Jesus ở Ấn Độ, Tây Tạng và Ba Tư

Trần Quang Nghĩa

(Dịch từ bản thuyết minh của video cùng tên của Rainbowlightstudio)

Hầu như mọi điều chúng ta biết về Jesus là từ Kinh Thánh. Từ Kinh Thánh chúng ta có thể đọc những lời kể chi tiết về những gì Jesus nói và làm qua bốn sách Phúc Âm Tân Ước: Sách Matthew, Mark, Luke và John. Những Phúc Âm này kể rõ nhiều sự kiện chung quanh thời kỳ mang thai và ra đời. Chúng cũng cung cấp nhiều chi tiết về thời kỳ Jesus làm sứ vụ (giảng đạo) tại Palestine và bị xét xử, bị đóng đinh và sống lại. Tất cả những sự kiện này  xảy ra trong ba năm cuối của cuộc đời ngài. Tuy nhiên chúng không nói gì nhiều về khoảng thời gian ở giữa. Có một đoạn ngắn trong Phúc Âm Matthew, mô tả Jesus cùng gia đình đi lánh nạn ở Ai Cập sau khi Jesus vừa sinh ra để tránh bị Vua Herod tàn sát trẻ sơ sinh vô tội; rồi trở về Nazareth sau khi Herod qua đời. Nhưng Phúc Âm không đề cập điều gì đã xảy ra giữa hai biến cố này. Tuy nhiên câu chuyện về chuyến đi đó được giữ lại trong truyền thống Giáo Coptic. Những người Cơ Đốc thuộc giáo hội Ai Cập đã lưu giữ các ký ức về những nơi thiêng liêng mà gia đình Jesus đã dừng chân và đã xây dựng các đền thờ tại những địa điểm này. Truyền thống Cơ Đốc Coptic giúp ta lấp đầy khoảng thời gian bỏ trống trong cuộc đời Jesus từ thời điểm gia đình cậu trốn thoát đến Ai Cập đến khi trở lại Nazareth.

Phúc Âm Luke ghi chép lại một biến cố khác xảy ra trong những năm xen giữa này khi Jesus 12 tuổi. Nó kể về sự kiện Jesus nán lại sau khi tham dự lễ vượt qua ở Jerusalem, trong khi cha mẹ cậu đã bắt đầu lên đường trở về nhà không hay biết con mình ở lại. Khi biết Jesus không có đi theo, họ bèn trở lại Jerusalem tìm kiếm. “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Điều này thể hiện cậu là một thiếu niên độc lập và quả quyết, có chí hướng và trí tuệ vượt quá tuổi của mình. Do đó thật là điều đáng ngạc nhiên khi phúc âm chỉ gói gọn thời gian 18 năm sau đó của cuộc đời ngài trong một câu duy nhất trong Phúc Âm Luke: “. . . Còn Jesus ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và con người.” Dường như không hợp lý là chàng trai bản lĩnh này, vốn ngay từ nhỏ đã gây được chú ý của các thầy giảng trong đền thờ suốt trong 3 này lại không nói hoặc làm được điều gì đáng ghi chép lại trong suốt 18 năm.

Có thể giống như chuyến đi của gia đình Jesus den Ai Cập không có mặt trong Kinh Thánh được lưu truyền trong truyền thống Cơ Đốc Coptic, biết đâu có nguồn tự liệu về những năm tháng mất tung tích Jesus được gìn giữ lại trong truyền thống ngoài Kinh Thánh khác.

Các sự kiện trong cuộc đời Jesus: những năm thất lạc là từ khi Jesus 13 tuổi đến 29 tuổi.

PHÁT HIỆN PHI THƯỜNG TRONG DÃY HI MÃ LẠP SƠN

Năm 1887 một nhà thám hiểm và tác giả người Nga có tên Nicholas Notovitch có một phát hiện nổi bật, dường như ném ánh sáng mới vào những năm vắng mặt này. Ông đang đi du lịch qua vùng Hi Mã Lạp Sơn và trên đường đi ông dừng chân tại một vài tu viện và được nghe kể chuyện về một nhà tiên tri vĩ đại tên Issa đến Ấn Độ từ vùng Palestine. Một nhà sư mô tả “Issa là một người vĩ đại hơn bất kì Đức Đạt Lai Lạt Ma nào và hoằng pháp như Đức Phật chúng tôi.” Ông ta bảo với Notovitch rằng Issa đã đến từ Palestine và sống và giảng đạo ở Ấn nhiều năm trước khi trở lại quê nhà. Tại đó ông bị tra tấn rồi chết nhưng các lời giảng của ông đã được noi theo và truyền bá trên khắp thế giới bởi hậu duệ của bọn người đã giết ông. Notovitch kinh ngạc trước sự phát hiện này. Rõ ràng từ câu chuyện này nhà sư đang ám chỉ Issa thực sự chính là Jesus.

Notovitch

Có thể nào Jesus thực sự đến Ấn Độ không? Điều đó dường như là có khả năng vì Issa là tên của Jesus trong phiên bản tiếng Ả Rập. Còn tên thật tiếng Do Thái cổ là Yeshua, từ đó người Âu rút ra từ Jesus. Sau đó Notovitch quyết định đi sâu vào dãy Hi Mã Lạp Sơn đến viếng thăm tu viện Hemis, tu viện Phật giáo lớn nhất ở Ladakh.  Ông đến trong một dịp lễ và chứng kiến buổi biểu diễn vũ nhạc. Khi buổi lễ chấm dứt,  một vị đại lạt ma mời Notovitch dự một tiệc giải khát. Họ nói chuyện, trước tiên về buổi trình diễn mà họ vừa thưởng thức.

Nhưng cuối cùng Notovitch mới gạn hỏi nhà sư về giai thoại nhà tiên tri Issa. Vị lạt ma xác nhận câu chuyện về Issa là có thật và tiết lộ rằng có hơn 80.000 cuộn văn bản cổ cất trong thư khố của Lhasa, nơi cư ngụ của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng. Nhiều thư tịch này ghi lại cuộc đời của các thánh tăng, trong đó có Issa. Ông giải thích rằng những thư tịch này viết bằng tiếng Pali, ngôn ngữ thiêng liêng của Phật giáo. Lhasa có tập quán là khi một tăng sinh đến thăm, vị này phải dịch một hay nhiều cuộn văn bản để đem về cất giữ tại tu viện của mình. Nhà sư cho biết tu viện  ở  Hemis chứa nhiều bản dịch loại này, trong đó có bản dịch về cuộc đời và hoạt động của nhà tiên tri Issa. Nhà sư bảo Notovitch nếu lần sau có trở lại tu viện Hemis, ông ta sẽ lục  tìm các văn bản này cho vị khách Nga xem

Chuyến viếng thăm trở lại đó sớm hơn mọi người tưởng tượng. Một ít ngày sau khi rời tu viện để tiếp tục cuộc hành trình, Notovitch rơi xuống mình ngựa và gãy chân. Ông trở lại Hemis, tại đó các tu sĩ tốt bụng cho phép ông ở lại để điều trị vết thương. Trong thời gian ở lại dưỡng thương,  vị trưởng lạt ma mang đến cho ông xem hai bộ sách đóng bìa đã vàng ố vì thời gian và nhà sư đọc cho ông nghe một vài đoạn có liên quan đến Issa. Những đoạn này được người phiên dịch dịch ra cho Notovitch từ tiếng Tây Tạng, tiết lộ câu chuyện phi thường về cuộc đời Jesus được gìn giữ trong thư tịch Tây Tạng cổ đại.

CÂU CHUYỆN CỦA ISSA

Văn bản kể về một hài nhi thần thánh tên Issa ra đời có cha mẹ là những tín đồ ngoan đạo. Ngay từ nhỏ đã bộc lộ sự hiểu biết và trí tuệ vượt qua tuổi tác. Khi ngài được 13 tuổi, cái tuổi mà mọi đứa trẻ Do Thái khác đã bắt đầu chuẩn bị kết hôn, Issa được kỳ vọng sẽ lấy vợ. Các nhà giàu có và quyền quí lui tới nhà cha mẹ ngài, mong ước chọn được chàng trai nổi bật này làm con rễ của mình. Nhưng Issa không muốn lập gia đình. Thay vào đó chàng lén lút rời bỏ nhà cha mẹ vào ban đêm và gia nhập một đoàn thương nhân đường dài đang lên đường tiến về phương đông. Họ đi theo con đường bộ mậu dịch quen thuộc nối Palestine với.những xứ sở xa xôi, như Ba Tư, Ấn Độ và thậm chí Trung Quốc. Người Do Thái là một thành viên của đoàn lữ hành này cho đến khi họ đến Punjab thuộc Ân. Tại đó chàng trai chia tay đoàn thương nhân. Khi đó chàng chỉ vừa tròn 14 tuổi.

Tiếng tăm chàng lớn mạnh nhanh chóng khi chàng đi về nam vượt qua Punjab trước khi sống một thời gian với các tín đồ đạo Jain. Cũng như tại Palestine tiếng tăm về chàng trai phi thường này lan truyền, chàng được trân trọng và tán thưởng trong số người chàng sống cùng. Dù họ có khẩn khoản mời chàng ở lại, nhưng chàng quyết tâm tiếp tục cuộc hành trình, rẽ trái tiến về phía đông. Chàng dừng chân ở Jagannath, ngày nay là Puri. Tại đây chàng được các giáo sĩ Bà La Môn chào đón và tiếp nhận; chàng sống ở đó 6 năm, nghiên cứu kinh Ấn giáo, đi khắp các thành phố thiêng liêng của vùng đất. Chàng được người nghèo khổ quý trọng, dạy dỗ họ và thuyết giáo rằng mọi trẻ em đều được Chúa Trời yêu quý. Chàng quở trách các tu sĩ Bà La Môn mê muội thờ cúng ngẫu tượng và tỏ ra khinh miệt những người trót sinh ra thuộc cấp thấp kém nhất của xã hội Ấn. Họ nổi cơn thịnh nộ và cho tôi tớ đi lùng kiếm Issa để giết chàng. Nghe được tin dữ, chàng liền trốn thoát khi đêm xuống và lên đường trong hành trình dài về phía bắc.

Sau khi đến Tây Tạng, chàng nương náu với các tu sĩ Phật giáo, hoàn thiện kiến thức về ngôn ngữ Pali thiêng liêng, nghiên cứu và giảng dạy kinh sách. Chàng ở đó thêm 6 năm nữa trước khi lên đường trên một hành trình dài trở về quê hương Palestine.

Khi ghé qua Rajputana, ngài tiếp tục thuyết giảng, hãy yêu người láng giềng như yêu mình và bỏ phép thờ bái ngẫu tượng. Dân địa phương tiếp nhận Issa và nghe theo lời dạy của ngài hết lòng,  khiến xảy ra xung đột với bọn giáo sĩ bản xứ. Dân chúng, bắt đầu tin theo lời dạy của Issa, phá hủy tượng thờ. Việc này khiến bọn giáo sĩ hoảng sợ, bỏ chạy thoát thân vì sợ bị dân chúng trả thù. Tiếng tăm của Issa lớn mạnh và lan truyền tận các xứ sở chung quanh; vì thế trên chuyến hành trình về Palestine ngang qua Ba Tư,  các giáo sĩ Hỏa giáo cảnh giác, ngăn cấm dân chúng nghe ngài rao giảng. Nhưng dù vậy, dân chúng trong các làng mạc vẫn chào đón ngài và lắng nghe tín phục các lời giảng của ngài. Cuối cùng các giáo sĩ ra lệnh bắt giữ Issa và mang ngài ra trước vị trưởng giáo để thẩm vấn. Y tố cáo ngài tội báng bổ và gieo rắc hoài nghi cho các tín đồ của mình. Nhưng ngài đáp lại, trách móc giáo trưởng không nên thờ cúng mặt trời, chỉ là một phần sáng tạo của Chúa Trời, mà nên tôn thờ mỗi mình Đức Chúa Trời chân thực, đấng tạo ra mặt trời và mọi vật bên trên và bên dưới mặt trời. Issa bảo giáo trưởng rằng bằng cách dạy tín đồ tôn thờ mặt trời vốn di chuyển theo ý muốn của Chúa Trời họ sẽ dẫn dắt các con của Chúa Trời đi lạc đường.

Sau khi nghe được lời của Issa như thế, các giáo sĩ quyết định không phạt ngài trực tiếp mà dẫn ngài ra ngoài thành và bỏ ngài giữa đồng hoang mặc cho thú dữ ăn thịt. Nhưng không  ai làm hại ngài, và ngài tiếp tục lên đường về Palestine, và đến nơi khi ngài 29 tuổi.

Hành trình của Issa: Chuyến đi

Chuyến về

Phần sau của câu chuyện tất nhiên được kể ba bốn năm sau cái chết của Issa. Nó căn cứ vào tường thuật của các thương buôn đến Ấn Độ sau khi băng qua Palestine. Nó mô tả việc ngài giảng đạo tại Palestine, thu hút hàng ngàn tín đồ theo ngài, cho đến khi chính quyền La Mã lo ngại ảnh hưởng của ngài và quyết định hành động. Nó tường thuật về việc xét xử và đóng đinh Issa tương tự như được kể trong phúc âm về Jesus, nhưng với một điểm khác biệt: trong khi Kinh Thánh xác nhận chính bọn giáo sĩ Do Thái yêu cầu đóng đinh Jesus thì bản thảo này tuyên bố chính Pilate muốn xử tội chết cho Jesus và nhóm giáo sĩ   Do Thái đôi co để xin phóng thích ngài.

Có những sai biệt khác với câu chuyện trong Kinh Thánh, nhưng không có gì ngạc nhiên về nguyên do phát sinh các khác biệt này. Phiên bản Phật giáo về các sự kiện xảy ra ra sau cái chết của Jesus đến được Ấn Độ là qua lời tường thuật của các thương nhân. Họ nghe câu chuyện về những gì xảy ra với Jesus tại Palestine rồi truyền tai qua hành trình đến Ấn Độ, tất nhiên câu chuyện sẽ bị nhuộm màu tư kiến,  nhất là khi được kể đi kể lại giữa các dân  tộc thuộc các tín ngưỡng và văn hoá khác nhau.

Nhưng mặc dù có sự khác biệt này, rõ ràng nó chỉ ra rằng nhà tiên tri Issa được tường thuật trong văn bản cổ Phật giáo không ai khác hơn chính là Jesus Christ. Qua bản thảo này Notovitch đã có một phát hiện lịch sử về những gì xảy ra cho Jesus trong những năm mất dấu trong Phúc Âm.

Sau khi hoàn tất hành trình, Notovitch ghi lại chuyến đi và phát hiện đáng kinh ngạc của mình. Ông trình bày cho Hồng y ở La Mã và được ông ta thuyết phục hãy bỏ kế hoạch xuất bản cuốn sách này, đổi lại ông sẽ nhận được một số tiền. Notovitch từ khước và quyển sách về quãng đời chưa được biết của Jesus cuối cùng được xuất bản ở Pháp vào năm 1894, với nhan đề Quãng Đời Không Được Biết của Jesus Christ và không có gì ngạc nhiên lập tức nó làm bùng nổ một trận tranh cãi kịch liệt.

Một số cho rằng Notovitch đã dựng đứng câu chuyện Issa, số khác tuyên bố tường thuật của Phật giáo về cuộc đời Jesus là không thể tin được. Thậm chí có người cho rằng Notovitch chưa hề đặt chân đến Ladakh và vặn vẹo liệu có một nơi gọi là tu viện tên Hemis ở thị trấn Lei hay không.

Một trong những lời khích bác cay độc nhất đến từ một bài báo tựa đề Cái Gọi Là Chuyến Đi của Christ ĐẾN Ấn Độ viết bởi Giáo sư Max Muller của Đại học Oxford, một học giả nổi tiếng chuyên về văn bản tôn giáo Đông phương. Muller tạo ra ấn tượng ban đầu đối với độc giả đây là một hành động lừa đảo. Ấn tượng này càng được củng cố sau khi các quan chức Anh tại địa phương,  lãnh nhiệm vụ điều tra thực địa theo yêu cầu của Muller, báo cáo rằng không có người Nga nào tên Notovitch từng đi qua vùng đó và không có ghi chép gì về một du khách cư ngụ tại Hemis để dưỡng thương vì bị gãy chân. Một quả đấm khác giáng vào câu chuyện của Notovitch vào năm 1896 khi James Archibald Douglas, một giáo sư Anh tại một trường cao đẳng công vụ ở Agra, thân hành đến Hemis để kiểm tra câu chuyện của Notovitch. Theo Douglas vị trưởng lạt ma phủ nhận sự tồn tại của các văn bản cổ có đề cập đến tên Issa tại Hemis hay bất cứ tu viện Phật giáo nào khác. Vị tu sĩ cũng tuyên bố rằng trong thời gian 15 năm làm lạt ma trưởng Hemis, tức thời gian trong đó xảy ra chuyến viếng thăm của Notovitch, không ai được phép dịch bản thảo nào ở tu viện. Mặc dù Notovitch cực lực phản bác để bảo vệ sự trung thực của mình, tiếng tăm của ông và sự tin cậy vào tác phẩm của mình bị tổn hại nghiêm trọng.

Nhiều năm sau, tuy nhiên, chứng cứ hậu thuẫn cho câu chuyện của Notovitch xuất hiện khi có những du khách khác dừng chân ở Hemis. Năm 1922 Swami Abheananda, một đệ tử của lãnh tụ Ấn giáo Ramakrisna, rời Hoa Kỳ sau vài năm sống và giảng dạy ở đó. Ông lên đường, khởi hành vượt qua dãy Hi Mã Lạp Sơn bằng đường bộ từ Tây Tạng đến Kashmir. Ông dừng chân tại tu viện Hemis,  tại đó các tu sĩ khẳng định với ông về mọi chi tiết liên quan đến việc dưỡng thương của Notovitch tại Hemis. Và cũng như Notovitch, ông được tận mắt nhìn thấy văn bản Tây Tạng cổ úa vàng kể lại cuộc đời Issa. Và từ bản thảo này, ông trích dẫn vài đoạn và đăng trong tác phẩm viết bằng tiếng Bengal được xuất bản có tựa đề Chuyến Du Hành Vào Kashmir và Tây Tạng.

Chứng thực tiếp theo cho tường thuật của Notovitch tiếp nối. Giáo sư Nicholas Roeric, triết gia, tác giả, nghệ sĩ Nga nổi tiếng, thám hiểm nhiều vùng trong dãy Hi Mã Lạp Sơn vào thập niên 1920. Trong những chuyến đi đó, trong một số dịp, ông nghe được câu chuyện về chuyến đi của Christ đến Ấn Độ, và đến thăm các cổ thụ và ao nước tương truyền là nơi Jesus từng dừng chân tạm nghĩ trong chuyến lữ hành của mình, và một hang động được cho là nơi ngài thường ngồi mặc định ở đó. Những truyền thuyết này được vị trưởng lạt ma tại tu viện ở Ladakh xác nhận và người Nga được cho xem một bản thảo chứa nhiều đoạn tương tự như Notovitch và Abedinanda đã ghi chép cũng như những văn bản khác kể việc Jesus được một hiền triết Phật giáo tên Mintzi đón tiếp khi đến Tây Tạng và việc ngài chữa lành người bệnh ở Ladakh ra sao.

Việc xác nhận lần thứ ba các văn bản cổ xảy ra vào năm 1939, khi Gloria Gask, người đứng đầu Hội Ái Hữu Tín Ngưỡng Quốc Tế đến Tây Tạng để nghiên cứu Phật giáo cùng với người bạn là Elizabeth Caspari. Chuyến đi đưa họ đến tu viện Hemis nơi họ được đón tiếp thân tình. Trong thời gian họ lưu trú tại đó vị trưởng thủ thư mang đến ba tập sách bằng giấy da, kẹp giữa các miếng gỗ bảo vệ và bọc bằng vải màu xanh lá, đỏ, lam, vàng. Với cử chỉ kính cẩn vị trưởng thủ thư trưởng mở lớp vải bọc một tập và trình ra trước mặt họ và nói rằng những tập sách này cho biết Jesus đã ở đây. Ông cho phép hai người phụ nữ đang sửng sốt chụp ảnh mình đang cầm các văn bản thiêng liêng này.

Vậy thì có đúng là tồn tại các văn bản Phật giáo thông tin về cuộc đời của Issa, và nếu có thì liệu câu chuyện về Issa có đáng tin hay không khi chúng ta biết Phúc Âm không đề cập gì đến hoạt động của Jesus trong thời gian từ 13 đến 29 tuổi, trừ việc giáo dân Cơ Đốc luôn được kể rằng Jesus là người thợ mộc làm việc ở Palestine trong khoảng thời gian đó. Rõ ràng câu chuyện của Phật giáo về chuyến đi về phương đông của Jesus đã lật đổ truyền thống Cơ Đốc giáo 2,000 tuổi.

Vậy thì có thể nào Jesus thực sự đi qua Ba Tư, Ấn Độ và Tây Tạng. Có vài lý do tại sao chúng ta có thể cật vấn tính xác thực của câu chuyện này.

CÁC CÂU HỎI CẦN XEM XÉT 

Liệu chúng ta có thể tin chắc rằng bản thảo Phật giáo thực sự tồn tại?

Suy cho cùng vì chúng ta đã được biết có trường hợp vị trưởng lạt ma  đã phủ nhận sự tồn tại của nó. Còn nếu có, liệu chúng ta có thể tin tường thuật Phật giáo về câu chuyện của Issa là xác thực hay không. Và cho dù nó xác thực, liệu Issa và Jesus có phải là một người hay không. Có thể các Phật tử lầm lẫn đánh đồng câu chuyện của hai nhân vật khác nhau: Jesus mà chúng ta biết từ Kinh Thánh và một vị thánh hoàn toàn khác từ Palestine và đi qua Ấn Độ. Rồi chúng ta còn có cuộc hành trình thiên lý qua bao vùng đất với địa hình hiểm trở có thể nào tồn tại trong thời của Jesus. Và cuối cùng có thể nào một thiếu niên 13 tuổi như Jesus có thể bỏ nhà ra đi một mình trên vùng đất xa lạ trong 16 năm, bỏ lại cha mẹ, gia quyến, bạn bè thân thương lo lắng cho mình.

  • Các văn bản Phật giáo có thực sự tồn tại hay không?
  • Câu chuyện về Issa có thực hay không?
  • Issa và Jesus có phải cùng một người hay không?
  • Cuộc hành trình thiên lý như thế có thể thực hiện được hay không?
  • Chỉ mới 13 tuổi, Jesus có thể nào bỏ nhà ra đi hay không?

Hãy xem xét các nghi vấn này từng điểm một.

  1. Nếu Nicholas Notovitch muốn chọn người để hậu thuẫn cho câu chuyện của mình thì chắc hẳn không có nhân chứng nào hoàn hảo hơn những người theo ông đến tu viện Swami Abheananda đã trải qua nhiều năm sống và làm việc trên khắp Ấn Độ như một nhà sư trước khi đến phương Tây giảng dạy giáo lí Vệ Đà của Ấn Độ giáo. Ông được tôn trọng như một sứ giả văn hoá và tâm linh đáng tin cậy nhất của Ấn Đô đối với thế giới bên ngoài. Còn giáo sư Nicholas Roeric là một nghệ sĩ, tác giả, triết gia và nhà thần bí học nổi danh, từng ba lần được đề cử giải Nobel ghi nhận cho công lao của ông trong những nỗ lực xiển dương hòa bình thế giới qua văn hoá và nghệ thuật. Còn Gloria Gask là người đứng đầu đại diện nước Anh trong Hội Ái Hữu Tín Ngưỡng Quốc Tế, một tổ chức được thành lập để xiển dương một liên minh giữa các nhà tâm linh trong khi Elizabeth Caspari là người thành lập hệ thống trường và trung tâm huấn luyện theo phương pháp giáo dục Montessori trên khắp nước Mỹ. Dù có thể chúng ta không biết nhiều về tư cách và tính trung thực của Nicholas Notovitch thì còn có những người khác với tiếng tăm không chê vào đâu được cũng khẳng định câu chuyện của ông. Thật khó tin nếu có ai trong số những nhân vật này lại tuyên bố bịa đặt về việc đã nhìn thấy văn bản kể lại cuộc đời của Issa, nói chi đến tất cả bốn người. Nhưng vẫn còn khó hiểu tại sao những vị khách này đến thăm Hemis lại được cho xem văn bản Issa, trong khi Muller và Douglas, trong nỗ lực nhằm xác nhận sự tồn tại của nó, lại đón lấy sự phủ nhận quyết liệt. Tuy nhiên, có lý do tại sao các nhà sư lại đưa ra các trả lời rất khác nhau. Các chuyến hành trình của Swami Abedinanda, Nicholas Roeric, Elizabeth Caspari và Gloria Gask đều nhằm mục đích tâm linh, và chính điều này là sự khác biệt trần trụi với chuyến viếng thăm của cả Giáo sư Douglas và của các viên chức Anh nhằm điều tra vì lợi ích của Max Muller, mà mục đích của họ chỉ là nhằm cật vấn các tu sĩ để xem liệu lời tường thuật của Notovitch có đúng sự thực hay không. Việc tiếp cận trực tiếp này ắt hẳn không lọt tai các nhà sư, vốn theo truyền thống sẽ kiểm tra bất kì động cơ nào của người cật vấn trước khi tiết lộ sự thật thiêng liêng. Và sự kiện các người này cũng là các quan chức chính quyền thực dân Anh càng làm tăng sự cảnh giác của các nhà sư. Chính quyền Anh mang nhiều tai tiếng sau quá nhiều vụ lấy cắp bảo vật Ấn Độ trong những năm tháng cai trị, với vô số tác phẩm nghệ thuật bằng đá quý và các văn hoá phẩm đã tuồn vào các viện bảo tàng Anh và bộ sưu tập các tư nhân giàu có và quyền chức. Các nhà sư ắt hẳn lo sợ văn bản cổ nếu trưng bày ra sẽ khiến chính quyền thèm muốn, và vì thế không có gì ngạc nhiên khi họ thẳng thừng từ chối sự tồn tại của nó. Vậy dường như chúng ta phải chấp nhận là văn bản này nhiều khả năng thực sự tồn tại. Nhưng nội dung của nó thì sao?
  1. Có đúng là các nhà sư đầu tiên ghi chép câu chuyện này là căn cứ vào các truyền thuyết cổ đại hoặc các truyền thống địa phương không được chứng minh, thậm chí họ có thể ngụy tạo toàn bộ câu chuyện. Một lần nữa, điều này là không chắc. Bản thảo giữ ở tu viện Hemis là bản dịch ra tiếng Tây Tạng từ các cuộn giấy da cổ đại được lưu trữ trong tu viện Phật giáo chính ở Những bản gốc này viết bằng tiếng Pali, ngôn ngữ thiêng liêng của Phật giáo. Thật khó tin khi các nhà sư Phật giáo có thể ghi chép câu chuyện Issa bằng ngôn ngữ thiêng liêng đó nếu có nghi ngờ về tính chân thực của câu chuyện về cuộc đời một bậc thánh được Phật tử tôn kính. Vì thế chúng ta có thể tin tưởng vào tính xác thực của câu chuyện này.
  1. Câu hỏi tiếp theo: Issa và Jesus liệu có phải là một người? Phản ứng của Issa với các lãnh tụ tâm linh khác mà ngài gặp tuyệt đối nhất quán với cá tính và niềm tin của Jesus mà chúng ta bắt gặp trong Kinh Thánh. Phúc Âm Matthew thuật rằng khi được hỏi lời răn nào là điều răn là trọng nhất thì Jesus đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Câu chuyện của Issa cho thấy ngài tận lực thực hành các lời răn này và can đảm đứng lên chống lại các giáo sĩ vi phạm chúng qua lời dạy và hành động của họ. Điều này làm dấy lên mối xung đột trực tiếp với các giáo sĩ này trong ba tình huống trong chuyến hành trình của Jesus. Tại Jagannath các giáo sĩ Bà La Môn định giết ngài khi ngài quở trách họ tôn thờ ngẫu tượng thay vì tôn thờ Đức Chúa Trời chân thực và đối xử tệ bạc với kẻ nghèo hèn. Các giáo sĩ tại Rajputana cũng muốn trả thù ngài khi họ thấy ngài rao giảng phải xử sự tốt với láng giềng và khuyến khích dỡ bỏ ngẫu tượng. Và ở Ba Tư khi ngài bị lên án và bị lôi ra trước vị giáo trưởng Hỏa giáo. Jesus đã có đảm lược dám tố cáo họ thờ thần Mặt Trời và dẫn dắt các tin đồ đi lầm đường lạc lối. Tất cả hành động này phù hợp với các hành động của Jesus được mô tả trong Kinh Thánh. Ngài dám công khai lên án các giáo sĩ cao cấp và kinh sách Do Thái tội giả đạo đức và không tuân thủ thực hành những gì mình giảng dạy. Và cũng như bọn giáo sĩ ngài gặp trên chuyến hành trình, họ cũng bày mưu hãm hại ngài và cuối cùng đóng đinh ngài trên thập giá. Vì vậy câu chuyện của Issa và Jesus cho thấy họ có cùng một cá tính, thực hành nghiêm cẩn cùng các nguyên tắc tâm linh, cùng lòng dũng cảm dám chống đối trực tiếp bất cứ bọn giáo sĩ nào dẫn dắt các con chiên đi lạc đường. Sự kiện này khiến ta khó lòng nghi ngờ rằng Issa và Jesus không phải thực sự là một người.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, thái độ trong giới thẩm quyền Giáo hội đã có chút thay đổi. Cụ thể vào năm 2018, Giáo hoàng đã chủ trì một hội nghị tôn giáo thế giới,  trong đó, ngoài Cơ Đốc giáo, có đại biểu Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Sikh giáo …tại đó ông kêu gọi Cơ Đốc giáo và Phật giáo xích lại gần nhau hơn để gia tăng sự hiểu biết và tôn trọng truyền thống tâm linh lẫn nhau, đem đến cho thế giới bằng chứng về công lý, hòa bình và bảo vệ phẩm giá con người. Biết đâu sẽ có ngày khi chính Giáo hội sẽ kể ra câu chuyện Jesus trải qua những năm bỏ sót trong Kinh Thánh như thế nào.

  1. Có gì thực tế trong việc Jesus có thể vượt qua một quãng đường dài đến những vùng đất nước xa xăm này. Mặc dù chuyến hành trình từ Palestine đến Ấn Độ dài hàng ngàn dặm, nhưng lịch sử cho biết tồn tại các cung đường dành cho các đoàn xe thương buôn đường dài kết nối các xứ sở, được gọi là Con đường Tơ lụa, thậm chí ngay tứ thời Vua Solomon. Các thương nhân sử dụng quen thuộc con đường này để mang hàng hóa tới lùi buôn bán giữa Israel và vùng Viễn Đông. Có thể Jesus đã gia nhập một đoàn thương buôn như thế, và hoàn toàn chắc chắn ngài có thể thực hiện được chuyến hành trình đường dài như thế.
  1. Và cuối cùng có thể tin được Jesus, ở tuổi 13, đã bỏ nhà ra đi cùng với nhóm người lạ đến tận các vùng đất xa xôi. Đúng là khó tưởng tượng một thiếu niên tuổi 13 trong thế kỷ 21 có thể xử sự theo cách đó. Nhưng Jesus sống trong một thời đại rất khác biệt và ngoài ra ngài không phải là một thiếu niên bình thường. Chúng ta đã biết được trước đây theo Phúc Âm Luke khi ở tuổi 12 Jesus đã làm các thầy giảng kinh ngạc khi ứng đối rành rọt trong đền thờ. Lời kể này chứng tỏ Jesus là một thiếu niên có đầu óc độc lập ngay từ tuổi ấy và rất phấn khích khi được ngồi luận bàn các vấn đề tâm linh nhiều ngày mà không cần sự hiện diện của cha mẹ. Cũng rõ ràng trong các đoạn sau của Kinh Thánh là Jesus hiểu rõ sứ vụ ở Palestine phải đợi đến đúng lúc cho kế hoạch thiêng liêng diễn ra. Phúc Âm Mark cho biết: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.” Bởi thế khi John Người Rửa Tội ngần ngại không dám làm phép rửa cho ngài, ngài nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Phúc âm John thì kể phép lạ đầu tiên của Jesus tại một tiệc cưới ở Canaan xứ Galilee trước khi ngài bắt đầu sứ vụ thuyết giảng. “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Nhưng rồi ngài cùng chìu ý Maria làm phép lạ, biến nước lã thành rượu. Như vậy ngay từ 12 tuổi ngài ắt hẳn đã có ý thức việc cần thiết phải giấu mình nếu muốn kế hoạch thiêng liêng của mình thực hiện được, cho đến khi John Người Rửa Tội đã chuẩn bị sẵn con đường cho  ngài. Chỉ đến lúc đó mới là lúc Jesus có thể bắt đầu sứ vụ của mình. Từ Kinh Thánh chúng ta biết được ngay từ lúc 12 tuổi, Jesus đã làm kinh ngạc bất cứ ai nghe ngài nói chuyện với các thầy giảng trong đền thờ ở Jerusalem và từ câu chuyện Phật giáo về cuộc đời ngài, chúng ta biết được ngài đã tranh thủ được sự ngưỡng mộ của dân chúng địa phương đến mức nhiều gia đình quyền quý muốn gả con gái cho. Ắt hẳn có nguy cơ tiếng tăm ngài sẽ lan rộng hơn trong đám dân chúng đang trông chờ một đấng tiên tri xuất hiện. Chỉ bằng  cách đi xa ngài mới có thể thoát khỏi sự chú ý của những người ở Palestine cho đến thời cơ thuận tiện. Trong lúc đắm mình trong các nền văn hoá tâm linh khác để “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và con người.” Chứng cứ này gợi ý mạnh mẽ rằng câu chuyện Phật giáo về cuộc đời của Issa thực sự là tường thuật về những năm tháng Jesus trải qua ở phương Đông và lấp đầy khoảng hở rộng lớn trong tường thuật của Kinh Thánh về cuộc đời của ngài.

Tuy nhiên, còn một bí ẩn chưa được trả lời: Nếu quả điều này có thực, tại sao câu chuyện này không được giảng dạy cho các tín đồ Cơ Đốc. Theo truyền thống, các trẻ em Thiên chúa giáo đã được nuôi dạy để tin rằng tín ngưỡng của mình là tín ngưỡng chân thực duy nhất và các tôn giáo khác, đặc biệt ở phương Đông chậm tiến, đều là phường ngoại giáo (kết quả là đi theo sau các đoàn quân viễn chinh xâm chiếm thuộc địa là bọn giáo sĩ truyền giáo thường là ngông cuồng, cổ vũ cho các hành động bức hại tôn giáo). Rõ ràng giáo hội Cơ Đốc sẽ không thể vừa duy trì lập trường cao ngạo đó lại vừa giảng dạy rằng Jesus trải hơn nửa đời người sống và học tập  giữa các tu sĩ và tín đồ của các tôn giáo đó. Và tất nhiên nếu Vatican biết về chuyến lữ hành về phương Đông, ắt hẳn họ sẽ không muốn tiết lộ ra chút nào.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, thái độ trong giới thẩm quyền Giáo hội đã có chút thay đổi. Cụ thể vào năm 2018, Giáo hoàng đã chủ trì một hội nghị tôn giáo thế giới,  trong đó, ngoài Cơ Đốc giáo, có đại biểu Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Sikh giáo …tại đó ông kêu gọi Cơ Đốc giáo và Phật giáo xích lại gần nhau hơn để gia tăng sự hiểu biết và tôn trọng truyền thống tâm linh lẫn nhau, đem đến cho thế giới bằng chứng về công lý, hòa bình và bảo vệ phẩm giá con người. Biết đâu sẽ có ngày khi chính Giáo hội sẽ kể ra câu chuyện Jesus trải qua những năm bỏ sót trong Kinh Thánh như thế nào.


Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s