Những yếu tố Lịch Sử trong vụ án Hoàng Công Lương – Bài 6

KẾT TỘI NÀO CHO ÔNG BÙI MẠNH QUỐC?

hcl_37.jpg

 Nguyễn Ngọc Lanh

I . VÀI LỜI VỀ SƠ THẨM I và II XỬ VỤ HOÀNG CÔNG LƯƠNG 

1- Sơ thẩm 1: Không đủ chứng cứ kết tội Hoàng Công Lương.

Phiên tòa sơ thẩm tháng 5 năm 2018 xét xử vụ tai biến “chạy thận” ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình có 3 bị cáo: Bùi Mạnh Quốc (kỹ sư, làm thuê cho công ty dược phẩm Thiên Sơn), Trần Văn Sơn (nhân viên phòng Vật Tư) và Hoàng Công Lương (bác sĩ thuộc Đơn Nguyên thận nhân tạo, thuộc khoa Hồi Sức tăng cường, bệnh viên tỉnh Hòa Bình).

Có lẽ, với suy nghĩ khá giản đơn: “đã là nhân viên nhà nước, ắt lãnh nhận một trách niệm nào đó” cho nên VKS cho 2 ông Trần Văn Sơn và Hoàng Công Lương mang tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Còn ông Bùi Mạnh Quốc thuộc loại ngoài biên chế, do vậy tội danh là vô ý làm chết người.

Ngay tại tòa, sau những ngày tranh cãi “nảy lửa” (như báo chí mô tả) các luật sư đã chứng minh rất thuyết phục rằng cơ quan điều tra đã ngụy tạo cả loạt chứng cứ bất lợi cho BS Lương. Báo chí rầm rộ đưa tin kịp thời, đầy đủ, chi tiết… khiến bất cứ ai theo dõi vụ án đều có nhận định: Vị BS này vô tội.

Ý kiến đa số trong dư luận cho rằng thầy thuốc không thể chịu trách nhiệm về độ an toàn và chất lượng của các thiết bị, vật tư, thuốc men… vì chúng do nơi có thẩm quyền giao cho họ để chữa bệnh hay chẩn đoán. Có người còn so sánh: Phi công không thể chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dùng cho máy bay.

Lẽ ra, khi chứng cứ kết tội đã không còn, tòa phải tuyên BS Lương vô tội. Đó là luật, nhưng Tòa lấy cớ “có thêm các bị cáo mới” nên quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra thêm. Chưa tuyên án. Sự bất công quá lộ liễu, nhiều luật sư đã phê phán ngay tại tòa. Có luật sư nói: Không thể cứ thích thì truy tố, không thích thì rút về… Còn dư luận chung thì không đồng tình – gọi đây là vụ án xử BS Lương, hoặc vụ BS Hoàng Công Lương. Cứ như vụ án chỉ có nhõn một bị cáo.

      Bảng 1. Phiên sơ thẩm 1 chưa tuyên án (lấy lý do: vì có thêm bị cáo)

 

Bị cáo

Sơ thẩm 1

Mức án đề nghị

Kết quả

của phiên tòa

Bùi Mạnh Quốc 5 – 6 năm (tù giam) 1) Chưa tuyên án

2) Trả hồ sơ, điều tra lại

(lấy lý do: có thêm bị cáo)

Trần Văn Sơn 4 – 5 năm (tù giam)
Hoàng Công Lương 2,5 – 3 năm (án treo)

Trước phiên sơ thẩm 1, khi Đơn Nguyên thận nhân tạo hoạt động trở lại, BS Lương lại cùng các đồng nghiệp tiếp tục “chạy thận” cho bệnh nhân. Điều này khiến người bệnh vui mừng, báo chí cũng nô nức đưa tin, với hàng chữ: Dư luận vỡ òa... Tuy nhiên, trong 7 tháng chờ đợi phiên sơ thẩm thứ 2, VKS đã kịp thu giấy phép hành nghề của ông. Thế là, bệnh viện phải chuyển ông sang “làm việc khác”. Trong cáo trạng lần 2, bị cáo này được gọi là “nguyên BS” khiến dư luận dự đoán ông vẫn bị truy đuổi và dằn mặt vì “ngoan cố”.

  1. Sơ thẩm 2: Thành khẩn và ngoan cố, mức án sẽ khác??

Tại phiên tòa sơ thẩm 2 mở ngày 8-1-2017 (tức là sau 7 tháng điều tra) cáo trạng đối với ông Bùi Mạnh Quốc và ông Trần Văn Sơn, về cơ bản, vẫn như cáo trạng lần trước. Tuy vậy, vẫn có những điều cần bàn và những chi tiết chưa chính xác trong cáo trạng.

Cáo trạng lần 2 (tóm tắt) như sau. 

Bùi Mạnh Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong quá trình thực hiện, Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Florhydric (HF) và Axit Clohydric (HCl) để sục rửa các vỏ màng lọc. Trong lúc thực hiện đã vô ý để tồn dư một lượng hóa chất lớn trong nước lọc thành phẩm. Các axit này lọt vào máu chính là nguyên nhân làm chết bệnh nhân.

Trần Văn Sơn nhân viên phòng Vật tư thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình được trưởng phòng Trần Văn Thắng giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa thiết bị y tế của Đơn Nguyên lọc máu. Trong quá trình Bùi Mạnh Quốc thực hiện việc sửa chữa hệ thống RO số 2, Sơn đã không có mặt, không theo dõi, giám sát việc sửa chữa. Sau đó, Sơn biết rõ Quốc chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm AAMI, nhưng sáng 29.5.2017, khi có mặt tại đơn nguyên lọc máu, Sơn vẫn để mặc cho đơn nguyên lọc máu đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

– Hoàng Công Lương: Từ thiếu trách nhiệm đổi sang tội “vô ý” với lời luận tội nặng nề hơn (sẽ dẫn ở bài sau).

Sau 11 ngày xét xử, tòa đã chính thức tuyên án với mỗi bị cáo. Bài này – như cái tên gọi – chỉ bàn về mức án của hai bị cáo từng nhận tội ngay từ phiên tòa trước, coi thử đã phù hợp với tội của mình hay chưa. Đó là ông Bùi Mạnh Quốc và ông Trần Văn Sơn. Bàn về bị cáo Hoàng Công Lương cần riêng một hoặc hai bài mới đủ.

   Bảng 2. Mức án đề nghị của VKS và mức do tòa sơ thẩm (lần 2) tuyên chính thức

 

Bị cáo

Sơ thẩm 1

Mức án đề nghị

Sơ thẩm 2

Mức án đề nghị

 

Sơ thẩm 2

Mức án tuyên

 

Bùi Mạnh Quốc 5 – 6 năm 4 – 5 năm 4,5 năm
Trần Văn Sơn 4 – 5 năm 3,5 – 4 năm 3,5 năm
Hoàng Công Lương 2,5 – 3 năm (treo) 3 – 3,5 năm 3,5 năm

   Nhận Xét. “Thành khẩn” nhận tội được giảm án. “Ngoan cố” bị tăng án

Bảng 2 cho thấy mức án của ông Quốc và ông Sơn giảm rất rõ, còn án tuyên cho ông Lương lại quá nặng so với lần trước. Dư luận, nhất là những người già – từng chứng kiến những phiên tòa thời Cải Cách Ruộng Đất và thời Nhân Văn – Giai Phẩm, thấy rõ: Bị cáo nào tỏ ra “thành khẩn” sẽ được giảm án; ai tỏ ra “ngoan cố” sẽ bị tăng án.

Bài này và các bài tiếp theo bàn tiếp về mức án của các bị cáo trên quan điểm hiện tại và lịch sử.

*  *  * 

II . BÙI MẠNH QUỐC: CÔNG NHÂN, LÀM THUÊ, CHỊU HỌC HỎI 

  1. Làm thuê từ đầu chí cuối

Thoạt tiên, khi xuất hiện ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình ông Bùi Mạnh Quốc chính thức là nhân viên của công ty Dược phẩm Thiên Sơn. Nghề của ông là xử lý nguồn nước. Việc chủ yếu của ông – khi được sai phái tới bệnh viện Hòa Bình – là sửa chữa và bảo dưỡng hệ lọc thống nước RO, mà thành phẩm của nó là nước lọc tinh khiết dùng để “chạy thận nhân tạo”. Việc này, đòi hỏi một trình độ chuyên khoa nhất định; nhưng ông Quốc đã tự học để đạt tới. Hơn nữa, ông còn mầy mò tìm được công thức “bộ ba” chất tẩy rửa màng lọc, giúp nhanh chóng loại bỏ các chất cặn tủa bám trên bề mặt màng lọc. Nhờ vậy, công suất lọc phục hồi – tức là đảm bảo đủ lượng nước tinh khiết cung cấp cho việc “chạy thận”. Dần dần, đây là công việc đưa lại thu nhập chính, vì nhiều cơ sở y tế khác cũng tín nhiệm ông. Cạnh tranh thành công, có thêm việc làm, ông mở công ty riêng lấy tên Trâm Anh. Qua cái tên, có thể nghĩ rằng con người này rất yêu quý và gắn bó với gia đình riêng, hiện cư ngụ ở Bắc Ninh.

Sau hàng trăm lần xử lý thành công hệ thống lọc RO, không sai sót, không xảy ra điều đáng tiếc, có thể nói ông Quốc vừa có tay nghề, vừa tận tụy, lại vừa có lương tâm, trách nhiệm.  

  1. Cái nhìn đời thường: Làm chủ, kỳ thực vẫn là làm thuê

Ông Bùi Minh Quốc đã đường đường là một đấng giám đốc công ty, nhưng những người ở bệnh viện Hòa Bình quen biết ông vẫn chỉ nhìn ông như một công nhân làm thuê cho công ty Dược phẩm Thiên Sơn. Bởi vì, trong khoảng trên chục năm, với mấy chục lần tới bệnh viện, lần nào mọi người cũng thấy ông sắn tay áo, cặm cụi tự làm công việc của mình. Chưa ai thấy ông đem theo người dưới quyền để sai bảo.

Từ khi có công ty riêng, dường như ông càng tất bật. Ví dụ, nếu ngày 29-5-2017 xảy ra thảm họa, thì ba ngày liên tục trước đó (ngày 26, 27 và 28) ông đã từ Bắc Ninh lặn lội đi 3 tỉnh Nghệ An, Hà Nam và Hòa Bình để hành nghề.

3- Cái nhìn từ lập trường khác với cái nhìn đời thường

Nếu kiên định lập trường (không tự diễn biến, tự chuyển hóa), rất khó vận dụng lập trường giai cấp “trắng ra trắng, đen ra đen” vào trường hợp ông Bùi Minh Quốc. Khổ nỗi, những trường hợp tương tự thì quanh ta cứ nhan nhản.

Ông Bùi Mạnh Quốc là công nhân kỹ thuật, có tay nghề, bước vào đời bằng nghề làm thuê. Vậy người bóc lột giá trị thặng dư của ông chính là công ty tư nhân Thiên Sơn. Không đấu tranh chống lại thì chớ, ông Quốc lại biết ơn kẻ bóc lột mình. Lẽ ra, theo lời dạy “công nhân hãy liên kết lại” của lãnh tụ, ông phải đứng vào hàng ngữ những người cùng giai cấp mới phải, thì ông Quốc lại phấn đẩu để thành giai cấp tư sản… (mở công ty riêng).

Công ty của ông Quốc do ông làm giám đốc, có một công nhân để ông… bóc lột, nhưng người công nhân bị bóc lột này vẫn chỉ là chính ông. Thế là thế nào?

4- Đây mới là bóc lột và bị bóc lột

Tai họa xảy ra ngày 29-11-2017 để lộ ra một Hợp Đồng giữa giám đốc bệnh viện Hòa Bình với đại diện công ty Thiên Sơn, mang số 315 ký trước đó 4 ngày (25-5) với nội dung là thay thế vật tư, tiệt trùng hệ thống RO2, làm xét nghiệm AAMI… Bệnh viện phải trả 100 triệu (làm chẵn) cho Thiên Sơn. Ngay tắp lự, Thiên Sơn ký tiếp với ông Bùi Mạnh Quốc (công ty Trâm Anh) một hợp đồng có nội dung “giống y hệt cái hợp đồng 315” nói trên, nhưng chỉ phải trả cho ông Quốc vẻn vẹn 50 triệu đồng. Tóm lại, Thiên Sơn mua quá rẻ và bán quá đắt, do vậy chẳng phải làm gì mà hưởng lợi 50 triệu đồng. Ông Quốc thực hiện hợp đồng này, làm theo kinh nghiệm 12 năm hành nghề, nhưng lần này ông gặp tai họa. Vừa bị lột, lại vừa hứng tai họa thay người khác. Có lẽ, sau khi bị tuyên án tù 4,5 năm, ông vẫn không hiểu vì sao lần này lại gặp sự cố.  

III. BÀN VỀ MỨC TỘI CỦA ÔNG BÙI MẠNH QUỐC

  1. Tội rành rành, nhưng khó tự đề phòng

Ngày 28-5-2017 một mình ông Quốc loay hoay thực hiện cái Hợp Đồng giá 50 triệu (do công ty Thiên Sơn bán cho), trong đó có khoản mua vật tư thay thế. Ông đề nghị thay toàn bộ 4 màng lọc RO (giá 24 triệu đồng) nhưng Thiên Sơn chỉ cho thay 2, còn 2 thì yêu cầu ông cố “bảo dưỡng”. Nếu không tháo bỏ hai màng (tức là cả 4 màng vẫn yên vị chỗ cũ) thì cách sục rửa “theo kinh nghiệm” của ông vẫn ổn. Tai biến không thể xảy ra. Lần này, khi tháo hai màng cũ để thay bằng hai màng mới thì cái kinh nghiệm của ông đã đưa đến tại họa cho bệnh nhân và cho chính ông. Lẽ ra, quy trình sục rửa cũng phải thay đổi.

Khốn nỗi, trên 10 năm hành nghề, không ai cho ông biết muốn tẩy rửa hệ thống RO thì phải tuân theo các quy trình nào. Bởi vì, làm gì có cái quy trình này, khi mà nó chưa hề được ban hành từ nơi có thẩm quyền và có trách nhiệm. Hơn nữa, chẳng có trường lớp nào thích hợp để ông theo học. Cũng chẳng có giáo trình nào để ông tự học. Nhưng hàng trăm máy thận nhân tạo ở các cơ sở y tế vẫn cứ phải “chạy” và chúng vẫn đòi đủ nước tinh khiết mới chịu “chạy”.

  1. Cần thừa nhận sự đóng góp

– Đúng vậy, hàng trăm máy thận nhân tạo ở các cơ sở y tế vẫn cứ phải “chạy” để hàng ngàn người suy thận không chết quá sớm. Hàng trăm máy thận nhân tạo hàng ngày vẫn đòi đủ nước tinh khiết mới chịu “chạy”. Suốt chục năm, ông Quốc là người đáp ứng nhu cầu này. Phải biết công cho ông.

– Cái sáng kiến của ông tìm ra (“bộ ba” chất tẩy rửa) trở thành bí quyết nghề nghiệp – đã góp phần cứu sống bệnh nhân cũng là điều rất nên (và phải) thừa nhận. Và hàng chục năm chưa bao giờ xảy ra tai biến, cho đến ngày 29-5-2017. Cũng phải biết công cho ông.

– Ông hành nghề hợp pháp. Khi xin phép lập công ty, tất nhiên ông Quốc phải khai rõ việc của CTy – cũng là việc của ông, vì giám đốc kiêm luôn công nhân. Công ty đã được cấp phép hoạt động; vậy, ông đương nhiên được hành nghề.

Khốn nỗi, lấy đâu ra trường đào tạo cái nghề này ở nước ta? Thì, ông đành mầy mò… tự đào tạo vậy (!). 

IV . MỨC và CÁCH PHẠT NÀO LÀ THÍCH HỢP?

  1. Mục đích của trừng phạt

Trên đã phân tích, tội lỗi của ông Quốc, ngoài những yếu tố do chính ông, còn những yếu tố do bên ngoài mà ông không thể tránh và tự ông không thể khắc phục hoặc đề phòng.

Phạt tù là để ông Quốc thấm thía và hối hận với hậu quả quá lớn mà ông sơ xuất gây ra. Một mục đích khác của phạt tù là răn đe – để từ nay ông (và người khác) sợ hãi mà sẽ không tái phạm – dù là do sơ ý. Và cũng để ông thấm thía và hối hận với lỗi lầm, như đã nói. Nhưng chúng ta có thể tin rằng: Chưa cần ngồi tù ngày nào thì ông cũng đang thấm thía và hối hận. Vô ý làm đưa đến 9 cái chết mà chính ông thấy tận mắt. Ông sẽ thấm thía và hối hận cả khi đã ra tù. Do vậy, ngồi tù hai năm, bốn năm hoặc sáu và tám năm… có lẽ mức độ hối hận và thấm thía của ông vẫn là tối đa như nhau…

  1. Cách trừng phạt nhân bản

Giả sử, một ông thợ may tay nghề cao, đắt khách, nhưng lỡ phạm tội (gì đó) do sơ ý. Cứ chiếu luật, ông phải ngồi tù 5 năm. Trong tù, có thể ông phải lao động như mọi tù nhân khác… Đó chỉ là loại lao động giản đơn, rẻ tiền. Ra tù, ông sẽ rất khó khăn khi quay lại nghề cũ vì đã bỏ lâu. Sau khi “mất tự do” một năm, nhà tù đồng ý cho ông đem chiếc máy may từ nhà vào để ông may quần áo tù. Như vậy, nhà tù cũng có lợi. Sau 6 tháng, người ta cho phép ông may thuê, đáp ứng nhu cầu bên ngoài, như vậy rõ ràng có lợi hơn. Ông vẫn mất tự do, nhưng nay ông được tiếp xúc khách hàng để đo, để tư vấn, để biết thời trang đang thay đổi… Thu bộn tiền, nhà tù trích ra một phần và cho phép ông gửi cho vợ con ông, lúc này đang nheo nhóc. Cuối cùng, người ta cho ông về nhà, được phép chuộc (bằng tiền) những năm tù còn lại. Rồi dịp ân xá định kỳ, ông được giảm án…

Có những nền tư pháp lấy trừng phạt làm đích. Đó chủ yếu là nền tư pháp duy trì chế độ độc tài. Cũng có nền tư pháp, vẫn nghiêm minh, nhưng lấy nhân bản làm gốc.

Trường hợp ông Quốc? Từ nay về sau (nếu ông vẫn được phép làm nghề cũ) có thể tin rằng ông Quốc sẽ cẩn thận từng li, từng tí và luôn luôn lo sợ, tự cảnh giác để tai họa không thể xảy ra cho người bệnh – cũng là cho chính ông và gia đình ông. Vấn đề là có nên cấm ông làm nghề cũ mà ông đã có 12 năm kinh nghiệm – và rõ ràng nó có đóng góp đáng kể. Số lần sửa chữa thành công của ông – trước khi tai nạn xảy ra – phải được kể đến…

Tất nhiên, nếu được làm nghề cũ, ông phải được đào tạo lại. Nhưng kinh nghiệm và sáng kiến của ông cần được đánh giá: Chỗ nào đúng (có thể áp dụng), chỗ nào sai, cần được thay. đáng giá thật hay không);

Và cái thời gian ngồi tù của ông… rất nên được phép chuộc bớt bằng tiền – do lao động mà ông dành dụm được – từ trước đây hay sau này. Phạt bằng công sức lao động trong trường hợp này thích hợp hơn là giam giữ – khiến ông bị cách ly với nghề nghiệp và thu nhập, khiến những người vô tội (vợ, con ông) cũng khổ lây về kinh tế – mà thực ra họ không làm gì nên tội. Tiền phạt cũng thêm nguồn đền bù cho gia đình 9 nạn nhân. Tôi nghĩ, làm như thế là sự thể hiện tính nhân đạo và văn minh của một nền tư pháp đang cố tiếp cận công lý.


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s