Tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung (bài 10)

Chương VII :thành quả của bang giao

Nguyễn Duy Chính

1/ Kết quả đầu tiên

Theo lời tâu của Thành Lâm thì sau lễ phong vương vua Quang Trung thỉnh cầu vua Càn Long chấp thuận cho ba việc:

  1. Ban cho chính sóc
  2. Xin dời đô
  3. Xin tái lập thông thương ở biên giới

lịch thời hiến

Nhà Thanh từ năm 1644 làm chủ Trung Nguyên thay lịch Đại Thống nhà Minh bằng lịch Thời Hiến là lịch do giáo sĩ Thang Nhược Vọng (Adam Schall) tính toán từ cuối đời Minh nhưng chưa áp dụng nhưng phải đến năm 1669 mới triệt để theo tân pháp.[59] Năm 1674, vua Khang Hy sai soạn Lịch Tượng Khảo Thành.

Về phần nước ta, dưới đời Lê dùng lịch Đại Thống của nhà Minh và có thể cả đời Tây Sơn nên đôi khi lịch nước ta và lịch Trung Hoa có sự khác biệt. Việc được ban cho lịch Thời Hiến cũng là việc được công nhận trong quĩ đạo Trung Hoa. Theo lời tâu của Thành Lâm thì sau khi được phong vương, vua Quang Trung đã xin được ban lịch Thời Hiến nhà Thanh:

… Cứ theo lời Nguyễn Quang Bình thì nước y mới dựng việc hàng đầu là thụ sóc [授朔],[60] trước đây có lối tính riêng,[61] vì ở khuất một cõi tây nam nên thiên triều chưa từng có lệ ban sóc, trong nước lại không có người thâm hiểu thiên văn, tôi đã từng tìm hiến thư[62] của nội địa thỉnh thoảng lưu truyền một hai bản rồi theo đó san khắc để dùng thành ra lắm chỗ sai ngoa, lộn xộn, tứ thời tiết khí, có nhiều lầm lẫn. Nay mong thánh chúa cách ngoại long ân, ban cho để dùng thì toàn cõi Nam Giao nhân dân cày cấy gieo trồng có tiết khí làm chuẩn. Việc có được khâm định thời hiến thư không biết tâu xin thánh ân có được không? Nếu được thì từ nay mỗi khi mùa đông đến xin đại hoàng đế ban cho vài mươi bản, nhờ Tả Giang đạo gửi trát báo cho bản quốc tôi sẽ sai người đến cửa quan kính cẩn nhận lãnh để tiện tuân theo.

Bọn thần tra xét đạo lập quốc việc đầu tiên là đặt nặng mùa màng của dân, nay quốc vương vừa dựng nước đã xin thiên triều ban sóc, coi đó là việc cần kíp nhất. Bọn Thành Lâm đã nhận lời chuyển bẩm, lại đem về một bản hiến thư san khắc của nước đó. Bọn thần xem trang bìa có đề Càn Long thứ 54 hiến thư, đủ thấy có lòng chăm chú theo lịch nhưng khí hậu bốn mùa, trước sau lộn xộn sai lầm rất nhiều.[63]

Vua Càn Long đã chấp thuận lời thỉnh cầu và ra lệnh kể từ cuối năm Càn Long 54 (Kỷ Dậu – 1789), mỗi năm bộ Lễ sẽ theo lệ ban cho Triều Tiên mà ban cho An Nam 20 bản lịch Thời Hiến của nhà Thanh giao cho tỉnh Quảng Tây rồi đem xuống Nam Quan cho nước ta. [64]

Dời đô

Một trong những lý do để vua Quang Trung thoái thác việc nhà Thanh làm lễ phong vương tại Thăng Long là cố đô nay đã hết “vượng khí”. Lý do đó có thể được hiểu theo nhiều cách, vì Nguyễn Quang Bình không muốn đóng đô tại một nơi mà dân chúng còn lưu luyến cựu triều, cũng có thể quan niệm về tổ chức chính trị của ông bị ảnh hưởng văn minh Nam Á nên khi thiết lập một triều đại cần có một kinh đô khác với trước kia. Việc thay đổi kinh đô theo triều đại là một tập quán áp dụng ở nhiều nơi mà gần nhất là các nước Xiêm La, Chân Lạp hay Chiêm Thành vốn dĩ ảnh hưởng sâu đậm đến người dân Đàng Ngoài thời đó.

Nghiên cứu về văn minh và lịch sử Champa, Xiêm La, Chân Lạp chúng ta thấy họ thay đổi nhiều kinh đô và mỗi thời kỳ ngoài kinh đô chính có những kinh đô phụ, có chính vương và phó vương, chia đất thành những khu vực để cho anh em, con cháu mỗi người cai trị một vùng rất tương cận với việc vua Thái Đức chia cho các em hay vua Quang Trung chia cho các con mỗi người đứng đầu một cõi.

Quan niệm về vũ trụ và con người của các dân tộc Ðông Nam Á rất gần với khái niệm “thiên nhân tương dữ” của Trung Hoa khi cho rằng các tinh tú và thiên thể có liên quan trực tiếp đến sự thịnh vượng và an lạc của nhân loại. Kết cấu và sinh hoạt xã hội của con người ở trần gian phải phù hợp với vận hành của trời đất nên một vương quốc càng gần với hình ảnh của vũ trụ càng tốt. [65]

Theo triết học Ấn Ðộ thì thế giới là những vòng tròn đồng tâm bao gồm một đại lục ở giữa hình tròn tên là Jambudvipa, bao quanh là bảy đại dương và bảy lục địa. Xa hơn nữa là những dãy núi cao.[66] Ngay chính giữa đại lục Jambudvipa là ngọn núi Meru[67] có mặt trời, mặt trăng và các tinh tú xoay quanh. Ðỉnh ngọn Meru là nơi các thần linh ngự trị có 8 vị Lokapalas trấn giữ chung quanh.

Từ ý niệm nguyên thuỷ đó, những dân tộc chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Ðộ đều coi việc xây dựng kinh đô là công tác tối quan trọng, không phải chỉ là một trung tâm văn hoá và chính trị mà còn là một linh địa qui tụ mọi tú khí của quốc gia. Việc chọn một khu vực làm đế kinh luôn luôn gắn liền với những huyền thoại siêu nhiên để tăng gia mức quan trọng của nó mặc dầu không thể không kèm theo những thuận lợi khác về phòng ngự cũng như về kinh tế.

Cũng tương tự như quan niệm của Trung Hoa coi nhà vua như vì sao Bắc Ðẩu để các tinh tú chầu vào, bốn phía kinh đô cũng có các thị trấn quan trọng do những cận thần hay người trong hoàng gia cai quản. Kinh đô thường vây quanh một vùng đất cao tượng trưng cho núi Meru. Kinh đô Angkor của Cambodia chẳng hạn, là một thành trì hình vuông, mỗi chiều hai dặm rưỡi, chính giữa là Phnom Bakheng, một ngọn núi nhỏ.

Việc tổ chức triều đình cũng dựa trên khuôn mẫu tương tự. Vua Miến Ðiện có bốn chính hậu (principal queens) và bốn thứ phi (secondary rank). Bốn chính cung được đặt tên là Bắc Cung Hoàng Hậu, Nam Cung Hoàng Hậu, Ðông Cung Hoàng Hậu, Tây Cung Hoàng Hậu tượng trưng cho bốn phương chính còn bốn thứ phi được đặt tên theo bốn phương bàng[68]. Nhiều tài liệu cho thấy vào thời xưa, cung điện của các hậu phi được bố trí chung quanh cung vua theo các hướng. Triều đình cũng có bốn đại thần tượng trưng cho tứ thiên vương trong giáo lý Phật giáo. Mô hình này hiện hữu tại Xiêm La, Chân Lạp, Java. Ở Chân Lạp, bốn đại thần được mệnh danh là “tứ trụ” và theo truyền thống, những viên quan đó không phải chỉ nắm giữ trọng quyền mà còn có nhiệm vụ bảo vệ bốn phương chính.[69]

Tại khu vực Bắc Thái và vùng đất thuộc Ai Lao hiện nay, vào thời đó các tiểu quốc được gọi là các muang (mường), chúa tể các mường gọi là chao (chậu), thường được dịch ra tiếng Hán Việt là chiêu. Những tiểu quốc đó thần phục một quốc gia lớn như những cánh hoa nên được đặt tên là mandala[70] và có nghĩa vụ thần phục nhưng cũng được bảo vệ một khi bị xâm lấn. Theo O. W. Wolters thì:

Mandala tượng trưng cho một tình trạng chính trị đặc biệt và thường không cố định về một khu vực địa lý không có ranh giới rõ rệt mà các trung tâm nhỏ có khuynh hướng tìm an toàn từ mọi hướng… Mỗi trung tâm lại có nhiều lãnh địa phụ thuộc và khi có cơ hội thì những lãnh địa này cũng tách ra để nổi lên thiết lập một hệ thống thuộc địa cho chính mình.[71]

Tương quan giữa nhị hoa (trung ương) và cánh hoa (địa phương) đó cũng gần giống như hình thức thiên triều và phiên thuộc của Trung Hoa nhưng linh động hơn và hai bên có những giao kết để tuân thủ những nghĩa vụ, chế tài và liên minh (obligations, sanctions, and allegiance).

Ràng buộc chặt chẽ nhất của hai bên là nghi lễ thần phục (ritual of submission), tương tự như cầu phong và triều cống mà Trung Hoa đòi hỏi các tiểu quốc ở chung quanh phải thi hành. Riêng ở Xiêm La, những nước chịu nhận họ làm thượng quốc thì hàng năm phải cho người đem sang một cây vàng bạc (gold and silver tree) kèm theo sản vật, tiền bạc, món quí giá… để biểu lộ sự trung thành. Ngược lại vua Xiêm cũng tặng lại những vật phẩm khác thường là có giá trị hơn những gì các tiểu quốc triều cống họ.

Chế tài là quyền “trừng phạt” một khi hạ quốc không làm tròn những nghĩa vụ đối với thượng quốc. Một người soán ngôi vua thường không được công nhận và có thể còn bị đem quân chinh phạt. Cho nên việc phong tước cũng là một cách để ràng buộc các nước nhỏ trung thành với nước lớn.

Quan trọng hơn hết trong tương quan nước lớn nước nhỏ là mỗi khi có việc binh đao, nếu được yêu cầu, nước lệ thuộc phải gửi quân đội, tàu bè, khí giới đến giúp nước lớn đánh trận. Ngược lại nước lớn cũng có nhiệm vụ bảo vệ nước nhỏ khi bị xâm lăng và hoặc trực tiếp gửi quân đội, khí giới đến giúp, hoặc điều động các tiểu quốc khác đem quân hỗ trợ.

Chính từ những giao ước về các nghĩa vụ và quyền lợi song phương, chúng ta có thể có những nhận định minh bạch hơn về liên hệ giữa Việt Nam và Xiêm La trong một bố cục chung của cả vùng. Những liên hệ đó thay đổi liên tục nên lắm khi chúng ta không thấy có những ranh giới rõ rệt để xem xét vấn đề cho chính xác.

2. Chân mệnh đế vương

Từ quan niệm về tổ chức theo khuôn mẫu của vũ trụ, những quốc gia lớn tự đặt vào vị trí trung tâm mộtmandala. Trung tâm đó không phải chỉ là một vị trí chính trị mà cũng thường đóng vai một trọng điểm kinh tế. Trong nền kinh tế nông nghiệp, các vua chúa khi thấy đất đai ở kinh đô đã kém màu mỡ, vấn đề buôn bán qua lại kém sầm uất (mà họ cho rằng đã hết vượng khí) thường đi tìm một kinh đô mới tốt đẹp hơn. Những vùng đất mới đó thường là ở các cửa sông đổ ra biển, tàu bè ghé lại dễ dàng, đất tân bồi phì nhiêu hơn vì người ta cho rằng bao nhiêu linh khí của thượng nguồn sẽ đổ xuống hạ lưu và các tiểu quốc ở vùng núi cao phải thần phục.

… Các lãnh chúa dần dần hạn chế bớt quyền lực của các vùng cao nguyên và tạo ảnh hưởng bằng cách kiểm soát các khu vực hạ nguồn hay vùng đồng bằng trồng lúa đất đai màu mỡ. Bản đồ các con sông tự nhiên trở thành một biểu kế đo lường quyền thống trị. Giới sử gia đã tìm thấy sự tương quan rõ rệt giữa việc kiểm soát các con sông và hệ thống sông đào với sự gia tăng chuyên chế tại Ðông Nam Á.[72]

Nắm được khu vực huyết mạch này có thể coi như một ân sủng đặc biệt mà nhiều khi người ta lẫn lộn giữa giả và thật. Vua chúa thường xưng là Phật vương (cũng như văn hoá Trung Hoa coi vua là con của trời – thiên tử) và được củng cố khi có những điềm lành [chẳng hạn như săn bắt được voi trắng]. Chính sử Xiêm La, Miến Ðiện thường ghi chép rất kỹ về những biến cố đặc biệt này. Ðể đánh dấu mỗi triều đại, nhiều đền đài dinh thự được xây cất bằng nhân công[73] từ các tiểu quốc đến phục dịch và khi xẩy ra chiến tranh, những công nhân này cũng được điều động tham gia quân đội.

Trong những nghi lễ chính của một triều đại, việc lên ngôi được đặc biệt chú trọng. Nghi lễ này luôn luôn được cử hành trên một vùng đất cao với một ngai vàng cho nhà vua tượng trưng núi Meru, chung quanh là 8 tu sĩ tượng trưng cho 8 thiên vương[74]. Nhiều dân tộc còn tin rằng nhà vua chính là thần Siva hay thần Vishnu giáng trần. Những chi tiết này được tìm thấy trong nhiều kinh văn khắc trên đá của người Chăm, người Java, người Chân Lạp. Ngôi đền nổi tiếng Angkor Wat do vua Suryavarman II của Cambodge dựng nên hồi thế kỷ XII là để kỷ niệm thần Vishnu mà ông cho rằng đã hiện thân. Việc thần thánh hoá các vị vua cũng có thể là một phương cách để hợp thức hoá những quá khứ không lấy gì làm minh bạch tương tự như kiểu người Trung Hoa cho rằng ngôi vua về tay những người có chân mệnh đế vương, chân long thiên tử.

Trong lịch sử các quốc gia Ðông Nam Á, việc tạo nên những huyền thoại để củng cố uy tín và xác định sự chính thống của một triều đại là điều rất phổ biến. Những cuộc nổi dậy để giành chính quyền luôn luôn được yểm trợ bởi các dật sự ly kỳ, sấm vĩ, đồng dao…

3. Ranh giới linh động

Một đặc điểm đã được nhiều nhà nghiên cứu nêu lên là sự bất minh về ranh giới giữa các quốc gia được mệnh danh là vùng ảnh hưởng (sphere of influence), co dãn và thay đổi liên tục tuỳ theo tình hình chính trị, kinh tế.

Người Tây phương cho rằng lãnh thổ của một quốc gia kéo dài đến biên giới của nước láng giềng thì ở Ðông Nam Á lại luôn luôn có một “khoảng trống” giữa hai bên, vùng đất này không thuộc một quốc gia nào cả và nhiều khi đóng vai một trái đệm. Nếu người Tây phương dựng lên một bức tường vô hình và canh chừng để không ai có thể vi phạm thì biên giới các xứ ở Ðông Nam Á lại”xốp” không ngăn cấm dân chúng qua lại.[75]

Ảnh hưởng của trung ương có mức độ khác nhau, có những vùng hoàn toàn dưới quyền kiểm soát, kể cả thừa kế hay lãnh thổ (cho thêm hoặc rút bớt) nhưng cũng có những nơi xa xôi hơn, thần phục chỉ là danh nghĩa qua một số cống phẩm hay triều kiến. Những khu vực đó thường được ghi lại dưới cái tên khu tự trị (autonomous regions), chẳng hạn vùng Bắc Lào bao gồm một vùng đất rộng bao phủ cả một phần bắc Việt Nam ngày nay.

Cũng như trong thời kỳ phong kiến ở Âu Châu, một vương quốc Ðông Nam Á là những vùng ảnh hưởng không rõ rệt, bao gồm lãnh thổ riêng của nhà vua mà ông ta hoàn toàn kiểm soát được, ra xa hơn nữa là những vùng phải triều cống được áp đặt bằng nhiều mức độ quyền hành. Bên ngoài nữa là những khu vực có vương quyền riêng mặc dù không hoàn toàn tự trị. Những vùng đó bị lệ thuộc vào một hay nhiều vương quốc, bắt buộc phải tiến cống và không được làm điều gì ngược lại với quyền lợi của thượng quốc.[76]

Những quan niệm chặt chẽ về biên cương hành chánh, trước đây là của Trung Hoa và sau này là của Tây phương du nhập vào khu vực này đã tạo ra rất nhiều nghi vấn vì quan niệm hai bên hoàn toàn khác hẳn. Khi nghiên cứu về các bản đồ cổ của vùng Ðông Nam Á, những đường ranh giới biến dạng rất khó hiểu theo mỗi thời kỳ và nhiều câu hỏi về sự bành trướng của mỗi dân tộc được đặt ra dựa trên sự hiểu biết của chúng ta về địa lý hiện tại, lắm khi được củng cố bằng những lý thuyết đấu tranh trong thế kỷ XX.

mở cửa thông thương

Theo lời tâu của Phúc Khang An [tổng đốc Lưỡng Quảng] và Tôn Vĩnh Thanh [tuần phủ Quảng Tây] tháng 12 năm Kỷ Dậu (1789) thì:

Lại theo quốc vương kia nói thì Giao Nam sản vật vốn ít, lại thêm nhiều năm binh lửa, nên vật lực suy kiệt, đại hoàng đế che chở cho quần sinh như ánh sáng mùa xuân chiếu xuống vạn vật, mong hoàng thượng ngó xuống đất viêm hoang ở bên ngoài cũng là con dân mà chuẩn cho mở lại cửa Thủy Khẩu để buôn bán qua lại, như thế thì sinh linh toàn cảnh An Nam đều được lợi và có đồ dùng. Bọn thần tra thấy An Nam vốn mậu dịch thông thương nhưng từ khi có lệnh cấm đến nay thì hàng hóa ở nội địa khó mà đến Nam Giao được, chẳng hạn thuốc men, trà lá là những thứ mà nước này cần dùng, gần đây cầu xin nhiều lần nhưng chưa được chấp thuận.[77]

Trong lời tâu này, Phúc Khang An đề nghị đợi vua Quang Trung khi sang Trung Hoa dự lễ bát tuần khánh thọ sẽ xin và chấp thuận như một ân điển đặc biệt nhưng vua Càn Long đã bác khước giải pháp này và truyền chỉ lập tức mở cửa lại để hai bên thông thương:

…Còn các cửa quan Thủy Khẩu ở Việt Tây có đường thông thương, nếu không thuận cho ngay e rằng hóa vật ở nước đó khan hiếm, người dân không có mà dùng, xem ra không phải là ý nhất thị đồng nhân, thể tuất ngoại phiên của trẫm.

Nay trẫm đã minh giáng dụ chỉ, chuẩn cho mở cửa quan, thông thương chợ búa [開關通市], không cần phải đợi đến khi quốc vương lai kinh, tận mặt cầu khẩn, khi đó mới bằng lòng.[78]

Khi đọc về việc mở cửa thông thương, chúng ta thấy sự việc có vẻ giản dị nhưng thực ra đòi hỏi nhiều nỗ lực để thi hành. Tuy nhiên, đây là một thỏa hiệp song phương – nói theo ngôn ngữ thời nay là một hiệp ước thương mại mà cả hai bên đều có nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh nên ảnh hưởng của nó liên quan đến không phải chỉ nước ta mà cả vùng nam Trung Hoa.

Trước đây khi có chiến tranh với Miến Điện, vì thua trận nên vua Càn Long đã ra lệnh phong quan, nghiêm cấm mọi việc buôn bán qua lại vùng tây nam, trong đó có cả những cửa khẩu sang nước ta. Theo tài liệu nhà Thanh, dọc theo biên giới Việt Hoa có bách ải, tam quan là những nơi có thể qua lại. Tuy nhiên, việc buôn bán chỉ tập trung ở ba cửa lớn có đóng trọng binh là Trấn Nam, Bình Nhi và Thủy Khẩu. Ba cửa quan này một bên là phủ Thái Bình (Quảng Tây, Trung Hoa) một bên là hai trấn Cao Bằng (Thủy Khẩu, Bình Nhi) và Lạng Sơn (Trấn Nam) thuộc nước ta.

Khi mở cửa quan để buôn bán trở lại, mỗi bên thiết lập một nơi tập trung hàng hóa để kiểm soát và phân phối, bên phía nhà Thanh gọi là xưởng còn bên nước ta gọi là chợ [thị]. Ở Cao Bằng, chợ họp tại Mục Mã còn ở Lạng Sơn thì tập trung tại Kỳ Lừa thuộc Ðồng Ðăng. Vì khu vực Nam Quan có nhiều con buôn từ xa đổ đến nên tại Kỳ Lừa chia thành hai khu, một khu gọi là Thái Hòa cho dân từ Quảng Ðông đến, một khu gọi là Phong Thịnh cho người Quảng Tây đến. Mỗi khu vực lại có nhân viên quản lý và bảo vệ. Trấn Nam Quan không mở ra cho dân chúng qua lại mà chỉ khi nào có sứ thần thì binh lính canh gác mới mở để cho qua, đôi khi còn làm khó thử tài văn chương nữa. Tuy nhiên ở gần đó có một ải gọi là Do Thôn là nơi khách thương qua lại và hàng hóa theo đường này.

Tuy không có số liệu cụ thể, việc mở cửa lại các cửa quan đã ảnh hưởng lớn đến việc giao thương ở miền Bắc, vực dậy một khu vực bị chiến tranh và nạn cát cứ tàn phá trong một thời gian dài. Chỉ ba năm sau, Thành Lâm [khi đó là đồng tri Ninh Minh] đã tâu lên vua Càn Long:

Từ năm 56 được thánh ân chuẩn cho nước An Nam thông thị đến nay, lúc đầu các loại hàng hóa xuất khẩu chỉ có các loại dầu, đồ sứ, giấy bản, nồi gang… đều là những món nặng nề, thô kệch.

Gần đây, dân chúng nước ấy vui vẻ làm ăn nên những đồ cần dùng gia tăng gấp bội khi trước, nô tài qua lại Trấn Nam Quan mục kích trên đường đến ải Do Thôn hàng hóa xuất khẩu cuồn cuộn không dứt.

Tra hỏi họ đem những hàng hóa gì thì biết là có vải tơ, trà thơm và những món hàng không nặng lắm. Còn Bình Nhi, Thủy Khẩu hai cửa thuộc đồng tri Long Châu kinh lý, cách Trấn Nam Quan khá xa, hỏi ra thì đồng tri Vương Khẳng Ðường cũng nói rằng gần đây hàng hóa xuất khẩu so với khi mới mở chợ, mỗi ngày một nhiều…[79]

giao thiệp sau lễ phong vương

Nhận sắc ấn: Việc đầu tiên vua Quang Trung cần phải hoàn tất là nhận sắc ấn của nhà Thanh do Nguyễn Quang Hiển đem về. Theo tấu thư của tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh thì ngày 12 tháng chạp năm Kỷ Dậu, vua Quang Trung cùng các vệ sĩ lên đến Nam Quan.

Ngày 13 tháng Chạp vua Quang Trung sai hai bồi thần là Nguyễn Văn Danh và Ngô Văn Sở sang Chiêu Đức Đài (tức phía Trung Hoa) để làm lễ nhận sắc ấn. Theo lời Ngô Văn Sở thì quốc vương đã định rằng trong khoảng tháng Ba sẽ lên đường phó kinh để dự lễ Vạn Thọ và Ngô Văn Sở xin được cùng đi cho thoả lòng chiêm cận rồi trình lên biểu văn ta ơn của nước ta.

Ngày mồng 5 tháng Giêng năm Canh Tuất, khi nhận được biểu văn này, vua Càn Long hết sức mừng rỡ phê lên trên biểu: “Ta rất vui mừng xem biểu này. Khi bồi thần khanh sai đến đây sẽ lập tức giao cho mang về để khanh xem châu phê của trẫm mà thêm hoan hỉ. Sắp gặp nhau rồi, trẫm cũng ân cần nghĩ đến như khanh vậy” (欣悅覽之。卿所使陪臣適至卽交彼持囘。卿閱朕硃批益當歡喜。相見在卽。同此殷念也。)

Cũng trong dịp này, sứ thần nước ta là Nguyễn Hoành Khuông vừa tới Bắc Kinh nên được xem biểu văn có châu phê để mang về nước. Về việc vua Quang Trung có đến Nam Quan hay không thì ngoài lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh (dựa theo lời của Thang Hùng Nghiệp) nên chúng ta cũng đoán là y bịa ra cho vua Càn Long vui lòng chứ thực sự chỉ có Ngô Văn Sở và Nguyễn Văn Danh. Sau này trong một tờ biểu khác, Phan Huy Ích cũng nói rằng Nguyễn Quang Hiển về đến Thăng Long mới gặp vua Quang Trung vào ngày 18 tháng Chạp.

Sau khi nghi lễ hoàn tất, việc giao thiệp với nhà Thanh trở nên nhộn nhịp. Ngoải các nghi lễ vốn là một phần trong tương quan thiên triều – phiên thuộc mà nước ta phải thi hành như tuế cống, tạ ơn … như đã nói ở trên thì vấn đề qua lại, thù tạc với các quan nhà Thanh ở sát biên giới điển hình là tổng đốc Lưỡng Quảng và các quan cấp dưới nhất là sau chuyến đi của Nguyễn Quang Hiển.

Mùa xuân năm đó, vua Quang Trung sai Vũ Huy Tấn viết văn thư cám ơn tổng đốc Phúc Khang An (Tạ Phúc tước các bộ đường khải), đề đốc Hải Lộc trông coi binh bị hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây thay thế Hứa Thế Hanh đã tử trận (Tạ Hải đề đốc khải), tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh (Tạ Tôn bộ viện khải), Thang Hùng Nghiệp (Tạ Tả Giang binh bị đạo Thang khải), Vương Lâm (Tạ Hữu Giang Vương đô đốc phủ khải).[80]

Nhân dịp sinh nhật Phúc Khang An, vua Quang Trung cũng sai người đem quà mừng (Tạ Phúc tước các bộ đường thọ đản khải). Nước ta cũng làm giỗ cho các tướng sĩ nhà Thanh tử trận để chứng tỏ cho mọi người biết hai bên đã tái lập bang giao.

Hiện nay trong Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập còn ghi lại bài văn tế của Vũ Huy Tấn nhưng có lẽ không phải trong dịp Thành Lâm qua nước ta (vì khi đó họ Vũ tham dự phái bộ Nguyễn Quang Hiển còn đang trên đường về nước) mà có lẽ trong dịp đầu năm khi kỷ niệm trận đánh. [81] Ngoài ra còn có một bản văn Nôm tế tướng sĩ nhà Thanh Bài văn có tên là “Thiên Triều Văn” được Tạ Ngọc Liễn phát hiện và phiên dịch “Phát hiện tài liệu Nôm thời Tây Sơn: Văn cúng quân Thanh chết trận Đống Đa”.[82]

Việc Vũ Huy Tấn chủ trì một số liên lạc sau lễ phong vương cho thấy ông cũng là nhân vật có nhiều tin tức nhất về nhà Thanh sau chuyến đi cùng với Nguyễn Quang Hiển. Trong hoàn cảnh đó, họ Vũ đã đóng vai cố vấn quan trọng về việc bang giao và có một tiếng nói quan trọng trong quyết định của vua Quang Trung dẫn đầu một phái đoàn sang Bắc Kinh chúc thọ năm Canh Tuất. Chỉ ba tháng sau khi về đến nhà, một lần nữa ông lại đóng vai trò tuỳ viên trong phái đoàn Quang Trung, một vinh dự hầu như độc nhất vô nhị đời Tây Sơn.

CHƯƠNG VIII: KẾT LUẬN

Điểm lại các công trình cũ, hầu hết những biên khảo về thời kỳ Tây Sơn chỉ chú trọng đến cuộc giao tranh xảy ra rất ngắn cuối thế kỷ XVIII nhưng lại không quan tâm đến việc giao thiệp với Trung Hoa ở mười năm kế tiếp. Trong kho tài liệu của cả Trung Hoa lẫn Việt Nam, số lượng văn thư của cả hai bên còn lưu trữ rất nhiều nhưng vì chưa có dịp đối chiếu và tổng hợp nên hầu hết chỉ mới nói lên được một mặt của vấn đề.

Trong khi đáng án của Thanh triều tập trung trong công văn bao gồm thượng dụ, chiếu biểu, tấu triệp thì các tài liệu nước ta nằm trong di cảo tư nhân, điển hình là những sĩ phu tham gia đàm phán. Ngoài văn kiện chính thức trong giao thiệp với nhà Thanh (Dụ Am Văn Tập, Đại Việt Quốc Thư, Bang Giao Hảo Thoại, Tây Sơn Bang Giao Tập …) chúng ta cũng còn được đọc nhiều thơ văn miêu tả các cuộc hành trình sang Trung Hoa của Vũ Huy Tấn, Nguyễn Đề, Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyễn Tuấn … và thỉnh thoảng những tường thuật ghi chép (Từ Hạo Tu, Liễu Đắc Cung…) của Triều Tiên.

Việc so sánh để tìm những góc khuất trong nghị hòa không dễ dàng vì triều đình Trung Hoa chỉ lưu trữ những lá thư nặng phần ngoại giao, ca công tụng đức theo khuôn mẫu cổ còn nước ta lại nhấn mạnh vào việc cung ứng, tiếp đãi như một yêu sách phải đáp ứng.

Trên liên hệ giữa hai nước, việc triều đình Trung Hoa chấp nhận và cho người sang tuyên thị vẫn được nước ta coi như truyền thống. Chính vì thế, vua Quang Trung xin nhà Thanh phong tước không có gì phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, muốn biết những đặc điểm nổi bật của thời kỳ này, chúng ta cần so sánh với những thời đại khác để thấy được sự bất thường trước nay hầu như không mấy ai quan tâm.

Dưới đời Lê, sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Thái Tổ cầu phong (1429) – lấy cớ là họ Trần không còn ai – nhưng cũng phải đến ba năm sau (1431) nhà Minh mới sai Từ Kỳ mang ấn sang cho Lê Lợi “quyền thự quốc sự” [tạm quyền coi việc nước]. Tuy thế, cái danh hàm ấy còn kéo dài đến mấy đời, đến năm Thái Hoà thứ nhất (1443), nhà Minh mới chính thức phong cho vua Lê Nhân Tông làm An Nam quốc vương.[83]

Đầu đời Mạc, nhà Minh nhân cớ Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nên đem quân sang hỏi tội. Mạc Đăng Dung và Mạc Phúc Hải phải tự trói ra hàng ở Nam Quan, tình nguyện giao “bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát” về châu Khâm [Quảng Đông] cho nhà Minh lại dâng thêm “bảy châu Quảng Lăng và các trại Hồng Y cùng một vài nơi phụ cận” nhập về Vân Nam.[84] Tuy chấp nhận phục tùng như thế, họ Mạc chỉ được phong Đô Thống Sứ, ấn bạc nha môn tòng nhị phẩm, đổi nước ta thành An Nam đô thống sứ ty, coi như một phần đất trực thuộc Trung Hoa.[85]

Khi nhà Lê trung hưng, năm Quang Hưng 20 (1597) vua Lê sai Phùng Khắc Khoan đem người bằng vàng sang cầu phong, thay cho họ Mạc chờ ở Yên Kinh đến mấy tháng, tranh biện nhiều lần thế mà cũng chỉ được vua Minh phong cho làm An Nam Đô Thống Sứ ngang với nhà Mạc nghĩa là trên hình thức không coi là một phần đất độc lập. Nước ta còn nhiều lần sang yêu cầu cải danh nhưng nhà Minh lần lữa, lấy cớ không có điển lệ để tra nên không phong vương mà chỉ ban sắc khen thưởng mà thôi. Năm Dương Hoà 3 [1637] đời Minh Sùng Trinh (1627-1644), sứ thần nước ta Giang Văn Minh ngang bướng cãi lại, vua Minh sai mổ bụng xem gan lớn bậc nào.

Khi nhà Minh bị quân Thanh đuổi chạy xuống phương nam, thế lực suy yếu có bụng nương cậy nước ta nên cho người sang cầu viện. Đến khi đó vua Minh mới phong cho Lê Thần Tông [khi ấy đã chết] làm An Nam quốc vương (1646). Năm năm sau (1651), nhà Minh lại phong cho Trịnh Tráng làm phó quốc vương.

Khi nhà Minh mất hẳn, vua Khang Hi phong cho vua Lê Huyền Tông làm An Nam quốc vương (1667) nhưng bắt phải đem sắc ấn cũ của nhà Minh nạp cho nhà Thanh.

Đời Lê Hi Tông, vua Khang Hi ban cho vua nước ta bốn chữ ngự bút “Trung Hiếu Thủ Bang” (1683). Sang đời Lê Dụ Tông, nhà Thanh bắt nước ta phải theo điển lệ của họ, khi thụ phong phải hành lễ “tam quị cửu khấu” (ba quì chín rập đầu) và đời sau vẫn theo lệ đó.

Trong nhiều đời vua, khi thụ phong vua nước ta phải lên tận Nam Quan để làm lễ, chỉ từ trung điệp nhà Lê sứ thần Trung Hoa mới xuống Thăng Long. Chính vua Gia Long cũng định lên Nam Quan nhận sắc ấn nhưng Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm nói rằng “không có lệ đó”.[86] Xem như thế, nếu xét toàn bộ quá trình giao thiệp của Trung Hoa với nước ta, việc nhượng bộ của triều đình Bắc Kinh đời Quang Trung thực chưa từng có trong lịch sử.

Ngay từ đầu Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn … đã nhận thức được rằng quốc thể là yếu tố hàng đầu và phải được dùng như một lợi khí khi giao thiệp với nhà Thanh. Các nhà nho nước ta cũng sử dụng lễ nghĩa để ràng buộc đối phương vào những nguyên tắc mà chính họ nêu cao nên không bị kém thế chút nào. Bỏ ra ngoài những ngôn từ khiêm tốn vốn là hình thức chung trong các văn thư ngoại giao, việc giao thiệp với Trung Hoa đời Tây Sơn là một khuôn mẫu làm xương sống để chỉ đạo các chính sách.

Trong tiến trình công nhận triều đại Tây Sơn, chính sách của Thanh triều – hay nói đúng hơn, chủ trương của vua Càn Long – không thuần nhất mà thay đổi theo từng giai đoạn, từng biến cố theo kiểu mềm nắn rắn buông, nếu ta nhún nhường thì họ lấn tới, nếu ta cứng rắn thì họ đấu dịu, làm lành. Nhiều sự việc tưởng như mâu thuẫn và bất nhất nhưng thực tế chỉ là nhân quả cần phải đi vào chi tiết để hiểu cách phản ứng của nước ta.

Điều quan trọng hơn cả, những yêu cầu tưởng như vô lối của phía Trung Hoa thực ra đều dựa trên những cơ sở trong quá khứ. Với chủ trương tiến hai bước lùi một bước, nhà Thanh tin rằng về lâu về dài ít nhiều họ cũng được lợi. Về phía nước ta, việc cầu phong trong bất cứ triều đại nào cũng vẫn phải coi như ân huệ từ thiên triều ban phát cho nước nhỏ, tiến hành nhanh hay chậm, đi tới đâu là tùy ở người. Riêng lần này, hai bên có những trao đổi và cùng phải nhượng bộ để đi tới đồng thuận nên qui tắc ứng xử có khác trước nhất là nước ta lại có một lợi thế lớn là càng kéo dài thì đối phương càng sốt ruột và chính thời gian là một yếu tố quan trọng đặt trên bàn hội nghị.

Trước đây, khi ghi lại việc vua Quang Trung cầu phong, sử nước ta – do sự sai lầm có chủ ý của triều Nguyễn – đã coi như một thái độ trí trá, không phải chỉ một lần mà liên tục cho đến khi Tây Sơn bị diệt. Cách ứng xử đó không những nhằm hạ thấp đối phương, nêu cao chính thống mà còn là một cách để người ngoài tưởng rằng những thành quả ngoại giao sau này mà họ có được là do uy tín tự thân của triều đại Nguyễn Gia Miêu. Thực ra, vua Gia Long được công nhận chưa hẳn đã vì thiên mệnh đã đổi ở phương Nam mà chính vì sự sự ghen tức ngấm ngầm của vua Gia Khánh (còn là hoàng tử) khi vua Quang Trung được vua Càn Long ưu đãi như một thân vương sáng giá nên việc đổi triều đại cũng là một cơ hội để hiện thực tâm tư đố kỵ đó.

Việc phong vương cho vua Quang Trung là một tiến trình cam go không chỉ thu hẹp trong việc nhà Thanh chấp nhận một An Nam quốc vương mà là một cuộc đấu trí để đi đến một “win-win solution” như lối nói ngày nay. Thành quả của đường lối ngoại giao này hoàn toàn không chỉ do đút lót cho Phúc Khang An như vài hàng trong sử triều Nguyễn chép.[87]

Trong khi nhà Thanh chia nhỏ mục tiêu của họ thành từng giai đoạn để đòi hỏi nước ta nhượng bộ, triều đình Tây Sơn cũng từng bước yêu cầu đối phương công nhận, trước là sự chính thống, sau là hợp thức hoá những gì họ đồng ý. Chúng ta thấy có một nghi vấn trong sử nhà Thanh: Phúc Khang An được bổ nhiệm làm tổng đốc Lưỡng Quảng từ ngày 24 tháng Giêng [ngay sau khi vua Càn Long nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại trận] nhưng mãi đến ngày 16 tháng Ba[88] ông ta mới đến Quảng Tây để nhận nhiệm vụ mới.

Trong thời gian “bản lề” đó, Thanh triều đã có đủ thì giờ để cân nhắc phản ứng và thái độ của nước ta đồng thời trù liệu một kế hoạch cho Phúc Khang An theo đó mà thi hành. Đó cũng là thời gian mà Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh dùng con thoi Thang Hùng Nghiệp để vận động, sắp xếp những điều kiện thuận lợi nhất cho bàn hội nghị, dọn sạch những chướng ngại cơ bản đáng lẽ Phúc Khang An phải giải quyết.

Những đòi hỏi của Tôn Sĩ Nghị được nước ta đáp ứng tương đối sốt sắng và trên cơ bản nghị hòa, triều đình Quang Trung đã công khai tỏ ra muốn chấm dứt sự căng thẳng để đi vào một bước tiến mới. Lợi thế của nước ta là nắm giữ trong tay khoảng 800 tù binh coi như điều kiện sơ khởi để trao đổi nhưng thực sự cũng không biết đối phương sẽ ra tay hành động như thế nào?

Trong thời gian đó, tin đồn về việc Phúc Khang An được đưa tới để điều động binh mã bốn mặt giáp công vẫn tiếp tục loan truyền rộng rãi. Trên cơ sở hội nghị, nước ta cũng biết rằng đối với Thanh triều việc bắt giữ vài trăm binh sĩ không phải là một “con tin” lớn, giữ lâu cũng chẳng ích lợi gì và nếu cần vua Càn Long có thể hi sinh không thương tiếc.

Việc nhanh chóng giao trả tù binh đã được đối phương đánh giá là thành thực, thủ tín và cũng tạo cơ sở để công nhận nhà Tây Sơn thay thế nhà Lê, vốn dĩ không phải là mục tiêu đầu tiên của Thanh triều. Chính từ một cơ sở đồng thuận, Phúc Khang An đã thay mặt triều đình bước vào bàn đàm phán để từng bước đưa ra những yêu sách thăm dò.

Việc công nhận Tây Sơn được không chỉ nhằm thay đổi người cầm đầu của một tiểu quốc mà còn những mục tiêu khác quan trọng hơn. Ngoài chủ trương tái lập bang giao, Phúc Khang An còn làm sao ép được quốc vương An Nam sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ, một dự tính mà trước đây Tôn Sĩ Nghị đã đề xướng khi tái lập vua Chiêu Thống ở Thăng Long.

Như một viên tướng phường tuồng, Phúc Khang An xuất hiện với đầy đủ lỗ bộ và trên thư từ giao thiệp ông ta luôn luôn ghi rõ mọi danh hiệu,[89] chức hàm nhằm phô trương và trấn áp đối phương. Phúc Khang An cũng mang ảo tưởng là nước ta sợ hãi khi nghe tin một danh tướng Mãn Châu được bổ nhiệm làm tổng đốc Lưỡng Quảng nên đưa ra nhiều đòi hỏi hơn yêu cầu cơ bản mà Tôn Sĩ Nghị gợi ý cho vua Càn Long (trao trả tù binh và lập miếu cho những quan binh tử trận). Ngược lại triều đình Quang Trung cũng nhân thế đứng mới mà đòi hỏi được công nhận như một triều đại chứ không chỉ hạn chế vào mục tiêu ban đầu là giảng hoà với nhà Thanh rồi dần dần từng bước xin thay thế cựu triều như thời Trần, Hồ, Lê, Mạc.

Từ trước đến nay, việc vua Quang Trung trì hoãn ra Thăng Long làm lễ vẫn bị suy đoán một cách chủ quan là coi thường nên “không thèm” nhận và cho người giả ra thay. Thái độ đó có thể được hiểu rõ ràng hơn nếu chúng ta biết rằng lễ nghi và việc danh chính ngôn thuận là tiêu chí hàng đầu của nho gia nên khi thấy phái đoàn Thành Lâm không mang sắc ấn, triều đình nước ta không khỏi nghi hoặc.

Một chi tiết nữa cũng cần xem xét đến. Đó là trước khi tiến quân, Tôn Sĩ Nghị đã gửi thư cho Xiêm La yêu cầu trợ giúp để ngăn chặn Nguyễn Huệ đào tẩu bằng đường biển hay đường núi. Khi nhận được tin này, Xiêm vương đã yêu cầu chúa Nguyễn Ánh – khi ấy đã chiếm lại Gia Định – đem quân tiếp ứng giữ các hải đạo và chính sử triều Nguyễn cũng chép rằng họ đã gửi gạo giúp quân Thanh. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhất Kỷ, quyển V chép về Thế Tổ Cao Hoàng Đế nhà Nguyễn (tức vua Gia Long) có đoạn như sau:

… [Tháng Bảy năm Canh Tuất, 1790] Sai cai cơ Nguyễn Đình Đắc đi dò xét đất Bắc Hà. Nguyên mùa hạ năm Kỷ Dậu [1789], nhà vua nghe rằng người Thanh vì họ Lê đem binh hai tỉnh Quảng chinh thảo giặc Tây (tức Tây Sơn) nên sai sứ thần là Phan Văn Trọng và Lâm Đề mang thư ra hướng đông (tức đường biển) đem theo 50 vạn cân gạo (khoảng 225 tấn ngày nay) để giúp quân lương (cho quân Thanh) nhưng bị bão chìm cả xuống biển, lâu ngày không nghe tin tức. Sau lại nghe rằng quân Thanh bị giặc đánh bại nhưng không những không phục thù mà lại nghe theo phong cho [làm vương]. Vì thế mới sai Đình Đắc đi nghe ngóng tin vua Lê đồng thời chiêu dụ hào kiệt Bắc Hà …

clip_image005clip_image006clip_image007clip_image009

Đại Nam Thực Lục, đệ Nhất kỷ, quyển V

Lá thư Tôn Sĩ Nghị gửi Xiêm vương như sau:

Lưỡng Quảng tổng đốc kiêm Quảng Ðông tuần phủ toàn hạt vì hịch mà biết được việc rằng quí quốc vương ở một góc biển, vẫn thường ngưỡng mộ điều nghĩa, nên được đại hoàng đế đãi ngộ hậu hĩ, đặc biệt sách phong nên mới có thể cai trị, vỗ về nhân dân ở nơi đó, mãi mãi được vui vẻ lợi lộc, nên quí quốc vương cực kỳ cảm kích, không biết bao nhiêu cho hết.

Gần đây nhân nước An Nam có nghịch thần là Nguyễn Huệ, đuổi chúa, chiếm lấy đất đai nên thân tộc họ Lê đã đầu phục qua Trung Quốc. Vì thế bản đôác bộ đường theo lệnh chỉ đích thân thống lãnh đại binh đến hỏi tội, chẳng khác gì sấm ran gió cuốn, thế như chẻ tre, Nguyễn tặc ắt sẽ bị bắt trong nay mai.

Ta cũng biết rằng tên giặc Nguyễn hùng cứ nơi đất Quảng Nam, vốn đường biển ngay sát với Xiêm La, chạy trốn rất dễ, Nguyễn tặc cũng hẳn biết rằng tội ác khó dung, gặp lúc cùng đường ắt sẽ bỏ chạy để mong lấy chút hơi tàn.

Quí quốc vốn thờ phụng thiên triều, chịu ơn thật nặng, theo lẽ thì phải hết sức ra công, nên vì thế phải phái binh ra, đến duyên hải Quảng Nam để hỗ trợ phòng khi bọn chúng đào tẩu. Nếu như tên giặc Nguyễn đi theo đường biển chạy sang Xiêm La, quí quốc vương hãy tìm cách bắt lấy y, dùng chính pháp mà xử tử như thế thì công lao không biết là nhường nào. Vả lại quí quốc cùng Nguyễn tặc đã đánh qua đánh lại, nay Nguyễn tặc tự tìm chỗ diệt vong mà phải chạy thoát thì quốc vương nếu bắt được tên giặc cùng đường này cũng để rửa được mối hờn, lại cũng là cách thiên triều vỗ về ngoại phiên luôn thể. Nước An Nam có nghịch thần thì cũng không khác gì Xiêm La có nghịch thần vậy.

Nguyễn tặc hiếp chúa làm loạn luân thường, có ý soán nghịch, đại hoàng đế vì nghĩ đến tình An Nam thần phục đã lâu, xưa nay rất cung kính thuận tòng, nên mới đặc khiến đại binh sang để khôi phục lại, cốt lấy lại quốc đô cho họ Lê, tuyệt nhiên không có ý dòm ngó đất đai, quả là hết sức nhân nghĩa, vượt quá cổ kim, phàm là thuộc quốc nên nghĩ đến như thế mà thêm cảm kích.

Xiêm La đất đai liền với An Nam, trông thấy thiên triều làm những điều đó, thì cũng nên nghĩ đến việc có chung mối thù, lại chẳng là món thưởng lớn hay sao? Nay truyền hịch này đến quốc vương lập tức một mặt phát binh chặn đường, một mặt chờ bản bộ đường xong việc rồi sẽ tâu lên đại hoàng đế, ắt sẽ hết sức khen ngợi là quốc vương vì ngưỡng mộ lòng quyến cố, lại hiểu đại nghĩa nên trợ điều thuận bỏ điều nghịch, hãy nên gắng sức làm theo điều hịch này.[90]

Lá thư đến tay vua Xiêm lúc nào thật khó biết nhưng tháng Tám năm Kỷ Dậu, Phúc Khang An nhận được một lá thư của Xiêm vương Trịnh Hoa (Rama I) nói rằng vào tháng Năm đã sai bang trưởng Quảng Nam Ông Chính Sử(廣南翁正史) [Ông Chính Sử là phiên âm ba chữ Ông Thượng Sư mà người Âu Tây viết thành Ong Chiang Su tức chúa Nguyễn tự xưng khi còn làm chủ Nam Hà] điều 6 vạn tinh binh đem quân chặn các nơi hiểm yếu kèm theo một văn thư để chúa Nguyễn mang sang cho Tôn Sĩ Nghị.

Trong dụ chỉ ngày 28 tháng Tám năm Kỷ Dậu, vua Thanh nói rằng ông chưa nhận được tin gì về chuyện này và ra lệnh nếu khi nào thư đó đến thì phải trình ngay lên Nhiệt Hà (là nơi ông nghỉ tránh nắng mùa hè) để ông xem xét.[91] Trong thư Phúc Khang An trả lời Xiêm vương có đoạn như sau:

Ngày mồng 8 tháng này (tháng Tám) thông sự của quí quốc là Tạ Thượng Kim có đem đến một lá thư của quốc vương và bản tước các bộ đường cùng phủ bộ viện (tức Tôn Vĩnh Thanh, tuần phủ Quảng Tây) đã xem kỹ, thấy trong đó nói về việc xử lý thư của tiền Tôn đốc bộ đường (tức Tôn Sĩ Nghị, nguyên tổng đốc Lưỡng Quảng), Đồ phủ bộ viện (tức Đồ Tát Bố, tuần phủ Quảng Đông) khi đem binh tiễu trừ Nguyễn Huệ hồi mùa đông năm ngoái có yêu cầu quốc vương đem quân đến vùng duyên hải Quảng Nam rồi lên tiếng thanh viện để phòng y chạy trốn. Quốc vương nhận được thư đó liền lập tức điều binh chặn các nơi yếu hại …[92]

Phối hợp chi tiết của triều Nguyễn, Xiêm La và nhà Thanh chúng ta biết rằng quả thực Tôn Sĩ Nghị có gửi thư cho vua Xiêm cuối năm Mậu Thân và vua Xiêm đã yêu cầu [mà ông ta nói rằng ra lệnh] chúa Nguyễn – khi đó mới khôi phục lại được khu vực Gia Định từ tay Nguyễn Lữ và Phạm Văn Tham – đem quân ngăn chặn vùng bờ biển. Chúa Nguyễn cũng [không biết có do ý kiến của Xiêm La hay không] giúp cho quân Thanh 50 vạn cân gạo.

Một chi tiết cũng đáng lưu tâm là ngày mồng 4 tháng Tám năm Kỷ Dậu (Càn Long 54) vua Càn Long có gửi một văn thư mật, do chính đại học sĩ Hòa Thân viết tay (tự ký) gửi tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc (Khang An) và tuần phủ Phúc Kiến Từ (Tự Tăng – 徐嗣曾) để chỉ thị về việc thự tri huyện Chương Phố (漳浦) là Trình Gia Toản (程嘉瓚) trình lên việc một thương gia người Việt (đây là người Quảng Đông, không phải người nước ta) tên là Trương Hợp Hưng (張合興) đi thuyền sang An Nam buôn bán có đưa về Phúc Kiến 20 binh sĩ Bành Hồ do Lý Vinh Quang (李榮光) chỉ huy bị bão trên biển và một số người Nam Hà có trình lên một tấu thư của Nguyễn Phúc (阮福)[93] tố cáo Nguyễn Huệ là một đứa em hư (nghiệt đệ – 孽弟) quấy phá nơi nơi nên hai bên thành ra cừu địch. Vua Càn Long nay đã nhận cho Nguyễn Huệ H “thâu thành nạp khoản”, lại phong vương tước nên không còn xét hỏi làm gì và ra lệnh cho các tổng đốc giữ kín đừng để lộ ra ngoài (密而不露).[94]

Như vậy, trong khoảng 7 tháng đầu năm Kỷ Dậu, khi nghe tin nhà Thanh sắp sửa thông hiếu, các thế lực đối nghịch với Nguyễn Quang Bình (chúa Nguyễn Ánh, Nguyễn Nhạc …) ráo riết tấn công ông bằng nhiều hình thức. Khi chưa biết tin quân Thanh bại trận thì chúa Nguyễn gửi gạo sang giúp, đến khi biết quân Thanh đã thua chạy và nhà Thanh công nhận triều đình Quang Trung thì lại tung ra những lời dèm pha để dao động triều đình Trung Hoa. Tuy những việc đó không làm xoay chuyển cuộc diện nhưng cũng đưa đến những trở ngại ảnh hưởng đến việc phong vương. Tin tức về thuyền bè đe dọa vùng biển Thuận Hóa hay việc Phúc Khang An đổi kế hoạch của Thành Lâm có thể cũng liên quan với những chi tiết mơ hồ này.

clip_image011clip_image013

Thượng dụ ngày mồng 4 tháng Tám gửi Phúc Khang An và Từ Tự Tăng

Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, quyển XV, tr. 136-7
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NGOẠI GIAO THỜI TÂY SƠN

Thời gian nhanh nhất

Trong lịch sử giao thiệp với Trung Hoa, từ khi cầu phong đến khi được triều đình Trung Hoa cho người sang làm lễ phong vương dù bình thường cũng mất nhiều tháng nhiều năm. Trong trường hợp thay đổi một dòng họ, việc qua lại còn kéo dài nhiều hơn nữa và thiên triều ngoài việc hoạnh hoẹ nọ kia còn tìm đủ mọi cách để o ép nước ta cả trên danh vị lẫn tiền của. Trường hợp nhà Tây Sơn là một ngoại lệ và nếu không có những trở ngại gây trì hoãn thì tình hình từ lúc ngỏ lời cầu phong đến khi được chính thức công nhận chỉ trong khoảng 3 đến 4 tháng trời.

Nghi lễ trang trọng nhất, qui mô nhất

Nếu tính riêng về nghi lễ, ý định của Thanh triều [đúng hơn là của vua Càn Long] bao gồm hai giai đoạn: thông báo đã chấp thuận và đưa người sang phong vương. Tuy có sự tiết giảm vì hoàn cảnh bất đắc dĩ nhưng chưa bao giờ việc công nhận tân vương của Trung Hoa [không phải chỉ đối với nước ta mà với mọi quốc gia phiên thuộc] lại phức tạp và hậu hĩnh đến thế. Trước khi chính thức công nhận, vua Thanh đã ban tặng nhiều quà cáp, sau lại đặc biệt gia ân ban cho nhân sâm, ngự thi, triều châu, hà bao …, chưa kể ý định sẽ sai Phúc Khang An sang làm lễ cho thật trịnh trọng.

Lần đầu trong lịch sử có sự tranh biện

Trong những triều đại trước, việc biện giải nếu có đều chỉ tập trung vào việc từ chối một đòi hỏi quá đáng của đối phương. Riêng lần này, vị thế hai bên đã thay đổi. Việc đạt tới đồng thuận không phải thuần tuý do lý luận của bên ta sắc bén mà còn khai thác được hoàn cảnh thực tế khiến nhà Thanh phải nhượng bộ.

Lần đầu chúng ta đứng ngang với Trung Hoa trong lập trường

Sau khi thất trận, mối quan tâm to lớn nhất của vua Càn Long là làm sao không bị mất mặt và giải thích cho xuôi việc nối lại bang giao. Thay vì dùng những tù binh như một món hàng trao đổi, nước ta biết rằng sinh mạng của vài trăm người không có thể ép nhà Thanh nhượng bộ. Sự thành tín và sốt sắng trả về Trung Hoa 800 người bị bắt đã làm dịu tình hình và mở ra một cánh cửa ngoại giao.

Lần đầu ta ở trong thế đối phương phải cầu khẩn

Từ trước tới nay, việc xin phong vương – dù là mở nước hay chỉ để thay một ông vua mới – cũng đều mất nhiều thì giờ. Vốn dĩ là một nghi lễ nặng phần hình thức, thông thường hầu như không có một hạn định thời gian nên thường phải mất nhiều tháng, nhiều năm.

Riêng lần này, việc phong vương phải tổ chức càng sớm càng tốt để vua Quang Trung có thể sắp xếp cuộc du hành sang Trung Hoa và nhà Thanh cũng yên tâm tổ chức nghi lễ đón tiếp nên chính đối phương phải thúc giục cho việc mau tiến hành đưa tới những nhượng bộ mà trước đây không có được.

Coi như khuôn mẫu ngoại giao cho tương lai

Nghi thức và thủ tục tuy không ghi thành điển lệ nhưng đây cũng là lần đầu được lưu trữ tương đối kỹ lưỡng kể cả những văn thư không mấy quan trọng. Chính các tài liệu này là văn thư căn bản để được soạn thành lớp lang, thứ tự trong Lịch Triều Hiến Chương Loai Chí (LTHCLC) và Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (KDDNHDSL), qui định chi tiết việc tiếp đón sứ đoàn, các dịch trạm và cung ứng mỗi nơi từ ăn nghỉ đến phương tiện sinh hoạt.

Việc tổ chức chu đáo đó không những làm tôn vinh phái đoàn Trung Hoa mà còn tỏ ra nước ta là một quốc gia có văn hiến, nghi lễ chu đáo không kém gì đại quốc. Dưới quan điểm cổ thời, nghi lễ, y phục, văn tự là thước đo của văn minh nên công việc tổ chức tiếp đón trong bang giao là một thể hiện quan trọng cho quốc thể.

Xét về lịch sử giao thiệp với Trung Hoa, việc nhà Thanh công nhận triều đại Tây Sơn có thể coi như một trường hợp hành chánh điển hình mà trong khi đàm phán hai bên đều có những điểm mạnh, điểm yếu để khai thác, khác hẳn với những lần khác đặt trọng tâm vào thủ tục. Những cường và nhược điểm ấy thuộc đủ mọi phạm vi, từ chính sách đến thực tế xã hội, kể cả vai trò cá nhân của mỗi người. Một bàn cờ phức tạp như thế không thể thu gọn trong vài hàng, lại càng không thể suy luận một cách dễ dãi. Với qui mô như vậy, chúng ta không thể chỉ giới hạn vào đấu tranh ngoại giao thuần tuý mà phải mở rộng đến mọi vấn đề, kể cả những định luật giữa các khu vực mới manh nha của thời đại.

Trước đây, sử nước ta hầu như thu hẹp cơ chế đàm phán, chỉ tập trung vào việc bắt liên lạc và “ngoại giao gầm bàn” với Thang Hùng Nghiệp hay Lâm Hổ Bảng. Hạn chế đó chính vì đối phương không muốn ta biết nhiều hơn, và đưa ra một cấp nhỏ làm trung gian cũng dễ cho họ xoay chuyển theo tình hình. Trong khi nước ta đưa ra những danh nho bậc nhất chờ đợi ở Nam Quan (Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích …) thì đối phương lại chỉ đưa ra vài cấp đạo, phủ để dò xét nghe ngóng. Tuy nhiên đó chỉ là chỏm của tảng băng còn theo thư từ qua lại bên trong nội bộ nhà Thanh, thực tế họ vận dụng toàn bộ lực lượng, ngoài các cấp tổng đốc, tuần phủ ở địa phương mà ngay tại trung ương hầu như cả triều đình đều tập trung vào “kinh lý” việc An Nam.

Chúng ta thấy hầu như mọi cơ nghi mà địa phương thực hiện đều nhận chỉ thị từ hoàng đế, khi nắm khi buông, lớn như việc ép vua Quang Trung sang chúc thọ, nhỏ như việc khống chế vua Chiêu Thống đều phải được sự chấp thuận của Bắc Kinh. Ngay cả một việc không mấy quan trọng là thưởng một cái lông chim cài trên mũ cho Thang Hùng Nghiệp mà vua Càn Long cũng bác, nhắc rằng đừng để cho nước ta biết sợ đoán ra rằng nhà Thanh muốn gấp rút cho mau xong. Chính vì thế, chúng ta thấy mọi việc họ đều có bài bản nên không thể chỉ dựa vào một vài nhượng bộ hay hoà hoãn bên ngoài để đánh giá toàn cục.

Như chúng tôi từng đề cập trong những biên khảo khác, đến cuối thế kỷ XVIII, khu vực Đông Á đã có những thay đổi lớn song hành với tiến bộ kỹ thuật. Nhiều quốc gia đã đạt được những bước nhảy vọt trong kỹ thuật phòng thủ, quân sự, xã hội, kinh tế, chính trị … để chuyển sang một xã hội có nhiều định chế văn minh hơn.

Dưới con mắt của nho gia, thời gian này là lúc miền bắc nước ta lên cao đến tột đỉnh – quốc thể tăng trọng – như đã tự hào và từ một mảnh đất nơi góc biển nóng nực, xa xôi nay đã đứng vào vương hội, bắc cầu cho những liên minh mà tâm điểm là Trung Hoa. Tuy nhiên khi nhìn ở một qui mô lớn hơn, giai đoạn nặng phần thù tạc, lễ nghi này cũng tách Bắc Hà ra khỏi mẫu số chung đang năng động và biến đổi từng ngày.

Trong khi vua Quang Trung và đình thần bận rộn với việc học tập điển lệ nhà Thanh sao cho không lạc điệu, quà cáp qua lại … cho xứng với vị thế mới thì mọi canh cải xã hội hầu như chựng lại. Suốt hai triều Quang Trung lẫn Cảnh Thịnh hầu như không có một biến chuyển nào đáng kể ngoài một vài thay đổi cục bộ về nội chính.

Trong khi đó, đối thủ của ông là chúa Nguyễn Ánh thì lại dốc toàn tâm toàn lực vào việc canh tân, cố gắng thủ đắc những tiến bộ của Tây phương nên từ một khu vực hoang vu chẳng bao lâu đã vươn lên thành một sức mạnh mới, tiến ra bắc thống nhất đất nước trong một thời gian kỷ lục. Cuộc chiến tuy giới hạn trong phạm vi quốc gia nhưng cũng là một trắc nghiệm mới về liên minh và tương trợ quốc tế với nhiều điểm cần nghiên cứu. Trên nhiều mặt, bài học lịch sử của hơn 200 năm trước vẫn còn nhiều điều đáng học hỏi cho đến tận hôm nay.

Tháng 12-2014

CHỮ VIẾT TẮT

ANKL An Nam Kỷ Lược  
TSLT Thanh Sử Luận Tập XVIII: Thanh Cao Tông sách phong An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình thuỷ mạt Trang Cát Phát
DVQT Đại Việt Quốc Thư  
DAVT Dụ Am Văn Tập Phan Huy Ích
DHTL Đông Hoa Tục Lục  
TDD Thượng Dụ Đáng XIV  
CLDT Càn Long Hoàng Đế Đại Truyện Chu Viễn Liêm
TTVC Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Chi Nghiên Cứu Trang Cát Phát
TTL Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế Thực Lục  
BGHT Bang Giao Hảo Thoại Ngô Thì Nhậm toàn tập III, KHXH, 2005
LTTK Lịch Triều Tạp Kỷ Ngô Cao Lãng
TSBN Thanh Sử Biên Niên Lý Văn Hải
CLTT Càn Long Hoàng Đế Toàn Truyện Quách Thành Khang
CTD Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp Tập XIV, XV, Đáng Án xbx, 1991
BAVH Bulletin des Amis du Vieux Hué  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

HOA VĂN

Bá, Dương (柏楊). Trung Quốc Lịch Sử Niên Biểu (中國歷史年表) (thượng và hạ) (6th ed.) Ðài Bắc: Tinh Quang xbx, 1986.

Bá, Dương (柏楊). Trung Quốc Nhân Sử Cương (中國人史綱) (thượng và hạ, tu đính bản). Ðài Bắc: Tinh Quang xbx, 1996.

Bạch, Thọ Di (Bai Shouyi – 白壽彝) (chủ biên). Trung Quốc Thông Sử (中國通史) (12 quyển, 22 tập). Thượng Hải: Thượng Hải Nhân Dân xbx, 2000.

Bạch, Thọ Di (白壽彝) (chủ biên). Trung Quốc Thông Sử Cương Yếu (中國通史綱要). Bắc Kinh: Trung Quốc Quốc Tế Thư Ðiếm, 1982. (bản Anh Ngữ Bai Shouyi. An Outline History of China. Beijing: Foreign Languages Press, 1982)

Cao, Dương (高陽). Thanh Triều Ðích Hoàng Ðế (清朝的皇帝) ba quyển. Ðài Bắc: Viễn Ảnh xb Sự Nghiệp Công Ty, 1989.

Chiêu, Liên (昭槤). Khiếu Đình Tạp Lục (嘯亭雜錄) 10 quyển. Thượng Hải: Thượng Hải Cổ Tịch xbx, 2002.

Chiêu, Liên (昭槤). Khiếu Đình Tục Lục (嘯亭續錄) 3 quyển. Thượng Hải: Thượng Hải Cổ Tịch xbx, 2002.

Chu, Thành Như (朱诚如) chủ biên. Thanh Sử Đồ Điển (清史图典): Thanh Triều Thông Sử Đồ Lục (清朝通史图录) [12 tập] Bắc Kinh: Tử Cấm Thành xbx, 2002.

Chu, Ưng (朱鷹) (chủ biên). Lễ Nghi (禮儀). Bắc Kinh: Trung Quốc Xã Hội, 2005.

Chu, Viễn Liêm (周遠廉). Càn Long Hoàng Ðế Ðại Truyện (乾隆皇帝大 傳) Hà Nam: Hà Nam nhân dân xbx, 1996.

Cố Cung Bác Vật Viện [故宮博物院]: Cố Cung Bác Vật Viện Bát Thập Niên Đản Ký Quốc Tế Thanh Sử Học Thuật Nghiên Thảo Hội Luận Văn Tập [故宮博物院八十华诞暨国际清史学术研讨会论文集]. Bắc Kinh: Tử Cấm Thành xbx, 2006.

Ðàm, Kỳ Tương (潭其驤) (chủ biên). Trung Quốc Lịch Sử Ðịa Ðồ Tập (中國歷史地圖集) (8 tập). Bắc Kinh: Trung Quốc Ðịa Ðồ xbx, 1996.

Dương, Kim Ðỉnh (chủ biên). Trung Quốc Văn Hoá Sử Ðại Từ Ðiển (in lần thứ ba). Ðài Bắc: Viễn Lưu xbx, 1987.

Hoằng Hoa Văn (弘華文) chủ biên. Yên Hành Lục Toàn Biên (燕行錄全編) 12 quyển. Quế Lâm: Quảng Tây Sư Phạm đại học xbx, 2010.

Hứa, Văn Đường (許文堂), Tạ Kỳ Ý (謝奇懿). Đại Nam Thực Lục Thanh Việt Quan Hệ Sử Liệu Vựng Biên (大南實錄清越關係史料彙編). Đài Bắc: Trung Ương Nghiên Cứu Viện, 2000.

Lã, Tông Lực (呂宗力) chủ biên. Trung Quốc Lịch Ðại Quan Chế Ðại Từ Ðiển (中國歷代官制大辭典) (2nd ed.). Bắc Kinh: Bắc Kinh xbx, 1995.

Lam, Ngọc Xuân (藍玉春). Trung Quốc Ngoại Giao Sử – Bản Chất dữ Sự Kiện, Xung Kích dữ Hồi Ứng (中國外交史- 本質與事件,衝擊與回應). Ðài Bắc: Tam Dân thư cục, 2007.

Lưu, Gia Câu (劉家駒). Thanh Sử Bính Đồ (清史拼圖). Ðài Bắc: Viễn Lưu 2003.

Lưu, Ngạn (劉彥). Trung Quốc Ngoại Giao Sử (中國外交史). Ðài Bắc: Tam Dân thư cục, 1990 (in lần thứ tư).

Lý, Quang Ðào (李光濤). Ký Càn Long Niên Bình Ðịnh An Nam Chi Dịch (記乾隆年平定安南之役 ). Ðài Bắc: Trung Ương Nghiên Cứu Viện Lịch Sử Ngữ Ngôn Nghiên Cứu Sở, 1976.

Lý, Quang Ðào (李光濤). Minh Thanh Ðáng Án Luận Văn Tập (明清檔案論文集). Ðài Bắc: Liên Kinh, 1986.

Lý, Văn Hải (李文海) chủ biên. Thanh Sử Biên Niên (清史編年)”Càn Long Triều“ (乾隆朝),quyển VI. Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân Dân Đại Học, 1991.

Lý, Vân Tuyền (李雲泉). Triều Cống Chế Ðộ Sử Luận (朝貢制度史論): Trung Quốc Cổ Ðại Ðối Ngoại Quan Hệ Thể Chế Nghiên Cứu. Bắc Kinh: Tân Hoa, 2004.

Lý, Xuân Quang (李春光) Thanh Ðại Danh Nhân Dật Sự Tập Lãm (清代名人軼事 輯覽). Bắc Kinh: Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xbx, 2004.

Nguỵ, Nguyên (魏源). Thánh Vũ Ký (聖武記). Ðài Bắc: Thế Giới Thư Cục, 1980.

Phan, Huy Ích (潘輝益). Dụ Am Văn Tập (裕庵文集). Bản chép tay Viện Hán Nôm Hà Nội (A.604/1-3)

Phan, Thúc Trực (潘叔直). Quốc Sử Di Biên (國史遺編) (nguyên bản Hán Văn). Hương Cảng: Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á, 1965.

Phó, Khải Học (傅啟學). Trung Quốc Ngoại Giao Sử (中國外交史) thượng-hạ. Ðài Bắc: Ðài Loan thương vụ, 1972.

Phương Lược Quán (方略館). Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược (欽定安南紀略) 31 quyển. Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院) tàng bản. Hải Khẩu: Hải Nam xbx, 2000.

Quách, Thành Khang (et al.) (郭成康). Khang Càn Thịnh Thế Lịch Sử Báo Cáo (康乾盛世历史报告). Bắc Kinh: Trung Quốc Ngôn Thực xbx, 2002.

Quách, Thành Khang (郭成康), Càn Long Hoàng Đế Toàn Truyện (乾隆皇帝全传) Bắc Kinh: Học Uyển, 1994.

Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện (國立故宮博物院). Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp (宮中檔乾隆朝奏摺). Quyển 71-2. Đài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1988.Doãn, Lộc (Thanh) (允祿). Hoàng Triều Lễ Khí Đồ Thức (皇朝禮器圖式) (in lần thứ hai). Dương Châu: Quảng Lăng thư xã, 2005.

Sái, Ðông Kiệt (蔡東杰). Trung Quốc Ngoại Giao Sử (中國外交史). Ðài Bắc: Phong Vân Luận Ðàn, 2000.

Tạ, Quang Phát (dịch). Tây Sơn Thuật Lược (西山術略). Saigon: Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá, 1971.

Tạng, Vinh (藏嶸). Trung Quốc Cổ Đại Dịch Trạm Dữ Bưu Truyền (中國古代驛站與郵傳). Bắc Kinh: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1997.

Tây Phương Nhân Bút Hạ Đích Trung Quốc Phong Tình Hoạ (西方人笔下的中国风情画). Thượng Hải: Thượng Hải Hoạ Báo xbx, 1997.

Thanh Sử Biên Toản Uỷ Viên Hội (清史編纂委員會) Thanh Sử (清史) (8 volumes) Ðài Bắc: Quốc Phòng Nghiên Cứu Viện (國防研究院), 1961.

Thanh Thực Lục (清實錄): Cao Tông Thuần Hoàng Ðế Thực Lục (高宗純皇帝實錄). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1986

Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982.

Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Sử Luận Tập 清史論集(quyển XII) “Thanh Cao Tông Sách Phong An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình Thuỷ Mạt” 清高宗冊封安南國王阮光平始末. Ðài Bắc: Văn Sử Triết, 2008.

Triệu, Nhĩ Tốn (趙爾巽) (soạn). Thanh Sử Cảo (清史稿), in lần thứ 5 (529 quyển, 48 sách) Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1996.

Trịnh, Thiên Đĩnh (郑天挺), Ngô Trạch (吴泽), Dương Chí Cửu (杨志玖) (chủ biên). Trung Quốc Lịch Sử Đại Từ Điển(中国历史大辞典) (thượng và hạ). Thượng Hải: Thượng Hải Từ Thư xbx, 2000.

Trung Quốc Đệ Nhất Lịch Sử Đáng Án Quán (中国第一历史档案馆). Thanh Cung Nhiệt Hà Đáng Án (清宮热河档案), quyển 6-7-8. Thừa Đức: Trung Quốc Đáng Án xbx, 2003.

Trung Quốc Đệ Nhất Lịch Sử Đáng Án Quán (中国第一历史档案馆). Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng (乾隆朝上諭檔) quyển 14-16. Bắc Kinh: Đáng Án xbx, 1991.

Trung Quốc Xã Hội Khoa Học Viện Lịch Sử Nghiên Cứu Sở (中国社会科学院历史硏究所) Cổ Đại Trung Việt Quan Hệ Sử Tư Liệu Tuyển Biên (thượng và hạ) (古代中越关系史资料迭编). Bắc Kinh: Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xbx, 1982.

Trung Tâm Nghiên Cứu Biên Cương Trung Quốc. Trung Việt Biên Giới Lịch Sử Tư Liệu Tuyển Biên (中越邊界歷史資料選編) (thượng và hạ). Xã Hội Khoa Học Văn Hiến xbx, 1992.

Trương, Tác Diệu (张作耀) (chủ biên) Trung Quốc Lịch Sử Từ Ðiển (中国历史辞典). Bắc Kinh: Văn Hóa, 1991.

Trương, Tú Dân (張秀民). Trung Việt Quan Hệ Sử Luận Văn Tập (中越關係史論文集). Ðài Bắc: Văn Sử Triết, 1992.

Trương, Tường (张翔) (chủ biên). Thanh Quý Nội Các Đáng Án Toàn Tập (清季内阁档案全辑) quyển 11, 12. Bắc Kinh: Học Uyển xbx, 1999.

Viện Hán Nôm Hà Nội (cộng tác với Phục Ðán đại học Trung Quốc). Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập Thành 越南漢文燕行文献集成 (toàn bộ 25 quyển) Bắc Kinh: Phục Ðán đại học xbx, 2010.

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Vân Nam (云南省歷史研究所). Thanh Thực Lục: Việt Nam, Miến Ðiện, Thái Quốc, Lão Qua sử liệu trích sao (清實錄: 越南緬甸泰國老撾史料摘抄). Côn Minh: Vân Nam nhân dân xbx, 1985.

Vương, Mộng Âu (王夢鷗) (chú dịch), Vương Vân Ngũ (王雲五) (chủ biên). Lễ Ký Kim Chú Kim Dịch (禮記今註今譯) thượng hạ [tái bản]. Đài Bắc: Đài Loan Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1977.

Vương, Nhung Sinh (王戎笙) (chủ biên). Thanh Đại Toàn Sử (清代全史) [10 quyển]. Thẩm Dương: Liêu Ninh Nhân Dân xbx, 1995.

VIỆT VĂN

Bảo Tàng Lịch Sử TP HCM. Cổ Vật Thời Tây Sơn: Kỷ niệm 240 năm phong trào Nông dân Tây Sơn bùng nổ (1771-2011). Bảo Tàng Lịch Sử TP HCM, 2011.

Bế, Lãng Ngoạn (Sông Bằng). Việt Hoa Thông Sứ Sử Lược. Hà Nội: Quốc Học Thư Xã, 1943.

Đại Việt Quốc Thư (大越國書) (6 quyển). Bản chép tay, số hiệu A.144 Paris EFEO MF II.85 (bản dịch NDC, chưa xuất bản)

Đặng, Xuân Bảng (鄧春榜). Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu (越史綱目節要). Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải. Hà Nội: KHXH, 2000.

Ðồng Khánh Ðịa Dư Chí (同慶地輿志). Ngô Ðức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin biên tập. (ba tập) Hà Nội: Thế Giới, 2003.

Hoa Bằng. Quang Trung Nguyễn Huệ, Anh Hùng Dân Tộc 1788-1792. Saigon: Hoa Tiên, 1950.

Hoàng, Văn Hoè (dịch). Ðại Việt Quốc Thư. Saigon: Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1972.

Hoàng, Xuân Hãn. Chinh- Phụ -Ngâm Bị -Khảo. Paris: Minh Tân, 1953.


[1] KDANKL, q. XXIII tr. 20-1

[2]周易: 天行健,君子以自强不息 (quẻ Càn). Lời trong Kinh Dịch: Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. Trời hành động mạnh mẽ, người quân tử cũng vươn lên không nghỉ. Ý ca tụng vua Càn Long là bậc thiên tử làm việc không ngừng.

[3] Càn Long Triều, Thượng Dụ Đáng q. XV [882] tr. 387-8

[4] KDANKL, q. XXIV, tr. 7-9

[5] dựa theo nội dung của biểu văn, những tiêu đề do chúng tôi đặt. Văn bản này cũng còn được sao lại trongMinh Thanh Sử Liệu, Canh Biên, đệ Nhị bản, trang 144. Trương Tường (张翔) (chủ biên). Thanh Quý Nội Các Đáng Án Toàn Tập (清季内阁档案全辑) (1999) (q. 11, 12) tr. 4264-5.

[6] sách in sai là đầu đệ thuận chi biểu [投遞順之表], chúng tôi sửa lại theo Dụ Am Văn Tập (tr. 51)

[7] đối chiếu với bản của Việt Nam thì là quan [關]. Chi tiết này hợp lý và chính xác hơn và chúng tôi cho rằng đây là lỗi xếp chữ vì hai chữ khuyết [闕] và quan [關] mặt chữ rất giống nhau.

[8] Thời xưa tính từ kinh đô ra cứ 500 dặm là một phục, từ gần đến xa bao gồm hầu phục, điện phục, tuy phục, yếu phục, hoang phục. Xa hơn nữa coi như đã ở ngoài vương hoá.

[9] Thiên Ðại Nhã trong Thi Kinh có câu “mục mục Văn vương, ư tập hi kính chỉ” [ 穆穆文王、於緝熙敬 止] nghĩa là tư tưởng của Văn vương sâu xa thay, khiến cho chúng ta phải luôn luôn kính ngưỡng. Ở đây bài biểu ca tụng đức của vua Càn Long sánh ngang với Văn vương [một vi thánh vương đời nhà Chu]

[10] đây là những đức tính của vua Nghiêu [trích từ Nghiêu Ðiển]

[11] Tên chỉ vùng Lĩnh Nam

[12] là tiếng khiêm cung của người dưới trình tâu lên người trên được dùng trong văn cổ để chuyển đoạn từ ca công tụng đức sang trình bày một việc gì đó, là ý chính của tác giả trong một bài biểu. Hai chữ này chúng tôi không tìm được từ ngữ tương đương trong tiếng Việt đại để là “cúi lạy mà tâu rằng”.

[13] đây là chữ trong kinh Dịch [] nói về bốn đức tính của bậc đế vương.

[14] Ý chỉ hoà hoãn sau chiến tranh Việt – Thanh

[15] 24 lượng là một dật, người sau nhầm thành 20 lượng (Từ Nguyên, in lần thứ 5, Ðài Loan Thương Vụ, 1980) q. hạ, tr. 2184

[16] Chữ trong Kinh Thư, Ðại Vũ Mô: 人心惟危,道心惟微,惟精惟一,允執厥中 (Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung) Lòng người nghiêng ngả, lòng trời huyền ảo, phải hết sức tinh thuần và chuyên nhất, quyết giữ cho ở đạo trung

[17] Chữ trong Thượng Thư, thiên Vô Dật [tương truyền của Chu Công soạn]: 文王不敢盤於游田,以庶邦惟正之供 (Văn Vương bất cảm bàn ư du điền, dĩ thứ bang duy chính chi cung) Vua Văn Vương chẳng ham săn bắn, có nhận đồ cống của thứ bang cũng chỉ cần cho chừng mực

[18] Lời Khổng Tử trong Thuyết Quái [Kinh Dịch]

[19] đĩnh là nén, trọng lượng không nhất định, 5 hay 10 lượng [Từ Nguyên, sđd. tr. 2174]. Có lẽ cống phẩm dùng loại vàng 10 lượng.

[20] Bao gồm tuần kiểm (2 người), lễ sinh (2 người), thiên bả tổng (2 người), tài quan (9 người)

[21] Trình Lâm đại nhân giản văn (Lịch Triều Tạp Kỷ, q. VI)

[22] Con chim hạc hót dưới bóng cây thì con nó phụ hoạ theo. Kinh Dịch, quẻ Trung Phu, hào Cửu Nhị

[23]Người quân tử ở trong nhà nói lên lời thiện thì ắt có người ở ngoài nghìn dặm lên tiếng hưởng ứng

[24] Đây là nói về lá thư sau chiến thắng gửi trách nhà Thanh kèm theo những tờ hịch Tôn Sĩ Nghị gửi qua.

[26] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [663] tr. 289

[27] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [838] tr. 368

[28] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [870] tr. 380

[29] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [928] tr. 412

[30] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [888] tr. 392

[31] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [887] tr. 391

[32] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [889] tr. 392

[33] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [898] tr. 398

[34] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [911] tr. 404

[35] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) [915] tr. 406

[36] 禮部引臣等入幕内王公之列,皇帝御座,不過咫尺 – Lễ bộ dẫn thần đẳng nhập mạc nội vương công chi liệt, hoàng đế ngự toạ, bất quá chỉ xích. Ngô Hàm: Triều Tiên Lý Triều Thực Lục Trung Ðích Trung Quốc Sử Liệu q. 9-12 (Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục, 1980) tr. 4802-3

[37] Năm đó Nguyễn Đề mới 30 tuổi [ta].

[38] Tự Nghi Phủ [宜甫], hiệu Trọng Vân [仲雲], người đất Tiền Ðường, Chiết Giang [nay là Hàng Châu] đỗ tiến sĩ dưới triều Gia Khánh, nhận chức Biên Tu. Sang thời Ðạo Quang, Hàm Phong được bổ tri phủ Ðại Lý, Vân Nam, rồi tri phủ Ðăng Châu, Sơn Ðông, tri phủ Phượng Dương, An Huy. Sau đó ông giữ chức coi về lương thực ở Quí Châu, lên đến tổng đốc Tứ Xuyên, tổng đốc Vân Nam.

[39] Ðây là Viên Minh Viên, ngoại thành Bắc Kinh.

[40] Nguyên văn 9 bài thơ này trích từ Ngô Chấn Vực (吳振棫). Dưỡng Cát Trai Tùng Lục (養吉齋叢錄) (Bắc Kinh: Bắc Kinh Cổ Tịch, 1983) tr. 166-167. Trong dịp này, chánh sứ Lưu Cầu Hướng Xứ Trung (向處中) và chánh phó sứ Xiêm La không biết làm thơ nên không hoạ lại. Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV (1991) tr. 416 [938]

[41] Trong nguyên bản bài ngự thi tại Thanh Cao Tông Ngự Chế Thi Văn Toàn Tập, q. 52 trang 5 có chú thích bằng chữ nhỏ như sau:

Mỗi năm trước khi cử hành lễ tiết [sinh nhật vua], thết yến các thân vương, quận vương, chư phiên Mông Cổ [thủ lãnh các nhóm Mông Cổ, cũng được phong vương tương đương với vua các nước nhỏ khác] và các đại học sĩ được vời đến trước ngự án ban rượu. Năm nay là lễ Bát Tuần đại khánh, Triều Tiên, An Nam, Lưu Cầu, Tiêm La, Khoách Nhĩ Khách năm nước sai sứ đến triều chúc thọ nên ngày hôm đó cũng được dự yến. Chánh sứ các nước đều nâng chén lên cao để tỏ lòng vui mừng đón nhận ân điển và việc hiếm có năm nước gặp nhau.

[42] ngày xưa tuổi cứ 10 năm gọi là một tuần, lục tuần [60-69], thất tuần [70-79], bát tuần [80-89]…Vua Càn Long năm Canh Tuất [1790] là 80 tuổi, bắt đầu bước vào bát tuần.

[43] chỗ này tác giả chơi chữ. Bình mông vừa ý nghĩa che chở vừa miêu tả cái lều tròn [hoa cái] vua Càn Long dùng làm hành tại để tiếp phiên vương và sứ thần [thường là cho các phiên thuộc Mông Cổ, Tân Cương vùng quan ngoại]. Ân trạch thấm khắp mọi người ám chỉ việc vua Càn Long tự tay ban rượu cho các sứ thần.

[44] Có nơi chép là Lãng 朗

[45] Triều đại vua Thuấn đời xưa

[46] theo quan niệm của người xưa, các tinh tú chầu quanh sao Bắc Cực nên cũng ví như nhà vua có các thần tử hướng về

[47] chữ cổ đời hán, chỉ vua nước việt thường. (hậu hán thư, “nam man tây nam di liệt truyện – 南蠻西南夷列傳”)

[48] nhắc đến việc vua Quang Trung sẽ sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ.

[49] Nguyễn Đề là anh của Nguyễn Du.

[50] Bài này có ghi trong Hoa Trình Tiêu Khiển Tập (HTTKT), YHVH VIII tr. 137-8

[51] HTTKT viết là ngự [御]

[52] HTTKT viết là dư [輿]

[53] HTTKT viết là long nhan [龍顏]

[54] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV [939] tr. 416-7

[55] Bang Giao Hảo Thoại ““Ký Chuyển Quốc Thư dữ bồi giới Nguyễn Hoành Du” (寄轉國書與陪价阮宏猷) Ngô Thì Nhậm tác phẩm I (2001) nguyên văn chữ Hán tr. 707

[56] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV [944] tr. 419

[57] Vải dùng để may áo cho triều đình đều Nội Chức Nhiễm Cục (內織染局) đảm trách nhưng dệt tại các công xưởng ở Giang Nam (Hàng Châu, Từ Châu, Giang Ninh) Schuyler Cammann, China’s Dragon Robes, 1952 tr. 116.

[58] Cung Trung Ðáng, hòm số 2778, bao 163, số hiệu 39095, văn thư về việc tiếp đãi vua Quang Trung đề ngày mồng 2 tháng 2 năm Càn Long 55 (1790) của Phúc Khang An. Trang Cát Phát, TTVC tr. 399-401

為照會事,照得本年正月初旬接到國王來函,當即繕 寫照會寄覆,嗣聞國母須藉參苓頤養,隨以自用參枝,並繕照會發交左江湯道馳送諒山,交該鎮目轉齎,嗣復奉旨因吳文楚向左江道面懇隨同國王進京,仰蒙聖慈格 外體恤,以彼係國內得力之人,國王入關朝覲,應令在國居守,庶無牽罣,是以諄諄諭飭巡撫部院明晰照會,令其此次毋庸隨同前來,宸衷眷顧優渥殊常,想國王先 後均經接到矣。

上年宣封委員成道等進關後,皇上軫念該國一切情形,降旨令其馳驛進京,以備垂問,當令迅速起程。玆據成道自京來稟內稱,抵京後屢邀召見,蒙皇上以安南歲收豐歉何如? 國王年已幾何? 前次抱恙曾否全痊,膺封之後如何 感忭? 用人行政是否協宜? 人心如何翕附? 十三道地方可曾平靖? 詳加詢問 ,經成道逐一據實覆奏,聖心甚為喜悅。

又蒙皇上因國王三月入覲之期以定,復相服飾冠帶一一問及,又經成道詳晰奏對,隨命江南省織造緙絲,細繡,莽袍,金龍王帽,真金腰帶,預備頒賜。

嗣又疊奉諭旨,俟國王到京,令行抱見請安之禮,加賞金黃鞓帶,用昭優異,並因國王所寄貢使阮宏匡等書函進呈,仰蒙聖垂鑒,國母現已年高,需用藥物滋培,國王色養情殷,睿懷嘉予,特頒內府人參一觔,並撰勅書一道,同御筆硃批表文由驛發交廣西撫部院迅速轉遞。

凡玆異數隆恩,不但屬國藩臣夢想不到,即天朝親 貴,亦不能倖邀,國王自上年納款已來,即蒙寵錫便蕃,不可勝紀,璽封宸翰,絡釋而來。而且求款得款,求封得封,數月之間,藩服早膺得正名分,開關以通巿 易,頒朔以正日時,疊次隆施,無非聖主體天心以立牧,順民心以建賢,恩澤加至萬分,光榮邁於千古。

本爵閣部堂代國王恩之,於欣感之中彌懷敬畏,蓋受恩易而報恩難,因至於莫可名報,則食息寢興,必惄然有所不安,惟有早趨宸陛,早覲天顏,始可欽承睿訓,式搆鞏圖於無可報答中,勉思報答也。

國王遠處炎交,或未深悉天朝制度,大凡人臣朝覲,自有常儀,抱見請安,乃係逾格曠典,從前惟平定回部將軍兆公,平定兩金川將軍阿公,凱旋入覲,皇上郊勞將士,始命恭行此禮,而金黃鞓帶,賜出非常,御筆硃批,屬國尤所難得,今國王以南服新藩,種種仰邀異數,實為難覯寵榮。

至國王起程赴京,仍應繫用紅帶,恭俟面覲時賞換。 再人參為盛京山川靈秀所鍾,品質珍貴,不特安南稀有,即內地亦不易購求。前聞阮光顯在京購買,原擬俟國王進京覲祝時,代懇恩賜,嗣據左江道來稟,知國王字 寄阮宏匡等帶購,本爵閣部堂隨將自用參枝函寄四兩,其品本屬中平,內庫人參係從數十百觔中選擇而出。

今蒙皇上隆恩頒賞至一觔之多,國母叨玆渥賜,資以益壽培元,家慶國恩,無涯無量,國王諏吉揚鑣,涓誠覲聖,不須系念倚閭,心泰身榮,悉出鴻慈所賜,凡在臣工,同聲歡忭,況乎身受感銜,更復何如,國王新正諏詳開用印信,所有恭謝勅印詩章表文及隨表貢物,此時自已(己?)遣使恭齎在途,現奉諭旨俟表貢到關,即當賞收,並令將齎貢陪臣護送進京,俾得仰邀宴賚矣。

再國王寄阮宏匡等書內令將安南與暹羅搆衅緣由據實陳奏,原書呈覽之後,皇上深嘉國王小心恭恪,計慮周詳,現在兩國陪臣同赴朝正,共叨筳宴,彼此俱未提及,亦無纖毫露於形迹,其書函已交阮宏匡等收閱。

惟兩國從前既有此不和之事,國王進京後,必當令吳 文楚居守國中,以資鎮撫,俟下次貢期進京,現奉諭旨令本爵閣部堂再行明白檄諭,聖明優恤,奚啻至再至三,自當欽遵辦理,天朝恩溥德洋,共球萬國,東西南 朔,罔不率俾,玆恭逢皇上八旬萬壽,五代一堂,山海梯航,輿琛輦賮而來者,盈於闕下。

國王崛起西山,甫膺封爵,即得瞻雲就日,叩覲祝釐,行勳貴之禮,極章采之華,光寵無加,恩榮備至,本爵閣部堂惟有預為國王慶遭逢紀殊遇耳。

協風和煦,序入仲春,屆指入關,為期不遠,本爵閣部堂於二月下澣,當鼓檝西行,專俟關前相見也,須至照會者。

[59] Xem Hoàng Xuân Hãn, “Lịch và Lịch Việt Nam”, Tập San KHXH, Paris, số đặc san tháng 2-1982, in lại trongLa Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I tr. 916-7

[60] Nhận lịch của Trung Hoa

[61] Đời Lê, nước ta theo lịch Đại Thống của nhà Minh, sang đời Thanh tuy thần phục Trung Hoa nhưng chưa từng được ban lịch chính sóc.

[62] Lịch nhà Thanh [từ đời Càn Long thì chữ lịch 曆kiêng húy tên vua Thanh – Hoằng Lịch 弘曆– nên đổi thànhthư書]

[63] KDANKL, q. XXIV, tr. 14-6

[64] Chính vì thời Tây Sơn nước ta theo lịch nhà Thanh nên giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã ngạc nhiên khi thấy đời Tây Sơn lịch ở nước ta giống lịch Trung Hoa. Xem La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I, tr. 943, 1038 …

[65] Robert Heine-Geldern, Conceptions of State and Kingship in Southeast Asia. (New York: Ithaca, Cornell University, 1956) tr. 1

[66] Cho đến gần đây mọi dân tộc trên thế giới, kể cả khu vực Ðông Nam Á, đều cho rằng trái đất là một mặt phẳng.

[67] Núi Meru là một ngọn núi cao trong huyền thoại Ấn Ðộ là nơi ở của thần Visnu và Indra.Vua Xiêm La tự đồng hoá mình với thần linh của Ấn độ giáo. Ta dịch theo tiếng Hán là núi Tu Di (須彌).

[68] Khi lên ngôi, Nguyễn Huệ đã phong cho công chúa Ngọc Hân là Bắc Cung Hoàng Hậu và bà chỉ là một trong nhiều vợ chính thức (không kể cung phi), phải chăng tổ chức chính quyền của nhà Tây Sơn chịu ảnh hưởng của văn minh Nam Á hơn là văn minh Trung Hoa như người Việt? Chúng ta cũng biết ông còn nhiều hoàng hậu khác chẳng hạn như Phạm Hoàng Hậu, Bùi Hoàng Hậu (mẹ Nguyễn Quang Toản)…

[69] Very much the same kind of organization existed in Siam, Cambodia and Java. Again and again we find the orthodox number of four principal queens and four chief ministers, the four “pillars” as they were called in Cambodia. In Siam, as in Burma, they originally governed four parts of the kingdom lying toward the four cardinal points. Robert Heine-Geldern, sđd. tr. 7

[70] Theo Phật giáo thì mandala (Mạn Ðà La, Mạn Ðồ La, Mạn Ðát La, Mạn Nô La…) nghĩa là luân viên cụ túc (tròn trặn viên mãn), một đại pháp môn có đủ vành, nan hoa, trục để thành một bánh xe tròn trặn còn theo triết học Ấn Ðộ thì là một vòng tròn huyền bí lớn (a large circular magical circle) vẽ trên mặt đất.

[71] [The] mandala represented a particular and often unstable political situation in a vaguely definable geographical area without fixed boundaries and where smaller kenters tended to look in all directions for security… Each one contained several tributary rulers, some of whom would repudiate their vassal status when the opportunity arose and try to build up their own networks of vassals. O. W. Wolters, History, Culture, and Region in Southeast Asian Perspectives (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1982) tr. 16-7 [trích lại theo Thongchai Winichakul, Siam Mapped: A History of the Geo-Body of a Nation (Honolulu: University of Hawai’i Press, 1994) tr. 82, chú thích 2]

[72]… Rulers secured a gradually diminishing degree of hegemony and influence over the upland regions by controlling the lower reaches of river arteries (this was especially true in the case of insular Southeast Asia) or the rice-fertile lowland regions (more so in the mainland than among the islands). A map of the river was, in effect, a barometer of sovereignty. Historians have drawn clear parallels between the control of rivers and irrigation canals, and the rise of despotism in Southeast Asia. Thomas Suárez, Early Mapping of Southeast Asia(Hongkong: Periplus, 1999) tr. 20

[73] Sau cuộc chiến, nước thắng trận thường bắt đi rất nhiều dân chúng, trai tráng, phụ nữ… từ các xứ bị họ đánh bại về làm nô lệ. Người Xiêm bắt người Lào, người Miên về xây kinh thành Bangkok. Các vua Việt Nam đời Lý, đời Trần, đời Lê… cũng bắt rất nhiều người Chăm về làm nô tì. Các công tác đào kênh khi mới khai khẩn miền Nam ngoài người Việt, người Hoa cũng có rất đông nô lệ người Chân Lạp.

[74] Tục lệ này gợi cho chúng ta hình ảnh lễ đăng quang của vua Quang Trung trên núi Bân, một nghi thức hoàn toàn khác hẳn những vua chúa miền Bắc thường thực hiện trong cung điện.

[75] Whereas European eyes presumed that a country’s possessions extended as far as its border with its neighboring country, in Southeast Asia there were usually spaces in-between, ‘empty’ land, which was not part of any kingdom and which sometimes served as a neutral buffer. And while the European boundary formed an invisible wall that was to be guarded lest anyone attempt to violate it, the Southeast Asia border was porous, and was not intended to keep people either ‘in’ or ‘out’. Thomas Suárez, tr. 20

[76] As in feudal Europe, a Southeast Asian kingdom was an array of imprecisely defined spheres of influence, typically consisting of the king’s immediate territory, over which he had total control, followed by a succession of further and further removed regions from which he might exact tribute and over which he exerted varying degrees of authority. Beyond these would be outlying regions that had their own monarch but which were not entirely autonomous. These regions might be accountable to one or more larger kingdoms, being obliged to pay tribute and never to act in a manner contrary to the large kingdom’s interests. Thomas Suárez, tr. 20

[77] KDANKL, q. XXIV, tr. 16-7

[78] KDANKL, XXIV, tr. 23-4

[79] Xem thêm “Khai Quan Thông Thị” biên khảo của NDC.

[80] YHVH, Hoa Nguyên Tùy Bộ Tập, q. VI tr. 334-7

[81] Xem nguyên văn trong Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập Thành [đệ Lục sách] tr. 337-9. Văn Học Đời Tây Sơn (2000), q. VII tr. 182-6

[82] Nghiên cứu lịch sử.- 1997.- Số 2 (185) (tháng 3 – 4, 1979) tr. 87-9, 97. Bài này tìm thấy trong sách Cúng Dàng của một gia đình ở huyện Chương Mỹ, Hà Sơn Bình và trong Cung Văn Tạp Lục, lưu trữ tại Thư Viện KHXH (trong phần cúng cô hồn). Bài văn tế này tuy soạn đời Tây Sơn nhưng có lẽ chỉ dùng để đọc trong những dịp cúng hàng năm.

[83] Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (tập III), 1992 tr. 195-8

[84] Phan Huy Chú, sđd. tr. 204

[85] Phan Huy Chú, sđd. tr. 206

[86] Vua cho rằng giặc Tây Sơn đã diệt, sai gửi thư sang Tổng đốc Lưỡng Quảng nước Thanh hỏi về việc bang giao nên làm thế nào; sai Thiêm sự Lại bộ là Lê Chính Lộ, Thiêm sự Binh bộ là Trần Minh Nghĩa đợi mệnh ở Nam Quan. Lại cho rằng nước nhà mới dựng, muốn tiếp sứ nhà Thanh ở cửa ải, để làm lễ tuyên phong cho đỡ phiền phí, đem việc ấy hỏi Ngô Nhậm và Phan Huy Ích, họ đều nói việc như thế từ trước chưa nghe bao giờ. Bèn thôi. ÐNTL, tập Một [Ðệ Nhất Kỷ, q. XVIII] tr. 510. Khi vua Càn Long nhắn vua Cảnh Thịnh [Nguyễn Quang Toản] lên Nam Quan nhận sắc phong, triều đình nước ta lấy cớ vua còn nhỏ mới lên đậu nên sứ thần Thành Lâm cũng xuống Thăng Long. Thực ra đời Lê trung hưng, một số lần vua nước ta phải lên Nam Quan nhận lễ phong vương, có khi sứ thần Trung Hoa không đến, chờ lâu phải quay về. Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích có lẽ muốn bảo tồn quốc thể mà các ông đã xây dựng được nên không muốn nhà Thanh quay trở lại một số thể lệ cũ.

[87] Thực ra trong giai đoạn này, Phúc Khang An cũng gặp nhiều rắc rối vì liên quan đến một vụ đại án. Nếu không vì việc đang biện lý An Nam, ông ta đã bị cách chức kể cả tước Công, chỏm mũ bảo thạch, tứ đoàn long bổ phục … Chính vì thế Phúc Khang An phải cố gắng bằng mọi giá mời cho bằng được vua Quang Trung sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ và làm cho mọi việc được xuôi chèo mát mái. Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng q. XV, các văn kiện 1, 2 … (trang 1-3)

[88] KDANKL, q. XVII tr. 18 (Tấu thư của Phúc Khang An đề ngày mồng 5 tháng Tư năm Kỷ Dậu) [bản dịch NDC]

[89] Trên lá thư gửi vua Quang Trung, Phúc Khang An đề là “Ngự tiền đại thần, kinh diên giảng quan, thái tử thái bảo, nội đại thần, nghị chính đại thần, hiệp biện đại học sĩ, lại bộ thượng thư kiêm binh bộ thượng thư, đô sát viện, hữu đô ngự sử, tổng đốc Quảng Ðông – Quảng Tây quân vụ kiêm lương hướng diêm khóa, nhất đẳng Gia Dũng Công Phúc gửi hịch dụ này” …(xem DVQT)

[90] Thượng Dụ Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 362-3.

[91] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV [386] (1991) tr. 179

[92] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV [382] (1991) tr. 176

[93] Nếu theo nghĩa trong thư thì Nguyễn Phúc là anh Nguyễn Huệ, không biết có phải là một tên khác của Nguyễn Nhạc không? Ngoài Nguyễn Nhạc chỉ có một người anh cả là Nguyễn Quang Hoa nay đã qua đời. Về tên Nguyễn Phúc, trong Nghiên Cứu Chữ Húy Việt Nam Qua Các Triều Đại của Ngô Đức Thọ (Văn Hóa, 1997), trang 108-9 có viết một đoạn về kiêng húy đời Tây Sơn có hai chữ Bình và Phúc. Bình thì là tên vua Quang Trung (Nguyễn Quang Bình) còn Phúc thì chép:

“…Trong Nghệ An ký, kể chuyện Nguyễn Huệ ra Thăng Long lần thứ nhất (7-1786), Bùi Dương Lịch (1758-1828) viết: “Huệ vào điện yết kiến [vua Lê], trình bày ý tôn phù chính thống, xin triệu tất thảy văn võ bá quan về kinh chầu hầu. […] Các giấy tờ bố cáo với người trong nước đều dùng dấu “Ngự tiền chi bảo”. Duy quân lệnh của Tây Sơn thì dùng riêng dấu “Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc”…

GS Ngô Đức Thọ giải thích “…chữ Phúc trong tộc danh Nguyễn Phúc trở thành một từ nói về kẻ thù địch của triều Tây Sơn …”. Khi đọc được chi tiết từ thượng dụ của nhà Thanh, chúng tôi tự hỏi liệu Nguyễn Phúc có thực sự chỉ chúa Nguyễn (khi đó đang bôn tẩu ở Xiêm La) hay không? Sách vở thời Tây Sơn viết không theo diễn tiến thời gian, nhiều việc chép chung một đoạn nhưng thực ra cách nhau hàng năm, có khi nhiều năm, việc trước ra sau, việc sau lên trước … Con dấu Phụng Thiên Phạt Bạo Nguyễn Phúc rất có thể để dùng vào khi hai anh em Nhạc Huệ hiềm khích, từ ruột thịt nay thành tử thù và Nguyễn Phúc cũng chính là một tên khác của Nguyễn Nhạc. Xin ghi ra để tồn nghi. Cũng có thể những người này là do chúa Nguyễn sai đi và lá thư là một mạo tín nhằm gây chia rẽ giữa nhà Thanh và Nguyễn Huệ.

[94] Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, q. XV [289, 290] (1991) tr. 136-7

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s