Nghệ thuật tạo cớ của Liên Xô trong Chiến tranh Mùa Đông 1939-1940

274607245_626807935250761_3717893340460347802_n

Cờ giả (false flag) là hoạt động bắt nguồn từ khái niệm quân sự là treo cờ giả. Trong thủy chiến, tàu nước A sẽ treo cờ nước B và tấn công tàu nước A, từ đó đổ tội cho nước B gây chiến để lấy cớ đánh nước B.

Nếu bạn muốn xâm chiếm một quốc gia láng giềng nhưng lại sợ bị cộng đồng quốc tế và người dân trong nước chỉ trích? Không vấn đề gì, Liên Xô sẽ có câu trả lời cho bạn bằng vụ nã pháo vào làng Mainilsky ngày 26 tháng 11 năm 1939

Năm 1918 Phần Lan giành được độc lập sau hơn một thế kỷ dứoi sự cai trị của các Sa hoàng Nga và biên giới giữa hai nước được phân định bằng hiệp ước Tartu năm 1920. Đến những năm giữa thập niên 30, trong thời kỳ Stalin cầm quyền, tuyên truyền của Liên Xô đã mô tả Phần Lan như một lũ phát xít phản động và đến năm 1938 thì Liên Xô theo đuổi chính sách khôi phục lại những lãnh thổ cũ của nước Nga Sa hoàng về lại dưới trướng Liên Xô, đồng nghĩa với nền độc lập của Phần Lan bị đe dọa.

Phần Lan cũng như các nước vùng Baltic Estonia, Latvia, Litva là những quốc gia trung lập trong suốt thập niên 30 nhưng hiệp ước Molotov-Ribbentrop tháng 8/1939 đã phân định cả bốn quốc gia này thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Khi Đức tấn công Ba Lan tháng 9/1939, Liên Xô đã chuyển tối hậu thư cho chính phủ cả ba nước vùng Baltic, yêu cầu cho phép Hồng quân được đóng trên lãnh thổ ba nước để đề phòng quân Đức xâm lược. Miễn cưỡng chấp nhận đề nghị của Liên Xô, cả ba nước sau đó đều bị sáp nhập còn chính phủ của cả ba nước đều bị thay thế bằng các chính phủ bù nhìn do Liên Xô dựng lên.

Khác với ba nước Baltic, Phần Lan không thụ động phản ứng mà chuyển sang tổng động viên quân đội.

Ngày 26 tháng 11 năm 1939 một trận pháo kích đã nã xuống làng Manilsky nằm trong lãnh thổ Liên Xô. Theo các báo cáo của Kirill Meretskov, người sau này trở thành nguyên soái Liên Xô thì do hậu quả của các phát súng từ lãnh thổ Phần Lan lúc 15 giờ 45 ngày 26 tháng 11 năm 1939, 4 binh sĩ thiệt mạng và 9 người bị thương. Tuy nhiên hồ sơ lưu trữ của Liên Xô chưa bao giờ công khai tên tuổi của những quân nhân “xấu số” này. Trên báo chí Liên Xô, vụ việc ngay lập tức được mô tả là “một sự khiêu khích trắng trợn của quân đội Phần Lan”. Sau khi vụ việc xảy ra, quân đội Liên Xô ở khu vực biên giới được lệnh đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào từ Phần Lan bằng hỏa lực.

Thống chế Phần Lan Mannerheim lúc đó đang thực hiện chuyến thị sát eo đất Karelian, ngay lập tức tuyên bố rằng vào thời điểm đó các khẩu đội pháo hạng nhẹ tiên tiến của Phần Lan không thể bắn vào khu vực Mainilsky, vì chúng cách biên giới tận 20 km. Sau đó, phía Phần Lan đã tiến hành điều tra, kết quả là đã có lời khai của một số lính biên phòng, một trong số họ đã quan sát thấy dấu vết đạn pháo rơi phía Liên Xô, do họ chỉ cách biên giới chưa đầy 1 km. Trong nhật ký quan sát của lực lượng biên phòng Phần Lan trong khoảng thời gian từ 15:30 đến 16:05 theo giờ Moskva đã ghi nhận năm vụ nã pháo và hai phát súng từ phía Liên Xô.

Ngày hôm sau, 27/11, chính phủ Phần Lan, trong một thông báo trả lời đã báo cáo rằng, theo kết quả điều tra, các phát súng được bắn từ phía Liên Xô và phía Phần Lan cho rằng đây là một tai nạn trong quá trình Hồng quân tập trận. Phần Lan tuyên bố sẵn sàng thảo luận về việc rút quân song phương khỏi biên giới và đề nghị tiến hành một cuộc điều tra chung về vụ việc. Tại Moskva, thông báo trả lời của Phần Lan được coi là ” phản ánh thái độ thù địch sâu sắc của chính phủ Phần Lan đối với Liên Xô và được thiết kế để đưa cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai nước lên đến cực điểm “. Ba ngày sau, 30/11/1939 các lực lượng Liên Xô tràn sang Phần Lan. Mặc dù các chỉ huy Liên Xô dự kiến đè bẹp Phần Lan chỉ trong chưa đầy một tháng, thực tế Phần Lan đã cầm cự được gần 4 tháng và gây tổn hại nặng nề cho uy tín của quân đội Liên Xô

Vậy chuyện gì đã xảy ra ở Mainilsky?

John Gunther, một nhà báo và tác giả người Mỹ đã viết vào tháng 12 năm 1939 rằng vụ việc “vụng về và rõ ràng là bịa đặt như tất cả những ‘sự cố’ tương tự đã có từ thời sự kiện Phụng Thiên năm 1931.

Trong suốt gần nửa thế kỷ, các sách vở của Liên Xô đều mô tả sự việc là một hành động khiêu khích của Phần Lan. Sự nghi ngờ về phiên bản câu chuyện chính thức của Liên Xô chỉ được đặt ra vào cuối những năm 1980 trong thời kỳ Gorbachev công khai các bí mật của chính quyền Liên Xô

Trong cuốn hồi ký năm 1970 của mình, cựu lãnh đạo Liên Xô Khruschev đã viết: “Chúng tôi đã bắn đại bác của mình, và người Phần Lan đã đáp trả bằng hỏa lực pháo binh của chính họ. Trên thực tế, cuộc chiến đã bắt đầu. Tất nhiên là có một phiên bản khác của sự thật: người ta nói rằng người Phần Lan bắt đầu nổ súng trước và chúng tôi buộc phải bắn trả. Mọi người luôn như vậy khi bắt đầu một cuộc chiến. Họ nói, “Bạn đã bắn phát súng đầu tiên” hoặc “Bạn đã tát tôi đầu tiên, và tôi chỉ đánh trả.” Ông nhớ lại: “Trong cuộc chiến chống lại người Phần Lan, chúng tôi có thể chọn địa điểm diễn ra cuộc chiến và ngày bắt đầu…. Nhưng với những điều kiện thuận lợi nhất này, chúng tôi chỉ có thể chiến thắng trong những khó khăn to lớn và những tổn thất vô cùng lớn lao. Thực tế, chiến thắng này là một thất bại về mặt đạo đức. Nhân dân chúng tôi chắc chắn không bao giờ biết về điều đó vì chúng tôi chưa bao giờ nói với họ sự thật.”

Nhà sử học người Nga Pavel Aptekar đã phân tích các tài liệu quân sự đã được giải mật của Liên Xô và nhận thấy rằng các báo cáo hàng ngày của quân đội trong khu vực không báo cáo bất kỳ tổn thất nào về nhân sự trong khoảng thời gian được đề cập, khiến ông kết luận rằng cuộc pháo kích của quân đội Liên Xô đã được dàn dựng.

Ngày nay, chiến thuật “Cờ giả” là đòn bẩn nham hiểm không chỉ giới hạn trong quân sự thời chiến mà đã mở rộng sang các lĩnh vực dân sự thời bình như chính trị, kinh tế.

Năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tại cuộc họp với các nhà sử học quân sự rằng Liên Xô phát động Chiến tranh Mùa đông để “sửa chữa những sai lầm” đã mắc phải trong việc xác định biên giới với Phần Lan sau năm 1917.

Các quan chức chính quyền Biden từ đầu tháng 2/2022 đã cảnh báo rằng, Nga có thể ngụy tạo một cái cớ để xâm lược Ukraine, chẳng hạn như dàn dựng một cuộc tấn công giả của lực lượng Ukraine nhằm vào người Nga.

Ngày 21 tháng 2 năm 2022 giới chức Nga cho biết một chốt biên phòng ở tỉnh Rostov bị phá hủy do trúng đạn pháo chưa xác định bắn từ lãnh thổ Ukraine. Giới chức Nga cho biết sự việc xảy ra cách biên giới với Ukraine khoảng 150 m. Tỉnh Rostov nằm ở phía tây nước Nga, giáp với hai tỉnh do lực lượng ly khai Ukraine kiểm soát là Donetsk và Lugansk. Bộ Quốc phòng Ukraine bác bỏ nghi vấn nã pháo về phía Nga, trong khi lực lượng ly khai chưa bình luận về thông tin. Vài giờ sau, tổng thống Putin ký quyết định công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine, yêu cầu quân đội Nga điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến đây. Trong bài phát biểu trên truyền hình sau đó, ông tỏ ra giận dữ và mô tả Ukraine “là một phần lịch sử Nga”, cho rằng “miền đông Ukraine là lãnh thổ Nga trong quá khứ” và tin rằng người dân Nga sẽ ủng hộ quyết định của ông.

Hình minh họa:

Ký giả nước ngoài cùng với binh sĩ Phần Lan (bên trái) và Liên Xô (bên phải) tại Mainilsky ngày 29/11/1939


Hoàng Nguyễn

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s