Bài 3. NHỮNG ĐIỀU NỔI BẬT DỄ THẤY
Nguyễn Ngọc Lanh
Có thể tin rằng vụ án Hoàng Công Lương sẽ đi vào Lịch Sử Tư Pháp Việt Nam. Trên chặng đường này, bước đầu tiên, nó sẽ chiếm một mục từ vững chắc trong Từ Điển Wikipedia… Nói khác, tại Wikipedia, nó vẫn còn được bổ sung, sửa đổi – cho đến khi mọi nội dung đều dựa trên những cơ sở vững chắc. Thời điểm: Có lẽ không lâu sau khi phiên phúc thẩm kết thúc – dù tòa tuyên bất kỳ mức án nào cho Hoàng Công Lương: Kể cả tuyên vô tội hay có tội.
Ngay từ hôm nay, trong giới Văn, Sử, Tư pháp, nghệ thuật… có nhiều cá nhân và nhóm đã thu thập tư liệu (đang đầy ắp trên mạng) cho riêng mình hoặc cho con, cho cháu – giống như cách đây 50 năm nhiều người đã thu thập ca dao, tiếu lâm của cái thời bao cấp. Đủ cơ sở để dự đoàn sẽ có tiểu thuyết, sách lịch sử, công trình khoa học và luận án về vụ này.
Vụ án Tạ Đình Đề (trắng án, 1976) cũng đi vào lịch sử với bước đệm là vào Wikipedia trước đã.
Vậy những gì nổi rõ trong vụ án Hoàng Công Lương để nó được ghi nhớ lâu dài và rút ra những bài học?
Xin nói ngay: Để trả lời, cần phải có một độ lùi đủ xa về thời gian, để người quan sát vụ này có thể thấy toàn cảnh, toàn diện. Và để các tư liệu chưa công bố về vụ này được công khai hóa ở mức cho phép. Nói khác: Hôm nay, bây giờ, lúc này… chưa thể làm ngay được.
Bởi vậy, bài này, chỉ xin nêu ra 10 điểm nổi bật – từ nhận định sơ bộ=bước đầu – rất nhiều người cũng đã nhìn ra, về vụ án. Trong đó có nhiều điểm phải viết đầy đủ hơn (thành bài) để có thể rút ra những gì bổ ích.
1- SỐ NGƯỜI QUAN TÂM TÍNH BẰNG ĐƠN VỊ “TRIỆU”
Tin tức trên truyền thông cho phép chúng ta đi đến nhận định như trên. Nhất là số comment và like trên các trang báo và facebook. Có lẽ vụ này số người theo dõi còn cao hơn vụ Tạ Đình Đề cách nay gần nửa thế kỷ. Tuy nhiên, thời Hoàng Công Lương nước ta đã có gần 100 triệu dân; 40% số dân có thể theo dõi trên mạng – so với thời Tạ Đình Đề: Số dân mới 30-40 triệu; báo chí chưa nhiều, chưa có mạng; nhưng bù lại, sự truyền miệng lại nhanh như gió.
Thời nay, sự quan tâm còn thể hiện bằng số chữ ký đòi công lý cho bị cáo Lương: đó là kỷ lục của sự tự phát, đang tiến tới 50.000. Nếu Công Đoàn Y Tế dám phát huy vai trò hơn nữa, con số sẽ rất khác…
2- DƯ LUẬN CHUNG: KẾT TỘI NGƯỜI VÔ TỘI
Dựa vào những gì đã minh bạch qua hai lần xử sơ thẩm – báo chí đăng tải – có thể nói:
– Những người đổ tội (để né tội, chạy tội) chính là cấp trên và cấp lãnh đạo (đảng viên) của BS Hoàng Công Lương (ngoài đảng?). Thật ngao ngán!
– Người vu tội (gán tội) – do trình độ (tài thấp) hoặc do cố ý (đức mỏng) – là các đồng chí thuộc Cơ quan Điều tra. Thật sự, đã có các dấu hiệu mớm cung, dụ cung; có cả những chứng cứ bị sửa đổi, thậm chí ngụy tạo…
– Còn có cả sự đồng tình của các đồng chí ở Viện Kiểm Sát. Họ kết tội dựa vào chứng cứ bịa đặt, làm giả. Có cả chuyện họ không đưa vào hồ sơ chứng cứ có lợi cho BS Lương… bị nêu ra ngay trong phiên tòa.
Trong khi đó, cả ba bị cáo có thể 2/3 hoặc 3/3 là người ngoài đảng. Liệu có ngẫu nhiên? Có lẽ cần có một bài riêng phân tích về hiện tượng này.
Chỉ biết rằng, hễ đảng viên bị truy tố, phải được khai trừ trước khi ra tòa. Nói khác, dường như phiên tòa là để đảng viên xét xử người ngoài đảng.
3- MỌI NGƯỜI KHÔNG NHỚ TÊN CHÍNH THỨC CỦA VỤ ÁN
Đã nói ở bài trước. Đây là một bất thường lớn. Mọi người không thèm nhớ cái tên chính thức trong Cáo Trạng – ngay cả những đồng chí chức vụ cao trong ngành tư pháp cũng vô tình (hay thấy đúng) khi dùng cái tên mới.
4- LÒNG DÂN VÀ NIỀM TIN
Có lẽ, không cần nói dài về sự mất mát rất lớn; nhưng vẫn cần một bài phân tích để rút ra những bài học. Xin tạm chờ.
5- SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Mặc dù tỷ lệ đảng viên ở các cơ quan tư pháp ở tỉnh và thành phố Hòa Bình (chắc chắn) là rất cao, hoặc rất-rất cao; nhưng đây là vụ án đặc biệt, số tử vong lớn, cả quốc nội và quốc tế quan tâm, lại đúng thời điểm đảng ta chuẩn bị Tổng Kết 15 năm cải cách tư pháp; do vậy (cũng chắc chắn) các cấp cao nhất trong ngành dọc (ví dụ, Tòa tối cao, viện Kiểm Sát tối cao) phải có sự lãnh đạo rất chặt chẽ và chỉ đạo rất cụ thể. Tuy nhiên, qua tin tức từ báo chí, có thể tìm ra những dấu hiệu cho thấy sự chỉ đạo chưa đủ sáng suốt, chưa phù hợp, đưa đến thiệt hại về thanh danh, uy tín và niềm tin. Cần một bài riêng. Ở đây chỉ đưa ra một tin (làm ví dụ) trên báo để bạn đọc tự ý suy luận theo quyền của mỗi cá nhân.
1) Đồng chí Lê Minh Trí (UVTƯ, đại biêu quốc hội, viện trưởng VKS tối cao) khi trả lời câu hỏi của một người dân (Sao truy tố BS Lương? Làm thế, liệu có đúng?), ông khằng định: Phải truy tố, truy tố là cần thiết, vì ông BS này đã ký, khiến 8 người chết. Ông không ký thì không ai chết…
Có người bàn: Câu trả lời này mang hàm ý chỉ thị – không nhiều thì ít, không hữu ý thì vô tình – để VKS Hòa Bình phải truy tố “lấy được” một người vô tội.
6- VẪN ĐÁNG SỢ: THỜI GIAN TẠM GIAM
“Đáng sợ” khi bị tạm giam thì từ lâu rồi, khiến Quốc hội phải bổ sung luật. Đó là, trong thời gian tạm giam (để lấy cung) phải có luật sư và có ghi âm, ghi hình. Khi BS Lương bị tạm giam (luật đã có hiệu lực), nhưng từ tin tức trên báo chí, cả ngành Y tế vẫn lo sợ cho BS Lương.
– Đồng chí Lê Minh Trí (đã nói trên) – khi báo cáo công việc năm 2018 của VKS tối cao trước quốc hội – đã thừa nhận: “Có 3 vụ dùng nhục hình dẫn đến chết người”. Có bạn trẻ gửi cho tôi những tư liệu liên quan (khiếp hơn), nhưng khi tra cứu thì đó là “tài liệu của địch”, tôi nhất quyết không dùng.
– Thực tế là khi BS Hoàng Công Lương bị “tạm giam” cả ngành y tế đã xôn xao và lo lắng đến phát sốt. Ai cũng thấy vị đồng nghiệp này không có tội và ai cũng tự liên hệ số phận bấp bênh của mình khi hành nghề.
Và, quả là lo lắng không thừa. Chỉ vài tuần tạm giam mà đồng chí điều tra viên đã tạo được những “bản khai” mà BS Lương phải xóa bớt và ghi bên lề 4 chữ “xóa 10 chữ”. Về sau, tại phiên tòa, các luật sư rất tốn công để vạch ra nhiều chứng cứ không hợp lệ, không giá trị – do mớm cung, dụ cung…
Năm 2017, cái Quy Định “hỏi cung phải có mặt luật sư và phải ghi âm, ghi hình” đã có hiệu lực thi hành; nhưng BS Lương không được đối xử cho đúng luật.
Sự kiện hiếm: Toàn ngành Y tế chuyển động. Bộ Y tế, Công đoàn Y tế, rồi Tổng Hội Y học, rồi Hội khoa học Chống Độc… đồng loạt đưa kiến nghị tới cơ quan điều tra và Công An tỉnh Hòa Bình xin cho BS Lương một điều: được tại ngoại và đảm bảo rằng vị BS này không… trốn.
Từ năm 1945 tới nay, chuyện tương tự chưa hề xảy ra.
7- PHIÊN SƠ THẨM 1: THẤT BẠI CỦA Ý ĐỒ GÁN TỘI
Rất cần có một bài đầy đủ về phiên xử này để rút ra những gì cần thiết. Ở đây chỉ nói vắn tắt kết quả mà… toàn dân đã biết rõ. Tại phiên tòa này, Viện KS TP Hòa Bình cố gán cho BS Lương một cương vị quản lý (phụ trách) để ông đủ tiêu chuẩn gánh cái tội “thiếu trách nhiệm” (gây hậu quả nghiêm trọng). Nhưng chưa thành công. Mặc dù đến cuối phiên tòa, vẫn có sự “cãi chày, cái cối”. Dẫu vậy, tội danh của ông BS này đã được thay đổi thành “vô ý làm chết người”.
Đồng chí viên trưởng VKS tối cao khi báo cáo trước Quốc Hội thì nói: Vụ án phức tạp, thay đổi tội danh là cần thiết. Thực ra, vụ án không phức tạp về nội dung, mà phức tạp là do các chứng cứ ngụy tạo được đưa vào hồ sơ – khiến tốn thời gian tranh cãi để bác bó chúng. Còn việc thay đổi tội danh là do… chưa thành công áp đặt tội danh cũ.
8- BS LƯƠNG HẾT TIN VÀO PHÁP LUẬT, PHẢI GỬI TÂM THƯ
Tâm thư của ông gửi đích danh “bộ tứ” trên đỉnh quyền lực, với lời lẽ đầy lễ phép, thành tâm (vái tứ phương?), gợi tình thân và tình thương, trong đó ông trình bày mạch lạc, ngọn ngành sự việc… để người đọc thấy ngay: Ông vô tội. Nhưng rốt cuộc, là vô tác dụng, vô vọng.
Rồi hết tin vào tâm thư, ông viết đơn khiếu nại và tố cáo. Có người bảo, ông sẽ bị tòa dằn mặt cho mà xem…
Đã có một vị thử viết một bài phân tích cái “tâm thư” này. Thì ra, từ lâu rồi, hễ ai thấy mình bị oan (như Thị Kính) mà hết phương để vái, hết ngõ để thoát, đều viết “tâm thư”. Chả nhẽ, đây là cách cuối cùng?
9- CÁC MỤC TIÊU KHÔNG ĐẠT
– Trong nước và quốc tế theo dõi sát sao vụ án này. Chỉ riêng sự việc công an ngắt mạng internet và cấm ghi âm, ghi hình ở khu vực xử án… mà “đài địch” đã lên tiếng. Do vậy, một mục tiêu cần đạt hẳn là phải thể hiện thành tựu 15 năm cải cách tư pháp. Quả vậy, phải thừa nhận những đổi mới: Cách bố trí chỗ ngồi trong tòa án rất phù hợp; rồi báo chí được tự do tác nghiệp; có sự tranh luận bình đẳng giữa bên kết tội và bên gỡ tội… Nhưng đó mới là về hình thức.
Còn nội dung? Báo chí và dư luận cũng vạch ra rất nhiều khiếm khuyết. Người điều khiển phiên tòa (vai trò trọng tài) vẫn “về hùa” với bên kết tội (y như thuở xa xưa). Các câu hỏi của hội thẩm chỉ nhằm kết tội (có cả câu khơi gợi “lương tâm”), mà lẽ ra phải nhằm làm sáng tỏ sự việc… để đi tới bản án “tâm phục, khẩu phục”. Cái Mục tiêu thể hiện thành quả Cải cách tư pháp (nếu có mục tiêu này) vẫn chưa đạt – hoặc chỉ đạt ở phần biểu hiện bên ngoài.
– Vụ xử này – cũng giống cái vụ “xe ô tô lùi ngược chiều trên đường cao tốc” – có nhiều nạn nân tử vong. Do vậy, phải trừng trị đủ nghiêm khắc để an dân. Nhưng “nghiêm khắc” không phải là xử cả người vô tội. Do vậy, có ý kiến cho rằng đó là cách xử “mị dân” – “mị” đông đảo người theo dõi vụ án. Chưa phải chỗ và chưa phải lúc đưa ra nhận định rằng, mục tiêu của CNCS tuy rất nhân bản, nhưng cũng thể hiện sự mị dân nữa.
– Một mục tiêu khác: Không được bộc lộ những khiếm khuyết tư pháp ở cấp vĩ mô. Nếu có mục tiêu này, qua vụ này, vẫn không giấu được.
10- VỤ ÁN SẼ CÓ VỊ TRÍ TRONG LỊCH SỬ TƯ PHÁP
Dẫu phúc thẩm đưa lại kết quả thế nào, kể cả khi Hoàng Công Lương được tuyên vô tội (như vụ Tạ Đình Đề), thì “vụ án Hoàng Công Lương” vẫn di vào lịch sử tư pháp nước ta.
Nó phản ánh rất toàn diện xã hội Việt Nam thời kỳ “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Cũng tương tự như vụ án Tạ Đình Đề cách nay 40-50 năm – phản ảnh rất rõ bức tranh toàn cảnh khi đất nước đã thống nhất, đảng CS quyết đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH.
(còn tiếp)