Xung đột kéo dài có lợi cho Nga hay Ukraine?

 Cù Tuấn dịch từ The Economist.

 Ukraine đang trông cậy vào các đồng minh phương Tây; Vladimir Putin đang trông cậy vào sự nản lòng của họ.

Các cuộc chiến thường là ngắn ngủi. Paul Poast của Đại học Chicago tính toán kể từ năm 1815, thời gian trung bình của các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia chỉ kéo dài hơn ba tháng. Năm 2003, Mỹ lật đổ chính phủ Iraq chỉ trong 20 ngày. Cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tranh giành lãnh thổ Nagorno-Karabakh vào năm 2020 đã kết thúc trong 44 ngày. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã bước sang tháng thứ năm và chưa có dấu hiệu kết thúc. “Tôi sợ rằng chúng ta cần phải sẵn sàng đối mặt với một cuộc chiến lâu dài,” Boris Johnson, thủ tướng Anh, viết vào giữa tháng 6. Jens Stoltenberg, tổng thư ký của NATO, lặp lại cảnh báo của mình: “Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế là có thể mất nhiều năm.”

Trong những ngày đầu của cuộc xâm lược, phương Tây lo lắng rằng quân Ukraine sẽ nhanh chóng bị hỏa lực vượt trội của Nga áp đảo và sức đề kháng sẽ sụp đổ. Giờ đây, nỗi sợ đã khác: sợ Ukraine không điều chỉnh chiến lược đủ nhanh để chống lại một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài; rằng nước này sẽ hết binh lính và đạn dược; rằng những tháng năm vất vả sẽ khiến nền kinh tế của Ukraine sụp đổ; rằng ý chí chiến đấu của Ukraine có thể suy giảm khi cuộc chiến càng trở nên khó khăn hơn. Nga cũng phải chịu nhiều áp lực tương tự, với cuộc xung đột đang lấy đi những chàng trai trẻ tuổi của họ, phá hủy nền kinh tế và đẩy nhanh quá trình đi vào chế độ độc tài. Một cuộc xung đột kéo dài cũng sẽ kiểm tra ý chí đồng hành với Ukraine của các đồng minh phương Tây, khi giá lương thực và năng lượng tăng cao, sự bất mãn do lạm phát của người dân và yêu cầu của Ukraine về vũ khí và tiền mặt leo thang. Tóm lại, một cuộc chiến lâu dài sẽ thử thách cả hai bên theo những cách mới mẻ. Việc kéo dài chiến tranh này có lợi cho Nga hay Ukraine phần lớn phụ thuộc vào cách phương Tây phản ứng.

Để bắt đầu, chúng ta xem xét tương quan trên chiến trường. Quân đội Nga đang tiến lên, mặc dù chậm. Quân Ukraine đã được lệnh rút khỏi thị trấn Severodonetsk, đưa Nga vào khoảng cách kiểm soát toàn bộ tỉnh Luhansk, một trong hai tỉnh cùng tạo thành vùng Donbas. Slovyansk, ở phía đông bắc của Donetsk, một tỉnh khác ở Donbas, cũng đang bị tấn công (xem bản đồ).

Quân đội của Ukraine, ít súng hơn và cho đến gần đây với pháo binh có phạm vi bắn nhỏ hơn, đã bị đè bẹp. Chính phủ Ukraine cho biết họ đang phải chịu khoảng 200 người thương vong mỗi ngày. Vào ngày 15 tháng 6, một tướng Ukraine nói rằng quân đội nước này đã mất 1.300 xe bọc thép, 400 xe tăng và 700 hệ thống pháo, nhiều hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Nhiều đơn vị kinh nghiệm nhất và được đào tạo tốt nhất của Ukraine đã bị phá hủy, để lại những đơn vị dự trữ non và xanh hơn thế chỗ. Vào ngày 19 tháng 6, tình báo quốc phòng Anh cho biết đã có những cuộc đào ngũ giữa quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nga sẽ chiếm nhanh được Donbas. Quân đội Nga tiến từng bước chậm chạp và tốn kém, chỉ thành công nhờ các cuộc bắn phá lớn và bừa bãi. Các tân binh Nga chỉ được huấn luyện vài ngày trước khi ra trận, theo BBC tiếng Nga. Tinh thần xuống thấp: Tình báo Anh chỉ ra “tình trạng chĩa súng vào nhau giữa các sĩ quan và quân đội của họ”. Nga phải mất hơn hai tháng để chiếm được Severodonetsk, trong khi Slovyansk và Kramatorsk bên cạnh còn được củng cố tốt hơn nữa.

Richard Connolly, một chuyên gia về nền kinh tế và công nghiệp quốc phòng của Nga cho biết Nga vẫn còn rất nhiều vũ khí và trang thiết bị. Các nhà máy sản xuất vũ khí của Nga được cho là đang làm việc theo 2 ca hoặc 3 ca, ông lưu ý. Nga cũng có một kho dự trữ lớn xe tăng cũ để sử dụng. Ông Connolly tin tưởng rằng theo thời gian, tình trạng thiếu hụt sẽ tăng lên, nhưng chúng có nhiều khả năng dẫn đến việc Nga sẽ triển khai các loại vũ khí rất lỗi thời hoặc được bảo trì kém hơn là gây ra thiếu vũ khí toàn diện.

Con người, không phải máy móc

Nhân lực là một vấn đề lớn hơn. Vladimir Putin, tổng thống Nga, đã từ chối gọi lính nghĩa vụ và quân dự bị hàng loạt. Michael Kofman của think-tank CNA, cho biết thay vì tổng động viên, quân đội Nga đang tạo ra các tiểu đoàn dự bị mới bằng cách đăng ký tân binh. Nhưng việc tìm đủ người rất khó: chính phủ Nga đã phải đưa ra mức lương cao ngất ngưởng, gần gấp ba lần mức lương trung bình. Những người bị thương và tang quyến cũng được hứa hẹn sẽ có đền bù hậu hĩnh. Duma, quốc hội Nga, gần đây đã nâng độ tuổi tối đa để tham gia quân đội từ 40 lên 65. Các nhà chức trách Nga đang cố gắng thu hút những người lính gần đây đã nghỉ hưu trở lại phục vụ.

Ông Kofman lưu ý, trong nỗ lực tạo ra các lực lượng sẵn sàng chiến đấu nhanh hơn nhiều so với bình thường, những người mới nhập ngũ đang được kết hợp với các sĩ quan phục vụ chưa được triển khai và thiết bị còn sót lại từ các lữ đoàn hiện có. Nhưng việc tạo ra các đơn vị mới theo cách này có nghĩa là “bán bớt đồ dùng bằng bạc của gia đình”, một quan chức phương Tây cho biết. Các sĩ quan và thiết bị được giao cho họ thường sẽ được sử dụng để huấn luyện lính mới hoặc để giải vây cho những binh lính đã kiệt sức trên chiến trường. Ông Kofman nói, trên thực tế, Nga đang tiêu diệt các lực lượng của chính mình, điều này sẽ làm giảm “tính bền vững tổng thể của nỗ lực chiến tranh”.

Sự thiếu hụt quân đội được đào tạo bài bản của Nga là một lý do khiến quá trình tiến quân của họ ở Donbas trở nên chậm chạp. Ukraine, mặc dù có dân số ít hơn, nhưng lại có nguồn cung tân binh nhiệt tình hơn. Huấn luyện tân binh vẫn là một nút thắt cổ chai của Ukraine, nhưng điều đó có thể được khắc phục với một chút trợ giúp: vào ngày 17 tháng 6, ông Johnson đề xuất một kế hoạch theo đó Anh sẽ huấn luyện tới 10.000 binh sĩ Ukraine cứ sau 120 ngày.

Ukraine cũng đang nhận được nhiều loại vũ khí tinh vi hơn của phương Tây. Để bắt đầu, Ukraine cần các tên lửa phòng không và chống tăng di động, tầm ngắn để chống lại các cột bọc thép đang tiến và trực thăng chở quân. Tuy nhiên, gần đây hơn, Mỹ, Anh và các nước khác đã cung cấp pháo và tên lửa hiện đại, những vũ khí sẽ hữu ích hơn nhiều trong bất kỳ cuộc phản công nào. Vào ngày 23 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói rằng các bệ phóng tên lửa kéo của Mỹ, với đạn gps dẫn đường, đã bắt đầu được đưa đến.

Thật vậy, một số quan chức Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho rằng nếu sự giúp đỡ của phương Tây đến với quy mô vừa đủ, Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến trước khi mùa đông bắt đầu. Một sĩ quan tình báo quân đội nói rằng thời điểm tốt nhất cho một cuộc phản công của Ukraine sẽ đến vào cuối tháng 10, khi kho vũ khí phương Tây của nước này sẽ đạt đỉnh. Ông nói: “Chúng ta cần kẻ thù cảm nhận được toàn bộ sức mạnh của vũ khí mới. Có thể đẩy Nga trở lại vị trí của họ trước khi bắt đầu chiến tranh, và sau đó đàm phán một thỏa thuận hòa bình với ưu thế trên chiến trường.”

Nhưng sự lạc quan này che lấp đi một số lỗ hổng lớn. Thứ nhất, quân Ukraine đã sử dụng hầu hết các loại vũ khí và không có khả năng sản xuất chúng trong nước để bổ sung, giờ đây họ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ nước ngoài. Các cuộc giao tranh gần đây tập trung vào các hệ thống pháo hạng nặng, mà sẽ tiêu thụ một lượng lớn đạn dược. Alex Vershinin, một sĩ quan quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nhận xét rằng Nga, quốc gia có kho dự trữ đạn khổng lồ, được cho là đang được sử dụng bừa bãi, đến mức toàn bộ sản lượng đạn hàng năm của Mỹ sẽ chỉ đủ để duy trì hoạt động của pháo Nga trong hai tuần. Mặc dù Ukraine đã cố gắng phân bổ lượng tiêu thụ đạn, nhưng các quốc gia NATO có thể phải vật lộn để giữ cho nước này được cung cấp đầy đủ đạn pháo.

Hơn nữa, những quốc gia ủng hộ Ukraine đã chuyển giao một phần lớn kho vũ khí nhất định của họ. Chẳng hạn, 7.000 tên lửa chống tăng Javelin mà Mỹ cung cấp được cho là chiếm khoảng một phần ba tổng số lượng hàng tồn kho của nước này. Quân đội phương Tây không muốn để kho vũ khí của họ quá ít; trên thực tế, nhiều quốc gia trong số đó đang hy vọng sẽ bổ sung thêm vũ khí vào kho trước sự hung hăng của Nga.

Mặc dù Mỹ và châu Âu, với các nền kinh tế lớn hơn Nga, cuối cùng có thể sẵn sàng sản xuất bất cứ thứ gì Ukraine cần, nhưng sản lượng đạn pháo và tên lửa của họ sẽ không tăng gấp đôi trong một sớm một chiều. Mỹ chỉ sản xuất 2.100 Javelin mỗi năm. Ông Vershinin lưu ý rằng số lượng nhà máy sản xuất vũ khí cầm tay của Mỹ đã giảm từ 5 nhà máy trong chiến tranh Việt Nam xuống còn 1 nhà máy.

Bảo trì tất cả các vũ khí của NATO cũng khó. Mỹ và Đức đã dạy binh sĩ Ukraine sử dụng pháo của họ trong vài tuần, nhưng học cách bảo trì chúng lại là một vấn đề khác. Việc sử dụng các loại pháo dày đặc đến mức nhiều chiếc đã bị hỏng và phải được gửi đến Ba Lan để sửa chữa. Vấn đề này sẽ ngày càng gia tăng khi các loại vũ khí phức tạp như HIMARS xuất hiện và Ukraine chuyển dần từ vũ khí của Liên Xô sang dùng vũ khí do NATO cung cấp.

Có lẽ điều quan trọng nhất là cách Ukraine triển khai kho vũ khí mới của mình. Nhiều loại vũ khí mà nước này có được được thiết kế trong thời kỳ chiến tranh lạnh nhằm đối mặt chính xác với kẻ thù mà Ukraine hiện phải đối mặt ở Donbas: đó là một đội quân kiểu Liên Xô sử dụng hỏa lực hạng nặng. Một số nước phương Tây lo lắng rằng Ukraine sẽ cố gắng đấu đòn với Nga về pháo binh, và do đó, lượng đạn tiêu thụ của nước này bùng phát với tốc độ phi thường. Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, cảnh báo vào ngày 29 tháng 6, “Nếu bạn muốn sử dụng HIMARS làm vũ khí khu vực, thì bạn sẽ hết đạn trong 12 giờ nữa.”

Mục đích là để khuyến khích Ukraine sử dụng các bệ phóng tên lửa và các hệ thống tầm xa khác phù hợp với mục đích ban đầu của họ, đó là chiến đấu trong một “trận đánh tầng sâu”: đánh vào các mục tiêu quan trọng của Nga, chẳng hạn như các sở chỉ huy và đầu mối đường sắt, phía sau chiến tuyến nhiều kilomet. Có bằng chứng cho thấy Ukraine thực sự đang nỗ lực phối hợp để tấn công sâu vào bên trong Donbas. Ông Wallace nói rằng gần đây đã có 5 kho bãi chứa đạn dược bị nổ tung, cùng với một số trụ sở của Nga.

Điều này đưa ra một con đường, nếu không phải là thắng lợi hoàn toàn, thì ít nhất là dẫn đến một sự bế tắc khiến Nga phải trả giá đắt. Các quan chức phương Tây không tin rằng Ukraine sẽ có thể lấy lại tất cả đất đai mà họ đã mất kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu. Xét cho cùng, cuộc chiến đã cho thấy việc phòng thủ dễ hơn tấn công và quân Nga đã được đào tạo kỹ lưỡng. Nhưng nếu Ukraine có thể được cung cấp vũ khí và đạn dược và sử dụng hỏa lực mới của mình một cách thận trọng, họ có thể chiếm lại các vùng lãnh thổ, gieo rắc hỗn loạn vào hậu phương của Nga và gây ra những tổn thất kinh hoàng về người và của cho một đội quân Nga vốn mỏng manh trên một mặt trận khổng lồ.

Tuy nhiên, Ukraine sẽ cần không chỉ có vũ khí để có thể theo đuổi một chiến lược như vậy; chính phủ nước này cũng đang rất thiếu tiền. Chiến tranh đã phá hủy nền kinh tế của Ukraine: Ngân hàng trung ương và IMF cho rằng sản lượng có thể giảm hơn một phần ba trong năm nay – một cú đánh ngang bằng với cuộc suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930. Các phân tích lạc quan hơn cho rằng chính những khu vực bị chiếm đóng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hoạt động ở những nơi khác đã phục hồi phần nào sau đợt lao dốc vào tháng 3, với mức giảm so với cùng kỳ năm ngoái có lẽ là 15%.

Dù thế nào đi nữa thì tài chính công của Ukraine đã không được cải thiện. Chính phủ đã phải chi tiêu rất nhiều tiền không chỉ cho các lực lượng vũ trang mà còn để hỗ trợ nhân đạo cho những người bị thương, thất nghiệp và phải di dời — ngay cả khi họ đã cắt giảm thuế để chống chọi lại nền kinh tế đang suy giảm. Kết quả là kinh tế Ukraine thâm hụt khoảng 5 tỷ đô la một tháng.

Trong hoàn cảnh đó, các nhà đầu tư đương nhiên không muốn cho Ukraine vay. Tăng thuế sẽ phản tác dụng, trong bối cảnh nền kinh tế bị teo nhỏ. Chính phủ đang cố gắng cắt giảm một số chi tiêu: chẳng hạn như gần đây họ đã hạn chế trợ cấp thất nghiệp. Phương Tây đã cam kết rất nhiều viện trợ, nhưng nó không đến đủ nhanh để cân đối sổ sách. Vì vậy, chính phủ Ukraine đã giảm bớt việc in tiền. Ngân hàng trung ương đã mua trái phiếu chính phủ kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, với tốc độ ngày càng nhanh (xem biểu đồ). Đồng thời, nó đang đốt cháy nguồn dự trữ ngoại hối của mình trong nỗ lực ổn định đồng hryvnia. Lạm phát dù đã 18%, vẫn đang tăng lên. Nếu phương Tây khiến tài chính của chính phủ Ukraine sụt giảm vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc nền kinh tế ngừng hoạt động, triển vọng quân sự chắc chắn cũng sẽ tối tăm.

Ngược lại, kinh tế nước Nga có vẻ tốt hơn nhiều . Sau một thời gian ngắn chao đảo do các lệnh trừng phạt gay gắt của phương Tây, đồng rúp đã phục hồi. Nỗi sợ hãi về một cuộc đua rút tiền của người dân ra khỏi các ngân hàng đã giảm dần. Mặc dù các công ty phương Tây đã rút ra gần 300 tỷ đô la hoặc hơn mà họ đầu tư vào các cửa hàng và nhà máy địa phương, và nhiều người Nga có trình độ học vấn đã bỏ chạy khỏi đất nước, hầu hết các nhà dự báo đều mong đợi một sự suy giảm kinh tế tương đối có thể kiểm soát được trong năm nay, một phần là do chi tiêu chính phủ. Ông Putin thường xuyên khẳng định rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho phương Tây nhiều hơn so với Nga.

Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt đang gây ra hậu quả nhất định, phần lớn là do tước đi nguồn nhập khẩu quan trọng của nền kinh tế Nga. Sản lượng ô tô giảm hơn 80% so với mức trước khi Nga xâm lược – một phần phản ánh khó khăn mà các nhà sản xuất tìm kiếm các bộ phận ô tô từ nước ngoài, nhưng cũng do nhu cầu của người tiêu dùng giảm. Vào tháng 5, các đại lý chỉ bán được 26 chiếc Porsche ở Nga, ít hơn 95% so với năm trước. Sản lượng thang máy giảm một nửa, cho thấy sự sụt giảm của các dự án xây dựng lớn.

Sự thiếu hụt các thành phần quan trọng cũng là một nỗi lo đối với các tướng lĩnh của Nga. “Chúng tôi có báo cáo từ người Ukraine rằng khi họ tìm thấy thiết bị quân sự của Nga rơi trên mặt đất, nó chứa đầy chất bán dẫn mà họ đã lấy ra từ máy rửa bát và tủ lạnh”, Gina Raimondo, thư ký thương mại của Mỹ, nói với Quốc hội vào tháng 5. Mặc dù một số công ty Nga sản xuất chip máy tính và đang cố gắng tăng sản lượng, nhưng sản phẩm của họ đắt hơn và kém tinh vi hơn đồ nhập khẩu từ phương Tây.

Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít nhà máy sản xuất vũ khí dường như bị ảnh hưởng, ông Connolly lưu ý, có lẽ do các công ty quốc phòng Nga có xu hướng tích trữ các bộ phận quan trọng, do không tuân theo kế hoạch tập trung của Liên Xô. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt của phương Tây không phải là kín kẽ và nhờ vào nguồn thu từ dầu mỏ, Nga có rất nhiều tiền để đi vòng qua chúng. Chính phủ đã tìm kiếm các chuỗi cung ứng thay thế trong một thời gian. Một bài báo mới của rusi, một tổ chức tư vấn ở Anh, chỉ ra “vô số công ty có trụ sở trên khắp thế giới, bao gồm ở Cộng hòa Séc, Serbia, Armenia, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia sẽ chấp nhận rủi ro đáng kể để đáp ứng nguồn cung của Nga yêu cầu ”. Trung Quốc đã phát tín hiệu sẵn sàng cung cấp phụ tùng thay thế cho các hãng máy bay Nga.

Quả thực, ông Putin tỏ ra tự tin rằng thời gian và tiền bạc đều đứng về phía ông. Ngay cả khi lực lượng của Nga không tiến nhanh, họ đã thành công trong việc phong tỏa các cảng của Ukraine, góp phần bóp nghẹt nền kinh tế của nước này. Và mặc dù cả công chúng và tầng lớp thượng lưu Nga đều không háo hức với chiến tranh, lực lượng an ninh tàn nhẫn và những dư luận viên năng nổ của ông Putin đã giữ cho sự bất đồng quan điểm ở mức tối thiểu. Điều này giúp hầu hết các tân binh của quân đội — và số thương vong — dường như đến từ các thị trấn nhỏ ở các tỉnh nghèo hơn, có nghĩa là các thành phố lớn của Nga đã được che chắn khỏi những tác động tồi tệ nhất của chiến tranh.

Nhưng quãng thời gian mà ông Putin đã trải qua để tránh một cuộc tổng động viên cho thấy ông không tin rằng người Nga sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến lâu dài và đẫm máu. Đồng thời, sự lạc quan kinh tế hiện đang được thể hiện bởi các doanh nhân và dân số rộng hơn cũng có thể biến mất khi chi phí dài hạn của chiến tranh, các lệnh trừng phạt của phương Tây và tình trạng di cư bắt đầu giảm xuống.

Nhiều người ở Ukraine lo sợ rằng Nga có thể sử dụng các chiến thuật tàn nhẫn hơn nếu cuộc chiến kéo dài quá lâu vượt khỏi sự mong đợi của ông Putin. Ví dụ, nó có thể nhắm mục tiêu vào lưới điện và các cơ sở sưởi ấm khi mùa đông đến gần — một động thái sẽ tiêu tốn một chi phí nhân đạo khổng lồ lên người dân nói chung. Tuy nhiên, người Ukraine dường như đang tự rèn luyện mình khi đối mặt với những khó khăn như vậy. Dữ liệu từ Rating, một cơ quan thăm dò dư luận, cho thấy hơn một nửa trong số người Ukraine hiện tin rằng cuộc chiến sẽ kéo dài ít nhất sáu tháng, tăng từ 10% trong một mẫu được lấy vào đầu tháng Ba. Tuy nhiên, hoàn toàn 93% số người được hỏi nói rằng cuối cùng Ukraine sẽ chiếm ưu thế, với mức độ tự tin khác nhau. Alexei Antipovich, ông chủ của Rating cho biết: “Ukraine đã bắt đầu tin tưởng vào chính mình.”

Người Ukraine vẫn kiên quyết chống lại ý tưởng đàm phán với Nga, với tâm trạng chống lại sự thỏa hiệp đang thay đổi một cách dứt khoát sau khi báo cáo về những hành động tàn bạo của Nga vào nửa cuối tháng Ba. Họ lo sợ sự lặp lại của các hiệp định Minsk, vốn là các thỏa thuận hòa bình do Pháp và Đức làm trung gian mà đã vẽ ra những ranh giới mới trên đất liền Ukraine nhưng không bao giờ làm thỏa mãn sự thèm muốn của người Nga. Ukraine không tin rằng Điện Kremlin sẽ dừng lại ở bất cứ điều gì khác ngoài việc đầu hàng hoàn toàn. Oleh Zhdanov, cựu sĩ quan tác chiến tại Bộ Tổng tham mưu Ukraine, nói: “Chúng tôi thắng hoặc chúng tôi thua, vậy thôi.”

Các đồng minh của Ukraine có thể không có cái nhìn rành rẽ trắng đen như vậy về sự việc. Thật vậy, ông Putin có thể thấy họ dễ thất vọng hơn người Ukraine. Bằng cách cắt giảm xuất khẩu khí đốt thông qua đường ống chính từ Nga sang Đức, ông Putin gần đây đã phát đi tín hiệu rằng ông sẵn sàng bắt nền kinh tế châu Âu làm con tin để thúc đẩy mục tiêu chiến tranh của mình. Giá khí đốt tăng vọt và tình trạng thiếu hụt chúng trong mùa đông gần như chắc chắn sẽ khiến một số chính phủ châu Âu sẽ ép buộc Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn không hoàn hảo.

Một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, đã chậm chạp một cách đáng kinh ngạc khi cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Nhiều quốc gia vẫn miễn cưỡng mô tả mục tiêu của họ trong việc gửi vũ khí là giúp Ukraine “chiến thắng” trong cuộc chiến. Chắc chắn không có sự nhất trí nào trong NATO về cách xác định chiến thắng. Chiến tranh càng kéo dài và chi phí cho giá năng lượng và nền kinh tế suy giảm càng cao, và các đồng minh của Ukraine càng miễn cưỡng cung cấp vũ khí và tiền mặt cho Ukraine một cách vô tận. Ông Putin dường như đang trông chờ vào sự sụp đổ ý chí của các nước phương Tây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s