HIỂU BIẾT về RO, AAMI (liên quan vụ án BS Lương)

Một hệ thống xử lý nước RO
Nguyễn Ngọc Lanh
I . HIỂU ĐÚNG về RO, AAMI – liên quan tới ứng xử
1- Hiểu sai, chỉ tổ làm mất thời gian của người đối thoại
Trong vụ án Hoàng Công Lương, các buổi xét xử tốn nhiều thì giờ một phần vì hiểu khác nhau và thiếu chính xác về hệ thống lọc RO và xét nghiệm AAMI. Do vậy, các bên cứ tranh luận, tới mức báo Dân Trí ngày 24-4-2018 mô tả là “cãi nhau“… Trong đó, đồng chí công tố viên tại tòa cứ dõng dạc mà khẳng định rằng BS Lương phải đợi cho tới khi có kết quả xét nghiệm AAMI mới được phép ký lệnh “chạy thận”. Nghĩa là các bệnh nhân suy thận phải đợi ít nhất 10 ngày. Vâng, nếu tự thấy có quyền “khẳng định” thì cứ dùng quyền, nhưng “khẳng định” của công tố viên là rất sai, rất trái, chỉ vì chưa thèm hiểu xét nghiệm AAMI nhằm mục đích gì và khi nào thì thực hiện.
Té ra, hiểu sai làm mất thì giờ của người khác vẫn chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là làm mất tự do và danh dự người khác, gây oan sai và tự chuốc lấy sự oán hận, căm ghét…
- Bỏ lỡ cơ hội vàng giải cứu BS Hoàng Công Lương
Rốt cuộc, cơ quan điều tra vẫn phải có công văn hỏi Bộ Y Tế, sau đó phiên tòa vẫn phải mời đại diện Bộ này tới tận nơi để giải thích về RO và AAMI.
Xin nhớ rằng, ngay trước đó phía buộc tội đã dùng quyền để từ chối nghe lẽ phải (đảo ngược lời mời BS Bùi Nghĩa Thịnh đến thuyết trình) thì đây là dịp các đồng chí này buộc phải nghe. Lẽ ra, khi được hỏi về RO và AAMI, Bộ Y Tế phải coi đây là cơ hội vàng để giải cứu BS Hoàng Công Lương; đồng thời giúp phiên tòa đỡ tốn thời gian vô ích và tiếp cận công lý. Nhưng đáng tiếc, cứ xem nội dung hai cái công văn trả lời của Bộ (gây hiểu lầm) và xem cách diễn giải (lạc đề, lúng túng) trước tòa của vị đại diện, đủ thấy cơ hội bị bỏ lỡ.
Mặt khác, đọc lại cái công văn của cơ quan điều tra tỉnh Hòa Bình gửi Bộ Y Tế (để hỏi) cũng thấy cách thức hỏi han rất không đạt. Cũng vẫn là do chưa hiểu (mức tối thiểu) RO và AAMI là gì.
Qua thực tế vụ án, điều rút ra là: Ai hiểu đúng về RO và AAMI đều thấy BS Lương vô tội; còn ai hiểu sai về chúng sẽ cho rằng (kể cả “khẳng định” rằng) BS Lương có tội.
II- RO LÀ GÌ, MÀNG RO LÀ GÌ
RO (ở đây) là viết tắt của “Reverse Osmosis”, nghĩa là thẩm thấu ngược.
Cả hai khái niệm “thẩm thấu” và “ngược” đều cần được giải thích. Tốn năm-bảy phút vẫn hơn là cãi nhau cả buổi.
1- Mô tả một thí nghiệm đơn giản; nói theo cách dễ hiểu
Một bình đựng nước cất (nước không chứa các chất hòa tan) được ngăn làm hai khoang riêng biệt (A và B) bằng một cái màng – gọi là “bán thấm” (nửa thấm). Đây là loại màng có những lỗ cực nhỏ, chỉ cho phép các phân tử nước (H2O=18) tự do đi qua (thẩm thấu qua), còn các phân tử chất hòa tan – nếu lớn hơn phân tử nước – không thể chui lọt. Ví dụ, muối bếp (NaCl=58,5).
Nếu ta đổ thêm nước vào khoang A (chẳng hạn), nước sẽ từ đây thẩm thấu sang khoang B, sẽ tới lúc mực nước hai bên ngang nhau. Tiếp theo, hãy cho một thìa muối vào khoang A (chẳng hạn) dung dịch muối sẽ làm nước ở khoang B thấm sang A, đưa đến hai hệ quả: a-dung dịch muối (ở A) bị loãng ra; b) mực nước ở khoang A cao hơn mức nước ở khoang B. Sự chênh lệch mực nước hai bên (hiệu số) thể hiện số đo áp lực thẩm thấu. Nồng độ muối càng cao, áp lực thẩm thấu (hấp dẫn nước) càng mạnh, mực nước ở A càng cao… Tạm đủ.
- BS Bùi Nghĩa Thịnh đưa ra ví dụ, cũng dễ hiểu.
Nếu dùng màng bán thấm tạo ra cái túi (kín) chứa đầy dung dịch chất hòa tan nào đó (ví dụ NaCl) – giống như đã làm với khoang A trong thí nghiệm nói trên – các phân tử nước trong túi vẫn không rỉ ra bên ngoài, dù các lỗ đủ rộng cho chúng. Đó là do chúng bị áp lực thẩm thấu giữ lại. Nếu ngâm túi vào bình nước cất (tương đương khoang B), nước ở ngoài túi (B) sẽ thẩm thấu vào bên trong túi (A) – do sự hấp dẫn của áp lực thẩm thấu ở A. Túi thêm căng phồng. Như vậy, áp lực thẩm thấu không những giữ nước lại, mà còn hấp dẫn nước từ bên ngoài thấm vào bên trong túi. Nếu muốn nước rỉ ra khỏi túi (đây là nước tinh khiết), cần phải tạo ra một áp lực đủ mạnh nén lên cái túi này. Nói khác, áp lực “nén” phải cao hơn áp lực thẩm thấu mới có nước rỉ ra khỏi túi. Đó là hiện tượng thẩm thấu ngược (RO) – được áp dụng vào việc sản xuất nước tinh khiết từ các loại nước có nhiều chất hòa tan (ví dụ, từ nước máy). Dễ hiểu, vì sao các hệ thống lọc nước theo nguyên tắc RO đều có cái bơm cao áp.
3- Những câu hỏi dễ trả lời với học sinh cấp 2
Phơi ra nắng (nóng) hai cái đĩa cùng hình dạng, cùng chứa một lượng nước, chỉ khác nhau một đĩa có hòa tan muối (hoặc đường), còn đĩa kia chỉ có nước. Sức nóng khiến đĩa nào khô nhanh hơn? Vì sao? Trả lời: Đĩa chứa dung dịch muối tạo ra áp lực thẩm thấu gây cản trở sự bốc hơi do nhiệt.
Một đĩa chứa dung dịch đường đậm đặc, đặt ở nhiệt độ bình thường… Hỏi: Dung dịch đường sẽ loãng ra hay đặc thêm? Trả lời: Áp lực thẩm thấu sẽ thu hơi nước ở không khí, khiến dung dịch loãng ra…
- Hệ thống lọc nước dựa trên nguyên lý RO
Cái màng bán thấm dùng vào việc này gọi là màng RO. Thiết bị sử dụng màng RO để lọc ra nước tinh khiết được gọi là hệ thống (lọc nước) RO.
May thay, hầu hết chất rắn hòa tan trong nước đều có phân tử lượng (và ion của chúng) lớn hơn phân tử H20; nhờ màng bán thấm (chỉ cho nước đi qua), ta có cách tạo ra nước tinh khiết từ các loại nước chưa tinh khiết.
Hệ thống này không phải là thiết bị y học, tuy được sử dụng ở bệnh viện. Nó còn có mặt trên tàu vũ trụ để biến nước thải (nước tiểu, nước sau tắm giặt) trở lại thành nước sinh hoạt cho các nhà du hành. Cũng vậy, hệ thống này cần cho tàu ngầm, tàu đi biển dài ngày…
Nhà du hành vũ trụ, binh sĩ dưới tầu ngầm, thủy thủ viễn dương, hoặc bác sĩ về thận nhân tạo… đều sử dụng nước lọc RO nhưng họ không “buộc phải biết” cách quản lý, cách vận hành và cách sửa chữa chúng. Phải có chuyên gia làm ba việc trên.
Chú thích. Điều này liên quan tới vụ án Hoàng Công Lương, vì VKS cứ khăng khăng rằng BS Lương là người ký đề nghị sửa chữa hệ thống RO2 (trong đó có thay van mới, đèn cực tím mới)… Làm sao VKS cứ đổ điêu cho chữ ký của BS Lương có uy lực “ra lệnh” cho chuyên gia về hệ lọc RO phải thay thế bằng vật tư nào?
Nước dùng cho máy thận nhân tạo lại càng đòi hỏi phải có độ tinh khiết rất cao – không những phải vô trùng, mà còn phải chứa rất ít chất hòa tan.
Điều may mắn: tuyệt đa số chất hòa tan bị phân ly thành hai loại ion (mang điện dương và âm); do vậy, nồng độ của các ion (cao hay thấp) chi phối độ dẫn điện của nước (cao hay thấp). Nhờ vậy, ta có cách đo (gián tiếp) nồng độ các chất hòa tan trong nước – thể hiện trên đồng hồ đo độ dẫn điện. Ưu điểm của biện pháp là nhanh và đủ mức chính xác. Các điều dưỡng ở Đơn Nguyên thận nhân tạo cứ nhìn đồng hồ là đủ thông tin để quyết định tiếp.
III- AAMI LÀ GÌ
- Kiểm định thông thường một hệ thống RO
Lắp đặt xong một hệ thống lọc nước RO, bao giờ cũng phải kiểm định, coi sản phẩm của nó (tức nước lọc) có thể dùng để chạy thận hay không. Trước hết, phải xét nghiệm vi khuẩn. Rồi thử nhiều lần (các mẻ sản xuất khác nhau) về các chất dùng vệ sinh đường ống, chất tẩy rửa màng… coi thử chúng có lọt qua màng để lẫn vào nước RO hay không. Và đo độ dẫn điện của nước RO (có đủ thấp hay không)… Nếu tất cả đều OK, cứ yên tâm mà sử dụng, miễn là tiếp tục theo đúng các hướng dẫn.
2- Kiểm định theo AAMI
Đó là tiêu chuẩn của Hiệp Hội vì sự tiến bộ của thiết bị y học (AAMI = Association for the Advancement of Medical Instrumentation) dành để đánh giá chất lượng hệ thống RO dùng cho thận nhân tạo.
Bất cứ hệ thống RO nào khi được đưa vào sử dụng cho “chạy thận” đều phải được kiểm định thông thường (như ở trên) để đảm bảo rằng sản phẩm của nó (nước lọc) đủ độ tinh khiết cần thiết. Dẫu vậy, chất lượng các hệ RO không như nhau, mà tùy hãng sản xuất và tùy các vật tư lắp ráp để tạo ra hệ thống. Và giá thành, do vậy, cũng rất khác nhau.
Điều này dễ hiểu. Cũng giống như những máy thu hình (TV) một khi đã được phép đưa vào thị trường, thì… hễ “bật lên” đều phải… thu được hình. Cứ yên tâm mà sử dụng. Nhưng vẫn có những chiếc TV cùng kích cỡ, cùng hình thù, mà giá bán lại khác nhau “một trời, một vực”. Đó là do chất lượng của chúng rất khác nhau. Người ta đưa ra một “bộ” các tiêu chuẩn – phải có thiết bị mới đo đạc được chúng – để có thể đánh giá chính xác (về chất lượng) các TV do các nhà máy khác nhau sản xuất ra. Một gia đình có thể không thèm biết cái bộ tiêu chuẩn này (chỉ cần tin rằng cái đắt tiền ắt phải tốt hơn), nhưng một hãng nhập khẩu (định nhập rất nhiều TV, để bán) lại rất cần biết đến nó.
Để đánh giá chất lượng một hệ lọc nước RO, người Mỹ đưa ra một “bộ” gồm 25 chỉ số, gọi là Chuẩn AAMI (AAMI STANDART). Cũng phải có thiết bị mới đo đạc được chúng. Việc đo đạc này được chúng ta quen gọi là “xét nghiệm AAMI“.
- Xét nghiệm AAMI để làm gì?
– Để đánh giá chất lượng một hệ RO vừa lắp đặt (mới). Nếu chỉ cần đánh giá ở mức tối thiểu để dùng ngay, ta có cách kiểm định thông thường (nói trên). Nhưng muốn biết nó đạt mức nào – so với tiêu chuẩn “tuyệt hảo” do Mỹ đề ra – thì phải làm xét nghiệm AAMI để so sánh. Xét nghiệm tuy tốn chút tiền (25 chỉ số), nhưng tiếp đó, sự chi phí cho việc sửa đổi, điều chỉnh hệ thống để các chỉ số thực tế (thể hiện trong kết quả xét nghiệm) dần dần tiệm cận con số “tuyệt hảo”… mới thật là tốn kém.
Do vậy, ở nước ta, đây là xét nghiệm khuyến khích. Nhiều khi, làm xong nhìn vào kết quả… hoặc chẳng hiểu gì, chẳng biết xử lý thế nào (như ở Hợp Đồng 315), hoặc thêm buồn vì lực bất tòng tâm. Hy vọng trong tương lai sẽ khác.
– Ở các nước giàu, người ta xét nghiệm AAMI theo định kỳ, nếu kết quả lệch khỏi con số lý tưởng, người ta đủ kinh phí để chỉnh sửa hệ RO, cho đến khi xét nghiệm AAMI cho những kết quả mong đợi.
– Cũng xét nghiệm AAMI mỗi khi sửa chữa lớn, kết hợp với nâng cấp.

Một hệ RO lọc nước biển (dùng cho 60-100 thủy thủ trên tàu đánh cá, hải trình 3 – 6 tháng)
Chú thích. Trong mấy chục lần sửa chữa hệ RO ở bệnh viện Hòa Bình, chưa ai nghe nói về xét nghiệm AAMI. Lần này, sửa chữa (vặt) như trong Hợp Đồng 315 – ký kết giữa bệnh viện Hòa Bình và công ty Thiên Sơn – thì chớ nên bày đặt ra cái trò AAMI. Vì cả hai bên chưa đủ hiểu về nó. Cho là dẫu hiểu, việc phải điều chỉnh cấu trúc hệ RO2 sao cho 25 chỉ số của nước lọc của nó đạt con số lý tưởng (rất tốn kém) cũng nan giải lắm (tiền ít); ngoài ra, còn e rằng trình độ ông Bùi Mạnh Quốc chưa làm được.
Trên đã nói, trong vụ án Hoàng Công Lương nếu hiểu đúng về RO và AAMI sẽ xử lý đúng nhiều chuyện, hiểu sai sẽ xử lý sai (kể cả trong buộc tội hay cởi tội).
Chữ ký của BS Lương không liên quan tới sửa chữa thế nào, mà chỉ có tác dụng đề nghị cung cấp đủ nước tinh khiết
Thưa cụ, loạt bài này cụ đã viết xong chưa hay là còn vài số nữa ạ!?
ThíchThích