Những yếu tố Lịch Sử trong vụ án Hoàng Công Lương – Bài 2

BỐN ĐIỀU BẤT THƯỜNG DỄ THẤY TỪ VỤ ÁN

bs-luon-1

Nguyễn ngọc Lanh

LÀ NHỮNG ĐIỀU NÀO?

1- Dư luận bất bình ngay từ khi mới khởi tố và bắt đầu điều tra, mà không đợi tới khi có cáo trạng và mở phiên tòa. Nguyên do? Vì mọi người – bắt đầu từ ngành Y – thấy người công chính, lương thiện (Công Lương) bị đưa vào danh sách bị cáo.

2- Tên chính thức của vụ án (dài dòng) bị dư luận và báo chí thay bằng tên nạn nhân, mà không thèm đợi kết thúc những tranh cãi và nghị án ở phiên tòa sơ thẩm. Nhiều bằng chứng cho thấy Hoàng Công Lương bị cấp trên và cấp lãnh đạo của mình đổ tội, cơ quan điều tra ngụy tạo chứng cứ; Viện Kiểm Sát thì dựa vào những chứng cứ (vô giá trị) này để kết tội; còn chủ tọa phiên tòa thiên vị – để tạo ra vụ án oan sai.

3- Báo chí, dư luận sôi sục phê phán. Ngay tại tòa, các luật sư đề nghị khởi tố những nhân vật trong ngành tư pháp đã vi phạm pháp luật. Chuyện quá hiếm xưa nay.

4- Nhân vụ này, lộ ra một yêu cầu rất bất thường: Cần các Diễn Đàn Dân Sự. Rất hiếm khi có sự bàn luận, trao đổi, tranh cãi rộng rãi về một vấn đề xã hội quan tâm… như Vụ án Hoàng Công Lương. Đây là vấn đề thuần túy dân sự. Nếu có Diễn Đàn để mọi người trao đổi (một cách ôn hòa, văn hóa, xây dựng và tôn trọng nhau) sẽ mang lại lợi ích lớn. Suy rộng ra, còn biết bao vấn đề khác, quan trọng hơn, cần được trao đổi rộng rãi để Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

DƯ LUẬN BẤT BÌNH RỘ LÊN NGAY TỪ KHI MỚI KHỞI TỐ

Đây chính là điều bất thường dễ thấy nhất, khi so sánh với các vụ án khác trong Lịch Sử.

Bởi lẽ, nay là thời có internet và tỷ lệ dân Việt dùng internet đã là 2/3 số dân.

– Tai biến “chạy thận” ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình phải gọi là thảm họa vì có tới 9 nạn nhân tử vong gần như đồng loạt. Có người liên hệ nó với thảm họa lũ lụt ở miền Trung năm nào – do “thủy điện xả lũ bừa bãi” – khiến hàng trăm người chết trong chốc lát.

Sự cố “chạy thận” lớn mức này chưa từng xảy ra ở bất kỳ đâu; vậy mà, thật rủi ro, nó lại rơi vào nước ta. Tin tức lan nhanh cả nước, rồi tỏa ra bốn phương trong thời gian ngắn kỷ lục là điều dễ hiểu. Lòng dân xôn xao là đương nhiên…

Tâm trạng chung là khi số người chết nhiều đến như vậy, cần phải truy ra cho hết mọi can phạm và phải quy cho chúng một mức án nghiêm khắc tương xứng. Muốn an dân, hẳn là ngành tư pháp phải có đáp ứng phù hợp với lòng dân. Đúng vậy, quyết định khởi tố đủ sớm; ba can phạm bị bắt giam kịp thời và việc điều tra tiến hành ngay sau đó.

– Cơ mà, hình như người ta chưa vội đưa tội phạm ra tòa. Bởi, từ khi khởi tố cho đến khi lập tòa sơ thẩm là cả một năm trời – nghĩa là quá thừa thãi thời gian để kết thúc giai đoạn điều tra một vụ án không quá phức tạp. Té ra – sau này mới “ngày càng sáng tỏ” – có một ý đồ tạo ra các bằng chứng giả để vu cho người vô tội, khiến tốn kém thời gian… Điều này khiến cả loạt chứng cứ – tưởng đồng bộ – nhưng vẫn “vênh” nhau. Chuyện này, cần đề cập chi tiết hơn ở các bài sau.

Cứ như lệ thường (từ rất nhiều vụ trọng án trước đây) mọi người kiên nhẫn hoặc sốt ruột chờ phiên tòa. Trong khi chờ đợi, người ta chỉ bàn bạc trong những nhóm nhỏ, do vậy ý kiến và nhận định cũng rất phân tán.

Vụ án này khác hẳn. Mọi người rất sớm nhận ra sự vô lý, khiên cưỡng khi đưa BS Hoàng Công Lương vào “diện” phải hầu tòa, trong đó sớm nhất là nhân viên ngành y tế – đông đảo thứ hai trong các cơ quan sự nghiệp (chỉ sau sư phạm).

Họ lo lắng, tự thấy mình trở thành những bị cáo tiềm năng trong suốt cuộc đời hành nghề – nếu cái kiểu quy tội này trở thành thông lệ. Họ càng bất an, khi đồng chí chánh Tòa Tối Cao Nguyễn Hòa Bình muốn dùng cái cung cách quy tội cho BS Hoàng Công Lương để tạo án lệ (dùng xử các vụ án chết nhiều người). Xin bạn đọc tìm hiểu khái niệm “án lệ” để hiểu tâm trạng của nhân viên y tế. May, họ được sự thông cảm, chia sẻ của dư luận chung trong cả nước, đưa đến một kỷ lục hiếm: tới 20 ngàn chữ ký đòi công lý cho BS Hoàng Công Lương ngay trước khi phiên tòa sơ thẩm 1 khai mạc. Khi kết thúc sơ thẩm 2, số chữ ký đang tiệm cận 50 ngàn.

 

PHIÊN TÒA SƠ THẨM: TÁC NHÂN KHIẾN VỤ ÁN BỊ DƯ LUẬN ĐỔI TÊN

Rất cần một bài viết đầy đủ về phiên tòa này; bởi, có quá nhiều hệ quả và bài học về nó. Ở đây – để khỏi lạc đề – chỉ nói tới một hệ quả rất xấu. Chính cái cung cách vận hành của phiên tòa sơ thẩm mà vụ án này bị đổi tên. Đó quả là điều rất bất thường.

Chả là, một vụ án phải có cái tên chính thức do Viện Kiểm Sát xác định (luật đấy!); vậy mà dư luận (bất cần luật) lại đổi thành tên khác, được dùng phổ biến. Thậm chí, nhiều nhân vật cao cấp thuộc chuyên ngành Lập Pháp, Tư Pháp… (lạ chưa) cũng phải sử dụng – dù là vô tình hay hữu ý. Tóm lại, cách xử của phiên tòa này chính là tác nhân làm thay đổi tên vụ án, cũng là tác nhân biến lòng dân từ mức chê trách sang mức phẫn nộ.

Vắn tắt: Bất chấp dư luận, BS Lương vẫn bị đưa ra tòa, với những cáo buộc nặng nề, bị tuyên 3 năm tù treo. Hai bị cáo khác bị đề nghị án tù giam từ 4 – 5 năm. Rõ ràng, nặng – nhẹ rất khác nhau. Nhưng dư luận cho rằng hai bị cáo kia là “đúng tội”, còn bị cáo Lương là “bị đổ tội”, dù đó chỉ là án treo. Phiên tòa dự định 4-5 ngày, nhưng sự tranh luận gay gắt giữa 6 luật sư (bênh vực BS Lương) với đồng chí công tố viên (khăng khăng kết tội) là một nguyên nhân khiến nó phải kéo dài thời gian gấp 3-4 lần. Chuyện kiên trì gán tội là “có”.

Đến khi các bằng chứng kết tội BS Lương được các luật sư chứng minh xác đáng là “bị sửa chữa”, thậm chí là “ngụy tạo”… thì dư luận và báo chí bất cần biết cái tên chính thức của vụ án là gì. Mọi người dùng ngay tên nạn nhân bị vu oan để đặt tên cho vụ án. Nếu vậy, nó sẽ tồn tại lâu dài trong Lịch Sử tư pháp nước ta (sẽ bàn tiếp).

Thật buồn… cười, khi phiên tòa chưa kết thúc, mọi người và báo chí (thậm chí cả đại biểu quốc hội, kể cả đồng chí chánh án Tòa Tối Cao Nguyễn Hòa Bình) cũng gọi đây là “vụ án Hoàng Công Lương”. Các tên khác cũng na ná: “vụ Hoàng Công Lương”, “vụ án oan Hoàng Công Lương”, “vụ xử Hoàng Công Lương”… Cứ làm như vụ án chỉ có một bị cáo.

Có tờ báo còn lập riêng một mục “BS Hoàng Công Lương” để bạn đọc theo dõi hàng ngày, hàng giờ sự diễn biến của vụ án này. Đến nay (3-2019) vẫn còn truy cập được.

Tên gọi vụ án do vị lãnh đạo ngành Tòa Án sử dụng

Chánh án TANDTC: Vụ án Hoàng Công Lương chưa thể nói được oan hay không!

https://dantri.com.vn/xa-hoi/chanh-an-tandtc-vu-an-hoang-cong-luong-chua-the-noi-duoc-oan-hay-khong-2018062013530023.htm

Chánh tòa Tối cao: ‘Sẽ có phán quyết đúng đắn vụ Hoàng Công Lương’

https://news.zing.vn/chanh-toa-toi-cao-se-co-phan-quyet-dung-dan-vu-hoang-cong-luong-post846987.html

 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói phiên tòa xét xử Hoàng Công Lương diễn ra công khai, có tranh tụng. Ông tin rằng HĐXX sẽ có phán quyết đúng đắn, hợp tình, hợp lý.

Google cũng ghi lại sự đổi tên bất thường của vụ án này

Dùng các cụm từ (đặt trong ngoặc kép – để có câu trả lời chặt chẽ, không phân tán) hỏi Google, sẽ được các kết quả (làm chẵn) dưới đây:

“xét xử bác sĩ Lương” cho 12.000 kết quả

“xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương” cho 41.000 kết quả

“xét xử Hoàng Công Lương” cho 73.000 kết quả

“Xét xử bác sỹ Lương” cho 4000 kết quả

“vụ Hoàng Công Lương” cho 19.000 kết quả

“vụ án Hoàng Công Lương” 28.000 kết quả

“vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương” cho 13.000 kết quả

Tóm lại, sự đổi tên đã vững như bàn thạch.

 

BÁO CHÍ ĐƯỢC THỰC HIỆN ĐÚNG THIÊN CHỨC CỦA MÌNH

Lần này, khi rầm rộ đưa tin về vụ án, báo chí nước ta – không nhiều thì ít, vô tình hay hữu ý – đã thực hiện được thiên chức của mình.

Lẽ ra, Trời sinh báo chí, đương nhiên báo chí phải làm công việc Trời trao.

Điều bất thường là… dịp này báo chí mới được thực hiện đúng sứ mệnh.

Vẫn biết rằng, nói chung báo chí có một số mục đích: Đưa tin, Giải thích, Giải trí… Điều này liên quan tới sự sinh tồn (sống còn) của báo chí.

          – Đưa tin đúng, nhanh; giải thích khách quan, khoa học; giải trí lành mạnh… sẽ được rộng rãi bạn đọc nuôi dưỡng (trả tiền khi đọc báo). Tác dụng tích cực của báo chí được phát huy

         – Đưa tin sai lệch (theo định hướng), giải thích thiên lệch (theo định hướng); giải trí không lành mạnh… sẽ được các nhóm lợi ích phi nghĩa nuôi dưỡng. Tác dụng tiêu cực của báo chí được khuếch đại.

Nhưng thiên chức thì cao cả hơn nhiều – so với Mục Đích. Nó liên quan tới sứ mệnh thúc đẩy tiến bộ xã hội, đề cao nhân phẩm, nâng cao dân trí, cổ vũ các quyền tự do… Tuy nhiên, đây không phải chỗ để nói đầy đủ.

Trong vụ (nay mang tên Hoàng Công Lương) này… có thể nói báo chí đã vào cuộc rầm rộ và rộng khắp. Có sự cạnh tranh lành mạnh, bạn đọc được lợi; nhờ vậy báo chí cũng được lợi. Cái hay, là những tờ báo này đã thực hiện đúng thiên chức của báo chí nói chung; mà không phải viết theo “phong trào” do được ai đó phát động. Cũng không phải do tuân lệnh, hoặc do nghĩa vụ phải làm, hoặc do có người đặt hàng cho báo chí.

Thử so với thực hiện “nhiệm vụ” trong các dịp có kỷ niệm lớn

Từ khi thảm họa xảy ra: cuối tháng 5-1917 (9 nạn nhân tử vong khi “chạy thận” ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho đến khi mở phiên tòa – là cả một năm trời (đã nói ở trên). Trong một năm đó, hầu hết báo chí ta tham gia tất cả các ngày kỷ niệm trọng đại nhất của đất nước.

Thử hỏi, tất cả các bài phục vụ kỷ niệm (nếu tập hợp lại, in thành sách để phát cho toàn dân)… liệu có gây được hiệu ứng như các bài đưa tin Vụ Hoàng Công Lương hay không?

Có lẽ, câu trả lời là… KHÔNG. Bởi, đó chẳng qua là nhiệm vụ được giao, nghĩa vụ phải làm. Thiên chức muôn đời của báo chí không thế.

Có nhiều tờ báo theo sát vụ việc, đưa bài rất khách quan, đầy đủ và chi tiết. Có những bài giúp bạn đọc theo dõi từng giờ, từng phút thực tế diễn ra trong mỗi buổi xét xử. Nổi bật là các tờ SOHA, Gia Đình, VNN, Dân trí, Zing, VNEpress… v.v. Chúng giúp người đọc có nhiều thông tin khách quan, gần sự thật, kịp thời… để bàn luận, phán đoán và biểu thị thái độ.

Nhờ vậy, sự cảm tính và chủ quan (đặc trưng tiểu nông) trong đánh giá và bình luận ngày càng giảm. Hàm lượng lý trí trong trao đổi, tranh cãi tăng lên, nhờ vậy nhiều vấn đề tưởng rằng gay cấn, khó dung hòa… lại dễ thống nhất. Những gì chưa thể thống nhất sẽ được bàn sau trên tinh thần chấp nhận các ý kiến khác biệt. Đây chính là cơ sở của đoàn kết bền vững.   

 

CẦN RẤT NHIỀU DIỄN ĐÀN DÂN SỰ: Ôn hòa, văn hóa, xây dựng

– Hiếm thấy có bao giờ sự trao đổi, bàn luận, tranh cãi (về vụ án nay) lại thu hút số người đông đảo đến như vậy. Nếu số chữ ký thu được đong bằng đơn vị “chục ngàn” thì số người muốn phát biểu phải là hàng triệu. Hàng triệu ý kiến, nhưng tản mạn mà không tập trung vào một Diễn Đàn thì tác dụng rất không lớn.

– ĐCSVN đưa ra định nghĩa dân dã về CNXH:

Đó là một chế độ:

      “Dân giàu,

                  Nước mạnh;

                                  Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh“.

Nếu CNXH có nội dung trên, không những dân tộc ta, mà nhiều dân tộc khác cũng mong muốn.

– Câu hỏi là: Chúng ta nên thảo luận vấn đề gì trong tình hình hiện nay để định nghĩa trên từng bước thành hiện thực? (Vấn=hỏi; đề=câu. Vấn đề = Câu hỏi)

Có lẽ, sẽ có vô số vấn đề được đề xuất.

Chẳng cần chọn vấn đề nào ưu tiên, bàn trước; vấn đề nào bàn sau. Bởi vì, nhóm nào đưa ra vấn đề gì (để thảo luận) cứ tự mình lập ra Diễn Đàn để mọi người tham gia (phát biểu, tranh cãi, tán thành, phản bác…).

– Để khỏi gây giật mình cho các vị hay lo sợ (hão), thì Diễn Dàn có thể tuyên bố:

1) Tuân theo Luật Báo Chí;

2) Thực hiện phương châm: Ôn hòa, văn hóa, xây dựng, tôn trọng khác biệt.

3) Mục tiêu: Kiến tạo một chế độ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

(còn tiếp)


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s