản (lúa gạo), Mỹ Khánh, Bình Long (hàng vàng bạc), Chợ Đồn (nằm trong làng Bình Long sản xuất lu, hũ, cát, đá ong), Tân Mai, Vinh Thanh, Bình Trước, Bình Phước (lúa gạo), Đổng Bản, Thủ Đồn Xứ (gỗ quý, thú rừng), Bình Sơn (đá rửa dùng tô nhà), Phú Hộì (xuất trà), An Lợi (sầu riêng), Long Tân (chuối), Phước An (cá buôi, sò huyết), Phước Khánh (lúa gạo thơm), Tam An (tôm càng), Hội Bài (cá), Tong Phước (chuối, xoài).
Cùng với sự phát đạt của thương nghiệp, Cù lao Phố cũng là nơi tập trung nhiều nghề thủ công như dệt chiếu, dệt hàng tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường từ mía, làm bột, làm đồ gỗ gia dụng và chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo thăng thiên, nhuộm… Trong số các nghề nói trên, có những nghề truyền thống do những lưu dân Việt mang theo từ nơi quê cũ, nhưng cũng có những nghề do thợ thủ công Trung Quốc du nhập vào như nghề gốm, đúc đồng, dệt lụa, làm đồ mỹ nghệ, vàng bạc, pháo thăng thiên. Các nghề này đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong dân gian như những địa danh “chợ Chiếu, xóm Cửi, xóm Lò Đúc, rạch Lò Gốm…” Điều này nói lên sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Cù lao Phố. Chính những yếu tố về dân cư, về sự dồi dào sản vật và nguyên liệu của vùng Đồng Nai là những yếu tố quan trọng cho sự hình thành trung tâm thương mại – thương cảng Cù lao Phố đầu thế kỷ XVIII Người Hoa không chỉ tập trung ở nơi thương cảng này, mà còn tạo ra một hệ thống đại lý thu mua và phân phối hàng hóa ăn sâu về các bến sông, bến chợ từ đầu nguồn cho đến nơi cửa biển.
Tuy nhiên, sự thịnh vượng của thương cảng Cù lao Phố chỉ kéo dài đến nửa thế kỷ XVIII thì bắt đầu đi xuống. Bởi khi Cù lao Phố đã trở thành ”xứ đô hội” của vùng đất mới thì tự nó cũng trở thành nơi diễn ra những cuộc tranh chấp về quyền lực chính trị. Năm 1747, một nhóm khách từ Phước Kiến do Lý Văn Quang cầm đầu và tự xưng là ”Giản Phố đại vương” tập trung bè đảng, toan đánh úp dinh Trấn Biên. Cuộc bạo loạn này bị dập tắt nhưng đã gây nhiều thiệt hại đáng kể cho Cù lao Phố. Mặt khác những nguồn tài nguyên nông lâm thổ sản của địa phương ngày một cạn kiệt, trong khi công cuộc khai hoang miệt đồng bằng sông Cửu Long đang mở rộng và có sức hút mạnh các lưu dân về hướng đất ấy thì Cù lao Phố không còn và không thể đóng vai trò trung tâm nữa, mà phải chuyển vị trí về Bến Nghé – Sài Gòn, nơi có những ưu thế và thuận lợi hơn về nhiều mặt. Tiếp đến, trận chiến giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh xảy ra trong vùng này, đặc biệt biến cố năm 1776 đã tàn phá Cù lao Phố, dù sau này một số dân có về lại nhưng xét ra chưa được một phần trăm thời trước. Như vậy, từ buổi đầu hình thành và phát triển cho đến khi bị tàn phá, trung tâm thương mại Cù lao Phố tồn tại 97 năm (1679-1776).
III. KẾT LUẬN
Thứ nhất, đất Đồng Nai chỉ thuộc về Chân Lạp trên danh nghĩa, trong thực tế người dân Khmer không có mặt nhiều trên phần đất này. Người dân Khmer chỉ sinh sống ở một vài nơi thưa thớt, rải rác trên vùng đất cao, hoang vu mênh mông ở vùng Hậu Giang của đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng Đồng Nai thì có các bộ lạc người Mạ và người Xtiêng sinh sống, cũng rải rác, cũng thưa thớt trong vùng đất mênh mông hoang vu này. Triều đình Chân Lạp chưa có thiết lập các cơ quan hành chánh cai trị hay những đồn binh quân sự trấn đóng để bảo vệ đất đai và dân chúng của họ trên vùng đất này. Đối với người dân Việt, những đất đai mênh mông hoang vu ở đây là đất vô chủ, không ai để ý tới, không ai dòm ngó, kiểm soát. Vả lại, ranh giới giữa Đàng Trong – Chân Lạp không có gì rõ ràng, ranh giới giữa các sắc tộc sinh sống rải rác trên vùng đất này (xem như vùng trái độn) lại càng mơ hồ, co giãn, biến thiên hơn. Trong hoàn cảnh đó, người Việt đã vào vùng đất hoang vu mới mẻ này để khai hoang, phá rừng, dọn đất, trồng trọt, mưu sinh, lập nghiệp, mở ra những vùng đất mới.
Thứ hai, công cuộc mở đất về phía Nam trong đó có vùng Đồng Nai – Gia Định từ thế kỷ XVII – XVIII là một kỳ công tuyệt vời của lịch sử Việt Nam, mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên không chỉ là người có công khai mở, đặt cơ sở ban đầu, mà còn hoạch định các mục tiêu, phương thức và những biện pháp cụ thể, chuẩn xác cho các đời sau tiếp nối và thành công. Nguyễn Quang Ngọc đã đánh giá Nguyễn Phúc Nguyên là “một vị Chúa Nguyễn kiệt xuất nhất trong lịch sử dân tộc, người Anh hùng đứng ở vị trí hàng đầu của những Anh hùng Mở cõi Việt Nam”. [13, tr.460]
Thứ ba, mở đất Mô Xoài có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong tiến trình mở đất Nam Bộ. Mô Xoài là điểm mấu chốt để chúa Nguyễn tiếp tục thực hiện việc mở mang các phần đất khác. Đây không chỉ là điểm tụ cư đầu tiên mà còn là trạm dừng chân và chuyển cư để lưu dân từ Mô Xoài vào các vùng đất khác. Từ Mô Xoài, dân đến Đồng Nai, rồi Sài Gòn, mở mang miền Đông Nam Bộ, rồi sau đó là Tây Nam Bộ. Đó cũng chính là kế “tàm thực” mà Nguyễn Cư Trinh đã đúc rút ra từ quá trình mở đất của chúa Nguyễn: “Năm xưa mở phủ Gia Định cũng trước mở Hưng Phước, tới Đồng Nai để tiện hội tụ quân dân đầy đủ rồi sau mới lấy Sài Gòn, đó là kế tằm ăn lá dâu vậy… Xin cứ cho Chân Lạp chuộc tội, lấy đất hai phủ ấy ủy cho thần xem xét hình thế, đặt lũy đóng quân, chia cấp ruộng đất cho quân dân, chia vạch địa giới cho lệ vào châu Định Viễn để tu lấy toàn khu”. [14, tr.203]
Thứ tư, có một số học giả cho rằng vai trò của người Hoa có tầm quan trọng trong việc khai phá đất Đồng Nai như đoàn người Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch… Tuy nhiên, qua kết quả khảo cứu, chúng tôi cho rằng người Hoa giai đoạn này không có đóng góp gì lớn về mặt khai phá đất Đồng Nai, bởi trong tâm trí họ vẫn luôn hướng về Trung Quốc, về sự nghiệp “phản Thanh, phục Minh”, tâm lý rèn luyện võ bị để một ngày nào đó có thể quay lại Trung Quốc chống nhà Thanh. Đóng góp của người Hoa trong quá trình khai phá Đồng Nai có chăng chỉ là việc phát triển thương mại, biến vùng đất Cù lao Phố trở thành nơi buôn bán sầm uất lúc bấy giờ. Họ tận dụng được lợi thế về hiểu biết kinh doanh, những lâm thổ sản từ vùng cao chuyển về để biến Cù lao Phố trở thành một khu buôn bán tấp nập. Về sau khi lượng lâm thổ sản này cạn dần, mặt hàng lúa gạo đang thịnh hành họ chuyển về vùng Mỹ Tho để buôn bán, xuất khẩu lúa gạo. Cù lao Phố dần lụi tàn.
Thứ năm, xâu chuỗi lại các sự kiện diễn ra liên tiếp trong gần 100 năm sẽ cho thấy toàn cảnh quá trình mở mang vùng đất Đồng Nai của chúa Nguyễn. Bắt đầu là những cuộc di cư tự phát của lưu dân Việt từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII đến Mô Xoài, tiếp đến là cuộc hôn nhân giữa vua Chey Chettha II với công chúa Ngọc Vạn (1620) và việc lập nên trạm thu thuế ở Sài Côn (1623) đã tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho dân Việt tiếp tục vào khai phá vùng Mô Xoài (Bà Rịa – Vũng Tàu) và những vùng đất sau đó; sự xâm nhập bằng đường biển của đoàn di thần nhà Minh vào phát triển giao thương vùng Cù lao Phố (1679) và cuối cùng là cuộc “kinh lược” của Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1698 nhằm phân chia lại địa giới và thiết lập cơ quan hành chính, xác định chủ quyền.
Thứ sáu, chúng ta đã biết, khác với nhiều địa phương trên toàn quốc, đời sống kinh tế ở vùng Đồng Nai – Gia Định cho đến cuối thế kỷ XVIII vẫn đi lên theo nhịp độ vươn lên của vùng đất trẻ và lúc đó là nền kinh tế phát triển nhất nước. Quá trình phát triển đó cũng chính là quá trình ra đời và phát triển của sở hữu ruộng đất tư nhân ở Đồng Nai và đồng bằng Nam Bộ. Chính sự xuất hiện sớm của bộ phận tư hữu lớn về ruộng đất đã cho phép nông sản trở thành hàng hoá với một khối lượng đáng kể. Chính vì vậy đã tạo ra sự năng động cho công cuộc phát triển kinh tế ở đây.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Huỳnh Công Bá (2008), Cở sở văn hóa Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế.
- Hội đồng Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh (2005), Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chu Đạt Quan (bản dịch) (1973), Chân Lạp phong thổ ký (thế kỷ XIII), Nxb Kỷ nguyên mới, Sài Gòn.
- Lê Quý Đôn (1977) (bản dịch), Toàn Tập, (Phủ Biên tạp lục), Tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đỗ Quỳnh Nga (2012), “Chúa Nguyễn với công cuộc mở đất Đông Nam Bộ”, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, (số 5), trang 19-22.
- Trịnh Hoài Đức (2004), Gia Định thành thông chí Quyển 2A Sơn xuyên chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Đồng Nai.
- Đỗ Quỳnh Nga (2013), “Quá trình mở đất Mô Xoài của các chúa Nguyễn”, tạp chí Khoa học công nghệ, Bà Rịa – Vũng Tàu, trang 2-5.
- Trịnh Hoài Đức (2004), Gia Định thành thông chí Quyển 6 Thành trì chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Đồng Nai.
- Trịnh Hoài Đức (2004), Gia Định thành thông chí Quyển 3 Cương vực chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Đồng Nai.
- Chritophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Sơn Nam (2005), Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ
Chí Minh.
- Huỳnh Ngọc Trảng (Chủ biên) (2001), Địa chí Đồng Nai, Tập 3 (Lịch sử), Nxb Đồng Nai, Đồng Nai.
- Nguyễn Quang Ngọc (2011), Một chặng đường nghiên cứu khoa học (2006-2011), Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (1995), Đại Nam liệt truyện Tập 1 (tiền biên), Cao Tự Thanh dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
Có thể nói các chúa Nguyễn chính là những người tiên phong cho công cuộc mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam .Đặt nền mống cho chủ quyền của Việt Nam tại vùng đất hoang hóa vô chủ này .Công lao hết sức to lớn ,thế nhưng vì nhiều lý do không rõ ( có lẽ do ghét lây từ Gia Long ) ,hiện nay chưa ghi nhận hay tôn vinh công lao to lớn này .Tôn vinh Nguyễn Hữu Cảnh mà không nghĩ là nếu không có lệnh của chúa Nguyễn thì Nguyễn Hữu Cảnh có vào Nam để thiết lập chính quyền tại vùng đất mới này không ?
ThíchThích
Công cuộc mở đất về phía Nam trong đó có vùng Đồng Nai – Gia Định từ thế kỷ XVII – XVIII là một kỳ công tuyệt vời của lịch sử Việt Nam, mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên không chỉ là người có công khai mở, đặt cơ sở ban đầu, mà còn hoạch định các mục tiêu, phương thức và những biện pháp cụ thể, chuẩn xác cho các đời sau tiếp nối và thành công. Nguyễn Quang Ngọc đã đánh giá Nguyễn Phúc Nguyên là “một vị Chúa Nguyễn kiệt xuất nhất trong lịch sử dân tộc, người Anh hùng đứng ở vị trí hàng đầu của những Anh hùng Mở cõi Việt Nam”.
ThíchThích
?
ThíchThích