50 năm sự kiện Mậu Thân (1968-2018)- Phần 3

hue_1968_tet_offensive__us_marines_take_cover_behind_a_tank-1024x576 (1).jpg

Lý Đăng Thạnh

III- Chiến sự năm 1969 

1- Một số tình hình tháng 1-1969

Ngày 1-1-1969, ba tù binh Mỹ được trả tự do sau một cuộc gặp thương lượng giữa đại diện Việt Cộng và đại diện Lực lượng dã chiến 2 Mỹ tại một cánh đồng ở tỉnh Tây Ninh.

Ngày 20-1, Richard M.Nixon, người vận động tranh cử cam kết một cuộc hòa bình trong danh dự cho cuộc chiến tại Việt Nam, bắt đầu nhậm chức tổng thống đời thứ 37 của nước Mỹ.

Ngày 25-1, bắt đầu cuộc hòa đàm tại Paris giữa bốn bên là Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Cộng sản Bắc Việt và Cộng sản Giải phóng miền Nam.

Trong tháng 1-1969, các đơn vị Quân lực Hoàng gia Thái Lan sang Việt Nam gồm: Lữ đoàn 2 bộ binh (9-1), Sở chỉ huy Sư đoàn viễn chinh (20-1), Liên đội 1 thiết kỵ (20-1), đóng tại trại Bearcat, Long Thành.

Các đơn vị Mỹ thay đổi vị trí đóng quân trong tháng gồm: Tiểu đoàn 3/26 thủy quân lục chiến chuyển sang Chiến đoàn đổ bộ, thay cho Tiểu đoàn 2/7 TQLC rút đi (5-1); Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 kỵ binh chuyển tới Củ Chi; các tiểu đoàn kỵ binh 2/5, 1/8, 1/12 chuyển tới Củ Chi; Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 4 bộ binh chuyển tới Plei Herel; các tiểu đoàn bộ binh 1/8, 3/8, 3/12 và Tiểu đoàn 6/29 pháo binh chuyển tới Plei Herel; Sở chỉ huy Lữ đoàn 3/Sư đoàn 4 bộ binh chuyển tới Catecka; các tiểu đoàn bộ binh 1/14, 1/35 và Tiểu đoàn 2/9 pháo binh chuyển tới Catecka; Tiểu đoàn 6/33 pháo binh chuyển tới Đông Hà; Tiểu đoàn 5/42 pháo binh chuyển tới Long Thành; Tiểu đoàn 2/35 bộ binh chuyển tới Ban Mê Thuột Đông (18-1); Phi đoàn 334 tiêm kích tấn công TQLC chuyển tới Liên đoàn 13 không quân TQLC ở Chu Lai (24-1). 

2- Mỹ bắt đầu ném bom lãnh thổ Cambodia (1969)

Do bất mãn xã hội của nông dân nghèo ngày một tăng lên, cộng sản Khmer Đỏ phát triển từ 3.000 du kích lên 30.000. Toàn bộ việc huấn luyện và trang cấp cho bộ đội Khmer Đỏ đều do Việt Cộng đảm trách. Năm 1969, Mỹ bắt đầu mở một loạt không kích mạnh mẽ vào các vị trí Việt Cộng đóng sâu trong lãnh thổ Cambodia.

3- Tình hình Lào tháng 1-1969

Năm 1969, Mỹ và Quân đội Hoàng gia Lào thành lập các đơn vị biệt kích tại các quân khu 1 và 4. Áp lực cộng quân ở Lào cũng tăng lên trong suốt năm 1969. Ngày 4-1-1969, quân Việt Cộng tấn công làm cháy nổ kho đạn tại kilomet 21 gần thủ đô Vientiane.

4- Luận thuyết Nixon (tháng 1-1969)

Tháng 1-1969. sau khi thay Johnson làm tổng thống Mỹ, Nixon đã đề ra một chiến lược toàn cầu mới gọi là Luận thuyết Nixon, dựa trên ba nguyên tắc: 1- Sức mạnh của Mỹ. 2- Chia sẻ trách nhiệm. 3- Thương lượng trên thế mạnh.

Đối với Việt Nam, Nixon chủ trương thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Mục tiêu cơ bản là bình định, bảo vệ tốt an ninh và cải thiện mọi mặt đời sống cho dân chúng, làm cho Việt Cộng nằm vùng mất hết chổ dựa, đồng thời bằng mọi cách ngăn chặn đường vận chuyển chiến lược của Bắc Việt, tiến tới bao vây, cô lập, làm cho chiến tranh lùi về trạng thái du kích đơn thuần và tàn lụi dần để kết thúc toàn bộ lực lượng Việt Cộng ở miền Nam. Biện pháp chủ yếu đạt được mục tiêu trên là: đẩy mạnh bình định nông thôn, xóa bỏ cơ sở nằm vùng cộng sản nhằm kiểm soát phần lớn dân chúng; ra sức xây dựng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thành đội quân thiện chiến làm lực lượng chủ yếu ở Việt Nam và lực lượng xung kích ở Đông Dương, có thể thay dần quân Mỹ trong vai trò chiến đấu trên bộ; củng cố chánh quyền các cấp; bao vây, triệt phá kinh tế, tìm mọi cách cắt đứt sự chi viện của miền Bắc vào Nam, cô lập lực lượng Việt Cộng ở miền Nam; đồng thời dùng biện pháp ngoại giao gây sức ép với Việt Cộng, buộc phải chấp nhận một giải pháp chánh trị phù hợp với nguyện vọng nhân dân miền Nam Việt Nam. Trong các biện pháp trên, bình định nông thôn được coi là biện pháp chủ yếu. Dự kiến kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 1971, tiếp tục hoàn thiện trong năm 1972 để kết thúc chiến tranh trong năm 1973.

Đối với Lào và Cambodia, Nixon chủ trương dùng các biện pháp ngoại giao, chánh trị, kể cả quân sự để chấm dứt tình trạng Việt Cộng sử dụng lãnh thổ các nước này chuyển quân đánh phá Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các chánh phủ quốc gia kiểm soát hữu hiệu tình hình, xóa bỏ các lực lượng phiến quân cộng sản, cải thiện bộ mặt kinh tế và đời sống dân chúng.

Từ nửa cuối năm 1968 được quân Mỹ làm chỗ dựa, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa huy động toàn bộ binh lực thực hiện kế hoạch bình định nông thôn. Quân Mỹ là lực lượng nòng cốt trong các cuộc hành quân truy quét vùng giáp ranh, vùng cộng sản tạm chiếm nhằm tiêu hao chủ lực cộng quân. Một bộ phận quân Mỹ phối hợp với quân Việt Nam Cộng Hòa hành quân có trọng điểm ở nông thôn đồng bằng, tìm diệt cán bộ, đảng viên và bộ đội địa phương, tập trung dân vào các khu dân cư được bảo vệ gọi là các ấp tân sinh, khu hòa bình. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lập thêm hàng ngàn đồn trại, nỗ lực đôn quân, bắt lính, phát triển binh lực, đặc biệt là địa phương quân và lực lượng phòng vệ dân sự. So với năm 1968, trong năm 1969 quân chủ lực VNCH tăng 20.000 người, đạt 300.000 quân; địa phương quân tăng 35.000 người, đạt 310.000 quân; phòng vệ dân sự có võ trang tăng 200.000 người, đạt 263.000 người. Quân chủ lực phát triển thêm hơn 30 tiểu đoàn pháo binh, xe tăng thiết giáp và 4 phi đoàn không quân với hơn 150 máy bay các loại.

Phát hiện nơi nào có lực lượng Việt Cộng bám trụ, quân đồng minh lập tức cho trực thăng đổ quân biệt kích đến lùng sục, rồi cho bộ binh và xe tăng đến diệt hoặc dùng hỏa lực không quân, pháo binh oanh kích.

Quân Việt Nam Cộng Hòa phong tỏa các cửa khẩu, ngăn chặn đường vận chuyển tiếp tế từ đồng bằng lên căn cứ, đồng thời kiểm soát, theo dõi tình trạng lưu thông hàng hóa, lương thực để ngăn chặn việc thu mua lậu của kinh tài Việt Cộng. Đối với các hành lang tiếp tế của cộng quân, ngoài việc đánh phá bằng binh đội, quân đồng minh còn dùng thám báo, biệt kích đốt phá các kho tàng nhằm bịt nguồn sinh hoạt của đối phương. So vơi năm 1968, số phi vụ máy bay B-52 trong năm 1969 trên tuyến vận chuyển chiến lược của Đoàn 559 tăng bốn lần, máy bay cường kích tăng 2,5 lần, số lượng bom đạn tăng ba lần. Quân đồng minh tập trung oanh kích ác liệt cửa khẩu của các con đường số 8, 10, 12, 20 nhằm ngăn chặn các tuyến chi viện của Bắc Việt. Các hoạt động tâm lý chiến, tình báo, phản gián, chiêu hồi, chiêu hàng được đẩy mạnh cũng như thu nhiều thành tích so với những năm trước. Một phần do trình độ và kinh nghiệm của cán bộ sau mấy năm chiến tranh ác liệt có được nâng cao, thêm vào đó sau loạt trận tổng tấn công 1968, phần lớn lực lượng cộng sản nằm vùng bị lộ mặt hoặc bị phát hiện, do đó Việt Cộng bị hụt hẫng và chưa kịp hình thành một lực lượng mới thay thế có đủ kinh nghiệm như trước đây.

5- Quan hệ Mỹ-Trung trên đà cải thiện (đầu 1969)

Từ tháng 11-1968, Bộ Ngoại giao Trung Cộng ra tuyên bố ngỏ ý muốn nối lại các cuộc đàm phán Trung-Mỹ ở Varsaw và cùng với Mỹ ký một thỏa thuận cùng tồn tại hòa bình. Tiếp đó, Trung Cộng đã đáp ứng tích cực những tín hiệu từ phía Mỹ.

Richard Nixon trở thành tổng thống thứ 37 của Mỹ sau cuộc bầu cử ngày 5-11-1968. Sau khi lên nhậm chức tổng thống đầu năm 1969, Nixon báo cho phía Trung Cộng là các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Cộng có thể tiến hành ở Trung Cộng. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Cộng lập tức tuyên bố: Bản thân tổng thống Mỹ Quốc có thể được tiếp đón nồng hậu tại Bắc Kinh hoặc cử một phái đoàn đến để thảo luận về vấn đề Đài Loan.

6- Việt Cộng đấu tranh đòi Mỹ rút quân (1969)

Cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird trong hồi ký sau này khẳng định trong năm 1968, quân Việt Cộng đã chết 289.000 quân và năm 1969 chết thêm 123.000 quân nữa. Vì thế từ năm 1969, cộng quân không còn đủ lực lượng trở về giành lại vùng nông thôn vì nơi đây đã bị Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm và tiến hành việc bình định, thực hiện chương trình Người cày có ruộng. Từ đó cộng sản Bắc Việt cố công thực hiện ý đồ mới là tìm mọi cách qua đàm phán yêu sách quân Mỹ và các nước đồng minh khác rút khỏi Việt Nam, tạm thời chấp nhận Hiệp định hòa bình ký tại Pasis 1973, để có thời gian củng cố binh lực chiếm trọn miền Nam.

7- Phong trào đấu tranh chống chánh quyền đầu năm 1969

Từ cuối năm 1968, trong khi ở Mỹ ngày càng có nhiều cuộc biểu tình lớn đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, đòi rút quân Mỹ về nước do các tổ chức cánh tả, cộng sản và phản chiến chuyên nghiệp nhận lương từ Liên Xô, Trung Cộng tổ chức, thì tại Việt Nam, mật vụ Việt Cộng cũng liên tục tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình, với lực lượng tham gia chủ yếu là những thanh niên trốn quân dịch, với khẩu hiệu Đòi hòa bình và hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Nhiệt thành hoạt động cho phong trào đòi hòa bình còn có các nhân vật nỗi tiếng như dân biểu Trần Ngọc Liễng, Trần Thúc Linh, Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, các linh mục Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, các thượng tọa phái Phật giáo Ấn Quang như Thích Minh Châu, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Thiện Hoa…

Ngày 24-1, tại trụ sở Đoàn Thanh niên Phật tử trên đường Công Lý, Sài Gòn, thượng tọa Thích Thiện Minh diễn thuyết đả kích Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, phủ nhận chánh thể dân chủ, hô hào dân chúng nổi dậy lật đổ chánh quyền để có hòa bình. Ngày 4-2-1969, Thích Thiện Minh bị Bộ Nội vụ ra văn bản cảnh cáo.

Ngày 6-2, Bùi Ngọc Phương vận động thành lập Nội các hòa bình nhằm thay thế chánh phủ đương nhiệm, trong đó toàn là những nhân vật của Việt Cộng điều khiển. Phương lập tức bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát cũng bắt sáu sinh viên Luật khoa thuộc nhóm Khai Phá khi tranh cử vào Ban chấp hành trường đại học Luật Sài Gòn vì tuyên bố ủng hộ Mặt trận Giải phóng. Ngày 7-2, Tòa án mặt trận lưu động Vùng 3 chiến thuật đưa 13 sinh viên thuộc Đoàn liên hiệp Sinh viên giải phóng Sài Gòn – Gia Định bị bắt cuối năm 1968 ra xét xử, tuyên 11 người án tù giam từ 1 đến 7 năm, một án tù treo và một tha bỗng.

Ngày 25-2, Cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa khám xét cư xá Quảng Đức của thượng tọa Thích Thiện Minh, phát hiện nhiều tài liệu chống chánh quyền, võ khí và cán bộ cộng sản nằm vùng. Thích Thiện Minh và 66 người khác bị bắt, trong đó phần lớn đang tham gia các phong trào sinh viên ủng hộ cộng sản chống chánh quyền.

Ngày 15-3, Tòa án quân sự mặt trận Vùng 3 chiến thuật tuyên phạt Thích Thiện Minh (thế danh Đỗ Xuân Hàng, sinh năm 1921 tại Quảng Trị) 10 năm tù giam, một số cán bộ nằm vùng và đào binh cũng bị án tù từ 2 đến 5 năm.

Ngày 16-3-1969, phái Phật giáo Ấn Quang làm lễ cầu an cho Thích Thiện Minh, huy động hàng ngàn người tham dự. Thượng tọa Thích Trí Quang tuyên bố người Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ án Thích Thiện Minh. Ngày 18-3, nhật báo Chánh Đạo đăng bài phản đối vụ án, bị phạt đình bản 30 ngày. Ngày 9-4, một nhóm 52 dân biểu và 22 nghị sĩ ký kiến nghị yêu cầu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu can thiệp. Tổng thống Thiệu ra sắc lệnh ngày 24-5-1969, giảm án Thích Thiện Minh xuống còn 3 năm tù giam và đến 29-10-1969, ra sắc lệnh ân xá Thích Thiện Minh cùng 310 người khác nhân lễ Quốc khánh 1-11.

8- Hoạt động của quân đồng minh tại Vùng 2 chiến thuật đầu năm 1969

Nỗ lực chủ yếu của Vùng 2 chiến thuật trong ba tháng đầu năm 1969 là nhắm vào mục tiêu bình định và phát huy sức mạnh tác chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Quân Hàn Quốc tiếp tục duy trì sự kiểm soát có hiệu quả tại vùng duyên hải Trung Phần từ Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) tới bắc Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Tất cả lực lượng đồng minh nỗ lực tìm diệt căn cứ và kho bí mật của cộng quân đang xuất hiện với tần số tăng dần. Tỉnh Bình Định tiếp tục dẫn đầu các tỉnh khác về số vụ đánh phá của cộng quân. Các đơn vị đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc, tiếp tục mở các cuộc hành quân nhỏ gọn nhưng có hiệu quả cao để truy quét đối phương. Quân Việt Cộng tiếp tục lẩn tránh các trận đánh lớn với quân đồng minh mà chủ yếu là chống lại lực lượng địa phương quân, nghĩa quân và đánh phá các khu vực đông dân cư.

9- Chiến dịch Market Time (tỉnh Gia Định) tiếp tục năm 1969 (1-1 đến 1-12)

Từ ngày 11-3-1965 đến tháng 12-1972, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Chiến đoàn 115 Mỹ phối hợp mở chiến dịch trường kỳ Market Time, nhằm mục đích tăng cường tuần tra, giám sát vùng sông biển và bờ biển, bảo vệ đặc khu Rừng Sác (tỉnh Gia Định) giáp phía đông nam thủ đô Sài Gòn. Chiến dịch Market Time tiếp diễn trong năm 1969, từ 1-1 đến 31-12.

10- Chiến dịch Arc Light tiếp tục trong năm 1969 (1-1 đến 31-12)

Từ ngày 18-6-1965 đến 15-8-1973, Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ chỉ đạo thực hiện chiến dịch Arc Light, chuyên sử dụng máy bay B-52 ném bom các vị trí Việt Cộng tại Bắc Việt, Nam Việt, Lào và Cambodia. Các đơn vị Mỹ trực tiếp thực hiện các cuộc không kích B-52 gồm các phi đội ném bom số 43, 307, 376, 3960, 4252, 4258. Chiến dịch Arc Light tiếp tục được thực hiện trong năm 1969 (từ 1-1 đến 31-12).

11- Chiến dịch Hancock Knight, Skysweep (tỉnh Bình Định, Lâm Đồng)(1-1 đến 31-3-1969) 

Từ ngày 1-1 đến 31-3-1969, Lữ đoàn 173 không vận Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/503 mở chiến dịch Skysweep, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Định.

Từ ngày 31-1 đến 12-2, Lữ đoàn 173 chỉ huy Tiểu đoàn 3/503 bộ binh mở chiến dịch Hancock Knight, tìm quét cộng quân tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

12- Chiến dịch Quyết Thắng (Vùng 4 chiến thuật) (1-1 đến 31-12-1969) 

Từ ngày 1-1 đến 31-12-1969, chiến dịch Quyết Chiến chánh thức kết thúc tại Vùng 4 chiến thuật (ngoại trừ chiến dịch Quyết Chiến/BK/44/55) và được đổi thành chiến dịch Quyết Thắng, quy tụ toàn bộ các chiến dịch hành quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tại Vùng 4 chiến thuật. Các đơn vị Việt Nam tham chiến gồm Sư đoàn 7 bộ binh, Sư đoàn 9 bộ binh, Sư đoàn 21 bộ binh, Biệt khu 44 chiến thuật, Liên đoàn 4 biệt động quân, và một số tiểu đoàn của Sư đoàn thủy quân lục chiến.

Pha đầu tiên của chiến dịch Quyết Thắng là một cuộc hành quân của một số tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 bộ binh, lùng sục, tập kích mật khu Cẩm Sơn của Việt Cộng tại tỉnh Định Tường, nằm cách quận lỵ Cai Lậy 10 cây số về phía nam-đông nam.

Từ ngày 11 đến 18-1, Tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến VNCH và Giang đoàn 15 xung phong mở cuộc hành quân tìm quét quân Việt Cộng dọc theo sông Cái Tứ từ tỉnh lỵ Vị Thanh (tỉnh Chương Thiện) tới quận kỵ Kiên Hưng để quét sạch mật khu 480.

Từ ngày 23 đến 26-1, Sư đoàn 21 bộ binh và Liên đoàn 4 biệt động quân VNCH mở cuộc hành quân tìm quét quân Việt Cộng tại ven khu rừng U Minh, cách tỉnh lỵ Quản Long (Cà Mau) 30 cây số về phía bắc-đông bắc, đồng thời để giải tỏa quốc lộ 12 nối từ quận lỵ Kiên Long tới quận lỵ Thới Bình, nằm tại khu vực giáp ranh ba tỉnh An Xuyên, Chương Thiện và Kiên Giang.

Ngày 1-3, Sư đoàn 21 bộ binh mở cuộc hành quân tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực thuộc tỉnh Phong Dinh, cách tỉnh lỵ Cần Thơ 27 cây số về phía tây nam.

Ngày 7-3, Sư đoàn 9 bộ binh mở cuộc hành quân truy quét quân Việt Cộng tại khu vực cách quận lỵ Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long 12 cây số về phía tây nam.

Ngày 31-3, Sư đoàn 21 bộ binh chỉ huy các tiểu đoàn 1/31, 1/32, 4/32 hành quân truy quét quân Việt Cộng tại khu vực thuộc tỉnh Bạc Liêu cách quận lỵ Phước Long 3 cây số về phía đông.

13- Chiến dịch Tiger Balm (tỉnh Phước Tuy) (2 đến 4-1-1969) 

Từ ngày 2 đến 4-1-1969, Chiến đoàn 1 Úc chỉ huy Tiểu đoàn 1 mở chiến dịch Tiger Balm, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và truy tìm quân Việt Cộng tại xóm Mỹ Xuân và làng Phước Hòa ở vùng tây nam tỉnh Phước Tuy.

14- Các chiến dịch Cocava, Dawson River South, Dawson River West, Deway Canyon (tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên) (2-1 đến 18-3-1969) 

Từ ngày 2 đến 21-1-1969, Trung đoàn 9/Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ chỉ huy bốn tiểu đoàn 1/9, 2/9, 3/9, 2/12, cùng với một tiểu đoàn của Trung đoàn 2/Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Dawson River West, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn phía tây bắc tỉnh Quảng Trị. Quân đồng minh đã thám sát hoạt động cộng quân dọc theo đường biên giới giáp Lào và trên quốc lộ 9 từ căn cứ hỏa lực Argonne (quận Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) phía tây căn cứ Khe Sanh tới sát biên giới Lào.

Tiếp theo đó từ ngày 21-1, Trung đoàn 9/Sư đoàn 3 TQLC Mỹ chỉ huy ba tiểu đoàn 1/9, 2/9, 3/9, có tăng cường thêm Tiểu đoàn 2/3 TQLC Mỹ và hai tiểu đoàn 1/2, 2/2 của Sư đoàn 1 bộ binh VNCH, đã mở chiến dịch Dawson River South, tìm quét cộng quân tại thung lũng Da Krong. Mục tiêu hành quân nhằm tập kích cắt đứt một tuyến đường xâm nhập quan trọng của Việt Cộng từ Lào vào phía nam tỉnh Quảng Trị. Trong hai ngày 21 và 22-2-1969, Bộ tư lệnh MACV Mỹ cho phép Tiểu đoàn 2/9 Mỹ được đột nhập sang lãnh thổ Lào và tấn công triệt hạ các đoàn xe vận chuyển của cộng quân đang di chuyển dọc theo trục đường 922.

Ngày 23-1, chiến dịch Dawson River South đổi mật danh thành chiến dịch Deway Canyon và kéo dài đến đến 18-3. Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch Deway Canyon là thiết lập căn cứ hỏa lực Tun Tavern, sau đó mở một loạt cuộc tập kích đường không xuống phía nam và phía tây nam căn cứ Tun Tavern, tiến về kiểm soát các tỉnh lộ 548 và 922, thung lũng Dak Krong và phía bắc thung lũng A Sầu-tỉnh Thừa Thiên và triệt hạ căn cứ 611 của Việt Cộng.

Tính chung trong loạt ba chiến dịch nói trên từ ngày 2-1 đến 18-3-1969, quân đồng minh đã đụng độ và giao tranh với cộng quân Quân khu Trị Thiên 34 trận lớn nhỏ; quân Mỹ chết 88; quân VNCH chết 45; quân Việt cộng bỏ lại trận 1.335 xác.

Từ ngày 24-1 đến 7-2-1969, quân Việt Nam Cộng Hòa gồm 5 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1 bộ binh, và quân Mỹ gồm Trung đoàn 9/Sư đoàn 3 TQLC, tổng cộng 3.000 quân, phối hợp  mở cuộc hành quân truy quét cộng quân tại vùng sơn động Cocava thuộc tỉnh Quảng Trị giáp với tỉnh Thừa Thiên. 

Sau nửa tháng hành quân Cocava, quân đồng minh đã đụng độ và giao tranh với cộng quân Quân khu Trị Thiên 18 trận; quân Mỹ chết 27, bị thương 150; quân VNCH chết 43, bị thương 124; thiệt hại 9 trực thăng. Cộng quân bỏ lại trận 355 xác và 27 thương binh.

15- Chiến dịch Barrier Reef/Trần Hưng Đạo 9 (tỉnh Kiến Tường) (3-1-1969 đến 1-8-1971) 

Để hoàn thành đầy đủ hàng rào chốt chặn dọc theo biên giới Cambodia theo Kế hoạch SEALORDS, Hải quân Mỹ và Vùng sông ngòi Việt Nam Cộng Hòa đã mở chiến dịch Barrier Reef/Trần Hưng Đạo 9 từ ngày 3-1-1969 đến 1-8-1971 tại địa bàn tỉnh Kiến Tường.

Xuất phát từ quận Tuyên Nhơn trên sông Vàm Cỏ Tây, hàng rào chốt chặn bao phủ khu vực Kinh Lagrange và tất cả sông rạch thuộc tuyến sông Ông Lớn, qua Kinh Quan và Kinh Bình Thành tới khu vực An Long trên bờ sông Tiền Giang.

16- Chiến dịch Water Trap (tỉnh Định Tường) (3 đến 7-1-1969) 

Từ ngày 3 đến 7-1-1969, Giang đoàn cơ động Alpha Mỹ chỉ huy Chiến đoàn 117/2 mở chiến dịch Water Trap, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực cồn Thới Sơn, phía nam căn cứ Đồng Tâm, thuộc tỉnh Định Tường.

17- Các chiến dịch Bình Tây 48, 49 và 50 (tỉnh Kontum và Pleiku) (4-1 đến 8-2-1969) 

Trong tháng 1-1969, Biệt khu 24 chiến thuật chỉ huy Trung đoàn 42 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở liên tiếp ba chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn hai tỉnh Kontum và Pleiku.

– Từ ngày 4 đến 21-1, Trung đoàn 42 phối hợp với hai tiểu đoàn 11, 22 thuộc Liên đoàn 2 biệt động quân, mở chiến dịch Bình Tây 48 tại thung lũng Ya Krong Bolah, cách tỉnh lỵ Kontum 24 cây số về phía tây nam, và cách quận lỵ Plei Mrong 10 cây số về phía tây bắc, dọc theo ranh giới hai tỉnh Kontum và Pleiku. Mục đích cuộc hành quân là tìm quét quân Việt Cộng và cắt đứt tuyến vận chuyển của cộng quân xuất phát từ Plei Trap và lãnh thổ Cambodia.

– Từ ngày 21 đến 27-1, Trung đoàn 42 có tăng cường Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 47 đã mở chiến dịch Bình Tây 49, tìm quét cộng quân tại vùng rừng núi Chư Pa, tỉnh Pleiku.

– Từ ngày 28-1 đến 8-2, Trung đoàn 42 có tăng cường Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 47 đã mở chiến dịch Bình Tây 50, tiếp tục tìm quét cộng quân tại vùng rừng núi Chư Pa.

Sau 35 ngày hành quân, quân Việt Nam Cộng Hòa đã đụng độ với cộng quân 24 trận lớn nhỏ. Quân VNCH chết 102, bị thương 328; thiệt hại 9 đại bác và súng cối, 15 trực thăng. Cộng quân chết 953, bị thương 544, bị bắt 66.

18- Chiến dịch Victory Dragon 7 (tỉnh Quảng Nam) (4-1 đến 1-2-1969) 

Từ ngày 4-1 đến 1-2-1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến Hàn Quốc mở chiến dịch Victory Dragon 7, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

19- Các chiến dịch Big Muddy, Wheerler Place (tỉnh Bình Dương) (5-1 đến 3-2-1969) 

Từ ngày 5 đến 17-1-1969, Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/27 bộ binh, phối hợp với các đơn vị thuộc Giang đoàn xung phong 28 Hải quân Việt Nam và Giang đoàn 594 Hải quân Mỹ, mở chiến dịch Big Muddy, lùng sục tìm quét quân Việt Cộng tại lưu vực sông Sài Gòn ở phía bắc quận Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, và đã phát hiện nhiều kho ngầm chứa võ khí, lương thực.

Từ ngày 22-1 đến 3-2, Sư đoàn 25 Mỹ chỉ huy Lữ đoàn 2 mở tiếp chiến dịch Wheerler Place, mở rộng cuộc hành quân tìm quét cộng quân tại địa bàn tỉnh Bình Dương.

20- Các chiến dịch Ohio Rapids, Platte Canyon, Sherman Peak (tỉnh Thừa Thiên) (6-1 đến 28-2-1969) 

Từ ngày 6-1 đến 5-2-1969, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 101 không vận Mỹ phối hợp với Trung đoàn 54/Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam và Liên đội 7 thiết kỵ Mỹ, mở chiến dịch Platte Canyon, hành quân do thám địch tình và tìm quét quân Việt Cộng tại thung lũng Ruông Ruông, ở phía nam quận lỵ Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên.

Từ ngày 24-1 đến 28-2, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 101 Mỹ phối hợp với Trung đoàn 1/Sư đoàn 1 VNCH mở chiến dịch Ohio Rapids, hành quân do thám địch tình tại thung lũng Sông Ô Lâu phía tây nam căn cứ Camp Evans, thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Từ ngày 25-1 đến 9-2, Lữ đoàn 2/Sư đoàn 101 Mỹ phối hợp với Tiểu đoàn 3/3 của Sư đoàn 1 VNCH mở chiến dịch Sherman Peak tại tỉnh Thừa Thiên, tập trung quân quanh căn cứ hỏa lực Veghel rồi mở cuộc hành quân tìm quét cộng quân dọc theo tỉnh lộ 547 để ngăn chặn một kế hoạch đánh phá vào thị xã Huế ngay dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

21- Các chiến dịch Double Eagles 4 và 5 (tỉnh Bình Thuận) (7 đến 31-1-1969) 

Trong tháng 1-1969, Chiến đoàn South Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 3/506 bộ binh phối hợp với Tiểu đoàn 2/44 thuộc Sư đoàn 23 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa, mở liên tiếp hai chiến dịch tại tỉnh Bình Thuận.

– mở chiến dịch Double Eagles 4 từ ngày 7 đến 25-1, hành quân do thám địch tình và tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực tây bắc Phan Thiết.

– mở chiến dịch Double Eagles 5 từ ngày 26 đến 31-1, thực hiện công tác bình định chung quanh tỉnh lỵ Phan Thiết.

22- Chiến dịch Treasure Island (tỉnh Bình Dương) (10 đến 18-1-1969) 

Từ ngày 10 đến 18-1-1969, Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/11 mở chiến dịch Treasure Island, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và tìm quét quân Việt Cộng tại tỉnh Bình Dương.

23- Chiến dịch Quyết Thắng/SĐ/9/3 (tỉnh Sa Đéc) (12 đến 28-1-1969) 

Từ ngày 12 đến 28-1-1969, Sư đoàn 9 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Trung đoàn 15 mở chiến dịch Quyết Thắng/SĐ/9/3, tìm quét cộng quân tại khu vực cách tỉnh lỵ Sa Đéc 14 cây số về phía đông nam.

24- Các chiến dịch Bold Mariner, Russell Beach (tỉnh Quảng Ngãi) (13-1 đến 21-7-1969) 

Từ ngày 13-1 đến 21-7-1969, hai chiến đoàn đổ bộ Alpha và Bravo Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến 2/26, 3/26, mở chiến dịch Bold Mariner, từ hạm tàu đổ quân lên tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực Vạn Tường và mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là cuộc đổ bộ tập kích lên bãi biển lớn nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ kể từ sau cuộc chiến trên bán đảo Cao Ly 1950-53.

Cùng lúc ấy, Chiến đoàn Cooksey với Tiểu đoàn 5/46 bộ binh và Tiểu đoàn 1/1 kỵ binh thuộc Sư đoàn 23 bộ binh (Americal) Mỹ cũng cùng lúc mở chiến dịch Russell Beach, thiết lập các chốt chặn trên cù lao. Trung đoàn 6 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa tiến quân vào mũi Ba Làng An bắt đầu thực hiện chương trình bình định nông thôn tại khu vực trước đây bị Việt Cộng kiểm soát trong một thời gian dài.

25- Giao tranh ở tỉnh An Giang (13-1-1969)

Trưa 13-1-1969, cộng quân Tây Nam Bộ và Tỉnh đội Cần Thơ pháo kích và tập kích vào sân bay Lộ Tẻ (Long Xuyên). Quân Mỹ chết 4, bị thương 7; quân VNCH chết 13, bị thương 29; thiệt hại 5 máy bay, cháy một kho hàng. Cộng quân bị phản kích, bỏ lại 56 xác, bị bắt 26, trong đó có 22 thương binh.

26- Chiến dịch Navajo Warhorse 2 (tỉnh Hậu Nghĩa, Kiến Tường, Tây Ninh) (17-1 đến 29-3-1969) 

Từ cuối tháng 12-1968, Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ cho Lữ đoàn 2 hành quân tấn công vào phía nam vùng Lưỡi Câu, Lữ đoàn 3 thọc sâu vào Chiến khu Đ, làm cho hệ thống hậu cần tại chỗ của cộng quân Khu 7 hoàn toàn bị triệt phá. Thế nhưng ngay sau đó, đại quân Việt Cộng gồm bốn sư đoàn chủ lực từ Cambodia lại tràn vào tấn công một số vị trí trọng yếu tại Vùng 3 chiến thuật, mở đầu Cuộc tấn công Mùa Xuân 1969.

Từ ngày 17-1 đến 29-3-1969, Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ chỉ huy các tiểu đoàn 1/5, 2/5, 2/8, 2/12 mở chiến dịch Navajo Warhorse 2, lần lượt thay phiên nhau trực chiến tập kích bẻ gãy các cuộc xâm nhập của cộng quân xuất phát từ vùng Mỏ Vẹt, tỉnh Svay Rieng, Cambodia, theo các tuyến sông rạch và dãy biên giới xâm nhập vào các tỉnh Hậu Nghĩa, Kiến Tường, Tây Ninh.

Từ ngày 23-1, Sư đoàn 5 cộng quân mở hai cuộc tấn công cấp trung đoàn vào hậu cứ Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ ở Dầu Tiếng và tổng kho Long Bình, nhưng đều bị liên quân trú phòng đẩy lui. Ngày 24-1, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 1 kỵ binh tấn công vào chiến khu Đ thuộc địa phận tỉnh Phước Thành (cũ), giao tranh nhiều trận lớn với Sư đoàn 1 cộng quân.

27- Chiến dịch Quyết Thắng/44/49 (tỉnh Kiên Giang) (20 đến 27-1-1969) 

Từ ngày 20 đến 27-1-1969, Liên đoàn 4 biệt động quân Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy ba tiểu đoàn 32, 42 và 43 mở chiến dịch Quyết Thắng/44/49, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực phía đông quận Hà Tiên phía bắc tỉnh Kiên Giang thuộc địa bàn Biệt khu 44 chiến thuật.

28- Chiến dịch Hae San Jin 6 (tỉnh Phú Yên) (20-1 đến 8-2-1969) 

Từ ngày 20-1 đến 8-2-1969, Sư đoàn 9 (Bạch Mã) Hàn Quốc chỉ huy Trung đoàn 26 bộ binh mở chiến dịch Hae San Jin 6, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Phú Yên.

29- Các chiến dịch Hưng Quảng/1/03, Linn River (tỉnh Quảng Nam) (26-1 đến 7-2-1969) 

Từ ngày 26 đến 31-1-1969, Biệt khu Quảng Đà của Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Trung đoàn 51 bộ binh mở chiến dịch Hưng Quảng/1/03, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Từ ngày 27-1 đến 7-2, Chiến đoàn đổ bộ Alpha Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến 1/7 và 2/26 mở chiến dịch Linn River, đổ bộ từ hạm tàu lên bờ biển, bao vây cách ly địa bàn và tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực Gò Nổi và phía đông nam đồi 55 thuộc tỉnh Quảng Nam.

30- Chiến dịch Arlington (tỉnh Quảng Tín) (27-1-1969) 

Trong ngày 27-1-1969, Sư đoàn 23 bộ binh (Americal) Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/1 mở chiến dịch Arlington, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Tín.

31- Chiến dịch Quyết Thắng/21/04 (tỉnh Phong Dinh) (27-1 đến 3-2-1969) 

Từ ngày 27-1 đến 3-2-1969, Sư đoàn 21 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng/21/04, phối hợp với một cuộc không kích B-52 của Mỹ để tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực thuộc tỉnh Phong Dinh, cách tỉnh lỵ Cần Thơ 30 cây số về phía tây.

32- Các chiến dịch Greener Blue, Greene Thunder, Wayne Arrow (Vùng 2 chiến thuật) (31-1 đến 25-2-1969) 

Cuối tháng 1 đầu tháng 2-1969, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ chỉ huy các tiểu đoàn bộ binh bản bộ mở cùng lúc ba chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại Vùng 2 chiến thuật.

– chỉ huy Tiểu đoàn 2/35 mở chiến dịch Greener Blue từ ngày 31-1 đến 25-2, tại tỉnh Darlac.

– chỉ huy hai tiểu đoàn 1/12, 1/14 mở chiến dịch Greene Thunder từ ngày 31-1 đến 17-2, tại hai tỉnh Kontum và Pleiku.

– chỉ huy Tiểu đoàn 3/8 mở chiến dịch Wayne Arrow từ ngày 31-1 đến 8-2 tại tỉnh Bình Định.

33- Giao tranh ở tỉnh Bình Dương (31-1-1969) 

Đêm 31-1-1969, cộng quân Đông Nam Bô và tỉnh Thủ Dầu Một tập kích vào cụm căn cứ Mỹ ở Thị Tĩnh, trên đường số 30 thuộc quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách quận lỵ Dầu Tiếng 14 cây số về phía đông bắc. Sau 80 phút giao tranh, quân Việt Cộng đã xâm nhập vào và phá được sở chỉ huy cụm căn cứ nhưng đến sáng thì bị đẩy lui. Kết quả, quân Mỹ chết 37, bị thương 113, thiệt hại 8 đại bác và súng cối. Cộng quân chết 176, bị thương 130, bị bắt 13.

34- Một số tình hình trong tháng 2-1969

Ngày 1-2-1969, Bộ tư lệnh MACV Mỹ thành lập Trung đoàn 75 biệt kích bộ binh, để chuyên cung cấp các đại đội thám báo đường dài tới các đơn vị tác chiến Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam.

Cũng trong ngày 1-2, các chiến dịch hành quân phối hợp Việt-Mỹ tại Vùng 2 chiến thuật được đặt mật danh theo từng cặp tên Mỹ-Việt và trở thành những chiến dịch có địa bàn hành quân cố định. Chiến dịch Macathur đổi thành chiến dịch Hines/Dân Quyền, chiến dịch Walker trở thành chiến dịch Marshall/Sức Mạnh, chiến dịch Cochise Green trở thành chiến dịch Lee/Dũng Cảm, chiến dịch McLain trở thành chiến dịch Sheridan/Dân Thắng, chiến dịch Bolling trở thành chiến dịch Wainwright/Lý Do. Các chiến dịch hành quân có quy mô cấp tiểu đoàn và lớn hơn được thực hiện trong các địa bàn hành quân trên đây với những mục tiêu ngắn hạn đặc biệt được vạch ra theo một mật danh như tại nơi nó xảy ra.

Ngày 16-2-1969, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố tạm ngừng các chiến dịch hành quân từ 18 giờ ngày 12-2 tới 18 giờ ngày 17-2 để đôi bên cùng thưởng Tết Nguyên đán.

Trong đội hình chiến dịch Deway Canyon, vào hai ngày 21 và 22-2-1969, Bộ tư lệnh MACV Mỹ cho phép Tiểu đoàn 2/9 thủy quân lục chiến Mỹ được đột nhập sang lãnh thổ Lào và tấn công triệt hạ các đoàn xe vận chuyển của quân Việt Cộng đang di chuyển dọc theo trục đường 922.

Trong tháng 2-1969, các đơn vị đồng minh sang Việt Nam gồm: Pháo đội 105 dã chiến Úc (4-2, đóng ở Núi Đất); Phi đoàn 225 tấn công TQLC Mỹ (5-2, đóng ở Đà Nẵng); Liên đội B/Trung đoàn 1 thiết kỵ Úc (11-2, đóng ở Núi Đất); Tiểu đoàn 1 pháo binh, Tiểu đoàn 1 công binh và Đại đội 1 không yễm Hoàng gia Thái Lan (15-2, đóng ở trại Bearcat, Long Thành); Tiểu đoàn 5 bộ binh Úc (16-2, đóng ở Núi Đất); Liên đội 3/Trung đoàn không vụ đặc biệt Úc (21-2, đóng ở Núi Đất); Tiểu đoàn 158 không yễm Mỹ (23-2, đóng tại Camp Eagle).

Các đơn vị đồng minh rời Việt Nam gồm: Pháo đội 102 dã chiến Úc (4-2); Liên đội C/Trung đoàn 1 thiết kỵ Úc (10-2); Phi đoàn 121 tấn công TQLC Mỹ (14-2); Tiểu đoàn 1 bộ binh Úc (16-2); Liên đội 2/Trung đoàn không phục vụ đặc biệt Úc (21-2).

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng gồm: Tiểu đoàn 1/3 TQLC và Sở chỉ huy Trung đoàn 3 TQLC chuyển tới Quảng Trị (15-2); Tiểu đoàn 168 công binh chiến đấu chuyển tới Lai Khê.

35- Các chiến dịch Greene Thunder 2, Greene Tornado, Greener Cyclone, Putnam Panther, Wayner Dart, Wayner Green (tỉnh Darlac, Kontum và Pleiku) (1-2 đến 16-6-1969) 

Sau khi Lữ đoàn 1/Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ chuyển quân tới căn cứ Plei Herel phía đông tỉnh lỵ Pleiku, thì trách nhiệm bảo vệ tại khu vực phía bắc địa bàn tác chiến của Sư đoàn 4 Mỹ từ ranh giới giáp Vùng 1 chiến thuật tới phía bắc tỉnh lỵ Kontum được chuyển giao sang cho Biệt khu 24 chiến thuật Việt Nam Cộng Hòa.

Từ ngày 1-2 đến 16-6-1969, Sư đoàn 4 Mỹ chỉ huy Lữ đoàn 2 mở chiến dịch Putnam Panther, nhằm hỗ trợ cho Chương trình bình định cấp tốc của Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, ngăn chặn các cuộc xâm nhập của quân Bắc Việt vào phía tây tỉnh Kontum, từ căn cứ dân vệ Polei Kieng tới căn cứ dân vệ Plei Mrong, và liên tục hành quân tuần tra bảo vệ an ninh quốc lộ 14 từ tỉnh lỵ Kontum tới tỉnh lỵ Pleiku. 

Trong tháng 2-1969, Sư đoàn 4 Mỹ cũng mở liên tiếp 5 chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/8 mở chiến dịch Wayner Dart từ ngày 2 đến 7-2 tại tỉnh Pleiku.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/35 mở chiến dịch Greener Cyclone từ ngày 7-2 đến 12-3 tại tỉnh Pleiku.

– chỉ huy năm tiểu đoàn 1/8, 2/8, 3/8, 1/12, 3/12 mở chiến dịch Wayner Green từ ngày 10 đến 28-2 tại hai tỉnh Kontum và Pleiku.

– chỉ huy Tiểu đoàn 2/35 mở chiến dịch Greene Tornado từ ngày 25 đến 27-2 tại tỉnh Darlac.

– chỉ huy Lữ đoàn 2 mở chiến dịch Greene Thunder 2 từ ngày 28-2 đến 2-4 tại tỉnh Pleiku.

36- Các chiến dịch Darby Crest 1, Darby Trail 1 và 2 (tỉnh Bình Định) (1-2 đến 15-4-1969) 

Trong tháng 2-1969, Lữ đoàn 173 không vận Mỹ mở liên tiếp ba chiến dịch tại tỉnh Bình Định.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/503 bộ binh phối hợp với Trung đoàn 40/Sư đoàn 22 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Darby Crest 1, từ ngày 1-2 đến 3-3, tìm quét quân Việt Cộng tại quận Hoài Ân.

– chỉ huy Tiểu đoàn 2/503 bộ binh phối hợp với Trung đoàn 40/22 và Liên đội 14 thiết kỵ VNCH mở chiến dịch Darby Trail 1, từ ngày 1 đến 7-2, tìm quét cộng quân tại đồng bằng Bồng Sơn.

– chỉ huy Tiểu đoàn 2/503 mở chiến dịch Darby Trail 2 từ ngày 8-2 đến 15-4, hành quân do thám địch tình và tìm quét cộng quân dọc theo đường đèo từ đồng bằng Bồng Sơn tới thung lũng An Lão, cách thị trấn Bồng Sơn 12 cây số về phía bắc-tây bắc.

37- Các chiến dịch Darby March 1 và 2 (tỉnh Phú Yên) (1-2 đến 6-3-1969) 

Trong tháng 2-1969, Lữ đoàn 173 không vận Mỹ mở liên tiếp hai chiến dịch tại tỉnh Phú Yên.

– chỉ huy Tiểu đoàn 4/503 bộ binh phối hợp với Trung đoàn 28/Sư đoàn 9 bộ binh Hàn Quốc mở chiến dịch Darby March 1, từ ngày 1 đến 3-2, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực An Nghiệp.

– chỉ huy Tiểu đoàn 4/503 phối hợp với Trung đoàn 47/Sư đoàn 22 bộ binh VNCH mở chiến dịch Darby March 2, từ ngày 8-2 đến 6-3, tìm quét cộng quân tại tỉnh Phú Yên.

38- Các chiến dịch Hancock Eagle 1 và 2, Sheridan (tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy) (1-2 đến 31-3-1969) 

Trong tháng 2-1969, Chiến đoàn South Mỹ mở liên tiếp ba chiến dịch.

– chỉ huy Tiểu đoàn 3/506 bộ binh mở chiến dịch Sheridan từ ngày 1 đến 3-2, tuần tra và lùng sục tìm quét quân Việt Cộng dọc theo ranh giới hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy.

– chỉ huy Tiểu đoàn 3/506 phối hợp với Trung đoàn 44/Sư đoàn 23 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Hancock Eagle 1 từ ngày 4 đến 20-2, tuần tra và lùng sục tìm quét cộng quân dọc theo quốc lộ 1 chạy ngang phía đông bắc tỉnh lỵ Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

– chỉ huy Tiểu đoàn 3/506 bộ binh mở chiến dịch Hancock Eagle 2 từ ngày 28-2 đến 31-3, một lần nữa trở lại tập kích tìm quét cộng quân tại khu rừng Lê Hồng Phong, thuộc tỉnh Bình Thuận. Tính chung trong hai pha chiến dịch Hancock Eagle, quân Mỹ chết 282; cộng quân bỏ lại trận 654 xác.

39- Chiến dịch Victory Dragon 8 (tỉnh Quảng Nam) (2 đến 28-2-1969) 

Từ ngày 2 đến 28-2-1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến Hàn Quốc mở chiến dịch Victory Dragon 8, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

40- Chiến dịch Cheyenne Sabre (tỉnh Biên Hòa) (4-2 đến 19-4-1969) 

Từ ngày 4-2 đến 19-4-1969, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/7 mở chiến dịch Cheyenne Sabre, tập kích đường không xuống bãi đáp Liz, để cắt đứt các tuyến đường xâm nhập của cộng quân từ Chiến khu Đ vào tỉnh Biên Hòa và liên tục hành quân tìm quét cộng quân tại địa bàn tỉnh.

41- Các chiến dịch Strangler 1/Roundup 1 và Strangler 2/Roundup 2 (tỉnh Gia Định) (4 đến 16-2-1969) 

Cuối tháng 1-1969, Lữ đoàn 199 khinh binh Mỹ thành lập Chiến đoàn Kay gồm hai đại đội của Tiểu đoàn 3/7 bộ binh và một đại đội của Tiểu đoàn 5/12 bộ binh, chuyên xung kích cơ động trong các mục tiêu tác chiến mũi nhọn của lữ đoàn. 

Trong tháng 2-1969, Lữ đoàn 199 chỉ huy Chiến đoàn Kay và Tiểu đoàn 2/3 bộ binh, phối hợp với hai tiểu đoàn 30, 33 biệt động quân Việt Nam mở liên tiếp các chiến dịch tại địa bàn tỉnh Gia Định.

– mở chiến dịch Strangler 1/Roundup 1 từ ngày 4 đến 12-2, nhằm triệt hạ tuyến đường thâm nhập của quân Việt Cộng và hỗ trợ chương trình bình định tại địa bàn quận Nhà Bè, tỉnh Gia Định, cách trung tâm Sài Gòn 10 cây số về phía nam.

– mở chiến dịch Strangler 2/Roundup 2 từ ngày 13 đến 16-2, nhằm hỗ trợ chương trình bình định tại tỉnh Gia Định.

42- Các chiến dịch Defiant Measure, Hưng Quảng/1/05, Hưng Quảng/1/05/D, Machete (tỉnh Quảng Nam) (10-2 đến 5-3-1969) 

Từ ngày 10 đến 16-2-1969, Chiến đoàn đổ bộ Bravo Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 3/26 thủy quân lục chiến mở chiến dịch Defiant Measure, nhằm phối hợp với chiến dịch Taylor Common, đổ bộ lên tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực Arizona Territory, tỉnh Quảng Nam.

Từ ngày 11 đến 15-2-1969, Thủy quân lục chiến Mỹ mở chiến dịch Machete, tìm quét cộng quân ở phía tây bờ sông Cái thuộc quận Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Trong nửa cuối tháng 2 sang đầu tháng 3-1969, Biệt khu Quảng Đà chỉ huy Trung đoàn 51 bộ binh mở liên tiếp hai chiến dịch tìm quét cộng quân tại địa bàn tỉnh Quảng Nam: mở chiến dịch Hưng Quảng/1/05 từ ngày 14-2 đến 5-3; mở chiến dịch Hưng Quảng/1/05D từ ngày 24 đến 27-2-1969.

43- Chiến dịch Toàn Thắng 3 (Vùng 3 chiến thuật) (16-2 đến 31-10-1969) 

Từ ngày 16-2 đến 31-10-1969, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3-Vùng 3 chiến thuật Việt Nam Cộng Hòa phối hợp với Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 dã chiến Mỹ mở chiến dịch Toàn Thắng 3, để nối tiếp chiến dịch Toàn Thắng 2 bao gồm toàn bộ các cuộc hành quân chiến đấu và bình định tại địa bàn Vùng 3 chiến thuật.

Quân Mỹ tham chiến gồm Sư đoàn 1 kỵ binh, Sư đoàn 1 bộ binh, Sư đoàn 9 bộ binh, Sư đoàn 25 bộ binh, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 82 không vận, Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ, Trung đoàn 11 thiết kỵ. Quân Việt Nam Cộng Hòa tham chiến gồm Sư đoàn 5 bộ binh, Sư đoàn 18 bộ binh, Sư đoàn 25 bộ binh, Sư đoàn nhảy dù. Quân các nước đồng minh khác gồm Sư đoàn viễn chinh Thái Lan và Chiến đoàn 1 Úc – Tân Tây Lan. Để mở màn chiến dịch, Lữ đoàn 1 Thái Lan đã hành quân bảo vệ an ninh tuyến đường giao thông từ căn cứ Bearcat, Long Thành tới xã Phú Mỹ.

Ngày 1-4, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 4/9 thiết lập căn cứ hỏa lực Frontier City ở phía nam tỉnh lỵ Tây Ninh gần biên giới Cambodia để ngăn chặn tuyến đường xâm nhập của cộng quân từ vùng Cánh Thiên Thần thuộc tỉnh Svay Rieng vào đất Việt Nam. Ngày 15-5, Lữ đoàn 3/25 Mỹ lại chỉ huy Tiểu đoàn 3/22 thiết lập căn cứ hỏa lực Crook tại Suối Bến Đá để chọc nhử cho Việt Cộng xuất hiện tấn công mà tiêu diệt.

Từ ngày 4 đến 8-8, Lữ đoàn 1 hoàng gia Thái và Lữ đoàn Bravo thủy quân lục chiến Việt Nam mở cuộc hành quân tìm quét quân Việt Cộng tại phía nam quận Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hòa, thuộc Biệt khu Rừng Sát. Từ ngày 9 đến 15-8, Lữ đoàn 1 Thái và Lữ đoàn Bravo Việt Nam Cộng Hòa mở tiếp cuộc hành quân tại khu vực cách phía đông nam xã Bình Sơn, tỉnh Biên Hòa 5 cây số.

44- Chiến dịch Federal (tỉnh Biên Hòa) (17-2 đến 2-4-1969) 

Từ ngày 17-2 đến 2-4-1969, Chiến đoàn 1 Úc chỉ huy Tiểu đoàn 4 Úc – Tân Tây Lan và Tiểu đoàn 9 Úc mở chiến dịch Federal, để bảo vệ trục lộ phía đông tỉnh lỵ Biên Hòa sau khi phát hiện tin tình báo cho thấy quân Việt Cộng chuẩn bị lực lượng đánh phá vào tỉnh lỵ, đồng thời liên tục hành quân tuần tra tìm quét cộng quân quanh khu vực căn cứ hỏa lực Kerry.

45- Chiến dịch Spokane Rapids (tỉnh Thừa Thiên) (20-2 đến 3-3-1969) 

Từ ngày 20-2 đến 3-3-1969, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 101 không vận Mỹ mở chiến dịch Spokane Rapids, tìm quét quân Việt Cộng dọc theo sông Tả Trạch thuộc tỉnh Thừa Thiên.

46- Việt cộng tiếp tục leo thang chiến tranh (tháng 2-1969)

Đầu xuân 1969, Hồ Chí Minh lại đọc bài chúc Tết qua đài phát thanh làm cho các cán binh cộng sản tại miền Nam nghe xong cực kỳ lo sợ.

Năm qua thắng trận vẻ vang

Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào.

Tiến  lên, chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Và quả thật, Bộ Chính trị và Quân uỷ trung ương lại vét hết thanh niên miền Bắc, bắt cả thiếu niên 15 tuổi trở lên vào bộ đội, thực hiện tiếp các đợt tổng tấn công từ ngày 22-2 đến 31-3-1969,  từ 11 đến 31-5-1969 và từ 1-8 đến 15-9-1969 trên khắp các chiến trường miền Nam, mong gây sức ép cho cuộc đấu tranh trên bàn ngoại giao và xây dựng lực lượng chánh trị thân cộng. Khắp miền Bắc hầu như vắng bóng đàn ông trai tráng vì phần lớn phải nhập ngũ vào Nam. Phụ nữ phải đảm trách mọi việc từ khâu đồng áng, xưởng máy đến công chuyện gia đình. Dân chúng phổ biến câu ca chua xót: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đàn ông chả thấy, đàn bà thật đông

Tháng 4-1969, Bộ Chính trị Đảng Việt Cộng lại ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ trước mắt, xác định các mục tiêu chiến lược và đề ra phương hướng tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, chống lại chủ trương phi Mỹ hóa, Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa.

47- Chiến dịch Tổng tấn công Tết Kỷ Dậu 1969 (22-2 đến 31-3-1969)

Từ ngày 22-2 đến 31-3-1969, quân Việt Cộng mở đợt tổng tấn công đồng loạt vào hơn 400 mục tiêu của Việt Nam Cộng Hòa ở 36 thành phố, tỉnh lỵ, hơn 100 thị trấn quận lỵ, 35 sở chỉ huy, 38 sân bay, 17 khu hậu cần lớn.

Khuya 22 rạng sáng 23-2-1969, quân Việt Cộng bắn hàng loạt đạn cối, rốc két, và tập kích vào 115 mục tiêu khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, các tỉnh Hậu Nghĩa, Quảng Nam và các căn cứ Mỹ ở Biên Hòa. Cuộc tấn công này xảy ra chỉ một ngày sau khi kết thúc thời hạn bảy ngày Việt Cộng tuyên bố tạm ngưng chiến dịp Tết.

Sau 40 ngày giao tranh, đến 31-3-1969, cộng quân khắp nơi đều bị đẩy lui. Kết quả quân Mỹ chết 2.004, bị thương 5.761; quân VCNCH chết 5.310, bị thương 9.270, bị bắt 150; quân các nước đồng minh khác chết 107, bị thương 279. Quân đồng minh thiệt hại 800 máy bay các loại, 1450 xe quân sự (trong đó có 720 xe tăng thiết giáp), 137 tàu thuyền chiến, 265 khẩu pháo và súng cối, 135 kho đạn, xăng dầu, phương tiện chiến tranh các loại.

Ngoài hoạt động quân sự, cộng quân còn tổ chức lực lượng du kích tại chỗ nổi dậy chiếm xã, ấp tại nhiều nơi. Cộng quân thiệt hại nhiều thiết bị quân sự, chết 30.180, bị thương 48.290, bị bắt và ra hàng 553, thiệt hại khoảng 20% tổng quân số trên chiến trường miền Nam Việt Nam lúc đó.

48- Giao tranh ở Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (22 đến 27-2-1969) – Chiến dịch Lê Lợi 4 (27-2 đến 20-6-1969)

Nằm trong cuộc tổng tấn công toàn miền Nam, từ 22 đến 27-2-1969, cộng quân Quân khu 5 và Tỉnh đội Quảng Đà tấn công vào các khu vực Việt Nam Cộng Hòa gồm các sở  chỉ huy các căn cứ, vị trí, sân bay, các cơ sở hậu cần chiến lược của Việt Nam và Mỹ ở trong và ngoài thành phố Đà Nẵng, tỉnh lỵ Hội An, các quận lỵ Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), và Tiên Phước (tỉnh Quảng Tín).

Trong 5 ngày, đôi bên đã xảy ra 80 trận giao tranh lớn nhỏ. Quân Mỹ chết 91, bị thương 317; quân VNCH chết 112, bị thương 186, bị bắt 6; thiệt hại 69 máy bay, 73 xe quân sự, nhiều kho dự trữ chiến lược ở An Đồn, Bàu Mộc, Liên Chiểu, hư hỏng nhiều cơ sở vật chất ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, 8 sở chỉ huy từ tiểu đoàn đến sư đoàn, 2 tiểu đoàn pháo, quân cảng Sơn Trà. Lực lượng du kích tại chỗ cũng đánh phá 24 khu tập trung và 12 ấp chiến lược. Cộng quân chết 956, bị thương 1.520, bị bắt 15, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                    

Từ ngày 27-2 đến 20-6-1969, Liên đoàn 1 biệt động quân Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Lê Lợi 4, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

49- Giao tranh ở tỉnh Quảng Ngãi (22-2 đến 30-3-1969) – Chiến dịch Quyết Thắng 22 (24-2 đến 10-3-1969)  

Nằm trong cuộc tổng tấn công toàn miền Nam, từ 22-2 đến 30-3-1969, cộng quân Quân khu 5 và tỉnh Quảng Ngãi liên tục tấn công hầu hết các vị trí Việt Nam Cộng Hòa trong tỉnh lỵ Quảng Ngãi, các quận lỵ và chi khu quân sự như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng,sân bay Quảng Ngãi. Quân Mỹ chết 122, bị thương 274; quân VNCH chết 483, bị thương 1.390, bị bắt 4; thiệt hại 13 máy bay, 90 xe quân sự  20 nhà lính. Cộng quân chết 2.539, bị thương 4.312, bị bắt 8, thiệt hại một số thiết bị quân sự.

Từ ngày 24-2 đến 10-3-1969, Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng 22,  tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

50- Giao tranh ở tỉnh Bình Định (22-2 đến 31-3-1969)

Nằm trong cuộc tổng tấn công toàn miền Nam, từ 22-2 đến 31-3-1969, cộng quân Quân khu 5 và Tỉnh đội Bình Định liên tục giao tranh với quân đồng minh hơn 330 trận lớn nhỏ tại nhiều vị trí tại tỉnh lỵ Qui Nhơn, 7 quận lỵ như Bồng Sơn, Tam Quan, Phù Mỹ…, và 5 căn cứ sở chỉ huy Việt-Mỹ như Lữ đoàn dù 173 Mỹ ở Đèo Nhông, khu căn cứ sĩ quan Mỹ ở Phù Tài, các khu hậu cần ở Đèo Son, Miếu Lỡ, Phú Hòa…

Kết quả, quân Mỹ chết 24, bị thương 48; quân VNCH chết 176, bị thương 380, bị bắt 8; thiệt hại 16 máy bay, 35 xe quân sư,  5 kho bom đạn, xăng dầu với hơn 5.000 tấn bom đạn và 5 triệu lít xăng. Cộng quân chết 734, bị thương 1.090, bị bắt 13, thiệt hại một số thiết bị quân sự.

51- Giao tranh ở Tây Nguyên (22-2 đến 31-3-1969)

Nằm trong cuộc tổng tấn công toàn miền Nam, từ 22-2 đến 31-3-1969, cộng quân tại Tây Nguyên liên tục mở nhiều trận tấn công đánh phá hơn 200 lần vào các cơ quan chỉ huy, căn cứ, sân bay, kho tàng và nhiều vị trí quân sự và dân sự khác ở thành thị, vùng ven và nông thôn khu vực Tây Nguyên.

Quân Mỹ chết 289, bị thương 575; quân VNCH chết 580, bị thương 923, bị bắt 15; thiệt hại 35 máy bay, 44 xe quân sự (có 25 xe tăng và thiết giáp), 3 kho xăng, võ khí và phương tiện chiến tranh, 8 nhà lính. Các sân bay Kontum, Đắc Tô, Ban Mê Thuột bị đánh phá 27 lần. Các sở chỉ huy Quân đoàn 2, Sư đoàn 23, Liên đoàn 2 biệt động quân, các trung đoàn 42, 45… bị tập kích 33 lần. Cộng quân chết 3.386, bị thương 8.270, bị bắt 24, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.

52- Giao tranh ở tỉnh Biên Hòa (22 đến 28-2-1969)

Nằm trong cuộc tổng tấn công toàn miền Nam, từ 22 đến 28-2-1969, cộng quân Đông Nam Bộ và tỉnh Biên Hòa liên tục tấn công và bắn phá các cụm căn cứ quân Mỹ ở khu hậu cần Long Bình, sân bay Biên Hòa. Quân Mỹ chết 28, bị thương 75; quân VNCH chết 148, bị thương 219. Riêng tại căn cứ Biên Hòa, quân đồng minh tổn thất 5 máy bay, thương vong 15 binh sĩ, phi công và nhân viên kỹ thuật Mỹ, VNCH. Toàn mặt trận Biên Hòa, cộng quân chết 764, bị thương 696, bị bắt 13, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.

53- Giao tranh ở hai tỉnh Bình Dương và Hậu Nghĩa (22-2 đến 4-3-1969)

Nằm trong cuộc tổng tấn công toàn miền Nam, từ 22-2 đến 4-3-1969, cộng quân Đông Nam Bộ tấn công vào 30 căn cứ, vị trí Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh ở khu vực hai tỉnh Bình Dương và Hậu Nghĩa, như căn cứ Lữ đoàn 2/Sư đoàn bộ binh Mỹ ở Đồng Dù, căn cứ Lữ đoàn 3 ở Dầu Tiếng, căn cứ Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 bộ binh tại Lai Khê (tỉnh Bình Dương), nhiều cụm quân Mỹ và nhiều đồn bót ở hàng loạt thị trấn, quận lỵ.

Đêm 23-2-1969, Trung đoàn 141/Sư đoàn 7 cộng quân miền Đông Nam Bộ liên tục mở hai đợt tập kích vào căn cứ Mỹ ở Bến Tranh (thuộc quận Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Quân Mỹ chết 14, bị thương 38. Cộng quân bị phản kích, chết 105, bị thương 70. Đôi bên thiệt hại một số thiết bị quân sự.                   

Đêm 23-2-1969, cộng quân miền Đông Nam Bộ và tỉnh Thủ Dầu Một pháo kích dữ dội vào căn cứ Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ ở Lai Khê (thuộc quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương), phá hỏng 3 máy bay, làm chết 12, bị thương 34 binh sĩ Mỹ. Quân Mỹ phản kích làm chết 24, bị thương 15 cộng quân, phá hủy 8 khẩu pháo.

Tính chung ở hai tỉnh Bình Dương và Hậu Nghĩa từ 22-2 đến 4-3-1969, quân Mỹ chết 124, bị thương 335; quân các nước đồng minh khác chết 12, bị thương 17; quân VNCH chết 307, bị thương 613; thiệt hại 77 xe quân sự (trong đó có 46 xe tăng, thiết giáp), 14 máy bay, 1 kho đạn, 2 kho xăng, 1 nhà máy điện, 17 đồn bót, 20 nhà lính và 2 hầm ngầm. Cộng quân chết 1.669, bị thương 2.926, bị bắt 15, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.

54- Giao tranh ở Sài Gòn-Gia Định (22-2 đến 4-3-1969)

Nằm trong cuộc tổng tấn công toàn miền Nam, từ 22-2 đến 4-3-1969, cộng quân Đông Nam Bộ tấn công vào nhiều cơ quan chỉ huy Việt Nam và Mỹ ở tỉnh Gia Định và đô thành Sài Gòn, như các quận 1, quận 9, Thủ Đức, Long Thành, kho xăng Nhà Bè, căn cứ quân sự cầu Nước Trong, Vũng Tàu…

Quân Mỹ chết 15, bị thương 33; quân các nước đồng minh khác chết 12, bị thương 15; quân VNCH chết 58, bị thương 256; thiệt hại 9 máy bay, 8 tàu, trụ sở 3 phòng thông tin quận và nhiều trụ sở cơ quan, công trình công cộng. Cộng quân chết 402, bị thương 558, bị bắt 13.  

55- Mỹ không kích cộng quân ở Cambodia (23-2-1969)

Ngày 23-2-1969, tổng thống Nixon ra lệnh ném bom các căn cứ và con đường tiếp vận của quân Việt Cộng và Khmer Đỏ trên đất Cambodia.

56- Chiến dịch Purple Martin (tỉnh Quảng Trị) (23-2 đến 8-5-1969) 

Từ ngày 23-2 đến 8-5-1969, Trung đoàn 4/Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Vandegrift chỉ huy ba tiểu đoàn 1/4, 2/4, 3/4, mở chiến dịch Purple Martin, nhằm truy tìm Trung đoàn 246 Bắc Việt tại thung lũng Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cách dãy núi Rockpile 5 cây số về phía tây bắc. Quân Mỹ đã đụng độ với Trung đoàn 246 và đẩy quân Việt Cộng quay trở lại khu phi quân sự và rút về Bắc Việt, sau khi bỏ lại trận 473 xác; quân Mỹ chết 85, bị thương 192.

57- Chiến dịch Quyết Thắng 600 (tỉnh Quảng Tín) (24-2 đến 10-3-1969) 

Từ ngày 24-2 đến 10-3-1969, Trung đoàn 6/Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng 600, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Tín.

58- Chiến dịch Quyết Thắng/44/12 (tỉnh Châu Đốc) (25 và 26-2-1969) 

Trong hai ngày 25 và 26-2-1969, Biệt khu 44 chiến thuật chỉ huy Liên đoàn 4 biệt động quân và Liên  đội 12 thiết kỵ Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng/44/12, hành quân tìm quét cộng quân và bảo vệ an ninh tỉnh lộ từ tỉnh lỵ Châu Phú tới quận lỵ Chi Lăng, quận Tịnh Biên thuộc tỉnh Châu Đốc.

59- Trận Đồng Dù – Chiến dịch Củ Chi (tỉnh Hậu Nghĩa) (26 và 27-2-1969)

Căn cứ Đồng Dù được xem như tấm cửa sắt chắn giữ phía bắc Sài Gòn, đặt tại một vùng rộng lớn giáp ranh hai quạn Củ Chi và Trảng Bàng thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, cách Sài Gòn 30 cây số về phía đông bắc. Căn cứ có 7 lớp hàng rào dây thép gai cao hơn 5 mét, 330 lô cốt có đèn pha, hỏa lực mạnh và một hệ thống máy móc điện tử tối tân nhằm phát hiện bóng người.

Sau khi thất bại trong cuộc tổng tấn công Xuân Hè 1968, sang năm 1969, quân Việt Cộng lại đào hệ thống địa đạo mới dài 4.000 mét rãi rác làm nơi ém quân.

Nằm trong cuộc tổng tấn công ở khu vực bắc Gia Định, đêm 26-2-1969, Tiểu đoàn 3 đặc công trực thuộc Bộ tư lệnh miền, Tiểu đoàn 28 đặc công thuộc Sư đoàn 7 bộ binh và Tiểu đoàn pháo cối hỗn hợp cộng quân miền Đông Nam Bộ từ địa đạo Củ Chi mở cuộc đột nhập bí mật vào được hai vòng hàng rào thép gai, pháo kích và tập kích vào căn cứ Đồng Dù đang do các đơn vị của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ và Sư đoàn 25 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ.

Sau 40 phút giao tranh, cộng quân lọt được vào tới vòng hàng rào thứ 5 thì bị chận đường tiến vào lẫn bít cả lối về. Kết quả, quân Mỹ chết 56, bị thương 154, trong số thương vong có 25 phi công, thiệt hại 1 kho đạn, 1 bồn xăng, 6 máy bay, 30 xe quân sự (có 9 xe tăng, thiết giáp). Toàn bộ cộng quân đều thương vong với 612 chết, 142 bị thương và bị bắt sống, thiệt hại 130 khẩu pháo cối.

Ngay sau trận Đồng Dù, quân đồng minh mở chiến dịch Củ Chi để san bằng khu địa đạo Củ Chi. Quân đồng minh dùng một loại pháo cực nhanh, bắn đạn xuyên mà quân Việt Cộng gọi là ‘đạn ục’. Đạn này chui sâu vào lòng đất rồi mới nổ, chỉ nghe tiếng ục nhỏ, trên mặt đất thì như không có gì, song ở dưới đất đạn công phá rất mạnh. Đất bị dồn ép và toác ra. Hầm ngầm và địa đạo bị sập từng đoạn dài làm cả hệ thống không còn sử dụng được và cộng quân chết gần hết. Xe ủi Mỹ cũng rất nguy hiểm, ủi tróc cả những bụi tre lớn ở dưới có hầm. Từ năm 1969 đến 1975, hệ thống địa đạo Củ Chi về căn bản bị xóa sổ và lối tác chiến và ém quân kiểu hầm ngầm của quân Việt Cộng không còn phát huy tác dụng.

Từ năm 1976, cộng quân cho công binh đào mới một số đoạn địa đạo dài khoảng 10 cây số dùng làm khu di tích địa đạo Củ Chi. Từ năm 1982, công trình hoàn thành cho khách vào tham quan và chụp hình thâu tiền. Để phần nào an ủi vong linh hàng ngàn cán binh đã chết trong lòng địa đạo những năm chiến tranh gian khổ, công binh cũng xây một miếu thờ gần đó để khách tham quan tiện bề hương khói.

60- Một số tình hình trong tháng 3-1969

Lần đầu tiên các cuộc bầu cử làng xã được tổ chức vào ngày chủ nhật 2-3-1969. Gần 90% cử tri đã đi bầu để chọn ra viên chức dân biểu tại 692 xã phường và 233 thôn ấp. Du kích Việt Cộng tổ chức đánh phá khiến một số nơi phải hoãn cuộc bầu cử sang tuần sau.

Ngày 4-3, tổng thống Nixon đe dọa sẽ trở lại ném bom Bắc Việt để trả đủa các hoạt động gia tăng đánh phá của Việt Cộng tại miền Nam.

Ngày 5-3, đặc công Việt Cộng tổ chức ám sát thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương ngay tại trung tâm thủ đô Sài Gòn. Thủ tướng Hương bị bắn trúng đạn nhưng chỉ bị thương nhẹ. Hai sát thủ Việt Cộng bị bắt tại trận. Cũng trong ngày này, Bộ Chiêu hồi công bố người hồi chánh thứ 100.000 đã rời bỏ hàng ngũ Việt Cộng trở về quy thuận Chánh phủ quốc gia.

Ngày 6-3, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin R.Laird sang làm việc tại Việt Nam trong bốn ngày. Ngày 9-3, bộ trưởng Laird đã trao Huân chương Tổng thống Mỹ tặng Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa vì công trạng xuất sắc trong chiến đấu từ ngày 1-1-1967 đến 25-2-1968.

Ngày 9-3, Việt Cộng phóng thích nữ y tá người Đức Renate Kuhnen đã bị bắt cóc hồi ngày 3-3-1968.

Tính đến ngày 29-3-1969, số binh sĩ Mỹ tử trận tại chiến trường Việt Nam là 33.629 người, bằng với tổng số quân nhân Mỹ tử trận trong suốt cuộc chiến trên bán đảo Cao Ly 1950-53.

Các đơn vị Mỹ sang Việt Nam trong tháng 3-1969 gồm có: Đại đội 238 không yễm (20-3, đóng tại An Khê); Phi đoàn 232 tiêm kích tấn công thủy quân lục chiến (21-3, đóng tại Đà Nẵng); Tiểu đoàn 2/17 kỵ binh (28-3, đóng ở Gia Lễ/Camp Eagle). Đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm: Phi đoàn 323 tiêm kích tấn công TQLC (25-3).

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng gồm: Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 bộ binh chuyển tới Quản Lợi (12-3); các tiểu đoàn bộ binh 1/2, 1/26, 1/28 và Tiểu đoàn 1/5 pháo binh chuyển tới Quản Lợi (12-3); Phân đội D/Tiểu đoàn 1/9 kỵ binh chuyển tới Long Bình (12-3); Phân đội B/Tiểu đoàn 1/9 kỵ binh chuyển tới Phước Vĩnh (17-3); Tiểu đoàn 93 quân cảnh chuyển tới Quy Nhơn (29-3).

61- Các chiến dịch Federal/Overlander, Quintus Thrust (tỉnh Biên Hòa, Phước Tuy) (1-3 đến 8-4-1969) 

Từ ngày 1 đến 9-3-1969, Chiến đoàn 1 Úc chỉ huy Tiểu đoàn 5 mở chiến dịch Quintus Thrust, hành quân do thám địch tình cộng quân tại khu vực Núi Dinh tỉnh Phước Tuy, phía tây căn cứ Núi Đất.

Sau khi hoàn thành chiến dịch Quintus Thrust, Chiến đoàn 1 Úc chỉ huy Tiểu đoàn 5 tiếp tục mở chiến dịch Federal/Overlander từ ngày 10-3 đến 8-4, tới thay thế Tiểu đoàn 9 tại căn cứ hỏa lực Kerry tại tỉnh Biên Hòa, trong chiến dịch Federal, để tìm quét cộng quân trong khu vực.

62- Chiến dịch Victory Dragon 9 (tỉnh Quảng Nam) (1 đến 31-3-1969) 

Từ ngày 1 đến 31-3-1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến (Thanh Long) Hàn Quốc mở chiến dịch Victory Dragon 9, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

63- Các chiến dịch Eager Pursuit, Eager Pursuit 2, Oklahoma Hills (tỉnh Quảng Nam) (1-3 đến 29-5-1969) 

Từ ngày 1 đến 10-3-1969, Chiến đoàn đổ bộ Alpha Mỹ chỉ huy các tiểu đoàn thủy quân lục chiến 2/7, 1/26, 2/26, mở chiến dịch Eager Pursuit, tìm quét quân Việt Cộng tại lưu vực sông Trường Định (tức sông Cu Đê) thuộc tỉnh Quảng Nam, phía tây bắc thị xã Đà Nẵng.

Ngày 10-3-1969, Trung đoàn 5/Sư đoàn 1 TQLC Mỹ nắm quyền chỉ huy chiến dịch, đã chỉ huy Tiểu đoàn 2/26 Mỹ phối hợp với một tiểu đoàn của Trung đoàn 51 bộ binh Việt Nam, bắt đầu chiến dịch Eager Pursuit 2 cho đến ngày 27-3, đổ bộ quân lên khu vực Gò Nổi, thuộc quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để tìm quét cộng quân trong khu vực.

Từ ngày 30-3 đến 29-5, Trung đoàn 7/Sư đoàn 1 TQLC Mỹ chỉ huy các tiểu đoàn 1/7, 2/7, 3/7, có tăng cường Tiểu đoàn 3/26 từ Chiến đoàn đổ bộ Bravo Mỹ, phối hợp với hai tiểu đoàn 2 và 3 thuộc Trung đoàn 51 bộ binh Việt Nam, đã mở chiến dịch Oklahoma Hills, tìm quét quân Việt Cộng tại thung lũng Happy, nằm giữa dãy núi Charlie và dãy núi Worth thuộc tỉnh Quảng Nam, ở về phía tây nam thị xã Đà Nẵng. Thung lũng này là trạm đến cuối cùng của tuyến đường xâm nhập cộng quân từ đất thánh Lào và được nguồn tin tình báo, thám báo khẳng định là nơi đóng quân của hai trung đoàn 31 và 141 Bắc Việt. Kết quả chiến dịch Oklahoma Hills, cộng quân bỏ lại trận 596 xác; quân Mỹ chết 63, bị thương 205; quân VNCH chết 50, bị thương 141. 

64- Các chiến dịch Greene Hurricane, Spindown, Wayner Gray (tỉnh Attapu, Kontum, Pleiku) (1-3 đến 14-4-1969) – Trận đấu xe tăng ở Bến Hét

Sau khi nhận được tin tình báo cho thấy có sự gia tăng hoạt động của quân Bắc Việt, từ ngày 1-3 đến 14-4-1969, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ mở chiến dịch Wayner Gray, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Kontum. Sau khi chuyển quân tới căn cứ dân vệ Polei Kleng, Lữ đoàn 1/4 Mỹ mở các cuộc tập kích đường không xuống thung lũng Dak Mo và phía bắc thung lũng Plei Trap (còn gọi là thung lũng Tử Thần) ở vùng phụ cận của tỉnh lộ 613.

Khuya ngày 3-3, Trung đoàn 66 Bắc Việt bắt đầu một loạt pháo kích với tổng cộng 639 quả súng cối và pháo hỗn hợp vào căn cứ dân vệ Bến Hét ở phía tây tỉnh Kontum. Sau đó, cộng quân cho một tiểu đoàn bộ binh có 10 chiếc xe tăng PT-76 yễm trợ, tấn công vào phía tây căn cứ. Lực lượng phòng thủ căn cứ gồm một đại đội Lực lượng đặc biệt Việt-Mỹ và một chi đội gồm 4 chiếc xe tăng M-48 Mỹ đã tổ chức phản công. Đôi bên đã diễn ra trận đấu xe tăng lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương. Quân Mỹ chết 7, bị thương 11, cháy 1 xe tăng; quân VNCH chết 12, bị thương 35. Đến sáng, cộng quân rút lui, bỏ lại trận 10 xe tăng bị bắn cháy và 105 xác chết. Trong chiến dịch Wayner Gray, cộng quân bỏ lại trận tổng cộng 608 xác.

Ngay sau khi xảy ra trận Bến Hét, Lực lượng tác chiến thuộc Liên đoàn Nghiên cứu quan sát SOG Mỹ lập tức mở chiến dịch Spindown từ ngày 4 đến 11-3, tập kích xuống chiếm ngọn đồi án ngữ tỉnh lộ 110 trên đất Lào thuộc tỉnh Attapu, cách căn cứ Bến Hét, tỉnh Kontum 20 cây số về phía tây, để tập trung do thám và nghiên cứu sâu về khả năng tác chiến xe tăng của cộng quân. Vì theo lãnh đạo quân Mỹ, nếu cộng quân mở rộng hình thức tác chiến xe tăng sẽ có tác động quan trong đến cục diện và chiến lược chiến tranh của đôi bên.

Từ ngày 19-3 đến 14-4-1969, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/35 mở chiến dịch Greene Hurricane, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Pleiku.

1

Xe tăng PT-76 cháy tại Bến Hét (Kontum) 4-3-1969

65- Các chiến dịch Apache Snow, Bristol Boots, Campbell Streamer, Cass Park 1, Kentucky Jumper, Massachusetts Striker, Montogomery Rendezvous (tỉnh Thừa Thiên) (1-3 đến 14-8-1969) 

Sau khi hoàn thành chiến dịch Nevada Eagle, Sư đoàn 101 không vận Mỹ tiếp tục mở một chiến dịch dài hạn mới cũng có quy mô sư đoàn với mật danh Kentucky Jumper, từ ngày 1-3 đến 14-8-1969, nhằm liên tục truy tìm và tập kích cắt đứt các tuyến đường xâm nhập và các vị trí đóng quân của Việt Cộng tại khu vực trung du và đồng bằng tỉnh Thừa Thiên. Trong chiến dịch Kentucky Jumper, quân Việt Cộng bỏ lại trận 1.675 xác.

Trong chiến dịch Kentucky Jumper có hàng loạt cuộc hành quân quy mô cấp lữ đoàn diễn ra liên tiếp như: Massachusetts Striker, Bristol Boots (từ 24-4-1969), Apache Snow (từ 10-5-1969), Montogomery Rendezvous (từ 8-6-1969) và Campbell Streamer (từ 2-7-1969).

Chiến dịch Massachusetts Striker diễn ra từ ngày 1-3 đến 8-5-1969, do Lữ đoàn 2/Sư đoàn 101 chỉ huy các tiểu đoàn 2/327, 1/501, 2/501, 1/502, phối hợp với hai tiểu đoàn 2/3 và 3/3 thuộc Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa thực hiện. Quân đồng minh đã thiết lập căn cứ hỏa lực Whip và mở các cuộc hành quân tìm quét cộng quân tại phía nam các thung lũng A Sầu và Rào Nai, cắt đứt hoàn toàn tuyến xâm nhập của quân Việt Cộng từ Lào theo con đường 548 vào lãnh thổ Việt Nam.

Từ ngày 29-3 đến 25-4, Biệt đội Project Delta và Đại đội 282 trực thăng xung phong Mỹ chuyển quân tới không cứ Phú Bài ở Vùng 1 chiến thuật để theo sự ủy quyền của Sư đoàn 101 không vận mở chiến dịch Cass Park 1, hành quân do thám tung tích quân Việt Cộng tại thung lũng Hương Giang, thuộc tỉnh Thừa Thiên.

66- Các chiến dịch Hancock Eagle 3, Hancock Knight 2, Hancock Queen (tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Tuyên Đức) (4 đến 31-3-1969) 

Trong tháng 3-1969, Chiến đoàn South Mỹ liên tục mở các chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn phía nam Vùng 2 chiến thuật.

– chỉ huy hai tiểu đoàn bộ binh 3/503, 3/506, phối hợp với một tiểu đoàn Lực lượng Xung kích cơ động MIKE, mở chiến dịch Hancock Queen từ ngày 4 đến 22-3, tại khu vực rừng núi tỉnh Bình Thuận sát ranh giới tỉnh Bình Tuy, cách tỉnh lỵ Phan Thiết 25 cây số về phía tây bắc. Mục tiêu hành quân là truy tìm vị trí Bộ tư lệnh Quân khu 6 của Việt Cộng.

– chỉ huy Tiểu đoàn 3/503 bộ binh mở chiến dịch Hancock Knight 2 từ ngày 23 đến 28-3, tại địa bàn hai tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng.

– chỉ huy Tiểu đoàn 3/506 bộ binh mở chiến dịch Hancock Eagle 3 từ ngày 23 đến 31-3, tại phía bắc tỉnh lỵ Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

67- Các chiến dịch Darby Crest 2, Darby Crest 3, Darby Punch, Stingray 69 (tỉnh Bình Định) (4-3 đến 24-5-1969) 

Trong tháng 3-1969, Lữ đoàn 173 không vận Mỹ mở liên tiếp 4 chiến dịch ở tỉnh Bình Định.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/503 bộ binh mở chiến dịch Darby Crest 2, từ ngày 4 đến 24-3, tìm quét quân Việt Cộng tại quận Hoài Ân.

– mở chiến dịch Stingray 69 từ ngày 8 đến 10-3, hành quân tuần tra bảo vệ an ninh và tìm quét quân Việt Cộng tại quận An Khê.

– mở chiến dịch Darby Punch từ ngày 10-3 đến 24-5, tìm quét quân Việt Cộng tại quận An Khê.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/503 mở chiến dịch Darby Crest 3, từ ngày 25-3 đến 15-4, tìm quét quân Việt Cộng tại quận Hoài Ân.

68- Các chiến dịch Núi Cô Tô, Quyết Thắng/44/14 (tỉnh Châu Đốc) (4-3 đến 8-4-1969) 

Từ ngày 4-3 đến 8-4-1969, Quân Mỹ gồm hai chiến đoàn Lực lượng Xung kích cơ động số 4 và số 5 (MIKE), có tăng cường Tiểu đoàn 6/Trung đoàn 77 pháo binh của Sư đoàn 9 bộ binh, đã mở chiến dịch Núi Cô Tô, tập kích quy mô lớn vào quân Việt Cộng đang ẩn náu trong các hang động của núi Cô Tô tại tỉnh Châu Đốc.

Từ ngày 5 đến 17-3, Bộ tư lệnh Biệt khu 44 chỉ huy hai tiểu đoàn biệt động quân 32 và 44 Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng/44/14, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Châu Đốc.

69- Tấn công căn cứ Trung ương cục tại Rừng Le (tỉnh Tây Ninh) (5 đến 23-3-1969)

Từ cuối tháng 2-1969, quân Việt Cộng lại tập trung về khu vực Rừng Le – đông bắc Cà Tum (tỉnh Tây Ninh), định khôi phục tại đây một trong các căn cứ Trung ương cục.

Phát hiện được tung tích và ý đồ cộng quân, từ ngày 5-3-1969, lực lượng biệt kích Mỹ do một đại tá chỉ huy liên tục tổ chức bắn phá và đổ quân thăm dò các khu vực vành đai căn cứ Văn phòng Trung ương cục tại vùng Rừng Le. Ngày 20-3, biệt kích Mỹ dùng trực thăng đổ bộ vào căn cứ trung tâm tại Rừng Le, nơi có đóng Văn phòng Trung ương cục, Trạm xá C18,  Tiểu đoàn D1 an ninh vũ trang bảo vệ căn cứ, và một trung đội trinh sát. Tiểu đoàn D1 ra sức chống trả để cho cán bộ Văn phòng Trung ương cục rút chạy về căn cứ dự bị tại vùng Rừng Buôn thuộc đất Cambodia sát biên giới, trên thượng nguồn sông Sài Gòn (Vùng K9 – Binh trạm Nam Trường Sơn). Ngày 23-3, quân Mỹ cho máy bay B-52 với 40 đợt ném bom, mỗi đợt ba chiếc,  tập kích dữ dội vào khu căn cứ từ 1 giờ 15 phút sáng cho đến trưa hôm sau. Toàn bộ khu căn cứ trong đó có nhà hầm của chủ tịch Mặt trận giải phóng Nguyễn Hữu Thọ và toàn bộ cộng quân trú đóng tại đây đều bị hủy diệt.

70- Các chiến dịch Atlas Wedge, Twinkletoes (tỉnh Bình Dương) (6-3 đến 2-4-1969) 

Ngày 6-3-1969, Lữ đoàn 2/Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1 từ căn cứ hỏa lực Grant tấn công cắt đứt đường giao liên tiếp vận của Sư đoàn 1 cộng quân ở Chiến khu Đ.

Đêm 8-3, cộng quân liền cho Trung đoàn 95 tấn công căn cứ Grant và bao vây vùng ngoại vi. Quân Mỹ huy động trực thăng, khu trục cơ, pháo binh từ các căn cứ hỏa lực lân cận mở trận hỏa tập hỏa tiển dữ dội vào đội hình đối phương. Đêm 11-3, cộng quân lại tập kích căn cứ Grant và lại bị hỏa lực Mỹ không tập hỏa pháo dữ dội làm thiệt hại lớn, tổng cộng hơn 330 quân chết, hàng trăm bị thương.

Từ ngày 14 đến 16-3, Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ mở chiến dịch Twinkletoes, tìm quét quân Việt Cộng tại lưu vực Sông Bé phía nam quận Phước Vĩnh, tỉnh Bình Dương.

Nhận được tin tình báo cho biết một lực lượng cỡ trung đoàn Việt Cộng vừa xâm nhập vào khu đồn điền cao su Michelin thuộc quận Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ chỉ huy các tiểu đoàn bộ binh 1/18, 1/28, Tiểu đoàn 1/4 kỵ binh, hai liên đội 1 và 3 thuộc Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ, phối hợp với Trung đoàn 9/Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Atlas Wedge (cái nêm Atlas) từ ngày 18-3 đến 2-4, tìm quét cộng quân tại khu vực đồn điền Michelin.

Quân đồng minh có hàng trăm xe thiết giáp, nhiều máy bay B52 yểm trợ, đã ném hơn 1.500 tấn bom xuống đội hình chủ lực cộng quân. Đến 28-3, quân đồng minh đánh bật Sư đoàn 7 cộng quân ra khỏi đồn điền cao su Michelin ở Dầu Tiếng và rút chạy về Cambodia. Sau nửa tháng giao tranh với 27 trận lớn nhỏ trong chiến dịch Atlas Wedge, quân Mỹ chết 95, bị thương 320; quân VNCH chết 71, bị thương 135; thiệt hại 12 máy bay, 105 xe quân sự trong đó có 43 xe tăng thiết giáp. Cộng quân bỏ lại trận 1.370 xác, bị bắt và ra hàng 33, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                    

71- Trận Luang Prabang (Lào) (11-3-1969)

Ngày 11-3-1969, quân Việt Cộng tấn công sân bay Luang Prabang, làm cháy nổ một số máy bay, trong đó có loại T-28.

72- Các chiến dịch Hunter 1, Lulu (tỉnh Gia Định và Long An) (12 đến 28-3-1969) 

Từ ngày 12 đến 14-3-1969, Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ Mỹ phối hợp với Liên đoàn 5 biệt động quân và Trung đoàn 46/Sư đoàn 25 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở một chiến dịch công khai quy mô lớn mật danh Lulu, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và tìm quét quân Việt Cộng tại các quận Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giuộc, giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Định và Long An.

Từ ngày 26 đến 28-3, Lữ đoàn 199 Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn 2/3 và 5/12, mở chiến dịch Hunter 1, hành quân do thám và tìm quét cộng quân dọc theo kinh Bo Bo thuộc tỉnh Long An.

73- Các chiến dịch Hướng Hóa, Maine Crag, Montana Mauler (tỉnh Quảng Trị) (15-3 đến 2-5-1969) 

Từ ngày 15-3 đến 2-5-1969, Trung đoàn 3/Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn 1/3, 2/3, phối hợp với Tiểu đoàn 3/2 của Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Maine Crag, tìm quét quân Việt Cộng tại thung lũng Sông Dak Krong và khu vực quân Mỹ gọi là Vietnam Salient (phần nhô sang đất Lào) thuộc tỉnh Quảng Trị. Xuất phát từ căn cứ hỏa lực Snapper, quân đồng minh lùng sục về phía nam và lập một chốt chặn mạnh dọc theo hương lộ 616, cắt đứt tuyến đường xâm nhập quan trọng nhất của quân Việt Cộng từ đất thánh Lào sang tỉnh Quảng Trị.

Ngày 15-3, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ thành lập Chiến đoàn Remagen, với lực lượng gồm Đại đội B/1/61 bộ binh và Đại đội C/1/77 thiết giáp. Từ ngày 16-3 đến 29-4, Chiến đoàn Regamen tham gia chiến dịch Maine Crag, hành quân do thám và tuần tra dọc theo quốc lộ 9 từ Cà Lu tới Lao Bảo và tất cả các tuyến đường mòn cắt sang đất Lào. Sau đó, Chiến đoàn Regamen đánh ngoặc về phía nam, tới nhập chung với Thủy quân lục chiến tại căn cứ hỏa lực Snapper.

Từ ngày 20-3 đến 5-4, Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam phối hợp với quân Mỹ mở cuộc hành quân Hướng Hóa, truy quét quân Việt Cộng tại khu vực Tam Tanh, A Dơi, phía nam quận Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong nửa tháng hành quân Hướng Hóa, đôi bên đã đụng độ và giao tranh 27 trận lớn nhỏ. Quân Mỹ chết 26, bị thương 227; quân VNCH chết 74, bị thương 393. Cộng quân bỏ lại trận 680 xác và 154 thương binh; bị bắt và ra hàng 47. 

Từ ngày 23-3 đến 3-4, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/11 bộ binh và Tiểu đoàn 3/5 kỵ binh, mở chiến dịch Montana Mauler, lùng sục thung lũng Khe Chùa – Côn Thiện, cách căn cứ Camp Caroll 4 cây số về phía tây bắc, để truy tìm tung tích Trung đoàn 27 Bắc Việt, mà theo tin tình báo vừa vượt qua khu phi quân sự xâm nhập vào tỉnh Quảng Trị. Quân Mỹ đã phát hiện và giao tranh với Trung đoàn 27. Tiểu đoàn 3/9 TQLC thuộc Sư đoàn 1 TQLC Mỹ đến tăng viện, đẩy lui cộng quân rút chạy về miền Bắc. Tính trong chiến dịch Montana Mauler, quân Mỹ chết 21; cộng quân bỏ lại trận 571 xác.

2.jpg

74- Chiến dịch Quyết Thắng/21/15 (tỉnh Chương Thiện) (17 đến 29-3-1969) 

Từ ngày 17 đến 29-3-1969, Sư đoàn 21 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng/21/15, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Chương Thiện.

75- Chiến dịch Menu (Cambodia) (18-3-1969 đến 1-4-1970) 

Ngày 18-3-1969, Tổng thống Mỹ Nixon cho phép Không lực Mỹ mở chiến dịch Menu, bí mật sử dụng máy bay B-52 ném bom các vị trí đóng quân và các tuyến đường vận chuyển của quân Bắc Việt trên lãnh thổ Cambodia dọc theo biên giới giáp Việt Nam. Chiến dịch không kích Menu kéo dài đến 1-4-1970 thì kết thúc, để chuyển giai đoạn hai của chiến dịch Menu ra tác chiến bằng bộ binh; trong khi chiến dịch không kích có mật danh mới là chiến dịch Patio cũng bắt đầu ngày 1-4-1970 để không yễm cho chiến dịch bộ binh Menu 2.

76- Các chiến dịch Cane Field, Frederick Hill, Geneva Park, Iron Mountain, Quyết Thắng 25 (tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi) (18-3-1969 đến 31-3-1971) 

Từ hạ tuần tháng 3-1969, Sư đoàn 23 bộ binh (Americal) Mỹ mở cùng lúc ba chiến dịch hành quân lớn dài ngày tại ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi phía nam Vùng 1 chiến thuật. Mục tiêu chiến dịch là truy tìm, tập kích và tiêu diệt các đơn vị và tuyến vận chuyển xâm nhập của quân Việt Cộng, đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình Bình định và phát triển nông thôn địa phương.

Từ ngày 18-3-1969 đến 28-2-1971, Lữ đoàn 196 bộ binh nhẹ/Sư đoàn Americal mở chiến dịch Frederick Hill, tổ chức liên tục các cuộc hành quân đơn phương hoặc phối hợp với Trung đoàn 5/Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam, thực hiện các mục tiêu chiến dịch tại địa bàn hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Phạm vi chiến dịch diễn ra tập trung trong phạm vi từ tỉnh lộ 533 ở phía nam, dọc theo trục đường từ Tam Kỳ tới Tiên Phước và theo dãy núi Quế Sơn chạy về phía bắc tới trục đường nối bãi đáp Baldy tới Nông Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam. Pha đầu tiên của chiến dịch là cuộc hành quân giải tỏa an ninh khu vực bãi đáp Siberia ở phía nam quận Hiệp Đức. Tính chung trong chiến dịch Geneva Park, quân Mỹ chết 593; quân Việt Cộng bỏ lại trận 7.524 xác.

Cũng thời gian ấy, từ ngày 18-3-1969 đến 28-2-1971, Lữ đoàn 198 bộ binh nhẹ/Sư đoàn Americal cũng mở chiến dịch Geneva Park, tổ chức liên tục các cuộc hành quân đơn phương hoặc phối hợp với Trung đoàn 6/Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam, thực hiện các mục tiêu chiến dịch tại địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Tín. Phạm vi chiến dịch diễn ra tập trung trong phạm vi từ sông Trà Khúc ở phía nam, dọc theo trục đường từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi tới Hà Thiện, và theo tỉnh lộ 533 tới phía bắc dọc theo trục đường từ tỉnh lỵ Tam Kỳ tới quận lỵ Tiên Phước của tỉnh Quảng Tín. Pha đầu tiên của chiến dịch bao gồm một cuộc hành quân tuần tra truy quét phục hồi an ninh đoạn đường từ căn cứ Chu Lai tới căn cứ dân vệ Trà Bồng. Tính chung trong chiến dịch Geneva Park, quân Mỹ chết 253; quân Việt Cộng bỏ lại trận 2.237 xác.

Cùng lúc đó, từ ngày 18-3-1969 đến 31-3-1971, Lữ đoàn 11 bộ binh nhẹ/Sư đoàn Americal mở chiến dịch Iron Mountain, để liên tục tổ chức các cuộc hành quân đơn phương hoặc phối hợp với Trung đoàn 4/Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam, thực hiện các mục tiêu chiến dịch tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Phạm vi chiến dịch diễn ra tập trung trong phạm vi từ sông Trà Khúc ở phía bắc, dọc theo trục đường từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi tới Hà Thiện, và tới vùng giáp ranh giữa Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật ở phía nam. Pha đầu tiên của chiến dịch bao gồm một cuộc tập kích cơ động đường không của hai tiểu đoàn 4/3 và 1/20 bộ binh không vận vào thung lũng Sông Vệ. Tính chung trong chiến dịch Iron Mountain, quân Mỹ chết 340; quân Việt cộng bỏ lại trận 4.476 xác.

Từ ngày 20 đến 31-3-1969, Trung đoàn 4/Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng 25, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, và cũng để phối hợp hổ trợ cho loạt chiến dịch của Sư đoàn Americal.

Trong ngày 25-3-1969, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 101 không vận Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/1  kỵ binh mở chiến dịch Cane Field, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

77- Chiến dịch Quyết Thắng/7/11/36 (tỉnh Định Tường) (25 và 26-3-1969) 

Từ ngày 22 đến 27-3-1969, cộng quân Quân khu 8 và Tỉnh đội Mỹ Tho pháo kích nhiều lần vào căn cứ Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ ở Bình Đức (tỉnh Định Tường). Quân Mỹ chết 3, bị thương 78, sập 5 nhà dù. Cộng quân bị phản kích chết 115, bị thương 143, thiệt hại 24 khẩu pháo và súng cối.

Trong hai ngày 25 và 26-3-1969, Sư đoàn 7 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Trung đoàn 11 mở chiến dịch Quyết Thắng/7/11/36, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực thuộc tỉnh Định Tường, cách tỉnh lỵ Mỹ Tho 4 cây số về phía đông bắc.

78- Giao tranh ở tỉnh Bình Tuy (23-3-1969)

Trại Esepic là một căn cứ quân sự Mỹ nằm trên một ngọn đồi cao, cách tỉnh lỵ Phan Thiết, tỉnh Bình Tuy, 3 cây số về phía đông nam. Trấn đóng trại này có 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 101 không vận Mỹ, 1 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn cơ giới, 1 phi đoàn máy bay do thám và trực thăng, có 20 chiếc L19. Bảo vệ căn cứ có ba lớp hàng rào dây thép gai, chông mìn và hệ thống đèn pha, lô cốt. Cứ 30 mét có đặt 1 lô cốt do 1 tiểu đội Mỹ canh gác. Ngoài biển lại có 1 đội tàu chiến tuần tra, sẵn sàng tiếp ứng cho căn cứ.

Đêm 23-3-1969, 3 tiểu đoàn đặc công và 1 tiểu đoàn pháo cối cộng quân Quân khu 6 và Tỉnh đội Phan Thiết đột nhập vào được vòng rào thứ nhất thì bị lộ nên pháo kích và tập kích dữ dội vào khu trung tâm trại, rồi bị quân Mỹ bao vây chận mất đường rút lui. Sau 1 giờ giao tranh, quân Mỹ chết 13, bị thương 74, thiệt hại 2 xe thiết giáp, 1 máy bay, nhiều nhà lính. Cộng quân bỏ lại trận 585 xác, bị thương và bị bắt 187, thiệt hại 18 súng cối.

79- Giao tranh ở tỉnh Kiến Hòa (25-3 đến 25-4-1969)

Từ ngày 25-3 đến 25-4-1969, cộng quân Quân khu 8 và Tỉnh đội Bến Tre liên tục mở nhiều cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Trúc Giang, một số quận lỵ và nhiều vị trí khác trong tỉnh Kiến Hòa

Trong vòng một tháng, đôi bên đã xảy ra 314 trận lớn nhỏ. Kết quả, quân Mỹ chết 41, bị thương 304; quân Việt Nam Cộng Hòa chết 332, bị thương 2.038; thiệt hại 9 tàu, 11 máy bay, nhiều nhà lính. Cộng quân bỏ lại trận 2.044 xác và 580 thương binh; bị bắt và ra hàng 135.            

80- Chiến dịch Dong Bo 5 (tỉnh Ninh Thuận) (25-3 đến 5-4-1969) 

Để ngăn chặn tiếp diễn các cuộc pháo kích của quân Việt Cộng vào không cứ Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, Sư đoàn 9 bộ binh Hàn Quốc mở chiến dịch Dong Bo 5 từ ngày 25-3 đến 5-4-1969, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Quân Hàn gồm hai tiểu đoàn của Trung đoàn 30 đã lùng sục kỹ khu vực rừng núi che dấu cộng quân ở cách Phan Rang 16 cây số về phía tây bắc.

81- Chiến dịch Montana Scout (tỉnh Tây Ninh) (29-3 đến 23-6-1969) 

Từ ngày 29-3 đến 23-6-1969, Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ chỉ huy các tiểu đoàn 2/5, 2/8, 2/12 mở chiến dịch Montana Scout tại một địa bàn hành quân mới, tập kích quân Việt Cộng tại khu vực phía nam chiến khu C, thuộc tỉnh Tây Ninh. Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch là thiết lập một băn cứ hỏa lực mới ở bãi đáp Carolyn rồi từ đó tiến quân về chiến khu C. Tính chung trong chiến dịch, quân Mỹ chết 284; quân Việt Cộng bỏ lại trận 1.570 xác.

82- Một số tình hình trong tháng 4-1969

Ngày 1-4-1969, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin R.Laird cho biết số vụ không kích B-52 tại chiến trường Đông Dương giảm từ 1.800 phi vụ mỗi tháng trước đây xuống còn 1.600 để tiết giảm chi phí quốc phòng. 

Ngày 26-4, trong một buổi lễ tổ chức tại Cần Thơ, Tiểu đoàn 6/Trung đoàn 77 pháo binh Mỹ đã chuyển giao toàn bộ thiết bị sang cho đơn vị Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một loạt đơn vị tiếp vận và phục vụ tham gia thực hiện chương trình nâng cấp khả năng tác chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong tháng 4-1969, các đơn vị Mỹ sang Việt Nam gồm: Bộ tư lệnh Tiếp vận tại Vũng Tàu (1-4); Phi đoàn 4 tiêm kích chiến thuật (12-4, đóng tại Đà Nẵng). Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm: Chiếm hạm BB62 New Jersey (1-4); Phi đoàn 120 tiêm kích chiến thuật (18-4).

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng gồm: Tiểu đoàn 1/26 thủy quân lục chiến chuyển sang Chiến đoàn đổ bộ thay cho Tiểu đoàn 2/26 rút ra (1-4); Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 4 bộ binh chuyển tới An Khê (13-4); các tiểu đoàn bộ binh 1/8, 3/8, 3/12, Tiểu đoàn 6/29 pháo binh và Phân đội D/Tiểu đoàn 2/1 kỵ binh chuyển tới An Khê (13-4); Sở chỉ huy Lữ đoàn 173 không vận chuyển tới bãi English tại Bồng Sơn, tỉnh Bình Định (13-4); Tiểu đoàn 1/50 bộ binh chuyển tới bãi Uplift (13-4); Phi đoàn 480 tiêm kích chiến thuật chuyển tới Không đoàn 37 tiêm kích chiến thuật (15-4); Phân đội B/Tiểu đoàn 1/9 kỵ binh chuyển tới Quản Lợi (19-4); Phân đội D/Tiểu đoàn 1/1 kỵ binh trở về Sư đoàn Americal (21-4).

83- Các chiến dịch Montana Raider, Motana Scout (Vùng 3 chiến thuật) (1-4 đến 12-5-1969) 

Từ ngày 1 đến 12-4-1969, Sư đoàn 1 kỵ binh và Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ phối hợp mở cuộc hành quân Motana Scout, truy kích hai sư đoàn 1 và 7 cộng quân, đánh chiếm khu vực Chiến khu C (còn gọi là Chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh) và Chiến khu Đ (khu vực xung quanh thác Trị An tỉnh Biên Hòa). Máy bay B-52 liên tục ném bom rãi thảm vào đội hình và căn cứ đối phương. Ngày 4-4, Sư đoàn 1 kỵ binh chiếm đóng khu vực chiến khu C.

Khuya 5-4, cộng quân mở nhiều đợt phản kích, xung phong cường tập vào căn cứ Mỹ cách Gò Dầu Hạ 11 cây số, nhưng đến gần sáng thì bị đẩy lui, bỏ lại 73 xác. Quân Mỹ chết 4, bị thương 3.

Từ ngày 13-4 đến 12-5, Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ phối hợp với Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ mở tiếp chiến dịch Montana Raider, nhằm cắt đứt tuyến đường xâm nhập của Sư đoàn 7 Bắc Việt từ Cambodia vào khu vực phía đông và phía nam Chiến khu C, thuộc địa bàn ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Tây Ninh. Trong chiến dịch Montana Raider, cộng quân bỏ lại trận 358 xác.

Lữ đoàn 1/1 kỵ binh đã đánh quét từ tỉnh lỵ Tây Ninh tới quận lỵ Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Lữ đoàn 2/1 kỵ binh tập kích vào phía đông và phía bắc đồn điền cao su Michelin, tỉnh Bình Dương. Lữ đoàn 3/1 kỵ binh đánh theo quốc lộ 13 lên phía nam tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long.

Đêm 15-4, cộng quân Đông Nam Bộ và Tỉnh đội Tây Ninh phản kích vào cụm quân Mỹ thuộc Lữ đoàn 2/Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ ở khu vực phía bắc Trà Cao. Chỉ trong trận này, quân Mỹ chết 35, bị thương 77, thiệt hại 15 xe cơ giới, 25 đại bác. Cộng quân bỏ lại trận 493 xác và 205 thương binh; bị bắt và ra hàng 24.

Cuối tháng 4-1969, cộng quân từ Cambodia trở lại tấn công các căn cứ Mỹ tại Chiến khu C. Đầu tháng 5, cộng quân tập trung lực lượng chuẩn bị đánh chiếm tỉnh lỵ Tây Ninh. 

Đêm 5 rạng sáng 6-5, Trung đoàn 95 cộng quân tấn công căn cứ hỏa lực cách Katum 11 cây số về phía nam đang do ba tiểu đoàn Mỹ trấn giữ. Trong khi quân Mỹ tại đây nỗ lực phòng thủ thì các căn cứ hỏa lực gần đó tiếp ứng bằng pháo binh, trực thăng võ trang và quân không kỵ. Đến sáng, cộng quân rút lui, bỏ lại 121 xác chết và 32 thương binh. Quân Mỹ chết 11, bị thương 62.

Đêm 12-5, cộng quân lại tấn công các căn cứ hỏa lực Grant, Janie và Philis nhưng lại thất bại, với tổng cộng 240 chết, gần 600 bị thương. Do thiệt hại nhiều mà không chiếm được căn cứ hỏa lực ngoại vi nào nên cộng quân phải hủy bỏ chiến dịch đánh chiếm tỉnh lỵ Tây Ninh.

Trong suốt hè thu năm 1969, Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng Hòa và Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ phối hợp mở liên tục các cuộc hành quân truy quét dọc theo biên giới giáp Cambodia, cố ngăn chặn không cho đối phương xâm nhập vào Vùng 3 chiến thuật.

84- Các chiến dịch Deerstalk, Overlander, Stafford, Surfside (tỉnh Phước Tuy và Biên Hòa) (1-4 đến 2-5-1969) 

Trong tháng 4-1969, Chiến đoàn 1 Úc mở liên tiếp các chiến dịch hành quân.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 Úc mở chiến dịch Deerstalk từ ngày 1 đến 12-4, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực núi Dinh, tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Tiểu đoàn 4 Úc – Tân Tây Lan mở chiến dịch Overlander từ ngày 8 đến 16-4, tới thay thế cho Tiểu đoàn 5 Úc trấn thủ tại căn cứ hỏa lực Kerry, tỉnh Biên Hòa.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 9 Úc mở chiến dịch Surfside từ ngày 12-4 đến 2-5, lùng sục dọc theo bờ biển phía nam và đông nam quận Xuyên Mộc, tỉnh Phước Tuy, để cắt đứt tuyến xâm nhập và vận chuyển hậu cần bằng đường biển của Việt Cộng, đồng thời tìm diệt Tiểu đoàn D445 mà theo tin tình báo vừa xâm nhập vào khu vực này.

– chỉ huy Tiểu đoàn 4 Úc – Tân Tây Lan mở chiến dịch Stafford từ ngày 17-4 đến 1-5, hành quân do thám địch tình quân Việt Cộng tại tỉnh Phước Tuy.

85- Chiến dịch Hancock Knight 3 (tỉnh Lâm Đồng) (3 đến 7-4-1969) 

Từ ngày 3 đến 7-4-1969, Chiến đoàn South Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 3/503 bộ binh mở chiến dịch Hancock Knight 3, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

86- Chiến dịch Quyết Thắng/44/19 (tỉnh Kiến Tường) (5 đến 9-4-1969) 

Từ ngày 5 đến 9-4-1969, Biệt khu 44 Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Liên đoàn 4 biệt động quân mở chiến dịch Quyết Thắng/44/19, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Kiến Tường.

87- Chiến dịch Muskogee Meadow (tỉnh Quảng Nam) (6 đến 20-4-1969) 

Từ ngày 6 đến 20-4-1969, Trung đoàn 5/Sư đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ chỉ huy ba tiểu đoàn 1/5, 2/5, 3/5, mở chiến dịch Muskogee Meadow, tuần tra bảo vệ vụ mùa lúa của dân ở lòng chảo An Hòa thuộc tỉnh Quảng Nam, từ quận lỵ Dục Đức tới quận lỵ Đại Lộc và khu vực Arizona Territory.

88- Chiến dịch Dân Quyền 38 (tỉnh Kontum) (6-4 đến 12-5-1969) 

Từ ngày 6-4 đến 12-5-1969, Biệt khu 24 chiến thuật chỉ huy Tiểu đoàn 23 biệt động quân Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Dân Quyền 38, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Kontum.

89- Các chiến dịch Ellis Ravine, Massachusetts Bay (tỉnh Quảng Trị) (7-4 đến 15-6-1969) 

Từ ngày 7 đến 13-4-1969, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/11 bộ binh, Tiểu đoàn 3/5 và Đại đội A/4/12 kỵ binh, mở chiến dịch Ellis Ravine tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Quân Mỹ đã lùng sục trên tỉnh lộ 556 và tất cả tuyến đường mòn chạy dọc theo thung lũng Ba Lòng từ Ca Lu tới bãi đáp Sharon, để tìm quét quân Việt Cộng.

Từ ngày 23-4 đến 15-6, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 Mỹ mở tiếp chiến dịch Massachusetts Bay, đưa quân trở về dãi đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Trị và liên tục hành quân tìm quét cộng quân, trong đó tập trung tại khu vực từ bãi đáp Sharon tới bãi Wunder Beach gần thôn Mỹ Thủy.

90- Chiến dịch Silver Mace 2 (tỉnh An Xuyên) (7 đến 18-4-1969) 

Từ ngày 7 đến 18-4-1969, Hải quân  và Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa phối hợp với Hải quân và Không quân Mỹ mở chiến dịch Silver Mace 2, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh An Xuyên. Quân Mỹ tham chiến gồm Giang đoàn 13 xung phong Hải quân, Đội tàu PCF 13 của Chiến đoàn 115, Đội trực thăng của Phi đoàn 3 trực thăng tấn công. Quân Việt Nam Cộng Hòa gồm hai giang đoàn xung phong Hải quân, hai tiểu đoàn 4 và 6 TQLC. Quân đồng minh đã tập kích sâu vào nơi ẩn náu của cộng quân trong khu rừng Năm Căn thuộc bán đảo Cà Mau ở cực nam Việt Nam Cộng Hòa. Địa bàn hành quân chiến đấu diễn ra trong khu vực giữa các con sông Năm Căn, sông Dương Keo và sông Bồ Đề.

91- Các chiến dịch Hunter 2, Strangler 2 (tỉnh Gia Định, Long An) (8-4 đến 5-5-1969) 

Từ ngày 8 đến 10-4-1969, Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ Mỹ mở chiến dịch Hunter 2, hành quân do thám địch tình quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Long An.

Từ ngày 29-4 đến 5-5, Lữ đoàn 199 mở tiếp chiến dịch Strangler 2, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Gia Định.

92- Các chiến dịch Atlas Power, Toàn Thắng/2/64 (tỉnh Bình Dương, Phước Long) (10-4 đến 26-6-1969) 

Từ ngày 10 đến 15-4-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/28 bộ binh và Tiểu đoàn 1/4 kỵ binh mở chiến dịch Atlas Power, để nối tiếp theo chiến dịch Atlas Wedge, tìm quét quân Việt Cộng tại đồn diền cao su Michelin, thuộc tỉnh Bình Dương.

Từ ngày 21-4 đến 26-6, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ mở chiến dịch Toàn Thắng/2/64, liên tục hành quân tuần tra khai thông liên tỉnh lộ 1 từ quận lỵ Phước Vĩnh (tỉnh Bình Dương) tới quận lỵ Đồng Xoài – Bunard (tỉnh Phước Long), và hương lộ 311 từ Bunard tới tỉnh lỵ Phước Bình (tỉnh Phước Long), đồng thời bảo vệ cho Tiểu đoàn 301 công binh Việt Nam Cộng Hòa đang tu sửa, nâng cấp cầu đường dọc theo hai tuyến đường nói trên.

 

93- Chiến dịch Quyết Thắng/21/17 (tỉnh Chương Thiện) (10 đến 12-4-1969) 

Từ ngày 10 đến 12-4-1969, Sư đoàn 21 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng/21/17, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Chương Thiện.

94- Giao tranh ở các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc (11 đến 14-4-1969)

Từ đêm 11 đến 14-4-1969, cộng quân Tây Nam Bộ và Tỉnh đội Vĩnh Long tấn công liên tục vào 22 vị trí quân Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ tại hai tỉnh lỵ Vĩnh Long, Sa Đéc, 4 chi khu quân sự và nhiều đồn bót thuộc hai tỉnh này. Chỉ trong 4 ngày mà đôi bên đã dụng độ và giao tranh tại khu vực này 56 trận. Quân Mỹ chết 18, bị thương 124; quân VNCH chết 205, bị thương 677; thiệt hại gần 40 máy bay. Cộng quân bỏ lại trận 734 xác và 239 thương binh; bị bắt và ra hàng 109.                   

95- Các chiến dịch Dân Thắng 69, Washington Green, Wayne Javelin (tỉnh Bình Định) (13-4-1969 đến 1-1-1971) 

Từ ngày 13-4 đến 18-10-1969, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ di chuyển toàn bộ lực lượng bản bộ về căn cứ Camp Radcliff tại An Khê, tỉnh Bình Định, để thay thế Lữ đoàn 173 không vận Mỹ trấn giữ tại đây, đồng thời mở một địa bàn chiến dịch mới mật danh Wayne Javelin, trấn giữ và liên tục hành quân tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực tam giác An Khê – Kannack – Vĩnh Thạnh.

Sau khi chuyển quân tới đóng tại bãi đáp English/Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, Lữ đoàn 173 Mỹ chỉ huy các tiểu đoàn bộ binh 1/503, 2/503, 4/503, mở chiến dịch dài hạnWashington Green từ ngày 15-4-1969 đến 1-1-1971, tìm quét quân Việt Cộng và hỗ trợ cho Sư đoàn 22 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa thực hiện chương trình bình định nông thôn tại khu vực đông bắc tỉnh Bình Định, trong đó trọng điểm số một là tập trung giải tỏa an ninh thung lũng An Lão. Trong chiến dịch này, quân Mỹ chết 64, bị thương 373; cộng quân bỏ lại trận 1.957 xác và thương binh.

Từ ngày 18-4 đến 31-12-1969, Sư đoàn 22 bộ binh VNCH mở chiến dịch Dân Thắng 69, tìm quét cộng quân tại địa bàn tỉnh Bình Định, và cũng để phối hợp với chiến dịch Washington Green.

Ngày 23-12-1969, Tiểu đoàn 3/506 bộ binh và Pháo đội D/2/320 Mỹ rút khỏi chiến dịch Spragins White, để từ Ban Mê Thuột không vận về An Khê trở lại đơn vị cũ là Lữ đoàn 173. Ngay sau đó, hai đơn vị này lại chuyển quân tới bãi đáp English để tham gia chiến dịch Washington Green. Từ ngày 19-1 đến 29-2-1970, Lữ đoàn 173 chỉ huy Tiểu đoàn 3/506 bộ binh lùng sục kỹ ngọn đồi 474 trên rìa phía đông thung lũng An Lão.

96- Các chiến dịch Greene Lion, Greene Orange, Greene Typhoon, Putnam Tiger (tỉnh Kontum, Pleiku) (14-4 đến 22-9-1969) 

Trong tháng 4-1969, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ mở liên tiếp bốn chiến dịch tìm quét cộng quân.

– chỉ huy Tiểu đoàn 2/35 mở chiến dịch Greene Orange từ ngày 14 đến 27-4 tại tỉnh Pleiku.

– chỉ huy Lữ đoàn 2 mở chiến dịch Putnam Tiger từ ngày 16-4 đến 22-9, tại thung lũng Krong Bolah, từ Plei Mrong tới dãy núi Chu Pa thuộc địa bàn hai tỉnh Kontum và Pleiku. Trong chiến dịch này, quân Mỹ chết 435; cộng quân bỏ lại trận 563 xác.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/35 mở chiến dịch Greene Typhoon từ ngày 17-4 đến 1-5 tại tỉnh Pleiku.

– chỉ huy hai tiểu đoàn 1/35, 2/35 mở chiến dịch Greene Lion trong hai ngày 21 và 22-4 tại tỉnh Pleiku.

97- Đợt bãi công, biểu tình ở Sài Gòn (17-4 đến 1-5-1969)

Từ ngày 17-4 đến 1-5-1969, mật vụ Việt Cộng nằm vùng tổ chức một chiến dịch đấu tranh chánh trị lôi kéo giới công nhân và lao động Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định nhằm mục tiêu chống chánh quyền, chống Mỹ, đòi cải thiện lương bổng, gây bất an cho xã hội miền Nam.

Trong đó, cao điểm cuộc đấu tranh là từ ngày 27-4 đến 1-5-1969. Vào những ngày này, mật vụ cộng quân tổ chức được 5.400 công nhân bến tàu Sài Gòn thuộc hơn 20 nghiệp đoàn thương cảng Sài Gòn bãi công đòi tăng lương, chống sa thải, chống bắt quân dịch đi lính đánh nhau với Việt Cộng, gây đình trệ nghiêm trọng cho hoạt động xuất nhập cảng ở Sài Gòn.

98- Lon Nol làm thủ tướng Cambodia (18-4-1969)

Năm 1968, Đảng Nhân dân cách mạng Khmer (tức lực lượng Khmer Đỏ) công khai đổi tên thành Đảng Cộng sản Khmer, cùng với quân Việt Cộng tha hồ tự tung tự tác tại Cambodia.

Thống chế Lon Nol được quốc trưởng Norodom Sihanouk cử làm thủ tướng Cambodia từ 18-4-1969, sau khi củng cố được thực lực, đã bắt đầu công khai phản đối chánh sách của Sihanouk dung dưỡng quân Việt Cộng. Lon Nol đưa ra tuyên bố quân Việt Cộng phải rút khỏi các căn cứ ở Cambodia và không được dùng cảng Sihanouk vào việc vận chuyển hậu cần. Quân Khmer Đỏ cũng bắt đầu yêu cầu quân Việt Cộng rút khỏi các căn cứ Khmer Đỏ ở Cambodia.

Việt Cộng từ chối yêu cầu của Chánh phủ Lon Nol đòi rút quân, thậm chí còn đưa thêm 4.000 lính cộng sản Khmer từng tập kết ra Hà Nội năm 1954 trở về Cambodia cùng với Saloth Sar phát triển Đảng Cộng sản Khmer và Mặt trận kháng chiến Khmer Đỏ và đẩy mạnh hoạt động.

35- Hội đàm giữa Châu Ân Lai và phái đoàn Việt Cộng (Bắc Kinh, 20-4-1969)

Tháng 4-1969, phái đoàn Việt Cộng gồm Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hoàng Văn Thái dẫn đầu sang thăm Bắc Kinh và có cuộc hội đàm với thủ tướng Trung cộng Châu Ân Lai (Bài dịch của Ngọc Thu từ Cold War International History Project – Woodrow Wilson Center).

Chu Ân Lai, Khang Sinh nói chuyện với Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Phạm Hùng và phái đoàn Trung ương Cục miền Nam (Bắc Kinh, 20-4-1969)

Mô tả: Chu Ân Lai thừa nhận rằng Nixon công nhận Campuchia và nhìn thấy những vấn đề liên hệ. Chu Ân Lai cảnh báo Việt Nam về việc bị những người xét lại của Liên Xô lừa dối trong quá trình đàm phán với Mỹ. Khang Sinh phê bình số người Việt Nam đang được gửi ra nước ngoài học.

– Chu Ân Lai: Các tiến triển mới được nhìn thấy ở Đông Dương. Chúng ta phải thừa nhận rằng Nixon thông minh hơn Johnson. Ông ta thiết lập quan hệ ngoại giao với Campuchia và công nhận biên giới Campuchia với các nước láng giềng. Theo như tình hình ở Campuchia, chúng tôi không lạc quan như các ông. Mặc dù (Sihanouk) thực hiện chính sách hai mặt, ông ta đang nghiêng về bên phải. Mỹ cũng biết rằng Trung Quốc đang cung cấp trang thiết bị cho các lực lượng ở miền Nam Việt Nam qua ngả Campuchia và lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đang sử dụng một phần lãnh thổ Campuchia cho các chiến dịch của họ (1).

Vì chúng ta là đồng chí với nhau, tôi muốn nói chuyện thẳng thắn. Các ông thường nói với chúng tôi rằng: ‘Chúng tôi quyết tâm chiến đấu và chính chúng tôi tự quyết định’. Dĩ nhiên, bất kỳ đảng và quốc gia nào cũng có quyền ra quyết định cho số phận của mình. Và rất tốt để có một quyết tâm và niềm tin như thế. Nhưng là anh em, chúng ta phải nói chuyện với nhau một cách cởi mở, vì vậy tôi nói không thể nghĩ rằng các ông có thể đánh lừa Mỹ và những người xét lại của Liên Xô với chiến thuật của các ông. Chúng tôi có phần lo ngại, rằng các ông sẽ bị họ lừa. Chúng ta phải thận trọng vì cả Liên Xô và Mỹ đều là đầu sỏ đế quốc.

Các ông có thể nghĩ rằng với đề nghị của các ông về việc thành lập một chính phủ hòa bình và sự rút lui của quân đội Mỹ sau đó, các ông có thể bẫy họ. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ, đề nghị của các ông sẽ làm cho người dân ít cảnh giác hơn và không nhìn thấy các nguyên tắc. Trong quá trình đàm phán, nếu các ông không chấp nhận lời khuyên của họ (Liên Xô), họ có thể cắt viện trợ (có lẽ các ông biết điều này hơn chúng tôi). Liên Xô có thể gây áp lực, buộc các ông phải thương lượng khi các ông không muốn hoặc họ có thể nhận và bí mật liên lạc với một chính phủ trung lập. Nếu trường hợp này xảy ra, Đảng và người dân Việt Nam sẽ ở trong tình huống nào? Các ông nên cân nhắc cẩn thận. Người Xô Viết nói về hòa bình và chủ nghĩa xã hội, nhưng điều mà họ thực sự muốn là bảo vệ lợi ích của họ. Tôi vẫn kiên định những gì tôi nói với đồng chí Phạm Văn Đồng và Mười Cúc trước đây, rằng các ông không nên phí tiền bạc và (thời gian của) các viên chức cho các cuộc đàm phán ở Paris.

Hội đàm giữa Khang Sinh và phái đoàn Việt Cộng (Bắc Kinh, 21-4-1969)

– Khang Sinh: Nhiều sinh viên miền Bắc Việt Nam và các học viên đã được gửi ra nước ngoài. Có vẻ như các ông có nguồn tài nguyên về con người phong phú, để các ông có thể gửi người ra nước ngoài, đồng thời không gặp khó khăn trong việc cung cấp nhân lực cho các lực lượng vũ trang cũng như các lực lượng sản xuất. Hiện có khoảng 6.000 sinh viên Việt Nam và học viên ở Trung Quốc. Sẽ tốt hơn không, nếu những người này được tổ chức thành 10 đơn vị chiến đấu và được gửi đến chiến trường? Kẻ thù ở miền Nam đang bị thiệt hại về người, nhưng lực lượng của họ cũng được gia cố với một tốc độ nhanh chóng. Cùng lúc, Trung Quốc có một số vấn đề khó khăn. Chúng tôi muốn các ông cân nhắc vấn đề này nhằm sử dụng hợp lý và tốt hơn nguồn nhân lực của các ông.

Ghi chú: 1. Mỹ bắt đầu bí mật ném bom ở phía Đông Campuchia vào ngày 18.

99- Chiến dịch Liên Kết 54 (tỉnh Quảng Tín) (20-4 đến 26-8-1969) 

Từ ngày 20-4 đến 26-8-1969, Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Trung đoàn 5 mở chiến dịch Liên Kết 54, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực cách tỉnh lỵ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín 20 cây số về phía tây nam.

100- Các chiến dịch Bristol Boots, Lam Sơn 274, 275, 276, 277, 278, 279 (tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên) (22-4 đến 30-6-1969) 

Từ cuối tháng 4-1969, Liên đội 7 kỵ binh Việt Nam Cộng Hòa mở liên tiếp và cùng lúc các chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn phía bắc Vùng 1 chiến thuật. 

– mở chiến dịch Lam Sơn 274 từ ngày 22-4 đến 13-6, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên.

– mở chiến dịch Lam Sơn 275 từ ngày 25-4 đến 30-6, tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Từ ngày 24-4 đến 15-5, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 101 không vận Mỹ chỉ huy các tiểu đoàn bộ binh 1/327, 2/327, 2/502, phối hợp với Liên đội 3/Trung đoàn 5 kỵ binh Mỹ và Tiểu đoàn 1/54 của Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam, mở chiến dịch Bristol Boots, tìm quét cộng quân tại thung lũng Ruông Ruông, tỉnh Thừa Thiên. Trong khi bộ binh đồng minh mở các cuộc đột kích đường không thì quân thiết kỵ thẳng tiến theo tỉnh lộ 545 tiến về thung lũng. 

Từ ngày 25-4 đến 30-6-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở cùng lúc ba chiến dịch hành quân do thám địch tình quân Việt Cộng tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.

– chỉ huy Trung đoàn 1 mở chiến dịch Lam Sơn 276 tại khu vực cách quận lỵ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị 5 cây số về phía tây nam.

– chỉ huy Trung đoàn 2 mở chiến dịch Lam Sơn 277 tại khu vực cách quận lỵ Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị 4 cây số về phía tây bắc.

– chỉ huy Trung đoàn 54 mở chiến dịch Lam Sơn 279 tại khu vực cách quận lỵ Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên 5 cây số về phía đông.

Sư đoàn 1 cũng chỉ huy Trung đoàn 3 mở chiến dịch Lam Sơn 278 từ ngày 25-4 đến 7-6-1969, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên.

101- Chiến dịch Dân Phú/47/10 (tỉnh Phú Yên) (22-4 đến 26-9-1969) 

Từ ngày 22-4 đến 26-9-1969, Trung đoàn 47/Sư đoàn 22 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Dân Phú/47/10, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Phú Yên.

102- Chiến dịch Victory Dragon 10 (tỉnh Quảng Nam) (26 đến 30-4-1969) 

Từ ngày 26 đến 30-4-1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến Hàn Quốc mở chiến dịch Victory Dragon 10, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

103- Chiến dịch Greene Queen (tỉnh Darlac) (26-4 đến 6-5-1969) 

Từ ngày 26-4 đến 6-5-1969, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/35 mở chiến dịch Greene Queen, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Darlac.

104- Giao tranh ở Đà Nẵng (27-4-1969)

Đêm 27-4-1969, cộng quân Quân khu 5 và Tỉnh đội Quảng Đà tấn công vào khu hậu cần lớn của quân Mỹ ở cạnh sân bay Đà Nẵng, phá hủy hơn 1.000 tấn bom đạn, hơn 10 xe quân sự, 7 máy bay, cháy hơn nửa triệu lít xăng, 100 nhà lính. Quân Mỹ chết 13, bị thương 36; quân VNCH chết 55, bị thương 172. Cộng quân bị phản kích chết 352, bị thương 482, bị bắt 31, thiệt hại 24 khẩu pháo và súng cối.

105- Chánh sách Việt Nam hóa chiến tranh của tổng thống Nixon (27-4-1969)

Tại Guam ngày 27-4-1969, tổng thống Nixon đề ra chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, chủ trương tập trung xây dựng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đủ sức đối phó với quân Việt Cộng để giảm bớt, rút dần và đi đến chấm dứt sự hiện diện quân Mỹ ở Việt Nam.

Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh nhằm thực hiện điểm 2 Luận thuyết Nixon là: hỗ trợ các đồng minh phát triển về mọi mặt và cùng chia xẻ trách nhiệm với Mỹ trong việc ngăn chận chiến tranh và sự bành trướng của khối cộng sản, duy trì các liên minh ở từng khu vực để cùng để cùng với Mỹ ngăn chận cộng sản bành trướng và gây rối.

Khi giải thích chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, người chịu trách nhiệm chánh thực thi chánh sách này là bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin R.Laird đã diễn đạt: Việt Nam hóa chiến tranh là Luận thuyết Nixon trong hành động, là sự áp dụng lớn lần đầu tiên luận thuyết Nixon, là trường hợp thí nghiệm và là bước tiến quyết định đầu tiên trong việc thực hiện luận thuyết Nixon, là quan điểm vạch kế hoạch mới ở châu Á. Về nội dung của Việt Nam hóa chiến tranh, trong báo cáo về đường lối đối ngoại trước quốc hội Mỹ ngày 18-2-1970, tổng thống Nixon đã nhấn mạnh hai điểm, đó là: trước tiên tăng cường Quân lực Việt Nam Cộng Hòa về số lượng, trang bị, khả năng chỉ huy, nghệ thuật tác chiến, năng lực  toàn diện và hai là mở rộng chương trình bình định. Hai nội dung này nhằm đảm bảo cho khi quân Mỹ rút hết về nước thì Việt Nam Cộng Hòa có thể tự lực đánh thắng cộng quân, bảo vệ lãnh thổ của mình.

Tổng thống Nixon và bộ trưởng Laird vạch kế hoạch thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh theo ba giai đoạn, bắt đầu từ năm 1970, kết thúc vào cuối năm 1975, và chủ trương sẽ sử dụng hải quân và không quân Mỹ làm lá chắn bảo đảm lâu dài cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

35- Hội đàm giữa Lý Tiên Niệm và Lê Đức Thọ (Bắc Kinh, 29-4-1969)

Tháng 4-1969, trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng Việt Cộng là Lê Đức Thọ dẫn đầu phái đoàn sang thăm Bắc Kinh và có cuộc hội đàm với phó thủ tướng Trung Cộng Lý Tiên Niệm (Bài dịch của Ngọc Thu từ Cold War International History Project – Woodrow Wilson Center).

Thảo luận giữa Lý Tiên Niệm và Lê Đức Thọ (Bắc Kinh, 29-4-1969)

Mô tả: Lý Tiên Niệm tư vấn cho miền Nam Việt Nam hướng tới một thắng lợi hoàn toàn và đánh giá việc đàm phán có tầm quan trọng thứ yếu.

– Lý Tiên Niệm: Vấn đề cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam không phải là chiến thắng lớn hay nhỏ, mà trong [thắng lợi] cuối cùng. Tôi vẫn còn nhớ phó chủ tịch Lâm Bưu nhấn mạnh từ ‘kiên nhẫn’. Thắng lợi cuối cùng phụ thuộc vào chiến đấu. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chiến thắng không thể đạt được tại bàn đàm phán. Chúng ta phải có quyết tâm chiến đấu chống lại kẻ thù cho đến khi họ không còn gì để dùng đến. Tóm lại, thương lượng chỉ là thứ yếu nhằm phơi bày âm mưu của kẻ thù và chúng ta phải dựa vào chiến đấu nhằm tiêu diệt kẻ thù. Đây là kinh nghiệm của chúng tôi.3

3

Các đơn vị Mỹ tại Việt Nam (mùa hè 1969)

106- Một số tình hình tháng 5-1969

Ngày 11-5-1969, tư lệnh Bộ tư lệnh quân viện Mỹ trở về Washington để báo cáo và làm việc với tổng thống Nixon. Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 14-5, Nixon đưa ra một đề nghị hòa bình, trong đó Mỹ và Bắc Việt cùng rút hết quân khỏi miền nam Việt Nam vào năm tới. Đề nghị này ngay lập tức bị Hà Nội bác bỏ.

Từ ngày 29-5 đến 2-6, Liên đội 2/Trung đoàn 1 kỵ binh Mỹ (thiếu Phân đội D) từ Plei Herel chuyển quân tới Phan Thiết để đặt dưới quyền chỉ huy hành quân của Chiến đoàn South. Liên đội 2 đã hành quân tới Quy Nhơn, rồi được hạm tàu hải quân chở vào Phan Thiết, sau đó hành quân theo quốc lộ 1 tới đóng ở căn cứ Sông Mao.

Ngày 30-5, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố đơn phương tạm ngừng mọi chiến dịch hành quân trong 24 giờ, từ 6 giờ sáng 30-5 nhân dịp lễ Phật Đản.

Trong tháng 5-1969, các đơn vị Úc sang Việt Nam, đóng tại Núi Đất, gồm: Pháo đội 101 dã chiến (1-5); Liên đội B/3 kỵ binh (13-5); Tiểu đoàn 6 Úc/Tân Tây Lan (19-7). Các đơn vị Úc rời Việt Nam gồm: Pháo đội 104 dã chiến (1-5); Liên đội A/3 kỵ binh (12-5); Tiểu đoàn 4 Úc/Tân Tây Lan (19-7). Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm: Các phi đoàn tiêm kích chiến thuật 174 (11-5), 188 (18-5),136 (25-5), 416 (27-5).

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng gồm: Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 101 không vận chuyển tới Tam Kỳ; các tiểu đoàn bộ binh 1/501, 1/502 và Tiểu đoàn 2/320 pháo binh chuyển tới Tam Kỳ; Phi đoàn 355 tiêm kích chiến thuật chuyển tới Không đoàn 31 tiêm kích chiến thuật (19-5); Tiểu đoàn 299 công binh chiến đấu chuyển tới Quy Nhơn (20-5); Tiểu đoàn 2/1 kỵ binh chuyển tới Phan Thiết (29-5 đến 2-6).

107- Các chiến dịch Cass Park 2, Daring Rebel, Gallant Leader, Pipestone Canyon, Victory Dragon 11, Victory Dragon 12, Vũ Ninh 3 (tỉnh Quảng Nam) (1-5 đến 7-11-1969) 

Trong tháng 5-1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến (Thanh Long) Hàn Quốc mở liên tiếp hai chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam: mở chiến dịch Victory Dragon 11 từ ngày 1 đến 24-5; mở chiến dịch Victory Dragon 12 từ ngày 24-5 đến 2-6-1969.

Từ ngày 2-5 đến 2-6, Biệt đội Project Delta Mỹ mở chiến dịch Cass Park 2, hành quân do thám địch tình cộng quân tại lòng chảo An Hòa, tỉnh Quảng Nam.

Từ ngày 5 đến 20-5, Chiến đoàn đổ bộ Alpha Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/26 TQLC mở chiến dịch Daring Rebel, đổ bộ lên tập kích vào giữa cồn Barrier phía nam tỉnh lỵ Hội An.

Trong khi đó, Lữ đoàn Thanh Long Hàn Quốc và quân thiết kỵ của Sư đoàn 23 bộ binh (Americal) Mỹ làm lực lượng bao vây chốt chặn xung quanh. Trung đoàn 51 bộ binh của Biệt khu Quảng Đà và Trung đoàn 54/Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa cũng phối hợp mở cuộc hành quân Vũ Ninh 3 từ ngày 5 đến 20-5, để bao vây, cách ly địa bàn, truy tìm quân Việt Cộng.

Từ ngày 23 đến 28-5, Chiến đoàn đổ bộ Alpha Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn TQLC 3/5 và 1/26, mở chiến dịch Gallant Leader, đưa quân tới khu vực phía nam quận lỵ Đại Lộc 4 cây số để thiết lập các chốt chặn phía tây khu vực Gò Nổi, để phối hợp với chiến dịch Pipestone Canyon tìm quét cộng quân đang đánh phá tại địa bàn duyên hải tỉnh Quảng Nam.

Cùng lúc đó, từ ngày 26-5 đến 7-11, Sư đoàn 1 TQLC Mỹ phối hợp với quân Việt Nam và Hàn Quốc mở chiến dịch Pipestone Canyon, đưa quân quay trở lại khu vực Gò Nổi ở phía tây tỉnh lỵ Hội An 13 cây số, vốn bị quân Việt Cộng hoành hành trong một thời gian dài. Quân Mỹ tham chiến gồm ba tiểu đoàn 1/1, 2/1, 1/4 của Sư đoàn 1 TQLC. Quân Việt Nam gồm hai tiểu đoàn 1 và 4 của Trung đoàn 51 bộ binh. Quân Hàn Quốc gồm hai tiểu đoàn 1 và 2 của Lữ đoàn Thanh Long. Ngày 28-5, đội hình chiến dịch Gallant Leader nhập chung vào chiến dịch Pipestone Canyon; riêng Tiểu đoàn đổ bộ 1/26 vẫn ở lại địa bàn chiến dịch cho tới ngày 8-6-1969 mới trở về Chiến đoàn Alpha. 

Quân đồng minh đã liên tục tuần tra tìm quét quân Việt Cộng, đồng thời tổ chức phát quang, triệt hạ hầu hết cây cối, lùm bụi trên khu vực Gò Nổi để phá bỏ những vị trí ẩn náu của cộng quân. Trong chiến dịch này, cộng quân bỏ lại trận tổng cộng 488 xác.

108- Các chiến dịch Lavarak, Mailed Fist, Reynella, Roadside, Twickenham 1&2 (tỉnh Biên Hòa và Phước Tuy) (1-5 đến 30-6-1969) 

Trong tháng 5-1969, Chiến đoàn 1 Úc mở liên tiếp 5 chiến dịch hành quân.

– chỉ huy Phân đội B/1 thiết giáp mở chiến dịch Mailed Fist từ ngày 1 đến 31-5, hành quân do thám quân Việt Cộng và tham gia hoạt động bình định tại quận Đức Thành, tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 Úc mở chiến dịch Twickenham 1&2, từ ngày 2-5 đến 1-6, hành quân do thám địch tình cộng quân tại núi Dinh, tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Tiểu đoàn 9 Úc mở chiến dịch Reynella từ ngày 8-5 đến 15-6-1969, hành quân giải tỏa an ninh tại các quận Long Điền và Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 Úc trở về Biên Hòa mở chiến dịch Roadside từ ngày 13 đến 22-5, để bẻ gãy một kế hoạch tập kích của cộng quân vào khu tổng kho Long Bình, mở liên tục các cuộc hành quân do thám địch tình dọc theo quốc lộ 1 từ tỉnh lỵ Biên Hòa tới giáp ranh tỉnh Long Khánh. 

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 Úc và Tiểu đoàn 6 Úc/Tân Tây Lan mở chiến dịch Lavarak từ ngày 30-5 đến 30-6, hành quân do thám địch tình cộng quân tại khu vực cách xã Bình Ba 8 cây số về phía đông bắc, thuộc vùng trung bắc tỉnh Phước Tuy.

109- Các chiến dịch Cameron Falls, Herkimer Mountain, Virginia Ridge (tỉnh Quảng Trị) (1-5 đến 23-6-1969) 

Từ ngày 1-5 đến 16-6-1969, Trung đoàn 3/Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ mở chiến dịch Virginia Ridge, tìm quét quân Việt Cộng tại phía nam khu phi quân sự thuộc tỉnh Quảng Trị. Trong khi Tiểu đoàn 2/3 ở lại bảo vệ căn cứ Cồn Tiên, hai tiểu đoàn 1/3 và 3/3 mở cuộc tập kích cơ động đường không xuống khu vực cách quận lỵ Cam Lộ 8 cây số về phía tây bắc, tiến vào thung lũng Helicopter ở giữa Cồn Tiên và dãy núi Mutter, để chặn đứng một cuộc đột nhập của quân Bắc Việt vào khu vực quốc lộ 9. Trong chiến dịch này, cộng quân bỏ lại trận 560 xác.

Sau khi kết thúc chiến dịch Purple Martin, Trung đoàn 4/Sư đoàn 3 TQLC Mỹ chỉ huy 4 tiểu đoàn 2/4, 3/4, 2/9, 3/9, mở tiếp chiến dịch Herkimer Mountain từ ngày 8-5 đến 16-6, tìm quét cộng quân tại cùng địa bàn cũ thuộc tỉnh Quảng Trị, cách dãy núi Rockpile 10 cây số về phía tây bắc.

Sau khi rút khỏi chiến dịch Apache Snow, Trung đoàn 9/Sư đoàn 3 TQLC Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn 2/9 và 3/9 mở chiến dịch Cameron Falls từ ngày 29-5 đến 23-6, từ bãi đáp Razor theo nhiều ngã đường rừng lùng sục kỹ thung lũng Da Krong về phía bắc cho tới căn cứ Vandegrift, để tìm quét cộng quân.

110- Các chiến dịch Greene Basket, Greene Gallop, Greene Orange 2, Greene Orange 3, Greene Typhoon 2 (tỉnh Pleiku) (2-5 đến 4-8-1969) 

Trong tháng 5-1969, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ mở liên tiếp các chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Pleiku.

– chỉ huy hai tiểu đoàn 1/14 và 1/35 mở chiến dịch Greene Orange 2 từ ngày 2 đến 5-5.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/14 bộ binh mở chiến dịch Greene Orange 3 từ ngày 5-5 đến 4-8.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/35 bộ binh mở chiến dịch Greene Typhoon 2 từ  5-5 đến 21-6.

– chỉ huy Lữ đoàn 3 mở chiến dịch Greene Basket từ ngày 15-5 đến 21-6.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/10 kỵ binh mở chiến dịch Greene Gallop từ ngày 18-5 đến 30-6, hành quân tuần tra bảo vệ an ninh các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh.

111- Các chiến dịch Dirty Devil, Guess What, Guess Who (tỉnh Biên Hòa, Bình Dương và Hậu Nghĩa) (2 đến 24-5-1969) 

Trong tháng 5-1969, Sư đoàn 82 không vận Mỹ mở liên tiếp các chiến dịch tại địa bàn ba tỉnh Biên Hòa, Bình Dương và Hậu Nghĩa.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/508 bộ binh mở chiến dịch Dirty Devil từ ngày 2 đến 24-5, tìm diệt quân Việt Cộng tại hai tỉnh Bình Dương và Hậu Nghĩa.

– chỉ huy hai đại đội A, B/Tiểu đoàn 2/205 bộ binh và Đại đội A/2/34 thiết giáp, mở chiến dịch Guess Who từ ngày 9 đến 11-5, hành quân bao vây cách ly địa bàn, truy tìm quân Việt Cộng tại xã Tân Thạnh Đông, tỉnh Bình Dương, cách tỉnh lỵ Phú Cường 8 cây số về phía tây nam.

– chỉ huy hai đại đội C,D/Tiểu đoàn 2/205 bộ binh mở chiến dịch Guess What trong hai ngày 13 và 14-5, tập kích đường sông xuống khu vực tây bắc quận Dĩ An, tỉnh Biên Hòa.

112- Chiến dịch Liên Kết 63 (tỉnh Quảng Ngãi) (2-5 đến 31-8-1969) 

Từ ngày 2-5 đến 31-8-1969, Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Trung đoàn 6 mở chiến dịch Liên Kết 63, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

113- Chiến dịch Đắc Tô 3 – Loạt trận giao tranh ở bắc Kontum (5-5 đến 17-6-1969)

Từ đêm mồng 5-5 đến 17-6-1969, cộng quân Tây Nguyên mở chiến dịch Đắc Tô 3 để đối phó với chiến lược Quét và giữ của liên quân Việt-Mỹ tại khu vực Tây Nguyên và Khu 5, liên tục tấn công vào nhiều căn cứ và vị trí quân đồng minh ở bắc Kontum như căn cứ hành quân liên hợp Mỹ-Việt trong khu vực sân bay Đắc Tô, sân bay Kontum, quận lỵ Tân Cảnh, bao vây trại lực lượng đặc biệt Plei Cần.

Ngược lại trong thời gian này, Biệt khu 24 Việt Nam Cộng Hòa cũng huy động 12 tiểu đoàn chủ lực mở cuộc hành quân truy quét cộng quân ở vùng Tân Cảnh (bắc Kontum). Tính ra, trong gần một tháng rưỡi, đôi bên đã đụng độ và giao tranh 137 trận lớn nhỏ. Quân Mỹ chết 43, bị thương 172; quân VNCH chết 135, bị thương 488; thiệt hại 68 máy bay, 71 xe quân sự (có 34 xe tăng, thiết giáp), 8 kho xăng, 109 nhà lính, lô cốt. Cộng quân bỏ lại trận 1.061 xác và 814 thương binh; bị bắt và ra hàng 75, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

114- Loạt trận giao tranh ở hai tỉnh Bình Long, Tây Ninh (5 đến 14-5-1969)

Từ đêm mồng 5 đến 14-5-1969, cộng quân miền Đông Nam Bộ liên tục tấn công vào căn cứ Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ, đánh 25 trận vào 16 căn cứ và vị trí của sư đoàn này ở Phước Vĩnh, Texniq, Lai Khê, Minh Thạnh, Cần Lê, Trảng Lớn, Bàu Cỏ, Trà Ôn, Lovia, Núi Ông….thuộc hai tỉnh Bình Long, Tây Ninh. Kết quả, quân Mỹ chết 23, bị thương 146, thiệt hại 7 máy bay, 15 xe quân sự, 5 súng lớn. Cộng quân bỏ lại trận 1.010 xác và 376 thương binh; bị bắt và ra hàng 142; thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.  

115- Hoạt động của Việt Cộng (tháng 5-1969)

Từ ngày 8-5-1969, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa 3 họp hội nghị 16 bàn về tình hình và nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.  

Ngày 10-5, Trung ương cục và mật vụ Việt Cộng thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn gồm 7 ủy viên, do giáo sư Nguyễn Văn Chì làm chủ tịch.

Ngày 23-5, đoàn đại biểu Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và đoàn đại biểu Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam họp hội nghị hiệp thương, thảo luận vấn đề triệu tập Đại hội đại biểu để cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời. Đây là một động thái hình thức để hợp thức hóa chỉ đạo cụ thể chiến lược của Trung ương đảng Việt Cộng và Trung ương cục miền Nam.

116- Chiến dịch Dong Bo 7 (tỉnh Ninh Thuận) (9 đến 11-5-1969) 

Từ ngày 9 đến 11-5-1969, Trung đoàn 30/Sư đoàn 9 bộ binh (Bạch Mã) Hàn Quốc chỉ huy Tiểu đoàn 2 mở chiến dịch Dong Bo 7, mở cuộc tập kích đường không xuống đỉnh Núi Tào thuộc tỉnh Ninh Thuận, cách vịnh Cam Ranh 20 cây số về phía tây nam, để truy tìm tung tích Sư đoàn 5 Bắc Việt đang đánh phá tại địa bàn phía nam Vùng 2 chiến thuật. Vào ngày 9, Tiểu đoàn 2 Hàn nhảy dù xuống núi Tào, lùng sục các hang động và hầm hào trên núi. Tính đến khi kết thúc hành quân, quân Hàn chết 3, bị thương 1; quân Việt Cộng bỏ lại 155 xác.

117- Chiến dịch Apache Snow (tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên) (10-5 đến 7-6-1969) – Trận Đồi Hamburger (10 đến 20-5-1969) – Trận Động Tranh (12-5-1969)

Từ ngày 10-5 đến 7-6-1969, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 101 không vận Mỹ phối hợp với quân Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Apache Snow, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn biên giới hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên. Quân Mỹ tham chiến gồm các tiểu đoàn bộ binh 3/187, 2/501, 1/506, 2/506. Quân VNCH gồm bốn tiểu đoàn 1, 2, 3, 4 của Trung đoàn 1 và ba tiểu đoàn 1, 2, 3 của Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 1 bộ binh. Ngay lúc đó, Trung đoàn 9/Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ cũng cho ba tiểu đoàn 1/9, 2/9, 3/9 từ Bắc Quảng Trị vào tham gia chiến dịch, mở lại căn cứ hỏa lực Razor và thiết lập các chốt chặn dọc theo tỉnh lộ 922 ở phía nam thung lũng Da Krong.

Quân đồng minh đã tập trung lùng sục khu vực phía bắc thung lũng A Sầu. Sau khi mở một căn cứ hỏa lực ở Tà Bạt, năm tiểu đoàn đồng minh 1/1, 4/1, 3/187, 2/501, 1/506, đã tập kích đường không dọc theo biên giới giáp Lào về phía tây bắc và tây nam để khóa chặt bất kỳ con đường rút lui nào của cộng quân về Lào. Hai cánh quân từ hai hướng tiến vào thung lũng. Cánh quân VNCH chọc thủng phòng tuyến ngoại vi tây bắc, chiếm cụm doanh trại tiền tiêu phía bắc, khống chế các cuộc chuyển quân của đối phương trong thung lũng. Cánh quân Mỹ trong ba ngày liền cho máy bay không tập và pháo binh hỏa tập dữ dội vào các điểm tập trung của cộng quân, đến ngày thứ tư thì quân Mỹ nhảy dù và trực thăng vận chiếm lãnh trận địa ở dãy núi Ấp Bia bao quanh thung lũng A Sầu.

Từ ngày 10 đến 20-5, đôi bên giao tranh ác liệt ở khu Động Ấp Bia.

Khu vực hành quân Apache Snow là một vùng rừng núi hiểm trở ở phía tây quốc lộ 12, cách thành phố Huế 50 cây số về phía tây nam. Trong khu vực có ngọn núi Ấp Bia (A Bia) cao 937 mét, nằm ngay biên giới Lào – Việt như bức bình phong án ngữ các căn cứ A Lưới, Tà Bạt, A Sha.

Ngày 10-5, quân đồng minh gồm bốn tiểu đoàn 2/3, 3/187, 2/501, 1/506, đã chiếm được Đồi 937, còn gọi là Động Ấp Bia hay Đồi Hamburger. Trong đó, Tiểu đoàn 1 Mỹ do trung tá Honeycutt chỉ huy nhảy dù bất ngờ tấn công giữa đội hình đối phương chiếm ngọn đồi X trong dãy núi Ấp Bia.

Ngày 12-5, Trung đoàn bộ binh 8 Bắc Việt xung phong lên định chiếm lại phía tây ngọn đồi 937. Một trận giáp lá cà đẫm máu diễn ra suốt hai giờ liền, khiến quân Mỹ chết 37, bị thương 75; Cộng quân bị đẩy lui, bỏ lại 260 xác. Từ đó cho đến 20-5, cộng quân ba lần xung phong lên đồi đều thất nặng với tổng cộng 597 chết, 870 bị thương, cuối cùng bị quân đồng minh truy kích phải rút sang Lào. Quân Mỹ chết 54, bị thương 125.

Loạt trận núi Ấp Bia đã diễn ra kinh hồn, mà một phóng viên ngoại quốc tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm thi thể không toàn vẹn vì bom đạn phi pháo của cán binh cộng quân bỏ lại trên sườn đồi đẫm máu đã bàng hoàng thốt lên “Hambuger Hill !” và sau đó cái tên Đồi Thịt Băm thông dụng trở thành tên của ngọn núi Ấp Bia và trận chiến đẫm máu vào mùa xuân năm 1969. Pháo binh, không quân Mỹ, trong đó có các pháo đài bay B.52 đã giội xuống đội hình cộng quân hơn một triệu cân Anh bom hạng nặng, trong đó có 152.000 cân Anh bom lửa, khiến cho toàn bộ đồi núi, cỏ cây và hàng trăm cán binh cộng quân đang mai phục tại đây phần lớn đều cháy tan thành tro bụi, các sườn đồi ngập tràn thi thể không toàn vẹn.

Tại Động Tranh cũng diễn một trận đẫm máu trong loạt trận giao tranh ở Thừa Thiên vào lúc này. Động Tranh là một căn cứ kiên cố của quân Mỹ trấn đóng ven đường số 12, cách Huế 20 cây số về phía tây nam, do một trung đoàn thuộc Sư đoàn 101 Mỹ trấn giữ. Đêm 12-5, cộng quân Trị Thiên tấn công vào căn cứ Động Tranh, đến sáng hôm sau bị đẩy lui. Kết quả, quân Mỹ chết 13, bị thương 72, thiệt hại 6 xe tăng, 10 xe vận tải, 1 trực thăng, 6 khẩu pháo lớn, 1 kho đạn. Cộng quân bỏ lại trận 150 xác, 115 thương binh và nhiều thiết bị quân sự.                   

Cuộc hành quân Việt – Mỹ kết thúc sau 27 ngày giao tranh. Quân Mỹ chết 82, bị thương 280; quân VNCH chết 5, bị thương 27. Cộng quân chết 825, bị thương 1.027, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự, trong đó bỏ lại trận 482 võ khí cá nhân và 161 súng cộng đồng.

118- Chiến dịch Hè 1969 (11 đến 31-5-1969)

Từ đêm 11-5 đến cuối tháng 5-1969, quân Việt Cộng tiếp tục mở một loạt trận tấn công vào hàng trăm căn cứ, vị trí quân Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh tại hơn 30 thành phố, tỉnh lỵ, gần 100 quận lỵ, chi khu quân sự.  Đặc biệt cao điểm là vào ngày 12-5-1969, quân Việt Cộng đã:

– Tấn công một loạt 57 căn cứ đầu não Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh từ cấp trung đoàn trở lên như các sở chỉ huy Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3, Bộ tư lệnh Liên đoàn biệt động quân, Tổng nha Cảnh sát, các bộ tư lệnh Sư đoàn Americain, Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ…

– Tấn công 41 sân bay quân sự, trong đó có những sân bay lớn như Tân Sơn Nhứt, Biên Hòa, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai…

– Tấn công 25 khu vực hậu cần quan trọng như Cửa Việt, Đà Nẵng, Đắc Tô, Kontum, Long Bình…

Trong gần 30 ngày, tổng cộng đôi bên đã đụng độ và giao tranh 225 trận lớn nhỏ.

Phối hợp với tấn công quân sự, ở nhiều vùng nông thôn, du kích cộng quân cũng tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chánh trị, đặt mìn, ám sát… để gây rối nội tình Việt Nam Cộng Hòa. Kết quả, quân Mỹ chết 365, bị thương 1.757; quân đồng minh các nước khác chết 226, bị thương 393; quân VNCH chết 2.080, bị thương 6.489, bị bắt 150; thiệt hại 90 máy bay, 155 xe quân sự (có 31 xe thiết giáp), 8 tàu chiến. Cộng quân chết 14.142, bị thương 24.920, bị bắt và ra hàng 721, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.  

4.jpg

119- Chiến dịch Trị Thiên (11 đến 14-5-1969)

Nằm trong kế hoạch tổng tấn công toàn miền Nam, từ đêm 11 đến 14-5-1969, cùng lúc với cuộc tấn công vào hơn 20 vị trí và căn cứ quân sự Việt-Mỹ trên khắp chiến trường Trị Thiên-Huế, cộng quân Trị Thiên cũng phản kích dữ dội vào căn cứ hành quân của Sư đoàn 101 không vận Mỹ ở Động Tranh, trên đường số 12 cách Huế 20 cây số về phía tây nam, chận đánh liên quân hỗn hợp Việt-Mỹ gồm Lữ đoàn 3/101 Mỹ và một trung đoàn của Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa đang hành quân ở vùng núi A Bia, vùng A Lưới và dọc đường số 12.

Sau 4 ngày đụng độ và giao tranh 38 trận lớn nhỏ tại tỉnh Thừa Thiên từ 11 đến 14-5-1969, quân Mỹ chết 88, bị thương 426; quân VNCH chết 194, bị thương 272, bị bắt 15; thiệt hại 10 xe quân sự , 9 trực thăng. Cộng quân chết 1.009, bị thương 1.630, bị bắt và ra hàng 34, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                  

120- Giao tranh ở tỉnh Quảng Ngãi (11-5-1969)

Nằm trong kế hoạch tổng tấn công toàn miền Nam, đêm 11-5-1969, cộng quân Quân khu 5 và Tỉnh đội Quảng Ngãi đồng loạt tấn công hơn 50 căn cứ và vị trí liên quân Việt-Mỹ ở tỉnh lỵ Quảng Ngãi, như sở chỉ huy Sư đoàn 2 Việt Nam Cộng Hòa, khu trung tâm truyền tin, khu cảnh sát dã chiến, sân bay Quảng Ngãi và nhiều đồn trại của cảnh sát trên các đường phố Quảng Ngãi.

Sau 1 đêm giao tranh, quân Mỹ chết 18, bị thương 33; quân VNCH chết 57, bị thương 142; thiệt hại 5 xe thiết giáp, 9 đại bác, 1 nhà máy điện, 1 trạm ra đa, hàng trăm lô cốt và công trình kiến trúc. Cộng quân chết 317, bị thương 406, bị bắt và ra hàng 22, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

121- Giao tranh ở tỉnh Pleiku (11-5-1969)

Nằm trong kế hoạch tổng tấn công toàn miền Nam, đêm 11-5-1969, cộng quân Tây Nguyên gồm 2 trung đoàn chủ lực phối hợp với Tiểu đoàn 631 Tỉnh đội Gia Lai tập kích vào hậu cứ Lữ đoàn 3 bộ binh/Sư đoàn 4 Mỹ ở Tân Lạc, cách tỉnh lỵ Pkeiku 23 cây số về phía tây nam. Giao tranh ác liệt đến tối 12-5 thì cộng quân rút lui. Kết quả, quân Mỹ chết 15, bị thương 46. Cộng quân chết 117, bị thương 130. Đôi bên thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

122- Giao tranh ở tỉnh Biên Hòa (11-5-1969) 

Nằm trong kế hoạch tổng tấn công toàn miền Nam, cộng quân Đông Nam Bộ tập kích vào căn cứ đóng quân của 1 tiểu đoàn quân Thái Lan ở Bình Sơn. Đến sáng 11-5, cộng quân rút lui. Kết quả, quân Thái Lan chết 15, bị thương 37. Cộng quân chết 101, bị thương 180.

123- Chiến dịch Caesar 1&2 (tỉnh Long An) (11 đến 22-5-1969) 

Từ ngày 11 đến 22-5-1969, Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ Mỹ và một số tàu chiến của Giang đoàn xung phong 13 Hải quân Mỹ và Giang đoàn ngăn chặn 70 Hải quân Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Caesar 1&2, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và truy tìm quân Việt Cộng tại khu vực Pineapple phía bắc quận Bến Lức, tỉnh Long An.

Ngày 18-6, Lữ đoàn 199 di chuyển về tỉnh Long Khánh để nhận lấy trách nhiệm địa bàn cũ của Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ. Sở chỉ huy Lữ đoàn 199 và Tiểu đoàn 2/3 bộ binh cũng như bộ phận hậu cần về đóng ở căn cứ Blackhorse; Tiểu đoàn 3/7 bộ binh về căn cứ hỏa lực Mace ở Gia Ray; Tiểu đoàn 4/12 bộ binh về Định Quán; Tiểu đoàn 5/12 bộ binh về căn cứ hỏa lực Libby.

124- Giao tranh ở tỉnh Quảng Nam-Quảng Tín (12 đến 16-5-1969)

Nằm trong kế hoạch tổng tấn công toàn miền Nam, từ đêm 12 đến 16-5-1969, cộng quân Quân khu 5 và Tỉnh đội Quảng Đà liên tục tấn công vào 10 căn cứ quân sự Việt-Mỹ, như sở chỉ huy Sư đoàn American ở Mỹ Hà, các sân bay sân bay Đà Nẵng, Chu Lai, Trung An, các căn cứ lữ đoàn 196, 198, căn cứ tiểu đoàn Mỹ ở sân bay Nước Mặn (phía nam Chu Lai), căn cứ tiểu đoàn Mỹ ở Gò Gai (Quảng Nam)…

Trong 5 ngày, đôi bên đã đụng độ và giao tranh 21 trận. Kết quả, quân Mỹ chết 56, bị thương 365, thiệt hại 30 máy bay, 21 xe quân sự, 2 kho đạn. Cộng quân chết 497, bị thương 850, thiệt hại một số thiết bị quân sự.                   

125- Giao tranh ở tỉnh Bình Long (12-5-1969)

Nằm trong kế hoạch tổng tấn công toàn miền Nam, đêm 12-5-1969, cộng quân Đông Nam Bộ và tỉnh Bình Long tấn công căn cứ của Lữ đoàn 3/Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ ở sân bay Texniq và căn cứ của Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ ở Quảng Lợi, cách ngoại vi tỉnh lỵ An Lộc (Hớn Quản) 2 cây số về phía đông bắc.

Đến trưa hôm sau, cộng quân bị đẩy lui. Kết quả, quân Mỹ chết 36, bị thương 88, quân VNCH chết 47, bị thương 104, thiệt hại 11 máy bay, 15 xe quân sự (có 8 xe tăng, thiết giáp), 12 đại bác, 2 kho xăng, hàng trăm lô cốt ngầm. Cộng quân chết 210, bị thương 381, bị bắt và ra hàng 22, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

126- Chiến dịch Quyết Thắng/44/29 (tỉnh Châu Đốc) (13-5 đến 13-6-1969) 

Từ ngày 13-5 đến 13-6-1969, Biệt khu 44 Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng/44/29, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Châu Đốc.

127- Chiến dịch Dân Quyền 38A (tỉnh Kontum) (15-5 đến 7-6-1969) 

Để thực hiện thí điểm lần đầu tiên chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, từ ngày 15-5 đến 7-6-1969, Biệt khu 24 Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Dân Quyền 38A tại địa bàn tỉnh Kontum.

Sau khi nhận được tin tình báo là hai trung đoàn 28 và 66 Bắc Việt đang chuẩn bị tập kích vào căn cứ dân vệ Bến Hét, Biệt khu 24 chỉ huy Trung đoàn 42 bộ binh, Liên đoàn 2 biệt động quân, Lực lượng 2 xung kích cơ động MIKE, mở cuộc hành quân tìm quét cộng quân theo hai hướng; hướng phía bắc từ Bến Hét tới Dak Seang và hướng nam dọc theo dãy núi Rocket. Hai tiểu đoàn 2 và 4/Trung đoàn 47 của Sư đoàn 22 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa tại Tuy Hòa làm lực lượng trừ bị.

Nằm trong kế hoạch tổng tấn công toàn miền Nam và trong chiến dịch Đắc Tô 2, liên tiếp các đêm từ 25-5 đến 1-6, cộng quân Tây Nguyên liên tục tấn công cụm căn cứ Việt Nam Cộng Hòa ở khu vực Ngọc Dơ Lang, cách quận lỵ Tân Cảnh 18 cây số về phía đông nam, đang do Liên đoàn 2 biệt động quân và một số tiểu đoàn bộ binh Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ. Tính đến 1-6-1969, tại đây quân VNCH chết 22, bị thương 278, số còn lại phải rút bỏ vị trí Ngọc Dơ Lang. Cộng quân chết 207, bị thương 235.

128- Chiến dịch Lamar Plain (tỉnh Quảng Tín) (16-5 đến 13-8-1969) 

Nằm trong kế hoạch tổng tấn công toàn miền Nam, từ đêm 12 đến 16-5-1969, cộng quân Quân khu 5 và tỉnh Quảng Đà đồng loạt pháo kích bắn phá hàng chục vị trí Việt-Mỹ trong tỉnh Quảng Tín, phá hủy 25 máy bay, làm bị thương 14 binh sĩ, phi công và nhân viên kỹ thuật Mỹ.

Từ ngày 16-5 đến 13-8-1969, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 101 không vận Mỹ mở chiến dịch Lamar Plain, tìm quét cộng quân tại địa bàn tỉnh Quảng Tín. Quân Mỹ tham chiến gồm hai tiểu đoàn bộ binh 1/501, 1/502, Tiểu đoàn 2/320 pháo binh, Đại đội B/2/17 kỵ binh, Đại đội A/326 công binh, Đại đội A/101 trực thăng xung phong. Lữ đoàn 1/101 từ Phú Bài chuyển tới Tam Kỳ để đảm trách địa bàn hành quân chiến dịch Americal và tiếp nhận trách nhiệm địa bàn từ Tiểu đoàn 1/46 bộ binh. Lữ đoàn 1/101 đã mở mới bãi đáp Professional rồi hành quân thám báo từ Tam Kỳ tới bãi đáp Professional rồi tới Hậu Đức để tìm quét cộng quân, bẻ gãy một cuộc tấn công mà cộng quân đang chuẩn bị tấn công vào tỉnh lỵ Tam Kỳ. Trong chiến dịch này, quân Mỹ chết 478; cộng quân bỏ lại trận 524 xác.

129- Chiến dịch Plainsfield Warrior (tỉnh Bình Dương) (18 đến 25-5-1969) 

Từ ngày 18 đến 25-5-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ chỉ huy ba tiểu đoàn bộ binh 1/26, 1/28, 2/28 và Đại đội C/1/4 kỵ binh, mở chiến dịch Plainsfield Warrior, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực hình thang phía đông nam quận lỵ Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

130- Hội nghị quốc tế ủng hộ Việt Cộng (18-5-1969)

Ngày 18-5-1969, Bộ Ngoại giao Bắc Việt tổ chức một hội nghị ủng hộ cộng sản Việt Nam khai mạc tại Stockhom, Thuỵ Điển, tham dự có 300 người từ 50 nước và tổ chức quốc tế thân cộng hoặc do cộng sản quốc tế điều hành. Hội nghị ra tuyên bố nhiệt liệt ủng hộ công cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, lật đổ chánh thể Việt Nam Cộng Hòa.

131- Một số tình hình trong tháng 6-1969

Ngày 8-6-1969, tổng thống Nixon thông báo tái phối trí một sư đoàn cỡ 25.000 quân khỏi Việt Nam. Việc rút quân sẽ bắt đầu trong vòng 30 ngày và sẽ kết thúc trước ngày 31-8. Ngày 10-6, Giang đoàn xung phong 91 Mỹ chuyển giao 25 giang thuyền xung phong cho đại diện Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong một buổi lễ tổ chức trên tàu APL-30.

Cũng trong ngày 10-6, Mặt trận Dân tộc giải phóng thông báo thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 11-6, quốc trưởng Norodom Sihanouk tuyên bố rằng Chánh phủ Hoàng gia Cambodia sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao chánh thức với Mỹ.

Ngày 13-6, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo các đơn vị chủ lực đầu tiên rời Việt Nam về nước sẽ gồm hai lữ đoàn của Sư đoàn 9 bộ binh và Đội 9 đổ bộ cấp trung đoàn (Regimental landing team) của Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến.

Trong tháng 6-1969, hầu như không có thêm các đơn vị đồng minh sang Việt Nam. Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm: Tiểu đoàn 6/77 pháo binh (1-6); hai liên đội giang thuyền xung phong 9 (10-6) và 11 (27-6).

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng gồm: Sở chỉ huy Trung đoàn 11 thiết kỵ và hai tiểu đoàn 1/11 và 3/11 thiết kỵ chuyển tới Quản Lợi (10-6); Sở chỉ huy Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 3/Sư đoàn 1 kỵ binh chuyển tới Quản Lợi (18-6); Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 bộ binh chuyển tới Dầu Tiếng (18-6); Sở chỉ huy Lữ đoàn 3/Sư đoàn 25 bộ binh chuyển tới Bàu Trai (18-6); Sở chỉ huy Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ, Tiểu đoàn 2/3 bộ binh và Tiểu đoàn 2/40 pháo binh chuyển tới trại Blackhorse (18-6); Tiểu đoàn 4/12 bộ binh chuyển tới Định Quán (18-6); Tiểu đoàn 5/12 bộ binh chuyển tới căn cứ hỏa lực Libby (18-6); Tiểu đoàn 3/7 bộ binh chuyển tới căn cứ hỏa lực Mace (18-6); Phi đoàn 389 tiêm kích chiến thuật chuyển tới Phù Cát (15-6); Phi đoàn 71 hành quân đặc biệt đổi thành Phi đoàn 17 HQĐB. Phi đoàn 265 trực thăng thủy quân lục chiến chuyển vào Chiến đoàn đổ bộ thay cho Phi đoàn 362 trực thăng TQLC rút đi (7-6). Tiểu đoàn 2/26 TQLC chuyển vào Chiến đoàn đổ bộ (12-6) thay cho Tiểu đoàn 3/26 TQLC rút đi (11-6).

132- Chiến dịch Dok Su Ri Bi Ho 23 (tỉnh Bình Định) (1 đến 21-6-1969) 

Từ ngày 1 đến 21-6-1969, Sư đoàn bộ binh Thủ đô (Mãnh Hổ) Hàn Quốc mở chiến dịch Dok Su Ri Bi Ho 23, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Định, cách tỉnh lỵ Quy Nhơn 20 cây số về phía tây bắc.

133- Chiến dịch Rice Farmer (tỉnh Định Tường, Kiến Hòa, Kiến Tường) (1-6 đến 31-8-1969) 

Từ ngày 1-6 đến 31-8-1969, Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ phối hợp với Sư đoàn 7 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Rice Farmer, mở màn cho loạt giao tranh mùa mưa. Quân Mỹ tham chiến gồm hai lữ đoàn 1 và 2 của Sư đoàn 9. Quân VNCH gồm Trung đoàn 5 không quân và một số tiểu đoàn bộ binh của Sư đoàn 7.

Quân đồng minh đã tìm quét quân Việt Cộng và thực hiện chương trình bình định nông thôn tại địa bàn các tỉnh Định Tường, Kiến Hòa và nam Kiến Tường. Pha đầu tiên chiến dịch là một cuộc hành quân lùng sục và tập kích tiêu diệt mật khu 470 Việt Cộng cách căn cứ hỏa lực Dirk 8 cây số về phía tây bắc. Căn cứ Dirk nằm ở vị trí giao nhau của rạch Ông Vệ, rạch Bảy Tiến và quốc lộ 4, phía tây quận lỵ Cai Lậy, tỉnh Định Tường, từ tháng 3-1969 đổi tên thành căn cứ Schroeder để tưởng niệm trung tá chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 2/39 Donald B. Schroeder tử trận ngày 13-2-1969. Tính chung trong chiến dịch, quân Việt Cộng bỏ lại trận 1.860 xác và thương binh.

134- Các chiến dịch Bayonet, Black Swan, Cold Steel, Sacramento Bee (tỉnh Biên Hòa, Bình Dương và Gia Định) (2 đến 29-6-1969) 

Trong tháng 6-1969, Sư đoàn 82 không vận Mỹ mở liên tiếp bốn chiến dịch hành quân.

– chỉ huy Tiểu đoàn 2/505 bộ binh và Tiểu đoàn 3/17 kỵ binh mở chiến dịch Black Swan trong hai ngày 2 và 3-6, tìm quét cộng quân tại tây bắc quận Dĩ An, tỉnh Biên Hòa giáp tỉnh Bình Dương.

– chỉ huy Đại đội A/2/505 bộ binh mở chiến dịch Sacramento Bee trong hai ngày 7 và 8-6, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và truy tìm cộng quân tại tỉnh Gia Định, cách phi trường Tân Sơn Nhứt 8 cây số về phía tây bắc.

– chỉ huy Tiểu đoàn 2/505 bộ binh mở chiến dịch Bayonet trong ngày 26-6, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và truy tìm cộng quân tại xã Bình Mỹ, tỉnh Bình Dương.

– chỉ huy Tiểu đoàn 2/505 bộ binh mở chiến dịch Cold Steel trong hai ngày 28 và 29-6, hành quân do thám truy tìm cộng quân tại tỉnh Gia Định.

135- Chiến dịch Baek Ma 10 (tỉnh Khánh Hòa) (4 đến 19-6-1969) 

Từ ngày 4 đến 19-6-1969, Sư đoàn 9 bộ binh (Bạch Mã) Hàn Quốc mở chiến dịch Baek Ma 10, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa, cách cảng Cam Ranh 25 cây số về phía tây bắc.

136- Các chiến dịch An Sơn, Chơn Thành, Quốc lộ 14 (tỉnh Bình Dương, Bình Long) (4-6 đến 20-7-1969) 

Từ ngày 4 đến 25-6-1969, Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Trung đoàn 8, phối hợp với Tiểu đoàn 2/18 của Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ, mở chiến dịch An Sơn, tìm quét quân Việt Cộng và thực hiện chương trình bình định tại xã An Sơn, tỉnh Bình Dương, phía nam tỉnh lỵ Phú Cường (Thủ Dầu Một).

Từ ngày 15-6 đến 20-7, Sư đoàn 5 VNCH phối hợp với một tiểu đoàn của Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ, mở chiến dịch Quốc Lộ14, hành quân bình định và truy quét cộng quân dọc theo quốc lộ 14 (tỉnh Bình Dương). Trong 35 ngày hành quân, quân đồng minh đã đụng độ và giao tranh với cộng quân 98 trận lớn nhỏ. Kết quả, quân Mỹ chết 6, bị thương 28; quân VNCH chết 48, bị thương 116; thiệt hại 18 xe tăng và xe thiết giáp. Cộng quân bỏ lại trận 472 xác chết, bị bắt và ra hàng 34.                    

Từ ngày 18 đến 20-6, Sư đoàn 5 VNCH phối hợp quân Mỹ mở chiến dịch Chơn Thành, hành quân theo quốc lộ 13 tỏa ra truy quét cộng quân tại khu vực từ Hớn Quản đến Chơn Thành (tỉnh Bình Long) đã đụng độ và giao tranh với cộng quân Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ 18 trận lớn nhỏ. Kết quả, quân Mỹ chết 16, bị thương 193; quân VNCH chết 79, bị thương 405; thiệt hại 16 xe quân sự (có 4 xe tăng và xe thiết giáp), 6 trực thăng. Cộng quân bỏ lại trận 593 xác chết, bị thương 874, bị bắt và ra hàng 77.                    

137- Giao tranh ở tỉnh Định Tường (6 đến 15-6-1969)

Từ đêm 6 đến 15-6-1969, cộng quân Quân khu 8 và Tỉnh đội Mỹ Tho liên tục tập kích vào 14 ấp chiến lược nằm ven quốc lộ 4 thuộc tỉnh Định Tường, sát hại 40 binh sĩ và viên chức chính quyền địa phương, bắt 105 người, đồng thời phá hủy phần lớn các ấp chiến lược này, đưa 8.500 dân ra khỏi ấp chiến lược về các vùng do cộng quân kiểm soát.

138- Giao tranh ở tỉnh Kontum (6 đến 24-6-1969)

Nằm trong chiến dịch Đắc Tô 2, đêm 6-6-1969, cộng quân Tây Nguyên mở cuộc tấn công, bao vây căn cứ trại lực lượng đặc biệt của Việt Nam Cộng Hòa ở Plei Cần (Bến Hét). Đôi bên giao tranh nhiều trận nhỏ nhưng cộng quân tuy đông vẫn không thể đánh chiếm được căn cứ.

Đến 17-6-1969, Quân Việt Nam Cộng Hòa huy động 41 trực thăng và 183 xe quân sự (có 133 xe tăng, thiết giáp) lên ứng cứu căn cứ Plei Cần. Quân Việt Cộng từ chỗ bao vây trở thành bị bao vây, giao tranh đến 24-6-1969 thì thương vong đã rất lớn nên số còn lại phải rút lui. Kết quả, quân VNCH chết 128, bị thương 811; cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ chết 8, bị thương 36; thiệt hại 4 máy bay, 18 xe quân sự (có 13 xe tăng, thiết giáp), cháy 1 kho xăng, 1 kho đạn, 1 kho hàng quân sự. Cộng quân bỏ lại trận 1.061 xác chết và 640 thương binh, bị bắt và ra hàng 43, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

139- Loạt trận giao tranh ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Tín (6 đến 20-6-1969)

Từ đêm 6 đến 20-6-1969, cộng quân Quân khu 5 và Tỉnh đội Quảng Đà liên tục tấn công và giao tranh với quân đồng minh ở thị xã Đà Nẵng, các tỉnh lỵ, quận lỵ và nhiều đồn bót, các sân bay Nước Mặn, Xuân Thiều, các quân cảng Đà Nẵng, Sơn Trà, các căn cứ chỉ huy của Sư đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ ở Súng Mây, sở chỉ huy Sư đoàn 23 bộ binh Americal ở Kỳ Hà.

Quân Việt-Mỹ cũng liên tục mở hàng chục cuộc hành quân truy quét cộng quân ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín. Tính ra trong gần nửa tháng từ 6 đến 20-6-1969, đôi bên đã đụng độ và giao tranh hơn 300 trận lớn nhỏ. Kết quả, quân VNCH chết 204, bị thương 631; quân Mỹ chết 73, bị thương 495; thiệt hại 78 máy bay, 87 xe thiết giáp, 23 đại bác, 5 tàu, 6 kho võ khí và phương tiện chiến tranh khác. Cộng quân chết 1.318, bị thương 2.540, bị bắt 108, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

140- Cuộc biểu tình ở Long Mỹ (tỉnh Chương Thiện) (7 và 12-6-1969)

Vào hai ngày 7 và 12-6-1969, cộng quân tỉnh Cần Thơ tổ chức tổng cộng hai đợt 500 nông dân quận Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện kéo vào quận lỵ Ngàn Dừa đòi quân Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh chấm dứt các cuộc hành quân truy quét cộng quân và bồi thường cho thân nhân những người chết vì chiến tranh, chết sau các cuộc giao tranh giữa quân Việt Cộng và quân đồng minh. Những người biểu tình gồm người già, phụ nữ bồng con nhỏ, mặc đồ tang vừa đi vừa khóc lóc đòi chánh quyền giải quyết yêu sách.

141- Chiến dịch Dân Quyền 41 và 43 (tỉnh Kontum) (8 đến 28-6-1969) 

Trong tháng 6-1969, Biệt khu 24 Việt Nam Cộng Hòa mở liên tiếp hai chiến dịch tại tỉnh Kontum.

– chỉ huy hai trung đoàn 42 và 47 bộ binh, Liên đoàn 2 biệt động quân và Liên đội 3 thiết kỵ mở chiến dịch Dân Quyền 41 từ ngày 8 đến 28-6, tìm quét quân Việt Cộng dọc theo dãy núi Rocket tại tỉnh Kontum, cách quận lỵ Dak To 11 cây số về phía tây nam.

– chỉ huy Trung đoàn 42 bộ binh và Liên đoàn 2 biệt động quân mở chiến dịch Dân Quyền 43 từ ngày 22 đến 25-6, tìm quét cộng quân tại tỉnh Kontum.

142- Chiến dịch Montgomery Rendezvous và Tennessee Pride (tỉnh Thừa Thiên) (8-6 đến 15-8-1969) 

Trong tháng 6-1969, Sư đoàn 101 không vận Mỹ mở liên tiếp 2 chiến dịch tại tỉnh ThừaThiên.

– chỉ huy Lữ đoàn 3 phối hợp với Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam mở chiến dịch Montgomery Rendezvous từ ngày 8-6 đến 15-8, lùng sục, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực phía bắc thung lũng A Sầu, giữa hai căn cứ hỏa lực Airborne và OReily. Quân Mỹ tham chiến gồm ba tiểu đoàn bộ binh 2/327, 1/506, 2/506, Tiểu đoàn 3/5 kỵ binh, Tiểu đoàn 2/319 pháo binh, Đại đội C/2/34 thiết giáp. Quân VNCH gồm ba tiểu đoàn 1/1, 2/3 và 4/3 thuộc Sư đoàn 1. Trong chiến dịch này, cộng quân bỏ lại trận 393 xác.

– chỉ huy Lữ đoàn 2 mở chiến dịch Tennessee Pride từ ngày 22-6 đến 1-7, tìm quét cộng quân tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên.

143- Mỹ bắt đầu rút quân về nước (8-6-1969)

Do áp lực của phong trào phản chiến tại Mỹ và cũng sai lầm cho rằng lực lượng Việt Cộng đang suy kiệt trầm trọng vì đã thương vong hàng triệu quân trong 2 năm 1968, 1969, nên ngày 8-6-1969, tổng thống Nixon tuyên bố bắt đầu rút hàng loạt quân Mỹ về nước, đợt đầu tiên gồm 25.000 quân. Đợt thứ hai rút quân vào tháng 8-1969 với 35.000 quân. 

144- Việt Cộng thành lập Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (8-6-1969)

Từ ngày 6 đến 8-6-1969, Trung ương cục tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam, gồm có các đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam tham dự, tuyên bố thành lập chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và thông qua Những qui định lớn về đường lối đối ngoại và về cơ cấu tổ chức do Đảng Lao động và Trung ương cục Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam đề ra.

 Để có cơ sở cử đại biểu tham gia hội nghị Paris, đại hội tuyên bố thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN và Hội đồng cố vấn Chính phủ lâm thời CHMNVN.

Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN (từ 8-6-1969 đến 2-7-1976)

– Chủ tịch: Huỳnh Tấn Phát.

– Phó chủ tịch: Nguyễn Đóa, Nguyễn Văn Kiết, Phùng Văn Cung.

– Bộ trưởng Phủ chủ tịch Chính phủ: Trần Bửu Kiếm

– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Trần Nam Trung

– Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phùng Văn Cung

– Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Thị Bình

– Bộ trưởng Bộ Kinh tế tài chính: Cao Văn Bốn

– Bộ trưởng Bộ Thông tin văn hóa: Lưu Hữu Phước

– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và thanh niên: Nguyễn Văn Kiết

– Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội: Dương Quỳnh Hoa

– Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Trương Như Tảng

Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN (1969-1976)

– Chủ tịch: luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

– Phó chủ tịch: luật sư Trịnh Đình Thảo.

– Các uỷ viên: Huỳnh Cương; thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng; Huỳnh Văn Trí; kỹ sư Lâm Văn Tết; giáo sư Lê Văn Giáp; Luy-xiêng Phạm Ngọc Hùng; Nguyễn Công Phương; nữ giáo sư Nguyễn Đình Chi; thượng tọa Thích Đôn Hậu; Võ Oanh; Ybih Alêô.

Trên thực tế, đây là những tổ chức bù nhìn hư vị trong một chánh thể giả tạo đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Trung ương cục Miền Nam và Bộ tư lệnh Miền. Nhưng tính đến hết tháng 6-1969, đã có 23 nước xã hội chủ nghĩa và thân cộng sản tuyên bố công nhận Chính phủ lâm thời CHMNVN (trong đó có 21 nước lập quan hệ ngoại giao), xếp theo thứ tự thời gian công nhận là: Cu ba, Angeria, Bắc Triều Tiên,VNDCCH, CHDC Đức, Ba Lan, Romania, Nam Tư, Syria, Congo, Bulgaria, Mông Cổ, Liên Xô, Hungaria, Tiệp Khắc, Cambodia, Trung cộng, Nam Yemen, Albania, Aicập, Moritani, Sudan, Mali.

Tại phiên họp thứ 16 Hội nghị Paris về Việt Nam, trưởng đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Trần Bửu Kiếm được giao trách nhiệm trình bày Mười điểm về nguyên tắc và nội dung chủ yếu của giải pháp toàn bộ về vấn đề miền Nam Việt Nam.

Ngày 10-6-1969, Huỳnh Tấn Phát được giao ký quyết định cử ra phái đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời CHMNVN tại Hội nghị Paris về Việt Nam do bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn, Nguyễn Văn Tiến và Đinh Bá Thi làm phó đoàn. Ngày 21-6-1969, phái đoàn Nguyễn Thị Bình đến Paris.

Sau năm 1975, Huỳnh Tấn Phát bất mãn vì tiếp tục được giao những chức vụ bù nhìn trong Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc trong khi dân chúng hết lời nguyền rủa chính quyền. Năm 1986, lãnh đạo Hà Nội cảnh cáo Phát bằng một vụ mưu sát hụt. Phát bị thương tích và được đi trị bịnh tại Nga. Cuối tháng 9-1989, Phát chết tại Sài Gòn trong sự quên lãng của dân chúng lẫn của chế độ.  

145- Cộng quân phát triển binh lực tại miền Nam (1969)    

Trong năm 1969, quân Việt Cộng có một số điều chuyển nhân sự cho chiến trường miền Nam, như: thiếu tướng Nguyễn Chánh được cử làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đại tá Huỳnh Đức Tui (Hoàng Văn Thái) làm phó tư lệnh kiêm chủ nhiệm hậu cần Quân khu Trị Thiên kiêm phó tư lệnh Đoàn 559; đại tá Lê Đức Anh bị giáng chức làm tư lệnh Quân khu 9…

Năm 1969, có hơn 80.000 quân tăng viện từ Bắc vào Nam; khối lượng hàng vận tải vào chiến trường qua tuyến 559 lên tới 170.000 tấn, tăng 29% so với năm 1968, trong đó có 150.000 súng bộ binh, 15.000 khẩu B40-B41, 2.300 súng cối và ĐKZ, hơn 100 triệu viên đạn các loại, 1.500 máy vô tuyến điện.

146- Kế hoạch chiến lược của Liên Xô với Đông Dương (tháng 6-1969)

Để bao vây Trung Quốc và làm suy yếu thế lực của Mỹ tại Á châu, tháng 6-1969 tổng bí thư Liên Xô Leonid Ilich Brezhnev đề nghị với các quốc gia, từ Trung Đông đến Nhật Bản, hình thành một tổ chức chung bảo vệ hòa bình và an ninh trong khu vực. Riêng ở Đông Dương, chủ đích của Nga là hất ảnh huởng Mỹ và Trung Cộng ra khỏi bán đảo này, kiểm soát vịnh Cam Ranh và các hải cảng chiến lược, hổ trợ các đảng và thể chế mác xít – lê nin nít, đồng thởi đặt các nước Đông Dương trong vòng lệ thuộc Điện Kremlin. Biện pháp thực hiện là Liên Xô vừa tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế đảm bảo cho các chế độ cộng nô tại đây đứng vững và tìm chiến thắng trên chiến trường, vừa tăng cường đội ngũ chuyên gia tại địa bàn và củng cố quyền lực của thành phần lãnh đạo cộng nô bản xứ thân Nga.

Kế hoạch Brezhnev tuy thất bại trên phạm vi toàn châu Á nhưng đã thành công ở Đông Dương. Trong tình thế cuối cùng đối phó với yêu sách của Đặng Tiểu Bình buộc phải lựa chọn giữa Nga và Tàu sau khi chiếm được toàn bộ Đông Dương (1975), phe của Lê Duẩn đã cho rằng ngã theo Nga là có lợi hơn. Liên Xô đã đưa được hạm tàu vào cảng Cam Ranh, tăng số cố vấn tại Lào từ 100 lên 500 người, tăng cố vấn tại Việt Nam từ 5.000 lên 8.000 người, được khai thác mỏ dầu Bạch Hổ, đổi lại, Liên Xô giúp 500 triệu mỹ kim cho ngân sách Việt Cộng tài khóa 1976 và 3 tỷ mỹ kim cho kế hoạch ngũ niên 1976-80. Sự chi viện và khống chế của Liên Xô tại Đông Dương chỉ chấm dứt sau cái chết của Brezhnev và sau sự sụp đổ của chế độ Liên Xô vào năm 1991.

147- Giao tranh ở tỉnh Tây Ninh (11 đến 18-6-1969)

Ngày 11-6-1969, 4 tiểu đoàn quân Mỹ mở cuộc hành quân truy quét quân Việt Cộng tại khu vực Bàu Sen thuộc căn cứ Dương Minh Châu, cách tỉnh lỵ Tây Ninh 17 cây số về phía đông nam. Quân Mỹ đụng độ dữ dội với cộng quân Đông Nam Bộ vào đêm 11 rạng sáng 12-6. Kết quả, quân Mỹ chết 65, bị thương 135, thiệt hại 9 xe thiết giáp. Cộng quân chết 152, bị thương 208, bị bắt 8.                  

Liên tiếp hai đêm 18  và 19-6, cộng quân Đông Nam Bộ và Tỉnh đội Tây Ninh tập kích vào các căn cứ Việt Nam Cộng Hòa và một số vị trí ở quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Quân VNCH chết 48, bị thương 95, thiệt hại 5 xe tăng, thiết giáp. Cộng quân bỏ lại trận 291 xác và 174 thương binh.                    

148- Chiến dịch Utah Mesa (tỉnh Quảng Trị) (12-6 đến 9-7-1969) 

Ngày 9-6-1969, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1-Vùng 1 chiến thuật Việt Nam và Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 dã chiến Mỹ thành lập Chiến đoàn Guadalcanal, với lực lượng gồm hai tiểu đoàn 1/9, 2/9 của Trung đoàn 9/Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ; Tiểu đoàn 1/61 bộ binh và Đại đội B/1/77 thiết giáp của Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ; hai tiểu đoàn 2 và 3 của Trung đoàn 2/Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam.

Từ ngày 12-6 đến 9-7, Chiến đoàn Guadalcanal mở chiến dịch Utah Mesa, nhằm bảo vệ phía tây cao nguyên Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị. Đây là chiến dịch hành quân cuối cùng của Trung đoàn 9 Mỹ tại Việt Nam vì đến ngày 1-8-1969, Trung đoàn này rời Việt Nam về nước. Quân đồng minh đã lùng sục khu vực tây nam Khe Sanh theo cả hai phía của trục quốc lộ 9 và đụng độ nhiều trận với Trung đoàn 24B/Sư đoàn 304 Bắc Việt. Cộng quân cũng nhiều lần tổ chức phục kích và pháo kích, làm cho quân đồng minh thiệt hại khá nặng nề.

Đêm 19-6, cộng quân Quân khu Trị Thiên tập kích vào cụm căn cứ cơ giới Mỹ ở Làng Bù, quận Hướng Hóa, trong khi đó một đơn vị Mỹ cũng hành quân truy quét cộng quân tại khu vực Làng Cát, Húc Hạ, quận Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Sau loạt giao tranh trong đêm, quân Mỹ chết 16, bị thương 69, thiệt hại 1 xe tăng, 2 trực thăng. Cộng quân chết 204, bị thương 315, bị bắt 16.

Tính chung trong chiến dịch Utah Mesa, quân Mỹ chết 362; quân VNCH chết 210; cộng quân bỏ lại trận 309 xác và 131 thương binh.  

149- Chiến dịch Iroquois Grove (tỉnh Quảng Trị) (15-6 đến 25-9-1969) 

Sau khi hoàn thành chiến dịch Massachusetts Bay, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/11 bộ binh và Tiểu đoàn 1/77 pháo binh mở chiến dịch Iroquois Grove từ ngày 15-6 đến 25-9-1969, tập kích vào mật khu 101 Việt Cộng cách tỉnh lỵ Quảng Trị 4 cây số về phía đông bắc.

5.jpg

150- Các chiến dịch Esso và Matthew (tỉnh Phước Tuy) (15-6 đến 17-7-1969) 

Trong tháng 6-1969, Chiến đoàn 1 Úc mở liên tiếp 2 chiến dịch hành quân tại tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 Úc mở chiến dịch Esso từ ngày 15-6 đến 15-7, hành quân do thám địch tình quân Việt Cộng và tham gia bình định nông thôn tại quận Đất Đỏ.

– chỉ huy Tiểu đoàn 9 Úc mở chiến dịch Matthew từ ngày 29-6 đến 17-7, liên tục hành quân tuần tra dọc theo quốc lộ 2 từ căn cứ Núi Đất tới đồn điền Courtenay.

151- Chiến dịch Quyết Thắng/21/26 (tỉnh Chương Thiện) (17 đến 28-6-1969) 

Từ ngày 17 đến 28-6-1969, Sư đoàn 21 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy bốn tiểu đoàn 1/31, 2/31, 1/32, 2/32, mở chiến dịch Quyết Thắng/21/26, tìm quét quân Việt Cộng tại khu rừng U Minh ở phía tây nam quận Kiên Hưng, tỉnh Chương Thiện.

152- Chiến dịch Boston Pistol (tỉnh Bình Dương, Bình Long, Hậu Nghĩa) (18 đến 30-6-1969) 

Từ ngày 18 đến 30-6-1969, các sư đoàn Mỹ mở chiến dịch Boston Pistol, để bố trí lại lực lượng và địa bàn chiến thuật tại phía tây Vùng 3 chiến thuật. Theo đó, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 kỵ binh chuyển quân về đóng tại Quản Lợi, tỉnh Bình Long, thay cho Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 bộ binh. Lữ đoàn 1/1 bộ binh chuyển về đóng tại căn cứ mới ở Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương thay cho Lữ đoàn 3/Sư đoàn 25 bộ binh. Lữ đoàn 3/25 Mỹ chuyển về căn cứ mới ở Bàu Trai, tỉnh Hậu Nghĩa.

Ngày 18-6-1969, Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ Mỹ cũng di chuyển về tỉnh Long Khánh để nhận lấy trách nhiệm địa bàn cũ của Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ.

153- Chiến dịch Quyết Thắng/44/32 (tỉnh Châu Đốc) (18 đến 24-6-1969) 

Từ ngày 18 đến 24-6-1969, Biệt khu 44 chiến thuật Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy hai tiểu đoàn biệt động quân 43, 44, Liên đội 12 thiết kỵ, và một tiểu đoàn thuộc Lực lượng 4 xung kích cơ động MIKE, mở chiến dịch Quyết Thắng/44/32, tìm quét quân Việt Cộng tại phía nam Núi Dài, thuộc tỉnh Châu Đốc.

154- Chiến dịch Greene Ax (tỉnh Pleiku) (21-6 đến 5-8-1969) 

Từ ngày 21-6 đến 5-8-1969, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn 1/35, 2/35 mở chiến dịch Greene Ax, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Pleiku.

155- Chiến dịch Kentucky Cougar (tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh) (22-6-1969 đến 31-1-1970) 

Từ ngày 10 đến 22-6-1969, Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ di chuyển sở chỉ huy về Quản Lợi, tỉnh Bình Long, để tham gia chiến dịch Kentucky Cougar do Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ điều hành chung. Địa bàn căn cứ cũ của Trung đoàn 11 ở tỉnh Long Khánh do Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ Mỹ tiếp quản.

Từ ngày 22-6-1969 đến 31-1-1970, Sư đoàn 1 kỵ binh mở chiến dịch Kentucky Cougar, để bẻ gãy một kế hoạch của quân Việt Cộng chuẩn bị tấn công vào tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long. Sư đoàn 1 cho hai lữ đoàn 1 và 2 kéo tới phía bắc tỉnh Tây Ninh, Lữ đoàn 3 tới tỉnh Phước Long, trong khi Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ (có tăng cường Tiểu đoàn 1/16 bộ binh và Phân đội A/1/4 kỵ binh của Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ) phối hợp với Trung đoàn 9/Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa trực tiếp bảo vệ tỉnh Bình Long. Để phục vụ chiến dịch, Tiểu đoàn 2/8 kỵ binh mở căn cứ hỏa lực Becky, trong khi Trung đoàn 11 thiết kỵ mở hai căn cứ hỏa lực Aspen và Sidewinder.

Ngày 20-1-1970, Liên đội 2/11 thiết kỵ Mỹ xuất phát từ căn cứ hỏa lực Ruth đã tập kích vào khu vực Lưỡi Liềm (Crescent) dọc theo quốc lộ 14A để chặn đứng một cuộc tấn công của cộng quân vào căn cứ Bù Đốp. Ngày 21-1, Liên đội 1/11 xuất phát từ căn cứ hỏa lực Dennis đã mở cuộc hành quân do thám dọc theo quốc lộ 13 phía bắc quận lỵ Lộc Ninh. 

156- Chiến dịch Mường Sủi (Cánh Đồng Chum – Thượng Lào) (23-6 đến 1-7-1969)

Từ ngày 23-6 đến 1-7-1969, hai trung đoàn quân Việt Cộng và ba tiểu đoàn quân Pathet Lào có xe tăng Soviet yễm trợ đã tranh thủ những ngày mưa giông là lúc đối phương co cụm về phòng thủ trong căn cứ để tấn công vào quân đội Hoàng gia Lào ở Muang Souy – Phu Vieng, phía tây bắc Cánh Đồng Chum, cách thủ đô Vientiane 150 cây số về phía bắc.

Mục tiêu chiến dịch Mường Sủi là nhằm chiếm khu vực Muang Souy, nối liền với khu giải phóng Xiêng Khoảng – Sầm Nứa và Bắc Việt. Ngày 26-6-1969, cộng quân chiếm được căn cứ Muang Souy. Giao tranh cũng tiếp diễn ác liệt trong những ngày có trăng âm lịch sau đó. Kết thúc chiến dịch, quân Hoàng gia Lào chết 96, bị thương 510; quân Lào cộng chết 72, bị thương 275; quân Việt Cộng chết 325, bị thương 532.

157- Các chiến dịch Bold Pursuit, Forsyth Grove (tỉnh Quảng Nam) (27-6 đến 6-7-1969) 

Từ ngày 27-6 đến 6-7-1969, Chiến đoàn đổ bộ Alpha Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/26 thủy quân lục chiến mở chiến dịch Bold Pursuit, đổ bộ tìm quét quân Việt Cộng tại cồn Barrier phía nam tỉnh lỵ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Sư đoàn Americal Mỹ đã hỗ trợ  lực lượng chốt chặn cho chiến dịch.

Từ ngày 30-6 đến 3-7, Trung đoàn 5/Sư đoàn 1 TQLC Mỹ chỉ huy bốn tiểu đoàn 1/5, 2/5, 1/7, 3/7, mở chiến dịch Forsyth Grove, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và truy tìm cộng quân tại khu vực Arizona Territory, phía tây lòng chảo An Hòa, tỉnh Quảng Nam.

158- Chiến dịch Sea Float/Trần Hưng Đạo 3 (tỉnh An Xuyên) (27-6-1969 đến 1-9-1970) 

Tiếp tục thực hiện Chiến dịch dài hạn SEALORS, hai chiến đoàn 115, 116 Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã mở chiến dịch hành quân Sea Float/Trần Hưng Đạo 3 từ ngày 27-6-1969 đến 1-9-1970.

Mục tiêu chiến dịch dài hạn này là tăng cường nỗ lực bình định nông thôn và tìm quét quân Việt Cộng tại bán đảo Cà Mau, tỉnh An Xuyên. Hải quân đồng minh đã thiết lập một căn cứ nổi tại Năm Căn và tham gia xây dựng lại quận lỵ này vừa bị thiệt hại nặng nề sau loạt trận Tết Mậu Thân 1968, khiến 6.000 cư dân bị thiệt hại nhà cửa phải sống tạm bợ trong các lều trại từ đó đến nay.

159- Một số tình hình trong tháng 7-1969

Việt Cộng tuyên bố từ đầu năm đến ngày 1-7-1969, có 57 máy bay do thám không người lái của Mỹ bị bắn rơi trên không phận Bắc Việt, nâng tổng số máy bay Mỹ rơi tại Bắc Việt lên 3.300 chiếc.

Trong tháng 7-1969 hầu như không có thêm đơn vị đồng minh nào sang Việt Nam. Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm có: Tiểu đoàn 3/60 bộ binh (8-7); Đại đội chống tăng và Đại đội C/Tiểu đoàn 3Tk (13-7); Tiểu đoàn 1 xe lội nước (13-7); Tiểu đoàn 1/9 thủy quân lục chiến (14-7); Tiểu đoàn 4/47 bộ binh (14-7); Đại đội 1 thiết giáp lội nước (15-7); Sở chỉ huy Lữ đoàn 2/Sư đoàn 9 bộ binh (18-7); Tiểu đoàn 3/47 bộ binh (18-7); Tiểu đoàn 3/34 pháo binh (26-7); Tiểu đoàn 4/39 bộ binh (30-7); Tiểu đoàn 2/12 TQLC (31-7).

Trong tháng 7, các đơn vị Mỹ cũng ít di chuyển hơn trước. Tiểu đoàn 6/31 bộ binh di chuyển tới Bến Lức (23-7); Lữ đoàn 3/Sư đoàn 9 bộ binh cải tổ thành một lữ đoàn độc lập thuộc quyền chỉ huy hành quân của Sư đoàn 25 bộ binh (26-7).

160- Chiến dịch Keystone Eagle (1-7 đến 31-8-1969) – Rút quân Mỹ đợt 1

Từ ngày 1-7 đến 31-8-1969, Bộ tư lệnh Quân viện Mỹ tại Việt Nam (MACV) mở chiến dịch Keystone Eagle; mục tiêu là bắt đầu tái phối trí quân đợt 1, rút dần quân Mỹ về nước để thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của tổng thống Nixon. Theo tuyên bố ngày 8-6-1969 của tổng thống Nixon, đợt rút đầu tiên gồm 25.000 quân.

Ngày 16-7, đại tướng chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Earle Wheeler và đô đốc tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương John S. McCain sang làm việc tại Việt Nam trong bốn ngày. Ngày 30-7, tổng thống Nixon sang thăm Sài Gòn để hội đàm với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các viên chức, tướng lãnh cao cấp Việt-Mỹ tại Sài Gòn. Mục đích của các chuyến thăm và hội đàm cấp cao là nhằm thống nhất trong lãnh đạo hai nước về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và những vấn đề lớn để triển khai thực hiện ngay chiến lược này.

Ngày 9-8-1969, Bộ tư lệnh Lục quân Mỹ thông báo kế hoạch rút ngay Sư đoàn 9 bộ binh về nước; chỉ có Lữ đoàn 3 của sư đoàn này còn ở lại Việt Nam nhưng sẽ được cải tổ.

161- Các chiến dịch A Bia, Lam Sơn 340, 341, 342, 343 (tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên) (1-7 đến 30-9-1969) 

Từ ngày 1-7 đến 30-9-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở cùng lúc bốn chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại phía bắc Vùng 1 chiến thuật.

– chỉ huy Trung đoàn 1 mở chiến dịch Lam Sơn 340 tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.

– chỉ huy Trung đoàn 2 mở chiến dịch Lam Sơn 341 tại tỉnh Quảng Trị.

– chỉ huy Trung đoàn 3 mở chiến dịch Lam Sơn 342 tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên.

– chỉ huy Trung đoàn 54 mở chiến dịch Lam Sơn 343 tại tỉnh Thừa Thiên.

Từ ngày 4-7 đến 16-8-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam và hai tiểu đoàn quân dù Mỹ mở chiến dịch A Bia, liên tục mở hàng chục cuộc hành quân truy quét cộng quân tại vùng phụ cận núi A Bia, phía tây tỉnh Thừa Thiên, đã đụng độ và giao tranh 32 trận lớn nhỏ với cộng quân Trị Thiên. Kết quả, quân Mỹ chết 16, bị thương 46; quân VNCH chết 89, bị thương 148; thiệt hại 6 xe tăng, 5 trực thăng. Cộng quân chết 538, bị bắt 131, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

162- Các chiến dịch Durham Peak, Mighty Play, Victory Dragon 13 (tỉnh Quảng Nam) (2-7 đến 12-8-1969) 

Từ ngày 2 đến 19-7-1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến (Thanh Long) Hàn Quốc mở chiến dịch Victory Dragon 13, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam. 

Từ ngày 10 đến 20-7, Chiến đoàn đổ bộ Alpha Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn TQLC 3/1, 1/26, phối hợp với một tiểu đoàn của Lữ đoàn Thanh Long, mở chiến dịch Mighty Play, tìm quét cộng quân dọc theo dãi bờ biển từ tỉnh lỵ Hội An tới dãy núi Ngũ Hành Sơn (quân Mỹ gọi là núi Marble), và từ sông Vĩnh Điềm ra tới bờ biển, để bẻ gãy một kế hoạch bắn phá rốc két vào thị xã Đà Nẵng.

Từ ngày 18-7 đến 12-8, Trung đoàn 5/Sư đoàn 1 TQLC Mỹ chỉ huy 5 tiểu đoàn 1/1, 2/1, 2/5, 3/5, 2/11, phối hợp với Tiểu đoàn 37 biệt động quân Việt Nam, mở chiến dịch Durham Peak, tìm quét cộng quân tại khu vực Phú Lộc và Khe Le (thung lũng Antenne) thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm trong tam giác An Hòa – Hiệp Đức – Quế Sơn. 

163- Các chiến dịch Arlington Canyon, Georgia Tar, Idaho Canyon, Williams Glade (tỉnh Quảng Trị) (3-7 đến 25-9-1969) 

Trong tháng 7-1969, Trung đoàn 4/Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ mở liên tiếp các chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.

– chỉ huy hai tiểu đoàn 2/4 và 3/4 mở chiến dịch Arlington Canyon từ ngày 3-7 đến 21-9, tại khu vực núi Tia Pong, thuộc dãy núi Rockpile, cách căn cứ Vandegrift 9 cây số về phía tây bắc.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/4 TQLC, phối hợp với Tiểu đoàn 1/61 bộ binh và Phân đội A/4/12 kỵ binh của Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ, mở chiến dịch Williams Glade từ ngày 12 đến 26-7, tại khu vực tứ giác gồm tỉnh lỵ Quảng Trị – Đông Hà – Mai Lộc – Ba Lòng.

– chỉ huy ba tiểu đoàn 2/4, 3/4 và 3/9, mở chiến dịch Georgia Tar từ ngày 16-7 đến 25-9, để dập tắt hoạt động của cộng quân tại tỉnh Quảng Trị, từ căn cứ Khe Sanh tới căn cứ Vandegrift (nằm ở trung độ đường chim bay Khe Sanh – Đông Hà).

Từ ngày 16-7 đến 25-9, Trung đoàn 3/Sư đoàn 3 TQLC Mỹ chỉ huy ba tiểu đoàn 1/3, 2/3, 3/3, có tăng cường Tiểu đoàn 1/11 bộ binh và Đại đội C/1/77 thiết giáp của Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ, đã mở chiến dịch Idaho Canyon, tìm quét cộng quân tại cùng địa bàn của chiến dịch Virginia Ridge, ngay sát phía nam khu vực phi quân sự thuộc tỉnh Quảng Trị, phía tây bắc căn cứ Camp Carroll. Trong chiến dịch, quân Mỹ chết 159; cộng quân bỏ lại trận 565 xác.

164- Các chiến dịch Camden, Ginger, Hát Dịch, Intruder, Mundingburra, Waiouru (tỉnh Phước Tuy) (5-7 đến 30-8-1969) 

Trong tháng 7-1969, Chiến đoàn 1 Úc mở liên tiếp 6 chiến dịch hành quân tại tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Tiểu đoàn 6 Úc – Tân Tây Lan và Liên đội B/1 thiết giáp Úc mở chiến dịch Waiouru từ 5 đến 13-7, hành quân tuần tra giải tỏa an ninh quốc lộ 15 từ tỉnh lỵ Bà Rịa tới xã Phú Mỹ.

– chỉ huy Tiểu đoàn 6 Úc – Tân Tây Lan mở chiến dịch Mundingburra từ ngày 14-7 đến 15-8, hành quân tuần tra giải tỏa an ninh khu vực hai quận Long Điền và Đất Đỏ.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 Úc phối hợp với Liên đội 15 thiết kỵ Việt Nam mở chiến dịch Intruder từ ngày 16 đến 19-7, hành quân do thám địch tình quân Việt Cộng tại khu vực Bà Rịa.

– chỉ huy Tiểu đoàn 9 Úc và Liên đội B/3 kỵ binh Úc, phối hợp với Lữ đoàn Bravo thủy quân lục chiến Việt Nam, mở chiến dịch Hát Dịch từ ngày 17 đến 31-7, tập kích triệt hạ mật khu Hát Dịch.

– chỉ huy Liên đội B/1 thiết giáp Úc mở chiến dịch Ginger từ ngày 17-7 đến 7-8, hỗ trợ hoạt động bình định nông thôn tại quận Đức Thành.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 Úc mở chiến dịch Camden từ ngày 29-7 đến 30-8, đổ quân tập kích phía nam mật khu Hát Dịch của Việt Cộng.

165- Chiến dịch Cold Dawn (tỉnh Bình Dương) (7 đến 8-7-1969) 

Trong hai ngày 7 và 8-7-1969, Sư đoàn 82 không vận Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/505 bộ binh mở chiến dịch Cold Dawn, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và  truy tìm quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Dương, cách tỉnh lỵ Phú Cường (Thủ Dầu Mọt) 8 cây số về phía tây nam.

166- Chiến dịch Hae San Jin 9 và Do Kae Bi 13 (tỉnh Phú Yên) (7 đến 20-7-1969) 

Từ ngày 7 đến 20-7-1969, Trung đoàn 26/Sư đoàn bộ binh Thủ Đô (Mãnh Hổ) Hàn Quốc chỉ huy Tiểu đoàn 1 mở chiến dịch Hae San Jin 9, tập kích giải tỏa khu núi Ông La, thuộc tỉnh Phú Yên, cách tỉnh lỵ Tuy Hòa 15 cây số về phía tây bắc.

Cũng đúng trong thời gian đó, Trung đoàn 28/Sư đoàn 9 bộ binh (Bạch Mã) Hàn Quốc mở chiến dịch Do Kae Bi 13, tìm quét quân Việt Cộng tại phía tây tỉnh lỵ Tuy Hòa và phía bắc sông Đà Rằng, thuộc tỉnh Phú Yên.

167- Giao tranh ở Sài Gòn, tỉnh  Biên Hòa và Bình Long (10 đến 17-7-1969)

Đêm 10-7-1969, đặc công cộng quân Đông Nam Bộ tập kích vào trại hải quân Paloma của Mỹ tại Sài Gòn, làm chết 14, bị thương 17 binh sĩ Mỹ. Quân Việt Cộng chết 16, bị thương và bị bắt 11.                    

Đêm 16-7, cộng quân Đông Nam Bộ pháo kích vào kho bom Bình Ý của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở phía bắc sân bay Biên Hòa, làm nổ 3.000 quả bom napalm.

Đêm 17-7, cộng quân Đông Nam Bộ và Tỉnh đội Bình Long phục kích  một đoàn xe quân sự Việt-Mỹ gồm 73 chiếc (có 21 xe tăng) trên đường số 13 từ Cần Đâm đi Chơn Thành, làm hư hỏng và cháy 3 xe quân sự (có 1 xe tăng) và 1 máy bay; quân Mỹ chết 4, bị thương 41; quân VNCH chết 11, bị thương 94. Cộng quân chết 88, bị thương 159, bị bắt 11.                   

168- Chiến dịch Campbell Streamer (tỉnh Thừa Thiên) (12-7 đến 15-8-1969) 

Từ ngày 12-7 đến 15-8-1969, Lữ đoàn 2/Sư đoàn 101 không vận Mỹ chỉ huy ba tiểu đoàn bộ binh 1/327, 2/501, 2/502, Tiểu đoàn 1/321 pháo binh, Phân đội C/3/5 kỵ binh, phối hợp với hai tiểu đoàn 1/54, 2/54 thuộc Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam, mở chiến dịch Campbell Streamer, tìm quét quân Việt Cộng tại thung lũng Núi Con Voi, phía nam dãy núi Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên, vốn là mật khu đóng quân từ lâu của Trung đoàn 4 Bắc Việt.

169- Chiến dịch Greene Jack (tỉnh Bình Định) (15 đến 31-7-1969) 

Từ ngày 15 đến 31-7-1969, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ mở chiến dịch Greene Jack, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Định.

170- Mỹ hối thúc Việt Cộng cải thiện đàm phán (16-7-1969)

Ngày 16-7-1969, tổng thống Nixon gửi thư cho Hồ Chí Minh, nói rõ đã đến lúc phải đưa bàn hội nghị đến một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến tranh bi thảm này. Đó là quân Việt Cộng trong trận Mậu thân 1968 thương vong quá nhiều, 580.000 quân, nhưng ý chí sắt đá của lãnh đạo Bắc Việt hầu như chưa có biểu hiện sa sút, vì thế, Nixon và lãnh đạo Mỹ bỗng thấy ngao ngán về chiến tranh, vì chẳng lẽ lần hồi diệt hết cả dân miền Bắc để kết thúc chiến tranh.

171- Chiến dịch Nantucket Beach (tỉnh Quảng Ngãi) (20-7-1969 đến 8-3-1971) 

Từ ngày 20-7-1969 đến 8-3-1971, Lữ đoàn 198/Sư đoàn 23 bộ binh Mỹ lần lượt đưa một trong các tiểu đoàn của mình quay vòng để phối hợp với Trung đoàn 6/Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam, mở chiến dịch Nantucket Beach, tiếp tục thực hiện chương trình bình định nông thôn tại mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Ngãi. Trong chiến dịch này, cộng quân bỏ lại trận 630 xác. Pha đầu từ 20-7-1969 đến 22-3-1970, quân Mỹ tham chiến là Tiểu đoàn 5/46 bộ binh. Ngày 22-3-1970, Sư đoàn 23 Mỹ đưa Tiểu đoàn 1/6 bộ binh thay thế Tiểu đoàn 5/46.

172- Các chiến dịch Bun Kae 6, Jae Koo 22 (tỉnh Bình Định) (21-7 đến 3-8-1969) 

Trong tháng 7-1969, Sư đoàn bộ binh Thủ đô (Mãnh Hổ) Hàn Quốc mở liên tiếp các chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Định: mở chiến dịch Jae Koo 22 từ ngày 21 đến 26-7; mở chiến dịch Bun Kae 6 từ ngày 30-7 đến 3-8-1969.

173- Chiến dịch Nutcracker, Strangle (tỉnh Bình Dương, Hậu Nghĩa) (21-7 đến 21-9-1969) 

Từ ngày 21-7 đến 21-9-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ chỉ huy các tiểu đoàn bộ binh 2/2, 2/16, 1/28, 2/28, Tiểu đoàn 1/4 kỵ binh, Đại đội B/2/43 thiết giáp, phối hợp với Trung đoàn 8/Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam, mở chiến dịch Strangle, tập kích vào Phân khu 1 Việt Cộng tại khu Hình Thang và khu Tam Giác Sắt, thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Cộng quân bỏ lại trận tổng cộng 365 xác.

Trong ngày 28-7, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn bộ binh 1/5, 2/12 mở chiến dịch Nutcracker, tìm quét cộng quân tại khu vực quân Mỹ gọi là Citadel, thuộc tỉnh Hậu Nghĩa.

174- Chiến dịch Brave Armada (tỉnh Quảng Ngãi) (24-7 đến 7-8-1969) 

Từ ngày 24-7 đến 7-8-1969, Chiến đoàn đổ bộ Bravo Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/26 thủy quân lục chiến mở chiến dịch Brave Armada, đổ bộ lên bãi biển Lệ Thủy, cách căn cứ Chu Lai 14 cây số về phía đông nam, rồi lùng sục truy tìm quân Việt Cộng đang đánh phá tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

175- Chiến dịch Quyết Thắng/21/31 (tỉnh Chương Thiện) (24-7 đến 11-8-1969) 

Từ ngày 24-7 đến 11-8-1969, Sư đoàn 21 bộ binh và Tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng/21/31, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Chương Thiện.

176- Chiến dịch Double Shift (tỉnh Tây Ninh) (29-7-1969) 

Trong ngày 29-7-1969, Giang lực lưu động Việt-Mỹ cho tàu chiến 105 mở cuộc hành quân Double Shift, tập kích tiêu điệt một đơn vị Việt Cộng, rồi liên tục quần đảo trên sông Vàm Cỏ Đông tại phía bắc quận lỵ Gò Dầu Hạ, để xóa bỏ một hiểm họa đe đọa tỉnh lỵ Tây Ninh.

177- Chiến dịch Dong Bo 2-18 (tỉnh Ninh Thuận) (31-7 đến 7-8-1969) 

Từ ngày 31-7 đến 7-8-1969, Sư đoàn 9 bộ binh Hàn Quốc chỉ huy một tiểu đoàn mở chiến dịch Dong Bo 2-18, tìm quét quân Việt Cộng tại khu đồi 1451, thuộc tỉnh Ninh Thuận, cách vịnh Cam Ranh 27 cây số về phía tây.

178- Chánh sách của Việt Cộng với binh lính chết tại chiến trường miền Nam (31-7-1969)

Ngày 31-7-1969, báo Los Angeles Times đăng tại trang 19 bài viết có tựa đề ‘Hanoi has no policy of informing next of kin‘ của nhà báo Arthur J Dommen. Nội dung được Trần Quốc Việt dịch như sau:

Sài Gòn 31-7-1969 – Làm thế nào bộ quốc phòng Bắc Việt báo cho gia đình biết con họ đã bị tử trận trong cuộc chiến tranh Việt Nam?

Theo như ở đây được biết, thân nhân hoàn toàn không được thông báo, trừ phi họ tình cờ nghe hung tin. Khi người con từ biệt gia đình ở Bắc Việt để vào mặt trận ở Nam Việt gia đình họ biết có thể chẳng bao giờ được gặp lại con, vì Bắc Việt, khác với Hoa Kỳ, không có chính sách thông báo cho người thân về thương vong trong chiến trận.

Các viên chức Mỹ tin sự mất tích của những người con và người cha này đã trở thành sự thật quan trọng phải cam chịu đối với các gia đình ở Bắc Việt và là vấn đề tiềm ẩn đối với chính quyền Bắc Việt khi hiện nay những người lính miền Bắc gánh chịu nhiều tổn thất nhất trong cuộc chiến ở Nam Việt.

Tổng cộng số lính Bắc Việt và Việt Cộng tử trận ở Nam Việt mỗi tháng trung bình là 4.000 người. Hầu hết trong số này là những người miền Bắc. Tháng Sáu là tháng duy nhất bị tổn thất nặng nề nhất của địch quân trong ba năm chiến tranh qua ngoại trừ tháng Hai và tháng Năm, 1968 khi chỉ huy địch quân tung ra hai cuộc tấn công lớn nhất của họ. Số người tử trận của họ vượt quá 6.500 và điều này xảy ra trong tháng khi không có cuộc tấn công lớn nào.

Thêm vào đấy hàng trăm lính miền Bắc mỗi tháng không bao giờ trở về được với gia đình. Họ là những thương binh, nhiều người trong họ chết ở những bệnh xá tương đối thô sơ ở miền Nam do quân đội Bắc Việt quản lý hay chết dọc trên đường dài gian khổ về lại đất Bắc qua những con đường mòn trên núi.

Những người lính chiến đấu ở miền Nam này viết thư về nhà thỉnh thoảng nhắc đến thương vong ở đơn vị họ một cách chung chung nhưng họ rõ ràng bị cấm không được kể tên ra. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các gia đình ngoài Bắc nghe tin người nhà tử trận từ những người lính đi phép về nhà hay biết đâu từ người thương binh giải ngũ ở trong làng họ. Trong những trường hợp như thế, gia đình đã lên ủy ban huyện để hỏi xem tin tức có đúng không và chính quyền đã xác nhận người thân họ đã chết. Mới đây chính quyền Bắc Việt đã chỉ thị các viên chức địa phương đối xử tốt hơn với các thương binh và gia đình thương binh liệt sĩ.

Mặc dù hiện nay số lính Bắc Việt lên đường vào Nam chưa đến 30.000 người mỗi tháng như trong thời gian này vào năm ngoái để thay thế tổn thất nặng nề trong các cuộc tấn công vào tháng Hai và tháng Năm, nhưng tin tức cho hay Bắc Việt vẫn còn đưa trung bình 10.000 người vào Nam mỗi tháng. Arthur J Dommen

Có một điều dễ nhận ra là người dân miền Bắc không hề thấy có những thương phế binh ngoài đời trong thời gian chiến tranh xâm lăng miền Nam. Để dân chúng miền Bắc không bị khủng hoảng tinh thần trước cảnh ra đi không về của con em họ, Việt Cộng đã lập ra 3 trung đoàn an dưỡng dọc theo biên giới trên đất Cambodia: gồm các trung đoàn an dưỡng 90, 91, và 92. Mỗi trung đoàn quân số cả trên nhiều chục ngàn người, là những thương binh, phế binh sống sót chạy thoát được về qua biên giới. Tại đây sau một thời gian điều trị trong tình trạng thiếu thốn thường xuyên, họ được phân loại rồi tùy theo điều kiện sức khỏe và cấp độ tàn phế hoặc tình trạng thương tích, bệnh tật, họ được điều động hoặc trả về các đơn vị hay chuyển hẳn về tuyến sau.

Khi đã lên đường vào Nam chiến đấu, người cán binh Bắc Việt trong thực tế đã bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, bạn bè thân thuộc trong một thời gian dài, cho đến khi sống sót được trở ra miền Bắc. Những binh sĩ nghĩ phép hoặc thương binh phục viên về nhà được nghiêm lệnh tuyệt đối không được cung cấp tin tức về tình trạng tử vong của đồng đội cho thân nhân của họ, nếu bức bách quá chỉ nói là ‘đồng đội bị thương và đang điều trị’. Nếu vi phạm quy định này sẽ bị kỷ luật và trừng phạt nghiêm khắc.

Theo nguồn tin từ Combined Document Exploit Center (CDEC) thì tính đến cuối năm 1969, có khoảng 5.500 đoàn đi B (xâm nhập miền Nam), mỗi đoàn trên 500 người. Những người đi ‘nghĩa vụ’ này, sau 2 tháng huấn luyện quân sự tại Hà Đông, được xe Molotova chở ra Ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Tại đây họ di chuyển bằng xe lửa vào Vinh, đêm đi, ngày nghỉ để giữ bí mật và lẩn tránh oanh tạc tại những làng ven đường xe lửa. Khi đến Vinh, họ chuyển sang xe vận tải trở lại, để đi sang C (chiến trường Lào). Từ Lào họ phải di chuyển bằng chân, mỗi người được cấp phát 3 ngày lương thực đủ để đi tới trạm giao liên kế tiếp và được tiếp lương 3 ngày nữa, cứ thế hành trình từ trạm này sang trạm kia. Việt Cộng dùng cách này khiến những cán binh của họ không thể đảo ngũ trốn trở lại được. Tại Trạm Hải Yến đặt giữa 3 biên giới (Lào, Việt và Cambodia), những cán binh trong đoàn còn sống sót sau những trận oanh tạc hay bị sốt rét ác tính được nghỉ ngơi 3 ngày để lấy sức trước khi xâm nhập vào Mặt trận B3. Cũng tại trạm Hải Yến, mọi việc tẩy rửa dấu vết của miền Bắc được hoàn tất để nếu bị chết hay bị bỏ lại trên chiến trường sau này không có gì chứng minh họ là người từ miền Bắc vào đánh miền Nam. Kể từ đây họ là quân đội của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Đồng thời họ được phát giấy trắng và bút để viết thư về nhà, càng viết nhiều càng tốt. Chính trị viên trạm Hải Yến sẽ kiểm tra nội dung thư, nếu nội dung thư có những chi tiết mang tính thời sự sẽ gặp người viết thư để yêu cầu bỏ đi. Những thư này đều không đề ngày tháng năm, với lý do là mỗi năm, hòm thư Trạm Hải Yến sẽ điền ngày và gởi giùm về nhà. Đó là lý do mà có cán binh chết mất xác từ nhiều năm rồi mà người nhà vẫn nhận được tin người thân của mình tương đối đều đặn.

Phần lớn thân nhân ở lại thường linh cảm đoán biết con em họ đã chết, nhưng vẫn cố hy vọng người thân còn sống đâu đó. Sau này khi Việt Cộng chiếm miền Nam, để che dầu việc lường gạt này, họ tuyên truyền là trước khi miền Nam buông súng, lính Việt Nam Cộng Hòa đã tàn sát tù binh Việt Cộng, để gây căm thù và đổ lỗi tàn ác cho người lính miền Nam.

Cái giá phải trả để chiếm được Miền Nam theo con số chánh thức Việt Cộng đưa ra là 1.100.000 người chết và 300.000 người mất tích. Nhưng trên thực tế, quân số thiệt mạng cao gấp nhiều lần. Thông thường là gấp ba lần, vì Việt Cộng luôn che dấu sự tổn thất, thông thường áp dụng quy luật bất thành văn là ‘chia ba nhân ba’, tức là giảm thiệt hại của mình xuống ba lần và nâng số thiệt hại của đối phương lên gấp ba lần.

Việt Cộng xem sinh mạng của con người còn thua con vật, nên chết hết lớp nầy thì họ bắt đến lớp khác, đến nỗi đàn bà con gái Miền Bắc không còn thanh niên, đàn ông để lập gia đình. Họ phải lấy những ông già để có con ẩm bồng theo bản năng tự nhiên của người đàn bà mà nữ sĩ Dương Thu Hương đã từng khẳng định trong các sách của mình. Nhiều gia đình có 4 hoặc 5 đứa con trai bị chết ở chiến trường mà gia đình vẫn không hay biết, vì Việt Cộng không báo tử. Sau này, nhà thơ Chế Lan Viên phải thú nhận: ‘Mậu Thân năm 1968 trong một đêm xuống đồng bằng 10.000 người khi về chỉ còn 30‘.

Trong bài “Cuộc chiến ‘biệt vô tăm tích’“, đăng trên trang Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 9-4-2015, cựu đại tá Bùi Tín viết: “Cuộc nội chiến Nam – Bắc ở Việt Nam đã chấm dứt được mấy mươi năm, biết bao tài liệu sách báo, hồi ký đã được viết ra, biết bao tư liệu tuyệt mật của các bên đã được công bố, nhiều cánh cửa đã được mở ra để nhìn rõ bản chất, nguyên nhân, diễn biến, các góc cạnh của cuộc chiến.

Trong suốt hơn 20 năm qua, tôi đã được đọc không biết bao nhiêu là sách báo, tài liệu của Ngũ Giác Đài, của Bộ Quốc phòng Liên Xô, Pháp, Anh, của Đệ Tam Quốc tế CS, các hồi ký của các tướng tá cả của Quân đội Nhân dân (QĐND) và của Quân lực VN Cộng Hòa, hồi ký về nhà tù CS, hồi ký về thuyền nhân, rồi những tài liệu tù mù thật giả lẫn lộn, phóng ra từ ổ đen tình báo Hoa Nam Trung Quốc. Vậy mà theo tôi vẫn còn nhiều ‘góc khuất’ của cuộc chiến tranh rất nên làm rõ, để cuộc chiến được tái hiện đúng như nó từng diễn ra trên mọi khía cạnh.

Có những sự kiện nhỏ bé ít người nói đến nhưng lại đóng vai trò rất lớn, có khi có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của cuộc chiến.

Xin nêu lên một vấn đề làm thí dụ. Tôi tạm gọi vấn đề này là ‘cuộc chiến biệt vô tăm tích’. Đó là tình trạng quân nhân trong QĐND ở miền Bắc khi đã lên đường vào Nam chiến đấu là cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, bạn bè thân thuộc trong một thời gian dài, cho đến khi sống sót được trở ra miền Bắc.

Có thể nói có hàng mấy triệu lượt quân nhân QĐND vượt tuyến như thế, và hàng triệu người đều ở trong hoàn cảnh như thế. Họ lên đường, rồi ‘biệt vô tăm tích’, vì bưu điện Bắc-Nam bị cắt đứt hoàn toàn. Nhưng không hề có một văn bản nào ghi nhận thành chính sách ‘biệt vô tăm tích’ như vậy. Có lẽ rất hiếm quân đội nào trong thời chiến cùng gia đình họ chịu cảnh chia ly triệt để, kéo dài, chịu một cuộc tra tấn đày đọa tinh thần thâm hiểm đau xót triền miên như thế.

Trong thời chiến tôi có dịp hỏi chuyện một số sỹ quan phi công Hoa Kỳ bị bắt, họ còn mang theo cả thư, ảnh vợ con, bố mẹ nhận được trước đó vài hôm từ Mỹ gửi sang Thái Lan hay Hạm đội 7. Họ chiến đấu ở xa hàng ngàn dặm mà mối quan hệ tình cảm được đều đặn. Quân nhân của chế độ Cộng sản miền Bắc nước ta chiến đấu trên đất nước mình mà cứ như bị tha hương, đến một tinh cầu nào xa lạ, không một lá thư nào, một hình ảnh nào.

Bao nhiêu bà mẹ, ông bố, người vợ đêm nằm thương nhớ khôn nguôi người con, người chồng yêu quý của mình, thế rồi chỉ còn có cách nuốt nước mắt vào lòng, cầu Trời khấn Phật cho người thân ‘biệt vô tăm tích’ của mình sống sót trở về.

Các ông cha bà mẹ, người vợ ấy càng chua xót, đau đớn vì cái tỷ lệ sống sót trở về ngày càng hiếm hoi, ‘sinh Bắc tử Nam’ đã thành số phận gần như thiên định, do cuộc chiến ở miền Nam hết sức ác liệt, do bộ phận lãnh đạo CS sùng bái bạo lực, sắt máu, có dã tâm quyết hy sinh không hạn độ sinh mạng công dân cả nước mình cho tham vọng nhuộm đỏ toàn thế giới của Đệ Tam Quốc Tế CS. Chiến tranh để dành độc lập, rồi ‘chống Mỹ cứu nước’ chỉ là nhãn hiệu bề ngoài che đậy dã tâm trên đây.

Nếu như đảng CS Việt Nam để cho quân nhân mình được phép liên lạc với gia đình, tổ chức ngành bưu điện quân sự tỏa rộng vào các chiến trường, theo tôi nghĩ, bộ mặt cuộc chiến đã khác hẳn. Chỉ riêng cảnh rùng rợn của chiến trường, số chết và bị thương phía CS miền Bắc quá lớn, do quân đội miền Nam và lực lượng Hoa Kỳ có hỏa lực quá mạnh (từ trước năm 1964 chiến trường miền Nam, QĐ miền Bắc nói chung chưa đưa chiên xa vào miền Nam, pháo binh còn thưa thớt, không quân miền Bắc chưa hoạt động được) nên thường thương vong các trận đánh là 3/1, 5/1, có khi 10/1. Theo một số báo cáo tuyệt mật tôi được biết khi đi trong các đoàn quân sự cao cấp do tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu, với nhiệm vụ là bí thư báo chí của Bộ trưởng Quốc phòng, sau các đợt ‘Tổng tiến công và tổng nổi dậy’ năm 1968, lực lượng QĐND bị tổn thất nặng hơn bao giờ hết, cơ sở nhân dân bị lộ, nhiều nơi bị mất trắng, có nơi phải đưa bộ đội chính quy miền Bắc vào làm bộ đội địa phương quận huyện. Nhiều đại đội, tiểu đoàn, cho đến cả trung đoàn phải giải thể, sáp nhập vào nhau, có khi đến 2 hay 3 lấn, phải lấy phiên hiệu A, B, C, như Trung đoàn 275 A, 275B, 275C. Ở Khu 5 hồi ấy sỹ quan tử trận nhiều phải đôn gấp tiểu đội trưởng lên đại đội trưởng, tiểu đoàn phó lên trung đoàn trưởng do miền Bắc cử vào không kịp.

Nếu như thư từ thông suốt, các trận đánh thua tơi bời, chết và bị thương như ngả rạ, người bị thương không được cứu chữa, người chết chôn vội rồi đơn vị di chuyển, giải thể không còn biết ở đâu, nếu như cả xã hội được thông tin từ chiến trận, biết rõ những thất bại chồng chất khi ấy thì hậu phương sẽ không cho phép đảng đem con em mình vào lò thiêu sống như thế. Ở Hoa Kỳ khi các trận đánh qua màn TV đi vào phòng ngủ người dân, số tử vong lính Mỹ lên đến 50 ngàn trong 5 năm là toàn xã hội lên tiếng đòi chấm dứt chiến tranh.

Tôi từng tham dự nhiều buổi tiễn đưa một số đơn vị vào Nam, khi qua binh trạm cuối ‘làng HO’ thuộc đất Vĩnh Linh là anh em vĩnh biệt miền Bắc trong cảnh tượng xé lòng mà vẫn phải làm ra vẻ bình thản. Ai nấy đều giống nhau, hiểu nhau, cùng nhau đóng kịch. Lúc ấy không còn đường rút lui. Cứ như qua cầu bắc ngang sông là cầu bị cắt. Đã có một số anh em mất tinh thần, liều mạng, muốn quay lui, vào tù cũng được, nhưng không sao lọt. Vì trách nhiệm của các chính ủy đoàn, các chính trị viên, của các chi bộ là ngăn chặn hiện tượng ‘B tụt’, ‘B tạt’, ‘B quay’, nghĩa là tìm cách lẩn vào rừng, tụt lại sau, tạt ra các bản người dân tộc, rồi tìm cách quay về nhà. Rất ít ai thoát được.

Những anh em ấy bị truy lùng ráo riết, bị giải về hậu phương, bị tù đày không xét xử, cuối cùng ra tù còn phải chịu cuộc sống bị chính quyền CS phường xóm giám sát, khinh thị, cả họ hàng không sao ngẩng đầu lên được.

Thời gian ‘biệt vô tăm tích’ người thân của mỗi gia đình một khác, có khi 2, 3 năm, có khi 5, 6 năm, nhiều khi trên 10 năm, tùy chiến trưòng Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, hay chiến trường Lào, Miên. Không ai biết rõ con em mình ở nơi nào. Rất hiếm khi có những tin tức của bạn bè, đồng hương bị thương trở ra, được biết là người thân ở Khu 5 hay Nam Bộ, hay Tây Nguyên, còn sống, vắn tắt, sơ sài thế thôi. Những quân nhân tử trận được báo tử rất chậm, chậm 1 năm được coi là bình thường, có khi chậm đến 2, 3 năm, do các đơn vị di chuyển sâu, sổ sách luộm thuộm mất mát, các đơn vị chia ra, nhập vào, thay phiên hiệu, cán bộ tử thương. Vì lẽ ấy mà đến nay QĐND miền Bắc có đến 300 ngàn trường hợp quân nhân mất tích, không biết bị tử trận ngày nào, ở đâu.

Đây là món nợ xã hội của đảng CS đối với nhân dân cho đến nay vẫn không sao trả được. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, con số chính thức của phía Pháp cho biết số tù binh bị phía Việt Nam bắt giam là 5.782 người, đã trao trả nhiều đợt là 3.290, số còn lại là 2.492 phía Việt Nam không giải thích được là sống chết ra sao, vì sao, ở đâu. Đối với tù binh là người Mỹ cũng vậy, số bị bắt giam là gần 2.000, được trao trả là 591 người, số còn lại là 1.350 hay là 1.469 người, (tùy theo tài liệu của Ngũ Giác Đài hay của Quốc hội Mỹ), phía Việt Nam vẫn không giải thích được.

Đây là thêm chứng minh về lãnh đạo đảng CS cực kỳ vô trách nhiệm đối với sinh mạng con người trong chiến tranh, mặc dầu đã có những quy định quốc tế về trách nhiệm các bên đối với tù binh, về cấm tra tấn, về nuôi dưỡng, chữa bệnh, cho nhận thư từ gia đình, trao trả tù binh đầy đủ sau chiến tranh. Không thể để ‘biệt vô tăm tích’ hàng ngàn trường hợp như thế.

Có thể nói chính sách ‘biệt vô tăm tích’ là quốc sách rất thâm và cực kỳ độc ác, phi nhân có tính toán của đảng CS trong thời chiến. Nó được thực hiện cùng với chính sách cắt đứt triệt để quan hệ Bắc – Nam trong suốt gần 30 năm chiến tranh, nhằm triệt hạ mọi tình cảm ruột thịt, gia đình, bạn bè ở 2 miền, đặc biệt là giữa hàng triệu bà con di cư từ Bắc vào Nam với người thân ngoài Bắc, buộc phải coi nhau là thù địch, cũng là để bóp ngẹt tinh thần phản chiến âm thầm của bà con ta ở cả 2 miền.

Đây phải chăng cũng là một tội ác, trời không dung đất không tha, của đảng CS để làm nên cái gọi là toàn thắng giả tạo và tạm thời cách đây 40 năm?”.

179- Một số tình hình trong tháng 8-1969

Trong tháng 8-1-69, các đơn vị đồng minh sang Việt Nam gồm: Phi đoàn 361 trực thăng thủy quân lục chiến Mỹ (1-8); Lữ đoàn 3 hoàng gia Thái Lan (12-8, đóng tại trại Bearcat, Long Thành). Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm: Sở chỉ huy Trung đoàn 9 TQLC và Tiểu đoàn 2/9 TQLC (1-8); Tiểu đoàn 6/56 pháo binh (2-8); Tiểu đoàn 2/39 bộ binh (4-8); Tiểu đoàn 6/84 pháo binh (7-8); Tiểu đoàn 3/39 bộ binh (8-8); Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 9 bộ binh (12-8); Tiểu đoàn 3/9 TQLC (13-8); Tiểu đoàn 1/11 pháo binh (14-8); Phi đoàn 165 trực thăng TQLC (14-8); Tiểu đoàn 86 công binh chiến đấu (15-8); Tiểu đoàn 1 hỏa tiễn phòng không (16-8); Tiểu đoàn 1/84 pháo binh (18-8); Tiểu đoàn 116 công binh chiến đấu (21-8); Phi đoàn 362 trực thăng TQLC (21-8); Tiểu đoàn 9 không yễm (23-8); Đại đội E/75 bộ binh (23-8); Tiểu đoàn 24 công binh (24-8); Sở chỉ huy Sư đoàn 9 bộ binh (27-8); Phi đoàn 334 tiêm kích tấn công TQLC (30-8). Lữ đoàn 1 hoàng gia Thái Lan rời Việt Nam ngày 12-8-1969.

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng 8 gồm: Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 101 không vận chuyển tới trại Gia Lễ, tỉnh Thừa Thiên (13-8); các tiểu đoàn bộ binh 1/501, 1/502, Tiểu đoàn 2/320 pháo binh, Phân đội B/2/17 kỵ binh chuyển tới Gia Lễ (13-8); Tiểu đoàn 6/15 pháo binh chuyển tới Long Thành (15-8); Phi đoàn 17 hành quân đặc biệt chuyển tới Phan Rang (15-8); Tiểu đoàn 19 công binh chiến đấu chuyển tới Bảo Lộc; hai đại đội trực thăng xung phong 162 và 191 chuyển tới Cần Thơ.

180- Trung Cộng gây sức ép với Việt Cộng (tháng 8-1969)

Năm 1968, khi bàn vấn đề viện trợ cho Bắc Việt trong năm 1969, lãnh đạo Trung Cộng quyết định giảm kim ngạch viện trợ hơn 20% so với năm 1968. Tháng 8-1969, thủ tướng Trung Cộng Châu Ân Lai nói với thủ tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng: Thế Việt Nam định đánh hay hòa để Trung Quốc tính việc viện trợ ? Năm 1970, Trung Cộng giảm kim ngạch viện trợ hơn 50% so với 1968 để buộc Việt Cộng phải nghe theo chỉ thị quyết chiến đến cùng.

181- Cuộc tổng tấn công ở miền Nam Việt Nam (1-8 đến 15-9-1969)

Tháng 7-1969, Hội nghị lần 9 Trung ương cục miền Nam đề ra nhiệm vụ và công tác trước mắt nhằm đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Từ ngày 1-8 đến 15-9-1969, quân Việt Cộng đồng loạt và liên tục đánh phá khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa ở gần 40 thành phố, tỉnh lỵ, gần 60 sở chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên, hơn 30 sân bay quân sự, nhiều bến tàu, khu hậu cần.

Trong thời gian này, quân đồng minh cũng mở hàng trăm cuộc hành quân truy quét quân Việt Cộng ở khắp các chiến trường. Kết quả giao tranh, quân Mỹ chết 728, bị thương 1.930; quân các nước đồng minh khác chết 688, bị thương 1.463; quân VNCH chết 3.317, bị thương 7.893, bị bắt 63; thiệt hại 97 máy bay, 130 xe quân sự (có 75 xe tăng và thiết giáp), 29 tàu, xuồng chiến đấu, 40 đại bác và súng cối, 14 kho bom đạn, xăng dầu và vật liệu chiến tranh, 90 đồn bót. Cộng quân chết 16.369, bị thương 24.614, bị bắt 260, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

182- Chiến dịch Victory Dragon 14 (tỉnh Quảng Nam) (1 đến 31-8-1969) 

Từ ngày 1 đến 31-8-1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến (Thanh Long) Hàn Quốc mở chiến dịch Victory Dragon 14, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

183- Các chiến dịch Burnham, Neppabunna, Platypus 2, Tekapo (tỉnh Phước Tuy) (1-8 đến 30-9-1969) 

Trong tháng 8-1969, Chiến đoàn 1 Úc mở liên tiếp 4 chiến dịch hành quân tại tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Liên đội B/1 thiết giáp Úc mở chiến dịch Platypus 2 từ ngày 1 đến 14-8, liên tục phục kích quân cắt đứt tuyến xâm nhập của quân Việt Cộng băng qua quốc lộ 15.

– chỉ huy Tiểu đoàn 9 Úc mở chiến dịch Neppabunna từ ngày 15-8 đến 15-9, hành quân do thám địch tình và thực hiện chương trình bình định nông thôn tại hai quận Đất Đỏ và Xuyên Mộc.

– chỉ huy Tiểu đoàn 6 Úc – Tân Tây Lan và Liên đội B/3 kỵ binh Úc mở chiến dịch Tekapo từ ngày 20 đến 28-8, hành quân do thám địch tình cộng quân tại đồn điền Courtenay.

– chỉ huy Tiểu đoàn 6 Úc – Tân Tây Lan mở chiến dịch Burnham từ ngày 29-8 đến 30-9, hành quân truy quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Phước Tuy.

184- Chiến dịch 3-36/Trojan Horse 1 (tỉnh Quảng Trị) (4-8 đến 1-10-1969) 

Từ ngày 4-8 đến 1-10-1969, Biệt đội Project Delta Mỹ mở chiến dịch 3-36/Trojan Horse 1, hành quân do thám khu vực FOB Mai Lộc, tỉnh Quảng Trị.

185- Các chiến dịch Bun Kae 7, Gaffey Blue, Greene Ace, Jun Jin 21 (tỉnh Pleiku, Bình Định) (4-8 đến 16-10-1969) 

Trong tháng 8-1969, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ mở liên tiếp các chiến dịch ở Vùng 2 chiến thuật.

– chỉ huy các tiểu đoàn 2/8, 1/14, 1/35, 2/35, mở chiến dịch Greene Ace từ ngày 4-8 đến 16-10, tìm quét quân Việt Cộng và hỗ trợ chương trình bình định tại địa bàn tỉnh Pleiku.

– chỉ huy Lữ đoàn 1 mở chiến dịch Gaffey Blue từ ngày 5 đến 25-8, tập kích truy quét cộng quân tại khu vực từ căn cứ Kannack tới Vĩnh Thạnh, ở phía bắc quận An Khê, tỉnh Bình Định.

Trong tháng 8-1969, Sư đoàn bộ binh Thủ đô (Mãnh Hổ) Hàn Quốc mở liên tiếp hai chiến dịch tìm quét cộng quân ở tỉnh Bình Định. 

– chỉ huy Lữ đoàn kỵ binh, phối hợp với Tiểu đoàn 1/69 thiết giáp của Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ, mở chiến dịch Bun Kae 7, từ ngày 12 đến 23-8 tại phía đông thung lũng Sông Côn ở phía đông quận Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Chiến dịch Bun Kae 7 cũng nhằm phối hợp với chiến dịch Gaffey Blue đang diễn ra lúc đó.

– mở chiến dịch Jun Jin 21 từ ngày 23 đến 26-8-1969.

186- Chiến dịch Kou Kiet (tỉnh Xiengkhuang) (từ 6-8-1969)

Từ ngày 6-8-1969, hơn 8.000 quân đồng minh hoàng gia Lào – Việt Nam – Thái Lan, với sự yễm trợ hỏa lực của Không quân Mỹ, đã mở cuộc hành quân Kou Kiet (Save Face – giữ thể diện) để giành lại địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum – Xiengkhuang.

Trong đó, quân hoàng gia Lào triển khai tiểu đoàn biệt kích và các tiểu đoàn xung phong thuộc Quân khu 2, tiểu đoàn biệt kích và các tiểu đoàn nhảy dù thuộc Quân khu 3, tiểu đoàn biệt kích thuộc Quân khu 4 của Lào. Quân đồng minh đã giao tranh với Trung đoàn 174 Việt Cộng và một tiểu đoàn Pathet Lào. Mỹ huy động 120 đến 150 lần chiếc máy bay yễm trợ, oanh kích vào đội hình cộng quân. Trung đoàn 174 rút chạy về tỉnh Sầm Nứa, bỏ lại trận gần 900 xác. 

187- Đợt giao tranh ở tỉnh Kiến Hòa (10 đến 20-8-1969)

Liên tiếp mười ngày từ 10 đến 20-8-1969, cộng quân Quân khu 8 và Tỉnh đội Bến Tre 76 lần tấn công các căn cứ và vị trí Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh ở tỉnh lỵ Trúc Giang, 7 thị trấn, quận lỵ và phần lớn hệ thống đồn bót trong tỉnh Kiến Hòa. Cùng thời gian, quân đồng minh  cũng mở 52 cuộc hành quân truy quét quân Việt Cộng trong khu vực. Kết quả đợt giao tranh, quân Mỹ chết 14, bị thương 52; quân VNCH chết 115, bị thương 238, bị bắt 6. Cộng quân chết 497, bị thương 541, bị bắt 15.

188- Đợt giao tranh ở Quảng Nam – Đà Nẵng (11 đến 13-8-1969)

Liên tiếp 3 ngày đêm từ 11 đến 13-8-1969, cộng quân Quân khu 5 và Tỉnh đội Quảng Đà liên tục và đồng loạt đánh phá vào các căn cứ và vị trí quân Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh, các sân bay, cơ quan chính quyền trong thành phố Đà Nẵng, tỉnh lỵ Hội An và một số quận lỵ thuộc tỉnh Quảng Nam.

Cùng thời gian, quân đồng minh cũng mở hai cuộc hành quân phản kích và truy quét cộng quân tại khu vực. Kết quả, quân Mỹ chết 11, bị thương 25; quân VNCH chết 38, bị thương 156; thiệt hại 16 xe quân sự. Cộng quân chết 190, bị thương 351, bị bắt 17.            

189- Đợt giao tranh ở tỉnh Định Tường (11 đến 16-8-1969)

Liên tiếp 6 ngày đêm từ 11 đến 16-8-1969, cộng quân Quân khu 8 và Tỉnh đội Mỹ Tho tấn công hàng loạt căn cứ và vị trí đồn bót Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh trong tỉnh lỵ Mỹ Tho và 6 chi khu quân sự thuộc tỉnh Định Tường.  

Trong thời gian này, quân đồng minh cũng mở 11 cuộc hành quân truy quét cộng quân. Kết quả giao tranh, quân Mỹ chết 4, bị thương 45; quân đội và cảnh sát VNCH chết 69, bị thương 256, bị bắt 22, thiệt hại 40 xe quân sự, cháy kho 30.000 lít xăng dầu. Cộng quân chết 294, bị thương 543, bị bắt 20.                    

190- Đợt giao tranh ở hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh (11 đến 17-8-1969)

Để ngăn chận quân Việt Cộng ở Đông Nam Bộ và từ Cambodia xâm nhập đánh phá và củng cố kế hoạch Phòng ngự từ xa bảo vệ đô thành Sài Gòn và vùng Đông Nam phần, lãnh đạo Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ điều động lên trấn đóng ở hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh hơn 20 tiểu đoàn và hơn 500 xe quân sự thuộc Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ, Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ, Trung đoàn 15 thiết giáp Việt Nam và nhiều tiểu đoàn bộ binh Việt Nam. Quân đồng minh bố trí thành nhiều tuyến phòng thủ với những căn cứ hỏa lực và yểm trợ hành quân, những cụm, những chốt dày đặc để phòng ngự dự phòng.

Từ đêm 11 đến 17-8-1969, cộng quân Đông Nam Bộ và hai tỉnh đội Tây Ninh, Bình Long đã liên tục và đồng loạt tấn công 80 trận lớn vào 40 mục tiêu, căn cứ kiên cố Việt-Mỹ. Ngược lại, quân đồng minh cũng mở hàng chục cuộc hành quân phản kích và truy quét cộng quân trong khu vực. Đôi bên đã xảy ra chỉ trong một tuần hơn 150 trận giao tranh lớn nhỏ, ác liệt nhất là các trận ở Texniq, Chơn Thành, Đông Sở, Ngã Tư Xa Cát, Lovia, Ngã Ba Lộc Ninh, Bàu Cỏ, Bà Chiêm.

Đêm 14-8-1969, cộng quân Quân khu 7 và Quân khu 8 phối hợp tấn công vào chi khu quân sự Lộc Ninh (tỉnh Bình Long), đêm hôm sau lại tấn công vào sân bay Lộc Ninh. Kết quả, quân VNCH chết 15, bị thương 179, thiệt hại 5 xe quân sự (có 3 xe tăng, thiết giáp). Cộng quân chết 324, bị thương 298, bị bắt 12.                   

Kết quả trong loạt giao tranh ở hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh từ 11 đến 17-8-1969, quân Mỹ chết 51, bị thương 393; quân VNCH chết 128, bị thương 718, bị bắt 5, thiệt hại 25 xe quân sự (có 11 xe tăng, thiết giáp), 5 máy bay, hàng chục kho tàng quân sự. Cộng quân chết 1.356, bị thương 380, bị bắt 12, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

191- Chiến dịch Ready Deck/Trần Hưng Đạo 5 (tỉnh Bình Dương) (11-8-1969 đến 1-10-1971) 

Tiếp tục thực hiện kế hoạch SEALORDS, Chiến đoàn 116 Hải quân Mỹ chỉ huy hai giang đoàn 554 và 571, phối hợp với Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam và Lữ đoàn 3/Sư đoàn 82 không vận Mỹ mở chiến dịch Ready Deck/Trần Hưng Đạo 5 từ ngày 11-8-1969 đến 1-10-1971, chuyển quân tới tỉnh lỵ Phú Cường (Thủ Dầu Một) tỉnh Bình Dương, rồi bắt đầu cuộc tuần tra liên tục trên phạm vi rộng, tìm quét quân Việt Cộng dọc theo sông Sài Gòn từ Phú Cường tới quận lỵ Dầu Tiếng. Phía VNCH gọi cuộc hành quân phối hợp của mình là chiến dịch Trần Hưng Đạo 5.

192- Chiến dịch Thunder Run (tỉnh Bình Long) (12-8 đến 22-9-1969) 

Từ ngày 12-8 đến 22-9-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/2 bộ binh, Tiểu đoàn 1/4 kỵ binh, phối hợp với Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ, mở chiến dịch Thunder Run, liên tục hành quân tuần tra dọc theo quốc lộ 13 từ Quản Lợi tới Lộc Ninh thuộc địa bàn tỉnh Bình Long.

193- Các chiến dịch Carolina Blaster, Clairborne Chute, Cumberland Thunder, Louisiana Lee, Richland Square (tỉnh Thừa Thiên) (14-8 đến 28-9-1969) 

Sau khi hoàn thành chiến dịch Kentucky Jumper, Sư đoàn 101 không vận Mỹ mở tiếp chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên từ ngày 14-8 đến 28-9-1969, lúc đầu mang mật danh Carolina Blaster, đến ngày 17-8 đổi là chiến dịch Richland Square. Chiến dịch Carolina Blaster/Richland Square bao gồm ba cuộc hành quân có quy mô cấp lữ đoàn trong đó.

– Lữ đoàn 3/101 mở chiến dịch Louisiana Lee từ ngày 15-8 đến 28-9, hành quân do thám phía nam thung lũng A Sầu.

– Lữ đoàn 2/101 mở chiến dịch Clairborne Chute từ ngày 15-8 đến 28-9, hành quân bảo vệ an ninh dọc theo quốc lộ 1 từ Huế tới giáp ranh tỉnh Quảng Trị.

– Lữ đoàn 1/101 mở chiến dịch Cumberland Thunder từ ngày 18-8 đến 28-9, phối hợp với Trung đoàn 3/Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam hành quân do thám thung lũng Ruông Ruông.

194- Chiến dịch Quyết Thắng/44/37 (tỉnh Kiến Phong) (14 đến 19-8-1969) 

Từ ngày 14 đến 19-8-1969, Biệt khu 44 chiến thuật chỉ huy Lực lượng 4 xung kích cơ động và các đại đội địa phương quân, nghĩa quân, mở chiến dịch Quyết Thắng/44/37, tìm quét cộng quân tại xã Thường Phước, thuộc quận Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong, cách tỉnh lỵ Cao Lãnh 65 cây số về phía tây bắc.

195- Chiến dịch Dong Bo 1-14 (tỉnh Ninh Thuận) (16 đến 24-8-1969) 

Từ ngày 16 đến 24-8-1969, Sư đoàn 9 bộ binh (Bạch Mã) Hàn Quốc mở chiến dịch Dong Bo 1-14, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

196- Giao tranh ở tỉnh Tây Ninh (17 đến 31-8-1969)

Từ ngày 17 đến 31-8-1969, cộng quân Đông Nam Bộ liên tục giao tranh hàng chục trận với lực lượng Việt-Mỹ gồm một lữ đoàn tăng cường của Sư đoàn 25 bộ binh (Tia chớp nhiệt đới) Mỹ phối hợp với 2 trung đoàn của Sư đoàn 25 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa ở khu vực tỉnh Tây Ninh. Kết quả, quân Mỹ chết 38, bị thương 112; quân VNCH chết 86, bị thương 211; thiệt hại 90 xe quân sự, 51 đại bác, 26 máy bay. Cộng quân chết 347, bị thương 518, bị bắt 14, thiệt hại một số thiết bị quân sự.                   

197- Chiến dịch Bull Run 1 (tỉnh Phước Long) (18-8 đến 22-9-1969) 

Từ ngày 18-8 đến 22-9-1969, Lực lượng 3 xung kích cơ động MIKE Mỹ có tăng cường Tiểu đoàn 2/13 pháo binh Mỹ, đã mở chiến dịch Bull Run 1, nhằm ngăn chặn một kế hoạch của Sư đoàn 5 cộng quân chuẩn bị tấn công các căn cứ phòng vệ dân sự ở phía đông tỉnh Phước Long. Sau khi không vận tới căn cứ Đức Phong, Lực lượng 3 MIKE hành quân lùng sục về phía đông bắc dọc theo quốc lộ 14 tới giáp ranh tỉnh Quảng Đức.

198-Chiến dịch Liên Kết 414 và 531 (tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Tín)(25-8 đến 31-12-1969) 

Trong tháng 8-1969, Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở liên tiếp hai chiến dịch tìm quét cộng quân.

– chỉ huy Trung đoàn 4 mở chiến dịch Liên Kết 414 từ 25-8 đến 31-12, tại tỉnh Quảng Ngãi.

– chỉ huy Trung đoàn 5 mở chiến dịch Liên Kết 531 từ ngày 28-8 đến 30-9, tại tỉnh Quảng Tín.

199- Chiến dịch Quyết Thắng/BL/58 (tỉnh Bạc Liêu) (27 và 28-8-1969) 

Trong hai ngày 27 và 28-8-1969, Sư đoàn 21 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Trung đoàn 32 mở chiến dịch Quyết Thắng/BL/58, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu, cách quận lỵ Giá Rai 24 cây số về phía tây bắc.

200- Một số tình hình trong tháng 9-1969

Ngày 1-9-1969, trong một buổi lễ tại căn cứ Đồng Tâm, nằm ven bờ Tiền Giang thuộc tỉnh Định Tường, tư lệnh Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ ký biên bản chuyển giao căn cứ này cho Sư đoàn 7 bộ binh Việt Nam.

Trong tháng 9-1969, các đơn vị Mỹ sang Việt Nam gồm: Phi đoàn 122 tiêm kích tấn công thủy quân lục chiến (5-9, đóng tại Chu Lai); Tiểu đoàn 2/12 pháo binh (13-9, tiếp quản toàn bộ vật chất của Tiểu đoàn 3/197 pháo binh để lại). Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm: Tiểu đoàn 3/197 pháo binh (3-9); Phi đoàn 232 tiêm kích tấn công TQLC (7-9); Phi đoàn 3 hành quân đặc biệt (15-9).

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng gồm: Tiểu đoàn 1/50 bộ binh cơ giới chuyển tới bãi đáp Betty (1 đến 6-9); Tiểu đoàn 3/503 bộ binh và Pháo đội C/319 chuyển tới bãi đáp English ở Bồng Sơn (1 đến 6-9); Phi đoàn 20 hành quân đặc biệt chuuyển tới Tuy Hòa (5-9); Tiểu đoàn 7/17 không kỵ chuyển tới Kontum; Phi đoàn 361 trực thăng TQLC chuyển vào Liên đoàn 3 không quân TQLC (26-9).

201- Các chiến dịch Defiant Stand, Phi Phụng/20/69A, Victory Dragon 15 (tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín) (1-9 đến 5-10-1969) 

Từ ngày 1 đến 30-9-1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến (Thanh Long) Hàn Quốc mở chiến dịch Victory Dragon 15, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Từ ngày 4-9 đến 5-10, Biệt khu Quảng Đà chỉ huy Trung đoàn 51 bộ binh mở chiến dịch Phi Phụng/20/69A, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Lần đầu tiên trong cuộc chiến tại Việt Nam, Thủy quân lục chiến Mỹ và Hàn Quốc đã mở một chiến dịch đổ bộ chung mang mật danh Defiant Stand, từ ngày 7 đến 19-9, tại địa bàn tỉnh Quảng Tín. Quân Mỹ tham chiến gồm Tiểu đoàn 1/26 TQLC thuộc Chiến đoàn đổ bộ Alpha. Quân Hàn gồm hai tiểu đoàn 2 và 5/Lữ đoàn Thanh Long. Quân đồng minh đã đổ bộ lên khu vực Barrier Island, cách thị xã Đà Nẵng 56 cây số về phía đông nam, để lùng sục tìm quét đơn vị Việt Cộng đã từng kiểm soát khu vực này trong một thời gian dài. Sư đoàn 1 TQLC Mỹ, Sư đoàn Americal và Lữ đoàn Thanh Long mỗi nơi cũng cử ra một tiểu đoàn để phối hợp lập các chốt chặn vòng ngoài, đón diệt cộng quân rút chạy dạt ra. Đây cũng là chiến dịch hành quân cuối cùng của Lực lượng 62 đổ bộ đặc biệt Mỹ tại Việt Nam. Và đây cũng là cuộc đổ bộ đầu tiên trong lịch sử 20 năm của Quân đoàn TQLC Hàn. 

202- Chiến dịch Liên Kết 612 (tỉnh Quảng Ngãi) (1-9 đến 31-12-1969) 

Từ ngày 1-9 đến 31-12-1969, Sư đoàn 2 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Trung đoàn 6 mở chiến dịch Liên Kết 612, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

203- Các chiến dịch Quyết Thắng/21/35, Quyết Thắng/21/36, Quyết Thắng/21/38, Quyết Thắng/32/71 (Vùng 4 chiến thuật) (2-9 đến 31-12-1969) 

Trong tháng 9-1969, Sư đoàn 21 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở liên tiếp 4 chiến dịch tìm quét cộng quân.

– mở chiến dịch Quyết Thắng/21/35 từ ngày 2-9 đến 18-11 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.

– mở chiến dịch Quyết Thắng/21/36 từ ngày 11-9 đến 8-12 tại tỉnh Chương Thiện.

– mở chiến dịch Quyết Thắng/32/71 từ ngày 11 đến 19-9 tại địa bàn tỉnh Ba Xuyên.

-chỉ huy Trung đoàn32 mở chiến dịch Quyết Thắng/21/38 từ 29-9 đến 31-12 tại tỉnh An Xuyên.

204- Hồ chết (2-9-1969)

           Ngày 2-9-1969, chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam kiêm chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh chết do kiệt quệ tinh thần sau khi cộng quân đại bại trong các cuộc tổng tấn công 1968-69, thương vong chỉ trong hai năm tổng cộng gần 700.000 quân mà vẫn không chiếm được miền Nam. Hồ chết ngay ngày quốc khánh Việt Cộng, vì thế Bộ Chính trị công khai lừa dối toàn Đảng và toàn dân Việt cộng, công bố Hồ chết ngày 3-9, và cũng công bố một bản di chúc giả mạo danh Hồ để làm tài liệu tuyên truyền trong dân chúng.

Nghe tin điện từ Hà Nội, ngay trong ngày 2-9-1969, Nguyễn Hữu Thọ theo đoàn Trung ương cục ra Hà Nội dự lễ tang Hồ Chí Minh và bị giữ ở lại miền Bắc cho đến khi giải phóng xong miền Nam. Ngày 4-9, Đài phát thanh giải phóng của Việt Cộng thông báo các lực lượng vũ trang giải phóng sẽ đơn phương ngừng chiến trong ba ngày để tưởng niệm cái chết của Hồ.

Từ ngày 5-9-1969, Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa 3 họp khẩn cấp sau khi Hồ chết, ra lời kêu gọi gửi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài.

205-Chiến dịch Chieftain, Friendship 3, Kingston(tỉnh Phước Tuy) (3-9-1969 đến 20-2-1970) 

Trong tháng 9-1969, Chiến đoàn 1 Úc mở liên tiếp ba chiến dịch tại tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Liên đội B/1 thiết giáp mở chiến dịch Chieftain từ ngày 3-9 đến 4-10, tham gia bình định nông thôn tại quận Đức Thành.

– chỉ huy một đơn vị tham gia chiến dịch Friendship 3, tập kích mật khu Hát Dịch (11-9-1969).

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 và Liên đội B/3 kỵ binh, mở chiến dịch Kingston từ ngày 14-9 đến 15-10, hành quân do thám và lùng sục truy quét quân Việt Cộng tại hai quận Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Từ ngày 11-9-1969 đến 20-2-1970, Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/3 bộ binh, phối hợp với các đơn vị thuộc Sư đoàn viễn chinh hoàng gia Thái Lan, Chiến đoàn 1 Úc, và Trung đoàn 48/Sư đoàn 18 bộ binh Việt Nam mở chiến dịch Friendship 3, liên tục mở các cuộc hành quân do thám và tập kích vào mật khu Hát Dịch để tìm quét quân Việt Cộng đang ẩn náu và đánh phá tại địa bàn phía tây bắc tỉnh Phước Tuy.

206- Chiến dịch QuyếtThắng/44/42, QuyếtThắng/44/43 (tỉnh Châu Đốc) (4-9 đến 25-10-1969) 

Trong tháng 9-1969, Biệt khu 44 Việt Nam Cộng Hòa mở liên tiếp các chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Châu Đốc.

– chỉ huy Liên đoàn 4 biệt động quân và Liên đội 12 thiết kỵ mở chiến dịch Quyết Thắng/44/42 từ ngày 4 đến 16-9, tại phía bắc căn cứ dân vệ Ba Xoài và phía nam dãy biên giới giáp Cambodia.

– mở chiến dịch Quyết Thắng/44/43 từ ngày 17-9 đến 25-10-1969.

207- Các chiến dịch Putnam Cougar, Wayne Boulder (tỉnh Bình Định, Pleiku) (10-9 đến 28-10-1969) 

Trong tháng 9-1969, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ mở liên tiếp hai chiến dịch tìm quét cộng quân.

– chỉ huy Tiểu đoàn 1/8 mở chiến dịch Wayne Boulder từ 10-9 đến 11-10, tại tỉnh Bình Định.

– chỉ huy Lữ đoàn 2 mở chiến dịch Putnam Cougar từ ngày 21-9 đến 28-10 tại tỉnh Pleiku.

208- Chiến dịch Danger Forward, Yorktown Victor (tỉnh Bình Dương) (10-9 đến 15-11-1969) 

Từ ngày 10-9 đến 15-11-1969, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 82 không vận Mỹ mở chiến dịch Yorktown Victor, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực Tam Giác Sắt, tỉnh Bình Dương, nhằm hỗ trợ cho chiến dịch Ready Deck/Trần Hưng Đạo 5 của liên quân Việt-Mỹ diễn ra cùng lúc. Đây cũng là chiến dịch hành quân cuối cùng của Lữ đoàn 3/82 tại Việt Nam cho đến khi rút về Mỹ vào tháng 12-1969.

Từ ngày 21-9 đến 28-10, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ phối hợp với Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam mở chiến dịch Danger Forward, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Dương. Quân Mỹ tham chiến gồm Lữ đoàn 2 và Lữ đoàn 3/ Sư đoàn 1 bộ binh, có tăng cường thêm Tiểu đoàn 1/501 bộ binh của Lữ đoàn 3/Sư đoàn 82 không vận. Quân VNCH gồm một số tiểu đoàn của hai trung đoàn 7 và 8 thuộc Sư đoàn 5 bộ binh. Quân đồng minh đã lùng sục tìm quét Trung đoàn Đồng Nai và Tiểu đoàn Quyết Thắng của Việt Cộng tại khu vực phía bắc xã Phú Lợi và phía đông quốc lộ 13.

209- Chiến dịch Cánh Đồng Chum (đầu tháng 9-1969)

Đầu tháng 9-1969, các đơn vị Hmong của tướng Vang Pao có Không quân Mỹ oanh kích yễm trợ, đã mở chiến dịch Cánh Đồng Chum, liên tiếp tấn công đánh chiếm và phá hủy hàng loạt vị trí then chốt của Việt Cộng và Pathet Lao tại khu vực Cánh Đồng Chum, gây cho cộng quân nhiều thiệt hại và mất hầu hết quyền kiểm soát tại địa bàn trọng yếu này. Vì thế, cộng quân phải gấp rút mở chiến dịch 139 để tái chiếm Cánh Đồng Chum.

210- Chiến dịch 139 (tỉnh Xieng Khuang) (13-9-1969 đến 25-4-1970)

Ngày 13-9-1969, Bộ Tổng tư lệnh quân Việt Cộng huy động 35.000 quân mở chiến dịch 139 tái chiếm khu vực Cánh Đồng Chum (tỉnh Xieng Khuang, Thượng Lào) đang do 4.000 quân Chánh phủ Hoàng gia Lào và du kích Hmong trấn giữ. Tham gia gồm có hai sư đoàn 312, 316, Trung đoàn 866 bộ binh, Trung đoàn 16 pháo binh, một đại đội xe tăng, 4 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn Tỉnh đội Nghệ An, và 10 tiểu đoàn Pathet Lào. Chiến dịch do Vũ Lập làm tư lệnh, Huỳnh Đắc Hương làm chính uỷ.

Sau hơn một tháng chuẩn bị, ngày 25-10-1969 cộng quân tấn công. Suốt mấy tháng liền giao tranh trực diện với quân chánh phủ Lào, cộng quân thương vong rất lớn nhưng không chiếm được một vị trí nào. Quân lực Hmong do tướng Vang Pao chỉ huy, với sự yễm trợ của oanh tạc cơ Mỹ đã mở cuộc tấn công, truy quét và tiêu diệt một lực lượng lớn Việt Cộng và Pathet Lào.

Sau đó cộng quân thay đổi chiến thuật, kết hợp bao vây đón lõng với tiến công cứ điểm bằng biển người, đến ngày 20-2-1970 quân Việt Cộng chiếm được khu vực Cánh Đồng Chum.

Trong khi đó ở hướng tây, quân Lào Cộng và Việt Cộng tấn công Salaphukhun, buộc quân chánh phủ phải rút khỏi Muang Xui. Ngày 25-2, cộng quân chiếm được thị xã Xieng Khuang. Ngày 18-3, cộng quân chiếm Xam Thong và chuẩn bị kéo sang đánh căn cứ lực lượng đặc biệt của tướng Vang Pao ở Longtiang. Bộ tư lệnh liên quân Mỹ – Lào rút lực lượng từ các quân khu 1, 2, 3 của Lào về tăng cường cho Longtiang, đồng thời mở cuộc phản kích tái chiếm Xam Thong. Quân đồng minh cho máy bay oanh kích dữ dội vào đội hình và hành lang tiếp tế của cộng quân. Quân chánh phủ Lào tiếp tục tái chiếm các vị trí Salaphukun, Muang Souy, thị xã Xieng Khuang. Ngày 25-4-1970, cộng quân bỏ hết các vị trí ngoại vi, tập trung về khu vực lõi trung tâm Cánh Đồng Chum lập trận địa phòng ngự.

211- Chiến dịch Do Kae Bi 1-14 (tỉnh Phú Yên) (18-9 đến 3-10-1969) 

Từ ngày 18-9 đến 3-10-1969, Trung đoàn 28/Sư đoàn 9 bộ binh Hàn Quốc mở chiến dịch Do Kae Bi 1-14, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Phú Yên.

212- Chiến dịch Keystone Cardinal (18-9 đến 15-12-1969) – Rút quân Mỹ đợt 2

Ngày 10-9-1969, đại tướng Abrams – tư lệnh Phái bộ MACV – trở về Washington để báo cáo và thỉnh thị ý kiến tổng thống Nixon. Ngày 16-9, tổng thống Nixon thông báo sẽ rút thêm hơn 35.000 quân Mỹ tại Việt Nam về nước ngay lập tức, để giảm quân số Mỹ tại Việt Nam còn 484.000 người.

Từ ngày 18-9 đến 15-12-1969, Bộ tư lệnh Quân viện Mỹ tại Việt Nam mở chiến dịch Keystone Cardinal, để thực hiện chương trình rút quân Mỹ về nước giai đoạn 2.

Ngày 22-9-1969, Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ thông báo rằng hoạt động của Lực lượng này tại Việt Nam sẽ được rút ngắn còn từ 12 tới 13 tháng nữa.

213- Chiến dịch Breezy Cove/Trần Hưng Đạo 10 (tỉnh An Xuyên) (25-9-1969 đến 5-6-1971) 

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch dài hạn SEALORDS, từ ngày 25-9-1969 đến 5-6-1971, Chiến đoàn 116 Hải quân Mỹ phối hợp với Vùng sông ngòi Hải quân Việt Nam mở chiến dịch Breezy Cove/Trần Hưng Đạo 10, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh An Xuyên.

Hải quân đồng minh đã thiết lập thêm một hàng rào chốt chặn mới để cách ly khu rừng U Minh với phần còn lại của bán đảo Cà Mau. Hàng rào bảo vệ này chạy dọc theo sông Ông Đốc, từ tỉnh lỵ Quản Long (Cà Mau) ra tới vịnh Thái Lan.

214- Chiến dịch U Minh 3 (tỉnh Kiên Giang và An Xuyên) (26-9 đến 8-12-1969).

Từ ngày 26-9 đến 8-12-1969, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4-Vùng 4 chiến thuật chỉ huy Sư đoàn 9 và Sư đoàn 21 bộ binh Việt Nam, các giang đoàn số 73, 74, 75 Việt Nam, phối hợp với một lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, với hàng chục tàu chiến, đại bác và súng cối hạng nặng yểm trợ, đã mở chiến dịch U Minh 3, với cùng lúc ba cuộc hành quân dài ngày bình định và truy quét quân Việt Cộng tại các vùng U Minh, Ba Hòn và Sông Ông Đốc thuộc hai tỉnh Kiên Giang và An Xuyên. Cuộc hành quân này cũng nhằm phối hợp với chiến dịch Breezy Cove/Trần Hưng Đạo 10 của Hải quân và các chiến dịch Quyết Thắng của Sư đoàn 21 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa đang diễn ra trong khu vực.

Trong gần hai tháng rưỡi hành quân, quân đồng minh đã đụng độ và giao tranh 133 trận lớn nhỏ với cộng quân Tây Nam Bộ và hai tỉnh đội Rạch Giá, Cà Mau. Kết quả, quân Mỹ chết 14, bị thương 66; quân VNCH chết 840, bị thương 2.370; thiệt hại 68 tàu, xuồng chiến, 83 máy bay. Cộng quân chết 3.427, bị thương 5.892, bị bắt 157, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.  

215- Chiến dịch Hancock Flame (tỉnh Bình Thuận) (27-9 đến 7-10-1969) 

Từ ngày 1 đến 6-9-1969, Tiểu đoàn 3/503 bộ binh rút khỏi Chiến đoàn South tại Bảo Lộc để không vận về bãi đáp English (ở Bồng Sơn, tỉnh Bình Định), trở về thuộc đơn vị cũ là Lữ đoàn 173 không vận Mỹ. Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 1/50 bộ binh cơ giới của Lữ đoàn 173 cũng không vận tới bãi đáp Betty để được biệt phái vào Chiến đoàn South.

Từ ngày 27-9 đến 7-10-1969, Chiến đoàn South Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 3/506 bộ binh, phối hợp với Tiểu đoàn 4/44 của Sư đoàn 23 bộ binh Việt Nam mở chiến dịch Hancock Flame, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Thuận, cách căn cứ Sông Mao 10 cây số về phía tây bắc.

216- Các chiến dịch Norton Falls, Republic Square (tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị) (28-9 đến 6-12-1969) 

Do sắp đến hạn phải rút Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến rời Việt Nam về nước, nên Sư đoàn 101 không vận Mỹ đã kết thúc chiến dịch Richland Square để  mở chiến dịch Republic Square từ ngày 28-9 đến 6-12-1969, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên. Toàn bộ lực lượng đồng minh đã rút khỏi thung lũng A Sầu để phục vụ cho việc rút quân TQLC. Sư đoàn 101 cho Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 2 liên tục mở các cuộc hành quân Republic Square do thám khu vực rừng núi Thừa Thiên, trong khi Lữ đoàn 3 bắt đầu mở chiến dịch Norton Falls.

Từ ngày 29-9 đến 8-11-1969, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 101 mở chiến dịch Norton Falls, cho hai tiểu đoàn bộ binh 1/506, 2/506 kéo tới Mai Lộc, tỉnh Quảng Trị, để phối hợp với Tiểu đoàn 2/2 của Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam, mở liên tục các cuộc hành quân tìm quét quân Việt Cộng tại phía tây bắc căn cứ Vandegrift, thuộc vùng núi Rockpile, để phục vụ cho việc rút Trung đoàn 4 TQLC Mỹ về nước.

217- Một số tình hình trong tháng 10-1969

Ngày 2-10-1969, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo số thương vong binh sĩ Mỹ trong tuần lễ vừa qua là thấp nhất trong hai năm qua, với tổng số 95 binh sĩ thương vong. Ngày 4-10, đại tướng chủ tịch Hội đồng tham mưu Liên quân Earle Wheeler sang làm việc tại Việt Nam trong ba ngày.

Ngày 6-10, tổng thống Philippines Ferdinant Marcos thông báo tại Manila rằng Phái bộ Phi tại Việt Nam ‘có thể sẽ rút khỏi Việt Nam sau cuộc bầu cử tại Phi’. Cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 11-11-1969.

Ngày 8-10, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird gửi một bản báo cáo dài bảy trang lên tổng thống Nixon, cảnh báo tổng thống không nên nghe theo đề xuất từ tham mưu trưởng Hội đồng liên quân tăng cường không kích và mở các chiến dịch hải quân chống Bắc Việt.

Ngày 9-10, Bộ Quốc phòng Mỹ lại thông báo là trong tuần qua, số thương vong của binh sĩ Mỹ là 64 người, thấp nhất trong hai năm qua.

Ngày 17-10, tàu tuần dương Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã bắn chìm một tàu đánh cá bằng lưới rà của Liên Xô trong khi đang xâm nhập vào lãnh hải sát bờ biển Việt Nam Cộng Hòa rồi vừa bỏ chạy vừa nổ súng chống lại khi bị phát hiện và truy đuổi.

Ngày 22-10, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận đã có 6.000 chiếc máy bay bị thiệt hại tại chiến trường Đông Dương. Trong số này bao gồm thiệt hại trong chiến đấu và thiệt hại do tai nạn, của tất cả các loại phản lực cơ, trực thăng và máy bay thám thính nhỏ không người lái.

Tính đến ngày 31-10-1969, quân số Mỹ tại Việt Nam là 496.274 người.

Trong tháng 10-1969, các đơn vị Mỹ sang Việt Nam gồm có: Đại đội 571 công binh chiến đấu (thành lập 1-10 tại Tân An, với vật chất của Tiểu đoàn 15 công binh); Phi đoàn 18 hành quân đặc biệt (1-10, đóng tại Phan Rang); Tiểu đoàn 1/39 pháo binh (10-10, với vật chất của Tiểu đoàn 2/138 pháo binh để lại). Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm có: Tiểu đoàn 1/12 thủy quân lục chiến (2-10); Sở chỉ huy Trung đoàn 3 TQLC và hai tiểu đoàn 1/3, 2/3 (6-10); Tiểu đoàn 3/3 TQLC (7-10); Phi đoàn 533 tấn công TQLC (7-10); Tiểu đoàn 2/138 pháo binh (10-10); Phi đoàn 6 quan sát TQLC (12-10); Liên đội 14 an ninh cảnh sát (15-10); Phi đoàn 462 trực thăng TQLC (20-10); Tiểu đoàn 1/4 TQLC (22-10); Tiểu đoàn 3 xe tăng (23-10); Tiểu đoàn 3 công binh (23-10).

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng gồm: Phi đoàn 4 hành quân đặc biệt chuyển tới Phan Rang (1-10); Không đoàn 14 hành quân đặc biệt chuyển tới Phan Rang (15-10); Liên đoàn tạm 39 không quân TQLC sáp nhập vào Liên đoàn 36 không quân TQLC (15-10); các phi đoàn trực thăng TQLC 161, 262, 367 chuyển vào Liên đoàn 36 không quân TQLC (16-10); các tiểu đoàn TQLC rút khỏi Chiến đoàn đổ bộ gồm 1/26 (20-10), 2/26 (27-10); Tiểu đoàn 2/32 pháo binh chuyển tới Củ Chi (21-10); Tiểu đoàn 1/39 pháo binh chuyển tới Gia Lễ; Tiểu đoàn 7/13 pháo binh chuyển tới Phù Cát; Sở chỉ huy Lữ đoàn 2/Sư đoàn 4 bộ binh chuyển tới An Khê (28-10).

218- Các chiến dịch 4-36/Trojan Horse 2, Fulton Square, Lam Sơn 345, Lam Sơn 348 (tỉnh Quảng Trị) (1-10-1969 đến 18-1-1970) 

Từ ngày 1-10 đến 31-12-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Trung đoàn 1 mở chiến dịch Lam Sơn 345, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Từ ngày 13-10 đến 9-11, Biệt đội Project Delta Mỹ mở chiến dịch 4-36/Trojan Horse 2, hành quân do thám tại địa bàn FOB Mai Lộc, tỉnh Quảng Trị.

Từ ngày 22-10-1969 đến 18-1-1970, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 bộ binh Mỹ mở chiến dịch Fulton Square, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực rừng núi từ tỉnh lỵ Quảng Trị tới xã Mai Lộc. Cộng quân bỏ lại trận tổng cộng 384 xác.

Từ ngày 27-10 đến 31-12-1969, Liên đội 7 thiết kỵ Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Lam Sơn 348, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.

219- Chiến dịch Victory Dragon 16 và 17 (tỉnh Quảng Nam) (1-10  đến 1-12-1969) 

Trong tháng 10- 1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến (Thanh Long) Hàn Quốc mở liên tiếp hai chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam: mở chiến dịch Victory Dragon 16 từ ngày 1 đến 30-10; mở chiến dịch Victory Dragon 17 từ ngày 31-10 đến 1-12-1969.

220- Các chiến dịch Cramer White, Darby Trail 3, Greene Bear, Greene Bullet, Hartle Green, Hodges Black, Wayne Breaker (tỉnh Bình Định, Darlac, Kontum, Pleiku) (1-10-1969 đến 30-1-1970) 

Trong tháng 10- 1969, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ mở liên tiếp bảy chiến dịch.

– phối hợp với Lữ đoàn 173 không vận Mỹ mở chiến dịch Darby Trail 3 từ ngày 1 đến 5-10, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Định.

– mở chiến dịch Hartle Green từ ngày 14-10 đến 24-11, liên tục hành quân tuần tra bảo vệ an ninh tại địa bàn hai tỉnh Bình Định và Pleiku. 

– chỉ huy Liên đội 1/10 kỵ binh mở chiến dịch Cramer White từ ngày 16-10-1969 đến 6-1-1970, liên tục hành quân tuần tra bảo vệ an ninh tuyến đường dây viễn thông nối dài đặt dọc theo quốc lộ 1 từ Kontum qua Pleiku, Phú Nhơn, Buon Blech, tới Ban Mê Thuột, thuộc địa bàn ba tỉnh Kontum, Pleiku và Darlac. 

– chỉ huy Lữ đoàn 3 mở chiến dịch Greene Bear từ ngày 16-10-1969 đến 30-1-1970, liên tục hành quân tuần tra bảo vệ an ninh và tham gia bình định nông thôn trong khu vực tam giác gồm quận lỵ Lệ Trung, quận lỵ Phú Nhơn và Plei Do Lim, thuộc tỉnh Pleiku. 

– chỉ huy hai tiểu đoàn bộ binh 1/8, 3/8 và Tiểu đoàn 1/69 thiết giáp của Lữ đoàn 1 mở chiến dịch Wayne Breaker từ ngày 18-10-1969 đến 4-1-1970, liên tục hành quân tuần tra bảo vệ an ninh dọc quốc lộ 19 thuộc tỉnh Bình Định, từ căn cứ Cam Radcliff (quận An Tức) tới đèo Mang Yang. 

– chỉ huy Tiểu đoàn 2/8 bộ binh mở chiến dịch Hodges Black từ ngày 20-10 đến 19-11-1969, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực Plei Mrong, tỉnh Pleiku. 

– chỉ huy hai tiểu đoàn bộ binh 3/12, 1/35 mở chiến dịch Greene Bullet từ ngày 20-10 đến 20-11-1969, tìm quét quân Việt Cộng tại dãy núi Chư Pah, tỉnh Pleiku. 

221- Chiến dịch Saturate (tỉnh Thừa Thiên) (5-10 đến 4-12-1969) 

Từ ngày 5-10 đến 4-12-1969, Sư đoàn 101 không vận Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 1/327 bộ binh, phối hợp với hai tiểu đoàn thuộc hai trung đoàn 3 và 54 của Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa, mở chiến dịch Saturate, thực hiện chương trình bình định nông thôn tại quận Phú Thứ, tỉnh Thừa Thiên.

222- Chiến dịch Southern Free Strike (tỉnh Bình Thuận) (10 đến 28-10-1969) 

Từ ngày 10 đến 28-10-1969, Chiến đoàn South Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 3/506 bộ binh mở chiến dịch Southern Free Strike, lùng sục tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực rừng núi được gọi là Vùng Oanh Kích Tự Do thuộc tỉnh Bình Thuận, giáp ranh giữa Vùng 2 và Vùng 3 chiến thuật, cách bãi đáp Betty (Phan Thiết) 30 cây số về phía tây bắc.

223- Đợt giao tranh ở tỉnh Kiến Hòa (10 đến 15-10-1969)

Liên tiếp các đêm từ 10 đến 15-10-1969, cộng quân Quân khu 8 và Tỉnh đội Bến Tre tấn công nhiều căn cứ và vị trí Việt Nam Cộng Hòa thuộc tỉnh Kiến Hòa, như căn cứ tiểu đoàn bộ binh đóng ở ấp Thới Hòa, sở chỉ huy hành quân và trận địa pháo ở quận lỵ Mỏ Cày, căn cứ Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 10 ở Cầu Sập (xã An Định)… Kết quả, quân VNCH chết 165, bị thương 427; thiệt hại 6 tàu chiến, 3 xe quân sự, 1 trực thăng. Cộng quân bỏ lại trận 280 xác và 112 thương binh; bị bắt và ra hàng 14.                   

224- Các chiến dịch Kings Cross, Ross (tỉnh Phước Tuy) (14-10 đến 12-12-1969) 

Trong tháng 10- 1969, Chiến đoàn 1 Úc mở liên tiếp hai chiến dịch ở tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Tiểu đoàn 6 Úc – Tân Tây Lan mở chiến dịch Ross từ ngày 14-10 đến 30-11, hành quân do thám địch tình quân Việt Cộng dọc theo sông Rai phía tây bắc quận Xuyên Mộc.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 Úc và Liên đội B/1 thiết giáp mở chiến dịch Kings Cross từ ngày 31-10 đến 12-12, hành quân do thám địch tình cộng quân tại mật khu Hát Dịch từ xã Phú Mỹ tới xã Bình Ba.

225- Chiến dịch Cliff Dweller 1 (tỉnh Tây Ninh) (21 đến 24-10-1969) 

Từ ngày 21 đến 24-10-1969, Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ chỉ huy Chiến đoàn Jones, gồm Tiểu đoàn 3/22 bộ binh, Tiểu đoàn 4/23 bộ binh cơ giới và Đại đội A/2/34 thiết giáp, mở chiến dịch Cliff Dweller 1, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh.

226- Chiến dịch Seminoles (tỉnh Bình Dương) (25-10-1969 đến ?) 

Từ ngày 25-10-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ mở chiến dịch Seminoles, thực hiện chương trình bình định nông thôn tại các quận Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên, thuộc tỉnh Bình Dương.

227- Chiến dịch Toàn Thắng (Thượng Lào) (25-10-1969 đến 24-4-1970)

Suốt sáu tháng trời từ 25-10-1969 đến 24-4-1970, quân Việt Cộng kết hợp với Lào Cộng (Pathet Lào) mở chiến dịch Toàn Thắng, giao chiến với 44 tiểu đoàn thuộc Lực lượng đặc biệt của tướng Vàng Pao và Quân đội hoàng gia Lào, có quân đội đồng minh Thái Lan, Mỹ yểm trợ tại khu vực Cánh Đồng Chum – Xiengkhuang của Lào. Tính ra trong sáu tháng đôi bên đã giao tranh hơn 1.000 trận lớn nhỏ.

Năm 1969, quân Việt Cộng và Pathet Lao tấn công đánh chiếm vị trí Phouteung thuộc tỉnh Xiengkhuang, đang do quân xung phong Thái Lan trấn giữ. Quân Thái chết và bị bắt gần 1.000 quân.

Năm 1969, quân chi viện Thái Lan được gửi tới trấn đóng tại tỉnh Pakse ở Nam Lào.

Năm 1969, tướng Vang Pao tiếp xúc với đại diện cao cấp Pathet Lao, đề nghị nếu cộng quân cho lực lượng Hmong kiểm soát tỉnh Xiengkhuang để thành lập một chánh quyền tự trị thì người Hmong sẽ thực hiện chánh sách trung lập và rút ra ngoài cuộc chiến.

228- Một số tình hình tháng 11-1969

Ngày 3-11-1969, tổng thống Nixon đọc một bài diễn văn minh bạch chánh sách rút quân của Mỹ. Ngày 5-11, quân Việt Cộng trả tự do cho ba tù binh Mỹ bị bắt, đưa tổng số binh sĩ Mỹ bị bắt được trả tự do từ tháng 2-1967 lên 27 người. Việc này là một trong những chiến thuật chánh trị có dụng ý của lãnh đạo quân sự Việt Cộng.

Ngày 7-11, hai chiến đoàn đổ bộ của Hạm đội 7 Mỹ được hình thành từ thành phần Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến vừa rút từ Việt Nam sang Okinawa, và được đặt trong tư thế sẵn sàng nhanh chóng trở lại chiến đấu tại Việt Nam khi cần thiết mà không cần phải xin phép Bộ Tham mưu liên quân tại Washington.

Ngày 10-11, Bộ Chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa thông báo tính đến ngày này đã có 40.000 cán binh Việt Cộng hồi chánh về với chánh nghĩa quốc gia.

Ngày 12-10, Chánh phủ Phi Luật Tân thông báo 1.500 binh sĩ Phi sẽ rút khỏi Việt Nam về nước.

Ngày 15-11, phong trào biểu tình phản chiến xảy ra tại Mỹ, và ngày càng bùng phát mạnh cho tới hết năm. Ngày 23-11, sở chỉ huy Tuyển mộ quân dịch Mỹ thông báo Lệnh động viên nhập ngũ tháng 1-1970 sẽ gọi 12.500 tân binh, ít hơn con số dự kiến trước đây là 35.000 người, và đây sẽ là lần đầu tiên thực hiện theo mô hình xổ số rút chọn ngẫu nhiên do tổng thống Nixon đề ra.

Ngày 24-11, Bộ tư lệnh Lục quân Mỹ thông báo là theo lệnh của trung tướng William L.Calley, sẽ đưa ra tòa án quân sự để truy tố những quân nhân can tội sát hại 109 thường dân Việt Nam tại ấp Mỹ Lai, tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 3-1968.

Tính đến ngày 30-11, quân số Mỹ tại Việt Nam giảm bớt, còn 478.701 người.

Trong tháng 11, quân đồng minh chỉ có Tiểu đoàn 8 hoàng gia Úc sang Việt Nam đóng ở Núi Đất (17-11) thay cho Tiểu đoàn 9 về Úc (25-11). Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm có: Đại đội thiết giáp Tuy Hòa (1-11); Tiểu đoàn 3/12 thủy quân lục chiến (5-11); Sở chỉ huy Trung đoàn 4 TQLC (5-11); Đại đội B/3 xe tăng (5-11); Sở chỉ huy Liên đoàn 54 pháo binh (7-11); hai phi đoàn trực thăng TQLC 164, 265 (7-11); hai liên đoàn chiến thuật 76.4, 76.5 (7-11); Đại đội D/87 bộ binh (8-11); Sở chỉ huy Sư đoàn 3 TQLC và Tiểu đoàn 2/4 TQLC (9-11); Sở chỉ huy Liên đoàn 41 pháo binh (15-11); Phi đoàn 510 tiêm kích chiến thuật (15-11); Tiểu đoàn 1/40 pháo binh (19-11); Tiểu đoàn 4/12 TQLC (19-11); Tiểu đoàn 3/4 TQLC (20-11); Đại đội O/Trung đoàn 75 bộ binh/Sư đoàn 82 không vận (20-11); Đại đội D/151 bộ binh/Lực lượng 2 dã chiến (20-11); Tiểu đoàn 11 công binh/Lực lượng 3 thủy bộ (21-11); Tiểu đoàn 6/15 pháo binh (21-11); Đại đội D/52 bộ binh (22-11); Tiểu đoàn 3 thám báo (24-11); Tiểu đoàn 70 công binh chiến đấu (29-11).

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng gồm: Tiểu đoàn 3/506 bộ binh chuyển tới Chu Kuk (5-11); Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/ Sư đoàn 4 bộ binh chuyển tới Ban Mê Thuột (11-11); các tiểu đoàn bộ binh 1/8, 3/8, 1/14, 2/35 và Tiểu đoàn 6/29 pháo binh chuyển tới Ban Mê Thuột (11-11); Phi đoàn 8 ném bom chuyển tới Biên Hòa và đổi thành Phi đoàn 8 tấn công và đổi sang máy bay A-37 (18-11); Sở chỉ huy Lữ đoàn 3/Sư đoàn 4 bộ binh chuyển tới Camp Canary (20-11); Đại đội D/75 bộ binh đổi thành Đại đội D/151 (20-11); Tiểu đoàn 2/94 pháo binh chuyển tới Camp Evans, phía bắc Huế (28-11); Đại đội 1 Lực lượng thám báo và Pháo đội 1 pháo 8 inches chuyển tới Đà Nẵng.

229- Chiến dịch Dân Tiến 33D và 40 (tỉnh Quảng Đức) (1-11 đến 28-12-1969) 

Nhận được nguồn tin tình báo cho biết hai trung đoàn 28 và 66 Bắc Việt vừa kéo quân xuống phía nam uy hiếp hai căn cứ dân vệ Bu Prang và Đức Lập, ngày 20-10-1969, Sư đoàn 23 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa đã thiết lập một sở chỉ huy tiền phương tại tỉnh lỵ Gia Nghĩa, để chuẩn bị tập kích trước vào quân Việt Cộng. Lực lượng 2 dã chiến Mỹ đã yễm trợ hỏa lực từ hai tiểu đoàn pháo binh 5/22, 1/92 của Liên đoàn 52 pháo binh, và Tiểu đoàn 5/27 pháo binh của Chiến đoàn South, bố trí tại các căn cứ hỏa lực Kate, Annie và Susan.

Từ đêm 28-10 đến 17-11-1969, cộng quân Mặt trận B3 (Tây Nguyên) liên tục mở nhiều đợt tấn công vào các căn cứ và vị trí đồng minh ở khu vực Đức Lập – Bu Prang (tỉnh Quảng Đức). Đồng thời, quân Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Mỹ cũng mở 12 cuộc hành quân phản kích và truy quét quân cộng trong khu vực.

Sau khi chuyển quân tới sở chỉ huy Gia Nghĩa, Sư đoàn 23 chỉ huy hai trung đoàn 44, 45 bản bộ, phối hợp với lực lượng tăng cường gồm Liên đoàn 2 biệt động quân và Lực lượng 2 xung kích cơ động Việt Nam, mở chiến dịch Dân Tiến 33D từ ngày 1-11 đến 28-12-1969. Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tập kích cộng quân dọc theo biên giới Cambodia từ Đức Lập đến Đao Thông và Bu Prang, giải tỏa áp lực và bẻ gãy kế hoạch tấn công hai căn cứ Đức Lập và Bu Prang.

Liên tục năm đêm từ mồng 3 đến mồng 8-11-1969, quân Việt Cộng mở nhiều đợt tấn công vào các căn cứ và vị trí đồng minh tại trong và ngoài chi khu quân sự Bù Đốp (tỉnh Phước Long). Trong thời gian này, quân Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh cũng mở 2 cuộc hành quân phản kích và truy quét quân cộng trong khu vực. Quân Mỹ chết 12, bị thương 101; quân VNCH chết 87, bị thương 226; thiệt hại 12 máy bay, 10 đại bác, 24 xe quân sự, 3 kho đạn và xăng dầu. Cộng quân chết 330, bị thương 485, bị bắt 20.                   

Ngày 5-11, Lữ đoàn 173 không vận Mỹ chi viện cho Sư đoàn 23 thêm Tiểu đoàn 3/506 bộ binh và Pháo đội D/2/320 từ Phan Thiết đến đóng ở căn cứ hỏa lực Chu Kuk trên quốc lộ 21. 

Từ ngày 12-11 đến 28-12-1969, Sư đoàn 23 chỉ huy Liên đoàn 2 biệt động quân và Lực lượng 2 xung kích cơ động tiếp tục mở chiến dịch Dân Tiến 40, tìm quét quân Việt Cộng trong khu vực từ căn cứ hỏa lực Annie tới căn cứ Bu Prang.

Từ ngày 13 đến 17-11-1969, Trung đoàn 47/Sư đoàn 23 hành quân truy quét tại khu vực Bu Prang đã đụng độ và giao tranh 8 trận lớn nhỏ với cộng quân Tây Nguyên. Quân VNCH chết 62, bị thương 246. Cộng quân bỏ lại trận 358 xác và 125 thương binh.                 

Kết quả trong chiến dịch, quân Mỹ chết 31, bị thương 159; quân VNCH chết 290, bị thương 745, bị bắt 45; thiệt hại 39 máy bay, trong đó có 35 trực thăng, 13 kho tàng quân sự. Cộng quân chết 1.063, bị thương 2.022, bị bắt 131, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.

 230- Chiến dịch Putnam Wildcat (tỉnh Quảng Ngãi) (1-11-1969 đến 18-1-1970) 

Từ ngày 1-11-1969 đến 18-1-1970, Lữ đoàn 2/Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ chỉ huy hai tiểu đoàn 1/12, 1/22 mở chiến dịch Putnam Wildcat, tìm quét quân Việt Cộng tại thung lũng An Lão, tỉnh Quảng Ngãi, và cũng để phối hợp với chiến dịch Washington Green của Lữ đoàn 173 không vận đang diễn ra (từ 15-4-1969 đến 1-1-1971).

231- Chiến dịch Toàn Thắng 4/Complete Victory 4 (Vùng 3 chiến thuật) (1-11-1969 đến 1-5-1970) 

Từ ngày 1-11-1969 đến 1-5-1970, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3-Vùng 3 chiến thuật Việt Nam Cộng Hòa phối hợp với Bộ tư lệnh Lực lượng 2 dã chiến Mỹ mở chiến dịch Toàn Thắng 4, tiếp tục tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn Vùng 3 chiến thuật và đảm bảo an ninh từ xa cho thủ đô Sài Gòn. Quân đồng minh tham chiến là toàn bộ lực lượng tại Vùng 3 chiến thuật, gồm Quân đoàn 3 Việt Nam, Lực lượng 2 dã chiến Mỹ, Chiến đoàn 1 Úc – Tân Tây Lan, Lực lượng Thái Lan tại Việt Nam. Ngoài những chiến dịch mang mật danh riêng, quân đồng minh cũng mở liên tục hàng chục cuộc hành quân dài ngày quy mô lớn trong đội hình chiến dịch Toàn Thắng 4/Complete Victory 4.

Từ ngày 24-11 đến 4-12-1969, Lữ đoàn 2/Sư đoàn Báo Đen (Black Panther) Thái Lan mở cuộc hành quân tìm quét Việt Cộng tại khu làng Bến Cam, phía đông nam quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa.

Ngày 26-1-1970, Lữ đoàn 2/Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ phối hợp với Tiểu đoàn 8 nhảy dù Việt Nam kéo quân vào sân bay cũ Bù Gia Mập. Sau khi thiết lập xong căn cứ hỏa lực Snuffy, quân Việt-Mỹ liên tục mở các cuộc hành quân tìm quét cộng quân về hướng tây bắc dọc theo biên giới giáp Cambodia cho tới 13-4-1970.

Ngày 20-3-1970, Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ mở thêm hai căn cứ hỏa lực ở tây bắc tỉnh Tây Ninh sát biên giới, để chặn đứng các cuộc xâm nhập đánh phá của Sư đoàn 9 cộng quân. Trong đó, Tiểu đoàn 2/7 kỵ binh mở căn cứ Jay và Tiểu đoàn 2/8 kỵ binh mở căn cứ Illingsworth.

6

Binh sĩ Đại đội Bravo (Tiểu đoàn 2/22, Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ) và một đại đội của Trung đoàn 49 bộ binh VNCH hành quân tại Bắc Củ Chi trong Chiến dịch Toàn Thắng 4/Complete Victory 4 (Photo: SP4 Henry G. Zukowski, Jr.)

7

Binh sĩ Đại đội Delta (Tiểu đoàn 2/12, Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ) hành quân tại khu vực Hố Bò – Củ Chi trong Chiến dịch Toàn Thắng 4/Complete Victory 4 (Photo: SP4 Jeff Hinman).

232- Giao tranh ở tỉnh Kiên Giang (8-11-1969)

Đêm 5-11-1969, cộng quân Tây Nam Bộ và Tỉnh đội Rạch Giá tập kích vào sở chỉ huy Lữ đoàn thuỷ quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa và nhiều cụm đóng quân lẻ tại ngoại vi tỉnh lỵ Rạch Giá. Đến sáng hôm sau, cộng quân rút lui. Kết quả giao tranh, quân VNCH chết 155, bị thương 332, thiệt hại 10 tàu chiến. Cộng quân  chết 215, bị thương 460.                    

233- Chiến dịch Quyết Thắng/9/38 (tỉnh Chương Thiện) (4 đến 30-11-1969) 

Tháng 11-1969, Sư đoàn 9 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa được Bộ tư lệnh Quân đoàn 4-Vùng 4 chiến thuật giao thêm địa bàn tác chiến ở tỉnh Chương Thiện, để phối hợp với Sư đoàn 21 bộ binh có sẵn tại đây ngăn chặn chủ lực cộng quân Khu 9 từ rừng U Minh uy hiếp Bộ tư lệnh Vùng ở Cần Thơ.

Từ ngày 4 đến 30-11-1969, Sư đoàn 9 chỉ huy Trung đoàn 15 bộ binh và Tiểu đoàn 42 biệt động quân mở chiến dịch Quyết Thắng/9/38, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Chương Thiện, cách tỉnh lỵ Vị Thanh 10 cây số về phía tây.

234- Chiến dịch Quyết Thắng/44/47 (tỉnh Châu Đốc) (5-11 đến 4-12-1969) 

Từ ngày 5-11 đến 4-12-1969, Biệt khu 44 Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Liên đội 12 biệt kích đường không mở chiến dịch Quyết Thắng/44/47, tìm quét quân Việt Cộng tại khu vực giữa hai quận lỵ Chi Lăng (quận Tịnh Biên) và Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc.

235- Chiến dịch Dân Phú/47/11 (tỉnh Phú Yên) (5-11 đến 31-12-1969) 

Từ ngày 5-11 đến 31-12-1969, Trung đoàn 47/Sư đoàn 22 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Dân Phú/47/11, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Phú Yên. 

236- Chiến dịch Toàn Thắng 500 (Vùng 3 chiến thuật) (7-11-1969 đến 13-1-1970) 

Từ ngày 7-11-1969 đến 13-1-1970, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3-Vùng 3 chiến thuật Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Toàn Thắng 500, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn Vùng 3 chiến thuật.

237- Các chiến dịch Đại Bàng/2/69, Long Reach 1, Texas Traveller (tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh) (7-11-1969 đến 14-5-1970) 

Từ ngày 7 đến 9-11-1969, Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/11 phối hợp với Tiểu đoàn 36 biệt động quân Việt Nam, mở chiến dịch Long Reach 1, hành quân tuần tra bảo vệ an ninh giao thông tại tỉnh Phước Long, từ quận lỵ Sông Bé tới quận lỵ Bố Đức. 

Từ ngày 24 đến 27-11-1969, Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 3/11 mở chiến dịch Texas Traveller, tập kích và ngăn chặn hoạt động xâm nhập của cộng quân từ lãnh thổ Cambodia vào phía đông Chiến khu C và trục tỉnh lộ 246 thuộc địa bàn hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh.

Từ ngày 30-11-1969 đến 14-5-1970, Sư đoàn 25 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Đại Bàng/2/69, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Tây Ninh.

238- Chiến dịch Phi Phụng/33/69 (tỉnh Quảng Nam) (11-11 đến 13-12-1969) 

Từ ngày 11-11 đến 13-12-1969, Biệt khu Quảng Đà chỉ huy Trung đoàn 51 bộ binh mở chiến dịch Phi Phụng/33/69, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

239- Các chiến dịch Burtrand, Spragins White, Wayne Rock (tỉnh Darlac và Khánh Hòa) (11-11 đến 30-12-1969) 

Để phối hợp với cuộc hành quân Dân Tiến 33D của Sư đoàn 23 Việt Nam ở tỉnh Quảng Đức, Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ đã mở cùng lúc hai chiến dịch tại địa bàn hai tỉnh Darlac và Khánh Hòa. Sư đoàn 4 đã cho không vận bốn tiểu đoàn bộ binh 1/8, 3/8, 1/14, 2/35 của Lữ đoàn 1 tới phi trường Ban Mê Thuột Đông.

Ngay khi tới nơi, hai tiểu đoàn 1/8 và 3/8 đã mở chiến dịch Wayne Rock từ ngày 11-11 đến 29-12, liên tục hành quân tuần tra bảo vệ an ninh và tham gia công tác bình định nông thôn tại khu vực từ Mawal tới Bản Đôn.

Hai tiểu đoàn 1/14, 2/35 đã phối hợp với Tiểu đoàn 3/506 bộ binh Mỹ tại căn cứ hỏa lực Chu Kut mở chiến dịch Spragins White từ ngày 11-11 đến 30-12, liên tục hành quân tuần tra, bảo vệ quốc lộ 21 từ tỉnh lỵ Ban Mệ Thuột tới quận lỵ Khánh Dương, tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 23-12, Tiểu đoàn 3/306 bộ binh và Pháo đội D/2/320 rút khỏi chiến dịch Spragins White, để từ Ban Mê Thuột không vận về An Khê trở lại đơn vị cũ là Lữ đoàn 173 không vận Mỹ. Ngay sau đó, hai đơn vị này lại chuyển quân tới bãi đáp English để tham gia Chiến dịch Washington Green.

Từ ngày 14 đến 17-11, Lực lượng 5 xung kích cơ động MIKE Mỹ mở chiến dịch Burtrand, hành quân do thám địch tình quân Việt Cộng tại đảo Hòn Tre, tỉnh Khánh Hòa, cách tỉnh lỵ Nha Trang ba cây số về phía đông nam.

8

Áp giải tù binh du kích Việt Cộng; Bộ đội Việt Cộng từ Bắc vào (bị bắt 20-11-1969 ở Đà Nẵng; nguồn Bettmann/Corbis)

240- Phong trào phản chiến ở Mỹ lên cao (15-11-1969)

Ngày 15-11-1969, phong trào biểu tình phản chiến xảy ra tại Mỹ, và ngày càng bùng phát mạnh cho tới hết năm. Cũng vào thời điểm phi thuyền Apollo 12 lần thứ hai đổ bộ mặt trăng thì tại nước Mỹ, phong trào phản chiến lên đỉnh điểm với cuộc tập họp 250.000 người tại thủ đô Washington ngày 20-11-1969, và tiếp đó là tờ New York Times đăng tin vụ tàn sát Mỹ Lai (17-11-1969), cùng với con số binh sĩ Mỹ bị thương vong ở Việt Nam, trong đó riêng năm 1969 có 9.000 binh sĩ chết, 70.000 bị thương… càng khiến cho tổng thống Nixon phải tìm cách giải quyết cho bằng được cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

241- Các chiến dịch Hughes Black, Waldron Blue (tỉnh Bình Định và Pleiku) (24-11-1969 đến 30-1-1970) 

Đêm 15-11-1969, cộng quân Tây Nguyên và Tỉnh đội Gia Lai tập kích vào sân bay, khu sĩ quan và nhân viên kỹ thuật thuộc sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ ở Tân Tạo, cách quận lỵ An Khê tỉnh Bình Định 4 cây số về phía tây bắc. Đến sáng, quân Mỹ truy kích buộc cộng quân phải rút lui. Kết quả giao tranh, quân Mỹ chết 6, bị thương 84, thiệt hại 2 máy bay, 5 xe quân sự. Cộng quân bỏ lại trận 180 xác và 105 thương binh; bị bắt và ra hàng 31.                  

Từ ngày 24-11-1969 đến 30-1-1970, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/8 mở chiến dịch Waldron Blue, tìm quét quân Việt Cộng và khai thông an ninh trục quốc lộ 19 từ tỉnh lỵ Pleiku qua đèo Mang Yang tới quận lỵ An Khê, của quận An Tức, tỉnh Bình Định.

Từ ngày 2-12-1969 đến 5-1-1970, Lữ đoàn 3/4 chỉ huy một đại đội của Tiểu đoàn 2/8 mở chiến dịch Hughes Black, tuần tra bảo vệ an ninh quốc lộ và tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Định, đồng thời hỗ trợ cho chiến dịch Waldron Blue đang diễn ra.

242- Giao tranh ở tỉnh Định Tường (17 đến 20-11-1969)

Từ đêm 17 đến 20-11-1969, cộng quân Quân khu 8 và Tỉnh đội Mỹ Tho tấn công các chi khu quân sự Cai Lậy, Cái Bè, liên tục tập kích vào quân Việt Nam Cộng Hòa trên quốc lộ 4 và khu vực Ba Dừa.

Cùng thời gian này, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh cũng mở 2 cuộc hành quân phản kích và truy quét cộng quân tại khu vực trên. Kết quả giao tranh, quân Mỹ chết 8, bị thương 96; quân VNCH chết 64, bị thương 201; thiệt hại 7 xe quân sự, 4 súng lớn. Cộng quân bỏ lại trận 427 xác và 295 thương binh; bị bắt và ra hàng 11.

243- Các chiến dịch Bến Cam, While Away (tỉnh Biên Hòa) (21-11 đến 4-12-1969) 

Từ ngày 21 đến 29-11-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/16 mở chiến dịch While Away, liên tục tuần tra bảo vệ an ninh tại địa bàn tỉnh Biên Hòa.

Từ ngày 24-11 đến 4-12-1969, hai tiểu đoàn 2 và 3 thuộc Lữ đoàn 2 Thái Lan mở chiến dịch Bến Cam, trong đội hình chiến dịch Toàn Thắng 4, hành quân tại khu vực phía nam làng Bến Cam, quận Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hòa, để truy quét các toán du kích Việt Cộng đang hoạt động trong khu vực. Đôi bên đã xảy ra một số trận giao tranh nhỏ. Quân Việt Cộng chết 14, bị thương 7, bị bắt 6, hồi chánh 12, bị thu 21 súng cá nhân và 2 súng cộng đồng. Quân Thái bị thương 11.

244- Chiến dịch Ransom Raider (tỉnh Long Khánh) (24 đến 28-11-1969) 

Từ ngày 24 đến 28-11-1969, Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 3/7 phối hợp với một tiểu đoàn của Trung đoàn 52/Sư đoàn 18 bộ binh Việt Nam, mở chiến dịch Ransom Raider, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Long Khánh, cách căn cứ hỏa lực Mace đặt trên đồi 837 phía đông tỉnh lỵ Xuân Lộc 12 cây số về phía đông nam.

245- Chiến dịch Marsden (tỉnh Phước Tuy) (28-11 đến 28-12-1969) 

Từ ngày 28-11 đến 28-12-1969, Chiến đoàn 1 Úc  chỉ huy Tiểu đoàn 6 Úc – Tân Tây Lan mở chiến dịch Marsden, hành quân do thám địch tình quân Việt Cộng tại khu vực núi Mây Tào, phía tây bắc tỉnh Phước Tuy.

246- Một số tình hình trong tháng 12-1969

Ngày 4-12-1969, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố quân đội sẽ tạm ngưng bắn 24 giờ vào các ngày lễ Noel và Tết dương lịch. Thời gian ngưng bắn từ 18 giờ ngày 24-12 đến 18 giờ 25-12 và từ 18 giờ 31-12 đến 18 giờ ngày 1-1.

Ngày 12-12, Phái bộ Phi Luật Tân tại Việt Nam bàn giao căn cứ cho Sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ để sửa soạn rút về nước.

Ngày 15-12, tổng thống Nixon tuyên bố đợt rút quân Mỹ thứ ba với 50.000 quân sẽ hoàn tất vào ngày 15-4-1970. Ngày 16-12, thủ tướng Úc John Gordon cũng thông báo việc rút một số quân Úc chưa xác định rõ số lượng bao nhiêu sẽ diễn sau đợt rút quân Mỹ giai đoạn ba. Ngày 18-12, đại tướng tư lệnh MACV Creighton W.Abrams trở về Washington để báo cáo và thỉnh thị tổng thống Nixon.

Ngày 22-12, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thông báo rằng các cuộc xâm nhập của cộng sản Bắc Việt vào Việt Nam Cộng Hòa đã giảm hẳn trong ba tuần qua và chỉ bằng khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Bình luận về chi tiết này, một số tờ báo tại nhiều nước cho rằng lãnh đạo Mỹ nói thế để biện minh cho chủ trướng rút quân đang diễn ra. Một số tờ báo khác lại khẳng định đó là thâm ý của Việt Cộng làm cho Mỹ an tâm đẩy nhanh việc rút quân đồng minh, và khi quân đồng minh đã rút hết thì chẳng có gì cản trở Bắc Việt lại đẩy mạnh trở lại công cuộc thôn tính miền Nam.

Ngày 28-12, trung tướng William R.Peers tới Sài Gòn trong 10 ngày để điều tra nghiên cứu các cáo buộc quân Mỹ thảm sát thường dân tại Mỹ Lai tháng 3-1968. Cùng ngày hôm đó, đại tướng Creighton W.Abrams phải vào Bệnh viện 3 dã chiến để trị bệnh viêm phổi.

Trong tháng 12-1969, chỉ có Liên đội A/1 thiết giáp Úc sang Việt Nam đóng tại Núi Đất (23-12) thay cho Liên đội B/1 thiết giáp về nước (22-12). Phái bộ Phi Luật Tân tại Việt Nam rút về nước ngày 13-12-1969.

Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm: Phi đoàn 609 biệt kích đường không (1-12); Sở chỉ huy Lữ đoàn 3/Sư đoàn 82 không vận (11-12); các tiểu đoàn bộ binh 1/505, 2/505 (11-12); Tiểu đoàn 1/508 bộ binh không vận, Tiểu đoàn 2/321 pháo binh, Đại đội B/1/17 kỵ binh, Đại đội C/307 công binh, Đại đội A/82 không yễm (11-12); Phi đoàn 4 hành quân đặc biệt (15-12).

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân trong tháng gồm: Sở chỉ huy Lữ đoàn 2/Sư đoàn 1 bộ binh chuyển đến Lai Khê (15-12); Sở chỉ huy Lữ đoàn 3/Sư đoàn 1 bộ binh chuyển đến Minh Thạnh (15-12); Tiểu đoàn 3/506 bộ binh chuyển đến An Khê (23-12); Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 4 bộ binh chuyển đến bãi đáp Joyce (29-12); các tiểu đoàn bộ binh 1/8, 3/8, 1/14, 2/35 và Tiểu đoàn 6/29 pháo binh chuyển đến bãi đáp Joyce (29-12); Tiểu đoàn 5/Lực lượng 2 xung kích cơ động MIKE bị giải thể; Phi đoàn 90 tiêm kích chiến thuật đổi thành Phi đoàn 90 tấn công và đổi sang máy bay A-37.

247- Chiến dịch Victory Dragon 18 và 19 (tỉnh Quảng Nam) (1 đến 30-12-1969) 

Trong tháng 12-1969, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến (Thanh Long) Hàn Quốc liên tục mở hai chiến dịch tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam: mở chiến dịch Victory Dragon 18 từ ngày 1 đến 30-12-1969; mở chiến dịch Victory Dragon 19 từ ngày 31-12-1969 đến 28-1-1970.

248- Chiến dịch Buttlefly (tỉnh Quảng Nam) (1 đến 30-12-1969) 

Từ ngày 1 đến 30-12-1969, Trung đoàn 5/Sư đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 3/5 mở chiến dịch Buttlefly, tìm quét quân Việt Cộng và tuần tra bảo vệ vụ mùa của dân tại khu vực Arizona Territory, tỉnh Quảng Nam.

249- Loạt giao tranh đêm 2-12-1969

Đêm mồng 2 rạng sáng 3-12-1969, quân Việt Cộng đồng loạt tấn công vào 64 căn cứ, vị trí quân đồng minh tại khắp miền nam vĩ tuyến 17 như đồng bằng sông Cửu Long, bắc Sài Gòn, nam Tây Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng. Trong đó tại 58 căn cứ và vị trí đến sáng 3-12-1969, cộng quân phải rút lui, số còn lại bị thất thủ và lọt vào tay cộng quân. Kết quả giao tranh, quân Mỹ chết 12, bị thương 37; quân VNCH chết 268, bị thương 534, bị bắt 101. Cộng quân chết 469, bị thương 890, bị bắt 165. Đôi bên thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                   

250- Chiến dịch Long Reach 2 (tỉnh Phước Long) (3 đến 26-12-1969) 

Từ ngày 3 đến 26-12-1969, Trung đoàn 11 thiết kỵ Mỹ chỉ huy Tiểu đoàn 2/11 mở chiến dịch Long Reach 2, liên tục hành quân tuần tra bảo vệ an ninh quốc lộ 14 thuộc tỉnh Phước Long, từ quận lỵ Bố Đức đến xã Bù Đốp.

251- Chiến dịch Randolph Glenn (tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên) (6-12-1969 đến 31-3-1970) 

Sau khi kết thúc chiến dịch Republic Square, Lữ đoàn 101 không vận Mỹ mở tiếp một chiến dịch quy mô sư đoàn mới có mật danh Randolph Glenn, từ ngày 6-12-1969 đến 31-3-1970, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn đồng bằng hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, nhằm hỗ trợ cho công tác bình định nông thôn tại địa phương. Lữ đoàn 3 mở màn chiến dịch với Tiểu đoàn 3/187 hành quân lùng sục khu rừng Hải Lăng phía tây căn cứ Camp Evans 10 cây số. Cộng quân bỏ lại trận tổng cộng 670 xác.

252- Chiến dịch Quyết Thắng/9/39 (tỉnh Định Tường) (8 đến 24-12-1969) 

Từ ngày 8 đến 24-12-1969, Sư đoàn 9 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Quyết Thắng/9/39, tìm quét quân Việt Cộng tại hai quận Cái Bè và Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường. Đôi bên đã đụng độ và giao tranh 22 trận lớn nhỏ. Kết quả, quân VNCH chết 87, bị thương 245, thiệt hại 18 xe quân sự, 3 trực thăng. Cộng quân chết 51, bị thương 122, bị bắt 41, thiệt hại nhiều thiết bị quân sự.                    

253- Các chiến dịch Atherton, Bluewater, Bondi 1, Bondi 2, Tangle, Vintage Rally (tỉnh Phước Tuy) (10-12-1969 đến 10-1-1970) 

Trong tháng 12-1969, Chiến đoàn 1 Úc liên tục mở các chiến dịch tại tỉnh Phước Tuy.

– chỉ huy Tiểu đoàn 8 mở chiến dịch đầu tiên từ khi sang Việt Nam có mật danh Atherton từ ngày10-12-1969 đến 10-1-1970, tìm quét cộng quân tại đồn điền cao su Cù Bi, tây bắc xã Ngải Giao.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 mở chiến dịch Vintage Rally từ ngày 14 đến 24-12-1969, hành quân do thám và phục kích quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh.

– chỉ huy Liên đội A/1 thiết giáp mở chiến dịch Tangle từ ngày 23 đến 25-12-1969, tham gia chiến dịch bình định nông thôn tại quận Đức Thành.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 mở chiến dịch Bondi 1 từ ngày 28 đến 31-12-1969, hành quân bao vây, cách ly địa bàn và truy tìm quân Việt Cộng tại các xã Đức Trung, Bình Ba, thuộc quận Đức Thành. 

– chỉ huy Tiểu đoàn 6 Úc-Tân Tây Lan mở chiến dịch Bluewater từ ngày 30-12-1969 đến 7-1-1970, tìm quét quân Việt Cộng tại địa bàn cũ của chiến dịch Drury.

– chỉ huy Tiểu đoàn 5 mở chiến dịch Bondi 2 từ ngày 31-12-1969 đến 16-2-1970, hành quân do thám và phục kích quân Việt Cộng tại quận Đức Thành.

254- Chiến dịch 5-69/Yellow Ribbon (tỉnh Kontum) (11 đến 31-12-1969) 

Từ ngày 11 đến 31-12-1969, Biệt đội Project Delta Mỹ mở chiến dịch 5-69/Yellow Ribbon, từ căn cứ Lệ Khánh (Polei Kleng) hành quân do thám địch tình quân Việt Cộng tại vùng phụ cận thuộc tỉnh Kontum.

255- Các chiến dịch Chameleon, Danger Forward 2 (tỉnh Bình Dương, Biên Hòa và Phước Tuy) (15 đến 30-12-1969) 

Trong tháng 12-1969, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ mở liên tiếp các chiến dịch.

– phối hợp với hai trung đoàn 7 và 8 của Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam, mở chiến dịch Danger Forward 2 từ ngày 15 đến 30-12-1969, tìm diệt quân Việt Cộng tại địa bàn tỉnh Bình Dương.

– chỉ huy các tiểu đoàn 1/16, 2/16, 2/18 của Lữ đoàn 2 mở chiến dịch Chameleon trong ngày 30-12-1969, chuyển quân tới đóng tại căn cứ Bearcat, Long Thành, để tác chiến bên cạnh Lực lượng Thái Lan và Chiến đoàn 1 Úc tại hai tỉnh Biên Hòa và Phước Tuy.

256- Giao tranh ở tỉnh Ninh Thuận (16-12-1969)

Đêm 16-12-1969, cộng quân Quân khu 6 và Tỉnh đội Ninh Thuận tập kích vào trung tâm huấn luyện quân sự An Phước, cách tỉnh lỵ Phan Rang 4 cây số về phía tây bắc. Sau 20 phút giao tranh, quân Việt Cộng chiếm được trung tâm nhưng đến trưa hôm 16 thì bị viện binh Việt Nam Cộng Hòa từ Phan Rang kéo ra bao vây và đẩy lui. Kết quả, quân VNCH chết 98, bị thương 369, thiệt hại 50 nhà lính, nhiều hầm ngầm, lô cốt, võ khí. Cộng quân bỏ lại trận 356 xác và 24 thương binh.

257- Chiến dịch U Minh 4 (An Xuyên-Kiên Giang) (22-12-1969 đến 4-1-1970)

Từ ngày 22-12-1969 đến 4-1-1970, Chiến đoàn 4 thủy quân lục chiến và một bộ phận của hai sư đoàn 9 và 21 Việt Nam Cộng Hòa, với sự yễm trợ hỏa lực của không quân Mỹ, mở cuộc hành quân U Minh 4, truy quét cộng quân tại vùng rừng U Minh (giữa hai tỉnh An Xuyên và Kiên Giang ). Bảo vệ căn cứ có hai trung đoàn 1 và 2 cùng với hàng ngàn du kích Khu 9. Quân đồng minh đã đụng độ và giao tranh 17 trận lớn nhỏ với cộng quân. Kết quả, quân Mỹ chết 43, bị thương 139; quân VNCH chết 216, bị thương 531; thiệt hại 32 tàu chiến, 7 máy bay. Cộng quân bỏ lại trận 1.489 xác, bị bắt và ra hàng 57.    

258- Tình hình tại đồng bằng sông Cửu Long cuối 1969

Từ cuối năm 1969, Quân uỷ trung ương Việt Cộng chỉ thị đẩy mạnh hoạt động tại đồng bằng sông Cửu Long, điều Sư đoàn 1 từ Mặt trận Tây Nguyên theo đường mòn trên lãnh thổ Cambodia vào đóng quân tại vùng núi Sóc Xe, Phnom Pey, Kompong Chray giáp biên giới Việt Nam và thường xuyên xâm nhập, đánh phá khu vực biên giới Hà Tiên – Thất Sơn. Sư đoàn 1 cũng phân tán các toán quân xâm nhập vào các căn cứ ở miền Tây để chi viện, bổ sung lực lượng cho các trung đoàn, tiểu đoàn tại chỗ.

Sau khi quân Mỹ rút khỏi miền Tây năm 1969, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thành lập Lực lượng đặc nhiệm thủy bộ 211, bao gồm các giang đoàn xung phong của Vùng 4 sông ngòi, Lữ đoàn B thủy quân lục chiến, do đại tá Tôn Thất Soạn chỉ huy, hoạt động cho đến cuối năm 1970, trong đó có cuộc hành quân từ Quân khu 4 sang Cambodia năm 1970.

259- Tình hình tư tưởng quân Việt Cộng đến cuối năm 1969

Báo cáo của Quân ủy trung ương tại Hội nghị 18 Trung ương Đảng Việt Cộng họp tháng 1-1970 nêu rõ: Sau đợt hoạt động mùa hè năm 1969, do việc tiếp tế bổ sung ngày càng khó khăn, lại bị địch phản kích quyết liệt, một bộ phận lớn bộ đội chủ lực ta phải rút về các căn cứ để củng cố. Ở nông thôn, lực lượng vũ trang địa phương cũng bị tiêu hao nặng. Lợi dụng mùa mưa, quân địch lấn tới, đẩy mạnh bình định nông thôn đồng bằng và đánh phá các căn cứ miền núi, các hành lang vận chuyển, gây  thêm nhiều khó khăn cho ta.

Ở Khu 5, từ cuối tháng 4-1969, địch tập trung lực lượng mở nhiều cuộc càn quét ra các vùng tranh chấp và vùng giải phóng từ bắc Bình Định đến Quảng Đà. Máy bay ném bom B52 và máy bay lên thẳng đổ biệt kích đánh phá các căn cứ và hành lang vận chuyển. Quân Mỹ và quân Nam Triều Tiên chia lực lượng thành nhiều đại đội hỗ trợ bảo an, dân vệ ngụy đánh phá, kìm kẹp dân trên từng khu vực. Cuối năm 1969, vùng giải phóng của ta chỉ còn 840.000 dân, địch kiểm soát thêm 460.000 dân. Lực lượng du kích trong toàn khu giảm 4.600 người, bộ đội địa phương giảm 2.000 người so với năm 1968.

Ở Nam Bộ, các sư đoàn 1 kỵ binh bay, 101 dù, 25 bộ binh cơ giới Mỹ luân phiên đánh phá dọc tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia. Sư đoàn 21 bộ binh và Liên đoàn 4 biệt động quân ngụy chốt chặn tuyến biên giới thuộc miền Tây Nam bộ (từ Kiến Tường đến kênh Vĩnh Tế). Căn cứ của Miền không ổn định, đường tiếp tế từ đồng bằng lên bị ngăn chặn. Ở đồng bằng, địch huy động ba sư đoàn chủ lực ngụy (7, 9, 21) và Lữ đoàn 3 (Sư đoàn 9) Mỹ càn đi quét lại từng khu vực. Đến cuối 1969, địch đã lấn và chiếm lại gần hết vùng giải phóng của ta ở nông thôn đồng bằng Nam bộ. Ta chỉ còn giữ được các căn cứ U Minh, Đồng Tháp Mười và một số lõm giải phóng ở phía bắc đường số 4 và huyện Cao Lãnh. Địch đóng thêm 1.000 đồn bót, kiểm soát thêm một triệu dân. Lực lượng ta giảm sút nhanh, nhất là ở miền Tây Nam Bộ. Tại đây, chỉ tính sáu tháng đầu năm 1969, du kích ấp, xã bị tổn thất trên 15.000 người. Mỗi đại đội bộ đội địa phương chỉ còn 20 đến 30 tay súng. Do bị mất nhiều dân, số quân bổ sung tại chỗ không giữ được như những năm trước. Năm 1969 ta chỉ tuyển được 1.700 chiến sĩ mới ở Khu 5 (so với 8.000 năm 1968) và 100 chiến sĩ mới ở đồng bằng Nam bộ (so với 16.000 năm 1968). Vùng giải phóng bị thu hẹp, các căn cứ bị uy hiếp, hành lang tiếp tế tại chỗ và tuyến vận tải chiến lược bị đánh phá ác liệt. Việc tiếp tế hậu cần cho bộ đội gặp khó khăn lớn. Ở cơ quan Bộ tư lệnh Quân khu 5, có ngày tám người mới được cấp nửa cân gạo. Tình hình tiếp tế của bộ đội chủ lực Miền tuy có đỡ khó khăn hơn, nhưng đến tháng 9-1969 dự trữ lương thực cũng chỉ còn 2.000 tấn. Số lương thực này không đủ cho bộ đội ăn trong một tháng. Các đơn vị bắt đầu ăn bữa sắn, bữa cơm… Trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện bi quan, ngại chiến đấu ác liệt, ngại trụ bám chiến trường, có người bỏ nhiệm vụ đào ngũ về phía sau, thậm chí ra đầu thú địch.

Trong khi đó, địch kiểm soát được nhiều vùng đông dân, bắt hơn 20 vạn thanh niên vào lính, phát triển các loại quân địa phương, xây dựng thành lực lượng “an ninh lãnh thổ”. Chúng phát triển nhanh quân chủ lực, đặc biệt là các thành phần binh chủng kỹ thuật như không quân, thiết giáp, pháo binh… Do quân địa phương đã đảm nhận được một phần nhiệm vụ “bình định” và chiếm đóng, địch tăng quân cơ động tại chỗ và cơ động chiến lược lên hai lần. Năm 1969, quân nguỵ chỉ có 30 tiểu đoàn cơ động, năm 1969 chúng phát triển lên thành 63 tiểu đoàn (bằng 38 phần trăm tổng quân số). Ních-xơn bắt đầu rút một bộ phận quân viễn chinh Mỹ về nước.

Từ tháng 4-1969 đến tháng 4-1970, có 110.000 quân chiến đấu Mỹ đã rút về nước.

260- Tình hình đến ngày 31-12-1969

Tính đến ngày 31-12-1969, quân số quân đồng minh tại Việt Nam như sau: Quân lực Việt Nam Cộng Hòa 969.256 người; quân Mỹ 483.326 người; quân Hàn Quốc 48.869 người; quân Thái Lan 11.568 người; quân Úc 7.672 người; quân Tân Tây Lan 552 người; quân Phi Luật Tân 189 người. Tổng cộng 1.521.432 quân.

Bộ Chiêu hồi công bố số cán binh Việt Cộng ra hồi chánh trong năm 1969 tính đến ngày 31-12-1969 là 47.023 người; so với 18.171 người năm 1968 thì bằng gấp 2,6 lần.

Tính chung trong năm 1969, Quân đồng minh tại Việt Nam Cộng Hòa và quân Việt Cộng đã diễn ra hàng ngàn trận giao tranh lớn nhỏ. Quân VNCH chết 26.538, bị thương 76.432, bị bắt hoặc đào ngũ 3.015; quân Mỹ chết 11.616, bị thương 32.083, bị bắt 125; quân Việt Cộng chết 123.084, bị thương 211.874, bị bắt hoặc ra hàng 23.570. Quân Mỹ thiệt mạng từ ngày 1-1-1961 đến 31-12-1969 là 37.270 người.

Trong năm 1969, quân Việt Cộng đã mở các chiến dịch đánh phá: 139-Cánh Đồng Chum (từ ngày 13-9-69); Đắc Tô 3 (5-5-69); Hè 1969 (11-5-69); Mường Sủi (23-6-69); Toàn Thắng (25-10-1969); Tổng tấn công Tết Kỷ Dậu 1969 (22-2-1969); Trị Thiên (11-5-1969).

Trong năm 1969, quân đồng minh tại Việt Nam đã mở các chiến dịch hành quân: 3-36/Trojan Horse 1 (từ ngày 4-8); 4-36/Trojan Horse 2 (13-10); 5-69/Yellow Ribbon (11-12); A Bia (4-7);  An Sơn (4-6); Apache Snow (10-5); Arlington (27-1); Arlington Canyon (3-7); Atherton (10-12); Atlas Power (10-4); Atlas Wedge (18-3); Baek Ma 10 (4-6); Barrier Reef (3-1); Bayonet (26-6); Bến Cam (24-11); Big Muddy (5-1); Bình Tây 48 (4-1); Bình Tây 49 (21-1); Bình Tây 50 (28-1); Black Swan (2-6); Bluewater (30-12); Bold Mariner (13-1); Bold Pursuit (27-6); Bondi 1 (28-12); Bondi 2 (31-12); Boston Pistol (18-6); Brave Armada (24-7); Breezy Cove (25-9); Bristol Boots (24-4); Bull Run 1 (18-8); Bun Kae 6 (30-7); Bun Kae 7 (12-8); Burnham (29-8); Burtrand (14-11); Buttlefly (1-12); Caesar 1&2 (11-5); Camden (29-7); Cameron Falls (29-5); Campbell Streamer (12-7); Cane Field (25-3); Cánh Đồng Chum (9-1969); Carolina Blaster (14-8); Cass Park 1 (29-3); Cass Park 2 (2-5); Chameleon (30-12); Cheyenne Sabre (4-2); Chieftain (3-9); Chơn Thành (18-6); Clairborne Chute (15-8); Cliff Dweller 1 (21-10); Cocava (24-1); Cold Dawn (7-7); Cold Steel (28-6); Complete Victory 4 (1-11); Cramer White (16-10); Củ Chi (26-2); Cumberland Thunder (18-8); Danger Forward (21-9); Danger Forward 2 (15-12); Darby Crest 1 (1-2); Darby Crest 2 (4-3); Darby Crest 3 (25-3); Darby March 1 (1-2); Darby March 2 (8-2); Darby Punch (10-3); Darby Trail 1 (1-2); Darby Trail 2 (8-2); Darby Trail 3 (1-10); Daring Rebel (5-5); Dawson River South (21-1); Dawson River West (2-1); Dân Phú/47/10 (22-4); Dân Phú/47/11 (5-11); Dân Quyền 38 (6-4); Dân Quyền 38A (15-5); Dân Quyền 41 (8-6); Dân Quyền 43 (22-6); Dân Thắng 69 (18-4); Dân Tiến 33D (1-11); Dân Tiến 40 (12-11); Deerstalk (1-4); Defiant Measure (10-2); Defiant Stand (7-9); Deway Canyon (23-1); Dirty Devil (2-5); Do Kae Bi 1-14 (18-9); Do Kae Bi 13 (7-7); Dok Su Ri Bi Ho 23 (1-6); Dong Bo 1-14 (16-8); Dong Bo 2-18 (31-7); Dong Bo 5 (25-3); Dong Bo 7 (9-5); Double Eagles 4 (7-1); Double Eagles 5 (26-1); Double Shift (29-7); Durham Peak (18-7); Đại Bàng/2/69 (30-11); Eager Pursuit (1-3); Eager Pursuit 2 (10-3); Ellis Ravine (7-4); Esso (15-6); Federal (17-2); Federal/Overlander (10-3); Forsyth Grove (27-6); Frederick Hill (18-3); Friendship 3 (11-9); Fulton Square (22-10); Gaffey Blue (5-8); Gallant Leader (23-5); Geneva Park (18-3); Georgia Tar (16-7); Ginger (17-7); Greene Ace (4-8); Greene Ax (21-6); Greene Basket (15-5); Greene Bear (16-10); Greene Bullet (20-10); Greene Gallop (18-5); Greene Hurricane (19-3); Greene Jack (15-7); Greene Lion (21-4); Greene Orange (14-4); Greene Orange 2 (2-5); Greene Orange 3 (5-5); Greene Queen (26-4); Greene Thunder (31-1); Greene Thunder 2 (28-2); Greene Tornado (25-2); Greene Typhoon (17-4); Greene Typhoon 2 (5-5); Greener Blue (31-1); Greener Cyclone (7-2); Guess What (13-5); Guess Who (9-5); Hae San Jin 6 (20-1);  Hae San Jin 9 (7-7); Hancock Eagle 1 (4-2); Hancock Eagle 2 (28-2); Hancock Eagle 3 (23-3); Hancock Flame (27-9); Hancock Knight (31-1); Hancock Knight 2 (23-3); Hancock Knight 3 (3-4); Hancock Queen (4-3); Hartle Green (14-10); Hát Dịch (17-7); Herkimer Mountain (8-5); Hodges Black (20-10); Hughes Black (2-11); Hunter 1 (26-3); Hunter 2 (8-4); Hưng Quảng/1/03 (26-1); Hưng Quảng/1/05 (14-2); Hưng Quảng/1/05/D (24-2); Hướng Hóa (20-3); Idaho Canyon (16-7); Intruder (16-7); Iron Mountain (18-3); Iroquois Grove (15-6); Jae Koo 22 (21-7); Jun Jin 21 (23-8); Kentucky Cougar (22-6); Kentucky Jumper (1-3); Keystone Cardinal (18-9); Keystone Eagle (1-7); Kings Cross (31-10); Kingston (14-9); Kou Kiet (6-8); Lam Sơn 274 (22-4); Lam Sơn 275 (25-4); Lam Sơn 276 (25-4); Lam Sơn 277 (25-4); Lam Sơn 278 (25-4); Lam Sơn 279 (25-4); Lam Sơn 340 (1-7); Lam Sơn 341 (1-7); Lam Sơn 342 (1-7); Lam Sơn 343 (1-7); Lam Sơn 345 (1-10); Lam Sơn 348 (27-10); Lamar Plain (16-5); Lavarak (30-5); Lê Lợi 4 (27-2); Liên Kết 54 (20-4); Liên Kết 63 (2-5); Liên Kết 414 (25-8); Liên Kết 531 (28-8); Liên Kết 612 (1-9); Linn River (27-1); Long Reach 1 (7-11); Long Reach 2 (3-12); Louisiana Lee (15-8); Lulu (12-3); Machete (11-2); Mailed Fist (1-5); Maine Crag (15-3); Marsden (28-11); Massachusetts Bay (23-4); Massachusetts Striker (1-3); Matthew (29-6); Menu (18-3); Mighty Play (10-7); Montana Mauler (23-3); Montana Raider (13-4); Montana Scout (29-3); Montgomery Rendezvous (8-6); Motana Scout (1-4); Mundingburra (14-7); Muskogee Meadow (6-4); Nantucket Beach (20-7); Navajo Warhorse 2 (17-1); Neppabunna (15-8); Norton Falls (29-9); Núi Cô Tô (4-3); Nutcracker (28-7); Ohio Rapids (24-1); Oklahoma Hills (30-3); Overlander (8-4); Phi Phụng/20/69A (4-9); Phi Phụng/33/69 (11-11); Pipestone Canyon (26-5); Plainsfield Warrior (18-5); Platte Canyon (6-1); Platypus 2 (1-8); Purple Martin (23-2); Putnam Cougar (21-9); Putnam Panther (1-2); Putnam Tiger (16-4); Putnam Wildcat (1-11); Quintus Thrust (1-3); Quốc Lộ14 (15-6); Quyết Thắng (1-1); Quyết Thắng/7/11/36 (25-3); Quyết Thắng/9/38 (4-11); Quyết Thắng/9/39 (8-12); Quyết Thắng/21/04 (27-1); Quyết Thắng/21/15 (17-3); Quyết Thắng/21/17 (10-4); Quyết Thắng/21/26 (17-6); Quyết Thắng/21/31 (24-7); Quyết Thắng/21/35 (2-9); Quyết Thắng/21/36 (11-9); Quyết Thắng/21/38 (29-9); Quyết Thắng 22 (24-2); Quyết Thắng 25 (20-3); Quyết Thắng/32/71 (11-9); Quyết Thắng/44/12 (25-2); Quyết Thắng/44/14 (5-3); Quyết Thắng/44/19 (5-4); Quyết Thắng/44/29 (13-5); Quyết Thắng/44/32 (18-6); Quyết Thắng/44/37 (14-8); QuyếtThắng/44/42 (4-9); QuyếtThắng/44/43 (17-9); Quyết Thắng/44/47 (5-11); Quyết Thắng/44/49 (20-1); Quyết Thắng 600 (24-2); Quyết Thắng/BL/58 (27-8); Quyết Thắng/SĐ/9/3 (12-1); Randolph Glenn (6-12); Ransom Raider (24-11); Ready Deck (11-8); Republic Square (28-9); Reynella (8-5); Rice Farmer (1-6); Richland Square (17-8); Roadside  (13-5); Ross (14-10); Roundup 1/Strangler 1 (4-2); Roundup 2/Strangler 2 (13-2); Russell Beach (13-1); Sacramento Bee (7-6); Saturate (5-10); Sea Float (27-6); Seminoles (25-10); Sheridan (1-2); Sherman Peak (25-1); Silver Mace 2 (7-4); Skysweep (1-1 đến 31-3); Southern Free Strike (10-10); Spindown (4-3); Spokane Rapids (20-2); Spragins White (11-11); Stafford (17-4); Stingray 69 (8-3); Strangle (21-7); Strangler 2 (29-4); Surfside (12-4); Tangle (23-12); Tekapo (20-8); Tennessee Pride (22-6); Texas Traveller (24-11); Thunder Run (12-8); Tiger Balm (2-1); Toàn Thắng/2/64 (21-4); Toàn Thắng 3 (16-2); Toàn Thắng 4 (1-11); Toàn Thắng 500 (7-11); Trần Hưng Đạo 3 (27-6); Trần Hưng Đạo 5 (11-8); Trần Hưng Đạo 9 (3-1); Trần Hưng Đạo 10 (25-9); Treasure Island (10-1);  Twickenham 1&2  (2-5); Twinkletoes (14-3); U Minh (26-9); U Minh 2 (22-12); Utah Mesa (12-6); Victory Dragon 7 (4-1); Victory Dragon 8 (2-2); Victory Dragon 9 (1-3); Victory Dragon 10 (26-4); Victory Dragon 11 (1-5); Victory Dragon 12 (24-5); Victory Dragon 13 (2-7); Victory Dragon 14 (1-8); Victory Dragon 15 (1-9); Victory Dragon 16 (1-10); Victory Dragon 17 (31-10); Victory Dragon 18 (1-12); Victory Dragon 19 (31-12); Vintage Rally (14-12); Virginia Ridge (1-5); Vũ Ninh 3 (5-5); Waiouru (5-7); Waldron Blue (24-11); Washington Green (15-4) ; Water Trap (3-1) ; Wayne Arrow (31-1) ; Wayne Boulder (10-9); Wayne Breaker (18-10); Wayner Dart (2-2); Wayner Gray (1-3); Wayner Green (10-2); Wayne Javelin (13-4); Wayne Rock (11-11); Wheerler Place (22-1); While Away (21-11); Williams Glade (12-7); Yorktown Victor (10-9), v.v…

Các chiến dịch của Quân đồng minh tại Việt Nam năm 1969

  1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Mỹ/Đồng minh (US/Allied Ops) 84 99 96 101 112 111 111 112 103 94 88 90
Phối hợp (Comb Ops)      74 42 38 18 31 26 51 45 61 41 7 10
Quân lực VNCH (ARVN Ops) 919 812 950 880 947 926 1070 1032 1027 987 905 948
Đường dài (Longstreet Ops) 69 81 76 87 71 67 56 46 54 50 41 38

Thương vong binh sĩ phân theo năm (không kể binh sĩ các nước đồng minh khác)

Năm Quân Mỹ Quân Việt Nam Cộng Hòa Quân Việt Cộng
Chết Bị thương Bị bắt Chết Bị thương Bị bắt Chết Bị thương Bị bắt
1954 266 821 14 302 68 121
1955 413 1.106 27 705 232 143
1956 448 1.412 16 1.015 318 157
1957 595 1.690 45 1.433 630 235
1958 16 25 733 1.945 107 2.068 2.872 430
1959 12 39 940 2.621 136 3.703 3.914 1.072
1960 9 44 1.637 4.171 205 6.813 2.510 5.240
1961 11 37 1.413 4.358 114 5.984 7.265 1.034
1962 12 58 4.435 13.707 305 18.626 26.413 1.552
1963 77 205 3.808 10.197 314 16.067 30.425 1.873
1964 264 1.213 46 4.370 14.364 333 17.794 24.872 3.409
1965 1.369 5.343 395 11.145 22.648 7.413 35.291 52.059 5.746
1966 5.008 30.093 423 9.544 10.132 940 61.631 119.093 9.369
1967 11.153 28.904 542 15.571 46.010 820 93.304 163.257 10.553
1968 14.314 100.088 401 20.482 109.580 520 289.358 260.743 29.094
1969 11.616 32.083 125 26.538 76.432 3.015 123.084 211.874 23.570
1970 6.081 14.124 113 15.109 45.513 2.250 78.785 110.492 6.365
1971 2.357 7.528 162 27.432 81.895 2.004 102.053 137.547 4.103
1972 641 1.876 382 61.070 142.506 4.014 224.154 309.094 14.350
1973 168 280 2.375 7.418 372 8.129 19.053 3.682
1974 21 41 12.350 35.492 1.833 37.028 67.139 9.755
1975 18 53 19.705 51.202 29.313 41.696 1.043
Cộng 53.147 222.034 2.589 240.379 685.220 24.797 1.156.640 1.591.566 132.896
9

Khu vực căn cứ 1969-70 (Vùng 1 chiến thuật)

10

Khu vực căn cứ 1969-70 (Vùng 2 chiến thuật)

11

Khu vực căn cứ 1969-70 (Vùng 3 và 4 chiến thuật)

12

Khu vực hỏa lực chiến dịch Shining Brass 1969

13.jpg

 


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

TRÍCH: LÝ ĐĂNG THẠNH – LỊCH SỬ VIỆT NAM

TẬP 15, 16 VÀ 17 – CUỘC CHIẾN ĐÔNG DƯƠNG LẦN 2

3 thoughts on “50 năm sự kiện Mậu Thân (1968-2018)- Phần 3

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s