Cuộc nổi dậy Intifada của người Iraq năm 1991

kurdgun.jpg

Đăng Phạm

Một trong những từ gây ám ảnh nhất hiện nay trong tiếng Arab, bên cạnh ”Jihad” (thánh chiến), ”Allahu Akbar!!!”,… là ”intifada”.

Theo ý nghĩa ban đầu, ”intifada” là một động từ ít sử dụng của tiếng Ả Rập, nghĩa là “làm rung”. Ý nghĩa ngày nay của nó là ý nghĩa hiện đại, được sáng tạo sau này (giống từ ”nựng” của Việt Nam) để gán cho cuộc nổi dậy của người dân Arab chống lại thế lực khác.

Ngày nay nói đến intifada người ta nghĩ ngay đến sự nổi dậy của người Palestine chống lại Israel. 3 lần nổi dậy của Palestine, gọi là 3 cuộc ”intifada”. Lần 1 năm 1987, lần 2 năm 2000, lần 3 năm 2017. Cả 3 lần đều diễn ra đẫm máu của cả 2 nước, điều đó khiến cho người ta kinh sợ cụm từ ”intifada”. Ở một góc độ nào đó, ”intifada” mang ý nghĩa còn mạnh hơn cả ”jihad”, với ý nghĩa là ”rung chuyển, chấn động thế giới”

Ngoài ra, có những khu vực khác mà người Hồi giáo cũng đang dùng từ này để nói về cuộc chiến của họ, đó là Kashmir và Tây Sahara

Nhưng ít ai biết, Iraq mới là cái nôi sinh ra ”intifada” và cũng là nơi diễn ra ít nhất 2 cuộc intifada khác, với quy mô được coi là lớn nhất trong lịch sử intifada. Tuy nhiên vì lý do và âm mưu chính trị, những sự kiện này đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn và chưa được tìm hiểu hết.

Một câu hỏi là tại sao người ta lại tranh cãi có 2 hay 3 cuộc intifada của Iraq?

Năm 1952, người dân Iraq nổi dậy chống chính quyền quân chủ thân Anh, đòi thiết lập nền cộng hòa. Đây được coi là cuộc nổi dậy lớn đầu tiên của Iraq hiện đại, và một số người coi nó là một cuộc intifada.

Tuy vậy, cuộc nổi dậy khá ôn hòa, ít đổ máu. Hình phạt lớn nhất cho các lãnh đạo biểu tình bị bắt là…phạt bằng roi. Trong khi đó, ngày nay người ta định nghĩa tính chất cơ bản của intifada là BẠO LỰC CỰC ĐOAN, là cách để phân biệt với các cuộc nổi dậy thông thường. Do vậy, đa số người hiện nay không coi cuộc nổi dậy năm 1952 là một cuộc intifada.

Nền quân chủ Iraq kết thúc năm 1958 khi vua Faisal II bị quân đội sát hại, mở ra thời kì cộng hòa Iraq.

*INTIFADA NĂM 1991

Cuộc nổi dậy tiếp theo, là vào năm 1991, ngay sau chiến tranh vùng Vịnh. Cuộc nổi dậy còn gọi là Đại nổi dậy (Great intifada), intifada lần thứ 1, khởi nghĩa tháng 3, hay khởi nghĩa Sha’aban, hay Sha’aban Intifada. Đây là một cuộc nổi dậy quy mô RẤT LỚN, diễn ra trên toàn đất nước Iraq và có sự tham gia của nhiều phe phái trong xã hội Iraq lúc bấy giờ.

Có 3 thành phần lớn nhất tham gia cuộc nổi dậy chống lại chế độ Saddam Hussein: Người Shia, người Kurd và Phe Cực tả. Họ lần lượt nổi dậy ở phía Nam, Phia Bắc và phía Tây. Cả 3 đều có những mâu thuẫn với chế độ Đảng Ba’ath do người Sunni kiểm soát.

1/ Người Kurd có một lịch sử xung đột lâu dài với chính quyền Iraq. Sau thế chiến 2, người Kurd ít nhất 2 lần đánh nhau với người Iraq. Chiến tranh Kurd-Iraq lần 1 từ năm 1961–1970, chiến tranh Kurd-Iraq lần 2 năm 1974-1975. Cả 2 lần người Kurd đều thất bại. Trong cuộc chiến năm 1974, khu vực người Kurd bị tước luôn quy chế tự trị, trở thành một tỉnh của Iraq.

Ngoài ra năm 1976-1979, 2 phe Kurd chủ hòa và chủ chiến đánh nhau, Iraq can thiệp. Đến năm 1980-1988, chiến tranh Iran-Iraq nổ ra, người Kurd đứng về phe Iran. Iraq trả thù bằng cách thảm sát 180.000 người Kurd, trong đó bằng cả vũ khí hóa học, cưỡng bức di cư hơn 1 triệu người (xem Diệt chủng Anfal)

Người Kurd coi cuộc nổi dậy năm 1991 là cơ hội để giành lại độc lập trong bối cảnh chính quyền Iraq suy yếu.

2/Người Shia vốn mâu thuẫn với đảng Ba”ath của người Sunni từ lâu. Đất nước Iraq có tới 70% dân số là dòng Shia. Dòng Sunni chỉ chiếm 30% những nắm chính quyền và các lĩnh vực kinh tế chủ yếu như dầu mỏ, khí đốt, đất trồng trọt,…Trong quân đội Iraq, người Shia cũng chiếm đa số nhưng những chức vụ cao nhất nằm trong tay người Sunni. Binh lính Shia thường bị bắt làm bia đỡ đạn trên chiến trường.

Trong chiến tranh Iran-Iraq, nhiều binh sĩ Shia đã bỏ chạy hoặc đầu hàng Iran, quân đội Iraq đã tiến hành trả thù, và cấm các đảng phái người Shia hoạt động từ năm 1990.

Sau khi chính quyền người Shia lên cầm quyền tại 2 nước láng giềng là Syria và Iran, người Shia Iraq đã liên tục có ý định lật đổ chính quyền Sunni sở tại. Năm 1991 được coi là cơ hội lớn nhất từ trước đến nay cho người Shia.

3/Phe cực tả, đứng đầu là Đảng Cộng sản Iraq (ICP).

Về mối thâm thù giữa Đảng Cộng sản Iraq và chính quyền Saddam, sau này em sẽ viết. Ở đây xin nói qua

Nói nhiều người không tin nhưng thật ra Đảng Cộng sản Iraq chính là Đảng lâu đời nhất ở nước này, hơn bất kỳ đảng phái nào khác. (is a communist party and the oldest active party in Iraq -trích nguyên văn Wiki). Thành lập từ năm 1934 và đóng vai trò chủ chốt trong lịch sử ban đầu của nền Cộng hòa.

Khi đang trên đỉnh cao quyền lực, năm 1963 đảng Ba”ath của Saddam Hussein làm đảo chính đẫm máu lật đổ chế độ Cộng Hòa Iraq. Thủ tướng Abd al-Karim Qasim, chủ tịch đảng Cộng sản Husain al-Radi cùng hàng trăm nhân vật cộng sản khác bị đảng Ba”ath giết hại.

Sau sự kiện này, một phần những người Cộng sản chấp nhận cộng tác với chính quyền Saddam dưới sự ủng hộ của Liên Xô. Nhưng một phần khác vẫn kiên cường cuộc đấu tranh chống lại đảng Ba”ath.

Người Kurd cũng có Đảng Cộng sản của riêng mình là KKP, nhưng hoạt động từ đất Thổ Nhĩ Kì

*Diễn biến:

Chiến tranh vùng vịnh kết thúc tháng 2 năm 1991, Iraq thảm bại. Hàng chục nghìn lính Iraq chết, và Iraq hứng chịu đòn trừng phạt quốc tế. Các phe phái cho rằng chế độ Saddam Hussein đang bên bờ sụp đổ nên đã tiến hành cuộc nổi dậy. Phe Shia phát tuyên bố trên Radio, kêu gọi một cuộc ”intifada của nhân dân”.

Tình hình khi đó LHQ đang áp dụng vùng cấm bay lên Iraq. Nước này bị cấm sử dụng máy bay chiến đấu. Nhưng chính quyền báo cáo lên LHQ rằng Mỹ đã phá hủy các cây cầu của Iraq và xin phép sử dụng trực thăng. LHQ chấp thuận

Phe Shia là phe đầu tiên tiến hành nổi dậy. Ngày 1 tháng 3 năm 1991 tại Basra, một chiếc tăng T-72 trên đường trở về từ Kuwait nã pháo bắn sập tượng đài Saddam Hussein tại trung tâm thành phố. Người dân vỗ tay ủng hộ. Ngay sau đó, thiếu tướng người Shia, Muhammad Ibrahim Wali tuyên bố các sư đoàn của ông ta tuyên chiến với Saddam Hussein. Thành phố Basra rơi vào tay quân nổi dậy trong 2 ngày.

Tai thánh địa linh thiêng Imam Ali, thành phố Najaf, phiến quân Shia hành quyết các quan chức Sunni của chính quyền. Sự kiện này thổi bùng cuộc chiến ở các thành phố miền nam Iraq. Các thành phố lớn của miền nam Amarah, Diwaniya, Hilla, Karbala, Kut, Nasiriyah đều thất thủ. Hội đồng Tối cao cho Cách mạng Hồi giáo ở Iraq (SCIRI), một đảng phái bất hợp pháp trước đó theo mô hình của Cách mạng Hồi giáo Iran 1979, gồm toàn các thành viên người Shia tuyên bố nắm chính quyền.

Tin tức từ miền Nam lan nhanh lên phía Bắc, người Kurd quyết định nổ súng. Ngày 5 tháng 3, quân Kurd chiếm thành phố Rania. Sau đó, quân Kurd chiếm được nhiều thành phố quan trọng, đuổi quân Iraq khỏi thủ phủ Erbil và thành phố Sulaymaniyah. Ngày 20/3 họ chiếm thành phố lớn thứ 3 của Iraq là Kirkuk, một hành động bị Iraq coi là xâm lược vì Kirkuk là thành phố của người Arab. Tuy thế, quân Iraq thành công trong việc tử thủ Mosul, thành phố lớn thứ 2 và được coi là Thủ đô phương Bắc của Iraq.

Khẩu hiệu của Phe Kurd rất rõ ràng: dân chủ cho Iraq và tự trị cho Kurdistan.

Ở thủ đô Bagdad, những người Cộng sản làm một cuộc đảo chính. Tuy nhiên lực lượng quá yếu khiến họ thất bại. Họ cầu cứu Liên Xô nhưng quá không may, Liên Xô đang vật lộn trong những tháng cuối cùng của Liên bang. Một số sự giúp đỡ nhỏ, đến từ những chiến binh Cộng sản Syria vượt qua biên giới giúp họ từ phía Tây. Cuộc chiến của họ đạt được thành quả lớn nhất chỉ là bao vây thành phố Ramadi của tỉnh Anbar phía tây Iraq.

Đến ngày 7/3, 14 trên 18 tỉnh của Iraq đã rơi vào tay quân nổi dậy. Chỉ còn thủ đô Bagdad và một số tỉnh phụ cận còn đứng vững.

Sau hồi đầu choáng váng, Saddam Hussein quyết tâm phản công. Lúc đó mặc dù LHQ đang áp dụng lệnh cấm bay với Iraq, nhưng chính quyền nói rằng các cây cầu của họ bị phá hủy nên xin phép dùng trực thăng. LHQ đồng ý. Thế là xe tăng và máy bay của quân Iraq tấn công nghiền nát quân nổi dậy.

Việc Liên Xô không thể giúp đỡ là thảm họa với phe Cộng sản. Gần như toàn bộ đảng từ bí thư đến đảng viên thường bị quân Iraq bắt và hành quyết. Sau đó Saddam cấm tất cả các đảng cộng sản hoạt động. Liên Xô không thể làm gì hơn ngoài lên tiếng phản đối Saddam.

Ở phía Nam, quân đội Iraq tái chiếm Basra ngày 29/3. Cùng ngày hôm đó lãnh đạo SCIRI Abdul Aziz al-Hakim chạy sang Iran lánh nạn. Các thành phố khác sụp đổ nhanh chóng một cách khó ngờ. Chỉ trong vài ngày, hầu hết các thành phố phía Nam đã bị tái chiếm

Người Kurd là lực lượng duy nhất đạt được mục đích. Quân Iraq tái chiếm Kirkuk ngày 29/3, họ chiếm luôn thủ đô Erbil của người Kurd ngày 30/3. Nhưng quân Kurd cố thủ tại Sulaymaniyah, Đến ngày 5/4, LHQ ra nghị quyết buộc Iraq dừng hoạt động đàn áp, người Kurd được giải nguy.

Nhờ sự bảo trợ của LHQ, quân Iraq rút khỏi Kurdistan vào tháng 10, nhờ đó tái lập quy chế tự trị của khu vực này và duy trì đến ngày nay. Quy chế tự trị của người Kurd từng có trước đó nhưng bị bãi bỏ vào năm 1974 sau khi Kurd thất bại trong chiến tranh Iraq-Kurd lần 2.

Cuộc Đại intifada năm 1991 của Iraq kết thúc trong biển máu. Ước tính cao nhất 180.000 dân thường cả Kurd lẫn Iraq chết, đồng thời một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn chưa từng có xảy ra. 2,5 triệu người Iraq, 1 triệu người Kurd chạy đến Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kì và Kuwait. LHQ và Mỹ chỉ có thể cứu trợ ở biên giới Kuwait, trong khi có báo cáo Thổ Nhĩ Kì và Iran bắn vào người tị nạn Iraq. Nghiệm trọng nhất là sự kiện Yeşilova tháng 4 năm 1991, binh sĩ hai nước NATO Anh và Thổ Nhĩ Kì bắn nhau vì Thổ Nhĩ Kì không cho Anh cứu trợ người Kurd. (có dịp sẽ viết về vụ này)

Sau sự kiện, có nghi ngờ chính phủ Iraq trả thù người Shia tàn bạo bằng cách thảm sát hàng loạt nhưng điều này đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn.

*INTIFADA NĂM 1999

Còn gọi là Nổi dậy nhỏ (little intifada), intifada lần thứ 2, khởi nghĩa Sadr hay Sadr intifada.

Đây là cuộc nổi dậy quy mô nhỏ của người Shia ở miền Nam. Bắt nguồn từ sự việc năm 1998, Hoa Kỳ và Anh ném bom cơ sở vũ khí của Iraq do không tuân thủ nghị quyết của LHQ. Người Shia cho rằng cơ hội lật đổ Saddam lại đến nên đã lại đứng lên.

Đầu tiên nếu chưa biết SCIRI, hãy đọc lại phía trên.

SCIRI sau khi chạy đến Iran được nước này hỗ trợ, và thành lập một cánh vũ trang của mình lấy tên là “Lữ đoàn Badr” – Badr Brigades. Mục đích của nó là tiến hành đấu tranh vũ trang chống lại Iraq.

Sự việc bùng nổ khi một lãnh đạo Shia Mohammad Sadeq al-Sadr bị ám sát. Người Shia cho là Saddam đứng sau vụ này nên tổ chức biểu tình sau đó biến thành bạo loạn. Vào ngày 18/2 tại thành phố Saddam City, 100 người biểu tình bị bắn chết.

Vào ngày 3 tháng 3, Ammar al-Hakim, lãnh đạo của SCIRI , tuyên bố một cuộc inttifada thứ 2 bắt đầu. Quân lính của Lữ đoàn Badr từ Iraq trở về nước và tiến hành nhiều hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, họ không thể tiến sâu vào lãnh thổ Iraq.

Thành phố Basra là nơi đẫm máu nhất. Hơn 200 người chết trong đó có 40 thành viên đảng Ba”ath bị người Shia thiêu chết. Ở các thành phố khác, hàng trăm người thiệt mạng chủ yếu là người Shia.

Cuối cùng, chính phủ Iraq cũng dập tắt được cuộc intifada này. Xung đột Sunni-Shia vẫn tiếp tục đến khi Saddam bị lật đổ năm 2003

Còn Lữ đoàn Badr sau khi nổi dậy thất bại các bác biết làm gì không? Họ gia nhập và trở thành 1 phần của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (dù là người Iraq!!!)


*Tài liệu

-Writing the Modern History of Iraq (Jordi Tejel, Peter Sluglett, Riccardo Bocco and Hamit Bozarslan)
-Kurdistan in Iraq: The Evolution of a Quasi-State (Aram Rafaat)
-Endless Torment: The 1991 Uprising in Iraq and Its Aftermath (Eric Goldstein)
-The Rise and Fall of the Communist Party of Iraq (Tareq Y. Ismael)
-Wikipedia

One thought on “Cuộc nổi dậy Intifada của người Iraq năm 1991

  1. Pingback: Nội chiến Kurd 1997 – tại sao người Kurd khó thống nhất? | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s