Đính chính sai lầm của An Nam Kỷ Yếu dẫn đến sai lầm trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

905

 Hồ Bạch Thảo

Trong bài viết mới đăng trên các báo, với nhan đề “Khúc Tiên Chúa nhân thời cơ dành độc lập” lập luận chúng tôi cho rằng ngay sau quân loạn tại An Nam vào năm 880, Tiên chúa Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa, giành độc lập cho nước nhà, với lời trích dẫn như sau:  

: Trong khi Hoàng Sào tung hoành tại Trung Quốc, chính quyền địa phương thuộc Đường tại An Nam Đô Hộ Phủ bị cắt đứt với chính quốc; quân lính nhà Đường làm loạn, tự động bỏ hàng ngũ trở về Ung châu [Nam Ninh], sử chép:

 “Đường Hy Tông năm Quảng Minh thứ nhất [880]

Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn; các đạo binh thuộc Ung quản tự động rút về. 安南軍亂,節度使曾袞出城避之,諸道兵戍邕管者往往自歸。  (Tư Trị Thông Giám,viết tắt:Tư Trị, quyển 253)

Thế: Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học tại đất Hồng Châu [Hải Dương], lấy sự hiểu biết làm sức mạnh [Knowledge is power], chớp lấy thời cơ, vận động nhân dân vốn sẵn lòng căm ghét giặc ngoại xâm từ ngàn năm, đồng loạt nỗi dậy; đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà.”

Lập luận trên cũng chẳng mới, trước đây Việt Sử Tiêu Án [viết tắt: Tiêu Án] của Ngô Thì Sĩ cũng chép tương tự:

Họ Khúc là người Hồng Châu, là họ to nối đời, tiên tổ là Thừa Dụ, tính khoan hòa, yêu người, được nhiều người qui phục, khi Tăng Cổn bỏ phủ thành, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, xin với triều đình Đường, vua Đường nhân thế nhận cho làm chức ấy.”

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [viết tắt Toàn Thư] cũng xác nhận vào năm 880 Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn:

Canh Tý, [880], (Đường Hy Tông Nghiễm, Quảng Minh năm thứ 1).  Mùa xuân, tháng 3, quân ở phủ Đô hộ làm loạn, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ chạy khỏi thành (Cổn thay Biền, có tiếng là người biết vỗ dân, người [trong châu] gọi là Tăng thượng thư; Cổn từng soạn sách Giao Châu ký, 1 thiên).  Các đạo quân nhà Đường đóng giữ Ung Quản thường tự ý bỏ về luôn. ”

Một nhà nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ trong nước tuy không phản đối lập luận của chúng tôi, nhưng anh cảm thấy lấn cấn vì Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [viết tắt: Cương Mục] căn cứ vào  sách An Nam Kỷ Yếu  của Cao Hùng Trưng, phủ nhận việc Tăng Cổn nhân loạn chạy về nước, nhân đó phủ nhận việc Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ năm 880. Qua Email nhà nghiên cứu gửi cho tôi bài viết của anh, trưng lên những sử liệu Trung Quốc trong Tư Trị, Nhị Thập Tứ Sử cùng những thư tịch cổ Việt Nam, khiến tôi rất khâm phục và vui mừng; vì tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ nghiên cứu sâu như vậy, thì nền sử học nước nhà không thể mai một được. Bài của anh trích dẫn từ Cương Mục như sau:

Năm Canh Tí (880). (Đường, năm Quảng Minh thứ 1). Tháng 3, mùa xuân. Quân phủ đô hộ nổi loạn. Tiết độ sứ Tăng Cổn phủ dụ được yên. Theo sách An Nam kỷ yếu, trước kia, Tăng Cổn làm chức tiểu hiệu dưới quyền Cao Biền, Tăng Cổn là người giỏi về chính trị. Khoảng giữa niên hiệu Kiền Phù (874-879), nhà Đường dùng Tăng Cổn thay Cao Tầm làm tiết độ sứ. Năm này (880) quân trong phủ nổi loạn, các thuộc hạ xin Tăng Cổn rút ra ngoài thành để lánh nạn. Cổn không nghe, đem điều uy đức ra phủ dụ: quân nổi loạn yên ngay, đến quy phụ với Cổn. Cổn không nhắc hỏi đến lỗi của họ nữa. Vì thế, trong số quân các đạo đi thú ở Ung Quản hễ ai theo về với Cổn thì đều được dung nạp cả. Tăng Cổn là người có tiếng khéo vỗ về cai trị nhân dân, được người Giao Châu gọi là “ông thượng Tăng” (Tăng thượng thư). Cổn có soạn sách Giao Châu ký lưu hành ở đời. Cổn làm việc ở trấn 14 năm. Đến đời Đường Chiêu Tông, năm Cảnh Phúc thứ 1 (892), Chu Toàn Dục mới sang thay Cổn làm tiết độ sứ. Lời cẩn án – Sử cũ [chỉ Toàn Thư] chép quân trong phủ nổi loạn, tiết độ sứ Tăng Cổn trốn ra ngoài thành. Nay xét Tăng Cổn là người có tiếng về chính trị, e Sử cũ chép lầm chăng, nên nay căn cứ vào sách An Nam kỷ yếu của Cao Hùng Trưng mà cải chính lại.”

Nay xin cẩn thận xét từng điểm một:

                        A.Ba bộ sử Tư Trị, Toàn Thư, Việt Sử Tiêu Án, đều chép nội dung: Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn. Chỉ riêng An Nam kỷ yếu chép: “Tháng 3, mùa xuân. Quân phủ đô hộ nổi loạn. Tiết độ sứ Tăng Cổn phủ dụ được yên”, rồi Cổn ở lại cai trị; sau đó Cương Mục của nước ta lặp lại theo ý đó.

Thiết tưởng lịch sử là một bộ môn thuộc Khoa học xã hội, nên giải quyết theo phương pháp khoa học; cần đánh giá sử liệu một chính xác chừng nào hay chừng đó; chúng ta hãy bắt tay xét về nguồn sử liệu và độ tin cậy của sử liệu:

Nếu đánh giá nguồn tư liệu thứ tự cao thấp theo mẫu tự A,B,C,D, thì Tư Trị tuy do Tư Mã Quang soạn, nhưng soạn theo lệnh của Vua , do Vua đặt tên sách, đươc dùng tư liệu của triều đình, có giá trị như chính sử; Toàn Thư là bộ chính sử của triều đình nước ta, dùng tư liệu của triều đình, lại tham khảo các bộ sử đời trước của Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên; Việt Sử Tiêu Án do danh Nho Ngô Thì Sĩ soạn, giá trị tương đối. Gộp lại nguồn tư liệu của sử liệu thứ nhất, do 3 bộ sử cung cấp có thể đáng giá hạng A.

Nguồn tư liệu của sử liệu thứ 2, do Cao Hùng Trưng tác giả An Nam Kỷ Yếu cung cấp, tác giả là tư nhân, vị quan tại tỉnh Quảng Tây vào thế kỷ thứ 17; như vậy có thể xếp ngang hàng với Ngô Thì Sĩ là cùng; còn Cương Mục tự nhận chỉ chép lại mà thôi; như vậy nguồn tư liệu của sử liệu thứ 2 được đánh giá hạng B là cao.

-Đánh về giá độ tin cậy thì sử liệu thứ nhất lấy từ tư liệu của triều đình, như Khởi Cư Trú, Thực Lục, Châu Bản; các Sử quan có trách nhiệm chép lại cho đúng, lại qua nhiều đợt kiểm tra, viết sai Ngự sử có quyền đàn hặc. Có người nghĩ rằng các bộ sử Trung Quốc có thể làm giả; điều đó khỏi lo, vi trong 2 thế kỷ trước 19 và 20 các nước Tây Phương 2 lần chiếm Bắc Kinh, nên các bộ sử Trung Quốc hiện tồn tại trong thư viện của họ, cho dù muốn đánh tráo sử liệu cũng không được. Còn giá trị của nguồn sử liệu thì bộ Tư Trị có giá trị rất cao, danh Nho các thời đều khen, phương pháp viết sử được các nước lân bang  bắt chước. Riêng Mao Trạch Đông tự nhận đã đọc 17 lần. Báo chí Trung Quốc thuật lại rằng thuở 2 phe Quốc, Cộng hội nghị tại Tứ Xuyên; trong buổi giải lao, hai lãnh tụ Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông dạo chơi trong hoa viên, trong tay mỗi người đều cầm một quyển sách, họ tình cờ gặp nhau, rồi chìa sách cho nhau xem; thì ra 2 người trong tay đều cầm cuốn Tư Trị!

Riêng bộ Toàn Thư của nước ta, tác giả Ngô Sĩ Liên có bằng chứng tỏ ra tư cách công chính vô ngã (1), quên nỗi buồn bản thân để làm tròn bổn phận người chép sử. Thông thường con người ta “Tốt đẹp phô ra, xấu xa để lại”, nhưng Sử quan họ Ngô vẫn thản nhiên chép vào Toàn Thư lời vua Thánh Tông nhục mạ ông như sau:

Vua dụ bảo Đô ngự sử đài là bọn Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng:

“Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tông, nên mới tế giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế giao cũng không đáng theo! Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu (2) cướp ngôi, Ngô Sĩ Liên chẳng vì hắn trổ tài phong hiến (3) đó sao? Ưu đãi trọng lắm! Nhân Thọ không vì hắn trù hoạch nơi màn trướng đó ư? Ngôi chức cao lắm! Nay Lệ Đức hầu mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn, lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước!”.Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 12, ngày 21 tháng 19 năm Quang Thuận thứ 2 [1462]

Qua các chứng cứ vừa nêu, lại do 3 bộ sử khác nguồn cùng chép nội dung giống nhau. Hơn nữa năm 880 nhân quân Tàu làm loạn bỏ về nước là cơ hội bằng vàng cho Tiên chúa Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa; cũng như ngày 19/8/1945 nhân Nhật đầu hàng Đồng Minh là cơ hội tốt cho Việt Minh khởi nghĩa. Gộp tất cả các điểm vừa nêu ra, chứng tỏ độ tin cậy của sử liệu thứ nhất rất cao, có thể đánh giá vào hạng 1.

Riêng sử liệu thứ 2, chép trong bộ sử tư nhân An Nam Kỷ Yếu, tác giả có thể suy luận thêm bớt theo ý mình, không ai cấm cản; sách viết trải ra qua nhiều lần chép tay rồi mới in, dễ dàng bị “tam sao thất bản” (4), nên chỉ đánh giá hạng 3 thôi.

-Kết quả từ 2 mặt, đánh giá sử liệu thứ nhất thuộc loại A1, sử liệu thứ hai hạng B3; dĩ nhiên phải chọn sử liệu thứ nhất: “Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn; các đạo binh thuộc Ung quản tự động rút về. 安南軍亂,節度使曾袞出城避之,諸道兵戍邕管者往往自歸”

B.Trong phần trích dẫn nêu trên, Cương Mục cũng dùng sử liệu sau đây của An Nam Kỷ Yếu:

“Đến đời Đường Chiêu Tông, năm Cảnh Phúc thứ 1 (892), Chu Toàn Dục mới sang thay Cổn làm tiết độ sứ”

Tương tự sử liệu này, Trị [quyển 266] cũng có đề cập đến Toàn Dục:

Ngày Mậu Tuất tháng 2 năm Thiên Hựu thứ 2 [17/3/905] cho An Nam tiết độ sứ đồng bình chương sự Chu Toàn Dục làm Thái sư nghĩ hưu. Toàn Dục là anh của Toàn Trung, chất phác vô năng trước lãnh An Nam; Toàn Trung xin cho bãi chức.”

戊戌,以安南節度使、同平章事朱全昱為太師,致仕。全昱,全忠之兄也,戇樸無能,先領安南,全忠自請罷之。

-Xét về phương diện địa lý nhiệm sở An Nam Tiết độ sứ của Chu Toàn Dục tại Quảng Châu [Quảng Đông+Quảng Tây] chứ không phải Giao châu [Bắc Việt+Thanh Hóa+Nghệ Tĩnh].Lý do Lưu Ẩn là anh của vua Nam Hán Lưu Cung, nhiệm sở tại Quảng Châu; vào năm 908, cũng được phong giống như vậy:

Đời Đường Thiên Hựu năm thứ 2 [905] Lưu Ẩn dược ban chức Tiết độ sứ. Lương Khai Bình năm thứ nhất [907] phong Gia kiệm hiệu thái uý, kiêm Thị trung; Năm thứ 2 [908] Kiêm tĩnh hải quân tiết độ, An Nam đô hộ; năm thứ 3 [909] phong Gia kiệm hiệu thái sư, kiêm Trung thư lệnh, Nam bình vương.”

(天祐二年,拜隱節度使。梁開平元年,加檢校太尉、兼侍中。二年,兼靜海軍節度、安南都護。三年,加檢校太師、兼中書令,封南平王。) Tân Ngũ Đại Sử, Quyển 65, Nam Hán, Thế Gia quyển thứ 5.

Xét về sự lý, Chu Toàn Dục là anh ruột của Chu Toàn Trung, bấy giờ là quyền thần, vào năm 907 cướp ngôi nhà Đường lập nhà Hậu Lương . Sau khi Toàn Trung lên làm vua nhà Hậu Lương, Toàn Dục thốt lên một câu có vẻ ngạc nhiên, thiếu tôn trọng:

壬戌,王兄全昱聞王將即帝位,謂王曰:「朱三,爾可作天子乎!」(Chu Tam, nhĩ khả tác Thiên Tử hồ!)

Tư Trị quyển 266. Ngày Nhâm Tuất tháng chạp năm Khai Bình thứ nhất [25/1/908], anh của Vương Toàn Dục nghe tin Vương lên làm Vua, bảo Vương rằng:

Ba Chu, mày cũng có thể làm Thiên tử ư!”

Câu nói không dùng đại danh từ như “hiền đệ” đi kèm, chứng tỏ Toàn Dục nói một cách thân tình, khinh thường, coi như em lúc còn nhỏ.

Rồi sau đó mấy tháng vua Hậu Lương Chu Toàn Trung, phong cho anh Chu Toàn Dục tước Vương:

乙酉,立皇兄全昱為廣王

Tư Trị quyển 266. Ngày Ất Dậu tháng 5 năm Khai Bình thứ nhất [22/6/907], lập anh của Vua là Toàn Dục làm Quảng vương.”

Để hiểu rõ hơn về mức độ thân mật giữa hai anh em nhà họ Chu, hãy dùng thời sự Việt Nam hiện đại làm ví dụ:

Cựu Thủ tướng Việt Nam cũng có tên là Ba D, vào thời quân chủ Thủ tướng đứng vào hàng Tể tướng. Nếu lúc bấy giờ có người dân nào dám nói:

Ba D, mày cũng làm Tể tướng ư!”

Kẻ đó rất dễ dàng bị mất đầu. Giả sử anh Tể tướng D, thuộc loại mong nhờ cậy em, có thể nói:

Chú Ba tôi được làm Tể tướng, mừng quá!”

Chỉ có người anh thuộc loại có ơn bao bọc ông Dũng thời nhỏ, anh em rất thân mật muốn nói gì thì nói, mới dám thốt lên câu:

Ba D, mày cũng làm Tể tướng ư!”

Trở lại vấn đề, thời Vua Chiêu Tông nhà Đường trao chức Tỉnh hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ cho Chu Toàn Dục, là lúc nhà Vua bị khống chế bởi quyền thần Toàn Trung; ắt phải hiểu anh em Toàn Trung rất thương yêu nhau, nên phải phong chỗ tốt cho Toàn Dục Quảng Châu, chứ không thể phong đất nơi Giao châu xa xôi, từng có quân loạn xãy ra. Lại lúc Toàn Trung đòi cho anh nghĩ hưu, nhà Vua phong Toàn Dục hàm Thái sư là chức quan đứng đầu triều, được hưởng nhiều ân huệ như đất phong, lương hưu trí cao; địa vị này không thể phong cho một Thứ sử Giao châu nghĩ hưu.

                                    *

Qua các chứng cứ vừa trình bày, chúng tôi nghĩ rằng lập luận:

 “ Năm 880, Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học tại đất Hồng Châu [Hải Dương], lấy sự hiểu biết làm sức mạnh [Knowledge is power], chớp lấy thời cơ, vận động nhân dân vốn sẵn lòng căm ghét giặc ngoại xâm từ ngàn năm, đồng loạt nỗi dậy; đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà” là có cơ sở.

Chú thích:

1.Theo giáo lý Phật: vô ngã tức không có cái “ta” vị kỷ, dẹp bỏ mọi tham, sân, si.

  1. Lệ Đức hầu Lạng sơn vương Nghi Dân.
  2. Phong hiến: là chức Ngự sử giữ việc đàn hặc.

4.Tam sao thất bản: ba lần sao sẽ sai mất nguyên văn,

8 thoughts on “Đính chính sai lầm của An Nam Kỷ Yếu dẫn đến sai lầm trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

  1. Ngẫm lại giai đoạn này là sử Tàu (Tư trị, Ngũ đại sử) chép thiếu sót, có vẻ giống giai đoạn thời Lý Nam Đế. Tôi cho rằng, không thể đột ngột mà Khúc Thừa Dụ hay Lý Nam Đế tự chủ được.

    Bấy giờ chế độ nhà Đường là phiên trấn Tiết độ sứ. Loạn Hoàng Sào tuy lớn nhưng chỉ đánh nhau nhiều ở Trung Nguyên, đó chỉ là tranh đấu giữa Hoàng Sào và các phiên trấn giành quyền kiểm soát phiên trấn mà thôi. Thực sự Lĩnh Nam nói chung và An Nam không đến nỗi loạn lắm khi Hoàng Sào làm loạn. Có nghĩa là việc điều chuyển nhậm chức Tiết độ sứ Thanh Hải (bọn Lý Tri Nhu, Từ Ngạn Nhược, Lưu Ẩn) hay Tĩnh Hải Tiết độ sứ (bọn Tăng Cổn, Chu Toàn Dục) không bị ảnh hưởng. Xin tác giả hãy xem lại chính sự thời Đường Chiêu Tông và loạn Hoàng Sào.

    Lại nói Chu Toàn Trung, vốn là bộ tướng của Hoàng Sào, sau hàng nhà Đường, làm Tuyên Vũ tiết độ sứ, đóng doanh ở Biện châu (thuộc Hà Nam), cũng chỉ là một phiên trấn trong rất nhiều phiên trấn mà thôi. Chu Toàn Trung chỉ thực sự thao túng nhà Đường ở thành Tràng An (thuộc Thiểm Tây) từ năm 904, có lẽ từ đây mới tấu xin anh là Chu Toàn Dục đang làm An Nam (Tĩnh Hải) tiết độ sứ trở về làm Thái sư để về hưu (năm 905), vài năm sau thì Toàn Trung tiếm ngôi nhà Đường (năm 907).

    Theo sách Việt sử lược (thời nhà Trần ngang thời Nguyên) có nói đến Tăng Cổn và Chu Toàn Dục thay nhau làm An Nam tiết độ sứ. An Nam kỷ yếu của Cao Hùng Trưng thời Thanh chép về Tăng Cổn và Chu Toàn Dục cũng khá rõ, vậy thì hẳn cũng có cơ sở nào đó.

    Tôi tìm nguyên văn An Nam kỷ yếu nhưng không thấy, chỉ thấy ở trang này có đề là Nam Phong tạp chí 南風雜誌 có ghi như sau (đại loại chắc dựa theo An Nam kỷ yếu?):

    曾袞初為高騈小校善從政僖宗乾符中以袞代高潯為節度使廣明元年府兵亂麾下請出城避之袞不從乃示威德既而羣賊自弭咸詣袞服罪袞悉赦之不問由是唐諸道屯戍邕管者往歸袞袞撫納之州人呼袞為曾尚書後撰交州記行于世在鎮十四年自乾符戊戌至辛亥也 Tăng Cổn lúc đầu làm Tiểu hiệu của Cao Biền, giỏi việc chính trị. Những năm Càn Phù thời Hi Tông lấy Cổn thay Cao Tầm làm Tiết độ sứ. Năm Quảng Minh nguyên niên, phủ binh loạn, thuộc hạ xin ra khỏi thành tránh loạn ấy nhưng Cổn không nghe, bèn tỏ uy đức, sau đó bọn giặc tự phục, đều đến chỗ Cổn chịu tội, Cổn tha cho cả không hỏi. Do đó các đạo binh đồn thú ở Ung Quản về với Cổn, Cổn vỗ về thu nạp chúng, người trong châu gọi Cổn là Tăng thượng thư. Sau soạn sách Giao châu ký truyền ở đời. Tại trấn mười bốn năm, từ tuế thứ Mậu Tuất niên hiệu Càn Phù (đời Hi Tông) đến tuế thứ Tân Hợi (niên hiệu Đại Thuận đời Chiêu Tông)

    朱全昱唐元帥府朱全忠之兄也初從高駢破南詔有功封軍司馬昭宗景福元年代曾袞為節度使進同平章事後全忠奏全昱戇樸無能請罪之在鎮凡十三年自景福壬午至天祐甲子也 Chu Toàn Dục là anh của Nguyên soái phủ nhà Đường là Chu Toàn Trung, lúc đầu theo Cao Biền phá quân Nam Chiếu có công, phong làm Quân tư mã. Thời vua Chiêu Tông năm Cảnh Phúc nguyên niên (năm 892) thay Tăng Cổn làm Tiết độ sứ, tiến Đồng bình chương sự. Sau đó Toàn Trung tấu Toàn Dục thô tráng vô năng, xin bãi chức, tại trấn mười ba năm, từ tuế thứ Nhâm Ngọ (đáng lẽ Nhâm Tý, do nhầm mặt chữ) niên hiệu Cảnh Phúc đến tuế thứ Giáp Tý niên hiệu Thiên Hữu)

    https://www.google.com/url?sa=t&source=web&rct=j&url=http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Q19_HV_107-112_T108.pdf&ved=2ahUKEwiwzMrH0bnhAhWZFYgKHSmuDvoQFjAEegQIARAB&usg=AOvVaw2DvPRsIWrxOgJCg6KvZRPz

    Thích

    • Tân ngũ đại sử – Lương gia nhân truyện:

      黃巢起,太祖與存俱亡為盜,從黃巢攻廣州,存戰死。居數歲,太祖背巢降唐,反以破巢,遂鎮宣武。乃遣人以車馬之蕭縣,迎后於崇家。使者至門,后惶恐走避,謂劉氏曰:「朱三落魄無行,作賊死矣,何以至此邪!」使者具道太祖所以然,后乃驚喜泣下,與崇母俱載以歸,封晉國太夫人。Vào lúc Hoàng Sào nổi loạn, Thái Tổ (Chu Toàn Trung) và (Chu) Tồn cùng bỏ đi làm giặc, theo Hoàng Sào đến đánh Quảng châu, Tồn chết trận. Được mấy năm, Thái Tổ phản Sào hàng nhà Đường, lại phá được Sào, bèn trấn giữ Tuyên Vũ (tiết độ sứ), liền sai người đem xe ngựa về huyện Tiêu đón hậu ở nhà (Lưu) Sùng. Sứ giả đến cửa, hậu hoảng hốt chạy trốn, bảo bà Lưu rằng: “Ba Chu mất vía không có tin tức, làm giặc đã chết rồi, sao lại còn đến đây!” Sứ giả kể lại chuyện Thái Tổ ra sao, hậu mới rớt nước mắt mừng rỡ, cùng ngồi xe với mẹ của Sùng đi về, phong làm Tấn quốc thái phu nhân.

      廣王全昱,太祖即位封。太祖與仲兄存俱亡為盜,全昱獨與其母猶寄食劉崇家。太祖已貴,乃與其母俱歸宣武,領嶺南西道節度使。以太師致仕。Quảng Vương là (Chu) Toàn Dục, Thái Tổ lên ngôi thì phong. Vào thời Thái Tổ cùng anh giữa là Tồn cùng bỏ đi làm giặc (theo bọn Hoàng Sào nổi dậy) thì chỉ mỗi Toàn Dùng cùng mẹ vẫn ở nhờ nhà Lưu Sùng. Thái Tổ đã được quý trọng, (Toàn Dục) bèn cùng với mẹ về ở Tuyên Vũ (trị ở Biện châu), lĩnh chức Lĩnh Nam tây đạo tiết độ sứ (tức An Nam tiết độ sứ). Sau làm Thái sư về nghỉ.

      太祖將受禪,有司備禮前殿,全昱視之,顧太祖曰:「朱三,爾作得否?」太祖宴居宮中,與王飲博,全昱酒酣,取骰子擊盆而迸之,呼太祖曰:「朱三,爾碭山一百姓,遭逢天子用汝為四鎮節度使,於汝何負?而滅他唐家三百年社稷,吾將見汝赤其族矣,安用博為!」太祖不悅,罷會。全昱亦不樂在京師,常居碭山故里。三子皆封王:友諒衡王,友能惠王,友誨邵王。Thái Tổ sắp thụ thiện (chịu nhận ngôi vua), quan chủ quản sắm lễ ở tiền điện, Toàn Dục thấy thế, (trừng mắt) nhìn Thái Tổ nói: “Ba Chu, mày làm (hoàng đế) được sao?” Thái Tổ mở tiệc uống rượu chơi bài ở trong cung, uống rượu với vương, Toàn Dục rót rượu, nắm hạt xúc xắc ném vỡ chén rượu, tiến lên mắng Thái Tổ rằng: “Ba Chu, mày là một dân thường ở Đãng Sơn, nhờ được thiên tử dùng mày làm Tiết độ sứ của bốn trấn, có phụ gì mày đâu? Thế mà nỡ diệt xã tắc ba trăm năm của nhà Đường người ta. Tao thấy mày sẽ bị tru di cả họ thôi, còn đánh bài được sao!” Thái Tổ không vui, bãi tiệc. Toàn Dục cũng không thích ở kinh sư, thường trú ở làng cũ Đãng Sơn. Ba người con đều phong vương, Hữu Lượng làm Hành Vương, Hữu Năng làm Huệ Vương, Hưu Hối làm Thiệu Vương.

      ——————

      Tân ngũ đại sử – Lương Thái Tổ bản kỷ:

      中和三年三月,拜全忠汴州刺史、宣武軍節度使。四月,諸鎮兵破巢,復京師,巢走藍田。
      Năm Trung Hòa thứ ba (năm 883), tháng ba, bái Toàn Trung làm Biện châu thứ sử Tuyên Vũ quân tiết độ sứ. Tháng tư, quân các trấn phá (Hoàng) Sào, lấy lại kinh sư, Sào chạy đến Lam Điền.

      _______________

      Vậy là khi Chu Toàn Trung đã được tôn quý làm Tuyên Vũ tiết độ sứ đóng dinh ở Biện châu (thành Khai Phong tỉnh Hà Nam) vào năm 883 thì Chu Toàn Dục theo về ở đấy, sau đó năm 892 mới đi làm An Nam tiết độ sứ, đến năm 905 thì chuyển làm Thái sư về nghỉ, nghe cũng không mâu thuẫn lắm.

      Thích

  2. Lại nói giá trị của An Nam kỷ yếu (ở đây xin gọi tắt là Kỷ yếu) của Cao Hùng Trưng thời Thanh chép về bọn Tiết độ sứ Tăng Cổn và Chu Toàn Dục có đáng tin không? Theo tôi là đáng tin. Sao vậy?
    – Một là không mâu thuẫn với ghi chép của Việt sử lược có chép các đời Tiết độ sứ có Chu Toàn Dục.
    – Hai là không mâu thuẫn với ghi chép của Tư trị thông giám có chép Chu Toàn Dục “lĩnh An Nam”,
    – Ba là An Nam kỷ yếu tuy là của tác giả thời Thanh, nhưng người làm sách tất phải đọc tài liệu nào đó, có thể là sách vở Giao Chỉ bị nhà Minh đem về thời xưa khi đô hộ Giao Chỉ 20 năm. Ví dụ một số sách đã thất truyền như Đại Việt sử ký, Giao châu ký, Việt Nam thế chí… Ôi sách vở thời xưa, trải qua binh lửa, còn đến nay mười phần chỉ còn vài ba phần thôi, một số sách may mắn mới truyền được như Việt sử lược được sao chép trong Tứ khố toàn thư thời Thanh đó thôi.
    – Bốn là năm Chu Toàn Dục thay Tăng Cổn làm An Nam tiết độ sứ theo An Nam kỷ yếu là năm Cảnh Phúc Nguyên niên (892) cũng không mâu thuẫn với Tư trị thông giám.
    – Năm là Chu Toàn Dục thay Tăng Cổn vào năm 892 cũng không khó, khi Tăng Cổn ở An Nam cũng ngót hơn 10 năm (Kỷ yếu ghi là 14 năm) cũng thay chức được rồi. Vào lúc Chu Toàn Dục thay Tăng Cổn thì loạn Hoàng Sào đã dẹp, Chu Toàn Trung cũng chỉ là phiên trấn chưa kiểm soát được nhà Đường, việc điều chuyển ai đi làm Tiết độ sứ chưa chắc Toàn Trung được toàn quyền. Giả sử Toàn Trung được toàn quyền thì không dại cho anh mình đến nơi xa xôi như vậy. Sau này khi nắm đại quyền kiểm soát nhà Đường thì Toàn Trung tấu xin bãi Toàn Dục cho về làm Thái sư nghỉ hưu đấy thôi. Vả lại lúc đó Lĩnh Nam không đến nỗi loạn không đến được. Lĩnh Nam bắt đầu loạn từ năm 900, Thôi Viễn bị điều đi làm Thanh Hải tiết độ sứ đóng doanh ở Quảng châu, khi đến đất Giang Lăng nghe nói nhiều giặc cướp, lại sợ bọn thổ quan Lưu Ẩn không chịu trao chức nên phải quay về.

    Thích

    • Theo các trang truyền thông người Tàu có liệt kê các đời Lĩnh Nam đông đạo tiết độ sứ (sau đổi thành Thanh Hải tiết độ sứ), đóng doanh ở Quảng châu (廣州), Tiết độ sứ kiêm luôn Quảng châu thứ sử. Kể từ khi Hoàng Sào đánh hãm Quảng châu, giết Lĩnh Nam đông đạo tiết độ sứ là Lý Điều 李迢(nhậm chức 877 – 879) về sau thì có các nhân vật được phong Tiết độ sứ, thực tế cũng có người được phong, có chiếu thư nhưng không đến được, cả thảy các đời Tiết độ sứ từ Lý Điều đến Lưu Nghiễm (tức Lưu Cung, sau đó xưng đế lập nên nhà Nam Hán) như sau:

      – Lý Điều 李迢 (877—789)
      – Trịnh Tục 鄭續(879—886)
      – Lữ Dụng Chi 呂用之(886, không đến nhậm chức)
      – Bùi Cừ 裴璩(887—889)
      – Lưu Sùng Quy 劉崇龜(890—895)
      – Trần Bội 陳珮(893, không đến nhậm chức)
      – Thôi Dận 崔胤(896, không đến nhậm chức)
      – Lý Tri Nhu 李知柔(896—900)
      – Thôi Dận 崔胤(900, không đến nhậm chức)
      – Từ Ngạn Nhược 徐彥若(900—901)
      – Lưu Ẩn 劉隱(901—911)
      – Bùi Xu 裴樞(903, không đến nhậm chức)
      – Thôi Viễn 崔遠(904, không đến nhậm chức)
      – Lưu Nghiễm 劉巖 (911—917)

      ————-

      Tân ngũ đại sử – Nam Hán thế gia (Bắc Tống – Âu Dương Tu chủ biên)

      劉隱,其祖安仁,上蔡人也,後徙閩中,商賈南海,因家焉。父謙,為廣州牙將。唐乾符五年,黃巢攻破廣州,去略湖、湘間,廣州表謙封州刺史、賀江鎮遏使,以禦梧、桂以西。歲餘,有兵萬人,戰艦百餘艘。謙三子,曰隱、臺、巖。
      Lưu Ẩn, tổ tiên tên là An Nhân, người huyện Thượng Thái, sau dời đến đất Mân Trung (tức Phúc châu), buôn bán ở đất Nam Hải (tức Quảng châu), nhân đó làm nhà ở đây. Cha (của Ẩn) là Khiêm, làm Quảng châu nha tướng, vào thời nhà Đường (vua Hy Tông) năm Càn Phù thứ năm (878), Hoàng Sào đánh phá Quảng châu (giết Tiết độ sứ là Lý Điều), sau đó rời đến miền Hồ Tương (tức miền Hồ Nam), người Quảng châu dâng biểu về triều đình xin Khiêm làm Phong châu thứ sử-Hạ Giang trấn yết sứ để phòng ngự từ miền Ngô-Quế về phía tây. Được hơn một năm, (Khiêm) có hơn một vạn binh, hơn trăm chiếc chiến hạm. Khiêm có ba con trai tên là Ẩn, Đài, Nghiễm.

      謙卒,廣州表隱代謙封州刺史。乾寧中,節度使劉崇龜死,嗣薛王知柔代為帥,行至湖南,廣州將盧琚、覃玘作亂,知柔不敢進。隱以封州兵攻殺琚、玘,迎知柔,知柔辟隱行軍司馬。其後徐彥若代知柔,表隱節度副使,委以軍政。彥若卒,軍中推隱為留後。天祐二年,拜隱節度使。梁開平元年,加檢校太尉、兼侍中。二年,兼靜海軍節度、安南都護。三年,加檢校太師、兼中書令,封南平王。
      Khiêm chết, người Quảng châu dâng biểu về triều đình xin lấy Ẩn thay Khiêm làm Phong châu thứ sử. Giữa những năm Càn Ninh (894—898), Tiết độ sứ là Lưu Sùng Quy chết, triều đình lấy Tự Tiết Vương là Lý Tri Nhu thay làm soái (Tiết độ sứ), đi đến đất Hồ Nam, Quảng châu tướng là là bọn Lư Cứ- Đàm Kỷ làm loạn, Tri Nhu không dám tiến đến, Ẩn bèn đem quân Phong châu đánh giết bọn Cứ-Kỷ, đón Tri Nhu, Tri Nhu cho Ẩn làm Hành quân tư mã. Sau đó Từ Ngạn Nhược thay Tri Nhu, dâng biểu xin triều đình lấy Ẩn làm Tiết độ phó sứ, trao cho việc quân. Ngạn Nhược chết, người trong quân chọn Ẩn làm Lưu hậu (tạm quyền làm Tiết độ sứ sau khi Tiết độ sứ đương nhiệm chết, đang đợi triều đình bổ nhiệm Tiết độ sứ mới). Năm Thiên Hựu thứ hai (905), triều đình (thời vua Đường Chiêu Tông) lấy Ẩn làm Tiết độ sứ. Thời nhà Lương năm Khai Bình nguyên niên (907), gia thêm chức Kiểm hiệu thái úy kiêm Thị trung. Năm (Khai Bình) thứ hai (908), kiêm thêm Tĩnh Hải Quân tiết độ sứ-An Nam đô hộ. Năm thứ ba (909), gia thêm Kiểm hiệu thái sư kiêm Thượng thư lệnh, phong Nam Bình Vương.

      隱父子起封州,遭世多故,數有功於嶺南,遂有南海。隱復好賢士。是時,天下已亂,中朝士人以嶺外最遠,可以避地,多遊焉。唐世名臣謫死南方者往往有子孫,或當時仕宦遭亂不得還者,皆客嶺表。王定保、倪曙、劉浚、李衡、周傑、楊洞潛、趙光裔之徒,隱皆招禮之。定保容管巡官,曙唐太學博士,浚崇望之子,以避亂往;衡德裕之孫,唐右補闕,以奉使往。皆辟置幕府,待以賓客。傑善星歷,唐司農少卿,因避亂往,隱數問以災變,傑恥以星術事人,常稱疾不起,隱亦客之。洞潛初為邕管巡官,秩滿客南海,隱常師事之,後以為節度副使,及龑僭號,為陳吉兇禮法。為國制度,略有次序,皆用此數人焉。
      Cha con Ẩn nổi lên ở Phong châu, gặp lúc lắm biến, nhiều lần lập công ở đất Lĩnh Nam, bèn chiếm giữ miền Nam Hải. Ẩn lại ưa hiền sĩ, bầy giờ thiên hạ đã loạn, sĩ phu trung triều (chỉ triều đình ở kinh thành Tràng An) thấy miền Lĩnh Ngoại xa nhất, có thể tránh nạn, cho nên phần nhiều đến ở đấy. Các danh thần nhà Đường bị đày đi ở miền nam, các nơi đều có con cháu, hoặc lúc ấy đang làm quan nhưng gặp loạn không về được, đều làm khách ở lại đất Lĩnh Biểu; như bọn Vương Định Bảo, Nghê Thự, Lưu Tuấn, Lý Hành, Châu Kiệt, Dương Động Tiềm, Triệu Quang Duệ đều được Ẩn dùng lễ đối đãi. Định Bảo vốn làm Dung Quản kinh tuần, Thự làm Đại học bác sĩ của nhà Đường, Tuấn là con của (Lưu) Sùng Vọng, đều vì tránh loạn mà đến đấy. Hành là cháu của (Lý) Đức Dụ, thời Đường làm Hữu bổ khuyết, nhân đi sứ đến đấy mà ở lại không về; tất cả đều được mời đến mạc phủ (phủ quan), đãi làm tân khách. Kiệt giỏi xem lịch số thiên văn, thời Đường làm Tư nông thiếu khanh, cũng vì loạn mà đến đấy, Ẩn nhiều lần hỏi về những chuyện tai biến, Kiệt thẹn vì lấy nghề xem bói thiên văn lịch số cho người, thường xưng bệnh không gặp, Ẩn cũng đãi làm khách. Động Tiềm lúc trước làm Ung Quản tuần quan, hết kỳ hạn làm quan cũng làm khách ở đất Nam Hải, Ẩn thường tôn người ấy làm thầy, sau lấy người ấy làm Tiết độ phó sứ, khi (Lưu) Cung tiếm hiệu xưng đế phải sắp đặt các nghi lễ cát hung (cưới hỏi đăng quang và tang ma…), làm nên các phép tắc, đều có thứ tự, đều dùng mấy người ấy vậy.

      乾化元年,進封隱南海王。是歲卒,年三十八。弟龑立。
      Năm Càn Hóa nguyên niên (911), tiến phong Ẩn làm Nam Hải Vương. Năm đó chết, mới ba mươi tám tuổi. Em là Cung (còn có tên là Nghiễm) lập (thay làm Tiết độ sứ).

      _____________________

      Có thể nói đường từ triều đình ở Trung Nguyên vào An Nam phải qua Quảng châu (thời An Nam tiết độ sứ là Cao Biền đã sửa sang lại con đường biển từ An Nam đến Quảng châu). Từ sau khi loạn Hoàng Sào thì Trung Nguyên đã loạn, phiên trấn tranh giành, thì Quảng châu (Lĩnh Nam) vẫn khá ổn, từ năm 879 đến năm 900, các quan lại ở triều đình như bọn Trịnh Tục, Bùi Cừ, Lưu Sùng Quy, Lý Tri Nhu đều đến được đấy để nhậm chức Tiết độ sứ. Vậy thì nếu An Nam không có quân loạn như thời Tăng Cổn phải bỏ thành ra ngoài thì các quan lại ở triều đình được phong đến nhậm chức Tiết độ sứ ở An Nam cũng không bị cản trở.

      Theo trang mạng người Tàu cũng ghi một số nhân vật được phong An Nam tiết độ sứ (Tĩnh Hải tiết độ sứ) sau Tăng Cổn, ngoài Chu Toàn Dục có bằng chứng sách vở ghi là đã nhậm chức ra, thì có bọn Tạ Triệu 謝肇, Cao Mậu Khanh 高茂卿, An Hữu Quyền 安友權, Tôn Đức Chiêu 孫德昭, Độc Cô Tổn 獨孤損 cũng được phong Tiết độ sứ nhưng do thời thế biến loạn nên (suy đoán) không đến nhậm chức. Giống như ở Lĩnh Nam đông đạo tiết độ sứ (Thanh Hải quân tiết độ sứ) ở Quảng châu vậy, cũng có một số nhân vật được phong Tiết độ sứ nhưng thực tế không sang được như bọn Trần Bội, Lữ Dụng Chi, Thôi Viễn, Bùi Xu.

      Thích

      • Trước nhìn sang Quảng châu, nay tôi xin sang Ung châu. Ung châu 邕州 từ thời loạn Hoàng Sào là nơi đóng doanh của Lĩnh Nam tây đạo tiết độ sứ 嶺南西道節度使, có khi gọi là Ung châu tiết độ sứ 邕州節度使, lại có khi gọi tắt là Ung Quản 邕管 hay Ung Phủ 邕府, quản hạt là các châu ở vùng núi tây nam Quảng Tây ngày nay, là xứ Man hoang như An Nam vậy.

        Từ khi Hoàng Sào làm loạn đánh đến Quảng châu đến lúc Lưu Cung xưng đế lập nhà Nam Hán, cũng có các đời Lĩnh Nam tây đạo tiết độ sứ đến nhậm chức hoặc được phong nhưng thực tế không sang được:

        – Tân Đảng 辛讜(874—879)
        – Trương Tòng Huấn 張從訓(881—882)
        – Thôi Xước 崔焯(882—884)
        – Châu Nhạc 周岳(891, chưa đến nhậm chức.)
        – Đằng Tồn Miễn 滕存免(892—897)
        – Lý Huề 李鐬(897—901)
        – Châu Thừa Hối 周承誨 được ban quốc tính tên là Lý Kế Hối 李繼誨(901, chưa đến nhậm chức)
        – Chu Hữu Ninh 朱友寧(903, chưa đến nhậm chức)
        – Diệp Quảng Lược 葉廣略(906—911)

        _____________

        Theo đó có thể thấy, Ung Quản sau khi Lý Huề 李鐬(897—901) nhậm chức đến năm 901 thì chết hoặc bị đổi chức khác thì Ung Quản bị khuyết chức Tiết độ sứ, tạm thời chưa có ai sang kế nhậm, theo đó Ung Quản phải có Lưu hậu 留後 tạm quyền, suy đoán người ấy là Diệp Quảng Lược 葉廣略.

        Tư trị thông giám: 辛未,以權知寧遠留後龐巨昭、嶺南西道留後葉廣略並為節度使。 (Năm Thiên Hựu thứ ba, mùa xuân tháng giêng, tuế thứ Bính Dần, 906) ngày tân mùi, lấy Quyền tri Ninh Viễn lưu hậu là Bàng Cự Chiêu, Lĩnh Nam tây đạo lưu hậu là Diệp Quảng Lược đều làm Tiết độ sứ (của bản quản). 辛未,以權知寧遠留後龐巨昭、嶺南西道留後葉廣略並為節度使。

        Trước đó, sau khi Tiết độ sứ là Lý Huề mãn nhiệm (hoặc chết) vào năm 901 thì có Châu Thừa Hối và Chu Hữu Ninh lần lượt được phong chức Lĩnh Nam tây đạo tiết độ sứ, nhưng bấy giờ nhà Đường chính sự rối loạn, nên không sang được. Do đó suy đoán Diệp Quảng Lược là thổ quan địa phương Ung Quản, được tạm quyền Lưu hậu cho đến năm 906 thì được chính thức phong làm Tiết độ sứ của bản quản.

        Có thể liên hệ với tình hình chính sự ở An Nam đương thời. Năm 905 tháng 2 thì Tiết độ sứ là Chu Toàn Dục về làm Thái sư nghỉ hưu. Tháng 3 cùng năm thì Độc Cô Tổn được phong làm Tĩnh Hải tiết độ sứ để thay. Thế nhưng Độc Cô Tổn không sang nhậm chức, bị quyền thần là Chu Toàn Trung thanh trừng giết chết cùng hơn 30 người ở trạm Bạch Mã vào tháng 6 năm đó. Sử sách không chép người tạm quyền Lưu hậu là ai và được phong Tiết độ sứ sau đó. Nhưng tháng 1 năm 906 có chép “gia Tĩnh Hải tiết độ sứ là Khúc Thừa Dụ làm Đồng bình chương sự”, vậy ta có thể suy đoán người làm Lưu hậu và phong Tiết độ sứ nhậm chức thật sự là Khúc Thừa Dù. Và có thể đoán Khúc Thừa Dụ ở An Nam, Diệp Quảng Lược ở Ung Quản, Lưu Ẩn ở Quảng châu đều là thổ quan ở địa phương, sau khi Tiết độ sứ gốc phương bắc (bọn Lý Thiết, Chu Toàn Dục, Từ Ngạn Nhược) bị chuyển đi hoặc chết thì làm tạm quyền Lưu hậu và chính thức được triều đình phong làm Tiết độ sứ.

        Thích

  3. Trả lời ý kiến của ông Tích Dã

    Xin cảm ơn ông Tích Dã đã gửi cho tôi 4 bài phản biện trong các ngày 4-6/4/2019.
    Tôi xin trả lời những điểm tôi có thể trả lời, cùng những điểm tôi không trả lời được:

    – Ông nói An Nam Kỷ Yếu có thể tin cậy hơn Tư Trị Thông Giám, Toàn Thư; điều đó tôi không dám trả lời; vì tôi đã trình bày phương pháp đánh giá nguồn tư liệu rồi.

    – Những chỗ ông nêu trên các báo mạng, tôi lại càng không dám trả lời; vì xưa kia cụ Khổng nói “Đạo thính nhi dồ thuyết”, những chuyện ngoài đường ngoài chợ thì nhiều, mà tôi đã trên 8o tuổi rồi, hơi sức đâu mà có thể trả lời hết!

    – Qua bài “Khúc Tiên Chúa nhân thời cơ dành độc lập” lập luận chúng tôi cho rằng ngay sau quân loạn tại An Nam vào năm 880, Tiên chúa Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa, giành độc lập cho nước nhà, với lời trích dẫn như sau:

    “Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học tại đất Hồng Châu [Hải Dương], lấy sự hiểu biết làm sức mạnh [Knowledge is power], chớp lấy thời cơ, vận động nhân dân vốn sẵn lòng căm ghét giặc ngoại xâm từ ngàn năm, đồng loạt nỗi dậy; đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà.”

    Những lời trên không được ông chia sẻ, ý ông cho rằng sau quân loạn năm 880, vẫn có các quan chức khác đến cai trị tại nước ta, như trường hợp Ngô Toàn Dục, anh ruột vua nhà Hậu Lương Ngô Toàn Trung. Tôi nghĩ có thể dùng một đoạn trong bài số 2 của ông, để làm chìa khóa trả lời nghi vấn này. Tôi xin sao lại nguyên văn và bản dịch của ông như sau:

    “廣王全昱,太祖即位封。太祖與仲兄存俱亡為盜,全昱獨與其母猶寄食劉崇家。太祖已貴,乃與其母俱歸宣武,領嶺南西道節度使。以太師致仕。Quảng Vương là (Chu)

    Toàn Dục, Thái Tổ lên ngôi thì phong. Vào thời Thái Tổ cùng anh giữa là Tồn cùng bỏ đi làm giặc (theo bọn Hoàng Sào nổi dậy) thì chỉ mỗi Toàn Dùng [Dục] cùng mẹ vẫn ở nhờ nhà Lưu Sùng. Thái Tổ đã được quý trọng, (Toàn Dục) bèn cùng với mẹ về ở Tuyên Vũ (trị ở Biện châu), lĩnh chức Lĩnh Nam tây đạo tiết độ sứ (tức An Nam tiết độ sứ). Sau làm Thái sư về nghỉ.”

    Về cơ bản tôi đồng ý nguyên văn và bản dịch của ông, chỉ xin mạn phép căn cứ vào những đoạn văn khác của ông đã dịch và nguyên văn trong sử, giải thích thêm, để độc giả nắm vững hơn. Nguyên văn đoạn sử này ông Tích Dã lấy trong Tân Ngũ Đại Sử của Âu Dương Tu quyển 13 với nội dung như sau:

    “Thái Tổ nhà Hậu Lương tức Ngô Toàn Trung sinh trong gia đình mồ côi cha sớm, có 3 anh em, người anh cả là Toàn Dục, anh thứ hai là Tồn, Toàn Trung là em út, cũng có tên là Chu Tam, tức Ba Chu. Nhà nghèo mẹ phải dắt đến làm mướn tại nhà Lưu Sùng. Toàn Trung và Tồn đi làm loạn theo Hoàng Sào, Tồn bị chết trận. Toàn Trung sau đó đã bỏ Hoàng Sào, theo nhà Đường, được làm Tuyên Vũ Tiết độ sứ [ phía đông tỉnh Hà Nam]; Toàn Dục và mẹ bèn về ở với Toàn Trung, Dục lĩnh chức Lĩnh Nam tây đạo Tiết Độ sứ, sau đó nghĩ hưu với chức Thái sư. Lúc Toàn Trung cướp ngôi Vua nhà Đường, bèn phong cho Toàn Dục làm Quảng vương.”

    Điều quan trọng nằm trong lập luận của ông cho rằng Lĩnh Nam tây đạo tiết độ sứ tức là An Nam Tiết độ sứ, với nguyên văn ông viết như sau:

    “lĩnh chức Lĩnh Nam tây đạo tiết độ sứ (tức An Nam tiết độ sứ).”

    Ông bảo tôi “tác giả hãy xem lại”, vậy tôi xin tuân lời ông xem lại trong Tân Đường Thư cũng cùng tác giả Âu Dương Tu. Đoạn văn dịch dưới đây và nguyên văn nằm trong Tư liệu Việt sử trong Nhị Thập Ngũ Sử tôi đã gửi cho cố Giáo sư Phan Huy Lê, để góp phần vào việc soạn bộ sử Việt trong tương lai:

    Quyển 43 thượng, Chí quyển thứ 33 thượng: Lĩnh Nam đạo…

    Lĩnh Nam đạo thuộc phía nam đất Dương Châu thời xưa; Hán là các [9] quận [chia từ nước Nam Việt thời Triệu Đà]: Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Chu Nhai, Đam Nhĩ, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Lãnh thổ phần Đông đạo ứng sao Tinh Kỷ (1), gồm:Thiều, Quảng, Khang, Đoan, Phong, Ngô, Đằng, La, Lôi, Nhai; phần Tây đạo ứng vào sao Thuần Vỉ (2), gồm: Quế, Liễu, Uất Lâm, Phú, Chiêu, Mông, Cung, Tú, Dung, Bạch, La; cùng An Nam Đô Hộ phủ [Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam]. Lĩnh Nam đạo có 73 châu, 1 Đô hộ phủ, 314 huyện; núi danh tiếng có Hoàng Lĩnh, Linh Châu; sông lớn có Quế, Uất……

    (嶺南道
    嶺南道,蓋古揚州之南境,漢南海、郁林、蒼梧、珠崖、儋耳、交趾、合浦、九真、日南等郡。韶、廣、康、端、封、梧、藤、羅、雷、崖以東為星紀分,桂、柳、郁林、富、昭、蒙、龔、繡、容、白、羅而西及安南為鶉尾分。為州七十有三,都護府一,縣三百一十四。其名山:黃嶺、靈洲。其大川:桂、鬱。)

    Riêng An Nam đô hộ phủ chép như sau:

    “An Nam Đô Hộ phủ vốn là quận Giao Chỉ, vào thời Đường Cao Tổ năm Vũ Đức thứ 5 [622] gọi là Giao Châu, trị sở tại Giao Chỉ. Năm Điều Lộ thứ nhất [679] là An Nam Đô Hộ Phủ, năm Chí Đức thứ 2 [757] là Trấn Nam Đô Hộ Phủ, năm Đại Lịch thứ 3 [768] lại gọi là An Nam Đô Hộ phủ; vào năm Bảo Lịch thứ nhất [825] dời trị sở đến huyện Tống Bình.”

    (安南中都護府,本交趾郡,武德五年曰交州,治交趾。調露元年曰安南都護府,至德二載曰鎮南都護府,大曆三年復為安南。寶曆元年徙治宋平)

    Qua các phần trên có thể hiểu rằng Lãnh Nam đạo chia làm 3 phần:

    – Lãnh Nam Đông đạo lãnh thổ tại tỉnh Quảng Đông hiện nay.

    -Lãnh Nam Tây đạo tại tỉnh Quảng Tây và đảo Hải Nam hiện nay.

    -An Nam Đô hộ phủ hay Giao châu lãnh thổ khoảng tại Bắc Việt, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh hiện nay.

    Ngô Toàn Dục lãnh chức Tây đạo Tiết độ sứ tức coi vùng đất khoảng các các tỉnh Quảng Tây, Hải Nam hiện nay.

    Và như lời Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang chép, sau quân loạn Tăng Cổn bỏ về nước:

    “Đường Hy Tông năm Quảng Minh thứ nhất [880],

    Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn; các đạo binh thuộc Ung quản tự động rút về. 安南軍亂,節度使曾袞出城避之,諸道兵戍邕管者往往自歸。 (Tư Trị Thông Giám, quyển 253)”.

    Do vậy sau năm 880, quan lại của nhà cầm quyền Trung Quốc, không có mặt tại Giao châu.

    Đó là nội dung sự hiểu biết của tôi. Xin cảm ơn ông.

    Hồ Bạch Thảo

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s