Khả năng còn di tích chiến thắng Bạch Đằng 1288 ?

Nguyễn Triệu Đồng

 Trong một bài đăng trên Nghiên Cứu Lịch Sử năm 2020 [6], tôi có đề nghị một vị trí bãi cọc trên sông Bạch Đằng, bên tả ngạn sông, từ cửa ra sông Giá (bờ phải) đến cửa vào sông Chanh (bờ trái).

Đề nghị nào về một sự kiện lịch sử đã xa cách chúng ta bảy thế kỷ, dù có dựa trên các số liệu khoa học về địa hình, thủy văn, cũng chỉ là kết quả của suy diễn và suy đoán. Và khi chưa tìm được di tích ở hiện trường, chưa tìm được chứng cứ của sự kiện, thì suy diễn vẫn chỉ là giả thuyết ít nhiều hợp lý thôi.

Trong bài này, tôi xin viết lại các sự kiện của cuộc xâm lược Nguyên Mông lần 3 ( 1287-1288), sự kiện sắp xếp theo ngày tháng dương lịch (với chú thích ngày tháng âm lịch, để bạn đọc dễ tìm gốc trong tài liệu lịch sử). Và nêu lên khả năng chúng ta còn có thể tìm được di tích của trận đánh trên sông Bạch Đằng ngày 09/04/1288.

Nguyên Mông xâm lăng Đại Việt lần thứ 3 (1287-1288).

Sau hai lần xâm lăng thất bại (1258 và 1285), nhà Nguyên dưới triều đại Hốt Tất Liệt (Kubilai Khan 1263-1294), sau khi đánh thắng hoàn toàn nhà Nam Tống (1279) và kiểm soát toàn thể Trung Quốc, nay dồn hết sức lực để ‘giải quyết’ Đại Việt.

 

1.- Mũi tiến công đường biển.

  Hình 1. Xâm lăng 1287-1288. Mũi tiến công đường biển

Cuối năm 1287, đoàn quân xâm lăng đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện : người, ngựa và thuyền. Rút kinh nghiệm của hai lần thất bại trước, mà mỗi khi thua trận trên bộ, quân Đại Việt nhà Trần lại xuống thuyền để trốn tránh trong những sông ngòi chằng chịt của đồng bằng sông Hồng, đoàn quân Nguyên có một thành phần thủy binh quan trọng. Đó là 500 chiến thuyền, chở 18000 binh sĩ, do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, dẫn dường cho 70 thuyền lương, do Trương Văn Hổ chỉ huy [4, trg 44]. Đoàn thuyền chiến và thuyền lương này xuất phát từ Quảng Châu đầu tháng 12, năm 1287, di chuyển dọc bờ biển, đi qua eo biển giữa đảo Hải Nam và lục địa, và đã có mặt ở ngoài khơi Móng Cái ngày 16/12/1287 (Đinh Hợi, ngày 11 tháng 11, Trùng Hưng năm thứ ba, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 24).( Coi Hình 1)

Khi đoàn thuyền này đến ngoài khơi Vân Đồn, trên đảo Cái Bầu (Quảng Ninh) thì bị chiến thuyền của Trần Khánh Dư chặn đánh [1, tập II, trg 60]. Từ 1286, Trần Khánh Dư đã được lệnh trấn ngữ ở Vân Đồn, trên con đường thủy này. Quân Nguyên Mông với số lượng áp đảo, đã nhanh chóng đánh tan thủy quân nhà Trần. Ô Mã Nhi nghĩ là đã quét sạch được tuyến phòng thủ quân ta, nên ra lệnh cho các chiến thuyền Mông Cổ vượt lên trước, tiến vào sông Bạch Dằng, để mau hội quân với Thoát Hoan ở Vạn Kiếp. Còn các thuyền lương của Trương Văn Hổ, nặng hơn và chậm hơn, thì sẽ theo sau.

Được tin Trần Khánh Dư thua trận, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông cho trung sứ đến xiềng Khánh Dư về triều để luận tội. Khánh Dư xin với trung sứ cho hoãn vài ngày để lập công chuộc tội. Khánh Dư tập hợp tàn quân, đuổi theo đoàn tầu lương của Trương Văn Hổ không có thuyền bảo vệ, và tiêu diệt đoàn này. Trương Văn Hổ phải xuống thuyền nhỏ bỏ trốn về đảo Hải Nam. Trận đánh thuyền lương này đã xảy ra vào cuối tháng 12/1287, trên tuyến đường thủy bọc phía Nam đảo Cát Bà để đi vào cửa sông Bạch Đằng. Một số thuyền Nguyên Mông chắc đã trốn thoát. Nhưng trên đường trở về Hải Nam, thì lại bị quân ta chặn đánh : đó là trận thủy quân ở vụng Đa Mỗ ngày 02/01/1288 (Đinh Hợi, ngày 28 tháng 11) [1, Tập II, trg 60] (Mũi Ngọc, Móng Cái hiên nay) : « Nhân Đức hầu Toàn đem thủy quân đánh ở vụng Đa Mỗ…..ta bắt sống 40 tên, thu được thuyền, ngựa, khì giới… »

Ngày 10/02/1288 (Mậu Tý, mồng 8 tháng Giêng) một đoàn thuyền lương thứ hai, vẫn do Trương Văn Hổ chỉ huy, gửi sang tiếp tế cho đạo quân Thoát Hoan, đã đến Hạ Long. Trương Văn Hổ có hẹn với Ô Mã Nhi ở Hạ Long để hộ tống thuyền lương đi ngược sông Bạch Đằng đến Vạn Kiếp. Nhưng Ô Mã Nhi đến muộn, nên đoàn thuyền lương đên trú ẩn ở vịnh này, và bị quân dân ta đánh tan. Đây là trận Đại Bàng [1, Tập II, trg 61].

« Ngày mồng 8, quan quân hội chiến ngoài biển Đại Bàng, bắt được 300 thuyền giặc….quân Nguyên bị chết đuối rất nhiều »

Trương Văn Hổ la ị một lần nữa, xuống thuyền nhỏ và chạy thoát về Hải Nam.  

2.- Mũi tiến công đường bộ.

  Hình 2 Xâm lăng 1287-1288. Mũi tiến công đường bộ.

Ngày 19/12/1287 (Đinh Hợi, ngày 14 tháng 11), một cánh quân Nguyên do Ái Lỗ chỉ huy đến từ Vân Nam đã xâm phạm ải Phú Lương [1, tập II, trg 59]. Và ngày 29/12/1287 (Đinh Hợi, ngày 24, tháng 11), đại quân Nguyên Mông từ Tư Minh do chính Thoát Hoan chỉ huy tiến đánh vào ải Lạng Sơn và Nội Bàng. Mục tiêu của 3 cánh quân này là tập hợp ở Vạn Kiếp (Phả Lại) trước khi tiến đánh Thăng Long. Toàn thể bộ binh, kỵ binh, thủy binh của lần xâm lược này khoảng 50 vạn người [2, trg 207].

Vào đầu tháng 1/1288, Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đã tập trung 30 vạn quân  đánh chiếm Vạn Kiếp [1, Tập II, trg 60]. Và lập căn cứ ở đây để tiến đánh Thăng Long.                

Không phải chỉ có Ô Mã Nhi mới lầm tưởng là đã mở xong đường khi đánh bại thủy quân của Trần Khánh Dư ở Vân Đồn, mà đoàn của Trần Ích Tắc, Lê Tắc cũng tưởng lầm là đại quân của Thoát Hoan đã dọn đường và đường về Đại Việt đã an toàn, nên tổ chức trở về vào cuối tháng 01 năm 1288, qua ải Nội Bàng. Sau đây là lời kể của chính Lê Tắc trong An Nam Chính Lược [4 trg 45] về chuyến đi này:

01/02/1288 (Đinh Hợi, 28 tháng Chạp) : « Nhà cửa đều bị dốt cháy. Tên độc bay tứ phía. Bọn tôi đã thua trận. Tôi (Lê Tắc) dẫn dầu một toán 60 kỵ binh, mang theo đứa con 9 tuổi của Quốc Vương Trần Ích Tắc, cố gắng tháo chạy về biên giới phía Bắc. Không may cho chúng tôi, phía trước lại có một số quân Đại Việt chặn đường. Chúng tôi phải liều chết chống cự từ nửa đêm đến tảng sáng, mới chạy về lại Tư Minh. »

Sự kiện này cho thấy con đường từ Tư Minh đến Vạn Kiếp hoàn toàn do quân ta khống chế. Mọi liên lạc giữa Trung Hoa và đoàn quân Thoát Hoan ở Đại Việt bị cắt đứt. Việc này cũng giải thích tại sao một đoàn thuyền lương thứ hai tiếp tế cho quân Nguyên đã không được thông báo kịp thời, nên Ô Mã Nhi đã ra diểm hẹn ở vịnh Hạ Long quá muộn, khiến quân ta đã thu gọn quân lương quân nhu của địch (Trận Đại Bàng, 10/02/1288)

3.- Quân Nguyên Mông, sau khi lập căn cứ ở Vạn Kiếp, mở rộng tiến công.

Sau khi đã lập được căn cứ vững chắc ở Vạn Kiếp, Thoát Hoan mở các cuộc hành quân để truy lùng và tiêu diệt quân Đại Việt, và đưa Trần Ích Tắc, vừa được Nguyên Chủ phong làm “An Nam Quốc Vương” lên ngôi “Vua chư hầu”. Lần này có thêm thủy quân của Ô Mã Nhi, nên Thoát Hoan tin là khi thua trên bộ, quân Đại Việt có xuống thuyền lẩn trốn trong sông rạch, thì cũng không thoát khỏi chiến thuyền Nguyên Mông.

       Hình 3. Quân Nguyên chiếm Thăng Long  

Ngày 20/01/1288 (Đinh Hợi, Ngày 16 Tháng Chạp), Nguyễn Thức đem quân Thánh Dực đóng ở cửa Đại Than (cửa sông Đuống) để bảo vệ Thăng Long [1, Tập II, trg 60].

Ngày 27/01/1288 (Đinh Hợi, ngảy 23 Tháng Chạp), bộ binh, kỵ binh Nguyên Mông theo bờ trái Sông Đuống, thủy binh ngược dòng sông Đuống tiến về Thăng Long [4 trg 45].

Ngày 02/02/1288 (Đinh Hợi, ngày 29 tháng Chạp) quân Nguyên chiếm được Thăng Long, thành không người trống. Vì cũng như lần xâm lăng trước, quân dân ta đã rút khỏi kinh đô. Hai vua Trần mang quân chạy về Thiên Trường

Giữa tháng 2, 1288 (Mậu Tý, giữa tháng Giêng) Chiến thuyền Nguyên Mông không vây bắt được hai vua Trần, Ô Mã Nhi tiến vào Long Hưng (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình hiện nay) và tìm cách khai quật lăng mộ nhà Trần ở Chiêu Lăng.

4.- Chuẩn bị cho trận Bạch Đằng.

  Hình 4. Chuẩn bị cho trận Bạch Đằng

Cuối tháng 3, 1288 (Mậu Tý, cuối tháng 2), Ô Mã Nhi ra Vịnh Hạ Long để đón đoàn thuyền lương thứ hai của Trương Văn Hổ. Nhưng đoàn này đã bị quân Đại Việt tiêu diệt ở trận Đại Bàng. Trở về tay không, Ô Mã Nhi đánh phá làng mạc ở tả ngạn sông Bạch Đằng (Yên Hưng, Quảng Ninh) để cướp lương thực :

01/04/1288 (Mậu Tý, Tháng 2, Ngày 29), « Ô Mã Nhi đánh vào trại Yên Hưng « [1, tập II, trg 61].

Trận Bạch Đằng đă xẩy ra ngày 09/04/1288, tức là chỉ 8 ngày sau Ô Mã Nhi trở về trên sông Bạch Đằng sau chuyến đi tìm thuyền lương thất bại. Trong thời gian ngắn ngủi đó, quân dân đã xây dựng xong trận địa mai phục dọc theo hai bờ sông. Và nhất là đã đóng xong bãi cọc ở gần cửa sông Chanh [6]. Chắc là vì thời gian gấp rút, một số cọc đóng không đủ sâu nên lộ trên mặt nước, và « Vương đã cho phủ cỏ lên trên « 

Nên yếu tố bất ngờ chắc chắn là hoàn toàn với đoàn thuyền Ô Mã Nhi trong ngày rút quân 09/004/1288, khi đi đến bãi cọc.

4.- Tác dụng cùa bãi cọc trên đoàn thuyền.

Với bãi cọc cao 4m đóng trên lòng sông sâu 5m [6] bằng sức người và trong thời gian ngắn, chắc chắn là cọc không đủ chắc trong lòng sông để chặn đứng một chiếc thuyền gỗ nặng 200 tấn di chuyển với tốc độ 10 km/g. Nhưng cọc có thể làm chậm thuyền và làm lệch hướng đi của thuyền. Và chiếc thuyền sau của đội hình không tránh kịp, lập tức tạo thành một chướng ngại vật lớn hơn.

Hiện tượng dây chuyền này, khi một nguyên nhân nhỏ mà hậu quả lớn, có thể thấy trong tai nạn xe cộ hiện nay trên các xa lộ : một đoàn xe di chuyển đều. Bỗng dưng một chiếc xe quay ngang (thường là do đường trơn). Chiếc xe sau không tránh kịp, và là khởi đầu một tai nạn lớn.

Theo Nguyên Sử [5], thì Phàn Tiếp bị chết trận trong hoàn cảnh sau :

« Gặp lúc thuỷ triều rút, thuyền của Tiếp bị kẹt; thuyền giặc (thuyền Đại Việt) đến đông, tên bắn như mưa, từ giờ Mão (5-7 giờ sáng) đến Dậu (15-17 giờ chiều). Tiếp bị thương, rơi xuống nước; giặc (quân Đại Việt) dùng câu liêm kéo lên giết chết. »

Đoạn sử trên mô tả cảnh chiến thuyền Nguyên Mông bị vướng mắc trên sông, và thuyền Đại Việt kéo đến giáp chiến.

Đại Việt Sử Ký Toãn Thư [1, tập II, trg 61] viết :

« Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết. Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh Dục dũng nghĩa đánh nhau với giặc. Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh lớn. »

Đoạn sử này mô tả cánh quân hai vua đóng ở Hiệp Môn [3], sau khi được tin đại quân Nguyên đã rút chạy khỏi Vạn Kiếp, đã tổ chức việc truy đuổi, với một đoàn hướng về các ải phương Bắc để chặn đường của Thoát Hoan, và một đội thủy quân ngược dòng Kinh Thày, rồi theo sông Giá đi về bãi cọc Bạch Đằng (Coi hình 4).

Sử viết tiếp :

«  Quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả…Bắt được 400 chiếc thuyền..Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ dâng lên Thượng Hoàng. Thượng Hoàng sai dẫn lên thuyền ngự, cùng ngồi nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ » 

5.- Khả năng còn di tích trong sông Bạch Đằng ?

Trong bài viết trước, cũng đăng trên Nghiên Cứu Lịch Sử [6], theo tôi thì bãi cọc được đóng ở lòng sông bên bờ trái, trước cửa sông Chanh, ở độ sâu 5 m (Hình 5). 

Sau trận đánh, những cọc còn lại, và những xác thuyền chắc chắn đã được mang đi, vì nằm trên tuyến giao thông thủy. Chiến trường đã được dọn sạch, nhất là khí giới thì được thu lượm để còn mang ra sử dụng cho cuộc chiến tương lai. (Vào lúc này, quân dân Đại Việt vẫn phải phòng bị một cuộc xâm lược mới. Cả đến 12 năm sau, năm 1300, khi đến thăm Hưng Đạo Vương trên giường bệnh, vua Trần Anh Tông vẫn còn hỏi Vương về kế sách nếu chẳng may giặc phương Bắc trở lại). Như vậy hiện trường ở độ sâu 5 m đã được dọn sạch.

Nhưng ở sát hiện trường, ở độ sâu 10 m, ta có một cái hố dài vài cây số. Trong trận hỗn chiến giữa vài trăm tầu thuyền lớn nhỏ, có thể một số thuyền bị đốt cháy hoặc hư hỏng đã trôi dạt và chìm đắm ở đây. Xác thuyền ở trong hố này không cản trở giao thông, mà lại ở độ sâu khó trục vớt. Nên có khả năng ở đây còn lại di tích trận đánh trên sông Bạch Đằng.

      Hình 5. Khả năng còn di tích trong hố ở bờ phải

  

6.- Về những bãi cọc đã tìm thấy ở Yên Giang, Đồng Cốc và Liên Khê.  

Ngành khảo cổ Việt Nam đã tìm thấy bãi cọc ở Yên Giang (1958), Đồng Cốc và Liên Khê (2019)[7]. Những cọc này nằm gần bờ sông. Bãi cọc Cao Quỳ, ở xã Liên Khê, nằm bên bờ phải đầu sông Đá Bạc. Còn sau cửa vào sông Chanh khoảng 1 km, ta có bãi cọc Yên Giang ở bờ trái và bãi cọc Đồng Cốc ở bờ phải.

Theo ý riêng, những bãi cọc này là bộ phận một tuyến phòng thủ của bộ binh để chống đỡ những mũi đột phá của các toán kỵ binh, sở trường của quân Nguyên Mông. An Nam Chí Lược đã kể lại sự kiện sau, trong lúc Thoát Hoan đưa đại quân trở về Tư Minh : « Khi tới gần biên giới, Thoát Hoan được tin quân Đại Việt đã mai phục ở nhiều điểm, và cho đào nhiều đường hào để ngựa sa chân, ở dưới hào còn để bàn chông. ». Thoát Hoan phải vất vả mới né tránh được các điểm mai phục và trở về Trung Quốc.

Khi quân ta bố trí trận mai phục dọc theo sông Bạch Đằng trước ngày lich sử 09/04/1288, một phản ứng của thủy quân Ô Mã Nhi có thể dự đoán là đổ bộ người và ngựa lên bờ và dùng sở trường của Nguyên Mông là kỵ binh để đáp trả. Nên nếu tuyến đầu của quân ta là ngay bờ sông (để thuyền địch nằm trong tầm bắn của cung nỏ), thì tuyến sau của bộ binh ta, sau khi địch đã đổ bộ thành công và thành lập các nhóm kỵ binh, phải có trận địa để chống kỵ binh. Như vậy, những cọc đã tìm thấy là để đỡ phên, liếp cho bộ binh ẩn nấp, và giữa những cọc là đường hào để ngựa giặc sa chân, hoặc để sẵn dây bất ngờ kéo lên, để ngựa vướng chân.

Còn bãi cọc vừa thấy ở xã Liên Khê, theo tôi thì cũng là công sự để bộ binh ta chống đỡ kỵ binh Nguyên Mông. Hưng Đạo Vương có thể đã có kế hoạch chặn đánh Ô Mã Nhi ở điểm này : hai sông nhỏ (rộng 60 m) tập trung nước vào sông Đá Bạc. Ta có thể chặn điểm ra, và dùng bộ binh hai bên bờ để tiêu diệt đoàn thuyền địch trải dài trên sông nhỏ. Một trận địa tương tự như vậy đã được Nguyễn Huệ lợi dụng để phá tan đoàn chiến thuyền Xiêm La đưa Nguyễn Ánh trở về Gia Định. Trong trận Rạch Gầm, Xoài Mút trên sông Tiền Giang năm 1785 [2, trg 341], với thủy binh chặn đường ra ở hạ lưu, bộ binh ta trên bờ và trên cồn (đảo) đã tiêu diệt 2 vạn thủy binh Xiêm. Kế hoạch chặn đánh Ô Mã Nhi ở đầu sông Đá Bạc đã bị loại bỏ vì quá gần Vạn Kiếp (40 km), nên Thoát Hoan trên đường rút quân vẫn có thể quay lại ứng cứu, và lật ngược thế cờ.      

  

Lời kết.

Sau thắng trận, ngày 18/04/1288 (Mậu Tý, ngày 17 tháng 3) “ đem các tướng giặc bị bắt là Tich Lệ Cơ Ngọc, Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham Chính Sầm Đoàn, Phàn Tiếp *, Nguyên Soái Điền, các Vạn Hộ, Thiên hộ làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng “ [1, tập II, trg 62]. Chiêu Lăng ở Long Hưng (nay là Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Vào tháng Giêng Mậu Tý, Ô Mã Nhi đã đóng quân ở đây, và tìm cách khai quật mộ vua Trần Thái Tông để phá đi, nhưng không phạm được tới quan tài. Khi nhìn mấy tượng ngựa bằng đá lấm bùn đất ở trước lăng, vua Trần Nhân Tông cho là “ thần linh đã giúp ngầm vậy “. Nên trong lễ bái yết, đã có thơ rằng:

                     **

                          “ Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

                             Sơn hà thiên cổ điện kim âu

                             Xã tắc hai phen bon ngựa đá

                             Non sông ngàn thủa vững âu vàng.

  • Chỗ này, DVSKTT đã viết nhầm. Vì Nguyên Sử đã kể rõ Phàn Tiếp đã chết trận Bạch Đằng ngày 09/04/1288 như thế nào.

** Chữ nho của bài thơ được lấy từ mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) [1, tập IV, trg 194]



                                           Tài liệu tham khảo.

[1] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. NXBKHXH, Hà Nội, 1993

[2] Lịch Sử Việt Nam, tập I. Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam. NXBKHXH, Hà Nội, 1971

[3] Phan Huy Lê – Bùi Đăng Dũng – Phan Đại Doãn – Phạm Thị Tâm – Trần Bá Chí :  Chiến thắng Bạch Đằng (9/4/1288). Báo mạng Nghiên cứu lịch sử ngày 06/06/2014.

Chiến thắng Bạch Đằng (9/4/1288)

[4] Vu  Hong Lien. The Mongol Navy : Kubilai  Khan’s invasions in Đại Việt and Champa.

The Nalanda-Sriwijaya Centre Working Paper n° 25, June 2017.

[5] Hồ Bạch Thảo. Niềm tin lịch sử.

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/niem-tin-ve-lich-su

[6] Nguyễn Triệu Đồng. Nghi vấn về một bãi cọc vừa được tìm thấy gần sông Bạch Đằng.

https://nghiencuulichsu.com/2020/11/23/nghi-van-ve-mot-bai-coc-vua-duoc-tim-thay-gan-song-bach-dang/

[7] VNExpress: Bãi cọc Cao Quỳ mở ra hướng nghiên cứu mới.

https://vnexpress.net/bai-coc-cao-quy-mo-ra-huong-nghien-cuu-moi-4030594.html

                                           Tài liệu kỹ thuật

A – Hồ Ngọc Đức.  Âm lịch Việt Nam.

         http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/amlich/

B – Thủy triều ở Hòn Dấu (20°41’N, 106°49’ E). Tổng Cục Khí Tượng Thủy Văn, Bảng Thủy Triều 2001. NXB Thống Kê. Hà Nội 1999.

C – Hình vệ tinh LandSat 7 và 8 được lấy từ trang web: https://glovis.usgs.gov

D – Bản đồ Sông Bạch Đằng của NGA (Chart 93626), 1996.

E – QuanTum GIS (QGIS) để đọc các hình vệ tinh LandSat. https://qgis.org/en/site/

3 thoughts on “Khả năng còn di tích chiến thắng Bạch Đằng 1288 ?

  1. Tôi chỉ nói về khả năng tìm được di tích thôi, ở hố sâu dài vài
    cây số, ở bờ phải sông B.Đ., trước cửa sông Giá. Hố này ở thượng lưu Ghềnh Cốc, cách Hải Phòng vài cây số.
    Còn tìm được thì phải mò dưới nước (làm khảo cổ dưới nước).
    Tôi hi vọng chúng ta sẽ tìm được di tích. Cũng như khảo cổ Nhật Bản đã tìm được di tích ở ngoài khơi Nagasaki.

    Thích

  2. “Nhưng trên đường trở về Hải Nam, thì lại bị quân ta chặn đánh : đó là trận thủy quân ở vụng Đa Mỗ ngày 02/01/1288 (Đinh Hợi, ngày 28 tháng 11) [1, Tập II, trg 60] (Mũi Ngọc, Móng Cái hiên nay) : « Nhân Đức hầu Toàn đem thủy quân đánh ở vụng Đa Mỗ…..ta bắt sống 40 tên, thu được thuyền, ngựa, khì giới… »

    Ngày 10/02/1288 (Mậu Tý, mồng 8 tháng Giêng) một đoàn thuyền lương thứ hai, vẫn do Trương Văn Hổ chỉ huy, gửi sang tiếp tế cho đạo quân Thoát Hoan, đã đến Hạ Long”.

    Ngày 02/01/1288 bị đánh trên đường về Hải Nam, nhưng đến ngày 10/02/1288 lại có 1 đoàn thuyền lương thứ 2 cũng do Trương Văn Hổ chỉ huy đã đến Vịnh Hạ Long. Xét về mặt thời gian là không thể!
    Việc chuẩn bị thuyền bè, mấy chục vạn thạch lương thảo không thể diễn ra trong 1 thời gian ngắn như vậy được.
    Xét về quân luật thì Trương Văn Hổ mắc trọng tội, không thể cho chỉ huy đội thuyền lương thảo lần 2.

    Thiển ý, 2 lần Trương Văn Hổ chỉ huy đoàn thuyền lương chỉ là 1, Trần Đa (Toàn) có lẽ là 1 tướng dưới quyền của khánh Dư. Trận đánh mà Đa (Toàn) đánh tàn quân của Trương Văn Hổ nằm trong trận đại phá 17 vạn thạch lương mà thôi.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s