Những yếu tố Lịch Sử trong vụ án Hoàng Công Lương – Bài 11: THỬ BIỆN HỘ CHO BS HOÀNG CÔNG LƯƠNG

THỬ BIỆN HỘ CHO BS HOÀNG CÔNG LƯƠNG

BS HOÀNG CÔNG LƯƠNG

 Nguyễn Ngọc Lanh

I- MỞ ĐẦU

Biện hộ cho BS Lương không dễ, vì phía kết tội (như ta thấy diễn biến ở 2 phiên sơ thẩm) rất quyết tâm bỏ tù nhân vật này. Hơn nữa, chúng ta không phải lựat sư bào chữa, do đó không được phép tiếp cận hồ sơ vụ án, không khai thác được những gì có lợi cho BS Lương; ngoài ra, những gì chúng ta có trong tay chỉ là tin tức trên báo. Nhưng vì thấy rõ sự oan sai ở vụ án này, hãy thử biện hộ cho BS Lương. 

1- Sự quyết tâm và quyết liệt kết án BS Lương

Dư luận rất có cơ sở để nghĩ như vậy. Nhiều người nhận ra có sự quyết tâm và quyết liệt kết án BS Lương. Phiên sơ thẩm 1 chỉ tuyên án treo cho ông, nhưng vẫn bị các luật sư và dư luận rộng rãi phản đối. Vậy mà sang phiên sơ thẩm 2, dẫu không thêm chứng cứ mới, tòa lại “nâng” án, để tuyên BS Hoàng Công Lương 42 tháng tù, mặc dù chứng cứ chủ yếu mà VKS dựa vào đã bị các luật sư chứng minh là bị “chỉnh sửa” – tức là dùng bút xóa bớt, viết thêm hoặc sửa đổi. Trong lời phát biểu sau cùng (trước khi Tòa nghỉ 5 ngày để nghị án), BS Lương đã thiết tha đề nghị Hội Đồng xét xử hãy xem xét kỹ cái chứng cứ ngụy tạo này. Nhưng bất chấp, tòa vẫn tuyên cái án như trên. Dư luận càng phẫn nộ khi thấy rằng chỉ riêng một mình BS Lương (trong số 7 bị cáo) là bị tòa tuyên ở mức cao nhất trong khung mà Viện Kiểm Sát đề nghị.

Tại sao lại có sự đồng lòng giữa cơ quan điều tra, VKS và Hội Đồng xét xử trong quyết tâm và quyết liệt kết án nặng nề đối với riêng BS Lương? Những gì lẽ ra phải phân lập mà lại “không phân lập” sẽ hứa hẹn số nạn nhân vô tận.

2Dư luận chờ đợi gì ở phiên phúc thẩm?

Phiên tòa phúc thẩm xử vụ BS Hoàng Công Lương vẫn chưa mở. Trong thời gian chờ đợi, hẳn là dư luận quan tâm hai điều:

  1. Một là: Viện Kiểm Sát sẽ đưa ra chứng cứ mới nào để thể hiện quyết tâm giữ nguyên án 42 tháng tù cho BS Hoàng Công Lương? Tại hai phiên sơ thẩm, có cơ sở để nghĩ rằng VKS thành phố Hòa Bình đã được sự chỉ đạo cụ thể của cấp trên (VKS cấp tỉnh và có thể cả VKS tối cao) đã kiên quyết kết án BS Lương 42 tháng tù – mặc dù lập luận và chứng cứ của công tố viên liên tục bị các luật sư bác bỏ. Chứng cứ chủ yếu để kết tội BS Lương là cái “Biên Bản kiểm tra tình trạng thiết bị” bị luật sư Thúy Kiều vạch trần là “đã bị chỉnh sửa nhiều chỗ”. Hình ảnh của nó (có trong bài này) đủ khẳng định điều đó. Như vậy, có thể nói, cái chứng cứ ngụy tạo này đã bị sụp đổ. Vậy tại phiên phúc thẩm sắp tới, VKS tỉnh sẽ có chứng cứ mới nào khác, để có thể y án sơ thẩm?.
  2.  Hai là: Các luật sư sẽ biện hộ ra sao để BS Hoàng Công Lương được tuyên vô tội – như dư luận mong muốn – vì đa số thấy chính nghĩa thuộc về ông. Họ có tìm được những chứng cứ mới chứng minh BS Lương vô tội hay không? Đây cũng là điều rất được quan tâm.

 

3- Bài này có thể đọc độc lập

Nghiencuulichsu đã có 10 bài về hai phiên sơ thẩm xử vụ án Hoàng Công Lương. Tuy nhiên, bạn đọc (nếu quan tâm vụ án) khi đọc một bài trong số 10 bài này, thường phải tham khảo một-vài bài khác, đăng trước nó. Bởi lẽ, mạch chung rất dài, phải cắt thành nhiều bài kế tiếp nhau (bài 1 – 10).

Nhưng, riêng bài 11 này được viết để bạn đọc có thể đọc nó một cách độc lập; mà không cần tham khảo các bài trước nó. Cũng do vậy, nó hơi dài. Một mục đích của bài là mong mỏi nó được lan tỏa mà không phụ thuộc vào việc phải đọc các bài khác. Ai đọc, nếu thấy BS Lương quả thật bị oan, sẽ giới thiệu bài này cho người khác cùng đọc – coi như một thông cảm với nạn nhân và đóng góp giải oan, phù hợp với lương tâm, thiện chí vốn có trong bản chất mỗi con người.

3- Dùng ngay “chứng cứ buộc tội” để gỡ tội

Bởi khó có cách nào khác. Bài này phân tích ngay cái chứng cứ gán tội – mà VKS sử dụng – để chứng minh rằng đây chính là chứng cứ bênh vực BS Lương. Và thực chất là nó mâu thuẫn với lập luận của VKS.

Luật sư Thúy Kiều đã phát hiện việc “chỉnh sửa” chứng cứ (xóa bớt, viết thêm) là đóng góp rất lớn trong bào chữa; còn bài này cho rằng dù bị chỉnh sửa hay được giữ nguyên, chứng cứ này vẫn có lợi cho BS Lương nếu được phân tích đầy đủ. Ngoài ra, bài cũng khuyến nghị phía buộc tội hãy từ bỏ di sản lạc hậu từ lịch sử của một nền tư pháp phục vụ đấu tranh giai cấp. Mặt khác, VKS và Hội Đồng xét xử còn cần suy đoán theo hướng vô tội hơn là hợp lực nhau khăng khăng suy đoán theo hướng buộc tội. Điều này, Quốc Hội Việt nam đã đưa vào luật (cùng với quyền im lặng của bị can), nhưng tại phiên tòa xử BS Lương, phía buộc tội đã làm ngược lại, đã bị các luật sư nhắc nhở và phê phán.

4- Ngụy tạo chứng cứ: Chúng ta sống ở thời nào vậy?

Chỉ có thể gặp dưới thời một nền tư pháp tàn bạo, thiếu công lý, lấy trừng trị làm mục tiêu. Nó rất điển hình trong các phiên tòa thời Cải Cách Ruộng Đất (cách nay 60 năm), thời đấu tranh chống “bọn phản động” Nhân Văn – Giai Phẩm (cách 50 năm); hoặc thời xử trí “bọn Ngụy Quân – Ngụy Quyền” (cách 40 năm)… Trong quá khứ 20-30 năm gần đây – và cả hiện tại – đó là những vụ xét xử “bọn tư sản mại bản” và “bọn chống phá Nhà Nước XHCN”…

Liệu có thể hy vọng rằng khi kết thúc Nghị Quyết 49 về cải cách tư pháp (2005-2020) tình hình sẽ khả quan hơn?

Bài tham khảo: Vài mẩu chuyện gia đình

                           Quê hương trong Cải cách ruộng đất

Thử hỏi, trong vụ Hoàng Công Lương, liệu có những chứng cứ kết tội được làm ra bằng dụ cung, mớm cung, chỉnh sửa văn bản… hay không? Và có việc cố ý đưa chúng vào hồ sơ hay không?. Nếu “có”, thì việc trừng phạt các cá nhân vi phạm chỉ là chuyện nhỏ và chưa thể chấm dứt. Chuyện lớn đáng làm là chủ động loại trừ mọi di sản còn lại của một nền tư pháp tàn bạo trước đây.

 

II-  PHÂN TÍCH CÁI MẪU “BIÊN BẢN KIỂM TRA THIẾT BỊ

  1. Lý do lập Biên Bản: Thiết bị hư hỏng

Trước mặt bạn đọc là hình chụp một văn bản có tên là “BIÊN BẢN KIỂM TRA TÌNH TRẠNG THIẾT BỊ”. Xin chưa cần nhìn vào những chữ viết tay (bằng bút) mà hãy chỉ đọc các dòng chữ in. Tóm lại, chúng ta khảo sát một “mẫu” văn bản – được in sẵn – xin nhấn mạnh làdo Phòng Vật Tư soạn thảo ra.

Vì trong cái tên của văn bản có chữ KIỂM TRA, do vậy, có câu hỏi: Đây là kiểm tra “nhân dịp”(?) hay kiểm tra định kỳ? hay kiểm tra đột xuất? … Mỗi loại kiểm tra có mục đích riêng cần làm rõ. Vậy xin đọc tiếp mục I và II (la mã) ở phía dưới, chúng ta thấy các dòng chữ (in): Tình trạng hư hỏngNguyên nhân hư hỏng… Như vậy, đây là cái “Biên Bản Kiểm Tra tình trạng hư hỏng của thiết bị“. Đọc tiếp phần III (Kết Luận), ta thấy người viết biên bản ghi cả những cách sửa chữa thiết bị, nghĩa là phải chi tiền từ tài khoản của bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Tóm lại, đây là loại Biên Bản muốn thực hiện, phải chi tiền. 

Chú thích. Do vậy, biên bản phải chặt chẽ. Mẫu biên bản phải được sự đồng ý của giám đốc bệnh viện. Mỗi người ký tên phải chịu những trách nhiệm rất xác định. Cụ thể, cái Biên Bản (hình chụp) được lập ra là do hệ lọc nước RO2 bị hư hỏng, một (trong những) người ký tên là BS Lương. Ông phải chịu trách nhiệm tới đâu? Trách nhiệm của ông có nặng “oằn lưng” như VKS nêu trong cáo trạng? Để rồi xem.

 

  1. Cương vị và trách nhiệm những người ký tên vào Biên Bản

Để được gọi là “Biên Bản” phải có ít nhất 2 người ký tên do cương vị của mình liên quan tới vụ việc. Thế thì, cái Biên bản kiểm tra tình trạng (hư hỏng) thiết bị có tới 4 người ký tên (hình chụp), hẳn là đòi hỏi rất chặt chẽ.

      a- Tại Mục I (nằm ở phía trên văn bản) là tên 2 người, được in sẵn: ông Trần Văn Thắng, cương vị là Trưởng phòng vật tư và ông Trần Văn Sơn, cương vị là nhân viên kỹ thuật của Phòng này. Tóm lại, đây là biên bản mà đầu mối là Phòng Vật Tư – nơi có trách nhiệm quản lý và sửa chữa mỗi khi thiết bị bị hư hỏng. Nói khác, “mẫu” văn bản phải được giám đốc bệnh viện thông qua. Do vậy, đây là văn bản hợp lệ để Phòng Vật Tư trình lên giám đốc bệnh viện xin được (chi tiền) sửa chữa.

      b- Dưới đó, ở mục II là nơi dành cho 2 cương vị: Trưởng Khoa (người quản lý thiết bị) và Điều Dưỡng (người sử dụng thiết bị). Tên hai vị được để trống, vì bệnh viện có rất nhiều khoa; mỗi khoa lại có nhiều thiết bị khác nhau…

Khi lập biên bản (về tình trạng hư hỏng của thiết bị) cả 4 người đều phải ký. Trong hình chụp tờ Biên Bản, chúng ta thấy 4 chữ ký lần lượt từ phải sang trái, theo đúng thứ tự: Điều Dưỡng (người sử dụng máy), Trưởng khoa, Kỹ thuật viên… Để biện hộ cho BS Lương, cần nói ở đây rằng, chữ ký của BS Lương (thừa lệnh trưởng khoa) không có giá trị là một chủ thể đề nghị giám đốc bệnh viện chi tiền sửa chữa. Việc này là nhiệm vụ của Phòng Vật Tư. Điều này còn phải nói rõ hơn ở dưới.

4.png

3- Bốn chữ ký lần lượt: Nói lên một quy trình

Quy trình này kết thúc khi có chữ ký cuối cùng (ký chốt) của trưởng phòng Vật Tư. Lúc này Biên Bản mới đủ hợp lệ gửi lên cấp trên là giám đốc bệnh viện.

      a- Đầu tiên là chữ ký của người sử dụng thiết bị. Khi một thiết bị hư hỏng – tức là khi nó không tuân theo sự điều khiển, hoặc nó cho ra những kết quả sai lạc, hoặc sản phẩm của thiết bị không đạt về lượng và về chất… thì người phát hiện đầu tiên (tất nhiên) là người đang sử dụng nó. Ở đây là điều dưỡng viên. Công việc bị ngừng trệ, người này (tất nhiên) phải thông báo cho vị phụ trách trực tiếp của mình. Cụ thể, ở đây là Trưởng Khoa. Và chỉ Trưởng khoa mới đủ cương vị báo lên Phòng Vật Tư, để nơi này cử kỹ thuật viên tới, mang theo một tờ Biên Bản (in sẵn, theo mẫu) và lập biên bản về sự cố “máy hư”. Từ đầu chí cuối, kỹ thuật viên là người ghi biên bản. Khi lập xong biên bản, Điều dưỡng viên (người sử dụng máy) phải ký tên đầu tiên để khẳng định lời khai ban đầu: Thiết bị đã hư hỏng,  cần sửa mới có thể sử dụng tiếp“.

Chú thích: Trên thực tế, ở nước ta và thế giới, đã có rất nhiều trường hợp thiết bị chỉ “hỏng giả vờ” do nhóm lợi ích khai ra và tìm cách lập một biên bản (như thật, đủ 3 hoặc 4 chữ ký) để “sửa giả vờ” – với mục đích moi tiền công quỹ. Nếu sự việc bị phát hiện, thì mỗi chữ ký ở Biên Bản đều có ý nghĩa “cam đoan” và “chịu trách nhiệm” cá nhân… kể cả chữ ký của trưởng khoa.

      b- Tiếp theo là chữ ký của Trưởng Khoa. Vị Trưởng Khoa (cương vị là người quản lý máy) – sau khi nghe nhân viên sử dụng thông báo “máy hư”, vẫn phải kiểm tra, nhưng chỉ là kiểm tra sự hoạt động của thiết bị mà thôi. Còn bên trong thiết bị hư hỏng bộ phận nào và vì sao mà hư hỏng…, thì không thuộc trách nhiệm của mình. Ông ký, vì ông có đủ cương vị báo lên Phòng Vật Tư – là nơi quản lý chung mọi trang thiết bị – để nơi này cử nhân viên kỹ thuật tới (như đã nói ở trên). Ông ký, vì trong quan hệ hành chính, chữ ký của điều dưỡng viên không thể “vượt cấp” lên phòng vật tư mà không qua trưởng khoa. Tại Biên Bản (hình chụp lại) chúng ta thấy Trưởng Khoa ký tiếp theo chữ ký của nhân viên của mình. Sau ông là chữ ký của kỹ thuật viên (trong trường hợp sửa máy, nó “nặng cân” hơn chữ ký của trưởng khoa). Như vậy, chữ ký của trưởng khoa (ở đây là BS Lương thừa lệnh) chẳng qua chỉ có giá trị là một khâu trong cái chuỗi 4 chữ ký. Còn Biên Bản là do Phòng Vật Tư chủ trì soạn thảo, để sau đó trình lên giám đốc bệnh viện (chủ tài khoản).

Chú thích: Trong cáo trạng, lời lẽ của VKS cứ  “khẳng định” BS Lương là chủ thể của cái Biên Bản này. Sai. Bịa đặt. Chủ thể và đầu mối phải là ông trưởng phòng Vật Tư.

Nhưng cứ giả sử, nếu BS Lương (do không biết quy trình làm việc) cứ tự mình soạn đơn “đề nghị sửa máy RO” gửi thẳng lên giám đốc bệnh viện, thì sao? Thì… VKS sẽ đủ cơ sở luận tội, nhưng đơn sẽ được trả về và sẽ có nhắc nhở BS Lương làm đúng quy trình. Vậy, tại sao VKS cứ sáng tác quy trình riêng để BS Lương rơi vào tình huống có tội?

      c- Chữ ký của nhân viên kỹ thuật. Nhân viên kỹ thuật (do Trưởng phòng Vật Tư phái tới) có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện nguyên nhân hư hỏng và đề xuất các biện pháp sửa chữa. Đây cũng là người viết Biên Bản, cụ thể là điền vào (viết tay) tất cả các mục I, II và III. Sau đó ký tên để thể hiện trách nhiệm.

    d) Trưởng phòng vật tư ký cuối cùng, khi đã có đủ 3 chữ ký chịu trách nhiệm trước ông. Còn ông ký là để chịu trách nhiệm trước Bệnh viện trưởng.

Tại tờ (mẫu) biên bản, như ta thấy: thứ tự ký bắt đầu từ bên phải sang trái, trong đó ông Trần Văn Thắng ký cuối cùng (ký chốt).

 

III-  PHÂN TÍCH NỘI DUNG “BIÊN BẢN KIỂM TRA

Đây là lúc chúng ta xem xét các chữ viết (bằng bút) trong Biên Bản. Đó chính là nội dụng của một Biên Bản cụ thể. Hình chụp là Biên Bản về tình trạng hư hỏng của hệ RO2 ở thời điểm ngày 20-4-2017. Xin chỉ đọc bút tích của ông Sơn (người ghi biên bản) mà tạm bỏ qua các chữ (có màu) do bà luật sư Thúy Kiều chú thích vào những vị trí mà Biên Bản bị sửa đổi.

1.png

1- Ông Trần Văn Sơn: Người khám bệnh và ghi đơn cho thiết bị hư  

Hầu hết chữ trong Văn Bản là của ông Trần Văn Sơn, kỹ thuật viên – chỉ có ông Sơn mới có đủ cương vị, quyền hạn, trách nhiệm để viết nội dung của Biên Bản. Có thể so sánh với trường hợp một BS khi làm bệnh án cho một em bé chưa biết nói (ví như cái thiết bị bị hư) được cha (BS Lương đưa tới).     

  1. Trước hết, là phải ghi thời điểm lập biên bản. Trường hợp này là ngày 20 tháng 04 năm 2017 – như ta thấy ở hình chụp. Trong bệnh án cũng vậy; BS lập bệnh án cũng phải ghi thời điểm lập. Đáng chú ý là thảm họa (chết 9 bệnh nhân) xảy ra rất xa cái ngày Biên Bản này được lập ra: tới 38 ngày – giống như bệnh án lập xong, nhưng sau 38 ngày bệnh nhân mới có thuốc. Sẽ phân tích sau về sự gian dối.
  2. Thứ hai là tên thiết bị cần sửa cha. Trường hợp này là hệ thống lọc nước RO. Nhưng bệnh viện có 2 hệ thống như vậy. Ở đây, ông Sơn đã ghi rõ là RO2. Ngoài ra, vẫn phải có các thông số chi tiết hơn (như ta thấy ở hình chụp): Nơi sản xuất thiết bị, Model, Số máy. Tất cả, đều được ông Sơn ghi đủ. Cũng giống như ở bệnh nhân: ngoài tên và họ (rất dễ trùng với tên người khác) phải có các yếu tố khác để xác định nhân thân. Và điều này quả là không thừa (nhờ vậy, sau này có cơ sở vạch ra sự gian dối. Cụ thể: Đây là biên bản sửa RO1 vào năm 2016, được ngụy tạo thành sửa RO2 năm 2017 chẳng qua, để cho sát với thời điểm xảy ra thảm họa. Sẽ nói sau.
  3. Tiếp theo, là tình trạng hư hỏng (do nơi sử dụng thông báo). Ông Sơn ghi rất đúng thông tin từ nơi sử dụng thiết bị (do điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng và BS Hoàng Công Lương cung cấp và chịu trách nhiệm). Đó là dòng chữ: Hệ thống khi sử dụng nước ra yếu không đủ sử dụng cho việc rửa quả lọc thận – mà chúng ta đọc được ở hình chụp biên bản. Điều này giống như BS ghi vào mục đầu tiên của tờ Bệnh Án: Lý do vào viện (cha em bé khai thế nào, BS khám bệnh cứ ghi đúng như thế).
  4.  Sau khi có thông tin “nước ra yếu, không đủ…”, ông Sơn khỏi mất công khám toàn thể cỗ máy, mà chỉ xem xét những bộ phận khiến giảm công suất lọc nước mà thôi. Cụ thể, ông thấy “màng RO bị bán tắc, 3 van bị hở…” (khiến thất thoát nước)… và ông đã ghi đầy đủ vào Biên Bản, bạn đọc rất dễ nhận ra.
  5.  Tiếp đó, ở phầm III (Kết Luận) ông Sơn đưa ra cách điều trị. Cụ thể là: Tẩy rửa màng RO, thay 3 van… Đây là đề nghị với Trưởng phòng, để Trưởng phòng duyệt và “đưa lên cấp có tài khoản”. Còn bà Hằng và ông Lương thì “bất cần biết” chứ không phải “buộc phải biết” tầm quan trọng – như VKS cứ nằng nặc.

Chú thích. Như mô tả và phân tích ở trên, chữ ký của BS Lương chỉ có vai trò thông báo “máy có bệnh” và “bệnh biểu hiện thế nào” (ở đây là “nước ra chậm, không đủ để rửa quả lọc thận”) – tức là gợi ra phương hướng để ông Sơn đỡ tốn nhiều công khi khám bệnh. Do vậy, BS Lương không “buộc phải biết” những điều ghê gớm mà VKS quy kết như đã viết rất đanh thép trong cáo trạng.

2- Ba điều bất thường cần lưu ý

Trong Biên Bản, những gì ông Sơn đề nghị phải làm (ghi ở phần III. Kết Luận) cũng giống như BS ghi đơn thuốc cho máy. Ví dụ, cần tẩy rửa màng lọc, thay 3 van… Người thực hiện đơn là ông Bùi Mạnh Quốc. Ông Quốc đã làm đúng những gì ông Sơn đã đề xuất.

Tuy nhiên, có ba điều bất thường cần lưu ý:

  1.  Ông Quốc thực hiện đơn thuốc quá muộn. Biên bản ghi ngày 20 tháng 04, mà cho tới ngày 28-5 ông Quốc mới tới sửa hệ RO2 (muộn 38 ngày lận). Sao không có bệnh nhân nào… chết vì việc sửa máy quá muộn này? Té ra, nguy ên do là người ta moi ra được cái biên bản (cũ) này từ hồ sơ lưu trữ, đem ra chỉnh sửa lại cho khớp với (sự thật) xảy ra ngày 28-5-2017, là ngày ông Quốc sửa máy RO2, hôm sau thảm họa xảy ra.
  2.  ông Quốc còn (hăng tiết) làm thêm 2 việc mà ông Sơn không đề nghị: Đó là: thay mới 2 màng RO và làm xét nghiệm AAMI. Đây là chuyện lấy râu ông nó cắn cằm bà kia. Sẽ phải làm rõ.
  3.  Ông Quốc làm việc ngày chủ nhật, hôm sau (ngày 29-5 tai họa xảy ra. Sẽ phân tích ở dưới.

Chính do sự tìm hiẻu ba điều bất thường này khiến âm mưu đổ tội cho BS Lương (thí tốt) bị lộ liễu. Sẽ nói ở dưới.

  1. Những chỉnh sửa bị luật sư Thúy Kiều phát hiện

Các chỉnh sửa được luật sư Thúy Kiều chỉ rõ (bằng bút màu) gồm:

 Các chỉnh sửa được chỉ rõ (bằng bút màu) gồm:

    a- Thứ nhất, về ngày tháng: ngày 20 tháng 04 năm 2016”, bị sửa thành ngày 20 tháng 04 năm 2017”. Như vậy, đây là biên bản (cũ) của lần sửa chữa từ một năm trước (đã xong, không gây tai biến gì) được dùng cho lần sửa này (lần gây thảm họa).

a.png

     b- Thứ 2, tên thiết bị máy ở dòng 11 từ trên xuống dưới là “hệ thống nước RO số 1”, bị sửa thành “hệ thống nước RO số 2”. Đây là sự đánh tráo hồ sơ.

b.png

     c- Thứ 3, tại mục II (Nguyên nhân hỏng của thiết bị): bán tắc màng Ro, van 05“, đã bị sửa thành van 03 (để khớp với lần sửa này).

c

     d- Thứ 4, tại mục III (Kết luận), từ thay 5 van nước, bị sửa thành thay 3 van nước

Luật sư Thúy Kiều kết luận: Không thể dựa vào một văn bản đã có sự chỉnh sửa để kết tội BS Lương.

Nói khác, cái chứng cứ quan trọng nhất mà VKS quyết dựa hẳn vào để buộc tội BS Hoàng Công Lương đã bị sụp đổ. Nếu vậy, lời khuyên phải là: Chớ ai dại dột mà “dựa vào” nó, để cùng sụp đổ với nó.

4- Việc sửa chữa cần thực hiện vào ngày nghỉ

Suy thận nặng mới cần “chạy thận”. Bệnh viện Hòa Bình thường xuyên có 120 bệnh nhân phải chạy thận (trung bình) 3 lần mỗi tuần. Mỗi tuần làm việc 5 ngày, chúng ta rất dễ tính ra mỗi ngày có 70 bệnh nhân cần chạy thận. Cả thảy chỉ có 19 máy thận nhân tạo, do vậy mỗi ngày mỗi máy phải “chạy” nhiều ca. Khi máy đang sửa, BS Lương “bất cần biết” máy sửa những gì, sửa ra sao, sửa ở đâu, ai sửa… Nhưng ông “buộc phải biết” bao giờ có đủ lượng nước tinh khiết để ông “chạy thận” cho bệnh nhân. Vậy, việc của ông chỉ  là chờ đợi ông Sơn báo tin “máy đã sửa xong” – đây là nguồn tin chính thức. Nó cũng chính thức như khi ông Lương báo cho ông Sơn: “máy hư hỏng”.

May mắn, điều này được giải quyết ổn thỏa, từ hàng chục năm nay. Ông Bùi Mạnh Quốc (do ông Sơn được lệnh mời tới) đã mấy chục lần tới bệnh viện, sửa máy RO vào đúng ngày nghỉ (để sáng thứ Hai có thể “chạy thận” được ngay), và lần nào kết quả cũng mỹ mãn.

Cái lần xảy ra thảm họa, ông Quốc cũng sửa hệ RO vào ngày chủ nhật (28-5-2017) và như mọi lần: ông Quôc đã chính thức báo cho ông Sơn “sửa xong”, để ông Sơn báo tiếp “sửa xong” cho nhân viên Đơn Nguyên thận nhân tạo. Đây là quy trình từ hàng chục năm nay, rất suôn sẻ. Nếu (giả sử) quy trình có lỗi thì người đặt ra quy trình chịu trách nhiệm, chớ những người tuân theo quy trình chỉ là người phải chấp hành. Như chúng ta biết: Thảm họa xảy ra ngay hôm sau: thứ Hai, ngày 29-5-2017, không phải do quy trình sai, mà do sơ suất của riêng ông Quốc trong quá trình sửa máy.

Dưới đây, xin đưa thêm 2 hình chụp cái Biên Bản bàn giao “máy đã sửa xong” từ ông Quốc (người sửa) sang ông Sơn (người tiếp nhận), và từ ông Sơn sang  bà Điệp. Đều đúng quy trình.

23

IV- ĐÃ CÓ BAO NHIÊU CÁI BIÊN BẢN LOẠI NÀY?

  1. Có rất nhiều, nhưng không có giá trị buộc tội người ký.

Trừ trường hợp: Ký để tham gia tham ô tiền bạc.

Hẳn là có nhiều Biên Bản loại này. Hệ thống lọc nước RO của bệnh viện Hòa Bình đã có từ hàng chục năm, phần lớn do một tay ông Quốc sửa chữa với 12 năm kinh nghiệm. Do vậy, nếu khi nó hư hỏng, phải lập biên bản (để có tiền sửa), thì sẽ có rất nhiều biên bản loại này được lưu trữ. Người ta có thể lục trong “hồ sơ lưu trữ” để lấy ra bất kỳ Biên Bản nào trong quá khứ, dù BS Lương hay bất cứ ai khác ký vào… thì người ký (ở cương vị Trưởng Khoa) cũng chẳng có tội tình gì. Tôi ký chỉ là thông báo “máy hỏng” tới nơi có chức năng sửa chữa nó, để tôi có máy mà thực hiện nhiệm vụ “chạy thận” cho bệnh nhân của tôi. Chữ ký của tôi chỉ là một khâu trong cả 4 chữ ký theo một quy trình đã ấn định..,

Cái biên bản ngày 20 tháng 04 năm 2017 (trong bài này) dẫu bị sửa hay vẫn nguyên vẹn, thì vẫn không phải là chứng cứ kết tội người ký.  BS Lương cũng chẳng làm gì nên tội.

 

V- VIỆC SỬA CHỮA NGẢY 28-5-2017 THEO BIÊN BẢN NÀO?

1- Hợp đồng mang số 315 và vụ sửa chữa ngày 29-5-2017

Do giám đốc bệnh viện ký với giám đốc công ty Thiên Sơn ngày 25-5-2017 trong đó bệnh viện trả cho Cty gần 100 triệu đồng để Cty thực hiện một số công việc với hệ lọc RO2. Vừa ký xong, Cty Thiên Sơn thuê ông Bùi Mạnh Quốc làm toàn bộ công việc, với giá gần 50 triệu.

Ba ngày sau (chủ nhật, 28-5-2017) ông Bùi Mạnh Quốc tới bệnh viện sửa chữa hệ RO2 gồm các công việc như thường lệ mà ông đã rất có kinh nghiệm, còn hai nội dung khác ghi trong hợp đồng 315 (nói trên) gồm thay mới 2 màng lọc (trong số 4 màng cũ) và làm xét nghiệm AAMI… thì rất mới mẻ. Tai họa xảy ra do hai màng lọc bị tháo ra (để thay mới), nhưng ông vẫn tẩy rửa và diệt trùng (bằng axit) theo cách cũ, do vậy axit có cơ hội lọt vào nước lọc tinh khiết, từ đó vào máu bệnh nhân. Ngoài ra, cái xét nghiệm AAMI là rất mới, hầu như chưa ai ở bệnh viện hiểu hết về nó – kể cả hai ông giám đốc cùng ký hợp đồng 315. Ví dụ, cần 10-15 ngày, việc xét nghiệm AAMI mới cho kết quả; vậy thì ai dám ngừng chạy thận hàng ngày cho mấy chục bệnh nhân? Mà phải ngừng tới 2 tuần để đợi kết quả… Tai họa xảy ra ngay hôm sau (29-5-2017) khi 18 bệnh nhân chạy thận chết tới 9 người. Có 3 người bị bắt: Ông Bùi Minh Quốc (người trực tiếp can thiệp vào hệ thống lọc nước RO2, gây ra tai nạn); ông Trần Văn Sơn (kỹ thuật viên, có nhiệm vụ giám sát ông Quốc, lại bỏ đi làm việc khác, vắng mặt); BS Hoàng Công Lương (người ra lệnh chạy thận hôm ấy).

Ông Quốc, ông Sơn nhận tội ngay từ đầu, còn BS Lương tự thấy mình vô tội, vì ông Sơn đã thông báo “sửa xong”. Tuy nhiên, VKS vẫn muốn buộc tội BS Lương, đồng thời cấp trên của BS Lương tự thấy số phận của mình bị đe dọa, cũng muốn BS Lương gánh tội thay mình.

2- Điều lạ lùng: hầu như cấp dưới không biết có hợp đồng 315

Đó là sau khi ký Hợp Đồng 315 vị giám đốc bệnh viện không thông báo cho những người liên quan để cùng triển khai thi hành. Khi tai nạn đã xảy ra mà các phó giám đốc vẫn không biết tý gì về việc hợp đồng đã được ký. Ông trưởng phóng Vật Tư (có tên trong hợp đồng) cũng không biết. BS Lương lại càng không biết, mặc dù trong hợp đồng có khoản xét nghiệm AAMI – phải ngừng chạy thận 2 tuần – do vậy, ông cứ cho chạy thận (theo đúng lịch) vào hôm sau… Nếu quả thật BS Lương không biết gì về Hợp Đồng 315 thì không thể buộc tội ông “sao không chờ đợi kết quả xét nghiệm AAMI – như ban đầu VKS đã buộc tội ông.

3- Tìm cách khác để buộc tội

Người ta cố tìm trong hồ sơ cũ một tờ Biên Bản có chữ ký của BS Lương để quy buộc ông chính là người ký tên đề xuất việc sửa chữa hệ thống RO2 (chính là vụ do ông Quốc đảm nhận). Tất nhiên, cái Biên Bản này phải thỏa mãn hai điều kiện: a) nó phải được ký vào ngày gần đây nhất; b) nó phải có chữ ký của BS Lương.

Chẳng tìm ra cái biên bản nào như vậy. Đành phải chọn cái biên bản ký ngày 20-4-2016 (chỉnh sửa thành 2017, nhưng khoảng cách vẫn hơi bị xa: tới 38 ngày). Sai lệch thứ hai: Đây là Biên Bản sửa chữa RO1. Đành dùng bút sửa thành 2017. Nội dung sửa chữa vẫn không khớp với nội dung của Hợp Đồng 315. Vậy, lại phải chỉnh sửa… Luật sư Thúy Kiều đã phát hiện các chỉnh sửa này.

Dù chỉnh sửa lồ lộ, nhưng các đồng chí điều tra viên vẫn chấp nhận; sau đó các đồng chí ở VKS vẫn đưa vào hồ sơ. 

  1. Ví dụ (thử trích) một câu trong Cáo Trạng

Để thấy điểm mấu chốt nhằm buộc tội: BS Lương là người đã “trực tiếp ký đề xuất sửa chữa“.

Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO. Tuy nhiên, dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không nhưng vẫn cho chạy thận cho các bệnh nhân. Hành vi của Lương đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám, chữa bệnh.

 

VI- NỘI DUNG CÁO TRẠNG MỚI (liên quan BS Lương)

Chứng cứ để ra Cáo Trạng là cái Biên Bản kiểm tra tình trạng (hư hỏng) của hệ RO, trong đó có chữ ký của BS Hoàng Công Lương mà VKS coi là người đề xuất để giám đốc bệnh viện ra Quyết định sửa chữa. Sự thật, đều do Phòng Vật Tư lập ra mỗi khi có bất cứ thiết bị nào trong bệnh viện bị hư hỏng. Chữ ký của Trưởng Khoa có giá trị thông báo “máy hỏng” và “đề nghị phục hồi hoạt động”. Xin nhấn mạnh 2 điều: a- Trưởng khoa không có quyền thông báo “máy hỏng” nếu mình không quản lý cái máy đó. b- Trưởng khoa không có nhiệm vụ phải biết máy phải sửa những gì, ra sao, ở đâu…

Dưới đây tóm tắt cáo trạng mới và lập luận bác bỏ.      

Tóm tắt cáo trạng mới và lập luận bác bỏ

     a) Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị có chứng chỉ hành nghề và được giao phụ trách về chuyên môn tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Bị cáo Lương đã được đào tạo, được cấp chứng nhận về kỹ thuật lọc máu bằng lọc thận nhân tạo. Bởi vậy, bị cáo Lương nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng nước sử dụng cho việc chạy thận cũng như (nhận thức rõ ngày 28/5/2017, hệ thống nước RO số 2 được sửa chữa.

     Bác bỏ: “Nhận thức” tầm quan trọng về chất lượng của nước RO” thì nhiều người biết. Đến như VKS cũng biết thì càng nhiều người biết. Nhưng VKS phải biết thêm: Việc kiểm tra chất lượng thì phải có phương tiện. Phương tiện chúng tôi có là cái đồng hồ đo độ dẫn điện đã được chúng tôi sử dụng bất cứ lần nào chạy thận. Ngày 28-5, là chủ nhật, tôi không có trách nhiệm phải biết ông Quốc tới sửa chữa lúc nào, làm những gì và bao giờ thì xong. Như mọi lần và như một quy trình, ông Quốc sửa xong phải báo chính thức cho ông Sơn, để ông Sơn báo chính thức cho nhân viên Đơn Nguyên thận nhân tạo. Nếu VKS muốn kết án quy trình, xin liên hệ với nơi đặt ra quy trình. 

      b) Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 vào ngày 20-4-2017.

     Bác bỏ: Tôi ký tên vào Biên Bản chỉ có giá trị như một thông báo “máy hỏng” cho Phòng vật Tư. Và đó chỉ là một khâu trong cả chuỗi gồm 4 chữ. Phòng này mới đủ cương vị và thẩm quyền đề xuất việc sửa máy lên Giám đốc bệnh viện (theo quy chế làm việc). Đúng như Biên Bản đã ghi: Tôi phàn nàn “không đủ nước RO để chạy thận”. Phòng Vật Tư có nhiệm vụ giải quyết, có thể giải quyết bằng cách sửa máy, thuê máy ở bệnh viện khác, hoặc đi mua nước…     

      c) Ngày 29.5.2017, Lương là bác sĩ duy nhất trong 3 bác sĩ được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu, có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Do vậy, Hoàng Công Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh.

     Bác bỏ: Những lần tôi đi vắng dài ngày (Tết, nghỉ phép, đi học…) chả lẽ bệnh viện cứ để bệnh nhân chết vì không ai ra y lệnh chạy thận?Tại sao Cáo trạng lại dùng từ “duy nhất” với tôi? Hiện nay, VKS liên quan tới việc Sở Y Tế tước quyền hành nghề của tôi (1919), liệu có phải vì thế mà hiện nay không còn ai đủ điều kiện ra y lệnh điều trị? 

      d) Khi mới chỉ nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong, có thể hoạt động bình thường, Hoàng Công Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị, ký xác nhận y lệnh điều trị của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và bác sĩ Phạm Thị Huyền đối với 18 bệnh nhân.

     Bác bỏ: Đây là quy trình (tôi và bà Đỗ Thị Điệp và những người trong Đơn Nguyên chỉ là người chấp hành) đã thực hiện từ ngày bệnh viện có Đơn Nguyên thận nhân tạo đến nay. Ông Quốc sửa xong sẽ chính thức báo cho ông Sơn (có thể có biên bản bàn giao giữa hai người, nhưng tôi không có trách nhiệm phải biết). Còn ông Sơn báo cho người thuộc đơn vị chúng tôi cũng có giá trị như là thông báo chính thức. Trường hợp cụ thể: ngày 29-5, bà Điệp nhận tin từ ông Sơn. Vậy đó là tin chính thức. 

      e) Việc ra y lệnh, ký xác nhận y lệnh của bị can khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2, dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 8 người chết.

     Bác bỏ: Nguyên nhân khiến bệnh nhân của tôi tử vong là do axit tồn dư trong nước lọc, vì ông Quốc sơ suất khi sửa chữa.

Việc sơ xuất này tôi không chứng kiến, dẫu có chứng kiến cũng không đ ủ hiểu bi ết để ngăn cản. T ôi bi ết nguy ên nh ân l à do kết luận của Viện khoa học hình sự. 

      f) Như vậy, đủ căn cứ truy tố Hoàng Công Lương về tội Vô ý làm chết người.

     Bác bỏ: Như vậy, không đủ căn cứ truy tố tôi. Như trên, tôi đã bác bỏ mọi căn cứ buộc tội của VKS.

     Ngoài ra, Đơn nguyên không hề được cấp trên giao cho nhiệm vụ quản lý hệ thống lọc RO2, do vậy tôi không có quyền đề xuất sửa chữa nó (như Cáo Trạng viết). Hiện nay, nơi quản lý nó là Phòng Vật Tư. Bởi vậy, quyền của chúng tôi là đề xuất cung cấp đủ nước RO để chạy thận. Điều này tôi xin cam đoan, và xin được bác bỏ mọi vu cáo.


 

Xem lại loạt bài :

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s