BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG LÀM GÌ NÊN TỘI?
Nguyễn Ngọc Lanh
Theo những giấy tờ hiện hữu, Hợp Đồng 315 được ký ngày 25-5-2017 giữa ông bệnh viện trưởng của bệnh viện Hòa Bình với ông giám đốc Cty Thiên Sơn; trong đó Thiên Sơn được trả gần 100 triệu đồng để làm một số việc liên quan tới bảo trì hệ thống RO2 cho bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Cùng ngày, các công việc ghi trong Hợp Đồng được Cty Thiên Sơn bán gọn cho ông Bùi Mạnh Quốc (qua một hợp đồng riêng), nhưng chỉ trả cho ông Quốc 49,5 triệu. Và tất nhiên Cty Thiên Sơn không thể cho ông Quốc biết tý gì về Hợp Đồng 315 trong đó ghi số tiền được bệnh viện trả (100 triệu). Chỉ 3 ngày sau, ông Quốc đã có mặt ở bệnh viện.
Trong mấy chục lần ông Quốc làm việc này cho bệnh viện, nhờ quen việc và có bí quyết nghề, nên chưa lần nào xảy ra tai biến “chạy thận” do nguyên nhân chất lượng nước. Điều chủ yếu khiến bệnh viện cần ông Quốc là vì công suất lọc của hệ RO bị giảm trong quá trình sử dụng, khiến nó cung cấp không đủ (về lượng) nước để chạy thận. Ông Quốc phải có mặt ở thời điểm sớm nhất là do vậy.
- NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BIẾT HỢP ĐỒNG 315 ĐỀU… ĐI TÙ?
Đây là hợp đồng về hệ thống RO trong chạy thận – liên quan tới nhiều người: BS Hoàng Đình Khiếu trưởng khoa Cấp Cứu (có Đơn Nguyên thận nhân tạo), ông Trần văn Thắng, trưởng phòng Vật tư; ông Trần Văn Sơn nhân viên kỹ thuật – quản lý hệ RO; BS Hoàng Công Lương chuyên khoa lọc máu… Tất cả, không ai biết tới cái Hợp Đồng 315 này. Không hiểu do đâu, họ đều trở thành bị cáo và lãnh án tù.
1- Vài điều khác so với mấy chục lần sửa chữa trước đây
Theo Hợp Đồng 315, Cty Thiên Sơn phải thực hiện 3 nhóm công việc (nay chuyển toàn bộ sang cho ông Quốc – qua một hợp đồng riêng) gồm có:
a- Tẩy rửa màng lọc RO để tăng công suất lọc;
b- Thay mới 2 (trong số 4) màng lọc RO (cũng mục đích trên);
c- Làm xét nghiệm AAMI.
Tóm lại, công suất lọc vẫn thành vấn đề và các khoản b- và c- (ở trên) là điều rất mới so với mấy chục lần sửa chữa trước đây. Cũng chính do chúng mà ông Quốc và BS Lương gặp tai họa, mặc dù cả hai ông này không ai biết tý gì về cái Hợp Đồng 315.
Cụ thể, vì ông Quốc vẫn cứ sục rửa và làm vệ sinh hệ thống RO “như cách cũ” trong khi – khác những lần trước – hai màng đã bị tháo ra khỏi vị trí của nó, nên axit đã nhiễm vào nước lọc, dẫn đến thảm họa. Còn BS Lương không biết tý gì về cái xét nghiệm AAMI ghi trong Hợp Đồng, nên ông không chờ 14 ngày (theo sự kết tội của VKS), mà cứ ra lệnh “chạy thận” – như mọi lần.
Dưới đây sẽ nói bệnh viện sẽ “loạn” nếu việc chạy thận bị buộc phải ngừng tới 14 ngày – theo quan điểm của VKS. May, BS Lương không cùng quan điểm này.
2- Sửa chữa lần này là lớn hay nhỏ?
Trên mạng internet, hệ thống RO dùng cho chạy thận được quảng cáo với giá khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng, vậy sửa chữa hết 100 triệu là sửa chữa lớn hay nhỏ? Thoạt nhìn, có vẻ lớn, nhưng chúng ta cần biết thêm rằng… Cty Thiên Sơn đã bỏ túi 50 triệu, còn Cty Trâm Anh được trả gần 50 triệu để thay mặt Thiên Sơn thực hiện toàn bộ nội dung Hợp Đồng 315… cũng là khoản lãi rất lớn so với các khoản mà ông Quốc phải chi phí (trong đó, tốn tiền nhất là mua 2 màng RO mới, giá khoảng 12 triệu).
Tóm lại, về số công việc phải làm, thì đây chỉ là sửa chữa nhỏ; có thể hoàn thành trong một ngày (kể cả lấy nước gửi xét nghiệm); nhưng cả hai Cty thu về số lãi lớn gấp bội số vốn phải bỏ ra. Nếu là sửa chữa nhỏ, việc xét nghiệm AAMI là chưa cần thiết. Ấy là chưa nói, dẫu có kết quả xét nghiệm thì hai vị đầu têu cũng chẳng biết để làm gì.
3- Nếu ngừng chạy thận 14 ngày
Cứ tưởng một mình ông Quốc là đủ để thực hiện gọn toàn bộ 3 khoản công việc ghi trong Hợp Đồng. Hoặc cứ tưởng chỉ ngồi chờ 14 ngày (khi có kết quả xét nghiệm) là có thể thanh lý Hợp Đồng. Có lẽ do vậy, hai người đẻ ra Hợp Đồng 315 – ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn – đã chẳng cần cho ai biết về sự ra đời của Hợp Đồng này. Ngay hai ông liên quan nhất là ông Hoàng Đình Khiếu (phó giám đốc bệnh viện, phụ trách vật tư, hậu cần) và ông Trần Văn Thắng (có tên trong Hợp Đồng) cũng không biết về nó. Cỡ nhỏ như ông Trần Văn Sơn (nhân viên kỹ thuật của Phòng Vật Tư) lại càng không biết trên đời này có cái Hợp Đồng 315, giá 100 triệu. Rồi BS Hoàng Công Lương, do quá thấp về cương vị và qua xa về lĩnh vực RO, lại càng (và càng) không ai thèm cho vị BS này biết về cái Hợp Đồng này.
Nhưng quan điểm của VKS (“buộc phải chờ đợi kết quả của cái xét nghiệm AAMI này”) sẽ khiến việc chạy thận cho 120 bệnh nhân phải ngừng theo. Nếu ngừng chạy thận 14 ngày mà không có sự chuẩn bị trước thì bệnh viện sẽ “loạn”. Số bệnh nhân chết do ngừng “chạy thận” sẽ không phải chỉ có 9, mà có thể 90, lại càng “loạn”.
Thời điểm này đang có 120-130 bệnh nhân cần chạy thận với nhịp độ 3 lần/tuần, tức là mỗi tuần (làm việc 5 ngày) BS Lương và đồng nghiệp phải “chạy” cho 70 bệnh nhân mỗi ngày. Nếu 14 ngày ngừng chạy thận, đa số bệnh nhân sẽ không thể sống sót. Chỉ có cách chuyển các bệnh nhân sang bệnh viện khác để “chạy thận” nhờ (!). Chưa nói nơi nào có thể kham nổi số bệnh nhân đột xuất này, chỉ riêng việc Bệnh viện Hòa Bình phải lo phương tiện vận tải, lo lực lượng chuyên môn và hậu cần đi theo và “cả đống” công việc khác… cũng đủ “loạn”.
II- NỘI DUNG CÁO TRẠNG MỚI (dành cho BS Lương)
1- Chứng cứ quan trọng nhất để buộc tội BS Lương
BS Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh tới 3 lần nói lên thất bại và vi phạm của khâu điều tra và khâu quy tội. Nhưng nó cũng nói lên sự quyết tâm kết tội nhân vật này – cho đủ “bộ ba” canh cổng.
Tuy nhiên, khi dư luận mạnh mẽ cho rằng BS Lương không thể chịu trách nhiệm về chất lượng nước tinh khiết RO (giống như phi công không thể chịu trách nhiệm về chất lương xăng dùng cho máy bay – thậm chí có luật sư còn mỉa mai rằng “thân chủ tôi không thể dùng lưỡi nếm nước lọc để biết chất lượng của nó”…); VKS đã thay đổi cách lập luận trong cáo trạng mới, với tội danh mới (ở phiên sơ thẩm 2).
Tuy nhiên, chứng cứ để kết tội vẫn chỉ là bút lục số 3074. Cụ thể, đó là cái Biên Bản kiểm tra tình trạng thiết bị, được viết ngày 20 tháng 04 năm 2017, trong đó có chữ ký của BS Lương (và ba người khác). Chứng cứ kết tội này ngay từ đầu (phiên xử sơ thẩm 1) đã nằm trong hồ sơ, nhưng nay được diễn giải khác trước – vẫn để kết tội.
Các luật sư đã phân công nhau đặt “bẫy” để đồng chí công tố viên bị “sập” – tức là để đồng chí công khai thừa nhận rằng đây là chứng cứ quan trọng nhất để buộc tội. Thế là thành công! Các luật sư liền vạch ra: Đây là chứng cứ bị chỉnh sửa, nên không giá trị.
Dựa vào chữ ký, Viện Kiểm Sát khẳng định rằng: BS Lương chính là người đề nghị sửa chữa, do vậy ông “buộc phải biết” nội dung sửa chữa gồm những gì (có ghi rõ trong Biên Bản này: ở phần Kết Luận)… Suy ra, ông phải biết việc kiểm tra chất lượng nước (sau khi sửa xong) là cực kỳ cần thiết…
Tuy nhiên, câu hỏi là: Liệu có đời thuở nào mà hệ thống RO hư hỏng (lẽ ra, phải sửa ngay vì việc “chạy thận” phải liên tục hàng ngày) vậy mà phải đợi tới 38 ngày mới có người tới sửa chữa? Đúng vậy, ông Bùi Mạnh Quốc tới bệnh viện sửa máy vào sáng 28-5-2017.
2- Nội dung (tóm tắt) cáo trạng
Đây là cáo trạng mới (ở phiên sơ thẩm 2), trong đó không còn gán cho BS Lương phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước lọc RO, mà chỉ phải chịu trách nhiệm về hai lần hạ bút ký.
Lần 1 chính là ký vào cái Biên Bản nói trên – nói lên đương sự chính là người đề xuất sửa máy, do vậy “buộc phải biết” nội dung sửa chữa hệ RO (gồm những gì) và “buộc phải biết” tầm quan trọng” về sự sửa chữa này. Sau đó, lẽ ra, đương sự phải dựa vào thông báo chính thức rằng “máy đã sửa hoàn hảo”, mới được ký lệnh “chạy thận”. Ấy thế mà mới chỉ nghe thông báo miệng của một điều dưỡng, đương sư đã quyết định. Chữ ký lần hai có hậu quả mở cánh cửa cuối cùng để chất độc có cơ hội đi vào cơ thể – nguyên nhân trực tiếp gây tử vong. Sự vô ý này xứng đáng phải trả giá bằng 42 tháng tù giam.
Dưới đây tóm tắt cáo trạng mới.
Tóm tắt cáo trạng mới
a) Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị có chứng chỉ hành nghề và được giao phụ trách về chuyên môn tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Bị cáo Lương đã được đào tạo, được cấp chứng nhận về kỹ thuật lọc máu bằng lọc thận nhân tạo. Bởi vậy, bị cáo Lương nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng nước sử dụng cho việc chạy thận cũng như ngày 28/5/2017, hệ thống nước RO số 2 được sửa chữa; b) Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 vào ngày 20-4-2017. c) Ngày 29.5.2017, Lương là bác sĩ duy nhất trong 3 bác sĩ được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu, có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Do vậy, Hoàng Công Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh. d) Khi mới chỉ nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong, có thể hoạt động bình thường, Hoàng Công Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị, ký xác nhận y lệnh điều trị của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và bác sĩ Phạm Thị Huyền đối với 18 bệnh nhân. e) Việc ra y lệnh, ký xác nhận y lệnh của bị can khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2, dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 8 người chết. f) Như vậy, đủ căn cứ truy tố Hoàng Công Lương về tội Vô ý làm chết người. |
Chú thích hình: Bạn đọc có thể phóng to hình này để thấy đầy đủ những chỉnh sửa mà LS Thúy Kiều phát hiện ra
3- Biện hộ của các luật sư
Suốt chục ngày tranh tụng, các luật sư đã bác bỏ nhiều chứng cứ ngụy tạo để kết tội BS Lương, đồng thời đưa ra những chứng cứ có lợi cho vị BS này.
Riêng về cái “Biên Bản” kết tội nói trên, luật sư Thúy Kiều đã chỉ rõ: Nó được chỉnh sửa. Nay coi lại, quả là nó bị sửa đổi tới mức xứng đáng là chứng cứ quan trọng nhất để buộc tội cho BS Lương.
Các chỉnh sửa được luật sư Thúy Kiều chỉ rõ (bằng bút màu) gồm:
Các chỉnh sửa được chỉ rõ (bằng bút màu) gồm:
a- Thứ nhất, về ngày tháng: ngày 20 tháng 04 năm 2016”, thành ngày 20 tháng 04 năm 2017”. Như vậy,đây là biên bản (cũ) của lần sửa chữa từ một năm trước (đã xong, không gây tai biến gì) được dùng cho lần sửa này (lần gây thảm họa). b- Thứ 2, tên thiết bị máy ở dòng 11 từ trên xuống dưới là “hệ thống nước RO số 1”, bị sửa thành “hệ thống nước RO số 2”. Đây là sự đánh tráo hồ sơ. c- Thứ 3, tại mục II (Nguyên nhân hỏng của thiết bị): bán tắc màng Ro, van 05“, đã bị sửa thành van 03 (để khớp với lần sửa này). d- Thứ 4, tại mục III (Kết luận), từ thay 5 van nước, bị sửa thành thay 3 van nước |
Luật sư Thúy Kiều kết luận: Không thể dựa vào một văn bản đã có sự chỉnh sửa để kết tội BS Lương.
Nói khác, cái chứng cứ quan trọng nhất mà VKS quyết dựa hẳn vào để buộc tội BS Hoàng Công Lương đã bị sụp đổ. Nếu vậy, lời khuyên phải là: Chớ ai dại dột mà “dựa vào” nó, để cùng sụp đổ với nó.
Nhưng mà, điều làm mọi người ngơ ngác, tròn mắt, là đồng chí công tố viên vẫn đứng dậy, nói rất hồn nhiên và chắc nịch: Dù (chứng cứ bị chỉnh sửa) như vậy, bản chất vụ án vẫn không thay đổi. Vẫn đủ căn cứ kết tội. Và mức án 36-42 tháng tù đề nghị cho bị cáo Lương (ghi sẵn trong cáo trạng) vẫn giữ nguyên (!).
Đáng ngạc nhiên hơn, là… trong lời cuối cùng (trước khi tòa tạm nghỉ mấy ngày để bàn về mức án) BS Lương đã tha thiết xin Tòa xét kỹ cái chứng cứ bị sửa quả lộ liễu này.
Nhưng lạ lùng nhất là các đồng chí trong Hội Đồng xét xử (sau mấy ngày hội ý) vẫn đồng ý với cáo trạng để tuyên cái án 42 tháng tù cho Hoàng Công Lương.
Vậy là, BS Hoàng Công Lương vẫn có tội, dù thật sự chẳng làm gì nên tội…