Những yếu tố Lịch Sử trong vụ án Hoàng Công Lương – Bài 7

TỘI ÔNG TRẦN VĂN SƠN

b4.jpg

Nguyễn Ngọc Lanh

Tin tức trên truyền thông cho biết: Đã hết thời gian kháng án nhưng ông Bùi Mạnh Quốc và ông Trần Văn Sơn không có đơn từ gì lên tòa phúc thẩm. Nếu đúng như vậy, hai ông chấp nhận bản án của tòa sơ thẩm. Trong thời gian sơ thẩm này, các ông cũng tự thấy mình có tội, nhận tội, cầu mong sự khoan hồng. Ngoài ra, gia đình mỗi ông đã chi 80 triệu đồng để thăm hỏi các gia đình nạn nhân. Thời gian tạm giam (đã gần 2 năm) được trừ vào án tù, do vậy thời gian ngồi tù của ông Sơn chỉ còn khoảng 1/2 mức án; còn của ông Quốc còn 2/3.

Bài này bàn về tội của ông Sơn trong mối quan hệ “bộ ba” Quốc – Sơn – Lương, trong đó những gì đáng gọi là “tội”, những gì do VKS suy ra tội do những ảnh hưởng của di sản mà nền tư pháp lạc hậu của nước ta để lại đến nay.

Tuy nhiên, theo phân tích dưới đây: Mức án (mà ông Sơn chấp nhận) vẫn là rất nặng đối với tội lỗi của ông.

I . THIẾU NƯỚC TINH KHIẾT: Ông Lương chỉ kêu ông Sơn

Trong mấy trăm nhân viên của bệnh viện, bất cứ ai trong Đơn Nguyên thận nhân tạo (nhóm  BS Lương) chỉ kêu ông Sơn mỗi khi không đủ nước tinh khiết để chạy thận. Giả sử, kêu tới Phòng Vật Tư, thì nơi này cũng hướng dẫn: Hãy thông báo cho ông Trần Văn Sơn. Nếu kêu ông Bùi Mạnh Quốc? Ông Quốc cũng trả lời: “tôi chỉ được phép làm việc với ông Sơn“. Ông Quốc (nhà ở Bắc Ninh) không thể nghe tin “thiếu nước” từ Đơn Nguyên mà vội nhảy bổ sang Hòa Bình. Đây chính là cái thứ tự Lương – Sơn – Quốc đã được nhắc đến nhiều lần. 

  1. Nước lọc RO với thận nhân tạo: Giống như xăng-dầu với máy bay

Có thể nhiều cách, nhưng ở đây xin dùng cách ví von như trên.

Mỗi bệnh nhân “chạy thận” cần rất nhiều nước (gấp nhiều lần nước sinh hoạt) mà chủ yếu phải là nước tinh khiết – tức là loại nước chứa rất ít chất hòa tan, giá thành cao. Hệ thống lọc RO chính là thiết bị sản xuất ra thứ nước tinh khiết này. Bệnh viện Hòa Bình từ khi bắt đầu “chạy thận” (cách nay trên 10 năm) đã có một hệ thống RO, sau đó còn phải mua thêm hệ thống thứ hai (công suất mạnh hơn cái cũ). Chúng được đặt tên theo thứ tự mua sắm, nên có tên là RO1 và RO2. Ngoài ra, còn hệ thống RO mini nữa. Qua đó, đủ thấy việc giải quyết cho đủ lượng nước cấp thiết đến mức nào. Đủ thấy tại sao hệ thống RO phải làm việc không nghỉ – trừ khi cần bảo dưỡng, sửa chữa. Lại còn phải có tank (bồn chứa) dự trữ nước (đo bằng mét khối) để sáng hôm sau chạy thận ngay và chạy nhiều ca mỗi ngày. Nhắc lại: Đơn Nguyên thận nhân tạo phụ trách 120-130 bệnh nhân suy thận, mỗi người phải chạy 3-4 lần mỗi tuần.

Tóm lại, phải đủ nước lọc thì máy thận nhân tạo mới “chạy” – cũng giống như phải đủ xăng thì máy bay mới “bay”. Không có chuyện bệnh nhân đang nằm trên giường chạy thận thì tạm hoãn ít giờ để… chờ nước, cũng như máy bay đang bay giữa trời không thể tạm ngừng bay để đổ xăng.

Thông tin đi theo thứ tự là: Hễ thiếu nước lọc thì ông Lương kêu ông Sơn. Ông Sơn làm gì sau đó để khắc phục – như trên đã nói – về nguyên tắc, nhóm ông Lương “bất cần biết”. Trên thực tế, ông Sơn mời ông Quốc. Hai ông có thể bàn bạc những cách thức sửa chữa thế nào đó, thay thế vật tư gì đó, vệ sinh hệ thống RO ra sao đó… và gửi làm xét nghiệm AAMI ở đâu đó… v.v. Tất cả những thứ đó, nhóm ông Lương lại càng “bất cần biết”. Họ chỉ “buộc phải biết”: Phải sớm có đủ nước tinh khiết cho họ. Chỉ mới nhìn cái Biên Bản in sẵn có chữ ký của ông Sơn trong đó ghi sửa chữa thế nào, thay thế những gì… mà đã “suy ra” (theo cái thời tư pháp để trấn áp) tội người ký. Giả sử (giả sử thôi đấy) nếu Công An và VKS kiếm được tờ giấy do BS Lương viết ra, đề nghị (hoặc chỉ thị) cho Phòng Vật Tư phải mua sắm những vật tư nào, sửa chữa hệ thống RO ra sao, xét nghiêm AAMI ở đâu… thì sự kết tội mới thuyết phục. Ở đây chưa vạch ra (công của các luật sư, có LS Thúy Kiều) cái Biên Bản trưng ra dưới đây đã ngụy tạo nhiều chỗ. Và, sự trùng hợp đến kỳ lạ: Nó phải đi qua 3 ông canh cổng mới vào được hồ sơ vụ án.

  1. Tại Sao? Tại vì hệ thống lọc nước RO không phải thiết bị y học

Một chiếc tàu ngầm muốn lặn dài ngày không ngu gì dự trữ nước ngọt (thể tích quá lớn, trọng lượng quá cao) mà chỉ cần một hệ thống RO đủ cỡ để biến nước biển thành nước sinh hoạt (uống, rửa…). Hệ thống RO ở tàu ngầm không do sĩ quan và binh lính (chiến đấu) quản lý, mà do nơi khác. Binh sĩ trên tàu không cần biết hệ RO hỏng hóc ra sao, cần sửa chữa thế nào… (vì đã có người phụ trách). Họ chỉ cần biết: phải có đủ nước sinh hoạt cho họ. 

Cả hai hệ thống RO1 và RO2 ở bệnh viện Hòa Bình không thể do Đơn Nguyên thận nhân tạo quản lý. Đã có lý lẽ cắt nghĩa rằng “vì Đơn Nguyên này chưa có kỹ sư“. Sai. Rất sai. Cứ trả lời câu hỏi: Tại sao một đơn vị chiến đấu lại phải có kỹ sư để sửa hệ thống RO (thuộc hậu cần)? Tuy nhiên, hãy cứ giả sử, nếu giám đốc bệnh viện cung cấp cho Đơn Nguyên thận nhân tạo một kỹ sư thì cũng chớ dại mà “ôm” lấy. Bệnh viện có thể có kỹ sư, luật sư, kế toán ở phòng A hay ban B… nhưng Đơn Nguyên thận nhân tạo và Khoa Cấp cứu – giống như đơn vị chiến đấu – thì chớ dại mà quản lý cái ông kỹ sư chuyên sâu về RO (hậu cần). Ngu gì mà mua thêm việc? Cho nên BS Hoàng Công Tình (phó khoa) kiên quyết vạch trần âm mưu (của trưởng khoa) gán cho ông vai trò quản lý hệ thống RO là có lý do. Tòa sơ thẩm muốn gán tội cho BS Tình cũng có lý do chớ bộ?

Lý do đúng nhất, khách quan nhất, không dễ xuyên tạc… để Đơn Nguyên thận nhân tạo không quản lý, và không vận hành cái hệ thống RO kia, vì nó không phải thiết bị y học (cũng như dưới tàu ngầm, hệ thống RO không phải là vũ khí). Do vậy, nhân viên y tế ở đây không “buộc phải biết” cấu trúc (van, đèn cực tím, đường ống…) và cũng không “buộc phải biết” cách sử dụng (và gì gì đó) của cái hệ thống RO này. Họ chỉ có một điều “buộc phải biết” là: Cứ thiếu nước tinh khiết thì báo ngay tới nơi có trách nhiệm, ký vào biên bản – như khẳng định một nhu cầu – để sớm được giải quyết.

  1. Dùng một tờ Biên Bản in sẵn để quy kết trách nhiệm?

Một Biên Bản (bạn đọc đã quen: được dẫn lại ở dưới) cho thấy: Dù điều dưỡng viên (bà Hằng) và BS điều trị (ông Lương) dẫu có ký tên, vẫn chỉ có giá trị như một cam đoan về tình trạng “thiếu nước tính khiết”. Cái Biên Bản in sẵn này không có giá trị quy kết nhiệm vụ liên đới của họ. Họ không có nhiệm vụ “buộc phải biết” (cứ nói ra rả). Cụ thể, BS Lương và điều dưỡng Hằng không “buộc phải biết” máy RO phải sửa chữa những gì và có cần xét nghiệm AAMI hay không. 

Ai Quy kết? Những người ký tên trong tờ biên bản trên không có ai đổ tội cho người khác. Nhưng điều đáng trách là họ lại không bênh vực lẫn nhau.

  1. Tạm nói ngắn ngay tại đây: BS không “buộc phải biết” xét nghiệm AAMI để làm gì (thuộc bài sau)

Cho đến khi thảm họa xảy ra, mọi người mới thấy cái gọi là xét nghiệm AAMI. Té ra, nó nằm trong nội dung Hợp Đồng 315 (giữa công ty Thiên Sơn và bệnh viện Hòa Bình) nhưng chính hai vị ký tên cũng mù tịt về tác dụng của xét nghiệm. Khi Hợp Đồng 315 được… bán cho ông Quốc, chính ông Quốc lại càng chẳng hiểu “để làm gì”. Qua tranh luận tại tòa, hai thái độ ngược nhau như Trắng và Đen. Các luật sư đề nghị mời chuyên gia giải thích; còn tòa và VKS từ chối. Người lơ mơ nhất về AAMI chính là đồng chỉ công tố viên. Đồng chí này cứ khăng khăng đòi BS Lương phải đợi kết quả AAMI, mới được ra lệnh chạy thận – mà không được phép tin vào cái thiết bị đo độ dẫn điện của nước lọc RO. 

a

II. NHIỆM VỤ ÔNG SƠN đối với ĐƠN NGUYÊN THẬN NHÂN TẠO

  1. Tiếp thu thông báo “thiếu nước” và thông báo lại: “đã đủ nước”

Đã mấy chục lần như vậy rồi, hai bên đã thông báo cho nhau bằng lời. Không cần biên bản ký kết để thông báo tin này. Ông Sơn rất biết nhóm BS Lương rất trông đợi sớm có đủ nước; do vậy luôn luôn thông báo kịp thời – khi gặp nhau, hoặc qua điện thoại. Sự việc đã diễn ra nhiều chục lần kể từ khi bệnh viện Hòa Bình thành lập Đơn Nguyên thận nhân tạo.

Ông Trần Văn Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ này không thể chê trách.

  1. Giám sát thay thế vật tư ở hệ thống lọc nước RO

Cũng là nhiệm vụ ông Sơn. Ông đủ hiểu biết và kỹ năng để hoàn thành công việc. Nó phù hợp với bậc lương mà ông hưởng. Hai ông Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn có thể trao đổi với nhau về chuyện này. Ông Sơn phải giám sát: Vật tư có đúng chủng loại mà hai bên đã thỏa thuận không. Sau khi thay thế, chúng có hoạt động như mong đợi hay không và hệ thống RO làm việc có tốt hơn không… v.v. Xin nói ngay, việc này, ông Sơn không cần dành ra 100% thời gia để ngồi cạnh ông Quốc, nhưng trong cáo trạng VKS coi thế là “có tội”. Sai. -Tới nay, vẫn phải nói rằng: Ông Sơn đã làm tốt nhiệm vụ này.

  1. Giám sát ông Quốc sục rửa màng RO?

Đó là giám sát quy trình và các thao tác kỹ thuật trong quy trình để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, làm vệ sinh hệ thống RO – gồm cả việc sục rửa màng.

Dẫu Thượng Đế có giao sứ mệnh này thì ông Sơn đành phải “chết” chớ không dám nhận, huống hồ Trưởng Phòng giao. Trước hết, làm gì có quy trình nào liên quan việc này (do bộ Y Tế) ban hành? Thứ hai, phải là bậc thầy ông Quốc mới có thể giám sát được ông Quốc trong việc này. Cứ cho là ông Sơn bám lấy ông Quốc từng phút, mắt cứ chằm chằm theo dõi… thử hỏi (trong đầu không có quy trình, không biết kỹ thuật) liệu có “giám sát” nổi không?

Trong ngành Y, nếu bác sĩ A giám sát cuộc phẫu thuật của bác sĩ B thì cương vị hai người là rất khác nhau. Ví dụ khác. Có những bậc thầy về “mổ” (lợn), sống sung túc với nghề, nhưng liệu có “giám sát” được bậc thầy khác về “mổ” ruột thừa?

Ấy thế mà trên đời này chỉ có đồng chí đại diện VKS đủ bạo gan kết án ông Trần Văn Sơn (đi tù) vì không giám sát ông Quốc.

  1. Nên tha bổng ông Sơn

Ông ít nổi tiếng nhất trong số 3 bị cáo ở phiên sơ thẩm 1; lại càng lép vế trong số 7 bị cáo ở phiên sơ thẩm 2. Đây là tình huống rất dễ bị “thí”. Thật ra, tội của ông (nếu có) rất nhẹ, hoặc vô tội.

Ông bị kết án do cái nếp mỵ dân (để tỏ ra nghiêm minh trong vụ thảm họa tới 9 người chết). Hơn nữa, hễ đã tạm giam quá lâu, thế nào cũng phải kết án. Đó là di sản của nền tư pháp khó nhận sai, vì lấy trừng trị làm mục tiêu.

Lòng dân đã khác, không còn dễ “mỵ” nữa. Mọi người đã thông cảm với hoàn cảnh (trên đe, dưới búa) và địa vị của ông Sơn. Lại sắp kết thúc Chiến Lược 15 năm Cải Cách Tư Pháp…. Do vậy, rất nên tha cho ông Trần Văn Sơn, làm phúc.

so-do-mo-hinh-he-thong-loc-nuoc-tinh-khiet-ro-viet-phat

Sơ đồ mô hình hệ thống lọc nước tinh khiết RO Việt Phát:

Chú thích: Từ Nguyên lý lọc nước bằng màng RO, người ta sản xuất hệ thống tạo nước tinh khiết với rất nhiều mô hình khác nhau. Đó không phải máy y học. BS chuyên khoa thận nhân tạo không “buộc phải biết” chúng cần được sửa chữa ra sao, thay thế vật tư gì… như đã dựa vào một Biên Bản để kết tội. Chưa nói, Biên Bản này ngụy tạo nhiều chỗ

2 thoughts on “Những yếu tố Lịch Sử trong vụ án Hoàng Công Lương – Bài 7

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s