Những yếu tố Lịch Sử trong vụ án Hoàng Công Lương – Bài 8

HỢP ĐỒNG 315 và NHỮNG LẮT LÉO

vu-chay-than-9-nguoi-chet-bvdk-hòa-bình1

Nguyễn Ngọc Lanh

 

Vừa ký xong hợp đồng….

Tháng 5-2017 hệ thống lọc nước RO2 tới thời hạn cần bảo dưỡng, thay thế vật tư và làm vệ sinh, bệnh viện tỉnh Hòa Bình liên hệ và bàn bạc với đối tác quen thuộc là Cty Thiên Sơn. Ngày 25-5-2017 giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương ký với đại diện công ty trên – là ông Đỗ Anh Tuấn – bản Hợp Đồng mang số 315 gồm 3 nội dung: a- Cung cấp vật tư thay thế (trong đó có 2 màng lọc RO cần thay mới); b- Sục rửa (2 màng cũ còn lại); c- Xét nghiệm AAMI. Để thực hiện những điều khoản trên, bệnh viện phải trả cho Cty gần 100 triệu đồng.

Câu hỏi là chi 100 triệu để thực hiện 3 nội dung (nói trên) là đắt hay rẻ?

Câu trả lời: Còn tùy. Hai khoản đầu tiên (a và b) chỉ đáng vài-ba chục triệu. Còn khoản xét nghiệm AAMI giá dưới 5 triệu. Nhưng, nếu xét nghiệm xong, phải dựa vào kết quả mà sửa chữa hệ lọc nước RO cho phù hợp với chuẩn (của Mỹ) thì e rằng 100 triệu không đủ cho toàn bộ hợp đồng.

Chú thích: Theo quy định, nếu hợp đồng từ 100 triệu trở lên, phải được cấp trên phê duyệt. Hợp đồng 315 giá tiệm cận 100 triệu là cách “lách luật” rất quen thuộc ở nước ta.

… Đã bán ngay tắp lự

Ngay hôm ký hợp đồng (tức vẫn là ngày 25-5-2017), Cty Thiên Sơn – vẫn như mọi khi – gọi ngay cho ông Bùi Mạnh Quốc – là nhân viên cũ, nhưng nay đã thành lập Cty riêng, lấy tên là Trâm Anh – tới bệnh viện Hòa Bình thực hiện mọi nội dung trong cái Hợp Đồng 315 nói trên. Nói khác: Đó là bán. Bán tắp lự. Lúc này ông Quốc đang hành nghề ở Nghệ An và Hà Nam. Chỉ ba hôm sau (sau khi làm việc xong ở hai tỉnh) ông Quốc đã có mặt ở Hòa Bình ngày 28-5.

Như những lần trước, lần này ông Quốc cũng không biết gì về những Hợp Đồng mà Thiên Sơn ký với bệnh viện Hòa Bình. Lần này, với Hợp Đồng 315 (giá gần 100 triệu) nói trên, ông Quốc nghĩ rằng Cty Thiên Sơn tạo việc làm cho mình. Sau khi tính toán, ông Quốc đã chào giá 49,550 triệu đồng. Với ông, thế là rất hời rồi.

Lần này, nhân có chuyện thay màng lọc RO, ông đề nghị thay mới cả 4 màng RO (tốn thêm 12 triệu) nhưng Cty Thiên Sơn không đồng ý. Chính vì cái động tác “chỉ thay 2 màng và sục rửa 2 màng còn lại”, mà axit từ nước nguồn đã có cơ hội lọt vào nước tinh khiết, khiến hôm sau (29-5-2017) tai họa xảy ra.

Chú thích: Một vị luật sư đặt câu hỏi: Sao không thay tất cả 4 màng lọc (màng mới, không cần sục rửa), tai họa sẽ không xảy ra. Vị này nghi ngờ rằng: không lâu sau đó, hai màng lọc cũ sẽ phải thay, Thiên Sơn lại có thêm một hợp đồng giá 100 triệu nữa?

Đối phó

Nhân viên bệnh viện từ lâu vẫn coi ông Bùi Mạnh Quốc là người được Cty Thiên Sơn sai tới. Dù sau này ông là giám đốc công ty, nhưng thực tế vẫn do Thiên Sươn chỉ định tới bệnh viện làm nhiệm vụ do Thiên Sơn giao cho. Nay tai họa xảy ra, ông Quốc đối phó bằng hai việc. Đầu tiên, ông sục rửa thật kỹ hệ thống RO, trước khi cơ quan giám định tới lấy mẫu nước. Nhưng người ta vẫn lần ra sai sót của ông, vì chất độc (axit) đã nằm phục kích ở tận tank (bồn chứa) rồi, trong khi ông Quốc chỉ rửa thật sạch các đường ống. Tiếp đó, ông bàn giao Hệ RO cho ông Sơn, và từ nay ông Sơn chịu trách nhiệm. Cái “biên bản” bàn giao là tờ giấy in sẵn, được viết bằng thứ chữ nguệch ngoạc, có chữ ký của ông Sơn và ông Quốc. Ông Sơn “chết” là do cái “biên bản bàn giao” này.

Công ty Thiên Sơn lo đối phó bằng cách khác, cao tay hơn. Buổi chiều 29-5-2017 (tai nạn xảy ra buổi sáng) Cty Thiên Sơn kịp soạn thảo vội vã một bản Hợp Đồng (mang số 5) tìm tới ông Quốc (đang còn ở bệnh viện) để ông này (tư cách Cty Trâm Anh) ký vào cái hợp đồng này – thay cho thỏa thuận miệng với nhau (như mọi khi). Đây là biên bản có đóng dấu đỏ của hai công ty: Thiên Sơn và Trâm Anh.

Thế là ông Quốc rơi vào bẫy. Do Hợp Đồng (số 5) đã ký với Thiên Sơn, vậy thì khi sửa xong, lẽ ra ông Quốc phải bàn giao để Thiên Sơn nghiệm thu, đánh giá… – nếu đảm bảo an toàn thì Thiên Sơn mới giao cho bệnh viện sử dụng. Rành rành, ký Hợp Đồng (số 5) với Thiên Sơn, vậy mà ông Quốc lại bàn giao cho ông Trần Văn Sơn – là nhân viên bệnh viện (?). Đây chính là nguyên nhân đưa đến thảm họa.

Khôn hồn làm sao, khi ra tòa, cả hai ông Quốc và Sơn đều thừa nhận: Cả hai văn bản này được ký sau khi thảm họa đã xảy ra; do vậy – về pháp lý – chúng vô giá trị. Thiên Sơn vẫn chưa thoát tội.

Tưởng tượng ra “bộ ba” canh cửa

Như mọi lần, ngày 28-5-2017 ông Quốc cứ một mình (lầm lũi) thực hiện công việc của mình. Ông Sơn (vẫn như mọi lần) chỉ đủ trình độ kiểm tra các vật tư mà ông Quốc mang tới (phải đủ về lượng và đúng về chất); trong đó có hai màng lọc RO mới toanh… Xong, ông Sơn có thể đi làm việc khác. Khi ông Quốc xong việc, ông Sơn quay lại kiểm tra (coi các vật tư mới đã được thay đúng chỗ hay chưa) và đem những cái cũ về nộp cho Phòng Vật Tư. Ông Sơn hoàn thành nhiệm vụ không thể chế trách.

Đồng thời (như mọi lần) ông báo cho Đơn Nguyên “đã sửa xong” – đồng nghĩa với “đã đủ nước tinh khiết để chạy thận”. Sự bàn giao này chưa bao giờ cần văn bản. Cái lần xảy ra tai họa ông Sơn vẫn làm như vậy.

Ông Sơn không đủ trình độ để giám sát ông Quốc về mặt quy trình và thao tác kỹ thuật khi ông Quốc làm vệ sinh hệ thống RO và tẩy rửa màng. Do vậy, ông cứ đi làm việc khác, mà không cần ngồi chầu bên cạnh ông Quốc suốt cả buổi.

Người ta bịa ra vai trò canh cửa (số 2) cho ông Sơn – đã là can đảm và giàu tưởng tượng; nhưng bịa ra cái cửa số 3 và cử BS Lương đứng canh, mới đáng gọi là liều. Bài trước đã phân tích đủ.

Cãi nhau tại tòa về xét nghiệm AAMI

Xét nghiệm AAMI là một điều khoàn nằm trong Hợp Đồng 315 nhưng hai người ký (ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn) hoặc chưa hiểu, hoặc hiểu rất lơ mơ về nó. Tiếp đó, xét nghiệm này nhảy sang Hợp Đồng số 5, thì người ký (ông Bùi Mạnh Quốc) lại càng mù tịt về nó, hoặc hiểu sai rằng “nó dùng đánh giá độ tinh khiết của nước trước khi sử dụng để chạy thận”. Tại phiên tòa sơ thẩm 1 (tháng 5-2018) khi ông Bùi Mạnh Quốc đưa ra cái tên “xét nghiệm AAMI”, ai nấy ngơ ngác, lạ lẫm. Ngay cả các bác sĩ kỳ cựu cũng chưa hiểu mô tê gì, hoặc chỉ lơ mơ về nó. Không ai có mặt lúc đó biết được nội dung và mục đích của cái xét nghiệm lạ hoắc này gồm những gì và để làm gì. Tiếp đó, là mọi người đưa ra cách hiểu riêng, cuộc tháo luạn ồn ào khiến báo Dân Trí mô tả là “cãi nhau“.

Chú thích. Ông Tuấn cũng thật sự không biết AAMI để làm gì – nhất là khi nghe ông phát biểu ở phiên tòa về giá trị của AAMI, như sau: “Nước RO rất là quan trọng, do vậy nếu nói chưa xét nghiệm AAMI mà đã đưa vào sử dụng là sai lầm. Bệnh viện có hai hệ thống nước RO, chúng tôi chưa bàn giao bất cứ cái gì mà bệnh viện đã đưa vào sử dụng là sai”, Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Còn chuyên gia về hệ thống RO và thận nhân tạo (BS Bùi Nghĩa Thịnh) thì trả lời phóng viên như sau:

PV (hỏi): Ông nói vậy thì tôi có thể hiểu là: Muốn nước RO an toàn thì phải có kết quả AAMI, và phải đợi test xong thì mới được dùng? Đúng vậy không, thưa ông?

BS Bùi Nghĩa Thịnh: (Cười to, trả lời) Nếu đợi test AAMI về mới cho hệ thống RO hoạt động trở lại, thì phải dừng lọc máu ở bệnh viện mất 10 -14 ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch điều trị của các bệnh nhân.

 

Thài độ quan tòa và công tố đối với AAMI

Luật sư đề nghị chánh án mời chuyên gia Bùi Nghĩa Thịnh thuyết trình về AAMI, nhưng bị bác bỏ. Công tố viên trong luận tội nói rằng: Lẽ ra, BS Lương phải đợi có bàn giao kết quả sửa chữa và AAMI chính thức, mới được ký y lệnh chạy thận.

Nếu Hợp Đồng 315 được viết chặt chẽ và thực hiện nghiêm

Cty Thiên Sơn ký được cái Hợp Đồng (do chính họ soạn ra) giá 100 triệu, nhưng  nội dung phải thực hiện lại quá dễ dàng (quá rẻ so với số tiền được trả). Từ ngữ thường dùng là “béo bở”. Do vậy, vị luật sư của bệnh viện nghi ngờ (và đòi làm rõ): Cty này có phải là cái sân sau của đồng chí giám đốc bệnh viện hay không?. Có “lợi ích nhóm” ở đây? Đã có bao nhiêu hợp đồng tương tự?. Toàn những câu hỏi rất đáng tìm hiểu, nhưng không thuộc nội dung bài này.

Nhưng nếu (vâng, “nếu”) Hợp Đồng 315 được bệnh viện viết chặt chẽ và đòi phía đối tác phải  thực hiện nghiêm… thì sao? Thì… cả bệnh viện (đ/c Trương Quý Dương) lẫn Cty Thiên Sơn đều “chết dở”.

Mọi lần, không cần xét nghiệm AAMI, do vậy ông Quốc làm xong công việc chỉ cần báo cho ông Sơn; ông Sơn báo tiếp cho Đơn Nguyên… Thế là, việc chạy thận sau đó cứ diễn ra đúng lịch trình. Êm suôi.

Lần này, Hợp Đồng 315 lại nhiễu sự ra cái việc xét nghiệm AAMI, nếu cứ đợi tới khi có kết quả mới chạy thận (theo quan điểm của ông Đỗ Anh Tuấn và đồng chí công tố viên Bùi Thu Hằng) tức là sau 10-15 ngày – thì bệnh viện sẽ… loạn. Trên 120 bệnh nhân cần chạy thận 3 lần mỗi tuần, nếu ngừng lại 10-15 ngày, phải chuyển ngay số bệnh nhân này tới (nhờ vả) bệnh viện khác. Chỉ chậm một tuần đã có tử vong, huống hồ ngừng hai tuần. Đây mới thật sự là thảm họa. Hợp đồng 315 ký ngày 25-5, mà chỉ 3 hôm sau ông Quốc đã tới sửa hệ RO, làm sao bệnh viện trở tay cho kịp trong 3 ngày ấy?. May cho bệnh viện (không thèm đợi kết quả AAMI) không hỗn loạn – vì cái chuyện chuyển hàng trăm bệnh nhân suy thận đi nơi khác chỉ là chuyện “nếu”. Nhưng không may cho riêng BS Lương (cũng không đợi kết quả AAMI) bị kết án tù.

Còn phía công ty Thiên Sơn? Hậu quả cũng không nhỏ. Bởi vì, kết quả xét nghiệm AAMI (cho nước lọc) trên thực tế không bao giờ khớp với con số chuẩn (là con số lý tưởng, ngay cả ở Mỹ). Người ta dựa vào kết quả thực tế để điều chỉnh, sửa đổi cấu trúc hệ lọc RO. Và sau đó lại lấy nước lọc làm tiếp xét nghiệm AAMI. Và lại sửa hệ thống RO… cho đến khi nước lọc cho kết quả xét nghiệm tiệm cận với chuẩn. Nếu Cty Thiên Sơn phải thực hiện điều này, hỏi rằng 100 triệu đồng làm sao cho đủ.

Hú vía! Nhờ cả hai bên đều lơ mơ, đều thiếu chặt chẽ về văn bản và thiếu nghiêm túc về thái độ và hành vi. Vậy thì, hậu quả xảy ra (thảm họa) chỉ là do ông Quốc. Đó là nguyên nhân thật sự, không liên quan cái cửa số 2 và 3 (ông Sơn và ông Lương bị VKS bắt đứng canh). Nhưng đây chỉ là nguyên nhân gần và thấp, dễ thấy. Nhưng rất khó đề phòng. Còn những nguyên nhân xa hơn và cao hơn.

Xin nói vắn tắt tại đây (sẽ nói đủ hơn ở bài sau). Xét nghiệm AAMI ở các nước nghèo là không bắt buộc (chỉ khuyến khích). Thuê làm xét nghiệm mỗi lần chỉ tốn 2 tuần chờ đợi và khoảng 3 triệu đồng tiền công, nhưng xử lý kết quả của nó – để tối ưu hóa hệ thống RO thì tốn tiền và tốn thời gian gấp bội.  

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s