Maurice Durand
L’Univers des Truyện Nôm
Phan Tấn Khôi* dịch
Dẫn nhập
Sinh tại Hà-nội vào tháng tám 1914, Maurice Durand là con trai của Gustave Durand, chánh phòng dịch thuật tại Tòa-án và giáo sư tiếng Tầu tại Đại học, và của Nguyễn Thị Bình, người gốc tỉnh Kiến-An, ở phía Đông châu thổ sông Hồng. Do đó ông đã được nuôi dưỡng vừa bằng tiếng Pháp và vừa bằng tiếng Việt, và dĩ nhiên hai nền văn hóa đó đã in sâu vào đời sống và sự nghiệp của ông. Sau một học trình tại trường trung-học Albert Sarraut Hà-nội, Maurice Durand đã tiếp tục theo học tại Pháp, nơi ông đạt được văn bằng Cử nhân Văn chương, kế đó Chứng chỉ Cao-học < Loti et l’Extrême-Orient , 1937 > trước khi đi phục vụ chiến trường Phi-châu. Năm 1946, Maurice Durand trở lại Việt-Nam như là giáo sư trung-học và năm 1949, trở thành hội viên thường trực của Trường Viễn-đông Bác cổ Pháp. Từ năm 1954 tới năm đóng cửa 1957, ông là Giám-đốc Trung tâm Viễn-đông Bác cổ Pháp tại Hà-nội. Trở về Pháp, ông tiếp tục nghiên cứu Văn-học Việt-nam và giao tất cả các tác phẩm của ông cho Trường Viễn-đông Bác cổ Pháp in. Trong số đó phải kể đến Connaissance du Việt-Nam , 1954 ; La transcription de la langue vietnamienne et l’oeuvre des missionnaires francais , 1961, v.v. Kể từ năm 1964, Maurice Durand bắt đầu đau nặng và sau nhiều cuộc giải phẫu, ông mất vào tháng tư 1966, ở vào tuổi 53. Ông để lại một tập bản thảo đang nghiên cứu dở dang về những bài thơ bằng nôm hiển nhiên là nguồn gốc của cuốn L’Univers des Truyện Nôm , 1998 này. <Theo Philippe Papin, EFEO>
Chúng ta hãy so sánh những yếu tố của bài dân ca : “Trống quân tân truyện” [1] và của cuốn Tranh dân gian Việt Nam[2].
Trong số ba mươi sáu truyện hay lịch sử được coi như phổ thông nhất của bài dân ca nói trên, cuốn Tranh dân gian truyền thống chỉ nói tới một số khá hạn hẹp. Hai truyện đã gây cảm hứng nhất cho các nhà vẽ tranh mà không ai có thể chối cãi được là truyện Kim Vân Kiều và truyện Thạch Sanh, trong bộ sưu tập của chúng tôi, hai mươi sáu tranh dành cho Thạch Sanh và mười hai tập gồm hai mươi sáu tranh cho truyện Kiều. Vậy mà truyện Thạnh Sanh không nằm trong danh sách của bài dân ca. Điều này chứng tỏ là sự phổ thông của Thạch Sanh chỉ là mới đây và đã được ưu đãi qua những tranh tết đã hình dung các anh hùng trong nhiều giai đoạn câu truyện. Cũng vậy, truyện Lục Vân Tiên của miền Nam Việt nam, không nằm trong danh sách và cũng là mới đây vì đã được một tác giả thuộc thế kỷ XIX, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) biên soạn.
Tiếp theo truyện Kiều và Thạch Sanh, có hai tranh dành cho truyện Trê cóc hai bảng gồm ba tranh cho Nhị Độ Mai , một tranh cho Phan Trần , một tranh cho Hoa Tiên . Truyện Lục Vân Tiên của miền Nam Việt Nam không được kể tới trong bài dân ca miền Bắc, nhưng sự nổi tiếng khá phổ biến để chúng tôi gặp hai tranh dành cho truyện này. Cùng lắm chúng tôi có thể xếp loại tám bảng gồm mười ba tranh truyện Tây Du Ký trong danh sách này bởi vì truyện nhà Sư đời Đường, Đường Tăng đã là mục tiêu những Truyện theo thể Lục-bát. (2)
Không có vấn đề giải quyết tất cả mọi bài toán các Truyện đặt ra ở đây, mà chỉ là tìm ra những lý do tại sao chúng nổi tiếng và thích hợp với trí tưởng tượng của một người Việt Nam “trung bình”.
Trước tiên chúng ta hãy lấy trường hợp truyện Kim Vân Kiều. Cùng với các truyện Phan Trần, Hoa Tiên, Nhị Độ Mai ,Lục Vân Tiên v.v…truyện Kiều thuộc nhóm những đại tác phẩm văn chương Việt Nam được biên soạn bằng chữ quốc ngữ. Chưa nói tới vẻ đẹp thực chất của các tác phẩm này, điều chắc chắn là sự mê say, hứng thú dành cho tất cả các tác phẩm bằng tiếng Việt và dưới một hình [3]thức nên thơ đặc biệt Việt Nam (câu 6-8), đến từ một tinh thần quốc gia, trong niềm sùng kính hãnh diện đã muốn lập thành, rất đúng lý, một gia tài văn hoá cá biệt có thể phát triển nhân cách chính trị của dân chúng Việt Nam.
Vào cuối thế kỷ XVIII, dưới nhà Tây-Sơn, những người chiến thắng quân Tầu và dưới triều Gia-Long, xứ sở đã được thống nhất. Xứ Căm-Bốt và Thái-Lan đều bị đánh bại. Để đánh dấu sự ưu thế ấy của Việt Nam trong miền Đông-Nam-Á, các vị hoàng đế và tầng lớp lãnh đạo, giới quý tộc và trí thức đều nhấn mạnh đến nền độc lập của xứ sở đối với nước Tầu bằng cách tán dương các tác phẩm bằng quốc ngữ. Vua Gia Long cho soạn thảo các văn bản hành chánh và chiếu chỉ bằng quốc ngữ. Người ta ₫ã cảm nhận được sự cố gắng này theo dòng lịch sử : sau khi nhà Trần chiến thắng quân Mông-cổ, Hàn Thuyên đã thử đặt ra loại thơ bằng chữ nôm. Sự cố gắng thoát ly chính trị bằng phương tiện ngôn ngữ và văn chương được tiếp tục làm theo dưới nhà Hồ, nhà Lê và nhất là dưới nhà Tây-Sơn. Dân chúng, tự họ, chỉ có thể đón nhận và ủng hộ một phong trào như vậy đã dành ưu thế cho ngôn ngữ họ hiểu rõ và nói hàng ngày, và , phần khác, đã được nhiều văn sỹ tài ba uốn nắn trong những vần thơ có sự hòa điệu và một khả năng gợi cảm như thể người ta đã tìm ra một sự cộng hưởng từ tận cùng tâm hồn họ.
Vậy tinh thần quốc gia đã là một phần trong việc phổ biến những truyện bằng quốc ngữ. Loại truyện này có rất nhiều và chúng ta có thể thêm vào số ba mươi sáu truyện <thực ra là ba mươi bốn> của bài dân ca, một danh sách dài những truyện khác bằng vần lục-bát cũng không kém phần nổi tiếng. Tuy nhiên, các nhà vẽ tranh chỉ chú ý tới một số ít truyện này. Qua đó họ đã thực hiện một sự lựa chọn các tác phẩm, một lựa chọn có thể không đầy đủ nhưng đã cho thấy rõ một thứ bậc gíá trị và một mức độ phổ quát.
Những truyện như Kim Vân Kiều, Hoa Tiên, Phan Trần, Nhị Độ Mai , đều được giới học thức Việt Nam công nhận như những tác phẩm kiệt tác. Người ngoại quốc thường phê bình những tác phẩm này là đều lấy đề tài từ truyện Tầu và do đó thiếu tính chất sáng tạo. Lời phê bình này thường do những người không hiểu biết hoặc biết quá ít tiếng Việt Nam ₫ể thấu hiểu mọi bản văn đưa ra , có thể sẽ giống như lời phê bình chê bai các tác gỉả Racine hay Corneille viết về những đề tài rút tỉa từ Hy-Lạp, La-Mã cổ xưa hay Tây-Ban-Nha.
Những truyện bằng thơ Việt Nam, giống hệt như những tác phẩm lớn bằng thơ cổ điển của người Pháp, cho thấy cùng tính chất sáng tạo trong việc sử dụng mọi đề tài. Ngôn ngữ, văn phong, cách phân tích tình cảm, thái độ các nhân vật đưa chúng ta vào một thế giới hoàn toàn Việt Nam và hơn nữa, rất thông thường, những phong cảnh tuyệt đẹp trong các tác phẩm đó làm chúng ta xúc động qua cái tình người sâu đậm của cốt truyện.
Truyện Kim Vân Kiều , giống như những truyện khác, là một sự thích nghi chứ không phải một bản dịch. Bản dịch truyện Tầu tự nó không có nhiều tính chất duyên dáng bằng tác phẩm của Nguyễn Du. Tất cả các nhà phê bình Việt Nam đều đồng lòng công nhận trong những tác phẩm đó – mà những truyện nổi tiếng nhất đã được minh họa bằng tranh dân gian – một tính chất đặc biệt Việt Nam, đã chuyển hóa những nguồn cảm hứng và xóa bỏ mọi nguồn gốc. Đỗ Thúc trong một bài nghiên cứu về chữ nôm , có tựa là văn nôm đăng trong Bulletin de la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin, quyển XV, số 1, tháng giêng, tháng ba 1935, đã viết :
” Những sách ấy ắt cần rèn đúc lại như ông Nguyễn Du đã nhân một truyện phong tình, cổ lục mà ra công rèn đúc thành truyện Kim Vân Kiều, thời mới có lý-thú lọt vào tai, vào lòng người Nam ₫ược. <tr.73>
…Nên biết cổ-văn nôm, như các truyện trường thiên : Thạch Sanh, Ngọc Hoa, Kim Vân Kiều, cổ-văn Tầu không có những lối thơ ấy, văn vần ấy. Tuy đời xưa không đem dậy các truyện nôm tại các trường công, chương-trình khoa-cử không hỏi đến, thế mà trong dân nhiều người biết tinh tường, học thuộc lòng.<tr.76>
Vậy thì, chủ nghĩa quốc gia chuyên chở những tình cảm của quần chúng đã muốn loại trừ những tác phẩm tiếng Tầu bằng những kiệt tác viết bằng tiếng Việt [4] và trong số những kiệt tác đó truyện bằng thơ hợp thành một trong số những nguồn cảm hứng chánh của cuốn Tranh dân gian.
Tuy nhiên, chủ nghĩa quốc gia không giải thích được hoàn toàn sự thành công của những tác phẩm như vậy. Những tác phẩm này cần trình bầy được những tính chất văn chương, nghệ thuật, chắc chắn nhân bản để sự thành công của chúng được tiếp tục biết đến theo thời gian và được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp quần chúng.
Trước tiên chúng ta hãy xem xét truyện Kiều mà đã có rất nhiều tranh dân gian minh họa. Không có một người Việt Nam nào mà không cảm nhận được cái đẹp. Nhưng hiểu được cái gì làm nên cái đẹp đó và phân tích nó dường như rất khó [5]. Người ta đều đồng ý thấy trong vẻ đẹp đó một thi vị mãnh liệt, đáp ứng một cách tinh tế tâm hồn người Việt [6] Sau đây là ý kiến của một văn sỹ việt-nam thời nay :
“Cái đẹp của Đoạn trường tân thanh <nghĩa là của Kim Vân Kiều >, cái tinh hoa của thơ văn lan tỏa một cách quá rộng rãi trong truyện, phải được cảm nhận một cách tự nhiên , người ta càng phân tích, người ta càng giải thích và cái đẹp càng rời xa. Cần phải ngưng thở, cần phải bước ₫i một cách cẩn thận để có thể tóm bắt được cái đẹp của bản văn khi thì dịu-dàng, khi thì thùy-mỵ, tráng lệ, huy hoàng. [7]
Mặc dù ý kiến đó, cái đẹp của truyện Kiều vẫn phân tích được và đã được phân tích nhìều lần. Người phê bình đầu tiên, người đã định nghĩa truyện Kiều một cách hiện đại, là Phan Kế Bính trong cuốn Việt Hán văn khảo <1918> của ông. Theo ông những yếu tố góp phần vào việc sáng tạo ra cái đẹp đó rất phong phú và vì vậy có thể tóm tắt như sau :
1- Văn phong chú trọng đến ý nghĩa từng chữ
2- Sự dễ dàng lựa chọn kỹ thuật văn thơ
3- Những tư tưởng và ý nghĩ tự nhiên trào ra
4- Cách sử dụng tài tình các lời nói bóng gíó văn học
5- Nghệ thuật mô tả nên thơ trong đó sự kết hợp phong cảnh với tình cảm con người đã đưa Nguyễn Du đến gần những thi sỹ lãng mạn và tượng trưng nổi tiếng nhất của chúng ta.
6- Sự tương hợp tính tình : những nhân vật chính trong truyện Kiều rất sống động và được tạo nên một cách tài tình, lời nói, tướng mạo, tình cảm kết hợp với nhau rất hài hòa làm cho mỗi nhân vật chính trong truyện sống trong trí tưởng tượng của chúng ta và chúng ta không thể nào quên được họ.
Kể từ Phan Kế Bính cho tới ngày nay, và cho tới những luận án mới đây đã được trình tại trường đại học Sorbonne, Paris thí dụ như là luận án của Nicolas Trần Cửu Chân, những nhà phê bình đã từng ca ngợi truyện Kiều chỉ là lập lại những điều mà Phan Kế Bính đã làm sáng tỏ bằng cách thêm vào một chuỗi ít hay nhiều những từ ngữ tán tụng. Dù là Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm hay những người khác, mỗi người đều nhấn mạnh với những cường độ khác nhau về tài Tả Cảnh của Nguyễn Du, tài Tả tình , Tả người , tài Tự thuật , Đàm thoại , Dùng chữ, những ám chỉ văn chương Điển tích .
Nhưng tất cả những phân tích đó không chỉ rõ ra được những nguyên nhân chính tại sao dân chúng việt-nam lại rất mê thích truyện Kiều đến độ nâng truyện này lên hàng đầu trong cuốn Tranh dân gian.
Theo ý chúng tôi, những lý do tổng quát giải thích được vì sao cái đẹp của truyện Kiều thích ứng với thị hiếu của dân chúng việt nam là :
1 – Toàn thể câu truyện là một bi kịch lâm ly hay một chuỗi bi kịch có khả năng cảm hóa, khích động những tâm hồn nhạy cảm và tế nhị. Đó là một trong những điểm chủ yếu của mọi văn chương bình dân.
2 – Giọng nói khoa trương giả tạo trong các bi kịch lâm ly đó khác với giọng nói khoa trương .giả tạo đầy vẻ rực rỡ nhưng trống rỗng trong các bi kịch lâm ly truyền thống Pháp. Sự phân tích tinh tế những tình cảm, sự hoàn hảo của một thể loại dạng thần chú, tài chế ngự những cảm giác và cảm tưởng mà nhà thơ nắm bắt được qua tính chất nhạy cảm tiêu biểu của các nhân vật đã biến truyện Kiều thành một tác phẩm lỗi lạc, có khả năng gây thích thú cho giới văn nhân và giới nghệ sỹ khó tính nhất.
3 – Truyện Kiều tỏ ra châm biếm trong một số đoạn. Tác giả không sợ phê phán các quan lớn và các nhà quý tộc của thế giới này. Đó là một trong những tính chất của mọi văn chương bình dân. Tranh dân gian việt-nam cũng rất châm biếm, chứng tỏ tinh thần trào phúng của dân chúng.
4 – Sau cùng, dưới mắt quần chúng bình dân, truyện Kiều là một tác phẩm đạo đức. Chúng ta sẽ thấy sự quan trọng của ý niệm đạo đức, của ý niệm đức hạnh trong văn chương bình dân.
Chúng ta hãy xem xét truyện Kiều như một cuốn tiểu thuyết mà nội dung làm sao có thể gây xúc động những tâm hồn đa cảm. Trước tiên chúng ta hãy xét tác dụng đó trên tâm hồn người đọc. Nguyễn Mạnh Tường đã phê phán Dương Quảng Hàm trong tạp chí Thanh Nghị số 92 như sau :
Đối với quyển Kim Vân Kiều, ông Dương Quảng Hàm có vẻ trân trọng hơn, nhưng chính vấn đề cốt yếu là vấn đề văn chương ông chỉ nói qua thôi. Ông khen cụ Nguyễn Du có tài tả cảnh, tả người, và dùng điển. Còn nghệ thuật của cụ ông không nói đến. Ông không cắt nghĩa tại làm sao quyển Kim Vân Kiều chứa chan thi vị và tại sao thi vị rất hợp với tâm hồn người Việt Nam chúng ta, hợp cho đến nỗi ta tưởng tượng rằng nếu tâm hồn ta có thể lên tiếng được, thì sẽ hòa điệu theo thơ của Kim Vân Kiều .
Thật ra, cái thi vị đó của truyện Kiều mà mọi người việt-nam đều cảm nhận thấy, đến từ nghệ thuật và kỹ thuật thơ văn của Nguyễn Du. Ông ta, giống như Racine, như Baudelaire, như tất cả mọi đại thi hào của mọi thời gian và mọi quốc gia, đã biết nắm lấy điểm thi vị chính yếu trong mọi trường hợp và trong mọi hoàn cảnh của các nhân vật, và diễn tả nó một cách giản dị nhưng chan chứa những gợi ý trí thức hay tình cảm. Hơn nữa, nhân vật chính Kiều tượng trưng nhân vật lý tưởng của bi kịch lâm ly. Nàng đẹp, nhân hậu, đức hạnh, nhưng số mệnh tàn ác đã đẩy nàng vào những cuộc phiêu lưu mà bản chất yếu đuối của nàng phải chống chỏi với những điều độc ác, với sự xảo quyệt của một thế giới thường là tàn ác. Tuy nhiên, sau cùng, nàng cũng sẽ thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn những kinh nghiệm khổ sở và đau thương và sẽ tìm lại được Kim Trọng, người nàng luôn luôn yêu mến.
Nhân cách của Nguyễn Du
Nguyễn Du sinh tại Nghệ-Tính, nhưng tổ tiên ông đều là gốc Bắc-kỳ. Chúng tôi đã tìm được dấu vết một trong những người này, Nguyễn Thiến , dưới thời nhà Mạc, sống tại làng Canh-Hoạnh , phủ Thanh-Oai , tỉnh Sơn-Nam <hiện tại là tỉnh Hà Đông>. Ông đậu tiến sỹ vào năm Nhâm-thìn <1532> dưới thời nhà Mạc, nhưng trở lại với nhà Lê khi triều đại được Lê Trang Tông tái lập lại năm 1533. ông đạt tới chức Lễ bộ thượng thư và được phong tước hiệu quý tộc Quận-công. Ngược lại, các con ông đều chọn nhà Mạc. Vào triều đại Quang-Hưng <1578-1599> các cháu ông về đầu hàng nhà Lê khi Mạc Mậu Hợp bị quân Trịnh Tùng bắt vào năm 1593, nhưng ít lâu sau chúng sắp đặt một âm mưu phản loạn và tất cả đều bị giết, ngoại trừ Nguyễn Nhiệm <tước hiệu quý tộc Nam-Dương Hầu> đã trốn vào Nghệ-An, trong phủ Đức Quang, tại làng Tiên Điền, phủ Nghi Xuân <năm 1924, ngôi làng đó nằm trong phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh>. Tại đó, Nguyễn Nhiệm sống ẩn lánh và người ta chỉ còn nhớ tước hiệu quý tộc và danh hiệu Ông Nam-Dương của ông.
Vào thế hệ thứ sáu sau Nguyễn Nhiệm có Nguyễn Thể rất nổi tiếng trong nghề binh đao và nhận được tước hiệu Phù Hương Bá và Bảo-Lộc phong-công, kế đó có Nguyễn-Quỳnh rất nổi tiếng về tài văn chương và được biết đến dưới tước hiệu Lĩnh-nam-công.
Một trong những con trai của Nguyễn Quỳnh tỏ ra xuất sắc vì đã thi đậu Tiến-sỹ trong kỳ thi năm 1733, lúc 29 tuổi. Một người con khác là Nguyễn Nhiệm, cũng được biết tới dưới các danh hiệu Nghị-hiên, Hồng Ngự Cư sỹ. Năm 16 tuổi ông đậu cử nhân và năm 24 tuổi đậu tiến sỹ trong kỳ thi năm 1731. Ông rất giỏi trong việc biên soạn bằng chữ nôm và những bài viết của ông mặc dù không được khéo lắm cũng đáng được kể đến. Trước tiên một bài phú có tên Khổng-tử mộng Chu-công , kế đó những tác phẩm như Quân-trung liên vịnh [8] <Nhiều bài thơ nối tiếp nhau ca ngợi quân đội>, như Xuân-Đình tạp vịnh <Tuyển tập nhiều bài thơ vịnh Tiểu đình mùa Xuân> như Việt-sử bị lãm [9] <Khảo sát chi tiết Lịch-sử Việt>.
Cha Nguyễn Du có mười hai con mà vài người rất nổi tiếng. Con cả Nguyễn Khản đậu tiến sỹ năm 27 tuổi trong kỳ thi năm canh thìn <1760> và trải qua một quá trình nghề nghiệp hành chánh sáng lạn. Con thứ hai Nguyễn Điều, tước hiệu quý tộc Điền Nhạc hầu, đã là tổng đốc Hưng-Hóa, phần lớn các con khác đều làm quan.
Nguyễn Du là con thứ bẩy của Nguyễn Nghiễm, có tự là Tố-Như, hiệu Thanh-hiên. Mẹ ông là Trần Thị Thản người gốc làng Hoa Thiều [10] quận Đông Ngạn, tỉnh Kinh-bắc <hiện tại là Bắc Ninh>. Đàn bà của tỉnh đó rất nổi tiếng về sự tử tế, sắc đẹp và sự thanh lịch của họ. Ảnh hưởng của bà mẹ trên đứa con đã cho Nguyễn Du một tính chất đa cảm tinh tế.
Ông sinh năm 1765, vào một thời kỳ đầy hỗn loạn nối tiếp nhau trong nhiều năm được ghi lại bằng những cuộc nổi dậy không ngừng. Trong thời niên thiếu của ông nhiều sự kiện quan trọng xẩy ra đều là hậu quả của tình trạng hỗn loạn nội bộ do sự phát triển của giới thượng lưu, sự suy yếu của quyền lực hoàng gia, sự cai trị của các lãnh chúa và nhất là cuộc nổi dậy của nhà Tây-Sơn.
Thật vậy, ngay từ năm 1771 Nguyễn Nhạc nổi dậy và đặt căn cứ hành quân tại thị trấn Tây-Sơn <thôn An-khê và Cửu-an tại phủ Hoài-nhân, trong vùng Quy-nhơn >. Năm 1774, lúc đó Nguyễn Du mới có chín tuổi , Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc đi đánh quân Nguyễn. Hoàng Ngũ Phúc chiếm được Phú-xuân, quân Nguyễn phải rút lui về Quảng Nam, nhưng lại bị quân Tây Sơn đánh tại đó và chiếm luôn Quảng Nam. Năm 1776, quân Tây Sơn chiếm Sài Côn [11], rồi lại để mất . Năm 1776 Nguyễn Nhạc tự xưng vua Tây Sơn, kế đó là hoàng đế năm 1178. Trong khi đó, các anh em của ông, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đánh chiếm lại Sài-côn và Gia-định, tuy nhiên ít lâu sau lại bị Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại và kế đó trở thành mục tiêu của nhiều chiến dịch giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn. Năm 1784, miền Bắc bị nạn Kiêu-binh nổi dậy. Gia đình Nguyễn Du rất lo lắng vì nhà của người anh cả Nguyễn Khản bị bọn nổi dậy phá hủy. Gia đình Nguyễn Du thuộc loại bảo hòang, có nghĩa là luôn muốn phục vụ một cách trung thành với chúa Trịnh và nhà Lê. Trong thời gian nạn Kiêu-binh, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều và các em trốn chạy về Sơn Tây và cố gắng kết hợp quân sĩ các tỉnh để chống lại toán quân nổi dậy. Còn về phần Nguyễn Du, ngay thời niên thiếu ông đã sống chung đụng với giới chức sắc nhà Trịnh và nhà Lê. Cha ông Nguyễn Nghiễm, tước hiệu Trung-Cần-công, là bạn của Hoàng Ngũ Phúc, một trong những đại tướng nhà Trịnh. Ông này rất yêu thích Nguyễn Du lúc còn nhỏ, đã chấm số tử vi cho cậu bé và trao tặng cậu một thanh kiếm hiếm quý. Lúc sáu tuổi Nguyễn Du bắt đầu đi học và chứng tỏ ngay tức thì có một trí nhớ phi thường. Lúc 19 tuổi , ông thi đậu kỳ thi tuyển tỉnh lỵ Thăng-long. Lúc Nguyễn Du còn bé, cha ông đã cho ông làm con nuôi một trong những đồng môn xưa đã trở thành một vị quan trong tỉnh Thái Nguyên với chức tước Hùng-hậu hiệu Chính-thủ-hiệu . Khi cha nuôi ông mất Nguyễn Du được thừa hưởng chức tước đó, giống như ông được thừa hưởng chức tước của cha ông Hoằng [12] – tín Đại-phu chi [13] Thụ [14] Trung-thành-môn vệ-úy.
Nguyễn Du lấy con gái ông Đoàn Nguyễn Thục [15] người gốc Sơn-Nam <Nam-Định>. Khi nhà Lê bị nhà Tây-Sơn loại khỏi quyền uy và Lê Chiêu-Thống trốn chạy sang Tầu năm 1789, Lúc đầu Nguyễn Du có ý muốn đi theo ngài, nhưng ông không tới kịp để theo đoàn hoàng gia. Vậy ông lui về ở ẩn vùng quê, tại làng của vợ ông , làng Hải-an, quận Quỳnh-côi, tỉnh Sơn-Nam <Nam-Định, Thái Bình>. Cùng với người anh cả của vợ, Đoàn Nguyễn-Tuấn, ông muốn dấy lên một phong trào để phục hưng nhà Lê, nhưng ông không thành công và lui về ở ẩn tại làng Tiên Điền quê ông.
Lúc đó ông muốn vào miền Nam để gia nhập phe Nguyễn Ánh, vua Gia Long tương lai, nhưng dự định của ông bị lộ và viên tướng nhà Tây Sơn, chỉ huy trưởng các nhóm quân của tỉnh lỵ, có tước hiệu Thận-quận-công, bắt ông và giữ làm tù binh trong hai tháng, kế đó thả ông ra. Nhận thấy nỗi bất lực không thể hành động, lòng đầy hận thù và buồn rầu, ông qua thời gian tại đồng quê, vui thích với thú thiên nhiên, với thú săn bắn, với thú đọc sách. Từ thời kỳ đó của đời ông nẩy sinh những biệt danh như Hồng-sơn-lạp-hộ <người thợ săn vùng Hồng-sơn> Nam-hải điếu đồ <Người câu cá vùng Nam-hải>
Khi Gia Long đã chiến thắng nhà Tây Sơn và thống nhất xứ sở, Nguyễn Du đã ngập ngừng rất lâu, sau cùng quyết định xin gia nhâp. Khi Gia Long ra Bắc vào năm 1802, Nguyễn Du đi gặp ngài trong đoàn tùy tùng hoàng gia tại Nghệ-An. Ông theo Gia Long và được phong tri huyện Phù-dung lệ thuộc chính quyền Sơn-Nam. Cùng năm đó vào tháng 11, ông được phong làm tri phủ Thường Tín. Năm 1804 ông được lệnh đón tiếp phái đoàn sứ thần Tầu. Vào mùa thu ông cáo bệnh để lui về đồng quê, nhưng chẳng bao lâu ông lại được triệu về kinh thành. Năm 1805, ông được phong Đông-các Đại-học-sĩ và nhận tước hiệu Du-đức-hầu . Vào năm 1809 ông được phong cai-bộ <chức vụ tương đương với Bố-chánh> tỉnh Quảng-bình. Ông giữ chức vụ đó suốt bốn năm và rất thành công trong việc hành xử. Năm 1813 ông được phong Cần-chánh điện học sĩ và trở lại kinh thành, sau đó ông được giao chức vụ điều khiển phái đoàn sứ bộ ta tại Tầu, Chánh-sứ đi tuế cống Thanh-triều , trong thời gian đó ông có làm một số thơ mà chúng tôi còn giữ được.
Năm 1815 ông được thăng chức Lễ-bộ hữu-tham-tri. Năm 1820, nhân dip lễ đăng quang của Minh-Mệnh, ông được cử lảm Sứ thần đi Tầu xin cầu phong cho vua. Ông không có thời gian khởi hành vì ngả bệnh, ông mất tại kinh thành ngày thứ 10 , tháng thứ 8 của năm Canh-thìn, nghĩa là ngày 16 tháng chín 1820 ở vào tuổi 56. Biến cố đó làm vua Minh Mệnh rất đau lòng [16].
Ngài ban cho đồ phúng điếu gồm 20 nén vàng, hai sấp gấm, dầu thơm, v.v. và ban tước hiệu hậu ma chay Trung Thanh. Ông được chôn tại xã An-ninh, huyện Hương-trà, tỉnh Thừa-thiên. Vào năm 1884, con trai thứ hai của ông Nguyễn Ngũ di chuyển tro cốt của ông về làng quê hương ông để chôn cất.
Nguyễn Du rất đông con, mười hai con trai và bẩy con gái. Không có người con nào trong số đó để lại một danh tiếng gì. Con trai cả Tứ có theo cha đi sứ sang Tầu ; con thứ hai Ngũ rất thạo nghiệp quân sự ; còn những người con khác, sống tại Bắc-kỳ hay tại Huế, không có gì nổi bật. Vào năm 1924 người ta biết đến một hậu duệ thuộc thế hệ thứ ba của ông dưới tên gọi cụ Tời sống tới trên 60 tuổi và có nhiều cháu .
Một hậu duệ thuộc thế hệ thứ 5 của Nguyễn Trọng, em út cha Nguyễn Du, là Nguyễn Mai nổi danh với bằng tiến-sĩ trong kỳ thi năm 1904, ông được biết tới với tài viết chữ nôm
Nguyễn Du có một nền văn hóa phong phú. Ngay từ thời niên thiếu ông đã chú tâm vào việc học những môn quan trọng và, ngoại trừ sự hiểu biết về văn học cổ điển Tầu, ông còn quan tâm tới những tác phẩm nói về nghệ thuật quân sự, về địa lý, về phong thủy, về những tiểu thuyết Tầu. Bên cạnh những truyện kể bằng tiếng Tầu như là cuốn Thanh-hiên tiền hậu tập, cuốn Nam-trung tạp-ngâm, cuốn Bắc-hành tạp-lục , cuốn Lê-quý kỷ sự và cuốn Kim Vân Kiều bằng chữ nôm , Nguyễn Du đã để lại hai tập thơ bằng chữ nôm tập Văn tế thập loại chúng sinh [17] và tập Văn sinh tế Trường Lưu nhị nữ. Đôi khi người ta còn gán nhầm cho ông cuốn Thác lời trai phường nón <Lời chàng trai trẻ của một phường làm nón>. Thật ra là một Nguễn Du khác hay Nguyễn Thu trước tiên được biết tới dưới tên Nguyễn Bảo chính là tác giả cuốn Lê quí kỷ sự. Đậu cử nhân năm 1821, chuyên đọc sách tại Viện Hàn Lâm và người biên tập tại sử-quan vào năm 1841. Người có văn hóa, hiểu biết tinh tế thân cận nhà vua vào năm 1844, Sứ thần tại Bắc-kinh năm 1854, ông mất năm 1855 ở vào tuổi 57 [18].
Nhờ vào Bùi Kỷ, Phan Võ, và Nguyễn Khắc Hạnh đã cho phát hành mới đây một phần những bài thơ bằng tiếng Tầu của ông , chúng ta đã có thể nhận biết được vài khía cạnh về tính tình của ông. Trước tiên hơn cả tính bi quan trí thức mà chúng ta đã quen thuộc với những đại thi hào việt-nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, tình cảm lớn nhất của Nguyễn Du là sự tuyệt vọng sâu xa đến từ những điều mâu thuẫn giữa những ham muốn hành động và sự vinh quang, và đời sống nhàn hạ , bất chấp ý muốn của ông, giữa thời gian trôi qua và cái già đang tới có thể ngăn cản ông hoàn thành những điều mong ước. Bài thơ sau đây tóm tắt khá đúng tâm trạng của nhà thơ đã không thể hưởng thụ hoàn toàn quãng đời hưu trí của mình, tự cảm thấy lo sợ vì tương lai mờ mịt và vì sự yếu đuối của thể xác bệnh hoạn.
” Con người quảng đại, đầu đã bạc trắng, nhìn lên trời buồn bã,
Bởi vì cái mộng chiến công và sự hoàn thành một đời sống xứng đáng mờ nhạt dần
Thú vui hoa lan mùa xuân và hoa cúc mùa thu trở thành vô bổ
Sự hăng hái mùa hè, sự rét mướt mùa đông xâm chiếm tuổi trẻ
Tuy nhiên theo sau đoàn chó vàng, ông cảm thấy thích thú vượt qua Hồng-lĩnh
Và, dưới những đám mây trắng, nằm gần sông Quế, ông chịu đựng cảnh bệnh tật. ”
<tiếng Pháp trong bản gốc>
Dường như Nguyễn Du có một tính khí bệnh hoạn, ông than thở trong nhiều bài thơ, thí dụ Ngọa Bệnh .
” Đa bệnh đa cầu khí bất thư
Thập tuần khốn ngọa Quế-giang cư ”
” Rất nhiều bệnh, nhiều điều buồn bã không để cho tôi một chút nghỉ ngơi
Đã từ mười thập niên tôi nằm co rúm gần sông Quế. “
* * * [19]
Nhất ngọa Hồng-Sơn tuế nguyệt thâm
Minh kính hiểu hàn khai lão sấu
Sài phi dạ tĩnh khốn thân ngâm
Thập niên túc tật vô nhân vấn
Cửu chuyển hoàn đơn hà xứ tầm [20]
” Tôi luôn luôn nằm cạnh Hồng-Sơn, từ suốt những tháng và những năm
Với cái lạnh đang tới, tôi thấy rõ tuổi và những khuyết tật của tôi trong gương
Trong đêm yên lặng, sau cánh cửa gỗ, tôi rên rỉ người co rúm
Từ mười năm nay tôi đau ốm, tôi không thấy ai đến thăm
Hiện nay tôi tìm ở đâu được những thuốc men đã được gạn lắng chín lần ? “
Cùng một chủ đề trở lại trong bài thơ Thu-dạ ,
Cùng niên ngọa bệnh Tuế giang tân
” Suốt năm, căn bệnh bắt tôi phải nằm gần sông Tuế “
trong bài thơ Mạn hứng
Tam xuân tích bệnh bần vô dược
” Kể từ ba mùa xuân qua tôi luôn luôn ₫au ốm và quá nghèo để có thuốc uống ” v.v.
Thêm vào bệnh tật, tuổi già, đời sống ở ẩn dẫn tới sự thụ động, những hối tiếc một đời dở dang đến gia tăng thêm nỗi buồn.
Tráng niên ngã diệc vi tài giả
Bạch phát thu phong không tự ta
” Trong thời niên thiếu tôi có đầy tài năng
Nay tóc tôi đã bạc và dưới ngọn gió mùa thu tôi than thở. “
Bị ép buộc về hưu vào thời kỳ hỗn loạn là một bản án xử phạt ở ẩn trong bóng tối vì người ta không biết theo phe nào.
Loạn thế nam nhi tu [21] đối kiếm
” Vào thời kỳ hỗn loạn, trai tráng chán ghét cầm kiếm. “
Và thời gian qua mau, qua quá mau đến mức không thể làm gì tốt đẹp được và người ta tự thấy gìà.
Thư kiếm vô thành sinh kế xúc
Xuân thu đại tự [22] bạch đầu tân
“Người trí thức hay người lính tôi đều không thành công và đời
sống của tôi bị thu hẹp
Những mùa xuân và mùa thu thay phiên nhau qua đi và tóc tôi bắt đầu bạc “
Chủ đề nỗi sầu muộn thấy cảnh già nua được cố ý đưa trở lại trong những bài thơ của Nguyễn Du
Sự trôi qua của thời gian phù hợp với sự nhận biết cảnh già nua quá nhanh của con người đã đưa Nguyễn Du tới quan niệm bi quan về cuộc đời. Đời sống con người ngắn ngủi, thời gian và thế giới thường là vô cảm đối với những cố gắng của họ để sống còn và kéo dài đời sống. Tất cả đều ngắn ngủi, đời sống, sắc đẹp, sự trẻ trung, các vương quốc…ngay cả những tác phẩm văn chương cũng có hiểm nguy không bao giờ còn tồn tại trong ký ức loài người
Cổ kim vị kiến thiên niên quốc
” Chưa bao giờ, kể từ thời thượng cổ, người ta thấy được một vương quốc đứng vững ngàn năm
Thế sự phù vân chân khả ai-
“ Đời sống trong thế gian này giống như những đám mây lang thang và đáng để người ta thương xót “
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
” Tôi không biết trong ba trăm năm nữa,
Trong thế gian còn ai khóc Tố Như [23] ”
Để thóat ra khỏi cái thế giới bất ổn, khó khăn, vô cảm, vô vị, trước tiên Nguyễn Du đã thử thú vui chơi. Về ở ẩn tại đồng quê, yêu thích sự cô đơn, các thú vui thiên nhiên, săn bắn, ruợu chè, đọc sách và làm thơ , tất cả những điều đó giống như thái độ của những đại thi hào việt-nam, những bậc tiền nhiệm của ông.
Bách tuế vi nhân bi thuấn tức [24]
Mộ [25] niên hành lạc tích tu du
Ninh tri dị nhật tây lăng hạ
Năng ẩm trùng dương nhất tri
” Đời sống con người, thật là đáng thương cho kiếp phù du của nó,
Lúc xế chiều đời người, người ta luyến tiếc từng giây phút vui vẻ đã qua Làm sao biết được ngày chúng ta sẽ nằm sâu dưới gò đất phía Tây
Nếu chúng ta còn có thể vào ngày lễ hai số chín [26] lại uống được chỉ
một giọt ruợu. “
Những Ấn bản truyện Kiều
Tất cả những nhà phê bình văn học việt-nam đều than về sự có quá nhiều ấn bản bằng chữ quốc ngữ truyện Kiều , những ấn bản khác nhau về cách đọc [27] . Thật là không may chúng tôi không có ấn bản gốc của truyện Kiều . Chúng tôi chỉ còn hai bản văn bằng chữ nôm : một được gọi là bản Phường <Ấn bản thương mại – Ấn bản các tiệm sách> : ấn bản tượng trưng cho truyền thống có lẽ cổ xưa nhất bởi vì nó là tác phẩm của Nguyễn Du, được trình bầy với những cải thiện cùa Phạm Quý Thích [28] một trong những bạn của ông <1760-1825> dưới tựa đề Kim Vân Kiều tân truyện trong khi tựa đề cuối cùng là Đoạn trường tân thanh.
Ấn bản thứ hai đã được Tự-Đức <1847-1883> sửa chữa và đích thân lo việc ấn hành. Ấn bản này không được thương mại hóa và có tên gọi là Bản Kinh. Ấn bản bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là của Trương Vĩnh Ký in năm 1875.
Nguồn gốc truyện Kiều
1 – Ở vào câu thơ thứ 7 trong truyện của ông, Nguyễn Du cho biết đề tài được rút tỉa từ một truyện Phong tình cổ lục
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh
“Vừa lật từng trang một những cuốn sách chép tay cổ xưa rất hay trước ngọn đèn dầu, bỗng nhiên tôi rơi vào những trích đoạn của những văn bản xưa về những “Truyện tình nhẹ dạ, phù phiếm” được ghi trên những tấm tre “
Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim trong ấn bản Kiều của họ, Truyện Thúy Kiều <Đoạn-trường tân-thanh bộ sưu tập Việt-văn thư-xã, tại Vĩnh Hưng Long thư quán, Hanoi, 1925>, tái bản tại Saigon nhà in Tân Việt, đều nghĩ đến một tập truyện có tên là Phong tình cố lục
Thật là không may chúng tôi không có tập truyện nào dưới tựa đề đó và chúng tôi bị bắt buộc phải công nhận bốn chữ đó chỉ định một cách tổng quát những mối liên hệ xưa về phong tình , có nghĩa là những truyện tình
2 – Abel des Michels trong phần đề tựa cuốn Kim Vân Kiều tân truyện [29] đã đưa nguồn gốc truyện Kiều ngược dòng tới một cuốn truyện bàng chữ Hán tên là Kim Vân Kiều lục xuất bản năm 1876 sau khi được một văn nhân có tên là Phước Bình Lê hiệu đính.
3 – Truyện Kiều lấy nguồn gốc từ một truyện tầu có tên là Thanh tâm tài tình lục [30] hay từ một truyện tầu do Thanh tâm tài tử [31] xuất bản.
Vậy con người Thanh tâm tài tử là ai mới được ? Đối với H.Maspero, đó là một Hiệu của Phạm Quý Thích. Bên trong tác phẩm đó người ta thấy những tựa đề sau :
Kim Vân Kiều Thanh tâm tài tử quyển nhất
Quán hoa đường luận Kim Vân Kiều truyện mục lục
Maspero đọc Quán hoa đường bình luận [32] Thanh tâm tài tử biên thứ và trang 1 bản sao chép của tôi Thánh thán ngoại thư .
Đối với Maspero cuốn Bình luận là của Phạm Quý Thích, hiệu Hoa-đường, đã được một văn nhân sửa chữa và cho cái tên bằng chữ nôm của thư viện Kin Cheng-t’an <Kim Thánh Thán, Quán hoa đường> và việc sửa chữa này đã thêm vào tên của văn sỹ nổi tiếng người Tầu. Ông kết luận truyện Kiều là một bản dịch của một truyện Tầu do Nguyễn Du dịch và xuất bản với những lời bình của Phạm Quý Thích trong những năm cuối thế kỷ XVIII. Nhưng ông không chấp nhận văn bản Tầu đã được bắt chước là của Kin Cheng-t’an.
Ý kiến của Maspero bị tranh cãi trong một ấn bản mới đây của truyện Kiều do Lý Vân Hùng biên soạn Kim Vân Kiều bình giảng <Chợ-lớn, 1955, Gia-hoa ấn loát công ty> trong đó Thanh Tâm tài nhân được xác nhận là Siu Wen-tch’ang <Từ Văn Trường>. Thật ra ngừơi này tên là Siu Wei <Từ Vị>, tên Tự đầu tiên là Wen-tch’ang <Văn-Trường>, tên tự thứ hai, T’ien-tch’e <Thiên-trì>, tên hiệu, Ts’ing-t’eng <Thanh-đằng>. Ông có tài năng vượt bực về văn chương và hội họa. Ông theo tổng trấn Hou Tsong-hien <Hồ Tông-Hiến> , một trong những nhân vật của truyện Kiều <đọan nói về Từ-Hải> và tham dự vào mọi chiến dịch quân sự của vị quan này với chức vị quân sư. Những kế hoạch của ông thật tài tình và nhờ ông, Hồ Tông Hiến thường là người chiến thắng và đạt được nhiều ân thưởng. Tuy nhiên , khi quan tổng trấn bị thua trận, Siu Wei trở thành điên, giết vợ và bị bỏ tù, sau đó ông được tha và bắt đầu du hành lang thang nơi này nơi kia. Ông soạn thảo nhiều tác phẩm như cuốn Lộ sử phân thích , cuốn Bút nguyên yếu chỉ , cuốn Từ Văn Trường tập ,v.v…<xem đoạn Tseu-hai >.
Vào năm thứ 33 Kia-tsing <Gia-Tính, 1554> Hồ Tông Hiến nhận được lệnh diệt trừ Từ Hải. Ông sử dụng phương pháp ngoại giao và thuyết phục để thúc dục Từ Hải ra hàng . Từ Hải siêu lòng và ra đầu hàng. nhưng ông ta bị xử chém và Hồ Tôn Hiến, mặc dù những lời hứa hẹn, đã bắt Thúy Kiều phải lấy một viên quan địa phương. Trước hoàn cảnh ấy và để giữ lòng trong sạch, Thúy Kiều tự tử bằng cách gieo mình xuống sông Tiền -đường. Để tiếp nối , Thanh Tâm tài nhân <Từ Văn Trường> soạn thảo cuốn Kim Vân Kiều truyện và từ đó Kim Thánh-thán làm ra một ấn bản có sửa chữa. Hơn nữa Yu-Hoai <Dư-Hoài> soạn ra một Vương Thúy Kiều truyện và in nó trong tập Yu tch’ou sin tche <Ngu sơ tân chí>.
Kin Cheng-t’an <Kim Thánh-thán> <1627-1662> là một văn nhân nổi tiếng đã xuất bản với lời bình luận bốn tiẻu thuyết tuyệt vời : Tứ đại kỳ thư : truyện Tam quốc chí diễn nghĩa, truyện Tây sương ký , truyện Kim bình mai , và truyện Thủy hử truyện [33].
Còn về Dư Hoài, tự Tan-sin <Đạm-tâm>, có thể ông với cuốn Vương Thúy-Kiều là người gây hứng cho cuốn Kiều của Nguyễn Du, nếu người ta chấp nhận giả thuyết của Phạm Quỳnh [34], được ấn hành dưới bút hiệu Thượng Chi. Tuy nhiên bản dịch của văn bản Tầu mà Phạm Quỳnh chỉ cho chúng ta thấy là chỉ có một đoạn duy nhất giống như trong Kiều của Nguyễn Du và trong cuốn của Dư Hoài, đó là đoạn Kiều gặp Từ Hâi. Người ta không thể tìm thấy được trong cuốn của Dư Hoài những đoạn trước đó như là Kiều gặp chàng Kim, đoạn tả những nỗi thăng trầm Kiều đã phải chịu đựng khi bị gả bán cho Mã Giám-Sinh.
Truyện Vương Thúy Kiều trong tập Ngu Sơ Tân-chí mà tác giả là Dư Hoài, <Tự Đạm-Tâm >, được trích ra từ cuốn Ngô Việt xuân thu . Thượng Chi đã dịch truyện này in trong Nam Phong <số 30, tr. 488 và tiếp theo> Kiều được mô tả như một cô gái gốc Lâm-Tri nơi khi còn rất trẻ, cô đã bị bán cho một đoàn hát mà người cầm đầu là một bà già họ Mã, cô gái được đặt tên là Kiều –Nhi và được mang tới Giang-Nam nơi sắc đẹp và tài gẩy đàn của nàng đã gây ra nhiều sóng gió.
Nhưng nàng không muốn phục vụ như vật vui thú cho bất cứ người đàn ông nào, điều này làm bà chủ của nàng rất giận dữ. Sau cùng một chàng trai trẻ bỏ tiền ra chuộc lại nàng và mang nàng về Gia-Hưng nơi nàng lấy tên Vương Thúy-Kiều. Kế đó nàng sống chung với một người đàn ông gịầu có của huyện Háp có tên là La Long Văn cũng còn bao nuôi thêm một cô ca sỹ trẻ Lục-Châu. Cùng lúc đó, một sư ông của chùa Hổ-Bào tại Hàng-châu nổi dậy.
Người ta đều gọi ông là Minh-sơn hòa-thượng. Ông qua Nhật, tuyển chọn những tên cướp biển và vượt biển đánh Giang-nam. Vào năm thứ 35 Gia-Tĩnh <1556> ông đánh bại quân của tuần phủ Nguyễn Ngạc tại Đồng-hương và bắt cóc Kiều và Lục-Châu. Nhưng tổng đốc Hồ Tôn-Hiến được La Long-Văn phù trợ thành công trong việc mua chuộc Kiều và thuyết phục nàng khuyên Từ Hải ra hàng. Hải đầu hàng nhưng ông và đám quân của ông bị tàn sát trong cuộc phục kích ngay sau khi lễ nghi đầu hàng chấm dứt. Kiều và Lục-Châu bị quan tổng đốc bắt lại , ông gả Kiều cho một viên quan địa phương có tên Vĩnh-Thuận. Nhưng lòng tràn đầy hối hận, Kiều nhây xuống sông Tiền-Đường tự vẫn.
Như vậy trong những văn bản Tầu có những mối tương quan với bản Kim Vân Kiều lục của Nguyễn Du, chúng ta có thể phân biệt :
1– Cuốn Kim Vân Kiều lục khi được đọc một cách chăm chú sẽ thấy nó chỉ là bản dịch bài thơ bằng chữ nôm ra chữ Tầu. Thật vậy, các nhân vật xuất hiện trong những đoạn có thứ tự thời gian giống hệt nhau trong hai tác phẩm. Mặt khác cuốn truyện Tầu được viết theo phong cách văn chương. Trường Viễn đông bác cổ Pháp có sở hữu một ấn phẩm <AC 561> vào năm thứ ba Đồng Khánh, tháng thứ hai mùa xuân 1888 <Đồng Khánh tam niên trọng xuân san khác> những bản khắc được nhà in Chiêu-văn dìn giữ <Chiêu văn đường tàng bản> . Sách chép tay AC. 521 có cùng một bản văn với cuốn sách trên và có tựa là Kim vân Kiều lục tịnh diễn quốc-âm thi.
2– Bản văn thứ hai xuất hiện dưới hình thức chép tay <EFEO. A. 953> với tựa đề Thanh tâm tài-tử, và mỗi quyển lại có tựa Quán hoa đường bình luận Kim Vân Kiều truyện, quyển nhất, nhì, vv..cho tới bốn. Cái tựa tổng quát ấy của mỗi quyển được kèm theo lời chỉ dẫn Thánh thán ngoại thư và Thanh-tâm tài tử biên thư.
Ấn bản thuộc về Hoàng Xuân Hãn và bản sao chép của tôi trình bầy cùng một văn bản. Văn bản gốc dường như là văn bản của Hoàng Xuân Hãn đã được in với mộc bản <chữ khắc trên bản gỗ>, văn bản của Trường EFEO và của tôi chỉ là những bản sao chép lại với vài lỗi sai của người sao chép; cả hai bản đều mang hàng chữ Thanh-tâm tài-tử trong khi bản của Hoàng Xuân Hãn mang tên Thanh-tâm tài-nhân . Mặt khác, cuốn sau này có vẻ được in bên Tầu <những điều cấm đoán theo luật phạm húy Húy tự hay luật lệ về “giảm bớt nét chữ” Tỉnh hoạch đều không được thi hành đối với tên các hoàng đế Lê, Tây-Sơn, hay Nguyễn >; những nhân vật trong Kiều của Nguyễn Du và trong truyện Tầu đều giống nhau ngoại trừ trong truyện Tầu một số nhân vật được chỉ định dưới tên Tự. Vì vậy Kim thường được gọi là Kim Thiên Lý, Từ Hải, Từ Minh-Sơn, Mã Giám Sinh, Mã Qui và Mã Bất-Tiến. Vậy người ta có thể kết luận là truyện Tầu A. 953 <bản Hoàng Xuân Hãn, bản Maurice Durand> tượng trưng cho nguồn gốc truyện Kìều Việt-nam [35].
Những ấn bản thông thừơng nhất bằng chữ nôm mà chúng tôi có được không tượng trưng cho truyền thống của ấn bản kinh thành, kinh bản , không cả cho truyền thống của ấn bản thương mại, phường bản, nhưng tượng trưng cho ấn bản của phường bản đã được cải tiến với những sửa chữa theo kinh bản .
Nếu người ta tin tưởng vào phần mở đầu của ấn bản Thành Thái, năm chu kỳ Nhâm-dần, trung thu, ngày 15 <Thành-Thái Nhâm-dần trọng thu vọng> <1902>, lịch sử của văn bản truyện Kiều diễn biến theo cách sau :
Văn bản gốc do Nguyễn Du biên soạn. người được coi như là Lễ bộ hữu tham và được chỉ định dưới các tên Thợ săn núi Hồng sơn và Tố Như <Lễ bộ hữu tham tri Hồng sơn lạp hộ Tố Như tử Nguyễn Du trứ >. Nguyên bản này được xuất bản với những ghi chú mầu đen của Vũ Trinh, nguyên Hình bộ hữu tham, được chỉ định dưới biệt hiệu Liên trì ngư giả “Người câu cá tại Sen hồ” <Nguyên hình-bộ hữu tham tri đặc cách Liên trì ngư giả Vũ Trinh mặc bình>. Cộng thêm vào những ghi chú mầu đen là những ghi chú mầu đỏ son của Nguyễn Lượng <Nguyên Thiên-trường tri phủ Hào tặng Hàn lâm Châu sơn Tiều lữ Nguyễn Bình chu bình> Còn về Phạm Quý Thích, ông chỉ được coi như tác giả một bài thơ mở đầu < Thị trung học sĩ Lập trai Phạm Quý Thích đề thi >
Vũ Trinh <1759-1828> là người cùng thời với Nguyễn Du, trước là một hương cống thời nhà Lê, vào năm thứ nhất Gia Long ông được phong học sĩ. Ông là tác giả cuốn Cung oán thi tập [36] Ngoài ra người ta còn gọi ông tự Duy Chu, hiệu Lai sơn và biệt hiệu Lan trì ngư giả.
Vì vậy ấn bản thứ nhất truyện Kiều dường như là được in trước năm 1828. Chắc chắn là trước năm 1825, ngày Phạm Quý Thích mất, người được coi như lo cho việc xuất bản. Vậy chúng ta có thể đặt ấn bản đầu tiên được in giữa khoảng cuối năm 1820, năm Nguyễn Du mất và 1825 năm Phạm Quý Thích mất. Vào sinh thời Nguyễn Du , bản soạn thảo Kiều của ông đã phải được phổ biến và đã phải được sao chép. Chỉ lúc sau khi ông mất các bạn ông mới cho đem in với những lời ghi chú và bình phẩm.
Ấn bản thứ nhất đó tượng trưng cho ấn bản gọi là bản phường . Ấn bản thứ hai, cái của Tự-Đức, phải là hoặc một mẫu của ấn bản bản phường được Hoàng-đế hiệu đính và sửa chữa, hoặc một sao chép của bản văn chép tay gốc của Nguyễn Du mà Hoàng-đế đã sửa chữa. Ấn bản đầu thế kỷ <1820-1825> bản phường mang tựa đề Kim Vân Kiều trong khi Kinh bản mang tựa đề Đoạn trường tân thanh cũng giống y như tác phẩm của Thanh tâm tài nhân.
Chính trong những điều kiện này mà Kiều Oánh Mậu đã phát hành tại Hanoi năm 1902 một cuốn tái bản của truyện Kiều , tái bản trong đó ông gỉải thích quá trình hình thành câu truyện trong phần Lời nói đầu Lệ ngôn chi tắc . Kiều Oánh Mậu là một văn nhân nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ông thi đậu phó bảng năm 1880. Ông có hiệu Giá-Sơn, người ta còn biết ông dưới tên là Kiều Dực. Ông là tác giả vài bài tựa bằng chữ hán ở đầu những tác phẩm nổi tiếng như ở đây là truyện Kiều , cho cuốn Tang thương ngẫu lục <EFEO, A.218>, cho cuốn Tỳ bà quốc âm tân truyện <EFEO, AB. 272> mà chính ông đã biên soạn bằng lục bát. Sau cùng ông là tác giả của một cuốn Bút toán chỉ nam duyệt <EFEO, A. 1931> và của một cuốn Bản triều bạn nghịch liệt truyện <EFEO, A. 994>.
Trong phần Lời nói đầu cho độc giả, Kiều Oánh Mậu đã đi ngược lên nguồn gốc truyện Kiều là tác phẩm Thanh tâm tài nhân. Ông nói về những ghi chú của Vũ Trinh, của Nguyễn Lượng và thêm vào đó đoạn trích dẫn một “lời phê bình” của Nguyễn Văn Thăng, người đồng thời với Nguyễn Du và những văn nhân đã kể ở trên [37]. Ông kể lại bao nhiêu phần Nguyễn Du đã biến đổi và vượt trội cuốn sách mẫu mực trên.
Tại sao Kiều Oánh Mậu lại quyết định làm lại một ấn bản truyện Kiều ? Chính bởi vì, theo ông, những ấn bản thông thường được in ra và bán tại phố Hàng Gai [38] theo với thời gian và sau cùng, sẽ xa vời ý nghĩa của bản văn nguyên thủy và ông có may mắn sở hữu một ấn bản Kinh thành kinh bản mà bạn ông, Đào Nguyên Phổ biệt danh Đào Văn Mại [39], đã tặng cho ông. mà trong đó có ghi rõ ràng những chú thích của Nguyễn Lương và của Vũ Trinh và bản văn thật trong sáng. Để sửa chữa, ông dựa vào bản hán văn của Thánh Thán và bản văn của ấn bản Kinh thành. Kiều Oánh Mậu đã soạn thảo phần Lời nói đầu ngày thứ 15 tháng giêng , nhâm dần <22 tháng 2 , 1902>, năm thứ 14 Thành Thái, nhưng ông thú nhận đã nghiên cứu bản văn này từ hơn mười năm trước Bài tựa do Đào Nguyên Phổ soạn thảo đã chứng minh điều đó bởi vì bài tựa này đã được soạn ra năm 1898, năm Mậu tuất của Thành Thái trong tuần đầu của tháng thứ 11 <13-22 tháng mười hai> Đông phục nguyệt thượng cán. Trong bài tựa này họ Đào cho biết diễn tiến lịch sử những tác phẩm bằng nôm của Việt Nam đã được Kiều Oánh Mậu kể ra trong bài tựa cuốn Lịch sử truyện thơ Tỳ Bà, và chính ông, năm 1895, cũng đã được biết tác phẩm có tựa đề Đoạn trường tân thanh qua một thành viên của hoàng gia .Ông có viết thêm, vào mùa hè năm mậu tuất, ngày long trọng trở về , ông đã mang tác phẩm đó cho Giá-sơn Kiều Oánh Mậu, điều này đã giúp họ Kiều soạn lại các bản khắc để in.
Một ấn bản bằng nôm được phổ biến hơn lả cuốn có tựa đề Kim Vân Kiều tân tập mà tôi có được hai bản, một in năm 1906 của Nhà Quan văn đường, bản kia in năm 1921 của Nhà Quảng-Thịnh đường. Chính là những bản văn được cho là thuộc truyền thống bản phường mà Phạm Quý Thích được coi như người khởi xướng. Ông được biết tới dưới tên Lương đường Phạm Tiên Sinh. Thật ra Qúy Thích đã soạn thảo bài thơ tám câu bằng hán văn đặt ở đầu bài và cũng được in trong ấn bản Kiều Oánh Mậu. Còn về Nguyễn Du , ông được biết tới dưới tên Tiên Điền với chức vụ Lễ tham. Sau này, ngôi làng Hoa-Đường được đổi tên là Lương-Đường trong tỉnh Hải-Dương, ngôi làng sinh quán của Phạm Quý Thích.
Cuộc tranh cãi về truyện Kiều
Truyện Kiều là tác phẩm việt nam duy nhất được biết đến trong mọi tầng lớp xã hội Việt Nam và ngoại quốc. Ngay từ đầu thế kỷ XIX cuốn truyện đã trở thành quá phổ quát tại Việt Nam đến mức cả giới quý phái lẫn những người bình dân đều thích đọc thuộc lòng và tuyên dương nó. Bản chép tay 263 của EFEO kể cho chúng ta những chi tiết về đời sống xa hoa vào năm 1834 của một vị quan có tên là Nguyễn Trứ :
“ Vị quan Trứ thích chi tiêu hoang phí : ông cho đắp lên ba ngọn đồi đằng sau nhà để xây lên một ngôi chùa. Nhiều ao được đào chung quanh những ngọn đồi. Nơi đó ông cho trồng hoa sen và xây nhiều cây cầu bắc ngang. Ông nuôi hai mươi lăm cô gái trẻ sẽ phải đến chùa niệm Phật sáng chiều. Khi vị quan Trứ còn làm việc tại Vân Trung ông đã bắt giữ ba cậu con trai thổ dân và bẩy cô gái bị nuôi giữ tại nhà để họ ca hát và nhảy múa trước mặt ông. Thông thường ông qua ngày và đêm chơi bài với các bạn ông, hút thuốc phiện và ngâm truyện Kiều ; ông mời các bạn đến dự tiệc , uống rưọu, làm những bài ca và bài thơ nôm và dường như ông bất cần đời và không màng tới quyền hành một vị quan… “ <trang 677>.
Ở mọi thời đại, các nhà phê bình việt nam đều đồng ý về sự kiện truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm bằng nôm hay nhất Việt Nam, về mọi quan điểm, và đặc biệt là ngôn ngữ. Trong một bài nghiên cứu về truyện thơ này, ThượngNam Phong Chi [40], so sánh nó với những bài thơ nổi tiếng khác, đã viết : “Không có một tác phẩm bằng nôm nào hay hơn truyện Kiều. Bài Cung Oán và bài Hoa Tiên đã được coi như là soạn thảo trước truyện Kiều, mặc dù chúng là những tác phẩm giá trị, tuy nhiên sau cùng vẫn thua kém truyện Kiều.”
Nguyễn Văn Kiêm, trong bài viết Quốc- ngữ quốc văn <Văn chương quốc gia bằng chữ quốc ngữ> [41] tán dương Nguyễn Du và so sánh ông với một người thợ rèn về ngôn ngữ việt nam. “<ông nói Nguyễn Du> chính là một thiên tài về Thơ văn mà tài năng đáng chú ý nhất là đã xây dựng cho dân tộc việt nam một công trình kiến trúc văn chương dồi dào và đầy thích thú”.
Phạm Quỳnh, trong bài nghiên cứu về truyện Kiều , đăng trong Nam Phong số 31 đã viết :
“Có gì mà sợ, có gì mà lo, Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”
Tuy nhiên, nếu tất cả các nhà phê bình đều đồng ý về cái đẹp hiển nhiên của truyện Kiều , có một phần trong số đó kết án nội dung và đặt vấn đề về tính chất đạo đức của cuốn truyện.
1 – Kiều là một cuốn truyện phóng đãng mà nhân vật chánh là một người đàn bà dĩ nhiên thuộc gia đình gia giáo nhưng buông lỏng theo một đời sống trụy lạc. Cô sống trái với mọi luật lệ đạo đức cổ truyền : còn con gái, cô đến nhà người yêu và qua một phần đêm nói về tình yêu, uống rượu <trong đoạn nói về Kim và Kiều> ; cô lấy Thúc Sinh, dù biết là ông đã có gia đình ; cô lần lượt hiến thân cho nhiều nhân tình, yêu một kẻ nổi loạn; v.v…
- – Nỗi buồn và niềm tuyệt vọng mà độc giả cảm thấy , sự khoái lạc thường tỏa ra từ cuốn truyện không thích hợp với việc làm vững mạnh tâm hồn giới trẻ ,trai cũng như gái, khi đọc truyện này.
Hai nhà phê phán dữ dội nhất chống lại Kiều là Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng. Người thứ nhất viết một bài có tựa là Chánh học cùng tà-thuyết vào năm 1924, đăng trong Hữu-thanh tạp chí số 21 ngày 21 tháng chín, phê bình gắt gao những người ái mộ vô điều kiện truyện Kiều . Vừa công nhận gíá trị không thể chối cãi được của cuốn truyện, ông vẫn quả quyết là truyện này vô đạo đức và không thể được phổ biến. Trong trường hợp này, ông dựa vào thái độ của những văn sỹ cổ xưa theo đạo Khổng đã coi cuốn truyện như là một tác phẩm phóng túng, có hại cho việc đào tạo trí tuệ và tâm linh con người.
“Văn chương của Đoạn trường tân thanh không phải là loại văn chương đạo đức chính thống để có thể dùng để cảm hóa cả thế kỷ. Ngày trước, tổ tiên chúng ta cấm con cái đọc truyện Kiều . Trong xã hội, người nào thích ngâm nga những câu thơ của Kiều đều bị coi là người trụy lạc. Tổ tiên chúng ta nghĩ là những thanh thiếu niên mà ý chí chưa vững vàng, mà tính dâm ô nóng bỏng, nếu họ đọc truyện này, họ sẽ bị mê hoặc bởi sự duyên dáng, kế đó sẽ nẩy sinh những ý nghĩ dâm dật và họ sẽ bị chìm đắm trong dòng dục vọng đến nỗi tinh thần mạnh mẽ sẽ bị mềm yếu và họ quay mình lại với mọi tình cảm cao quý. Như vậy, tổ tiên chúng ta đã theo những quy luật về giáo dục gia đình là hoàn toàn có lý…Vậy mà ngày nay , những văn sỹ lừa phỉnh chúng ta bằng cách giới thiệu Kiều như là một tác phẩm dùng để giáo dục văn hóa đại chúng…Theo họ, trong thế kỷ này, nếu chúng ta muốn tìm một thứ thuốc để gia tăng sức mạnh của quốc gia và dân chúng thì không gì bằng tác phẩm “Trăm năm trong cõi người ta…” [42]
Và như vậy ngày nay trong nước chúng ta, người thì phân tích nghệ thuật của Kiều, người thì phê phán những nhân vật của Kiều, người thì diễn giải Kiều, người thì làm thơ theo chủ đề Kiều. Người ta còn đi tới mức diễn dịch Kiều theo bi kịch, theo hài kịch, làm thành phim ảnh ; tại nhà, tại thành phố, trên trời, dưới đất, nơi nào cũng chỉ nói về Kiều. Cứ theo tình trạng này, nước Việt Nam chắc chắn trở thành ngày nay Vương quốc Kim Vân Kiều…[43] Hỡi ôi, nếu Kim Vân Kiều cai trị nước Việt Nam, vậy thì không cần thiết phải định nghĩa xã hội việt nam nữa, người ta sẽ biết ngay tức thì giá trị của xã hội đó.”
Còn về phần Huỳnh Thúc Kháng , một nhân vật trí thức và đạo đức rất được giới ưu tú việt-nam [44] nể phục, ông cũng vậy vừa công nhận sự hoàn hảo của hình thức truyện Kiều, tuy nhiên lại vừa đánh giá truyện này rất hại và như là liều thuốc độc. Trong một bài viết đăng trong nhật báo Tiếng dân ngày 24,1,1934, số 661, ông phát biểu một sự so sánh trái ngược với sự so sánh của Socrate.
Theo ông truyện Kiều giống như “một cái hộp sơn mài khảm bạc, với nhiều rồng và phượng được chạm trổ, mà theo quan điểm nghệ thuật thì thật hoàn hảo, nhưng bên trong chỉ chứa toàn độc vật [45]. Hậu quả là ông từ chối công nhận truyện này như tác phẩm dùng để giáo huấn và như tác phẩm tượng trưng cho những khuynh hướng của tâm hồn người Việt.
Tất cả cuộc tranh cãi về truyện Kiều này chứng tỏ những vấn đề do bản chất tác phẩm tự nó gây ra đều có thật và đòi hỏi nếu không giải quyết được, ít nhất cũng phải được xem xét lại. Nhưng nếu cuộc tranh cãi này trở nên quá quyết liệt, có quá nhiều người tham chiến nồng nhiệt, chính bởi vì cốt truyện đã gây ra một cuộc chiến tranh chính trị hơn là một cuộc chiến tranh văn chương. Một tác giả theo chủ nghĩa Các Mác <Karl Marx>, Trương Tửu, đã nhận ra rất rõ như vậy trong những chương đầu tiên bài nghiên cứu Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du [46] của ông.
Chính là muốn đánh lạc hướng giới trí thức việt nam không nghĩ tới vấn đề chính trị mà chính quyền Pháp, ngay từ lúc khởi đầu công cuộc khai thác thuộc địa, đã thúc đẩy những văn sỹ nên rêu rao những nét đẹp của truyện Kiều, tôn nó lên như một kiệt tác quốc gia, khuyến khích giới trí thức học hỏi nó và dành cảm xúc cho nó. Khi những người này còn say mê truyện Kiều , họ sẽ không còn nghĩ tới tình trạng chính trị của xứ sở họ. Đó chính là lý do dưới mắt các nhà theo Các Mác, tất cả các văn sỹ việt nam mà đã hết lòng ca tụng truyện Kiều đều là tay sai cho đế quốc Pháp, chống lại sự phát triển của lương tri chính trị việt nam. Cách Trương Tửu trình bầy cuộc tranh cãi về Kiều thật là bổ ích và hấp dẫn và, dưới vài khía cạnh, phản ảnh sự thật.
Trước tiên, Tôn Thọ Tường <1825-1877> [47] , người cộng tác với Pháp, bảo vệ Kiều vào khoảng 1860-1870. Kế đó là Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim thuộc nhóm Nam Phong được tạo ra vào năm 1917 dưới ảnh hưởng của vị giám đốc Công tác chính trị thuộc Chính quyền Pháp, Louis Marty. Ngay năm đó, trong một bài viết về Sự giáo dục đàn bà con gái <tháng bẩy-tháng mười hai , 1917, trang 213> Phạm Quỳnh nhấn mạnh đến giá trị truyện Kiều . Ông tiếc là tại Việt Nam thiếu sách để giáo dục đàn bà. Cái người ta tìm được chính là toàn truyện bằng thơ diễn lại chữ nôm ; ông viết :
“Nhất là có nhiều truyện xưa viết bằng thơ <như Truyện Kiều, Cung Oán, Nhị Độ Mai, Chinh phụ, Lục Vân Tiên, v.v.> rất thích hợp với tính tình tự nhiên của người đàn bà. Một tác phẩm văn chương như cuốn Kim Vân Kiều, nếu ta phô bầy nó, bình giải nó, giải thích nó một cách khéo léo cho các bà và các cô gái trẻ, về phần tôi, tôi nghĩ là không có một tác phẩm cổ điển nào có thể so sánh được với nó, không thể sâu xắc như vậy, sáng sủa như vậy. Các cụ ta ngày xưa đã cấm đoán con gái không được đọc truyện Kiều : các cụ sợ là những xáo trộn của sư dâm ô sẽ làm mất tinh thần các cô gái. Tôi nghĩ đó là một điều nhầm lẫn. Người ta thường nói đàn ông là lý trí và đàn bà là tình cảm. Khi người ta là lý trí điều hay nhất là phải lý luận theo lý trí mới thuyết phục được họ ; khi người ta là tình cảm, cần phải thuyết phục họ bằng tình cảm. Chắc chắn truyện Kiều là một kho tàng tình cảm không bao giờ hết : ngườI ta có thể nói mỗi một câu thơ chuyên chở nhiều ý tưởng về thế giới. Truyện Kiều cũng là một tấm gương bằng phẳng phản chiếu lại cho chúng ta cái nhìn về toàn thể mọi tầng lớp xã hội, mỗi tầng lớp có khuyết điểm riêng của nó, một cách quá hiện thực làm chúng ta tưởng như đang đứng trước một màn ảnh của một rạp chiếu bóng. Như vậy những cuốn sách như truyện Kiều chẳng phải là những tác phẩm để xây dựng thế giới đàn bà là gì ?”. <Nguyên bản tiếng Pháp>
Năm 1919, trong một bài viết về Truyện Kiều <Nam Phong, số 31> Phạm Quỳnh khuyến khích giới trí thức việt nam nên nghiên cứu truyện Kiều một cách sâu xa . Kể từ thời gian ấy nhiều bài viết, thơ văn, nghiên cứu về truyện Kiều đầy rẫy trong tờ Nam Phong và chỗ khác. Năm 1924 phong trào này đưa đến lễ kỷ niệm trang trọng sinh nhật Nguyễn Du , được đánh dấu bằng hai bài diễn văn ; một của Phạm Quỳnh, bài kia của Trần Trọng Kim <đăng trong Nam Phong tháng chín 1924> [48]
Phong trào này thiên về việc nghiên cứu truyện Kiều được thể hiện bằng sự phát hành nhiều ấn bản của cuốn truyện và nhiều bản dịch qua tiếng Pháp. Chúng ta cần nhắc tới những công trình của Nguyễn Văn Vĩnh mà tên tuổi được gắn liền với bản dịch qua tiếng Pháp của Kiều. Năm 1912 ông ấn hành tại nhà in Ích-Ký tại Hanoi , ấn bản thứ hai, cuốn Kim Vân Kiều dịch ra quốc ngữ có chú dẫn các điển tích.. Bản dịch qua tiếng Pháp được in trong báo Annam nouveau từ số 225 đến số 279 trong những năm 1933, 1934, 1935 ; bản này được in lại thành hai cuốn tại Ấn bản Alexandre de Rhodes năm 1943, bản này được tái bản tại Saigon, nhà in Vĩnh Bảo năm 1952. Cùng một bản dịch qua tiếng Pháp cũng được in trong Đông dương tạp chí từ số 18.
Bên cạnh bản dịch ra tiếng Pháp đó của một người Việt Nam, những người Pháp yêu tiếng Việt cũng đam mê dịch truyện này. Chúng tôi đã nói đến bản dịch của Abel des Michels, nhưng nhất là bản dịch ra thơ tiếng Pháp của René Crayssac <Hanoi 1926> là nổi tiếng nhất.
Ngay thời gian đầu thế kỷ XX có nhiều ấn bản truyện Kiều bằng tiếng Việt xuất hiện. Sau ấn bản của Trương Vĩnh Ký <1875>, của Nguyễn Văn Vĩnh <1913>, của Bùi Khánh Diễn <soạn thảo năm 1902-1903 và xuất bản năm 1926>, ấn bản của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim <ấn bản thứ hai năm 1927> lả quan trọng bởi nội dung phần Lời nói đầu phản ánh những điều lo nghĩ đến từ cuộc tranh cãi giữa những người thiên-Kiều và những người chống-Kiều. Để làm bẽ mặt đối thủ, những người thích Kiều sẽ phải chứng minh truyện Kiều là một tác phẩm đạo đức. Đó là điều mà Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim cố gắng chứng minh :
“Có phải truyện Kiều có đạo đức ? Chúng tôi nghĩ là một người đàn bà hay một cô gái đang sống trong nhung lụa mà vì một thảm trạng gia đình không đoán trước được đã phải hy sinh để hoàn thành lòng hiếu thảo và phải sống lang thang trong thế giới những thú vui xác thịt, dù vậy vẫn còn giữ được những tình cảm trung thành, thì chúng tôi nghĩ là người đàn bà đó, giống như Kiều, bất kể thời đại nào, ở bất kể xứ sở nào, cũng xứng đáng được tôn trọng…
Và tuy nhiên, rất nhiều người phê bình truyện Kiều cho nó là phóng đãng phù phiếm. Trong đám này, một số người có đầu óc nông nổi và không chấp nhận phí thì giờ để suy nghĩ về điều tốt và điều xấu, một số khác bênh vực đức hạnh đều là những người đạo đức giả…
Với một nàng Kiều biết trung thành với lời thề yêu đương, biết coi trọng lòng hiếu thảo như một đức tính, biết rõ nhân loại và công lý, làm sao người ta có thể nói cuốn truyện không có đạo đức ? Bây giờ đọc truyện Kiều người ta không chỉ thưởng thức được cái đẹp của người đàn bà và cái sâu sắc của những ý tưởng mà cũng còn cả tình nhân loại và sự trung thành : Kiều thật sự là một tác phẩm có tính chất đạo đức cao độ, một sự trong sáng lớn lao “ [49]
Trần Trọng Kim cảm thấy cốt lõi của vấn đề chính là vấn đề đạo đức và giải quyết nó theo chiều sâu của cái đạo đức đó trong tác phẩm của Nguyễn Du, chính là làm bẽ mặt các đối thủ. Những người này, như Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng, cộng thêm vào tính chất cứng rắn của tính tình đạo đức họ được hun đúc trong nền gíao dục cổ xưa, một sự ganh tỵ nào đó chống lại những người trí thức như Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim những con cưng của chế độ thuộc địa Pháp và vì vậy được tôn sùng trong mọi tầng lớp Pháp-Việt.
Hơn nữa, sự chống đối văn học của những người trên là một cái cớ viện ra để chứng tỏ hiện trạng chính trị của họ chống đối mọi sự cộng tác với nước Pháp, chống đối ý tưởng là sự phục hưng của Việt Nam đã phải dựa vào nền văn hóa Pháp. Vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy trong cuộc tranh cãi về truyện Kiều, những trí thức theo phong cách xưa, những người yêu nước theo cách mạng, những người chống đối Pháp theo phe Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng. Ngày nay những người này được các văn sỹ của nước Cộng Hòa Dân chủ Việt Nam tôn vinh.
Vào thời điểm đó, nhóm Nam Phong dường như không muốn đặt mình vào vị trí chính trị nhưng, về cái liên quan đến Kiều, họ mở ra những cột báo in cả những lời chỉ trích Kiều, vì muốn tránh cho các tác giả nỗi lo sợ những ánh hưởng nguy hại có thể có đến từ cuốn truyện. Chính vì vậy mà vào tháng sáu 1926 tạp chí Nam Phong cho đăng một bài viết của Cao Hữu Tạo vừa có nỗi lo sợ trên, vẫn cho ra một bài phân tích xác đáng về vài nguyên nhân duyên dáng của Kiều. Đối với ông, Nguyễn Du là người sáng tạo ra nhân vật Thúy Kiều mà lại yêu dấu chính nữ nhân vật của mình và bao bọc nhân vật này quá nhiều tình yêu và lòng thương hại đến mức ông đã bầy tỏ tình cảm của chính ông cho độc giả :
“Nguyễn Du cảm thấy tuyệt vọng về đời sống, ông rất nhút nhát và buồn bã. Thấy những điều bất hạnh của Kiều, ông cảm sinh lòng thương hại. Vì thương hại nàng, ông không cần để ý đến những chi tiết nhỏ nhoi dưới mắt ông về phong cách của Kiều. Ông đã đặt ra nguyên tắc nàng là một con người đáng được yêu và cũng là một mẫu mực về lòng hiếu thảo. Mỗi khi ông nói về Kiều, ông nói với tình yêu và cảm xúc…và bất cứ ai đọc truyện Kiều cũng cảm nhận cùng thứ tình yêu của Nguyễn Du <đối với Kiều>”
Mọi sự đã được an bài như vậy, Nguyễn Du thêm vào đó một tài năng văn chương phong phú; ông càng sử dụng tài năng đó thì nhân vật Kiều càng gia tăng giá trị, đến mức trong đoạn tỏ tình của Kiều và Kim Trọng, là một đoạn nguy hiểm nhất nhưng cũng là đoạn mà tài năng của Nguyễn Du lên đến tuyệt đỉnh, lại là cái đoạn được đọc nhiều nhất, đoạn cảm xúc nhất phải đọc ; một phần lớn giới thanh thiếu niên khi đọc mỗi câu thơ, đã bị chìm đắm trong cơn mơ mộng, khi đọc mỗi đoạn văn đã bị xuất thần mê say và từ đó nẩy sinh hạt giống những tư tưởng phóng đãng và ham muốn thả hồn vào tình yêu.[50]
Hãy thêm vào nỗi tuyệt vọng trong đời sống, hãy thêm vào nỗi sầu muộn của Thúy Kiều, Nguyễn Du yêu Kiều : Kiều, nàng thì buồn bã. Những câu thơ của ông cũng đầy sự buồn bã. Bởi vì Kiều buồn bã trong suốt câu truyện nên những câu thơ của Nguyễn Du cũng đầy buồn bã. Sự buồn bã của những câu thơ đó, niềm tuyệt vọng của những câu thơ đó, có bao nhiêu người đọc đã bị thấm nhuần những tình cảm đó ? Ngày nay trong thời đại chuyển tiếp của chúng ta sẽ không có sự kiện thanh thiếu niên đọc một loại văn chương buồn bã và tuyệt vọng nếu họ muốn thoát ra khỏi sự tan nát con tim, cái chết của tâm hồn.
Có bao nhiêu người , vì Kiều, đã không phải chịu đựng những hiểm nguy của biển tình ái và sự mệt mỏi của nỗi buồn ? Đam mê, sầu muộn, tuyệt vọng, buồn bã, giới trẻ qua thời giờ than thở, khóc than, quay cuồng một cách u sầu với những tư tưởng tình yêu, quên cả thân mình, nghề nghiệp mình, quên cả xứ sở tổ quốc mình đến nỗi những con cháu của dòng giống con Rồng cháu Tiên không ngừng quay cuồng trong cái vòng của sự tồi tệ và hèn kém…” [51]
Cuộc tranh cãi về Kiều trở nên ác liệt hơn bao giờ hết vào năm 1930 với sự lao vào cuộc chiến của một văn sỹ mà tên tuổi không ngừng lên cao từ đó, Phan Khôi. Ông sinh năm 1887 là một nhà trí thức thuộc truyền thống cổ xưa, ông đặc biệt được biết tới với một tính tình nồng nhiệt và canh tân. Tại miền Nam ông là tổng biên tập của tạp chí Phụ nữ tân văn có đăng những bài thơ đầu tiên của ông. Năm 1932, với bàị thơ Tình già ông phát động loại thơ mới mà ông là thủ lãnh chống lại loại thơ cũ. Ông cũng là văn sỹ nhưng chỉ có giá trị trung bình. Ngược lại, như là nhà phê bình văn chương ông rất nổi tiếng với một tính gay gắt, châm biếm, hăng hái khác thường. Trong cuộc tranh cãi, ông đứng về phe Ngô Đức Kế chống lại Phạm Quỳnh và bài viết có tựa Cảnh cáo các nhà học phiệt được soạn ra năm 1930 và đăng trong Phụ nữ tân văn số 62 ngày 24 tháng bẩy 1930 đã khởi động lại cuộc chiến. [52]
Trong bài viết đó ông trách Phạm Quỳnh đã không trả lời những lời phê phán của Ngô Đức Kế và như vậy từ chối mọi sự tiến bộ của công cuộc nghiên cứu văn chương. Phạm Quỳnh chưa bao giờ muốn đấu khẩu với những đối thủ của ông, lần này ông trả lời trong tờ Nam Phong, số 152, tháng bẩy 1930, trang 10-14, Trả lời bài cảnh cáo các nhà học phiệt trong Phụ nữ tân văn trong đó ông giải thích tại sao ông đã không nghĩ tới việc trả lời Ngô Đức Kế vì, theo ông, ông này chuyên chở trên phương diện văn chương một sự hiểm khích và một sự ghen ghét cá nhân.
Đối với quan điểm đó Huỳnh Thúc Kháng trả lời trong tờ Tiếng dân bằng một bài nhan đề Chiêu tuyết cho một nhà chí sỹ đã qua đời. <chiêu tuyếtàphục hồi danh dự> Những người ủng hộ Kiều trả lời Huỳnh Thúc Kháng và đặc biệt văn sỹ Lưu Trọng Lư trong một bài viết của Phụ nữ Thời Đàm ngày 10-12-1933 có tựa đề Chiêu tuyết Vương Thúy Kiều . Lưu Trọng Lư là một thi sỹ trong truyền thống thuần túy việt-nam không bị ảnh hưởng bởi Pháp hay Tầu nhưng là bởi dân ca [53]. Việc bảo vệ Kiều của ông không chứng minh được bằng quan điểm chính trị thân Pháp, mà bằng một thái độ đặc biệt việt-nam và nghệ thuật cho ta cảm giác phải hết lòng bảo vệ Kiều vì Kiều là một tác phẩm đại chúng duy nhất có thể dùng làm căn bản cho việc xây dựng một lịch sử văn chương riêng của Việt Nam độc lập với Tầu và Pháp. Để trả lời Lưu Trọng Lư, Huỳnh Thúc Kháng phản bác bằng một bài báo mà chỉ cái tựa đề đã chứa đựng một ám chỉ chính trị. Chúng tôi đã nói tới ở trên : Thuyết chiêu tuyết cho Vương Thúy Kiều của ông Lưu Trọng Lư với anh học trò mê kép hát đóng vai Tần Cối . Tần Cối [54], tiếng Tầu là Ts’in Kouei <1090-1155>, là một nhân vật của lịch sử Tầu đã dâng một nửa miền Bắc nước Tầu cho giặc Kin và cho ám sát nhà yêu nước lớn lao Yo Fei <Nhạc Phi> <1103- ?> đã bị nước Tầu coi như một kẻ phản quốc.
Tuy nhiên, quan điểm của Lưu Trọng Lư và phe ủng hộ Kiều ₫ược củng cố lại bắt đầu từ năm 1934 và phần lớn các nhà phê bình, ngoại trừ những người mác-xít <marxistes>, đều ca tụng Kiều. Phần khác một khuynh hướng nghiên cứu từng chi tiết mọi khía cạnh của Kiều nổi trội lên trên vấn đề muốn biết Kiều có đạo đức hay không .
Trước tiên Nguyễn Đức Nguyên được biết dưới tên Hoài Thanh[55] trong một bài viết của Tao Đàn năm 1938, Nội dung và hình thức ca tụng hình thức của Kiều và bảo vệ chủ thuyết nghệ thuật cho nghệ thuật. Một số rất lớn những văn sỹ, nghệ sỹ và nhà phê bình chạy theo quan điểm đó đã được mnh chứng một cách sáng lạn vào năm 1943 trong Tuyển tập chọn lọc mùa Xuân và mùa Thu <Xuân thu nhã tập> dưới sự bảo hộ của tác giả kịch bản kiêm thi sỹ Đoàn Phú Thứ. Dù là nghiên cứu Kiều một cách khoa học, một nhà bác học như Đào Duy Anh [56] cũng phải kết luận về vẻ đẹp và tầm quan trọng của tác phẩm đó trong nền văn chương việt-nam. [57]
Nếu những tâm hồn đa cảm và nghệ sỹ đã tìm thấy trong Kiều sự thỏa mãn tối đa đối với ý thích cái êm dịu, cái buồn phiền, cái âm nhạc và cái đẹp của thơ văn, nếu những người yêu nước có chịu ảnh hưởng hay không nền văn hóa Pháp, thiên Pháp hay chống Pháp đã tìm thếy trong Kiều một công trình văn chương đồ sộ xứng đáng để nâng nền văn hóa việt-nam lên hàng quốc tế, nhất là những nhà văn mác-xít đã phát triển tư tưởng Kiều là một phản ảnh những cuộc tranh đấu giai cấp trong thời đại Nguyễn Du và nhân cách và mọi khuynh hướng của chính Nguyễn Du phải được giải thích theo tầng lớp xã hội của ông. Mưu toan đầu tiên theo lối giải thích mác-xít của Kiều là do Nguyễn Bách Khoa đưa ra trong tác phẩm Nguyễn Du và Truyện Kiều được soạn thảo năm 1941, ấn hành lần đầu năm 1943 và lần thứ hai năm 1946 với nhà xuất bản Hàn Thuyên. Trong phần Lời nói đầu Nguyễn Bách Khoa tự hỏi tại sao Nguyễn Du lại chọn trong kho truyện Tầu tác phẩm của Thanh tâm tài nhân để thích nghi và viết ra cuốn Đoạn trường tân thanh.
Trần Trọng Kim đã trả lời câu hỏi đó, nói là Nguyễn Du đã tìm thấy trong định mệnh của Kiều hình ảnh của chính định mệnh ông và ông đã chọn câu chuyện đó để có thể diễn tả hay hơn tình cảm của chính ông. Đào Duy Anh cũng đã cho một câu trả lời gần giống như vậy. Về phần Nguyễn Bách Khoa, ông nghĩ là có điều gì hơn cả sự giống nhau của xã hội Tầu trong truyện Tầu và xã hội việt-nam vào thời Nguyễn Du, và Nguyễn Du đã tìm lại được những tình cảm của ông trong rất nhiều nhân vật truyện Tầu và không chỉ trong một truyện Kiều, hơn cả vấn đề đạo đức trong truyện Tầu tương ứng với quan niệm sống của ông và sau cùng tâm lý trong truyện Tầu cho thấy những khát vọng thích hợp với những khát vọng trong tầng lớp xã hội của Nguyễn Du. Ông cũng thuộc về một gia đình có truyền thống trí thức rất nổi tiếng trong mọi thế hệ. Kim Trọng, nhân vật chính của cuốn truyện chả là hình ảnh của chính Nguyễn Du hay sao bởi vì anh ta cũng thuộc về một gia đình cổ xưa trí thức, anh ta cũng giầu có, vẻ vang.
“Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu bậc tài danh
Văn chương nết đất; thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tuyệt vời
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.”
<Kim Vân Kiều, câu 148-152>
Nhưng cái giai cấp trí thức đó chỉ phát triển được trong một quốc gia thanh bình và chỉ có một ông hoàng ngự trị , nơi tất cả đều liên kết với nhau bằng những nối kết về bổn phận giữa ông hoàng và thần dân. Vậy mà, trong suốt thế kỷ XVIII, Việt Nam thường trực bị rối loạn không ngừng, trong thời gian đó dân giang hồ, dân trục lợi gây sự kính nể. Những tâm hồn cao thượng, không chịu đựng được những biến động về giá trị và không tự thích nghi được, rút lui khỏi đời sống công cộng, đi tu hay chấp nhận sống ở miền quê trong sự tầm thường nhưng an ninh. Thêm vào những biến động chính trị đó là hậu quả đưa đến sự nghèo khổ và đói kém. Khoảng giữa 1786-1789, sự đói kém đã làm giảm một phần lớn dân số. [58] Giới trí thức mà quyền hạn chính trị đã bị suy giảm, phải bận tâm với việc mưu sinh, không còn biết phải phục vụ ai nữa, nay rơi vào tình trạng bi quan, trong niềm tuyệt vọng. Từ đó phát sinh ra loại văn chương ta thán, rã rời, than van của thế kỷ đó, từ đó phát sinh sự thành công rực rỡ của đạo Phật như là nơi trú ẩn của những người phân vân và đau khổ. Tính chất bi quan của Nguyễn Du chỉ là phản ảnh tính chất bi quan của tất cả giai cấp ông trước những biến cố của xứ sở.
Phần khác, xã hội mô tả trong truyện Kiều là hình ảnh cái xã hội về cuối thế kỷ XVIII, thời đại Nguyễn Du sống. Nhiều gia đình quý phái bị khánh kiệt <gia đình Kiều> và các thành viên, vì nền giáo dục của họ, bị bất lực không chống lại được sự sui xẻo và tự buông lơi rơi vào hết những suy sụp này đến những suy sụp khác <Kiều> ; lòng tham lam của các quan triều đình, triều đại của tiền bạc, sự vươn lên của giai cấp trung lưu giầu có, sự quan trọng của cả một thế giới hỗn loạn đầy những đĩ điếm, ma cô, cô đầu, v.v…xuất hiện qua các đoạn của cuốn truyện.
Đối với những người mác-xít, cái làm nên giá trị của Kiều chính là hình ảnh phản hồi và sự phê phán của một xã hội phong kiến thối nát và trong tình trạng suy sụp, mà nhân vật chính Thúy Kiều tượng trưng cho cuộc đấu tranh của con người để tự thoát ra khỏi những bất công và những áp bức của xã hội đó và sống một đời sống xứng đáng.[59] Một số lý thuyết gia mác-xít đẩy mạnh hơn nữa sự phân tích hay áp dụng một định đề về sự tiến hóa cần thiết và liên tục của các xã hội, họ nhấn mạnh đến ý tưởng là Nguyễn Du vừa nổi lên chống lại xã hội phong kiến mà qua một số khía cạnh vẫn còn lưu luyến cái xã hội đó và nhận thấy với nỗi buồn man mác là quyền hành từ những người được ưu đãi của một trật tự phong kiến đứng đắn đã qua tay những giai cấp giầu có đầy quyền uy ; ông không nhận ra được nhu cầu lịch sử của cái buổi giao thời đó mà sự tiến hóa của mọi xã hội phải trải qua để đạt tới nền dân chủ phổ thông.
Nhiều nhà phê bình mác-xít khác chống lại quan điểm chủ quan của tác giả và quan điểm khách quan của cuốn truyện. Nguyễn Du vẫn lưu luyến hệ thống phong kiến được những người liêm chính và ngay thẳng điều hành một cách tốt đẹp ; ông chống lại những yếu điểm của hệ thống này khi nó bị suy sụp bởi hành động của những người vô đạo đức, không tôn trọng những luật lệ của nền đạo đức phong kiến có nghĩa là đạo Khổng. Nghĩa là không tôn trọng những đức tính chỉ nam : sự thẳng thắn, lòng hiếu thảo, sự trong sạch, lòng trung thành. Nhưng trong đoạn Từ Hải chỉ huy một cuộc nổi dậy của dân quê cho thấy tác phẩm quan trọng là dường nào như là chứng cớ khách quan của cuộc tranh đấu các giai cấp vào thời điểm đó, dù Nguyễn Du kết thúc đoạn đó bằng sự thất bại của Từ Hải. [60]
Từ quan điểm khách quan, nhiều tác giả khác nhận thấy trong truyện Kiều một cuộc tranh đấu không ngừng chống lại chủ thuyết phong kiến ; sự quan trọng của tiền bạc, phương tiện của những giai cấp đang lên, cuộc nổi dậy vũ trang, sự thiện cảm tỏa ra suốt câu truyện đối với những người bị xuống cấp như Kiều và Từ Hải đều là những chứng cớ là sự tôn trọng một trật tự xã hội phong kiến đã lu mờ.[61]
Đối với nhà sử học Minh Tranh truyện Kiều phản ảnh những mâu thuẫn nội bộ đã ngự trị trong xã hội việt-nam thời bấy giờ : mâu thuẫn giữa giai cấp cai trị và giai cấp bị trị và mâu thuẫn nội bộ trong các giai cấp đó. Nguyễn Du và Kiều tượng trưng cho những giai cấp phong kiến cổ truyền bị những giai cấp cai trị phong kiến mới và giai cấp trung lưu dân buôn bán mà quyền uy gia tăng vùi dập. Để trả thù, giai cấp phong kiến cổ truyền đó liên minh với dân chúng <Kiều lấy Từ Hải> , kế đó, để thử lấy lại những ưu đãi cũ, bỏ rơi dân chúng <Kiều phản bội Từ Hải bị giết> và kết hợp lại với giai cấp phong kiến cai trị <Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ; Kiều tìm lại Kim>.
Chúng ta có thể rút tỉa được những kết luận nào từ cuộc tranh cãi về truyện Kiều và rất nhiều cách giải thích đó ? Tác phẩm xuất hiện một cách hiển nhiên rất giầu tình tiết và đập vào mắt ta với sự phong phú và tính phổ quát và vẻ đẹp văn chương của nó, hiện diện trong từng chi tiết nhỏ một và thông thường không có một khuyết điểm nào.
Bởi tính đa dạng của nó, truyện Kiều thỏa mãn mọi ý thích và mọi tâm hồn. Những nhà trí thức cổ xưa, những nhà trí thức cấp tiến, các bà, đám dân thấp cổ bé miệng cũng đều yêu thích nó và thấy thích thú đọc truyện đó. Thật vậy, người ta tìm thấy tính chất tình cảm, tính chất sử thi, lãng mạn, cao sang, tôn giáo, huyền diệu, mỹ lệ, v.v…Tính đa dạng cũng còn ₫ược thấy trong tâm lý các nhân vật không bao giờ giống nhau. Nguyễn Du đã biết sáng tạo những nhân vật sống động và đầy tình người : ông không thực thi bằng cách phân tích hay mô tả phân tích. Nhỡng nhân vật của ông sống ngay trước mặt ta, trong ta, và chính những lời nói, hành động, mơ ước hay than van đã tạo ra họ và vẽ ra nhân cách của họ. Hãy xem chị em Kiều và Vân, họ rất khác nhau, dù cả hai đều rất đẹp.[62]
Nguyễn Du thực thi bằng những nét chấm phá và gợi ý cũng rất khéo trong các chân dung hay các phong cảnh của ông. Phương thức nghệ thuật cực kỳ phương Đông của tính súc tích với hàng ngàn tiếng vang được ông sử dụng với một tài năng cực kỳ tinh tế đến mức chỉ với vài chữ, một câu thơ, ông đã vẽ ra được một nhân vật hay một phong cảnh trong nhân cách của chúng và sự phong phú của tâm trạng chúng và những mối giây liên kết chúng với thế giới ngoại vi.
Tất cả các nhân vật của ông đều là những sáng tạo sống động và biến đổi theo những tình cảm nhân bản thông thường. Những nam nhân, nữ nhân vật chính không bao giờ ra ngoài con người bình thường, chúng không bao giờ hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu và thảm kịch của chúng là nội tâm không lộ ra ngoài. Chính nhờ vào sự phân tích những tình cảm mà độc giả hiểu và tha thứ cho những yếu lòng của Thúy Kiều, thương hại nàng và yêu mến nàng. Thúy Kiều là một nhân vật rất gần gũi với những nhân vật lớn của chủ thuyết lãng mạn Pháp mà tuổi trẻ và vẻ đẹp gặp phải một định mệnh trớ trêu nhưng mà những niềm đau khổ có thể giống như được Racine mô tả. Giống như những nhân vật của chủ thuyết lãng mạn Pháp, Thúy Kiều biết là định mệnh của nàng sẽ là đau khổ.
Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa [63]
<Ấn bản Vĩnh, nhà in Vĩnh Bảo, câu 415-416>
Giống như họ, nàng suy ngẫm về định mệnh, nàng suy ngẫm về những nấm mồ và nói chuyện với những linh hồn <đoạn Đạm Tiên> ; giống như họ, nàng thường phân tích tình cảm của mình đã ảnh hưởng đến cái nhìn của nàng về thế giới. Nàng buồn rầu và “tất cả là tịch liêu” , giống như các nhà văn lãng mạn Pháp.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ <câu 1243-1244>
Dường như rất khó mà tin là Nguyễn Du đã có chủ ý muốn diễn tả trong Kiều những tư tưởng chính trị và triết lý. Ông đã nhái lại những đoạn khác nhau của truyện Tầu và ta sẽ phải nhìn nhận là tác giả Tầu đã muốn diễn tả cùng những tư tưởng của Nguyễn Du và đã phải có một “sự hoàn toàn giống nhau giữa những hoàn cảnh chính trị mà hai vị này đã trải qua” [64]
Theo chúng tôi nghĩ Nguyễn Du đã thử, theo những chủ đề vay mượn, thực hiện một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo bằng tiếng Việt. Thật bình thường là đàng sau những câu thơ của ông, chúng ta tìm lại được nhân cách ông, văn hóa, ý thích, tình cảm của ông, nhưng những tư tưởng ông phát triển không có gì là mới mẻ, chính là cách minh họa chúng đã mang dấu ấn tài năng của ông. Chắc chắn là Nguyễn Du đã không nghĩ ra được phần lớn những hình ảnh ông đã sử dụng, chúng đến từ nội dung văn chương Tầu mà ông đã thấm nhuần, nhưng ông đã biết kết hợp chúng, pha trộn chúng, sử dụng chúng một cách độc đáo. Thật ra sự quan trọng của truyện Kiều bao gồm việc nó đánh dấu một giai đoạn thiết yếu trong sự tiến hóa của ngôn ngữ việt-nam như là công cụ diễn tả nghệ thuật và với hậu quả là một giai đoạn trong đời sống trí thức của dân tộc việt-nam.
Trước truyện Kiều, chúng ta có những bài thơ ngắn bằng tiếng Việt, không may quá uyên bác và quá nặng nề bằng từ vựng và văn phạm Tầu. Trong một giai đoạn mà phần lớn các nhà trí thức đã bị như là thôi miên bởi văn chương Tầu và đã không thoát ra được. Nguyễn Du đã biết sử dụng tiếng Việt và một loại luật thơ văn <lục bát> để diễn tả tình cảm và tư tưởng mà đôi khi đã được diễn tả bằng tiếng Việt từ trước đó, nhưng không bao giờ có được một cách cũng dễ dàng, cũng hoàn hảo, và trong một tác phẩm cũng dài như vậy. Đó chính là lần đầu tiên mà tư tưởng việt-nam tự giải thoát được hoàn toàn khỏi cái khuôn hán-việt để tự trình diễn với bấy nhiêu tính chất tự nhiên, bấy nhiêu duyên dáng, và một sự cộng hưởng quá đặc biệt : “Dân chúng việt-nam đã bắt đầu rung động theo những tài năng riêng của họ.” [65]
Bởi vì, theo quan niệm nội dung, một cuộc phân tích tỷ mỷ bài văn sẽ cho chúng ta tìm lại được những thành phần của nền học vấn văn chương của Nguyễn Du. Ảnh hưởng của nền văn hóa Tầu đối với ông thật sâu đậm, những sự kiện được mô tả và những hình ảnh được sử dụng đều được vay mượn trực tiếp từ văn chương cổ điển Tầu hoặc gián tiếp qua việc chuyển đổi bắt chước bản văn Tầu. Thật là khó mà không kể đến một suy nghĩ của Trần Cửu Chân đã viết về Kiều : “Nhưng không có một bản văn nào mà không phản ảnh tư tưởng, phong tục tập quán, những tín ngưỡng và những truyền thống ngàn năm của dân tộc việt-nam một cách cũng thích đáng như truyện thơ Kim Vân Kiều”.
Chúng ta hãy lấy thí dụ truyện Đạm Tiên. Chỉ vài chi tiết sẽ đưa chúng ta ngược về những sự kiện của nền văn minh Tầu. Ngôi mộ của nàng không được đặt trong một nghĩa trang, mà dọc theo lề đường ; thế mà thời xưa những người chưa lập gia đình phải được chôn bên ngoài nghĩa trang coi như đã là vô ích cho xã hội [66]
Đạm Tiên hiện ra với Kiều khi nàng thắp nhang cho Đạm Tiên <câu 92> và sự xuất hiện này được chỉ dấu bằng những hiện tượng thiên nhiên : luồng gió xoáy, lá cây rung động và nhất là dấu giầy in trên đám rêu <câu 124> . Thế mà trong thời cổ đại Tầu lòng tín ngưỡng cho là những vong hổn về thưởng thức đồ
cúng bái. Những nhà sư Tầu thời xưa chỉ cho thấy lúc cúng vái người ta nhận thấy dấu chân hay dấu tay của vong hồn người chết hiện ra trên cát hay trên đám tro [67]
Còn về hương thơm mà vong hồn để lại đằng sau, mùi hương này đến từ, vì thời xưa chưa có nước hoa, nên người ta mang trên người một chất tỏa mùi thơm < nhang, gỗ trầm, v.v…> Sự xuất hiện của Đạm Tiên được mô tả ở câu 216:
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây
Giống như Tchao-Kiun <Chiêu Quân>, Đạm Tiên chết xa quê hương ; sắc đẹp và cuộc mạo hiểm của Tchao-Kiun rất nổi tiếng và khi người ta đến viếng mộ nàng một cảm xúc mạnh mẽ xâm nhập quan khách. Tính chất tình cảm của người Tầu trước mộ Tchao-Kiun không khác gì tình cảm của Thúy Kiều trước mộ Đạm Tiên.
Mặt trăng dõi soi chúng ta chung quanh ngôi mộ
Tất cả các con mắt chiếu sáng đầy nước mắt
<Hervey de Saint Denis, Thơ nhà Đường, XLVII>
Đàn bà và đàn ông gặp gỡ nhau vào dịp lễ Thanh Minh là chuyện bình thường trong các truyện Tầu. Thí dụ trong một truyện ngắn Liễu Trai , chính trong dịp lễ đó mà một nhân vật Tống Thị gặp người đàn bà xứ Vệ, cảm thấy yêu nàng và cướp nàng khỏi tay chồng nàng.[68]
Khi Nguyễn Du gả hai chị em Kiều và Vân cho chàng Kim, ông không mô tả những truyền thống ngàn năm của dân tộc việt-nam, mà bắt chước một cách giản dị những kết luận của rất nhiều truyện Tầu. Những cuộc hôn nhân đó rất thường xẩy ra tại Trung-quốc và đặc biệt là trong triều đại Minh, cả hai người vợ có thể có cùng một thể chế là vợ hợp pháp ts’i <thê> và bộ ba, sung sướng và hợp nhất, được chỉ định dưới từ ngữ phu thê tam nhân.[69]
Người ta còn có thể coi những phong tục và hành vi của Kiều như là thích hợp với truyền thống và phong tục ngàn năm của dân tộc việt-nam không ? Đàn bà việt-nam dù là trong thời đại chúng ta, cũng không hiểu tại sao Kiều, một cô gái thuộc gia đình nghiêm túc, lại có những điểm tương đồng với Đạm Tiên người chỉ là một ca sỹ và gái làng chơi, tại sao người đàn ông đầu tiên nàng gặp lại trở thành một đối tượng của tình yêu và đau khổ, tại sao nàng lại hứa hẹn với Kim mà không hỏi ý bố mẹ trước, và hơn nữa là vào ban đêm, v.v.. Cái loại hành vi tự do đó là theo Tầu, hay theo Việt-nam ? Dường như chắc đó là một nhân vật đến từ những truyện tình ái Tầu được Nguyễn Du [70] chuyển đổi và làm phong phú thêm và ông đã không hoàn toàn thoát ra khỏi được nguồn gốc cảm hứng. Ngày trước, trong xã hội việt-nam, người ta đã tặng tĩnh từ cô Kiều cho “một số cô gái có tính tình phức tạp hay thiếu trang nghiêm”.[71] Đó chính là dấu hiệu là nhân cách của nhân vật đó tạo đôi chút khó chịu về phương diện đạo đức.
Nhiều người châu Âu không đọc truyện Kiều trong bản văn chánh, chỉ thấy đó là một giai thoại không quan trọng kể lại đời một người đàn bà không có tư cách và còn có một nền đạo đức đáng ngờ. Họ luôn tỏ ra không hiểu được tại sao câu truyện của cô gái làng chơi đó đã có thể trở thành một bài ca thánh thiện của cả một dân tộc
“Thật vậy, truyện Kiều ít ra đối với chúng ta cũng giống như truyện Enéide của Virgile đối với dân thành Rome. Và dù vậy, thi sỹ cũng không ca tụng cuộc đời hay đức tính của một anh hùng quốc gia nào, ông đã không tìm cách khiêu gợi một tình cảm yêu nước hay tôn giáo nào ở chúng ta”. [72]
Về phương diện đạo đức chính trị của truyện Kiều, đã có nhiều lời giải thích rất trái ngược nhau được đưa ra. Thật vậy người ta tìm thấy những điều ám chỉ mà giới phong kiến xưa đã kết án mà ngày nay những phong trào tiến bộ đã ca tụng. Thái độ của vua Tự-Đức sửa chữa truyện Kiều rất có ý nghĩa về phương diện này. Mỗi khi những câu thơ của bản gốc truyện Kiều đối với ngài có thể đưa ra những tư tưởng có thể hại đến triều đại cai trị, ngài đều sửa lại. Như vậy những câu 2195-2196 <ấn bản Vĩnh> do Kiều thốt ra khi gặp Từ Hải lần đầu tiên đã bị ngài sửa lại vì cái ám chỉ có khả năng một sự thay đổi triều đại nếu một kẻ phản nghịch thắng trận :
Thưa rằng : Lượng cả [73] bao dung [74]
Tấn-dương [75] được thấy mây rồng có phen
<Bản Quan Văn Dương>
Si votre grand coeur, répondit kiều, veut bien me prendre sous sa protection
J’aurais certainement l’occasion de voir à Tấn-dương le beau spectacle d’une grande ambition réalisée
< Bản dịch Vĩnh >
Tự-Đức sửa lại câu 2196 như sau :
Rồng mây rõ mặt anh hùng có phen
Cũng vậy Tự-Đức tức giận khi đọc những câu 2471-2472 <ấn bản Vĩnh>, 2473-2474 <ấn bản nôm , Thành Thái>
Chọc trời quấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai
Je remue le Ciel et la Terre à ma guise
Je me sens libre de me mouvoir dans tous les sens et je ne vois personne au-dessus de moi
< Bản dịch Vĩnh >
Trong trường hợp thứ nhất, Tự-Đức muốn tránh cho những độc giả nghĩ rằng sự thành công có thể của một kẻ phản nghịch sẽ dẫn đến việc thiết lập một triều đại mới giống như Lưu Cao Trí-Viễn hay Đường Cao-Tổ, và trong trường hợp thứ hai, ngài không thể chấp nhận người ta lại táo bạo không nghĩ là Hoàng đế cai trị trên toàn thể thần dân. Khi đọc những câu thơ cuối cùng của cuốn truyện Tự Đức còn có thể nói là nếu Nguyễn Du còn sống, ngài sẽ có thể cho bắt trói ông và cho đánh ông ba mươi hèo. [76]
Như vậy, một vị hoàng đế giám định những câu thơ của Nguyễn Du có thể gây nguy hiểm cho Quốc gia. Nhưng vậy mà bài thơ bao gồm nhiều đoạn khác cho thấy quyền lực hoàng gia chiến thắng kẻ nổi dậy Từ Hải và đã cung cấp cho đế quốc một thời gian thanh bình lâu dài. <ở cuối câu truyện>
Cùng một thứ phong phú, cùng những điều trái ngược nhau đều được thấy trong truyện Kiều nếu người ta nghiên cứu nó theo phương diện những ảnh hưởng thuộc tôn giáo và triết lý. Trước tiên, truyện Kiều có phải là một tiểu thuyết luận đề ? Nhưng nó chính là một tiểu thuyết luận đề đã bàn về những quan niệm thông thường về tín ngưỡng tôn giáo và triết lý hán-việt. Không nên nghĩ nó là một tiểu luận về tư tưởng thâm sâu và độc đáo. Vào đoạn cuối cuốn truyện, Nguyễn Du chỉ dẫn rõ ràng những mục tiêu ông theo đuổi khi soạn thảo kiệt tác của ông : minh chứng những tín ngưỡng bình dân và giúp giải trí người đọc. Không có vấn đề cải tạo hay thuyết phục, bởi vì tinh thần người dân vào thời ông rất tin tưởng vào ba ý tưởng thông thường : Ông Trời là đấng đầy quyền uy đã quyết định số mệnh của từng người ; số mệnh hiện thời của người sống là hậu quả những hành động xứng đáng đạt được hay những lỗi lầm phạm phải trong đời sống trước đây ; nhưng con người nếu sống tốt đẹp có thể tự cứu mình hay thay đổi số mệnh mình.
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai
Có Tài mà cậy chi Tài
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.”
<câu 3241-3254>
Điều trái ngược nhau hiện diện giữa số mệnh con người do Trời quyết định và số mệnh con người tùy thuộc vào sự tự do hành động của con người đã được giải quyết ổn thỏa một cách khéo léo trong tư tưởng triết lý và tôn giáo hán-việt theo lý thuyết Nghiệp duyên. Những lỗi lầm và những điều tốt đẹp của kiếp trước quyết định những gì xẩy ra trong đời sống hiện tại của chúng ta, cũng giống như những lỗi lầm và những điều tốt đẹp hiện tại sẽ quyết định những điều xẩy ra cho tương lai gần đây và trong đời sống sắp tới của chúng ta.
Như vậy có một phần ý chí tự do hành động và trách nhiệm của con người. Nguyễn Du chỉ đem áp dụng lý thuyết trong đó chủ thuyết khổng giáo và chủ thuyết phật giáo bổ túc cho nhau. Đối với những người theo Khổng giáo, quyền uy tối thượng cai trị thế giới là Trời và và những điều luật của Trời, Mệnh định rõ số mệnh của mỗi người chúng ta, định đoạt trật tự thế giới. Mọi trật tự do ngài quyết định và không nên xáo trộn trật tự đó. Chính vì vậy mà con người phải tôn trọng Trời và tôn trọng trật tự xã hội đã được quyết định, và theo đúng những định luật về đời sống đã kết nối với nhau những tầng lớp xã hội khác nhau.
Trên đỉnh xã hội đó là Hoàng đế, thay mặt Trời trên trái đất ; những bậc thang khác cúa tôn ty trật tự con người là : cha mẹ, thầy giáo, vợ chồng, anh em, bạn bè. Trong truyện Kiều , Nguyễn Du luôn luôn triển khai thuyết định mệnh đó của quyền uy Trời đã gỉải thích những điều trái ngược hiện có trong thế giới giữa tài năng hay sắc đẹp con người và số mệnh buồn khổ. Chúng ta không thể làm gì khác được điều đó ; đó là do lỗi của Trời mà thông thường là vô cảm, không biết điều.
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
<câu 2>
Những người có tài và đẹp rất thường phải chịu một số mệnh buồn khổ và những người đàn bà đẹp và có tài thường đặc biệt bị Trời hành hạ. Số mệnh họ thật mỏng manh.
Những suy tư của Thúy Kiều sau khi nghe kể chuyện đời Đạm Tiên thật là đầy ý nghĩa.
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
<câu 83-84>
Kiều trả lời Vân khi bị cô em hỏi lý do buồn rầu lúc thăm viếng mả Đạm Tiên
Câu 107-108 Rằng : Hồng nhan tự thủa xưa
Cái điều bạc mệnh có trừ ai đâu
cũng nên xem câu 1905-1906 <ấn bản Vĩnh>
Sinh rằng : “ Thật có như lời
Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay “
Câu 737-738 Kiều nhờ cô em Vân lấy chàng Kim thế cho mình và nói thêm ngày em lấy chồng em sẽ nhớ đến người chị không còn ở đấy nữa. Kiều cho số mệnh mình là bạc
“Dẫu em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên “
Đoạn văn được dùng như bài nhạc đệm cho cuốn truyện này của Nguyễn Du có tên là Bạc mệnh <xem câu 2575 và tiếp theo> , và nếu Kiều thích ca bài này, chính là vì nó có một mối quan hệ hài hòa với số mệnh và sự đa cảm của nàng.
Câu 2577-2578 Cung cầm lựa những ngày xưa
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây
Sức mạnh cai quản cái số mệnh đó , như chúng ta đã nói tới, là Trời. Cần phải đặt Trời gần với Định mệnh <Trời – Định mệnh> , những từ ngữ thuộc về ngữ vựng khổng giáo.
Khi Kiều bán mình chuộc cha, ông này thương xót số phận tàn nhẫn của con gái mình bằng cách nổi lên chống lại ông Trời bất công :
Câu 661 Trời lảm chi cực mấy [77] trời
Mã Gíám Sinh mua Kiều, nàng tới nhà Tú-Bà và muốn tự vẫn. Bà này thuyết phục cô gái là hành động của cô là vô ích. Kiều nhớ lại trong lúc bị sỉu Đạm Tiên đã nói với cô là chính Ông Trời chi phối mọi đời sống con người :
Câu 999, Vĩnh – 1002 Người dầu muốn lánh [78] Trời nào đã cho
Và mà Túc [79] nhân âu cũng có Trời ở trong
Câu 1020, Vĩnh – 1018 “ Tất cả những gì xẩy ra đều do số mệnh quyết định
và ý Thượng Đế thể hiện trong đó
hay hơn là “ Cả những nguyên nhân đầu tiên các sự kiện có thể
ý Trời cũng đã thể hiện trong đó”
Nguyễn Du pha trộn cái quan niệm khổng giáo đó vào một quan niệm Lão giáo về luật nhân quả theo quan hệ : Số “số mệnh” – Hóa-công hay Hóa-nhi [80]
Câu 85, Vĩnh : Phũ phàng chi bấy hóa công
Câu 1129-1130 xxxxxxxxxxxxxxxxxxx [81]
Hóa nhi thật có nỡ lòng [82]
Làm chi giày [83] tía vò hồng làm nao [84]
Quan niệm khổng giáo và lão giáo trùng hợp với quan niệm phật gíáo về định mệnh. Những quan niệm này khá giản dị và có thể tóm tắt trong việc áp dụng thuyết luân hồi tự nó mang cái quả của những hành động trong quá khứ và hiện tại. Những khái niệm Nguyễn Du thường dùng là duyên và nợ .
Duyên là yuan tầu, pratyaya ấn-độ “tín ngưỡng, lòng tin” nhưng cũng là “nguyên nhân, lý do”, nhưng nguyên nhân thứ yếu bao quanh, nguyên nhân hợp tác với nguyên nhân chính nhân < nhân như là cái lõi một trái cây, duyên như là đất, mưa, mặt trời >. Đời sống chúng ta hiện tại là do điều tốt và điều xấu chúng ta đã làm trong những đời sống trước đây quyết định; những nguyên nhân đó đưa đến một kết quả, một trái cây, quả , giống như trong thiên nhiên, hạt trái cây được nhiều yếu tố khác nhau giúp đỡ sinh ra trái cây ít hay nhiều tốt đẹp tùy theo chất lượng những cái đã vun xới và giúp nó sản xuất ra trái cây <nhân, mặt trời, v.v.>. Cũng giống như đối với con người về phần những kết hợp do tình yêu, chúng tượng trưng cho những món nợ nợ / trái của một tình nhân đối với người kia và món nợ đó, nếu đã được trả xong, có thể được xóa bỏ trong đời sống hiện tại; nếu những lời thề nguyền về tình yêu đã thốt ra trong đời sống này, đôi tình nhân có bổn phận thi hành một món nợ của người này đối với người kia và sẽ phải trả hết nợ trong đời sống này hay, nếu không, trong một những đời sống tương lai. Món nợ < nợ / trái > nhất là món nợ người ta phải trả hết vì những hành động đã qua, những tội trạng có thể bắt buộc tội nhân phải trải qua nhiều đời sống để chuộc tội và trả hết nợ trước khi đạt được một tình trạng thích ứng với tính tình hay những điều mong ước của họ.
Duyên vì có nghĩa là “nguyên nhân liên quan, sự móc nối “ nên có nghĩa chính “tương đồng“, qua số mệnh hai người bị đưa đẩy đến với nhau bởi những lý do phụ thuộc vào bản chất của họ < vẻ đẹp quyến rũ, cùng sở thích chung, v.v.> và bởi những lý do độc lập với bản chất hiện tại của họ <hậu quả những đời sống trớc đây>. Những sự tương đồng đó đã có thể được quyết định trong một đời sống trước đây và thấy được trái quả của họ trong đời sống hiện tại hoặc chúng tự thể hiện trong cái đời sống hiện tại, nhưng bởi những nguyên nhân đã qua, không thể được thực hiện và phải đợi đến một đời sống tương lai mới thành hiện thực.
Một trong những kết cấu của truyện Kiều được thi sỹ thể hiện trong việc khai thác ý tưởng này : Kiều là sự hóa kiếp của Đạm Tiên, Kim của người yêu Đạm Tiên, những người đã không thể hoàn thành tình yêu của họ. Sau khi trải qua nhiều điều đau khổ và một sự chia cách lâu dài, những thử thách phải chịu vì những lỗi lầm đã qua, Kiều và Kim gặp lại nhau ; những mối tương đồng của họ < duyên > sau cùng cũng thấy được một kết luận trong thế giới này.
Khi Đạm Tiên chết trước khi người yêu của nàng có thể làm quen với nàng, người này nói :
Khéo vô duyên bấy là mình với ta
Đã không duyên trước chăng mà [85] <câu 74-75, Vĩnh>
Sau đây là lời hồn ma Đạm Tiên nói với Kiều :
Âu đành quả kiếp [86] nhân duyên <câu 201, Vĩnh>
“Il n’y a qu’à vous résigner à accepter la destinée résultant de votre Karma”[87]
Vậy Kiều hiểu ngay số phận mình :
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi <câu 220, Vĩnh>
Như vậy, thêm vào những tính chất hoàn toàn văn chương, Kiều thể hiện một quan niệm sống và số mệnh con người được diễn tả với sự thanh tao và trong sáng. Cuốn truyện này có thể là duy nhất trong nền văn chương chữ nôm cho thấy một sự hoàn hảo chắc chắn về nội dung và hình thức. Nó gây cảm xúc cho trí tưởng tượng và tính đa cảm và khuyến khích sự trầm tư mặc tưởng. Nó không làm người ta chán ngán, không có sự kéo dài nào trong cách kể truyện và những đoạn chủ yếu thiếu hành động được soạn thảo với một chất thơ rất gợi ý đến độ chúng hợp thành giống như những bài thơ của một tuyển tập mà người Việt-nam thích ngâm nga.
Theo như gợi ý của những đoạn văn mô tả, Nguyễn Du đã hoàn toàn thành công trong việc diễn tả bằng thơ văn cùng sự duyên dáng và cùng sự sâu sắc mà những bức tranh tầu đã gợi ý cho chúng ta, với sự phong phú của nội dung và phong cách, với sự thống nhất công việc soạn thảo rất hiếm thấy trong những cuốn truyện bằng thơ văn khác, truyện Kiều đã thêm vào ý tưởng suy ngẫm và bàn cãi khi nói về nghệ thuật và đạo đức của ông.
Nếu nghệ thuật luôn luôn là đạo đức và xã hội tại Việt-nam, dù sao còn có một số đoạn trong truyện Kiều có vẻ giống như những tiểu luận nghệ thuật vì nghệ thuật và người ta cảm thấy là thi sỹ, bên ngoài mọi chủ ý, đã cố gắng thành công đạt tới một quan hệ hài hòa giữa ngôn ngữ ông sử dụng và âm thanh những câu thơ và những cảm tưởng ông muốn truyền đạt. Tuy nhiên, điều này không ngăn được ý tưởng những lý do của cách hành xử bề ngoài có vẻ phóng túng của Kiều lại có nguyên nhân nguồn gốc rất đạo đức. Đó chính là lòng hiếu thảo đã xô đẩy nữ anh hùng của chúng ta vào con đường phóng đãng, nhưng dù bị chìm đắm trong đời sống trụy lạc, nàng vẫn ý thức được hành động xấu xa của mình và tìm cách tự cứu mình.
René Crayssac, một thi sỹ người Pháp vào giai đoạn thuộc địa, đã cảm nhận được thảm kịch và giá trị của Kiều. Ông đã diễn tả tình cảm của mình về đạo đức của Kiều trong một bài thơ pháp <sonnet à gồm mười bốn câu> [88] tận cùng bằng những câu thơ bình luận đoạn Kim và Kiều gặp lại nhau như sau :
“ Cánh hoa đã mất đi những hương thơm quý báu
Mà trước kia đã ướp hương đời sống trinh tiết và giản dị của nàng…
Nhưng chàng Kim đã ôm Đóa hoa trong tay
Và ép nó với đầy tình yêu vào trái tim của mình
Hít thở mạnh mẽ những cánh hoa run rẩy.
Ôi kỳ diệu thay, một hương thơm tỏa ra từ nàng Kiều,
Một hương thơm đơn thuần và êm dịu của lòng hiếu thảo
Ngàn lần say đắm hơn mùi thơm đã qua.”
<bài thơ bằng tiếng Pháp trong nguyên bản >
Đó là những lý do tại sao người Việt-nam đã xem cuốn Kim Vân Kiều như là một kiệt tác của nền văn chương họ. Họ đã ca tụng truyện Kiều bằng mọi cách. Những bài thơ ngắn hay những tập thơ ca tụng truyện Kiều nhiều vô số kể, chúng khai triển biến cố này hay kia của truyện Kiều. Sân khấu và phim ảnh cũng khai thác lịch sử những cuộc phiêu lưu của Kiều. Cuốn truyện này đã ngự trị trong trung tâm đời sống văn chương việt-nam. Sự hấp dẫn của truyện Kiều đã bớt đi phần nào vì từ khi đất nước độc lập, các nhà phê bình văn học và các nhà nghiên cứu đã dành sự chú ý đến những tác phẩm bằng nôm khác.
*Phan Tấn Khôi
Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Saigon, ban Pháp văn, 1963
Cao học Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm Saigon, 1972
GHI CHÚ
1.- Tất cả tên người, chức vụ, các địa danh đều có ghi bằng chữ Hán Nôm bên cạnh trong nguyên bản, nhưng máy vi tính của chúng tôi không có nhu liệu Hán Nôm nên không ghi lại được
2.- Các chữ viết tắt :
BEFEO -> Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient
EFEO -> École Francaise d’Extrême-Orient
- -> trang
- cit. -> đã trích dẫn ở trên
idem -> như trên
- -> ibem, giống y như vậy
3.- Những tạp chí kể ra có thể được đánh số bằng số La-mã :
I / V / X / L / C / D / M Số nhỏ đứng trước số lớn sẽ bị trừ đi : IV-> 4
1 / 5 / 10 / 50 /100/500/1000 Số nhỏ đứng sau số lớn, cộng vào : VIII-> 8
PHỤ BẢN
Sau đây là sáu phụ bản “tranh dân gian việt-nam” điển hình trong số những tranh minh họa truyện Kiều được trích từ cuốn Imagerie populaire vietnamienne, Tranh dân gian việt-nam, Maurice Durand, EFEO, Paris 1960, tái bản 2011
Kim, Vân và Kiều tương ngộ, Kì nhất
Bàn chữ nôm trình bầy những câu thơ 145 tới 148 :
Chàng thấy quen mặt ra chào Hai chị em Kiều và Vân núp sau cây nở
Hai Kiều e mặt nép vào dưới hoa hoa. Người em Vương cầm quạt, bước
Nguyên người quanh quất đâu xa, ra chào Kim Trọng trên lưng ngựa. Hai
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh. chàng đều có tiểu đồng theo sau.
Kim, Kiều tự tình, Kì nhị
Sượng sùng giữ ý rụt rè, Kiều gặp Kim Trọng tại nhà chàng, bên trái,
Kẻ nhìn rõ mặt người e cúi đầu ngay sau lưng nhà nàng, chia cách bởi
Rằng: từ ngẫu nhĩ gặp nhau bức tường thấp, tận cùng bên phải là cây
Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn. đào, khi đi dạo Kiều đã để cây kim
Câu 321 – 324 thoa mắc vào cành cây.
Thúy Kiều hồi Lâm- Tri, Kỳ tam
Mã Giám Sinh dẫn Kiều về Lâm-Tri giao cho Tú Bà, hai chữ trên tòa nhà là “thanh lâu”
Những là lạ nước lạ non,
Lâm -Tri vừa một tháng tròn đến nơi
Xe loan dừng bánh cửa ngoài,
Rèm trong đã thấy một người bước ra.
Câu 919 – 922
Thúc Sinh và Kiều gặp lại nhau tại chùa Quan Âm
Xét vì cầm đã bén giây
Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta
Câu 1963 – 1964
Thúc Sinh dự Kiều tự tình, Kì tứ
Trong chùa Quan Âm, Kiều cầm bút, ngồi chép kinh trước bàn thờ Phật có bình trầm hương và nến, trên trần một giải lụa buông xuống mang ba chữ “nam mô Phật” Thúc Sinh và Kiều đang tự tình thì bị Hoạn Thư rình bắt gặp tại trận :
Cười cười nói nói ngọt ngào,
Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi
Dối quanh Sinh mới liệu lời
Tìm hoa quá bước xem người viết kinh
Câu 1983 – 1986
Thúy Kiều báo ơn báo thù. Kì ngũ
Mấy người ơn oán xưa kia Từ Hải và Kiều ngồi dưới lều tướng
Điểm danh một mẻ tóm về cửa hiên quân, sư nữ Giác Duyên ngồi chỗ
Từ rằng : ân oán đôi bên danh dự, Hoạn Thư quỳ trước tên
Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh đao phủ, Thúc Sinh ngồi bên trái.
Câu 2301-2302; 2319-2320
Hình phải : Kim, Vân và Kiều tái hợp. Kì lục
Kim và Kiều ngồi trên sập gụ Tàng tàng chén cúc dở say
giữa hai người trên khay có 2 chén Đứng lên Vân mới kể bầy một hai
rượu. Kiều gẩy đàn tỳ bà. Hàng đầu Rằng : trong tác hợp duyên trời
là Vân đứng cầm quạt. Đôi bên gặp gỡ một lời kết giao
Câu 3061-3064
Chú thích:
[1] Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, mã số AB. 31
[2] Xem Maurice Durand, Tranh dân gian việt-nam, EFEO, 1960
[3] Chúng tôi chỉ đếm được ba mươi bốn truyện trong số đó chúng tôi không thể chấp nhận những tác phẩm Bướm Hoa, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Bồng lai, Hoa tình, Xuân tình, Khuyến hiếu, Nhị thập tứ hiếu. Không được kể là truyện vì không có những nhân vật rõ ràng, một hành động thống nhất, nhiều giai đoạn.
[4] Phạm Quỳnh trong bài Etudes classiques sino-annamites, đăng trong tuyển tập Nouveaux Essais Franco-Annamites, <Ấn bản Bùi Huy Tín, 1938>, chỉ rõ ý chí muốn đặt một nền văn chương quốc gia có giá trị đối đầu với những nền văn chơng ngoại quốc : Đối với những kẻ nào chê rằng người Việt-nam chúng ta không có văn chương, các bạn hãy đọc cho họ nghe những câu thơ của Nguyễn Du mà tất cả cac bạn hẳn đã thuộc lòng, hoặc những câu thơ của Nguyễn Công Trứ, hoặc những bài thơ của Hồ Xuân Hương, rồi các bạn thử hỏi xem đã nhã như thế, dĩnh ngộ như thế, biểu diễn bằng một hình thức hoàn toàn đến như thế những tình cảm, các mầu sắc như thế và sâu sắc đến thế không…
[5] Đào Duy Anh, Khảo luận về Kim Vân Kiều, Quan Hải tùng thư, Huế 1943
[6] Nguyễn Mạnh Tường, Tạp chí Thanh Nghị, Số 92.
[7] Hoài Thanh
[8] Dường như đó là một bài thơ gồm nhiều thành phần hay nhiều phần được biên soạn hay tự chế bởi nhiều người khác nhau và tổng hợp laị để làm thành một tác phẩm duy nhất
[9] Chúng tôi không có ba tác phẩm này
[10] Bản thảo của M. Durand ghi là Hoa Thiên, nhưng người ta chỉ thấy làng Hoa Thiều trong các danh sách địa danh <ghi chú EFEO 1997>
[11] Saigon
[12] “rộng, to lớn”
[13] “tôn trọng, một cách kính trọng”
[14] “cho, truyền lại”
[15] Đậu Tiến sỹ năm 1752 dưới tên Đoàn Duy Tín. Ông làm quan Đốc-thị tại Nghệ-an và có tước hiệu Nam Tước của Quỳnh-xuyên. Ông là tác giả một tuyển tập thơ Đoàn hoàng giáp phụng sứ tập
[16] Vua Minh Mệnh rất phục tài Nguyễn Du, một con người rất tự phụ và có tính khí rất độc lập, nhưng bề ngoài lại có vẻ hiền lành và rút rát. Đứng trước Hoàng đế ông ít nói và dường như khiếp sợ. Có một ngày Hoàng đế nhận xét về ông : “Chính quyền chỉ xử dụng những hiền nhân, không phân biệt họ là người Bắc hay người Nam. Ngươi đã biết tình cảm thân thiện của ta, ngươi là một mệnh quan lớn, ngươi nên diễn tả ý muốn của ngươi làm sao cho thích hợp, xứng đáng với ngôi vị của ngươi. Tại sao lúc nào ngươi cũng sợ sệt, tỏ ra khiếp sợ và không biết nói gì hơn là “dạ, dạ…vâng, vâng”. Trong lục thi hành nhiệm vụ Nguyễn Du tỏ ra khiêm nhường với bề trên mình và ông luôn luôn có vẻ buồn rầu và ít khi sung sướng. Khi ông ốm đau, ông không chịu uống thuốc và chết trong sự trầm lặng. <Xem Đại Nam Chính biên liệt truyện, tập 20, đoạn 9>
[17] Tác phẩm cuối cùng này được gán cho Nguyễn Du một cuốn khác cũng như vậy Giới thế sự ca mà một hậu duệ thuộc thế hệ thứ ba của ông đã truyền lại vài câu thơ.
[18] Xem Gaspardone, Bibliographie Annamite <Thư tịch người Annam> số 30, tr. 76, ghi chú 1
[19] Bản thảo của Durand không có câu thứ nhất mà trong bản nguyên thủy ghi lại như sau : Xuân hàn hạ thử cố tương xâm <ghi chú EFEO 1997>
[20] Bản thảo của Durand không có hai câu cuối mà trong bản nguyên thủy ghi lại như sau : An đắc huyền quan minh nguuyệt kiến, Dương quang hạ chiếu phá quần âm <ghi chú EFEO 1977>
[21] Tự cảm thấy xấu hổ
[22] Nối tiếp ; tư -> trật tự ; đại -> những thế hệ nối tiếp nhau
[23] Có nghĩa là chính Nguyễn Du
[24] Thuấn : chớp mắt ; tức : một hơi thở
[25] “buổi chiều”, ở đây là cuộc đời chấm dứt
[26] Tên gọi khác của ngày lễ mùng 9 tháng thứ 9 lịch ta , ngày người ta vừa ngắm trăng vừa thưởng thức rượu cúc
[27] Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, Nguyễn Du ; Truyện Thúy Kiều ; Vĩnh Hưng Long thư quán, <Hanoi, 1925, ấn bản thứ nhất
[28] Ông là người nguyên quán ở Hoa Đường, huyện Đường-an trong tỉnh Hải-dương và cư ngụ tại Báo-thiên; huyện Thọ Xương. Lúc 20 tuổi ông đậu tiến sỹ năm 1779 dưới triều nhà Lê và đạt được chức Trấn Đốc-đồng. Sau khi nhà Lê suy sụp ông bỏ trốn và nhà Tây Sơn truy lùng ông nhưng không tìm được. Sau nữa dưới triều nhà Nguyễn, vua Gia Long mời ông ra làm quan nhưng ông từ chối. Ông đạt được tước hiệu Thị trung đại học sỹ
[29] Ấn bản của Trường Sinh ngữ Đông phương, <École des Langues Orientales Vivantes>, quyển XIV và XV, Paris, nhà in Leroux, 1884 – 1885 Lời giới thiệu tr. II, ghi chú 1
[30] G. Cordier, Littérature annamite, 1914
[31] G. Cordier, Morceaux choisis d’auteurs annamites, 1932 và Maspero, BEFEO, 1914, Số 9, tr. 4-5
[32] Tác phẩm kể trên là một bản chép tay của EFEO, mã số A. 953, từ đó Maspero và Dương Quảng Hàm viết ra một bài bình luận.
[33] Xem Giles Số 385, Cuốn từ điển Sin tsou tien <Tân Từ-điển> cua Tchong Wen-t’ao <Trọng Văn Thao>, Hong Kong, 1957 cho biết ông sinh năm 1596 và mất năm 1648
[34] Nam Phong, quyển IV, Số 30, tháng chạp 1919, tr. 480
[35] Rất nhiều công trình nghiên cứu đang được thực hiện tại miền Bắc Việtnam về nguồn gốc tầu của Kim Vân Kiều.Chúng tôi sẽ báo cáo ngay khi kết quả chính thức được công bố. Có thể là một tóm tắt kết quả những cuộc nghiên cứu đó sẽ được các nhà nghiên cứu của Cộng Hòa Dân chủ Việtnam được trưng bầy nhân dịp lễ kỷ niệm hai trăm năm của Nguyễn Du. Trong miền Nam Việtnam những công trình về cùng đề tài cũng có rất nhiều và vài bài đã được in trong tuyển tập kỷ niệm hai trăm năm Nguyễn Du do EFEO phát hành
[36] Nguyễn Văn Tố, BEFEO, quyển XXX, tập 1-2, tr. 144 và Dương Quảng Hàm, tr. 311
[37] Nguyễn Văn Thắng nguyên quán Yên Thái,huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Phụng Thiên ở Bắc-Thành <Hanoi>. Năm 1826 lúc 24 tuổi ông đậu tiến sỹ.
[38] Phường chuyên môn in ấn phố Hàng Gai <Hanoi> <ghi chú EFEO 1997>
[39] Nguyên quán Thượng Phán trong vùng Thái Bình, <Nam-Định> Năm 1884 cử nhân trong kỳ thi Hà Nam và năm 1898 tiến sỹ trong kỳ thi Hội <QTKBL, A. 37, tập 4, tr. 5, cột 3>. Ông cũng được chỉ định dưới tên Đào Hoành Hải qua lời nhắn nhủ độc giả của Kiều Oánh Mậu và chính vào năm 1898 sau khi thi đậu kỳ thi Hội ông trưng cho Kiều Oánh Mậu xem ấn bản Kinh của ông
[40] Nam Phong, tháng 7-tháng chạp 1919, tr. 498
[41] Nam Phong, Số 110, tháng 10 /1919
[42] Đó là câu đầu của truyện Kiều
[43] Tập LXV, tr. 23-24
[44] Ông là Chủ tịch Mặt Trận liên hiệp Quốc dân Việt Nam và bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ liên hiệp quốc gia thành lập tại Hanoi năm 1945 <xem Nghiêm Kế Tố, Việt Nam máu và lửa, tr.44 và 64>. Sinh năm 1876 trong làng Thanh Bình,huyện Tiên-phước, tỉnh Quảng Nam, ông đậu tiến sỹ năm 1904. Cùng với Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp ông một cuộc du hành vào miền Nam Việtnam để quảng bá phong trào cấp tiến. Tất cả mọi hoạt động của ông đều nhắm vào phong trào này <xây dựng trường học, các hội đoàn, v.v.> Trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị các chính quyền pháp và việt đóng cửa. Theo sau vụ đóng cửa này là cuộc vận động phản đối thuế má tại Quảng Nam. Phan Chu Trinh bị bắt giữ, Trần Quý Cáp bị bỏ tù. Bản thân Huỳnh Thúc Kháng cũng bị bắt năm 1908 và bị đầy ra đảo Côn-lôn nơi ông trải qua mười ba năm, trong thời gian đó ông soạn ra tập Thi tù tùng thoại. Ông được phóng thích năm 1943 và qua trung gian tòa Lãnh sự Nhật tại Huế, ông bắt đầu liên lạc với Cường Để. Năm1945 quân đội Nhật kêu gọi ông tham gia chính phủ 9-3-1945, ông từ chối, nhưng sau đó ông chấp nhận tham gia Chính phủ của Cộng Hòa dân chủ Việtnam do Hồ Chí Minh thành lập, ông giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Ngày 27-5-46 ông trở thành Chủ tịch Liên hiệp quốc dân Việt-nam và Chủ tịch tạm thời nước Cộng Hòa trong thời gian Hồ Chí Minh sang Pháp bàn thảo hội nghị Fontainebleau.
Trong thời gian làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa ông tiêu diệt Việt Nam quốc dân đảng Khi chiến tranh Pháp-CHDCVN bùng nổ,. Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phạm Văn Đồng trở thành đại biểu vùng Nghệ-tĩnh, Nam Ngãi. Ông bị bệnh và mất ngày 21-4-1947 tại Phú-Bình, làng Hành-phong, quận Nghĩa-hành, tỉnh Quảng Ngãi. <Xem Bách-khoa XXXIII tới XXXVII> Cũng xem Thế-nguyên, Huỳnh Thúc Kháng, <Tân Việt xuất bản, Saigon, 1950>, Thuận Phong, Sài-gòn Chợ-lớn chỉ-nam, <Saigon, 1956>, Anh Minh, Nhà cách mạng công khai và không đảng phái nào hết cụ Huỳnh Thúc Kháng, <Huế, 1953>
[45] Bài viết có tựa đề Thuyết chiêu tuyết Vương Thúy Kiều của ông Lưu Trọng Lư với anh học trò mê kép hát đóng vai Tần Cối.
[46] Phát hành năm 1956 tại Nhà xuất bản Xây-dựng , Hanoi
47 Nguyên quán huyện Bình-dương, tổng Tân Bình, tỉnh Gia-định. Ngay thời trai trẻ ông đã nổi tiếng về tài văn chương, nhưng thất bại trong kỳ thi tỉnh mà ông tham dự năm 1855. Khi Pháp chiếm Nam kỳ, ông chấp nhận phục vụ đám thực dân như một viên quan và đạt tới chức toàn quyền Đốc phủ-sứ. Ông đi theo đoàn sứ thần Phan Thanh Giản sang Pháp <1863-1864> kế đó giảng dậy tiếng Tầu tại Collège des Stagiaires, <Trường những Thực tập viên> <1871> và sau đó năm 1875 đi theo viên Lãnh sự pháp De Kargaradec ra Bắc kỳ, nơi ông mất năm1877 vì mắc một bệnh lạ trong khi theo viên lãnh sự đó kinh lý vùng cao bắc kỳ. <xem DQH, tr.385, ghi chú 5>, xem Trần Trọng Kim, Việt thi, tr. 51, Hà Như Chi, II, tr. 18-20.
48 Phạm Quỳnh : Bài diễn thuyết bằng Pháp văn của ông Phạm Quỳnh và Bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh. Trần Trọng Kim : Bài diễn thuyết của ông Trần Trọng Kim về lịch sử cụ Tiên Điền và văn chương truyện Kiều
[49] Bài số LXV, tr. 21-22
50 Bài viết Nghé vách qua tường, ám chỉ lúc Kiều qua nhà Kim
51 Bài viết số LXV, tr. 24-25
52 Về Phan Khôi xem bài số LXXIII, tr. 53 và tiếp theo, France Asie, số 7, tr.359-360. Biệt hiệu của ông là Chương Dân. Trong số những tác phẩm của ông, người ta thường kể đến Chương Dân thi thoại, 1936, nhà in Độc-lập, Huế. Hai thi phẩm thời mới bằng thơ tự do Hai cảnh trên xe hỏa , Phụ nữ Thời Đàm, số 1, 17 tháng 9 1933. Ông cộng tác với một số rất lớn tạp chí cũng nhiều ở miền Bắc cũng như miền Nam, thí dụ Lục tỉnh tân văn, Đồng tháp thời báo, Thần Chung, Phụ Nữ tân văn, Trung cập, xuất bản tại Saigon. Thục Nghiệp dân báo, Nam Phong, Phụ Nữ Thời Đàm, xuất bản tại Hanoi
[53] Lương Đức Thiệp, Việt Nam Thi ca luận , tr.42-44, Khuê Văn xuất bản, Hanoi, 1942, Thư viện Trung Ương Hanoi, 1942, tr. 235
[54] Tsin Kouei <Tần Cối 1090-1155> nguyên quán Kiang-ning <Giang-ninh, dưới triều nhà Tống> ; tseu <tự> Houei-chi <Hội-chi>. Đậu tiến sỹ năm 1115, ông thuộc thành phần ủy ban đã nhượng một phân đất của Tầu cho Rợ Kim năm 1121. Đứng trước nhiều cuộc xâm lăng mới năm 1127, ông theo chân các hoàng đế Houei <Huy 1101-1126 và K’in <Khâm, 1126> tới trạị Rợ để thương thảo hoà bình và sau đó theo phái đoàn về Bắc-kinh, nơi ông được thuyên chuyển tới. Ông ở đó tới năm 1130 phục vụ triều đình nhà Tống, lúc đó do Hoàng đế Kao <Cao> ngự trị <1127-1163> và dùng ảnh hưởng của mình để thương thuyết một nền hoà bình thê thám cho nước Tầu nhà Tống đã phải nhượng tất cả phía Bắc cho rợ Kin. Quan lớn nhà Tống phía Nam, ông cho xử trảm người yêu nước nhiệt tình tầu Yo Fei <Nhạc-phi>. Chỉ sau khi ông mất, tên tuổi ông mới bị nguyền rủa. Tên ông bị coi như một người phản quốc và là một nhân vật đáng khinh bỉ <xem Giles, tr. 392 ; Tseu hai >
[55] Tên ông là Nguyễn Đức Nguyên, một nhà phê bình trung thực và vô tư, Ông thường viết cho các báo. Ông là tác giả một tuyển tập thơ Thi nhân Việt-nam 1942 mà phần dẫn nhập rất hấp dẫn để hiểu biết thơ văn đương thời việt-nam. Năm 1931 ông cho xuất bản một tác phẩm Văn chương và hành động với sự cộng tác của Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư
[56] Được biết tới nhất là qua cuốn từ điển Hán-Việt từ điển, Quan Hải tùng thư, Huế, 1932, 2 quyển ; và cuốn từ điển Pháp-Việt từ điển, Quan Hải tùng thư, Huế, 1941, 2 quyển.
[57] Khái luận về Kim Vân Kiều, 1943
[58] Nouvelles lettres édifiantes des Missions de la Chine et des Indes Orientales , Paris, Ad.Leclère, 1823, VII, tr.42-45
59 Hoài Thanh, Quyền sống của con người trong truyện Kiều của Nguyễn Du, 1949
[60] Trần Đức Thảo, Tìm hiểu giá trị của văn chương cũ, VSD, Số 3, tháng 12/1954, và trong LXV, tr.38-40
[61] Đào Duy Anh, Truyện Thúy Kiều, tác pưhẩm cổ điển tiêu biểu của Văn học Việt-nam, Đại học Sư Phạm, Số 1, tháng 5/1955
[62] Kiều là một người đàn bà biết thế nào là tốt và thế nào là xấu. Nàng cân nhắc tất cả, phê phán tất cả, lý luận tất cả bằng cách phân tích những tình cảm của mình. Đó là một nhân vật của Racine <bi kịch gia Pháp>. Mặc dù tình yêu của nàng đối với Kim Trọng, nàng hy sinh chàng để cứu cha nàng khỏi bị tù. Nàng quyết định phải chịu đựng mọi điều đau khổ và xui xẻo bằng cách chấp nhận thuyết định mệnh có nghĩa số mệnh là không thoát khỏi. Nàng đa cảm, đam mê, can đảm đến lạ lùng, nhưng theo sau những thử thách và cũng bởi linh tính, nàng tỏ ra khôn ngoan và đầm tính. Nàng thực thi nền đạo đức khổng giáo có nghĩa là thuyết trung dung và có những quyết định khó khăn cho hạnh phúc của mình nhưng lại tương xứng với sự phán đoán của nàng. Định mệnh đưa nàng tới bờ tuyệt vọng. Có lẽ vừa là phản ảnh niềm bi quan của cá nhân Nguyễn Du, Kiều cũng không vừaì là một nhân vật có tâm lý phức tạp và những mâu thuẫn đến từ những luồng tư tưởng khác nhau
[63] Bản dịch Vĩnh đối với tôi có vẻ sai lầm :
“Khi tất cả ánh sáng và tất cả vẻ đẹp bên trong lộ ra bên ngoài,
Điều này loan báo một đời sống thất vọng lâu dài và suốt một cuộc đời”
anh hoa là một từ ngữ đến từ Che King, Ta ya, Haou lou <Hạn lộc> <chân đồi, lưỡi cầy> diễn tả vẻ đẹp bên ngoài.. Từ ngữ có nguồn gốc canh nông ; anh là những nụ sẽ nở và phát triển thành hoa
[64] Nguyễn Giang, Le Problème <La Rvue Indochinoise, Số 37, 26 tháng 7/1937>
[65] Nguyễn Giang, đã nói ở trên, tr.25
[66] Wagner, Histoire des croyances religieuses <Lịch sử những tín ngưỡng tôn giáo>, tr.19
[67] idem, tr. 14
[68] Nam Phong, quyển III, tháng 7 – tháng 12 / 1918, tr.118
[69] China Review, XIII, Số 1, tr. 59
[70] Cao Hữu Tạo, Bàn về Truyện Kiều, Nam Phong, Số 106, những đoạn kể lại cảm tưởng về Kiều trong nhật ký của một cô giáo việt-nam
[71] Nguyễn Giang, bài đã nói tới, tr. 30
[72] Nguyễn Giang, y như vậy, tr. 30
[73] Lượng cả : “đo lường những việc to lớn đối với tinh thần” người có những cái nhìn rộng lớn và rộng lượng, người có tinh thần cao cả và hào hiệp
[74] Bao dung : “bao trong một cái túi, một phong bì ; bế con trong ngực mình; đau khổ, chịu đựng, nhịn nhục”
[75] Tấn-dương : trong vùng Chan-si. Người Rợ Lieou Kao Tche Yuan <Lưu Cao Trí viễn> thành lập triều đại nhà Heou Tsin <947-950>. Hoàng đế Kao-Tsou nhà Đường <618-907> cũng tự phong hoàng đế tại Tân-Dương
[76] LXV, tr.14
[77] Bản văn của Vĩnh : bấy thay vì là mấy
[78] Bản văn của Vĩnh : quyết thay vì là lánh
[79] Túc <tiếng tầu : sou> “thuộc về đời sống xưa, ngay trước đây”
[80] Tương đương với tạo hóa “artifex mundi” <ghi chú EFEO 1997>
[81] Bản thảo bằng nôm mã số AB. 12 cho hai câu thơ khác nhau : Hóa nhi thiệt có nỡ lòng. Làm chi dầy tía vò hồng lắm nao <ghi chú EFEO 1997>
[82] Cho phép ; khoan dung, câu có nghĩa nhân, cách phát âm nỡ , nỡ lòng ; có đủ can đảm để làm một việc. “có can đảm để, dám làm”
[83] “Lấy chân chà đạp”
[84] Nao <xem : nào> “bối rối, nghèo khổ, khó khăn”
[85] LXXV : Khéo vô duyên mấy là mình với ta
Đã đành duyên trước chẳng mà
[86] Kalpa, kiệp ; trong ngôn ngữ phật giáo chỉ định thời gian dài của một đời sống thế giới. Tiếng việt-nam có nghĩa là “kiếp sống, đừi sống”
[87] Karma, Kaman dịch nghĩa là Nghiệp “hành động, công việc, bổn phận đạo nghĩa” ; kế đó “sản phẩm, kết quả”. Karma là những hành động liên quan tới những hình thức nối tiếp nhau của sự luân hồi
[88] Nam Phong, số 112, tháng chạp 1926 ; tr. 540